Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 22 tháng 06 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Trước diễn biến của thời tiết nắng nóng kéo dài, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát đến từng lô, khoảnh rừng, qua đó xác định được 132 xã của 25 huyện có diện tích rừng nằm trong nguy cơ cháy cao với tổng diện tích 48.853 ha.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường phối hợp với các lực lượng: Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bộ đội biên phòng, quân đội, kiểm lâm vùng 2... để triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Chi cục cũng đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ và PCCCR cho 60 cán bộ; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tổ chức 19 hội nghị giao ban, tập huấn cho bảo vệ và PCCCR cấp huyện cho 1.140 người; phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành, tiến hành 12 cuộc kiểm tra công tác PCCCR tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, đồng thời tổ chức tập huấn 4 lớp huấn luyện PCCCR cho 160 kiểm lâm địa bàn và công an xã các địa phương.
Bên cạnh đó, chi cục đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập PCCCR ở những vị trí trọng điểm, đồng thời đầu tư mua sắm mới 35 máy thổi gió, 30 cưa xăng, 31 máy cắt thực bì, nhiều dụng cụ phục vụ PCCCR. (Báo Thanh Hóa 21/6) đầu trang(
6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Tân Châu xảy ra 56 vụ cháy rừng, tăng 51 vụ so cùng kỳ.
Huyện Tân Châu có tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 32.000 ha, phân bổ trên địa bàn 4 xã Tân Hòa, Suối Ngô, Tân Thành, Suối Dây.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng làm công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác và quy chế phối hợp với các lực lượng liên quan đảm bảo thực hiện tốt công tác ngăn chặn các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tuy nhiên tình hình cháy rừng trên địa bàn huyện Tân Châu vẫn gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê, 6 tháng qua trên địa bàn huyện xảy ra 56 vụ cháy rừng, tăng 51 vụ so cùng kỳ, trong đó rừng khoanh nuôi bảo vệ xảy ra 20 vụ cháy với diện tích 47,5 ha, rừng khoanh nuôi tái sinh 35 vụ trên 90 ha và rừng trồng 1 vụ 2,7 ha.
Nguyên nhân số vụ cháy rừng tăng cao so cùng kỳ là do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài; ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế trong việc sử dụng lửa an toàn tại các vùng ven rừng; chưa có hệ thống đài canh lửa để quan sát, phát hiện kịp thời các đám cháy xảy ra cùng thời điểm nên các vụ cháy phát hiện chậm.
Ngoài ra, Hạt kiểm lâm huyện Tân Châu còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức được 30 lượt tuần tra kiểm soát phòng chống phá rừng, qua đó phát hiện 1 vụ khai thác gỗ trái phép với khối lượng trên 4m3; phát hiện ngăn chặn 7 vụ vi phạm “Cất giữ lâm sản trái với các quy định của Nhà nước”, đã xử lý 7 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 35 triệu đồng.
Hiện nay đã bước vào mùa mưa, cấp dự báo cháy rừng được xác định là ở mức trung bình. Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu tiếp tục các đợt kiểm tra các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, các cơ sở chế biến lâm sản; phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng, đơn vị chủ rừng và các cơ quan có liên quan khác tổ chức tuần tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, trong đó tăng cường công tác chống phá rừng và lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. (Báo Tây Ninh 21/6) đầu trang(
Chỉ trong 4 năm, hàng ngàn ha rừng của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã bị “xóa sổ” với tốc độ chóng mặt. Tình trạng phá rừng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại bởi 5 tháng của năm 2016, tiếp tục có 313 vụ phá rừng tại địa bàn này được phát hiện.
Thống kê chưa đầy đủ, 1.000 ha rừng bị mất trong báo cáo của UBND huyện Mường Nhé có thể nói đã không phản ánh đúng thực chất tình trạng phá rừng hết sức nghiêm trọng đang diễn ra tại đây.
Nhiều tài liệu mô tả lại vào đầu những năm 1980, rừng Mường Nhé giữ kỷ lục trên cả nước, với diện tích được khoanh đếm, bảo vệ khoảng hơn 310 ngàn ha. Cán bộ bảo tồn thời kỳ này từng ước tính những đàn voi đi nườm nượp khắp Mường Nhé lên tới 250 con; đàn bò tót khoảng 300 cá thể; nai, hoẵng, sơn dương, cầy cáo thì nhiều vô kê. Thế nhưng, tới giờ này, “kho báu” thiên nhiên ở Mường Nhé và vùng lân cận đã và đang bị tàn sát khiến những người tận tâm với rừng cảm thấy xót lòng.
Bản Nà Pán, xã Mường Nhé cách trung tâm huyện này chừng 2 km. Tại đây đang có khoảng 10 hộ dân là người dân tộc thiểu số di cư về đây sinh sống. Sự cư trú bất hợp pháp của các hộ dân kèm theo phương thức sản xuất lạc hậu - đốt rừng làm nương, đã khiến 400 ha rừng tự nhiên ở đây bỗng chốc bị phá tan tành.
Hàng ngàn gốc cây đen kịt nằm trơ trên những triền đồi mà lớp thảm thực vật đã bị cạo trọc theo các vụ đốt rừng, 10 hộ dân phá hàng trăm ha rừng dù được xác định danh tính cụ thể nhưng việc xử lý cũng không diễn ra –là những chỉ dấu cho thấy tình trạng tàn phá rừng ở Mường Nhé thực sự vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền, lực lượng chức năng địa phương và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ dừng lại.
Tìm hiểu của phóng viên PLVN tại địa bàn này cho thấy, sau khi hoàn thành việc thành lập và chia tách huyện cho đến hiện nay đã có trên 80 ngàn ha diện tích tự nhiên của Mường Nhé đã bị “cạo trọc”. Vì thế, con số chưa đầy 1.000 ha rừng bị phá đề cập trong báo cáo của UBND huyện Mường Nhé có thể nói đã không phản ánh đúng thực tế về tình trạng phá rừng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng ở đây.
Cụm từ “bất lực”, “ngoài tầm”, “lúng túng”… được cán bộ tỉnh Điện Biên sử dụng thường xuyên khi nói về tình trạng phá rừng và di dân tự do ở Mường Nhé. Cứ nhìn vào con số 313 vụ phá rừng trái pháp luật từ năm 2015 đến tháng 6/2016, nhưng lại chỉ 20 vụ được xử lý và chỉ có 6 vụ chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự, thì đủ thấy sự bế tắc trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng của chính quyền sở tại.
“Làn sóng” di cư tự do của người dân tộc thiểu số đến huyện Mường Nhé được xác định là nguyên nhân chính làm của sự “biến mất” hàng ngàn ha rừng tự nhiên để lấy đất làm nương.
Ông Lù Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé xác nhận với phóng viên: Một lượng lớn người dân di cư tự do phá rừng để lấy đất trồng cây lương thực, lấy gỗ làm nhà ở với những thủ đoạn rất tinh vi, vi phạm có tổ chức, khi bị các cơ quan chức năng phát hiện thì lẩn trốn vào rừng, dùng số đông để áp đảo, gây sức ép, cản trở không hợp tác với các lực lượng thi hành công vụ.
Trong khi ông Nguyễn Quang Sáng - Bí thư huyện ủy Mường Nhé thì lại dẫn chứng, trong hơn 3,6 vạn dân Mường Nhé hiện nay thì có đến 70% là người H’Mông, với phương thức sản xuất đốt rừng làm nương rất lạc hậu. Ông Bí thư huyện ủy tính toán, cứ 1 ha nương mà người dân phá rừng để trồng lúa trung bình chỉ sản xuất được 1 năm/1 vụ, với năng suất chỉ được 1 tấn/ha với trị giá thu lại chỉ được vài triệu đồng/năm.
“Không thay đổi phương thức canh tác của người dân chúng ta không thể nào giữ được rừng. Và những diện tích rừng còn lại mà chúng ta đang cố giữ cũng chỉ giữ để cho họ... phá mà thôi”- Bí thư Sáng ngao ngán.
Cũng theo lãnh đạo địa phương, không ổn định được dân cư, không thay đổi được phương thức canh tác lạc hậu và không có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng di dân tự do hiện nay, thì diện tích rừng còn lại của Mường Nhé cũng khó mà giữ, kể cả khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nơi lực lượng chức năng đang ngày đêm cố gắng bảo vệ để giữ lại hàng chục ngàn ha rừng đặc dụng trước sự xâm lấn như “tằm ăn rỗi” của hàng ngàn dân di cư đang muốn có đất để làm sinh kế.
“Việc xử lý vi phạm rừng ở Mường Nhé là không nghiêm túc. Vụ phá 400 ha ở Nà Pán, cách trung tâm huyện có vài km, có đối tượng rõ ràng nhưng vẫn không xử lý kiên quyết. Để giữ rừng tỉnh Điện Biên cần phải có Nghị quyết chuyên để về bảo vệ rừng, thậm chí lập hẳn Ban Chỉ đạo để xử lý thật nghiêm túc tình trạng phá rừng hiện nay”,  ông Nguyễn Quốc Trị, Cục trưởng Cục kiểm lâm .
“1 ha nương dùng để trồng lúa trung bình chỉ sản xuất được 1 năm 1 vụ với năng suất rất thấp, chỉ được 1 tấn/ha với trị giá được vài triệu đồng. Một ha canh tác theo kiểu này chỉ duy trì được 2 năm là đất bạc màu và người dân sẽ phải chuyển sang chỗ khác để tiếp tục phá rừng làm nương. Năng suất trồng lúa trên nương chỉ bằng 1/5 trồng bằng ruộng nước. Diện tích lúa nương ở Điện Biên hiện nay là rất lớn.  Đây là phương thức sản xuất rất lạc hậu cần phải chuyển đổi”, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt. (Pháp Luật Việt Nam 22/6) đầu trang(
Có thể nói đến thời điểm này, những người di cư tự do đến địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã cơ bản hoàn thành... "công cuộc" phá rừng. Lý do được họ viện dẫn là phá rừng để lấy đất làm nương rẫy.
Trở lại bản Phứ Ma (xã Lenh Su Sìn, huyện Mường Nhé), một cán bộ huyện cho biết "có còn rừng nữa đâu mà phá." Thật vậy, cách đây khoảng 1 năm, phóng viên TTXVN chứng kiến rừng mới chỉ bị phá 1 nửa phía sườn núi bên đường. Giờ thì cả dãy núi dài tít tắp đã trọc hẳn, nhường chỗ cho những đám nương lúa mọc lưa thưa, bên dưới những thân cây cháy trụi.
Đi tiếp đến địa bàn các bản Pá Lùng của xã Chung Chải, hay Nà Pán của xã Mường Nhé, phóng viên cũng chỉ nhìn thấy những triền núi trơ trọi, từ dưới mặt đất nhô lên hàng ngàn, hàng vạn gốc cây cháy trơ trụi.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên kiểm tra thực trạng phá rừng tại Mường Nhé, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lù Văn Thanh báo cáo từ năm 2015 đến 10/6/2016, trên địa bàn huyện phát hiện 313 vụ phá rừng với diện tích trên 296 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ...
Điều đáng nói là trong khi diện tích rừng của huyện Mường Nhé bị tàn phá nghiêm trọng như vậy thì tại các địa bàn giáp ranh, như huyện Mường Tè (tỉnh lai Châu), huyện Nậm Pồ mới tách ra từ Mường Nhé, và ngay cả Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trong khu vực, lại hầu như không xảy ra tình trạng này.
Được thành lập từ năm 2002 trên cơ sở chia tách từ 2 huyện Mường Tè và Mường Lay của tỉnh Lai Châu (cũ), Mường Nhé ngày đó nổi tiếng hoang sơ nhất cả nước. Nhiều cán bộ công tác lâu năm trên địa bàn này kể lại rằng để đến trung tâm huyện, họ phải đi bộ 3-4 ngày, trèo đèo, lội suối xuyên qua những tán rừng nguyên sinh tối tăm, đi giữa ban ngày mà vẫn phải căng mắt mới nhìn rõ đường. Mỗi lần đi, họ phải tổ chức lại thành nhóm để đề phòng thú dữ.
Đồn biên phòng Lenh Su Sìn giờ vẫn còn hàng rào dây thép gai để chống hổ xông vào đồn, bên cạnh đó là chiếc ao, ngày đó voi vẫn về từng đàn tắm. Thế mà đến thời điểm này, diện tích đất có rừng của toàn huyện chỉ còn vẻn vẹn 71.000ha với tỷ lệ che phủ rừng là 45,3%. Trên suốt dọc tuyến từ Nậm Kè, Mường Nhé, Chung Chải... cho đến Lenh Su Sìn, đâu đâu cũng chỉ còn những triền núi bị cạo trọc, loang lổ những đám nương rẫy bên những gốc cây trơ trọi.
Nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn được chính quyền địa phương giải thích là do số lượng người di cư tự do tràn vào địa phương quá lớn. Trong tổng số hơn 7.800 hộ dân của toàn huyện, trên 60% là người dân tộc Mông, di cư tự do vào địa bàn từ năm 2005 đến nay.
Để có lương thực tồn tại, họ đã phá rừng trái phép để làm nương, mỗi hộ phá ít nhất 3ha mới đủ đất để canh tác cây lương thực có hạt. Sau 2 năm, khi đất bạc màu, họ phá tiếp 3ha nữa để làm nương luân canh. Chỉ làm 1 phép tính đơn giản, cũng cho thấy đã có ít nhất 30.000 ha rừng bị tàn phá do người di cư tự do.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN rằng liệu chính quyền huyện Mường Nhé bất lực trước tình trạng phá rừng ồ ạt của những người di cư tự do hay không, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lù Văn Thanh chỉ thừa nhận có những việc vượt quá khả năng và thẩm quyền giải quyết của huyện. Tuy nhiên, với một loạt vụ việc xảy ra trong 2 năm vừa qua trên địa bàn này thì câu trả lời có vẻ khác.
Cụ thể ngày 3/3/2016, tại khe suối Huổi Sủng (xã Mường Nhé) phía sau Ủy ban Nhân dân huyện đã xảy ra vụ việc nhiều người di cư tự do nấp trong bụi, phục kích rồi dùng gậy gỗ lim, dao phát tấn công đoàn công tác của cán bộ kiểm lâm, cán bộ xã và nhân dân địa phương đi kiểm tra rừng, làm 6 người bị thương.
Nhóm người này đã bắt giữ các cán bộ kiểm lâm để yêu sách đòi được làm nương trên diện tích rừng do họ phá trái phép. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến giải quyết, lãnh đạo chính quyền huyện lại tìm cách thỏa hiệp chứ không kiên quyết xử lý những đối tượng chống người thi hành công vụ.
Ngay sau đó vào ngày 13/3/2016, một nhóm người di cư tự do lại vào chiếm khu vực rừng tại Thác Rồng, nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé để phá rừng làm nương. Khi lực lượng Kiểm lâm khu vực ngăn chặn, đã xảy ra xô xát giữa hai bên.
Ngoài ra, còn những vụ việc khi chính quyền đến giải quyết, họ chặn xe, chống đối, nhét chân vào bánh xe giả bị đau rồi đòi bồi thường hàng chục triệu đồng...
Theo báo cáo của huyện Mường Nhé, hành vi phá rừng của những người di dân tự do rất tinh vi; số lượng người tham gia đông, có vụ lên tới 50 người. Một số vụ có dấu hiệu chống người thi hành công vụ; có đối tượng kích động, lôi kéo đông người trong gia đình, dòng họ để đe dọa, khống chế lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thi hành công vụ.
Tuy nhiên, trong số 313 vụ phá rừng, chính quyền địa phương mới chỉ xử lý được 20 vụ, đối tượng là người địa phương. Các vụ việc do người di cư tự do thực hiện thì chính quyền chưa xử lý được vụ việc nào, trong khi tình trạng chống người thi hành công vụ quản lý, bảo vệ rừng ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Ở thời điểm này, có thể nói rằng công tác phòng chống phá rừng của huyện Mường Nhé nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung đang gần như "bất lực." Một trong những nguyên nhân được chính quyền địa phương nhắc đến nhiều nhất là việc xử lý những người di cư tự do. Hiện vẫn còn 395 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu từ 8 tỉnh đến sau thời điểm 30/4/2011. Đây là những trường hợp không được bố trí sắp xếp ổn định tại chỗ theo Đề án 79 của Chính phủ, mà phải trả về địa phương nơi xuất cư. Tuy nhiên, từ trước đến nay, có 4/8 tỉnh hiện vẫn chưa cử đại diện đến để giải quyết, 4 tỉnh còn lại có các đoàn công tác đến "xem rồi về."
Nói như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, tình trạng phá rừng tại toàn huyện Mường Nhé là hết sức nghiêm trọng. Trong khi đó, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé hầu như không xảy ra tình trạng phá rừng. Đó không phải vì địa bàn này không có người di cư tự do đến mà vì lực lượng bảo vệ rừng ở đây thường xuyên tuần tra, phát hiện kịp thời, đưa ra và xử lý ngay theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Hà Công Tuấn cho rằng đây là bài học cho huyện Mường Nhé, phải vừa đảm bảo quyền lợi của bà con, vừa thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ chính sách cho bà con nhưng cũng không để cho một số phần tử lợi dụng chính sách của Nhà nước để cố tình vi phạm pháp luật, tạo ra những hệ lụy và thói quen "nhờn" luật lâu dài... (Xây Dựng 21/6) đầu trang(
Tình trạng phá rừng thông lấy đất sản xuất diễn ra âm thầm nhiều năm nay, giờ đây ở huyện Mang Yang (Gia Lai) lại rộ lên và trở thành điểm nóng khó giải quyết. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu việc phá rừng này có hay không sự tiếp tay của cán bộ địa phương?
Cơn sốt giá tiêu ngày một tăng cao vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhu cầu đất trồng tiêu của người dân trở nên nóng bỏng. Đặc biệt, cơn sốt chanh dây thu lãi lớn gần đây đã khiến nhiều người dân đổ xô đi tìm mua đất trồng tiêu, chanh dây để đổi đời. Trong khi đất sản xuất ngày một hiếm, người dân chỉ còn hướng về rừng, vậy là cuộc "đổ bộ" lấn chiếm đất rừng thông tại xã Đak Djrăng (Mang Yang) lại rộ lên.
Người dân từng ngày, từng giờ, chặt, đốt, phá dần những hàng thông đang xanh tốt để chiếm dụng, dù biết rõ đó là đất rừng. Thay vì phải lén lút, chặt hạ cây vào ban đêm như trước, nhiều hộ dân vô tư thuê người đến khu vực đất rừng thông để cùng "xí phần", rồi ra sức đốn chặt cây rừng.
Làm một chuyến thị sát tại hiện trường, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng loạt cây thông bị chết khô và đốn hạ không thương tiếc. Có cây bị người dân chặt ngang gốc ngã đổ, cây thì bị gọt đẽo quanh thân. Người dân địa phương đang lấn chiếm rừng tại khu vực rừng thông thuộc xã Đak Djrăng xuất hiện ngày một nhiều.
Tại một khoảnh rừng thông vừa bị chặt hạ, một vài cây thông bị chặt đổ rạp xuống khoảng đất trống chưa kịp dọn đi, nơi khác tiếp tục là vài ba cây thông đang bị người dân ra sức gọt, chặt để cây chết dần trong nay mai. Ngay giữa phần đất vừa mới được dọn cây rừng này, chủ đất mới đang cho người đào giếng, kéo điện. Điều đáng nói, khu vực rừng thông bị người dân lấn chiếm nằm cách trụ sở UBND xã Đak Djrăng chưa đến cây số về hướng Bắc.
Tại xã Đak Jơ Tar, huyện Mang Yang, khu vực rừng thông nằm dọc theo Quốc lộ 19 (đoạn giáp ngã ba đi xã Ayun) cũng chịu chung số phận, khi bị người dân chặt phá. Tình trạng trên diễn ra suốt thời gian dài, những cây thông tại khu vực này bị người dân thay dần bằng trụ bê tông, trồng cây keo dậu để trồng tiêu. Dọc theo dãy rừng thông đang bị xâm hại là những rẫy cà phê được trồng xen và chờ để mở rộng từng gốc khi mỗi một cây thông chính thức bị hạ xuống.
Khi được hỏi về nguồn gốc đất, một người đàn ông chừng 40 tuổi đang đào giếng dừng tay cho chúng tôi biết: “Đất trống thì để làm gì, người trước chặt bán lại cho người sau . Ông chú tôi mua lại chẳng đáng bao tiền, nay giao đất lại cho tôi. Hiện nay, người đàn ông này đang tiến hành đào giếng, kéo điện để chuẩn bị trồng chanh dây.
Việc phá rừng thông để lấy đất sản xuất ở đây không mới. Vào thời điểm tháng 10-2013, rừng thông hàng chục năm tuổi cũng như hàng ngàn cây sao xanh trên địa bàn huyện Mang Yang đã bị dân ngang nhiên phá bỏ chiếm rừng làm đất rẫy.
UBND tỉnh Gia Lai, chính quyền huyện Mang Yang vào cuộc yêu cầu các phòng chức năng trong huyện rà soát mới khám phá ra nhiều điều bí ẩn. Vụ lấn chiếm đất rừng, được huyện cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ dân tại các tiểu khu 496, 499 và 501, xã Đak Djrăng, vẫn chưa có hồi kết, thì mới đây, các vụ xâm hại, chặt phá rừng thông và cấp sổ đỏ mới trên phần đất của Nhà nước quản lý lại tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng hơn.
Năm 2008, sau hơn 30 năm tồn tại, Công ty Chè Ayun làm ăn thua lỗ và trở thành "con nợ" của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Gia Lai và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Đoa với tổng số tiền lên đến hơn 22 tỷ đồng. Ngày 9-2-2009, UBND tỉnh có công văn đồng ý cho phép Công ty Chè Ayun làm thủ tục phá sản. Do vướng mắc trong quá trình kê biên tài sản và những lý do khách quan khác, mãi đến năm 2013, Công ty Chè Ayun mới hoàn tất các thủ tục phá sản theo quy định.
Theo đó, Cục Thi hành án dân sự đã bán đấu giá vườn cây và tài sản trên đất cho công nhân gồm: Vườn xoài, vườn chè kinh doanh cũ, vườn chè cao sản mới và cà phê cho hơn 220 hộ, với hơn 250ha. Diện tích đất còn lại của công ty thuộc quyền quản lý của Nhà nước…
Ngày 13-9-2013, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 136/QĐ-UBND về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất của Công ty Chè Ayun và giao cho UBND huyện Mang Yang quản lý. Diện tích thu hồi hơn 1.102ha, trong đó, tại địa phận thị trấn Kon Dơng (Mang Yang) gần 500 ha, địa phận xã Đak Djrăng hơn 600ha.
Khu vực đất Nông trường chè Ayun (cũ) thuộc thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng bị người dân xà xẻo, lấn chiếm hàng trăm héc-ta. Nghiêm trọng hơn, những nơi bị lấn chiếm lại được UBND huyện Mang Yang cấp sổ đỏ. Cán bộ địa phương lại thông đồng với người lấn chiếm đất công để xác nhận, lập hồ sơ.
Công an tỉnh Gia Lai chỉ đạo Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành điều tra, xác minh để có biện pháp xử lý các sai phạm nói trên. Cụ thể, ngày 4-11-2015, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã làm việc với Văn phòng đăng ký đất đai Gia Lai, chi nhánh huyện Mang Yang để phối hợp điều tra. Qua đó, có 48 hồ sơ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp được thu thập.
Trong số 48 hồ sơ đơn vị cung cấp cho Công an tỉnh để điều tra thì có hộ được cấp sổ đỏ với diện tích lên đến 15,5ha, hộ trung bình thì khoảng gần 6ha, còn hộ ít nhất là 2.028m2. Có trường hợp cùng một tên nhưng được UBND huyện Mang Yang ký cấp 4 sổ với những diện tích to, nhỏ khác nhau.
Theo điều tra ban đầu từ Công an tỉnh Gia Lai, trong số 48 hồ sơ được huyện cấp, có 3 sổ đỏ gồm: Số BH142701, cấp ngày 22-8-2011 với diện tích cấp hơn 15,5ha; số BH167897 diện tích cấp gần 6ha; số BH167898 diện tích cấp hơn 3ha.
Cả 3 thửa đất này thuộc thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng và nằm trên diện tích đất Công ty Chè Ayun quản lý và phải thu hồi theo Quyết định số 136/ QĐ-UBND ngày 13-9-2013 của UBND tỉnh Gia Lai. Theo điều tra của Công an tỉnh cho biết, hồ sơ số BH 167897, BH 167898 "có nghi vấn" do cán bộ địa chính xã và Trưởng thôn Linh Nham thực hiện.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cùng nằm trên diện tích đất thuộc thôn Linh Nham và đồi 744 vẫn còn nhiều sổ đỏ do ông Nguyễn Như Phi, Phó Chủ tịch ký, cấp (nay ông Phi là Chủ tịch UBND huyện Mang Yang). Trong đó có các thửa BA 546967 diện tích hơn 13ha, BA 546966 diện tích hơn 26,8ha. Riêng Giấy chứng nhận số H01095 với diện tích được cấp hơn 41ha lại thuộc về một người mang hộ khẩu ở tận quận Long Biên, TP Hà Nội sở hữu...
Sổ đỏ thì rành rành, tuy nhiên tất cả diện tích trên đều nằm trên phần đất đang được UBND tỉnh Gia Lai bàn giao cho huyện Mang Yang quản lý. Để công tác điều tra thuận lợi cũng như hạn chế các sai phạm tiếp theo, cơ quan điều tra đã đề nghị UBND huyện Mang Yang chỉ đạo phòng chức năng tạm dừng các thủ tục đăng ký biến động về quyền sử dụng đất như chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế... (Biên Phòng 21/6) đầu trang(
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu đóng toàn bộ các cửa rừng tự nhiên. Trước đó, đã có những phát biểu thật sự ấn tượng trong các cuộc họp bảo vệ rừng: “Không xử lý được phá rừng vì có cán bộ trong đó”;  “Có thế lực ngầm đứng sau”....
“Những vụ phá rừng không xử lý được vì có cán bộ trong đó. Cán bộ có nhận đất, có nhận rừng, có buôn bán đất đai, có chỉ đạo bật đèn xanh cho phá rừng. Do đó nó cứ lùng nhà lùng nhùng, sang nhượng lung tung đâu xử lý được, công an cũng bó tay. Chúng tôi đi thực tế nhận ra nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, không làm rõ được trách nhiệm vì có... quân ta trong đó”, ông Nguyễn Đức Luyện - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2020) do Bộ NN&PTNT tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chiều 9-4-2015.
“Cây gỗ chứ đâu phải cây kim sợi chỉ mà dễ giấu, dễ lọt? Để đưa gỗ từ trong rừng ra phải đi qua nhiều trạm kiểm lâm, đồn biên phòng, vậy mà xe gỗ vẫn chạy ào ào là cớ làm sao? Gần đây, Bộ Công an vây bắt một xưởng gỗ chứa hàng ngàn khối gỗ quý ngay tại TP Buôn Ma Thuột mà địa phương cũng... mù tịt”, ông Y Đ’hăm ÊNuôl - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk (hiện là trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk) - phát biểu trong một cuộc họp với Tổng cục Lâm nghiệp năm 2015.
“Các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, cây ăn trái là một trong những nguyên nhân căn bản hủy diệt rừng. Có dự án trước đây nói là rừng nghèo, nhưng khi đốn hạ thấy toàn gỗ quý. Sau đó chủ đầu tư lại cho trồng điều nhưng cây không lên trái nổi, người ta lại chặt bỏ, trồng keo nhưng cây cao được khoảng 5m thì chết đứng”, trung tướng Lê Chiêm, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, nói trong hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” do Bộ NN&PTNN tổ chức tại Đắk Lắk sáng 20-6.
“Lợi dụng chủ trương giao đất, giao rừng, nhiều cán bộ công an, kiểm lâm... đã thâu tóm đất, sang nhượng đất rừng để kiếm lời dẫn đến việc rừng bị phá tan hoang. Vừa rồi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã xử lý kỷ luật hơn 100 cán bộ công an, kiểm lâm liên quan đến việc này”, ông Nguyễn Bốn - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - nói trong hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” do Bộ NN&PTNN tổ chức tại Đắk Lắk sáng 20-6.
“Trong rất nhiều vụ vi phạm lâm luật có nhiều lực lượng ngầm đứng đằng sau. Nếu không phối hợp tốt hơn như công an, kiểm lâm, chính quyền địa phương không cách gì phát hiện đầu nậu gỗ, đầu nậu rừng, đầu nậu lâm sản mà chỉ bắt được mấy ông cửu vạn. Ngoài sức ép lên rừng như di dân tự do, rõ ràng đằng sau đấy còn có các đối tượng vi phạm, cần tiếp tục xử lý mạnh mẽ hơn...”, nguyên phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2020) do Bộ NN&PTNT tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chiều 9-4-2015. (Tuổi Trẻ 21/6) đầu trang(
Đọc bài “Cần bảo vệ rừng” trên Báo Vĩnh Long ra ngày 3/6/2016 cho thấy vai trò quan trọng của rừng cũng như một số biện pháp bảo vệ rừng của người dân, chính quyền địa phương,…
Tuy nhiên thực tế tình trạng phá hoại rừng hiện nay đang ở tình trạng báo động, xảy ra một cách thường xuyên, phổ biến tại các địa phương trên cả nước. Nguyên nhân rừng đang “chảy máu” như hiện nay theo tôi là do lực lượng kiểm lâm chưa đủ sức gánh vác nhiệm vụ nặng nề này.
Lực lượng kiểm lâm hiện nay so với diện tích quản lý rừng là quá mỏng, có nhiều nơi nếu chia bình quân thì một kiểm lâm phải quản lý gần hàng trăm hécta rừng.
Mặt khác, lực lượng kiểm lâm lại hàng ngày làm việc đối diện với các đối tượng khai thác rừng chuyên nghiệp và trong số đó không ít kẻ có tiền án, tiền sự, máu mặt giang hồ sẵn sàng tấn công lại khi kiểm tra, xử lý…
Và không ít đồng chí của lực lượng này đã hy sinh hay mang thương tật suốt đời khi thực hiện nhiệm vụ. Táo tợn hơn nữa là bọn lâm tặc dám tấn công vào cả trạm kiểm lâm để giải thoát đồng bọn hay giành lại phương tiện, tang vật bị thu…
Vì vậy, theo tôi để giữ gìn và bảo vệ rừng có hiệu quả thì Đảng và Nhà nước nên có chủ trương chuyển kiểm lâm thành lực lượng vũ trang; sáp nhập lực lượng kiểm lâm về cho lực lượng công an hay bộ đội biên phòng quản lý.
Chúng ta gọi những kẻ phá hoại rừng là “lâm tặc”, là những kẻ thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật có tính chất hình sự, còn rừng “là tài nguyên quý giá của quốc gia”.
Do đó, công tác bảo vệ rừng được xem như một mặt trận, một trận chiến nhưng lực lượng kiểm lâm hiện nay không đủ sức, thẩm quyền, phương tiện mạnh để thực hiện cuộc chiến trên mặt trận này.
Khi lực lượng kiểm lâm trở thành lực lượng vũ trang thì thẩm quyền cũng như phương tiện được trang bị cao hơn, sự chỉ đạo sẽ được xuyên suốt hơn trong công tác bảo vệ rừng cũng như giải quyết các vi phạm liên quan đến hành vi phá hoại rừng một cách nhanh chóng mà không cần phải phối hợp với các lực lượng khác cùng giải quyết như lực lượng kiểm lâm hiện nay đang làm. (Báo Vĩnh Long 21/6) đầu trang(
Vừa qua, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có cuộc làm việc với các Hạt Kiểm lâm tại huyện Sốp Cộp nhằm thảo luận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị này đang mắc phải.
Báo cáo kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm của Hạt kiểm lâm Sốp Cộp cho thấy: Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến đầu tháng 6, lực lượng Kiểm lâm Sốp Cộp đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 19 vụ, giảm 27 vụ so với cùng kỳ năm 2015
Từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm Sốp Cộp đã chủ động xây dựng và ban hành 9 phương án PCCCR cấp huyện, xã, chỉ đạo Kiểm lâm viên thường xuyên bám nắm địa bàn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại và băng giá dịp đầu năm đã làm ảnh hưởng đến trên 15.700ha rừng.
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hàng chục vụ cháy rừng trên địa bàn huyện, làm thiệt hại 75ha rừng. Hạt Kiểm lâm Sốp Cộp kiến nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh,Sở NN&PTNT hỗ trợ thêm nhân lực, cũng như nguồn kinh phí, trang bị thêm phương tiện kỹ thuật để đơn vị thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện.
Tại cuộc làm việc với Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sốp Cộp và các đơn vị liên quan. Theo thống kê: Khu rừng đặc dụng Sốp Cộp hiện đang quản lý 17.400ha rừng, khu bảo vệ nghiêm ngặt là 5.100ha. 6 tháng đầu năm, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sốp Cộp phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm xử lý hành chính, phạt tiền 58,5 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của các Hạt Kiểm lâm và các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Sốp Cộp.
Đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm hiện nay không chỉ dừng lại ở việc quản lý-bảo vệ rừng, hơn nữa là nhiệm vụ phát triển rừng. Do vậy, Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, bản tăng cường quản lý nương rẫy, xử lý triệt để những sai phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Sơn La 21/6) đầu trang(
Sáng 21/6, tại phiên xét xử phúc thẩm hình sự vụ án 7 cựu chiến binh ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông phạm tội “hủy hoại rừng”, TAND tỉnh Đắk Nông đã quyết định hủy bản án sơ thẩm hình sự, giao cấp sơ thẩm điều tra lại vì “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Theo kết quả điều tra, 7 người trên đã hủy hoại 0,98ha rừng tại lô 3 và 6, khoảnh 1, tiểu khu 1710, thuộc lâm phần quản lý của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (ở xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa).
Ngày 14/4, TAND thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã tuyên phạt Đỗ Mạnh Hùng (SN 1962) 7 tháng tù giam; Nguyễn Xuân Dũng (SN 1960), Vũ Tất Đắc (SN 1953), Đoàn Xuân Trường (SN 1974), Hoàng Văn Sằn (SN 1957), Nguyễn Nam Thái (SN 1967) và Cao Minh Điến (SN 1968), cùng trú thôn 6, xã Trường Xuân mỗi người 6 tháng tù giam vì tội “hủy hoại rừng”.
Không đồng tình với bản án của tòa, 7 cựu chiến binh đã làm đơn kháng án gửi lên TAND tỉnh. Tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 21/6, các bị cáo khai rằng rừng đã bị chặt phá trước đó, họ chỉ phát dọn lại cây cỏ để trồng keo. Các bị cáo cũng cho rằng cán bộ điều tra đã bỏ trống phần ghi diện tích rừng, vị trí, hiện trạng, dấu vết chặt phá... và “dụ” họ ký vào các biên bản hiện trường.
Theo các luật sư bào chữa tại phiên tòa, bản án sơ thẩm kết luận mâu thuẫn với nhiều tài liệu, chứng cứ khác. Khi kiểm tra hiện trường, cơ quan điều tra đã không mời những người cho là vi phạm tham gia, không chụp ảnh hiện trường, không xác định tọa độ và không mô tả chi tiết về hiện trường như: mật độ cây bị chặt, vết chặt phá mới hay cũ... là vi phạm thủ tục tố tụng.
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX cho rằng quá trình điều tra, truy tố trong vụ án này đã để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm không thể xử lý được những sai phạm này vẫn xét xử, tuyên án phạt đối với các bị cáo là không đủ căn cứ.
HĐXX đã tuyên hủy bản án sơ thẩm ngày 14/4, trả hồ sơ về VKSND thị xã Gia Nghĩa để điều tra lại. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 21/6) đầu trang(
Ngày 20-6, nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết hôm 21-6, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính sẽ có buổi làm việc với Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan của Bộ để làm rõ vụ việc liên quan đến tờ khai hải quan đối với lô gỗ của Công ty Xuất nhập khẩu Bảo Ngọc Bình Phước (gọi là Công ty Bảo Ngọc).
Ngày 18-6, Pháp Luật TP.HCM thông tin ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xem xét xử lý các kiến nghị của Công ty Bảo Ngọc và báo cáo kết quả giải quyết cho Thủ tướng.
Trước đó, Công ty Bảo Ngọc cho rằng Bộ Công an và Tổng cục Hải quan đã bàn giao hai lô gỗ tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) và lô gỗ ở cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp). Trong khi lô gỗ ở Bình Phước đã được thông quan cho tạm nhập tái xuất thì số gỗ còn lại ở cửa khẩu Dinh Bà vẫn bị “giam”.
Công ty Bảo Ngọc nhiều lần đề nghị cho thông quan, phục hồi tờ khai hải quan cho lô gỗ trên nhưng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vẫn không cho thông quan, phục hồi tờ khai tạm nhập tái xuất. (Pháp Luật TP.HCM 21/6) đầu trang(
Phòng CSGT Hà Nội cho biết, hồi 15h20’ ngày 19/6/2016, tổ công tác Đội CSGT số 12 thực hiện nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 6 từ km 19+800 đến km37+900, phát hiện ô tô BKS 36M - 4770 có dấu hiệu nghi vấn chở quá tải nên đã dừng phương tiện để kiểm tra.
Qua kiểm tra lái xe là anh Chu Văn Sơn (SN 1983), trú tại phường Đồng Tiến - TP Hòa Bình - Hòa Bình. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt hành chính với lỗi ‘‘Chở hàng quá trọng tải được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định ATKT và BVMT trên 100%’’. Kiểm tra hàng hóa trên xe tổ công tác phát hiện có 52 thanh gỗ pơmu (2,097 m3). Lái xe không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc số gỗ trên.
Tổ công tác đã lập biên bản bàn giao vụ việc cho Trạm kiểm lâm Miếu Môn để tiếp tục điều tra giải quyết theo đúng quy định. (Nông Nghiệp Việt Nam 21/6) đầu trang(
Chiều 20-6, trong lúc TTKS tại Km 13 Tỉnh lộ 622C (đoạn qua thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình, H. Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), lực lượng CAH Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) bắt quả tang một vụ chở gỗ nghi khai thác trái phép.
Tại hiện trường, tổ công tác CAH phát hiện Nguyễn Văn Dung (28 tuổi, trú xã Bình Mỹ, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) điều khiển ô-tô BKS 76C-03480 vận chuyển 14 phách gỗ chò, thuộc nhóm 3, toàn bộ số gỗ trên đều không có giấy tờ. Hiện vụ việc đang được phối hợp cơ quan chức năng điều tra làm rõ. (Công An TP.Đà Nẵng 21/6) đầu trang(
Thiếu tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Tối ngày 18/6, Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với các đơn vị liên quan bắt giữ 2 vụ, 2 đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép, tạm giữ 2 xe ô tô và 9,4m3  gỗ các loại.
Thực hiện kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm, Phòng Cảnh sát đường thủy đã triển khai kế hoạch rà soát một số đối tượng trên tuyến. Đến khoảng 23 giờ ngày 18/6, từ nguồn tin báo của người dân tại khu vực suối Cướm thuộc bản Cướm, xã Diên Lãm (Quỳ Châu, Nghệ An) có một số đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép.
Tổ công tác của Phòng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp với Hạt kiểm lâm bảo vệ rừng Pù Huống và Hạt kiểm lâm huyện Quỳ Châu kịp thời có mặt để kiểm tra, bắt giữ chiếc xe tải BKS 37C - 101.80 đang vận chuyển lâm sản trái phép.
Lái xe là anh Hồ Đức Tài (SN 1994) trú tại xóm 2B, Tân Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Qua kiểm tra, trên xe có 3,5 m3 gỗ chưa rõ chủng loại không có ngồn gốc hay đóng dấu của kiểm lâm, tổ công tác đã lập biên bản bàn giao cho lực lượng liên quan.
Tiếp đó đến 23 giờ 45 phút, cũng tại khu vực trên, tổ công tác của Phòng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp với Hạt kiểm lâm bảo vệ rừng Pù Huống và Hạt kiểm lâm huyện Quỳ Châu phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Cao Cường (SN 1976) trú tại xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu thu giữ trên xe của đối tượng 5, 9 m3 gỗ.
Tại đây các đối tượng này khai nhận chở thuê cho một người không rõ địa chỉ về huyện Quỳnh Lưu, khi đến nơi sẽ có người liên hệ nhận hàng. Đây là số gỗ được “lâm tặc” khai thác trái phép và trên đường vận chuyển về xuôi thì bị bắt.
Tất cả số gỗ thuộc nhóm III (gỗ dổi, gỗ de, gỗ vàng tâm), nằm trong danh mục cấm khai thác vận chuyển trái phép, số gỗ trên không có dấu búa Kiểm lâm, không có giấy phép vận chuyển của cơ quan chức năng, lái xe không xuất trình nguồn gốc xuất xứ của gỗ.
Hiện, toàn bộ tang vật trên đơn vị đã giao cho Công an huyện Quỳ Châu trực tiếp điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. (Công An Nghệ An 21/6) đầu trang(
Hơn 100 học sinh tiểu học ở TP.HCM được khám phá thiên nhiên, học cách bảo vệ sinh vật rừng tại rừng phòng hộ Thác Mai (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), cách TP.HCM 150km, vào đầu tháng 6 vừa qua. Đây không phải chuyến du lịch mà là cuộc trải nghiệm trong thiên nhiên hoang dã.
Tại đây, các em được hòa mình vào không gian núi rừng, không có điện, không có sóng điện thoại..., hoàn toàn khác với cuộc sống ồn ào ở thành phố.
Các em đã cùng ba mẹ tìm hiểu các loài động thực vật mà trước đây chỉ thấy trên truyền hình, tự mình vượt qua quãng đường rừng đầy chướng ngại vật, vách đá trơn trượt. Nhiều em rất vất vả mới vượt qua quãng đường rừng, nhưng rất hào hứng khi học được nhiều điều mới lạ, từ cách dựng lều ngủ ngoài trời bên cạnh dòng suối đến việc tìm hiểu các giống loài, ghi hình và nghe giải thích.
Từ 5g sáng, các em đi bộ gần 2km qua cánh rừng, đến địa điểm trồng cây để phủ trọc khu đất diện tích 3ha. Các em tự trồng cây, ba mẹ chỉ quan sát. Những bàn tay nhỏ bé tự đào hố, lấy cây giống, khéo léo trồng từng cây xuống đất giữa trời nắng.
Khi hoàn thành cũng là lúc những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt các em. Bé Phạm Trí Dũng (10 tuổi) nói: “Lần đầu con đi trồng cây trong rừng, con rất vui. Con đã tự tay làm được việc có ích rồi, sau này con sẽ vào rừng trồng nhiều cây hơn nữa”.
Chi phí cho mỗi chuyến đi cả gia đình là 1 triệu đồng, trong hai ngày. Người đứng ra tổ chức chuyến trải nghiệm này là nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung. Ông đã tổ chức nhiều chuyến đi khám phá thiên nhiên cho trẻ em các tỉnh phía Nam. “Tôi vốn là cán bộ hải quan, vì yêu thiên nhiên mà nghiên cứu sinh vật rừng. Tôi luôn muốn giúp giáo dục các em nhỏ có ý thức bảo vệ thiên nhiên ngay từ nhỏ” - ông Trung nói. (Tuổi Trẻ 22/6) đầu trang(
Để bảo vệ loài rùa biển thì ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng mua bán, vận chuyển, lực lượng Công an Quảng Ngãi đã phối hợp với Biên phòng và các ngành chức năng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời, vận động người dân không tham gia các hoạt động xâm hại đến các loài động vật quý hiếm này.
Cuối tháng 5 vừa qua, trong lúc tuần tra, lực lượng Biên phòng đã phát hiện 6 cá thể rùa biển do người dân bắt lên bờ (thuộc thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Tổng trọng lượng 6 cá thể rùa khoảng 45kg; chiều dài mai từ 43-46cm, trong đó có 5 cá thể rùa loại vích  và 1 cá thể rùa loại đồi mồi.
Đây là 6 cá thể rùa quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với lực lượng biên phòng tiến hành thả 6 cá thể rùa trên ra biển. Đồng thời, theo dõi quá trình di cư và sinh trưởng thông qua thẻ định dạng.
Ông Phùng Đình Toàn – Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Vẫn còn một số ngư dân khai thác rùa biển. Trong lúc vô tình khai thác gặp rùa biển nhưng không thả rùa biển lại với đại dương mà đem về mua bán, giết mỗ. Vì thế trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, làm sao nâng cao nhận thức người dân về động vật quí hiếm này. Làm sao khi họ đánh bắt được thì thả rùa về lại đại dương.
Cách đây không lâu, Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng đã bắt quả tang một xe ô tô đông lạnh chở 94 con rùa biển quý hiếm. Theo chủ xe khai nhận toàn bộ cá thể rùa này được mua lại từ các tàu đánh cá ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi lén lút thu gom chuyển vào tỉnh Khánh Hòa tiêu thụ.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Chi Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp Biên phòng, Công an tỉnh đã phát hiện, thu giữ 12 cá thể rùa biển thả về đại dương; kịp thời xử lý hành chính nhiều đối tượng khai thác, vận chuyển, buôn bán.
Ông Lê Khuân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi cho rằng: Ngư dân đánh bắt lâu năm rồi thì biết con gì nhà nước mình cấm. Trong khi đó ngư dân mình đánh dài ngày trên biển không thể tuyên truyền. Vì thế nhiều đêm tôi phải thức để gọi icom tuyên truyền ngư dân trong nghiệp đoàn không nên đánh bắt rùa biển.
Trong thời gian tới, lực lượng Công an, Biên phòng Quảng Ngãi sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển, mua bán, đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn; vận động nhân dân không tham gia các hoạt động xâm hại đến tài nguyên, môi trường biển, săn bắt rùa biển. Qua đó,  nâng cao trách nhiệm bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên biển trong cộng đồng.  (ANTV 20/6) đầu trang(
Chiều 21-6, TAND quận Tân Bình, TP HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt Phan Huỳnh Anh Khoa (Khoa “xì trum”; SN 1993; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Ngoài ra, bị cáo phải nộp phạt 50 triệu đồng.
Theo cáo trạng, Khoa thuê mặt bằng ở quận Tân Bình để mua bán động vật. Sáng 3-12-2015, một người không rõ lai lịch liên lạc với Khoa, hỏi mua 9 con rái cá với giá 3,5 triệu đồng/con, 1 voọc chà vá chân đen giá 6 triệu đồng. Chiều cùng ngày, Khoa mang hàng đến điểm hẹn thì bị công an bắt quả tang. Những cá thể trên thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm. (Người Lao Động 21/6; Tiền Phong 21/6; Tuổi Trẻ 21/6) đầu trang(
Trong hơn 10 năm làm CTV rồi làm PV báo CATP.HCM, do đặc thù, tính chất công việc, tôi có nhiều chuyến đi, đến nhiều vùng đất.
Kỷ niệm về những chuyến đi nhiều vô kể, vui có, buồn có. Nhưng, có một chuyến đi đáng nhớ mà mỗi lần nghĩ lại tôi còn rùng mình vì cảm giác hồi hộp, lo lắng.
Tháng 11-2007, tôi đang ở TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Khoảng 17 giờ, tôi nhận được tin, một đàn voi rừng khoảng gần 20 con đang về phá vườn rẫy của người dân hai xã biên giới Ea T’mốt, Ea Lơi thuộc huyện Ea Súp (giáp Campuchia, cách TP.Buôn Ma Thuột khoảng 80km). Tối hôm trước, 4-5 con voi đã về trước “thám thính” tình hình, khả năng đêm nay, voi đầu đàn sẽ dẫn về cả đàn khoảng 30 con để càn quét hoa màu của bà con.
Thời điểm đó, những cánh rừng Tây Nguyên bị chặt phá dữ dội, phần do lâm tặc, phần do bà con người Mông di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc tràn vào, phá đất rừng làm nương rẫy khiến nguồn thức ăn của thú rừng bị cạn kiệt.
Đàn voi rừng ở huyện Ea Sup là một trong số ít ỏi đàn voi rừng ở Tây Nguyên còn sống sót, lâu nay tưởng chúng đã bỏ đi đâu mất, nay đến mùa cây lương thực của bà con (bắp, đậu, lúa… ) đến kỳ trổ hạt, sắp được thu hoạch, bỗng chúng tìm về kiếm ăn. Lãnh đạo chính quyền, công an hai xã Ea T’mốt, Ea Lơi và các xã lân cận đã chỉ đạo lực lượng, phối hợp cùng bà con chuẩn bị cho đêm nay ứng phó với đàn voi rừng này.
Voi rừng ngày càng trở nên hung dữ vì “giận” người làm mất rừng, mất thức ăn, chỗ ở (“nhà”) của chúng. Con nào con nấy nặng đến cả chục tấn, những bàn chân to như cột nhà, cột đình, chỉ một cú đá của nó thì đến cả cái nhà hay cái xe hơi cũng lăn lông lốc hoặc đổ sập?.
Tôi nghe và biết được những thông tin như thế thì vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Hồi hộp vì đây là lần đầu tiên trong đời, tôi chính thức được chiêm ngưỡng những con voi rừng to lớn, dũng mãnh, nhanh nhẹn, thuộc về tự nhiên chứ không phải những con voi đã được con người thuần phục suốt nhiều năm, vẫn cần mẫn làm du lịch ở các khu du lịch Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), hồ Lắk (huyện Lắk)… hay đi làm xiếc hoặc vất vả thổ hàng, hì hục kéo gỗ cho chủ của chúng mà tôi vẫn thường thấy.
Tôi lo lắng, bởi nghe kể, mấy năm trước, có đàn voi rừng 4-5 con về phá nát hoa màu của bà con ở tỉnh Bình Thuận, bị xua đuổi, chúng “trả thù” bằng cách phá nhà của bà con. Khủng khiếp hơn là câu chuyện có con voi rừng “nổi điên”, quật chết một bà lão gần 60 tuổi rồi hút máu. Câu chuyện có thật xảy ra ở huyện Krông Bông (Đắk Lắk) năm 1997.
Tôi háo hức đi. Trời bắt đầu đổ mưa, mây đen vần vũ, mịt mù. Đường về huyện Ea Súp hồi đó xấu khủng khiếp, rặt “ổ gà, ổ voi”, nhà dân ở thưa thớt. Nhiều đoạn đường đèo vắng đến cả chục km, không một bóng nhà dân, nổi tiếng về những vụ trộm cướp, hiếp dâm. Tôi một mình thân gái, không dám mạo hiểm, vội liên lạc với đồng nghiệp, nhưng anh bạn nói chờ khoảng nửa tiếng. Chờ được 5 phút, ruột gan tôi nóng như nửa đốt. Tôi quyết một mình phóng xe máy xuống “mục sở thị” đàn voi.
Tôi nhét vội chai xịt hơi cay vào túi áo khoác, còn hình dung ra cảnh nếu bị kẻ xấu tấn công, tôi sẽ “ăn miếng trả miếng” thế nào. Mưa xối xả, hắt vào mặt, vào mắt, cay xè. Đi qua những đoạn đường đèo vắng, tim tôi vẫn đập loạn lên vì sợ, vì run. Tôi cố trấn an mình. Dù cố gắng chạy thật nhanh, tôi cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi.
Khi tôi đến xã Ea T’mốt đã là gần 19 giờ. Mưa đã tạnh, nhưng chưa dứt hẳn, bầu trời một màu đen sẫm. Gần rẫy bắp, đậu rộng cả héc-ta của bà con, khá đông người tập trung quanh đống lửa cháy bập bùng. Bà con đã chuẩn bị sẵn thêm nhiều đống củi, lá cây khô khác.
Họ mang theo nồi, vung, xoong, chảo, chiêng… để chờ khi đàn voi đến gần sẽ đốt lửa, gõ lên những âm thanh loạn xạ nhằm xua đuổi đàn voi. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì vẫn còn kịp chứng kiến mọi việc, bởi suốt từ chiều đến giờ, đàn voi mới đầu chỉ vài ba con, rồi tăng dần lên đến gần 20 con, vẫn chỉ đang đứng lấp ló trong cánh rừng xa kia “dọa dẫm” chứ chưa chính thức “đổ bộ” đến vườn rẫy của bà con.
Khoảng cách giữa đàn voi với đoàn người tập trung, cách nhau đến cả vài trăm mét. Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng bộ đội, công an huyện, xã đứng cảnh giới sát khu rừng, bắc loa nhắc nhở, ngăn cản bà con không được tự động vào rừng xem voi, bị kích động, voi sẽ tấn công lại.
Chủ tịch xã Ea T’mốt nói với tôi: “Đêm qua, đàn voi đã về phá lúa, bắp của bà con. Sáng nay, chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện đầy dấu chân voi. Chúng bỏ chạy qua hướng xã Ea Lơi. Voi sợ người nên phải chờ đêm đến, bà con đi ngủ say hết cả, chúng mới dám mò về. Đêm nay, chúng tôi phải thức canh, xua đuổi, chứ nếu không, để voi ăn hết lương thực, bà con năm nay đói”.
Tôi nhìn về phía trước, thấy khoảng 7-8 con voi đứng dàn hàng ngang, ánh mắt chúng nhìn về phía chính quyền, người dân tập trung đông đúc với dáng vẻ vừa dè chừng, vừa thách thức. Một anh cán bộ công an huyện, cho biết: “Đàn voi này có khoảng 30 con, chúng mới sinh thêm một con còn nhỏ xíu, đứng đâu đó xa trong rừng kia. Những con đang dàn hàng ngang kia là do đàn của chúng “cử” ra, “nắm tình hình”, nếu thuận lợi cả đàn sẽ lần lượt bước ra. Gặp khó khăn, chúng sẽ từ từ rút…”. Chẳng biết “hiệu lệnh” từ đâu, mấy con voi đang dàn hàng ngang phía trước, con thì ngửa cổ nghênh nghênh, con thì dứ dứ cái vòi, có con hú lên như thử “nắn gân” đám người đối diện.
Mỗi lần chúng “tỏ thái độ”, bà con lại gõ chiêng, vung, nồi… ầm ĩ, chúng lại lùi về sau. Khi thấy bà con im ắng, chúng lại trực chờ tiến lên. Tôi suýt bật cười và cả xúc động khi biết được voi có tâm tính chẳng khác con người là mấy! Cuộc dấm dứ cứ thế kéo dài suốt vài giờ liền.
Bất ngờ, 1, 2, rồi 3, 4 con voi liều mình tiến lên cả chục mét. Chúng trông nặng nề là thế, nhưng bước nhanh như gió. Thoắt cái đã đến sát gần hàng rào ranh giới giữa cánh rừng với phần đất rẫy của dân. Tiếng hò hét, chiêng, nồi… lại ầm ĩ vang lên. Tiếng trẻ con khóc thét vì sợ hãi. Nhiều người bỏ chạy tán loạn. Lực lượng chức năng phải theo sát, nhắc nhở.
Do đã được cán bộ làm công tác tư tưởng, người dân không ai dám lấy đất, đá ném voi mà chỉ xua chúng đi. Một số người già còn quỳ xuống chắp tay lạy chúng: “Ông voi, bà voi ơi! Xin hãy vào rừng tìm thức ăn khác của tự nhiên, đừng phá lương thực, mùa màng của chúng con… trăm nghìn lạy các ông, các bà…”. Lạ thay, những con voi dừng lại.
Tôi lách khỏi đám đông, khe khẽ luồn vào rừng, rum máy ảnh chụp đàn voi. Những con voi trông… rất hiền và tội nghiệp! Chúng có vẻ ấm ức vì không thể thực hiện “âm mưu” như đã định. 21 giờ 45, trời đổ mưa lớn. Cơn mưa rừng rả rích suốt từ chiều, tưởng rằng về đêm sẽ tạnh hẳn, chẳng ngờ lại đổ cơn mưa lớn khác.
Có lẽ vì mưa hay vì hết kiên nhẫn nổi với đoàn người gan dạ, bảo vệ mùa màng của mình, con voi đầu đàn từ phía rừng sâu hú lên một tiếng dài, lập tức đàn voi đang án ngữ ở bìa rừng lững lững quay đầu đi thẳng. Trước khi đi. chúng còn thi nhau hú những hồi dài như trêu ngươi người ở lại. Cảm xúc ngập tràn, tôi dự định sẽ viết một bài về bầy voi rừng để nộp về tòa soạn kịp đăng số sáng mai, liền vội vã chạy về trung tâm thị trấn huyện Ea Sup để viết bài.
Ngày đó, cả huyện Ea Sup không hề có một điểm kết nối mạng internet. Viết bài thì dễ, nhưng gửi đi bằng cách nào đây? Chiếc áo mưa tôi đã nhường cho một người dân, giờ giữa khu đất rẫy này biết lấy đâu ra áo mưa. Tôi cắm đầu chạy xe máy gần 20km, về đến trụ sở Công an huyện Ea Sup.
Người tôi ướt lướt thướt như con chuột lột. Anh em ở đó lấy cho tôi mượn một bộ đồ để thay. Vừa lúc, anh bạn ở Đội CSHS công an huyện và Đội trưởng của anh chạy xe máy về trụ sở. Người tôi lên cơn sốt, nóng hầm hập. Các anh lấy cho tôi vỉ thuốc hạ sốt, buộc tôi vào phòng nghỉ ngơi.
Tôi báo cho đồng chí Trưởng ban Chuyên đề biết tình hình, anh khuyên tôi ở lại nghỉ ngơi, sức khỏe là quan trọng, cố gắng ngủ một giấc, nửa đêm gần sáng thức dậy viết bài vẫn kịp cho số báo của ngày hôm sau. Anh sẽ báo với Ban Biên tập. Được “Sếp” chiếu cố, nhưng tôi không thể ngồi yên, tìm cách bỏ trốn khỏi đây để kịp về TP.Buôn Ma Thuột viết bài, có mạng gửi đi.
Không ngăn cản được tôi, hai anh bạn đồng ý đưa tôi về. Người tôi vẫn nóng ran, sốt hầm hập. Tôi sợ các anh chở đến bệnh viện nên khi gần về đến thành phố, tôi cố tỏ ra bình thường, tươi tỉnh. Chữ nghĩa trong đầu tôi nhảy múa, tôi nghĩ rằng, chỉ nửa tiếng thôi, tôi sẽ hoàn thành một bài tường thuật thật hay. Tôi cáo từ 2 anh bạn rồi vội chạy về phòng mình, đóng sầm cửa lại.
Nhưng tôi không gượng dậy nổi, tôi sốt mê man. Tự mình dậy tìm khăn ấm đắp trán rồi lấy thuốc hạ sốt uống. Vừa mệt, vừa đói, tôi nhanh chóng chìm vào một cơn mê. Giờ tôi mới nhận ra, từ chiều đến giờ chưa có thứ gì bỏ bụng. Cái đói cồn cào làm tôi tỉnh giấc. Tôi dậy, lục tìm ổ bánh mì ngọt ăn đỡ rồi háo hức ngồi vào bàn viết. 3 giờ sáng, tôi viết một mạch đến hơn 5 giờ thì hoàn thành bài viết. Mất gần nửa tiếng nữa tải hình ảnh trong máy ra, chỉnh sửa lại cho ưng ý, đọc lại vài lần nữa để tự sửa bài của mình, tôi hạnh phúc vì hoàn thành “đứa con tinh thần”, gửi đi xong thì trời sáng.
Mệt bã người, tôi lăn ra ngủ. Nhưng chỉ được chừng một tiếng, điện thoại tôi réo vang, ông chủ tịch xã Ea T’mốt cho biết: “Sáng sớm, cán bộ đi kiểm tra, phát hiện đầy dấu chân voi tàn phá rẫy của bà con. Xã Ea Lốp, Ea Lơi cũng bị voi về phá. Tổng thiệt hại ước tính cả trăm triệu đồng.. ”.
Tôi thức dậy, xách theo máy ảnh, phi xuống hiện trường, chụp ảnh những dấu chân voi đan chằng chịt trên các ruộng lúa nước, những vườn đậu, bắp giáp rừng của bà con. Có những dấu chân, tôi đặt cả hai chân mình vào còn lọt thỏm! Đêm hôm đó và nhiều đêm sau nữa, đàn voi rừng không về. Những dấu chân voi cũng mờ dần theo thời gian. Đận ấy, tôi ốm 3 ngày liên tiếp vì cảm lạnh, trúng gió.
Bẵng đi 6 năm sau, từ ngày 11 đến ngày 19-10-2013, đàn voi rừng khoảng 30 con này nhiều lần kéo về sát khu dân cư của thị trấn Ea Súp và khu vực rừng phòng hộ của huyện Ea Súp. Chính quyền huy động công an và các lực lượng khác ra túc trực ngày đêm để khua chiêng và các biện pháp khác để xua đuổi bầy voi, tránh việc chúng phá hoa màu, nương rẫy và bảo vệ tính mạng người và của cho dân.
Tôi cùng đồng nghiệp đã theo sát, chụp được hình ảnh về đàn voi rừng này. Đàn voi này rất khôn, chúng thường “bố trí” xuất hiện vài ba con đi trước để “thám thính”, nếu thấy bóng người đông, khua chiêng, gõ trống, đốt lửa tạo khói xua đuổi chúng, chúng có chút dè dặt đứng xa để chờ thời cơ về ăn hoa màu. Nhưng thấy ít bóng người là mạnh dạn kéo đến. Càng về sau, chúng càng dạn dĩ tiến gần tới khu dân cư, tỏ vẻ không “bận tâm”, sợ hãi gì về những phương pháp xua đuổi đã quá quen thuộc của các lực lượng chức năng và người dân.
UBND huyện Ea Sup sau đó đã làm công văn gởi đến cơ quan cấp trên xem xét, tìm biện pháp hữu hiệu để đưa đàn voi ra khỏi khu vực này, tránh gây thiệt hại về người và của cho người dân. Bên cạnh đó đảm bảo cho đàn voi được an toàn, tránh khỏi sự săn lùng của những kẻ săn voi… (Công An TP.HCM 22/6) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Sáng 21-6, tại buổi làm việc về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên.
Thủ tướng nhấn mạnh: Không để những thiết kế, ý tưởng của những nhà khai thác gỗ về thực hiện một cách không bình thường. Không chuyển rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp theo lộ trình mà một số người đã tính toán. Coi việc khôi phục rừng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm; đóng cửa rừng “ích nước lợi nhà”. Ai chặt rừng, phải điều tra xét xử nghiêm khắc nhất.
“Vì sao chúng ta không phát động phong trào trồng rừng?. 1,9 triệu người dân ở đây thử 1 người trồng 1 cây xem thế nào?” - Thủ tướng đề xuất. (Người Lao Động 21/6) đầu trang(
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp đã nhận được sự đồng tình và đây là giải pháp khẩn cấp để cứu rừng.
Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra tại hội nghị tìm các giải pháp khôi phục rừng vùng Tây nguyên tổ chức ở Đắk Lắk sáng 20-6 một lần nữa được Thủ tướng nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk sáng 21-6.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, ông Trương Phước Anh - giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai - cho biết đã họp với các chuyên gia lâm nghiệp của sở để rà soát các dự án liên quan đến rừng tự nhiên tại địa phương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hải - giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum - cũng nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ vì rừng hiện nay đang bị tàn phá quá nhiều”.
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Dương - giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk - cũng cho biết rất tán thành chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, đó là một trong những giải pháp để bảo vệ rừng.
Ông Đỗ Quang Tùng - giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk - cho rằng chỉ đạo “đóng cửa rừng” không phải có từ bây giờ mà từ năm 2014. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020.
“Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Bộ NN&PTNT trong công tác bảo tồn rừng. Và không chỉ có tôi mà các tổ chức quốc tế, các đơn vị quản lý rừng đều tán thành và rất đồng tình với chỉ đạo “đóng tất cả cửa rừng tự nhiên” của Thủ tướng Chính phủ” - ông Đỗ Quang Tùng nói.
Mặc dù ủng hộ nhưng theo ông Trương Phước Anh, Gia Lai hiện còn những dự án liên quan đến rừng đang triển khai dang dở, các khu dân cư vẫn cần phải rà soát lại từng loại đất, loại rừng để bóc tách, giao lại cho địa phương quản lý, chưa kể việc xem xét một số dự án làm thủy điện...
“Do đó, để thực hiện rốt ráo chủ trương trên, tỉnh sẽ phải xem xét từng dự án một” - ông Anh thông tin.
Ông Nguyễn Trung Hải cũng cho rằng việc triển khai đóng cửa rừng tự nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Tại Kon Tum có một số dự án liên quan đến diện tích rừng tự nhiên như làm đường giao thông, thủy điện... Những dự án này đang trong quá trình triển khai sẽ phải dừng lại theo như chỉ đạo của Thủ tướng. Do đó tới đây sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho dừng lại các dự án triển khai dang dở, còn các dự án mới sẽ không được cấp phép thực hiện” - ông Hải nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Dương nói rằng việc thực hiện chủ trương này rất khó khăn vì Tây nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có lợi thế phát triển nông nghiệp.
“Các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp cũng cần có quỹ đất để triển khai dự án. Trong bối cảnh cần phải thu hút đầu tư, đặc biệt những tập đoàn lớn đã có kế hoạch, đã triển khai, thậm chí có dự án đã được Thủ tướng phê duyệt.
Nếu dừng lại việc này thì khó cho tỉnh và doanh nghiệp, không thu hút đầu tư vào Đắk Lắk trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước không thể làm thay các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - ông Dương nêu ý kiến.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Cao Chí Công - phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) - cho hay việc đóng cửa rừng còn gọi là “ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên” đã được triển khai từ năm 2005.
Ngày 14-12-2014, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành quyết định phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020, mục tiêu chính là nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, và khi có quyết định này gần như đã dừng toàn bộ việc khai thác gỗ rừng tự nhiên.
Cũng thời điểm này, Chính phủ ban hành nghị định (số 118, ngày 17-12-2014) về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, 
lâm nghiệp...
Ông Công cho biết triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại các doanh nghiệp, từ chỗ có gần 150 doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn toàn quốc và 56 doanh nghiệp lâm nghiệp khu vực Tây nguyên thì đến năm 2015, cả nước chỉ còn 3 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên, trong đó một doanh nghiệp ở Quảng Bình, hai doanh nghiệp ở Tây nguyên và trong năm 2015 hai doanh nghiệp này cũng chỉ được phép khai thác 13.500m3 gỗ/năm.
Về kế hoạch, lộ trình đóng cửa rừng ở Tây nguyên, ông Công nói Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai kế hoạch đi kiểm tra đánh giá về máy móc, thiết bị, nhân lực của các doanh nghiệp lâm nghiệp.
Cụ thể, các địa phương cần kiểm tra, đánh giá 3 doanh nghiệp lâm nghiệp ở Quảng Bình, Kon Tum, Đắk Nông xem khả năng sắp xếp lại doanh nghiệp thì lực lượng lao động dư thừa ra sao, máy móc, thiết bị thế nào, khả năng duy trì được không để báo cáo Bộ NN&PTNT và Chính phủ.
Dự kiến khoảng quý 3-2016 Chính phủ sẽ lập đoàn liên ngành để kiểm tra, đánh giá tác động của việc đóng cửa rừng.
“Các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, cây ăn trái là một trong những nguyên nhân căn bản hủy diệt rừng. Có dự án trước đây nói là rừng nghèo nhưng khi đốn hạ thấy toàn gỗ quý. Sau đó chủ đầu tư lại cho trồng điều nhưng cây không lên trái nổi, người ta lại chặt bỏ trồng keo nhưng cây cao được khoảng 5m thì chết đứng”, Trung tướng Lê Chiêm 
(thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cho biết.
“Lợi dụng chủ trương giao đất, giao rừng, nhiều cán bộ công an, kiểm lâm... đã thâu tóm đất, sang nhượng đất rừng để kiếm lời dẫn đến việc rừng bị phá tan hoang. Vừa rồi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã xử lý kỷ luật hơn 100 cán bộ công an, kiểm lâm liên quan đến việc này.”, ông Nguyễn Bốn 
(chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông) nói. (Tuổi Trẻ 22/6) đầu trang(
Thiệt ngộ: hay tin Chính phủ có lịnh đóng cửa rừng, tưởng bà con ở miền rừng lo mất kế sinh nhai nhưng không, họ lại mừng. Mà ngộ nữa là vừa mừng vừa tủi. Lạ ghê!
Có gì đâu mà lạ. Người dân chốn sơn lâm nhà ở ngay cửa rừng nhưng làm gì dám động vào cây rừng, giỏi lắm lén lút chặt vài cây củi, đốn vài cây xanh làm chuồng heo chuồng gà. Còn cạo trọc rừng hàng trăm hàng ngàn hecta toàn là doanh nghiệp to, hạ sát cây rừng có giấy tờ dấu tròn đỏ chót, phương tiện huy động cả trăm xe cưa xe kéo.
Lâu nay nói tới lâm tặc người ta hay hình dung tới mấy ông thợ sơn tràng mình trần quần cộc tay rìu tay rựa. Oan cho họ lắm! Lâm tặc thứ thiệt là những người đầy quyền hành, chỉ phẩy tay một cái là rừng bị cạo trọc tức thì!
Nhiều vị có chức có quyền nói thẳng luôn: phá rừng toàn là... quân ta! Giữ rừng kiểu gì mà xe chở gỗ chạy rần rần qua trạm kiểm lâm huýt gió ngó lơ.
Còn tủi là sao? Là cuối cùng cũng thấy có chủ trương giữ rừng dù rừng có còn gì đâu mà giữ, tuy nhiên chậm còn hơn không, hơn là bỏ phế lâu nay mạnh ai nấy xà xẻo, rỉa róc. Thôi thì cứ phấn đấu năm ba chục năm nữa rừng sẽ lại xanh tươi như... 100 năm trước đó!
Không biết lần này đánh trống tới đâu, chỉ sợ lại bỏ dùi, bởi chủ trương “đóng cửa rừng” nói tới nói lui nhiều rồi, đâu phải giờ này mới gióng lên? Đợi xem sao... (Tuổi Trẻ 22/6) đầu trang(
UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu UBND thành phố kiện toàn Hội đồng thẩm định đề án sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đồng thời khẩn trương thực hiện nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng đề án và phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo quy định; hướng dẫn, đôn đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đối với 3 chi nhánh (Xí nghiệp Chè Lương Mỹ, Xí nghiệp Dứa Suối Hai, Xí nghiệp Nông lâm nghiệp Sông Đà); hoàn chỉnh phương án sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn thành phố, báo cáo UBND thành phố trước ngày 29/6/2016…
Trước đó, UBND thành phố nhận được công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp thuộc UBND TP Hà Nội và công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Trong đó nhấn mạnh, theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội ngoài việc thực hiện theo các công văn của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội vẫn phải xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Cổng Thông Tin Điện Tử TP.Hà Nội 21/6) đầu trang(
Thực hiện Kế hoạch sơ kết 5 năm tổ chức hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển rừng và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 99/UBND-NN ngày 17/5/2016 về việc kiểm tra thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ngày 30/5/2016 Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số1283/SNN-KHTC về việc kiểm tra công tác bảo vệ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.
Ngày 13/6/2015 Sở Nông nghiệp &PTNT đã  tổ chức đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai theo công văn số 1283/SNN-KHTC, Đoàn công tác kiểm tra gồm: Đại diện Lãnh đạo Sở; Phòng Kế hoạch tài chính Sở; Chi cục Kiểm lâm và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Tại địa phương gồm có Đại diện lãnh đạo UBND huyện; các phòng ban liên quan; các chủ rừng là tổ chức; tổ chức chi trả tiền DVMTR và lãnh đạo một số xã trọng điểm về bảo vệ rừng phục vụ chi trả DVMTR trên địa bàn huyện. Thời gian kiểm tra và làm việc tại huyện Kỳ Sơn vào ngày 14/6/2016;  huyện Tương Dương vào ngày 15/6/2016 và huyện Quế Phong vào ngày 16/6/2016.
Tại các buổi kiểm tra và làm việc, Đoàn công tác đã nghe và nắm bắt tình hình bảo vệ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn các huyện, đặc biệt là công tác bảo vệ rừng và việc sử dụng kinh phí tại các địa phương như cấp xã, thôn/bản, qua đó đoàn công tác đã tổng hợp các ý kiến tham gia tại cuộc họp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại địa phương, đơn vị để đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi các nội dung, vấn đề để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thuận lợi và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Cũng tại buổi làm việc đoàn công tác đã  cùng UBND các huyện quán triệt, chỉ đạo các địa phương, đơn vị và các tổ có liên quan trên địa bàn triển khai, thực hiện chính sách chi trả DVMTR hiệu quả và minh bạch tạo lòng tin cho nhân dân để người dân yên tâm gắn bó với rừng.
Nhìn chung các đại biểu tham gia làm việc đều nêu cao tinh thần và sự hiệu quả của chính sách đối với công tác bảo vệ rừng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế của người dân, động viên người dân yên tâm gắn bó với rừng. Chính sách này đang từng bước tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của xã hội về vai trò của rừng, đồng thời liên kết trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng với các bên sử dụng DVMTR.
Kết thúc các buổi làm việc đồng chí Nguyễn Tiến Lâm, Phó giám đốc Sở, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Nghệ An, cùng lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban của huyện; Các chủ rừng là tổ chức, tổ chức chi trả cấp huyện và UBND các xã có liên quan trên địa bàn huyện một số nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác bảo vệ phát triển rừng, đặc biệt là các đối tượng có liên quan đến chính sách; Tiến hành rà soát, điều chỉnh Phương án, lập hồ sơ TKKT bảo vệ rừng cung ứng DVMTR giai đoạn 2016 - 2020 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiếp tục chi trả trong các năm tiếp theo;  Thực hiện chi trả tiền DVMTR cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, đối tượng nhận khoán đầy đủ, kịp thời, đúng theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật và kết quả nghiệm thu bảo vệ rừng cung ứng DVMTR đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình chi trả DVMTR và không được tự ý trích lập, huy động và sử dụng tiền DVMTR sai mục đích hoặc không đúng với hồ sơ được phê duyệt. (Quỹ Bảo Vệ Và Phát Triển Rừng Nghệ An 21/6) đầu trang(
Để đạt mục tiêu về trồng rừng năm 2016, huyện Như Thanh đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; thường xuyên tổ chức giao ban tại các xã, thị trấn về công tác trồng rừng.
Đồng thời, làm việc với hạt kiểm lâm, kiểm lâm viên phụ trách xã nghe những vướng mắc từ cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện công tác trồng rừng, từ đó cùng tháo gỡ khó khăn để có biện pháp chỉ đạo đúng hướng, kịp thời, hiệu quả. 6 tháng đầu năm 2016, huyện Như Thanh đã trồng mới được trên 877 ha rừng, đạt 79,7% kế hoạch năm; khai thác rừng trồng 56.253 tấn.
Những tháng cuối năm, huyện Như Thanh tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; chú trọng hướng dẫn nhân dân trồng theo hướng thâm canh, xen canh, gắn với tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, hoàn thành mục tiêu trồng rừng năm 2016. (Báo Thanh Hóa 21/6) đầu trang(
Cuối tháng 5, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) đã thành công thu hút được sự chú ý của gần 1.000 khách tham gia ngày hội "Cánh rừng quê hương AEON".
Đây là chương trình trồng 5.000 cây phủ xanh trung tâm mua sắm AEON Bình Tân. Thông qua hoạt động truyền thống trước thềm khai trương, AEON kỳ vọng đây sẽ là cơ hội gắn kết với cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài.
AEON còn là một trong số ít doanh nghiệp triển khai đều đặn hoạt động trồng cây xanh tại tất cả trung tâm bách hóa tổng hợp trước khi chính thức mở cửa đón khách. Tại AEON Bình Tân, trước khi đi vào hoạt động hơn một tháng, trung tâm cũng được phủ xanh bằng 5.000 cây hoa và cây cho bóng mát các loại.
AEON đang lựa chọn vị trí ngoại thành nhằm khai thác lợi thế về quỹ đất, hướng đến một không gian mua sắm, vui chơi giải trí thật thoải mái cho mọi tầng lớp người tiêu dùng. Đây cũng là việc làm góp phần tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. (Zing News 19/6) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Hy Lạp, Anh và Israel vừa điều động nhiều máy bay đến Síp hôm 20/6 để giúp nước này đối phó với một trong những trận cháy rừng lớn nhất trong nhiều năm.
Trong các nỗ lực ứng phó với trận cháy rừng nói trên, một lính cứu hỏa đã thiệt mạng khi một máy bay chở nước lật úp, các quan chức của Síp cho biết. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên trong số các nhân viên cứu hỏa trong nhiều năm qua ở Síp.
Ngọn lửa được cho là xuất phát từ việc đốt rạ khô vào ngày 19/6 ở chân đồi vùng núi Troodos của hòn đảo phía đông Địa Trung Hải, sau đó được thổi bùng lên bởi gió lớn và nhiệt độ cao.
Khu vực Soleas chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi ngọn lửa đã bao phủ các vườn cây ăn quả và rừng thông tại đây. Trận cháy rừng cũng xảy ra cùng thời điểm với đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên trong năm, tạo điều kiện cho ngọn lửa bùng phát dữ dội.
"Tình hình thực sự là bi kịch. Những thiệt hại này là không thể khắc phục", Tổng thống Síp Nicos Anastasiades nói với các phóng viên từ khu vực xảy ra cháy rừng.
Theo Reuters, ngọn lửa gần như đã được kiểm soát vào đêm qua (20/6), mặc dù 3 khu vực vẫn còn cháy. Các máy bay ném bom nước từ Hy Lạp, Israel và máy bay trực thăng từ các căn cứ quân sự của Anh tại Síp đã tích cực hỗ trợ Síp trong nỗ lực chữa cháy.
Theo ông Anastasiades, yêu cầu cung cấp thêm sự hỗ trợ trên không đã được gửi đến Hy Lạp. (Báo Thừa Thiên – Huế 21/6) đầu trang(
Theo kịch bản, con báo đốm này cùng với vài con vật khác cần là thành viên của chương trình lễ hội rước đuốc Olympic 2016 ở thành phố Amazon, bang Manaus (Brazil) nhưng không ngờ nó đã trốn thoát khỏi cũi sắt ngay trước khi bắt đầu sự kiện.
Người ta cố gắng vô hiệu hóa báo đốm bằng thuốc an thần nhưng nó vẫn hung hăng tấn công một người lính. Vì thế họ đã buộc phải giết nó bằng một phát súng.
Quân đội Brazil cho biết: “Chúng tôi đã sai lầm trong ý tưởng kết hợp ngọn đuốc Olympic - một biểu tượng của hòa bình và đoàn kết - với một con vật hoang dã bị xiềng xích. Hình ảnh đi ngược lại vói niềm tin và các giá trị của chúng tôi. Chúng tôi bảo đảm rằng sẽ không có một điều đáng tiếc như vậy xảy ra ở Olympic sắp tới”.
Được biết linh vật của Olympic Rio de Janeiro 2016 tại Brazil là một chú mèo lai khỉ màu vàng. Cho nên việc giết một con vật có “họ hàng” với linh vật Olympic đã để lại hình ảnh không tốt về ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh sắp tới.
Hiện tại, giới chức địa phương đang tiến hành cuộc điều tra để xem động cơ nào để ban tổ chức mang động vật hoang dã vào lễ rước đuốc. Đó cũng là yêu cầu kiên quyết từ phía các nhân viên Viện Bảo vệ môi trường sở tại Manaus. Họ đòi hỏi kiểm tra tính hợp pháp của động thái giết chết con vật thuộc loại quý hiếm. “Khi nào mọi người mới dừng các hoạt động bắt giữ, thuần hóa và trưng bày động vật hoang dã?” – nhóm bảo vệ động vật hoang dã ở Rio de Janeiro viết trên Facebook.
Theo Tổ chức Bảo vệ động hoang dã thế giới, báo đốm là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao vì nạn săn bắn trong thời gian qua. Chúng đã bị xóa sổ từ lâu ở Uruguay và El Salvador. (Người Lao Động 22/6) đầu trang(./.