Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 27 tháng 10 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
24/10, ông Phạm Ngọc Sự - Trưởng BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho hay, ông rất bất ngờ và ngạc nhiên trước những nhận định của các ngành chức năng, cho rằng các cán bộ BQL cùng kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa bảo kê cho lâm tặc.
“Tạm thời bây giờ, mọi trách nhiệm để xảy ra vụ việc vừa rồi tôi gánh chịu hết. Vì tôi là trưởng ban, tôi phải nhận trách nhiệm với cấp trên. Thứ Hai tới, tại buổi họp với UBND thành phố, tôi sẽ báo cáo chi tiết, rõ ràng vụ việc” - ông Sự khẳng định.
Theo ông Sự, ngay từ vụ việc ban đầu, chính BQL và Hạt kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa mới là người phát hiện ra 14,3m3 gỗ kiền kiền, gõ giấu cách trạm Cà Nhông hơn 1km. Sau đó, tổ chức truy quét thêm, cùng lực lượng Đà Nẵng phát hiện thêm 4 điểm ở lâm phận Đà Nẵng và 5 điểm ở lâm phận Quảng Nam. Kết quả phát hiện thêm hơn 20m3 gỗ kiền kiền, gõ. Vụ việc này quá nghiêm trọng nên chúng tôi nghĩ tất cả phát ngôn cần phải cẩn trọng”, ông Sự nói.
Còn Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng Trần Văn Lương cho hay, ông đang chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa nhanh chóng hoàn tất kiểm điểm, giải trình để báo cáo lãnh đạo thành phố.
Làm việc với Tiền Phong, ông Trần Viết Phương - Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho đây là sự việc là cực kỳ nghiêm trọng trên địa bàn Đà Nẵng, gần như là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay, vì thế, không nên vội võ đoán bảo kê hay không. “Hiện công an đang điều tra theo hướng này. Vì thế sẽ sớm có kết luận, ai, tổ chức nào bảo kê?”.
Theo ông Phương, trước khi về công tác ở Sở NN&PTNT, ông từng có hơn 20 năm là trưởng BQL nông trường Sông Nam - Sông Bắc (tiền thân của BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) nên hiểu rõ tầm quan trọng của trạm Cà Nhông.
“Trạm này có từ 1988, tức thời Đà Nẵng và Quảng Nam chưa chia tách và đó là tấm bình phong giữ rừng Bà Nà - Núi Chúa. Mấy năm qua, không có trạm này thì rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trong khu đặc dụng này rơi vào tay lâm tặc từ lâu. Thực tế đời sống trạm Cà Nhông rất khắc khổ, điều lên đó cứ như đi đày. Vì thế, nói bảo kê khi chưa có bằng chứng là tội cho anh em”.
Ông Trần Viết Phương cho rằng, hàng chục khối gỗ được phát hiện ở cả 2 lâm phận Quảng Nam và Đà Nẵng. Trên thực tế, rừng ở Đông Giang gần như không còn gì. Vì thế, trách nhiệm của phía Quảng Nam, đặc biệt kiểm lâm Đông Giang và BQL rừng Sông Kôn không hề nhỏ. (Tiền Phong 25/10) đầu trang(
Ngày 24.10, lãnh đạo công an huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Hạt kiểm lâm huyện Đông Giang, về vụ phát hiện hơn 45m3 gỗ lậu cất giấu ở khu vực giáp ranh huyện Đông Giang (Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), cơ quan công an đã tiến hành điều tra, hiện đang hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án, dự kiến vào tuần sau sẽ công bố các các quyết định khởi tố.
Công an cũng đã xác định đối tượng nghi vấn và đang tiếp tục xác định vị trí rừng bị phá, chủng loại, khối lượng gỗ để có cơ sở xử lý. Cũng liên quan đến vụ việc này, Cục kiểm lâm vừa có công văn gửi chi cục kiểm lâm Đà Nẵng, Quảng Nam yêu cầu xác minh, kiểm tra, xử lý việc khai thác gỗ trái phép tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. (Lao Động 25/10) đầu trang(
Những ngày gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện hàng chục m 3 gỗ quý được cất giấu ở khu vực rừng giáp ranh giữa hai huyện Đông Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (TP Đà Nẵng).
Đây là vụ khai thác gỗ trái phép có quy mô lớn nằm ngay cạnh trạm quản lý, bảo vệ rừng, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo các cơ quan chức năng huyện Đông Giang, bãi gỗ khai thác trái phép đầu tiên được phát hiện vào ngày 7-10 tại tiểu khu 37, cất giấu ngay cạnh con đường đi ngang qua Trạm quản lý và Bảo vệ rừng (QLBVR) Cà Nhông, thuộc khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.
Tại hai điểm cất giấu này có 66 phách gỗ xẻ, trong đó có 55 phách gỗ kiền kiền và 11 phách gỗ gõ; với tổng khối lượng gần 15 m 3 . Toàn bộ số gỗ nêu trên đều không có dấu búa của kiểm lâm và chưa xác định được chủ sở hữu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Đinh Văn Hươm cho biết: Ngay sau khi phát hiện, Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng tiến hành kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số gỗ trái phép; đồng thời, huy động lực lượng tập trung mở đợt kiểm tra, truy tìm các điểm tập kết gỗ trái phép tại khu vực rừng giáp ranh.
Kết quả trong đợt tổng kiểm tra lần này, các cơ quan chức năng hai địa phương đã phát hiện hàng chục điểm cất giấu gỗ trái phép tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương, với khối lượng thu giữ hơn 45 m 3 gỗ các loại. Trong đó, huyện Đông Giang tạm giữ 20,8 m3 , còn lại do cơ quan chức năng ở TP Đà Nẵng đang quản lý.
Trong nhiều năm qua, đây là vụ phát hiện gỗ trái phép có quy mô lớn ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Và đây cũng là vụ khai thác, tập kết gỗ trái phép được cất giấu ngay trong lâm phận của Trạm QLBVR Cà Nhông.
Chừng ấy gỗ quý không phải là cái kim để nói là không biết. Vậy biết mà để họ khai thác, tập kết như vậy thì dư luận có lý khi đặt ra câu hỏi: Liệu có sự bao che, tiếp tay của những người có trách nhiệm hay không ?...
Theo ông Đinh Văn Hươm, thời gian qua, Trạm QLBVR Cà Nhông đóng trên địa bàn xã Tư (huyện Đông Giang) nhưng hoạt động không hiệu quả; nạn khai thác rừng, khoáng sản trái phép xảy ra thường xuyên, nhưng không được phối hợp ngăn chặn kịp thời.
Có đợt truy quét nạn đào đãi vàng trái phép, các cơ quan chức năng của huyện phát hiện các đối tượng cất giấu phương tiện trong phạm vi trạm quản lý. Nhưng khi đội kiểm tra liên ngành đến làm việc, thì không nhận được sự hợp tác, tạo điều kiện từ cán bộ, nhân viên của trạm. Do vậy, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị di dời Trạm QLBVR Cà Nhông ra khỏi địa bàn nhưng không được các cấp quan tâm giải quyết.
Ông Hươm cho rằng: Vụ cất giấu hàng chục m 3 gỗ tại đây nhiều khả năng có sự tiếp tay của một số cán bộ kiểm lâm. Bởi, với lượng gỗ lớn như thế, phải khai thác trong thời gian dài. Hơn nữa, các điểm cất giấu gỗ nằm gần Trạm QLBVR Cà Nhông đóng chân, có điểm tập kết, cất giấu gỗ quý chỉ cách trạm chưa tới một km, nên không thể nào "qua mặt" được đội ngũ cán bộ quản lý, bảo vệ rừng?...
Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa Phạm Ngọc Sự cho biết: Khu rừng nguyên sinh vùng giáp ranh giữa xã Tư (huyện Đông Giang) với xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) có đến hơn 5.000 ha, trải dài ở sáu tiểu khu, nằm tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam.
Đây là khu vực giàu tài nguyên lâm sản, nhưng chỉ có năm cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ, không thể kiểm soát hết địa bàn, nên đã để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép. Việc này, Ban Quản lý đang cùng các cơ quan chức năng của huyện Hòa Vang vào cuộc, tiến hành điều tra và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Còn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng Trần Viết Phương cho biết: Sau khi sự việc được phát hiện, ngoài việc đề nghị các cơ quan tiến hành điều tra, xử lý các đối tượng khai thác gỗ trái phép, lãnh đạo sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thành phố và Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa huy động lực lượng, thường xuyên mở rộng diện tuần tra, kiểm soát dọc tuyến giáp ranh với tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện ủy Đông Giang, các cơ quan chức năng của tỉnh và TP Đà Nẵng cần sớm xác định và tổ chức cắm mốc ranh giới; xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, tiếp tay cho việc khai thác rừng, khoáng sản trái phép tại vùng giáp ranh. Nhanh chóng chuyển Trạm QLBVR Cà Nhông ra khỏi địa bàn huyện Đông Giang, chứ không thể để kéo dài tình trạng rừng bị tàn phá ngay "bên hông" trạm kiểm lâm được.
Trao đổi ý kiến với PV về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho biết: Trước mắt, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng khẩn trương di dời Trạm QLBVR Cà Nhông ra khỏi địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ những ách tắc và lập lại trật tự trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản tại địa phương.
Tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Đông Giang cần phối hợp với các cơ quan liên quan của TP Đà Nẵng tập trung điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng và các cán bộ tiếp tay các vụ phá rừng nhằm góp phần lập lại an ninh, trật tự ở vùng giáp ranh giữa hai địa phương. (Nhân Dân 26/10, tr7) đầu trang(
Những ngày gần đây lực lượng kiểm lâm tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện hàng chục m3 gỗ khai thác trái phép được cất giấu ngay sát cơ quan kiểm lâm cơ sở.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, có dấu hiệu kiểm lâm địa phương làm ngơ và tiếp tay cho lâm tặc…
Chiều 24/10, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, khoảng 4h sáng, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 trong quá trình tuần tra kiểm soát trên quốc lộ 40 đã phát hiện bắt giữ hơn 10m3 gỗ (từ nhóm 1 đến 6) tại địa phận thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam đang cất giấu chờ đưa đi tiêu thụ.
Ngay sau khi phát hiện, lực lượng kiểm lâm đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 xưởng mộc của ông Trần Văn Tân (49 tuổi) và Nguyễn Quốc Oanh (33 tuổi). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm phách gỗ có quy cách khác nhau được chôn lấp dưới mặt đất khoảng 20cm.
Điều đáng quan tâm là nơi phát hiện số gỗ trái phép này ngay tại khu vực trung tâm hành chính huyện Nam Trà My và nằm sát nách cơ quan kiểm lâm huyện. (VietnamNet 25/10) đầu trang(
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo các cơ quan TP Đà Lạt khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi bức tử hàng loạt cây thông tại tiểu khu 151, phường 12.
Trước đó, ngày 23/10, ông Nguyễn Văn Yên đã dẫn đầu đoàn đi khảo sát rừng thông tại vị trí trên, xác định có 39 cây thông, đường kính khoảng 30cm, chiều cao trung bình khoảng 8m bị chết bất thường.
Quan sát kỹ, đoàn phát hiện ở gốc tất cả những cây thông này đều bị khoan vào một lỗ to bằng ngón tay út, sâu từ 5-10cm. Bước đầu cơ quan chức năng xác định kẻ xấu đã tạo ra lỗ khoan này rồi đổ độc dược (thường là thuốc diệt cỏ) vào thân cây. Cây thông ngấm độc sẽ chết từ từ và chỉ phát hiện ra khi cây bắt đầu khô, rụng lá.
Vị trí rừng thông bị bức tử trước đây do Công ty TNHH Cát Minh thuê đất, rừng để đầu tư dự án du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do chậm triển khai nên đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi và giao cho Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch phường 12, TP Đà Lạt cho biết, chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm phối hợp với chủ rừng sẽ tăng cường vận động người dân không tác động thêm và cướng chế giải tỏa các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, chỉ đạo UBND TP Đà Lạt nhanh chóng điều tra truy tìm thủ phạm và xử lý nghiêm đối với các hành vi hủy hoại rừng này. (VTV 24/10; Công An Nhân Dân 25/10) đầu trang(
Những cán bộ từng công tác tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò xác nhận, có một chiếc ngà voi nặng hàng chục kg được bảo quản nhiều năm nay tại Ban. Tuy nhiên, nó đã bị mất tích một cách bí ẩn nhiều tháng qua (?!).
Theo phản ánh của người dân và một số cán bộ, công nhân từng công tác tại Lâm trường Sông Lò, nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò, đóng tại xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tại Ban này từng lưu giữ một chiếc ngà voi từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, gần đây chiếc ngà voi đã “không cánh mà bay”.
Theo ông Đỗ Văn Ngọc, ở tiểu khu km22, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, ông là một trong những người từng được phân công cùng đoàn vào Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắk để đưa hai con voi về Thanh Hóa vào năm 1977, trong đó có con Y Khăm. Những con voi được đưa về để dùng làm sức kéo gỗ của lâm trường lúc đó. Con voi Y Khăm đã chết ở khu vực Suối Muống, xã Sơn Hà vì đã quá già yếu. Thời điểm đó con voi này chỉ có một chiếc ngà.
Sau khi con voi chết, lãnh đạo Lâm trường Sông Lò khi đó có báo báo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thanh Hóa. Công nhân phụ trách của lâm trường có đem ngà voi của con voi Y Khăm về nộp lại cho lâm trường. Trọng lượng của chiếc ngà voi là 12,5kg. Từ đó, ngà voi được bảo quản tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò.
Ông Hà Văn Cư - Nguyên Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò - cho biết, ông là một người công tác tại lâm trường từ những năm 1971 và đến thời điểm ông nghỉ hưu vào tháng 1/2008, chiếc ngà voi nói trên vẫn còn tại Ban.
Cũng theo ông Cư và một số người từng công tác tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò, có tổng cộng 9 con voi được đưa về lâm trường. Tuy nhiên đến nay không còn con voi nào tại đây. Gần đây nhất năm 2008, con voi cuối cùng đã bị kẻ gian bắn chết ở khu vực bản Xum, xã Sơn Hà.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò - thì lại nói: “Năm 2008 có voi chết, công an họ lên chưa xác định được nguyên nhân, đang điều tra hay sao ấy? Ban không quản lý ngà nào hết. Chỉ biết con voi chết gần đây nhất là cơ quan công an cũng chưa xác định được. Thỉnh thoảng mình nghe anh em (công an - PV) họ cũng lên đi qua hỏi thăm tý tình hình voi thế nào thôi chứ không phải làm việc chính thức”.
Khi phóng viên đề cập đến hồ sơ lưu giữ thông tin về những con voi từng được nuôi tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò và về con voi Y Khăm cùng chiếc ngà “bí ẩn”, ông Anh cho biết: “Thực chất con voi nó đã chết không còn liên quan nên mình chưa đụng đến. Hồ sơ mình cũng có nghe anh em báo cáo lại công an cũng chưa tìm ra cái đó thì mình giờ giải quyết những công việc trước mắt. Cán bộ giữ hồ sơ đang đưa con đi tìm phòng trọ nên không lấy được".
Ông Nguyễn Đức Hiệp - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quan Sơn - một mực cho rằng, nó không thuộc trách nhiệm của kiểm lâm và cho biết ông mới lên làm từ năm 2006 đến nay nên không nắm được. Ông cũng chỉ mới nghe lần đầu? Theo ông Hiệp thì đó là tài sản của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò nên Hạt không quản lý.
Ông Hiệp cho biết thêm, ông chỉ biết có một con voi chết năm 2008. Những con voi được đưa về đây thuần thục để lấy sức kéo gỗ. Nếu người ta đăng ký nuôi nhốt thì phải biết. Nhưng đây là tài sản nhà nước cấp cho Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò, nếu mất đi thì người ta phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khi phóng viên hỏi về cái chết của con voi Bạc Ve năm 2008, Hạt kiểm lâm Quan Sơn có được thông báo và nắm bắt vụ việc? Ông Hiệp cho biết, khi con voi Bạc Ve chết, có Chi cục kiểm lâm, Công an tỉnh và các ngành chức năng, Hạt cũng có tham gia chứng kiến và thành phần tiêu hủy xác voi chết. Quay trở lại con voi Y Khăm thì ông Hiệp lại lại cho rằng không thuộc trách nhiệm và lúc đó ông chưa công tác ở đơn vị nên không trả lời.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Đốc - Phó giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa - cho biết: “Con voi này nó quá lâu rồi chứ không phải dăm bảy năm trở lại đây. Bán thì không phải thời gian quá lâu nhưng nguồn gốc của cái này nó quá lâu rồi. Chủ tịch tỉnh đang giao cho Giám đốc Sở Công an làm rõ. Bây giờ phải chờ kết luận của Giám đốc Sở Công an. Tôi thì tôi không nhận được phản ánh của người dân, nhưng việc đó là việc có thực”. (Dân Trí 25/10) đầu trang(
Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị đã huy động lực lượng tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nhiều vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn quản lý.
Cụ thể, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, xử lý 44 vụ, tịch thu 65m3 gỗ, thu giữ 1 tấn nấm tạp, 1 cưa xăng, 7 xe máy dùng để vận chuyển gỗ trái phép, thu nộp ngân sách Nhà nước 836 triệu đồng.
Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm huyện Lang Chánh còn tuyên truyền, vận động nhân dân đưa 206/276 cưa xăng có trên địa bàn quy về một mối để quản lý. Theo đó, thống kê, đưa vào quản lý 2.588m3 gỗ của nhân dân để ở gầm nhà sàn, nếu thấy có hiện tượng phát sinh thêm gỗ là xử lý nghiêm minh.
Để những cánh rừng trên địa bàn được giữ vững ổn định, Hạt kiểm lâm Lang Chánh đã thực hiện nghiêm đề án 500, niêm yết công khai các số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo, tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo với dân để nghe những phát sinh từ cơ sở và xử lý kịp thời. (Thanh Tra 25/10) đầu trang(
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 15/10, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã bắt giữ và xử lý hành chính 230 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Trong tháng 10, công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý khai thác, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trên địa bàn tuân thủ các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Phần lớn các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có các điểm nóng về chặt phá rừng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn xảy ra.
Trong 230 vụ vi phạm, Kiểm lâm tỉnh đã tiến hành xử phạt hành chính 228 vụ, xử lý hình sự 2 vụ. Qua đó, lực lượng tịch thu 175,3m3 gỗ các loại quy tròn, trong đó gỗ quý hiếm là 32,88m3; gỗ thông thường 142,42m3 và thu giữ 5.763,2kg động vật. Tổng giá trị thu hồi từ các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng là 5.451,6 triệu đồng. (Công An Nhân Dân 27/10, tr2) đầu trang(
25-10, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Lũy (tỉnh Bình Thuận) cho biết người dân ở thôn Sông Khiêng, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình từ ngày 21 đến nay đã phát hiện một cá thể bò tót to lớn, di chuyển hướng về khu dân cư. Lo sợ bị bò tót tấn công, nhiều người đã truy đuổi nó ra khỏi khu dân cư.
Ông Quy Xuân Hùng, một người dân địa phương, cho biết bị con bò tót này rượt đuổi gần 2 km, khi tới một đập thủy lợi thì bò sa lầy. Theo anh Nguyễn Như Tuấn, trạm trưởng một trạm bảo vệ rừng ở đây, khi nghe tin báo, trạm đã tổ chức lực lượng tới hiện trường để bảo vệ, ngăn cản người dân có ý định làm hại bò tót. Sau đó, con bò thoát khỏi vũng lầy, chạy vào rừng.
Qua hình ảnh thu thập của BQL rừng phòng hộ Sông Lũy, đối chiếu với các đặc điểm nhận dạng thì con bò tót này có tên khoa học là Bosgaurus, thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm, cần được bảo vệ.
Ông Phan Văn Minh, Trưởng BQL rừng phòng hộ Sông Lũy, cho biết khoảng 1 tuần qua, một số người dân địa phương còn khẳng định họ nhìn thấy đàn bò tót khoảng 6-8 con ở khu vực rừng Hố Bom, Hố Sương thuộc xã Sông Lũy. Các cán bộ kiểm lâm cũng từng phát hiện đàn bò tót ở vùng rừng này.
Hiện lực lượng bảo vệ rừng đang ứng trực tại khu vực bò tót xuất hiện, vận động người dân khi phát hiện thì xua đuổi  chứ không tấn công, gây nguy hại tính mạng của bò tót. (VOV 24/10; Người Lao Động 25/10) đầu trang(
Những ngày qua, cuộc sống người dân thôn 5 (xã Trà Đốc, H.Bắc Trà My, Quảng Nam) bị đảo lộn do sự xuất hiện của đàn voi dữ.
Tổ 4, thôn 5 là nơi đàn voi tung hoành dữ dội mấy ngày qua. Nhiều diện tích lúa rẫy và các loại cây trồng khác của đồng bào dân tộc Ca Dong tại khu vực suối Khe Dưng đã bị voi dẫm nát.
Cứ đến chập choạng tối mỗi ngày, đàn voi 3 con lại từ rừng tiến về rẫy lúa, thậm chí chúng còn về gần khu vực có nhà dân sinh sống khiến nhiều người không khỏi khiếp sợ.
Anh Hồ Văn Dũng (30 tuổi) đã nhiều lần tận mắt chứng kiến đàn voi lù lù tiến về rẫy lúa của mình. Cứ mỗi lần như thế, anh Dũng lại hoảng loạn, chạy thẳng một mạch về nhà.
“Trong năm, đàn voi về làng 4 lần. Lần nào cũng phá hoại nương rẫy, nhưng lần này thì chúng ở lại lâu nhất và phá nhiều lúa đang chuẩn bị thu hoạch, gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ dân”, anh Dũng cho biết.
Đêm 16.10, đàn voi di chuyển từ rẫy lúa của anh Dũng sang rẫy của ông Hồ Văn Mười. “Có khi chúng tiến rất sát nhà khiến dân làng thót tim. Còn chuyện voi gầm rú, đêm nào tôi cũng nghe. Nên cứ hễ nghe tiếng động là người làng tôi lại nghi ngại voi đang về, sợ lắm…”, già Mười tiếp lời.
Không chỉ dẫm nát và ăn nhiều loại cây trồng, đàn voi rừng còn rất hung hãn khi thấy bóng người. Cách đây khoảng 20 ngày, nhiều phụ nữ đi rẫy đã “chạm trán” với đàn voi.
Ông Hồ Văn Sơn (42 tuổi) cho biết thêm, đàn voi rừng có biểu hiện hung dữ hơn nhiều so với trước đây. Những lần trước, nếu người dân dùng chiêng, trống đánh để xua đuổi, đàn voi có phần sợ sệt rồi tháo chạy vào rừng, thì nay cách xua đuổi như thế không còn tác dụng.
Ngược lại, đàn voi càng trở nên nguy hiểm hơn khi tiến thẳng về phía những người đánh chiêng, trống để rượt đuổi. Nhiều người dân tại đây cho biết đàn voi đặc biệt “ghét” ánh đèn pin. Trong đêm, nếu người nào ra ngoài mà dùng đèn pin thì cực kỳ nguy hiểm.
Kể từ ngày có voi xuất hiện, người dân thôn 5 không ai bảo ai, cứ về chiều là họ lục tục kéo nhau ra khỏi rẫy để về nhà. Trời tối, người dân trong làng chủ động đóng kín cửa và hạn chế đi ra ngoài để tránh gặp “ông tượng”. “Đêm xuống là tôi chốt cửa hết. Vợ con ở trong nhà, không đi đâu cả. Voi thì dữ, ra ngoài lỡ không may nó quật chết thì ai chịu trách nhiệm”, ông Sơn tỏ ra lo lắng.
Để vào thôn 5 phải mất 2 giờ đồng hồ “đánh vật” với con đường dài khoảng 10km. Dù đường đã được mở nhưng khu vực này vẫn rất hẻo lánh và lọt thỏm giữa rừng già. Do vậy, theo ông Trần Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Trà Đốc, đây chính là nơi có điều kiện tự nhiên thích hợp để đàn voi cư trú. Trước đây, đàn voi này sinh sống tại khu vực suối Bùn (tiếp giáp Tiên Lãnh, H.Tiên Phước và xã Trà Sơn, H.Bắc Trà My).
Tuy nhiên, sau đó, rừng già bị xâm hại bởi những người đi săn, nạn đặt bẫy và chặt phá rừng lấy hạt ươi khiến voi hoảng sợ. Nên từ suối Bùn, voi đã bơi qua sông Tranh tìm về thôn 5 (tiếp giáp với xã Phước Trà, H.Hiệp Đức).
Ông Phạm Trung Sỏi, Hạt phó Hạt Kiểm lâm H.Bắc Trà My, cho biết đơn vị đã cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra và đo đạc diện tích nương rẫy bị voi phá hoại. Sau đó, kiểm lâm sẽ báo cáo qua huyện để có phương án hỗ trợ cho người dân.
“Chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân không xung đột với đàn voi. Người dân phải tự bảo vệ lấy mình. Khi gặp voi thì chủ động tránh xa để không gặp nguy hiểm đến tính mạng”, ông Sỏi nói.
Trong khi đó, nhiều người dân cho biết năm 2006, lần đầu voi về làng, tổng đàn có đến 7 con thì nay chỉ còn lại 3 con. Lý giải về việc này, ông Sỏi nói trước đây tại khu vực suối Bùn, đàn voi có nhiều voi đực. Nhưng cách đây mấy năm voi đực không xuất hiện do đã bị săn bắn để lấy ngà.
Số voi cái còn lại đang về tại thôn 5 là để nhập với đàn voi tại H.Quế Sơn.Ông Sỏi cho rằng hiện vẫn chưa có giải pháp để bảo vệ đàn voi quý hiếm này và kêu gọi người dân tuyệt đối không được giết hại đàn voi. (Thanh Niên 25/10) đầu trang(
Scandal Thu Minh dùng mật gấu cách đây vài ngày vẫn còn nhiều tranh cãi thì chủ nhân ca khúc Đường cong sẽ tham gia dự án “tê giác đến trường” trong chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” diễn ra từ ngày 27.10 đến 30.11.2014 tại các trường tiểu học, trung học trọng điểm ở TP.HCM.
Chiến dịch này do Tổ chức WildAid (Cứu trợ hoang dã), African Wildlife Foundation (Quỹ Hoang dã Phi Châu) và Trung tâm CHANGE phối hợp thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ trong việc ngăn chặn hành vi buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.
Qua đó, cung cấp cho các bạn học sinh những kiến thức về nguy cơ tuyệt chủng của loài tê giác trên thế giới. Đồng thời tác động đến người thân và gia đình để giảm nhu cầu mua bán, sử dụng sừng tê.
Nói về dự án này, Thu Minh cho biết: “Trước khi trở thành đại sứ của chương trình tôi chưa có ý thức bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Kể từ khi tìm hiểu và tham gia vào dự án trên tinh thần thiện nguyện, nhận thức của tôi đã thay đổi. Tôi yêu quý và nổ lực góp sức vào công cuộc gìn giữ những động vật sắp tuyệt chủng trên hành tinh”.
“Thời gian qua, một tạp chí đăng tải một video clip có hình ảnh Thu Minh dùng mật gấu. Tôi thực sự thấy tiếc vì trước đây mình không nhận rõ tác hại của hành vi này. Kể từ khi tìm hiểu và tham gia vào dự án “chấm dứt sử dụng sừng tê” trên tinh thần thiện nguyện, nhận thức của tôi đã thay đổi. Tôi đã chấm dứt tất cả hành động làm tổn thương đến động vật nói chung và động vật quý hiếm nói riêng. Nhân đây, tôi muốn gửi đến cộng đồng thông điệp rằng nhận thức con người luôn thay đổi. Ngày hôm qua tôi và bạn có thể làm điều gì đó không đúng nhưng ngày hôm nay chúng ta nhận ra điều đó và chấm dứt nó. Tôi nghĩ đó là mặt tích cực mà mọi người cần trân trọng”, Thu Minh cho biết thêm.
Trong dự án Tê giác đến trường nhà văn đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc sẽ viết và dàn dựng các vở kịch có nội dung gần gũi, miêu tả cụ thể mối đe dọa của con người đối với tê giác cùng nhiều loài động vật quý hiếm khác. Ca sĩ Thu Minh, Thanh Bùi, Hồng Ánh tham gia với vai trò khách mới giao lưu và chia sẽ kiến thức về môi trường.
Sau vở kịch là phần tương tác của học sinh nhằm tạo cơ hội cho các bạn tham gia tranh biện về vấn nạn săn trộm sừng tê giác hiện nay. Các em sẽ được hóa thân vào tê giác cũng như các nhân vật trong vở kịch để viết tiếp câu chuyện, thay đổi phần kết theo những gì các bạn muốn, đồng thời thay mặt cho các loài động vật hoang dã quý hiếm nói lên tiếng nói của mình.
Chương trình dự kiến có sự tham dự của khoảng 5.000 học sinh cùng ban giám hiệu và thầy cô nhà trường với điểm nhấn là hai vở kịch Ta cùng xử án (dành cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở) và Đúng hay sai (dành cho học sinh trung học phổ thông) của hai đạo diễn nổi tiếng Nguyễn Thị Minh Ngọc và Xuân Hồng dưới sự diễn xuất của các diễn viên từ trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Sau khi kết thúc sự kiện ở mỗi trường, chương trình sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn học sinh thông qua cuộc thi Tê giác ơi, đừng sợ!. Ở cuộc thi này, các bạn học sinh sẽ đóng vai trò là một người lan tỏa những thông tin đúng đắn về tê giác đến với gia đình, bạn bè và người thân dưới các hình thức thể hiện những ý tưởng, suy nghĩ cũng như sự sáng tạo như vẽ tranh cổ động, làm phim, thu thập lời cam kết....
Theo thống kê của Tổ chức WildAid (Cứu trợ hoang dã), nạn săn bắn tê giác đã tăng kỷ lục với 1.004 cá thể bị giết để lấy sừng được ghi nhận tại Nam Phi trong năm 2013. Báo cáo mới nhất của Bộ Môi trường Nam Phi cho biết đến hết ngày 22.9.2014 đã có ít nhất 787 tê giác đã bị giết hại, một sự tương phản quá lớn so với con số 13 cá thể bị giết trong cả năm 2007. (Một Thế Giới 25/10; Hải Quan 25/10) đầu trang(
25/10, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) tổ chức lễ trao giải cho các tác giả đoạt giải của cuộc thi vẽ tranh "Cuộc sống của động vật hoang dã trong các rạp xiếc" tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Trưởng Đại diện Animals Asia tại Việt Nam cho biết: "Khái niệm phúc lợi động vật vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Mục đích của chúng tôi khi tổ chức cuộc thi này không chỉ giới thiệu khái niệm phúc lợi động vật cho cộng đồng mà còn kêu gọi chúng ta nên có những hành động thiết thực tiến tới chấm dứt việc nuôi, và khai thác động vật hoang dã, đặc biệt trong môi trường như rạp xiếc. Những tác phẩm dự thi sẽ là nhân tố khuấy động cho cộng đồng, nhất là thanh niên sẽ quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề mà động vật hoang dã đang phải chịu đựng”.
Theo nghiên cứu của Animals Asia, hầu hết thời gian trong ngày, động vật trong rạp xiếc bị xích và nhốt trong lồng. Thời gian dành cho biểu diễn, huấn luyện chỉ chiếm dưới 10%. Ngoài ra, hành vi mà động vật biểu diễn, thể hiện trong các tiết mục không phải là các hành vi tự nhiên và bản năng của động vật.
Lệnh cấm sử dụng tất cả hoặc đối với một số động vật hoang dã nhất định trong biểu diễn xiếc đã được ban hành tại nhiều nước như: Trung Quốc, Australia, Bolivia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Hi Lạp, Malta, Slovakia, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Singapore, Costa Rica, Ấn Độ, Peru, Israel…
Với tư cách là một tổ chức hoạt động về phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật Châu Á đã phát động Cuộc thi vẽ và thiết kế tranh với chủ đề: “Cuộc sống của động vật hoang dã trong các rạp xiếc”.
Mục đích của cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những điều mà động vật hoang dã đang phải chịu đựng tại các rạp xiếc. Được tổ chức từ 1/4 đến 1/7/2014, Ban tổ chức đã nhận được 60 bài dự thi của các thí sinh từ khắp mọi miền tổ quốc. Giải nhất thuộc về thí sinh Dương Đoàn Anh Minh (Hà Nội) với tác phẩm “Mua vui cho bạn, ác mộng của tôi!”.
Thí sinh Dương Đoàn Anh Minh chia sẻ: "Khi còn bé, tôi cũng đã xem xiếc thú, nói thực tôi cũng đã từng nể phục những người dạy thú lắm. Nhưng qua tìm hiểu, tôi biết được rằng để có được những hành động đổi lại tiếng cười đấy lại là một địa ngục với các con vật. Tôi không muốn con, hoặc cháu tôi sẽ tiếp tục chứng kiến điều đấy. Tôi muốn con cháu tôi phải yêu thiên nhiên và động vật, dựa trên sự tôn trọng". (Chính Phủ 26/10; Nông Nghiệp Việt Nam 26/10) đầu trang(
24/10, TAND TX Sông Cầu cho biết vừa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Ngọc (SN 1974, trú xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm kể từ ngày tuyên án về tội hủy hoại tài sản.
Theo cáo trạng, ngày 1/4/2014, Nguyễn Văn Ngọc lên khu đồi Ba Gò thuộc thôn Bình Nông (xã Xuân Lâm) để thăm rẫy gia đình. Sau đó, cùng 3 người khác nhậu tại lán trại trên rẫy.
Khoảng 14 giờ cùng ngày, Ngọc đến rừng keo lá tràm của ông Nguyễn Xuân Lang gần đó và nảy sinh ý định đốt rừng keo vì cho rằng ông Lang chiếm đất của gia đình mình, nhưng khi được bồi thường (do giải tỏa), lại không cho tiền trà nước.
Sau đó, Ngọc dùng quẹt gas đốt 3 chùm cỏ tranh ở 3 vị trí khác nhau trên rừng keo của ông Lang làm lửa bốc cháy sang rừng keo lá tràm của bà Nguyễn Thị Xuân Thời, gây thiệt hại 38,5 triệu đồng. Trong đó, rừng ông Lang bị thiệt hại hơn 22 triệu đồng và bà Thời thiệt hại hơn 15 triệu đồng. (Báo Phú Yên 25/10) đầu trang(
Trong tháng 10, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ và phòng chống, chữa cháy rừng.
Trong tháng, trên địa bàn thành phố không xảy ra cháy rừng và chặt phá rừng trái phép; Chi cục phát hiện và xử lý 7 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 2 cá thể động vật hoang dã quý hiếm, xử phạt hành chính và nộp ngân sách nhà nước 66 triệu đồng.
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội duy trì nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh bảo đảm an toàn cho đàn động vật đang được cứu hộ, nhất là một số loài quý, hiếm. (Hà Nội Mới 24/10, tr3) đầu trang(
25-10, UBND huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã thống nhất chủ trương bảo tồn và phát triển đàn voi với chính quyền và người dân các xã trên địa bàn huyện.
Hiện toàn huyện Bù Đăng có 6 hộ dân đang nuôi 8 con voi cái, trọng lượng mỗi con 2 - 3 tấn, có độ tuổi 30 - 50 năm, trong đó 7 con khỏe mạnh, có khả năng sinh sản tốt; riêng xã Đăk Nhau có 4 con.
Theo nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, UBND huyện Bù Đăng, các ban ngành chức năng của huyện và chủ nhân của các con voi đã cùng ký kết bản thỏa thuận đồng ý mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/con. Lãnh đạo UBND huyện cũng đề nghị các hộ được hỗ trợ tiếp tục chăm sóc voi thật tốt, không được sử dụng voi để kéo gỗ phá rừng.
Để bảo tồn đàn voi ở địa phương, UBND tỉnh Bình Phước cũng thống nhất mua 4 con voi của hộ ông Điểu Nhỏ (xã Đăk Nhau) và ông Điểu Cước (xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng); hoán đổi 1 con voi cái lấy 1 con voi đực của Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) để nhân giống voi trên địa bàn tỉnh. (Sài Gòn Giải Phóng 26/10, tr7) đầu trang(
Các nhà khoa học vừa công bố loài thực vật mới nằm ở vùng lõi của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Bình Phước, và lấy tên chủ tịch Viện hàn lâm khoa học công nghệ để đặt.
Loài mới thuộc họ Araceae và được nhóm nghiên cứu đặt tên Arisaema chauvanminhii. Tên của loài nhằm ghi nhận công lao to lớn và sự hỗ trợ của giáo sư Châu Văn Minh, chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST), đối với nghiên cứu về đa dạng sinh học tại Viện sinh thái học miền Nam.
Theo VAST, thực vật trên là loại cây thảo một năm. Chúng cao từ 20 đến 50 cm; thân ngầm dạng củ gần như hình cầu. Lá của loài từ một đến hai chiếc. Phiến lá chia thành ba thùy. Chúng có nhiều rễ phụ mọc phát triển xung quanh rễ chính. Bông mo của loài có những vết ố màu nâu tối với phần miệng hoa uốn cong  ngược lại; phần gốc bông mo có những đốm trắng.
Loài Arisaema chauvanminhii được tìm thấy trong môi trường đất feralit ẩm, dưới rừng cây rụng lá đặc trưng bởi cây bằng lăng (Largestroemia calyculata) của Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc vùng biên giới với Campuchia.
Loài mới được phát hiện trong quá trình khảo sát hai năm từ tháng 6/2011 đến tháng 5/2013 của Viện Sinh thái học miền Nam và Vườn quốc gia Bù Gia Mập. (VnExpress 23/10) đầu trang(
Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Sơn La duy trì và bảo vệ 4 khu bảo tồn hiện có gồm Copia thuộc địa bàn huyện Thuận Châu (6.311ha), rừng Sốp Cộp (18.020ha) thuộc hai huyện biên giới Sốp Cộp và Sông Mã, rừng Tà Xùa (16.553ha) thuộc huyện Bắc Yên, rừng Xuân Nha (18.116ha) thuộc huyện Vân Hồ.
Tỉnh xây dựng thêm khu bảo tồn mới ở huyện Mường La (khoảng 20.000ha) và một khu bảo vệ cảnh quan văn hóa - lịch sử - môi trường (247ha), khu rừng mang tên Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên.
Rừng bảo tồn Mường La thuộc ba xã Ngọc Chiến, Nặm Păm và Hua Trai có tính đa dạng sinh học cao. Đặc biệt, tại khu rừng này còn có 20-30 cá thể vượn đen tuyền, loài vượn đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Đây còn là nơi cư trú của các quần thể voọc xám, niệc cổ hung, gà lôi hồng tía và beo lửa.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng trồng thảo quả, phát triển thủy điện hay thu hái lâm sản phụ đã ảnh hưởng và tác động tới cảnh quan, sinh cảnh các loài hoang dã...
Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La sẽ góp phần vào bảo vệ và phát triển quần thể vượn đen tuyền tại Khu bảo tồn loài, bảo tồn và phát triển sinh cảnh Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), giáp với rừng phòng hộ đầu nguồn Mường La.
Tỉnh Sơn La hiện có 633.687ha rừng, trong đó có gần 610.000ha rừng tự nhiên. Đến năm 2020, Sơn La phấn đấu độ che phủ của rừng đạt 55%, với khoảng 779.600ha rừng.
Việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ tăng sự đa dạng sinh thái mà còn góp phần phòng hộ bền vững và trữ nước cho hai hồ thủy điện Sơn La và hồ thủy điện Hòa Bình lớn nhất cả nước. (VietnamPlus 26/10) đầu trang(
UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Với  mục tiêu cụ thể đến năm 2020 xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh An Giang, làm cơ sở phân chia các vùng sinh thái, các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học, góp phần hình thành quy hoạch bảo tồn tổng thể cả nước, khai thác bền vững đa dạng sinh học dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Định hướng đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn đa dạng sinh học và hình thành hệ thống hành lang đa dạng sinh học kết nối các hệ sinh thái như triển khai phương thức bảo tồn chuyển chỗ, hình thành hệ thống vườn thực vật, vườn ươm, vườn động vật để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng đã xác định được của từng khu bảo tồn của tỉnh.
Nâng cao độ che phủ rừng, giảm các vụ xâm hại rừng và khai thác trái phép tài nguyên sinh vật (chặt phá, đốt rừng, cháy rừng, săn bắt động vật hoang dã…); xử phạt nghiêm các vụ vi phạm đến rừng, xâm hại động vật hoang dã.
Bảo tồn các khu đa dạng sinh học gắn với việc từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho người dân vùng đệm thông qua các giải pháp sản xuất nông nghiệp bền vững; tham gia quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế của người dân vùng đệm trên cơ sở hệ thống chính sách có sự phân công trách nhiệm và chia sẻ lợi ích giữa khu bảo tồn với người dân trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Dự án này được thực hiện trên toàn tỉnh An Giang với diện tích tự nhiên 3.536,76 km2, với kinh phí thực hiện: 1.584.362.850 đồng.Trong thời gian là 20 tháng kể từ ngày ký hợp đồng lập quy hoạch.
Nhiệm vụ của dự án quy hoạch  là đánh giá điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học; đánh giá hiện trạng quản lý đa dạng sinh học, hiện trạng các hệ sinh thái và các vấn đề ưu tiên đối với bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh… (Angiang.gov.vn 23/10) đầu trang(
Ba xã Đăk Tờ Re, Đăk Tờ Lung, Đăk Kôi (Kon Rẫy) giáp với xã Ngọc Réo (Đăk Hà) và Đăk Cấm (thành phố Kon Tum) có tổng diện tích tự nhiên trên 55.600 ha, trong đó có 30.083,97 ha rừng tự nhiên.
Khu vực vùng rừng giáp ranh này không chỉ là nơi cung cấp nước, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường cho khu vực mà còn là căn cứ quan trọng trước đây của cách mạng. Thế nhưng lâu nay vùng rừng giáp ranh ngày càng bị thu hẹp do nạn phá rừng làm rẫy và là “điểm nóng” khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Do vậy, việc bảo vệ vùng rừng giáp ranh là nhiệm vụ quan trọng trong khu vực. Xác định nhiệm vụ được giao và thực hiện Phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), các hạt kiểm lâm trong khu vực đã tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương chỉ đạo các lưc lượng, chủ rừng phối hợp nhau để bảo vệ rừng giáp ranh.
Theo anh Dương Văn Trị - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy, việc bảo vệ vùng rừng giáp ranh này luôn được Hạt Kiểm lâm huyện quan tâm. Bên cạnh việc phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện Đăk Hà, thành phố Kon Tum, lực lượng kiểm lâm huyện còn chủ động phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương và chủ rừng tăng cường tuần tra truy quét, bảo vệ rừng.
Do địa bàn có địa hình đặc thù riêng, bọn lâm tặc thường khai thác gỗ từ vùng rừng giáp ranh và vận chuyển gỗ qua tuyến đường từ xã Ngọc Réo (Đăk Hà) về Đăk Cấm (thành phố Kon Tum). Trong 9 tháng, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy phối hợp với các xã giáp ranh, Đội Kiểm lâm cơ động số 3 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) mở 6 cuộc truy quét đã phát hiện và thu giữ gần 3 m3 gỗ các loại, 1 máy cày và 1 cưa lốc.
Trên địa bàn huyện Đăk Hà, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với Công an huyện, UBND xã Ngọc Réo, Đăk Pxi, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Hà mở nhiều cuộc tuần tra, truy quét phát hiện và thu giữ trên 55 m3 gỗ trái phép; kịp thời xử lý 4 vụ phá 0,33 ha rừng ở vùng  rừng giáp ranh.
Tuy nhiên, qua việc bảo vệ rừng vùng giáp ranh, dư luận đặt câu hỏi là tại sao Trạm Kiểm sát liên ngành Ngọc Réo nằm bên đường độc đạo vẫn bị lâm tặc “qua mặt”? Vẫn biết cuộc chiến với lâm tặc là cuộc chiến đầy khó khăn, hiểm nguy rình rập với lực lượng bảo vệ rừng, nhưng đã thành lập Trạm thì phải ngăn chặn lâm tặc hoạt động trên tuyến đường này, không thể khác.
Trước những vấn đề đang đặt ra, tại Hội nghị bảo vệ vùng giáp ranh, các đại biểu đề nghị Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tụm phối hợp với UBND xã Đăk Cấm tổ chức rà soát, thống kê các phương tiện xe độ chế; tổ chức tuyên truyền vận động các gia đình có xe độ chế không vận chuyển lâm sản trái phép; tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý độ chế trên địa bàn.
Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (KLCD 1) phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum, Đăk Hà, các cơ quan chức năng điều tra, triệt phá các đầu nậu thu mua lâm sản trái phép; giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn.
Hạt Kiểm lâm Đăk Hà phối hợp với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Hà ngăn chặn và xử lý các đối tượng đưa phương tiện vào rừng trái phép; kịp thời thông tin cho các đơn vị có liên quan khi các đối tượng đưa phương tiện vào rừng để truy quét, ngăn chặn việc vận chuyển gỗ trái phép.
Hạt Kiểm lâm Kon Rẫy chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND xã Đăk Tờ Re, Đăk Tơ Lung, Đăk Kôi tổ chức tuyên truyền, quán triệt các hộ dân nhận rừng tại vùng rừng giáp ranh thường xuyên tuần tra, kiểm tra để thông tin kịp thời cho chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khi rừng có dấu hiệu bị xâm hại trái phép; phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra, truy quét lâm tặc ở vùng rừng giáp ranh.
Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Hà tổ chức chấn chỉnh lại hoạt động của Trạm Kiểm soát liên ngành tại xã Ngọc Réo, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào khu vực Trạm; thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét, kịp thời thông tin cho các đơn vị có liên quan nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép… Các địa phương, các lực lượng, chủ rừng đồng phối hợp và thực hiện tốt các giải pháp này thì mới bảo vệ được vùng rừng giáp ranh. (Kontum.gov.vn 24/10) đầu trang(
Ban quản lý Dự án khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa tổ chức hoạt động truyền thông về chủ đề bảo vệ rừng trong trường học cho học sinh Trường THCS số 1 xã Hưng Trạch và Trường tiểu học số 1 xã Hưng Trạch (Bố Trạch).
Tại buổi truyền thông, các em học sinh đã được nghe phổ biến về tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng đối với môi trường và đời sống con người; chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng...
Qua đó, trang bị cho các em kiến thức cơ bản về đa dạng sinh học rừng đối với cuộc sống; vai trò, trách nhiệm của học sinh và cộng đồng trong công tác giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng. (Báo Quảng Bình 24/10) đầu trang(
Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT, từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ sẽ rà soát lại hiện trạng rừng ngập mặn nằm trong quy hoạch rừng ngập mặn của tỉnh giai đoạn 2011-2013.
Với những khu rừng ngập mặn nằm ngoài quy hoạch rừng phòng hộ, việc rà soát sẽ dựa trên quy hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở này, Sở NN-PTNT triển khai kê hoạch quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan của tỉnh.
Theo thống kê, diện tích rừng ngập mặn hơn địa bàn tỉnh đã giảm mạnh. Khoảng 6 năm về trước, toàn tỉnh có trên 5.100ha, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 2.250ha rừng ngập mặn.
Nguyên nhân là do việc phá rừng để phát triển khu công nghiệp, đô thị hóa tăng nhanh… dẫn đến diện tích rừng ngập mặn giảm mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu 24/10) đầu trang(
Bên cạnh kiện tòan Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về quản lý bảo vệ rừng, các tổ đội PCCCR, tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng cũng như các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Xã An Trung còn tăng cường tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét việc phá rừng làm nương rẫy trái phép.
Trong đó đã phát hiện xử lý 31 trường hợp phá rừng, 25 trường hợp phát luỗng dưới tán rừng trái phép, với diện tích hơn 8.600 m2. Riêng trong quý 3/2014, phối hợp cùng các ngành liên quan huyện, xã đã truy quét tại tiểu khu 4, tịch thu 0,141 m3 gỗ chủng lọai, tiêu hủy tại rừng 0,2 m3 nhóm VIII. Phá bỏ 5,8 ha cây trồng vi phạm vụ Thu đông năm 2013, đồng thời giải quyết cho người dân về hồ sơ, thủ tục khai thác keo, sầu đâu và trồng lại sau khai thác gần 98 ha.
Đi đôi với việc tuyên truyền Luật quản lý bảo vệ rừng tại 7/7 thôn, có 527 lượt người tham dự, UBND xã An Trung cũng đã phối hợp Địa chính huyện kiểm tra cột mốc ranh giới giữa xã Ba Trang- Ba Tơ- Quảng Ngãi, và tổ chức chốt chặn tại địa bàn giáp ranh, ngăn chặn hiệu quả việc phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái pháp luật ... (Anlao.binhdinh.gov.vn 24/10) đầu trang(
24.10, UBND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết, huyện này vừa có văn bản yêu cầu Hạt kiểm lâm Vĩnh Cửu và UBND xã Mã Đà tiến hành tìm kiếm một cá thể cá sấu trên khu vực hồ Trị An.
Ngoài ra, huyện này cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, thông báo đến người dân các địa phương sống ven hồ Trị An để người dân phòng tránh.
UBND huyện Vĩnh Cửu cũng yêu cầu các địa phương ven hồ Trị An phải đảm bảo an toàn cho người dân, không cho trẻ em ra khu vực lòng hồ.
Trước đó, vào khoảng 5 giờ ngày 22.10, lực lượng chức năng đã phát hiện một cá thể cá sấu dài 1,2m, nặng 20kg do người dân nuôi đã bị sổng chuồng rồi lao ra hồ Trị An.
Ngay khi phát hiện vụ việc, Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan và cùng người dân tổ chức tìm kiếm, truy bắt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cá thể cá sấu bị sổng chuồng vẫn chưa được tìm thấy. (Nông Thôn Ngày Nay 25/10) đầu trang(
Thạc sĩ (ThS) Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh ĐH Đà Lạt kể, năm 2008, PGS - TS Trần Ninh, lúc ấy còn là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ông Hakoda (Chủ tịch Hiệp hội trà mi Nhật Bản) cùng đoàn khách Nhật đến nhờ ông Dũng hướng dẫn đi tìm hoa trà mi ở rừng Lâm Đồng.
Hồi đó ông đang say sưa với cổ thực vật, cây thuốc nhuộm… chứ không có khái niệm gì về trà mi. Tuy nhiên, vì các nhà nghiên cứu đã vượt hàng ngàn dặm đến đây nên ông nhận lời dẫn đường.
Núi rừng mênh mông biết trà mi ở đâu mà tìm? Ông Dũng trầm ngâm: Dựa vào tài liệu mà các nhà khoa học đã công bố, kiến thức của các chuyên gia trong đoàn, thông tin từ kiểm lâm, người bản địa và cả những thợ rừng nữa. Tuy nhiên càng đi càng thấy thật khó tìm bởi nhiều loài đã mất tích quá lâu trong khi thông tin về chúng rất ít ỏi.
Chẳng hạn, loài trà mi đặc hữu mang tên ngọn núi cao bậc nhất nam Tây Nguyên là Lang Biang đã được nhà nghiên cứu người Pháp tìm thấy năm 1939. Lúc ấy, người phát hiện chỉ ghi chép một vài thông tin về tọa độ, độ cao, phân bố rồi lấy mẫu trà mi ép vào tờ báo, kèm theo tấm ảnh đen trắng giao cho bảo tàng.
Từ đó đến nay, chẳng có ai khác công bố đã nhìn thấy loài này; hồ sơ khoa học cũng không ghi cụ thể địa điểm phát hiện, không chú thích về màu sắc của hoa nên đến tận bây giờ, nhiều người tò mò không biết trà mi Lang Biang có màu gì.
Tương tự, loài trà mi Krempf do ông Krempf phát hiện năm 1912 trên núi Hòn Giao, Khánh Hòa từng bị cho là đã tuyệt chủng. Trong bản mô tả lần đầu không hề có thông tin về hình dáng quả, màu sắc của hoa…
Nhiều nhà nghiên cứu đinh ninh loài trà mi này ra hoa màu trắng, thế nhưng, tháng 10 năm ngoái, khi ông cùng hai cán bộ Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà phát hiện lại trà mi Krempf sau hơn một thế kỷ mất tích mới vỡ lẽ loài này nở hoa màu hồng chứ không phải trắng.
Trà mi rất khan hiếm, hầu hết các loài đều phân bố hẹp, mọc loanh quanh một chỗ, mỗi quần thể chỉ vài chục cây, nhiều nhất là vài trăm cây. Giữa những cánh rừng rộng lớn từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn héc ta thì việc tìm kiếm những quần thể trà mi hiếm hoi, đặc biệt là trà hoa vàng chẳng khác nào đãi cát tìm vàng, mò kim đáy bể…
Thế nhưng, chẳng rõ có phải vì có duyên với trà mi hay không mà ngay trong đợt khảo sát đầu tiên ông đã giúp họ phát hiện được loài cần tìm.
Chứng kiến cảnh 10 người từ 70 - 80 tuổi đồng loạt vỗ tay, reo hò như trẻ nhỏ khi nhìn thấy hoa nở và thái độ cẩn trọng, nương nhẹ khi cắt cành hoa (để nghiên cứu) như sợ làm đau, làm hỏng vẻ đẹp của cây, Thạc sĩ Dũng thực sự ngưỡng mộ niềm đam mê, trân trọng trà mi của người Nhật.
Không ít lần, thắc thỏm chờ đợi hàng tháng trời, đến khi quay lại thì cả vạt rừng, trong đó có trà mi đã bị vạt trọc để trồng cà phê, ca cao… Đoàn khảo sát như chết đứng vì tiếc nuối, hẫng hụt.
Năm 2011, ĐH Đà Lạt được tỉnh giao đề tài Điều tra, sưu tập và nhân giống các loài trà mi ở Lâm Đồng. ThS Dũng cùng các đồng nghiệp đã lặn lội khắp chốn rừng sâu núi thẳm, chinh phục các đỉnh cao Bidoup 2.287m, Lang Biang 2.167m...
Nhiều chuyến băng rừng vượt suối kéo dài hàng tuần mà nàng hoa cao sang này vẫn bặt bóng chim tăm cá. Nhóm nghiên cứu đã định quay về, nhưng khi nhìn sang khu vực lân cận, thấy sinh cảnh phù hợp với trà mi thì cố nán lại, tiếp tục đi tìm.
ThS Dũng hồi tưởng, gian nan nhất là tìm Camellia Dormoyana - loài trà hoa vàng đầu tiên của thế giới từng được người Pháp phát hiện tại Lâm Đồng vào thập niên đầu của thế kỷ XX và công bố trên Thực vật chí Đông Dương.
Tác giả không ghi cụ thể địa điểm, do đó, để tìm lại loài hoa này, chúng tôi phải tổ chức nhiều chuyến khảo sát với sự hướng dẫn của người dân bản địa, mỗi lần đi - về tới mấy trăm cây số và phải đến chuyến thứ ba mới gặp được tại huyện Đạ Huoai.
Nếu phát hiện trà mi vào đúng thời điểm cây đang trổ hoa thì quá lý tưởng cho việc lập hồ sơ khoa học. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp dù đã nhìn thấy trà mi nhưng phải chờ đến mùa cây ra hoa để quay lại chụp ảnh, lấy mẫu nghiên cứu; gặp hoa rồi lại phải tiếp tục đợi đến lúc đậu quả…
Không ít lần, thắc thỏm chờ đợi hàng tháng trời, đến khi quay lại thì cả vạt rừng, trong đó có trà mi đã bị vạt trọc để trồng cà phê, ca cao…
Trà mi tự nhiên thường phân bố nhiều ở vùng rừng nghèo kiệt hoặc rừng hỗn giao tre nứa - gỗ. Các loại rừng này dễ bị chuyển đổi thành rừng sản xuất và khi điều đó xảy ra, trà mi sẽ bị chặt bỏ theo.
Nhiều quần thể trà mi quý hiếm đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng không chỉ do rừng bị phá quá nhanh mà còn vì nạn khai thác trà mi trong tự nhiên để làm cây cảnh (mỗi gốc trà mi có giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng); thu hái nụ để bán cho Trung Quốc với giá khoảng 1 triệu đồng/kg...
Trong hai năm, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 2 loài trà mi mới cho khoa học và tìm lại 9 loài ngỡ đã tuyệt chủng. ThS Dũng kể, khi vào rừng Phát Chi (TP Đà Lạt) khảo sát cây thuốc, ông Nguyễn Tập (Viện Dược liệu tại Hà Nội) nhìn thấy loài cây nghi là trà hoa vàng, liền báo cho TS Trần Ninh, người đã công bố hơn 20 loài trà mi mới cho khoa học.
Hay tin, ông Hakoda cũng bay từ Nhật sang rồi cùng vào tận rừng sâu khảo sát. Nhận định đây là loài mới, tiến hành phân tích, công bố trên Tạp chí trà quốc tế năm 2012 với tên gọi là Camellia dalatensis (Trà mi Đà Lạt).
Năm người khác cũng theo ông Hakoda bay từ Nhật sang để tham quan loài hoa này. Đường vào rừng Phát Chi rất xấu, phải thuê những người lái xe thồ chở đi, sau đó tiếp tục lội bộ vài cây số nữa.
Ông Dũng sợ người già không chịu nổi sự giồng sốc, thế nhưng mọi người đều tươi tỉnh, trò chuyện vui vẻ, không ai bỏ cuộc. Đến nơi, họa sĩ Yoko Katuta ngoài 80 tuổi ngồi dưới gốc cây vẽ hoa trà mi luôn. Bà từng vẽ trà mi ở VQG Cúc Phương và tác phẩm này đoạt giải thưởng của Hiệp hội trà mi thế giới.
Năm 2013, bộ ba Hakoda - Trần Ninh - Lương Văn Dũng lại công bố một loài trà hoa vàng mới là Camellia dilinhensis (Trà mi Di Linh) tại hội nghị trà mi ở Nam Ninh (Trung Quốc). Loài này phân bố ở khu vực nào tại huyện Di Linh? Sau một thoáng ngập ngừng, ThS Dũng đáp: Không nên tiết lộ địa điểm cụ thể bởi loài này quý hiếm lắm, hiện chỉ phát hiện được một quần thể nhỏ với 30 cây.
Nếu người khác tìm thấy, bứng đi hoặc chặt phá mất thì không còn cây mẹ để nhân giống, e rằng loài này sẽ tuyệt chủng mất. ThS Dũng chỉ cho biết đường vào khu vực đó hiểm trở lắm, đồi dốc nghiêng hơn 45 độ, có những đoạn phải bò, chống gậy, bám vào dây leo hoặc cây hai bên đường mà đi.
Đại học Đà Lạt đã phối hợp nghiên cứu nhân giống hàng ngàn cây trà mi bằng các phương pháp nuôi cấy mô, giâm hom, chiết cành để cung cấp cho VQG Bidoup-Núi Bà, lập vườn sưu tập trà mi…ThS Dũng nói, các nước Mỹ, Pháp không sở hữu loài trà mi tự nhiên nào nhưng vẫn xây dựng được những vườn sưu tập trà mi khổng lồ, độc đáo thu hút rất đông khách tham quan.
Trong khi Việt Nam là một trong hai trung tâm trà mi lớn nhất thế giới lại chưa có vườn sưu tập nổi tiếng nào thì thật phi lý. Ông Dũng cho biết thêm, Lâm Đồng có tới hàng chục loài trà mi tự nhiên với đủ các sắc màu, mỗi loài có vẻ đẹp riêng với những đóa hoa rực rỡ, sang trọng, lâu tàn.
Đang xây dựng vườn sưu tập trà mi bản địa Lâm Đồng vừa để bảo tồn nguồn gen vừa có sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách tham quan. (Tiền Phong 25/10, tr9) đầu trang(
“Nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn”. Đó là nội dung chính của buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật do Ban điều hành Đề án 1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời tổ chức 24/10.
Những năm qua, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời đã có nhiều cố gắng trong việc phòng cháy chữa cháy rừng. Nhưng do nhận thức của người dân chưa cao nên đã để xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Trong thời điểm hiện nay, khi mùa khô sắp bắt đầu thì việc tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến những quy định trên là hết sức cần thiết.
Qua đó không chỉ nâng cao năng lực và ý thức tuân thủ pháp luật của đội ngũ cán bộ hiện đang thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng tại cơ sở mà còn nâng cao được nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; góp phần hạn chế tối đa các vụ cháy rừng có thể xảy ra trong mùa khô 2014 – 2015. (Đài PTTH Cà Mau 24/10) đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã bắt giữ và xử lý 718 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản, trong đó xử lý hành chính 706 vụ, xử lý hình sự 12 vụ.
Các lực lượng chức năng cũng đã tịch thu hơn 258 mét khối gỗ các loại, trong đó có 98 mét khối gỗ quý hiếm; tịch thu 42 cá thể động vật hoang dã; thu nộp ngân sách gần 2,8 tỷ đồng thông qua xử phạt vi phạm hành chính và bán tang vật, phương tiện bị tịch thu.
Theo ông Nguyễn Đức Tưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang tích cực phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, nhiều vụ vi phạm xâm hại tài nguyên rừng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Tuy số vụ vi phạm đã giảm 100 vụ so với cùng kỳ năm 2013 và tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ nghiến trái phép tại một số xã của huyện Chiêm Hóa và huyện Na Hang đã giảm đáng kể so với thời gian trước, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, một số đối tượng vi phạm chuyên nghiệp, có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, bắt giữ.
Để hạn chế tối đa các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong thời gian tới, ngành kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp cùng các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho người dân.
Đồng thời tăng cường lực lượng k iểm lâm phối hợp với Tổ công tác cơ động liên ngành để kiểm tra, triệt phá các tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại các địa bàn có nhiều tài nguyên động, thực vật rừng; xử lý vi phạm hành chính, khởi tố điều tra hình sự theo thẩm quyền các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. (Tin Môi Trường 25/10) đầu trang(
Liên quan đến vụ phá rừng tại xã Quế Lâm (Nông Sơn), dù vụ án đã được khởi tố chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra hơn một tháng, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa có kết quả.
Ông Trần Quốc Phong – Phó trưởng Công an huyện Nông Sơn cho biết, sau khi Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm huyện phát hiện vụ tập kết gỗ lớn không có người trông coi tại 6 điểm thuộc xã Quế Lâm (từ ngày 4 - 8.9.2014), ngày 17.9, Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, đến ngày 23.9 thì chuyển sang cơ quan công an để điều tra.
Bước đầu Công an huyện đã phối hợp với Viện Kiểm sát; Kiểm lâm Nông Sơn và Công an xã Quế Lâm tiến hành phong tỏa, bảo vệ tang vật và khám nghiệm hiện trường. Qua đánh giá sơ bộ 257 phách gỗ thu được tại hiện trường, hầu hết thuộc từ nhóm 1 đến nhóm 6, chủ yếu là gõ mật, huỷnh, giổi, chua, dẻ, xoan đào…
Tuy nhiên, do địa thế hiểm trở và nằm ở vùng giáp ranh với 2 huyện Phước Sơn và Nam Giang nên công tác điều tra, bảo quản và vận chuyển tang vật ra ngoài rất khó khăn. “Chúng tôi xác định đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng và lớn nhất trên địa bàn huyện từ trước đến nay nên công tác điều tra được triển khai rất cấp bách và tỉ mỉ đến từng manh mối nhỏ nhất” - ông Phong cho biết.
Dù đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra với lực lượng hùng hậu do đích thân Phó trưởng Công an huyện trực tiếp chỉ đạo, nhiều đối tượng khả nghi cũng được triệu tập, xác minh nhưng đến nay vẫn chưa thể xác định được thủ phạm gây ra vụ phá rừng trên.
Theo ông Phong, một trong những nguyên nhân là địa bàn rộng, giáp ranh và cách xa khu dân cư (từ xã Quế Lâm vào đến điểm tập kết gỗ đầu tiên phải đi bộ đường rừng khoảng 3 tiếng đồng hồ). Ngoài ra, việc khai thác gỗ đã diễn ra trong một thời gian dài và gỗ cũng được tập kết từ nhiều nơi khác về nên việc truy tìm dấu vết rất khó khăn.
“Theo luật định, quá trình điều tra lần đầu kéo dài 4 tháng và kết thúc vào ngày 17.1.2015. Tuy nhiên, nếu vẫn chưa có kết quả chúng tôi sẽ đề nghị gia hạn để tiếp tục điều tra. Quá trình điều tra hiện không bị tác động và chịu áp lực nào cả” - ông Phong nói.
Ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, việc để xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nông Sơn thời gian qua là có một phần trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm huyện trong công tác tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, hiện chưa thể truy cứu hoặc kiểm điểm trách nhiệm mà phải chờ sau khi vận chuyển xong số gỗ ra ngoài.
“Việc kiểm điểm trách nhiệm Hạt Kiểm lâm Nông Sơn sẽ được tiến hành nhưng hiện tại chưa thể làm được vì phải để anh em yên tâm đưa hết tang vật ra ngoài, sau đó mới tiến hành xử lý trách nhiệm của các cá nhân và tập thể liên quan” - ông Tuấn quả quyết.
Đến nay, phần lớn số gỗ đã được vận chuyển tập kết ra khỏi rừng, chỉ còn 23 phách ở quá xa chưa thể đưa ra và đang chờ ý kiến của Hội đồng xử lý vật chứng về thống nhất phương án cuối cùng. (Báo Quảng Nam 24/10) đầu trang(
Cuộc diễn tập được Ban Chỉ đạo diễn tập ứng phó cháy rừng- tìm kiếm cứu nạn huyện tổ chức tại xã Mường Mít sáng 24/10.
Nội dung diễn tập gồm 2 giai đoạn: Tổ chức chuẩn bị phòng cháy chữa cháy rừng và thực hành chữa cháy rừng. Giai đoạn 1: với tình huống giả định đã được đưa ra, Ban Chỉ huy Quân sự xã đã tập trung quán triệt nhiệm vụ, nghiên cứu đánh giá tình hình khí hậu, thực hành điều chỉnh kế hoạch và triển khai các công việc cần làm ngay.
Giai đoạn 2: Tình huống đặt ra là trong những ngày vừa qua, do nắng nóng kéo dài trên địa bàn xã đả xảy ra cháy rừng ở địa phận bản Xanh giáp với khu dân cư. Trước tình huống này, Ban Chỉ huy của xã Mường Mít đã chỉ đạo lực lượng xung kích bản Xanh và huy động lực lượng toàn xã đến hỗ trợ dập lửa, làm ngay các đường băng cản lửa tạm thời, đồng thời chỉ đạo các lực lượng cùng với đội ngũ y tế tìm kiếm, cấp cứu cho người bị nạn do cháy rừng gây ra.
Qua diễn tập nhằm nâng cao trình độ lãnh đạo, điều hành, tổ chức chỉ huy của cấp ủy, chính quyền, ban chỉ huy ứng phó cháy rừng - tìm kiếm cứu nạn xã, khả năng huy động phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng và Nhân dân địa phương. Đồng thời làm cơ sở rút kinh nghiệm, tiến hành điều chỉnh bổ sung hoàn thiện các phương án ứng phó phù hợp với thực tế của địa phương.
Ban Chỉ đạo diễn tập ứng phó cháy rừng- tìm kiếm cứu nạn của huyện đánh giá cuộc diễn tập đạt 7,1 điểm xếp loại khá. (Báo Lai Châu 24/10) đầu trang(
Ở vùng rừng Đá Nứt, Rêu Phủ, Ngón Chân Cái, Bàn Chân To hay núi Đá Lớn… của người Mã Liềng (Lâm Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) có hơn 700ha rừng được bà con giữ tốt.
Nơi đó không chỉ là rừng mà còn là kho kiến thức bản địa gần như vô tận của tất cả các loài cây cỏ, hoa lá. Nguồn kiến thức tự nhiên ấy được người anh em Mã Liềng khám phá biến thành kho thuốc khổng lồ từ xưa đến nay.
Người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa hiện có khoảng 500 nhân khẩu, nếu tính cả xã Thanh Hóa bên cạnh thì gần một ngàn người. Họ là tộc người em út trong mái nhà định danh gồm Mã Liềng, Mày, Sách, Rục, A Rem, Khùa thành dân tộc Chứt quần tụ dưới hệ núi Giăng Màn sừng sững. PV qua ngã Trường Sơn phía Tây Quảng Bình để lên vùng bản địa của anh em Mã Liềng.
Tộc người này trước năm 1992 sống sâu trong núi rừng với những chiếc lán nhỏ bằng lá dưới tán cây cổ thụ. Cuộc sống bám chặt vào rừng, không cơ sở y tế, cũng như không có mối liên hệ nào với cuộc sống hiện đại. Nhưng những tháng năm cả nước mở đường xuyên Trường Sơn, người anh em Mã Liềng đã giúp đỡ dẫn cán bộ đi xoi tuyến và giúp thảo dược từ sự am hiểu của họ để cứu sống bộ đội và thanh niên xung phong bị sốt rét ác tính ở rừng sâu núi thẳm lúc thiếu thuốc kháng sinh.
Cao Ké, một già làng kiêm người chữa bệnh truyền thống theo cách của người Mã Liềng dẫn PV vào sâu trong một chóp rừng của khu vực Rêu Phủ với bạt ngàn cây xanh rồi giải thích: “Trí tuệ của người Mã Liềng không hiểu được hết cái văn minh dưới xuôi. Nhưng biết hết tác dụng từng loại cây trong khu rừng này”.
Người chữa bệnh như già Cao Ké được dân bản đặt với cái tên đầy tôn kính “Cha rớp”. Họ kính trọng Cha rớp như cách mà người ta gọi thông dụng ở bệnh viện là bác sĩ. Cao Ké hiểu được hơn 2.000 loại cây và cách tác dụng của chúng khi dùng riêng biệt. Ông cũng hiểu được khi một số nhóm cây kết hợp chúng với nhau bằng lá, rễ, hay bằng vỏ sẽ trị được sốt, dứt được thương hàn, đau bụng…
Người Mã Liềng không có chữ viết để cất giữ kiến thức họ hiểu được về tự nhiên bằng sách mà họ chỉ có thể truyền đạt lại bằng thực hành và truyền ngôn cho con cháu về các hiểu biết truyền đời từ cây cỏ, hoa lá. Bởi thế mà hàng trăm năm tồn tại giữa rừng già nhiệt đới với vô số mầm bệnh, họ đã biết được các phương thuốc của riêng mình để cấp cứu cho nhau và chữa trị cho những tộc người anh em khi cần đến.
Các nhà khoa học phương Tây khi đến với người Mã Liềng đã rất chú ý đến nguồn tri thức bản địa mà đồng bào dựa vào cây rừng. Họ không biết ký tự la tinh, hay tên khoa học của những thực vật, nhưng tiếng bản địa Mã Liềng trong cộng đồng nhỏ bé ấy đã quy ước từ hàng ngàn năm nay giữa mái rừng nhiệt đới các công dụng và cách làm để chữa bệnh.
Chỉ dựa hẳn vào tự nhiên mà thế hệ sau ghi nhớ được cả rừng cây với đủ tên gọi từ đơn giản đến phức tạp đều bảo lưu một cách thông minh và đầy trách nhiệm cho thấy người Mã Liềng quan tâm thế giới tự nhiên như thế nào.
Những tháng năm mở đường qua Lào dưới thời thực dân Pháp khai thác thuộc địa, người Mã Liềng chứng kiến phu phen làm đường sắt và đường cáp xuyên rừng, nhiều người ngã bệnh, nhiều người chết trong đói rách.
Trong khu rừng Rêu Phủ, Cao Ké tiết lộ với PV rằng, lúc đó người Mã Liềng đi lại giữa rừng, phát hiện nhiều phu phen bỏ trốn công trường của người Pháp trong tình cảnh ốm đau, bệnh tật giày vò, không có thuốc trị liệu. Chỉ cây rừng mà ông nội rồi bố của Cao Ké cùng dân bản đã chữa được cho nhiều phu phen từ trong hang đá. Không ít người được cứu sống với những loại cây thuốc phải kỳ công đi lấy từ vách đá cheo leo ở núi Giăng Màn.
Bản Kè của người Mã Liềng ngày nay bao giữ xung quanh bởi vườn thuốc Nam do dân bản tự tay trồng với những thứ cây đơn giản như tía tô, cam thảo rừng, ngải cứu, sâm núi… để dùng trong bệnh tình đơn giản. Những cán bộ xã ở Lâm Hóa vẫn thường kể nghe người Mã Liềng có nhiều phương thuốc chữa bệnh xương gãy bằng cây cối trong rừng hoang là một điều lạ lùng và già Cao Ké xác định có thật.
Không cần phẫu thuật, chỉ đắp lá cùng thảo dược kỳ công, một thời gian, xương sẽ tự lành và vận động bình thường. Công thức của nó không được tiết lộ cho người ngoài, bởi đó là lời thề với thần linh, người Mã Liềng phải giữ lấy.
Đi dưới bóng rừng nhiệt đới xanh thẩm, già Ké chỉ từng cách nhận biết cây thuốc và cây độc. Nhưng ông cũng nhiệt tình nói rằng, những loại cây có độc chỉ xấu khi kẻ xấu làm điều xấu, nó cũng có tác dụng tốt trong tay người tốt nếu biết kết hợp cho chữa bệnh cứu người, thương người.
Người Mã Liềng là một tộc người nhân nghĩa, kho tàng thuốc Nam họ tích lũy truyền đời không chỉ giúp cho dân bản của họ mà còn giúp cho anh em người Kinh, người Khùa, người Mày, người Rục, người Sách… hay bất cứ ai cần đến họ. Già Ké kể với tôi: “Không lấy tiền bạc, không lấy công, cũng không chờ được trả ơn. Nghĩa là nghĩa, cứu người là cứu người. Rứa mới là cái bụng của người Mã Liềng chớ”.
Kho thuốc của người Mã Liềng được tính bằng từng cánh rừng, từng khu rừng, từng vạt rừng chứ không phải chỉ là vườn thuốc nhỏ bé như lòng bàn tay sau hồi nhà. Họ sống khoáng đạt với tự nhiên nên tôn trọng rừng, tôn trọng cây cối, tôn trọng động vật, chim muông. Ấy nên, nơi người Mã Liềng định cư, rừng khô bị tàn phá, không bị xâm hại, không bị khai thác quá mức. Với họ, rừng là mẹ thiên nhiên không chỉ đảm bảo cho các thế hệ trước mà còn là đặc ân cho thế hệ con cháu của họ.
Vì thế, bài học làm người đầu tiên của anh em Mã Liềng dành cho con cháu họ là tôn trọng với tự nhiên, với núi rừng. Chính vì thế mà vào bản Kè, gần như nhà nào cũng trồng nhiều khóm hoa. Cao Ké nói việc trồng hoa là để thể hiện tinh thần người Mã Liềng với tự nhiên, nó cũng để con cháu sinh ra bên hoa thấy lá trong bản làng là thấy được tự nhiên. Chúng lớn lên thì dạy cách trồng, cách ngắt, cách tỉa để làm thuốc, để dựa vào tự nhiên nhằm sinh tồn bền dai.
Nhưng, cuộc sống hiện đại cuốn về phía trước, áp lực lên các cánh rừng nguyên sinh ở bất cứ đâu cũng nặng nề bởi nạn tàn phá của lâm tặc. Và các cánh rừng là kho thuốc tự nhiên rộng lớn của người Mã Liềng cũng dần thu hẹp. Nhiều loại quý hiếm phải đu bám trên những vách đá cheo leo mới có.
Nhiều cánh rừng bị lâm tặc xâm lấn khiến anh em Mã Liềng đau lòng lo lắng rồi hậu thế của họ có còn biết những phương thuốc bí truyền nữa không. Cao Ké thường trăn trở như thế nhiều năm liền. Nhiều lần có cán bộ huyện lên công tác, ông luôn nhắn gửi tâm nguyện bảo tồn rừng để giữ lại kho thuốc cho anh em quanh vùng ở miền Tây hẻo lánh.
Và rồi cơ duyên đã đến, ở huyện Tuyên Hóa có Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) đã kề vai với đồng bào thiểu số Mã Liềng. Họ tham mưu để UBND tỉnh Quảng Bình đưa 700ha rừng từ Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa trao vào tay người Mã Liềng. Già Ké vỗ tay cười cười: “Không ngờ dân mình, bản mình được giao cho 700ha rừng, toàn rừng tốt, toàn thuốc Nam tốt, toàn cây cũ, quả…quý hiếm cả. Nấm quý, sâm bản địa, rồi các loài cây chữa bệnh gan, dạ dày…có cả, cả bản ăn mừng vì thần rừng phù hộ độ trì. Đây là kho thuốc lớn lắm rồi, kho thuốc cả đời mong muốn cán bộ à”.
Người Mã Liềng ngày nay ở bản Kè đi lại còn khó khăn khi phải vượt sông Chàng Nàng. Nhưng với họ, được bảo quản một rừng thuốc tự nhiên với 700ha rừng thì cái tâm của họ ưng bụng, cái bụng của họ an tâm. Bởi kho tàng tự nhiên của họ không bị mất, cách thức bảo vệ của họ được phát triển. Họ thường đi tuần rừng một cách tự nhiên lúc đi tìm thuốc để đẩy đuổi lâm tặc.
Chính vì thế, người ta tin chắc, với sự giúp đỡ kế sinh nhai thì kho thuốc khổng lồ, xanh ngắt này sẽ vững tin cho cộng đồng người Mã Liềng bền dai định cư để làm lương y thuốc Nam cho chính họ và những bản làng anh em khác. (Sài Gòn Giải Phóng 27/10, tr8) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quyết định này thay thế Quyết định số 04/2010/QĐ-TTg ngày 25/1/2010.
Theo Quyết định mới, Tổng cục Lâm nghiệp là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về lâm nghiệp và bảo tồn hệ sinh thái rừng trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về lâm nghiệp và bảo tồn hệ sinh thái rừng theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của Tổng cục là trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các dự án luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục. Tổng cục cũng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý rừng, bảo vệ rừng; bảo tồn thiên nhiên rừng; khôi phục, phát triển rừng; sử dụng rừng...
Về cơ chế tổ chức, so với Quyết định số 04/2010/QĐ-TTg, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp thay đổi chỉ còn 15 đơn vị thay vì 16 đơn vị như quy định cũ.
Cụ thể, Tổng cục Lâm nghiệp có 9 tổ chức giúp việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Vụ Kế hoạch, Tài chính; Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế, Thanh tra; Vụ Bảo tồn thiên nhiên; Vụ Phát triển rừng; Vụ Quản lý sản xuất Lâm nghiệp; Văn phòng Tổng cục; Cục Kiểm lâm (có các Chi cục Kiểm lâm: Vùng I, II, III, IV); Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (có đại diện CITES phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh).
Bên cạnh đó, Tổng cục có 6 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc gồm: Vườn quốc gia Tam Đảo; Vườn quốc gia Ba Vì; Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Bạch Mã; Vườn quốc gia Cát Tiên; Vườn quốc gia YokDon. (Theo quy định cũ tại Quyết định 04/2010/QĐ-TTg thì Tổng cục Lâm nghiệp có 7 đơn vị sự nghiệp gồm 6 Vườn quốc gia kể trên và Viện Điều tra, Quy hoạch rừng).
Tổng cục Lâm nghiệp có Tổng cục trưởng và không quá 3 Phó Tổng cục trưởng. (Chính Phủ 24/10) đầu trang(
Từ những năm 1990, rừng đã và đang được giao cho cộng đồng quản lý và sử dụng lâu dài ở Việt Nam. Đã có một số mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng được thực hiện ở các khu vực khác nhau và đạt được những kết quả nhất định.
Ngày 24.10, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Rosa Luxemburg vùng Đông Nam Á, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường (C & E) đã tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân tộc thiểu số trong quản lý rừng tự nhiên”.
Từ năm 2011 đến nay, với sự tài trợ của Viện Rosa Luxemburg vùng Đông Nam Châu Á, C & E và các đối tác địa phương ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã thực hiện dự án thí điểm “Quản lý bền vừng rừng tự nhiên thông qua nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực để sử dụng quyền và địa vị pháp lý của cộng đồng dân tộc thiểu số đối với rừng tự nhiên ở miền Trung Việt Nam”.
Qua thí điểm cho thấy một mô hình quản lý bền vững rừng hiệu quả có thể hỗ trợ cộng đồng địa phương trong việc thực hiện đầy đủ các quyền và duy trì cuộc sống và văn hóa của họ. Đây có thể là cơ sở để nhân rộng đến các khu vực lớn rừng tự nhiên nơi có tỉ lệ hộ nghèo cao trong các dân tộc thiểu số ở khu vực.
Nhiều ý kiến tham dự đều cho rằng: Kết quả thu được từ dự án cho thấy nhận thức của người dân đã được nâng lên rất nhiều trong hoạt động khai thác và bảo vệ rừng, thu nhập của người dân từng bước được cải thiện… nhiều ý kiến của bà con dân tộc thiểu số mong muốn dự án tiếp tục duy trì và mở rộng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều hơn nữa nguồn lợi từ rừng.
Trước những ý kiến đóng góp, chia sẻ của đại diện một số tỉnh, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam sẽ ghi nhận và tổng hợp ý kiến gửi đến các cơ quan liên quan sớm giải quyết trong thời gian tới. (Lao Động 25/10; Biên Phòng 25/10) đầu trang(
Là nội dung được đưa ra tại Phiên họp nhóm chuyên gia kỹ thuật lần thứ 9 và Phiên đàm phán cấp cao lần thứ 4 giữa Việt Nam và EU diễn ra tuần qua tại Hà Nội.
Hiệp định Đối tác Tự nguyện Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại  lâm sản (VPA /FLEGT) với Liên minh Châu Âu (EU) chưa được ký như kỳ vọng trước đó của các bên.
Tuy nhiên,“ trong 3 ngày thảo luận kỹ thuật và 2 ngày đàm phán cấp cao, hai bên đã thảo luận và đạt nhiều tiến triển về các vấn đề chủ chốt, trong đó có danh mục hàng hóa đưa vào Hiệp định, phạm vi của định nghĩa gỗ hợp pháp và cấu trúc của hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS)” - ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam vui mừng thông báo.
Đàm phán phiên thứ nhất vào tháng 10/2010, theo bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học  công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, thành viên Đoàn đàm phán, hai bên đã cố gắng đưa ra các mốc của tiến trình đàm phán nhưng thực tế 4 năm qua, lộ trình này luôn bị phá vỡ, khi thì phía EU, khi thì phía Việt Nam muốn tham vấn thêm.
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực về xuất khẩu đồ nội thất, chiếm khoảng gần 4% thị phần trên thế giới. Trong 4 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, EU được đánh giá là một thị trường lớn, chiếm tới 30% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, các thị trường còn lại bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
“EU hiện đã đặt ra những yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp và bền vững đối với mọi sản phẩm gỗ nhập vào EU tại FLEGT. Thực hiện FLEGT, các quốc gia như Việt Nam sẽ phải ký VPA/FLEGT với EU. Các doanh nghiệp sẽ chỉ có thể xuất khẩu gỗ sang EU nếu đảm bảo rằng gỗ nguyên liệu (tại chỗ hoặc nhập khẩu từ nước khác) đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và bền vững theo quy định và quy trình tại FLEGT- VPA…” - bà Vân cho biết. Bà Vân cũng lưu ý, đáp ứng yêu cầu FLEGT-PVA là yêu cầu sống còn đối với ngành đồ gỗ Việt Nam ở thị trường EU.
Theo thông tin từ Đoàn đàm phán, hiện có 6 nước đã ký VPA với EU bao gồm Indonesia, Ghana, Cameroon, Liberia, CH Công Gô và CH Trung Phi; 9 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, Lào, Thái Lan và Malaysia đang tiến hành đàm phán với EU và 11 quốc gia khác ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đối với VPA. Bà Astrid Schomaker, Trưởng đoàn đàm phán của EU thừa nhận, trong số 6 nước đã ký PVA với EU, vẫn chưa nước nào có giấy phép FLEGT.
“Các nước này đang tiến hành xây dựng các hệ thống cần thiết để kiểm tra, xác minh và cấp phép gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp. Chúng tôi hy vọng trong năm 2015 sẽ có giấy phép đầu tiên từ Indonesia…” - bà Astrid Schomaker cho biết. Bà Astrid Schomaker cũng lưu ý, mặc dù mỗi quốc gia có đàm phán riêng song Việt Nam có thể học kinh nghiệm từ các PVA đã kết thúc, đó là đừng để quá nhiều nội dung cho cấp thực thi.
Theo lộ trình, hai bên mong muốn kết thúc đàm phán Hiệp định vào năm 2015, song cũng không thể trước tháng 6/2015. Phó Tổng cục trưởng Cao Chí Công cho biết, tới đây, các bên phải tiếp tục làm rõ một số vấn đề, trong đó có 2 nội dung chính được xem là xương sống của PVA/FLEGT là định nghĩa gỗ hợp pháp và hệ thống VNTLAS.
“Tất cả đều dựa trên cơ sở pháp luật của Việt Nam, nhưng phải viết sao cho người dân ở trình độ bình thường cũng hiểu được, từ ngữ phải dùng sao cho phù hợp với văn của Việt Nam và EU. Đó là việc vô cùng khó và cần phải có thời gian gọt dũa…” - ông Công cho biết. (Pháp Luật VN 27/10; Nông Nghiệp Việt Nam 26/10) đầu trang(
Đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Viện sinh thái Rừng và Môi trường vừa có buổi làm việc với Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên để thống nhất kết quả diện tích rừng thuộc lưu vực liên tỉnh làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng.
Đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Phú Yên đề nghị trên căn cứ pháp lý của các văn bản hướng dẫn cần xem xét việc chặn dòng sông Ba dẫn dòng về sông Côn không trả nước về lại sông Ba làm xáo trộn đời sống sinh hoạt người dân vùng hạ du; đề nghị điều chỉnh diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng của Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak không nằm trong lưu vực chi trả tiền của Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ.
Về phía Gia Lai, Ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, xác định: Nhà máy thủy điện An Khê tiến hành ngăn đập trên dòng sông Ba sau đó dẫn dòng về phát điện tại nhà máy đặt tại tỉnh Bình Định nhưng hàng ngày vẫn điều tiết nước đổ về hạ du sông Ba. Lưu lượng nước hồ An Khê xả xuống sông Ba vào các tháng cao điểm trong mùa khô bình quân là 4 m3/s và bình quân tháng cao nhất là 208 m3/s, bình quân trong năm khoảng 27,35 m3/s.
Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đề nghị đối với lưu vực nhà máy thủy điện sông Ba Hạ thống nhất chỉ điều chỉnh phần lưu vực hồ C (huyện Kbang) của nhà máy Vĩnh Sơn-Sông Hinh về lưu vực sông Côn; đối với lưu vực của nhà máy thủy điện An Khê vẫn giữ nguyên diện tích lưu vực theo Quyết định 3003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố diện tích rừng thuộc lưu vực trong phạm vi 2 tỉnh trở lên.
Căn cứ kiến nghị của các địa phương, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Việt Nam thống nhất với đề nghị của tỉnh Gia Lai là giữ nguyên phần diện tích lưu vực AnKhê-Ka Nak đã loại bỏ phần lưu vực hồ C trong lưu vực sông Ba Hạ; việc xác định lại hệ thống các lưu vực liên tỉnh có hiện tượng dẫn dòng thì chờ khi có hướng dẫn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời trên cơ sở ý kiến của 2 tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam sẽ xem xét đề xuất một cách hài hòa, đảm bảo quyền lợi chung giữa 2 tỉnh. (Báo Gia Lai 24/10) đầu trang(
Sau hơn 10 năm, 850 hộ dân xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) với gần 4.000 nhân khẩu nhượng đất cho dự án hồ Tả Trạch để đến vùng đất khác tái định cư (TĐC), cuộc sống của họ phải lay lắt từng ngày do tỉnh này nợ cả nghìn ha đất lâm nghiệp của dân.
Từ năm 2003, khi lấy đất thực hiện dự án hồ Tả Trạch, 850 hộ dân xã Dương Hòa phải TĐC trên vùng đất mới.
Theo quy định giai đoạn đó, những hộ dân di dời đến nơi ở mới được tỉnh TT-Huế cấp tối thiểu 1 ha đất trồng hoa màu, riêng đất rừng thì thực hiện chủ trương “đất đổi đất”, người dân không được đền bù diện tích đất rừng. Thế nhưng, sau hơn 10 năm về TĐC, người dân dài cổ chờ đợi vẫn chưa được cấp đất theo chủ trương của tỉnh này.
Theo thống kê của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh TT-Huế, đến thời điểm hiện tại, tỉnh vẫn nợ hàng trăm người dân đã nhượng đất cho công trình hồ Tả Trạch tổng cộng 1.012ha đất sản xuất vì chủ trương “đất đổi đất” không được thực hiện.
Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án hồ Tả Trạch, được bố trí TĐC tới các vùng như Hòa Bình, Bình Dương và Hòa Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà); Bến Ván, Phúc Lộc (huyện Phú Lộc), Khe Sòng (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy). Ghi nhận ở những vùng TĐC này mới thấy hết những khó khăn của người dân.
Tại xã Bình Thành, có 220 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án hồ Tả Trạch được bố trí TĐC tại ba thôn Hòa Bình, Bình Dương và Hòa Thành, sau mười năm lên ở vùng đất mới, hàng trăm hộ dân này vẫn khổ cực với bài toán thiếu đất sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Bùi (60 tuổi, thôn Bình Dương), bức xúc: “Gia đình tui đã vì chủ trương chung mà di dời đến nơi ở mới. Đến đây cứ nghĩ là cuộc sống được ổn định chứ ai ngờ còn khổ hơn nơi cũ nhiều bởi thiếu đất sản xuất”.
Theo bà Bùi, khi di dời, gia đình bà đã bàn giao 3,6 ha đất lâm nghiệp cho dự án hồ Tả Trạch, đó là nguồn sinh kế chính của gia đình.
Ở vùng đất Dương Hòa cũ bà con chủ yếu sống dựa vào sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, đến nơi ở mới do không có đất nên nhiều gia đình con cái li tán, bà con lay lắt đi làm thuê, cuốc mướn nhiều nơi để kiếm sống.
Theo những hộ dân, khi chính quyền về vận động di dời, họ được nhà nước bồi thường tiền cây cối, nhà cửa, tài sản gắn với đất vườn. Còn đối với đất lâm nghiệp, tỉnh hứa sẽ thực hiện chủ trương “đất đổi đất” nên người dân đồng ý di dời vì nghĩ đến nơi ở mới sẽ có đất sản xuất. Sau một thời gian chờ đợi, không thấy chủ trương “đất đổi đất” thực hiện, người dân đã “đội đơn” đi nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả.
Cùng chung cảnh ngộ với những hộ gia đình ở khu TĐC của xã Bình Thành là hàng trăm hộ dân khác ở các khu TĐC ảnh hưởng bởi dự án hồ Tả Trạch như Bến Ván, Phúc Lộc (huyện Phú Lộc), Khe Sòng (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy).
Bà Hồ Thị Lư (thôn Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc), cho biết: “Từ khi lên đây TĐC gia đình chúng tôi được cấp chỉ vỏn vẹn 4 sào đất. Ở vùng đất cũ, cả nhà có 5 ha rừng, cho thu nhập cả trăm triệu. Giờ ở đây thiếu đất, không biết làm gì có cái ăn”.
Một nghịch lý dễ thấy là trong khi người dân thiếu đất sản xuất thì đa phần diện tích đất lâm nghiệp ở các địa phương lại giao cho các tổ chức sử dụng và quản lý.
Tại xã Bình Thành - địa phương có nhiều hộ TĐC từ dự án hồ Tả Trạch, theo thống kê của UBND xã này, Bình Thành có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 4.600 ha, trong khi đó diện tích cấp cho các hộ sử dụng chỉ có hơn 600 ha. Gần 4.000 ha đất còn lại chủ yếu được giao cho công ty, đơn vị như Cty Giống cây trồng vật nuôi TT-Huế, Ban quản lý rừng đầu nguồn sông Hương...
Ông Hồ Văn Sanh - Chủ tịch UBND xã Bình Thành, cho biết: “Vấn đề thiếu đất sản xuất đối với các hộ dân TĐC đã diễn ra trong nhiều năm qua. Nhiều lần, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh, địa phương đã kiến nghị lên cấp trên để xin soát xét, điều tiết quỹ đất cấp cho dân sản xuất nhưng vẫn chưa được đáp ứng".
Việc hàng trăm hộ dân di dời TĐC ảnh hưởng từ lòng hồ Tả Trạch với chủ trương “đất đổi đất” không thực hiện đã biến nhiều hộ dân từ những người là chủ đất rừng, chủ cả cơ ngơi trang trại giờ trở thành những người làm thuê kiếm sống qua ngày. Nhiều hộ gia đình con cái li tán.
Theo thống kê, có gần 90% hộ TĐC ở đây phải đi làm thuê, sống nhờ vào khai thác lâm sản phụ vì thiếu đất trồng trọt. Anh Nguyễn Chiến (45 tuổi, thôn Hòa Bình), cho biết: “Từ khi lên TĐC đến nay, gia đình tui lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau, tui phải làm bóc tách vỏ cây tràm còn vợ thì đi sang các xã khác trồng rừng thuê”.
Trước đây, anh Chiến ở vùng đất cũ Dương Hòa có hơn 2 ha đất lâm nghiệp trồng keo lá tràm và một ít diện tích đất trồng hoa màu. Những diện tích đất đó là nguồn sinh kế chính cho cả gia đình. “Dù chừng đó đất, mỗi năm tui thu ít cũng được vài chục triệu, mình làm chủ, tự làm tự ăn cũng đủ song”, anh Chiến buồn bã kể. (Nông Nghiệp Việt Nam 25/10) đầu trang(
24-10, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi chủ trì họp Ban tổ chức hội thảo phát triển rừng bền vững.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Tổ chức chứng nhận quốc tế (Burecau veritas certification) rất mong được hợp tác với tỉnh Bình Phước.
Đại diện Tổ chức chứng nhận quốc tế khẳng định, Bình Phước là đơn vị đầu tiên triển khai hội thảo phát triển rừng bền vững với sự tài trợ của Ngân hàng phát triển Đức (Cộng hòa liên bang Đức).
Nếu được chấp thuận, dự án Chứng nhận phát triển rừng bền vững sẽ thực hiện trong 3 năm.
Phó chủ tịch UBND thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi cảm ơn đơn vị tài trợ và hy vọng dự án sẽ được triển khai tốt ở Bình Phước. Đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp Công ty cổ phần Hải Vương (đơn vị thí điểm) để triển khai chương trình trong tháng 11-2014. (Báo Bình Phước 24/10) đầu trang(
Chiều 24/10, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được những tiến triển mới trong đàm phán Hiệp định đối tác Tự nguyện về thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) của EU (diễn ra tại Hà Nội từ 20-24/10).
Theo lộ định, đàm phán Hiệp định trên sẽ kết thúc vào năm 2015. Khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ áp dụng hệ thống cấp phép chứng nhận gỗ hợp pháp và các sản phẩm gỗ của nước ta xuất vào EU.
Gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi được cấp phép FLEGT được coi là hợp pháp và không phải tuân thủ các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU. (Tiền Phong 25/10, tr5) đầu trang(
24-10, Hội đồng khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh đã quyết định bổ sung đề tài “Nghiên cứu thiết lập cơ sở dữ liệu và tự động hóa trong chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Bình Phước” vào danh mục các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng KH&CN thực hiện trong năm 2015.
Hội đồng quản lý Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là đơn vị thực hiện đề tài này. Đại diện đơn vị thực hiện cho biết: Chi trả dịch vụ môi trường rừng là nội dung mới trong lĩnh vực lâm nghiệp, nên việc áp dụng chính sách này ở các chủ rừng vẫn còn lúng túng nhất định.
Các chủ rừng chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu chi trả môi trường rừng, đặc biệt là bản đồ chi trả dịch vụ môi trường không đảm bảo độ tin cậy; chưa thiết lập được hồ sơ quản lý rừng đến từng cá nhân, tổ chức.
Vì vậy, đề tài khi đi vào nghiên cứu sẽ lập cơ sở dữ liệu gồm: bản đồ, hồ sơ quản lý, chi trả dịch vụ môi trường, hệ thống văn bản, bản biểu; tự động hóa trong chi trả dịch vụ môi trường rừng… Qua đó đáp ứng yêu cầu thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, hội đồng đã bỏ phiếu và chọn ra được 7 đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng KH&CN thực hiện trong năm 2015.
Đó là: Nghiên cứu xây dựng các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rừng cho các hộ dân ở vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; Quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước - thực trạng và giải pháp; Hoàn thiện hệ thống chữ viết và bộ từ điển Việt -  Xê tiêng, Xê tiêng - Việt; Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học theo định hướng tác dụng gây độc tế bào và kháng viêm của cây an xoa (tổ kén cái) - Helicteres hirsuta Lour; Nghiên cứu biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh hại chính trên cây quýt đường và xây dựng mô hình sản xuất theo chuẩn VietGap tại huyện Chơn Thành; Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu áp dụng sản xuất sạch hơn trong chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Bảo tồn các loại thủy sản bản địa có nguy cơ tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. (Báo Bình Phước 25/10) đầu trang(
Ban Quản lý dự án Khôi phục và phát triển rừng bền vững (KFW6) Trung ương và Văn phòng tư vấn dự án KFW6 đã tiến hành lễ bàn giao nhà xưởng và máy móc, trang thiết bị của cơ sở chế biến gỗ cho HTX Lâm nghiệp Phú Mỹ (xã Tây Phú, Tây Sơn) quản lý và hoạt động.
Cơ sở sản xuất chế biến gỗ được xây dựng trên diện tích 2.000 m2, tại thôn Phú Mỹ gồm 1 nhà sản xuất, nhà sấy và các trang thiết bị như máy cưa vòng, cưa ván, máy đục, máy bào và hệ thống máy sấy.
Tổng kinh phí đầu tư trên 1,3 tỉ đồng, trong đó 280 triệu đồng xây dựng nhà xưởng và 750 triệu đồng mua sắm trang thiết bị. Toàn bộ kinh phí do dự án KFW6 trung ương hỗ trợ. HTX Lâm nghiệp Phú Mỹ là đơn vị duy nhất được dự án hỗ trợ để nông dân có điều kiện phát triển kinh tế lâm nghiệp. (Báo Bình Định 23/10) đầu trang(
Nếu như năm 2010, ước tính giá trị sản xuất lâm nghiệp chỉ ở mức 800 tỷ đồng, thì đến nay con số ấy đã xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Thực tế con số này còn kém xa so với tiềm năng phát triển lâm nghiệp của Lạng Sơn.
Thế nhưng giá trị sản xuất gia tăng nhanh chóng đã chứng minh hiệu quả của hàng loạt các giải pháp đồng bộ, từ xã hội hóa đến tăng cường ứng dụng khoa học, gắn với chế biến và thị trường.
Nói đến rừng, anh Hoàng Văn Đào (thôn Hố Vạng, xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng) kể: gia đình tôi trồng keo lai và bạch đàn cao sản, toàn giống mới cả, cứ dăm năm đến kỳ khai thác, người ta đến mua gom cả rừng, chẳng tốn công khai thác. Giá trị thì tùy chất lượng và sản lượng rừng, nhưng trung bình mỗi héc ta được trả giá hơn trăm triệu đồng. Như vạt rừng bạch đàn của gia đình tôi bây giờ, gần 2 ha được định giá khoảng 220 triệu đồng.
Mấy năm nay, chẳng riêng gì nhà anh Đào, các chủ rừng trên địa bàn huyện Hữu Lũng đều có kinh tế khá giả. Cứ theo ước tính sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, thì hiện nay chỉ tính riêng khai thác gỗ nguyên liệu, chủ rừng trong toàn huyện thu hơn 80 tỷ đồng. Mà làm kinh tế rừng thì chỉ mất công, nhọc sức khi trồng, còn chăm sóc càng về sau càng nhàn. Đến kỳ khai thác, các cơ sở chế biến đến tận nơi mua, cạnh tranh từng giá, bởi gỗ nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu, không mua nhanh là hết.
Đó là chỉ tính riêng đến vùng gỗ nguyên liệu tại Hữu Lũng, còn tính rộng trên địa bàn toàn tỉnh với các vùng rừng kinh tế như vùng thông, vùng hồi... thì giá trị cao hơn nhiều. Thống kê của Chi cục Phát triển Lâm nghiệp cho thấy, chỉ tính hoạt động khai thác lâm sản và lâm sản ngoài gỗ (không kể đến chế biến và các hoạt động khác) trung bình mỗi năm toàn tỉnh đạt 790 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2014, con số này là trên 2,3 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2000-2010, khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp, các hộ gia đình có thu nhập từ rừng trung bình khoảng 20-30 triệu đồng/năm, thì giờ đây trung bình là 40-50 triệu đồng/năm, cá biệt có những gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng/năm từ rừng.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 36 trang trại lâm nghiệp, tổng doanh thu hàng năm đạt hơn 4,6 tỷ đồng. Ngoài việc củng cố, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, thì rừng sản xuất được đẩy mạnh theo hướng tạo vùng nguyên liệu tập trung với trình độ thâm canh cao.
Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: Trong những năm qua, một số loại giống mới sinh trưởng nhanh được đưa vào sản xuất như keo lai, bạch đàn lai với phương pháp nhân giống tiên tiến bằng mô, hom... Nếu như trước đây nhiều người còn e ngại về chất lượng cây thông giống, thì từ năm 2013 trở lại đây, cơ quan chuyên môn đã xây dựng được rừng thông giống chuyển hóa tại Đình Lập, đảm bảo chất lượng của cây giống.
Công tác nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất lâm nghiệp tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Trong 3 năm trở lại đây các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hơn 4 nghìn cuộc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các chủ rừng. Đồng thời thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Không chỉ xây dựng các mô hình trồng rừng, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các mô hình thí điểm cây lâm sản ngoài gỗ như ba kích, mây nếp, ngân hạnh...
Một trong những điểm nhấn tạo nên bước chuyển vượt bậc của kinh tế lâm nghiệp trong giai đoạn qua là phong trào xã hội hóa nghề rừng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Trong tổng số hơn 272 tỷ đồng huy động đầu tư cho trồng rừng từ năm 2011 đến nay, thì vốn huy động từ nhân dân, doanh nghiệp lên đến trên 159,2 tỷ đồng, chiếm 58,4%; thực hiện trồng mới 17.000 ha rừng.
Mặc dù đã có những bước chuyển vượt bậc, nhưng theo đánh giá của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Minh Thanh, thì giá trị sản xuất ấy vẫn còn thấp so với tiềm năng. Bởi nhiều lý do như hạ tầng giao thông cho khai thác, vận chuyển còn khó khăn; việc nhập nội các loại giống giá trị cao còn hạn chế và thực chất trong giai đoạn hiện nay, phát triển lâm nghiệp vẫn còn nặng về thực hiện chỉ tiêu diện tích trồng mới.
Hay nói cách khác phát triển vẫn còn theo chiều ngang, ít có chiều sâu. Đây cũng là nhận định chung của nhiều đại biểu, đại diện cho các ngành khi đánh giá lại phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn 2011-2014.
Ông Hoàng Quang Chinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục yếu kém, tồn tại đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn nữa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành hiện nay.
Trong đó để thực hiện tốt yêu cầu đề ra, kim chỉ nam chính là các mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2011-2020 đã đề ra, gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. (Báo Lạng Sơn 24/10) đầu trang(
Những năm gần đây, việc sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, nhiều giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, việc sản xuất và cung ứng giống cây trồng trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong thời gian qua, nhờ chú trọng về chất lượng giống trồng rừng, công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Diện tích rừng trồng có xu hướng tăng mạnh, chất lượng và năng suất rừng trồng ngày càng được nâng cao, nhất là trồng rừng kinh tế. Tính đến cuối năm 2012 diện tích rừng trồng toàn tỉnh là 94.482 ha, hàng năm trồng bình quân từ 4.500 đến 5.000 ha rừng.
Việc trồng rừng đã tạo được các vùng nguyên liệu tập trung có diện tích lớn, tận dụng được quỹ đất trong nhân dân, hình thành nhiều diện tích rừng trồng có chất lượng khá cao, đáp ứng hiệu quả rừng phòng hộ và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, nguồn giống trên địa bàn tỉnh hiện có chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu trồng rừng, chưa được quy hoạch và chưa có tầm nhìn trong giai đoạn tới nên chưa chủ động giống cho sản xuất.
Được biết, nguồn giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có được xây dựng chủ yếu bằng nguồn vốn tự có của các cơ sở sản xuất giống và nguồn vốn Dự án nâng cao chất lượng giống các loài cây bản địa, phục vụ làm giàu rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng giai đoạn 2006-2010 của Trung ương.
Nhìn chung, nguồn giống vẫn còn đơn điệu, ít loài, chưa đáp ứng nhu cầu trồng rừng trong tỉnh. Do vậy, việc bổ sung, chọn lọc và cải thiện nguồn giống phục vụ cho trồng rừng của tỉnh là vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới. Rừng giống của tỉnh có khả năng cung cấp khoảng 670 kg hạt/năm. Tuy nhiên, thực tế việc thu hái hạt giống không đạt năng suất như dự kiến.
Cụ thể: rừng thông caribê có khả năng sản xuất 50kg/năm, nhưng việc thu hái, cung ứng trong và ngoài tỉnh chỉ đạt được 7kg/năm; vườn giống vô tính thông nhựa có khả năng sản xuất 150kg/năm, nhưng thu hái, cung ứng bình quân 30kg/năm (chủ yếu cung ứng ngoài tỉnh); rừng giống huỵnh có khả năng sản xuất 400kg/năm, nhưng thu hái, cung ứng trong và ngoài tỉnh chỉ đạt 200kg/năm; rừng giống re gừng có khả năng sản xuất 70kg/năm, nhưng thu hái, cung ứng chỉ đạt 25kg/năm...
Riêng đối với các loài cây như: keo lá tràm, keo tai tượng, keo lưỡi liềm...có nhu cầu lớn cho trồng rừng hiện nay, nhưng tỉnh chưa xây dựng được nguồn giống, nên các cơ sở sản xuất phải đặt mua ở các tỉnh khác.
Ông Phạm Xuân Thanh, Phó phòng Kỹ thuật, Chi cục Lâm nghiệp Quảng Bình cho biết: “Hiện nay nguồn giống trên địa bàn tỉnh còn đơn điệu, ít loài và chưa được đầu tư chọn lọc, cải thiện, nâng cao chất lượng để phù hợp với từng mục tiêu của các loại rừng. Hệ thống nguồn giống chưa được quy hoạch cụ thể, trong đó còn thiếu nguồn giống đối với một số loài cây trồng rừng chủ yếu như: keo lá tràm, keo tai tượng, phi lao, keo lưỡi liềm...
Mặt khác, khả năng cung ứng, lưu thông vật liệu giống trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu giống tốt có nguồn gốc rõ ràng. Do đó, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn”.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đủ điều kiện theo quy định. Trong đó, tại huyện Lệ Thủy có 1 cơ sở, huyện Quảng Ninh 2 cơ sở, thành phố Đồng Hới 3 cơ sở, huyện Bố Trạch 3 cơ sở và huyện Quảng Trạch 2 cơ sở.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 7 ha diện tích vườn ươm. Trong đó, vườn ươm của các Ban quản lý rừng phòng hộ và các công ty lâm công nghiệp, chủ yếu sản xuất để tự cung cấp cho kế hoạch trồng rừng của đơn vị, khi dư mới bán ra thị trường; vườn ươm của các công ty, doanh nghiệp tư nhân khác chủ yếu sản xuất, cung ứng giống cho nhu cầu trồng rừng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, hệ thống vườn ươm có quy mô nhỏ, lẻ tại các hộ gia đình cũng có khả năng cung ứng cây giống đạt 5-7 triệu cây/năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu trồng rừng bằng nguồn vốn tự có của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Diêm, Giám đốc Công ty CP giống lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ thì, nhiều vườn ươm của hộ gia đình không đăng ký kinh doanh theo quy định, một số nơi mua bán nguồn giống trôi nổi nên giá bán rất rẻ. Tâm lý người trồng rừng thấy rẻ nên cứ mua, không biết rằng khi sử dụng giống trôi nổi này, năng suất, chất lượng rừng sẽ thấp hơn so với nguồn giống có nguồn gốc rõ ràng.
Tuy trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất và cung ứng cây giống lâm nghiệp, nhưng một số lượng không nhỏ cây giống vẫn được cung ứng từ các tỉnh ngoài vào. Việc cung ứng giống từ bên ngoài tỉnh một phần là do loại cây giống theo nhu cầu trồng rừng chưa được gieo ươm trên địa bàn tỉnh, hoặc có gieo ươm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, do giá bán cây giống ở ngoài tỉnh rẻ hơn, nên được một số đơn vị trồng rừng nhập về. Vì vậy, việc cung ứng giống của các cơ sở sản xuất trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Phạm Xuân Thanh, Phó phòng Kỹ thuật, Chi cục Lâm nghiệp Quảng Bình, công tác quản lý sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn chỉ mới được thực hiện tốt tại các đơn vị có đăng ký sản xuất kinh doanh giống theo quy định.
Tuy nhiên, vật liệu giống đưa vào gieo ươm của các đơn vị chủ yếu mua từ ngoài tỉnh, nên việc kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng giống còn gặp nhiều khó khăn. Riêng việc quản lý sản xuất, cung ứng giống tại các cơ sở, hộ gia đình không đăng ký kinh doanh vẫn chưa thực hiện được, do thiếu cơ sở ràng buộc trong quản lý.
Mặt khác, khả năng cung ứng vật liệu giống bảo đảm nguồn gốc trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động để người dân sử dụng giống tốt cho sản xuất chưa được chú trọng. Chính vì vậy, công tác sản xuất, cung ứng giống lâm nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. (Báo Quảng Bình 24/10) đầu trang(
Trong nhiều năm qua, xuất hiện không ít cá nhân, tổ chức tự xưng danh là người của cơ quan nhà nước, đã lợi dụng các chính sách của nhà nước về giao đất, giao rừng thông qua các dự án để thu gom sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của người dân.
Hậu quả là từ năm 2008 đến nay, đã có hàng chục ngàn sổ đỏ đất rừng bị các đối tượng thu gom, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại rất nhiều địa phương trên cả nước.
Mới đây, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an đã bắt giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Minh, SN 1978, trú tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo, thu gom sổ đỏ đất rừng ở 32 địa phương, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Hải Dương, Hà Tĩnh, Đông Nai, Bình Dương, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Phước, trú tại phường Yên Đỗ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thịnh và Nguyễn Thị Anh, trú tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng tâm lí hám lợi của một số cá nhân, doanh nghiệp, các đối tượng này đã tự giới thiệu có thể xin được nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, với mức tiền hỗ trợ từ 25-30 triệu đồng/ha, thời hạn giải ngân trong 3-6 tháng,  các đối tượng đã dễ dàng lừa đảo và thu gom hàng ngàn cuốn sổ đỏ tại hầu khắp các tỉnh thành. Cơ quan điều tra nhận định, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này hết sức tinh vi và chuyên nghiệp.
Theo Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an: “Để tạo niềm tin có dự án này, các đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn hết sức tinh vi. Tạo ra các quyết định giả, giả các băng ghi âm lời nói của các quan chức chính phủ, sau đó tổ chức các cuộc họp, để đánh bóng, tuyên truyền là có dự án đó. Rồi bắt đầu thu gom sổ đỏ của người dân. Tại các cuộc họp, các đối tượng còn thuê người làm giả các cán bộ Trung ương, thậm chí cuộc họp vận động tại TP HCM còn thu hút được 400 người”.
Qua quá trình xác minh và làm việc với các đơn vị có liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chứng minh: Từ năm 2008-2013, không có bất cứ một dự án hỗ trợ phi chính phủ nào liên quan đến việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Tất cả đều là dự án giả mạo do các đối tượng vẽ ra. Với thủ đoạn của mình, đối tượng Nguyễn Thị Minh đã chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng của các bị hại.
Mặc dù cơ quan công an một số địa phương đã vào cuộc, nhưng để làm rõ hành vi lừa đảo của đối tượng này là điều không hề dễ dàng, cho đến khi Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an xác lập chuyên án đấu tranh, thì chân tướng của Nguyễn Thị Minh mới được làm rõ. Vụ việc lần này, cũng bộc lộ những kẽ hở nhất định trong quản lý nhà nước với hoạt động giao đất trồng rừng của một số cơ quan chức năng.
“Quá trình điều tra, chúng tôi xác định có một kẽ hở lớn của các cơ quan chức năng có nhiệm vụ giao đất rừng, giám sát việc sử dụng đất rừng của người dân. Có thế thì mới tạo kẽ hở cho các đối tượng có thể lợi dụng. Nếu làm hết trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ, thì người dân đã không bị lừa đảo nhiều như thế, hàng chục ngàn cuốn sổ đỏ ở hàng chục địa phương khắp cả nước. Rõ ràng là lỏng lẻo trong việc giao đất, giao rừng cho bà con” -  Đại tá Hoàng Văn Vĩnh cho biết thêm.
Cơ quan điều tra, Bộ Công an khuyến cáo các doanh nghiệp trồng rừng, những người dân được giao đất lâm nghiệp, nên tìm hiểu rõ thông tin, tránh để các đối tượng lợi dụng, sử dụng phương thức, thủ đoạn tương tự để lừa đảo gây thiệt hại nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra cũng khẳng định: Vào thời điểm hiện tại không có bất cứ dự án hỗ trợ phi chính phủ không hoàn lại nào liên quan đến việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. (Truyền Hình Công An Nhân Dân 24/10) đầu trang(
Khoảng giữa tháng 11/2014, dây chuyền gỗ thanh của Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An xây dựng tại Nghĩa Đàn chính thức đi vào hoạt động, và theo kế hoạch, đầu năm 2015, dây chuyền MDF cũng sẽ vận hành.
Đây là điều kiện có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng vùng miền Tây. Sau gần 2 năm triển khai xây dựng, trên vùng quy hoạch KCN Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) đã hiện hữu một nhà máy chế biến gỗ tầm cỡ. Những ngày này, có mặt trên công trường xây dựng nhà máy mới thấy hết được sự sôi động, khẩn trương.
Diện tích quy hoạch gần 40 ha của nhà máy như là một đại công trường đang đồng loạt thi công nhiều hạng mục. Tại nhà xưởng Nhà máy gỗ thanh, để kịp tiến độ đi vào sản xuất vào đầu tháng 11, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung lắp đặt thiết bị, hiệu chỉnh máy móc; các hạng mục khác như: gói thầu cọc móng, gói thầu xây dựng và hoàn thiện, gói thầu hạ tầng, gói cơ điện, gói lắp đặt… cũng đang khẩn trương thi công với tiến độ cao, đạt gần 90% khối lượng.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An có tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 trên 2.000 tỷ đồng, gồm dây chuyền gỗ thanh công suất 10.000m3/năm và dây chuyền chế biến gỗ MDF công suất 130.000 m3/năm. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ đầu tư dây chuyền chế biến gỗ MDF 270.000 m3/năm và quy hoạch vùng nguyên liệu lên đến 60.000 ha.
Đặc điểm nổi bật của Nhà máy chế biến gỗ MDF của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm là sự kết hợp giữa 2 công nghệ chế biến gỗ thanh và gỗ ván sợi MDF. Gỗ nguyên liệu đưa vào chế biến phần giá trị nhất sẽ được sản xuất gỗ thanh, những phần còn lại được chuyển qua gỗ băm dăm để sản xuất ván sợi MDF chất lượng cao.
Dùng đồng thời cả 2 công nghệ này cho phép nhà máy sử dụng gần như toàn bộ mọi sản phẩm trên cây gỗ. Khác với công nghệ chế biến gỗ của một số nước đang sử dụng tại Việt Nam, người trồng rừng sau khi bán sản phẩm gỗ nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gỗ băm dăm, làm bột giấy đều phải bóc vỏ trước khi bán.
Còn tại Nhà máy MDF Nghệ An từ vỏ cây, đến bụi, chất thải sản sinh trong quá trình sản xuất sẽ được thu gom triệt để, xử lý đóng thành bánh để đưa vào lò đốt nhằm tái tạo năng lượng bổ sung cho quá trình sản xuất. Nhờ đó, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ được xử lý một cách tốt nhất.
Những ưu điểm trên đây xuất phát từ việc chủ đầu tư đã lựa chọn được các nhà cung cấp công nghệ và thiết bị tốt nhất trên thế giới như: thiết bị tạo hình, nén liên hồi và trạng thái ván của Công ty Dieffenbacher (CHLB Đức); thiết bị công nghệ sản xuất ván sợi gỗ của Công ty Metso (Thụy Điển); công nghệ băm dăm, làm sạch và kho chứa băm dăm của Công ty Hombak/CMC(CHLB Đức); công nghệ chà nhám sản phẩm của Công ty Steinemann(CHLB Đức); công nghệ cắt sản phẩm theo kích thước cuối cùng của Công ty Anthon (CHLB Đức)...
Ông Nguyễn Công Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm cho biết: Để đảm bảo tiến độ đầu tháng 11 vận hành dây chuyền chế biến gỗ thanh, đầu năm 2015 dây chuyền gỗ MDF, hiện nay chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung tối đa nhân lực, phương tiện thi công 3 ca. Công tác tuyển dụng lao động và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và vùng nguyên liệu cũng được công ty đồng thời triển khai. Vấn đề lo lắng nhất hiện nay là vấn đề “ngoài hàng rào” nhà máy.
Đó là đường vào nhà máy và hệ thống điện nguồn. Theo tính toán của chủ đầu tư, khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động, mỗi ngày sẽ có khoảng trên 600 xe chuyên dụng hoạt động chở nguyên liệu và sản phẩm ra vào nhà máy, nếu đường không đảm bảo yếu tố kỹ thuật sẽ gây khó khăn trong quá trình sản xuất cũng như ảnh hưởng đến môi trường dân sinh.
Đồng thời, ngành Điện lực đấu nối điện đến nhà máy theo đúng cam kết (ngày 30/10) cũng là vấn đề quyết định đối với việc vận hành nhà máy theo đúng tiến độ. Mới đây, trong chuyến làm việc tại huyện Nghĩa Đàn và thăm nhà máy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã chỉ đạo ngành Công Thương, ngành Giao thông phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư và huyện Nghĩa Đàn thực hiện đúng kế hoạch về thi công hạng mục đường vào nhà máy và hệ thống nguồn điện khi nhà máy đi vào vận hành hoạt động sản xuất.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An của UBND tỉnh, công ty dự kiến sẽ thuê 11.589 ha đất và thực hiện phương châm liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp, bà con nông dân trên diện tích 33.424 ha.
Công ty đã ký kết hợp đồng tư vấn với Công ty CP tư vấn phát triển nguyên liệu TH để thực hiện công tác tư vấn quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy và đã tiến hành khảo sát, thống nhất số diện tích tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng để thuê đất cho dự án là 5.068,76 ha. Đồng thời, căn cứ theo Quyết định số 3111/QĐ.
UBND-CNTM và 3112/QĐ. UBND-CNTM phê duyệt phương án giải thể Tổng đội TNXP 3 và Tổng đội TNXP 6  để chuyển giao cho Công ty CP tư vấn phát triển nguyên liệu TH và Công ty thực phẩm sữa TH.
Tổng đội TNXP 3 sẽ chuyển mô hình thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển nguyên liệu TH vùng Phủ Quỳ, Tổng đội TNXP 6 sẽ chuyển mô hình thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc Nghệ An, trong đó cổ đông chi phối là Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm có nhiệm vụ đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu vùng Phủ Quỳ để phục vụ nguyên liệu gỗ cho Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An.
Ông Nguyễn Công Vĩnh, Tổng Giám đốc công ty cho biết thêm: Phương châm của công ty khi nhà máy đi vào hoạt động là sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân trong vấn đề cung cấp nguyên liệu; đồng thời tận dụng những lợi thế công nghệ để tăng giá trị, hiệu quả từ kinh tế rừng cho các đối tác của công ty. (Báo Nghệ An 24/10) đầu trang(
Giao Đất giao Rừng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên rừng vào việc  kết hợp bảo vệ rừng với phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thực hiện giao đất giao rừng tại các địa phương đã nảy sinh những khó khăn, bất cập do sự chồng chéo, thậm chí trái ngược trong các văn bản hướng dẫn thi hành làm ảnh hưởng đến quá trình sử dụng và quản lý đất lâm nghiệp tại các cơ sở. Ghi nhận sau đây thực hiện tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà sẽ phản ánh rõ hơn về vấn đề này.
Ngọc Sơn là một xã miền núi với hơn 1000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 55% tổng diện tích đất tự nhiên. Tuy nhiên, tổng diện tích đất lâm nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã quản lý và sử dụng chỉ chiếm chưa đầy 7%.
Cơ hội để người dân làm chủ nguồn tài nguyên rừng và làm giàu từ rừng vẫn chưa thực sự được phát huy. Năm 2013 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 2013 – 2015.
Đây là bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, để người dân yên tâm quản lý, đầu tư phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác giao đất, giao rừng tại xã Ngọc Sơn cũng như một số địa phương khác ở huyện Thạch Hà đang gặp không ít những khó khăn, bất cập do sự chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trên thực tế, không phải người dân nào cũng có cơ hội được giao đất giao rừng. Nhiều người dù đã là đối tượng đủ điều kiện để được giao đất, giao rừng như Đề án nhưng vẫn không khỏi lo lắng vì họ đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn nhưng lại không có hộ khẩu thường trú tại địa phương mà theo luật đất đai hiện hành, họ sẽ không được giao đất giao rừng.
Cụ thể như trường hợp của gia đình anh Hồ Sỹ Sự ở thôn Kim Sơn xã Bắc Sơn hiện đang quản lý hơn 12 ha rừng nay đang trong thời kỳ vươn cành, tỏa tán tốt tươi hứa hẹn ngày thu hoạch. Niềm vui chưa thể trọn vẹn bởi vì toàn bộ diện tích rừng này của anh Sự đang có nguy cơ bị Nhà nước thu hồi để bàn giao cho một hộ gia đình khác, bởi hộ khẩu của anh Sự không thuộc địa bàn xã Ngọc Sơn.
Mặc dù Hợp đồng giao khoán đất rừng mà anh Sự đã ký với Ban Quản lý Rừng Phòng hộ huyện Thạch Hà (nay là Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ) cách đây 11 năm vẫn chưa hết thời hạn. Tuy nhiên, theo luật đất đai hiện hành thì gia đình anh không nằm trong diện được giao đất, giao rừng. Nếu gia đình anh muốn tiếp tục sản xuất trên diện tích rừng này buộc phải tiến hành thuê đất.
Theo đó, hàng năm gia đình anh sẽ phải gánh thêm 4 đến 6 triệu đồng phí thuê đất, một khoản tiền không nhỏ nhưng trong điều kiện tất cả vốn liếng tích góp, vay mượn, anh đã dốc hết vào khu rừng này từ việc làm các tuyến đường lên rẫy, thuê nhân công trồng và chăm sóc các loại cây lâm sản thì lại là cả một vấn đề.
Đến nay, hơn 12 ha keo của gia đình anh mới 3 năm tuổi nhưng vốn đầu tư đã lên đến gần 1 tỷ đồng và phải mất 7 năm nữa rừng keo của gia đình mới có thể cho thu hoạch. Anh Sự chia sẻ: “tôi rất ủng hộ và vui mừng, phấn khởi với chủ trương giao đất giao rừng để những người dân như chúng tôi có điều kiện yên tâm đầu tư sản xuất. Nhưng giờ nếu bị thu hồi đất và phải thuê đất khi mà hợp đồng giao khoán đất với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Thạch Hà còn chưa hết thời hạn thì gia đình không biết phải làm sao để xoay xủa với số tiền thuê đât này”.
Không riêng gì gia đình anh Sự, nhiều hộ dân không có hổ khẩu thường trú trên địa bàn xã Ngọc Sơn cũng đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hiện nay, toàn xã có 48 hộ dân được Ban Quản lý Rừng Phòng hộ huyện Thạch Hà hợp đồng giao khoán gần 400 ha rừng, trong đó chỉ có 80 ha được giao cho 15 hộ có hộ khẩu thường trú tại địa phương, số diện tích còn lại chủ yếu là các hộ ở xã Bắc Sơn, thành phố Hà Tĩnh, Thị trấn Thạch Hà và huyện Can Lộc.
Phần lớn, các hộ dân đều đã sử dụng, phát huy hiệu quả các diện tích đất để đầu tư trang trại trồng keo, cây ăn quả,… Theo Đề án Giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 2013 – 2015 của tỉnh thì họ có đủ điều kiện được giao đất, giao rừng.
Tuy nhiên, trái với Đề án giao đất, giao rừng của tỉnh thì văn bản hướng dẫn liên ngành của Sở NN&PTNT và Sở TN&MT lại quy định 33 hộ dân này do không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nên không nằm trong diện được giao đất, giao rừng. Do đó, 33 hộ dân này buộc phải lựa chọn một trong 2 phương án: hoặc là chuyển sang thuê đất hoặc giao trả lại đất cho địa phương. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của các hộ dân.
Ông Hồ Văn Phi – thôn Kim Sơn xã Bắc Sơn cho biết: “Bao nhiêu của cải của gia đình đã đầu tư hết lên rừng keo, giờ nếu phải thuê đất để tiếp tục sản xuất thì thực sự rất khó khăn vì keo còn chưa đến kỳ thu hoạch nhưng nếu trả lại đất thì không biết phải làm gì để nuôi sống gia đình. Mong các cấp, các ngành tạo điều kiện để nông dân chúng tôi được tiếp tục sản xuất, canh tác trên những diện tích đất này”.
Sự chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn giao đất, giao rừng không chỉ gây tâm lý lo lắng trong nhân dân mà còn đặt ra cho chính quyền địa phương những khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai, thực hiện. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu các hộ dân đang canh tác trên đất lâm nghiệp của xã giao trả lại đất rừng họ sẽ được đền bù những giá trị tài sản trên đất.
Trong trường hợp này chính quyền địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kinh phí đền bù? Như vậy, nếu không có sự hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời của các cấp, các ngành liên quan thì đây thực sự là một bài toán khó, chưa có lời giải, và phần thiệt thòi vẫn chính là những người nông dân chân chính, mà những năm trước đây họ đã tiên phong đi theo chủ trương khuyến khích trồng rừng, phát triển kinh tế rừng của Đảng và Nhà nước để giờ đây chính họ lại phải chấp nhận những áp đặt chưa phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân.
Ông Phạm Trường An – PCT UBND– Phó Ban chỉ đạo giao đất giao rừng xã Ngọc Sơn cho biết: “ trước những văn bản hướng dẫn như vây chính quyền địa phương cũng rất khó khăn trong việc giải quyết giao đất giao rừng cho người dân. Chúng tôi mong muốn có một văn bản hướng dẫn thống nhất, cụ thể  để tiến hành giao đất, giao rừng một cách hợp lý cho người dân và thực hiện hiệu quả công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương”.
Văn bản hướng dẫn thi hành giao đất giao rừng là nhằm hướng dẫn các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện đúng luật, đúng yêu cầu, mục đích tốt đẹp của nó. Tuy nhiên, những văn bản hướng dẫn chồng chéo, thậm chí trái ngược đối với các đối tượng trong giao đất, giao rừng đã vô tình gây khó khăn, lúng túng và tâm lý lo ngại trong nhân dân.
Các ngành cấp trên cần phối hợp với chính quyền địa phương và người dân để có phương án phù hợp giải quyết bất cập trong vấn đề giao đất giao rừng tại địa bàn xã Ngọc Sơn nhàm chia sẻ bớt những khó khăn cho người dân. (Thachha.hatinh.gov.vn 24/10) đầu trang(
An Giang hiện có trên 74.000 ha đất trồng rừng và cây phân tán, bao gồm 12.340 ha rừng tập trung ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; 61.780 ha diện tích cây phân tán tại các huyện, thị, thành trong tỉnh, nâng tỷ lệ che phủ rừng trong tỉnh lên khoảng 20,96%.
Toàn tỉnh đang thực hiện các biện pháp để đạt tỷ lệ che phủ rừng 22,4% diện tích vào năm 2015.
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, nhiều năm qua, việc tổ chức trồng rừng tập trung, trồng cây lâm nghiệp phân tán mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế xã hội và đời sống người dân.
Bên cạnh việc tạo cảnh quan, bóng mát, phòng hộ môi trường, công tác trồng rừng góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, là nguồn cung cấp cây gỗ tại chỗ, phục vụ kịp thời việc làm cọc trụ, đà kè khi có sự cố sạt lở đê trong mùa nước lũ, nguồn củi, gỗ gia dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống của người dân.
Để hoàn thành kế hoạch trên, địa phương thực hiện theo nguyên tắc: cấp tỉnh, huyện, xã và người dân cùng làm, nhà nước chỉ hỗ trợ theo khả năng. Vì vậy, An Giang phát động nguồn lực trong dân, vận động bà con tự trồng, tự chăm sóc bảo quản và hưởng lợi.
Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tổ chức trồng rừng tập trung theo tiến độ dự án Bảo vệ và Phát triển rừng, thực hiện hỗ trợ một phần cây giống, vận động người dân trồng cây, chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi theo quy định.
UBND Tỉnh An Giang giao UBND các huyện có rừng, tiến hành xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm mục đích sử dụng đất tại các khu rừng sản xuất theo quy định của pháp luật và có kế hoạch khắc phục trồng lại rừng.
Cùng với khuyến khích trồng rừng, UBND tỉnh An Giang kiên quyết xử lý dứt điểm tình hình vi phạm sử dụng đất tại rừng tràm khu vực Bình Minh, thuộc xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn và các khu rừng tràm khác thuộc huyện Tri Tôn.
UBND huyện Tri Tôn phối hợp với các ngành chức năng như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát diện tích đã chuyển sang trồng lúa, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật và có kế hoạch khắc phục trồng lại diện tích rừng bị chuyển đổi sang cây trồng khác trái với quy định. (Bộ NNPTNT 24/10) đầu trang(
Cà Mau: Ngút ngàn “Cánh rừng thanh niên”
Sau 3 năm thực hiện, những “Cánh rừng thanh niên” nay đã xanh ngút ngàn. Hàng ngàn cây tràm non, trái đước giống nhờ được trồng, chăm sóc và bảo vệ tốt đã bén rễ, vươn mình phủ xanh các tuyến rừng phòng hộ.
Cuộc “cách mạng xanh” này mang nhiều ý nghĩa thiết thực, nhất là khơi dậy tinh thần trách nhiệm của từng người trẻ trên cơ sở thực hiện cuộc vận động “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”.
Anh Nguyễn Chí Công, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau, cho biết, năm 2011, Ban Bí thư Trung ương Ðoàn chọn là Năm Thanh niên. Quán triệt tinh thần này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Uỷ ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh xác định thực hiện các công trình thanh niên sát với tình hình thực tế, mang tính chất tuyên truyền, hiệu quả lan toả cao, trong đó có công trình “Cánh rừng thanh niên”.
“Theo kế hoạch, đã tiến hành trồng 10 ha rừng tràm tại U Minh, đồng thời phối hợp cơ sở trồng thêm 15 ha rừng đước ở 2 địa bàn huyện Năm Căn và Phú Tân. Qua quá trình triển khai thực hiện, “Cánh rừng thanh niên” đã phát huy ý thức tình nguyện xung kích của tuổi trẻ, thu hút hàng trăm lượt ÐVTN tham gia. Ðến nay, tỷ lệ sống và phát triển của cây rừng đạt từ 90-95%, có cây đã cao hơn 4 m”, anh Nguyễn Chí Công phấn khởi.
Phủ kín hiệu quả cánh rừng là vấn đề không dễ, bởi trước đây Ðoàn Thanh niên (TN) có phát động thường xuyên các phong trào trồng cây xanh nhưng chỉ nhỏ lẻ tại địa phương hay các địa bàn dân cư. Lần thực hiện này, quy mô mấy chục héc-ta rừng là việc làm mới, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ mặt bằng, cây, trái giống và cả kỹ thuật trồng.
Sau 1 tháng ra quân trồng rừng phải tiến hành trồng giặm, cắm biển báo bảo vệ khu vực và bàn giao lại đoàn trực thuộc thụ hưởng công trình thanh niên đó. Hằng năm, các cấp bộ đoàn thành lập đoàn kiểm tra, thường xuyên phân cử lực lượng bảo vệ chăm sóc công trình, đồng thời phối hợp tuyên truyền, vận động người dân địa phương ý thức chung tay gìn giữ màu xanh của rừng.
Là đơn vị tiếp quản và bảo vệ “Cánh rừng thanh niên” cấp tỉnh, anh Phạm Việt Xô, Phó Bí thư Huyện đoàn U Minh, thông tin, 10 ha rừng tràm được sự góp công trồng của hơn 500 lực lượng ÐVTN nay phát triển tốt, xanh hút tầm mắt. Cánh rừng thuộc ấp 7, xã Khánh Lâm nên được giao cho lực lượng thanh niên địa bàn trực tiếp chăm sóc, bảo vệ.
Rừng tràm dễ cháy, nên công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) cũng được Ðoàn TN trực thuộc làm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ ngành chức năng (lực lượng kiểm lâm) trong việc phối, kết hợp làm tốt công tác PCCR, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân sống trên địa bàn lâm phần.
Nằm cách trung tâm huyện Phú Tân khoảng 10 km, 5 ha rừng đước được Ðoàn TN huyện trồng hồi năm 2011 tại ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái nay cũng đã lớn tầm 3-4 m. Hôm về chúng tôi thăm đúng ngày các chi đoàn phát quang thực bì, kiểm tra sức sống cây rừng. Thanh niên tập trung đông đủ với đủ thứ dụng cụ: dao, xà gạc... nhanh tay dọn sạch đám dây leo bám thân cây đước 3 năm tuổi.
Anh Võ Văn Ðương, Bí thư Chi đoàn Ban Quản lý rừng phòng hộ Sào Lưới, cho hay: “Trước khi trồng, chúng tôi hướng dẫn ÐVTN quy trình, kỹ thuật trồng. Cách thức không khó, chỉ cần cắm trái giống sao cho hướng mầm lên trên, khoảng 1/4 trái, cây cách cây 1 m, hàng cách hàng 1 m. Nhờ vậy mà cây phát triển xanh tốt”.
Anh Ðương cho rằng, trồng đước phủ xanh cả cánh rừng là thành quả của tuổi trẻ toàn huyện. Và sự đoàn kết chính là yếu tố tạo nên sức mạnh, sự đồng thuận cao trong lực lượng trẻ. Từ chính phong trào trồng cây gây rừng đã tạo nên sinh khí sôi nổi. Nhớ ngày ra quân, tuy điều kiện thời tiết xấu, có mưa, nhưng gần 200 ÐVTN với tinh thần hăng say nồng nhiệt đã tạo nên hiệu quả rõ nét qua tỷ lệ cây sống đạt cao, chất lượng tốt trên 95%.
Theo anh Ðương, muốn đảm bảo rừng phát triển tốt, giai đoạn 3 năm đầu rất quan trọng, chú trọng khâu điều tiết nước vì đước là loại cây rừng ngập mặn, thiếu nước không phát triển, dư nước sẽ úng, chết. Vì vậy, khi mực nước cao do mưa thì phải xả nước, trường hợp thiếu nước thì phải tranh thủ lúc triều cường lấy nước vào. Bên cạnh, xem xét có sinh vật gây hại hay không, chủ yếu là con ba khía, phải tiến hành soi bắt ban đêm. Do vậy, lực lượng thanh niên địa phương luôn phải nòng cốt trong công tác này.
“Thời gian sau 1 tháng trồng, lực lượng đã tra giặm lại, rồi thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm tra, ngăn không cho đối tượng bên ngoài vào rừng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của rừng. Ngoài ra, định kỳ 5-6 tháng phát dọn thực bì như: ô rô, ráng,… Khi rừng từ 5-6 tuổi sẽ phải nghiêm cấm sự chặt phá của người dân”, anh Ðương cho biết thêm.
Không chỉ dừng lại ở “Cánh rừng thanh niên”, từ năm 2011 đến nay, Ðoàn TN huyện Phú Tân tiếp tục phát động, nhân rộng những tuyến, địa bàn có đất trống có thể trồng cây. Phối kết hợp vận động bà con ý thức trồng và bảo vệ rừng. Ðến nay, ngoài 5 ha rừng do Ðoàn TN trồng, Huyện đoàn đã phối hợp tuyên truyền trồng tiếp tổng số hơn 50 ha diện tích rừng phòng hộ, và trên phần đất vuông của người dân.
Thêm nữa, hằng năm tại các tuyến có phần đất sạt lở ven biển, ÐVTN còn làm lực lượng nòng cốt thường xuyên trồng những loại cây chắn sóng, đặc biệt là cây mắm, vừa đảm bảo phủ xanh tuyến rừng phòng hộ, vừa góp phần chắn được xoáy lở.
Trồng rừng là phong trào lớn, vận động đông đảo lực lượng ÐVTN tích cực tham gia hoạt động tình nguyện xã hội, nhằm khôi phục bảo vệ phát triển rừng, cải thiện môi trường, hạn chế sự tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, phòng chống gió bão, bảo vệ đê biển, phòng ngừa thảm hoạ thiên tai. Từ đó, góp phần đa dạng sinh học, kể cả khi rừng phát triển tạo điều kiện các loài thuỷ sinh phát triển, trú ngụ. Khi rừng đến tuổi khai thác sẽ mang lại giá trị kinh tế tương đối lớn.
Anh Nguyễn Chí Công nhìn nhận, phong trào không tập trung ở lợi ích kinh tế mà mang tính tuyên truyền, tạo sự lan toả trong xã hội, phát huy tốt vai trò xung kích, cống hiến của sức trẻ. Từ phong trào, các cấp bộ Ðoàn sẽ vận động người dân trên địa bàn tham gia trồng, bảo vệ rừng. (Báo Cà Mau 24/10) đầu trang(
Thực hiện Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận Xanh- Sạch- Đẹp” của UBND tỉnh, 24-10, UBND huyện Thuận Bắc phát động trồng rừng sản xuất và trồng cây xanh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn huyện.
Tại buổi phát động, lãnh đạo UBND huyện kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, đoàn viên-thanh niên, học sinh và và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc trồng rừng và trồng cây xanh ở cộng đồng dân cư, thông qua các mô hình như: trồng cây phân tán, trồng khoanh nuôi, tái tạo rừng, trồng cây trên đất dốc… góp phần tạo thêm thu nhập cho nhân dân ở các xã có rừng và bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương. (Báo Ninh Thuận 24/10) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Thay vì nuôi chó mèo, một gia đình ở Weeting (Norfolk, Anh quốc) lại ghiền nuôi các loài động vật hoang dã.
Theo Daily Mail, gia đình Samie và Michelle Minteam cùng 2 đứa con đã chia sẻ căn nhà với 1 con cá sấu, 1 con bọ cạp, 2 con chồn hôi, 1 con trăn Nam Mỹ, 1 con ếch sừng Argentina và khoảng 140 con vật khác.
Họ dự định  mở một vườn thú mini ở gần nhà.  (Thanh Niên 27/10) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng