Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 24 tháng 11 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho hay tất cả 8 loài tê tê đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong 4 loài tê tê châu Á có 2 loài nằm trong Danh lục Đỏ IUCN ở mức cực kỳ nguy cấp (EN).
Tê tê thuộc loài thú nhỏ ăn côn trùng, sống về đêm, có trọng lượng từ 2-35kg, dài từ 35-176cm, toàn thân được bao phủ bởi các vảy keratin. Tê tê thích nghi với các sinh cảnh khá đa dạng, một số sống trên cây hoặc bán thời gian trên cây, trong khi các loài khác cư ngụ dưới đất.
Loài động vật này sử dụng chi trước với vuốt cứng để đào hang trong khi chi sau và đuôi dùng để hỗ trợ và tạo thế cân bằng. Với thức ăn là ăn côn trùng, chúng thường dùng chi trước phá các tổ kiến, mối sau đó sử dụng lưỡi dài, dính để bắt mồi.
Bốn loài tê tê châu Á đều giảm 50-90% trong 3 thế hệ gần đây (khoảng 21 năm). Còn lại 4 loài tê tê châu Phi đều nằm trong Danh lục Đỏ IUCN ở mức độ hiếm (V) và đang tiếp tục suy giảm với mức dự đoán từ 30-40% trong 3 thế hệ liên tiếp.
Báo cáo của IUCN cho thấy tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép tê tê đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới. Nguyên nhân chính đe dọa sự sống còn của tất cả 8 loài tê tê là do thịt tê tê được coi là một thực phẩm cao cấp, vảy được dùng như một thành phần trong các loại thuốc truyền thống châu Á.
Ước tính một thập kỷ qua trên thế giới có hơn 1 triệu con tê tê hoang dã đã bị săn bắt, buôn bán trái phép để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Tại Việt Nam có 2 loài tê tê phân bố là tê tê java Manis javanica và tê tê vàng Manis pentadactyla. Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007, tê tê java có thân cỡ trung bình, dài 0,4-0,65m, trọng lượng 6-8kg. Môi trường sống của chúng là trong rừng già, rừng thứ sinh, rừng hỗn giao tre nứa gỗ, ở hang dươi các gốc cây to, cây mục nát, hoặc vách đất đá trong lùm cây rậm rạp.
Tê tê java phân bố chủ yếu ở các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kontum, Gia Lai, Tây Ninh.
Loài tê tê vàng cỡ nhỏ hơn tê tê java có thân dài 0,2-0,5m, trọng lượng 5-7kg, sống trong rừng ẩm nhiệt đới, rừng già, rừng thứ sinh, rừng hỗn giao tre nứa gỗ, ưa thích là rừng trên đồi núi thấp có nhiều cỏ cây mục nát.
Tê tê vàng phân bố chủ yếu ở các vùng Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phú, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Tây, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Loài này có vùng phân bố rộng, nhưng là mặt hàng rất có giá trị, nên bị săn bắt nhiều, bên cạnh đó do mất sinh cảnh sống nên số lượng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng buôn bán trái phép tê tê ở Việt Nam gia tăng góp phần đẩy tê tê đến bờ vực tuyệt chủng.
Với vị trí địa chính trị quan trọng, Việt Nam trở thành một trong các tuyến đường buôn bán và trung chuyển tê tê trên thế giới. Tê tê được buôn bán từ trong nước, các nước Đông Nam Á, châu Phi qua thị trường chính là Trung Quốc.
Nếu những năm trước đây chỉ ghi nhận các vụ buôn bán các loài tê tê châu Á, thì kể từ năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận các vụ buôn bán tê tê có nguồn gốc châu Phi.
Một số vụ buôn bán tê tê lớn bị bắt giữ bởi lực lượng chức năng như vụ bắt giữ 24 tấn tê tê đông lạnh tại cảng Hải Phòng có nguồn gốc từ Indonesia. Vụ bắt giữ 447kg tê tê sống tại Hà Tĩnh ngày 11/12/2011 và 300kg tê tê sống tại Nghệ An ngày 22/4/2012. Gần đây nhất là vụ bắt giữ trên 1.700kg tê tê có nguồn gốc châu Phi đi Trung Quốc...
Các lực lượng tham gia điều tra, bắt giữ các vụ buôn bán trái phép tê tê gồm Hải quan, Công an và Kiểm lâm.
Hoạt động buôn bán trái phép tê tê diễn ra phức tạp và tinh vi. Đối với nhưng lô hàng tê tê động lạnh và vảy có số lượng lớn thường được buôn qua đường biển với các điểm trung chuyển tại Quảng Ninh, Hải Phòng trước khi được tái xuất sang Trung Quốc.
Các đối tượng buôn bán sử dụng các thủ đoạn giấu hàng và khai báo sai về loại hàng hóa như thủy sản, rong biển, vỏ sò...
Trên bộ, hoạt động buôn bán tê tê (chủ yếu là con sống) thường được nhập khẩu trái phép vào Việt Nam qua các cửa khẩu miền trung từ Lào vào Việt Nam. Các đối tượng chủ yếu dùng ôtô vận chuyển với các thủ đoạn ngụy trang tinh vi như dùng biển số giả, trộn lẫn với các loại hàng hóa khác, dấu trong các container...
Hiện nay, các loài tê tê được liệt kê trong Phụ lục II của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), trong đó, hoạt động buôn bán thương mại quốc tế các loài tê tê châu Á đã bị cấm tuyệt đối theo quy định của CITES và nhiều quốc gia đã ban hành luật nghiêm cấm việc bắt giữ, buôn bán trong nước loài động vật này.
Hai loài tê tê phân bố tại Việt Nam đều có tên trong Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013.
Mặc dù các loài tê tê phân bố tại Việt Nam được pháp luật bảo vệ ở mức cao nhất, nhưng các chế tài xử phạt hành vi săn bắt, buôn bán trái phép còn thấp, chồng chéo, khó áp dụng; chưa có quy định xử lý hình sự đối với các loài tê tê không phân bố ở Việt Nam. Theo Công ước CITES thì các loài tê tê thuộc Phụ lục II vì vậy các hành vi buôn bán xuyên biên giới mức xử phạt còn thấp.
Để có giải pháp bảo vệ loài tê tê, mới đây tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về bảo tồn tê tê được tổ chức tại Đà Nẵng-Việt Nam, các quốc gia có tê tê phân bố đã đồng ý xây dựng đề xuất đưa loài tê tê lên Phụ lục I-CITES (nghiên cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại).
Hội nghị cũng đưa ra kế hoạch hành động đề cập đến các vấn đề về bảo tồn bền vững, quản lý và thực thi pháp luật nhằm bảo vệ tê tê trước nạn khai thác quá mức do nạn buôn bán bất hợp pháp. Hội nghị đã đưa một số giải pháp bảo vệ cấp bách loài tê tê như thúc đẩy hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin trong đấu tranh với tội phạm buôn bán tê tê và động vật hoang dã.
Các nước nên xây dựng và ký kết các biên bản hợp tác song phương nhằm tăng cường sự phối hợp trong kiểm soát buôn bán quốc tế tê tê. Tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật và tăng cường kỹ năng nhận dạng mẫu vật tê tê; điều tra, phát hiện các thủ đoạn buôn bán động vật hoang dã liên biên giới.
Xây dựng các chiến dịch Chiến dịch gia tăng nhận thức và giảm nhu cầu tiêu thụ tê tê tại các quốc gia. ầu tư cho công tác cứu hộ tê tê, trong đó chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất cứu hộ, đào tạo nhân lực và ban hành quy định về chuyển giao tê tê tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép về các trung tâm cứu hộ.
Đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học về sinh học, sinh thái của, quần thể, xu hướng biến động của loài tê tê, đặc biệt tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên còn sự phân bố tê tê. (Vietnam + 23/11) đầu trang(
Từ sáng ngày 21-11,một số người đi đo, đếm số cây thông trên đường dẫn ra tháp Con Rùa, rồi đánh dấu khiến nhiều cho rằng hàng thông trên sẽ bị chặt bỏ để thực hiện dự án “Hoàn thiện hạ tầng khu du lịch Biển Hồ”.
Theo anh Doãn Vinh, làm nghề chụp ảnh tại Biển Hồ, có khoảng gần 100 cây thông 20 năm tuổi bị đánh dấu. “Khi các nhân công đến đánh dấu, đo đếm số cây, tôi có hỏi thì họ trả lời rằng những cây đánh dấu sẽ bị chặt hạ để rộng đường làm bờ kè. Họ còn tính toán khối lượng gỗ khi chặt cây” - anh Vinh nói.
Trên một trang mạng xã hội tại Gia Lai, nhiều lo ngại việc chặt bỏ hàng thông sẽ làm mất đi cảnh quan của Biển Hồ. Bạn Mộng Cầm viết: “Không có hai hàng thông hai bên giữ bờ thì Biển Hồ con không? Từ đầu không lo, đợi chăm lớn đẹp rạng ngời bao kỷ niệm như vậy rồi giờ chặt chặt chặt chặt”.
Chiều ngày 22-11, phóng viên Báo Người Lao Động trao đổi qua điện thoại với ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai và được biết thông tin chặt cây là không có thật. "Những cây được đánh dấu là để định vị bảo dưỡng khi xây dựng bờ kè chống bên dưới” - ông Vũ nói.
Dự án Hoàn thiện hạ tầng khu du lịch Biển Hồ do Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ tháng 11-2015 và dự kiến hoàn thành tháng 12-2016. (Người Lao Động 23/11) đầu trang(
“Giữ nguyên và xây dựng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng) đủ về quân số, mạnh về ý chí tinh thần, hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, việc bảo vệ rừng sẽ hiệu quả; ngược lại, giải thể hạt kiểm lâm này, thành lập hạt mới trực thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, rừng sẽ bị tàn phá nghiêm trọng hơn”, không ít người khẳng định như vậy.
Sau gần 3 năm thành lập, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đang trong quá trình làm thủ tục để giải thể theo Kế hoạch số 1504/KH-SNN của Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, do giám đốc sở Nguyễn Phú Ban ký, ban hành ngày 28/9/2015 về Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc sở. Ngày 22/10 vừa qua, lãnh đạo Sở NN-PTNT cùng Chi cục Kiểm lâm đã có buổi làm việc với cán bộ, nhân viên hạt kiểm lâm này về thực hiện kế hoạch đã ban hành.
Sau khi giải thể, lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa sẽ được biên chế về Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và một hạt kiểm lâm mới trực thuộc Ban Quản lý rừng này sẽ được thành lập.
Việc làm thủ tục giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã và đang tạo nên ý kiến trái chiều không chỉ trong lực lượng kiểm lâm mà cả trong dư luận xã hội. Đa số ý kiến cho rằng, giải thể đơn vị kiểm lâm gần 3 năm tuổi này và thành lập hạt mới trực thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, nguy cơ phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, sẽ gia tăng.
Hầu hết ý kiến lập luận: Từ trước đến nay, là đơn vị thuộc Chi cục Kiểm lâm, thực hiện chức năng thực thi pháp luật trên lĩnh vực rừng, hoạt động độc lập với Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, khi phát hiện rừng bị tàn phá,
Hạt Kiểm có quyền lập biên bản xử lý, thậm chí khởi tố đơn vị chủ rừng về vi phạm trong quản lý bảo vệ tài nguyên lâm sản. Còn khi hạt kiểm lâm trực thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Trưởng ban đồng thời là Hạt trưởng Kiểm lâm, ai sẽ xử lý ai?
Theo đó, không ít người quả quyết: Nếu kế hoạch 1504/KH-SNN, của Sở NN-PTNT thành hiện thực, tài nguyên lâm sản tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, khu rừng lớn nhất, giàu tài nguyên lâm sản nhất ở Đà Nẵng sẽ bị tàn phá nghiêm trọng hơn. Đơn giản chỉ vì lực lượng thực thi pháp luật là thành viên của đơn vị chủ rừng, không ai “vạch áo cho người xem lưng”.
Nói đúng hơn, khi hạt kiểm lâm trực thuộc đơn vị chủ rừng, hoạt động bảo vệ tài nguyên tại vùng rừng đặc dụng này sẽ rơi vào cảnh “đá bóng không ai thổi còi”. Cho dù cán bộ, nhân viên kiểm lâm có tâm huyết, trăn trở với rừng đến mấy, vận dụng chức năng, nhiệm vụ được giao đến mấy, cũng khó xử lý kiên quyết, triệt để.
Khi tiếp nhận kế hoạch giải thể và biên chế về Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, gần như toàn bộ cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, đều có tâm trạng băn khoăn, lo lắng. Ông Lương Sĩ Dũng, chuyên viên bộ phận thanh tra pháp chế của hạt cho biết: Ít nhất 10 người đã viết đơn xin chuyển sang đơn vị khác trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.
Có thể nói, việc giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, thành lập hạt mới trực thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng này bộc lộ nhiều bất cập.
Bất cập lớn nhất như đã nói ở trên đó là khi lực lượng thực thi pháp luật trên lĩnh vực rừng trực thuộc đơn vị chủ rừng, xử lý các trường hợp phá rừng trên lâm phận được giao không thể kiên quyết, triệt để.
Bất cập thứ 2 là Đà Nẵng sẽ có 2 lực lượng kiểm lâm riêng biệt. Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Sau khi giải thể, chuyển số cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa sang Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Chi cục không còn quản lý về con người lực lượng kiểm lâm này nữa, có chăng chỉ hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ.
Ông Lương cho biết thêm, kế hoạch này do Sở triển khai và sẽ hoàn thành trong tháng 12 tới. Điều này hoàn toàn trái với chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn tại cuộc họp giao ban của Tổng cục Lâm nghiệp, tổ chức tại Đà Nẵng tháng 10/2014. Tại cuộc giao ban đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn chỉ đạo, ở các địa phương lực lượng kiểm lâm tập trung vào một đầu mối.
Bất cập thứ 3 là, khi Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa có hạt kiểm lâm của riêng mình, Chi cục Kiểm lâm lúc đó còn 80 cán bộ, nhân viên, nhưng chỉ bảo vệ khoảng 27 nghìn ha rừng của 3 địa phương đó là Hòa Vang, Liên Chiểu và Sơn Trà, nơi khá nghèo tài nguyên, chỉ còn khoảng 5-7 tiểu khu là rừng tự nhiên còn gỗ, còn lại là rừng sản xuất.
