Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 23 tháng 03 năm 2017
CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
TIÊU ĐIỂM
QUẢN LÝ
THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
KINH TẾ
MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH – CHỈ ĐẠO
Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 02/2017, Chính phủ đã ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, Nghị định số 08/2017/NĐ-CP ngày 08/2/2017 của Chính phủ quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí. Nghị định được ban hành nhằm triển khai thi hành khoản 8 Điều 6 và khoản 4 Điều 52 Luật báo chí; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp cơ quan quản lý nhà nước về báo chí chủ động trong công tác quản lý, phục vụ việc đánh giá nội dung tác phẩm báo chí và công tác xử lý vi phạm nội dung thông tin trên báo chí.
Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Nghị định gồm 03 chương, 12 điều, quy định về người phát ngôn, chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, với các nội dung chủ yếu như: Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin  cho báo chí; hính thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ và trong trường hợp đột xuất, bất thường;...
Theo Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc gồm có 18 đơn vị trực thuộc, trong đó có 13 đơn vị giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 05 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.
Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm có 23 đơn vị trực thuộc, trong đó có 17 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 06 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Theo Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm có 27 đơn vị trực thuộc, trong đó có 21 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 06 tổ chức sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Theo Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm có 26 đơn vị trực thuộc, trong đó có 20 đơn vị hành chính giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương và 06 đơn vị là đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm có 28 tổ chức trực thuộc, trong đó có 21 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 07 tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ.
Nghị định số 19/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ gồm 08 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định chế độ tiền lương của công nhân quốc phòng và chế độ phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng, với các nội dung chủ yếu như: Chế độ tiền lương đối với công nhân quốc phòng; chuyển xếp lương; chế độ phụ cấp thâm niên đối với công nhân và viên chức quốc phòng.
Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết gồm các nội dung chủ yếu như: Các bên có quan hệ liên kết; phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết; các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết; quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù;...
Nghị định số 21/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho hoạt động hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập, đa dạng hóa hình thức giải quyết tranh chấp và khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp ngoài tòa án theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế; thể chế hóa đầy đủ cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới về dịch vụ hòa giải thương mại. (Báo Chính Phủ 22/3) đầu trang(
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 29/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.
Nghị định này quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải, bao gồm: Điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện tổ chức hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải và cấp Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.
Về điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải, Nghị định quy định rõ phải đáp ứng 3 điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo gồm:
1- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đáp ứng mục đích, quy mô đào tạo, huấn luyện của từng chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
2- Có Giấy chứng nhận phù hợp hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001 do tổ chức chứng nhận có thẩm quyền cấp.
3- Có cơ sở dữ liệu điện tử quản lý chứng chỉ nghiệp vụ của thuyền viên hàng hải để tra cứu theo quy định của Công ước STCW.
Giảng viên và huấn luyện viên phải đáp ứng 5 điều kiện gồm:
1- Đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên phải có phẩm chất đạo đức tốt, có lý lịch rõ ràng, có đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.
2- Giảng viên dạy lý thuyết phải tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với môn học hoặc chuyên ngành được phân công giảng dạy, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật.
3- Giảng viên, huấn luyện viên dạy thực hành phải có Giấy chứng nhận Huấn luyện viên chính hoặc chứng chỉ tương đương do Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) hoặc đơn vị được IMO công nhận cấp theo quy định của Công ước STCW; đã đảm nhiệm chức danh trên tàu biển với mức trách nhiệm sỹ quan quản lý trở lên tùy theo yêu cầu của từng chương trình đào tạo, huấn luyện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
4- Cơ sở đào tạo, huấn luyện phải có đủ về số lượng đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên đáp ứng yêu cầu của từng chương trình, đào tạo huấn luyện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong đó phải có tối thiểu 50% giảng viên, huấn luyện viên cơ hữu cho từng chương trình đào tạo, huấn luyện.
5- Tỷ lệ học viên/giảng viên, huấn luyện viên tối đa là 25 học viên/giảng viên, huấn luyện viên.
Về chương trình đào tạo, huấn luyện, có đủ chương trình đào tạo, huấn luyện, tài liệu giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. (Giáo Dục Việt Nam 23/3) đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Nằm trên Quốc lộ 91 (giáp ranh với TP.Long Xuyên, An Giang) nhưng trạm thu phí T2 thu luôn phương tiện đi từ QL80 sang phà Vàm Cống và ngược lại.
Trạm thu phí T2 thuộc Km50+050 Quốc lộ 91, khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ bắt đầu thu phí từ ngày 31/12/2016 nhằm hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 - Km50+889 theo hình thức Hợp đồng BOT do Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, ngày 22/3, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang cho biết, trạm thu phí T2 được đặt ở vị trí để tận thu các phương tiện.
Lý giải điều này, ông Xuân cho rằng, chủ đầu tư đặt trạm T2 và trạm T1 (cũng trên Quốc lộ 91, thuộc quận Ô Môn) chưa hợp lý vì chỉ cách nhau chưa đầy 40km, trong khi theo quy định của Bộ Tài chính, các trạm thu phí phải cách nhau 70km.
"Điều đáng nói ở đây là trạm thu phí lại đặt ở một vị trí theo cách tận thu đối với phương tiện của hai địa phương An Giang và Kiên Giang dù chỉ đi qua tuyến đường này không đầy 100m để qua lại QL80. Ngoài ra, các xe đi từ khu công nghiệp cách đó 500-700m, xe buýt đặt trạm dừng gần đó, thậm chí  một số phương tiện đi qua rửa xe... cũng bị thu phí là điều hoàn toàn không hợp lý.
Mặt khác, mức thu phí ở đây cũng quá cao dành cho tuyến quốc lộ (tuyến chỉ được sửa chữa, nâng cấp – không phải đầu tư mới). Đơn cử như một xe ô tô tải có tải trọng trên 18 tấn phải mua phí 140.000đồng/ lượt, trong khi mức phí đi qua đoạn cao tốc Trung Lương – TP. HCM (40km) cũng chỉ có 160.000đ/ lượt", ông Nguyễn Ngọc Xuân phản ánh.
Cũng theo ông Xuân, ngay từ khi trạm thu phí T2 được xây dựng, Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang đã có văn bản gửi đến Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang để chỉ ra những bất cập này nhưng khi trạm đi vào hoạt động vẫn không có gì thay đổi.
"Trạm thu phí thu không hợp lý gần 3 tháng nay, dù chưa làm thống kê nhưng chắc chắn mỗi ngày chủ đầu tư bỏ túi không biết bao nhiêu tiền từ khoản thu chưa hợp lý này", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang nói.
Bởi vậy, Hiệp hội kiến nghị dời trạm thu phí lộ tẻ Cần Thơ – Long Xuyên đi nơi khác, có thể là dưới ngã ba lộ tẻ hướng Cần Thơ khoảng 500 – 700m hoặc gom về một điểm thu ở Ô Môn vì mai đây khi cầu Vàm Cống hoàn thành sẽ có thêm một trạm thu phí nữa. Do đó không thể để doanh nghiệp phải đóng 2 lần phí dù chỉ đi qua một đoạn ngắn của tuyến đường này.
"Các nhà xe không mong truy thu lại số tiền đã nộp không hợp lý bởi nếu có đòi thì còn lâu mới có, mà nếu có cũng rơi rớt không còn lại bao nhiêu. Chỉ mong từ tháng 4 tới trạm chấm dứt cách thu tận thu là đã mừng", ông Nguyễn Ngọc Xuân bày tỏ. (Đất Việt 23/3) đầu trang(

QUẢN LÝ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh về việc phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái quy định.
Trước đó, báo Người Lao động ra ngày 8/3/2017 có bài "Công khai phá rừng phòng hộ" và báo Lao động ra ngày 9/3/2017 có bài "Gần 200 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái quy định."
Theo phản ánh, người dân phát hiện hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) ngang nhiên chặt cây trong rừng phòng hộ giữa ban ngày rồi chở đi.
Về việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo nêu trên. Nếu đúng, tỉnh phải xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2017. (Người Đưa Tin 23/3) đầu trang(
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an kiên quyết thu hồi các biển số 80A, 80B của 516 xe đã cấp cho các doanh nghiệp, thời hạn hoàn thành trước 30/6 năm nay. Thủ tướng cũng chỉ đạo tuyệt đối không cấp biển 80 cho doanh nghiệp, bất kể loại hình nào.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đăng ký, cấp biển số 80A, 80B cho xe của doanh nghiệp.
Cụ thể, trên cơ sở báo cáo của Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nghiêm túc thực hiện việc cấp biển số ô tô ký hiệu 80 theo nguyên tắc chỉ cấp cho các cơ quan Trung ương, một số ban, bộ, ngành...
Văn bản chỉ đạo nêu rõ điều kiện, xe được cấp biển số 80 phải được mua sắm với nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Thủ tướng nhấn mạnh, tuyệt đối không cấp biển số ô tô ký hiệu 80 cho doanh nghiệp, bất kể loại hình nào.
Theo tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương sửa đổi Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 quy định về đăng ký xe.
Về hướng giải quyết với những xe đang đeo biển số 80A, 80B đã cấp cho doanh nghiệp giai đoạn vừa qua, Thủ tướng giao Bộ Công an kiên quyết thu hồi biển số của 516 xe thuộc diện này, hoàn thành trước ngày 30/6/2017, báo cáo kết quả lên Thủ tướng.
Trước đó, đầu tháng 2 vừa qua, khi có thông tin báo chí phản ánh tình trạng cấp biển số xanh ký hiệu 80A, 80B cho các doanh nghiệp một cách thiếu minh bạch làm xuất hiện một loạt xe mang biển “khủng” vượt rất nhiều đầu số thực tế đang được cấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an báo cáo về việc này.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các quy định về việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy; nếu phát hiện vấn đề bất cập đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm chặt chẽ, khách quan. (Dân Trí 22/3) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, Cục Sở hữu trí tuệ được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và các văn bản hướng dẫn thi hành các Nghị định này.
Cục Sở hữu trí tuệ được sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động của Cục, trong đó có chi đầu tư; chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc thiết bị; chi bổ sung thu nhập cho người lao động để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Quyết định có hiệu lực từ 5/5/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017. (Xây Dựng 22/3) đầu trang(
Tuyên Quang cần chú trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.
Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tỉnh hoàn thành 21/21 chỉ tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,7%; thu hút 1,44 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách nhà nước tăng 19,6%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,48%. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển ổn định các vùng chuyên canh, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè, mía, vùng gỗ nguyên liệu, cây ăn quả...
Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là tỉnh còn nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, tiềm năng lợi thế chưa được phát huy; quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; năng lực cạnh tranh, năng suất lao động còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế; khó khăn trong thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng về công nghiệp chế biến, nông nghiệp hàng hóa, du lịch...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Tuyên Quang tiếp tục rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính liên vùng như dự án đường Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai,...).
Chú trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch (đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch). Tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án (dự án khu du lịch Mỹ Lâm, Na Hang, Lâm Bình). Phấn đấu đến năm 2020 thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch.
Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4-5%/năm, hướng ra của Tuyên Quang là nông, lâm nghiệp công nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái.
Đặc biệt Tuyên Quang phải là hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, là một tỉnh điển hình về năng lực thoát nghèo để cải thiện sinh kế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân. Thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, xóa bỏ tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ trong đồng bào dân tộc.
Thực hiện tích tụ đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế rừng bền vững, tập trung một số cây trồng, vật nuôi chủ lực tạo vùng nguyên liệu lớn với năng suất chất lượng cao (chè, mía, cam, lạc, gỗ nguyên liệu; chăn nuôi trâu, cá đặc sản...) và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Củng cố, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Tuyên Quang phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, phát triển chính quyền điện tử, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (phấn đấu đứng trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số PCI). (Xây Dựng 22/3) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thông qua ngày 8/1/2016.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (Liên hiệp) là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho các tổ chức thành viên có cùng tôn chỉ, mục đích, có tư cách pháp nhân, phạm vi hoạt động trong cả nước, gồm: các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các Hội Văn học nghệ thuật địa phương) và Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mục đích của Liên hiệp là tập hợp, đoàn kết các tổ chức thành viên, các Hội Văn học nghệ thuật để phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Liên hiệp tổ chức, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản; Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; Không vì mục đích lợi nhuận; Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Liên hiệp.
Liên hiệp là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện đầy đủ mọi trách nhiệm của một tổ chức thành viên Mặt trận theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương, dân chủ.
Liên hiệp có trách nhiệm định hướng, phối hợp với các tổ chức thành viên, triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật; cung cấp thông tin và trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các tổ chức thành viên; hướng dẫn các tổ chức thành viên tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức thành viên để góp ý với cơ quan Nhà nước xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Đồng thời, tập hợp, đoàn kết tổ chức thành viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các tổ chức thành viên vì lợi ích chung của Liên hiệp; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Liên hiệp nhằm tham gia phát triển lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Liên hiệp, góp phần xây dựng và phát triển đất nước; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cho các tổ chức thành viên, hướng dẫn tổ chức thành viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và Điều lệ, quy chế của Liên hiệp... (Báo Chính Phủ 22/3) đầu trang(
Tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để khu đô thị Đại học Đà Nẵng sớm được phát triển.
Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt để sớm chấm dứt quy hoạch “treo” làng đại học Đà Nẵng suốt 20 năm qua.
Đồng thời, sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn và các nguồn hợp pháp khác phát triển làng Đại học Đà Nẵng, trong đó tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để khu đô thị Đại học Đà Nẵng sớm được phát triển, khắc phục chậm trễ thời gian qua.
Nội dung trên được nêu tại Thông báo số 149/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng.
Tại Thông báo trên, Thủ tướng cũng yêu cầu Đại học Đà Nẵng cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo; tiên phong trong tự chủ, quản trị đại học để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong thời gian tới, Đại học Đà Nẵng cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng; phấn đấu trên 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường trong vòng 6 tháng có việc làm (tự tạo việc làm và tìm được việc làm); góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các địa phương trong vùng và cả nước.
Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn, phát huy vị thế là trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn đa ngành, đa lĩnh vực. Đại học Đà Nẵng phấn đấu để trở thành một trong 3 trung tâm nghiên cứu với nhiều công trình khoa học lớn có ý nghĩa trong phạm vi cả nước.
Thứ ba, tăng cường hợp tác, hội nhập với các đại học, các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới; tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút các giảng viên, nhà khoa học ở nước ngoài có uy tín về làm việc.
Thứ tư, đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đại học hiện đại với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; phân cấp mạnh, thực hiện tự chủ cho các trường, các viện, đơn vị thành viên. Thu hút, tạo điều kiện cho các trường đại học địa phương trở thành thành viên của Đại học Đà Nẵng.
Thứ năm, tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học ngày càng cao.
Thủ tướng yêu cầu Đại học Đà Nẵng cần xác định sứ mạng không chỉ: “Mang đến cơ hội và môi trường học tập, sáng tạo lý tưởng, góp phần tạo ra động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”, mà phải xác định ở ba cấp độ: tầm địa phương (khu vực miền Trung - Tây Nguyên); tầm quốc gia; tầm khu vực và quốc tế. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 23/3) đầu trang(

THAM NHŨNG – LÃNG PHÍ
Tỉnh Nam Định thuộc danh sách địa phương nhận trợ cấp bổ sung hàng nghìn tỷ hàng năm. Tuy nhiên, ở địa phương này lại có tình trạng ngân sách Nhà nước bị sử dụng tùy tiện và trái quy định của pháp luật. Đơn cử, chỉ 2 năm 2014, năm 2015, UBND huyện Giao Thủy chi tiêu ngân sách tùy tiện, trái luật, thậm chí gây thất thu cho Nhà nước, với tổng số tiền lên tới gần 9 tỷ đồng.
Vi phạm trong sử dụng ngân sách Nhà nước của UBND huyện Giao Thủy được chỉ rõ tại Kết luận thanh tra số 01/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Nam Định về việc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại UBND huyện Giao Thủy.
Theo Kết luận thanh tra số 01/KL-TTr, UBND huyện đã phân bổ chi ngân sách huyện cho một số cơ quan, đơn vị không thuộc diện thụ hưởng ngân sách Nhà nước. Các đơn vị này đã quyết toán vào mục chi ngân sách khác với số tiền lên tới 1,27 tỷ đồng, trong đó năm 2014 là 543 triệu đồng, năm 2015 là 728 triệu đồng. Đồng thời, UBND huyện không công khai chi tiết việc phân bổ ngân sách cho các đơn vị này mà chỉ ghi tại khoản: Hỗ trợ các hiệp hội đoàn thể tại biểu số 26/CKTC-NSK.
Trong 2 năm (2014 và 2015), UBND huyện sử dụng Quỹ dự phòng ngân sách không đúng với quy định của pháp luật. Gần như toàn bộ số tiền thuộc Quỹ được UBND huyện chi sai mục đích như: Chi mua sắm năm 2014 là 671 triệu đồng, chi sửa chữa năm 2014 là 520 triệu đồng, chi hỗ trợ năm 2014 là 842 triệu đồng, năm 2015 là 1.158 triệu đồng, chi sự nghiệp thể thao 2 năm là 826 triệu đồng, chi bổ sung kinh phí cho các cơ quan, đơn vị là 2,916 tỷ đồng.
Thanh tra tỉnh nhận định, việc làm của UBND huyện Giao Thủy là trái với Luật Ngân sách và Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ. Theo quy định, Quỹ dự phòng ngân sách chỉ được chi cho phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, cho an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh ngoài dự toán trong năm ngân sách.
Cần nói thêm rằng, tình huống thiên tai, hỏa hoạn, hay dịch bệnh… có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng tới đời sống, sinh mạng của hàng nghìn người dân trên địa bàn nếu việc xử lý không được đia phương triển khai ngay tức khắc. Chính bởi vậy, Quỹ dự phòng ngân sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tiếp đó, Kết luận thanh tra số 01/KL-TTr nêu rõ, kinh phí sự nghiệp UBND huyện chưa giao hết từ đầu năm mà để giữa năm giao bổ sung cho một số đơn vị, một số xã, thị trấn, không đúng quy định trong điều hành ngân sách. Con số vi phạm cũng lên tới hàng tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2014, 2015, trong giai đoạn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện nhưng Phòng Tài chính Kế hoạch cũng không tham mưu cho UBND huyện trình Sở Tài chính thẩm định quyết toán ngân sách trái quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Theo Kết luận thanh tra, tất cả các phòng, ban của huyện đều công khai không đầy đủ, không đúng về hình thức, thời hạn và nội dung theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các Thông tư của Bộ Tài chính.
Do việc công khai không đầy đủ, không đúng quy định dẫn đến một số khuyết điểm, tồn tại. Phòng Tài chính Kế hoạch không nộp 165 triệu đồng tiền thu phí được trích lại vào tài khoản của đơn vị tại Kho bạc huyện để chi theo quy định mà để tại quỹ của phòng để tọa chi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vi phạm tương tự. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục & Đào tạo không quản lý, không theo dõi, không công khai các khoản đóng góp ngoài học phí tại các trường mầm non trên địa bàn.
Trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, UBND huyện Giao Thủy làm chủ đầu tư 13 công trình xây dựng, trong đó có 2 công trình do UBND tỉnh quyết định đầu tư. Tuy nhiên, UBND huyện không thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định của Bộ Tài chính.
Trong 2 năm, Phòng Công thương không đưa vào dự toán thu, chi khoản phí thẩm định hồ sơ, cũng không thu đồng tiền phí thẩm định nào, đã làm thất thu 696 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước.
Sau khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án quy hoạch đầu tư xây dựng, các đơn vị không tổ chức lấy ý kiến nhân dân và không tổ chức công khai để nhân dân giám sát các dự án quy hoạch đầu tư xây dựng này theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Đặc biệt, Thanh tra tỉnh phát hiện Phòng Giáo dục & Đào tạo chia lẻ gói thầu để thực hiện việc mua sắm đồ dùng khối mầm non theo hình thức không đấu thầu trái quy định tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Đây là các khoản mua sắm do Phòng Giáo dục & Đào tạo mua từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục mầm non do ngân sách Nhà nước cấp.
Văn phòng UBND huyện mua sắm tài sản công lên tới gần 900 triệu đồng nhưng không công khai theo quy định. Phòng Giáo dục & Đào tạo trong 2 năm không quản lý, theo dõi, không công khai tài sản của các trường mầm non, kinh phí mua sắm đầu năm, kế hoạch đầu tư mua sắm, trang bị tài sản và hình thức đấu thầu đối với các gói thầu về mua sắm.
Về công tác tổ chức cán bộ, UBND huyện ký hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm đối với 36 trường hợp từ năm 1998 đến năm 2016 nhưng thực tế trường hợp này đang thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn tại các phòng, chuyên môn của huyện là trái Luật Công chức. Về tiền công, các phòng chỉ trả 1 lần lương tối thiểu cho mỗi lao động trong 1 tháng là không đúng quy định của Bộ Luật Lao động.
Năm 2015, UBND xã Bạch Long không nộp các bản kê khai tài sản thu nhập về phòng Nội vụ huyện. UBND huyện Giao Thủy không ban hành kế hoạch công khai các bản kê khai tài sản thu nhập để thực hiện công khai tại các đơn vị.
Bên cạnh đó, ngày 10/6/2016, Sở Tài chính ban hành Kết luận thanh tra số 1025/STC-KL về việc chấp hành pháp luật về ngân sách của UBND huyện Giao Thủy trong 2 năm 2014, 2015, yêu cầu chấn chỉnh sai phạm, khuyết điểm, thiếu sót trong điều hành quản lý. Tuy nhiên, UBND huyện không có văn bản chỉ đạo thực hiện do vậy kiến nghị thanh tra không được thực hiện. Cần lưu ý, đây chỉ là số liệu trong phạm vi thanh tra là năm 2014, 2015, nếu tính cả năm 2016, số tiền vi phạm có được bổ sung thêm nhiều tỷ đồng nữa hay không? Dư luận mong chờ UBND tỉnh Nam Định cần sớm chỉ đạo kiểm tra làm rõ, đảm bảo chi tiêu ngân sách Nhà nước tại địa phương đúng theo quy định pháp luật. (Thanh Tra 23/3) đầu trang(
Người dân sống tại phường Tân Thành, TP.Ninh Bình không khỏi xót xa khi nhắc đến hai công trình thể thao là sân vận động Ninh Bình và dự án Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình (dự án bể bơi). Đây là những công trình được đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng, nhưng hiện trong tình trạng bỏ hoang, lãng phí tiền tỉ của Nhà nước.
Sân vận động Ninh Bình được đầu tư xây dựng và hoàn thành vào năm 2003, nhằm phục vụ SEA Games 22. Sân có sức chứa 22.000 chỗ ngồi. Đây là một công trình thể thao rất hoành tráng, từng là niềm tự hào của người dân đất cố đô với đầy đủ hạng mục sân bóng đá, đường pitch phục vụ điền kinh, sân nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ, nhà điều hành… Nơi đây cũng từng là “chảo lửa” sôi động nhất nhì giải V.League từ  năm 2007.
Tuy nhiên, từ năm 2015, sau khi đội bóng đá của Ninh Bình giải thể, sân vận động này hầu như đóng cửa để đấy, bỏ hoang cho cỏ dại mọc. Do không được sử dụng trong một thời gian dài, nhiều hạng mục của công trình này như ghế ngồi, mái che, hệ thống cửa nhà điều hành… đã xuống cấp nghiêm trọng.
Không chỉ vậy, ngay sát cạnh sân vận động Ninh Bình là dự án bể bơi của tỉnh này cũng được xây dựng dở dang và nằm “đắp chiếu” hơn 15 năm qua. Dự án này được khởi công từ năm 2001 với tổng vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Chủ đầu tư là Sở Thể dục Thể thao (nay là Sở Văn hóa Thể thao). Công trình được thiết kế hoành tráng gồm 2 khu bể bơi và trụ sở, nhằm phục vụ cho việc tổ chức các cuộc thi bơi lội và là nơi để tập luyện, đào tạo vận động viên bơi lội của tỉnh.
Theo nghiệm thu, đến nay, giá trị khối lượng công trình đã tốn hết 13,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, đã hơn 15 năm, dự án này vẫn dở dang, nằm “đắp chiếu” cho cỏ dại mọc.
Việc những công trình thể thao được tỉnh đầu tư xây dựng với kinh phí lên đến hàng chục tỉ đồng, nhưng lại đang trong tình trạng bỏ hoang gây lãng phí tiền của khiến người dân nơi đây không khỏi xót xa. (Lao Động 22/3) đầu trang(
Những ngày qua, sự cố nứt, sạt lở mặt đê tả sông Hồng tại vị trí km81+700 đến km82+050 thuộc địa phận huyện Văn Giang (Hưng Yên) được dư luận hết sức quan tâm. Bởi chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu vào mùa mưa lũ.
Dự án đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng (từ km 76+894 đến km 124+824), có tổng chiều dài hơn 48 km qua địa phận các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, TP Hưng Yên, được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại Quyết định số 2746/QĐ-UBND ngày 23-12-2009, với tổng mức đầu tư là gần 1.537 tỷ đồng. Sau gần hai năm thi công đến tháng 9-2011, UBND tỉnh Hưng Yên điều chỉnh mức đầu tư tăng lên gần 2.767 tỷ đồng. Nhưng rồi bốn năm sau, bằng Quyết định số 3543/QĐ-UBND, ngày 14-11-2016, dự án lại được UBND tỉnh điều chỉnh xuống còn gần 1.533 tỷ đồng.
Bên cạnh sự điều chỉnh lên xuống của vốn đầu tư, chủ đầu tư dự án cũng được chuyển đổi. Ban đầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) được giao làm chủ đầu tư, sau đó chuyển sang Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão (QLĐĐ và PCLB) tỉnh Hưng Yên và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình, được chọn là đơn vị lập dự án.
Với yêu cầu cụ thể là tăng cường khả năng chống lũ cho tuyến đê tả sông Hồng, giải quyết cơ bản hiện tượng thẩm lậu, đùn sủi của đê, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ vỡ đê đột ngột khi có bão, lũ vượt tần suất thiết kế. Mặt đê được kết hợp làm đường giao thông chạy dọc theo hướng tây - nam theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, tốc độ tính toán với vận tốc 40 km/giờ, tải trọng trục 10 tấn (tương đương 20 tấn trọng tải toàn xe), đi lại trên đê an toàn.
Tuy nhiên, sau gần bảy năm triển khai dự án, qua hết mùa mưa này đến mùa lũ khác, đến nay công trình vẫn chưa được nghiệm thu, trong khi một số đoạn mặt đê mới nâng cấp đã xuất hiện những vết nứt. Gần đây nhất, cuối tháng 11-2016, tại vị trí từ km81+700 đến km82+050 đê tả sông Hồng, thuộc địa phận huyện Văn Giang xuất hiện một vết nứt dọc giữa mặt đê, với chiều dài vết nứt khoảng 350 m, chiều rộng vết nứt từ 1 đến 2 cm, toàn bộ nửa mặt đê phía sông bị lún xuống so mặt đường phía đồng khoảng từ 10 đến 12 cm.
Trước đó, cách vị trí này khoảng 350 m về phía hạ lưu, tháng 9-2016 cũng từng xuất hiện một cung trượt dài khoảng 200 m, đỉnh cung trượt sạt ở sát mép nhựa mặt đường đê phía sông. Theo Chi cục trưởng QLĐĐ và PCLB tỉnh Hưng Yên Hồ Trọng Khải, sự cố lún nứt mặt đê là rất nghiêm trọng và có nhiều yếu tố tiềm ẩn về kỹ thuật.
Để khắc phục sự cố, Chi cục QLĐĐ và PCLB tỉnh Hưng Yên đã thành lập hội đồng khoa học theo dõi, đồng thời mời đơn vị tư vấn (Viện Thủy công - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) đánh giá nguyên nhân, để lên kế hoạch sửa chữa. Trên cơ sở thực tế thu thập tài liệu, khảo sát hiện trường, tính toán, mới đây Viện Thủy công - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam bước đầu đánh giá và đưa ra kết luận sơ bộ nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún, nứt đê đoạn từ km81+700 đến km82+050 đê tả sông Hồng thuộc địa phận huyện Văn Giang là do thân và nền đê có địa chất yếu, kết hợp xe quá tải đi trên đê.
Thực tế, đoạn đê này trước đây đã từng xảy ra 16 lần vỡ đê liên tiếp. Gần đây nhất vào những năm 2001, 2002, 2003 và 2005 cũng đã xảy ra sự cố lún, sụt đê tương tự, nhưng không hiểu vì sao chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khi lập dự án đã "quên" thực trạng của đoạn đê này, không có kế hoạch khảo sát, thiết kế và xây dựng biện pháp thi công phù hợp. Để xảy ra sự cố nứt mặt đê, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, tư vấn lập dự án và đơn vị thi công. Trước mắt, những đoạn sụt lún mặt đê còn trong thời gian bảo hành, đơn vị thi công phải có trách nhiệm khắc phục với chi phí theo ước tính của Chi cục QLĐĐ và PCLB tỉnh Hưng Yên là khoảng 29 tỷ đồng. Chỉ những đoạn nứt, vỡ nằm ngoài dự án thì tỉnh sẽ đầu tư sửa chữa.
Ngày 16-3 vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý cấp bách sự cố. Chi cục QLĐĐ và PCLB phối hợp UBND huyện Văn Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, cắm biển báo, đèn tín hiệu để cảnh báo tại vị trí có sự cố, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Công an huyện Văn Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các hành vi vi phạm trên đoạn đê này, đồng thời phối hợp Sở Giao thông vận tải phân luồng, tuyến bảo đảm giao thông của khu vực và toàn tuyến đê tả sông Hồng. (Nhân Dân 23/3) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
2 phần mềm phải làm ngay trong năm nay là xây dựng hệ điều hành tác nghiệp mới và cổng thông tin điện tử. Đó là chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đặng Công Huẩn tại buổi làm việc với Trung tâm Thông tin và các cục, vụ liên quan về triển khai xây dựng một số chương trình phần mềm cho cơ quan TTCP, diễn ra sáng 22/3.
Để phục vụ mục tiêu nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của TTCP, đáp ứng các nhu cầu trước mắt, bức thiết, Tổ công tác đề xuất 8 hạng mục đầu tư năm 2017 với tổng mức đầu tư 11,7 tỷ đồng.
Cụ thể, đầu tư các hạng mục sau: Xây dựng hệ điều hành tác nghiệp mới; xây dựng cổng thông tin điện tử; nâng cấp hệ thống email thanh tra; mua sắm thiết bị phòng giao ban thông minh là 30 máy tính bảng; phần mềm đảm bảo an toàn bảo mật thông tin và 2 máy chủ; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ hệ thống; đào tạo chuyển giao công nghệ; bảo hành, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Nguyễn Đức Thắng – Giám đốc Trung tâm Thông tin cho biết: Nhiệm vụ bức thiết phải làm ngay là xây dựng cổng thông tin điện tử vì phần mềm này xây dựng đã lâu, đã hết khấu hao, không còn đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới. Vì vậy, cần phải học tập các bộ, ngành khác để xây dựng cổng thông tin chuẩn, tích hợp hết tất cả nội dung đều phải qua cổng, hệ thống an toàn bảo mật cũng sẽ đưa chung vào đây.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho biết, năm nay, phải xây dựng hệ điều hành tác nghiệp mới để phục vụ hiệu quả và kịp thời công tác điều hành hàng ngày của lãnh đạo và toàn bộ nhân sự của TTCP.
Ông Đỗ Đức Toàn, Phó Chánh Văn phòng TTCP cho rằng, 8 hạng mục trên đều rất cần thiết đầu tư. Tuy nhiên, liên quan đến nguồn vốn nên không thể tập trung làm hết trong năm nay. Vì vậy, nên lập đề án xem cái nào đầu tư trước, cái nào đầu tư sau.
“Theo tôi cần xây dựng 2 hạng mục trước là cổng thông tin điện tử và hệ điều hành tác nghiệp mới. Việc quyết định nâng cấp hay xây mới cần lấy ý kiến của các cục, vụ, đơn vị. Bức xúc và cần thiết nhất là xây dựng hệ điều hành. Có thể cân nhắc đầu tư trước hạng mục này”, ông Toàn cho biết.
Chung quan điểm, đại diện Cục Chống tham nhũng cho rằng, quan trọng nhất bây giờ là xây dựng hệ điều hành mới. Đề xuất xây dựng thêm phần mềm đường dây nóng về phòng, chống tham nhũng.
Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn chỉ đạo, 2 phần mềm phải làm ngay trong năm nay là xây dựng hệ điều hành tác nghiệp mới và cổng thông tin điện tử.
Phó Tổng Thanh tra lưu ý, theo rà soát trong hồ sơ của Tổ tư vấn bên Tổng Công ty Viễn thông Viettel cung cấp thì hệ điều hành tác nghiệp của TTCP hiện có 40 lỗi chưa sửa, đây là lỗi không thể sửa được; phần mềm thường xuyên chạy chậm 2 lần/tháng, không cho phép xử lý văn bản tồn đọng, không cho phép xử lý văn bản trên thiết bị di động, không cho phép tích hợp quản lý chất lượng ISO…
Phó Tổng Thanh tra yêu cầu, Trung tâm Thông tin phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát, đánh giá chi tiết lại các vấn đề của cổng thông tin và hệ điều hành tác nghiệp để đưa ra kết luận cuối cùng là xây mới hay nâng cấp. (Thanh Tra 22/3) đầu trang(
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% số lượng hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn.
Tại buổi họp giao ban thông tin báo chí của Thành ủy Hà Nội vừa qua, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội - ông Ngô Anh Tuấn đã cho biết về kế hoạch cải cách hành chính của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, về cải cách thể chế, Hà Nội phấn đấu đến năm 2019, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận.
Về cải cách hành chính, đến cuối năm nay sẽ cung cấp từ 40 - 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Đến năm 2020, sẽ cung cấp từ 70 - 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại tất cả các Sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã.
Đến năm 2018, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%.
Mức độ hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ sự nghiệp công của thành phố trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt trên 80%.
Đến năm 2019, Hà Nội phấn đấu 25% số lượng thủ tục hành chính được tinh gọn, đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, quy trình, rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tập trung vào các nhóm thủ tục về đầu tư, xây dựng, du lịch, đất đai, hạ tầng kỹ thuật đô thị, đường bộ...
Đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế 1 cửa, cơ chế 1 cửa liên thông, được chuẩn hóa và được công bố công khai, kịp thời và niêm yết tại trụ sở cơ quan tiếp nhận, giải quyết. Đồng thời, đặt mục tiêu 100% số lượng hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn cho biết: “Tổng số thủ tục hành chính toàn thành phố là 1.815 thủ tục, trong đó ở khối sở, ngành là trên 1.369, khối quận, huyện là 299, khối phường xã 147”.
Những thủ tục này phải được rà soát tổng thể, cải cách hành chính triệt để. Sau rà soát sẽ công bố công khai để người dân dễ tiếp cận, khai thác, sử dụng nhất. Các đơn vị của thành phố rà soát lại quy chế, nội quy ở khối sở, ngành, khối UBND các cấp...
“Các quy trình phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả, phải phân công trách nhiệm cho các bộ phận”, ông Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Anh Tuấn, trong giai đoạn vừa qua Thành phố đã có sự chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực như: Thuế, hải quan, đăng ký thành lập doanh nghiệp, BHYT, BHXH…
Thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp cũng như người dân. (Đầu Tư Chứng Khoán 23/3) đầu trang(

KINH TẾ
Bộ Công thương ngày 22-3 cho biết, Bộ vừa nhận được thông tin của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam thông báo, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển phúc lợi nông dân Ấn Độ đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thông báo về việc phía Ấn Độ đã chính thức bỏ tạm cấm nhập khẩu đối với sáu mặt hàng nông sản của Việt Nam, gồm hạt cà-phê, tre/tăm tre, tiêu đen, quế, đậu và thanh long.
Như vậy, sau khi cơ quan liên quan phía Việt Nam họp bàn xử lý, tích cực phối hợp các cơ quan liên quan của phía Ấn Độ, chủ động rà soát và trao đổi thông tin về các hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa, hai bên đã thống nhất chính thức bãi bỏ việc áp dụng tạm cấm nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của nhau. (Nhân Dân 23/3) đầu trang(
Ngành lúa gạo Việt cần một tầm nhìn mới - một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho nông dân trồng lúa ở trong nước cũng như các doanh nghiệp làm gạo…
Phát biểu kết luận hội nghị tìm giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo ĐBSCL tổ chức tại An Giang hôm 15-3 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất.
Do đó ngành lúa gạo Việt cần một tầm nhìn mới - một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho nông dân trồng lúa ở trong nước cũng như các doanh nghiệp làm gạo…
Khi nhắc đến các giải pháp để nâng cao vị thế, nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt, nhiều chuyên gia vẫn thường suy ngẫm đến cách làm của Thái Lan –quốc gia XK gạo lớn nhất thế giới, chiếm trên 20% tổng kim ngạch XK gạo toàn cầu tuy sản lượng chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng gạo thế giới.
Theo Tiến sĩ Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) thành công của hạt gạo Thái Lan trước tiên phải kể tới vai trò của Nhà nước trong xác định lấy ưu tiên phát triển nông nghiệp làm chiến lược cơ bản cho phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Từ 1982 đến năm 2000, Chính phủ Thái đã ban hành đến 3 chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia để phát triển nông nghiệp, trong đó có lúa gạo. Các bộ, ban ngành đều thành lập các “Ban thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và sản xuất lúa gạo”, thực hiện các chính sách về ưu đãi, nâng đỡ sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo với những biện pháp (trợ cấp giá, đầu tư, cho vay…) nhằm phát huy tối đa tính tích cực sản xuất lúa gạo của nông dân.
Trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, đặc biệt tạo vị thế cho hạt gạo vốn được chăm chút về chất lượng, Việt Nam càng cần suy ngẫm cách làm của Thái Lan. Tất cả các sản phẩm từ hạt thóc tại Thái Lan đều được sử dụng chế biến thành các sản phẩm có giá trị. Cạnh việc tạo ra sản phẩm chính là gạo trắng, thì các phần khác của gạo được tận dụng sử dụng vào các mục đích khác nhằm tăng thêm giá trị...
Gạo được chế biến thành các giấy mỏng có thể ăn được dùng trong bao bì thuốc lá và bao bì bánh kẹo; gạo cũng được sử dụng để chế biến thành các đồ uống có cồn như rượu sake, vang và bia. Mỗi năm, Thái XK khoảng 150.000 tấn sản phẩm chế biến từ gạo đạt kim ngạch khoảng 78 triệu USD, tương đương với 0,5 triệu tấn gạo XK.
Tại Thái Lan, các cơ chế điều phối kinh doanh lúa gạo tập trung ở khu vực tư nhân. Chính phủ chỉ điều hành thương mại lúa gạo trong từng trường hợp cụ thể, và chỉ khi nó là cần thiết. Nông dân được hỗ trợ tín dụng, các tiến bộ kỹ thuật, vật tư đầu (giống, phân bón), tiếp cận thị trường. Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX đến nay, Thái Lan đã rất ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là thủy lợi, giao thông, điểm thu mua nông sản, kho chứa, bến bãi, cảng chuyên dùng,… phục vụ sản xuất và XK nông sản này.
Trông người rồi ngẫm đến ta. Sau Hội nghị tìm giải pháp để phát triển bền vững ngành lúa gạo ĐBSCL ngày 15-3 vừa qua, nông dân và DN rất phấn khởi trước phát biểu của Thủ tướng sẽ sớm điều chỉnh nhiều chính sách, quy định không còn phù hợp; trong đó có báo cáo Quốc hội xem xét sửa Điều 109 Luật Đất đai, trước hết là một số chính sách quy định phù hợp để mở rộng hạn điền - nền tảng rất quan trọng thực hiện cánh đồng lớn; khuyến khích đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp.
GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng Việt Nam muốn được cộng đồng thế giới đối xử như một quốc gia có nền kinh tế thị trường thật sự thì nên bỏ mức hạn điền và công nhận đất tư nhân, để người dân có toàn tâm đầu tư vào mảnh đất của mình sản xuất hiệu quả nhất.
Liên quan đến quy hoạch phát triển lúa gạo, nhiều chuyên gia cho rằng Quyết định 899/QĐ-TTg của Chính phủ cho phép chuyển đất lúa sang nuôi trồng cây con có giá trị cao hơn lúa. Quyết định này sắp “4 tuổi” nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến, nhất là tại các vùng đất ven biển của Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,…
“Đầu năm 2016, nhiều địa phương “kêu” bị thiệt hại thật ra là do tư duy cũ, bất chấp cảnh báo khoa học, không có nước ngọt trong mùa nắng vẫn chỉ đạo cho dân tiếp tục trồng lúa, rồi xin tiền để chống chọi bằng mọi cách do xem nước mặn như là “kẻ thù”, chứ không xem nước mặn là tài nguyên. Thực chất đó là sự coi thường chủ trương của Chính phủ. Cứ trăn trở, sốt ruột trước chuyện bị xâm nhập mặn, thực ra đó là chỉ nói đến khía cạnh cây lúa. Lẽ ra nếu làm nghiêm phải xử lý nghiêm các địa phương để dân trồng lúa trong điều kiện thiên nhiên, thời tiết không thích hợp. Còn tiếng nói, quyền lợi của người nuôi tôm Bạc Liêu, Cà Mau chưa được quan tâm dù họ phải vất vả “đấu tranh” với những nông dân trồng lúa quyết không cho nước mặn vào vùng ruộng. Rốt cuộc, cả lúa và tôm đều bị thiệt hại”, một chuyên gia nói.
Trước thực tế của biến đổi khí hậu và đặc biệt là nguồn nước từ dòng MeKong, các chuyên gia cho rằng cần sự công bằng trong đối xử với cây lúa – con tôm.
"Tại vùng ven biển nhiễm mặn trong mùa khô, chúng tôi cũng đề xuất một vụ lúa cao sản trong mùa mưa. Khi dứt mưa, thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, cá kèo, cua… đạt lợi tức trên 3 lần lúa với nước mặn. Như thế chúng ta không cần chống mặn bằng những biện pháp quá tốn kém để cố trồng thêm vụ lúa. Và chỉ làm như thế mới mở ra cơ hội cho hàng trăm ngàn nông dân luôn muốn làm bạn với nước mặn để nuôi tôm, để tăng gia lợi tức thay vì chịu số phận nghèo mãi với cây lúa”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm chỉ nên tập trung trồng lúa tại các vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn bảo đảm có nước ngọt hoàn toàn quanh năm, và tránh các vùng ven biển nước ngọt rất bấp bênh. Tại các vùng nhiễm mặn nếu nuôi tôm bền vững thì Nhà nước nên xây dựng hệ thống vuông tôm có kênh thủy lợi kèm theo mới tránh được bệnh tôm như hiện nay. Vùng đất giồng cát ven biển thì Nhà nước có thể tổ chức cho nông dân trồng màu (củ hành, tỏi, sắn...) hoặc cây ăn trái (xoài, nhãn, vú sữa, chuối...) liên kết với các DN chế biến bảo quản các sản phẩm này đưa ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu. (Công An Nhân Dân 22/3) đầu trang(
Xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực quan trọng, mang lại nguồn thu lớn, thể hiện được tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lĩnh vực này còn nhiều hạn chế cả về lượng và chất.
Theo báo Nhân Dân đăng tải, xuất khẩu dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó, dịch vụ được cung ứng bởi một thương nhân (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) tới người tiêu dùng (các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) quốc gia khác, thông qua bốn hình thức: Xuất khẩu qua biên giới; Nhà cung ứng di chuyển sang quốc gia khác; Người sử dụng dịch vụ di chuyển tới quốc gia cung ứng dịch vụ; Nhà cung ứng và người tiêu dùng cùng di chuyển đến một quốc gia thứ ba.
Xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đang phát triển dưới tiềm năng khi kim ngạch xuất khẩu dịch vụ những năm gần đây chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD/năm, so với 35 tỷ USD của Thái Lan, 32 tỷ USD của Malaysia và 20 tỷ USD của Indonesia…
Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đã tăng gần như liên tục qua các năm. Thời kỳ 2006-2013, tăng 11,9%/năm, cao gấp rưỡi tốc độ tăng GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra trong thời gian tương ứng (7,18%/năm). Một số dịch vụ đã có xuất siêu, như dịch vụ du lịch (năm 2005, xuất siêu 1,4 tỷ USD; năm 2010, xuất siêu 2,98 tỷ USD; năm 2013, xuất siêu 5,48 tỷ USD); dịch vụ bưu chính viễn thông (năm 2005, xuất siêu 69 triệu USD; năm 2010, xuất siêu 58 triệu USD; ước năm 2013, xuất siêu 102 triệu USD).
Kinh nghiệm của các nước đang phát triển, kể cả của các nước mới nổi và của Việt Nam cho thấy, việc tập trung cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa - thậm chí trở thành công xưởng của thế giới - đang được xem xét lại. Xuất khẩu hàng hóa và xuất siêu về hàng hóa sẽ bị giảm ý nghĩa, nếu lại nhập siêu lớn và ngày một tăng về dịch vụ. Các nước phát triển đang nhập, thậm chí nhập siêu rất lớn về hàng hóa để được hưởng giá cả rẻ, hưởng chênh lệch cánh kéo tỷ giá, hưởng giá nhân công rẻ, chuyển ô nhiễm trực tiếp ra nước ngoài... trong khi đó lại xuất siêu lớn về dịch vụ vận tải, tài chính, bảo hiểm, cho vay đầu tư (cả trực tiếp, cả gián tiếp, cả dưới dạng hỗ trợ chính thức)...
Trong xuất khẩu dịch vụ, Việt Nam có nhiều thuận lợi cả về thị trường và cơ cấu dịch vụ, phương thức xuất khẩu và điều kiện cần thiết để triển khai xuất khẩu dịch vụ chất lượng cao.
Theo báo Nhân Dân, việc Việt Nam tham gia các hiệp định FTA, nhất là AEC và TPP,... đã mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ đến các thị trường lớn, nhất là sự tự do di chuyển lao động có tay nghề qua biên giới các nước thành viên; cụ thể với AEC, lao động trong tám ngành nghề dịch vụ đã được thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương được tự do di chuyển nội khối, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.
Ngoài ra, xuất khẩu dịch vụ cũng có thêm cơ hội trong 12 ngành khuyến khích liên kết sản xuất theo cam kết AEC, đó là: Hàng nông sản; Ô tô; Điện tử; Nghề cá; Các sản phẩm từ cao su; Dệt may; Các sản phẩm từ gỗ; Vận tải hàng không; Thương mại điện tử ASEAN; Chăm sóc sức khỏe; Du lịch; và Logistics.
Riêng với TPP khi được thông qua, sẽ là cú đột phá tạo sân chơi mới rộng mở cho xuất khẩu các dịch vụ tài chính - ngân hàng dưới hình thức xuất khẩu thương mại điện tử qua biên giới mà không cần hiện diện thể nhân…
Trên bình diện chung, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Đặc biệt, mức thuế và thời gian nộp thuế đã có sự cải thiện đầy ấn tượng. Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 20% năm 2016 và dự kiến chỉ còn 17% vào năm 2017, thậm chí còn 15% cho doanh nghiệp khởi nghiệp so với mức 32% năm 1999. Thời gian nộp thuế chỉ còn dưới 117 giờ. Đồng thời, lãi suất và điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp được cải thiện theo hướng thấp hơn và thông thoáng hơn.
Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông quan rút ngắn hơn. Tính chất tự do hóa và bình đẳng kinh doanh thị trường được tô đậm hơn. “Room” cho các nhà đầu tư nước ngoài được nới rộng hơn. Khu vực DNNN giảm dần về quy mô, tỷ trọng và thu hẹp độc quyền. Khu vực DN tư nhân ngày càng được coi trọng và hồi phục…
Ngoài ra, còn hàng trăm hiệp định kinh tế - thương mại song phương và đa phương, với hàng chục FTA thế hệ mới đã được Việt Nam ký kết hoặc đang đàm phán thuận lợi nhiều hiệp định khác, trong đó, có với hầu hết các nền kinh tế G20 và các thị trường lớn khác trên thế giới… Sự cộng hưởng của xung lực tích cực trên đã tạo sự đột phá cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, được dư luận cả trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh những thuận lợi thì việc thực hiện xuất khẩu dịch vụ cũng có những khó khăn nhất định, như tình hình thế giới đang diễn biến khó lường; xu hướng bảo hộ và sự cạnh tranh gia tăng ở các nước đối tác xuất khẩu của Việt Nam. Sự tận dụng cơ hội và chủ động đối phó với thách thức chưa thật tốt. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện và phát triển thiếu đồng bộ. Chất lượng tăng trưởng và sức bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện.
Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm còn hạn chế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Công nghệ sản xuất chậm được đầu tư, đổi mới; chuyển giao công nghệ ít được quan tâm. Quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp chưa bắt kịp với yêu cầu của tình hình cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Năng lực và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cấp, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; Cải cách hành chính chưa được đẩy mạnh, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Chủ trương của Đảng chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ, chậm được cụ thể hóa và thể chế hóa. Các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân chưa nhận thức sâu sắc và chưa chủ động tận dụng các cơ hội; đồng thời, chưa thấy rõ thách thức để chủ động ứng phó; chưa lường trước được các hoạt động tiêu cực ở nước ngoài để có những biện pháp hạn chế hữu hiệu.
Hơn nữa, khó khăn xuất khẩu dịch vụ còn đến do nhiều dịch vụ chưa thực sự đa dạng, có chất lượng và có thương hiệu; tính chuyên nghiệp và tuân thủ các quy chuẩn quốc tế thấp. Sự công nhận các văn bằng chứng chỉ nghề và chuyên môn, các tiêu chuẩn kỹ thuật giữa Việt nam với các nước còn chưa được quan tâm hoặc nhiều hạn chế. (VietQ 23/3) đầu trang(

MÔ HÌNH – KINH NGHIỆM
Năm 2017, TP Cần Thơ tập trung tái cơ cấu đầu tư công, hoàn thành một số công trình trọng điểm, bố trí vốn tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút vốn ngoài ngân sách đầu tư một số công trình hạ tầng, các dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, tạo vốn tái đầu tư.
Để bảo đảm công khai, minh bạch trong phân bổ vốn đầu tư công; phòng, chống tham nhũng, TP Cần Thơ phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước cho từng dự án phù hợp khả năng thực hiện, mức độ hoàn thành và tiến độ giải ngân.
Đối với dự án đang thi công, hoặc khởi công mới, phải tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư; mức vốn kế hoạch bố trí cho từng dự án không vượt quá 90% tổng mức đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt… TP Cần Thơ sẽ không bố trí vốn kế hoạch đầu tư công cho các dự án không thực hiện trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công...
Năm 2017, Cần Thơ đề ra chỉ tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội 55 nghìn tỷ đồng. Thành phố phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm như: Bệnh viện Nhi đồng 500 giường; Bệnh viện Lao và bệnh phổi; bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư cho dự án Khu xử lý chất thải rắn 67 ha cho hai dự án tại huyện Thới Lai… (Nhân Dân 23/3) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Tại Hội nghị công tác liêm chính lần thứ 5 Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi các quan chức nước này nêu cao tinh thần liêm khiết, tận tụy với công việc; hối thúc các cấp chính quyền và ban, ngành nỗ lực hơn để xây dựng một hệ thống chính quyền trong sạch và đấu tranh chống tham nhũng.
Thủ tướng Trung Quốc khẳng định, những hành vi tham ô và vi phạm các quy định về chi tiêu công quỹ sẽ bị điều tra, nghiêm trị.
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) cho biết, tính riêng trong tháng 2 vừa qua, các cơ quan chức năng nước này đã phát hiện 2.077 vụ vi phạm các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý 3.028 cán bộ, kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với 2.057 trường hợp. (Nhân Dân 23/3) đầu trang(
Tại nhiều bang của Ấn Độ, các sáng kiến, hành động chống tham nhũng được thực hiện, từ việc lập cổng thông tin điện tử, đường dây nóng hỗ trợ người dân tố cáo tham nhũng cho tới diễu hành, tuyên truyền với sự tham gia của nhiều người ở các ngành nghề, vị trí khác nhau, vì một xã hội không tham nhũng…
Chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp cả nước đã xuất hiện trong sự kiện đường phố Patha Utsav tại thành phố Bhubaneswar, bang Odisha, Ấn Độ ngày 19/3. Các tổ chức xã hội làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã tiến hành hàng hoạt hoạt động biểu diễn, diễu hành xoay quanh chủ đề: Một xã hội không tham nhũng bằng cách huy động dư luận.
Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện Patha Utsav, Thống đốc bang Odisha Aditya Prasad Padhi nhấn mạnh, Chính quyền bang đã rất chú trọng đến việc bài trừ tham nhũng và kêu gọi đông đảo người dân tham gia vào cuộc chiến này nhằm xoá bỏ mối nguy hại đang đe dọa đất nước.
Cũng tại buổi lễ, Cảnh sát trưởng bang KB Singh đã ca ngợi sáng kiến của Ban Giám sát và cho rằng, lực lượng cảnh sát cần tập trung hoạt động vì người dân hơn nữa để khuyến khích công chúng tố cáo, kiểm soát tham nhũng.
Uỷ viên cảnh sát YB Khurania cũng kêu gọi mọi người tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông xã hội để truyền tải thông tin về tham nhũng tới Hội đồng Giám sát một cách hữu hiệu.
Tiến sỹ RP Sharma - lãnh đạo Ban Giám sát cho biết, chiến dịch chống tham nhũng sẽ được mở rộng đến tất cả vùng miền của bang Odisha. Các chiến dịch đặc biệt sẽ được tổ chức để các công dân - những người nhạy cảm với tham nhũng - thông tin về vụ việc tới các văn phòng thuộc Chính phủ.
Ban Giám sát cũng cung cấp đường dây trợ giúp 1064 cùng các mạng lưới xã hội hiệu quả để người dân cung cấp thông tin đến Cơ quan Chống tham nhũng.
Các sự kiện tại lễ hội Patha Utsav đều thu hút được lượng khán giả khổng lồ. 2 ki-ốt của Ban Giám sát được dựng lên để phổ biến tài liệu nhận thức về tham nhũng, trong khi các nam diễn viên Sabyasachi Mishra và Archita Sahu trò chuyện với những người tham gia lễ hội về một bang Odisha không có tham nhũng. Nhiều nghệ sỹ, chính trị gia, người dân và cả trẻ em cùng nhau tuyên thệ chống lại các hành vi phạm tội. Ban nhạc đặc biệt của lực lượng Cảnh sát bang Odisha đã đi bộ quãng đường dài 1,2km, vừa đi vừa chơi nhạc.
Trong buổi lễ, nhiều giải thưởng đã được trao cho người chiến thắng các cuộc thi: Viết bài luận, sáng tác phim hoạt hình, viết khẩu hiệu tuyên truyền với chủ đề: Một xã hội không tham nhũng.
Kể từ ngày 1/6/2016 đến nay, 476 cán bộ nhân viên bang Kerala đã trở thành đối tượng trong các vụ việc của Ban Giám sát. Cùng thời gian trên, có 234 vụ việc tại bang này đã được ghi nhận.
Trong đó, Sở Quy hoạch Đô thị là bộ phận tham nhũng nhiều nhất với 120 người. Đứng ở vị trí thứ 2 là Cục Thuế với 46 cán bộ liên quan đến các vụ tham nhũng. Tiếp đến là Chính quyền Panchayats (Chính quyền nông thôn) với 42 người. Có 30 cán bộ Cục Kiểm lâm và 27 cán bộ cảnh sát cũng dính líu tới các vụ tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Chính quyền địa phương KT Jaleel cho biết, một số lượng lớn nhân viên Sở Quy hoạch Đô thị liên quan tới các vụ việc của Ban Giám sát cho thấy không có sự khoan dung đối với tham nhũng. “Chúng tôi bắt đầu đưa vào một cổng thông tin điện tử có tên "For The People" (tạm dịch: Cho mọi người) để công chúng có thể gửi đơn khiếu tố đối với các cán bộ viên chức thuộc Bộ Chính quyền địa phương", ông Jaleel nói.
Theo đó, một cán bộ Cục Giám sát và Chống tham nhũng cho biết: “Chúng tôi đã nhận được khá nhiều đơn khiếu nại đối với các quan chức thông qua cổng thông tin này và bắt đầu hành động nghiêm túc. Một số cán bộ cấp cao đã bị đình chỉ và điều chuyển... Cục Thuế thường là bộ phận tham nhũng nhiều nhất… Hiện nay, càng ngày càng có nhiều người dám tố cáo tham nhũng dẫn tới gia tăng số lượng vụ việc. Kể từ ngày 1/6 năm ngoái, chúng tôi đã nhận được 13.500 khiếu nại về tham nhũng trên phạm vi toàn bang". (Thanh Tra 22/3) đầu trang(./.