Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 23 tháng 07 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Theo thông báo của Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học, Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học (sau đây gọi tắt là Nghị định thư Nagoya về ABS) sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 10 năm 2014.
​Nghị định thư được thiết lập với mục tiêu chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen nhằm đóng góp cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học.
Nghị định thư Nagoya về ABS lần đầu tiên chính thức điều chỉnh một số vấn đề cơ bản đảm bảo việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) được thực thi như: các định nghĩa về mục tiêu, thuật ngữ, phạm vi và mối quan hệ với các văn kiện quốc tế khác, các nguyên tắc và các yêu cầu chính về chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý khi tiếp cận nguồn gen, tri thức truyền thống, các cơ chế để thực thi bao gồm cả cơ chế chia sẻ lợi ích đa phương và cơ chế trao đổi thông tin về ABS, các biện pháp để thúc đẩy nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và hoạt động chuyển giao công nghệ về ABS.
Đây được xem như những thành tựu chính trong sự phát triển về luật pháp và chính sách quốc tế về ABS.
Tính đến ngày 14 tháng 7 năm 2014, Nghị định thư Nagoya về ABS đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ phê chuẩn, gia nhập, bao gồm: Ai Cập, Ấn Độ, Albania, Belarus, Benin, Bhutan, Botswana, Burkina Faso, Burundi, Comoros, Côte D’Ivoire, Đan Mạch, Ethiopia, Fiji, Gabon, Gambia, Guatemala, Guinea Bissau, Guyana, Honduras, Hungary, Indonesia, Jordan, Kenya, Nam Phi, Namibia, Niger, Na Uy, Madagascar, Mauritius, Mexico, Mozambique, Mông Cổ, Myanmar, Lào, Liên bang Micronesia, Liên minh châu Âu (EU), Panama, Peru, Rwanda, Samoa, Seychelles, Sudan, Syria, Tây Ban Nha, Tajikistan, Thụy Sĩ, Uganda, Uruguay, Vanuatu và Việt Nam.
Phát biểu nhân sự kiện này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nói: “Nghị định thư Nagoya rất quan trọng trong việc sử dụng công bằng và bền vững đa dạng sinh học. Tôi đánh giá cao các quốc gia thành viên đã phê chuẩn công cụ pháp lý quốc tế quan trọng này. Bằng việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới năm 2002 về Phát triển bền vững, các quốc gia nêu trên đã đóng góp đáng kể cho chương trình nghị sự phát triển bền vững sau năm 2015″.
Nhận thức được tầm quan trọng phải bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn gen quý hiếm, bản địa của Việt Nam, ngày 17 tháng 3 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về việc gia nhập Nghị định thư Nagoya về ABS và ngày 23 tháng 4 năm 2014, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 31 của Nghị định thư. Việc tham gia Nghị định thư Nagoya về ABS thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học.
Một số nội dung quan trọng đã được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2014:
1. Tổ chức phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc tiếp cận nguồn gen tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2000-2013;
2. Xây dựng dự thảo Đề án“Tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen”;
3. Xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trình Chính phủ.
Đây là Hiệp ước quốc tế thứ 5 liên quan đến đa dạng sinh học mà Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối quốc gia, bao gồm Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, Nghị định thư bổ sung Nagoya- Kualar Lumpur vể nghĩa vụ pháp lý và bồi thường đối với Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. (Con Người & Thiên Nhiên 22/7) đầu trang(
Cùng với xử phạt chủ xe Sương số tiền 3 triệu đồng vì vận chuyển lâm sản trái phép; kiểm lâm huyện Sơn Hà còn tịch thu toàn bộ số vỏ cây bùi, với tổng trọng lượng 1,1 tấn.
Trong khi tuần tra kiểm soát trên tuyến đường liên huyện Di Lăng (huyện Sơn Hà) - Trà Trung (huyện Sơn Tây), lực lượng kiểm lâm huyện Sơn Hà phát hiện xe tải BS: 76C - 009.45, do Đinh Sương (SN 1987, ngụ xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà) làm tài xế, vận chuyển trái phép 1,1 tấn vỏ cây bùi.
Cùng với xử phạt chủ xe Sương số tiền 3 triệu đồng; kiểm lâm huyện Sơn Hà đã tịch thu toàn bộ số vỏ cây bùi trên. Theo các tư thương, vỏ cây bùi được mua với giá từ 6.000-10.000 đồng/kg để bán sang Trung Quốc; hoặc bán cho các cơ sở làm nguyên liệu pha trộn sản xuất nhang (hương).
Trao đổi với PV vào ngày 22-7, ông Tạ Tiến - Hạt trưởng kiểm lâm huyện Sơn Hà cho biết: "Thời gian qua cùng với cây ươi rừng, tình trạng người dân đốn hạ cây bùi để lấy vỏ bán diễn ra khá phổ biến tại nhiều cánh rừng trong tỉnh. UBND huyện Sơn Hà đã có văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng huyện và chính quyền địa phương nghiêm cấm đốn hạ cây bùi lấy vỏ bán; xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép vỏ cây bùi". (Công An TPHCM 23/7) đầu trang(
22.7, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ khu dự trữ sinh quyển Langbiang gồm 15 thành viên, do ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - làm trưởng ban và ông Lê Văn Hương - GĐ VQG Bidoup Núi Bà - làm phó trưởng ban.
Nhiệm vụ của ban này là giúp UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan và tổ chức có liên quan phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng hồ sơ khu dự trữ sinh quyển Langbiang trình UNESCO công nhận.
Dự kiến, khu dự trữ sinh quyển Langbiang là khu hệ động thực vật khá phong phú, đa dạng, độc đáo, nằm trong vùng rừng Bidoup Núi Bà thuộc địa phận huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. (Lao Động 23/7, tr3) đầu trang(
Với giá bán khoảng 400.000-500.000 đồng/kg trái xay đã chế biến sẵn, xay hiện là thứ quả "ăn chơi" yêu thích của chị em phụ nữ. "Mùa" kiếm tiền từ buôn bán trái xay bắt đầu khởi động...
Mùa quả ươi qua đi cũng là lúc các cửa hàng online lên kế hoạch kinh doanh mới, những mẩu giao vặt về trái xay bắt đầu xuất hiện tại nhiều trang mạng online.
Theo khảo sát của PV, các sản phẩm chế biến từ trái xay gồm: trái xay tươi, xay ngâm đường, xay ngâm chua cay,… Xay tươi thường bán ra thị trường với giá: Loại 1: 130.000 đồng/ kg, loại 2: 160.000 đồng/kg. Xay ngâm đường: 400.000-500.000 đồng/kg.
Chị Mai Hạnh, chủ một gian hàng online chuyên bán các sản phẩm từ trái xay cho biết: “Hiện tại mới là đầu mùa xay nên lượng hàng chưa có nhiều, nhưng nhập về đến đâu khách đặt hết đến đó. Đối tượng khách hàng chủ yếu là chị em công sở, sinh viên…”. Theo chị Hạnh, thu nhập mỗi tháng từ kinh doanh trái xay của chị khoảng 4-5 triệu.
Chị Hoa (Cầu Giấy, HN) cho biết “Cứ đến mùa xay là tôi đặt vài lọ xay ngâm đường, ít xay tươi về ăn chơi. Trái xay nhiều chất xơ nên có thích hợp cho người đang ăn kiêng như tôi, nó lại giúp giản nồng độ cholestérol trong máu”.
Trái xay còn có tên gọi khác trái Nhung. Gọi là trái Nhung vì ở ngoài lớp vỏ trái xay có một lớp long tơ mịn như nhung phủ lên bên trên vỏ. Trái xay có mùi vị rất lạ, rất đặc trưng của một loại trái cây rừng nên không bao giờ bị nhầm lẫn với các loại trái cây khác.
Hình dáng trái xay có hình bầu dục hơi dẹp. Bên ngoài lớp vỏ trái xay có màu đen đen hay nâu thẫm. Lớp vỏ bên ngoài của trái giòn, chỉ cần dùng tay ấn nhẹ là sẽ làm vỡ lớp vỏ để lộ ra lớp thịt bên trong. Thịt bên trong trái thường có màu vàng đậm, thịt xốp và mềm. Khi ăn vào miệng, cảm giác đầu tiên ta có thể nhận thấy là vị chua chua, nhưng để lâu hơn một chút ta sẽ thấy vị chua chua ấy tan biến mà đọng lại là vị ngọt thanh rất riêng biệt trong miệng...
Xay có thể dùng để ăn sống hay thường thì được đem rim chung với đường. Đây là một món ăn được các bạn trẻ rất yêu thích. Vị ngọt ngọt chua chua nhè nhẹ của xay thu hút được hầu hết những thực khách đã từng nếm thử qua. Hết hè sang thu, trái xay lại nở rộ trên các cành cây cao ngất ngưỡng, chỉ là một món ăn dân dã thôi nhưng xay đã làm "say" lòng biết bao nhiêu thực khách.
Mùa xay chín rộ nhất thường bắt đầu vào giữa tháng 7 và kéo dài đến đầu tháng 9. Vì trái xay chứa lượng chất đạm protéine thấp,chất xơ dạng thô cao vừa phải, nên loại quả dùng để “ăn chơi” này có thể giúp giảm nồng độ cholestérol trong máu.
Xay là một loại cây thuộc dạng lớn trong rừng, thường cao từ 30-40m. Người ta có thể mang sào dài, đập cho trái rụng xuống rồi nhặt bỏ vào bao. Nhưng đó là cách mất nhiều thời gian và công sức mà hiệu quả lại chẳng được bao nhiêu.
Vì vậy, cách được nhiều người dân nơi đây lựa chọn vẫn là… leo cây, chặt hết cành xuống để những người cùng đoàn với mình thu hoạch “trọn gói”. Một đoạn dây thừng dài và chắc chắn, một móc liêm, thế là đủ để thành “người vượn”. Với những cây không thể leo trực tiếp, họ thường chọn những cây xung quanh rồi tìm cách tiếp cận dần đến “đối tượng”.
Với giá xay được mua hiện khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, hàng trăm người dân 2 địa phương trên có thể thu về từ loại lâm sản này từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày/người, một mức thu nhập khá hấp dẫn so với tiền công đi làm thuê.
Trái xay rừng, mang về thu nhập khá cho người dân miền núi. Do thu hoạch bằng cách chặt cành nên những cây bị chặt năm trước không đủ sức để cho trái ngọt vào vụ sau.
Vì thế, để có được thứ trái “ăn chơi” đó, nhiều người phải vào tận rừng sâu mới mong “còn đất”. Mùa xay chín rộ nhất thường vào giữa tháng 7 đến đầu tháng 9 âm lịch. Nhưng ngay từ lúc trái xay còn non đã có biết bao người tranh nhau chiếm giữ từng gốc cây, từng thước rừng. (Người Đưa Tin 22/7) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay Hạt kiểm lâm thị xã đã kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 7,99m3 gỗ các loại.
Đối với khu vực thôn Nà Nọc, xã Xuất Hóa, giáp ranh với xã Tân Sơn của huyện Chợ Mới, nơi có một số gỗ quý đã được tăng cường  thêm cán bộ kiểm lâm trực 24/24 trong tháng nên thời gian qua chưa có vụ vi phạm xảy ra tại địa bàn trên.
Thời gian tới Hạt kiểm lâm thị xã phối hợp với các xã tiếp tục tăng cường kiểm tra, tuần tra  nhằm  kịp thời phát hiện và xử lý các vụ vi phạm. (Báo Bắc Kạn 23/7) đầu trang(
Tại nhiều địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên, năm nay rừng ươi sai quả bán được giá cao, dẫn đến nạn khai thác trái phép rộ lên với những diễn biến phức tạp.
Hàng trăm đối tượng mang cưa máy vào rừng chặt hạ cây ươi, nhiều cánh rừng ươi dần bị "xóa sổ" và đã có không ít trường hợp tử vong, thương tích nặng trong quá trình leo trèo, chặt, hái để thu hoạch ươi rừng. Ươi là loại cây có giá trị kinh tế cao, được dùng để giải khát và chữa bệnh.
Tại Phú Yên, nhiều người dân đổ xô vào các khu rừng thuộc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), các xã Ea Trol, xã Sông Hinh, Ea Bar (huyện Sông Hinh) hái lượm quả ươi về bán cho các thương lái thu gom với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg tươi và 150.000 - 300.000 đồng/kg khô.
Tuy nhiên do nhiều người đổ xô đi tìm nên không ai "cầm lòng" lượm ươi bay (sau khi già quả ươi bay rụng xuống dưới đất) theo cách truyền thống mà đổ xô đi hái ươi non. Do cây ươi to và cao 20 - 30m nên nhiều đối tượng dùng cưa lốc cắt hạ cả thân cây có tán rộng hàng chục mét, chặt phá các cây xung quanh để hái cả hạt ươi xanh và chín, gây phá rừng trên diện rộng.
Tại 2 huyện Khánh Sơn và huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), người khai thác ươi vào rừng dựng lán trại, sau đó đánh dấu, phân chia từng cây ươi để chờ ngày hái quả. Hàng ngày, mỗi nhóm này chặt hạ từ 2 đến 4 cây ươi, mỗi cây chỉ thu được vài chục kg quả già. Một ngày đi khai thác quả ươi có thể có thu nhập từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng tùy theo chất lượng trái.
Chính vì thu nhập cao hơn nhiều so với công việc làm nương rẫy của bà con địa phương, nên họ không ngần ngại đốn hạ những cây ươi hàng chục năm tuổi để thu hoạch.
Tại Bình Định, Chi cục kiểm lâm tỉnh đã tổ chức 45 đợt truy quét, phát hiện nhiều nhóm lâm tặc cưa hạ hơn 290 cây ươi cổ thụ ở khu vực rừng đầu nguồn, thu giữ hơn 24 tấn hạt ươi. Có trường hợp đã ngụy trang thành xe cấp cứu để che mắt cơ quan chức năng vận chuyển ươi từ vùng cao về miền xuôi tiêu thụ.
Hơn 50 héc-ta diện tích cây ươi của huyện Nam Đồng (Thừa Thiên - Huế) có độ tuổi từ 20 - 30 năm đã bị chặt để lấy quả. Qua công tác kiểm tra, xử lý lực lượng kiểm lâm chỉ thu được 3 tạ hạt ươi khô nhưng thực tế con số này vẫn chưa tương xứng với nạn khai thác đang diễn ra ồ ạt. Cơn sốt săn quả ươi từ các tỉnh miền Trung đã lan đến Tây Nguyên, bà con các xã Ea Trang, Cư San… (huyện M'Drak) rủ nhau vào rừng chặt phá cây ươi để lấy quả.
Đi dọc quốc lộ 26, đoạn từ đầu xã Ea Trang đến sát đèo Phượng Hoàng, có thể thấy quả ươi được phơi như cà phê trước sân, hay chất từng bao ở trong nhà. Tại khu vực gần chốt kiểm dịch động vật đèo Phượng Hoàng, ban đêm có nhiều người chở từng bao tải ươi từ các hướng về nhập cho thương lái đã cho ô tô tải chờ sẵn.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khai thác cây ươi trái phép, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các ban quản lý rừng tỉnh Quảng Nam cần duy trì hoạt động truy quét tại các khu vực trọng điểm đang xảy ra tình trạng chặt cây ươi; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hạt ươi trên các tuyến giao thông và các trạm barrie.
Ngành quản lý thị trường cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý tình trạng mua bán, tàng trữ, kinh doanh hạt ươi trái phép để góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội tại các địa phương.
UBND huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã yêu cầu UBND các xã, đặc biệt là xã Ea Trol, Sông Hinh, Ea Bar và các ngành chức năng của huyện tổng kiểm tra, truy quét việc khai thác, thu mua, cất giữ, vận chuyển hạt ươi trái phép; lập danh sách các đầu nậu thu mua hạt ươi trái phép để xử lý nghiêm minh; triển khai lực lượng phối hợp cùng chủ rừng kiểm tra ngăn chặn tại các điểm phá rừng. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các điểm thu mua quả ươi. Chỉ khi ngăn chặn được đầu ra thì mới kiểm soát được nạn chặt phá tận diệt trong điều kiện lực lượng kiểm lâm thì mỏng mà rừng lại rộng lớn.
Hơn nữa, nhìn lại những năm gần đây nước ta luôn diễn ra những đợt thu mua lạ kỳ nông sản, lâm sản mà chủ yếu bắt nguồn từ thương lái Trung Quốc, khiến bao bà con lâm vào cảnh điêu đứng sau khi thương lái bỏ đi không thu mua nữa. Mong bà con cần cảnh giác hơn với những âm mưu lừa đảo để tránh lặp lại những thiệt hại mà trước đó nhiều người đã mắc phải. (Công Thương 23/7) đầu trang(
22/7, Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Quảng Nam cho biết, hồi tháng 6, máy bẫy ảnh của WWF tại khu rừng tự nhiên thuộc tỉnh Quảng Nam ghi nhận một con gấu ngựa quý hiếm.
Theo WWF kể từ tháng 12/2012, đây là lần thứ 2, gấu ngựa được máy bẫy ảnh của WWF ghi nhận.
Bẫy ảnh của WWF còn ghi nhận nhiều bức ảnh về các loài động vật quý hiếm như: tê tê Java, hoẵng lớn, sơn dương, thỏ vằn Trường Sơn, đặc biệt là Sao la - loài được tái phát hiện sau 15 năm vắng bóng tại Việt Nam.
Theo WWF, gấu ngựa được Sách đỏ thế giới liệt kê vào danh sách những loài nguy cấp. Tại Việt Nam, việc săn bắt, nuôi nhốt và buôn bán loài này là bất hợp pháp. (Tiền Phong 23/7, tr2; An Ninh Thủ Đô 23/7, tr2) đầu trang(
Nằm trong khu vực vịnh Bái Tử Long và sát cạnh Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long được ví như “mái nhà” yên bình nơi lưu giữ và bảo tồn đa dạng sinh học giữa trùng khơi ở vùng biển Ðông Bắc của Việt Nam.
Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Vườn Quốc gia BTL) có trên 40 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc địa giới hành chính của 3 xã: Minh Châu, Vạn Yên và Hạ Long (huyện Vân Đồn) với tổng diện tích tự nhiên 15.783ha, trong đó phần diện tích các đảo nổi 6.125ha, diện tích mặt nước biển là 9.658ha.
Mặc dù tổng diện tích không lớn, nhưng Vườn Quốc gia BTL có đủ 3 hệ sinh thái cơ bản: Rừng trên cạn, đất ngập nước và biển, với diện tích đủ lớn cho các khu, hệ động, thực vật rừng, biển sinh sôi, phát triển. Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long phối hợp với Phân viện điều tra quy hoạch rừng và Viện sinh thái tài nguyên sinh vật, các tổ chức đã thống kê được 2.259 loài sinh vật.
Trong đó, hệ sinh thái rừng gồm các nhóm: Thực vật bậc cao có mạch, thú, chim, bò sát, lưỡng cư. Hệ sinh thái biển gồm các nhóm: Rong biển, động thực vật phù du, giun đốt, thân mềm, giáp xác, da gai, san hô, cá...
Trong số 106 loài động thực vật phân bố trong Vườn Quốc gia Bái Tử Long được đưa vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30  tháng 3  năm 2006 của Chính phủ, quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, có một số loài tiêu biểu cho các nhóm như: Bồ câu nâu, báo gấm, báo lửa, sơn dương…
Bên cạnh rừng, hệ sinh thái đất ngập nước với diện tích 1.000ha gồm rừng ngập mặn, bãi triều cát, bãi triều đá và thảm cỏ biển là nguồn cung cấp thức ăn vô cùng phong phú cho nhiều loài hải sản. Với những giá trị thiên nhiên trên, Vườn Quốc gia BTL thực sự là kho báu vô giá của quốc gia cần phải bảo vệ và giữ gìn đặc biệt.
Nhận thức được tầm quan trọng của Vườn Quốc gia đối với môi trường sinh thái, trong những năm qua, công tác bảo vệ các nguồn đa dạng sinh học tại đây luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Vườn Quốc gia BTL cho biết:  Hiện Vườn đã cho xây dựng bộ máy Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức tiếp nhận, cứu hộ thả về rừng 255 cá thể Khỉ đuôi dài, và các loài Cầy hương, Lợn rừng, Rắn hổ mang chúa, Rắn hổ mang, Rắn ráo, Mèo rừng...
Bên cạnh đó, công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng được BQL Vườn chú trọng bằng việc tổ chức thực hiện biên soạn tài liệu tổ chức các cuộc thi về bảo tồn động thực vật hoang dã, xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị ngư dân trên biển, thiết kế in ấn tờ rơi, cập nhật và xây dựng thông tin giới thiệu về Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Vườn Quốc gia BTL còn tăng cường sự tham gia của cộng đồng bảo vệ tài nguyên với việc triển khai dự án 661, hỗ trợ kinh phí thành lập các tổ bảo vệ rừng để cộng đồng tham gia tuần tra, phát hiện và góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm. Nhờ các biện pháp nêu trên, lực lượng bảo vệ đã kịp thời phát hiện hầu hết các vụ vi phạm đối với tài nguyên rừng.
Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2014  chỉ có 1 vụ vi phạm xây dựng trên đất rừng. BQL còn tích cực hướng dẫn 22 cộng đồng dân cư thôn bản thuộc 5 xã Vạn Yên, Hạ Long, Minh Châu Quan Lạn, Bản Sen xây dựng kế hoạch và ký cam kết bảo vệ rừng đặc dụng. Thực hiện thí điểm “cơ chế chia sẻ lợi ích” nguồn lợi thủy sản nhằm quản lý bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi cho cộng đồng. Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trong vùng biển Vườn quốc gia và hướng dẫn nhân dân địa phương nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch...
Mặt khác, Vườn Quốc gia cũng tích cực tham gia các dự án hợp tác như Dự án nghiên cứu vịnh Bái Tử Long của tổ chức Frontier - Việt nam với nội dung đánh giá hệ sinh thái Rừng Vườn quốc gia Bái Tử Long và vùng đệm nhằm thu thập thông tin cơ bản để giám sát môi trường. Dự án bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các đảo và thềm lục địa Vườn quốc gia Bái Tử Long. Cải thiện sinh kế cho cộng đồng trong khu vực nhằm giảm thiểu tác động xấu đến vườn quốc gia....
Chính nhờ những biện pháp tích cực và đồng bộ, nên trong thời gian qua, Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã thực sự trở thành một “tổ ấm” an toàn và thân thiện, nơi lưu giữ và phát huy những nguồn động thực vật quý cho sự đa dạng sinh học của cả nước. (Tài Nguyên & Môi Trường 22/7, tr5) đầu trang(
Tại thôn Ga Nin, xã A Xan, huyện Tây Giang hiện đang có rừng cây Pơ mu nguyên sinh, có 922 cây, nhiều cây to có đường kính trên 1 m cao từ 30-40m.
Ông Bh’riu Liếc-Bí thư Huyện uỷ Tây Giang cho biết:  Huyện đang chuẩn bị hoàn thành hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận rừng Pơmu Tây Giang là cây di sản Việt Nam.
Để bảo vệ rừng cây quý hiếm này, huyện Tây Giang đã tổ chức đánh số, lập tổ bảo vệ rừng với 29 người, dựng lán trại trong rừng để bảo vệ. (Khoa Học & Đời Sống 23/7, tr4) đầu trang(
Ban Thư ký Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Tổ chức Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc cung cấp cho cơ quan Hải quan các công cụ tốt hơn nhằm kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu các loài động thực vật nằm trong danh mục của CITES.
Đây là dữ liệu thương mại quốc tế về các loài nằm trong danh mục của CITES hay còn gọi là ACITES sẽ được tích hợp đầy đủ vào Hệ thống tự động về dữ liệu Hải quan (ASYCUDA) của UNCTAD.
ASYCUDA là một hệ thống quản lý hải quan tự động hóa, hiện đã có hơn 90 quốc gia áp dụng hệ thống này trong các thủ tục thương mại quốc tế. Hệ thống ACITES ASYCDA sẽ kết nối với hệ thống hải quan tự động và cơ quan Hải quan sẽ dựa trên cơ sở danh mục của CITES trong đó có hơn 35.000 loài động thực vật hoang dã được liệt kê.
Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyl cho biết, mục tiêu chính của sự hợp tác giữa Ban thư ký CITES và UNCTAD nhằm đảm bảo thương mại quốc tế nâng cao đời sống cho người nghèo và tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nhưng không gây ảnh hưởng đến việc bảo tồn các loài động thực vật thuộc danh mục CITES và sẽ tuân thủ quy định của CITES và luật pháp quốc tế.
Do đó, việc hài hòa dữ liệu điện tử của CITES phù hợp với tiêu chuẩn của ASYCUDA là cần thiết, đồng thời giúp các nước thành viên CITES theo dõi các loài được phép kinh doanh thông qua chuỗi kinh doanh của họ. Điều này góp phần nhằm đảm bảo sử dụng bền vững các loài được kinh doanh hợp pháp.
Tổng Thư ký CITES John E.Scanlon cho biết thêm, việc cung cấp công cụ hữu hiệu cho cơ quan Hải quan nhằm nâng cao hơn nữa việc kiểm soát thương mại quốc tế về các loài nằm trong danh mục CITES. Đồng thời, góp phần bảo đảm việc kinh doanh các loài hợp pháp và ngăn chặn nạn buôn bán trái phép. (Hải Quan 23/7) đầu trang(
Thiên nhiên ưu ái cho rừng Quảng Nam rất nhiều loại sản vật quý hiếm, trong đó có cây ươi (hay còn gọi là cây thạch, cây đười ươi).
Có thời điểm, loài cây này đã giúp cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, cây ươi cũng đang đứng trước nguy cơ tận diệt bởi những kẻ vừa hái lộc, vừa phá rừng…
Cây ươi thuộc loại thân gỗ, cao chỉ sau cây chò, có đường kính gốc lên đến trên 1m, chiều cao từ 20 - 40m và 4 năm mới cho trái một lần. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cây ươi phân bố hầu hết ở các huyện miền núi Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Nông Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My...
Từ xưa đến nay, người dân địa phương vẫn xem hạt ươi như một thứ giải khát. Hạt ươi khô khi ngâm vào nước khoảng 15 phút sẽ nở bung, cho thêm chút tạo vị ngọt sẽ có 1 cốc "thạch" màu hổ phách có mùi vị rất ngon.
Theo sách đông y, hạt ươi có vị ngọt lờ lợ, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và làm thức uống giải khát để trừ các bệnh nhiệt trong mùa hè. Kể từ khi thương lái thu mua quả ươi thì đây là nguồn thu không nhỏ cho người dân vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm nay, tại Quảng Nam, hạt ươi tươi được thương lái thu mua với giá từ 20-40 ngàn đồng/kg, riêng ươi khô, đặc biệt là ươi bay (loại quả tự chín, tự rụng) lên tới 350 ngàn đồng/kg. Anh Blúp Ngoan (xã Dui, huyện Nam Giang) cho biết: "Mùa ươi năm 2010, vợ chồng tôi nhặt được hơn 3 tạ ươi, bán được gần 50 triệu đồng. Năm nay, ươi rất nhiều quả nên chúng tôi có cơ hội thu nhập cao hơn. Số tiền đó sẽ giúp chúng tôi sửa nhà cửa và chi phí cho 2 đứa con đang theo học ở huyện".
Gia đình anh Blúp Ngoan là một trong rất nhiều gia đình ở xã Dui hay Chà Val, La Dêê, Đắc Pring có nguồn thu nhập đáng kể từ ươi. Sau mỗi mùa ươi, rất nhiều nhà sắm được ti vi, xe máy, sửa chữa nhà cửa… Chính vì có giá trị như vậy nên không chỉ các cư dân ở Quảng Nam vào rừng khai thác hạt ươi mà cư dân các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Quàng Trị, Quảng Ngãi cũng kéo về các cánh rừng của địa phương này để lấy hạt ươi.
Do số lượng lớn người từ nơi khác đổ về nên làm cho tình hình an ninh trở nên phức tạp. Đặc biệt, mấy năm gần đây xảy ra tình trạng khai thác ươi theo lối tận diệt. Thay vì nhặt ươi bay, người khai thác mang theo rìu, cưa máy để cưa đổ những cây ươi để lấy quả. Với lối khai thác này, sau mỗi mùa, diện tích ươi bị thu hẹp đáng kể.
Vào thời điểm này, nhiều cánh rừng ươi ở Quảng Nam đã trở nên ngổn ngang, xơ xác. Nhiều cây ươi hàng trăm tuổi bị đốn ngã nằm la liệt. Do số lượng người đi tìm ươi lớn, địa bàn lại rộng và hiểm trở, trong khi lực lượng bảo vệ lại mỏng nên ở nhiều nơi, lực lượng chức năng không thể ngăn cản được những hành vi phá rừng này.
Tính đến đầu tháng 6-2014, lực lượng chức năng của Quảng Nam đã kiểm tra và xử lý 72 vụ khai thác cây ươi, vận chuyển hạt ươi trái phép, thu giữ 7,72 tấn hạt ươi, 5 xe ô tô, 3 xe mô tô, 26 máy cưa xăng và nhiều dụng cụ khác. Đã có không ít chuyện đau lòng xảy ra xung quanh việc khai thác ươi.
Mới đây nhất là ngày 1-7, tại khu vực thôn 3, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, anh Hồ Thanh Hối (sinh năm 1990, trú tại thôn 3, xã Trà Don) khi trèo chặt cành ươi thì trượt ngã, bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu. Trước đó, ngày 29-6, Hồ Văn Toán (sinh năm 1999, ở thôn Trà Leng, Nam Trà My) cũng chặt ươi lấy quả bị cây đè chết tại chỗ.
Hoặc vụ việc xảy ra tại khu rừng phòng hộ thác 5 tầng, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, ông Võ Vui (sinh năm 1952, trú tại Thăng Bình) khi nhặt ươi bị rơi xuống hố dẫn đến tử vong. Tính đến nay, chỉ riêng huyện Nam Trà My đã có 7 người bị thương, tử vong vì ươi.
Nam Giang là một trong những huyện có lượng ươi nhiều, bởi vậy, những vụ việc thương tâm thường xuyên xảy ra. Trưa 13-6, anh Kring B. (32 tuổi, trú tại thôn Pà Ròng, xã Cà Dy) đang chặt cây ươi trong rừng thuộc địa bàn xã để lấy hạt, bất ngờ bị cây ươi đổ xuống đè lên người và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.
Đã đến lúc các ban, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ cây ươi, khai thác quả ươi đúng quy định, nghiêm cấm việc chặt hạ và tác động bất lợi khác đối với loại thực vật quý hiếm này.
Đối với các địa bàn trọng điểm đang xảy ra tình trạng chặt phá cây ươi, cần tập trung phương án kiểm tra, truy quét, trục xuất các đối tượng vào rừng khai thác trái phép hạt ươi…(Biên Phòng 22/7) đầu trang(
Xã miền núi An Tức (huyện Tri Tôn) là nơi tập trung sinh sống của đồng bào Khmer, đồng thời cũng là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh An Giang.
Trái với hình ảnh những "lá phổi xanh" bị xâm hại nham nhở ở nhiều nơi, thời gian qua, hơn 700ha rừng trên địa bàn được giữ gìn nguyên vẹn, bởi người Khmer ở đây luôn "sống chết" với rừng…
Trời vừa hửng sáng, anh Châu Sơn Mốk, ở ấp Ninh Lợi, xã An Tức, đã cùng vợ mang dao, cuốc chuẩn bị vào rừng bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Khu rừng tự nhiên nơi vợ chồng anh Mốk được Nhà nước giao khoán đất rừng nằm cách làng chừng nửa giờ đi bộ.
