Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 28 tháng 01 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, UBND thành phố đã thông qua đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, Sở Xây dựng đề xuất chặt hạ, di chuyển 6.700 cây xanh trên 190 tuyến đường, phố, sau đó trồng bổ sung, thay thế bằng một số chủng loại cây mới phù hợp đô thị (thân thẳng, tán cao, chống chịu bão tốt). Ngoài cây xanh, sẽ đặt chậu hoa, cây cảnh, cây lá màu… tại các ô trồng cây và vị trí hè hẹp để tạo mảng xanh.
Sở Xây dựng Hà Nội đang chặt hạ, thay thế cây xanh trên dải phân cách đường Nguyễn Trãi - Trần Phú. Việc chặt hạ cây nhằm bảo đảm an toàn cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và mở rộng lòng đường chống ùn tắc. Trong số 148 cây, chủ yếu là xà cừ có đường kính thân lớn.
Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn nội thành có khoảng 50.000 cây bóng mát, chủ yếu là xà cừ, muồng, phượng, bằng lăng… trong đó nhiều cây sâu mục, cong nghiêng cản trở giao thông. Đặc biệt, cây xà cừ có tán lớn, rễ nông hay bị bật gốc khi có gió, bão. (Hà Nội Mới 28/1, tr7) đầu trang(
Xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học thống nhất trên cả nước là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học được thiết lập ở các khu vực Vườn quốc gia hay khu Bảo tồn trong thời gian gần đây vẫn còn tản mạn và chưa được thống nhất về nội dung cũng như chuẩn hóa dữ liệu.
Vì vậy, để thiết lập được cơ sở dữ liệu thống nhất, các cơ qan ban ngành từ Trung ương đến địa phương thì việc phối hợp, chia sẻ thông tin từ phía Nhật Bản là một trong những yếu tố cốt lõi, góp phần nâng cao công tác quản lý đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận tại cuộc họp ủy ban điều phối "Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia" diễn ra chiều 27/1, tại Hà Nội.
Cuộc họp do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.
Thông tin thêm về dự án, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia do JICA tài trợ từ năm 2011 đến tháng 3/2015. Đến nay, dự án cơ bản đã kết thúc thành công và các sản phẩm của dự án đã được hoàn thiện.
Cụ thể, dự án đã tạo ra được các sản phẩm nổi bật như: Kiến trúc cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia; đề án phát triển cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; phát triển bộ chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học quốc gia và cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), hướng dẫn quan trắc đất ngập nước…
Theo bà Nhàn, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia là việc làm rất quan trọng, góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, cũng như triển khai cụ thể các văn bản quy phạp pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học trên phạm vi cả nước.
"Tuy nhiên đây mới chỉ là 'viên gạch đầu tiên' trong quá trình xây dựng 'nền móng' cơ sở dữ liệu, nên chưa thể phục vụ được cho đất nước như mong đợi,” bà Nhàn nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cũng cho biết, mặc dù cơ sở dữ liệu ở nước ta đã được thiết lập nhưng để áp dụng thì cần phải có lộ trình và dự án phải được Chính phủ phê duyệt, thông qua, cũng như cần tiếp tục thử nghiệm tại các địa phương.
Về phía đơn vị tài trợ, ông Fumihiko Okiura, Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam, cho rằng xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia là việc làm cần được quan tâm triển khai. Tuy nhiên, cở sở dữ liệu hiện mới chỉ dừng lại ở thế hệ 1 (quá trình tiếp cận) nên dự án sẽ khó thành công nếu không có sự nỗ lực của các bên có liên quan.
“Với dự án này, chúng tôi đã đưa ra cơ sở dữ liệu khá khái quát. Việc còn lại là các cơ quan triển khai dự án của Việt Nam cần phải tận dụng tối đa những kết quả đã có cũng như mục tiêu mà dự án đã đề ra, sau đó hãy tính đến sự hỗ trợ tiếp theo từ phía JICA,” ông Fumihiko Okiura lưu ý. (VietnamPlus 27/1; Hà Nội Mới 28/1) đầu trang(
Ngày 27-1, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết, vừa tiến hành tạm giữ một lô hàng gồm 27 m3 gỗ gõ lau (hay còn gọi là gỗ Gụ) được vận chuyển trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2014, Cơ quan công an phối hợp với ga Đà Nẵng tiến hành dừng và kiểm tra một tàu hàng chạy từ TP.HCM đi Hà Nội. Tại toa tàu 131470, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục mét khối gỗ được cắt xẻ vuông vức. Số gỗ này do Công ty TNHH một thành viên Nhật Hùng (trụ sở tại huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) nhận vận chuyển thuê cho ông Đinh Văn Giới (trú Gia Lai).
Theo lộ trình, lô hàng này được vận chuyển bằng đường bộ từ Gia Lai về Quảng Ngãi để đưa lên tàu ra Nam Định. Chủ lô hàng khai nhận mua số gỗ Gụ nói trên từ doanh nghiệp tư nhân Phát Lộc (trụ sở tại Đắc Lắc), chuyên mua bán lâm sản. (Pháp Luật TP.HCM 27/1) đầu trang(
Trên thế giới, Việt Nam là nước duy nhất còn sự tồn tại của cây thủy tùng (thông nước). Với những điều kiện tự nhiên thích hợp, Đắk Lắk là nơi loài cây quý hiếm này sinh trưởng, phát triển. Giá trị và ý nghĩa loài cây này mang lại rất lớn. Thế nhưng, hiện thủy tùng đang đứng bên bờ tuyệt chủng.
Trước đây, tại địa bàn 3 huyện Krông Năng, Ea H’leo và Buôn Hồ bạt ngàn những cánh rừng thủy tùng. Tuy nhiên, do nạn chặt phá tràn lan cộng với sự săn lùng ráo riết của người dân, hiện ở Đắk Lắk chỉ còn vỏn vẹn 162 cá thể. Đây cũng là 162 cây thủy tùng duy nhất còn sống sót trên thế giới. Do đó, công tác bảo vệ và bảo tồn loài thực vật quý hiếm này gặp phải rất nhiều khó khăn.
Những năm 80 của thế ký trước, tại xã Ea Ral (huyện Ea H’leo), thủy tùng nhiều không đếm hết. Khi dự án đập thủy lợi Ea Ral được tiến hành xây dựng, do chưa ai nhận ra giá trị của thủy tùng nên hàng chục ha thủy tùng đã bị đốn hạ, vùi dập.
Khoảng 5 năm trở lại đây, “cơn sốt” thủy tùng lên cao một cách bất ngờ. Trước những lời đồn về tác dụng chữa được bệnh ung thư, xua đuổi ruồi muỗi, mang lại sinh khí cho ngôi nhà và sở thích sưu tập gỗ quý khiến cơn sốt thủy tùng được đẩy lên cao, biến thủy tùng thành mục tiêu săn lùng của nhiều người.
Năm 2008, mỗi ngày xã Ea Ral có hàng trăm người đổ xô về đào bới với hi vọng tìm được vài khúc thủy tùng để đổi đời. Trước tình hình đó, tháng 12/2010, Đại học Tây Nguyên lập dự án điều tra về cây thủy tùng. Qua công tác kiểm đếm cho kết quả còn 256 cây.
Trong đó, quần thể ở Ea Ral (huyện Ea H’leo) còn 219 cây, quần thể Trấp K’sor (huyện Krông Năng) có 31 cây, 5 cây ở Cư Né (Krông Búk) và 1 cây ở Buôn Đôn. Mặc dù được lực lượng kiểm lâm các huyện tích cực bảo vệ nhưng bất chấp mọi thủ đoạn, kẻ xấu vẫn lợi dụng thời điểm sơ hở để đốn ngã thủy tùng lấy gỗ.
Tháng 1/2011, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án bảo tồn loài sinh cảnh thông nước giai đoạn 2010 - 2015, thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn loài thông nước. Tuy nhiên, lúc này thủy tùng đã bị chặt mất 94 cây, chỉ còn lại 162 cây.
Riêng quần thể thủy tùng ở Cư Né trên 500 tuổi hiện đã biến mất hoàn toàn. “Giờ để bảo vệ 162 cây còn lại là điều vô cùng khó khăn, bởi kẻ xấu luôn nhòm ngó, chờ cơ hội là chặt trộm ngay”, anh Nguyễn Văn Khương, Trạm trưởng Trạm Bảo tồn thủy tùng Krông Năng chia sẻ.
Là loại thực vật sinh trưởng ở vùng đầm lầy, để tiếp cận bảo vệ loại cây này là điều không hề dễ dàng. Tại quần thể thủy tùng huyện Ea H’leo, chúng tôi theo chân đoàn bảo vệ của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài thông nước vượt qua khu đầm lầy tiến sâu vào rừng. 162 cá thể thủy tùng nằm rải rác trên diện tích rộng 128 ha đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ.
Ngày đêm đi đếm số lượng cây, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng chứa đựng bao hiểm nguy rình rập. Để đi kiểm tra hết toàn bộ diện tích này phải lội bộ hết mấy giờ đồng hồ, bước trên những thanh gỗ nhỏ vừa đủ đặt bàn chân bắc qua đầm lầy sâu. Dụng cụ bảo hộ chỉ độc một cây gậy dùng để chống khi đi trên những cây cầu tạm.
Anh Võ Thành Tám, Ccán bộ bảo vệ tại Trạm Ea Ral (huyện Ea H’leo) cho biết: “Ngoài áp lực phải bảo vệ thủy tùng, cuộc sống chốn rừng núi cũng lắm gian nan. Giữa rừng chúng tôi có dựng 2 nhà chòi đêm đêm thay nhau ngủ lại để canh giữ cây. 5 trường hợp đã bị loài rắn lục cắn. Giữa đêm hôm, đường đi toàn đầm lầy nên công việc cấp cứu gặp vô vàn khó khăn. Cực nhất là vào mùa mưa, đường lầy lội trơn trượt không đi nổi. Nhớ có ngày mưa tầm tã, tôi đi tuần thì ngã, bị thương khá nặng”.
Đoàn bảo vệ của Ban Quản lý Khu bảo tồn thủy tùng có tổng cộng 15 người thay phiên nhau tuần tra trên địa bàn 2 huyện có quần thể thủy tùng sinh trưởng. Lực lượng mỏng trong khi địa bàn rộng khiến công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn. “Có lần lợi dụng đêm tối trời mưa, một nhóm 3, 4 đối tượng đã lẻn vào cưa trộm thủy tùng. Lúc bị phát hiện, mấy đối tượng đứng dưới chạy trốn mất. Còn hai người đang ở trên ngọn cây, chúng tôi phải bảo họ từ từ leo xuống, chỉ sợ họ ngã thì nguy. Nhưng vừa xuống chưa tới nơi, 2 đối tượng đã nhảy xuống nước lặn mất”, anh Trần Xuân Phước, Giám đốc Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước cho biết.
Công tác bảo vệ đã khó, tuy nhiên công tác bảo tồn còn khó hơn gấp vạn lần. Do đó, nếu không sớm có sự vào cuộc kịp thời của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thì sớm muộn gì loài cây cổ có niên đại hàng trăm này sẽ biến mất vĩnh viễn. (Thanh Tra 28/1) đầu trang(
Trao đổi với PV, chiều ngày 27/01, ông Lê Văn Nhì, Chi cục phó chi cục trưởng chi cục kiểm lâm TP.Đà Nẵng cho biết: “Sau khi tiến hành kiểm tra, đối chứng những con rùa mà người dân bắt được tại khu vực hố Cau, thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, với các tài liệu khoa học Chi cục kiểm lâm TP.Đà Nẵng xác định đó là giống rùa cổ sọc”.
Rùa cổ sọc có tên khoa học là Ocadi Sinensis (hay còn gọi là Chine’sstinecked tartle ). Rùa cổ sọc thuộc họ rùa đầm Emydidae, bộ rùa Testudinata. Rùa cổ sọc có mai màu xanh xám đến đen, yếm tối màu, thường có viền nhạt. Trên đầu và chân trước có nhều sọc mảnh đặc trưng so với các loài rùa khác thuộc họ rùa đầm Emydidae.
Rùa cổ sọc nằm trong danh sách các loại động vật hoang dã nguy cấp cấm không được mua bán trao đổi trong công ước quốc tế CITES được ký vào tháng 03/1973.
Tại Việt Nam, rùa cổ sọc nằm trong nhóm phụ lục III, lớp Bò Sát trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tiệt chủng cao ở Việt Nam do bộ Nông nghiệp ban hành theo quyết định số 54/2006/QĐ-BNN có hiệu lực từ ngày 05/07/2006.
Cũng theo ông Nhì thì: “Ngay sau khi nhận được trình báo từ chính quyền địa phương về việc người dân đổ xô đi bắt rùa lạ ở khu vực hố Cau, thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thì chi cục kiểm lâm TP.Đà Nẵng đã cắt cử người xuống địa phương phối hợp với chính quyền UBND xã Hòa Phú tiến hành ổn định tình hình ở đây. Đồng thời tổ chức vận đồng bà con nhân dân trong vùng ngừng ngay việc săn bắt trái phép rùa cổ sọc vì đây là hành động trái với quy định của luật pháp”.
Còn theo ông Trương Tam, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hòa Phú cho biết: “Qua tìm hiểu, chúng tôi xác định được ba trường hợp bắt được rùa, nhưng bán được giá cao như mọi người nói thì không có. Bản thân tôi cũng chưa thấy ai trúng rùa mấy chục triệu như người dân ở đây truyền tai nhau những ngày qua. Ngay sau khi biết tin khu vực hố Cau bất ngờ xuất hiện nhiều rùa, thì ngoài một số thợ săn rùa tập trung về đây hành nghề trái phép tìm vận may. Còn lại phần lớn là bà con nhân dân hiếu kỳ, sau khi nghe chính quyền vận động đã tự động giải tán”.
Số rùa trên có nguồn gốc từ trang trại nuôi rùa của gia đình ông D. nằm cạnh khu vực trại heo Trung Sơn. Rùa từ trang trại gia đình ông D. xổng ra ngoài từ trận lũ 2006 gặp điều kiện thuận lợi nên nhiều năm qua sinh sổi nảy nở khi rất nhiều người dân ở đây vẫn hay bắt được rùa.
Lý giải về việc, rùa xuất hiện nhiều đột biến thời gian gần đây, thì ông Nhì cho rằng: “Tình trạng rùa cổ sọc xuất hiện nhiều đột biến thời gian qua nhiều khả năng xuất phát từ tình trạng di cư của rùa trưởng thành trong mùa sinh sản khi đây đang là thời gian rùa cổ sọc lên bờ đẻ trứng”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư đảng ủy xã Hòa Phú thì hiện nay đã xác định được đầu nậu thu mua rùa thời gian qua là ông Ph. một người dân địa phương.
Thế nhưng khi PV, đặt câu hỏi mục đích thu mua rùa của ông Ph. để làm gì thì ông Vân trả lời không biết? Khiến nhiều người dân đạt câu hỏi, liệu có hay không sự tiếp tay của các thương lái đầu nậu người Trung Quốc. Khi việc rùa cổ sọc bị săn bắt ráo riết ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tự nhiên, gây mất cân bằng sinh thái trong vùng. (Đời Sống & Pháp Luật 28/1) đầu trang(
Thấy có ăn bên ngoài, lũ gấu bị nhốt trong chuồng mắt long lên, tay xòe vuốt như muốn xé toang song sắt, mồm há to kêu vang cả một góc rừng.
Bên ngoài chuồng gấu, những nhân viên cứu hộ ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai bình thản làm những công việc thường ngày: nuôi dạy gấu.
Trung tâm hiện có 35 con gấu, gồm 9 gấu chó và 26 gấu ngựa. Chúng được đưa đến Trung tâm từ những chuồng gấu do người dân nuôi nhốt và từ những vụ vận chuyển, buôn gấu trái phép. Lúc đến trung tâm, nhiều con tiều tụy, bệnh tật sau nhiều ngày bị giam cầm, bị người nuôi lấy mật. Nhiều gấu đã mất cả bàn tay, có con bị rút cả móng.
“Chúng bị dính bẫy thợ săn. Có con là nạn nhân để phục vụ nhu cầu quái lạ thể hiện đẳng cấp của con người”, một nhân viên cứu hộ nói. Để cứu chúng, trung tâm cứu hộ phải chăm sóc, điều trị tích cực. Tại đây, nhân viên trung tâm có kinh nghiệm (được đào tạo ở nước ngoài) đã nuôi dưỡng, huấn luyện gấu trở về với bản năng hoang dã rồi thả chúng trở lại môi trường tự nhiên.
Khác với dạy gấu trở thành diễn viên xiếc, nhân viên ở trung tâm dạy chúng những bài học, thực hiện chế độ nuôi dưỡng riêng để tập dần cho hàng chục con gấu được trở về với bản năng gốc của loài động vật hoang dã. Ở trung tâm, mỗi con gấu được nhốt riêng một chuồng, có lối đi riêng dẫn ra bãi thả tập trung rộng khoảng 1 hécta cho gấu quen dần trong môi trường bán hoang dã. Hằng ngày, sau bữa ăn sáng tại chuồng với thực đơn gồm cháo trắng, trứng gà, trái cây, củ quả, gấu ngựa và gấu chó luân phiên được thả vào bãi tập trung.
Ông Nguyễn Thế Việt, Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ Cát Tiên, chỉ những con gấu ngựa đủng đỉnh đi lại trong bãi. “Đây là Núi, con kia là Quậy, con nữa là Tai Mèo”, ông Việt nêu tên. Phía xa cánh rừng, đàn gấu ngựa tản mát khắp nơi. Có con vắt vẻo trên thân cây, con trầm mình dưới hồ nước, con thì lùng sục tìm kiếm thức ăn là các loại trái cây được nhân viên trung tâm giấu trước đó.
“Đây là một bài học cho gấu tự đi tìm kiếm thức ăn”, ông Việt nói. Lấy khúc cây khô đã được đục nhiều lỗ vào thân, ông Việt đổ mật ong vào lỗ, sau đó trám miệng lỗ lại rồi ném vào bãi. Đang ngồi thơ thẩn, Núi, Quậy và Tai Mèo nhanh chóng đánh hơi ra mùi mật. Chúng hoạt bát hẳn lên, mũi khìn khịt đánh hơi. Hai khúc cây chứa mật nhanh chóng được Núi và Quậy tìm thấy. Không lấy được mật ong bên trong, chúng xòe móng vuốt dài nhọn xé phăng khúc củi khô rồi liếm mật.
Ông Việt nói: “Mật là món khoái khẩu của gấu, nhưng ở đây chỉ cho mỗi con ăn trong khoảng 500ml/tháng, bởi đây là mật ong nuôi, gấu ăn nhiều có thể bị bệnh đái tháo đường. Thức ăn hằng ngày thì tùy theo trọng lượng của từng con để cho lượng thức ăn phù hợp, không để cho gấu béo phì mà cũng không để chúng gầy yếu. Với gấu ngựa thì ăn 5- 10 cân/ngày, gấu chó ăn 3-6 cân/ngày”.
Nhiều con gấu đến với Trung tâm cứu hộ Cát Tiên đã hơn 10 năm nay. Theo kế hoạch, sau khi phục hồi sức khỏe và huấn luyện trở lại tập tính hoang dã, chúng sẽ được thả về môi trường thiên nhiên. Đến nay, chưa có con gấu nào được trả về hoang dã. Theo ông Việt, lý do là bản năng của chúng vẫn phụ thuộc con người. Ngay cả các chuyên gia của Quỹ Bảo tồn gấu Free The Bear có hàng chục năm kinh nghiệm cũng đánh giá gần như phải nuôi chúng suốt đời.
Về khách quan, nếu thả gấu về thiên nhiên, nguy cơ chúng bị tấn công bởi đồng loại và con người rất cao. “Do phụ thuộc nhiều vào con người, gấu sẽ tìm về khu dân cư gây hại”, ông Việt lý giải. Ở Trung tâm cứu hộ, gấu không được cho sinh sản. Các chuyên gia cũng không đồng ý cho sinh sản trong môi trường này.
Ông Việt kể, có lần, một con gấu ngựa sinh được hai gấu con. Tuy nhiên, do stress trong môi trường bị nhốt, gấu mẹ đã ăn một con. Gấu con còn lại cũng chết sau đó, do Trung tâm không có thiết bị nuôi dưỡng. Vì vậy, việc cứu hộ gấu hiện nay cũng chỉ dừng lại ở môi trường bán hoang dã. Điều này đồng nghĩa đời sống của gấu sẽ còn phụ thuộc con người ở Trung tâm cứu hộ. Với 35 con gấu, mỗi năm kinh phí để nuôi dưỡng chúng tốn hết 450 đến 500 triệu đồng. Ông Việt cho biết, nguồn kinh phí chủ yếu phụ thuộc dự án của các tổ chức phi chính phủ.
Khi lũ gấu được đưa vào đây, chúng bị stress nặng, lười vận động và mọi hoạt động đều phụ thuộc con người. Leo cây tìm thức ăn vốn là bản năng của gấu, nhưng những con gấu ở trong cũi sắt lâu ngày đã quên mất điều này.
Nhân viên phải bỏ thức ăn vào túi dù hay dùng cây chứa mật ong vắt lên cành cây cao dụ dần cho gấu trèo lên. Mất một năm tập luyện như vậy gấu mới dần trở lại bản tính hoang dã. (Tiền Phong 27/1) đầu trang(
Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, nhiều cơ sở gây nuôi động vật hoang dã hung dữ như hổ, voi, cá sấu, gấu, trăn, rắn trên toàn quốc không bảo đảm an toàn đã đe dọa đến tính mạng của người dân.
Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ. Theo đó, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ trên địa bàn; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi và tịch thu những cá thể động vật hoang dã hung dữ của những cơ sở không bảo đảm yêu cầu về an toàn, tiêu chuẩn chuồng trại.
Bên cạnh đó, quy hoạch các trại nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, từng bước di dời các trại nuôi động vật hoang dã hung dữ ra khỏi khu dân cư và những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai, khiến động vật sổng ra ngoài; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, nuôi, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép động vật hoang dã... (Hà Nội Mới 28/1) đầu trang(
Những năm 2006 - 2009, rừng Lộc Tân (Bảo Lâm) từng được xem là “điểm nóng” phá rừng. Nhưng bắt đầu từ năm 2011, sau hàng loạt giải pháp và chính sách hỗ trợ đời sống cho người dân nơi đây được triển khai, rừng Lộc Tân giờ đã… hạ “nhiệt”!
Lộc Tân rộng 13.700ha thì có hơn 8.300ha rừng (chiếm gần 60%). Trong đó, khoảng 4.000ha rừng được giao cho các đơn vị nhận khoán, chăm sóc và bảo vệ; phần còn lại giao cho hơn 230 hộ và nhóm hộ đồng bào DTTS của xã nhận khoán quản lý bảo vệ.
Trước năm 2010, do một số công ty lâm nghiệp không thực hiện đúng quy định trong giấy phép đầu tư, không triển khai trồng rừng mà chỉ tập trung khai thác, tạo cơ hội cho các phần tử xấu xúi giục, khiến bà con dân tộc ở thôn 6 - Lộc Tân (buôn Đạ Tồn) rủ nhau đi phá rừng, phát quang làm rẫy. Có thời điểm, diện tích rừng bị phá lên đến hơn 14ha.
Tuy nhiên, đó là chuyện của nhiều năm trước. Kể từ năm 2011, khi Đảng ủy và Chính quyền xã thực hiện Kế hoạch số 27/KH-UBND của UBND huyện Bảo Lâm về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, thì tình hình phá rừng tại một số “điểm nóng” dần dần được khắc phục.
Theo Chủ tịch UBND xã Cù Tuấn Ngạn, những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh tình trạng phá rừng tập thể trước đó, được thẳng thắn nhìn nhận, là thiếu sự sâu sát và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân; các đơn vị quản lý rừng không triển khai thực hiện theo đúng cam kết; Ban Lâm nghiệp xã hoạt động yếu, không phát huy hết tinh thần trách nhiệm...
Xác định được nguyên nhân, Đảng ủy địa phương lên kế hoạch thực hiện, giải quyết từng vấn đề một. Giải pháp đầu tiên được cấp bách triển khai, là tham mưu cho tỉnh và huyện cấp 19,5ha đất cho 51 hộ đồng bào DTTS ở buôn Đạ Tồn (gồm những hộ nghèo, cận nghèo và mới tách hộ).
Khi đồng bào đã được cấp đất, xã tăng cường cán bộ chủ chốt về các Chi bộ thôn, buôn cùng sinh hoạt, vừa để sâu sát, thăm nắm, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của quần chúng ở cơ sở, tạo sự gắn kết giữa Đảng với dân; đồng thời, vừa gần gũi, thuyết phục quần chúng củng cố lòng tin vào Đảng, chính quyền, đừng đi phá rừng, đừng bán đất... mà tập trung lo trồng trọt, phát triển kinh tế.
Song song đó, Ban Lâm nghiệp của xã cũng được kiện toàn, tích cực phát huy vai trò tham mưu giúp UBND xã tăng cường chức năng quản lý rừng trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị quản lý rừng tăng cường công tác quản lý và trồng rừng; vận động nhân dân tham gia chăm sóc và bảo vệ rừng.
“Biết được nguyện vọng của bà con buôn Đạ Tồn muốn có con đường thôn sạch sẽ, khang trang để bớt khó khăn trong sinh hoạt, đi lại, trong các năm 2011 và 2012, xã đã bàn bạc, thống nhất sử dụng toàn bộ nguồn vốn 135 (khoảng 800 triệu đồng), thay vì phân đều về cho các thôn, tập trung nhựa hóa 2 tuyến đường thôn gần 2 km chạy dọc theo buôn Đạ Tồn” - ông Cù Tuấn Ngạn cho biết.
Ngoài ra, kể từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm, xã giải quyết cho hơn 200 lao động địa phương được học nghề may và vào làm việc tại các công ty may ở Bảo Lộc, Bình Dương...; góp phần tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2014 xuống còn 6,5% (giảm 2% so với năm 2013).
Cũng kể từ năm 2011, 100% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn các thôn 1, 2, 3, 4 và thôn 6 (xã Lộc Tân) được xã vận động nhận khoán, bảo vệ rừng. Hơn 4.000ha rừng đã được giao về cho 230 hộ đồng bào, chia thành nhiều nhóm hộ, chăm sóc, bảo vệ. Hàng năm, rừng mang lại thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/hộ. Nguồn thu này động viên bà con tích cực trong công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Những ngày đầu mùa khô 2015, về buôn Đạ Tồn, câu chuyện được nghe nhiều là những chuyến đi thăm rừng dài ngày của bà con. Gặp K’Tút (Tổ trưởng Tổ nhận khoán QLBV rừng thôn 6, khi ông vừa trở về từ một chuyến đi thăm rừng), ông cho biết: Thôn có 164 hộ dân thì cả 164 hộ này đều tham gia nhận khoán, quản lý bảo vệ 1.254ha rừng ở các tiểu khu 453, 454, 455. Các hộ dân này được tổ trưởng lên danh sách, chia làm 4 nhóm (mỗi nhóm 28 hộ), luân phiên đi tuần tra rừng định kỳ mỗi tuần 1 lần.
Tuy nhiên, dù mới đi về mà lại nhận được tin báo có dấu hiệu của lâm tặc phá rừng, thì bà con lại cùng với cán bộ Kiểm lâm trở lại rừng. Những chuyến đi như thế kéo dài 3,4 ngày, đã trở thành công việc thường xuyên và đều đặn của những hộ dân nơi đây.
Buổi trưa, ngồi trong lán trại, là một chốt dã chiến đã được dựng tạm tại điểm giao giữa rừng Đạ Tồn và rừng B’Lá, anh Trần Văn Trưởng - Trạm trưởng Trạm QLBV rừng cụm Đạ Tồn (trực thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ ĐamB’ri), trao đổi: “Số lượng nhân viên ở trạm khá “mỏng”, nên việc tuần tra canh gác rừng khó bao quát. Nhờ có đồng bào và những nguồn tin đồng bào cung cấp kịp thời trong những chuyến thăm rừng đã giúp chúng tôi quản lý, làm giảm đáng kể tình trạng phá rừng ở Đạ Tồn”.
Đưa tay khoanh một vòng rừng phía trước, anh Trưởng nói: “Nơi đây là địa điểm lâm tặc thường xuyên qua lại để vận chuyển gỗ. Từ 3 tháng nay, nhờ Chốt này, số vụ phá rừng đã giảm đáng kể (trong cả năm 2014 chỉ xảy ra 1 vụ). Tuy tình trạng vi phạm lâm luật vẫn còn diễn ra, nhưng chỉ manh mún, nhỏ lẻ, không còn tình trạng phá rừng tập thể như nhiều năm trước!”. (Báo Lâm Đồng 28/1) đầu trang(
Mới đây, tại khu vực núi Cột Cờ thuộc khu vực Sân bay Kiến An - Kiến An - Hải Phòng xảy ra vụ cháy rừng.
Chỉ huy Sư đoàn B63 thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân đóng quân trên địa bàn Kiến An điều động hơn 200  cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng lực lượng các đơn vị của Quân khu Ba, Cảnh sát PCCC thành phố và nhân dân địa phương tham gia chữa cháy, cứu rừng.
Trời hanh khô, gió to nên đám cháy lan nhanh, khó khăn cho việc dập lửa. Với tinh thần quyết tâm cứu rừng của các lực lượng và người dân, sau gần hai giờ đám cháy được dập tắt hoàn toàn, thiệt hại cháy khoảng 7 ha rừng. (Báo Hải Phòng 23/1) đầu trang(
25-1, trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực núi đá Vụng Ó trên Vịnh Hạ Long, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) kiểm tra tàu BKS QN-3735TS, do Bùi Huy Văn, SN 1977, trú tại phường Phong Cốc, TX Quảng Yên điều khiển, phát hiện trên tàu có 13 bao lõi cây huyết giác (thuộc loại lâm sản ngoài gỗ), không có giấy tờ hợp lệ.
Tại cơ quan kiểm lâm, Bùi Huy Văn khai nhận đã tổ chức người đi khai thác cây huyết giác tại các núi đá trên Vịnh Hạ Long để bán cho các cửa hàng thuốc nam trong và ngoài tỉnh chế biến thuốc nam.
Vụ việc đang được tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật. (Báo Quảng Ninh 26/1) đầu trang(
Lan rừng Tây Nguyên không chỉ thu hút người sành hoa trong khu vực, mà dân chơi cây cảnh các tỉnh xa cũng thích thú. Gần Tết lan rừng lên giá vì khách mua nhiều.
Những ngày đầu tháng Chạp, chợ lan rừng tự phát dọc các tuyến đường Phan Đình Giót, Lê Duẩn, Ngô Quyền... nội thành Buôn Ma Thuột tấp nập kẻ bán người mua.
Đến chợ lan rừng nằm ở vỉa hè đường Phan Đình Giót. Anh Y Basimon, 42 tuổi, ngụ thôn 4, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột đang tư vấn cho khách đặc tính từng loại lan. Hơn 5 năm đi rừng hái lan và gùi ra phố bán, anh Y Basimon hiểu rõ giá trị của từng loại lan. Anh chỉ tường tận các loại lan mà anh đang bán mà khách hàng ưa chuộng như Hoàng Thảo, Thủy Tiên, Kim Điệp, Dã hạt, Lan đuôi mèo, Nghinh xuân, Đuôi cáo, Mỹ nhung, Giã hạc, Hoàng phi hạt, Lan tre…
Anh Y Basimon kể, người đi rừng lấy lan thường tập trung thành từng nhóm, mang theo cơm nắm, khoai, sắn và các dụng cụ như dao, cưa tay vào rừng ở khoảng 3 - 5 ngày. Mỗi chuyến lấy được 3 - 4 kg, nếu nhập cho lái buôn, giá 200 - 500 nghìn đồng/kg, nếu mang ra chợ ngồi bán lẻ thì lời gấp đôi. “Lan rừng hiếm dần nên muốn lấy được lan quý phải vào tận rừng sâu Ea Súp, Krông Bông. Lan rừng thường sống trên các cây cổ thụ rất cao, phải giỏi trèo mới lấy được hoặc cưa cành xuống”, anh Y Basimon kể.
Ngót gần chục năm đi lấy lan rừng, chị H’Trang Êban, 25 tuổi, ngụ thôn 6, xã Cư Ê bua, kể: Lan rừng bán chạy quanh năm, chưa có ngày nào ế hàng. Dịp gần Tết khách mua đông, giá cao hơn! Cao giá nhất là các loại lan Nghinh xuân, Phi điệp vì quan niệm mang lại may mắn, khi hoa nở đúng vào dịp Tết.
Đi rừng lấy lan dễ gặp nhiều rủi ro! Chị H’Trang còn nhớ như in cú té từ độ cao 10m của anh Ama Miu, 27 tuổi, buôn Ea Bông, xã Cư Êbua, khiến anh phải nằm viện hơn nửa năm. Hôm đó, Ama Miu đang trèo lên một cây cổ thụ để cưa cành lan rất đẹp, không may đạp phải cành khô rơi xuống đất bất tỉnh. May chưa mất mạng!
Khách chơi lan rừng ngày càng nhiều, đội ngũ săn lan ngày càng đông, nên lan trong tự nhiên không sức nào mọc kịp.
Ngay từ đầu mùa khô, chị L.T.T. Vân ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đã tranh thủ đi lấy lan rừng cung cấp cho các mối lấy hàng ở tỉnh xa. Chị Vân là một đông y sĩ, thường xuyên đi khắp các khu rừng lấy cây thuốc nên khu rừng nào nhiều lan và gồm những loại lan gì chị nắm rất rõ. Lan rời thì chị xé nhánh ra trồng vào chiếc chậu bằng nhựa hoặc đất nhỏ, tưới cho lan sống rồi bán với giá 250.000 - 350.000 đồng/chậu tùy từng loại, còn các giò lan chị để nguyên chăm sóc.
Trồng lan rừng không khó, lan rời thì chỉ cần mua chậu đất nhỏ và vỏ dừa khô cho lan vào trồng, tưới nước đều đặn hằng ngày lan sẽ nhanh mọc rễ. Còn đối với các giò lan hiếm, mọc sẵn trên các cành cây thì để nguyên cả giò treo ngoài trời làm cảnh. Thú chơi lan rừng thỏa mãn ý thích của dân chơi, nhưng lại ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, khiến lan rừng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Ông Y Sy- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Việc người dân lấy lan rừng là vi phạm luật quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, khiến nhiều loại lan rừng đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Chi cục Kiểm lâm đã và đang chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuần tra, ngăn chặn hành vi khai thác lan rừng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trước mọi sự xâm hại. (Tiền Phong 28/1) đầu trang(
Các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện ra một loài thông mới chưa từng được biết đến trên thế giới. Theo đó, loài thông mới mạng thông 5 lá rủ mọc ở khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha - Sơn La.
Loài này trước đây từng bị định loại nhầm là thông trắng Trung Quốc (Pinus armandii) hoặc thông trắng Hải Nam (Pinus fenzeliana).
Gần đây, các nhà thực vật Việt Nam, Nga và Lào đã thu thập thêm được mẫu vật của loài này ở tỉnh Hủa Phăn (Houaphan) - Lào (khu vực giáp ranh với tỉnh Sơn La), và đây chính là bằng chứng khoa học để các nhà thực vật minh định lại tên loài này.
Thông 5 lá rủ mọc ở các vách đá dựng đứng của rừng hỗn giao nơi có độ cao 1.000-1.500m so với mặt biển. Chúng thường mọc chung với các loài thông khác như pơmu, thông nàng, và thông tre.
Theo các nhà khoa học, vùng phân bố của loài rất hẹp, ước chừng dưới 80 km2. Thêm vào đó, vòng đời để tạo ra thế hệ mới của loài này ước tính khoảng 50 năm; và trong khoảng thời gian đó thì khoảng 25% quần thể đã bị tiêu diệt. Ngoài ra, các nguyên nhân về mất sinh cảnh sống cũng là mối đe doạ lớn đối với chúng. Chính vì vậy, thông 5 lá rủ được để nghị tình trạng bảo tồn là Rất nguy cấp - CR (Critically Endangered) theo tiêu chuẩn quốc tế của IIICN.
Được biết, hiện Việt Nam có khoảng trên dưới 34 loài thông mọc tự nhiên, trong đó có nhiều loài hiếm và nguy cơ tuyệt chủng cao, cần được bảo vệ, như thông 5 lá rủ, thông nước (Glyptostrobus pensilis) ở Đắk Lắk, bách vàng việt (Xanthocyparis vietnamensis) ở Hà Giang hay thông đỏ (Taxus vvallichiana)... (Tài Nguyên Môi Trường 27/1) đầu trang(
Đi vào hoạt động  đầu năm 2013, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Ngòi Giành là một trong hai đơn vị  sự nghiệp, trực thuộc Chi cục Lâm nghiệp, làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ khu vực đầu nguồn ngòi Giành thuộc  huyện Yên Lập và một số xã Tây Bắc huyện Cẩm Khê.
Qua hai năm hoạt động ban đã từng bước xác lập mô hình, thu được nhiều kết quả trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Được sự ủng hộ giúp đỡ, tạo điều kiện của hai huyện Yên Lập, Cẩm Khê và Chi cục Lâm nghiệp Ban đã thiết lập hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ với các hộ trong khu vực quản lý theo kế hoạch tỉnh giao, tích cực triển khai nhiệm vụ trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ.
Đã giao khoán bảo vệ 6.500ha rừng phòng hộ đến hộ trong khu vực theo đúng quy chế và dự toán của Nhà nước. Đây là khu vực địa dư rộng, tập trung nhiều hộ đồng bào dân tộc ít người đời sống khó khăn, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế, trong khi đó một số chế độ, chính sách quy chế quản lý còn bất cập, để thực hiện tốt chức năng bảo vệ, phòng hộ rừng đầu nguồn Ban xác định công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống xâm hại, gây cháy là nhiệm vụ hàng đầu.
Hàng năm Ban chủ động phối hợp với hệ thống truyền thanh các xã, huyện thiết lập chương trình tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp quy bảo vệ rừng, kỹ thuật phòng chống cháy rừng. Riêng năm 2014 đã mở 10 lớp tập huấn thu hút trên 4.000 lượt người ở 11 xã thuộc hai huyện Yên Lập, Cẩm Khê để phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, PCCCR, phòng trừ sâu bệnh hại, chính sách mới và triển khai xây dựng hệ thống pa nô, biển báo cảnh báo cháy rừng.
Thường xuyên tổ chức phối hợp với lực lượng kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng các xã tuần tra, điều tra nắm tình hình biến động rừng, đất rừng, đấu tranh xử lý hạn chế vi phạm, phòng chống cháy. Ban đã phối hợp với ngành tài nguyên, môi trường, các xã xác định rõ ranh giới, điều tra quỹ đất xác định nhu cầu phát triển, chủ động lập kế hoạch thiết kế trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất phù hợp với yêu cầu, khả năng.
Rút kinh nghiệm  nhiều năm trồng  rừng phòng hộ, người dân chưa mặn mà, đầu tư kỹ thuật cùng với hoạt động tuyên truyền, Ban đã lập kế hoạch thiết kế các khu vực trồng sát hợp với yêu cầu phòng hộ, nhu cầu của người dân, lựa chọn các cây bản địa, cây phù trợ thích nghi với điều kiện lập địa, khả năng phát triển phòng hộ và cho  sản phẩm sau này như gỗ de, dổi, trám, chè... để đưa vào trồng rừng.
Chủ động sản xuất cây giống và phối hợp với đơn vị cung ứng đảm bảo đủ số lượng, chất lượng cây giống. Hàng năm đều hoàn thành kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ, qua hai năm đã trồng mới trên 160ha bằng cây bản địa, cây phù trợ. Ngoài ra còn trồng mới trên 1.000ha rừng sản xuất cho các xã trong và ngoài vùng quản lý thuộc địa bàn huyện Yên Lập. Do được thiết kế, tổ chức trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, quản lý bảo vệ chu đáo nên rừng phát triển tốt. Nghiệm thu đánh giá cuối kỳ rừng trồng phát triển tốt, đạt tỷ lệ 100%.
Đánh giá về kết quả hai năm hoạt động của ban, đồng chí Lê Quang Vĩnh, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Sông Ngòi Giành cho biết: Qua thực tế hoạt động mặc dù vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa hoàn thiện mô hình tổ chức  cho thấy hiệu quả hoạt động của ban quản lý rừng phòng hộ chuyên trách khá rõ rệt.
Trước đây, do hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đều do các đơn vị khác thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm, nên tính sâu sát, cụ thể đảm bảo hiệu quả chất lượng ít nhiều có hạn chế. Sau hai  năm  hoạt động Ban đã xác lập được mô hình quản lý, quy chế phối hợp với các ngành chức năng, địa phương nhất là các xã thuộc vùng phòng hộ thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng.
Đặc biệt việc phát triển rừng trồng do hoạt động chuyên trách, đi sát chỉ đạo, đôn đốc nên kết quả cao hơn, thể hiện tỷ lệ trồng thành rừng cao hơn, rừng phòng hộ ít bị xâm hại, công tác giải ngân, thanh quyết toán vốn thuận lợi nhanh hơn. Khó khăn hiện nay là do mô hình mới thành lập, lực lượng nhân viên bố trí còn ít, ranh giới xác định giữa vùng phòng hộ với địa phương chưa rõ, nhất là đất rừng phòng hộ đều giao khoán cho hộ quản lý, nên tính chủ động trong thiết kế, chỉ đạo các biện pháp bảo vệ, phát triển vốn rừng hạn chế; cùng với đó mức hỗ trợ đầu tư trồng, chăm sóc, quản lý rừng phòng hộ thấp nên chưa thu hút, khuyến khích nhiều đối tượng tham gia.
Tuy vậy với kinh nghiệm, kết quả hai năm đầu chắc chắn việc quản lý, xây dựng khu vực rừng phòng hộ xung yếu sẽ thành công, góp phần đáng kể bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội, tái cơ cấu sắp xếp lại mô hình quản lý rừng, đất rừng. (Báo Phú Thọ 27/1) đầu trang(
Hàng năm, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau là cao điểm mùa khô hanh. Trong quãng thời gian này nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn thường trực. Chính vì vậy, bên cạnh kế hoạch, biện pháp của các cơ quan chức năng trong phòng chống chữa cháy rừng đòi hỏi ý thức cũng như sự chủ động của người dân trong việc giữ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Tại 12/12 xã thị trấn của huyện Mường Chà công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh luôn được lực lượng chức năng quan tâm. Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà tổng diện tích tự nhiên của huyện là gần 120.000ha, diện tích đất có rừng là 40.124ha trong đó diện tích rừng tự nhiên là trên 39.000ha, diện tích rừng trồng trên 1.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 33,45%.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà cho biết: Địa bàn quản lý rộng, giao thông đi lại khó khăn cách trở trong khi lực lượng kiểm lâm chỉ có 19 đồng chí nên để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trên thực sự là một thách thức không nhỏ đối với hạt kiểm lâm huyện.
Trong khi đó, tình trạng di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, do tập quán đốt nương của đồng bào nên nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hanh rất cao. Chỉ tính riêng trong năm 2014, lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng dân quân, công an, chính quyền các xã, thị trấn đã phát hiện ngăn chặn trên 100 vụ cháy thảm cỏ, cây bụi không để cháy lan vào diện tích có rừng.
Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 31 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trong đó có 1 vụ cháy rừng gây thiệt hại 5,2ha tại xã Huổi Lèng, phá rừng làm nương 11 vụ diện tích thiệt hại 4,6ha…
Xác định rõ khi xảy ra cháy rừng thiệt hại sẽ rất lớn, chính vì vậy hạt kiểm lâm huyện luôn quán triệt phương châm phòng cháy hơn chữa cháy. Bước vào đầu mùa khô hanh 2014 – 2015, hạt đã tham mưu với UBND huyện củng cố kiện toàn 12 ban chỉ huy phòng chống cháy rừng và bảo vệ rừng các xã, thị trấn; củng cố, duy trì 111 tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ rừng tại thôn bản.
Hàng năm, hạt kiểm lâm huyện phối hợp với ban chỉ huy quân sự huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng để nâng cao khả năng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Đặc biệt, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn, bản quản lý, phối hợp với các phòng chức năng của huyện giao khoán bảo vệ rừng trên 210ha; giao khoán chăm sóc rừng trên 80ha; chăm sóc rừng trồng thay thế nương rẫy trên 105ha, giao khoán tái sinh rừng chuyển tiếp trên 640ha.
Khi rừng đã có chủ thì công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng của cộng đồng và người dân không ngừng được nâng lên. Cũng trên cơ sở đó, việc triển khai các chủ trương, chính sách của đảng, Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng như chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ trồng rừng được triển khai nhanh chóng, thuận lợi. (Báo Điện Biên Phủ 23/1) đầu trang(
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Do vậy, nhìn chung tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản và động vật rừng trái pháp luật... cơ bản đã được kiểm soát.
Tuy nhiên vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán tình trạng khai thác rừng trái phép; mua bán, cất giữ và vận chuyển lâm sản; săn bắt, giết mổ động vật rừng trái pháp luật sẽ diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn.
Để chủ động kiểm soát tình hình này, đồng thời có biện pháp kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng kế hoạch truy quét, kiểm tra, kiểm soát lâm sản.
Theo đó, Chi cục đã chỉ đạo 10 đơn vị (bao gồm các Hạt Kiểm lâm, các Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng), tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan để chủ động nắm tình hình nhằm tổ chức truy quét tại các “điểm nóng” trên địa bàn.
Cụ thể, các đơn vị sẽ thực hiện tuần tra, kiểm soát lâm sản ở các khu vực rừng giáp ranh (Quảng Trị, Hà Tĩnh) thường xảy ra hiện tượng khai thác gỗ, các tuyến đường bộ (đường 12A, 10, 16, xuyên Á...), đường thủy (rào Nan, sông Gianh, Long Đại) mà lâm tặc thường lợi dụng để mua bán, vận chuyển gỗ lậu về xuôi tiêu thụ. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm sẽ tiến hành kiểm tra lâm sản tại các cơ sở cưa xẻ gỗ ở các địa phương.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán này, nếu trên địa bàn quản lý của các đơn vị để xảy ra tình trạng khai thác, phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp, vận chuyển gỗ và động vật hoang dã trái phép... mà không kịp thời báo cáo và có biện pháp ngăn chặn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh. (Báo Quảng Bình 27/1) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
27-1, Bí thư Huyện ủy Hương Khê Hà Hùng cho biết: Các ban, ngành của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa họp bàn với quyết tâm, giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, xâm chiếm hàng trăm ha đất rừng tại các Tiểu khu 192, 195 và 200 thuộc hai xã Hòa Hải và Hương Giang trước đại hội đảng các cấp.
Thời gian qua, Báo Nhân Dân Điện tử đã từng đưa một số tin, bài liên quan đến việc tranh chấp, xâm chiếm hàng trăm ha đất rừng tại các Tiểu khu 192, 195 và 200 ở hai xã nói trên trong suốt hơn hai năm qua đã gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp trồng cao su; ngoài ra, còn gây ra tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Cụ thể: Từ cuối năm 2012 đến nay, tại Tiểu khu 192 đã xảy ra tình trạng hàng chục hộ dân trong xã ngang nhiên vào xâm chiếm 273/374,4 ha đất rừng do Công ty cao-su Hương Khê (CSHK) quản lý để trồng keo. Tiếp theo, từ giữa năm 2013 đến nay, tại Tiểu khu 195 và 200 thuộc xã Hương Giang, 91 hộ dân (88 hộ dân thuộc xã Hương Giang và ba hộ dân ở thị trấn Hương Khê) đã ngang nhiên vào rừng xẻ phát, xâm chiếm, trồng 218,35 ha keo; trong đó 155,88 ha tại Tiểu khu 200 và 62,47 ha tại Tiểu khu 195. Đáng chú ý, tại đây, các hộ dân còn tự động xẻ phát sang cả rừng phòng hộ hàng chục ha để trồng keo…
Ngoài ra, từ năm 2011 đến năm 2014, Tòa án nhân dân các cấp đã mở các phiên tòa xét xử và tuyên án buộc ông Lê Hữu Chí ở xóm 3 (Hương Giang) xâm chiếm 7 ha đất rừng và trồng keo trái phép tại lô 17, khoảng 6, Tiểu khu 200 (Hương Giang) phải di dời toàn bộ số cây keo đang trồng trên toàn bộ diện tích trên để trả lại mặt bằng cho Công ty CSHK nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Mặc dù công luận đã thường xuyên lên tiếng; Công ty CSHK đã có nhiều báo cáo gửi các ban, ngành liên quan cùng phương án bảo vệ trồng mới cao-su; UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Khê đã chủ trì nhiều cuộc hợp chỉ đạo liên quan: chẳng hạn, liên quan đến Tiểu khu 192, UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Khê đã chủ trì 14 cuộc họp chỉ đạo…; huyện Hương Khê thành lập một tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng trực tiếp xuống cơ sở sở để nắm tình hình, đối thoại với nhân dân, nhưng đến nay tình hình vẫn không có tiến triển gì khả quan...
Tình hình sản xuất của Công ty CSHK gặp nhiều khó khăn do bị ngưng trệ trong suốt ba năm qua, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế: hơn 20 vạn cây giống cao-su bị quá lứa cùng 5 tỷ đồng liên quan đến việc chuẩn bị trồng mới, chưa kể các khoản trích nộp cho ngân sách các cấp và hỗ trợ các địa phương; hàng trăm công nhân, hộ dân rơi vào tình trạng thất nghiệp. Đã xảy ra một số cuộc đụng độ giữa người dân vào xâm chiếm, xẻ phát với lực lượng bảo vệ rừng...
Theo Bí thư Huyện ủy Hương Khê Hà Hùng: Các ban, ngành của huyện sẽ tập trung xử lý nghiêm với các đối tượng vi phạm (kể cả cán bộ, đảng viên) liên quan đến tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng ở các tiểu khu nói trên. Tổ chức thu hồi một số diện tích liên quan, và giao, cấp đất rừng cho các hộ dân ở trong vùng có nhu cầu.
Tiến hành khảo sát lại quỹ đất rừng tại một số địa bàn, có giải pháp xử lý (cấp đất bù) cho Công ty CSHK triển khai trồng cao-su nhằm giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp… Huyện Hương Khê phấn đấu tập trung giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, xâm lấn đất rừng của Công ty CSHK xong trước đại hội đảng các cấp. (Nhân Dân 27/1) đầu trang(
Chiều 27-1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông cho biết, UBND tỉnh Đác Nông vừa ban hành quyết định phê duyệt phương án giao đất, giao rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 cho cá nhân, hộ gia đình tại hai xã Nâm N’Jang và Trường Xuân, huyện Đác Song quản lý.
Theo đó, UBND tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với UBND huyện Đác Song tiến hành giao xong hơn 349 ha rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 cho cá nhân, hộ gia đình quản lý trước tháng 12 năm 2015.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông Lê Công Trường cho biết: Mục tiêu của phương án là thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho người dân địa phương để quản lý, sử dụng lâu dài vào mục đích phát triển lâm nghiệp, bảo đảm cho rừng và đất lâm nghiệp có chủ quản lý thực sự.
Bên cạnh đó, thu hút được người dân địa phương trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, tạo cơ hội cho người dân được sản xuất, kinh doanh và hưởng lợi từ rừng góp phần cải thiện, nâng cao mức sống, đồng thời duy trì và nâng cao giá trị sản xuất, tác dụng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, cảnh quan của các khu rừng.
Theo phương án được phê duyệt, đến tháng 12-2015 phải thực hiện xong việc giao đất, giao rừng cho cá nhân và hộ gia đình quản lý. Tổng kinh phí phục vụ thực hiện phương án hơn 528 triệu đồng.
Ông Lê Công Trường cũng nêu rõ, hiện nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục và kiểm tra, đo đạc ngoài thực địa, khoanh vẽ các loại đất, loại rừng phục vụ xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho người dân quản lý.
Rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đác Song, tỉnh Đác Nông đã hơn 30 năm tuổi với diện tích ban đầu hơn 400 ha. Ngoài chức năng phòng hộ, rừng thông này còn tạo ra cảnh quan khá đẹp cho cả đoạn đường dài hơn 40 km dọc theo quốc lộ 14 từ huyện Đác Song đến thị xã Gia Nghĩa.
Trong thời gian qua, do những bất cập trong công tác quản lý nên đã có hàng chục ha rừng phòng hộ này bị người dân địa phương chặt phá, lấn chiếm trái phép để xây dựng nhà ở, trồng cây công nghiệp...
Qua rà soát của UBND huyện Đác Song và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông, tại các tiểu khu 1615, 1622, 1641, 1655, 1665, 1682, 1699 và 1709 thuộc diện tích rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 có tất cả 96 hộ dân lấn chiếm, sử dụng đất rừng để xây dựng nhà, lán trại, lều quán, cây trồng trái phép…
Các hộ dân đã xây dựng vật kiến trúc trái phép trong diện tích rừng phòng hộ là 162 cái với diện tích 7.712,8m2, trong đó có 88 nhà với diện tích 4.809,5m2, lán trại, lều quán 35 cái với diện tích 2.242,5m2, công trình phụ 39 cái với diện tích 660,8m2; giếng và hàng rào 23 cái; trồng 1.057 cây công nghiệp trên diện tích 3.414m2 và 496 cây ăn quả trên diện tích 3.339m2; trồng 989 cây rừng gồm keo, bạch đàn, xà cừ trên diện tích 11.870 m2; trồng 259 m2 mì và chiếm dụng trái phép hơn 42.070 m2 đất trống rừng phòng hộ…
Để bảo vệ rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 này, những năm gần đây, UBND huyện Đác Song đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế giải tỏa các hộ dân lấn chiếm trái phép này và gần đây nhất là vào ngày 26-4-2014, huyện đã tổ chức cưỡng chế giải tỏa 41 hộ.
Ngay sau khi cưỡng chế, giải tỏa, huyện Đác Song tịch thu toàn bộ diện tích được cưỡng chế, giải tỏa bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song quản lý và trồng phục hồi lại rừng đã mất nhằm bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đác Nông. Thế nhưng ngay sau khi trồng lại rừng thông, đã có hàng trăm cây thông bị nhổ bỏ, chặt phá và tình trạng chặt phá rừng phòng hộ này vẫn tiếp diễn…
Một trong những nguyên nhân khiến rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 khó quản lý, bảo vệ được là do diện tích rừng trải dài gần 40 km theo quốc lộ 14 và có nhiều hộ dân làm nhà ở, nương rẫy ngay sát diện tích rừng, thậm chí một số hộ còn lấn chiếm ở ngay trong rừng phòng hộ… Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm của huyện mỏng và không thể tuần tra, canh gác liên tục 24/24 giờ trong ngày.
Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng chủ yếu chặt phá rừng phòng hộ vào ban đêm với thủ đoạn ngày càng tinh vi như ngoài việc đẽo vỏ chung quanh gốc cây thông để cây chết dần chết mòn, các đối tượng còn dùng khoan khoan trực tiếp vào thân cây rồi bơm thuốc trừ sâu, hóa chất vào lỗ khoan và chỉ vài ngày sau cây thông héo lá, chết dần.
Vì vậy, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông Lê Công Trường, chỉ có việc thực hiện phương án giao đất, giao rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 cho cá nhân, hộ gia đình quản lý, gắn trách nhiệm của người dân địa phương trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng thì mới hy vọng quản lý, bảo vệ được rừng phòng hộ cảnh quan quý giá này. (Nhân Dân 27/1) đầu trang(
Một cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản tại thôn 8 (Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) nằm cách cây xăng không xa, hàng ngày vô tư đốt hàng tấn rác thải bằng lò đốt thủ công khiến người dân chịu trận.
Không những thế, trong một lần chạy hỏa hoạn, đơn vị này còn bốc nhiều vật liệu dễ cháy tập kết ngay khuôn viên cây xăng, điều này khiến nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. PV được ông Hà Ánh Dương, phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương dẫn đường tới cơ sở chế biến lâm sản được đăng ký với tên Dương Văn Tuấn.
Ông Dương Văn Trường, người quản lý cơ sở chế biến lâm sản cho biết: "Diện tích đang sử dụng hơn 4.000m2, được UBND huyện Thiệu Hóa cho thuê 50 năm (từ năm 2010 đến năm 2060), với mục đích xây dựng xưởng sản xuất cót ép và xưởng mộc dân dụng tại xã Thiệu Dương".
Nguyên liệu chế biến của cơ sở đều là chất thải của các công ty chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh cung cấp, mỗi tháng từ 5 đến 7 chục tấn, chế biến ra tăm, hương và củi ép. Lò đốt được đưa vào vận hành có hệ thống dập bằng hệ thống nước, khói bụi là không đáng kể.
Các cơ quan cũng đã kiểm tra, nhắc nhở vài lần nhưng không xử phạt. Còn hỏa hoạn thì đã xảy ra nhiều vụ cháy nhỏ, đầu năm 2014 một vụ cháy lớn thiêu rụi toàn bộ một khu nhà, may mà không thiệt hại về người. Theo quan sát, bước chân vào khu vực xưởng sản xuất mọi người sẽ bị rối mắt bởi nhìn đâu cũng thấy nguyên liệu, mùn cưa, bùi nhùi bày la liệt.
Tất cả công nhân đều không hề có thiết bị bảo hộ lao động, gần đó là chiếc lò đốt thủ công, các loại phế phẩm được đưa vào lò cháy trực tiếp, hôm nào thuận gió thì khói, tàn lửa bay khắp nơi, tìm mãi khắp xưởng không thấy một chiếc bình phòng cháy, chữa cháy.
Ngay trong khuôn viên nhà xưởng, các nhân viên hàn, mài các thiết bị kim loại vẫn miệt mài làm việc. Trong khi đó, với điều kiện thời tiết hanh khô như hiện nay, chỉ cần một tàn lửa bay lạc, chắc chắn hỏa hoạn sẽ xảy ra. Đây là khu vực núi đá nên nguồn nước không có nên hậu quả rất khó lường.
Theo phản ánh của các hộ dân thôn 8, cứ vào thời điểm chiều tối và sáng sớm thì lò đốt lại hoạt động hết công suất, gây khói bụi, bốc mùi khét lẹt xông lên nồng nặc, không ít người đã mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp.
Không những thế, nguồn nguyên liệu chế biến của cơ sở đổ vương vãi khắp nơi ra cả ngoài đường, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Trời nắng thì bụi bay mù mịt, trời mưa thì nước chảy tràn lan gây ô nhiễm môi trường.
Điều lạ lùng, trong suốt một thời gian dài cơ sở chế biến này không hề thực hiện cam kết bảo vệ môi trường do cấp có thẩm quyền phê duyệt, không thực hiện giám sát môi trường hàng năm theo quy định, chưa có biện pháp xử lý khói bụi của lò đốt, chưa đăng ký xả ra môi trường...song vẫn ngang nhiên hoạt động, mà không hề bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Trao đổi với PV, ông Ngô Quốc Huy Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa) cho biết: “Chính quyền địa phương đã nhận được phản ánh của các hộ dân về tình trạng ô nhiễm tại cơ sở chế biến lâm sản này trong thời gian dài.
Tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở đều chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác cháy nổ. Tôi mới về nhận nhiệm vụ tại đây hơn 1 tháng, khi kiểm tra hồ sơ lưu chỉ thấy kiểm tra sơ qua mà không tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời gian sớm nhất UBND xã sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo lên Thành phố để xử lý dứt điểm.
“Cẩn tắc vô ưu”, một cơ sở chế biến lâm sản, toàn vật liệu dễ cháy, sử dụng lò đốt thủ công và đã xảy ra hảo hoạn nhiều lần mà nằm ngay cây xăng thì quá nguy hiểm". (Công Lý 27/1) đầu trang(
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 270/QĐ-UBND, giao nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm kê rừng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án triển khai công tác kiểm kê toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố. Thành lập tổ công tác kiểm kê rừng gồm 10 thành viên, do lãnh đạo Sở làm Tổ trưởng. Thành viên là cán bộ sở, ngành liên quan.
Tổ công tác kiểm kê rừng có trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương có rừng theo thẩm quyền để thực hiện công tác kiểm kê rừng trên địa bàn thành phố.
Tiếp nhận bản đồ kết quả kiểm kê đất đai năm 2010 của cấp xã, huyện, thành phố và tài liệu liên quan để phục vụ điều tra, kiểm kê rừng. Xây dựng dự toán kinh phí hoạt động thực hiện nhiệm vụ kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý, bảo vệ rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức chỉ đạo, thực hiện và giám sát tiến độ, nội dung công tác kiểm kê rừng trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Ban Chỉ đạo kiểm kê rừng trung ương và đơn vị tư vấn giám sát, kiểm tra nghiệm thu, đánh giá chất lượng kiểm kê rừng trên địa bàn thành phố…
Cùng với đó, tổng hợp kết quả điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn thành phố; tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND thành phố để báo cáo Ban Chỉ đạo kiểm kê rừng trung ương và công bố kết quả kiểm kê rừng thành phố. Tổ chức lập hồ sơ quản lý rừng, phục vụ công tác cập nhật diễn biến diện tích rừng và đất lâm nghiệp hàng năm sau kiểm kê rừng.
Xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác kiểm kê rừng, quản lý hoạt động kiểm kê rừng trên địa bàn thành phố. Kinh phí hoạt động, chế độ chi tài chính thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, cung cấp tài liệu liên quan giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành kế hoạch công tác điều tra, kiểm kê rừng theo đúng tiến độ, nội dung phê duyệt. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phòng tài nguyên và môi trường các huyện, thị xã có rừng phối hợp, cung cấp tài liệu liên quan theo đề nghị của Tổ công tác kiểm kê rừng thành phố và Tổ kiểm kê rừng cấp huyện thực hiện công tác kiểm kê rừng tại địa phương…
UBND các huyện, thị xã có rừng quyết định thành lập Tổ kiểm kê rừng cấp huyện đặt tại Hạt Kiểm lâm. Tổ công tác kiểm kê rừng cấp huyện được thành lập 5 người, do 1 lãnh đạo UBND cấp huyện làm Tổ trưởng, thành viên là các cán bộ chuyên môn ở cơ sở tại địa phương. Tổ kiểm kê rừng cấp huyện hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm kê rừng ở địa phương. (Hanoi.gov.vn 27/1) đầu trang(
Sáng 27.1, Hội đồng Quản lý Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức họp đánh đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2014, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2015. Ông Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Năm 2014 là năm thứ 2 tỉnh triển khai, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Về kết quả huy động các nguồn thu, tính đến cuối năm 2014, quỹ đã thu được trên 32 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ môi trường rừng trên 31 tỷ đồng, thu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng gần 400 triệu đồng…
Toàn tỉnh có tổng diện tích rừng gần 448.000 ha, trong đó có trên 270.000 ha được cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Trong năm, Quỹ chi trên 16 tỷ đồng, trong đó có trên 2 tỷ cho công tác quản lý và trên 14 tỷ cho các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Những khó khăn, hạn chế trong công tác thu quỹ bảo vệ và phát triển rừng đó là hiện nay việc thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Tính riêng năm 2014, kế hoạch thu đối với 21 nhà máy thủy điện của tỉnh là trên 27 tỷ đồng, tuy nhiên đến cuối năm mới chỉ thu được trên 800 tỷ đồng. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc thanh toán tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo đúng kế hoạch.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đề nghị Ban điều hành Quỹ và các cơ quan liên quan cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015. Tập trung triển khai, quản lý thật tốt việc chi trả quỹ bảo vệ và phát triển rừng cho các chủ rừng, hộ nhận khoán nhằm tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đóng phí dịch vụ môi trường rừng.
Cần nghiên cứu, rà soát hình thức chi trả theo hướng cộng đồng hưởng lợi cùng chung sức bảo vệ, phát triển rừng rừng thay cho việc chi trả đơn lẻ như hiện nay. Đối với các nhà máy thủy điện chậm nộp phí dịch vụ môi trường rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công thương làm việc cụ thể với các doanh nghiệp để tuyên truyền, đôn đốc và ra thời hạn nộp quỹ. Doanh nghiệp nào cố tình không nộp, vượt quá thời hạn cho phép thì đề Bộ Công thường tạm dừng hoạt động nhà máy thủy điện.
Ông Nguyễn Minh Tiến cũng thống nhất bổ sung thêm lực lượng Kiểm lâm tham gia Hội đồng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân về công tác bảo vệ, phát triển rừng… (Báo Hà Giang 27/1) đầu trang(
;
Các phương án phê duyệt chậm, nguồn vốn eo hẹp… là những nguyên nhân khiến lộ trình trồng rừng không đạt kế hoạch đề ra.
Các chỉ tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc năm nay đã tính toán từ cuối năm 2014. Theo Sở NN&PTNT, năm 2015 tỉnh kiến nghị Trung ương phân bổ 110 tỷ đồng vốn kế hoạch trồng rừng thay thế với tổng diện tích 1.800ha (Trung ương 100 tỷ đồng, địa phương 10 tỷ đồng).
UBND tỉnh cũng giao hơn 52.870ha cho các địa phương giao khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; đôn đốc các vườn ươm cây giống đáp ứng đủ kế hoạch trồng rừng cho những năm tiếp theo. Hai năm (2014 - 2015), phát triển rừng gặp khó khăn, bởi năm đầu hầu như các kế hoạch trồng rừng đều không đạt như kế hoạch đề ra.
Chẳng hạn, các địa phương mới trồng 387ha rừng đặc dụng và phòng hộ, trong khi kế hoạch 460ha (đạt hơn 84%); trồng rừng sản xuất kế hoạch giao 2.200ha nhưng mới thực hiện 1.900ha. Đặc biệt vốn ngân sách nhà nước trồng mới rừng chỉ triển khai đạt hơn 57%. Khoanh nuôi tái sinh rừng cũng không theo đúng kế hoạch.
Lý giải nguyên nhân các chỉ tiêu đều thực hiện thấp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, suất đầu tư cho trồng, chăm sóc rừng phòng hộ và hỗ trợ rừng sản xuất thấp so với mặt bằng giá thị trường hiện nay. Diện tích giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ có sự chồng chéo với diện tích giao khoán trong đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Tiến độ trồng rừng thay thế ở các diện tích đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thậm chí còn ì ạch hơn. Cuối năm 2014, cả tỉnh chỉ phủ xanh hơn 253ha rừng, trong khi kế hoạch giao hơn 700ha. Bất cập phát sinh trong giải quyết thu hồi đất nương rẫy của người dân tốn nhiều thời gian.
Theo chính quyền các huyện Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, thời gian gần đây, thị trường gỗ nguyên liệu rớt giá nên người dân chưa mạnh dạn trồng rừng sản xuất; một số nơi vướng về thủ tục pháp lý trồng rừng. Mặt khác, Trung ương bố trí nhỏ giọt vốn bảo vệ, phát triển rừng hằng năm.
Sở NN&PTNT nhìn nhận, hầu hết dự án trồng rừng cơ sở đều thiếu vốn quản lý điều hành. Suất đầu tư trồng rừng phòng hộ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thấp nên chưa thể vận động được người dân tham gia, hoặc xã hội hóa công tác này. “Vốn giao không đủ, diện tích giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a không đưa về đơn vị nên khâu theo dõi, chỉ đạo gặp khó khăn” - ông Hưng nói.
Tuy nhiên, tìm hiểu tại nhiều địa phương miền núi, vướng mắc phổ biến là khâu lập hồ sơ giao khoán rừng, rắc rối xác nhận ranh giới phạm vi trồng rừng cho nhóm hộ, cá nhân. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép tái diễn liên tục.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng còn bất cập. Đơn giá chi trả bình quân mỗi héc ta có sự chênh lệch khá lớn giữa các lưu vực trên địa bàn làm cho người dân so bì quyền lợi, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đơn cử, nơi cao nhất lưu vực thủy điện A Vương có giá 350 nghìn/ha/năm, thấp nhất là lưu vực thủy điện Sông Cùng chỉ 12 nghìn đồng/ha/năm.
Theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 được UBND tỉnh phê duyệt, giai đoạn này cả tỉnh trồng hơn 80.700ha rừng tập trung, hàng năm khai thác khoảng hơn 13.400ha rừng trồng, đáp ứng khoảng 308 nghìn mét khối gỗ chế biến và gỗ dăm, hơn 4,7 triệu tấn nguyên liệu bột giấy.
Dự kiến tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng để thực hiện. Thế nhưng, “điệp khúc” thiếu nguồn là nguyên nhân chính khiến trồng rừng chậm tiến độ. Thực tế, nhiều địa phương không thích mở rộng diện tích trồng rừng, thay vào đó tập trung phát triển rừng theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác.
Theo kế hoạch, năm 2015 cả tỉnh sẽ thực hiện hơn 800ha diện tích trồng rừng thay thế đối với các dự án đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng các công trình thủy điện và mục đích khác. Ngành nông nghiệp dự kiến thu hơn 64 tỷ đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, ký hợp đồng giao khoán bảo vệ 281.625ha rừng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, từ đầu năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng nhiều giải pháp trọng điểm, nhất là đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị có diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng khẩn trương lập phương án để ngành chức năng phê duyệt. Đối với các dự án dưới 10ha, thống nhất chủ trương trực tiếp trả nợ rừng mà không cần xây dựng phương án.
Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương kịp thời ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2016 - 2020 để có thể triển khai vào đầu năm 2016. Tại buổi làm việc tháo gỡ vướng mắc trong phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh mới đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT thống nhất ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2016 - 2020; xem xét đề nghị Trung ương nâng suất đầu tư trồng, chăm sóc rừng phòng hộ… (Báo Quảng Nam 27/1) đầu trang(
26/1, ông Huỳnh Văn Tí, Bí thư Tỉnh ủy cùng với lãnh đạo một số sở, ban, ngành đã làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận về tình hình hoạt động, kinh doanh năm 2014 và phương hướng, kế hoạch năm 2015.
Theo báo cáo của lãnh đạo công ty, năm 2014 đã thực hiện doanh thu 39,5 tỷ đồng, đạt 168% kế hoạch, thu lợi nhuận 4 tỷ đồng, đạt 266,7% kế hoạch, nộp ngân sách 2.969 triệu đồng, đạt 174,9 % kế hoạch. Công ty đã đi vào tái cơ cấu theo lộ trình, cải cách chế độ tiền lương, sắp xếp lại bộ máy tổ chức.
Thực hiện thâm canh rừng trồng, tiến đến xây dựng khu rừng mẫu lớn tại Hàm Thuận Nam. Đầu tư trang thiết bị, máy móc, phục vụ chế biến gỗ và lắp đặt dây chuyền sản xuất ván công nghiệp. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ ở các tỉnh, thành phố lớn. Tham gia công tác xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa trên 342,6 triệu đồng. Lãnh đạo các sở, ngành đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của công ty để xem xét, tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Tí, Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương những thành tích đạt được trong thời gian qua của công ty và chỉ đạo phải xây dựng chiến lược phát triển nhanh, bền vững, chú trọng công tác chế biến gỗ, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ.
Phát huy hiệu quả sử dụng đất, đẩy mạnh thâm canh rừng trồng, rà soát lại quy hoạch rừng trồng một cách hợp lý. Nâng cao năng lực cạnh tranh để khẳng định vị thế, thương hiệu của công ty. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng, tiêu thụ tốt sản phẩm và áp dụng khoa học, công nghệ vào trồng rừng, chế biến gỗ.
Huy động nhiều nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà máy ván nhân tạo. Quan tâm công tác xây dựng Đảng, chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại. (Báo Bình Thuận 27/1) đầu trang(
Ban Quản lý Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà cho biết, dự án hợp tác kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững” của tổ chức JICA của Nhật Bản đã bắt đầu được triển khai tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà với công việc cụ thể là khảo sát thiết kế chi tiết dự án thông qua các buổi làm việc giữa chính quyền địa phương với đại diện tổ chức JICA do bà Taira Tomoko dẫn đầu đoàn.
Theo ông Lê Văn Hương - Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, dự án “Quản lý rừng bền vững” của JICA triển khai tại Vườn gồm 4 hợp phần: Xây dựng chính sách căn bản nhằm hỗ trợ xây dựng các chính sách liên quan đến việc quản lý rừng bền vững; đa dạng sinh học; xây dựng chương trình REDD+ thông qua kế hoạch hành động cấp tỉnh; và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình triển khai và thực hiện dự án.
Được biết, ngoài Lâm Đồng, dự án “Quản lý rừng bền vững” của JICA còn được triển khai ở 4 tỉnh khác của Việt Nam là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. (Báo Lâm Đồng 27/1; Nông Nghiệp VN 28/1) đầu trang(
Từ năm 2005 trở lại đây, kinh tế rừng ở huyện Sơn Tịnh, phát triển mạnh. Đến nay, diện tích rừng của một số địa phương đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Nhờ thu nhập từ rừng mà nhiều hộ gia đình ở huyện Sơn Tịnh đã có nguồn tích lũy và làm giàu do kinh tế rừng mang lại.
Anh Trần Văn Quang, thôn Đồng Nhơn Bắc, xã Tịnh Đông hiện là chủ của khu rừng rộng 9 ha, với hơn 22.500 cây keo lai từ 1 đến 5 năm tuổi. Anh Quang bắt đầu trồng rừng từ năm 2000. Thấy trồng rừng hiệu quả hơn hẳn so với các loại cây trồng khác, nên từ nhiều năm qua, có ai bán đất rừng, anh đều mua lại để mở rộng thêm quỹ đất, tăng thêm diện tích trồng rừng.
Đến nay, ngoài khu rừng rộng 9 ha, anh còn phát triển được 2 cơ sở ươm cây giống, với hơn 1,5 triệu cây. Từ công việc trồng rừng, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu đồng/tháng. Trung bình hàng năm, anh thu hoạch được 1 ha keo lai, có năm anh thu hoạch được từ 3 đến 4 ha keo lai sau 4 đến 5 năm trồng;  cứ 1 ha thu hoạch năng suất ước tính khoảng 90 tấn 100 tấn gỗ nguyên liệu, bình quân sau khi trừ chi phí hàng năm anh thu lãi khoảng từ 50 đến 200 triệu đồng.
Khi Nhà nước có chính sách giao đất cho dân trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông Trương Thuận Lực, thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp đã mạnh dạn tham gia nhận đất trồng rừng. Có đất, năm 2005 gia đình ông đã tiến hành trồng rừng, chủ yếu là cây keo lai.
Hiện nay, rừng keo ở núi Chóp Chài, thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp của gia đình ông có diện tích 7 ha. Do làm đúng kỹ thuật và quan tâm chăm sóc, phát cỏ nên rừng của gia đình ông tỷ lệ cây sống rất cao. Hiện nay 7 ha rừng của ông có số lượng tổng cộng 14.000 cây keo lai. Đa số rừng keo của ông đến thời kỳ 7 đến 8 năm tuổi mới cho khai thác. Với 7 ha này ước tính sau khi xuất bán sẽ cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi 350 triệu đồng.
Ông Trương Thuận Lực, xã Tịnh Hiệp cho biết: “Từ năm 2005 đến năm nay nếu không nhờ vào rừng, không có chương trình WB3 hướng dẫn về rừng thì đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn lắm. Nhưng đến bây giờ, dân cả làng đều dựa vào rừng, đời sống đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Thấy hiệu quả từ kinh tế rừng đem lại, nên ở các cánh rừng người dân đều tự xây dựng đường băng cản lửa, bảng phòng cháy chữa cháy rừng, tuân thủ nghiêm ngặt qui định về trồng rừng nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản do rừng tạo nên”.
Ông Quang, ông Lực là 2 trong số hàng ngàn hộ dân ở huyện Sơn Tịnh phát triển kinh tế rừng đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2005 trở lại đây, kinh tế rừng ở huyện Sơn Tịnh phát triển mạnh, người dân nhận thấy trồng cây lấy gỗ nguyên liệu giấy ít rủi ro, chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn huyện, nên nhiều hộ gia đình đã chủ động phát triển loại cây này trên diện tích của mình, góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp trên địa bàn huyện.
Hiện nay, toàn huyện có tổng diện tích rừng đã trồng hơn 8.894 ha. Trong đó, có hơn 1.600 ha rừng thuộc dự án WB3. Đến nay, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện đạt 34%. Các xã có diện tích trồng rừng nhiều như Tịnh Đông, Tịnh Hiệp, Tịnh Thọ. Trong quá trình phát triển kinh tế rừng, đã có nhiều hộ gia đình có nguồn thu nhập trên hàng trăm triệu đồng. Hàng năm, diện tích trồng rừng mới của huyện đạt từ 250 đến 300 ha.
Ông Trần Công Hiệp, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh cho biết: “Hiệu quả trồng rừng đã góp phần tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp của huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nông thôn, nhất là những người làm nghề rừng. Trong thời gian đến, huyện tiếp tục mở rộng diện tích phủ xanh đất trống đồi núi trọc nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân ở những vùng khó khăn, vùng cao, vùng xa; chỉ đạo nhân dân ở các vùng còn đất nhưng chưa tận dụng hết tiếp tục trồng rừng nhằm giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn”.
Tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện Sơn Tịnh hiện vẫn còn rất lớn, cho nên trong thời gian tới huyện tiếp tục chú trọng phát triển công tác trồng rừng, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là các hộ gia đình. Các địa phương chuyển diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rừng có tính chất bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. (Quangngai.gov.vn 26/1) đầu trang(
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng về việc tăng cường triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn xã Phù Long; đồng thời đảm bảo duy trì và ổn định sinh kế cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn, sáng 23/1, UBND huyện Cát Hải phối hợp với Ban điều hành dự án bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng MCD tổ chức hội nghị công bố Quyết định thành lập “Nhóm Cộng đồng Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản” tại xã Phù Long.
Đây là hoạt động thí điểm về mô hình đồng quản lý giữa chính quyền và người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế người dân.
“Nhóm Cộng đồng Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản” có 15 thành viên là các hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cái Viềng 1. Tham gia vào Nhóm Cộng đồng, các thành viên sẽ được dự các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc và quản lý rừng ngập mặn; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; được hưởng các chế độ hỗ trợ công trồng rừng theo quy định của nhà nước và các chính sách hỗ trợ khác nếu có và được đề xuất cơ chế ưu tiên kéo dài thời gian hợp đồng (theo vụ nuôi) với chủ cơ sở hoặc với Nhà nước.
Cùng với những lợi ích có được, các thành viên cũng phải thực hiện trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ, thực hiện việc trồng bổ sung rừng ngập mặn tại khu vực đang trực tiếp sản xuất; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện việc kiểm tra đánh giá hiện trạng diện tích rừng ngập mặn do cá nhân thành viên của nhóm được giao quản lý và diện tích rừng trồng bổ sung; cam kết không thực hiện những hoạt động gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển tự nhiên của cây rừng ngập mặn; ngăn chặn và báo cáo kịp thời các hành vi phá và thu gom cây giống tự nhiên tại chỗ để trồng bổ sung rừng theo nhu cầu thực tế trong quá trình sản xuất cũng như yêu cầu của các cơ quan chuyên môn khi triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn của huyện; thực hiện đầy đủ các khoản thu nộp theo thỏa thuận đối với chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản hoặc với Nhà nước tại diện tích đang trực tiếp sản xuất.
Ngay sau hội nghị công bố quyết định thành lập, Nhóm đã được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng ngập mặn; thực hành kỹ thuật trồng rừng với 50 cây mắm được trồng ngay tại khu vực đầm nuôi do các thành viên trong nhóm quản lý. (Haiphong.gov.vn 27/1) đầu trang(
Bình Trung là xã có phong trào trồng rừng mạnh nhất huyện Chợ Đồn trong những năm gần đây. Hiệu quả từ 'sống" dựa vào rừng đã được minh chứng qua thực tế: Cuộc sống vật chất của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, số diện tích rừng trồng hàng năm đều tăng và vượt chỉ tiêu huyện giao…
"Dựa vào rừng để thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng" là câu nói của nông dân Quản Trọng Quỳnh, thôn 2, xã Bình Trung khi sở hữu trong tay 25ha rừng trồng, toàn bộ diện tích đất rừng sau bao nhiêu năm lam lũ, làm ăn tích góp được để mua anh trồng cây keo, mỡ, quế.
Không phải là người địa phương nhưng anh Quỳnh lại đến đây để lập nghiệp, khi có Dự án hỗ trợ trồng rừng anh mua đất đồi của bà con, tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc rừng trồng. Nhờ cần cù, dám nghĩ dám làm đến nay một số diện tích rừng trồng keo, mỡ của gia đình anh đã được khai thác và mang lại thu nhập đáng kể.
Để tận thu được tối đa sản phẩm từ rừng anh mua thêm giàn máy bóc gỗ để làm ra sản phẩm gỗ bóc, góp phần tăng thêm thu nhập. Nhà có hai lao động chính nên anh thuê thêm nhân công, diện tích rừng trồng và cơ sở chế biến gỗ bóc tạo việc làm cho 8 lao động với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng, ngoài ra tạo việc làm theo thời vụ cho 10-15 lao động địa phương.
Riêng trong năm 2014, gia đình anh Quỳnh trồng xen được 3ha sắn cao sản, 200 cây hồng không hạt. Năm 2012, anh Quỳnh chuyển 0,7ha ruộng sang làm vườn ươm cây giống cho Dự án 147. Mỗi năm, trừ hết chi phí gia đình anh Quỳnh thu lãi trên 200 triệu, nhờ đó mà đời sống mọi mặt của gia đình anh đã ngày càng ổn định.
Là địa phương có tiềm năng về đất lâm nghiệp với diện tích hơn 6.000ha nên trồng rừng đã trở thành hướng đi chủ lực để giúp bà con nơi đây đổi thay, phòng trào trồng rừng, dựa vào rừng đã trở thành một việc làm mang tính tự giác, người dân chăm sóc rừng trồng, tận dụng những diện tích mới trồng cây để trồng xen những cây ngắn ngày như sắn, lúa nương… rút ngắn khoảng thời gian đợi cây trồng đến tuổi khai thác, vừa tăng thêm thu nhập.
Trong 2 năm 2013-2014, xã Bình Trung mỗi năm đều trồng mới trên 300ha, vượt chỉ tiêu huyện giao, trồng xen sắn gần 100ha, lúa nương 20ha. Triển khai đăng ký trồng rừng theo dự án năm 2015 với tổng diện tích đăng ký là: 416,11 ha. Tổng diện tích đã thiết kế xong trồng trong năm 2015 với tổng diện tích là: 448,24 ha.
Trong năm qua, xã Bình Trung xác nhận khai thác gỗ rừng trồng cho 44 hộ, trong đó khai thác gỗ keo cho 14 hộ với khối lượng 1.706 m3; khai thác gỗ xoan cho 3 hộ với 58m3; khai thác gỗ mỡ 256 m3; gỗ bồ đề 141 m3. Nếu tính trung bình giá 1m3 gỗ giá từ 600-1 triệu đồng thì số tiền thu về từ khai thác rừng trồng diện tích 1ha không phải là nhỏ, có thể giúp người dân trang trải cuộc sống, làm nhà, nuôi con ăn học…
Cùng với tích cực trồng rừng, người dân Bình Trung đã cùng nhau chung sức tạo ra những con đường 'huyết mạch" đến tận chân đồi, tạo điệu kiện thuận lợi trong việc đi lại cũng như vận chuyển nông sản, khai thác gỗ rừng trồng. Tính đến nay, cả xã có khoảng trên 60km đường lâm sinh, hàng năm đều có mở mới và chủ yếu là nhân dân tự mở hoặc các hộ dân có đồi rừng cạnh nhau nên góp tiền nhau thuê máy xúc mở đường.
Bình Trung là xã thuật lợi về nhiều mặt khi vừa có tiềm năng đất để phát triển lâm nghiệp và trên địa bàn xã có nhiều Công ty chế biến lâm sản, giấy, chế biến sắn…thu mua gỗ, nông sản, tạo việc làm cho người dân địa phương, đồng thời tạo sự yên tâm cho người dân tích cực trồng rừng. Nhờ phát huy thế mạnh của địa phương đến nay xã Bình Trung từ tiềm năng đất rừng mà tỷ lệ hộ nghèo còn 23,37%.
Những cánh rừng trồng xanh bạt ngàn, khai thác xong lại được bà con tiếp tục trồng…đã mang lại sự ấm no hơn cho người dân nơi đây. Sự cần cù, chịu khó và một định hướng đúng đắn của nhân dân xã Bình Trung trong khai thác hiệu quả tiềm năng đất lâm nghiệp đã góp phần làm thay đổi diện mạo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. (Báo Bắc Kạn 27/1) đầu trang(
Mới đây, UBND huyện Tam Đảo tổ chức hội nghị lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Dự hội nghị có lãnh đạo Trung tâm phát triển Nông Lâm nghiệp, Vườn Quốc gia Tam Đảo, Phòng Tài Nguyên Môi Trường, Phòng Nông nghiệp, Hạt Kiểm lâm Tam Đảo, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn. Ông Ngô Hữu Mai – Phó chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo kết quả rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2014 toàn huyện có 84/104 thôn, khu  dân cư có rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 14.667,5 ha trong đó rừng đặc dụng là 11.959,2 ha chiếm 81,5%, rừng phòng hộ là 514,1ha chiếm 3,5%, rừng sản xuất là 2.194,2ha chiếm 15%.
Theo định hướng quy hoạch và phát triển rừng giai đoạn 2015 – 2020 thì tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện còn 14.578,1ha giảm 89,4ha; quy hoạch từ 2021 trở đi theo nghị quyết 38-2013 của tỉnh thì tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện còn 13.302,7ha giảm 1.275,4ha so với giai đoạn trước  trong đó rừng sản xuất là 724,7 ha giảm 1.380,1 ha; rừng phòng hộ là 518,1ha tăng 4 ha; rừng đặc dụng là 12.059,8 ha tăng 100,6ha.
Do vậy sau khi có căn cứ vào định hướng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện sẽ xây dựng dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện như: Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, từng bước chuyển đổi  rừng trồng với các loài cây lấy gỗ nhỏ bằng cây gỗ lớn hiệu quả cao hơn; Phối hợp hài hòa giữa phát triển rừng kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn gen, phát triển du lịch sinh thái; Trồng thay thế rừng gỗ nhỏ bằng trồng cây đặc sản gỗ lớn trên đất chưa có rừng, quy hoạch cho lâm nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; Thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để tiến hành trồng và bảo vệ rừng đạt kết quả cao. (Tamdao.vinhphuc.gov.vn 27/1) đầu trang(
Với mục tiêu nâng cao năng suất rừng keo theo mục tiêu cung cấp gỗ nguyên liệu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã thực hiện hoàn thành đề tài "Nghiên cứu chọn giống và bổ sung biện pháp kỹ thuật trồng rừng Keo (Acacia) đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về gỗ nguyên liệu".
Đề tài thực hiện nhằm chọn được 2-3 giống keo sinh trưởng nhanh hơn mức trung bình của các giống keo đại trà từ 10% trở lên; bổ sung hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng keo cung cấp gỗ nguyên liệu.
Theo đó, đề tài đã đánh giá, xác định giống keo tai tượng có xuất xứ Australia và giống keo lai vô tính dòng BV10 cho năng suất cao hơn so với các giống keo đã trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh, đề xuất một số biện pháp kỹ thuật nuôi dưỡng, tỉa thưa và xác định lập địa cho trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Biện pháp kỹ thuật đề tài đưa ra sau khi được cơ quan có thẩm quyền xác nhận căn cứ để tổ chức, cá nhân áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nhằm đáp ứng mục tiêu kinh doanh rừng đạt hiệu quả cao nhất.
Đề tài đã xây dựng được cơ sở số liệu về tăng trưởng, năng suất rừng trồng của một số giống keo đã trồng trên địa bàn tỉnh. Kết quả xác định năng suất của các giống keo trồng trên lập địa bàn tỉnh  là cơ sở cho việc khuyến cáo lựa chọn loài cây trồng có năng suất cao, xây dựng kế hoạch phát triển rừng nguyên liệu đáp ứng yêu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. (Tuyenquang.gov.vn 27/1) đầu trang(
Với một tỉnh có diện tích đất trống đồi núi trọc chiếm khá nhiều so với đất tự nhiên nên phát triển trồng rừng để vừa tăng độ che phủ vừa khai thác phát triển kinh tế lâm nghiệp là hướng đi đúng được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững và đem lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân thì phải đầu tư có chiều sâu trong công tác trồng rừng.
Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Trị đã xây dựng nhiều mô hình lâm nghiệp nhằm tìm ra giải pháp kỹ thuật thâm canh rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái để nhân rộng cho các vùng trồng rừng đạt hiệu quả cao nhất.
Năm 2014, Trung tâm KN- KN đã xây dựng 3 mô hình thâm canh rừng là trồng cây keo lưỡi liềm có bón hạt giữ ẩm trên vùng cát ven biển, trồng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ và trồng bời lời đỏ ở vùng núi.
Đây là những mô hình khuyến lâm thực hiện từ 2- 3 năm nay được Trung tâm theo dõi, hướng dẫn quá trình khảo nghiệm có tiến triển khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết và từng bước làm thay đổi cách thức trồng rừng của người dân.
Đối với mô hình chăm sóc thâm canh cây keo lưỡi liềm trên cát có bón hạt giữ ẩm, Trung tâm triển khai thực hiện trên địa bàn 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng với tổng diện tích 27,5 ha (năm 2014).
Gia đình ông Phan Chư ở làng sinh thái là 1 trong 5 hộ của xã Triệu Vân được Trạm KN- KN Triệu Phong chọn làm thí điểm mô hình trồng cây keo lưỡi liềm triển khai từ cuối năm 2011. Gia đình ông được nhận 1 ha đất hoang hóa của xã để thực hiện mô hình. Trạm KN-KN huyện hỗ trợ 100% giống cây, 50% vật tư phân bón và hạt giữ ẩm để thực hiện kỹ thuật canh tác mới mà từ trước đến nay trồng rừng trên cát chưa đưa vào ứng dụng.
Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác mới nên ông Chư đã thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật canh tác keo lưỡi liềm. Ban đầu bắt tay vào trồng rừng, ông bón lót đầy đủ lượng phân hữu cơ, sau 2 tháng trồng ông bón hạt giữ ẩm. Các đợt bón thúc tiếp theo ông đều tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Nhờ hạt giữ ẩm nên trên vùng cát trắng mùa khô nóng cây keo không bị thiếu nước đã giúp phát triển xanh tốt.
Rừng keo lưỡi liềm của ông Chư cũng như các hộ nông dân ở Triệu Vân, Triệu Phong tham gia trồng thí điểm đều phát triển tốt, sinh khối rất nhanh, thời gian trồng mới được 2,5 năm, theo đánh giá của cán bộ khuyến nông phụ trách mô hình lượng gỗ sinh khối của rừng này khoảng bằng thời gian trồng rừng keo tràm hoa vàng 5 năm. Dự kiến khoảng 5- 6 năm sẽ cho thu hoạch, sản lượng đạt chừng 80- 85 tấn/ha.
Tình hình sinh trưởng khá của cây keo lưỡi liềm trồng theo phương pháp mới cũng diễn ra trên vùng cát các xã Gio Thành (Gio Linh), Vĩnh Thái (Vĩnh Linh) và huyện Hải Lăng. Hầu hết các xã đều đạt tỷ lệ cây sống cao từ 90- 97%, cây phát triển nhanh về chiều cao và đường kính thân cây.
Qua quá trình theo dõi cho thấy cây keo lưỡi liềm trồng thâm canh theo phương pháp mới thể hiện được đặc điểm thích nghi chịu hạn, chịu gió mạnh, chịu đất nghèo dinh dưỡng, sinh trưởng nhanh hơn hẳn so với các loài keo khác trồng trên vùng đất cát và chưa phát hiện sâu bệnh gây hại.
Hiện cán bộ kỹ thuật các trạm thường xuyên kiểm tra các mô hình để nắm bắt tình hình và có hướng chỉ đạo cụ thể cho người dân nhằm quản lý, bảo vệ tốt mô hình. Đối với mô hình trồng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ được triển khai tại Cam Lộ và thị xã Quảng Trị với diện tích 10 ha đã triển khai trồng từ cuối năm 2014, đến nay tỷ lệ sống đạt hơn 90%.
Mô hình trồng rừng thâm canh cây bời lời đỏ được triển khai từ năm 2012 trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông được đồng bào tích cực hưởng ứng, đến nay đã trồng được hơn 20 ha. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống đạt 90- 95%, cây sinh trưởng tốt, chiều cao cây bình quân 30 cm, đường kính gốc 0,3 cm.
Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chỉ đạo chăm sóc kỹ càng nên đồng bào đã đảm bảo thực hiện được các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bời lời đỏ. Sau 3 năm thực hiện, cây bời lời đỏ đang thể hiện được tính thích nghi với điều kiện đất tự nhiên ở vùng núi của tỉnh. Mô hình cây bời lời đỏ thành công sẽ cho thu nhập khá, giúp đồng bào cải thiện đời sống, góp phần bảo vệ rừng phòng hộ do đồng bào hạn chế đốt rừng làm rẫy.
Để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển rừng bền vững, ngoài việc tăng diện tích trồng rừng tập trung hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo mạnh mẽ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh rừng trồng, đồng thời tiến hành khảo nghiệm các giống cây mới để làm phong phú thêm tập đoàn cây lâm nghiệp trên địa bàn và nâng cao giá trị canh tác rừng.
Các mô hình khuyến lâm mà Trung tâm KN- KN tỉnh đang xây dựng trong những năm qua đang từng bước làm thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất lâm nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất bằng những phương pháp canh tác bền vững. (Báo Quảng Trị 28/1) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Báo chí Trung Quốc hôm 26/1 cho biết một số quan chức nước này đã ăn thịt kỳ nhông - một trong những loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong một bữa tiệc ăn mừng chính sách thắt lưng buộc bụng của Bắc Kinh.
Thời báo Hoàn Cầu nói rằng trong 28 thực khách tham gia bữa tiệc có một số quan chức cảnh sát tỉnh Thâm Quyến. “Trong lãnh địa của tôi, đây là đặc quyền của tôi” – một người đàn ông trong bữa tiệc hùng hồn tuyên bố.
Một số người Trung Quốc tin rằng kỳ nhông có chứa các thành phần chống lão hóa trong cơ thể và ăn thịt chúng sẽ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên không có bằng chứng nào chứng minh điều này là đúng.
Loài này đang được xếp vào dạng “bị đe dọa nghiêm trọng” trong Sách đỏ các loài động vật đang bị đe dọa của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Sách đỏ nói rằng quy mô của loài kỳ nhông đã giảm mạnh trong 30 năm qua. “Hoạt động khai thác quá mức để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của con người là mối đe dọa chính với loài sinh vật này” – IUCN tuyên bố.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tờ Ngôi sao Đô thị phương Nam cho biết các phóng viên đưa tin về vụ ăn thịt kỳ nhông sau đó đã bị vài người trong nhóm thực khách đánh đập, một phóng viên bị đá và tát vào mặt, người khác thì bị tịch thu điện thoại, trong khi nhiếp ảnh gia chụp màn ăn thịt kỳ nhông bị bóp cổ và đập nát máy ảnh.
Thời báo Hoàn Cầu cho biết Thâm Quyến đã mở cuộc điều tra về vụ việc và 14 cảnh sát ở đây đã bị đình chỉ công tác. Theo tờ báo, một trong các thực khách khai rằng ông ta đã cung cấp con kỳ nhông cho bữa tiệc và nó không phải động vật hoang dã mà được nuôi nhốt.
Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch nước Tập Cận Bình triển khai chính sách yêu cầu tầng lớp lãnh đạo ở Trung Quốc phải sống tiết kiệm, trong đó có chiến dịch kêu gọi ăn uống giản dị, với “4 món ăn và 1 bát canh”.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nói rằng đang tiến hành trấn áp hoạt động ăn thịt các loài động vật bị đe dọa, gồm tệ yến ẩm với vi cá mập. Tháng Tư năm ngoái, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một đạo luật cho phép việc bỏ tù những kẻ ăn thịt động vật hoang dã.
Chính quyền Trung Quốc hiện xếp 420 động vật hoang dã vào nhóm quý hiếm và bị đe dọa. Những ai giết và ăn thịt các động vật này đều sẽ chịu sự trừng phạt của pháp luật. (VietnamPlus 27/1) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng