Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 23 tháng 11 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Ngày 21/11, Phòng Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc (Phòng 10) Cục CSGT cho biết đã bàn giao đối tượng tang vật 2 vụ vận chuyển lâm sản trái phép cho cơ quan chức năng xử lí theo thẩm quyền.
Trước đó, tổ công tác Phòng 10 do Thượng uý Lê Quang Phương, Phó trưởng phòng, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Đội trưởng Đội 7 làm nhiệm vụ tại km 188+ 300 đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ phát hiện xe ô tô khách Ford Transit BKS 81B-008.22 điều khiển theo hướng Ninh Bình – Hà Nội không có đủ đèn chiếu sáng.
Tổ công tác đã dừng xe để kiểm tra, phát hiện xe tháo hết hàng ghế phía sau để vận chuyển nhiều hộp gỗ, gồm 1,095m³ màu trắng vàng.
Lái xe là Lê Minh Đức (32 tuổi), trú ở thị trấn Kbang, huyện Kbang (Gia Lai) khai nhận chở số gỗ trên cho Nguyễn Văn Tuấn (44 tuổi), trú cùng địa chỉ.
Tổ công tác đã bàn giao tang vật, phương tiện cho Hạt kiểm lâm Thường Tín (Hà Nội) xử lí theo thẩm quyền.
Tiếp đó, tổ công tác do Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thắng chỉ huy làm nhiệm vụ tại Km 190 đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ phát hiện ô tô khách 43 chỗ BKS 37B-014.54 điều khiển từ Nghệ An ra Hà Nội đang dừng trái phép trên đường cao tốc để xuống hàng.
Qua kiểm tra phương tiện, tổ công tác phát hiện trên xe có 4 khúc gỗ tròn, khối lượng 0,485m3. Hạt kiểm lâm Thường Tín xác định đó là gỗ bách xanh thuộc nhóm IIA quý hiếm. Lái xe là Trương Minh Sáng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ trên. (Công An Nhân Dân 21/11) đầu trang(
Chiều ngày 20/11, trao đổi với PV, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam – cho biết, đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” xảy ra tại xã Trà Bui và xã Trà Giác do BQL rừng phòng hộ Sông Tranh quản lý.
Đây là những vụ phá rừng nghiêm trọng mà Dân trí đã có nhiều bài phản ảnh (Gỗ lậu “ẩn” gần trạm bảo vệ rừng: Có sự tiếp tay của kiểm lâm?; Đề nghị làm rõ nghi án “cán bộ kiểm lâm bảo kê lâm tặc”; Lâm tặc “oanh tạc” nhiều khu rừng phòng hộ) việc tàn phá rừng trong lâm phận rừng phòng hộ Sông Tranh thuộc xã Trà Bui, Trà Giác trên địa bàn huyện Bắc Trà My.
Theo đó, chỉ trong vòng 3 ngày cuối tháng 9, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam lần theo dấu vết của lâm tặc đã phát hiện bãi tập kết gỗ đã cưa thành phách với hơn 26m3.
Ngay sau có thông tin về việc phá rừng, đoàn công tác liên ngành đã xuống hiện trường kiểm tra. Theo xác minh của đoàn liên ngành, việc phá rừng ở đây đang diễn ra rất nghiêm trọng, đã tạo thành điểm nóng tại địa phương.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 10m3 gỗ các loại. Tiến hành mở rộng điều tra, Đội Kiểm lâm Cơ động số 1 đã phát hiện 2 điểm tập kết gỗ với quy mô hàng chục khối nằm cách đường liên xã Trà Bui – Trà Đốc không xa.
Tính đến nay lực lượng chức năng đã vận chuyển đưa ra khỏi rừng, bảo quản tại các Trạm bảo vệ rừng và Hạt Kiểm lâm 32,705m3 gỗ xẻ. Gỗ còn tại hiện trường rừng là 122,423m3 gỗ tròn các nhóm; 59,372m3 gỗ xẻ các nhóm.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 14/10, ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Tranh đã có báo cáo số gửi các cơ quan chức năng huyện Bắc Trà My và UBND tỉnh Quảng Nam. Theo đó, ông Chẩn cho rằng, lỗi là do cấp dưới phát hiện gỗ lậu mà không báo cáo lãnh đạo để xử lý mà giữ lại để tự giải quyết.
Theo đó, ngày 24/9, ông Phan Văn Dự, phó đội quản lý bảo vệ rừng cơ động (thuộc BQL rừng phòng hộ Sông Tranh) cùng 2 nhân viên Trần Đình Nhật, Trần Đình Chiến trong quá trình tuần tra đã phát hiện 64 hộp gỗ chò nhóm VI với khối lượng 14,12m3 nhưng đội không báo cáo lãnh đạo.
Làm việc với lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Sông Tranh, ông Dự cho rằng không báo cáo là để tự ý giải quyết. Tuy nhiên, về vụ việc này, ông Đoàn Tất Chẩn cho rằng, việc làm của ông Dự là không đúng với thẩm quyền, nhiệm vụ được giao trong khi đây là vụ việc có tình tiết phức tạp nên BQL rừng phòng hộ Sông Tranh đề nghị các cơ quan trên vào cuộc điều tra về nghi vấn có hay không việc tiếp tay cho lâm tặc mà dư luận đang đặt ra.
Trước sự việc nghiêm trọng và phức tạp này, Kiểm lâm Quảng Nam đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
Ông Phan Tuấn cho biết, việc khởi tố để điều tra, làm rõ các nghi vấn liên quan đến thông tin “kiêm lâm bảo kê cho lâm tặc” cũng như vụ phá rừng nghiêm trọng. Theo ông Tuấn, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh đã ký 3 quyết định khởi tố; trong đó một vụ ở xã Trà Bui, hai vụ ở xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My với khối lượng trên 150m3 gỗ các loại. (An Ninh Tiền Tệ Và Truyền Thông 21/11) đầu trang(
Trên chuyên mục “Thông tin nhanh qua đường dây nóng”, Báo Nhân Dân số ra ngày 15-9-2015 phản ánh về tình trạng phá rừng ngập mặn để nuôi tôm tại địa bàn các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Sau khi báo đăng, UBND huyện Quỳnh Lưu vừa có Văn bản số 2027/BC-UBND gửi Báo Nhân Dân, nội dung nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý vấn đề Báo Nhân Dân đã nêu, UBND huyện Quỳnh Lưu đã thành lập đoàn thanh tra công tác quản lý rừng phòng hộ tại các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương.
UBND huyện đã xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hộ dân đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản, yêu cầu các hộ dân vi phạm hoàn trả mặt bằng theo nguyên trạng ban đầu; đồng thời, UBND huyện có công văn chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; không để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; giao UBND các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, Ban quản lý rừng phòng hộ kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý rừng và đất rừng. (Nhân Dân 21/11) đầu trang(
Ngày 20-11, ông Lê Văn Chuyên - hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) - cho biết đơn vị đang phối hợp Cơ quan điều tra Công an huyện Bảo Lâm điều tra làm rõ có có hay không sự tiếp tay của chủ dự án là Công ty cổ phần Nam Nam trong việc phá rừng, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép.
Trước đó, ngày 19-11, Công an huyện Bảo Lâm  đã khởi tố vụ án phá rừng xảy ra trên lâm phần công ty này.
Theo thông tin từ Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm, đầu tháng 11-2015, trong quá trình tuần tra, Hạt kiểm lâm huyện phát hiện tại khoảnh 10 (tiểu khu 442, xã Lộc Phú), thuộc lâm phần Công ty cổ phần Nam Nam, có 3 điểm rừng thông tự nhiên bị chết với 209 cây.
Ghi nhận hiện trường cho thấy cây chết do bị ken vỏ (gọt vỏ quanh thân theo hình tròn), đục lỗ thân đổ hóa chất.
Đến ngày 19-11, Công an huyện Bảo Lâm đã bắt được Phạm Ngọc Vinh (SN 1967, ngụ P.Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Nguyễn Ngọc Trị (SN 1964, ngụ tổ 20, TT.Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm). Vinh khai nhận thuê Trị vào khu vực trên để ken, đổ hóa chất số cây thông trên.
Công an huyện Bảo Lâm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 2 đối tượng để tiếp tục điều tra làm rõ có sự tiếp tay của chủ dự án trong vụ án.
Hạt trưởng Lê Văn Chuyên nhận định trong vụ án này, ngoài việc không quản lý chặt chẽ khu rừng mình nhận khoán, công ty Nam Nam còn có dấu hiệu thông đồng, tiếp tay với “lâm tặc”.
Tính từ đầu năm đến nay, tại huyện Bảo Lâm đã có 8 vụ án với 18 bị can bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, trong đó có 4 vụ ken cây đổ hóa chất hủy hoại rừng với 9 bị can. (Tuổi Trẻ 21/11) đầu trang(
Sáng 20/11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hoài Dương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Phú Yên và Lâm Đồng; lãnh đạo các Hạt Kiểm lâm, các Đội Kiểm lâm, các Vườn Quốc gia, các Khu Bảo tồn, Ban quản lý rừng khu vực giáp ranh của 5 tỉnh.
Khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Đắk Nông, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, có trữ lượng gỗ lớn và có nhiều loài động, thực vật, dược liệu quý hiếm nên dễ bị tác động bởi các đối tượng xâm hại rừng.
Đây cũng là những khu vực có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nằm xa trung tâm nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, UBND các tỉnh trong khu vực giáp ranh đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm các tỉnh xây dựng và ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng. Qua thực hiện quy chế phối hợp, bước đầu các hành vi xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh đã được kiểm soát và ngăn chặn.
Trên cơ sở quy chế phối hợp với lực lượng Kiểm lâm các tỉnh vùng giáp ranh, Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm huyện, các Hạt kiểm lâm vườn Quốc gia, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tại các khu vực giáp ranh tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trong việc phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng tùy theo đặc điểm tình hình từng địa phương.
Thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2012 đến nay, 2 bên đã phối hợp kiểm tra, xử lý 71 vụ vi phạm lâm luật tại vùng giáp ranh, trong đó xử lý hình sự 01 vụ, xử lý hành chính 70 vụ với số tiền phạt hành chính hơn 427 triệu đồng, tịch thu hơn 57 m3 gỗ các loại. Đối với khu vực giáp ranh với tỉnh Đắk Nông, lực lượng kiểm lâm 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã kiểm tra, xử lý 26 vụ vi phạm lâm luật, xử lý hình sự 01 vụ, tịch thu hơn 24 m3 gỗ các loại.
Ở khu vực giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa, qua 21 lần phối hợp kiểm tra, truy quét, lực lượng kiểm lâm 2 tỉnh đã xử lý 85 vụ vi phạm lâm luật, trong đó chủ yếu là vi phạm vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép, các đơn vị đã tịch thu hơn 190 m3 gỗ các loại.
Đối với vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, 02 Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) và Vườn Quốc gia Bi Doup – Núi Bà (Lâm Đồng) đã phối hợp thành lập Trạm kiểm lâm liên hợp với 16 cán bộ của 2 đơn vị để cùng kiểm tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, qua triển khai quy chế phối hợp, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng đã tăng lên đáng kể, các đơn vị đã kiểm tra, truy quét nhiều tụ điểm khai thác, mua bán lâm sản, phá rừng trái phép, các hành vi chống người thi hành công vụ cũng được nghiêm túc điều tra và xử lý kịp thời.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoài Dương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao hiệu quả của việc triển khai quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ rừng góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng vùng giáp ranh giữa các tỉnh, đồng thời mong muốn các đơn vị cần nghiêm túc đánh giá rút kinh nghiệm, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm những năm tiếp theo, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chi cục kiểm lâm từng đơn vị cũng như đạt được các nội dung mà quy chế phối hợp đã đề ra.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị cần rà soát, điều chỉnh các nội dung trong quy chế phối hợp cho phù hợp với tình hình hiện nay; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng: kiểm lâm, công an, quân đội 5 tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương quản lý tốt tình hình dân cư tại các vùng giáp ranh; tăng cường kiểm tra các hoạt động lâm nghiệp, các xưởng chế biến gỗ, cơ sở mộc tại các vùng giáp ranh; tăng cường công tác phối hợp, thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Đắk Lắk 20/11; Tài Nguyên Và Môi Trường 20/11) đầu trang(
Trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm, khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra phức tạp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các vùng giáp ranh của các huyện, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo đó yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các công trình, dự án hoạt động trên địa bàn có tác động đến tài nguyên rừng phải bảo đảm thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng, thường xuyên giám sát và quản lý chặt chẽ các loại phương tiện đã được cấp phép hoạt động.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã và các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, hoàn thiện kế hoạch tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lạm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để xử lý.
Sở NN&PTNT khẩn trương hoàn chỉnh phương án kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả, hiệu quả hoạt động các cơ quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tăng cường công tác quản lý diện tích rừng và đất rừng thuộc lâm phận quản lý. Đẩy mạnh công tác rà soát xác định ranh giới và cắm mốc ranh giới các loại rừng phòng hộ, đặc dụng.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng công an, quân đội, biên phòng, kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện mở đợt cao điểm tập trung kiểm tra, xử lý triển để các phương tiện ghe thuyền, ô tô, mô tô không bảo đảm lưu hành tham gia lưu thông trên các lòng hồ thủy điện và các tuyến đường bộ trên địa bàn. Sở Tài nguyên - môi trường đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phối hợp cùng Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện triển khai công tác giao đất… (Báo Quảng Nam 20/11) đầu trang(
Nhiều tháng chưa nhận lương, những nhân viên quản lý bảo vệ rừng ở Công ty TNHH một thành viên Lâm trường Tân Tiến (Ninh Thuận) vẫn đang động viên nhau tích cực làm nhiệm vụ giữ rừng.
Sau một thời gian sắp xếp lại hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, không ít lâm trường đang rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí là không có kinh phí trả lương cho cán bộ, công nhân viên. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo vệ, phát triển rừng tại các địa phương.
2 tháng chưa có lương, bữa cơm chiều của những nhân viên quản lý bảo vệ rừng chỉ là mấy trái dưa leo, mít non và rau dại hái quanh trạm. Gạo, mắm, xăng… tất cả đều phải đi mua nợ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như công tác bảo vệ rừng.
Khó khăn hơn cả nhân viên quản lý bảo vệ rừng, các nhân viên thuộc bộ phận kinh doanh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Lâm nghiệp Tân Tiến đã có đến 6 tháng chưa nhận lương.
Kể từ khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và Chính phủ quyết định đóng cửa rừng thiên thiên cũng là lúc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tân Tiến bắt đầu rơi vào vòng lẩn quẩn. Công ty cần vốn để đa dạng hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh lệ thuộc vào việc tận thu lâm sản nhưng một khi không có nguồn thu, vốn không có, tư liệu sản xuất cũng không, mọi thứ trở nên bế tắc.
Kinh phí từ việc quản lý 25.000 ha rừng tự nhiên cho 25 định biên đang được Công ty TNHH một thành viên Lâm trường Tân Tiến sử dụng cho hoạt động của cả bộ máy công ty. Chưa nói đến việc thiếu hụt nghiêm trọng quỹ lương, việc một cán bộ quản lý bảo vệ rừng phải bảo vệ đến hơn 1.000 ha rừng tự nhiên mà không có bất cứ công cụ hỗ trợ nào trong tay cũng khiến không ít người lo lắng.
Nhiều tháng chưa nhận lương, những nhân viên quản lý bảo vệ rừng ở Công ty TNHH một thành viên Lâm trường Tân Tiến vẫn đang động viên nhau tích cực làm nhiệm vụ giữ rừng. Nhưng một khi điều kiện sống và làm việc có quá nhiều khó khăn, những bất an vẫn còn đó, với họ và cả những lãnh đạo được cho là tâm huyết của đơn vị chủ rừng rất khó để những cánh rừng tự nhiên được bảo vệ an toàn trước các hoạt động phá rừng trái phép ngày càng trở nên liều lĩnh và tinh vi của các đối tượng lâm tặc. (Đài Truyền Hình Việt Nam 21/11) đầu trang(
Sáng 20/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Chung Phụng, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hội nghị đóng góp ý kiến vào đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình đã diễn ra với sự tham gia của lãnh đạo các sở ngành có liên quan, Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Nho Quan, Chủ tịch UBND các xã Kỳ Phú và Phú Long và đại diện các doanh nghiệp đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế đồ án.
Theo đồ án quy họach chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 công viên động vật hoang dã quốc gia nằm trên địa bàn các xã Kỳ Phú và Phú Long, thuộc huyện Nho Quan, diện tích trên 1.155 ha, với tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 7.400 tỷ đồng.
Mục tiêu của Đề án là bảo tồn, cứu hộ, phát triển khoảng 3.000 cá thể thuộc 250 loài động vật; tổ chức gây nuôi các loài động vật trong môi trường bán tự nhiên; tạo hiện trường và cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học; đào tạo học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, giáo dục môi trường và tài nguyên thiên nhiên; thu hút khoảng 5 triệu lượt khách/năm.
Dự án xây dựng Công viên động vật hoang dã quốc gia gồm 7 phân khu chính. Trong đó phân khu động vật hoang dã sẽ là tâm điểm của dự án với diện tích trên 400 ha và được tổ chức theo các mô hình cảnh quan đặc trưng của các phân vùng trên thế giới như sa mạc châu Phi, các bộ lạc Nam Mỹ và các vùng rừng rậm nhiệt đới châu Á.
Qua nghe ý tưởng thiết kế mới cũng như các ý kiến thảo luận của các sở ngành có liên quan, đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao công tác chuẩn bị xây dựng quy hoạch chi tiết trên cơ sơ quy hoạch chung của đồ án, trong đó quy hoạch lần này đã phân giải cụ thể, chi tiết hơn đối với từng phân khu chức năng, vừa mang tính phù hợp với địa phương, phù hợp với Việt Nam, với châu Á.
Về phương án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 có điều chỉnh một số nội dung so với đồ án quy hoạch cũ, UBND tỉnh rất đồng tình với ý tưởng thiết kế mới này. Tuy nhiên đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh   đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn cần tiếp tục hoàn thiện đồ án trong đó tập trung vào phân khu nuôi thả động vật hoang dã, bổ sung thêm khu vực trình diễn thú để thu hút khách lưu trú. Cần điều chỉnh hệ thống điện điện trung thế từ 35 KV xuống còn 22 KV và xác định rõ vị trí đặt hệ thống trạm biến áp dự phòng, đảm bảo kết nối kỹ thuật sau này.
Bên cạnh đó căn cứ vào địa hình, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần làm rõ hơn chỉ tiêu thiết kế hạ tầng kỹ thuật như mạng lưới đường giao thông, bãi đỗ xe của khách, và quan tâm nghiên cứu thêm hệ thống cấp thoát nước, vấn đề thu gom xử lý nước thải. Qua đó nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch các phân khu, để sớm công bố quy hoạch chi tiết đồ án tỷ lệ 1/500 xây dựng công viên động vật hoang dã ở Ninh Bình mang tính hiện đại xứng tầm quốc gia và quốc tế. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Ninh Bình 20/11) đầu trang(
Sáng 19/11, anh Lương Văn Phùng (42 tuổi, trú xã Yên Na, Tương Dương, Nghệ An) cùng tốp thợ săn 5 người vào khu vực rừng ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để săn. Tốp thợ sau đó chia ra hai nhóm.
Anh Lương Văn Phùng cùng các anh Lương Khăm Phăn và Lê Tuấn Mão phát hiện một con lợn rừng. Anh Phùng nã phát súng trúng vào chân khiến lợn bị thương bỏ chạy.
Một mình lần theo vết máu của lợn để bắn tiếp, nhưng anh Phùng chưa kịp ra tay thì bị lợn quay lại tấn công. Do cây rừng vướng chân, anh Phùng tháo chạy không kịp nên bị lợn cắn nhiều nhát vào chân và mông. Khi các thợ săn chạy tới thì nạn nhân chỉ nói được mấy câu rồi tử vong tại chỗ do mất máu.
Con chó săn của anh Phùng cũng bị lợn rừng cắn chết tại chỗ. Nhóm thợ săn sau đó bắn thêm ba phát súng mới hạ gục được con lợn nặng gần một tạ.
Bà Lương Thị Huynh, xóm trưởng xóm Bản Vẽ, xã Yên Na kể, trước đó anh Phùng nghe người dân thông báo có con lợn rừng ở khu vực lòng hồ thủy điện hay cắn lúa của dân bản nên rủ nhóm thợ săn vào để bắn.
"Vợ anh Phùng là giáo viên mầm non. Trước khi vào rừng anh tâm sự với mọi người chuyến đi này sẽ mang 4 chân lợn rừng về tặng vợ nhân ngày nhà giáo 20/11, không ngờ lại xảy ra tai nạn", bà Huynh kể lại.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch xã Yên Na cho biết, chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền người dân không sử dụng súng tự chế để săn bắn, nhưng nhiều người vẫn lén lút sử dụng. "Đã có một số vụ thợ săn bắn nhầm vì tưởng người là thú, hoặc súng cướp cò gây thương vong", chủ tịch xã nói. (Tiền Phong 20/11) đầu trang(
Các chuyên gia động vật đều cho rằng, lợn rừng sống bày đàn thường nhút nhát, nếu nghe tiếng động lạ là báo động nhau chạy thục mạng, trừ khi bị tấn công đến đường cùng chúng mới gây nguy hiểm.
Lợn rừng có tên khoa học Sus scrofa, là loài sinh sản nhanh và sống theo bầy đàn. Chúng có bộ lông sọc vằn màu xám nâu với cân nặng lên tới hàng chục đến hàng trăm kg. Bờm lông ở trên gáy mọc dài tận sống lưng là đặc điểm đặc trưng của loài. Kẻ thù trong tự nhiên của chúng là hổ, chó sói và thợ săn.
Lợn rừng thích sống gần khu vực hoa màu để ăn ngô, khoai sắn, nên bị coi là kẻ thù của nhà nông. Chúng thường kiếm ăn vào lúc trời gần tối và ban đêm, còn ban ngay ẩn nấp vào rừng sâu.
Theo các chuyên gia động vật, lợn rừng thường nhút nhát, nhưng rất thính tai thính mũi nên chỉ cần nghe thấy tiếng động nhỏ hoặc mùi lạ là ngay lập tức đánh động cả đàn để tháo chạy. Loài hổ muốn ăn thịt hay con người muốn săn bắn lợn rừng không hề dễ dàng. Chúng còn có khả năng nhớ rất tốt về nguy hiểm từng gặp. Ví dụ, lợn rừng nhận dễ dàng kiểu bẫy từng gặp để không bao giờ mắc phải.
Có hai loài là lợn đàn và lợn độc. Trong đó lợn độc chủ yếu là con đực trưởng thành, tách bầy để sống một mình. "Lợn độc ban đầu sống bầy đàn, sau đó tách ra có thể do không hợp với những con khác trong đàn, hoặc khả năng sinh sản của chúng hết", giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học cho biết.
Lợn độc có hai chiếc răng nanh lớn, cứng và sắc hơn nhiều so với lợn đàn. Đây là vũ khí lợi hại của tạo hóa giúp chúng có khả năng tự vệ chống chọi lại với bất kỳ loài nào có hành động gây hại.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, lợn độc hay lợn đàn đều "không nguy hiểm". "Chỉ khi nào con người có hành động gây bất lợi như phá hoại môi trường sống hoặc săn bắn thì chúng mới tấn công lại", tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thành, chuyên gia động vật nói.
Trước nguy hiểm, lợn rừng thường chọn cách im lặng để nghi binh, nếu không được thì kêu thật to để uy hiếp kẻ thù và chạy nhanh vào rừng sâu, chứ ít khi tấn công. Chỉ khi cùng đường hoặc chịu đau đớn chúng mới trở nên hung dữ, sẵn sàng chiến đấu điên cuồng. Nhất là khi bị thương bởi súng đạn, chúng sẽ không ngại lao vào tấn công bất kỳ đối tượng nào.
Đặc biệt, lợn rừng có sức chịu đựng "ghê gớm". Nếu bị trúng đạn, chúng vẫn có thể lết thêm đoạn đường dài, thậm chí còn có thể tiếp tục tấn công kẻ thù.
Lợn rừng được cho là loài động vật hoang dã bị con người săn bắn nhiều nhất, cùng với đó là môi trường sống ngày càng thu hẹp, nên số lượng loài ngày càng ít đi. Con người coi thịt heo rừng là đặc sản và nanh của chúng là đồ trang sức giá trị cao, lông của chúng được sử dụng làm áo. (VnExpress 21/11) đầu trang(
Trước đây, nhắc đến Tây Nguyên hùng vĩ, người ta hình dung đến mảnh đất cao nguyên với những cánh rừng đại ngàn nguyên sinh, muông thú tung tăng trong rừng. Thế nhưng, chỉ vài năm sau đã thấy khu rừng lõm bõm chỗ xanh, chỗ đỏ (nơi những cây gỗ quý bị người ta “xẻ thịt” trơ lại gốc trên nền đất đỏ ba-zan); cũng chẳng thấy bầy vượn hồn nhiên ra đường đùa nghịch, bắt chấy cho nhau, chúng lẩn trốn đâu rồi. Thêm vài năm sau nữa đã thấy đất đai bị rửa trôi nhiều hơn khi mùa mưa đến.
Vùng đất cao nguyên Trung Bộ, nơi mà những năm 90 của thế kỷ trước, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu quốc tế, nó vẫn còn là một trong 18 địa danh hoang sơ nhất...
Chỉ “mấy mùa rẫy” (theo cách tính năm của người Jrai nơi đây) mà bạt ngàn gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ theo quy mô “công nghiệp nặng” bằng những chiếc cưa lốc với đủ kiểu lưỡi cưa. Dù loại nào thì những “cỗ máy hủy hoại màu xanh” này đều dùng thứ nhiên liệu là xăng pha nhớt.
Khi động cơ rít lên, nếu ở gần, tiếng gầm vang như trong xưởng chế biến gỗ; ở xa nghe như tiếng bầy ong vò vẽ vỡ tổ vần vũ. Nếu nói sự tiến bộ của công cụ sản xuất biểu hiện trình độ chinh phục tự nhiên của con người, thì những chiếc cưa lốc này nâng cao năng suất thật kinh khủng.
Nếu dùng cưa tay, hai thanh niên sức khỏe thuộc loại “vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu” đưa đi kéo lại thì một thân cây đường kính cỡ hai người ôm phải mất một buổi mới hạ xong; nhưng nếu dùng “cỗ máy văn minh” này chỉ một buổi thôi là lâm tặc có thể đốn hạ 15-20 cây cổ thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi chỉ với một người cầm cưa.
Khi rừng còn nhiều, những kẻ hám lợi ưu tiên “xẻ thịt” những loại nhóm I, nhóm II như trắc, cẩm, ka te, đinh hương, gụ... Khi gỗ quý cạn dần, những kẻ ăn cướp rừng mới chuyển sang những loại “bình dân” như bằng lăng (săng lẻ), cà chít, dầu... Con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, rừng khai thác lắm cũng cạn kiệt. Đến khi “rừng ta” (rừng trên đất Việt Nam) không còn màu mỡ để trục lợi, các đầu nậu gỗ lậu chuyển hướng sang khai thác rừng nơi lân cận.
Nghe đâu cũng đã có chuyện thanh toán nhau giữa các băng nhóm lâm tặc tưởng như chỉ có trong phim xã hội đen Hồng Kông chỉ vì tranh chấp giành giật lãnh địa khai thác rừng. Bọn chúng vào rừng đâu chỉ có rơ-moóc, ôtô, xe máy, cưa lốc thôi đâu, một số đối tượng còn thủ sẵn hung khí “lạnh gáy” như đao, mã tấu, dao bấm... để khi cần sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng hoặc dằn mặt nhau.
Khi tỉnh G chủ trương khai hoang rừng nghèo để trồng cao su, không ít doanh nghiệp và đầu nậu gỗ lậu đã mở cờ trong bụng, bởi họ thấy trước miếng lợi to lớn từ “vùng đất hứa”. Trước, trong số đó có kẻ là lâm tặc phải làm ăn chui lủi. Nay, chúng được dịp ngang nhiên khai thác dưới cái mác doanh nghiệp này nọ hẳn hoi.
Hôm trước ban hành chủ trương, hôm sau đã có hàng chục chiếc xe đủ loại, từ công nông đến siêu trường siêu trọng như xe công-ten-nơ, máy ủi, xe tời cẩu với đội quân khai hoang lên đến hàng trăm người, dựng thành hàng chục cái lán tạm bợ để chia nhau khai thác “rừng nghèo”. Bởi trước đó, các doanh nghiệp và đầu nậu đã kịp “đánh mùi” chủ trương và đã “lopby” hết cả rồi.
Thoạt đầu, nghe chủ trương “chuyển đổi rừng nghèo sang phát triển cao su”, tôi cứ đinh ninh “rừng nghèo” ở đây là rừng cây bụi, rừng thứ sinh chất lượng thấp ở phía bìa rừng, vì thế yên tâm là tiếng vo ve suốt ngày của đám “ong vò vẽ” không vọng vào sát đơn vị và mình có thể tập trung làm việc, ngủ nghỉ, hít thở bầu không khí yên tĩnh giàu ôxy (tôi bị viêm xoang nên rất dễ bị dị ứng với cái mùi xăng pha nhớt ấy). Nhưng khi chứng kiến những thân cây bằng tuổi một đời người thi nhau đổ rầm rầm, cái khí chất trầm trong tôi bỗng thảng thốt: Trời! Đây mà là rừng nghèo sao!?
Một cán bộ kiểm lâm rỉ tai tôi, con gì của rừng thịt cũng ngon, ngọt, bổ, bởi nó ăn lộc rừng, uống nước suối tinh khiết trong rừng. Rồi anh ta kể vanh vách menu các món thịt rừng cứ như cơm ăn nước uống hàng ngày vậy. Nào là thịt nai sấy khô uống với bia “vào phải biết”, thịt nai nhúng bia, món lòng đắng nai thì hết ý, cao gạc nai không hề thua kém các loại cao khác, chân nai hầm cháo cho phụ nữ mới sinh con lợi sữa lắm, đuôi nai cái dùng ngâm rượu thì đảm bảo “một người khỏe, hai người vui”. Nào là thịt nhím xào sả ớt ngon miễn chê.
Tôi từng nghe một tên lâm tặc còn có chút “thiên lương” tên Bình, quê ở Bố Trạch (Quảng Bình) kể lại câu chuyện khiến tôi vừa rùng mình, vừa uất ức, xót thương cho con vật xấu số. Đó là lần đồng bọn hắn bẫy được một cặp mẫu tử voọc Chà Vá mới sinh con lúc voọc mẹ ẵm voọc con đang bám ngậm bầu vú mẹ đi kiếm ăn. Lúc ấy, hắn đang xẻ những phách căm xe (một loại gỗ nhóm II cứng như lim) trong rừng theo đơn đặt hàng của một đại gia phố núi để đóng cửa ngôi biệt thự.
Anh bạn tôi tưởng bọn chúng sẽ đưa mẹ con cá thể voọc về nuôi, hoặc bán cho những kẻ lắm tiền để “kiếm thêm chút đỉnh” gửi về cho bà xã. Nhưng không, bọn chúng quyết thịt voọc mẹ làm mồi nhậu một cách thản nhiên như “xẻ thịt” những cây gỗ quý cổ thụ trong rừng.
Khi Bình về tới lán thì mồi đã được bày ra mâm. Đồng bọn Bình kể chuyện hành quyết voọc mẹ, như linh cảm được cái chết đang cận kề, nó chắp tay vái lạy van xin liên hồi, nước mắt giàn giụa. Kể đến đây, Bình bỗng chùng đũa. Đồng bọn hắn cho biết, từ đó trở đi, hắn không còn tham gia các phi vụ trong rừng nữa, về quê trồng mấy héc-ta cây xanh phủ kín quả đồi trọc nơi hắn ở.
Và mỗi khi ai đó mời hắn nhậu thú rừng, hắn bỗng rùng mình rồi tránh xa. Có lần, dân làng bẫy được con khỉ mẹ định nấu cao, hắn nằng nặc mua cho bằng được rồi chạy sang hàng xóm vay tiền mua. Đêm đó, chờ trời tối, hắn vào rừng sâu của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phóng sinh khỉ mẹ.
Hồi tôi mới lên đây công tác, mỗi dịp Tết đến, các đoàn khách đến thăm, chúc Tết nhiều lắm. Các thiếu nữ thị thành, nhất là các cô ở TP. Hồ Chí Minh lên giao lưu kết nghĩa với đồn cứ đòi các anh lính biên phòng dẫn dạo chơi trong rừng. Lý do khiến các cô thích vào rừng là muốn thưởng ngoạn và hái phong lan rừng, những dây hoa lộc vừng tím đỏ đong đưa trong nắng gió cao nguyên, ngồi trên đá dưới tán bằng lăng ngắm suối mát trong veo chảy róc rách, cá tung tăng bơi lượn dưới nắng chiều.
Nhưng Tết năm nay, khung cảnh kia chỉ còn trong ký ức. Thương cho các cô gái xinh đẹp lặn lội từ phương Nam nóng nực lên đây mà không được vào rừng pic-nic, bởi muốn tìm một bóng mát rộng đủ cho mươi người tán chuyện giờ đây cũng khó, mà đi dạo giữa tiết trời nắng thì tội các cô.
Những chàng trai chưa vợ như tôi cũng lấy làm tiếc khi không tìm ra nổi một nhánh lan rừng để tặng các cô gửi gắm nỗi niềm. Cổ thụ bị đốn hạ lấy gỗ không còn chỗ cho phong lan ký gửi, nếu có chăng thì cũng bị những kẻ “ăn trộm rừng” khai thác chở về phố bán hoặc tải về nhà làm cây cảnh. Lộc vừng hay sung rừng cũng vậy, chúng cũng bị những đầu nậu cây cảnh lùng sục không tha, bởi một dáng cây đẹp khi vận chuyển trót lọt về phố có giá hàng chục triệu đồng.
Tôi nhớ có lần chỉ huy đội tuần tra, toàn đội dừng chân giải lao lưng chừng đèo. Khi thấy những chùm phượng vĩ cháy đỏ một góc rừng biên giới, cậu lính trẻ khẽ ngân lên mấy câu thơ nghe da diết, thân thương lạ: Mùa hoa phượng nở khó quên/ Ai đem cánh thắm rải trên đường về/ Chao ôi cái nắng mùa hè/ Làm cho ly biệt bạn bè xa nhau.
Nhưng giờ đến loài phượng rừng tưởng không mấy giá trị kia cuối cùng cũng chịu cảnh “gốc ơi ở lại, thân đi nhé”. “Săn” hết đinh hương, gụ (gõ) làm lục bình, người ta phát hiện cây phượng rừng nếu tiện làm lục bình hay lọ hoa sẽ cho vân rất đẹp, mà giống này thì nơi đây có khá nhiều. Lần này, nghỉ giải lao cũng tại chốn cũ, trong tiếng ve rền rĩ, tôi thấy cậu lính ấy dõi mắt thẫn thờ tìm sắc phượng rừng để nhớ về mối tình xưa mà tìm hoài không thấy...
Có lần làm dân vận, tôi bàng hoàng, sửng sốt khi thấy một phụ nữ Jrai mới sinh con đầu lòng được vài ngày đã lên nương, giặt giũ mà chẳng kiêng khem gì. Anh bạn đi cùng rỉ tai tôi bảo, đồng bào ở đây có bài thuốc gia truyền bằng cây rừng hay lắm, dùng cho bà đẻ mà không cần kiêng cữ như người Kinh mình. Ba năm sau, chị ta sinh đứa thứ hai, tôi cũng xuống thăm nhưng không thấy chị lên nương như lần trước, dù đang mùa thu hoạch mỳ.
Qua giọng nói đượm buồn xen lẫn hoài niệm của chị, tôi mới hay, thì ra, rừng bây giờ hết rồi nên những cây dược liệu quý hiếm trước đây không còn nữa, hoặc không đủ vị của bài thuốc; muốn có phải đi xa, xa lắm... (Sức Khỏe Và Đời Sống 22/11) đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, lực lượng Kiểm lâm đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý 334 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó xử lý vi phạm hành chính 332 vụ, khởi tố hình sự 2 vụ; tang vật thu giữ gần 254 m3 gỗ tròn và gỗ xẻ các loại, 16,8 kg động vật rừng, lâm sản khác là 3,38 tấn…
Lực lượng chức năng cũng tịch thu phương tiện phục vụ cho việc khai thác lâm sản trái phép gồm 51 xe máy, 27 cưa xăng, 5 khẩu súng săn... Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán đấu giá tang vật, phương tiện là trên 2,9 tỷ đồng.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cần có biện pháp mạnh với nạn khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các sở, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường. Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến lâm sản, kiểm soát việc vận chuyển lâm sản trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Lực lượng Công an và Quân đội thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô. Cơ quan công an khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chuyển cho Tòa án, đưa những vụ án đã được khởi tố ra xét xử nghiêm minh trước công chúng để răn đe; động viên, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc điều tra, khám phá các vụ vi phạm.
Các đơn vị, địa phương cần nâng cao trách nhiệm phối hợp trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng và kịp thời thông tin báo cáo để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Bên cạnh những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản, khoáng sản trái phép, các lực lượng chức năng cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác gỗ và lâm sản theo giấy phép, xử lý tình trạng lợi dụng giấy phép được cấp để khai thác trái phép; theo dõi, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh gỗ và các công trình xây dựng có sử dụng gỗ quý hiếm, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, phát huy vai trò của các trạm kiểm lâm cơ động, kiểm soát chặt chẽ những tuyến đường huyết mạch mà lâm tặc thường sử dụng để vận chuyển gỗ. (Đại Biểu Nhân Dân 22/11) đầu trang(
Thiếu tá Đào Quốc Đạt - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và ma túy Công an huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk - cho biết vừa ra quyết định khởi tố 2 vụ án vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng với khối lượng hơn 400 m3.
Sau thời gian trinh sát, ngày 26-5, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an huyện Ea H’leo phát hiện một bãi tập kết gỗ lậu tại khu đất trống thuộc thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo. Qua kiểm tra, toàn bộ số gỗ trên không có dấu búa của kiểm lâm. Tổng cộng có 813 lóng gỗ (tròn và hộp) với tổng khối lượng 344,375 m3 thuộc nhóm III đến nhóm VIII.
Sau một thời gian mở rộng điều tra, cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án và đang tiếp tục làm rõ các đối tượng vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng. “Do bãi vật chứng của công an huyện quá hẹp, số lượng gỗ lớn và để tránh tình trạng hư hỏng, cơ quan chức năng đã tiến hành đấu giá toàn bộ số gỗ này được tổng cộng 794 triệu đồng” - thiếu tá Đạt nói.
Tiếp đó, ngày 10-7, cũng trên khu đất trống cách bãi gỗ trước đó vài trăm mét, thuộc địa bàn thôn 1, xã Ea H’leo, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện và tịch thu 98,267 m3 gỗ các loại từ nhóm IV đến nhóm VIII. Ngày 15-9, cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Mới đây nhất, sáng 1-10, lực lượng chức năng huyện Ea H’leo lại tiếp tục phát hiện một bãi tập kết gỗ lậu cũng thuộc địa bàn thôn 1, xã Ea H’leo với tổng khối lượng 20 m3.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi tập kết gỗ lậu hơn 344 m3 chỉ nằm cách đường Hồ Chí Minh khoảng 200 m, phía sau một số xưởng gỗ đang chế biến, xung quanh là đất trống. Bãi tập kết này cùng với bãi tập kết chứa hơn 98 m3 gỗ đều thuộc đất do UBND xã Ea H’leo quản lý. Số gỗ ở 2 bãi này được tập kết nhiều giai đoạn, trong đó nhiều khối lượng gỗ mới được vận chuyển tới. Thế nhưng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương đều không biết mà chỉ khi lực lượng công an vào cuộc mới được phát hiện xử lý (!?).
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Xuân Khu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, nói: “Sau khi xảy ra vụ việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo chúng tôi tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm. Tôi cùng 1 hạt phó phụ trách địa bàn, 1 kiểm lâm phụ trách địa bàn và 1 kiểm lâm lưu động tiến hành kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Chúng tôi đang chờ kết quả của cơ quan điều tra xem có “dính” không chứ kiểm lâm nào móc nối cũng không biết được”.
Lý giải về việc gỗ được tập kết trong thời gian dài lại nằm trên đất do chính quyền xã quản lý nhưng lực lượng của hạt không phát hiện, ông Khu cho rằng các cán bộ của hạt chỉ vào xưởng kiểm tra, nếu kiểm tra theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì không tài nào thấy được vì họ bỏ phía sau xưởng.
“Thực tế, gỗ ở đây không có đâu, họ lấy ở đâu về thôi, địa bàn này khi tôi xuống đây (3 năm trước - PV) còn gì rừng nữa, họ chuyển đổi mục đích trồng cao su hết rồi” - ông Khu phân bua.
Theo ông Y Sy H’dơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, sau khi cơ quan công an phát hiện vụ việc, chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo tổ chức họp kiểm điểm. “Chúng tôi đang chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ xử lý nghiêm, không bao che bất kỳ ai” - ông H’dơk nhấn mạnh. (Người Lao Động 21/11) đầu trang(
Đó là mục tiêu của đề tài “Điều tra cơ bản, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và xác định các vấn đề ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học” do Phó giáo sư tiến sĩ Trương Hoàng Đan, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm. Đề tài vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh xét thông qua đề cương vào ngày 19-11.
Trong thời gian 18 tháng, chủ nhiệm đề tài sẽ khảo sát đánh giá, lập bản đồ đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Sau đó, thống kê và phân loại hiện trạng đa dạng sinh học nơi đây; phân tích các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, đặc biệt là các hoạt động sinh kế nông nghiệp; đề xuất giải pháp khắc phục. Các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đều đánh giá sự cần thiết để thực hiện đề tài.
Tuy nhiên, chủ nhiệm đề tài phải điều chỉnh, bổ sung thêm phần nội dung nghiên cứu. Trong đó, đề tài cần nêu thêm kết quả sau phân tích, điều tra. Đặc biệt, đề tài phải xây dựng được khung kế hoạch bảo tồn, vườn tiêu bản và có tổ chức tập huấn, chuyển giao kết quả cho cán bộ làm việc tại đây tiếp quản, tự thực hiện được.
Để trong tương lai, cán bộ lâm nghiệp có thể tự định hướng, biện pháp bảo tồn sự đa dạng sinh học cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, gìn giữ được nét đẹp tự nhiên. (Báo Hậu Giang 22/11) đầu trang(
Đó là chỉ đạo của đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp với cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé sau khi đi kiểm tra thực địa tình trạng phá rừng; kết quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng và công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện.
Đối với Mường Nhé, bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ hệ sinh thái và góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng di dịch cư tự do, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Nhé, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 474,4ha rừng bị tàn phá. Nạn phá rừng với quy mô lớn tập trung chủ yếu tại các xã: Leng Su Sìn, Chung Chải, Quảng Lâm, Mường Toong. Đặc biệt là xã Leng Su Sìn với 285ha rừng bị người dân di cư tàn phá. Nguyên nhân phá rừng được xác định là do dân di cư tự do vào địa bàn không có đất sản xuất nên phá rừng để làm nương.
Cùng Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn, Sừng Sừng Khai đến kiểm tra điểm bản Phứ Ma – địa bàn đặc biệt phức tạp về phá rừng do người di cư tự do, trước mắt chúng tôi là những ngọn đồi trọc lóc không còn một bóng cây. Ông Khai cho biết: Đây là hậu quả của tình trạng di dịch cư tự do vào địa bàn. Trước đây, bản Phứ Ma là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Hà Nhì; người dân chung sống hòa thuận, không tranh chấp nên công tác bảo vệ rừng được thực hiện rất tốt.
Tuy nhiên mấy năm gần đây, dưới áp lực gia tăng dân số ở mức không thể kiểm soát tại bản Cà Là Pá nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực này diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt là tình trạng phá rừng để làm nương. Dân di cư tự do phá hết rừng ở Cà Là Pá rồi chuyển sang phá rừng của người Hà Nhì ở bản Phứ Ma. Những khu rừng tái sinh trạng thái IIa xanh tốt nay đã bị đốn hạ, đốt nham nhở chỉ trơ lại gốc.
Hiện nay, bản Cà Là Pá có 320 hộ, với gần 3.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, chỉ có 48 hộ với khoảng 500 người có hộ khẩu thường trú tại xã, còn lại là người di cư từ nơi khác đến. Năm 2015, xã Leng Su Sìn có 20 hộ, với hơn 80 khẩu di cư vào địa bàn và tập trung chủ yếu vào bản Cà Là Pá. Người dân di cư không có nhà ở nên cứ chỗ nào còn đất trống là họ dựng nhà tạm. Bởi vậy mới xảy ra tình trạng hơn 300 hộ dân sống chen chúc với nhau tại điểm bản chỉ quy hoạch đủ cho 50 hộ sinh sống, cùng với đó là không có đất sản xuất nên dân di cư buộc phải phá rừng làm nương.
Mấy năm gần đây, nhiều khu rừng nguyên sinh, rừng tái sinh ở Leng Su Sìn đã bị tàn phá để làm nương. Hành vi tổ chức phá rừng của dân di cư rất tinh vi. Họ nắm rõ lịch công tác của cán bộ xã, các tổ công tác đóng chân trên địa bàn. Giờ hành chính, cán bộ đi làm thì họ không hoạt động; đêm xuống từng tốp khoảng 40 – 50 người cầm đèn pin, cưa máy vào phá rừng. Khi bị phát hiện, họ dùng lời lẽ, hành động đe dọa, chống đối lực lượng chức hoặc lặng lẽ ra về, không ai chịu ký vào biên bản nên công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Sừng Sừng Khai cho biết thêm: “Có những quả đồi, chiều hôm trước đi làm về vẫn thấy cây cối sum xuê, xanh tốt nhưng đến sáng hôm sau thì đã không còn một bóng cây nào còn sót lại”. Chỉ tay vào ngôi nhà tuềnh toàng, có 15 chiếc xe máy dựng xung quanh ở ven đường, ông Khai nói tiếp: Chỉ ngôi nhà tạm thế này này thôi nhưng là nơi chung sống của khoảng 10 – 15 chủ hộ di cư tự do. Sau khi phá rừng thành công, có đất để dựng nhà, làm nương thì họ mới về quê đón người thân lên cùng”.
Tình trạng phá rừng ở Leng Su Sìn càng phức tạp hơn khi rừng ở bản Phứ Ma đã gần cạn kiệt, người dân di cư dần chuyển hướng sang phá rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và các xã vùng lân cận. Điển hình là, hộ ông Vừ Minh Gù, xã Chung Chải. Năm 2014, hộ ông Vừ Minh Gù phá hơn 1.200m2 rừng ở khu vực giáp ranh Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; đến năm 2015, diện tích rừng bị phá ở khu vực này đã lên đến trên 21.000m2. Tuy nhiên đến nay, chính quyền xã, huyện vẫn chưa có giải pháp để giải quyết dứt điểm.
Trái với xã Leng Su Sìn, Chung Chải, tại các xã giáp ranh như: Sín Thầu; Sen Thượng – là những địa bàn không có dân di cư tự do hoặc bản Mường Nhé, xã Mường Nhé – chính quyền và người dân sở tại quyết tâm giữ rừng thì không những công tác quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện rất tốt, không xảy ra phá rừng và cháy rừng mà người dân ở đây còn được hưởng lợi từ rừng.
Là tinh thần chung của chính quyền các cấp huyện Mường Nhé đối với tình trạng phá rừng bởi người dân di cư. Tại cuộc họp với đoàn công tác của UBND tỉnh về vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, lãnh đạo các xã: Leng Su Sìn, Chung Chải, Sen Thượng, Mường Nhé đã thể hiện quyết tâm giữ rừng.
Ông Lò Văn Lún, Phó Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho biết: Xã Sen Thượng có diện tích rừng rất lớn, nhiều diện tích rừng nguyên sinh, có nhiều loại gỗ quý, hiếm. Nhiều năm nay, trên địa bàn xã không xảy ra phá rừng, cháy rừng, công tác quản lý và bảo vệ rừng được chính quyền và người dân thực hiện rất tốt. Nhờ đó, mỗi năm, người dân trên địa bàn xã được hưởng trên 2 tỷ đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Rừng Sen Thượng được bảo vệ tốt là nhờ chính quyền và nhân dân xã có biện pháp cương quyết đối với dân di cư tự do.
Khi phát hiện có dân di cư vào địa bàn, chính quyền phối hợp với lực lượng vũ trang trên địa bàn tiến hành trả dân di cư về địa phương, không để họ có cơ hội xâm nhập. Nhờ vậy, từ trước đến nay, xã Sen Thượng không có dân di cư đến. Cùng với đó, nhân dân trong xã đoàn kết, cùng nhau bảo vệ rừng để được hưởng lợi từ rừng.
Vài năm trở lại đây, người dân di cư ở bản Cà Là Pá có chiều hướng phát rừng làm nương tại ranh giới 2 xã, để phòng trường hợp dân cư phát rừng vào địa phận xã Sen Thượng, chính quyền xã đã chỉ đạo các bản giáp ranh tăng cường tuần tra, kiểm soát không cho dân di cư lấn vào địa bàn. Đồng thời phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn, bộ đội biên phòng phối hợp tuần tra kiểm soát rừng. Nhờ đó, diện tích rừng của xã vẫn được bảo vệ an toàn.
Không nhẹ nhàng như xã Sen Thượng, công tác bảo vệ rừng của người dân bản Mường Nhé, xã Mường Nhé đối với dân di cư tự do căng thẳng, quyết liệt. Ông Lò Văn Thanh, Trưởng bản Mường Nhé cho biết: Bản Mường Nhé có 748ha rừng, mỗi năm người dân trong bản được hưởng trên 200 triệu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nên ai cũng quyết tâm bảo vệ rừng. Từ 18/2 – 28/6/2014, dân di cư nhăm nhe phá rừng của bản.
Họ phát rừng thành những con đường tiểu ngạch, xe máy có thể đi lại được và lợi dụng đêm tối để vào phá rừng. Nắm bắt được tình hình, bản báo cáo lên chính quyền xã và lực lượng kiểm lâm để phối hợp bảo vệ. Bản thành lập 3 nhóm bảo vệ rừng (mỗi nhóm 30 người), ngày đi tuần tra, kiểm soát rừng; tối thì dựng trại trong rừng, thay phiên nhau trực để canh rừng.
Nhiều khi phát hiện ra dân di cư vào phá rừng, chúng tôi ra ngăn cản và rất nhiều lần xảy ra xô xát với người dân di cư, cũng có người bị thương khi thực hiện nhiệm vụ. Ròng rã gần 5 tháng với thái độ cương quyết, dân di cư phải chịu thua. Năm nay, bản Mường Nhé cũng áp dụng phương pháp đó nên diện tích rừng được bảo vệ an toàn.
Trong chuyến kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Mường Nhé, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò văn Tiến cho rằng: Để hạn chế và từng bước ngăn chặn tình trạng phá rừng ở Mường Nhé, điều cấp thiết đầu tiên là phải ngăn chặn, giải quyết triệt để tình trạng di dân tự do vào địa bàn. Một mặt huyện Mường Nhé phải phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện: Mường Chà, Nậm Pồ và các đồn biên phòng, công an trên địa bàn để phát hiện, ngăn chặn từ xa các đối tượng có ý định di cư vào Mường Nhé.
Mặt khác, UBND huyện Mường Nhé và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 79 để người dân di cư sớm chuyển về nơi ở mới, có đất sản xuất, ổn định cuộc sống. Chính quyền các xã, huyện Mường Nhé cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng để hưởng lợi từ rừng.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phải đưa ra xét xử lưu động một số vụ phá rừng điển hình để răn đe, giáo giục các đối tượng có ý định phá rừng. Ngoài ra, cần bổ sung lực lượng cho Hạt kiểm Lâm Mường Nhé và Hạt Kiểm lầm Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, bố trí vốn để các đơn vị này thuê hợp đồng bảo lâm để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. (Báo Điện Biên Phủ 20/11) đầu trang(
Tại hội thảo “Thanh niên giám sát nạn buôn bán động vật hoang dã trên internet” được tổ chức ngày 22/11 tại thành phố Hồ Chí Minh, các nhà quản lý, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã đã cảnh báo tình trạng buôn bán động vật hoang dã qua mạng đang trở nên phổ biến.
Theo kết quả điều tra khảo sát của Hiệp hội Bảo vệ động vật hoang dã, năm 2013 có 108 loài động vật hoang dã bị buôn bán trực tuyến trên 33 trang mạng, trong đó có 24% số loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ, 24% được Công ước quốc tế CITES bảo vệ, 17,6% số loài bị đe dọa trên toàn cầu, tiêu biểu như hổ, voi, rùa núi vàng, rùa đầu to...
Đại diện Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50B) cho biết, hàng nghìn loài động vật và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng đang bị mua và bán thường xuyên trên internet, điển hình như các trang 5giay.vn, vatgia.vn, raovat.com, rongbay.com, facebook. Gần đây là các ứng dụng như viber, zalo, line, Kakaotalk.
Việc ngăn chặn các hành vi mua bán trái pháp luật trên internet nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là chưa có quy định về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên internet đối với nội dung thông tin thuộc phạm vi kiểm soát kỹ thuật của mình.
Cục cảnh sát phòng chống tội phậm C50B sẵn sàng tiếp nhận các thông tin trình báo từ các thành viên của mạng lưới, để hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, thực thi, góp phần hạn chế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hình thức buôn bán động vật hoang dã trên internet.
Theo ông Nguyễn Yên Phúc, đại diện Tổ chức hành động vì động vật hoang dã (AWO), với lực lượng ban đầu hơn 50 thành viên, mạng lưới thanh niên tình nguyện giám sát nạn buôn bán động vật hoang dã sẽ là những “chiến sỹ bảo tồn động vật hoang dã trên internet”. (Vietnam + 22/11) đầu trang(
TCty 15 (Bộ Quốc phòng) được tỉnh Gia Lai cho thuê 7.105ha đất tại huyện Chư Prông để trồng caosu. Lợi dụng chủ trương này, Cty Bình Dương và Trung đoàn 710 (trực thuộc TCty 15) tự ý san ủi 688,82ha đất ngoài dự án để phá rừng, lấy gỗ.
Vụ việc bị phát lộ, đại tá Trần Văn Khanh - nguyên Giám đốc Cty Bình Dương bị khởi tố. Điều khó hiểu, việc phá rừng trên một diện tích lớn, nhưng chính quyền sở tại lại không hề phát hiện.
Kiểm tra việc thuê đất của TCty 15, UBND tỉnh Gia Lai phát hiện ra hàng loạt sai phạm của dự án. Cụ thể, các đơn vị của TCty 15 công khai sử dụng gần 700ha đất ngoài ranh giới được giao để xâm hại khai thác gỗ rừng; qua mặt chính quyền Gia Lai, tự thỏa thuận, bồi thường “ngầm” với dân để lấy đất sản xuất trồng caosu.
Lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng “nghèo” sang trồng caosu, các đơn vị này đã chặt hạ gỗ rừng nhưng lại bỏ hoang đất, không trồng caosu như dự án phê duyệt. Tuy nhiên, khi bị phát hiện lại đổ lỗi do “quá trình khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án không kỹ”. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn phát hiện các đơn vị của TCty 15 làm trái quy định thuê đất khi trồng caosu không chừa lại diện tích đất cách mép suối 50m và diện tích đất kể từ đường lề quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện đến đất trồng caosu.
UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, diện tích đất rừng bị khai hoang ngoài dự án gây thiệt hại đến gần 700ha rừng tự nhiên. Vi phạm nghiêm trọng đến quá trình quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, trách nhiệm chính được xác định thuộc về Cty Bình Dương (trụ sở xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) do đại tá Trần Văn Khanh làm Giám đốc Cty và Trung đoàn 710 (trực thuộc TCty 15).
Trước sai phạm quá rõ, Bộ Quốc phòng đã giao Cục Điều tra hình sự điều tra, xử lý đối với 2 đơn vị này; yêu cầu phải xác định rõ sai phạm của tập thể, cá nhân, đề xuất hình thức và các biện pháp xử lý thích hợp lên Bộ Quốc phòng. Sau thời gian điều tra, ngày 17.11 mới đây, Phòng Điều tra Hình sự TCty 15 thừa lệnh, tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với đại tá Trần Văn Khanh về hành vi “hủy hoại tài nguyên rừng”.
Trước khi bị bắt, ông Khanh đã bị Bộ Quốc phòng khai trừ Đảng, giáng cấp và cách chức Giám đốc Cty Bình Dương. Buộc phải di lý từ nhà riêng tại Hà Nội vào Gia Lai để tạm giam, tiếp tục phục vụ công tác điều tra.
Hai đơn vị trực thuộc TCty 15 trục lợi từ dự án, với hàng ngàn khối gỗ trên diện tích đất rừng 700ha bị khai thác trắng. Từ sự vào cuộc của Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Cty Bình Dương đã bị xử lý. Tuy nhiên, Trung đoàn 710 vẫn chưa thấy bất cứ hình thức xử lý nào. Tuy vậy, khi hàng ngàn khối gỗ được vận chuyển, “hợp thức hóa” cách tiêu thụ mà TCty 15 là đơn vị chủ quản lại không phát hiện là điều vô lý.
Trung tuần tháng 9.2015, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) xử lý trách nhiệm đối với Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Ia Púch, Ban QLRPH Ia Mơ (Sở NNPTNT Gia Lai); UBND các xã Ia Me, Ia Mơ (huyện Chư Prông) và Hạt kiểm lâm huyện Chư Prông vì đã buông lỏng công tác quản lý để Cty Bình Dương, Trung đoàn 710 “vô tư” sai phạm. Thế nhưng, một câu hỏi lớn là hàng ngàn khối gỗ khai thác trên gần 700ha nói trên đã đi đâu, số tiền thu lợi từ dự án chảy về túi ai vẫn chưa được sáng tỏ?
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Gia Lai Vương Hồng Quế cho biết, Tỉnh ủy Gia Lai đã có văn bản số 15 gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị xử lý sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện chuyển đổi rừng nghèo sang trồng caosu tại TCty 15. Nội dung yêu cầu nhấn mạnh, trước ngày 10.12 phải có thông báo kết quả để Tỉnh ủy báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư. (Lao Động 23/11) đầu trang(
Những tháng cuối năm, tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn diễn ra hết sức phức tạp. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cần có biện pháp mạnh tay với nạn khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, trong 9 tháng năm 2015, lực lượng Kiểm lâm đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý 334 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó xử lý vi phạm hành chính 332 vụ, khởi tố hình sự 2 vụ; tang vật thu giữ gần 254 m3 gỗ tròn và gỗ xẻ các loại, 240 Ste củi, 16,8 kg động vật rừng, lâm sản khác là 3,38 tấn... Lực lượng chức năng cũng tịch thu phương tiện phục vụ cho việc khai thác lâm sản trái phép gồm 51 xe máy, 27 cưa xăng, 5 khẩu súng săn... Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán đấu giá tang vật, phương tiện là trên 2,9 tỷ đồng.
Trong số các vụ vi phạm, đáng chú ý là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ xảy ra vào tháng 9 vừa qua. Lực lượng Kiểm lâm và Công an huyện Bạch Thông đã phát hiện 24 cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ. Tiến hành rà soát, điều tra, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bạch Thông đã tạm giữ hình sự 12 đối tượng người xã Cao Sơn. Kiểm lâm huyện Bạch Thông và Khu bảo tồn Kim Hỷ đang tích cực phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan Công an để sớm điều tra làm rõ, đưa vụ án ra xét xử để đề cao tác dụng răn đe, giáo dục của pháp luật.
Theo ông Hoàng Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, những tháng cuối năm lúc nông nhàn là thời điểm “nóng” của những vụ phá rừng và khai thác lâm sản trái phép. Lực lượng Kiểm lâm phải “căng mình” thường xuyên tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn việc khai thác lâm sản, chặt phá rừng trái phép. Bên cạnh đó, việc quản lý và bảo vệ rừng tận gốc còn nhiều hạn chế.
Chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng chưa được triển khai sâu rộng, chưa mang lại hiệu quả. Nhận thức của người dân sống trong các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia, vùng đệm còn nhiều hạn chế nên dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, tiếp tay cho lâm tặc để khai thác gỗ và lâm sản trái phép. Nhu cầu sử dụng gỗ, đặc biệt là gỗ quý hiếm ngày càng lớn, lợi nhuận cao nên đã lôi cuốn nhiều người dân địa phương tham gia chặt gỗ trái phép gây khó khăn trong công tác ngăn chặn, xử lý.
Để từng bước hạn chế và ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các sở, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền để quần chúng nhân dân biết và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08; vận động, hướng dẫn các hộ dân thực hiện nghiêm Quy chế về quản lý, sử dụng cưa xăng và các phương tiện độ, chế tại các Khu bảo tồn và Vườn quốc gia; địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản, khoáng sản trái pháp luật thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. (Tin Tức 22/11) đầu trang(
Ngày 23/11, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã - Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) cho biết, đơn vị này vừa tiến hành thả 8 cá thể động vật gồm khỉ mặt đỏ, trăn và tê tê về rừng sau thời gian chăm sóc.
Trước đó, số động vật hoang dã do các hạt kiểm lâm thu được trong các vụ buôn bán động vật trên địa bàn Nghệ An đã được đưa về nuôi nhốt, chăm sóc tại trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.
Ngày 19/11, sau khi nuôi nhốt, thuần dưỡng, các cá thể khỉ, trăn, tê tê đều khỏe mạnh, Trung tâm đã tiến hành thả động vật vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, số lượng cá thể gồm: 3 cá thể Tê tê Java (Manis javanica) có tổng trọng lượng là 8,7kg; 1 cá thể trăn đất (Python molurut) có trọng lượng là 12kg; và 4 cá thể khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) nặng 26kg.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã - Vườn quốc gia Pù Mát đã nuôi nhốt khoẻ mạnh và thả hàng chục cá thể động vật quý hiếm về với thiên nhiên. (Pháp Luật Việt Nam 23/11) đầu trang(
Cây dầu đôi 200 năm tuổi rất quen thuộc, gần gũi với người dân Nha Trang, Khánh Hòa.
Khi đến ngã ba Thành thuộc xã Diên An, huyện Diên Khánh, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi cây dầu đôi mát mẻ trên 200 năm tuổi có vóc vừa dáng cao to, bộ gốc cuồn cuộn tới 3 – 4 người ôm vẫn không hết.
Nhiều người dân địa phương không biết cây có tự bao giờ. Nhưng theo dẫn chứng lịch sử thì vào năm 1973 thành Diên Khánh bắt đầu được xây dựng thì cây dầu đôi đã có mặt.
Cây dầu đôi 200 năm tuổi rất quen thuộc, gần gũi với người dân nơi đây. Cây nằm bên vệ đường, có độ cao khoảng 30m, lá sum suê tươi tốt quanh năm, thân tách ra làm đôi song song với nhau nên người dân đặt tên cây dầu đôi. Người dân tận dụng các bóng mát để buôn bán kiếm thêm thu nhập.
Cây dầu đôi gắn liền với miếu thờ Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong, làchứng tích lịch sử của Khánh Hòa.Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cây vẫn âm thầm lặng lẽ như một người lính đứng gác đền thành cổ Diên Khánh.
Người dân nơi đây mỗi khi xa quê không quên được hình ảnh về cây dầu đôi. Đây cũng là một trong những nét đáng chú ý của du lịch Nha Trang. (Dân Việt) đầu trang(
Nạn khai thác quặng trái phép diễn ra nhiều năm khiến rừng phòng hộ phía đầu nguồn xã Khánh Thành, huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị xâm hại nghiêm trọng.
Theo Công an H.Khánh Vĩnh, nạn khai thác quặng thiếc và quặng vonfram trái phép trên địa bàn bắt đầu “nóng” từ cuối năm 2011. Có thời điểm, cả ngàn người từ nhiều tỉnh, thành đổ vào rừng đào bới, gây ô nhiễm nguồn nước, mất an ninh trật tự, thất thoát tài nguyên. Sau khi lực lượng chức năng vào cuộc, cơn “bão” quặng đã lắng dịu nhưng hiện vẫn còn tình trạng lén lút đào đãi tại rừng Khánh Thành.
Ngày 20.11, sau gần 3 giờ đi bộ đường rừng, PV Thanh Niên có mặt tại bãi khai thác quặng trái phép thuộc khu vực rừng đầu nguồn xã Khánh Thành. Thông tin ban đầu cho biết, tại đây có ít nhất 30 người đang lén lút khai thác quặng. Cả một vùng rộng lớn bị đào xới ngổn ngang, không còn nhận ra rừng.
Hàng loạt cây gỗ lớn nằm lăn lóc, nhiều cây khác bị đào xới lộ cả bộ rễ có thể đổ bất cứ lúc nào. Những hố sâu lút đầu người, bề ngang rộng khoảng 1 m chi chít như hệ thống giao thông hào chạy dài tít tắp... Các lán trại được dân đãi quặng dựng lên tạm bợ. Lúc chúng tôi có mặt, trong vài lán có người đang chuẩn bị nấu ăn. Họ cho biết có người dưới xuôi đưa đồ ăn, nước uống lên bãi tiếp tế.
Cu Lỳ, 24 tuổi, người xã Khánh Thành, nói làm quặng tại đây từ khi bãi mới “nổ”. Cu Lỳ kể: “Hồi đầu, thấy người dân ở các tỉnh khác đến làm, bán có tiền nên tôi cũng đi theo. Khi đó, mỗi ki lô gam quặng bán được 180.000 đồng, mỗi ngày kiếm được tầm 3 - 4 kg quặng. Bây giờ giá quặng chỉ còn 80.000 đồng/kg. Cứ vài ba ngày lại có người lên mua gom một lần. Hiện còn gần chục trại vẫn đào”. Cũng theo Cu Lỳ, dân đào quặng ở đây chỉ dùng sức người là chính và “mỗi lần có người dưới xuôi lên thì anh em ở đây phải kìm hãm lại sự nhộn nhịp của bãi”.
Trưa 20.11, có 3 người đến lán của Cu Lỳ đưa đồ ăn, nước uống. Sau đó, Cu Lỳ kéo thau quặng ra, cân bán cho những người này. Những người thu mua quặng cho biết họ chỉ đi mua, gom rồi đem xuống dưới xuôi bán lại cho người khác. Hỏi “người khác” là ai thì họ không nói.
Cách lán Cu Lỳ không xa là một lán khác có 4 người. Tại lán này, ông Sỹ (50 tuổi, quê Quảng Nam) vừa đãi quặng vừa kể, dân khai thác quặng dùng cuốc, xà beng để đào bới, rồi xúc đất đá vào mâm đãi, sau đó dùng nguồn nước lấy từ suối để đãi quặng. Quặng nặng hơn đất cát nên sẽ lắng xuống, cứ đãi cho đến khi trong mâm, trong thau chỉ còn những viên màu đen là dừng.
Ông Lê Thanh Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Khánh Vĩnh, nhìn nhận khu vực PV Thanh Niên ghi nhận là rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 193, do Công ty TNHH một thành viên lâm sản Khánh Hòa quản lý. Phía kiểm lâm mới tham gia truy quét người khai thác quặng trái phép chứ đến nay chưa đo được cụ thể diện tích rừng bị tàn phá cũng như thiệt hại về cây rừng là bao nhiêu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lâm sản Khánh Hòa, cho rằng diện tích rừng bị xâm hại khoảng chục héc ta. "Đơn vị đã có kế hoạch trồng lại rừng tại những khu vực bị xâm hại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người lén lút đào đãi. Lực lượng của đơn vị thường xuyên phối hợp với công an, kiểm lâm truy quét, đẩy đuổi người khai thác quặng trái phép. Chúng tôi dựng cả lán trại để bảo vệ, nhưng khi anh em ăn ở trong rừng thì người đào quặng trốn đi chỗ khác, khi lực lượng vừa rút đi thì họ lại ra bãi làm tiếp”, ông Tân phân bua.
Thượng tá Hồ Anh Thư, Phó trưởng công an H.Khánh Vĩnh, cũng cho rằng: “Lực lượng chức năng vẫn liên tục tổ chức truy quét. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nhóm lén lút đào đãi. Những người này hầu hết không phải người địa phương, không nơi cư trú rõ ràng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý”.
Trong khi chủ rừng, công an, kiểm lâm... kêu khó thì rừng phòng hộ đầu nguồn vẫn từng ngày bị tàn phá. (An Ninh Tiền Tệ Và Truyền Thông 23/11) đầu trang(
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau đang đưa vào thực hiện nạo vét một số tuyến kinh thủy lợi trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, tạo lưu thông dễ dàng cho việc tuần tra bảo vệ rừng trong mùa khô 2015 – 2016.
Toàn lâm phần rừng tràm U Minh Hạ có gần 100 km kinh, mương phục vụ cho công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ cho hơn 29.000 ha rừng tràm. Ngoài ra, hệ thống kinh mương này còn có vai trò trữ nước để phục vụ cho việc chữa cháy rừng khi cần thiết. Đã qua, một số tuyến kinh bị thảm thực bì bồi lấp gây khó khăn trong việc lưu thông, nhất là trong mùa khô hạn.
Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay Chi cục Kiểm lâm Cà Mau thực hiện nạo vét một số tuyến kinh thủy lợi trên lâm phần với tổng chiều dài hơn 90 km. Dự kiến, các công trình nạo vét sẽ hoàn thành trong tháng 12 này, nhằm phục vụ tốt trong việc tuần tra, bảo vệ và vận chuyển các phương tiện cũng như lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa kho 2015 – 2016. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Cà Mau 22/11) đầu trang(
Công an tỉnh Phú Yên vừa bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ lậu quy mô lớn với khối lượng 5,329m3 gỗ Gáo.
Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, có xe ô tô tải đang vận chuyển gỗ với số lượng lớn qua địa bàn xã Hòa An, huyện Phú Hòa (Phú Yên), rạng sáng 19-11, Công an tỉnh Phú Yên đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 86C-061.57. Tại đây lực lượng chức năng phát hiện sau thùng xe tải có chứa 5,329m3gỗ Gáo.
Khi lực lượng chức năng hỏi giấy tờ về số gỗ nói trên, tài xế Bùi Văn Khương (ngụ thôn Bình Nghĩa, xã Bình Tân, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Sau khi lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện nói trên, Công an tỉnh Phú Yên tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng có liên quan điều tra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. (Công An TP.HCM 21/11) đầu trang(
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận phản ánh của Báo Kinh tế nông thôn về chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ La Ngà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát lại công tác giao khoán bảo vệ rừng trong toàn tỉnh để chấn chỉnh những sai phạm tương tự (nếu có), nâng cao chất lượng giao khoán bảo vệ rừng.
Trong đó: Đối với trường hợp giao khoán bảo vệ rừng mà không đi kiểm tra rừng thì phải nhắc nhở, nếu vi phạm lần 2, 3 thì phải chấm dứt hợp đồng; đối với trường hợp nhận khoán bảo vệ rừng nhưng không đi mà thuê người khác kiểm tra rừng là không đúng quy định, phải nhắc nhở, chấn chỉnh, nếu tiếp tục xảy ra thì chấm dứt ngay hợp đồng. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bình Thuận 21/11) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Báo Nhân Dân có Công văn gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phản ánh đơn của ông Trương Phong, ở thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân (Hoài Nhơn, Bình Định) khiếu nại về việc các cấp chính quyền tỉnh Bình Định và huyện Hoài Nhơn thu hồi đất của gia đình ông, nhưng chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.
Về việc này, Báo Nhân Dân vừa nhận được Văn bản trả lời số 3347/TTCP-C.II của Thanh tra Chính phủ, nội dung chính như sau: Theo nội dung đơn của ông Trương Phong thì ngày 29-3-2004, UBND huyện Hoài Nhơn có Quyết định số 264/QĐ-UB về việc giao 29,22 ha đất rừng, kèm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 03374 QSDĐ ngày 3-6-2004.
Ngay sau khi được giao đất, gia đình ông Phong đã đầu tư trồng rừng và chăn nuôi trang trại trên diện tích đất này. Ngày 25-3-2009, UBND huyện Hoài Nhơn ra Quyết định số 652/QĐ-UBND thu hồi quyết định cấp đất 29,22 ha và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất này, nhưng chưa giải quyết đền bù cho gia đình ông. Mặc dù ông Trương Phong đã có nhiều đơn khiếu nại, đề nghị được giải quyết đền bù theo quy định, nhưng đến nay địa phương vẫn chưa giải quyết…
Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Bình Định theo thẩm quyền khẩn trương chỉ đạo, xem xét, giải quyết khiếu nại của ông Trương Phong theo quy định của pháp luật, thông báo cho Thanh tra Chính phủ và Báo Nhân Dân biết kết quả trước ngày 28-11-2015. (Nhân Dân 21/11) đầu trang(
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Sơn La, tính tới nay, Sơn La đã cơ bản hoàn thành công tác xác định, cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 cho 12/12 công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 12 tổ chức có nguồn gốc sử dụng đất từ các nông, lâm trường quốc doanh. Các nông, lâm trường được hình thành trước khi ban hành Luật Đất đai. Đến nay, một sô nông, lâm trường trong quá trình sắp xêp lại, đổi mới doanh nghiệp đã đổi tên thành Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên, Công ty cổ phần.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn xác định, cắm mốc, đo đạc ranh giới đất nông, lâm trường quốc doanh, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Dự toán xác định, cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000, lập hồ sơ phục vụ cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, hiện đã hoàn thành, bàn giao mốc cho 12/12 công ty nông lâm nghiệp với hơn 1.700 mốc. Diện tích đất đã đo đạc, lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 là hơn 31,290ha. Đã xác định được diện tích đất tiếp tục cho công ty nông, lâm nghiệp sử dụng là hơn 19.600ha. Diện tích đất thống nhất thu hồi và kiến thu hồi bàn giao cho địa phương quản lý là 11.654ha.
Công tác lập hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp cũng được đẩy mạnh. Đã hoàn thành việc lập hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho 6 công ty. Hiện đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho 5 công ty còn lại, riêng một công ty đang chờ làm thủ tục phá sản. (Tài Nguyên Và Môi Trường 19/11) đầu trang(
Theo tổng hợp của Phòng NN&PTNT huyện An Lão, toàn huyện hiện có 4 cơ sở và 10 hộ gia đình có năng lực sản xuất gần 5 triệu cây giống lâm nghiệp, chủ yếu là cây keo lai giâm hom để cung ứng cho nhân dân trong và ngoài huyện trồng rừng.
Theo kế hoạch, vụ trồng rừng năm 2015 huyện An Lão sẽ trồng 500 ha rừng tại các xã, thị trấn trên diện tích đất rừng trồng vừa khai thác và trồng mới 300 ha trên đất lâm nghiệp giao cho người dân quản lý, sử dụng.
Tranh thủ những ngày có mưa, các địa phương trên địa bàn huyện đã phát dọn thực bì trồng gần 700 ha rừng nguyên liệu, đạt 87% kế hoạch năm, trong đó trồng mới 140 ha. Ngoài ra, huyện An Lão còn tiếp nhận và trồng mới 5.900 cây phân tán do Chi cục Lâm nghiệp tỉnh hỗ trợ, trong đó có 2.100 cây sao đen, 200 cây dầu rái, 2.300 cây xà cừ, 500 cây sấu và 800 cây bằng lăng. Năm nay giá gỗ nguyên liệu giấy tăng cao nên nhiều người dân trên địa bàn huyện có thu nhập khá từ rừng trồng, qua đó đã khuyến khích được người dân địa phương mạnh dạn nhận đất lâm nghiệp để đầu tư trồng rừng.
Hiện nay, huyện An Lão đang tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp không đủ điều kiện quy định nhằm nâng cao chất lượng và năng suất rừng rồng. (Báo Bình Định 22/11) đầu trang(
Chi cục Lâm nghiệp Thừa Thiên- Huế đã triển khai ký kết với các địa phương để triển khai việc bảo vệ rừng ven biển và đầm phá.
Dự án “Phát triển rừng ven biển và đầm phá” được triển khai từ năm 2015- 2020, với tổng kinh phí thực hiện hơn 110 tỉ đồng.
Dự án được triển khai ở năm huyện, thị xã ven biển và đầm phá; với tổng diện tích 5.000 ha. Trong đó, sẽ trồng mới và chăm sóc rừng 577 ha, gồm rừng cát ven biển 298,6 ha và rừng ngập mặn 164,7 ha, cùng với tiến hành đầu tư các công trình lâm sinh. Việc ký kết với các địa phương là một trong những nội dung của dự án, nhằm đẩy mạnh và nâng cao công tác bảo vệ rừng tại các địa bàn triển khai dự án.
Theo đó, có nhiều đối tượng lực lượng tham gia bảo vệ rừng tại các địa phương như Hội Nông dân; lực lượng đoàn viên thanh niên; các hợp tác xã; các thôn và các nhóm hộ gia đình… Dự án sẽ dành kinh phí sáu tỉ đồng để thực hiện việc chi trả cho các tổ chức, địa phương tham gia bảo vệ rừng nói trên. (Văn Hóa 23/11) đầu trang(
Chiều 19-11, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa Kazakhstan đã có buổi làm việc với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tìm hiểu và học tập kinh nghiệm về việc thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Gia Lai 20/11) đầu trang(
Tài nguyên thiên nhiên đã và đang được các ngành, lĩnh vực khai thác, sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những mức độ khác nhau.
Trong một phạm vi lãnh thổ nhất định thì nguồn tài nguyên thiên nhiên này là một hệ thống, có tính thống nhất, có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Phạm vi lãnh thổ này gọi là lưu vực. Trong thực tế, những nguồn tài nguyên thiên nhiên trong lưu vực được quan tâm nhiều nhất là đất, nước và các hệ sinh thái.
Để bảo tồn, phát triển hài hòa và sử dụng đúng nguồn tài nguyên nhằm tạo ra dịch vụ và hàng hóa cung cấp cho xã hội, trong chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) những nguồn tài nguyên này cũng phải được quản lý theo lưu vực. Hay nói cách khác, phân định lưu vực là cơ sở quan trọng đầu tiên để thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
Lưu vực là một phạm vi diện tích tự nhiên được giới hạn bởi đường phân thủy khép kín và có điểm thoát nước đầu ra. Trong thực tế, những điểm thoát nước đầu ra này thường là các đập xả thủy điện. Một lưu vực lớn có thể có các lưu vực nhỏ. Tùy thuộc vào mục tiêu, khả năng quản lý tài nguyên thiên nhiên để xác định phạm vi của lưu vực cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang thuộc tỉnh Lâm Đồng, hợp lưu với một số phụ lưu lớn như sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ và đổ ra cửa Xoài Rạp. Sông Đồng Nai là con sông chính của hệ thống sông Đồng Nai. Hệ thống sông này đã tạo nên một lưu vực sông Đồng Nai trải rộng trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, TP. Hồ Chí Minh và một phần nhỏ thuộc Vương quốc Campuchia.
Từ mô hình số độ cao có độ phân giải 30m, ảnh vệ tinh Landsat 8 và các lớp bản đồ kỹ thuật số hiện có ở Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Bình Phước đã tiến hành phân định ranh giới và xây dựng mô hình lưu vực trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Kết quả phân định ranh giới lưu vực cho thấy, trong lưu vực sông Đồng Nai có các lưu vực cấp một, như: lưu vực các sông La Ngà, Đồng Nai, Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ.
Các lưu vực cấp 1 của lưu vực sông Đồng Nai có một phần diện tích nằm trên địa bàn tỉnh Bình Phước, gồm: Lưu vực sông Sài Gòn (bắt đầu từ vùng đồi thấp thuộc huyện Lộc Ninh, nơi tiếp giáp Vương quốc Campuchia, trải dọc theo hướng Bắc - Nam và nằm ở phía tây của tỉnh, rộng 117.724,01 ha, chiếm 17,13% diện tích tự nhiên của tỉnh); lưu vực sông Bé (bắt đầu từ phía tây của tỉnh Đắk Nông, có một phần diện tích thuộc Vương quốc Campuchia, phần lớn diện tích còn lại trải dài qua địa phận của tỉnh, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, rộng 527.394,45 ha, chiếm 76,75% diện tích tự nhiên của tỉnh); lưu vực của sông Đồng Nai nằm về phía đông nam của tỉnh, rộng 42.035,54 ha, chiếm 6,12% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Trong lưu vực sông Bé có các lưu vực nhỏ được sắp xếp theo dạng bậc thang, trong đó lưu vực Thác Mơ rộng 55.651,33 ha và lưu vực Đắk Glun rộng 27.510,38 ha nằm trong lưu vực Bù Cà Mau; lưu vực Bù Cà Mau rộng 159.898,06 ha và lưu vực Đắk U rộng 38.560,87 ha nằm trong lưu vực Cần Đơn; lưu vực Cần Đơn rộng 221.005,48 ha nằm trong lưu vực Srok Phu Miêng rộng 285.392,73 ha.
Để có cái nhìn trực quan, thuận lợi hơn cho công tác quản lý chi trả DVMTR thì cần phải xây dựng mô hình lưu vực trên địa bàn tỉnh. Kết quả phân tích mô hình này cho thấy: Thứ nhất là trên lưu vực sông Sài Gòn có các tổ chức được giao, cho thuê đất lâm nghiệp, như: Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Lộc Ninh, BQLRPH Tà Thiết, BQLRPH Minh Đức, Công ty cổ phần Hải Vương, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long.
Rừng của những tổ chức này cung ứng DVMTR cho một số cơ sở sản xuất nước sạch ở vùng hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai. Thứ hai là trên lưu vực sông Bé có các tổ chức được giao, cho thuê đất lâm nghiệp như: Nông lâm trường (NLT) Bù Đốp, BQLRPH Bù Gia Phúc, NLT Đắk Mai, NLT Đắk Ơ, BQLRPH Bù Đăng, BQLR kinh tế Suối Nhung, NLT Tân Lập, BQL Trại Phú Văn, Trung đoàn 717, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, NLT Nghĩa Trung, Phân viện Khoa học lâm nghiệp, NLT Đồng Tâm, NLT Đồng Xoài, BQL Khu di tích núi Bà Rá, Binh đoàn 16, Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long.
Rừng của những tổ chức này cung ứng DVMTR cho các cơ sở sản xuất nước sạch trên địa bàn tỉnh và một số cơ sở sản xuất nước sạch ở vùng hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai. Trong đó, rừng của một số tổ chức này còn cung ứng DVMTR cho các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, như thủy điện: Đắk Glun, Đắk U, Bù Cà Mau, Cần Đơn, Srok Phu Miêng.
Thứ ba, trên lưu vực của sông Đồng Nai có các tổ chức được giao, cho thuê đất lâm nghiệp, như: Vườn quốc gia Cát Tiên, NLT Nghĩa Trung, BQLRPH Bù Đăng. Rừng của những tổ chức này cung ứng DVMTR cho thủy điện Trị An và một số cơ sở sản xuất nước sạch ở vùng hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai.
Từ những phân tích trên cho thấy, toàn bộ diện tích tỉnh Bình Phước nằm trong các lưu vực cấp 1 của lưu vực sông Đồng Nai. Rừng của các tổ chức trên địa bàn tỉnh có cung ứng DVMTR cho một hoặc nhiều đơn vị sử dụng DVMTR trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, tất cả đều được chi trả tiền DVMTR từ nguồn ủy thác của các đơn vị sử dụng DVMTR.
Kết quả phân định lưu vực này hy vọng sẽ góp phần xây dựng kế hoạch chi trả DVMTR tỉnh Bình Phước cho những năm tiếp theo, phù hợp hơn với tình hình thực tế, đúng đơn vị cung ứng và đơn vị sử dụng DVMTR; đồng thời phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh tương thích với hệ thống cơ sở dữ liệu chi trả DVMTR của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam. (Báo Bình Phước 21/11) đầu trang(
Nhờ dự án tạo hàng rào chắn sóng mà hàng chục km bờ biển Kiên Giang tránh được xói lở, ngăn xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Dự án này do Chính phủ Đức, Australia và Việt Nam cùng chung tay hợp tác thực hiện.
Theo Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), đồng bằng sông Cửu Long hiện đang phải đối mặt với các mối đe dọa do hậu quả của việc biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng nước biển dâng cao khiến 38% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm vào năm 2100.
Đáng lưu ý, hiện một số khu vực ven bờ đang bị xâm thực mạnh (khoảng 30m mỗi năm), rừng ngập mặn dọc theo bờ biển bảo vệ đất liền khỏi bão, lũ, xâm nhập mặn... bị suy giảm nghiêm trọng.
Cũng theo khảo sát của GIZ, việc nhiều vùng đất ven biển bị xâm nhập mặn sâu vào đất liền đã khiến việc canh tác, nuôi trồng thủy sản của người dân vùng ven biển gặp nhiều khó khăn, thậm chí không biết nuôi con gì, trồng cây gì để nuôi sống bản thân và gia đình.
Chính vì vậy, GIZ đã phối hợp với Chính phủ Australia và Việt Nam thực hiện Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP), nhằm giúp vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu và các thay đổi khắc nghiệt của môi trường.
Theo đó, ICMP đưa ra các kinh nghiệm quản lý, giải pháp kỹ thuật, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu tác động xấu tới môi trường cho người dân, giúp họ có cách ứng xử phù hợp hơn trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ bờ biển ngăn xâm nhập mặn.
Trong đó, từ năm 2009, GIZ đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang lập các dự án tạo hàng rào chắn sóng, phục hồi rừng ngập mặn tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như ở ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, dự án do GIZ tài trợ đã tạo được 1,4km rào chắn sóng bằng gỗ tràm, trở thành lá chắn hữu hiệu chống sự xâm thực cũng như xâm nhập mặn vào đất liền. Nhờ có hàng rào cừ tràm mà rừng ngập mặn ở ấp Vàm Rầy và một số nơi đã được phục hồi đáng kể, giúp bảo vệ đê bao an toàn, đẩy lùi xâm nhập mặn. Riêng ở ấp Vàm Rầy đã đẩy lùi xâm thực ra hơn 60m so với năm 2011.
Từ mô hình dự án tạo hàng rào chắn sóng, giữ bùn, phục hồi rừng ngập mặn ở ấp Vàm Rầy, các ban ngành của tỉnh Kiên Giang đang tiếp tục nhân mô hình này tại nhiều địa phương khác trong tỉnh. Kế hoạch tới năm 2020 của tỉnh là sẽ triển khai hàng rào chắn sóng dọc bờ biển Kiên Giang, phát triển thêm 610 ha bảo vệ đất liền, trong đó có 100 ha gây bồi tạo bãi và 510ha rừng ngập mặn.
Như vậy, với sự chung tay hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức, Australia... hàng loạt dự án lập hàng rào chắn sóng, phát triển rừng ngập mặn nằm trong Chương trình ICMP đã đang và sẽ được triển khai hiệu quả, mang lại sinh kế cho người dân vùng ven biển, giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu. (Tuổi Trẻ 23/11) đầu trang(
Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thực hiện xong việc rà soát trồng bù rừng thay thế tại 18 dự án thủy điện với diện tích 12.859ha.
Là chủ đầu tư của nhiều dự án thủy diện lớn của cả nước, trong những năm qua, EVN luôn xác định việc trồng bù rừng thay thế các công trình thủy điện là nhằm hoàn trả mặt bằng thi công, góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện.
Tính đến nay đã có 3 dự án thủy điện ở miền Trung gồm A Vương, Sông Ba Hạ, Buôn Tua Srah đã hoàn thành việc trồng bù rừng và được cấp chứng nhận. 14 dự án thủy điện đã phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế và chuyển tiền đợt 1 để địa phương trồng và chăm sóc năm đầu, gồm: Thủy điện Sông Tranh 2, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, 4; An Khê - Kanak, Sông Bung 4, Trung Sơn, Thượng Kon Tum, Sơn La, Bản Chát, Lai Châu, Tuyên Quang, Sê San 4, Sông Bung 2.
Riêng dự án Thủy điện Huội Quảng, UBND tỉnh Lai Châu đã đồng ý hình thức chuyển tiền thay cho phương án chủ đầu tư thực hiện. EVN đã chuyển tiền chi trả phí dịch vụ môi trường rừng hết quý III.2015 cho Quỹ Hỗ trợ phát triển rừng Lai Châu.
Đây là những nỗ lực của EVN nhằm thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Cũng như thực hiện nghị định Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và thông tư của Bộ NNPTNT về quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong lĩnh vực trồng bù rừng, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương thực hiện tốt công tác này. Hiện hai bộ vẫn đang phối hợp chặt chẽ để hoàn thành kế hoạch đề ra.  “Khả năng chúng ta sẽ hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế của các công trình thủy điện đã được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đề ra. Năm 2016, đối với diện tích rừng mà các công trình thủy điện đã lấy, sẽ hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế” - Bộ trưởng Hoàng nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã đề ra 3 phương án đối với việc trông bù rừng tại các dự án thủy điện: Thứ nhất, đối với những dự án thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trồng bù diện tích rừng thay thế, Bộ tiếp tục cấp giấy phép hoạt động điện lực. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư phải hoàn thành tiến độ theo đúng phương án đã phê duyệt.
Thứ hai, những dự án thủy điện đang có phương án trồng bù diện tích rừng thay thế, trong khi chờ phương án phê duyệt, ngành công thương sẽ tạm thời cấp giấy phép hoạt động điện lực 1 năm. Sau một năm, nếu chủ đầu tư không thực hiện, Bộ sẽ xử lý vi phạm theo quy định.
Thứ ba, đối với những chủ dự án đã có phương án được phê duyệt nhưng không thực hiện, do khuyết điểm, thiếu trách nhiệm của chủ dự án, Bộ Công Thương sẽ cho thủy điện đó tạm thời dừng và rút giấy phép hoạt động điện lực của chủ đầu tư cho đến khi khắc phục được tình trạng đó.
Ngoài việc chi hàng nghìn tỷ đồng trồng bù rừng thay thế, EVN cũng đã nộp phí dịch vụ môi trường rừng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2013, EVN đã chi trả 1.148 tỷ đồng, năm 2014 là 1.192 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, EVN đã nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ước tính hơn 4.067 tỷ đồng. (Dân Việt 23/11) đầu trang(
Quế Trà My của tỉnh Quảng Nam từng một thời nổi tiếng thế giới, thế mà có lúc bán chẳng ai mua. Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Trà My, từng bước lấy lại giá trị kinh tế cho loại cây này.
Ông Nguyễn Thành Tiêu, dân tộc Xơ Đăng, ở thôn 3, xã Trà Leng, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, là người trồng quế hạng "siêu" ở xứ sở này. Hiện, gia đình ông Tiêu có hơn 10ha quế gốc Trà My loại từ 5-20 năm tuổi. Năm nay, ông tiếp tục phát dọn nương rẫy trồng mới 50 nghìn cây quế con.
Ông Tiêu kể rằng giai đoạn trước năm 1995, một cây quế gốc Trà My khoảng 10 năm tuổi có thể bán hơn 10 chỉ vàng. Nhưng hơn hai chục năm trở lại đây, giá quế rớt thê thảm không rõ nguyên nhân. Có năm, một kg quế vỏ chỉ bán được hơn 10 nghìn đồng. Chính vì thế mà nhiều hộ trồng quế như ông Tiêu thua lỗ nặng. Một số gia đình đã phải chặt bỏ cây quế lấy đất trồng keo, chuối...
Kể từ năm 2011, khi tỉnh Quảng Nam đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vỏ quế Trà My, đã đưa giá thu mua tăng lên gấp đôi, giúp người trồng quế yên tâm phát triển. Hiện tại 1kg quế vỏ bán tại chỗ từ 10- 50 nghìn tùy theo chủng loại. Ông Nguyễn Thành Tiêu cho biết:
- Quế Trà My có chỉ dẫn địa lý, sau này chúng tôi vận động bà con trồng thêm, tệ nhất 1 năm trồng thêm khoảng 5-6 trăm cây. Gia đình nào có nhiều giống quế thì trồng cỡ hơn ngàn cây. Bà con ở đây rất mê cây quế. Giờ đây chúng tôi sẽ tiếp tục trồng.
Vỏ quế Trà My chứa nhiều tinh dầu hơn tất cả các loại quế khác ở Việt Nam hiện nay. Tinh dầu quế có tác dụng chữa các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, kích thích sự tuần hoàn của máu, lưu thông huyết mạch, giúp cơ thể ấm lên và có tính chất sát trùng.
Trước đây, vỏ quế chủ yếu được chế biến thành quế kẹp, quế thanh, quế ống hoặc nấu tinh dầu theo cách thủ công rồi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Còn hiện nay, với sự quan tâm đầu tư từ các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm công nghiệp dược liệu, hương liệu từ quế Trà My đang dần hình thành, tạo cơ hội để phát triển vùng nguyên liệu. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam tập trung thu mua, chế biến sản phẩm từ quế như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, rượu quế, bột quế, tăm xỉa từ thân quế…
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược – sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho biết:
- Chúng tôi đang phối hợp với trường Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh nghiên cứu một số sản phẩm từ cây quế Trà My như viên ngậm, kẹo ngậm. Cây quế ngày xưa chỉ dùng thô thôi. Bây giờ, mình chiết xuất lấy tinh dầu đưa vào thành phần trong thuốc thì giá trị sẽ tăng lên và thực sự phục vụ cho sức khỏe con người. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với đối tác bên ngoài tìm nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Nam Trà My hiện có hơn 1.900 ha quế gốc Trà My. Năm 2015, huyện này đã xây dựng 9 vườn ươm với gần 1 triệu cây giống cung cấp cho dân; đồng thời quy hoạch 6 nghìn ha đất lâm nghiệp trồng quế với mục tiêu biến nơi đây trở thành thủ phủ quế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào năm 2020. Tuy nhiên, chứng nhận chỉ dẫn địa lý mới chỉ dừng lại ở khâu xác định nguồn gốc, xuất xứ. Muốn khẳng định thương hiệu bền vững cho quế Trà My trên thị trường, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người trồng quế, cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học.  (Báo Ảnh Dân Tộc Và Miền Núi 21/11) đầu trang(
Qua cống Khai Hoang, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh chừng một cây số, dừng xe hỏi nhà anh Trần Thanh Liêm (thường gọi Ba Liêm), nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau, nhưng ai cũng nguẩy tay, lắc đầu.
Chợt nhớ bí danh “ông Ba trồng quýt”, cả hai hộ bán sản vật ven rừng chỉ ngay: “Qua đầu kênh 30 chừng trăm mét, nhà nào có vườn cây trái um tùm chung quanh, đằng trước có cầu bê-tông nối với lộ nhựa, là tới”.
Nhà vắng tanh. Chị Ba Liêm nhức đầu, nằm trên võng, chồm dậy, nói nhỏ: “Chú chịu khó lội ra vườn, vừa dứt mưa ổng (anh Ba Liêm - PV) cầm vá đi tới giờ”.
Men theo bờ mẫu gần đến cuối khu vườn, mới gặp. Anh Ba hì hục cùng đứa cháu đắp đất cho mấy cây chuối, cau vừa trồng. Đi cùng anh mỏi cả chân, thấy khắp khu vườn xum xuê cây ăn trái. Có quýt, có cam, bưởi, vú sữa, dừa xiêm lùn, thanh long ruột đỏ, chôm chôm, chuối,… và cả “dâu cái tàu”-loại trái cây đặc thù, nổi tiếng ở miệt rừng U Minh. Mỗi loại, anh trồng vài chục cây, có thứ vài trăm, riêng quýt là nhiều nhất, tới 4.000 cây.
Dưới mặt liếp cây còn non tuổi, anh trồng thêm rau má, cỏ đậu phộng. Cả hai thứ ấy, anh Ba Liêm cho biết đều có tác dụng che phủ mặt đất, giữ ẩm, giữ nước cho cây ăn trái vào mùa khô hạn khắc nghiệt. Chỉ khác, rau má ăn được, bán được; riêng cỏ đậu phộng chỉ làm thức ăn cho cá.
Dừng chân cặp ao cá to đùng, anh Ba Liêm hái quýt chín sớm đầu mùa, mời khách. Lạ… Đất phèn mà trái ngọt lịm. Dân ở chợ không vào tận nơi sẽ khó tin là quýt được trồng ở đất rừng U Minh. “Mồ hôi, công sức nhiều lắm rồi, giờ mới có quả ngọt. Năm rồi, huê lợi hơn nửa tỷ đồng đó chú” - Anh Ba Liêm tỏ vẻ mãn nguyện.
Luồn sâu ra hậu đất thăm khu trồng tràm quảng canh, ba Liêm kể, anh nghỉ hưu năm 2010. Gom hết tiền hưu (lĩnh một lần), cộng với khoản tích lũy mấy chục năm trời làm cán bộ nhà nước, anh mua thửa rừng tràm tiều tụy gần 7 ha của hộ dân dọc tuyến kênh 30 (thuộc ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh). Khu đất ấy, anh chừa diện tích trồng tràm theo quy định, còn lại lập vườn kết hợp nuôi cá đồng, bao ví nuôi heo rừng.
Là người nhạy bén, ham làm, cho nên nghe đâu có nguồn cây giống tốt, chịu phèn giỏi là anh lùng đến tận nơi mua về trồng, sẵn học hỏi thêm kinh nghiệm nhà vườn. Giai đoạn chờ cây đủ tuổi, cho quả ngọt, anh ba Liêm “lấy ngắn nuôi dài”, bằng cách trồng xen những loại rau màu ngắn ngày, nuôi thêm gia súc, gia cầm.
Anh chia sẻ: “Đất đai không phụ người. Nếu biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thì con đường đến thành công gần lắm. Chú thấy đó, làm theo cách của tôi chẳng hạn, giờ muốn nghèo cũng hơi bị khó”.
Trên đường ôm mớ trái cây rụng sớm cho bầy heo rừng ăn, anh Ba Liêm tiết lộ, năm nay anh 65 tuổi (hơn 40 năm tuổi Đảng), quê gốc ở xã Hàm Rồng, nay thuộc huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau). Gia đình có chín anh chị em, nhưng hết tám người là công chức, phần lớn đã nghỉ hưu. Tính luôn anh thì anh em trong gia đình anh có tới bốn người là thương binh. Căm hận bọn giặc giết cha mẹ mình, mới lên 10 tuổi, anh đi lấy trộm súng của một tên Việt gian, bỏ dở luôn việc học. Sau ngày ấy, anh tập tành theo cách mạng. Tới 13 tuổi, anh trở thành đội phó đội du kích “tí hon” xã Hàm Rồng.
Hòa bình lập lại, chàng trai trẻ Trần Thanh Liêm được cử đi học, sau đó được phân công đảm nhận nhiều nhiệm vụ, như: Bí thư Tỉnh đoàn Minh Hải, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Cà Mau. Hàng chục năm công tác, ở bất cứ cương vị nào, anh Ba Liêm cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân địa phương.
“Cuộc đời cách mạng của tôi gắn liền với các công trình xã hội vì cộng đồng, giúp dân các vùng nông thôn nghèo khó” - anh Ba Liêm thổ lộ và nói rõ, công trình đáng nhớ đầu tiên của anh là xây dựng nghĩa trang tỉnh Minh Hải trước đây (nay là Nghĩa trang tỉnh Bạc Liêu).
Khi ấy, với vai trò là Thường vụ Tỉnh đoàn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thanh niên xung phong, Ba Liêm huy động gần 12.000 thanh niên, đào đắp hơn 140.000 m3 đất, góp phần giúp công trình sớm hoàn thành. Sau công trình ấy, anh Ba và thanh niên xung phong tiếp tục khăn gói về các vùng quê, xắn tay áo làm nông dân, tận dụng đất trống trồng khoai lang, khoai mì… để chống thiếu lương thực thời bao cấp.
Kế đó là vụ cháy hơn 23.000 ha rừng những năm 80. Bất chấp muỗi mòng, đỉa vắt, anh cùng gần 10.000 thanh niên xung phong tiếp tục khăn gói vô rừng. Chòm chèm một năm sau đó, những khu rừng sau cháy của tỉnh Minh Hải cũ đã xanh trở lại.
Đến những năm 1995-1996, khi chưa có chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, thì cũng chính anh Ba Liêm đề xuất chương trình xây dựng “Nhà vì người nghèo”. Sau hai năm vận động, anh Ba giúp chính quyền địa phương xây dựng được gần 20.000 căn nhà cho người nghèo (5 triệu đồng/nhà). Sau ngày ấy, bão số 5 (năm 1997) ập đến, gieo rắc đau thương cho quê biển Cà Mau.
Với vai trò đảm trách được giao, anh Ba tiếp tục vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ xây dựng nhiều trường học, trạm y tế…, góp phần chia sẻ bớt thiệt thòi, thiếu thốn cho cư dân vùng nông thôn ven biển.
Đến khi đảm nhận vai trò là Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh, anh Ba Liêm tiếp tục vận động xây dựng được hơn 500 cây cầu bê-tông kiên cố ở nhiều vùng quê hẻo lánh Cà Mau. Sau ngày ấy, anh Ba Liêm tiếp tục vận động, được hơn 180 tỷ đồng, góp phần giúp tỉnh Cà Mau xây dựng hoàn thành số cầu theo Đề án 1.588 nhịp cầu mơ ước.
Ngoài việc xông xáo, xung kích trong các phong trào vì cộng đồng, anh Ba Liêm cũng là người tiên phong trong phát triển kinh tế. Vài đồng nghiệp cùng thời với anh tiết lộ, giai đoạn từ 1992-1994, khi nghề nuôi tôm sú chưa phổ biến ở Cà Mau, Ba Liêm đã có trại tôm gièo (thuần dưỡng tôm sú giống) ở miệt Láng Trâm (nay thuộc địa bàn tỉnh Bạc Liêu).
Đó cũng là trại gièo tôm sú giống nhập về tỉnh đầu tiên ở Cà Mau. Sau trại gièo, nhiều đồng nghiệp cho rằng anh liều mạng, khi mang tiền hùn với người bạn nuôi tôm sú ở đồng lúa có độ mặn khá thấp miệt Tràm Thẻ (nay thuộc xã Phong Thạnh Nam, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Thấy anh Ba làm thành công, dân trong vùng học hỏi, rồi nuôi đại trà. Cho đến nay, nhiều người vẫn đồn đại nông dân Tràm Thẻ “nằm không vẫn có ăn”, bởi nuôi tôm ít gặp rủi ro.
Sau năm 2000, Cà Mau ồ ạt chuyển đổi đất trồng một vụ lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, trại gièo và trại sản xuất tôm sú giống mọc lên đầy rẫy. Anh Ba Liêm một lần nữa bất chấp mạo hiểm, tự chuyển qua “món” khác mà sau này trở thành “hàng hiếm”. Đoán trước tình hình nên anh đầu tư cho một trong ba người con của mình học kỹ thuật sản xuất cua, sò và nghêu giống. Để bốn năm sau đó, anh Ba Liêm tạo dựng được trại sản xuất với 74 bể ương ở tận ấp Nước Lên (xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, Cà Mau). Khu trại sản xuất ấy hoạt động có hiệu quả cho đến nay.
Thành công ở nhiều mô hình nhưng khi về hưu, anh Ba lại chọn đất rừng U Minh hạ (nơi được ví là “túi nghèo” ở Cà Mau) với mô hình hoàn toàn khác, tôi hỏi? Vẫn với giọng rắn rỏi, anh Ba Liêm nói ngay, khi làm tròn nhiệm vụ xã hội, với Đảng và Nhà nước, anh về sống ở nông thôn, bởi lẽ, anh xuất thân từ nông dân, bạn bè anh phần nhiều là nông dân, các kỷ niệm của anh gắn bó nhiều với lâm nghiệp, với ruộng đồng, với nông thôn.
“Tôi muốn dành thời gian còn lại để chăm lo, hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Nhưng sâu xa hơn, tôi muốn người dân U Minh thấy được, bằng khối óc, sức lao động và làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại, mình hoàn toàn khai thác tốt tiềm năng đất rừng U Minh, để chúng tạo ra hàng hóa, sinh lợi không thua gì đất đai ở vùng khác” - anh Ba Liêm chia sẻ.
Gần nửa ngày chuyện trò, tôi biết anh ba Liêm đang nuôi thử nghiệm một loại cá nhập ngoại khá đắt tiền. Nuôi chưa thành công cho nên anh sợ bà con trong xóm biết, học theo, thất bại sẽ đổ thừa. Dè chừng vậy thôi, chứ nhiều hộ ở U Minh được anh ba chia sẻ kinh nghiệm, về lập vườn, nuôi cá… đều hiệu quả. Trước lúc về, tôi nhờ anh Ba Liêm mặc đồ đẹp để chụp hình. Anh cương quyết từ chối, bảo rằng, đã là nông dân, có sao để vậy, không cần phô trương…! (Nhân Dân 21/11) đầu trang(
Tờ đơn đề ngày 2.12.2014 của ông Hồ Văn Xuyên (SN 1960, dân tộc Vân Kiều, hiện ở thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) viết bằng những con chữ ngoằn nghèo, sai lỗi chính tả và một số giấy tờ liên quan đến việc xử phạt ông trong vụ vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai vẫn được ông cùng bà Hồ Thị Dòng (SN 1964, vợ ông) cất giữ cẩn thận để làm “bằng chứng” sau này.
Khi tôi mượn chúng để sao lại làm hồ sơ cho bài viết, ông Xuyên dặn dò rất kỹ: “Nhớ trả nó cho bố, người ta xử phạt bố vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai rồi đưa thêm cho bố 5 triệu đồng”. Nghe "chuyện lạ”, chúng tôi sửng sốt thì vợ chồng ông Xuyên mới ớ ra: “Thôi chết rồi, đúng là bất thường! Liệu có sao không con?”.
Thôn Bản Chùa là thôn người dân tộc thiểu số duy nhất sinh sống trên địa bàn huyện Cam Lộ. Mặc dù giao thông đi lại không mấy khó khăn so với những vùng dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhưng đời sống bà con Vân Kiều ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu nước tưới tiêu và thiếu luôn kiến thức làm ăn để vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Ông Hồ Văn Nhiên - Trưởng thôn Bản Chùa - nói với tôi trong vẻ mặt buồn thảm: “Toàn thôn có 72 hộ, 303 nhân khẩu là người dân tộc Vân Kiều, tỉ lệ hộ nghèo tới 65%. Đồng bào ở rừng nhưng lại không có rừng để sản xuất, hơn 11ha rừng 327 gần đây xã thu hồi để bán hay chuyển nhượng cho ai tôi không rõ, chỉ thấy một số người thôn khác đến trồng. Dân kiến nghị mãi qua mấy kỳ tiếp xúc cử tri không được chi cả”.
Về câu chuyện ông Hồ Văn Xuyên bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, ông Nhiên cho hay, “đất đó là đất của Lâm trường Đường 9, họ bỏ hoang 1 thời gian nên ông Xuyên và một số bà con thôn bản ra phát hoang để trồng cây từ năm 2011, một số bà con trồng từ trước 2011”.
Bà Hồ Thị Dòng có lẽ là người chịu nhiều đắng cay nhất khi phải chịu mất trắng 2,5ha rừng trồng đã 4 năm. Bà kể với cái nhăn mặt, sau đó, giọt nước mắt của người đàn bà gầy nhom lăn ra: “Chua xót lắm con ơi! Rừng mẹ và bố trồng từ năm 2011, đất bỏ hoang mẹ phát trồng, có trả đất thì trả nhưng phải cho mẹ thu cây đã đằng này cho xe vào ủi hết cây trồng của mẹ, ủi xong rồi đưa 1 triệu đồng!”. Khi tôi hỏi, số tiền 1 triệu đồng đó ai đưa, bà Dòng và ông Xuyên đồng thanh rằng, đó là ông Sơn. Ông Hoàng Liên Sơn - Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền!
Tôi thắc mắc, ông Sơn "Chủ tịch" cắc cớ gì trong chuyện này thì ông Xuyên nói: “Ông cho xe ủi đất trồng rừng cùng ông Mười ở thôn Ba Thung và thầy Tú ở Trường THCS xã Cam Tuyền chở, răng không cắc cớ”. Ông Hồ Văn Xuyên nói thêm, “bố thấy hành động này như ăn cướp, bố chưa ký bất kỳ loại giấy tờ gì cả thì họ cho xe vào ủi, sau bố làm đơn kiện ra tới Ủy ban nhân dân xã Cam Tuyền, cán bộ trốn hết, chỉ có mỗi cô Nga cán bộ địa chính, vợ bố cãi nhau với cô địa chính 1 lúc rồi... khóc cầm đơn về”.
Chứng kiến câu chuyện, người viết bài này đôi lần phải lặng đi. Gia đình ông Hồ Văn Xuyên thuộc hộ nghèo, đời sống rất khó khăn, hay đau ốm lại phải nuôi con ăn học. 2,5 ha rừng là dự tính để gia đình làm lại ngôi nhà sau khi thua hoạch gỗ tràm, giờ thì ngôi nhà cũng được xây, không phải thuê thợ mà chính đôi bàn tay ông Xuyên làm thợ nề còn người vợ phụ hồ, tất cả số tiền xây căn nhà đó được vay từ nguồn của Ngân hàng Chính sách Xã hội 30 triệu đồng.
Ông Xuyên chép miệng: “Đáng lý không phải vay tiền cũng xây được nhà nếu thu kịp 2,5ha rừng với 4.500 cây tràm đó”. còn vợ ông thì đứng ngẩn người, “đáng chuyện không nên nhắc lại nữa, càng nhắc càng thấy đau lòng”. Như thế đấy! Tôi là người mắc lỗi khi gợi lại những chuyện đã phần nào yên ắng trong họ.
Câu chuyện xảy ra hơn một năm nhưng vẫn còn “tươi mới lắm”. Bà Hồ Thị Dòng tâm sự: “Một đoàn cán bộ của xã Cam Tuyền, có cả công an, chủ tịch... lên thôn nhưng không vào nhà mẹ mà cho người gọi chồng mẹ sang nhà bên cạnh để làm việc nên mẹ không cho đi. Sau đó, ông Sơn - Chủ tịch xã - có sang thăm nhà và bảo rằng, thấy gia đình làm nhà cực khổ nên Ủy ban xã thăm cho 1 triệu đồng”. Ông Hồ Văn Xuyên còn hồ hởi kể thêm, “ngoài 1 triệu ra còn có 1 can rượu và hai kilogam lòng lợn”, ông Xuyên cười.
Bà Dòng nói trong sự chua xót, cảm giác “bị đánh lừa” khi ông Sơn Chủ tịch đưa 1 triệu đồng cho gia đình và nói là "1 triệu ủy ban thăm hộ nghèo": "Nhưng không phải con ơi! Một triệu đó sau được cộng thêm 4 triệu, tổng cộng là 5 triệu đồng vì họ cướp rừng của mẹ”. Một triệu đồng để lấy đất nhưng nói là tiền thăm hộ nghèo làm nhà! Thêm 4 triệu đồng nữa là số tiền theo biên bản thỏa thuận để nhận tiền với “những việc làm sai trái” (trích văn bản thỏa thuận) trong lĩnh vực đất đai mà ông Xuyên gây ra.
Số tiền này cũng được ông Hoàng Liên Sơn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cam Tuyền - mang tới tận nhà cho ông Xuyên cùng với tờ biên bản thỏa thuận giữa ông Hồ Văn Xuyên với ông Trần Trọng Tài và ông Hoàng Hữu Quốc (ở tại thôn Ba Thung - xã Cam Tuyền) chứ không phải tên ông Sơn!
Ông Xuyên cho hay, “biên bản thỏa thuận ông Sơn không đọc cho tôi nghe, cũng không đưa cho tôi đọc, chỉ bảo tôi lăn dấu vân tay”. Mà chuyện lạ thế! Ông Hồ Văn Xuyên biết chữ cơ mà, ông học lớp 5/10 và đọc viết thành thạo, tất nhiên là cả việc ký tên. Nhưng cuối cùng dấu vân tay vẫn được lăn, theo ông Xuyên, đó là sự bí bức, “không lăn biết mần răng được?”.
Hơn 1 năm biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được lập (Biên bản số 03/BB-VPHC, ngày 8.5.2014) do ông Hoàng Ngọc Ánh lập, không đề chức danh khi ký ban hành, không có con dấu của chính quyền địa phương. Còn ông Hồ Văn Xuyên không chịu ký vào biên bản với lý do “đó là những việc làm sai trái của Ủy ban Nhân dân xã Cam Tuyền, nhưng e ngại vấn đề sinh sống tại địa phương còn phải gặp cán bộ có phương việc nên tôi đành chấp nhận”.
Số tiền 5 triệu đồng được nhận do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai mà ông Hồ Văn Xuyên và bà Hồ Thị Dòng nhận, ông bà đã mua 2 chiếc giường, sắm một vài dụng cụ gia đình và mấy bao ximăng. Kể về chuyện này, ông Xuyên và bà Dòng cười rất tươi, cái cười trong điều đáng ra phải chảy nước mắt vì 2,5ha rừng trồng 4.500 cây tràm 4 năm tuổi bị mất trắng.
Nhưng đấy rõ ràng là một điều đáng phải cười, bởi theo ông Xuyên “thông thường bị xử lý vi phạm hành chính mình phải nộp tiền cho họ, nhưng đây họ lại đưa cho mình thêm tiền, đưa tới 5 triệu đồng! Đúng là lạ thiệt”. Khi câu chuyện này vỡ ra, ông Hồ Văn Nhiên - Trưởng thôn Bản Chùa - cũng trố mắt ngạc nhiên: “Lại có chuyện ủy ban xã phạt ông Xuyên rồi còn đưa thêm 5 triệu? Chuyện đó tôi không biết, đúng là vui thiệt”.
Khi chúng tôi đem chuyện này đến gặp ông Hoàng Liên Sơn - Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền - để xác minh, ông Sơn tỏ ra bối rối, vòng vo không cung cấp thông tin rõ ràng và cụ thể. Ông Sơn cho biết, năm 2010, sau khi Lâm trường Đường 9 hết trồng rừng thì bàn giao lại đất cho địa phương và chia thành hai đợt, đợt đầu 50ha, đợt sau 60ha. Trong 60ha đó, 50ha được chia đều cho các hộ dân Bản Chùa, 10ha còn lại để hoán đổi cho các hộ dân thôn Ba Thung trồng rừng (lúc sau lại nói dùng để đổ đất xây trụ sở, ở Ba Thung có 7-8 hộ).
Lâm trường bỏ đất từ 2010 nhưng đến 2014 người dân mới trồng rừng. Hộ ông Xuyên tự khoanh và phát những cây bụi xung quanh, để lại những cây tràm con mọc từ gốc cây cũ. Số tiền đền bù, hoán đổi đất, người dân tự thỏa thuận với nhau ở thôn Ba Thung rồi họ hỗ trợ lại tiền cây của ông Xuyên. Các hộ dân tự ủi đất và làm đất. Ủy ban xã không liên quan mà chỉ ủi đường lô. Trong quá trình xây dựng, từ kinh phí của quỹ phát triển trồng rừng của xã, UBND xã có san ủi mặt bằng đường phòng cháy chữa cháy cho các hộ dân.
Khi được hỏi về vụ việc rừng tràm của ông Xuyên, ông Sơn nói: “Cây cối ở rừng tràm của ông Xuyên do ông bao quanh trên đất cũ của Lâm trường Đường 9, xã không nắm rõ và không hề có biên bản xử phạt ông Xuyên về việc sử dụng đất trái phép. Khi ông Xuyên lấn trái phép có khúc mắc với các người khác nên xã chỉ nhắc nhở. Khi hoán đổi đất, người dân tự thỏa thuận chứ xã không liên quan (nhiều vấn đề ông Sơn nói rằng “cái đó thì không rõ”).
Rời thôn Bản Chùa trong khi chiều về và mây trời ngai ngái. Tôi mang theo câu chuyện lạ đời của năm 2015 “bị xử phạt vi phạm hành chính còn được nhận thêm 5 triệu đồng” và một màn mưa giăng giăng vây kín Bản Chùa. Sau điệu cười của ông Hồ Văn Xuyên khi mọi việc đã xảy ra là giọt nước mắt của bà Dòng - vợ ông. Bà vẫn đội nón để lên rẫy trồng cây trên một đám đất rừng mới được khai hoang mấy ngày trước đó.
Bà Dòng nói với tôi khi khoác lên người chiếc áo thổ cẩm đã qua bao mùa mưa nắng: “Phải trồng rừng con ơi! Trồng để có tiền trả nợ làm nhà”. Tôi lại nhớ câu nói của ông Xuyên “đáng lý không phải vay tiền cũng xây được nhà nếu thu kịp 2,5ha rừng với 4.500 cây tràm đó”. (Lao Động 22/11) đầu trang(
Tính đến tháng 10/2015, tổng diện tích rừng  phải  trồng thay thế trên địa bàn tỉnh Sơn La là 1.861ha. Trong đó, diện tích phải trồng tại các dự án thủy điện là hơn 1.300ha, chiếm 70,5% tổng diện tích phải trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, đến nay, Sơn La mới trồng được 123ha.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La, tới hết tháng 12-2014, Sơn La đã trồng rừng thay thế được 118,55ha, trong đó các dự án thủy điện hơn 97ha. Năm 2015, diện tích đã có phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt là 1.156ha. Tuy nhiên, tới hết tháng 10 -2015, Sơn La mới thực hiện trồng  được 5ha rừng.
Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Sơn La, cho biết: công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh còn chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 25 công trình chưa được phê duyệt phương án trồng rừng thay thế.
Nguyên nhân do các chủ đầu tư nộp tiền chậm, phân tán theo lộ trình. Hiện các chủ đầu tư mới nộp được gần 33 tỷ đồng trên tổng số hơn 59 tỷ đồng. Cùng với đó, các bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn, quy định về quản lý, cấp phát thanh toán nguồn vốn nêu trên; thiếu hướng dẫn về thủ tục hồ sơ thanh toán, quyết toán nguồn vốn… nên địa phương chưa có cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, việc trồng hơn 324ha diện tích rừng thay thế tại các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phục vụ làm đường giao thông, thủy lợi, điểm tái định cư… do thiếu văn bản hướng dẫn và bố trí nguồn vốn nên chưa thực hiện được. Ngoài ra, cơ chế hưởng lợi với diện tích rừng trồng thay thế; hướng dẫn quản lý hình thành tài sản là rừng trồng sau khi hết thời gian đầu tư xây dựng cơ bản lâm sinh cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Theo kế hoạch, trong năm 2016, dự kiến diện tích trồng rừng thay thế tại Sơn La là 1.313ha. Trong đó, ưu tiên trồng xong diện tích các công trình thủy điện là 1.207ha. Diện tích trồng theo mục đích kinh doanh là 105,12ha. Các diện tích còn lại sẽ tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế và căn cứ kết quả cân đối nguồn kinh phí bố trí cho diện tích trồng rừng thay thế với mục đích công cộng của các bộ ngành trung ương để triển khai thực hiện.
Song hiện nay, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, nên Sơn La vẫn còn đang loay hoay trong khâu quản lý và thực hiện. Như vậy, không biết tỉnh Sơn La có hoàn thành được mục tiêu trồng rừng thay thế hay không ? (Tài Nguyên Và Môi Trường 20/11) đầu trang(
Thông tin từ Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, trong 10 tháng năm 2015, sản lượng gỗ khai thác gỗ rừng trồng đạt 121.870m3, bằng 65% so cùng kỳ.
Ngoài ra Công ty TNHH MTV LCN Long Đại đang tổ chức khai thác 5.500m3 gỗ rừng tự nhiên tại Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn. Các cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu được 245.000 tấn dăm gỗ, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Cùng với việc đẩy mạnh khai thác gỗ các địa phương, đơn vị đã tiến hành trồng mới gần 3.000ha rừng kinh tế và chuyển đổi gần 500 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su.
Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các địa phương, đơn vị  quan tâm, số vụ vi phạm pháp luật quản lý, bảo vệ rừng giảm 9% so với cùng kỳ. (Báo Quảng Bình 20/11) đầu trang(
Tuần Giáo (Điện Biên) là huyện có diện tích đất lâm nghiệp rộng, trong đó diện tích đất rừng chiếm hơn 40 nghìn ha.
Đây là nguồn tài nguyên quý giá, có ý nghĩa đối với môi trường và mang lại đời sống ấm no cho bà con, cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới. Từ nhận thức này, năm 2013, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tuần Giáo đã ban hành Nghị quyết 03 về một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
Nghị quyết 03 với mục tiêu được xác định rõ ràng, cụ thể trong giai đoạn 2013 – 2015, ngoài bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, hằng năm huyện trồng thêm ít nhất 300 nghìn cây phân tán; trồng rừng sản xuất làm nguyên liệu cho chế biến gỗ đạt 2.000 ha; trồng rừng phòng hộ, khoanh nuôi, tái sinh, phục hồi trên 3.000 ha rừng.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng trồng sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất, cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuần Giáo Giàng Trùng Lầu cho biết: Nghị quyết được triển khai tập trung chủ yếu tại chín xã quanh trung tâm huyện, nơi có nhiều diện tích đất lâm nghiệp chưa được phủ xanh. Cùng với công tác tuyên truyền cho người dân về lợi ích, sự cần thiết của việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thì phương thức chủ yếu là hỗ trợ cây giống, trong đó phương án trồng cây phân tán dễ triển khai và đạt hiệu quả cao hơn. Mỗi năm, huyện trích nguồn kinh phí hơn 500 triệu đồng để mua cây giống cung cấp cho người dân trồng rừng.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao, như thị trấn Tuần Giáo, xã Quài Cang, xã Quài Tở... Cùng với việc phát triển rừng nguyên liệu, huyện đã quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phù hợp với từng vùng và gắn kết cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu.
Hiệu quả, tiềm năng lợi ích kinh tế mang lại từ việc trồng rừng phân tán tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên), cho đến thời điểm này có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với việc trồng và bảo vệ rừng.
Năm đầu rừng được trồng thí điểm với diện tích nhỏ lẻ thì đến năm 2014, huyện Tuần Giáo đã trồng mới được 114 ha rừng phòng hộ, rừng thay thế và hơn một triệu cây phân tán. Trong đó chủ yếu là các giống cây: keo tai tượng và mỡ được người dân trồng, chăm sóc, hiện đang phát triển tốt. Hứa hẹn đến khi được phép khai thác sẽ là nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn huyện. Nhất là do được phổ biến kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, đến bón phân cho cây trồng, cho nên hiệu quả rừng trồng tăng rõ rệt.
Xã Quài Tở có diện tích rừng sản xuất lớn nhất huyện Tuần Giáo với hơn 1.400ha. Chủ tịch UBND xã Quài Tở Cà Văn Lả cho biết: Trong năm 2015, xã được cấp hơn 712 nghìn, gần 1,7 triệu cây giống keo tai tượng và cây mỡ cấp cho toàn huyện. 459 hộ thuộc 15 bản của xã đã đăng ký trồng cây keo tai tượng trên diện tích đất lâm nghiệp và đất vườn của các hộ với tổng diện tích gần 250ha.
Đến nay, người dân đã phối hợp cán bộ phụ trách nông nghiệp, trạm khuyến nông chăm sóc, bảo vệ bảo đảm kỹ thuật, tỷ lệ cây giống sống đạt hơn 70%. Diện tích rừng keo tai tượng trồng mới tập trung tại bản Xôm, bản Hua Ca, bản Ngúa Trong. Người dân rất đồng tình, phấn khởi, bởi ngoài việc phủ xanh đất trống, cải thiện môi trường, phòng chống thiên tai... thì đây cũng là tiềm năng để bà con phát triển kinh tế từ trồng rừng.
Chúng tôi đi tham quan cánh rừng keo tai tượng hơn một năm tuổi, ông Lò Văn On, bản Ngúa Trong, xã Quài Tở chia sẻ: Thực hiện trồng rừng hơn 10 năm nhưng chưa mang lại hiệu quả, sau khi có Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ huyện Tuần Giáo về một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Năm 2014, gia đình chúng tôi nhận 4.000 cây keo tai tượng trồng trên diện tích 2 ha. Điều khiến chúng tôi bất ngờ, phấn khởi là giống cây này phù hợp với chất đất nơi đây nên phát triển rất tốt.
Chỉ hơn một năm mà trung bình cây keo tai tượng đã cao hơn 3m, đường kính thân từ 5 cm đến 8 cm... Như lời cán bộ lâm nghiệp hướng dẫn thì cây keo tai tượng cải tạo môi trường sinh thái tốt, đồng thời phù hợp để sản xuất gỗ nhỏ, gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến bột giấy, gỗ ván dăm... Trong khi nhà máy chế biến gỗ ván dăm ở ngay trên địa bàn huyện sẽ thuận lợi cho “đầu ra” khi khai thác, cho nên năm nay gia đình tôi tiếp tục trồng thêm 5.000 cây trên diện tích 3 ha nương.
Nhìn cánh rừng gỗ keo tai tượng đang phủ một mầu xanh mướt trên những triền nương ở huyện Tuần Giáo, chúng tôi tin tưởng rằng, từ Nghị quyết 03 đã có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp sẽ đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học... góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện. (Nhân Dân 22/11) đầu trang(
Triển khai kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện; tuyên truyền các chính sách liên quan; rà soát các dự án sử dụng đất lâm nghiệp; triển khai trồng rừng thay thế toàn bộ diện tích chuyển đổi...
Đó là những bước đi cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả đề án trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2016, tỉnh ta sẽ hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế, đảm bảo đúng tiến độ chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác là nội dung quan trọng trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011  2020. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, bắt đầu triển khai từ năm 2014.
Theo kết quả rà soát của các địa phương về tình hình chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, cả nước có tổng diện tích 67.750 ha phải trồng rừng thay thế. Lũy kế đến ngày 30/9/2015, cả nước đã trồng rừng thay thế được 15.959 ha, đạt 23,6%. Riêng năm 2015, từ đầu năm đến ngày 30/9, cả nước đã có 23/50 địa phương triển khai trồng rừng thay thế với tổng diện tích 8.089 ha, đạt 36% kế hoạch năm; ước cả năm 2015 trồng được 11.660 ha, đạt 52,3% kế hoạch năm.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhìn chung, kết quả trồng rừng thay thế đạt thấp so với kế hoạch đòi hỏi các địa phương trong thời gian tới phải quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể: đối với các dự án thủy điện đã đưa vào vận hành, phấn đấu hoàn thành công tác trồng rừng thay thế trong năm 2015.
Đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, phấn đấu hoàn thành trong năm 2016. Đối với các dự án đã nộp tiền về quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, yêu cầu UBND các tỉnh khẩn trương chỉ đạo, giải quyết vướng mắc để trổng rừng ngay, không để tồn quỹ. Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế.
Tại tỉnh ta, đề án trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh đã được triển khai nghiêm túc và đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Là đơn vị chủ trì thực hiện đề án, Sở NN&PTNT đã giao đơn vị chuyên môn phối hợp rà soát diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh từ năm 2006 đến nay.
Theo đó, toàn tỉnh có 444,77 ha rừng của 64 dự án đầu tư được chuyển sang mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp. Trong đó có 5 dự án chuyển sang mục đích xây dựng công trình thủy điện với diện tích phải trồng rừng thay thế 10,6 ha (đến nay chưa thực hiện trồng rừng thay thế), 56 dự án chuyển sang mục đích SX-KD với diện tích phải trồng rừng thay thế 415 ha (đến nay đã trồng rừng thay thế được 32,64 ha, còn lại 382,4 ha); 3 dự án chuyển sang mục đích xây dựng công trình công cộng với diện tích phải trồng rừng thay thế 19,17 ha (đến nay đã trồng rừng thay thế được 2,17 ha, còn lại 17 ha).
Như vậy, đối với 64 dự án đang hoạt động, diện tích đã trồng rừng thay thế 34,81 ha (chủ đầu tư tự trồng rừng thay thế 32,64 ha; nộp tiền qua quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để trồng rừng thay thế 2,17 ha), còn lại thực hiện trồng rừng thay thế.
Đồng chí Đinh Quang Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Với diện tích 409,99 ha chưa trồng rừng thay thế, từ quý I/2016, Sở NN&PTNT sẽ tổ chức triển khai đến các chủ đầu tư yêu cầu khẩn trương thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền về quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để trồng rừng thay thế theo đúng quy định.
Nếu chủ đầu tư không chấp hành sẽ kiến nghị UBND tỉnh kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động. Dự kiến đến cuối năm 2016, tỉnh sẽ hoàn thành trồng rừng thay thế đối với những diện tích đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong thời gian 2006 - 2013, đảm bảo đúng tiến độ Bộ NN&PTNT yêu cầu. (Báo Hòa Bình 20/11) đầu trang(
Ngày 20/11, tại Hội thảo “Đánh giá hiệu quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng và sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức, các đại biểu cho rằng cần thiết phải đánh giá độc lập hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Nghiêm Vũ Khải, chính thức triển khai từ đầu năm 2011, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng từng bước trở thành một nguồn tài chính ổn định, khoảng 1.000 - 1.300 tỷ đồng/năm dành riêng cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, giảm áp lực chi của ngân sách Nhà nước cho đầu tư lâm nghiệp hằng năm từ 22-25%.
Với mức chi trung bình 250.000 đồng/ha, chính sách này đã bổ sung thêm thu nhập trung bình từ 1,8-2 triệu đồng/hộ/năm cho gần 349 nghìn hộ gia đình cùng hơn 5.700 nhóm hộ, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ gần 5 triệu ha rừng trên toàn quốc. Chính sách này cũng tạo nguồn thu mới, hỗ trợ thêm chi phí duy trì hoạt động cho các chủ rừng nhà nước, nhất là các công ty lâm nghiệp trong bối cảnh khai thác rừng tự nhiên phải tạm dừng.
Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp như thúc đẩy mô hình đồng quản lý trong hệ thống rừng đặc dụng, hợp tác công tư để triển khai hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phải có hệ thống gồm dân, chủ rừng, kiểm lâm tham gia giám sát đánh giá kết quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại cấp địa phương là cách tiếp cận mới mà Liên hiệp Hội và Tổng cục Lâm nghiệp đang phối hợp thực hiện theo hướng công bằng, minh bạch và bền vững.
Dù là cơ chế, chính sách ở cấp độ vĩ mô hay vi mô thì chỉ khi nào đảm bảo người dân sống được với nghề rừng thì họ mới là người gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Nghiêm Vũ Khải, nhấn mạnh. (Công An Nhân Dân 21/11; Chính Phủ 20/11; Tiền Phong 21/11) đầu trang(
Theo báo cáo, tỉnh Kon Tum có  khoảng 769.400,95ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 397.952,97 ha rừng và đất lâm nghiệp trong khu vực biên giới. Độ che phủ của rừng  là 57,54%;  ở các huyện khu vực biên giới độ che phủ rừng là 65,5%.
Trong những năm qua, tình hình sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh nói chung và các huyện thuộc khu vực biên giới nói riêng theo quy hoạch và mục tiêu đã hoạch định. Tuy nhiên, diện tích rừng và đất lâm nghiệp có giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để làm các các công trình giao thông, thủy lợi, khai thác khoáng sản…
Trong khu vực biên giới, năm 2015, tỉnh giao khoán bảo vệ 54.430ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 1.640,4ha rừng; rừng chuyển đổi cây cao su phát triển tốt...
Kết thúc buổi làm việc, Đoàn công tác ghi nhận Kon Tum là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất Tây Nguyên và việc chuyển đổi rừng sang trồng cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu đối với các công ty lâm nghiệp còn nhiều hạn chế, khó khăn...
Sau buổi làm việc, Đoàn đã đi thực tế ở một số huyện biên giới. (Tầm Nhìn 21/11) đầu trang(
Nợ 15 ngân hàng, cổ phiếu suýt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, nhưng ông "trùm" gỗ Việt đã đưa doanh nghiệp thoát phá sản. Ông bảo mình nói thật, làm thật thì sẽ được chia sẻ.
Hơn 30 năm gắn bó với gỗ, thầy giáo doanh nhân Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, mình có 2 lần đi qua khủng hoảng, mà lần sau dài và khó hơn lần trước.
Gặp doanh nhân Võ Trường Thành thời điểm này, trông ông thảnh thơi và trẻ rất nhiều so với gần 3 năm trước, dù ông bảo, vẫn phải dành hơn 10 tiếng mỗi ngày cho việc. Ông khoe sau 18 tháng tái cấu trúc, công ty đã thoát phá sản và có lãi ngoài sự mong đợi. 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 230 tỷ đồng. “Điều này vượt ngoài mong đợi của chúng tôi. Khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi chỉ đưa ra mức lãi năm 2015 khoảng 164 tỷ đồng. Bởi chặng đầu của kế hoạch tái cấu trúc thực hiện khó khăn lắm”, ông Thành cho biết.
Ông kể, giai đoạn 2011-2013, gỗ Trường Thành rơi vào khó khăn kinh khủng. Cụ thể là mức nợ của toàn tập đoàn lên đến 1.900 tỷ, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 735 tỷ. Mỗi năm chỉ riêng trả lãi vay đã 250 tỷ. Nguyên nhân của số nợ ngày càng phình to, ngoài khó khăn trong thời gian dài bị siết chặt tiền tệ còn vì công ty đầu tư lớn vào rừng trồng và bất động sản (BĐS).
“Rừng trồng là thứ có giá trị, nhưng giai đoạn đó chưa đến tuổi khai thác, muốn bán lại thì không tìm ra người mua. Hơn 100 tỷ đầu tư vào BĐS cũng bất động. Đất và rừng là 2 tài sản quý nhưng có trong thời điểm đó tôi không thể vui”, ông "trùm" gỗ Việt nói.
Trước tình thế cấp bách, doanh nghiệp 5.000 lao động này bắt tay tái cấu trúc. Kế hoạch thực hiện trong 18 tháng. Với việc cơ cấu lại nợ, tăng vốn chủ, trạng thái tài chính đã thay đổi, từ đi vay 1.900 đồng của 15 ngân hàng, đến nay tổng nợ 14 công ty trong tập đoàn chỉ còn 1.100 tỷ tại 3 cho ngân hàng.
Nói thì đơn giản nhưng làm gian nan lắm. Ông chia sẻ, suốt mấy tháng liền ông chạy vạy, gõ cửa khắp nơi. Bắt đầu là thuyết phục để được giãn nợ, cơ cấu lại nợ; rồi “đấu tranh” để được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá; lại “đấu tình, đấu lý” để cổ phiếu không vào diện kiểm soát đặc biệt. Bây giờ, cổ phiếu Trường Thành đã tăng hơn 19.000 đồng. Nhưng ở thời điểm khó khăn nhất, giá rớt xuống chỉ bằng một ly nước mía.
Riêng với BĐS, ông thừa nhận đó là khoản đầu tư sai lầm của mình. “Tôi từng nghĩ sẽ chuyển qua lĩnh vực BĐS. Ở thời điểm thị trường nóng sốt, ai cũng thấy cơ hội huy động vốn đầu tư vào đất. Nhưng mình không chuyên, gặp ngay thị trường đóng băng. Bây giờ có cho tiền tôi cũng không dám làm BĐS. Cuối năm nay tôi sẽ sang lại dự án, tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi của mình”, ông Thành cho biết.
Nhưng niềm vui lớn nhất với ông là TPP được ký kết. 14.000 ha rừng đang đến tuổi khai thác trở thành tài sản đặc biệt. Ngành gỗ Việt Nam vốn chi phối bởi các công ty FDI, họ vẫn nhập nguyên liệu sản xuất. Nhưng khi vào TPP, doanh nghiệp phải sử dụng nguyên liệu trong nước. Ông dự kiến năm nay khai thác rừng ở quy mô 1.000 ha, nhưng hiện kế hoạch đã dừng, để dành khi TPP có hiệu lực, giá gỗ tốt lên sẽ phục vụ cho nhu cầu trong nước.
Nhìn lại những khó khăn của mình, doanh nhân Võ Trường Thành cho rằng, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ buông xuôi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thuyền trưởng phải là người có năng lực đưa thuyền vượt bão.
“Đây là điều khác biệt. Khi sóng yên biển lặng ai cũng có thể lái tàu được hết. Trước đây tôi làm việc mỗi ngày 9-10 tiếng đồng hồ, lúc khủng hoảng thì mỗi ngày phải làm 12-13 tiếng. Thời khó khăn, tôi đã mất khoảng 20% cán bộ, nhân viên, và hiện đang phải tuyển để bù đắp cho lực lượng thiếu hụt. Tôi thấy mình phải làm việc hiệu quả hơn để không phụ lòng những người đã cùng tôi vượt bão.
Tôi đã 'dính' 2 đợt khủng hoảng, mà lần sau lại khó khăn hơn lần đầu. Đó là vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 - 1998, cùng thời điểm Chính phủ ra chỉ thị cấm xuất khẩu gỗ. Nhưng sau 3 tháng đóng cửa nhà máy, chúng tôi phải đứng dậy. Quay về thị trường nội địa là chiến lược cầm cự để thoát phá sản. Đến năm 1999, khi lệnh cấm đỡ bỏ, chúng tôi mở rộng hoạt động và bắt đầu xuất khẩu gỗ sang châu Âu", ông kể.
Kinh nghiệm ông muốn chia sẻ là bình tĩnh, giải quyết tới cùng vấn đề và luôn có cái nhìn lạc quan. Ngay trong lúc khó khăn nhất ông vẫn có niềm tin cứu được doanh nghiệp. Ông vạch kế hoạch đứng dậy và bước đi trong từng thời điểm. Doanh nghiệp ông có truyền thống là tự lập kế hoạch phát triển với sự chia sẻ của cổ đông. Kế hoạch do mình lập ra sẽ thành công dễ hơn, vì mình làm, sẽ hiểu thuận lợi, khó khăn ở đâu.
Thời điểm khó khăn nhất cũng để lại cho ông nhiều dấu ấn nhất. Năm 2013, rất nhiều thông tin rộ lên Trường Thành ngập trong nợ nghìn tỷ, sắp phá sản. Cả 15 ngân hàng xôn xao vì sợ không đòi được nợ, đã cùng lúc ngồi lại bàn giải pháp với ông. Ông thành thật khai hết số nợ và mong muốn được làm ăn, trả nợ. Các ngân hàng thấy kế hoạch rõ ràng nên ủng hộ. Ông bảo, dù 20 năm làm doanh nhân, nhưng mình vẫn không thể bức ra khỏi hình ảnh một ông giáo chân tình.
Chia sẻ ước mơ của mình, ông chỉ mong nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời, ổn định để người dân yên tâm phát triển rừng. Ngành gỗ Việt được thừa nhận mạnh nhất Đông Nam Á và đang đứng trước cơ hội lớn khi TPP có hiệu lực. Nhưng muốn phát triển bền vững thì phải giảm xuất thô, chuyển sang các sản phẩm giá trị cao.
Nhắc đến doanh nghiệp gỗ, ông không khỏi trăn trở. Thời điểm 2012-2013, khi là Chủ tịch hiệp hội gỗ tỉnh Bình Dương, ngày nào ông cũng phải nghe tin doanh nghiệp trong ngành giải thể, đóng cửa. Ông bảo không có con số cụ thể, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn khoảng 20% số doanh nghiệp chưa thể đứng dậy được.
Cũng vì vậy mà lợi thế đang nghiêng về doanh nghiệp ngoại. Ông Thành cho biết, thời điểm 2007, doanh nghiệp gỗ Việt Nam chiếm 60% thị phần xuất khẩu và chi phối đến 80% tại thị trường nội địa. Nhưng nay doanh nghiệp trong nước chỉ còn tham gia gần 35%, hơn 65% thuộc về doanh nghiệp FDI.
Ông bảo, điều mình muốn chia sẻ là lạm phát không phải do doanh nghiệp gây ra, nhưng khi lạm phát, chúng ta hay siết tiền tệ. Khi thắt chặt tiền tệ thì doanh nghiệp hứng chịu đầu tiên, bởi kế hoạch kinh doanh vỡ lở. Để chống lạm phát thì phải dùng nhiều giải pháp, trong đó siết tiền tệ nên thực hiện ở mức độ vừa phải.
Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958, tại Bình Định. Năm 21 tuổi, đang là một giáo viên, ông Thành rời quê lên Tây Nguyên làm việc tại xưởng gỗ của Lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP) thuộc Tổng đội TNXP TP HCM. Năm 1990, ông thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk.
Năm 1999, doanh nhân này đầu tư nhà máy gỗ Trường Thành tại Bình Dương. Đây là doanh nghiệp Việt duy nhất đứng trong top 5 đơn vị xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam, cùng với 4 doanh nghiệp FDI. (Zing News 20/11) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Mặc dù ở Australia hiện nay vẫn đang là cuối mùa Xuân, song nắng nóng đã lan rộng, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo ở mức cao, nhất là khi “mùa” cháy rừng tại bang Tây Australia bắt đầu và tính đến ngày 19/11 đã làm ít nhất 4 người thiệt mạng.
Cơ quan khí tượng Australia (BoM) cảnh báo nhiệt độ trên hầu khắp các bang tăng cao trong ngày 19-20/11 là do áp thấp nóng trên diện rộng dịch chuyển từ phía Tây sang phía Đông.
Chuyên gia của BoM cho biết nguy cơ cháy rừng là rất lớn do nhiệt độ tăng cao trong khi mùa Đông và mùa Xuân ít mưa. Tại bang Tây Australia, cháy rừng đã khiến 4 người thiệt mạng, 3 ngôi nhà bị cháy và khoảng 15.000 gia súc bị chết.
Hơn 200 lính cứu hỏa cùng người dân đã nỗ lực dập tắt hỏa hoạn tại khu vực giữa Scaddan và Salmon Gums, và tại khu vực Stockyard Creek, Mullet Lakes.
Tại bang Victoria, chính quyền quận Mallee ở phía Bắc, giáp với bang New South Wales đã ban hành lệnh cấm đốt lửa vào ngày 20/11 trong bối cảnh nguy cơ cháy rừng ở cấp độ cao. Chính quyền bang cũng đã bố trí 32 máy bay mang bom nước để sẵn sàng đối phó với tình trạng nguy cấp.
Tại bang New South Wales, nhiệt độ ở thành phố Sydney trong ngày 20/11 dự kiến lên mức 41 độ C và tình trạng oi nóng lan rộng. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở Sydney trong tháng 11 là 41,8 độ vào năm 1982.
Ngoài ra, BoM cũng cảnh báo nguy cơ cháy ở mức cao tại các khu vực phía Nam của bang này như Riverina, Shỏalhaven, Southern Ranges do tình trạng nóng, khô và gió mạnh.
Chiều 19/11, nhà chức trách đề nghị tạm ngừng thu hoạch vụ mùa tại khu vực Riverina vì nguy cơ cháy đang ở mức cực kỳ nguy hiểm. Người dân trên toàn bang New South Wales đã được khuyến cáo chuẩn bị sẵn kế hỏach đối phó với cháy rừng.
Lực lượng chuyên điều tra nguyên nhân gây cháy tăng cường hoạt động, đề nghị người dân báo ngay cho cảnh sát khi thấy bất kỳ người nào khả nghi cố tình gây cháy. (Vietnam + 21/11) đầu trang(
Tại huyện Quân Liên tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), một người đàn ông đã bắt được sinh vật lạ, tất cả những người dân xung quanh đó đều chưa một lần nhìn thấy chúng vì thế ai nấy đều rất tò mò về sinh vật lạ này.
Ông Dương Vân Binh cho biết: “Khi ông cùng một người khác lên núi để chặt một ít cành cây về làm chổi, trong khi quay về thì phát hiện một cái tổ chim, bên trong đó là những sinh vật rất lạ. Lúc đó còn có một một con to hơn, nhưng khi nhìn thấy người  liền bay đi, trong tổ  chỉ còn lại một vài con nhỏ”.
Sau khi biết tin, công an kiểm lâm huyện Quân Liên đã đến hiện trường để xem xét và cho biết: Hai sinh vật này có tên là: Khỉ mặt Đại bàng. Hơn nữa còn cho biết: Khỉ mặt Đại bàng là động vật cần được bảo vệ cấp 2.
Khi phát hiện thấy loài động vật này tuyệt đối không được giết hại và làm tổn thương đến chúng, tuyệt đối không được bắt nhốt. Nếu có bắt được phải báo ngay cho cơ quan công an kiểm lâm biết.
Trạm trưởng  cục bảo vệ động vật hoang dã huyện Quân Liên nói: Những con khỉ mặt đại bàng này vẫn chưa trưởng thành vì thế chưa thể thả chúng về với giới tự nhiên. Do vậy chúng sẽ được đem đến cục bảo vệ động vật hoang dã để chăm sóc, sau khi chúng trưởng thành sẽ được thả về tự nhiên. Ông hy vọng mọi người dân cùng nhau bảo vệ động vật hoang dã, không tùy tiện bắt giữ. (Giáo Dục Và Thời Đại 21/11) đầu trang(
Con hổ bị các nhà chức trách bắn chết ở khu rừng phía nam Ấn Độ đã giết và ăn thịt một nông dân vài ngày trước.
BBC đưa tin, con hổ bị bắn chết khi vồ một kiểm lâm viên đang buộc con dê mồi nhử vào gốc cây trong khu rừng Bandipur, Karnataka. Theo các nhà chức trách, con hổ từng tấn công một người đàn ông khác cách đây một tháng.
Số lượng hổ hoang dã còn sót lại ở Ấn Độ hiện nay là 1.700 con. Ấn Độ có 100.000 con hổ cách đây một thế kỷ, nhưng số lượng hổ giảm mạnh kể từ sau đó do nạn săn trộm và môi trường sống thu hẹp.
Do con người ngày càng lấn sâu hơn vào các khu bảo tồn, những con hổ thường phải tranh giành nguồn tài nguyên rừng với dân làng xung quanh, dẫn tới xung đột.
Vụ tai nạn mới nhất xảy ra hôm 18/11 khi hơn 60 cán bộ lâm nghiệp cùng đồng nghiệp từ Đội bảo vệ hổ đặc biệt đến để bắt con hổ. Vì hổ thường quay về chỗ cũ, cả đội buộc một con dê làm mồi nhử ở nơi con vật từng giết và ăn thịt người nông dân 55 tuổi.
Con hổ tránh mồi nhử nhưng để lại dấu chân đủ để cán bộ lâm nghiệp trang bị đạn và súng gây mê lần theo dấu vết. Con hổ bị giết ngay khi nó bất ngờ tấn công kiểm lâm viên Shiv Kumar.
"Khi Shiv Kumar đang cố gắng buộc chặt mồi nhử, chúng tôi đột nhiên nghe thấy tiếng hổ gầm và tiếng kêu thét của người kiểm lâm viên. Chính lúc đó, tay thiện xạ Sushil Kumar bắn trúng con vật", Ravi Ralph, trưởng phòng giám sát động vật hoang dã ở Karnataka, kể với BBC. Kumar được đưa tới bệnh viện trong tình trạng không nguy hiểm.
Năm ngoái, trong khu rừng Doddabetta gần thị trấn Ooty, Tamil Nadu, công nhân trồng rừng đã bắn chết một con hổ giết ba phụ nữ trong hơn hai tuần.
Các chuyên gia về động vật hoang dã cho biết phần lớn những vụ tấn công người là do tình cờ, và hiếm khi nạn nhân bị kéo đi như con mồi. Nhưng những vụ tấn công người hàng loạt và dồn dập là dấu hiệu cho thấy tình trạng ăn thịt người đang diễn ra.
Gần 85 người bị hổ giết hoặc gây thương tích mỗi năm ở Ấn Độ. Tổ chức bảo vệ động vật trong nước vận động bắt những con hổ thay vì bắn chết chúng. Tuy nhiên, các nhà quản lý rừng cho biết đôi khi hành động nhanh gọn là điều cốt yếu để bảo vệ tính mạng con người. (VnExpress 21/11) đầu trang(
Rừng trên thế giới cần được nhìn nhận "không chỉ là cây", đó là kết luận của Hội nghị Lâm nghiệp thế giới vừa qua tại Durban (Nam Phi).Thay vào đó, rừng có tiềm năng lớn đóng vai trò quyết định trong việc chấm dứt nạn đói, cải thiện sinh kế và chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị lớn nhất trong thập kỷ qua về rừng đã đặt ra tầm nhìn tới năm 2050 về rừng và lâm nghiệp và thông qua Tuyên bố Durban.
Theo đó, các khu rừng trong tương lai ngoài được xem là "nền tảng" đối với an ninh lương thực và cải thiện sinh kế, còn được xem là "giải pháp cần thiết" để chống biến đổi khí hậu, tối ưu hóa khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon.
Tuyên bố Durban đã đưa ra một loạt các hành động cần thiết để thực hiện tầm nhìn trên, bao gồm đầu tư hơn nữa cho giáo dục về rừng, truyền thông, nghiên cứu và tạo ra việc làm, đặc biệt là cho những người trẻ.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập đối tác giữa rừng, nông nghiệp, tài chính, năng lượng, nước và các khu vực khác, và sự tham gia mạnh mẽ của người dân bản địa và cộng đồng địa phương.
Trong một thông điệp gửi Hội nghị cấp cao về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nhóm họp vào cuối tháng 9 ở New York để thông qua chương trình phát triển đến năm 2030 đã nhấn mạnh rừng là yếu tố rất quan trọng để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Tại Hội nghị Lâm nghiệp thế giới lần này, một thông điệp được gửi tới Hội nghị các bên (COP) để trình lên Hội nghị Khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhóm họp tại Paris vào tháng 12 năm 2015 để tiến tới một thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hành tinh, rừng và con người phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, phản ứng đồng thời của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu có thể làm nảy sinh những cơ hội mới cho rừng, chẳng hạn như thêm nguồn tài trợ và hỗ trợ chính trị cho quản trị rừng.
Tại đây, đại diện các nước đã đề nghị các hành động bao gồm tăng cường sự hiểu biết giữa các chính phủ và các bên liên quan khác về cả thách thức và cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.
Hội nghị cũng đã chứng kiến sự ra mắt của một kế hoạch hành động quốc tế về nước và những khu rừng 5 năm tuổi để nhận thấy vai trò của cây và rừng trong việc duy trì chu trình của nước, và để đảm bảo quản lý phù hợp một trong những nguồn nước ngọt lớn nhất thế giới.
Bà Hoàng Thị Chuyên, đại biểu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cho biết: "Ở Việt Nam, người dân có quyền sử dụng đất hợp pháp thông qua Sổ đỏ. Điều này giúp tôi bảo vệ rừng, và người ngoài không thể chặt cây của tôi. Điều này đã giúp gia đình tôi và những người dân khác thoát nghèo. Ngày nay, rừng chiếm khoảng 70% tổng diện tích của thôn. Sổ đỏ đã đảm bảo quyền sử dụng cho chúng tôi nhưng đó mới chỉ là bước đầu tiên: sự bền vững đòi hỏi một nguồn lực phù hợp và một kế hoạch về các khu vực cần bảo vệ, kinh doanh, trồng mới, và nhiều hơn thế nữa".
"Các thông điệp mang đến Hội nghị Lâm nghiệp thế giới đã đóng góp vào việc phân loại ưu tiên về quyền cho cộng đồng địa phương trong Tuyên bố Durban, trong đó, điều đầu tiên được tuyên bố "Rừng không chỉ là cây và rừng là nền tảng cho an ninh lương thực và cải thiện sinh kế. Các khu rừng trong tương lai sẽ tăng khả năng phục hồi của cộng đồng bằng cách cung cấp thực phẩm, gỗ, chỗ ở, các nguồn thức ăn cho động vật; tạo thu nhập và việc làm để cộng đồng và xã hội phát triển thịnh vượng ". bà Chuyên cho biết thêm.
Hội nghị Lâm nghiệp thế giới được tổ chức sáu năm một lần. Với chủ đề Rừng và Con người: Đầu tư cho một tương lai bền vững, sự kiện năm nay do Cộng hòa Nam Phi tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO là Hội nghị đầu tiên diễn ra trên đất Châu Phi kể từ khi thành lập vào năm 1926. (Tài Nguyên Và Môi Trường 20/11) đầu trang(
Chính quyền Mỹ vừa ra thông báo chấm dứt mọi hoạt động nghiên cứu trên cơ thể tinh tinh trong lãnh thổ nước này. Những con tinh tinh còn sót lại trong phòng thí nghiệm sẽ được thả về khu bảo tồn động vật hoang dã.
Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NIH) - trung tâm dẫn đầu của toàn bộ hệ thống quản lý sức khỏe và y tế của quốc gia này, vừa ra thông báo sẽ không cung cấp thêm bất kì một hoạt động hỗ trợ nào nữa đối với những cuộc nghiên cứu hay thử nghiệm y sinh tiến hành trên cơ thể tinh tinh.
Từ tháng 6 năm 2013, NIH đã ra quyết định giảm bớt việc sử dụng tinh tinh trong hoạt động nghiên cứu y sinh trên toàn nước Mỹ. Riêng tổ chức này đã thả 300 con tinh tinh về với môi trường tự nhiên. Chỉ còn giữ lại 50 con nhằm phục vụ cho những công tác nghiên cứu cuối cùng. Và hiện nay, những con vật còn sót lại này sẽ không còn phải chịu đựng bất kì một cuộc kiểm tra thử nghiệm nào nữa.
Những con tinh tinh này sẽ được chuyển đến một khu bảo tồn ở bang Louisiana. Ở đây chúng sẽ được chăm sóc, kiểm tra sức khỏe và tái hòa nhập với cộng đồng tinh tinh sinh sống trong khu bảo tồn.
Vào tháng 6 năm nay, Liên đoàn động vật hoang dã thế giới đã liệt tinh tinh vào danh sách những động vật đang gặp nguy hiểm cần phải được bảo vệ. Nhất là từ sau vụ cháy rừng ở Indonesia vào đầu tháng 10 đã làm thiệt mạng nhiều con tinh tinh và phá hủy hoàn toàn môi trường sống của chúng tại nơi đây. Indonesia là nơi trú ngụ của hơn 1/3 số lượng loài tinh tinh trên thế giới. Chính vì thế, tình trạng của tinh tinh đang ngày càng nguy ngập.
Quyết định của Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ tuy được đón nhận nhiệt liệt bởi các nhà bảo vệ động vật nhưng lại vấp phải sự phản đối đến từ các nhà nghiên cứu. Họ cho rằng tinh tinh là nguồn thí nghiệm cực kì quan trọng và hiệu quả. Nếu trong tương lai có bất kì mối hiểm họa sức khỏe nào được hình thành và lan rộng, tương tự như virus Ebola, thì việc thiếu đi tinh tinh làm vật thí nghiệm cho các loại vắc xin sẽ gây ra một trở ngại rất lớn trong quá trình chữa trị và ngăn chặn bệnh dịch.
Tuy nhiên, NIH cũng nêu rõ rằng thông báo này sẽ chỉ có hiệu lực đối với hoạt động thí nghiệm trên loài tinh tinh. Những loài linh trưởng cũng như những động vật có xương sống khác vẫn sẽ được tiếp tục dùng làm vật thí nghiệm cho các hoạt động nghiên cứu và kiểm tra.
Tuy việc thí nghiệm trên động vật, nhất là loài linh trưởng gây ra nhiều ác cảm. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng các hoạt động thí nghiệm này đóng góp một vai trò cực kì quan trọng trong lĩnh vực y tế, bảo vệ sức khỏe và bổ sung kiến thức y học suốt quá trình hình thành và phát triển của con người từ trước đến nay.
Tinh tinh là loài linh trưởng có bộ gen gần giống với con người nhất và có trí tuệ cực kỳ phát triển. Ở Mỹ, có khoảng 2000 con tinh tinh bị bắt nhằm mục đích thí nghiệm. Hoạt động này diễn ra từ những thập niên 90, khi các nhà khoa học cho rằng tinh tinh sẽ là động vật thí nghiệm tuyệt vời cho việc tìm kiếm thuốc chữa trị bệnh HIV. Nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng vì hệ miễn dịch của tinh tinh phản ứng với virus HIV hoàn toàn khác hẳn với hệ miễn dịch của người.
Hiện nay, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng việc thí nghiệm trên tinh tinh ngày càng tỏ ra kém hiệu quả do sự suy giảm đa dạng gen vì số lượng loài sụt giảm.
Với quá trình tham gia đóng góp lâu dài vào công cuộc bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh dịch, loài tinh tinh xứng đáng nhận được sự quan tâm chăm sóc và tôn trọng của con người. Sứ mệnh của chúng ta hiện nay là phải duy trì và phát triển số lượng loài tinh tinh, bảo vệ chúng trước bờ vực tuyệt chủng đang đến gần. (Khám Phá 22/11) đầu trang(./.
Biên tập: Hương Giang