Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 20 tháng 08 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
19-8, Cục Hải quan TP Hải Phòng phối hợp Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) và phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP Hải Phòng) đã tổ chức kiểm tra lô hàng hạt lạc vận chuyển từ Nigieria (Châu Phi) về Việt Nam qua cảng Hải Phòng có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Tại container có số hiệu MRKU 8769844, lực lượng chức năng phát hiện nhiều bao đựng ngà voi được giấu ở phía sau các bao đựng hạt lạc, nằm ở phía trong cùng của container. Tổng trọng lượng ngà voi thu được khoảng một tấn.
Đây là lô hàng gồm bốn container loại 20 feet được ghi trên vận đơn là hạt lạc chuyển từ Nigieria (châu Phi), cập vào Tân cảng (Hải Phòng) ngày 14-8.
Qua kiểm tra lô hàng đã phát hiện số ngà voi cất giấu nói trên. Đây là mặt hàng cấm buôn bán, vận chuyển theo Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã (SITES).
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phát hiện số lạc hạt trong container chứa ngà voi cũng đã bị mốc hỏng, bốc mùi hôi, sẽ đề nghị tiêu hủy số hạt lạc vì không đủ điều kiện để làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện, các cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý. (Nhân Dân 20/8, tr8; Tiền Phong 20/8, tr2; Thanh Niên 20/8, tr2) đầu trang(
Hàng loạt dự án du lịch ven biển mang những cái tên ấn tượng như Thiên Đường, Cõi Niết Bàn, Giấc Mơ, Làng Xanh, Hòa Bình, Hoàng Gia, Phong Phú… từng được ồ ạt đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh TT-Huế) hơn 10 năm nay vẫn đang còn "treo lơ lửng”.
Trong lúc đó dân mất đất sản xuất và không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa, rừng và các cồn cát phòng hộ ven biển bị tàn phá. Đó là một thực tế đang diễn ra tại xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc).
Thôn Phú Hải 2 của xã Lộc Vĩnh là nơi có 3 dự án khu du lịch đã được tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp phép từ nhiều năm trước. Đó là các dự án du lịch Hòa Bình (7,8ha), Thiên Đường (7,6ha) và Khu nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô (hơn 300ha). Đến nay, sau nhiều năm được cấp phép các dự án này vẫn đang trong tình trạng "trùm mền”.
Tương tự, tại các thôn Bình An và Đông An, 2 dự án khu phi thuế quan của Công ty Sài Gòn- Chân Mây được cấp phép từ lâu cũng đang "án binh bất động”. Ông Bùi Ngọc Ga- Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết: Vì tưởng sẽ bị giải tỏa sau khi kiểm kê nên cách đây 3 năm, hầu hết các hộ dân ở thôn Phú Hải 2 đã bán sạch các đàn trâu, bò.
Nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi không còn, trong khi việc phát triển trồng trọt bị đình trệ nên kinh tế của người dân tụt dốc. Ngoài người dân thôn Phú Hải 2, hơn 200 hộ dân ở các thôn khác cũng điêu đứng bởi các dự án "treo”. Điều lo nhất hiện nay là nhà cửa của người dân tạm bợ vì không được xây dựng, sửa chữa nên hết sức nguy hiểm khi có mưa bão.
Dẫn PV men theo con đường nhựa để đến ngọn đồi trọc nằm trên phần đất dự án của Công ty Thiên Đường mà ông Hồ Trọng Vinh, Công an viên xã Lộc Vĩnh không khỏi xót xa: "Ngoài diện tích rừng nguyên sinh, năm 1998, xã có chủ trương bàn giao phần đất này cho người dân để trồng rừng phòng hộ nên bà con trong xã đã thay nhau trồng phi lao, tràm... để làm rừng chắn gió, chắn cát. Đến khi cây rừng đang độ phát triển thì bị chủ đầu tư chặt hạ để lấy đất xây dựng công trình phục vụ cho du lịch ven biển. Thế mà giờ chỉ còn lại một bãi cát vàng không một bóng cây!”.
Cách đó khoảng 2 cây số về phía Bắc là diện tích đất rừng rộng gần 8ha nằm trên các đồi cát được UBND xã Lộc Vĩnh bàn giao cho chủ dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng là Công ty Hòa Bình (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) từ năm 2009 cũng bị "xẻ thịt” từ khá lâu để phục vụ cho hoạt động khai thác cát, chứ không phải để xây dựng dự án du lịch.
Trong khi các dự án này "trùm mền” kéo dài thì rừng phòng hộ trong vùng dự án đã và đang bị chặt phá. Nghe tin diện tích rừng phòng hộ trên sắp bị khai tử nên nhiều người dân thôn Phú Hải 2 chuyển từ bảo vệ rừng sang phá rừng để thu lợi. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 5ha rừng bị người dân chặt phá.
Tại dự án khu du lịch Thiên Đường, rừng phòng hộ cũng đã bị chặt trụi từ lâu, chỉ còn lại bãi cát mênh mông. Ở dự án khu du lịch Hòa Bình, mặc dù không hề triển khai xây dựng kể từ khi được cấp phép nhưng nhiều đồi cát thuộc khu vực dự án này đã và đang bị tàn phá, người dân cho biết ban đêm liên tục có xe tải đến khu vực này xúc cát chở đi nơi khác.
Theo ông Bùi Ngọc Ga, việc rừng và các cồn cát phòng hộ ven biển ở thôn Phú Hải 2 bị tàn phá đã và đang gây ra nạn cát bay, cát nhảy và sạt lở bờ biển. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài thì hậu quả địa phương phải gánh chịu sẽ rất nặng nề. "Các dự án này là dự án du lịch sinh thái, nghĩa là phải coi trọng yếu tố môi trường tự nhiên, nhưng thực tế là nó khiến môi trường bị tàn phá”, ông Ga nói. (Đại Đoàn Kết 20/8) đầu trang(
19.8, tại khu vực rừng kinh tế Dốc Khế (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) đã phát ra đám cháy lớn khiến gần 20ha rừng kinh tế bị thiêu rụi.
Sự việc bắt đầu xảy ra vào khoảng 13 giờ ngày 19.8. Đến 20 giờ cùng ngày, đám cháy mới được khống chế hoàn toàn.
Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, lực lượng chức năng địa phương đã nhanh chóng có mặt để chữa cháy. Tuy nhiên do gió mạnh nên đám cháy nhanh chóng lan rộng.
Hạt kiểm lâm huyện Quảng Ninh cho biết, khu vực trên là rừng kinh tế của người dân địa phương. Thành phần bị cháy chủ yếu là thực bì, bai, vỏ và cây rừng kinh tế đã và đang trong quá trình khai thác, diện tích bị cháy ước tính khoảng 20ha.
Phải rất khó khăn, lực lượng chức năng mới ngăn chặn đám cháy lan rộng, đặc biệt là lan sang khu vực rừng ở núi Thần Đinh – một địa điểm du lịch tâm linh của người dân địa phương và cả nước.
Nguyên nhân vụ việc hiện đang được điều tra, làm rõ. (Lao Động 20/8) đầu trang(
Gần 3ha rừng thông nhựa và rừng trồng thuộc quản lý của HTX NN 2 xã Thủy Phù (TT Hương Thủy, TT-Huế) đã xảy ra cháy, làm thiệt hai khoảng 100 triệu đồng.
19-8, UBND xã Thủy Phù cho hay, đám cháy có thể do bom đạn còn sót lại trong chiến tranh, gặp trời nắng nóng phát nổ, gây cháy.
Vụ cháy bùng phát lúc 11 giờ 45 ngày 18-8 tại vùng rừng 3 Cồn (xã Thủy Phù), lập tức chính quyền địa phương đã huy động tất cả các lực lượng trên địa bàn để tham gia chữa cháy, đến 17 giờ cùng ngày, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn. (Công An TP Đà Nẵng 20/8) đầu trang(
Thực hiện chủ trương cho doanh nghiệp (DN) thuê đất rừng để khoanh nuôi bảo vệ rừng và phát triển cây cao su, những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã cho hàng chục DN thuê hàng trăm ngàn hecta đất rừng. Hiệu quả kêu gọi đầu tư chưa thấy đâu thì đã có hàng chục ngàn hecta rừng nguyên sinh bị tàn phá.
Năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lanh (viết tắt Công ty Cư M’lanh) thuê hơn 14.000 ha đất rừng để quản lý, bảo vệ và sản xuất. Sau hơn 5 năm được giao, DN này đã để mất gần 1/2 diện tích rừng và hiện tình trạng phá rừng, nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn diễn ra nghiêm trọng.
Trong khi PV điều tra về việc để mất rừng thì tại Tiểu khu 249 của vùng rừng này có một nhóm 3 người đang sử dụng xe công nông vận chuyển gỗ lậu từ rừng ra. Điều đáng nói là xe gỗ này đã ung dung qua mặt một trạm chốt quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Cư M’lanh mà không hề bị kiểm tra.
Đi vào sâu, PV chứng kiến những khu rừng nguyên sinh bị đốn hạ để lấy gỗ, lấy đất. Ngay sát những trạm quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Cư M’lanh, rất nhiều diện tích rừng trước đây giờ là bãi đất trống hay các loại cây hoa màu. Thậm chí, sau khi phá rừng, một số đối tượng còn ngang nhiên cắm bảng bán đất.
Tương tự, những khu rừng nguyên sinh ngút ngàn một thời ở xã biên giới Ia J’lơi (huyện Ea Súp) cũng đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Cách trạm bảo vệ rừng vài trăm mét, tại Tiểu khu 160 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’mơ (Công ty Ea H’mơ), những cánh rừng bị chặt phá, thân gỗ dài hàng chục mét bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Được giao quản lý hơn 17.000 ha đất rừng nhưng đến nay, Công ty Ea H’mơ cũng đã để mất hàng ngàn hecta rừng nguyên sinh.
Ông Huỳnh Văn Mến, Giám đốc Công ty Ea H’mơ, ví von: “Rừng Ia J’lơi là miếng mồi ngon giữa sa mạc, bốn bề bị con mồi rình rập và xâu xé”. Điều đáng nói là gần 10.000 ha rừng giao cho 2 DN nói trên bị xóa sổ nhưng vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm. Ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, khẳng định buông lỏng công tác quản lý bảo vệ, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng là nguyên nhân chính dẫn tới mất rừng.
Ngoài các dự án mà chủ đầu tư buông lỏng quản lý, cố ý phá rừng lấy gỗ, lấy đất thì còn có việc DN ngang nhiên lừa bán đất rừng, trồng cao su khi chưa được cho phép khiến những cánh rừng dần bị xóa sổ.
Cuối năm 2011, Công ty Cư M’lanh thỏa thuận cùng đầu tư, góp vốn trồng cao su với Công TNHH Cao su Phước Hòa (Công ty Phước Hòa) ở Đắk Lắk (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) tại các tiểu khu 233, 234, 262, 264, 272, 273 và 274. Sau đó, dù UBND tỉnh Đắk Lắk chưa cho phép nhưng Công ty Phước Hòa vẫn tự ý trồng hơn 113 ha cao su trên đất rừng. Ông Phạm Ngọc Lợi, Giám đốc Công ty Phước Hòa, thừa nhận: “Đúng là chưa được phép trồng cây cao su nhưng chúng tôi... trồng thí điểm”.
Tại tỉnh Đắk Nông, năm 2009, DNTN Đại Phát Lộc hợp tác với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín (Công ty Quảng Tín) trên diện tích 398 ha (tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) để phát triển rừng và trồng cây công nghiệp. Do không có năng lực tài chính nên DNTN Đại Phát Lộc xin điều chỉnh giảm còn 159 ha, đồng thời xin chuyển từ liên danh sang thuê đất của UBND tỉnh Đắk Nông.
Năm 2012, khi chưa được giao đất, DNTN Đại Phát Lộc đã bán toàn bộ diện tích này cho một cá nhân thu 5,5 tỉ đồng. Cũng như vậy, Công ty TNHH Bảo Châu đã chia bán 200 ha đất rừng tại Tiểu khu 1537 (thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) thu 26 tỉ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt tạm giam nhiều giám đốc DN có hành vi lừa bán, hủy hoại đất rừng, điển hình như: Hoàng Trọng Hiếu - Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Linh - bị bắt về hành vi hủy hoại 39 ha rừng; Bùi Văn Tiêm, Giám đốc Công ty CP Chế biến lâm sản Thăng Long, bị bắt vì để mất hơn 396 ha rừng...
Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, thừa nhận mục đích của nhiều DN là lấy đất trồng cao su chứ không phải bảo vệ rừng; một số DN không có năng lực tài chính nên chưa xong thủ tục đã bán kiếm lời. Đây là hạn chế lớn, làm giảm hiệu quả kêu gọi đầu tư, làm mất rừng, mất đất...(Người Lao Động 20/8, tr4) đầu trang(
Khoảng một tháng trở lại đây, hàng trăm cây gỗ trên rừng phòng hộ thuộc thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh (huyện Thường Xuân) bị lâm tặc đốn hạ. Sự việc được phơi bày ngay trước mắt, song chính quyền địa phương, kiểm lâm dường như “bất lực”.
Những ngày qua, phóng viên liên tục nhận được phản ánh của người dân thôn Cụt Ạc về thực trạng lâm tặc khai thác gỗ trên địa bàn. Sự việc diễn ra ngay trước mắt, thậm chí đã nhiều lần người dân gọi điện báo cáo tới UBND xã và kiểm lâm, song không thấy cơ quan chức năng vào cuộc khiến cho người dân nơi đây vô cùng bức xúc.
Trú chân tại một quán nước ven đường, chưa kịp hỏi gì thì một bà cụ nhanh nhảu thông tin: Ở đây họ làm gỗ công khai lắm, chú cứ đi thẳng khoảng 1km nữa ra Hón Ván thì bạt ngàn gỗ đã chặt hạ và kéo về.
Quả đúng như lời bà cụ nói, xe máy vừa dừng cách Hón Ván khoảng trăm mét, trước mắt PV đã thấy những bãi gỗ được bóc vỏ trắng nõn nằm la liệt dưới nước. Những khúc gỗ to bằng một vòng tay người ôm không hết có chiều dài 5-7m.
Để được tận mắt chứng kiến khu rừng phòng hộ đang “tứa máu”, anh T. một người dân không ngần ngại dẫn đường cho PV. Anh T. bảo, để vào được khu vực khai thác phải đi bộ hết gần một ngày trời.
Từ trung tâm thôn Cụt Ạc, PV men theo Hón Ván khoảng 10km đường rừng. Dọc đường đi thỉnh thoảng lại thấy vài khúc gỗ nằm ngổn ngang bên suối chưa được kéo về.
Anh T. cho biết, anh cũng chưa vào đây lần nào, song đây là con đường “độc đạo” nên anh khẳng định chắc nịch cứ đi theo con Hón Ván này sẽ nhìn thấy được chỗ lâm tặc đang khai thác.
Theo T., việc khai thác gỗ này mới diễn ra từ đầu tháng 7 đến nay. Bọn chúng chỉ làm ồ ạt vào mùa mưa, khi đó nước có nhiều. Lúc đó, lâm tặc chỉ việc thả gỗ xuống suối cho trôi về điểm tập kết. Trung bình một tuần người dân Cụt Ạc chứng kiến có ít nhất 3 chuyến xe ô tô đến bốc gỗ, vào khoảng từ 12 giờ đêm tới 2 giờ sáng.
Cuộc hành trình băng rừng lội suối của chúng tôi khoảng được 10km, dọc hai bên suối dễ dàng nhận biết được chỗ nào lâm tặc đang khai thác. “Cứ chỗ nào có lối mòn thì chỗ đó có gỗ. Bọn lâm tặc không thể đi đường nào khác ngoài vận chuyển xuống suối này. Điểm xa nhất bọn chúng đang khai thác cách suối cũng chỉ vài trăm mét thôi”, anh T. cho biết.
Men theo Hón Ván, thấy rất nhiều lối mòn lâm tặc chuyển gỗ. Lần theo đường mòn đi ngược lên một khu rừng, đập trước mắt PV là những gốc cây to vừa được đốn hạ, đang còn nguyên nhựa. Cây nhỏ nhất đo được đường kính khoảng 50cm, cây to hơn nữa là một người ôm không hết.
Cũng theo con đường mòn đó, đi sâu vào bên trong, bắt gặp nhiều gốc cây khác đã bị đốn hạ. Có bãi dày đặc, đếm được số lượng lên đến 20 gốc. Trung bình, mỗi cây như vậy lâm tặc chỉ cưa lấy được 2-3 khúc gỗ. Càng đi sâu vào bên trong diện tích rừng bị chặt phá càng nhiều…
Ông Nguyễn Thanh Luyện, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bù Đồn (đóng trên địa bàn xã Vạn Xuân) cho biết, việc lâm tặc chặt phá rừng như phản ánh là có thật. Các khu rừng bị chặt phá trước đây là rừng phòng hộ, sau này chia cho người dân quản lý.
Nguyên nhân dẫn đến việc chặt phá rừng, ông Luyện cho biết, do thời gian này trời mưa, nước suối lên nên lâm tặc lợi dụng vào đó để chặt gỗ và vận chuyển. Sau khi nhận được tin báo, đầu tháng 8, Trạm kiểm lâm phối hợp với UBND xã Xuân Chinh đã đi kiểm tra, bắt giữ và lập biên bản 3 lần với số lượng gần chục m3 gỗ giàng giàng vô chủ.
“Hiện nay chúng tôi cũng đang tích cực điều tra các đối tượng lâm tặc, và chủ gỗ trên, đồng thời kiểm tra ngăn chặn không để lâm tặc tàn phá tiếp. Số lượng, diện tích, tiểu khu bị chặt phá đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể”, ông Luyện cho biết.
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Hường, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, việc phá rừng tại thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh huyện cũng vừa nắm bắt được. Sau khi nghe thông tin, huyện đã lập tức giao trách nhiệm cho Hạt Kiểm lâm điều tra, làm rõ, song đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo.
“Quan điểm của huyện, sau khi đã xác minh và có báo cáo cụ thể về việc phá rừng tại thôn Cụt Ạc. Mức độ nghiêm trọng tới đâu sẽ xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”, bà Hường nói rõ. (VienamNet 20/8) đầu trang(
Chiều 19-8, tin từ văn phòng UBND tỉnh cho biết phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Trúc vừa ký quyết định xử phạt ông Ngô Văn Lộc (36 tuổi) ở thôn Phước Lộc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa và bà Trương Thị Biển (50 tuổi) ở khu phố 1, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa mỗi người 50 triệu đồng, đồng thời tịch thu 2.190kg quả ươi.
Trước đó, ngày 1-8, ông Lộc lái xe tải vận chuyển trái phép 1.200kg quả ươi trị giá 72 triệu đồng thì bị Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên) bắt giữ tại xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa.
Còn bà Biển mua 990kg quả ươi có nguồn gốc trái phép trị giá gần 60 triệu đồng, bị Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng phát hiện, lập biên bản vào ngày 14-7 tại phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa.
Ông Phan Văn Công, chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết từ tháng 6-2014 đến nay, tại các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, hàng nghìn người dân vào rừng chặt hạ hàng loạt cây ươi để hái quả, bán cho thương lái với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.
Sau khi thu gom, thương lái vận chuyển quả ươi đi các tỉnh lân cận tiêu thụ. (Tuổi Trẻ 19/8; Thanh Niên 19/8) đầu trang(
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tổng diện tích rừng của toàn vùng chỉ còn trên 2,848 triệu ha, độ che phủ còn 51,3%; trong đó, rừng có trữ lượng là 1,772 triệu ha, chỉ đạt độ che phủ là 32,4%... nên càng làm cho những vùng đất dốc trở thành đất trống, đồi núi trọc hoặc có rừng nhưng cũng chỉ là các loại cây có độ che phủ thấp.
Theo các nhà khoa học, mất rừng, nhất là rừng ở những nơi đất dốc làm cho dòng nước mưa tập trung vào các sông, suối nhiều gấp 3 đến 5 lần và nhanh hơn gấp 8 đến 10 lần khi không có rừng nên tần suất, cường độ lũ quét xuất hiện nguy hiểm ngày càng nhiều hơn mỗi khi có mưa.
Theo đánh giá của Trung tâm Khoa học công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường, nhiệt độ tại Tây Nguyên trong các năm sắp tới sẽ cao hơn nền chung của các thập kỷ vừa qua. Lượng mưa tại khu vực này trong các thập kỷ sắp tới có thể tăng lên ở vùng này và giảm đi ở vùng khác, song không sai lệch nhiều so với trước. Có điều trong tương lai xa hơn, lượng mưa mùa mưa sẽ nhiều lên và lượng mưa mùa khô sẽ dao động mạnh. Các kỷ lục lượng mưa ngày, lượng mưa tháng, lượng mưa năm tiếp tục tăng, trong khi các đợt hạn hán về những tháng mùa khô càng gay gắt hơn.
Với xu thế tăng nhiệt độ và diễn biến mưa như vậy, mùa nóng ở các vùng núi vừa và thấp sẽ kéo dài và mùa lạnh bị rút ngắn, ranh giới các vành đai nhiệt độ sẽ lùi về vùng núi cao hơn. Hệ sinh thái thay đổi khiến cho nguy cơ diệt chủng của động vật và thực vật tăng lên, làm mất nhiều nguồn gen quý hiếm.
Khi ấy, một số loài thực vật quan trọng như: Trầm hương, huỳnh đàn, gỗ đỏ, lát hoa, gụ mật... có thể bị suy kiệt; rừng nửa nhiệt đới của Tây Nguyên như thông, pơ mu... và các loài ưa lạnh khác sẽ mất đi một phần diện tích đáng kể vì không thể thích nghi được với sự biến đổi khí hậu. Việc gia tăng nhiệt độ và mức độ khô hạn cũng kéo theo làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh, dịch bệnh phá hoại cây rừng.
Do đó, để bảo vệ và phát triển rừng, Tây Nguyên rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan. Trước mắt quy hoạch cơ sở chế biến gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là phải có cơ chế chính sách phù hợp.
Để ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, trước hết Tây Nguyên phải hạn chế phá rừng, đi đôi với trồng rừng và tái tạo rừng, phòng chống cháy...
Trong công tác phòng tránh lũ quét và sạt lở đất thì việc cần làm ngay là phải lập bản đồ nguy cơ lũ quét cho toàn vùng. Điều đáng quan tâm nhất là bảo vệ rừng mặt đệm của lưu vực, yếu tố quan trọng liên quan đến sự tập trung dòng chảy của các lưu vực sông trên địa bàn Tây Nguyên. Đầu tư xây dựng thêm mạng lưới trạm quan trắc đo đạc, đặc biệt là các trạm đo mưa tại các vùng đã từng có mưa lớn phát sinh lũ quét và sạt lở đất.
Trên lĩnh vực nông nghiệp nên ứng dụng các mô hình "xanh-sạch" có hiệu quả, như cải tiến quản lý tưới tiêu cho lúa nước, chế độ phân bón... đặc biệt là chú ý chống hạn trong mùa khô hàng năm. (Bưu Điện VN 18/8, tr13) đầu trang(
Thông tin nhanh qua đường dây nóng trên báo Quân Đội Nhân Dân cho biết: Tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, tình trạng săn bắn trái phép đang diễn ra công khai, khiến các loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. (Quân Đội Nhân Dân 19/8, tr8) đầu trang(
19-8, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết, hiện do thời tiết nắng nóng tiếp tục ảnh hưởng đến địa bàn Đà Nẵng nên nguy cơ cháy rừng duy trì ở mức nguy hiểm (mức báo động IV) đến ngày 21-8, có khả năng cháy rừng diện rộng.
Do đó, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đề nghị BCĐ thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các quận, huyện, xã, phường chỉ đạo các địa phương, đơn vị và các chủ rừng tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR, bố trí nhân lực và phương tiện tại chỗ để chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Yêu cầu các Hạt Kiểm lâm tham mưu chính quyền các địa phương có rừng thông báo nghiêm cấm phát đốt thực bì trong mọi trường hợp; tiếp tục thông tin về nguy cơ cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư khu vực có rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát người và phương tiện ra vào rừng; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về PCCCR. (Công An TP Đà Nẵng 20/8; Tiền Phong 20/8, tr2) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Thời gian gần đây, thấy có người tới địa phương thu mua quả bo bo với giá cao (sau đó bán lại cho thương lái Trung Quốc), người dân ở các huyện miền núi Nghệ An đã đua nhau phát rừng trồng loại cây này.
Theo một “nậu” thu mua quả bo bo quê ở huyện Diễn Châu từ hơn ba năm trước các thương lái Trung Quốc đã vào Nghệ An để thu mua loại quả này. Ban đầu chỉ mua ở khu vực huyện Con Cuông và Tương Dương. Hầu hết quả bo bo lúc đó đều được người dân đi hái trong rừng quốc gia Pù Mát giống như loài hoa quả dại, bán với giá 5- 7 nghìn đồng/kg.
Sau khi rừng đã “cạn” loài quả này nhưng trên thị trường vẫn mua với giá cao nên bà con chuyển sang trồng. Hai năm nay, không riêng gì huyện Con Cuông mà tại các huyện miền núi khác như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... người dân cũng “đua nhau” trồng bo bo.
Quan sát của phóng viên, dọc tuyến đường từ Mường Xén vào Mường Lống của huyện miền núi Kỳ Sơn, người dân đang ồ ạt phát rừng để trồng bo bo. Ông Dềnh Bá Lồng, Phó Chủ tịch xã Huồi Tụ cho biết, xưa nay người dân địa phương xem loài quả này là loài quả dại nên không ai thèm để mắt tới. Nay thấy có người mua thì bà con vào rừng tìm hái để bán. Tuy nhiên, ở đây không ai biết người ta mua quả bo bo về để làm gì.
Chị Vừ Y Zềnh, một người dân xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) cho biết, hôm nào trời mưa bà con thường vào rừng thu hái trên các nương rẫy, sau đó về luộc, rồi đốt củi sấy khô, hôm nào trời nắng thì phơi bất cứ chỗ nào, sau đó mới đem bán cho các thương lái.
Huồi Mú là một trong những bản có diện tích trồng cây bo bo nhiều nhất của xã Huồi Tụ. Gần 100 hộ dân, nhà nào cũng trồng và đi hái lượm quả bo bo. Chị Lầu Y Xồng, người dân bản địa cho biết, từ đầu vụ đến nay nhà chị thu hoạch được gần 10 tạ quả tươi và đã phơi khô, bán với giá 25.000 -30.000 đồng/kg. Mới đầu vụ nhưng gia đình chị Xồng đã thu nhập được trên cả chục triệu đồng.
Cũng nằm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, bà con xã Tây Sơn thu hái được khoảng 40 tấn hạt bo bo để bán cho các “nậu”; bình quân mỗi hộ thu được trên 10 triệu đồng. Như hộ anh Vừ Xái Chù (người dân tộc Mông) ở bản Huồi Giảng 3, thu được 28 triệu đồng; anh Vừ Tồng Xanh, ở bản Huồi Giảng 1, thu được 25 triệu đồng...
Ông Bá Lỳ, cán bộ UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện nay các thương lái đang ngày đêm đổ về các xã như: Mường Lống, Huồi Tụ, Na Loi, Na Ngoi, Đoọc Mạy, Keng Đu, Tây Sơn, Bảo Nam, Bảo Thắng… của huyện Kỳ Sơn để tìm mua quả bo bo. Sau khi chất đầy ô tô, họ chuyển về xuôi để tiếp tục sơ chế thêm một lần nữa rồi mới bán cho thương lái Trung Quốc.
Chị Trần Thị Huyền, một “nậu” thu mua bo bo có đại lý mang tên Huyền Hồng ở thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) cho biết, đây là một trong 4 đại lý lớn thu mua hạt bo bo ở huyện này; tuy nhiên cũng chỉ thu mua mang tính thời vụ. Năm trước đại lý này thu mua được 40 tấn quả bo bo khô, nhưng năm nay mới mua được 31 tấn. Sau khi thu mua xong lại nhập cho các “nậu” khác lớn hơn ở thị trường nội địa, sau đó họ mang đi đâu, làm gì thì không biết” - Chị Huyền nói.
Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, huyện không đề ra chỉ tiêu hay kế hoạch để phát triển các diện tích cây bo bo. Các hộ dân nhận thấy lợi ích kinh tế nên chủ yếu phát triển một cách tự phát. (Tiền Phong 20/8, tr10) đầu trang(
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (C47-Bộ Công an) cho biết, sau khi công an triệt phá băng nhóm phạm tội do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “sâm”), Giám đốc Cty TNHH Đại An và Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng “sóc”), Giám đốc Cty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh cầm đầu, đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp gửi đơn tố cáo hành vi của băng nhóm này đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Các đơn thư hầu hết đều tố cáo về việc băng nhóm của Minh “sâm” có hành vi cưỡng đoạt tài sản của họ trong quá trình kinh doanh, vận chuyển gỗ vào chợ gỗ Phù Khê. Nếu lái xe hay chủ hàng nào không tuân thủ, lập tức bị băng nhóm này đe dọa, hành hung.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, CQĐT sẽ tiếp mở rộng chuyên án, điều tra một số hành vi khác theo phản ánh của người dân như: “Cố ý gây thương tích”, “giết người” đối với băng nhóm Minh “sâm”, Hưng “sóc”.
Được biết, vào năm 2013, trên địa bàn Từ Sơn, Bắc Ninh đã xảy ra vụ án nghiêm trọng, một chủ gỗ bị giết nhưng cho đến nay, cơ quan điều tra chưa làm rõ được hung thủ.
Theo tài liệu cơ quan điều tra, băng nhóm xã hội đen do Minh “sâm”, Hưng “sóc” cầm đầu còn ngang nhiên lập cả trạm cân để ép các lái xe chở gỗ phải đưa xe lên cân tải trọng. Nếu vượt quá tải trọng cho phép, chúng cũng tự cho quyền mình được phạt tiền lái xe như cơ quan chức năng.
Minh “sâm”, Hưng “sóc” luôn cắt cử 2 đối tượng ngồi chặn ở khu vực cầu Tấn Bào để kiểm soát các xe đi qua. Nếu là xe chở gỗ quen (đóng phí tháng) thì bọn chúng cho đi qua luôn, còn nếu xe chở gỗ lạ thì chúng ép đưa về kho riêng trong khu vực chợ, sau đó buộc các tài xế hoặc chủ hàng nộp tiền lệ phí. Tùy theo tải trọng của xe, đàn em của Minh “sâm”, Hưng “sóc” bắt các lái xe hoặc chủ hàng, nộp các mức lệ phí 1,2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/xe.
Ngoài ra, trong quá trình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 10 đối tượng trong băng nhóm xã hội đen Minh “sâm”, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tạm giữ nhiều xe sang của các đối tượng.
Trong số 7 chiếc xe này, có 1 chiếc Toyota Highlander, 1 chiếc BMW X1, 3 chiếc Lexus, trong đó có loại LX570 có giá hơn 5 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này còn có chiếc xe Maybach 57S mà trùm xã hội đen Minh “sâm” thường xuyên sử dụng, giá trị ngót nghét triệu USD.
Theo xác minh của PV Tiền Phong, chiếc Maybach triệu đô trên không có thông tin chủ xe, có dấu hiệu là xe lậu. Chiếc BMW biển số 99A-034... cũng tương tự, không có thông tin cụ thể. (Tiền Phong 20/8, tr11) đầu trang(
Rừng Cần Giờ (TP. HCM) đã được tổ chức UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” đầu tiên tại Việt Nam. Ấy là nhờ có hàng trăm người dân, kiểm lâm ngày đêm chăm sóc, bảo vệ từ mấy chục năm nay.
Cách đây 24 năm, có 10 hộ dân đầu tiên xung phong nhận nhiệm vụ vào sống, chăm sóc, bảo vệ rừng Cần Giờ. Trong số này, có 2 người phụ nữ "đơn thân" và đều có một đàn con 5-6 đứa.
Họ có nhiều điểm chung như cùng gieo hạt trồng rừng, cùng “liều lĩnh” dắt đàn con vào rừng sống, và cùng ngăn cản lâm tặc bằng câu: “Đói thì tôi chia sẻ chứ đừng cướp chén cơm của mẹ con tôi”.
Căn nhà đầu tiên PV đến nằm ở phân khu 3, tiểu khu 4B của rừng phòng hộ Cần Giờ. Chủ nhân là bà Đinh Thị Hồng (Ba Hồng), năm nay 65 tuổi. Bà Ba Hồng là 1 trong 10 hộ đầu tiên vào rừng nhận khoán giữ rừng năm 1990.
Trước đó, từ những năm 1980, bà đã là một trong những người đầu tiên góp sức trẻ, thời gian để trồng rừng, biến vùng đất trắng thành màu xanh ngắt, mênh mông của những cánh rừng hôm nay.
Trong ngôi nhà xây khá khang trang giữa rừng, bà Ba Hồng nhớ lại những ngày đi trồng rừng: Hồi đó, vô cùng cực khổ, mỗi chuyến đi trồng rừng từ 10 ngày đến nửa tháng. Tôi nhận diện tích, rồi thuê nhân công. Đến mỗi nơi trồng, việc đầu tiên là dựng chòi. Vì tất cả đều bị ngập khi nước lên nên mọi người phải lấy đất đắp cao lên, sau đó trải vải nhựa xuống, rồi mới dựng chòi.
Hồi đó, đoàn viên, thanh niên tham gia đông lắm. Đêm ngủ chia thành 2 dãy, nam, nữ riêng. Để tụi trẻ có hứng thú làm, tôi chia thành từng tổ, rồi thi đua, tổ nào làm nhanh, làm tốt sẽ có thưởng, sau giờ làm việc lại tổ chức văn nghệ, thi hát hò… Tụi trẻ làm không biết mệt. Sau mỗi chuyến đi rừng như thế, lại có vài đôi nên vợ chồng.
Ngồi trò chuyện mới biết, anh Trần Minh Tùng, con trai bà Ba Hồng, nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Lắng, từ những ngày đi trồng rừng ấy. Nay, anh chị đã có 3 đứa con khôi ngô, trong đó 2 đứa đang học cao đẳng trên thành phố, cậu út cũng đang học cấp 1 ở xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ.
Nói về quyết định dắt đàn con vào rừng sống năm 1990, bà Hồng cho biết: Tôi đi bởi vì những cánh rừng này do chính tôi gieo hạt. Nhiều năm sống, ăn ngủ trong rừng, tôi quen rồi. Lúc đó tôi lo nhất là vào đây các con sống ra sao. Nhưng mấy đứa nhỏ động viên, bảo nếu mẹ muốn đi thì tụi con ủng hộ.
Nói về những ngày đầu làm “người rừng”, bà Hồng kể: Hồi mới vào đây, cực khổ lắm chú ơi, điện không có, đêm phải đốt đèn dầu, nước ngọt thì phải chèo ghe trên sông Lòng Tàu đi mấy tiếng mới đến xã để mua. Hôm nào gặp gió ngược thì đi nửa ngày không đến nơi, sóng hơi lớn chút mà chèo không cẩn thận, lật ghe như chơi.
Gia đình bà Hồng hiện đang nhận chăm sóc 191 ha rừng, mỗi năm gia đình bà được Nhà nước trả hơn 220 triệu đồng. Ngoài ra, anh Trần Minh Tùng, con trai bà Hồng còn nuôi thêm ốc len, mỗi năm cũng thu được hơn trăm triệu. “So với ngày xưa mới vào, thế là tốt lắm rồi chú ạ”, anh Tùng nói.
Cách nhà bà Ba Hồng vài cây số là nhà bà Nguyễn Kim Hoàng (Tư Hoàng), một phụ nữ có hoàn cảnh giống bà Ba Hồng, một mình nuôi 5 đứa con, cũng là người đã gần trọn đời sống với rừng, cùng đàn con vào rừng từ năm 1990 đến nay.
Nhìn dáng cao gầy, nước da hồng hào, săn chắc, ít ai nghĩ năm nay bà Tư Hoàng đã 66 tuổi. “Tôi mới thôi hợp đồng giữ rừng cách đây 2 năm. Tôi còn khỏe, vẫn muốn làm tiếp, nhưng mấy ảnh nói tôi già rồi, làm chi cho cực”, bà Tư Hoàng cười bảo.
Hiện bà Tư Hoàng đã giao lại hợp đồng chăm sóc 245,7 ha rừng cho người con trai thứ 4 là Nguyễn Thành Trung. Anh Trung cho biết, mỗi năm, thu nhập từ lương giữ rừng khoảng 280 triệu chưa trừ chi phí, thuế. Ngoài ra, anh còn có 2 ao nuôi các loại cá, cuộc sống khá tốt.
Biết mình phận đàn bà yếu đuối nên cả 2 người đàn bà đều có những “chiêu” giữ rừng không giống ai. Nghe PV hỏi: “Đàn bà chân yếu tay mềm, làm sao ngăn được những người phá rừng?”, bà Ba Hồng trầm ngâm một lát rồi nói: Không có gì là không thể. Hồi đó hầu hết những người phá rừng đều nghèo khổ, có khi còn khổ hơn mình nên khi họ chặt cây, tụi tôi bắt nhưng không làm căng mà nói chuyện tình cảm với họ.
Thậm chí còn chia gạo, nước cho họ trước khi cho họ đi nữa. Tôi bảo họ, đây là chén cơm của gia đình, nếu anh chị phá rừng là chúng tôi nhịn. Rừng này là công sức của hàng ngàn người từ mấy chục năm nay, phá là mang tội lớn. Tôi chỉ muốn mai mốt lỡ có gặp nhau, mình tay bắt mặt mừng chứ không muốn thù ghét nhau.
Nhiều lần tôi nói với họ như thế, rồi thấy chúng tôi đối xử tử tế nên cuối cùng, họ không phá nữa. Thậm chí, sau này gặp lại, họ bảo tôi, người ta rủ tụi tôi xuống chặt cây, mà tui bảo, xuống gặp bà Hồng nghe bả thuyết mệt lắm, bả còn cho gạo nữa. Nên thôi không đi.
Còn bà Tư Hoàng thì kể: Nhiều lần thấy người ta chặt cây, lúc đầu sợ lắm. Mình là đàn bà, làm sao đủ sức mà ngăn cản? Nhưng nếu không cản thì mình mất rừng. Nghĩ thế nên tôi làm động tác giả là hét thật to “mấy anh kiểm lâm ơi, tụi nó phá ở đây nè”, nghe tôi kêu vậy, tụi nó tưởng kiểm lâm đến nên bỏ chạy.
Đấy là với tụi đàn ông. Còn nhiều trường hợp người nghèo, phụ nữ, mấy đứa nhỏ lên chặt cây về bán mua gạo ăn qua ngày thì tôi không sợ, nhưng lại thấy thương. Không nỡ làm lớn chuyện.
Có lần, một người phụ nữ cùng mấy đứa nhỏ lên chặt cây, tụi tôi bắt được, lúc đầu tính bắt đưa về kiểm lâm, nhưng đứa nhỏ van xin, nói tụi con đói lắm. Xuống dưới xuồng kiểm tra thì thấy 4 - 5 đứa trẻ lít nhít mà gạo thì hết. Tôi nhìn mà ứa nước mắt.
Lên kêu thằng con trai chia nửa khạp gạo, nửa lu nước cho họ. Hỏi ra mới biết, cha tụi nhỏ chết rồi, nhà không còn gì, mấy mẹ con họ chỉ có chiếc xuồng làm nhà, cứ lênh đênh nay đây mái đó như vậy. (Nông Nghiệp Việt Nam 20/8, tr5) đầu trang(
19.8, lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết vừa ban hành văn bản yêu cầu 8 chủ dự án đầu tư các công trình thủy điện khẩn trương trồng lại rừng thay thế.
Các chủ đầu tư công trình thủy điện được yêu cầu sớm trồng lại khoảng 500 ha rừng thay thế trước khi mùa mưa 2014 kết thúc.
Trong đó có Công ty Cổ phần điện Bảo Tân, Công ty Cổ phần thủy điện Cao Nguyên - Sông Đà 7, Công ty Cổ phần thủy điện Đắk Mê, Công ty Cổ phần thủy điện Trung Nam Krông Nô, Công ty Cổ phần thủy điện Long Hội, Ban quản lý dự án thủy điện Đồng Nai 5...
Hai đơn vị có diện tích trồng rừng thay thế lớn được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho nộp tiền trồng lại rừng thay thế từ 2-3 đợt, hạn chót nộp tiền đợt cuối trước ngày 25.3.2015 gồm: Công ty Cổ phần thủy điện Miền Nam (thủy điện Đam B’Ri), phải trồng gần 278 ha (giảm gần 150 ha) và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (thủy điện Đa Khai), phải trồng hơn 101 ha.
Theo Sở NN-PTNT, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp nộp tiền trồng rừng thay thế với đơn giá 84.711.000 đồng/ha, để cơ quan chuyên môn trồng lại rừng nhằm đảm bảo chất lượng cây trồng. (Thanh Niên 20/8) đầu trang(
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình lâm nghiệp Việt Đức ngày 19/8 ở Hà Nội, Bà Annette Frick, Bí thứ thứ nhất Đại sứ Quán Đức tại Hà Nội khẳng định Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, với trọng tâm là bảo vệ đa dạng sinh học và các vấn đề về khí hậu.
Hội nghị tổng kết Chương trình Lâm nghiệp Việt Đức do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục Trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam, cho biết chương trình lâm nghiệp Việt Đức được thực hiện tại 5 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Bình, Kon Tum, Đắk Lăk và Ninh Thuận trong 9 năm (2005-2014), với nguồn kinh phí hơn 12 triệu USD.
Chương trình Lâm nghiệp Việt-Đức đã giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng và hoàn thiện một số chính sách cho ngành lâm nghiệp, hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật quản lý rừng bền vững….
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã góp phần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong lĩnh vực quản lý, sử dụng công nghệ và đặc biệt, dự án cũng đã hỗ trợ 2 công ty lâm nghiệp tại các tỉnh Kon Tum và Quảng Bình đạt được chứng chỉ quản lý rừng tự nhiên bền vững toàn phần của Hội đồng Quản trị Rừng quốc tế (FSC). Đây cũng là hai lâm trường đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng chỉ này của FSC.
Hiện có tới 4/5 tổng diện tích rừng tại Việt Nam là rừng tự nhiên. Do vậy, nâng cao năng lực quản lý rừng một cách bền vững từ lâu đã là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm lâm nghiệp với giá trị gia tăng cao cũng đang đặt ra nhiều vấn đề khi tình trạng sản xuất nguyên liệu thô của Việt Nam hiện nay không đem lại hiệu quả kinh tế mong muốn.
Theo ông Ngãi, các kết quả mà chương trình đạt được sẽ là những công cụ giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực đàm phán trên thị trường quốc tế.
Bà Annette Frick đánh giá ngành lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước tiến xa qua các thập kỷ, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức khi phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng bao gồm đa dạng sinh học, bởi gánh nặng sinh kế của cộng đồng người dân bản địa sinh sống nhờ vào lâm sản.
Cũng vì vậy mà vấn nạn đốn gỗ bất hợp pháp, săn trộm và buôn lậu lâm sản, động vật hoang dã vẫn đang là một thực trạng nhức nhối tại Việt Nam và khu vực Châu Á. (VietnamPlus 19/8; Nông Nghiệp Việt Nam 20/8, tr18) đầu trang(
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa thừa ủy quyền của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh dưới sự đồng chủ trì của ông Lê Như Tuấn, tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NNPTNT - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ và ông Lê Văn Đốc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT.
Tới tham dự Hội nghị có đại diện từ Trung ương, bà Đinh Thị Hồng Phượng - Kế toán trưởng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành: Kho Bạc Nhà nước, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu Tư, Tài nguyên Môi trường, Cục Thuế.. ; đại diện lãnh đạo các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân; đại diện một số đơn vị sử dụng DVMTR: Nhà máy thủy điện Cửa Đạt, Công ty TNHH MTV cấp nước Thanh Hóa, Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn; đại diện bên cung ứng DVMTR: Các Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ, BQL rừng đặc dụng và các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân; đại diện các BQL dự án có liên quan khác Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD), Dự án CATTREND…
Sau 03 năm (2012-2014) thực hiện chính sách chi trả DVMTR, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, Sở NN&PTNT và các cấp ủy, chính quyền các huyện có liên quan, đặc biệt huyện Thường Xuân (huyện thí điểm triển khai chính sách), công tác quản lý, bảo vệ  rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực.
Công tác rà soát, xác định diện tích rừng tại các lưu vực Nhà máy thủy điện Cửa Đạt được thực hiện nghiêm túc, diện tích rừng cung ứng DVMTR là 43.274,95ha với trên 1.541 chủ rừng (là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Thường Xuân).
Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân về rừng, gây dựng niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đồng thời đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, giúp huy động nguồn lực tài chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thu nhập của các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã được tăng lên đáng kể từ khi có chính sách. Năm 2013 đơn giá chi trả bình quân trên địa bàn huyện là 136 nghìn đồng/ha/năm cho thấy rằng, chính sách đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tạo việc làm cho người dân địa phương gắn bó với rừng.
Công tác triển khai chính sách tại địa phương đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, giữ và cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Cửa Đạt, cũng như sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đặc biệt, các BQL rừng đặc dụng, phòng hộ đã giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn, với nòng cốt là tổ bảo lâm của địa phương vùng đệm.
Với tiền DVMTR khoán bảo vệ rừng nhận được, một phần được chi trả cho người dân tham gia bảo vệ rừng, một phần được trích lại để làm các công trình phúc lợi phục vụ thôn bản góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới và làm quỹ dự phòng khi có các tình huống rủi ro xảy ra. Nhờ đó, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm rõ rệt, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã giảm đáng kể.
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận và kiến nghị một số nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của các chủ rừng, hộ nhận khoán diện tích rừng...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Như Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT và ông Lê Văn Đốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã biểu dương những kết quả đạt được của Ban Điều hành Quỹ trong thời gian qua.
Đồng thời, đề nghị các Sở, ban ngành, các đơn vị có liên quan cần tăng cường công tác truyền thông trong việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng của nhân dân; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật...
Nhân dịp này, Sở NN&PTNT đã trao tặng giấy khen cho 4 tập thể, 3 cá nhân tiêu biểu, đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thực thi chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 3 năm vừa qua. (Quỹ Bảo Vệ Và Phát Triển Rừng VN 15/8) đầu trang(
Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ (CHDC Đức) cho biết Công ty TNHH một thành viên lâm trường Dakto và lâm trường Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV lâm công nghiệp Long Đại) tại các tỉnh Kon Tum và Quảng Bình đạt được chứng chỉ toàn phần FSC/FM/CoC của Hội đồng quản trị rừng quốc tế (FSC).
Đây cũng là 2 công ty lâm nghiệp đầu tiên của VN đạt chứng chỉ FSC FM/CoC quốc tế trong quản lý rừng tự nhiên. (Thanh Niên 20/8) đầu trang(
Từ nguồn vốn các dự án trồng rừng theo Quyết định 147/2007/QĐ - TTg; dự án WB3; JICA Nhật Bản…hàng chục nghìn ha đất trống đồi núi trọc ở Thanh Hóa được phủ xanh.
Năm 2014 tỉnh Thanh Hóa được Bộ NN-PTNT giao chỉ tiêu trồng 10.860 ha rừng. Mặc dù kế hoạch này lớn hơn nhiều so với nguồn kinh phí từ các dự án phân bổ cho địa phương, nhưng nhờ chủ động trong việc định hướng kế hoạch từ đầu năm nên đến nay toàn tỉnh đã trồng được 8.026 ha rừng (đạt 74%).
“Với điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay dự kiến giữa tháng 9/2014 chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch Bộ giao, sớm hơn năm ngoái gần 1 tháng”, ông Lê Văn Mơn, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa nói.
Theo ông Mơn, sở dĩ Thanh Hóa hoàn thành được kế hoạch trồng rừng là nhờ các đơn vị chủ động giải phóng đất đai; chuẩn bị cây giống từ đầu năm. Bên cạnh đó, nhận thức về trồng rừng của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc, các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước… được nâng lên rất nhiều.
Bây giờ chỉ cần Nhà nước kích cầu bằng việc hỗ trợ cây giống, công trồng là người dân hăng hái tham gia ngay.
Tuy nhiên, ông Mơn cũng băn khoăn: “Việc phân vốn năm nay chỉ đạt 60% so với tổng diện tích giao nên chúng tôi phải đợi đến sang năm mới có nguồn cân đối hỗ trợ cho bà con. Ví dụ huyện Mường Lát và các xã biên giới định mức hỗ trợ 5 triệu đ/ha thì nay họ mới chỉ được nhận khoảng 3 triệu đ/ha; các xã 30a được khoảng 2,5 triệu đ/ha so với định mức 4 triệu đ/ha”.
Mặc dù tiền hỗ trợ chưa được nhiều nhưng đến nay toàn huyện Mường Lát đã trồng được 3.147/4.040 ha; một số đơn vị trồng đạt và vượt kế hoạch là Hạt Kiểm lâm Mường Lát (695/650 ha); Đồn Biên phòng Tam Chung (150/150 ha)…
Ngoài các đơn vị trên, đến thời điểm này kế hoạch trồng rừng năm 2014 của tất cả các dự án đều đạt trên 50% kế hoạch. Trồng theo Dự án JICA 77,2%; trồng theo Quyết định 147 đạt 80,7%; WB3 trên 60%; doanh nghiệp và nhân dân tự trồng trên 65%.
Ông Trần Văn Lạc, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Lát cho biết: “Sau khi tiếp nhận kế hoạch giao trồng rừng của tỉnh, chúng tôi phân công cán bộ, công nhân viên xuống từng xã, thôn bản vận động người dân phát quang bụi rậm, đào hố, chuẩn bị mặt bằng để khi thời tiết thuận lợi tiến hành trồng; đồng thời hướng dẫn bà con chăm sóc cây đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo cây sống, sinh trưởng, phát triển tốt”.
Hiện BQL Rừng phòng hộ Mường Lát đã trồng rừng được 374/350 ha ở các xã Tén Tằn, Pù Nhi, Tam Chung và thị trấn Mường Lát với hai loài cây chính là xoan và lát.
Hộ trồng rừng Hà Văn Buôn, khu 3, thị trấn Mường Lát, nói: “Lâu nay đất rừng nhà tôi (hơn 2,4 ha) chủ yếu trồng sắn. Mỗi năm thu hoạch chỉ đủ mua gạo ăn qua ngày nhưng nay nghe cán bộ vận động tôi chuyển sang trồng rừng. Hy vọng ngoài số tiền hỗ trợ 5 triệu đ/ha, mấy năm sau rừng cây này sẽ giúp tôi có thêm tiền sửa sang lại nhà cửa”.
Ngoài hộ anh Buôn, hàng trăm gia đình ở Mường Lát tham gia trồng rừng từ những năm 2008,  2009 đã có trong tay hàng trăm triệu đồng nhờ khai thác gỗ. (Nông Nghiệp Việt Nam 19/8) đầu trang(
Mới đây, Đoàn giám sát Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành khảo sát tại huyện Tri Tôn, xem xét công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng năm 2014. Đoàn cũng tiến hành khảo sát thực tế tại rừng tràm Bưu điện.
Kết quả cho thấy, thời gian qua huyện Tri Tôn đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời, các cơ quan đơn vị hữu quan huyện phối hợp hỗ trợ nhiệt tình, chính quyền, đoàn thể xã, ấp  phối hợp hoạt động tích cực, nên việc tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng rất thuận lợi.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Kiểm lâm với các cấp chính quyền, đoàn thể, các cơ quan hữu quan trong công tác quản lý bảo vệ rừng đã có nề nếp, nên mọi hoạt động chuyên môn nghiệp vụ đều được xử lý kịp thời, đạt hiệu quả cao. Công tác chống chặt phá rừng đạt được hiệu quả cao, đến nay đã xóa được hết các điểm nóng về chặt phá rừng.
Tuy nhiên, qua khảo sát nhận thấy: Do áp lực tăng dân số ngày càng tăng, nhất là trên vùng đồi núi; thu nhập từ rừng không bảo đảm cuộc sống, trong khi thu nhập từ nguồn khác không có. Do đó nhu cầu sử dụng đất rừng vào các mục đích khác như: làm rẫy, trồng cây ăn trái, làm du lịch ... để thu lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đã xuất hiện tình trạng chặt phá cây rừng dưới nhiều hình thức như: khắc gốc để cây chết thay thế trồng lại bằng cây ăn trái, hoặc làm rẫy vào diện tích rừng đã nhận khoán gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Làm cho chất lượng rừng ngày càng bị giảm sút.
Do nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nên các quy hoạch khác (du lịch, thủy lợi vùng cao, quốc phòng ...) chồng lấn trên quy hoạch đất lâm nghiệp; trong khi ranh giới giữa diện tích rừng và các quy hoạch này không rõ ràng làm cho diện tích đất lâm nghiệp bị thu hẹp.
Tình hình dân sinh kinh tế xung quanh rừng còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình không có việc làm thu nhập ổn định; dân trí hạn chế nên việc chấp hành pháp luật chưa triệt để, vì vậy việc chặt phá rừng khó kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả. Bên cạnh đó, đặc thù đất đai của dân là manh mún, nhỏ lẽ từ 0,05ha đến 0,70ha chiếm khoảng 70% trên tổng diện tích rừng trồng, thậm chí có những lô chỉ đến vài ba trăm mét vuông, nên vốn đầu tư gần như không có gì.
Hơn nữa vốn đầu tư chỉ khép kín trong vòng 09 năm của 03 giai đoạn: trồng rừng năm thứ 1, chăm sóc rừng 03 năm, bảo vệ rừng 05 năm là chấm dứt, vì vậy các năm sau trở đi là không có gì.
Đối với các giải pháp hỗ trợ khác của Ban quản lý Dự án tuy có, nhưng chỉ là những nỗ lực tích cực mang tính chất tranh thủ nắm bắt cơ hội giúp dân; nó không thường xuyên, không ổn định và cũng không dàn trãi hết được cho mọi người; chỉ chú trọng đến những hộ trồng rừng tự nguyện, có nhiệt tình, có điều kiện thuận lợi, có năng lực chí thú làm ăn.
Qua đó, Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cần phối hợp xác định ranh giới rỏ ràng các quy hoạch khác (du lịch, thủy lợi vùng cao, quốc phòng ...) chồng lấn trên quy hoạch đất lâm nghiệp; làm cơ sở đề xuất với Trung ương cắt giảm diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong quy hoạch lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc  bảo vệ và phát triển rừng thì biện pháp tốt nhất là giao đất, giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Có chủ trương nhằm huy động các nguồn vốn  tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nhất là vay vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Có chủ trương về phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng đến khai thác, chế biến lâm sản; phát triển rừng kinh tế kết hợp du lịch sinh thái.
Xây dựng và ban hành các chính sách theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng; cho phép khai thác lợi ích kinh tế từ rừng theo nguyên tắc phát triển bền vững, lấy nguồn thu từ rừng để tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng; ưu đãi đầu tư trồng rừng thâm canh.
Ban hành các chính sách cho vay tín dụng để người dân làm nghề rừng có điều kiện sản xuất Nông Lâm kết hợp, giúp cho người dân làm nghề rừng có thêm nguồn vốn sản xuất, chăn nuôi, nâng cao đời sống của người dân trong quá trình quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét và có chủ trương trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng thời với việc cấp Giấy  chứng nhận quyền sử dụng rừng phòng hộ vùng đồi núi đối với những hộ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh, bổ sung, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thật sự ưu đãi, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư tham gia bảo vệ và phát triển rừng bền vững...(Angiang.gov.vn 19/8) đầu trang(
Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum đã tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Sa Thầy.
Kết quả giám sát cho thấy, thời gian qua các lực lượng chức năng: Kiểm lâm, Công an, Bộ đội biên phòng, chủ rừng đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tuần tra, kiểm soát, truy quét, phát hiện và xử lý các hành vi khai thác lâm sản, chặt phá rừng làm nương rẫy trái phép... góp phần bảo vệ và phát triển vốn rừng - nguồn tài nguyên quí báu của quốc gia, lá phổi xanh của trái đất.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm các của quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương vẫn diễn ra phức tạp. Tính riêng từ đầu năm 2013 đến hết tháng 7 năm 2014, trên địa bàn huyện Sa Thầy, lực lượng chức năng đã phát hiện 284 vụ vi phạm, trong đó: 16 vụ vi phạm quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng, 85 vụ phá rừng trái phép gây thiệt hại gần 48 ha, 14 vụ khai thác rừng trái phép với khối lượng gần 288 m3, 169 vụ vận chuyển, mua bán, kinh doanh trái phép với khối lượng trên 1000 m3.
Hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Các đối tượng đầu nậu không ra mặt, đứng phía sau xúi giục và trang bị phương tiện cho người dân vào rừng khai thác trái phép, vận chuyển bằng xe máy ra bán lại cho các đầu nậu đưa đi tiêu thụ. Đáng lưu ý, các đầu nậu thường bảo kê cho một số đối tượng thanh niên nghiện hút, chích... khai thác rừng trái phép tại khu vực phía Nam của huyện Sa Thầy. Các đối tượng này thường rất liều lĩnh đe dọa cán bộ quản lý, bảo vệ rừng.
Qua hoạt động giám sát, Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum đã kiến nghị một số chủ trương, giải pháp như: bổ sung biên chế, điều kiện phương tiện làm việc cho lực lượng Kiểm lâm, các chủ rừng; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chức năng, phân định rõ phạm vi, chế độ trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...
Đối với các loại xe ô tô, xe máy độ chế (là các phương tiện chủ yếu được sử dụng để vận chuyển gỗ, lâm sản từ việc khai thác, chặt phá rừng trái phép), lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an cần tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về cấm lưu hành, kiên quyết tịch thu, phá hủy nếu vi phạm. (Ban Nội Chính TƯ 18/8) đầu trang(
Trong thời gian qua, công tác giao đất giao rừng, bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được các cấp chính quyền tỉnh ta triển khai quyết liệt.
Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức giao 2.187ha đất sản xuất nông nghiệp cho 2.650 hộ (bình quân 0,84ha/hộ) và hơn 5.520ha đất lâm nghiệp cho 2.533 hộ (bình quân 2,2ha/hộ), góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (Báo Quảng Bình 18/8) đầu trang(
Ban chỉ đạo Công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty Nông-Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cho biết: đất, rừng được giao cho các đơn vị này quản lý, bảo vệ và kinh doanh đều bị lấn chiếm và tranh chấp hết sức phức tạp.
Cụ thể tại 9 Công ty Nông nghiệp đã bị người dân trong vùng và từ nơi khác đến xâm canh, lấn chiếm và tranh chấp hơn 150 ha trên tổng số diện tích đất được giao hơn 21.000 ha; còn ở 15 Công ty Lâm nghiệp con số này lên tới 7.847 ha trên tổng diện tích được giao gần 198.000 ha.
Tình trạng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoạch định, xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ và sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là trong công tác khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực trong và ngoài tỉnh vào liên kết đầu tư trên lĩnh vực này. (Đắc Lắc 24h 19/8) đầu trang(
Từ một "lâm tặc" đi phá rừng để kiếm sống, nay ông đã sở hữu hàng ngàn cây sao đen và các cây xà cừ, dầu, lát hoa, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông còn được người dân nơi đây ưu ái phong tặng danh hiệu "ông vua sao đen".Ông là Hồ Ngọc Quang (52 tuổi, trú thôn Tân An, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh).
Sau một hồi dò hỏi, PV tìm đến nhà ông Quang ở thôn Tân An, xã Tịnh Đông. Khác với tưởng tượng, nhà của "ông vua sao đen" là căn nhà cấp 4 "liêu xiêu", nằm sát con đường liên xã. Lúc chúng tôi đến chỉ có vợ ông là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cùng 4 cô con gái ở nhà. Vợ ông cho biết từ lúc 5h sáng ông đã cùng con trai cả ra rừng để đào đất và trồng keo. Theo chân hai cô con gái của ông Quang, chúng tôi đi bộ gần 2 cây số đường rừng để đến nơi ông đang khai khẩn đất trồng rừng. Sau một hồi hỏi han, ông Quang bắt đầu tiếp chuyện chúng tôi.
Ông Quang là con trai đầu trong một gia đình có 6 anh em, tuy kinh tế gia đình không khá giả nhưng ba mẹ ông vẫn cố gắng cho ông ăn học. Năm 1991, ông tốt nghiệp trường cao đẳng Kinh tế Quảng Ngãi và về làm kế toán ở xã. Được hai năm, do đồng lương ba cọc ba đồng không đủ chi tiêu nên ông bỏ việc. "Lúc còn sinh viên với bao ước mơ hoài vọng, ra trường đi làm mới thấy đời không giống như là mình mơ. Đi làm hai năm mà không đủ mua gạo ăn nên tôi nản", ông Quang trầm ngâm.
Tân An thời đó với những cánh rừng bạt ngàn, các cây gỗ quý như: Chò, sến, lim... nhiều vô kể. Trong khi đất trồng lúa và hoa màu lại chẳng bao nhiêu, nên nhiều người dân ở đây đổ xô vào rừng đốn gỗ để bán. Sáng sớm họ đùm cơm kéo nhau vào rừng, chặt cây rồi đẽo thành từng khúc bán cho dân buôn gỗ với giá từ 50.000 đến 100.000 ngàn đồng/khúc. Vào thời điểm đó, số tiền này gấp hàng chục lần so với làm lúa.
Vì nhà đông anh em, đất trồng lúa thì không có là bao, thấy đi đốn gỗ có tiền lại nhanh giàu nên ông Quang quyết định vác rìu, vác rựa vào rừng làm... "lâm tặc". "Lúc đi tôi không nghĩ nhiều chỉ cần kiếm được tiền mua gạo và thực hiện ước mơ mua cây xe cúp thôi", ông Quang chia sẻ.
Vào rừng "chặt" gỗ cũng mang lại cuộc sống đủ ăn cho gia đình ông nhưng với cái đầu của một người tốt nghiệp cao đẳng, ônh Quang nhận ra công việc mình đang làm là sai trái phá hoại thiên nhiên và ảnh hưởng đến môi trường. Và đây không phải là công việc lâu dài, gỗ cứ đốn hoài như thế này cũng sẽ tới lúc cạn kiệt, đến lúc hết ông không biết làm gì để sống.
Nhìn những cây gỗ quý trong rừng to mấy người ôm không xuể, ông Quang ước gì nó ở trong vườn nhà mình thì tốt biết mấy. Lúc ấy, ông không tốn công mang về mà vẫn có cơm ăn. Rồi ông nghĩ, "đất rừng ở quê mình rộng mênh mông mà bị bỏ hoang, sao mình không trồng cây rồi khai thác, mắc chi phải vào rừng làm "lâm tặc", ông Quang cười nói.
Nói là làm. Cách nhà ông có Lâm trường Trà Tân được cấp nhiều giống cây quý như sao đen, lát hoa, dầu... để trồng, nhưng vì trồng không hết nên bỏ. Thấy tiếc nên mỗi khi đi rừng về ông Quang lấy đem về trồng, mỗi lần từ 80-90 cây.
Số cây đem về ông trồng trong vườn, sau một thời gian ngắn thấy cây phát triển tốt và cây giống còn rất nhiều. Ông quyết định khai hoang diện tích đất rừng gần nhà mình để trồng. Ông thuê đứa cháu một ngày 5.000 đồng phụ ông mang cây từ Lâm trường về, toàn bộ số cây được ông trồng ở đất rừng cách xa nhà mình hơn 2 cây số. Trong đó cây sao đen chiếm 2/3, còn lại là xà cừ, dầu và lát hoa.
Vào thời điểm ông đi khai hoang trồng rừng, cả người thân trong nhà và hàng xóm ai cũng nói ông bị khùng. "Họ nói mấy cây gỗ đó trong rừng đầy khai thác mãi không hết, ai bị khùng mới bỏ công ra trồng. Nhưng tôi nghĩ đó là suy nghĩ  lạc hậu, không có cái gì là không hết nếu mình chỉ tập trung ăn mà không làm. Rừng cũng vậy, anh phải trồng thì anh mới có khai thác, chứ anh cứ khai thác hoài thì cũng sẽ hết"- ông Quang chia sẻ.
Bỏ qua những lời thị phi, năm 1995, ông bỏ hẳn làm "lâm tặc" và tập trung cho sự nghiệp trồng rừng của mình. Không chỉ trồng gỗ quý, ông Quang còn tự mình dâm hom cây keo, bạch đàn để trồng mở rộng.
Giờ đây, nhìn thấy những cánh rừng sao đen, lát hoa sừng sững gần 20 năm tuổi của ông Quang và hiệu quả từ việc trồng rừng của ông. Những người dân trong thôn trước đây chê bai ông, thì giờ đều trầm trồ khen ngợi và ngưỡng mộ. "Phải công nhận là anh Quang hơn hẳn chúng tôi một cái đầu, anh dám nghĩ và dám làm đáng cho chúng tôi học hỏi"- ông Lâm Văn Thanh hàng xóm nhà ông Quang trầm trồ khen ngợi. Không chỉ trong địa bàn thôn Tân An và xã Tịnh Đông mà cả những người dân lân cận biết đến ông đều tìm đến để học hỏi kinh nghiệm trồng rừng.
Khi được hỏi về số lượng cây sao đen hiện nay của ông, ông Quang cười nói: "Chịu thôi vì hồi đó tôi chỉ trồng xuống mà không để ý là bao nhiêu cây". Tuy nhiên, ông nhẩm tính số lượng cây sao đen, xà cừ, dầu và lát hoa chiếm khoảng 10/30ha đất rừng do ông sở hữu. Trong đó sao đen mới trồng là hơn 5.000 cây, sao đen có tuổi đời từ 18 đến 20 năm là chiếm 2/3. Còn cây dầu, xà cừ và lát hoa có độ tuổi từ 12-15 năm chiếm ít hơn khoảng hơn 1.500 cây.
Ông Quang cho biết vào thời điểm cây sao đen được hơn 10 năm tuổi, nhiều tay buôn gỗ đến sang nhượng lại với giá hơn 1 tỉ đồng nhưng ông không đồng ý. Hiện nay, nhiều tay buôn gỗ ước tính rừng sao đen, lát hoa, xà cừ, dầu... của ông có giá hơn chục tỉ đồng. Nếu vài năm nữa, khi những cây gỗ đã có vân to hơn thì giá sẽ lớn hơn 3-4 lần. "Nói thật là con tôi còn nhỏ, nên từ khi trồng mấy cây gỗ quý tôi xác định là đời con đời cháu tôi sẽ được hưởng. Vì cây gỗ quý mình để càng lâu thì giá trị của nó cũng sẽ lớn hơn", ông Quang tâm sự.
Mấy năm trở lại đây, ông Quang còn tự mình ươm giống cây sao đen và lát hoa để trồng. "Giống của mấy cây gỗ quý có giá rất cao, nên tôi lấy hạt từ cây gỗ của mình vào buổi trưa và tối tranh thủ ươm mấy cây giống để trồng tiết kiệm được chi phí"- ông Quang chia sẻ. Số cây giống ở nhà tự  ươm, một phần ông đem trồng còn một phần ông chia sẻ cho bà con trong thôn trồng thử nghiệm.
Vì cây sao đen, xà cừ khoảng hơn 40 năm tuổi mới khai thác được, để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày ông Quang trồng thêm cây nguyên liệu giấy như keo và bạch đàn. Mỗi năm, từ hơn 20ha  keo, bạch đàn thu về hơn 100 triệu đồng giúp ông trang trải cuộc sống và có tiền đầu tư trồng, chăm sóc diện tích các cây gỗ quý: Sao đen, xà cừ...
Khi PV ra về "vua sao đen" lại quay về với sự nghiệp trồng rừng của mình. Ông  tiếp trồng keo và bạch đàn. ông dự định, sắp tới sẽ thuê diện tích đất trồng lúa bị bà con bỏ hoang lâu năm, đào xới lên và trồng cây. Với ông trồng rừng không chỉ mang lại lợi nhuận cho gia đình mà nó còn góp phần phủ xanh đồi trọc và bảo vệ môi trường. (Đời Sống & Pháp Luật 20/8) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Tờ Daily Mail của Anh đưa tin, một chú tinh tinh 24 tuổi có tên là Ambam đến từ khu động vật hoang dã Port Lympne của Anh. Chú tinh tinh này có khả năng đứng thẳng và đi lại như một con người thực thụ.
Ambam năm nay đã 24 tuổi, nặng 220 kg. Ambam thuộc giống tinh tinh thường xuất hiện ở khu vực phía tây nước Anh, thường đi lại bằng bốn chi, nhưng riêng Ambam có thể duy trì cân bằng bằng hai chi sau. Sau khi những bức ảnh đứng thẳng và đi bằng hai chi của Ambam xuất hiện, nó đã nhanh chóng nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông.
Người quản lý khu động vật hoang dã Port Lympne cho biết, khả năng đứng thẳng và đi lại của Ambam cũng ảnh hưởng tới em gái của nó tên là Tamba.Thậm chí “con trai” của Tamba tên là Kabale cũng học được cách đi thẳng bằng hai chi sau.
Được biết, Ambam là con tinh tinh có tuổi đời lớn nhất trong khu bảo tồn động vật hoang dã Port Lympne, tuổi thọ trung bình của nó có thể kéo dài từ 30-50 năm.
Số lượng của các con tinh tinh hiện nay không còn nhiều, theo các chuyên gia động vật hoang dã cho biết, do nạn săn trộm và bệnh tật, số lượng của tinh tinh trong 20 năm qua đã giảm tới 60 năm. (Dân Việt 20/8) đầu trang(
Voi châu Phi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng săn bắn trái phép lấy ngà voi, vốn được sử dụng như một món đồ trang trí sang trọng trong các gia đình châu Á.
Đây là cảnh báo của một nhóm nhà bảo tồn thiên nhiên Mỹ trong báo cáo công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ số ra ngày 18/8.
Theo báo cáo, tỷ lệ voi châu Phi bị những kẻ săn bắn trộm giết hại mỗi năm còn cao hơn tỷ lệ sinh của loài này. Các chuyên gia cho biết số lượng voi châu Phi giảm khoảng 2% mỗi năm, và tỷ lệ này trong những năm gần đây cao hơn hẳn so với các ước tính trước đó.
Tính trung bình, những kẻ săn bắn trộm đã giết hại hơn 33.600 con voi mỗi năm trong giai đoạn 2010-2012. Tổng số voi châu Phi bị giết hại lên tới hơn 100.000 con. Tỷ lệ này giảm nhẹ trong giai đoạn 2012-2013 song vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, trong năm 2011 - thời điểm nạn săn bắn voi trái phép vượt tầm kiểm soát, số lượng voi giảm tới 8%, tương đương khoảng 40.000 con voi bị giết hại.
Chuyên gia George Wittemyer thuộc Khoa Sinh vật học bảo tồn động vật hoang dã và loài cá thuộc Đại học bang Colorado, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết hàng nghìn cá thể voi đã giết hại. Tại Botswana, Namibia và Nam Phi, những chú voi châu Phi được bảo vệ tốt hơn.
Tuy nhiên, nguy cơ tuyệt chủng của loài này vẫn hiện hữu, đặc biệt tại Trung Phi, Tanzania và Mozambique - nơi sinh sống của hơn 70% số voi sống trong môi trường tự nhiên. Theo ông Wittemyer, biện pháp hữu hiệu nhất để đảo ngược tình trạng này là kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp ngà voi.
Theo ước tính của Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), trong môi trường tự nhiên hiện có khoảng 470.000-690.000 chú voi châu Phi. Trong khi đó, số liệu của Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) cho biết trong năm 2011, khoảng 25.000 con voi có thể đã bị săn bắn trái phép tại Lục địa Đen.
Voi châu Phi có tên khoa học là Loxodonta là loài động vật lớn nhất trên Trái Đất ngày nay. Những con voi đực to lớn có trọng lượng lên tới 7,5 tấn và cao 4m, trong khi những con voi cái nhỏ nhất nặng 3 tấn và cao 2,7m.
Voi châu Phi được xếp vào "sách đỏ" động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng do chúng đang mất dần môi trường sống và nạn săn bắn lấy ngà voi trái phép tràn lan. Voi được coi là thông minh nhất trong số các loài động vật. (VietnamPlus 19/8) đầu trang(
Tại Gaza, không chỉ có thường dân chết, bị thương và phải bỏ nhà cửa vì bom đạn Israel. Động vật ở vườn thú Gaza cũng trải qua một quãng thời gian khủng khiếp.
Theo CNN, vườn thú Gaza, thuộc công viên Al-Bisan ở Jabalya, phía bắc Gaza, đã nhiều lần bị bom đạn Israel công phá trong những ngày qua. Bác sĩ thú y Abu Sameer cho biết tám trong tổng số 10 con khỉ đã trúng đạn chết.
Ngoài ra một con công, một con sư tử, một con linh dương và một con cáo cũng đã thiệt mạng. Động vật ở vườn thú Gaza đã chịu cảnh đói khát từ nhiều ngày qua do các nhân viên vườn thú không có tiền mua thực phẩm cho chúng.
“Tình hình đang rất tồi tệ. Phần lớn động vật bị bệnh, yếu ớt và bẩn thỉu. Nhưng chúng tôi không có chỗ nào khác để di tản chúng” - bác sĩ Sameer than thở. Với việc hơn 2.000 người Gaza đã thiệt mạng, cộng đồng quốc tế quan tâm đến số phận của thường dân hơn là những con thú. (Tuổi Trẻ 19/8) đầu trang(
Một ngư dân 57 tuổi đã bất ngờ bị một con cá sấu khổng lồ tấn công khi đang câu cá trên sông Adelaide (phía bắc nước Úc). Dù vợ ông ta đã kêu gào người giúp đỡ, nhưng tình huống xảy ra quá nhanh nên không ai kịp ứng cứu.
Theo đại diện cảnh sát thành phố Darwin, một người đàn ông 57 tuổi đã bị một con cá sấu tấn công vào ngày 17.8 và hiện vẫn đang mất tích. Khi người đàn ông này và vợ đang đứng ở bờ sông, gần mép nước để cố gắng kéo chiếc cần câu khỏi mặt nước vì nghi đang mắc vào vật gì đó rất nặng ở dưới sông, thì một con cá sấu khổng lồ lao lên khỏi mặt nước và lôi tuột người chồng xuống dưới sông.
"Có vẻ như bi kịch đã xảy ra với người đàn ông 57 tuổi này, vì có thể đã bị cá sấu ăn thịt” – một phát ngôn viên cảnh sát cho biết.
Nhân chứng của vụ việc chính là người vợ của nạn nhân. Người vợ đứng gần đó khi chứng kiến cảnh tượng này đã vô cùng sợ hãi, kêu gào mọi người xuống giúp đỡ, nhưng không kịp. Sau vài phút không thấy dấu tích của chồng, bà đã nhìn thấy máu nổi lên mặt nước và nghĩ chồng mình đã bị con cá sấu hung dữ xẻ thịt.
Hiện cảnh sát và đội ngũ bảo vệ động vật hoang dã của thành phố Darwin vẫn đang đi thuyền gần khu vực xảy ra vụ việc để tìm kiếm nạn nhân. Đến 9h30 ngày 18.8 (giờ địa phương), Đội quản lý công viên động vật hoang dã thành phố Darwin đã bắn chết một con cá sấu nghi là đã giết người đàn ông vào hôm trước. Sau khi tiến hành mổ bụng con cá sấu để tìm kiếm, cảnh sát đã phát hiện những bộ phận cơ thể nghi là của nạn nhân.
Darwin là thành phố được ví như vương quốc cá sấu. Vì những con vật hung dữ này có mặt ở khắp nơi trong tự nhiên, hễ nơi nào có hồ nước, sông suối, nơi ấy có biển báo cá sấu.
Điều đặc biệt là ở khu vực xảy ra vụ việc có biển cảnh báo, cấm đánh bắt cá vì dễ bị cá sấu tấn công. Tuy nhiên nhiều vụ việc thương tâm vẫn xảy ra vì người dân phớt lờ lệnh cấm. Hiện cảnh sát vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc. (Lao Động 19/8) đầu trang(
Hai chiến đấu cơ Tornado của không quân Italy hôm qua đâm vào nhau trong lúc đang bay huấn luyện rồi rơi xuống một sườn đồi ở miền trung, gây cháy rừng và chưa rõ thương vong
Vụ tai nạn xảy ra chiều qua ở khu rừng gần thị trấn Ascoli, kênh truyền hình Sky TG24 của Italy dẫn lời Susanna Balducci, một bảo vệ dân sự, cho hay. Tuy nhiên, Balducci không có thông tin cụ thể về số phận những người có mặt trên hai máy bay.
Reuters dẫn các nguồn tin địa phương cho biết các phi công đã kịp nhảy ra khỏi máy bay trước khi xảy ra va chạm và không có ai dưới mặt đất bị thương. Hai máy bay là chiến đấu cơ Tornado của không quân Italy.
Trong khi đó, trang tin TM New dẫn lời cảnh sát địa phương nói "có khoảng 4 người trên hai máy bay và họ bị phân tán". "Các nhân chứng không nhìn thấy có dù bung trên trời và không rõ phi công có đủ thời gian để thoát ra không".
Vụ tai nạn gây cháy rừng và trực thăng chữa cháy đã được điều động để dập lửa, Balducci nói. Ngọn lửa và khói đen có thể nhìn thấy từ cách đó nhiều km.
Các nhân chứng kể lại rằng họ nhìn thấy hai máy bay quân sự bay khá thấp gần thị trấn Ascoli, sau đó nghe thấy tiếng va chạm và nhìn thấy ngọn lửa. Các quan chức Bộ Quốc phòng Italy cho biết họ đang đợi báo cáo chính thức từ hiện trường. (VnExpress 20/8) đầu trang(
Cháy dữ dội tại Oakhurst, California vào chiều ngày 18/8 khiến 300 ngôi nhà bị đe dọa, hàng nghìn người tạm thời phải di dời.
Lửa cháy dữ dội vào chiều ngày 18/8 khiến hàng trăm héc-ta rừng chìm ở Oakhurst trong biển lửa. 1.562 người dân buộc phải di dời. Tuy nhiên, một số người dân vẫn quyết định ở lại nhằm bảo vệ ngôi nhà của mình. Nhiều tuyến đường tại khu vực này đã bị đóng do ảnh hưởng của vụ cháy.
Vụ hỏa hoạn bắt đầu từ phía bắc Oakhurst và lan sang khu vực đông bắc. Tuy nhiên, gió tại khu vực này đã khiến ngọn lửa đổi chiều và hướng thẳng khu vực nhà dân. Rhonda Salisbury, giám đốc kinh doanh bộ phận khách hàng tại vườn quốc gia Yosemite nói rằng đây là ngọn lửa lớn nhất mà bà từng thấy trong suốt 50 năm qua.
Cháy lớn tại Oakhurst cũng buộc một số trường học phải đóng cửa tạm thời. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ cháy. (Đất Việt 19/8) đầu trang(
Một con cá sấu khổng lồ nặng tới 458kg vừa bị một gia đình người Mỹ hạn gục bằng súng shotgun. Đây là con cá sấu lớn nhất từng bắt được tại Mỹ.
Những người vừa "săn" được con quái vật đầm lầy này là các thành viên của gia đình Stokes. Gia đình 5 người này gồm 2 vợ chồng Mandy Stokes và John Stokes, người anh Kevin Jenkins, đi kèm hai đứa con nhỏ Savannah Jenkins (16 tuổi), Parker Jenkins (14 tuổi).
Họ đã mất tới 10 giờ để bắt con vật khổng lồ này. Cô Mandy Stokes sau đó đã hạ gục con vật hung dữ bằng súng shotgun loại đạn 20-gauge. Con cá sấu khổng lồ nặng đến nỗi nó đã làm vỡ chiếc cân đầu tiên được sử dụng để cân nó, sau đó các nhà sinh học tại Wildlife and Freshwater Fisheries (Động vật hoang dã và cá nước ngọt) đã phải nhờ đến chiếc máy xúc để nâng con vật to lớn này lên.
Sau khi đo đạc, chỉ số chiều dài và cân nặng của con "quái thú đầm lầy" này là 4,6m và nặng 458kg. Trước đó, năm 2007, Keith Fancher đã lập kỷ lục cho bắt cá sâu ở Alabama (Mỹ) khi bắt được con cá sấu 380 kg và dài 4,26 m. Như vậy, với con cá sấu nặng 458kg và dài 4,6m, gia đình Stokes đã lập được kỷ lục mới.
Cá sấu là loại động vật quen thuộc ở nhiều vùng đầm lầy. Tuy từng loại mà chúng có trọng lượng khác nhau. Thường các loại cá sấu nuôi mỗi con có trọng lượng khoảng vài chục kg. Tuy nhiên, cá sấu hoang dã lại có trọng lượng khá phong phú, trong đó, lớn nhất là cá sấu cửa sông (cá sấu hoa cà, cá sấu nước mặn). Loại cá sấu này con đực trưởng thành dài 6–7m với trọng lượng trung bình 1.000 - 1.200 kg. Con cái nhỏ hơn nhiều so với con đực, nhìn chung thì không dài quá 3m.
Ở Mỹ, cá sấu được nuôi nhiều ở phía Nam tiểu bang Louisiana, Florida và Georgia. Trong khi đó, Alabama - nơi gia đình Stokes vừa bắt được cá sấu khổng lồ giáp với các tiểu bang này.
Hồi đầu tháng Tư, các ngư dân tại hồ Victoria ở Uganda cũng đã bắt được con cá sấu "khủng" tặng tới gần 1 tấn. Con cá sấu này được cho là ở độ tuổi 80 và bị quy kết là đã ăn thịt ít nhất 4 ngư dân. Con cá sấu khủng cũng thường xuyên uy hiếp mối an toàn cho những người sống ở 2 huyện Jinja và Mayuge bên bờ hồ Victoria, Uganda.
Các ngư dân và nhà chức trách đã sử dụng một lưỡi câu lớn với thị gắn trên một móc sắt để đánh lừa con cá sấu này. Sau khi bị bắt giữ, cá sấu nặng 1 tấn này được trói chặt và đưa lên xe tải trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân trong làng.
Cá sấu khổng lồ này sau khi bị bắt giữ sẽ được chuyển đến bàn giao cho công viên quốc gia Murchison và sẽ được trả tự do ở đây. (Thời Báo Đông Nam Á 18/8) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng