Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 29 tháng 10 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
2 phách gỗ tang vật trong số 66 phách được phát hiện ngày 6-10 tại lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa (vùng giáp ranh giữa huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã bị mất.
Như đã thông tin, từ ngày 6 đến 13-10, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều điểm cất giấu hàng trăm phách gỗ với khối lượng lên đến trên 45 m3, tại địa phận rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa. Một số thông tin cho rằng cơ quan quản lý không những đã làm mất rừng mà còn để mất tang vật là 2 phách gỗ trong số 66 phách được phát hiện đầu tiên vào ngày 6-10.
28-10, ông Đinh Văn Hươm, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang, xác nhận việc này là có thật. Theo đó, sau khi phát hiện số lượng gỗ quý kiền kiền và gõ tại địa phận rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã tiến hành lập biên bản tất cả 66 phách gỗ với khối lượng hơn 14 m3.
Số gỗ này được giao cho Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (thuộc Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng) vận chuyển về Trạm kiểm lâm Dốc Kiềng (huyện Đông Giang). Tuy nhiên, sau quá trình vận chuyển, hiện tại chỉ còn lại 64 phách.
Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cũng xác nhận Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa đã làm mất 2 phách gỗ là tang vật trong vụ phá rừng.
“Chúng tôi đã quy trách nhiệm cho Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa phải chịu trách nhiệm”- ông Lương cho hay. (Người Lao Động 29/10, tr5) đầu trang(
Tan hoang rừng sinh thái Bản Đôn (Đắk Lắk), Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn) bị băm nát, Xem xét khởi tố vụ phá rừng Bà Nà-Núi Chúa (Đà Nẵng)…, những sự kiện thảm họa rừng quý bị tàn phá được báo chí đồng thời đề cập đúng ngày Bộ TN&MT tổ chức giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp hôm 28.10.
Nhưng từ lâu đây đã là vấn nạn của các tỉnh, địa phương có rừng mà hậu họa cả nước phải gánh chịu, trong khi nếu bảo tồn tốt thế giới tự nhiên, bạt ngàn những cánh rừng, nếu tài sản vô giá ấy không bị suy giảm hoặc mất đi, nó đem lại giá trị tuyệt vời môi trường sống, điều hòa nguồn nước và khí hậu, tác động tích cực đến sức khỏe con người, vật nuôi, sản lượng cây trồng và dấu ấn bản địa…
Chỉ riêng với sức khỏe thì tự nhiên chính là "một tủ thuốc” khổng lồ, với hơn một nửa số thuốc tân dược thông thường trên thế giới trị giá hàng chục tỷ USD được chiết xuất từ thiên nhiên. Ở nước ta quá nửa số người dân phụ thuộc vào các phương thuốc truyền thống hái từ cây lá. Phá rừng vì thế đồng nghĩa với nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài động, thực vật trước khi ta biết được công dụng của chúng.
Trở lại với thiên nhiên và hệ thống rừng đặc dụng cả nước bị cảnh báo liên tục suy giảm nghiêm trọng. Nhiều kỳ giao lưu trực tuyến do Bộ TN&MT tổ chức, số câu hỏi người dân và doanh nghiệp quan tâm về môi trường, tài nguyên, khoáng sản…, thường chỉ đứng sau đất đai.
Quyền tiếp cận đất đai, nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng liên quan mật thiết đến khai thác tài nguyên rừng bền vững. Nhưng quản lý Nhà nước về rừng thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNN), nên các câu hỏi liên quan đến tài nguyên rừng, rất có thể bị đặt ngoài lề "giao lưu”, trừ khi vấn đề có liên quan đến đa dạng sinh học (thuộc Tổng cục Môi trường của Bộ này quản lý).
Trong khi đó, dù lãnh đạo Bộ NN&PTNN mới đây nhấn mạnh tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, thì việc bảo vệ hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên VN với gần 170 khu rừng đặc dụng gồm 30 Vườn quốc gia, hơn 70 khu dự trữ thiên nhiên, chứa đựng các hệ sinh thái, cảnh quan đặc trưng tiêu biểu trên cạn, đất ngập nước và trên biển, là thách thức quá lớn của ngành và các địa phương. Tương lai của các khu bảo tồn thiên nhiên vẫn quá mịt mờ…
Vấn đề còn là những câu hỏi về quyền của người dân bản địa trong việc lưu giữ các tri thức truyền thống, các nguồn tài nguyên sinh học có từ những vùng đất của tổ tiên họ, là vấn đề liên ngành, khó có riêng một bộ ngành nào quản lý được. Phải có cái nhìn tổng thể hơn về tài nguyên, mới phát triển bền vững được môi sinh. Giao lưu trực tuyến có tiếp cận nhiều chiều kích văn hoá, kiến thức bản địa, kinh tế ..., mới có hy vọng "cứu xét” mọi vấn đề mà doanh nghiệp và người dân đặt ra.
Nhất là khi việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức, buông lỏng quản lý đang làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, đặc biệt tài nguyên rừng và nước. Ở Tây Nguyên hiện nay, 8 bậc thềm sông suối đã khai thác gần hết với hàng chục công trình thủy điện lớn nhỏ vận hành, trữ lượng ước tính 15 tỷ KWh điện/năm, chiếm 22% lượng điện cả nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei (Kon Tum) Trịnh Xuân Lộc, từ khi các doanh nghiệp đến thăm dò và khai thác vàng sa khoáng ở huyện này, hưởng lợi bao nhiêu người dân chưa thấy nhưng đã phải gánh chịu cảnh mất đất sản xuất, gia tăng phá rừng trái luật.
Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng ở rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, ông Huỳnh Ngọc Hạp cho biết liên tiếp trong tuần thứ hai tháng 10 này, các cơ quan bảo vệ rừng, kiểm lâm TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phát hiện hàng trăm tấm gỗ đã được xẻ sẵn, cất giấu trong khu vực rừng Bà Nà-Núi Chúa và khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.
Mới nhất hôm 28.10, PV TTXVN tại Đắk Lắk dẫn lời người đưa đường khi vào khu rừng du lịch sinh thái Bản Đôn, thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, chia sẻ đau xót: "Có những hôm lâm tặc vào đây khai thác gỗ còn nhiều hơn khách du lịch. Khai thác tận diệt thế này chẳng mấy chốc khu rừng này bị xóa sổ”.
Cũng hôm qua tại diễn đàn nhân dân do Tổ chức mạng lưới sông ngòi VN và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tại TP Huế, bà Lương Thị Trường, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam cho biết: Với mong muốn tăng cường, thúc đẩy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận các cấp, của các cơ quan tư vấn phản biện xã hội khác, diễn đàn này có ý nghĩa cùng cam kết mục tiêu hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường, đến cộng đồng dân cư trong vùng các dự án thủy điện…
Không thể ghi nhận hết những hệ lụy về môi trường, rừng và thiên nhiên nước ta, do các hoạt động phát triển có phép và nạn khai thác khoáng sản lậu, phá rừng trái phép gây ra. Song những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước, những kẻ cố tình vi phạm luật pháp và cả những khó khăn của lực lượng chức năng, của người dân trồng rừng, giữ rừng đã ngày càng lộ diện, nhờ có những "giao lưu trực tuyến” đa diện đa chiều ở nhiều cấp ngành, những đường dây nóng tố giác tội phạm…
"Rừng sẽ xanh hơn” vì thế không phải là một khát vọng, ao ước mà hơn thế, đã và đang trở thành sự thật. Như Thái Nguyên có mô hình "Cánh rừng mẫu lớn” quy mô 450 ha với 4 hợp phần trồng quế chiết xuất tinh dầu; trồng thâm canh các loài cây lấy gỗ phục vụ chế biến kết hợp cây dược liệu dưới tán; trồng cây bản địa đa tác dụng và nông lâm kết hợp, xã hội hóa lâm nghiệp mang lại hiệu quả cao.
Mặt khác, rừng muốn bền vững thì chính sách phát triển rừng phải dựa trên cơ chế thị trường. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có hiệu lực thi hành gần 10 năm qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập phải sớm được sửa để kịp với thực tiễn, kịp với một số đạo luật được QH thông qua gần đây, như Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học... Phân quyền và phi tập trung hóa một cách hợp lý trong quản lý tài nguyên rừng chính là gốc rễ để có những cánh rừng tươi xanh.
Giữ rừng xanh tươi bằng mọi cách là bảo đảm các thế hệ tương lai có cơ hội hiểu biết và thưởng ngoạn các khu bảo tồn thiên nhiên còn chưa bị tàn phá, duy trì các thuộc tính tự nhiên thiết yếu, gìn giữ nét đặc trưng của vùng hoang dã.
Là giúp cho các cộng đồng các đân tộc thiểu số cân bằng các nguồn lực hiện có để họ duy trì lối sống riêng. Chúng ta là một phần trong mạng lưới sự sống trên hành tinh này, không thể không thân thiện với thiên nhiên… Đó là điều còn ít được truyền thông chăng? (Đại Đoàn Kết 29/10) đầu trang(
Sau "cơn sốt" về gỗ huỳnh đàn, trắc, loài gỗ Hương (còn gọi là Giáng Hương) trở thành "mục tiêu" tiếp theo của dân chơi đồ gỗ và lâm tặc. Vì thế, những rừng Hương có tuổi từ vài chục đến trăm năm còn sót lại ở Gia Lai đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Đi vào xã Krong, cách thị trấn Kbang (H. Kbang, Gia Lai) hơn 40km, vùng đất nằm phía tây, thuộc dãy Kon Ka Kinh và một phần cao nguyên Kon Hà Nừng, đầu nguồn sông Ba.
Nơi đây vẫn còn giữ lại được những cây gỗ Hương có đường kính từ 1-1,6m với hàng trăm năm tuổi. Tại Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa, ông Võ Ngộ vừa mới nhận chức vụ Giám đốc cử 2 cán bộ dẫn đường cho chúng tôi, một đã có thâm niên hơn 16 năm gắn bó với rừng, anh Lô Đình Hồ và cậu thanh niên vừa mới ký hợp đồng được 5 ngày Nguyễn Văn Duy.
Băng qua 4 km đường rừng lầy lội và những con suối lên khu vực rừng Hương cổ thụ, nơi mà người dân địa phương vẫn gọi là "đỉnh Kbang", những cây Hương lộ dần, bám theo triền núi, dọc theo con suối Nia mà sinh sôi, nảy nở. Đứng bên một gốc cây Hương gần 4 người ôm, anh Hồ cho biết: "Nơi đây có khoảng 300 cây Hương nhưng phân bố rải rác theo kiểu da báo tại 7 tiểu khu với tổng diện tích hơn 8.000ha, trong đó có gần 100 cây có đường kính từ 1m trở lên. Vùng này, cứ vài trăm mét lại xuất hiện 2-3 cây Hương cổ thụ".
Do đắt đỏ và được ưa chuộng, những cây Hương cổ thụ được "lâm tặc" săn lùng bằng mọi giá. Không chặt hạ được nguyên cây, "lâm tặc" lén lút đưa cưa máy vào "xẻo" từng miếng một. Cây Hương đường kính gần 1,6m bên đường tuần tra, kiểm soát rừng là "nạn nhân" đầu tiên khi "lâm tặc" xẻo từng tấm một, để lại gốc cây Hương nham nhở. May được cán bộ Cty phát hiện kịp thời nên cây Hương cũng không phải chịu số phận làm vật dụng trong một gia đình nào đó.
Có thời điểm chỉ trong 5 tháng (tháng 11-2013 đến 4-2014) "lâm tặc" với nhiều thủ đoạn đã chặt hạ trái phép 47 cây gỗ Hương với khối lượng thiệt hại hơn 122m3 bất chấp những nỗ lực cố gắng bảo vệ của cán bộ, công nhân công ty. Để bảo vệ những cây Hương cổ thụ còn lại, Cty đã cử những cán bộ, nhân viên của mình bám trụ tại rừng, "ăn, ngủ cùng với những cây gỗ Giáng Hương". Do kinh phí hạn hẹp những người giữ rừng phải mượn tạm chòi rẫy của người dân làm nơi ăn, ở, bám trụ 24/24 giờ để giữ những cây Hương cổ thụ.
Anh Hồ kể, bao nhiêu lần bị hăm dọa, bị vây hãm không một công cụ hỗ trợ nào trong tay thì anh Hồ không nhớ hết nhưng mới đây, anh Hồ bị một số đối tượng "lâm tặc" trút trận đòn thù vì ngăn cản bọn chúng khai thác trái phép gỗ Hương. Những đối tượng khai thác rừng trái phép còn tự trang bị cho mình nhiều loại hung khí như dao, rựa kể cả súng và bọn chúng sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi. Máu của những cán bộ bảo vệ rừng đã đổ xuống bên những gốc Hương cổ thụ trong những lần đẩy, đuổi "lâm tặc".
Giữa tháng 9-2014, đối tượng cuối cùng trong vụ án chống người thi hành công vụ Trịnh Ngọc Thái (trú tại TDP 4, TT Kbang, H. Kbang, Gia Lai) đã bị CAH Kbang bắt giữ sau một thời gian bỏ trốn. Vụ việc xảy ra vào ngày 20-10-2012, các đối tượng Nguyễn Văn Nguyên (1983), Nguyễn Văn Quyết (1989), Nguyễn Văn Nghị (1992), Hồ Viết Đức (1984), Trịnh Ngọc Thái (cùng trú tại TDP 4, T.T Kbang), Nguyễn Thị Tuyết (1984, trú tại TDP 20, TT Kbang), Đặng Đức Thọ (1980, trú tại TDP 2, TT Kbang) và Nguyễn Văn Hải (trú tại xã Đông, H. Kbang) cùng vào rừng thuộc tiểu khu 94 do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa quản lý để khai thác cành, nhánh gỗ Hương về bán kiếm lời.
Khi phát hiện nhóm đối tượng trên đang tiến hành khai thác gỗ Hương trái phép thì bị lực lượng cán bộ bảo vệ rừng của Cty phát hiện truy bắt. Tuy nhiên, nhóm đối tượng trên đã dùng rìu, rựa, gậy gỗ, đá tấn công lực lượng cán bộ bảo vệ rừng. Hậu quả, 3 cán bộ bảo vệ rừng là anh Nguyễn Thành Vinh, Lê Thành Công bị thương ở đầu, anh Bùi Cao Đỉnh bị gãy xương bàn hai ngón tay bàn tay phải, bị thương ở tay trái và phải đi cấp cứu điều trị tại Trung tâm Y tế H. Kbang, còn lại một số cán bộ khác bị thương nhẹ.
Gian nan, hiểm nguy như vậy, liệu các ngành chức năng có giữ được rừng Hương cổ thụ? Trước câu hỏi ấy, ông Võ Ngộ đau đáu: "Do hoạt động theo mô hình Cty nên giờ rất khó khăn bởi Cty không có nguồn thu vì không được giao chỉ tiêu kế hoạch, chủ yếu là làm công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng anh em không được một chế độ ưu tiên nào.
Chi trả lương cho cán bộ, nhân viên chủ yếu cân đối từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, trong khi đó hàng ngày phải đối diện biết bao khó khăn, nguy hiểm, cực khổ. Việc giữ rừng Hương là trách nhiệm của Cty do Nhà nước giao phó, anh em nỗ lực hết mình để bảo vệ. Trong khi hàng trăm cây Hương cổ thụ phân bố rộng trên diện tích hơn 8.000 ha theo kiểu da báo tại 30 khoảnh của 7 tiểu khu, nhưng hỏi ra lực lượng bảo vệ rừng của Cty chỉ có 10 người chuyên trách và 4 lao động thời vụ.
Bên cạnh đó, lâm phần của Cty quản lý, bảo vệ nằm trên địa bàn 4 xã Krong, Đăk Rong, Sơn Lang và Sơ Pai. Thế nhưng, một số xã vẫn chưa thực hiện hết trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tại gốc, thiếu sự phối hợp với đơn vị chủ rừng và các lực lượng chức năng.
Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển đổi Cty sang BQL rừng để hoạt động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn nhằm có các chế độ chính sách cho người lao động giữ rừng. Cũng như tuyển thêm biên chế để bố trí các chốt có gỗ Hương nhằm quản lý tại gốc cũng như nên quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng".
Khó khăn chồng chất khó khăn là vậy nên việc giữ được rừng Hương cổ thụ vẫn còn là chuyện mông lung lắm! (Công An TP Đà Nẵng 29/10) đầu trang(
Theo Bộ NNPTNT cho biết: Diện tích rừng bị cháy 10 tháng trên cả nước là 3.103ha, tăng tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Diện tích rừng bị chặt phá từ đầu năm đến nay là 672ha, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. (Thanh Niên 28/10, tr2) đầu trang(
Chiếc kèn motova, một trong những nhạc cụ truyền thống của người Raglai ở Ninh Thuận, liệu có liên quan gì đến sự tồn vong của bò tót? Đó là nhạc cụ làm bằng sừng con kvây (bò tót, theo cách gọi của người Raglai).
Nhạc cụ ấy khi xưa văng vẳng khắp vùng rừng của người Raglai ở Ninh Thuận. Nhưng hơn 20 năm qua cả vùng rừng Ma Nới (Ninh Sơn, Ninh Thuận) - lãnh địa bò tót Nam Trung bộ một thời, không có thêm cây kèn motova nào được làm ra nữa vì rừng già đã vắng bóng bò tót.
Theo con đường mòn xuyên cánh rừng khộp mùa rụng lá, PV về Ma Nới gặp già Chammalé Âu, một nghệ nhân dân gian Raglai và cũng là một thợ săn vang bóng một thời ở rừng Ma Nới, người đang giữ cây kèn motova cuối cùng.
Bập điếu thuốc rê sâu kèn, già Âu rút trong bọc cói ra cây kèn motova dài hơn gang tay, đen nhánh bảo: “Bằng sừng con kvây đó. Hồi đó kvây nhiều lắm, bắn một con cả làng ăn no. Nhưng giờ Ma Nới chỉ còn cái motova này của tao bằng sừng kvây thôi”.
Vốn là một du kích của chiến khu Anh Dũng (vùng rừng Ma Nới, Phước Hà của Ninh Thuận ngày nay), già Âu từng tận mắt thấy nhiều đoàn bò tót xé gió lao đi giữa rừng.
Thời đó bò tót nhiều đến nỗi đứng cách hàng cây số vẫn nhận biết được qua bước di chuyển làm cây rừng xào xạc như gió bão và mùi nước tiểu khai nồng bốc lên.
Bởi thế mỗi năm, cứ đến đầu mùa mưa, những thợ săn thiện xạ vùng Ma Nới lại được cử vào rừng, chọn cho được ba con kvây có bộ sừng đẹp nhất, bắn hạ đưa về làng để làm kèn motova.
“Kvây nhiều, nhưng làng cho bắn chừng đó thôi, chỉ con nào vô phá rẫy, đuổi không đi mới bắn hạ” - già Chammalé Âu nhớ lại.
Trong ký ức chưa xa ấy của già Âu về bò tót còn có cả hình ảnh hãi hùng về người bạn Ðá Mài Phân, một du kích ở cùng chiến khu Anh Dũng, đã bị một con bò tót đầu đàn móc lủng ngực. Dù trước đó Ðá Mài Phân đã xả hết nửa băng súng AK nhưng bò tót vẫn đủ sức lao vào.
Lần đó, sau khi xẻ thịt bò tót đã phải huy động tới hơn 20 du kích mới gùi nổi xương, thịt con bò này về lán.
Nhưng hình ảnh những bầy kvây xé gió đã không thể đi hết cùng ký ức của già Âu. Những năm 1980, 1990 rừng Ma Nới hỗn loạn vì nạn phá rừng, già Âu cùng bao thợ săn lừng lẫy một thời ở Ma Nới đành phải thu mình trước những toán thợ săn khắp nơi đổ về.
“Thịt bò bán từ đầu làng đến cuối làng, rẻ lắm. Cái mật và cặp sừng thì thợ săn đem đi mất...” - già Âu nhớ lại. Và đó cũng là những ký ức cuối cùng, ký ức đau đớn của những bầy kvây trong trí nhớ người Raglai ở Ma Nới.
Ðem câu chuyện về cây kèn motova của già Chammalé Âu kể với ông Nguyễn Công Vân - giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận), ông Vân cũng thở dài: “Ðâu chỉ già Âu mà cán bộ lâm nghiệp, kiểm lâm hơn 20 năm trước mỗi sáng đi tuần rừng đều thấy chi chít dấu chân bò. Thời đó bò tót chưa đưa vô sách đỏ, quản lý cũng còn lỏng lẻo nên thợ săn cứ bắn rồi đem ra cửa rừng xẻ thịt bán rẻ như cho”.
Ký ức ấy của một người có hơn 30 năm gắn với những cánh rừng lãnh địa bò tót ở Ninh Thuận càng làm cho câu chuyện về số phận những bầy bò tót hiện tại trở nên bi đát. Theo ông Vân, vùng rừng Ma Nới gần mười năm nay không còn thấy dấu hiệu của bò tót.
Còn ở Vườn quốc gia Phước Bình cách đó hơn 50km, số lượng cá thể bò tót chỉ còn khoảng 30-40 con, chia làm ba đàn. “Nhưng cũng chỉ qua lời kể của người dân, còn anh em kiểm lâm thỉnh thoảng thấy dấu chân...” - ông Vân nói.
Rời những cánh rừng đã vắng bóng dấu bò tót ở Ninh Thuận, PV ngược về rừng Nam Cát Tiên, nơi mà trên đường vào trung tâm vườn từ phía Tà Lài (Ðịnh Quán, Ðồng Nai) vào một buổi chiều tà, phóng viên Tuổi Trẻ đã kịp ghi lại dấu chân một bầy bò tót với đủ kích cỡ.
Còn chỉ trước đó ít lâu, vào đầu tháng 8-2014, đoàn làm phim của đồng nghiệp kênh VTC10 đã ghi hình được bầy bò tót đến 29 con cũng ở cùng vị trí nơi PV gặp dấu chân bò tót.
Nhưng những tín hiệu vui ấy, trớ trêu cũng như ký ức về những bầy bò tót ở Ninh Thuận, đã một thời từng là chuyện thường tình mà người dân ở đây đều gặp mỗi sớm mỗi chiều.
Và nói thật thà như già làng Ka Lam, người S’Tiêng khi gặp PV gần cửa rừng ở Tà Lài thì: “Hơn 20 năm trước dân vùng này có ai chưa một lần được nếm thịt bò tót...”.
Ký ức chưa xa ấy làm cho những hình ảnh mới nhất về Nam Cát Tiên chỉ đủ gợi lên một gam màu sáng le lói trong bức tranh ảm đạm về bò tót.
TS Phạm Hữu Khánh - phó phòng khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, người đã hơn 20 năm đi theo dấu những bầy bò tót ở cánh rừng này - đưa ra một con số xót lòng: Năm 1986 1km2 rừng Nam Cát Tiên có hai con bò tót, bây giờ chỉ còn 0,16-0,18 con trên cùng diện tích, nghĩa là đã suy giảm hơn 10 lần.
Chỉ vào bản đồ phân bổ bò tót Nam Cát Tiên, TS Khánh đưa ra những con số mang tính hi vọng nhiều hơn là thực tiễn: “Phải hơn 100 năm nữa, bò tót Nam Cát Tiên mới tái tạo đàn trở lại như thời điểm năm 1986...”.
Nhưng với một điều kiện mà TS Khánh nói rất khó xảy ra, đó là không có một con bò tót nào bị sát hại nữa.
Từ vùng rừng Ma Nới, Phước Bình ở miền Nam Trung bộ đến Mã Ðà, Nam Cát Tiên ở miền Ðông Nam bộ... - lãnh địa bò tót của cả nước, số phận bi đát của những bầy bò tót cứ nối dài mà như TS Nguyễn Hữu Khánh đánh giá là bò tót ở Việt Nam đã cùng đường. Mỗi tín hiệu, mỗi sự xuất hiện đâu đó của cá thể bò tót đều làm le lói thêm hi vọng bảo tồn.
Nhưng đó lại cũng là một nỗi ngậm ngùi bởi những câu chuyện ly kỳ, dũng mãnh về những bầy bò tót đông đúc mà những người như già Chammalé Âu, già Ka Lam hay những người làm khoa học như TS Nguyễn Hữu Khánh, ông Nguyễn Công Vân... từng chứng kiến chỉ mới đây thôi mà đã thành ký ức quá nhanh. (Tuổi Trẻ 28/10) đầu trang(
Sau một thời gian dài tạm lắng, thì nay, nạn săn bắn động vật hoang dã lại bùng phát. Để  ngăn chặn thực trạng này, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cấp ngành liên quan vào cuộc.
Sau hơn 2 tháng triển khai, hàng trăm  bẫy thú cùng súng săn các loại đã bị thu giữ. Phóng sự được thực hiện tại khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, huyện Nam Giang nơi đang có hàng trăm loài động vật quý hiếm sinh sống.
Đây là một trong những khẩu súng săn hiện đại, trị giá lên đến hàng chục triệu đồng, được các đối tượng dùng để bắn voi, gấu. Và đây là 2 khẩu súng săn tự chế có thể bắn hạ cả lợn lòi, cùng hàng trăm bẫy thú các loại, vừa được Ban quan lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thu được từ một đường dây săn bắn thú rừng chuyên nghiệp, đến từ các tỉnh phía Bắc. Do được tổ chức khép kín, và hoạt động trong rừng sâu, nên các kiểm lâm viên rất khó khăn khi tiếp cận đối tượng.
Dù chưa xử lý về mặt pháp luật với các đối tượng, nhưng nhìn những dụng cụ mà các đối tượng này dùng để chế tạo đạn, chế tạo súng cũng  cho  thấy được tính quy mô, nguy hiểm của đường dây sắn bắn động vật hoang dã này.
Tuần tra ngày, tuần tra đêm, lập chốt, ngăn chặn không cho người lạ mặt vào rừng, đó là những biện pháp hữu hiệu mà Ban quản lý khu bảo tồn nhiên nhiên ở các huyện miền núi có rừng ở  Quảng Nam đang triển khai để đối phó với nạn săn bắn đồng vật hoang dã.
Để đối phó với ngành chức năng, các đối tượng săn bắn thường bám trụ luôn trong rừng, và dùng người dân bản địa để vận chuyển thú rừng khi săn được.
Có vũ khí trong tay, lại hoạt động giữa rừng sâu, nên việc ngăn chặn, bắt giữ, cũng như đẩy đuổi các đối tượng này không dễ. Ngành kiểm lâm -  đơn vị chủ lực trong cuộc chiến này đang  rất cần sự giúp đỡ từ bộ đội biện phòng, công an cơ động. Có như thế mới đẩy đuổi, truy quét được tận gốc. (VTV9 28/10) đầu trang(
Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhiều đơn vị quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Kbang đã chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác này, nhờ đó đã hạn chế nhiều vụ xâm hại đến tài nguyên rừng.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp KaNát ở huyện Kbang hiện đang quản lý hơn 7.500 ha rừng tự nhiên và hơn 20 ha rừng trồng trên địa bàn các xã: Đông, Nghĩa An, ĐakSma và thị trấn Kbang.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Chi bộ Công ty luôn gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị là quản lý và bảo vệ rừng, trong đó đề ra các biện pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế và khuyết điểm. Cấp ủy, lãnh đạo Công ty đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Trò chuyện với PV ông Vũ Đức Lưỡng - Đội trưởng đội quản lý bảo vệ rừng - Cty TNHH MTV lâm nghiệp KaNát chia sẻ: “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), bản thân tôi với vai trò là đảng viên và là tổ trưởng đã phân công cho cán bộ, nhân viên bám nắm địa bàn, nâng cao trách nhiệm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không để xảy ra những sai phạm…”.
Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đến nay ở Chi bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp KaNát có chuyển biến tốt. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Công ty không để xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng nào trên lâm phần đơn vị quản lý và tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất đã được ngăn chặn kịp thời.
Trao đổi với phóng viên ông Dương Thanh Bình - Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp KaNát cho biết: “Cấp ủy lãnh đạo Công ty xác định yếu tố con người mang tính quyết định đến kết quả công tác quản lý bảo vệ rừng. Do vậy, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cấp ủy chi bộ và lãnh đạo Công ty tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên; phân công từng cán bộ, đảng viên và nhân viên phụ trách từng các tiểu khu; thành lập nhiều chốt chặn tại các cửa rừng nên hạn chế nhiều vụ phá rừng…”.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đăkrong hiện đang quản lý 16.234 ha rừng. Lãnh đạo Công ty này cho biết, trong quá trình triển khai công tác quản lý và bảo vệ rừng đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Như địa bàn rộng và phân tán, trong khi đó số lượng cán bộ, nhân viên có hạn; cơ sở vật chất và trang thiết bị để hỗ trợ cho thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hạn chế và thiếu thốn.
Hơn nữa, càng ngày do nhiều hộ thiếu đất sản xuất nên đã đặt ra những áp lực và những khó khăn mới trong công tác giữ rừng, nhưng trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cấp ủy Chi bộ và lãnh đạo Công ty có những chủ trương và biện pháp cụ thể, thiết thực với quyết tâm chính trị cao để triển khai công tác giữ rừng đạt kết quả cao nhất.
Ông Đoàn Hữu Công- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đakrong khẳng định: “Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cấp ủy lãnh đạo Công ty đã đề ra các biện pháp cụ thể để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng nên số vụ phá rừng đã giảm đáng kể. Qua đây chúng tôi cũng có đề xuất là cần phải có những cơ chế chính sách phù hợp hơn mới có thể triển khai công tác giữ rừng đạt kết quả cao nhất…”.
Với những đặc thù về tự nhiên, nhiều diện tích rừng ở Kbang là “điểm đến” và là điểm “dừng chân” của nhiều đối tượng “lâm tặc”, trong khi đó nhiều chính sách trong công tác quản lý và bảo vệ rừng còn những bất cập. Điều này đã gây ra những khó khăn và thách thức lớn, nhưng với trách nhiệm của mình, nhiều cán bộ, nhân viên giữ rừng nơi đây cũng như ở nhiều địa bàn khác đang ngày nỗ lực phấn đấu với quyết tâm giữ rừng màu xanh của rừng. (Đài PTTH Gia Lai 27/10) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện trên 42 đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng. Qua đó, đã phát hiện 30 vụ vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, tàn trữ gỗ trái phép.
Trong đó, đã xử lý 10 vụ phá rừng trái pháp luật, 8 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 01 vụ vi phạm thủ tục vận chuyển lâm sản và 11 vụ vi phạm khác về bảo vệ và phát triển rừng. Đã tịch thu trên 28 m3 gỗ các loại, nộp ngân sách nhà nước gần 170 triệu đồng.
Thời gian đến, UBND huyện Sơn Tây sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tập trung tuyên truyền pháp luật về chăm sóc và bảo vệ rừng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời phối hợp chặc chẽ với chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện. (Báo Quảng Ngãi 27/10) đầu trang(
Phó Trưởng Ban quản lý Tây Yên Tử Phạm Văn Biểu cho biết tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (nằm trên địa bàn huyện Sơn Động), tỉnh đang triển khai nhiều chương trình, dự án ưu tiên nhằm bảo tồn và phát triển hệ sinh thái phong phú, đa dạng đặc trưng cho vùng Đông Bắc Việt Nam.
Trong số này, dự án khoán bảo vệ rừng với kinh phí dự kiến trên 19 tỷ đồng triển khai từ năm 2013-2020 nhằm khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình nằm trong Khu bảo tồn để người dân có thêm thu nhập.
Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với kinh phí dự trù trên 55,6 tỷ đồng triển khai từ nay đến năm 2020 nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng trong Khu bảo tồn. Dự án chuyển dân di cư ra khỏi khu bảo tồn với kinh phí trên 3,6 tỷ đồng thực hiện trong năm 2015.
Các dự án cắm mốc ranh giới và bảng tin Khu bảo tồn; hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm; nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm tại Khu bảo tồn với kinh phí gần 16 tỷ đồng, triển khai từ nay đến năm 2020, nhằm phân định rõ ràng ranh giới Khu bảo tồn, giúp cho công tác quản lý được thuận tiện, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư; hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đệm, giảm tác động tiêu cực vào Khu bảo tồn...
Ngoài ra, Ban quản lý Khu bảo tồn cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra rừng, ngăn chặn tận gốc tình trạng chặt, phá rừng, săn bắn, buôn bán động thực vật hoang dã trái phép; thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức Ban quản lý theo chức trách, nhiệm vụ được giao; tiếp tục kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, đầu tư vào Khu bảo tồn.
Ban quản lý kiến nghị cấp có thẩm quyền hạn chế đến mức thấp nhất việc cấp phép, thăm dò, khai thác than trong rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hoạt động của cán bộ, công chức; cấp đầy đủ kinh phí cho hoạt động điều tra, đánh giá, giám sát đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn.
Từ năm 2010-2013, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử đã thực hiện khoán bảo vệ được trên 37.170ha rừng; trồng trên 200ha rừng sản xuất vùng đệm; đã triển khai nhiều dự án trong nước và nước ngoài nhằm bảo tồn và phát triển rừng, đa dạng sinh học với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, 120.000 USD và trên 762.000 euro.
Quyết định số 676/2013 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu rừng đặc dụng Tây Yên Tử giai đoạn 2013-2020 đã xác định quy mô Khu bảo tồn là trên 12.172ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là trên 5.448ha, phân khu phục hồi sinh thái là gần 6.524ha, phân khu dịch vụ hành chính là 200 ha và diện tích vùng đệm hơn 6.618 ha.
Do nằm ở vị trí có địa hình cao dốc hiểm trở nên Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử vẫn còn giữ được hệ sinh thái tương đối nguyên vẹn.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, thuộc Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang, là một trong ba khu di tích nằm trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử nằm trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ để trình UNESCO xem xét, công nhận là di sản thế giới. (VietnamPlus 28/10) đầu trang(
Gần 3 năm nay, người dân xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) luôn quản lý và bảo vệ tốt hơn 200ha rừng tự nhiên, không còn tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng bừa bãi. Điều này có được từ khi rừng được giao cho cộng đồng thôn, bản quản lý.
Dọc tỉnh lộ 174 qua địa bàn xã Phúc Sơn, phóng tầm mắt ra xa, thấy cả một màu xanh bạt ngàn của rừng. Phúc Sơn có trên 200ha rừng, nối dài từ xã Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn) đến tiếp giáp huyện Trạm Tấu. Từ bao đời nay, rừng đã bao bọc hơn 1.471 hộ dân nơi đây và cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con.
Những năm trước, rừng được Nhà nước giao khoán bảo vệ cho các nhóm hộ. Tuy nhiên, diện tích lớn, đi lại khó khăn nên các nhóm hộ không thể kiểm soát hết diện tích, dẫn đến tình trạng chặt phá rừng bừa bãi. Năm 2011, rừng được giao cho cộng đồng thôn, bản quản lý. Sau khi nhận diện tích, các thôn, bản đều xây dựng quy ước bảo vệ rừng.
Ở Phúc Sơn, người nào vào rừng, lấy một ngọn măng, cây vầu hay thả trâu, bò lên rừng đều phải nộp phạt từ 50 - 100.000 đồng, tùy mức độ. Số tiền này nộp vào quỹ bảo vệ rừng ở thôn, bản. Để có kinh phí giữ rừng, hàng năm, mỗi hộ dân nộp 5kg thóc.
Ngoài ra, sản phẩm rừng sẽ phục vụ cho nhu cầu cần thiết của người dân trong từng thôn, bản và nguồn lợi thu được từ rừng có thể trích lập thành quỹ để phục vụ cho công tác bảo vệ rừng. Hàng năm, nhà nào có công to, việc lớn như đám cưới, đám tang sẽ được hỗ trợ 10 gánh củi khô. Ngoài ra, cứ đến Ngày Thương binh, liệt sỹ, tết Nguyên đán, các hộ gia đình chính sách đều được cấp củi khô. Do bảo vệ và khai thác hợp lý nên đã tránh được tình trạng chặt phá bừa bãi như trước đây.
Thôn Bản Lụ 2 có 149 hộ dân được giao quản lý bảo vệ trên 23ha rừng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu trên 28ha đất lúa. Từ khi rừng được giao cho cộng đồng, mọi người trong thôn đã cùng nhau giữ rừng, hưởng lợi từ rừng.
Ai cũng hiểu, có rừng là có nguồn nước trồng cấy, có nhiều sản vật dưới tán rừng để khai thác. Người dân trong thôn đã xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng, ký cam kết thực hiện quy ước với từng hộ. Do đó, mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành.
Trưởng thôn Đinh Văn Khiêm cho biết: “Người nào vào rừng khai thác gỗ, bị phát hiện sẽ phạt tiền. Số tiền này sẽ được nộp quỹ phát triển và bảo vệ rừng của thôn. Người trong thôn được phép khai thác gỗ, củi và các lâm sản phụ nhưng phải theo kế hoạch, chỉ được lấy gỗ ở rừng cộng đồng khi có nhu cầu làm nhà với điều kiện phải được nhân dân trong bản, chính quyền đồng ý”. Ngoài sự ràng buộc của quy ước, các thôn, bản cũng tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ nên bước đầu công tác quản lý, bảo vệ rừng đã thu được hiệu quả tốt.
Ông Hoàng Văn Dào - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: "Từ khi giao rừng cho cộng đồng quản lý, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu về việc phải bảo vệ rừng. Các thôn, bản đều thuê người canh giữ rừng thường xuyên. Ngoài ra, Ban quản lý rừng cộng đồng thành lập các tổ tuần tra bảo vệ từ 3 - 5 người thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng. Các nhóm bảo vệ rừng còn phối hợp với UBND xã và cán bộ kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Nhờ vậy, rừng cộng đồng được quản lý nghiêm ngặt, không còn tình trạng chặt phá, rừng bừa bãi”.
Rừng cộng đồng ở xã Phúc Sơn đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do rừng ở đây không có nhiều lâm sản phụ nên người dân được hưởng lợi từ rừng còn hạn chế, chủ yếu vẫn là lấy củi đun.
Do đó, để “rừng cộng đồng”  phát triển bền vững, cần có chính sách hỗ trợ cộng đồng xây dựng mô hình tăng thu nhập từ rừng, trồng cây dưới tán rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ như mây nếp, ba kích; xây dựng các mô hình nông, lâm kết hợp trong diện tích rừng được giao, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào. (Báo Yên Bái 28/10) đầu trang(
Những năm qua, làng Đăk Dế đã vận động, kêu gọi người dân trong làng không chặt phá rừng bừa bãi, đồng thời khuyến khích trồng mới diện tích rừng. Nhờ vậy, Đăk Dế luôn là làng điểm trong công tác bảo vệ rừng ở Đăk Tô.
Trong chuyến về xã Đăk Rơ Nga công tác, vì di chuyển đoạn đường xa nên tôi tạm dừng chân nghỉ ngơi ở làng Đăk Dế và thật may mắn khi gặp ngay già làng A Heng.
Biết PV không phải người trong vùng, nhưng già vẫn rất cởi mở hỏi thăm, mời PV uống một thức uống khá hấp dẫn của người Xê Đăng, đó là rượu cây Tơ Veă, rượu lấy tự nhiên và được chưng cất trên núi Ngọc Tăng.
Thấy PV có vẻ ngạc nhiên và muốn tìm hiểu, già A Heng hỏi: Cô có muốn đi thử cho biết không? Tất nhiên là PV đồng ý ngay. Sau 5 phút vào nhà lấy dụng cụ đi rừng, già trở ra và chỉ tay về phía ngọn núi Ngọc Tăng xa xa trước mặt: Giờ chúng ta đi xe máy chừng 2km, sau đó để xe ở chân núi rồi đi bộ tiếp 1,5km nữa là đến nơi thôi.
Đi theo PV còn có cả cháu trai chừng 7 tuổi, theo như lời già nói, đứa bé đó sẽ là người nối dõi của già sau này. Dọc đường vào rừng, già đã kể cho PVnghe câu chuyện giữ rừng của người dân làng Đăk Dế.
"Nhiều năm trước, thanh niên trong làng câu kết với người lạ lên đây chặt phá cây rừng, trong đó có cả cây Tơ Veă. Vì khi đó hầu hết bà con chưa hiểu được giá trị của việc giữ rừng và vì lợi ích cá nhân nên họ ồ ạt chặt phá rừng bữa bãi như thế... Sau khi được tuyên truyền không nên chặt phá rừng làm nương rẫy, già đã về phổ biến lại cho bà con cách bảo vệ rừng, bảo vệ cây rượu quý của làng" - Già A Heng chia sẻ.
Như để minh chứng những điều vừa nói, già quả quyết: Lát tôi sẽ dẫn cô qua khu vực bên kia sông, phía bên đó giờ thanh niên không những thực hiện bảo vệ rừng, mà còn làm tốt phong trào phủ xanh đất trống đồi trọc.
Nói là đi, già A Heng đưa PV qua bên kia sông. Đến nơi, tình cờ gặp A Toản - 35 tuổi, người trong làng, nghe già nói chuyện giữ rừng, anh hồ hởi kể với tôi: cách đây 5 năm, mình và nhiều thanh niên trong làng không chịu đi làm, suốt ngày ở nhà rượu chè.
Rồi một ngày có người lạ vào làng rủ đi chặt cây rừng, họ trả tiền công ngày 200.000 đồng/người, hôm nào họ không đi cùng được, thì mình chặt rồi bán lại cho họ với giá tính theo cây. Sau này, các cán bộ xã về làng tổ chức tuyên truyền phổ biến việc phải bảo về rừng, khi ấy bà con mới nhận thức được tác dụng của việc giữ rừng và nghiêm cấm người lạ vào chặt phá rừng bừa bãi nữa.
Già A Heng cho biết, để đảm bảo công bằng và quản lý chặt chẽ cây rừng, già đã cùng dân làng thống kê tổng số cây rừng có được tại núi Ngọc Tăng rồi chia ra cho 6 người trong làng có nhiệm vụ canh giữ. Những người này được phép khai thác rượu từ cây Tờ Veă, sản phẩm thu được từ cây rượu sẽ trừ làm khoản lương cho những người tham gia giữ rừng. Hiện, mỗi người nhận trung bình từ 7 – 10 cây Tờ Veă, nhà thu nhiều thì được 50 lít rượu/cây/năm, nhà thu ít thì 30 lít/cây/năm, giá bán hiện nay 15.000 - 20.000/lít.
Nhờ làm tốt công tác vận động nhân dân cùng nhau bảo vệ rừng, già A Heng được tín nhiệm làm cán bộ mặt trận thôn Đăk Dế. Những năm sau, làng Đăk Dế luôn được xếp vị trí đầu danh sách thôn, làng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng của xã. (Báo Kon Tum 27/10) đầu trang(
Đầu năm 2014, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới đã công nhận Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo là 1 trong 2.203 khu đất ngập nước quan trọng quốc tế. Là khu đất ngập nước quan trọng (khu Ramsar) thứ 6 và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam, VQG Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới.
Nằm ở trung tâm quần đảo Côn Đảo,VQG Côn Đảo cách bờ biển nam Việt Nam khoảng 80 km. Quần đảo gồm 14 đảo, đảo lớn nhất là Côn Sơn. Địa hình đảo Côn Sơn là vùng đồi núi, ưu thế bởi các dãy đá granit chạy từ phía Tây Nam đến Đông Bắc, che chở cho các vùng vịnh của đảo cả về hai phía khỏi những luồng gió mạnh. Hai điểm cao trên đảo là đỉnh núi Thánh Giá và núi Chúa, có độ cao 577 m và 515 m.
Năm 1995, VQG Côn Đảo đã được Ngân hàng thế giới đưa vào danh sách Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu (A Global Representative System of Marine Protected Areas) và Côn Đảo cũng là khu vực trọng điểm nằm trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Ban quản lý VQG Côn Đảo cho biết, VQG Côn Đảo có 4.095 ha rừng, bằng 81% tổng diện tích đảo nổi thuộc khu bảo tồn. Hiện nay, đã ghi nhận 1.077 loài thực vật có mạch, 44 loài thực vật lần đầu tiên được mô tả tại các đảo, trong đó có nhiều loài mang tên các địa danh của vùng như: Dầu Côn Sơn, bùi Côn Sơn, đọt dành Côn Sơn và lấu Côn Sơn.
VQG Côn Đảo cũng đã ghi nhận được 29 loài thú, 85 loài chim và 46 loài bò sát, ếch nhái. Mặc dù số lượng loài không cao nhưng mật độ cá thể lại rất cao, một số loài và phân loài đặc hữu cho vùng như sóc đen Côn Sơn. Riêng khu hệ chim Côn Đảo chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng nhiều nhà khoa học đã khẳng định, có nhiều loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác ở Việt Nam như loài bồ câu nicoba, chim nhiệt đới, chim điên mặt xanh và gầm gì trắng.
Hệ sinh thái biển VQG Côn Đảo có rừng ngập mặn, các rạn san hô và cỏ biển. Rừng ngập mặn có khoảng 31 ha với 46 loài thực vật phân bố xung quanh Hòn Ba, dọc bờ biển phía tây Hòn Bảy Cạnh và dọc theo bờ biển phía Nam, phía Bắc của đảo Côn Sơn.
Các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Các rạn san hô ghi nhận mức độ đa dạng sinh học cao với hơn 370 loài. Ngoài ra, qua các cuộc điều tra của Viện Hải dương học Nha Trang cũng ghi nhận thêm 1.323 loài động thực vật biển, trong đó có 44 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam với 153 loài nhuyễn thể, chứng tỏ sự đa dạng của nhóm nhuyễn thể tại đây cao hơn bất kỳ mọi đảo khơi khác ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Côn Đảo còn có khoảng 500 ha cỏ biển là nơi tồn tại quần thể nhỏ của loài thú biển bị đe doạ tuyệt chủng trên toàn cầu là loài Bò biển. VQG Côn Đảo còn là nơi làm tổ quan trọng của loài vích và đồi mồi, hai loài rùa biển đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu.
Hàng năm, khu vực đã ghi nhận được hơn 250 cá thể cái đến làm tổ sinh sản tại 14 địa điểm trong VQG Côn Đảo với tổng số tổ lên đến hơn 1.000 tổ. Gần 80% các tổ được làm trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm… (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu 27/10) đầu trang(
Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Trưởng Công an xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ cho biết trưa 28-10, tại thôn Hiển Văn, xã Phổ Hòa, chị Phạm Thị Hồng Hạnh đã bị heo rừng tấn công khiến tử vong.
Vào thời điểm trên, chị Hạnh và một số người đang cắt cỏ trên cánh đồng Soi Ngòi, thôn Hiển Văn thì một con heo rừng từ trên núi lao xuống tấn công chị Hạnh. Người dân chạy tới xua đuổi heo rừng rồi đưa nạn nhân đến bệnh viện. Do thương tích quá nặng, chị Hạnh không qua khỏi. Được biết heo rừng trước đó đã bị thương. (Pháp Luật TPHCM 29/10; Tiền Phong 29/10) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng tích cực đấu tranh ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Tháng 9 năm 2014, Chi cục đã bắt giữ, xử lý hành chính 39 vụ vi phạm thu tiền phạt hành chính và tiền bán lâm sản, tịch thu 2 tỷ 761 triệu đồng, trong đó nộp ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ 500 triệu đồng, tăng 290% so cùng kỳ. Tang vật vi phạm xử lý hành chính tịch thu bao gồm: hơn 4 m3 gỗ tròn, hơn 15 m3 gỗ xẻ các loại, hơn 10 tấn cành, ngọn, gỗ, rễ loại quý và một số lâm sản khác.
Từ nay đến cuối năm, Chi cục tập trung làm tốt công tác quản lý nguồn gốc lâm sản nhập, xuất đối với các tổ chức kinh doanh, chế biến lâm sản, trọng tâm là vùng làng nghề; Tích cực đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm xâm hại tới rừng, và buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép. (Báo Bắc Ninh 27/10) đầu trang(
Tại Quảng Nam, đang xuất hiện tình trạng các cơ sở sản xuất đồ gỗ là đầu mối tiêu thụ gỗ trái phép, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.
Ước tính sơ bộ, chỉ riêng tại Quảng Nam, mỗi ngày có hàng chục mét khối gỗ vận chuyển từ các huyện miền núi về đồng bằng dưới nhiều hình thức. Không những vậy, hiện nay, các cơ sở sản xuất đồ gồ mọc lên như nấm.
Đáng nói là các cơ sở mộc này là đầu mối tiêu thụ gỗ trái phép, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Vụ việc kiểm lâm cơ động tỉnh Quảng Nam phát hiện hàng chục mét khối gỗ chôn gần một xưởng mộc tại Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, Quảng Nam là một minh chứng.  (VTV 27/10) đầu trang(
Để bảo vệ diện tích rừng của địa phương, nhất là trong mùa hanh khô, huyện Lục Yên đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm hạn chế và giảm thiểu các vụ cháy rừng xảy ra.
Huyện Lục Yên có trên 53.724 ha rừng và đất rừng, trong đó rừng tự nhiên phòng hộ là 16.594,6 ha, rừng tự nhiên sản xuất 37.130 ha tập trung trên địa bàn 24 xã và thị trấn. Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn đã tiến hành giao rừng phòng hộ bảo vệ trên phạm vi 19 xã, thị trấn với diện tích 14.228 ha, giao rừng tự nhiên sản xuất bảo vệ trên phạm vi 24 xã, thị trấn với diện tích 10.498 ha.
Vào mùa hanh khô, các loài thực vật ở dưới tán rừng thường bị khô nỏ, nên nguy cơ cháy rừng là rất cao. Để bảo vệ diện tích rừng của địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên đã làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng huyện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị ở các xã, thôn, bản về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các chính sách của nhà nước về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; sửa chữa, lắp đặt thêm các bảng tin, bảng cấp dự báo cháy rừng.
Mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm lâm địa bàn, đặc biệt là các chủ rừng, những người có uy tín trong cộng đồng và nhân dân, từ đó nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, nhất là trong mùa hanh khô, duy trì chế độ trực ban 24/24h, tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt các vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy cao.
Trong những ngày cao điểm, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường thêm lực lượng gác lửa rừng cho các xã có diện tích rừng lớn. Toàn huyện đã thành lập 25 Ban chỉ huy PCCCR, trong đó 01 BCH huyện và 24 BCH xã, thị trấn với 227 tổ, đội bảo vệ phòng cháy, chữa cháy rừng với hơn 1.910 người tham gia, đây chính là lực lượng nòng cốt, tại chỗ có trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng tại địa bàn và huy động nhân dân ứng cứu tại chỗ khi có cháy rừng xảy ra.
Đối với diện tích rừng và đất rừng được giao cho các hộ dân quản lý, Hạt Kiểm lâm huyện cũng tổ chức ký cam kết với các chủ rừng nâng cao trách nhiệm và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời trang bị dụng cụ như giầy bảo hộ, dao phát, mũ bảo hộ, quần áo bảo hộ, đèn pin, cưa máy... hỗ trợ công tác PCCCR trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các biện pháp như xây dựng đường băng cản lửa, quy hoạch vùng nương rẫy, công tác vệ sinh thực bì cũng được kiểm tra thường xuyên. Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đốt thực bì, theo dõi tình hình thời tiết và thông tin cảnh báo cháy rừng, đồng thời thực hiện phương châm 4 tại chỗ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra. Do có sự chỉ đạo chặt chẽ cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và các địa phương, nên trong mùa hanh khô 2012-2013 cũng như vụ Đông Xuân 2013 - 2014 trên địa bàn huyện không để xảy ra cháy rừng. (Báo Yên Bái 24/10) đầu trang(
Rừng phòng hộ có ý nghĩa sống còn đối với các địa phương, tuy nhiên thời gian qua, tại tỉnh Quảng Nam, những cánh rừng phòng hộ lại đang bị xâm hại nghiêm trọng. Trong đó, điểm nóng bỏng nhất xảy ra tại huyện Núi Thành, với việc, người dân ngang nhiên phá rừng đầu nguồn đốt than hầm mang tính tàn phá.
Để ngăn chặn tình trạng này, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đang triển khai quyết liệt các giải pháp. Ghi nhận của PV, xã Tam Mỹ Tây, địa bàn nóng nhất của tình trạng phá rừng để lấy gỗ hầm than.
Những bao tải chứa than hầm chất cao, những chiếc xe máy hầu hết không còn đảm bảo an toàn kỹ thuật rất dễ gây ra tai nạn khi tham gia giao thông đã bị bắt giữ và đang nằm trong kho của Trạm kiểm lâm địa bàn số 2 và tại nhà kho trong trụ sở UBND xã Tam Mỹ Tây thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là những “tang chứng vật chứng” được thu giữ sau nhiều ngày truy quét lâm tặc.
Ông Mai Trí, Trưởng Công an xã Tam Mỹ Tây cho biết: "Trước tình trạng phá rừng, UBND xã đã thành lập tổ công tác để có biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng. Cơ quan công an xã đã được giao nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng dân quân tự vệ, kiểm lâm địa bàn số 2 tổ chức nhiều đợt truy quét để đẩy đuổi lâm tặc ra khỏi rừng. Thành lập nhiều trạm chốt chặn để ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép qua dịa bàn".
Tình trạng phá rừng để lấy gỗ hầm than đã và đang diễn ra một cách phức tạp trên địa bàn huyện Núi Thành. Để ngăn chặn tình trạng này nhằm bảo vệ rừng đầu nguồn, lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt truy quét và bắt giữ nhiều phương tiện vận chuyển lâm sản và than hầm trái phép.
Từ ngày 20/9 đến 23/9, cơ quan chức năng đã phá hủy 32 hầm than, mỗi hầm có quy mô từ 2-2,5 tấn than mỗi ngày, thu giữ hàng trăm bao tải than chuẩn bị đưa đi tiêu thụ và hơn 20 xe máy và các phương tiện dùng để vận chuyển lâm sản và hầm than trái phép. Tuy nhiên việc truy quét còn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, địa bàn phức tạp.
Ông Trần Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành nói: "Trong thời gian qua tình trạng bà con phá rừng làm rẫy, hầm than, phá rừng trái phép đang diễn ra. Trước tình hình trên, địa phương đã tập trung vào công tác bảo vệ rừng một cách quyết liệt.
Qua 9 tháng địa phương đã tổ chức 24 đợt truy quét, có 142 lượt tham gia, qua đó đã thu giữ nhiều tang vật vi phạm. Trong điều kiện người dân chưa có việc làm thường xuyên nên việc phá rừng để mưa sinh vẫn còn diễn ra. Để giải quyết căn cơ vấn đề này cần có những giải pháp đồng bộ hơn, đặc biệt là đào tạo nghề, giải quyết việc làm để giảm tình trạng phá rừng".
Bên cạnh việc tuần tra truy quét, xử lý hành chính, các cơ quan chức năng cũng sẽ sử dụng chế tài mạnh hơn để ngăn chặn có hiệu quả, đặc biệt  tuyên truyền giáo dục cũng như giải quyết bài toán viêc làm cho người dân trên địa bàn để ngăn chặn tình trạng phá rừng đốt than đã và đang diễn ra như thời gian qua, cứu những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn. (Vietnamnet 25/10) đầu trang(
Tỉnh Lạng Sơn có gần 5.500 ha rừng thông bị sâu róm tàn phá, trong đó có gần 2.000 ha bị tàn phá nặng nề với mật độ hơn 100 con/cây.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần tỉa thưa rừng và khi phát hiện có ổ trứng sâu róm, bà con cần chủ động mua thuốc phun ngay chứ không nên chờ được cấp thuốc mới phun. (Nhân Dân 29/10, tr7) đầu trang(
Trong thời gian qua, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ngành, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao và có hiệu quả.
Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đã triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở từ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm về cháy rừng năm 2014 giảm cả về số lượng và quy mô so với cùng kỳ năm 2013 do được phát hiện sớm và xử lý kịp thời nên đã không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu nên diễn biến thời tiết ngày càng trở nên bất thường và cực đoan, không theo quy luật, biểu hiện đến cuối tháng 10 nền nhiệt độ bình quân tháng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, vụ đông xuân 2014-2015 thời tiết trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra khô hanh, hạn hán trên diện rộng, do đó nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng là rất cao. Hơn nữa  đặc điểm rừng trên địa bàn có nhiều vật liệu cháy.
Toàn tỉnh có hơn 144 nghìn ha rừng sản xuất nên thường xuyên có sự tác động của con người vào rừng, dễ xảy ra cháy rừng. Ở các huyện vùng sâu, vùng xa nhận thức của người dân còn hạn chế, kinh tế khó khăn, ruộng ít nên vẫn còn tình trạng lên rừng làm nương rẫy dễ xảy ra cháy rừng. Trong khi đó trạm kiểm lâm chỉ bố trí được 2 đến 3  người, mỗi người phụ trách 2-4 xã có rừng. Trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR đã được đầu tư nhưng còn hạn chế.
Nói về công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đồng chí Nguyễn Văn Viễn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cẩm Khê cho biết: “Những năm gần đây thấy được hiệu quả từ rừng, người dân trên địa bàn luôn quan tâm đến trồng, bảo vệ rừng và PCCCR vì thế cháy rừng đã giảm hẳn. Tuy nhiên vào mùa khô anh em kiểm lâm chúng tôi vẫn nơm nớp lo vì trên địa bàn chủ yếu là rừng sản xuất, thường xuyên chịu tác động của con người, chỉ một sơ suất nhỏ nếu không phát hiện kịp thời sẽ thiêu trụi hàng ha rừng trong chốc lát. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm còn mỏng nên chúng tôi xác định tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân vẫn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu”.
Không chỉ lo cháy rừng sản xuất mà nỗi lo cháy rừng tự nhiên cũng không nhỏ bởi rừng tự nhiên thường có địa hình hiểm trở, công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng như vậy, công tác PCCCR cần nêu cao tinh thần phòng cháy hơn chữa cháy, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương, ý thức tự giác của người dân. Vì vậy ngành kiểm lâm đã quan tâm đắc lực cho chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR.
Lực lượng kiểm lâm trên toàn tỉnh đã  tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của anh em kiểm lâm địa bàn  và làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Chi cục Kiểm lâm chủ trì phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC của Công an tỉnh tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ kiểm lâm địa bàn và các lực lượng tham gia trực tiếp công tác PCCCR; hướng dẫn chủ rừng mua sắm trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng về PCCCR.
Ông Đỗ Ngọc Đoàn- Chi Cục trưởng Kiểm lâm cho biết: “Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm lâm vùng I, Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu của từng vùng; thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Tổng cục Lâm nghiệp.
Lực lượng kiểm lâm cũng đã tăng cường kiểm tra, xác định khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực để chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan và chủ rừng chủ động triển khai phương án PCCCR.
Xây dựng phương án PCCCR tại các khu rừng trọng điểm trên địa bàn tỉnh từ đó hiệp đồng chặt chẽ về lực lượng, phương tiện với các đơn vị của Công an tỉnh, Bộ chi huy quân sự tỉnh và các đơn vị khác liên quan để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
Đồng thời tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR cấp huyện, xã và của chủ rừng, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn”. (Báo Phú Thọ 28/10) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
28.10, trong Thông báo 393/TB-UBND về giải quyết kiến nghị của Công ty CP thương mại dược sâm Ngọc Linh (Quảng Nam) muốn chia đôi diện tích và lượng sâm giống tại trạm dược liệu Trà Linh (H.Nam Trà My), UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã giao cơ quan chức năng tham mưu xử lý.
Trong đó, xem xét đề xuất chia đất theo đúng quy định; trường hợp không thể chia được, sẽ hỗ trợ công ty tìm kiếm địa điểm lập trại giống và vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh mới có điều kiện tương tự.
Về số lượng giống sâm Ngọc Linh đang nuôi trồng mà công ty muốn chia đôi, địa phương cam kết hỗ trợ nguồn cây giống để công ty hình thành trại giống mới và hằng năm ưu tiên cung ứng cây sâm giống để phát triển vùng nguyên liệu.
Như đã thông tin, việc UBND tỉnh ra quyết định hành chính thu hồi trạm dược liệu Trà Linh (giao cho Trung tâm phát triển sâm và dược liệu Quảng Nam quản lý) đã bị Công ty CP thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam khởi kiện. (Thanh Niên 29/10, tr5) đầu trang(
Sở NN-PTNT Quảng Trị vừa tổng kết mô hình thực hiện kỹ thuật lâm sinh tỉa thưa cây phụ trợ, nuôi dưỡng rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn.
Mục đích nhằm điều chỉnh mật độ cây rừng phù hợp, tạo không gian dinh dưỡng cho cây bản địa phát triển.
Ông Trần Xuân Dưỡng, GĐ Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cho biết, toàn bộ diện tích tự nhiên ban được phân công quản lý có gần 8.000 ha, trong đó đất có rừng tự nhiên phòng hộ hơn 3.400 ha, đất có rừng trồng phòng hộ hơn 4.000 ha thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và TX Quảng Trị.
Rừng trồng từ cấp tuổi 1, 2, 3, loại cây trồng chủ yếu là keo, sao đen. Một số diện tích rừng keo quá tuổi thành thục công nghệ, nay đã chết.
Theo ông Dưỡng, từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm ban trồng được gần 250 ha rừng phòng hộ, chăm sóc gần 650 lượt ha... với hình thức giao khoán cho các hộ dân sống gần rừng chăm sóc nên rừng luôn được bảo vệ tốt.
Lần này, Sở NN-PTNT đồng ý cho BQL tỉa thưa 370 ha rừng được trồng từ năm 2003, hỗn giao theo băng giữa keo tai tượng với sao đen theo tỷ lệ 3:2, mật độ 1.650 cây/ha.
Ở rừng trồng phòng hộ dự án 661 có 200 ha, trong đó diện tích tỉa thưa cây phụ trợ 34,2 ha, diện tích giữ lại không tỉa thưa 165,76 ha. Tại rừng phòng hộ thuộc dự án JBIC có 170 ha, trong đó tỉa thưa cây phụ trợ 107 ha, diện tích đảm bảo mật độ không tỉa thưa 62,7 ha.
Hiện sao đen là cây trồng bản địa cần bảo vệ, nuôi dưỡng nhằm phát huy giá trị rừng phòng hộ nhưng phát triển chậm, không có khả năng cạnh tranh không gian dinh dưỡng với cây keo.
Cây sao đen hết giai đoạn chịu bóng, chuyển sang giai đoạn ưa sáng nên đòi hỏi phải có không gian để sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, cần thực hiện chặt tỉa thưa cây phụ trợ theo hàng, tận dụng gỗ cây phụ trợ nhằm điều chỉnh mật độ, phân bố lại cây rừng trồng phù hợp.
Theo điều tra trước khi tỉa thưa mật độ rừng còn từ 640 - 1.400 cây/ha, trong đó cây sao đen có khoảng 190 - 520 cây/ha, cây keo tai tượng còn khoảng 450 - 920 cây/ha, độ tàn che của rừng khoảng 0,6 - 0,9.
Yêu cầu kỹ thuật sau khi tỉa thưa, mật độ rừng trồng phòng hộ còn lại đảm bảo 600 cây/ha, cây phân bố đồng đều trên diện tích tỉa thưa, tạo điều kiện tối đa cho cây còn lại như sao đen có không gian phát triển bền vững.
Báo cáo của BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cho hay tổng khối lượng tỉa thưa lần này được thực hiện 4.754 m3 gỗ, ước bằng 3.726 tấn. Với giá bán 1.200.000 đ/tấn tại nhà máy thì tổng số tiền thu về được 3,106 tỷ đồng, trừ chi phí khai thác gần 600 triệu đồng, chi phí vận chuyển 2,1 tỷ đồng, số tiền còn lại 409,4 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
Ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị cho biết, kết quả điều tra lâm sinh sau tỉa thưa cho thấy từ khi có tác động tỉa thưa thì cây sao đen (cây bản địa cần để lại phòng hộ bền vững) sau 2 năm đã sinh trưởng và phát triển tốt về chiều cao, tán đều, đẹp.
Cây phụ trợ để lại như keo đảm bảo mật độ của rừng phòng hộ, tạo tiểu cảnh rừng để dẫn dắt một số cây tự nhiên và cây bản địa tái sinh phát triển tốt.
Biện pháp tỉa thưa được áp dụng là chặt tỉa thưa tầng trên, điều chỉnh mật độ cây, cải thiện ánh sáng, giảm sự cạnh tranh không gian dinh dưỡng của keo đối với sao đen, phát triển tốt cây mục đích và bảo vệ cây khỏe.
Ông Trần Xuân Dưỡng kiến nghị, tại diện tích rừng trồng phòng hộ thuộc dự án JBIC của BQL thì các cây trồng phụ như các loại keo đã đến tuổi thành thục nên lấn át cây trồng chính là cây sao đen, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững của rừng phòng hộ.
Đề nghị Sở NN-PTNT tiếp tục cho ban triển khai công tác tỉa thưa, nuôi dưỡng phục vụ tốt hơn nữa công tác phát triển rừng phòng hộ bền vững ở lưu vực sông Thạch Hãn.
Ông Nguyễn Văn Bài, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị sau khi kiểm tra thực địa khu vực rừng được tỉa thưa, đánh giá đây là mô hình thí điểm đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị. Thực tế là cây keo trồng phụ trợ nhưng đã phát triển quá mạnh, lấn át cây bản địa cần bảo vệ như cây sao đen.
Do vậy, cần thực hiện giải pháp tỉa thưa, nuôi dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng rừng phòng hộ. Việc tỉa thưa rừng phòng hộ tuy lần đầu thí nghiệm nhưng được BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn thực hiện đúng quy trình.
Sau 2 năm tỉa thưa cây bản địa phát triển tốt, cây trồng chính và cây trồng phụ còn lại đồng đều, tạo được không gian cần thiết cho cây trồng chính phát triển. (Nông Nghiệp Việt Nam 29/10, tr18) đầu trang(
Hàng chục năm qua, ông Trần Xuân Bửu (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã lặn lội đi khắp nơi tìm kiếm hàng chục ngàn cây giống để phục hồi lại rừng ngập mặn trên đầm Thủy Triều. Những cánh rừng tưởng như đã xóa sổ vĩnh viễn, nay đã hồi sinh, sẽ sớm thành “nhà” của tôm cá.
Thủy Triều là một trong những đầm lớn nhất khu vực miền Trung. Còn nói về độ phong phú hải sản thì nơi đây khó có chỗ nào sánh bằng. Đầm bắt nguồn từ chân đèo Cù Hìn, như một cánh cung uốn lượn ôm trọn dải đất Cam Lâm và Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đầm Thủy Triều vốn rất đa dạng, bởi các loại hải sản trên biển dường như tụ hội về đây.
Vậy nên bao đời nay, đầm Thủy Triều là nơi nuôi sống hàng ngàn hộ dân với rất nhiều thế hệ sinh sống ven đầm. Một số lão ngư sống ven Thủy Triều khoe với chúng tôi rằng, chẳng có nơi nào kiếm được cái ăn dễ như dân sống ở Thủy Triều. Ngày đầm còn hưng thịnh, chỉ cần cầm một cần câu ra đầm cũng kiếm đủ thức ăn tươi cho cả gia đình. Vì thế mà không ngạc nhiên khi nhiều người ví rằng đầm Thủy Triều chẳng khác gì “đại dương thu nhỏ” mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi đây.
Ấy vậy mà, niềm tự hào đó cũng có ngày vụt tan. Đầm Thủy Triều nuôi sống dân ven đầm, nhưng cũng chính người dân nơi đây tự tay “cướp” đi miếng cơm của chính mình. Từ sau những năm giải phóng, rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều bắt đầu suy giảm do người dân vào rừng chặt cây lấy củi. Rồi đến thập niên 90 của thế kỷ 20, khi “cơn lốc” nuôi tôm sú trên cát bắt đầu xuất hiện, hàng ngàn hộ dân đua nhau lập đìa ao nuôi tôm với tốc độ chóng mặt.
Hàng trăm đìa nuôi tôm xuất hiện ven đầm Thủy Triều, kéo theo đó là một diện tích rừng ngập mặn ven đầm tiêu tan. Chẳng mấy chốc, môi trường của đầm bị biến dạng theo hướng xấu đi, đầm Thủy Triều dần vắng bóng tiếng chim bay về trú ngụ mỗi lúc trời sẩm tối. Còn tôm, cua, cá thì thưa dần vì mất nơi trú ngụ, không thể sinh sôi vì nguồn nước bị ô nhiễm từ chính những ao nuôi tôm xả ra. Sau những mùa tôm sú thất bát, ao đìa tôm bỏ hoang, nhiều người lại quay về đầm kiếm sống trong khó khăn hơn nhiều lần trước đó.
Kể cho PV nghe về những năm tháng rừng ngập mặn bị tàn phá, ông Bửu nghẹn lời, đôi mắt đỏ hoe như muốn khóc thương những cánh rừng ngập mặn xấu số năm nào. Theo ông Bửu, khi những cánh rừng ngập mặn phủ kín hai bên đầm, dân chúng sống yên ổn lắm, môi trường thoáng đãng. Ai ngờ, chỉ vài năm vì sức hút con tôm sú mà hàng ngàn hécta rừng ngập mặn bị đốn hạ, xóa sổ.
“Nhìn những cánh rừng đước bị máy múc cạo sạch, tôi đau đớn mà không biết than với ai. Nuôi tôm là hướng đi mới, có thể thành công nhưng cách nuôi tôm sú mà phá đi hết hệ sinh thái thì đau lòng quá”, ông Bửu xót xa.
Rừng ngập mặn không còn, các loại hải sản trong đầm thưa dần, không dễ đánh bắt như trước. Vậy nên nhiều người dân nơi đây lại tính đến chuyện chuyển đổi cách thức đánh bắt sao cho nhiều tôm cá. Và rồi, những cách thức đánh bắt theo kiểu hủy diệt như xung điện, giã cào, lờ vây, lờ đáy xuất hiện ngày càng nhiều khiến nguồn lợi hải sản trên đầm Thủy Triều càng cạn kiệt.
Ông Bửu năm nay đã 60 tuổi, đáng ra phải hưởng cuộc sống an nhàn. Vậy mà, ngày lại ngày, ông vẫn cần mẫn làm việc không công để cứu lấy đầm Thủy Triều. Nhà ông Bửu nằm lọt thỏm cuối con hẻm thôn Tân Quý. Con cái ông đã lập gia đình, sống riêng, hai vợ chồng ông nương tựa nhau bằng nghề bán cà phê “cóc” và nghề may vá của vợ, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh Nho, cũng trạc tuổi, khá ốm yếu nhưng một lúc phải bán cà phê, vừa may vá áo quần. Tôi băn khoăn hỏi, bà đưa mắt nhìn về phía ông Bửu và nói: “Cô làm thay phần cho chú đó”. Gia đình ông Bửu định cư ven đầm Thủy Triều từ xưa, qua nhiều thế hệ và lấy nghề biển là mưu sinh chính.
Ông kể: Ngày đó rừng ngập mặn có cả trăm hécta phủ xanh xung quanh đầm, nhờ vậy mà hải sản đánh bắt quanh năm cũng không hết. Từ thuở lên 10, ông đã theo cha đi đánh bắt con tôm, con cá trong các khu rừng ngập mặn. Trong mỗi chuyến đi, cha ông thường kể cho ông nghe về tầm quan trọng của rừng ngập mặn, đó là nơi để cộng đồng kiếm kế sinh nhai, là nơi để ghe thuyền tránh trú mỗi khi có dông, bão…
Bởi vậy mà tuổi thơ ông đã xem rừng ngập mặn như nhà. Nay, thương những cánh rừng bị tàn phá, ông Bửu nuôi chí phục dựng lại những cánh rừng đã mất. Vậy là, hàng chục năm qua, ông lại lặn lội đi đến những nơi có giống cây rừng ngập mặn đề tìm giống về trồng xung quanh đầm.
Theo ông Bửu, rừng ngập mặn thường là giống cây đước, nhưng ngặt nỗi giống cây này cũng không dễ kiếm vì rừng đước đâu còn nhiều như xưa. Đầm Thủy Triều thì rộng lớn hàng chục kilômét vuông, nhưng đỏ mắt mới tìm ra những cây đước có quả để ươm giống.
Bởi vậy mà có khi đi từ sáng đến tối chỉ tìm được vài quả đước làm giống. Đã vậy, cây đước chỉ cho quả trong 3 tháng/năm, nên phải tập trung tìm giống trong từng ấy thời gian và gieo liền sau đó. Khó khăn là vậy, nhưng ông không nản chí, cố gắng gầy dựng được những vùng trồng rừng ven đầm. Thế nhưng, khi những khoảnh cây đước bắt đầu bén rễ, ra lá thì đã bị người dân nơi đây hủy hoại không thương tiếc.
Hàng ngày, người dân địa phương đua nhau đi đào bắt các loại hải sản và những nơi có cây đước đã trồng, họ cũng không tha. Năm nay rừng bị phá, năm sau ông lại đi tìm giống trồng rừng. Cứ vậy, hàng chục năm qua việc trồng rừng của ông Bửu chẳng khác gì “dã tràng xe cát”.
Khi việc trồng lại rừng đước tưởng chừng bế tắc thì trong một lần chèo thuyền đi tìm giống cây trên đầm Thủy Triều vào năm 2005, ông Bửu tình cờ gặp ông Dương Công Tiễn, một cán bộ quản lý Nhà máy đường Cam Ranh, người chung chí hướng. Và rồi, sau những lần hội ngộ, ông Tiễn đã cùng ông Bửu đi khắp nơi tìm giống, rồi các ông cặm cụi cắm những cây giống xuống đầm.
Sau nhiều năm lăn lộn không biết mệt mỏi, cuối cùng ông Bửu và cộng sự của mình cũng có những thành quả như mong đợi, đó là hơn 2ha rừng đước ven đầm Thủy Triều đã lên xanh tốt, có cây cao quá đầu người. Thế nhưng, một lần nữa ông đau đớn nhìn rừng đước bị xóa sổ.
Chuyện là, ngày đó khi những khu rừng đước đầu tiên được hình thành, không hiểu sao chính quyền địa phương lại cho rằng ông Bửu đã tự ý lấn chiếm đất ven biển vì mục đích tư. Nên năm 2008, địa phương cương quyết bắt ông nhổ bỏ hết diện tích rừng đã trồng trong sự đau xót của những con người muốn cứu rừng thực thụ.
Nhiều lần khôi phục rừng ngập mặn không thành, nhưng ông Bửu vẫn hy vọng một ngày nào đó rừng sẽ sớm trở lại như xưa. Ông Bửu xót xa cái ngày mà tự tay mình phá bỏ hơn 2ha rừng ngập mặn đã dày công trồng, bởi mục đích của ông chẳng tư lợi gì nhưng lại bị “gán tội” lấn chiếm biển, vì mục đích tư lợi.
“Thời điểm này tôi định buông xuôi. Mình làm không công, vì lòng nhiệt huyết mà người dân, địa phương không giúp sức mà còn hiểu sai nên thấy rất đau lòng”, ông Bửu bày tỏ.
Nhưng rồi niềm tin của ông một lần nữa nhen nhóm khi tháng 8-2012, Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện dự án “Triển khai các mô hình phục hồi, quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển tại khu vực đầm Thủy Triều”. Trong quá trình triển khai dự án này, ông Bửu là thành viên tích cực nhất trong việc hỗ trợ dự án. Ông bỏ qua những dị nghị, thành kiến và chỉ mong cứu lấy rừng ngập mặn, để chứng minh mình trồng rừng không phải tư lợi gì ở đó.
Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, dự án đã trồng mới được 3,7ha cây đước ven đầm Thủy Triều, ngay tại vị trí ông Bửu trồng trước đây nhưng bị phá. Cây đước hiện đã lên xanh tốt, chẳng mấy chốc thành rừng. Trong dự án này, ông Bửu đã cung cấp miễn phí hàng chục ngàn cây giống ngập mặn. Không những vậy, ông còn tự nguyện bảo vệ khu rừng mà không đòi hỏi một đồng tiền công, dù công việc này gian nan vô cùng. Rừng có, nhưng giữ rừng còn khó hơn.
Theo ông, để bảo vệ rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều không còn cách nào khác là phải thức cùng con nước. Khi thủy triều xuống cũng là lúc cây đước, cây mắm gặp nguy hiểm nhất, vì vào thời điểm này có rất nhiều người dân đến các khu rừng đước để đào nghêu, sâm biển, trùn biển… và họ đào cả gốc cây để tìm kiếm hải sản. Bởi thế, lúc thủy triều xuống cũng là lúc rừng đước cần được canh giữ nhất.
Rừng đã lên xanh, một phần giấc mơ trồng rừng của ông Bửu đã thành hiện thực nhưng ông vẫn còn lắm điều băn khoăn. Ông Bửu nặng lòng và tự hỏi: “Giá như ở Thủy Triều chỉ cần một người dân nơi đây tự tay trồng một cây đước xuống đầm thì chẳng mấy chốc rừng xưa lại xanh”. Dứt lời, ông lại cầm chiếc cuốc tự chế trên tay đi ra đầm vì lúc này thủy triều đang xuống, rừng đước cần bảo vệ… (Sài Gòn Giải Phóng 29/10, tr6) đầu trang(
Lợi ích của điện năng đã rõ, nhưng việc “phủ sóng” thủy điện với khoảng 200 nhà máy đang triển khai tại miền Trung - Tây Nguyên đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực về môi trường và tác động xấu đến cộng đồng.
Vấn đề trên được mổ xẻ  tại Diễn đàn “Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên - Quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan” do Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội và Ủy ban MTTQVN tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức tại TP Huế 28-10.
Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định: “Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển đổi”.
Nhưng kết quả khảo sát độc lập của Th.S Phạm Thị Diệu My, thành viên tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho thấy, phần lớn các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên không trồng bù rừng. Nếu có trồng cũng chẳng đáng là bao, đó là chưa kể đến chất lượng rừng trồng.
Nguyên nhân, trồng hoàn trả rừng của các dự án thủy điện ở hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, việc thực hiện còn lúng túng giữa trách nhiệm, nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án trong bố trí đất trồng rừng, loại cây trồng, chế độ chăm sóc, bảo vệ, đơn giá trồng rừng...
Tại Phú Yên, để có 3 nhà máy thủy điện Sông Hinh, sông Ba Hạ, Krông Năng đi vào hoạt động, tỉnh này mất hơn 1.000ha rừng. Thế nhưng đến nay chỉ có dự án thủy điện sông Ba Hạ trồng được 1/10 trong tổng số hơn 200ha phải trồng bù rừng, hai dự án thủy điện còn lại vẫn chưa trồng trả lại diện tích rừng đã mất.
TS Lê Anh Tuấn thuộc Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cho rằng, các dự án thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên đã đóng góp gia tăng một phần năng lượng quốc gia và khu vực, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trong khoảng 5 năm qua do xuất hiện ngày các nhiều các hệ lụy tiêu cực về mặt môi trường và xã hội.
Trong đó, thủy điện tạo ra những trận lũ dữ bất thường cho vùng hạ du, gây thiệt hại cho con người, cuốn trôi hoa màu, gia súc, sạt lở bờ sông, hư hại công trình giao thông, gián đoạn sinh hoạt như trường hợp thủy điện A Vương (Quảng Nam) tháng 9-2009; thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) tháng 10-2013.
Gây khô hạn nghiêm trọng vùng hạ du, tình trạng thiếu nước sinh hoạt phổ biến, hiện tượng xâm nhập mặn gia tăng, không đủ nước tưới làm nhiều cánh đồng không canh tác được hoặc năng suất kém. Ô nhiễm môi trường gia tăng như thủy điện Đắk My 4 (Quảng Nam) từ năm 2012 đến nay. Gây hoang mang cho người dân và giảm hiệu quả phát điện, hư hại công trình lân cận thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) từ năm 2012 đến nay...
Có rất nhiều lý giải cho các hệ lụy này, trong đó nổi bật là khâu khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường và xã hội từ các dự án thủy điện chưa chặt chẽ, đôi lúc rất hình thức.
Chủ đầu tư không có nhiều chuyên môn trong thi công và vận hành thủy điện, hoặc đầu tư không đúng mức, đặc biệt xem nhẹ các yếu tố môi trường và xã hội mà người dân là đối tượng chịu nhiều thiệt hại và tổn thương nhất. Nhiều cam kết trong đánh giá tác động môi trường đã không thực thi đúng mức nhưng thiếu các biện pháp giám sát và chế tài. (Sài Gòn Giải Phóng 29/10, tr7) đầu trang(
Tỉnh Quảng Nam đầu tư 3,2 tỷ đồng cho dự án trồng phục hồi rừng ngập mặn tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành.
Cụ thể từ năm 2014 đến năm 2015, sẽ trồng khoảng 24ha đước, với mật độ trồng 6.666 cây/ha. Đồng thời khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 3,55ha đước với mật độ trồng 2.500 cây/ha. (Nông Nghiệp Việt Nam 29/10, tr2) đầu trang(
Đó là một trong những nội dung chính của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.
Theo đó, dự thảo Nghị định mới quy định: Người sử dụng dịch vụ môi trường rừng cố ý không kê khai tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả gián tiếp, bị xử phạt như sau: a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng nếu số tiền phải chi trả đến 50.000.000 đồng; b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả từ trên 50 triệu đến 200 triệu đồng; c) Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả từ trên 200 triệu đến 300 triệu đồng; d) Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả từ trên 300 triệu đến 500 triệu đồng; đ) Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả trên 500 triệu đồng.
Người sử dụng dịch vụ môi trường rừng có thể bị phạt từ 30 triệu đến 50 triệu đồng nếu không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 3 tháng theo thời hạn ký kết trong hợp đồng với số tiền trên 500 triệu đồng.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ buộc chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng và tiền lãi tương ứng với thời gian chậm trả theo lãi suất tiết kiệm cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm bị lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt đối với người có hành vi vi phạm.
Chủ rừng cố ý không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ, đúng hạn tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng hoặc cam kết ký kết giữa chủ rừng và người nhận khoán bảo vệ rừng, với mức phạt cao nhất lên đến 10 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả trên 50 triệu đồng.
Ngoài ra còn phải buộc chi trả đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng đã ký kết trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. (Công Thương 29/10)  đầu trang(
Lạc Dương là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Rừng nơi đây có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái và sự đa dạng sinh học, cung cấp lâm sản, dược liệu làm thuốc, phòng chống thiên tai…
Hiện nay, người dân địa phương còn được rừng tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Lạc Dương là huyện miền núi phía bắc của tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích tự nhiên hơn 131 ngàn ha. Trong đó, diện tích rừng và diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm hơn 89% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện.
Cụ thể, trên địa bàn Lạc Dương hiện có hơn 56,4 ngàn ha rừng đặc dụng, hơn 40,6 ngàn ha rừng phòng hộ và diện tích rừng sản xuất là hơn 19,5 ngàn ha. Hiện nay, với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo điều kiện cho hơn 2.700 hộ dân đồng bào địa phương có thu nhập từ nghề nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích hơn 84 ngàn ha. Bình quân mỗi hộ được giao khoán quản lý bảo vệ rừng với diện tích khoảng hơn 30ha với mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/hộ/năm.
Lạc Dương có hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn thì nguồn thu nhập từ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng đã góp phần giúp họ ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. Bà con đồng bào các dân tộc bản địa nơi đây lâu nay vẫn gắn bó với rừng và được rừng cho rau để ăn, nguồn nước để uống, lá thuốc chữa bệnh và gỗ để làm nhà… Hiện nay, bảo vệ rừng lại có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nên họ càng thêm có ý thức hơn trong việc giữ rừng.
Ông Ha Vương - Tổ trưởng Tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thôn Đa Rơ Hoa xã Đa Nhim, Lạc Dương cho biết: “Buôn làng bao đời nay gắn bó với rừng. Trước đây, người dân mình giữ rừng với ý thức tự giác, nay được Nhà nước giao rừng để quản lý bảo vệ và có thu nhập nên mọi người lại có trách nhiệm cao hơn. Tổ gồm 21 hộ được nhận khoán với diện tích hơn 500ha, chúng tôi chia nhau thành 7 người một nhóm để thay phiên đi tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ có thêm nghề mới là nghề bảo vệ rừng mà chúng tôi có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống. Chúng tôi quyết tâm giữ rừng để hưởng lợi từ rừng”.
Ngoài việc được giao khoán quản lý bảo vệ rừng, đồng bào sống gần rừng của huyện Lạc Dương còn được tuyên truyền, vận động không tham gia chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Các buôn làng ở các địa phương trong huyện đã xây dựng các hương ước, quy ước quản lý bảo vệ rừng và thành lập tổ chống lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép.
Những hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng cũng đã được diễn tập phòng chống cháy rừng, tập huấn công tác bảo vệ rừng để đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của những vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn. Qua đó, đã góp phần hạn chế được các vụ vi phạm lâm luật và giữ bình yên cho các cánh rừng trên địa bàn.
Ông Phạm Triều - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: “Với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo sinh kế cho người dân địa phương để họ có thêm thu nhập, ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Người dân cũng ngày càng hiểu rõ nguồn lợi mà rừng mang lại cho cuộc sống của con người là hết sức quan trọng và chung tay bảo vệ, phát triển rừng để hưởng lợi từ rừng”.  (Báo Lâm Đồng 28/10) đầu trang(
Tại Hội trường UBND xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa. Vườn Quốc gia Hoàng Liên phối hợp với UBND huyện Sa Pa tổ chức Hội nghị triển khai công tác QLBVR 3 tháng cuối năm 2014 và Chi trả Dịch vụ môi trường rừng năm 2012, 2013.
Dự hội nghị có các đồng chí đại điện cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm; các đại diện các ban ngành trên địa bàn huyện Sa Pa; đến dự còn có các trưởng, phó các đơn vị phòng ban thuộc VQG Hoàng Liên; Các Lãnh đạo UBND xã, Trưởng ban Lâm nghiệp, trưởng thôn bản và đại diện hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng trên đại bàn 4 xã Lao Chải, San Sả Hồ, Tả Van  và Bản Hồ cùng 113 hộ dân thuộc thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa cùng dự và tham gia nhận tiền khoán bảo vệ rừng; ngoài ra còn có các phóng viên, biên tập viên của Thống tấn xã Việt Nam tại Lào Cai, Đài PT-TH Lào Cai, Sa Pa đã đến đưa tin và viết bài phục vụ Hội nghị.
Tại Hội nghị ông Nguyễn Duy Thịnh – Phó Giám đốc VQG Hoàng Liên - chủ trì, khai mạc hội nghị, Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông đã đánh giá công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã, chính sách chi trả DVMTR của Chính phủ và điều kiện cần thiết để thực hiện chính sách tại VQG Hoàng Liên.
Phát biểu tại Hội nghị ông Phạm Văn Đăng – Phó Giám đốc Quỹ BV&PTR, tỉnh Lào Cai đã đánh giá những nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng và chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh và định hướng thực hiện nhiệm vụ trong bảo vệ rừng và thực hiện chương trình chỉ DVMTR năm 2014 và những năm tiếp theo.
Hội nghị cũng đã được nghe ý kiến phát biểu của Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, Chi cục lâm nghiệp trong công tác quản lý bảo vệ rừng đối với VQG Hoàng Liên nói riêng và trên địa bàn huyện Sa Pa nói chung.
Cuối buổi Hội nghị, bà con nhân dân thôn Cát Cát đã được cán bộ VQG Hoàng Liên thanh toán tiền hỗ trợ đời sống đối với Chương trình DVMTR qua việc xây dựng Kế hoạch chi tiêu tại thôn bản đã được chính quyền cơ sở, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Với số tiền chi cho nâng cao đời sống trong thôn là gần 80 triệu đồng. Với mức bình quân 700.000 đồng/hộ; Số tiền còn lại trên 70 triệu đồng chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng tại thôn bản.
Hội nghị đã thành công tốt đẹp đây là tiền đề, bài học để thực hiện chi trả DVMTR cho các cộng đồng thôn bản tiếp theo trong chính sách chi trả DVMTR đói với VQG Hoàng Liên. (Laocai.gov.vn 27/10) đầu trang(
Ban hành và thực hiện Quyết định số 71/QĐ-KL trái pháp luật, Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng còn biến tướng việc tổ chức  khám và kê biên tài sản của nguyên Chi cục Trưởng Chi cục kiểm lâm Hải Phòng ông Nguyễn Tự Lập như một cuộc “khám xét nơi ở của tội phạm”.
Quá đà, “Tổ công tác’ liêm phong luôn hàng chục đồ vật, tài liệu, tiền, vàng là tài sản riêng của vợ chồng ông Nguyễn Tự Lập để ở cơ quan.
Do sai phạm trong công tác, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng , Nguyễn Tự Lập đã bị UBND TP Hải Phòng ra Quyết định kỷ luật và cách chức Chi cục trưởng. Tuổi cao, sức yếu, cùng với một cú sốc lớn về tinh thần, ông Lập đã đổ bệnh, nhiều ngày không đến cơ quan. Phòng làm việc của ông đã khoá kín, trong đó có rất nhiều tài sản của gia đình cũng được cất giữ ở đây.
Ngày 30/12/2013, ông Nguyễn Văn Thịu - Phó chi cục trưởng Kiểm lâm Hải Phòng sau khi căn cứ vào một số văn bản và "Nghị quyết của Ban chi ủy Chi bộ Chi cục kiểm lâm Hải Phòng (ngày 27/11/2013)" đã ký Quyết định số 71/QĐ-KL về việc tiến hành kiểm kê (KK) và niêm phong tài sản (NPTS), trang thiết bị của cơ quan do ông Nguyễn Tự Lập hiện đang quản lý và sử dụng. Theo Quyết định số 71, thì việc KK và NPTS mang tính nội bộ và một "Tổ công tác" do Chi cục kiểm lâm thành lập và thực hiện.
Nhưng không hiểu sao trong Thông báo số 177/TB-KL và Giấy mời số 176/GM-KL ngày 30/12/2013 do ông Thịu ký còn mời "đại diện lãnh đạo, các phòng thuộc Sở NN&PTNT; Phòng tổ chức bộ máy, Thanh tra Sở nội vụ Hải Phòng; Phòng an ninh kinh tế tổng hợp CATP Hải Phòng, VKSND quận Hồng Bàng; UBND và công an phường Phạm Hồng Thái, quận Hồng Bàng... đến dự đông đủ để buổi KK và NPTS đạt kết quả".
"Khoảng 8h 15' ngày 3/1/2014, vợ tôi là bà Đỗ Thị Ngung (là Kiểm lâm Trung cấp) chở tôi đến cơ quan, tôi đã thấy gần 30 cán bộ Công an và Kiểm lâm mặc sắc phục và một số người "hoá trang dân sự" đứng dàn đều từ ngoài cửa đến tận tầng 3 của Chi cục kiểm lâm Hải Phòng số 70 Tam Bạc, Hồng Bàng. Tôi quá bất ngờ, vì họ kiểm kê và bàn giao tài sản bình thường, hay định "cưỡng chế, thi hành bản án" nào đây với tôi?. Tôi đi thẳng lên phòng làm việc, mở khoá cửa phòng. Ngay lúc đó ông Phạm Hữu Huệ - Phó chi cục trưởng Kiểm lâm và hơn chục người khác xông ồ vào phòng tôi. Tôi không đồng ý, mời ra ngoài vì chưa đến giờ KK và NPTS. Một cán bộ Công an tên Tùng nói "các ông (Công an và Kiểm lâm) đi ra đã", tôi đã đi vào trong phòng và khoá cửa lại.
Khoảng 8h 20' Kiểm lâm viên Đỗ Thị Ngung (là vợ tôi, mặc trang phục Kiểm lâm) thấy có tiếng động trên tầng đã đi cầu thang lên xem thế nào và hỏi: "Ai là người có thẩm quyền chỉ đạo ở đây, tôi đề nghị  khi thi hành phải đọc quyết định...". Ông Thịu - Phó chi cục trưởng quát to "Bà Ngung không phải người ở đây... các đồng chí Công an đưa bà Ngung ra ngoài khẩn trương".
Ngay lập tức 4 Công an viên xông vào sốc lách, kéo lê bà Ngung từ tầng 2 đến tầng 1 và đe khoá tay như tội phạm, rồi đẩy ra khỏi cửa, không cho vào Chi cục kiểm lâm Hải phòng. Họ còn xúc phạm, chửi bậy và nói nhiều câu thiếu văn hoá với vợ tôi. Họ đe thu, ném máy ảnh của vợ tôi xuống sông khi vợ tôi ở ngoài quay phim toàn cảnh buổi cưỡng chế...
Những giờ tiếp theo đó, Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng cùng lực lượng Công an tiến hành phá khoá cửa phòng tôi và tổ chức KK và NPTS không đúng quy định của pháp luật..." - Ông Nguyễn Tự Lập nghẹn ngào kể lại.
Bà Đỗ Thị Ngung cho biết: "Ngoài những tài sản, trang thiết bị của Chi cục kiểm lâm Hải Phòng được kê biên, "Tổ công tác" còn kê biên và niêm phong luôn 31 đồ vật, tài liệu là những tài sản riêng của gia đình tôi như: tượng Quan Vân Trường, bằng khen, giấy khen, cây phơi quần áo, rượu Redlabel... của chồng tôi. Đặc biệt là còn một số tài sản của Nhà nước và của vợ chồng tôi có trong phòng mà "Tổ kiểm kê" không kiểm kê hết (trong biên bản kiểm kê không thấy có) vẫn liêm phong hết các tài liệu, tài sản đó là không đúng quy định của pháp luật, cụ thể: là các văn bản, tài liệu, hồ sơ, giấy tờ có liên quan trong thời kỳ ông Lập công tác tại Chi cục (để lưu); các loại ấn chỉ của ngành Kiểm lâm còn mới và một số tài liệu do người khác gửi. Đối với tài sản của vợ chồng tôi hiện nay còn thiếu, không rõ còn ở trong tủ hay đã bị thất lạc gồm: 2 tờ 500.000 đồng Việt Nam đựng trong phong bì thư và ghi số 4, có sơ ri; 33 tờ mệnh giá 500 đồng cùng 1 cây vàng 9999 gồm 5 nhẫn vàng mỗi nhẫn 2 chỉ vàng...".
Nhận thấy toàn bộ tài sản của vợ chồng ông Lập để ở trong phòng làm việc là do tự mua, tặng cho và một số được Nhà nước cấp đã bị ông Nguyễn Văn Thịu và "Tổ kiểm kê" của Chi cục kiểm lâm Hải Phòng đã niêm phong là hoàn toàn trái pháp luật, vợ chồng ông Nguyễn Tự Lập và Đỗ Thị Ngung đã khởi kiện ông Thịu, ông Huệ - Phó Chi cục trưởng và ông Luyện Công Khanh - Trưởng phòng tổng hợp, Phó tổ trưởng Tổ công tác KK và NPTS Chi cục kiểm lân Hải Phòng và đã được Toà an quận Hồng Bàng thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thuộm thuộc Công ty luật TNHH Tiên Phong cho biết: Căn cứ Quyết định số 321/SNN-TC ngày 20/9/2012 của Giám đốc Sở NN-PTNT về việc điều động và bổ nhiệm Phó chi cục trưởng...; Quyết định số 430/SNN-PTNT ngày 13/12/2012 của Giám đốc Sở NN-PTNT về phân công cán bộ lãnh đạo tạm thời phụ trách Chi cục kiểm lâm Hải Phòng và các quy định của pháp luật thì ông Nguyễn Văn Thịu được Giám đốc Sở NN-PTNT bổ nhiệm và phân công phụ trách Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng là không đúng với Thông tư liên Bộ số 22/2007/TTLT-BNN-BNV ngày 27/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ.
Vì vậy Công ty luật TNHH Tiên Phong đã có 02 Công văn gửi ông UBND thành phố Hải Phòng phúc đáp trả lời quyết định số 1816/2009/UB-UBND ngày  14/9/2009 của UBND TP.Hải Phòng về việc phân cấp ủy quyền nhưng cho đến nay UBND TP.Hải Phòng vẫn không trả lời.
Vụ việc ông Lập và bà Ngung  đã có đơn khởi kiện vụ án hành chính và vụ án dân sự đến TAND Q. Hồng Bàng xem xét giải quyết. TAND quận Hồng Bàng trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính còn vụ án dân sự đang thụ lý và tiến hành đưa ra xét xử ngày 29/10/2014. Tuy nhiên Tòa án và đương sự vẵn băn khoăn người đại diện cho chi Cục kiểm lâm Hải Phòng.
Ngày 10/10/2014 bà Ngung đã có đơn gửi TAND quận Hồng Bàng xác minh chứng cứ cụ thể là Tòa án đề nghị UBND thành phố Hải Phòng trả lời người đại điện theo pháp luật của Chi cục là ai; Yêu cầu Công an thành phố và Chi cục Kiểm Lâm cung cấp video clip vệ việc Niêm phong tài sản trong đó có tài sản tiền, vàng của ông Lập và bà Cúc không được Chi cục Kiểm Lâm đưa vào niêm phong. Nay TAND quận Hồng Bàng vẫn chưa thực hiện yêu cầu của đương sự.
Đây không chỉ là tài sản tranh chấp liên quan đến Tòa án mà còn liên quan đến thủ tục hành chính và phân cấp ủy quyền. Trong suốt quá trình ở Chi cục, ông Nguyễn văn Thịu ký các văn bản là ký thay Chi cục trưởng trong khi ở Chi cục Kiểm lâm không có Chi cục trưởng Kiểm lâm mà Cơ quan hành chính vẫn chấp nhận các văn bản do ông Thịu ký.
Vì vậy, Quyết định số 71/QĐ-KL về KK và NPTS do ông Thịu ký ban hành cũng trái pháp luật, không theo đúng các trình tự, thủ tục. Việc KK và NPTS không đúng Quyết định 71/QĐ-KL và quy định của pháp luật có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm giữ trái phép tài sản của các nhân...". (Bảo Vệ Pháp Luật 28/10, tr5) đầu trang(
"Sự việc chủ tịch UBND xã Thống Nhất - Hoành Bồ (Quảng Ninh) hứa hẹn làm "sổ đỏ" cho người dân rồi sang tên toàn bộ đất cho con trai mình và chặt toàn bộ số cây trên rừng mang bán lấy tiền đút túi riêng có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản", luật sư Nguyễn Văn Việt phân tích.
Sự việc gia đình bà Lê Thị Tròn (SN 1955), trú tại tổ 3 khu 3 phường Việt Hưng - TP Hạ Long (Quảng Ninh) tố ông Chu Văn Chấn - Chủ tịch UBND xã Thống Nhất về việc ông này chiếm dụng diện tích gần 5ha rừng của bà được Nhà Nước giao cho canh tác trước đó có nguyên nhân là do gia đình bà Tròn tin lời vị chủ tịch xã khi giao sổ rừng với mong muốn được làm sổ đỏ tuy nhiên vị chủ tịch xã này đã sang tên toàn bộ đất cho con trai mình và chặt toàn bộ số cây trên rừng mang bán lấy tiền đút túi riêng.
Cho biết quan điểm dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Văn Việt (Công ty luật Viko&cộng sự) phân tích: Việc bà Tròn viết giấy chuyển nhượng đất rừng cho ông Chu Văn Chấn để thuận tiện cho việc hỗ trợ bồi thường (theo đề nghị của ông Chấn) chứ trên thực tế gia đình bà không hề chuyển nhượng diện tích đất rừng cho ông Chấn.
Tại Biên bản làm việc ngày 19/12/2013, ông Chấn cũng đã chấp thuận trả lại diện tích đất thửa số 119, tờ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp số 1 xã Thống Nhất cho gia đình bà và ông Chấn cũng đã thừa nhận đã khai thác gỗ trên diện tích đất rừng tái sinh của bà để bán.
Sau sự việc làm hợp đồng giả tạo để “thuận lợi cho việc đền bù” và việc đưa sổ xanh (sổ giao đất giao rừng) nhờ ông Chấn làm giúp để chuyển  sang sổ đỏ rừng cho gia đình bà thì hậu quả là diện tích đất rừng của bà đã được mang tên ông Chu Vương Thành (ông Thành là con ông Chấn) mà trên thực tế bà chưa hề chuyển nhượng cho ông Chu Vương Thành và toàn bộ cây gỗ keo trên diện tích rừng tái sinh của gia đình bà bị chặt mất. Việc làm của ông Chu Văn Chấn đã có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS.
Như đã thông tin, diện tích rừng của gia đình bà Tròn là 5ha, chủ yếu là cây keo. "Năm 2008, ông Chấn với cương vị chủ tịch xã ấy nói cho tôi biết nhà nước đang có chính sách làm sổ rừng cho dân, đồng thời gợi ý giúp gia đình tôi. Nghe ông Chấn nói vậy gia đình tôi mừng quá. Rồi ông Chấn bảo hiện nay trại giam Đồng Vải có tiền hỗ trợ đất làm rừng, nếu có mối quan hệ với trại giam sẽ có thể tác động được", bà Tròn nói.
Tin lời chủ tịch xã, bà Tròn làm theo. “Sau đó ông Chấn đọc cho tôi viết giấy chuyển nhượng rừng, tôi ký vào giấy đó nhưng tôi không ghi là chuyển nhượng bao nhiêu tiền cả. Ông Chấn yêu cầu ghi rõ số tiền nhưng tôi nói là ghi giấy giả vờ thôi nên tôi không ghi số tiền. Lúc đó tôi chỉ nghĩ trại giam hỗ trợ được đồng nào trồng rừng thì tốt. Nhưng mãi sau này tôi mới biết ông Chấn lừa tôi, trại giam không có tiền hỗ trợ gì cả”, bà Tròn bức xúc. Đến năm 2010 mới vào trong rừng thì thấy rừng bị chặt mất cây. Toàn bộ trồng cây keo. Một năm vợ chồng bà chỉ vào mấy lần nên không hề hay biết chuyện.
Nghe tin năm 2009, UBND huyện Hoành Bồ đo lại toàn bộ đất rừng cho dân. Sau đó bà Tròn cầm sổ rừng vào UBND xã Thống Nhất để tìm hiểu xem đất nhà bà đo ở chỗ nào.
"Đáng ra nhà tôi phải vào để nhận rừng nhưng ông Chấn không báo cho tôi biết để nhận rừng. Khi hỏi UBND xã Thống Nhất xem vị trí đất rừng nhà tôi ở chỗ nào thì phía UBND xã Thống Nhất nói nhà tôi không có tên trên bản đồ. Họ bảo về phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hoành Bồ thì họ đối chiếu thì nói rừng không phải của nhà tôi, đất rừng đây rồi nhưng mang tên Chu Văn Thành. Lúc này mới biết đất của tôi mang tên con trai ông Chấn", bà Tròn nói.
Liên quan đến vụ việc này, Văn phòng tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 1457-CV/VPTU gửi Thường trực huyện ủy Hoành Bồ cho biết Văn phòng tỉnh ủy Quảng Ninh nhận được đơn kiến nghị của bà Tròn với nội dung: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm việc đòi lại phần tài sản đất rừng của gia đình bà đã bị ông Chu Văn Chấn, huyện ủy viên huyện Hoành Bồ lừa đảo chiếm đoạt, đồng thời xử lý kịp thời sai phạm của ông Chấn theo kết luận của Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, góp phần giữ vững niềm tin của người dân với Đảng. (Dân Trí 27/10) đầu trang(
Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, Đỗ tùng Lâm vừa Quyết định số 2019/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê rừng huyện An Lão gồm 20 thành viên, do Ông Bùi Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Ông Nguyễn Thanh Sinh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện làm Phó ban thường trực.
Nhiệm vụ của Ban kiểm kê rừng huyện là thành lập và chỉ đạo họat động của Tổ kiểm kê rừng cấp huyện; chỉ đạo, đôn đốc UBND các xã, thị trấn thành lập Tổ kiểm kê rừng cấp xã. Lập dự tóan kinh phí kiểm kê rừng ở địa phương theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; Chỉ đạo Hạt kiểm lâm xây dựng Kế họach kiểm kê rừng trên địa bàn huyện giai đọan 2013-2016; Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo tiến độ, nội dung và chất lượng công tác kiểm kê rừng ở địa phương.
Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền các cấp trong thực hiện điều tra, kiểm kê rừng; Tổ chức lập hồ sơ quản lý rừng và cập nhật diễn biến diện tích rừng, đất lâm nghiệp hàng năm sau kiểm kê rừng; Thực hiện báo cáo đề xuất, kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo. (Anlao.binhdinh.gov.vn 27/10) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Một số người tin rằng thịt thú rừng là nguồn gốc nạn dịch Ebola chết chóc đang hoành hành ở châu Phi. Hãy xâu chuỗi các dữ kiện. Gia đình nạn nhân Ebola đầu tiên săn dơi lấy thịt, trong khi những con dơi này mang virus Ebola.
Cách nay hai năm, một đứa bé hai tuổi từ làng Gueckedou ở đông nam đất nước Guinea phát bệnh. Dân chúng ở khu vực này thường xuyên săn dơi và ăn thịt chúng. Đứa trẻ chết vào ngày 6/12/2013. Gia đình đứa bé nói họ đã săn hai loại dơi, sau này được xác định mang virus Ebola.
Thịt rừng ở châu Phi gồm nhiều loại, chủ yếu là đười ươi, tinh tinh, dơi ăn trái cây và khỉ. Thậm chí ở nhiều vùng, người ta ăn nhím, chuột và rắn.
Ở một số vùng xa xôi, thịt rừng là nguồn thức ăn chủ yếu. Nhiều nơi coi đó là đặc sản. Ở vùng lòng chảo Congo, người ta ăn hết khoảng 5 triệu tấn thịt rừng trong một năm, theo Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế.
Nhưng một số loài vật có thể mang những mầm bệnh chết người. Dơi mang một loạt virus và các nghiên cứu đã cho thấy một số loài dơi ăn trái cây là vật chủ lý tưởng của virus Ebola.
Qua phân, qua những trái cây chúng tiếp xúc, loài dơi có thể gây nhiễm cho nhiều loài linh trưởng như đười ươi và tinh tinh. Đối với những loài này, giống như con người, Ebola có thể khiến chúng tử vong. Trong khi ấy, dơi không hề hấn gì. Vì thế nó trở thành vật chủ lý tưởng của Ebola.
Tuy nhiên, giáo sư Jonathan Ball, chuyên gia về virus của Đại học Nottingham (Anh) nói, vẫn thực sự chưa rõ con đường truyền virus sang người chính xác là theo cách nào. “Thường là có những loài trung gian, ví dụ như tinh tinh, nhưng các bằng chứng cho thấy con người có thể nhiễm virus trực tiếp từ dơi”, giáo sư Ball nói với BBC.
Nhưng thật khó để virus vượt qua những “rào cản chủng loài”, tức là từ động vật sang người, ông nói thêm. Con virus Ebola đầu tiên phải “bằng cách nào đó xâm nhập được vào tế bào mà nó có thể tái tạo một bản sao thông qua mối liên hệ với dòng máu nhiễm bệnh”.
Hầu hết những người mua thịt rừng từ chợ khi chúng đã được nấu chín, do vậy những người đi săn hoặc chế biến thịt sống có nguy cơ cao nhất.
Đợt bùng phát Ebola hiện nay cho thấy, cho dù khó khăn hoặc hiếm xảy ra đến đâu, việc lây nhiễm là hoàn toàn có thể, tuy nhiên cần nhớ rằng từ nạn nhân đầu tiên đến nay, bệnh nhân Ebola đều nhiễm từ một người nào đó có mầm bệnh.
Đã có những thảo luận về việc cấm thịt rừng, nhưng các chuyên gia tin rằng hành động này chỉ khiến việc buôn bán và tiêu thụ thịt rừng “đi vào bóng tối” chứ không chấm dứt.
“Săn thú rừng cũng còn là một truyền thống lâu đời ở châu Phi”, tiến sỹ Marcus Rowcliff từ tổ chức Xã hội động vật ở London, nói.
“Đó là một xã hội ăn thịt - có những cảm giác rằng nếu anh không có thịt hằng ngày thì có nghĩa là anh ăn uống không đúng cách. Cho dù anh có thể có những loại thịt khác, ở châu Phi ít phổ biến thói quen nuôi gia súc, gia cầm để lấy thịt”.
Ở Ghana, một trong những quốc gia đang chịu đựng dịch Ebola, người ta săn dơi ăn trái cây khắp nơi. Các nhà khoa học đã phỏng vấn gần 600 người Ghana về thói quen ăn thịt dơi và thấy rằng, các thợ săn dùng nhiều cách để giết con mồi gồm bắn, đánh lưới, thậm chí là tìm xác dơi đã chết. Thợ săn thường xuyên tiếp xúc với dơi sống, bị cắn và cào xé là chuyện thường.
Dó đó, thợ săn là nhóm có nguy cơ cao nhất. Cuộc điều tra cũng cho thấy số lượng thịt dơi tiêu thụ ở Ghana lớn hơn nhiều so với dự đoán trước đó: hơn 100.000 con dơi bị giết và bán thịt mỗi năm. Những người ăn thịt dơi hầu như không có ý thức về những nguy cơ nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, nghiên cứu nói rằng dù tồn tại nhưng nguy cơ là thấp. Bởi ở Ghana, chưa có ca bệnh nào được phát hiện liên hệ trực tiếp với hơn 100.000 con dơi bị giết thịt hằng năm.
Cho dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng thịt thú rừng có liên hệ với dịch bệnh. Tờ Washington Post của Mỹ đặt câu hỏi: “Vì sao các quốc gia Tây Phi vẫn tiếp tục săn và ăn thịt rừng trong lúc đang có những lo ngại về dịch Ebola?”.
Giáo sư Melissa Leach, nhà nhân chủng học thuộc Đại học Sussex cảnh báo, những bài báo như của Washington Post không những không có ích mà còn nguy hiểm.
“Ăn thịt thú rừng không làm lây lan dịch bệnh. Cho đến nay, chúng ta chỉ biết bệnh đến từ một con dơi, truyền qua một đứa bé ở Guinea. Sau đó là căn bệnh người lây sang người. Người ta dễ nhiễm bệnh khi giao tiếp giữa người với người hơn là từ việc ăn thịt dơi”. Theo giáo sư Leach, những bài báo tiêu cực nói trên “ngăn cản mọi người hiểu đúng về nguy cơ thực sự”. (Nông Nghiệp Việt Nam 29/10, tr8) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng