Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 29 tháng 07 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vừa ra thông báo tổ chức bán đấu giá hơn 160 m3 gỗ tròn nguyên khai các loại từ nhóm 3 - 8 do bị chặt hạ trái phép tại khu vực mở rộng của vườn.
Cụ thể, tại hang Địa Chất, xã Thượng Hóa có hơn 125 m3; tại khu vực Ma Dính, xã Hóa Sơn (cùng ở H.Minh Hóa) có hơn 35 m3. Giá khởi điểm là 125 triệu đồng, sau khi trừ chi phí khai thác, bốc xếp, vận chuyển. (Thanh Niên 29/7, tr5) đầu trang(
28/7, Hạt Kiểm lâm A Lưới, TT-Huế cho biết, từ giữa tháng 6 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với lực lượng liên ngành tiến hành thu giữ gần 1.000kg hạt ươi của các hộ dân khai thác trái phép trên địa bàn huyện A Lưới.
Được biết, trong thời gian qua, việc khai thác hạt ươi trái phép đã làm 2 người chết, 1 người bị thương do cây ươi đổ đè lên người. (Nông Nghiệp Việt Nam 29/7, tr2) đầu trang(
Đàn Năng Long - “vua voi” Tây Nguyên, người sở hữu số lượng voi lớn nhất ở Việt Nam thời điểm hiện tại - đã hai lần làm đám ma cho những chú voi của mình.
Anh cũng được biết đến như một doanh nhân làm du lịch gắn liền với những thớt voi hùng dũng ở Tây Nguyên.
Trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên, con voi là vật nuôi gắn bó gần gũi, bình dị với họ giống như con trâu đối với người nông dân ở vùng Bắc Bộ. Nhiều gia đình còn coi những chú voi là thành viên, người thân trong gia đình.
Đàn Năng Long - người đang sở hữu số lượng đàn voi lớn nhất Tây Nguyên - là một trong những người như thế. Anh cũng là người đang cố gắng để duy trì, gìn giữ và bảo vệ những chú voi hiếm hoi còn lại ở đại ngàn.
Đàn Năng Long đang ấp ủ một giấc mơ dài, mà có lẽ, anh là người Chăm của Tây Nguyên đầu tiên dám nghĩ và dám bỏ toàn bộ thời gian, sức khỏe và tiền bạc thực hiện ước mơ tưởng như rất xa xôi ấy: thành lập một... nghĩa địa voi.
Cùng một lúc, Đàn Năng Long giữ trong mình rất nhiều nhiệm vụ: thầy thuốc chữa voi, người làm văn hóa về voi... ngay giữa buôn làng mà anh đã gắn bó suốt cuộc đời...
Trong cuộc đời của một gru, Đàn Năng Long đã hai lần làm đám tang cho hai chú voi nhà của chính gia đình mình. Với anh, “đấy không phải là đám tang một con vật, nó là lễ đưa tiễn một người thân về với đại ngàn của gia đình mình!”. Bởi, một chú voi rừng, tuổi thọ trung bình của nó trên dưới 80 tuổi, tương đương với số năm sống của một con người.
Năm 2005, con voi Trút đầu đàn của gia đình Đàn Năng Long chết vì tuổi già. Khi đó, Trút vừa bước sang tuổi 89.
Đàn Năng Long kể: hôm đó, Trút vừa chở khách lội hồ Lắc (huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc) sau một vòng đưa khách đi thăm buôn làng. Vừa lên tới bờ, con voi già đuối sức, nó bỗng rùng mình cảm lạnh, rồi hai chân trước khuỵu xuống. Nó rống lên thảm thiết rồi ngã lăn xuống đất. Rất may, hai vị khách đã được người nài voi hướng dẫn thoát khỏi ghế bành...
Con voi già nằm im trên mặt đất. Dường như nó biết trước số mệnh của mình đã kiệt, nó chỉ nằm thở khó nhọc, nước mắt trào ra từ khóe mắt. Đàn Năng Long lo lắng, nghĩ rằng con voi già trở bệnh. Anh cố gắng nhỏ thuốc, xoa dầu nóng, lấy mật gấu xoa bóp cho con voi nhà đã gắn bó với cả gia đình trong cả một thời gian dài.
Thuốc không cứu được Trút. Thầy cúng Gio Triêng (người Mơ nông) được mời tới để cúng cầu xin thần rừng ban sức khỏe và sự sống cho Trút. Lễ cúng đơn giản theo phong tục chỉ có cháo hoa ngay tại bãi đất trống của khu du lịch. Hơn một giờ đồng hồ sau, Trút ngừng thở.
Trong thời gian Trút nằm im bất động trên mặt đất, cả buôn làng đã không giữ được nước mắt khi voi Bách Khăm (chú voi đực mới được làm lễ cưới với Trút hai năm trước đó) quỳ bên bạn tình cả tiếng đồng hồ.
Tình yêu của loài động vật đã mách bảo Bách Khăm rằng bạn tình của nó không thể sống được, để tiếp tục cùng nó rong ruổi chở khách khắp buôn làng, hay cùng với nó lội hồ Lắc, vào rừng kéo gỗ như ngày xưa...
Đám tang voi Trút được cử hành dưới sự chứng kiến của cả buôn. Những nài voi, thợ voi.. mặc trang phục truyền thống của người Mơ nông. Thầy cúng Gio Triêng thực hiện các nghi lễ của đám ma voi, đọc những câu thần chú để voi ra đi được an lành, cầu xin sự bình yên cho những con voi còn sống.
Xác voi Trút được đưa ra chôn tại bìa rừng. Người ta đào một cái hố lớn đưa Trút vào đó. Những ngày đầu, Đàn Năng Long đã phải dựng một cái lán cạnh mộ voi Trút để trông giữ, sợ kẻ xấu đến đào lấy xương Trút mang đi.
Hai năm sau, lại đến lượt con voi đực Bách Khăm bị động tình rơi xuống vực chết. Không phải nói cũng có thể hiểu được Đàn Năng Long buồn tới mức nào. Cả buôn Jun lại im lặng đưa xác voi Bách Khăm chôn cạnh mộ voi Trút.
Đàn Năng Long buồn rầu: “Hai năm liền mất đi hai thớt voi đầu đàn, chưa nói tới sự thiệt hại cả một gia tài lớn, mà đấy là nỗi buồn của cả buôn. Người Tây Nguyên gắn bó với voi rừng từ thuở bé. Một thớt voi sống với người ngót một thế kỷ, chứng kiến bao nhiêu biến động trong cả gia đình. Nó không chỉ là con vật nuôi trong nhà, mà nó còn là một thành viên trong gia đình!”.
Đàn Năng Long cho biết, trước, một con voi chết, người ta để nguyên cả ngà đem chôn, và thường để cặp ngà voi nhô lên khỏi mặt đất, như là một cái bia mộ của chính con voi đó. Thế nhưng bây giờ, ngay đến bộ xương voi còn bị kẻ xấu tìm mọi cách để đào trộm, gia đình phải chặt giữ lại bộ ngà voi khi voi chết. Đấy cũng là biện pháp để kẻ xấu không đào trộm mộ voi.
Theo Đàn Năng Long, một chú voi bé (voi giống) rừng vừa bẫy được, giá của nó là 80 triệu đồng/con. Những voi trưởng thành, giá dao động từ 200-300 triệu đồng/thớt voi. Đấy là khó khăn lắm mới tìm mua được. Ngay những con voi nhà, nếu như không biết cách chăm sóc, chúng cũng dễ dàng bị ngã bệnh hay xuống sức, khiến chúng gầy trơ xương và xấu mã.
Để cứu đàn voi nhà hiếm hoi còn sót lại, Đàn Năng Long đã chủ động nhận chữa bệnh không công cho những chú voi ốm yếu. Dù voi ở bản xa cỡ nào, nếu gia đình biết tìm đến Long để nhờ anh chữa, anh cũng không nề hà. Tự tay Đàn Năng Long đã vực khỏe cho không dưới chục thớt voi nhà trong khắp buôn Jun, buôn Liên của vùng voi Lắc rộng lớn. (VietnamNet 29/7) đầu trang(
Nhẹ thì đất bị xói mòn, nặng thì đất bị sạt lở, bị trượt lở…Các nhà khoa học gọi đây là những biểu biện điển hình của tai biến địa chất vùng Tây Nguyên vốn đang diễn ra hết sức phức tạp trong mùa mưa hiện nay.
Trong nhiều nguyên nhân, không thể không nói đến mức độ phá rừng trầm trọng đã để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái vùng Tây Nguyên.
Theo ghi nhận của phóng viên thời sự, chỉ ở vùng rừng thông tỉnh Lâm Đồng- nơi được xem là mái nhà che chở cho cả vùng Đông Nam bộ, vậy mà trong mùa mưa này, tình trạng phá rừng lấy đất trồng cà phê vẫn dai dẳng.
Chính những người phá rừng là những người đầu tiên gánh chịu những thiệt hại trong canh tác do tai biến địa chất. (VTV Phú Yên 28/7) đầu trang(
Trước tình trạng người dân đổ xô vào rừng chặt cây, tận thu quả ươi trái phép, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng quyết liệt kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng chặt cây, mua bán, vận chuyển quả ươi tươi trái phép trên địa bàn.
Đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhiều đối tượng về hành vi khai thác, vận chuyển quả ươi trái phép, phạt tiền gần 900 triệu đồng, tịch thu hơn 10 tấn quả ươi. Tổng số tiền xử phạt và tiền bán tang vật nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng.
Ông Từ Văn Khánh, Trưởng phòng quản lý và bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: Trước việc tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển ươi trái phép, tình hình trên địa bàn đã tạm lắng xuống.
Tuy nhiên, để công tác bảo vệ rừng mà cụ thể ở đây là cây ươi có hiệu quả thiết thực, Chi cục Kiểm lâm đang tiến hành bàn giao những khu vực rừng có cây ươi cho cộng đồng địa phương sở tại quản lý, khai thác ươi bay nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và công tác bảo vệ rừng mang tính bền vững hơn. (Công An TP Đà Nẵng 29/7) đầu trang(
Việt Nam hiện có hơn 620 cây di sản với tuổi thọ trung bình từ 200 đến 300 năm được vinh danh tại nhiều địa phương. Phần lớn cây di sản được công nhận đã bị những công trình kiến trúc, nhà ở bao vây; bị ảnh hưởng hóa chất độc hại và sự tàn phá của thiên nhiên làm cho héo úa, chết khô…
Vì vậy, việc bảo tồn các loại cây di sản đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam đưa ra bàn luận trong hội thảo Chăm sóc cổ thụ - cây di sản Việt Nam diễn ra tại TP Đà Nẵng ngày 28-7.
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, nhiều cây di sản có tuổi thọ rất cao như cây trôi 700 tuổi (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), cây đa Sơn Trà 800 tuổi (TP Đà Nẵng), cây thị 1.000 tuổi (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội)…
Ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, cho biết hầu hết các cây di sản ở nước ta bị nhiều sâu bệnh, già cỗi, mục thân, gãy cành, nhiều nấm ký sinh. Phần lớn cây di sản được công nhận bị các công trình kiến trúc, nhà ở lấn chiếm không gian sống, phía trên bị chặt, phía dưới bị tổn thương rễ do các công trình ngầm mở rộng. Một số nơi đất đai bị nhiễm độc do dùng hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu làm hệ rễ chết khiến cây chết khô như các cây muỗm ở đền Voi Phục (phường Thụy Khê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội).
Ngoài sự tàn phá của thiên nhiên đối với những cây di sản, ông Cường cũng đề cập vấn đề xâm hại của con người, chẳng hạn: trèo lên hái quả, bắt chim, khắc tên lên thân cây… Đó là những lý do khiến cây đa Cổ Loa biến mất cách đây hơn 20 năm. Tại Hà Nội, nhiều cổ thụ ngay trong đình, đền, chùa bị nhà dân chèn ép, các công trình ngầm lấn át làm chết dần chết mòn.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, cho rằng chăm sóc, bảo tồn cây di sản có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao các giá trị văn hóa, lịch sử ở các di tích, địa phương, mang lại thông điệp môi trường trong sạch và vững mạnh. Theo ông Sinh, hiện nay, rất nhiều cây di sản được công nhận đang rơi vào tình trạng chết dần chết mòn nên rất cần những biện pháp bảo vệ đúng đắn.
PGS-TS Phạm Quang Thu, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nhìn nhận chăm sóc cây di sản là một việc không dễ dàng. Nếu chăm sóc không hợp lý thì có thể làm thay đổi tình trạng của cây.
Việc chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ giúp cây khỏe mạnh và chống chịu được sâu bệnh, kéo dài tuổi thọ. Điển hình, cây táu 2.200 tuổi ở Phú Thọ đã được cứu sống nhờ tháo dỡ kịp thời lớp bê-tông đè lên rễ khiến cây héo ngọn rồi lan ra cành.
Trong khi đó, ông Lê Quý Tuệ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, nhấn mạnh chăm sóc cổ thụ là việc lâu dài và không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như mong đợi.
Hiện tại, Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam đang rà soát lại tất cả cổ thụ và cây di sản có giá trị trên cả nước để có kế hoạch chăm sóc, bảo vệ.
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, nhiều cây di sản quý giá trên cả nước đã chết. Trong năm 2013 - 2014, có đến 7 cây muỗm ở đền Voi Phục chết do vôi vữa, gạch ngói đổ đầy gốc làm chúng “nghẹt thở”.
Tại tỉnh Thanh Hóa, cây gạo ở huyện Thọ Xuân sau khi được công nhận là cây di sản, các cụ trong làng cho xây bệ đỡ, đổ đất thêm vào gốc. Vài tháng sau thì cây chết dần, chỉ còn lại phần thân. (Người Lao Động 29/7, tr11; Tiền Phong 29/7, tr5) đầu trang(
27-7, UBND tỉnh Kon Tum cho biết đã ban hành Quyết định 747/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đến năm 2020, với mục tiêu nhằm bảo vệ toàn vẹn nguồn tài nguyên rừng hiện có trong phạm vi diện tích được giao; xây dựng giải pháp đồng bộ cho các hoạt động bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, khai thác hợp lý những giá trị về tài nguyên thiên nhiên đảm bảo bền vững về kinh tế-xã hội và môi trường.
Theo đó, quy hoạch ổn định ranh giới và diện tích Vườn Quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2014-2020 là 56.003 ha. Tổng vốn đầu tư là 448,118 tỷ đồng từ các nguồn vốn: ngân sách nhà nước, liên kết với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, viện trợ của các tổ chức quốc tế, vốn tự có.
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (thuộc địa bàn huyện biên giới Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) không chỉ là Vườn Quốc gia mà còn là Di sản Đông Nam Á. (Báo Gia Lai 28/7; Công An Nhân Dân 29/7, tr4; Thanh Niên 29/7, tr2) đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tổ chức hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã tới dự và chỉ đạo.
Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP xảy ra 10 vụ cháy rừng với diện tích 9,35 ha, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2013, không xảy ra tình trạng phá rừng.
Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm luôn chú trọng công tác tập huấn, tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, xử lý 59 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, nộp ngân sách Nhà nước trên 1,2 tỷ đồng. Chi cục cũng tiến hành kiểm tra, quản lý 317 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã; chuyển giao 2 cá thể gấu và 1 cá thể vượn đen má trắng đến Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã của TP...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đề nghị Chi cục Kiểm lâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị, đặc biệt là Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT) tiến hành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại diện tích rừng hiện có, từ đó xây dựng bản đồ chi tiết phục vụ công tác quản lý, quy hoạch rừng đồng bộ.
Xây dựng đề án, kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng trong 5 năm có phân kỳ cụ thể. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, đề án đã được phê duyệt. Tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn TP. Đặc biệt, coi trọng công tác phòng cháy chữa cháy rừng...(Nông Nghiệp Việt Nam 29/7, tr19) đầu trang(
28-7, tại TP Lào Cai, ngành nông nghiệp bốn tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và Hà Giang đã ký cam kết phối hợp bảo vệ rừng khu vực giáp ranh.
Theo đó, thống nhất quy chế phối hợp bảo vệ rừng khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, bao gồm 12 điều, khoản. Mục tiêu chính là vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng.
Tại các khu vực rừng giáp ranh tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, cắm chốt để ngăn chặn việc phát rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả. (Nhân Dân 29/7, tr2) đầu trang(
28-7, tại TP Đà Lạt diễn ra hội nghị tham vấn kỹ thuật xây dựng khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) LangBiang, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
Dự kiến, khu DTSQ LangBiang có diện tích gần 260 nghìn ha. Trong đó, vùng lõi nằm ở vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái), diện tích hơn 56 nghìn ha; vùng đệm hơn 85 nghìn ha và vùng chuyển tiếp hơn 117 nghìn ha.
Theo tài liệu, vùng lõi - Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà - Trung tâm bảo tồn quốc gia về đa dạng sinh học có 127 loài động, thực vật quý hiếm trong sách đỏ, trong tổng số hơn hai nghìn loài thực vật và gần 400 loài động vật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, TS. Phạm S cho rằng; “Đây là khu vực có tiềm năng rất lớn về đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, giáo dục, hợp tác quốc tế và tiềm năng về lịch sử, văn hóa… Do đó, chúng ta phải thực hiện nguyên tắc bảo tồn - phát triển”.
“Giá trị của khu DTSQ LangBiang là sự kết nối văn hóa với vùng Tây Nguyên và sử dụng văn hóa để bảo tồn thiên nhiên, thể hiện triết lý “con người với thiên nhiên”, nhưng mang màu sắc bản địa… Đó chính là ý tưởng nằm trong hồ sơ xây dựng” - GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam cho biết.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cùng chuyên gia quốc tế đã tổ chức điều tra, khảo sát, cập nhật thông tin dữ liệu phục vụ xây dựng nội dung hồ sơ; xây dựng bản đồ khoanh vùng; tham mưu thành lập ban chỉ đạo; dự thảo logo khu DTSQ LangBiang; tổ chức hội thảo quốc tế để làm rõ các luận cứ khoa học… Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đăng ký với Ủy ban quốc gia UNESCO và UNESCO thế giới về khu DTSQ này.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới sẽ rà soát và phân công cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện quyết liệt hơn; đẩy mạnh công tác truyền thông, tiến hành đồng thời vừa khai thác giá trị thiên nhiên, văn hóa, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế và hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO thế giới công nhận khu DTSQ LangBiang - khu DTSQ thứ 9 tại Việt Nam, vào tháng 9-2014. (Nhân Dân 28/7) đầu trang(
Gần 2 năm qua, mặc cho ông Hoàng Ngọc Trà, thương binh 3/4, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân và hàng chục người dân ở Hà Tĩnh nhiều lần đội đơn kiến nghị kêu oan cho em Hoàng Văn Vững vì những số liệu “áng chừng” của Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Nghi Xuân mà 2 cấp tòa kết án 5 năm 6 tháng tù, bồi thường 67.091.167 đồng đối với tội vô ý làm cháy 1,6ha rừng quy hoạch phòng hộ.
Nhóm phóng viên miền Trung Báo Người cao tuổi đã điều tra phản ánh sự việc này…Bản cáo trạng số 40/CTr-KSĐT ngày 8/10/2012 do Viện trưởng Viện KSND huyện Nghi Xuân Đoàn Minh Quyền kí và Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2012/HSST ngày 22/11/2012 của TAND huyện Nghi Xuân do Thẩm phán Bùi Quang Năng kí thể hiện:
Vào khoảng 6 giờ ngày 18/7/2012, Hoàng Văn Vững, sinh ngày 10/11/1993 ở thôn 1, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh lên núi Khe Dọc xã Cổ Đạm để bẫy chim… Đến khoảng 10 giờ cùng ngày Vững đã bẫy được 3 con chim đầu chao đem vặt lông và nhóm lửa nướng để ăn cùng mì tôm cho đỡ đói.
Trong khi đang nướng chim thì nghe tiếng chim khiếu hót phía dưới núi, Vững đặt 3 con chim đang nướng dở lên than và chạy xuống nơi đặt bẫy để kiểm tra nhưng không thấy con chim nào mắc bẫy.
Do trời nắng nóng, Vững ngồi nghỉ trong bụi cây và bị ngủ quên cho đến lúc thấy nóng và nghe tiếng nổ lốp bốp, tỉnh dậy thì lửa đã cháy lan từ nơi nướng chim ra xung quanh. Vững vội dùng dao chặt cây để dập lửa nhưng đám cháy càng lan rộng không thể dập được nên bỏ chạy về sườn núi phía Tây trốn, đến khoảng 20 giờ cùng ngày về nhà và thú nhận việc làm của mình… Ngày 25/7/2012, Vững tìm lại được chiếc bật lửa bị rơi bên sườn núi nộp lại cho Cơ quan Điều tra…
Thế nhưng Cơ quan CSĐT, Viện KSND huyện Nghi Xuân và Tòa sơ thẩm, phúc thẩm địa phương sở tại cho rằng: “Do thiếu ý thức bảo vệ rừng, Hoàng Văn Vững đã không thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy vi phạm các hành vi bị cấm trong rừng, làm cháy 59.994m2 rừng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng – xử phạt Vững 5 năm 6 tháng tù, bồi thường 67.091.167 đồng theo khoản 3 Điều 240 Bộ luật Hình sự – vượt quá tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự: 1. “Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự số 39/KLĐT ngày 3/10/2012 do Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra Công an huyện Nghi Xuân – Thượng tá Trần Văn Anh kí nêu: “Hiện trạng rừng bị cháy thuộc khoảnh 6, tiểu khu 93 địa phận xã Cổ Đạm. Diện tích bị cháy 59.940.000m2; đối tượng rừng: Quy hoạch rừng phòng hộ trong đó diện tích có rừng (thông + keo): 45.000.000m2, năm trồng 2004 – 2005. Diện tích rừng bị cháy có khả năng phục hồi 26.000.000m2; rừng bị thiệt hại 18.200.000m2; số cây bị cháy là 2.372 cây; số cây không có khả năng phục hồi là 660 cây (thông 517cây, keo 143 cây)”…
Với số liệu này, Cơ quan Quản lí rừng phòng hộ Hồng Lĩnh yêu cầu bị can phải bồi thường thiệt hại  59.331.167 đồng; UBND xã Cổ Đạm yêu cầu phải bồi thường thiệt hại liên quan đến việc chữa cháy là 7.760.000 đồng. Thế nhưng khi ông Hoàng Ngọc Trà (bố bị can) đọc bản kết luận, ông biết diện tích rừng bị cháy không những sai lệch cơ bản so với thực tế mà còn được nâng từ con số hàng nghìn lên hàng triệu.
Ông đã trực tiếp gặp lãnh đạo Cơ quan CSĐT đề nghị sửa lại con số trong văn bản và đo lại diện tích rừng bị cháy nhưng không được chấp nhận. Bức xúc về sự việc này, ông Trà đưa Bản kết luận điều tra cho bà con thôn xóm xem, nhiều người dân lao động trực tiếp tham gia dập lửa, đã sững sờ tròn cả mắt và nói rằng: Rừng bị cháy khoảng hơn 1,6ha, sao họ lại cho là 5.994ha? Không biết Cơ quan CSĐT dựa vào đâu mà đưa ra con số khủng khiếp như vậy?
Mặc dù con số diện tích rừng bị cháy trong cáo trạng của Viện trưởng Viện KSND huyện Nghi Xuân được sửa còn 59.994m2, nhưng Viện trưởng Viện KSND huyện Nghi Xuân vẫn coi diện tích có rừng là 45.000.000m2, diện tích rừng bị cháy có khả năng phục hồi là 26.000.000m2 để  kết tội cho bị can vi phạm Nghị định quy định về phòng cháy chữa cháy rừng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3 Điều 240 Bộ luật Hình sự, đề nghị phạt tù Vững vượt quá khung hình phạt luật quy định.
Tại phiên sơ thẩm, TAND huyện Nghi Xuân không chỉ “phô-tô” lại số liệu trong bản cáo trạng mà còn quy cho Vững tội làm cháy “rừng quy hoạch phòng hộ” sang “cháy rừng phòng hộ” từ trên 5.000m2 đến 7.500m2. Áp dụng khoản 3 Điều 240, điểm b, p khoản 1 Điều 46, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Hoàng Văn Vững 5 năm 6 tháng tù, bồi thường 67.091.167 đồng mà không áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Ngày 24/1/2013, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Hà Tĩnh do Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Phan Thanh Hoài, các Thẩm phán Trần Thị Thu Hiền, Phan Thị Hồng Phượng vẫn y án sơ thẩm mặc dù bị cáo, thân nhân và bà con nhân dân ở xã Cổ Đạm đồng loạt kêu oan và đề nghị đo lại diện tích rừng bị cháy nhưng không được chấp nhận.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lan, vợ ông Tống Chí Nguyện, chủ hộ bảo vệ rừng cho biết “phần rừng nhà tôi chỉ bị cháy hơn 1ha”; ông Phan Văn Tấn (hộ có diện tích rừng bị cháy) khẳng định “rừng nhà tôi bị cháy khoảng 0,6ha”. Các ông Trần Văn Niêm, người nhận bảo vệ rừng gần với hai hộ nói trên khẳng định rằng: “Chính tôi trực tiếp cùng ông Tấn và cha con ông Trà dùng thước dây 50m đi đo từng vùng cháy trên núi, cả thảy có 17 vùng tổng cộng lại chỉ 16.005m2 nhưng tại sao các tổ chức, cá nhân liên quan lại cho là 59.994m2 để phạt tù Vững với hình phạt cao như vậy?”.
Ông Phan Công Thành, Trưởng Công an xã Cổ Đạm nói: “Tôi được tham dự khám nghiệm hiện trường, nhưng thực tế hôm đó trời nắng nóng, áp huyết bị tăng cao nên khi đến Khe Dọc thì ở lại. Tôi không đo và không biết diện tích rừng bị cháy thực tế là bao nhiêu, cũng không kí vào biên bản khám nghiệm hiện trường”.
Khi gọi điện nói chuyện với ông Nguyễn Trung Thông, cán bộ kĩ thuật Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân để tìm hiểu cách xác định diện tích rừng bị cháy thì ông Thông miễn cưỡng trả lời: “…đo bằng dây”, “…đo bằng máy”, sau đó lại… “đo cả bằng dây và bằng máy”. Ông Trà gặng hỏi: Các anh đo bằng máy loại gì, của ai thì ông Thông trả lời đo bằng… máy định vị tọa độ?
Ông Hoàng Văn Trà khẳng định: Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập vào hồi 10 giờ 30 ngày 19/7/2012 xác định 6 vùng cháy có kích thước thật là “vuông thành, sắc cạnh”: (15x20m; 5x20m; 4x10m; 20x80m; 150x200m; 155x180m) với tổng diện tích 59.994m2, kết thúc vào hồi 12 giờ cùng ngày do đại diện Cơ quan CSĐT, Viện KSND, Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lí rừng phòng hộ kí là không có cơ sở, trái với diện tích thực tế rừng bị cháy.
Như đã phân tích ở trên, các cơ quan liên quan và hai cấp Tòa xét xử đã lấy số liệu “áng chừng”, “áp” cho Hoàng Văn Vững “phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 240 Bộ luật Hình sự mà không áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào mặc cho Vững đã có ít nhất ba tình tiết. “Bị can tự nguyện bồi thường thiệt hại và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Vững đã chặt cành cây dập lửa nhưng đám cháy đã lan rộng không thể dập được” thuộc khoản a, b và p Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Điều 47 Bộ luật Hình sự quy định bị can được giảm nhẹ hình phạt “Khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự”. Bởi vậy, nếu như diện tích rừng bị cháy là có thật và nằm trong khoảng 5.000m2 đến 7.500m2 thì Vững cũng chỉ bị “… phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm” theo khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự.
Từ một bản án bị hai cấp tòa xét xử thiếu công minh, dư luận bất bình, báo chí đã phản ánh và được nhiều người đồng loạt kêu oan kể cả Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương cũng nói rằng: “Khi bị cáo yêu cầu xác định lại diện tích rừng bị cháy, Tòa phúc thẩm hoàn toàn có thể sửa án theo hướng giảm nhẹ tội hoặc chuyển khung hình phạt thấp hơn…
Nếu thận trọng hơn tòa cũng có thể hủy án sơ thẩm để yêu cầu điều tra xét xử lại từ đầu vì vi phạm tố tụng trong việc xác định chứng cứ… không nên máy móc áp dụng các quy định của pháp luật cứng nhắc để góp phần hủy hoại tương lai một con người.
Bao nhiêu mơ ước, hi vọng của bản thân và gia đình Vững còn đang ở phía trước giờ bị lu mờ bởi một bản án tù không đáng. Mức án năm năm sáu tháng tù với em là quá nặng, em không đáng phải nhận sự trừng phạt cao như vậy” thế mà đến nay các cơ quan tham gia tố tụng vẫn làm ngơ. (Người Cao Tuổi 29/7) đầu trang(
28/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Phó Giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Phương Linh Đắk Nông Hoàng Trọng Hiếu (SN 1968, trú tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) về tội "Hủy hoại rừng".
Theo hồ sơ điều tra, vào năm 2012, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã thực hiện liên doanh liên kết để triển khai thực hiện các dự án bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây cao su với Công ty TNHH Phương Linh do bà Lê Thị Phương làm Giám đốc.
Tuy dự án chưa được Ủy ban nhân tỉnh Đắk Nông phê duyệt, cấp phép hợp đồng liên doanh liên kết, nhưng với cương vị là Phó Giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hoàng Trọng Hiếu đã tự ý thuê Doanh nghiệp tư nhân Hùng Lĩnh và công ty TNHH Đĩnh Nghệ… thực hiện san ủi, khai thác trái phép hơn 39 ha rừng sản xuất tại Tiểu khu 1507 thuộc lâm phần Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Tín quản lý, gây thiệt hại gần một tỷ đồng, đều nằm trong khu vực khoanh nuôi bảo vệ, cấm khai thác.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ xử lý đúng theo quy định pháp luật. (Tin Tức 29/7; Thanh Tra 29/7, tr3) đầu trang(
Thương lái tìm đến các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… thu mua hạt cây bo bo để bán qua Trung Quốc.
Với giá từ 30 – 40 ngàn đồng/kg hạt khô nên người dân đổ xô vào rừng khai thác, một số nơi tự phát phá rẫy, đất rừng trồng cây bo bo khiến diện tích tăng lên rất nhanh.
Xã Huồi Tụ, Mường Lống là xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Kỳ Sơn. Ngoài chăn nuôi, trồng trọt các cây lương thực như lúa, ngô, thời gian gần đây người dân các xã vùng cao này còn trồng thêm cây bo bo. Theo ông Dềnh Bá Lồng – Phó chủ tịch UBND xã Huồi Tụ thì cây bo bo cho thu nhập cao mà lại không tốn công chăm sóc, chi phí phòng trừ sâu bệnh.
Ngoài diện tích mọc tự nhiên trong các cánh rừng thì người dân trong xã đã trồng thêm được 30-40 ha. “Mấy năm nay đến mùa thu hoạch là thương lái tìm đến tận nhà thu mua chứ không phải vận chuyển vất vả đi đâu cả. Giá hạt bo bo cao, trồng và chăm sóc lại dễ nên đồng bào người Mông, Khơ Mú rất thích”- ông Lồng cho biết thêm.
Cây bo bo không chỉ có mặt ở huyện Kỳ Sơn mà còn mọc và trồng rất nhiều ở các huyện miền núi Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong… Do thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu miền núi nên loài cây này phát triển rất nhanh, diện tích tăng lên hàng năm.
Ông Lưu Đức Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho biết: Trong năm 2013 tổng diện tích cây bo bo tại xã Tây Sơn là 77,36 ha, tổng sản lượng thu được là gần 38 tấn, khoảng 950 triệu đồng.
Cứ vào hai tháng 7- 8 dương lịch, thương lái từ thị trấn Mường Xén lại tìm đến các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Na Loi, Đoọc Mạy, Keng Đu, Tây Sơn, Bảo Nam… của huyện Kỳ Sơn để tìm mua hạt bo bo. Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ một đại lý thu mua hạt bo bo ở thị trấn Mường Xén cho biết: Trung bình mỗi năm chị thu mua khoảng 50 đến 70 tấn hạt bo bo. Sau khi thu mua đủ chuyến hàng, chị nhập cho các thương lái Trung Quốc.
Tuy nhiên khi được hỏi thương lái Trung Quốc thu mua hạt cây này để làm gì thì chị cười cho hay: “Tôi cũng chỉ nghe nói người ta dùng hạt này làm thuốc chữa bệnh hay chế biến làm gia vị gì đó chứ cũng không tường tận lắm”. (Lao Động 28/7, tr1) đầu trang(
Cơn sốt săn lùng hạt ươi, một loại hạt cây rừng mà nhiều người cho rằng có tác dụng chữa bệnh, không chỉ khiến nhiều cây rừng bị tàn phá mà còn dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc khiến người khai thác mang thương tật nặng nề và thậm chí là phải trả giá bằng cả sinh mạng.
Vượt qua bao vòng kiến soát của cơ quan chức năng, nhiều người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn cố xâm nhập vào các khu rừng để khai thác Ươi, bất chấp nguy hiểm luôn chực chờ.
Hiện nay, tình trạng người dân xâm nhập vào rừng khai thác Ươi đang rộ lên ở nhiều tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định...
Việc hạ cây để thu hoạch quả của những đối tượng vi phạm đã làm nhiều diện tích rừng bị tàn phá. Tám người đã bị thiệt mạng do bị cây đè và hàng chục người khác bị thương.
Thế nhưng, cơn sốt thu mua hạt Ươi vẫn khiến nhiều người tìm đủ mọi cách nhằm lọt qua vòng kiểm soát của lực lượng chức năng để xâm nhập vào rừng. Thực trạng trên rất cần sự nhanh tay vào cuộc của các ngành chức năng để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. (Truyền Hình Công An Nhân Dân 27/7) đầu trang(
Được săn mua nhiều nhất là sim rừng Phú Quốc do quả mọng, lớn, có vị đậm, thường cho quả quanh năm do thời tiết nắng nóng ổn định. Tuy được xem là đặc sản nhưng sim rừng tự nhiên ở đây khá hiếm, rất ít người bản địa biết nơi tìm hái.
Được xem là loài cây với cả lá, hoa, quả, thân, rễ có tác dụng chữa bệnh, sim xuất hiện nhiều tại các cánh rừng khu vực trung du miền núi phía Bắc, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Ngãi hay tại các vùng đảo như Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo.
Đang cuối vụ nên giá sim rừng bán tại Hà Nội qua các shop online hiện dao động ở mức khá cao, từ 35.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, thậm chí là 100.000 đồng/kg với sim đặc sản Phú Quốc.
Mua tại đảo, giá sim Phú Quốc là 50.000 đồng/kg, nhưng khi về đến Hà Nội, loại quả này được bán với mức 100.000 - 120.000 đồng/kg
Theo chị Nguyễn Hà, một chủ cửa hàng bán đặc sản online tại đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, giá sim rừng năm nay đắt gấp vài lần so với năm ngoái là do lượng cung hàng rất ít.
"Khoảng đầu tháng 6, giá sim miền Bắc và miền Trung chỉ khoảng 25.000 đồng/kg do quả nhỏ, chất lượng không cao. Nhưng vào chính vụ, mỗi lần lấy hàng tôi chỉ đặt được khoảng 15 - 20kg, cộng với tiền vận chuyển nên giá về tới Hà Nội đắt hơn nhiều so với trước. Năm ngoái, có lúc giá sim rừng mua tại gốc chỉ 10.000 - 12.000 đồng/kg, nhưng năm nay không còn giá này nữa", chị Hà cho biết.
Được săn mua nhiều nhất là sim rừng Phú Quốc do quả mọng, lớn, có vị đậm, thường cho quả quanh năm do thời tiết nắng nóng ổn định. Tuy được xem là đặc sản nhưng sim rừng tự nhiên ở đây khá hiếm, rất ít người bản địa biết nơi tìm hái.
Vốn là loài cây bụi, mọc sâu trong rừng tại những khu vực nhiều nắng và đất khô, lại dần bị thay thế bởi rừng trồng đặc hữu nên vùng sim tự nhiên giảm mạnh, một người đi tìm hái vào đúng mùa cũng chỉ được khoảng 3 - 4kg mỗi ngày. Nguồn hàng còn lại được mua từ các trang trại sim, sau khi chủ vườn đã bán đổ buôn cho các cở sở sản xuất rượu vang hay mật sim.
Theo các chủ cửa hàng, hiện giá sim Phú Quốc mua tại chợ trên đảo đã là 50.000 đồng/kg, nhưng nếu đưa được về Hà Nội thì giá bán phải lên tới 100.000 đến 120.000 đồng/kg.
"Ở Hà Nội bán chủ yếu là sim miền Trung, miền Bắc, chứ sim Phú Quốc hiếm lắm vì đã là cuối vụ chính trong năm. Người dân bản địa đã thu mua gần hết sim để ủ mật, làm đồ uống đóng chai, chỉ một số rất ít bán ra ngoài", chủ một shop bán hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ chia sẻ.
Tại Việt Nam, sim rừng chủ yếu thuộc giống hồng sim, hoa màu đỏ và quả thuôn dài, màu tím, trong khi sim tại một số nước như Úc, Mỹ lại thuộc giống tiểu sim, hoa trắng, quả tròn, có màu xanh đen, và thường được gọi với tên việt quất.
Tuy nhiên, so với giá sim tại Việt Nam, sim (việt quất) nhập khẩu từ các thị trường này có mức giá rất đắt đỏ, thông thường từ 2,7 đến 3 triệu đồng/kg do sản phẩm được trồng trong các trang trại theo phương pháp công nghiệp và khắt khe về kỹ thuật. (Dân Trí 27/7) đầu trang(
Theo Ban chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai, tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2014 vẫn tiếp tục giữ vững ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực, bảo vệ chặt chẽ trên 162.000 ha diện tích rừng hiện có.
Trong đó gồm: gần 120.000n ha rừng tự nhiên và trên 42.000 ha rừng trồng. Về công tác trồng rừng mới, toàn tỉnh đã trồng mới gần 230 ha…
Để công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới đạt kết quả cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức.
Đồng thời rà soát kiện toàn lại ban quản lý rừng để không xảy ra tình trạng móc nối với bên ngoài, cung cấp các phương tiện cho lực lượng bảo vệ rừng. Đối với dự án di dời dân nếu có vướng mắc phải báo cáo với UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ. (Đài PTTH Đồng Nai 26/7) đầu trang(
Nhắc đến thôn Bản Lọt, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng như là một trong những điểm sáng về phong trào bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư của tỉnh Lào Cai.
Có thôn chỉ có 185 hộ, nhưng có tới 245ha rừng, có nghĩa trung bình mỗi hộ gia đình có 1,5ha rừng, con số này chính là thành quả sau 30 năm với biết bao mồ hôi, công sức của người dân nơi đây đã đổ xuống, nhằm bảo vệ từng tất đất rừng này. Thế nhưng ít ai biết rằng để có cánh rừng ngày càng trù phú như ngày hôm nay, bà con nơi đây đã phải đổ biết bao công sức, mồ hôi và nước mắt.
Trước năm 1979 đây là khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ quý, cả chục người ôm không xuể như đinh, sến, lát, sau chiến tranh biên giới, cánh rừng nguyên sinh của thôn Bản Lọt bị tàn phá nặng nề bởi nạn khai thác lâm sản trái phép và bởi một phần bị cháy rụi, từ ngày cánh rừng trở thành những quả đồi trọc, nguồn nước tưới tiêu vì thế cũng cạn dần, cuộc sống của bà con gặp vô vàn khó khăn bởi luôn thiếu nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, thế rồi cuối năm 1982 một cuộc cách mạng để trả lại màu xanh cho rừng đã được bắt đầu với sự đồng lòng của đồng bào nơi đây, một hương ước cũng được xây dựng để bảo vệ lấy những mầm non đang đâm chồi trên những tán rừng bị tàn phá trước kia.
Tại những triền đồi bà con cho trồng những cây có giá trị kinh tế như mỡ, keo, bồ đề, rồi cùng với sự giúp sức của các dự án 661, dự án rừng phòng hộ, những cánh rừng ở Bản Lọt đã xanh trở lại...(Radio VN 27/7) đầu trang(
Trong vài năm gần đây, lực lượng Hải quan đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ngà voi, vẩy tê tê có nguồn gốc châu Phi qua các cảng biển tại miền Bắc. Phải chăng Việt Nam đang trở thành điểm tập kết, trung chuyển, tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã bị cấm buôn bán thương mại?
Mới đây, ngày 25/7, Đội 1 (thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu) đã chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Tp.Hải Phòng phát hiện, bắt giữ hơn 1,4 tấn vẩy tê tê nhập lậu. Đây là mặt hàng thuộc danh mục động vật và các sản phẩm từ động vật hoang dã bị cấm buôn bán, vận chuyển theo Công ước CITES.
Lô hàng này được cất giấu trong 2 container cá trích khô, vận chuyển từ cảng Freetow (Sierra Leone, châu Phi) về cảng Hải Phòng. Đơn vị nhận hàng - Công ty CP Thương mại XNK Cẩm Giang (trụ sở tại Tp.Móng Cái, Quảng Ninh) khai báo hàng hóa gồm 56 bao tải cá trích khô với tổng trọng lượng 1.960kg.
Thực tế, dưới lớp mỏng cá khô dùng để ngụy trang là 1,4 tấn vẩy tê tê của 2 loài tê tê châu Phi bị cấm buôn bán. Ước tính, lô hàng có giá trị vài tỷ đồng và có khoảng 10.000 con tê tê bị sát hại để lấy vẩy. Đây là một trong những vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã lớn nhất từ đầu năm 2014 đến nay. Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, sau khi vụ việc bị phát hiện, Công ty Cẩm Giang lập tức có công văn từ chối nhận lô hàng. Hiện, cục này đã quyết định tạm giữ toàn bộ lô hàng, tiếp tục điều tra làm rõ các hành vi sai phạm.
Theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh Doanh, cơ quan hải quan đang thu thập tài liệu chứng cứ, điều tra làm rõ các đối tượng liên quan để có thể xử lý theo quy định. Trên thực tế, các vụ vận chuyển trái phép mặt hàng thịt, vẩy tê tê liên tục bị lực lượng hải quan phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua. Đơn cử, tháng 8/2013, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I đã bắt giữ 6,2 tấn tê tê (chứa trong 1 container) nhập lậu từ Indonesia, do Công ty L.T (trụ sở tại Tp.Móng Cái) đứng tên nhận hàng. Phía doanh nghiệp (DN) khai báo là hàng TNTX, gồm cá, vẩy cá, xương cá, dạ dày cá đông lạnh nhưng bên trong toàn bộ là con tê tê.
Trong năm 2012 - 2013, các vụ vận chuyển trái phép thịt, vẩy tê tê bị Cục hải quan Tp.Hải Phòng bắt giữ cũng do một số DN ở Quảng Ninh, Lạng Sơn thực hiện. Trong đó, Công ty Tuấn Đông (Quảng Ninh) bị phát hiện NK hơn 5,6 kg thịt tê tê, được che giấu trong container chứa cá đông lạnh (có trị giá hơn 1 tỷ đồng).
Công ty TNHH Xuân Cương (tỉnh Lạng Sơn) bị bắt giữ 2 container rau câu chứa 316 kg vẩy tê tê. Có thể thấy mặc dù cơ quan hải quan đã tăng cường các biện pháp giám sát, quản lý, bắt giữ hàng hóa là động vật hoang dã, quý hiếm, nhưng các mặt hàng này vẫn không ngừng "đổ bộ" về cảng khu vực Hải Phòng.
Không chỉ buôn lậu tê tê, các DN còn nhập lậu sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm như ngà voi, sừng tê giác… có nguồn gốc từ Tanzania được gửi trực tiếp từ châu Phi hoặc qua một nước trung chuyển. Thủ đoạn vận chuyển của các đối tượng buôn lậu cũng ngày càng tinh vi, thường khai báo trên tờ khai là hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra thực tế như vỏ sò, rong biển, ngô hạt, đậu tương, phế liệu… Ngay cả các lô hàng khi đi qua máy soi kiểm tra cũng khó phát hiện được, nếu không áp dụng thêm các biện pháp nghiệp vụ.
Điển hình như trường hợp 2 container hàng rong biển được gửi từ Tanzania cho Công ty TNHH Tuấn Minh (tỉnh Lạng Sơn). Do nghi vấn nguồn gốc hàng hóa nên hải quan Hải Phòng đã yêu cầu kiểm tra thực tế hàng, phát hiện có hơn 1,24 tấn ngà voi giấu kỹ trong rong biển. Hay như Công ty TNHH Tiến Hoàng (tỉnh Quảng Ninh) nhận lô hàng có 506 kg ngà voi giấu trong các thùng sắt thép phế liệu, Công ty Đại Nam nhận lô hàng đậu tương cất giấu 875 kg ngày voi…
Theo một cán bộ điều tra của hải quan, những mặt hàng ngà voi, vẩy tê tê, sừng tê giác… có giá trị lớn, thường được nhập lậu về Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển sang nước thứ 3 (ở khu vực châu Á). Số vụ và số lượng vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã bị phát hiện, bắt giữ được rất lớn, tập trung chủ yếu ở khu vực cảng Hải Phòng.
"Do chính sách hiện hành cho phép DN NK hàng hóa theo loại hình TNTX, nên các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng để buôn kèm hàng cấm, ngụy trang trong các hàng hóa thông thường khác. Khi bị phát hiện, phía DN nhận hàng sẽ dùng chiêu gửi công văn từ chối nhận hàng với lý do "gửi nhầm hàng", hàng không đúng… để rũ trách nhiệm", vị cán bộ điều tra nói. (Thời Báo Kinh Doanh 28/7, tr11) đầu trang(
Thông tin nhanh qua đường dây nóng trên báo Quân Đội Nhân Dân cho biết: Tại khu vực rừng Trà Xom thuộc xã Vĩnh Sơn và xã Vĩnh Kim (H.Vĩnh Thạnh) tình trạng khai thác và vận chuyển gỗ quý hiếm trái phép đang có diễn biến phức tạp. (Quân Đội Nhân Dân 27/7, tr8) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức đợt giám sát công tác xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; hoạt động thương mại; khai thác, kinh doanh khoáng sản than; bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Kết quả của đợt giám sát chính là vấn đề đông đảo người dân Quảng Ninh quan tâm. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ninh về nội dung này.
Ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết: Qua kiểm tra, giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy: Thời gian qua các cơ quan, đơn vị và địa phương đã quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; khai thác kinh doanh khoáng sản; kinh doanh thương mại và bảo vệ môi trường…
Do đó các quy định mới về các lĩnh vực này của cấp trên, địa phương luôn được áp dụng thực hiện, giải quyết. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vi phạm của các cấp, các ngành, các địa phương và lực lượng chức năng cũng được đẩy mạnh.
Trên cơ sở đó đã phát hiện, xử lý được một số vụ việc, góp phần từng bước kiềm chế vi phạm. Chỉ tính trong hai năm (2012 và 2013), các ngành, địa phương phát hiện, xử lý được 1.083 vụ việc trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản; 215 vụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; 699 vụ trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh khoáng sản than; 9.898 vụ trong lĩnh vực kinh doanh thương mại… Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và giá trị hàng hoá thu bán phát mại từ các vụ việc trên là gần 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua giám sát cũng thấy công tác xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; hoạt động thương mại; khai thác, kinh doanh khoáng sản than; bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế. Đó là việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật chưa được duy trì thường xuyên.
Việc lập hồ sơ, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ… Thậm chí, cũng phát hiện được một số vụ việc sai phạm nhưng xử lý chưa nghiêm, chưa tương xứng với mức độ hành vi vi phạm.
Đơn cử như ở Hoành Bồ, hành vi “phá rừng”, “lấn chiếm rừng trái pháp luật” phải xử lý theo Nghị định số 99/2009/NĐ-CP mới đúng, nhưng lại xử lý là hành vi “lấn chiếm đất đai” theo Nghị định số 105/2009/NĐ-CP. Hay có vụ việc, hành vi phá rừng gây hậu quả ở mức nghiêm trọng (như ở Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ...), theo quy định phải phạt tiền hoặc xem xét xử lý về mặt hình sự, nhưng cơ quan chức năng chỉ xử lý hành chính bằng hình thức cảnh cáo.
Một ví dụ khác, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong năm 2013, trên địa bàn phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, lực lượng chức năng kiểm tra 32 khách sạn, phát hiện 29 khách sạn có hành vi vi phạm nhưng việc xử lý chưa nghiêm, hình thức xử lý vi phạm chưa đảm bảo theo quy định và chưa triệt để…
Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ môi trường, rừng và quản lý lâm sản. Việc cập nhật, theo dõi đối với những vụ việc phải chuyển xử lý theo thẩm quyền chưa được đầy đủ (hầu hết các đơn vị khi chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, sau đó đều không nắm được kết quả xử lý như thế nào, vì đa số các cơ quan có thẩm quyền xử lý xong lại không thông báo lại…
Nguyên nhân có nhiều, kể cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, theo tôi thì nguyên nhân chính là do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương ban hành nhiều, thường xuyên thay đổi, không thống nhất và đôi khi còn bất cập… gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như xử lý.
Đồng thời, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; hoạt động thương mại; khai thác, kinh doanh khoáng sản than; bảo vệ môi trường còn quá nhẹ, chưa đủ sức giáo dục, răn đe.
Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong công tác xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; hoạt động thương mại; khai thác, kinh doanh khoáng sản than; bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh cần chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục có nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các sở, ngành và chính quyền các địa phương.
Đồng thời, tăng cường quản lý ở tất cả các lĩnh vực, xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm v.v.. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để các hạn chế đã nêu thì tỉnh cũng cần có kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm xem xét, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập tại một số quy định của pháp luật hiện hành. Qua đợt giám sát, Ban Pháp chế cũng kiến nghị sửa đổi một số nội dung như về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, môi trường tại Nghị định số 142/2013/NĐ-CP, Nghị định 179/2013/NĐ-CP…
Các đề xuất cụ thể như là đề nghị xác định lâm sản là động vật rừng theo “số lượng cá thể” thay vì cách xác định như hiện nay là “giá trị của lâm sản”; đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét, sửa đổi Thông tư số 153 quy định “Chi phí mua tin (nếu có) của mỗi vụ việc không quá 10% giá trị hàng hoá thay vì không quá 10% mức xử phạt vi phạm hành chính” như hiện nay hoặc nâng lên mức từ 20% đến 25% trên mức xử phạt vi phạm hành chính v.v..(Báo Quảng Ninh 28/7) đầu trang(
UBND huyện Đạ Huoai cho biết, trong hơn nửa năm qua, cơ quan chức năng của huyện này đã tiến hành giải tỏa hơn 230ha rừng bị chặt phá và lấn chiếm trái phép trên địa bàn huyện.
Diện tích rừng được giải tỏa này chủ yếu thuộc hai tiểu khu 603 và 566, do người dân địa phương lấn chiếm. Theo kế hoạch, toàn bộ diện tích rừng được giải tỏa này sẽ trả lại cho chủ rừng và chủ rừng sẽ tiến hành trồng rừng trong thời gian tới.
Cùng với việc giải tỏa đất rừng, từ đầu năm đến nay, UBND huyện Đạ Huoai cũng đã chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp tiếp tục thực hiện việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho 697 hộ (trong đó có 449 hộ dân tộc thiểu số) với tổng diện tích rừng được giao khoán là 20.087ha.
Cùng đó, huyện Đạ Huoai cũng đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ kiểm kê rừng cấp huyện và cấp xã để thực hiện nhiệm vụ kiểm kê rừng theo chủ trương của trung ương. (Nông Thôn Ngày Nay 29/7, tr4) đầu trang(
Đối với phong trào đoàn tại các đơn vị cơ sở, thiếu kinh phí hoạt động luôn là một trong những vấn đề nan giải.
Nhưng không chờ nguồn kinh phí được cấp để tổ chức các hoạt động phong trào, Chi đoàn Khe Lấp, phường 3, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã tự tạo nguồn kinh phí hoạt động và làm giàu cho chính mình bằng mô hình kết hợp giữa trồng rừng, nuôi ong lấy mật và thử nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ trên chính mảnh đất quê hương.
Câu chuyện về mô hình trồng rừng của Chi đoàn Khe Lấp được bắt đầu từ sáu năm trước và từ chỗ còn gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn vốn hoạt động, các phong trào đoàn có phần trầm lắng thì giờ đây, từ nguồn quỹ ý nghĩa do chính mình tạo nên, các hoạt động của chi đoàn nơi miền đồi núi này đã trở nên sôi nổi và năng động hơn trước rất nhiều.
Năm 2008, nhận thấy một diện tích lớn đất gò đồi bị bỏ hoang, thanh niên Khe Lấp đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương được sử dụng diện tích đất này để trồng rừng. Bước đầu, 8 đoàn viên thanh niên đóng góp mỗi người 300.000 đồng mua các loại cây giống và bắt tay vào công việc.
Qua tìm tòi, học hỏi và được sự tư vấn của cán bộ lâm nghiệp tỉnh, chi đoàn đã mạnh dạn trồng 1 ha rừng tràm, một loại cây dễ thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và phù hợp với đất rừng nơi đây. Gần hai tháng chung sức, trên mảnh đất khô cằn sỏi đá đã mọc lên những mầm cây xanh tốt.
Từ ngày trồng cây, đoàn viên chi đoàn luân phiên nhau chăm sóc, định kỳ mỗi tháng một lần, cả chi đoàn cùng nhau phát dọn, chăm sóc khu rừng. “Rừng tràm thanh niên”, cái tên mà người dân ở đây ưu ái đặt cho rừng cây của chi đoàn lớn dần trong sự chăm sóc và chờ đợi của mọi người. Tháng 5/2012, nhận thấy cây đã đến ngày cho thu hoạch, Chi đoàn Khe Lấp quyết định bán rừng. Tổng số tiền thu được từ rừng cây hơn 70 triệu đồng.
Mô hình trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc của Chi đoàn Khe Lấp không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo nguồn quỹ lớn cho các hoạt động của chi đoàn mà còn tạo nguồn quỹ giúp đỡ các ĐVTN chi đoàn phát triển kinh tế. Từ số tiền thu được hơn 70 triệu đồng, một phần chi đoàn gửi ngân hàng để sinh lãi hàng tháng, tạo nguồn quỹ cho các hoạt động của tuổi trẻ Khe Lấp, một phần được dùng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ĐVTN chi đoàn vay phát triển kinh tế. Nhờ có nguồn quỹ này, mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hai thanh niên chi đoàn mạnh dạn đầu tư phát triển và đã cho kết quả tích cực.
Năm 2012, được tham gia lớp tập huấn nuôi ong lấy mật do phường tổ chức, nhận thấy nuôi ong phù hợp với đặc điểm của vùng gò đồi với diện tích phần lớn là cây tràm, hoa tràm cho lượng mật lớn, bên cạnh đó còn được tiếp cận nguồn vốn vay từ quỹ trồng rừng của Chi đoàn Khe Lấp, hai đoàn viên Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Cường đã chủ động đi đầu trong phong trào phát triển mô hình nuôi ong lấy mật tại địa phương. Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp với nhiều khó khăn, vất vả, anh Hùng chia sẻ: “Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên tôi không dám đầu tư nhiều mà chỉ nuôi vài chục đàn, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm”. Đến nay, sau 2 năm vừa học hỏi vừa nuôi ong, mô hình nuôi ong lấy mật của hai anh đã có hơn 400 đàn ong.
Anh Cường cho biết: “Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và dày công chăm sóc. Hơn nữa người nuôi cần biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào, phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa tràm nở, mùa con ong đi lấy mật”.
Từ nguồn vốn đầu tư ít ỏi ban đầu, đến nay mô hình nuôi ong lấy mật của hai đoàn viên Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Cường đã cho thu hoạch từ 2 đến 3 tấn mật ong mỗi năm, với lãi thu được hơn 100 triệu đồng. Hai anh đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của vùng gò đồi Khe Lấp vốn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Không chỉ dừng lại ở đó, sự năng động, nhiệt huyết trong tham gia phát triển kinh tế, góp phần gây quỹ đoàn và làm giàu cho quê hương của Chi đoàn Khe Lấp còn khiến nhiều người khâm phục bởi mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, loại cây chưa từng được thử nghiệm ở vùng đất khô cằn sỏi đá nơi đây.
Với tinh thần “Tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương”, tháng 2/2013, khi được cán bộ nông nghiệp tỉnh về tập huấn mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, chi đoàn đã mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương được sử dụng 3.000 m2 đất bỏ hoang gần nhà cộng đồng Khe Lấp để trồng thử nghiệm 200 cây. Đến nay, sau hơn 1 năm, vượt qua những khó khăn về nắng nóng khô hạn của thời tiết, sự lo lắng về sâu bệnh, sự trông chờ của những đoàn viên đã được đền đáp khi mùa đầu tiên phần lớn 200 cây thanh long ruột đỏ của chi đoàn đều đang ra hoa kết trái đúng mùa vụ, không phụ công người chăm sóc. Dự tính 200 cây thanh long ruột đỏ nằm trong mô hình phát triển kinh tế gây quỹ đoàn của Chi đoàn Khe Lấp sẽ mang lại giá trị khoảng 40 - 50 triệu đồng.
Với tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm đó, mô hình trồng rừng kết hợp nuôi ong và trồng cây thanh long ruột đỏ của Chi đoàn Khe Lấp vinh dự là 1 trong 20 công trình thanh niên được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tỉnh Quảng Trị lần IV, năm 2013, trở thành mô hình điển hình về thanh niên nỗ lực tự mình xây dựng phong trào và giúp nhau phát triển kinh tế ở thành phố Đông Hà.
Có thể nói, với ý chí, nghị lực và khát vọng làm giàu của tuổi trẻ, Chi đoàn Khe Lấp đã biến đất đồi khô cằn ban đầu thành một vườn cây xanh tốt, không chỉ gây được quỹ đoàn mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. (Báo Quảng Trị 29/7) đầu trang(
Quang Bình là huyện có lợi thế trong phát triển kinh tế rừng của tỉnh Hà Giang.
Sau hơn 7 năm triển khai công tác trồng rừng (từ năm 2007 - tháng 12/2013), toàn huyện Quang Bình đã trồng mới được 8.796 ha rừng, trong đó rừng thuộc dự án 661 là 3.754 ha, rừng thuộc chương trình 135 là 616 ha, diện tích còn lại là do người dân tự túc và của các doanh nghiệp tham gia trồng rừng là 4.420 ha.
Chủng loại cây rừng được trồng chủ yếu trên địa bàn huyện Quang Bình là cây keo, số ít còn lại là rừng mỡ và xoan. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu về trồng rừng, hàng năm UBND huyện Quang Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đầy đủ các mục tiêu đã đề ra.
Đồng thời huyện cũng tập trung tư vấn về đất rừng cho các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân để tham gia trồng rừng. Vì vậy trên địa bàn của huyện Quang Bình đã hình thành các mô hình trồng rừng làm cơ sở để nhân rộng thành phong trào trong quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó các địa phương cũng triển khai vận động nhân dân xây dựng hương ước, qui ước cấm chăn thả gia súc nhằm bảo vệ các cánh rừng mới trồng. Từ đó phong trào trồng rừng được phát triển sâu rộng trong nhân dân ở các địa phương trong toàn huyện, thu hút các gia đình chuyển đổi đất nương rẫy kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất, điển hình là các xã Vĩ Thượng, Yên Hà và Yên Thành…
Theo tổng kết đánh giá của UBND huyện Quang Bình: Sau hơn 7 năm triển khai công tác trồng rừng, đến nay diện tích rừng của một số địa phương đã cho thu hoạch mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Nhờ có nguồn thu nhập từ rừng mà nhiều hộ gia đình ở huyện Quang Bình đã có nguồn tích luỹ và làm giầu do kinh tế rừng mang lại.
Trong quá trình phát triển rừng kinh tế, đã có nhiều hộ gia đình của xã Yên Hà có nguồn thu nhập từ 150 – 180 triệu đồng.  Bên cạnh đó, tại xa Vĩ Thượng cũng có nhiều người dân có nguồn thu từ 180 – 200 triệu đồng từ rừng keo khi đến thời kỳ khai thác. Ngoài ra, còn khá nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn huyện có nguồn thu nhập từ rừng kinh tế từ 80 – 120 triệu đồng từ rừng kinh tế của gia đình.
Theo nhận xét của các hộ tham gia trồng rừng tại huyện Quang Bình thì keo là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn của huyện. Bên cạnh đó việc thu mua lâm sản trên địa bàn của huyện Quang Bình diễn ra khá thuận lợi, nhiều cơ sở chế biến kinh doanh gỗ dán xuất khẩu đã đi vào hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, hiện nay trong vấn đề trồng rừng huyện Quang Bình cũng gặp một số khó khăn trở ngại như trồng rừng chưa theo vùng qui hoạch, một số hộ dân chưa nhận thức đúng về tiềm năng từ kinh tế rừng.
Vì vậy các ngành chức năng của huyện cần nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền đối với người dân về giá trị từ kinh tế rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện. Đây cũng chính là một trong những định hướng về phát triển kinh tế của huyện Quang Bình trong những năm tiếp theo. (Hagiang.gov.vn 28/7) đầu trang(
28/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Lai Châu dưới sự chủ trì của ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo Bảo vệ và phát triển rừng.
Dự Hội nghị có ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và hợp tác quốc tế - Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố...
Thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau 3 năm triển khai thực hiện, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.
Công tác rà soát, xác định diện tích rừng tại các lưu vực được thực hiện nghiêm túc, đến nay, toàn tỉnh đã rà soát giao nhận khoán được cho 57.277 hộ (năm 2013) và chi trả được 426.987 ha (năm 2012 ) và 424.053ha (năm 2013) bao gồm diện tích đất có rừng và trạng thái Ic (đất trồng cây bụi có cây gỗ tái sinh).
Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân về rừng, về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đồng thời đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Thu nhập của các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã được tăng lên đáng kể từ hơn 2.1 triệu đồng/hộ/năm (năm 2012) lên gần 2,5 triệu đồng/hộ/năm (năm 2013); đơn giá chi trả bình quân năm 2012 là 270 nghìn đồng/1ha/năm và năm 2013 là 333 nghìn đồng/1ha/năm.
Qua đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động mạnh mẽ tích cực tới đời sống nhân dân về kinh tế, xã hội góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tạo việc làm cho người dân địa phương gắn bó với rừng.
Qua thực hiện chính sách đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, giữ và cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Đặc biệt, Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, Hạt Kiểm lâm thành phố đã linh hoạt triển khai các biện pháp như sử dụng một phần kinh phí quản lý để chi cho 527 tổ đội xung kích cho các hoạt động chữa cháy rừng, mua sắm các dụng cụ phục vụ công tác tuần tra bảo rừng.
Nhờ đó, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm rõ rệt, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã giảm đáng kể, đặc biệt góp phần quan trọng trong việc tăng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 43,82% (năm 2013).
Thảo luận tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận và kiến nghị một số nội dung liên quan đến các phương án chi trả, trách nhiệm của các chủ rừng, hộ nhận khoán diện tích rừng...
Phát biểu và kết luận Hội nghị ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo Bảo vệ và phát triển rừng đã biểu dương những kết quả đã đạt được trong 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đề nghị các Sở, ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân về ý thức bảo vệ rừng; nâng cao chất lượng Ban Chỉ đạo Bảo vệ và phát triển rừng các cấp; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật...
Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 4 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 17 tập thể, 25 cá nhân đã có thành tích xuất sắc và tiêu biểu trong 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu. (Laichau.gov.vn 28/7; Tin Tức 29/7, tr4) đầu trang(
Đó là khoản chi trả từ ngân sách địa phương theo Cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2014 - 2020 do HĐND tỉnh Quảng Nam vừa chính thức ban hành (Nghị quyết 114/2014/NQ-HĐND).
Ngoài hỗ trợ về giống, các nhóm hộ có hộ khẩu thường trú tại H.Nam Trà My, Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, Trại sâm Tắc Ngo còn được hỗ trợ về đất, tín dụng.
Cụ thể, ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% giá mua cây sâm giống, không quá 500 cây/hộ/năm; hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với lãi suất do Ngân hàng Nhà nước VN quy định đối với các ngân hàng thương mại để mua sắm trang thiết bị quản lý và bảo vệ vườn (mức vay tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ, thời hạn không quá 7 năm)...
Tuy nhiên, người được hỗ trợ phải cam kết không dẫn nhập sâm ngoại lai, không lợi dụng chính sách hỗ trợ và bán sâm chưa đến tuổi khai thác...(Thanh Niên 29/7, tr7) đầu trang(
Đồ gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận vì giá cả có tính cạnh tranh cao do chi phí thấp, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao.
Vương quốc Anh là một thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu 5,8 tỷ bảng (9,9 tỷ USD) thành phẩm và nguyên, phụ liệu đồ gỗ mỗi năm. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lớn đồ gỗ và nội thất vào Anh.
Nếu tính riêng thành phẩm, đặc biệt là nhóm hàng mã số HS 940330-60 (đồ nội thất bằng gỗ, trừ loại dùng trong văn phòng, phòng ngủ, nhà bếp và ghế) thì Việt Nam luôn thuộc nhóm 5 nước xuất khẩu hàng đầu vào Anh kể từ năm 2006 tới nay. Theo số liệu của Hải quan Anh, 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu nhóm HS 940330-60 của Việt Nam vào Anh đạt 68,36 triệu bảng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy- Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh- cho biết, đồ gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận vì giá cả có tính cạnh tranh cao do chi phí thấp, cộng thêm tình hình suy thoái kinh tế trong những năm vừa qua càng khiến người Anh lựa chọn hàng Việt.
Yếu tố quan trọng nữa là Việt Nam có nguyên liệu tốt, do đó chất lượng sản phẩm tốt. Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ của Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc đã ký hợp đồng hợp tác dài hạn với các nhà sản xuất Việt Nam, là đầu mối quan trọng cung cấp mẫu mã, thiết kế, tiêu chuẩn và thông tin thị trường, phân phối sản phẩm.
Ví dụ, IKEA- nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất có thị phần lớn nhất tại Anh đã có hệ thống cung cấp sản phẩm sâu rộng ở Việt Nam từ nhiều năm nay, giúp đồ gỗ Việt ngày càng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Anh.
Tuy nhiên, DN Việt Nam có phần “kín tiếng” tại thị trường Anh do ít tham gia các hội chợ, triển lãm, các hội nghị thường niên... nhằm giới thiệu sản phẩm. DN Việt Nam cũng chưa thiết lập mạng lưới với các nhà sản xuất và phân phối đồ gỗ tại Anh. Nếu khắc phục được điểm này thì các DN Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội mới tại thị trường Anh.
Theo bà Thủy, để đồ gỗ Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh, trong thời gian tới, DN gỗ Việt Nam cần tăng thêm tính chủ động để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó, điều kiện tiên quyết là phải giữ được các khách hàng đã có và phát triển thêm khách hàng mới với những mặt hàng mới.
Thực tế, nhóm hàng đồ gỗ có phạm vi tiêu thụ rất rộng, DN Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu nên dư địa thị trường vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, DN cần nắm chắc và cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, quy định, xu hướng phát triển ngành gỗ tại thị trường châu Âu nói chung, Vương quốc Anh nói riêng.
DN có thể chủ động cập nhật những hướng dẫn chi tiết về việc xuất nhập khẩu đồ gỗ với thị trường Anh tại địa chỉ: https://www.gov.uk/household-goods-furniture-and-furnishings-importing-and-exporting. (Công Thương 28/7, tr3) đầu trang(
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Ước giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 7 đạt 457 triệu USD, đưa giá trị XK 7 tháng đầu năm đạt gần 3,35 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013.
XK gỗ và các sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 1,38%. Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 15,92%, 24,29% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản– 3 thị trường NK lớn nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 – chiếm 66,17% tổng giá trị XK.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Bao năm nay, XK gỗ của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng luôn không bền vững. Một trong những điểm yếu lớn của ngành chế biến gỗ là chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các công ty lâm nghiệp với các DN chế biến gỗ. Nguồn nguyên liệu, nhất là gỗ lớn đang bị phụ thuộc vào NK nên các DN chế biến khá bị động trong sản xuất, kinh doanh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngành gỗ nói chung cũng như XK gỗ nói riêng có sự phát triển, tăng trưởng bền vững hơn, cần phải biến công nghiệp chế biến và thương mại gỗ phải trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành lâm nghiệp, phát triển theo cơ chế thị trường trên cơ sở công nghệ tiên tiến, nâng cao tối đa hiệu suất sử dụng gỗ nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu XK cũng như tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh đó, cần tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu NK và nâng giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến.
Trong 7 tháng đầu năm, nếu như giá trị XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ chỉ tăng hơn 13% thì giá trị NK mặt hàng này lại đạt gần 1,37 tỷ USD, tăng tới 74,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, NK gỗ từ thị trường Lào chiếm 33,5%, Campuchia chiếm 14,4%, Hoa Kỳ chiếm 8,9%.
Trung Quốc là thị trường NK gỗ lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 8,8% tổng kim ngạch NK. Tổng kim ngạch NK gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013. (Hải Quan 28/7) đầu trang(
Ban quản lý chương trình Un Redd – Sở NNPTNT Lâm Đồng tổ chức hội thảo tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực quản lý bảo vệ rừng, biến đổi khí hậu và Redd+.
Redd+ là một cơ chế tài chính quốc tế nhằm cung cấp sự đền đáp tài chính cho các nước đang phát triển có những hoạt động làm giảm phát thải khí nhà kính thông qua mất rừng và giảm suy thoái rừng.
Chương trình được khởi động từ năm 2008 và thực hiện giai đoạn II từ năm 2013 đến 2015 tại 6 tỉnh thí điểm  là Lào Cai, Bắc Cạn, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng và Cà Mau.
Tại buổi tập huấn hơn 60 đại biểu đến từ các ban quản lý rừng, chi cục kiểm lâm, các chủ rừng và các địa phương có rừng được tìm hiểu về các chủ trương chính sách, pháp luật  về quản lý bảo vệ rừng như luật bảo vệ và phát triển rừng,luật đa dạng sinh  học, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thông qua về tình hình công tác bảo vệ rừng ở Lâm Đồng.
Các đại biểu cũng được tiếp cận với  nội dung các chương trình hoạt động giai đoạn II của UN Redd theo đó chương trình sẽ tăng cường năng lực và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho cán bộ các cấp, phưpng pháp theo dõi diễn biến rừng có sự tham gia của các bên liên quan tại các tỉnh thí điểm.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận một số hoạt động tại các địa phương nhằm giảm mất rừng, nâng cao chất lượng rừng. (Đài PTTH Lâm Đồng 26/7) đầu trang(
26/7, tại huyện Ba Vì, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Hà Nội và huyện Ba Vì về giải quyết các vấn đề liên quan giữa Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì với sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Tại buổi làm việc, những vướng mắc về đất đai giữa VQG Ba Vì với các địa phương tồn tại lâu năm đã bước đầu có hướng tháo gỡ.
Nằm ở sườn Tây của VQG Ba Vì, xã Ba Vì, huyện Ba Vì là một trong những xã gặp khó khăn nhiều nhất về đất sản xuất. Diện tích tự nhiên của xã lớn, khoảng 2.500ha nhưng có tới 2.200ha đất thuộc VQG Ba Vì, trong khi đất nông nghiệp để cấy lúa chỉ còn lại 22,62ha.
Ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì chia sẻ, diện tích này chỉ đảm bảo lương thực cho người dân trên địa bàn được 2 tháng. Thiếu đất sản xuất, đời sống của người dân xã Ba Vì gặp nhiều khó khăn, bình quân thu nhập đầu người hiện mới đạt 7,4 triệu đồng/người/năm, ở mức thấp nhất toàn TP và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất TP (35,7%).
"Với tình hình này, xã rất khó để hoàn thành xây dựng nông thôn mới vì không có đất để quy hoạch sản xuất" - ông Liên lo ngại. Không chỉ riêng xã Ba Vì, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Ba Vì cũng đang gặp vấn đề tương tự. Tại xã Khánh Thượng, người dân chủ yếu sống dựa vào chăn nuôi và ngành nghề khác vì phần lớn diện tích đã thuộc vào VQG Ba Vì.
Thậm chí, theo lãnh đạo xã, một số quả đồi độc lập (diện tích khoảng 100ha) có cao độ trên 100m một chút mà người dân canh tác lâu năm nhưng vẫn bị nhập vào diện tích của VQG Ba Vì gây bức xúc trong người dân.
Tại xã Vân Hòa, sau khi Nông trường Việt - Mông cổ phần hóa thành Công ty CP Việt - Mông, một bộ phận dân cư đã được giao cho địa phương và thành lập các đơn vị hành chính thôn, cụm dân cư. Tuy nhiên, phần đất đai đến nay vẫn chưa được bàn giao gây khó khăn cho đời sống người dân và công tác quản lý của địa phương.
Theo UBND huyện Ba Vì, tổng diện tích VQG Ba Vì từ ranh giới cao độ 100m trở lên thuộc địa bàn huyện là 6.136,7ha. Diện tích bàn giao về cho 7 xã miền núi quản lý theo Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 28/3/2007 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) là 297,5ha.
Tuy nhiên, hiện nay, trên thực địa chưa bàn giao 76,6ha cho xã Vân Hòa, 20,2ha cho xã Minh Quang. Ông Lê Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, ranh giới cao độ 100m không phân định rõ ràng, nhiều vị trí không tìm thấy mốc giới nên khó xác định. Trong khi đó, VQG Ba Vì lại chưa thanh lý dứt điểm các hợp đồng khoán chăm sóc, bảo vệ rừng với các hộ trước đây nên gây khó khăn cho công tác quản lý, giao cho thuê tiếp.
Trước tình trạng thiếu đất sản xuất, tại buổi làm việc, đại diện cả 7 xã miền núi trong khu vực VQG Ba Vì và UBND huyện Ba Vì đều kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo sớm bàn giao diện tích đất dưới cao độ 100m cho địa phương. Đồng thời, bàn giao dứt điểm diện tích đất của các nông, lâm trường sau cổ phần hóa về cho địa phương quản lý. Một số xã đề nghị để cho người dân được trồng rừng kết hợp với sản xuất trên diện tích đất tự nhiên từ cao độ 400m trở xuống. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND TP có cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, lộ trình bàn giao dứt điểm diện tích dưới cao độ 100m cho địa phương. Trên diện tích ấy, rà soát lại các loại cây trồng để vừa đảm bảo phủ xanh đồi đất dốc, vừa mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Phó Chủ tịch cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị phối hợp với UBND TP xây dựng một chương trình, đề án phối hợp phát triển sản xuất cho các xã đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn TP.
Ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát giao Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với VQG Ba Vì có kế hoạch cụ thể làm việc với từng xã để giao các diện tích đất dưới cao độ 100m. Đồng thời, làm rõ các vướng mắc về ranh giới trên thực địa giữa diện tích VQG Ba Vì với diện tích sản xuất của địa phương và cắm mốc để tất cả mọi người dân đều biết.
Thời gian để hoàn thành công tác này là trong vòng 3 tháng. Bộ trưởng cũng lưu ý, với những diện tích đồi độc lập nên bàn giao cho địa phương quản lý. Nguyên tắc rà soát đất đai là tạo điều kiện tối đa cho đồng bào dân tộc địa phương tham gia vào khai thác những lợi ích kinh tế từ rừng nhưng không phá vỡ tiêu chí, quy định đã đề ra. (Hà Nội Mới 27/7, tr1; Kinh Tế & Đô Thị 28/7, tr10) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Một người đàn ông Việt Nam và một phụ nữ Trung Quốc đã bị bắt tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan vì vận chuyển ngà voi châu Phi và vòng tay bằng ngà trị giá khoảng 283.000 USD.
Theo Bangkok Post, người đàn ông Việt Nam bị bắt tên Luong Tien Phong, 62 tuổi. Người phụ nữ Trung Quốc là Chen Zhiyu, 23 tuổi. Họ dự định đi trên chuyến bay của Bangkok Airways từ Bangkok đến Siem Reap (Campuchia) hôm 26-7 nhưng bị bắt giữ sau khi máy chiếu ở sân bay Suvarnabhumi phát hiện trong bốn vali của họ có 18 chiếc ngà voi và 587 vòng tay bằng ngà.
Ông Luong nói ông đi thăm một người họ hàng ở Bờ Biển Ngà và một người đàn ông châu Á đã trả ông 500 USD và cô Chen 300 USD để chuyển số ngà voi này đến Siem Reap thông qua ngả Thái Lan. (Tuổi Trẻ 29/7, tr20) đầu trang(
Quá bất ngờ khi thấy con trăn dài tới 2,8m nằm trong xe của mình, một người đàn ông ở bang New South Wales, Australia đã quyết định vứt xe bỏ chạy.
Theo tờ Daily Telegraph, khi đang chuẩn bị tới chỗ làm, người đàn ông trên đã thấy con trăn nằm ở phía bảng điều khiển ôtô. Người chủ chiếc xe đã tỉnh táo không cố gắng đẩy con trăn ra khỏi xe mà đi nhờ một người khác để tới chỗ làm.
Con trăn nằm trong đó tới 5 ngày và dường như nó đang kiếm chỗ nghỉ Đông nên không muốn bị quấy rầy.
Một nhóm bảo vệ động vật hoang dã đã tới đưa con trăn ra khỏi xe và không quên nhắn nhủ người dân rằng: "Hãy đóng cửa ra vào và cửa sổ của chiếc xe nếu như bạn không muốn chứng kiến cảnh tượng tương tự". (VietnamPlus 29/7) đầu trang(
Một chiếc máy bay DC-10 thả thuốc dập lửa xuống khu rừng đang cháy gần Sacramento. (Hình: AP Photo/The Sacramento Bee, Hector Amezcua)
SACRAMENTO, California (Reuters) – Một trận cháy rừng lớn đã buộc hơn 500 nhà dân và khoảng 1,200 người phải di tản trong khu vực thôn quê ở về phía Ðông thủ phủ tiểu bang California hôm Thứ Bảy, một ngày sau khi ngọn lửa bùng lên, theo giới chức cứu hỏa.
Ðám cháy nhanh chóng lan rộng do gió lớn này đã đốt cháy hơn 3,000 acres, thiêu rụi ít nhất năm căn nhà và khiến một người bị thương nhẹ, theo lời Lynne Tolmachoff, nữ phát ngôn viên cơ quan chống cháy rừng tiểu bang California (Cal Fire).
Trung tâm đám cháy là ở nơi cách thị trấn Plymouth chừng 8 km về phía Bắc và cách thủ phủ Sacramento chừng 48 km về phía Ðông, bao gồm một số khu vực trong hai quận Amador và El Dorado, theo Cal Fire.
Có thêm 250 căn nhà được lệnh di tản vào trưa ngày Thứ Bảy, nâng tổng số phải di tản lên 515 kể từ khi ngọn lửa bùng lên hôm Thứ Sáu, theo phát ngôn viên Tolmachoff, cho biết thêm là ngọn lửa hiện được ngăn chặn khoảng 20%.
Ngọn lửa lan nhanh chóng lúc trưa Thứ Bảy, nhưng nhờ sức gió giảm đi và nhiệt độ bớt nóng vào buổi tối nên lính cứu hỏa ngăn chặn không cho đám cháy lan rộng hơn.
Một trung tâm di tản cho người, gia súc và chó mèo được thành lập ở trường trung học địa phương. Hơn 50 xe cứu hỏa được điều động đến nơi có đám cháy và nguyên do gây ra vụ cháy hiện vẫn đang được điều tra, theo Cal Fire. (Đất Việt 28/7; Hà Nội Mới 29/7) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng