Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 21 tháng 08 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Đó là tâm sự vui nhưng cũng ẩn trong đó đôi chút xót xa của những người làm nghề kiểm lâm. Bởi lẽ, các anh phải xa nhà biền biệt, hiếm khi có dịp về giúp đỡ vợ con.
Diện tích rộng, lực lượng lại mỏng, nên để bảo vệ an toàn cho “Khu dự trữ sinh quyển đẹp nhất Đông Nam Á” này, những chiến sĩ kiểm lâm, ngoài việc dựa vào dân, đã dành hầu hết thời gian cho rừng. Không quản hiểm nguy, chấp nhận đổ máu, hy sinh, họ bảo vệ rừng như bảo vệ chính ngôi nhà của mình.
Trên chiếc ca nô đang rẽ nước, tiếng anh Phùng Gia Hưng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cần Giờ (TP. HCM) át cả tiếng gió ù ù: “Hạt có 5 trạm, đóng rải rác trong rừng, mỗi trạm có 5-6 người. Ngoài ra còn một đội kiểm lâm cơ động nữa. Nghĩa là những người làm công tác bảo vệ chỉ 36 - 37 người. Chia đều diện tích hơn 34 ngàn ha ra, mỗi người phải bảo vệ khoảng 800 ha rừng.
Ấy là chưa kể, thường xuyên có vài anh đi học nâng cao trình độ. Cho nên, tất cả anh em phải đoàn kết, hỗ trợ nhau, nỗ lực hết mình. Nhưng, với địa bàn trải rộng như thế, lực lượng kiểm lâm không thể dàn quân kiểm soát hết được, mà phải dựa vào dân. Các hộ dân trong rừng là tai mắt, là những người bảo vệ rừng hiệu quả nhất chứ không phải chúng tôi”.
Anh Hưng cho biết, khu vực rừng Gò Da, hay các vùng giáp ranh Đồng Nai, Vũng Tàu là những điểm phức tạp. Khoảng 10 năm trước, tình trạng phá rừng xảy ra thường xuyên. Mặc dù rừng Cần Giờ không có gỗ quí, nhưng lại là nguồn chất đốt lớn cho hàng trăm lò than ở Đồng Nai hoạt động.
Ngoài ra, rất nhiều sản vật, động vật quí, nên có những lúc người dân kéo cả đoàn vài chục người vào khai thác lâm sản. “Tụi tôi thường xuyên phải nằm đêm trong rừng. Nhiều lúc, bắt quả tang, họ quăng hết tang vật, nhấn chìm phương tiện xuống sông để phi tang, chúng tôi lại phải lặn để vớt lên bằng hết”, anh Hưng cho hay.
Kể về những lần đụng mặt lâm tặc và người phá rừng, anh Đỗ Văn Lâm, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Lý Nhơn, nhớ lại: “Rừng Cần Giờ có con địa sâm, một đặc sản quí. Nhưng muốn bắt nó, phải đào rất sâu dưới đất.
Việc đào đất này gây xói lở và ảnh hưởng đến hệ thống rễ, gốc cây rừng, nên bị cấm. Một lần đi tuần, chúng tôi phát hiện nhóm người đang chuẩn bị vận chuyển mấy trăm ký địa sâm nên yêu cầu kiểm tra.
Lúc này, 4 nam và 1 nữ trên ghe ném tang vật xuống sông, một số đồng bọn đứng trên bờ la hét, lấy gạch, ném đá ném vào chúng tôi rào rào. Rồi chúng lái ghe hướng vào ca nô kiểm lâm. Sợ gây thương tích cho cả hai bên nên chúng tôi đành tránh rồi rút về. Sau đó chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng xử lý vì những người này đều là dân địa phương”.
Đang nói chuyện thì bất chợt tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi. Sau vài giây, mới định hướng nơi phát ra tiếng chuông là… trên mái nhà. Thì ra, ở đây sóng điện thoại yếu nên các anh phải để điện thoại trên cây cột sát mái nhà.
Anh kiểm lâm tên Mạo đứng lên với tay lấy điện thoại xuống nghe, xong bảo: “Dì Tư Hoàng gọi, kêu anh Trung, con trai dì vừa đi lưới về, có mấy con cá ngác tươi, muốn biếu trạm 1 con bồi dưỡng”. Anh Hưng cười: “Cái sướng nhất của anh em kiểm lâm là đến hộ nào trong rừng cũng được bà con đón như người nhà đi xa về. Có gì ngon cũng muốn cùng ăn với anh em. Không có bà con thì không thể giữ rừng tốt như thế này”.
Đi một vòng qua các trạm kiểm lâm đóng rải rác trong rừng, gặp những cán bộ, kiểm lâm viên đóng chốt trong rừng, điều thấy rõ nhất là họ đều cảm thấy “có lỗi” với vợ con, nên mỗi khi được về thăm nhà là các anh giành làm hết mọi việc, từ đi chợ, nấu ăn, rửa chén, giặt đồ, quét dọn nhà cửa đến chăm con. Và, ai cũng nấu ăn rất giỏi.
“Mỗi khi thấy ba ngoài cổng là cô con gái lém lỉnh của tôi lại reo to: “Có khách về mẹ ơi! Hôm nay mẹ lại sướng rồi”. Bao nhiêu đó chỉ an ủi được cho vợ con chút xíu, mình đỡ áy náy một chút thôi anh ạ”, anh Hưng nói.
Anh Châu Văn Lên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Lý Nhơn tâm sự: “Hai đứa con tôi, đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ mới hơn một tuổi. Nhưng việc chăm sóc, nuôi dạy con giao hết cho cô ấy.
Nhiều lúc vợ chồng tâm sự, bả ghẹo tôi: “Chồng gì mà cứ như khách vậy, đi quanh năm suốt tháng, lâu lâu ghé chơi. Có cũng như không. Tôi cười, ghẹo lại: Có cũng như không làm sao “tòi” ra 2 đứa được? Thế là vợ tôi lại cười, “bỏ qua” cho cái lỗi đi biền biệt của tôi. Nhiều lúc nghĩ thương vợ con lắm nhưng công việc nó thế, biết làm sao được”. Anh Lên năm nay 42 tuổi, và đã có 20 năm lấy rừng làm nhà.
Anh Khánh, kiểm lâm viên trạm Lý Nhơn, năm nay đã 53 tuổi, nhưng 2 con anh chỉ mới 7 và 8 tuổi. “Sao anh lấy vợ trễ vậy?”, PV hỏi. “Không phải. Tôi lấy vợ 10 năm mới có con”. Anh Khánh cho biết, do vợ anh khó đậu thai, trong khi anh lại không có nhiều thời gian bên gia đình nên muộn con. “Lấy chồng làm kiểm lâm cũng thiệt thòi như chồng bộ đội. Vì phần lớn thời gian phải xa chồng. Một mình vừa đi làm vừa chăm 2 đứa con, cực lắm”, anh Khánh nói.
Nói về những kỷ niệm trong 20 năm gắn bó với rừng, anh Lên kể: “Một lần, cơ sở báo, đêm đó sẽ có nhóm lâm tặc từ Vũng Tàu qua chặt cây nên tôi cùng Hạt trưởng khi đó là anh Võ Hoàng Chương vào mai phục.
Khi phát hiện ghe của nhóm lâm tặc ra, chúng tôi pha đèn thì họ nhảy hết xuống sông, vì sợ chân vịt quét phải họ, nguy hiểm nên tôi cho ghe tấp vào bờ đợi chứ không dám đảo ghe tìm họ, mấy phút sau thì túm được một ông. Đến khi quay ra tính đưa chiếc ghe tang vật về thì chiếc máy cole 12 (chỉ đặt trên đuôi xuồng chứ không cố định) trên ghe của lâm tặc rớt xuống sông từ lúc nào, chỉ còn dính một sợi dây.
Chúng tôi không thể vớt máy lên xuồng được vì quá nặng, nên cứ để vậy kéo về trạm. Do vẫn đang chất đầy cây đước tang vật của lâm tặc, nhưng lại không còn chiếc máy ở đuôi nên ghe mất cân bằng, chạy được một đoạn thì nước tràn vào khoang. Tôi phải dùng chiếc thùng nhựa múc nước ra liên tục mấy tiếng đồng hồ. Đến khi về đến trạm, thì hai tay tê cóng, cứng đơ, mất cảm giác, cả tuần sau mới hết”.
Anh Văn Công Phia, kiểm lâm viên ở trạm An Thới Đông cũng kể một kỷ niệm khác: Trong những lần đi tuần, chúng tôi thường xuyên bắt gặp một người phụ nữ vào rừng đào địa sâm.
Lần nào chị cũng cam kết không đào nữa, nhưng cứ vài ba bữa lại gặp chị đào. Tìm hiểu thì mới biết, hoàn cảnh chị rất đáng thương. Chồng mất sớm, nhà rất nghèo, một mình nuôi 3 đứa con nhỏ, bản thân chị không có nghề gì, nên phải vô rừng kiếm vài chục ngàn mua gạo.
Sau khi nghe báo cáo về hoàn cảnh của chị, chính quyền địa phương đã hỗ trợ một số vốn cho chị mưu sinh. Giờ, chị đã có một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ, và không phải vào rừng nữa. (Nông Nghiệp Việt Nam 21/8, tr5) đầu trang(
Chỉ từ năm 2008 - 2013, hơn 4.500ha rừng và đất lâm nghiệp tại xã Trường Xuân (huyện Đắc Song) đã bị chặt phá, bao chiếm trái phép do chủ rừng là Cty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân - doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh - buông lỏng quản lý.
Điều đáng nói là hàng nghìn hécta rừng biến mất nhưng cả UBND huyện, công an huyện, hạt kiểm lâm đều không hay biết.
20.8, PV có mặt tại tiểu khu 1689 thuộc xã Trường Xuân, nơi có bạt ngàn những rẫy caosu, cà phê được trồng trên đất rừng mới phá. Ông Hà Văn Tuất - người xã Trường Xuân - ngạc nhiên khi PV đề cập việc canh tác trên đất rừng do Cty lâm nghiệp Trường Xuân quản lý. "Tôi mua 2ha này từ năm 2009, làm hoa màu mấy vụ rồi, bây giờ mới trồng càphê. Việc mua bán không cần biết tới Cty với lâm trường gì đâu" - ông Tuất nói.
Cũng theo ông Tuất, tiểu khu 1689 có đến vài chục người ở các thôn 4 - 5 thuộc xã Trường Xuân đang canh tác, trong đó có người tự khai hoang, có người mua lại. Chuyện ở tiểu khu 1706 còn nực cười hơn. Nhận được đơn của 28 hộ dân thôn Bu Bơ, chính quyền xã và hạt kiểm lâm huyện tiến hành xác minh, qua đó mới biết đất rừng bị các hộ này bao chiếm từ nhiều năm trước, nhưng Cty lâm nghiệp Trường Xuân không hề ngăn chặn, giải tỏa.
Ông Phạm Quốc Thụy - Chủ tịch UBND xã - cho biết: "Các hộ này bao chiếm đất rừng là sai, một số có cây trồng bị chặt phá, nhưng không phải đơn vị chủ rừng làm việc này".
Thực trạng trên cho thấy, Cty lâm nghiệp Trường Xuân đã làm ngơ trước nạn phá rừng, bán đất tràn lan trên lâm phần được giao quản lý. Chính vì vậy, chỉ trong vòng 5 năm, có hơn 4.500ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm để làm nhà ở, đất nông nghiệp, mua bán trái phép, trong đó có hơn 3.500ha là rừng tự nhiên bị chặt phá. Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã kết luận, "chưa có diện tích nào bị chặt phá, bao chiếm được Cty lâm nghiệp Trường Xuân thống kê, tổ chức giải tỏa, thu hồi để trồng lại rừng".
Có một loạt lý do được Cty lâm nghiệp Trường Xuân giải thích cho việc mất rừng: Tài chính khó khăn, phải cắt giảm 50% LĐ nên thiếu lực lượng bảo vệ rừng, lương trả cho NLĐ chỉ ở mức tối thiểu... Nhưng điều đáng nói là việc mất rừng với diện tích lớn, diễn ra trong thời gian dài, Cty không báo cáo đầy đủ với cấp thẩm quyền. Trong khi đó, Cty vẫn xây dựng phương án bảo vệ rừng, PCCC rừng trên diện tích... đã biến mất.
Rõ ràng, lãnh đạo Cty lâm nghiệp Trường Xuân đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đủ điều kiện chuyển cơ quan điều tra xử lý. Mặt khác, UBND huyện Đắc Song, hạt kiểm lâm, công an huyện, UBND xã Trường Xuân cũng có trách nhiệm trong việc để mất rừng trên địa bàn - theo Quyết định 07/2012/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng.
Vậy nhưng, "xét về mặt khách quan, sai phạm với thời gian dài, liên quan đến cơ chế, chính sách, tình hình chung... nên cần được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự". Do vậy, mới đây, UBND tỉnh Đắc Nông giao Sở Nội vụ tham mưu kỷ luật ông Trần Quyết Tâm - Chủ tịch kiêm GĐ Cty - và một số cán bộ Cty, yêu cầu UBND huyện Đắc Song và các cơ quan của huyện nghiêm túc kiểm điểm.
Tuy nhiên, nếu vụ việc này không được xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật thì có thể diện tích rừng còn lại ở Trường Xuân cũng sẽ nhanh chóng bị "xóa sổ". Hiện Cty chỉ còn lại 1.728ha rừng trên lưu vực các suối: Đắc Nông, Đắc Rung, Đắc R'tih và Đắc Búc So - các suối lớn của tỉnh Đắc Nông. Nếu không giữ được những cánh rừng này, cả một vùng rộng lớn phía tây nam tỉnh - trong đó có thị xã tỉnh lỵ Gia Nghĩa - sẽ bị cạn kiệt nguồn nước. (Lao Động 21/8, tr1) đầu trang(
Việc lâm tặc chặt phá rừng phòng hộ tại thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh (huyện Thường Xuân) diễn ra công khai, nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết. Thậm chí vụ việc đang có dấu hiệu có sự “tiếp tay” của chính quyền xã và kiểm lâm?
Để hiểu rõ hơn “công đoạn” khai thác gỗ và thủ tục “vượt mặt” kiểm lâm, phóng viên đã phải ở lại thôn Cụt Ạc suốt mấy ngày trời mới tìm ra chân tướng sự việc.
Được biết, số gỗ này là do người dân bản địa vào rừng lấy về bán lại cho đầu nậu. Một người dân vừa đi chặt gỗ về cho biết, suốt cả tháng qua họ ngày nào cũng vào rừng chặt gỗ về bán. Một người đi chặt, người khác cũng theo và cuối cùng là “một đội quân” lâm tặc hùng mạnh xới tung cả khu rừng phòng hộ.
Người dân Cụt Ạc nói, họ được một đầu nậu thuê vào rừng chặt cây bán với giá mỗi khúc gỗ từ 70.000đ đến 120.000 đồng, tùy vào đường kính. Nguyên nhân cũng là do người dân nơi đây nghèo khó, ruộng nương ít không đủ sống. Bên cạnh đó, họ không có một nguồn thu nhập phụ nào, nên khi nói chặt gỗ có tiền là đều “xung phong”.
"Ở đây nhận thức người dân kém lắm, rừng phòng hộ nhưng khi được nhà nước giao bảo vệ rừng thì họ cứ nghĩ rằng đó là vườn nhà mình, vì thế họ thích làm gì thì làm”, một người dân cho biết.
Để hợp thức hóa việc chặt gỗ, đầu nậu xúi giục người dân làm đơn lên xã xin được khai thác với nội dung xin một số cây về giải quyết việc gia đình. Khi được sự đồng ý của xã, lâm tặc vịn vào cớ này tha hồ chặt hạ.
Ông Cầm Bá Nhang, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh gặp PV còn khoe “thành tích” hơn 1 tháng nay, đã ký cho 4 hộ khai thác gỗ. Ông còn bảo, rừng bị chặt là do lâm tặc lợi dụng vào việc ông cho các hộ dân khai thác. Lâm tặc không khai thác đúng cây, đúng vị trí mà khai thác tràn lan, chính quyền không kiểm soát được mới sinh ra phá rừng!?
Ông Nhang còn nói rất rõ quy trình cấp phép khai thác cho người dân. Cụ thể, người dân làm đơn lên xin, xã xác nhận, sau đó đầu nậu phối hợp với người dân đưa hồ sơ lên huyện. Quy trình ở trên thế nào thì xã không biết, chỉ biết rằng sau khi có chữ ký của xã là họ tiến hành khai thác.
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Hường, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân phụ trách nông nghiệp cho biết, về nguyên tắc xã chỉ được ký cho người dân khai thác rừng vườn (rừng trồng). Còn ở đây là rừng phòng hộ, nếu tận thu, tận dụng phải lập bảng kê và được sự đồng ý của huyện? Còn nếu khai thác chính phải có phương án điều chế rừng. Như vậy xã ký quyết định cho người dân khai thác là sai hoàn toàn!
Bà Hường cho biết thêm: “Ngoài rừng trồng ra, tất cả rừng nào muốn khai thác, chặt cây phải có chữ ký của tôi. Tôi khẳng định từ tết ra đến nay tôi chưa hề ký một quyết định nào cho xã Xuân Chinh nói chung và thôn Cụt Ạc nói riêng về vấn đề khai thác gỗ”.
Theo bà Hường, khi đã có hồ sơ xin khai thác gỗ thì theo quy trình phải được cán bộ chuyên môn, kiểm lâm huyện đi khảo sát, xác nhận vị trí, số cây, sau đó đóng búa rồi về huyện mới dựa trên đó để ký xác nhận cho phép khai thác hay không.
Như lời bà Hường nói thì cán bộ trạm kiểm lâm Bù Đồn đang có vấn đề? Sở dĩ nói như vậy là vì theo như ông Cầm Bá Nhang, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh bảo mỗi lần ông ký quyết định cho các hộ dân lên khai thác thì đều có kiểm lâm địa bàn và cán bộ xã đi xác định vị trí, số cây.
Chính vì vậy mà trong số 4 hộ ông Nhang ký cho khai thác có một hộ sau khi lên kiểm tra không đủ tiêu chuẩn nên xã và kiểm lâm không cho khai thác. Điều đáng nói, trạm kiểm lâm làm gì khi người dân thông báo có xe gỗ đi qua? Và việc chặt phá rừng diễn ra công khai cả tháng nay mà kiểm lâm không hề hay biết?
Người dân thôn Cụt Ạc cho biết, trung bình một tuần có vài lượt xe ô tô vào bốc gỗ, họ đã thông báo cho kiểm lâm, nhưng chẳng thấy ai vào kiểm tra hay bắt giữ.
Mang thông tin này trao đổi, ông Nguyễn Thanh Luyện, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bù Đồn cho biết, hơn một tháng trở lại đây trạm chưa bắt được xe chở gỗ nào. Cũng có lần người dân báo, cán bộ trạm xuống bắt giữ nhưng khi kiểm tra thì số gỗ đó lại có nguồn gốc xuất xứ, hồ sơ do người dân xin khai thác!?
Câu hỏi đặt ra, cán bộ kiểm lâm đã kiểm tra gì? Tại sao lại không hề hay biết giấy phép đó có hợp lệ hay không? Chủng loại gỗ có được chặt phá theo đúng quy định của pháp luật?
Hơn nữa, việc phá rừng hơn một tháng qua, hàng chục xe gỗ đã được “tuồn” ra ngoài chỉ cách trạm chưa đầy 8km mà kiểm lâm không hề hay biết, hay đã có sự tiếp tay? (VietnamNet 21/8) đầu trang(
20-8, ông Lê Xuân Lâm, Quản lý Trung tâm cứu hộ dộng vật hoang dã Củ Chi (WAR), cho biết nơi đây vừa tiếp nhận và cứu hộ thành công cho một cá thể gấu hoang dã bị dính bẫy và mất một bàn chân.
Cá thể gấu ngựa khoảng 6 tháng tuổi (nặng 12 Kg) được trung tâm tiếp nhận vào ngày 30-7 từ Vườn quốc Gia Chư Mon Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon tum. Khi tiếp nhận tình trạng sức khỏe gấu ngựa rất nguy kịch do bị dính bẫy của người dân nên mất bàn chân trước. Các bác sĩ thú y và nhân viên trung tâm phải áp dụng các biện pháp chăm sóc đặc biệt.
“Sau khi phẫu thuật và được chăm sóc y tế hiện tại vết thương ở chân của gấu ngựa đã lành và sức khỏe tương đối tốt. Đây là trường hợp rất đặc biệt vì trước đây trung tâm chỉ tiếp nhận cứu hộ cho gấu nuôi nhốt nhưng cá thể gấu ngựa này là hoang dã nên việc cứu chữa cũng gặp nhiều khó khăn” - ông Lâm cho biết. (Pháp Luật TPHCM 21/8) đầu trang(
Tối 20-8, ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết các cá thể nghi là bò tót từng xuất hiện ở gần khu dân cư thôn Đồng Hội, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) đã không còn thấy xuất hiện.
Trả lời về nghi vấn các cá thể này đã bị săn, ông Công cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định.
Cũng theo ông Công, cuối tháng 7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã lấy mẫu phẩm cá thể nghi của bò tót và có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT cho giám định mẫu phẩm cũng như hướng dẫn chuyên môn để bảo vệ các cá thể này nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Theo ông Công, hiện các mẫu phẩm đang lưu giữ tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên có nguy cơ bị hư hỏng.
Như đã thông tin, đầu tháng 7, người dân xã Xuân Quang 1 phản ánh có hai cá thể nghi là bò tót vào ban đêm từ rừng ra gần khu dân cư ăn phá, giẫm đạp khiến hoa màu hư hỏng cũng như đe dọa nhiều người dân địa phương…. PV đã trực ghi hình được một cá thể rất giống với bò tót đang phá hoại rẫy bắp gần khu dân cư. (Pháp Luật TPHCM 21/8) đầu trang(
20.8, Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) cho hay hạt vừa ra quyết định khởi tố hình sự vụ án gây cháy rừng khiến lực lượng chức năng phải huy động hơn 1.000 người dập lửa trong 2 ngày mới khống chế được.
Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 21.6, lực lượng kiểm lâm phát hiện khu vực rừng dốc Chuồi ở thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang xảy ra đám cháy lớn.
Do địa hình đồi núi hiểm trở, không có đường công vụ nên xe cứu hỏa không thể tiếp cận đám cháy, đồng thời do gió mạnh nên đám cháy lan nhanh sang rừng trồng keo lá tràm của người dân.
Phòng cháy chữa cháy Đà Nẵng cùng các lực lượng khác cắt rừng, dùng phương tiện, thiết bị cầm tay dập lửa, đồng thời phát quang ngăn cháy lan.
Cho đến khuya 22.6, ngọn lửa mới cơ bản được khống chế. Hậu quả, vụ cháy thiêu rụi hơn 106 ha rừng, thiệt hại nghiêm trọng nhất trong các vụ cháy rừng từ đầu năm đến nay tại Đà Nẵng, trong đó có 35,68 ha rừng đặc dụng, 70,35 ha rừng sản xuất.
Qua điều tra, Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang xác định vào thời điểm 8 giờ ngày 21.6, các ông Đặng Phước Dũng, Nguyễn Thanh Minh và Hoàng Đình Toàn (cùng trú thôn Hòa Hải) trong lúc đốt rừng xử lý thực bì để tái trồng rừng trên diện tích phát lấn chiếm đã bất cẩn làm lửa cháy lan.
Cũng trong ngày 20.8, Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng tiếp tục phát thông báo bản tin dự báo cháy rừng số 18, báo động nguy cơ cháy rừng duy trì ở mức nguy hiểm, cấp báo động 4, có khả năng cháy rừng diện rộng do nắng nóng tiếp tục ảnh hưởng. (Thanh Niên 20/8) đầu trang(
Dọc chiều dài bờ biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình trạng xâm thực, xói lở… khiến biển lấn sâu vào đất liền từ vài chục đến cả trăm mét mỗi năm. Trước sự tàn phá của sóng biển, hàng loạt nhà cửa, đất đai sản xuất, rừng phòng hộ và thậm chí một số công trình đê kè cũng bị sóng biển cuốn trôi…
Theo Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh có trên 385km bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Nhiều đoạn, tuyến khác tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, đời sống của người dân. Theo đánh giá của các ngành chức năng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại Kiên Giang rất nghiêm trọng, nhất là cao điểm mùa bão, lũ sắp đến.
Trong khi đó nguồn vốn đầu tư chống sạt lở khá lớn, vượt khả năng của địa phương. Điển hình như tuyến bờ biển dài hơn 200km từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh) giáp với Cà Mau, có nhiều đoạn bị sạt lở gần đến chân đê Quốc phòng. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiều tác động bất lợi khác... Bên cạnh đó, đai rừng ngập mặn phòng hộ ven biển mỏng và nhiều đoạn rừng mất đi, không còn khả năng phòng hộ bảo vệ, làm giảm cường độ của sóng biển đánh mạnh vào bờ.
Hay như đai rừng ven biển phòng hộ chắn sóng, có nhiệm vụ chống xói lở đê biển thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) trước đây nhiều nơi có bề dày trên 300m. Hiện nay, những đai rừng dày nhất ở đây còn lại cũng chỉ trên 100m. Bây giờ, rất nhiều nơi bờ biển chạy dài ngút tầm mắt chỉ trơ trọi bờ... nối liền với biển. Tình trạng sạt lở tiếp tục đẩy nước biển lấn sâu vào đất liền thêm hàng chục mét mỗi năm.
Ở tỉnh Trà Vinh, sạt lở bờ biển huyện Duyên Hải cũng là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua. Trước khi “vồ” đất liền, sóng biển đã “ngốn” sạch hơn 10ha rừng phòng hộ. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở hoàn toàn trên 2km đê biển hồi cuối năm 2013 ở các xã Trường Long Hòa, Dân Thành, Hiệp Thạnh.
Sau khi phòng tuyến chính là con đê bảo vệ bờ biển bị bẻ gãy, gần 100 căn hộ và nhiều diện tích hoa màu được bảo vệ phía bên trong đê tiếp tục bị nước biển tấn công. Ông Trương Điều (người dân xã Trường Long Hòa) cho biết: “Hầu hết người dân trồng rau màu ở khu vực sạt lở này nếu không bị nước biển cuốn mất đất đai thì cũng bị mất sạch thành quả lao động, mồ hôi nước mắt mấy tháng trời đằng đẵng”…
Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài sạt lở ven biển ở tỉnh này đã trên 40km, trong đó có 4 khu vực sạt lở nguy hiểm dài trên 17km thuộc các khu vực đê biển Tây; cửa biển Gành Hào, huyện Đầm Dơi; khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau và bãi biển Khai Long. Mức độ sạt lở trong 5 năm qua, có nơi biển đã ăn sâu đất liền hơn 100m.
Điển hình, huyện U Minh có đường bờ biển dài khoảng 35km, nhưng phần lớn diện tích rừng ven biển ở đây đã bị sóng biển Tây vốn bình lặng xóa sổ. Có nơi biển lấn sâu vào đất liền gần 1km. Phần lớn nhà dân ở xã Khánh Tiến sống ven rừng phòng hộ trước kia nay phải di dời vào sâu trong đất liền để tránh thiên tai và sóng biển nuốt mất nhà…
Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Cà Mau đang xây dựng một tuyến kè ly tâm (dùng cọc bê tông ly tâm đóng xuống biển cách bờ khoảng 100m để tạo bãi bồi trồng rừng trở lại) dài trên 4,4km. Cách làm này là có hiệu quả nhằm tái tạo rừng, chống sạt lở, nhưng chi phí khá cao (khoảng 30 triệu đồng/m đê kè) ngân sách tỉnh khó bề gánh nổi.
Trong quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu vùng ĐBSCL từ nay đến năm 2020, định hướng năm 2030 ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phục vụ phát triển sản xuất toàn vùng, Kiên Giang được phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện đê biển Tây, một số tuyến đê sông, xây dựng nhiều công trình thủy lợi trọng điểm. Các công trình này sẽ góp phần hạn chế, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.
Trước mắt, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát lại những bờ sông, bờ biển bị sạt lở, tập trung gia cố, bồi trúc và trồng cây gây rừng. Tỉnh tiếp tục thực hiện nhanh những dự án khôi phục rừng ngập mặn phòng hộ ven biển tại các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất và Kiên Lương. Khoán bảo vệ phát triển rừng cho hộ dân và kiểm soát chặt chẽ việc trồng rừng theo đúng tỷ lệ quy định để tái sinh, khôi phục nhanh rừng ngập mặn ven biển, tăng khả năng phòng hộ, ứng phó trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tuy nhiên, trên thực tế các tuyến đê biển ở ĐBSCL vẫn là những mảnh ghép nhỏ lẻ, chưa thành chuỗi đê liên kết bảo vệ đất liền. Vì thế, khi sóng lớn sẽ phá các tuyến đê vừa được xây mới này. Vì vậy cần phải có quy hoạch cụ thể, ưu tiên đầu tư vào vùng trọng yếu có mức độ sạt lở nghiêm trọng như vùng bán đảo Cà Mau. (Công An Nhân Dân 20/8) đầu trang(
Chiều 20-8, thi thể anh Trương Bích Ngọc (26 tuổi, trú thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đã được đưa từ rừng về nhà để an táng.
Sáng 20-8, anh Ngọc cùng vợ là Trương Thị Bi (23 tuổi) đi vào khu rừng Hung Lá ở địa phương (thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) để chặt cây. Khi cây ngã anh Ngọc tránh không kịp do dây rừng bám víu vào người nên bị cây đổ đè lên người, tử vong tại chỗ.
Gần một tháng trước, tại khu vực trên, một người khác cùng ở thôn Phú Nhiêu là anh Trần Văn Sông (31 tuổi) đi chặt cây rừng cũng tử vong do cây ngã đè.
Ông Cao Thanh Biên, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: “Mặc dù chính quyền và các ban ngành, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền người dân bảo vệ rừng, không vào rừng khai thác lâm sản, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp lén lút vào rừng dẫn đến tai nạn thương tâm”. (Công An TPHCM 20/8; Giáo Dục & Thời Đại 20/8) đầu trang(
Các nhà làm quy hoạch đã quên điều này: Rừng khộp tuy nghèo gỗ nhưng có giá trị đặc biệt về môi trường và đa dạng sinh học, nó chậm phát triển nhưng khó thay thế bằng các cây trồng khác. Quy hoạch phát triển caosu tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp đã góp phần hủy hoại một hệ sinh thái đặc biệt mà không thấy hiệu quả gì.
Ngoài diện tích rừng đã chuyển đổi theo các dự án, việc trồng caosu đã tác động xấu đến công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Ea Súp. Tình trạng chặt phá, bao chiếm đất rừng diễn biến rất phức tạp.
Báo cáo của UBND huyện Ea Súp gửi đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc mới đây nêu rõ: "Hầu hết các dự án đều bị lâm tặc xâm nhập chặt tỉa cây rừng, lấn chiếm đất.
Tổng diện tích rừng bị chặt phá sau khi cho các DN thuê đất là 201ha, trong đó Cty Gia Huy 65ha, Cty Minh Hằng 70ha, DNTN Phát Đạt 40ha... Còn tổng diện tích đất bị lấn chiếm sau khi cho các DN thuê lên tới 447ha, trong đó Cty Gia Huy 349ha, Cty CP caosu Phú Riềng Kratie 38hha, Cty Thái Bình Phát 30ha...".
Về mặt xã hội, việc chuyển đổi đất rừng trồng caosu đã làm phát sinh tình trạng tranh chấp đất đai kéo dài giữa các DN và người dân, có thời điểm tạo thành những điểm nóng khiếu kiện đông người (như dự án của DNTN Phát Đạt, Cty CP caosu Trí Đức, Cty CP Phú Riềng Kratie, các Cty TNHH Gia Huy, Minh Hằng).
Các DN cũng chưa đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng với tiềm năng, lợi thế theo dự án được duyệt. Chủ đầu tư chưa coi trọng công tác bảo vệ rừng trong vùng dự án, không bố trí lực lượng đủ mạnh và thường xuyên. Mất rất nhiều, nhưng các dự án chuyển đổi rừng trồng caosu ở huyện Ea Súp chỉ giải quyết việc làm cho 788 lao động trong và ngoài địa phương, trong đó 507 lao động thời vụ, công nhật.
Nguyên nhân là các DN muốn trồng caosu trên toàn bộ diện tích được thuê, nhưng chỉ được thí điểm 100ha, còn lại phải bảo vệ rừng chờ kết quả thí điểm mới được chuyển đổi tiếp. Do đó việc đầu tư hạ tầng, bố trí nhân lực trong vùng dự án bị cắt giảm tối đa.
Theo Quyết định 3061/QĐ - UBND ngày 3.11.2009 của UBND tỉnh Đắc Lắc, gần 8.000ha caosu phát triển tại Buôn Đôn, Ea Súp đều được chuyển đổi từ đất rừng khộp. TS Trình Công Tư - Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên, Viện Thổ nhưỡng nông hóa - cho rằng, phần lớn diện tích đất rừng khộp có thành phần cơ giới tầng mặt là cát hoặc cát pha, kết cấu đất rời rạc, nguồn dinh dưỡng kém.
Cách mặt đất khoảng 20 - 40cm là tầng kết von, sỏi đá, dưới tích đất sét nên mùa nắng gió cây caosu dễ bị ngã đổ, mùa mưa bị ngập úng. Các yếu tố quan trọng khác như nhiệt độ, lượng mưa, chế độ gió vùng rừng khộp cũng tương đối khắc nghiệt. Ngay từ năm 2009, TS Phạm Quang Khánh - Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp - cũng đã cảnh báo: “Rừng khộp tuy là rừng nghèo, nhưng là loại rừng quý hiếm, đặc trưng của Tây Nguyên, cần thận trọng để tránh tình trạng cây caosu không hiệu quả nhưng mất rừng”.
Trao đổi với PV, TS Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên - cho biết: "Từ nhiều năm trước, chúng tôi không ủng hộ việc chuyển đổi rừng khộp trồng caosu. Không phải 100% rừng khộp đều không phù hợp với cây caosu, nhưng trồng vài chục hécta giữa tiểu khu cả nghìn hécta thì có đáng gì, rồi quản lý ra sao, chế biến thế nào...? Trong khi đã đưa dự án caosu vào rừng thì sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, mà sự thật là không thể bảo vệ được diện tích rừng còn lại. (Lao Động 20/8, tr3) đầu trang(
Chiều 20/8, ông Lê Văn Anh - Phó chủ tịch UBND xã Thủy Phù, TX Hương Thủy cho biết, vừa qua trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ hỏa hoạn khiến 4 ha rừng thông nhựa và rừng trồng bị thiêu rụi.
Trước đó, vào khoảng 12h45 ngày 18/8 tại vùng rừng 3 Cồn (thuộc quản lý của HTX NN 2, xã Thủy Phù) xảy ra vụ cháy. Nhận được tin báo, UBND xã Thủy Phù đã huy động tất cả các lực lượng trên địa bàn tham gia chữa cháy, đến 15h đám cháy đã được khống chế.
Tuy nhiên sau đó do gió thổi mạnh, đến 18h cùng ngày, đám cháy bùng phát trở lại, UBND xã phải huy động lực lượng thêm lần nữa để dập tắt đám cháy. Theo điều tra ban đầu, có thể do người dân đốt lửa để lấy mật ong sau khi dập tắt do vô ý để xót lại tàn lửa.
Theo ông Anh vụ cháy thiêu rụi khoảng 4 ha rừng, trong đó có 2 ha rừng thông nhựa, 2 ha rừng trồng, làm thiệt hại hơn 100 triệu đồng. (Đời Sống & Pháp Luật 21/8) đầu trang(
Nhờ đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng gắn với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giác ngộ nhận thức của đồng bào về lợi ích của rừng, người dân Nam Trà My đã nêu cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đến nay, đã thu hút gần 650 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.
Nam Trà My là một huyện miền núi với hệ động, thực vật phong phú và đa dạng; trong đó phải kể đến vùng Ngọc Linh, vùng thác 5 tầng, vùng Trà Nam, Trà Leng, Trà Cang…. Nhiều loại gỗ quý như: gõ, huỳnh đàn, sơn huyết, dỗi, sao đen, sến, huỷnh và nhiều loài thực vật quý hiếm khác.
Do diện tích rừng tự nhiên khá rộng, địa hình phức tạp, lực lượng kiểm lâm huyện vẫn còn mỏng nên việc kiểm soát, quản lý bảo vệ rừng nhiều lúc nhiều nơi chưa được thường xuyên. Để khắc phục hạn chế này, huyện Nam Trà My đã giao cho 647 hộ nhận khoán bảo vệ với 12.184ha rừng tự nhiên; giao khoán 6.184 héc ta rừng tự phòng hộ cho các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ; giao khoán 14.573 héc ta rừng đặc dụng cho 37 nhóm hộ quản lý bảo vệ.
Nhờ đó, công tác giữ rừng ở Nam Trà My đã có những bước chuyển biến rõ rệt.  Với sự tham gia hỗ trợ bảo vệ rừng của các nhóm hộ mà hàng trăm đối tượng cùng nhiều vụ phá rừng trái phép đã bị phát hiện và vây bắt, đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật. (Báo Quảng Nam 19/8) đầu trang(
Trước đây, tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch 25 dự án thủy điện trên địa bàn, tuy nhiên sau khi rà soát các dự án thủy điện này tỉnh Quảng Ngãi đã loại 6 dự án.
Hiện có 12 dự án thủy điện đang triển khai với tổng công suất gần 300 MW, trong đó trên địa bàn huyện Sơn Hà có 8 dự án thủy điện.
Ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi cho biết, thời gian đến tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục rà soát lại các dự án thủy điện chuẩn bị triển khai, nếu dự án nào không khả thi, đặc biệt có diện tích rừng bị tàn phá nhiều, tác động đến môi trường sinh thái thì sẽ loại bỏ...(Radio VN 20/8) đầu trang(
Tại xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, cùng với cây cà leo, ươi…thương lái đang lùng sục thu mua cây khổ sâm (cứt chuột) để bán sang Trung Quốc.
Người dân đổ xô vào rừng khai thác, khiến cây khổ sâm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Quanh năm suốt tháng, thương lái ngày nào cũng mua, họ còn đặt hàng trước mà không có bán. (Nông Thôn Ngày Nay 21/8, tr6) đầu trang(
Sở GD&ĐT TP HCM tổ chức thi soạn giáo án điện tử giảng dạy tích hợp nội dung giáo dục bảo tồn động vật hoang dã.
Theo đó, giáo viên dự thi soạn một bài giảng điện tử cho một tiết học của môn Sinh học lớp 7, có tích hợp nội dung bảo vệ động vật hoang dã. Mỗi sản phẩm dự thi gồm 1 file giáo án và 1 file bài giảng bằng Microsoft. PowerPoint.
Các trường tập hợp bài dự thi và nộp về Phòng GD&ĐT; các Phòng GD&ĐT nộp về Sở GD&ĐT trước ngày 15-4-2015. (Đại Đoàn Kết 21/8) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Người dân sinh sống ở chợ gỗ Phù Khê - Từ Sơn (Bắc Ninh) không khỏi bất ngờ chứng kiến trưởng thôn Hưng “sóc” kiêm Giám đốc Cty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh (Cty Thành Hưng) đã nửa cuộc đời cơm tù áo số lại tiếp tục sa lưới ở tuổi 61.
Sau khi ông trùm Hưng “sóc” và Minh “sâm”, Giám đốc Cty TNHH Đại An (Cty Đại An) sa lưới vào ngày 13/8, phóng viên Tiền Phong đã trực tiếp vào “thủ phủ” của trưởng thôn Hưng “sóc” đối mặt đàn em và người nhà để tìm hiểu cuộc sống của ông này.
Từ trung tâm thị xã Từ Sơn đi khoảng 2km là tới thôn Phù Khê Thượng, xã Phù Khê (từ Sơn)- “thủ phủ” của gia đình trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng (Hưng “sóc”- SN 1953, kiêm Giám đốc Cty Thành Hưng). Con đường dẫn vào thôn Phù Khê Thượng rộng thênh thang, song luôn bị ách tắc bởi những xe tải chở gỗ nườm nượp ra vào. Hai bên đường là hàng trăm hộ kinh doanh buôn bán gỗ, đồ mỹ nghệ, khiến cho khu vực này càng thêm sầm uất.
Phóng viên đóng vai người đi mua gỗ nhờ một người lái xe ba gác chở tới khu vực kinh doanh gỗ của Hưng “sóc”. Rất nhanh, người lái xe tên Q. đưa thẳng PV đến trụ sở Cty Thành Hưng. Theo anh Q., về nguyên tắc, hoạt động của khu vực này từ trước tới nay không ai được phép can dự vào chuyện của trưởng thôn Hưng. Dù trưởng thôn có mặt hay vắng mặt, mọi chuyện vẫn tăm tắp như đã được lập trình.
Trụ sở Cty Thành Hưng cửa đóng im ỉm, PV đành phải hỏi người dân tìm tới nhà ông trùm Hưng “sóc”. Sau những nỗ lực chúng tôi đã tiếp cận được gia đình em trai trưởng thôn Hưng “sóc” là ông Nguyễn Văn Cường (SN 1955).
Khi giới thiệu là PV, ông Cường tỏ ra khá cởi mở, dù trên khuôn mặt vẫn chưa hết nghi ngại. Ông Cường phàn nàn, gia đình chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ cơ quan công an, song một số tờ báo đã đăng nhiều chi tiết “không chính xác” về gia đình ông.
Ông Cường cho biết, gia đình ông có 8 người con (4 trai, 4 gái), trong đó, ông Hưng là con thứ 4. Từ nhỏ, Hưng đã tỏ ra là người thông minh, nhanh nhẹn hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa, và rồi có biệt danh Hưng “sóc”.
Về tiểu sử của Hưng “sóc”, hầu hết người dân ở Phù Khê Thượng đều nắm rõ. Sau khi học hết lớp 9 (hệ 10 năm), Hưng lên thị xã học trung cấp sư phạm ở Bắc Ninh. Không lâu sau khi rời quê nghèo, Hưng bắt đầu sa ngã. Kết nạp được nhiều anh em trong và ngoài tỉnh, Hưng bỏ học, cùng đồng bọn đi trộm cắp. Trong các phi vụ, Hưng là người cầm đầu và tổ chức rất bài bản.
Hai mươi ba năm ăn cơm tù, chôn vùi tuổi trẻ, cũng có lúc Hưng “sóc” bắt đầu ăn năn hối cải, quyết tâm làm lại cuộc đời. Năm 1995, Hưng xây dựng gia đình với bà Hoàng Thị H. Hai vợ chồng sinh được hai con, một trai, một gái. Được anh em trong họ mở rộng vòng tay, Hưng đi buôn gỗ, quyết đoạn tuyệt với con đường tội lỗi, làm ăn lương thiện.
Nhờ lối cư xử chuẩn mực, chân tình nhưng nghiêm khắc mà Hưng rất được lòng mọi người. Trong lúc khó khăn nhất, một người anh em thành đạt là Minh “sâm” từng được Hưng cưu mang khi còn trong tù đã mang đến 100 triệu đồng cho Hưng khởi nghiệp. Có vốn, Hưng mở cửa hàng tạp hóa cho vợ buôn bán, còn mình lại tiếp tục đi buôn gỗ. Năm 2004, được sự tín nhiệm của dân làng, Hưng trúng chức trưởng thôn Phù Khê.
Cũng trong năm này, Hưng đứng ra kêu gọi quyên góp xây dựng được ngôi chùa Hồng Ân rất khang trang ở quê nhà. Hưng được giao trọng trách là trưởng ban kiến thiết xây dựng chùa. Những đóng góp của ông Hưng đã được UBND thị xã Từ Sơn và các cấp, ngành ghi nhận.
Chia sẻ với PV, bà H., vợ Hưng “sóc”, cho biết: Hồi mới ra tù, trở về quê hương, chồng bà chuyên buôn bàn ghế lên khu vực Móng Cái. Được một thời gian bị vỡ nợ, Hưng vay vốn ngân hàng mở xưởng xẻ gỗ, sau đó tuyển thợ chế tác gỗ. Công việc làm ăn dần khấm khá lên. “Ông ấy rất hòa nhã, ít khi tụ tập nhậu nhẹt, uống rượu ở nhà. Hôm ông ấy bị bắt, công an mang đi một máy vi tính, niêm phong hai chiếc két sắt, trong két có khoảng hơn 2 tỷ đồng” - bà H. nói.
Theo quan sát của PV, tại Cty Thành Hưng, rất nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận thành tích của Nguyễn Thành Hưng được treo ở khu vực trung tâm. Nhiều tấm ảnh ông Hưng chụp cùng các lãnh đạo cấp cao cũng được trưng bày tại trụ sở Cty.
Ông Đỗ Tuấn Khanh, Phó chủ tịch UBND xã Phù Khê cho biết, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Cty Đại An (tức Minh “sâm”, SN 1960) trúng thầu khu chợ gỗ Phù Khê vào năm 2008. Chợ có 500 ki ốt, Minh “sâm” cùng Hưng “sóc” có công rất lớn trong việc kéo được nguồn gỗ từ các nơi về đây, tạo công ăn việc làm cho bà con, cũng như đảm bảo việc chăm nom, bảo vệ tài sản.
Ông Đỗ Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND xã Phù Khê, cho biết thêm, trong quá trình kinh doanh buôn bán và quản lý khu chợ gỗ, Hưng “sóc” có để xảy ra một vài vụ xô xát nhỏ, nhưng đã được giải quyết ổn thỏa. Theo vị Chủ tịch xã Phù Khê, từ khi ông Hưng bị bắt tới nay, địa phương chưa nhận được bất cứ thông tin gì từ cấp trên liên quan đến Minh và Hưng.
Hai năm trước khi bị bắt giam, Hưng “sóc” từng có buổi tiếp xúc với PV, dưới danh nghĩa một giang hồ hoàn lương. Lúc đó, Hưng kể, mở màn cho quãng đời lầm lỗi của ông ta là vụ trộm tài sản của bà mẹ sĩ quan quân báo. Nhiều cơ quan chức năng vào cuộc điều tra không thu được kết quả, nhưng bằng nghiệp vụ, ông sĩ quan trên đã đưa Hưng vào diện nghi vấn, gửi cho Hưng một lá thư hẹn gặp với lời khuyên đầu thú. Hai người đã có cuộc gặp gỡ, lời qua tiếng lại khiến Hưng khó chịu bỏ về.
Ba tuần sau, lúc nửa đêm, Hưng lại đột nhập căn nhà kín cổng cao tường của ông sĩ quan rồi khoắng một phần số tiền vàng trong tủ. Ông sĩ quan tiếp tục gửi thư cho Hưng. Hưng thản nhiên nhận thư và đến gặp, nhưng ít ngày sau lại tiếp tục quay lại ngôi nhà của vị sĩ quan để trộm. Vị sĩ quan quân báo không còn kiên nhẫn. Năm 1973, Hưng bị TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xử 18 tháng tù vì tội trộm cắp.
Cũng theo lời Hưng, khi bước chân ra khỏi trại giam, ông ta lang bạt khắp nơi. Nghe tiếng đại ca “sổ lồng”, đám đàn em kéo tới xin được thâu nạp, tiếp tục gây những vụ trộm cắp táo tợn. Cái tên Hưng “sóc” nhanh chóng lan khắp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, sang tận Thái Nguyên. Năm 1975, Hưng ra tù. Chỉ 2 năm sau, Hưng lại sa lưới pháp luật lần hai vẫn vì tội trộm cắp tài sản, bị TAND tỉnh Hà Bắc (cũ) kết án 10 năm. (Tiền Phong 21/8, tr11) đầu trang(
Chiều 20/8, cùng với việc trao thưởng cho các đơn vị tham gia phá án, trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP – Bộ Công an đã chỉ đạo CQĐT tích cực mở rộng vụ án, làm rõ các hành vi phạm tội của băng nhóm tội phạm do Minh “sâm” và Hưng “sóc” cầm đầu.
Theo Tổng cục Cảnh sát PCTP - Bộ Công an, để phá ổ nhóm trên, C47 đã xác lập chuyên án mang bí số 108M từ tháng 5/2013. Chiều tối 13/8, C47 đã cùng với các đơn vị chức năng bất ngờ phong tỏa trụ sở, bắt khẩn cấp 10 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản; thu giữ 1 lựu đạn, 6 khẩu súng (gồm 2 súng ngắn, 2 súng Somblex, 2 súng bắn đạn hoa cải) 7 xe ô tô, trong đó có 1 xe Maybach trị giá trên 30 tỷ đồng; 3 xe Lexus, 1 xe Mercedes, 1 BMW, 1 xe Toyota); 2 cây gỗ sưa (trị giá hàng chục tỷ đồng); 6 tỷ đồng và 50 nghìn USD cùng sổ tiết kiệm và nhiều thẻ tín dụng trị giá hàng tỷ đồng...
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” và “tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép”.
Theo trung tướng Đỗ Kim Tuyến, lực lượng chức năng xác định đây là băng nhóm tội phạm hoạt động với nhiều hành vi phạm tội: Cưỡng đoạt tài sản, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, cố ý gây thương tích và có dấu hiệu của tội buôn lậu, trốn thuế… Băng nhóm tội phạm này hoạt động rất manh động, liều lĩnh, các đối tượng thường đem theo vũ khí, công cụ hỗ trợ để đe dọa người dân gây ra tình hình rất phức tạp trên địa bàn…
Trong ngày 20.8, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (CSPCTP) Bộ Công an tổ chức khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc phá chuyên án 108M triệt phá ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” tại Bắc Ninh do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “Sâm”) cầm đầu. (Tiền Phong 21/8, tr11; Thanh Niên 21/8, tr3) đầu trang(
Cuộc “đụng độ” giữa hàng chục hộ dân ngang nhiên lấn chiếm đất rừng ở An Khê với Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn từ nhiều năm nay vẫn chưa có điểm dừng. Bức bí quá, Cty đành tính chuyện đệ đơn vượt cấp xin Tỉnh ủy 2 tỉnh Gia Lai - Bình Định giải cứu.
Từ năm 2001, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Cty Sông Kôn) được UBND tỉnh Bình Định giao hơn 800 ha đất vùng giáp ranh giữa 2 huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) và thị xã An Khê (Gia Lai) quản lý, sử dụng vào mục đích lâm nghiệp.
Công ty đã tiến hành trồng trên 437 ha rừng tại vùng giáp ranh 3 xã: Cửu An, Xuân An, Tú An của thị xã An Khê và đền bù, hỗ trợ tiền khai hoang cho người dân gần 350 triệu đồng. Nhưng từ năm 2008 đến nay, hàng trăm hộ dân ở An Khê đã ngang nhiên lấn chiếm đất và sẵn sàng “hỗn chiến” với người của công ty khi bị ngăn cản.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Cty Sông Kôn cho biết: “Trong hơn 400 ha đất mà công ty đã trồng rừng và quản lý thì có gần 300 ha bị người dân lấn chiếm đất để trồng hoa màu và cây lâm nghiệp. Hàng trăm hộ dân lấn chiếm đất đã có hành vi phá hoại như: nhổ, chặt bỏ và phun thuốc lên cây trồng của công ty, gây thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng tiền chi phí trồng rừng, giống, nhân công…”.
Theo ông Cường, người dân không chỉ phá hoại mà còn liều lĩnh tấn công, dùng rựa kề cổ công nhân để hăm dọa. Cụ thể, năm 2013 khi Công ty tiến hành khai thác 128 ha rừng trồng ở khu vực Nước Poon (thuộc tiểu khu 210B, xã Vĩnh Thạnh) thì bị người dân ở xã Tú An, Xuân An vào ngăn cản, chặt phá cây trồng, chiếm 27 ha đất.
Thậm chí họ còn đốt cả Trạm quản lý bảo vệ rừng và đánh người gây thương tích. Vụ việc quá nghiêm trọng nên được đưa ra tòa, 5 cá nhân đã lãnh án từ 18-27 tháng tù, trong đó 3 người được hưởng án treo. Nhưng đâu lại vào đó, người dân vẫn tiếp tục tái lấn chiếm.
Các khu vực khác như: Soi Gà (tiểu khu 217-210B) cũng bị lấn chiếm hơn 95 ha, Hòn Chò – Hòn Mun (tiểu khu 226, xã Vĩnh Thuận) bị lấn chiếm hơn 113 ha. Cao điểm, nhiều vụ người dân tụ tập từ 60-100 người dùng dao rựa, cuốc, rải đinh và một số hung khí để chống tấn công khi bị ngăn cản, khiến nhiều công nhân lo sợ. Gần đây, vào các ngày 19, 20 và 23/7, hàng chục người dân lại tụ tập ở các tiểu khu 226, 210B… để nhổ, chặt phá rừng trồng.
Từ khi có tranh chấp đến nay, Cty Sông Kôn liên tục gửi báo cáo về tình trạng người dân xâm canh, lấn chiếm đất rừng của công ty đến 2 huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê nhờ can thiệp. Đến năm 2013, 2 địa phương này cùng bắt tay với nhau xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm đất rừng tại Cty Sông Kôn. Hễ tổ công tác ngừng kiểm tra thực địa thì những đối tượng phá rừng lập tức quay lại.
“Do các cơ quan chưa xử lý kiên quyết dẫn đến các hộ dân lấn chiếm ngày càng đông và có những hành vi manh động hơn. Công ty trồng rừng đến đâu thì bị chặt phá trồng mì, bắp… đến đó mà vẫn không xử lý được. Việc người dân ở hai nơi nên khó giải quyết, An Khê thì chỉ xuống Vĩnh Thạnh, còn ở Vĩnh Thạnh thì chỉ ngược lên. Tới đây, nếu không được thì tôi phải báo cáo lên Tỉnh ủy 2 tỉnh nhờ can thiệp”, ông Cường nói.
Có mặt tại tiểu khu 226, ông Nguyễn Văn Chính - thôn An Điền Bắc 2 (dân xã Cửu An, thị xã An Khê) cho biết: gia đình ông đang thuê người làm trồng mì tại khoảng đất lấn chiếm của công ty. “Trước đây, đất này là của cha vợ tôi, khi công ty trồng rừng thì chúng tôi giao đất. Nay công ty thu hoạch xong, chúng tôi không có đất sản xuất nên đòi lại”.
Còn bà Nguyễn Thị Hoa cho hay, đất bà đang trồng mì là đất mà gia đình đã canh tác từ lâu. “Năm 2005, Cty Sông Kôn chi trả tiền nói là để trồng rừng đầu nguồn nên chúng tôi đồng ý, nay biết công ty trồng rừng để sản xuất thì chúng tôi lấy lại”.
Theo ý kiến của các xã Cửu An, Xuân An, Song An thì phần lớn các hộ dân mới tách hộ, thiếu đất sản xuất nên đi lấn chiếm đất. Tuy nhiên, một số hộ có đất đầy đủ nhưng vẫn lấn chiếm như: Hộ bà Kiều có 4,8ha, ông Hoàng 3,7ha, ông Thạch (ở xã Xuân An) 1,7ha. Mới đây, để ổn định sản xuất cho người dân, UBND xã Cửu An đã kiến nghị lên cấp trên thu hồi 40 ha đất của Lâm trường Bắc An Khê giao cho địa phương quản lý, cấp cho người dân thực sự thiếu đất.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê (Gia Lai) cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các xã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất và số hộ lấn chiếm để có biện pháp xử lý cụ thể. Trước mắt là vận động, tuyên truyền người dân không lấn chiếm đất trái phép.
Còn việc cấp đất cho hộ nghèo đã có quy định cụ thể, nhiều hộ lợi dụng việc thiếu đất để đi lấn chiếm đất thì cần phải xử lý nghiêm. Về mặt pháp luật cả hình sự lẫn hành chính thì người dân vi phạm ở địa bàn nào thì địa phương đó xử lý. (Tiền Phong 21/8, tr10) đầu trang(
Đó là sự đồng lòng của các cấp chính quyền, nhân dân các dân tộc và Cty Cao su Yên Bái quyết tâm biến đồi hoang thành kho vàng xanh cho dòng nhựa trắng tuôn chảy...
Cty Cao su Yên Bái được thành lập tháng 4/2010, do chưa nằm trong quy hoạch tổng thể vùng, nên Cty được giao trồng thử nghiệm 3.000 ha cao su đến năm 2015. Nếu cây cao su phát triển tốt sẽ mở rộng diện tích lên 13.000 ha vào năm 2020.
Việc phát triển cây cao su ở Yên Bái có nhiều luồng ý kiến khác nhau, người ủng hộ thì ít mà phản đối thì nhiều. Bởi Yên Bái nằm ở khu vực giao thoa giữa hai vùng sinh tái Tây Bắc và Đông Bắc.
Nửa vùng đất phía đông của sông Hồng chịu ảnh hưởng khá mạnh của vùng sinh thái Đông Bắc nóng ẩm, nửa vùng đất phía tây sông Hồng thể hiện rõ đặc trưng vùng sinh thái Tây Bắc khô nóng.
Nhiều năm trước đây tỉnh Yên Bái đã chịu thất bại cay đắng khi đưa một số cây về trồng: sở, lai, cà phê Catimor, dứa Cayen... Vì thế, khi đưa cao su về trồng đã khiến nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả.
Bài học đầu tiên mà Cty Cao su Yên Bái phải trả giá, đó là cuối năm 2010 Cty tổ chức trồng 330 ha cao su bằng các giống: GT1, RRim 600, Ric 121, Lai Hoa 83/85 chuyển từ phía Nam ra. Đây là những giống cao su xứ nóng không phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu khu vực miền núi phía Bắc, nên toàn bộ diện tích cao su bị chết rét.
Rút kinh nghiệm từ vụ trồng trước, Cty lựa chọn những giống cao su chịu lạnh: IAN 873, VNg 77-4, VNg 77-2, tổ chức SX cây giống tại chỗ. Việc làm đó không chỉ giảm chi phí vận chuyển mà còn giúp cho cây thích nghi dần với điều kiện thời tiết đồng thời đẩy thời vụ trồng sớm hơn, nên khi gặp rét thì cây đã có sức chịu đựng.
Từ năm 2011 đến năm 2013 Cty đã trồng 1.285 ha cao su tại các huyện: Văn Chấn, Văn Yên theo quy hoạch của tỉnh Yên Bái. Ngoài ra trồng 188 ha tại tỉnh Phú Thọ. Năm 2014 Cty đã dồn toàn lực cho việc trồng mới cao su, đến trung tuần tháng 8/2014 đã trồng được hơn 800 ha đưa tổng diện tích cao su của Cty là 2.275 ha. Như vậy, diện tích 3.000 ha cao su sẽ đạt như kế hoạch đề ra không phải là điều quá khó.
Toàn bộ diện tích cao su đã trồng của Cty Cao su Yên Bái phần lớn nằm trên diện tích đất trống đồi núi trọc và rừng nghèo kiệt mà người dân sau nhiều năm canh tác đã bỏ hoang.
Việc đưa cây cao su vào trồng trên diện tích đó không chỉ có ý nghĩa phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn khai thác tiềm năng đất đai để tạo ra của cải vật chất cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân là đồng bào các dân tộc bản địa.
Hết năm 2013 tổng số cán bộ, công nhân của Cty Cao su Yên Bái là 361 người, trong đó 242 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được tuyển tại địa phương, năm 2014 dự kiến tuyển thêm hơn 200 công nhân, trong đó ưu tiên người dân tộc địa phương đã tham gia góp đất cùng Cty trồng cao su.
PV đã có cuộc khảo sát tại đội cao su An Bình, ở đây Cty đã tiếp nhận hơn 30 công nhân là người địa phương, trong đó có nhiều người là dân tộc Dao. Chị Lý Thị Chánh, dân tộc Dao, thành thật: Trước đây tôi là công nhân lâm trường Văn Yên, nhưng không có việc làm, cuộc sống khó khăn lắm. Kể từ khi tôi được vào làm trong Cty Cao su, Cty giao khoán cho tôi trồng, chăm sóc 3 ha, thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, cuộc sống đã tạm ổn định...
Lần đầu tiên lên đội cao su Suối Quyền, PV không hình dung nổi con đường lên Suối Quyền lại khấp khểnh như vậy. Suối Quyền nơi cư trú của dân tộc Dao, đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, cuộc sống của đồng bào nhiều năm trước chủ yếu làm nương rẫy.
Sau nhiều năm canh tác đất trở nên bạc màu, chai cứng để lại cả một vùng đất trống đồi núi trọc, nhiều chỗ cỏ không mọc lên nổi. Với quyết tâm biến vùng đất hoang hóa thành vùng cây cao su, công nhân đội cao su Suối Quyền ngày đêm san băng hạ cấp, mở đường lô để vận chuyển phân bón và cây giống lên núi.
Theo quy hoạch, đội cao su Suối Quyền trồng 500 ha cao su ở các bản: Suối Bắc, Suối Quyền, Suối Bó, Bản Nong, Cốc Cụ. Tổng diện tích đội đã trồng được 350 ha, trong đó năm 2014 trồng 250 ha. Giống cao su trồng ở Suối Quyền là giống I AN 873, 100 ha trồng năm 2013 hiện đang tạo tán.
Theo anh Đặng Tiến Trung - đội trưởng đội cao su Suối Quyền: Số công nhân của đội hiện nay là 35 người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc và hơn 50 hộ nhận khoán tham gia trồng, bảo vệ và chăm sóc.
Điều vô cùng bất ngờ là diện tích cao su đã trồng và diện tích cao su mới trồng đều phát triển rất tốt. Những lô cao su trồng năm 2013 thì đã cao vượt quá đầu người, còn diện tích mới trồng năm 2014 nhiều cây đã cao bằng đầu người.
Thật diệu kỳ, một vùng đất trống đồi núi trọc hoang hóa nhiều năm nay đang được hồi sinh trở lại của rừng cây cao su. Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ 5-6 năm nữa, rừng cao su sẽ cho dòng nhựa trắng làm đổi đời rất nhiều số phận của bà con dân tộc nơi đây. (Nông Nghiệp Việt Nam 21/8, tr6) đầu trang(
Vừa qua, Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên do ông Lữ Ngọc Cư, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, làm trưởng đoàn, đã giám sát công tác quản lý, bảo vệ và triển khai các dự án rừng tại Công ty cổ phần Cao su Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai (huyện Đạ Huoai).
Cùng đi với Đoàn Giám sát còn có đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Sở NN - PTNT tỉnh Lâm Đồng.
Tại Công ty cổ phần Cao su Đạ Tẻh (đơn vị hiện đang triển khai 3 dự án trồng cao su trên địa bàn huyện Đạ Tẻh), Đoàn Giám sát nghe lãnh đạo công ty báo cáo tiến độ triển khai các dự án. Theo đó, tổng diện tích cả 3 dự án mà công ty đang triển khai hơn 1.270ha; trong đó, có hơn 170ha rừng phải quản lý, bảo vệ. Từ năm 2007 đến nay, công ty đã trồng gần 920ha.
Diện tích còn lại sẽ được triển khai trồng trong thời gian tới. Diện tích cao su bắt đầu cho thu hoạch của công ty là hơn 100ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, công ty đã gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều lần công ty đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt vì để xảy ra tình trạng lâm tặc phá rừng…
Đối với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai, hiện đang quản lý gần 17.400ha rừng. Trong đó, rừng phòng hộ xung yếu là gần 9.000ha; rừng sản xuất gần 8.400ha. Đến nay, Ban đã giao khoán cho 480 hộ dân quản lý, bảo vệ hơn 15.000ha (bình quân mỗi hộ dân nhận khoán bảo vệ 28ha) và được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ngoài ra, hiện tại Ban còn khoán gần 420ha đất lâm nghiệp cho 175 hộ trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, do cây keo (cây trồng rừng chủ lực tại địa phương) thời gian gần đây kém hiệu quả nên một số hộ đã tự ý chuyển đổi sang trồng cao su và điều. Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 48 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 40 cưa máy, 4 xe máy và 1 súng săn tự chế. Tình hình vi phạm lâm luật ngày càng phức tạp, trong khi đó trang bị thiết bị cho lực lượng bảo vệ còn hạn chế và mức thu nhập của cán bộ, nhân viên còn thấp.
Ông Lữ Ngọc Cư đánh giá cao những nỗ lực mà Công ty CP Cao su Đạ Tẻh và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông lưu ý 2 đơn vị về công tác quản lý, bảo vệ rừng và các chính sách an sinh xã hội khi thực hiện các dự án và giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Những kiến nghị, Đoàn Giám sát ghi nhận và sẽ đề nghị các ngành chức năng xem xét, giải quyết. (Báo Lâm Đồng 20/8) đầu trang(
Chỉ sau 1 đêm, gần 650 ha rừng bạch đàn và keo đang chuẩn bị thu hoạch, với trị giá ước trên 46 tỷ đồng “tan theo” gió bão, đẩy ông Phạm Trung Trường (65 tuổi), ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn trở thành “con nợ khủng”.
Tưởng chừng “vua rừng” đã quỵ ngã thì bất ngờ dự án chăn nuôi khủng của ông Trường ra đời. Và rồi trên những cánh rừng xác xơ vì gió bão quật ngã hôm nào, giờ 2/3 diện tích đã được phủ xanh trở lại.
Trở lại thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, "đại bản doanh" của ông Trường vào một ngày gần giữa tháng 7. Dù đang là đỉnh điểm của mùa hạ, thế nhưng trước những rừng cây keo, bạch đàn đang vươn cao tỏa bóng; những hồ, ao nuôi cá vây quanh cái nắng nóng như đổ lửa của trời xứ Quảng như dịu lại.
Vẫn sự chân tình, cởi mở và nồng nhiệt như hôm nào, ông Trường đã làm cho PV có cảm giác như không phải đang trò chuyện với người đang mang món nợ khủng trên vai vì trận thiên tai cách đây chưa đầy 5 năm-cơn bão số 9, năm 2009.
Còn nhớ cách đây mấy hôm, trong lúc "trà dư tửu hậu" ở thành phố Quảng Ngãi, nghe PV chuẩn bị lên gặp ông Trường, một số người từng quen biết với “vua rừng" lắc đầu: Giờ thì ông này ngày càng “điên nặng". Ngẫm lại thì lời nhận xét đó không sai, nhưng chưa đủ.
Bởi lẽ dù đang gánh món nợ tính cả gốc lẫn lãi đến thời điểm này đã lên trên 30 tỷ đồng nhưng nếu bán đi khối tài sản đang có trong tay để trả nợ, thì ông Trường vẫn còn thừa ra nhiều tỷ đồng, đủ để sống sung túc cả phần đời còn lại của mình.
Tuy nhiên không chọn cách sống đó, gần 2 năm qua, ông Trường còn "bỏ" cả ngôi nhà nằm ngay trung tâm thị trấn Châu Ổ, để lên ở hẳn tại khu rừng của mình nơi "khỉ ho, cò gáy" cách đó gần 20km. Mà đây đâu phải lần đầu ông Trường có quyết định khác người như vậy.
Tham gia cách mạng và hoạt động tại địa phương từ năm 1966, cho đến khi đất nước độc lập và thống nhất ông trở về sinh sống tại thị trấn Châu Ổ, với nhiều công việc làm khác nhau, như: Cán bộ thôn, HTX Nông nghiệp....Đến năm 1985,  ông trở thành "cai thầu" các công trình xây dựng trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Vào thời điểm trên thì thầu khoán là công việc "ăn nên làm ra".
Vào giữa năm 1992, vì cám cảnh trước việc đi lại quá khó khăn của người dân thôn Thọ An do chưa có đường, ông Trường đã bỏ tiền giúp làm con đường với bề rộng khoảng 4m và tổng chiều dài khoảng 7,5km.
Thấy số tiền mà ông Trường bỏ ra trên 160 triệu đồng là quá lớn, nên người dân và chính quyền xã Bình An, đã "trả ơn" bằng cách đồng ý cho ông Trường vùng đồi trọc, hoang hóa nằm dọc theo trục đường mới mở từ chân đèo đến trung tâm thôn, với tổng diện tích gần 150ha. Lúc đó không riêng gì vùng đất xa xôi như Thọ An, đất lâm nghiệp ở gần hơn cũng bị bỏ hoang nhiều lắm, chứ không có giá như sau này.
Thật tình lúc đó, ông cũng chưa nghĩ hay có dự tính sẽ làm gì với hàng trăm ha đồi núi trọc đã được cho. Tuy nhiên thấy bỏ trống cũng phí, nên ông đã thuê người trồng bạch đàn, với mục đích là lấy gỗ, làm củi, ông Trường cho biết.
Đến năm 1997, UBND tỉnh mới ra quyết định cấp toàn bộ số diện tích trên cho ông Trường. Tuy nhiên sau khi Chính phủ có chủ trương trồng 5 triệu ha rừng vào năm 1999 và đề nghị cấp thêm khoảng 500ha nữa cũng ở Thọ An vào năm 2002, được UBND tỉnh chấp nhận, ông Trường mới quyết định bỏ nghề thầu để trồng rừng và xây trang trại.
Trong số khoảng 650ha đất lâm nghiệp đã được cấp để trồng cây nguyên liệu là bạch đàn và keo lai, ông Trường đã quy hoạch khoảng 90ha, là những khu vực đầm lầy, nơi bằng phẳng... để làm trang trại. Cùng với trồng rừng, ông Trường đầu tư để làm các dự án chăn nuôi lớn. Từ năm 2005 đến nay, ông có khoảng 5 dự án vật nuôi trị giá "tiền tỷ” được triển khai. Đầu tiên là nuôi bò lai sin, số lượng khoảng 100 con, tổng số vốn khoảng 1,2 tỷ đồng.
Năm 2009, sau nhiều tháng trời "ăn dầm nằm dề" ở các trại nuôi rắn các tỉnh phía bắc để tìm hiểu và học kinh nghiệm; rồi tham khảo ý kiến của các cán bộ chuyên môn, tìm hiểu thị trường đầu ra... ông Trường đầu tư trên 500 triệu đồng để xây 200m2 chuồng nuôi rắn hổ mang, với số lượng giống là 320 con.
Cũng vào thời gian trên, ông Trường đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng, xây 5 hồ bằng xi măng, mỗi hồ rộng 4.000m2, cao khoảng 2m, để nuôi khoảng 10.000 con ba ba... Số lao động thường xuyên cho ông Trường khoảng 200 người/ngày, với lương từ 1,1 - 2 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trường tâm sự: “Làm kinh tế thì được mất là chuyện bình thường và đó cũng là quy luật. Làm càng lớn thì lợi nhuận nhiều và rủi ro càng lắm. Tôi chưa thấy có người nào trên đời này tài giỏi đến mức có thể tính hết những rủi ro và bất trắc sẽ xảy ra.
Và bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ: 2/5 mô hình thực hiện đã bị thất bại và không mang lại hiệu quả như ý muốn. Với rắn hổ mang, tuy đã thành công trong việc ấp nở con giống, nhưng tỉ lệ sống quá ít”.
Rồi cơn bão số 9, năm 2009, chỉ sau 1 đêm, ông bị cuốn trôi gần như hết sạch số baba đã hơn 6 tháng tuổi, trị giá hơn 2 tỷ đồng; hơn 90% tổng diện tích rừng keo, bạch đàn chỉ còn 3-6 tháng nữa là thu hoạch cũng bị gió bão làm ngã đổ và hư hỏng sạch, gây thiệt hại hơn 46 tỷ đồng đẩy ông Trường từ chỗ "đại tỷ phú"  trở thành con nợ khủng, với số tiền trên 20 tỷ đồng.
Một thời gian khá dài sau đó, thấy ông Trường “im hơi, lặng tiếng", dư luận Quảng Ngãi đã nghĩ, người đàn ông đang bước về đoạn cuối của cuộc đời, từng được mệnh danh là "vua rừng" ở Quảng Ngãi đã quỵ ngã vì "đại nạn". Để rồi không ít người lại bất ngờ khi thấy hàng loạt dự án chăn nuôi khủng của ông Trường ra đời.
Vào đầu năm 2011, ông Trường liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (gọi tắt là C.ty C.P)-Tập đoàn C.P Thái Lan, xây trại rộng khoảng 30ha, trong đó diện tích xây dựng khoảng 10ha, thả nuôi 50.000 con gà đẻ và 50.000 con gà thịt; 3.000 heo thịt và nái.
Theo đó ông Trường bỏ tổng số tiền xây dựng cơ sở hạ tầng và chuồng trại là khoảng 37 tỷ đồng. Còn phía C.P thì cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Theo đó mỗi trứng gà thành phẩm ông sẽ được hưởng lợi đối với loại 1 là 200 đồng/quả và loại 2 là 150 đồng/quả.
Nói về thu nhập của 2 vật nuôi này, ông Trường không giấu giếm: Mỗi lứa heo khoảng 6 tháng, thu về khoảng 500 triệu đồng. Còn với gà, thì tỉ lệ đẻ bình quân đạt khoảng 90%, mang lại lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/ngày, tương đương 180 triệu đồng/tháng, khoảng 2,16 tỷ đồng/năm.
Từ số tiền này, ông Trường tái đầu tư vào khôi phục lại diện tích rừng đã hư hỏng trước đó. Và đến nay gần 2/3 tổng diện tích rừng được cấp, ước khoảng gần 400ha đã được trồng lại, với tuổi đời hiện từ 1-3 tuổi. (Dân Việt 19/8) đầu trang(
Từ đầu năm 2014 đến nay, sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc trở lại, đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài với các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi ngày càng nhiều hơn, giúp cho ngành gỗ ở Quảng Ngãi phục hồi sản xuất.
Sau 4 năm hoạt động cầm chừng, từ đầu năm 2014 đến nay, Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty xây dựng tổng hợp Kim Thành Lưu tại khu kinh tế Dung Quất đã hoạt động mạnh mẽ trở lại. Nếu như trước đây, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 3 đến 5 container, thì hiện nay nhà máy đã xuất khẩu 20 container sang thị trường Mỹ và Châu Âu. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu gỗ xuất khẩu đạt gần 25 tỷ đồng.
Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay của nhà máy. Một tín hiệu khả quan nữa là sau khi liên doanh với một công ty ở tỉnh Bình Dương, Công ty xây dựng tổng hợp Kim Thành Lưu đã ký kết với các đối tác nước ngoài với sản lượng lớn, có đơn đặt hàng đến cuối năm 2014.
Ông Lê Hoàng Long, Phó giám đốc Công ty Xây dựng tổng hợp Kim Thành Lưu, cho biết sau 4 năm khủng hoảng, từ đầu năm nay, công ty cũng đã hợp tác với một số doanh nghiệp tỉnh khác để phối hợp làm ăn.
Ông Long cho biết hiện công ty đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhờ hợp tác với một công ty ở Bình Dương nên sản xuất hiệu quả và có hướng phát triển. Trong tháng 8 này, công ty xuất khẩu 20 container sang Mỹ.
Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của Kim Thành Lưu hiện có hơn 300 lao động. Nhờ có nhiều đơn đặt hàng giá trị lớn nên sắp tới, nhà máy sẽ tiếp tục tuyển thêm 400 lao động để đáp ứng cung cấp hàng kịp thời cho đối tác.
Ngành sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu khởi sắc trở lại đã giúp cho thu nhập của người lao động tăng lên. Hiện nay, lương hàng tháng của người lao động dao động từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung rà soát tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm để sản phẩm có tính cạnh cao trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng nguồn nguyên liệu tự có ở địa phương là cây keo để sản xuất thành bàn ghế xuất khẩu thay vì phải nhập khẩu nguyên liệu. Cùng với đó, doanh nghiệp đã tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo hướng đi trực tiếp nước ngoài để tìm kiếm đối tác. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của doanh nghiệp đã được mở rộng.
Ông Lưu Tuấn Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tam Minh, Quảng Ngãi cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của công ty tăng 100% so với cùng kỳ năm 2013. Với thị trường xuất khẩu, công ty đã khôi phục thị trường Tây Âu và Đông Âu. Bên cạnh đó, công ty cũng nỗ lực tìm kiếm thị trường. Tháng 9 tới, công ty sẽ tham dự hội chợ ở Đức nhằm giới thiệu các sản phẩm mới đến với khách hàng và người tiêu dùng… Hiện nay, ở Quảng Ngãi chỉ còn 6 doanh nghiệp đang hoạt động trong sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu (đã có 8 doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt động trong 4 năm gần đây). Hầu hết các doanh nghiệp này đều có đơn đặt hàng sản xuất đến cuối năm 2014 và quý 1 năm 2015. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ và Châu Âu. (VietnamPlus 21/8) đầu trang(
Thời gian qua, trên địa bàn Lào Cai hình thành khá nhiều cơ sở chế biến lâm sản, với quy mô vừa và nhỏ. Các cơ sở này đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát của các ngành chức năng chưa tốt, nên việc thực hiện các nghĩa vụ với người lao động còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề liên quan đến an toàn lao động.
Tại cơ sở sản xuất gỗ ván lạng của bà Trần Thị Xuyên, ở tổ 4, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, không ai phát hiện ra đây là một cơ sở sản xuất có tới hàng chục lao động, nếu không được cán bộ thị trấn giới thiệu.
Những người lao động ở đây hầu hết đều là người dân địa phương, trong đó không ít người đã gắn bó với cơ sở sản xuất này từ nhiều năm nay. Trong môi trường lao động tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm như vậy, và đã chứng kiến những sự cố xảy ra, song ở đây vẫn chủ quan, không thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động.
Anh Trần Văn Long ở Tổ 4 thị trấn Phong Hải huyện Bảo Thắng - người đã nhiều năm làm việc ở cơ sở này, cho biết: “Chúng tôi đều được trang bị găng tay, quần áo bảo hộ. Một năm đều được thay quần áo bảo hộ lao động. Nhưng làm việc mà mặc quần áo bảo hộ thì rất nóng nên tôi hay mặc đồ bình thường.”
Bà Trần Thị Xuyên - Chủ cơ sở chế biến lâm sản ở Phong Hải cũng thừa nhận, công tác an toàn lao động còn lỏng lẻo. Bà Xuyên cho biết: “Những người làm không quen thường bảo rằng làm tay không dễ hơn. Ở chỗ chúng tôi cũng chưa có trường hợp nào xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng.”
Chủ cơ sở sản xuất thì cho rằng, đã cấp phát cho mỗi người một đôi găng tay, còn những người lao động lại cho biết là không được trang bị gì. Thậm chí chẳng có ai được bảo vệ quyền lợi tối thiểu, đó là ký kết hợp đồng lao động. Là cơ sở chế biến và sấy gỗ, tức là nơi liên quan khá nhiều đến chất đốt và sinh nhiệt lớn, nhưng công tác phòng cháy, chữa cháy hết sức chủ quan. Cả một cơ sở rộng lớn chỉ có 3 bình cứu hỏa loại nhỏ, ngoài ra không hề có thêm phương tiện hỗ trợ chữa cháy nào. Đây cũng chỉ mang tính chất đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra.
Bà Trần Thi Xuyên - Chủ cơ sở chế biến lâm sản bao biện: mặc dù cơ sở cũng muốn làm đủ giấy tờ để các cơ quan chức năng tạo điều kiện trang bị phòng cháy chữa cháy song đến nay giấy tờ vẫn chưa hoàn tất.
Một năm hai lần kiểm tra, với đủ mặt các đơn vị chức năng là Kiểm Lâm - Môi trường - Công an phòng cháy, vậy nhưng khi đề nghị được xem một số biên bản kiểm tra liên ngành gần đây, thì bà Xuyên không thể tìm thấy.
Câu chuyện về an toàn lao động này đang tồn tại ở hàng trăm cơ sở sản xuất khác trên địa bàn Lào Cai. Xin đừng để "mất bò mới lo làm chuồng". (VOV 21/8) đầu trang(
Mới đây, huyện Bát Xát đã mở hội nghị triển khai chương trình mở rộng giao đất giao rừng vào cộng đồng tại xã Phìn Ngan. Ông Nguyễn Đức Ca – Phó chủ tịch UBND huyện Bát Xát, lãnh đạo một số ngành có liên quan và đại diện của chi cục lâm nghiệp tỉnh Lào Cai đã đến dự hội nghị
Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho đơn vị tham gia trình bày được những thuận lợi, khó khăn những vấn đề quản lý, sử dụng đất, hiện trạng giao đất giao rừng cho người dân cho tất cả các đại biểu tham gia hội thảo cùng nắm bắt. Các đại biểu thảo luận, phân tích vấn đề và cùng tìm ra cho những địa phương một hướng đi, một cách giải quyết khó khăn nhằm đạt được mục tiêu về giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng.
Thông qua hội nghị, các đại biểu tham gia hiểu sâu hơn thế nào là giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng, hiểu được khái niệm rừng cộng đồng, rừng dòng họ, rừng thiêng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội nghị đã thảo luận và tạo ra một hướng đi mới cho công tác giao đất giao rừng, vận động chính sách về giao đất giao rừng cho các địa phương tham gia hội nghị.
Đây là dự  án do Sở Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai và Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI) đã phối kết hợp triển khai thí điểm giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp tại huyện Bát Xát và chọn 2 thôn Sủng Hoảng và thôn Sải Duần của xã Phìn Ngan làm điểm để thực hiện.
Theo đó các hộ dân sẽ được rà soát lại quyền quản lý và sử dụng đất rừng, được tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực của chủ quản lý, sử dụng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp để tiếp cận có hiệu quả các cơ hội đầu tư phát triển kinh tế rừng và chi trả dịch vụ môi tường rừng góp phần xóa đói giảm nghèo phát triển tài nguyên rừng bền vừng.
Giải quyết các vấn đề về chồng lấn ranh giới giã các khu đất, khoảng rừng trên cơ sở tôn trọng các giá trị truyền thống trong quản lý sử dụng rừng lâu đời của người dân. (Laocai.gov.vn 18/8) đầu trang(
Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một vấn đề khá mới, không chỉ đối với Việt Nam mà cả thế giới. Trong khu vực châu Á, Việt Nam là nước đầu tiên thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
Trong quá trình triển khai chi trả DVMTR còn nhiều khó khăn, vướng mắc cả về cơ chế, chính sách và kinh nghiệm thực tế. Một trong những vấn đề được quan tâm là xác định người cung cấp dịch vụ và người sử dụng DVMTR.
Về bản chất, chi trả DVMTR là quan hệ mua bán giữa người cung cấp DVMTR và người sử dụng DVMTR, nhưng trong một số trường hợp, hai đối tượng này lại không được xác định rõ ràng.
Đối với các nhà máy thủy điện và nước sạch, được quy định tại tại Nghị định 99 là bên sử dụng DVMTR, là đối tượng phải chi trả. Tuy nhiên, trên thực tế thì những đơn vị này chỉ đóng vai trò trung gian. DVMTR rất ít hoặc hầu như không có tác động đến tình hình tài chính của họ.
Theo quy định của Nghị định 99, tiền chi trả DVMTR là một yếu tố trong giá thành sản phẩm có sử dụng DVMTR và không thay thế thuế tài nguyên hoặc các khoản nộp khác theo pháp luật. Mức chi trả tiền DVMTR áp dụng đối với các cơ sở SX thủy điện là 20 đồng/kwh điện thương phẩm; đối với các cơ sở SX và cung cấp nước sạch là 40 đồng/m3 nước thương phẩm.
Như vậy, tiền DVMTR cuối cùng được chuyển đến những người sử dụng điện, nước hàng ngày. Hay nói cách khác, chính những người dân và người sử dụng điện, nước; trong đó có cả những người dân cung cấp DVMTR mới là người mua DVMTR thực sự. Và các nhà máy thủy điện chỉ là đơn vị trung gian, thu hộ người bán DVMTR.
Nước là nguyên liệu đầu vào của thủy điện và nước sạch, công ty cung cấp nước sạch và cơ sở SX thủy điện nhận được lợi ích từ việc bảo vệ rừng và các DVMTR ở vùng rừng đầu nguồn, đặc biệt là dịch vụ chống bồi lắng lòng hồ nên các nhà máy thủy điện cũng phải chi trả cho những DVMTR này như một phần chi phí kinh doanh, chứ không chỉ là đơn vị trung gian.
Một ví dụ cho thấy, lợi ích của nhà máy thủy điện phụ thuộc rất nhiều vào việc giữ rừng của người dân. Tại Sơn La, tất cả các hồ chứa và kênh dẫn nước của nhà máy thủy điện Sơn La phải nạo vét 3 lần/năm do bồi lắng làm giảm khả năng chứa nước của hồ.
Hồ thủy điện A Vương (Quảng Nam) có dung tích 343,55 triệu m3 nước, nhưng sau bồi lắng, dung tích hữu ích chỉ còn 266 triệu m3.
Mỗi năm nhà máy thủy điện này phát ra khoảng 1 tỷ/kwh điện thương phẩm, tương đương với khoảng 1 tỷ m3 nước. Vậy khoảng 700 triệu m3 nước mà họ sử dụng là từ rừng, là do sự điều tiết của rừng. Như vậy, nhà máy thủy điện cũng hưởng lợi từ môi trường rừng, chứ không chỉ có người dân sử dụng điện.
Đối với hoạt động hưởng lợi từ dịch vụ du lịch, người sử dụng DVMTR và người cung cấp dịch vụ cũng chưa được xác định rõ ràng.
Một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách chi trả DVMTR, họ vừa đóng vai trò là người bán, cung cấp vẻ đẹp cảnh quan và bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng cũng đồng thời là đơn vị kinh doanh, hưởng lợi từ các dịch vụ kinh doanh du lịch, nghĩa là người mua DVMTR.
Trong một trường hợp khác, họ cũng là đơn vị trung gian điều phối tiền đến người dân ký hợp đồng thuê khoán bảo vệ rừng và được hưởng 10% chi phí quản lý. (Nông Nghiệp Việt Nam 21/8, tr19) đầu trang(
Trong một khảo sát gần đây do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ thực hiện, quản lý đất đai bị đánh giá là một trong những ngành tham nhũng nhất, chiếm xấp xỉ 60%.
Một trong những nguyên nhân được đề cập đến trong nhiều văn bản và nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ, là việc bạch hóa thông tin về đất đai không đầy đủ, không được làm nghiêm túc, hoặc bị cố tình bưng bít, làm sai, khiến cho người dân không tiếp cận được thông tin, dẫn tới việc hiểu lầm, gây khó dễ cho cán bộ; hoặc bị cán bộ gây khó dễ.
"Ở nhiều tỉnh, huyện, và phường/xã nơi các nghiên cứu viên thực hiện khảo sát thực hiện khảo sát, các công chức thường đơn giản là từ chối cung cấp thông tin. Nêu lý do "thông tin mật", hay cần phải có phê duyệt của Chủ tịch UBND, cần có công văn giải thích tại sao cần thông tin, hay thậm chí là cần gặp riêng tại quán cà phê, nhiều công chức đã hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ phải cung cấp thông tin. Ở hai địa phương, các nghiên cứu viên bị giữ vì chụp ảnh. Những trải nghiệm này cho thấy rõ ràng công chức vẫn chưa hiểu rằng cung cấp thông tin là một nghĩa vụ theo luật định của công chức, và rằng công dân, dù không có thư giới thiệu, vẫn có quyền tiếp cận thông tin"
Đó là một đoạn trích trong báo cáo khảo sát về minh bạch thông tin trong quản lý đất đai do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện gần đây.
"Trong vai" những người dân đi tìm cách tiếp cận thông tin đất đai từ các nhà quản lý,  hai cán bộ nghiên cứu đã bị tạm giữ tại Lai Vung, Đồng Tháp vì không chịu xuất trình giấy tờ, vì chụp ảnh và tìm hiểu thông tin mà không được giới thiệu từ cơ quan chức năng.
Chính quyền cấp xã, được coi là nơi trực tiếp thực hiện chủ trương với người dân và truyền đạt chủ trương lại thể hiện nhiều vấn đề trách nhiệm và năng lực nhất, cán bộ thường từ chối cung cấp thông tin, chờ chỉ đạo từ tỉnh, hoặc không có mặt ở công sở; khiến người dân không nhận được hợp tác từ chính quyền, theo báo cáo của WB.
Ông Nguyễn Đình Xuân, GĐ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Tây Ninh chia sẻ: "Trước khi chuyển sang Sở Tài nguyên Môi trường, tôi là ĐBQH. Tôi nhận được nhiều kiến nghị của dân và nhìn ra nhiều điểm bất hợp lý. Nhưng khi tôi đảm nhận vai trò quan chức, tôi lại không tìm ra được cách giải quyết những bất hợp lý đó.
Có rất nhiều yếu tố: Cấp sở không có vai trò tham gia vào khâu ban hành luật, hoặc bị chi phối bởi những cơ chế khác, ví dụ UBND.  Sự thiếu đồng bộ, chồng chéo và bất hợp lý trong việc ban hành và thực thi Luật dẫn đến nhiều vấn đề.
Giống câu chuyện: Một gia đình có 7 ha đất. Khi cơ quan chức năng phát hiện, họ sẽ quy định chỉ có 3/7 ha là đất ở, phần còn lại là thuê dù gia đình họ ở trên đất đó từ hồi mới giải phóng. Sau này hoàn cảnh của họ khó khăn, họ bán và chia cho các con; phần đất giờ không còn. Cơ chế "thuê" không rõ ràng sinh ra nhiều hệ lụy: Cán bộ không biết thu tiền thế nào, người sử dụng không biết thủ tục sở hữu chuyển nhượng ra sao, đến khi thế chấp ngân hàng mới biết không được.
Tiêu đề đầu tiên đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Đứng trên vai này, Nhà nước có rất nhiều quyền; người dân cũng có 5 quyền, 5 quyền này cộng lại đúng bằng quyền sở hữu. Như vậy đã tạo ra sự tranh chấp trong pháp luật: ai cũng có quyền"
Ông Xuân cũng nêu ra một thực trạng rằng, chính sự tranh chấp giữa Nhà nước và người dân như vậy, và vì quỹ đất ngày càng hẹp; nên xảy ra một nguy cơ khác: lấy đất rừng, được coi là đất công, để sử dụng.
Ông Xuân lý giải, canh tác đất rừng không những tránh được phiền hà, đền bù, mà hầu như không phải trả một nguồn phí nào. Thậm chí trước nay ta vẫn tồn tại tư duy: phá rừng, khai hoang.. là một thành tích; còn đi vào thơ ca.
Ông Xuân cho rằng đây là điểm rất bất hợp lý. Cho dù đất rừng là của chung, Nhà nước quản lý, nhưng khi có một đơn vị bất kỳ, lấy đất rừng sử dụng cho bất kỳ mục đích nào, cũng phải đền bù. Điều này cần bổ sung vào Luật. Như vậy sẽ tạo ra nguồn thu để phục vụ việc bảo vệ, tái sinh rừng già, rừng phòng hộ; đồng thời ngăn chặn việc khai thác phá rừng bừa bãi.
Thêm nữa, cần thay đổi ngay tư duy, dẫn đến thay đổi Luật về việc đền bù cho các cộng đồng dân cư, người dân tộc thiểu số... khi Nhà nước trưng dụng đất đai và các khu rừng gắn liền lâu đời với các cộng đồng. Ví dụ lấy đất, phá rừng làm thủy điện, di dời dân... là phải đền bù cho cộng đồng dân ở đó, không phải hỗ trợ.
Ngoài ra, ông Xuân cũng thừa nhận có tình trạng công chức chưa hiểu hết trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân, hoặc cố tình gây khó dễ cho dân là thực tế, cần phải được cải thiện sớm. (VietnamNet 21/8) đầu trang(
Nếu mới gặp lần đầu, chẳng mấy ai nghĩ người cựu chiến binh tráng kiện ấy đã ở tuổi 85 tuổi. Đặc biệt hơn, ông đã có hơn 30 năm cần mẫn bỏ công, bỏ của chăm chút trồng rừng phi lao phòng hộ cho vùng biển quê mình. Ông tên là Nguyễn Lán, quê xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân.
Nói theo cách của ông thì “trước mặt nhà tui là cửa Lạch Hội. Bên trái là con sông Lam, bên phải là biển cả. Sóng nước vây bủa ba bề. Bầy tui không trồng rừng phòng hộ che chắn cho đất, cho người, sống mần răng được, chú ơi!”.
Ông nói như vậy vào một ngày biển động. Hàng ngàn con sóng sủi bọt đục ngầu gào thét dưới chân đê trước ngôi nhà nhỏ bé nép trong rừng phi lao ngút ngàn của ông. Bằng chất giọng của người quen "ăn sóng nói gió", ông kể: Thời trai trẻ, năm 1949, tui rời tay chèo vác khẩu súng trường làm anh bộ đội của Đại đoàn 304. Tui tham gia đánh thực dân Pháp mấy năm rồi lại trở về với thuyền, với lưới.
Có sống ở vùng quê này mới biết, người dân quê tui chịu khổ, chịu sở vì bão tố nhiều quá. Sau chiến tranh, những cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển nơi này bị bom đạn phá tan tành.
Không còn rừng che chở, biển thừa cơ dâng sóng nuốt chửng nhiều bãi cát, ruộng vườn của nhân dân. Biển lấn bờ, nuốt bãi đến chóng mặt. Nhiều nơi trước đây nếu đi hết tán cây rừng phi lao phòng hộ ven biển này thì sẽ gối mỏi chân chồn, thế mà từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chẳng còn thấy bãi cát, cây cối, ruộng vườn đâu nữa. Sáng dậy, mở mắt ra chỉ thấy sóng bạc đầu lớp lớp xô tràn vô tận ngõ.
Những ngày biển động, ngồi trong nhà nghe sóng đánh, đất cứ rung lên bần bật như ngồi trên mặt trống. Nghĩ mà thương đất đai, thương bà con ta lắm chú ơi! Bão tố liên miên tràn vô. Đến cơn bão số 7 năm 1982, không còn rừng phi lao che chở, sóng dâng cao hàng chục mét, đập vỡ đê, đào thành một con sông rộng, cắt làng Hùng Cường (xã Xuân Hội) quê tui làm hai mảnh. Từ đó, cứ đến mùa bão là dân làng lo thon thót, dắt díu nhau… chạy bão.
Ông ngừng kể, ra cái chòi canh biển của mình dựng lên, cách nhà chưa đầy trăm mét. Nhìn những cánh rừng phi lao trùng trùng điệp điệp quanh chòi canh mà sướng cả con mắt. PV lựa lời: Dễ chừng những cánh rừng này có đến hàng vạn cây ông nhỉ? Trồng được ngần này cây trên cát trắng chắc vất vả lắm. Mà tôi hỏi thật không phải: Cái ý tưởng trồng rừng này của ông manh nha từ khi nào vậy?
Ngày tháng cho chính xác thì không còn nhớ rõ, nhưng hình như là sau cơn bão số 7 năm 1982 mà đài, báo gọi là cơn bão thế kỷ ấy. Gọi thế chẳng ngoa vì khi bão đến, những quãng đê sông Lam, đoạn nào không còn rừng phòng hộ là bị sóng đánh tan tành.
Cả con tàu nặng vài trăm tấn cũng bị sóng hất tung lên bờ, nhà cửa thì sập tơi bời. Sau cơn bão, nhà cũng chẳng còn. Nhìn cái nhà bẹp dúm dó, tui chưa buồn dọn mà khoác tơi đi một vòng quanh bờ biển. Có đi mới biết, tui thấy nơi mô rừng phi lao còn sót lại, trụ được với sóng to, gió cả, nơi đó nhà dân chẳng hề hấn gì. Thế là nảy ra ý tưởng trồng rừng…
Nhiều người cũng đã hỏi tui câu đó. Ngày ấy, có mấy ai dám cả gan nhận đất để trồng cây trên cái bờ biển chỉ còn mấy cụm xương rồng sống được, khác chi đánh bạc với trời! Vùng này mùa hè chưa nói đến nắng, chỉ “anh” gió Lào ngùn ngụt như quất lửa vào mặt, cũng đủ sợ rồi. Nắng gió hợp nhau lại, nóng đến kinh người. Trồng cái cây xuống đó để nó sống được, đâu phải dễ dàng gì. Phải đi lại tưới tắm cho cây; phải trông giữ trâu, bò thả rông kẻo chúng phá hết.
Giữa trưa nắng như đổ lửa cũng phải mang áo tơi mà đi tuần, nên người khi đó đen đúa, mồ hôi ướt đẫm cả áo quần! Vốn liếng mua cây giống thì lấy từ tiền bà nhà tui bán cá mà mua. Nhiều phen chưa có tiền thì mua chịu đã, trả sau. Cứ tháng tám hằng năm khi mùa mưa tới, tui với bà xã lại tong tả mua mỗi bận vài ba trăm cây, rồi kéo cả nhà ra trồng cây! Mỗi năm trồng một ít, thế bây chừ nên… rừng đó chú!
Nghe ông kể thật vui, PV hào hứng: Thấy ở vùng trung du, hay vùng núi, những ai có gan trồng được những cánh rừng chỉ cần bằng một phần tư rừng của ông đây thôi, đã thành triệu phú rồi. Ông trồng rừng, có bao giờ nghĩ mình sẽ thành triệu phú không?
Chú ơi! Ai chẳng muốn mình bỏ công, bỏ của, bỏ sức ra trồng cái cây để được đền đáp. Nhưng trồng rừng phòng hộ biển đâu phải để mang mộng làm giàu! Thật lòng, thi thoảng vợ chồng tui cũng “chặt ton”, nói “theo các ông ủy ban” là “chặt theo quy hoạch” những cây đã đến tuổi khai thác cho dân làm củi đun, hoặc cho cánh thợ xây làm cột chống cốp-pha.
Cũng có thu nhập tí chút đó, những chẳng đáng là bao. Điều quan trọng là mình bỏ công lao, mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa trồng nên rừng để che gió, chắn cát, ngăn sóng cho quê hương yên lành, cho bà con mình an cư mà lạc nghiệp đó thôi. Vất vả một chút có hề chi đâu chú!
Máu? Ông nói trồng rừng thời nay mà có cả máu? Phải! Có cả máu đó chú! Ngày trước, khi xã giao đất cho dân trồng rừng thì một số người không dám làm. Đến khi thấy rừng tui trồng xanh tốt bời bời, có mấy thằng trong xã "ghen ăn tức ở" táo tợn kéo đến chặt cây, phá rừng. Tui chạy ra can, thế là chúng xông vô đấm đá. Chú tính, tui ngần này tuổi rồi địch sao nổi với lũ trẻ trai. Tui bị chúng đấm mấy quả gãy liền 6 cái răng, lại còn vung dao chém. May mà tui đỡ được, chỉ mất một đốt ngón tay út. Nghe ồn ào, mấy đứa con tui nhào vô, bọn chúng mới chạy mất dạng. Mấy ngày sau, chúng bị công an hỏi thăm nên từ đó không dám quậy phá nữa.
PV hỏi: Nghe nói, không những trồng rừng, ông đã chẳng quản hiểm nguy đến tính mạng, cứu sống nhiều người khỏi chết đuối giữa biển? Chuyện có đấy nhưng cũng bình thường thôi, chú ạ. Thấy người sắp chết đuối thì phải cứu thôi! Thế mà có lần để cứu một người, tui đã suýt chết vì bị anh ta nắm tóc ghì xuống. Người bị nạn trên biển cũng lắm cách, nhiều vẻ. Người thì bị lưới trùm, dây nhợ cột lấy chân không bơi được, người thì bị gió bão quăng quật mà rơi xuống biển, lại có người đi tắm biển chẳng may sa vào vùng nước xoáy…
Muốn cứu họ, ngoài việc anh phải bơi thật giỏi, thì điều quan trọng là phải có kinh nghiệm. Nếu không thế, người đi cứu lại chết trước vì bị người bị nạn nắm tóc, hay ôm cổ lôi ghì xuống. Tui đã nhiều phen bị thế rồi. Nhưng tui không sợ. Bởi tui nghĩ họ cũng là con người, cũng có cha mẹ, vợ con, anh em… Thế nên, cứ nghe tiếng kêu, là tui lại nhảy xuống nước bơi ra cứu. Mấy chục năm nay, tui đã cứu sống được 37 người suýt chết đuối rồi đó…
Nghe ông nói mà ấm cả lòng, có lần, gia đình người được cứu sống mang tiền đến cảm ơn, ông kiên quyết chối từ. Dù biết rằng, là người lính trở về đời thường, ông không hề được hưởng chế độ đãi ngộ gì. Đặc biệt, giờ đây ông đang sống một mình vì các con đã ra riêng cả và mấy năm trước, vợ ông đã bỏ ông về với tổ tiên!. (Quân Đội Nhân Dân 20/8) đầu trang(
Căn cứ Quyết định số 902/QĐ-UBND ngày 28/7 của Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy về việc thành lập BQL mô hình Quế thâm canh giai đoạn 2014 - 2017. Ngày 15/8, Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy đã tiến hành tập huấn kỹ thuật mô hình Quế thâm canh cho cán bộ xã, các hộ gia đình tham gia mô hình.
Tham gia buổi tập huấn có Chủ tịch UBND, Cán bộ lâm nghiệp 05 xã: Cẩm Liên, Cẩm Bình, Cẩm Tú, Cẩm Long, Cẩm Quý, Trưởng 05 thôn có các hộ tham gia mô hình: Thôn Đồng Danh xã Cẩm Tú, Thôn Bình Hòa 4 xã Cẩm Bình, Thôn Ngọc Long xã Cẩm Long, Thôn Khạ xã Cẩm Quý, Thôn Mòng xã Cẩm Liên. Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn các xã, thị trấn, Phòng NN & PTNT huyện Cẩm Thủy, 06 hộ gia đình tham gia mô hình.
Sau đợt tập huấn, cán bộ lâm nghiệp, Kiểm lâm địa bàn và 06 hộ gia đình tham gia mô hình trồng Quế thâm canh đã nắm được những kiến thức kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, khai thác Quế, qua đó nâng cao hiệu quả việc thực hiện mô hình trồng Quế nhắm phát triển kinh tế, thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TW của tỉnh ủy Thanh Hóa về giảm nghèo nhanh và bền vững của các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Kết luận hội nghị, ôngLê Chí Chiều - Hạt trưởng - Trưởng BQL mô hình Quế thâm canh giai đoạn 2014 - 2017 đánh giá cao buổi tập huấn và sự vào cuộc của chính quyền các xã tham gia mô hình, quyết tâm thực hiện thành công mô hình Quế thâm canh trên địa bàn 05 xã, sau đó nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Đưa cây Quế trở thành cây lâm nghiệp chính trên địa bàn, giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững. Góp phần xây dựng Nông thôn mới huyện Cẩm Thủy phát triển, văn minh, giàu đẹp. (Kiểm Lâm Thanh Hóa 19/8) đầu trang(
Tuy đã triển khai từ tháng 3-2014 nhưng đến nay, tiến độ bóc tách đất lâm nghiệp giao cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo, thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn rất chậm và lúng túng.
Thực hiện Quyết định 772 ngày 31-3-2014 của UBND tỉnh về giao đất lâm nghiệp đã bóc tách cho các địa phương, huyện Khánh Sơn được giao 503ha. Trong đó, có 417ha đất xác định đã có chủ do đất bị lấn chiếm, số còn lại chưa sử dụng, tập trung tại 2 xã Sơn Hiệp và Sơn Lâm.
Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã lên phương án kiểm kê hoa màu, tài sản trên đất lấn chiếm cần thu hồi, tiến hành lập hội đồng kiểm kê thu hồi đất. Theo đó, 32ha/417ha xác định đất có chủ sẽ hợp thức hóa giao cho 16 hộ nghèo có đất lấn chiếm; số còn lại sẽ tiến hành kiểm kê và giao cho 124 hộ ĐBDTTS nghèo, thiếu đất sản xuất.
Lãnh đạo huyện Khánh Sơn cho biết, vướng mắc trong việc bóc tách đất là do phải rà soát danh sách hộ nghèo, bóc tách đất ở thôn nào giao cho thôn đó. Hiện nay, hiện trạng đất lấn chiếm của người dân đang sản xuất cà phê, nếu giao cho hộ ĐBDTTS thiếu đất thì việc sản xuất sẽ không hiệu quả. Huyện kiến nghị chuyển số diện tích đất này sang cho thuê...
Huyện Khánh Vĩnh được giao 1.355ha đất lâm nghiệp, dự kiến sẽ giao 182ha cho 364 hộ ĐBDTTS nghèo, thiếu đất sản xuất; số còn lại đang có chủ sử dụng nên huyện đã trình tỉnh xem xét. Mặt khác, 68ha đất tại xã Khánh Hiệp thuộc Dự án trồng rừng 327 trước đây; vì vậy, huyện đang rà soát để lên phương án tiếp tục giao cho hộ ĐBDTTS thiếu đất sản xuất.
Huyện kiến nghị tỉnh giải quyết theo hướng: Hộ ĐBDTTS thiếu đất sản xuất được giao đủ theo định mức quy định, không xé lẻ để tránh manh mún; hộ người Kinh sử dụng đất trong phạm vi thu hồi thì tiến hành thu hồi toàn bộ, không đền bù đất, chỉ đền bù hoa màu và cấp lại cho ĐBDTTS thiếu đất sản xuất.
Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, tỉnh giao cho huyện 417ha đất bóc tách từ đất của Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ (RPH) huyện. Trong đó, đất đã có chủ sử dụng hơn 161ha; chưa có chủ hơn 22ha; phần còn lại là đất trống, đất giao thông, sông suối...
Huyện đề xuất: Đối với đất hộ ĐBDTTS đang sử dụng, lấn chiếm, sẽ công nhận quyền sử dụng đất phần diện tích đang sử dụng trong hạn mức quy định. Đối với đất hộ người Kinh lấn chiếm, sử dụng, căn cứ thời điểm lấn chiếm, sử dụng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để xem xét cấp giấy chứng nhận; nếu không đủ điều kiện sẽ tiến hành thu hồi, chỉ hỗ trợ hoa màu và tài sản trên đất.
Hiện nay, thị xã Ninh Hòa đang gặp nhiều khó khăn trong việc giao đất cho ĐBDTTS thiếu đất sản xuất. 1.076ha đất lâm nghiệp bóc tách từ đất của BQL RPH thị xã Ninh Hòa được xác định: 784ha là đất người dân xâm canh, lấn chiếm; khoảng 100ha đất do BQL RPH hợp đồng với người dân ăn chia theo phương thức 7:3; khoảng 192ha còn lại hoàn toàn của BQL RPH cho người dân thuê.
Việc xác định sở hữu chủ đất lâm nghiệp trên địa bàn rất phức tạp, rắc rối, phát sinh nhiều tranh chấp, đặc biệt là tại khu vực xã Ninh Sơn. Bên cạnh đó, việc bàn giao cột mốc từ đơn vị đo đạc của tỉnh chưa cụ thể, số lượng ít nên huyện rất lúng túng trong việc xác định diện tích được giao; bản đồ giao đất có một số diện tích chưa tách ra theo từng xã khiến việc quản lý, bàn giao gặp nhiều khó khăn...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh giao Sở thẩm định phương án giao đất chi tiết của các địa phương theo Quyết định 772. Tuy nhiên, hiện nay, phương án của các địa phương còn sơ sài, chưa cụ thể nên gây khó khăn cho công tác thẩm định, tham mưu. Ngoài ra, một số địa phương chưa xây dựng xong phương án...
Ông Vũ Xuân Thiềng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, công tác giao đất cho hộ nghèo, hộ ĐBDTTS thiếu đất rất phức tạp, khó khăn do nhiều nguyên nhân, phụ thuộc vào đối tượng giao đất (hộ nghèo, hộ ĐBDTTS...), kỹ thuật giao đất (bản đồ, cột mốc...), hiện trạng sử dụng đất (phù hợp hay không phù hợp quy định của pháp luật...).
Đó là chưa kể đất có độ dốc lớn, đi lại khó khăn nên người được giao đất không chịu nhận... Vì vậy, hiện nay, tiến độ giao đất rất chậm và gặp nhiều vướng mắc. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch giao đất rõ ràng, phân rõ đối tượng, khu vực, tiến độ, thời gian; những khu vực đất trống có khả năng phát triển nông nghiệp vẫn phải giao, trường hợp thiếu đất sản xuất cần đề xuất hỗ trợ bằng tiền theo Quyết định 755, ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ...
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giao đất cho ĐBDTTS nghèo, thiếu đất sản xuất, mới đây, tại cuộc họp về vấn đề này, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ban, ngành liên quan hoàn chỉnh phương án giao đất chi tiết, cụ thể để có cơ sở thực hiện; quy định rõ trình tự, thủ tục, tổ chức giao đất thực địa; dự trù kinh phí, tăng cường số lượng cột mốc... chậm nhất đến ngày 1-10 phải hoàn thành.
Ngoài ra, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Ban Dân tộc tỉnh rà soát hoàn thiện phương án báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-10...Hy vọng, với những chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, công tác giao đất cho ĐBDTTS thiếu đất sản xuất sẽ có nhiều tiến triển. (Báo Khánh Hòa 19/8) đầu trang(
Hà Nam hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 8.769 ha phân bố trên địa bàn 20 xã, thuộc 4 huyện là Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên, Bình Lục, chiếm 10,2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Tuy diện tích không lớn nhưng rừng Hà Nam có một vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, sinh thái. Nhận thức được vai trò quan trọng của rừng, được sự đầu tư của Chính phủ, tỉnh Hà Nam đã xây dựng nhiều dự án đầu tư, phát triển rừng, thông qua các chương trình 327,661. Tính đến 31/12/2008 độ che phủ của rừng đạt 9,4%.
Giai đoạn 2000 - 2010, ngành lâm nghiệp tỉnh đã xây dựng dự án quy hoạch phát triển lâm nghiệp, có tác dụng định hướng cho phát triển lâm nghiệp trong suốt thời kỳ quy hoạch. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá, mở rộng các khu công nghiệp, khai thác vật liệu xây dựng và các loại hình dịch vụ khác ngày càng phát triển, nguồn tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Thực hiện Công văn số 688/BNN-LN ngày 15/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi thực hiện rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/CT-TTg, sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam tiến hành trình UBND tỉnh cho phép tiến hành lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2010-2020 cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh  và chiến lược phát triển toàn quốc trong giai đoạn mới.
Thực hiện nhiệm vụ trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ, cùng các ban, ngành trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, tiến hành lập Quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2010 - 2020. (Hanam.gov.vn 20/8) đầu trang(
Được trồng làm nguyên liệu giấy từ năm 2004, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày đưa vào trồng, hơn 60ha cây luồng đến thời kỳ khai thác không có người đến thu mua, tưởng chừng sẽ chẳng để làm gì, nay luồng đã bắt đầu đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể).
Những ngày này đến xã Mỹ Phương, vào các thôn Pùng Chằm, Nà Lầu, Boóc Ve, Mỹ Vi… ai cũng sẽ cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây khi cây luồng đã có thể tiêu thụ, xóa đi sự chán chường về cây luồng nguyên liệu giấy đến kỳ khai thác không có ai mua cả chục năm qua.
Toàn xã Mỹ Phương có khoảng hơn 60ha cây luồng, tập trung nhiều ở thôn Nà Lầu và Mỹ Vi. bao năm qua không biết bán cho ai, cùng lắm mùa măng bán được vài củ làm thức ăn, cứ như vậy, từng bụi luồng cây to đều, đẹp mà chẳng thể sử dụng vào việc gì, chính vì vậy một số hộ đã chặt bỏ luồng để trồng cây khác, do đó, từ diện tích hơn chục ha trồng ban đầu ở thôn Nà Lầu, Mỹ Vi nay chỉ còn khoảng hơn 7ha.
Từ năm 2013 trở lại đây cây luồng đã có tư thương dưới xuôi tìm đến mua và cơ bản tìm được đầu ra. Sức tiêu thụ của măng luồng cũng khá, nhiều hộ từ việc khai thác măng thu được hàng chục triệu đồng. Điển hình hộ trồng cây luồng nhiều như ông Lý Văn Thắng, Hoàng Văn Linh, Lê Văn Bảo… mỗi hộ có gần 1ha cây luồng.
Giữa trưa, đến nhà ông Nông Văn Hôn, thôn Mỹ Vi, trong lúc cả 2 vợ chồng vừa đi lấy măng về, trên bếp lửa hồng, 2 nồi to đang luộc măng chuẩn bị đem xuống thị xã Bắc Kạn bán. Ông Hôn cho biết: Gia đình có hơn 4 nghìn mét vuông đất trồng luồng từ năm 2004, hiện nay việc tiêu thụ luồng phần lớn là bán cho tư thương dưới xuôi.
Một cây luồng có thể bán được 2 đoạn: Đoạn có chiều dài 5 mét bán được 7 nghìn đồng, 6 mét 9 nghìn đồng, trung bình 15-16 nghìn đồng/cây, bà con có thể chặt tỉa để bán vì theo bà con cho biết, cây luồng càng chặt tỉa thưa măng mọc càng nhiều, cây thẳng, đẹp.
Mùa măng, có hộ thu hàng chục triệu đồng. 1kg măng đã luộc bán được giá từ 5-8 nghìn đồng. Một vụ măng có nhiều lứa, thời gian kéo dài khoảng từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7 âm lịch. Một lứa một khóm to nơi đất ẩm có thể thu hoạch từ 50 đến 70kg củ măng, như vậy đã có thể thu nhập từ 250 đến 350 nghìn đồng/khóm luồng.
Ông Hoàng Trung Thâm, Trưởng thôn Mỹ Vi cho biết: Xác định đặc thù của thôn chủ yếu là phát triển cây lâm nghiệp, toàn thôn có 59 hộ, diện tích đất ruộng chỉ có hơn 20ha, nhận thức được điều đó, thôn đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã vận động người dân trong thôn tận dụng lợi thế đất rừng để phát triển kinh tế, do đó, nhiều năm qua, bà con luôn chú trọng phát triển trồng rừng mới, phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng các loại cây chủ yếu như: Mỡ, xoan, luồng, keo, chè.
Hiện nay, riêng cây mỡ bình quân mỗi hộ có ít nhất 2ha rừng trở lên, hộ nhiều có đến hàng chục ha rừng mỡ, xoan và keo. Chưa kể một số loại cây khác, chỉ tính riêng diện tích rừng trồng cây mỡ của thôn từ năm 2001 đến nay đã có khoảng trên 200ha.
Ở các thôn Nà Lầu, Mỹ Vi, Boóc Ve, Pùng Chằm, đất đai khá mầu mỡ rất phù hợp với việc phát triển kinh tế đồi rừng, chính vì vậy, ngoài việc phát triển mạnh trồng rừng, cây chè cũng là một trong những cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng này, nhiều năm qua, chè được đầu tư mở rộng diện tích và chất lượng.
Từ lâu chè Mỹ Phương được nhiều người tiêu dùng biết đến, hiện nay toàn xã có khoảng 500ha chè, riêng thôn Mỹ Vi hiện có trên 4ha chè đã được thu hoạch, cây chè đã giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát được hộ nghèo, ổn định cuộc sống.
Đến Mỹ Phương, đi qua những vạt rừng mỡ, đồi chè xanh mướt, cảm nhận được sự đổi thay ở vùng quê này. Tuy vậy, Đảng ủy, chính quyền xã Mỹ Phương cũng như các hộ dân của 4 thôn Pùng Chằm, Nà Lầu, Boóc Ve, Mỹ Vi vẫn còn trăn trở về tuyến đường đi vào các thôn còn rất khó khăn. Không có vốn để mở rộng, đầu tư làm đường đã làm cản trở nhiều đến sự phát triển kinh tế của địa phương.
Chính quyền cũng như các hộ dân nơi đây mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư tuyến đường để bà con thuận lợi phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới. (Báo Bắc Kạn 20/8) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Trong vòng sáu tháng qua, 7 người bị hổ vồ và ăn thịt ở cánh rừng thuộc khu vực Chandrapur, bang Maharashtra. Lực lượng kiểm lâm địa phương thành lập một đội chuyên trách lần theo dấu vết con hổ - đang sinh sống cùng gần 100 con hổ khác tại khu rừng - và bắn chết nó vào tối 19-8.
Giám đốc hạt kiểm lâm Maharashtra Sarjan Bhagat nói với đài BBC: “Những vụ hổ ăn thịt người ngày càng tăng trong vòng 6 tháng qua gây áp lực nặng nề lên chính quyền địa phương. Để bảo vệ an toàn cho người dân, chúng tôi buộc phải ban hành lệnh tiêu diệt con hổ”.
Trước đó, vào năm 2007, cũng tại bang Maharashtra, 2 con hổ khác bị bắn chết vì nghi ăn thịt 9 người dân quanh vùng. Kể từ đầu năm, trên toàn Ấn Độ ghi nhận hàng loạt vụ hổ tấn công người khiến ít nhất 17 nạn nhân thiệt mạng.
Một thế kỷ trước, ước tính có khoảng 100.000 con hổ ở Ấn Độ sinh sống trong tự nhiên. Nhưng hiện tại, chỉ còn sót lại 1.700 cá thể sinh sống rải rác trên khắp đất nước. Nguyên nhân là do sự săn bắn vô tội vạ của con người và môi trường sống của loài hổ dần bị thu hẹp.
Với sự gia tăng hoạt động phá rừng lấy đất canh tác, hổ thường vào cả khu vực con người sinh sống gần đó để tìm kiếm thức ăn, dẫn đến xung đột.
Theo các chuyên gia động vật hoang dã, những nạn nhân bị hổ tấn công ít khi bị hổ tha đi giống như con mồi mà chúng săn được. Tuy nhiên, một loạt các cuộc tấn công gần đây dường như là một dấu hiệu lạ, buộc nhà chức trách vào cuộc can thiệp để tránh xảy ra thêm những bi kịch. (Người Lao Động 20/8) đầu trang(
Các nhà khoa học đa quốc gia đứng đầu là tiến sĩ Goncalo Rosa đã phát hiện và mô tả một loài mới thuộc chi ếch cây Boophis trong rừng Ankarafa trên bán đảo Sahamalaza Peninsula, phía tây bắc Madagascar.
Boophis là loài ếch cây thuộc họ Mantellidae ở Comoros và Madagascar. Riêng vùng Sahamalaza trước đây có hai cuộc khảo sát các loài lưỡng cư, lần khảo sát gần đây nhất đã phát hiện hai loài mới là Boophis tsilomaro và Cophyla berara.
Tuy nhiên, nhiều khu vực trong rừng Ankarafa chưa được khảo sát trước đó. Trong khu rừng này, tiến sĩ Goncalo Rosa và các đồng nghiệp đã phát hiện một loài ếch cây mới đặt tên khoa học là Boophis ankarafensis.
Hình thức bề ngoài Boophis ankarafensis khá xinh xắn với màu xanh lục và những đốm đỏ tươi trên đầu và lưng. Con đực trưởng thành dài 23-24 cm, con cái lớn hơn với kích cỡ 28-29 cm.
Tạp chí Sci-News cho biết các nhà khoa học phát hiện 56 cá thể ếch Boophis ankarafensis ở hai bên dòng suối trong rừng Ankarafa, trong đó 48 con ếch đực và 8 ếch cái.
Những con ếch đực sống trên các cành cây ở độ cao từ 0,5-2 m, thường quần tụ trên những vòm lá khác nhau của cùng một cây. (Thanh Niên 20/8) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng