Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 22 tháng 03 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Hạt kiểm lâm (KL) liên huyện Tuy Phước – TP. Quy Nhơn vừa triển khai kế họach bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng (BVR&PCCCR) trên địa bàn trong mùa khô năm 2017.
Theo đó, Hạt KL đã kiện tòan Ban chỉ huy BVR&PCCCR các cấp để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCCCR ở các xã-thị trấn trên địa bàn. Tiến hành xác định khoanh vùng các vùng trọng điểm dễ cháy để có cơ sở chủ động trong việc huy động, tập trung lực lượng, phương tiện, dụng cụ và xây dựng các công trình cũng như bản đồ PCCCR...
Bên cạnh đó, mua sắm bổ sung các trang thiết bị, công cụ  PCCCR cho các tổ, đội PCCCR ở cơ sở. Đồng thời, sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, kỷ thuật PCCCR cho các tổ, các đội PCCCR ở các địa phương và cho các chủ Rừng. Đặc biệt, thành lập các tổ cơ động thường xuyên tuần tra, canh gác, theo giỏi phát hiện lửa rừng 24/24  giờ để kịp thời cứu chữa khi có cháy rừng xảy ra…
Đây là những việc làm thiết thực của Hạt KL liên huyện Tuy Phước – TP. Quy Nhơn nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có cháy rừng xảy ra nhất là trong mùa khô. Đồng thời, góp phần bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học bền vững . (Báo Bình Định 20/3, Xuân Vinh)đầu trang(
Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền tại tỉnh Quảng Trị quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.
Diện tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng; việc sắp xếp lại ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn; công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Đặc biệt, thông qua việc giao rừng cho dân quản lý đã thực sự đem lại động lực lớn cho dân trong việc chăm sóc, bảo vệ để phát triển rừng.
Toàn huyện Hướng Hóa có hơn 92.500 ha đất lâm nghiệp với 43.082 ha rừng tự nhiên, hơn 6.000 ha rừng trồng, được phân bổ chủ yếu ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa như Hướng Lập, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Ba Tầng, Hướng Việt, Húc, Hướng Lộc… Cư dân sinh sống chủ yếu ở đây là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.
Những năm qua, kinh tế rừng đã thực sự mang lại nguồn lợi kinh tế quan trọng, giúp cho người dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh ta nói chung và  Hướng Hoá nói riêng không chỉ là xoá đói giảm nghèo mà còn vươn lên làn giàu trên chính quê hương mình.
Cùng với phát triển kinh tế, mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc cũng được xác định là nhiệm vụ lớn. Chính vì thế, sự cần thiết để bảo đảm tất cả các giá trị của rừng trong những năm qua đã  huyện Hướng Hoá đã tập trung triển khai các giải pháp thiết thực nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả chăm sóc và bảo vệ rừng.
Việc giao đất giao rừng cho nhân dân quản lý đã thực sự tạo bước chuyển biến mới trong công tác này. Người dân ý thức hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là bảo vệ cháy rừng vào mùa khô nắng hoặc là bảo vệ lâm tặc chặt phá rừng.
Từ khi có chủ trương của Nhà nước về việc giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý, người dân đã được tập huấn về kỹ thuật trồng rừng. Qua đó người dân vừa bảo vệ được môi trường sinh thái vừa được hưởng lợi từ tài nguyên rừng.
Cũng chính vì  ý nghĩa đó mà hạt kiểm lâm huyện Đakrông cũng đã dựa vào dân, sức dân để bảo vệ rừng. Ông Tống Phước Châu, hạt trưởng hạt kiểm lâm Đakrông  cho rằng: “ với mục tiêu rừng phải có chủ thực sự, đồng thời rừng đó phải được bảo vệ tốt, để cho nhân dân sống gần rừng hưởng được lợi một cách thực sự, chúng tôi cho rằng việc giao rừng cho dân quản lý được xem là giải pháp quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo vệ rừng, vừa gắn được lợi ích của rừng đối với dân.”
Đến nay, đa số diện tích rừng giao cho cộng đồng dân cư trên địa bàn các huyện  Đakrông,  Hướng Hoá quản lý đều thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để nắm bắt tình hình cơ sở, xây dựng kế hoạch một cách sát thực và hiệu quả đối với từng địa phương, Hạt kiểm lâm các huyện đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp như: thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến tận người dân về mục đích ý nghĩa của việc giao đất giao rừng, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra giám sát việc trồng và bảo vệ rừng ở cơ sở,  giao đất giao rừng cho các hộ dân trong vùng dự án quản lý, tuyên truyền vận động rộng rãi trong nhân dân về lợi ích của việc phát triển rừng, đồng thời tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rừng cho nhân dân.
Những bước chuyển biến đáng kế từ công tác giao đất giao rừng đã góp phần quan trọng vào mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc của 2 huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông. Những kết quả khả quan này đang mở ra bước phát triển mới cho công tác phát triển rừng trên địa bàn.
Điều quan trong hơn là đến nay, nhận thấy lợi ích của việc phát triển rừng không những bảo vệ môi trường sinh thái mà còn đem lại lợi ích kinh tế, xoá đói giảm nghèo, người dân đã từ bỏ tập tục lạc hậu đốt rừng làm rẫy, hăng hái tham gia nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo sự thống nhất cao trong cộng đồng về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia các dự án bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng. (Đài PTTH Quảng Trị 21/3, Việt Anh)đầu trang(
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, ngày 21.3, Công an H.Ngọc Hiển (Cà Mau) đã ra quyết định khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ” trong vụ vây bắt lâm tặc, 1 cán bộ quản lý rừng bị thương.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 12 giờ ngày 7.3, Danh Dương (27 tuổi), Lê Văn Lên, Lê Thái Ngọc (con của Lên), Lê Quốc Báo, Lê Âu Vân (vợ Báo), Trần Văn Thạnh, Nguyễn Văn Tâm (21 tuổi) và 1 người chưa xác định được tên đi trên 5 phương tiện võ máy đến tiểu khu 141, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 (có trụ sở ở xã Tam Giang Đông, H. Năm Căn) chặt cây rừng.
Tất cả cưa được 6 cây đước, rồi cắt ra làm nhiều khúc, mang xuống phương tiện võ máy để chạy về Chợ Thủ B (xã Tam Giang Tây, H.Ngọc Hiển). Tuy nhiên, khi chạy đến cửa Bồ Đề (xã Tam Giang Đông, H.Năm Căn) thì phát hiện võ máy của tổ tuần tra bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 đang đi tuần tra, nhóm người trên tăng ga bỏ chạy.
Tổ tuần tra ra hiệu dừng nhưng 5 phương tiện trên vẫn bỏ chạy. Tổ tuần tra đuổi theo đến khu vực cách vàm Xẻo Ngang khoảng 200 m (thuộc ấp Chợ Thủ B) thì Dương và Tâm điều khiển võ máy quay ngược lại, đâm vào phương tiện của tổ tuần tra, khiến anh Hồng Văn Minh đang điều khiển phương tiện bị thương.
Làm việc với cơ quan điều tra Dương, Lên, Thạnh thừa nhận hành vi của mình. Hiện Tâm và Dương đã đi khỏi địa phương. (Thanh Niên 21/3, Gia Bách)đầu trang(
Cụ thể hóa quy chế của Tỉnh ủy và quyết định của UBND tỉnh về công tác luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong năm 2017 ngành kiểm lâm kiên quyết thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức nhằm tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ngay từ đầu năm 2017, Chi cục Kiểm lâm đã ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức. Theo đó, từ ngày 1.3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác đợt 1 đối với 27 công chức, viên chức.
Đây là đợt chuyển đổi vị trí công tác nhiều nhất từ trước đến nay, nhằm bố trí, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức kiểm lâm hợp lý, đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời tạo điều kiện cho công chức, viên chức được bồi dưỡng, rèn luyện trong thực tế, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tích lũy được kinh nghiệm trong quá trình công tác.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Hân cho biết, công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong ngành kiểm lâm trước đây có thực hiện, nhưng chưa đồng bộ, nên một số công chức, viên chức kiểm lâm có phần chủ quan, bằng lòng với công việc, ngại va chạm, ngại đi rừng, thiếu cương quyết trong việc tham mưu xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, dẫn đến một số nơi rừng bị chặt phá, bị mất, bị cháy mà kiểm lâm sở tại chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo, quản lý của các phòng, đội và hạt kiểm lâm có thời gian giữ chức vụ tại đơn vị trên 10 năm, theo quy định phải chuyển đổi vị trí công tác.
Để củng cố, kiện toàn đội ngũ kiểm lâm, đồng thời tạo điều kiện cho lực lượng kiểm lâm có môi trường cống hiến, phát huy năng lực bản thân, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bắt đầu từ năm 2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trong ngành với thời hạn 36 tháng. Đây cũng là một trong những giải pháp làm đổi mới phương thức lãnh đạo, tạo đột phá trong công tác cán bộ của ngành kiểm lâm.
Để tạo sự đồng thuận trong lực lượng kiểm lâm, tránh xáo trộn trong tổ chức triển khai chuyển đổi vị trí công tác, Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện một cách công khai, minh bạch và dân chủ thông qua việc lấy ý kiến từ các phòng chuyên môn.
Đồng thời, không gây khó khăn, làm giảm uy tín cho đối tượng được chuyển đổi vị trí công tác; không thực hiện chuyển đổi đối với những trường hợp có sai phạm bị phê bình, kiểm điểm và kết luận không hoàn thành nhiệm vụ năm 2016. "Không chuyển đổi vì họ phải khắc phục được khuyết điểm, hạn chế. Việc chuyển đổi vị trí công tác không chỉ là thay đổi môi trường, mà còn để đào tạo cán bộ.
Trước đây đã thực hiện luân chuyển những trường hợp này, nhưng không hiệu quả vì mất đi tính ổn định và áp lực. Do đó, tiêu chí để lựa chọn phải hoàn thành nhiệm vụ trở lên", ông Hân lý giải.
Năm 2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ có hai đợt chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức. Việc chuyển đổi vị trí công tác trong ngành kiểm lâm đã và đang tạo sự đồng thuận cao trong toàn ngành. Đây cũng là cơ sở để Chi cục Kiểm lâm tỉnh tạo đột phá trong công tác cán bộ, cũng như xây dựng lực lượng kiểm lâm vững vàng về chuyên môn, đủ bản lĩnh để đối mặt với các vụ việc phát sinh trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. (Báo Quảng Ngãi 21/3, Thanh Thuận)đầu trang(
Theo phản ánh của người dân, xã Lục Sơn – Lục Nam – Bắc Giang đang xảy ra nạn chặt, phá rừng, đốt rừng để chiếm đất canh tác. Người dân nơi đây đã nhiều lần kêu cứu nhưng nạn phá rừng vẫn tiếp diễn…
Khi phóng viên đặt chân trên những cánh rừng có địa chỉ tại thôn Bãi Đá – xã Lục Sơn – Huyện Lục Nam thật bất ngờ và đau xót khi những màu xanh mơn mởn của núi đồi đã không còn nữa, mà thay vào đó là cảnh tượng hoang tàn, u ám còn sót lại. Đâu đó ở các dãy núi bên kia vẫn còn tiếng cưa, tiếng chặt vọng lại như muốn nuốt chửng toàn bộ mảnh rừng.
Theo lời kể của anh P. là dân bản địa tại đây cho biết: “Hàng ngày, rất nhiều xe chở gỗ ra khỏi rừng mà không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào xử lý. Trong rừng những cây gỗ to đã được chặt trước đó nhiều tháng, sau đó họ mới chặt và đốt những cây con còn sót lại”. Một điều kỳ lạ là khi phóng viên lên đến đỉnh núi thì ngay lập tức những tiếng cưa máy, chặt phá rừng im bặt lại, chỉ đến khi chúng tôi đi xuống phía dưới thì mọi hoạt động chặt phá rừng lại diễn ra. Anh P. cũng cho biết: “Chúng có nhiều “chim lợn” từ đầu đường đến cuối đường, thấy người lạ cái là rút ngay…”.
Để làm sáng tỏ vấn đề trên, chúng tôi đã liên hệ với nhiều đơn vị liên quan để làm rõ sự việc này. Tại UBND xã Lục Sơn, ông Phạm Văn Thể, chủ tịch UBND xã nói: “Việc phá rừng như trên là hình thức lách luật của Nhà nước. Nhưng do lực lượng quá mỏng nên cũng không thể xử lý triệt để vấn đề…”.
Tiếp tục câu chuyện, chúng tôi đã liên hệ với công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn. Đây cũng chính là đơn vị bị người dân tố đã “thuê người để đốt rừng, để rừng nghèo kiệt thì xin cấp trên chuyển mục đích sử dụng”.
Điều mập mờ và cũng là khó hiểu ở đây là theo chính phía Công ty Mai Sơn đề xuất lên các cơ quan chức năng (ngày 20/7/2016) nói rằng: “Nếu các đối tượng không nhận phát rừng, lấn rừng để trồng cây trồng trái phép trên đất của công ty thì đề nghị UBND huyện ra quyết định công nhận toàn bộ diện tích trồng rừng trái phép này là tài sản thuộc sở hữu công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Mai Sơn”.
Và ngay sau đó vào ngày 03/08/2016, UBND huyện Lục Nam ra công văn số 112/TB- UBND chấp thuận để công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Mai Sơn quản lý nếu trong 30 ngày kể từ khi có thông báo những ai là chủ sở hữu những cây trồng trên đất lấn chiếm trên. Chỉ trong một thời gian rất ngắn mà có đến 2 văn bản “kẻ tung – người hứng” giữa Doanh nghiệp và UBND huyện Lục Nam. Một câu chuyện logic đến lạ thường…
Tiếp đó, phóng viên đã có buổi làm việc với Hạt kiểm lâm Lục Nam. Trước đó, người dân nói về việc đơn vị này buông lỏng quản lý để hàng ngày rất nhiều xe gỗ được “hiên ngang” chở gỗ ra khỏi rừng mà không vấp phải sự cản trở nào từ phía cơ quan chức năng.
Ông Phạm Bằng Giang, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Lục Nam né tránh trách nhiệm bằng cách: “Do lực lượng chỉ có 19 người nên không thể hỗ trợ thường xuyên cho công ty (công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Mai Sơn) chỉ khi nào có điểm nóng thì sẽ tăng cường vào. Còn đâu chúng tôi sẽ giao cho công ty quản lý”.
Ông Giang cũng nói thêm: “Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không có cơ quan nào dám cấp phép cho khai thác rừng tự nhiên, kể cả các hoạt động khai thác rừng. Tỉnh ủy đã ra chỉ thị nghiêm cấm cấp phép cải tạo rừng và các hoạt động khai thác là không được cho phép…”.
Được biết trước đó liên quan đến việc đốt, chặt phá rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ông Dương Xuân Bánh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã thay mặt tập thể lãnh đạo chi cục nhận hình thức nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Nhưng đến nay sự việc vẫn diễn ra bình thường. Để làm sáng tỏ việc rừng hàng ngày vẫn “chảy máu”. Chúng tôi đã làm việc với ông Đặng Văn Nhàn, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam. Vị lãnh đạo này cho biết: “Đã nắm được thông tin trên địa bàn và cũng đã chỉ đạo các đơn vị giải quyết dứt điểm vấn đề trên…”!? Nhưng cho đến nay rừng thì vẫn bị chặt, phá, đốt rừng khiến kiệt quệ tài nguyên.
Khi câu chuyện đến đây chắc hẳn quý độc giả sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi: Phải chăng các cấp chính quyền buông lỏng quản lý, hay tiếp tay cho lâm tặc trong vụ việc này? Phải chăng huyện Lục Nam đang đi ngược lại với chỉ thị của tỉnh Bắc Giang hay có sự bắt tay giữa các cấp chính quyền với Công ty Mai Sơn? (Gia Đình & Pháp Luật 21/3, PV)đầu trang(
Ngày 21-3, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Nông Lê Trọng Yên cho biết: Sở đang hoàn tất báo cáo, hồ sơ để kiến nghị UBND tỉnh Đác Nông chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý đối với Niê SĐiêm, Trạm phó Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (Công ty Đức Hòa), huyện Đác Song về hành vi cố ý hủy hoại lâm sản là tang vật vi phạm đang trong quá trình điều tra, xử lý.
Theo đó, khoảng 13 gờ 20 phút ngày 20-2, một nhóm đối tượng khoảng bảy người cầm dao, rựa kéo đến Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 của Công ty Đức Hòa trong tình trạng say rượu, thái độ hung hăng, dùng lời lẽ khiếm nhã chửi bới, chặt cột mái hiên và đe dọa... buộc cán bộ, nhân viên phải rút về trụ sở công ty để tránh thương vong.
Sau khi các đối tượng trên bỏ đi, cán bộ, nhân viên của công ty trở lại trạm để bảo vệ gỗ tang vật vi phạm thì phát hiện toàn bộ bốn lóng gỗ kiền kiền dạng tròn, nhóm II, đường kính 30cm, dài 4m, với khối lượng 1,13m3 đã bị Niê SĐiêm dùng cưa xăng cắt khúc dạng quy cách gỗ củi thông thường hủy bỏ, đốt cháy sém.
Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Niê SĐiêm tiếp tục dùng cưa xăng cắt hủy chín lóng gỗ tròn đường kính từ 25-38cm, chiều dài 3,3-4,3m, khối lượng 2,447m3 là gỗ tang vật vi phạm đang được Công ty Đức Hòa bảo vệ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1. Hành vi phá hủy gỗ tang vật vi phạm được một số nhân viên bảo vệ tại các chốt phát hiện, ngăn cản nhưng Niê SĐiêm không chấp hành dừng cắt mà cố tình phá hủy toàn bộ.
Số gỗ Niê SĐiêm phá hủy nêu trên là gỗ tang vật vi phạm do các đối tượng khai thác trái phép tại lâm phận của Công ty Đức Hòa, nơi Niê SĐiêm làm Trạm phó Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2.
Khi bị lực lượng liên ngành gồm: Công an huyện Đác Song, Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song và Công ty Đức Hòa phối hợp bắt giữ vào các ngày 14 và 19-2 thì các đối tượng chống đối, cản trở, không hợp tác, tẩu tán tang vật và chạy khỏi hiện trường nên giao cho Công ty Đức Hòa bảo vệ chờ các cơ quan chức năng vận chuyển về để điều tra xử lý các đối tượng liên quan. (Nhân Dân 21/3, Nguyễn Văn Yên)đầu trang(
Từng gốc hương trong khu rừng 2.000 cây ở xã Kriêng, huyện Đức Cơ (Gia Lai), hai ông Nguyễn Hữu Mạnh (SN 1962) và Rơ Mah Kem (1966) thuộc lòng như chỉ tay. Chỉ cần ông Rơ Mah Kem hét lên một tiếng như hổ gầm, lâm tặc bị bà con bủa vây, không đường thoát. Gần 20 năm được hai “mãnh hổ” trấn giữ, khu rừng hương vô giá không mất một cành cây.
Mặc dù đã thông thuộc nhiều khu rừng vùng Tây Nguyên, nhưng khi được mục sở thị, anh H., một kiểm lâm viên kinh ngạc thốt lên: “Tuyệt vời. Hiếm có một quần thể khu rừng hương bạt ngàn và hùng vĩ như thế này”. Cây lớn, cây nhỏ đan xen nhau, tia nắng mặt trời khó lọt. Nhìn từ xa, khu rừng hiện lên xanh thẳm.
Anh Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, kể: “Thuở sơ khai, dân làng bao bọc, được những người “đặc biệt” chăm sóc, khu rừng không mất một cây nào, đó là điều hiếm”.
Thấy tôi hăm hở, anh Lam sốt sắng điều “lính” dẫn nhà báo vào rừng hương. “Ở trong, đã có sẵn hai cán bộ giữ rừng “đặc biệt”. Cứ vào, quan sát và cảm nhận”, anh nói ngắn gọn. Trung tâm thị trấn Chư Ty của huyện lị Đức Cơ vào khu rừng không xa. Con đường mòn trải nhựa, lâu năm, đá dăm đã trốc lên khỏi mặt đường. Chiếc xe nhún nhảy mỗi khi gặp “ổ gà”.
Hai bên đường, những cánh rừng cao su thẳng tắp, trải dài của Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) bao quanh, xanh mướt. Cách khu rừng chừng 1 km, hơn 50 nóc nhà sàn người đồng bào J’rai hiện ra, khói lam chiều lan tỏa như tranh vẽ. Khu rừng được ngôi làng có tên Grôn bao quanh, che chắn.
Muốn vào, muốn ra đều phải qua làng Grôn. Rừng hương mùa này đang thay lá, hàng cây chĩa thẳng lên trời ngạo nghễ. Những tán lá xanh rì rào như vẫy gọi. Trên thân mỗi cây đều có đánh dấu thứ tự, vị trí để kiểm tra. Ẩn sát khu rừng là chốt gác bằng xi măng của hai “mãnh hổ” giữ rừng Nguyễn Hữu Mạnh và Rơ Mah Kem.
Ông Mạnh quê Quảng Bình, năm 1994 cùng vợ con dắt nhau vào Gia Lai lập nghiệp. Ở quê nhà xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, ông cũng tham gia giữ rừng. Cũng chẳng phải biên chế, hay hợp đồng gì với xã. Chỉ vì muốn rừng giữ nguồn nước cho làng, ông hăng hái tình nguyện giữ rừng.
Ai vào phá, chặt gỗ ông Mạnh đều báo cho xã, huyện truy bắt, xử lí. Thấy khu rừng xanh tốt, xã hỗ trợ cho ông mấy tạ lúa coi là trả công. Đến khi vào Gia Lai, thấy khu rừng hương, “sướng” quá, ông Mạnh tha thiết chính quyền cho mình được giữ rừng. Thấm thoắt gần 18 năm, ông ở trong khu rừng này, ăn ở, ngủ cùng rừng.
Ngày đầu tiên vào đây, ông giăng bạt, quây cọc gỗ làm lán. Đêm hôm sấm sét, rắn rết, cây đổ... ông cũng chẳng nản lòng. “Giữ rừng, lương được mấy đồng”, vợ nói. “Bọn nghiện ngập, lâm tặc vô phá, chúng đâm chết đấy”, bạn bè lo lắng. Ông bình thản trả lời: “Đến đâu thì đến. Đã giữ rừng thì chống đến cùng”. Cũng đúng thôi, bây giờ 1m3 gỗ hương giá đã là 70 - 100 triệu đồng, một cây cũng lên đến 20 - 25 m3 gỗ, bạn bè lo, âu cũng không thừa.
Sau 13 năm làm trưởng thôn Grôn, ông Rơ Mah Kem - một người dân tộc J’rai - đã tình nguyện cùng giữ rừng với ông Mạnh. Những năm tháng luồn lách giữa rừng hương, đã tạo cho Rơ Mah Kem làn da đỏ như đồng, thân thể vạm vỡ như con gấu, giọng nói khoẻ, đầy uy lực như chúa sơn lâm.
Ông thuộc từng gốc cây, ngọn lá. Ngày này qua tháng khác, ông Kem và ông Mạnh vạch từng chiếc lá, đi tuần. Ban ngày, cầm rựa phát quang chống cháy, dọn thực bì, đóng biển “rừng cấm”. Nghỉ ngơi trừ lúc ăn cơm. Có đêm, đang ngủ, hai ông cùng bật dậy cầm đèn pin đi kiểm tra chỉ vì nghe tiếng sột soạt nào đó.
“Từ ngày có hai ông trong rừng, không một cây hương nào bị mất. Bóng dáng lâm tặc cũng không”, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Kriêng - Rơ Mah Le nói. Lâm tặc thi thoảng nhòm ngó, liên tục nhắn tin đe dọa “đòi” xin gỗ. Ông Mạnh đáp trả: “Rừng của Nhà nước, đụng vô thì đi tù”. Mà phá sao được, khi muốn vào hoặc vận chuyển gỗ ra là bị làng Grôn vây ráp. Hơn nữa, giữa rừng đã có hai “mãnh hổ” Nguyễn Hữu Mạnh và Rơ Mah Kem trấn ải, tiếng cưa khó lọt qua đôi tai thính. Lâm tặc “mọc cánh” cũng không thoát.
Ông Mạnh nói rằng, khu rừng sơ tính tổng có 2.000 cây hương, 1.200 cây lớn và 800 cây nhỏ. Đường kính cây nhỏ cũng trên dưới 70 cm, cây to 2 - 3 người ôm quần tụ, sinh sống trên diện tích 3,8 ha. Huyện Đức Cơ trích ngân sách xây hẳn cho hai ông một căn chòi bằng xi măng, lợp tôn để ở. Khổ nỗi, chòi không nước, không điện. Tối phải thắp đèn dầu.
Muốn có nước sinh hoạt phải đi xa hơn 1km, đưa về. Trong căn chòi nhỏ các can nước xếp chồng nhau, cạnh đó thùng mì tôm cất kỹ dự trữ. Mấy mảnh ván nhỏ ghép lại làm giường, rất ọp ẹp. “Vũ khí” duy nhất phòng thân là hai chiếc rựa dùng để dọn cỏ. Không phải cán bộ giữ rừng chính quy, nên hai ông không thuộc diện được trang bị vũ khí. Chế độ chỉ là 2 triệu đồng/tháng/người, coi như huyện hỗ trợ.
Mà nói như ông Nguyễn Hữu Mạnh: “Làm giàu chi được từ việc giữ rừng. Yêu rừng thì giữ thôi”. Để tròn vai trụ cột gia đình, giảm gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, hai “mãnh hổ” phải gồng mình làm rẫy, làm nương trồng điều, cao su. Những lúc không đi tuần, hai ông cần mẫn nhặt từng quả hương già, nhân giống chờ đâm chồi. Sống ít, chết nhiều nhưng vẫn cặm cụi với ước nguyện “có cây, rừng sẽ mở rộng diện tích”.
Anh Trịnh Xuân Hữu - kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Kriêng, thốt lên: “Cả tỉnh Gia Lai, không bao giờ có khu rừng thứ hai như thế. Và càng không tìm đâu ra được hai người giữ rừng như anh Mạnh và anh Kem”. Từ thực tiễn bao nhiêu năm lăn lộn với rừng, các kiểm lâm viên đã đúc kết, biện pháp tối ưu để giữ rừng vẫn là tuyên truyền, là dựa vào dân. Huyện Đức Cơ trong mỗi cuộc họp thôn, bản đều cùng hai “mãnh hổ” tuyên truyền lợi ích của rừng. Nhiều lúc phải đến tận từng nhà, gặp trực tiếp khuyên nhủ, răn đe.
Thậm chí, trang bị miễn phí điện thoại cho những hộ có nương rẫy sát bìa rừng, hễ thấy ai tiến vào rừng, là gọi điện báo tin. “Rừng hương giờ được làng Grôn xem là “khu rừng thiêng”, một nhánh củi khô cũng không ai bẻ”, anh Hữu tiết lộ. Càng vững tin hơn, khi “mãnh hổ” Rơ Mah Kem từng là trưởng thôn làng Grôn 13 năm, dân làng đã “thấm nhuần” lời tuyên truyền “giữ rừng là giữ đất, giữ nước”. Nếu rừng bị chặt hạ, chỉ cần một tiếng “gầm” của Kem là dân làng ào ra vây ráp, hỗ trợ để ngăn chặn lâm tặc.
Nhắc đến rừng hương, không nhắc đến Phó bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Kriêng - Rơ Mah Le là một thiếu sót. Chính Rơ Mah Le là người đầu tiên phát hiện khu rừng quý, và đề xuất phải giữ bằng được khu rừng. Làm Chủ tịch xã Kriêng từ năm 1996 - 2015, Le xem rừng như nhà của mình. Một tuần không vào thăm rừng 2 - 3 lần, là không ngủ được.
Mới đây, Rơ Mah Le mạnh dạn đề xuất với chính quyền, căn dặn con cháu nếu ông mất, hãy chôn ông trong khu rừng. Cứ 4h chiều, giờ hành chính, nhưng ông vẫn xin phép cho được nghỉ sớm để vào thăm rừng. Thấy ông yêu rừng quá, mà kiếm được người như ông quả là hiếm, nên huyện xã cũng cảm thông. Hai “mãnh hổ” Nguyễn Hữu Mạnh, Rơ Mah Kem giờ cộng thêm Rơ Mah Le, rừng hương như được giữ ở thế “kiềng ba chân”, mà Gia Lai không nơi nào có được, ngoài Đức Cơ.
Còn tôi, sau khi chia tay hai “mãnh hổ” giữ rừng Nguyễn Hữu Mạnh và Rơ Mah Kem, vẳng lên bên tai, lời tâm sự của đại tá Tăng Năng Ái - Trưởng CA huyện Ia Grai: “Những nơi rừng bị phá, tỉnh Gia Lai đều có xử lý, kỷ luật. Vậy tại sao nơi giữ rừng tốt, lại không khen thưởng để nhân rộng mô hình, khích lệ sự cống hiến”.
Càng đúng hơn khi ngẫm lại lời của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai - Nguyễn Nhĩ: “Tỉnh Kon Tum phải chi 27 tỉ đồng xây tường rào xi măng bao quanh để bảo vệ rừng trắc tại huyện Đắc Hà mà rừng còn bị phá. Trong khi, Gia Lai chủ yếu dựa vào dân lại giữ được rừng hương tại Đức Cơ”. (Lao Động 22/3, Đình Văn)đầu trang(
Rừng thể hiện vai trò rõ ràng và mạnh mẽ không thể thay thế trong cuộc sống của con người. Tuy vậy, bất chấp tất cả lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe, con người đang tàn phá rừng không thương tiếc.
Ngày 21/3 được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày Quốc tế về rừng để kêu gọi các quốc gia nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân có trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng bền vững.
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã công bố một con số đáng quan tâm là mỗi năm 130.000 km2 rừng trên thế giới bị biến mất do nạn phá rừng. Điều này, khiến cho môi trường sống của 2/3 loài trên Trái đất bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị suy giảm và với đà này trong tương lai không xa, chúng ta sẽ phải nói lời chia tay với 100 loài. Bên cạnh đó, việc chuyến đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, đất định cư, thu hoạch gỗ không bền vững, quản lý đất đai không hiệu quả… cũng là những lý do phổ biến nhất cho sự thất thoát rừng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố cho thấy, nạn phá rừng trên quy mô toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức báo động, mỗi năm, thế giới mất tới 13 triệu héc ta rừng, tương đương với diện tích của đất nước Bồ Đào Nha. Diện tích rừng bị mất hàng năm này làm gia tăng 6 tỷ tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính, gấp 3,6 lần lượng khí thải do các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp của Liên minh châu Âu thải vào khí quyển năm 2010 theo Chương trình Tín dụng khí thải của Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu.
Rừng mất làm mất cân bằng nguồn nước, nước ở những nơi có rừng bị tàn phá thường thiếu trầm trọng. Người ta ước tính với nạn phá rừng như hiện nay thì tới năm 2050, có tới hai tỷ người, tức 20% dân số thế giới sẽ bị thiếu nước. Hầu hết số người chịu cảnh thiếu nước này sống tại các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra nguồn thực phẩm cũng có nguy cơ bị đe dọa vì nước dùng để tưới tiêu cũng trở nên khan hiếm.
Mất rừng có nhiều nguyên nhân, song, nguyên nhân lớn nhất là nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Ước tính, giá trị kinh tế của buôn lậu gỗ toàn cầu bao gồm cả quá trình chế biến khoảng 30 đến 100 tỷ USD trong số 327 tỷ USD giá trị chính thức của thương mại gỗ toàn cầu, chiếm 10 - 30%. Bên cạnh những thiệt hại về môi trường, tổn thất về lợi nhuận và thuế từ khai thác gỗ lậu ước tính ít nhất 10 tỷ USD/năm.
Hiện nay, chỉ có 8% diện tích rừng của thế giới được nhận Chứng nhận quản lý bền vững, trong đó, rừng của Nam Mỹ và Châu Âu chiếm tới 90%. Trên thực tế, hoạt động khai thác và buôn lậu gỗ không hề giảm mà chỉ chuyển sang hình thức tinh vi hơn, có tổ chức hơn, núp bóng trá hình dưới các hình thức hợp pháp để né tránh nỗ lực thực thi pháp luật. Giới tội phạm ngày nay đã kết hợp các “mánh” cũ như: đút lót, mua chuộc với những chiêu thức hiện đại sử dụng công nghệ cao.
Trong đó, các phương thức phổ biến nhất là làm giả Giấy phép khai thác, làm giả Chứng chỉ sinh thái, hối lộ để có được giấy phép khai thác, khai thác vượt số lượng cho phép, đột nhập vào trang web của Chính phủ để lấy cắp giấy phép vận chuyển hoặc “rửa gỗ” khai thác lậu thông qua các dự án làm đường, trang trại chăn nuôi, sản xuất dầu cọ, trồng rừng hoặc trà trộn gỗ lậu vào gỗ hợp pháp trong quá trình vận chuyển và chế biến.
Nhiều hoạt động “rửa gỗ” tồn tại được là nhờ nguồn vốn từ Châu Âu và Châu Á rót vào các công ty có dính líu tới hoạt động khai thác và buôn lậu gỗ thông qua các dự án trồng rừng với mục đích duy nhất là “rửa gỗ” bất hợp pháp, biến nó thành ngành thương mại mang lại lợi nhuận cao với nguồn thu gấp 5 - 10 lần buôn bán gỗ hợp pháp.
Câu chuyện quản lý, bảo vệ "lá phổi xanh" ở Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều vấn đề phải suy ngẫm, trong đó, đáng báo động nhất là rừng bị tàn phá bởi chính bàn tay con người. Mặc dù, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực tăng cường thực thi luật pháp, tuy vậy, tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn là vấn đề khá nhức nhối.
Hoạt động buôn bán gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau từ những mạng lưới quy mô lớn và có thế lực câu kết đến những doanh nghiệp nhỏ và tác động đến toàn bộ diện tích rừng trên phạm vi cả nước, kể cả những khu rừng được quy hoạch để bảo vệ. Một số cán bộ kiểm lâm biến chất nhắm mắt làm ngơ cho các hoạt động phạm pháp của người dân địa phương, hơn thế, họ câu kết thông đồng với các đầu nậu gỗ để buôn bán trái phép các loại gỗ rừng vì lợi ích cá nhân.
Số liệu thống kê Bộ NN&PTNT công bố năm 2016 cho thấy, cả nước đã xảy ra 17.763 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó, có liên quan đến rừng. Tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn còn diễn ra phức tạp, hậu quả đã làm mất 1.122 ha rừng.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất từ thiên tai, đặc biệt là mưa bão và lũ lụt. Mưa bão xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng cả về tần suất và sự nguy hại, đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người và sự phát triển của nền kinh tế.
Nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện… làm thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, lũ tập trung nhanh hơn, nạn voi rừng bỏ về buôn làng giết hại con người, phá hoại tài sản...
Các nhà kinh tế thế giới đã chứng minh rằng, nếu không lồng ghép các giá trị của rừng vào kế hoạch chi ngân sách, các quốc gia và các nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Sự bần cùng hóa là tất yếu bởi việc gây tổn hại đến sự sống của rừng, trong khi rừng hỗ trợ cho đời sống hàng ngày của chính con người. (Tài Nguyên & Môi Trường 21/3, Phương Anh)đầu trang(
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa cho biết, đơn vị này vừa ký quyết định số về việc Kiện toàn Ban chỉ đạo dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2”.
Theo đó, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT được bầu làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo dự án; ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT làm Phó Trưởng ban.
Các Ủy viên  Ban chỉ đạo gồm: Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam; ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Ban chỉ đạo Dự án có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, giám sát việc thực hiện Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2” bảo đảm mục tiêu, tiến độ, chất lượng và nguồn lực quy định tại văn kiện Dự án đã được phê duyệt.
Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” (Dự án BCC) nhằm tăng cường hợp tác và quản lý xuyên biên giới các hệ sinh thái rừng giữa các quốc gia trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS).
Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), do Bộ TN&MT làm cơ quan chủ quản và Tổng cục Môi trường là chủ dự án. Thông qua Dự án sẽ có 34 triệu đô được đầu tư cho hành lang bảo tồn đa dạng sinh học vùng Trung Trường Sơn, Việt Nam. Dự án có 4 hợp phần: Tăng cường năng lực thể chế và cộng đồng về quản lý hành lang đa dạng sinh học; Phục hồi hành lang đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái và quản lý bền vững nguồn tài nguyên; Hỗ trợ cải thiện sinh kế và cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ; Quản lý dự án và hoạt động hỗ trợ.
Dự án nhằm thiết lập được hệ thống hành lang đa dạng sinh học tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nhằm phục hồi và duy trì tính liên kết của hệ sinh thái trong khu vực (liên kết khu vực 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia) bảo đảm dịch vụ hệ sinh thái rừng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Trung Trường Sơn, đem lại lợi ích sinh kế cho cộng đồng địa phương nhằm tăng trưởng kinh tế khu vực.
Xây dựng được kế hoạch quản lý và thực thi khung chính sách của trung ương và địa phương, nhằm đạt được tác động lâu dài của dịch vụ hệ sinh thái bền vững và dự kiến thiết lập được các hành lang đa dạng sinh học với các kế hoạch quản lý và đưa vào hoạt động hoàn toàn trong năm 2019. (Đảng Cộng Sản VN 20/3, Bích Liên)đầu trang(
Từ tin báo của quần chúng nhân dân, khoảng 3 giờ sáng 20/3, tại xã Đức Hóa, Công an huyện Tuyên Hoá (tỉnh Quảng Bình) đã tiến hành tổ chức chặn bắt xe ôtô đầu kéo có BKS 73C-039.27 kéo theo rơ-moóc BKS 73R-000.79, qua đó phát hiện gần 20m3 gỗ không có giấy tờ hợp pháp.
Trong quá trình áp giải xe gỗ lậu này về trụ sở Công an huyện Tuyên Hoá để xử lý, dù trên ca-bin xe có chiến sĩ công an ngồi cùng nhưng lái xe Trần Văn Phán (SN 1989, trú tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch) đã bất ngờ, liều lĩnh nâng ben xe để đổ toàn bộ số gỗ nói trên xuống đường ở khu vực nội thị thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa.
Do sáng sớm trên đường chưa có người và phương tiện qua lại nên khối lượng lớn gỗ lậu này đổ ập xuống đường bất ngờ này không gây thiệt hại về người và phương tiện. Tuy nhiên, hành động trên của lái xe Trần Văn Phán đã gây cản trở giao thông và làm hư hỏng một số cột điện thắp sáng của người dân.
Công an huyện Tuyên Hoá đang phối hợp với lực lượng kiểm lâm điều tra làm rõ vụ vận chuyển gỗ lậu với số lượng lớn và xử lý nghiêm hành vi liều lĩnh, manh động của lái xe Trần Văn Phán. (Xây Dựng 20/3, Nhất Linh; Công An Nhân Dân 21/3, Nhất Nam)đầu trang(
Từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, lúc 4 giờ 30 ngày 20/3, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Sông Hinh và Hạt Kiểm lâm Sông Hinh đã truy đuổi, bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ trái phép theo hướng từ thị trấn Hai Riêng về TP Tuy Hòa.
Khi bị lực lượng chức năng bao vây, truy đuổi, đến km 66+700 trên quốc lộ 29, tài xế điều khiển ô tô tải vận chuyển gỗ trái phép ben đổ gỗ để ngăn cản lực lượng chức năng rồi bỏ trốn. Tại hiện trường có 19 hộp gỗ từ nhóm 5 đến nhóm 7, với khối lượng 6,6m3 nằm rải rác.
Hiện toàn bộ số gỗ nói trên đang được tạm giữ tại Trạm Kiểm lâm xã Sơn Giang để điều tra, xử lý. (Báo Phú Yên 21/3, Ngọc Cường)đầu trang(
Những quả đồi tại xã Ngok Réo thuộc khu rừng phòng hộ huyện Đắk Hà (Kon Tum) mà chúng tôi đi qua hầu như đã bị tàn phá từ nhiều năm trước.
Nhọc nhằn vượt đèo tìm một chỗ đứng trên cao, nhìn ra xa rắng giữa rừng xanh vừa bị triệt hạ. Rừng bị thay thế bởi các rẫy sắn ngút tầm mắt. Thỉnh thoảng trên đỉnh đồi của rẫy sắn có những cây khô bị cháy sém, những cây gỗ còn lại lưa thưa. Người dẫn đường cho chúng tôi nói rằng, những thân cây còn lại hầu như chỉ là giống gỗ tạp, không mấy giá trị nên “không thèm” đốn.
Những con đường nhỏ chằng chịt vào khu rừng lâu lâu lại xuất hiện những cây gỗ bị cưa đốn. Những phần không còn giá trị, lâm tặc bỏ lại ngổn ngang và có cả những cây gỗ lớn một người ôm không xuể, thân thẳng tắp, dài hơn 10m nằm sâu dưới vực chưa bị lâm tặc lấy đi. Quanh thân gỗ ấy, hàng chục cây nhỏ hơn bị gãy nát vì cây gỗ đổ xuống đè bẹp.
Là người sống lâu năm ở địa phương, người dẫn đường đưa chúng tôi đến những khu vực bị tàn phá. Chỉ gốc gỗ bằng lăng có thân to hơn hai người lớn ôm đã bị đốn chỉ còn trơ cành lá, người dẫn đường cho biết: “Những thân gỗ tạp chỉ cần đường kính hơn 40cm là bị cưa để bán. Những giống gỗ đó giá trị tương đương với gỗ bằng lăng, tầm 6-7 triệu đồng/khối. Nên người dân thấy cây nào lớn là cưa đốn ngay”.
Ở một khoảng rừng mới bị phá từ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, người dẫn đường cho biết: “Người dân dùng máy cưa, san phẳng một khoảng rừng rồi dọn dẹp để trồng lúa, sắn. Những cây gỗ có giá trị sẽ được cưa thành khúc ngắn tầm 1,5- 2m để dễ dàng vận chuyển ra khỏi rừng bán cho khách đặt hàng. Các chủ đầu nậu mua gỗ xong là tìm cách đem đến các xưởng mộc ở khu vực thị trấn, về TP Kon Tum”. Khi được hỏi vì sao lại dễ dàng đến thế, người này đáp gọn lỏn: “Cái đó có đường dây mới đưa gỗ ra khỏi rừng, vận chuyển đến các khu dân cư được chứ. Ai mà chẳng biết!”.
Dẫn chúng tôi đến một gốc câ bị đốn hạ trước đó không lâu, chỉ vào thân cây bị cắt khoảng 1,5m, người chỉ đường cho biết: “Thân cây này trước đây là nu gỗ (đoạn phình to dưới gốc, vân gỗ đẹp), đoạn thân này rất có giá trị nên người dân chỉ cưa mỗi phần đó để bán. Phần thân còn lại ai thích thì lấy…”.
Cơ quan Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, tình trạng phá rừng không chỉ diễn ra ở địa phận xã Ngok Réo mà còn xảy ra ở một số địa bàn khác thuộc rừng phòng hộ Đắk Hà. Trong đợt truy quét lâm tặc cuối tháng 2 vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện tình trạng cất giấu gỗ và phá rừng tại xã Đắk Pxi. Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện và lập biên bản đối với 53 hộp gỗ xẻ, khối lượng khoảng 6,5m3 (gỗ mít nài, giổi, sến bô bô, lau). Ở xã Ngọc Réo, đoàn kiểm tra cũng phát hiện vụ cất giấu gỗ gồm 8 hộp gỗ xẻ và 13 lóng gỗ tròn, tổng khối lượng hơn 6,1m3 (gỗ xoan mộc, nhóm VI).
Cơ quan Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cũng cho biết thêm, ngày 23/2, đoàn kiểm tra liên cơ quan đã kiểm tra tại khoảnh 5, tiểu khu 365 lâm phần rừng phòng hộ Đắk Hà, phát hiện tại hiện trường có 19 gốc cây gỗ bị chặt hạ trái phép; Chủng loại gỗ bằng lăng, giổi, xoan mộc, chò xót… Đoàn kiểm tra đã bàn giao toàn bộ hiện trường bị khai thác, tang vật vi phạm còn lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà có trách nhiệm bảo quản chờ cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời, đã chỉ đạo kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép với khối lượng lớn nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời.
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Trịnh Xuân Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Hà cho biết, mới đây đoàn công tác đã triển khai truy quét trên lâm phần quản lý. “Nắm được thông tin báo chí nêu, chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh, khi nào có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin sau”, ông Long chia sẻ. (Giao Thông 21/3, Tạ Vĩnh Yên)đầu trang(
Tại Khánh Hòa, mới đây, 7m3 gỗ các loại đã bị lực lượng chức năng tỉnh thu giữ trong một vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn quy mô lớn tại Tiểu khu 205, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh. Diện tích rừng bị tàn phá do Công ty TNHH MTV lâm sản Khánh Hòa quản lý.
Tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam có khoảng 6 cây gỗ quý bị đốn hạ cùng với 3 tấm gỗ phách. Ngoài ra, nhiều diện tích rừng phi lao phòng hộ tại miền Trung cũng bị chặt hạ.
Tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều hộ dân đã tự ý chặt rừng phi lao đem bán.
Tại xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, khoảng 100 cây phi lao cũng đã bị đốn hạ. Thủ phạm chính là Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Hòa Hiệp Bắc - đơn vị quản lý rừng phòng hộ này.
Nhiều vụ phá rừng bị phát hiện, đồng nghĩa rừng đang ngày càng cạn kiệt bởi lòng tham. Đi kèm với số vụ không giảm, tính chất phá rừng ngày càng nghiêm trọng khi rừng không chỉ bị cưa xẻ mà còn bị "đầu độc" không thương tiếc. (Đài Truyền Hình VN 21/3)đầu trang(
Quyết định phê duyệt Tổng thể KDL quốc gia Sơn Trà yêu cầu bất kỳ dự án nào xây dựng trong khu vực bán đảo Sơn Trà cũng dựa trên cơ sở “gắn chặt với bảo vệ tài nguyên môi trường, thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường”.
Công ty Biển Tiên Sa đã san ủi hàng ngàn m2 đất rừng Sơn Trà, xây dựng nhà, 40 móng biệt thự dù chưa có phép xây dựng, chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Dự án này không chỉ vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường 2014 mà còn đi ngược lại với quan điểm của Thủ tướng tại Quyết định 2163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phân tích của Luật gia Lê Hồng Sơn nêu rõ.
Theo Quyết định 2163/QĐ-TTg  ngày 9 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà, trong đó yêu cầu bất kỳ dự án nào xây dựng trong khu vực Bán đảo Sơn Trà cũng dựa trên cơ sở “gắn chặt với bảo vệ tài nguyên môi trường, thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường”.
Trao đổi với Dân Việt, Luật gia Lê Hồng Sơn - Giám đốc điều hành Công ty Luật FDVN phân tích, dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa chưa được phê duyệt báo cáo ĐTM, nhưng chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng dự án là vi phạm quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2014, Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và các quy định về trình tự thủ tục thực hiện dự án của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Có thể thấy, việc chưa có báo cáo ĐTM nhưng đã tiến hành xây dựng dự án là trái với các quy định của pháp luật như đã nêu. Ngoài ra, dự án trên còn đi ngược lại với quan điểm của Thủ tướng tại Quyết định 2163/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bởi lẽ, quan điểm phê duyệt định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà là phát triển kinh tế trên cơ sở “gắn chặt với bảo vệ tài nguyên môi trường, thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường, trong đó có tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường”.
Trong trường hợp này, chủ đầu tư chưa tiến hành các thủ tục về báo cáo ĐTM thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, sẽ phải tiến hành thực hiện các quy định của pháp luật để lập và được phê duyệt báo cáo ĐTM mới được tiếp tục tiến hành thực hiện dự án.
Tại cuộc làm việc giữa UBND TP Đà Nẵng với chủ đầu tư dự án vào chiều 19.3, ông Lê Quang Nam – G.Đ Sở TNMT TP Đà Nẵng cho rằng, muốn được cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo ĐTM, chủ đầu tư cần phải đánh giá tính phù hợp địa điểm triển khai dự án với các đặc điểm môi trường tự nhiên khu vực; ảnh hưởng của dự án đến các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, đánh giá tác động đến các loài sinh vật và hệ sinh thái và cả đánh giá tác động môi trường do hoạt động dã ngoại của du khách tại dự án trên khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà khi dự án này được đưa vào hoạt động. (Dân Việt 21/3, Đình Thiên)đầu trang(
Ngày 21/3, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng “xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà – Đà Nẵng”.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 2163/-TTP “công bố quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng năm 2030”.
Đáng chú ý trong bản quy hoạch này là sẽ phát triển Khu du lịch Sơn Trà trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của vùng duyên hải Nam trung bộ và cả nước.
“Chỉ tiêu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách (khách lưu trú 180.000 lượt), đến năm 2030 đón 4,6 triệu lượt du khách (khách lưu trú 300.000 lượt), hình thành các Trung tâm, cụm dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp quy mô đến năm 2030 có khoảng 1.600 phòng khách sạn” trích bản quy hoạch tổng thể.
Theo Hiệp hội, bán đảo Sơn Trà từ lâu được xem như là báu vật của thành phố Đà Nẵng. Ở đây, có sự đa dạng sinh học gồm: 985 loài thực vật bậc cao (có 22 loại thực vật quý hiếm) trong có có cây đa di sản 800 tuổi.
Có 111 loại động vật hết sức phong phú và đặc hữu. Trong đó, có loài vọc Chà vá chân nâu được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) là biểu tượng bảo tồn của Sơn Trà.
Với tổng quy mô diện tích của Sơn Trà là 4.298ha, rừng tự nhiên là 2.810ha (có 1.077ha đã giao khoán cho các hộ dân để trồng rừng sản xuất), rừng Sơn Trà ngày càng bị thu hẹp và đang bị tổn thương do các hoạt động của con người.
Bao quanh Sơn Trà là các thềm san hô phong phú và da dạng của biển nhiệt đới rất thu hút du khách lặn biển quốc tế.
Bên cạnh đó với vị trí chiến lược quốc phòng hết sức quan trọng, bán đảo Sơn Trà án ngữ cửa ngõ vào Đà Nẵng cả đường không, đường bộ và đường thủy.
Đặc biệt là có hệ thống phòng thủ và radar được ví là mắt thần của Đông Dương, khống chế cả một vùng Biển Đông rộng lớn.
Trước đây Sơn Trà cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà theo “Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014”.
Do đó, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng bày tỏ quan ngại trước việc quy hoạch Sơn Trà thành một Khu du lịch quốc gia.
Trong đó, biến Sơn Trà thành các điểm lưu trú, khu vui chơi giải trí với mật độ lớn sẽ thu hẹp diện tích rừng, làm gia tăng tốc độ suy giảm môi trường sống tự nhiên.
Gia tăng áp lực, khả năng tìm kiếm thức ăn và nơi ẩn nấp của những sinh vật dễ bị nguy hại, dễ bị tuyệt chủng.
Mặt khác, hoạt động xây dựng nhiều công trình khách sạn của các doanh nghiệp nếu không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến bố trí an ninh quốc phòng.
Uy hiếp đến chiến lược phòng thủ quốc gia một khi các doanh nghiệp này có thể chuyển giao cho các đối tác nước ngoài theo luật Doanh nghiệp.
Hiệp hội du lịch hoan nghênh việc đầu tư các cơ sở hạ tầng, các dịch vụ vui chơi giải trí để làm tăng sức hấp dẫn của du khách đến với Đà Nẵng.
Tuy nhiên, nếu không xem xét thận trọng sẽ ảnh hưởng việc phát triển thành phố Đà Nẵng trong tương lai.
“Để xây một công trình khách sạn mất vài năm nhưng để có một khu rừng như Sơn Trà phải mất hàng nhiều trăm năm” đại diện Hiệp hội cho biết.
Để ngành du lịch Đà Nẵng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, Hiệp hội du lịch đã trình Thủ tướng 4 kiến nghị sau.
Cụ thể, giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. Đà Nẵng hiện nay đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm (2016 chỉ mới đón 5,5 triệu lượt du khách.
Thứ hai, chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm.
Thứ ba, hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư.
Thứ tư, hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà (được thành lập theo quyết định số 45/QĐ-TTg) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà - Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Có thể lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong và ngoài nước trước khi triển khai quy hoạch này để tránh các hệ lụy về sau. (Giáo Dục Việt Nam 21/3, Tấn Tài)đầu trang(
Ngày 21-3, ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cùng đoàn công tác đi kiểm tra hiện trạng rừng ngập mặn Tuần Lễ (Vạn Thọ, Vạn Ninh).
Theo lãnh đạo xã Vạn Thọ, hiện diện tích rừng ngập mặn tại khu vực Tuần Lễ còn khoảng 11,8ha. Rừng ngập mặn tại đây còn hơn 120 cây bần lâu năm. Được biết, diện tích rừng ngập mặn này ngày càng thu hẹp và các cây bần cổ thụ bị chết nhiều. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có việc bất cập trong quy hoạch các đìa tôm, người dân lấn rừng xây sửa nhà trồng dừa, vứt rác bừa bãi ảnh hưởng vệ sinh môi trường…
Sau khi kiểm tra thực tế, ông Lê Xuân Thân đánh giá rừng ngập mặn Tuần Lễ là một trong những rừng nổi tiếng với nhiều cây bần cổ thụ, có giá trị. Tuy nhiên thời gian qua việc quản lý, khôi phục rừng còn nhiều bất cập. Ông Lê Xuân Thân yêu cầu địa phương tiếp tục tìm nhiều biện pháp để quản lý tốt hơn nữa. Đồng thời tìm cách khôi phục diện tích rừng bị chết. (Báo Khánh Hòa 21/3, Thành Nam)đầu trang(
Phó đại sứ Anh Steph Lysaght đã có trải nghiệm cùng sơn tường, vẽ tranh về tê giác với các họa sĩ vào chiều 21-3 tại địa chỉ 60 Lê thị Riêng, quận 1, TP.HCM.
Đây là hoạt động "Vẽ tranh tường nghệ thuật bảo vệ động vật hoang dã" với thông điệp cùng nhau bảo vệ loài tê giác. Phó đại sứ Anh Steph Lysaght đã có trải nghiệm cùng sơn tường, vẽ tranh về tê giác với các họa sĩ vào chiều 21-3 tại địa chỉ 60 Lê thị Riêng, quận 1, TP.HCM. Đây là hoạt động "Vẽ tranh tường nghệ thuật bảo vệ động vật hoang dã" với thông điệp cùng nhau bảo vệ loài tê giác. Họ kỳ vọng sẽ thu hút nhiều người quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường và các loài động vật quý hiếm
Có mặt tại hoạt động vẽ tranh lần này, ông Steph  Lysaght  nhấn mạnh sở dĩ ông muốn tham gia cùng các bạn trẻ vì đây là một hoạt động có ý nghĩa, giúp mọi người có ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ loài động vật quý hiếm, đặc biệt là tê giác. Ông hy vọng qua hoạt động này người dân Việt Nam sẽ cùng chung tay để lên tiếng bảo vệ loài tê giác.
Cũng tại đây, ông Steph Lysaght đã hào hứng bắt tay cùng sơn lại bức tường, thử nghiệm vẽ tranh tê giác cùng các họa sĩ. Thậm chí, để thuận tiện hơn, ông đã thay bộ trang phục của mình lúc đầu là áo sơ mi đóng thùng với quần và đôi giày tây bằng chiếc áo thun có in hình tê giác, với chiếc quần short và đôi giày thể thao năng động.
Hoạt động này kéo dài từ ngày 26-2 đến 26-3-2017, theo đó 17 bức tường ở các phường Đa Kao, Nguyễn Thái Bình, Phạm Ngũ Lão, Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh, Bến Nghé, Bến Thành (thuộc quận 1) sẽ được biến hóa thành các bức tranh graffiti sống động mang thông điệp về việc bảo vệ tê giác. (Pháp Luật TP.HCM 21/3, Thanh Tuyền)đầu trang(
Tờ Mirror của Anh hôm 21/3 đăng bài viết về vụ phát hiện 5 con hổ vằn Đông Dương bị mổ lấy đi nội tang và chết trong tình trạng đông lạnh ở Nghệ An, Việt Nam.
Theo tờ báo Anh, 5 con hổ này được tìm thấy trong tủ lạnh của một gia đình ở Nghệ An hôm 20/3 với phần nội tạng và xương bị loại bỏ để nấu cao.
"Các nhà chức trách tìm thấy 5 con hổ đã chết trong tủ lạnh với phần da còn nguyên vẹn nhưng nội tạng đã bị loại bỏ", Mirror cho hay.
Mirror cũng khẳng định, đây là hổ Đông Dương và cho biết cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra để làm rõ vụ việc.
Tờ báo Anh cũng lên án nạn sử dụng hổ để nấu cao ở Việt Nam và giải thích: "Phần xương hổ được nấu chín với rượu gạo để tạo ra một hỗn hợp được sử dụng để chữa bệnh viêm khớp và tăng cường sức khỏe".
Cũng theo Mirror, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã đang diễn ra ngày càng phức tạp trên các tuyến biên giới của Việt Nam.  (VTC News 22/3, Song Hy)đầu trang(
Bị ép giá, đầu ra bấp bênh nên hàng trăm nghìn con cá sấu quá lứa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tồn ứ, khiến người nuôi lao đao.
Theo ghi nhận ở nhiều địa phương tại Cà Mau, Bạc Liêu, giá cá sấu do thương lái thu mua hiện dao động từ 110.000đồng - 120.000đồng/kg, tăng gấp đôi so với cuối năm 2016.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Nguyễn, người chuyên cung cấp cá sấu giống và mua cá sấu thương phẩm khu vực Cà Mau, mức giá này mới chỉ bằng một nửa so với các năm 2014- 2015.
Ông Lữ Mến, ở ấp Hành Chính, thị trấn Phước Long (Bạc Liêu) vừa xuất chuồng bán hơn 200 con cá quá lứa với giá hơn 110.000đồng/kg. Ông Mến cho rằng giá cá sấu bán ra tăng nhưng giá cá thức ăn cho cá sấu cũng tăng theo, từ 7.000đồng/kg lên 14.000đồng- 15.000đồng/kg nên người nuôi không thể có lời. Chưa kể, những cá sấu có trọng lượng lớn hơn 20 kg/con nhưng thương lái cũng chỉ trả tiền 20 kg, phần dôi ra không được tính.
Ông Huỳnh Thanh Liêm, hàng xóm của ông Mến cho biết, trước Tết Nguyên đán 2016, giá cá sấu khoảng 160.000 đồng/kg, sau đó rớt xuống còn 60.000đồng/kg. Do không còn khả năng mua thức ăn nên ông Liêm phải bán tháo cá quá lứa để tránh nợ nần.
Biết các hộ nuôi đang khó, thương lái ép giá, cụ thể là cá dù nặng hơn 20 kg nhưng cũng chỉ tính tiền 20 kg. Ông Nguyễn Văn Như, ở ấp Cái Giếng, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) đang tồn 40 con cá sấu với trọng lượng hơn 30 kg/con. Ông nói: “Chỉ tính tiền 20 kg với cá có trọng lượng lớn hơn là một cách thương lái ép giá người nuôi”.
Trang trại nuôi cá sấu Phương Tín (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, Bạc Liêu) đang trong tình trạng dở sống, dở chết vì gần 30.000 con đang bế tắc đầu ra. Ông Trương Thanh Mai, chủ trang trại cho biết, do thị trường xuất khẩu cá sấu gặp nhiều khó khăn nên ông phải chuyển hướng sang lột da, thuộc và dự trữ. Cũng vì giá cả bấp bênh nên các hộ nuôi thường chần chừ thả lứa giống mới.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, trên địa bàn tỉnh này có 1.925 hộ đăng ký gây nuôi cá sấu với tổng đàn trên 220.000 con. Hiện còn tồn khoảng 80.000 con. Cà Mau cũng tương tự. Ông Đỗ Văn Đồng-Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng gần 100.000 con cá sấu, phần lớn đã đến lứa xuất bán nhưng bà con vẫn tiếp tục chờ giá. Người nuôi cá sấu đang tiến thoái lưỡng nan: Bán thì lỗ nhưng không dễ bán, không bán thì đọng vốn và lún sâu vào nợ nần.
Ông Lương Ngọc Lân-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo: “Giá cá sấu không ổn định, đầu ra chưa rõ ràng, vì vậy bà con không nên gây nuôi cá sấu bằng tiền vay vì rủi ro”. Ông Trần Văn Ân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết, chính quyền địa phương hiện không khuyến khích người dân nuôi cá sấu vì đầu ra bế tắc. Nuôi cá sấu quy mô trang trại cần phát huy nhưng phải có kỹ thuật nuôi và chế biến sản phẩm thuộc da”. (Tiền Phong 21/3, Nguyễn Tiến Hưng)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Nhiều tập thể, cá nhân thuộc Tổng cục lâm nghiệp bị đề nghị kiểm điểm liên quan đến việc xây dựng resort ở vườn quốc gia Ba Vì.
Tổng cục lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có kết luận thanh tra về hoạt động liên kết tổ chức du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Ba Vì.
Theo đó, Vườn quốc gia Ba Vì tổ chức liên kết kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng tại vườn là đúng thẩm quyền. Quá trình tôn tạo, xây dựng các cụm công trình nhà và cơ sở hạ tầng tại Cos 600 trên nền phế tích cũ, không chặt phá cây rừng, không làm thay đổi hiện trạng rừng và đất rừng.
Kết luận thanh tra chỉ ra những thiếu sót trong tổ chức du lịch ở Vườn quốc gia Ba Vì. Cụ thể, đơn vị đã ký kết hợp đồng liên kết với các công ty khi chưa có đề án được phê duyệt, thời gian hợp đồng 53 năm là chưa đúng với chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp.
Bên cạnh đó, một số nội dung trong hợp đồng thiếu chặt chẽ; cho phép đơn vị liên kết hưởng 10% tiền vé vào cửa không đúng quy định về quản lý tài chính. "Để xảy ra thiếu sót, khuyết điểm trên, trách nhiệm thuộc về giám đốc và các cán bộ liên quan đến Vườn quốc gia Ba Vì ở thời điểm ký hợp đồng tháng 8/2008", kết luận thanh tra nêu.
Với việc cho phép Công ty TNHH phát triển công nghệ (CFTD) tôn tạo, xây dựng các cụm công trình ở khu vực cos 600 khi chưa có dự án được phê duyệt, trách nhiệm thuộc về công ty, giám đốc và các cán bộ của Vườn từ thời điểm ký hợp đồng đến 15/4/2011 (thời điểm cơ bản hoàn thành triển khai lắp dựng 13 căn nhà).
Giám đốc và cán bộ của Vườn còn chịu trách nhiệm khi để CFTD tiếp tục triển khai sửa chữa, nâng cấp các căn nhà khi chưa có dự án được duyệt.
Theo kết luận, lãnh đạo và chuyên viên của Vụ bảo tồn thiên nhiên và Vụ kế hoạch, tài chính thuộc Tổng cục lâm nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm về những vấn đề liên quan. Cụ thể, Vụ bảo tồn thiên nhiên trong quá trình xem xét tham mưu phê duyệt quy hoạch mặt bằng tổng thể khu dịch vụ du lịch thuộc phân khu hành chính dịch vụ I, đã thiếu sâu sát, chỉ dựa vào hồ sơ đề nghị của Vườn quốc gia Ba Vì mà không tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường.
Còn Vụ kế hoạch tài chính trong quá tình theo dõi, quản lý tài sản từ nguồn vốn ngân sách đã chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện việc thanh lý, đưa tài sản vào liên kết không được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Từ sai sót trên, Tổng cục lâm nghiệp đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân và tập thể thuộc quyền quản lý của Vườn quốc gia Ba Vì. Vụ bảo tồn thiên nhiên và kế hoạch, tài chính tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất biện pháp xử lý với cán bộ để xảy ra thiếu sót.
"Tiếp tục đình chỉ hoạt động tôn tạo, xây dựng, kinh doanh du lịch sinh thái tại cos 600, cos 700, cos 800 của công ty CFTD đến khi đề án thuê môi trường rừng và dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái trong khu vực hành chính, dịch vụ I được phê duyệt", kết luận thanh tra nêu.
Tháng 2/2016, báo chí phản ánh về công trình mang tên Le Mont Bavi Resort&Spa do Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) xây dựng với khu nghỉ dưỡng 4 sao bề thế ở vườn quốc gia Ba Vì.
Bộ trưởng Nông nghiệp khi đó là ông Cao Đức Phát đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Tổng cục lâm nghiệp chỉ đạo Vườn quốc gia Ba Vì, chủ đầu tư đình chỉ việc xây dựng công trình, đồng thời giao Tổng cục lâm nghiệp lập đoàn thanh tra làm rõ vụ việc. (Tiền Phong 20/3)đầu trang(
Những năm qua, hàng nghìn héc-ta rừng tự nhiên bị khai thác để nhường đất cho các dự án thủy điện và khai thác khoáng sản được triển khai tại các huyện miền núi Quảng Nam. Theo quy định, khi lấy đất rừng để làm công trình thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm trồng lại rừng thay thế.
Tuy nhiên, việc triển khai trồng rừng thay thế tại nhiều nơi kéo dài, làm ảnh hưởng môi trường sinh thái.Tại các huyện miền núi Quảng Nam thời gian qua đã có hàng chục công trình thủy điện lớn, nhỏ được khởi công xây dựng. Thực tế, khi có một công trình thủy điện triển khai thi công, tích nước, đồng nghĩa với hàng chục, thậm chí hàng trăm héc-ta rừng đầu nguồn bị chặt phá và bị nhấn chìm dưới lòng hồ.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sang làm các công trình, dự án phải trồng rừng thay thế là hơn 1.650 ha, trong đó hơn 1.400 ha là diện tích chuyển sang làm thủy điện. Thế nhưng, công tác trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh lại được triển khai rất chậm.
Trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Nam, chúng tôi được biết, theo kế hoạch, trong năm 2014, toàn tỉnh phải trồng lại hơn 770 ha rừng thay thế, nhưng thực tế chỉ trồng được gần 24 ha (đạt 3,4% kế hoạch).
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, công tác trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện và khai thác khoáng sản ở các huyện miền núi, tuy đã được UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên, nhưng tiến độ vẫn chậm, chưa được các chủ nhà máy thủy điện quan tâm đúng mức.
Tính đến giữa tháng 6-2016, toàn tỉnh chỉ trồng được khoảng 840 ha rừng thay thế, đạt hơn 50% kế hoạch. Khi được hỏi vì sao việc trồng rừng thay thế tại Quảng Nam thực hiện chậm, các cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân chính là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các địa phương chưa kịp thời.
Một số địa phương khi xây dựng phương án không tính đến kinh phí bồi thường đất và các loại cây trên đất cho người dân, đến khi triển khai không có nguồn tiền để hỗ trợ… dẫn đến không thực hiện được. Trong thực tế, có nhiều dự án đã hoàn thành và chuyển giao cho đơn vị khác tiếp quản, khai thác; thậm chí nhiều ban quản lý dự án đã giải thể, song không dự toán kinh phí để trồng rừng.
Thêm vào đó, quỹ đất lâm nghiệp cho trồng rừng thay thế tại các địa phương khá thấp, nhất là sau khi Bộ NN và PTNT có yêu cầu chỉ ưu tiên trồng rừng trên diện tích đất trống quy hoạch rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng. Trong khi đó, khu quy hoạch là “đất trống” thì đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng canh tác, cho nên việc thu hồi gặp khó khăn.
Đáng nói là nhiều chủ đầu tư còn coi nhẹ việc trồng rừng thay thế, triển khai trồng rất hời hợt. Theo lãnh đạo huyện Phú Ninh, ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (thuộc xã Tam Lãnh), Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu đã khai thác hàng trăm héc-ta đất để lấy quặng, nhưng đến nay còn khoảng 20 ha đất bỏ hoang nhiều năm, vẫn chưa trồng rừng thay thế; thậm chí có nhiều diện tích khai thác xong vẫn chưa được hoàn thổ, gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường. Đối với các dự án phát triển kinh tế dân sinh, trong quá trình xây dựng dự án lại không có nguồn vốn cho việc trồng rừng thay thế.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam Phan Sỹ Hùng cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương, cho nên những tháng gần đây công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét.
Tính đến nay, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã trồng rừng thay thế hơn 1.750 ha, đạt gần 97% kế hoạch. Đáng mừng là có một số nhà máy thủy điện như: Sông Kôn, Tr’Hy, Sông Tranh 2, Sông Tranh 3 đã trồng hơn 300 ha, vượt hơn 102% tổng số diện tích buộc phải trồng.
Qua kiểm tra mới đây cho thấy, hầu hết các chủ dự án đều triển khai trồng rừng theo đúng quy hoạch, phương án được phê duyệt; đồng thời nắm rõ kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc. Nhờ thế, tỷ lệ cây sống cao, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Rút kinh nghiệm những năm trước, công tác trồng rừng thay thế ở Quảng Nam được siết chặt. Theo chủ trương của tỉnh, đối với các dự án mới mà có tác động đến rừng, các cơ quan chức năng của tỉnh có trách nhiệm giám sát chặt chẽ và buộc chủ đầu tư khi xây dựng quy hoạch dự án phải tính toán và xây dựng phương án trồng rừng thay thế. Và khi phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt thì dự án mới được phê duyệt và tiến hành triển khai.
Riêng đối với các dự án triển khai trước năm 2014, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành rà soát các danh mục phải thực hiện trồng rừng thay thế, xác định diện tích, giá trị của mỗi dự án; đồng thời khuyến nghị các chủ đầu tư rà soát, đánh giá hiệu quả các phương thức tổ chức trồng rừng thay thế; xây dựng các hướng dẫn, quy định để thống nhất tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế một cách kịp thời nhằm không ngừng nâng cao độ che phủ rừng và cải thiện chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh. (Nhân Dân 22/3, Quốc Việt)đầu trang(
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế từ rừng được xác định là lĩnh vực phát triển kinh tế có vai trò quan trọng của Bắc Kạn. Trong đó, gắn trồng rừng với chế biến sâu lâm sản là hướng đi chính.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không những khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất, mà còn trực tiếp tham gia vào lĩnh vực này. Bên cạnh thuận lợi, nhiều khó khăn vẫn còn tồn tại để thu hút doanh nghiệp trồng rừng.
Là một trong những đơn vị chế biến lâm sản có quy mô khá lớn tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, những năm qua, vào một số thời điểm các xưởng chế biến của Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu.
Do đó, để đảm bảo phát triển ổn định lâu dài, ngoài nguồn gỗ từ rừng trồng ở địa phương, đơn vị này cũng tích cực tham gia trồng rừng. Để phát triển nhanh diện tích rừng trồng, ngoài được tạo điều kiện về đất đai, công ty cũng kết hợp với một số dự án khác. Đến nay, hàng năm công ty đều mở rộng được diện tích. Về lâu dài có thể đáp ứng một phần công suất chế biến.
Với các nhà máy lớn, để đảm bảo nguồn nguyên liệu, việc trồng rừng cũng đã bắt đầu được quan tâm. Trong đó, việc bắt tay giữa 2 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn và Công ty cổ phần sản xuất và chế tạo ô tô Tracimexco để trồng rừng là tín hiệu bước đầu. Với một bên là đơn vị sở hữu diện tích đất trồng rừng lớn, trong khi đó đối tác cũng là một đơn vị có tiềm lực về chế biến. Việc liên kết trồng rừng sẽ giúp cả hai bên có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Thời gian qua, xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp, bên cạnh khuyến khích các hộ dân trồng rừng, Bắc Kạn cũng đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Nhiều dự án trồng rừng quy mô khá lớn đã được phê duyệt. Sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ là điều kiện tốt để gắn trồng rừng với chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm rừng trồng góp phần nâng cao đời sống người dân.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 280 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản. Số cơ sở, nhà máy chế biến gỗ tăng nhanh cả về số lượng và quy mô như hiện nay thì nhu cầu gỗ nguyên liệu cũng sẽ tăng nhanh chóng.
Tuy Bắc Kạn đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp trồng rừng, nhưng thực tế triển khai cũng vấp phải một số hạn chế. Mặc dù số lượng dự án cấp phép cho doanh nghiệp triển khai khá nhiều, tuy nhiên, số dự án trên giấy cũng không phải không có. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép trồng rừng nhưng nhiều năm không triển khai thực hiện, hoặc thực hiện  nhỏ lẻ, chậm so với kế hoạch.
Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp tham gia trồng rừng gắn với chế biến là hướng đi đúng và nhiều tiềm năng để phát triển đối với Bắc Kạn. Do đó, nếu có cơ chế phù hợp, gắn trồng rừng với chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị hàng hóa thì đây sẽ là lĩnh vực đem lại thu nhập cao ổn định không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cả với người dân. (Đài PTTH Bắc Kạn 21/3, Ngọc Tú)đầu trang(
Trong kế hoạch năm 2017, tỉnh ta được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chỉ tiêu nhiệm vụ: Trồng rừng tập trung 7.413 ha; chăm sóc rừng trồng 7.970 ha; bảo vệ gần 607.000 ha rừng hiện còn; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 32.000 ha.
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trồng rừng tập trung và chăm sóc rừng trồng là khoảng 65 tỷ đồng (riêng hạng mục chăm sóc rừng trồng nhu cầu trên 29 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan và chủ quan, công tác trồng rừng năm nay đang gặp những khó khăn do thiếu vốn và các giải pháp sát thực tiễn của địa phương, đơn vị... Trong khi tháng 3 là phải xong thiết kế hiện trường và trình phê duyệt hồ sơ thiết kế trồng rừng
Tính đến ngày 31/1/2017, kế hoạch vốn năm 2016 thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững chưa giải ngân thanh toán là 10 tỷ 300 triệu đồng. Trong khi, diện tích trồng rừng của năm 2016 đã được nghiệm thu và hiện đang phát triển tốt. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững kế hoạch năm 2017, tỉnh chỉ được bố trí vốn cho các dự án có kết quả giải ngân đạt trên 30% tính đến ngày 31/9/2016.
Đối với các dự án bảo vệ và phát triển rừng, do đặc thù về công tác lâm sinh, dự án lâm nghiệp chu kỳ sản xuất kéo dài nhưng thời vụ trồng rừng lại rất ngắn, chỉ từ 2 tháng đến 3 tháng. Trong khi tại tỉnh ta, kết thúc vụ trồng rừng phải từ tháng 7 đến tháng 8 hằng năm.
Do vậy, tiến độ giải ngân thường chậm so với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, thông thường đến tháng 11, tháng 12 năm kế hoạch mới bắt đầu thực hiện tổ chức nghiệm thu và thanh toán giải ngân.
Do đó, trong kế hoạch năm 2017, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh chỉ được bố trí kế hoạch vốn cho 2 dự án có kết quả giải ngân đạt trên 30% với tổng mức vốn đăng ký là 2 tỷ đồng (trong đó, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao 1 tỷ đồng tại Quyết định số 1989/QĐ-BKHĐT ngày 31/12/2016).
Ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng Phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Quy định về giải ngân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như vậy là chung cho cả nước, chưa tính đến điều kiện của từng địa phương cũng như chu kỳ sinh trưởng và phát triển của từng loại cây rừng. Như địa bàn tỉnh ta, phải hết tháng 8 mới xong trồng rừng.
Sau đó phải cần thêm 2 tháng cho cây phát triển rồi mới tổ chức nghiệm thu và nếu đảm bảo thì mới tổ chức giải ngân thanh toán. Chưa hoàn thành các khâu trên thì chưa thể giải ngân được. Nếu theo quy định, đến ngày 30/9 phải giải ngân được 30% vốn giao của từng dự án trồng rừng thì sẽ rất khó.
Bởi căn cứ theo thực tế của tỉnh ta và điều kiện sinh trưởng của cây rừng, nếu nhanh thì phải đến hết tháng 11 mới xong các thủ tục để tiến hành giải ngân. Do đó, trong năm 2016, chỉ có duy nhất huyện Sốp Cộp được giải ngân 1 tỷ đồng tiền trồng rừng do địa phương trồng cây sơn tra, loại cây được trồng sớm hơn các loại cây rừng khác.
Trong năm 2017, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc cân đối từ ngân sách của Trương ương. Do vậy, triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh còn nhiều khó khăn do chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn để tổ chức triển khai thực hiện (số vốn chưa cân đối được để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng trong năm 2017 là 52.700 triệu đồng).
Ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Cùng với nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác trồng rừng hàng năm. Do vậy, có những huyện không trồng rừng theo đúng chỉ tiêu đã giao, dẫn tới còn thừa tiền. Như năm 2015 đã chuyển 19 tỷ đồng sang năm 2016  và năm 2016 chuyển 8,3 tỷ đồng sang năm 2017. Ngoài ra, thời điểm giao vốn đến các huyện còn chậm, tháng 3 mới có, trong khi tháng 12 năm trước đã giao diện tích.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về vốn, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, nhất là bảo đảm nguồn vốn cho hạng mục chăm sóc rừng trồng, tỉnh ta đã có tờ trình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cân đối bổ sung 52.700 triệu đồng cho tỉnh triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Sơn La để thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
Đồng thời, đề nghị xem xét, cân đối, bố trí đủ kế hoạch vốn trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 cho tỉnh (số vốn đã được thẩm định nguồn 301.983 triệu đồng). Tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương được giao chỉ tiêu trồng rừng cần khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp để chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác trồng rừng năm 2017 đúng tiến độ...(Báo Sơn La 21/3, Quốc Tuấn)đầu trang(
Năm nay, huyện Phú Lương được giao chỉ tiêu trồng mới 600ha rừng. Để thực hiện tốt kế hoạch, hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện đang hướng dẫn nhân dân các địa phương khẩn trương phát dọn thực bì, làm đất chuẩn bị trồng rừng. Các vườn ươm trên địa bàn tập trung chăm sóc tốt cây giống để cấp phát cho bà con.
Về số lượng cây giống phục vụ trồng rừng, hiện nay, tại vườn ươm do Hạt Kiểm lâm huyện quản lý đã chuẩn bị được 22 vạn cây keo giống (chủ yếu là keo Úc), đáp ứng nhu cầu trồng hơn 130ha rừng (diện tích còn lại sẽ được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cung ứng từ các vườn ươm do đơn vị quản lý).
Nhờ thời tiết thuận lợi nên cây keo giống đang sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao trung bình đạt từ 25-30cm, đường kính thân từ 2,5-3mm. Hạt Kiểm lâm huyện vừa cấp hơn 2 vạn cây keo giống để nhân dân xã Yên Ninh triển khai việc trồng rừng trên diện tích đã được thiết kế. Năm nay, các hộ dân tham gia trồng rừng được hỗ trợ 100% cây giống và 1,6 tạ phân lân NPK/ha rừng trồng. (Báo Thái Nguyên 20/3, Kim Oanh)đầu trang(
Rừng là tài nguyên có giá trị lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy vậy, thời gian qua, các công ty nông lâm trường (NLT) sử dụng tài nguyên này còn nhiều hạn chế, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai còn phổ biến ở nhiều nơi.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thời gian qua, với những chính sách của Đảng và Nhà nước diện tích đất trồng rừng có tăng thêm. Cụ thể, năm 1983, độ che phủ rừng ở nước ta là 22%, đến năm 2015 là gần 41%.
Tuy vậy, diện tích và chất lượng rừng bị giảm sút. Nguyên nhân là  do nhu cầu đầu tư phát triển, phá rừng, cháy rừng còn diễn ra phổ biến. Đặc biệt, đất đai do các NLT quốc doanh trước đây đang sử dụng chưa được quy hoạch lại cho phù hợp; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa đồng bào ở địa phương với các công ty lâm nghiệp đang xảy ra khắp nơi.
Trong khi chúng ta chưa giải quyết được vấn đề mâu thuẫn phát sinh đất đai giữa người dân với các NLT, hơn chục năm trở lại đây, tình trạng di canh, di cư ở nhiều khu vực miền núi diễn ra khá lớn. Dẫn tới nhiều khu vực như cầu đất sản xuất của người dân tăng đột biến, tình trạng lấn chiếm đất của các NLT khó ngăn chặn.
Đồng quan điểm với GS Võ, TS. Phạm Quang Tú – Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, trong khi người dân sở tại đang thiếu đất sản xuất, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến đói nghèo, các công ty NLT lại quản lý quá nhiều đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Ví dụ như tại xã Minh Sơn (Hữu Lũng – Lạng Sơn), nơi định cư của nhiều đồng bào Dao, Nùng, ở đây bình quân mỗi hộ chỉ có 0,18ha đất ruộng, đất rừng mới giao 0,12ha/hộ, diện tích rừng còn lại đều thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc.
Còn tại xã Lộc Bảo (Bảo An, Lâm Đồng) có diện tích là 28.840 ha, trong đó chủ yếu rừng SX, chiếm hơn 91% diện tích là do có lâm trường quản lý, do đó xã chỉ quản lý được gần 9%. Do nhu cầu của thực tế các lâm trường dự kiến giao trả 5.000 ha cho địa phương và người dân, nhưng giai đoạn 2006 – 2011 đã chuyển đổi phần diện tích này cho 19 công ty trồng cao su. Từ đó, dẫn tới xung đột đất đai phổ biến, thậm chí, nhiều hộ ngăn cản không cho công ty trồng cao su, người dân đập phá văn phòng công ty cao su…
Trước sự yếu kém của các công ty NLT, Quốc hội đã có Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty NLT, trong đó ưu tiên rà soát, thu hồi, chuyển giao và phân bổ đất rừng đang được sử dụng không hiệu quả cho chính quyền địa phương, ưu tiên phân bổ đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số đang không có đất hoặc thiếu đất sản xuất trong khu vực.
Tuy vậy, theo Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), việc giao đất rừng cho chính quyền địa phương còn chậm. Sau khi chuyển đổi, tổng diện tích của công ty NLT giảm 1.868 nghìn hecta nhưng chỉ có 415.000ha đất rừng được chuyển giao cho chính quyền địa phương và chủ yếu trên giấy tờ.
Công ty và chính quyền địa phương áp dụng các tiêu chí đánh giá lên đất hoang hóa, đất của lâm trường giải thể hoặc các khu đất mà các công ty NLN không có đủ nguồn lực để quản lý và bảo vệ để giao; còn các tiêu chí khác như đất phân tán và có diện tích nhỏ, gần khu dân cư, đất sử dụng không hiệu quả… lại ít được chú ý tới.
Bên cạnh đó, phần lớn đất chuyển giao từ công ty NLT cho địa phương chưa được giao lại cho các hộ gia đình và cộng đồng. Ở một số vùng, đất rừng được các công ty NLT bàn giao cho chính quyền địa phương không phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân địa phương hoặc khó tiếp cận.
Do đất được chuyển giao đơn thuần trên giấy tờ mà không tiến hành đo đạc và cắm mốc phân giới trên thực địa nên trường hợp vừa thuộc sở hữu của công ty NLNT, vừa thuộc chủ sở hữu khác diễn ra khá thường xuyên.
Để tháo gỡ các vướng mắc trên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) đang được xây dựng cần xác định rõ phương pháp tiếp cận về tài nguyên rừng hay về nghề rừng hay chỉ về bảo vệ và phát triển rừng. Bởi, hiện nay, chúng ta để tên là “bảo vệ và phát triển rừng” nhưng nội dung đã chuyển sang điều chỉnh nhiều hơn về nghề rừng, có biểu hiện chưa kỳ vọng được vào đổi mới chính sách để giải quyết những bức xúc hiện hữu.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc tiếp tục đổi mới chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với chế độ được hưởng lợi của các chủ rừng, của cộng đồng dân cư địa phương nơi có rừng để khắc phục các tồn tại nói trên và đảm bảo không xuất hiện trong tương lai. Do vậy, cần bổ sung việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ, bảo đảm cho đồng bào dân tộc miền núi có thể sống bằng nghề rừng, có thu nhập bảo đảm từ rừng.
Ngoài ra, phải quy định cụ thể việc đẩy mạnh quản trị tốt về rừng, trong đó, bao gồm 3 nội dung cơ bản: Công khai, minh bạch thông tin quản lý; sự tham gia của người dân vào quản lý và giám sát; trách nhiệm giải trình của cơ quan và cán bộ quản lý. Đối với lĩnh vực tài nguyên rừng, các yếu tố quản trị tốt cần có quy định rõ trong: quy hoạch; giao, cho thuê, công nhận, cho phép chuyển mục đích, gia hạn sử dụng đối với đất rừng; giao, cho thuê, công nhận, cho phép chuyển mục đích, gia hạn sử dụng đối với rừng.
Mới đây, phát biểu kết luận Hội nghị về bảo vệ, phát triển rừng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh: Sẽ giao công tác bảo vệ, phát triển rừng cho doanh nghiệp và người dân, bảo đảm tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. (Tài Nguyên & Môi Trường 21/3, Tuyết Nhi)đầu trang(
Chương trình cho vay trồng rừng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một trong những kênh tín dụng “xanh” tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ dân tiếp cận vốn vay lãi suất thấp và hỗ trợ kỹ thuật để trồng rừng góp phần bảo tồn thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế và thoát nghèo bền vững.
Từ năm 2005, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã hỗ trợ NHCSXH triển khai thực hiện dự án phát triển ngành lâm nghiệp nhằm giúp cho các hộ gia đình ở các tỉnh miền Trung Việt Nam vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật để trồng rừng nhằm cải thiện sinh kế, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường và chống biến đổi  khí hậu. Dự án được triển khai tại 6 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An.
Sau gần 12 năm thực hiện, tổng dư nợ cho vay dự án phát triển lâm nghiệp đạt gần 500 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 323 tỷ đồng với hơn 103.000 lượt khách hàng vay vốn. Nguồn vốn đến nay đã giúp phủ kín trên 76.000 ha rừng trồng sản xuất.
Dự án đã có tác động tích cực về nhiều mặt bao gồm phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và ngành lâm nghiệp.
Hoạt động của dự án cũng đã có đóng góp tích cực vào thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện và giảm nghèo của Việt Nam. Mặt khác dự án đã tạo ra mô hình quản lý phát triển rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, qua đó đẩy mạnh bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng và đẩy mạnh đóng góp của lâm nghiệp vào nền kinh tế...
Ông Cao Dựa, ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được vay vốn tín dụng chính sách của NHCSXH để trồng 4,2 ha rừng.
Sau 5 năm kể từ khi vay vốn của dự án tôi đã có thu nhập 90-100 triệu đồng mỗi ha sau khi đã trừ đi chi phí cây giống, phân bón, lãi suất. Tôi đã trả hết nợ cho NHCSXH và còn đủ tiền xây nhà mới và mua sắm đồ dùng thiết yếu”.
“Đến nay, đây là dự án đầu tiên, và cũng là dự án duy nhất ở Việt Nam cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo trồng rừng, là hình thức được chứng minh bền vững hơn so với phương pháp truyền thống trợ cấp hoạt động trồng rừng,” bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chuyên gia Cao cấp về Môi trường của Ngân hàng Thế giới, Chủ nhiệm dự án cho biết.
Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mặc dù dự án kết thúc vào tháng 3/2015 nhưng Quỹ quay vòng do NHCSXH quản lý sẽ tiếp tục vận hành thêm 20 năm nữa. Vì vậy, rất nhiều hộ gia đình sẽ còn được tiếp cận đến nguồn tín dụng này.
Cùng với đó, NHCSXH đang bắt đầu triển khai chương trình cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ nhằm mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.
Theo đó, đối tượng vay vốn trồng rừng sản xuất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (không phân biệt giàu nghèo), hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ rừng và phát triển rừng được vay vốn từ NHCSXH để trồng rừng, chăn nuôi với lãi suất 1,2%/năm.
Chương trình này sẽ tạo ra bước đột phá giúp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn, phát triển ngành nghề dịch vụ nông lâm trường trong đó ngoài phần vốn vay còn được Nhà nước hỗ trợ cho phương thức đầu tư, cấp đất để đầu tư và có đầu ra cho sản phẩm của hộ dân.
Điều này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hộ dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các địa bàn của huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn để thực hiện chương trình này. Do ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, trong năm 2015 và 2016, một số chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ dân tộc thiểu số do NHCSXH thực hiện chưa được cấp vốn đủ và kịp thời.
Mong sao, các cấp chính quyền bộ ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cho NHCSXH để kịp thời cho vay, từ đó mới đáp ứng được lòng mong mỏi của hộ vay, giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số an tâm, mạnh dạn vay vốn làm ăn, phát triển sản xuất làm giàu trên chính quê hương của mình.. (Tin Tức 21/3, Ngọc Tuấn)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Với trên 66 triệu ha rừng trồng Mexico nằm trong danh sách 10 quốc gia có diện tích rừng và tái trồng rừng lớn nhất thế giới.
Theo số liệu của Viện Thống kê và Địa lý Mexico, chỉ trong năm 2015, quốc gia này đã tái trồng 146.607 ha rừng, trong đó 47% diện tích trồng mới tập trung tại các bang Chiapas, Chihuahhua, Durango, Guerrero, Mexico, Nayarit và Puebla.
Những khu rừng nguyên sinh của Mexico chứa đựng các hệ sinh thái căn bản cốt lõi lâu dài của hệ thực vật trên cạn, nó góp phần bảo tồn và duy trì cân bằng sinh thái lâu năm, giữ nước, điều hòa khí hậu, làm sạch không khí và có ý nghĩa quan trọng phục vụ nghiên cứu bảo tồn sinh học và hệ sinh thái.
Kinh tế rừng cũng đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Mexico. Theo thống kê, tại châu Mỹ, Mexico là nhà sản xuất gỗ tròn lớn thứ năm, nước này xếp thứ ba về gỗ củi, thứ sáu về gỗ xẻ và gỗ dán, và thứ 10 về bột giấy.
Trong năm 2015, sản lượng gỗ của Mexico đạt 998.436 m3 gỗ tròn, trong đó gỗ thông chiếm tới 75% và gỗ sồi là 10%.
Tuy nhiên, Mexico đang phải đối mặt với thách thức lớn về cháy rừng. Trong năm 2015, quốc gia này ghi nhận 3.834 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 88.949 ha rừng và trong ba tháng đầu năm nay đã xảy ra 1.622 vụ cháy. Cơ quan Bảo vệ dân sự Mexico cho biết, 98% các vụ cháy là do con người và chỉ 2% là do thiên tai. (Bnews 21/3)đầu trang(
Bảo vệ công viên Ấn Độ dùng máy xúc để bắt giữ con hổ Bengal quý hiếm nhưng lại vô tình đè chết con vật đang loạng choạng vì thuốc mê.
Các bảo vệ công viên quốc gia Jim Corbett ở Ấn Độ đang khiến dư luận nước này phẫn nộ vì vô tình làm chết một con hổ Belgan quý hiếm trong nỗ lực bắt giữ và đưa nó vào công viên, IFL Science hôm qua đưa tin.
Nhà chức trách Ấn Độ cho biết con hổ đã tấn công và giết chết hai người ở một mỏ đá vào tuần trước. Lực lượng bảo vệ đã lần theo dấu vết của nó, dùng súng gây mê để vô hiệu hóa con vật và tìm cách nhấc nó lên bằng gầu của máy xúc.
Tuy nhiên, tai nạn xảy ra khi người lái máy xúc trong phút giây bất cẩn đã hạ gầu xúc xuống đúng chỗ con hổ đang loạng choạng vì thuốc mê. Con vật giẫy giụa rồi bất động trước lực ép quá lớn từ cỗ máy.
Con hổ chết vào buổi tối cùng ngày. Dù nhà chức trách ở cơ quan bảo vệ động vật hoang dã khẳng định con hổ chết do nhiễm trùng và ngạt thở, các nhà hoạt động vì động vật cho rằng nó tử vong do những vết thương trong quá trình bắt giữ.
"Tai nạn này thật đáng xấu hổ. Chúng tôi nhận được nhiều video ghi lại vụ việc và thật sốc khi 200 người bình thản chứng kiến các nhân viên của Jim Corbett hành hạ con vật biểu tượng quốc gia", nhà hoạt động Sarosh Lodhi chia sẻ.
Hổ Bengal được xem là loài nguy cấp theo Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Dù có nhiều quần thể nhỏ ở Bangladesh, Nepal, Bhutan, Trung Quốc và Myanmar, chỉ có khoảng 1.500 con còn sót lại sinh sống rải rác ở Ấn Độ, khiến công tác bảo tồn càng khó khăn hơn. (Vnexpress 21/3, Phương Hoa)đầu trang(
Luật sư Mỹ Steven Wise đã dành 30 năm tiến hành cuộc chiến pháp lý đòi quyền cho tinh tinh. Hãng tin AP hôm 16-3 cho hay một nhóm gồm năm thẩm phán tại bộ phận phúc thẩm của Tòa án Tối cao bang New York (Mỹ) sẽ ra phán quyết trong vài ngày hay vài tuần tới, liên quan tới đơn kiện đòi quyền cho tinh tinh của luật sư Wise.
Steven Wise, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tổ chức quyền động vật Nonhuman Rights Project (NRP, Mỹ), nói rằng hai con tinh tinh tên Tommy và Kiko đang bị nhốt ở New York nên được thả tự do thay vì phải sống trong các lồng sắt.
Vị luật sư giữ bằng tiến sĩ luật khoa của Trường Luật Boston nhiều năm nay đã nỗ lực không ngừng nghỉ để yêu cầu Tòa án Tối cao bang New York (Mỹ) ban lệnh thả những con tinh tinh tại New York. Kể từ những năm 1980, ông Wise đã bắt đầu cuộc chiến pháp lý bảo vệ quyền cho tinh tinh, đem vấn đề này ra các tòa án ở bang New York để tranh luận.
Hồi năm 2013, tổ chức NRP của ông đã đại diện tinh tinh Kiko đâm đơn kiện đòi quyền lên Tòa án Tối cao ở Niagara Falls, còn tòa án TP Fulton thì thay mặt cho tinh tinh Tommy. Cũng trong năm này, NRP đã đâm một đơn kiện khác đòi quyền cho Hercules và Leo, hai con tinh tinh được dùng làm nghiên cứu giải phẫu học tại ĐH Stony Brook trên đảo Long.
Wise nói rằng nếu các thẩm phán chấp thuận, Tommy và Kiko sẽ được đưa tới sống cùng các con tinh tinh khác tại khu bảo tồn cứu tinh tinh có diện tích cực lớn nằm ở TP Fort Pierce, bang Florida.
Năm 2014, một tòa án phúc thẩm ở Albany, thủ phủ bang New York, đã ra phán quyết nói rằng Tommy không phải là một con người về mặt luật pháp vì tinh tinh không có khả năng nhận trách nhiệm như con người. Các thẩm phán New York hôm 16-2 đã đặt câu hỏi tại sao luật sư Wise lại kiên trì đâm đơn kiện và phản đối rất nhiều phán quyết của tòa như vậy: “Ở nước Mỹ này, đã bao giờ có phán quyết tiền lệ nào nói rằng tinh tinh là “một con người hợp pháp” chưa?”.
Dù thất bại nhiều lần nhưng luật sư Wise vẫn lạc quan về các đơn kiện của ông. “Tất cả tranh luận của chúng tôi thật sự có cơ sở dựa trên những khái niệm cơ bản của pháp lý. Những nguyên nhân lý giải cho việc con người cần có quyền cũng chính là những nguyên nhân giải đáp cho việc những thứ không phải là con người cũng phải có quyền. Cuối cùng chúng tôi cũng sẽ chiến thắng!”. (Pháp Luật TP.HCM 20/3, Bảo Anh)đầu trang(./.