Trên đường đi "thực địa" cùng cặp vợ chồng người Khmer này, PV đã được nghe nhiều câu chuyện ý nghĩa về việc đồng bào nơi đây giữ rừng như giữ nồi cơm của chính mình.
Chỉ tay vào khoảng trống nhỏ với những gốc cây lúp xúp nham nhở vết cháy, anh Mốk kể: "Do hỏa hoạn đó. Cách đây 2 tuần, trên đường đi làm về, một nhóm người ở ấp Ninh Lợi, trong đó có vợ chồng tui bỗng phát hiện một đám cháy đang bùng phát giữa một cánh rừng ven đường. Sau khi cử một người chạy bộ đến Trạm Kiểm lâm A Tức báo tin, tụi tui nhanh tay dùng cuốc cời lá khô, khoanh vùng để cô lập đám cháy. Cũng may đám cháy được phát hiện sớm và xử lý kịp thời nên không bị thiệt hại nhiều".
Khi được hỏi, không phải "rừng nhà", sao người ấp Ninh Lợi vẫn nhiệt tình giữ rừng, anh Mốk cho biết, từ lâu, không chỉ người Khmer ở An Tức mà khắp vùng núi rừng Tri Tôn này đều xem rừng là nguồn sinh sống. Rừng có xanh thì nguồn mạch mới tươi tốt, làng mới thịnh.
Chính vì vậy, người Khmer đều tự giác giữ rừng. Hễ phát hiện có người lạ vào rừng hay có hoạt động của lâm tặc "phá hoại" cây rừng, là bất kể già trẻ, lớn bé đều tìm mọi cách báo cho lực lượng Kiểm lâm. Thậm chí, nếu bắt được quả tang hành vi phá rừng, bà con không ngần ngại hợp sức vây bắt, đưa đối tượng về UBND xã giải quyết.
"Nhờ sản vật rừng mà bà con mình kiếm được nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống. Vì vậy, phải sống chết với rừng, giữ bằng được rừng để nồi cơm của gia đình mình không bị vơi đi…" - Anh Châu Sơn Mốk kết luận như vậy rồi tiếp tục dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh khu rừng do gia đình nhận khoanh nuôi, chăm sóc. Theo hướng tay anh Mốk chỉ, chúng tôi thấy nhiều loại cây lớn với tuổi đời vài chục năm trở lên vẫn còn mang trên mình những vết thương do lâm tặc để lại. Nếu không nhờ sự phát hiện kịp thời của dân làng, có lẽ những thân cây này đã bị kẻ xấu "hóa kiếp". Tại khu vực đồi Tà Pạ, ở độ cao gần 300m so với mực nước biển, nằm giữa khu vực giáp ranh hai xã An Tức và Ô Lâm, PV gặp từng tốp người đang mải miết dọn cỏ, phát quang để phòng chống cháy rừng và tạo môi trường thoáng đãng cho cây rừng sinh trưởng, phát triển, đồng thời kiểm soát để ngăn chặn sự nhòm ngó của lâm tặc.
Cứ theo sự giải thích của lão nông Thạch Mươn, người tự nhận là đã có gần một đời người "sống chết cùng rừng" thì bây giờ, ở An Tức nói riêng, vùng núi rừng Tri Tôn nói chung, mỗi người dân đều là "tai mắt" trong việc phát hiện và bảo vệ rừng. Theo ông Mươn, nhờ sự đồng thuận của người dân nên những cánh rừng trong tầm quản lý của bà con được gìn giữ nguyên vẹn.
Ngược lại, dựa vào rừng, người dân cũng có cuộc sống ổn định hơn, đầy đủ hơn nhờ "lộc rừng" và sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Ông Mươn bày tỏ: "Năm nay đã xấp xỉ 70 mùa rẫy, nhưng cứ hai đến ba ngày, tui lại khăn gói vào khu rừng gia đình nhận khoán chăm sóc, bảo vệ để tham gia dọn cỏ, phát cây, quan trọng hơn là để hưởng thứ không khí mát lành dưới những tán rừng. Thấy tui nhiều tuổi, đám con cháu khuyên nghỉ ngơi nhưng tui không chịu, vì buồn cái tay, không yên cái bụng, nếu không được nhìn thấy những khu rừng được đồng bào mình chăm sóc, giữ gìn…".
Nằm ven khu vực rừng rộng lớn phía Tây dãy núi Cô Tô, những ngôi làng của người Khmer xã An Tức khá sung túc với những ngôi nhà tươm tất, sạch sẽ. Hầu như hộ nào cũng có xe máy, tivi, trâu bò, gà heo... Định canh, định cư ở đây từ rất lâu, kinh tế của người dân địa phương chủ yếu gắn với nghề rừng, cộng với việc trồng trọt và chăn nuôi. Những năm qua, do được Nhà nước giao quyền chủ động khai thác và sử dụng các loại lâm sản tận thu được dưới tán rừng nên cuộc sống của đồng bào thay đổi hẳn, số hộ khá tăng dần lên. Để việc bảo vệ rừng đạt hiệu quả, toàn bộ diện tích rừng đều được quản lý thống nhất bởi chính quyền huyện, xã. Căn cứ thực tế về số lao động và khả năng của từng hộ trong làng, ban ngành chức năng sẽ giao mức khoán hợp lý, căn cứ vào bình xét công khai đối với từng hộ.
Theo báo cáo của Trạm Kiểm lâm An Tức, cái thuận lớn nhất trong công tác bảo vệ rừng là đồng bào Khmer trên địa bàn rất nhiệt tình và tự giác trong việc giữ rừng. Điều này cũng dễ hiểu, vì từ khi thực hiện cơ chế khoán bảo vệ rừng, người dân địa phương rất phấn khởi, có trách nhiệm và ý thức hơn trong việc quản lý và bảo vệ rừng, bởi họ được hưởng các chế độ và hưởng lợi nhiều từ rừng, đời sống ngày càng được nâng cao.
"Cũng chính nhờ sự "có đi có lại này" mà công tác phối hợp giữa lực lượng bảo vệ rừng với các hộ nhận khoán được duy trì thường xuyên, nhiều vụ vi phạm lâm luật kịp thời được ngăn chặn. Do vậy, rừng được bảo vệ tốt hơn và các chủ rừng cũng gặp nhiều thuận lợi hơn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng…" - Anh Danh Hây, nhân viên Trạm Kiểm lâm An Tức chia sẻ.
Theo anh Hây, vào thời vụ chăm sóc, vệ sinh rừng, chính quyền xã An Tức và Trạm Kiểm lâm thường huy động bà con cùng tham gia, vào các thời điểm khác, ngày nào cũng phân công từ một đến hai nhóm vào rừng tuần tra, canh gác. Khi phát hiện có lâm tặc, các thành viên trong nhóm liên hệ với nhau bằng điện thoại di động, tập trung lại để ngăn chặn hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức ngăn chặn.
"Muốn giữ được rừng, lực lượng Kiểm lâm phải phải biết dựa vào tai mắt của dân. Ở An Tức, hầu hết người dân đều có ý thức giữ rừng. Đặc biệt, có những người cao tuổi như ông Thạch Mươn, ông Châu Bé, ngày nào cũng "đi tuần" trong các cánh rừng để tuyên truyền, nhắc nhở bà con không hút thuốc, đốt tổ ong, đốt lửa trong rừng hay chặt phá cây rừng...
Chính nhờ những "tai mắt" này mà công tác bảo vệ rừng luôn đạt hiệu quả cao, thời gian qua chưa xảy ra vụ cháy nào đáng kể, dù phần lớn diện tích rừng vào mùa khô thường nằm trong khu vực báo động cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm..." - Anh Danh Hây nhấn mạnh thêm. (Biên Phòng 22/7) đầu trang(
Loài dơi quạ quý hiếm ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Theo khảo sát của Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, số lượng dơi quạ ở Cà Mau chỉ còn gần 2.000 cá thể, giảm gấp 10 lần so với thời điểm năm 2006.
Dơi quạ ở Cà Mau có tên khoa học là Pteropus vampyrus. Đây là loài động vật có vú quý hiếm trong danh mục cần được bảo vệ của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (CITES).
Đàn dơi quạ ở Cà Mau bị giảm nhanh về số lượng cá thể là do ảnh hưởng của các cơn bão lớn và sự tác động tiêu cực từ việc người dân phá bỏ cây rừng (nơi đàn dơi trú ngụ) để cải tạo đất nuôi tôm công nghiệp. Mặt khác, nhiều thương lái săn lùng thu mua dơi quạ với giá rất cao từ 150.000-200.000 đồng/con, khiến đàn dơi quạ bị săn bắt một cách tận diệt.
Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh phối hợp chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiếm này.
Các ngành chức năng của tỉnh khảo sát cácvườn dơi quạ để nghiên cứu đầu tư, phát triển du lịch sinh thái; đồng thời kêu gọi các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã, hỗ trợ kinh phí để bảo tồn đàn dơi.
Trước mắt, tỉnh Cà Mau tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ các vườn dơi hiện có, vận động người dân không tự ý phá bỏ vườn dơi, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp săn bắt và mua bán dơi quạ kết hợp với mở rộng diện tích rừng để tạo môi trường tốt nhất cho đàn dơi cư trú. (VietnamPlus 23/7) đầu trang(
Vườn Quốc gia Hoàng Liên có hệ thống khe, suối đa dạng, đặc biệt là mạng lưới các suối phân bố theo các đai độ cao và địa hình khác nhau tạo điều kiện phát triển phong phú, đa dạng nhiều loài côn trùng thuỷ sinh đặc trưng.
Cho đến nay, việc nghiên cứu thành phần loài côn trùng ở nước thuộc các thủy vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn hạn chế, trong khi vị trí và vai trò các thủy vực nói trên là một phần quan trọng trong hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Kết quả nghiên cứu mới đây giữa Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và phòng Khoa học và hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã xác định được thành phần một số loài côn trùng nước ở Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Được sự đồng ý của UBND Tỉnh Lào Cai theo công văn số 1538/UB- NC cho phép đoàn cán bộ khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam ( Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và trường Đại học Kyoto (Nhật Bản) vào hoạt động nghiên cứu tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên với nội dung khảo sát thực địa, nghiên cứu về loài ếch nhái và thành phần thức ăn của một số loài ếch nhái.
Bước đầu đã thu thập được 20 họ thuộc 04 bộ với tổng số 77 loài, số lượng mẫu thu đượ 376 mẫu côn trùng nước. (Cổng Thông Tin Điện Tử Vườn Quốc Gia Hoàng Liên 20/7) đầu trang(
Ngày 21.7, Văn phòng UBND tỉnh cho biết, tỉnh đang đề nghị Trung ương công nhận 108 thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
Trước mắt, tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, xây dựng mới và duy tu bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt và giải quyết đất ở cho hộ đồng bào thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn đến năm 2015, với tổng kinh phí hơn 211 tỉ đồng.
Theo đó, giải quyết 1.249ha đất sản xuất cho 2.645 hộ; 103 hộ được hỗ trợ vốn khoanh nuôi, bảo vệ 1.974ha rừng và trồng hơn 83ha rừng kinh tế; xây dựng mới 54 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và phân tán cung cấp cho 7.984 hộ, đồng thời duy tu, bảo dưỡng 27 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. (Lao Động 22/7) đầu trang(
Uỷ ban nhân dân huyện A Lưới tỉnh TT- Huế đã tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, kiểm tra, chốt chặn tình trạng người dân vào rừng khai thác, vận chuyển, mua bán quả uơi, xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng ngày càng tốt hơn. (VTV Huế 22/7) đầu trang(
Vào thời điểm  này cây ươi đang bước vào mùa ra quả. Do được mùa, giá bán cao nên nạn khai thác quả ươi trái phép lấy hạt trên địa bàn Thừa Thiên Huế đang rộ lên với những diễn biến hết sức phức tạp.
Là 1 loài cây bán địa, cây ươi sinh trưởng dọc dải Trường Sơn với chu kỳ từ 3 đến 4 năm mới cho quả 1 lần. Vào thời điểm  này cây ươi đang bước vào mùa ra quả.
Nhiều cây ươi có độ tuổi hơn 20 năm đã bị đốn hạ để lấy hạt. Một cây bị đốn thường làm nhiều cây rừng khác đổ theo, điều này đã ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường sinh thái.
Hiện tại một kg hạt ươi có giá bình quân hơn 130.000 đồng, tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Vì hám lợi nên nhiều hộ dân đã đổ xô vào những cánh rừng tự nhiên phòng hộ, rừng nguyên sinh để tìm kiếm hạt ươi. Đối với cây cao, nhiều người đã khai thác kiểu hủy diệt bằng cách đốn hạ chỉ để lấy hạt.
Toàn huyện Nam Đông có hơn 17.000 ha đất rừng. Phần lớn đất rừng ở đây đều có cây ươi. Qua công tác kiểm tra xử lý, lực lượng chức năng thu giữ được hơn 3 tạ hạt ươi khô. Con số này còn rất nhỏ so với số cây ươi trên thực tế bị đốn hạ.
Cho đến thời điểm hiện tại, ở khu vực miền trung đã có ít nhất 6 người chết, 5 người bị thương do bị cây ươi đổ đè lên người hoặc do bị tai nạn khi đi hái loại quả này.Thế nhưng, cơn sốt vào rừng hái quả ươi đến nay vẫn chưa dừng lại, mặc cho các cơ quan chức năng đang nỗ lực ngăn chặn. (Truyền Hình Công An Nhân Dân 22/7) đầu trang(
Gần đây, tình trạng một số người tổ chức chôn cất, mai táng thân nhân tại khu vực rừng phòng hộ ven biển (RPHVB) thuộc địa bàn thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan dường như khá thờ ơ.
Ông Phan Trần Phú - Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, cho biết: Mấy năm gần đây, nhiều người dân ở các địa phương khác thường đưa thân nhân qua đời vào an táng trong khu vực RPHVB Huỳnh Giản Bắc.
Hàng chục ngôi mộ mọc lên và nay gần như đã thành một nghĩa địa trái phép quy mô ngày càng lớn. Việc tổ chức an táng, xây dựng mộ phần diễn ra mà không bị ngăn cản đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, cũng như công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trong khi đó, cả xã Phước Hòa và Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh - đơn vị hiện quản lý diện tích đất rừng phòng hộ, dường như không có động thái nào để ngăn chặn.
Theo chỉ dẫn của ông Phú, PV tìm đến khu nghĩa địa trái phép trong RPHVB Huỳnh Giản Bắc. Quả thật, không chỉ có những ngôi mộ xây dựng kiên cố, nằm san sát bên nhau mà cạnh đó còn có khá nhiều người xí phần mộ gió. Họ giữ chỗ bằng cách xây tường rào bao quanh khoanh vùng khá rộng.Hiển nhiên, mộ “mọc” lên thì rừng dương (cây phi lao) phải nhường chỗ. Và với việc ngày càng có thêm nhiều người xây mộ gió, rừng dương trở nên thưa thớt, thậm chí một số nơi không có lấy một cây dương mà chỉ toàn đất trống và các ngôi mộ.
Ông Nguyễn Văn Nhâm - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: Chuyện này xảy ra trên địa bàn xã Phước Hòa nhưng đơn vị có chức năng quản lý diện tích đất RPHVB lại là BQL KKT tỉnh. BQL KKT tỉnh cũng đề cập với địa phương về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng trên, nhưng về mặt pháp lý, xã không quản lý đất tại khu vực này nên rất khó thực hiện. “Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo Ban nhân dân thôn Huỳnh Giản Bắc tăng cường kiểm tra, phát hiện và báo cáo kịp thời các trường hợp đưa thân nhân qua đời tới chôn cất trong khu vực RPHVB để UBND xã có hướng giải quyết. Về lâu dài, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với BQL KKT tỉnh Bình Định” - ông Nhân nói.
Tình trạng chôn cất, xây dựng mộ trái phép tại khu vực RPHVB chưa có dấu hiệu giảm và chắc chắn với những gì đã xảy ra chưa thể tính hết hậu quả. Càng bê trễ càng khó xử lý, thiết nghĩ, huyện Tuy Phước nên tích cực làm việc với BQL KKT tỉnh để sớm ngăn chặn, xử lý tránh để quy mô vụ việc phát triển lớn. (Báo Bình Định 21/7) đầu trang(
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 127,2 ha rừng.
Trong đó, địa bàn huyện Tuy Phước xảy ra 9 vụ cháy thực bì dưới tán rừng phi lao, bạch đàn, diện tích thiệt hại gần 26ha; Tây Sơn xảy ra 5 vụ cháy, gây thiệt hại 22,8 ha; Hoài Nhơn 4 vụ cháy, diện tích thiệt hại 20,3ha; Phù Cát xảy ra 7 vụ cháy, diện tích thiệt hại gần 31ha; Phù Mỹ xảy ra 2 vụ thiệt hại 10,2ha…
Nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng là do người dân xử lý thực bì trước vụ trồng rừng gây cháy lan, một số hộ dân sử dụng lửa không đúng quy định trong việc đốt tổ ong, đốt vàng mã trong rừng… Đáng chú ý là hầu hết các vụ cháy rừng đều không tìm ra được đối tượng gây cháy.
Để ngăn ngừa các vụ cháy rừng, ngành kiểm lâm đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ rừng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Cũng từ đầu năm 2014 đến nay, các Hạt Kiểm lâm đóng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 78 vụ phá rừng trái phép với diện tích bị phá gần 35ha; trong đó, tập trung ở huyện Vĩnh Thạnh với 75 vụ/32,5 ha. (Kinh Tế Nông Thôn 22/7) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
TAND huyện Gio Linh, Quảng Trị vừa mở phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Văn Thành (SN 1972, trú tại Gio Linh, Quảng Trị) về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý rừng”. Vụ việc từng gây xôn xao dư luận địa phương về tình trạng bán rừng “rẻ như củi”.
Vào năm 2011, Ban quản lý dự án 661 Nam Bến Hải tổ chức làm thủ tục khai thác 255,4ha rừng trồng thuộc Chương trình 327, đã chuyển đổi sang rừng sản xuất tại xã Linh Thượng theo kế hoạch khai thác rừng được UBND huyện Gio Linh phê duyệt.
Biết rõ việc khai thác rừng phải thông qua hình thức đấu giá công khai nhưng Nguyễn Văn Thành (Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Gio Linh, Giám đốc Ban quản lý dự án 661 Nam Bến Hải) lại tham mưu cho UBND huyện Gio Linh ra các quyết định chỉ định khai thác 255,4ha rừng trái pháp luật.
Mặc dù chưa được cấp phép khai thác của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhưng Thành đã ký biên bản bàn giao rừng cho 4 doanh nghiệp dẫn đến các doanh nghiệp đã khai thác rừng khi chưa được cấp phép. Điều này trái với trình tự thủ tục quy định về khai thác rừng.
Số tiền thu được từ các hợp đồng khai thác, Thành không nhập quỹ, không nộp vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định mà đưa đi gửi tiết kiệm tại các ngân hàng ở huyện Gio Linh với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Số còn lại hơn 21 triệu, y giữ lại cho bản thân. Thời gian sau, Thành đã hoàn trả lại đầy đủ số tiền trên.
Đến tháng 3/2012, khi các doanh nghiệp đang tổ chức khai thác thì bị Trạm kiểm lâm Cầu Treo (thuộc Hạt kiểm lâm huyện Gio Linh) kiểm tra phát hiện và đình chỉ khai thác vì không có giấy phép khai thác theo đúng quy định.
Lúc này, Thành yêu cầu các doanh nghiệp đến Ban quản lý dự án 661 Nam Bến Hải để thu hồi lại các biên bản giao rừng đã ký và ký lại các biên bản giao rừng để nhằm trốn tránh trách nhiệm. Sau khi khám xét tại phòng làm việc và nhà riêng của Nguyễn Văn Thành, lực lượng chức năng đã thu giữ một số tài liệu liên quan đến vụ án.
Theo kết quả điều tra, tổng diện tích thực tế rừng trồng năm 1998, 1999 thuộc Chương trình dự án 327, 661 tại xã Linh Thượng đưa vào khai thác đợt này là 232,1ha, tổng sản lượng gỗ là 10.972,87m3. Hành vi của Thành là cho phép khai thác không đúng quy định của pháp luật và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế rừng trồng nêu trên đã bị khai thác với diện tích 149,2ha, tổng sản lượng gỗ đã khai thác là 6.590,79m3.
Tại phiên tòa, Thành một mực kêu oan và đổ tội cho ngưới khác… HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thành 30 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý rừng”. (Công Lý 22/7) đầu trang(
Lục Yên là huyện miền núi có diện tích tự nhiên 80.898 ha, trong đó, đất lâm nghiệp 52.419 ha, chiếm tỉ lệ 64% tổng diện tích. Diện tích đất lâm nghiệp tuy nhiều nhưng thu nhập của người dân từ nghề rừng còn thấp, nhất là đối với người dân các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Việc thu hút người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) gặp rất nhiều khó khăn. Sau 2 năm thực hiện, Ban chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) huyện Lục Yên đã tiếp nhận và chi trả trên 3 tỷ đồng cho các chủ rừng trên địa bàn.
Việc triển khai có hiệu quả chính sách chi trả phí DVMTR sẽ bảo đảm cho người lao động tham gia BV&PTR được chi trả giá trị tương xứng với giá trị của rừng đem lại cho xã hội, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp BV&PTR.
Thực hiện chi trả phí DVMTR, Ban chi trả DVMTR rừng huyện Lục Yên được thành lập theo Quyết định số 231/QĐ - UBND ngày 18/12/2012, giao cho Hạt Kiểm lâm huyện là cơ quan thường trực, trực tiếp làm chủ tài khoản. Để triển khai sâu rộng đến các chủ rừng và mọi tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện, Ban chi trả DVMTR huyện đã tiến hành tập huấn cho cán bộ chủ chốt cấp xã, các chủ rừng về trình tự, thủ tục nghiệm thu, thanh toán tiền chi trả DVMTR, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về công tác BV&PTR, chính sách chi trả DVMTR; tổ chức 46 hội nghị tuyên truyền cấp xã cho trên 3.334 lượt người tham gia.
Dựa trên kết quả điều tra về lưu vực có cung ứng DVMTR được tỉnh phê duyệt, Ban chi trả DVMTR huyện đã phối hợp với các xã, chủ rừng rà soát xác định phạm vi, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng và phân loại các chủ rừng có tham gia cung cấp DVMTR, từ đó, xây dựng bản đồ quản lý lưu vực với diện tích 31.750 ha.
Sau 2 năm thực hiện, Ban chi trả DVMTR huyện Lục Yên đã tiếp nhận và chi trả 3,1 tỷ đồng cho các chủ rừng, trong đó, năm 2012 là 978 triệu đồng, năm 2013 là 2,1 tỷ đồng. Đã có hơn 8.000 hộ gia đình tham gia được chi trả, góp phần cải thiện đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, khó khăn, ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm BV&PTR.
Ông Đặng Văn Tâm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên cho biết: "Chi trả DVMTR rừng là lĩnh vực mới, nên còn thiếu kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong khi đó, trình độ dân trí còn hạn chế, việc xác định chính xác ranh giới, diện tích rừng cho các chủ rừng đòi hỏi chuyên môn cao, mất nhiều thời gian, công sức với khối lượng công việc rất lớn, thuộc phạm vi ranh giới của nhiều đơn vị... nên triển khai gặp nhiều khó khăn. Địa hình phức tạp, diện tích rừng cung ứng dịch vụ lại nhỏ lẻ, phân tán cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác chi trả".
Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện chi trả DVMTR năm 2012 và năm 2013 của huyện Lục Yên, tổ chức bộ máy đã dần ổn định, hoạt động đi vào nền nếp. Việc thực hiện chính sách đã huy động được các nguồn lực của xã hội bổ xung nguồn tài chính cho công tác BV&PTR, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao nhận thức và trách nhiệm với công tác BV&PTR của người dân. Từ đó, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng.
Để công tác chi trả DVMTR đạt kết quả cao, theo ông Tâm, những năm tới cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thực thi chính sách đến tận cấp xã, đồng thời phải tuyên truyền chính sách sâu rộng đến từng người dân.
Trong quá trình lập hồ sơ phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ thôn, bản đến xã, huyện, công tác chi trả phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng và chi trả đầy đủ nhằm giảm thiểu khúc mắc, khiếu nại trong nhân dân. (Báo Yên Bái 22/7) đầu trang(
Hàng trăm tỷ đồng chi trả cho các hộ dân nhận khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng hàng năm đã và đang góp phần quan trọng trong cải thiện đời sống nhân dân, là động lực thúc đẩy lâm nghiệp phát triển, tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng còn không ít bất cập cần phải có giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.
Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Lịch – Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh PV được biết: Là chính sách mới nên cơ chế về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã được ban hành song còn thiếu, vừa thực hiện vừa hoàn thiện nên một số khâu chưa đồng bộ; chưa có quy chế xử phạt các đối tượng sử dụng DVMTR chậm trả tiền, chưa quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm của người nhận khoán hưởng chi trả DVMTR...
Quá trình rà soát diện tích rừng để lập phương án chi trả còn vướng mắc trong việc xác định chủ rừng. Một mặt là do những tồn tại trước đây trong công tác công tác quản lý hồ sơ đất đai, giao đất lâm nghiệp và tình trạng tự ý chuyển đổi quyền sử dụng đất lâm nghiệp của người dân.
Mặt khác là hầu hết các gia đình được giao đất, giao rừng theo Nghị định 163- NĐ/CP của Thủ tướng Chính phủ đều không xác định được chính xác vị trí rừng của mình nên khi tiến hành nghiệm thu, các cơ quan chức năng không thể hoàn tất hồ sơ để chi trả DVMTR.
Do vậy việc chi trả tiền DVMTR đang phải thực hiện theo cụm bản, hoặc chia bình quân theo nhân khẩu. Việc khoán theo nhóm sẽ tạo mối liên kết, trách nhiệm của cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ rừng, với cơ quan quản lý thì tránh được thủ tục thanh quyết toán rườm rà, song vì mang nặng tính cào bằng nên chưa khuyến khích được những người có ý thức đóng góp nhiều công sức vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời cũng chưa gắn kết được quyền lợi, trách nhiệm của từng chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng.
Về bộ máy thực hiện nhiệm vụ này thì hiện nay đang giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, Hạt Kiểm lâm thành phố. Các đơn vị này chỉ có biên chế 10 - 15 người. Việc rà soát, viết chứng từ và tổ chức chi trả trực tiếp tại xã sẽ mất rất nhiều thời gian, nhân lực trong khi còn phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Ban.
Mặt khác, tại các Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện thì nhân sự có sự thay đổi thường xuyên, có người làm vừa quen việc lại được điều động nhận nhiệm vụ mới, người mới tiếp cận sẽ lúng túng trong quá trình triển khai. Do vậy sẽ không tránh khỏi  những thiếu sót, chậm, muộn.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến cấp ủy, chính quyền tại một số xã chưa thật sự quan tâm sát sao tới công tác bảo vệ và phát triển rừng, việc triển khai còn thụ động, chưa lồng ghép thực hiện chính sách chi trả DVMTR vào nội dung hoạt động của xã. Vai trò, trách nhiệm của trưởng bản chưa được phát huy, ...
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Lịch thì chi trả DVMTR là nhiệm vụ rất quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan tới nhiều cơ quan chuyên môn, đòi hỏi phải có cơ chế quản lý, sử dụng tiền DVMTR vừa thống nhất, đồng bộ, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Do vậy, bên cạnh việc đề nghị tỉnh đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với tình hình mới thì việc phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định về quy chế thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh thay thế Quyết định số 632/QĐ-UBND ngày 11/6/2012 của UBND tỉnh cũng đang được Quỹ triển khai rất khẩn trương, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014.
Cùng với đó sẽ tham mưu tỉnh trong thay đổi hình thức khoán chăm sóc bảo vệ rừng gắn với xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện điều này thì Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện phải phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai họp thống nhất với các thôn bản; tuỳ từng điều kiện cụ thể hướng dẫn thành lập Hợp tác xã, tổ hợp tác DVMTR, tổ quản lý bảo vệ rừng và lập hợp đồng khoán bảo vệ rừng, thậm chí có thể khoán đến từng hộ dân để phát huy vai trò của cá nhân, hộ gia đình.
Tăng cường, chủ động triển khai công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành về tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong quy trình chi trả. Công tác rà soát diện tích, lập danh sách, tiến hành giao khoán ngoài thực địa cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn bản phải công khai minh bạch; số tiền chi trả phải rõ ràng, được niêm yết tại trụ sở UBND xã và thôn bản để Nhân dân biết tham gia kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát định kỳ thực hiện việc thực hiện các nội dung của chính sách để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của Nhân dân, không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt là công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh với hình thức thích hợp hơn để nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ phát triển rừng, từ đó huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là phát động hiệu quả phong trào thi đua bảo vệ, phát triển rừng.
Có như vậy thì chính sách chi trả DVMTR mới thực sự phát huy được bản chất ưu việt, tạo nguồn lực phát triển bền vững và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. (Báo Lai Châu 22/7) đầu trang(
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, lượng gỗ nhập khẩu của cả nước đạt gần 1,23 tỷ USD, tăng 82,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó nhập khẩu gỗ từ thị trường Lào chiếm 34,4%, Campuchia chiếm 15%, Hoa Kỳ chiếm 8,5%, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ 4 của VN chiếm 8,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường này trong 5 tháng đầu năm đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2013. (Công Thương 23/7, tr6) đầu trang(
Mới đây, Trung tâm Khuyến công Bình Dương đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề tỉnh Bình Dương tổ chức lớp đào tạo nghề chế biến gỗ cho 250 học viên tại Công ty TNHH Chế biến gỗ An An.
Khóa đào tạo kéo dài 3 tháng, học viên vừa học, vừa thực hành trên sản phẩm. Toàn bộ lao động sau đào tạo sẽ được bố trí vào làm việc tại công ty.
Đây là hoạt động thuộc chương trình tạo nghề cho 500 lao động ngành Chế biến gỗ cung ứng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2014 được Bộ Công thương phê duyệt. (Công Thương 23/7, tr14) đầu trang(
6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các thị trường mới như Ấn Độ, Mexico, Phần Lan, Campuchia… đã tăng vượt trội.
Công ty TNHH Ý Sanh (tỉnh Bình Dương) vừa ký một hợp đồng với đối tác Ấn Độ, nội dung là cung cấp sản phẩm nội thất phòng ngủ trị giá 50.000 USD kéo dài đến hết quý III/2014. Giá trị hợp đồng không lớn, nhưng đồ nội thất phòng ngủ là lĩnh vực mà các DN ngành gỗ Việt Nam chưa khai thác sâu, hiện sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là đồ gỗ ngoài trời. Cho nên, hợp đồng trên mở ra một cơ hội kinh doanh mới, với đối tác mới từ Ấn Độ.
Bà Nguyễn Lệ Hà, Trưởng phòng Kinh doanh của công ty cho hay, phía đối tác Ấn Độ là một DN bán lẻ trang thiết bị nội thất có uy tín. Họ thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tìm gặp trực tiếp DN sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam để đặt hàng, với mục đích tìm đối tác cung cấp tận gốc, giá bán rẻ, không qua trung gian...
Phía đối tác cam kết, sau hợp đồng này, nếu nhà sản xuất Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng hạn, họ sẽ xem xét cách thức hợp tác lâu dài…
Cũng giống như Công ty Ý Sanh, tại tỉnh Bình Dương hiện nay, nhiều DN đã chuyển hướng kinh doanh qua thị trường xuất khẩu mới, thông qua các đối tác là DN có tiềm lực tương đương để hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ như trường hợp Công ty TNHH MTV Kim Cát, chuyên sản xuất tranh điêu khắc gỗ mỹ nghệ mới đây có thêm khách hàng từ thị trường Malaysia.
Theo bà Đinh Thị Bích Châu, Phụ trách kinh doanh của công ty, khách hàng Malaysia rất ưa chuộng sản phẩm gỗ mỹ nghệ Việt Nam. Vì hiện nay, nhiều DN chế biến gỗ (kể cả DN nhỏ) đã đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, cho ra sản phẩm gỗ có mẫu mã đẹp, độ phức tạp trong chế tác cao, đạt yêu cầu kỹ thuật của phía đối tác, giá cả cũng hợp lý. Điều này đang tạo uy tín với khách hàng nhập khẩu và lợi thế của DN chế biến gỗ Việt Nam so với đối thủ Trung Quốc.
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các thị trường mới như Ấn Độ, Mexico, Phần Lan, Campuchia… đã tăng vượt trội.
Cụ thể, thị trường Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng đến 144%, Mexico tăng 126%, Phần Lan tăng 81,6%... Riêng xuất khẩu đồ gỗ sang Malaysia có xu hướng tăng mạnh trong vài tháng gần đây và Malaysia hiện là quốc gia xếp thứ 13 về kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Nếu tính theo châu lục, các quốc gia đến từ châu Á chiếm ưu thế trong số 10 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam, lũy kế đến tháng 6 đạt tổng kim ngạch trên 981 triệu USD. Các quốc gia Bắc Mỹ xếp vị trí thứ hai với 884,4 triệu USD và vị trí thứ ba thuộc về các quốc gia châu Âu với 204,97 triệu USD...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) thông tin thêm, gỗ là một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của cả nước đạt trên 3 tỷ USD. Cho đến thời điểm này, nhiều DN đã có hợp đồng sản xuất đến hết năm 2014.
Điều này cho thấy, mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ với kim ngạch 6,5 tỷ USD năm 2014 có khả năng đạt được. Trong đó, thông qua những đối tác mua hàng của DN Việt Nam cho thấy, triển vọng xuất khẩu gỗ năm 2014 hứa hẹn rất nhiều ở những thị trường mới như Úc, Ấn Độ, Mexico và một số nước trong khối ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia…
Theo Kế hoạch hành động Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014 - 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay xuất khẩu gỗ của Việt Nam chiếm 4% thị phần thương mại đồ gỗ nội thất thế giới. Dự báo, Việt Nam có thể xuất khẩu đạt từ 15 - 20 tỷ USD giá trị đồ gỗ nội thất trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, hiện thị trường cho ngành chế biến gỗ vẫn còn rất khó khăn, cả xuất khẩu và nội địa.
Đối với thị trường xuất khẩu, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới chưa được khẳng định rõ ràng, lại đang chịu xu hướng áp đặt nhiều rào cản kỹ thuật, nhất là nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu hợp pháp. Trong khi đó, năng lực của DN ngành chế biến gỗ còn yếu, tính hợp tác lỏng lẻo.
Thị trường xuất khẩu còn hẹp, sau hơn 15 năm phát triển, đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn tập trung ở bốn địa bàn chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản. Thị trường nội địa thì thiếu kênh phân phối, đang mất dần thị phần ở một số địa bàn quan trọng.
Các hạn chế trên có thể được khắc phục nếu những năm sắp tới đây, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất ký kết, ngành chế biến gỗ hy vọng mở rộng sản xuất và xuất khẩu tới các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Canada… Bởi, gỗ và đồ gỗ nằm trong diện cắt giảm thuế suất trong khối nước TPP. (Thời Báo Ngân Hàng 23/7) đầu trang(
Xếp thứ 6 thế giới với trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ về XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nhưng tại thị trường trong nước, ngành gỗ Việt Nam lại đang bị lấn át.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 1.000 làng nghề chế biến gỗ, cùng hàng chục nghìn hộ gia đình làm nghề chế biến gỗ, tập trung phần lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam...
Song chính những yếu kém trong liên kết, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trong nước đã khiến các DN, làng nghề SX đồ gỗ Việt Nam chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa và đang bị “thua trên sân nhà”.
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NN - PTNT cũng đã định hướng và xây dựng các giải pháp để phát triển thị trường nội địa đối với đồ gỗ chế biến.
Theo đó, các làng nghề, các DN chế biến gỗ phải đẩy mạnh việc đổi mới nguyên liệu phục vụ SX, đổi mới mẫu mã, thiết kế để sản phẩm làm ra ngày càng phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng; cải tiến hình thức xúc tiến thương mại và đặc biệt là cùng chung tay, góp sức xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm đủ mạnh trên phạm vi cả nước. (Nông Nghiệp Việt Nam 23/7, tr7) đầu trang(
Do “ngoại giao” kém, một số hộ dân và doanh nghiệp có hợp đồng chăm sóc rừng tại địa bàn TP.Biên Hòa không những bị Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa “bày binh bố trận” cho mất quyền sử dụng đất mà sau đó còn “dính” vòng lao lý vì “tội hủy hoại”..! mấy cây tràm.
Từ năm 1987 đến năm 1992, Trạm trồng rừng Biên Hòa, tiền thân của Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa (TTLNBH), ký hợp đồng với nhiều hộ dân về việc trồng, chăm sóc 190ha rừng tại căn cứ quân sự Long Bình cũ do Bộ Quốc phòng quản lí.
Ngày 26/10/1992, Trạm trồng rừng Biên Hòa kí hợp đồng không số và không thời hạn với ông Ngô Văn Yến để trồng và chăm sóc 1 ha rừng. Năm 2001, ông Yến sang lại hợp đồng nói trên cho ông Phạm Đức Hiền (90/3 khu phố 3, phường Tân Hòa, Biên Hòa). Cuối năm 2005, do bị dân lấn chiếm để làm nhà, còn 4.800m2 có căn nhà cấp 4, ông Hiền sang lại cho bà Vũ Thị Mộng Thu. Năm 2007, bà Thu thành lập Cty Thuận Thu. Sau đó, bà Thu sang nhượng bớt cho 6 người thân, mỗi người từ 200 -300m2.
Ngày 9/1 /2012, Giám đốc TTLNBH Trần Đình Xướng lập hợp đồng cho Cty Hùng Đạt mượn đất mà bà Thu đang sử dụng làm kho chứa gỗ. Ngày 10/4/2012, TTLNBH ra thông báo hủy HĐ mà trước đó ông Hiền và ông Yến đã thỏa thuận với nhau, đồng thời đề nghị UBND phường Long Bình có biện pháp xử lý đối với Cty Thuận Thu để giao quyền sử dụng đất cho Cty Hùng Đạt sử dụng.
Ngày 5/7/2012, với sự hỗ trợ của Công an TP.Biên Hòa, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tống Thanh Đa đã cho "quân" cưỡng chế phá nhà làm việc của Cty Thuận Thu để giao đất cho ông Trần Đình Xướng, vậy là Văn phòng của bà Thu, sau 7 năm tồn tại với nhiều công sức xây dựng cơ sở vật chất trên mảnh đất nói trên, bỗng dưng bị san phẳng. Phía TTLNBH, sau khi đuổi được Cty của bà Thu ra khỏi phần đất nói trên lập tức ký hợp đồng cho Cty Hùng Đạt nhận bảo vệ 2.600m2 rừng và được tận dụng đất trồng để xếp gỗ. Xin nhấn mạnh, 2.600m2 đất này nói là đất rừng nhưng thực tế nó là Văn phòng của Cty Thuận Thu và một nhóm 6 hộ dân sang nhượng lại, với 61 cây phần lớn là cây tái sinh.
Việc hủy hợp đồng với bà Thu để cho người khác chen ngang của TTLNBH là không thấu tình, đạt lý. Bởi, đất bà Thu đang sử dụng, hợp đồng chưa thanh lí, đất chưa bị thu hồi thì chưa thể giao cho người khác sử dụng. Giả thiết, nếu ở đây có tranh chấp thì phải giải quyết theo trình tự và thủ tục của pháp luật, không thể dùng sức mạnh để lấy lại quyền sử dụng đất của người đã có hợp đồng sử dụng hợp pháp trước đó.
Như đã nêu, 190ha đất đã trồng rừng mà TTLNBH ký cho dân chăm sóc trước đây đến nay hầu như đã thành khu công nghiệp, sổ còn lại người dân đã sang nhượng cho nhau để xây dựng xưởng chế biến gỗ, nhà ở, nhà trọ cho công nhân...
Vì vậy, ngày 13/10/2013, bà Thu cùng với 6 hộ dân khác đến địa điểm này phát dọn cây cỏ, lá khô để sử dụng đất thì bị Công an tỉnh Đồng Nai mời lên làm việc. Lấy cớ này, TTLNBH lập tức "vẽ" ra biên bản về việc phá rừng của những hộ này, dù văn bản đó không có đại diện chính qụyền và người vi phạm ký xác nhận. Điều đáng nói nữa là, trước đó chính quyền phường Long Bình cũng từng xác nhận đó chỉ là "khu đất trống".
Thế nhưng, sau đó Công an TP.Biên Hòa vẫn triệu tập các hộ dân này đến để lấy lời khai. Đến ngày 11/7/2014, các ông, bà: Vũ Thị Thu Hường, ĐinhTrọng Thúc, Vũ Thị Mộng Thu, Nguyễn Thị Dạ Thảo và Vũ Thị Mộng Huyền đã bị bắt với tội danh "Hủy hoại tài sản". Hành vi mà các ông, bà trên bị cáo buộc rất chung chung, mơ hồ, không chỉ ra được "tài sản" đó là của ai?
Hơn nữa, bản chất vấn đề ở đây chỉ là một vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền chưa giải quyết,- giá trị tài sản mà các cơ quan chức năng quy kết các hộ này "hủy hoại"chỉ là một số cây tràm dùng làm nguyên liệu giấy. Nếu chỉ vì chặt mấy cây tràm mà bị bắt, bị khép tội thì thử hỏi hàng vạn cây trên diện tích 30ha nhiều năm nay bị người dân chặt hạ để lẩn chiếm đất, tại sao trước đó không thấy ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Tìm hiểu thêm vụ việc này mới thấy suốt cả một quá trình dài, công tác quản lý của TTLNBH đối với khu vực này khá lỏng lẻo. Rất nhiều người sau khi được giao đất đã tự ý sang nhượng kiếm lời nhưng không thấy đơn vị này lên tiếng. Đó là chưa kể nhiều hộ dân đã tự ý biến đất rừng ở đây thành nhà cửa kiên cố. Những người có thẩm quyền ở TTLNBH sẽ giải thích như thế nào khi trên cùng một thửa đất mà ông Phạm Đức Hiền sang lại cho Cty Phú Thiên Hương và Cty Thuận Thu cùng sử dụng, nhưng đến nay phần nhà cửa của Cty Phú Thiên Hương được phép tồn tại, còn Văn phòng của Cty Thuận Thu thì bị cưỡng chế?
Liên quan đến vụ tranh chấp quyền sử dụng đất nói trên, ông Tống Thanh Đa (nay là Bí thư Đảng ủy phường Long Bình) tiết lộ: Nguyên nhân chính là do ông Trần Đình Xướng "vẽ" ra cái gọi là hợp đồng bảo vệ 2.600m2 rừng để lấy đất đã có chủ giao cho người khác? Còn trên thực tế, suốt nhiều năm nay, tại khu vực này không còn rừng, vì vậy việc lập hợp đồng bảo vệ rừng thực ra chỉ là cái cớ để lấy lại đất của những hộ này giao cho Cty Hùng Đạt sử dụng?
Các hộ dân trước đó dù đã được giao quyền sử dụng nhưng theo dư luận địa phương, do không biết "ngoại giao" với cơ quan có thẩm quyển nên đã bị tuột khỏi tay quyền sử dụng đất như một số doanh nghiệp và nhiều hộ khác vẫn đang sử dụng bình thường tại khu vực này. (Pháp Luật VN 22/7, tr19) đầu trang(
Trong vài năm trở lại đây, Văn Chấn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trong huyện trồng và phát triển vốn rừng.
Bình quân mỗi năm huyện trồng mới gần 2.000ha rừng. Không chỉ trồng mà người dân còn làm khá tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng, nhờ vậy, tỷ lệ tàn che ngày một nâng lên.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đến hết năm 2015 là nâng độ tàn che lên 62,5%. Tuy nhiên, cho đến nay đã gần hết nhiệm kỳ Đại hội, thẳng thắn đánh giá, mục tiêu trên khó thành hiện thực. Vậy đâu là nguyên nhân?
Văn Chấn là huyện có diện tích rừng rộng lớn, tài nguyên rừng phong phú với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm. Song, do những năm trước đây người dân có tập quán phát nương làm rẫy, không ít người dân chỉ biết lấy khai thác chặt phá rừng là chính, do đó diện tích rừng ngày một thu hẹp, tài nguyên rừng nghèo kiệt, nhất là khu vực cánh đồng Mường Lò. Trước thực trạng đó, huyện đã vận động nhân dân chuyển sang nền lâm nghiệp xã hội, lấy bảo vệ rừng và xây dựng vốn rừng là chính.
Đặc biệt, từ năm 2006, Văn Chấn đã tạo ra một bước đột phá trong trồng rừng kinh tế. Đối với các xã vùng ngoài, việc trồng rừng kinh tế đã trở thành một nghề, nhưng đối với các xã vùng cánh đồng Mường Lò và các xã vùng thượng huyện thì còn rất mơ hồ.
Nhưng ngay trong năm 2006, toàn huyện đã trồng được trên 1.400ha rừng kinh tế đảm bảo phát triển tốt, bà con các dân tộc Tày, Mường, Thái, Mông đã biết trồng và tu bổ rừng. Vui hơn cả là huyện đã tạo được bước đột phá mới trong nhận thức của người dân vùng Mường Lò về trồng rừng kinh tế, tăng thu nhập tạo động lực thúc đẩy kinh tế vùng.
Từ đó đến nay, trồng rừng ở Văn Chấn không chỉ là phong trào mà đã trở thành một nghề trong dân. Theo số liệu thống kê năm 2010, diện tích có rừng của huyện đạt 68.400ha, tỷ lệ che phủ đạt 54%, đến năm 2012 con số này là  71.151ha, tỷ lệ che phủ đạt 57%.
Tuy nhiên, trong năm 2013, thực hiện Quyết định 578/QĐ-UBND ngày 22/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2011-2020 thì tổng diện tích đất lâm nghiệp huyện Văn Chấn giảm 8.504ha/9.872ha cắt giảm quy hoạch đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Như vậy, tính cả diện tích rừng trồng mới năm 2014, huyện Văn Chấn chỉ còn 64.000ha rừng, cũng đồng nghĩa với độ che phủ giảm còn 53%.
Để đạt mục tiêu Nghị quyết trong năm 2015, hai năm còn lại Văn Chấn phải trồng mới 14.100ha mới đạt độ tàn che 62,5% - một con số không thể thực hiện được. Bên cạnh việc hụt diện tích do điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, còn có hơn 2.000ha bàn giao thực hiện Dự án trồng cây cao su và hết năm 2015 bàn giao tiếp hơn 2.000ha nữa.
Đó là những khó khăn khách quan ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp trên địa bàn nhưng bên cạnh đó cũng cho thấy việc trồng và phát triển vốn rừng ở Văn Chấn đang có chiều hướng chững lại so với vài năm về trước.
Theo rà soát, hiện toàn huyện chỉ còn hơn 10.000ha đất phát triển lâm nghiệp. Thế nhưng phần lớn là xa khu dân cư, nhỏ lẻ, nhiều diện tích hiện người dân đang canh tác cây nông nghiệp. Cùng với đó là vẫn còn một bộ phận nhân dân, nhất là các xã quanh vùng cánh đồng Mường Lò mới chủ yếu sản xuất thuần nông, độc canh cây lúa, không mấy quan tâm đến phát triển nghề rừng.
Việc trồng, bảo vệ rừng vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Nhân dân các huyện như: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên muốn phát triển nghề rừng mà không có đất thì không ít hộ dân ở vùng cao Văn Chấn có đất lại được Nhà nước đầu tư giống, phân bón vậy mà vẫn không trồng rừng?
Kinh tế đồi rừng đã và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ngày một phát triển thu hút và giải quyết nhiều việc làm cho lao động. Giá trị kinh tế từ rừng mang lại rất lớn nhưng bên cạnh đó còn những hạn chế về tốc độ phát triển, chất lượng rừng, lợi nhuận từ rừng mang lại thấp, sức cạnh tranh yếu, tiềm năng tài nguyên rừng chưa được khai thác hợp lý, nhất là lâm sản ngoài gỗ và dịch vụ môi trường.
Một vấn đề không thể không nói tới là năng suất và chất lượng rừng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguyên liệu gỗ lớn dành cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Đó là những hạn chế mà Văn Chấn cần khẩn trương khắc phục cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả lợi ích từ rừng mang lại để người dân gắn bó với rừng, yêu rừng, đẩy nhanh tiến độ trồng và phát triển vốn rừng, đưa rừng trở thành một ngành kinh tế chủ lực. (Báo Yên Bái 22/7) đầu trang(
22.7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Lương Thị Thắm (61 tuổi, trú tại xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), giám đốc doanh nghiệp Đại Phát Lộc, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, năm 2009 doanh nghiệp Đại Phát Lộc do Lương Thị Thắm làm giám đốc đã liên doanh liên kết với Công ty lâm nghiệp Quảng Tín (huyện Đắk Lấp, tỉnh Đăk Nông) để triển khai các dự án trồng cao su, quản lý,  bảo vệ và phát triển rừng với diện tích 398 ha tại tiểu khu 1525 thuộc địa phận xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức.
Do không có năng lực, điều kiện để thực hiện dự án nên doanh nghiệp Đại Phát Lộc chỉ xin  thuê 159 ha để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Năm 2012, UBND tỉnh Đắk Nông có công văn về việc tạm dừng xét duyệt hồ sơ thuê đất của DNTN Đại Phát Lộc và giao lại toàn bộ diện tích 159 ha nói trên cho Công ty lâm nghiệp Quảng Tín quản lý và bảo vệ….
Sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh, Lương Thị Thắm tung tin doanh nghiệp Đại Phát Lộc được UBND tỉnh Đắk Nông giao quản lý sử dụng 159 ha diện tích đất trên, nhưng do thiếu vốn làm ăn, nên muốn chuyển nhượng cho người khác. Ngày 7.12.2012, ông Trần Huy Hoàng (trú tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã gặp Lương Thị Thắm, thỏa thuận mua toàn bộ diện tích trên với số tiền 5,5 tỉ đồng, đặt cọc trước 500 triệu
Đến thời hạn giao đất như thỏa thuận, không thấy Lương Thi Thắm giao đất, ông Hoàng kiểm tra thì mới phát hiện diện tích đất mà Thắm bán cho mình là đất thuộc Công ty lâm nghiệp Quảng Tín quản lý, bảo vệ. Ông Hoàng đã làm đơn tố cáo hành vi của Lương Thị Thắm gửi đến các cơ quan chức năng. (Thanh Niên 23/7; Công An Nhân Dân 23/7, tr8, tr5) đầu trang(
Thực hiện công văn số 378/UBND-BCĐ ngày 25/4/2014 của Ban Chỉ đạo thực hiện nông Thôn mới huyện Ngọc Lặc về việc chung tay xây dựng nông thôn mới; hưởng ứng phong trào thi đua cán bộ công chức, viên chức, LĐHĐ Kiểm lâm Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới.
Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Phùng Giáo đã phối hợp cùng với Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã triển khai, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa bàn xã, kết quả 6 tháng đầu năm 2014 như sau:
Công tác tuyên truyền: đã tổ chức tuyên truyền 09 đợt tại các làng trong xã, 03 đợt họp Ban chỉ đạo của xã số người tham gia là 540 người.
Công tác phát triển rừng: Song song với việc đầu tư xây dựng cở sở vật chất tại địa phương, Kiểm lâm địa bàn phối hợp với cán bộ dự án WB3 huyện Ngọc Lặc hướng dẫn cho kỹ thuật cho các hộ gia đình rừng luồng trồng tập trung được 66,6 ha, hướng dẫn chăm sóc rừng trồng keo Dự án 147 là 29,5ha.
Tạo công ăn việc làm, tăng thu cho bà con nhân dân trong xã, góp phần ổn định kinh tế cho địa phương; 06 tháng đầu năm, an ninh rừng tại gốc ổn định, không có cháy rừng xảy ra. (Kiểm Lâm Thanh Hóa 21/7) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng