Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 22 tháng 04 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ - SỬ DỤNG - PHÁT TRIỂN RỪNG
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công an tăng cường công tác chỉ đạo lực lượng Công an địa phương thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu gỗ, phá rừng, chống người thi hành công vụ, xử lý nghiêm các vụ án vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ Công an xây dựng Đề án thành lập cảnh sát Lâm nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 679/VPCP-TCCV ngày 25/1/2014, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan địa chính địa phương tăng cường kiểm tra ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm về đất đai, chất dứt tình trạng "hợp thức hóa" đất phá rừng sang nhượng trái pháp luật.
Năm 2013, công tác quản lý, bảo vệ rừng có sự chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm so với thời gian trước.
Về quản lý, việc khoán bảo vệ rừng đạt 4,26 triệu ha, vượt 75% kế hoạch, tăng 25% so với năm 2012.
Trong năm qua, cả nước đã phát hiện 25.776 vụ vi phạm lâm luật, giảm 11%, trong đó xử lý, phạt hành chính 21.919 vụ, khởi tố hình sự 277 vụ. Các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện 2.071 vụ phá rừng trái phép (giảm 39%); diện tịch bị phá trái phép là 694 ha, giảm 471 ha (40%); phát hiện, xử lý 14.248 vụ mua bán, vận chuyển và chế biến gỗ, lâm sản trái pháp luật, giảm 7%; xử lý 563 vụ vi phạm quy định quản lý động vật hoang dã, giảm 390 vụ so với năm trước.
Về phát triển rừng, cả nước trồng được 227.349 ha rừng tập trung, tăng 15% so với năm 2012. Thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 1.068 tỷ đồng; 18 tỉnh đã trồng rừng, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế với tổng diện tích 9.118,6 ha. (Nhân Dân 22/4; Chính Phủ 21/4) đầu trang(
Chiều 21.4, Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng cho biết nguy cơ cháy rừng ở Đà Nẵng đang ở mức nguy hiểm (báo động cấp 4), tăng một cấp so với vài ngày trước đó.
Theo bản tin dự báo cháy rừng số 5 năm 2014 của Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, do nắng nóng trên diện rộng nên các cánh rừng trên địa bàn thành phố có nguy cơ cháy ở mức nguy hiểm.
Do đó, Chi cục Kiểm lâm đề nghị Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, dụng cụ chữa cháy.
Riêng các Hạt Kiểm lâm kiểm tra giám sát chặt người và phương tiện ra vào rừng, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Nhiều ngày qua, Chi cục Kiểm lâm cũng đã nghiêm cấm đốt thực bì, đồng thời sẽ truy trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với các chủ rừng để xảy ra cháy rừng.
Năm 2013, Đà Nẵng xảy ra 10 vụ cháy rừng, thiệt hại gần 14,5 ha, đa số là rừng trồng của người dân, mà nguyên nhân chính là do người dân chủ quan đốt thực bì, vứt tàn thuốc, đốt ong, đốt vàng mã…
Cơ quan chức năng cũng đã xử phạt 9 vụ vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy rừng với số tiền 24,5 triệu đồng, buộc bồi thường 26,5 triệu đồng…(Infonet 22/4; Thanh Niên 21/4) đầu trang(
Tân Phượng là xã vùng cao với trên 95% dân số là người Dao đỏ, trình độ dân trí của bà con còn hạn chế. Trên địa bàn xã, việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra rất phức tạp...
Tháng 3 vừa qua, tại trụ sở UBND xã Tân Phượng huyện Lục Yên (Yên Bái) đã diễn ra phiên tòa xét xử lưu động 3 bị cáo Hoàng Văn Tóa, Hoàng Văn Khuê, Hoàng Văn Xiêm (đều trú tại thôn Then, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang), về hành vi khai thác rừng trái phép, cố ý gây thương tích và chống người thi hành công vụ.  Tòa đã tuyên phạt tổng cộng 35 tháng tù giam cho 3 bị cáo. Đây là phiên tòa khá đặc biệt khi đã thu hút gần 100% người dân ở Tân Phượng đến dự.
Tân Phượng là xã vùng cao với trên 95% dân số là người Dao đỏ, trình độ dân trí của bà con còn hạn chế. Trên địa bàn xã, việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra rất phức tạp. Vì thế, phiên tòa là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những hành vi xâm hại rừng và là dịp để tuyên truyền cho người dân về Luật Quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Triệu Tiến Tiên – Chủ tịch UBND xã Tân Phượng cho biết: “Việc mở phiên tòa xét xử tại xã có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là buổi tuyên truyền cho toàn bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã nắm được Luật Quản lý, bảo vệ rừng, từ đó việc bảo vệ rừng sẽ được thực hiện tốt hơn”.
Với diện tích trên 2.000ha, rừng của xã Tân Phượng còn giáp ranh với nhiều tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, nên công tác bảo vệ và quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực tế này, huyện đã có nhiều giải pháp quyết liệt để bảo vệ như: Phổ biến rộng rãi Luật Quản lý, bảo vệ rừng đến người dân; thực hiện nhanh chóng việc giao đất, giao rừng để người dân được làm chủ và dễ quản lý rừng; thành lập tổ công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản liên ngành với sự tham gia của cán bộ Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, cán bộ quân sự 2 xã Tân Phượng, Lâm Thượng.
Ông Đặng Văn Tâm – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên cho biết: “Việc quản lý, bảo vệ rừng Tân Phượng rất khó khăn. Tuy nhiên để bảo vệ tốt hơn nữa rừng Tân Phượng chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân cùng tham gia giữ rừng. Cán bộ kiểm lâm cũng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm”. (Dân Việt 22/4) đầu trang(
Quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới và đang trên lộ trình đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới. Ðóng góp vai trò quan trọng trong vinh dự này, Vườn quốc gia Cát Bà đã và đang làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng...
Chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Phiến cho biết, với nhiệm vụ bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu khoa học và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, trong những năm qua, công tác bảo vệ ở đây được duy trì thường xuyên, các vụ vi phạm ngày càng giảm. Hiện nay, VQG Cát Bà đã hoàn tất hồ sơ khoán và giao diện tích rừng cho các hộ nhận khoán.
Hạt Kiểm lâm của VQG Cát Bà hiện có hơn 60 người, được bố trí thành 12 đơn vị, trong đó có một tổ kiểm lâm cơ động và 10 trạm kiểm lâm. Ngoài việc bảo vệ VQG, lực lượng kiểm lâm ở đây còn thực hiện chức năng bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà với diện tích hơn 26 nghìn ha.
Từ năm 2013 đến nay, Hạt Kiểm lâm đã tổ chức tuần tra, kiểm soát, phục bắt, nắm bắt thông tin được hơn ba nghìn lượt, thường xuyên tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng. Ở các khu vực trọng điểm trong mùa hanh khô có nguy cơ cháy rừng cao đều được bố trí lực lượng ứng trực. Nhờ vậy, từ năm 2013 đến nay không để xảy ra vụ cháy rừng nào.
Ðể làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, Hạt Kiểm lâm còn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cụ thể, chủ động phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẵn sàng ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống.
Theo Hạt phó Kiểm lâm Ðồng Văn Nghị, địa bàn khu vực VQG khá phức tạp. Bao bọc chung quanh chủ yếu là diện tích mặt nước biển, địa hình núi đá vôi hiểm trở, gây rất nhiều khó khăn cho công tác tuần tra của kiểm lâm đối với đối tượng vi phạm. Quân số kiểm lâm tại đây hiện vẫn còn mỏng, chưa đủ mạnh để các đơn vị tăng cường số lượt tuần tra vào rừng. Ðời sống của cán bộ kiểm lâm, nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, một số kiểm lâm viên gia đình ở xa, vẫn chưa ổn định cuộc sống.
Mặt khác, do tình hình dân cư ở xen kẽ giáp ranh với VQG, nhiều hộ nghèo phải vào rừng khai thác lâm sản, hoặc các sản phẩm từ rừng để có thu nhập, cho nên số vụ việc vi phạm lâm luật vẫn chưa được giảm. Từ khi quần đảo Cát Bà được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, số lượng khách du lịch đến với quần đảo Cát Bà ngày càng nhiều. Kéo theo đó là các dịch vụ du lịch tăng lên, nguồn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch là các loài động vật rừng, các loài cây cảnh, cây thuốc. Ðây cũng là lý do gây khó khăn cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây.
Do VQG nằm trên đảo cho nên một số hộ dân đã xâm phạm vào vùng bảo vệ để nuôi trồng hải sản như đắp đầm, nuôi cá lồng, nuôi nhuyễn thể bằng bè và trên bãi cát. Kể từ khi VQG được mở rộng, tiếp giáp với hai xã là Gia Luận và Phù Long, khu vực này vừa có rừng trên núi đá vôi, có rừng ngập mặn và diện tích mặt nước biển cho nên còn tồn tại 28 hộ nuôi trồng thủy sản, một số hộ dân đang được thành phố giao rừng 50 năm, chưa thu hồi, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Hạt phó Kiểm lâm VQG Cát Bà Ðỗ Xuân Thiệp cho rằng, trước hết phải nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Cát Bà đang trên lộ trình đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới, để bảo đảm công tác bảo vệ và phát triển rừng, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan phối hợp thực hiện tốt việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển nuôi trồng thủy sản trên vùng biển Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Sớm di dời bè nuôi trồng thủy sản về các điểm quy hoạch. Ðề nghị sớm có quy định giá lâm sản, động vật rừng để có căn cứ xử lý tang vật vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Ðồng thời, mong muốn Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm để quản lý rừng đặc dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng.
Qua đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chung về chính sách, đầu tư cho các khu bảo tồn thiên nhiên và các VQG thuộc Trung ương và địa phương quản lý. (Nhân Dân 22/4) đầu trang(
Công tác PCCR rừng là một trong những vấn đề đang được các cấp, các ngành cũng như mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Thanh Chương đặc biệt quan tâm.
Là một người dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ  chuyển về làm ăn sinh sống trên địa bàn huyện Thanh Chương được hơn 7 năm nay, hàng năm cứ vào mùa nắng nóng, gia đình bà Kha Thị Thu ở bản Tả Xiêng đã huy động mọi nguồn lực để tập trung làm tốt công tác PCCR. Bởi bà đã xác định được vai trò và vị trí của rừng đối với kinh tế của gia đình là hết sức quan trọng. Chính vì thế mà gần 6 ha rừng nguyên liệu của bà hàng năm vẫn duy trì và phát triển tốt.
Bà Kha Thị Thu cho biết, cứ bắt đầu vào mùa khô nắng nóng, chung tôi tuyên truyền, nhắc nhở các thành thành viên trong gia đình cũng như các bà con không mang lửa vào rừng, để đốt ong lấy mật, thường xuyên làm công tác phát sẻ đường biên, thu gom các loại cành, cây khô đã được phát tỉa, nhằm từng bước giảm bớt nguy cơ cháy rừng trên địa bàn.
Xác định việc trồng và bảo vệ rừng là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân. Diện tích rừng lớn, trình độ nhận thức về công tác phòng chống cháy rừng của bà con ở đây vẫn đang còn hạn chế, cuộc sống quen sống với phong tục du canh, du cư, sống  đốt rừng làm rẫy. Hiện nay cuộc sống của bà con các khu tái định cư trên địa bàn huyện Thanh Chương còn gặp nhiều khó khăn, đa phần người dân chủ sống chủ yếu dựa vào rừng nên cũng rất khó cho các lực lượng chức năng kiểm soát. Thực hiện chủ trương của các cấp, các ngành về công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cán bộ chính quyền địa phương xã ngọc lâm, cùng các lực lượng chức năng liên quan đã từng bước nỗ lực tiến hành nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất về tình trạng xẩy ra cháy rừng ở địa bàn mình quản lý.
Ông Vy Văn Tuyển – Phó bản Tả Xiêng  cho biết thêm. Tại vùng Hoa Quân của chúng tôi đây, hàng năm tổ chức cho bà con được tập huấn công tác phòng chống cháy rừng đến tận từng nhà và từng bản. Tuyên truyên đến cho bà con bằng loa truyền thanh xóm, thường xuyên nhắc nhở con em không được mang lửa vào rừng, đồng thời sớm ngăn chặn các hành vi các đối tượng phá rừng. Vì vậy trong thời gian qua đã làm tốt công tác PCCR.
Toàn xã Ngọc Lâm có hơn 5000 ha rừng tự nhiên, trong đó có 1000 ha rừng trồng, còn lại là rừng khoanh nuôi và bảo vệ. Mùa hè năm nay dự báo sẽ có nắng nóng gay gắt, vì vậy việc xẩy ra cháy rừng là không thể tránh khỏi , bên cạnh đó công tác bảo vệ rừng và PCCR đang là nỗi lo lớn của địa phương. Nhờ chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành của địa phương, cùng với ý thức của ba con nhân dân mà trong thời gian qua xã Ngọc Lâm chưa có một trường hợp cháy rừng nào xảy ra. Kinh tế của nhân dân ngày càng phát triển, độ che phủ rừng ngày càng cao, đặc biệt là nhận thức về bảo vệ rừng của nhân dân được nâng lên đáng kể.
Ông Lô Hoài Dung – Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm khẳng định; Hiện tại trong thời gian qua trên địa bàn xã Ngọc Lâm chưa có vụ cháy nào xẩy ra. Ngay từ đầu nắng nóng chúng tôi họp kiện toàn lại hội nghị cấp bách về bảo vệ rừng. Phân công trách nhiệm của từng bộ phận phụ trách các vùng, các bản, nhằm hạn chế thấp nhất về cháy rừng gây ra, phân công cán bộ trực 24/24 giờ. (Cổng Thông Tin Điện Tử H.Thanh Chương, Nghệ An 21/4) đầu trang(
Tính đến hết quý I/2014, toàn tỉnh đã có 418 thôn, bản xây dựng được hương ước bảo vệ rừng, tăng hơn 100 thôn, bản so với năm 2013.
Thực hiện thông tư số 70/2007-TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, trong thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tích cực chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã triển khai đến các thôn, bản và được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Đến nay, phần lớn các thôn, bản xây dựng được hương ước bảo vệ rừng đều nằm trong các vùng đệm, vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rỳ và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn.
Đây đều là những thôn, bản của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nội dung của các bản hương ước chủ yếu là cam kết của các hộ gia đình không chặt phá rừng, không săn bắt động vật hoang dã, không đốt nương làm rẫy... Khi phát hiện người lạ vào phá rừng, người dân thông báo cho chính quyền địa phương và Ban Quản lý Vườn quốc gia, các Khu bảo tồn để có biện pháp xử lý kịp thời. (Đài PTTH Bắc Kạn 20/4) đầu trang(
Mường Nhé là huyện có diện tích rừng lớn nhất so với các huyện trong tỉnh với trên 130 nghìn ha. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng dân di cư tự do phá rừng đốt nương làm rẫy diễn ra khá phức tạp. Công tác quản lý bảo vệ rừng của lực lượng chức năng huyện Mường Nhé gặp không ít khó khăn.
Dọc theo các tuyến đường từ trung tâm huyện Mường Nhé đến các xã trong huyện, nhất là 2 xã Chung Chải và Leng Su Sìn, dễ bắt gặp những khoảnh rừng, thậm chí cả quả đồi bị chặt phá. Những cây gỗ có đường kính rộng từ 20 - 30cm, thậm chí đến 50cm nằm ngổn ngang trên nương rẫy.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, đến thời điểm này, Hạt đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 13 vụ phá rừng làm nương, với diện tích bị chặt phá gần 20ha, gồm rừng trạng thái 1a, 1c, 2a, 2b, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng khoanh nuôi bảo vệ theo dự án 30a của Chính phủ, tập trung chủ yếu ở 2 xã Chung Chải và Leng Su Sìn. Riêng xã Leng Su Sìn tập trung ở bản Cà Là Pá, đây là bản dân tộc Mông di cư từ nơi khác đến dân số khá đông với hơn 350 hộ, trên 2 nghìn khẩu.
Theo ông Sừng Sừng Khai, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn, cho biết: Người dân chặt phá rừng rất tinh vi, khó kiểm soát, bởi họ thường vào trong rừng sâu, lén lún chặt phá rừng để làm nương. Chỉ khi họ đốt cháy thấy khói thì  lực lượng chức năng mới phát hiện.
Nhiều người còn tổ chức phát nương theo nhóm hộ, bằng hình thức đổi công cho nhau để phát nhanh và đối phó với lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Có nhóm còn tinh vi hơn là ban ngày thì phát cây nhỏ dưới tán rừng, ban đêm thì dùng đèn pin chặt hạ cây to, ngày hôm sau cánh rừng đã bị chặt phá, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tuần tra kiểm soát.
Trước thực trạng trên, huyện Mường Nhé đã thành lập 3 tổ công tác có đủ thành phần: Kiểm lâm, Công an, Biên phòng, UBND xã và một số cơ quan, đoàn thể trong huyện cắm chốt tại 3 xã Chung Chải, Leng Su Sìn và Mường Nhé. Đây là 3 xã trọng điểm phúc tạp về tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy. Các tổ công tác xuống địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền kịp thời ngăn chặn và xử lý người dân phá rừng.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý tình trạng người dân di cư phá rừng làm nương rẫy ở Mường Nhé gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ dân trí còn hạn chế, thiếu hiểu biết về quy định pháp luật của Nhà nước, nên khi phát hiện họ đều biện ra nhiều lý do và không ký vào biên bản, thậm chí còn thách thức lực lượng chức năng. Tình trạng phá rừng ở Mường Nhé diễn biến khá phức tạp có chiều hướng gia tăng. Để bảo vệ được diện tích rừng hiện còn, Mường Nhé cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nòng cốt là lực lượng kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với các xã tuyên truyền Luật quản lý và bảo vệ rừng đến với người dân. Triển khai có hiệu quả công tác khoanh nuôi bảo vệ và trồng mới rừng, thực hiện giao đất giao rừng cho từng hộ dân quản lý bảo vệ, đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho người dân, hạn chế sự phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy.
Hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển và tăng thu nhập từ rừng, đồng thời xử lý nghiêm đối với những người cố tình chặt phá rừng làm nương rẫy. Có như vậy, mới bảo vệ được những cánh rừng xanh bạt ngàn cùng hệ động, thực vật phong phú quý hiếm ở Mường Nhé. (Đài PTTH Điện Biên 19/4) đầu trang(
Thời gian qua, tình trạng chặt phá rừng, sang nhượng, mua bán đất rừng trái phép diễn ra khá phức tạp trên địa bàn xã Quảng Tâm, H. Tuy Đức nói riêng, tỉnh Đắc Nông nói chung.
Trước vấn nạn đó, ngày 8-7-2013, CAH Tuy Đức đã xác lập Chuyên án HR-13 để đấu tranh với các hành vi chặt phá rừng, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép, vi phạm các quy định trong sử dụng đất đai. Với quyết tâm cao, sau một thời gian xác lập chuyên án, đến ngày 8-4-2014, Cơ quan CSĐT CAH Tuy Đức đã ra quyết định khởi tố 5 vụ án với 8 bị can về các hành vi hủy hoại rừng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điển hình là vụ chặt phá rừng rồi sang nhượng trái phép chiếm đoạt tài sản do Trịnh Công Thuần (1991, trú thôn 2, xã Đắc Buk So, H. Tuy Đức) thực hiện. Theo đó, năm 2010 Trịnh Công Thuần đã thuê một số người khác chặt phá hơn 3,7ha rừng tại lô 9, 11 và 12 khoảnh 6, tiểu khu 1479 thuộc địa phận xã Quảng Tâm do Nông lâm trường Cao su Tuy Đức quản lý. Sau khi chặt phá xong, Thuần canh tác một năm rồi bỏ hoang. Đến cuối năm 2012, đầu năm 2013, Thuần lần lượt sang nhượng trái phép cho 2 người dân khác, chiếm đoạt tổng số tiền 185 triệu đồng.
Quá trình điều tra, CQĐT CAH Tuy Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Công Thuần về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, củng cố hồ sơ để xử lý Thuần về hành vi “Hủy hoại rừng”. Cuối tháng 3-2014, TAND H. Tuy Đức đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Trịnh Công Thuần 2 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT CAH Tuy Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 vợ chồng Phạm Văn Duy (1977) và Lý Thị Dung (1985, trú thôn 5, xã Quảng Tâm, H. Tuy Đức) về hành vi hủy hoại rừng. Theo đó, để có đất canh tác, từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, vợ chồng Duy và Dung đã thuê 3 đối tượng khác (hiện chưa rõ nhân thân lai lịch) chặt phá 1,1ha rừng tại lô 20 và 25 khoảnh 3 tiểu khu 1499 do Nông lâm trường Cao su Tuy Đức quản lý.
Trước đó, Cơ quan CSĐT CAH Tuy Đức cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Công Lim và Điểu Zen (1990, đều trú xã Đắc Buk So, H. Tuy Đức) về hành vi hủy hoại rừng. Riêng đối tượng Lim hiện đang bỏ trốn, CQĐT đã ra lệnh truy nã đối với Lim. Theo kết quả điều tra, trong thời gian từ tháng 3-2013, Trịnh Công Lim và Điểu Zen đã thuê hơn 10 đối tượng vào khu vực lô 9b, khoảnh 6, tiểu khu 1479 chặt phá 1,8ha rừng.
Theo CQĐT, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chủ rừng, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người vào các tiểu khu 1479, 1499… thuộc địa giới hành chính xã Quảng Tâm, H. Tuy Đức do Nông Lâm trường Cao su Tuy Đức quản lý để chặt phá rừng trái phép lấy đất canh tác rồi sang nhượng, mua bán trái phép. Để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường chọn thời điểm vào chiều tối để chặt phá...
Trước thực trạng trên, Hạt Kiểm lâm H. Tuy Đức đã phối hợp với Đoàn liên ngành 12 xã Quảng Tâm và đơn vị chủ rừng đã tiến hành kiểm tra, lập 28 biên bản với tổng diện tích rừng bị phá là hơn 62ha nhưng chưa xác định được đối tượng chặt phá. Đồng thời bàn giao toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan CSĐT CAH Tuy Đức điều tra, làm rõ.
Cũng theo CQĐT, khó khăn nhất trong quá trình xác minh, xử lý các đối tượng là do phần lớn diện tích đất rừng bị phá hiện chưa xác định được thời điểm chặt phá, việc sang nhượng đất rừng trái phép qua nhiều người ở nhiều địa phương nên khó khăn trong việc xác minh, làm rõ đối tượng chặt phá rừng. Bên cạnh đó, một số diện tích đất rừng sau khi bị các đối tượng chặt phá rồi bỏ hoang đến nay đã mọc thành rừng chồi nên rất khó xác định được đối tượng chặt phá để xử lý. CQĐT CAH Tuy Đức đang tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan. (Công An Đà Nẵng 21/4) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) chưa xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại đến rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại địa phương luôn được quan tâm.
Hiện nay, tại xã Thành Sơn đang có hơn 90ha rừng, rẫy thuộc diện nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng keo và rẫy sát rừng. Dưới các tán rừng này, thảm thực bì khô rất dễ bén lửa, khi xảy ra cháy sẽ lan tỏa rộng, gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Trong khi đó, nhiều người chưa tuân thủ quy định về sử dụng lửa ở ven rừng, trong rừng, đặc biệt là trong mùa đốt rẫy nên dễ gây ra cháy rừng.
Ông Tạ Quốc Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: “Trong mùa khô, chúng tôi đã xây dựng lịch đốt rẫy cho người dân; đồng thời hướng dẫn họ đốt rẫy vào buổi chiều muộn, trước khi đốt rẫy phải làm đường ranh cản lửa, báo cho chính quyền biết để đội PCCCR xã trực tiếp tham gia với người dân. Nếu sự cố xảy ra thì có thể dập lửa kịp thời, không để cháy lan vào rừng”.
Xã Sơn Bình có hơn 401ha rừng, rẫy tại nhiều địa điểm cũng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt là rừng thông ở thôn Kô Lắk. Theo ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, rừng thông ở địa phương nằm cạnh đường đi. Những ngày gần đây, thời tiết khô hanh kéo dài, chỉ cần bất cẩn, một tàn thuốc lá cũng có thể thiêu rụi cả rừng thông. Vì vậy, địa phương thường xuyên cử người theo dõi chặt diễn biến rừng tại đây.
Hầu hết rừng có nguy cơ cháy cao tập trung tại những khu vực đồi dốc, xa nguồn nước, nhiều diện tích có lớp thực bì dày, chủ yếu là cỏ tranh, lau lách rất dễ bắt lửa. Từ đầu mùa khô đến nay, cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn huyện chủ yếu là cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); nếu xảy ra cháy rừng, việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn và thiệt hại sẽ rất lớn.
Vì vậy, địa phương không chủ quan, lơ là trong công tác PCCCR. Thời gian qua, bên cạnh việc kiện toàn Ban chỉ huy, thành lập các tổ, đội PCCCR; chuẩn bị phương tiện, dụng cụ sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy rừng, phát dọn đường ranh cản lửa..., huyện đã chủ động phương án PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phát tờ rơi đến từng hộ dân để nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Qua đó, hàng trăm hộ dân tại các địa phương đã ký cam kết đốt nương rẫy đúng quy định...
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại đến rừng; nhưng thực tế, tại các xã, thị trấn vẫn còn tình trạng một số người dân đốt nương rẫy không đúng quy định, bất cẩn khi sử dụng lửa trong rừng. Thời kỳ cao điểm của mùa khô tại Khánh Sơn còn kéo dài, vì vậy, công tác PCCCR cần được các ngành chức năng, các xã, thị trấn và đơn vị chủ rừng tiếp tục chú trọng.
Ông Bùi Đức Luyến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho hay: “Trong cao điểm mùa khô, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện cập nhật liên tục cấp dự báo cháy rừng. Trên cơ sở đó, phối hợp với các ngành chức năng, địa phương, đơn vị chủ rừng để chủ động phòng cháy. Khi dự báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) trở lên, chúng tôi luôn tăng cường tuần tra, canh gác, kiểm tra việc đốt nương rẫy của người dân. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cũng sẵn sàng lực lượng, dụng cụ, phương tiện chữa cháy... để hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra cháy rừng”.
Theo ông Bùi Đức Luyến, tuy công tác tuyên truyền về PCCCR trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng tại một số địa phương, việc tuyên truyền vẫn chưa được thực hiện thường xuyên nên ý thức PCCCR của người dân chưa cao. Một số nơi vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng đốt nương làm rẫy, đốt thực bì không đúng quy định nên dễ gây hại đến rừng, nhất là vào thời điểm khô nóng.
Trong đợt giám sát mới đây về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, Ban Pháp chế HĐND huyện Khánh Sơn nhận định, công tác PCCCR trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên không vì thế mà có thể chủ quan, lơ là. Hiện nay, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa một số địa phương như: Sơn Hiệp, Sơn Trung, Sơn Bình vẫn chưa thường xuyên. Trong khi đó, việc tuần tra, kiểm soát tại những khu vực rừng trọng điểm, rừng dễ cháy vẫn còn hạn chế; phương tiện, dụng cụ PCCCR chưa đảm bảo được yêu cầu nhiệm vụ khi xảy ra cháy rừng...
Theo ông Lê Quý Hải - Trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện, UBND cấp xã phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, PCCCR và có quy chế phối hợp thường xuyên giữa các địa phương. Hạt Kiểm lâm huyện và Ban quản lý Rừng phòng hộ Khánh Sơn cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho kiểm lâm viên phụ trách địa bàn cũng như UBND cấp xã trong xử lý vi phạm về PCCCR; có quy chế phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trong PCCCR. (Báo Khánh Hòa 21/4) đầu trang(
Bờ biển huyện Thạnh Phú (Bến Tre) từ cửa sông Hàm Luông (xã Thạnh Hải) đến cửa sông Cổ Chiên (xã Thạnh Phong) dài 25 km. Tại đây, bao bọc bờ biển là rừng đước, bần, phi lao với mật độ dày, diện tích trên 1.000 ha do Ban quản lý Rừng đặc dụng và phòng hộ Bến Tre quản lý.
Sau bão Linda tháng 12-1997, một hiện tượng bất thường bắt đầu xảy ra ở đai rừng ven biển thuộc cồn Lợi, xã Thạnh Hải. Ở đây, nhất là vào mùa gió chướng gần tết, cát theo dòng triều cứ tràn lấn vào những vạt rừng đước xanh tươi chắn dọc bờ biển. Cát tiến đến đâu thì rừng đước lùi dần đến đó.
Theo ông Phạm Văn Trường, Trưởng phòng tổ chức và quản lý bảo vệ rừng, sau gần 15 năm xảy ra hiện tượng này, đã có 128 ha rừng đước tại đây bị xóa sổ! Để ngăn chặn tình trạng cát lấn – cát tràn là việc vượt khỏi tầm tay của một ban quản lý rừng cấp tỉnh. (Sài Gòn Giải Phóng 21/4) đầu trang(
Sau khi tận mục sở thị những cánh rừng bạt ngàn vùng biên giới Ea Súp - Đắk Lắk, thuộc sự quản lý của 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ea H’Mơ và Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Rừng Xanh bị lâm tặc khai thác trái phép một cách ồ ạt, thậm chí trên đường tuần tra, tại nhiều tiểu khu của 2 đơn vị nêu trên, PV đã đưa những hình ảnh của chuyến thâm nhập thực tế làm rõ ràng với chủ rừng và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn huyện Ea Súp.
Ông Huỳnh Văn Mến, GĐ Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ea H’Mơ cho biết: Tôi đã cử PGĐ nằm trong rừng, những chổ bị khai thác trái phép này về trách nhiệm là của Nguyễn Ngọc Đức và Nguyễn Xuân Hào (2 phân trường trưởng 2 và 3).
Đồng thời ông Mến cũng nói, sẽ cho người xuống hiện trường xem xét mức độ thiệt hại, lập biên bản và kỷ luật cán bộ. Tuần vừa rồi bản thân tôi trực tiếp xuống giám sát, bị cắt lẻ tẻ mấy cây và đã đuổi ra, ông Mến nói.
Khi PV đặt câu hỏi,liệu có hiện tượng người của Công ty bắt tay với Lâm tặc khai thác rừng trái phép hay không, ông Mến cho biết: Tôi đang tiếp tục tìm hiểu, thậm chí đang nhờ các anh công an môi trường tỉnh phối hợp, họ cũng đã phản ánh lại với tôi, có một số đồng chí trong công ty có vấn đề như làm ngơ cho lâm tặc vào làm.
PV tiếp tục đặt câu hỏi: Đơn vị có làm mạnh tay với những người đứng đầu các phân trường để mất rừng nhưng thế này hay không? Ông Mến cho hay: Những sai phạm này tôi chưa nắm được, nhưng nếu đúng như thế này tôi sẽ họp hội đồng Công ty lại và sa thải theo bộ luật lao động.
Ông Mến cũng cho rằng: Hiện công ty rất khó khăn về tài chính, có nuôi đàn bò nhưng bán dần giờ hết sạch, hơn nữa do diện tích rừng quá rộng, kinh phí không có, mỗi năm nhà nước chỉ cho 900 triệu tiền lương…
Ngoài những vấn đề trên, dư luận cũng đang băn khoăn vì sao 2 ông, Đức và Hào giữ chức vụ Phân trường trưởng 2 và 3, mặc dù đã bị xử lý kỷ luật về việc để mất rừng nhưng vẫn được làm phân trường trưởng mà không phải là vị trí khác bớt nhạy cảm hơn.
Vấn đề này ông Mến cho biết: Hai phân trường trưởng 2 và 3 đều đã từng bị kỷ luật khiển trách vì để lâm tặc vào rừng khai thác gỗ trái phép, đặc biệt ông Nguyễn Song Hào (Phân trường trưởng phân trường 3) bị 2 lần vào các năm 2010 và 2011. Còn Ông Nguyễn Ngọc Đức được điều về phân trường trưởng - phân trường 2, năm 2013 cũng bị kỷ luật khiển trách toàn Công ty.
Ông Mến cho biết thêm: Hầu như các phân trường trưởng đều bị kỷ luật, sau khi nghe chuyện này tôi tiếp tục làm tiếp, sẽ làm ráo riết vấn đề này. Nếu như không có bằng chứng, ít nhất rừng bị mất như thế này sẽ bị hạ bậc lương và cảnh cáo, cần thiết sẽ thay phân trường trưởng,
Được biết trước đó ông Nguyễn Thanh Bình (Phân trường trưởng phân trường 2) bị kỷ luật tạm đình chỉ công tác, về vấn đề để mất rừng, ông Nguyễn Ngọc Đức lên thay.
Ông Mến cũng cho hay, vừa qua chi bộ này này không đạt trong sạch vững mạnh vì có 3 cán bộ dính kỷ luật.
Như vậy, Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ea H’Mơ không đơn giản là nơi để mất rừng như thế mà nhiều cán bộ trong đơn vị này đã nhiều lần vi phạm về công tác QLBVR, từng bị kỷ luật nhưng không hiểu sao vị GĐ này vẫn cho họ giữ chức “Trưởng” các phân trường với nhiều ngàn héc ta rừng, một vị trí rất nhạy cảm.
Liệu lần này ông Mến với cương vị là GĐ có làm theo đúng như những gì trao đã đổi với PV rằng “chắc chắn sẽ mạnh tay trong việc này”.
Một cuộc làm việc khác, khi PV đưa hình ảnh ra trao đổi với Ông Nguyễn Văn Đính, GĐ Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Rừng Xanh, vị GĐ này cũng trả lời, sẽ cho tuần tra, kiểm tra, rừng thì rộng người thì ít nhưng chắc chắn việc mất này rừng sẽ không có hiện tượng tiếp tay cho lâm tặc.
Ông Đính cho biết: chổ bị phá là tiểu khu 158 thuộc phân trường Cư A Mung do ông Lê Văn Quang quản lý, ông Đính cho rằng, phân trường này rất xa nên cũng rất khó trong tuần tra kiểm soát, Ông Đính một lần nữa khẳng định, không có hiện tượng tiếp tay cho lâm tặc mà chủ yếu dân ở khắp nơi đổ về.
Ông Nguyễn Trọng Hải (PGĐ Công ty Rừng Xanh) phụ trách mảng QLBVR lại cho rằng: Đường dây 500KV đi qua rừng có cái lợi là nó sẽ tạo thành nhiều đường và chúng ta có đường đi, nhưng cái hại là tạo thành nhiều đường cho lâm tặc, việc mất rừng này cũng một phần do khi làm đường dây 500KV xuyên qua rừng.
Vấn đề mất rừng ông Hải cho hay, Tôi sẽ cho hỏi lại ngay, sẽ điện ngay cho anh em kiểm tra gấp, hiện chưa thấy báo cáo gì, anh tiểu khu trưởng đang còn ở trên đó.
Với cách trả lời của ông Hải, vô hình chung, rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh bị mất một phần do lỗi của đường dây 500KV đi qua?.
Làm việc với Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp, khi được PV cung cấp một loạt hình ảnh về việc khai thác rừng trái phép hết sức tàn khốc trong khu vực 2 đơn vị chủ rừng trên, Ông Nguyễn Văn Thuấn - Hạt trưởng HKL huyện Ea Súp cho biết: Sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ tất cả các khu vực nhưng phải kiểm tra thật kỹ khu vực này, để mất rừng như thế này trước hết chủ rừng phải chịu trách nhiệm.
Vấn đề phối hợp với chủ rừng rất quan trọng, tuy nhiên họ không bao giờ có văn bản hay đề nghị với chúng tôi phối hợp, tuy nhiên chúng tôi cũng đã làm hết trách nhiệm của mình như, thường xuyên triển khai cho anh em vào tận rừng sâu bắt gỗ, tuần tra kiểm soát các điểm nóng trên địa bàn…
Chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện chỉ đạo làm tốt công tác QLBVR, đồng thời siết chặt về mặt chỉ đạo. Việc mất rừng này theo ông Thuấn, đáng lẽ nhà của anh anh phải lo. Không lo khi mất trộm rồi còn kêu ai… (Tầm Nhìn 22/4) đầu trang(
Trữ lượng gỗ lớn, hệ sinh thái đa dạng và phong phú về chủng, loài nên rừng giáp ranh giữa 3 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum được xem là miếng mồi ngon mà lâm tặc đang nhòm ngó. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các ngành chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ…
Sau hai năm (2011-2013) thực hiện Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng, lâm sản vùng giáp ranh giữa Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, lực lượng chức năng của 3 tỉnh đã tổ chức 1.136 đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng.
Qua đó, phát hiện xử lý 550 vụ; tịch thu 547m3 gỗ, 4 xe ô tô, 95 xe máy, 11 cưa xăng và nhiều dụng cụ khác; thu nộp ngân sách hơn 6,2 tỷ đồng. Riêng Quảng Ngãi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức 803 đợt tuần tra, truy quét; phát hiện, xử lý 141 vụ; tịch thu 214m3 gỗ và 80 loại phương tiện; thu nộp ngân sách hơn 1,6 tỷ đồng.
“Vùng giáp ranh rộng, lại nằm ở vùng sâu vùng xa, hệ thống giao thông chính kết nối địa bàn 3 tỉnh hoàn thiện khiến các đối tượng phá rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép như được mọc thêm vây cánh; trong khi ngành chức năng đã thiếu phương tiện, lại yếu lực lượng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang khẳng định tại buổi họp sơ kết hai năm thực hiện Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng, lâm sản vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum vừa được tổ chức tại Quảng Nam.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, đó chỉ là lý do khách quan, còn mấu chốt của vấn đề “chảy máu rừng” chính là thực trạng đời sống của người dân vùng giáp ranh. Đó là dân trí thấp, cuộc sống khó khăn, đất sản xuất lại thiếu nên không chỉ lâm tặc, mà chính đồng bào dân tộc thiểu số cũng tham gia phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Lợi dụng điều này, bọn lâm tặc trà trộn và cùng tham gia với dân khiến việc xử lý của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Hơn nữa, lực lượng chức năng tham gia truy quét đối tượng phá rừng chỉ được quyền đẩy đuổi, tịch thu phương tiện chứ không được phép tiêu hủy, xử lý. Theo ngành chức năng 3 tỉnh, đây chính là lỗ hổng lớn nhất trong việc quản lý rừng, bảo vệ lâm sản.
Dù hiện giờ, một số địa phương như Quảng Ngãi, Quảng Nam cho phép lực lượng tham gia truy quét tiêu hủy tại chỗ phương tiện đã tịch thu nhưng biện pháp này cũng chỉ mang tính đối phó vì mất máy này, đối tượng phá rừng lại sắm máy kia. Thế nên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ đề xuất: “Cần phải tăng chế tài và hình thức xử lý theo hướng hình sự. Vì việc xử lý hành chính khiến đối tượng “nhờn” luật”.
Vùng giáp ranh thường là khu vực xa, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, hành lang pháp lý lại chưa rõ ràng. Thế mới có chuyện “đất anh đất tôi, mạnh ai nấy quản”; kéo theo thời gian truy quét, tuần tra kiểm soát bị “vênh” nên đuổi bên này, đối tượng phá rừng lại chạy sang bên kia. Câu chuyện này đã và đang xảy ra tại khu vực khai thác vàng trái phép ở sông Bua - vùng giáp ranh giữa huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Sơn Tây (Quảng Ngãi).
Để giải quyết tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cho rằng: “Lực lượng chức năng các địa phương cần thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau. Chứ bên này tổ chức truy đuổi, bên kia “bất động” thì bắt ai, ai bắt?”.
Vấn đề nổi cộm nữa là tình trạng một nhóm người phá rừng của tỉnh này, rồi chuyển sản phẩm sang tỉnh bạn để hợp thức hóa, mang đi tiêu thụ. Việc di chuyển tài nguyên rừng như thế khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ có sự tiếp tay của lực lượng chức năng. Đơn cử như vùng giáp ranh các huyện Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) và Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plong (Kon Tum).
Đã thế, nhiều nhà máy chế biến nguyên liệu giấy không biết vô tình hay cố ý lại trung chuyển sản phẩm “lậu” từ rừng, đó là trà trộn gỗ tự nhiên vào xe keo, mang đi tiêu thụ. Đến khi lực lượng chức năng phát hiện, yêu cầu phối hợp kiểm tra thì các nhà máy này lại bất hợp tác! “Rõ ràng khâu quản lý, phối kết hợp của kiểm lâm cũng như chính quyền cơ sở quá yếu kém”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Hải thẳng thắn bày tỏ.
Như vậy, để hạn chế tình trạng “chảy máu rừng”, vấn đề trước mắt là phải đảm bảo định mức đất sản xuất cho người dân vùng giáp ranh. Điều này vừa hạn chế tình trạng dân xâm canh xâm cư, vừa giúp bà con tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo phá rừng vì lý do thiếu đất sản xuất. Ngoài ra, các tỉnh cũng cần xem xét cấp phép xây dựng thủy điện loại nhỏ vì thực tế “điện sinh ra ít, nhưng rừng lại mất quá nhiều”. (Báo Quảng Ngãi 21/4) đầu trang(
19/4, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra thực tế một số khu vực rừng tràm thuộc hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, đồng thời có buổi làm việc với Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ và Đội bảo vệ Sở Chỉ huy thống nhất của tỉnh.
Theo số liệu cập nhật, đến ngày 15/4, diện tích rừng tràm, rừng đảo bị khô 38.688,9 ha, có nguy cơ cháy cao. Trong đó, báo động cấp IV, cấp V - cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm 37.098,3 ha.
Ông Lê Văn Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết, thời tiết khắc nghiệt, mực nước một số tuyến kinh bị cạn, gây khó cho việc lưu thông, vận chuyển phương tiện và lượng nước phục vụ công tác chữa cháy.
Dù đang bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng cán bộ kiểm lâm tăng cường giám sát nhưng vẫn còn xuất hiện tình trạng người dân thiếu ý thức lén lút vào rừng ăn ong, bắt cá, đốt đồng ruộng gây cháy rừng. Đây là nguyên nhân chủ yếu của hầu hết các vụ cháy rừng vừa qua.
“Tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 5 vụ cháy, diện tích rừng bị thiệt hại là 1,17 ha. Vụ cháy gần nhất trong tháng 4 này ở Tiểu khu 10 - Liên Tiểu khu sông Trẹm, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, diện tích thiệt hại 0,05 ha”, ông Lê Văn Hải thông tin.
Dồn sức cho phòng, chống cháy rừng, các đơn vị chủ rừng đã đắp hơn 100 đập lớn, nhỏ giữ nước; xây dựng 126 chòi canh lửa; cắm mới 166 bảng cấm lửa và cấm vào rừng. Các chủ rừng còn chuẩn bị 50 máy bơm công suất lớn và 28 máy công suất nhỏ với gần 64.000 m vòi chữa cháy.
Tổng số tổ máy bơm ứng trực trên toàm lâm phần rừng tràm đến nay là 42 tổ, với 254 lực lượng. Trong đó, lực lượng kiểm lâm 4 tổ, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh 1 tổ và 1 xe chữa cháy chuyên dụng. Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng còn vận động Nhân dân phát dọn những nơi có vật liệu dễ cháy, tạo đường ranh ngăn lửa; vận động được 5.234 hộ dân ký cam kết thực hiện những quy định PCCCR.
Hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và tính sẵn sàng, chủ động của các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng đến thời điểm này, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị cần tiếp tục phát huy việc người dân cùng tham gia với các đơn vị giữ rừng ứng trực canh lửa, thể hiện ý thức của người dân về tầm quan trọng, vai trò của rừng trong cuộc sống.
Lưu ý, tháng 4 là bước vào cao điểm của mùa khô, nguy cơ cháy rất cao, vì vậy cần tăng cường trách nhiệm của lực lượng canh trực PCCCR, tuyên truyền, vận động, quản lý dân cư chặt chẽ, không để xảy ra bất kỳ sơ suất nào. Không chủ quan, lơ là, tuy có mưa vài đám nhưng sẽ gây tác hại cháy nhanh hơn, hoặc sẽ có hiện tượng sét đánh dễ tạo ra cháy, cần chủ động phòng cháy. Bí thư Tỉnh uỷ kêu gọi các ngành tỉnh, huyện, Mặt trận, tổ chức, đoàn thể chính trị thường xuyên đến thăm, động viên cán bộ PCCCR.
Dịp này, Uỷ ban MTTQVN tỉnh phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tặng 150 thùng mì, 150 thùng nước suối cùng 50 triệu đồng tiền mặt cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tại: Tổ Kiểm lâm cơ động Vườn Quốc gia, Chốt 96-23, Trạm 23-100, Liên Tiểu khu U Minh I - Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ và Đội bảo vệ Sở Chỉ huy thống nhất của tỉnh. (Báo Cà Mau 20/4) đầu trang(
Phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô là nhiệm vụ thường xuyên và cần thiết để bảo vệ tài nguyên rừng. Do vậy, những năm qua, hạt kiểm lâm Bù Đốp đã phát huy có hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng trong việc tuần tra, kiểm soát những khu vực có nguy cơ cháy cao; đặc biệt, đơn vị đã chủ động cải tiến các phương tiện nhằm đảm bảo nhanh nhất và hiệu quả nhất khi có sự cố cháy rừng xảy ra.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu mà rừng Bù Đốp luôn được đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Bù Đốp cho biết, rừng Bù Đốp hiện có 7,2 ngàn ha, trong đó rừng khộp có diện tích 500 ha, cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao nhất, bởi ở đây tầng đất nông thường ngập úng vào mùa mưa và khô kiệt vào mùa nắng. Những tháng vừa qua, nắng nóng kéo dài kèm theo gió mạnh đã làm cho hệ thống sông, suối, khe đều cạn kiệt nước, mặt khác nắng nóng đã làm cho các loài cây rụng hết lá, cành nhánh cũng khô dần.
Theo ông Ách, 4-5 năm trở lại đây ở Bù Đốp chưa xảy ra tình trạng cháy rừng, tuy nhiên không vì thế mà lơ là mất cảnh giác. Để chủ động ứng phó, ngoài việc luôn kiểm tra, chỉ đạo, nhắc nhở chủ rừng, các đơn vị thực hiện dự án tại địa phương, UBND các xã có rừng phải thực hiện nghiêm kế hoạch được phê duyệt, có biện pháp chống cháy rừng một cách thiết thực.
Bên cạnh việc đôn đốc các đơn vị chuẩn bị chu đáo mọi phương tiện, trang bị chữa cháy, phân công trực chữa cháy 24/24…hạt kiểm lâm Bù Đốp cũng chuẩn bị các phương án tốt nhất để kịp thời ứng phó khi sự cố xảy ra. Hạt kiểm lâm đã xây dựng “đội quân tinh nhuệ” cùng với các trang thiết bị phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả cao nhất. Hạt kiểm lâm hiện chỉ có 12 người, mặc dù quân số ít nhưng mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba và làm được tất cả mọi việc từ lái xe, bốc xếp, đến sáng chế các vật dụng và sử dụng thông thạo các trang thiết bị  phòng chống cháy rừng.
Những tháng qua là thời kỳ đỉnh điểm của mùa khô nên công tác phòng cháy ở Bù Đốp luôn được túc trực 24/24 giờ. Với quyết tâm bảo vệ tài nguyên rừng, nên trừ những hôm phải đi công tác xa, mỗi ngày ông Nguyễn Văn Ách đều đặn 2 lần lên rừng. Công việc của Hat trưởng Ách là cùng với các cán bộ kiểm lâm trực tiếp túc trực đôn đốc, kiểm tra, phát quang đường băng để phòng chống cháy, Nhiều hôm phải ở lại rừng để hoàn tất những công việc còn dang dở. Có Hạt trưởng chuyên tâm, đầu tàu gương mẫu tự bảo ban nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tốt nghiệp trung cấp nông lâm, nhưng Hạt phó Hoàng Ngọc Phong từ lâu được nhiều đồng nghiệp trong Hạt ví von  là chàng “kỹ sư chân đất”  vì đã có nhiều ý tưởng và cải tiến nhiều phương tiện chữa cháy hiệu quả. Nhằm giảm bớt những chi phí không cần thiết và xuất phát từ nhu cầu thực tế, anh Phong đã cải tiến những chiếc xe chữa cháy cơ động, linh hoạt. Từ chiếc máy cày anh cải tiến thành máy chở bồn nước phòng cháy với 3 khối nước; từ chiếc xe máy cũ anh cải tiến thành xe máy chở bồn với 100 lít; rồi cải tiến xe đạp thồ thành xe chở bồn với 120 lít nước…
Mỗi loại có tính năng sử dụng khác nhau, phù hợp với từng địa hình, rất tiện lợi và cơ động. Trên mỗi chiếc xe đều gắn máy bơm cùng vòi xịt nước, có lực đẩy nên lực nước rất nhanh, mạnh, xa, vì thế ít tốn nước lại dập tắt được đám cháy trên diện tích lớn. Hiện đơn vị đã cải tiến thêm nhiều chiếc xe như thế để hỗ trợ cho các đồn biên phòng trên địa bàn.
Ngoài ra, để hạn chế tối đa kinh phí, anh Phong còn tự mua vật liệu về làm tháp canh chữa cháy (chòi canh lửa), vì theo anh Phong nếu thuê ngoài phải mất 20 triệu đồng tiền công. “Đồng chí Phong không những là người có năng lực điều hành về công tác quản lý bảo vệ rừng mà còn rất năng nỗ, nhiệt tình, sáng tạo trong mọi công việc. Tôi rất an tâm, tin tưởng giao nhiệm vụ cho đồng chí Phong khi đi rừng” ông Ách nhận xét.
Để chủ động nguồn nước tại chỗ khi có sự cố xảy ra, hạt đã khảo sát, khoanh những vị trí quan trọng, khu vực dễ xảy ra cháy rừng để đào hố trữ nước. Hiện Hạt kiểm lâm Bù Đốp đã đào được 4 hố, mỗi hố có thể tích khoảng 30m3 có bạt ni-lon giữ nước. Ngoài chữa cháy đường bộ, hạt còn cải tiến các phương tiện chữa cháy tuyến đường sông.
Ông Nguyễn Văn Ách chia sẻ: xuất phát từ thực tế, Hạt phó Hoàng Ngọc Phong đã mày mò, nghiên cứu chế tạo ra chiếc mô tô nước chữa cháy. Chiếc mô tô này có khả năng vừa hút nước vừa xịt nước nên rất tiện lợi, khi có cháy chỉ cần 1-2 người ngồi trên xe vận hành thì có thể dập lửa.
Với khẩu hiệu: “Quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, khi đã xảy ra thì không để lại ảnh hưởng lớn”, nhiều năm qua cán bộ công nhân viên Hạt kiểm lâm Bù Đốp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài giữ rừng, Hạt đã có nhiều ý tưởng phát triển rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng hiệu quả, nhất là mô hình làm giàu rừng, trồng rừng bán ngập và bảo vệ tuyến tuần tra rừng, các tiểu khu rừng phòng hộ.
Đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã trồng được 8950 cây rừng với diện tích 15 ha trên khu vực làm giàu rừng và tuyên truyền vận động 180 cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia trồng 1130 cây rừng các loại.
Bên cạnh đó, Hạt tổ chức trồng 10.000 cây gáo nước và 120.000 cây tràm trên diện tích 30 ha vùng bán  ngập tại tiểu khu 72; tổ chức phát 105 km tuyến tuần tra, bảo vệ các tiểu khu rừng phòng hộ, rừng sinh thái. (Báo Bình Phước 21/4) đầu trang(
Những tiết lộ của đạo diễn Đoàn Minh Phượng về việc đoàn làm phim “Vừa đi vừa khóc” đã ngược đãi 4 chú mèo con trong phim cho đến chết đã khiến Hội Những người yêu động vật và cư dân mạng hết sức phẫn nộ. Dư luận bức xúc rằng, có bao nhiêu con vật đã phải bỏ mạng cho những cảnh quay đầy ý đồ của đạo diễn phim Việt?
Về sự việc của phim “Vừa đi vừa khóc”, đạo diễn Đoàn Minh Phượng cho rằng: “Phục vụ nghệ thuật là chuyện của anh, anh không có quyền đòi hỏi ai khác chết để anh phục vụ nghệ thuật cả”. Nữ MC Trác Thúy Miêu nhìn nhận việc mua một lúc 4 con mèo để sử dụng như một đạo cụ và không có trách nhiệm gì với chúng là việc không thể chấp nhận.
Theo chị, trước khi thực hiện một sản phẩm hay, người làm phim cần phải làm sản phẩm của mình một cách sạch sẽ và trung thực. Và khán giả có quyền đòi hỏi người đạo diễn phải thực hiện cam kết đối xử nhân đạo với tất cả các diễn viên có tham gia phim của anh, trong đó có cả những loài động vật. Bản thân chị, sau khi hay biết thông tin 4 chú mèo con bị đoàn làm phim “ngược đãi” đến chết, chị đã nói “không” với phim của Vũ Ngọc Đãng.
Mặc dù sau này đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã đăng đàn khẳng định việc thông tin 4 chú mèo tham gia phim “Vừa đi vừa khóc” chết là bịa đặt nhưng công chúng vẫn không tin lắm vào những lời giải thích này.
Thạc sỹ Nghệ thuật Đỗ Lệnh Hồng Tú, giảng viên ĐH Sân khấu Điện Ảnh TP HCM cho rằng, Vũ Ngọc Đãng được xem là một trong những đạo diễn có biệt tài sử dụng động vật làm nhân vật trong phim. Ngay ở bộ phim đầu tay là phim “Chuột”, Vũ Ngọc Đãng cũng đã sử dụng chuột bạch nhuộm đen rồi biến thành những chú chuột nhà để thực hiện các cảnh quay đã giúp bộ phim và tên tuổi của anh đi khá xa. Tiếp đến, những phim “Tuyết nhiệt đới”, “Bỗng dưng muốn khóc”, “Hotboy nổi loạn”, “Vừa đi vừa khóc”… Vũ Ngọc Đãng lại tiếp tục đưa động vật vào phim như một thế mạnh của mình.
Đạo diễn Việt Đặng, giảng viên ĐH Sân khấu Điện ảnh TP. HCM cho biết, trong phim, bất kỳ con vật nào còn sống như: mèo, chó, gà, chuột… khi tham gia phim đều được xem là nhân vật chứ không phải đạo cụ. Thông thường, các con vật này sẽ được huẩn luyện để phục vụ các cảnh quay có ý đồ của đạo diễn.
Ở Việt Nam, do điều vật chất và nhân lực thiếu thốn, nên việc thuê một huấn luyện viên thuần phục những con thú hoang để phục vụ cho ý đồ của đạo diễn trong các cảnh quay rất khó khăn. Các đạo diễn buộc lòng phải sử dụng những con thú có ngay, bắt con thú đó phải “diễn xuất” theo ý đồ của mình. Cách làm này có thể khiến phát sinh nhiều rủi ro như con thú bị chết hoặc bị thương. Nếu nhìn ở tính nhân văn thì hành động này không nhân văn. Nhưng ở khía cạnh khác, có thể chia sẻ với đoàn làm phim do sự rủi ro này phát sinh ngoài ý muốn.
Trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam, bộ phim “Con chim vành khuyên” của đạo diễn Nguyễn Văn Thông được xem là một trong những phim đầu tiên sử dụng động vật như một nhân vật trong phim. Con chim vành khuyên trong bộ phim này đã xuất hiện xuyên suốt bộ phim gắn liền với nhân vật Nga do NSƯT Tố Uyên đảm nhận. Cảnh quay được cho là ấn tượng nhất trong phim đó là ở phần cuối phim, khi bé Nga bị trúng đạn ngã xuống bên cạnh mương nước, cô đã tự tay tháo lồng thả con chim vành khuyên bay về trời.
Theo đạo diễn Việt Đặng, những thập niên trước đây, mỗi khi đoàn phim của ông bắt tay vào thực hiện một bộ phim nào, đoàn phim cũng thường phối hợp với một nhóm huấn luyện thú ở Đầm Sen hoặc Sở Thú.
“Khi viết kịch bản về nhân vật đó, chúng tôi phải liên hệ trước với Sở Thú và Đầm Sen để tìm hiểu xem các con thú ở đó có đáp ứng được tính khả thi về nhân vật mà chúng tôi đang xây dựng. Nếu nhìn thấy tính khả thi không cao chúng tôi sẽ thay đổi lại kịch bản chứ không thể lệ thuộc hoàn toàn vào con vật. Đó cũng là lý do khiến các đoàn làm phim ngày xưa tránh được những rủi ro không đáng có. Thậm chí, sau khi đóng máy một bộ phim, nhiều diễn viên còn gắn bó với con thú không muốn rời” – đạo diễn Việt Đặng nói.
Còn theo Thạc sỹ Nghệ thuật học Đỗ Lệnh Hồng Tú thì việc sử dụng động vật phục vụ các cảnh quay rồi đối xử tàn tệ với chúng không phải là hiện tượng phổ biến. Tuy nhiên, thực tế từng tồn tại chuyện giết thịt con vật sau khi đã quay.
“Chẳng hạn, khi quay cảnh một đàn trâu đi ngang qua một hố bom bị trúng bom, nhiều con trâu bị thương nằm dạt xuống đất… Cảnh quay sẽ khiến một vài con trâu bị thương thật. Những con trâu này chắc chắn sẽ bị giết thịt sau khi đã thực hiện xong cảnh quay. Vì sao bị giết thịt?. Một là để khao mọi người trong đoàn làm phim sau khi đã trải qua một cảnh quay rất khó khăn. Hai là nếu không giết thịt con trâu kiểu gì cũng chết do nó đã bị thương. Đây là một chuyện hết sức bình thường vì khi mua con trâu để phục vụ cảnh quay người ta đã tính đến chuyện đó. Trong những phim có cảnh đâm chém hoặc tai nạn càng không thể tránh được chuyện này” – ông Hồng Tú chia sẻ thêm.
Theo ông Tú, trong phim cổ trang, ngựa là loài vật được sử dụng phổ biến nhất. Và những con ngựa trong phim cổ trang Việt như: “Lửa cháy thành Đại La”, “Tây Sơn hào kiệt”… đều được đoàn làm phim xử lý như trên. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những bộ phim có sự gắn kết đặc biệt giữa nghệ sỹ với con vật.
Cụ thể, trong phim “Lời tạ từ trong mưa” của đạo diễn Đào Bá Sơn, con chó cảnh tham gia phim được diễn viên Mộc Miên chăm sóc rất tận tình. Hoặc mới đây, có một đoàn làm phim quay một cảnh cần rất nhiều con ếch. 10 con ếch được đặt mua từ miền Tây đem lên Sài Gòn chưa kịp quay đã bị chết mất 9 con rồi. Anh đạo cụ rất thương đã khóc khi nhìn thấy những con ếch bị chết, anh không nỡ giết thịt. (Gia Đình & Xã Hội 21/4) đầu trang(
Tin từ Đồn Biên phòng Vĩnh Lương thuộc Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, đơn vị vừa phát hiện và bắt giữ một tàu cá vận chuyển 300kg gỗ trắc dây.
Trước đó, vào khoảng 19h ngày 19/4, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại khu vực Bãi Nhớ, rừng Hòn Hèo, thuộc thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), tổ tuần tra Đồn Biên phòng Vĩnh Lương, Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa phát hiện một tàu cá do anh Nguyễn Thêm (SN 1985) trú thôn Ninh Tịnh, xã Ninh phước, thị xã Ninh Hòa điều khiển có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu kiểm tra.
Qua kiểm tra, tổ tuần tra phát hiện trên tàu vận chuyển 300kg gỗ trắc dây. Khai thác nóng, anh Thêm cho biết, trong lúc đang hành nghề câu mực thì được một người quen điện thoại và thuê chở số gỗ trên về xã Ninh Vân thì bị phát hiện.
Ngay sau đó, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản tạm giữ số gỗ nói trên để xử lý theo pháp luật.
Được biết, tình trạng khai thác, mua bán trái phép gỗ trắc dây đang diễn ra nóng bỏng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đây là vụ thứ 4 Đồn Biên phòng Vĩnh Lương phát hiện, bắt giữ và thu gần 1 tấn gỗ trắc dây.
Đây là loại gỗ thuộc nhóm 1 (quý hiếm) và được thương lái thu mua với giá rất cao. Cụ thể, loại có đường kính trên 40cm có giá 12.000 đồng/kg; loại có đường kính từ 20cm - 30cm có giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. (Đời Sống Pháp Luật 21/4) đầu trang(
Mỗi năm, các tỉnh Tây Nguyên đều phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng nhưng xem ra đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về tình trạng phá rừng hiện nay.
Rừng tự nhiên ở Tây Nguyên không còn nhiều, thế nhưng, ngoài việc phá rừng làm nương rẫy, nạn khai thác gỗ quý ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… cũng đang bị rút ruột từng ngày…
Rừng phòng hộ Chư Mố, thuộc huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đang bị tàn phá hàng ngày. Bất kể ngày đêm, những cánh rừng khộp thuộc tiểu khu 1206, 1203 và 1202 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố quản lý đang bị người dân địa phương phá để lấy đất làm rẫy.
Chuyện phá rừng này chính quyền xã Chư Mố đã biết, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố cũng biết nhưng việc xử lý rất khó khăn vì người dân nghèo, thiếu đất sản xuất.
Ông Nay Ú, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố cho biết, đơn vị quản lý hơn 24.000ha rừng nhưng chủ yếu rừng nghèo, gỗ quý không còn nhiều, trong đó khoảng 22.000 ha là đất rừng. Tình trạng phá rừng làm rẫy ở đây do người dân tại chỗ với tập tục cũ nên hằng năm hay phát rộng thêm rẫy, cơi nới để chia cho con cái sau khi lập gia đình, ở riêng.
Gần đây, vùng rừng sản xuất thuộc địa phận xã Chư Mố, được UBND tỉnh Gia Lai cho phép Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long - Gia Lai mở đường vào khu khai thác mỏ quặng chì, kẽm, thuộc tiểu khu 1206 nên tình hình phá rừng ở đây càng phức tạp.
Phía Ban Quản lý rừng luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân không được phá rừng nhưng vì phong tục của đồng bào rất khó khăn, thường lợi dụng lúc làm rẫy đã tự cơi nới dần mỗi ngày một ít nên rất khó phát hiện, xử lý. Vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo kiểm tra việc phá rừng ở Chư Mố và bước đầu đã phát hiện diện tích rừng bị phá làm rẫy qua nhiều năm khoảng 3ha…
Ở Gia Lai, tình trạng phá rừng lấy gỗ quý được nhiều người chú ý, nhất là rừng gỗ hương ở Kbang và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Trước đó, Kiểm lâm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã phát hiện lâm tặc chặt hạ những cây gỗ hương gần 2m ở khoảnh 1, tiểu khu 109, thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, với khối lượng thiệt hại hơn 92m3. Các đối tượng Trình Văn Bông (39 tuổi); Lê Thế Hùng (22 tuổi) và Hồ Trọng Hải (19 tuổi) cùng ở huyện Kbang, Gia Lai đã bị khởi tố về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, quản lý và bảo vệ rừng.
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (Kbang, Gia Lai) quản lý nhiều cây gỗ hương cổ thụ đã bị lâm tặc thường xuyên dòm ngó. Những năm trước, rừng ở đây còn khá nhiều gỗ trắc và có cả huỳnh đàn đỏ (gỗ sưa) nhưng bây giờ đã cạn kiệt. Gỗ hương còn sót lại ở đây được quý như vàng nhưng vừa qua đã bị mất khá nhiều.
Cùng sự thiệt hại về gỗ quý, nhiều cán bộ ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa cũng lần lượt bị khởi tố, xử lý theo pháp luật. Sau vụ 12 cây gỗ hương bị khai thác, Công an huyện Kbang, Gia Lai đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Đăng Hướng (36 tuổi), Đội phó Đội Quản lý và Bảo vệ rừng và Nguyễn Đình Hạnh (27 tuổi), nhân viên bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (Kbang) về hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây, lực lượng Kiểm lâm Gia Lai cũng phát hiện hàng chục m3 gỗ hương khai thác trái phép ở rừng Kbang, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, việc xử lý kỷ luật về trách nhiệm của Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa đang chờ kết quả tại cuộc họp Hội đồng kỷ luật tỉnh Gia Lai trong tuần tới.
Cũng không kém Gia Lai, tỉnh Kon Tum đã giao hơn 510.000ha rừng cho 18 chủ rừng là các công ty lâm nghiệp và Ban quản lý nhưng những năm qua đã để mất hơn 40.000ha. Các đơn vị để mất rừng thuộc diện “chúa Chổm” như Công ty TNHH một thành viên Ngọc Hồi, hơn 5.254ha; Công ty TNHH MTV Đăk Glei hơn 5.396ha; Công ty THHH MTV Kon Plông mất hơn 4.332ha; Công ty TNHH MTV Đăk Tô mất hơn 2.934ha…
Theo ông Nguyễn Hữu Nho, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cho biết, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm qua việc mất rừng từng giai đoạn để có biện pháp xử lý một cách phù hợp.
Rừng Tây Nguyên đang từng ngày bị mất nhưng vẫn chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu để giữ lấy những cánh rừng quý cuối cùng còn sót lại. (Công An Nhân Dân 21/4) đầu trang(
Đắk Nông: Thuê giang hồ chặt phá rừng trồng
Trong những ngày qua, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Tân Phát (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) liên tục đưa người vào chặt phá trái phép rừng trồng ở xã Quảng Khê (huyện Đắk G’long, Đắk Nông) của Công ty CP Trồng rừng Trường Thành (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột).
Không những thế, Công ty Tân Phát còn thuê hàng chục giang hồ từ nhiều nơi đến ngăn cản, uy hiếp công nhân Công ty Trường Thành.
Vào 20-9-2007, ông Phạm Hoài Nam (Giám đốc Công ty Tân Phát) đã đem sổ đỏ 377ha đất rừng ở xã Quảng Khê cùng 300ha keo lai trồng trên diện tích đó (trị giá khoảng 25 tỷ đồng, chiếm 33,8% cổ phần) góp vốn thành lập Công ty Trường Thành và được bầu làm tổng giám đốc. Tại thời điểm góp vốn, Công ty Tân Phát cũng đang là “con nợ” của nhiều cá nhân và ngân hàng.
Vì thế, một ngay sau đó Công ty Tân Phát đã vay lại Công ty Trường Thành 24,5 tỷ đồng. Đến ngày 22-3-2008, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Thành đã bãi nhiệm chức vụ tổng giám đốc của ông Phạm Hoài Nam vì điều hành công ty yếu kém.
Đến tháng 2 năm nay, Công ty Trường Thành lập hồ sơ gửi quan chức năng địa phương thông báo khai thác 300ha keo lai tại xã Quảng Khê. Thấy thế, Công ty Tân Phát cũng lập hồ sơ khai thác diện tích keo nói trên để lấy 33,8% cổ phần góp vốn trên diện tích đó. Từ ngày 19-3 đến 16-4, Công ty Tân Phát đã kí hợp đồng với nhiều cá nhân đưa người vào khai thác khoảng 20ha keo lai của Công ty Trường Thành tại tiểu khu 1791.
Ông Võ Minh Quang (Phó Tổng giám đốc Công ty Trường Thành) cho biết: “Từ 2007 - 2014, công ty chúng tôi đã đầu tư rất tiền bạc, công sức để chăm sóc 300ha keo lai đó. Công ty Tân Phát có 33,8% cổ phần sẽ được chia lợi tức sau khi công ty khai thác xong diện tích keo lai đó. Nếu hạch toán tài chính lời sẽ được chia lợi tức, còn lỗ phải cùng chịu. Vì thế, việc Công ty Tân Phát ngang nhiên đưa người vào khai thác rừng keo lai của công ty đã công nhiên chiếm đoạt tài sản người khác”.
Trước sự tranh chấp khai thác của 2 công ty, vào ngày 8-4, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra công văn chỉ đạo tạm ngưng khai thác của hai đơn vị. Trong khi Công ty Trường Thành tạm ngưng khai thác, nhưng Công ty Tân Phát vẫn tiếp tục cho người ngang nhiên vào khai thác và còn thuê giang hồ ngăn chặn, uy hiếp người của Công ty Trường Thành khi họ đi vào rừng keo của mình.
Vào ngày 16-4, nhiều phóng viên được 1 chiến sĩ công an và 2 kiểm lâm huyện Đắk G’long dẫn vào hiện trường khai thác rừng keo của Công ty Tân Phát. Tại thời điểm PV có mặt, có hai máy ủi Công ty Tân Phát thuê đang san ủi đường để vận chuyển gỗ. Trong khi đó, rất nhiều cây keo mới bị chặt hạ ngổn ngang nhưng người khai thác đã biết tin và bỏ trốn. Khi nhóm PV vừa ra đến bìa rừng, có khoảng 30 người lạ mặt trên mình đầy hình xăm hùng hổ đến tra hỏi phóng viên, công an và cả kiểm lâm.
Sau khi doạ nạt phóng viên, chúng kéo đến đánh đập và lăng mạ một công nhân của Công ty Trường Thành bằng những lời lẽ tục tĩu. Sau đó, chúng còn kéo đến vây ráp và đánh ông Võ Minh Quang (Phó Tổng giám đốc Công ty Trường Thành). Trong lúc đó, có khoảng 20 kẻ khác ở quanh đó sẵn sàng xông ra “tham chiến” nếu có ai chống đối lại chúng. Khi lực lượng công an xã, công an huyện và kiểm lâm huyện Đắk G’long được tăng cường đến hiện trường, chúng mới chịu rút lui.
Theo ông Võ Minh Quang cho biết: Việc Công ty Tân Phát ngang nhiên đưa người vào khác thác rừng keo của công do có sự bao che của Công an huyện Đắk G’long và Công an tỉnh Đắk Nông. Vào ngày 19-3, đoàn liên ngành của huyện Đắk G’long phát hiện ông Đặng Ngọc Quý (ở Ninh Thuận, hợp đồng khai thác keo với Công ty Tân Phát) đưa 15 người, máy móc và phương tiện rừng keo của Công ty Trường Thành tại lô D, khoảnh 6, tiểu khu 1791. Lập biên bản xong, tang vật được đưa về Công an huyện Đắk G’long để chờ giải quyết. Nhưng một ngày sau đó, không hiểu sao Công an huyện Đắk G’long đã giao trả toàn bộ tang vật cho ông Quý.
“Khi chúng tôi đến hỏi lý do tại sao trao trả tang vật cho ông Quý, Công an huyện Đắk G’long giải thích là thực hiện theo chỉ đạo của ông Võ Văn Đủ - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông”, ông Quang cho hay.
Những ngày sau đó, ông Đặng Ngọc Quý tiếp tục đưa người và máy móc vào khai thác rừng keo tại tiểu khu 1791 của Công ty Trường Thành, bị công ty phát hiện, bắt giữ 2 xe tải chở 56ster gỗ mang BKS 60C - 12087 và 47P - 1918. Nhưng ông Võ Minh Quang cho biết: “Sau khi chúng tôi bắt được 2 xe tải, chiều ngày 26-3, lực lượng liên ngành của huyện Đắk G’long đã đến hiện trường và lập biên bản về hành vi khai thác trái phép của ông Quý. Nhưng họ lại không cung cấp biên bản này cho chúng tôi và ông Bùi Đình Lĩnh (Trưởng Công an huyện Đắk G’long - PV) yêu cầu chúng tôi thả 2 xe trước rồi mới cung cấp biên bản photo. Đến tối 27-3, trước áp lực của Công an và Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long, công ty chúng tôi buộc phải thả cho hai xe tải này đi”.
Tại cuộc họp ngày 25-3 ở Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long, ông Phạm Hoài Nguyên Anh (Phó Giám đốc Công ty Tân Phát) nói: “Em trình báo cho ông Đủ (ông Võ Văn Đủ - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông - PV) và ông Đủ chỉ đạo trả toàn bộ cưa, lập biên bản chặn xe ngày 2-3 (xe của ông Vũ Thành vận chuyển gỗ cho Công ty Trường Thành - PV)”.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi ông Phạm Hoài Nguyên Anh lại có biên bản chặn xe này của Công an tỉnh Đắk Nông để xuất trình trước ông Đỗ Ngọc Trai (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long - PV), trong khi chính bản thân Công ty Trường Thành (đơn vị bị chặn xe) và tài xế xe của chúng tôi lại không được cung cấp biên bản. Vì thế, chúng tôi cho rằng Công an huyện Đắk G’long và Công an tỉnh Đắk Nông đã bao che cho Công ty Tân Phát khai thác gỗ trái phép của công ty”, ông Quang bức xúc.
Ông Lương Ngọc Lếp, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Qua kiểm tra hồ sơ, chúng tôi khẳng định 300ha rừng keo được trồng tại xã Quảng Khê thuộc sở hữu của Công ty Trường Thành và mọi hành vi đưa người, phương tiện vào đây khai thác là vi phạm pháp luật. Còn việc có sự bao che của Công an huyện Đắk G’long hay không, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý vụ việc”.
Vào ngày 17-4, ông Lương Ngọc Lếp cũng đã kí công văn số 239/CV - PC46 khẳng định Công ty Trường Thành có quyền khai thác gỗ tại diện tích 300ha rừng keo được trồng ở xã Quảng Khê và Công ty Tân Phát không được quyền khai thác diện tích rừng trồng này, Công ty Tân Phát khai thác là vi phạm pháp luật. Vì thế, Công an tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công an huyện Đắk G’long phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long xử lý những hành vi khai thác rừng trồng trái phép trên diện tích rừng keo của Công ty Trường Thành. (Tài Nguyên Môi Trường 21/4) đầu trang(
Theo báo cáo của Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCC) TPHCM, TP có tổng diện tích tự nhiên 2.095 km2.
Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 36.727,39 ha chiếm 16,42% tổng diện tích đất tự nhiên, chủ yếu là rừng phòng hộ môi trường, phân bổ trên địa bàn huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi và Quận 9.
Rừng đặc dụng 29,92 ha, rừng phòng hộ môi trường 34.431,33 ha, rừng sản xuất 2.266,14 ha. Diện tích rừng, cây lâm nghiệp trồng phân tán và các loại cây trồng khác nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trên địa bàn 19 xã, phường thuộc các quận, huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, quận 9 là 8.738,36 ha; cây trồng dễ cháy khác gồm cao su và mía 4.305,98 ha.
Ngoài ra, với đặc thù của rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ Cần Giờ có trên 50km đường biên giáp ranh với các tỉnh bạn.
Trong năm 2013, các lực lượng chức năng như Chi Cục kiểm lâm, Cảnh sát PCCC, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương 25 phường, xã tại các khu vực có rừng và cây lâm nghiệp, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Chương trình quản lý rừng và PCCC rừng. Chi Cục kiểm lâm đã thực hiện 1.312 cuộc kiểm tra công tác bảo vệ và PCCC rừng, thực hiện 250 lượt tuần tra phối hợp các lực lượng chức năng truy quét khu vực trọng điểm và giáp ranh.
Trong năm 2013, TP không để xảy ra cháy rừng; đối với thảm thực vật thân cỏ và cây phân tán xảy ra 18 vụ cháy với diện tích 17,14 ha, lực lượng tại chỗ phát hiện và thông báo chính quyền địa phương chữa cháy kịp thời, không thiệt hại về kinh tế.
Đối với diện tích rừng phòng hộ, TP tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng cho 15 đơn vị và 175 hộ gia đình. Trong năm qua, tình hình phá rừng và khai thác rừng trái phép đã giảm trên 30% so với năm 2012.
Công tác quản lý động vật hoang dã cũng được thực hiện chặc chẽ. Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đã trả về rừng 187 cá thể thú quý, hiếm về vườn quốc gia; có 9 trại nuôi và 311 hộ cá thể nuôi động vật hoang dã đăng ký nuôi trên 566.880 cá thể, giảm 10,46% số hộ nuôi so cùng kỳ năm 2012. (Hochiminhcity.gov.vn 21/4) đầu trang(

QUẢN LÝ - SỬ DỤNG - PHÁT TRIỂN RỪNG
Như đã phản ảnh về việc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (VQG PN-KB) tự ý tổ chức thu tiền “phí dịch vụ môi trường rừng” một cách tùy tiện với giá “cắt cổ”, nhưng cho đến nay, việc tổ chức thu tiền vẫn tiếp diễn và UBND tỉnh Quảng Bình chưa có động thái nào để kiểm tra và xử lý sự việc báo nêu.
Việc tổ chức thu phí sơ sài đến mức phiếu thu không đúng với quy định của nhà nước và ai cũng có thể làm giả để tự ý thu đối với du khách khi đi vào VQG PNKB này. Việc thu phí được giao cho các trạm kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm VQG. Các kiểm lâm viên là người đứng ra thu phí du khách mặc dù họ không có chức năng này.
Sau khi báo chí lên tiếng, ngày 16/4 ông Lê Thanh Tịnh, Gám đốc VQG PN-KB đã ban hành Công văn số 226/VQG thông báo việc thu hồi công văn 182/TB-VQG và giải thích rằng:
“Thông báo 182/TB-VQG có một số nội dung chưa phù hợp với chủ trương thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Ban quản lý VQG PN-KB đã thống nhất trước đó, dễ gây hiểu nhầm trong quá trình thực hiện… Việc thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với hoạt động du lịch trong VQG PB-KB vẫn tiếp tục được áp dụng”.
Bằng văn bản số 226/VQG, ông Lê Thanh Tịnh thừa nhận Ban quản lý VQG PN-KB đã tự ý tổ chức thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với du khách, căn cứ vào nghị định 99/2010/NĐ-CP.
Nhưng theo điều 22 của nghị định 99/2010/NĐ-CP thì việc quyết định tổ chức thực hiện thu phí dịch vụ môi trường rừng là do UBND tỉnh thực hiện, trong đó chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt các đề án, dự án liên quan đến việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Một bằng chứng nữa cho thấy Ban quản lý VQG PB-KB đã cố ý tổ chức thu phí là vào ngày 05/7/2013, Sở VH-TTDL tỉnh Quảng Bình đã ban hành công văn số 502/SVHTTDL-DL do ông Nguyễn Văn Kỳ PGĐ sở này ký về việc tổ chức tuyến du lịch “Tham quan Di sản thiên nhiên Thế giới, VQG PN-KB”.
Văn bản này nêu rõ: “Khi hình thành và đưa tuyến du lịch vào khai thác, đề nghị BQL VQG PB-KB nghiên cứu xây dựng Đề án khai thác tuyến, điểm du lịch “tham quan Di sản thiên nhiên Thế giới, VQG PN-KB” với các sản phẩm cụ thể gửi Sở VH-TTDL thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt”.
“Chỉ cho phép khách du lịch vào các tuyến, điểm du lịch đã được công nhận cho phép tổ chức khai thác phát triển du lịch. Đường Hồ Chí Minh nhánh tây và đường 20 Quyết thắng là đường giao thông công cộng vì vậy cần tại điều kiện thuận lợi cho phép người dân tham gia giao thông và khách du lịch lưu thông không được gây cản trở”.
Như vậy thì việc tổ chức thu phí dịch vụ môi trường rừng của VQG PN-KB là việc làm tự ý, trái với các văn bản hướng dẫn, quy định của nhà nước. Ngay cả nghị định 99/2010/NĐ-CP được áp dụng để VQG PN-KB triển khai thì lãnh đạo VQG này không hiểu rõ phân cấp quản lý, qua mặt chủ tịch UBND tỉnh để thực hiện là một điều quá đáng tiếc.
Với kiểu tự ý đặt lệ phí như thế này, thì mọi nỗ lực của UBND tỉnh Quảng Bình kêu gọi các tổ chức cá nhân đến đầu tư vào du lịch, đồng thời bỏ tiền tỷ quảng bá hình ảnh có thể sẽ không đem lại những hiệu quả thiết thực. (Gia Đình Xã Hội 21/4) đầu trang(
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Quyết định số 558/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, quan điểm và mục tiêu tổng quát đã nêu rõ như sau:Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ khâu quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, từ trồng rừng đến khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái…
Phát triển lâm nghiệp phải đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Phải phù hợp với đường lối phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, quốc gia, theo cơ chế thị trường; sớm chuyển lâm nghiệp thành một ngành sản xuất hàng hoá, hiệu quả và bền vững đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập; khai thác hợp lý lợi ích tổng hợp của rừng, chú trọng năng suất, chất lượng, hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và đặc biệt các dịch vụ môi trường rừng.
Phát triển lâm nghiệp góp phần đa dạng hoá kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng, đặc biệt cho đồng bào các dân tộc ít người; góp phần xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ vững an ninh quốc phòng.
Quản lý, sử dụng và phát triển rừng bền vững là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp. Rừng phải được quản lý chặt chẽ và có chủ cụ thể; chỉ khi nào các chủ rừng có lợi ích, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng thì khi đó tài nguyên rừng mới được bảo vệ và phát triển bền vững. Phải kết hợp bảo vệ, bảo tồn và phát triển với khai thác sử dụng rừng hợp lý; kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng với bảo vệ diện tích rừng hiện có; kết hợp lâm nghiệp với nông nghiệp, ngư nghiệp và các ngành nghề nông thôn.
Phát triển lâm nghiệp phải trên cơ sở đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa nghề rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng. Bảo vệ rừng là trách nhiệm của các chủ rừng, vừa là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng dân cư thôn và của toàn xã hội; bảo vệ rừng phải dựa vào dân, kết hợp với lực lượng bảo vệ chuyên trách và chính quyền địa phương.
Mục tiêu nhằm nâng độ che phủ của rừng (bao gồm rừng tập trung và cây lâm nghiệp phân tán) đến năm 2015 và ổn định đến năm 2020 là 22,4%.
Bảo vệ và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đến năm 2020, phải sử dụng và trồng hết diện tích đất chưa có rừng có khả năng trồng rừng, phát triển trồng cây phân tán, vườn rừng.
Bảo vệ và phát triển vốn rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng, thực hiện xã hội hoá nghề rừng trên cơ sở tổ chức, quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng, giao đất, giao rừng nhằm giải quyết tốt mục tiêu phòng hộ, an ninh môi trường.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thông qua việc cải thiện một cách hợp lý cơ cấu cây trồng lâm nghiệp. Phát triển các loài cây trồng có tác dụng tốt về phủ xanh, bảo vệ môi trường và có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội. Xây dựng nền lâm nghiệp phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đưa các dịch vụ từ rừng là nguồn thu cơ bản của ngành lâm nghiệp; nâng tỷ trọng lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông nghiệp và trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương;
Góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị - xã hội ở tỉnh An Giang, đặc biệt khu vực biên giới với nước bạn Campuchia. Đảm bảo có sự tham gia rộng rãi hơn của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng. (Angiang.gov.vn 21/4) đầu trang(
Công tác đo đạc, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp ở H.An Lão, Bình Định
Theo thông tư số 35/2011/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì những trường hợp cây trồng trên đất chưa được giao hoặc cho thuê, được tạm giao khi vận chuyển sẽ xử lý vi phạm hành chính.
Trước thực trạng nhiều diện tích đất nương rẫy, đất đồi núi chưa sử dụng trên địa bàn đã được nhân dân trồng cây lâm nghiệp (cây keo lai) nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND huyện đã ban hành kế hoạch giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn để người dân an tâm phát triển sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời quản lý tốt quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, những diện tích đất nương rẫy, đất đồi núi chưa sử dụng đã sử dụng ổn định, đã trồng cây lâm nghiệp trên 3 năm thì được xem xét giao đất; đối với những vùng quy hoạch rừng sản xuất có trử lượng rừng nghèo, hộ gia đình cá nhân trong địa phương không có khả năng canh tác thì xem xét cho thuê.
Chính sách này được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Kinh phí để thực hiện công tác đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử lâm nghiệp trong trường hợp này là do chủ hộ được giao đất, cho thuê đất chịu trách nhiệm chi trả.
Thực hiện công tác đo đạc và lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử lâm nghiệp do đơn vị tư nhân có tư cách pháp nhân triển khai thực hiện. Đơn vị này có trách nhiệm hợp đồng trực tiếp với từng hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dưới sự theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo của UBND các xã, thị trấn và Phòng TN&MT huyện.
Trên cơ sở quy định về chi phí đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Định và thỏa thuận giữa đơn vị thi công và UBND các xã, thị trấn, vừa qua, UBND huyện đã thống nhất kinh phí để thực hiện công tác đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện như sau: thửa đất có diện tích từ 0,5 đến 1 ha có giá 2.250 nghìn đồng, thửa đất có diện tích từ 1 đến dưới 2 ha có giá 2.750 nghìn đồng, thửa đất có diện tích từ 2 đến dưới 3 ha có giá 3.250 nghìn đồng, thửa đất có diện tích từ 3 đến dưới 5 ha có giá 3.750 nghìn đồng, thửa đất có diện tích từ từ 5 ha trở lên có giá 4.250 nghìn đồng. Chi phí này thấp hơn so với quy định của UBND tỉnh về chi phí đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Kế hoạch này sẽ hoàn thành trước năm 2015. Năm 2014 sẽ tập trung thực hiện cho những diện tích đã trồng cây lâm nghiệp, năm 2015 sẽ triển khai cho những diện tích đất trống chưa có rừng trồng và thuê đất. (Trang Tin Điện Tử UBND H.AN Lão, Bình Định 21/4) đầu trang(
Từ 2 năm nay, việc khiếu kiện đất rừng giữa bà Đinh Thị Bộ (đại diện cho 4 hộ gia đình) và 8 hộ dân tại thôn 5, xã Quế Thuận (Quế Sơn, Quảng Nam) kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến hàng loạt cây trồng đến tuổi thu hoạch nhưng không được phép nên bị ngã đổ la liệt, gây thiệt hại lớn về kinh tế và bức xúc trong dư luận.
Sự việc bắt đầu từ 8 hộ gia đình gồm: Ông Nguyễn Đình Phước Tam, Mai Quyền, Nguyễn Văn Cũng, Phạm Hoa, Lê Cang, Nguyễn Đình Khả, Nguyễn Văn và Nguyễn Quận canh tác ổn định tại khu vực đất trên núi Bà Trúc thuộc địa phận thôn 5 (Quế Thuận) từ bao đời nay. Năm 2004, các hộ trên bỏ nhiều công của để trồng cây keo tại diện tích đất trên mà không hề có ai tranh chấp.
Đến năm 2011, khi cây keo đến tuổi thu hoạch thì nhóm hộ này làm đơn xin khai thác gỗ, liền “té ngửa” vì chính quyền địa phương từ chối không ký đơn và cho biết, diện tích trên đang bị bà Đinh Thị Bộ (đại diện 4 nhóm hộ) có đơn tranh chấp quyền sử dụng.
Sự việc kéo dài cho đến nay hơn 3 năm không được giải quyết dứt điểm, khiến đa phần cây keo trên diện tích tranh chấp lẫn số cây keo nằm liền kề bị bão lụt làm đổ ngã la liệt, dần khô héo thành củi mục. Cuộc sống của những nông dân nghèo khổ vốn gắn bó với núi rừng, lại gặp thêm nhiều khó khăn chồng chất, vì không bán được cây keo do chính mình trồng nên.
Căn cứ để bà Bộ tranh chấp đất rừng với các hộ dân là dựa vào quyết định giao đất lâm nghiệp do UBND huyện Quế Sơn cấp tháng 10/1999. Theo nội dung quyết định: Sơ đồ vị trí đất lâm nghiệp số 199 và Biên bản xét duyệt, đề nghị giao đất lâm nghiệp của UBND xã Quế Thuận ngày 28/6/1999, ghi rõ địa điểm giao đất cho bà Bộ là hố Bà Bia (thôn 6, Quế Thuận), nhưng bà Bộ lại tranh chấp đất ở thôn 5 núi Bà Trúc của các hộ dân nêu trên!
Theo quyết định này, bà Bộ được nhận quản lý sử dụng 27 ha đất lâm nghiệp trong vòng 50 năm, nhưng không ghi rõ số, ngày giao đất. Riêng sơ đồ vị trí giao đất của Hạt Kiểm lâm huyện không thể hiện mốc đánh dấu diện tích đất được giao, không ghi rõ tứ cận, tọa độ, không cắm mốc trên thực địa...
Ngoài việc cấp “sổ đỏ” đất lâm nghiệp cho nhóm hộ bà Bộ, UBND huyện còn cấp “sổ đỏ” riêng cho từng hộ trong nhóm, chồng lấn lên diện tích đã cấp cho nhóm hộ bà Bộ, làm nâng diện tích đất được sử dụng cho nhóm hộ này lên thành… 108 ha.
Bà Trần Thị Liễu (con bà Bộ), trong thời điểm cấp đất đang đi học và chưa hề tách hộ khẩu, vẫn được xác định là một hộ riêng để giao đất lâm nghiệp. Như vậy, hồ sơ giao đất lâm nghiệp của huyện thể hiện nhiều điểm bất hợp lý, nhưng không được điều chỉnh hoặc hủy bỏ, mà còn được các cơ quan chức năng sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ việc. Hơn nữa, bà Bộ cho rằng số cây trên bà trồng từ năm 2000, tính đến thời điểm hiện nay số cây trên đã được 14 tuổi, nhưng hiện tại toàn bộ số cây này mới 10 tuổi.
Sự vụ ngày thêm rắc rối, vì ngày 05/9/2012, Phòng TN&MT huyện dựa trên sơ đồ giao đất thiếu chính xác, cho ra đời bản “Trích đo địa chính” xác định lại vị trí đất đã cấp cho nhóm bà Bộ, thể hiện diện tích trượt dài từ thôn 6 qua thôn 5. Con đường xe máy cày lưu thông từ xưa đến nay được người dân mặc định là ranh giới giữa 2 thôn, nay lại nằm trong diện tích 27 ha cấp cho nhóm hộ bà Bộ, nên diện tích tranh chấp với các hộ dân là 21.911m2 đất. Đáng chú ý là, hộ ông Tam không có diện tích đất tranh chấp nhưng vẫn không được khai thác cây keo?
Sau nhiều lần hòa giải, hộ các ông Văn, Củng, Cang và ông Quận được Tòa cấp giấy xác nhận không có tranh chấp. Trong đó ghi rõ: “Trong phần kê khai của ông thì phần diện tích rừng 4.892m2…, hiện không có tranh chấp tại Tòa”. Ông Nguyễn Tấn Long, Chánh án TAND huyện khẳng định: “Đối với Tòa, ông Văn được phép khai thác cây”.
Nhưng khi ông Văn làm đơn xin khai thác cây, thì cán bộ địa chính xã Quế Thuận không cho khai thác, với lý do bà Bộ cho rằng đây là đất và cây của bà, đề nghị ông Văn làm đơn hỏi lý do sao bà Bộ cản trở việc khai thác keo rồi gửi đồng thời cho Tòa và UBND xã để cùng phối hợp giải quyết!
Ngày 24/01/2014, do hoàn cảnh túng thiếu và xót của trước tình trạng cây gãy đổ gần hết, ông Khả làm liều khai thác. Cùng ngày, TAND huyện áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp là tạm thời cho thu hoạch, bán gỗ keo đã bị chặt hạ của hộ ông Khả, nhưng giao cho Chi cục thi hành án Dân sự huyện thực hiện tổ chức thu hoạch bán cây, số tiền thu được tạm gửi tiền vào kho bạc Nhà nước. Diện tích tranh chấp là 1.414m2 đất, nhưng Chi cục Thi hành án đã tạm giữ toàn bộ số tiền bán cây trên cả diện tích không tranh chấp của gia đình ông Khả.
Ông Khả than thở: “Con tôi đang bị bệnh nằm bệnh viện, nên tôi mong được trả lại số tiền bán cây trong diện tích không tranh chấp để lo viện phí cho con tôi…”.
TAND huyện Quế Sơn cần sớm đưa ra phán xét vụ việc một cách khách quan và chính xác, nhằm phân định rạch ròi quyền lợi của công dân, tránh những thiệt hại về kinh tế không đáng có. (Thanh Tra 21/4) đầu trang(
Chiều 21/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc với huyện Hương Sơn và các sở, ngành liên quan về tình hình thực hiện Đề án giao đất gắn với giao rừng và cấp giấy CNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn; kết quả thực hiện đo vẽ bản đồ địa chính; cấp đổi GCNQSD đất tại các xã trong KKT Cầu Treo và công tác cấp GCN QSD đất lần đầu trên địa bàn huyện.
Về tiến độ thực hiện Đề án giao đất gắn với giao rừng và cấp GCN QSD đất cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, tính đến 20/4, đã có 20 xã xây dựng xong phương án nộp về phòng chức năng để thẩm định, trong đó: 12 xã đã thẩm định phê duyệt, 3 xã đã có quyết định phê duyệt.
Trong tổng số 3.688,8 ha đất hộ gia đình đang sử dụng thuộc 1.258 hộ của 17 xã đã được đo đạc, lập bản đồ, thẩm định và phê duyệt; đến nay, đã cấp GCN QSD đất cho 194 hộ với diện tích 596 ha, đang làm hồ sơ cấp 321,52 ha cho 90 hộ, còn lại 2.771,28 ha của 975 hộ thuộc 17 xã hiện chưa đánh giá tài nguyên rừng và xây dựng hồ sơ cấp GCN QSD đất.
Trong tổng số 5.198,96 ha do UBND xã quản lý, có 707,46 ha đã thuê tư vấn đo đạc, làm các thủ tục trình cơ quan chức năng thẩm định để cấp GCN QSD đất.
Kế hoạch năm 2014, diện tích đưa vào giao, cho thuê, cấp GCN QSD đất là 9.472,51 ha.
Về kết quả đo đạc bản đồ địa chính (triển khai tại 29/32 xã), có 14 xã đã đo vẽ xong và đã kiểm tra ngoại nghiệp, 4 xã đã đo xong ngoại nghiệp nhưng chưa kiểm tra, 7 xã còn lại chưa đo xong ngoại nghiệp; 4 xã trong KKT Cầu Treo đã đo vẽ và cấp đổi GCNQSD đất. Trong số diện tích đất ở, đất vườn trong KKT, đã xét, in giấy chứng nhận được 4.663 hồ sơ, đạt 96,20%.
Về cấp GCN lần đầu, UBND huyện đã cấp đất cho 4.961/5.116 hộ gia đình, đạt 97,41%.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, việc đo vẽ địa chính đất nông nghiệp, Hương Sơn thực hiện chưa bài bản, thiếu đồng bộ. Vai trò của đơn vị tư vấn còn yếu, tư vấn và xã phối hợp thiếu chặt chẽ; các đơn vị liên quan chưa sâu sát; vai trò lãnh đạo còn hạn chế, còn chỉ đạo chung chung…
Thời gian tới, về đất nông nghiệp cần tập trung hoàn thành đo vẽ địa chính chính xác; tổ chức ký ranh giới gữa các đơn vị chưa ký; phối hợp tốt việc tổ chức kiểm tra ngoại nghiệp, đo xong ngoại nghiệp, đơn vị tư vấn phải kịp thời tập trung chỉnh sửa, trình sở TNMT phê duyệt để thực hiện các bước tiếp đó theo quy trình. Sau cuộc này, huyện và các ngành phải lên kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện. Sở TN&MT cần dồn sức chỉ đạo. Cả hệ thống chính trị Hương Sơn cần vào cuộc quyết liệt để sớm hoàn thiện.
Về đất lâm nghiệp, tổ chức rà soát lại chính xác quỹ đất, nếu cần, phải xây dựng lại phương án, theo nguyên tắc ưu tiên các hộ dân sở tại, các hộ đã sử dụng hợp pháp và xem xét tài sản trên đất cho họ; người địa phương, người chưa có đất mà có nhu cầu nhận đất thì cần xem xét ưu tiên; xử lý dứt điểm tài sản trên đất theo quy định để khi giao đất không xảy ra tranh chấp…
Huyện Hương Sơn, Sở NN&PTNT soát xét lại các phương án tổng thể theo quy định; lập phương án xong, địa phương phải ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để tổ chức đo vẽ nhanh, nhưng phải đảm bảo chất lượng nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến hết 2014 cơ bản hoàn thành…(Báo Hà Tĩnh 21/4) đầu trang(
Người dân nhận đất trồng rừng đã góp một phần quan trọng trong phát triển rừng, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở trong việc bảo vệ, phát triển vốn rừng, từng bước lập lại trật tự trong quản lý, bảo vệ rừng. Song, khi rừng cho gỗ thì các hộ lại gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá bán gỗ không đủ bù chi phí.
Theo các cơ quan chuyên môn, những diện tích rừng có sự tham gia bảo vệ của người dân đều mang lại hiệu quả nhất định: rừng ít bị xâm hại hơn, đời sống của người dân sống gần rừng được cải thiện đáng kể. Không ít cộng đồng thôn, buôn đã xem rừng là tài sản quý của buôn làng và có trách nhiệm bảo vệ như tài sản quý của mình; do vậy phát triển rừng trồng đã huy động được nhiều nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia.
Mỗi năm, Ðác Lắc trồng mới khoảng 5.000 ha rừng sản xuất, trong đó có khoảng 2.000 ha là do các hộ gia đình trồng. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 21 nghìn ha rừng sản xuất với sản lượng gỗ bình quân đạt 10 nghìn m3/năm, đây là nguồn nguyên liệu để phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Chương trình hỗ trợ dân trồng rừng sản xuất bắt đầu triển khai ở tỉnh Ðác Lắc từ năm 2006, đến nay đã từng bước giúp người dân nâng cao nhận thức phát triển kinh tế đồi rừng, làm thay đổi tập quán du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo những hộ dân ở xã Yang Kang (Krông Bông, Ðác Lắc), với mức hỗ trợ hai triệu đồng, tuy không nhiều so với tổng mức đầu tư 17 đến 20 triệu đồng cho một chu kỳ khai thác, nhưng đã giúp ích rất nhiều cho các hộ nghèo. Không ít diện tích đất bị hoang hóa, bạc màu nay được bà con chuyển đổi sang trồng rừng. Còn đối với Dự án FLITCH (trồng rừng từ nguồn vốn Chính phủ vay Ngân hàng Châu Á - ADB), sau hai năm triển khai tại xã Krông Nô (huyện Lắc, Ðác Lắc) đã phủ xanh gần 100 ha đất trống, đồi trọc...
Xã hội hóa nghề rừng là một chủ trương rất thiết thực của Nhà nước, được nhiều địa phương triển khai có hiệu quả, thông qua đó đời sống của họ được cải thiện và rừng ngày càng phát triển. Song, sau nhiều năm đầu tư "đến ngày hái quả", ở Ðác Lắc hiện đang xảy ra những bất cập cần tập trung giải quyết.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ma Ð'rắc Vũ Hữu Nhân đánh giá: Những năm gần đây, kinh tế rừng trở cho nên khó khăn về đầu ra, còn chi phí đầu tư lại tăng lên. Hầu hết lượng gỗ khai thác từ rừng trồng chủ yếu xuất bán ngoài tỉnh, gánh thêm phần chi phí vận chuyển cho nên thu nhập của chủ rừng cũng giảm đi.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ma Ð'rắc được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện khá tốt việc trồng rừng, với tổng diện tích đến nay hơn 3.000 ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích rừng trồng toàn huyện, nhưng cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, để có tiền tái đầu tư trồng mới sau khai thác. Bình quân mỗi ha rừng trồng loại tốt, khai thác được từ 60 đến 80 ster đôi (1ster đôi = 1m3 gỗ tròn), sẽ thu được từ 24 đến 32 triệu đồng.
Nếu là rừng trồng xấu, sản lượng gỗ chỉ đạt 40 ster đôi, thì chỉ thu được 16 triệu đồng/ha. Với chu kỳ từ năm đến bảy năm, sau khi trừ chi phí bình quân thu 22 đến 25 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế của rừng trồng mang lại thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Hiệu quả kinh tế thấp, bấp bênh về đầu ra, chi phí đầu vào tăng cao trong khi tiềm lực tài chính của các công ty lâm nghiệp đều gặp khó khăn, lại không được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nên đành phải "hạn chế" chỉ tiêu trồng mới rừng hằng năm. Cũng vì hiệu quả kinh tế thấp mà người dân không còn mặn mà với trồng rừng liên kết.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông thu hút khoảng 900 hộ của năm xã tham gia trồng rừng, với tổng diện tích hơn 1.100 ha, trong đó gần 600 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Công ty cũng liên kết với khoảng 200 hộ dân ở hai xã Cư Yang và Cư Prông trồng được 1.000 ha rừng tập trung, nhưng do khó khăn về vốn cho nên việc đầu tư phát triển rừng trở nên hạn hẹp.
Thay vì đầu tư cho một chu kỳ nếu đạt chuẩn phải khoảng 18 đến 20 triệu đồng/ha, nhưng do thiếu vốn cho nên đơn vị chỉ đầu tư trong vòng tám đến chín triệu đồng/ha. Vì vậy, rừng đến kỳ khai thác, trữ lượng gỗ không đạt, hiệu quả thấp, bình quân chỉ thu được 15 triệu đồng/ha. Hiện giá gỗ rừng trồng không ổn định, nên khó khăn càng thêm khó khăn.
Giám đốc Công ty Nguyễn Hồng Mạnh chia sẻ, trong những năm qua, việc trồng rừng liên kết của công ty không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng. Một chu kỳ đầu tư từ năm đến bảy năm, sau khi thu hoạch, trừ chi phí, lợi nhuận thu được không đáng kể, nhiều khi còn lỗ. Cái lợi lớn nhất của trồng rừng là giúp chống biến đổi khí hậu, phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải tạo môi trường.
Nếu chỉ tính đến hiệu quả kinh tế và không có sự hậu thuẫn từ các chương trình, dự án thì khó có doanh nghiệp nào dám đầu tư cho trồng rừng. Do vậy, để thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia trồng rừng, tỉnh cần có chính sách đất đai hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; có cơ chế ưu đãi về tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trồng rừng.
Ðác Lắc hiện có hơn 84 nghìn ha rừng trồng, nếu không tính đến việc đầu tư phát triển nhà máy chế biến lâm sản thì rừng trồng lại tiếp tục rơi vào tình trạng giá cả phập phù, doanh nghiệp lại loay hoay với "bài toán" lỗ - lãi. Do vậy, Ðác Lắc cần quy hoạch, định hướng, khuyến khích phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, có như vậy mới tạo sự ổn định về thị trường, bảo đảm đầu ra cho các đơn vị trồng rừng.
Nói đến đầu tư xây dựng, mở rộng nhà máy chế biến gỗ tại vùng nguyên liệu, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành Ma Ð'rắc Ðỗ Văn Khương cho biết: Công ty đã đi tìm ngân hàng vay vốn từ hơn nửa năm nay, liên hệ không dưới bảy ngân hàng nhưng vẫn chưa có nơi nào đồng ý cho vay. Nếu không vay được vốn, công ty vẫn phải tổ chức sản xuất trong khả năng của mình. Có điều, việc sản xuất không hết công suất máy móc sẽ khiến chi phí tăng lên, trong khi đó Ma Ð'rắc phải bán gỗ nguyên liệu rừng trồng ra ngoài tỉnh, giá rẻ.
Giám đốc Dự án "Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên" của tỉnh Ðác Lắc Lương Vĩnh Linh cho biết thêm: Dự án được triển khai tại 60 xã thuộc 22 huyện của các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Ðác Lắc, Ðác Nông, Lâm Ðồng và Phú Yên, với mục tiêu quy hoạch 60 nghìn ha đất lâm nghiệp để trồng rừng thương mại, trồng mới 30 nghìn ha, khoanh nuôi tái sinh 14 nghìn ha... nhưng dự án vẫn không tính đến đầu ra cho sản phẩm rừng trồng thương mại.
Chỉ tính riêng ở tỉnh Ðác Lắc, để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản có công suất từ 400 nghìn đến 500 nghìn m3 gỗ/năm. Không có nhà máy chế biến lâm sản quy mô lớn, thì đầu ra cho sản phẩm rừng trồng thương mại ở Ðác Lắc vẫn bế tắc và người trồng rừng sẽ còn gặp khó khăn. (Nhân Dân 21/4) đầu trang(
Hội nghị được UBND huyện Nậm Nhùn vừa tổ chức. Ông Lê Đức Dục – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Nguyễn Hữu Ái – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nậm Nhùn hiện có 59.050,2ha rừng, độ che phủ đạt 42,54%ứngau khi đi vào hoạt động, huyện đã tổ chức 11 Hội nghị tuyên truyền cấp xã, 158 cuộc họp thôn bản, tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng tới 8.652 lượt người dân. 70/70 bản xây dựng, triển khai thực hiện quy ước, hương ước bảo vệ rừng.
2013, huyện Nậm Nhùn đã tổ chức diễn tập Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tại xã Nậm Manh, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo củng cố, duy trì 11 Ban chỉ đạo PCCCR cấp xã, thị trấn và tổ chức cho UBND các xã, thị trấn ký cam kết với UBND huyện về bảo vệ rừng và PCCCR mùa khô 2013 – 2014. Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì 70 tổ đội xung kích bảo vệ rừng PCCCR ở các thông bản, cấp phát dụng cụ PCCCR cho tổ đội xung kích của các xã.
Huyện có 73.682,2ha rừng được chi trả chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Nguồn kinh phí chi trả DVMTR được tỉnh giao năm 2013 là gần 26 tỷ đồng. Tính đến 1/4/2014, huyện đã giải ngân được hơn 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mùa khô năm 2013 – 2014, trên địa bàn toàn huyện vẫn xảy ra 46 vụ cháy rừng, thảm thực vật, cháy thảm cỏ với tổng diện tích là 927,01ha. Khi xảy ra cháy rừng, Ban chỉ đạo PCCCR các xã đã triển khai cứu chữa kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” để dập tắt đám cháy với 1.033 lượt người tham gia chữa cháy đã được huy động.
Cùng với đó, UBND các xã cũng kết hợp với lực lượng kiểm lâm tìm ra đối tượng gây cháy rừng được 7 vụ. Trong đó có 2 đối tượng gây cháy rừng thiệt hại lớn tại xã Nậm Ban, Trung Chải hiện nay các cơ quan tố tụng đang lập hồ sơ để điều tra xử lý, truy cứu trách nhiệm theo quy định.
Các đại biểu đã thảo luận và đóng góp vào mục tiêu, nhiệm vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2014. Trong đó, tập trung vào: Bảo vệ tốt diện tích rừng; đẩy mạnh việc khoanh nuôi tái sinh rừng, phát triển cây cao su đạt kế hoạch đã đề ra; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, phát triển rừng của các cấp; ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCCR.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Lê Đức Dục – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đề nghị: Thời gian tới, các cấp, các ngành trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về bảo vệ và phát triển rừng; củng cố lại ban chỉ đạo PCCCR các cấp; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Phấn đấu đến cuối năm 2014, độ che phủ rừng của huyện Nậm Nhùn đạt 44,1%.
Tại Hội nghị, UBND huyện đã khen thưởng cho 5 tập thể, 10 cá nhân có thành tích trong công tác PCCCR mùa khô năm 2013 – 2014. (Báo Lai Châu 20/4) đầu trang(
Từ đầu năm 2014 đến nay, hầu hết các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đều bị thiếu nguyên liệu, hoạt động cầm chừng, lao động nghỉ việc. Nguyên nhân chủ yếu là vì gỗ trồng trong rừng không thể vận chuyển ra được do mưa thường xuyên, không có đường vận chuyển.
Nhà máy sản xuất ván ghép thanh của Công ty cổ phần Sahabak tại khu Công nghiệp Thanh Bình mỗi ngày tiêu thụ 100 m3 gỗ rừng trồng, nhưng từ đầu năm đến nay mỗi ngày chỉ mua được khoảng 20 m3. Thiếu nguyên liệu đầu vào, thời gian qua nhà máy này phải hoạt động cầm chừng, riêng xưởng sơ chế đã ngừng hoạt động xuất.
Công ty cổ phần Tracemico Bắc Cạn chuyên sản xuất đũa từ gỗ bồ đề để xuất khẩu, đến nay cũng không có nguyên liệu để sản xuất, phải chuyển sang sử dụng gỗ keo, gỗ mỡ. Hầu hết các cơ sở chế biến gỗ khác trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn cũng đang bị thiếu nguyên liệu, hoạt động cầm chừng.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa ảnh hưởng đến việc khai thác rừng trồng của người dân, gỗ đã được khai thác ở trong rừng nhưng do không có đường vận chuyển, một số nơi có đường mà cũng không vận chuyển được vì đường trơn, lầy thụt.
Mặt khác, trên địa bàn chưa hình thành được hệ thống đường lâm nghiệp, làm cho việc vận chuyển gỗ trồng từ trong rừng ra gặp rất nhiều khó khăn, thường phải dùng trâu kéo, vận chuyển bằng sức người nên giá thành tăng cao, nhiều diện tích rừng đã đến chu kỳ nhưng người dân không khai thác.
Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến gỗ lớn trên địa bàn tỉnh không tự trồng được rừng, nguyên liệu cho sản xuất đều phải phụ thuộc hoàn toàn vào dân. Tập quán của người dân địa phương thường nghỉ Tết dài ngày, bận sản xuất nông nghiệp, khi mưa kéo dài người dân không vận chuyển được gỗ là nhà máy “đói” nguyên liệu.
Các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ len lỏi vào tận bìa rừng đặt cơ sở sơ chế “hút” hết gỗ, vì bán cho các cơ sở chế biến gần rừng thì người dân không phải vận chuyển đi xa, giảm chi phí, có lãi cao hơn cũng làm cho các nhà máy sản xuất gỗ có quy mô lớn trên địa bàn thiếu nguyên liệu hoạt động. (Nhân Dân 20/4) đầu trang(
Những năm gần đây, nghề nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, nghề này cũng đang gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là về thị trường tiêu thụ.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nghề nuôi ĐVHD phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh từ năm 2008, đến nay toàn tỉnh có 968 hộ nuôi đã được đăng ký, cấp phép với số lượng nuôi là 21.911 cá thể. Trong đó, Quan Hóa là huyện dẫn đầu với 165 hộ chăn nuôi và 1.186 cá thể. Các loài nuôi hiện nay rất đa dạng gồm có chim trĩ, lợn rừng, cá sấu, rùa, chồn, trăn..., song nhím và rắn hổ mang là hai loài nuôi với số lượng lớn, trong đó rắn hổ mang là 12.727 cá thể, nhím là 5.311 cá thể. Những năm qua, nghề nuôi ĐVHD đã mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Thao, xã Đông Tiến (Đông Sơn) làm giàu từ nghề nuôi chim trĩ. Trên diện tích gần 3.000m2, anh xây 6 chuồng nuôi chim trĩ để bán thịt và bán giống cho các cơ sở chăn nuôi, các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Anh Thao cho biết: Chim trĩ là loài động vật dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng, một lứa chim trĩ nuôi từ 4 đến 6 tháng, lúc đạt cân nặng  1,2 - 1,7kg là có thể bán với giá 250.000 đồng/1kg chim trĩ đỏ và 800.000 đồng  – 1.000.000 đồng/1kg chim trĩ xanh. Với số lượng lên tới vài ngàn con, hàng năm trừ chi phí gia đình anh thu về từ nuôi chim trĩ gần 300 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Thao còn nuôi thêm một số loài khác như: vịt trời, gà rừng, công... để nâng cao thu nhập. Đây là những loài vật dễ nuôi, chi phí thức ăn thấp, hơn nữa thị trường hiện nay rất ưa chuộng.
Theo tính toán của nhiều hộ dân, nuôi ĐVHD không mất nhiều thời gian, công sức, các loài động vật này lại ít bị dịch bệnh, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay nghề này cũng gặp không ít khó khăn, trong đó thị trường đầu ra là mối quan tâm hàng đầu của người chăn nuôi.
Qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, các loài ĐVHD nuôi đều phát triển tương đối ổn định, một số loài mang lại lợi ích kinh tế cao như nhím, rắn, lợn rừng, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 60 triệu đồng/hộ nuôi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 trở lại đây, giá thị trường của một số loài phổ biến như nhím, rùa, lợn rừng, cá sấu... giảm đáng kể, ảnh hưởng đến việc nhân rộng số lượng, quy mô các hộ nuôi. Các cơ sở nuôi đang có chiều hướng giảm về số hộ nuôi và số lượng cá thể.
Gia đình anh Nguyễn Thanh Ngọc, ở xã Thành Lộc (Hậu Lộc) là hộ đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình nuôi cá sấu. Năm 2008, anh Ngọc đã mạnh dạn đầu tư 100 con giống về nuôi. Sau gần 2 năm, đàn cá của anh phát triển tốt, mỗi con đạt từ 20 đến 25 kg, bán ra với giá từ 135.000 đến 150.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá cá sấu giảm và không có thị trường tiêu thụ nên anh đành phải chuyển sang nuôi loài động vật khác.
Nghề nuôi ĐVHD mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển kinh tế cho người chăn nuôi, đồng thời góp phần giảm sức ép từ việc săn bắn, bẫy bắt ĐVHD từ tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay nghề này đang có chiều hướng chững lại và đi xuống. Nguyên nhân là do thị trường có phần bão hòa, các đầu mối chính không nhập hàng dẫn đến giá một số loài chủ chốt giảm mạnh. Một số người nuôi đang có ý định bỏ nghề hoặc chuyển đổi loài nuôi do không đủ điều kiện kinh tế để tiếp tục duy trì.
Để nghề nuôi ĐVHD phát triển bền vững, ngoài sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan chuyên trách, thiết nghĩ người chăn nuôi cần tạo được mối liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tránh tình trạng manh mún. (Báo Thanh Hóa 20/4) đầu trang(
Tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất rừng; cải thiện sinh kế nhằm nâng cao thu nhập của người dân; giải quyết nhu cầu thiết yếu về cơ sở hạ tầng ở nông thôn..., những hiệu quả bước đầu từ Dự án đã góp phần phát triển rừng và nghề rừng, lâm nghiệp cộng đồng ở tỉnh ta.
Toàn tỉnh có 20 xã của 4 huyện: M’Drak, Ea Kar, Krông Bông và Lak được hỗ trợ đầu tư của Dự án Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) với tổng kinh phí 11,64 triệu USD. Bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 6-2007, với 4 hợp phần: phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững; xây dựng năng lực thông qua các lớp đào tạo; quản lý dự án và cải thiện sinh kế, Dự án bước đầu mang lại hiệu quả, nhất là đối với hợp phần quản lý, phát triển tài nguyên rừng.
Sau khi hoàn tất công tác đầu tư cơ sở vật chất cho các ban quản lý dự án ở các địa phương, thực hiện công tác quy hoạch, lập kế hoạch quản lý tài nguyên rừng bền vững, năm 2009, Dự án tiến hành triển khai hỗ trợ trồng rừng cho các hộ gia đình, các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ.
Đến nay, đã trồng được trên 7.400 ha rừng sản xuất, đạt 115% kế hoạch, trong đó, rừng do các hộ dân trồng là 1.588,6 ha; DN vừa nhỏ trồng 738,7 ha; các công ty lâm nghiệp trồng được 3.089,9 ha. Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ 4.620 hộ dân cải tạo vườn tạp, với tổng diện tích trên 1.000 ha, đồng thời thực hiện mô hình nông lâm kết hợp với 822,3ha. Các mô hình này đã giúp người dân khai thác tốt quỹ đất, mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập.
Theo kế hoạch năm 2014, Dự án tiếp tục hỗ trợ người dân, các công ty lâm nghiệp triển khai trồng mới thêm khoảng trên 5.700 ha, trong đó trồng rừng sản xuất 4.160 ha, rừng phòng hộ 200 ha; cải tạo vườn hộ 300 ha; nông lâm kết hợp 1.000 ha. Đến nay, các đơn vị đang thiết kế với khối lượng đã đăng ký là 5.870 ha, trong đó trồng rừng sản xuất 4.260 ha,  rừng phòng hộ 310 ha.
Ông Lương Vĩnh Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án FLITCH cho biết, đẩy nhanh tiến độ để Dự án có thể về đích đúng kế hoạch, từ năm 2012, những khó khăn trong công tác khảo sát, quy hoạch, thiết kế quỹ đất trồng rừng cũng như các thủ tục tiếp cận nguồn vốn và ký kết hợp đồng được tập trung giải quyết theo hướng gọn nhẹ, đơn giản hơn.
Các hợp phần chính như phát triển và quản lý tài nguyên rừng, cải thiện dân sinh, xây dựng năng lực và quản lý dự án đã được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả khả quan. Các ban quản lý dự án (từ cấp xã đến tỉnh) đã hoàn thành việc điều tra tài nguyên rừng trên địa bàn; xây dựng bản đồ lập địa cấp I,II; phân định ranh giới để giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cộng đồng. Huyện M’Drak đã tổ chức bàn giao được 141 sổ đỏ cho các hộ dân.
Cũng bắt đầu từ năm 2012, nguồn vốn phát triển rừng của dự án được khơi thông từ cấp tỉnh cho đến cấp xã, vì vậy tiến độ thực hiện dự án theo đó cũng được đẩy nhanh. Điều đó được minh chứng qua kết quả giải ngân và hiện thực bằng kết quả diện tích rừng trồng được từ năm 2012 đến nay.
Nếu như giai đoạn 2009-2011, diện tích rừng trồng ở 10 xã của bốn huyện trong vùng dự án chỉ đạt 1.444,6 ha, thì trong 2 năm 2012-2013, vùng dự án được mở rộng thêm 10 xã, diện tích rừng trồng được trên 4.308 ha. Đối với hợp phần cải thiện sinh kế, đến nay Quỹ Phát triển xã (CDF) đã có 3.885 hộ dân tham gia, với số vốn ban đầu được cấp khoảng 3 tỷ đồng. Đến nay, tổng vốn cho vay đạt trên 6,3 tỷ đồng, với 1.980 lượt hộ được vay. Từ nguồn vốn này, các hộ nghèo đã đầu tư cho phát triển sản xuất và chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Về tính bền vững của Dự án, ông Lương Vĩnh Linh cũng tin tưởng, giai đoạn 2015-2020, các hộ sẽ bắt đầu được hưởng lợi từ Dự án khoảng 40-60 triệu đồng/ha. Theo hợp đồng ký kết, các hộ dân sẽ hoàn trả cho Dự án 150 USD/ha sau khai thác. Số tiền này được bổ sung vào Quỹ CDF để tiếp tục tái đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng cũng như tiếp tục hỗ trợ người dân vay vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống.
Từ những kết quả đạt được cũng như mục tiêu mà Dự án hướng tới, có thể khẳng định đây là dự án phát triển nghề rừng tương đối toàn diện, từ quy hoạch, trồng, giao khoán, bảo vệ rừng cũng như trong phát triển hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái...
Việc triển khai thành công Dự án FLITCH tại tỉnh ta sẽ góp phần đẩy nhanh xã hội hóa nghề rừng, trong đó đích đến là quản lý, phát triển rừng bền vững, cải thiện sinh kế, thu hút người dân tham gia, gắn bó với nghề rừng. (Báo Đắk Lắk 19/4) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
- "Luật rừng" hả Bề Tui?
- Đúng.
- Mà chúng "xài" với ai.
- Mới đây, đồng nghiệp của Bề Tui có chuyến đi thực tế về tình trạng phá rừng, đào đãi vàng trái phép tại một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam thì bị một "tay... ăn rừng" ra tuyên bố: "Ở đâu cũng có luật của nó. Ở đây có luật rừng. Ra nhanh cho"...
- Ối trời! Đúng là nghề nhà báo cũng nguy hiểm thật Bề Tui nhỉ.
- Hôm đó, chúng chỉ mới đe đồng nghiệp của Bề Tui chứ chưa dám manh động. Chuyện lâm tặc, vàng tặc hay các đối tượng phạm pháp xài "luật rừng" với những người thi hành công vụ không phải là chuyện hiếm. Mới đây thôi, một nhóm lâm tặc đã chống đối, đả trọng thương một cán bộ bảo vệ rừng hòng tẩu tán tang vật.
- Chuyện thế nào Bề Tui kể nghe với.
- Tối 13-4, nhận được tin báo tại khu vực rừng thuộc khoảnh 2, tiểu khu 57 xã An Nghĩa (H. An Lão, Bình Định) có một số đối tượng khai thác gỗ trái phép, ông Nguyễn Đình Đài- Giám đốc BQL rừng phòng hộ H. An Lão cùng một số cán bộ kiểm lâm tới hiện trường kiểm tra. Đến hơn 23 giờ cùng ngày, đoàn kiểm tra phát hiện tại hiện trường có 6 đối tượng đang cất giấu, tẩu tán số gỗ vừa khai thác được. Khi đoàn kiểm tra áp sát để tịch thu gỗ thì các đối tượng trên chống đối quyết liệt, trong đó một đối tượng tên Hùng (trú thôn Xuân Phong Tây, xã An Hòa, H. An Lão) cầm 2 cục đá tấn công gây thương tích nặng cho ông Đài.
Bề Tui nhận thấy, sự việc trên diễn ra hết sức nghiêm trọng, các đối tượng không chỉ khai thác gỗ trái phép mà còn chống người thi hành công vụ gây thương tích. Với hành vi cố ý xem thường pháp luật của nhóm lâm tặc nói trên cần phải bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy lực lượng chức năng còn "mỏng" và có thể nói là chủ quan trong khi thực hiện nhiệm vụ. (Công An Đà Nẵng 21/4) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Một người đàn ông đã bị cắn vào mông nhưng vẫn kịp nhảy qua tường trước khi trở thành miếng mồi ngon cho con báo.
Sự việc xảy ra tại Ballarpur, bang Maharashtra, Ấn Độ. Con báo đốm phá tan mái nhà và lao vào tấn công người.
Nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia tại Cục Lâm nghiệp Ấn Độ, con báo mới bị bắt giữ. (Nông Nghiệp VN 22/4) đầu trang(./.
Biên tập: Hương Giang