Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 27 tháng 01 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Chính quyền quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) cho biết Thiếu tướng Phan Như Thạch - nguyên GĐ Công an Quảng Nam, cùng ông chủ Cty khai thác vàng - Ngô Văn Quang - 2 cá nhân liên quan đến vụ xây dựng trái phép biệt thự trên núi Hải Vân đã đến UBND quận, xin lỗi về hành vi vi phạm pháp luật của mình…
Như đã thông tin việc hàng loạt biệt thự, biệt phủ trái phép trong khu vực rừng cấm Hải Vân, trong đó có quần thể biệt thự của Thiếu tướng Công an Phan Như Thạch và biệt phủ gồm 18 căn nhà xây cả trăm tỉ đồng của đại gia khai khoáng Ngô Văn Quang ngang nhiên vi phạm pháp luật, kéo dài trong 5 năm qua.
Khi báo chí phản ảnh, Thành uỷ, HĐND TP.Đà Nẵng mới chỉ đạo kiểm tra, giải quyết. Sau hơn 1 tháng loay hoay bàn giải pháp, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn ký văn bản chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, lại giao trách nhiệm cho đích thân Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu phối hợp với các sở: TNMT, Xây dựng, NNPTNT, phường Hoà Hiệp Bắc… xử lý. Đây cũng chính là những đơn vị đã bất lực trong việc xử lý, ngăn cản việc xây dựng các quần thể biệt thự, biệt phủ trái phép trên núi Hải Vân suốt 5 năm qua…
Ngày 26.1, ông Dương Thành Thị - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - cho biết, quận đã mời đích danh ông Phan Như Thạch - Thiếu tướng công an và ông Ngô Văn Quang - chủ Cty khai thác vàng - đến để thông báo việc xử lý. Đây là lần đầu tiên hai ông này mới chịu đích thân đến cơ quan chức năng (không cử người khác đi thay thế như đã từng làm ở các đợt kiểm tra từ hơn 5 năm qua).
Cả ông Thạch và ông Quang đều nhận rõ việc làm sai trái của mình trong mua bán, sang nhượng đất và xây dựng trái phép quần thể biệt thự, biệt phủ trên núi Hải Vân. Cũng như các lần gửi đơn trước, cả 2 ông này đều nhận lỗi, xin được nộp phạt để tồn tại. Hai ông đều xin lỗi chính quyền, người dân TP.Đà Nẵng, với mong muốn được xử phạt hành chính để... tồn tại.
Tuy nhiên, theo ông Dương Thành Thị, chính quyền sẽ không vị nể mà xử lý trái với pháp luật. Không có chuyện cố chấp vi phạm kéo dài, bất tuân kiểm soát của chính quyền sở tại, để rồi vụ việc vỡ lở thì đi xin lỗi, được tồn tại. Nhưng, cụ thể giải pháp xử lý thế nào thì cũng chờ ý kiến chỉ đạo cụ thể của UBND TP, Thành uỷ sau khi quận và các sở ngành liên quan kiểm tra, trình xin chỉ đạo.  (Lao Động 27/1) đầu trang(
Khoảng 20 giờ 30 ngày 26/1, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện và bắt giữ chiếc xe khách mang 74B - 000.46 của nhà xe Quang Dũng vận chuyển 4 cá thể khỉ trong đó có 2 cá thể khỉ đã chết được nhà xe để trên nóc xe khách này.
Tại cơ quan công an, lái xe Nguyễn Minh Toàn (SN 1981) trú tại Quảng Trị cho biết là mình chỉ lái xe chứ không biết số cá thể khỉ này do ai đưa lên xe và đưa lúc nào (?!).
Hiện Phòng CSMT công an tỉnh Quảng Bình đã bàn giao 4 cá thể khỉ trên cho Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình để xử lý theo đúng pháp luật. (Giáo Dục & Thời Đại 26/1) đầu trang(
Ngày 24-1, Công an huyện Lộc Ninh (Bình Phước) tuần tra, kiểm soát phát hiện xe ô-tô tải BKS 47P-2023, do Nguyễn Minh Đức, SN 1975, trú phường An Lộc, thị xã Bình Long điều khiển, vận chuyển 100 hộp gỗ không rõ nguồn gốc. (Nhân Dân 25/1) đầu trang(
Chiều 25/1, tại tổ 15 phường Trần  Phú thành phố Hà Giang đã xảy ra vụ cháy rừng, nhận được tin báo các lực lượng chức năng đã nhanh chóng khống chế đám cháy.
Vụ cháy xảy ra trên diện tích 4 ha rừng của gia đình ông Nông Văn Phong, thuộc tổ 15 phường Trần Phú, TP Hà Giang. Theo thông tin ban đầu được biết: gia đình ông Phong đã thuê 2 người tổ chức phát và dọn rừng.
Trong quá trình thực hiện, 2 người này đã dùng lửa để đốt những tán cây bụi. Do không khống chế được lửa, nên đám cháy đã lan sang diện tích rừng lân cận thuộc tổ 16 phường Trần Phú. Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng và lực lượng công an phòng cháy chữa cháy cùng với quần chúng nhân dân đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường khống chế không để đám cháy.
Khoảng 30 phút sau, đám cháy đã được khống chế và dập tắt. Sau đó lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý vụ việc. Được biết đây là khu vực hay xảy ra tình trạng cháy rừng với nguyên nhân là do các hộ tự ý dùng lửa để dọn rừng. Những người dân vẫn chủ quan, không thực hiện nghiêm các quy định về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Qua sự việc trên đặt ra vấn đề đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương, gia đình cần chủ động các giải pháp phòng chông cháy rừng, nhất là vào thời điểm này khi thời tiết hanh khô rất dễ xảy ra cháy.  (Đài PTTH Hà Giang 26/1) đầu trang(
Trong năm 2014, Đội kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã bắt giữ 126 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Trong đó có 118 vụ vi phạm cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép; vi phạm thủ tục hành chính 6 vụ, vi phạm các quy định về quản lý động vật rừng 2 vụ. Thu giữ gần 50m3 gỗ các loại, gần 62 nghìn kg lâm sản, động vật rừng và động vật hoang dã. Tịch thu 9 xe máy, xử phạt hành chính, thanh lý tang vật nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,6 tỷ đồng.
Hiện nay, còn 3 vụ liên quan đến người bị xử phạt vi phạm hành chính không chấp hành nộp phạt với số tiền là trên 32 triệu đồng, hiện Đội đã tham mưu cho Chi cục kiểm lâm ban hành Quyết định cưỡng chế để thu số tiền còn lại nộp ngân sách Nhà nước. (Đài PTTH Điện Biên 24/1) đầu trang(
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có trên 131.132ha rừng tự nhiên; trên 224.364ha rừng trồng. Với diện tích lớn như vậy nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn phức tạp.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Kiểm lâm Quảng Ninh đã bằng nhiều giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển rừng; xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng...
Đơn cử, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng và các đơn vị liên quan tăng cường điều tra, thu thập số liệu diễn biến rừng ngoài thực địa và trên sổ sách theo dõi. Trên cơ sở này các đơn vị nắm rõ các biến động liên quan đến việc trồng, khai thác, sử dụng, cháy, chuyển mục đích sử dụng rừng... từ đó có định hướng bảo vệ, phát triển rừng sát thực tế, đề xuất tham mưu chính xác trong việc quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, ngăn chặn tác động xâm hại tài nguyên rừng...
Thực tế qua theo dõi diễn biến tài nguyên rừng năm 2014 vừa qua cho thấy, tài nguyên rừng toàn tỉnh đang được bảo vệ tốt, giảm thiểu tác động xấu, độ che phủ đạt 53,5%.
Với vai trò là cơ quan thường trực phòng cháy chữa cháy rừng, các đơn vị kiểm lâm đã chủ động chuẩn bị chu đáo về nhân vật lực phòng chống cháy rừng, nhất là vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Trong mùa hanh khô, các Hạt Kiểm lâm luôn đảm bảo lực lượng trực, tuần tra, canh gác phòng ngừa cháy rừng ở các địa bàn có rừng 24/24h.
Vào mùa hanh khô, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp kiểm tra các chủ rừng và địa phương có diện tích rừng thông lớn. Qua đó đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị này củng cố, tăng cường thêm các điều kiện phòng chống cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm cũng tiếp tục sử dụng các phần mềm vi tính hiện đại để phân vùng trọng điểm rừng, cảnh báo cháy rừng, chỉ huy cháy rừng... qua đó đưa ra những cảnh báo cháy rừng kịp thời, chính xác, giảm thiểu nguy cơ cháy...
Nhờ các giải pháp trên nên thời gian qua, hầu hết các vụ cháy rừng đều được phát hiện sớm, huy động lực lượng mạnh để xử lý triệt để ngay khi mới xảy ra, ngăn chặn được cháy lớn gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Thực hiện chỉ đạo về việc trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, Chi cục Kiểm lâm đã tập trung kiểm tra, rà soát các dự án có liên quan; hướng dẫn các chủ dự án lập phương án và triển khai trồng rừng thay thế. Theo con số của Chi cục Kiểm lâm, từ năm 2006 đến nay (thời điểm thực hiện quy định) đã có 83 dự án có sử dụng đất rừng sang mục đích khác với tổng diện tích gần 870ha rừng.
Đến thời điểm này các chủ dự án đã trồng rừng thay thế được hơn 200ha, đang tiến hành lập phương án trồng rừng trên diện tích còn lại, đảm bảo trong năm 2015 này hoàn thành 100%.
Bên cạnh đó, năm 2014 vừa qua, lực lượng kiểm lâm đã có nhiều đổi mới trong quản lý cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã áp dụng các phần mềm vi tính hiện đại hệ thống việc lưu trữ, theo dõi số liệu các cơ sở gây nuôi, giám sát chặt chẽ các chủ nuôi trong việc chấp hành đúng quy định về điều kiện chuồng trại, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh...
Nhờ đó các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, cá thể động vật hoang dã tại các sơ sở này được quản lý theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho cả người và vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng.
Riêng đối với đối tượng gấu nuôi nhốt, Hạt Kiểm lâm các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền bảo vệ gấu như phối hợp phát 24.000 tờ rơi, treo 240 tờ phướn về quy định pháp luật liên quan bảo vệ gấu; tăng cường kiểm tra ngăn chặn tình trạng lén lút đưa khách du lịch tham quan trại gấu. Đối tượng chim di cư cũng được các lực lượng kiểm lâm bảo vệ, chống săn bắt khá hiệu quả.
Có thể thấy năm 2014 vừa qua, với sự nỗ lực của toàn ngành, lực lượng kiểm lâm của tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng. (Báo Quảng Ninh 26/1) đầu trang(
Thị trấn Óc Eo đã triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2015, đặc biệt là phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô.
UBND thị trấn còn thông báo nhắc nhở các chủ rừng trên núi Ba Thê cảnh giác trong mùa khô hanh. Riêng đoàn thể, các ngành, xã và ấp hiệp đồng chặt chẽ tuần tra, kiểm tra để ứng phó có hiệu quả các tình huống xảy ra.
Rừng đồi núi ở thị trấn Óc Eo trên 181 héc-ta, gồm khu vực núi Ba Thê và núi Nhỏ, phần lớn diện tích đều được trồng cây hỗn giao theo mô hình vườn đồi và vườn rừng. Đây còn là khu du lịch văn hóa và tâm linh nên những ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết thu hút đông đảo du khách, người hành hương đến tham quan. (Báo An Giang 23/1) đầu trang(
Số diện tích trên được Vườn Quốc gia Bạch Mã (VQGBM) thông tin tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2014 vào sáng 23-1.
Năm 2014, VQG BM đã giao khoán cho 46 cá nhân, 12 xã và 1 đơn vị vũ trang nhận bảo vệ 10.000ha rừng, với tổng kinh phí 2 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng. Nhờ làm tốt công tác giao khoán rừng, trong năm 2014 VQGBM đã phối hợp xử lý 30 vụ vi phạm lâm luật, phạt tiền 22,5 triệu đồng và tịch thu gần 24 m3...
Dịp này,VQGBM đề ra nhiệm vụ trong năm 2015; trong đó tiếp tục tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đơn vị chức năng, người dân địa phương vận động, tuyên truyền, quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả. (Báo Thừa Thiên Huế 23/1) đầu trang(
22 -1, tại huyện Như Xuân diễn ra hội nghị sơ kết công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) vùng giáp ranh theo quy chế phối hợp giữa 2 huyện Như Xuân, Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa và 2 huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
Huyện Như Xuân có 6 xã giáp ranh với 8 xã của 2 huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, với chiều dài đường biên gần 90 km; huyện Như Thanh có 2 xã giáp ranh huyện Nghĩa Đàn với tổng đường biên 17 km.
Địa hình vùng giáp ranh hiểm trở, đi lại khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp... gây không ít khó khăn cho công tác bảo vệ, PCCCR. Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra; an ninh rừng có lúc, có nơi chưa thực sự ổn định bền vững.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, PCCCR, các huyện đã tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin; các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tập trung chỉ đạo, tuyên truyền các hộ dân ký cam kết không sử dụng cưa xăng, súng săn, bẫy bắt vào việc khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng trái phép; không sử dụng lửa bừa bãi trong sinh hoạt, sản xuất để xảy ra cháy rừng; đặc biệt là việc tuần tra, kiểm tra an ninh rừng của các lực lượng chuyên ngành, nhằm giữ vững ổn định an ninh rừng vùng giáp ranh; giảm thiểu tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng vén rừng, xâm lấn rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái pháp luật... nên tình hình an ninh rừng vùng giáp ranh trong năm 2014 đã được giữ vững ổn định.
Phát huy kết quả trên, các huyện tiếp tục tăng cường phối hợp tuần tra bảo vệ, PCCCR trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi và cả năm 2015, phấn đấu giữ vững ổn định rừng, nhất là đối với khu vực còn giàu tài nguyên rừng, có nguy cơ khai thác trái phép cao. (Báo Thanh Hóa 24/1) đầu trang(
Năm 2014, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp và tham mưu cấp được thêm 15 giấy chứng nhận cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đăng ký nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã.
Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có tổng số 303 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, tăng 15 cơ sở so với năm 2013. Trong đó có 2 cơ sở của tổ chức và 301 cơ sở của hộ gia đình, cá nhân với tổng số trên 5.200 cá thể, gồm: Rắn hổ mang nhóm IIB gần 1.900 cá thể; Rắn ráo trâu nhóm IIB có 100 cá thể; Cầy vòi hương có 08 cá thể; Lợn rừng gần 900 cá thể; Hươu sao có 24 cá thể; Chim trĩ đỏ có 36 cá thể; Dúi có 550 cá thể; Thỏ có 07 cá thể, Tắc kè có 50 cá thể; Nhím có hơn 1.700 cá thể.
Qua theo dõi của lực lượng Kiểm lâm, nhìn chung các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về nuôi nhốt động vật hoang dã. Mặc dù vậy, tình trạng săn bắn, bẫy bắt, mua, bán, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ các loài động vật hoang dã trái pháp luật vẫn diễn ra ở một số địa phương, đối tượng vi phạm chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng sâu, vùng cao.
Trong năm 2014, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 7 vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. (Đài PTTH Bắc Kạn 25/1) đầu trang(
Sau gần 7 năm được Công ty cổ phần Thanh Hà phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang “cứu chữa,” chăm sóc, đến nay cây đa Tân Trào lịch sử đã hồi sinh và tiếp tục phát triển rất nhanh.
Hiện, tại vết tạo sẹo trên cành cây duy nhất còn sống của cây đa Tân Trào đã phát triển thành hai cụm rễ mới, đường kính mỗi cụm rễ 80-90cm, với nhiều cành lá xanh tốt, xum xuê.
Cây đa Tân Trào là biểu tượng của cách mạng Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến và là niềm tự hào của người dân Tuyên Quang, đã đi vào thơ, vào nhạc và “ăn sâu” vào tâm tưởng người dân Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
Ông Trần Văn Rào, 80 tuổi, thôn Cả, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ: "Cây đa Tân Trào lịch sử có từ rất lâu (khoảng hơn 300 năm), do vậy hình ảnh cây đa đã in sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ người dân Tân Trào. Người dân chúng tôi ai cũng coi cây đa là biểu tượng và là niềm tự hào nên rất có ý thức trong việc bảo vệ và chăm sóc cây đa Tân Trào".
Chị Lành Thị Kiên, hướng dẫn viên du lịch Ban Quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho biết cây đa Tân Trào gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước.
Dưới gốc đa này, chiều ngày 16/8/1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội... Cũng theo chị Kiên, cây đa Tân Trào trước đây gồm hai cây, người dân trong vùng quen gọi là "cây đa ông" và "cây đa bà," mọc cách nhau khoảng 10m.
Năm 1993, "cây đa ông" bị đổ do bão, chỉ còn một nhánh nhỏ, còn "cây đa bà" do quy luật “sinh tử” có dấu hiệu của sự già cỗi, lá nhỏ, vàng và một số ngọn nhỏ bị chết. Đặc biệt, từ năm 2005-2007, cây có nhiều cành đường kính từ 30-80 cm bị gãy, chết khô...
Đến đầu năm 2008, cây đa Tân Trào chỉ còn duy nhất cành hướng Đông Bắc còn sống nhưng lá không tốt, các rễ chính của cây đa gần như đã hỏng. Trước tình hình trên, năm 2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức “Hội thảo khoa học phục hồi cây đa Tân Trào” với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý lâm nghiệp, di sản văn hóa và sinh vật cảnh trong nước.
Mặc dù có rất nhiều phương án được đưa ra tại hội thảo như thay thế cây đa mới, cấy ghép sinh học, phục hồi bằng giải pháp sinh học kết hợp thay thế..., tuy nhiên, các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý chưa thể lựa chọn được phương án cuối cùng.
Đúng lúc khó khăn đó, Công ty cổ phần Thanh Hà đã đứng ra xin được “cứu chữa” cây đa Tân Trào. Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định thành lập Tổ công tác theo dõi, giám sát quá trình chăm sóc, phục hồi sinh trưởng cây đa.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các Sở:Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ; Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Dương, Bảo tàng Tân Trào-ATK căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Công ty cổ phần Thanh Hà thực hiện các biện pháp chăm sóc phục hồi sinh trưởng của cây đa; kịp thời chỉ đạo các vấn đề phát sinh theo đề nghị của Tổ công tác cũng như Công ty cổ phần Thanh Hà trong quá trình theo dõi chăm sóc cây đa.
Theo Tổ công tác theo dõi, giám sát quá trình chăm sóc, phục hồi sinh trưởng cây đa Tân Trào, từ năm 2008-2010, cây đa Tân Trào đã trải qua quá trình chăm sóc, “cứu chữa” đặc biệt như Công ty cổ phần Thanh Hà phun các chế phẩm sinh học KH, AN, NH lên toàn bộ tán lá, thân và rễ đa theo định kỳ, trước là 21 ngày/lần, sau tăng lên 7 ngày/lần.
Cùng thời gian đó, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã chiết thành công 21 trong tổng số 26 cành để lưu giữ nguồn gen và một phần để tạo rễ ngay trên cây.
Ngoài ra, để bảo tồn phần gốc, thân chính cây đa đã bị chết và có nguy cơ đổ, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án đầu tư biện pháp kỹ thuật để chống đổ, chống đỡ phần thân cây đang còn sống và bảo tồn nguyên trạng phần gốc không còn sống của cây đa Tân Trào bằng cách sử dụng hệ thống cốt thép móng bêtông, cột đỡ bằng thép ống D250 mm ngoài bọc vật liệu tổng hợp giả thân cây, liên kết với thân cây bằng đai thép…
Sau nhiều năm “cứu chữa” và chăm sóc, đến nay cây đa Tân Trào lịch sử đã hồi sinh rất nhanh. Tại vết tạo sẹo trên cành cây duy nhất còn sống của cây đa Tân Trào ("cây đa bà") đến nay đã phát triển thành hai cụm rễ, đường kính mỗi cụm rễ 80-90 cm; diện tích tán lá rộng khoảng 30-40m2.  Còn "cây đa ông" sau khi bị bão thổi đổ chỉ còn một nhánh nhỏ, đến nay cũng đã hồi sinh và phát triển thành cụm cây mới gồm 4 gốc xanh tốt.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho biết việc cây đa Tân Trào lịch sử hồi sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi cây đa không chỉ là biểu tượng cách mạng, biểu tượng của Thủ đô kháng chiến mà hình ảnh cây đa Tân Trào đã "ăn sâu" vào trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam.
Cũng theo bà Nhung, hiện cây đa Tân Trào lịch sử đã được Công ty cổ phần Thanh Hà và các cơ quan chức năng bàn giao cho Ban Quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào chăm sóc, bảo vệ.
Để đảm bảo cho cây đa Tân Trào lịch sử phát triển tốt nhất, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cử cán bộ tiến hành tưới nước hàng ngày và bón chế phẩm cho cành, lá vào thứ hai hàng tuần. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng thường xuyên tuyên truyền đến người dân để mọi người cùng có ý thức bảo vệ cây đa Tân Trào lịch sử. (Thanh Tra 26/1; Tài Nguyên Môi Trường 27/1, tr3) đầu trang(
Việc giao đất, giao rừng cho người dân nhận khoán bảo vệ đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả từ công tác này chưa như mong đợi. Trong một số vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhưng người nhận khoán không hề hay biết…
Trong năm 2013 và 2014, số lượng các vụ lâm tặc dùng hung khí chống trả có chiều hướng gia tăng. Lâm tặc không chỉ lợi dụng số đông  mà chúng còn mang theo nhiều vũ khí có tính sát thương cao như: súng, mã tấu, kiếm để chống trả lực lượng chức năng.
Trong thời điểm trước và giáp tết năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ việc có dấu hiệu chống người thi hành công vụ ở Tánh Linh, Đức Linh và Tuy Phong. Như vụ việc xảy ra vào ngày 12/1/2014, lực lượng chức năng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH)Trị An (Tánh Linh) tuần tra tại tiểu khu 326, xã Đức Phú phát hiện 10 đối tượng đang khuân vác gỗ.
Khi bị phát hiện, các đối tượng đã dùng đá ném vào lực lượng làm anh Trần Quang Đức bị thương nặng ở đầu và vai. Hay vụ việc xảy ra tại huyện Tuy Phong vào ngày 27/1/2014, lâm tặc tổ chức đông người dùng dao tấn công làm bị thương 3 nhân viên thuộc Ban QLRPH Tuy Phong đang làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng vùng giáp ranh với huyện Đức Trọng.
Không chỉ chống trả lực lượng chức năng mà các đối tượng lâm tặc sẵn sàng tấn công người dân khi họ cung cấp thông tin. Tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, bọn lâm tặc còn manh động đến tận nơi cư trú của người dân mang theo hung khí đe dọa người dân không được báo tin.
Lâm tặc còn cấu kết với nhiều thành phần khác tại địa phương để tổ chức phá rừng. Với sự giúp sức của người bản địa, lâm tặc dễ dàng tìm được nơi có cây gỗ giá trị kinh tế cao để tàn phá. Một số vụ phá rừng khi cơ quan công an điều tra xác minh thì phát hiện một số cán bộ kiểm lâm có dấu hiệu bảo kê cho lâm tặc.
Hàng trăm hộ dân ở trên địa bàn tỉnh hiện đang nhận khoán bảo vệ rừng, với số tiền được trả cho mỗi ha là 200.000 đồng/năm. Nhưng với giá cả leo thang như hiện nay thì tiền từ việc giữ rừng không đủ để người dân trang trải cuộc sống. Nhiều hộ dân vừa nhận giữ rừng vừa kiếm kế mưu sinh.
Thậm chí có hộ nhận khoán rừng rồi không canh giữ mà đi làm việc khác. Đây cũng là nguyên nhân vì sao một số vụ phá rừng xảy ra trên diện tích rừng đã được giao khoán mà người giữ rừng không hề hay biết. Chỉ khi lực lượng chức năng yêu cầu báo cáo thì chủ rừng mới tá hỏa đi kiểm tra. Khó có thể trách người dân bởi nếu cứ dành trọn thời gian cho việc giữ rừng thì gia đình họ biết lấy gì ăn.
Ông Hùng ở huyện Hàm Thuận Bắc hiện đang nhận giữ 10ha rừng cho biết: Người dân ai cũng biết việc giữ rừng là bảo vệ sự sống của chính mình. Nhưng thu nhập từ việc này chưa đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày thì làm sao người dân dành trọn thời gian giữ rừng. Ngay như gia đình ông thu nhập từ việc nhận giữ 10ha rừng 1 năm chỉ vỏn vẹn 2.400.000 đồng. Trong khi gia đình ông có tới 5 miệng ăn, 2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ.
“Khi nhận giữ rừng, chúng tôi cũng muốn kiếm thêm thu nhập chứ việc dành toàn bộ thời gian để giữ rừng là rất khó. Bởi hiện nay, ngoài việc giữ rừng, người dân chưa kiếm thêm thu nhập từ rừng. Chặt củi, săn bắt thú rừng đều bị cấm. Nếu có thêm việc gì làm trên diện tích rừng đã nhận thì tôi nghĩ người giữ rừng sẽ ở rừng nhiều hơn”, ông Hùng chia sẻ.
Rất nhiều hộ dân nhận khoán rừng hiện nay vẫn đang thực hiện kiểu lâu lâu lên thăm rừng một lần, còn phần lớn thời gian họ dùng để mưu sinh. Nếu trong thời gian họ vắng mặt, lâm tặc đến chặt cây thì coi như “gặp xui”.
Lâm tặc ngày càng tinh vi, lực lượng chức năng bảo vệ rừng mỏng, chưa đủ để kiểm soát tình hình. Việc gắn lợi ích của người dân với rừng đã và đang được nhiều cơ quan chức năng đưa ra.
Nếu người dân ở rừng nhiều hơn, kiếm thêm thu nhập từ rừng thì việc phát hiện lâm tặc sẽ nhanh và hiệu quả. Thực tế tại Khu bảo tồn thiên nhiên Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, việc gắn kết lợi ích này đã và đang phát huy hiệu quả… (Báo Bình Thuận 27/1) đầu trang(
Năm 2014, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Lâm nghiệp chủ động tham mưu và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.
Năm 2014, chỉ tiêu kế hoạch giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh là gần 108.000 ha. Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn đã phối hợp và chỉ đạo thực hiện được gần 90.000 ha, trong đó: Diện tích chuyển tiếp của năm 2013 là gần 18.000 ha; Diện tích giao mới năm 2014 là hơn 72.000 ha, cụ thể: Khoanh nuôi rừng phòng hộ được gần 20.000 ha; Bảo vệ rừng phòng hộ được trên 50.300ha; Bảo vệ rừng đặc dụng gần 2000 ha.
Ngoài ra, các Ban quản lý rừng đặc dụng còn bổ sung thêm vào kế hoạch tự bảo vệ với diện tích là hơn 11.000 ha. Qua đánh giá, công tác giao khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng dân cư sống gần rừng và đây được xem như là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc khôi phục lại rừng và tạo điều kiện thuận lợi cho rừng tự nhiên phát triển.
Việc thực hiện giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên trong thời gian qua không chỉ đã hạn chế được nạn chặt phá rừng trái phép, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng trên các lâm phần được giao khoán mà còn góp phần nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích họ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng. (Đài PTTH Bắc Kạn 25/1) đầu trang(
Trong dịp Tết, người dân từ miền Trung đến Nam bộ thường chơi mai chứ không chơi đào như Bắc bộ. Nhiều người không ngại đường sá xa xôi, đổ về các cánh rừng để tự “săn” những cành mai rừng ưng ý.
Không có dịp vào tận rừng để chứng kiến cảnh “săn” những cành mai như thế nào nhưng qua lời kể của anh Trần Công Toàn-người săn mai lâu năm thì: “Gần tới Tết Nguyên đán, phong trào tìm mai rừng càng nở rộ đã phần nào làm giảm số lượng mai trên núi.
Nhiều người “săn” đến nỗi mai rừng phát triển không kịp, giá bán ngày một cao nhưng đôi khi lùng tìm cả tháng trời vẫn không có. Những năm trước, mai rừng còn nhiều, nay số lượng mai rừng ít đi, thợ “săn” mai phải vào tận rừng sâu mới có cơ may tìm thấy; số người đi “săn” cũng nhiều hơn trước nên mai rừng ngày càng khó kiếm hơn, lặn lội vào tận các vùng rừng sâu. Khi chặt được những cành mai ưng ý, việc luồn rừng mang mai trở ra mà không làm rụng hoa, lá còn gian nan hơn nhiều”.
Khi tìm được mai ngoài “khoanh vùng” canh giữ, thì công đoạn chăm sóc và tuốt lá cho kịp thời vụ được coi là khâu then chốt quyết định thành bại. Kinh nghiệm tuốt lá rất quan trọng bởi mai rừng không giống mai nhà. Rồi còn phải chọn thời điểm và kỹ thuật chặt mai sao không sớm quá và gốc không bị trầy trụa, mất nhựa, gốc nếu bị thối coi như bỏ đi.
Việc chơi mai rừng công phu hơn mai chậu của nhà vườn. Sau khi săn được cành mai ưng ý đưa về nhà, người thợ phải biết chọn đúng thời điểm tuốt lá, đốt gốc, ngâm vào chậu nước để nuôi cành. Thời gian để lá non và nụ mai bung nở là 15 ngày. Ai cũng thích hoa nở rộ đúng vào dịp Tết, nên thường cánh thợ đi săn mai vào giữa tháng Chạp là hợp lý nhất.
Có một thực tế là khi kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, đời sống của đại đa số người dân ngày một nâng cao, thì thưởng thức cuộc sống, nhu cầu chơi hoa, chơi cây cảnh nói chung, mai rừng nói riêng như một lẽ tự nhiên. Có điều khi đã trở thành hàng hóa thì những thợ “săn” mai cứ hàng năm tiến thẳng vào rừng và mặc sức tàn phá.
Trước đây, ở một số cánh rừng thuộc địa phận thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa, Chư Prông, Đức Cơ… mọc nhiều mai rừng. Nhưng bây giờ tìm được một cành mai nhỏ ở đây cũng hơi khó vì sự tàn phá của con người. Những cây mai to thì bị cưa cành, cây nhỏ thì chặt ngang mặt đất và nguy hiểm hơn là đám thợ này không ngần ngại đào luôn cả gốc đem về ghép thành những gốc mai cổ thụ bán cả trăm triệu đồng một gốc. Do đó, mai rừng đã bị tàn phá nhiều quá và ngày càng lâm vào thế suy kiệt vì không đủ sức tái sinh.
Nếu như chính quyền các cấp không có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời thì một thời gian ngắn nữa mai rừng sẽ kham hiếm khó tìm được dù chỉ là một cành mai rừng nhỏ để mà ngắm cho thỏa thích sắc đẹp trời phú của những cánh  mai rừng đẹp và hoang sơ. (Báo Gia Lai 23/1) đầu trang(
Tình trạng ồ ạt lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm trái phép đang “dậy sóng” tại thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên)... Người dân công khai đào bới, hút cát giữa thanh thiên bạch nhật.
Từ phản ánh của người dân, về thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam tận mắt chứng kiến cảnh công khai tàn phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm trái phép. Nếu như trước đây, thực trạng này đã từng diễn ra gần khu vực bờ biển, thì nay đã ăn sâu vào đất rừng phòng hộ từ 40 đến 50m, kéo dài hơn 1km.
Tại khu vực phía đông Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, hoạt động đào bới bờ, hút cát đã gây sạt lở hàng trăm mét đường dân sinh, có nơi mặt đường chỉ còn rộng chưa đầy 1m, thậm chí có đoạn bị cắt đứt không thể đi lại được. Hiện tượng sạt lở đất đang tiếp tục diễn ra, đe dọa tường rào của Đồn Biên phòng.
Trong khi đó, từ khu vực gần trước cửa Đồn Biên phòng ngược về phía Nam, hoạt động này diễn ra công khai, nghiêm trọng hơn. Người dân ngang nhiên đào đất, hút cát rừng phòng hộ để đắp bờ, phân ranh giới các hồ nuôi tôm, nhưng không thấy cơ quan, tổ chức nào ngăn chặn.
Tại một hồ mới vừa khai phá, bắt gặp gần 20 người đang hì hục xắn đất rừng phòng hộ đắp hồ tôm. Kế bên là 5 máy hút cát hoạt động liên tục. Xung quanh là hàng chục lán trại được xây dựng khá kiên cố, có cả hệ thống đường dây điện chiếu sáng được kéo ra từ khu dân cư lân cận.
Theo quan sát của phóng viên, tại đây có thêm hàng chục hồ tôm vừa được khai phá từ đất rừng, mỗi hồ có diện tích từ 1.000 đến 3.000m2. Nếu tính cả những hồ cũ trước đây và những hồ mới đào thì tổng diện tích đất rừng phòng hộ bị “nuốt” lên đến cả chục hecta....
Có điều lạ là người dân không hề ngần ngại, mà vô tư đào bới đất, dùng máy hút cát thản nhiên đắp hồ như không có chuyện gì xảy ra mặc dù thấy phóng viên ghi hình, chụp ảnh, trong khi đó trụ sở UBND xã nằm cách khu vực trên khoảng 300m theo đường chim bay (?).
Chậm xử lý triệt để Theo UBND xã Hòa Hiệp Nam, khu vực trên thuộc sông Ngọn, được người dân nuôi tôm thấp triều từ năm 1990. Đến nay đã phát triển lên 101 hồ, tổng diện tích hơn 65ha. Từ đầu năm 2014 đến nay, phát sinh thêm 18 hộ dân tự ý đào, hút cát nâng đáy hồ gây xâm thực đất rừng phòng hộ (mỗi hồ có diện tích từ 1.200 đến 3.000m2).
Ông Đinh Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam thừa nhận: “Tình trạng người dân xâm hại đất rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm trái phép là có thật. Trong đó có một cán bộ thôn Đa Ngư vi phạm (3 hồ, diện tích khoảng 4.000m2), UBND xã đã đề nghị kiểm điểm trên tinh thần sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Thời gian qua, mặc dù chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra, xử lý, tịch thu nhiều máy móc, dụng cụ vi phạm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để do người dân lén lút dùng máy hút cát chạy bằng điện nên rất khó phát hiện được tiếng động để ngăn chặn, nhất là vào ban đêm".
Từ thực tế trên và theo nguyện vọng của người dân, ông Thuận đề nghị huyện, tỉnh cần có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát toàn bộ diện tích khu vực sông Ngọn, xây dựng kế hoạch bảo đảm luồng lạch cho tàu thuyền đi lại, ra vào tránh trú bão.
Sau khi khảo sát, lập quy hoạch tổng thể luồng lạch, xem xét diện tích từng hồ tôm để cho bà con thuê nuôi; đồng thời cho chủ trương để UBND xã thu nghĩa vụ tài chính đối với diện các tích mặt nước, bãi bồi ven biển. Đối với diện tích lấn chiếm đất rừng phòng hộ, sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra tỉnh, sẽ có hướng xử lý.
Được biết, từ ngày 26/3/2014, UBND huyện Đông Hòa đã ra chỉ thị số 02; đến ngày 10/4/2014, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện này tiếp tục ra chỉ thị 08 nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý nạo vét, hút cát làm hồ nuôi thủy sản trái phép tại khu vực sông Ngọn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phi Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, đến nay vẫn còn một số hộ bất chấp pháp luật, đào, hút cát nâng đáy hồ nuôi tôm, gây xâm hại đất rừng phòng hộ ven biển, ảnh hưởng tàu thuyền ra vào sông Ngọn. Thực trạng trên còn tiềm ẩn nguy cơ lớn gây ảnh hưởng đến khu tái định cư Phú Lạc.... (Nông Nghiệp VN 27/1) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 19/01/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với chính quyền các cấp nhằm tạo ra những chuyển biến mới trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm như: Xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý xâm hại rừng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức, huy động tất cả các lực lượng và nguồn lực để thực hiện mục tiêu bảo vệ diện tích rừng hiện có, trong thời gian tới phải kiềm chế được các hành vi vi phạm pháp luật, giảm dần và tiến tới chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển trái phép và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý, bảo vệ rừng trên phạm vi toàn tỉnh; xây dựng và ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi gắn với cải cách các thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển rừng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm trong hoạt động công vụ, những cán bộ thoái hóa, biến chất, bao che, tiếp tay cho đối tượng vi phạm…
Các huyện ủy, thành ủy, thị ủy lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, chủ rừng trên địa bàn trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, ngăn chặn và xử lý xâm hại rừng; Đảng ủy Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương có kế hoạch cụ thể đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất rừng, triệt phá những đường dây khai thác lâm sản, các đối tượng buôn bán, tiêu thụ gỗ, động vật hoang dã trái phép.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị... (Daklak.gov.vn 26/1) đầu trang(
Năm 2014, mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những nhóm hàng có giá trị kim ngạch tăng trưởng cao. Tuy nhiên, bước vào năm 2015, nhiều chuyên gia nhận định, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với không ít thách thức để có thể đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD.
Theo thống kê của Bộ NN và PTNT, tháng 12.2014, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ ước đạt 655 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu cả năm 2014 đạt 6,21 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2013. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2014 ước đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2013. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gỗ từ thị trường Lào (chiếm 26,8%), Campuchia (chiếm 11,6%) và Hoa Kỳ (chiếm 11,5%).
Có thể thấy, năm 2014, mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những nhóm hàng có giá trị kim ngạch tăng trưởng cao. Năm 2015, các doanh nghiệp ngành gỗ phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 7 tỷ USD. Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, cùng với nhu cầu về gỗ của nhiều nước trên thế giới tăng cao, nhiều hiệp định tự do thương mại đã và đang chuẩn bị được ký kết, ngành gỗ kỳ vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất nhập khẩu như mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với không ít thách thức để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nguồn gốc, xuất xứ của gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những thách thức lớn nhất của ngành gỗ nước ta trong năm 2015.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện cả nước mới chỉ có khoảng 180.000ha rừng có chứng chỉ FSC - chứng chỉ quản lý rừng bền vững; trong đó có tính đến các nguyên tắc về truy xuất nguồn gốc áp dụng cho các công ty thương mại và sản xuất sử dụng các sản phẩm gỗ bắt nguồn từ những khu rừng được chứng nhận quản lý theo đúng quy chuẩn.
Có thể thấy, lượng rừng trồng để bảo đảm nguồn gỗ nguyên liệu trong nước vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển hiện có và chưa đáp ứng nhu cầu gỗ rất lớn từ nguồn rừng có chứng nhận này. Bên cạnh đó, đến hết năm 2015, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ kết thúc đàm phán và được ký kết.
Theo đó, yêu cầu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên EU phải có nguồn gốc hợp pháp. Trong khi đó, gỗ nguyên liệu của nước ta lại được nhập từ nhiều quốc gia trên thế giới và phần lớn chưa có chứng chỉ nguồn gốc hợp pháp. Hơn nữa, nếu lựa chọn gỗ nhập khẩu thay đổi sang những thị trường gỗ có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ của gỗ sẽ có thể làm giá gỗ nguyên liệu tăng cao.
Hơn nữa, trong giai đoạn hội nhập sâu, các sản phẩm gỗ của nước ta sẽ phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ sản phẩm của nhiều nước phát triển về gỗ trên thế giới. Và, các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp sản xuất và chế biến gỗ sẽ tiếp tục phải đối mặt với rào cản không nhỏ là chi phí sản xuất gỗ vẫn cao, đặc biệt là phí vận tải bằng tàu thủy.
Để thúc đẩy ngành gỗ phát triển mạnh và bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ tăng cường nhận thức về FSC và Hiệp định VPA/FLEGT. Theo đó, sớm ban hành kế hoạch mở rộng diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ rừng FSC nhằm bảo đảm đáp ứng được nhu cầu về gỗ nguyên liệu của các doanh nghiệp cũng như nguồn gốc xuất xứ sản phẩm gỗ trong nước.
Việc bảo đảm xuất xứ hợp pháp đối với gỗ nhập khẩu, Vifores cần phối hợp với cơ quan liên quan để nắm danh sách doanh nghiệp các nước xuất khẩu gỗ có chứng nhận FSC, hợp pháp để nhập khẩu. Tăng cường kiểm tra và đề cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc chế biến gỗ chất lượng cao và bảo đảm hợp pháp.
Thêm vào đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ xây dựng chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng, để trồng và khai thác rừng hợp pháp như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vốn cho hộ gia đình nhỏ lẻ trồng rừng đúng quy định của pháp luật quốc tế, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, tận dụng lợi ích mà các hiệp định thương mại mang lại.
Về lâu dài, ngoài kế hoạch trồng mới, các bộ, ngành liên quan phải rà soát các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung với quy mô lớn; đầu tư kỹ thuật, công nghệ cao để nghiên cứu, tuyển chọn giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ chuyển tải từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các doanh nghiệp FDI trong nước, ngăn ngừa việc trốn thuế và không kê khai xuất xứ gỗ nhằm bảo đảm uy tín của gỗ và sản phầm từ gỗ Việt trên thị trường quốc tế; góp phần, tạo điều kiện cho ngành gỗ trong nước chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và phát triển bền vững. (Đại Biểu Nhân Dân 27/1, tr2) đầu trang(
Khoảng 11 giờ 30 phút trưa 26.1, tại Xí nghiệp sản xuất và cung ứng thiệt bị trường học (thuộc Công ty CP sách và thiết bị trường học Quảng Bình, đóng tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới) đã xảy ra vụ cháy lớn.
Xí nghiệp trên chứa một lượng lớn gỗ để chuẩn bị chế biến, chủ yếu là gỗ thông và cao su.
Theo thông tin ban đầu, vụ cháy bắt đầu sau một tiếng nổ lớn, sau đó lửa bùng phát mạnh từ lò hấp sấy gỗ số 4. Sau khi phát hiện ra ngọn lửa, các công nhân đang nghỉ trưa đã dùng vòi cứu hỏa tại chỗ để dập lửa, tuy nhiên không hiệu quả.
Sau đó, lực lượng cảnh sát PCCC – Công an tỉnh Quảng Bình đã huy động hơn 50 cán bộ, chiến sỹ và 4 xe cứu hỏa đến để triển khai công tác ứng cứu. Đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn. Thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.
Nguyên nhân vụ việc hiện đang được điều tra, làm rõ. (Lao Động 26/1) đầu trang(
Là tỉnh miền núi có trên 55% diện tích đất lâm nghiệp, nhiều năm qua tỉnh ta đã tập trung phủ xanh đất trống, đồi trọc khá tốt, luôn duy trì độ phủ xanh trên 50%; sản lượng gỗ khai thác khá dồi dào, dư thừa nhu cầu chế biến bột giấy, phục vụ dân sinh.
Từ đó xuất hiện nhiều cơ sở chế biến gỗ chủ yếu làm gỗ bóc và ván sàn, dăm mảnh. Bên cạnh lợi ích tạo thị trường tiêu thụ tốt nguồn gỗ rừng trồng, giải quyết việc làm, thu nhập thì chế biến gỗ đang đặt ra nhiều vấn đề khi phát triển thái quá.
Theo khảo sát của ngành lâm nghiệp, cách đây 5 năm cả tỉnh có khoảng vài trăm cơ sở chế biến gỗ nhỏ lẻ do người dân tự đầu tư, tập trung nhiều ở Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn…Nhưng giờ đây con số đó đã tăng lên đạt xấp xỉ 1.000 cơ sở. Không riêng gì huyện miền núi có nhiều diện tích rừng mà ngay các huyện đồng bằng như Lâm Thao, Tam Nông cũng xuất hiện một số xưởng bóc gỗ, xẻ gỗ.
Quy mô của cơ sở chế biến tùy theo khả năng, song nhìn chung đều  nhỏ, có giá trị đầu tư từ vài trăm đến vài tỷ đồng, mỗi nơi thu hút trên dưới chục lao động, thu nhập cho công nhân từ 150-250 ngàn đồng/ngày. Hoạt động chủ yếu là sản xuất ván bóc, ván lát sàn, ván xẻ, băm dăm. Phần phục vụ cho tiêu thụ nội địa ít, sản phẩm chủ yếu xuất đi địa bàn ngoài dạng bán thành phẩm.
Còn cơ sở chế biến, tiêu thụ gỗ lớn nhất là nhà máy giấy Bãi Bằng, với sản lượng bột 50 ngàn tấn, hàng năm tiêu thụ khoảng 150 ngàn tấn gỗ nguyên liệu, chủ yếu mua của các công ty thành viên, lượng tiêu thụ ngoài chỉ một phần, còn các cơ sở chế biến sâu rất ít. Các cơ sở chế biến gỗ nhỏ xuất hiện khá nhiều ở địa bàn Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Yên lập, Tân Sơn. Có xã như Ấm hạ (Hạ Hòa), thị trấn Thanh Sơn, (Thanh Sơn), Ngọc Quan, Tiêu Sơn (Đoan Hùng)… có tới mấy chục cơ sở chế biến…
Đánh giá về việc này ông Hà Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Thu Cúc, một xã có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh và huyện Tân Sơn cho biết: Xã có trên 80 ngàn ha đất rừng. Chỉ tính lượng gỗ rừng trồng hàng năm khai thác ra đã lên tới vài ba ngàn m3 gồm bạch đàn, bồ đề, keo, mỡ… trước đây chủ yếu bán làm nguyên liệu giấy, giá cả phập phù, khó tiêu thụ.
Trước tình hình này, xã động viên một số hộ có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở chế biến làm gỗ bóc. Từ khi có xưởng bóc gỗ, việc tiêu thụ gỗ của nhân dân rất thuận lợi, có ít bán ít, có nhiều bán nhiều, thời điểm nào cũng bán được, lại không bị ép cấp, ép giá. Thông qua chế biến đã làm tăng giá trị lâm sản lên nhiều lần. Một m3 gỗ nguyên liệu qua chế biến có thể thu được 0,5-0,8 m3 gỗ bóc, tăng giá trị gấp 4-5 lần.
Ngoài ra còn góp phần giải quyết được khá lớn lao động tham gia chế biến gỗ, phơi gỗ, tiêu thụ sản phẩm… Nếu không có cơ sở chế biến sản xuất gỗ bóc thì người dân không biết tiêu thụ sản phẩm ra sao. Đó là chuyện cách đây 5-7 năm còn bây giờ ông bảo: Riêng xã này đã có thêm mấy xưởng bóc gỗ, cả huyện lên tới hàng chục xưởng làm cho tình hình nguyên liệu từ chỗ dôi dư trở thành khan hiếm.
Người ta không chỉ tận dụng cả cây cành ngọn để bóc, mà còn phải đi đến nhiều tỉnh xa để tìm mua nguyên liệu. Đây là tình trạng chung ở hầu khắp các xã có cơ sở chế biến. Khi cơ sở chế biến vượt quá khả năng cung ứng đầu vào gỗ nguyên liệu, đương nhiên tình trạng tranh mua, tranh bán là khó tránh khỏi. Trước đây hộ nào có vườn gỗ đến tuổi khai thác phải chào mời mãi mới có người mua, thậm chí cạy cục, nhờ vả để tiêu thụ nguyên liệu giấy, khi thu hoạch còn phải lựa chọn theo từng loại đường kính, phải bóc vỏ… nhưng bây giờ chỉ có ý định là đã có người vào tận nhà đặt hàng, ứng tiền trả trước.
Như vậy rất thuận lợi cho người sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Rất nhiều cánh rừng trồng chưa đến tuổi khai thác đã bị chặt, khi khai thác không đúng quy trình quản lý rừng bền vững chặt trụi, khai thác trắng. Nguy hại hơn, lác đác đã xuất hiện tình trạng khai thác trộm. Một vấn đề nữa đáng lo nữa là diện tích khai thác nhiều hơn diện tích phủ xanh.
Thông thường mỗi năm tỉnh ta chỉ huy động trồng mới từ 6,5-7 ngàn ha rừng, năm 2014 trồng được 7.072 ha, đạt gần 110% kế hoạch, khai thác 250 ngàn m3 gỗ các loại. Với việc có quá nhiều cơ sở chế biến, không kiểm soát rất dễ nảy sinh tình trạng khai thác quá mức làm giảm độ che phủ, sâu xa hơn tác động đến công nghiệp bột giấy.
Dù cơ sở chế biến lâm sản quá nhiều, song có một nghịch lý là hầu hết cơ sở chế biến bán thành phẩm làm ván bóc, gỗ lát sàn, gỗ vật liệu xây dựng mà ít có nơi chế biến sâu. Ngoài các loại gỗ quý hiếm phải nhập, ngay các loại gỗ thông thường dùng làm bàn, ghế, giường, tủ, xây dựng nhà cửa… vẫn phải nhập từ tỉnh ngoài, nước ngoài về. Đây là nghịch lý đáng lo cho thị trường chế biến lâm sản.
Theo thống kê, hiện nay mỗi năm nước ta đang xuất khẩu trên 3 tỷ USD tiền  đồ gỗ, khả năng những năm tới nhu cầu tăng thêm, do vậy nhu cầu gỗ nguyên liệu sẽ tăng. Mỗi năm các doanh nghiệp đã sử dụng hơn 13 triệu m³ gỗ, trong đó nguyên liệu trong nước 11 triệu m³.
Tuy lượng nhập chỉ chiếm khoảng 15% khối lượng gỗ, nhưng chủ yếu đây là các loại gỗ quý, hiếm chất lượng cao nên chiếm giá trị rất lớn, gần 50% giá trị xuất khẩu. Dự báo đến năm 2020, nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định, lượng gỗ nguyên liệu tiêu thụ có khả năng tăng lên 22 triệu m³ gỗ nguyên liệu cho chế biến gỗ.
Cụ thể, với khoảng 800.000 ha cao su, chu kỳ khai thác 25 năm, có thể khai thác 5 - 6 triệu m³ gỗ nguyên liệu. Riêng 2,3 triệu ha rừng trồng, đến năm 2020 sẽ cung cấp 15 - 16 triệu m³. Ngoài ra, chưa tính đến lượng lớn gỗ được trồng phân tán trong dân hàng năm cung cấp hàng chục triệu m3, góp phần giúp các doanh nghiệp nhẹ giảm nỗi lo về thiếu.
Riêng ở tỉnh ta có khả năng sẽ tăng từ 700 ngàn m3 lên 850-900 ngàn m3/năm. Những năm sau, nhu cầu gỗ làm nguyên liệu giấy cũng có khả năng tăng  thêm. Do vậy đầu ra cho trồng rừng là hoàn toàn yên tâm, không phải băn khoăn vì thiếu thị trường, vấn đề tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm của ngành chế biến gỗ trong đó có tỉnh ta.
Để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp bên cạnh đổi mới quản lý, đầu tư, ứng dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư trồng rừng, thì xây dựng cơ sở chế biến sâu là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả lâm nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh ta đã tích cực xúc tiến đầu tư, nhằm mời gọi, thu hút doanh nghiệp, doanh nhân vào đầu tư cơ sở chế biến gỗ, song đến nay chưa thành công. Bởi vậy cần tiếp tục quảng bá, thu hút, cùng với đó có biện pháp quản lý cơ sở chế biến nhỏ lẻ.
Đã đến lúc siết chặt việc cấp phép mở xưởng chế biến, gắn lập cơ sở với xây dựng vùng nguyên liệu; tăng cường quản lý khai thác rừng trồng đảm bảo đúng quy trình, quy định, hạn chế khai thác bừa bãi làm giảm độ che phủ, lũng đoạn thị trường tiêu thụ gỗ. (Báo Phú Thọ 24/1) đầu trang(
Theo thống kê của ngành lâm nghiệp, hiện tỉnh Bắc Kạn có khoảng 300 cơ sở chế biến gỗ lớn nhỏ khác nhau, và đây cũng chính là lợi thế cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản cũng như là tiềm năng cho công tác phát triển rừng sản xuất được thuận lợi.
Hiện nay, ngoài công ty Cổ phần Sahabak  với công suất hàng năm tiêu thụ khoảng 15.000m3 gỗ các loại, toàn tỉnh có đến gần 300 cơ sở chế biến gỗ lớn nhỏ, trong đó, có hơn 80 doanh nghiệp, 23 hợp tác xã và 170 hộ kinh doanh cá thể.
Đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây, phong trào làm gỗ ván bóc từ nguyên liệu gỗ rừng trồng đã phát triển mạnh tại hầu hết các địa phương như Chợ Mới, Chợ Đồn, Na Rì, góp phần không nhỏ trong tạo đầu ra ổn định cho gỗ rừng trồng cũng như giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy là các cơ sở nhỏ lẻ này sử dụng công nghệ còn khá lạc hậu, công suất thấp và thị trường tiêu thụ còn khá bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu vào các tư thương bên ngoài.
Tuy nhiên với việc trồng rừng đã và đang là thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn trong phát triển kinh tế, việc có những cơ sở chế biến gỗ ngay tại địa bàn tỉnh chính là yếu tố vô cùng cần thiết. (Đài PTTH Bắc Kạn 23/1) đầu trang(
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2015-2020 và sau năm 2020, tỉnh Kiên Giang cần khoảng 5.340 tỷ đồng, trong đó sau năm 2020 là 2.800 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống cống, nâng cấp những đoạn đê biển đang sạt lở nghiêm trọng, nhằm phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện dự án xây dựng 27 cống, đoạn An Biên-An Minh đã triển khai thi công 6 cống, còn lại 21 cống với vốn đầu tư khoảng 604 tỷ đồng, trong đó sau năm 2020 là 300 tỷ đồng chưa được bố trí vốn.
Trên địa bàn hai huyện Kiên Lương và Hòn Đất, dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê biển Cống số 2-Chùa Hang khoảng 1.893 tỷ đồng, trong đó sau năm 2020 là 1.500 tỷ đồng và đoạn T4-T6 cần bổ sung khoảng 500 tỷ đồng.
Tiếp đến, dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê biển Xẻo Rô-Tiểu Dừa thuộc địa bàn hai huyện An Biên và An Minh khoảng 1.449 tỷ đồng, trong đó sau năm 2020 là 1.000 tỷ đồng. Trước mắt, đoạn Mũi Rãnh-Thứ Nhất đang sạt lở nghiêm trọng hơn 2 km cần hơn 200 tỷ đồng và đoạn Tiểu Dừa-Rạch Ông cũng trong tình trạng sạt lở nặng khoảng 9 km cần 900 tỷ đồng để nâng cấp, ngăn chặn xói lở.
Xây dựng đoạn đê chống nước biển dâng kết hợp đường giao thông cho khu dân cư tập trung ở Cống kênh Cụt đến tuyến tránh Minh Lương-Tắc Cậu (Châu Thành) dài hơn 10 km , tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang còn cần vốn khá lớn để tăng suất đầu tư trồng, phục hồi đai rừng ngập mặn ven biển, tăng khả năng phòng hộ, chống sạt lở bờ biển, đê biển đối với khu vực bãi bồi 50 triệu đồng/ha và bãi lở ít, không có tường mềm giảm sóng 120 triệu đồng/ha.
Kiên Giang có bờ biển dài khoảng 200 km; hệ thống đê biển trên địa bàn dài 212 km từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh) đang trong tình trạng xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết: theo số liệu quan trắc thì mực nước biển dâng hàng năm là 1cm, nếu mực nước biển dâng cao hơn mực thủy chuẩn 0,5 m thì hơn 50% diện tích đồng bằng của tỉnh bị chìm trong nước.
Đối với Kiên Giang, lĩnh vực nông-lâm-thuỷ sản chiếm gần 38% cơ cấu GDP của tỉnh thì khi diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng bất lợi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng chắc chắn sẽ gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân nên cần có những giải pháp ứng phó thích hợp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ năm 2010 đến nay, khu vực ven biển Kiên Giang không ổn định và thay đổi theo từng năm, mặc dù có những đoạn được bồi đắp nhưng không đáng kể, xói lở nhiều hơn là bồi tụ.
Hàng năm, vào mùa mưa nước biển dâng cao kết hợp gió Tây Nam với cường độ sóng biển cấp 5 trở lên làm cho nhiều đoạn bờ biển bị xói lở nghiêm trọng. Nhiều nơi sạt lở đến tận khu dân cư như các đoạn đê biển trên địa bàn huyện Hòn Đất, An Biên và An Minh, trong đó đã có 12 hộ dân ở huyện An Minh mất toàn bộ diện tích rừng nhận khoán, 350 hộ đang bị ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống do sạt lở.
Tỉnh Kiên Giang có diện tích rừng phòng hộ ven biển khoảng 8.770 ha, trong đó đất có rừng là 2.950 ha, còn lại là đất trống và 2.056 hộ dân được nhận khoán sản xuất lâm-ngư kết hợp. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, đời sống hộ dân nhận khoán đất lâm nghiệp khó khăn nên từ năm 2010 đến nay, tỉnh chỉ trồng được 47 ha rừng phòng hộ ven biển, các biện pháp phòng chống, hạn chế tình trạng xói lở và mất rừng chưa được triển khai.
Bên cạnh đó, triển khai Quyết định số 667 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, tỉnh xây dựng các dự án đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp tuyến đê biển trên địa bàn nhưng thiếu vốn thực hiện, tiến độ chậm. (VietnamPlus 26/1) đầu trang(
Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong hội nghị triển khai dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2020” tại tỉnh. Trong khuôn khổ dự án, Hòa Bình thuộc 25 tỉnh thực hiện giai đoạn 2014-2015.
Là một trong 25 tỉnh thực hiện dự án giai đoạn 2014-2015, Hòa Bình đã có những bước triển khai theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Gần đây nhất, ngày 11/12/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo kiểm kê rừng tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2013-2016.
Trước đó gần một năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt phương án, khái toán kinh phí thực hiện kiểm kê rừng tỉnh. Phương án xác định rõ: kiểm kê toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch 3 loại rừng và diện tích rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Mục tiêu đến tháng 5/2015 nắm bắt chính xác toàn bộ diện tích rừng, chất lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể. Kết quả này sẽ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về bảo vệ và phát triển rừng, lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng các cấp từ tỉnh, huyện đến xã. Sau khi hoàn thành công tác kiểm kê rừng, sẽ thiết lập được hồ sơ quản lý rừng và xây dựng cơ sở dữ liệu theo đơn vị quản lý rừng và đơn vị hành chính các cấp.
Được biết, toàn tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 338.936 ha, chiếm 73,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Năm 1999, tỉnh đã thực hiện kiểm kê rừng theo Chỉ thị số 286/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian thực hiện đã quá lâu, số liệu về rừng và đất lâm nghiệp đến nay đã có nhiều biến động, nguồn số liệu không còn đảm bảo độ tin cậy để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng đến năm 2020 và các năm tiếp theo.
Chính vì vậy, phương án kiểm kê rừng lần này là căn cứ để UBND tỉnh tổ chức chỉ đạo các cấp, ngành cùng phối hợp, thực hiện tốt công tác kiểm kê rừng của tỉnh, đồng thời tạo nên sự thống nhất, phối hợp đồng bộ và chủ động của các cấp, ngành, địa phương. Nhiệm vụ của phương án là xây dựng được hệ thống bản đồ kỹ thuật số thành quả kiểm kê rừng của 3 cấp: xã, huyện, tỉnh trên nền bản đồ VN 2000.
Trong đó, bản đồ kiểm kê rừng cấp xã phải chứa đựng đầy đủ các thông tin cho từng lô kiểm kê rừng đã được thu thập trong phiếu kiểm kê. Việc thực hiện kiểm kê bắt đầu tư chủ rừng. Nguyên tắc thực hiện là phải phản ánh khách quan hiện trạng rừng tại thời điểm kiểm kê; thống nhất số liệu giữa bản đồ và số liệu kiểm kê trên thực tế.
Phương án  kiểm kê rừng được thực hiện đến hết tháng 5/2015 với những mốc tiến độ được xác định là: Tháng 8/2014-1/2015: Tiến hành các hoạt động kiểm kê rừng thực địa. Tháng 2,3/2015: xử lý nội nghiệp số liệu kiểm kê rừng. Tháng 4/2015: lập báo cáo kiểm kê rừng. Tháng 5/2015: kiểm tra, thẩm định kết quả kiểm kê, tổng hợp và báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Kiểm kê rừng tỉnh giai đoạn 2013-2016 cho biết: Theo kế hoạch đã được BCĐ kểm kê rừng tỉnh xây dựng, công tác điều tra, kiểm kê rừng được triển khai tại tỉnh ta với 3 nội dung trọng tâm: Điều tra rừng, kiểm kê rừng, tổng hợp dữ liệu xây dựng hồ sơ kiểm kê rừng.
Thời gian thực hiện dự án không còn nhiều (từ nay đến hết tháng 5/2015) trong khi khối lượng công việc rất lớn. Áp lực này đòi hỏi chính quyền các cấp, sở, ban, ngành, thành viên BCĐ cần vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung triển khai tốt các giải pháp đã hoạch định.
Cụ thể, từ nay đến giữa tháng 3/2015 cần tiến hành tập huấn cho cán bộ các cấp. Đến ngày 20/3 hoàn thành việc điều tra rừng, biên tập bản đồ và lập danh sách lô kiểm kê rừng. Đến 30/6 hoàn thiện bản đồ và danh sách các lô rừng, đồng thời phúc tra và giải đoán lại trữ lượng rừng. Đến 30/7 hoàn thành tổng hợp số liệu, lập các biểu thống kê và xây dựng hồ sơ quản lý rừng. Đến 30/9 hoàn thành báo cáo thống nhất số liệu ở các cấp.
Như vậy, với kế hoạch đề ra, tỉnh sẽ hoàn thành công tác kiểm kê rừng đảm bảo tiến độ chung của dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2020”. (Báo Hòa Bình 26/1) đầu trang(
;
Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT có buổi làm việc với Sở NN&PTNT về đánh giá kết quả trồng rừng thay thế, kế hoạch phát triển, bảo vệ rừng năm 2014 và phương hướng kế hoạch năm 2015.
Theo Sở NN&PTNT, đến cuối năm 2014, tổng diện tích trồng rừng thay thế thực hiện hơn 253ha, trong khi kế hoạch giao hơn 700ha. Chỉ tiêu trồng rừng năm 2014 cũng không đạt kế hoạch đề ra, cụ thể: chỉ mới trồng 387ha rừng phòng hộ, đặc dụng trong khi kế hoạch giao 400ha; trồng 1.900ha rừng sản xuất, kế hoạch giao 2.200ha.
Việc giao khoán bảo vệ rừng chỉ đạt hơn 78% kế hoạch giao với 261.974ha. Sở NN&PTNT cho biết, vướng mắc của công tác phát triển rừng là vốn quản lý dự án đối với các dự án cơ sở thực hiện nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên chưa được hướng dẫn; suất đầu tư rừng phòng hộ thấp; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp…
Theo Bộ NN&PTNT, để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay, tỉnh cần có cơ chế, chính sách về hỗ trợ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2016 - 2020; hỗ trợ kinh phí cho việc trồng, chăm sóc rừng phòng hộ… (Báo Quảng Nam 23/1) đầu trang(
Các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp trong tỉnh sẽ bị cạnh tranh khốc liệt, bởi 1 doanh nghiệp Thái Lan đang xây dựng cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp quy mô lớn với các trang thiết bị hiện đại tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn), dự kiến tháng 10 năm nay cơ sở này sẽ xuất bán lô cây giống đầu tiên là 10 triệu cây keo cấy mô - Đây là cảnh báo mới nhất do ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT đưa ra.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 112 cơ sở đủ điều kiện sản xuất cây giống lâm nghiệp. Năm 2014, các cơ sở đã sản xuất được 160 triệu cây giống, trong đó có 20 triệu cây giống cung cấp cho nhu cầu của người dân trong tỉnh và 140 triệu cây giống xuất bán cho người trồng rừng trong cả nước.
“Nếu các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp trong tỉnh không đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao chất lượng thì rất dễ bị thua trên sân nhà” - ông Nguyễn Hiếu Hòa lưu ý. (Báo Bình Định 25/1) đầu trang(
Năm 2014, toàn tỉnh trồng mới 8.640 ha rừng, vượt 0,9% kế hoạch (trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 1.000 ha, rừng sản xuất 7.640 ha); bảo vệ rừng 80 nghìn ha, khoanh nuôi 19 nghìn ha, chăm sóc rừng trồng 24 nghìn ha, khai thác 200 nghìn m3 gỗ, 1.926 nghìn ste củi, Đến nay, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 49,41%.
Với kết quả này, giá trị sản xuất hiện hành ngành lâm nghiệp đạt 1,19 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,43% toàn ngành nông, lâm, thuỷ sản; theo giá so sánh là 845 tỷ đồng, tăng 9,61% so với năm trước.
Hiện tại, có 8,3 nghìn ha rừng trồng tại Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình được cấp chứng chỉ FSC, đủ tiêu chuẩn nhập khẩu gỗ sang Châu Âu. (Báo Hòa Bình 25/1)  đầu trang(
Năm nay, huyện Yên Sơn có kế hoạch trồng mới trên 4.000 ha rừng các loại. UBND huyện Yên Sơn đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT đôn đốc thực hiện gieo ươm gần 7 triệu cây giống; phối hợp cùng các địa phương và đơn vị trồng rừng xây dựng rà soát quỹ đất, xử lý thực bì...
Công tác chuẩn bị trồng rừng được huyện Yên Sơn tiến hành nhanh và hiệu quả. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện - đơn vị được huyện giao việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện trồng rừng - đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tiến hành tuyên truyền về lợi ích của việc trồng rừng tới nhân dân trong huyện, từ đó nhận thức của người dân đã được nâng cao, người dân tích cực tham gia đăng ký trồng rừng.
Hiện công tác chuẩn bị trồng rừng tại các công ty lâm nghiệp, các xã đang được tiến hành khẩn trương. Đến nay, các công ty lâm nghiệp, người dân đã gieo ươm khoảng 7 triệu cây giống đảm bảo  cơ bản đủ lượng cây giống cho vụ trồng rừng năm 2015….
Huyện Yên Sơn xác định, trồng rừng là một nhiệm vụ quan trọng, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. UBND huyện giao trách nhiệm cho UBND các xã chỉ tiêu về diện tích trồng rừng dựa trên kế hoạch và điều kiện tự nhiên sẵn có của từng xã. Năm nay, việc đăng ký trồng rừng tại các xã được tiến hành khẩn trương.
Các xã trong huyện đã đăng ký trồng trên 1.900 ha rừng; nhiều xã đã hoàn thành việc đăng ký diện tích trồng rừng, như: Đội Bình, Hoàng Khai, Quý Quân, Lực Hành, Tân Tiến… Hiện các xã đã tiến hành rà soát quỹ đất sau khai thác, vận động các gia đình, thôn, bản chủ động đăng ký diện tích trồng rừng mới năm 2015.
Những ngày này, Công ty TNHH - MTV Lâm nghiệp Yên Sơn đã và đang tập trung mọi điều kiện tốt nhất để chuẩn bị trồng rừng vụ xuân. Năm 2015 Công ty có kế hoạch trồng 190 ha rừng sản xuất, gieo ươm 360.000 cây giống để phục vụ cho công tác trồng rừng của Công ty và cung cấp cho các xã trên địa bàn.
Ngay từ cuối năm 2014, Công ty đã chuẩn bị tốt các nguồn giống, đất làm bầu, túi bầu, phân bón và các vật tư phục vụ cho gieo ươm cây giống; tập huấn kỹ thuật gieo ươm, đóng bầu cho công nhân nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất...
Công ty đã tiến hành gieo ươm được 370.000 cây giống các loại, trong đó 210.000 cây keo hạt, 150.000 cây mỡ, đạt 103% kế hoạch đề ra; công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đang được quan tâm để cây giống lâm nghiệp sinh trưởng phát triển tốt, phục vụ trồng rừng đúng thời vụ.
Công ty TNHH - MTV Lâm nghiệp Yên Sơn đang quản lý 3.757 ha đất lâm nghiệp thuộc 7 xã gồm: Thái Bình, Phú Thịnh, Công Đa, Đạo Viện, Trung Sơn, Kim Quan và Hùng Lợi. Để nâng cao chất lượng cây giống và hiệu quả sản xuất kinh doanh rừng, những năm qua Công ty luôn đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp KHKT để mở rộng quy mô diện tích sản xuất cây giống lâm nghiệp, đảm bảo cây phục vụ đầy đủ, kịp thời cho công tác trồng rừng của đơn vị và nhân dân các xã trên địa bàn. (Báo Tuyên Quang 26/1) đầu trang(
Theo kế hoạch, năm 2015, huyện Mường Khương sẽ trồng mới 605 ha rừng, trong đó: 205 ha rừng phòng hộ và 400 ha rừng sản xuất.
Hiện, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã phối hợp với UBND các xã được giao kế hoạch tổ chức đăng ký diện tích trồng rừng chuẩn bị quỹ đất, tiến hành khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ trồng rừng. Đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã gieo ươm được 1,2 triệu cây giống.
Dự kiến, huyện Mường Khương sẽ trồng 242 ha cây sa mộc, 150 ha cây quế, 5 ha cây xoan, 3 ha cây hồi (đối với rừng sản xuất) và 205 ha cây trẩu (đối với rừng phòng hộ). Được biết, năm 2014, Mường Khương trồng mới được 200 ha rừng phòng hộ và 450 ha rừng sản xuất. (Báo Lào Cai 25/1) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Các vụ tàn sát tê giác ở Nam Phi mỗi năm càng trở nên tệ hại hơn, cho dù chính phủ nước này đã nỗ lực ngăn chặn nạn săn bắt thú. Chính phủ Nam Phi xác nhận rằng trong năm 2014 số tê giác bị giết một cách phi pháp đã lên đến mức kỷ lục.
Bộ trưởng đặc trách các Vấn đề về Môi trường Edna Molewa cho biết, trong năm 2014, số tê giác bị giết đã tăng lên 1.215 con, từ con số 1.004 con trong năm 2013. Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) ước tính Nam Phi là nơi có khoảng 20.000 con tê giác, tức là trên 80% số tê giác trên thế giới.
Khoảng 6% số tê giác ở Nam Phi đã bị giết hại trong năm 2014. Những con thú này bị săn bắt để lấy sừng, là món rất quý ở châu Á để làm thuốc. Sừng tê giác gồm toàn chất keratin, chính là chất có trong tóc và móng tay người. Theo một số chuyên gia, sừng tê giác có giá lên đến 100.000 USD/kg ngoài chợ đen.
Bà Molewa cũng nêu ra sự gia tăng trong những vụ bắt giữ những kẻ bị nghi là săn bắt lậu tê giác, lên tới 386 vụ. Nhưng theo các nhà bảo vệ môi trường, khi các nghi can bị bắt, họ thường "lọt" qua các kẽ hở của hệ thống luật pháp Nam Phi vốn "khét tiếng" là vô hiệu quả.
Một số nhà hoạt động tích cực đã kêu gọi quốc hội thay đổi các luật lệ, định ra những hình phạt nghiêm khắc hơn cho những kẻ săn bắt lậu tê giác.
Bà Molewa nêu rõ Nam Phi sẽ làm hết sức để bảo vệ tê giác và một trong các biện pháp đó là dời cư các con thú đó đến các địa điểm bí mật ở các nước láng giềng. Bà nói khoảng 100 con tê giác đã được di dời qua các quốc gia khác trong năm 2014, và dự báo thêm 200 vụ di dời khác trong năm 2015.
Theo WWF, vấn đề săn bắt lậu có nhiều mặt và liên quan đến các tổ chức tội phạm quốc tế, và vì thế, vấn đề này cần một giải pháp quốc tế.
Các nhà bảo vệ môi trường và các chính phủ sẽ có cơ hội thảo luận vấn đề này vào tháng 3/2015, tại hội nghị Liên chính phủ về Mua bán Động vật hoang dã Bất hợp pháp, ở Botswana. (VietnamPlus 25/1) đầu trang(
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/1 đã hối thúc Quốc hội mở rộng Khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Bắc cực (ANWR) ở bang Alaska nhằm bảo tồn kỳ quan tuyệt vời này cho các thế hệ tương lai.
Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Washington, phát biểu trên truyền hình ngày 25/1, Tổng thống Obama cho biết đã chỉ đạo Bộ Nội địa Mỹ triển khai kế hoạch toàn diện để bảo vệ khu bảo tồn này.
Theo đó, cần mở rộng phạm vi cấm hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở Khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Bắc cực thêm 5 triệu hécta, nâng tổng diện tích cần bảo vệ lên 8 triệu hécta.
Trong số 5 triệu hécta được đề nghị mở rộng kiểm soát có 566.000 hécta đồng bằng ven biển chạy dài từ rặng Brooks Range tới bờ biển Bắc cực có trữ lượng dầu mỏ lớn, nhưng đồng thời cũng là nơi sinh sống của loài gấu trắng Bắc cực và là nơi di trú của các đàn tuần lộc.
Khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Bắc cực là nơi sinh sống của nhiều loài động vật như gấu trắng Bắc cực, sói xám, tuần lộc, bò rừng, hơn 200 loài chim và 42 loài cá. Bộ trưởng Nội địa Sally Jewell nhấn mạnh: "Giống như khu Yosemite và Grand Canyon, Khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Bắc cực là một trong những tài sản quý giá của quốc gia và chúng ta có nghĩa vụ bảo tồn nơi này cho các thế hệ tương lai". (Báo Quảng Ninh 26/1; Sài Gòn Giải Phóng 27/1, tr8) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng