Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 24 tháng 08 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Bảo vệ, phát triển rừng và giữ gìn môi trường sinh thái chính là bảo vệ cuộc sống của con người, là nhiệm vụ quan trọng cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì vậy, công tác tuyên truyền giúp các em học sinh – những mầm non tương lai của đất nước ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát triển rừng là chương trình truyền thông có ý nghĩa mà Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đang thực hiện trên địa bàn.
Nằm trong kế hoạch tuyên truyền năm 2016 của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum (Quỹ), từ giữa tháng 8/2016, Quỹ đã tiến hành chương trình truyền thông “Đồng hành cùng em đến trường” tại một số trường học ở các địa phương có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Chương trình được thực hiện trong không khí nô nức chuẩn bị bước vào năm học mới của cả thầy cô và các em học sinh ở các trường.
Với cách thức là in ấn nội dung truyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng lên bìa vở và phát đến các em học sinh, chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương. Đồng thời, cũng tạo cho các em học sinh sự hào hứng trong việc tiếp thu, ghi nhớ những thông điệp thể hiện trên bìa vở tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm của các em trong việc giữ gìn, phát triển rừng và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Từ đó, những thông điệp mà buổi truyền thông gửi gắm sẽ được các thầy cô giáo và các em truyền tải một cách rộng rãi và dễ hiểu nhất đến mọi người xung quanh, đến cộng đồng dân cư nơi các em sinh sống.
17/8 vừa qua, tại Trường tiểu học Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã phối hợp với UBND xã Đăk Kôi và Ban giám hiệu Trường tiểu học Đăk Kôi tổ chức chương trình truyền thông “Đồng hành cùng em đến trường”. Tại buổi truyền thông, Quỹ đã trao tặng 285 suất quà là những quyển vở có in ấn thông điệp tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng cho 285 em học sinh của Trường.
Nói về hoạt động truyền thông có ý nghĩa này, thầy Lê Xuân Cao – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đăk Kôi chia sẻ: “Chương trình có ý nghĩa rất lớn với các em. Khi sử dụng những quyển vở này, các em sẽ chú ý nhiều hơn đến những thông điệp in trên bìa, từ đó có ý thức về việc bảo vệ rừng từ nhỏ. Đồng thời, tăng hiệu quả tuyên truyền của các thầy cô đến các em và từ các em đến gia đình các em”.
Ông A Câu – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) cũng nhận định: “Chương trình truyền thông này có ý nghĩa rất to lớn. Những quyển vở mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trao tặng là sự động viên lớn đối với các em học sinh, đặc biệt là các em người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn. Buổi truyền thông cùng những thông điệp gửi gắm trên bìa vở giúp các em nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, lợi ích của rừng đối với tương lai, để các em ý thức được việc bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm chung, là một phần của cuộc sống”.
Buổi truyền thông kết thúc trong không khí hân hoan, vui mừng của các em học sinh khi cầm trên tay phần quà là những quyển vở mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trao tặng. Hy vọng đây sẽ là hành trang để các em tiếp bước đến trường và những thông điệp in trên bìa vở sẽ hướng các em đến những hành động thiết thực góp phần chung tay cùng cộng đồng bảo vệ và phát triển rừng, cùng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. (Tài Nguyên & Môi Trường 22/8) đầu trang(
Tình trạng xâm lấn, chiếm dụng đất rừng tại Gia Lai diễn ra nhức nhối nhiều năm qua, trong khi chủ rừng bất lực, còn chính quyền địa phương lại chưa mạnh tay xử lý.
Theo ghi nhận, cánh rừng thông hàng chục năm tuổi thuộc Ban quản lý rừng hộ Bắc An Khê, thuộc địa bàn xã Song An, thị xã An Khê vẫn bị triệt hạ ngày đêm theo kiểu ken thân, đốt gốc. Mỗi diện tích rừng thông mất đi là những cây tràm hay rẫy mì được trồng thay thế. Tình trạng này kéo dài từ nhiều năm qua khiến những cánh rừng thông ngay dưới chân đèo An Khê và những khu vực đất rừng lân cận bị thu hẹp dần. Việc xử lý “có cũng như không”.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê được giao quản lý hơn 1.400 ha, nhưng đến thời điểm hiện tại, diện tích mà đơn vị này quản lý chỉ còn lại hơn 200 ha rừng và đất rừng. Trên 1.200 ha còn lại đã bị người dân lấn chiếm trái phép.
Tương tự, Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội được giao quản lý gần 1.300 ha, nhưng có đến 770 ha bị lấn chiếm, tức gần 60% diện tích được giao. Rất cố gắng, đơn vị mới thu hồi được 12 ha.
Việc lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua không chỉ thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý tài nguyên quốc gia, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã giao cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cũng như các đơn vị chủ rừng tiến hành kiểm kê lại đất rừng bị lấn chiếm và đưa ra các giải pháp để ngăn chặn, xử lý. (VTV 23/8) đầu trang(
Ông Mang Văn Thới, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn tại 2 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại một doanh nghiệp và một hộ gia đình đã hơn 10 năm nay cần được các trung tâm bảo tồn động vật hoang dã quan tâm cứu hộ, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào liên hệ tiếp nhận.
Đó là cá thể gấu ngựa (đực) nặng khoảng 150kg, đang được nuôi nhốt tại Công ty Tân Ngọc Lực (xã Tân Bình, ​thành phố Tây Ninh) và cá thể gấu chó (cái), nặng khoảng 60kg, đang nuôi nhốt tại gia đình ông Đào Ngọc Huynh (ấp Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh, ​thành phố Tây Ninh).
Cả 2 cá thể gấu nói trên được nuôi nhốt khoảng từ năm 2001-2003 đến nay để làm cảnh, có đăng ký trại nuôi và được cơ quan chức năng gắn ch​ip điện tử (ch​ip điện tử của cá thể gấu ngựa mang mã số 62.618.792, cá thể gấu chó mang mã số 062.623.831).  Theo ông Mang Văn Thới, 2 cá thể gấu kể trên được tồn tại trước khi Nghị định 160/NĐ-CP ra đời (ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ).
Lúc đó, không có văn bản nào ban hành về tiêu chí xác định chế độ quản lý thuộc danh mục loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Chính vì vậy, những hộ xin giấy phép nuôi nếu có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc rõ ràng, thì trách nhiệm của kiểm lâm phải cấp phép theo quy định.
Sau khi Nghị định 160 có hiệu lực (từ 1/1/2014), Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã tích cực vận động được một số tổ chức và hộ gia đình có nuôi gấu, tự nguyện giao nộp cho các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Nhưng đến nay vẫn còn 2 cá thể (gấu) đang nuôi nhốt chưa có tổ chức bảo tồn nào đến liên hệ tiếp nhận.
Ông Thới cho biết gần đây, đại diện Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) có liên hệ với Chi cục Kiểm lâm tỉnh để đặt vấn đề cứu hộ 2 cá thể gấu đang nuôi nhốt tại thành phố Tây Ninh, nhưng khi biết các chủ trại nuôi gấu có yêu cầu hỗ trợ một phần chi phí xây dựng chuồng trại, công nuôi... thì tổ chức này không đồng ý tiếp nhận nữa. (Vietnam+ 23/8) đầu trang(
22/8, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã phát bản tin số 13 thông báo từ ngày 22/8 đến 25/8, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn TP duy trì ở mức cao - báo động cấp III (có khả năng xảy ra cháy rừng).
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đề nghị Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của các quận, huyện, phường, xã theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì.
Đồng thời yêu cầu các Hạt Kiểm lâm tăng cường thông tin về nguy cơ cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư khu vực có rừng; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; báo cáo kịp thời tình hình cháy rừng về Ban chỉ đạo quận, huyện và Chi cục Kiểm lâm.
Giám sát, kiểm tra các chủ rừng trong việc chấp hành các quy định về PCCC; xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC rừng. Phối hợp với Ban quản lý các khu du lịch sinh thái giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý việc an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại rừng.
Trước đó, như tamnhin.net đã đưa tin, trưa 17/8, tại khu vực phía Nam đèo Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), người dân nghe thấy tiếng nổ, sau đó ngọn lửa bùng lên ở dưới chân đèo rồi lan rộng. Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng Cảnh sát PCCC đã kịp thời huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ cùng bảy xe chữa cháy chuyên dụng để tiếp cận hiện trường nhằm khống chế đám cháy. Lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương cũng huy động hàng trăm người tham gia chữa cháy. Đến tối cùng ngày, vụ cháy đã cơ bản được dập tắt, ước tính hàng chục hecta rừng bị thiệt hại.
Không lâu sau đó, khoảng 11h00 ngày 19/8, người dân lại nghe thấy có nhiều tiếng nổ lớn và sau đó lửa bùng phát ở khu vực rừng đặc dụng Hải Vân, gặp gió mạnh nên cháy lan ra diện rộng. Cảnh sát PCCC lập tức tiếp cận hiện trường nhưng lửa đã cháy to, bao trùm một số khu vực. Do khu vực xảy ra cháy nằm ở địa hình đồi dốc và nhiều vực hố sâu nên lực lượng chữa cháy khó tiếp cận. Để vào sâu hơn, Cảnh sát PCCC phải đã băng rừng qua những tảng đá lớn để khống chế đám cháy.
Ngoài 7 xe cứu hỏa và 150 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC còn có các lực lượng BĐBP, kiểm lâm, dân quân tự vệ địa phương... được huy động dập lửa, không để cháy lan, cháy lớn sang các khu vực rừng lân cận. Do vị trí lấy nước ở dưới chân đèo nên việc chữa cháy lại thêm khó khăn. Trong "trận chiến" này, lực lượng chữa cháy thành phố đã liên tục túc trực tham gia chữa cháy và khống chế đám cháy.
Sau nhiều giờ chữa cháy liên tục, vượt qua nhiều km đường rừng, đến 19h00 cùng ngày thì đám cháy phía dưới đường Hải Vân đã được dập tắt hoàn toàn; khu vực phía trên đỉnh đồi vẫn bùng phát nên các xe cứu hỏa liên tục tiếp nước, các lực lượng tham gia tìm cách mở đường đưa nước vào sâu bên trong khu vực cháy.
Hiện, thiệt hại và nguyên nhân vụ việc vẫn đang được thống kê và điều tra làm rõ. (Tầm Nhìn 23/8) đầu trang(
23-8, Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương chọn vọoc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà làm hình ảnh nhận diện TP Đà Nẵng nhân sự kiện năm APEC 2017 tại Đà Nẵng theo đề nghị của UBND TP.
Trước đó Hiệp hội Du lịch TP và nhiều ý kiến đã đề nghị TP Đà Nẵng lấy biểu tượng vọoc chà vá chân nâu để làm biểu tượng cho TP. Đặc biệt, trước đề nghị này Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng đã chọn hình ảnh con vật này để làm bưu thiệp chúc mừng năm mới 2016.
Cụ thể: Ngày 2-3, giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng kiến nghị khẩn cấp thực thi các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã và đảm bảo đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà.
Đặc biệt, năm 2016 cho phép xây dựng hình ảnh cá thể voọc chà vá chân nâu là biểu tượng đa dạng sinh học của TP. Đây cũng là điều kiện để thu hút sự quan tâm, phát triển du lịch, quảng bá cộng đồng biết về tính nguy cấp nhằm bảo vệ sinh vật đặc hữu này của Đà Nẵng
Được biết hiện tại bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng được biết đến là “vương quốc” của voọc chà vá chân nâu. Với đặc trưng năm màu, voọc chà vá chân nâu được Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng.
Đây cũng là loài thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.
Ở nước ta, lượng cá thể của loài này chiếm tới 83% số lượng vọoc trên thế giới, với khoảng 530 cá thể, tập trung chủ yếu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà của Đà Nẵng. (Pháp Luật TP.HCM 23/8) đầu trang(
Mới đây, ông Bh’riu Liếc, Bí thư huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết, trong chuyến khảo sát đỉnh Arung, huyện Tây Giang đã phát hiện khu rừng Đỗ Quyên nguyên sinh ngàn năm tuổi.
Trong chuyến thăm các khu rừng huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam, Đoàn công tác huyện Tây Giang cùng Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh đã khảo sát đỉnh núi Arung, ở độ cao 2.050m so với mực nước biển, thuộc địa phận thôn Abanh 2, xã Tr’hy, huyện Tây Giang.
Đoàn công tác bất ngờ phát hiện khu rừng Đỗ Quyên nguyên sinh với hàng trăm cây cổ thụ trăm tuổi nằm trên dãy núi Trường Sơn, Đỗ Quyên là loại cây cho hoa đẹp, có nhiều giá trị. Đây là phát hiện đầu tiên về một khu rừng nguyên sinh Đỗ Quyên ở một vùng ít người đặt chân đến.
Theo ông Bh’riu Liếc, tổng diện tích khu rừng ước tính rộng 50ha, cây Đỗ Quyên mọc tự nhiên rất đa dạng về kích cỡ, bám vào vách đá cheo leo, nhiều cây có đường kính 30cm, cao từ 5-10m.
Đặc biệt, với nhiệt độ khoảng 15°C, nên có nhiều rêu bám, mang lại một vẻ đẹp hoang sơ. Khu rừng nguyên sinh này còn nhiều loại cây như cây thông 5 lá, ngọc cẩu, dầu chổi, lan gấm.
Dự kiến, Huyện Tây Giang sẽ có kế hoạch phát triển khu rừng này, trong đó sản phẩm du lịch thám hiểm trở thành nét đặc trưng, cùng với phát triển du lịch văn hóa vùng núi.
Được biết, trước đó “Vương quốc hoa Đỗ Quyên”  một khu rừng kỳ vĩ cũng đã được phát hiện nằm dưới chân đỉnh Fansipan, Sa Pa (Lào Cai) ở độ cao 1.800 - 2.200m so với mực nước biển. (Infonet 24/8) đầu trang(
Phần lớn cây rừng là các loại gỗ tạp, gỗ thông thường từ nhóm V đến nhóm VIII, gần như không có giá trị thương mại. Do tác động của mưa bão, hàng loạt cây đã bị gãy đổ. Đó là kết quả được ghi nhận thực tế tại buổi kiểm tra đoàn liên ngành thành phố Đà Nẵng tại tiểu khu 63 bán đảo Sơn Trà ngày 11/08/2016.
Qua thực địa thì được biết khu vực mà nhiều thông tin cho rằng diễn ra tình trạng phá rừng thuộc diện tích rừng trồng giao khoán cho nhóm hộ do ông Phạm Hùng Mạnh làm đại diện. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân tại khu vực này thì rất nhiều thông tin về việc cây rừng bị đốn hạ là chưa chính xác và khách quan.
Được biết, đặc điểm của rừng Bán đảo Sơn Trà là phần lớn cây rừng ở đây đều thuộc các loại gỗ tạp, gỗ thông thường từ nhóm V đến nhóm VIII, gần như không có giá trị thương mại. Nhiều cây gỗ có tuổi đời trên 15 năm là tự mục lõi, hoặc bị mối mọt xâm hại; Bên cạnh đó, hàng năm rừng Bán đảo Sơn Trà phải hứng chịu rất nhiều cơn bão lớn, hậu quả là rất nhiều cây bị gãy, đổ bật gốc.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hùng Mạnh cho hay: trong quá trình bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, để tạo cảnh quan sinh thái, phòng chống cháy rừng, đảm bảo an toàn cho những du khách đến tham quan, tránh để những cây chết khô đổ, gãy rất dễ gây tai nạn, ông đã cho người vệ sinh, thu dọn một số cây gỗ đổ, gãy, cây chết đứng. Đối với một số cây đổ, gãy chắn ngang lối đi, ông Mạnh cho cắt khúc và xếp gọn ngàng cạnh đó. Tất cả các khúc gỗ đều còn nguyên ở tại hiện trường, các đoàn kiểm tra cũng đã đo đếm, ông chưa hề vận chuyển một khúc gỗ, thậm trí là một mẩu gỗ nhỏ nào ra khỏi rừng.
“Tôi đã đổ mồ hôi công sức, tiền bạc vào khu rừng này từ hàng chục năm nay. Chỉ cần suy xét khách quan thì mọi người đều hiểu tôi không hề có bất cứ động cơ nào để thu lợi từ những khối gỗ tạp đã gãy đổ mục nát, hầu như chỉ có tác dụng để làm… củi đun. Tôi mong dư luận cũng như các cơ quan chức năng cần đánh giá và soi xét một cách khách quan, công tâm”, ông Mạnh chia sẻ.
Câu chuyện bắt đầu vào tháng 04/2016, khi một số cơ quan truyền thông có đăng tải thông tin người dân phát hiện có người vận chuyển gỗ qua đường biển tại bãi bắc của bán đảo Sơn Trà. Qua đó, chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký công văn số 4609/UBND - KT2 gửi các cơ quan có liên quan về việc xử lý khai thác gỗ trái phép tại khu vực Trường Mai, tiểu khu 63, bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, qua kiểm tra phát hiện 25 cây bị đổ có đường kính từ 15cm tới 143cm trong đó có 13 cây có tác động của con người.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 11/08 đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Đà Nẵng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường tại tiểu khu 63, bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.Ông Lê Mạnh Hùng, Phó chi cục trưởng, chi cục kiểm lâm TP. Đà Nẵng làm trưởng đoàn.
Tại thời điểm khám nghiệm hiện trường, trong bảng kê cây rừng bị thiệt hại đã khám nghiệm của Chi cục kiểm lâm TP. Đà Nẵng thể hiện các cây bị gãy đổ tự nhiên, bị mối mọt xâm hại, thân cây đã mục rỗng.
Đơn cử như tại cây khám nghiệm có số hiệu K20 thuộc nhóm gỗ VII, tọa độ khám nghiệm 560.18 - 1.784.728 đường kính chu vi 13 đã ghi nhận cây bị gẫy đổ tự nhiên, bị mối mọt xâm hại, chiều dài thân cây là 8,6m được cắt làm 3 đoạn, không lấy lâm sản, không mang ra khỏi hiện trường.
Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành cũng ghi nhận các cây bị gẫy đổ tự nhiên, được dọn dẹp lại, xếp đống cạnh hiện trường như các cây có số hiệu khám nghiệm K15, K16, K17, K18, K05…
Đồng thời đoàn kiểm tra ghi nhận tại hiện trường khối lượng gỗ được dọn dẹp, thu gom chất đống cách các gốc cây chặt từ 30 tới 50m.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Mạnh cho biết, qua các đợt kiểm tra số liệu gỗ các cây gãy đổ tự nhiên được dọn dẹp lại có sự bất nhất. Cụ thể ngày 18/1/2016 và ngày 11/3/2016 đoàn kiểm tra đều ghi nhận việc dọn dẹp cây và phát cỏ tầm thấp. Ngày 29/4/2016 đoàn liên ngành của TP. Đà Nẵng tiến hành kiểm tra khẳng định đây là những cây khô mục, mối mọt, không xác định được khối lượng. Tuy nhiên, ngày 17/5/2016, đoàn liên ngành kiểm tra xác minh lại xác định là phá rừng với số lượng 16 cây, khối lượng 63,4m3. Ngày 10/06/2016, tiếp tục có đoàn kiểm tra và xác minh lại thì xác định số cây tăng lên 25 cây, khối lượng tính còn lại 39,4m3.
Kết lại vấn đề, ông Mạnh khẳng định ông cũng đang chờ đợi kết quả từ buổi kiểm tra mới nhất vào ngày 11/8. Ông cũng mong rằng các cơ quan chức năng cần có cái nhìn khách quan, thấu tình đạt lý, đúng quy định của pháp luật. (An Ninh Tiền Tệ 23/8) đầu trang(
Sáng ngày 22/8, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng I tổ chức Lớp tập huấn nghiệp vụ Phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2016 trên địa bàn huyện.
Thành phần tham gia lớp tập huấn gồm lãnh đạo Ban chỉ huy về bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã, Cán bộ lao động hợp đồng bảo vệ rừng và PCCCR; Tổ trưởng tổ xung kích bảo vệ rừng và PCCCR cấp xã, Đại diện Ban quản lý thôn, tiểu khu có rừng trên địa bàn 6 xã trọng điểm cháy rừng của huyện; Tổ trưởng và nhân viên an ninh công ty cổ phần QNK Bắc Giang; cán bộ công chức, viên chức Hạt kiểm lâm huyện Yên Dũng.
Những năm qua, Yên Dũng là điểm nóng về cháy rừng trong tỉnh. Nên lớp tập huấn được tổ chức nhằm khắc phục tình trạng cháy rừng trên địa bàn huyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các chủ hộ có rừng trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nâng cao kỹ năng nhận biết và phòng cháy chữa cháy rừng.
Trong 3 ngày tập huấn, các học viên đã được nghe báo cáo viên Chi cục Kiểm lâm vùng I hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và các văn bản quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đợt tập huấn này các học viên còn được hướng dẫn kỹ năng vận hành, sử dụng các dụng cụ, thiết bị máy móc chữa cháy rừng. Qua tập huấn, các học viên sẽ nắm vững các nội dung được truyền tải và áp dụng hiệu quả vào thực tế công tác trên địa bàn do đơn vị mình quản lý. (Yendung.bacgiang.gov.vn 23/8) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã xảy ra 31 vụ xâm hại rừng trái phép, với diện tích bị thiệt hại 95.253m2 (gồm 52.792m2 rừng sản xuất và 42.461m2 rừng phòng hộ).
Trong đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 22 vụ, 5 vụ đề nghị chuyển hồ sơ khởi tố hình sự và 4 vụ còn lại không tìm ra đối tượng.
Cũng trong thời gian trên, huyện xảy ra 1 vụ cất giữ lâm sản trái quy định Nhà nước, tịch thu 35kg củ luân lan lộng lẫy (củ ván thuyến); 1 vụ đưa trái phép công cụ thủ công, cơ giới vào rừng; 9 vụ vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng gây thiệt hại 15.986m2 rừng phòng hộ và 8.500m2 rừng sản xuất. Các vụ vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng không xác định được đối tượng gây cháy.
Nguyên nhân cháy chủ yếu là do đốt trảng cỏ, cây bụi, cháy lan từ rừng nước CHDCND Lào sang. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và tiền bán tang vật đã nộp vào ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến nay là hơn 104 triệu đồng. (Báo Điện Biên Phủ 22/8) đầu trang(
Những năm trước, vào mùa khô, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải thường xảy ra cháy rừng với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, do tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nên từ đầu năm tới nay, trên địa bàn không để xảy ra cháy rừng.
Xã Kim Nọi có 317 hộ dân với 1.793 nhân khẩu. Toàn xã có hơn 2.260 ha rừng giáp ranh với địa bàn nhiều xã, trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế nên gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng (BVR). Đặc biệt, do áp lực về lương thực, một phần vì tập quán du canh, du cư, canh tác nương rẫy nên trên địa bàn thường xảy ra cháy rừng.
Vụ khô hanh năm 2015, trên địa bàn xảy ra cháy rừng tại bản Háng Đang Dê nhưng do phát hiện kịp thời nên không gây thiệt hại lớn. Các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn xã chủ yếu do bà con đốt nương làm rẫy để cháy lan vào khu rừng bên cạnh.
Để hạn chế cháy rừng, ngay từ đầu tháng 10 hàng năm, xã đã lên kế hoạch PCCCR. Cụ thể, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR gồm 23 thành viên; có kế hoạch phân công các thành viên xuống thôn, bản cùng cơ sở chỉ đạo công tác PCCCR, nhất là các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Ở 6 thôn, bản trong xã đều có tổ, đội PCCCR với số lượng từ 5 đến 10 người; phối hợp với lực lượng kiểm lâm xây dựng các phương án PCCCR bảo đảm sát và hợp với tình hình thực tế.
Coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, bản hàng tháng, hàng quý; ký cam kết BVR và PCCCR cho 317 hộ dân ở các thôn, bản. Những ngày nắng nóng, hệ thống truyền thanh xã cũng đã phát nhiều chương trình cảnh báo về nguy cơ cháy rừng.
Đồng chí Mùa A Súa - Chủ tịch UBND xã Kim Nọi cho biết thêm: “Để hạn chế cháy rừng do đốt nương làm rẫy, hàng năm, chúng tôi thống kê nương rẫy, phối hợp với kiểm lâm địa bàn hướng dẫn cho bà con cách đốt nương để tránh lây lan vào rừng. Đồng thời, xã quy định tất cả các hộ khi đốt nương rẫy phải báo cho trưởng thôn và kiểm lâm địa bàn biết ngày giờ đốt để kiểm soát. Những tháng cao điểm có thể xảy ra cháy rừng, mỗi thôn, bản đều cử các tổ, đội thay phiên nhau gác rừng. Nhờ đó, đã giảm đáng kể tình trạng cháy rừng do đốt nương, làm rẫy của người dân”.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR nên từ đầu năm tới nay, trên địa bàn xã chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất của người dân lớn nên tình trạng làm nương rẫy nằm xen kẽ với rừng diễn ra ở tất cả các thôn, bản trong xã nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Để kiểm hạn chế cháy rừng, thời gian tới, xã Kim Nọi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, BVR và PCCCR. Xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm rà soát diện tích nương rẫy, lên danh sách số hộ sản xuất nương rẫy và hướng dẫn cho bà con cách đốt nương để tránh lây lan vào rừng; lên kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ rừng, các hộ gia đình nhận khoán BVR thực hiện các phương án PCCCR; chỉ đạo các tổ, đội nhận khoán BVR phối hợp với kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm ngăn chặn việc phá rừng, phát lấn vào rừng để sản xuất nương rẫy trái phép.
Ông Mùa A Súa - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Thời gian tới, cùng các địa phương khác, xã Kim Nọi tiến hành quy hoạch vùng canh tác nương rẫy, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chú trọng đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó ngăn chặn phá rừng làm nương rẫy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra”. (Báo Yên Bái 23/8) đầu trang(
Mới đây Hạt Kiểm lâm huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã xử phạt một thanh niên đăng những hình ảnh giết khỉ dã man trên mạng xã hội facebook. Tuy nhiên đây không phải là trường hợp đầu tiên, cộng đồng mạng từng chứng kiến nhiều vụ giết hại động vật dã man như vậy. Chỉ vì muốn gây chú ý, nổi tiếng, nhiều bạn trẻ sẵn sàng hành hạ, thậm chí giết động vật, chụp hình và đưa lên mạng xã hội.
Ngày 27-7, một tài khoản facebook có tên Kubin Remix đã tung lên ba tấm hình khoe chiến tích đi săn và sản phẩm là nhiều cá thể khỉ bị giết hại dã man kèm chú thích “một tuần đi săn thành công”. Theo đó, ba cá thể khỉ trưởng thành bị giết, cổ dính nhiều vết máu.
Ngay lập tức, ngày 1-8, Hạt Kiểm lâm huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã điều tra, xác minh và làm rõ hành vi gây phẫn nộ. Chủ nhân của trang cá nhân này tên thật là Cao Tuấn Anh (trú xóm 6, xã Tân Khang, huyện Nông Cống). Tuấn Anh thừa nhận, những hình ảnh được tung lên mạng là có thật và anh ta chụp lại những hình ảnh đó khi thấy hàng xóm nhà vợ giết khỉ chuẩn bị nấu cao với mục đích để… ra oai với bạn bè. Từ manh mối trên, lực lượng kiểm lâm đã tìm đến nhà ông Lê Văn Sơn (trú tại thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống) và bắt quả tang gia đình ông Sơn đang tổ chức nấu cao khỉ, ông Sơn thừa nhận việc mình giết 3 cá thể khỉ để nấu cao.
Ngày 2-8, ông Vũ Thiện Thuyết, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa có quyết định xử phạt hành chính đối với ông Lê Văn Sơn số tiền 5.020.000 đồng. “Ông Sơn bị phạt vì “vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ. Cụ thể ở Điều 21 và 23, đó là hành vi mua động vật hoang dã trái phép và giết động vật hoang dã trái phép”, ông Thuyết thông tin.
Ông Sơn đã mua 3 cá thể khỉ (mỗi con 12kg) ở tỉnh Gia Lai đem về nhà giết mổ. Khi ông Sơn chuẩn bị nấu cao khỉ thì lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản. Sau đó, ông Sơn đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Liên quan đến người chụp ảnh khỉ bị giết hại rồi tung lên facebook, ông Thuyết nói: “Chúng tôi không thể xử phạt được người đăng ảnh giết hại khỉ lên facebook vì pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể. Chúng tôi chỉ nhắc nhở kiểm điểm Tuấn Anh vì thông tin sai sự thật trên facebook”.
Tuy nhiên đây không phải là trường hợp đầu tiên, đầu năm 2016, facebook của Chu Văn Cường (25 tuổi, ở xóm Lam Sơn, phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đăng tải hình ảnh mô tả quá trình nhốt, giết hại, lột da, chế biến và làm thịt khỉ để nấu cao. Chàng trai này bị đoàn kiểm lâm vùng triệu tập xét hỏi, điều tra.
Tháng 6-2015, trang cá nhân của nữ sinh một trường sư phạm ở Yên Bái tung ảnh chú chó bị trói chân và bịt mõm với dòng chú thích: “Chị xin lỗi em. Chị hứa sẽ ăn em thật ngon”, nhận phản ứng bất bình từ cộng đồng mạng. Fanpage Hội những người yêu chó tại Hà Nội bình luận: “Khi xem được bức hình, mọi người đều bức xúc. Không những đã ăn thịt chó mà bạn còn “hứa ăn em thật ngon miệng”. Chẳng hay ho gì  khi đưa ảnh này lên facebook”. Sau khi bị dân mạng chỉ trích dữ dội vì sự vô cảm và hành động ngược đãi động vật, chủ nhân facebook này đã nhanh chóng giải thích sự việc chỉ là vô tình, không phải cố ý, cô gái trẻ đã nhanh chóng gửi lời xin lỗi tới cộng đồng mạng.
Trước đó, trong năm 2015, cư dân mạng phẫn nộ trước một trang facebook của một nhóm nam thanh niên “khoe chiến tích” giết hại hai cá thể voọc, với những bức ảnh rợn người. Hai cá thể voọc bị giết được cơ quan chuyên môn xác định là loài voọc chà vá chân xám, nằm trong nhóm quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Từ khi mạng xã hội phát triển, những hành động như giết hại động vật hay bạo hành thú cưng... đã trở thành trào lưu của một bộ phận giới trẻ. Muốn được nổi tiếng, muốn gây chú ý, facebook có thêm hàng nghìn like, share, họ chẳng ngại ngần làm việc bạo lực, đáng xấu hổ và tàn ác.
Bạn Trung Kiên, SN năm 2 ĐH Bách khoa bày tỏ quan điểm: “Đối xử tàn nhẫn với vật nuôi trong nhà, con vật hàng ngày gần gũi, thân thiết với mình và đăng lên mạng xã hội với lời lẽ vô cảm là hành vi không thể chấp nhận. Còn những vụ giết hại động vật hoang dã, quý hiếm càng cần phải được xử phạt thật nghiêm, vì đây là hành vi phạm pháp, phá hoại môi trường”.
Ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB (nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ về Danh mục động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm). Theo nghị định này, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép khỉ đều bị nghiêm cấm. Các đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính ở mức cao nhất lên đến 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức. “Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, chúng tôi sẽ có biện pháp xử phạt các đối tượng liên quan theo đúng quy định của pháp luật” - ông Việt khẳng định.
Về trách nhiệm pháp lý đối với đối tượng thực hiện các hành vi trên, theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức cao nhất lên đến hàng tỷ đồng. Còn theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức, sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm… thì bị phạt tù từ 5-10 năm.
“Mặc dù, pháp luật đã có chế tài khá nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức săn bắt, giết hại động vật hoang dã, song để ngăn chặn triệt để tình trạng này, bên cạnh việc cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm thì mỗi người dân cần nói không với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã” - luật sư Nguyễn Tiến Hòa kiến nghị.
Đã đến lúc cần nhận ra rằng, những hình ảnh đưa lên mạng xã hội sẽ thu hút sự quan tâm, khen ngợi nếu các bạn trẻ cứu giúp và làm điều tốt cho thiên nhiên, môi trường, động vật. Các bạn trẻ nên hiểu rằng, không cần phải tìm cách đánh bóng bản thân bằng hành động nông nổi, dã man, bằng máu và thân xác của những loài động vật vô tội. Điều đó chỉ khiến họ bị “ném đá” dữ dội, phạt hành chính, thậm chí là bị xử phạt.  (Pháp Luật & Xã Hội 24/8) đầu trang(
Quan điểm của Bộ Tư pháp: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trứng vích là sản phẩm của con vích.
Ngày 22/8/2016, Báo Tuổi trẻ online đã đăng bài viết “Công an và Viện kiểm sát cãi nhau về 100 trứng vích” trong đó cho biết Viện kiểm sát nhân dân huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không phê chuẩn quyết định khởi tố một đối tượng có hành vi trộm 116 quả trứng vích với lý do “trứng vích không phải là sản phẩm của vích vì không qua chế biến từ một cá thể vích, trứng cũng không được xem là một cá thể hay bộ phận của cá thể”, và do đó không thể khởi tố vụ án hay bị can được. Viện kiểm sát nhân dân huyện Côn Đảo cũng đã xin ý kiến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và được trả lời không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên, trong Công văn số 538/PLHSHC-HS ngày 9/8/2016 về việc đóng góp ý kiến xác định loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính thuộc Bộ Tư pháp gửi Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã giải thích: “Theo quy định tại Điều 3 Luật Thú y năm 2015 (trước đây là Pháp lệnh Thú y) thì trứng của động vật trên cạn hay động vật dưới nước đều là sản phẩm của chúng. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì trứng vích là sản phẩm của con vích”.
Đồng quan điểm trên, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách – Pháp luật của ENV cho biết: “Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) hành vi vận chuyển, buôn bán sản phẩm, bộ phận của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như vích đều phải ngay lập tức bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật. Tuy theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, trứng vích là “mẫu vật” của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng rõ ràng trong trường hợp 2 quy phạm pháp luật cùng quy định một vấn đề, văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ được áp dụng. Vậy nên trứng vích phải được coi là sản phẩm của vích như Bộ Tư pháp đã phân tích và các cơ quan chức năng huyện Côn Đảo có đầy đủ căn cứ pháp lý để khởi tố vụ án cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng trộm trứng vích”.
Được biết, vích (Chelonia mydas) và các loài rùa biển khác là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước về việc buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), đồng thời nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Việt Nam, ngang hàng với hổ, voi, tê giác.
“Viện kiểm sát nhân dân huyện Côn Đảo nên nhanh chóng phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với đối tượng trộm hơn 100 quả trứng rùa biển. Đó không chỉ là việc làm đúng đắn, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã mà còn là hành động kịp thời ngăn chặn những mối đe dọa trực tiếp tới sự phát triển của loài rùa biển nói chung và vích tại Việt Nam” - bà Bùi Thị Hà đề xuất. (Pháp Luật VN 24/8) đầu trang(
Hàng nghìn con chim trời các loại, có cả những loài quý hiếm như trích cồ, cổ rắn.... được bày bán tràn ngập đoạn đường ở huyện Thạnh Hoá, Long An.
Khu chợ chỉ là những lều tạm nằm sát bên quốc lộ 62, cách trung tâm hành chính huyện Thạnh Hóa (Long An, giáp Campuchia) hơn một km. Chợ chim lớn nhất miền Tây luôn tấp nập người mua, trong đó có nhiều khách đi ôtô ở TP HCM cũng tìm đến.
Ở các quầy, chim trời được nhốt co ro trong các lồng sắt, một số còn sống giãy giụa lẫn đã chết bị treo ngược từng chùm phía trước mỗi gian hàng để quảng bá. Trong đó, chim cúc bị nhổ lông ngay lúc còn sống được bán với giá 100.000 đồng một kg.
Khi có khách ghé vào, chủ hàng liên tục mời chào: "Đặc sản Đồng Tháp Mười đây. Những loài chim này mua về làm mồi nhậu hay nấu cháo đậu xanh thì khỏi phải chê". Họ cho biết ở đây có đầy đủ các loài như: chim cu, vịt trời, cò trắng, cúm núm... Tùy theo loài mà giá cả khác nhau, có thể bán con hoặc kg.
Ở chợ chim vùng biên giới này, những con cò ruồi được rao bán với giá 50.000-70.000 đồng một kg. Nếu khách yêu cầu, chúng sẽ được nhổ lông, làm sạch ngay tại chỗ.
Hiện có 22 hộ chuyên bán chim trời tại khu chợ này. UBND tỉnh Long An đã có nhiều văn bản yêu cầu UBND huyện Thạnh Hóa chấn chỉnh lại hoạt động khu chợ, vận động người dân không mua bán các loài chim, cò hoang dã tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và phản cảm. Tuy nhiên, đến nay chợ này vẫn buôn bán nhộn nhịp.
Ông Lê Hữu Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An cho biết, từ đầu năm đến nay lực lượng đã lập biên bản xử phạt 8 trường hợp bán các loài chim nằm trong danh mục cấm.
"Ngịch lý là các loài vạc, cò trắng, trích, cu gáy, cu ngói, chim quốc, còng cọc, cò ruồi, le le nâu, chim sáo nâu, vịt trời... được bán ở chợ này hiện không có tên trong danh mục cần được bảo vệ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên trên, yêu cầu bổ sung các loài này vào danh mục cấm nhưng chưa nhận được phản hồi", ông Lợi nói. (Tiền Phong 24/8) đầu trang(
Sau khi TTXVN phản ánh về tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa với xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin.
Ông Phạm Văn Khiên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và chính quyền xã Mường Đun, xã Phình Sáng đến hiện trường xảy ra tình trạng khai thác gỗ nghiến như TTXVN phản ánh.
Quá trình kiểm tra, đoàn xác định có tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép. Qua thống kê sơ bộ cho thấy, có 8 cây gỗ nghiến với đường kính từ 0,8m - 1,5m, chiều dài từ 8m - 15m đã bị khai thác; trong đó, 7 cây thuộc địa phận xã Phình Sáng huyện Tuần Giáo và 1 cây thuộc địa phận xã Mường Đun huyện Tủa Chùa.
Đối với số gỗ này, đoàn thống nhất giao cho cộng đồng dân cư bản Hua Chá xã Phình Sáng và bản Hột, bản Kép xã Mường Đun quản lý, giữ nguyên hiện trạng rừng. Do số gỗ nghiến bị khai thác tại địa phận xã Phình Sáng tương đối lớn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm việc với UBND và các cơ quan tố tụng của huyện Tuần Giáo.
Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo sẽ phối hợp với Công an huyện, Viện Kiểm sát huyện tiến hành kiểm tra, khám nghiệm hiện trường; đồng thời xem xét tính chất, mức độ của sự việc, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự.
Ông Khiên cũng cho biết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm việc với chính quyền huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và tiến hành ký kết biên bản giữa các bên có liên quan để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, tuyên truyền để người dân không vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường công tác phối hợp tuần tra để xử lý các trường hợp khai thác, mua bán, cất giữ lâm sản trái pháp luật xảy ra trên địa bàn 2 huyện.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cũng đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện tăng cường rà soát tại rừng, đặc biệt là những khu rừng có các loại cây gỗ quý hiếm như nghiến, pơ mu; từ đó ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác rừng trái phép. (Tin Tức 24/8) đầu trang(
Sau hai vụ cháy rừng quy mô lớn xảy ra tại Nam Hải Vân, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao, có khả năng xảy ra cháy rừng trên diện rộng. Công tác phòng chống cháy rừng đang được lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng tăng cường triển khai.
Vào ngày 17 và 19/8, hai vụ cháy rừng phòng hộ Nam Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) khiến gần 100 ha rừng bị thiêu rụi. Tại đây có 4 tổng kho xăng dầu lớn và đường dây 500 kV, do đó, việc cháy rừng sẽ uy hiếp an toàn các kho nhiên liệu này. Khi đám cháy xảy ra, ngoài lực lượng Cảnh sát PCCC còn có các lực lượng bộ đội biên phòng, kiểm lâm, dân quân tự vệ địa phương... được huy động kịp thời dập lửa, không để cháy lan, cháy lớn sang các khu vực rừng lân cận.
Theo Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có hơn 67.000 ha rừng có nguy cơ cháy rất cao. Hầu hết các vụ cháy rừng đều do người dân đốt thực bì gặp gió to, không kiểm soát được nên đã cháy lan ra diện rộng. Thời tiết nắng nóng đang tiếp tục ảnh hưởng với nền nhiệt độ cao, rất dễ xảy ra cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng phát thông tin cảnh báo cháy rừng ở mức báo động cấp 3 để người dân chủ động phòng, chữa cháy rừng.
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đề nghị Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của các quận, huyện, phường, xã theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; cấm sử dụng lửa để xử lý thực bì. Đồng thời yêu cầu các Hạt Kiểm lâm tăng cường thông tin về nguy cơ cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư khu vực có rừng; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; báo cáo kịp thời tình hình cháy rừng về Ban chỉ đạo quận, huyện và Chi cục Kiểm lâm.
Giám sát, kiểm tra các chủ rừng trong việc chấp hành các quy định về PCCC; xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC rừng. Phối hợp với Ban quản lý các khu du lịch sinh thái giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý việc an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại rừng.
Từ đầu năm 2016 đến nay, tại khu vực đèo Hải Vân, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 4-5 điểm phát lửa rừng và đã nhanh chóng dập tắt. (Chính Phủ 24/8) đầu trang(
Báo Lao Động ngày 20.8 thông tin, vin lý do “rừng nghèo kiệt”, UBND tỉnh Bình Phước (BP) đã cho phép các chủ đầu tư dự án chặt hạ hàng trăm hécta rừng để chuyển sang trồng caosu và chăn nuôi.
Đáng nói, tại dự án “chăn nuôi” của Cty TNHH MTV caosu Sông Bé, bất chấp Hạt Kiểm lâm – một trong những cơ quan tham mưu – đã kịch liệt phản đối “chuyển đổi rừng nghèo kiệt”; song, UBND tỉnh BP vẫn tạo điều kiện cho chủ đầu tư mạnh tay… chặt hạ rừng.
Ngày 3.6.2010, UBND tỉnh BP phê duyệt “Dự án chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng rừng caosu và khoanh nuôi bảo vệ rừng” (575,2ha) của Cty TNHH MTV caosu Sông Bé. Theo đó, tại khoảnh 1, tiểu khu 69, thuộc huyện Bù Đốp, UBND tỉnh BP đã xác định là 155,4ha. Trong đó, có 129,5ha vẫn còn nhiều loại rừng, gồm: 35,2ha rừng gỗ, 25,2ha rừng khộp, 46ha rừng lồ ô, 17,1ha rừng le và chỉ có 5,8ha đất trống.
Dù vậy, UBND tỉnh BP vẫn cho rằng các loại rừng trên là rừng “nghèo kiệt” nên cho phép Cty caosu Sông Bé “chuyển đổi sang trồng mới hoàn toàn bằng cây caosu” trên 129,5ha rừng nêu trên - đồng nghĩa, Cty caosu Sông Bé được phép chặt hạ các loại rừng gỗ, khộp, lồ ô và le trên diện tích 129,5ha.
Ngày 26.10.2015, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đã có văn bản phản đối việc tàn phá rừng dưới cái gọi là “chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt”… Theo Hạt Kiểm lâm Bù Đốp: “Theo quy hoạch 3 loại rừng, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên 575,2ha tại khoảnh 1, 2, 3 tiểu khu 69, thuộc quy hoạch rừng sản xuất, nhưng lại gắn liền với các tiểu khu rừng phòng hộ rất xung yếu khác… Do đó, tạo nên một hệ thống quản lý liền vùng, đồng thời cũng là vùng đệm nên góp phần hết sức quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng phòng hộ đầu nguồn…”.
Từ đó, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đề nghị UBND tỉnh BP: “Không tiến hành chuyển đổi diện tích 129,5ha tại khoảnh 1 và 224,32ha tại khoảnh 2, 3 tiểu khu 69 để thực hiện trồng caosu, vì nếu trồng caosu sẽ phá vỡ hệ thống quản lý bảo vệ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên dự kiến làm khu du lịch sinh thái 10.000ha Bù Đốp - Bù Gia Mập”. Thậm chí, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp còn kiến nghị “điều chỉnh toàn bộ diện tích đất rừng 575,2ha tại khoảnh 1, 2, 3 tiểu khu 69 vào quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn”.
Chưa hết, ngày 14.3.2016, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp ra tiếp văn bản (số 13/KL-QL), gửi UBND tỉnh BP với kiến nghị “chỉ tiến hành thực hiện việc chuyển đổi đối với diện tích 27,8ha đất không rừng để thực hiện trồng cỏ hoặc các công trình khác để phục vụ cho dự án chăn nuôi…, còn đối với những diện tích rừng tự nhiên 101,7ha tại khoảnh 1, tiểu khu 69 và 345,7ha tại khoảnh 2, 3 tiểu khu 69, cần tiến hành đưa vào thực hiện quản lý bảo vệ chặt chẽ…”.
Bất chấp tham mưu, can ngăn của cấp dưới, tháng 7.2016, UBND tỉnh BP vẫn ban hành thông báo “yêu cầu tiếp tục thực hiện Dự án chăn nuôi, kết hợp trồng rừng trên diện tích 575,2ha”. UBND tỉnh BP cho phép Cty caosu Sông Bé “khai thác lâm sản trên diện tích 224,3ha tại khoảnh 2, 3 tiểu khu 69”… Và, liên tục những ngày sau đó, hàng loạt cây rừng tại tiểu khu 69 đã bị chặt hạ một cách ráo riết, cho đến khi công luận lên tiếng vào đầu tháng 8 vừa qua… Và C49 thuộc Bộ Công an vào cuộc, yêu cầu tỉnh BP dừng phá rừng, thì gần 130ha rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 69 đã bị xóa sổ.
Điều kỳ lạ trong vụ chặt hạ rừng trên, là Cty TNHH MTV caosu Sông Bé từ trước đến nay, không hề có ngành nghề chăn nuôi (chỉ có chức năng trồng cây công nghiệp). Thế nhưng, tại dự án trên, UBND tỉnh BP vẫn cấp phép cho Cty này thực hiện dự án “chăn nuôi”? Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TPHCM): “Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của Nhà nước, Chính phủ quy định rất rõ - một DN muốn đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề nào đó, bắt buộc phải có giấy phép đăng ký ngành nghề, lĩnh vực đó. Ngoài ra, còn đòi hỏi phải có năng lực tài chính, kinh nghiệm…
Ở đây, tỉnh BP lại cấp phép cho Cty này thực hiện dự án chăn nuôi, là chưa đúng quy định của luật pháp. Bên cạnh đó, lúc đầu, tỉnh BP phê duyệt dự án “trồng rừng” và “khoanh nuôi bảo vệ rừng”, nhưng sau này, thêm khái niệm “chăn nuôi” vào dự án cũng là điều bất thường. Tại sao lại có phát sinh này? Việc thêm lĩnh vực “chăn nuôi” vào dự án đã được phê duyệt sẽ gây nhiều xáo trộn trong hồ sơ thiết kế dự án vốn đã được các cơ quan chức năng thẩm định phê chuẩn…
Việc bổ sung ngành nghề “chăn nuôi” vào dự án đầu tư trong khi chưa được các cơ quan chức năng xem xét chấp thuận, mà Cty caosu Sông Bé vẫn căn cứ mục tiêu “chăn nuôi” để chặt hạ cây rừng cũng là không đúng quy định của luật pháp”. (Lao Động 24/8) đầu trang(
Con đường mòn từ trung tâm bản Hột lên rừng, vệt bánh xe đã hằn thành vết sâu. Vượt qua những con dốc bùn lầy nhóm phóng viên dần tiếp cận những khoảng rừng đang bị khai thác trái phép, rải rác trên đường đi những thân cây bị đốn hạ, những gốc cây còn đang chảy nhựa, những cột nhà đã được gọt đẽo thành hình, những phách gỗ vuông vức chất ngổn ngang trên lối đi.
Theo con đường mòn từ nhà ông Phương Chí Hoa chỉ băng qua một quả đồi nhóm phóng viên đã phát hiện một bãi đỗ xe máy. Người dẫn đường cho biết, những chiếc xe này được lâm tặc sử dụng để vận chuyển thớt nghiến từ trong rừng ra bên ngoài tiêu thụ. Từ điểm tập kết xe, càng đi sâu vào đại ngàn, càng thấy nhiều điểm khai thác gỗ của lâm tặc, những khúc gỗ còn sót lại trong rừng đường kính từ 0,8m đến 1,3m. Cây nghiến vốn lớn rất chậm, phải mất hàng trăm năm mới đạt được đường kính như thế này. Trong khoảng 2 tiếng đi rừng, nhóm phóng viên đã chứng kiến hàng chục cây nghiến cổ thụ bị đốn hạ.
Đi từ sáng sớm đến giữa trưa, nhóm phóng viên đã đến được điểm lâm tặc đang khai thác gỗ. Tại đây gần 10 người cả nam lẫn nữ đang hì hục với công cuộc phá rừng. Một cây gỗ nghiến với đường kính hơn 1m đã bị nhóm người này đốn hạ. Sự xuất hiện và có mặt của phóng viên cũng chỉ khiến họ dừng hoạt động trong một lúc, họ vẫn thản nhiên xẻ gỗ, đẽo thớt như không có chuyện gì xảy ra.
Tình trạng người dân khai thác gỗ nghiến trái phép để làm thớt đã rõ, thế nhưng lãnh đạo xã Mường Đun và kiểm lâm viên cắm chân trên địa bàn đã khẳng định “Không có sự việc lâm tặc ngang nhiên phá rừng, người dân ngang nhiên xẻ gỗ” .
Bỏ mặc sự thật hiển nhiên là rừng đang bị tàn phá, nhắm mắt làm ngơ trước những chiếc xe chở gỗ ra khỏi rừng, những cánh rừng đang chảy máu, những thân cây nghiến còn đang rỉ nhựa giữa tiếng cưa lốc ầm vang, nhưng cả chính quyền và lực lượng chức năng ở đây đều không nghe thấy, không nhìn thấy đại ngàn đang ngã xuống dưới chân mường tặc. (Pháp Luật Plus 24/8) đầu trang(
Bức xúc trước cảnh rừng bị tàn phá mỗi ngày, người dân làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) đã tự nguyện lập tổ bảo vệ, chung tay truy đuổi những kẻ phá rừng. Nhờ vậy, khu rừng của làng vẫn luôn giữ được màu xanh tươi.
Điều đáng ghi nhận là hơn 50% thành viên của tổ là những người trước đây từng tham gia phá rừng nhưng nay đã không ít lần làm cho đám lâm tặc phải “bỏ của chạy lấy người”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổng diện tích rừng tự nhiên của làng Hà Ri là 618 ha từ khu vực suối Tà Má (thuộc làng Hà Ri) đến khu vực suối nước Tấn (thuộc thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp) với nhiều lâm sản quý như chò, muồng, hương, cà te… từng trở thành miếng mồi béo bở của đám lâm tặc. Những cây to bị đốn ngã, hệ sinh thái rừng bị đảo lộn, lực lượng chức năng mỏng phải gồng mình đối phó với nạn phá rừng trái phép.
Ông Đinh Thái, Trưởng làng Hà Ri, cho biết: “Làng sống được là nhờ rừng, nên nhiều lần chứng kiến lâm tặc chặt phá rừng, người làng rất bức xúc, họ sống không yên. Vì vậy người làng đã bàn với nhau sẽ đứng ra giữ rừng. Nhiệm vụ bảo vệ rừng không chỉ ở những cán bộ kiểm lâm mà cả dân làng. Chung tay góp sức thì mới mong giữ được rừng”.
Bức xúc trước thực trạng rừng bị tàn phá, ngày 1/6/2015, dân làng Hà Ri đã xin phép chính quyền cho lập tổ, chốt bảo vệ rừng. Lúc đầu tổ chỉ có 30 thành viên, sau đó dân trong làng ủng hộ nhiệt tình, số thành viên hiện lên tới trên 100 người.
Sau khi thành lập, các thành viên bắt đầu chia ra thành từng tổ nhỏ gồm 3 người. Mỗi tổ sẽ thay phiên túc trực tại chốt canh gác rộng chừng 9m2, được dựng ngay con đường độc nhất dẫn vào rừng từ 7h hôm trước đến 7h ngày hôm sau.
Ngoài canh gác, các thành viên còn có nhiệm vụ đi tuần tra trong rừng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu phát hiện có hoạt động khai thác lâm sản trái phép thì phải lập tức thông báo với lực lượng chức năng như chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, họ còn tham gia chữa cháy nếu có.
Anh Đinh Kơi, công an viên kiêm tổ trưởng tổ bảo vệ rừng làng Hà Ri, cho biết: “Mỗi tháng tổ triển khai hai đợt tuần tra lớn. Mỗi đợt có khoảng 50 người. Ngoài ra mỗi phiên trực tại chốt canh gác các thành viên cũng đi tuần, quan sát và báo cáo tình hình.
Các thành viên khác cũng luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống khẩn cấp. Số điện thoại của trưởng làng, tổ trưởng trở thành đường dây nóng khi phát hiện khai thác rừng. Bên cạnh đó, mỗi tháng, tổ công tác bảo vệ rừng sẽ họp lại để kiểm tra hoạt động, đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn”.
Anh Đinh Kiều (40 tuổi) trực tại chốt canh gác, chia sẻ: “Trước kia do chưa hiểu biết nên tôi từng đi chở gỗ thuê cho bọn lâm tặc nhưng sau đó được chính quyền địa phương vận động, tôi vỡ lẽ nên nghỉ hẳn. Từ đó, vợ chồng tôi làm rẫy, chăn nuôi và tham gia các hoạt động hữu ích ở làng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, anh Kiều cũng là một trong những người tham gia tổ bảo vệ rừng sớm nhất. Hiện có khoảng 1 nửa số thành viên trong tổ từng có quá khứ như anh Kiều nhưng giờ thì một lòng căm ghét lâm tặc, một mực giữ rừng.
“Ở đời, ai cũng có lúc lỗi lầm, nhưng mình biết sửa và làm lại thì tốt chứ sao đâu. Từ ngày tham gia bảo vệ rừng, tôi mới biết lợi ích của rừng nên căm thù bọn lâm tặc. Tôi rất vui vì mình góp được một phần công sức nhỏ trong việc bảo vệ sự bình yên, cũng như màu xanh của buôn làng”, anh Kiều vui vẻ cho biết.
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động cùng với việc thấy được lợi ích từ bảo vệ rừng, đến nay nhiều người dân làng Hà Ri tự nguyện tham gia tổ bảo vệ rừng, trong đó có nhiều thành viên mới tuổi đôi mươi. Gặp Đinh Xuân Toàn (19 tuổi) đang túc trực tại chốt canh gác, chúng tôi hỏi có sợ bị lâm tặc tấn công không?
Toàn lắc đầu nhanh nhảu: “Mình làm việc đúng mà sao phải sợ. Thanh niên cả làng này đều thế, chẳng cần vũ khí gì, chỉ cần có sức khỏe, đôi chân dẻo dai lội rừng và tâm huyết với rừng thì lâm tặc đều phải sợ hết”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng Hà Ri hiện có 142 hộ gia đình với 514 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc anh em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, chủ yếu là người Ba Na. Trung bình, mỗi nhà đều có một người tham gia tổ bảo vệ rừng.
“Đến giờ thì ai cũng hiểu, cũng biết rừng quan trọng như thế nào nên đều tham gia tổ bảo vệ rừng. Trung bình, mỗi nhà đều có một người tham gia. Có nhiều đêm, dân làng huy động thêm lực lượng để ứng trực với tổ bảo vệ rừng. Thấy ý thức của người dân tốt vậy, tôi mừng lắm”, ông Đinh Thái bộc bạch.
Từ khi thành lập đến nay tổ đã tham gia phát hiện khoảng 20 vụ khai thác rừng trái phép, giao nộp cho chính quyền, ngành chức năng xử lý. Điển hình như vào tháng 9/2015, trong lúc đi kiểm tra rừng tại khu vực núi Hòn Dựng, tổ tuần tra phát hiện một nhóm đối tượng đang chặt trái phép những cây gỗ quý. Sau khi báo cáo với lực lượng kiểm lâm địa bàn, tổ bảo vệ rừng đến ngăn chặn, thu được tang vật và bàn giao cho ngành chức năng 2,02 m3 gỗ chò, chiều dài mỗi súc gỗ là 3,5m.
Nước da rám nắng, đôi chân lội rừng tuần tra dẻo dai, những thanh niên to khỏe trong làng như anh Kiều, Toàn đứng trong tổ bảo vệ khiến lâm tặc phải chồn chân tháo chạy mỗi khi bắt gặp.
“Có hôm vừa đi rẫy về, ngồi vào mâm cơm thì điện thoại reo báo có lâm tặc đang chuyển gỗ từ trong rừng, tôi bỏ chén, gọi điện cho các anh em khẩn trương vào rừng. Khi các thành viên của tổ cùng lực lượng chức năng đến thì đám lâm tặc nghe động đã bỏ của tháo chạy. 26 người kéo gỗ từ trên núi Hòa Dưng về giao cho cơ quan chức năng xử lý”, anh Kiều cho biết.
Nói rồi, anh Kiều bảo: “Ở đây ai cũng vậy, cơm thì ăn ở nhà, tối đói thì chế mì tôm nhưng chưa một ai vắng mặt tại chốt. Ai đến phiên mà bận việc gia đình hoặc ốm đau thì sẽ phải bố trí người thay thế. Còn chuyện bỏ bữa hay đêm đang ngon giấc lại bỏ vào rừng để bắt lâm tặc không còn xa lạ. Ai cũng hào hứng, cảm thấy vinh dự vì được chung tay góp một phần công sức cho công việc cộng đồng”.
Dù bận bịu với công việc mưu sinh hằng ngày, nhưng hễ nhận được tin báo có lâm tặc đang chuyển gỗ từ trong rừng là các thành viên lập tức lên đường. “Mặc dù có những hôm không phải là phiên trực của mình, nhưng nghe tổ trưởng gọi đi bắt lâm tặc là lên đường ngay. Đó là nhiệm vụ chung nên không ai nề hà gì cả. Bắt được lâm tặc thì cái bụng mới yên tâm mà làm ăn sinh sống”, Toàn cho biết.
Trưởng làng Đinh Thái cho biết: “Thành công lớn nhất là dân ở đây ai cũng nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ rừng, căm ghét cái xấu, lâm tặc tàn phá rừng. Họ bất chấp khó khăn, nguy hiểm và tìm mọi cách để giữ được rừng của làng Hà Ri.
Nhờ vậy, thời gian qua khu rừng này đã vắng bóng lâm tặc. Điều đáng ghi nhận là hơn 50% thành viên trong tổ bảo vệ rừng trước đây từng tham gia phá rừng nay lại tham gia công tác bảo vệ rừng tích cực, đơn cử như trường hợp của anh Đinh Kiều, Đinh Văn Sơn, Đinh Hùng”.
Nói về tổ bảo vệ rừng của dân làng Hà Ri này, ông Phạm Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, giọng đầy tự hào: “Từ khi có tổ bảo vệ rừng do người dân làng Hà Ri thành lập cho đến nay nạn phá rừng, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép cũng như phòng chống cháy rừng hiệu quả, phát hiện kịp thời. Đây là điều rất đáng ghi nhận của người dân làng Hà Ri mà không phải địa phương nào cũng làm được. Vì thế, việc thành lập tổ bảo vệ rừng như thế này rất đáng để học hỏi và nhân rộng”. (Pháp Luật VN 24/8) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Sáng ngày 19 tháng 8 năm 2016 tại bản Pù Duộc, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Ban quản lý Dự án rừng và đồng bằng phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân xã Đồng Văn, huyện Quế Phong tổ chức sự kiện truyền thông về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES).
Tham dự sự kiện có đại diện của phòng Nông nghiệp huyện, đại diện Đảng ủy, Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân xã Đồng Văn, các chuyên gia của Ban quản lý Dự án rừng và đồng bằng Nghệ An, cùng đông đảo bà con nhân dân bản Pù Duộc.
Thông qua buổi truyền thông làm cho bà con nhân dân hiểu rõ hơn quy định của Nhà nước về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các văn bản của các Bộ, ngành trung ương về chính sách này, tính hiệu quả của việc quản lý bảo vệ rừng mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, tạo nguồn lực tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. (Nghean.gov.vn 22/8) đầu trang(
Hiện nay, nguyên liệu gỗ chiếm tới 70% giá trị của sản phẩm gỗ. Các doanh nghiệp (DN) gỗ tại Bình Dương đang cố gắng tìm kiếm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ một số nước kế cận không còn nhiều.
Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, đa số các DN gỗ tại Bình Dương đang nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Hoa Kỳ. Việc giá gỗ nguyên liệu thời gian gần đây liên tục tăng đang làm cho các DN gặp nhiều khó khăn. Để chuẩn bị cho những đơn hàng lớn, các DN đã phải nhập nguyên liệu ngay từ đầu năm 2016 với số lượng lớn để phục vụ sản xuất cả năm. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có điều kiện thực hiện giải pháp này, bởi ngoài cần nguồn vốn dồi dào, DN còn phải lo kho bãi chứa nguyên liệu gỗ.
Hiện nay, nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Lào đang bị nước bạn siết chặt, do đó các DN gỗ trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu gỗ từ Hoa Kỳ và một số nước châu Âu. Hoa Kỳ chiếm tới 70% số lượng nguyên liệu gỗ nhập khẩu của DN trong nước; trong khi đó giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của các DN Bình Dương sang thị trường Mỹ chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.
Trước mắt, mối quan hệ qua lại “nhập nguyên liệu - xuất sản phẩm” giữa các DN Việt Nam và Hoa Kỳ có vẻ đang trong thời kỳ thuận lợi. Nhưng tính toán xa hơn, nếu chúng ta không chủ động được nguồn nguyên liệu từ trong nước hoặc đa dạng hóa các thị trường cung cấp, ngành gỗ cả nước sẽ khó phát triển ổn định và bền vững. Tuy vậy, để nguồn nguyên liệu gỗ tại chỗ đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, vấn đề khó khăn lớn nhất đối với DN gỗ trong nước là phải có chứng chỉ rừng (PEFC). Đây là một điều kiện bắt buộc để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất đủ điều kiện tham gia xuất khẩu.
Hiện nay, các doanh nghiệp phải cạnh tranh rất quyết liệt với một số quốc gia lân cận như Trung Quốc, Indonesia…, những đối thủ rất mạnh của ngành gỗ nước ta trong việc tham gia thị trường xuất khẩu gỗ toàn cầu, đã được cấp PEFC. Điều đó cho thấy, nếu ngành gỗ của Việt Nam chậm trễ rất có thể nguồn nguyên liệu chính là điểm yếu nhất của các DN gỗ trong nước khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Năm 2015, Ấn Độ cùng với Trung Quốc và Indonesia kỷ niệm ngày nhận PEFC đầu tiên. Trong khi đó, Nhật Bản đang tiến tới gần hơn hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia được chứng nhận PEFC. Đại diện Chương trình phê duyệt các quy trình PEFC cho biết vẫn đang tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Philippines… để sớm đạt PEFC. PEFC là hệ thống chứng chỉ hiện có quy mô lớn nhất trên toàn cầu, chiếm tới 59,1% tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ. Đứng vị trí thứ hai là hệ thống FSC (quản lý rừng quốc tế), chiếm tỷ trọng 36,8%. Các hệ thống còn lại chiểm tỷ lệ rất nhỏ.
Đại diện Công ty gỗ Thuận An (TX.Thuận An) cho biết, trình độ sản xuất gỗ của các nước trong khu vực hiện nay gần như cân bằng nhau. Do đó, việc cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gỗ chính là từ nguồn nguyên liệu. Trong thời gian tới, DN nào không có đủ nguồn nguyên liệu hoặc giá nguyên liệu gỗ đầu vào quá cao sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường cả trong nước và xuát khẩu.
Việt Nam hiện đang có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu gỗ tại một số tỉnh ở Tây Bắc, Tây nguyên, duyên hải miền Trung… Nhưng để nguồn nguyên liệu đủ điều kiện phục vụ sản xuất, xuất khẩu chúng ta cần phải có PEFC. PEFC không những giúp người trồng rừng có thể thụ hưởng công sức xứng đáng mà mình bỏ ra, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp phục vụ xuất khẩu mà còn giúp mỗi quốc gia gìn giữ và phát triển rừng bền vững.
Còn theo thông tin từ BIFA, hiện nay, một số DN gỗ của Bình Dương đã đầu tư trồng rừng ở các tỉnh miền Trung nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho những năm tới. Trong đó, tỉnh Quảng Trị, nơi đang có hơn 500 hộ dân được sự hỗ trợ tích cực từ Chương trình phê duyệt các quy trình PEFC trong vùng trồng nguyên liệu gỗ thông, đang được các DN ưu tiên.
Lãnh đạo BIFA chia sẻ, từ thực tế nói trên cho thấy, nguồn nguyên liệu gỗ là vấn đề sống còn đối với mỗi DN hiện nay. Nguyên liệu gỗ với đặc thù là ảnh hưởng rất lớn tới môi trường tự nhiên và biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này giúp mỗi DN ý thức hơn trong việc khai thác nguồn nguyên liệu cũng như trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trước sự thay đổi của khí hậu toàn cầu. Ở sân chơi hội nhập, không riêng gì ngành gỗ, bảo vệ môi trường chính là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. (Báo Bình Dương 23/8) đầu trang(
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các ngành, đơn vị tích cực thực hiện giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để tạo điều kiện cho bà con ổn định đời sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều vưỚng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của việc giao đất, giao rừng cho đồng bào.
Trường Sơn là xã biên giới của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có 20 thôn, bản với dân số hơn một nghìn hộ, và hơn 4.300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Theo Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Sỹ, trong tổng số gần 77.500 ha đất tự nhiên, xã Trường Sơn chỉ có hơn 100 ha đất sản xuất, còn lại phần lớn là đất rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp do Công ty Lâm công nghiệp Long Đại và các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.
Theo kế hoạch giao đất, giao rừng của UBND tỉnh Quảng Bình, xã Trường Sơn sẽ được nhận hơn 3.800 ha đất rừng sau khi các đơn vị trên bóc tách, chuyển sang. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6-2016, xã Trường Sơn mới nhận được hơn 360 ha đất rừng. Nếu đưa số diện tích đất lâm nghiệp đã nhận được chia cho số hộ trong xã thì chưa đủ.
Còn xã rẻo cao Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) có diện tích 48 nghìn ha nhưng gần như toàn bộ là đất của các lâm trường và Ban quản lý rừng phòng hộ. Thực tế, xã chỉ quản lý 4.000 ha, nhưng hơn một nửa diện tích bị người dân các xã lân cận xâm canh.
Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hồ Văn Tuyên cho biết: "Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình, Công ty Lâm công nghiệp Long Đại đã ba lần cắt, giao cho xã Kim Thủy gần 200 ha đất rừng để chia cho người dân, song đến nay vẫn chưa giao được mét vuông nào do vướng mắc nhiều chỗ.
Cụ thể, lần thứ nhất, Công ty cắt hơn 100 ha đất ngay phía sau trụ sở xã để giao cho dân nhưng do trước đó đất được cán bộ dưới xuôi mượn, thuê, nhận khoán thời hạn đến 45 năm, nên họ không chịu trả lại vì chưa hết thời hạn cho nên việc giao nhận mới chỉ trên giấy. Lần thứ hai, Công ty bóc tách bảy ha giao cho người dân ba bản gần biên giới nhưng cũng không giao được. Nguyên nhân trước đây vùng đất này được thiết kế trồng cao-su, nhưng do lùm xùm về thủ tục chuyển đổi cho nên Hạt Kiểm lâm huyện Kim Thủy chưa ký. Lần gần đây, Công ty Long Đại tiếp tục cắt chuyển cho xã 90 ha nhưng khi giao người dân không nhận do quá xa khu dân cư, địa hình phức tạp.
Theo ông Hồ Văn Tuyên, xã Kim Thủy có hơn 1.000 hộ dân, hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó có 180 hộ không có đất sản xuất cho nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Cũng do thiếu đất sản xuất, nhiều lao động chính ở Kim Thủy phải vào rừng săn bắn và khai thác lâm sản trái phép. Do vậy, áp lực bảo vệ rừng trước sự mưu sinh của bà con là rất lớn và ngày càng phức tạp...
Theo đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, việc giao đất, giao rừng cho đồng bào các dân tộc còn chậm là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, diện tích đất lâm nghiệp bóc tách từ các lâm trường để giao cho người dân chủ yếu là rừng tự nhiên nằm ở vùng có khe suối, núi đá, không có đường đi.
Mặt khác, diện tích sau bóc tách giao cho người dân nằm xen kẽ trong diện tích rừng phòng hộ, hoặc rừng sản xuất do Nhà nước và các công ty lâm công nghiệp quản lý, vì vậy việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, một số diện tích rừng đang trong thời gian hợp đồng giữa các lâm trường với các hộ dân hoặc tài sản trên đất chưa giải quyết dẫn đến việc giao đất, giao rừng cho bà con sản xuất có nhiều vướng mắc. Thứ ba, sự phối hợp trong công tác giao đất giữa các ngành, đơn vị còn yếu, việc điều tra hiện trạng, khả năng sản xuất của từng vùng đất từ đó có kế hoạch bóc tách và giao đất phù hợp, sử dụng hiệu quả chưa được các ngành, địa phương chú trọng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho rằng, việc giao đất lâm nghiệp cho đồng bào DTTS gặp khó khăn còn do thiếu sự hợp tác của các cá nhân, tổ chức đã nhận đất, trồng rừng mà các lâm trường giao khoán, cho thuê từ nhiều năm trước.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, từ năm 2012 đến nay, Sở đã trình UBND tỉnh thu hồi hơn 8.300 ha đất của các nông lâm trường giao về địa phương quản lý và xét giao đất sản xuất ổn định lâu dài cho các hộ dân thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, việc giao đất trên thực địa khó khăn gấp nhiều lần so với giao trên hồ sơ. Do vậy, đến nay, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình chỉ giao được hơn 2.800 ha đất cho các hộ dân, bằng một phần ba số diện tích đất thu hồi.
Việc đồng bào DTTS một số địa phương còn thiếu đất sản xuất đã trở thành chủ đề “nóng” tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Quảng Bình trong nhiệm kỳ trước và ngay cả trong kỳ họp thứ hai, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức cuối tháng 7 vừa qua. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Hoàng Đăng Quang đã chỉ đạo UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương thực hiện việc bóc tách, giao đất, giao rừng cho người dân để ổn định sản xuất.
Dưới góc nhìn của một đơn vị thường xuyên hỗ trợ việc giao rừng cho đồng bào dân tộc Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh, Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh Phan Mậu Tài cho rằng: Giải pháp cốt lõi để giải “bài toán” nghèo đói là cần bảo đảm đủ đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc. Do đó, UBND tỉnh Quảng Bình và các huyện cần tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý và sử dụng đất rừng tại địa phương, để người dân vừa tạo thu nhập, vừa góp phần bảo vệ hiệu quả đất rừng tự nhiên.
Ngoài ra, để thúc đẩy việc giao đất lâm nghiệp, chính quyền các địa phương cần chủ động rà soát lại diện tích đất đề xuất thu hồi, xây dựng phương án giao đất đồng thời vận động tích cực, thường xuyên để người dân tổ chức sản xuất trên diện tích đã có và hạn chế việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng. (Nhân Dân 24/8) đầu trang(
Sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Yên Châu đã giảm đáng kể, người dân có thêm việc làm, có thu nhập từ rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Trên địa bàn huyện Yên Châu hiện có trên 51.515 ha đất lâm nghiệp, trong đó, hơn 43.368 ha rừng (28.828 ha rừng phòng hộ) còn lại là rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,46%. Trước đây, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa phương trong huyện gặp nhiều khó khăn, do người dân ý thức bảo vệ rừng chưa cao. Từ khi thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, cùng với chính sách chi trả DVMTR, người dân đã gắn bó với rừng, tự giác bảo vệ rừng. Bà con còn tích cực trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc để có thu nhập từ trồng rừng...
Để thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR, hằng năm, Chi nhánh Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng huyện đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát diện tích rừng đủ điều kiện hưởng dịch vụ môi trường rừng; xây dựng phương án điều chỉnh bổ sung giao khoán và chi trả DVMTR cho các xã.
Đồng thời, tuyên truyền cho các chủ rừng về nguyên tắc, hình thức chi trả DVMTR; đối tượng được chi trả tiền DVMTR; trách nhiệm của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Theo đó, phân rõ ranh giới, diện tích rừng của từng bản, nhóm hộ được chi trả tiền DVMTR, đơn giá chi trả một ha rừng khoanh nuôi bảo vệ ở từng khu vực. Chi nhánh còn phối hợp các xã, thông báo và niêm yết công khai tại các xã danh sách chi trả tiền DVMTR.
Ông Lê Đức Vinh, Trưởng Chi nhánh Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng huyện Yên Châu, cho biết: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại hiệu quả thiết thực; diện tích rừng được bảo vệ tốt, các vụ cháy rừng giảm đáng kể, nâng độ che phủ rừng từ 45% năm 2010 lên 50,46% năm 2015; không còn điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép như thời gian trước, người dân có thu nhập từ rừng.
Theo thống kê, năm 2011, toàn huyện chi trả hơn 9,4 tỷ đồng tiền DVMTR cho 4.946 chủ rừng, đến năm 2015, chi 11 tỷ 37 triệu đồng cho 5.410 chủ rừng tại 157 bản, 14 xã, thị trấn. Như vậy, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng trong huyện thu bình quân năm 2015 là gần 2 triệu đồng/hộ.
Chiềng Hặc là xã có diện tích rừng lớn nhất huyện. Hiện, xã có 423 hộ, nhóm hộ và 18 cộng đồng bản nhận khoanh nuôi, bảo vệ trên 5.000 ha rừng. Số tiền DVMTR hàng năm được chi trả trên 1 tỷ đồng. Nhờ vậy, đã giúp các hộ dân trong xã có thêm thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống.
Cũng nói về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, anh Vì Văn Chiến, Trưởng bản Nà Cài (Chiềng On) cho biết: Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý bản đã họp dân, chia các nhóm bảo vệ rừng như: Nhóm cộng đồng bản, nhóm cựu chiến binh, nhóm đoàn thanh niên, trong đó, phân rõ ranh giới diện tích cho từng nhóm. Các nhóm phân công các thành viên thường xuyên tuần tra ngăn chặn việc chặt phá, buôn bán gỗ trái phép; áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô. Hằng năm, bản được chi trả hơn 70 triệu đồng tiền DVMTR. Tuy số tiền không nhiều, song đã góp phần giúp bà con cải thiện cuộc sống.
Qua thực tế cho thấy, chính sách chi trả DVMTR là động lực để các hộ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. (Báo Sơn La 22/8) đầu trang(
Báo Điện tử Tầm nhìn đã có bài viết “Quảng Bình: Dân ào ào vào chiếm đất rừng lâm nghiệp” phản ánh nhiều hộ dân ở xã Xuân Trạch vào xâm chiếm và trồng cây trái pháp luật trên đất lâm nghiệp của Lâm trường Bố Trạch trong thời gian qua. Sau khi Báo nêu, phó chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
15/8/2016, Báo Tầm nhìn có bài viết “Quảng Bình: Dân ào ào vào chiếm đất rừng lâm nghiệp” phản ánh thực trạng nhiều hộ dân thuộc xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch đã tự ý vào xâm chiếm đất của Lâm trường Bố Trạch (thuộc Công ty MTV LCN Bắc Quảng Bình) để trồng cây thông, keo. Người dân xâm chiếm đất lâm nghiệp chủ yếu thuộc 2 tiểu khu 236 và 221. Ngoài việc trồng cây, người dân còn dựng hàng rào và làm lán trại để canh giữ, cũng như lôi kéo số đông cản trở khi các đoàn vào tháo dỡ.
Sau khi Báo nêu, ngày 16/8/2016 Văn phòng UBND tỉnh đã có công văn số 1700/VPUBND-TNMT “về việc kiểm tra nội dung Báo Tầm nhìn.net phản ảnh” gửi UBND huyện Bố Trạch. Công văn nêu rõ “Báo Tamnhin.net có bài viết phản ánh nhiều hộ dân ở các thôn 8,9,10 xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch lấn, chiếm đất rừng, trồng cây và dựng hàng rào, lập lán trại để chống lại lực lượng Bảo vệ rừng cũng như cơ quan chức năng; sau khi xem xét đồng chí  Phó chủ tịch UBND tỉnh – Lê Minh Ngân có ý kiến chỉ đạo như sau:
Yêu cầu UBND huyện Bố Trạch phối hợp với Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình và UBND xã Xuân Trạch kiểm tra nội dung Báo Tầm nhìn.net phản ánh. Nếu có, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 25/8/2016”.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết “thời gian này bước vào mùa trồng rừng, nên chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty (Cty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình) ổn định sản xuất kinh doanh trên cơ sở xem xét các nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên có một số bộ phận bà con chưa hiểu rõ vấn đề ngăn cản việc sản xuất, kinh doanh của công ty. Việc này chúng tôi cũng đang phối hợp với chủ rừng để giải quyết.
Trước mắt tiếp tục tuyên truyền cho bà con hiểu rõ cũng như tuyên truyền công tác đảm bảo các ngày nghỉ lễ 2/9 và chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sắp tới, để người dân không tiếp tục lợi dụng tình hình để lén lút trồng trộm cây trên phần đất lấn chiếm. Người dân phần lớn đã nhận thức được, chỉ có một số hộ ít chưa hợp tác để giao đất. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo công an huyện theo dõi tình hình và phát hiện đối tượng nào có đủ cơ sở bằng chứng xẽ khởi tố theo pháp luật”.
Ông Phó chủ tịch đánh giá cao nội dung bài báo Tầm nhìn đã đề cập đến vấn đề tồn tại ở địa phương, qua đó giúp địa phương phối hợp các bên liên quan để giải quyết rốt ráo sự việc.
Ông Trần Bình Trọng-Phó giám đốc Cty Bắc Quảng Bình cho rằng “việc một số người dân ở xã Xuân Trạch xâm chiếm đất của công ty do Lâm trường Chi Nhánh Bố Trạch quản lý đã kéo dài mấy năm nay, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị. Nhiều lần Công ty và Lâm trường tổ chức đi trồng cây thì bị người dân kéo ra ngăn cản không trồng được.
Cây không trồng được không bố trí trồng nơi khác thì bị hư hỏng, hợp đồng với các công nhân thời vụ mà không trồng được cũng phải trả tiền công cho họ. Diện tích đất lâm nghiệp của công ty một số đã phải bỏ trống 3 năm nay mà không thể sản xuất trồng cây. Công ty mong muốn phối hợp với địa phương và người dân để có phương án tốt nhất giải quyết vấn đề này để sớm ổn định để sản xuất”. (Tầm Nhìn 24/8) đầu trang(
"Cách làm của Bình Phước, có thể gọi là bơi ngược dòng lịch sử, cả thế giới đang gìn giữ rừng tự nhiên, họ lại phá đi trồng cao su".
Việc UBND tỉnh Bình Phước cho rằng khu vực rừng tiểu khu 69 Nông lâm trường Bù Đốp (Huyện Bù Đốp), cụ thể là 354 ha thuộc đối tượng rừng nghèo, nên tỉnh đã giao cho Công ty Cao su Sông Bé thực hiện chuyển sang trồng cao su, gồm: hơn 129 ha của khoảnh 1 và hơn 224 ha của khoảnh 2 và khoảnh 3 tiểu khu 69.
Thế nhưng, theo phản ánh của lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp thì khu vực này trước đây là rừng tự nhiên, được tỉnh quy hoạch là rừng sản xuất. Chỉ trong 10 năm khoanh lại, không cho cháy để cây con mọc lên, nay đã trở thành rừng cây dày đặc, thậm chí toàn cây có giá trị lớn.
Nhưng sau thời gian khoanh lại, khi các cây lớn thì có thể khai thác, nhưng sau khai thác thì nó lại thành rừng nghèo. Vì thế, việc cho công ty khác vào tận thu lâm sản, trồng loại cây mới là sẽ mất rừng hoàn toàn.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề trên, ngày 23/8, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết: "Quyết định lấy rừng tự nhiên đi trồng cao su là sai lầm. Trách nhiệm của việc đưa ra quyết định sai lầm là của Hội đồng đánh giá tác động môi trường cho phép chặt rừng nghèo tự nhiên làm cao su.
Chắc chắn hiện nay Bình Phước vẫn đang dựa theo Thông tư 58/2009 của Bộ NN&PTNT - hướng dẫn việc trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp. Cụ thể tại mục 4, Điều 4 có nêu rõ: "Đất có rừng gỗ tự nhiên là rừng sản xuất; bao gồm: rừng gỗ nghèo, rừng chưa có trữ lượng, rừng gỗ nghèo hỗn giao với tre nứa, cụ thể:
Rừng gỗ nghèo: có trữ lượng cây đứng bình quân theo lô từ 10 – 100m3 trên hécta. Rừng gỗ chưa có trữ lượng: rừng gỗ đường kính bình quân < 8cm, trữ lượng cây đứng bình quân dưới 10 m3/ha".
Trước Thông tư 58, chúng ta có thông tư 127 quy định dưới 70m3 gỗ mới là rừng nghèo, nhưng các tỉnh không ủng hộ, yêu cầu phải cho tăng diện tích lên, cuối cùng mới quyết định là 100m3.
Nghịch lý ở đây là rừng nghèo nếu đóng cửa không khai thác thì sẽ trở thành rừng trung bình, rừng giàu, nghĩa là không bao giờ mất rừng. Còn nếu đã phá rừng trồng cây cao su thì sẽ không lấy lại được.
Thế nhưng, theo quyết định của Thủ tướng mới đây thì không được lấy rừng tự nhiên để trồng cao su, kể cả rừng nghèo kiệt. Theo tôi, trong quy định hiện nay, cần phải thêm phần, giá trị của rừng có quý hiếm hay không. Tôi biết gỗ rừng Bù Đốp rất quý".
Điều đáng nói, theo ông Lung, đây cũng không phải lần đầu tiên huyện này phá rừng trồng cây cao su, trước đó đã từng nhiều lần họ làm việc tương tự. Họ thường thông qua ý kiến số đông, dựa vào tiêu chuẩn rừng nghèo, lấy đất trồng cao su.
Đơn giản, cũng bởi vì trồng cao su nếu không thành công thì họ sẽ được một lượng đất không cực kỳ lớn, bán 1ha thì cũng đủ tiền bù đắp cho số tiền bôi trơn, đút lót ban đầu đã bỏ ra. Hay nói cách khác, nếu trồng cao su không thành công thì họ vẫn vui mừng.
Hơn nữa, về mặt môi trường, tác dụng của rừng cao su với môi trường không lớn, cũng là rừng nhưng lại là rừng có tác dụng cải tạo môi trường kém nhất, chỉ là chống đất không đồi trọc.
''Việc phá rừng tốt, lấy rừng phòng hộ môi trường kém, là nghịch lý. Tất cả chỉ là vỏ bọc chứng tỏ vẫn làm theo Luật, nhưng bên trong tồn tại nhiều lợi ích nhóm.
Thời kỳ đua nhau trồng cây cao su đã qua cách đây 5 năm, Bình Phước đang lạc hậu đến mức trong khi các tỉnh trồng cao su cách đây 7 năm đã phá đi trồng cây khác, vì khi thu hoạch sản lượng mủ không bù đắp đủ tiền đầu tư. Thiết nghĩ, hãy chấm dứt việc lấy của công để chi tiêu chung lãng phí'' - ông Lung nhấn mạnh.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Lung, ở nước ngoài, các lâm trường có rừng tự nhiên họ chia thành các tiểu khu, mỗi năm chỉ khai thác 1 nơi, khai thác cây có đường kính 40cm trở lên để xẻ gỗ, xuất khẩu.
Còn các cây có đường kính 20cm thì giữ lại, 5-10-20 năm sau mới tiếp tục khai thác, thậm chí, hầu như họ có khai thác nhưng cũng sẽ giữ lại 100m3 để trên mức rừng nghèo, không bị phá hủy. Họ làm thành chu kỳ như vậy, thì mãi mãi sẽ còn rừng tự nhiên.
Nhưng không phải chỉ có thế giới làm, chỉ là thế giới làm trước mình từ thế kỉ 18,19 còn Việt Nam cũng mới làm như vậy với diện tích rừng cả nước.
"Cách làm của Bình Phước, có thể gọi là bơi ngược dòng lịch sử, cả thế giới đang gìn giữ rừng tự nhiên, thì họ lại phá đi trồng cao su.
Thủ tướng vừa có những quyết định rất mạnh mẽ, kể cả rừng tự nhiên nghèo kiệt cũng không được chặt phá. Vì thế, Bình Phước hãy tạm thời nên hoãn lại dự án, chờ văn bản Thủ tướng hướng dẫn cụ thể như thế nào. (Đất Việt 24/8) đầu trang(
Vụ việc hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị sát hại đã cho thấy “lỗ hổng” trong việc mang và sử dụng vũ khí.
Trao đổi với Báo Giao thông chiều 23/8, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường cho biết, sáng cùng ngày, ông đã tham dự phiên họp thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo ông Trường, về quy định nổ súng - một vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian gần đây, đa số ý kiến tán thành quy định như Dự thảo Luật Chính phủ trình, đề nghị bám sát các quy định về tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự để quy định đảm bảo chặt chẽ hơn. Có ý kiến cho rằng, quy định nổ súng như dự thảo Luật chưa cụ thể, thiếu định lượng mà chủ yếu dựa trên nhận định chủ quan của người sử dụng vũ khí, dẫn đến khó vận dụng trong thực tiễn, có trường hợp người thi hành công vụ không dám nổ súng vì sợ trách nhiệm, có trường hợp nổ súng quá mức cần thiết dẫn đến vi phạm…
Theo ông Trường, qua vụ việc hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị sát hại đã cho thấy “lỗ hổng” trong việc mang và sử dụng vũ khí. “Luật của Mỹ quy định rất cụ thể, khi cảnh sát hoạt động ngoài đường thì súng luôn luôn phải bỏ trong bao, chứ không được cầm "lung tung". Khi anh tác nghiệp nhiệm vụ có nhu cầu mới được bỏ ra khỏi bao.
Chứ kiểm lâm được mang súng vào cơ quan thế là không ổn”, ông Trường nhấn mạnh, đồng thời đề nghị quy định rõ việc mang và sử dụng vũ khí, quy trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan được trang bị vũ khí. Tại luật quy định không chặt chẽ, nên có những khi đi đâu không cần thiết cũng mang theo súng, ở các nước không bao giờ có chuyện đó. Kể cả đi họp tuyệt đối không mang súng”, ông Trường nêu quan điểm.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, sáng 18/8, trước thời điểm khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh Yên Bái, khoảng 7h, đối tượng Đỗ Cường Minh đã đến phòng làm việc ông Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái dùng súng quân dụng K59 được trang bị, bắn Bí thư và sau đó di chuyển sang phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, cách phòng ông Cường khoảng 150m để bắn ông này.
Sau khi bắn hai người, đối tượng Minh đã tự sát tại phòng ông Tuấn. Cả ba lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đến 13h05 ngày 18/8, ông Phạm Duy Cường và Ngô Ngọc Tuấn đã tử vong. Đối tượng Đỗ Cường Minh cũng tử vong sau đó, vào lúc 15h26' cùng ngày. (Giao Thông 24/8) đầu trang(
Đóng cửa rừng tự nhiên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong chuyến công tác tại Tây Nguyên hồi tháng 6 vừa qua. Xung quanh vấn đề này, phóng viên thường trú Báo điện tử Chính phủ tại miền Trung-Tây Nguyên đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa.
Rừng giữ vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng môi trường sinh thái, giữ nguồn nước, chống xói mòn rửa trôi. Tuy nhiên trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tài nguyên rừng trên cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng bị suy giảm cả về diện tích và chất lượng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, duy trì và phát triển đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khai thác tài nguyên rừng bền vững phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là cần thiết bởi lẽ tài nguyên rừng là tài nguyên tái tạo nhưng điều kiện hạ tầng của tỉnh còn thấp, công nghiệp chế biến chưa phát triển ngang tầm với khu vực, gỗ khai thác chủ yếu là xuất gỗ tròn nên chưa tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, chưa nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, từ đó tỉnh Kon Tum đã có chủ trương đóng cửa rừng từ năm 2004.
Trong thời gian qua, từ hệ lụy của việc suy giảm diện tích rừng, chất lượng rừng đã dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, điển hình như cơn bão số 9 năm 2009 và đợt hạn hán kéo dài năm 2015-2016 đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, cơ sở vật chất, hạ tầng, trì hoãn sự phát triển kinh tế-xã hội và làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ trong thời gian đến nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện có, duy trì và khôi phục rừng, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên được xác định là giải pháp quan trọng, cấp thiết, hữu hiệu tại thời điểm hiện nay và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao trong xã hội.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Kon Tum đã xây dựng Kế hoạch và chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ nhất, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT để triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ  đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016.
Thứ hai, thực hiện nghiêm Kết luận số 04-KL/TU ngày 13/01/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật và Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Thứ ba, thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên theo Kết luận 97-KL/TW ngày 09/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha hiện còn rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh sang mục đích khác.
Thứ tư, thành lập các chốt, trạm liên ngành tại các địa bàn trọng điểm thường xuyên xảy ra vi phạm để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, truy quét và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát, kiểm tra hoạt động các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhằm có giải pháp ổn định và sớm sắp xếp lại các cơ sở chế biến theo quy hoạch.
Theo đó kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở chế biến nằm ngoài quy hoạch; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở chế biến gỗ vi phạm; chủ trương thu hồi, không cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến lâm sản đối với các cơ sở không chứng minh được nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch.
Thứ năm, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức và hành động của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Phát động phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và tố giác tội phạm, kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến về bảo vệ và phát triển rừng. Thứ sáu, rà soát lại lực lượng kiểm lâm, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân, vi phạm không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp (bao gồm cả diễn tập trên thực địa) giữa kiểm lâm với các lực lượng chức năng như công an, quân đội, dân quân tự vệ, biên phòng trong việc tuần tra, truy quét, xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng và đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều phương án để bảo vệ và quản lý rừng. Ví dụ như thu hút các nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các các chủ rừng, chủ đầu tư và người dân tham gia trồng rừng sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ổn định cuộc sống, tạo việc làm và thu nhập ngày càng cao.
Kon Tum đã dừng khai thác rừng tự nhiên từ năm 2004. Hiện nay, tỉnh chỉ khai thác tận dụng trên diện tích chuyển đổi sang mục đích khác, riêng Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô thực hiện khai thác theo phương án quản lý rừng bền vững từ năm 2011. Việc triển khai quyết liệt các biện pháp “đóng cửa rừng” kể cả tận thu, tận dụng trong điều kiện một tỉnh nghèo như Kon Tum, bước đầu sẽ gặp một số thuận lợi, cũng như khó khăn.
Thuận lợi nằm ở chỗ chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện có, duy trì và khôi phục rừng, đặc biệt là tại Khu vực Tây Nguyên được xác định là giải pháp quan trọng, cấp thiết và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao trong xã hội. Bên cạnh đó, từ năm 2004 đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nền tảng cơ bản về cơ chế chính sách, các giải pháp liên quan đáp ứng được việc đóng cửa rừng tự nhiên. Do đó, khi triển khai một số nhiệm vụ mới quyết liệt hơn thì các lực lượng chức năng và các địa phương có thể  đáp ứng và thực hiện tốt chủ trương trên.
Bên cạnh đó, ở Kon Tum, điều kiện kinh tế-xã hội phát triển nên nhu cầu đất ở, đất sản xuất kinh doanh tăng cao đã tạo áp lực lên tài nguyên rừng. Nhu cầu sử dụng lâm sản của xã hội ngày càng tăng, nhất là gỗ rừng tự nhiên, gỗ quý, trong khi gỗ rừng trồng và các vật liệu thay thế khác chưa đáp ứng được nhu cầu, do đó tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn còn diễn ra. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn không có khả năng để chấp hành quyết định xử phạt dẫn đến tính giáo dục răn đe còn hạn chế.
Không những vậy, lực lượng bảo vệ rừng chưa đủ mạnh để triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao quản lý. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho cho các lực lượng bảo vệ rừng cấp xã còn thấp. Biên chế kiểm lâm địa bàn còn thiếu nhiều so với quy định của Chính phủ.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum đề nghị cấp thẩm quyền hỗ trợ địa phương kinh phí để triển khai thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sớm hướng dẫn việc xây dựng và triển khai hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các đơn vị chủ rừng, đảm bảo đủ mạnh để triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ rừng trên lâm phần được giao quản lý. Bố trí nguồn kinh phí phù hợp cho các lực lượng bảo vệ rừng cấp xã (Ban lâm nghiệp xã, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, lực lượng dân quân tự vệ) để chính quyền cấp xã thực hiện có hiệu quả trách nhiệm bảo vệ rừng.
Đề nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn và có cơ chế chuyển tiếp đối với các dự án đang thi công dở dang và giải quyết thỏa đáng đối với việc dừng các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai để bảo đảm quyền lợi và tránh gây bức xúc cho các nhà đầu tư...(Chính Phủ 24/8) đầu trang(
Thuế xuất khẩu 2%, phí vận tải tăng cao cộng với thị trường tiêu thụ giảm đang khiến cho ngành dăm gỗ Việt Nam phải đối mặt khó khăn chồng chất.
Mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn này đã kéo giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chưa bao giờ giảm mạnh như trong thời gian vừa qua.
Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng gần đây chỉ tăng khoảng 1% trong khi cùng kỳ các năm trước tăng từ 7-8%.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gỗ dăm, nhưng trong 6 tháng đầu năm chỉ xuất khẩu được gần 1,8 triệu tấn.
Điển hình là thị trường chính Trung Quốc giảm mạnh, mỗi năm xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 4 triệu tấn nhưng trong 6 tháng đầu năm chỉ xuất được 1 triệu tấn.
Ngoài yếu tố lớn là thị trường Trung Quốc giảm mua, giá giảm, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, dăm gỗ Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt.
Là một quốc gia xuất khẩu dăm gỗ đứng đầu thế giới nhưng chất lượng dăm của Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của các nước.
Trước đây, nếu Nhật Bản nhập khẩu dăm gỗ của Việt Nam giờ lại quay sang nhập khẩu từ Australia .
“Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu. Bản thân doanh nghiệp phải nâng cao trình độ, trách nhiệm đưa sản phẩm tốt lên nhưng đồng thời cũng có vấn đề là chính sách quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay.
Ngoài chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, có hai yếu tố từ quản lý nhà nước tác động đến xuất khẩu dăm gỗ giảm.
Một là từ 1/1/2016, dăm gỗ xuất khẩu phải chịu thuế suất 2% và quan trọng hơn là Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quy định yêu cầu khi vận chuyển đổi với đường bộ là ô tô không được cơi nới, trong khi sản phẩm dăm rất nhẹ.
Nếu vận chuyển bằng đường thủy thì chỉ được để hàng ở dưới hầm, không được đưa lên boong tàu. Như vậy, giá thành vận chuyển đã tăng lên 3 lần.
“Thuế và phí vận tải đã khiến dăm Việt Nam không thể cạnh tranh được với dăm gỗ từ Australia xuất sang Trung Quốc”. - ông Quyền nói.
Khó khăn trong xuất khẩu đã khiến lượng dăm tồn, không xuất khẩu được tại Việt Nam rất lớn.
Theo các doanh nghiệp, sự sụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục đem lại những tác động tiêu cực không phải chỉ riêng cho các doanh nghiệp mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia các khâu của chuỗi cung ứng.
Ông Lưu Văn Chánh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh Cát Phú Nha Trang cho rằng, mức thuế 2% đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng rừng.
Thực tế, từ sau khi chính sách thuế có hiệu lực, giá trị rừng trồng đã giảm, tâm huyết phát triển rừng của người dân có phần nao núng.
Đặc biệt, vấn đề là thuế thu được từ mặt hàng này nhỏ hơn so với sự hỗ trợ mà Chính phủ bỏ ra đề đầu tư trồng rừng.
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, chi phí phát sinh từ việc áp thuế được doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ cho tất cả các khâu trên chuỗi cung, nhưng chủ yếu là dồn xuống các hộ trồng rừng.
2% thuế được “đẩy” hết cho người trồng rừng, trong khi đó hộ trồng rừng là các hộ nghèo, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Điều này có nghĩa rằng nguồn thu từ nguồn gỗ rừng trồng của các hộ bị suy giảm.
Theo ông Nguyễn Nị, Chủ tịch Hiệp hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Nam - Quảng Ngãi, các chính sách quản lý cần tạo đầu ra cho dăm gỗ, vì xuất khẩu dăm gỗ giống như “người đỡ đầu” cho các hộ trồng rừng.
Trước sự phát triển nóng, phát triển ngoài quy hoạch, chạy theo thị trường và không kiểm soát về chất lượng, đặc biệt sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở chế biến quy mô nhỏ ở vùng Bắc Trung bộ, nhằm hạn chế tình trạng này, thuế xuất khẩu 2% được áp dụng.
Tuy nhiên, áp dụng mức thuế này trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và cầu tiêu thụ co hẹp phần nào làm cho ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam đã khó khăn lại càng trở lên khó khăn hơn.
Mức thuế xuất khẩu 2% tương đương với mức tăng 2,5-2,8 USD/tấn dăm trong cơ cấu giá thành dăm xuất khẩu đã khiến dăm Việt Nam khó cạnh tranh hơn so với của các nước như Australia, Braxin, New Zealand…
Mặc dù đánh giá cao đóng góp của xuất khẩu dăm gỗ trong việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu ngành lâm sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, chúng ta không nên tự hào với danh hiệu xuất khẩu dăm gỗ đứng đầu thế giới.
Việc trở thành nhà xuất khẩu dăm gỗ hàng đầu của thế giới nhưng vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn so sánh, năm 2015, xuất khẩu dăm trên 8 triệu tấn, sử dụng khoảng 16 triệu m3 nguyên liệu gỗ, đạt kim ngạch gần 1,2 tỷ USD.
Trong khi đó, đồ mộc xuất khẩu chỉ sử dụng khoảng 10 triệu m2 gỗ nguyên liệu, nhưng đã tạo ra tổng giá trị xuất khẩu xấp xỉ 6 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc làm cần thiết hiện nay là phải tái cấu trúc ngành công nghiệp gỗ theo hướng chế biến chiều sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Vì vậy, cần thúc đẩy sản xuất dăm gỗ. Tuy nhiên, cần phải thống kê lượng gỗ chỉ sử dụng cho sản xuất dăm và sản phẩm bị khai thác non để chế biến dăm từ đó có chính sách hỗ trợ cho sản phẩm này. (Bnews 24/8) đầu trang(
Xác định trồng rừng là mũi nhọn, góp phần giúp bà con thoát nghèo. Mới đây huyện Tương Dương đã trích ngân sách 1,9 tỷ đồng hỗ trợ bà con giống cây để trồng rừng nguyên liệu.
Năm nay Tương Dương trồng 886,5 ha cây nguyên liệu, trong đó keo 771,2 ha, mét 113,2 ha, keo xen mét là 62,1 ha. Theo đó, UBND huyện Tương Dương hỗ trợ toàn bộ phần cây giống, với khoảng 1,2 triệu cây giống gồm: keo, xoan, tương đương 1,9 tỷ đồng.
Sở NN &PTNT, UBND huyện Tương Dương đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra về hồ sơ giống, nguồn gốc hạt giống, kiểm kê công tác gieo ươm trước khi xuất vườn, nhằm đảm bảo chất lượng.
Huyện thành lập Ban chỉ đạo trồng rừng, chỉ đạo cán bộ kỹ thuật của phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông phối hợp với các xã, hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng nguyên liệu.
Ông Lô Khăm Kha, trưởng phòng nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Thời tiết thuận lợi nên huyện đã đẩy nhanh tiến độ trồng được trên 755 ha rừng nguyên liệu. Dự kiến đến hết 8/2016 toàn huyện Tương Dương sẽ phủ kín diện tích rừng trồng theo kế hoạch đề ra. (Báo Nghệ An 24/8)đầu trang(./.