Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 21 tháng 04 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Với môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển như rùa biển, cá heo, bò biển (dugong)... Rừng ngập mặn Côn Đảo đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới.
Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới vừa công nhận Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là một trong 2.203 Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế. Như vậy, VQG Côn Đảo là Khu đất ngập nước quan trọng (gọi tắt là khu Ramsar) thứ 6 và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.
Hệ động vật rừng Côn Đảo ghi nhận được 144 loài, trong đó lớp thú chiếm 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Hệ sinh thái biển của Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với 1.321 loài sinh vật biển đã thống kê được, trong đó thực vật ngập mặn có đến 23 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 7 loài, phù du thực vật 157 loài, phù du động vật 115 loài, san hô 219 loài, thú và bò sát biển 5 loài... 37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.
Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như thuỷ sản, rong biển. Các loài thú biển quý hiếm như: cá voi xanh (Neophon phocaenoides), cá nược (Orcaella brevirostric), cá cúi (Dugon dugong). Đặc biệt Côn Đảo còn là bãi đẻ trứng của một số loài rùa biển.
Năm 1995, VQG Côn Đảo đã được Ngân hàng thế giới đưa vào danh sách Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu (A Global Representative System of Marine Protected Areas) và Côn Đảo cũng là khu vực trọng điểm nằm trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đất ngập nước là môi trường hữu ích nhất trên thế giới. Là cái nôi của đa dạng sinh học và cung cấp nước cũng như những điều kiện cơ bản giúp vô số các loài động thực vật tồn tại. Đây cũng là nơi tập trung ở mức cao các loài chim, loài thú có vú, bò sát, động vật lưỡng cư, cá và các loài nhuyễn thể. Đất ngập nước cũng là kho của nguyên liệu gen thực vật.
Trước đó, VQG Tràm Chim (Đồng Tháp) VQG Mũi Cà Mau, VQG Xuân Thủy (Nam Định), vùng ngập nước Bàu Sấu tại Đồng Nai (thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên) và VQG Ba Bể (Bắc Kạn) đã được công nhận là các khu Ramsar thế giới. (Công An Nhân Dân + Pháp Luật VN 21/4) đầu trang(
50 cá nhân đạp xe và gần 100 người tham gia ủng hộ cho sự kiện "Đạp xe vì Gấu 2014" đã hoàn thành hành trình 132 km hai chiều từ Hà Nội tới Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo nhằm kêu gọi ý thức cộng đồng bảo vệ loài gấu đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và không sử dụng mật gấu.
Đây là năm thứ 2 sự kiện Đạp xe vì Gấu được tổ chức với quy mô mở rộng hơn, thu hút được nhiều cá nhân đạp xe và người ủng hộ. Sự kiện này cũng tạo cơ hội cho nhiều người tham gia được trực tiếp thăm quan Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, nơi hiện đang nuôi dưỡng và chăm sóc 110 cá thể gấu trong môi trường bán tự nhiên; đồng thời thúc đẩy phong trào đạp xe bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khỏe kết hợp với tinh thần cộng đồng, giao lưu học hỏi giữa các cá nhân có chung sở thích, không phân biệt tuổi tác, giới tính và quốc tịch.
Hành trình đạp xe 132 km hai chiều của đoàn Đạp xe vì Gấu năm nay bắt đầu từ 6h ngày 19-4 tại Công viên Nghĩa Đô, Hà Nội, di chuyển qua thị trấn Mê Linh, thị xã Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên tới Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam nhằm góp sức lan tỏa thông điệp bảo vệ loài gấu nói riêng và bảo vệ môi trường tới cộng đồng.
Đoàn đạp xe là các cá nhân không chuyên, nhiều lứa tuổi và thành phần, nên hành trình được bố trí có hai chặng nghỉ. Các rider nhí cũng tham gia góp sức vào chặng đường 6 km cuối tới Trung tâm Cứu hộ Gấu tại Tam Đảo. Đạp xe vì Gấu không phải là một cuộc đua đường dài, đây là một hành trình mà những người đạp xe dẹp bỏ các quan niệm cá nhân, hỗ trợ nhau cùng về đích.
Tâm điểm của chương trình được diễn ra vào 10h30 khi đoàn đạp xe tới thăm Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, tìm hiểu những đau đớn mà loài gấu phải chịu đựng trong các trại nuôi gấu lấy mật, và đặc biệt được ngắm những chú gấu cứu hộ vui đùa nô giỡn trên cỏ xanh. (Thời Báo Kinh Tế VN 21/4) đầu trang(
Theo Cục Kiểm lâm (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp), tính đến chiều 19-4, có 6 địa phương (gồm Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận) có diện tích rừng đang ở nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp 5-cấp cực kỳ nguy hiểm.
Trong trường hợp xảy ra cháy thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh, gây thiệt hại lớn cho rừng.
Vì vậy, Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. (Nhân Dân 19/4) đầu trang(
19-4, sau hơn sáu ngày điều trị tại Trung tâm Y tế huyện An Lão, sức khỏe của ông Nguyễn Đình Đài, Giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện An Lão, đã ổn định.
Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 13-4, nhận tin báo tại lô rừng nhận khoán của ông Đinh Văn Rót, thuộc khoảnh 2, tiểu khu 57, xã An Nghĩa có một số đối tượng khai thác gỗ trái phép, ông Đài đã cùng một số cán bộ kiểm lâm tới hiện trường để kiểm tra.
Đến hơn 23 giờ, đoàn kiểm tra phát hiện sáu đối tượng đang tìm cách cất giấu, tẩu tán số gỗ vừa khai thác được. Khi thấy đoàn kiểm tra, các đối tượng này chống trả quyết liệt. Một người tên Hùng (trú xã An Hòa, huyện An Lão) đã ném hai cục đá vào đầu ông Đài khiến ông quỵ ngã.
Theo ông Nguyễn Thanh Sinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão: “Sự việc diễn ra hết sức nghiêm trọng. Các đối tượng vừa có hành vi khai thác gỗ trái phép, vừa hăm dọa, chống trả gây thương tích cho người thi hành công vụ. Chúng hành động có tổ chức, xem thường pháp luật, pháp luật cần trừng trị nghiêm khắc”.
Hạt Kiểm lâm huyện An Lão đã báo cáo vụ việc, đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định. (Pháp Luật TPHCM 21/4) đầu trang(
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, khoảng 10 ngày nay, trên địa bàn huyện Phù Cát rộ lên tình trạng khai thác và mua bán trắc gai.
Từ ngày 10/4 đến ngày 17/4, lực lượng kiểm lâm huyện Phù Cát đã bắt giữ sáu xe tải vận chuyển trái phép loại gỗ này, số lượng thu được gần sáu tấn gồm thân, rễ, cành…
Theo quy định của Bộ NN-PTNT, trắc gai thuộc gỗ nhóm 1 thông thường. Tại Phù Cát, trắc gai tập trung chủ yếu ở các rừng núi đá thuộc các xã Cát Hải, Cát Thành, Cát Sơn. Trước đây, loại gỗ này được dùng làm hàng mỹ nghệ. Gần đây, thương lái lùng mua trắc gai bất thường, theo dạng cân ký, với giá 8.000 - 10.000đ/kg…
Ông Tuấn cho biết: “Việc lùng mua ráo riết trắc gai nhằm mục đích gì không rõ. Có người cho hay, thương lái thu mua về trộn với gỗ trắc nhóm 1 quý hiếm, làm chuỗi hạt hoặc đồ mỹ nghệ”.
Không chỉ nóng ở địa bàn huyện Phù Cát, những ngày qua lực lượng kiểm lâm tỉnh Bình Định còn bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trắc gai từ Phú Yên qua Bình Định. (Phụ Nữ 21/4) đầu trang(
Chiều 20-4, lực lượng công an, kiểm lâm huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức kiểm tra bất ngờ tại khu vực núi Cà Dút, xã Trà Hiệp - vùng giáp ranh giữa hai huyện Tây Trà và Trà Bồng đã phát hiện nhiều điểm đào đãi vàng trái phép, gây sạt lở bờ sông và tàn phá nhiều diện tích rừng trong khu vực.
Lực lượng chức năng huyện Tây Trà đã lập biên bản, thu giữ nhiều phương tiện đào đãi vàng của “đầu nậu” trên sông Tang. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa đi lại rất nguy hiểm, dân cư sống thưa thớt. Lợi dụng sơ hở công tác quản lý của địa phương, một số “đầu nậu” ở nơi khác đưa phương tiện đến đây và thuê thanh niên trong thôn, bản lén lút khai thác vàng trái phép không những gây tác hại môi trường mà còn làm mất trật tự xã hội.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Như Lâm cho biết: Dù huyện đã nhiều lần tổ chức truy quét, nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn liên tục diễn ra ở các xã nằm dọc sông Tang. Hiện, các xã Trà Thanh, Trà Quân và Trà Hiệp - vùng giáp ranh giữa huyện Tây Trà và Trà Bồng đi lại hết sức hiểm trở nên việc tổ chức chốt chặn, truy quét hoạt động đào đãi vàng trái phép đang gặp nhiều trở ngại.
Huyện đang tăng cường lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm minh những đối tượng cố tình lén lút đào đãi vàng trái phép trên địa bàn. (Nhân Dân 20/4) đầu trang(
Thời gian gần đây, hàng trăm lượt người dân đã đổ xô vào rừng khai thác gỗ trắc dây trên địa bàn các xã thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hoà (Khánh Hòa)... bất chấp sự truy quét của lực lượng kiểm lâm.
18/4, ông Nguyễn Khương, Phó Chi cục Phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hoà cho biết đã phân công lực lượng kiểm lâm ngăn chặn người dân vào rừng khai thác gỗ trắc dây trái phép ở các địa phương nói trên.
Theo kiểm lâm huyện Vạn Ninh, tình trạng khai thác, mua bán trái phép gỗ trắc dây đang diễn ra nóng bỏng ở xã Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Phú… Tính từ ngày 14 đến 17/4, lực lượng kiểm lâm đã thu giữ hơn 2 tấn gỗ trắc dây.
Đây là loại gỗ thuộc nhóm 1 (quý hiếm) và được thương lái thu mua với giá rất cao. Cụ thể, loại có đường kính trên 40cm có giá 12.000 đồng/kg; loại có đường kính từ 20cm-30cm có giá từ 6.000-7.000 đồng/kg.
Theo ông Lê Văn Tân, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Vạn Ninh, huyện Vạn Ninh là điểm trung chuyển gỗ trắc dây, còn đối tượng tiêu thụ là từ các địa phương khác tới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, gỗ sau khi khai thác được bán cho các thương lái người địa phương, sau đó những người này bán cho người Trung Quốc. Điều đáng nói là ngoài việc mua gỗ lớn, các thương lái còn thu mua cả gốc rể, gỗ trắc non…
Trước thực trạng trên, UBND huyện Vạn Ninh đã có văn bản yêu cầu UBND các xã lập kế hoạch tổ chức truy quét, xử lý các đối tượng theo đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lén lút vào rừng khai thác gỗ trắc dây để bán kiếm lợi.
Liên quan đến việc mua bán gỗ trắc dây, trước đó ngày 28/3, tại khuôn viên vườn nhà ông Lê Văn Hiền (50 tuổi, trú thôn Suối Luồng, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), tổ công tác Đồn Biên phòng Vạn Hưng (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa) đã kiểm tra và thu giữ khoảng 10 tấn gỗ quý thuộc nhóm I (gồm trắc và sơn huyết) khi 3 người Trung Quốc đến nhà ông này mua bán lâm sản trái phép.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Hiền khai nhận số gỗ nói trên được mua từ nhiều người nhưng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt ông Hiền số tiền 25 triệu đồng vì có hành vi tàng trữ lâm sản trái phép.
Bên cạnh đó, 3 người Trung Quốc gồm: Yan Jian Xin, Lin Hong Bin và Lin Chao (cùng 27 tuổi), mỗi người bị phạt 2,5 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý biên giới quốc gia. (Dân Trí 19/4) đầu trang(
Theo thống kê của cơ quan chức năng BĐBP, tính trung bình mỗi ngày, trên địa bàn biên giới trong cả nước xảy ra 3-5 vụ cháy rừng. Hầu hết các vụ cháy rừng tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm cháy hàng trăm héc-ta rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ và rừng mới trồng.
Theo Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các khu vực như: Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang); Lộc Ninh, Bù Đăng, Phước Long, Bình Long, Đồng Phú (Bình Phước); Long Điền, Tân Thành, Xuyên Mộc, Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); Buôn Đôn, Ea H'leo, Ea Súp, Lắk, TP Buôn Ma Thuột, Ea Kar, Krông Bông, M'drắk (Đắk Lắk); Hướng Hoá, Đắk Rông (Quảng Trị); Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An)…đã có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các loại rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.
Đặc biệt, tại địa bàn biên phòng trong cả nước đang trong thời kỳ phát nương làm rẫy của đồng bào các dân tộc thiểu số, vì vậy, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ xảy ra cháy rừng. Theo thống kê chưa đầy đủ của các đơn vị BĐBP, trong những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, dường như không ngày nào trên địa bàn các tỉnh biên giới lại không xảy ra cháy rừng. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc đã xảy ra hàng trăm vụ cháy rừng. Mới đây nhất, vào khoảng 20 giờ, ngày 5-3, đã xảy ra vụ cháy rừng tại Tiểu khu 292A trong vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn.
Trước đó, ngày 2-2 xảy ra vụ cháy rừng ở Tiểu khu 296, thiêu rụi 15,5ha. Trao đổi với chúng tôi về những nguyên nhân gây ra cháy rừng, Đại tá Nguyễn Văn Tuất, Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu cho biết, do đang vào "mùa" phát nương làm rẫy của bà con các dân tộc thiểu số, bên cạnh đó, do thời tiết khô hanh kéo dài, nhiều ngày không mưa, cộng thêm gió lớn là nguyên nhân khiến tình hình cháy rừng năm nay căng thẳng, quyết liệt hơn các năm trước.
Ngoài thời tiết, yếu tố địa thế hiểm trở cũng là một trở ngại đối với công việc chữa cháy rừng. Đặc biệt, ý thức về phòng cháy, chữa cháy của chính quyền nhiều địa phương cũng như người dân còn chủ quan, lơi lỏng, bản thân cán bộ địa phương cũng chưa gương mẫu trong phòng, chống cháy rừng là những lý do khiến cháy rừng năm nay phức tạp và nghiêm trọng hơn các năm trước.
Để chủ động phòng, chống cháy rừng, thời gian qua, chính quyền các tỉnh, thành biên giới một mặt, tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cho nhân dân trong phòng, chống cháy rừng; mặt khác, nhanh chóng thành lập các chốt liên ngành gồm: Kiểm lâm, Công an, dân phòng và BĐBP nhằm kiểm tra 24/24 giờ ở các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh những chủ rừng thiếu trách nhiệm trong phòng, chống cháy rừng và những tổ chức, cá nhân gây ra cháy rừng.
Tại các hạt kiểm lâm, thường xuyên có người trực hằng ngày để tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời từ cơ sở, đồng thời tập trung lực lượng phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa, huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy rừng trong mọi tình huống. Đặc biệt, nghiêm cấm mọi đối tượng đốt nương làm rẫy cũng như những hành vi dùng lửa khác ở các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao.
Để việc phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả, trước mắt cũng như lâu dài, các tỉnh, thành trong cả nước cần chú trọng tuyên truyền nhân dân, nhất là các tỉnh có rừng, các chủ rừng về cách phòng, chống cháy rừng. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành và chính quyền địa phương nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Trong trường hợp xảy ra cháy rừng, cần phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ: "Phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ" để cứu rừng. (Biên Phòng 17/4) đầu trang(
Theo Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, hiện TP có 4 chủ nuôi 7 cá thể gấu ngựa đăng ký với chi cục, được gắn chip điện tử để theo dõi.
Chi cục cũng vận động thành công tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp 18 động vật hoang dã để thả lại rừng. (Thanh Niên 18/4) đầu trang(
Cảnh những cây gỗ quý bị đốn hạ không khó để phát hiện trong khu vực rừng phòng hộ nằm trên địa bàn bản Nà Đang, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. Vậy mà bảo vệ rừng dường như không hề hay biết?
Bản Nà Đang, một trong những bản khó khăn nhất cả về điều kiện kinh tế và địa hình, của xã Lâm Phú, huyện miền núi Lang Chánh. Từ thị trấn huyện Lang Chánh theo con đường liên huyện phải mất gần một giờ đồng hồ mới đến trung tâm xã Lâm Phú.
Đúng như phản ánh của người dân, con đường từ trung tâm xã vào bản Nà Đang phải đi mất hơn một giờ đồng hồ. Muốn vào bản Nà Đang chỉ có con đường độc đạo này và cách đường chính không xa, có một chốt trạm của lực lượng bảo vệ rừng, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò.
Dọc hai bên đường, càng đi sâu vào trong, những cánh rừng bạt ngàn hiện ra trước mắt, và con đường cũng ngày càng khó đi hơn. Hơn một tiếng đồng hồ quăng quật với con đường bùn đất, lầy lội, nhóm PV cũng đến được bản Nà Đang, từ đây không thể đi xe máy mà phải đi bộ vào rừng.
Nhóm PV được một người dân địa phương đồng ý dẫn đường, tiếp cận hiện trường khu vực khai thác rừng trái phép. Vừa đi sâu vào dưới chân núi của những cánh rừng, cảnh tượng một đống gỗ to, được đục đẽo, tập kết chắn hết lối đi. Người dẫn đường giải thích: “Số gỗ này chủ yếu là en và táu, bị khai thác trái phép, các đối tượng chưa kịp tẩu tán, sau khi người dân phát hiện, phản ánh thì kiểm lâm mới vào vận chuyển ra đây để đưa về”.
Đường vào rừng càng lúc càng dốc đứng, trơn trượt và khó đi, phải vất vả lắm nhóm PV mới tiếp cận được vị trí theo người dẫn đường là khoảnh 9, tiểu khu 374, rừng phòng hộ Sông Lò. Một cảnh tượng rừng bị tàn phá dần hiện ra với những điểm xẻ gỗ ngay giữa rừng, những cây gỗ đã bị đốn hạ, gốc còn tươi, “rỉ máu”. Chỉ một khoảnh nhỏ, nhóm PV đếm được hơn chục cây gỗ bị chặt phá, trong đó có khoảng 10 cây en, 2 cây táu và 2 cây dẻ. Mỗi cây có chu vi trung bình từ 120 - 140cm. Những cây gỗ này được lâm tặc dùng cưa xăng đốn hạ và đã đưa đi khỏi hiện trường.
Rời tiểu khu 374, nhóm PV tiếp tục đi bộ xuyên rừng, đến tiểu khu 377. Dọc theo lối đi, những tấm ván đã được xẻ ra còn nằm rải rác, càng đi sâu vào trong và ngược về hai phía đường mòn giữa đỉnh núi là cảnh những cây gỗ có đường kính trung bình khoảng 40cm bị chặt hạ. Có những cây đã được đưa ra khỏi rừng, có những cây còn nằm lại rừng.
Người dẫn đường giải thích, thời điểm mà lâm tặc triệt phá rừng là vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Tuy nhiên, không có đối tượng nào bị phát hiện và bắt quả tang, chỉ đến khi người dân phát hiện, báo cáo thì cơ quan chức năng mới vào kiểm tra thì rừng đã bị tàn phá.
Nhiều cây cổ thụ bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc, bên cạnh đó, còn hàng chục cây gỗ lớn nhỏ, có những cây đường kính 40 - 50cm, thân gỗ dài hàng chục mét nằm rải rác trong rừng. Chỉ đếm sơ qua đã có hàng chục cây gỗ bị chặt phá, phần lớn, số gỗ này đã được đưa ra khỏi rừng. Trên vết cắt của nhiều gốc cây, còn lưu lại dấu và thời điểm kiểm tra của các lực lượng như: Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, còn hàng chục gốc cây đã bị đốn hạ chưa thấy lực lượng chức năng kiểm tra, đánh dâu.
Ông L.V.K, bản Nà Đang bức xúc: “Dân có phản ánh lên xã, công an xã vào rồi, họ cưa gỗ giữa ban ngày, chủ yếu là gỗ táu, sến, en. Vì gỗ bị cưa sát đường ô tô nên không thể nói kiểm lâm không biết?”.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng phá rừng phòng hộ ở bản Nà Đang, xã Lâm Phú, là có sự cấu kết của một số cán bộ Trạm bảo vệ rừng, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò với “lâm tặc” để khai thác, buôn bán lâm sản trái phép.
Cụ thể tháng 12/2013, khi người dân phát hiện tại khu vực dốc ông Viện, xã Lâm Phú có nhiều cây gỗ en bị chặt phá, người dân đã biết và báo với cán bộ chốt bảo vệ địa bàn tại xã Lâm Phú, nhưng vụ việc chưa xử lý, chỉ đến khi người dân báo về Hạt kiểm lâm huyện Lang Chánh thì mới thấy lực lượng chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, biên bản kiểm tra của cơ quan chức năng đã không đúng số lượng và khối lượng những cây gỗ en được khai thác tại khu vực dốc ông Viện?
Thời gian rừng bị khai thác là trước, trong, và sau tết nguyên đán vừa qua tại các nơi như: dốc ông Viện, khu vực Mè giàng, khu vực Lán cháy, khu vực lô 10... Ngang nhiên hơn là có hàng chục cây gỗ được khai thác bằng cưa xăng, trong nhiều ngày gần đường ô tô đi và có chốt bảo vệ rừng mà không bị phát hiện?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò thừa nhận: “Có một số vụ nhỏ lẻ, chúng tôi có phối hợp với kiểm lâm và xã tổ chức kiểm tra, xử phạt một số đối tượng khai thác nhỏ lẻ, mỗi vụ hơn 2 tấc (hươn 0,2m3) chủ yếu là gỗ tạp nhóm 7, nhóm 8?”.
Trong khi, chính ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, hàng tháng, lực lượng thường xuyên đi kiểm tra rừng, nhưng không phát hiện có khai thác. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi vị trí rừng bị khai thác trái phép, ông Anh nói: “Cụ thể chưa thể nhớ lô, khoảnh nào? chỉ có anh em đi mới thuộc hết được. Đây là rừng phòng hộ, đảm bảo sinh thái và điều tiết nguồn nước, về nguyên tắc không được khai thác, chỉ được tận thu, tận dụng do gió bão, lốc gốc. Một số hộ khai thác trái phép đã bị phát hiện và bị xử phạt.
“Việc làm triệt để là bài toán mà chúng tôi đang tính, vì dân ở vùng lõi, không có đất sản xuất, trong khi địa bàn sâu xa, dốc, lực lượng ít. Một số đối tượng chủ tâm theo dõi hoạt động của anh em. Địa bàn rộng, dân vào khai thác là điều khó tránh khỏi, mặc dù anh em đã cố gắng, nhưng gần như các vụ việc anh em đều xử lý hết”, ông Anh cho biết thêm.
Liên quan đến việc người dân phản ánh, rừng bị lâm tặc tàn phá có sự “bảo kê” của cán bộ Ban quản lý, ông Anh cho biết: “Mới làm việc với trạm bảo vệ rừng Hón Sài, đang tiến hành xử lý vụ việc để cho dân khai thác trái phép, giao cho bộ phận chuyên môn sau khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo lại”. (Dân Trí 19/4) đầu trang(
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi các đơn vị liên quan phối hợp làm rõ vụ phá Rừng phòng hộ Sông Lò tại xã Lâm Phú (Lang Chánh).
Chiều ngày 19-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Lang Chánh kiểm tra, xử lý làm rõ thông tin báo Pháp luật TP HCM phản ánh về việc rừng phòng hộ bị chặt phá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lang Chánh làm rõ, cụ thể các thông tin báo Pháp luật TP HCM phản ánh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5-5.
Trước đó, ngày 15-3, Hạt Kiểm lâm Lang Chánh đã có văn bản trả lời các cơ quan chức năng liên quan thừa nhận việc phản ánh của báo là có cơ sở. Nguyên nhân là do chủ rừng chưa tích cực tuần tra; chưa có biện pháp quyết liệt để bảo vệ rừng. Khi phát hiện có khai thác trái phép chưa phối hợp với lực lượng kiểm lâm để truy tìm đối tượng để xử lý… (Pháp Luật TPHCM 20/4) đầu trang(
8-9-2012, trên trang 8 Báo Nhân Dân đã đăng bài: "Rừng phòng hộ Tà Làng kêu cứu". Bây giờ không chỉ bản Tà Làng, mà ở bản Tin Tốc và nhiều bản khác thuộc xã Tú Nang, huyện Yên Châu (Sơn La) đang diễn ra tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất. Cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng địa phương đã vào cuộc, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Sáng 16-4, nhóm PV cùng tham dự buổi làm việc giữa lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu với Đảng ủy, UBND xã Tú Nang nhằm phối hợp tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất đang diễn ra phức tạp thời gian gần đây; đồng thời, tiến hành xử lý hành chính đối với chín hộ dân bản Tin Tốc phá rừng đang gây bức xúc trong dư luận.
Theo báo cáo số 19/BCUBND ngày 3-4-2014 của UBND xã Tú Nang thì trong quý I, tại địa bàn xã đã xảy ra chín vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, khai thác gỗ và phá rừng làm nương. Trên thực tế, số vụ vi phạm còn lớn hơn, bởi hầu hết các vụ khai thác gỗ trái phép thường không bắt được quả tang.
Mới đây nhất, vụ phá rừng làm nương khu vực giáp ranh hai bản Tô Buông của xã Lóng Luông với bản Tin Tốc của xã Tú Nang phá ba đám nương, diện tích lên tới 18.840 m 2 . Đáng chú ý, khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, lập biên bản thì ngay hôm sau các đối tượng lại tiếp tục phá rừng...
Tú Nang có hai tuyến đường quốc lộ 6 và tỉnh lộ 103 đi qua, bị chia cắt bởi con suối Vạt. Xã có diện tích tự nhiên 97.050 ha, dân số hơn tám nghìn người, gồm ba dân tộc: Thái, Khơ Mú, Kinh sinh sống ở 23 bản và hai khu, cụm dân cư. Đây là xã có diện tích lớn thứ hai ở huyện Yên Châu, với diện tích rừng còn khá lớn, cho nên thường xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép và phá rừng làm nương. Tình trạng phá rừng ở khu Lũng Trâu và khu vực giáp ranh xã Lóng Luông diễn ra từ nhiều năm nay chưa giảm, tính chất và mức độ ngày càng phức tạp.
Năm 2012 trên địa bàn xã xảy ra 60 vụ, năm 2013 xảy ra 49 vụ và gần đây nhất, khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 có chín hộ dân bản Tin Tốc phá rừng khoanh nuôi bảo vệ để lấy đất sản xuất. Theo hồ sơ xử lý hành chính của Hạt Kiểm lâm Yên Châu, hộ ít cũng đã chặt phá vài trăm m 2 , hộ nhiều chặt phá hơn 1.000 m 2 , với tổng diện tích 7.551 m 2 rừng bị phá. Trong đó, hộ ông Vì Văn Hồng, vi phạm 1.220 m2 rừng, bị xử phạt 15,8 triệu đồng; hộ ông Lò Văn Mộc, vi phạm 1.444 m 2 , bị xử phạt 17,4 triệu đồng; hộ Lường Văn Thạnh, vi phạm 780 m 2 , bị xử phạt 8,9 triệu đồng,...
Nhưng điều đáng quan tâm, quyết định xử phạt cứ đưa ra còn chuyện người dân vi phạm chấp hành đến đâu thì lại không được kiểm tra, giám sát làm cho hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao. Từ trước đến nay các quyết định xử phạt hành chính ở xã chỉ thu được từ 15 đến 20% số tiền nộp phạt. Hầu hết các hộ vi phạm đều không thực hiện, không nộp tiền. Hộ dân nào nộp tiền phạt thì cho rằng, diện tích rừng bị phá đã được "mua" rồi, cứ thế canh tác. Vì thế, tình trạng phá rừng ở đây diễn ra phức tạp, diện tích rừng đang dần bị thu hẹp.
Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng nêu trên, có ý kiến lý giải, cách đây 20 năm khi mới tiến hành giao đất, giao rừng, dân số Tú Nang chưa đến 5.000 người, nay tăng lên hơn 8.200 người, thiếu đất sản xuất dẫn đến việc người dân phá rừng làm nương. Ý kiến khác lại cho rằng, việc xử lý pháp luật về quản lý bảo vệ rừng chưa nghiêm, cùng với các điều khoản ghi trong hướng dẫn thực hiện Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 của Chính phủ không còn quy định mức phạt đối với chủ rừng. Điều này vô tình bỏ qua trách nhiệm của chủ rừng trong quản lý bảo vệ rừng.
Về việc này, ông Lò Văn Nhé, Chủ tịch UBND xã Tú Nang thừa nhận: Việc phát hiện các vụ việc phá rừng đều do người dân báo, chứ chưa có vụ nào bí thư chi bộ, trưởng bản báo cho xã. Rừng đã được giao cho hộ, cộng đồng bản, nhưng khi xảy ra phá rừng làm nương chủ rừng là bản gần như đứng ngoài cuộc, chỉ trông vào xã và huyện. Điều đáng nói là tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ở địa phương này vẫn được nhận đầy đủ.
Trên địa bàn xã Tú Nang đang có hiện tượng cấp ủy, chính quyền bản "ngại" người dân. Vì lý do thân tộc, họ hàng hoặc sợ bị trả thù cho nên ban quản lý bản, tổ quản lý bảo vệ rừng bản được thành lập, nhưng không làm hết trách nhiệm, thường làm ngơ để dân phá rừng. Thực tế ở Tú Nang đã có nơi trâu bò của trưởng bản bị chém, hoa màu bị phá do ông này làm "mạnh tay". Đây là điều đáng suy nghĩ, có thể là điểm nút quan trọng trong việc kiến nghị điều chỉnh cơ chế chính sách, phân cấp quản lý bảo vệ rừng cho phù hợp.
Trong vụ việc rừng ở Tú Nang bị phá, ngoài những lý do nêu trên, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Báo cáo số 19/BCUBND ngày 3-4-2014 của UBND xã Tú Nang, có đoạn: "Các cơ quan chức năng chưa thấy động đậy giải quyết kịp thời cho nên càng có thời gian tạo đà cho các đối tượng vi phạm phát dọn. Đối với UBND xã thì vượt quá thẩm quyền giải quyết". Ở đây xã đang trông chờ vào các cơ quan chức năng ở huyện và đùn đẩy trách nhiệm!
Ông Hoàng Văn Đao, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Yên Châu, thì cho rằng: Cứ ở đâu phá rừng lại quy trách nhiệm cho kiểm lâm là nhận thức chưa đầy đủ. Ở Tú Nang địa bàn rộng, bố trí một kiểm lâm viên, nhưng phải phụ trách địa bàn ở 23 bản, hai cụm dân cư. Một kiểm lâm viên không thể trực tiếp đi giữ rừng cho cả xã, mà việc đó phải do người dân và chủ rừng. Quay lại hỏi trách nhiệm của ông trưởng bản Tin Tốc: - Hằng năm có nhận được tiền bảo vệ rừng không? - Có. Hỏi tiếp, thế ai phá rừng trưởng bản biết không? - Không biết!
Đó đang là thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng ở Tú Nang, huyện Yên Châu. Trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng đang bị đùn đẩy. Công tác phối hợp, tổ chức lực lượng tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí trấn áp tại địa bàn làm chưa tốt là nguyên nhân một số đối tượng người dân đang lấn tới phá rừng làm nương.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng ở Tú Nang, UBND huyện Yên Châu cần vào cuộc tìm hiểu rõ nguyên nhân, xác định lại thái độ, trách nhiệm của từng cấp, ngành. Đặc biệt, cần tiến hành họp dân, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền bản, gắn với trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, tiến hành xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm.
Được biết, tại huyện Yên Châu đã diễn ra nhiều vụ án lưu động xét xử phá rừng, nhưng tất cả các đối tượng đều được xử án treo, cho nên chưa có tác dụng răn đe. Hiện, người dân đang chờ sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền, chờ đợi một sự chuyển biến thật sự trong công tác quản lý bảo vệ rừng. (Nhân Dân 19/4) đầu trang(
Tại Quảng Nam, Chi cục kiểm lâm phối hợp với UBND Thành phố Hội An vừa tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm.
Thông qua tình huống giả định, Đợt diễn tập còn có mục đích kêu gọi người dân xã đảo hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy rừng khi mùa nắng nóng đang diễn ra gay gắt tại miền Trung.
Xã đảo Tân Hiệp có tới 1.549 ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ, có nhiều loại gỗ quý và nhiều động vật hoang dã sinh sống. Trong những năm qua, Xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng thời là là điểm du lịch hấp dẫn.
Vì vậy, xã đảo tân Hiệp – Cù Lao Chàm cần nâng cao nhận thức về phòng cháy, chữa cháy rừng, phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang , dân quân cơ động, tổ bảo vệ rừng và người dân địa phương khi có sự cố cháy rừng xảy ra. (ANTV 19/4) đầu trang(
Quảng Nam có hơn 500.000 ha diện tích rừng tự nhiên và 120.000 ha rừng trồng, phục hồi. Ngành chức năng và các địa phương đã và đang triển khai những biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa hanh khô năm nay.
Theo số liệu thống kê, trong 10 năm trở lại đây trên địa bàn Quảng Nam có hơn 50 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 300 ha rừng trồng các loại. Nguyên nhân gây cháy là do con người sử dụng lửa bất cẩn như đốt nương làm rẫy để lửa cháy lan; sử dụng lửa bất cẩn khi bắt ong; đốt thực bì, cỏ khô, rơm rạ gần rừng gây cháy lan...Dù đã chuẩn bị nhiều phương án PCCCR, nhưng nguy cơ cháy rừng ở các địa phương vẫn luôn lơ lửng. Riêng địa bàn H. Nông Sơn có tổng diện tích rừng phòng hộ 10.518 ha và rừng đặc dụng 17.484 ha.
Nhằm nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu lực của công tác PCCCR, giảm thiểu thiệt hai do cháy rừng gây ra, huyện đã xác định 15 vùng trọng điểm dễ cháy rừng ở 6 xã (Quế Lộc, Sơn Viên, Quế Trung, Phước Ninh, Quế Ninh và Quế Lâm) với tổng diện tích 5.424ha (rừng trồng chiếm gần 40%). Các huyện Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Duy Xuyên... là những địa phương có nguy cơ cháy rừng cao trong mùa hanh khô (từ tháng 5 đến tháng 8).
Ngoài nguyên nhân chính là do ý thức PCCCR của người dân còn hạn chế, thì khó khăn trong công tác này là lực lượng mỏng, trang thiết bị lạc hậu, thô sơ.
Ông Đinh Viết Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Đông Giang cho biết: “Chủ yếu phòng là chính, chứ khi xảy ra cháy với địa hình có độ dốc quá lớn, lực lượng mỏng trang bị thô sơ thì khó có thể ứng cứu, chữa cháy kịp thời. Biện pháp chính vẫn là huy động lực lượng tại chỗ là chính quyền thôn, xã hoặc chủ rừng để ngăn chặn chữa cháy trong khi chờ ban chỉ huy cấp trên hỗ trợ ứng cứu”.
Không riêng gì Đông Giang, lực lượng kiểm lâm ở các địa phương miền núi Quảng Nam cũng chỉ được trang bị các phương tiện thủ công như cuốc xẻng, rựa, giày dép, xô nhựa…, còn các dụng cụ chữa cháy chuyên dụng vẫn chưa có nên rất khó xử lý khi có cháy lớn xảy ra.
Chủ động PCCCR trong mùa khô năm nay, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức buổi diễn tập PCCCR tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thuộc xã Duy Phú, H. Duy Xuyên. Trong đó, các biện pháp như phát dọn thực bì, dây leo bụi rậm, chặt hạ những cây sâu bệnh, gãy đổ, gom xử lý thực bì, làm dãy băng xanh, băng trắng cản lửa để khỏi gây cháy lan vào rừng được thực nghiệm với yêu cầu cao.
Ông Trần Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú (H. Duy Xuyên) cho biết: “Hằng năm, địa phương cũng cố rà soát, trên cơ sở phương án của huyện, xây dựng các tổ đội xung kích và tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, nhờ làm tốt công tác lãnh chỉ đạo nên trong năm qua trên địa bàn Duy Phú chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên, địa phương không chủ quan trong công tác PCCCR, đặc biệt là rừng ở khu di tích Mỹ Sơn”.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác PCCCR đã và đang được các địa phương ở Quảng Nam chủ động và tích cực triển khai thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ; trong đó, quan trọng là xây dựng lực lượng và các trang thiết bị tại chỗ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCCCR đến với người dân.
Ngoài ra, ngành chức năng và các địa phương trong huyện cũng đã tổ chức ký cam kết với các đơn vị, tổ chức, cá nhân... có các công trình có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng để hạn chế mức thấp nhất các nguy cơ cháy rừng; triển khai nhanh các phương án chống cháy rừng khi có cháy xảy ra.
Đến nay, H. Nông Sơn đã thành lập được 30 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với 180 người tham gia. Các huyện vùng cao như Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Hiệp Đức tăng cường kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho các tập thể, cá nhân quản lý và bảo vệ.
Ông Đinh Viết Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Đông Giang cho biết: Trong số gần 50.000ha đất rừng trên địa bàn huyện đến nay hầu hết đã có chủ nhằm tăng cường trách nhiệm, thực hiện tốt phòng chống cháy rừng, kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra. Hàng năm, huyện đã xây dựng phương án PCCCR và tăng cường các biện pháp cấp bách, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có nhằm bảo vệ tốt nguồn nước để phục vụ cho nông nghiệp và sử dụng cho sinh hoạt người dân.
Theo ông Trần Văn Thu, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, trong năm 2014 này, Chi cục đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc triển khai vấn đề hướng dẫn cho chủ rừng, các hộ gia đình, xây dựng phương án PCCCR cho riêng mình và cho địa phương, đồng thời xây dựng các phóng sự tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình để người dân phát hiện sớm nguy cơ cháy rừng. Đặc biệt, năm nay lực lượng kiểm lâm tỉnh đã xây dựng phần mềm cảnh báo nguy cơ cháy rừng, trên cơ sở đó sẽ đưa qua Đài PT-TH Quảng Nam và các Đài PT-TH ở huyện để cùng với các địa phương, chủ rừng, hộ gia đình trong công tác PCCCR.
Đối với một tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, địa hình đi lại cách trở, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như ở Quảng Nam, thì công tác PCCCR gặp không ít khó khăn. Song với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các ngành, các địa phương, ý thức của người dân về PCCCR được nâng lên thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng. (Công An Đà Nẵng 18/4) đầu trang(
Từ nhiều năm nay, giải quyết hài hòa mối quan hệ trong sử dụng, quản lý tài nguyên rừng với cộng đồng người dân địa phương là bài toán khó.
Việc đảm bảo lợi ích của các Ban quản lý rừng, bảo vệ và phát triển bền vững rừng và góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống trong khu rừng là việc làm không dễ. Đặc biệt là những khu vực dân cư sống trong lõi rừng, không có đất nông nghiệp để sản xuất khiến cho việc mưu sinh càng trở nên khó khăn gấp bội. Hệ quả tất yếu là rừng sẽ bị tàn phá, người dân trở thành lâm tặc hoặc tiếp tay cho kẻ xấu…
Chọn một ngày nắng ráo, PV tìm tới bản Nà Đang, thuộc xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa - nơi người dân sống lọt thỏm giữa rừng già. Trên đường hành quân vào bản, đập vào mắt là những gốc cây vừa mới bị đốn hạ, bên cạnh đó, có nhiều cây cũng cùng chung số phận nhưng chưa kịp lấy đi, dọc lối vào vẫn còn những bìa gỗ nằm la liệt… Rừng đang ngày đêm âm ỉ “chảy máu”.
Bản Nà Đang cách trung tâm xã Lâm Phú khoảng hơn 12km, sau hơn nửa ngày vật lộn với những đoạn đường lầy lội, đất đá lởm chởm, nhiều đoạn hai bên là vực sâu thẳm thẳm, lối mòn chỉ rộng khoảng 50cm, PV mới vào được bản. Đây là vùng lõi của rừng phòng hộ Sông Lò, nơi giáp ranh giữa hai huyện Lang Chánh và Quan Sơn và gần với biên giới Lào.
Sau nhiều lần nghỉ giải lao, được tiếp sức bằng gói mỳ tôm sống và vắt cắn đầy chân, PV cũng nhìn thấy những ngôi nhà sàn. Ông Vi Thiện Lương, Trưởng bản Nà Đang cho biết: Cả bản có 50 hộ, hơn 200 nhân khẩu, người dân tộc Thái. Diện tích trồng lúa 9ha và một ít đất khai hoang để trồng ngô, người dân không được giao đất rừng (đất 02). Ruộng bậc thang lại bị các quả đồi và cây cối che phủ nên năng suất rất thấp, mỗi sào thu hoạch được khoảng 40-50kg. Người dân bước chân xuống khỏi nhà là đất của lâm trường.
Do đời sống quá khó khăn, diện tích làm nông nghiệp quá ít ỏi, năng suất lại chẳng được bao nhiêu, nhiều người nghe theo lời dụ dỗ vẫn đi chặt, vận chuyển gỗ thuê, có khi họ làm nhà thiếu vài cây cũng vào rừng đốn, rất khó quản lý hết. Cách đây mấy tháng, kiểm lâm vào lập biên bản, thu, vận chuyển gần 60 cây gỗ tại các nhà dân ra ngoài.
Người dân ở đây chỉ mong sao Nhà nước dùng máy ủi san mặt đường cho dễ đi. Bà con sống trong vùng lõi rất khó khăn trong công tác giữ rừng, chưa nói đến bọn lâm tặc. Mặc dù chính quyền địa phương cùng với kiểm lâm đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng chặt phá rừng vẫn xảy ra. Rất khó để kiểm soát hết bởi lâm tặc theo dõi lúc nào vắng người là ra tay.
“Dọc đường vào các chú thấy, những tấm bìa chúng xẻ xong vứt lại, chủ yếu chúng dùng xe máy chế thêm hai que sắt trên yên xe để dễ bề vận chuyển. Có hôm tôi ra xã đi họp, trên đường về, vì tránh bọn chúng mà ngã sưng cả chân, chủ yếu chúng đốn sến, táu, chúng phá rừng rải rác, không tập trung một nơi, có lúc chúng dùng cưa xăng, lúc dùng rìu hoặc cưa bằng tay”, ông Lương bức xúc.
Tại khu vực rừng phòng hộ Sông Lò trên địa bàn xã Lâm Phú, các khu, điểm có nhiều gỗ bị đốn hạ nhất là khu lô 10, dốc Ông Viện, Mè Giàng, Lán Cháy. Những loạt gỗ bị chặt phá nhiều nhất là táu, sến, vàng cương, mỡ... Tại khu vực Lán Cháy, nhiều cây vừa bị đốn hạ. Bọn lâm tặc thường lợi dụng vào những hôm trời mưa, lúc còn tối, hay sáng sớm dùng cưa xăng đốn hạ những cây gỗ quý có đường kính từ 30 - 45cm, sau đó xẻ thành những tấm gỗ nhỏ, dùng xe máy hoặc trâu lôi ra khỏi rừng.
Không khó để bắt gặp những gốc cây vừa mới bị khai tử, vết chặt đang còn đỏ thẳm như đang chảy máu; những cây to người ôm không hết đã bị đốn hạ nhưng chưa bị lâm tặc chuyển đi, có những cây nằm bên cạnh bờ suối chờ nước lớn để xuôi dòng… Cách đây không lâu, tại xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân, Thanh Hóa), tình trạng rừng chảy máu xảy ra một cách nghiêm trọng, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa phải vào cuộc gắt gao mới chấn chỉnh được tình trạng trên.
Câu chuyện phá rừng vẫn cứ lặp đi lặp lại và điệp khúc “người dân sống ở vũng lõi nên rất khó khăn trong công tác bảo vệ rừng”… vẫn thường xuyên được nhắc đến mỗi khi rừng bị tàn phá. Thay vì tìm hướng giải quyết khác cho 60 hộ dân bản Nà Đang như giao khoán cho họ trông coi bảo vệ rừng, cấp đất thêm để họ canh tác, hoặc di dời họ khỏi vùng lõi… chính quyền các cấp nơi đây vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết. Nhưng con người vẫn phải sống qua ngày nên phương cách tốt nhất để họ tồn tại là… vào rừng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lò cho biết: “Trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ phá rừng lẻ tẻ, chúng tôi đã kịp thời bắt giữ, xử phạt hành chính. Tại lô 10 là điểm nóng. Số bìa gỗ còn xót lại, chúng tôi đã kiểm tra là cây gỗ mỡ. Hiện, còn khoảng 4 khối gỗ chúng tôi đã xử phạt nhưng chưa thể đưa ra khỏi rừng vì đường lầy lội. Rừng phòng hộ Sông Lò với tổng diện tích khoảng 10.427ha. Riêng xã Lâm Phú (Lang Chánh) có khoảng 2.900ha nhưng lực lượng trên các địa bàn khá mỏng, rất khó khăn trong công tác bảo vệ rừng… Người dân sống trong vùng lõi không có đất canh tác, gây rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng”.
Ông Nguyễn Duy Vĩnh Hạt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lang Chánh cho biết: “Người dân bản Nà Đang sống giữa rừng nhưng không được giao đất rừng, ngoài những vụ lâm tặc vào khai thác, rất nhiều trường hợp các hộ dân đốn gỗ làm nhà. Mấy tháng trước, sau khi kiểm kê số gỗ cũ tại các hộ, chúng tôi đã thu hơn 60 cây gỗ mà các hộ khai thác, cất giấu từ lâu để làm nhà. Việc khai thác gỗ trái phép dốc ông Viện, lô 10… thuộc bản Nà Đang là có thật.
Cuối năm 2013, có những địa điểm lâm tặc khai thác hàng chục m3. Số gỗ này nằm dưới một cái khe trên đường vào Nà Đang nhưng không thể mang về Hạt để xử lý vì đường đi lại rất khó khăn. Chúng tôi thuê người dân địa phương bốc vác, vận chuyển đưa về Hạt nhưng người dân đều từ chối vì sợ lâm tặc trả thù. Hiện nay, Hạt đã tăng cường thêm hai cán bộ về xã Lâm Phú. Về lâu dài, cần phải xem xét đến việc ổn định đời sống cho người dân. Đặc biệt là chia sẻ lợi ích từ rừng, trình các cấp có thẩm quyền để chia đất cho dân, nếu không, vấn đề bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn...”. (Công Lý 18/4) đầu trang(
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình vừa phát hiện một vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đến nay, vẫn chưa có phương án xử lý số gỗ lớn lâm tặc bỏ lại.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, từ cuối tháng 9.2013, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (BQL) phát hiện sự việc và báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Sau đó, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu BQL kiểm tra, đo khối lượng gỗ bị khai thác trái phép, xác định mức độ thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh; bố trí lực lượng bảo vệ, giữ nguyên hiện trường. Thế nhưng, đến giữa tháng 2.2014, BQL vẫn không thực hiện yêu cầu của Chi cục Kiểm lâm.
Trong một động thái khác, Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm H.Minh Hóa phối hợp chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường khu vực rừng bị chặt phá. Theo báo cáo ban đầu của Hạt Kiểm lâm H.Minh Hóa, mức độ rừng bị tàn phá rất nghiêm trọng. Chi cục Kiểm lâm đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo BQL khẩn trương vào cuộc.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, BQL chủ trì tổ chức đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, đo đếm vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.2014. Kết quả, tại khu vực hang địa chất (xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa) có 32 cây gỗ bị đốn hạ, còn nguyên cây tại hiện trường, chủ yếu là gỗ vàng tâm (nhóm 4) và gỗ giổi (nhóm 3); tổng lượng gỗ tròn đo đếm được là hơn 125 m3. Tại khu vực Ma Dính 1 (xã Hóa Sơn, H.Minh Hóa) có 19 cây gỗ bộp, giổi, dạ ran, trò (trong đó 9 cây nằm ngoài lâm phận VQG, ở khu vực tiếp giáp VQG) cũng còn nguyên chưa bị cưa xẻ; tổng lượng gỗ tròn hơn 63 m3.
Theo BQL, vì khu vực có gỗ nằm sâu trong rừng và địa hình núi đá vôi hiểm trở, trong khi gỗ thuộc loại thông thường nên nếu tiến hành thu hồi sẽ tốn nhiều thời gian, nhân lực, kinh phí... Mặt khác, với lượng nhân lực khá lớn ở lâu ngày trong rừng để cưa xẻ gỗ cùng tiếng ồn từ hoạt động cưa xẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái trong khu vực, không đảm bảo các yêu cầu quản lý đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
Ngoài ra, việc cưa xẻ, vận chuyển với số lượng gỗ lớn có thể tạo dư luận không tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng di sản và nhận thức của người dân địa phương. Thế nên, BQL đề nghị UBND tỉnh áp dụng biện pháp tiêu hủy tại chỗ toàn bộ số gỗ nói trên mà không tổ chức thu hồi như dự kiến ban đầu.
Trong khi đó, theo một cán bộ kiểm lâm, việc tiêu hủy cũng khiến rừng đặc dụng bị ảnh hưởng vì khối lượng quá lớn. Vị cán bộ này cũng nhận định với khối lượng gỗ bị chặt phá đó thì những người quản lý trực tiếp sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự. (Thanh Niên 20/4) đầu trang(
Ngụy trang 25 hộp gỗ Cẩm Lai dưới...cây cảnh
Để qua mặt lực lượng chức năng, 25 hộp gỗ Cẩm Lai đã được chủ hàng ngụy trang dưới các lớp cây cảnh. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã vạc trần được thủ đoạn này.
Thông tin từ Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa phát hiện và bắt giữ một xe ô tô tải vận chuyển trái phép 25 hộp gỗ Cẩm lai.
Trước đó, vào khoảng 2h30 ngày 19/4, trong lúc đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên QL 1A đoạn qua xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), tổ tuần tra kiểm soát Phòng CSGT đã phát hiện xe ô tô tải mang BKS: 77H – 1343 đang lưu thông theo hướng Nam – Bắc có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh yêu cầu dừng lại để kiểm tra.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 25 hộp gỗ Cẩm Lai, thuộc nhóm I, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Điều đáng nói là để qua mắt các cơ quan chức năng, lái xe và chủ hàng đã sử dụng thủ đoạn sắp xếp, vận chuyển các cây cảnh hòng che giấu đi số gỗ quý trên.
Khai thác nóng tại chỗ, lái xe Nguyễn Đình Tân (SN 1978) trú tại TP Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, số gỗ trên đang được vận chuyển ra Hà Nội để tiêu thụ.
Ngay sau đó, tổ công tác lập biên bản tạm giữ và tiến hành bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. (Nhân Dân + Đời Sống Pháp Luật 20/4) đầu trang(
Vào 10h sáng  18-4, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi phối hợp cùng chi cục kiểm lâm đã tiến hành thả 433 cá thể động vật trở lại môi trường hoang dã sau khi đã được bác sĩ thú y kiểm tra đủ điều kiện sức khỏe.
Trong số 433 các thể thả sáng nay tại hai địa điểm là Vườn thực vật của chi cục Lâm nghiệp và khu Đồng Voi Củ Chi, có 300 con chim Cu ngói, 120 con Tắc kè và 13 chim le le.
Số động vật này được công an môi trường thành phố chuyển giao tới trạm vào lúc  tối 17-4. Ông Lâm cho biết: “Ngoài đợt chuyển giao động vật hoang dã của công an môi trường tối qua thì từ đầu năm tới nay cũng đã có 10 đợt chuyển giao khác với tổng số lượng 19 loài như: Ba ba Nam bộ, Rùa biển, Vượn má vàng, chồn bạc má, culi nhỏ, mèo rừng… về cho trạm cứu hộ.
Trong tháng tư, Trạm cũng đã thả nhiều loài động vật hoang dã khác ở một số nơi như: thả rắn hổ chúa ở Tràm Chim, rùa biển ở Hòn Rơm...”. (Pháp Luật TPHCM 18/4) đầu trang(
Những tháng gần đây, lâm tặc ngang nhiên xâm nhập rừng phòng hộ Buôn Đôn, tận diệt những cây gỗ căm xe, cà chít non về bán cho người dân địa phương làm trụ trồng hồ tiêu. Tình trạng phán rừng làm rẫy, dựng nhà tạm ngay trong rừng phòng hộ cũng diễn ra công khai.
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), lâu nay nổi nên là một trong những điểm nóng về nạn phá rừng và khai thác lâm sản trái phép. Trên địa bàn ngoài diện tích rừng của Vườn quốc gia Yók Đôn còn có 10.250 ha rừng và đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý, bảo vệ. Bình quân mỗi năm, lực lượng chức năng địa phương phát hiện, xử lý trên dưới 1 nghìn vụ vi phạm lâm luật, với khối lượng lâm sản tịch thu lên đến cả nghìn m3.
Vào thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, khi nhóm PV cùng lực lượng công an xã Krông Na tìm hiểu thực trạng nạn khai thác lâm sản trái phép và phá rừng làm rẫy tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý, bảo vệ cho thấy: Lâm tặc đã và đang xâm hại tài nguyên rừng một cách công khai, thậm chí còn có dấu hiệu tiếp tay của cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Không khó để phát hiện tình trạng rừng ở đây bị tàn phá, bởi ngay sát Tỉnh lộ 1, đoạn qua địa bàn xã Krông Na, nhiều vạt rừng phòng hộ đã bị phát trắng để làm nương rẫy và dựng nhà, chòi tạm.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Thanh Đồng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn cho biết: “Tại tiểu khu 493, đang có 110 hộ dân phá và lấn chiếm 116 ha rừng làm rẫy và sang nhượng trái phép”.
Cũng theo Giám đốc Cao Thanh Đồng, việc xử lý các hộ dân phá và lấn chiếm đất rừng hết sức khó khăn, khi phát hiện vi phạm, đơn vị chỉ có thẩm quyền lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng. Trong lâm phần đã bị phá, các hộ dân đã dựng 36 nhà tạm và chòi rẫy. Ngoài phá rừng, số hộ dân này còn ngang nhiên xâm nhập các lâm phần kế cận để khai thác gỗ trụ tiêu và củi để bán.
11-4, dọc theo Tỉnh lộ 691, đoạn nối từ Tỉnh lộ 1 với xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, chúng tôi đi sâu vào rừng phòng hộ Buôn Đôn và tận mắt chứng kiến tình trạng tài nguyên rừng ở đây bị xâm hại. Dọc dài hơn 6 km từ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 vào đến Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3, nhiều khu rừng bị lân tặc đốn hạ để lấy gỗ bán làm trụ trồng tiêu. Điều đáng lo ngại là hầu hết những cây gỗ căm xe, cà chít non, đường kính gốc chỉ từ 15 – 20 cm đều đã bị triệt hạ.
Theo lời một công an đi cùng, thời điểm này, hồ tiêu đang được giá, người dân Đắc Lắc cũng như Tây Nguyên đang rộ lên phong trào trồng tiêu, vì vậy trụ tiêu bằng gỗ đắt như tôm tươi. Bình quân mỗi trụ tiêu bằng gỗ căm xe, cà chít, khi ra khỏi rừng sẽ bán được 200 nghìn đồng/trụ. Khai thác đầy một xe độ chế (khoảng 20-30 trụ), lâm tặc sẽ đút túi từ 4 đến 6 triệu đồng.
Tại khu rừng nằm cách Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3 chừng 500 m, hàng loạt cây căm xe, cà chít non đã bị khai thác, một số cây lâm tặc mới cưa cắt, chưa kịp chuyển ra khỏi rừng, cành lá vẫn còn tươi. Thực trạng này cho thấy, lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn đã và đang thiếu trách nhiệm trong quản lý rừng.  Qua trao đổi với công an xã Krông Na, nhóm PV được biết, vào lúc 21 giờ 30, ngày 4-4-2014, lực lượng công an đã đột nhập và bắt quả tang tại Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3 có 4 đối tượng đánh bài bạc ăn tiền. Trong đó có 3 đối tượng là cán bộ, nhân viên các Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 và số 3, gồm Lê Quang Dũng, Hoàng Văn Hùng, Cao Đình Thịnh và 1 đối tượng Trần Văn Bắc là lâm tặc.
Được biết, trên đường dẫn giải về UBND xã Krông Na để giải quyết, 4 đối tượng trên đã tìm cách tẩu thoát. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an làm rõ. Từ vụ đánh bài bạc này, dư luận đặt ra ghi vấn: Liệu ở đây có xảy ra tình trạng cán bộ bảo vệ rừng bắt tay, “bảo kê” cho lâm tặc khai thác gỗ (?).
Cũng qua điều tra trong ngày 11-4, tại lâm phần thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3, chúng tôi phát hiện một nhóm gồm 9 đối tượng là người dân xã Yang Tao, huyện Lắc, đang tổ chức khai thác và tập kết một khối lượng lớn cây le, để bán cho các đầu nậu vận chuyển ra ngoài tỉnh tiêu thụ. Tại hiện trường, các đối tượng tập kết gần 6 nghìn bó le, nhóm lâm tặc còn dựng hẳn lán trại, bếp nấu ăn để bảo đảm cho công việc khai thác le dài ngày.
H’Thương, sinh năm 1990, trú xã Yang Tao cho biết: Công việc khai thác le của nhóm diễn ra từ 23-3-2014, mới đầu có 40 người, nay còn 9 người. Mỗi bó le khai thác về địa điểm tập kết được đầu nậu trả công với giá 8 nghìn đồng. Cũng theo H’Thương, ngày 10-4 mới đây, đã chuyển ra khỏi rừng 1 xe tải với khối lượng 1.300 bó le. H’Thương còn cho biết, sở dĩ việc khai thác, vận chuyển công khai một khối lượng lớn cây le trong rừng phòng hộ Buôn Đôn này là do “được phép” của cán bộ, quản lý bảo vệ rừng. Được biết, trong đội quân khai thác le có cả chồng H’Thương là Y Dút Bkrông (!).
Trên đường từ vùng lõi của rừng phòng hộ Buôn Đôn trở về, nhóm PV bất gờ gặp một nhóm lâm tặc đang điều khiển đầu máy xe Yang Ma kéo theo một rơ moóc đầy gỗ trụ tiêu mới khai thác. Biết bị phát hiện, nhóm lâm tặc nhanh tay tháo rời đầu máy Yang Ma, điều khiển chạy khỏi hiện trường, và sử dụng xe máy mang cưa lốc đi giấu. Anh Y Quý Byă, công an viên xã Krông Na khẩn trương truy bắt, nhưng không thành. Rơ moóc gỗ lâm tặc bỏ lại tại hiện trường, qua kiểm điếm có tổng cộng 20 trụ tiêu gỗ cà chít, có đường kính gốc từ 20 cm trở lên. Nhẩm tính, nếu xe gỗ này ra khỏi rừng, 2 lâm tặc sẽ thu được hơn 4 triệu đồng.
Với những gì tận thấy trong rừng phòng hộ Buôn Đôn, có thể thấy công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây đang có quá nhiều yếu kém, thậm chí có dấu hiệu của buông lỏng và tiếp tay cho lâm tặc. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk sớm có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời làm rõ và xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân đã và đang để tài nguyên rừng bị tàn phá công khai. (An Ninh Thủ Đô 18/4) đầu trang(
Thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa phát hiện và bắt giữ một xe ô tô mang biển kiểm soát Lào vận chuyển gỗ quý không có giấy tờ hợp pháp.
Theo đó, vào khoảng 13h30 ngày 18/4, trong lúc đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại Km 976, đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Phú Định, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), tổ tuần tra kiểm soát số 8 thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện một xe ô tô tải mang biển số Lào 0735 lưu thông theo hướng Bắc - Nam có dấu hiệu nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Tiến hành kiểm tra, tổ tuần tra phát hiện trên xe vận chuyển 1,392m3 gỗ các loại từ nhóm II đến nhóm VII, khi yêu cầu lái xe xuất trình các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì không có.
Khai thác nóng, lái xe Ngô Đình Đồng (SN 1980) trú tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, toàn bộ số gỗ nói trên đang trên đường vận chuyển từ xã Phúc Trạch về TP Đồng Hới (Quảng Bình) để tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Ngay sau đó, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện; đồng thời bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. (Công An Nhân Dân 19/4) đầu trang(
Vào ngày 12/4 trong lúc tuần tra, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phân trường Cư Hoa thuộc công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đã phát hiện tại tiểu khu 1156 có đối tượng đang dùng cưa xăng chặt phá rừng trái phép, đối tượng được xác định là Dương Văn Li, cư trú tại thôn Nao Hul, xã CưĐrăm.
Tại hiện trường, lực lượng quản lý bảo vệ rừng đã thu giữ một cưa máy, dao, rựa dùng để đốn hạ cây rừng. Qua đo đạc, tổng diện tích bị chặt hạ là 1,35 ha thuộc loại rừng sản xuất với nhiều cây gỗ có đường kính lớn, tạo ra những mảng trống không còn rừng. Theo ước tính ban đầu, khu vực rừng bị chặt phá có trữ lượng gỗ lớn, phân bố trạng thái từ rừng trung bình đến rừng giàu. Hiện vụ việc đang được công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông chuyển hồ sơ đến cơ quan chức nang điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, đã bắt đầu vào vụ gieo trồng, nhu cầu cần đất để sản xuất của người dân là rất lớn, đặc biệt là vùng đồng bào Mông đang sinh sống tại các xã có rừng. Do đó, tình trạng phá rừng trong mùa khô năm 2014 tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Vì vậy, các đơn vị chủ rừng, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các lâm phần để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc để xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm nhằm giáo dục, răn đe làm gương cho kẻ khác không xâm hại rừng trái phép. (Trang Tin Điện Tử H.Krông Bông, Đắk Lắk 19/4) đầu trang(
Ba tháng đầu năm 2014, tại huyện Văn Bàn, các ngành chức năng đã kiểm tra phát hiện 20 vụ vi phạm quy định Luật bảo vệ và phát triển rừng (tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm 2013).
Đã xử lý 16/20 vụ, tịch thu 10,428 m3 gỗ tròn, 16,32m3 gỗ xẻ, 145 kg gỗ biếu Pơ mu, phạt tiền nộp ngân sách Nhà nước 84,4 triệu đồng. Trong đó, riêng tháng 3/2014, kiểm tra phát hiện 05 vụ; tổng khối lượng gỗ tịch thu là 7,958 m3 gỗ tròn, 5,187m3 gỗ xẻ, 40kg u biếu gỗ Pơ mu.
Thực hiện kiểm tra, thống kê khối lượng gỗ còn cất giữ trong nhân dân theo chỉ đạo của tỉnh. Đến hết tháng 3/2014 đã thực hiện thu hồi, vận chuyển được 130,154 m3 gỗ về kho công sản huyện theo Quyết định 75/QĐ-UBND ngày 07/01/2014 của UBND tỉnh.
Cũng trong quý I/2014, các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn đã tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, thời điểm đầu tháng 2/2014 do thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với sự bất cẩn trong việc sử dụng lửa của một số người dân nên trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 điểm cháy đồi cỏ tranh, lau lách tại xã Thẳm Dương và xã Nậm Xây, diện tích bị cháy là hơn 2,3 ha. (Laocai.gov.vn 18/4) đầu trang(
Quảng Ninh đang có trên 25.000ha rừng đặc dụng, trong đó gần 90% diện tích đất có rừng, đa số là rừng tự nhiên, rừng trồng chỉ khoảng trên 1.470ha. Nhờ chính sách bảo vệ và phát triển rừng từ sớm của tỉnh, đến nay tất cả diện tích trên đều đang được giao cho các đơn vị cụ thể và đều đã và đang được quản lý và bảo vệ tốt.
Thực tế, nếu kể từ khi thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng vào năm 2005 thì toàn bộ diện tích rừng đặc dụng ở khu vực này được quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn hẳn. Hiện Ban Quản lý Khu Bảo tồn này đã bố trí nhiều trạm kiểm lâm, trong đó có 4 trạm ở các chốt trọng điểm thường trực 24/24h để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn mọi hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Ban cũng cùng với các ngành chức năng liên quan thực hiện rất mạnh tay trong truy quét các điểm nóng về đào bới than trong ranh giới rừng.
Ngoài ra từ năm 2012 đến nay, Ban đã phối hợp di dời thành công các hộ dân định cư trái phép trong khu Ngọn Mo (xã Hoà Bình, huyện Hoành Bồ), thuộc lòng hồ Cao Vân ra khỏi Khu Bảo tồn thiên nhiên và tiến hành khoán bảo vệ rừng với các xã và hộ gia đình thuộc vùng dự án. Trong đó toàn bộ diện tích rừng thuộc 5 xã Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Vũ Oai, Hoà Bình với diện tích hơn 6.000ha, nếu như trước kia vẫn còn hiện tượng người dân lén lút khai thác trái phép thì được bảo vệ tốt, trong đó người dân là chủ thể tích cực.
Nhờ đó đến thời điểm này, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng đang bảo tồn và phát triển hiệu quả hệ đa dạng sinh học vốn có. Cụ thể mới đây có đến 546 loài thực vật thân gỗ, trong đó có 39 loài quý hiếm; 617 loài thực vật thân thảo, trong đó có 14 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng; 249 loài động vật với 30 loài quý hiếm có tên trong sách đỏ...
Giống như vậy, Vườn Quốc gia Bái Tử Long từ khi thành lập (năm 2001) đến nay luôn là một khu bảo tồn sinh quyển cấp quốc gia. Vườn có tổng diện tích 15.783ha, trong đó diện tích rừng, đất rừng là 6.125ha, còn lại là mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập nước. Đây là nơi sinh dưỡng của gần 500 loài thực vật; trên 390 loài động vật với 37 loài thú, 96 loài chim, 37 loài lưỡng cư và bò sát, trong đó có 9 loài có tên trong sách đỏ. Hiện đội ngũ nhân lực và các thiết chế quản lý ở đây khá chuyên nghiệp và nền nếp; hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư cơ bản.
Nhằm gìn giữ và phát huy các thế mạnh của vườn, thời gian gần đây, Ban quản lý tiếp tục triển khai hoàn thiện quy hoạch du lịch sinh thái; xây dựng đề án thành lập Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Đây sẽ là cơ sở để Vườn Quốc gia Bái Tử Long tiến tới khai thác giá trị du lịch và tăng cường tuyên truyền giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trong đó có bảo tồn đa dạng sinh học.
Đối với các diện tích rừng văn hoá lịch sử tại các địa phương từ nhiều năm nay đều được quản lý, bảo vệ ổn định, hiệu quả. Đơn cử như diện tích rừng đặc dụng bao quanh các cụm di tích nhà Trần tại vùng núi Yên Tử thuộc địa phận huyện Đông Triều và TP Uông Bí; diện tích rừng thông tại khu vực đồi thông Bác Hồ (phường Minh Thành, TX Quảng Yên); diện tích rừng cảnh quan môi trường TP Hạ Long. Riêng rừng thông Bác Hồ luôn được triển khai các hoạt động lâm sinh, thu dọn giảm vật liệu cháy, chăm sóc cây trưởng thành, bảo vệ cây con...
Đặc biệt diện tích rừng Yên Tử từ khi được nâng cấp từ rừng đặc dụng lên rừng quốc gia đã nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của tỉnh và Trung ương. Theo ông Phạm Văn Dược, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, hiện Ban đang tập trung triển khai các hạng mục làm tuyến đường ranh giới; xây dựng hệ thống công trình phòng chống cháy rừng; chuyển đổi cây rừng ngắn ngày sang lâu năm tại diện tích rừng trồng...
Các hạng mục này là bước mới trong việc quản lý bảo vệ tài nguyên rừng. Ngay như tuyến đường ranh giới sẽ phân định rõ ràng ranh giới với hàng trăm hộ dân thuộc 4 thôn của xã Thượng Yên Công đang sinh sống sát đó.
Hiện công tác bảo vệ rừng ở đây rất mạnh mẽ. Ban có đội quản lý và bảo vệ rừng riêng; thành lập nhiều trạm, chốt canh gác rừng. Đặc biệt việc không cho người dân vào rừng Yên Tử khai thác hoa phong lan, hoa mai, trầu một lá, lạc tiên, măng trúc... được thực hiện rất triệt để. Bên cạnh đó các doanh nghiệp liên quan như Công ty CP Tùng Lâm, Công ty Than Nam Mẫu - TKV cũng có nhiều hoạt động tăng cường quản lý rừng và tài nguyên trong lòng đất rừng.
Có thể khẳng định, hệ thống rừng đặc dụng trên địa bàn hiện nay đã và đang được quản lý, bảo vệ hiệu quả. Kết quả này sẽ góp phần phát huy các giá trị của rừng trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương. (Báo Quảng Ninh 18/4) đầu trang(
UBND huyện Quỳ Hợp đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014.
Ngay từ đầu mùa khô trong năm 2013, UNBD huyện Quỳ Hợp đã kịp thời ban hành quyết định kiện toàn ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR của huyện với 22 thành viên. Thành lập đội trực tiếp cứu chữa cháy rừng của huyện gồm 96 người và mua sắm, bổ sung đầy đủ các phương tiện đảm bảo ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Kiện toàn 25 phương án tác chiến PCCCR từ cấp huyện đến cấp xã. Tổ chức ký cam kết đến tận các xóm bản với 219 bản với 11.413 hộ tham gia.
Nhờ làm tốt như vậy cho nên trong năm 2013 độ che phủ rừng ở Quỳ Hợp đạt 50,6% và không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn. Hạt kiểm lâm huyện đã phát hiện và xử lý 36 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 124,413m3 gỗ xẻ, gỗ tròn các loại. Thu nộp ngân sách gần 426 triệu đồng.
Với mục tiêu thực hiện giữ rừng tại gốc, bảo vệ gần 48.000ha rừng hiện có, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, UBND huyện đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là thường xuyên kiểm tra xác định rõ 13 xã thuộc vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để có các phương án bảo vệ nghiêm ngặt. Tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức ký cam kết BVR-PCCCR đến tận các chủ rừng và hộ gia đình. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát các hành vi vi phạm về khai thác và chế biến lâm sản, hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng và buôn bán lâm sản trái phép trên địa bàn. (Quyhop.gov.vn 18/4) đầu trang(
Không biết các cơ quan chức năng ở hai tỉnh Bình Phước, Đắk Nông quản lý thế nào mà tình trạng săn bắt, buôn bán thú rừng; vận chuyển, cưa xẻ gỗ trái phép đang diễn ra công khai, rầm rộ khiến nhà nước mất đi nguồn thu nhập lớn, còn người dân phải gồng mình hứng chịu thiên tai. Núi rừng ngày đêm “khóc ròng” vì lâm tặc và những kẻ kinh doanh lâm sản trái phép.
“Thú ở rừng Đắk Wil này vẫn còn. Nai, gấu, voọc thì hiếm chứ khỉ, mang, nhím, chồn, cheo... vẫn còn nhiều. Bây giờ người ta bắt thú chủ yếu bằng bẫy, ít ai dùng súng vì dễ bị tóm mà giá trị thú săn lại thấp”, T. - một tay “sát thủ” thú rừng khoảng 30 tuổi, người dân tộc Thái ở xã Đắc Wil (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết.
Sáng 17-3-2014, nhóm PV theo tốp săn thú của T. Hành lý mang theo chẳng có gì nhiều ngoài ít rượu, thuốc lá, gia vị để nấu nướng, vài cái võng nằm nghỉ chân, bởi trong rừng đã có đủ mắm, muối, gạo, đồ nhắm... Tranh thủ lúc T. sạc cho “no” cái bình điện, “đồng đội” anh ta về nhà lấy bộ xiệc cá đề phòng khi chưa bẫy được thú thì kiếm vũng nước nào đó chích điện kiếm cá nhậu chơi. Mặt trời lên quá ngọn cây, nhóm PV bắt đầu khởi hành, lặng lẽ nối gót nhau trên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo của xã Đắk Wil xuyên qua đại ngàn. Chốc chốc, nhóm PV lại gặp một vài tốp lâm tặc, thợ săn nhộn nhịp vào rừng.
Đang đi, T. bỗng khựng lại ra hiệu im lặng. Tay anh ta lăm lăm cây rựa, chân rón rén từng bước khẽ khàng. nhóm PV chưa hiểu chuyện gì thì từ lùm cây trên mái đồi phát ra tiếng sột soạt. “Con lợn này to đây”, T. lẩm bẩm. Chỉ vài phút sau, một con lợn rừng khoảng 35kg nhe nanh khẹc khẹc qua tán lá. T. chưa kịp làm gì thì con lợn quay lưng lẩn vào rừng sâu. “Con này dính bẫy thì khẳm”, T. tỏ vẻ tiếc nuối.
Anh ta cho biết, trước đây trung bình mỗi thợ săn như anh đặt từ 200 đến 300 cái bẫy thắt trong rừng. Chỉ cần xấp dây phanh xe máy, một cuộn thép và con dao, sau vài phút thợ săn sẽ tạo ra một bẫy. Mỗi mái núi như vậy có hàng trăm chiếc bẫy đặt sẵn, lơ mơ không quen luồng là dính bẫy như chơi.
Gần giữa trưa, nhóm PV gặp năm tốp thợ săn người dân tộc Ê Đê nườm nượp đi bẫy thú. Mỗi tốp mang theo hai đến ba con chó cùng hơn trăm chiếc bẫy. Trên vai họ gùi xoong nồi, gạo, muối, thịt rừng khô, bao đựng chồn, cheo, mễn, rắn... nhóm PV xin nhập đoàn theo một tốp.
Người đàn ông Ê Đê lớn tuổi nhất tên Y Ut cho biết, họ vào rừng từ chiều hôm kia, đi liên tục nên phải mang theo lương thực để nấu ăn. Men theo con suối cạn trơ đáy, nhóm PV luồn lách hết khu rừng này đến khu rừng khác. Trời nắng như đổ lửa làm nhiều đám rừng bị cháy cục bộ, lửa bốc lên ngùn ngụt. Trong đám cháy liên tục phát ra tiếng đá, tiếng tre lồ ô nổ chát chúa, tiếng thú kêu ăng ẳng.
Cuốc bộ hơn một tiếng đồng hồ, hai con chó đi tiên phong bỗng sủa inh ỏi. Lâu lâu lại có tiếng gừ gừ vang lên. Y Ut quay lại nói: “Con chồn này to đây”. Quả thật có con chồn chừng 4kg dính bẫy. Chỉ cần vài thao tác, anh ta đã bỏ gọn vào bao. Nhóm PV tiếp tục đi dọc con suối chừng ba cây số, hai con chó lại sủa ầm ĩ. Y Ut ra hiệu cho nhóm PV lùi lại rồi ngoắc “đồng đội” bám theo tiếng chó sủa. Hai con chó hết luồn qua gốc cây này lại lách vào hẻm đá kia. Đám thợ săn kiên trì cầm cây bám theo, họ tiến dần đến vũng nước hiếm hoi giữa suối. Một lúc sau, họ tóm được con rắn hổ mang chúa nặng hơn 2kg. “Cũng được tầm bốn triệu đồng rồi đấy!”, Y Ut hoan hỷ ra mặt.
Y Ut cho biết, có khi anh cùng chiến hữu đi săn cả tuần trong rừng. Được con thú nào quý mang ra bán cho đầu nậu, những con có giá trị thấp thì xẻ phơi khô.
Cùng với săn bắt, việc buôn bán thú rừng đang diễn ra công khai. Một trong những lò thịt rừng hoạt động đình đám ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) hiện nay là của ông Mẫn. Nhóm PV hỏi đường, người dân ở đây mách nước: “Chỗ ông Mẫn chưa thấm vào đâu so với chỗ ông Ba Đen, ông ta có đủ loại thịt rừng”. Đến nhà ông Ba Đen, một phụ nữ trạc 55 tuổi cho biết: “Ở đây chỉ còn heo và rắn, không có thịt rừng”. Nhóm PV nói “được người quen giới thiệu”, người phụ nữ nhìn vẻ dè chừng rồi đưa cho tấm card và dặn: “Có gì thì gọi đến số điện thoại trong card này”. Chiều cùng ngày, nhóm PV gọi đến số điện thoại mà người phụ nữ đưa. Phía bên kia, một người đàn ông cho biết: “Mùa này chỉ có heo rừng, những loại khác như chồn, cheo, nai, nhím, thỏ phải đợi mùa mưa mới có”.
Tiếp tục hỏi mua thịt rừng, nhóm PV được người dân cho số điện thoại liên lạc với một phụ nữ. Chị ta vặn vẹo khá kỹ về việc “ai giới thiệu, mua để làm gì?” rồi hẹn: “Khi nào có thì gọi điện báo cho”. Một điểm bán thịt rừng khá nổi tiếng khác ở Bình Phước là quán nhậu gần cây xăng Nghĩa Thắng (xã Nghĩa Thắng, huyện Bù Đăng). Khi nhóm PV đến đã có ba bàn đang nhậu thịt rừng. Hỏi mua thịt rừng sống, chủ quán cho biết, bữa nay vào mùa khô nên thịt sống rất hiếm, chỉ còn hàng đông lạnh. Trong tủ lạnh tại quán chị ta có khá nhiều loại thịt rừng như heo, cheo, nhím.
Lớn nhất phải kể đến điểm mua bán thú rừng của ông Bình trên đường Nguyễn Huệ (phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Nơi tập kết hàng cũng là nhà của ông ta. Chiều 19-3-2014, nhóm PV đến nhà ông Bình. Người làm công nói thẳng “Ở đây hàng rừng loại gì cũng sẵn. Hiện đang có một số “hàng độc” như chồn hương, cheo, kỳ đà, rắn hổ mang... Mua tại đây cũng được hoặc điện thoại đặt hàng sẽ có người giao”. Ngay bức tường trước nhà, ông ta cho dán tấm giấy: “Ở đây có bán cao khỉ”. Trong nhà có khá nhiều tủ lạnh chứa các loại thú rừng như chồn, cheo, mễn, cầy, cúi... đã làm sẵn.
Phía sau nhà, ông ta cho xây một phòng khá cầu kỳ để chứa thú. Dưới căn phòng này là một cái bể lớn nuôi cá trê, ba ba. Trên bể bày chi chít những lồng nhốt chồn hương, chồn mướp, nhím, sóc, cúi... được xếp lớp này nối lớp kia, bao quanh cả khu nhà rộng hơn 70m2, đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày đêm tấp nập ra vào. Tùy vào tình trạng sống chết, sức khỏe của thú rừng mà có giá khác nhau. Chồn 950.000 đồng/kg, cheo 570.000 đồng/kg, nhím 300.000 đồng/kg, kỳ đà 350.000 đồng/kg, nai 400.000 đồng/kg, rắn hổ mang chúa 1,8 triệu đồng/kg...
Giữa sàn nhà ông Bình là cái đùi nai chừng 15kg còn rỉ máu đặt trên chiếc lồng nhốt rùa, ba ba. “Nó mới được bẫy ngoài rừng về nên còn tươi rói”, người làm công nói. Ở góc nhà là gần chục bao rắn hổ mang đất, mang bành, rắn ráo trâu, hổ hành, hổ mang chúa... phun khè khè. Phía sàn nhà đặt những chiếc lồng nhốt gần chục con kỳ đà, có con nặng gần 6kg há hốc mồm, lưỡi đỏ au thụt thè liên hồi. Phía sau cùng có một cánh cổng lưới sắt B40 đóng kín dẫn xuống hầm bí mật, nơi chứa những loại thú đặc biệt. Nhóm PV vòng ra sau, toan mở cánh cổng thì một thanh niên mặt mày bặm trợn chạy tới giữ lại: “Không được xuống đó”.
Khoảng 30 phút ở nhà ông Bình, nhóm PV thấy có rất nhiều người đến mua, bán thịt thú rừng. Người dân sống gần nhà ông Bình cho biết: “Tại đây, việc mua bán nhộn nhịp từ 7 giờ sáng cho tới khuya”. Điều khó hiểu là việc kinh doanh thú rừng quý hiếm tại nhà ông Bình diễn ra công khai, lại cách UBND phường không xa nhưng không hiểu sao hoạt động nhộn nhịp đến vậy?
Không chỉ ở tỉnh lẻ, thú rừng cũng đang được bán khá phổ biến ở TPHCM. Cứ tầm 8 giờ sáng, nhiều đối tượng bán động vật không rõ nguồn gốc vội vã đưa các lồng, sạp đựng chim, sóc, rắn, khỉ... đứng bên vỉa hè trên nhiều tuyến đường như Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), xa lộ Hà Nội (quận 2), nhiều tuyến đường ở huyện Củ Chi... chèo kéo khách. Trong lồng luôn có vài chục con chim ưng và các loại chim quý hiếm khác. Tại đây, chim ưng con được bày bán với giá từ 300.000 đến 700.000 đồng/con, chim ưng lớn từ 1.200.000 đến 5 triệu đồng/con. Theo quảng cáo của người bán thì 100% là chim hoang dã.
Nhóm PV ghé vào một điểm bán chim bên vệ đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) hỏi mua. Người đàn ông nhỏ thó nhanh nhảu tiếp thị: “Ở đây tụi em bán nhiều loại chim ưng rừng, bảo đảm hoang dã, hàng từ bên kia biên giới đánh về. Muốn các loại khác như đại bàng, bói cá, hồng hoàng, cốc đề... phải đặt hàng từ trước. Nếu có nhu cầu mua những thứ “hàng độc” như sừng nai, linh dương đầu bò, trâu rừng... thì có giá từ 15 đến 40 triệu đồng/đầu, mua bao nhiêu cũng có”. Tại Quốc lộ 13 - đoạn từ cầu ông Dầu (quận Thủ Đức) hướng về tỉnh Bình Dương có một điểm rắn hoang dã công khai với giá 250.000/kg. Người phụ nữ quả quyết: “Đây là rắn hổ mang thật được bẫy từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đưa lên đây”.
Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 2-11-2009 về xử phạt vi phạm hành chính, mức cao nhất lên đến 500 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, như việc săn bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái pháp luật, nhưng xem ra vẫn chưa có tác dụng đối với những kẻ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã. Bên cạnh các loại thú thì gỗ rừng cũng đang được những kẻ bất lương khai thác, vận chuyển rầm rộ.
Việc khai thác, thu mua, vận chuyển gỗ được tổ chức rất tinh vi, bài bản. Khác với trước đây, lâm tặc, đầu nậu dùng các dụng cụ thô sơ khai thác gỗ, còn hiện nay họ dùng rất nhiều máy móc hiện đại như máy cày công suất lớn. Những chiếc xe của các hãng Subaru, MTZ, Iseki, Siboura... có công suất trên 165 mã lực chuyên phục vụ nông nghiệp được mua về với giá hơn 300 triệu đồng sẽ được cánh lâm tặc “độ” lại hợp với đường rừng và công việc chở gỗ lậu.
Nhóm PV vào hỏi về cấu tạo và giá của chiếc xe “độ” đi rừng, chủ một garage tại Đắc Mil cho biết: “Một chiếc xe muốn “lột xác” để chở được gỗ phải có một rơ moóc dài chừng 8m, rộng 3m, bộ phận này được lấy từ khung ôtô cũ hàn nối rất chắc chắn. Tiếp đó, chúng sẽ được “độ” thêm hộp số phụ, dùng cầu đẩy L60 của xe IFA để giúp xe khoẻ hơn, chạy nhanh hơn, kế đó các bánh có kích cỡ 10x20 được lắp vào cho phù hợp với đường rừng. Một bộ phận không thể thiếu của xe là tời gắp - đây là bộ phận công phu nhất để kéo, nâng gỗ. Tời được cấu tạo gồm các thanh sắt lớn hàn từ đầu xe vắt ngược ra sau tạo thành hình chữ A. Một cuộn cáp to khoẻ gắn vào tời trước của xe, đảm nhận việc nâng, gắp gỗ; mỗi lần “gắp”, chúng có thể nhấc lóng gỗ hơn 2 tấn lên khỏi mặt đất. Với một chiếc xe như thế sẽ thay thế được nhiều loại máy móc hiện đại khác, từ việc kéo, gắp, chở gỗ ở những địa hình mà các loại khác đều phải chịu thua. Sau khi hoàn thành, mỗi chiếc xe sẽ có giá không dưới 700 triệu đồng, có chiếc lên đến cả tỷ đồng”.
Tại thị trấn Đắk Mil có rất nhiều garage “độ” xe đi rừng như vậy. Điển hình như garage D, V, C.T đã tạo được tiếng tăm khi cho ra lò những chiếc xe “khủng” chở trên 15m3 gỗ. Sau khi hoàn thành, các xe này được đưa vào bìa rừng ngụy trang, cất giấu chờ dịp vào rừng kéo gỗ. Chuyện lâm tặc dám bỏ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để “độ” xe cho thấy quy mô phá rừng ở Đắk Nông không phải là nhỏ lẻ, manh mún; mức độ đã không dừng lại ở chiếc cưa tay, xe máy mà là những phương tiện, máy công suất lớn. Phá rừng đã đem lại lợi nhuận không nhỏ cho “lâm tặc”. (Công An TPHCM 18/4) đầu trang(
“Trước đây, rừng ở đây có rất nhiều loại gỗ quý như lim, hương, sến, bằng lăng, căm xe, gáo vàng... nhưng gần chục năm trở lại đây, cùng với sự quản lý lỏng lẻo, khó hiểu của cơ quan chức năng khiến hàng ngàn héc ta rừng bị “cạo” sạch. Gỗ lậu cứ tuồn về ngồn ngộn hàng ngày. Lâm tặc hoành hành cũng không thấy kiểm lâm xử lý”. T. - một người dân ở xã Đắk Wil ngán ngẩm.
Sáng 18-3-2014, T. dẫn nhóm PV vào rừng Đắk Wil tận mục sở thị. Bao trùm lên các cánh rừng là màu đỏ ngầu của đất, màu vàng úa của lá, cây chết trơ cành khô khốc. Từng quả đồi phô ra nhuốm màu đỏ quạch. Hàng trăm đống gỗ rỗng ruột, củi, cành lá, gỗ bìa bị lâm tặc vứt ngổn ngang, có lóng to bằng con trâu nằm lăn lóc, nhiều chỗ người ta gom lại đốt thành tro. Cùng với việc phá rừng của lâm tặc thì nạn đốt nương làm rẫy làm cho hàng chục quả đồi cũng bị “cạo” trọc. Càng đi sâu vào rừng, cảnh tượng càng điêu tàn.
Dọc con đường vào rừng, chốc chốc lại nghe tiếng cưa máy rền vang. Lần theo tiếng máy cưa gần nhất, nhóm PV đến chỗ lâm tặc đang “ăn” cây. Trước mặt là bốn gã lục lâm đang loay hoay cắt cây bằng lăng, góc to tầm hai người ôm thành bốn khúc, mỗi khúc dài khoảng 2m. Cách đó không xa, chúng đã “xẻ thịt” một cây trâm thành nhiều khoanh nằm lăn lóc trên mặt đất. Thấy người lạ, hai lâm tặc khoảng 20 đến 25 tuổi chặn lại hỏi, hai người kia trạc tuổi 45 thản nhiên vác máy cưa “mần thịt” cây trâm... “Luộc” xong, đám lâm tặc chất những lóng gỗ lên xe thồ rồi hè nhau đẩy xuống đường. Sang một mái đồi khác, nhóm PV thấy hai người đàn ông trung niên hì hục xẻ khúc cây căm xe làm bốn phần. Một người giải thích: “Những thứ này cưa về bán cho người ta dùng làm cọc trồng tiêu”. Nhóm PV hỏi: “Mấy anh cưa như vậy không sợ kiểm lâm bắt sao?”. Anh ta huỵch toẹt: “Làm “luật” rồi. Mỗi chuyến chở cọc tiêu như thế này phải chung “xị” rưỡi (150.000 đồng - NV), đi gỗ, chung ba “xị”, chở nhiều hay ít không cần biết. Ở đây, dân từ bên Đắk Song, Krông Nô, Tuy Đức, 312... qua làm rừng ầm ầm. Hai tháng trước, tụi này qua rừng Đắk Mil chở gỗ thuê cho bọn đầu nậu. Đầu nậu với “chỗ kia” ăn chia không đều thế nào đó, tụi này chưa ra khỏi bìa rừng đã bị kiểm lâm tóm”.
Chỉ tay lên ngọn đồi, người đàn ông nói: “Trong rừng, trạm kiểm lâm chốt trực đầy nhóc. Muốn đi thì phải chung chi, không chung, sức mấy làm được”. Điều này lý giải vì sao nhiều điểm phá rừng nằm ngay trước “mũi” các chốt kiểm lâm và cơ quan chức năng mà không bị bắt.
Một trong những điểm “nóng” chuyển gỗ lậu nằm ngay ở chốt kiểm tra của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Wil. Hơn một tiếng đồng hồ đứng quay phim tại barie ở trạm số 1 của công ty này, nhóm PV gặp gần chục lâm tặc thi nhau “tăng bo” chuyển gỗ mà không có bất kỳ sự cản trở nào.
Anh T. - một thợ rừng đã giải nghệ ở thị trấn Đắk Mil cho hay: Khai thác được gỗ, lâm tặc phải bán cho các đầu nậu với giá “bèo”. Nếu không, chỉ cần đầu nậu a lô một tiếng, kiểu gì lâm tặc cũng bị tóm. Gom được gỗ, đầu nậu đưa về một điểm kín đáo ở trong rừng. Điểm tập kết gỗ lớn trong rừng Đắk Mil hiện nay là ở khu vực bãi bồi giữa sông Sêrêpôk, dân làm gỗ gọi là đảo. Từ bìa rừng vào đảo dài gần trăm cây số. Dọc đường vào đảo, có năm trạm kiểm soát, tuy nhiên, “hễ có chiến lợi phẩm, lâm tặc cứ phà phà “tăng bo” qua trạm, đầu nậu đã “bao” đường rồi”.
Đầu nậu phân chia gỗ thành nhiều loại. Gỗ nhỏ, ngắn thì thuê người dùng xe máy “gùi” ra, điểm tập kết là một khu đất nằm lọt thỏm giữa vườn cà phê và cao su thuộc thôn 9, xã Đắk Lao. Từ Quốc lộ 14C, rẽ vào con đường đất chừng 500m là khu đất được bao quanh bởi bức tường gạch kiên cố. Cánh cổng chính rỉ sét bị bao phủ bởi cỏ cây tạo cảm giác như khu đất bị bỏ hoang từ lâu. Đi vòng theo đường lớn bên hông khu đất vào trong, nhóm PV thấy vương vãi rất nhiều thanh tre và dây nhợ phục vụ cho việc kê, buộc gỗ.
Đối với những cây gỗ lớn thì lâm tặc ngang nhiên đánh xe container 40 feet - còn gọi là “xe vua” vào “cõng” gỗ. Thông thường, hai đến bốn đêm sẽ có bốn - năm chiếc “xe vua” vào chở.  Theo lời kể của anh T., đêm 17-3-2014, nhóm PV có mặt ở Quốc lộ 14C xem “xe vua” chở gỗ. Hơn 23 giờ đêm, thị trấn Đắk Mil đang yên ắng, bỗng từ ngọn đồi sau lưng thị trấn vang lên tiếng xe container gầm rú ì ạch bò lên dốc. Chiếc thứ nhất vừa cán đỉnh dốc thì chiếc thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt nối đuôi nhau lê trên từng mét đường.
Đoàn “xe vua” lần lượt tiến ra thị trấn Đắk Mil rồi quẹo phải đến Quốc lộ 14 hướng về tỉnh Bình Phước. Lúc chiếc thứ hai qua Chi cục Kiểm Lâm huyện Đắk Mil thì có một chiếc xe hơi 7 chỗ hiệu Toyota bám theo. Chiếc xe này chạy chầm chậm và dừng lại trước cổng Chi cục Kiểm lâm huyện Đắk Mil. Một người đàn ông chạy thẳng vào Chi cục Kiểm lâm huyện Đắk Mil làm gì đó (!?), tầm vài phút thì đoàn “xe vua” tiếp tục lăn bánh. Chiếc xe hơi hộ tống đoàn “xe vua” một đoạn rồi quay đầu. Đoàn “xe vua” tập kết tại cây xăng 34 (thôn 10, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) - cách Chi cục Kiểm lâm Đắk Mil khoảng 1km để nạp nhiên liệu, mỗi xe “uống” hơn 4 triệu đồng tiền dầu.
Theo quan sát, sau khi bơm đủ dầu, tài xế không thanh toán tiền mặt mà ghi sổ nợ, điều này chứng tỏ các “xe vua” là “khách hàng thân thiết” của trạm xăng. Tranh thủ lúc cánh tài xế, lơ xe kiểm tra dầu mỡ, săm lốp, nhóm PV vội leo lên thùng một chiếc xe tải gần đó quan sát. Trên từng container không đậy nắp là hàng trăm lóng gỗ dài từ 15m đến 20m, đường kính một đến ba người ôm, không có dấu kiểm định của cơ quan chức năng được xếp ngay ngắn.
Nhờ đi gỗ mà T. từ một thanh niên không nghề nghiệp ổn định bỗng chốc “lột xác” thành đại gia của huyện miền núi này. Anh ta gần như một mình thao túng thu mua vận chuyển các loại gỗ từ trong rừng ra, hàng “tay, chân” thì chuyển về các xưởng mộc tiện các trụ lan can, cầu thang, bàn ghế..., gỗ lớn được T. chở bằng xe container đi các tỉnh khác. Đến giờ, nhiều người trong “nghề” vẫn không thể hiểu bằng cách nào mà hàng trăm tấn gỗ có thể được T. đưa ra khỏi rừng hàng tuần mà không gặp trở ngại gì?
Chuyện những người phất lên nhanh chóng càng khiến nhiều người, trong đó có cả phụ nữ hám lợi trở thành “lâm tặc”. Cũng vì ham của rừng mà số vụ vi phạm lâm luật tăng lên. Năm 2013, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và lập biên bản trên 1.000 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó có 664 vụ phá rừng trái phép, 50 vụ khai thác lâm sản trái phép, gây thiệt hại trên 250ha rừng. Riêng ba tháng đầu năm nay, tỉnh này phát hiện 122 vụ phá, lấn chiếm đất rừng, 39 vụ khai thác lâm sản trái phép, làm thiệt hại gần 140ha rừng. Đó là chưa kể đến những vụ chưa được phát hiện, xử lý. Các điểm “nóng” phá rừng hiện nay là huyện Cư Jút, Đắk Glong, Đắk Song, Krông Nô, Tuy Đức, thị xã Gia Nghĩa...
Riêng huyện Đắk Song, từ đầu năm đến nay xảy ra hơn 99 vụ vi phạm lâm luật, tăng 21 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó có 86 vụ phá rừng trái phép với diện tích thiệt hại hơn 29ha, tăng 4,77ha so với cùng kỳ năm trước; 13 vụ khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Những diện tích rừng bị phá tập trung tại khu vực Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân, Công ty kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt, Công ty cổ phần sản xuất chế biến nông sản Việt...
Trong những vụ khai thác rừng trái phép bị phát hiện những tháng đầu năm nay thì vụ khai thác rừng tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong) là lớn nhất. Ngày 9-3-2014, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra và phát hiện tại lô 7, tiểu khu 1645 thuộc lâm phần Công ty lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý xảy ra việc khai thác, tàng trữ 29 lóng gỗ từ nhóm III đến nhóm V, khối lượng hơn 10m3 đã được tập kết sẵn ở lề đường chờ vận chuyển đi tiêu thụ...
Quốc lộ 14C nối thị trấn Đắk Mil đến biên giới Campuchia hơn trăm cây số nổi tiếng là cung đường của các lâm tặc. Người thường ít ai vào đây bởi không muốn đối đầu với những chiếc xe máy mà chiều ngang của gỗ hơn chiều dài của xe; điều này càng được khẳng định khi nhóm PV nhận lời khuyên của xe ôm khi hỏi đường vào đây: “Nghe tiếng xe thì nên nép sát vào lề, kẻo mất mạng”.
Từ thị trấn vào khoảng 10km, có một nhà dân mở quán nước nên nhóm PV tạt vào. Trong quán, bốn thanh niên ngoài 20 đang ngồi ghi chép, tính toán tiền công của chuyến hôm trước. Một thanh niên to đậm với bàn tay sưng vù kèm theo nhiều vết thương mưng mủ đang đếm tiền. Nhóm PV lại gần làm quen thì được biết, cả nhóm mới đi rừng về, đang ngồi chia tiền. Vết thương này là do bị gỗ đè. Q. bảo: “Như thế vẫn còn may đó, làm nghề không chảy máu thì cũng gãy tay. Hôm qua nằm trong đó, buốt đến không ngủ được may mà có mấy viên ampi”.
Theo lời kể của những người đi rừng, việc ngã xe, gỗ đè, đứt cáp bị thương là chuyện hàng ngày; thậm chí có người mất cả mạng. Đó là câu trả lời lý giải vì sao dọc Quốc lộ 14C có rất nhiều ngôi miếu nhỏ, đa phần họ là nạn nhân của các vụ gỗ đè. Theo ngày, tháng, các ngôi miếu càng nhiều hơn và gần nhau hơn. Mỗi thợ rừng đều biết nguy hiểm trước mắt nhưng mỗi lần qua đó, họ chỉ châm điếu thuốc thắp cho người xấu số và hi vọng... chưa đến lượt mình.
“Mỗi lần có người bị gỗ đè chết gia đình họ lặng lẽ đưa về mai táng, những người khác xem đó mà cẩn thận hơn” - Q. chia sẻ. Năm 2013, một nhóm thợ rừng từ Đắk Song vào rừng Quyết Tiến khai thác gỗ. Do bất cẩn trong lúc hạ cây ở đồi Mai, một thành viên trong nhóm đã bị cây đè gẫy chân, máu ra xối xả. Do xa trung tâm nên việc cấp cứu khó khăn và nạn nhân đã tử vong.
Chưa có một con số thống kê số người bị thương, chết vì gỗ đè, xe lật, nhưng những người đi rừng cam đoan nó là con số không nhỏ. Nếu đếm có lẽ sẽ khiến nhiều người giật mình.
Từ sự mất rừng ở các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song... cho thấy rừng Đắk Nông đang bị bức tử nghiêm trọng, nhưng công tác kiểm tra, xử lý vẫn chưa thấm vào đâu so với nạn khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản. (Công An Đà Nẵng 20/4) đầu trang(
Trước tình trạng hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản; lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp trái phép tại các địa phương diễn biến phức tạp và nguy cơ cháy rừng cao, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các cấp triển khai cấp bách các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng…
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, trong 3 tháng đầu năm 2014, tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp.
Tại các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài ân, Vân Canh, Tây Sơn… lâm tặc đến các bản làng nhằm lôi kéo, cấu kết với người dân địa phương để khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép. Chúng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, và sẵn sàng liều mạng khi đối mặt với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Thời gian qua, có không ít đối tượng đã ngăn cản, chống đối lực lượng kiểm lâm khi đang làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp trái phép đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ để trồng rừng kinh tế cũng diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. 3 tháng đầu năm, các Hạt Kiểm lâm, Đội cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 149 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, có 6 vụ phá rừng, diện tích bị phá 6ha; 10 vụ khai thác lâm sản trái phép; 41 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép; 92 vụ vi phạm khác; đã xử lý hành chính 118 vụ.
Sở dĩ số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương còn nhiều là do thời gian gần đây lợi nhuận của một số loại lâm sản quý rất cao, nên thu hút nhiều người vào rừng khai thác. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng cây lấy gỗ của dân hiện nay rất lớn và đang bộc phát tạo thành phong trào ở nhiều địa phương.
Trong khi đó, việc quản lý đất lâm nghiệp của một số chính quyền cơ sở còn hạn chế; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, phương án giao đất của ngành chức năng chưa đáp ứng tình hình thực tế. Việc xử lý vi phạm của chính quyền cấp xã đối với việc lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép còn thiếu kiên quyết; lực lượng kiểm lâm quá mỏng lại thực hiện nhiều nhiệm vụ; đồng thời kinh phí cho việc truy quét lâm tặc còn hạn hẹp không đủ để thực hiện thường xuyên, liên tục…
Đề cập đến việc lập lại trật tự trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiêm Chi cục trường Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định Nguyễn Hiếu Hòa cho biết: ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng sâu rộng trong nhân dân, đồng thời huy động lực lượng đủ mạnh để kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm, đặc biệt là các đối tượng chống đối người thi hành công vụ.
Cũng theo ông Hòa, để công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR đạt hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành kiểm lâm cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng. Thực tế cho thấy, ở những nơi nào chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng và có sự tham gia tích cực của ngành chức năng, hội đoàn thể và người dân ở địa phương thì ở địa bàn đó rất ít xảy ra cháy rừng và khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật trái phép.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành NN và PTNT, Công an, Quân đội… nhanh chóng thực hiện chương trình phối hợp liên ngành về công tác bảo vệ, PCCCR, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm. Tỉnh cũng đã giao cho Sở NN và PTNT cùng chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Các hội, đoàn thể cùng với ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện công tác và PCCCR, không để hội viên mình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác giao khoán rừng cho dân quản lý, bảo vệ, nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng và hướng dẫn dân áp dụng các biện pháp phát triển lâm sản phụ dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập. (Đại Biểu Nhân Dân 21/4) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Văn Chấn (Yên Bái) có tiềm năng rừng lớn. Để phát huy thế mạnh, bảo vệ và phát triển vốn rừng, nâng cao thu nhập, đặc biệt đối với đồng bào vùng cao thời gian qua đã có trên 17.899 ha rừng phòng hộ được huyện bàn giao cho người dân bảo vệ, chăm sóc.
Tuy nhiên, trong tổng số 58 ngàn ha đất rừng sản xuất còn lại, mới có  18.433 ha được giao cho tổ chức, cá nhân và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, như vậy còn 39.699 ha chưa có chủ.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, để công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững,  căn cứ Đề án của tỉnh, Văn Chấn đã xây dựng Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng và đất lâm nghiệp đều có chủ thực sự.
Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, đồng thời thành lập 30 hội đồng giao rừng cấp xã. Song song với đó là tiến hành rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp để xây dựng phương án giao rừng cấp xã cũng như kế hoạch lộ trình cụ thể.
Qua rà soát 24.611 ha rừng tự nhiên ở 23 xã, thị trấn cho thấy: đất lâm nghiệp quy hoạch phòng hộ chuyển sản xuất còn 7.907,6 ha; trong đó đã giao 64,4 ha còn 7.841,2 ha chưa giao, cấp cho tổ chức, cá nhân nào; đất rừng sản xuất do Hạt Kiểm lâm đang giao khoán bảo vệ 16.703 ha đã giao cấp 356,8 ha, chưa giao cấp 16.346 ha.
Đã xây dựng phương án thực hiện điểm tại xã Nghĩa Sơn, đến nay xã đã tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của Đề án; tổ chức nhiều buổi họp để nghe tâm tư, nguyện vọng người dân cũng như giải đáp những khó khăn, thắc mắc.
Đến nay đã thống nhất giao rừng cho cộng đồng thôn quản lý với diện tích trên 52 ha; tiến hành thuê đơn vị tư vấn đo đạc, tính giá trị trị, trữ lượng rừng; người dân cũng đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý..., xây dựng phương án giao rừng và đã thông qua Hội đồng nhân dân xã và trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đối với cho thuê rừng, huyện đã tiến hành rà soát diện tích, xác định trạng thái, trữ lượng rừng tại 3 xã Nậm Búng, Gia Hội, Sùng Đô được 849,5 ha và tiến hành các thủ tục pháp lý bàn giao cho Công ty Nông lâm nghiệp Yên Bái thuê theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Đề án cũng gặp khó khăn dẫn đến tiến độ chậm. Nguyên nhân, do một số diện tích rừng dự kiến giao và cho thuê đã bị dân xâm chiếm để sản xuất nông - lâm nghiệp, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp; chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, thậm chí có ngành, địa phương vào cuộc chưa tích cực; người dân chưa hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích của Đề án nên vẫn thờ ơ, không mặn  mà nhận rừng và đất lâm nghiệp, nhất là đối với diện tích rừng nghèo, xa khu dân cư...
Ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện cho biết: “ Tuy là một lĩnh vực mới, lần đầu thực hiện, song huyện Văn Chấn sẽ nỗ lực cao nhất thực hiện triển khai Đề án một cách hiệu quả. Quan điểm chỉ đạo của huyện là làm đến đâu chắc đến đó, không chủ quan, nóng vội, giải quyết các vấn đề hợp tình hợp lý. Huyện cũng đã kiện toàn các ban chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu và cùng các cơ quan nhà nước thực hiện; phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn chỉnh việc giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, quyết không để xảy ra tình trạng chặt phá, khai thác và để người dân xâm lấn diện tích rừng”.
Rõ ràng việc thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân.
Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng, người dân chưa hiểu rõ được giá trị to lớn của Đề án; các cấp chính quyền có nơi, có chỗ chưa vào cuộc quyết liệt; nhiều diện tích rừng, đất rừng đã bị người dân xâm chiếm; hiện trạng rừng đã thay đổi... nên cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ nội dung của Đề án là để bảo vệ và phát triển rừng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân, Văn Chấn cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: huy động sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và tổ chức hội, đoàn thể;  xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng cấp xã sát thực tế, đồng thời có những biện pháp tháo gỡ khó khăn với phương châm vận dụng linh hoạt vào thực tế ở địa phương trên cơ sở đúng luật; tiếp tục kiểm tra, rà soát và xác định giá trị tài sản trên đất để hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý cho các tổ chức thuê đất…
Từ giải pháp đồng bộ, chắc chắn Văn Chấn sẽ đạt mục tiêu đề ra, rừng thực sự  được bảo vệ và phát triển tốt, là ngành kinh tế mũi nhọn đưa cuộc sống người dân trên địa bàn ngày càng phát triển đi lên. (Yenbai.gov.vn 17/4) đầu trang(
Ban chỉ đạo bảo vệ rừng tỉnh vừa tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2014.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được ông Trần Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thông qua báo cáo tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014; quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; dự thảo quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý rừng, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sau đó, các đại biểu đã tham gia, thảo luận, đóng góp ý kiến và thống nhất trong năm 2014, Ban chỉ đạo và bảo vệ rừng tỉnh cần thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đó là kiện toàn, củng cố về công tác tổ chức để chỉ đạo công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng theo hướng thành lập Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 của tỉnh trên cơ sở sáp nhập Ban chỉ đạo bảo vệ rừng và Ban chỉ đạo thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.
Nhiệm vụ quan trọng nữa là tỉnh cần thực hiện điều chỉnh các quy hoạch, gồm: Quy hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2010-2020, quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2006-2010, quy hoạch trồng cao su trên đất lâm nghiệp và thực hiện tiếp nhận 10% diện tích trồng cao su của các dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp cho quỹ an sinh xã hội của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh cần tăng cường công tác đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, thực hiện nghiêm Nghị định số 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã, chủ rừng, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm.
Được biết, trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 667 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, giảm 87 vụ so với năm 2012. Theo đó, có 665 vụ vi phạm đã được xử lý, trong đó xử lý hành chính 651 vụ, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 4 vụ. Đáng chú ý trong năm 2013, tại tiểu khu 215 lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, địa giới chính thuộc ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh đã xảy ra 1 vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo vệ rừng. (Sở KH&ĐT Bình Phước 18/4) đầu trang(
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại gỗ (FLEGT) từ tháng 11/2010. Dự kiến, đến tháng 10/2014, hai bên sẽ kết thúc đàm phán, tiến hành các thủ tục phê chuẩn và ký hiệp định.
Dù vẫn còn tỏ ra quan ngại việc ký VPA/FLEGT có thể gây thêm khó khăn và các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đây là một lựa chọn tất yếu nếu các doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm gỗ thâm nhập thị trường EU.
Năm 2003, EU chính thức ban hành Kế hoạch hành động FLEGT với mục tiêu cấm buôn bán gỗ bất hợp pháp vào thị trường này, nhà nhập khẩu gỗ vào EU phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, đảm bảo gỗ được khai thác tuân thủ quy định luật pháp hiện hành của quốc gia khai thác gỗ. Để đảm bảo gỗ được đưa vào EU một cách hợp pháp, các quốc gia phải tiến hành đàm phán VPA và giấy phép FLEGT chỉ được cấp bởi các quốc gia đã kết thúc đàm phán VPA với EU. Sản phẩm được cấp phép FLEGT và CITES được coi là gỗ khai thác hợp pháp, không phải làm trách nhiệm giải trình khi vào EU.
Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn, mục đích của việc đàm phán VPA là hai bên đạt được một thỏa thuận hợp tác đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU có nguồn gốc hợp pháp thông qua quy trình cấp phép FLEGT của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU, tăng khả năng thích ứng với yêu cầu của thị trường theo Quy chế gỗ của EU (quy chế 995) về trách nhiệm giải trình vừa có hiệu lực từ tháng 3/2013. Thông qua việc đàm phán VPA, Việt Nam đã và đang thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, người dân và của doanh nghiệp chế biến gỗ trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ hợp pháp trên toàn cầu”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, Cơ quan quản lý CITES dự kiến sẽ là cơ quan cấp phép FLEGT tại Việt Nam, giấy phép FLEGT sẽ được cấp nếu không có phần không tuân thủ và căn cứ kết quả xác minh, được thực hiện trên cơ sở phân loại doanh nghiệp. FLEGT sẽ được cấp cho từng chuyến hàng xuất khẩu, sẽ chỉ có 1 giấy phép FLEGT bản gốc đi cùng với lô hàng xuất khẩu, cơ quan cấp phép sẽ gửi bản copy giấy phép cho cơ quan có thẩm quyền của EU. Giấy phép FLEGT cho phép các doanh nghiệp tự do tiếp cận với thị trường EU.
Theo bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp), dù là 1 trong 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong năm qua (năm 2013, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 5,5 tỷ USD) nhưng ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Hiện, cả nước có khoảng 3.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, sử dụng khoảng 300.000 lao động nhưng phần lớn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh còn kém do thiếu tính liên kết, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (lên đến 40 – 50%). Giá trị gia tăng của mặt hàng gỗ còn thấp, chủ yếu xuất qua trung gian do chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu.
Đến nay, chưa có một thương hiệu nào mang tên gỗ Việt trên thị trường thế giới. Đó là chưa kể việc thị trường quốc tế đưa ra những quy định ngặt nghèo về nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp không nên quá lo ngại trước việc thực hiện VPA bởi đây cũng là cách các đơn vị đổi mới hoạt động theo hướng minh bạch, thông suốt từ khâu nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu sản phẩm.
Trước những băn khoăn của một số tổ chức, doanh nghiệp về năng lực cấp giấy phép của CITES khi phải tiếp nhận một số lượng lớn đơn xin cấp giấy phép, việc này có làm tăng chí phí, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, định nghĩa gỗ hợp pháp là một bộ phận quan trọng của Hệ thống xác minh gỗ hợp pháp, đây là vấn đề phức tạp cả về mặt quản lý lẫn kỹ thuật liên quan đến nhiều khâu trong chuỗi cung ứng và chu trình sản xuất chế biến gỗ. Để tránh cho các lô hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU không phải khai báo nguồn gốc gỗ, Chính phủ cam kết thiết lập và vận hành được hệ thống kiểm soát, xác minh và cấp phép FLEGT một cách hiệu quả và tin cậy.
“Trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp hoàn toàn có quyền lựa chọn giữa trách nhiệm giải trình hoặc xin giấy phép nhưng tôi xin chắc chắn, làm thủ tục giải trình sẽ mất nhiều thời gian và độ rủi ro cao hơn. Sẽ không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp vì Chính phủ cam kết không thu phí việc cấp giấy phép. Hiện, cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào phàn nàn về việc cấp phép của cơ quan CITES và quy trình cấp phép hiện nay của cơ quan này là 7 ngày nên các doanh nghiệp không ngại việc chậm trễ có thể ảnh hưởng đến quá trình giao hàng”, ông Tuấn nói.
Trong bối cảnh các quốc gia nhập khẩu liên tục dựng lên những “hàng rào kỹ thuật” thì việc các doanh nghiệp dần chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tuân thủ luật pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm sẽ là một trong những bí quyết dẫn đến thành công. (Kinh Tế Nông Thôn 18/4) đầu trang(
Các địa phương trong giai đoạn 2014-2015 tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng, phê duyệt mới các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển tại địa phương gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) thẩm định trước khi phê duyệt, thực hiện.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 tại Thông báo160/TB-VPCP.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các địa phương đặc biệt ưu tiên trồng các đai rừng phòng hộ xung yếu trước đê biển; kết hợp chặt chẽ giữa việc trồng mới, phục hồi rừng với bảo vệ diện tích rừng hiện có.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối ở Trung ương, thực hiện quản lý nhà nước về trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng ven biển trên phạm vi cả nước, trong đó có các dự án trồng rừng ven biển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển; xây dựng và thực hiện các dự án trồng rừng ven biển theo quy định.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Qui hoạch tổng thể rừng phòng hộ ven biển toàn quốc đến năm 2020; ban hành Quyết định về một số cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các Dự án (hoặc hạng mục) trồng rừng ven biển vào danh mục các Dự án ưu tiên đầu tư để tập trung nguồn vốn, đầu tư cấp bách trong Chương trình hỗ trợ ứng phó với Biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo tổng hợp chung của Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, công tác bảo vệ, phát triển rừng trong quý I/2014 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số vụ vi phạm về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản giảm từ 40-80% so với cùng kỳ. Nhờ công tác phân giao kế hoạch sớm, các địa phương chuẩn bị được 247 triệu cây giống, tăng 65%, trồng 9 triệu cây phân tán, tăng 69%, có 12 tỉnh trọng điểm triển khai trồng hơn 11.000 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2013.
Công tác khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản cũng đạt cao với gần 2 triệu m3 rừng trồng, tăng 31%, xuất khẩu lâm sản tăng 11%. Việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng được 206 tỷ đồng, giải ngân cho chủ rừng 1.045 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 đến nay. (Chính Phủ 18/4) đầu trang(
11/4, Ban chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng huyện Cẩm Thủy (BCĐ huyện) đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng Quý I, triển khai nhiệm vụ Quý II năm 2014.
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có ông Nguyễn Xuân Cẩm - Phó Chủ tịch HĐND huyện; đ/c Hà Văn Vinh - Phó chủ tịch UBND huyện; các thành viên Ban Chỉ đạo về Kế hoạch BV&PTR huyện; Thủ trưởng các cơ quan Công an, Ban chỉ huy Quân sự huyện, Kiểm lâm; Trưởng các phòng ban UBND huyện; các tổ chức đoàn thể Mặt trận Tổ quốc huyện, Đoàn Thanh niên.
Tại hội nghị, Trưởng BCĐ huyện đã thông qua nội dung báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch BV&PTR trong quý I năm 2014, đồng thời phân tích những tồn tại hạn chế và phân các nguyên nhân để rút kinh nghiệm và triển khai nhiệm vụ Quý II năm 2014.
Kết quả nổi bật của Quý I năm 2014 là Ban chỉ đạo huyện đã rà soát và kiện toàn lại các thành viên tham gia BCĐ, xây dựng bổ sung quý chế và thông báo phân công nhiệm, địa bàn phụ trách cho từng thành viên. BCĐ huyện cũng đã chỉ đạo, đôn đốc các UBND xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát kiện toàn các các BCĐ xã, kiểm tra, rà soát bổ sung lực lượng, phương tiện, hậu cần sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng năm 2014. Tổ chức kiểm tra đôn đốc công tác PCCCR năm 2014 tại 20/20 xã Thị trấn trên địa bàn huyện.
Nhìn chung công tác chỉ đạo điều hành của BCĐ huyện trong Quý I năm 2014 đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả, nhờ đó an ninh rừng trong 3 tháng đầu năm cơ bản ổn định, không có cháy rừng xảy ra, không có tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép trên địa bàn huyện.
Nhiệm vụ cơ bản của Quý II năm 2014, BCĐ huyện tập trung vào 5 vấn đề lớn gồm:
1. Chỉ đạo quyết liệt các BCĐ xã giúp cho UBND xã tăng cường công tác tuyên truyền PCCCR đặc biệt thường xuyên rà soát kiện toàn các tổ đội CCR, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện, hậu cần sẵn sàng cơ động tham gia chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra.
2. Chỉ đạo UBND các xã Thị trấn đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch BV&PTR giai đoạn 2013-2020 và Kế hoạch BV&PTR giai đoạn 2013-2015.
3. Đẩy mạnh công tác trồng rừng dự án 147 và trồng cây nhân dân.
4. Tập trung chỉ đạo việc thực hiện Phương án 193/PA-UBND ngày 12/4/2013 về quản lý sử dụng đất lâm nghiệp.
5. Giao Hạt kiểm lâm chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp xây dựng mô hình điểm thử nghiệm trồng quế thâm canh trên địa bàn huyện. (Kiểm Lâm Thanh Hóa 17/4) đầu trang(
Nhà nước đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, đối với các vườn quốc gia, công tác này hiện còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế xử lý hành chính. Tại một số văn bản, chế tài xử lý còn vướng do chưa có quy định cụ thể, như việc xác định chất lượng lâm sản, định giá theo thị trường.
Hiện nay, tại Hải Phòng, trung tâm đấu giá của địa phương không thẩm định được giá thị trường đối với lâm sản ngoài gỗ, cho nên lực lượng kiểm lâm không có căn cứ xử phạt vi phạm hành chính. Thực tế tại Vườn quốc gia Cát Bà vẫn còn diễn ra tình trạng khai thác thực vật làm thuốc, làm cây cảnh; săn bắn, bẫy, bắt các loài động vật hoang dã; nguy cơ cháy rừng rất cao vì khó khăn trong quản lý mà một phần vướng mắc là do cơ chế áp dụng.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, đề nghị huyện Cát Hải thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển nuôi trồng thủy sản trên vùng biển Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, di dời bè nuôi trồng thủy sản về các điểm quy hoạch theo quy định. Đề xuất UBND TP Hải Phòng quy định giá lâm sản, động vật rừng để xử lý tang vật vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Bên cạnh đó, Trung ương sớm cấp kinh phí hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm để đồng quản lý rừng đặc dụng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020; các cơ quan hữu quan thống nhất chung về chính sách, đầu tư cho các khu bảo tồn thiên nhiên và các vườn quốc gia thuộc Trung ương và địa phương quản lý. (Nhân Dân 19/4) đầu trang(
Sau khi thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện và tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng, thương mại gỗ), kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu có thể đạt mức trên 1 tỷ USD/năm.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tại Hội thảo tham vấn quốc gia về Hiệp định VPA/FLEGT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với đại diện EU tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU hiện vẫn không lớn. Cụ thể, năm 2010 chỉ đạt khoảng 626,8 triệu USD; năm 2011 giảm xuống chỉ còn 594,1%; năm 2012 cũng chỉ đạt khoảng 634,6 triệu USD và chỉ chiếm khoảng 15% so với tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU khó đạt mức cao là bởi thị trường này có rất nhiều quy định chặt chẽ về nguồn gốc sản phẩm, cũng như chất lượng.
"Do đó, để mở rộng đường tiến vào các thị trường lớn như EU, doanh nghiệp phải quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đồng thời phải chấp hành tốt các quy định pháp luật và đảm bảo hồ sơ xuất khẩu hợp lệ cũng như đánh giá cấp chứng chỉ hệ thống quản trị như: ISO, SA, CoC… và phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế," ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Hà Công Tuấn cho biết, mục đích của việc đàm phán Hiệp định VPA là để hai bên đạt được một thỏa thuận hợp tác đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU có nguồn gốc hợp pháp thông qua quy trình cấp phép FLEGT của Việt Nam.
Hiệp định VPA cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU và tăng khả năng thích ứng với yêu cầu thay đổi của thị trường EU.
"Thông qua việc đàm phán Hiệp định VPA, Việt Nam đã và đang thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, người dân và các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp trên toàn cầu,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Tham dự hội thảo, Tiến sỹ Franz Jessen, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn EU tại Việt khẳng định EU tin rằng thành công của đàm phán VPA giữa EU và Việt Nam sẽ góp phần tăng cường quá trình cải cách thể chế trong lĩnh vực lâm nghiệp, thực thi pháp luật và nâng cao hình ảnh quốc gia cũng như thương hiệu của ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam. (Vietnam+ 18/4) đầu trang(
18-4, Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, đã có thông báo thu hồi thông báo 182/TB-VQG của ông Hoàng Hải Vân, Phó giám đốc ký ngày 7-4-2014.
Theo đó, ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc VQG PNKB ký văn bản số 226/VQG ra thông báo thu hồi thông báo số 182/TB-VQG của Ban quản lý VQG PNKB. Thông báo thu hồi có nội dung: “Ngày 7-4-2014 Ban quản lý VQG PNKB có ban hành thông báo số 182/TB-VQG về việc thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với hoạt động du lịch trong VQG PNKB. Do thông báo nói trên có một số nội dung chưa phù hợp với chủ trương thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của BQL VQG PNKB đã bàn và thống nhất trước đó, dễ gây hiểu nhầm trong quá trình thực hiện; mặt khác có sự mâu thuẫn về thời điểm ban hành thông báo (ngày 7-4-2014) và thời gian thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (ngày 1-2-2014), vì vậy BQL VQG PNKB thu hồi thông báo số 182/TB-VQG ngày 7-4-2014. Việc thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với hoạt động du lịch trong VQG PNKB được tiếp dụng theo thông báo số 21/TB-VQG ngày 14-1-2014”.
Theo văn bản số 21 thì mức chi trả là 40.000 đồng mỗi lượt. Đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong VQG PNKB; thực hiện chi trả qua hợp đồng thỏa thuận. Đối với các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu tham quan VQG PNKB thực hiện chi trả trực tiếp tại các trạm kiểm lâm số 6 đường 20-Quyết Thắng, Trạm kiểm lâm U Bò, Trộ Mợơng trên đường Hồ Chí Minh. (Sài Gòn Giải Phóng 18/4) đầu trang(
Vừa qua tại TP Huế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh TT-Huế) và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng TT-Huế đã phối hợp tổ chức hội thảo “Thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng – PFES”.
Theo đó, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế triển khai PFES ở các địa phương và nhất trí thông qua bản thông điệp chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Khoa Học & Đời Sống 21/4) đầu trang(
Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn cho biết đang thực hiện điều tra, khảo sát để xây dựng Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực các thủy điện Hà Nang, Sông Riềng, Cà Đú, Nước Trong, Đakđring, Bình Định, thuộc các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Tây Trà, Trà Bồng và Ba Tơ.
Sáu lưu vực trên có tổng diện tích khoảng 32.810 ha, trong đó lưu vực thủy điện Hà Nang: 8.864 ha, Sông Riềng: 5.188 ha, Cà Đú: 5.364 ha, Nước Trong: 6.188 ha, Đakđring: 4.650 ha và lưu vực thủy điện Bình Định: 1.531 ha. Việc xây dựng các đề án này là cơ sở để các đơn vị liên quan thực hiện thu, chi dịch vụ môi trường rừng hàng năm theo quy định. (Quangngai.gov.vn 18/4) đầu trang(
Tưng bừng Ngày hội trồng rừng Honda lần thứ hai tại Bắc Kạn
Honda Việt Nam đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn tổ chức “Ngày hội trồng rừng” năm thứ 2 tại xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn.
Tiếp nối thành công của dự án Trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch (AR-CDM) tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2003-2011, Honda Việt Nam tiếp tục phối hợp với Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Kạn triển khai dự án Trồng rừng sản xuất từ năm 2013. Đây là dự án có sự tư vấn của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.
Thời gian của dự án là 8 năm, trong đó 4 năm đầu tiên (từ 2013 -2016), dự án tiến hành trồng rừng phủ xanh 490 ha rừng sản xuất tại 2 xã Nông Thượng và Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn. Trong 4 năm tiếp theo, dự án sẽ bước vào giai đoạn chăm sóc, tỉa thưa và bảo vệ cây trồng. Việc khai thác sẽ bắt đầu từ năm 2020. (VnMedia 21/4) đầu trang(
Nhận được đơn thư kêu cứu của chủ sở hữu 300 ha rừng trồng về việc có kẻ lừa bán rừng của doanh nghiệp cho nhiều người, lãnh đạo huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã không ngăn các nhóm khai thác trái phép, lại còn buộc chủ rừng ngưng hoạt động.
Cty Cổ phần Trồng rừng Trường Thành (Cty TRTT) là 1 trong 14 Cty con trực thuộc Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, 1 trong top 5 DN tư nhân hàng đầu VN về đầu tư rừng trồng và chế biến gỗ xuất khẩu, do ông Võ Trường Thành làm Tổng giám đốc. Ông Võ Minh Quang làm giám đốc Cty TRTT.
Cuối tháng 2/2014, sau khi hoàn tất mọi thủ tục xin thu hoạch 233,5ha rừng trồng quá tuổi của Cty TRTT tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, ông Quang tổ chức khai thác được nửa, thì phát hiện có nhóm người lạ mặt lén mở đường qua vườn cà phê của dân, khai thác trái phép rừng của Cty, đã chất gỗ lên xe tải chuẩn bị chở đi.
Cán bộ nhân viên của Cty TRTT chặn xe gỗ lại, hỏi ra mới biết chủ nhóm là ông Đặng Ngọc Quý, có hợp đồng mua và khai thác gỗ rừng này từ ông Phạm Hoài Nam, Giám đốc Cty TNHH DV&TM Tân Phát (Cty Tân Phát).
Dù được phía TRTT cho xem hồ sơ chứng minh đây là tài sản hợp pháp của TRTT, thế nhưng sau khi đoàn kiểm tra liên ngành đến lập biên bản hiện trường theo đơn kêu cứu của Cty TRTT, công an huyện lập tức trả lại toàn bộ tang vật khai thác trái phép cho ông Quý. Ông Quang đến hỏi công an huyện, liền được trả lời là làm theo chỉ đạo của ông Võ Văn Đủ - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông (?).
Công an huyện lấy lý do có sự tranh chấp về quyền sở hữu rừng để buộc Cty TRTT phải ngưng khai thác. Còn phía Tân Phát tiếp tục bán rừng cho những người khác, tăng cường lực lượng vào rừng mà không cần giấy phép.
Không chỉ mạnh miệng tuyên bố nhiều nơi là được ông Đủ bảo kê, mà ngay trong những cuộc họp tại các cơ quan chức năng huyện, ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Phó giám đốc Cty Tân Phát, con trai ông Phạm Hoài Nam luôn khẳng định không sợ gì vì đã có ông Đủ (!). Thậm chí công an chặn xe gỗ của TRTT để kiểm tra hồ sơ tải trọng nhưng dứt khoát không cung cấp biên bản cho TRTT, mà lại đưa cho ông Nguyên Anh!
Đỉnh điểm của những diễn biến kỳ lạ này, khoảng 15 h ngày 15/4, giữa đám rừng trồng đang bị khai thác trái phép ở xã Quảng Khê, trước sự chứng kiến của 5 phóng viên các báo đài khác nhau, hơn hai mươi thanh niên xăm trổ hung tợn vác theo cả bao mã tấu đã bao vây, chửi bới thô tục, đe dọa “xử cả con cái mày” rồi xông vào đánh ông Quang và nhân viên Cty TRTT. Nhiều cán bộ công an, kiểm lâm chỉ … đứng nhìn.
Ông Võ Trường Thành biết tin đề nghị lãnh đạo tỉnh Đắk Nông can thiệp. Sau đó ông Đỗ Ngọc Trai - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện đến yêu cầu tất cả các bên về UBND huyện để họp. Nội dung biên bản ghi theo lời chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Nam Thuần, là buộc cả 2 Cty ngưng khai thác, giữ nguyên hiện trường để “giải quyết các tranh chấp”.
Dự họp ngoài các phóng viên còn có 7 cán bộ của UBND huyện, Công an, Kiểm lâm nhưng cuối biên bản, chỉ có thư ký ghi biên bản ký tên cùng đại diện 2 Cty.
Ngay hôm sau, Cty TRTT gửi đơn tố cáo ông Võ Văn Đủ-Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đến báo Tiền Phong cùng nhiều cơ quan khác.
Sáng ngày 17/4, trả lời đại diện báo Tiền Phong qua điện thoại, ông Trần Quốc Huy Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông cho biết ông đã đọc đơn Cty TRTT tố cáo Thiếu tướng Võ Văn Đủ, và đã yêu cầu lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông sớm trả lời công khai, làm rõ vụ việc, yêu cầu xử lý nghiêm, đúng pháp luật mọi vấn đề liên quan.
Liên quan đến lá đơn tố cáo, báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Võ Văn Đủ. Theo Thiếu tướng Đủ, ông chưa biết rừng đó của ai. Ông không bao che dung túng ai cả, chỉ nói lãnh đạo huyện buộc cả 2 phía ngưng khai thác để làm rõ đúng - sai.
Ông chưa từng gặp ông Trường Thành, không biết ông Trường Thành là ai! Vì ông Phạm Hoài Nam đã nhiều lần đưa đơn kêu cứu nên ông có chỉ đạo công an huyện buộc phải ngưng để làm rõ! Về việc người của Cty Tân Phát hành hung ông Võ Minh Quang và nhân viên ông Quang, ông đã hỏi nhưng được báo cáo không có việc đó!
Về văn bản Đại tá Lếp đã ký xác nhận cánh rừng này là tài sản hợp pháp của Cty CP TRTT, ông Võ Văn Đủ chưa biết, chưa đọc...(Tiền Phong 21/4)
Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đang tổ chức thu tiền 40.000 - 80.000 đồng/người/lần vào địa phận của đơn vị này, với giải thích “thu phí dịch vụ môi trường rừng”. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, đây là việc làm tự ý và số tiền thu gấp 20 lần quy định của Chính phủ.
Ngày 7/4, ông Hoàng Hải Vân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, ra văn bản số 182 “V/v thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với hoạt động du lịch trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”, theo đó, có 5 tuyến đường vào vườn bị chặn lại để thu phí.
Tuyến đường vào thắp hương ở hang Tám Cô và đền Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20 - Quyết Thắng cũng nằm trong diện thu phí với mức 40.000 đồng.
Theo ông Vân, cơ sở để thu phí nói trên là theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP “Về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”. Theo đó, các đơn vị kinh doanh du lịch trong địa phận của vườn sẽ được thu phí theo doanh thu hằng năm. Còn văn bản số 182 áp dụng cho công ty lữ hành và khách lẻ vào vườn tham quan.
Tuy nhiên, Nghị định 99 quy định: “Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tính bằng 1% đến 2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ”. Như vậy, nếu so sánh với giá vé vào động Thiên Đường là 200.000 đồng, thì mỗi người phải trả 2.000 - 4.000 đồng/lần tham quan. Mức thu 80.000 đồng theo quy định của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã vượt 20 lần theo quy định của Chính phủ.
Ông Vân cho rằng, mức thu như vậy là theo thỏa thuận giữa vườn và các công ty lữ hành. Tuy nhiên, Nghị định 99 nêu rõ: Được phép thỏa thuận nhưng không trái với quy định của nghị định này. Như vậy, việc thỏa thuận chỉ ở mức 1% hoặc 2% chứ không thể vượt quá. Một điều lạ nữa là, văn bản của ông Vân ký ngày 7/4, nhưng lại bắt thực hiện từ 1/2.
Để thực hiện việc thu phí môi trường rừng, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lập các chốt barie ngay trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua vườn và giao cho kiểm lâm thu phí. Việc này, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định là sai với các quy định hiện hành. Nhiều du khách phản ánh, họ gặp phiền toái khi đi qua các trạm kiểm soát thu phí của vườn này. Thậm chí, nếu là khách lẻ, họ phải trả hai lần phí: Một ở trạm kiểm soát, hai là trong giá vé tham quan của doanh nghiệp kinh doanh du lịch đưa ra.
Theo Nghị định 99, việc thu phí môi trường rừng được quy định rất chặt chẽ, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải là trưởng ban chỉ đạo. Các sở như Sở NN&PTNT, TN&MT… có vai trò rất lớn trong việc quyết định thu phí. Tuy nhiên, khi được hỏi đến chủ trương thu phí của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, lãnh đạo các ngành này đều nói rằng không biết, tỉnh chưa thành lập ban bệ và chưa có chủ trương. (Tiền Phong 21/4)đầu trang(./.
Biên tập: Hương Giang