Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 25 tháng 08 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Vụ trộm hơn 100 quả trứng Vích tại Vườn quốc gia Côn Đảo, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mâu thuẫn trong quan điểm khởi tố hay không khởi tố. Trứng vích là sản phẩm hay mẫu vật đang được tranh cãi.
Chiều 17/6, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo bắt quả tang Phạm Văn Tân (28 tuổi, thường trú tại H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, tạm trú tại khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo) đang vận chuyển 116 quả trứng rùa biển hay còn gọi là vích (tên khoa học Chelonia mydas).
Phạm Văn Tân khai: sáng cùng ngày, Tân thuê đò của K.V.H. đi từ mũi Chim Chim sang bãi Xi Măng thuộc hòn Bảy Cạnh. Tới nơi, Tân lấy trộm trứng, còn H. neo đò chờ ngoài biển. Sau khi lấy trộm được 116 quả trứng vích, Tân và H. quay về mũi Chim Chim. Lúc từ biển lên bờ thì bị kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo bắt giữ.
Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo và Công an huyện Côn Đảo phối hợp điều tra, lấy lời khai của Tân và tiến hành trưng cầu giám định mẫu trứng do Tân lấy trộm.
Kết quả giám định của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho thấy 116 quả trứng là trứng của loài vích có tên khoa học Chelonia mydas.
Sau khi có kết quả giám định, hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ trộm trứng vích sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Côn Đảo để xử lý theo pháp luật.
Ngày 27/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Côn Đảo ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Tân về hành vi “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.
Tuy nhiên, hai lệnh này không được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn vì Viện trưởng Viện KSND huyện Côn Đảo cho rằng không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ án trên vì điều 190 Bộ luật hình sự không quy định “trứng” mà chỉ quy định “động vật”.
Cũng theo ông Tâm, “trứng vích không phải là sản phẩm của vích vì không qua chế biến từ một cá thể vích, trứng cũng được xem là một cá thể hay một bộ phận của cá thể”.
Do đó, không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can được. Trong khi đó, cả đại diện cơ quan điều tra và kiểm lâm đều khẳng định trứng vích là sản phẩm của vích vì do vích đẻ ra.
Trong Công văn số 538/PLHSHC-HS ngày 9/8/2016 về việc góp ý kiến xác định loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính thuộc Bộ Tư pháp gửi Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, cơ quan này đã giải thích: “Theo quy định tại Điều 3 Luật Thú y năm 2015 (trước đây là Pháp lệnh Thú y) thì trứng của động vật trên cạn hay động vật dưới nước đều là sản phẩm của chúng. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì trứng Vích là sản phẩm của con Vích”.
Đồng quan điểm trên, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách – Pháp luật của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), hành vi vận chuyển, buôn bán sản phẩm, bộ phận của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như vích đều phải ngay lập tức bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật.
Tuy theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, trứng vích là “mẫu vật” của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng rõ ràng trong trường hợp 2 quy phạm pháp luật cùng quy định một vấn đề, văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ được áp dụng.
Vậy nên, trứng Vích phải được coi là sản phẩm của vích như Bộ Tư pháp đã phân tích và các cơ quan chức năng huyện Côn Đảo có đầy đủ căn cứ pháp lý để khởi tố vụ án cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng trộm trứng Vích.
Bà Hà đề xuất: “Viện Kiểm sát nhân dân huyện Côn Đảo nên nhanh chóng phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với đối tượng trộm hơn 100 quả trứng rùa biển. Đó không chỉ là việc làm đúng đắn, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHD, mà còn là hành động kịp thời ngăn chặn những mối đe dọa trực tiếp tới sự phát triển của loài rùa biển nói chung và vích tại Việt Nam.”
Theo tài liệu mà ENV cung cấp, Vích (Chelonia mydas) và các loài rùa biển khác là loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước về việc buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và đồng thời nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Việt Nam, ngang hàng với hổ, voi, tê giác. Dẫu vậy, vì một lý do nào đó, những vi phạm liên quan đến Vích nói riêng và rùa biển nói chung vẫn chưa được xử lý thỏa đáng, dù hậu quả để lại có đặc biệt nghiêm trọng cho loài này và các quy định pháp luật thì đã rõ “như ban ngày”.
Cuối năm 2014, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 10 tấn rùa biển, tương đương 7.000 cá thể 6 nhà kho ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. So với vi phạm liên quan đến một cá thể hổ hay vài tạ sừng tê, thì với số lượng rùa biển khổng lồ này, các đối tượng vi phạm xứng đáng với khung hình phạt cao nhất theo pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay, gần 2 năm sau khi bị phát hiện, những đối tượng trong vụ việc vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Bà Hà đặt bức xúc: “Đối tượng vận chuyển 1 cá thể hổ đông lạnh hay 31 kg sừng tê thì bị bắt giữ, khởi tố ngay lập tức. Nhưng nếu ăn trộm trứng Vích, mà lẽ ra nếu được nuôi ấp, 80% sẽ nở thành Vích con, hay tệ hơn là giết hại 7000 cá thể rùa biển thì thậm chí còn không bị xem xét xử lý hình sự. Lẽ nào lại còn có “thứ tự ưu tiên” xử lý vi phạm đối với các loài trong danh mục được ưu tiên bảo vệ?” (Người Đưa Tin 24/8) đầu trang(
Sau khi báo chí phản ánh về tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa với xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo đều thuộc tỉnh Điện Biên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin.
Ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết, Chi cục phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và xã Mường Đun, xã Phình Sáng đến hiện trường xảy ra tình trạng khai thác gỗ nghiến như báo chí phản ánh.
Quá trình kiểm tra, đoàn xác định có tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép. Qua thống kê sơ bộ cho thấy có 8 cây gỗ nghiến với đường kính từ 0,8-1,5 m, chiều dài từ 8-15 m đã bị khai thác; trong đó, 7 cây thuộc địa phận xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo và một cây thuộc địa phận xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa.
Đối với số gỗ này, đoàn thống nhất giao cho dân cư bản Hua Chá, xã Phình Sáng và bản Hột, bản Kép, xã Mường Đun quản lý, giữ nguyên hiện trạng rừng. Do số gỗ nghiến bị khai thác tại địa phận xã Phình Sáng tương đối lớn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm việc với UBND và các cơ quan tố tụng của huyện Tuần Giáo.
Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo sẽ phối hợp với Công an huyện, Viện Kiểm sát huyện kiểm tra, khám nghiệm hiện trường; đồng thời xem xét tính chất, mức độ của sự việc, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm việc với UBND huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo để thống nhất phương án bảo vệ khu rừng nghiến; đưa ra các giải pháp, kiểm tra xác minh, khám nghiệm hiện trường vùng có cây gỗ nghiến bị khai thác để quy trách nhiệm và xử lý.
Đồng thời ký kết biên bản giữa các bên có liên quan để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền để người dân không vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường công tác phối hợp tuần tra để xử lý các trường hợp khai thác, mua bán, cất giữ lâm sản trái pháp luật xảy ra tại hai huyện trên.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cũng đã có văn bản chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện tăng cường rà soát tại rừng, đặc biệt là những khu rừng có các loại cây gỗ quý hiếm như nghiến, pơ mu, từ đó ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác rừng trái phép. (Chính Phủ 24/8) đầu trang(
24/8, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, ông Hoàng Đăng Quang, về việc yêu cầu UBND tỉnh làm rõ nội dung báo Tiền Phong phản ánh, liên quan việc phá rừng đầu nguồn Rào Nan để trồng keo.
Công văn cũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình phải khẩn trương báo cáo kết quả trước ngày 30/8. (Tiền Phong 25/8) đầu trang(
Tối 24/8, tại đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua xã Quảng Thành, đoạn qua thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra hành chính xe tải mang biển kiểm soát 93C-005.00 và phát hiện trên xe chở hàng chục khối gỗ.
Tại thời điểm trên, tài xế xe là Nguyễn Phúc Ân (sinh năm 1989, trú tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) không xuất trình được những giấy tờ liên quan đến xe và số gỗ nên lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ xe cùng tang vật.
Trước đó, vào chiều cùng ngày, nhóm phóng viên TTXVN đã phát hiện chiếc xe tải này bắt đầu xuất phát từ địa phận giáp ranh xã Đức Hòa và Đắk Môl (huyện Đắk Song, Đắk Nông) có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Ngay sau đó, nhóm phóng viên đã bí mật bám đuôi theo dõi đến thị xã Gia Nghĩa và báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông chặn phương tiện trên để kiểm tra.
Nhóm phóng viên TTXVN cũng phát hiện nhiều xe chở gỗ lậu đi qua các trạm quản lý bảo vệ rừng tại xã Đức Hòa và Đắk Môl nhưng không hề bị lực lượng chức năng ngăn chặn, kiểm tra.
Các đối tượng khai thác rừng trái phép ở huyện Đắk Song vẫn ngang nhiên tàn phá rừng tự nhiên nhằm khai thác gỗ và mở diện tích đất sản xuất, rao bán công khai đất ngay trong diện tích đất rừng tự nhiên.
Nhiều diện tích rừng bị đốn hạ ở khu vực ngay xung quanh các trạm quản lý bảo vệ rừng ở xã Đắk Mol.
Hàng ngày, xe tải hàng chục tấn vận chuyển gỗ lậu vẫn “chui lọt” qua hai trạm quản lý bảo vệ rừng Đắk Mol và Đắk N’Tao để đi tiêu thụ.
Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm, nhưng thời gian gần đây tốc độ tàn phá ngày càng lan rộng khiến hàng trăm hécta rừng bị tàn phá. (Vietnam+ 25/8) đầu trang(
Đắk Lắk: Cưa cây di sản vì... sợ lây bệnh
Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook đã đăng tải hình ảnh về việc cưa 3 nhánh chính của cây long não bên trái (từ ngoài cổng vào) nằm trong quần thể di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Nội dung đưa lên mạng có nội dung lo ngại và thắc mắc về quy trình cưa cây.
Để làm rõ vấn đề này, sáng 24-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Hùng, cách đây khoảng vài tháng, đơn vị quản lý cây xanh đô thị đã phát hiện các nhánh cây của cây long não bị khô héo từ từ. Sau đó, đơn vị này phối hợp với trung tâm bảo tồn di tích đề xuất hướng xử lý lên cơ quan chức năng. Sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh Đắk Lắk, Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và nhiều cơ quan chức năng khác, mới tiến hành cưa bỏ các nhánh bị bệnh.
“Lúc đầu trung tâm cũng không đồng ý cắt bỏ ngay mà nhờ các nhà khoa học vào cuộc nhưng đều được trả lời không thể cứu chữa, buộc phải cắt bỏ. Việc cắt 3 nhánh chính của cây di sản là bất đắc dĩ, tránh việc lây lan bệnh cho các nhánh khác và gãy khi mưa gió” - ông Hùng cho biết thêm.
Trước đó, cuối tháng 12-2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ công nhận gắn biển Cây di sản Việt Nam cho 2 cây long não. Hai cây này được trồng từ những năm 1930, trồng đối xứng cổng vào Biệt điện Bảo Đại. Thân cây có đường kính khoảng 2,5m, cao gần 30m, có nhiều cành to, dài, tán lá rất rộng. (Người Lao Động 24/8) đầu trang(
Những năm trước, vào mùa khô, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải thường xảy ra cháy rừng với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, do tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nên từ đầu năm tới nay, trên địa bàn không để xảy ra cháy rừng.
Xã Kim Nọi có 317 hộ dân với 1.793 nhân khẩu. Toàn xã có hơn 2.260 ha rừng giáp ranh với địa bàn nhiều xã, trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế nên gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng (BVR). Đặc biệt, do áp lực về lương thực, một phần vì tập quán du canh, du cư, canh tác nương rẫy nên trên địa bàn thường xảy ra cháy rừng.
Vụ khô hanh năm 2015, trên địa bàn xảy ra cháy rừng tại bản Háng Đang Dê nhưng do phát hiện kịp thời nên không gây thiệt hại lớn. Các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn xã chủ yếu do bà con đốt nương làm rẫy để cháy lan vào khu rừng bên cạnh.
Để hạn chế cháy rừng, ngay từ đầu tháng 10 hàng năm, xã đã lên kế hoạch PCCCR. Cụ thể, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR gồm 23 thành viên; có kế hoạch phân công các thành viên xuống thôn, bản cùng cơ sở chỉ đạo công tác PCCCR, nhất là các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Ở 6 thôn, bản trong xã đều có tổ, đội PCCCR với số lượng từ 5 đến 10 người; phối hợp với lực lượng kiểm lâm xây dựng các phương án PCCCR bảo đảm sát và hợp với tình hình thực tế.
Coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, bản hàng tháng, hàng quý; ký cam kết BVR và PCCCR cho 317 hộ dân ở các thôn, bản. Những ngày nắng nóng, hệ thống truyền thanh xã cũng đã phát nhiều chương trình cảnh báo về nguy cơ cháy rừng.
Đồng chí Mùa A Súa - Chủ tịch UBND xã Kim Nọi cho biết thêm: “Để hạn chế cháy rừng do đốt nương làm rẫy, hàng năm, chúng tôi thống kê nương rẫy, phối hợp với kiểm lâm địa bàn hướng dẫn cho bà con cách đốt nương để tránh lây lan vào rừng. Đồng thời, xã quy định tất cả các hộ khi đốt nương rẫy phải báo cho trưởng thôn và kiểm lâm địa bàn biết ngày giờ đốt để kiểm soát. Những tháng cao điểm có thể xảy ra cháy rừng, mỗi thôn, bản đều cử các tổ, đội thay phiên nhau gác rừng. Nhờ đó, đã giảm đáng kể tình trạng cháy rừng do đốt nương, làm rẫy của người dân”.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR nên từ đầu năm tới nay, trên địa bàn xã chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất của người dân lớn nên tình trạng làm nương rẫy nằm xen kẽ với rừng diễn ra ở tất cả các thôn, bản trong xã nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Để kiểm hạn chế cháy rừng, thời gian tới, xã Kim Nọi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, BVR và PCCCR. Xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm rà soát diện tích nương rẫy, lên danh sách số hộ sản xuất nương rẫy và hướng dẫn cho bà con cách đốt nương để tránh lây lan vào rừng; lên kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ rừng, các hộ gia đình nhận khoán BVR thực hiện các phương án PCCCR; chỉ đạo các tổ, đội nhận khoán BVR phối hợp với kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm ngăn chặn việc phá rừng, phát lấn vào rừng để sản xuất nương rẫy trái phép.
Ông Mùa A Súa - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Thời gian tới, cùng các địa phương khác, xã Kim Nọi tiến hành quy hoạch vùng canh tác nương rẫy, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chú trọng đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó ngăn chặn phá rừng làm nương rẫy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra”. (Báo Yên Bái 23/8) đầu trang(
Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã giao cho doanh nghiệp (DN) hàng chục ngàn hécta rừng và đất rừng để thực hiện dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi, trồng cây công nghiệp. Nhưng phần lớn DN chỉ triển khai việc chăn nuôi, trồng cây công nghiệp chứ không chú trọng trồng rừng.
Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa và những con đường băng rừng càng thêm trơn trượt. Xe máy, xe máy cày, ô tô… chen chúc nhau trên con đường đất lầy lội đi vào xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức), một trong những điểm nóng phá rừng của tỉnh ĐắK Nông. Vừa mới sáng sớm, con đường đất ngoằn ngoèo, quanh co này vẫn chưa mất dấu những chiếc xe máy cày chở gỗ từ đêm qua. Chúng tôi dừng xe chụp vội vài tấm ảnh, bỗng một người dân sấn lại nói: “Nhà báo à? Chụp đây ở đây ăn thua gì, đi vào xã mới nhiều”!
Quả đúng như vậy, khi chúng tôi đặt chân đến địa phận xã Đắk Ngo, trước mắt hiện ra cảnh tượng rừng núi tan hoang. Hai bên đường, cây rừng bị đốt cháy nham nhở chưa kịp dọn và những rẫy mì, bắp, cà phê đã mọc lên xanh mướt. Những ngôi nhà tạm cũng “mọc lên như nấm sau mưa” trên những cánh rừng bị phá. Theo một cán bộ kiểm lâm huyện Tuy Đức, những nơi rừng bị chặt phá và đất rừng bị lấn chiếm như thế đều đã được giao cho các DN.
Càng vào sâu trung tâm xã, rừng bị phá càng khốc liệt hơn. Hai bên đường, rừng đã giao hết cho các DN trồng rừng nhưng chẳng thấy vạt rừng nào đáng gọi là rừng. Trụ sở các DN trồng rừng là những căn nhà dựng tạm bằng gỗ, lợp tôn; nhìn chẳng khác gì mấy cái lều của người dân. Xung quanh đó, họ cũng trồng mì, trồng bắp như người dân, còn rừng chẳng thấy đâu.
Ông Phan Minh Thọ, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Minh Phúc, cho biết: “Ngày 27-11-2009, công ty được tỉnh giao 400ha rừng và đất rừng để khoanh nuôi bảo vệ, trồng cao su. Nhưng hiện trên diện tích đó đã có 112 hộ dân xâm canh trồng mì với khoảng 202ha. Do người dân xâm canh trước khi tỉnh giao đất cho công ty, nên không thể đuổi họ đi được”.
Sau một thời gian thực hiện dự án trồng rừng, nhiều DN ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã xin chuyển mục đích sang trồng cây công nghiệp. Vào năm 2010, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trường Thịnh (gọi tắt Công ty Trường Thịnh) được UBND tỉnh tạm giao 697ha đất để trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Đến năm 2015, dự án được bổ sung thêm hạng mục trồng hồ tiêu dưới tán rừng. Đến nay, công ty này chỉ mới trồng và làm thủ tục hoàn công 450ha rừng. Còn 247ha đã bị dân lấn chiếm.
Ông Trần Lãnh Mạnh, Phó thôn Ia Brel, cho biết: Ngoài việc trồng rừng từ nhiều năm trước, Công ty Trường Thịnh rục rịch trồng tiêu từ khoảng 2 tháng nay. Tại thôn, có nhiều hộ dân tranh chấp đất với công ty. Có trường hợp người dân trồng hoa màu thì bị bên Công ty Trường Thịnh chỉ đạo người phá hoa màu. Theo ông Nguyễn Văn Dạng, Chủ tịch UBND xã Ia Le, có nhiều nguyên nhân xảy ra tranh chấp đất giữa Công ty Trường Thịnh với dân.
Trong đó có nguyên nhân từ năm 2012 đến 8-2014, công ty khó khăn không sản xuất. Thời gian dự án bỏ hoang, bà con vào chiếm đất để sản xuất. Đến tháng 9-2014, công ty vào thực hiện dự án thì xảy ra tình trạng tranh chấp. Huyện đang thành lập đoàn công tác xác minh, giải quyết tranh chấp.
Một dự án khác tại xã Ia Le được giao đất trồng rừng nhưng triển khai không hiệu quả là dự án của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lê Khanh (gọi tắt Công ty Lê Khanh). Theo đại diện Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, vào năm 2006, công ty này được tạm giao hơn 2.093ha đất để trồng rừng, kết hợp chăn nuôi và trồng cây nông sản. Từ năm 2006 - 2010, công ty nhiều lần bị thu hồi hơn 1680ha.  Số diện tích còn lại khoảng hơn 412ha được công ty này trồng keo nhưng đã bị cháy gần hết. Từ năm 2010, công ty bỏ bê không triển khai dự án.
“Những  diện tích đất bị thu hồi trong các năm là do dự án triển khai chậm, chưa làm tốt công tác dân vận, cũng như sử dụng lao động tại chỗ quá ít theo như dự án đã phê duyệt…  Từ năm 2010, công ty không thực hiện dự án và hầu như diện tích này đã bị dân chiếm sử dụng canh tác nương rẫy. Chúng tôi nhiều lần liên lạc với người có trách nhiệm của công ty nhưng không được”, bà Phạm Thị Thu, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, cho biết.
Hàng trăm hécta rừng được người dân trên địa bàn huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đầu tư sức người, sức của để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Khi rừng lên xanh tốt, bỗng nhiên UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi giao cho DN quản lý. Hệ lụy xảy  ra từ năm 2008 đến nay, trên diện tích 418ha rừng trồng do Ban quản lý Dự án (BQLDA) rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đang quản lý, đã xảy ra tranh chấp giữa 28 hộ dân nhận khoán tại hai xã Ea Tam và Cư Klông (huyện Krông Năng) với Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành.
Từ năm 2001 - 2008, có 3 nhóm hộ (11 hộ) và 17 hộ dân các xã Cư Klông và Ea Tam được BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng giao khoán 546ha đất lâm nghiệp để trồng rừng, hiện đã trồng được 486ha keo xen thông. Việc giao khoán được thực hiện theo Quyết định số 661/QĐ-TTg, ngày 29-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Trong số 28 hộ nhận khoán, có 12 hộ được BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng lập hồ sơ giao khoán và khế ước giao khoán đất lâm nghiệp vào ngày 16-6-2001 với thời gian 50 năm.
Còn lại 16 hộ, có hợp đồng trồng và chăm sóc rừng. Theo đó, trong 3 năm đầu, các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trồng, chăm sóc rừng được Nhà nước đầu tư theo định mức 4 triệu đồng/ha (gồm cả tiền cây giống) và từ năm thứ 4 trở đi được chi trả 100.000 đồng/ha/năm cho công tác bảo vệ rừng trồng. Ngoài ra, từ khi trồng đến thời kỳ thu hoạch lâm sản, các hộ nhận khoán còn đầu tư thêm kinh phí và công lao động với mức bình quân 30 triệu đồng/ha.
Bà Trương Thị Hậu (ở xã Cư Klông) chia sẻ: “Sau khi được giao đất, giao rừng, gia đình tôi huy động nhân lực, nhờ người thân, đổi công và thuê mướn người trồng rừng. Bà con nhận khoán trồng rừng hăng say trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Ước tính, khi đến kỳ khai thác sẽ có được khối lượng lớn gỗ keo để cải thiện cuộc sống gia đình, khai thác nhựa thông để hướng tới phát triển kinh tế đảm bảo sống được từ rừng, thậm chí còn có thể làm giàu”.
Nhưng đến ngày 3-10-2008, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi 568,43ha đất của BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng giao cho Công ty CP trồng rừng Trường Thành thuê, đã chồng lấn lên toàn bộ diện tích rừng trồng của dân. (Sài Gòn Giải Phóng 23/8) đầu trang(
Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho đến thời điểm này, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 370 vụ vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng, tăng gần 40 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Trong 370 vụ có trên 140 vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, 2 vụ liên quan đến chế biến lâm sản và gần 170 vụ vi phạm khác. Tổng số lượng gỗ tịch thu là gần 440m khối, trong đó có hơn 40m khối thuộc nhóm quý hiếm.
Có 7 vụ bị xử lý hình sự, gần 280 vụ bị xử lý hành chính với tổng số tiền thu được lên đến hơn 2,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh cũng đã xảy 11 vụ cháy rừng với tổng diện tích bị thiệt hại là gần 25ha. (Báo Bắc Kạn 24/8) đầu trang(
Bức xúc trước cảnh rừng bị tàn phá mỗi ngày, người dân làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) đã tự nguyện lập tổ bảo vệ, chung tay truy đuổi những kẻ phá rừng.
Nhờ vậy, khu rừng của làng vẫn luôn giữ được màu xanh tươi. Điều đáng ghi nhận là hơn 50% thành viên của tổ là những người trước đây từng tham gia phá rừng nhưng nay đã không ít lần làm cho đám lâm tặc phải “bỏ của chạy lấy người”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổng diện tích rừng tự nhiên của làng Hà Ri là 618 ha từ khu vực suối Tà Má (thuộc làng Hà Ri) đến khu vực suối nước Tấn (thuộc thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp) với nhiều lâm sản quý như chò, muồng, hương, cà te… từng trở thành miếng mồi béo bở của đám lâm tặc. Những cây to bị đốn ngã, hệ sinh thái rừng bị đảo lộn, lực lượng chức năng mỏng phải gồng mình đối phó với nạn phá rừng trái phép.
Ông Đinh Thái, Trưởng làng Hà Ri, cho biết: “Làng sống được là nhờ rừng, nên nhiều lần chứng kiến lâm tặc chặt phá rừng, người làng rất bức xúc, họ sống không yên. Vì vậy người làng đã bàn với nhau sẽ đứng ra giữ rừng. Nhiệm vụ bảo vệ rừng không chỉ ở những cán bộ kiểm lâm mà cả dân làng. Chung tay góp sức thì mới mong giữ được rừng”.
Bức xúc trước thực trạng rừng bị tàn phá, ngày 1/6/2015, dân làng Hà Ri đã xin phép chính quyền cho lập tổ, chốt bảo vệ rừng. Lúc đầu tổ chỉ có 30 thành viên, sau đó dân trong làng ủng hộ nhiệt tình, số thành viên hiện lên tới trên 100 người.
Sau khi thành lập, các thành viên bắt đầu chia ra thành từng tổ nhỏ gồm 3 người. Mỗi tổ sẽ thay phiên túc trực tại chốt canh gác rộng chừng 9m2, được dựng ngay con đường độc nhất dẫn vào rừng từ 7h hôm trước đến 7h ngày hôm sau.
Ngoài canh gác, các thành viên còn có nhiệm vụ đi tuần tra trong rừng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu phát hiện có hoạt động khai thác lâm sản trái phép thì phải lập tức thông báo với lực lượng chức năng như chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, họ còn tham gia chữa cháy nếu có.
Anh Đinh Kơi, công an viên kiêm tổ trưởng tổ bảo vệ rừng làng Hà Ri, cho biết: “Mỗi tháng tổ triển khai hai đợt tuần tra lớn. Mỗi đợt có khoảng 50 người. Ngoài ra mỗi phiên trực tại chốt canh gác các thành viên cũng đi tuần, quan sát và báo cáo tình hình.
Các thành viên khác cũng luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống khẩn cấp. Số điện thoại của trưởng làng, tổ trưởng trở thành đường dây nóng khi phát hiện khai thác rừng. Bên cạnh đó, mỗi tháng, tổ công tác bảo vệ rừng sẽ họp lại để kiểm tra hoạt động, đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn”.
Anh Đinh Kiều (40 tuổi) trực tại chốt canh gác, chia sẻ: “Trước kia do chưa hiểu biết nên tôi từng đi chở gỗ thuê cho bọn lâm tặc nhưng sau đó được chính quyền địa phương vận động, tôi vỡ lẽ nên nghỉ hẳn. Từ đó, vợ chồng tôi làm rẫy, chăn nuôi và tham gia các hoạt động hữu ích ở làng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, anh Kiều cũng là một trong những người tham gia tổ bảo vệ rừng sớm nhất. Hiện có khoảng 1 nửa số thành viên trong tổ từng có quá khứ như anh Kiều nhưng giờ thì một lòng căm ghét lâm tặc, một mực giữ rừng.
“Ở đời, ai cũng có lúc lỗi lầm, nhưng mình biết sửa và làm lại thì tốt chứ sao đâu. Từ ngày tham gia bảo vệ rừng, tôi mới biết lợi ích của rừng nên căm thù bọn lâm tặc. Tôi rất vui vì mình góp được một phần công sức nhỏ trong việc bảo vệ sự bình yên, cũng như màu xanh của buôn làng”, anh Kiều vui vẻ cho biết.
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động cùng với việc thấy được lợi ích từ bảo vệ rừng, đến nay nhiều người dân làng Hà Ri tự nguyện tham gia tổ bảo vệ rừng, trong đó có nhiều thành viên mới tuổi đôi mươi. Gặp Đinh Xuân Toàn (19 tuổi) đang túc trực tại chốt canh gác, chúng tôi hỏi có sợ bị lâm tặc tấn công không?
Toàn lắc đầu nhanh nhảu: “Mình làm việc đúng mà sao phải sợ. Thanh niên cả làng này đều thế, chẳng cần vũ khí gì, chỉ cần có sức khỏe, đôi chân dẻo dai lội rừng và tâm huyết với rừng thì lâm tặc đều phải sợ hết”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng Hà Ri hiện có 142 hộ gia đình với 514 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc anh em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, chủ yếu là người Ba Na. Trung bình, mỗi nhà đều có một người tham gia tổ bảo vệ rừng.
“Đến giờ thì ai cũng hiểu, cũng biết rừng quan trọng như thế nào nên đều tham gia tổ bảo vệ rừng. Trung bình, mỗi nhà đều có một người tham gia. Có nhiều đêm, dân làng huy động thêm lực lượng để ứng trực với tổ bảo vệ rừng. Thấy ý thức của người dân tốt vậy, tôi mừng lắm”, ông Đinh Thái bộc bạch.
Từ khi thành lập đến nay tổ đã tham gia phát hiện khoảng 20 vụ khai thác rừng trái phép, giao nộp cho chính quyền, ngành chức năng xử lý. Điển hình như vào tháng 9/2015, trong lúc đi kiểm tra rừng tại khu vực núi Hòn Dựng, tổ tuần tra phát hiện một nhóm đối tượng đang chặt trái phép những cây gỗ quý. Sau khi báo cáo với lực lượng kiểm lâm địa bàn, tổ bảo vệ rừng đến ngăn chặn, thu được tang vật và bàn giao cho ngành chức năng 2,02 m3 gỗ chò, chiều dài mỗi súc gỗ là 3,5m.
Nước da rám nắng, đôi chân lội rừng tuần tra dẻo dai, những thanh niên to khỏe trong làng như anh Kiều, Toàn đứng trong tổ bảo vệ khiến lâm tặc phải chồn chân tháo chạy mỗi khi bắt gặp.
“Có hôm vừa đi rẫy về, ngồi vào mâm cơm thì điện thoại reo báo có lâm tặc đang chuyển gỗ từ trong rừng, tôi bỏ chén, gọi điện cho các anh em khẩn trương vào rừng. Khi các thành viên của tổ cùng lực lượng chức năng đến thì đám lâm tặc nghe động đã bỏ của tháo chạy. 26 người kéo gỗ từ trên núi Hòa Dưng về giao cho cơ quan chức năng xử lý”, anh Kiều cho biết.
Nói rồi, anh Kiều bảo: “Ở đây ai cũng vậy, cơm thì ăn ở nhà, tối đói thì chế mì tôm nhưng chưa một ai vắng mặt tại chốt. Ai đến phiên mà bận việc gia đình hoặc ốm đau thì sẽ phải bố trí người thay thế. Còn chuyện bỏ bữa hay đêm đang ngon giấc lại bỏ vào rừng để bắt lâm tặc không còn xa lạ. Ai cũng hào hứng, cảm thấy vinh dự vì được chung tay góp một phần công sức cho công việc cộng đồng”.
Dù bận bịu với công việc mưu sinh hằng ngày, nhưng hễ nhận được tin báo có lâm tặc đang chuyển gỗ từ trong rừng là các thành viên lập tức lên đường. “Mặc dù có những hôm không phải là phiên trực của mình, nhưng nghe tổ trưởng gọi đi bắt lâm tặc là lên đường ngay. Đó là nhiệm vụ chung nên không ai nề hà gì cả. Bắt được lâm tặc thì cái bụng mới yên tâm mà làm ăn sinh sống”, Toàn cho biết.
Trưởng làng Đinh Thái cho biết: “Thành công lớn nhất là dân ở đây ai cũng nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ rừng, căm ghét cái xấu, lâm tặc tàn phá rừng. Họ bất chấp khó khăn, nguy hiểm và tìm mọi cách để giữ được rừng của làng Hà Ri.
Nhờ vậy, thời gian qua khu rừng này đã vắng bóng lâm tặc. Điều đáng ghi nhận là hơn 50% thành viên trong tổ bảo vệ rừng trước đây từng tham gia phá rừng nay lại tham gia công tác bảo vệ rừng tích cực, đơn cử như trường hợp của anh Đinh Kiều, Đinh Văn Sơn, Đinh Hùng”.
Nói về tổ bảo vệ rừng của dân làng Hà Ri này, ông Phạm Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, giọng đầy tự hào: “Từ khi có tổ bảo vệ rừng do người dân làng Hà Ri thành lập cho đến nay nạn phá rừng, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép cũng như phòng chống cháy rừng hiệu quả, phát hiện kịp thời. Đây là điều rất đáng ghi nhận của người dân làng Hà Ri mà không phải địa phương nào cũng làm được. Vì thế, việc thành lập tổ bảo vệ rừng như thế này rất đáng để học hỏi và nhân rộng”. (Pháp Luật Việt Nam 24/8) đầu trang(
Đó là số liệu được báo cáo tại cuộc họp vào chiều 24.8 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì để đánh giá tình hình thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển rừng 8 tháng đầu năm 2016 và kế hoạch thực hiện trong thời gian đến.
Quảng Ngãi có tổng diện tích rừng là 310.156ha. Trong đó, có 109.641ha rừng tự nhiên và 198.486ha rừng trồng. Diện tích dự kiến trồng rừng năm 2016 là 361,8/455ha, đạt 79,5% so với kế hoạch được giao. Độ che phủ rừng ước đạt 51%.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được phát hiện và xử lý là 269 vụ. Trong đó, có 29 vụ phá rừng với tổng diện tích bị phá là 43,7ha.
Tổng số vụ đã xử lý là 203 vụ, đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý 66 vụ. Tịch thu 329 mét khối gỗ, 300kg than hầm, 44kg lan rừng… Thu nộp ngân sách hơn 2,5 tỷ đồng.
Toàn tỉnh xác định 123 khu vực có nguy cơ cháy cao nên ngành chức năng đã phân công trực 24/7 để theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng sớm. 8 tháng đầu năm 2016 đã có 8 vụ cháy với 12ha rừng bị thiêu rụi.
Tại cuộc họp , sau khi nghe ngành chức năng báo cáo tình hình về công tác bảo vệ phát triển rừng thời gian qua và những định hướng về bảo vệ phát triển rừng thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Phó Chủ tịch Đặng Văn Minh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT phải tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo trong quá trình bảo vệ và phát triển rừng. Khẩn trương hoàn thành kiện toàn các Ban Quản lý rừng phòng hộ; sự phối hợp đồng nhất cần được đẩy mạnh để bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, chính quyền địa phường và các sở, ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân chấp hành các quy định trong bảo vệ và phát triển rừng… (Báo Quảng Ngãi 24/8) đầu trang(
Vào cuối tháng 6 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lâm Hà đã chuyển trả toàn bộ hồ sơ vụ án hủy hoại rừng với bị can Phạm Văn Tài (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) về Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) và Công an huyện Lâm Hà để điều tra bổ sung, vì không đủ chứng cứ xét xử. Đồng thời, sau việc chuyển trả hồ sơ, thì bị can Phạm Văn Tài cũng được Công an huyện Lâm Hà cho phép được tại ngoại, sau gần 8 tháng bị bắt tạm giam.
Theo luật sư Đỗ Văn Bảy cho biết, sau khi TAND huyện Lâm Hà  trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan Điều tra Công an huyện Lâm Hà điều tra bổ sung vụ án hủy hoại rừng với bị can Phạm Văn Tài, thì mới đây, Cơ quan Điều tra Công an huyện Lâm Hà đã ra Kết luận điều tra bổ sung, nhưng chỉ... đọc cho bị can Tài nghe.
Theo luật sư Đỗ Văn Bảy, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Bởi vì, theo Khoản 4 Điều 162 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì “trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan Điều tra phải gửi bản kết luận điều tra bổ sung cùng hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp; gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cho bị can, người bào chữa...”. Còn theo Khoản 1 Điều 166 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì trong thời hạn ba ngày, VKS phải thông báo cho bị can, người bào chữa biết bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án...
Cũng theo luật sư Bảy, việc Cơ quan Điều tra, VKS huyện Lâm Hà chỉ tống đạt văn bản tố tụng cho Tài bằng cách... đọc cho nghe mà không giao văn bản gốc là gây khó khăn cho quyền tự bào chữa của bị can Tài, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. “Về phía tôi là người bào chữa cũng không được giao kết luận điều tra bổ sung nên chưa nắm được kết luận này bổ sung điều gì... Do đó đến nay luật sư cũng chưa có kết luận điều tra bổ sung, cáo trạng bổ sung nên vẫn chưa tiếp cận được hồ sơ”, luật sư Bảy cho biết.
Đây chỉ là một trong hàng loạt dấu hiệu sai lầm của Cơ quan Điều tra vụ án này...
Trong khi vụ án đang thu hút sự quan tâm của dư luận và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, thì ngược lại, các cơ quan luật pháp huyện Lâm Hà lại tỏ ra lúng túng trong vụ án kỳ quặc này. Cụ thể, ít nhất có 5 nhân chứng đã lên tiếng chứng minh bị can Phạm Văn Tài đã có chứng cứ “ngoại phạm” trong vụ án này nhưng Cơ quan Điều tra không quan tâm đếm xỉa.
Ông Phạm Văn Tam (43 tuổi, trú thôn 2, xã Tân Thanh) khẳng định: “Vào ngày 24/4/2015 (tức ngày 6.3 âm lịch), cơ quan điều tra kết tội cháu Tài vào phá rừng từ 7h30 sáng đến 15h30 chiều là không đúng. Bởi sáng hôm đó, từ 7h cho đến quá 12h, nhà tôi lợp mái tôn quán ăn, tôi đã nhờ cháu Tài cùng 7-8 người trong thôn giúp lợp mái tôn, thì làm sao cháu Tài có hành vi phá rừng? Tôi còn nhớ, sợ chiều có mưa, chúng tôi cố gắng lợp nhanh, tới quá 12h thì xong việc, mọi người nghỉ ăn ăn cơm trưa, uống rượu, trong đó có cả cháu Tài. Sau này, khi Điều tra viên vào hỏi, tôi cũng nói y vậy và còn chỉ thêm nhiều nhân chứng khác cùng lợp tôn hôm đó thì Điều tra viên bỏ về, không hỏi thêm ai nữa”.
Ông Vũ Văn Lâm (51 tuổi, trú thôn 1, xã Tân Thanh) cho biết: “Hôm đó, chúng tôi cùng lợp mái tôn nhà anh Tam. Cháu Tài lúc thì lên bắn đinh trên mái tôn, khi xuống dưới phụ đưa từng tấm tôn lên mái… Có lúc, tôi còn sai cháu Tài đi mua đinh, vật liệu mang về”.
Còn các ông Nguyễn Văn Nghị (36 tuổi), Bùi Văn Hùng (43 tuổi, cùng trú thôn 2, xã Tân Thanh) và Bùi Văn Mười (36 tuổi, trú thôn 8, xã Tân Thanh), cũng xác nhận trong suốt buổi sáng ngày 24/4/2015, chính Tài đã có mặt cùng với họ lợp mái tôn quán ăn nhà ông Tam, thì không thể trong cùng khoảng thời gian đó, Tài có mặt tại khu vực rừng Lán Tranh, có hành vi phá rừng cùng 8 người dân tộc K’Ho…
Câu hỏi đặt ra, tại sao đại úy Vũ Xuân Quyết – cán bộ chịu trách nhiệm chính điều tra vụ án - không lấy lời khai từ các nhân chứng này để làm rõ việc bị can Phạm Văn Tài có dấu hiệu ngoại phạm? Trong lúc đó, bỏ ngoài tai các lời khai của Tài luôn kêu mình vô tội, đại úy Vũ Xuân Quyết chỉ theo các lời khai giống nhau như đúc một khuôn của những người phá rừng, là người dân tộc thiểu số, rằng Tài đã “chủ mưu”, có hành vi “phá rừng bằng cưa tay, dao phát”(?).
Ông Phạm Văn Tam (43 tuổi, trú thôn 2, xã Tân Thanh) khẳng định: “Vào ngày 24/4/2015 (tức ngày 6.3 âm lịch), cơ quan điều tra kết tội cháu Tài vào phá rừng từ 7h30 sáng đến 15h30 chiều là không đúng. Bởi sáng hôm đó, từ 7h cho đến quá 12h, nhà tôi lợp mái tôn quán ăn, tôi đã nhờ cháu Tài cùng 7-8 người trong thôn giúp lợp mái tôn, thì làm sao cháu Tài có hành vi phá rừng?".
Ông Vũ Văn Lâm (51 tuổi, trú thôn 1, xã Tân Thanh) cho biết: “Hôm đó, chúng tôi cùng lợp mái tôn nhà anh Tam. Cháu Tài lúc thì lên bắn đinh trên mái tôn, khi xuống dưới phụ đưa từng tấm tôn lên mái… Có lúc, tôi còn sai cháu Tài đi mua đinh, vật liệu mang về”.
Ông Bùi Văn Mười (36 tuổi, trú thôn 8, xã Tân Thanh), cũng xác nhận trong suốt buổi sáng ngày 24/4/2015, chính Tài đã có mặt cùng với ông lợp mái tôn quán ăn nhà ông Tam.
Ông Nguyễn Văn Nghị (36 tuổi), trú thôn 2, xã Tân Thanh) xác nhận trong suốt buổi sáng ngày 24/4/2015, chính Tài đã có mặt cùng với ông và nhiều người khác tham gia lợp mái tôn quán ăn nhà ông Tam.
Ông Bùi Văn Hùng (43 tuổi), trú thôn 2, xã Tân Thanh xác nhận trong suốt buổi sáng ngày 24/4/2015, chính Tài đã có mặt cùng với ông tham gia lợp mái tôn quán ăn nhà ông Tam, thì không thể trong cùng khoảng thời gian đó, Tài lại có mặt tại khu vực rừng Lán Tranh để phá rừng cùng 8 người dân tộc K’Ho…
Còn theo báo cáo của Ban quản lý bảo vệ rừng Phúc Thọ (nơi hiện trường xảy ra nghi án phá rừng), khoảng 14 giờ 30 ngày 24/4/2015, cán bộ nơi này đi kiểm tra rừng. Đến tại Lô a khoảnh 4 tiểu khu 253 thì phát hiện và bắt quả tang 6 người đang dùng dao phát thực hiện hành vi phá rừng trái pháp luật. Cán bộ tập trung 6 người lại, thu toàn bộ tang vật dao phát và tiến hành làm việc tại hiện trường thì biết trong 6 người có 5 người là đồng bào dân tộc thiểu số, còn một người (Phạm Văn Tài) là người Kinh. Năm người dân tộc khai đi làm thuê cho Tài nên được thả về (?) còn cán bộ yêu cầu Tài về trạm làm việc.
Thế nhưng, quyết định tạm giữ tang vật theo thủ tục hành chính của Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà lại “đá” với báo cáo nêu trên. Đó là ngay tại Điều 1 quyết định ghi rõ “tạm giữ tang vật của ông (bà) chưa xác định được đối tượng”. Còn biên bản vi phạm hành chính cũng chính nơi này lập lại ghi “tiến hành lập biên bản với đối tượng bỏ chạy” và phần ghi “người vi phạm là đương sự bỏ trốn”. Điều này mâu thuẫn với chính văn bản của nơi này khi đã xác định Tài chủ mưu, đưa về trạm làm việc thì sao lại “chưa xác định được đối tượng”?
Chưa hết, trong bản mô tả chi tiết số 05417 lập ngày 24/4/2015 của Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh lại xác định Phạm Văn Tài vi phạm nhưng phần chữ ký của Tài lại không có(?). Diện tích thiệt hại được xác định 5.800m2 rừng sản xuất, khối lượng lâm sản thiệt hại 5,57m3, trong đó khối lượng lâm sản lấy đi 2,65m3. Thế nhưng ai đã lấy đi và lấy đi bằng phương tiện gì (trong khi bị bắt quả tang) thì lại không hề được các cơ quan chức năng làm rõ.
Còn theo bản kết luận điều tra ngày 22/12/2015 của Công an huyện Lâm Hà, vì chờ mãi ở trạm mà không thấy ai tới làm việc nên 17 giờ 30 cùng ngày, trời vừa tạnh mưa Tài đã đi bộ về nhà. Về nhà không thấy ai, Tài ra nhà kho và dùng dao chẻ chiếc đũa thành chiếc lạt đưa vào răng còng số 8 để mở còng ra. Khi mở còng xong, Tài cất lại vào kho. Đến khi Hạt kiểm lâm mời ra làm việc thì Tài đã mang còng trả lại.
Điều này logic với những lời khai của Tài tại cơ quan công an là buổi chiều hôm đó (24/4/2015) Tài chỉ vào rừng tìm hái hoa phong lan vì Tài mê chơi phong lan. Khi đang tìm phong lan thì vô tình Tài thấy nhóm người dân tộc đang chặt cây, thế rồi vô tình bị bắt chung chứ Tài không hề phá rừng.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao Tài khai không phạm tội thì công an không tin lại quy kết cho tội hủy hoại rừng, còn 5 người dân tộc lại không bị khởi tố? Tại sao bắt quả tang 6 người, chưa biết ai đúng ai sai đã ngay lập tức thả 5 người kia và chỉ kết tội có mình Tài? Tại sao không tin lời khai của Tài mà vội vàng tin lời khai của 5 người dân tộc để khép Tài chủ mưu phá rừng? Nếu thực sự Tài phạm tội và đã trốn được thì sao không trốn luôn còn quay lại Hạt kiểm lâm làm gì và còn giao nộp còng số 8? Và tại sao tin lời khai của 5 người dân tộc, còn lời khai của 5 nhân chứng cùng lợp tôn với Tài thì lại... bỏ qua?
Theo luật sư Đỗ Văn Bảy (Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng) việc bắt giữ Tài là trái quy định pháp luật. Do khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ nên quá trình điều tra, xác minh của Kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm, Điều tra viên Công an huyện Lâm Hà không đảm bảo tính khách quan, không toàn diện, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án về hiện trường.
Điều này dẫn đến việc khởi tố, bắt giam, đề nghị truy tố, xét xử với Tài không có căn cứ, vi phạm nghiêm trọng Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự về “xác định sự thật của vụ án” và về thu thập, đánh giá chứng cứ. Toàn bộ quá trình điều tra, xác minh chỉ tập trung một số tình tiết, dấu hiệu với mục đích buộc tội Tài mà không quan tâm đến những lời khai, chứng cứ gỡ tội cho Tài.
Do những dấu hiệu sai phạm nêu trên, ngày 19/7/2016 vừa qua, Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Công văn số 287-CV/VPTU gửi Công an tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng truyền đạt ý kiến của ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy - chỉ đạo Công an tỉnh Lâm Đồng xem xét, giải quyết và trả lời ngay những khiếu nại trong đơn thư của bị can Phạm Văn Tài và báo cáo Bí thư Tỉnh ủy. (Tài Nguyên Và Môi Trường 22/8) đầu trang(
Thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, lực lượng Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh và Công an (CA) tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp làm việc.
Đánh giá vấn đề này, ngày 18/8, Chi cục trưởng Kiểm lâm (KL) Lâm Đồng Nguyễn Khang Thiên nói: Thời gian vừa qua, CA Lâm Đồng nói chung và CA kinh tế (Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ - PC46) của tỉnh nói riêng đã có nhiều hỗ trợ đối với ngành kiểm lâm. Quá trình đấu tranh phòng chống cũng như đấu tranh xử lý, sự phối hợp chặt chẽ và khá quyết liệt, bước đầu đảm bảo được tính răn đe sau xử lý.
Cùng làm việc với CCKL, PV Báo Lâm Đồng cũng đã trao đổi với Đại tá Phùng Tất Thành - Trưởng phòng Tham mưu, CA tỉnh Lâm Đồng. Ông Thành cho biết: Thời gian qua, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng KL trong công tác điều tra các vụ án trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Cụ thể như: Phối hợp trong việc xác minh ban đầu, khám nghiệm hiện trường, kiểm đếm, đo đạc, xác định mức độ thiệt hại; phối hợp trong việc thu thập tài liệu, xác định các đối tượng phạm tội, công cụ, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội…
Còn theo ông Nguyễn Khang Thiên, sự phối hợp chặt chẽ giữa CCKL và CA tỉnh, đặc biệt là với PC46 đã thực hiện rất có hiệu quả trong 2 lĩnh vực: đấu tranh phòng chống vi phạm và đấu tranh xử lý vi phạm. Trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống vi phạm đã thực hiện các kế hoạch truy quét theo các Chỉ thị 12, 08, 1685 của Chính phủ và Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. Thông qua việc tổ chức nhiều đợt truy quét tại các điểm nóng, tình hình vi phạm Luật BV&PTR càng ngày càng giảm một cách rõ rệt.
Sự sát sao của lãnh đạo ngành CA, công tác chỉ đạo phối hợp giữa 2 ngành CA và kiểm lâm đạt hiệu quả hơn; mặt khác, ngành CA sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh những nội dung có chất lượng hơn để góp phần trong chỉ đạo và lãnh đạo đúng đắn.
Tổng hợp thông tin từ Trưởng phòng Tham mưu Phùng Tất Thành và Chi cục trưởng Nguyễn Khang Thiên, chúng tôi nêu một số vụ án điển hình về vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và hủy hoại rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây. Vào cuối 2013, CCKL đã khởi tố vụ phá rừng trái phép tại tiểu khu (TK) 737A và 737B, sau đó vụ án phức tạp được chuyển PC46 tiếp tục điều tra xử lý và kết quả đã khởi tố vụ án, khởi tố nhiều bị can.
Cuối năm 2014 - đầu năm 2015, tại khu vực rừng giáp ranh 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên ở TK 528, 578, 536 và 527, CCKL kịp thời phát hiện và khởi tố vụ án khai thác gỗ trái phép, PC46 vào cuộc điều tra quyết liệt. Vụ khai thác gỗ này xảy ra từ tháng 11/2014, ngành KL và CA đã khám nghiệm và xác định có 213 cây bị hạ; tiến hành khởi tố để điều tra đối với 8 bị can và thu hồi toàn bộ số lâm sản bị thiệt hại với 491,304 m3 gỗ. Ông Nguyễn Khang Thiên cho biết: Cả 2 vụ trên ban đầu chưa phát hiện được bị can, nhưng sau đó chuyển cho ngành CA và tiến hành điều tra nên phát hiện được nhiều bị can trong thời gian rất ngắn và xử lý triệt để.
Một vụ khác, với 139 cây gỗ dầu bị cưa hạ, ước thiệt hại khoảng 200 m3 xảy ra khoảng tháng 4/2015, tại TK 703 và 704 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp huyện Di Linh quản lý. Sau khi phát hiện, CCKL giao cho Hạt KL Di Linh khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho PC46 cùng CA Di Linh điều tra xử lý. Kết quả đã phát hiện 3 bị can là cán bộ của Công ty vi phạm và bị khởi tố, truy tố xét xử. Tháng 7/2015, CCKL lại phát hiện vụ phá rừng ở huyện Đam Rông tại TK 172, 178 và kịp thời phối hợp chặt chẽ với PC46 điều tra.
Kết thúc vụ án này, hồ sơ được chuyển cho tòa án xử lý một số bị can. Đầu năm 2016, CCKL tiếp tục phát hiện vụ phá rừng tại TK 416 và 431 tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm và chuyển qua PC46. Cơ quan chức năng tiến hành khởi tố để điều tra đối với 1 bị can và hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Ngoài ra, Đại tá Phùng Tất Thành còn cho biết thêm, có 2 vụ hủy hoại rừng tại TK 172 và 187 xã Đạ R’Sal, huyện Đam Rông, ngành chức năng đã khởi tố tổng cộng 6 bị can để điều tra.
Gần đây nhất, đầu tháng 7/2016, vụ phá rừng phòng hộ xảy ra nghiêm trọng tại khu vực Công trình thủy điện Đồng Nai 5 thuộc địa bàn huyện Bảo Lâm. Vụ này được ngành KL và PC46, PC44, PC49, CA huyện Bảo Lâm đã và đang tích cực phối hợp với Bộ CA mở rộng điều tra, khám nghiệm hiện trường.
Bước đầu, đã khởi tố 11 bị can để điều tra (trong đó đã bắt tạm giam 10 bị can; riêng đối tượng cầm đầu là Lê Hồng Hà (Hà đen) bỏ trốn, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã và bắt được đối tượng này vào ngày 18/8). Đại tá Phùng Tất Thành cho biết, hiện cơ quan chức năng đang điều tra mở rộng vụ án.
Đánh giá chung về triển khai thực hiện quy chế phối hợp, Chi cục trưởng Nguyễn Khang Thiên khẳng định: Quá trình đấu tranh phòng chống cũng như đấu tranh xử lý nói chung phối hợp chặt chẽ và khá quyết liệt, bước đầu đảm bảo được tính răn đe sau xử lý. Sau những vụ án nghiêm trọng nêu trên, tình hình khai thác rừng trái phép tại các điểm nóng cơ bản đã được giảm thiểu. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2016, tình hình công tác QLBVR ở tỉnh Lâm Đồng đã giảm được 28,4% số vụ vi phạm, tương đương với 278 vụ, diện tích bị phá giảm 33.000 m3 (lấy tròn số).
Sự phối hợp giữa ngành KL và ngành CA và các ngành chức năng liên quan trong công tác tuần tra truy quét đã ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản, khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, để công tác QL&BVR ngày càng có hiệu quả hơn, vấn đề phối hợp giữa ngành CA và ngành KL ở cấp cơ sở như cấp xã và cấp huyện cần được nâng lên một bước về chất lượng.
Nhất là trong tình hình vi phạm pháp luật BV&PTR, chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh chưa được ngăn chặn triệt để. (Báo Lâm Đồng 22/8) đầu trang(
Trước thực trạng khai thác trái phép rừng tự nhiên tại lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải thời gian vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã kịp thời có công văn yêu cầu các ngành, địa phương liên quan có biện pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị chủ rừng, nhất là tại các điểm nóng về phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép; chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải tổ chức tốt các điểm chốt chặn, phối hợp lực lượng Kiểm lâm và địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra trên toàn bộ diện tích được giao quản lý nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp khai thác rừng trái phép.
Tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, công chức kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng buông lỏng, lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là các trường hợp bao che, tiếp tay cho lâm tặc nếu có qua sự việc xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Linh vừa qua.
Đối với UBND huyện Vĩnh Linh cần chỉ đạo các xã nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm bảo vệ rừng trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý rừng, phát triển rừng và đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương, tuyệt đối không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn.
Ngoài ra các đơn vị liên quan như Công an, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ tốt để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. (Báo Quảng Trị 23/8) đầu trang(
Bản Khua Trá, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) có 87 hộ dân, gồm 2 dân tộc: Mông và Phù Lá. Cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; nguồn thu nhập chính từ sản xuất ngô, lúa nương và khai thác lâm sản phụ trong rừng.
Từ năm 2011 đến nay, người dân bản Khua Trá có thêm nguồn thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần cải thiện cuộc sống. Năm 2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã chi trả gần 200 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2015 cho cộng đồng bản Khua Trá.
Khua Trá hiện có 510,5ha rừng. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, bản Khua Trá đã thành lập tổ bảo vệ rừng. Tổ bảo vệ rừng của bản chủ động phối hợp chặt chẽ với bảo lâm xã, kiểm lâm địa bàn xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và đề ra các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; lồng ghép tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và tổ chức cho người dân ký cam kết không chặt phá rừng trong các cuộc họp bản.
Ông Giàng Trùng Tú, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng bản Khua Trá cho biết: Thời gian qua, nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, nhất là khi người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương giảm đáng kể. Nhiều năm liền, bản không xảy ra cháy rừng.
Song song với công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ bảo vệ rừng bản Khua Trá thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng; phối hợp với kiểm lâm địa bàn xử lý các đối tượng khai thác lâm sản trái phép.
Rừng của bản chủ yếu là cây gỗ nghiến, là mục tiêu của các đối tượng ngoài địa bàn vào khai thác trái phép. Từ đầu năm đến nay, bản Khua Trá đã 4 lần phát hiện người dân ngoài địa bàn vào khai thác trái phép gỗ nghiến, bản đã tịch thu 3 cưa máy, giao nộp cho kiểm lâm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Anh Giàng A Chừ, thành viên Tổ bảo vệ rừng bản Khua Trá cho biết: Mỗi năm gia đình tôi được hưởng gần 2 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là khoản thu nhập hỗ trợ gia đình trang trải sinh hoạt, để góp phần bảo vệ rừng, tôi đã đăng ký tham gia tổ bảo vệ rừng của bản. Hiện nay tổ bảo vệ rừng có 10 người, chia thành 2 nhóm thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng (4 lần/tháng). (Báo Điện Biên Phủ 24/8) đầu trang(
Rừng biên giới là tài nguyên, là phênh giậu của đất nước. Việc ngăn chặn có hiệu quả các hành vi khai thác, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép không chỉ bảo vệ tốt tài nguyên rừng, mà còn góp phần bảo vệ an ninh biên giới.
Huyện Ngọc Hồi có 5 xã biên giới giáp nước bạn Lào, Campuchia và có chiều dài đường biên giới khoảng 45 km. Trên địa bàn huyện có 38.604,6 ha rừng (35.284,2 ha rừng tự nhiên và 3.320,4 ha rừng trồng), trong đó có 28.306,21 ha rừng thuộc khu vực biên giới, chiếm 73,3% diện tích rừng toàn huyện.
Theo ông Võ Thanh Thành- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, thực hiện Kết luận số 04-KL/TU ngày 13/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật và Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (QLBVR&QLLS) tỉnh giai đoạn 2016-2020, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu UBND huyện, Ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) huyện chỉ đạo các ngành, các chủ rừng, UBND các xã, thị trấn triển khai nhiều hoạt động bảo vệ rừng, nhất là bảo vệ rừng khu vực biên giới.
Để công tác bảo vệ rừng có hiệu quả, huyện kiện toàn Ban chỉ đạo QLBV&PTR, ban hành Phương án tăng cường QLBVR&QLLS, triển khai kế hoạch kiểm tra, xử lý xe ô tô, mô tô độ chế, xe hết niên hạn sử dụng trên địa bàn huyện và triển khai các hoạt động tuyên truyền nhằm đấu tranh, ngăn chặn và nâng cao nhận thức người dân trong công tác QLBVR.
Thực hiện chủ trương của huyện và trên cơ sở dự báo tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm huyện xác định một số “điểm nóng” phá rừng trái phép tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi, vận chuyển lâm sản trái phép dọc tuyến đường tuần tra biên giới, đường N5, NT18, đường vào Đồn Biên phòng Đăk Xú…
Trên cơ sở các “điểm nóng” được xác định, Hạt tham mưu huyện triển khai các giải pháp ngăn chặn phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường các hoạt động tuần tra, truy quét để xóa bỏ các “điểm nóng” và thành lập một số chốt bảo vệ rừng.
Đồng thời thông qua các biện pháp nghiệp vụ, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm, các cơ quan chức năng, chủ rừng và chính quyền địa phương đã phát hiện 50 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu hơn 200 m3 gỗ tang vật các loại, 1 xe ô tô và 3 xe gắn máy vận chuyển lâm sản trái phép. Các “điểm nóng” khai thác, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn tiềm ẩn các đối tượng sống dựa vào rừng; trong quá trình thực hiện Phương án tăng cường QLBVR&QLLS, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc phá rừng, khai thác gỗ trái phép trên lâm phần mình quản lý.
Để giảm thiểu các nguy cơ xâm hại rừng, huyện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ rừng và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân về công tác QLBVR; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các xe ô tô, mô tô độ chế không đảm bảo an toàn lưu thông và vận chuyển lâm sản trái phép; rà soát, xác định các “điểm nóng”, thành lập chốt liên ngành, đoàn liên ngành tuần tra, truy quét nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác, cất giấu và vận chuyển lâm sản trái phép.
Dưới góc độ là cơ quan tham mưu và trước yêu cầu đặt ra trong công tác QLBVR, Hạt Kiểm lâm huyện đề nghị UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng NN&PTNT phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, thống kê những hộ thiếu đất để bố trí đất sản xuất, tránh tình trạng dân thiếu đất sản xuất, lấn chiếm đất rừng; tiếp tục rà soát quy hoạch khu, cụm công nghiệp để di dời các cơ sở mộc vào sản xuất tập trung theo quy hoạch. Hạt cũng đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo các chủ rừng tăng cường công tác QLBVR trên lâm phần được giao quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm mà không phát hiện và ngăn chặn kịp thời... (Báo Kon Tum 22/8) đầu trang(
Việc phá rừng trái phép hiện nay tại Đắk Lắk không chỉ diễn ra với người không được giao khoán nhận rừng mà ngay chính những gia đình, nhóm hộ nhận khoán rừng cũng tự ý phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, tỉnh đã giao khoán gần 36.056 ha rừng, đất rừng cho 5.026 gia đình, cộng đồng các thôn, buôn, nhóm hộ quản lý, bảo vệ, trong đó diện tích có rừng là 26.984 ha, còn lại là diện tích không có rừng.
Diện tích rừng, đất rừng này chủ yếu giao khoán cho đồng bào các dân tộc ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Kar, Cư M’gar, Krông Ana... Thế nhưng, qua kiểm tra, đã có trên 10.610 ha rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép ở nhiều khu vực.
Huyện Ea Súp đã giao 4.000 ha rừng cho các nhóm hộ của 4 xã Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê, Ia T’mốt nhưng qua kiểm tra đã có trên 2.000 ha rừng bị các nhóm hộ nhận khoán rừng phá trắng.
Nghiêm trọng nhất là tại xã Ea Bung có 13 nhóm hộ được giao khoán rừng với tổng diện tích 1.735 ha qua kiểm tra đã có 1.264 ha rừng bị chặt phá trắng chuyển sang sản xuất nông nghiệp.
Huyện Buôn Đôn giao khoán 1.000 ha rừng thuộc các tiểu khu 478, 480, 481 cho 50 hộ gia đình của 7 buôn tại 2 xã Ea Huar, Krông Na quản lý, bảo vệ nhưng hiện nay, hầu hết diện tích rừng này đã bị người dân chặt phá, lấn chiếm trái phép chuyển đất sang sản xuất nông nghiệp…
Nguyên nhân chủ yếu là do rừng giao khoán cho các gia đình, nhóm hộ là rừng nghèo đã khai thác cạn kiệt, không còn trữ lượng gỗ, địa hình phức tạp, đồi núi đá, việc hưởng lợi từ rừng bước đầu hầu như không có gì.
Lợi ích kinh tế mang lại cho người nhận rừng chỉ có 2% giá trị gỗ khi đến chu kỳ khai thác nhưng để có được thì người dân phải đợi ít nhất từ 10 đến 20 năm sau nên người nhận rừng không thiết tha trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhận khoán.
Trong khi đó, các hộ nhận khoán rừng chủ yếu là hộ nghèo, không đủ năng lực để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Các địa phương thiếu sự quan tâm trong việc thành lập các tổ, đội để hỗ trợ người dân trong công tác quản lý diện tích rừng được giao…
UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, nhà nước sớm nghiên cứu, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho các lực lượng tham gia bảo vệ, phát triển rừng, trong đó có các nhóm hộ, gia đình nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
Thực hiện tốt công tác lồng ghép các chương trình đầu tư, phát triển nông, lâm kết hợp, trồng cây dược liệu, các loại cây lâm sản có giá trị dưới tán rừng kết hợp với phát triển du lịch để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm rừng góp phần tăng thu nhập bền vững cho người nhận khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. (Tin Tức 24/8) đầu trang(
Ông Lù Văn Thành, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Những năm gần đây, tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trên địa bàn được kiềm chế, các vụ vi phạm lâm luật có xu hướng giảm dần, năm sau giảm hơn năm trước.
Có được kết quả đó là do Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo sát sao các bộ phận chuyên môn đấu tranh phòng, chống buôn bán trái phép lâm sản trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê từ đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2015 đến nay số vụ và tang vật các vụ buôn lậu lâm sản giảm so với những năm trước: Năm 2015, tổng số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ và quản lý lâm sản là 148 vụ (giảm 25% so với năm 2014); tang vật thu gồm: 34,136m3 gỗ xẻ, gỗ tròn, lâm sản ngoài gỗ là 43.977kg; động vật rừng và sản phẩm động vật rừng là 711kg...
Tổng số tiền xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm nộp ngân sách Nhà nước là 877,857 triệu đồng. Từ đầu năm đến trung tuần tháng 8/2016, tổng số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn là 42 vụ (giảm 40% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, vận chuyển lâm sản trái pháp luật là 17 vụ; mua bán, chế biến, cất giữ lâm sản trái phép là 19 vụ. Tang vật thu gồm: 23,802m3 gỗ xẻ, gỗ tròn các loại; 47kg sản phẩm động vật rừng. Tổng số tiền xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước 550,614 triệu đồng.
Nguyên nhân việc mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép thời gian gần đây có xu hướng giảm dần là do UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thắt chặt các biện pháp quản lý và bảo vệ rừng nên nguồn cung các sản phẩm từ rừng bị hạn chế. Đặc biệt, việc Nhà nước triển khai thực hiện chủ trương nhập khẩu lâm sản (chủ yếu là gỗ) đáp ứng nhu cầu sử dụng gỗ trong xây dựng, chế tác đồ gia dụng... từ các nước: Nam Phi, Inđônêxia, Lào... đã góp phần giảm nhu cầu sử dụng gỗ khai thác trong nước.
Tuy nhiên, do tâm lý muốn thể hiện “đẳng cấp” của một số người, việc sử dụng đồ gia dụng chế tác từ gỗ quý như: Pơ mu, mắt nghiến, đinh vàng, lim đất... hoặc các sản phẩm động vật như: Mật, chân, tay gấu, hoặc cả con gấu nhỏ; rắn hổ mang chúa... để ngâm rượu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền cơ sở có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán lâm sản và coi đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Sự phối hợp, trao đổi thông tin ở một số cơ quan chuyên ngành trong phòng, chống buôn bán trái phép lâm sản chưa thực sự nhịp nhàng nên hiệu quả đấu tranh chưa cao.
Đấu tranh phòng, chống buôn bán trái phép lâm sản trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các nội dung chủ yếu: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân các dân tộc trên địa bàn về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi mua bán, vận chuyển, cất giữ, kinh doanh, chế biến lâm sản trái phép.
Hàng năm, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nghiêm phương án tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác quản lý và bảo vệ rừng. Cùng với hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn thôn, bản, đội sản xuất xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước, hương ước bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR; tổ chức cho người dân tham gia học tập và ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR. (Báo Điện Biên Phủ 24/8) đầu trang(
Ngày 22-8, tại địa phận tổ dân phố 1, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hạt Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ đã bắt giữ đối tượng Võ Văn Phong (31 tuổi), trú bản Khá, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ khi đang có hành vi vận chuyển trái phép 1,379 m3 gỗ pơmu.
Tại cơ quan chức năng, đối tượng Phong khai nhận đã mua số gỗ trên của một số người dân tại xã Nà Tấu, huyện Điện Biên. Khi đang vận chuyển bằng xe ô-tô tải mang biển kiểm soát 27C - 012.14, đến địa phận nêu trên thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Hiện, Hạt Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc. (Nhân Dân 23/8) đầu trang(
Cơ quan Công an huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Thao và Lương Văn Tuấn để điều tra, làm rõ về hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Cuối tháng 6/2016, Thao thuê Tuấn vào tiểu khu 1443 do UBND xã Quảng Trực quản lý và bảo vệ để xẻ gỗ về làm trụ tiêu với tiền công là 400.000 đồng/ngày. Mỗi ngày Tuấn xẻ được 70 trụ.
Tuấn xẻ đầy 1 chuyến thì Thao đưa xe vào chở gỗ về. Khi Tuấn xẻ không kịp cho xe chở thì Thao yêu cầu Tuấn hạ cây gỗ rừng và cắt thành từng lóng tròn để chở về. Loại gỗ mà Tuấn và Thao cưa hạ đều thuộc nhóm 5, nhóm 6 có đường kính từ 20 đến 50cm.
Ngày 22/07, Công an huyện Tuy Đức phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Tuy Đức, VKSND huyện Tuy Đức, chính quyền địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường và phát hiện 62 cây gỗ đã bị cưa hạ tại lô 26 và 27 khoảnh 12 tiểu khu 1443.
Theo kết quả trưng cầu giám định thì tổng khối lượng gỗ bị khai thác là hơn 24m3 gỗ với trị giá hơn 45 triệu đồng. (Nhân Dân 23/8) đầu trang(
Ngay sau khi Báo Điện Biên Phủ đăng bài “Rừng Mường Đun kêu cứu”, đoàn công tác gồm: Chi Cục Kiểm lâm tỉnh và chính quyền, kiểm lâm của 2 huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo đã đến hiện trường khu rừng bị phá, xác minh những điểm khai thác gỗ như phản ánh của Báo Điện Biên Phủ.
Theo ông Phạm Văn Khiên, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Báo Điện Biên Phủ đã phản ánh đúng sự thật về tình trạng phá rừng tại vùng giáp ranh giữa huyện Tuần Giáo và huyện Tủa Chùa. Quá trình kiểm tra đã xác minh rõ tại khu rừng giáp ranh giữa 2 huyện có xảy ra tình trạng khai thác gỗ nghiến. Tại đây, đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xác minh được 8 cây gỗ nghiến có đường kính từ 0,8 – 1,5m, chiều cao từ 8 – 15m đã bị đốn hạ; trong đó có 1 cây thuộc địa phận huyện Tủa Chùa.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm việc với UBND 2 huyện: Tuần Giáo và Tủa Chùa để thống nhất phương án bảo vệ khu rừng nghiến; đưa ra các giải pháp, kiểm tra xác minh, khám nghiệm hiện trường vùng có cây gỗ nghiến bị khai thác để quy trách nhiệm và xử lý. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm của 2 huyện tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin để bảo vệ rừng nghiến tại vùng giáp ranh; tuyên truyền cho người dân không vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng. (Báo Điện Biên Phủ 23/8) đầu trang(
Theo những thông tin về Voọc mông trắng ở khu rừng một thời còn nguyên vẹn ở miền Bắc Việt Nam, các cán bộ khoa học của FFI đã tiến hành điều tra thực địa nhằm xác minh sự tồn tại của loài này trong khu vực.
“Cuộc điều tra của chúng tôi đã ghi nhận một quần thể có số lượng đáng kể. Chúng tôi ghi nhận bảy đàn với tổng số 40 cá thể. Hiện nay chỉ có một khu vực khác có quần thể Voọc mông trắng lớn hơn”, cố vấn kỹ thuật về đa dạng sinh học của FFI Việt Nam, ông Trịnh Đình Hoàng, cho biết.
Voọc mông trắng là loài đặc biệt chỉ có tại Việt Nam. Theo FFI, những hoạt động của con người như săn bắn, khai thác gỗ, khai thác đá, đốt than, loài này đang bị đe doạ tuyệt chủng với số lượng còn lại dưới 250 cá thể. Mặc dù bị đe doạ xoá sổ trong vòng một thập kỷ, tuy nhiên, với phát hiện mới này sẽ là cơ sở để giải cứu loài này thoát khỏi sự tuyệt chủng.
Ông Hoàng thông tin thêm: “Kết quả điều tra này là một tin tốt cho loài voọc này và cho cả Việt Nam. Chúng tôi đã nghi nhận các đàn có con mới đẻ và con nhỏ, điều này có nghĩa là các đàn vẫn đang có khả năng sinh sản. Nếu được bảo vệ tốt, quần thể voọc có thể được phục hồi và phát triển”.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Benjamin Rawson, Giám đốc FFI Việt Nam cũng đã cảnh báo cần có những hành động khẩn cấp ngăn chặn những hoạt động tiêu cực như săn bắn và khai thác đá, để bảo vệ loài linh trưởng quý giá này và sinh cảnh của chúng.
Thông tin về từ Hội nghị Linh trưởng quốc tế tại Chicago, ông cho biết: “Chúng tôi đã thông báo tới các cơ quan hữu quan ở Việt Nam về kết quả điều tra và kiến nghị, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cán bộ và cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo rằng Voọc mông trắng không trở thành loài linh trưởng bị tuyệt chủng trong thế kỷ này.”
Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) là loài linh trưởng chỉ có ở Việt Nam, được ông n Théodore Delacour phát hiện năm 1903 và được Wilfred Hudson Osgood mô tả năm 1932. Đầu những năm 1990, một đợt điều tra rộng đã nghi nhận 19 quần thể với tổng số 50-57 đàn và 281-317 cá thể trong phạm vi khoảng 5.000 km2 ở miền Bắc Việt Nam. Các cuộc điều tra gần đây chỉ ra rằng loài này đã bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng quần thể và cá thế. Trong hơn một thập kỷ vừa qua, 8-9 tiểu quần thể đã bị diệt vong.
Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoạng dã quốc tế (FFI) và FFI Việt Nam: FFI hoạt động tập trung vào bảo tồn các loài bị đe dọa tuyệt chủng và hệ sinh thái trên toàn cầu dựa trên các giải pháp bền vững, có cơ sở khoa học và tính đến nhu cầu của con người.
FFI có dự án tại 40 nước trên khắp thế giới, bảo vệ các loài khỏi nạn tuyệt chủng và ngăn chặn việc phá hủy môi trường sống, đồng thời cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Được thành lập vào năm 1903, FFI là một trong những tổ chức bảo tồn lâu đời nhất trên thế giới. FFI Việt Nam bắt đầu hoạt động năm 1997 và tập trung chủ yếu vào bảo tồn các loài linh trưởng bị đe doạ và sinh cảnh của chúng. (Thanh Niên 24/8) đầu trang(
Đắk Lắk là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải xây dựng việc bảo tồn đa dạng sinh học vì hệ sinh thái đang đứng trước nguy cơ mất cân bằng và hệ thống động, thực vật đang dần bị mai một theo thời gian.
Ngày 24/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham vấn đối với dự thảo báo cáo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo báo cáo, Đắk Lắk với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1,3 triệu ha, trong đó trên 550.000 ha là rừng, hiện có 9 hệ sinh thái rừng và 9 kiểu thảm thực vật rừng. Hệ sinh thái và các loài động thực vật ở Đắk Lắk đa dạng, phong phú, có nhiều loài thực vật quý hiếm như: cẩm lai, trắc, giáng hương, cà te, pơ mu, trầm hương…; nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như voi, bò tót, hổ, báo…
Kết quả tổng hợp danh mục động, thực vật hoang dã từ các khu rừng đặc dụng ghi nhận động vật có xương sống thuộc nhóm bốn chân có 618 loài thuộc các lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái; thực vật có 1825 loài thuộc 187 họ, trong đó có nhiều loài hiếm đặc hữu của Tây Nguyên và đang có nguy cơ bị đe dọa.
Hệ sinh thái và các loài động thực vật tại Đắk Lắk đang đứng trước những nguy cơ cần phải bảo tồn khoa học và nghiêm túc do đang đứng trước những thách thức và nguy cơ mai một. Tại Đắk Lắk việc bảo tồn và khai thác giá trị đa dạng sinh học đã được chính quyền và các ngành chức năng quan tâm, triển khai bằng các đề tài nghiên cứu khoa học như: Bảo tồn voi, Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, Quy hoạch và phát triển hệ thống rừng đặc dụng…Những dự án này đã góp phần giữ được trạng thái cân bằng và lưu giữ được nhiều giá trị quý hiếm trong thời gian qua.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, cần phải xây dựng và triển khai quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân, tuyên truyền vận động tham gia bảo vệ và phát triển rừng; có biện pháp ngăn chặn tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch xâm chiếm đất rừng trái phép để canh tác nông nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sỹ Lê Trần Chấn - Giám đốc Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học, cán bộ Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ Việt Nam, cho biết: Thời điểm hiện tại Trung tâm đã hoàn thành được việc đề xuất ra những khu vực cần phải bảo tồn là bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ thành phần loài của hệ sinh vật và bảo tồn những loài quý hiếm có ý nghĩa về khoa học và kinh tế. (Dân Trí 24/8) đầu trang(
Tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, hiện nay có nhiều người bày bán các loại động vật hoang dã như: Rắn, rùa, chim, cò, trích, diệc...
Nhiều con chim, cò còn sống được nhốt trong chuồng, lồng sắt và khi người mua có nhu cầu thưởng thức thì người bán sẵn sàng làm thịt, chế biến thức ăn ngay tại chỗ. Những người bán hàng cho biết, các loại động vật hoang dã do những thợ săn chuyên nghiệp đánh bắt được và đem bỏ mối.
Giá bán mỗi ki-lô-gam rắn còn sống từ 150.000 đồng trở lên tùy loại; chim, cò, từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg. Chim két xanh có giá 150.000 đồng/con, chim hoàng yến giá 150.000 đồng/cặp, le le có giá 500.000 đồng/cặp, bìm bịp từ 150.000 đồng/con trở lên…
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm ngăn chặn tình trạng nêu trên để bảo vệ các loài động vật hoang dã. (Quân Đội Nhân Dân 24/8) đầu trang(
Thời gian gần đây, dư luận có nhiều ý kiến xung quanh việc xử lý vụ trộm 116 trứng vích (rùa xanh) tại Vườn quốc gia Côn Đảo.
Nội dung vụ việc có thể tóm tắt như sau: Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo phát hiện một đối tượng vận chuyển 116 quả trứng, nghi là trứng vích nên báo cơ quan công an tạm giữ tang vật và tiến hành điều tra. Qua điều tra, đối tượng khai nhận đã trộm số trứng vích này tại hòn Bảy Cạnh. Trước đó, đối tượng này đã hai lần bị lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo tạm giữ khi đang vận chuyển thịt vích.
Tuy nhiên, chưa lần nào đối tượng bị xử lý hình sự hoặc hành chính! Với hành vi nêu trên, Công an huyện Côn Đảo đề nghị khởi tố đối tượng về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, theo Điều 190 BLHS, có khung hình phạt từ 2-7 năm tù. Nhưng theo quan điểm của Viện KSND tỉnh BR-VT, chưa có cơ sở để xử lý hình sự đối với đối tượng trộm trứng vích nêu trên.
Lý do, theo quy định tại Điều 190 BLHS số trứng vích lấy trộm phải có giá trị 50 triệu đồng trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này rất khó xác định được giá trị của số trứng vì trứng vích không được bán trên thị trường nên không có sản phẩm cùng loại để làm căn cứ định giá, hơn nữa số lượng trứng không lớn. Trên cơ sở đó, Viện KSND tỉnh đề nghị chỉ xử lý hành chính kết hợp giáo dục, răn đe đối tượng.
Dựa trên các quy định pháp lý hiện hành, ý kiến của Viện KSND tỉnh là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, xét về hiệu quả, dư luận băn khoăn việc xử lý hành chính liệu có đủ sức răn đe với một đối tượng đã từng 2 lần bị phát hiện có hành vi liên quan đến việc xâm hại động vật hoang dã (vận chuyển thịt vích); Giả sử đối tượng trộm trứng vích ở Côn Đảo không chỉ có một mà hai hoặc nhiều người nữa, thì nếu chỉ dừng lại ở biện pháp xử lý hành chính, về lâu dài liệu có mang lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm?
Việt Nam hiện đang có 418 loài động vật hoang dã (ĐVHD) được ghi vào Sách Đỏ, trong đó vích là một trong số các loài được xếp vào hàng ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao do bị khai thác quá mức và mất môi trường sống.
Thời gian qua, ngành TN-MT đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn các loài ĐVHD, nguy cấp theo quy định của Luật đa dạng sinh học như: kiện toàn khung pháp lý, tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ ĐVHD quý hiếm; tăng cường sự hợp tác của các ngành trong việc đấu tranh ngăn ngừa buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, tranh thủ sự phối hợp và hỗ trợ tài chính của các tổ chức quốc tế…
Tuy nhiên, thực tế công tác này còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm đang có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia về lĩnh vực này, hiện nay các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD quý hiếm chưa đồng bộ, còn chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành, dẫn đến chưa có sự thống nhất các văn bản hướng dẫn, quản lý, bảo tồn các loài. Trong khi đó, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân mặc dù đã được nâng lên, nhưng chưa đủ quyết liệt nhằm góp phần bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện...
Từ thực trạng chung của cả nước và chuyện lúng túng trong xử lý đối tượng trộm trứng vích ở Côn Đảo cho thấy, đã đến lúc các Bộ, ngành chức năng cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp lý có liên quan đến công tác bảo vệ ĐVHD, quý hiếm trên cơ sở bảo đảm các khung hình phạt chặt chẽ, đủ sức răn đe. Bên cạnh một hành lang pháp lý đủ mạnh, cần có sự vào cuộc khẩn trương và quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành.
Mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ ĐVHD, không tiêu thụ hoặc tiếp tay cho đối tượng trộm cắp, tiêu thụ ĐVHD và nhất là từ bỏ thói quen sử dụng các sản phẩm chế biến từ ĐVHD. Nếu không có những biện pháp đồng bộ và quyết liệt, e rằng các loài ĐVHD, quý hiếm ở nước ta chẳng bao lâu nữa sẽ chỉ còn trên sách vở. (Báo Bà Rịa - Vũng Tàu 23/8) đầu trang(
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình và các cơ quan liên quan đã tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án công viên động vật Hoang dã quốc gia tại Ninh Bình.
Đến hết tháng 7/2016 đã tiến hành các bước lựa chọn nhà thầu các gói thầu; hoàn thành công tác cắm cọc GPMB, tiến hành công tác nghiệm thu dự án tuyến đường giao thông công viên nối với quốc lộ 45 và tỉnh lộ 479D; Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu nuôi thả thú dữ Châu Á; Thực hiện gói thầu số 03 thuộc đồ án  quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Ninh Bình 23/8) đầu trang(
Thực hiện cam kết bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), các cơ quan quản lý đã chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán các mẫu vật tê giác và ngà voi.
Tuy nhiên, tại huyện Thường Tín (Hà Nội) cơ quan chức năng vẫn phát hiện một số đối tượng có dấu hiệu buôn bán trái phép mặt hàng này. Đặc biệt, đây là hoạt động ngầm rất khó kiểm soát.
Sau khi dư luận thông tin về tình trạng buôn bán sản phẩm ĐVHD trên địa bàn, cơ quan chức năng thành phố và huyện Thường Tín đã vào cuộc điều tra, xác minh hoạt động chế tác, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác. Qua tuần tra, kiểm soát, ngày 2-7-2016, cơ quan chức năng bắt quả tang Hoàng Văn Tài, sinh năm 1986 ở thôn Dưỡng Hiền, xã Hòa Bình (Thường Tín) vận chuyển sản phẩm làm bằng ngà voi. Tang vật thu giữ gồm các loại vòng tay, vòng cổ, mặt dây chuyền trọng lượng 12,5kg. Giám định kết quả cho thấy, các sản phẩm này là ngà voi Châu Phi.
Ngày 18-7-2016, Phòng PC 49 (Công an TP Hà Nội) và Phòng 3-C4 (Bộ Công an) phối hợp với Công an huyện Thường Tín tiếp tục phát hiện, bắt quả tang Đỗ Xuân Thắng, sinh năm 1992, ở đội 4, thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình có dấu hiệu vi phạm. Tang vật thu giữ gồm sản phẩm được chế tác từ ngà voi với tổng trọng lượng 1,21kg.
Từ lời khai của Đỗ Xuân Thắng, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thường Tín đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp đối với Lê Thị Dung, sinh năm 1987, ở xã Nhị Khê thu giữ 37,3kg tang vật. Qua giám định, có 5kg là xương động vật, gần 0,3kg nhựa tổng hợp còn lại là phế phẩm ngà voi.
Trước đó, ngày 9-7-2015, cơ quan chức năng huyện Thường Tín cũng đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Ngọc Trìu, sinh năm 1986, thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình có dấu hiệu cất trữ sản phẩm ngà voi, tịch thu tang vật là 2 mảnh ngà voi trọng lượng 0,56kg…
Kết quả khảo sát chuyên sâu của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại 83 cơ sở kinh doanh thủ công mỹ nghệ ở làng nghề Nhị Khê đã ghi nhận 52/83 trường hợp (khoảng 63%) cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Trung tâm này đã gửi công văn đến UBND TP Hà Nội đề nghị kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.
Trong vai khách du lịch tham quan làng nghề Nhị Khê, chúng tôi thấy hoạt động chế tác đồ thủ công mỹ nghệ ở đây diễn ra khá sôi động. Quan sát trong các cửa hàng, xưởng sản xuất không thấy sản phẩm ngà voi, sừng tê giác được bày bán công khai.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê Nguyễn Viết Bình cho biết: Mặt hàng chủ lực sản xuất tại địa phương chủ yếu chế tác từ gỗ, xương động vật… Toàn xã có hơn 400 hộ sản xuất, tập trung tại thôn Nhị Khê, trung bình mỗi năm, làng nghề đem lại nguồn thu nhập cho nhân dân khoảng 200 tỷ đồng. Ông Bình cho biết thêm, trước đây trên địa bàn có xuất hiện một số cá nhân buôn bán ngà voi, nhưng từ khi Nhà nước cấm, nhân dân đã không sản xuất nữa. Nếu có chăng chỉ là buôn bán ngầm, không công khai nên khó phát hiện. UBND xã đã yêu cầu các hộ ký cam kết không buôn bán và sử dụng các vật liệu sản xuất từ ngà voi, sừng tê giác.
Trao đổi với Báo Hànộimới, cơ quan chức năng huyện Thường Tín cho biết, vẫn xảy ra tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm từ ngà voi, nhưng chủ yếu là trung chuyển và hoạt động ngầm. Để tăng cường công tác quản lý, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD và hoạt động chế tác, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác.
Chánh Văn phòng UBND huyện Thường Tín Vũ Văn Tuân cho biết, đi đôi với công tác tuyên truyền không buôn bán, vận chuyển, chế tác, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm mỹ nghệ làm từ ngà voi, sừng tê giác, huyện đã chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm Thường Tín, Đội Quản lý thị trường số 30 tăng cường tuần tra, kiểm soát, yêu cầu các hộ sản xuất kinh doanh mỹ nghệ ký cam kết không chế tác, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác. Đồng thời, đấu tranh, tố giác, xử lý nghiêm trường hợp sản xuất tại các làng nghề vi phạm pháp luật buôn bán sản phẩm ĐVHD.
Tuy nhiên, do sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên việc kiểm soát nguyên liệu ở các làng nghề chế tác mỹ nghệ ở Thường Tín khá nan giải. Để ngăn chặn hành vi vi phạm, theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, ngoài sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm, các ban, ngành, đoàn thể huyện Thường Tín cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ dân làng nghề; chủ động kiểm tra, xác minh ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, nhất là hoạt động chế tác, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác… (Hà Nội Mới 22/8) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Sáng 24/8, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh phối hợp Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và dự án JICA (Nhật Bản) tổ chức khóa tập huấn đào tạo tiểu giáo viên (TOT) về vận hành hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng sử dụng máy tính bảng.
Đây được đánh giá là mô hình theo dõi diễn biến tài nguyên rừng khá mới, thu hút được sự quan tâm của các học viên là cán bộ kiểm lâm, chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Thông qua các thiết bị hỗ trợ như: máy tính bảng, hệ thống máy chủ, học viên sẽ được chuyên gia hướng dẫn cách thức vận hành ứng dụng máy tính bảng trong thu thập và báo cáo số liệu DBR; thao tác thu thập, báo cáo số liệu; kiểm tra dữ liệu đã đồng bộ trên máy chủ bằng QGIS; cách thức chuyển đổi số liệu từ định dạng Mapinfo/shapefile sang dịnh dạng MBTitles...
“Khi có bất kỳ tác động nào vào rừng như phá rừng, cháy rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp... chủ rừng và cơ quan chức năng không phải sử dụng phương pháp đo thủ công như trước mà xác định tọa độ để kiểm đếm thiệt hại. Phương pháp này vừa đảm bảo tính kịp thời, chính xác vừa an toàn, tiết kiệm”, ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó ban quản lý các dự án ODA ngành NN-PTNT Hà Tĩnh nói.
Ông Hoan lấy ví dụ, sau khi xác định địa phương A xảy ra cháy rừng, thông qua ảnh chụp trên máy tính bảng các cơ quan quản lý từ Trung ương đến tỉnh, huyện sẽ xác định được diện tích bị cháy, chất lượng rừng bị cháy một cách nhanh nhất, chính xác nhất, tránh tình trạng cháy 10ha, báo cáo qua giấy chỉ 5ha hay rừng phòng hộ cháy lại báo cáo cây dây leo cháy. Khóa tập huấn tổ chức trong 3 ngày từ 24 – 26/8. (Nông Nghiệp Việt Nam 25/8) đầu trang(
Nhiều hộ dân xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đang rơi cảnh điêu đứng vì giống mắc ca họ trồng mặc dù tươi tốt nhưng lại không cho quả. Nguyên nhân do người dân mua phải giống trôi nổi trên thị trường.
Chúng tôi về xã Liên Hà, nơi có những vườn mắc ca được trồng thử nghiệm cách đây 5 năm. Nghe hỏi về mắc ca, ông Nguyễn Việt Hùng, cán bộ nông nghiệp xã lắc đầu ngao ngán: Diện tích thì ngày tàn lụi, năng suất không có, nông dân trong xã đang bắt đầu chặt bỏ dần.
Theo ông Hùng, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, năm 2010, một công ty đã làm việc với UBND huyện, nội dung thỏa thuận trồng, chế biến và thu mua sản phẩm cây mắc ca với từng hộ dân tại khu vực 6 xã vùng Tân Hà cùng cam kết: Đầu tư cho dân 50% chi phí giá cây giống, vật tư và bao tiêu quả mắc ca khi có thu hoạch.
Thực hiện cam kết này, năm 2012, công ty có về UBND xã, đặt vấn đề mua bán cây giống, hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình điểm. Đại đa số cán bộ trong xã quyết định mua từ 50 – 100 cây với giá hỗ trợ 30.000 đồng/cây về trồng thử nghiệm, làm mô hình cho người dân học hỏi. Cứ như thế, toàn huyện đã có 44,5 ha mắc ca được công ty này đầu tư cho dân trồng tại xã Liên Hà (23 ha) và một số các xã khác như Tân Thanh (7 ha), Đan Phượng (3,5 ha), Tân Hà (11 ha).
Tham quan vườn mắc ca 5 năm tuổi của ông Hùng, chúng tôi nhận thấy vườn mắc ca của ông phát triển rất xanh tốt, cây nào cũng cao vút nhưng tuyệt nhiên rất ít trái. Qua trao đổi, ông Hùng tỏ ý nghi ngờ chất lượng cây giống. Theo ông Hùng, thời điểm nhận cây giống, cán bộ trong xã đã nhận thấy dù là cây mắc ca ghép nhưng các mắt ghép rất sơ sài, dường như không đúng yêu cầu kỹ thuật và cũng không thể nào nhận biết được mắt ghép trên có phải là chồi chuẩn hay không? Chính vì mập mờ từ khâu chọn giống ban đầu mà giờ nông dân trong xã phải điêu đứng vì trồng phải mắc ca “điếc”.
Tương tự, vườn cà phê xen mắc ca của anh Nguyễn Văn Thọ, cán bộ văn phòng UBND xã Liên Hà, cây mắc ca cũng chỉ toàn cành với lá, rất hiếm trái đậu. Anh Thọ cho biết: Đợt năm 2012, anh cũng lấy gần 200 cây giống mắc ca về trồng thử nghiệm. Lúc mới trồng đã có gần 40% cây bị chết, số còn lại thì cành khẳng khiu, cứ cao vút không phát tán, cũng chẳng có trái. Trong năm vừa qua, anh Thọ thu về được hơn 100 kg hạt, tính ra mỗi cây tầm 1 kg hạt, bán ra được chục triệu đồng.
Ông Trần Đức Xuân, Bí thư thôn Liên Hà 2 bức xúc: “Lúc nhận cây giống chúng tôi ai cũng hồ hởi, nào là sau 3 năm cho trái bói, mỗi cây chục kg, rồi được công ty đầu tư, thu mua. Nhưng rồi hiệu quả kinh tế thế nào thì đã quá thấm thía!”.
Theo ông Xuân, để có một ha mắc ca, cần số tiền trên 20 triệu đồng mua cây giống. Rồi phải bón phân, chăm sóc suốt quãng thời gian 5-6 năm mới biết được cây có ra quả được không; trong khi, sản phẩm làm ra còn mịt mờ về khâu tiêu thụ.
Hiện ông Xuân có hơn 70 gốc mắc ca nhưng mỗi năm thu chưa tới 50 kg hạt, số hạt trên gia đình ông chả buồn đem đi bán, giữ lại chỉ để ăn, cho người thân làm quà biếu. Số gốc mắc ca trong vườn ông Xuân đã nhiều lần tính chặt bỏ nhưng vì chẳng gây hại gì cho vườn cà phê, lại giúp che bóng nên ông giữ lại. Ông Xuân cảnh tỉnh người dân khác phải hết sức thận trọng khi chọn mua giống trồng mắc ca.
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Lâu nay, người dân tự phát đổ xô trồng mắc ca bằng các loại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc từ vườn ươm của các cá nhân, đơn vị trong vùng, hoặc tự ươm cây làm giống khiến giá hạt mắc ca cao ngất ngưởng và không có một giá nhất định, tạo ra một thị trường ảo. Điều này khiến chúng tôi hết sức lo ngại”.
Theo ông Sơn, mặc dù Sở NN-PTNT đã tuyên truyền, khuyến cáo nhưng người dân dường như phớt lờ những cảnh báo. Điều này sẽ gây ra những hậu quả khó lường về sau. "Người dân đổ xô trồng mắc ca, tôi mong họ hãy tỉnh táo, đừng quá nóng vội, làm theo phong trào, để rồi lại tự mình hại mình”, ông Sơn nói. (Nông Nghiệp Việt Nam 23/8) đầu trang(
Nghị định về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, các địa phương rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác mà đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng, để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
Trường hợp khu rừng ven biển đã giao cho hộ gia đình, tổ chức kinh tế nhưng có tầm quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thì Nhà nước xem xét thu hồi, mua lại hoặc bồi thường giá trị tài sản mà hộ gia đình, tổ chức đó đã đầu tư theo quy định của pháp luật để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
Các địa phương tổ chức rà soát, chuyển các công trình xây dựng có ảnh hưởng hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng ven biển ra khỏi khu vực quy hoạch rừng phòng hộ ven biển xung yếu và rất xung yếu, hành lang bảo vệ bờ biển. Đối với diện tích đất quy hoạch để bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhưng người sử dụng đất tự ý chuyển đổi sai mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm thì Nhà nước thu hồi đất.
Các dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng ven biển thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về đất đai.
Nghị định nêu rõ, ngân sách các địa phương bảo đảm kinh phí cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo kế hoạch, dự toán được duyệt và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: Thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; tổ chức giao, cho thuê rừng ven biển; hoạt động của bộ máy Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; tuyên truyền, giáo dục; khuyến lâm; nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, chức năng của rừng ven biển trong ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng ven biển; đầu tư, hỗ trợ kinh phí ngoài mức hỗ trợ và đầu tư từ ngân sách trung ương theo điều kiện thực tế của địa phương.
Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí sự nghiệp kinh tế cho khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng ven biển. Cụ thể, mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; mức kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 4 triệu đồng/hécta trong thời gian 5 năm (bình quân 800.000 đồng/hécta/năm); kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50.000 đồng/hécta, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán.
Ngân sách trung ương đầu tư phát triển rừng ven biển theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, gồm: Điều tra, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển; trồng rừng mới, cải tạo rừng ven biển chất lượng kém không có khả năng phục hồi theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán được duyệt với thời gian trồng và chăm sóc 5 năm; khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán được duyệt đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ven biển là rừng tự nhiên chất lượng kém, chưa đủ tiêu chí thành rừng;... (Chính Phủ 24/8) đầu trang(
Sau 5 năm triển khai Nghị định số 99/2010/NĐ-CP (Nghị định 99) của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), không chỉ đời sống được cải thiện mà Nhân dân các địa phương được hưởng lợi đã nâng cao ý thức giữ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, nguồn nước cho các công trình thủy điện…
Tính đến hết năm 2015, tỉnh có 437.226,25ha rừng được chi trả tiền DVMTR với 711 tỷ đồng từ các thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Bản Chát, Nậm Mở 3, Nậm Lụng, Chu Va 12 và Công ty TNHH Xây dựng và Cấp nước Lai Châu.
Theo ông Đào Trọng Lịch - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, triển khai thực hiện Nghị định 99, Quỹ đã phối hợp với các cơ quan thông tin trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức: lồng ghép tại hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh, in ấn, phát tờ rơi, mở lớp tập huấn, viết các tin, bài về chính sách chi trả DVMTR.
Đồng thời, phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, các sở, ngành trong tỉnh đàm phán ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các thủy điện. Trong đó, nguồn ủy thác chi trả của thủy điện nào thì trả cho các chủ rừng nằm trong lưu vực của thủy điện đó.
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đã tác động trực tiếp tới công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt của người dân về bảo vệ và phát triển rừng nâng lên rõ nét. Nhân dân tích cực tham gia tuần tra, kiểm soát, phòng cháy chữa cháy rừng; số vụ cháy và diện tích cháy rừng giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, các tổ xung kích nghiêm túc trực tại các chốt gác kiên cố và tạm thời vào những ngày hanh khô kéo dài. Bà con xây dựng, duy tu đường băng trắng cản lửa; tự nguyện chia sẻ một phần diện tích rừng của bản quản lý cho các bản không có rừng trong xã để cùng nhau bảo vệ. Nhiều địa phương đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Điển hình là xã Nùng Nàng (huyện Tam Đường) đã xây dựng hương ước về xử lý người dân vào rừng lấy củi.
Nhờ Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ, thu nhập của người nhận khoán khoán bảo vệ rừng tăng lên đáng kể, bình quân mỗi hộ nhận được 2,09 triệu đồng/năm. Đặc biệt hộ thu nhập cao nhất tại xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) là 47,5 triệu đồng, xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) đề nghị không nhận gạo cứu đói. Huyện Mường Tè có mức thu nhập bình quân của các hộ cao nhất của tỉnh là 16,4 triệu đồng/năm…
Qua đó, đời sống của đại bộ phận Nhân dân được cải thiện, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) là một điển hình trong phát triển, chăm sóc, bảo vệ rừng. Toàn xã có 6.292,48ha được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Năm 2015, xã được nhận 2.866 triệu đồng tiền DVMTR.
Ông Vàng A Chu (bản Chu Va 12, xã Sơn Bình) chia sẻ: “Là thành viên tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản, tôi thường xuyên tham gia các hoạt động bảo vệ rừng như: tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, trực chòi canh, phát dọn đường băng cản lửa trước mùa khô hanh. Với 34,3ha rừng, năm 2015 gia đình tôi được nhận trên 21 triệu đồng, nhờ đó có thêm nguồn thu nhập để phục vụ sinh hoạt”.
Cùng với đó, triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi nhận thức của người dân về rừng, thúc đẩy chủ trương xã hội hóa nghề rừng, đồng thời hình thành nguồn tài chính mới bền vững cho công tác bảo vệ rừng, góp phần ổn định đời sống người dân, hạn chế những tiêu cực, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là vùng giáp biên giới. Một ưu điểm nữa là từ chính sách chi trả DVMTR còn góp phần giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng phòng hộ của rừng để đảm bảo giữ và cung cấp nước cho ngành thủy điện, phục vụ sản xuất, sinh hoạt người dân; giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai.
Cũng theo ông Đào Trọng Lịch, từ nay đến năm 2020, tỉnh phấn đấu thu 1.354 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR. Vận động, tiếp nhận và quản lý các khoản đóng góp bắt buộc; nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, uỷ thác của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Tiếp tục hỗ trợ các chương trình, dự án trồng và phát triển rừng, góp phần tăng độ che phủ rừng lên 50%.
Với lợi ích thiết thực từ chính sách chi trả DVMTR không chỉ góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo trong tỉnh mà còn tạo sức hút cho cộng đồng địa phương tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng (Báo Lai Châu 22/8, Tin Tức 23/8) đầu trang(
Tính đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), tỉnh đã đạt một số kết quả tích cực.
Thông qua việc huy động nguồn lực để hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), chính sách này được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm khuyến khích người dân và chính quyền cơ sở tích cực nâng cao vai trò trong công tác QLBVR, đồng thời làm thay đổi tư duy và hành động của các đối tượng cung ứng, sử dụng DVMTR, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Đồng chí Đinh Quang Long, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) của tỉnh cho biết: Thực hiện chủ trương xã hội hóa lâm nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả DVMTR. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho công tác QLBVR chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đây được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm huy động nguồn tài chính ổn định và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cung ứng và sử dụng DVMTR.
Tại tỉnh, sau 5 năm triển khai chính sách này, tuy bước đầu còn nhiều khó khăn, song đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, chúng ta đã cơ bản hoàn hành công tác rà soát diện tích rừng và đối tượng cung ứng DVMTR; xây dựng đề án, dự án thực hiện chính sách chi trả DVMTR các lưu vực nhà máy thủy điện; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc và tuyên truyền đến các chủ rừng, đơn vị sử dụng DVMTR; đôn đốc, hướng dẫn hoàn thành công tác nghiệm thu và thanh toán tiền DVMTR cho các chủ rừng đảm bảo thời gian quy định; đẩy mạnh việc tuyên truyền về chính sách, qua đó tác động mạnh mẽ đến ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc QLBVR, tăng cường hiệu quả thực thi Luật BV &PTR của chính quyền các cấp.
Để chính sách chi trả DVMTR được triển khai đồng bộ và hiệu quả, hàng năm, Sở NN &PTNT - với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách đã chỉ đạo Ban điều hành Quỹ BV &PTR chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền chính sách; rà soát đối tượng sử dụng DVMTR để làm cơ sở theo dõi, giám sát và thu tiền sử dụng dịch vụ.
Cùng với đó, Hội đồng quản lý Quỹ thường xuyên thực hiện tốt việc giám sát hoạt động, đánh giá kết quả triển khai tại địa phương, qua đó kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo thực hiện chính sách một cách hiệu quả. Về tác động của chính sách đối với công tác BV &PTR, lãnh đạo Sở NN &PTNT nhìn nhận: Chính sách này tạo cơ chế thiết thực giúp các địa phương huy động được nguồn lực tài chính để trực tiếp đầu tư cho công tác QLBVR.
Thông qua các hợp đồng ủy thác ký kết, nguồn thu từ DVMTR được sử dụng để hỗ trợ kinh phí hàng năm cho công tác QLBVR của các chủ rừng (là tổ chức, cộng đồng dân cư, người dân có sở hữu diện tích rừng), hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của tổ đội bảo vệ rừng thôn xóm, hoạt động công ích tại cộng đồng dân cư thôn xóm, chi trả trực tiếp giúp cải thiện sinh kế cho người trồng rừng Nhìn chung, các địa phương đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn thu từ DVMTR.
Đây là nguồn tài chính quan trọng kết hợp với nguồn vốn ngân sách góp phần tăng thu nhập cho các đối tượng cung cấp DVMTR, nâng cao trách nhiệm QLBVR của chủ rừng, từ đó củng cố và nâng cao hiệu quả công tác BV &PTR tại địa phương.
Theo kết quả thống kê từ năm 2011 đến nay, Quỹ BV &PTR của tỉnh đã huy động được 53.740 triệu đồng. Cụ thể, trong số 52.562 triệu đồng tiền DVMTR, Quỹ nhận tiền ủy thác từ Quỹ BV &PTR Việt Nam 49.500 triệu đồng, thu nội tỉnh 3.062 triệu đồng. Đối tượng thu chủ yếu là các đơn vị sử dụng DVMTR trong lĩnh vực thủy điện (51.856 triệu đồng) và nước sạch (706 triệu đồng).
Từ nguồn quỹ này, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt mức chi trả DVMTR để làm căn cứ tổ chức thực hiện. Theo tính toán, đến nay, tổng số tiền đã được Quỹ BV &PTR của tỉnh chi trả 46.072 triệu đồng /53.740 triệu đồng (tổng nguồn tiền DVMTR nhận ủy thác, thu nội tỉnh tính đến ngày 31/12/2015. Còn lại 7.668 triệu đồng, gồm: tiền nhận ủy thác, thu nội tỉnh, trồng rừng thay thế, dự phòng được chuyển sang kế hoạch chi trả năm 2016).
Đã giải ngân, thanh toán cho chủ rừng tại 3 lưu vực: Nhà máy thủy điện Hòa Bình, lưu vực Nhà máy Bá Thước II, lưu vực nhà máy Suối Nhạp A với tổng số tiền 41.179 triệu đồng. Trong đó, chi trả cho chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng 4.446 triệu đồng; chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp 1.162 triệu đồng; chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư 35.462 triệu đồng; chủ rừng khác 107 triệu đồng.
Tính đến cuối tháng 7/2016, Quỹ BV &PTR của tỉnh đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng ủy thác chi trả với các đơn vị sử dụng DVMTR nội tỉnh gồm 6/6 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy nước và 2 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Hiện, tổng diện tích rừng quản lý, bảo vệ được chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh là 280.464 lượt ha (bình quân khoảng 80.178 ha rừng, chiếm 1/3 tổng diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh).
Điều đáng ghi nhận là sau 5 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã tác động mạnh mẽ đến ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực thi hiệu quả Luật BV &PTR, hạn chế những tác động xấu và giữ ổn định được nguồn tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh. (Báo Hòa Bình 22/8) đầu trang(
Sở Nông nghiệp và PTNT vừa sơ kết 5 năm tổ chức hoạt động  Quỹ Bảo vệ phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) (2011 – 2015) trên địa bàn tỉnh.
Tính đến cuối năm 2015, diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR  là 76.000 ha. Hiện toàn tỉnh có 14 đơn vị cung ứng DVMTR, trong đó có 8 đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ, 1 đơn vị chủ rừng là Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, 2 công ty lâm nghiệp và 3 đơn vị chủ rừng là tổ chức không thuộc Nhà nước. Các đơn vị cung ứng nằm trên địa bàn các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh.
5 năm qua, thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho 11/20 đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước và 3 đơn vị chủ rừng là tổ chức không thuộc Nhà nước có đủ điều kiện thực hiện cung ứng DVMTR. Theo đó, có khoảng 40% trên tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng toàn tỉnh được chi trả bằng nguồn DVMTR, góp phần giảm gánh nặng chi từ nguồn ngân sách tỉnh, tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho 1.287 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.
Tổng  nguồn vốn huy động  các nguồn lực xã hội để phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng trong 5 năm đạt hơn 68,8 tỷ đồng. (Báo Bình Thuận 24/8) đầu trang(
Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2008/NĐ-CP về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và Quyết định số 380/QĐ-TTg cho phép thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại tỉnh Sơn La và Lâm Đồng.
Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chi trả DVMTR áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1-1-2011.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR, hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương đã ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 409 công ty thuộc 3 lĩnh vực: thủy điện, nước sạch, du lịch trên địa bàn 40 tỉnh để thu ủy thác tiền DVMTR chi trả cho các chủ rừng. Nguồn thu từ chính sách chi trả DVMTR trong 5 năm là 5.226 tỷ đồng (khoảng 1.000 tỷ đồng/năm), trong đó các nhà máy thủy điện đóng góp gần 98%, các cơ sở cung cấp nước sạch và dịch vụ du lịch sinh thái chiếm khoảng 2% (du lịch sinh thái 0,1%).
Đây là một nguồn tài chính mới, ổn định ngoài ngân sách nhà nước bổ sung nguồn lực để quản lý, bảo vệ trên 5 triệu ha rừng cung ứng DVMTR. Hàng năm, nguồn thu từ chi trả DVMTR góp phần đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp chiếm từ 22% đến 25% tổng đầu tư toàn xã hội cho lâm nghiệp; tạo nguồn thu nhập bổ sung khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm cho trên 348.000 hộ và 5.700 nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn 40 tỉnh.
Trên địa bàn các tỉnh, cấp ủy và chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai ngay từ khi chính sách chi trả DVMTR có hiệu lực thi hành. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh, hình thành hệ thống chi trả ở địa phương.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh đã làm tốt vai trò đầu mối và chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương, chủ động triển khai nhiệm vụ huy động nguồn tài chính và chi trả cho chủ rừng trên địa bàn. Những kết quả đạt được của các địa phương thời gian qua trong triển khai thực hiện chính sách là đáng ghi nhận và khích lệ, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp.
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, chính sách chi trả  DVMTR cũng có một số hạn chế bộc lộ trong quá trình thực hiện như: mức chi trả DVMTR có sự chênh lệch trên 1 đơn vị diện tích giữa các địa phương và ngay trong một lưu vực; đơn giá tiền chi trả DVMTR trên ha rừng quản lý thấp, chưa tương xứng với công sức, không đảm bảo thu nhập và tạo động lực khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng; một số quy định về quản lý sử dụng tiền DVMTR, đối tượng thụ hưởng tiền DVMTR chưa phù hợp thực tế, chưa nhất quán với các văn bản khác làm chậm quá trình tổ chức thực hiện, dẫn đến lúng túng trong tổ chức hệ thống, lựa chọn phương thức chi trả và ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân cho chủ rừng; tổ chức vận hành hệ thống bộ máy Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chưa đồng bộ, nhiều tỉnh Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thuộc sở, nhiều tỉnh lại trực thuộc UBND tỉnh.
Trước yêu cầu của thực tiễn đặt ra, thời gian tới cần chú trọng tập trung những vấn đề sau: Một là, sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2010/NĐ-CP phù hợp với thực tiễn triển khai và khai thác đúng giá trị vốn có; bãi bỏ một số thủ tục hành chính  không cần thiết trong thực hiện chính sách. Trên cơ sở đó, hướng dẫn triển khai những quy định thay đổi, bảo đảm sự thống nhất thực hiện chính sách trên phạm vi cả nước.
Hai là, nghiên cứu, triển khai thực hiện chi trả DVMTR đối với các cơ sở công nghiệp có sử dụng nước từ môi trường rừng, hấp thụ và lưu giữ các-bon từ rừng, nuôi trồng thủy sản sử dụng nguồn nước từ rừng, nhằm tăng thêm nguồn tài chính phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng trên cả nước.
Ba là, tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, bảo đảm  chính sách chi trả DVMTR được vận hành thông suốt, hiệu quả. Chính sách chi trả DVMTR đạt được kết quả phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện tại địa phương, nơi diễn ra quan hệ chi trả giữa các bên sử dụng, cung  ứng DVMTR với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.
Cơ chế vận hành của chính sách đòi hỏi tuân thủ theo quy định. Hoạt động chi trả DVMTR bảo đảm sự công khai, minh bạch của các chủ thể trong quan hệ chi trả, mỗi bên tham gia vào quá trình chi trả, đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng làm tốt vai trò tham mưu đề xuất; chủ động phối hợp với các ngành liên quan cấp tỉnh trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đánh giá việc chấp hành chính sách và hiệu quả mang lại đối với công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, chú trọng công tác truyền thông chính sách, đây là một yêu cầu bắt buộc đối với các bên tham gia trực tiếp vào quá trình thực thi chính sách. Bằng nhiều hình thức và phương pháp tuyên truyền tác động đến các đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách để không ngừng nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định, thúc đẩy sự vận hành chính sách đạt các mục tiêu đặt ra; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, để các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hỗ trợ, giám sát quá trình thực hiện chính sách ở địa phương.
Năm là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tổ chức Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương về mô hình hoạt động, cơ chế vận hành, cơ cấu tổ chức của bộ máy điều hành và các chế độ, chính sách liên quan đến tổ chức, con người… để triển khai áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.
Tin tưởng rằng, với kết quả đạt được trong 5 năm qua, chính sách chi trả DVMTR sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, khai thác tốt hơn nguồn lực xã hội đối với các loại dịch vụ còn lại, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo. (Báo Gia Lai 24/8, Quân Đội Nhân Dân 24/8) đầu trang(
Theo Sở NN &PTNT, tổng diện tích quản lý, bảo vệ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng trong 5 năm (2011 – 2015) là 280.464 ha, bình quân khoảng 80.178 ha /năm, chiếm khoảng 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh.
Thống kê trong 5 năm, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng đã thu được 53.740 triệu đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7/2016, các đơn vị sử dụng dịch vụ còn nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền khoảng 1, 6 tỷ đồng.
Số tiền nợ đọng trên chủ yếu của các đơn vị: Nhà máy Thủy điện So Lo 1 (Công ty CP Thủy điện Mai Châu) khoảng 857 triệu đồng (chưa nộp từ năm 2011 đến quý II /2016); Nhà máy Thủy điện Suối Tráng (Công ty TNHH Văn Hồng) khoảng 239 triệu đồng (chưa nộp từ năm 2013 đến quý II /2016), Công ty CP Nước sạch Hòa Bình khoảng 392 triệu đồng (chưa nộp 2 năm 2011 – 2012). Còn lại, các đơn vị sử dụng dịch vụ khác cơ bản thực hiện nộp tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ theo quy định. (Báo Hòa Bình 24/8) đầu trang(
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo kiểm kê rừng của tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Lâm sinh, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tiến hành thực hiện các bước kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, có nhiều khác biệt so với số liệu theo dõi diễn biến rừng năm 2015.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo kiểm kê rừng, toàn tỉnh có 21.503 chủ rừng nhóm I và 19 chủ rừng nhóm II, nằm trên địa bàn 184 xã, phường, thị trấn thuộc 14 huyện, thành phố. Kết quả kiểm kê rừng lần này cho thấy: Toàn tỉnh đã kiểm kê 190.235 lô (trong đó có 89,8% số lô của chủ rừng nhóm I và 10,2 % số lô của chủ rừng nhóm II), với tổng diện tích đã kiểm kê gần 226.000ha, chiếm 62% diện tích rừng và đất rừng toàn tỉnh (trong đó rừng tự nhiên chiếm 34,4% và rừng trồng chiếm 29,2%).
Diện tích đất chưa có rừng đã kiểm kê trên 134.540ha, chiếm 34,4%. Qua kiểm kê cũng đã xác định được trữ lượng gỗ toàn tỉnh trên 19 triệu m3 và 16.434 nghìn cây tre nứa.
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo số liệu kiểm kê lần này so với kết quả diễn biến rừng năm 2015 có sự thay đổi rõ rệt, như đất có rừng giảm tới trên 37.110ha. Trong đó, rừng trồng giảm hơn 48.000ha, rừng tự nhiên tăng lên gần 11.000ha. Diện tích rừng trồng theo số liệu kiểm kê giảm so với số liệu theo dõi diễn biến rừng là do, trong kiểm kê rừng không cập nhật cây trồng phân tán (diện tích tập trung nhỏ hơn 0,2ha) và một số diện tích rừng trồng chưa đủ tiêu chí thành rừng.
Do diện tích đất có rừng trồng giảm, nên tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh cũng giảm theo: Từ 51,06% (theo diễn biến rừng) xuống chỉ còn 43,86% (theo kết quả kiểm kê rừng), giảm 7,2%.
Ông Trần Ngọc Thương - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo kiểm kê rừng của tỉnh cho biết: Mặc dù đã cơ bản hoàn thành số liệu kiểm kê rừng,  tuy nhiên do yêu cầu kỹ thuật kiểm kê rừng đợt này rất chặt chẽ, hồ sơ, số liệu phải có sự kiểm tra, xác nhận của tổ công tác kiểm kê rừng các cấp và các bên liên quan, nên cần gia hạn thêm thời gian.
Đối với đơn vị điều tra, hỗ trợ kiểm kê rừng là Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cần tích cực hỗ trợ cho địa phương trong công tác kiểm kê rừng để Dự án hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. (Báo Quảng Ngãi 24/8) đầu trang(
Trong 7 tháng qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã trồng mới 44.000 cây phân tán, đạt 73% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh hơn 376 ha rừng, đạt 100% kế hoạch và chăm sóc 1.536 ha rừng, đạt 98% kế hoạch năm 2016.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng rừng đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương thực hiện 5 dự án đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng.
Cụ thể như Dự án nghiên cứu quy hoạch chi tiết quản lý, khai thác 3 khu vực quan trọng trong khu bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh; Dự án giải pháp bảo vệ rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu... Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh (đơn vị được giao chủđầu tư) đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai các dự án này. (Báo Bình Dương 24/8) đầu trang(
Ngành chức năng của tỉnh vừa triển khai Dự án “Xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh”. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Ðặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT, về vấn đề này.
Những năm qua, tình hình quản lý, sử dụng đất tại các đơn vị, công ty lâm nghiệp (CTLN) trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp và vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 CTLN và 9 Ban quản lý rừng. Thời gian qua, việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển các CTLN trên địa bàn bước đầu đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn còn một số hạn chế so với yêu cầu đề ra.
Theo đó, tất cả các CTLN chưa thực hiện việc rà soát, đo đạc cắm mốc xác định ranh giới tại thực địa, chưa đo vẽ được bản đồ địa chính (BĐĐC) để làm các thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo quy định; chưa thực hiện được việc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
Mặt khác, các CTLN được giao diện tích đất lớn, lại không phải trả tiền thuê đất, nhưng không có vốn đầu tư, năng lực tổ chức sản xuất yếu, nên sử dụng đất không hiệu quả. Nhiều đơn vị đã cho thuê, cho mượn đất trái quy định, sử dụng không đúng mục đích, đem liên doanh, liên kết không đúng chức năng, nhiệm vụ... Bên cạnh đó, một số CTLN được giao đất nhưng không quản lý tốt nên đã để bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép mà không được phát hiện, giải quyết kịp thời, gây nên tình trạng rất phức tạp...
Mục tiêu của Dự án “Xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc lập BĐĐC và cấp GCNQSDĐ các CTLN trên địa bàn tỉnh” là xác định rõ phạm vi, hiện trạng sử dụng đất, để quản lý chặt chẽ quỹ đất đã giao, đã cho thuê sử dụng; hạn chế và ngăn ngừa tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai của các CTLN, tạo điều kiện sử dụng đất ngày càng có hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án được triển khai tại 3 đơn vị: Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (địa bàn TP Quy Nhơn và các huyện Vân Canh, Tuy Phước); Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (địa bàn huyện Vân Canh); Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Côn (địa bàn các huyện: Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân). Chủ dự án là Sở TN-MT. Thời gian thực hiện dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 5.2017.
Nội dung chủ yếu của dự án là: Xác định ranh giới, đo đạc cắm mốc ranh giới các CTLN; đo đạc chỉnh lý BĐĐC tỉ lệ 1/10.000; đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính cấp GCNQSDĐ các CTLN.
Trước hết, toàn bộ ranh giới đất của các CTLN sẽ được xác định trên bản đồ, cắm mốc trên thực địa, lập bản đồ mô tả ranh giới, mốc giới, lập bản đồ ranh giới và hoàn thiện hồ sơ ranh giới sử dụng đất. Sau đó sẽ tiến hành đo đạc chỉnh lý BĐĐC tỉ lệ 1/10.000 bằng phương pháp đo trực tiếp. Cuối cùng là đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp GCNQSDĐ cho các CTLN.
Sở TN-MT đã hoàn thành công tác đấu thầu. Kết quả, đơn vị thi công dự án được xác định là Tổng Công ty Tài nguyên - Môi trường Việt Nam. Đã tổ chức các hội nghị triển khai dự án tại các huyện, thành phố có liên quan. Đơn vị thi công đã tổ chức công việc trên thực địa. Để dự án hoàn thành đúng theo kế hoạch và tiến độ thời gian, bảo đảm chất lượng theo quy định, trong quá trình thực hiện rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn nơi có đất của các CTLN.
Dự án không chỉ tạo điều kiện cho các CTLN sử dụng đất ngày càng hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; hạn chế tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, mà còn góp phần để công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện và hiệu quả. (Báo Bình Định 23/8) đầu trang(
Những năm gần đây, nhận thức của người dân về việc trồng và bảo vệ rừng đã được nâng lên. Nhờ vậy, công tác trồng rừng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh.
Theo báo cáo của UBND huyện Chợ Mới 5 năm gần đây, phong trào trồng rừng được người dân tích cực triển khai. Diện tích trồng rừng mới bình quân hàng năm đạt hơn 1.700ha/1.600ha, bằng 107% kế hoạch. Chỉ riêng trong năm 2016, huyện Chợ Mới đã trồng được hơn 1.861,92ha/1.720ha, đạt 108% kế hoạch.
Để có được kết quả như vậy, 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc trồng rừng. Bên cạnh đó, hiện nay, đa phần người dân đã nhận thức rõ về giá trị kinh tế từ việc trồng rừng.
Với ý thức cao trong việc trồng rừng và chăm sóc rừng, các hộ dân đã đầu tư phân bón, công sức để cây phát triển, hiện diện tích rừng trồng mới trong năm 2016 đang được người dân chăm sóc đợt một. Nhờ chủ động trong khâu chăm sóc, nên đa phần diện tích rừng trồng mới đều phát triển tốt, tỷ lệ cây trồng sống đạt trên 90%... (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Bắc Kạn 23/8) đầu trang(
Sáng 20/8, tại cống 5 cửa xã Sông Khoai - TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra buổi giao lưu trồng rừng ngập mặn hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Trong đợt giao lưu này, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức trồng trên 400 cây Bần chua, tại khu vực ven bãi bồi cống 5 cửa thuộc xã Sông Khoai. Tham gia chương trình còn có 25 tình nguyện viên hội viên Hội Chữ thập đỏ xã Sông Khoai và 35 thanh niên địa phương.
Đợt giao lưu trồng rừng lần này, đúng vào dịp tỉnh Quảng Ninh và 1 số địa phương khác của Việt Nam vừa phải đối phó và chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 gây nên. Vì thế việc trồng và phục hồi rừng ngập mặn là hết sức có ý nghĩ và cần thiết đối với những vùng ven biển của Việt Nam trước thiên tai và sự biến đổi khí hậu thất thường như hiện nay.
Dù thời tiết nắng thất nóng, nhưng các tình nguyện viên chữ thập đỏ Nhật bản- cũng như các tình nguyện viên địa phương rất hăng say trồng rừng ngập mặn, với tinh thần giao lưu tình hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản gắn kết. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Quảng Ninh 22/8) đầu trang(
Xác định trồng rừng là mũi nhọn, góp phần giúp bà con thoát nghèo. Mới đây huyện Tương Dương đã trích ngân sách 1,9 tỷ đồng hỗ trợ bà con giống cây để trồng rừng nguyên liệu.
Năm nay Tương Dương trồng 886,5 ha cây nguyên liệu, trong đó keo 771,2 ha, mét 113,2 ha, keo xen mét là 62,1 ha. Theo đó, UBND huyện Tương Dương hỗ trợ toàn bộ phần cây giống, với khoảng 1,2 triệu cây giống gồm: keo, xoan, tương đương 1,9 tỷ đồng.
Sở NN &PTNT, UBND huyện Tương Dương đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra về hồ sơ giống, nguồn gốc hạt giống, kiểm kê công tác gieo ươm trước khi xuất vườn, nhằm đảm bảo chất lượng.
Huyện thành lập Ban chỉ đạo trồng rừng, chỉ đạo cán bộ kỹ thuật của phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông phối hợp với các xã, hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng nguyên liệu.
Ông Lô Khăm Kha, trưởng phòng nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Thời tiết thuận lợi nên huyện đã đẩy nhanh tiến độ trồng được trên 755 ha rừng nguyên liệu. Dự kiến đến hết 8/2016 toàn huyện Tương Dương sẽ phủ kín diện tích rừng trồng theo kế hoạch đề ra. (Báo Nghệ An 24/8) đầu trang(
Theo Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, trong năm 2016, Công ty đã chuẩn bị 250 ngàn cây giống các loại để tiến hành trồng rừng phòng hộ, cảnh quan môi trường và rừng thay thế khu vực TP Quy Nhơn; trong đó có 150 ngàn cây thông caribê và 100 ngàn cây keo lá tràm.
Tổng diện tích trồng khoảng 105 ha, trong đó có 20 ha trồng rừng phòng hộ, môi trường cảnh quan ở khu vực núi Bà Hỏa (phường Ngô Mây), núi Vũng Chua (phường Ghềnh Ráng) và diện tích còn lại là trồng rừng thay thế ở phường Bùi Thị Xuân. Theo kế hoạch, đầu tháng 10.2016, Công ty tiến hành trồng rừng. (Báo Bình Định 24/8) đầu trang(
Thông qua “Đường dây nóng” của Báo Đắk Nông, một số người dân trú tại xã Nâm N’Jang (Đắk Song) phản ánh: Ngày 19/8/2016, có một số người đã chặt nhiều cây thông dọc theo hai bên Quốc lộ 14 đoạn qua xã Nâm N’Jang. Khi người dân thắc mắc thì những người chặt thông cho biết, họ được Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song thuê.
Cùng ngày, phóng viên Báo Đắk Nông đã trực tiếp xác minh, tìm hiểu sự việc. Đúng như phản ánh của người dân, ngày 19/8/2016, có một số người đã thực hiện việc chặt hạ cây thông dọc theo Quốc lộ 14. Những người này cũng xác nhận việc họ được Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song thuê chặt thông.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Dân, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Đắk Song cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song đang triển khai chặt hạ những cây thông bị chết dọc theo Quốc lộ 14 để trồng lại. Việc chặt thông bảo đảm theo quy định, có thiết kế đã được phê duyệt. “Việc chặt thông được giám sát chặt chẽ và hoàn toàn không có chuyện người dân tự ý chặt thông giữa ban ngày”, ông Nguyễn Đình Dân khẳng định. (Báo Đắk Nông 24/8) đầu trang(
Bạn đọc Phan Thanh Hải ở xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết: Mặc dù được giao quản lý hơn 1.400ha rừng phòng hộ nhưng đến nay, diện tích rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý chỉ còn 200ha. (Quân Đội Nhân Dân 24/8) đầu trang(
Ngày 24/8, nguồn tin từ UBND tỉnh nhận định chủ trương xã hội hóa đề nghị cho Công ty Khang Linh trồng rừng trong lòng hồ Thủy Lợi chưa thể thực hiện.
Cũng theo nguồn tin, UBND thị xã Đồng Xoài đã có những động thái tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của các hộ dân sinh sống trong khu vực lòng hồ. Tại Công văn số 1095/ UBND-KT, ông Giang Xuân Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài khẳng định Công ty Khang Linh không thuộc đối tượng ưu tiên. Cụ thể, chủ trương xã hội hóa công tác trồng rừng tại vùng bán ngập thủy lợi Phước Hòa của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) là đúng đắn.
Tuy nhiên việc đồng ý cho Công ty Khang Linh thực hiện trồng rừng tại vùng bán ngập không phù hợp với quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bởi, đối tượng được ưu tiên phải là các hộ dân có đất bị thu hồi trong khu vực này. Công ty Khang Linh chỉ được xét đề nghị khi các hộ dân không nhận khoán đất. Trong khi đó vẫn còn 26 hộ dân nằm trong vùng bán ngập có đất nhưng chưa được đền bù, giải tỏa.
Chiều cùng ngày, một lãnh đạo UBND thị xã Đồng Xoài cho biết: “Chúng tôi đã gửi phúc đáp đến Văn phòng UBND tỉnh về vấn đề này. Trước mắt UBND tỉnh nên chỉ đạo cho Sở NN&PTNT để giải quyết công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng cho 26 hộ dân. Sau đó tiến hành việc bàn giao mốc cho địa phương quản lý. Công tác xã hội hóa tại khu vực bán ngập lòng hồ Thủy điện phải đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người dân”. (Tầm Nhìn 24/8) đầu trang(
Sau những vụ việc ồn ào về tranh chấp hợp đồng xuất khẩu, gần đây doanh nghiệp gỗ bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của thị trường nội địa và quay về giành lại chỗ đứng.
Theo thống kê của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) chỉ khoảng 40% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Đến 60% là các sản phẩm của các doanh nghiệp Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan... Tuy nhiên vẫn chưa muộn để doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thể gia tăng được thị phần nội đia, khi tận dụng tối đa lợi thế của mình, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do đang tới gần.
Đang nằm trong tâm bão tranh chấp với doanh nghiệp của chồng ca sĩ Thu Minh, nhưng những ngày gần đây, Công ty TNHH Gia Hân cũng tranh thủ ra mắt chi nhánh mới để củng cố thị trường nội địa. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang tận dụng kênh online để thúc đẩy bán hàng trong nước, thay vì rốt ráo tìm kiếm hợp đồng đặt hàng xuất khẩu.
Đại diện Gia Hân cho biết, phần lớn doanh nghiệp gỗ Việt Nam có quy mô nhỏ, nên việc mải miết tìm đơn hàng xuất khẩu sẽ gặp phải những rủi ro lớn. Vì vậy việc nhận thức lại tầm quan trọng của thị trường nội địa giúp doanh nghiệp có bệ đỡ an toàn hơn.
"Không nhất thiết là bỏ hẳn xuất khẩu nhưng chúng tôi đang chú trọng hơn vào thị trường nội địa. Điều này ít ra cũng có chỗ dựa tốt trước những rủi ro xuất khẩu”, đại diện Gia Hân chia sẻ.
Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật Gia Long cũng cho rằng, sự phát triển về số lượng cửa hàng nội thất của doanh nghiệp trong nước thời gian gần đây, cũng như sự đa dạng sản phẩm đã cho thấy doanh nghiệp gỗ nhìn nhận nghiêm túc hơn về thị trường nội địa”.
Số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay nhu cầu đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng. Ước tính doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm (bằng một nửa doanh thu xuất khẩu, hiện doanh thu xuất khẩu gỗ đạt khoảng 7 tỷ USD năm 2015). Rõ ràng đây là một thị trường không nhỏ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng để gia tăng doanh thu và thị phần.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Công ty Mifaco, việc quay lại thị trường đã được tính toán rất kỹ từ những năm gần đây. Tuy vậy, thị trường trong nước luôn có “biến”, các doanh nghiệp vẫn còn rất dè dặt. Trở lại thị trường trong nước mặc dù là sân nhà, nhưng cần phải có sự liên kết giữa nhiều bên để có thể tham gia vào chuỗi kinh doanh sản phẩm phù hợp với mình.
“Sự liên kết các bên này cũng đem đến nhiều cơ hội cho đầu ra sản phẩm và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền, nhà xưởng ưu tiên sản xuất cho thị trường nội địa với những đơn hàng nhỏ lẻ. Hiện nay, doanh thu xuất khẩu của công ty khoảng 250 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, nếu khai thác tốt thị trường nội địa thì vài năm tới cũng có thể đạt được con số tương đương”, ông Hiệp khẳng định.
Cũng theo các doanh nghiệp, việc giành lại thị trường nội địa từ các công ty nước ngoài không phải là quá khó nếu công ty trong nước hợp tác được với nhau. Tuy nhiên, kênh bán hàng vẫn là rào cản lớn cho các doanh nghiệp nội, nên việc liên kết cùng nhau xây dựng các trung tâm phân phối là điều nên làm.
Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch HAWA, cho rằng sau hơn 2 năm quay trở về bán sản phẩm tại thị trường nội địa, tỉ lệ hàng nội thất của các doanh nghiệp Việt đã tăng 20% lên 40%, hàng ngoại mất dần ưu thế.
"Điều cần nhất của các doanh nghiêp là phải coi trọng thị trường trong nước, vì đây là sân nhà, là thị trường mà chính bản thân doanh am hiểu nhất", ông Hạnh nói.
Cũng theo Phó chủ tịch HAWA, với đồ gỗ, nội thất, nhu cầu của thị trường nội địa mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 tỷ USD. Về lâu dài nhu cầu sẽ tăng lên, và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt giành lấy thị phần trước khi có sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ các thương hiệu nước ngoài. (Zing News 22/8) đầu trang(
Những năm gần đây, ngành chế biến lâm sản (CBLS) đang gặp nhiều khó khăn do tác động của việc đóng cửa rừng tự nhiên và những bất cập trong quy hoạch ngành và phát triển mạng lưới chế biến.
Theo Dự án quy hoạch đến năm 2020, đưa CBLS trở thành  một ngành quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 triệu USD, 100% cơ sở chế biến có dây chuyền tinh chế với công nghệ hiện đại. Trong dự án này cũng xác định vị trí các cơ sở CBLS phải nằm trong khu, cụm công nghiệp (KCCN) hoặc điểm quy hoạch và phải có vùng nguyên liệu ổn định.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch trên thực tế đã xuất hiện những bất cập, cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp CBLS. Cụ thể, do hạ tầng các KCCN chưa được xây dựng đồng bộ, nên đã dẫn đến khó khăn cho việc di dời các cơ sở sản xuất vào đây. Theo Quyết định số 3244/QĐ-UBND ngày 14-12-2010 của UBND tỉnh về việc di dời các cơ sở CBLS vào các KCCN, đến 31-12-2012, 100% cơ sở CBLS phải di dời vào các KCCN, tuy nhiên, mới chỉ có rất ít doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’leo, M’Đrắk, Cư Kuin, Krông Búk, Ea Kar và Ea Súp di dời theo quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 2242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 – 2020, Đắk Lắk đã đóng cửa rừng, không có chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên, do đó, nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở CBLS bị suy giảm, đặc biệt là gỗ tự nhiên, nên phần lớn phải sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ vườn và gỗ công nghiệp.
Để tháo gỡ các khó khăn trên, UBND tỉnh đã có văn bản điều chỉnh vị trí và điều kiện hoạt động của các cơ sở CBLS. Theo đó, các cơ sở có thể nằm trong các KCCN và điểm quy hoạch, hoặc ở địa điểm được UBND tỉnh chấp thuận dự án đầu tư và không yêu cầu có vùng nguyên liệu, miễn là sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp từ gỗ rừng trồng, gỗ vườn, gỗ rừng tự nhiên.
Năm 2010, toàn tỉnh có khoảng 100 cơ sở CBLS, 400 cơ sở sản xuất đồ mộc, nhưng hiện chỉ còn  66 cơ sở CBLS và 250 cơ sở sản xuất đồ mộc (có đăng ký kinh doanh) đang duy trì hoạt động. Vừa qua, Chi cục Quản lý chất lương nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra tại 61 cơ sở CBLS thuộc các địa phương: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Ea H’leo, Krông Năng và Krông Búk cho thấy, hoạt động sản xuất của các cơ sở này gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc vào các doanh nghiệp cao su thanh lý vườn cây mới có nguyên liệu để sản xuất; thị trường tiêu thụ chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu.
Để tự cứu mình, cơ sở CBLS cũng đã chủ động chuyển hướng từ cưa xẻ, chế biến gỗ rừng tự nhiên sang tinh chế, thi công công trình xây dựng dân dụng bằng gồ rừng trồng và gỗ công nghiệp. Đơn cử như Công ty TNHH Tín Nghĩa Đắk Lắk (CCN Tân An 1) đã sớm trang bị cho mình dây chuyền chế biến công suất 500 m3 sản phẩm gỗ tinh chế/năm.
Ông Lê Thanh Xuân, Giám đốc công ty cho biết, để duy trì sản xuất kinh doanh, không còn cách nào khác, đơn vị phải sử dụng phần lớn các loại gỗ cao su thanh lý, gỗ vườn và chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm, nhờ vậy, sản phẩm của công ty không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ; thu nhập của 70 lao động ổn định ở mức 4 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, cơ sở sản xuất mộc dân dụng Minh Hoàng (xã Hòa Đông, TP. Buôn Ma Thuột) cũng chỉ nhận các đơn hàng sử dụng gỗ công nghiệp và đầu tư thêm một số máy móc để gia công sản phẩm đạt độ tinh xảo và thẩm mỹ cao làm vừa lòng khách hàng.
Phát triển công nghiệp CBLS tại địa bàn Đắk Lắk hiện là hướng đi đúng nhờ nguồn nguyên liệu rừng trồng rất lớn. Tuy nhiên, do năng lực, vốn có hạn, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến rất cần Nhà nước hỗ trợ trong việc đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và tăng tỷ lệ sản phẩm tinh chế. Cùng với đó là thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy CBLS, tinh bột giấy, viên nén gỗ… gắn với vùng nguyên liệu tại một số địa phương có thế mạnh về rừng trồng như M’Đrắk, Lắk, Krông Bông…  (Báo Đắk Lắk 23/8) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Ngày 24-8, các nhân viên cứu hỏa Mỹ tiếp tục chống chọi với các đám cháy rừng đang hoành hành ở bang California.
Đến nay, đã có hơn 10.000 nhân viên cứu hỏa được điều động chống cháy rừng ở bang này, nhưng khi họ vừa dập tắt đám cháy này thì đám khác lại bùng lên.
Một trong các đám cháy lớn là "đám cháy Blue Cut" ở hạt San Bernardino đã thiêu rụi 14.000ha, phá hủy 321 tòa nhà, trong đó có 105 nhà dân và buộc hơn 82.000 người sơ tán. Đám cháy này vừa được kiểm soát hôm qua 23-8.
Một đám cháy khác là "đám cháy Chimney", bùng phát hôm 13-8, đến nay đã thiêu rụi gần 12.950 hecta và phá hủy 48 công trình xây dựng, trong đó có 48 nhà dân. Hiện lực lượng cứu hỏa chỉ mới kiểm soát được 20% đám cháy.
Sở cứu hỏa California đã bày tỏ lo ngại về khả năng khống chế đám cháy trong bối cảnh lửa đang lan nhanh tới các khu vực lân cận. "Chúng tôi đang thiếu nhân viên, chúng tôi bị dàn trải", Patrick Walker - chỉ huy chữa cháy ở hạt San Diego nói.
Trong khi đó tại bang Washington, các đám cháy rừng lan rộng cũng khiến nhà chức trách phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở 20 hạt.
"Các đám cháy này đang đe dọa người, tài sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực đông Washington", Thống đốc Jay Inslee cho biết trong một tuyên bố.
Nhiều địa phương khác cũng đang xảy ra cháy rừng. Theo Trung tâm cứu hỏa quốc gia Mỹ, cả nước hiện đang có 32 vụ cháy lớn, với số lính cứu hỏa được điều động lên đến 18.000 người. (Tuổi Trẻ 24/8)đầu trang(./.