Về biên chế, sẽ vượt xa so quy định, bởi với rừng phòng hộ, rừng sản xuất cứ 1 kiểm lâm chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ 1.000 ha. Trong khi đó, tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, với 20 cán bộ, nhân viên được chuyển qua Ban quản lý họ phải quản lý bảo vệ 26.571 ha khu vực xa xôi, hiểm trở, giàu tài nguyên lâm sản, lâm tặc liên tục tàn phá.
Theo Nghị định 117, với rừng đặc dụng mỗi kiểm lâm chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ 500 ha, hạt trực thuộc ban này phải có 54 cán bộ, nhân viên mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ai sẽ xử lý thực trạng nơi thừa, nơi thiếu về lực lượng kiểm lâm này và liệu có giải quyết được không, khi hầu như không có cán bộ kiểm lâm nào muốn chuyển sang đơn vị sự nghiệp mới. (Nông Nghiệp Việt Nam 23/11) đầu trang(
Hiện, diện tích quản lý của Lâm trường Tam Hiệp là 26.624ha, trong đó rừng phòng hộ 855ha, 22.632ha là rừng tự nhiên sản xuất, còn lại là các loại đất lâm nghiệp khác. Theo ông Tuấn, cho dù đến nay, đã giao khoán bảo vệ 10.000ha cho các hộ dân, thế nhưng tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra.
Cường độ phá rừng ngày càng nhiều, nhưng chưa xác định được thủ phạm. Họ dùng xe công nông cải tiến và xe máy tự chế để vận chuyển gỗ. “Khi kiểm tra phát hiện, họ “bỏ của chạy lấy người”, lực lượng kiểm tra chỉ bắt giữ được gỗ. Tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép chủ yếu ở các tiểu khu 678, 677 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp về xã Ninh Loan. Ở khu vực giáp ranh này có tới 4 xưởng cưa, là nơi tiếp tay tiêu thụ gỗ trái phép thế nhưng, vì họ ở ngoài địa bàn của Lâm trường nên chúng tôi không thể ngăn chặn được”, ông Tuấn chia sẻ.
Trên địa bàn xã Tam Bố có 27.690ha rừng, trong đó 25.000ha thuộc Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp quản lý. Ông K Brel, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn 4, xã Tam Bố cho biết, cả xã có 150 hộ nhận khoán bảo vệ rừng từ lâm trường, với diện tích khoảng 3.000ha. Tiền công bảo vệ rừng 200.000 đồng/ha/năm, bình quân mỗi hộ 20ha, tiền công một năm chỉ khoảng 4 triệu đồng. Tiền công bảo vệ rừng quá thấp, rừng lại ở xa nên rất khó bảo vệ.
Ông nói: “Nhà mình nhận khoán bảo vệ 30ha rừng, được trả mỗi năm 5-6 triệu đồng Mỗi tháng chỉ đi lên xem 3 lần thôi, mỗi lần đã mất 50.000 đồng tiền xăng rồi. Mà cũng không thể đi hết được, chỉ đến đầu bìa rừng nơi mình nhận khoán bảo vệ rồi về thôi. Người ta chặt cây trong rừng của mình nhiều lắm, làm sao biết hết được. Khi phát hiện có người chặt cây thì mình chỉ nói thôi, chứ không có quyền bắt người ta, nên người ta cũng không nghe, vẫn cứ chặt”.
Ông Đào Văn Vị, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Bố dẫn chúng tôi vào trong rừng, chỉ cho thấy những quả đồi đỏ quạch nằm giữa những đồi rừng thông xanh ngắt cho hay, những quả đối đó hồi đầu năm vẫn là rừng thông xanh tốt, giờ đã bị tàn phá trơ trụi. Cả xã có 1.700 hộ, dân số gần 7.000 khẩu, trong đó dân tộc K’ho chiếm 42%.
Do các hộ gia đình đều đông con cái nên thiếu đất sản xuất, nhiều hộ đã lấn chiếm đất rừng để làm rẫy. chủ yếu là trồng cà phê. Họ không chỉ lấy đất để tự sản xuất, mà còn mua đi bán lại trái phép cho người ở nơi khác.
“Họ chỉ đến làm rẫy xong thì về.  Khi họ phát cây và trồng cà phê thì chính quyền xã  không biết, khi mình đến kiểm tra phát hiện, thì không thấy người, thấy cây họ trồng rồi, không nỡ nhổ đi”, ông Vị bày tỏ - “Nay tỉnh chỉ đạo phương hướng xử lý là, những diện tích đã trồng cà phê từ hơn 3 năm trở lên thì sẽ cho chuyển đổi từ đất rừng thành đất nông nghiệp và cho người dân tiếp tục trồng. Những diện tích nào do phá rừng lấn chiếm trái phép chưa được 3 năm thì sẽ kiên quyết cưỡng chế thu hồi”.
Bà Ka Đẻo ở thôn số 4, xã Tam Bố cho hay, nhà có 14 khẩu. Do nhiều con đã lập gia đình, sinh cháu nhưng tất thảy phải sống dựa vào 1 mẫu đất canh tác được xã giao cho đã 30 năm. Bà có lấn chiếm 5 sào đất rừng để trồng cà phê từ 2 năm nay.  “Xung quanh thấy người ta lấn chiếm, cả làng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy thì mình cũng làm theo mọi người thôi. Nhà mình nghèo, nên không bị phạt chi hết. Biết đó là đất lâm nghiệp, nếu trồng cà phê là vi phạm, nhưng không thể nào khác”, bà Ka Đẻo bày tỏ.
Ông Tuấn cho biết: “Tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất của lâm trường biến thành đất nông nghiệp một cách trái phép đang rất nóng. Từ năm 2014 đến nay đã xử phạt 145 hộ lấn chiếm đất, giải tỏa, thu hồi cưỡng chế 60ha để tổ chức trồng rừng. Thế nhưng tính đến tháng 8/2015, hiện có 3.120ha đang bị tranh chấp, đó là đất rừng bị người dân chiếm dụng để trồng cà phê. Vì diện tích này bị chiếm dụng đã nhiều năm, đến nay không thể thu hồi được”.
Theo ông Tuấn, mâu thuẫn giữa sinh kế của người dân đia phương với nhiệm vụ bảo vệ rừng là bài toán không dễ giải. Công ty đã soạn thảo xong phương án sắp xếp đổi mới, đã trình lên cấp trên. Trong đó, đề ra phương hướng sẽ quy hoạch lại diện tích đất. Với 3.120ha đất lâm nghiệp mà người dân đã trồng cà phê nhiều năm thì không thể thu hồi được, nên sẽ giao về cho địa phương quản lý và buộc phải chuyển từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp.
Theo Văn bản Kết luận của Thanh tra UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 12/3/2015 về việc thanh tra Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp theo Quyết định số 55/QĐ-TTr, trong 2 năm 2013 - 2014, công ty này hạch toán trên báo cáo tài chính chưa đúng quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tình trạng rừng bị phá, bị mất đất rất nghiêm trọng.
Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND huyện Di Linh có các biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, UBND các xã Tam Bố, Gia Hiệp mạnh tay kiểm tra, truy quét, phát hiện và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm tài nguyên rừng xảy ra trên địa bàn huyện.
Kiến nghị Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp phải chủ động bố trí lực lượng, huy động các tổ nhận khoán QLBVR tăng cường tuần tra, truy quét trên diện tích rừng các hộ đang nhận khoán, các vùng trọng điểm,vùng giáp ranh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Phối hợp với UBND xã Gia Hiệp, Tam Bố giải tỏa diện tích đất rừng bị lấn chiếm, có phương án trồng lại rừng. Rà soát để chấm dứt hợp đồng đối với những hộ nhận khoán QLBVR không có nhân lực hoặc không còn khả năng nhận khoán để chuyển sang các hộ khác nhằm phát huy hiệu quả công tác QLBVR. (Kinh Tế Nông Thôn 23/11) đầu trang(
Đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50B) - Bộ Công an cho biết hàng ngàn loài động vật và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng đang bị mua bán thường xuyên trên internet, điển hình như các trang 5giay.vn, vatgia.vn, raovat.com, rongbay.com, Facebook; gần đây là các ứng dụng như viber, line, Kakaotalk...
Việc ngăn chặn các hành vi mua bán trái pháp luật trên internet gặp rất nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là chưa có quy định về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên internet đối với nội dung thông tin thuộc phạm vi kiểm soát kỹ thuật của mình.
C50B sẵn sàng tiếp nhận thông tin trình báo từ các thành viên của mạng lưới để hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, thực thi, góp phần hạn chế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hình thức buôn bán động vật hoang dã trên internet.
Theo ông Nguyễn Yên Phúc, đại diện Tổ chức Hành động vì động vật hoang dã (AWO), với lực lượng ban đầu hơn 50 thành viên, mạng lưới thanh niên tình nguyện giám sát nạn buôn bán động vật hoang dã sẽ là những “chiến sĩ bảo tồn động vật hoang dã trên internet”.
Trong khi đó, ngày 22-11, chương trình Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (là chương trình hợp tác giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương và Tổ chức Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn động vật hoang dã) phối hợp với tổ chức Word Wide Fund tại Việt Nam, khu bảo tồn sao la tiến hành thả 24 con tê tê về tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn động vật hoang dã, cho biết tê tê là một trong những loài thú đang bị săn bắt và buôn bán nhiều nhất trên thế giới, cả 2 loài tê tê ở Việt Nam đều đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng rất cao. “Để bảo đảm những con tê tê sau khi thả không bị săn bắt lại, chúng tôi hợp tác với lực lượng kiểm lâm chuyên trách nhằm tăng cường tuần tra, bắt giữ những đối tượng vi phạm, thu giữ dụng cụ săn bắt và lán trại trong khu vực thả tê tê” - ông Thái nói. (Người Lao Động 23/11) đầu trang(
Cụ thể 8h30 ngày 23/11, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, Công An phường Hòa Hiệp Nam kiểm tra nhà một hộ dân ở tổ 59, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu qua đó phát hiện một lô gỗ lậu đang được cất giấu tại đây.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện ngôi nhà này cất giấu hơn 10 phách gỗ xoan đào, hơn 1m3 gỗ không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ.
Khai nhận với cơ quan chức năng, các thanh niên đang làm việc tại ngôi nhà trênnói rằng họ chỉ là người vận chuyển thuê, không biết chủ lô gỗ trên là ai. Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đã lập biên bản tạm giữ số gỗ này và vận chuyển toàn bộ tang vật về trụ sở để tiến hành xác minh và làm rõ. (Người Đưa Tin 23/11) đầu trang(
Ngày 17-11, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng trở lại “điểm nóng” này và ghi nhận những dấu hiệu “bất thường” tại đây. Điều đáng nói, người dân cho biết chính cán bộ của Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Trà Bui bắt tay với người ngoài địa phương mua trâu để chung khai thác gỗ trái phép.
Như chúng tôi đã đề cập, ngày 5-10, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi thực tế kiểm tra tại khu vực RPH này. Tuy nhiên, trong chuyến kiểm tra thực tế, BQL RPH Sông Tranh (chủ rừng) không dẫn đoàn công tác vào những khu vực bị tàn phá ghê gớm mà dẫn vào một khu vực ít “nhạy cảm” hơn(?).
Theo phản ánh của người dân, ngày 17-11, chúng tôi trở lại khu vực này và được người dân dẫn vào một trong những “điểm nóng”. Từ UBND xã Trà Bui, sau 30 phút chạy xe máy và thêm 15 phút đi bộ men theo con suối Thùng Phuy, chúng tôi vào khu vực rừng bị phá. Những cây cổ thụ đường kính 1 - 1,5m bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Nếu như những khu vực chúng tôi thâm nhập trước đó và khu vực đoàn liên ngành của UBND tỉnh Quảng Nam tiếp cận chỉ còn trơ trọi lại những gốc cây, thì khu vực này hiện trường gỗ được cưa xẻ giữa rừng như những xưởng cưa lớn vẫn còn nguyên vẹn.
“Do bị động nên họ chưa đưa gỗ ra khỏi rừng. Khu vực này cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đã biết nhưng không hiểu sao họ không lập biên bản” - anh T., người dẫn đường cho chúng tôi đặt câu hỏi. “Vì sao anh biết cán bộ quản lý, bảo vệ rừng biết mà không lập biên bản?”. Anh T. lý giải: Hàng chục cây gỗ như thế này bị đốn hạ, người dân chúng tôi biết chẳng lẽ chủ rừng lại không biết. Trong khi đó, điểm phá rừng này không xa Trạm Quản lý bảo vệ rừng, bên cạnh đó tiếng máy cưa lốc nổ vang trời sao họ không biết được.
“Không nói gian, nhiều khi lâm tặc cưa cây đó, cán bộ bảo vệ rừng đi ngang qua mà họ không phản ứng gì. Rừng thì của Nhà nước, cán bộ bảo vệ rừng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, nhưng rừng bị xâm hại họ vẫn ngó lơ. Vậy người dân chúng tôi biết phản ánh sự việc cho ai đây?” - anh T. bức xúc cho biết thêm.
Theo lời anh T., dù gỗ được cưa ra quy cách nằm chất đống khắp nơi, nhưng chúng tôi quan sát thì không thấy bất kỳ ký hiệu nào được cán bộ bảo vệ rừng hoặc kiểm lâm ghi trên những phách gỗ đó. Điều đó chứng tỏ khu vực này chưa được các ngành chức năng lập biên bản. Qua quan sát sơ bộ, chỉ một khu vực khoảng vài nghìn mét vuông nhưng có đến gần 20 cây chò đường kính 1-1,5m bị đốn hạ. Số gỗ phách bị cưa xẻ ra còn lại ở hiện trường khoảng hơn 50 phách, khối lượng không dưới 30m3.
Cách đó vài trăm mét, bên kia sông Bui hàng trăm cây chò, dổi, xoan đào bị triệt hạ. “Khu vực này trước đây rừng cây cổ thụ nguyên sinh nằm san sát nhau, nhưng khoảng 2 tháng lại đây đã bị lâm tặc cưa sạch. Do gần đường nên gỗ đã được đưa ra và chở về xuôi hết rồi. Chừ bên đó có qua xem cũng chỉ còn gốc thôi chứ không còn gỗ đâu” - anh T. cho biết thêm.
Chúng tôi trở ra thì thấy tuyến độc đạo từ thượng nguồn suối Thùng Phuy trở ra Trạm Quản lý bảo vệ rừng dấu lốp ô-tô còn mới tinh, in hằn lên những hố bùn lầy lội. Ven đường, những vỏ bao mì tôm, một đống tro tàn, bên cạnh là một chiếc ách trâu bị hỏng nằm chỏng chơ. Anh T. giải thích: “Tối qua xe lại vào chở gỗ ra đấy. Đây là điểm tập kết gỗ nên lâm tặc ngồi nghỉ ngơi để bốc gỗ lên xe. Gỗ từ trong rừng sẽ được trâu kéo ra đến đây, đủ chuyến, xe sẽ vào chở về xuôi”.
Sau những ngày thâm nhập thực tế, chúng tôi được biết việc phá rừng lấy gỗ ở đây thời gian qua diễn ra công khai. Những cán bộ bảo vệ rừng nào chung trâu kéo để khai thác gỗ với ai, người dân đều nắm rõ. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tại sao không tố cáo lên các ngành chức năng, người dân lại thở dài: “Tố cáo không biết họ có bị chi không, nhưng mình thì bị tai vạ là điều khó tránh khỏi”.
Anh V. nhà gần khu vực bị lâm tặc xâm hại nên nắm rõ vụ việc. Anh cho biết: Chính cán bộ của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trà Bui chung tiền mua trâu với người ngoài địa phương để khai thác gỗ trái phép gần 2 năm qua. “Ông T. chung với bà Th. mua 3 con trâu kéo ở dưới Trà Dương để khai thác gỗ. Mới đây họ đã bán 1 con. Việc làm của ông T. thì người dân ở đây ai cũng biết, nhưng không dám báo cấp trên vì ổng là cán bộ, còn mình chỉ là dân” - anh V. tiết lộ.
Qua những gì chúng tôi tìm hiểu và nắm được, tại khu vực Trà Bui có đến vài chục điểm phá rừng. Rừng từ Tiểu khu 742 (thuộc thôn 2) đến Tiểu khu 738 (thôn 5), Tiểu khu 736 (thôn 6)… đều bị tàn phá đến mức báo động. Nhiều khu vực khi phát hiện gỗ, đã lập biên bản nhưng không vận chuyển ra khỏi rừng nên đã bị “lâm tặc” tẩu tán. Đơn cử như tại Tiểu khu 736 có 17 phách chò được phát hiện nhưng đã bị mất; Tiểu khu 742 có 20 phách gỗ xoan đào thì đến nay đã mất 19 phách...
“Việc phá rừng bị bại lộ, rồi “cực chẳng đã” chủ rừng mới lập biên bản. Nhưng theo nguyên tắc lập biên bản thì phải báo lên cấp trên, vài ba vụ thì họ báo, nhưng đến vài chục vụ thì họ không thể báo được, vì như thế cấp trên sẽ quy trách nhiệm vì buông lỏng quản lý. Vậy nên họ chỉ lập biên bản vài vụ cho có lệ, còn lại họ sẽ ém. Và cuối cùng thì gỗ vẫn về tay lâm tặc” - một người dân địa phương nhìn nhận.
Qua sự việc trên, dư luận cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trà Bui. Việc cán bộ ở đây có “bắt tay” với “lâm tặc” hay không, các ngành chức năng điều tra sẽ rõ, nhưng trách nhiệm để gỗ lọt ra khỏi địa bàn từ tuyến độc đạo trước trạm thì cán bộ trạm là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, đối với Giám đốc BQL RPH Sông Tranh, đơn vị được Nhà nước giao quản lý rừng nhưng lại buông lỏng, thiếu trách nhiệm.
“Sau khi đi kiểm tra nhiều vụ phá rừng về, nhưng lãnh đạo BQL RPH  Sông Tranh không lập biên bản, không báo cáo lên cấp trên. Nhiều vụ đã lập biên bản, bàn giao cho Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trà Bui quản lý, đơn vị này lại để mất gỗ nhưng lãnh đạo BQL không có hình thức xử lý” - một cán bộ của BQL RPH Sông Tranh bức xúc nói.
Thiết nghĩ, từ những thông tin trên, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ. Cán bộ nào bắt tay hoặc tiếp tay cho “lâm tặc”, lãnh đạo nào buông lỏng quản lý để rừng bị tàn phá nghiêm trọng cần xử lý nghiêm. Có như thế người dân mới tin tưởng sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời góp phần giữ được những cánh rừng nguyên sinh ít ỏi còn sót lại. (Công An TP.Đà Nẵng 23/11) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục dự án “Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 3” từ nguồn vốn ODA không hoàn lại do chính phủ Đức tài trợ với tổng mức đầu tư 2 triệu euro.
Dự án sẽ thực hiện các hợp phần gồm xây dựng và thực hiện các hệ thống thông tin, quy trình xây dựng, quản lý và áp dụng giám sát diễn biến đa dạng sinh học nhằm giúp triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả. Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện các mô hình mới nhằm nâng cao sinh kế và bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng đệm vườn quốc gia trên cơ sở tham gia hỗ trợ của mạng lưới khuyến nông, tập trung ưu tiên hỗ trợ phụ nữ và dân tộc thiểu số.
Dự án cũng đẩy mạnh quản lý đa dạng sinh học bền vững ở khu vực vườn quốc gia để lồng ghép vào sự kiện, tiến trình liên quan khác nhau ở cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế… (Pháp Luật TP.HCM 24/11) đầu trang(
Rắn lục sừng, rắn lục đuôi đỏ... là những loài rắn độc nhất ở Việt Nam, có thể giết người trong tích tắc.
Rắn lục sừng, tên khoa học là Trimeresurus cornutus được tìm thấy ở Việt Nam. Đầu chúng có hình tam giác phân biệt rõ với cổ, mặt trên đầu phủ vảy nhỏ, có vảy trên mắt phát triển thành sừng nên được biết đến là "rắn quỷ", kích thước cơ thể khoảng 50cm. Nọc độc của loài rắn lục sừng được xếp vào Top những loài rắn độc nhất ở Việt Nam.
Rắn lục đuôi đỏ, tên khoa học là Trimeresurus albolabris, đây là loài rắn cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Sinh sống chủ yếu trên khu vực núi cao và trong các khu rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn, vùng núi thuộc khu vực Tây bắc Việt Nam, hiện nay Cần Thơ cũng có nhưng rất ít. Vừa rồi ở Quảng Ngãi và ở Nam Đàn - Nghệ An cũng đã xuất hiện và vào năm ngoái, chúng đã phân bố đến thành phố Đà Nẵng.
Rắn lục Von-gen hay rắn lục miền Nam, tên khoa học là Viridovipera vogeli là một loài rắn nằm trong họ rắn lục. Đỉnh đầu và thân của loài này màu xanh lục, phần bụng màu nhạt hơn. Được coi là một trong những kẻ săn đêm máu lạnh, giỏi và khôn ngoan nhất trong các loài rắn, chỉ với một cú đớp mạnh, con mồi sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình. Loài rắn này sống ở Gia Lai, Đồng Nai, Lâm Đồng ở Việt Nam.
Rắn lục đầu bạc, tên khoa học là Azemiops feae, là một loài rắn lục thuộc chi Azemiops trong phân họ đơn chi Azemiopinae. Được xem là một trong các loài rắn lục nguyên thủy nhất, rắn lục đầu bạc có kích cỡ trung bình, đầu hơi dẹp phân biệt rõ với cổ, dài khoảng 80cm. Tại Việt Nam, rắn lục đầu bạc phân bố ở Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn.
Rắn chàm quạp hay còn gọi là rắn khô mộc có tên khoa học là Trimeresurus mucrosquamatus. Sở dĩ có cái tên như vậy bởi màu da của chúng lẫn vào với lá khô, cây khô cực khó phát hiện. Thường gặp ở vùng rừng cao su bạt ngàn miền Đông Nam Bộ, độ nguy hiểm của loài rắn này theo đánh giá của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì chỉ đứng sau rắn biển.
Rắn lục Trùng Khánh, tên khoa học là Protobothrops trungkhanhensis, là một loài rắn đặc hữu của Trùng Khánh, Cao Bằng, Việt Nam. Rắn lục Trùng Khánh dài khoảng 70cm, màu sắc mặt lưng, đầu của con đực và cái tương tự nhau có màu nâu xám nhạt. Ẩn nấp trong các bụi cây, nếu không cẩn thận trêu phải chúng, bạn có thể sẽ bỏ mạng chỉ trong thời gian ngắn.
Rắn hổ mang chúa, tên khoa học là Ophiophagus hannah. mặc dù không chủ động tấn công con người nhưng vẫn được đánh giá là loài nguy hiểm và đáng sợ trong phạm vi sinh sống của chúng. Không chỉ có khả năng phóng nọc độc, loài rắn này còn có khả năng khống chế lượng chất độc khi cắn con mồi. Nọc độc của rắn hổ mang có độc tố tác động làm tê liệt hệ thần kinh, khiến người bị cắn rơi vào hôn mê vào bỏ mạng.
Rắn hổ đất hay còn gọi là hổ mang một mắt kính hay hổ phì, tên khoa học là Naja kaouthia. Mỗi khi bị kích thích, cổ của loài rắn bành ra rất đáng sợ. Chỉ một lượng nhỏ nọc độc của loài rắn này cũng có thể khiến con mồi chết bất đắc kỳ tử.
Rắn cạp nong, tên khoa học là Bungarus fasciatus, sinh sống ở nhiều môi trường sống khác nhau, từ rừng đến những vùng đất nông nghiệp. là loài rắn độc cỡ tương đối lớn, thường dài trên 1m, đặc điểm là có những mảng khoang màu vàng đen rất rõ ràng và nổi bật. Nọc độc của rắn cạp nong không thua gì rắn hổ mang.
Rắn cạp nia, có đặc điểm nhận dạng là đầu thon mảnh, con ngươi tròn, có mảng khoang màu khác biệt như rắn cạp nong nhưng màu của chúng lại là đen và trắng xám. Sinh sống tại các đồng cỏ và các cánh rừng có nhiều bụi rậm, rắn cạp nia là nỗi kinh hoàng của con người khi bắt gặp phải chúng.
Rắn hổ mèo hay còn được gọi là rắn hổ mang Xiêm, tên khoa học là Naja siamensis, là một phân loài của rắn hổ phun nọc. Tính khí thay đổi tùy thuộc vào thời gian trong ngày, sáng thì nhút nhát hiền lành, tối đến liền hung dữ, ác độc. Nọc độc của rắn hổ mèo khiến nó trở thành sát thủ động vật với tác động gây hoại tử, chết tế bào, có khả năng giết chết khiến một người khỏe mạnh, trưởng thành. (Kiến Thức 24/11) đầu trang(
Huyện Phú Lương có gần 14.000ha rừng trồng, chiếm khoảng 1/3 diện tích rừng trồng toàn tỉnh.
Trước thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nhất là bắt đầu vào mùa hanh khô, Hạt Kiểm lâm huyện đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện nhằm chủ động phòng chống, quyết tâm không để xảy ra cháy rừng. Cứ vào khoảng đầu tháng 11 hàng năm là gia đình ông Hoàng Văn Ngọc, xóm Ó, xã Yên Lạc lại phát dọn thực bì sạch sẽ cho đồi keo của gia đình, đồng thời làm đường băng cản lửa phòng cháy rừng xảy ra.
Ông Ngọc cho biết: Gia đình tôi có 4ha rừng keo. Năm ngoái đã khai thác lứa đầu tiên, bán 3ha thu được 200 triệu đồng, nếu so với làm ruộng thì trồng rừng kinh tế hơn rất nhiều. Để có kiến thức, kỹ thuật Phòng chống cháy rừng (PCCCR), năm nào chúng tôi cũng được xã, đặc biệt là tổ quản lý bảo vệ rừng của xóm, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng và chữa cháy rừng khi không may xảy ra.
Yên Lạc là xã có diện tích rừng lớn so với nhiều địa phương khác của huyện Phú Lương với trên 2.500ha rừng trồng, tập trung ở các xóm: Ó, Đồng Xiền, Đồng Bòng, Kim Lan...
Xác định rừng là nguồn tài nguyên quý giá, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nên công tác trồng rừng, quản lý, bảo vệ cũng như PCCCR luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Ông Trần Thanh Toàn, Phó Ban Lâm nghiệp xã cho biết: Ý thức bảo vệ và giữ rừng, đặc biệt là công tác PCCCR của người dân ngày càng được nâng lên.
Trong 3 năm trở lại đây, chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn xã. Để có được kết quả đó, hằng năm, Ban Lâm nghiệp xã đã tham mưu cho UBND xã kiện toàn tổ quản lý bảo vệ rừng, đồng thời phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức các buổi tập huấn về kỹ năng, cách thức tổ chức PCCCR thông qua các cuộc họp xóm, xã. Đến nay, người dân ở 23/23 xóm, bản của xã đều đã được tập huấn nội dung này.
Cùng với Yên Lạc thì các địa phương khác như: Yên Trạch, Phú Đô, Yên Đổ, Động Đạt, Ôn Lương… cũng có diện tích rừng trồng khá lớn và đang tích cực chuẩn bị các biện pháp để PCCCR mùa khô. Ông Dương Thanh Đao, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: Xã có gần 2.000ha rừng, trong đó có hơn 1.600ha là rừng sản xuất. Để chủ động trong PCCCR mùa hanh khô, đến thời điểm này xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCCR cấp xã, tổ quản lý bảo vệ rừng ở 18 xóm để tuyên truyền tới người dân chủ động trong công tác này.
Ngoài ra, vào đầu năm nay, địa phương đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Công ty Phát triển Nông thôn bền vững (Hà Nội) tổ chức diễn tập PCCCR cho người dân ở những xóm có diện tích rừng lớn, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Đợt diễn tập không chỉ nâng cao vai trò chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng các cấp mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân dân ở địa phương khi có cháy rừng xảy ra. Huyện Phú Lương hiện có trên 17.000ha diện tích đất rừng, trong đó, có gần 14.000ha là diện tích rừng trồng.
Để làm tốt công tác PCCCR, ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương đã tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCCR và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác PCCCR; tổ chức công tác ứng trực PCCCR 24/24 giờ trong những ngày cao điểm về nắng nóng, khô hạn.
Ông Đinh Đức Hoàng, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương cho biết: Trong công tác PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện luôn chú trọng đến hai yếu tố trước nhất là công tác phòng cháy, sau đó là chữa cháy. Để phòng cháy rừng, đơn vị đã cử 14 đồng chí kiểm lâm địa bàn phụ trách 16 xã, thị trấn bám sát địa bàn chủ động tham mưu với chính quyền các biện pháp PCCCR; kết hợp chặt chẽ với các tổ quản lý bảo vệ rừng để tuyên truyền, thường xuyên nhắc nhờ người dân.
Tiếp đến là công tác chữa cháy khi xảy ra cháy rừng, dưới sự chỉ đạo của huyện, đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện; UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo kịp thời huy động lực lượng, phương tiện PCCCR để để xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp này mà từ năm 2013 đến nay trên địa bàn không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Ngoài các biện pháp trên, hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến các quy định về PCCCR cho các em học sinh vào các buổi chào cờ đầu tuần hoặc các giờ học ngoại khóa. Ông Đinh Đức Hoàng cho biết thêm: Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng trên địa bàn những năm trước đây chủ yếu là do ý thức chủ quan của người dân khi phát dọn thực bì, hoặc do trẻ nhỏ mang lửa vào rừng đốt ong.
Do đó, để bảo vệ rừng tận gốc, đối tượng chúng tôi hướng đến để tuyên truyền chính là các em học sinh. Khi trẻ em nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng; hiểu về nguy cơ và tác hại của cháy rừng thì tự bản thân các em sẽ hành động tốt hơn, đồng thời sẽ tuyên truyền cho chính những người thân trong gia đình của các em để PCCCR tốt hơn. Đây cũng là điểm mới trong công tác PCCCR của huyện năm nay. (Báo Thái Nguyên 23/11) đầu trang(
Ông Đặng Bá Quang, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Những năm gần đây, công tác BVR tại địa phương đã có sự phối hợp của các cấp, ngành; nhận thức của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR) ngày một nâng cao nên tình hình dần được kiểm soát.
Tuy vậy, hiện trên địa bàn vẫn còn một số đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, đáng chú ý là một số điểm ở các xã: Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, nhất là tuyến đường ven hồ Định Bình. Trước tình hình trên, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng đã tiến hành đóng chốt tại các địa bàn phức tạp để BVR. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, truy quét đối tượng khai thác rừng trái phép. Nhờ đó, nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện kịp thời, tình hình vi phạm Luật BV-PTR có chiều hướng giảm.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã phát hiện, xử lý 78 vụ vi phạm Luật BV-PTR, giảm 91 vụ so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức 339 đợt tuần tra, truy quét, bắt giữ 26 xe mô tô, 3 xe ô tô, 7 cưa máy, 85,7m3 gỗ các loại, phá bỏ 10 lán trại, phát hiện 11 vụ phá rừng trái phép, diện tích thiệt hại 66.393m2.
Tuy nhiên, công tác BVR trên địa bàn huyện hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Theo ông Trần Phước Phi, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, diện tích rừng trong lâm phận của đơn vị quản lý có địa bàn rộng, trong khi nhân lực BVR ít, hiện đơn vị đang quản lý 35.000 ha rừng nhưng chỉ có 15 biên chế (còn thiếu đến 35 biên chế theo quy định tại Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9.6.2015 của Thủ tướng Chính phủ). Không chỉ vậy, việc trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng quản lý BVR bị hạn chế; trong khi đó, các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ngày càng manh động, sẵn sàng chống đối khi bị truy quét.
Ông Đặng Bá Quang cho biết thêm: Nhu cầu sử dụng gỗ trong xã hội rất lớn nên việc khai thác trái phép rừng tự nhiên sẽ ngày càng gia tăng. Các đối tượng lôi kéo người dân địa phương có rừng tham gia khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Vì vậy, tuy lực lượng chức năng đã dốc sức để ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, dân số ngày một tăng, áp lực đất sản xuất càng lớn. Để có đất sản xuất, người dân sẽ xâm lấn đất rừng. Vấn đề đặt ra ở đây là cần sớm giải quyết đất sản xuất cho người dân, nhất là các hộ nghèo. Bên cạnh đó, duy trì và phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ trồng rừng, giao khoán BVR, chăm sóc rừng... để người dân sớm ổn định cuộc sống. Có  như vậy rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Đầu tháng 10 vừa qua, tại buổi làm việc với UBND huyện Vĩnh Thạnh nhằm giám sát tình hình bảo vệ và phát triển rừng ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh từ năm 2010 - 2014, ông Đinh Yang King, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cho rằng, cần phải triển khai thực hiện tốt các chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt là tổ chức thực hiện tốt việc giao khoán quản lý BVR cho đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp hướng dẫn người dân nuôi trồng các loại lâm sản phụ dưới tán rừng, qua đó sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân kết hợp quản lý BVR. (Báo Bình Định 22/11) đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm An Giang đang xúc tiến trình cấp thẩm quyền ra quyết định củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo kế hoạch "Bảo vệ và phát triển rừng" từ tỉnh đến huyện và các xã có rừng. Theo đó, đến cuối tháng 11-2015, sẽ hoàn thành việc xây dựng và triển khai phương án " Bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng" cấp xã, còn đối với cấp huyện sẽ hoàn thành giữa tháng 12 tới.
Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, diện tích rừng trồng, khoanh nuôi thuộc khu vực đồi núi khan hiếm nguồn nước, địa hình đồi dốc, việc đi lại khó khăn. Trong khi đó, mực nước tại các khu rừng tràm thấp hơn cùng kỳ từ 1,2m, một số địa điểm lại không ngập nước. Đây là tình trạng khô hạn chưa từng xảy ra trong nhiều năm trên địa bàn An Giang. (Báo An Giang 23/11) đầu trang(
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn, Chi cục Kiểm lâm đã phát động phong trào thi đua “nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến” trong toàn ngành.
Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến ứng dụng thiết bị công nghệ GPS phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR tại các địa phương trong tỉnh.
Điển hình như Hạt Kiểm lâm Mường Lát đã sử dụng máy GPS để xác định vị trí, diện tích các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, những khu vực sản xuất nương rẫy gần rừng, từ đó số hóa lên bản đồ phục vụ  ứng dụng thiết bị GPS trong công tác PCCCR và  quản lý phát rẫy. Hạt đã rà soát, xây dựng được bản đồ vùng trọng điểm cháy với 13.770 ha trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc huyện Mường Lát.
Ngoài ra, còn giúp huyện Xốp Bâu (nước bạn Lào) giáp ranh với các xã:  Pù Nhi, Tén Tằn xây dựng bản đồ quản lý PCCCR. Trong quản lý phát rẫy, đơn vị đã dùng thiết bị GPS để định vị, đo đếm thống kê và lập bản đồ quản lý được 7.794 ha nương rẫy của 6.081 hộ gia đình  phục vụ công tác kiểm tra, quản lý việc phát rẫy và đốt xử lý thực bì của người dân theo đúng quy định.
Kết quả nổi bật là trong gần 11 tháng năm 2015 trên địa bàn huyện Mường Lát không xảy ra phát rừng làm rẫy trái phép. Tình hình an ninh rừng trên địa bàn ổn định; các hành vi xâm hại tài nguyên rừng ở địa phương được đẩy lùi, kiểm soát được  nguy cơ cháy rừng, đặc biệt trong các ngày thời tiết nắng nóng, khô hanh. (Báo Thanh Hóa 23/11) đầu trang(
Tiểu khu 420, 422 thuộc địa bàn xã Đa Kai và Sùng Nhơn (Đức Linh) bao năm nay yên tĩnh, nhưng từ tháng 9/2015 đến nay đối tượng phá rừng đã lén lút chặt hạ hàng trăm cây gỗ quý và vận chuyển trót lọt bằng đường bộ, qua nhiều chốt, trạm kiểm soát lâm sản.
Đây là vụ phá rừng có tổ chức, quy mô lớn và đặc biệt nghiêm trọng. Qua kiểm tra, xác minh ban đầu cho thấy, 443 cây gỗ tròn từ nhóm 3 đến nhóm 8 bị chặt hạ với khối lượng 177,864 m3. Đáng lưu ý là trong đó có 336  cây gỗ tròn với khối lượng 151,949 m3 đã bị đối tượng khai thác rừng trái phép lén lút vận chuyển ra khỏi rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh quản lý nhưng không bị phát hiện và đến nay chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh có nhiệm vụ chốt chặn và bảo vệ rừng an toàn. Thế nhưng, thời gian gần đây lực lượng bảo vệ rừng thiếu kiểm tra, kiểm soát thường xuyên nên đối tượng phá rừng lợi dụng sơ hở để khai thác rừng trái pháp luật. Được biết, ngày 27/10/2015 lực lượng bảo vệ rừng phát hiện tại tiểu khu 422 bị chặt hạ 32 cây gỗ; qua ngày hôm sau (28/10) phát hiện 58 cây gỗ bị chặt hạ mới, nhưng lực lượng bảo vệ rừng không tổ chức bảo vệ, ngăn chặn kịp thời nên số cây bị chặt hạ những ngày sau tăng nhiều hơn.
Trước tình hình phá rừng nghiêm trọng mới được phát hiện, sáng 13/10/2015 lãnh đạo UBND huyện Đức Linh đã có buổi làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Đức Linh, Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh, công an, UBND xã Đa Kai…xung quanh vụ phá rừng nghiêm trọng tại khu vực Suối Ngang, Chín Tình thuộc địa bàn xã Đa Kai, Sùng Nhơn. Lãnh đạo UBND huyện Đức Linh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp với công an, quân sự huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh…tăng cường trực, chốt chặn thường xuyên trên các tuyến đường; tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép.
Đồng thời, bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường và số gỗ bị chặt hạ trái phép còn lại tại hiện trường. Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh cần kiểm điểm nghiêm túc, giải trình rõ trách nhiệm từng cá nhân và động thái thực hiện công vụ từ khi phát hiện vụ việc phá rừng, nhưng không tổ chức bảo vệ và không có biện pháp ngăn chặn nên để xảy ra vụ phá rừng trái phép đặc biệt nghiêm trọng; Ban quản lý rừng phòng hộ có kế hoạch, phương án ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng có thể tái diễn; phối hợp với xã Sùng Nhơn, Đa Kai và cơ quan chức năng xác minh, truy tìm đối tượng phá rừng phục vụ cho công tác điều tra phá án.
Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân trên địa bàn không tham gia phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép và tố giác tội phạm phá rừng.
UBND huyện Đức Linh chỉ đạo: Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ vụ phá rừng trái phép tại khu vực Suối Ngang và Chín Tình thuộc tiểu khu 420, 422, trên cơ sở đó tiến hành làm việc trao đổi thống nhất với Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Linh để quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. (Báo Bình Thuận 23/11) đầu trang(
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 4522/QĐ-UBND về việc phân bổ 2 tỷ đồng hỗ trợ cấp bách phòng chống cháy rừng trong năm 2015.
Cụ thể, phân bổ 2 tỷ hỗ trợ cấp bách cho dự án nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm Hà Tĩnh giai đoạn 2014-2016. Được biết, kinh phí thực hiện dự án này được lấy từ nguồn hỗ trợ ngân sách Trung ương góp phần phòng chống cháy rừng năm 2015.
Khoản tiền này được giao cho Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, sẽ được sử dụng cho công tác tuyên truyền, mua sắm, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, mua nhiên liệu và chi hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật bảo vệ rừng…
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan tổ chức triển khai thực hiện Dự án kịp thời, đúng quy định hiện hành của Nhà nước; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn. (Tài Nguyên Và Môi Trường 23/11) đầu trang(
Đến Ngọc Hiển vào một chiều mưa, tôi ghé thăm nhà bạn thân Thành Long (Nguyễn Thành Long) ngụ khu tái định cư 59 hộ, thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Ðôi bạn thân lâu ngày gặp lại, cũng cơm canh, rượu thịt hàn huyên tâm sự, nào là chuyện thuở còn sinh viên đến công việc hiện tại bây giờ ra sao, có tốt hay không, rồi đến cuộc sống với gia đình nhỏ “cơm có lành, canh có ngọt” không. Khi chúng tôi đã ngà ngà say thì cô Hai Hoàng (Bùi Thị Kim Hoàng) mẹ của Thành Long, một người đàn bà suốt đời tần tảo, dầm mưa dãi nắng, cả đời hy sinh lo cho Thành Long ăn học nên người, kể cho tôi nghe nhiều chuyện về cánh rừng đước ở Tân Ân.
Gia đình của Thành Long vốn ở miệt Tiền Giang xuôi ngược đến định cư ở huyện Ngọc Hiển này. Ban đầu gia đình Thành Long đăng ký thường trú ở xã Tân Ân Tây, nghe đâu lúc ấy gia đình cũng ăn nên làm ra, nhưng vì gặp vận không may, thời gian gần đây kinh tế gia đình sa sút rồi dẫn đến bán nhà, đất đến Tân Ân mượn đất giữ rừng, nuôi tôm, cua để gầy dựng lại sự nghiệp.
Nghe chú Dũng (Nguyễn Văn Dũng), ba Thành Long kể mà tôi thấy chạnh lòng, xót thương cho hoàn cảnh gia đình của chú: “Mảnh đất hơn 10 ha được người quen cho mượn thả tôm, cua nuôi để sinh sống qua ngày, đổi lại gia đình chú phải bỏ công sức trông coi cánh rừng đước bạt ngàn, xanh tươi đang phát triển tốt ấy cho người ta, nhưng mình làm 10 phần chứ ăn được 4, 5 phần là đã hên rồi, chứ lấy đâu mà gầy dựng lại sự nghiệp hả con”.
Theo lời kể của cô Hai Hoàng, chú Dũng, tôi cùng với Thành Long men theo bìa rừng để tìm hiểu về sự việc. Hình ảnh cánh rừng đước bạt ngàn, thẳng tắp, sừng sững hiên ngang một góc trời khiến cho tôi cảm giác yên bình để tận hưởng cái không khí trong lành sau bao ngày làm việc căng thẳng. Bên ngoài cánh rừng là vậy, nhưng bước vào bên trong cánh rừng độ chừng 50 m, tôi như không thể tin vào mắt mình nữa. Trời ơi!… bên ngoài thì rừng cây xanh tốt, còn bên trong thì hỡi ôi… trống rỗng… toàn là những cành nhánh còn trơ lại sau những lần chặt phá của bọn lâm tặc.
Lâu nay tôi cứ nghĩ rằng 2 từ “lâm tặc” chỉ xuất hiện ở những cánh rừng lớn, những cánh rừng có nhiều loại gỗ quý thôi. Giờ thì tôi mới ngộ ra một điều “ở đâu có rừng là ở đó có lâm tặc”. Cũng có nhiều lý do để con người phải phá rừng, như: hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất, hậu quả của việc di dân tự do hay do một phần do lười lao động…chính những điều này dẫn đến vi phạm pháp luật.
Chung quy lại, sở dĩ có “lâm tặc” là do một phần của cuộc sống nghèo đói, không có nghề nghiệp ổn định, họ chặt phá cây rừng rồi tìm cách vận chuyển đi nơi khác để bán cho các vựa cây hoặc hầm than để bán, suy cho cùng đấy là vì cuộc sống.
Chú Dũng trải lòng: “Người bảo vệ rừng thì ít nhưng lâm tặc thì nhiều biết làm sao được. Khi phát hiện lâm tặc mà báo chính quyền, nếu họ vào được đến nơi thì mọi việc đâu đã vào đó hết rồi, bắt không được bọn chúng, có khi sau này cuộc sống của mình còn khó khăn hơn”.
Hằng ngày, khi đêm xuống hay vào các buổi lờ mờ sáng, tại các cửa ven sông Rạch Gốc chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc xuồng, ghe chậm chạp chạy về nơi neo đậu. Nó chậm chạp là vì 2 bên mạn ghe bè toàn cây rừng. Họ rất ma mãnh, đầy mưu mô, nếu như bị lực lượng kiểm lâm phát hiện thì họ chặt dây cho cây rừng chìm sâu xuống đáy sông để phi tang. Người lì lợm, trắng trợn hơn thì để cây rừng đầy cả xuồng, khi lực lượng chức năng phát hiện, họ sẵn sàng chống trả lại.
Khi được nghe về nạn chặt phá cây rừng, lại được chứng kiến tận mắt hình ảnh “trống rỗng” ở bên trong tại các cánh rừng lớn, tôi tìm đến UBND xã Tân Ân xin được gặp anh Lê Minh Diễn, phụ trách kiểm lâm địa bàn xã, trao đổi thì được anh chia sẻ: “Xã rất đau đầu về vấn nạn này, đã nhiều đêm mất ăn, mất ngủ vì phải canh bắt lâm tặc nhưng bắt được họ thì ít mà tình trạng chặt phá cây rừng ngày một nhiều. Bắt được họ rất khó, vì thủ đoạn của họ rất tinh vi. Khi mình chặn bắt, biết là họ bè cây, nhưng khi cặp xuồng lại kiểm tra thì họ đã chặt dây, còn cây thì chìm xuống đáy sông, không chứng cứ, không tang vật thì không buộc tội được”.
Rời UBND xã Tân Ân ra về trong lòng tôi lại bồn chồn, chưa hiểu hết về nạn chặt phá cây rừng tại sao ở Ngọc Hiển ngày một nóng lên như vậy. Theo lời chỉ dẫn của anh Diễn, tôi tìm đến Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng gặp chú Lê Văn Thực, Phó Ban Quản lý rừng. Ðược nghe chú bày tỏ bằng tất cả những gì chú biết, tôi mới hiểu rõ được nguyên nhân từ đâu.
Chú Thực tâm sự: “Hầu hết các đối tượng chặt phá cây rừng là những người nghèo khó, không đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, cùng đường nên buộc phải phá rừng để mưu sinh, tất cả cũng vì chén cơm manh áo. Ðặc biệt, trong những năm qua, nạn di dân tự do từ nơi khác đến Tân Ân làm ăn, sinh sống rất nhiều, chính điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tránh khỏi nạn chặt phá”.
Biết là phạm pháp nhưng họ vẫn làm, bởi không làm thì đói. Ðiều đó chỉ là cái lý để biện minh cho những việc làm sai trái của mình mà thôi. Ở Tân Ân tôi cũng đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, không một mảnh đất cắm dùi nhưng họ vẫn cố gắng, cần mẫn làm ăn để mưu sinh như bắt ba khía, săn bắt cá thòi lòi, đục hàu… toàn những thứ đặc sản có giá trị, mang lại thu nhập rất cao, có khi là vài trăm ngàn 1 ngày.
Ðó là minh chứng cho sự cần cù, chịu khó, siêng năng lao động, họ không đói mà họ vẫn sống, vẫn tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng bằng chính đôi tay chai sần của mình. Trái lại, những kẻ phá rừng để mưu sinh lại đổ lỗi cho nghèo khó, không đất sản xuất nên buộc phải phạm pháp đó chẳng qua là nguỵ biện để che đi thói lười lao động, thích hưởng thụ với suy nghĩ đơn giản “1 đêm chặt phá bằng 3 ngày làm”.
Nghĩ về rừng, tôi lại trăn trở khôn nguôi. Vì lợi ích trước mắt mà một số người sẵn sàng tàn phá cánh rừng vốn tạo ra bầu sinh quyển trong lành, mang lại cuộc sống tươi vui, hạnh phúc của bao người. Rừng đước đang bị lâm tặc tàn phá, cướp đi nguồn tài nguyên vốn có của tự nhiên. (Môi Trường Và Đời Sống 23/11) đầu trang(
Ông Hoàng Bá Khai - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp huyện Đạ Tẻh trao đổi với chúng tôi: Những năm trước đây, tình hình vi phạm Luật BV - PT rừng ở Đạ Tẻh diễn ra hết sức phức tạp, nghiêm trọng và đã có những điểm nóng ở khu vực giáp ranh Tôn Klong của huyện với xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, khiến tỉnh và huyện phải tập trung chỉ đạo giải tỏa điểm nóng, nhờ vậy, tình hình có “lắng dịu”, nhưng vẫn còn là vấn đề quan tâm, bởi các đối tượng không còn sử dụng các phương tiện cơ giới, hoặc ngang nhiên xem thường pháp luật như trước, nhưng lại sử dụng xe máy vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép khá phổ biến và lén lút phá rừng khá tinh vi, khi bị cán bộ kiểm lâm phát hiện thì lẩn trốn, hoặc chống đối dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trước tình hình đó, theo Chánh văn phòng UBND huyện Vũ Thành Nam cho biết, huyện đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản (chủ yếu là gỗ) trái phép rất quyết liệt, bằng việc yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác QLBV rừng, và chỉ đạo hạt kiểm lâm phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, lập biên bản, xử lý các đối tượng vi phạm Luật BV-PT rừng…
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra khá phức tạp tại  khu vực thuộc các TK 521, 522 của xã Mỹ Đức, khu vực thuộc các TK 541, 545, 547 rừng đầu nguồn hồ Đạ Tẻh của xã Quảng Trị, Mỹ Đức và khu vực giáp ranh giữa Tôn KLong với xã Lộc Tân, huyện Lảo Lâm. 10 tháng đầu năm 2015, có đến 170 vụ vi phạm Luật BV-PT rừng, tăng 25 vụ so với 10 tháng đầu năm 2014, đó là chưa kể có nhiều vụ chưa bị phát hiện, lập biên bản vi phạm.
Vì vậy, xác định QLBV rừng là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của địa phương, ông Hồ Quốc Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đạ Tẻh cho hay, ngoài việc triển khai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, kiên quyết trong công tác QLBV rừng như đã nói, trong tháng 11/2015, Huyện ủy sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác QLBV rừng, nhằm chỉ đạo chính quyền các cấp và các ngành chức năng tăng cường hiệu quả công tác QLBV rừng, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong những tháng cuối năm 2015 và những năm tiếp theo.
Cũng theo ông Hoàng Bá Khai, trước mắt, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng, mà trước hết là sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, kiên quyết giữa ngành công an với ngành lâm nghiệp. Bởi thực tế cho thấy, thời gian qua, việc huy động ngành công an phối hợp với ngành lâm nghiệp thiếu sự nhịp nhàng, thường xuyên, nên hiệu quả mang lại trong công tác triệt phá các đối tượng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép chưa cao.
Nhiều vụ việc, cán bộ lâm nghiệp chặn bắt các đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép thì bị chống đối quyết liệt, hoặc hiệu lực, hiệu lệnh của ngành lâm nghiệp đối với các đối tượng vi phạm không cao như khi có sự phối hợp của lực lượng công an. Mặt khác, các cấp chính quyền và ngành Lao động thương binh xã hội cần thực hiện đạt kết quả cao hơn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho các đối tượng trong độ tuổi lao động, bởi thực tế hiện nay: Trong thời điểm “nông nhàn”, nhiều thanh niên không có việc làm, không có thu nhập, nên đã lấy nghề rừng không chính đáng để làm kế mưu sinh, nhất là tại các địa phương giáp ranh với rừng.
Nếu làm được việc đó, thì tin rằng với sự quyết tâm của cấp ủy - chính quyền các cấp và của các ngành chức năng, nhất định công tác QLBV rừng của huyện Đạ Tẻh sẽ đạt được kết quả như mong muốn. (Báo Lâm Đồng 23/11) đầu trang(
Trong toàn tỉnh có 83 thôn được hỗ trợ, trong đó Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có 35 thôn, bản nằm trong vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc dụng thuộc các xã Cao Sơn, Vũ Muộn ( Bạch Thông) và các xã Côn Minh, Lương Thượng, Kim Hỷ, Lạng San, Ân Tình ( Na Rì) được hỗ trợ.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết: Theo quy định tại Quyết định 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì khoản kinh phí này được chi cho các nội dung đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, bao gồm khuyến nông, cây giống, con giống, hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn, bản, đường giao thông...
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Khu bảo tồn đã tăng cường công tác tuyên truyền về các Luật quản lý bảo về rừng, Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, các thông tư Liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ...với hơn 60 cuộc họp tại các xã, thôn bản cho gần 2000 lượt người tham gia.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai thực hiện hỗ trợ cây giống, con giống, vật liệu xây dựng... theo nguyện vọng người dân lựa chọn. Đến nay, Khu bảo tồn đã hỗ trợ cho 9 thôn được 263 con lợn, 3 thôn trên đia bàn xã Cao Sơn ( Bạch Thông) và xã Lương Thượng ( Na Rì) được gần 6000 con gà giống.
Từ khi triển khai quyết định gói 40 triệu đồng cho các thôn, bà con trên địa bàn xã Côn Minh rất phấn khởi, các hộ dân trong các thôn trên đều vui vẻ ký cam kết không xâm phạm rừng đặc dụng, hoặc cung cấp các nguồn tin có giá trị cho ngành chức năng để quản lý bảo vệ rừng tốt hơn. Bên cạnh đó, việc người dân được hỗ trợ con giống, làm đường, sửa sang nhà họp thôn...sẽ giúp nâng cao cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của bà con trên địa bàn ngày một tốt hơn.
Cùng theo Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ - Nguyễn Tiến Dũng: Việc hỗ trợ tạo kế sinh nhai cho người dân trong vùng lõi, vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đang là hướng đi tích cực, trong thời gian tới trở thành một ”sinh kế” bền vững cho người dân trong vùng lõi, vùng đêm, từ đó giám bớt việc khai thác vàng, lâm sản bừa bãi nhằm góp phần bảo vệ tốt các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn. (Công An Bắc Kạn 24/11) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Ông Thư nhớ như in chiều 20/9/2012, tin nhóm phu trầm của làng trúng hàng chục kg kỳ nam hàng trăm tỷ đồng tại vùng rừng Gộp Ngà (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) lan nhanh như gió về làng khiến người dân mất ăn mất ngủ.
Đó là nhóm 7 phu trầm Nguyễn Xuân Hoàng (29 tuổi) trú làng An Định, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Ngay sau khi trúng hàng chục kg kỳ nam bán hơn trăm tỷ đồng, vì sợ giang hồ truy sát, nên cả nhóm phu trầm lặn mất tăm.
Anh Huỳnh Xuân Hiệp, một phu trầm hơn 20 năm bám rừng tìm trầm từ năm 15 tuổi kể: "Nhiều phu trầm suốt mấy chục năm trời sống trong rừng tìm trầm nhưng không được gì. Nhưng có những người phút chốc thành tỷ phú bởi may mắn trúng hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ khi đào được kỳ nam là chuyện bình thường”.
Trong đời anh Hiệp, không thể nào quên vụ trúng kỳ nam gây rúng động các làng trầm Quảng Nam vào cuối 6/2011. Đó là vụ trúng trầm lớn của nhóm phu trầm 30 người của làng trầm Nghĩa Bắc, xã Đại Nghĩa được cho là đào được hàng trăm kg trầm hương tại vùng rừng An Khê, tỉnh Gia Lai bán được hơn 100 tỷ đồng chia nhau.
Vào ngày 22/8/2013, nhóm 9 phu trầm trú tại làng Duy Tân, xã Đại Nghĩa và thôn Đông Phú, xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) đã phát hiện tại khu vực đèo Phượng Hoàng (An Khê, Gia Lai) một khối kỳ nam nặng 13 kg, đã được cả nhóm bí mật bán cho một thương lái tại Khánh Hòa với giá 30,5 tỷ đồng rồi mỗi người mỗi hướng lặn mất tăm
Ông Trương Đăng Thư - một đầu nậu chuyên thu mua trầm kỳ ở Đại Lộc - bảo rằng chính ông là người mua những lô hàng “khủng” của phu trầm Đại Lộc trong những năm qua. Chuyện trúng trầm kỳ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ là có thật.
Ông Thư kể lại vụ tin đồn trúng cả trăm kg kỳ nam của 7 phu trầm trú tại làng Mỹ Hảo, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc vào cuối tháng 4/2005.
Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, tin 7 phu trầm trúng hơn 100 kg kỳ nam ở vùng rừng Gia Lai lan nhanh khiến thương lái từ Bắc chí Nam, thậm chí từ Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc... đổ về "cắm trại" tại làng Mỹ Hảo để chờ mua hàng.
“Lô hàng kỳ nam của 7 thanh niên làng Mỹ Hảo mà tui mua vào cuối tháng 4-2005 là một trong những lô hàng trầm kỳ đi vào "lịch sử trúng trầm, kỳ" ở huyện Đại Lộc suốt mấy chục năm qua. Để mua được lô hàng “khủng” ấy, chỉ trong một đêm tui phải huy động hàng chục tỷ tiền mặt mới chung đủ để mua lô hàng của 7 phu trầm tại một địa điểm bí mật”, ông Thư kể.
Ông Thư nhớ lại: "Chiều hôm ấy, tui nhận được tin nhóm 7 phu trầm báo trúng đậm kỳ nam từ vùng rừng núi Gia Lai đang chia nhau bí mật chuyển ra khỏi rừng. Ngay trong đêm, tui đã huy động các tiệm vàng trên địa bàn, rồi người quen làm ở ngân hàng số tiền hàng chục tỷ đồng tiền mặt. Đồng thời cử ngay đệ tử ruột về mật phục ở Đại Phong để tiếp cận nhóm phu trầm”.
“Cứ tưởng chỉ mình tui nắm được thông tin lô hàng kỳ nam. Ai ngờ khi đến địa điểm xem hàng thì thấy xuất hiện 4 nhóm người lạ mặt cùng đến xem và “đấu giá” để mua lô kỳ”, đại gia Thư kể.
Cuộc "đấu giá" lô hàng trong đêm mà đại gia Thư bảo là: “gay cấn và nghẹt thở” đến gần sáng thì nhóm của tui mua được với giá cao nhất nhờ kết nối được với nhóm đại gia Đài Loan và tất cả được chung bằng tiền mặt ngay tại chỗ”.
Ngay sau khi chồng tiền xong, lập tức, số kỳ nam mua được chia làm 2 cánh bí mật tức tốc lên đường đưa vào TP. HCM trước lúc trời sáng để đảm bảo an toàn.
Để đánh lạc hướng cơ quan chức năng và bảo đảm an toàn cho chuyến hàng đặc biệt này khỏi sự trấn cướp của đầu gấu và các nhóm mua hàng cạnh tranh, đại gia Thư ở lại Đại Phong, giả vờ ôm tiền quẩn quanh dò tin để đánh lạc hướng lô hàng kỳ nam vẫn chưa bán được.
Ngày hôm sau, khách dò mua ngày càng đông. Nhóm đại gia Thư tiếp tục dựng kịch bản mua, tẩu tán hàng giống như phim hành động. Đêm tối, đại gia Thư cho đám đàn em vờ ôm hàng từ Đại Phong, lao xuống sông Vu Gia, lên cano để xuôi ra Giao Thuỷ.
Từ Giao Thủy, nhóm đệ của đại gia Thư tiếp tục giả ôm hàng lên bờ, lên ô tô đợi sẵn chia 2 ngả về đường Hồ Chí Minh và QL1A lặn mất tăm khiến các nhóm mua từ các nơi đổ về nhọc công truy tìm vẫn không ra. Lần đó, các nhóm đầu nậu không thể hiểu bằng cách nào mà đại gia Thư đưa trót lọt hơn 100 kg kỳ nam vô Sài Gòn trót lọt từ 2 ngày trước.
Chuyện trúng kỳ nam hàng chục, hàng trăm tỷ đồng gây rúng động là chuyện thường ở các làng trầm Quảng Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, tin đồn 7 phu trầm ở làng trầm xã Đại Quang và Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vào ngày 10/10/2010 ăn nhầm nấm độc bị chết giữa rừng sâu mới thực sự gây nhốn nháo cả huyện khiến chính quyền địa phương vào cuộc điều tra xác định đó chỉ là tin đồn thất thiệt. (Vietnamnet 24/11) đầu trang(
Để giúp đỡ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua thực hiện dự án Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP), Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ) đã giúp đỡ bà con kỹ thuật trồng rừng ngập mặn.
Sau khoảng tám năm trồng rừng ngập mặn, cuộc sống bà con đã ổn định, đặc biệt là vùng biển thuộc ấp Vàm Rầy (huyện Hòn Đất, tỉnh kiên Giang) - một trong nhiều nơi dự án triển khai thực hiện.
Theo bà Đỗ Thị Kim Thu, sống ở ấp Vàm Rầy, từ khi có đê và có rừng ngập mặn ngoài đê, nước biển không vào đất liền, gia đình bà đã trồng được cây và nuôi thủy sản. Nhiều năm trước, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức trồng rừng để bảo vệ đê, ngăn nước mặn nhưng không thành công vì sóng quá mạnh nên đã cuốn cây đi.
Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay, với sự hỗ trợ của chính quyền, dự án ICMP đã triển khai trồng rừng ngập mặn tại ấp Vàm Rầy, cây trồng đã sống, rừng được phục hồi, tái sinh và giảm hiện tượng biển lấn sâu vào đất liền, đời sống và sản xuất của người dân dần dần ổn định.
Ông Huỳnh Hữu To - cán bộ kỹ thuật của dự án ICMP tại Kiên Giang, cho biết để trồng rừng thành công, cán bộ kỹ thuật của GIZ đã hướng dẫn bà con làm hàng rào cừ tràm để chắn sóng nhằm ngăn sự xói lở vào bờ và cuốn bùn ra biển, sau đó mới trồng cây con và đặc biệt là cây con phải được ươm tại chính vùng đất đó nên khả năng cây sống là rất cao. Sau một năm, cây trồng đã cao khoảng 3-4m và sinh trưởng thành rừng tạo thành bờ đê, giảm sức mạnh của sóng, ngăn nước mặn vào sâu trong đất liền.
Tuy nhiên để bảo vệ rừng ngập mặn, dự án ICMP còn phối hợp với chính quyền tổ chức tuyên truyền cho người dân tại Vàm Rầy đứng ra thành lập mô hình tự quản. Theo đó, bà con ở Vàm Rầy đứng ra nhận bảo vệ một diện tích rừng ngập mặn và đổi lại các hộ dân bảo vệ rừng sẽ được khai thác con Ba Khía, thủy sản trong khu vực rừng ngập mặn do mình quản lý.
Theo chị Nga sống ở đây, nguồn lợi kinh tế từ thủy sản mang lại chưa cao nhưng với lợi ích mà rừng ngập mặn mang lại trong việc đảm bảo sinh kế và đời sống của người dân tại ấp Vàm Rầy đã thấy rõ, chính vì lẽ đó mà dự án đã được sự ủng hộ và đồng thuận của người dân tại địa phương.
Thành công của mô hình khôi phục rừng ngập mặn ở Vàm Rầy đã mở ra hướng đi mới trong việc tiếp cận và phục hồi các cánh rừng ngập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long. Ông Nguyễn Tín, Phó giám đốc Ban quản lý rừng Hòn Đất (Kiên Giang), cho biế, với 172 triệu đồng cho 1ha trồng rừng ngập mặn và công chăm sóc thì chi phí này thấp hơn nhiều so với đầu tư xây dựng đê bằng bêtông để ngăn nước.
Với khoảng 205km bờ biển và hơn 25% đường bờ biển đang bị xói lở nghiêm trọng, Kiên Giang cũng như các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những nguy cơ lớn do tình trạng lở đê dẫn tới xâm nhập mặn. Những con đê cứ được xây lên lại bị sóng đánh lôi ra biển, chi phí xây những con đê ximăng hay bêtông vừa quá đắt với khả năng hiện tại vừa không còn là giải pháp duy nhất được quốc tế khuyến cáo do nghi ngờ tính bền vững và thân thân thiện với môi trường của nó về lâu dài. (Vietnam + 23/11) đầu trang(
Thời gian qua, các chính sách giảm nghèo bền vững ở các địa phương miền núi luôn được các cấp, ngành quan tâm. Đặc biệt, khi Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 về bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững được ban hành, đã tiếp thêm động lực gắn lợi ích của người dân với rừng trong thời gian tới.
Với tổng diện tích đất lâm nghiệp 1.160.242,4 ha chủ yếu tập trung ở 10 huyện miền Tây của tỉnh, trong đó có 3 huyện nghèo nằm trong Chương trình 30a (Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong), thời gian qua, nhiều chương trình lồng ghép, gắn lợi ích của người dân với việc trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng đã được triển khai rộng khắp.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích rừng trên địa bàn là 904.642,98 ha, trong đó có trên 2.000 ha rừng trồng mới trong năm nay, độ che phủ đạt trên 54%. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc triển khai có hiệu quả các chính sách trồng rừng đối với các cá nhân, tập thể, đơn vị…, công tác vận động người dân tham gia bảo vệ, chăm sóc rừng có vai trò rất quan trọng.
Cùng với đó, việc nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế đốt nương làm rẫy, du canh du cư cũng được đẩy mạnh thông qua hình thức tuyên truyền đến từng hộ, nhờ đó tình trạng phá rừng cũng giảm đáng kể. Các cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm lâm luật trong thời gian qua. Vì vậy, tình hình tội phạm liên quan đến rừng không còn diễn biến phức tạp như những năm trước. Tuy nhiên, để từng bước giảm thiểu số vụ vi phạm liên quan đến lâm sản, cần có thêm nhiều chính sách bảo vệ rừng.
Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được ban hành hơn 2 năm qua đã phần nào giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.
Theo đánh giá của các ban, ngành và lãnh đạo một số địa phương, Quyết định 755 đã tạo động lực để người dân bỏ hẳn lối canh tác lạc hậu, đốt nương làm rẫy. Từ chính sách này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai kế hoạch cụ thể cho người dân, khuyến khích họ khoanh nuôi, trồng rừng một cách có hiệu quả. Chỉ tính riêng tại huyện Quế Phong, theo thống kê của Phòng Dân tộc thì đến nay, trên địa bàn đã có 782 hộ tại 8/13 xã, thị trấn trồng, khoanh nuôi được 2.244 ha rừng.
Được biết, Nghị định 75 quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.
Theo đó, trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng trồng rừng thay thế nương rẫy đối với các hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng, trong thời hạn không quá 7 năm; cho vay ngoài số tiền hỗ trợ với hạn mức tối đa 15.000.000 đồng/ha, nếu với mục đích chăn nuôi trâu, bò, gia súc thì hạn mức vay tối đa 50.000.000 đồng và lãi suất chỉ 1,2%/năm.
Theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, với Quyết định 755 và Nghị định 75, người dân các địa phương vùng núi cao, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã nghèo, vùng đặc biệt khó khăn sẽ “ràng buộc” lợi ích của mình với rừng hơn. Cụ thể, theo Nghị định 75, hoạt động sản xuất lâm nghiệp của người dân sẽ được khép kín đồng bộ trong tất cả các khâu như: Trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ, sản xuất lâm nghiệp ngoài gỗ và phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại.
Có nghĩa là, để được tiếp cận nguồn chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từng bước thoát nghèo thì người dân phải gắn lợi ích của mình với rừng nhiều hơn. Về công tác phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ, thực tế trong thời gian qua, ở nhiều địa phương vùng cao đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.
Nói về Nghị định 75 và các chính sách liên quan đến giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ rừng, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Ngay sau khi Nghị định 75 được ban hành, ngày 23/9/2015, Bộ NN&PTNT cũng đã có Công văn số 1395 giao cho Sở NN&PTNT các tỉnh nhanh chóng rà soát, lên kế hoạch thực hiện và bổ sung nguồn kinh phí thực hiện.
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 12 huyện với tổng số 156 xã được hưởng chính sách theo Nghị định 75, trong đó có 60 xã khu vực II và 96 xã khu vực III. Hiện nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp giao cho đối tượng này là hơn 1 triệu ha, diện tích bảo vệ rừng là 716.708 ha, giao cho hộ gia đình quản lý là 188.441 ha, còn lại là các tổ chức, đơn vị khác. (Công An Nghệ An 23/11) đầu trang(
Đoan Hùng là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả cao  Chương trình hỗ trợ phát triển rừng sản xuất.
Đến nay, huyện Đoan Hùng có hơn 12.700ha rừng chủ yếu là rừng trồng. Mỗi năm bình quân trên địa bàn huyện trồng mới hơn 1.000ha rừng.  Riêng năm  nay, huyện đã trồng mới 1.400ha rừng tập trung, trong đó diện tích trồng keo thay thế bạch đàn là 420ha, đạt 100% kế hoạch.
Trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng hơn 1.000ha bạch đàn. 5 năm gần đây, ngoài hỗ trợ cây giống từ Dự án bảo vệ và phát triển rừng, Đoan Hùng còn là huyện đầu tiên có cơ chế chính sách riêng hỗ trợ phân bón cho các hộ trồng rừng, đặc biệt là những hộ chuyển diện tích bạch đàn kém hiệu quả sang trồng keo hạt ngoại.
Huyện Hạ Hòa trong những năm gần đây cũng thực hiện khá tốt việc trồng và bảo vệ rừng. Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện trồng mới gần 4 nghìn ha rừng tập trung, trong đó trồng theo  dự án bảo vệ và phát triển rừng gần 2.000ha.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hạ Hòa cho biết: “Thay đổi lớn nhất về phát triển rừng trong 5 năm qua là nhờ có Chương trình hỗ trợ phát triển rừng sản xuất, cơ cấu giống cây trồng đã có sự thay đổi rõ rệt. Được hỗ trợ về cây giống, người dân đã chuyển từ bạch đàn hoặc keo thường sang trồng keo hạt ngoại cho năng suất, chất lượng cao hơn. Nhờ được hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KHKT nên trình độ canh tác của người dân được nâng lên rõ rệt”.
Anh Nguyễn Trọng Đông ở xã Văn Lang cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2ha rừng được tham gia Dự án bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ vậy, gia đình tôi được hỗ trợ cây giống và kỹ thuật nên cây keo hạt ngoại đã trồng phát triển rất tốt. Cùng với trồng rừng gia đình tôi còn kết hợp chăn nuôi nên đã thoát được cảnh đói nghèo”.
Được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, BQL dự án bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh nên công tác triển khai trồng rừng được thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh trồng được hơn 33 nghìn ha rừng đạt 107,5% so với kế hoạch, trong đó thực hiện trồng rừng sản xuất theo Chương trình nông nghiệp trọng điểm thuộc Dự án Bảo vệ và phát triển rừng hơn 16 nghìn ha, các công ty lâm nghiệp trồng gần 7.500ha, hộ gia đình, cá nhân trồng 9.730ha.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 111 nghìn ha rừng trồng sản xuất, bình quân mỗi năm trồng gần 6.500ha (trong đó diện tích trồng rừng thâm canh hơn 4.800ha, bao gồm: Tổng Công ty giấy Việt Nam trồng 1.485ha; Dự án Bảo vệ và phát triển rừng hỗ trợ phân bón, cây giống cho các huyện trên địa bàn tỉnh bình quân 3.200ha, dự án Jipô, khuyến nông bình quân trồng hơn 150ha).
Trong 5 năm qua đã có hơn 9.600 hộ, nhóm hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất có quy mô từ 0,5ha trở lên. Tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập hỗ trợ 3,7 triệu đồng/ha (gồm hỗ trợ phân bón và cây giống). Các huyện còn lại được hỗ trợ tiền cây giống 2 triệu đồng/ha. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2011-2015 là 54.351 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 39 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng.
Nhờ vậy, diện tích trồng rừng sản xuất tăng nhanh, chất lượng rừng được nâng cao, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%; rừng sinh trưởng phát triển tốt; cơ cấu cây trồng có bước chuyển đổi tích cực, góp phần tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, môi trường sinh thái được cải thiện. Từ những kết quả đạt được của công tác trồng rừng đã đưa độ che phủ của rừng năm 2011 là 49,9%, đến năm 2015 đạt trên 50%. Các vùng đất trống đồi núi trọc đã được phủ xanh, góp phần hạn chế lũ lụt, xói mòn đất, điều tiết nguồn nước. Môi trường sinh thái được nâng lên, nguồn sinh thuỷ được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong khi đó thu hút đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp còn thấp, cơ cấu sản phẩm còn hạn chế, mới chỉ có sản phẩm cho nguyên liệu giấy, vật liệu xây dựng, chưa có sản phẩm gỗ lớn sản xuất đồ gia dụng. Ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật như công nghệ sinh học, giống, các biện pháp và kỹ thuật canh tác chưa làm chuyển biến căn bản hiệu quả kinh tế của nghề rừng; mặt khác việc chuyển đổi tập quán canh tác còn hạn chế.
Đã có quy hoạch phát triển lâm nghiệp nhưng việc quản lý đất lâm nghiệp chưa chặt chẽ, vẫn còn xảy ra tình trạng chồng lấn, tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với các nông lâm trường. Mô hình khuyến lâm còn ít, chưa được nhân rộng, nguồn vốn đầu tư trồng rừng, kể cả vốn tín dụng trong dân còn hạn hẹp.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ NSTƯ thiếu, ngân sách tỉnh lại khó khăn cộng với thời gian cấp vốn muộn dẫn tới không chủ động trong sản xuất cây giống và khung lịch thời vụ trồng rừng đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất chất lượng rừng.
Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bền vững, tăng tính đa dạng sinh học và năng lực cạnh tranh, mục tiêu giai đoạn 2015-2020 đặt ra là: Nâng cao năng suất chất lượng rừng, giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 3,5-4,0%. Từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Đỗ Ngọc Đoàn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Để đạt mục tiêu đã đề ra cần giải quyết những khó khăn bất cập hiện nay bằng các giải pháp đó là: Tăng mức hỗ trợ đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, sản xuất. Có chính sách cụ thể cho trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây gỗ nhỏ. Áp dụng đầy đủ chính sách trợ cước, trợ giá của Nhà nước về hàng hóa sản phẩm đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật lâm sinh, cán bộ khuyến lâm cho huyện, xã để chỉ đạo công tác trồng rừng, công tác chọn tạo và sản xuất cây giống; đồng thời quản lý, giám sát kế hoạch và chất lượng trồng rừng. Áp dụng và nhân rộng các mô hình tiên tiến điển hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa những giống mới có năng suất cao, khả năng kháng bệnh vào trồng rừng. Khuyến khích mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại hóa công nghệ tạo sự ổn định cho đầu ra sản phẩm”. (Báo Phú Thọ 24/11) đầu trang(
Thực hiện Quyết định số 4040/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2009 – 2015, từ năm 2013 đến năm 2015, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn đã trồng mới được gần 300 ha rừng.
Các loại rừng được trồng chủ yếu ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc gồm: Trồng rừng đặc dụng phòng hộ, trồng rừng sản xuất tập trung và trồng cây phân tán. Trong đó, năm 2013, Khu bảo tồn đã trồng được hơn 115 ha, năm 2014 trồng được gần 113 ha, năm 2015 trồng được trên 57 ha.
Để công tác trồng rừng được triển khai hiệu quả, hàng năm, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã kịp thời chỉ đạo Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương chuẩn bị tốt hiện trường, chuẩn bị cây giống, thiết kế trồng rừng. Ngoài ra, Ban quản lý khu bảo tồn còn tích cực đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn người dân phát dọn thực bì, cuốc hố và tiến hành trồng rừng kịp thời vụ, làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng trồng mà không xâm hại đến diện tích rừng đặc dụng. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Bắc Kạn 23/11) đầu trang(
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khi tham gia TPP, ngành gỗ sẽ được hưởng lợi nhiều vì hầu hết các đối tác xuất, nhập khẩu gỗ đều nằm trong nhóm các nước tham gia hiệp định.
Các chuyên gia cũng phân tích, muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nhóm các quốc gia được ưu đãi thuế suất thì các doanh nghiệp gỗ trong nước phải bảo đảm 70% số nguyên liệu sản xuất trong nội khối, 30% còn lại nhập từ các nước khác, trong đó có một lợi thế là doanh nghiệp mà Việt Nam sẽ mua nguyên liệu với thuế suất bằng 0% và được công nhận tính hợp pháp của nguyên liệu. Khi tham gia Hiệp định TPP, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước sẽ có thị trường lớn mạnh, quan hệ thương mại trong nhóm nước cùng tham gia hiệp định sẽ thuận lợi hơn, thu hút vốn đầu tư của các quốc gia trong ngành gỗ sẽ mạnh hơn.
Các doanh nghiệp ngành gỗ cũng dễ dàng tiếp cận được công nghệ mới, quản trị mới của các quốc gia tiên tiến, chất lượng sản phẩm gỗ theo đó sẽ cao hơn. Nhóm các nước tham gia TPP đều là những quốc gia mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu gỗ khá lớn, như Mỹ, Nhật Bản, Ca-na-đa… kỳ vọng ngành gỗ xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
Việc các nước trong TPP được hưởng chính sách thuế ưu đãi cũng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam không chỉ mua gỗ nguyên liệu từ các nước này để được hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất đi, mà còn được mua các thiết bị công nghệ với thuế suất giảm mạnh, chỉ từ 3 đến 4% thay vì mức 17% đến 20% từ các nước EU đang áp dụng.
Bên cạnh đó, dòng vốn ODA và vốn FDI vào Việt Nam sẽ nhiều hơn khi chúng ta tham gia TPP, từ đó tạo nguồn vốn cho phát triển và nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có hơn 450 doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành gỗ, trong đó chế biến gỗ có 230 doanh nghiệp với tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 35% đến 40% sản lượng đồ gỗ hằng năm.
Tuy nhiên, trong hiệp định TPP có quy định về hàm lượng giá trị khu vực. Điều này trở thành rào cản lớn, nhất là hiện nay hơn 80% số gỗ súc dùng để sản xuất sản phẩm gỗ ở Việt Nam đều phải nhập khẩu. Bên cạnh đó là khó khăn về vấn đề lao động. Hiện nay, năng lực và trình độ sản xuất của người lao động trong ngành chế biến, sản xuất gỗ của các doanh nghiệp nước ta còn thấp, trong khi năng suất lao động các nước nội khối khá cao.
Một khó khăn khác là trình độ công nghệ, quản trị kinh doanh, tiếp thị dịch vụ, mẫu mã sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước đang có khoảng cách rất lớn so với các nước trong TPP.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, để chủ động hội nhập, cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và vùng nguyên liệu để làm cơ sở cho các doanh nghiệp có định hướng trong đầu tư phát triển; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh được tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư thiết bị; đầu tư trồng cây gỗ lớn với thời gian vay, trả nợ phù hợp thời gian sinh trưởng và phát triển của cây; có biện pháp để giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và xuất nhập khẩu...
Tổng Giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam Phí Mạnh Cường cho rằng, sẽ thuận lợi nhiều hơn khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ trong nước khi tham gia Hiệp định TPP. Trong đó, chủ yếu các quốc gia thuộc nhóm nước cam kết hiệp định áp dụng thuế suất 0%, duy nhất chỉ còn Mê-hi-cô vẫn áp dụng mức thuế từ 5% đến 10% áp dụng đối với từng sản phẩm gỗ.
Lượng khai thác gỗ rừng của các doanh nghiệp trong nước những năm trước đây đạt thấp, chỉ vào khoảng 400 nghìn m3 mỗi năm. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây nhu cầu gỗ nguyên liệu đã tăng cao, dự báo đến năm 2020 sẽ tiêu thụ khoảng 22 triệu m3 nguyên liệu trong nước. Theo ngành lâm nghiệp, hiện cả nước còn có hơn 800 nghìn ha cao-su, với chu kỳ khai thác 25 năm, đến năm 2020, chỉ riêng cao-su khai thác gỗ đã cho sản lượng từ 5 triệu đến 6 triệu m3 cao-su nguyên liệu.
Bên cạnh đó, với hơn 2,5 triệu ha rừng trồng, đến năm 2020 sẽ cung cấp khoảng 15 triệu đến 16 triệu m3, chưa kể lượng gỗ phân tán sẽ cung cấp hàng triệu m3. Như vậy, nhu cầu về nguyên liệu gỗ khai thác trong nước từ nay đến năm 2020 sẽ đủ phục vụ các doanh nghiệp chế biến và sản xuất.
Cùng với 12 đối tác quan trọng trong TPP, hiện nay, Trung Quốc đang trở thành một thị trường truyền thống của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 940 triệu USD sang thị trường này, trong đó hơn 700 triệu USD là sản phẩm thô như dăm mảnh, gỗ tròn, sản phẩm tinh chế ít.
Để chủ động, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần quan tâm hơn đến vấn đề minh bạch trong xuất xứ nguyên liệu gỗ. Bên cạnh việc tăng cường trồng rừng để bảo đảm vùng nguyên liệu gỗ, các doanh nghiệp bảo vệ và phát triển rừng cũng cần xây dựng bộ tiêu chí theo quy định quốc tế về xuất xứ, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020. Theo đó, sau năm 2020 sẽ tạo được những khu rừng sản xuất có chất lượng tốt đủ điều kiện khai thác bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ rừng tự nhiên cho tiêu dùng trong nước và từng bước thay thế gỗ nhập khẩu. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ khâu chế biến, mua bán gỗ để ngăn chặn tình trạng tiêu thụ, sử dụng gỗ bất hợp pháp.
Rà soát, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, chỉ cho phép hoạt động đối với các cơ sở đúng quy hoạch, có nguồn nguyên liệu ổn định và bảo đảm hệ thống sổ sách đáp ứng cho công tác truy xuất, kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp; hạn chế hình thành mới đối với các cơ sở chế biến, mua bán gỗ; giải tỏa và không hình thành mới các cơ sở chế biến gỗ ở trong rừng và gần rừng tự nhiên; cương quyết đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở chế biến gỗ vi phạm pháp luật nghiêm trọng…
Tạo cơ chế, chính sách phù hợp, chủ động các vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư thiết bị, công nghệ, tìm hiểu thị trường quốc tế đa dạng… đang là bài toán cần lời giải cho các doanh nghiệp gỗ trước ngưỡng cửa Hiệp định TPP, nhằm phát triển ổn định và bền vững. (Nhân Dân 24/11) đầu trang(
Nhiều năm nay, do thiếu đất sản xuất nên ông K’Nai Y Hùng, ở thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh phải đi làm thuê kiếm sống. Làm ngày nào mua gạo ngày đó.
Những ngày mưa thì cuộc sống vô cùng vất vả vì không có ai thuê làm. Gia đình vừa được giao 9 sào đất sản xuất ở nơi  tương đối bằng phẳng, lại gần nhà, ông Hùng quyết định trồng sắn mang lại nguồn thu trước mắt.
Ông K’Nai Y Hùng phấn khởi: “Đi làm thuê, làm mướn không có đủ ăn. Bây giờ Nhà nước giao cho 9 sào, trồng cây canh tác keo hay là mì để gia đình có điều kiện để sản xuất, thu nhập cao hơn một chút. Chúng tôi xin hứa là không bán đất”.
Ông K’Nai Y Hùng là 1 trong số 52 hộ dân tại xã Khánh Hiệp vừa được giao đất sản xuất. Khu đất này trước đây do Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh nay là Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Trầm Hương quản lý, trồng rừng sản xuất.
Ông Võ Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết, toàn xã có gần 900 hộ dân, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số như: Raglay, Ê đê, Tày, Nùng… Hầu hết bà con đều thiếu đất sản xuất. Trong khi đó, ngay tại xã Khánh Hiệp có đến hàng ngàn héc ta đất đồi, tương đối bằng phẳng do Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Trầm Hương quản lý, sử dụng không hiệu quả.
Ông Võ Văn Thế cho biết: “Không có đất sản xuất thì việc phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo của địa phương gặp khó khăn. Đất có thể sản xuất được nhưng mà vẫn trồng rừng trước đây theo Dự án 327, người dân và lâm trường cùng nhau làm cái đó, sau này lại trở thành đất của lâm trường, bà con lại không có đất để sản xuất và những diện tích đất đó rất thuận lợi trong phát triển sản xuất”.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, giao đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là chủ trương lớn được tỉnh Khánh Hòa triển khai từ năm 2003. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vì nhiều diện tích là rừng phòng hộ, nhiều diện tích rừng sản xuất lại ở xa, đồi núi hiểm trở. Một số diện tích khác có vị trí thuận lợi thì địa phương không có kinh phí bồi thường cho các nông lâm trường quốc doanh khi tiến hành thu hồi.
Từ tháng 7/2015, UBND huyện Khánh Vĩnh xây dựng phương án thu hồi 1200 ha đất rừng của các công ty lâm nghiệp đang quản lý để bàn giao đất cho người dân tổ chức sản xuất. Huyện Khánh Vĩnh đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc thu hồi đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nghiêm cấm các hộ dân mua bán, sang nhượng, cho thuê đất.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi được cấp đất, huyện sẽ hỗ trợ người dân trồng các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với 2 lâm trường, xác định lại diện tích nào có thể bóc tiếp và tham mưu tỉnh thu hồi, giao trả huyện bóc tách tiếp cho các hộ dân còn lại. Tiến độ về cơ bản rất thuận lợi, chúng tôi sẽ định hướng cho bà con nhằm vào cây trồng chủ lực để phát triển, Nhà nước hỗ trợ bằng ngân sách, chuyển giao công nghệ, giống bà con có đất phối hợp vào để sản xuất”.
Kết quả giám sát của Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho thấy, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi, bóc tách hơn 3.350 ha đất rừng, đồng thời yêu cầu các địa phương xây dựng phương án giao đất nhưng các địa phương triển khai chậm, tỷ lệ giao đất đạt thấp. Hiện chỉ có huyện Khánh Sơn đạt tiến độ, còn tại huyện Khánh Vĩnh cũng chỉ mới khoảng 70 hộ được giao đất. Trên thực tế, diện tích bóc tách được thu hồi để giao lại cho các huyện quản lý, giao cho các hộ dân là đất đã có chủ, bị lấn chiếm sử dụng từ trước. Mặt khác, diện tích bóc tách lại nằm ở đồi núi cao, sông suối, không đủ điều kiện để sản xuất.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Đến nay, trong tổng số 3.350 ha được thu hồi nhưng diện tích đề nghị cấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất chỉ khoảng 30%. Điều tra quỹ đất của địa phương xem khả năng bóc tách đất đó có đưa vào sản xuất được hay không thì lập phương án bóc tách. Nếu đất của hộ dân có nhiều đất, Nhà nước sẽ lấy kinh phí điều chỉnh lại đất đó, giao cho các hộ đồng bào nghèo thiếu đất”.
Tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các địa phương thống kê số hộ đồng bào dân tộc nghèo thiếu đất sản xuất, căn cứ vào quỹ đất còn lại để tiến hành giao đất “sạch”, đủ điều kiện sản xuất cho người dân. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 23/11) đầu trang(
Theo thống kê, hiện nay có 154 TTHC trong lĩnh vực lâm nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT. Trong đó có 43 TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan trung ương, 62 TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan cấp tỉnh, 30 TTHC thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp huyện, 11 TTHC thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp xã, 08 TTHC thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị khác.
Theo phương án mới được Bộ NN-PTNT phê duyệt, trong tổng số 154 TTHC thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp đã đưa 138 TTHC vào rà soát. Trong đó sẽ thực hiện lộ trình bãi bỏ 16 TTHC. Thay thế 5 TTHC về lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp và 16 TTHC về cấp giấy phép CITES, quản lý động vật, thực vật hoang dã có cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, cơ quan thực hiện cơ bản giống nhau.
Đơn giản hóa thành phần hồ sơ của 8 TTHC về khai thác lâm sản và chuyển mục đích sử dụng rừng, 6 TTHC về cấp giấy phép CITES, quản lý động vật, thực vật hoang dã, 10 TTHC về giao rừng, cho thuê rừng và xác nhận nguồn gốc lâm sản, 3 TTHC về chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ trồng rừng SX, trồng rừng thay thế và 1 TTHC về quản lý rừng đặc dụng.
Theo tính toán, tổng chi phí tiết kiệm sau khi thực hiện đơn giản hóa là khoảng trên 100 tỷ đồng/năm, trong đó 99,6 tỷ đồng từ chi phí tuân thủ và hơn 2,6 tỷ đồng do giảm thời gian giải quyết TTHC. Đồng thời, cũng sẽ giảm 133.200 giờ/năm thời gian thực hiện TTHC của người dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện việc này, Bộ NN-PTNT cũng đã phê duyệt lộ trình sửa đổi bổ sung 13 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong năm 2015 và 2016.
Tổng cục Lâm nghiệp cũng phấn đấu mục tiêu cải tiến quy trình, thủ tục cấp giấy phép cho người dân, doanh nghiệp để giảm 50% thời gian thực hiện, cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ đối với các nhóm TTHC thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.
Tuy việc đơn giản hóa TTHC đã được phê duyệt phương án nhưng do phụ thuộc vào việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan, ngành khác nhau nên cần có thời gian và lộ trình thích hợp.
Cùng với việc đơn giản hóa TTHC, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện cơ chế hải quan một cửa đối với Thủ tục cấp phép CITES từ 11h30, ngày 15/11/2015, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. (Nông Nghiệp Việt Nam 23/11) đầu trang(
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản yêu cầu sở NN&PTNT về việc “Hướng dẫn thủ tục thuê rừng và khẩn trương thực hiện việc thuê rừng đối với các dự án đầu tư liên quan đến rừng” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT, sau khi rà soát, kết quả là hiện vẫn còn một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện việc thuê rừng hoặc chưa hoàn tất thủ tục này theo quy định nên gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực lâm nghiệp.
Do đó, với văn bản hướng dẫn, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho sở NNPTNT Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố khẩn trương hướng dẫn các chủ dự án về thủ tục thuê rừng… (Dân Việt 23/11) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Sinh vật lạ này có màu xám nâu, được tìm thấy ở phía Tây Nam dãy núi Cardamom, Campuchia, một khu vực có môi trường sống đang bị đe dọa.
Loài sinh vật mới này thường bị nhầm lẫn với loài rắn vì nó có thể  phát triển dài đến 1,5 mét, còn thân hình và màu da thì lại giống như một con giun đất, theo xác nhận của nhà khoa học Neang Thy.
“Những phát hiện này rất quan trọng cho thấy sự đa dạng sinh học của Campuchia vẫn còn chưa được khám phá và cần được nghiên cứu”, nhà nghiên cứu về các loài lưỡng cư và bò sát Neang Thy cho biết.
Sinh vật mới này thuộc Bộ Không chân, một loại của loài lưỡng cư trông giống như rắn hoặc giun đất và thường được tìm thấy trong lòng đất.
Khi thành trì của chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ, dãy núi Cardamom trở thành nhà của những loài động vật quý hiếm, bao gồm cả voi Châu Á. Nhưng khu vực này thường phải đối mặt với nạn phá rừng tràn lan. Các nhà bảo tồn cảnh báo rằng khai thác gỗ bất hợp pháp và phá hủy môi trường sống có thể làm những loài mới tuyệt chủng ngay sau khi phát hiện.
Dãy núi Cardamom là một trong những môi trường sống lớn nhất cho hơn 80 loài đang bị đe dọa, bao gồm cả con voi châu Á và bò tót. Nhà khoa học Neang Thy cho biết trong những năm gần đây, khu vực Cardamom đã xuất hiện nhiều loài bò sát và động vật lưỡng cư, bao gồm ếch, rùa, thằn lằn và cá sấu.
"Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu về khu vực này và các loài động vật ở đây. Khi bị chiếm đóng bởi người Khmer Đỏ, những ngọn núi đã bị phong tỏa cho đến năm 1990, ngăn chặn các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu" ông nói.
Vùng Cardamom đang bị đe dọa từ khai thác gỗ, sang nhượng đất đai, và phá hủy môi trường sống. Những loài mới được phát hiện vì thế sẽ có nguy cơ tuyệt chủng.
Loài sinh vật lưỡng cư giống như giun và rắn này có một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có nguồn thức ăn cho rắn đuôi đỏ. Loài này ăn động vật không xương sống, như giun đất, kiến và mối. (Afamily/ Soha News 23/11) đầu trang(
Chính quyền bang Victoria của Australia ngày 23/11 thông báo sẽ lắp đặt công nghệ mới làm giảm nguy cơ cháy rừng do đường dây tải điện gây ra, sau khi đã thử nghiệm thành công hồi đầu năm.
Đường dây tải điện được cho là nguyên nhân gây ra một số vụ cháy rừng tồi tệ trong thảm họa “Ngày thứ 7 đen” năm 2009, trong đó có khu vực Đông Kilmore ở bang này khiến 119 người thiệt mạng.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, công nghệ mới này sẽ làm giảm cường độ điện năng chạy qua đường dây khi nó tiếp xúc với mặt đất hoặc cây đổ.
Bộ trưởng Năng lượng bang Victoria Lily D’Ambrosio​ cho biết quá trình thử nghiệm cho thấy nguy cơ gây cháy đã giảm đáng kể, có thể giảm tới 10 lần nguy cơ gây cháy từ đường điện cao thế.
Tuy công nghệ này phải mất đến 7 năm để triển khai nhưng điểm cốt lõi là công nghệ này ít tốn kém, chỉ chi phí thêm không tới 1% tiền điện phải trả hàng năm, đồng thời lại có thể phòng tránh hiệu quả những tình huống xấu như năm 2009, nên mục tiêu của chính quyền bang Victoria là tập trung lắp đặt ở các khu vực cần thiết nhất, có nguy cơ cháy rừng cao nhất.
Chính quyền bang Victoria đã đưa các quy định, trong đó đề nghị các nhà cung cấp điện ở các khu vực có nguy cơ cao lắp đặt công nghệ này cùng thảo luận trước khi luật hóa vào năm tới. (Vietnam + 23/11) đầu trang(
Theo Independent, Mufasa là động vật hoang dã cuối cùng được thả tự do, kể từ năm 2011, khi chính quyền Peru ban luật cấm sử dụng động vật hoang dã biểu diễn xiếc.
Tổ chức Bảo vệ Động vật Quốc tế (ADI) - một trung tâm phục hồi động vật có trụ sở tai Lima, thủ đô Peru, đã hỗ trợ cảnh sát giải cứu con sư tử. Hồi tháng 4, họ được báo có một con sư tử núi bị gánh xiếc Circo Koreander giam giữ bất hợp pháp, với những chuỗi xích nặng nề quấn khắp người.
Trong một cuộc đột kích kéo dài 8 tiếng, ADI và những quan chức bảo vệ động vật hoang dã, cùng cảnh sát chống bạo loạn, đã giải cứu Mufasa khỏi thùng sau xe tải - nơi nó bị giam giữ 20 năm nay.
Nó được đưa về chăm sóc sức khỏe ở ADI và được thả về khu bảo tồn Tambopata, trong khu vực rừng nhiệt đới Amazon ở phía đông nam Peru, một trong những môi trường sống ít bị con người tác động nhất thế giới, hồi tháng 9.
Gần 100 con vật đã được ADI giải cứu và đưa về môi trường sống được bảo vệ nghiêm ngặt, kể từ đầu năm nay. Peru là quốc gia Nam Mỹ thứ hai, ban hành luật cấm sử dụng động vật hoang dã biểu diễn xiếc, sau lệnh cấm của Bolivia năm 2009. Cho đến nay đã có 17 quốc gia ban luật cấm này. (VnExpress 23/11) đầu trang(
Mang tên gọi Nola, chú tê giác 41 tuổi với trọng lượng lên tới 1.800kg được mang tới vườn thú nằm ở phía Nam California trong khuôn khổ chương trình nhân giống đã chết sau cuộc phẫu thuật. Thực tế, nhân viên y tế vườn thú đã tiến hành các biện pháp giám sát gắt gao sau khi Nola có những dấu hiệu suy giảm ăn uống và hoạt động.
“Nola là một biểu tượng, không chỉ với vườn bảo tồn San Diego mà đối với cả thế giới” - thông báo của vườn thú có đoạn - “Qua nhiều năm, hàng triệu người đã biết đến Nola và cuộc sống của tê giác trong môi trường tự nhiên khi tới với vườn bảo tồn, đọc vô vàn các câu chuyện trên phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội”. Sau khi ra đời tại Sudan và được tìm thấy khi đạt 2 tuổi, Nola đã được mang tới Califonia từ một vườn thú của Czech để phục vụ công tác bảo tồn.
Tê giác trắng phương bắc đã được coi là tuyệt chủng từ năm 2008 do những tay săn trộm tìm kiếm sừng của chúng - vốn được xem là món hời trên chợ đen. Bản thân Nola cũng là một trong bốn cá thể còn lại duy nhất trên toàn cầu. Ba cá thể còn lại đều đang được bảo tồn ở Ol Pejeta (Kenya).
Trước đó 6 tuần, các nhà khoa học đã mang 6 cá thể tê giác trắng phương Nam (họ hàng gần của tê giác trắng phương Bắc) từ Nam Phi tới San Diego trong nỗ lực vượt qua bờ vực tuyệt chủng. Tuy nhiên họ đã không đạt được thành công như mong đợi. Hiện tại, nhiều nghiên cứu vẫn đang gây tranh cãi về việc tê giác trắng phương Nam và phương Bắc là hai loài khác biệt hay thuộc chung một chủng.
Trong khi đó, các chuyên gia về động vật hoang dã cho biết tê giác trắng phương Nam (còn khoảng 20.000 cá thể trên toàn cầu) hiện cũng ở tình trạng nguy cấp với tần suất bị giết hại bởi các tay săn trộm lên tới 3 cá thể/ngày. (Hà Nội Mới 24/11) đầu trang(./.
Biên tập: Hương Giang