Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 29 tháng 01 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Những ngày cuối năm, đến huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam), vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nơi có thủy điện Sông Bung 4 vừa ngăn dòng tích nước.
Việc tích nước thủy điện này mở ra tuyến đường thủy mới và “lâm tặc” đã tận dụng triệt để tàn phá rừng. Cùng với đó, số gỗ chưa tận thu còn ngập trong lòng hồ càng khiến nơi đây thành điểm nóng khai thác rừng trái phép và vận chuyển gỗ lậu…
Qua tìm hiểu được biết, để tận dụng gỗ trong lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 trước khi ngăn dòng tích nước vào đầu tháng 8/2014, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đồng ý cho phép Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Xuân Chí được tận thu gỗ trên diện tích 65ha chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh tại xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang.
Theo đó, trong hơn 1.889m³ gỗ tận dụng, có hơn 1.184m³ gỗ lớn. Giấy phép tận thu gỗ kết thúc ngày 20/11/2014. Tuy nhiên, khi Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh lập biên bản kiểm tra khai thác gỗ vào ngày 21/11/2014, doanh nghiệp này mới tận thu hơn 500m³ gỗ.
Như vậy, ít nhất còn hơn 600m³ gỗ lớn đã ngập dưới lòng hồ chưa tận thu, chưa kể hàng trăm mét khối gỗ cành, ngọn và lượng gỗ khai quang. Ông Nguyễn Trí, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho rằng, trước khi thủy điện đóng nước vào ngày 1/8/2014, địa phương vừa làm, vừa chạy thủ tục tận thu gỗ. Sở dĩ xử lý chậm vì giữa hồ sơ và thực tế ngập nước có sai lệch, khó xác định con đường nằm ngoài hay trong vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Ranh giới trước đây đo đạc có diện tích hơn 7.000m² giờ đã bị ngập, chỉ còn nhô lên khoảng 1.800m²...
Thực tế hiện nay dưới lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, khó phân biệt đâu là gỗ tận thu và đâu là gỗ lậu. Thời điểm hiện tại, giấy phép tận thu đã hết, nhưng ít nhất có 50m³ gỗ tròn có dấu đỏ nằm rải rác, chưa di chuyển ra ngoài. Dưới lòng hồ thì hàng chục phương tiện lợi dụng chở củi lén lút chở gỗ lậu. Đi sâu vào rừng, vô số lán trại dựng lên. Hàng chục cây gỗ lớn nằm trong lưu vực lẫn ngoài lòng hồ thủy điện đã bị đốn hạ...
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, điểm tiếp cận đầu tiên là khe Vinh thuộc xã Tà Pơơ, Nam Giang. Tại đây có trạm chắn barie đặt sát lòng hồ thủy điện, cùng với đó là sự canh gác của 9 cán bộ Kiểm lâm. Phía dưới lòng hồ này, theo quan sát có nhiều ghe thuyền lớn, nhỏ neo đậu.
Lúc bây giờ trời đã chập choạng tối, các ghe thuyền này nhổ neo vận chuyển củi, gỗ mà họ tận thu. Trong đoàn ghe thuyền này có một chiếc thuyền máy lớn vừa tham gia chở củi vừa trục vớt từng lát, khúc gỗ nổi trên mặt nước. Còn trên bờ, gỗ với đường kính lớn hơn 0,5m đánh dấu đỏ nằm ngổn ngang, cách điểm Trạm Kiểm lâm khe Vinh chưa đến 100m. Một hình thức vận chuyển gỗ lậu tinh vi dễ dàng qua mắt các trạm kiểm soát lâm sản đặt sát lòng hồ.
Đi một vòng trên lòng hồ thủy điện này, quan sát có đến hơn 30 phương tiện thuyền máy hoạt động. Khó mà xác định ai chở gỗ lậu, ai chở củi. Lực lượng Kiểm lâm nơi đây cũng thừa nhận: Mỗi lần ra quân truy quét đều phát hiện nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu.
Cụ thể như cuối tháng 12/2014, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh phát hiện Tơ Ngool Chông (SN 1992, ở xã Tà Bhing), điều khiển xe ôtô mang biển số 92K-9880 vận chuyển trái phép hơn 3,6m³ gỗ quý và ông Huỳnh Ngọc Hoàng (SN 1981, ở xã Đại Đồng, Đại Lộc) dùng phà số hiệu ĐL 0438 vận chuyển hơn 2,2m³ gỗ lim. Kiểm lâm còn phát hiện ở xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, một đối tượng dùng trâu để kéo gỗ lậu... (Công An Nhân Dân 29/1, tr7) đầu trang(
Đó là thông tin tại Hội nghị triển khai dự án Giảm thiểu tiêu thụ động vật hoang dã do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28/01.
Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm về lâm sản, Việt Nam là quốc gia đóng vai trò quan trọng cung cấp, trung chuyển nguồn động vật hoang dã cho thế giới, đặc biệt là cho quốc gia láng giềng - Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ tịch thu động vật hoang dã tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên (từ Thanh Hóa trở vào Bình Thuận) chiếm 50% cả nước. Trong đó TP. Đà Nẵng là nơi tiêu thụ động vật hoang dã nhiều nhất khu vực và số vụ vi phạm ngày càng tăng lên.
Theo số liệu của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (EVN), tại Đà Nẵng số vụ vi phạm về vi phạm quảng cáo và bán các sản phẩm từ động vật hoang dã là 31 vụ năm 2013 thì năm 2014 tăng lên 80 vụ, số vi phạm về trưng bày và nuôi nhốt là 15 vụ năm 2013 và tăng 29 vụ năm 2014.
Trong đó, nhóm doanh nhân và nhóm công chức Nhà nước có thu nhập cao tiêu thụ thịt động vật hoang dã chiếm tỷ lệ cao, có năm gần 80% còn lại là người dân mua sản phẩm từ động vật làm trang sức.
Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Green Việt cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã tăng cao là do công tác tuyên truyền đến cộng đồng chưa mạnh. Do vậy, để giảm thiểu tiêu thụ động vật hoang dã, cần có sự vào cuộc của xã hội, đặc biệt là công tác tuyên truyền”.
Dự án “Giảm thiểu tiêu thụ động vật hoang dã” triển khai thực hiện từ 9/2014 – 8/2015, nhằm thực hiện các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã tại TP. Đà Nẵng thông qua các hình thức như tập huấn kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ công chức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước; tọa đàm trực tiếp; các ấn phẩm đặt tại Sân bay quốc tế và 300 taxi của Công ty Cổ phần Mai Linh khuyến cáo người dân và khách du lịch “Nói Không với với thực phẩm và đồ lưu niệm có nguồn gốc từ động vật hoang dã”… (Tài Nguyên Môi Trường 28/1; Nông Thôn Ngày Nay 29/1, tr2)đầu trang(
Cả hai khu biệt thự của ông Phan Như Thạch và ông Ngô Văn Quang sẽ được cho thời gian 35 ngày để tự tháo dỡ, nếu không chấp hành, cơ quan chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế theo luật định.
Đó là nội dung chính của báo cáo về phương án xử lý đối với các công trình xây dựng sai phạm trên rừng Hải Vân mà UBND quận Liên Chiểu vừa gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Ngoài việc đưa ra phương án xử lý trên, quận Liên Chiểu còn đề nghị TP Đà Nẵng xem xét trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm thành phố và Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhưng đã buông lỏng, thiếu giám sát để việc sai phạm kéo dài.
Sau khi có công văn của UBND TP Đà Nẵng giao toàn quyền việc đưa ra phương án xử lý cho cấp quận, UBND quận Liên Chiểu đã có văn bản báo cáo thành phố, trong đó, kiến nghị thành phố xem xét, sớm có chỉ đạo để quận có cơ sở triển khai.
Phương án mà UBND quận Liên Chiểu đưa ra đối với việc xử lý việc xây dựng trái phép kéo dài của hai hộ gia đình ông Phan Như Thạch và ông Ngô Văn Quang, như sau: Đối với công trình biệt thự của ông Phan Như Thạch, buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất không được phép xây dựng theo quy định tại Khoản 1, Điều 12, Nghị định 180/NĐ-CP. UBND quận sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước ngày 5/2/2015 và yêu cầu chủ hộ tự phá dỡ công trình vi phạm trong thời gian 35 ngày kể từ ngày ban hành quyết định (vì công trình có quy mô lớn và đúng vào thời gian Tết Nguyên đán).
Sau ngày 10/3/2015, nếu chủ hộ không chấp hành tự phá dỡ, UBND quận sẽ cưỡng chế theo qui định và chủ hộ phải chịu toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Ngoài ra, hộ ông Thạch cũng bị xử phạt hành chính từ 40 - 50 triệu đồng hành vi xây dựng trái phép.
Khác với ông Thạch chỉ phải tháo dỡ công trình nhà 3 tầng, quận Liên Chiểu đưa ra phương án tháo dỡ toàn bộ khu biệt thự của ông Ngô Văn Quang ở đồi Chim Chim (thuộc tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân). Ông Quang cũng phải nộp phạt 40- 50 triệu đồng vi phạm xây dựng trái phép.
Trong khi quận Liên Chiểu đưa ra phương án xử lý đúng pháp luật, được xem là mạnh tay, được dư luận hoan nghênh thì các sở, ban ngành của Đà Nẵng có liên quan lại “không có ý kiến gì”.
Ngày 20/1, UBND quận Liên Chiểu đã chủ trì, tổ chức buổi làm việc với các đơn vị có liên quan bàn biện pháp xử lý và mời ông Phan Như Thạch, ông Ngô Văn Quang thông báo về việc xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng trong ngày này, quận đã phát công văn gửi các sở, ban ngành liên quan để tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với việc xử lý công trình xây dựng trái phép này và gửi về UBND quận trước trưa ngày 26/1.
Tuy nhiên, đến nay, UBND quận vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản phản hồi nào. Trước đó, hai cơ quan tham mưu là Sở Xây dựng và Sở TNMT đều có văn bản gửi thành phố, đề nghị xử lý theo hướng: nộp phạt hành chính, cho tồn tại vì giá trị công trình lớn.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo quận Liên Chiểu cho hay, không thể vị nể mà làm trái luật. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương án của quận đưa ra, còn quyết định thế nào sẽ phải chờ lãnh đạo thành phố. “Quận mới gửi văn bản đề nghị lên UBND thành phố. Trong đó, cơ bản là đề nghị thành phố cho ý kiến thống nhất về việc xử lý. Còn phương án của quận đưa ra là bắt buộc tháo dỡ hoàn toàn” - ông Dương Thành Thị - Chủ tịch quận nói.
Được biết, quận Liên Chiểu cũng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố xem xét về thẩm quyền xử lý việc xây dựng trái phép và sử dụng đất sai mục đích của ông Thạch và ông Quang có thuộc thẩm quyền xử lý của UBND quận hay không.
“Trường hợp sử dụng đất rừng của 2 hộ nêu trên thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân trước đây (nay là Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu) trực thuộc Chi cục Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quản lý; đồng thời, việc xây dựng trên đất rừng diễn ra trong thời gian dài (trên dưới 20 năm). Hiện nay, việc sử dụng đất sai mục đích của hai ông vẫn thuộc trách nhiệm quản lý của chủ rừng là Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, chưa thực hiện bàn giao cho địa phương” - lãnh đạo quận cho biết.
Như vậy, phương án cuối cùng đã được đưa ra, giờ đây chỉ còn chờ chỉ đạo của tân Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Hôm 26/1, sau khi được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố, ông Thơ hứa sẽ mạnh tay xử lý đúng pháp luật, không vị nể. (Tiền Phong 29/1) đầu trang(
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ vụ vận chuyển gỗ lậu trái phép tại khu vực biên giới thuộc xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức.
Trước đó, khoảng 22h ngày 27/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện Tuy Đức bắt quả tang 6 đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép, tại khu vực bãi đất trống phía sau nhà của một người dân tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có 30 lóng gỗ, thuộc nhóm 2 đến nhóm 5, với tổng khối lượng hơn 10,9m3. Toàn bộ số gỗ đã được xẻ hộp, đang tập kết sẵn để chuẩn bị bốc lên xe ô tô đi tiêu thụ.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai vận chuyển gỗ thuê cho một người đàn ông tên Bảy (chưa rõ họ), trú tại bon Đắk Huých, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Lực lượng công an đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số gỗ trên và 3 xe ô tô loại 16 chỗ dùng vận chuyển gỗ lậu giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định. (VOV 29/1) đầu trang(
Ngày 28.1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao hồ sơ vụ việc ô tô khách chở gỗ và pháo lậu vừa bị bắt giữ cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Hà tiếp tục điều tra, làm rõ.
Thượng tá Phạm Văn An, Trưởng phòng PC46 cho biết tối 26.1, tại Trạm kiểm soát lâm sản Truông Bát (thuộc xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), Đội Cơ động của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh phát hiện ô tô khách mang biển số kiểm soát Lào UN-2745 có những biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu tài xế cho xe dừng để kiểm tra.
Lúc này, tài xế và một số người ngồi trên xe không những không chấp hành mà còn văng tục, chửi bới, xúc phạm lực lượng thi hành công vụ.
Mặc dù lực lượng kiểm lâm phải đề nghị PC46 và Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Hà Tĩnh đến can thiệp nhưng nhóm người trên ô tô khách vẫn không hợp tác, tiếp tục có lời lẽ xúc phạm cơ quan chức năng. Thậm chí, nhóm người này còn xuống xe, nằm lăn ra giữa đường, la hét gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền.
Các lực lượng chức năng đã khống chế các đối tượng, đưa phương tiện về trụ sở Đội Cơ động Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh và tiến hành kiểm tra.
Sau khi dùng các thiết bị cưa máy, hàn xì, cắt các khoang chứa hàng và các hầm tự tạo trên ô tô, cơ quan chức năng phát hiện 4 cánh cửa và 4 tấm ván (cùng là gỗ trắc) và 12 hộp pháo tổng trọng lượng 22 kg có xuất xứ từ Trung Quốc. Toàn bộ số hàng này được xác định là hàng lậu, không có hóa đơn, chứng từ.
Bước đầu, chủ xe khách là Lê Đức Tuấn (27 tuổi, ngụ xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) và tài xế Nguyễn Văn Dũng (48 tuổi, ngụ xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) khai nhận đã chở số gỗ và pháo lậu nói trên từ Lào, vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) để đưa về Nghệ An tiêu thụ.
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tá Nguyễn Hoài Việt, Trưởng Công an huyện Thạch Hà, cho biết Cơ quan CSĐT Công an huyện này đang tạm giữ ô tô cùng toàn bộ tang vật để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án. (Thanh Niên 29/1) đầu trang(
Do không được phép hút mật để bán, hàng chục trại nuôi gấu ở Hạ Long không có tiền để nuôi dưỡng, chăm sóc đầy đủ cho đàn gấu của mình, khiến chỉ trong năm 2014 có tới 106 con gấu chết; có ngày ở một trại có tới 4 con gấu chết
Các cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế bàn thảo mãi để cứu gấu nhưng chẳng đi đến đâu vì các chủ trại không thể chuyển giao miễn phí số gấu của mình cho người khác chăm sóc, trong khi các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế chẳng lấy đâu ra tiền mua lại.
Theo số liệu mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2014, số lượng gấu chết trên toàn tỉnh này là 106 cá thể, tập trung chủ yếu ở trại Nông Trang, thuộc phường Đại Yên và Trường Thịnh, thuộc phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long. Trong đó, chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm 2014, tại hai trại này có 12 con gấu chết, thậm chí, có ngày tại một trại có 4 cá thể gấu chết cùng một lúc.
Theo ông Mạc Văn Xuyên – Phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, ngoài việc hầu hết các cá thể gấu trên địa bàn tỉnh đều có độ tuổi trung bình cao, từ 15-20 tuổi, trong khi vòng đời chỉ khoảng 25-30 tuổi, thì nguyên nhân do chính là gấu bị suy dinh dưỡng nặng. Những năm trước đây, hầu hết các trại gấu được mở ra ở TP.Hạ Long đều nhằm mục đích phục vụ du khách đến thăm và mua mật.
“Từ đầu năm 2014, việc không thể chích hút mật gấu để bán cho do các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ đã khiến các chủ trại không còn đủ nguồn chi cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng gấu” – ông Xuyên cho biết.
Trại Nông Trang của ông Nguyễn Trọng Bờ từng là trại nuôi gấu lớn nhất ở Quảng Ninh, thời cao điểm lên tới hơn 40 cá thể gấu. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng gấu của ông Bờ chỉ còn 13 con, do chết dần bởi suy nhược cơ thể và bệnh tật.
Số còn lại cũng đang trong tình trạng suy kiệt. Một nhân viên của ông Bờ cho biết, hiện, mỗi ngày trại chỉ cho 13 cá thể gấu ăn một bữa, gồm cám, rau và 5-7 kg bì lợn. “Lượng lương thực, thức ăn hiện ít hơn nhiều so với trước, nhưng chúng cũng không ăn hết có lẽ do thức ăn không ngon, không đủ chất” – nhân viên này cho biết.
“Trước đây có điều kiện, gấu được ăn bí đỏ ninh xương, thỉnh thoảng được ăn mật ong để chống bệnh đường ruột. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, gấu được ăn như thế đã là tốt lắm rồi” – một chủ trại gấu chia sẻ – “Nếu nuôi, chăm sóc gấu như trước thì chi phí cho mỗi con lên tới vài triệu/tháng. Trại 10-15 con mỗi tháng riêng tiền nuôi gấu đã lên tới vài chục triệu đồng, chưa nói tới tiền thuê nhân công, điện nước, thuê mặt bằng…”.
Hiện, trên địa bàn Quảng Ninh còn 15 cơ sở nuôi nhốt gấu, với 53 cá thể của 19 chủ nuôi; trong đó, TP.Hạ Long có 22 cá thể, thị xã Quảng Yên có 19 cá thể, TP.Cẩm Phả có 7 cá thể. Tuy nhiên, phần lớn số gấu trên đang trong tình trạng suy kiệt về sức khỏe do các chủ trại không còn nguồn thu nào từ gấu.
Mới đây, Tổ chức Động vật Châu Á đã có công văn gửi một loạt các cơ quan chức năng và báo chí, kêu gọi nhanh chóng ra tay cứu những cá thể gấu còn lại đang trong tình trạng nguy cấp.
Ngày 27.1, các sở, ban ngành liên quan của Quảng Ninh đã họp khẩn nhằm tìm ra các biện pháp cứu gấu. Tuy nhiên, cũng như bao cuộc họp khác, giải pháp vẫn là…đề xuất các cơ quan cấp trên có phương án di chuyển toàn bộ số gấu trên đến các trung tâm cứu hộ có đủ điều kiện và có cơ chế tài chính hợp lý cho các chủ nuôi.
Tài chính được cho là vấn đề quyết định trong việc cứu những cá thể gấu còn lại ở Quảng Ninh, nhất là đối với các trại có số lượng lớn cá thể gấu. Nhiều chủ trại gần như buông trại gấu vì cố gắng lắm thì cũng chỉ đủ lực cho gấu ăn cầm hơi. Tuy nhiên, không dễ gì họ chuyển giao miễn phí gấu cho các trung tâm cứu hộ.
Hạt Kiểm lâm TP.Hạ Long cho biết, chỉ trong vòng buổi sáng 28.1, tại trại Nông Trang của ông Nguyễn Trọng Bờ, thuộc phường Đại Yên, TP.Hạ Long đã có thêm 2 cá thể gấu chết do suy kiệt sức khỏe.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh và Hạt Kiểm lâm TP.Hạ Long đã có mặt để điều tra nguyên nhân, làm thủ tục cần thiết để tiêu hủy gấu theo đúng quy định. (Lao Động 28/1) đầu trang(
Theo thông tin từ Đại tá Nguyễn Xuân Chính, Trưởng Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, sáng 28/1 đơn vị vừa phối hợp với Công an thị trấn Đức Thọ bắt quả tang Nguyễn Thị Hương (36 tuổi, trú huyện Hương Sơn) khi đang vận chuyển một số lượng lớn động vật hoang dã.
Số động vật này gồm 9 cá thể tê tê, trọng lượng 38 kg, mỗi con được bỏ trong một túi lưới màu xanh.
Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Thị Hương đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc sở hữu số động vật này. Đối tượng Hương khai nhận đây là số hàng vận chuyển thuê cho một người cùng huyện nhằm đem xuống ga Yên Trung (huyện Đức Thọ) đưa đi Hà Nội tiêu thụ.
Công an huyện Đức Thọ đã tiến hành lập biên bản thu giữ số tê tê và xử lý theo quy định. (Thanh Tra 28/1) đầu trang(
Ngày 29.1, thông tin từ Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Công an huyện Tương Dương triệt phá một đường dây mua bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm.
Qua quá trình mật phục theo dõi, thu thập chứng cứ, lực lượng chức năng đã bao vây bắt giữ đối tượng Trần Gia Ngũ (SN 1956 trú tại bản Lủng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Sau khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 5 tạ động vật hoang dã quý hiếm đã chết được cất giấu trong các tủ lạnh lớn gồm: 12 cá thể chồn; 51 cá thể khỉ; 1 cá thể mèo rừng; 4chân, 2 đầu lợn lợn rừng.
Tại cơ quan công an, đối tượng Ngũ đã khai nhận, số động vật hoang dã trên được mua từ người dân trong bản đánh bắt được. Sau khi gom được số lượng lớn, động vật hoang dã sẽ được đưa đi nơi khác tiêu thụ. (Dân Việt 29/1) đầu trang(
Chị Điêu Thị Bắc (sinh năm 1971) đèo con gái là La Thị Giang (sinh năm 1998, học sinh lớp 9) đang lưu thông bằng xe máy từ bản Pom Mường về hướng Phiêng Ban thì bất ngờ bị một khúc gỗ nghiến dài hơn 1m (đường kính khoảng 30cm) lao thẳng từ trên núi xuống khiến chị Bắc tử vong ngay tại chỗ, cháu Giang bị thương nặng.
Sự việc đau lòng trên xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 25/1 trên Quốc lộ 279, thuộc địa phận xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Hai mẹ con nạn nhân cùng ở bản Bon, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, trên đường đi mua sắm Tết thì bị tai nạn do gỗ lao từ trên núi xuống trúng người và xe.
Theo một nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai, đây là khúc gỗ nghiến khai thác lậu. Lâu nay, lâm tặc vẫn lén lút khai thác rừng gỗ nghiến Phiêng Ban, cưa xẻ thành nhiều khúc để vận chuyển đi tiêu thụ. Ngành chức năng huyện Quỳnh Nhai đang vào cuộc điều tra, truy tìm chủ nhân của những khúc gỗ nghiến này. (VietnamPlus 28/1) đầu trang(
Bước vào mùa khô 2014-2015, thời tiết khí hậu hanh khô khắc nghiệt hơn mọi năm, vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) trên địa bàn tỉnh đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chủ rừng.
Huyện Ea H’leo có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 72.641 ha, trong đó rừng tự nhiên là 32.077 ha, rừng trồng 5.869 ha, đất chưa có rừng 34.694 ha. Trên địa bàn huyện có 4 công ty lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV  Lâm nghiệp Chư Phả, Ea Wy, Thuần Mẫn, Ea H’leo; Nông trường Hồ Lâm và 16 doanh nghiệp thuê đất trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng, 2 công ty liên kết với Ban Quản lý bảo vệ rừng cộng đồng buôn Chăm, buôn Kry (Ea Sol) để trồng cao su.
Từ tháng 11 -2014, khí hậu ở Ea H’leo đã bắt đầu hanh khô, cháy rừng dễ xảy ra vì trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, săn bắn, khai thác gỗ, đốt ong lấy mật. Với gần 20.000 ha rừng trọng điểm dễ cháy nên công tác PCCCR được chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Các chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, nông trường, DN thuê đất trồng cao su, QLBVR trên địa bàn đã chủ động xây dựng phương án và nghiêm túc triển khai thực hiện các công trình PCCCR.
Theo Hạt Kiểm lâm Ea H’leo, diện tích rừng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung ở các xã: Ea H’leo (8.000 ha), Cư Mốt (4.000 ha), Ea Sol (4.000 ha), Ea Wy (1.000 ha), Ea Khăl (600 ha)… Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án PCCCR.
Theo đó đã phân vùng để dễ dàng huy động lực lượng tham gia PCCCR chia làm 5 cụm xã gồm: cụm xã Ea Nam - Ea Khăl - Ea Tir, Ea Wy - Cư A Mung – Cư Mốt – Ea Ral, Ea Sol – Ea Hiao, Dliê Yang và xã Ea H’leo. Việc phân công trách nhiệm trong tổ chức, chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện PCCCR cũng rất cụ thể.
Ngày 7-11-2014, UBND huyện đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác PCCCR với 13 thành viên; thành lập 12 ban chỉ đạo PCCCR cấp xã và 15 ban của các công ty lâm nghiệp, Nông trường Hồ Lâm, Công ty cao su Ea H’leo, các đơn vị kinh doanh rừng và trồng cao su; xây dựng 28 tổ đội quần chúng nhân dân bảo vệ rừng, PCCCR ở 140 thôn, buôn gần rừng với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, ban quản lý rừng cộng đồng…; thành lập 22 tổ trực PCCCR ở các DN với lực lượng chính  là các phân trường, đội sản xuất.
Thực hiện tốt Chỉ thị của UBND huyện về công tác PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã yêu cầu các chủ rừng xây dựng các phương án PCCCR, đầu tư trang thiết bị, triển khai các biện pháp kỹ thuật phục vụ cho công tác PCCCR, đồng thời phân công lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác những vùng trọng điểm cháy.
Bên cạnh đó,  Hạt cũng phối hợp với UBND cấp xã cùng các chủ rừng hướng dẫn người dân thực hiện đốt nương, rẫy đúng quy trình, kỹ thuật, trước khi đốt phải làm đường băng cản lửa để ngăn chặn tình trạng cháy lan vào rừng; kiểm tra chặt chẽ các đối tượng, phương tiện vào rừng săn bắt, đốt ong lấy mật trái phép.
Mùa mưa ở huyện Krông Bông thường đến muộn và kết thúc muộn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng năm nay lượng mưa trên địa bàn huyện giảm so với các năm trước kèm theo đó là thời tiết nắng nóng, hanh khô xuất hiện sớm hơn mọi năm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ QLBVR, PCCCR, ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm Krông Bông đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, các xã có rừng tổ chức thực hiện nhiệm vụ QLBVR, PCCCR mùa khô theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật quy định về công tác QLBVR, PCCCR và các văn bản của Trung ương, địa phương đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệc là người dân sống gần rừng, vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, với nhiều nội dung và hình thức thiết thực như: Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (thông qua đài truyền thanh, truyền hình của huyện, đài truyền thanh của các xã); thông qua họp dân, phát tờ rơi, ký cam kết; tuyên truyền lưu động; thông qua hình thức trực quan (hệ thống bảng biểu tuyên truyền).
Là một trong những chủ rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, được giao quản lý bảo vệ 35 tiểu khu với tổng diện tích 28.446,11 ha, trong đó có 1.494,24 ha rừng trồng nằm trên các xã: Dang Kang, Hòa Thành, Cư Kty, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và PCCCR mùa khô năm 2014 – 2015, Công ty đã xây dựng phương án tác nghiệp,  phối hợp, điều động lực lượng tham gia chữa cháy rừng trên lâm phần và diện tích rừng trồng ngoài lâm phần.
Theo phương án, đơn vị thực hiện làm đường băng tại một số nơi trọng điểm như: Buôn T’Liêr, đồi Chư Yang Kô (Hòa Phong), Dak Tua (Cư Pui, Cư Đrăm), buôn Hàng Năm (Yang Mao)… với diện tích 28,8/120,81 ha tổng diện tích đường băng. Việc chỉ thực hiện số diện tích trên là do đa số diện tích rừng năm thứ 3, 4 thuộc các khu vực không xung yếu, vật liệu trong lô tương đối sạch.
Ngoài ra, số rừng trồng năm thứ nhất (2014) chủ yếu trên diện tích sau khai thác từ 1 - 2 luân kỳ nên trong lô rất ít vật liệu cháy, đơn vị chỉ thực hiện gom xử lý sạch. Đối với việc gom xử lý cục bộ dưới tán rừng, đơn vị dự kiến thực hiện 855,22 ha (diện tích rừng keo trồng năm 2011 – 2014).
Ông Hà Văn Liên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, ngoài các giải pháp về kỹ thuật, để công tác PCCCR hiệu quả, lấy phòng là chính, đơn vị phân công từng cán bộ phụ trách các địa điểm, thường xuyên túc trực tại khu vực rừng trồng, chòi canh lửa; kiểm tra, tuần tra và phát hiện kịp thời các đám cháy rừng xảy ra, tiến hành xử lý dập tắt đám cháy, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Đến thời cao điểm của mùa khô, công ty sẽ rà soát lại những điểm có khả năng xảy ra cháy cao và bố trí lực lượng trực 24/24 giờ. Một trong những nguyên nhân gây ra cháy rừng là do người dân đốt nương làm rẫy, đốt tổ ong lấy mật, do đó đơn vị thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân đốt nương làm rẫy đúng quy trình, kỹ thuật (chọn ngày trời râm mát, làm đường bao ngăn lửa, đốt ngược hướng gió…).
Đối với những hộ dân có nương rẫy ở các thôn, buôn gần khu vực rừng trồng như: Dang Kang, T’Liêr, Dak Tua, Vân Kiều, Chàm B, Hàng Năm, Yang Hanh, Cư Dắt… đơn vị tổ chức họp dân, ký cam kết không được chặt phá, mang lửa vào rừng. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị có đường giáp ranh với lâm phần quản lý như: Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, M’Drak… kiểm tra và xử lý kịp thời  khi có cháy rừng xảy ra. (Báo Đắc Lắc 28/1) đầu trang(
Bắc Kạn: Chi cục Kiểm lâm tổng kết công tác năm 2014
Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015. Ông Nông Văn Chí - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Năm 2014, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các địa phương. Tuy nhiên, thực trạng về tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng vẫn diễn ra khá phức tạp và xảy ra ở hầu hết địa bàn các huyện, thị xã.
Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử lý 693 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó có 81 vụ khai thác rừng trái phép; 340 vụ mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép… Các vụ vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép chủ yếu xảy ra tại các địa bàn còn nhiều diện tích rừng tự nhiên với những cây gỗ có giá trị kinh tế cao như Bạch Thông, Na Rỳ, Chợ Đồn, Chợ Mới…
Mặc dù công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhưng với diễn biến thời tiết phức tạp, toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ cháy trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích bị cháy là 36,69ha. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người dân trong việc đốt xử lý thực bì, đốt nương rẫy, soi bãi… gây cháy lan vào rừng.
Để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức tuyên truyền thông qua các cơ quan thông tin đại chúng; tuyên truyền qua các cuộc họp thôn, bản được 711 cuộc với sự tham gia của hơn 21.000 người; tuyên truyền trực quan thông qua các bảng biểu, treo băng rôn, tổ chức ký cam kết với người dân…
Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động về khai thác, chế biến lâm sản và nuôi nhốt động vật hoang dã tiếp tục được quan tâm. Trong năm, toàn tỉnh đã cấp được trên 1.200 giấy phép khai thác lâm sản; các cơ sở chế biến gỗ, nuôi nhốt động vật hoang dã được kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Tích cực thực hiện công tác quản lý cưa xăng tại các khu bảo tồn và vườn Quốc gia Ba Bể, toàn tỉnh đã thống kê được 1.048 cưa xăng, cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 688/1.048 chiếc; quản lý tập trung được 131 chiếc.
Mặc dù công tác trồng rừng năm 2014 được nhận định là sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng Ban Quản lý Dự án các huyện, thị xã đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao. Toàn tỉnh đã trồng mới được trên 8.200ha rừng, đạt 102,64% KH. Công tác giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng tái sinh được Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Chi cục Lâm nghiệp thực hiện có hiệu quả với tổng diện tích giao khoán trên 100.000ha.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các biện pháp thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới như: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; nâng cao nghiệp vụ của kiểm lâm viên; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, dân quân tự vệ địa phương...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nông Văn Chí - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ với lực lượng kiểm lâm những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trong năm 2014. Ông đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị, Ban Quản lý Dự án các huyện, thị xã cần nâng cao trách nhiệm, nhất là trong khâu quản lý giống, rà lại việc nghiệm thu, thẩm định trồng rừng; thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo triển khai trồng rừng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.
Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm cần thực hiện tốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn chỉ đạo triển khai có hiệu quả phương án phòng cháy chữa cháy rừng; nâng cao năng lực đội ngũ kiểm lâm; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan; thực hiện tốt công tác quản lý cấp phép khai thác rừng; lực lượng kiểm lâm cần tăng cường phối hợp với lực lượng công an lập các chuyên án giải quyết vấn đề khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ… (Backan.gov.vn 27/1) đầu trang(
Nhằm tăng cường kiểm soát lâm sản, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong dịp tết nguyên đán trên tuyến đường, An Hòa – An Toàn (An Lão).
Chủ tịch UBND huyện vừa ban hành văn bản thống nhất chủ trương chốt chặn kiểm soát lâm sản tại Km 11 (Dốc muối) tuyến đường An Hòa – An Toàn. Thời gian hoạt động: 24/24 giờ, bắt đầu từ ngày 22/01/2015 đến hết ngày 14/02/2015. Thành phần tham gia Tổ công tác: (Hạt Kiểm lâm 8 người, BQL rừng phòng hộ 2 người, công an huyện 02 người). Việc điều hành của Tổ do ông Nguyễn Thanh Sinh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm trực tiếp chỉ đạo.
Tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 là hết sức phức tạp, Chủ tịch UBND huyện đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã liên quan chủ động phối hợp để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản. (Anlao.binhdinh.gov.vn 28/1) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý phân bổ 500 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (vốn nước ngoài) năm 2015 cho 8 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.
Từ nguồn vốn này, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và An Giang thực hiện các dự án gây bồi, tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển; chống xói lở bảo vệ đê biển, bảo vệ và phát triển rừng ven biển; xây dựng và phát triển bền vững rừng phòng hộ. (Tiền Phong 29/1, tr2) đầu trang(
Tại hội nghị triển khai công tác kiểm lâm năm 2015 diễn ra vào ngày 28-1, ngoài những báo cáo đánh giá hoạt động về công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), PCCCR, chống chặt phá rừng, giao rừng cho thuê rừng, kiểm lâm địa bàn..., Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế tập trung làm rõ thực trạng, tồn tại, đánh giá và đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm lâm.
Năm 2015, ngành kiểm lâm tiếp tục nâng cao hiệu quả QLBVR, bảo tồn đa dạng sinh học rừng, nâng cao giá trị gia tăng của rừng trồng theo hướng bền vững, đưa lâm nghiệp trở thành nghề có giá trị gia tăng cao. Nâng cao chất lượng cán bộ kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn, khuyến lâm, quản lý bảo vệ rừng tận gốc.
Lực lượng kiểm lâm phấn đấu thực hiện tốt các giải pháp như: Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền với nhiều hình thức kết hợp ký cam kết từng hộ dân, thôn, bản; tăng cường phối kết hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực thi pháp luật, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng; giám sát các đơn vị chủ rừng quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, các nhóm hộ, cộng đồng được giao quản lý rừng tự nhiên; cải thiện chất lượng kiểm lâm địa bàn gắn với chính quyền địa phương, với dân, với rừng... (Báo Thừa Thiên Huế 28/1) đầu trang(
Sáng 28/1, tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn – Công An tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và thao diễn kỹ năng chữa cháy rừng cho các đơn vị quản lý rừng tràm trên khu vực huyện Trần Văn Thời.
116 học viên của 11 tổ máy bơm đến từ các đơn vị trên khu vực rừng tràm huyện Trần Văn Thời được triển khai các văn bản về PCCCR mùa khô năm 2015; hướng dẫn các thao tác kỹ thuật trong vận hành, sử dụng, sửa chữa, bảo quản thiết bị máy bơm, vòi chữa cháy; chiến thuật triển khai đội hình chữa cháy bằng máy bơm công suất lớn và tổ chức thao diễn kỹ năng, chiến thuật chữa cháy rừng và cứu nạn, cứu hộ khi tham gia chữa cháy rừng.
Điểm mới của đợt tập huấn nghiệp vụ lần này là thời gian tập huấn sẽ kéo dài hơn so với những năm trước, để các học viên có điều kiện thao tác và sửa chữa những hư hỏng nhỏ của máy bơm khi hoạt động.
Các doanh nghiệp thuê đất, Nông trường 402 và Công ty Khí Cà Mau cũng cử cán bộ tham gia trong đợt tập huấn lần này. (Báo Ảnh Đất Mũi 28/1) đầu trang(
Bình Thuận hiện nay đang nhận được sự hỗ trợ về tài chính của nhiều tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ, phát triển rừng như: UN - REDD, JiCa.. Chúng ta có thể dựa vào nguồn tài chính này để hỗ trợ người dân về kỹ thuật và chi phí trồng rừng.
Vào thế kỷ XVII, rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích đến 42.000 ha rừng nguyên sinh mọc trên hàng trăm gò đất nửa chìm nửa nổi. Những năm 1962 - 1971, giặc Mỹ tàn phá rừng Sác bằng bom Napan, rải chất diệt cỏ nhằm làm phá hoại nơi ẩn nấp của bộ đội ta. Hậu quả làm cho rừng Cần Giờ chỉ còn lại những bãi đất trống, cây bụi lùm xùm.
Năm 1978, rừng Cần Giờ bắt đầu được khôi phục theo chủ trương của Nhà nước. Sau gần 40 năm khôi phục, rừng Sác ngày xưa giờ đây được gọi là rừng ngập mặn Cần Giờ đã phục hồi được trên 35.000 ha rừng, biến khu đất hoang hóa  thành cánh rừng bạt ngàn xanh tốt, tạo nên cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài động vật phát triển.
Nhớ lại ngày đầu gian khổ, ông Phạm Văn Nhàn (Phân khu 6) không thể quên những ngày trắng đêm “canh lâm tặc”. “Vào những năm 1993 - 1995, bọn lâm tặc hoành hành dữ lắm. Lợi dụng đêm tối, khu vực vắng người chúng chặt cây. Khi người dân phát hiện thì chúng sẵn sàng chống trả. Năm 1994, một hộ dân giữ rừng ở quận 3 đã bị lâm tặc chém trọng thương. Bản thân tôi cũng bị chúng cầm rựa rượt mấy lần. Nguy hiểm vậy nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ rừng”, ông Nhàn chia sẻ. Người dân tham gia giữ rừng Cần Giờ không bỏ rừng bởi họ thấy được “tương lai no ấm”.
Một quyết sách quan trọng góp phần tạo nên thành quả hiện nay ở rừng ngập mặn Cần Giờ chính là việc giao rừng cho người dân canh giữ. Đồng thời thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố để điều hành việc bảo vệ và tiếp tục trồng mới. Các hộ vào định cư trong rừng được chính quyền cung cấp cho một số tiền để xây dựng nhà ở trong rừng, mua sắm lu đựng nước và một số dụng cụ, xuồng chèo để đi lại.
Nhiệm vụ của các hộ là bảo vệ, quản lý và sử dụng đất rừng được giao theo đúng quy chế của Ban Quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố. Họ được trả công bảo vệ, sử dụng lâm sản phụ, hưởng tỉ lệ sản phẩm tỉa thưa. Các gia đình có nhu cầu được tạo điều kiện khai thác thủy sản, tận dụng các mặt nước hiện có nuôi thủy sản...
Trong chương trình của khóa tập huấn về công tác truyền thông của tổ chức UN - REDD vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến về công tác giữ rừng đã được đưa ra. Trong đó, việc gắn giữ rừng với tạo sinh kế cho người dân được nhiều đại biểu đồng tình.
Bởi việc giữ rừng gắn với tạo thêm thu nhập cho người dân sẽ giúp người dân toàn tâm bảo vệ rừng. Ở một số nước trên thế giới như: Anh, Na Uy… chính phủ cho phép người dân trồng xem kẽ cây trong diện tích rừng tự nhiên. Như vậy vừa giúp người dân có thêm thu nhập vừa có điều kiện canh giữ rừng tốt hơn.
Trở lại với “kỳ tích” trồng và bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ mà chúng tôi đã phản ánh ở bài trước, nhiều chuyên gia đã đánh giá, một trong những yếu tố quyết định thành công ở Cần Giờ chính là UBND TP. Hồ Chí Minh đã biết gắn giữ rừng với sinh kế hằng ngày của người dân. Người dân vừa đánh bắt, nuôi trồng hải sản vừa bảo vệ rừng. Như vậy, lúc nào cũng có người ở trong rừng, lâm tặc xuất hiện thì người dân sẽ phát hiện ngay.
Tại Bình Thuận, hằng năm đều phát hiện ra nhiều vụ phá rừng mới. Thậm chí có vụ lâm tặc cưa cây vận chuyển gỗ ra khỏi rừng một thời gian dài rồi kiểm lâm, người giữ rừng mới phát hiện ra. Diện tích rừng nghèo, rừng có độ che phủ thấp ngày càng tăng. Một số người dân đã từng có ý kiến rằng cho phép họ cải tạo rừng nghèo, rừng có độ che phủ thấp để trồng xen cây lấy gỗ.
Cụ thể, với những diện tích rừng có độ che phủ thấp, cây có giá trị kinh tế cao không nhiều thì cho phép người dân phát quang cây bụi, cây  có giá trị kinh tế thấp để tạo không gian trồng các loại cây công nghiệp như keo lá tràm, bạch đàn… Với những cây giá trị kinh tế thấp thì cho người dân khai thác làm củi, chính quyền thu thuế tài nguyên.
Trước khi cho phép người dân tạo khoảng trống thì lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, thống kê những cây có độ che phủ lớn, giá trị kinh tế cao rồi lập biên bản bàn giao cho người dân trông coi. Việc này vừa kiểm tra được chất lượng rừng hiện có, vừa giúp người dân chủ động trong công tác bảo vệ.
Người xưa thường nói “có thực mới vực được đạo”, muốn bảo vệ rừng đạt hiệu quả thì trước hết phải đảm bảo được an sinh. Tạo điều kiện để người dân cải tạo rừng nghèo, trồng xen cây lấy gỗ là một phương án giúp người dân gắn bó với rừng hơn. (Báo Bình Thuận 28/1) đầu trang(
UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ thị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng và Đoàn Kiểm tra liên ngành của huyện, thị xã, thành phố; rà soát bổ sung phương án kiểm tra, truy quét; phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, không để xảy ra tình hình phá rừng trên địa bàn.
Đối với các huyện miền núi có sản xuất nương rẫy, phải tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy ổn định và tổ chức giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn không để xảy ra phá rừng, cháy rừng. Khi thời tiết hanh, khô, nắng nóng keo dài, nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng, kể cả việc xử lý thực bì với mục đích trồng rừng, dọn rẫy; duy trì chế độ trực 24/24 giờ trong thời gian nắng nóng, hanh khô kéo dài, cấp dự báo cháy rừng ở cấp cao.
Xử lý nghiêm minh các vụ việc phá rừng; khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về giao rừng cho thuê rừng va hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân miền núi, bảo vệ môi trường sinh thái.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh kiện toàn Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; triển khai Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2015; đồng thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các phương án, kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn.
Rà soát bổ sung quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với lực lương Dân quân tự vệ, Công an xã phường, thị trấn trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác bảo vệ rừng theo Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ; tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra.
Chỉ đạo tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra các vùng trọng điểm xảy ra phá rừng, nhất là các khu rừng giáp ranh; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá thực trạng công tác bảo vệ rừng thời gian qua và đề ra các giải pháp, biện pháp cụ thể thời gian tới, nhằm hạn chế tình trạng phá rừng, cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2015 của các cấp và chủ rừng; xây dựng bản đồ vùng trọng điểm xảy ra cháy rừng.
Chú trọng việc thực tập phương án sát với tình hình thực tế tại địa phương; tăng cường tập huấn, diễn tập kỹ thuật chữa cháy rừng, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho nhân dân và người tham gia chữa cháy rừng.
Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm (địa chỉ Website: kiemlam.org.vn) để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Báo cáo ngay khi phát sinh cháy rừng về Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng - Cục Kiểm lâm (số điện thoại: 0986668333) để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình cháy rừng ở địa phương về thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng - Cục Kiểm lâm.
Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức cho nhân dân trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
UBND các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, chăm sóc và giải quyết chế độ đãi ngộ cho những cán bộ, công chức, viên chức và người dân dũng cảm đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, tham gia chữa cháy rừng mà bị thương, hy sinh theo quy định của pháp luật. (Binhdinh.gov.vn 28/1) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Năm 2007, anh Trần Việt Hà có nhận khoán trồng và chăm sóc rừng của công ty MDF Gia Lai thông qua Đội trồng và QLBVR Mang Yang (Bên A) do ông Nguyễn Cường Quốc (Đội trưởng), cùng với kế toán đội ký kết với anh (Bên B).
Theo đó, một chu kỳ được tính từ năm 2007 đến năm 2014. Hai biên bản được lập ra là: biên bản giao khoán rừng trồng năm 2007 ký vào ngày 8/9/2007; và biên bản giao khoán rừng trồng ký ngày 10/9/2007.
Các điều khoản giao nhận khoán rất rõ ràng, nếu như bên nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng tốt, vượt sản lượng thì sẽ được hưởng lợi, còn nếu không đạt sản lượng như đã ký kết trong biên bản thì phải tự bỏ tiền ra để bù vào, và khi khai thác thì phải có cả hai bên A và B để một bên khai thác và một bên kiểm tra, giám sát. Nhưng không hiểu vì lý do gì, khi công ty khai thác lại không thông báo cho anh biết?.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của anh Hà thì việc công ty MDF Gia Lai ngang nhiên thu hoạch cây trên phần diện tích mà anh nhận khoán đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của gia đình anh. Nhiều lần anh yêu cầu làm việc nhưng công ty chỉ làm việc cho có lệ, đơn cử như gần đây nhất là vào ngày 30/12/2014 sau khi anh khiếu nại, phía Công ty có mời xuống trụ sở công ty để làm việc.
Trực tiếp là ông Phạm Văn Quế (Phó Giám đốc thường trực của công ty) chủ trì buổi làm việc hôm đó. Nội dung, nói về việc ăn chia phần nhận khoán giữa hai bên. Theo đó, bên công ty đưa ra các mức giá để trả cho anh như là đang “cò kê” mua bán một bó rau ngoài chợ vậy.
Từ 18.306.994 đồng lên 33.974.676 đồng rồi lại thành 43.302.108 đồng nhưng tất cả các mức giá đó, anh đều không đồng ý với lý do là số tiền không xứng đáng với mồ hôi và công sức bao năm. Tổng tất cả số tiền mà phía Công ty chưa thanh toán cho anh Hà là 311.331.661 đồng (công thức tính theo biểu mẫu mà trước đây Công ty đã đưa ra).
Được biết, sự việc khởi nguồn vào năm 2011, Công ty MDF Gia Lai thuyên chuyển anh xuống Kông Chro. Thời gian này, vì con gái bị bệnh, đi viện liên tục tại Bệnh viện Nhi Đồng I. Anh xin được ở lại Mang Yang tiếp tục công tác cho gần nhà tiện bề chăm sóc con, nhưng công ty vẫn một mực muốn thuyên chuyển anh xuống Kông Chro. Điều đó buộc anh phải làm đơn xin nghỉ việc.
Ngày 25 tháng 7 năm 2011, tại biên bản đối chiếu công nợ, bàn giao rừng trồng do Đội TR & QLBVR Mang Yang (đại diện là ông Nguyễn Cường Quốc: Phụ trách Đội; ông Trần Ngọc Thiên: Đội phó; bà Võ Thị Cẩm Viên: Thống kê Đội) và anh Trần Việt Hà đã đi đến thống nhất và ký kết như sau: “Đến ngày 25/7/2011 ông Hà đã nhất trí bàn giao lại diện tích rừng mà Đội đã giao cho cán bộ giám sát nhận bảo vệ rừng trước đây (rừng 2008:40,3ha; rừng 2009:12,4ha, rừng 2010:48,4ha) cho Đội tiếp tục quản lý bảo vệ. Riêng diện tích nhận khoán rừng 2007:165,4ha ông Hà vẫn tiếp tục thực hiện theo biên bản giao nhận khoán ngày 10 tháng 9 năm 2007. Diện tích này Đội vẫn quản lý chung theo quy định hiện hành của công ty…”.
Qua đó, tất cả mọi người đều thấy được là diện tích mà anh Hà đã nhận khoán năm 2007 giờ vẫn tiếp tục thực hiện theo biên bản giao nhận khoán. Mọi quyền lợi và trách nhiệm vẫn không có gì thay đổi.
Sau khi nhận được đơn thư về việc công ty MDF cố tình chiếm đoạt tiền của dân, chúng tôi đã xuống trực tiếp công ty MDF Gia Lai, có trụ sở tại Thị xã An Khê trình giấy giới thiệu ra để đăng ký làm việc với lãnh đạo. Tại đây, ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng phòng Tổ chức hành chính cho biết: “Đây là việc dân sự giữa anh Hà và công ty, nếu mà chưa thỏa đáng có thể ra Công an, ra Tòa còn anh muốn viết bài vở thì cứ theo đơn anh Hà mà viết, chứ… lãnh đạo tôi không đồng ý tiếp phóng viên”..
Cho đến nay, bệnh tình con gái anh Hà vẫn còn tiếp diễn, nhưng anh không hiểu vì sao Công ty mà anh đã bao nhiêu năm tâm huyết nay lại có những hành động vô lý như vậy. Ai và cơ quan nào sẽ đứng ra giải quyết nỗi bức xúc và trả lại công bằng cho vợ chồng anh Trần Việt Hà? (Công Lý 28/1) đầu trang(
Tiền Phong số ra ngày 20/5/2013 phản ánh, năm 2012 Cty TNHH MTV Cao su Hương Khê (gọi tắt là Cty CSHK) thuê hơn 300 ha đất rừng tại Tiểu khu 192, xã Hòa Hải, Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) để trồng cao su. Cuối năm đó, Cty CSHK đưa máy vào khai hoang để trồng cao su thì bị 4 người dân địa phương cản trở, tự ý phát hơn 15 ha rừng trồng keo.
Sự việc ngày một nghiêm trọng khi có hàng chục hộ dân kéo vào chiếm đất. “Họ ngang nhiên cắm cờ, mở loa rồi đốt cây rừng. Khi chúng tôi đến họ còn thách thức, dọa nạt”, một công nhân Cty CSHK nói. Bốn người dân mở đầu cho chiến dịch chiếm đất là người nhà của Phó Chủ tịch HĐND xã Hòa Hải, ông Phan Xuân Vị. “Nếu chính quyền giải quyết dứt điểm 4 hộ dân này, những hộ khác không dám chiếm đất”, ông Trần Thanh Hà, Tổng Giám đốc Cty CSHK bức xúc.
Sau khi sự việc xảy ra, huyện Hương Khê chỉ đạo các cấp chính quyền và các lực lượng vào cuộc rốt ráo để ngăn chặn việc lấn chiếm, trả lại đất cho Cty CSHK để sản xuất nhưng bất lực. “Từ vài chục ha đất bị lấn chiếm, đến nay, toàn bộ hơn 300 ha đất của Cty bị người dân chiếm hết. Chưa dừng lại ở đó, người dân còn ngang nhiên chặt phá rừng ở nhiều khu vực rừng phòng hộ do UBND xã quản lý”, một công nhân của Cty CSHK cho biết.
Tại xã Hương Giang, từ năm 2009 đến nay, hơn 50 hộ dân ngang nhiên vào xâm chiếm, phát rừng để trồng keo lên tới hơn 200 ha của Cty, trong đó, gần 100 ha rừng phòng hộ. Sự việc trên kéo dài mấy năm nay nhưng chính quyền huyện Hương Khê bất lực.
Đó là khẳng định của ông Hà Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hương Khê tại buổi làm việc ngày 26/1 với Cty CSHK. “Để dẫn đến việc người dân lấn chiếm đất rừng kéo dài, có hệ thống, chính quyền xã, huyện chưa làm tốt quy trình cho thuê đất. Đây là thiếu sót của chính quyền, Cty đã bị thiệt hại quá nhiều trong sự việc này”, Bí thư Huyện ủy Hương Khê nói.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Đinh Hữu Tân thừa nhận, hơn 300 ha rừng của Cty CSHK bị người dân lấn chiếm không thể lấy lại để sản xuất như mục tiêu ban đầu. Theo đó, huyện Hương Khê đưa ra phương án bù hơn 200 ha đất khác cũng tại khu vực xã Hòa Hải cho Cty CSHK để tiếp tục thực hiện dự án.
“Hơn 300 ha rừng bị người dân lấn chiếm phải rà soát lại để xử lý vi phạm. Sau đó nghiên cứu bổ sung giao đất, giao rừng cho người dân có nhu cầu thực sự. Khi Cty thực hiện dự án trên phần đất bù. Nếu xảy ra việc người dân tiếp tục lấn chiếm, lãnh đạo xã phải chịu trách nhiệm!”, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nói.
Liên quan đến việc giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông Ngô Xuân Ninh, thừa nhận, đến nay đã có 10 văn bản chỉ đạo của cấp tỉnh và hàng chục cuộc họp, văn bản chỉ đạo của cấp huyện nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Trước sự chất vấn của nhiều cơ quan báo chí về việc tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo huyện Hương Khê thừa nhận sai sót của lãnh đạo xã Hòa Hải và một số phòng ban liên quan nhưng đến nay chưa bị xử lý kỷ luật? Lãnh đạo huyện Hương Khê lại tiếp tục hứa “sẽ xem xét kỷ luật khi sự việc được giải quyết”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông Ngô Xuân Ninh, thừa nhận, đến nay đã có 10 văn bản chỉ đạo của cấp tỉnh và hàng chục cuộc họp, văn bản chỉ đạo của cấp huyện nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết dứt điểm. (Tiền Phong 29/1) đầu trang(
Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương ven biển nghiêm cấm việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển; thường xuyên tuyên truyền đến người dân về hoạt động bảo vệ rừng, đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tỉnh đã thành lập Đoàn thanh tra để xử lý việc lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép tại các địa phương vùng ven biển; giao chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện và tương đương xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường và buộc phải khắc phục.
Các địa phương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ngăn chặn tình trạng vi phạm và lập hồ sơ làm cơ sở xử lý sau này có liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Các xã xác định toàn bộ diện tích rừng phòng hộ bị phá để nuôi tôm, đồng thời tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trên địa bàn mình theo quy hoạch…
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển để đào hồ nuôi tôm trái phép diễn ra khá phổ biến tại một số địa phương trên địa bàn Phú Yên, nhất là tại các huyện Tuy An và Đông Hòa. Trong khi đó, chính quyền địa phương không cương quyết xử lý nên tình trạng vi phạm diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Yên, riêng tại địa bàn huyện Đông Hòa, diện tích rừng phòng hộ ven biển chỉ còn khoảng 375ha, giảm 155ha so với năm 2012, do việc chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và chuyển sang làm hồ nuôi tôm.
Riêng khu vực thôn Đa Ngư (xã Hòa Hiệp Nam) hiện có 101 hồ nuôi tôm với diện tích hơn 65ha nằm giữa sông Ngọn và rừng phòng hộ ven biển bị người dân đào để nuôi tôm. Còn tại xã ven biển Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa), Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên quy hoạch vùng nuôi tôm là 15ha nhưng thực tế hiện nay lên đến gần 25ha. (VietnamPlus 28/1) đầu trang(
Đề án chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái trên địa bàn thành phố Hà Nội có ý nghĩa rất lớn, không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái... mà còn tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tham gia phát triển lâm nghiệp.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, hiện nay trên toàn thành phố có 6.508ha rừng keo, bạch đàn, đất trống cần được chuyển đổi sang trồng rừng sinh thái, chiếm 24,4% diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Diện tích này nằm phân bố ở 5 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Sơn Tây.
Trong đó, diện tích rừng keo còn 3.770,5ha, rừng bạch đàn là 1.881,6ha, phổ biến từ 4 đến 10 năm tuổi, diện tích đất trống không có cây tái sinh là gần 823ha. Qua đánh giá sinh trưởng của rừng keo, bạch đàn tại các địa phương trên cho thấy chỉ có khoảng 326ha bảo đảm đuợc năng suất 10m3/ha/năm trở lên, chiếm 25% tổng diện tích. Còn lại phần lớn diện tích năng suất rất thấp, giá trị kinh tế không cao.
Theo bà Mai Minh Hương, Phó phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT), nguyên nhân chính là do trước năm 2005, công tác trồng rừng chủ yếu nhằm mục đích phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chưa có quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, chất lượng cây giống chưa được kiểm soát, mục đích kinh doanh chủ yếu là gỗ nguyên liệu làm giấy, trồng theo phương thức quảng canh, chưa đầu tư bón phân nên năng suất, chất lượng, sinh khối rừng thấp...
Thực tế thu hoạch rừng keo, bạch đàn của các hộ dân ở xã Yên Bình (Thạch Thất) cho thấy, hiệu quả kinh tế chỉ đạt doanh thu 3,7 triệu đồng/ha/năm, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận chỉ còn 2,2 triệu đồng/ha/năm. Với mức thu nhập này không bảo đảm được cuộc sống, người dân đã chặt phá rừng, đốt rừng, chuyển đổi sang mục đích khác, gây thất thoát đất lâm nghiệp, thu hẹp diện tích rứng.
Để khắc phục những bất cập trên, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án "Chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái giai đoạn 2014 - 2017". Trong đó tập trung vào việc lựa chọn các loại giống cây rừng phù hợp với điều kiện từng địa phương, sinh thái và có hiệu quả kinh tế nhằm phát triển bền vừng diện tích rừng trồng trên địa bàn Hà Nội. Đề án được triển khai trên địa bàn 5 huyện, thị xã có đất lâm nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt là rừng sản xuất vói dân số khoảng hơn 1 triệu người, chủ yếu phụ thuộc vào rừng và kinh tế rừng.
Qua đó làm tăng giá trị thu nhập bình quân từ kinh tế rừng gấp 2 - 5 lần sau một chu kỳ đầu tư, góp phần nâng cao đời sống của người dân sản xuất lâm nghiệp. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu tạo rừng nhiều tầng, bảo đảm thu nhập cho các hộ dân tham gia dự án, theo ông Lê Quang Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm - cần kết hợp trồng nhóm cây có chu kỳ thu hoạch dài (cây lấy gỗ hoặc cây ăn quả) với nhóm cây có chu kỳ thu hoạch ngắn (cây lâm sản ngoài gỗ) trên cùng diện tích theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Có như vậy mới khuyến khích được chủ rừng tham gia dự án.
Để việc chuyển đổi rừng trồng đạt hiệu quả cao, UBND thành phố đã đưa ra nhóm giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ xây dựng các nguồn giống tại địa phương bảo đảm đủ số lượng và chất lượng nguồn cây giống theo yêu cầu của đề án.
Giai đoạn đầu, năm 2014, UBND thành phố xây dựng mô hình điểm chuyển đổi được hơn 42ha rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái tại 2 xã Yên Trung và Yên Bình (Thạch Thất) để tham quan, tập huấn kỹ thuật, rút kinh nghiệm triển khai đại trà. Về cơ chế chính sách, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, tổ chức giao đất rừng ổn định, lâu dài cho các tổ chức, hộ gia đình.
Song song với đó, hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái với số tiền là 2.640.000 đồng/ha (bao gồm phí trồng rừng, chi phí khuyến lâm, khảo sát thiết kế, thẩm định dự án, lập bản đồ số). Ngoài ra, thành phố còn miễn thuế sử dụng đất rừng sản xuất chu kỳ đầu, hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật... đồng thời, sử dụng nguồn thu từ khai thác, chặt hạ keo, bạch đàn để bù đắp một phần kinh phí đầu tư khi trồng rừng thay thế.
Tuy nhiên, ông Ngô Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho rằng mức hỗ trợ này là quá thấp. Ông Toàn đề xuất thành phố tiếp tục hỗ trợ giống cây rừng và phân bón để các địa phương triển khai trồng rừng chuyển đổi trong mùa xuân 2015. Ngoài ra, thành phố cần vận dụng các quy định, chính sách để khuyến khích người dân tự bỏ vốn và kêu gọi các doanh nghiệp liên doanh, liên kết trồng rừng sinh thái. Có như vậy mới tận thu được các lâm sản ngoài gỗ từ rừng, giúp các chủ rừng có nguồn thu hằng năm ổn định, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững và cải tạo đất, bảo vệ môi trường, đưa ngành du lịch sinh thái ở Hà Nội ngày càng phát triển.
Theo đề án, năm 2014 các địa phương trồng chuyển đổi được 60ha rừng để làm mô hình trình diễn trước khi nhân ra điện rộng. Năm 2015, toàn thành phố phấn đấu trồng chuyển đổi được 1.110ha, trồng mới 1.030,4ha; năm 2016 trồng chuyển đổi 2.835ha; năm 2017 trồng chuyển đổi diện tích còn lại khoảng 1.146,7ha... Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án khoảng 176,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 41,87 tỷ đồng... (Hà Nội Mới 28/1, tr3) đầu trang(
Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1/2015 theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 494 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Năm 2014,  xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 6,21 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2013. xuất khẩu mặt hàng này sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 17,08% so với năm 2013. Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 11,1% và 15,55% so với năm 2013.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2014 – chiếm 65,13% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.
Trong tháng 1, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 170 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu gỗ từ thị trường Lào chiếm tỷ trọng 26,9%, Hoa Kỳ chiếm 11,5% và Campuchia chiếm 11,3% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. (VOV 28/1; Đại Biểu Nhân Dân 29/1, tr2) đầu trang(
Năm 2014, hoạt động công nghiệp, dịch vụ lâm sản phát triển ổn định, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt gần 430.000m3, tăng 12,7%; khai thác, thu mua nhựa thông đạt 2.460 tấn.
Các hoạt động chế biến gỗ đạt 8.855m3, chế biến nhựa thông đạt 13.630 tấn, dăm gỗ xuất khẩu đạt 317.680 tấn, dịch vụ gỗ mỏ cho ngành Than đạt 128.900m3, xuất khẩu lâm sản đạt trên 65 triệu USD, tăng 44,6%. (Báo Quảng Ninh 27/1) đầu trang(
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định số 132 về việc phê duyệt giá khởi điểm lâm sản thanh lý tại lô 6b, 7a (khoảnh 6, 7 của tiểu khu 219, Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, Lộc Ninh).
Theo đó, tổng giá trị lâm sản thanh lý tận dụng khởi điểm để tổ chức bán đấu giá của 2 lô trên gần 668 triệu đồng. Số tiền thu được từ thanh lý tài sản, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý liên quan được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết có trách nhiệm tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá tài sản thanh lý. Trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. (Binhphuoc.gov.vn 28/1) đầu trang(
Ông Huỳnh Văn Tí - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2015.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận hiện là Công ty có 100% vốn Nhà nước được thành lập theo Quyết định số 2427/QĐ-UBND ngày 25/10/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh; Công ty với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là: gieo ươm  - trồng rừng - khai thác - chế biến lâm sản - dịch vụ cây trồng nông lâm nghiệp…
Hiện tổng diện tích rừng và đất tự nhiên Công ty đang quản lý là 10.467 ha; với vốn điều lệ hơn 19 tỷ đồng. Về tổ chức quản lý, Công ty có Văn phòng Công ty, 05 Xí nghiệp trực thuộc và 02 cửa hàng với tổng số lao động là 211 người; trong đó có 05 cán bộ quản lý.
Theo báo cáo của Công ty, năm 2014 doanh thu của Công ty đạt 39,5 tỷ đồng/23,5 tỷ đồng KH, vượt 68,1% so với kế hoạch, tăng 29,7% so với thực hiện năm 2013 (30,458 tỷ); lợi nhuận tăng cao so với năm trước (4 tỷ năm 2014 so với 1,255 tỷ năm 2013), nộp ngân sách vượt kế hoạch năm 2.969 tỷ đồng/1,5 tỷ đồng KH.
Bên cạnh đó, Công ty đã đi vào tái cơ cấu theo lộ trình, cải cách chế độ tiền lương, sắp xếp lại bộ máy tổ chức; thực hiện thâm canh rừng trồng, tiến đến xây dựng khu rừng mẫu lớn tại Hàm Thuận Nam; đầu tư trang thiết bị, máy móc, phục vụ chế biến gỗ và lắp đặt dây chuyền sản xuất ván công nghiệp; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ ở các tỉnh, thành phố lớn. Ngoài ra, Công ty còn tích cực tham gia các công tác xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa …
Sau khi nghe lãnh đạo Công ty báo cáo, ông Huỳnh Văn Tí - Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Mặc dù cơ sở vật chất, điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn, nhưng Công ty đã có nhiều cố gắng trong hoạt động duy trì sản xuất góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển.
Ngoài ra, trong hoạt động của mình, Chi bộ công ty đã thường xuyên quan tâm đến công tác Đảng; quan tâm đến hoạt động tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên, tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, giữ vững an ninh trật tự...
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế trong hoạt động sản xuất của Công ty như: công tác quản trị của Công ty còn bộc lộ một số yếu tố bất ổn, chưa được giải quyết căn bản; công tác quản lý, điều hành chưa thật sự được nâng cao; các cơ chế, thủ tục, quy trình trong công tác chậm được ban hành; công tác cải cách tiền lương vẫn chưa bền vững…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy - Huỳnh Văn Tí nhấn mạnh: Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp cần tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín và thương hiệu sản phẩm của Công ty; có các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; tăng cường công tác trồng rừng gắn với bảo vệ môi trường; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tối đa quỹ đất nhằm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng đi lên.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý Công ty cần rà soát quy hoạch; áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đồng thời, thực hiện tốt cả 03 khâu: trồng rừng - chế biến - kinh doanh dịch vụ.
Đối với công tác xây dựng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Công ty tiếp tục quan tâm đúng mức và chú ý thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. (Binhthuan.gov.vn 28/1) đầu trang(
Trước nhu cầu chính đáng của người dân do thiếu đất sản xuất, thời gian qua, huyện Quỳ Châu đã triển khai các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng.
Nhờ vậy, chỉ trong 3 tháng triển khai, huyện Quỳ Châu đã cơ bản hoàn tất công tác giao đất giao rừng trên thực địa cho người dân.
Cách đây 8 tháng, ở các tiểu khu 200, 204 và 205 thuộc địa phận xã Châu Bình, bức xúc vì không có đất sản xuất, người dân 17 bản xã Châu Bình đã kéo vào lâm trường Cô Ba để chặt phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp… Giờ đây, khu rừng hoang tàn ngày nào đã được phủ kín một màu xanh.
Gia đình ông Vy Văn Minh là 1 trong 84 hộ của bản Kẻ Khoang hiện đã được giao đất để trồng rừng. Ngày trước, do diện tích canh tác không có gia đình ông phải đi làm thuê cho lâm trường, nên cuộc sống vô cùng vất vả.
Ông Minh phấn khởi nói: Xóm Kẻ Khoang chúng tôi có 150 hộ với hơn 540 nhân khẩu, trước đây cả xóm không hề có một tấc đất để sản xuất, bây giờ, những  đối tượng chưa có đất, chưa có việc làm được xã ưu tiên giao rừng. Hiện nay, 84 hộ được giao 53,5ha rừng, bình quân mỗi hộ được nhận 0,9ha để sản xuất.
Để đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng, huyện Quỳ Châu chỉ đạo các xã thành lập  ban chỉ đạo giao đất lâm nghiệp xã. Theo đó, khi giao rừng phải ưu tiên cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là người địa phương không có hoặc thiếu đất sản xuất, có năng lực, nhu cầu thực sự để đầu tư sản xuất lâu dài.
Để người dân hiểu, đồng thuận cao với phương án giao đất, giao rừng, huyện đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động. Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động chỉ đạo sát sao, kiểm tra, rà soát trên thực địa toàn bộ diện tích đất rừng hiện có.
Anh Nguyễn Tất Hà- Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu cho biết: Cơ quan kiểm lâm chủ động tham mưu với UBND huyện, tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi các quy trình, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo Thông tư 23 của Bộ NN&PTNT. Các kiểm lâm viên trên địa bàn đã đến từng thôn bản bản làm theo đúng quy trình về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chỉ sau 3 tháng triển khai, đến thời điểm này, Quỳ Châu đã cơ bản hoàn tất công tác giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân, kể cả diện tích do UBND tỉnh thu hồi của ban quản lý rừng phòng hộ và của các lâm trường trên địa bàn huyện. Cụ thể, trong số 13.477 ha đất lâm nghiệp được rà soát, đã có hơn 12.500 ha được giao trên thực địa cho 4046 hộ dân và cộng đồng, đạt tỷ lệ 92%. Được giao đất, giao rừng, bà con phấn khởi, an tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Hiện nay, huyện đang tiếp tục chỉ đạo, phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức lập hồ địa chính và hồ sơ giao đất, cấp Giấy CNQSD đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất thời gian qua.
Ông Ngô Đức Thuận- PCT UBND huyện Quỳ Châu đề nghị: Để hoàn chỉnh công tác giao đất giao rừng thì huyện gặp nhiều khó khăn về kinh phí, huyện đề nghị tỉnh giải quyết một phần kinh phí, khoảng hơn 16 tỷ cho giao đất lâm nghiệp để các nhà tư vấn tiếp tục thực hiện bước thứ 2 là cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho bà con. Và khi được cấp giấy CNQSD đất thì người dân mới an tâm đầu tư trồng rừng theo đúng mục đích, góp phần XĐGN một cách bền vững.
Rõ ràng, công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Người dân có đất sản xuất và sẽ được hưởng lợi từ chính những cánh rừng mà mình được giao làm chủ. Và khi rừng có chủ, rừng sẽ thực sự được bảo vệ và phát triển tốt, là ngành kinh tế mũi nhọn đưa cuộc sống người dân trên địa bàn huyện ngày càng phát triển đi lên. (Đài PTTH Nghệ An 29/1) đầu trang(
27-1, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do ông Nguyễn Ngọc Phương, TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh về "Tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật" trong giai đoạn từ 2011-2014.
Theo quy định của pháp luật hình sự và pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự thì cơ quan Kiểm lâm có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các tội danh quy định tại các điều 175, 189, 190, 191, 240 và 272 của Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào các quy định đó, từ năm 2011 đến nay, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện, lập hồ sơ ban đầu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 13 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Việc xử lý hình sự các đối tượng trên bảo đảm đúng quy định, không xảy ra tình trạng oan sai.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật hình sự trong lĩnh vực này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn, bất cập như: một số quy định của các văn bản pháp luật còn thiếu thống nhất và chưa đồng bộ. Chi cục Kiểm lâm với chức năng là cơ quan điều tra khác nên không có điều tra viên, do vậy rất khó khăn trong công tác điều tra...
Tại buổi làm việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đề xuất với Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh sớm có ý kiến đệ trình lên Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và một số thông tư quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; đồng thời sớm ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm cụ thể, tránh việc sai lệch trong quá trình áp dụng luật. (Báo Quảng Bình 27/1) đầu trang(
Huyện đảo Phú Quý là địa phương đầu tiên của tỉnh Bình Thuận thực hiện thử nghiệm trồng rừng ngập mặn trên nền đá sạn ven biển với điều kiện sóng gió khắc nghiệt.
Mô hình này nếu thành công sẽ mang lại lợi ích rất lớn về môi trường. Đảo Phú Quý có diện tích tự nhiên khoảng 1.600 ha và nhiều năm nay đang bị thu hẹp do sóng biển xâm thực.
Để hạn chế tình trạng này, từ tháng 8/2013 Trạm Nông Lâm nghiệp huyện Phú Quý bắt đầu thực hiện đề tài “Thử nghiệm trồng rừng ngập mặn trong các điều kiện khác nhau” với các loại cây chủ yếu như: đước, đưng, mắm biển. Đến thời điểm này, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở đảo, công việc này đang gặp không ít khó khăn. (Bưu Điện VN 28/1, tr14) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 22/01/2015 phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020.
Theo đó, Đề án nhằm phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia. Nguồn vốn thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2020 là 5.415 tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 902 tỷ đồng.
Theo Đề án, tỉnh Quảng Ngãi có 04 dự án thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 gồm: Dự án trồng mới 308 ha rừng ngập mặn tại các huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ; Dự án trồng 192 ha rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường tại các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ; Dự án trồng 200 ha, cải tạo 50 ha rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương, huyện Bình Sơn; Dự án xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với BĐKH, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ.
Trong giai đoạn 2014-2015 có 01 Dự án trồng mới và phục hồi 104 ha rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 10/10/2013 của UBND tỉnh Quảng Ngãi).
UBND các tỉnh vùng ven biển chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng ven biển giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh; rà soát, lập các dự án đầu tư có liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo các nguồn vốn, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi phê duyệt; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về vai trò, chức năng của rừng ven biển; vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức quản lý, bảo vệ rừng ven biển theo các quy định hiện hành. (Quangngai.gov.vn 28/1) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng