Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 28 tháng 10 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Chiều 27/10, TP Đà Nẵng cùng các ngành chức năng đã tiến hành làm rõ vụ phá rừng lớn nhất từ trước tới nay tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (huyện Hòa Vang) giáp ranh với Quảng Nam.
Ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho hay, đây là vụ khai thác và cất giấu gỗ trái phép lớn nhất trên địa bàn rừng giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng.
“Hiện chúng tôi đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm và BQL Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa triệu tập các cá nhân có liên quan đang công tác tại Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông về viết kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể trong vụ việc này. Đồng thời điều động các cán bộ đủ phẩm chất lên thay thế”, ông Sự cho biết.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay đây là vụ việc phá rừng nghiêm trọng. Vì vậy các cơ quan điều tra của Đà Nẵng phải làm việc với Quảng Nam để làm rõ. “Phải xử lý nghiêm minh đối với những kiểm lâm viên tiếp tay cho phá rừng. Đủ các yếu tố thì khởi tố vụ án, khởi tố bị can làm rõ trước pháp luật”, ông Viết chỉ đạo.
Ông Viết nói thêm, Đà Nẵng có 57.000 ha rừng nhưng kiểm lâm, đặc biệt là trạm Cà Nhông ở ngay sát nơi xảy ra vụ việc mà không nắm được là không được. Ông Viết yêu cầu Sở NN-PTNT xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân và tập thể của BQL và Hạt kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa, báo cáo về chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trước 30/10. (Nông Nghiệp Việt Nam 28/10; Đại Đoàn Kết 28/10) đầu trang(
Gần đây, tại địa bàn tỉnh Quảng Nam và vùng giáp ranh với TP Đà Nẵng liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng lớn chưa từng thấy. Tuy nhiên, vụ việc chỉ được phát hiện sau khi lâm tặc đã làm tan hoang các cánh rừng và đang chờ thời cơ đưa gỗ đi tiêu thụ.
Mới đây, ngày 24-10, trong quá trình tuần tra, Đội Kiểm lâm cơ động số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ hơn 10 m3 gỗ quý cất giấu tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Tại đây, hàng chục phách gỗ lớn được chôn lấp cách mặt đất khoảng 20 cm tại 2 xưởng mộc của ông Trần Văn Tân (49 tuổi) và Nguyễn Quốc Oanh (33 tuổi). Điều đáng ngờ là nơi phát hiện số gỗ trái phép này nằm tại khu vực trung tâm hành chính huyện Nam Trà My và sát nách cơ quan kiểm lâm huyện.
Hồi đầu tháng 9-2014, một lượng gỗ quý lên đến 257 phách (51 m3) được phát hiện nằm la liệt khắp các khe suối ở thượng nguồn sông Thu Bồn (thuộc xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Đây được xem là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Quảng Nam.
Việc khai thác gỗ rầm rộ, tập kết giữa núi rừng diễn ra trong một thời gian dài nhưng chính quyền và các cơ quan chức năng không hay biết. Vụ việc đã được khởi tố để điều tra song đến nay đã hơn 1 tháng mà vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì một vụ phá rừng khác lại được phát hiện. Trong vòng 1 tuần từ ngày 6 đến 13-10, lực lượng chức năng huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) và TP Đà Nẵng phát hiện hơn 45 m3 gỗ ngay trong lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Lâm tặc liều lĩnh tập kết 2 bãi gỗ ngay sát đường và cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, TP Đà Nẵng) không xa.
Con đường đến nơi cất giấu bãi gỗ lậu được “khai phá” khá hoàn chỉnh, xe tải có thể vào đến tận nơi nhưng cán bộ bảo vệ rừng vẫn không phát hiện. Sau vụ này, ngành chức năng huyện Đông Giang cáo buộc Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông tiếp tay cho lâm tặc phá rừng nhưng bị phía TP Đà Nẵng “phản pháo” rằng chưa có cơ sở.
Trong khi nghi vấn kiểm lâm có tiếp tay cho lâm tặc hay không phải chờ kết luận của cơ quan điều tra thì 2 địa phương này lại tranh nhau “thành quả” là bên... phát hiện bãi gỗ trước và liên tục đổ lỗi cho nhau. Ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, cho rằng ngay từ đầu, chính đơn vị và Hạt Kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa mới là người phát hiện ra 14,3 m3 gỗ kiền kiền, gõ giấu ở gần trạm Cà Nhông. Sau đó, lực lượng chức năng tổ chức truy quét và phát hiện thêm 4 điểm ở Đà Nẵng và 5 điểm ở Quảng Nam.
Trong khi đó, ngành chức năng huyện Đông Giang cho rằng họ đã bí mật điều tra và phát hiện trước phía Đà Nẵng. Bằng chứng đưa ra là lần phát hiện ban đầu vào ngày 6-10, phía Đà Nẵng nói họ chỉ phát hiện 17 phách trong khi thực tế có 2 bãi cất giấu gỗ, trong đó một bãi 30 phách và một bãi 36 phách. (Người Lao Động 28/10) đầu trang(
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết đã thống nhất chuyển sự việc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Ðộng mở đường phá rừng sang Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang xử lý. Tuy nhiên, đến nay, Sở NNPT&NT vẫn chưa nhận được thông tin từ Sở Nội vụ.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Xuân Bánh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang cho biết: Về sai phạm của Công ty lâm nghiệp Sơn Động theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo Sở Nông nghiệp đã họp và chuyển hết sang Sở Nội vụ nhưng đến nay ông Bánh vẫn chưa nhận được thông tin gì từ Sở Nội vụ.
Theo ông Bánh, Sở Nội vụ là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Bắc Giang và chủ trì xử lý sự việc. Việc thực hiện xử lý sai phạm được thực hiện theo đúng kết luận và trách nhiệm xử lý thuộc về cơ quan chủ trì.
Riêng liên quan đến trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm khi để xảy ra việc "động trời" trên, ông Bánh khẳng định việc xử lý kỷ luật đã được thực hiện theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Đồng thời vị Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc cũng đề nghị PV Dân trí liên hệ làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang để có thông tin một cách chính xác, công khai, minh bạch về xử lý sai phạm liên quan việc Công ty lâm nghiệp Sơn Động phá rừng.
Như đưa tin, theo Kết luận nội dung tố cáo của Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, năm 2008, Công ty Lâm nghiệp Sơn Ðộng được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án cải tạo rừng tự nhiên giai đoạn 2008-2012, với tổng diện tích 390 ha.
Đến hết năm 2012, Công ty này đã thực hiện cải tạo, khai thác được 351,7 ha trên tổng số 390,6 ha được cấp phép. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang đã khẳng định ngoài việc cải tạo diện tích rừng trên, Công ty Lâm nghiệp Sơn Động còn...tiện thể phá luôn 23 ha rừng tự nhiên với thủ đoạn chuyển sang trồng rừng kinh tế. Diện tích Công ty này phá rừng nằm tại khu vực Khe Rào (xã Bồng Am) và khoảnh 19, đội Ðá Bờ 2, đều nằm trên diện tích Công ty được giao quản lý, khai thác và bảo vệ.
Đặc biệt, cùng với việc phá một diện tích rừng tự nhiên rộng lớn như vậy, Công ty Lâm nghiệp Sơn Động dưới sự điều hành của ông Chu Bá Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc công ty còn lén lút mở hẳn một con đường dài gần 4km chạy xuyên rừng để tẩu tán lâm sản chặt phá núp dưới lí do lấy đường để trồng rừng trên khu núi trọc. Công ty này cũng rất "chuyên nghiệp" khi ký hẳn hợp đồng thuê 2 xe tải để đưa lâm sản khỏi rừng.
Kết luận thanh tra của Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang khẳng định: Đơn  tố cáo giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sơn Động lợi dụng cải tạo rừng tự nhiên để phá rừng hợp pháp là có cơ sở. Việc giám đốc công ty tự ý chỉ đạo phá 23ha rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế và mở đường qua rừng tự nhiên nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật. Xét về mức độ nghiêm trọng là rất nghiêm trọng.
Trước đó, trong buổi làm việc với PV , ông Dương Xuân Bánh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết: Ngay sau khi có kết luận xử lý với Công ty Lâm nghiệp Sơn Động từ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nếu Công an tỉnh Bắc Giang vào cuộc, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp cung cấp thông tin.
Tại kết luận nội dung tố cáo phá rừng của Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang khẳng định: Hạt Kiểm lâm Sơn Động là đơn vị được nhà nước giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng của các tổ chức cá nhân trên địa bàn huyện Sơn Động. Vi phạm của Công ty Lâm nghiệp Sơn Động xảy ra nhưng Hạt kiểm lâm Sơn Động không có biện pháp ngăn chặn và báo cáo xử lý kịp thời là chưa thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình.
Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có kết luận về sự việc, yêu cầu thu hồi trên 850 triệu đồng về ngân sách, giao Sở Nội vụ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Sơn Động cùng lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động.
Công ty Lâm nghiệp Sơn Động có nhiều sai phạm về tài chính. Trong khi đó, Hạt Kiểm lâm Sơn Động đã buông lỏng quản lý trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn dẫn đến việc để cho công ty lâm nghiệp có nhiều hành vi sai phạm trong một thời gian dài mà không bị ngăn chặn xử lý. (Dân Trí 27/10) đầu trang(
Hơn một năm qua, khu vực rừng phòng hộ quanh đập Khe Su bị đào bới tan hoang, hàng nghìn khối đất đá được khai thác trái phép…
Đây là nguyên nhân khiến đập Khe Su cạn trơ đáy, rừng phòng hộ bị sạt lở, nguồn nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn khan hiếm. Thực trạng trên đã và đang được người dân xóm 5, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) phản ảnh đến các cơ quan chức năng, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Đập Khe Su nằm trong thung lũng được bao quanh bởi rú (núi): Nhà Chàng, Trèo Mằng, Mồng Gà, Chàng Ba, Khe Loòng. Ba dòng suối Chàng Ba, Khe Điếc và Khe Khắm chảy vào luôn giữ cho đập Khe Su lúc nào cũng đầy nước. Vào mùa hè, hàng trăm hộ dân trong vùng vẫn đến đây tắm, giặt. Đây cũng là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho các cánh đồng của xã Sơn Bình, một phần của xã Sơn Trà (Hương Sơn).
Thế nhưng, thời gian gần đây, ở khu vực này đang diễn ra tình trạng khai thác đất, đá, quặng một cách vô tội vạ của Công ty Phú Lộc An. Hơn một năm qua, hằng ngày, tại chân rú Khe Loòng, thường xuyên có 4-5 chiếc xe ben trọng tải lớn nối đuôi nhau chờ xe xúc múc đất, đá chở đi.
Chân núi đã bị khoét sâu vào hàng trăm mét, khiến một diện tích không nhỏ rừng thông, bạch đàn, keo bị đốn bỏ. Do việc khai thác đất, đá không theo quy hoạch nên đã khiến dòng chảy các dòng suối Chàng Ba và Khe Điếc chảy vào đập Khe Su bị chặn lại.
Trong khi đó, hầu như toàn bộ các hộ dân của xóm 5, xã Sơn Bình đều phải lấy nước từ hai con suối này. Mặt khác, ông Lê Ninh ở xóm 5 cho rằng, chính xe ben có trọng tải lớn chở đất đá ở khu vực Khe Loòng chạy qua đã làm rơi ngói, tường nhà ông và tường rào của ông Phan Ngọc Thắng bị nứt.
Vì vậy, hai ông đã làm đơn gửi Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn đề nghị có biện pháp giải quyết. Ngày 7-8-2014, UBND huyện Hương Sơn có công văn chuyển UBND xã Sơn Bình yêu cầu kiểm tra, xử lý. Thế nhưng việc giải quyết chưa thật thấu đáo, nên hai gia đình này vẫn tiếp tục khiếu kiện…
Cách đó không xa, tại rú Trèo Mằng (nơi giáp ranh giữa xã Sơn Trà và xã Sơn Bình), Công ty Vạn Xuân cũng đang khai thác quặng. Cả ngọn núi sừng sững bị máy xúc cùng hàng chục công nhân ngày, đêm đào bới. Đứng xa hàng chục ki-lô-mét vẫn trông thấy nham nhở một màu vàng của đất…
Còn tại rú Nhà Chàng, Công ty Phú Lộc An đã san ủi lưng chừng núi (dưới chân núi là đập Khe Su) để làm đường cho xe vào Khe Loòng chở đất. Khi con đường này mở ra, một số hộ dân, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Hường ở xóm 5 đã cho người đến múc đất phía sau chân núi Nhà Chàng để bán, đồng thời mở rộng diện tích vườn.
Việc khai thác đất, đá và quặng tại khu vực quanh đập Khe Su đã và đang để lại hệ lụy rất lớn, tác động xấu đến môi trường sống của người dân trên địa bàn. Đó là hiện tượng dòng chảy của các con suối vào đập bị chặn; vào mùa mưa, đất, đá trên núi chảy xuống bồi lấp lòng đập. Đặc biệt, hệ thống rừng phòng hộ Mồng Gà bị xâm hại nghiêm trọng.
Hiện tại, núi Mồng Gà từ phía sau xã Ân Phú (Vũ Quang) vòng qua xã Sơn Trà đến sát núi Trèo Mằng đã bị đốt cháy gần như toàn bộ. Bà Nguyễn Thị Thìn, người dân ở xóm 5, bức xúc: “Nhìn những cánh rừng phòng hộ bị phá, đập nước trơ đáy, chúng tôi xót xa lắm. Giếng của hầu hết các hộ dân trên địa bàn cũng trong tình trạng cạn trơ đáy vì phụ thuộc vào mạch nước của đập Khe Su… Nhiều lần họp xóm chúng tôi đã kiến nghị nhưng chưa thấy cơ quan chức năng giải quyết”.
Trước tình trạng khai thác đất, đá, quặng trái phép, xâm hại rừng phòng hộ diễn ra công khai, nhưng ông Cù Xuân Điền, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, vẫn giải thích: “Đập Khe Su hiện nay không có nước là do địa phương có chủ trương tháo từ hồi tháng 5 để sửa chữa thân đê bị mối đục. Việc khai thác tài nguyên gây ảnh hưởng đến nguồn nước; một số diện tích rừng bị tàn phá, UBND xã và các cơ quan chức năng đã biết và đang giải quyết; tuy nhiên, sự việc không đến nỗi nghiêm trọng như người dân phản ảnh!”.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, làm rõ và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để tình trạng nêu trên kéo dài. (Quân Đội Nhân Dân 25/10) đầu trang(
Tại Hội thảo đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng do Ban quản lý chương trình UN - REDD (Chương trình hợp tác của Liên Hiệp Quốc về Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển) tổ chức ngày 24/10, tại Bình Thuận, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
Theo đó, chính quyền các cấp của hai tỉnh tập trung chỉ đạo công tác bảo vệ rừng giáp ranh và nội địa, nhất là địa bàn các huyện Tánh Linh, Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) với các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng); đồng thời, chính quyền các xã hai tỉnh giáp ranh nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.
Trong thời gian tới, để quy chế phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh Bình Thuận và Lâm Đồng tiếp tục phát huy hiệu quả, nhiều đại biểu đề nghị các ngành chức năng của hai tỉnh thường xuyên nắm bắt, trao đổi thông tin về diễn biến tình hình phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép giữa vùng giáp ranh.
Thời gian quan, thực hiện quy chế phối hợp, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hai tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, nhất là khu vực giáp ranh. Nhờ đó, tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép giảm đáng kể. Sau hơn 1 năm thực hiện quy chế số 1087 về việc phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa các huyện Tánh Linh, Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) với các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng), công tác bảo vệ rừng giáp ranh đã có những chuyển biến tích cực.
Cụ thể, các ngành chức năng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức trên 250 đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng; bên cạnh đó cũng phối hợp với lực lượng tỉnh Lâm Đồng tổ chức 23 đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng. Kết quả các đơn vị phát hiện trên 270 vụ vi phạm khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép. Từ những đợt truy quét này, nhiều điểm nóng chặt phá rừng trước đây đã giảm hẳn.
Mặc dù vậy, nhiều đại biểu cho rằng, công tác phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh vẫn còn nhiều hạn chế; nội dung phối hợp chưa bao quát hết các lĩnh vực; tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn còn diễn ra, cho thấy lâm tặc ngày càng manh động và coi thường pháp luật. Bên cạnh đó, do địa hình rộng lớn, phần lớn diện tích rừng là đồi núi nên công tác giữ rừng tại các địa bàn giáp ranh hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng cũng gặp rất nhiều khó khăn. (Bộ NNPTNT 27/10) đầu trang(
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) là nơi bảo tồn, lưu giữ nhiều nguồn gien động, thực vật quý hiếm và sự đa dạng về thành phần các loại động, thực vật quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt…
Thế nhưng, nhiều năm nay Khu bảo tồn này đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi đội ngũ vàng tặc và lâm tặc lộng hành. Được anh bạn là dân bản địa dẫn đường, PV có dịp thâm nhập vào điểm nóng khai thác vàng trái phép ở vùng lõi Khu bảo tồn thiện nhiên Kim Hỷ.
Từ Trung tâm xã Kim Hỷ, sau hơn 2 giờ trèo đèo, lội suối và "cắt rừng”, PV mới đến được điểm nóng "vàng tặc” tại thôn Bản Vin, Bản Lềm thuộc xã Kim Hỷ. Tại các địa điểm như Lũng Quang, Nặm Đẩy, Lũng Mòn…. thực sự là một "đại công trường” khai thác vàng trái phép. Mặc dù gặp cơn mưa rừng tuôn xối xả nhưng dòng người đi đào đãi vàng vẫn tấp nập.
Tại các địa điểm này có đến hàng trăm người từ già trẻ, gái trai… thi nhau đào bới, trò chuyện râm ran cả một vùng rộng lớn. Bên cạnh việc đào đãi vàng thủ công, nhiều bưởng vàng còn sử dụng các loại máy móc chuyên nghiệp công suất lớn để khoan, phá đá, sàng đất.
Theo quan sát, hình thức khai thác vàng ở đây chủ yếu là đào các hầm sâu vào lòng đất, sau đó phu vàng dùng xà beng đào đất đá cho vào bao tải, dùng tời kéo ra ngoài. Đất đá được cho vào máy nghiền, sàng, lọc và thau rửa để lọc lấy vàng. Từ các hầm vàng, dòng nước đục ngầu bùn đất hút lên tuôn ào ào khắp nơi khiến nước suối đặc quánh màu bùn đỏ. Đứng ở trên các miệng hầm vàng, nhìn xuống thấy sâu hun hút, tối om.
Xung quanh các hầm khai thác vàng là hàng chục lán trại được vàng tặc dựng lên để sinh hoạt, ăn ngủ tại chỗ. Với bộ dạng lấm lem, quần áo cũ sườn, trên tay cầm vài chiếc bẫy thú rừng PV giới thiệu là người địa phương đi săn thú rừng, lân la trò chuyện.
Nhóm phu vàng không còn cảnh giác và trò chuyện thoải mái hơn. Tuân, một phu vàng tại đây cho biết, tại khu này có 8 bưởng vàng, họ đã đến đây đào vàng hơn 3 tháng nay. Các chủ bưởng vàng hầu hết là những "đại gia” có tiền, có máu mặt ở nơi khác đến. Còn phu vàng thì chủ yếu là người địa phương làm thuê lương từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng.
Trong lúc vui chuyện, Tuân cũng tiết lộ rằng, thi thoảng chính quyền, công an, Ban quản lý Khu bảo tồn cũng vào rừng truy quét nhưng lần nào cũng vậy, các chủ bưởng vàng cũng có tin "mật báo” trước nên lực lượng chức năng kéo đến thì họ đã kịp dừng lại mọi hoạt động và cất giấu máy móc.
Lực lượng chức năng may lắm chỉ thu được vài cái quốc, cái xẻng. "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, lót tay cả rồi mới tồn tại được chứ…các ông chủ thì ngày càng giàu thêm, chỉ khổ phu vàng chúng tôi cả tháng làm vất vả, công xá chẳng được bao nhiêu. Nguy hiểm nhất là có thể sập hầm và chết bất cứ lúc nào…” - Tuân chép miệng.
Không chỉ bị đội ngũ vàng tặc xâu xé, Khu bảo tồn thiên nhiên này cũng đang bị lâm tặc ngày đêm oanh tạc. Trong quá trình đi qua nhiều cánh rừng ở xã Kim Hỷ và xã Lương Thượng, PV gặp rất nhiều lâm tặc đang vào rừng với đầy đủ các loại cưa máy, cưa tay và lương thực phục vụ cho việc khai thác dài ngày.
Càng đi sâu vào trong rừng, chúng tôi càng bắt gặp nhiều xe máy được thiết kế chuyên dụng để vận chuyển gỗ rừng dựng ven đường. Quanh đó là những cây gỗ lớn có đường kính hàng mét vừa bị đốn hạ và các đống gỗ đã được cưa xẻ vuông vắn. Nhiều cánh rừng bị đốn hạ nham nhở, chỉ còn trơ lại gốc cây, trông thật thảm hại.
Theo người dân cho biết, từ trong rừng, gỗ quý được cưa xẻ thành các khối gỗ thành phẩm, sau đó vận chuyển đến các bãi tập kết ở bìa rừng. Tại đó, đội ngũ cửu vạn sẽ tiếp tục vận chuyển đến các kho tập kết, rồi gỗ rừng Kim Hỷ sẽ theo ô tô đi khắp các tỉnh thành tiêu thụ.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có diện tích hơn 15.000 ha bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phục hồi sinh thái; dịch vụ hành chính và vùng đệm trong. Diện tích khu nằm trên địa phận các xã Lạng San, Ân Tình, Lương Thượng, Kim Hỷ, Côn Minh (Na Rì) và Cao Sơn, Vũ Muộn (Bạch Thông). Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có 798 loài thực vật bậc cao, 65 loài quý hiếm, thuộc 46 họ có giá trị cao được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. (Đại Đoàn Kết 28/10) đầu trang(
Hiện nay, hơn 1.300 ha rừng tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk do Công ty Cổ phần thương mại – Du lịch Bản Đôn quản lý, bảo vệ và phục vụ khai thác du lịch sinh thái đang bị tàn phá tan hoang.
Những ngày trung tuần tháng 10, vào rừng Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn, trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) và đã mục sở thị việc lâm tặc tàn phá rừng.
Vì có "thổ địa" dẫn đường nên không khó để tìm ra những vị trí lâm tặc khai thác gỗ. Mới chỉ đi dọc theo con đường lát đá phục vụ khách du lịch đạp xe thăm quan rừng, PV đã chứng kiến hàng chục cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ. Phần thân đã được lấy đi, còn lại cành ngọn nằm chỏng chơ chắn ngang đường.
Tiếp tục theo những lối mòn đi vào sâu trong rừng, chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ nhẩm tính được vài chục cây gỗ quý bị lâm tặc chặt hạ. Đây là những cây gỗ thuộc loại đang có giá bán cao trên thị trường như giáng hương, căm xe, ca chit, gáo vàng…
Chỉ một số ít cây được đánh dấu, còn lại do mới bị khai thác nên lực lượng bảo vệ rừng chưa kịp phát hiện. Có những cây gỗ đường kính khoảng 1,3m, mới bị lâm tặc cắt hạ, lá còn tươi, ở gốc nhựa ứa ra đỏ quách...
Theo lời người dẫn đường, trước đây lâm tặc khai thác ở trên đồi (cùng Khu du lịch) nhưng giờ trên đồi hết cây to và quý nên chúng mới tràn xuống, tận diệt cả những cây non, đào cả gốc những cây cổ thụ đã khai thác trước đó, miễn là tiêu thụ được.
Trước đây, lâm tặc dùng xe cày (công nông độ chế) để vận chuyển gỗ, nhưng gần đây do lực lượng chức năng làm căng nên chúng chuyển sang dùng xe máy độ chế để vận chuyển. Các nhánh đường trước phục vụ du khách khám phá rừng khộp thì nay trở thành con đường vận chuyển gỗ từ khu sinh thái ra ngoài.
“Có những hôm lâm tặc vào đây khai thác gỗ còn nhiều hơn khách du lịch. Với kiểu khai thác tận diệt nhưng thế này, chẳng mấy chốc mà khu rừng này bị xóa sổ”, người dẫn đường cho chúng tôi đau xót chia sẻ.
Đi tìm câu trả lời vì sao rừng sinh thái ở khu du lịch Bản Đôn lại bị tàn phá như vậy, PV tìm đến Chủ tịch UBND xã Krông Na Y Thông Khăm Niê Kđăm.
Chủ tịch UBND xã Krông Na bức xúc: "Tình trạng 1.360 ha rừng giao cho Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn khai thác du lịch từ năm 2005 đến nay, nhưng bị buông lỏng quản lý, dẫn tới bị lâm tặc khai thác ồ ạt đã diễn ra lâu nay. Trước đây do Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk làm chủ quản cũng bị khai thác, một số vụ đã bị khởi tố. Từ năm 2013 đến nay, do Công ty CP Thương mại – Du lịch Bản Đôn quản lý thì tình trạng khai thác trái phép càng phức tạp hơn. Riêng năm 2013 đến nay, Công an xã Krông Na đã phát hiện và bắt 13 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có một vụ vi phạm quy mô lớn đang được các công ty chức năng khởi tố hình sự".
Chủ tịch UBND xã Krông Na cũng kiến nghị, trong trường hợp Công ty CP Thương mại – Du lịch Bản Đôn không quản lý nổi 1.360 ha rừng sinh thái thì UBND tỉnh nên thu hồi để bàn giao cho đơn vị khác quản lý.
Còn ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk thừa nhận: Diện tích rừng ở Khu du lịch văn hóa- sinh thái Bản Đôn đang bị tàn phá nghiêm trọng và rất khó bảo vệ.
Rừng được giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk để bảo vệ và kinh doanh du lịch. Khi đơn vị này làm ăn thua lỗ nên đã bỏ ngỏ việc quản lý, bảo vệ khiến khu rừng như vô chủ.
Do trở thành điểm nóng phá rừng nên đoàn liên ngành của huyện Buôn Đôn đã từng phải đưa lực lượng xuống đây chốt chặn mấy tháng, lâm tặc vào rừng giảm hẳn, nhưng khi lực lượng này rút đi thì tình trạng phá rừng lại tiếp diễn. (Tin Tức 28/10) đầu trang(
Qua kiểm tra sơ bộ, Cục Hải quan Hải Phòng đã phát hiện gần 1 tấn ngà voi được ngụy trang trong các bao chứa găng tay cao su và được chứa trong container vận chuyển trên tàu Ability V.0011S, cập Cảng GreenPort (số 1 đường Ngô Quyền, quận Hải An, Hải Phòng) từ ngày 23-10.
Trên vận đơn, chủ hàng khai báo là lô hàng găng tay cao su. Người nhận hàng tại Việt Nam là Công ty cổ phần Huy Tuấn, trụ sở tại số 68 A T3, K7, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Số ngà voi nhập lậu sẽ được Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp cùng tổ chức giám định, tổ chức bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam xác định cụ thể số lượng, xuất xứ. (An Ninh Thủ Đô 28/10) đầu trang(
Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an và các lực lượng chức năng khám phá, bắt giữ 1 vụ vận chuyển sừng tê giác có khối lượng lớn qua đường hàng không.
Ngày 27/10, qua kiểm tra soi chiếu hành lý xách tay của hành khách Nguyễn Thị Ngọc Tứ (Sn 1985), đi trên chuyến bay QR 828, có đường bay từ Thái Lan về Hà Nội, phát hiện hành lý của hành khách này có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong hành lý của hành khách Tứ có cất giấu một khối lượng lớn sừng động vật, nghi là sừng tê giác. Số sừng này có trọng lượng là 6 kg.
Ông Nguyễn Đức Sâm, Đội trưởng đội hành lý nhập Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, tại cơ quan hải quan, hành khách Nguyễn Thị Ngọc Tứ khai nhận vận chuyển thuê số sừng tê giác trên cho một đối tượng từ Thái Lan về Hà Nội. Hiện, toàn bộ tang vật và đối tượng đã bị tạm giữ.
Cơ quan hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng đem mẫu vật đi giám định. Sau 5 ngày nữa sẽ có kết quả chính thức. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ. (Pháp Luật VN 28/10) đầu trang(
Sáng 27/10, ông Lục Minh Hiếu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết: Ngành kiểm lâm địa phương đang tiếp tục theo dõi tình hình di chuyển của con bò tót xuất hiện tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình và triển khai các biện pháp bảo vệ cá thể động vật hoang dã này.
Những ngày qua, sau khi thông tin bò tót về gần khu dân cư lan truyền ra cộng đồng, ở khu vực rừng phòng hộ Sông Lũy bắt đầu xuất hiện một số nhóm người lạ mặt, được cho là có ý định săn lùng bò tót.
Nhằm đảm bảo an toàn cho động vật quý hiếm thuộc loài nguy cấp, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã cử lực lượng phối hợp với các ngành chức năng của địa phương thường xuyên ứng trực, vận động tuyên tuyền người dân cũng như những người lạ mặt chấp hành tốt quy định của Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã.
Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đề nghị: Nếu phát hiện cá thể bò tót di chuyển đến gần khu dân cư hoặc nương rẫy, người dân chỉ nên thực hiện động tác gõ các vật dụng phát ra âm thanh để xua đuổi cho bò tót trở lại vào rừng và thông báo nhanh cho đơn vị kiểm lâm gần nhất có biện pháp bảo vệ.
Trước đó, chiều 20/10, khi về gần khu dân cư, con bò tót này đã bị người dân địa phương dùng đất đá, gậy gộc xua đuổi lọt xuống kênh thủy lợi. Các cán bộ kiểm lâm đã có mặt kịp thời để ngăn chặn tình trạng xâm hại động vật hoang dã. Sau đó, cá thể bò tót tự trở về rừng trong tình trạng sức khỏe yếu, di chuyển chậm. (VOV 27/10) đầu trang(
Vào ngày 26/10, cơ quan chức năng huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh cùng với người dân xã Xuân Trường đã tiến hành thả một con rùa biển nặng hơn 10kg sau khi trôi dạt vào bờ.
Con rùa này được anh Nguyễn Viết Lục ở xóm Lộc Hanh, xã Xuân Trường (huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh) phát hiện khi đang đi kiểm tra hệ thống cống thoát nước sản xuất nông nghiệp của xã qua tuyến đê Sông Lam.
Một số người hỏi mua con rùa trên với giá 4 - 6 triệu đồng nhưng anh Lục không bán mà báo với chính quyền, ngành chuyên môn để tiến hành phóng sinh lại biển. (Truyền Hình Công An Nhân Dân 27/10) đầu trang(
Vào khoảng tháng 6 đến tháng 9 âm lịch, khi con nước sông Đà dâng cao cũng là lúc hoạt động bẫy chim tại xã Đồng Thái, huyện Ba Vì (Hà Nội) trở nên nhộn nhịp. Mỗi năm, những thợ săn chim nơi đây đã diệt hàng chục ngàn con chim các loại, từ sẻ, cuốc, cò đến chào mào, cu gáy…
Thời nay, một chiếc đài đọc thẻ nhớ thu âm tiếng kêu của loài chim, kết nối với một cái loa khuếch đại âm thanh có thể vang xa cả cây số. Những loài chim “hót cùng giọng” quanh vùng sẽ lần tìm tiếng gọi của bạn để lao tới như thiêu thân.
Tìm đến nhà ông Cường (nhân vật trong bài được giấu tên), một tay săn chim thiện nghệ ở thôn Tăng Cấu, xã Đồng Thái. Đã ngoài lục tuần nhưng ông vẫn chưa thôi nghề “bẫy của rừng, của trời”. Vào kho chứa đồ nghề của ông chỉ thấy một bó chông vót nhọn đầu, bốn cọc tre dài quá sải tay người lớn, hai tấm lưới khổ 2x4m, một cuộn dây thừng, những lồng chim mồi (gồm: ngói, cu gáy…) và vài cành lá cót.
Sau hồi lâu thuyết phục, cuối cùng ông Cường đã đồng ý cho PV mục sở thị buổi bẫy chim ngói. Với những dụng cụ kể trên, lão thợ săn bố trí thành một cái bẫy sập. Hai cánh lưới diềm gắn cọc tre nằm ngả trên nền đất trống, chỉ cần giật dây chạc là khép vào nhau hệt như người ta gấp quạt. Ở giữa bẫy, ông đặt một vỉ ruồi gắn chim mồi (đã được khâu hai mắt) và rắc vài nắm thóc.
Khi thấy những đàn chim ngói bay ngang qua, ông Cường liên tục giật sợi dây nối với vỉ ruồi để máy chim mồi. Chờ chim hoang sà xuống đúng bẫy, chỉ cần một động tác giật giây, những chú chim đã nằm gọn trong lưới. Cách bẫy này có thể áp dụng đối với cả chim sẻ và chim cu gáy (chỉ khác ở chim mồi).
Ông Cường tiết lộ: “Thôn Tăng Cấu có gần 20 thợ bẫy chim chuyên nghiệp hoạt động quanh năm. Nếu tính cả những thợ bẫy chim thời vụ thì quân số phải lên tới 40 người. Riêng gia đình tôi đã có 6 “tay lưới” rồi”.
Vậy trong một năm, đội quân này đã kết liễu sinh mạng của bao nhiêu chú chim vô tội? Để giải đáp cho câu hỏi này, PV đã tìm đến một số nhân vật lừng danh khác trong giới săn chim của xóm Trung (thôn Tăng Cấu) để hỏi về “sản lượng” mà họ “thu hoạch” được sau mỗi buổi hành nghề.
Anh Ngọc vốn là một thợ xây nhưng đã chuyển sang nghề bẫy chim được 5 năm. Lý do cũng chỉ vì ma lực của đồng tiền. Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, chim về rất nhiều. Trung bình mỗi ngày anh bẫy được 200-300 con chim sẻ hoặc chục con cò, chào mào, cuốc. Những tháng còn lại trong năm, ở quê ít chim nên phải phóng xe máy vượt mấy chục cây số xuống thị trấn Phùng, Diễn để đánh bắt.
“Nhiều người nghĩ ở gần khu dân cư thì không có chim nhưng họ đã nhầm. Thời điểm tan chợ, chim sẻ kéo đến rất đông để nhặt thức ăn rơi vãi. Có mẻ lưới tôi giật được nửa đàn, khoảng 20 con”, anh Ngọc chia sẻ.
Một trong những chiến hữu thân thiết của anh Ngọc là anh Hào. Người này có kỹ nghệ siêu đẳng trong việc bẫy 2 loại chim là cu gáy và ngói. Đây là những loại chim rất khó bắt vì chúng sống chủ yếu ở trong rừng. Vậy mà cứ lần nào đi là anh lại mang về cả bu chim ngói. Dăm bữa, nửa tháng lại có chú chim cu gáy sa lưới.
Hào cho biết, dân chơi chim thứ thiệt trên thành phố trả giá rất cao để sở hữu một chú chim cu gáy. Nếu là chim non, rẻ nhất cũng có 500 ngàn đồng. Loại biết gáy giá từ 1,5 triệu đồng trở lên. Con nào biết gù theo hiệu lệnh của chủ thì từ 4-5 triệu đồng, cá biệt có con lên tới 7 triệu đồng.
Hiện tại, Hào đang sở hữu một bộ sưu tập nhiều loài chim như chào mào, chích chòe, cu gáy, họa mi, sáo… do anh bắt được. Thợ săn chim này khoe: “Nếu bán hết số chim ấy tôi cầm chắc trăm triệu đồng”. Ngoài những lồng chim quý phô diễn hớ hênh, trong gian nhà kho của Hào còn có khoảng 30 chim ngói trong lồng đan lưới sắt mắt cáo chờ đầu nậu đến thu mua.
Từ bao đời sống bằng nghề bẫy chim trời, những người thợ săn chim ở Đồng Thái đã được thừa hưởng nhiều “ngón nghề độc nhất vô nhị” của lớp người đi trước. Họ cũng không ngừng học hỏi và phát triển thêm nghề cha ông truyền lại cho mình.
Các thợ bẫy chim trong xóm cho biết, mỗi loại chim có những cách bẫy khác nhau. Đối với cò thì có 2 cách bẫy. Cách thứ nhất là bẫy bằng chông gắn keo dính. Keo được làm bằng cách nấu nhựa thông và nhựa đa với nhau. Mỗi chiếc chông dài khoảng 45cm được bôi nhựa ở đầu trên (không nhọn), có một đầu nhọn để cắm xuống bờ lúa. Mỗi lần đi bẫy, người bẫy chim thường mang theo vài trăm que chông để cắm thành bãi rộng. Những chiếc chông được cắm so le nhau, que nọ cách que kia 25cm.
Ngoài ra để dụ cò từ trên cao xuống, thợ bẫy chim phải sử dụng đến một con cò mồi (sống) và nhiều cò mồi khác bằng gỗ ở bãi đất đặt bẫy. Khi cò sà xuống, 2 cánh của nó sẽ chạm vào những que chông bôi keo dính cắm chằng chịt và mắc bẫy. Ngoài cách này, có thể bắt cò bằng bẫy lưới.
Đối với chim chào mào, sẻ, cu gáy, ngói… cách thông dụng nhất để bắt là dùng bẫy lồng. Trong lồng sẽ chứa những loại thức ăn mà loài chim này ưa thích như trái dâu chín, vải. Các loại thức ăn này được gắn với một lẫy sập cửa lồng. Khi chim chui vào lồng mổ trái chín thì cửa lồng sẽ đóng lại.
Ở huyện Ba Vì, không thợ săn chim nào xa lạ với H (người xóm Thượng, thôn Tăng Cấu, xã Đồng Thái). Người này là đầu nậu chuyên thu mua chim để bán cho các nhà hàng, khách sạn trên thành phố Hà Nội và khu du lịch sinh thái dưới chân núi Tản.
Đầu nậu này cho biết, những tháng chim về ít (từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch), giá thu mua một con chim sẻ là 6 ngàn đồng và bán ra 7 ngàn đồng. Chim chào mào mua vào 35 ngàn và bán ra 40 - 50 ngàn đồng. Chim ngói mua vào 50 ngàn đồng và bán ra 55 ngàn đồng.
Chim cuốc nhập 40 ngàn đồng và bán ra 45 ngàn đồng. Chim cò nhập 19 ngàn đồng và bán ra 25 ngàn đồng. Nếu vào mùa vụ đánh bắt chim (từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch), giá chim sẽ thấp hơn, tuy nhiên lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán vào túi của H. vẫn không thay đổi. (Nông Nghiệp Việt Nam 28/10, tr5) đầu trang(
Theo ông Nguyễn Văn Hùng – GĐ Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), vườn vừa cho phép chọn 177 hộ dân vào để khai thác thủy sản trong mùa lũ, chủ yếu là những gia đình nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách của 5 xã, thị trấn vùng đệm.
Họ vào đây bắt cá, hái rau, lấy củi... trong khoảng thời gian từ 6h – 18h hàng ngày và phải tuân thủ các quy định về bảo vệ tài nguyên của vườn đưa ra, qua đó hạn chế tình trạng xâm nhập trái phép, hủy hoại tài nguyên.
Vườn quốc gia Tràm Chim rộng gần 7.500 ha, là mô hình thu nhỏ cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười nguyên sơ và là nơi trú ngụ của hơn 250 loài chim nước, trên 100 loài cá nước ngọt, 190 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác. Đặc biệt, nơi đây còn có 32 loài chim quý hiếm của thế giới có giá trị bảo tồn như ngan cánh trắng, cú lợn lưng nâu, diệc, trích, sếu đầu đỏ...
Với hệ sinh thái đặc trưng, Vườn Quốc gia Tràm Chim trở thành khu Ramsa thứ 4 của Việt Nam và thứ 2000 của thế giới. (Nông Nghiệp Việt Nam 28/10, tr20) đầu trang(
Để có độ che phủ rừng đạt gần 40% như hiện nay, huyện Mai Sơn, mà lực lượng kiểm lâm là nòng cốt đã có nhiều biện pháp để giữ rừng, trồng rừng và bảo vệ rừng.
Mai Sơn có diện tích tự nhiên trên 143.000 ha, trong đó rừng nguyên sinh gần 56.824 ha, rừng tái sinh 1.200 ha và rừng trồng 300 ha, độ che phủ đạt xấp xỉ 40%. Nếu tính cả 17.000 ha rừng trạng thái 1C sắp đủ tiêu chuẩn 2C thì độ che phủ của rừng toàn huyện đạt 43,5%.
Rừng của Mai Sơn hiện nay chủ yếu là rừng tái sinh; rừng già, rừng nguyên sinh còn rất ít. Nguyên nhân rừng bị thu hẹp, chất lượng suy giảm là do người dân phá rừng làm nương, trồng ngô, trồng mía, cà phê. Nếu năm 2002, diện tích ngô của Mai Sơn mới có 9.053 ha, thì năm 2009 đã tăng lên 19.020 ha.
Ở Mai Sơn số liệu các cây trồng, vật nuôi khác có thể thống kê được, duy chỉ có diện tích và sản lượng ngô thì không có con số chính xác vì ngô “leo” lên đồi, ngô “trèo” lên núi, ngô lấn át diện tích đất lâm nghiệp. Để ngăn chặn tình trạng này, những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Mai Sơn xác định “người dân phá rừng, thì chính người dân phải giữ rừng”. Và việc làm đầu tiên là chuyển biến nhận thức và ý thức của người dân.
Vướng mắc lớn nhất là hiệu lực xử lý hành chính các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng chưa nghiêm, còn nhiều vụ tồn đọng chưa được giải quyết. Để giải quyết vấn đề này, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Chỉ thị 06-CT/UBND ngày 23-5-2012 nhằm tăng cường các biện pháp cấp bách QLBVR và tập trung giải quyết các tồn đọng.
Tuy nhiên việc xử lý đạt hiệu quả chưa cao vì hầu hết các đối tượng phá rừng làm nương, đốt nương làm cháy rừng đều là những hộ nghèo, không có tài sản, không có khả năng nộp phạt. Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý và cam kết khôi phục bảo vệ diện tích rừng đã vi phạm.
Hạt còn xây dựng bản đồ phân vùng dự báo cháy; tại trụ sở UBND các xã đều có biển báo cấp độ nguy cơ cháy và bản đồ phân vùng dự báo cháy, phương án PCCCR... Chỉ tính riêng 9 tháng qua, Hạt đã phối hợp với cơ sở tổ chức 149 buổi tuyên truyền tới bản, tiểu khu với 8.713 lượt người nghe, phát 5.000 tờ rơi, 200 tờ áp phích, 22 bảng trích nội dung trách nhiệm của chủ rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền cấp xã.
Đội ngũ cán bộ, kiểm lâm viên khi đi cơ sở tuyên truyền miệng bằng tiếng dân tộc, giải thích ngắn gọn để nhân dân dễ hiểu nên đã tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Ngoài ra hằng năm, huyện đều tổ chức ký cam kết giữa bí thư, chủ tịch UBND xã, bản với huyện; địa phương nào để xảy ra phá rừng làm nương, cháy rừng, thì ngoài đối tượng vi phạm phải xử lý, người đứng đầu địa phương cũng phải chịu trách nhiệm.
Từ cách làm thiết thực, nhận thức của nhân dân về công tác QLBVR ở Mai Sơn đã chuyển biến, độ che phủ rừng tăng dần góp phần mang lại màu xanh cho vùng đất này.  (Báo Sơn La 27/10) đầu trang(
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo Kết luận thanh tra số 2490/TB-TTCP về việc quản lý, sử dụng đất đai và một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắc Nông giai đoạn 2004-2011.
Nội dung kết luận nêu rõ: Công tác quản lý, sử dụng đất đai bị buông lỏng trong thời gian dài, có nhiều sai phạm, khuyết điểm. Các công ty lâm nghiệp năng lực yếu kém nhưng được giao quản lý diện tích rừng quá lớn, trong khi cơ chế quản lý rừng còn nhiều bất cập, hậu quả mất rừng, mất đất rừng nghiêm trọng.
Nhiều doanh nghiệp được tỉnh cho thuê rừng, đất rừng để thực hiện dự án trồng cao su, trồng rừng, nhưng yếu kém cả về năng lực quản lý và khả năng tài chính nên không hiệu quả, để rừng bị mất vô tội vạ. Một số diện tích rừng giao triển khai dự án nằm sát biên giới nhưng không có văn bản thỏa thuận của các đơn vị quân đội, biên phòng.
Hậu quả không chỉ để mất hàng nghìn héc-ta rừng, đất rừng, thất thoát một khối lượng lớn gỗ tận thu, mà tỉnh Đắc Nông còn để nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và giao tài sản trái quy định với tổng số tiền phải thu hồi cho ngân sách Nhà nước hơn 64 tỷ đồng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND tỉnh Đắc Nông và người đứng đầu các sở, ngành liên quan.
Thực tế cho thấy, tình trạng thất thoát tài nguyên rừng, buông lỏng quản lý đất đai không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắc Nông mà đang là thực trạng đáng báo động ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là những nơi có nhiều tài nguyên rừng, tài nguyên đất.
Chỉ tính tại địa bàn Tây Nguyên, theo thống kê của cơ quan chức năng, bình quân mỗi năm có tới 25 nghìn héc-ta rừng bị suy giảm vì các mục đích kinh tế-xã hội. Có những công ty lâm nghiệp trong thời gian ngắn để mất hàng nghìn héc-ta rừng như: Công ty Lâm nghiệp Cư M'lan (Đắc Lắc) từ năm 2008 đến nay để mất 7 nghìn héc-ta rừng; Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (Đắc Nông) từ năm 2008 đến 2013 có tới hơn 4,5 nghìn héc-ta rừng bị phá và lấn chiếm.
Tình trạng mất rừng, buông lỏng quản lý đất đai không chỉ dẫn đến thất thoát tài nguyên quốc gia, mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, như tranh chấp đất đai, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, phức tạp; nhiều vụ trở thành điểm nóng, khó xử lý dứt điểm, nhất là những vụ tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân địa phương với các doanh nghiệp được chính quyền giao đất, giao rừng triển khai dự án...
Thời gian qua, Nhà nước ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng khá chặt chẽ. Cùng với Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ thị quy định rất cụ thể, gần đây là Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27-9-2011 về việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ.
Nhưng xem ra, tình trạng "nhờn" luật, "lách" luật, coi thường kỷ cương pháp luật trên lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng còn phổ biến, dẫn tới vi phạm tràn lan mà xử lý chưa triệt để. Trong khi hằng năm chúng ta phải chi khoản ngân sách không nhỏ bảo đảm cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng rừng vẫn mất với số lượng lớn mà những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan không bị xử lý nghiêm khắc.
Tục ngữ có câu "Thuốc đắng dã tật" - chỉ khi nào pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực thi nghiêm túc; người đứng đầu địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và hộ gia đình được giao đất lâm nghiệp, giao rừng nhưng để rừng bị tàn phá, lấn chiếm phải chịu trách nhiệm cá nhân và bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định, không còn tình trạng "xuê xoa, bỏ qua" thì tài nguyên rừng mới được bảo vệ hiệu quả. (Quân Đội Nhân Dân 27/10) đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau) cho biết, gần đây chim các loại đã hội tụ dày đặc trên 5 điểm ở rừng ngập mặn và rừng tràm U Minh Hạ, chúng bắt đầu làm tổ, đẻ trứng sinh con.
Tại các điểm trên, ước tính có trên 20 loài với số lượng lên tới hàng chục ngàn con, tập trung trên 10 loại cò, phổ biến nhất là cò trắng cổ dài, còng cọc đen, vạt, ốc cao, chằng nghịt… Việc hình thành những vườn chim hoang dã chứng tỏ môi trường thiên nhiên ở các khu rừng tỉnh Cà Mau được bảo tồn tốt.
Vườn chim nếu được bảo vệ tốt sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút nhiều khách tới tham quan, mang về cho địa phương nguồn thu không nhỏ. Điển hình như vườn chim ở phường 1, thành phố Cà Mau, diện tích chỉ có 5 ha, số lượng chim ước khoảng 30.000 con, nhưng mỗi ngày thu hút hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để bảo tồn cũng như phát triển những vườn chim như vậy là việc làm khó khăn. Quy luật của chim là thích nghi với môi trường rừng rậm, không có tiếng ồn, đặc biệt là bóng dáng của con người. Mặt khác, chim tự tìm tới làm tổ nhưng cũng tự di chuyển. Có những vườn chim, chúng đến rồi đi rất nhiều lần mà ngay cả những người trực tiếp quản lý vườn chim cũng bó tay.
Để vườn chim tồn tại và phát triển tự nhiên, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai một số việc cụ thể. Trước hết là bảo vệ nghiêm ngặt bằng cách hạn chế người tiếp cận quá gần với chim, kế đến là cung cấp thức ăn, nước uống cho chim; quy hoạch bảo tồn theo hướng mở rộng thêm diện tích cho chim có môi trường sinh sôi nảy nở; đào tạo một đội ngũ nhân viên quản lý có chuyên môn; đồng thời áp dụng các phương pháp quản lý vườn chim của các nước trên thế giới. (Tuổi Trẻ 27/10) đầu trang(
Huyện Tam Đảo có trên 14.600 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 49% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của cả tỉnh.
Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh phát triển nghề trồng rừng, chính quyền các cấp, các đơn vị và chủ rừng đã quan tâm triển khai các hoạt động phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng; xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, tiến hành phát dọn thực bì, xây dựng các công trình phòng cháy; làm tốt công tác khoanh vùng trọng điểm rừng dễ cháy và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Vì vậy, toàn huyện không có những vụ cháy rừng lớn xảy ra. Trong mùa khô 2013 - 2014 trên địa bàn huyện xảy ra 14 vụ cháy rừng ở các xã Đạo Trù, Đại Đình, Tam Quan và Minh Quang, chủ yếu là cháy dưới tán và cháy thực bì. Mặc dù số vụ cháy và diện tích thiệt hại có tăng so với mùa khô năm trước tuy nhiên do có sự chuẩn bị tốt và xử lý kịp thời nên không gây thiệt hại nhiều về tài nguyên rừng.
Bước vào mùa khô năm 2014 - 2015, Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng huyện đã xây dựng phương án triển khai nhiệm vụ. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Tăng cường phòng cháy; dự báo cháy rừng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát rừng trong mùa khô; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng với nhân dân trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Huyện cũng thành lập các tổ phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm tăng cường lực lượng phối hợp với dân quân, công an, kiểm lâm địa bàn triển khai các biện pháp bảo vệ rừng.
Đầu mùa khô năm 2014 – 2015, huyện đã tổ chức được 2 đợt tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng tại các xã ven chân núi Tam Đảo; mở các lớp tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng cho lực lượng xung kích các xã, lực lượng quân đội đóng quân gần rừng, cấp phát trên 10.000 tờ rơi về công tác tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, hoàn thành việc hiệp đồng tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng theo từng tình huống có thể xảy ra.
Đối với tình huống cháy nhỏ (quy mô dưới 1 ha) sẽ huy động lực lượng tại chỗ từ các xã, thị trấn, lực lượng kiểm lâm, trung tâm lâm nghiệp và chủ rừng khoảng 160 người với các dụng cụ chữa cháy cá nhân. Đối với tình huống cháy vừa (quy mô từ 1 đến 5 ha) sẽ huy động lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường từ tỉnh, huyện và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện khoảng trên 470 người với xe cứu hỏa, xe ô tô và xe cứu thương.
Đối với tình huống cháy lớn (quy mô trên 5 ha) sẽ huy động lược lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khoảng gần 800 người với xe máy, xe ô tô, xe tải, xe chữa cháy và xe cứu thương. (Vinhphuc.gov.vn 27/10) đầu trang(
Hiện nay, toàn tỉnh có 557.355 ha rừng, trong đó có 9.800 ha rừng thông. Dự báo, mùa khô năm nay khô hạn kéo dài, diễn ra trên diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Đặc biệt đối với diện tích rừng thông, lá thông rụng phân hủy chậm dẫn đến thảm thực bì dầy,  lượng nước trong lá thông ít, thân cây lại có dầu kết hợp với ràng ràng, sim mua, lau lách đang là mối lo cháy rừng trong những ngày khô hanh.  Hiện tại, hơn 5.800 ha rừng thông do các chủ rừng Nhà nước quản lý đã được quan tâm  phát dọn thực bì và đốt cháy trước dưới tán rừng thông  để giảm vật liệu cháy.
Gần 4.000 ha còn lại do UBND các xã quản lý, giao cho các hộ bảo vệ, chăm sóc nhưng do chưa đủ điều kiện khai thác nhựa, không có nguồn thu và không có tiền công chăm sóc, bảo vệ nên các hộ chưa quan tâm phát dọn thực bì dưới tán rừng. Điển hình như nhiều khu rừng thông ở các xã: Trúc Lâm, Nguyên Bình, Hải Nhân (Tĩnh Gia) lớp thảm thực bì, cành khô, lá rụng dưới tán rừng có nơi dày từ 1,5 m đến 1,8 m  nếu người dân dùng lửa bất cẩn, cháy rừng sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào.
Gần đây đã xuất hiện  mâu thuẫn cá nhân xuất phát từ lợi ích  rừng và đất lâm nghiệp đã đốt rừng để phá hoại tài sản của nhau.  Trong khi đó,  tại một số địa phương, chủ rừng; các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đề ra nhưng thực hiện không triệt để, nhất là biện pháp xử lý vật liệu cháy khu vực rừng thông; công tác tuần tra, kiểm tra, trực kiểm soát lửa rừng... còn hạn chế đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng thông rất  cao.
Thực tế một số vụ cháy rừng xảy ra trong các năm vừa qua có nguyên nhân từ ý thức bất cẩn của người dân trong dùng lửa đốt nương rẫy, xử lý thực bì trồng rừng, khai thác lâm sản,  đốt vàng mã, đốt ong, hút thuốc lá, thuốc lào trong rừng.
Đề nghị các hạt kiểm lâm cần phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ rừng Nhà nước, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động PCCCR; tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCCR, tổ chức diễn tập thực hành thành thạo các nội dung chữa cháy rừng theo phương án đã lập để khi xảy ra cháy rừng các địa phương, chủ rừng sẽ chủ động chữa cháy kịp thời, hiệu quả. (Báo Thanh Hóa 24/10) đầu trang(
Hàng chục ngàn cây phi lao ven biển Trà Vinh đang chết dần không rõ nguyên nhân, ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ biển.
Với chức năng chắn sóng, chắn gió, chống sạt lở… rừng phi lao phòng hộ có vai trò rất quan trọng đối với cư dân ven biển. Thế nhưng tại khu vực ven biển Trà Vinh hàng chục ngàn cây phi lao đang chết dần không rõ nguyên nhân, khiến ngành chức năng lẫn người dân hết sức lo lắng.
Ông Trương Minh Hải người giữ rừng ở ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, huyên Duyên Hải – nơi có gần 30 ha rừng phi lao bị chết trắng cho biết, vào năm 2012 khu vực này cũng xuất hiện tình trạng cây phi lao chết khô nhưng không lan rộng. Còn hiện nay cây chết từng cụm và ngày càng lan rộng.
Ông Trương Minh Hải cho biết: “Khi hạn kéo dài rồi mưa thì nhiều cây phi lao xuất hiện dấu hiệu vàng đầu từ trên xuống và chết. Năm nay, số cây phi lao chết nhiều hơn năm 2012. Ở khu tôi quản lý cây chết hàng trăm héc ta, cả hơn chục hộ. Cây lớn nhỏ gì cũng chết”.
Không riêng khu vực rừng của ông Hải quản lý mà khắp rừng phòng hộ ven biển Trà Vinh nơi nào cũng xuất hiện cây chết khô bất thường. Cây chết từ trên ngọn xuống, trong khi phần thân chưa xuất hiện dấu hiệu khác thường hay bị sâu bệnh tấn công. Ban đầu phần lá héo rũ và sau từ 5 đến 7 ngày cây khô dần, vỏ rễ bong ra. Đáng lo ngại hơn nữa là số cây phi lao bị chết thường có độ  tuổi từ 12 năm tuổi trở lên.
Trước tình trạng này ngành chức năng tỉnh Trà Vinh đã tiến hành lấy mẫu gửi về Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam để xét nghiệm tìm tác nhân gây chết cây nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Ông Hứa Chiến Thắng, Phó hạt kiểm lâm huyện Duyên Hải cho biết: “Chi cục kiểm lâm phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật tiến hành lấy mẫu, cả mẫu cây và mẫu đất để xác định nguyên nhân cây bị bệnh. Cho đến nay các ngành chức năng cũng chưa trả lời được do bệnh gì nên chưa xử lý số lượng cây chết được”.
Trên 65km bờ biển của tỉnh Trà Vinh phần lớn được bảo vệ bằng hàng cây phi lao rộng từ 50 đến hơn 100m. Những năm gần đây thời tiết ngày càng biến đổi và khó lường, hàng chục ngàn cây phi lao tại đây bị triều cường, sóng biển đánh trơ gốc và chết. Nay lại xuất hiện bệnh lạ làm cây chết hàng loạt.
Nếu không sớm tìm ra nguyên nhân và phòng trị kịp thời thì tình trạng sạt lở đất khu vực ven biển Trà Vinh sẽ nghiêm trọng hơn, theo đó đời sống của cư dân ven biển vốn khó khăn thì  càng khó khăn hơn. (VOV 26/10) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Mặc dầu đất rừng đang có tranh chấp với rất nhiều hộ dân, nhưng UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn ra quyết định thu hồi.
Điều đáng nói là quyết định thu hồi không đảm bảo căn cứ; việc tiến hành thu hồi không được tiến hành công khai, quyết định thu hồi không được gửi đến cho các hộ dân, để đến khi tranh chấp xảy ra thì phía doanh nghiệp đã được tỉnh “ưu ái” cấp “sổ đỏ”, quyền lợi của các hộ dân nghèo đã bị gạt sang một bên.
Theo đơn thư của các hộ dân, từ năm 2002 đến năm 2006, 3 nhóm gồm 11 hộ dân ở Ea Tam và Cư Klông đã nhận đất trồng rừng ổn định, lâu dài được 299,89 ha rừng cây gỗ thông, xen lẫn là cây keo, cộng với 17 hộ dân có hợp đồng trồng và chăm sóc rừng, nâng tổng số diện tích đất rừng được người dân nhận từ BQL dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng (sau đây gọi tắt là BQL) lên đến hơn 500 ha, trong đó có 418,6 ha diện tích đất rừng đã được người cải tạo, trồng cây gây thành rừng.
Bỏ công sức, tiền của “trồng cây”, năm 2008 đã đến chu kỳ “hái quả”, hiệu quả trồng và chăm sóc bảo vệ rừng của hàng chục hộ dân ở Krông Năng đã thấy rõ, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về mặt bảo vệ môi trường sinh thái rừng, bảo vệ nguồn đất, nguồn nước… Thế nhưng, không hiểu vì sao UBND tỉnh Đắk Lắk lại đột ngột “gạt” những người dân nghèo địa phương “sang một bên” để lấy toàn bộ diện tích đất này “dâng” cho doanh nghiệp chặt phá, trồng rừng lại từ đầu ?!
Việc này, ngay từ đầu không chỉ gặp phải sự phản kháng của các hộ dân đã bỏ công, bỏ của ra trồng rừng, gây bức xúc trong dư luận, mà ngay cả chính quyền và cơ quan chức năng sở tại cũng không đồng ý. Tại cuộc phúc tra ngày 7/4/2008, Giám đốc BQL Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng (gọi tắt là BQL) đã khẳng định không thể giao diện tích đất rừng này cho doanh nghiệp Trường Thành.
Về phía chính quyền huyện Krông Năng cũng không đồng tình việc thu hồi đất rừng tại xã Ea Dăh, khi khẳng định “Hiện tại chưa thể giao cho công ty cổ phần Trường Thành lập dự án đầu tư trồng rừng được, do chưa di dời và ổn định được dân cư trong vùng”.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn “nhắm mắt” bỏ qua và ngày 03/10/2008 vẫn ra quyết định số 2572/QĐ-UBND thu hồi 568,43 ha của BQL để giao cho công ty Trường Thành, đồng nghĩa thu hồi toàn bộ 418,6 ha rừng trồng hợp pháp của 28 hộ dân đã bỏ biết bao công sức gây dựng nên.
Điều 26 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và khoản 2 điều 26 Nghị định số 23/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật này đã quy định rõ các trường hợp được phép thu hồi rừng, trong đó nói rõ 4 trường hợp được phép thu hồi: “a) Sử dụng rừng cho mục đích quốc phòng, an ninh; b) Để xây dựng các công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; c) Để thực hiện các dự án di dân, xây dựng khu kinh tế mới…; c) Để xây dựng các công trình theo quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Đối chiếu với quy định tại Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Nghị định số 23/2013 của Chính phủ thì thấy rõ việc UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi hơn 400 ha đất rừng, rừng trồng đã giao khoán cho các hộ dân để giao cho một doanh nghiệp tư nhân là trái luật.
Nói về việc này, ông Phạm Thế Hoan- Phó chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cứ một hai khẳng định: “việc thu hồi có căn cứ”, nhưng khi PV đề nghị ông Hoan phân tích tính có căn cứ, đúng pháp luật ở đâu thì ông Hoan lại giải thích vòng vo, không nêu ra được căn cứ cụ thể”.
Tuy nhiên, vị Phó chánh thanh tra cũng nói: “Xét nhu cầu của dân, dân có còn nhu cầu trồng rừng hay không? nếu còn nhu cầu mà vẫn thu hồi để giao là sai, dân không còn nhu cầu mà thu hồi là đúng”. Và nói thêm, nếu trước thời điểm thu hồi đất để giao cho công ty Trường Thành, mà dân kiện thì chắc việc thu hồi diện tích đất đó của dân không xảy ra (?!).
Trong khi đó, nhiều hộ dân có đất rừng đang tranh chấp khẳng định “việc lên phương án, kế hoạch thu hồi đất để giao cho công ty Trường Thành dân không được biết, vì mãi đến lúc Trường Thành có “sổ đỏ” rồi dân mới được biết, mới bức xúc đội đơn đi kiện”.
Trong lúc đó, tại thời điểm UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi đất rừng đã giao khoán cho dân (năm 2008), đang chịu sự điều chỉnh của Thông tư 38/2007 của Bộ NN và PTNT, trong đó điều 3 của Thông tư 38 quy định rõ “không giao, cho thuê những diện tích rừng đang có tranh chấp” và “việc giao, cho thuê rừng, thu hồi rừng phải có sự tham gia của người dân địa phương và công bố công khai”.
Tuy nhiên, “Chúng tôi đã quyết liệt phản đối, UBND tỉnh vẫn cứ thu hồi diện tích đất rừng đang tranh chấp rồi giao cho công ty Trường Thành thuê. Không những thế, nhiều hộ dân chúng tôi không biết được tỉnh đã thu hồi đất rừng và đem cho doanh nghiệp thuê”- ông Phan Khắc Văn cho biết.
Để lý giải rõ hơn về những căn cứ đề xuất thu hồi đất rừng đã giao khoán cho dân để giao cho doanh nghiệp tư nhân, PV đã làm việc với BQL dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng và đã rất bất ngờ khi được ông Nguyễn Đình Tùng- Giám đốc BQL cho biết, tại thời điểm đó BQL chỉ “Căn cứ vào tờ trình của công ty và của UBND tỉnh chỉ đạo”.
Như vậy là đã rõ, việc đề xuất thu hồi đất rừng của dân để giao cho doanh nghiệp chỉ dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp tư nhân và ý chí chỉ đạo của UBND tỉnh, chứ chưa căn cứ vào các quy phạm pháp luật cũng như không xét đến nhu cầu, quyền lợi của người dân đã được giao khoán đất lâm nghiệp trồng rừng. Mặc dầu Giám đốc BQL dự án có lý giải vấn đề này có nhiều yếu tố, tuy nhiên ông Tùng cũng nhận định đã thu hồi thì phải đền bù cho dân: “Đã giao cho hộ dân lâu dài, khi thu hồi anh phải có quyết định thu hồi và phải có thanh lý hợp đồng. Mà đã thanh lý hợp đồng, đề nghị thu hồi thì phải đền bù”.
Quan điểm của Giám đốc BQL dự án là rất rõ ràng, phù hợp với quy định tại điều 6, điều 9, điều 15 và điều 20 của QĐ 178/2001 của Thủ tướng Chính phủ như vậy. Tuy nhiên, trong quyết định thu hồi đất rừng của UBND tỉnh Đắk Lắk, không có điều khoản nào cho thấy người dân bỏ công trồng và chăm sóc rừng sẽ được hưởng quyền lợi như pháp luật quy định.
Khi tranh chấp đất rừng giữa các hộ dân với chính quyền địa phương chưa được giải quyết thấu đáo, UBND huyện Krông Năng đã có văn bản yêu cầu 2 bên giữ nguyên hiện trạng, thì ngày 24/5/2014, công ty Trường Thành đã cho công nhân lê lưỡi cưa sáng bóng vào triệt hạ rừng thông do người dân dày công trồng nên ở tiểu khu 316.
Trực tiếp cán bộ BQL dự án, Kiểm lâm huyện và Công an xã Ea Tam đã có mặt tại hiện trường, qua kiểm tra đã lập biên bản vi phạm, với khoảng 700-800 cây Thông trồng từ năm 2006 bị cắt thành từng khúc có chiều dài 2m, đường kính cây to nhất là 27cm, còn đại đa số có đường kính gốc 13-17cm, diện tích bị chặt phá8.000m2.
Tại thời điểm này, nhận được tin báo của người dân, PV báo BVPL đã trực tiếp có mặt và chứng kiến hàng trăm cây thông đang chu kỳ khai thác nhựa bị cưa đỏngổn ngang. Việc doanh nghiệp ngang nhiên chặt phá rừng do dân trồng, ông Nguyễn Đình Tùng khẳng định “công ty Trường Thành đã sai”.
Hành động chặt phá rừng thông do dân trồng này của công ty Trường Thành, có dấu hiệu của tội hủy hoại rừng, đồng thời đã đẩy tranh chấp lên đến đỉnh điểm, gây thiệt hại về kinh tế của Nhà nước cũng như các hộ dân, khi việc chặt phá 8.000m2rừng thông đã gây thiệt hại theo ước tính của người dân là 300 triệu đồng.
Nói về những bật cập dẫn tới tranh chấp xảy ra, ông Nguyễn Quốc Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk nhận định: “Đây là 2 cái nhập một, anh làm không đúng nguyên tắc dẫn đến bây giờ có sự tranh chấp xảy ra. Thứ nhất là việc giao không đúng, giữa hồ sơ và trên thực tế, thực địa không đúng. Thứ 2 việc đầu tư trồng rừng theo chương trình 661 trên diện tích giao khoán cũng chưa rõ ràng nên mới có tranh chấp. Chứ trong trường hợp Ban giám đốc BQL làm chặt chẽ thì sẽ không có tình trạng như bây giờ”.
Cũng phải thừa nhận thực tế có một số hộ dân trồng rừng ngoài tiểu khu đã quy định trong hồ sơ. Quá trình rà soát diện tích đất trồng rừng trên hồ sơ và kiểm tra trên thực tế tại thực địa cũng không chính xác, vì vậy đã xảy ra sự việc giao đất lâm nghiệp rừng trồng cho doanh nghiệp chồng lấn lên diện tích đã giao khoán cho người dân trước đó. Sự việc này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng, mà còngây thiệt hại cho người dân nhận khoán trồng rừng.
Cũng chính vì tranh chấp xảy ra, mà hiện nay một số khoảnh đất tại tiểu khu 311, 314, 316 vẫn chưa được trồng rừng, không những thế, mà thiệt hại kinh tế cũng rất lớn cho Nhà nước và người trồng rừng, khi rừng keo đã bị rỗng ruột do đã quá tuổi khai thác nhưng không được chặt, rừng thông đã vào chu kỳ lấy nhựa nhưng vẫn để mặc cho mưa nắng.
Thiết nghĩ, để gỡ “nút thắt” chấm dứt tranh chấp này thì UBND tỉnh Đắk Lắkcần phải xem xét, ưu tiên cho dân, vì dân đã đầu tư công sức, tiền của bao nhiêu năm vào những thảm rừng này. Trực tiếp Giám đốc BQL dự án rừng phòng hộ Krông Năng đề xuất “Bởi vì người dân người ta cũng đã có ít nhiều công sức vào trồng rừng. Vì vậy mong các cơ quan chức năng xem xét trên cơ sở hợp pháp và dựa trên cái tình để xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý, có lợi cho người dân đã có công sức trồng rừng từ trước đến nay”.
Ông Nông Văn Lập- Chủ tịch HĐND xã Cư Klông đề nghị cấp trên có biện pháp làm cho hài hòa, công bằng, ổn định cuộc sống của những hộ gia đình trồng rừng ở đây, bởi đã giao khoán cho dân trồng rừng hơn 10 năm rồi, rừng đã được khai thác mà còn tranh chấp thì mất quyền lợi của người dân trồng rừng, “người không trồng rừng nhưng lại được hưởng lợi thì gây bức xúc trong dư luận”- ông Lập nói.
Hiện nay, sau rất nhiều lần khiếu kiện lòng vòng từ huyện lên tỉnh, tỉnh lên các Bộ, ngành Trung ương và ngược lại, vừa qua Sở NN và PTNT tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản trả lời, xác định khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh.
Do đó, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk sớm giải quyết và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, ưu tiên cho người dân và làm tốt chính sách giao khoán đất rừng, đất lâm nghiệp cho người dân như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã quan tâm, có như thế mới góp phần đảm bảo an ninh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng hiệu quả sử dụng đất rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. (Bảo Vệ Pháp Luật 28/10, tr10) đầu trang(
Năm 2014, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp năm 2014 của tỉnh và của cấp huyện.
Tổng diện tích dự kiến giao, cho thuê giai đoạn (2012-2015) theo đề án là 88.574,0 ha, bao gồm rừng và đất rừng sản xuất nhận bàn giao từ các lâm trường về địa phương quản lý (sau sắp xếp đổi mới lâm trường) là 51.835,0 ha; rừng và đất rừng phòng hộ đã chuyển sang sản xuất là 36.739 ha.
Đã rà soát, làm rõ 37.633,1 ha trong số 88.574,0 ha thuộc giai đoạn 2012-2015 của đề án, có 747,9 ha rừng sản xuất là rừng trồng nhà nước đầu tư 100% là có thể cho thuê được và 3.760 ha đất chưa có rừng cũng có thể cho thuê được nhưng phải có sự đồng thuận của người dân sở tại.
Phương thức cho thuê được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 và Luật Đất đai 2013. Hiện nay đang tiếp tục rà soát 50.940,9 ha rừng và đất rừng được bàn giao từ các Lâm trường về địa phương quản lý.
Đối với diện tích 93.030,3 ha rừng và đất rừng sản xuất đang giao cho các địa phương quản lý (không thuộc giai đoạn 2012 – 2015 của đề án, chưa có trong Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 20/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh). Diện tích đã được rà soát thuộc diện tích rừng và đất rừng sản xuất đang giao cho các địa phương quản lý, trên sổ sách là 53.843,2 ha. Kết quả sau khi rà soát trên thực địa thì số diện tích này tại thời điểm kiểm tra là 48.248,2 ha, giảm 5.595,0 ha so với số liệu ban đầu (Nguyên nhân có sự chênh lệch do sai lệch trong phương pháp đo vẽ trước đây).
Trong tổng số 48.248,2 ha đã được rà soát đã xác định được 2.643,3 ha (43,8 ha rừng trồng thuộc ngân sách của nhà nước và 2.599,5 ha đất chưa có rừng) có khả năng cho thuê được. Nhưng để thực hiện được phải điều chỉnh Đề án giai đoạn 2012-2015. Hiện nay đang tiếp tục rà soát diện tích là 44.782,1 ha còn lại trong tổng số 93.030,3 ha rừng và đất rừng sản xuất đang giao cho các địa phương quản lý.
Về kết quả giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư. Việc triển khai thực hiện ở 2 xã điểm của tỉnh: xã Vũ Linh (huyện Yên Bình) và xã Y Can của (Trấn Yên): Đến nay, phương án của 2 xã đã và đang tổ chức triển khai trên thực địa, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.
Cụ thể đối với phương án của xã Y Can: Diện tích xây dựng phương án là 1.823,95 ha gồm: Giao rừng gắn với giao đất là 143,4 ha; giao cho cộng đồng 97,18 ha, xã quản lý là 46,22 ha; Giao đất sản xuất lâm nghiệp 1.680,55 ha trong đó giao 1.461,22 ha cho 427 hộ với 1312 thửa, 219,33 ha xã quản lý.
Khi xây dựng phương án đã triển khai theo hướng tôn trọng hiện trạng ban đầu về diện tích mà người dân đang quản lý sử dụng, trên cơ sở đó tiến hành hoàn thiện hồ sơ. Hiện tại, Văn phòng đăng ký cấp huyện cùng với xã đã kê khai được 1.183 thửa, 1.115,3 ha; đã công khai tại xã 198 thửa/124 hộ/129,49 ha đang in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trình Ủy ban nhân dân huyện ký; việc thực hiện tương đối thuận lợi, không có khiếu kiện xảy ra.
Đối với phương án của xã Vũ Linh: Khác với xã Y Can, do diện tích rừng và đất rừng ít, tổng diện tích  xây dựng phương án là 261,7 ha trong đó giao cho 85 hộ gia đình 161,5 ha; giao cho cộng đồng 73,6 ha còn lại xã quản lý 26,6 ha. Trước khi thực hiện phương án có nhiều hộ dân chưa có đất lâm nghiệp để sản xuất theo mức bình quân của xã là (1,9 ha/hộ), nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn.
Phương án được xây dựng trên cơ sở phát huy dân chủ của người dân, đảm bảo các bước xây dựng của phương án theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai một số hộ dân còn thắc mắc chưa đồng thuận với phương án (có đơn thư do nhiều người ký gửi cấp trên), việc chia lô để xác định gianh giới các lô, các khoảnh để tổ chức bốc thăm cho các hộ thuộc đối tượng được giao đất trong phương án cũng mất nhiều thời gian. Với sự cố gắng, tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền và các Sở, ban ngành đến nay, xã đã thực hiện xong.
Về thực hiện Phương án các xã điểm của các huyện. Đến nay đã có 10 xã xây dựng phương án cấp xã (Xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải; xã Vĩnh Lạc, Huyện Lục Yên; xã Hoàng Thắng và xã An Thịnh, huyện Văn Yên; xã Nghĩa Sơn  và xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn;  Xã Yên Thành, huyện Yên Bình; xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu; xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; xã Nghĩa Phúc, Thị xã Nghĩa Lộ; phường Yên Ninh, Thành Phố Yên Bái).
Tuy nhiên theo kết quả thẩm định của các tổ công tác, thì các phương án của các xã nêu trên đều chưa đạt yêu cầu, cần phải tiếp tục điều chỉnh cho đúng với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ra Quyết định thành lập 7 tổ công tác trực tiếp xuống giúp các địa phương tiếp tục  hoàn chỉnh phương án theo đúng quy định của nhà nước. Đang tiếp tục rà soát diện tích rừng và đất rừng có thể cho doang nghiệp thuê theo đúng quy định của Pháp luật. (Sở Tài Nguyên Môi Trường Yên Bái 27/10) đầu trang(
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 10 đạt 528 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm đạt 4,98 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Xuất khẩu mặt hàng này sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 10,19%; Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 14,35% và 22,03% so với cùng kỳ năm 2013.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 - chiếm 66,35% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.
Trong 10 tháng, Việt Nam cũng nhập khẩu gần 1,9 tỷ USD nguyên liệu gỗ, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu gỗ từ Lào chiếm 28,4%, Campuchia chiếm 12,7%, Hoa Kỳ chiếm 10,8%.
Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập khẩu gỗ lớn thứ 4, chiếm 9,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường này trong 9 tháng 2014 đã tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Bộ Nông nghiệp, sản lượng gỗ khai thác trong 10 tháng qua ước đạt 4.527 nghìn m3 , tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước
Tính đến 20/10 diện tích rừng trồng mới ước đạt 193,8 nghìn ha, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 17,1 ngàn ha, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước; Trồng mới rừng sản xuất đạt 176,8 ngàn ha, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trồng cây lâm nghiệp ước đạt 152,6 nghìn cây, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh ước đạt 635,2 ngàn ha, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước; Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt 5.450,2 ngàn ha, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước. (VOV 28/10) đầu trang(
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm làm từ gỗ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh trong tháng 10 ước đạt trên 89 triệu USD, tăng gần 12 triệu USD so với tháng 9/2014.
Tính chung 10 tháng của năm 2014, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đạt gần 766 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Sở Công Thương tỉnh, hiện nay các sản phẩm từ gỗ là một trong bốn mặt hàng có tổng giá trị xuất khẩu lớn của Đồng Nai, chỉ sau giày dép, dệt may, xơ sợi dệt.
Những sản phẩm gỗ xuất khẩu của những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là đồ gỗ nội thất, ván ép với các thị trường xuất khẩu lớn là châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Dự kiến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ trong hai tháng cuối năm và quý 1 và 2/ 2015 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, vì hiện nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng đến quý 2/2015.
Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc doanh nghiệp chế biến gỗ Minh Tiến (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) cho biết, ngành chế biến gỗ năm 2014 không có quá nhiều biến động, đây là một thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất.
Tuy nhiên, khi tình hình sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi khá tốt thì là lúc các nhà cung cấp nguyên liệu lại "làm giá".
Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai, cho biết từ đầu năm đến nay, Hiệp hội đã duy trì và thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp khảo sát thị trường, tham gia hội chợ, gặp gỡ tham tán thương mại; tổ chức tập huấn về xuất nhập khẩu; hướng dẫn xây dựng chứng chỉ rừng cho một số doanh nghiệp xuất khẩu; điều tra và nắm tình hình việc thu gom nguyên liệu gỗ của Trung Quốc và kiến nghị Thủ tướng có hướng giải quyết việc mua phá giá nguyên liệu, xuất khẩu nguyên liệu thô làm đảo lộn hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Hiệp hội còn đẩy mạnh công tác trồng rừng tại nhiều tỉnh trong nước và tại Lào, Campuchia nhằm tạo nguồn nguyên liệu…
Năm 2015, Hiệp hội sẽ nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường công tác thông tin hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, xây dựng liên kết chuỗi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả; triển khai kế hoạch đầu tư cụm công nghiệp Thiện Tân với quy mô khoảng 75ha, trong đó ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và công nghiệp hỗ trợ khoảng 50 ha.
Dự kiến, dự án bắt đầu xây dựng hạ tầng vào quý 3/2015 và hoàn thành trong 8 tháng. Bên cạnh đó, Hiệp hội đang phối hợp cùng các sở, ngành thực hiện dự án xây dựng siêu thị sản phẩm gỗ-thủ công mỹ nghệ và nguyên liệu gỗ. (VietnamPlus 27/10) đầu trang(
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 600 cơ sở chế biến gỗ, với tổng công suất 165.000 m3 sản phẩm/năm.
Những cơ sở lớn gồm: Nhà máy gỗ ván MDF với công xuất 60.000 m3 sản phẩm/năm hoạt động từ năm 2005, 8 nhà máy sản xuất ván ghép thanh với tổng công suất 30.000 m3 sản phẩm/năm, 171 xưởng cưa với tổng công suất 55.000 m3 sản phẩm/năm, 380 xưởng mộc với tổng công suất 17.000 m3 sản phẩm/năm, 44 cơ sở mộc mỹ nghệ với tổng công suất 2.500 m3 sản phẩm/năm.
Đồng thời để đáp ứng một phần nguyên liệu gỗ cho các cơ sở, toàn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được hơn 20 vườn ươm cây giống sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính, hàng năm sản xuất được 16 - 18 triệu cây đạt tiêu chuẩn. Đây là nguồn giống cung cấp chính cho trồng rừng và trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, có 8 vườn cây mẹ đầu dòng cung cấp hom, mỗi năm sản xuất được từ 5 - 6 triệu cây hom, đã góp phần rất lớn trong việc chuyển hóa giống tốt, giống chất lượng cho trồng rừng. (Xây Dựng 28/10) đầu trang(
Nghề chế biến gỗ ván ép “du nhập” vào xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cách đây hơn chục năm giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo. Đến nay, xã có 51 xưởng chế biến gỗ ván ép và gỗ xẻ. Người nông dân đã ở lại quê hương mình để mưu sinh cùng gỗ…
Lợi thế gần rừng, nguồn gỗ cung cấp tại chỗ khá dồi dào, lại được ưu tiên về vốn, mặt bằng và kĩ thuật, cả xã Ấm Hạ có tới 51 xưởng chế biến gỗ ván ép và gỗ xẻ. Dọc từ địa điểm giáp ranh giữa Ấm Hạ và thị trấn Hạ Hòa đến cuối xã, các xưởng chế biến gỗ mọc lên ngày càng nhiều, quy mô được mở rộng.
Trên cơ sở nghề chế biến gỗ phát triển hơn 10 năm nay, vừa qua xã Ấm Hạ thành lập làng nghề chế biến gỗ xuất khẩu, sử dụng và tận dụng các nguyên liệu về gỗ lâm nghiệp và gỗ tạp để bóc thành ván sơ chế, nguyên liệu chính để tạo gỗ ván ép, một mặt hàng được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng, có nhu cầu cao. Ngoài sơ chế ván ép, người dân ở đây còn lập những xưởng gỗ xẻ, cung cấp nguyên liệu ban đầu để đóng các loại thùng gỗ, tủ gỗ.
Trước đây, vùng quê này chỉ có cây lúa, cây chè, cây sắn để nuôi sống người dân. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, đến đầu làng Ấm Hạ, sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước “sắc màu” công nghiệp, nghề gỗ đã “thay áo” cho vùng quê này. Với sự năng động, tích cực học hỏi, những người nông dân chân chất, mạnh dạn vay vốn, mua mặt bằng để lập xưởng.
Không chỉ thay đổi cơ cấu kinh tế, các xưởng chế biến gỗ thu hút và tạo việc làm cho 500 – 600 lao động tại chỗ và lân cận có thu nhập bình quân từ 4 – 6 triệu đồng/tháng, chưa tính thời gian làm thêm giờ. Thợ đứng máy ngày công cao hơn, từ 200 – 250 nghìn đồng/ngày. Từ những người chân lấm tay bùn, quanh năm nghèo khó, họ trở thành những công nhân thực thụ ngay tại quê hương.
Chị Nguyễn Thị Dung ở khu 4, vui mừng: “Nhờ có các mô hình kinh tế tại địa phương nông dân chúng tôi không phải đi làm ăn nơi xa, có điều kiện được làm việc tại chỗ và chăm sóc con cái”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hòa ở khu 2 có 4 nhân khẩu, ngoài công việc đồng áng, lúc nông nhàn đều tham gia đều đặn ở các xưởng sơ chế gỗ, mỗi tháng thu nhập gần 10 triệu đồng, “nhà nông, thu nhập như thế là tốt lắm rồi, có tiền gia đình tôi sắm sửa tiện nghi và để dành phòng khi cơ nhỡ”, chị Hòa chia sẻ.
Công việc hằng ngày của chị Hòa và những nông dân ở đây là trải các tấm ván ra phơi ven đường hay ngoài bãi, đến chiều tối thu ván về và bó lại thành từng bó. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả. Sáng sớm tinh mơ, họ phải dậy để phơi ván cho kịp nắng, phơi gần đến trưa thì xong toàn bộ ván của xưởng. Đến chiều khoảng 3 – 4 giờ, họ lại thu và bó ván lại.
Ông Vũ Quốc Phi, Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ cho biết: “Những năm gần đây, Ấm Hạ phát triển kinh tế vào hàng nhất nhì trong huyện. Mô hình xưởng chế biến gỗ góp phần không nhỏ vào kinh tế của địa phương”. Có nghề mới ngay tại quê hương, người nông dân Ấm Hạ có cách mưu sinh hiệu quả, được “li nông mà không phải li quê”; ngày ngày vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. (Người Cao Tuổi 28/10) đầu trang(
Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc trồng rừng, tạo việc làm ổn định và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện nay, phong trào bảo vệ và phát triển rừng ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là phong trào trồng rừng kinh tế. Bởi nhân dân đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng về lợi ích to lớn cả trước mắt cũng như lâu dài của rừng và kinh tế rừng mang lại.
Xác định mục tiêu xã hội hóa công tác trồng rừng đang là chiến lược phát triển kinh tế của nhiều địa phương, trong những năm gần đây, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền cho nhân dân về hiệu quả của việc trồng rừng kinh tế.
Với những chủ trương kịp thời hợp lý của chính quyền các cấp trong mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc nói chung, trồng phát triển rừng kinh tế nói riêng, do đó nhiều diện tích rừng đã được phủ xanh. Qua sự mạnh dạn đầu tư của người dân trong việc trồng rừng đã tạo được thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.
Hiện nay, ở địa bàn xã Si Pa Phìn việc trồng rừng đã trở thành phong trào phát triển kinh tế hộ một cách ổn định vững chắc, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng vườn ươm giống cây và chăm sóc cây trồng.
Tiêu biểu trong việc đầu tư tiền vốn sản xuất cây giống để cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn xã là hộ gia đình anh Lò Văn Phồn ở thôn Tân Lập. Năm 2013, gia đình anh đã chủ động làm vườn, gieo ươm trên 10 vạn cây giống gồm: Keo lai, keo tai tượng, keo lá tràm, giổi, mỡ, trẩu, bạch đàn, sấu lai… giá bán ra 3.000đồng/cây đã đem lại nguồn thu nhập trị giá trên 100 triệu đồng. Cũng trong vụ trồng rừng năm 2013, gia đình anh Lò Văn Phồn đã trồng được 5.000 cây bạch đàn.
Những năm trước đây, mặc dù nguồn kinh phí phục vụ cho công tác trồng rừng cũng được bố trí nhưng rừng trồng vẫn không đạt hiệu quả, bởi kinh phí cấp về qua khâu trung gian và người dân chưa thực sự gắn bó với rừng, chưa hiểu lợi ích sau này của rừng, trồng xong là bỏ mặc không chăm sóc nên không hiệu quả.
Song 3 năm trở lại đây, chủ trương trồng rừng theo mô hình nông - lâm kết hợp đã góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng. Đi đầu trong lĩnh vực trồng rừng ở thôn Tân Hưng là hộ gia đình ông Đỗ Quang Hòa trưởng thôn. Trong 2 năm (2012 - 2013), gia đình ông đã trồng được trên 1.000 cây bạch đàn, keo tai tượng, trẩu. Hiện nay, vườn cây của ông Hòa phát triển tốt, nhiều cây có chiều cao từ 3 - 5m.
Theo ông Đỗ Quang Hòa, trên 1,5ha diện tích đất sản xuất của gia đình sau khi trồng cây, tận dụng đất trống khi chưa khép tán, gia đình ông vẫn gieo trồng lúa nương xen canh các loại cây màu khác như ngô, đậu tương theo phương châm lấy ngắn nuôi dài.
Có thể nói, việc trồng rừng theo hướng nông - lâm kết hợp mang lại nhiều lợi ích: Người dân vẫn sản xuất, canh tác và có thu nhập từ hoa màu và các loại cây khác trên diện tích rừng trồng, cây trồng được chăm sóc và bảo vệ nên phát triển tốt hơn. Nhờ những lợi ích này, mô hình nông - lâm kết hợp sẽ làm tăng nhanh độ che phủ của rừng, tăng nhanh diện tích trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Cũng theo ông Hòa, để nâng cao hiệu quả cây trồng, ông nghiên cứu kỹ thuật trồng, ươm cây giống, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng do Trạm Khuyến nông - khuyến lâm của huyện tổ chức. Theo kinh nghiệm, muốn trồng rừng đạt tỷ lệ cây sống cao trên 90% trở lên thì người trồng phải chọn thời gian thích hợp nhất để trồng cây, thường vào mùa mưa và vào các tháng 7, tháng 8 hàng năm, cây phát triển tốt vào mùa xuân, tháng giêng, tháng 2 và sau 5 năm trở lên là một số cây bắt đầu cho thu hoạch.
Ông Hòa chia sẻ: Nghề trồng rừng có ưu điểm là ít rủi ro, dễ làm. Tuy nhiên, nếu mình không nắm bắt được các kiến thức cơ bản về đặc tính, quá trình sinh trưởng phát triển của cây thì hiệu quả trồng rừng mang lại rất thấp. Khi đã nắm vững được những kiến thức cơ bản thì việc trồng và chăm sóc các loại cây trồng trên địa bàn vùng đồi hoang hóa sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con sống ven rừng.
Thực hiện chủ trương trồng rừng của Đảng ủy, UBND xã Si Pa Phìn, riêng thôn Tân Hưng, chi bộ, trưởng thôn đã tổ chức họp dân để tuyên truyền, cử các hội viên, đoàn viên ở các chi hội cùng xuống thôn vận động nhân dân, sau khi phát dọn xử lý thực bì, đào hố, đăng ký cây giống để trồng mới nên riêng năm 2013, toàn thôn đã trồng vượt 120% kế hoạch giao. Nhiều gia đình đã tận dụng hết diện tích đất vườn đồi của gia đình để trồng rừng.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động có ý nghĩa quan trọng để thực hiện hiệu quả mục tiêu huyện giao về công tác phát triển kinh tế và trồng rừng, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác trồng rừng, chỉ đạo UBND, MTTQ và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ, phân công cán bộ đảng viên xuống tận thôn, đến từng hộ gia đình có đất lâm nghiệp tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích lâu dài của việc trồng rừng, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ dân tộc thiểu số để phát triển rừng.
Từ việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã nhận thức được đầy đủ hơn về chính sách của Nhà nước, tích cực đăng ký trồng rừng. Năm 2013, huyện Nậm Pồ giao xã Si Pa Phìn trồng 53ha rừng, đến nay đã trồng được 56,2ha rừng, đạt trên 106% kế hoạch. Nhiều thôn bản trồng rừng đạt và vượt kế giao.
Ông Nguyễn Đức Cam, Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ cho biết: “Để thực hiện tốt việc trồng rừng, xã đã giao cho các địa phương, giao cho các cơ sở và giao trực tiếp cho hộ gia đình chủ động mua cây giống để trồng rừng. Qua việc trồng rừng này, xã cũng kiến nghị để trồng rừng đạt hiệu quả tốt thì cấp trên cũng cần quan tâm hơn nữa tới công tác trồng rừng, riêng vấn đề triển khai công tác trồng rừng nên giao cho từng hộ gia đình trồng trực tiếp, sau đó sẽ nghiệm thu theo chế độ chính sách của Nhà nước để hỗ trợ người trồng rừng, chứ không trồng như các chương trình trước kia nữa”.
Qua việc triển khai nhiệm vụ trồng rừng theo các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần giải quyết việc làm, giúp cho nhiều hộ dân ổn định cuộc sống, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, tạo nguồn nước sinh hoạt, đồng thời đẩy nhanh việc xã hội hóa nghề rừng.
Nhờ thực hiện đảm bảo các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người trồng rừng, nên diện tích rừng ở xã Si Pa Phìn năm sau cao hơn năm trước. Việc bà con nông dân đã triển khai thực hiện có hiệu quả trồng rừng theo hướng nông - lâm kết hợp nên nghề rừng ngày càng phát trển theo hướng bền vững, rừng được quản lý chặt chẽ hơ
Phát triển nghề trồng rừng ở xã Si Pa Phìn đã và đang tạo cho nhiều vùng đất trống đồi núi trọc được phủ xanh, đồng thời tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải tạo được môi trường sinh thái và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. (Đài PTTH Điện Biên 27/10) đầu trang(
Nhằm nâng cao vai trò, quyền lợi gắn với trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý bảo vệ rừng, giữ gìn nguồn nước cho các hồ đập thuỷ điện trên địa bàn.
25/10, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Na Hang đã tiến hành chi trả tiền phí dịch vụ môi trường rừng cho 622 hộ gia đình, cá nhân tại xã Năng Khả, huyện Na Hang.
Trong đợt chi trả này, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã chi trả tổng cộng hơn 100 triệu đồng cho 622 hộ gia đình, cá nhân ở các thôn bản trên địa bàn xã Năng Khả. Hiện trên địa bàn tỉnh có 25 xã của 3 huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng trong đó Na Hang có 12 xã, Lâm Bình 5 xã và Chiêm Hóa 12 xã.
Trong thời gian qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh được đã làm tốt nhiệm vụ huy động các nguồn lực để phân phối cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, qua đó đảm bảo nguồn nước cho các hồ đập thuỷ điện và bảo vệ môi trường sinh thái. (Báo Tuyên Quang 26/10) đầu trang(
Năm 2014, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn kết hợp với kinh doanh gỗ nguyên liệu giấy tại các công ty lâm nghiệp.
Đây là hành động thiết thực nhằm thực hiện Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18-4-2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014 - 2020.
Các công ty lâm nghiệp đã thực hiện đúng kế hoạch, mật độ trồng rừng mới bảo đảm. Các công ty đều chủ động huy động vốn để thực hiện mô hình, giao những cán bộ có trình độ, có tâm huyết chuyên trách theo dõi, đánh giá mô hình, bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả.
Thực hiện trồng rừng, chuyển hóa mô hình kinh doanh gỗ lớn kết hợp với kinh doanh nguyên liệu giấy, hiện nay Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơn Dương đã trồng được 10,7ha keo tai tượng, đạt 107% kế hoạch. Trong đó, tại đội sản xuất xã Đồng Quý trồng 6 ha, đội sản xuất xã Đại Phú trồng 4,7 ha.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty đã đăng ký trồng 10ha rừng kinh doanh gỗ lớn và 10ha chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn kết hợp với kinh doanh nguyên liệu giấy. Hơn 10 ha rừng trồng gỗ lớn đều là giống keo tai tượng nhập ngoại được Công ty nhập từ Úc về, bảo đảm chất lượng cây giống; mật độ trồng 1.100 cây/ha.
Tại xã Đồng Quý, Công ty đã liên kết với 5 hộ dân trồng 6 ha rừng gỗ lớn. Các bước trồng đều được giám sát thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, từ việc cấp cây giống, cách bón phân và chăm sóc cây; đến nay, sau 2 tháng rừng trồng đã phát triển tốt. Cùng đó, toàn tỉnh đã triển khai đến 5 Công ty lâm nghiệp thực hiện, với tổng diện tích gần 40 ha.
Trong quá trình trồng, áp dụng chế độ thâm canh, không tỉa thưa, tuổi khai thác có thể để từ 12 đến 18 năm. Ngoài ra, các công ty còn thực hiện chuyển hóa rừng gỗ lớn từ rừng nguyên liệu giấy. Tuổi rừng thực hiện chuyển hóa rừng trồng từ 3 đến 4 tuổi, mật độ để lại nuôi dưỡng từ 400 đến 600 cây/ha.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu và góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người trồng rừng... thông qua hiệu quả của mô hình, Chi cục Lâm nghiệp có những tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về chủ trương nhân rộng mô hình kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên triển khai thực hiện mô hình cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Nếu các công ty lâm nghiệp không chủ động được vốn đầu tư cây giống mà phải đi vay sẽ gặp khó khăn về kinh tế, vì thời điểm khai thác rừng trồng gỗ lớn kéo dài trên 12 năm.
Thời gian trồng lâu năm cũng cần đầu tư nhiều hơn về công chăm sóc, bảo vệ rừng trồng; chu kỳ kinh doanh dài nên thường gặp rủi ro như cháy rừng, thiên tai gió bão, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh.
Khắc phục những khó khăn trên, các công ty lâm nghiệp cần triển khai thực hiện hiệu quả mô hình rừng trồng kinh doanh gỗ lớn kết hợp với kinh doanh nguyên liệu giấy, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất. Đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn. (Báo Tuyên Quang 27/10) đầu trang(
Thừa Thiên Huế là địa phương có thời tiết khắc nghiệt. Hàng năm vào mùa lụt, bão, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, gây xói lở nhiều vùng đất ven biển, ven phá, cuốn trôi nhiều nhà cửa, cây cối, ao hồ, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân.
Trước tình hình khí hậu toàn cầu đang có những biến đổi lớn, bất lợi đối với cuộc sống của con người, thì vai trò của rừng ngập mặn (RNM) càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Các khu vực ven biển của tỉnh sẽ an toàn hơn nếu có các đai RNM làm nhiệm vụ phòng hộ ở bên ngoài để chắn sóng, hạn chế xói lở, bảo vệ bờ biển. Vì vậy, việc trồng phục hồi và phát triển thêm diện tích RNM trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.
Từ năm 2010 đến nay, việc trồng RNM tại Thừa Thiên Huế đã được xúc tiến thông qua một số đề tài, dự án như: Đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn vốn ngân sách tỉnh “Nghiên cứu hiện trạng và thử nghiệm trồng cây ngập mặn ở phía Tây đầm Lập An huyện Phú Lộc và Tân Mỹ huyện Phú Vang” do Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh chủ trì thực hiện đã trồng được 5.000 cây đước, bần chua, vẹt khang và mắm; Dự án “Tăng cường RNM nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” do Tổ chức WWF Việt Nam tài trợ (2012-2014), Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh thực hiện đã gieo ươm và trồng được 23.000 cây đước, bần chua ở khu vực tam giác xung yếu cửa sông Hương – phá Tam Giang – cửa biển Thuận An và vùng rú Chá xã Hương Phong, thị xã Hương Trà; Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước cấp cộng đồng” ở tỉnh Thừa Thiên Huế do Tổng cục Hợp tác và Phát triển Hà Lan tài trợ năm 2011 đã trồng hơn 1,0 ha rừng bần chua ở cồn Tè xã Hương Phong…
Nhìn chung, rừng trồng của các đề tài, dự án trên phát triển tốt, tỷ lệ thành rừng khá cao (trên 80%). Nhiều khu rừng đã trở thành những bức bình phong vững chãi chắn gió, sóng biển bảo vệ an toàn cho các khu dân cư, công trình hạ tầng, ao nuôi thủy sản ven biển.
Đặc biệt, Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh đã nghiên cứu áp dụng thành công quy trình kỹ thuật sản xuất nhiều giống cây ngập mặn thích nghi với môi trường đất ngập mặn của tỉnh như đước, vẹt khang, bần chua, bần trắng, xu ổi, mắm biển, sú, giá… giúp tỉnh hoàn toàn có thể chủ động nguồn cây giống cho công tác trồng rừng ngập mặn trên địa bàn trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép sử dụng 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA thông qua Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) để đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2015. Thủ tướng lưu ý cần ưu tiên cho các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển; các dự án đê biển xung yếu ứng phó với biến đổi khí hậu, có tác động trực tiếp đến khu vực dân cư.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lựa chọn các dự án; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án trước ngày 30-9-2014 để trình Quốc hội quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Đây thực sự là cơ hội rất lớn cho tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh ven biển nói chung, bởi sẽ được đầu tư nguồn lực lớn, đồng bộ để phát triển hệ thống rừng ngập mặn ven biển.
Hy vọng trong tương lai gần, mỗi khi lụt bão đến, người dân vùng đầm phá, ven biển của tỉnh sẽ không còn nơm nớp lo sợ cho sự an toàn về người và tài sản, họ sẽ được bảo vệ an toàn bởi những cánh rừng ngập mặn được trồng từ chính sách lớn, đúng đắn và hợp lòng dân của Chính phủ. (Báo Thừa Thiên Huế 27/10) đầu trang(
Vài tháng trở lại đây, khu vực đất rừng thuộc đồi Mốc xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn bị các đối tượng có máu mặt thao túng hết diện tích đất trồng rừng mà Nhà nước giao 50 năm cho các hộ dân để “xẻ thịt” thu về nguồn lợi bất chính khổng lồ.
Điều ngạc nhiên là vụ việc diễn ra một cách rầm rộ, ngang nhiên trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương lại không hề hay biết?
Cách không xa UBND xã Dân Lực, men theo con đường đầy đất đỏ bịt bùng chưa đầy một cây số, PV có mặt tại đồi Mốc, khu đồi toàn rừng cây xanh ngút ngàn đã biến mất, thay vào đó là những tầng đất bị đào xới nham nhở không thương tiếc.
Những gốc cây rừng lâu năm bị xới tung, trơ trọi, xếp đống nơi vạt đồi. Ngay vị trí “đắc địa”, chiếc máy xúc công suất lớn lần lượt xới tung những lớp đất cho hàng chục chiếc xe 3 chân, 4 chân chực chờ “ăn hàng”. Tiếng máy móc, tiếng xe công suất lớn ra vào rầm rộ làm huyên náo cả một khu đồi. Theo quan sát của PV, nếu tính từ mặt đất rừng thì đồi Mốc đã bị khoét sâu chừng 8 – 10 m, có chỗ trên 10 m và được tạo thành 3 tầng cho xe và máy xúc dễ lên xuống, vận chuyển và diện tích chừng 3.000 – 4.000 m2.
Một người dân sống gần đó bức xúc cho biết: Khu vực đồi Mốc xã Dân Lực được Nhà nước giao cho các hộ dân theo diện giao đất giao rừng (hay còn gọi là đất 02) với thời hạn 50 năm từ những năm 1992 đến nay. Trải qua thời gian, một màu xanh bạt ngàn che phủ cả một khu vực rộng lớn, vừa chống xói lở vừa là lá phổi xanh cho cả cộng đồng dân cư.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mới chừng hơn nửa năm trở lại đây đồi Mốc bị chặt hạ cây rừng rồi các phương tiện máy móc được đưa đến để đào bới một cách ngang nhiên. Trời mưa thì bùn đất nhão nhoẹt như đánh bẫy người đi đường, mùa khô thì bụi bay mù mịt đỏ cả một vùng trở thành nỗi ám ảnh của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Những người dân sinh sống gần đây còn cho biết nếu không có nhà trong đồi thì chẳng ai dám lên khu vực này vì chỉ cần người lạ vào sẽ có những đối tượng bặm trợn, đầu gấu chặn đường “hỏi thăm”? Và sự thật là PV liều mình xông vào và sau một hồi quan sát và dùng trang thiết bị ghi hình tác nghiệp thì ngay lập tức đối tượng bặm trợn, sứt sẹo đầy người xưng là quản lý ngăn cản PV tác nghiệp, đòi thu phương tiện ghi hình, đe dọa dùng vũ lực và không cho ra khỏi đây nếu không xóa ảnh và video?
Trao đổi về vấn đề thao túng đất rừng để khai thác đất trái phép với ông Nguyễn Quyết Tính – Chủ tịch UBND xã Dân Lực qua điện thoại thì ông Tính cáo ốm và đang ở bệnh viện. Còn ông Lê Văn Sinh – Phó Chủ tịch UBND xã Dân Lực và cán bộ địa chính Trịnh Văn Dũng thì hai vị này tỏ vẻ bất ngờ, không hề hay biết gì về vấn đề này?
Ông Dũng còn viện lý do là mới làm không nắm bắt hết địa bàn, tuy nhiên khi hỏi mới làm là năm nào thì được biết ông Dũng “mới làm” cán bộ địa chính được gần 10 năm? Đất rừng ở đồi Mốc được giao cho bao nhiêu hộ, những hộ nào, diện tích bao nhiêu và đơn vị nào thu gom đất rừng để khai thác đất, thời gian khai thác từ khi nào ông Dũng đều trả lời vô tội vạ là không biết?
Rằng bận quá, ít đi kiểm tra nên không nắm sát tình hình? Mặc dù đồi Mốc chỉ cách UBND xã Dân Lực chừng nửa cây số. Chẳng biết, phải làm bao nhiêu năm nữa vị cán bộ này mới “sâu sát” địa bàn, mới ít bận để dành thời gian mà thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo nguồn tin của PV, khu đồi trên ông Nguyễn Hữu Thanh và ông Lê Xuân Trường người địa phương đã thu gom mua lại của người dân với giá 10 – 12 triệu đồng/sào (1 sào = 500 m2) và tổng diện tích khoảng 1 ha. Ông Thanh cũng thừa nhận mình mua lại đất rừng với giá 3 – 3,5 triệu đồng/sào từ tháng 6/2014 với diện tích chừng 5 sào và khai thác từ đó đến nay, tuy nhiên sau một hồi “tâm sự” thì vị này nhận là có mua 9 sào (tức là 4.500 m2) và độ sâu khai thác mới chỉ có 5 m? Còn người tự xưng quản lý được ông Thanh cho rằng là đứa cháu không bình thường chứ bản thân không gọi điện chỉ đạo đe dọa vũ lực, hành hung PV.
Điều kỳ lạ nữa là, ngay trong lúc trao đổi với PV cán bộ địa phương liện tục gọi điện và nhận điện thoại, sau lúc đó quay trở lại đồi Mốc thì máy móc đã được di dời sạch trơn. Ông Trịnh Văn Dũng và Trưởng công an xã còn phân trần rằng: Giờ máy móc đi hết thì biết ai làm và xử phạt đây?
Sai phạm đã quá rõ ràng nhưng việc trả lời vô trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho “đất tặc” phá rừng ăn cắp tài nguyên lại càng khiến dư luận bức xúc. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể coi thường pháp luật để ra sai phạm trên. (Tài Nguyên Môi Trường 26/10) đầu trang(
24/10, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn tổ chức hội nghị đánh giá công tác tỉa thưa, nuôi dưỡng rừng trồng phòng hộ năm 2013.
Rừng phòng hộ của nguồn dự án JBIC năm 2013 là rừng trồng hỗ giao theo băng giữa keo tai tượng và sao đen theo tỷ lệ 3:2, với mật độ 1.650 cây/ha. Hiện nay, cây sao đen sinh trưởng phát triển chậm, không có khả năng cạnh tranh không gian dinh dưỡng với cây keo, mật độ rừng hiện còn khoảng 640- 1.400 cây/ha.
Cây sao đen hết giai đoạn chịu bóng, đã chuyển sang giai đoạn ưa sáng nên đòi hỏi phải có khoảng không gian dinh dưỡng phù hợp để sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, cần thực hiện chặt tỉa thưa theo hàng, tận dụng gỗ cây phụ trợ nhằm điều chỉnh mật độ, phân bố cây rừng phù hợp tạo không gian dinh dưỡng thích hợp cho cây sao đen, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của rừng, đáp ứng yêu cầu phòng hộ đầu nguồn sông Thạch Hãn.
Yêu cầu của mật độ rừng trồng phòng hộ sau khi tỉa thưa đảm bảo 600 cây/ha, cây phân bố đồng đều trên diện tích tỉa thưa. Luống phát thực bì và dọn vệ sinh trước, sau khi tỉa thưa để tạo điều kiện tối đa cho các loại cây còn lại sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo đó, diện tích triển khai tỉa thưa là 370 ha (rừng phòng hộ dự án 661: 200 ha và rừng phòng hộ dự án JBIC: 170 ha), trong đó diện tích đưa vào thực hiện tỉa thưa là trên 140 ha, diện tích còn lại không thực hiện tỉa thưa do đảm bảo mật độ
Sau gần 1 năm triển khai, toàn bộ diện tích được đưa vào khai thác tỉa thưa cây phụ trợ bước đầu có hiệu quả, số cây sao đen sinh trưởng và phát triển tốt, tán lá đều, đẹp. Các cây phụ trợ tiếp tục phát huy chức năng đảm bảo mật độ và độ tán che của rừng phòng hộ. Được biết, mô hình tỉa thưa, nuôi dưỡng rừng trồng phòng hộ được thực hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn đề nghị cấp trên cấp kinh phí để xây dựng đề tài nghiên cứu, theo dõi, đánh giá quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài cây sau khi tỉa thưa, từ đó có biện pháp lâm sinh tiếp theo tạo ra một mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cấp kinh phí để điều tra, thiết kế, trồng bổ sung cây bản địa, đảm bảo mật độ cây bản địa cho rừng phòng hộ phát triển bền vững... (Báo Quảng Trị 23/10) đầu trang(
Phú Thọ có diện tích đất lâm nghiệp 195.619 ha (chiếm 55,3% diện tích tự nhiên), trong đó rừng đặc dụng 17.287 ha, rừng phòng hộ 33.949 ha, rừng sản xuất 144.383 ha.
Thời gian qua, năng suất, chất lượng và độ che phủ rừng không ngừng được nâng lên(năm 2013 đạt 50,2%). Từ đó đã đóng góp tích cực vào phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Xác định ý nghĩa của việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR; thành lập Ban Chỉ đạo; tổ công tác giúp việc cho  Ban Chỉ đạo; tổ chức tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền trên các cơ quan thông tin góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về chính sách chi trả DVMTR và trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.
Đồng thời thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Phú Thọ để làm đầu mối thực hiện thu, chi trả phí DVMTR. Sau khi tiến hành rà soát, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã xác định được đối tượng phải chi trả DVMTR đó là Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bứa và Vườn Quốc gia Xuân Sơn có cung ứng DVMTR thuộc lưu vực của nhà máy thủy điện Hòa Bình và Nhà máy nước Vinaconex là 636,9 ha.
Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã nhận được 150 triệu đồng ủy thác từ quỹ Trung ương và Quỹ đang hoàn thiện các thủ tục để chi trả tiền cung ứng DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn. Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR phải chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ cung ứng.gồm: các cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ là 20 đ/1kwh điện thương phẩm; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, phải chi trả tiền dịch vụ với mức 40 đ/m3 nước thương phẩm; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng sẽ phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng tính bằng 1%-2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ; các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp nguồn nước; các đối tượng phải trả tiền DVMTR cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản…
Nếu các đơn vị liên quan thực hiện tốt việc chi trả DVMTR, nguồn thu này sẽ làm tăng thu nhập cho chủ rừng, là động lực để người dân bảo vệ và phát triển rừng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, chi trả DVMTR là chính sách mới, vì vậy việc vận dụng cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai còn lúng túng. Trên địa bàn tỉnh, diện tích rừng tập trung chủ yếu ở vùng xa, vùng cao, phân tán, nhỏ lẻ, chủ quản lý chưa rõ ràng, chưa được giao khoán nên khó khăn cho việc khoanh vẽ xác định ranh giới, diện tích rừng và xác định chủ rừng.
Các cơ sở kinh doanh du lịch lưu trú và lữ hành, du lịch sinh thái đang đầu tư và thu hút đầu tư chưa có điều kiện đóng góp. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh không có các doanh nghiệp sản xuất thủy điện nên nguồn thu hằng năm còn hạn chế, chủ yếu thu từ các cơ sở sản xuất nước sạch.
Trong khi đó, việc ký kết hợp đồng chi trả DVMTR giữa các cơ sở sản xuất cung ứng nước sạch chưa được thực hiện, do phần lớn các công ty sản xuất cung ứng nước hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR, từ năm 2011, tất cả các cơ sở sản xuất điện, cung cấp nước sạch và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có sử dụng DVMTR đều phải nộp dịch vụ môi trường rừng.
Vì vậy, dự kiến nguồn thu từ cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch trên địa bàn tỉnh khoảng 720 triệu đồng/năm nhưng do chưa điều chỉnh được giá nước nên chưa thu được. Bên cạnh đó, chưa có tiêu chí để xác định tiền chi trả DVMTTR của các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất.
Trao đổi về vẫn đề này, ông Phùng Văn Vinh – Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Trong những năm qua, Phú Thọ đã tiến hành giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích lâm nghiệp theo Nghị định số 02/CP, 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ.
Tính đến năm 2000, phần lớn đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có chủ quản lý. Tuy nhiên việc giao rừng đối với các tổ chức, cá nhân được thực hiện thủ công, nên mức độ chính xác không cao. Vì vậy, để tránh tình trạng tranh chấp, việc chi trả DVMTR phải có chính sách cụ thể, phải thực hiện thẩm định, giám sát việc người trồng và bảo vệ rừng có được hưởng lợi hay không và khi thực hiện phải xác định chính xác ranh giới, chủ rừng, diện tích, chất lượng rừng, lưu vực cung cấp DV MTR.
Sắp tới, thành viên Ban Chỉ đạo Quỹ sẽ tổ chức tuyên truyền, mở lớp đào tạo, tập huấn về chi trả DVMTR, đẩy mạnh đề án giao đất, giao rừng, thực hiện cấp sổ đỏ đối với đất rừng. Đối tượng rừng được chi trả cũng phải có quy định về độ khép tán, thời gian khai thác. Trước mắt, việc chi trả sẽ áp dụng cho đối tượng là những chủ rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là do chưa đo đạc và xác định vị trí, ranh giới, tuổi rừng của mỗi chủ rừng trồng, nên chưa thể chi trả đến từng chủ hộ có trồng rừng. Do đó, điều quan trọng là phải xác định rõ ranh giới đất, rừng của các chủ sở hữu để đảm bảo công bằng, minh bạch trong quá trình chi trả phí DVMTR.
Chính sách chi trả DVMTR, giao đất giao rừng cho người dân hiện nay đang là một trong những động lực thúc đẩy người dân sống bằng nghề rừng, yên tâm với công việc hiện nay và đồng thời cũng đang ngày càng thúc đẩy nghề lâm nghiệp Phú Thọ ngày càng phát triển bền vững. (Phutho.gov.vn 27/10) đầu trang(
Ông Dương Xuân Bánh Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang cho biết các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2014 về lâm nghiệp của Bắc Giang như trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, chăm sóc bảo vệ rừng,... đều đạt và vượt kế hoạch.
Trồng cây, trồng rừng đã trở thành một phong trào sâu, rộng trong nhân dân. Sản lượng gỗ rừng trồng đạt khoảng 300.000 m3, vượt 40% kế hoạch.
Hiệu quả và thu nhập từ rừng ngày càng được khẳng định; nhiều địa phương, hộ gia đình có diện tích rừng trồng lớn cho nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi.
Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng có chuyển biến tích cực; diện tích rừng bị thiệt hại giảm so với trước; về cơ bản rừng được quản lý bảo vệ tốt, không có điểm nóng về cháy, phá rừng lớn xảy ra. Công tác quản lý giống lâm nghiệp được tăng cường hơn, đã đưa một số giống tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng...
Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Bắc Giang vẫn đang gặp không ít khó khăn như: nguồn vốn nhà nước đầu tư hàng năm cho lâm nghiệp thấp; nhu cầu về đất rừng và cải tạo, chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng rừng kinh tế là rất lớn làm gia tăng sức ép đối với công tác quản lý; sản xuất lâm nghiệp chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, hạ tầng đường lâm nghiệp chưa có; chu kỳ kinh doanh dài, nhiều rủi ro.
Tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết nhằm bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, tăng độ che phủ của rừng lên trên 37%, góp phần đáp ứng các yêu cầu về môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, điều hòa nguồn nước, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của rừng.
Để thực hiện thành công kế hoạch này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang đang ráo riết chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ như: Trồng rừng tập trung 5.000 ha, trong đó trồng mới khoảng 1.700 ha và trồng lại sau khai thác 3.150 ha; bảo vệ và phát triển bền vững đối với 149.000 ha rừng hiện có; tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời có hiệu quả các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng… (Bộ NNPTNT 27/10) đầu trang(
Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện thí điểm phương án thuê khoán quản lý bảo vệ rừng kết hợp nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ tại huyện Phú Tân.
Hiện mô hình này đang phát huy hiệu quả, vừa tăng thu nhập cho người dân vừa góp phần bảo vệ và phát triển rừng địa phương. Đến nay, 65 hộ dân được thuê khoán đất rừng đã có nguồn thu nhập khá ổn định nhờ mô hình trên.
Ông Nguyễn Văn Công ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân được nhà nước giao khoán 3ha đất rừng phòng hộ biển Tây để thực hiện mô hình nuôi ốc len sinh thái dưới tán rừng. Địa phương đã tạo điều kiện cho ông vay vốn ngân hàng để đầu tư mua 4,8 tấn ốc giống và lưới mành bao quanh khu vực nuôi ốc len.
Thông thường mỗi năm có thể nuôi 2 vụ ốc len, nhưng do phụ thuộc vào con giống nên ông Công chỉ nuôi một vụ ốc kéo dài từ 5-6 tháng mới thu hoạch ốc thương phẩm. Hiện tại, giá ốc thương phẩm dao động từ 45.000-50.000đồng/kg. Gia đình ông vừa thu thu hoạch xong vụ ốc len, trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông thu lãi hơn 120 triệu đồng.
Ông Công chia sẻ, nuôi ốc len không tốn kém tiền mua thức ăn, vì ốc sinh trưởng dựa vào thiên thiên. Điều thú vị là khi thủy triểu dâng cao, ốc len bò lên thân cây, lá cây rừng để trú ngụ. Còn khi thủy triều xuống là thời điểm ốc len di chuyển từ trên cây xuống bãi sình lầy tìm kiếm thức ăn.
Muốn ốc len tăng trưởng nhanh về trọng lượng thì người nuôi phải am hiểu một số kỹ thuật cần thiết. Điều quan trọng, không nên thả nuôi ốc với mật độ dày đặc sẽ làm cho ốc chậm lớn, thịt ăn không ngon, giá ốc cũng giảm theo. Nuôi ốc len sinh thái ít tốn công chăm sóc, mà chủ yếu đầu tư vốn mua con giống. Người dân có thể mua con giống tại tỉnh, không cần phải tìm mua ở xa.
Hộ ông Trương Văn Hồng cùng ở thị trấn Cái Đôi Vàm đầu tư vốn nuôi 3,3 tấn ốc giống trên diện tích rừng thuê khoán là 3ha. Sau vụ nuôi ốc len đầu tiên, gia đình ông thu được lãi gần 80 triệu đồng. Ông Hồng cho biết: tùy thuộc vào việc thả số lượng con giống nhiều hay ít mà mỗi hộ dân sẽ có nguồn thu nhập khác nhau, có hộ thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/vụ nuôi. Ngoài ra, các hộ dân cũng có thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác ba khía dưới tán rừng.
Sau một năm thuê khoán đất rừng phòng hộ nuôi ốc len, cuộc sống gia đình ông Mai Văn Thương ở thị trấn Cái Đôi Vàm đã vươn lên khấm khá. Với diện tích rừng phòng hộ thuê khoán 3ha, ông Thương thả 2,8 tấn ốc giống mật độ thưa. Thu hoạch vụ nuôi ốc len vừa rồi, gia đình ông có thu nhập hơn 60 triệu đồng.
Ông Thương bộc bạch: chủ trương của tỉnh giao khoán đất rừng cho dân nghèo là rất hợp lòng dân, tạo cơ hội cho người dân ở khu vực rừng phòng hộ có được việc làm phù hợp, tăng thu nhập đáng kể cho gia đình.
Từ khi tỉnh Cà Mau thực hiện thí điểm phương án thuê khoán đất rừng phòng hộ nuôi ốc len kết hợp với giữ rừng, nhiều hộ dân thuộc diện tái định cư ở khu vực rừng phòng hộ biển Tây và khu vực rừng phòng hộ Sào Lưới được chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm, từng bước ổn định cuộc sống. Giờ đây, các hộ dân này đã trở thành những thành viên đắc lực trong việc tham gia bảo vệ rừng. Cán bộ kiểm lâm bớt đi phần nào lo toan vất vả do ngày đêm phải túc trực canh ‘’lâm tặc’’ và người dân nghèo lén lút vào rừng khai thác gỗ.
Ông Võ Trường Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân khẳng định: Qua tổng kết cho thấy, mô hình nuôi ốc len sinh thái dưới tán rừng phòng hộ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình kép: vừa giải quyết công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho các hộ dân nghèo ở khu vực tái định cư, vừa góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Phú Tân. Năm 2014-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã cho phép huyện tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình này, với diện tích rừng phòng hộ cho dân thuê khoán lên đến hơn 200ha.
Ông Giang cho biết: Huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng tổ chức chọn lựa đối tượng để ký hợp đồng thỏa thuận cho thuê khoán rừng nuôi ốc len, mỗi hộ chỉ được thuê không quá 3ha để quản lý chặt chẽ. Mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ ở Cà Mau cũng được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước quan tâm.
Theo bà Hoàng Thị Hạnh, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên Lâm nghiệp Tây Nam Bộ: Mặc dù lợi nhuận từ nuôi ốc len thấp hơn so với nuôi tôm sú nhưng quan trọng là phù hợp với hệ sinh thái rừng ngập mặn và không gây ô nhiễm môi trường. Nuôi ốc len sẽ góp phần giảm nghèo và đa dạng hóa đối tượng nuôi ở khu vực rừng ngập mặn đúng vào mục đích bảo tồn sinh quyển và phòng hộ.
Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích rừng phòng hộ rất lớn, trong khi đời sống nhiều hộ dân ở khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt là người nghèo là đối tượng trực tiếp khai thác nguồn lợi thủy sản từ khu vực giới hạn hoạt động theo chiều tiêu cực lên hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Nếu như như địa phương nhân rộng mô hình nuôi này ra diện rộng thì sẽ giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa nhanh chóng cải thiện kinh tế hộ gia đình gắn với công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ngập mặn ở vùng đất Mũi Cà Mau. (Đảng Cộng Sản 25/10) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Cơ thể nhiều loài động vật đang bị giảm kích cỡ mà nguyên nhân là biến đổi khí hậu. Qua quá trình quan sát, các nhà khoa học đã nhận ra một tương quan nghịch giữa kích thước của động vật và nhiệt độ trung bình.
Ảnh hưởng rõ nhất là ở các loài kỳ nhông, cừu, hươu, chim... Nghiên cứu trong 30 năm qua cho thấy động vật bị nhỏ đi đáng kể là loài dê núi châu Âu Alpine Chamois, chúng đã giảm kích cỡ và trọng lượng đến 25% so với năm 1980.
UPI dẫn lời nhà nghiên cứu sinh vật Tom Mason tại Đại học Durham (Anh) cho rằng, vấn đề kích thước cơ thể giảm do biến đổi khí hậu là phổ biến trong thế giới động vật, đặc biệt đối với nhiều loài cá, chim và động vật có vú. Riêng việc nhỏ đi của loài dê núi thực sự gây kinh ngạc nên giới khoa học lo ngại về sự tồn tại của chúng.
Một trong những nguyên nhân là lượng thực phẩm của loài dê núi này ít bổ dưỡng hơn trước nên chúng buộc phải nghỉ ngơi nhiều hơn và dành ít thời gian tìm kiếm thức ăn. (Thanh Niên 28/10, tr10) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng