Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 19 tháng 08 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Hơn 50 năm gắn bó với đầm Thủy Triều, ông Trần Xuân Bửu, thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm đã tự nguyện bảo vệ, trồng và phát triển hàng chục ha rừng ngập mặn, qua đó biến các khu rừng đang trên đà suy kiệt thành một hệ sinh thái để hàng nghìn con cò, con chim có nơi trú ngụ; tôm, cá có nơi sinh nở, phát triển tạo sinh kế cho người dân ở khu đầm này.
Ông Trần Xuân Bửu tự nhận mình là người “mê” rừng ngập mặn, bởi cuộc đời ông gần như gắn liền với sự thăng trầm của những khu rừng ven đầm Thủy Triều. Ông cho biết: Năm 1962, gia đình từ Phú Yên vào nơi ở hiện nay sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên đầm này. Còn nhớ, hồi đó rừng ngập mặn có cả trăm héc ta phủ xanh xung quanh đầm. Nhờ vậy mà nguồn lợi thủy sản rất dồi dào, đánh bắt quanh năm cũng không hết.
Thuở nhỏ, ông Bửu thường theo bố, mẹ đi đánh bắt tôm, cá trong các khu rừng ngập mặn. Trong mỗi chuyến đi, bố, mẹ thường kể cho ông nghe về tầm quan trọng của rừng ngập mặn, đó là nơi để cộng đồng kiếm kế sinh nhai; là nơi để ghe, thuyền tránh trú mỗi khi có giông, bão; là “ngôi nhà chung” để chim, cò trú ngụ. Chính những điều này đã gieo niềm đam mê rừng ngập mặn vào trong ông.
Nhớ lại những "biến cố" của rừng ngập mặn nơi này, ông Bửu kể: Khoảng từ năm 1980 trở lại, rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều bắt đầu suy giảm do người dân vào rừng chặt cây lấy củi. Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, diện tích rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều còn lại chẳng là bao, mà thay vào đó là ao, đìa nuôi trồng thủy sản. Từ đây, đầm Thủy Triều dần vắng bóng chim, cò; tôm, cá cũng thưa dần vì mất nơi trú ngụ.
Trước tình trạng trên, ông Bửu liền bắt tay vào bảo vệ rừng ngập mặn ở Mỹ Ca, xã Cam Hải Đông, đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên đầm Thủy Triều. Bên cạnh đó, ông Bửu cùng gia đình tiến hành “cứu” những cây ngập mặn có nguy cơ bị chết do nghiêng, đổ, bật gốc… ở ven ao, đìa. Khu rừng ngập mặn nguyên sinh được khôi phục đến đâu, chim, cò, tôm, cá trở lại trú ngụ, sinh nở đến đó.
Đây chính là động lực để ông Bửu tiếp tục khôi phục thêm rừng ngập mặn ở những vùng khác. Hàng ngày, ông tranh thủ những lúc đi giăng lưới, thả câu tìm quả của những cây ngập mặn, như: đước, mắm… còn sót lại mang về ươm trong chính ao, đìa của mình. Bởi ông tin, đến một ngày nào đó, số cây giống ngập mặn này sẽ góp phần quan trọng vào việc trồng mới rừng ngập mặn ven đầm Thủy Triều.
Rồi niềm tin của ông cũng thành hiện thực khi tháng 8/2012, Viện Hải Dương học thực hiện dự án: “Triển khai các mô hình phục hồi, quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển tại khu vực đầm Thủy Triều”. Đến nay, dự án đã trồng mới được 3,7ha cây ngập mặn phát triển xanh tốt. Trong dự án này, ông Bửu đã cung cấp miễn phí hàng chục nghìn cây giống ngập mặn. Không những vậy, ông còn tự nguyện bảo vệ khu rừng mà không đòi hỏi một ngày công.
Cùng ông Bửu trên chiếc ghe chạy quanh các khu rừng ngập mặn ven đầm Thủy Triều mới thấy hết được sự vất vả, tâm huyết với rừng của lão ngư này. Ông tâm sự, thời gian đầu, người dân địa phương nói tôi “ăn cơm nhà vác từ và hàng tổng”, bởi toàn làm những việc không công. Một số người đi bắt con sâm đất sinh sống ở dưới gốc cây ngập mặn thì “ghét” tôi ra mặt vì hay bị tôi “nhắc nhở”. Bây giờ thì phần nhiều người dân đã hiểu công việc tôi làm.
Theo ông, để bảo vệ rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều, không còn cách nào khác là phải thức cùng con nước. Khi thủy triều xuống cũng là lúc cây đước, cây mắm gặp nguy hiểm nhất, vì vào thời điểm này, gốc các cây thường nhô lên khỏi mặt nước, tạo điều kiện thuận lợi cho những người “đi săn” sâm biển đào gốc khiến cây bị nghiêng đổ hoặc chết. Với ông, dù làm gì, đi đâu thì khi thủy triều xuống phải có mặt ở những khu rừng ngập mặn.
Những cây đước, cây mắm do chính tay ông Bửu trồng, chăm sóc đã và đang đươm hoa, kết trái, qua đó giúp việc nhân giống để trồng rừng ngập mặn trên diện rộng được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Phóng tầm mắt về phía khu rừng ngập mặn, ông Bửu nói trong niềm vui: "Rừng ngập mặn không chỉ có ích cho hiện tại, mà đời con, đời cháu cũng sẽ được hưởng thụ môi trường sống trong lành; con cá, con tôm sinh nở nhiều hơn sẽ giúp cuộc sống của người dân thêm ấm no". (Tổng Cục Môi Trường 18/8) đầu trang(
Trong thời gian qua, do công tác quản lý, bảo vệ rừng được đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước của một số địa phương còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, đồng bộ, nên không ít chủ rừng đã tự ý chặt tỉa, khai thác không đúng quy trình, quy phạm và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Thậm chí, xảy ra tình trạng xâm lấn rừng để làm nương, chăn thả gia súc... làm ảnh hưởng đến chất lượng, trữ lượng rừng, thu hẹp dần diện tích rừng đã trồng trên địa bàn.
Để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cần nghiêm túc chỉ đạo cơ sở thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng theo tinh thần Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 21-3-2011 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng được đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước; đồng thời, thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra thực tế các cơ sở chế biến lâm sản, những điểm nóng về khai thác, lấn chiếm rừng... trên cơ sở đó, kịp thời ngăn chặn và kiến nghị cơ quan chức năng, thẩm quyền xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các chủ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng theo đúng quy định; tham mưu giúp UBND cấp huyện hướng dẫn, chỉ đạo công tác quản lý và cấp phép khai thác lâm sản một cách chặt chẽ, theo đúng yêu cầu Thông tư 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20-5-2011 hướng dẫn khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo cụ thể tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng và khai thác lâm sản để Sở NN và PTNT tổng hợp, báo cáo Thường trực UBND tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở chấp hành nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng theo quy định; kiên quyết xử lý các hành vi khai thác trái phép và phá hoại rừng trồng. Chi cục Lâm nghiệp phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn công tác quản lý, cấp phép khai thác lâm sản, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Xây dựng phương án nuôi dưỡng rừng trồng thí điểm, thực hiện tỉa thưa mật độ phù hợp từng cấp tuổi của cây để phát huy cao nhất tính năng phòng hộ của rừng, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn như Đề án “Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp” đã ban hành tại Quyết định 575/QĐ-UBND ngày 25-3-2014 của UBND tỉnh.
Các cơ quan thông tấn báo chí, thông tin đại chúng trên địa bàn tích cực phối hợp cùng cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân các dân tộc trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng và rừng trồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. (Báo Sơn La 18/8) đầu trang(
Khi xuất hiện một số các thể bò Tót đực ở Vườn quốc gia Phước Bình sống với bò nhà tại vùng đệm VQG Phước Bình. Xuất hiện hiện tượng thú vị xảy ra, bò Tót đã giao phối với bò nhà và cho ra nhưng cá thể thể bò lai vượt trội hơn.
Ngay từ năm đầu tiên về sống với bò nhà, theo quan sát thấy bò Tót sống thân thiện với bò Cái nhà và Bê con, riêng đối với bò Đực nhà thì bò Tót thường tấn công bất cứ con đực nào và đã làm bị thương 3 con bò đực. Từ đó người dân không dám chăn thả bò đực tại khu vực bò Tót xuất hiện mà chỉ thả bò cái và bê con.
Hiện tượng thú vị xảy ra theo ghi nhận của người dân, bò Tót đã giao phối với bò nhà và đến tháng 9 năm 2010, cá thể bò lai đầu tiên đã ra đời và những năm tiếp theo, những cá thể bò lai lần lượt ra đời. Cho đến nay, theo thống kê của cán bộ VQG đã có hơn 20 cá thể bò lai ra đời.
Những bê lai F1 mau lớn hơn các bê nhà cùng độ tuổi; về ngoại hình, bê không có u vai và yếm rốn; đầu hơi nhỏ, trán rộng và lõm; mặt hình chữ V; sừng nhọn và phát triển sớm. Khi mới sinh, bê lai có lông màu nâu vàng- xám nâu, khác khá rõ với bê bò nhà; sau 3-4 tháng tuổi, lông chuyển dần sang màu nâu đen ở toàn thân, ngoại trừ  4 chân từ khuỷu chân trở xuống móng có màu trắng. Ngoại hình và màu lông các bê lai F1 tương tự bò Tót (Bos gaurus).
Mặc dù về mặt khoa học chưa xác định được đây là bò lai giữa bò Tót và bò nhà nhưng về ngoại hình, các con này khác hẳn với bò nhà và càng lớn càng giống bò Tót, vì vậy một số thương lái mua bò vào mua những con này với giá cao hơn gấp 1,5 đến hai lần bò nhà cùng độ tuổi. Nhờ được sự tuyên truyền của cán bộ Vườn Quốc gia nên người dân nhất quyết không bán cho thương lái.
Nếu giám định điều này là đúng, thì đây là trường hợp hy hữu, vô cùng hiếm gặp, có lẽ là duy nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, khó có thể gặp lại, có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn lớn trong chăn nuôi đại gia súc. Cần phải có kế hoạch nghiên cứu sâu, kịp thời, nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quí hiếm, đặc biệt kết hợp đưa vào các tổ hợp lai ưu thế mới, tạo ra các dòng, giống bò thịt vượt trội. (Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên & Môi Trường VN 18/8) đầu trang(
18/8, lãnh đạo VQG Phong Nha - Kẻ Bàng xác nhận với PV, vừa thu giữ hơn 10 cá thể voọc Chà Vá chân nâu (loài đặc biệt quý hiếm, ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới), đã bị các đối tượng bắn chết, sấy khô.
Chi tiết về vụ thu giữ đã không được lãnh đạo vườn này tiết lộ, với lý do đang quá trình điều tra, sợ “rút dây động rừng”. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Tiền Phong.
Số voọc nói trên được trạm Kiểm lâm Khe Gát thu giữ cùng với nhiều viên đạn, không bắt được hung thủ và súng săn. Hơn 10 cá thể voọc đã bị các đối tượng bắn chết trước khi mổ bụng, sấy khô để mang về xuôi bán cho các lò nấu cao.
Tác giả của hơn 10 con voọc quý hiếm bị sấy khô nói trên là do một nhóm thợ săn ở Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch gây ra. Nhóm này khoảng 5 người, có súng AK và súng săn, chuyên săn bắt thú rừng trong VGQ Phong Nha - Kẻ Bàng.
Thời gian gần đây, khi sự đồn thổi về tác dụng thần kỳ của cao voọc, nhóm thợ săn này tập trung vào việc săn voọc để cung cấp cho các lò nấu cao. Được biết, 1 lạng cao voọc hiện nay trên thị trường có giá gần 2 triệu đồng.
Theo lãnh đạo VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, đây là vụ thu giữ số voọc bị săn bắt lớn nhất từ trước đến nay. Mặc dù hơn 10 cá thể voọc đã bị sấy khô, nhưng các chuyên gia của vườn này vẫn nhận diện được và khẳng định đó là voọc Chà Vá chân nâu.
Đặc tính của loài voọc này thường đi thành đàn và rất dễ bị săn bắt. Khi nghe tiếng súng nổ, chúng không bỏ chạy mà trèo lên cây, bẻ cành che đít, che mặt, các thợ săn chỉ việc thong thả ngắm bắn cho đến con cuối cùng trong đàn. (Tiền Phong 19/8, tr4) đầu trang(
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa phát đi thông báo kết quả vận động doanh nghiệp tham gia bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).
Theo ENV, rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chương trình. Nhiều đơn vị đã tuyên truyền cán bộ nhân viên không tiêu thụ ĐVHD dưới mọi hình thức và tích cực tham gia bảo vệ các loài ĐVHD của Việt Nam bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể như thông báo vi phạm về ĐVHD đến đường dây nóng 18001522 hay tuyên truyền, khuyến khích gia đình, người thân, bạn bè cùng tham gia.
Theo bà Lê Trúc Linh, Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam, nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình bảo vệ động vật hoang dã. Thế nhưng cũng dần dần, trong những cánh rừng, nhiều loại động vật quý hiếm ngày càng vắng bóng. Và cũng không khó khăn để tìm kiếm các món ăn thịt thú rừng trong thực đơn hàng trăm món ăn ở các nhà hàng.
Và nếu để ý quan sát sẽ thấy, trong vô số thực khách là người lao động, tiểu thương, còn có cán bộ công chức, kể cả những người làm công việc quản lý và bảo vệ động vật hoang dã, cũng liên hoan bằng thịt thú rừng. Hàng ngày, những con thú vẫn nối đuôi nhau lên bàn nhậu để phục vụ cho sở thích ẩm thực của những người "lắm tiền".
Bà Linh cho biết, trong tự nhiên Việt Nam, một số loài như hổ, voi thì hầu như không còn. Hiện tại, trong các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng tự nhiên đa phần chỉ còn các động vật nhỏ như lợn rừng, nhím, cheo, chồn, kỳ đà... sinh sống, nhưng với số lượng không nhiều. Việc quản lý vốn rất khó, nhiều nơi chính lực lượng kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương lại móc ngoặc với những kẻ săn bắt trái phép để ăn chia lợi nhuận. Việc tuyên truyền, kêu gọi người dân không sử dụng động vật hoang dã là cần thiết, nhưng quan trọng nhất là vai trò của pháp luật.
"Đã có những quốc gia, người buôn bán giết mổ động vật hoang dã bị tử hình. Nhưng ở Việt Nam, một vài vụ việc rúng động lắm mới xử lý hình sự, đa phần là phiên phiến cho qua, vậy thì ai sợ? Xử người săn bắt buôn bán thật nặng, thậm chí xử cả người tiêu thụ, khi đó, chắc hẳn không ai dám ăn nữa", bà Lê Trúc Linh cho biết. (Kiến Thức 18/8) đầu trang(
Từ tháng 7-2014 đến nay, hàng ngàn người dân tại huyện Khánh Vĩnh phải dùng nguồn nước đục ngầu, ô nhiễm vì nạn khai thác quặng trái phép ở rừng phòng hộ đầu nguồn các xã Khánh Thành, Khánh Phú lại tái diễn.
Nạn khai thác quặng trái phép xảy ra ở rừng đầu nguồn tiểu khu 193 thuộc xã Khánh Thành và tiểu khu 205 thuộc xã Khánh Phú, sau đó lan ra tiểu khu 154 thuộc xã Khánh Thượng… Đến nay, “quặng tặc” vẫn hoạt động dai dẳng khiến rừng đầu nguồn bị tàn phá, nguồn nước ở các con sông đục ngầu.
Có mặt tại xã Khánh Thành vào trung tuần tháng 8-2014, PV thấy nguồn nước sông Khế đục ngầu, các khe suối lắng đầy bùn đất. Người dân ở đây đa số là đồng bào dân tộc Raglay có thói quen sử dụng nước sông suối làm nguồn nước chính để ăn uống, sinh hoạt tỏ ra hết sức khổ sở.
Bà Cao Thị Nghinh, ôm xô quần áo xuống sông Khế giặt, than vãn: “Nước sông đục ngầu khiến bà con trong thôn không thể nấu ăn được vì dùng nước này là bị đau bụng, tiêu chảy. Gia đình phải đi rất xa để lấy nước từ một khe suối nhỏ, mỗi lẫn chỉ được vài can nên chúng tôi đành phải dùng nguồn nước đục này”.
Ông Huỳnh Bá Linh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, cho biết hơn 1 tháng nay, nước sông Khế liên tục bị đục. Là xã vùng sâu vùng xa, nước sạch từ nhà máy nước thị trấn Khánh Vĩnh chỉ đáp ứng được khoảng 700 hộ dân, còn lại hơn 1.000 hộ dân phải lấy nguồn nước ô nhiễm này làm nguồn nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Ngọc Hoa, Chánh Văn phòng UBND huyện Khánh Vĩnh, cho biết do nguồn nước bị đục nên Nhà máy nước thị trấn Khánh Vĩnh rất khó khăn trong việc xử lý nước. Bình thường 1 tháng mới súc rửa hệ thống lắng lọc một lần nhưng khi nước đục thì cứ 2-3 ngày phải làm vệ sinh. Mỗi lần như vậy, nhà máy cúp nước, người dân khổ sở vô cùng!
Nạn khai thác quặng trái phép bùng phát từ năm 2011. Mỗi ngày có từ 500-600 người vào rừng phòng hộ xã Khánh Phú, Khánh Thành đào đãi quặng trên diện tích gần 200 ha. Lực lượng chức năng đã thu được cả súng kíp, chất nổ để đào đãi quặng. Từ năm 2013, các đối tượng mở rộng việc đào đãi trái phép qua rừng phòng hộ của xã Khánh Thượng, Giang Ly, Liên Sang… khiến tình hình trở nên phức tạp.
UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cấp xử lý quyết liệt tình trạng trên nên đến đầu năm 2014, tình hình mới im ắng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7-2014, “quặng tặc” lại lộng hành.
Ông Trần Hòa Nam, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, cho biết do kinh phí có hạn và thấy tình hình khai thác quặng có dấu hiệu tạm ổn nên huyện giảm nhân sự từ 25 người còn 8 người. Chỉ chờ có thế, “quặng tặc” lại vùng lên, lãnh đạo huyện phải cử cán bộ lên các điểm nóng truy quét.
Theo Công an xã Khánh Thành, các đối tượng chủ yếu đào đãi bằng tay chứ không sử dụng máy móc như trước. Họ tổ chức thành từng nhóm lập lều trại, khai thác quặng và dẫn nước bằng ống dài cả km để đãi quặng. Khi lực lượng chức năng lên truy quét, các đối tượng này liền lẩn trốn hoặc đi rải rác quanh đó, chờ khi lực lượng chức năng rút về là vào đào đãi. (Người Lao Động 18/8) đầu trang(
Dọc Hón Ván (thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân) nhiều khúc gỗ được lâm tặc chặt về để ngổn ngang bên bờ suối. Đi sâu vào bên trong, những khoảnh rừng bị chặt phá còn nguyên nhựa sống trơ trọi gốc. (VietnamNet 19/8) đầu trang(
18/8, UBND huyện tổ chức cuộc họp Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lương Ngọc Anh chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Phù Cát, do tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài nên từ đầu năm đến nay,  trên địa bàn huyện đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, chủ yếu là rừng trồng ở các xã: Cát Nhơn, Cát Thành, Cát Khánh, Cát Hiệp…làm thiệt hơn hàng trăm ha rừng của nhà nước và nhân dân.
Trước tình hình nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lương Ngọc Anh nhấn mạnh tình hình thời tiết nắng nóng dự báo còn kéo dài nên nguy cơ cháy rừng vẫn còn ở mức cao do đó yêu cầu Hạt Kiểm lâm Phù Cát, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Phòng NN-PTNT huyện, các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các xã có rừng và các chủ rừng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, thường xuyên kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng, thường trực 24/24 giờ, bố trí lực lượng ở những khu vực trọng điểm, không để phát sinh nguồn lửa, phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các nguồn lực tại chỗ xử lý kịp thời.
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương trong việc chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản…của nhà nước và nhân dân. (Trang Thông Tin Điện Tử HĐND & UBND Huyện Phù Cát 18/8) đầu trang(
15/8, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên tổ chức tập huấn công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2014 cho 40 hộ dân của xã Phú Đình.
Hội nghị đã nghe cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên truyền đạt các nội dung về công tác quản lý bảo vệ rừng như: Luật bảo vệ và phát triển rừng; các văn bản liên quan đến quản lý và bảo vệ rừng; Quy định xử lý vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Nghị định 157 và các chính sách của Nhà nước về hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng
Qua buổi tập huấn  sẽ giúp bà con nhân dân xã Phú Đình nâng cao được ý thức cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, giảm thiểu các tác nhân gây hại đến các điểm di tích lịch sử.
Đồng thời, góp phần ngăn chặn các tệ nạn khai thác các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ trái phép bảo vệ diện tích rừng hiện có và bảo vệ các loại động thực vật hoang dã, hệ sinh thái đặc dụng. (Đài PTTH Thái Nguyên 16/8) đầu trang(
Sở NN&PTNT Thanh Hóa vừa phối hợp với Sở Nông lâm tỉnh Hủa Phăn (Lào) tập huấn bảo về rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2014 và xây dựng kế hoạch phối hợp năm 2015.
Tham gia tập huấn có 16 cán bộ nòng cốt của Phòng Kiểm lâm và trưởng các cụm bản thuộc 3 huyện: Viêng Xay, Xăm Tày, Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn.
Trong thời gian từ ngày 16 đến 20/8/2014 các học viên được nghe Phòng Thanh tra - Pháp chế và Phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa) truyền đạt các chuyên đề gồm: Trình tự lập hồ sơ xử lý một vụ vi phạm hành chính ở Việt Nam (liên hệ thực tế với nước bạn Lào); quản lý việc xử lý thực bì trồng rừng, làm rẫy an toàn; phương pháp xây dựng bản đồ quản lý khu vực trọng điểm cháy, bản đồ quản lý nương rẫy; quy trình theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.
Trong thời gian tập huấn các học viên đã được đi tham quan, học tập mô hình tại huyện Tĩnh Gia về làm giảm vật liệu cháy và xây dựng hệ thống đường băng cản lửa.
Thông qua đợt tập huấn nhằm đẩy mạnh hơn nữa chương trình phối hợp BVR, PCCCR vùng biên giới 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn. (Văn Hóa & Đời Sống Thanh Hóa 16/8) đầu trang(
Những năm qua, bằng những chương trình, việc làm cụ thể, MTTQ huyện Thường Xuân đã xây dựng nhiều chương trình phối hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ rừng.
Xã Yên Nhân là địa bàn mà người dân dùng nhiều cưa xăng để khai thác rừng bừa bãi, MTTQ xã và kiểm lâm viên địa bàn đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức các hội nghị từ xã đến thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng và thực hiện quản lý cưa xăng tại cộng đồng.
Đến nay, 100% số cưa xăng của địa phương được đưa về  quản lý tập trung tại thôn, bản. Khi có nhu cầu sử dụng chính đáng phải báo cáo cụ thể, rõ ràng và ký cam kết không sử dụng vào việc chặt phá rừng trái phép.
Quá trình sử dụng có sự giám sát của chính quyền, cộng đồng thôn, bản và kiểm lâm viên địa bàn. Do làm tốt công tác quản lý sử dụng cưa xăng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nên tình hình an ninh rừng trên địa bàn xã Yên Nhân thời gian gần đây đã cơ bản ổn định, không còn tình trạng khai thác gỗ trái phép, cháy rừng.
Từ việc làm hiệu quả của Yên Nhân, MTTQ huyện Thường Xuân đã phối hợp với hạt kiểm lâm huyện xây dựng Kế hoạch số 09/KH-MTTQ-HKL về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, PCCCR; phối hợp tổ chức hội nghị cấp huyện để triển khai kế hoạch thực hiện đến MTTQ các xã, thị trấn và kiểm lâm viên địa bàn; triển khai Quyết định số 175/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo cấp huyện về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Thường Xuân giai đoạn 2011-2015; xây dựng phương án quản lý cưa xăng trên địa bàn.
Đồng thời, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở các xã, thị trấn tổ chức họp dân rà soát, sửa đổi, bổ sung, đưa nội dung quản lý cưa xăng tại cộng đồng vào quy ước bảo vệ rừng của từng thôn, bản. Ban thường trực Ủy ban MTTQ và hạt kiểm lâm huyện đã cử một đồng chí lãnh đạo thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện thành công các mô hình điểm; tham mưu cho chủ tịch UBND huyện giao nhiệm vụ cho chủ tịch UBND các xã đóng tủ đựng cưa và chuẩn bị nơi để cưa xăng; tổ chức hội nghị chuyên đề về quản lý cưa xăng, PCCCR...
Đến nay, 100% cưa xăng trên địa bàn huyện đã được quản lý tại UBND các xã và các thôn, bản, vì vậy tình hình an ninh rừng trên địa bàn huyện thời gian gần đây đã cơ bản ổn định, không có tụ điểm, điểm nóng  về khai thác, phá rừng  trái phép cũng như không xảy ra cháy rừng.
Ông Lý Đình Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện, cho biết: Thời gian qua, bằng những kế hoạch, việc làm cụ thể, nhận thức của nhân dân trên địa bàn dân cư trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR được nâng lên rõ rệt.
Người dân đã có ý thức tham gia trồng và bảo vệ rừng, hạn chế tình trạng chặt phá, đốt rừng bừa bãi. Các hoạt động tự quản, bảo vệ rừng tại khu dân cư từng bước đi vào nền nếp, có tổ chức, hạn chế cháy rừng và các vụ khai thác trái phép lâm sản từ rừng. (Báo Thanh Hóa 17/8) đầu trang(
17-8 ông Nguyễn Duy Lương, chuyên gia bảo tồn độc lập, thành viên người Việt Nam trong đoàn chuyên gia được UNESCO thế giới cử đến Quảng Bình thẩm định hồ sơ di sản lần 2 đối với Phong Nha-Kẻ Bàng.
Các chuyên gia đã thực địa Phong Nha-Kẻ Bàng từ ngày 12-16/8. Sau khi kết thúc quá trình thẩm định, họ đã có cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình.
Bà Josephine Langley - chuyên gia của UNESCO - đánh giá trong quá trình làm việc ở Phong Nha-Kẻ Bàng, đoàn ấn tượng với lực lượng kiểm lâm, bởi họ đã biết kết hợp với người dân, có quy chế phối hợp với Bộ đội biên phòng mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ rừng.
Từ đó, bà đánh giá, hiện tượng khai thác gỗ trái phép tại các cánh rừng giảm thiểu. Điều này đáp ứng tốt  tiêu chí 9 trong tiêu chí về sinh thái do UNESCO quy định. Tuy nhiên, bà cũng đặt ra câu hỏi, vì sao bắt giữ liên quan đến vi phạm rừng nhiều nhưng số vụ bị khởi tố lại ít. Qua đó bà mong muốn địa phương có những biện pháp cương quyết, dứt khoát đối với các hành vi xâm phạm rừng ở đây.
Ghi nhận đời sống của người dân vùng đệm quanh Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, bà Josephine Langley cho rằng, ngoài việc tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ rừng thì địa phương cần để họ tham gia vào phát triển du lịch một cách bài bản cũng sẽ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học bền vững ở đây.
Liên quan đến hồ sơ di sản lần 2 đối với Phong Nha-Kẻ Bàng về tiêu chí 10 trong tiêu chí đa dạng sinh học, bà Josephine Langley khuyến cáo các cấp địa phương ở Quảng Bình cần có chiến lược nghiên cứu lâu dài về đa dạng sinh học cũng như các phương pháp bảo tồn đa dạng sinh học ở đây. Làm tốt việc này sẽ thu hút được các tổ chức, dự án quốc tế đến nghiên cứu khoa học và đầu tư dài hạn bảo tồn.
Ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, việc bảo vệ Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng luôn được tỉnh chú trọng, đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, lãnh đạo Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nhấn mạnh, việc bắt giữ các vụ vi phạm lâm luật nhiều nhưng khởi tố ít là do đa số các vụ vi pham đều nhỏ lẻ nên chưa đủ điều kiện khởi tố theo luật pháp Việt Nam.
Vườn cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học như thành lập các câu lạc bộ bảo tồn động vật hoang dã tại các xã vùng đệm, tăng cường giám sát đa dạng sinh học đối với lực lượng kiểm lâm bằng hệ thống Smart.
Theo ông Nguyễn Duy Lương, các chuyên gia đã kết thúc thực địa khảo sát rừng. Riêng bà Josephine Langley sẽ có chuyến khảo sát hệ thống đa dạng sinh học trong hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng để có cái nhìn chính xác nhằm báo cáo với UNESCO thế giới. (Sài Gòn Giải Phóng 17/8) đầu trang(
Tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc vừa tổ chức diễn tập phòng chống cháy nổ, cháy rừng năm 2014. Tham dự buổi diễn tập gồm 5 xã có rừng là Đại Cường, Đại Tân, Đại Nghĩa, Đại Sơn, Đại Hưng và hơn 200 người thuộc các đội phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cùng quần chúng nhân dân.
Buổi diễn tập với tình huống giả định: trên địa bàn thôn Phú Quý (xã Đại Hiệp), tại khu vực rừng tràm do ông Đoàn Ngọc Quế là chủ rừng, do quá trình phát dọn, đốt thực bì để canh tác gần rừng đã lan ra khỏi khu vực và gây cháy rừng trồng 3 năm tuổi.
Nhận được thông tin ông Đoàn Ngọc Quế kêu cứu, trưởng thôn liền đánh kẻng báo động và huy động khoảng 14 người thuộc lực lượng chữa cháy tại chỗ của thôn Phú Quý. Họ chia làm 2 tổ phối hợp với chủ rừng và tổ tuần tra dập lửa, dùng các phương tiện hiện có để chặt cây làm đường băng trắng phía đông bắc và tây nam nhằm hạn chế đám cháy lan ra diện rộng.
Đồng thời báo cáo tình hình cháy rừng cho Ban Chỉ đạo PCCCR của xã có hướng xử lý. Gặp thời tiết khô hanh và gió thổi mạnh, lửa đã lan sang khu vực tây nam với diện tích rộng gần 5 ha. Trưởng ban Chỉ đạo PCCCR xã Đại Hiệp huy động bà con nhân dân nhanh chóng tập kết đến địa điểm trên để tham gia chữa cháy. Mọi người dùng các dụng cụ như rựa, vĩ dập lửa, cành cây… tiếp tục chia làm 2 tổ dập lửa nhưng không thể khống chế được đám cháy.
Nhận được thông tin, Trưởng ban Chỉ đạo PCCCR của huyện đã yêu cầu địa phương phải huy động lực lượng tại chỗ tiếp tục chữa cháy rừng. Huyện cũng lập tức cử người đi dẫn đường cho các lực lượng của huyện đã đến UBND xã vào khu vực chữa cháy.
Các lực lượng trên sử dụng bàn dập lửa, rựa, 2 máy thổi lửa, máy cưa, xe phun nước… áp sát vào đám cháy. Bệnh viện Đa khoa huyện điều động 1 xe cứu thương trực chiến tại khu vực sẵn sàng cấp cứu người bị thương.
Hơn 30 phút sau, các lực lượng đã khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháu thì bất ngờ 3 quả đạn còn sót lại sau chiến tranh phát nổ làm bị thương 4 người. Lúc này, các y bác sĩ đã kịp thời sơ cứu và dùng xe cứu thương chuyển nạn nhân đi cấp cứu.
Cuộc diễn tập này được thực hiện nhằm tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức về công tác PCCCR, huy động sức mạnh tổng hợp các lực lượng, ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị ở cơ sở tích cực chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả biện pháp bảo vệ rừng.
Cuộc diễn tập còn nhằm nâng cao khả năng tổ chức điều hành, chỉ huy các lực lượng trong công tác chữa cháy rừng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. (Báo Quảng Nam 16/8) đầu trang(
Thông tin nhanh qua đường dây nóng trên báo Nhân Dân cho biết: Trên địa bàn huyện Bố Trạch và Lệ Thủy vẫn còn nhiều người dùng súng tự chế để săn bắn thú rừng, nguy hiểm đến tính mạng người dân. (Nhân Dân 17/8, tr7) đầu trang(
Những ngày qua, khoảng hơn 100 ha rừng thông thuộc các tiểu khu 122B, 121, 103B, 103A, 96B, 103C tại thị xã Hồng Lĩnh đã bị sâu róm gây hại.
Theo nhận định, sâu thuộc thế hệ thứ 3, đang ở độ tuổi từ 2 đến 3 ngày tuổi, mật độ trung bình 50 con/cây, có nơi 150 con/cây.
Trước tình hình đó, Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TX. Hồng Lĩnh phối hợp với BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu róm gây hại, không để lây lan trên diện rộng. (Báo Hà Tĩnh 18/8) đầu trang(
Rừng là tài nguyên phong phú và vô cùng quý giá của đất nước như lời dạy của Bác Hồ: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ xây dựng thì rừng rất quý”. Tác dụng của rừng đối với đời sống con người rất đa dạng, trước hết rừng cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ  đất, chống xói mòn, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái...
Rừng còn được ví như lá phổi xanh của trái đất, rừng có vai trò quan trọng hấp thu khí các-bon-níc, sản sinh ra khí ôxy cần thiết cho sự sống. Rừng giữ vai trò trong việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ôxy cho khí quyển và hấp thụ lượng khí cacbonnic
Quan trọng hơn cả là những tác dụng sinh thái của rừng, trong không khí chúng ta hít thở bao gồm một vài loại khí khác nhau. Đối với người và động vật thì ô xy là loại khí quan trọng nhất để tồn tại. Con người hít khí ô xy và thải ra khí các-bon-níc Trong khi đó, để tồn tại cây cối lại cần khí các-bon-níc.
Khi xảy ra cháy rừng hoặc sử dụng các nguồn nhiên liệu như xăng dầu, than đá…thì khí các-bon-níc sẽ được giải phóng ra ngoài khí quyển. Nếu có quá nhiều khí các-bon-níc thải vào không khí thì toàn bộ trái đất của chúng ta sẽ ấm dần lên. Nhưng nhờ rừng hấp thu khí các-bon-níc đã và đang giúp trái đất không bị nóng lên, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên,  trong những năm gần đây,  rừng bị chặt phá quá nhiều nên lượng khí các-bon-níc thải vào bầu khí quyển ngày càng nhiều. Do đó khí hậu đang thay đổi và sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực cho con người, tác động tới môi trường toàn cầu nhưng rõ rệt nhất là việc sụt giảm nguồn nước ngầm, bão tố, lũ lụt, nắng hạn…thường xuyên xảy ra, đã ảnh hưởng đến đời sống dân cư, hủy hoại sản xuất nông nghiệp và làm suy thoái đa dạng sinh học và tài nguyên nước…
Như vậy việc bảo vệ và phát triển rừng ngoài việc mang lại lợi ích trực tiếp cho cuộc sống người dân hàng ngày mà còn hạn chế được những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Do đó chúng ta cần nỗ lực, chung sức góp phần bảo vệ và phát triển rừng. (Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu 18/8) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Buôn Đôn, Ea Súp là hai huyện nghèo nhất tỉnh Đắc Lắc. Từ hàng chục năm qua, bài toán phát triển kinh tế ở đây vẫn chưa có lời giải, chủ yếu do đất đai cằn cỗi và khí hậu khắc nghiệt.
Sau khi chặt bỏ hàng nghìn hécta điều, đua nhau trồng cao su với biết bao kỳ vọng, người dân đang đứng trước nguy cơ đã nghèo lại nghèo thêm.
Đã mấy tháng nay, ông Nguyễn Văn Bằng (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) chẳng buồn ghé thăm vườn cao su hơn 3ha của gia đình, cả nhà đi làm thuê kiếm sống. Năm 2009, thấy Cty TNHH Gia Huy được UBND tỉnh cho thuê hơn 300ha đất rừng, được chuyển đổi toàn bộ để trồng cao su không cần thí điểm, ông Bằng cũng trồng 3ha cao su gần dự án. "Tôi nghĩ dự án của Cty được Nhà nước thẩm định có hiệu quả mới cho làm, vậy là chắc ăn, ai ngờ caosu đến tuổi thu hoạch mới to bằng cán cuốc. Giờ tôi quay lại trồng bắp, đợi caosu lớn chặt dần làm củi" - ông Bằng buồn bã nói.
Ông Đặng Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê -cho biết: "Người dân trong xã đã trồng tràn lan hơn 500ha caosu, giờ mủ rớt giá chẳng biết làm thế nào. Mà không rớt giá cũng vậy thôi, bởi theo quan sát của tôi thì cây sinh trưởng tốt trong khoảng 3 năm đầu, sau đó gặp đá bàn nên rễ chính, rễ ngang không phát triển được là chững lại hoặc chết đứng".
Còn theo ông Phạm Văn Thước - Chủ tịch UBND xã Cư M'lan - trước đây toàn xã có 700ha điều nhưng kém hiệu quả, nên từ năm 2008 đến nay, dân chặt hết để trồng cao su.
Ông Dương Văn Xanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn - cho biết: Về hiệu quả cây caosu trồng trên đất rừng khộp, bây giờ chưa thể nói được gì. Cty TNHH Phúc Nguyên trồng 120ha tại xã Ea Huar từ năm 2004, đến nay vẫn chưa có mủ. Cũng tại xã này, dự án của Cty TNHH Hữu Bích trồng manh mún, sinh trưởng kém, chủ đầu tư đã chính thức buông tay và tỉnh đang chỉ đạo thu hồi đất".
Cũng theo ông Xanh, huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp nằm trên bình nguyên Ea Súp với cấu tạo đất xám, tầng canh tác rất mỏng, mùa khô thiếu nước nhưng mưa xuống là ngập nên không phù hợp với cây công nghiệp nói chung và cao su nói riêng. Còn tại huyện Ea Súp, báo cáo của UBND huyện cho rằng cao su đang trong thời kỳ kiến thiết nên chưa khẳng định được hiệu quả kinh tế. Cá biệt, một số vườn cây chăm sóc không đúng kỹ thuật, đầu tư chưa đúng mức, tỉ lệ chết cao do không thích nghi...
Trước tình hình trên, huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NNPTNT thành lập đoàn khảo sát, đánh giá để có định hướng quản lý, chỉ đạo. Như vậy cho đến nay, hiệu quả cây cao su tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp vẫn còn rất mơ hồ. (Lao Động 19/8, tr3) đầu trang(
Dự án (DA) Phát triển ngành Lâm nghiệp (DA trồng rừng WB3) do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn vay thực hiện trên địa bàn tỉnh ta đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho người dân khu vực nông thôn.
PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Hồ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Giám đốc BQL DA trồng rừng WB3 - về kế hoạch thực hiện Dự án trong năm nay.
Ông Hồ Ngọc Hùng cho biết: DA trồng rừng WB3 được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2005. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7.611 hộ nông dân ở Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước, Hoài Ân, An Nhơn, TP Quy Nhơn tham gia trồng được hơn 16.291 ha rừng với tổng số tiền giải ngân cho vay trên 140 tỉ đồng, mỗi ha rừng trồng người dân được vay từ 15-20 triệu đồng. Trong đó, năm 2013 các địa phương đã trồng gần 2.500 ha rừng với 1.510 hộ nông dân tham gia.
Các loại cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng rừng WB3 gồm keo lai cấy mô, keo lai giâm hom và bạch đàn lai. Theo đánh giá chung, tại hầu hết các địa phương tham gia DA, nông dân trồng rừng đạt hiệu quả cao, cây rừng phát triển tốt, góp phần nâng độ che phủ của rừng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Tại một số địa phương, nông dân đã thu hoạch rừng WB3 với năng suất rất cao (từ 100-120 tấn gỗ nguyên liệu/ha). Với mức giá gỗ nguyên liệu hiện nay dao động từ 1 - 1,25 triệu đồng/tấn, nông dân thu nhập gần 150 triệu đồng/ha (sau 5-7 năm trồng rừng), lãi bình quân 100 - 120 triệu đồng/ha. Nhờ hiệu quả trồng rừng mang lại cao nên nông dân các địa phương rất phấn khởi, tích cực tham gia DA.
Điều đáng ghi nhận qua thực hiện DA WB3 là các hộ trồng rừng được BQL DA hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật trồng và các biện pháp chăm sóc rừng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện giải ngân nhanh nguồn vốn vay ưu đãi, giúp người dân yên tâm trồng và chăm sóc rừng.
Nhờ đó, hầu hết diện tích rừng trồng được áp dụng đúng quy trình trồng rừng thâm canh, hằng năm được chăm sóc theo đúng chu kỳ, nên sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ cây sống sau khi trồng đạt trên 95%. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ gia đình và tổ chức tham gia DA được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, tạo sự phấn khởi và an tâm trong việc đầu tư thâm canh rừng trồng.
Do hiệu quả trồng rừng cao, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị với WB tiếp tục thực hiện pha 2 của DA, kéo dài đến quý I.2015 sẽ kết thúc. Trong năm 2014 này, các địa phương vùng DA sẽ tiến hành trồng mới 2.000 ha rừng; chăm sóc diện tích rừng trồng các năm trước 4.480 ha; đo đạc, cấp GCNQSDĐ 1.750 ha; nâng cấp đường lâm sinh dài 10 km, với tổng kinh phí thực hiện trên 32 tỉ đồng.
Trong đó, vốn do WB tài trợ gần 26,1 tỉ đồng, vốn đối ứng của Trung ương và tỉnh gần 6,1 tỉ đồng. Đến nay, các địa phương đã chuẩn bị quỹ đất để thiết kế trồng rừng được 1.952 ha, gồm An Nhơn 153 ha, Tuy Phước 44 ha, Tây Sơn 500 ha, Phù Mỹ 165 ha, Vân Canh 436 ha, Phù Cát 209 ha, TP Quy Nhơn 107 ha, Hoài Ân 338 ha.
Để công tác trồng rừng diễn ra thuận lợi, thời gian qua, Sở NN-PTNT, BQL DA WB3 tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng đôn đốc các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung thêm diện tích để đạt kế hoạch trồng rừng đề ra. Đến cuối tháng 8 này, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ chốt diện tích trồng rừng của các địa phương, để kịp thời triển khai thực hiện khi mùa mưa đến.
Sở NN-PTNT cũng đã yêu cầu các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có kế hoạch sản xuất giống cung ứng đủ trồng rừng trong năm nay. Qua kiểm tra, hiện trên địa bàn tỉnh có 106 cơ sở sản xuất giống lâm nghiệp được cấp phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh cây giống với năng lực sản xuất đạt trên 130 triệu cây giống/năm. Hiện nay, các cơ sở đã sản xuất được trên 90 triệu cây giống các loại gồm keo lai, bạch đàn lai, đảm bảo cung ứng đủ cây giống cho công tác trồng rừng.
Để việc trồng rừng đạt kế hoạch đề ra, Sở NN-PTNT kiến nghị, đề xuất với Ban Điều phối DA WB3 Trung ương hỗ trợ, tư vấn giúp tỉnh thực hiện các hoạt động xúc tiến cấp chứng chỉ trồng rừng (FSC); hỗ trợ tư vấn để triển khai xây dựng và thực hiện các hoạt động về mô hình quản lý rừng trồng; hỗ trợ xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao thu nhập cho người dân ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Về công tác giải ngân vốn tín dụng, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét giảm lãi suất cho vay đối với hộ gia đình trồng rừng từ 6,5%/năm xuống 5%/năm. Sở KH-ĐT, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí đủ vốn đối ứng cho các địa phương tham gia DA để chi phụ cấp cho các cán bộ kiêm nhiệm. Sở TN-MT quan tâm đẩy nhanh việc đo đạc, cấp GCNQSDĐ đối với các hộ dân tham gia DA để được vay vốn kịp thời, đáp ứng yêu cầu trồng rừng theo kế hoạch đề ra. (Báo Bình Định 18/8) đầu trang(
Nhiều năm nay, hơn 20 hộ dân ở xóm 1, khối Thiết Đính Nam (Bồng Sơn, H. Hoài Nhơn) phải gồng mình chịu đựng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và khói, bụi phát ra từ xưởng gia công, chế biến gỗ của ông Võ Phi Hùng.
Người dân nhiều lần kiến nghị và mong muốn chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm có biện pháp di dời xưởng cưa ra khỏi khu dân cư để đảm bảo môi trường sống trong lành tại khu vực này.
Khoảng 5 năm trở lại đây, sau khi xưởng gia công, chế biến gỗ của ông Hùng mở rộng quy mô hoạt động, hàng ngày hàng chục hộ dân ở xóm 1 phải chịu cảnh "tra tấn" bởi tiếng động cơ máy cưa, xẻ gỗ và khói, bụi từ sáng cho đến chiều muộn.
Đặc biệt, vào những ngày có xe chở gỗ đến nhập xưởng (thường diễn ra vào lúc giữa đêm) thì cuộc sống của những người xung quanh càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do âm thanh hỗn tạp phát ra từ tiếng động cơ, còi xe, tiếng những khúc gỗ va chạm vào nhau.
Do phải chịu đựng tiếng ồn với cường độ mạnh trong thời gian dài nên nhiều người dân bị ảnh hưởng thính giác; những người cao tuổi thì mất ngủ, còn các cháu học sinh bị tiếng ồn làm mất tập trung, ảnh hưởng đến việc học tại nhà...
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, xưởng cưa còn thải lượng khói, bụi, mùn cưa rất lớn ra khu vực xung quanh, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, do diện tích nhỏ, trong khi quy mô hoạt động lớn nên chủ xưởng gia công, chế biến gỗ thường tận dụng lề đường làm nơi tập kết nguyên, vật liệu, gây ra tình trạng ùn tắc, mất ATGT.
Chưa hết, việc tập kết số lượng lớn các loại gỗ khô tại khu vực có diện tích nhỏ; cộng với lượng mùn cưa thải ra nhiều trong quá trình chế biến gỗ rất dễ gây hỏa hoạn, nhất là vào thời điểm nắng nóng như hiện nay.
Ông Nguyễn Đậu (86 tuổi), nhà ở gần xưởng cưa của ông Hùng, than thở: "Tiếng máy cưa ầm ĩ suốt ngày khiến đầu óc tôi luôn nhức nhối khó chịu. Nhiều lúc tui phải đi nơi khác "lánh nạn". Khổ lắm! chỗ tình làng nghĩa xóm nên ban đầu chúng tôi ráng chịu đựng và nhiều lần góp ý nhắc nhở. Thế nhưng, không tìm cách hạn chế tiếng ồn, bụi và mùn cưa, chủ xưởng còn có thái độ thách thức người dân ở đây. Để đảm bảo môi trường, đảm bảo sức khỏe người dân trong khu dân cư, chúng tôi đề nghị địa phương và ngành chức năng sớm có biện pháp di dời xưởng cưa ra khỏi khu dân cư"...
Liên quan vụ việc này, ông Nguyễn Tức, Phó Chủ tịch UBND TT Bồng Sơn, cho biết: "Trước phản ảnh của một số hộ dân, vào ngày 13-8-2014, UBND TT Bồng Sơn phối hợp với Phòng TN&MT H. Hoài Nhơn kiểm tra xưởng gia công, sơ chế gỗ của ông Hùng. Qua đó, chúng tôi yêu cầu ông Hùng phải có biện pháp khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm khói, bụi và mùn cưa.
Về lâu về dài, chúng tôi sẽ yêu cầu ông Hùng di dời xưởng cưa ra khỏi khu dân cư; nếu ông không thể tự tìm địa điểm thích hợp, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng tìm địa điểm, sau đó yêu cầu thực hiện di dời. Nếu ông không tự giác chấp hành, địa phương và ngành chức năng sẽ kiên quyết yêu cầu di dời theo quy định của pháp luật".
Còn theo ông Dương Văn Tùng, chuyên viên Phòng TN&MT H. Hoài Nhơn: "Quan điểm của chúng tôi là kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất trong khu vực dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, thời gian tới, Phòng sẽ làm việc với UBND TT Bồng Sơn và các đơn vị liên quan nhằm tìm biện pháp giải quyết phù hợp để đề nghị ông Hùng di dời xưởng gia công, chế biến gỗ ra khỏi khu vực dân cư". (Công An TP Đà Nẵng 19/8) đầu trang(
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hầu hết các nhà đầu tư kinh doanh thủy điện sau khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng các công trình thủy điện vẫn còn lúng túng, chưa chú trọng đến việc trồng rừng thay thế.
Hiện các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh thủy điện ở Tây Nguyên chỉ mới trồng được 757ha rừng so với 22.770ha rừng đã chuyển đổi mục đích xây dựng các công trình thủy điện.
Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các nhà đầu tư kinh doanh thủy điện khi xin đầu tư đều cam kết thực hiện trồng rừng thay thế, nhưng khi công trình thủy điện đi vào hoạt động, các nhà đầu tư đều chưa thực hiện hoặc đầu tư trồng rừng thay thế không đạt yêu cầu.
Tỉnh Đắk Lắk có 5 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động và theo kế hoạch phải trồng bù rừng thay thế với tổng diện tích hơn 262ha, nhưng đến nay, các đơn vị đầu tư mới trồng được 70ha. Cụ thể, với Công trình thủy điện Krông H’năng, chủ đầu tư mới trồng rừng thay thế được 5ha trên tổng số 175ha; chủ đầu tư Công trình thủy điện Krông Kmar theo kế hoạch phải trồng bù lại rừng là 20ha, nhưng đến nay cũng mới trồng được 16ha...
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, diện tích rừng mà các chủ đầu tư kinh doanh thủy điện trồng lại không đáng kể so với tổng số diện tích rừng đã bị mất để thực hiện các dự án thủy điện. Có chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ việc trồng rừng theo các quyết định phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Một số doanh nghiệp mặc dù đã trồng một phần diện tích rừng trong diện tích đất của các dự án nhưng diện tích rừng này lại không phù hợp với mục đích sử dụng đất (thủy điện Sêrêpốk 4, thủy điện Ea Mđoal 2 và thủy điện Krông Kmar).
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có 287 dự án thủy điện với tổng công suất gần 7.000MW, gồm 43 dự án thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng chính và 244 dự án thuộc quy hoạch thủy điện nhỏ trên sông, suối nhánh. (Tài Nguyên & Môi Trường 18/8) đầu trang(
Thực trạng “kẻ 8 lạng, người không được nửa lạng” đang là bất cập lớn trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La hiện nay, dẫn tới thiệt thòi cho các chủ rừng. Ông Lê Mạnh Thắng- Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Sơn La cho biết như vậy.
Sơn La có tới hơn 934.000ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Diện tích rừng khổng lồ ấy đã được tỉnh giao khoán cho 64.000 chủ rừng: Hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng, bản, xã, doanh nghiệp... trông nom, chăm sóc, bảo vệ. Cũng nhờ diện tích rừng khổng lồ ấy mà trên địa bàn cũng đã có “mọc” lên hàng chục thủy điện, nhà máy nước lớn nhỏ ngày đêm “đãi nước ra tiền” bằng việc kinh doanh điện năng, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân.
Sau 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đời sống của người dân nhiều vùng rừng ở Sơn La như ở Mường Giàng, Mường Chiên (huyện Quỳnh Nhai) nhiều thay đổi.
Ông Lò Văn Thanh - dân bản Bom Bẻ, xã Mường Giàng cho biết: Năm nay Nhà nước cấp tiền bảo vệ rừng khá sớm, định mức lại cao hơn mọi năm, được tới 300.000 đồng/ha/năm nên người dân vui lắm. Tiền nào của chủ hộ thì dân được trực tiếp tiêu. Khoản tiền nào của cộng đồng, của bản thì góp vào quỹ chung để chi cho ban quản lý rừng, làm việc công ích như mua sắm những vật dụng chung của bản, tu sửa đường làng ngõ xóm...
Nhưng khi chứng kiến cuộc sống nghèo khổ của những chủ rừng ở bản Cướn, xã Chiềng Bằng, cùng huyện Quỳnh Nhai, tôi lại thấy chạnh lòng. Họ phấn khởi khi được lĩnh mấy trăm ngàn đồng; hộ có diện tích rừng ít thì chỉ có mấy chục ngàn đồng tiền công bảo vệ rừng trong một năm, nhưng họ đâu biết rằng trong số tiền ấy có phần đóng góp của chính họ.
Theo ông Lê Mạnh Thắng, mỗi một kWh điện sử dụng hàng tháng, người dân phải góp vào đấy 20 đồng, mỗi khối nước sinh hoạt là 40 đồng; còn các doanh nghiệp điện, nước sinh hoạt chỉ là người thu và nộp giúp người dân. Họ chỉ thu tiền giúp chủ rừng qua việc bán điện, nước thương phẩm. Mặc dù việc thu giúp ấy dứt điểm hàng tháng, chẳng ai có thể chịu được của họ một xu. Nhưng khi trích trả lại cho Quỹ DVMTR nguồn tiền này thì họ làm rất chậm, thậm chí là nợ đọng lâu dài…
Đó là chuyện có thật của hàng ngàn chủ rừng ở các huyện Sông Mã, Sốp Cộp. Với diện tích rừng ở đây, mức chi trả DVMTR chỉ vẻn vẹn có 4.000 đồng/ha- không mua nổi 1 cái bánh mì. “Mà nhiều hộ cũng có đủ nổi 1ha rừng đâu, có khi chỉ có mấy ngàn m2, tính ra cả năm bảo vệ rừng chỉ được có hơn 1.000 đồng. Đi lĩnh thì mất công, không đi lĩnh thì thiệt dù chỉ là cái kẹo mút” – ông Lường Văn Năm, dân bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, bức xúc tâm sự.
Trao đổi về việc này, ông Lê Mạnh Thắng thừa nhận, chuyện ấy là có thật bởi mức bình quân chi trả của huyện Sông Mã chỉ đạt có 4.000 đồng/ha/năm.
Ít như vậy là vì địa bàn này không có thủy điện lớn, nhà máy nước lớn nên tỷ lệ phí thu được chỉ có như vậy. Thậm chí có địa bàn còn không được hưởng mức phí này vì không có nguồn thu dù việc bảo vệ rừng vẫn phải thực hiện cho tốt.
“Chúng tôi đang kiến nghị với Chính phủ để có những cơ chế hợp lý hơn như việc cho phép chi trả mức phí dịch vụ bình quân trong cả tỉnh như nhau, nhưng lại sợ các doanh nghiệp không nghe (vì đấy là vùng rừng phòng hộ của họ); đồng thời Chính phủ có cơ chế cứng rằn hơn đối với việc chậm chi trả số tiền phí môi trường rừng mà các doanh nghiệp đang nợ đọng. Nhưng tất cả vẫn mới chỉ là kiến nghị mà thôi, còn phải chờ xem đã” – ông Thắng cho biết. (Nông Thôn Ngày Nay 19/8, tr13) đầu trang(
Đánh giá sơ kết 3 năm (2011 - 2013) về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ do Sở NN&PTNT tổ chức vừa qua đã nhìn nhận tác động tích cực của chính sách này trong công tác bảo vệ rừng, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.
Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch khá lớn trong hưởng lợi giữa các khu vực. Hơn 3 năm nay, rừng ở lưu vực thủy điện A Vương – Za Hung (thuộc xã Ma Cooih, huyện Đông Giang) đã được bảo vệ nghiêm ngặt. Bên cạnh đội quân giữ rừng chuyên nghiệp là kiểm lâm, cán bộ lâm nghiệp địa phương còn có lực lượng hùng mạnh là nhóm hộ, cá nhân. Mỗi tháng, ít nhất 2 lần, hàng trăm thanh niên làng A Sờ (xã Ma Cooih) thay nhau vào rừng tuần tra hơn 248ha rừng tại khoảnh 2, 4, 5 của tiểu khu 154 trong lưu vực thủy điện A Vương – Za Hung do Nhà nước giao khoán.
Hầu hết số hộ tham gia nhận khoán rừng đều là đồng bào dân tộc Cơ Tu, trước đây có thói quen phá rừng để làm nương rẫy. Vậy nhưng, từ ngày Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương hợp đồng giao khoán rừng với nhóm hộ, cuộc sống người dân đã cải thiện đáng kể.
Anh Alăng Trung, nhóm trưởng nhóm nhận khoán bảo vệ rừng ở tiểu khu 154 cho biết: “Tiền nhận mỗi hộ hơn 4 triệu đồng mỗi năm chúng tôi đều đầu tư vào việc phát triển sinh kế lâu dài thông qua việc cho các hộ khó khăn vay vốn quay vòng để chăn nuôi hoặc trồng cây nguyên liệu. Đồng tiền đã bắt đầu sinh lợi, nên không ai còn tư tưởng phá rừng”.
Thôn A Sờ chỉ là một trong nhiều nơi nằm trong lưu vực thủy điện A Vương – Za Hung được hưởng lợi DVMTR. Để làm cơ sở chi tiền cho người dân, các ngành có liên quan đã rà soát, xác định vị trí, ranh giới rừng cụ thể vì thế khâu quản lý sẽ chặt chẽ hơn khi rừng thực sự có chủ. Kết quả nghiệm thu diện tích rừng đã được chi trả DVMTR năm 2012 - 2013 cho thấy, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phát rừng già để làm nương rẫy đã giảm đi đáng kể; chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã triển khai có hiệu quả ở các địa phương khó khăn.
Theo ông Đỗ Tài – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hiện trên địa bàn có 4 “chủ rừng lớn” là các ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, A Vương, Sao La và một phần diện tích của rừng quốc gia Bạch Mã và “chủ rừng nhỏ” là hàng chục nhóm hộ nhận khoán bảo vệ (bình quân mỗi hộ nhận khoán 10 - 15ha). Lợi ích lớn nhất là ngoài việc rừng bất khả xâm phạm, người dân còn thoát nghèo bền vững. “Chính sách này tạo ra sự đột phá lớn với miền núi. Riêng xã Ma Cooih, năm 2013, đối tượng hộ nghèo đã giảm xuống gần10%. Có được kết quả này là nhờ tiền chi trả DVMTR” – ông Tài phấn khởi.
Tính đến nay, đã có 7 đề án và dự án ADB tài trợ xác định hơn 201.577ha diện tích rừng có cung ứng DVMTR. Trong đó, có 827 nhóm hộ (15.911 hộ) được nhận giao khoán, chi trả tiền DVMTR với tổng diện tích 153.882ha, thuộc các ban quản lý rừng phòng hộ A Vương, sông Tranh, Phú Ninh, Đắc Mi, Sông Kôn, Nam Sông Bung, Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, Khu bảo tồn Sao La, Vườn quốc gia Bạch Mã và các hạt kiểm lâm Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Trà My. Thông qua dự án ADB tài trợ, tại lưu vực Sông Bung đã giao khoán đến nhóm hộ với 21.033ha.
Lý giải nguồn thu tiền DVMTR lớn, nhưng chậm chi trả cho người dân, Sở NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân chính là mất nhiều thời gian lập các đề án chi trả DVMTR làm cơ sở lập hồ sơ giao khoán, chi trả. Cũng theo sở này, bất cập là đơn giá chi trả DVMTR thực tế có sự chênh lệch khá lớn giữa các lưu vực. Chẳng hạn như năm 2013, lưu vực thủy điện A Vương có đơn giá chi trả mỗi héc ta là 353 nghìn đồng/năm, trong khi đó lưu vực thủy điện sông Bung, mỗi héc ta có đơn giá 60 nghìn đồng/năm, khiến người dân so bì quyền lợi.
Sở dĩ lưu vực này chi trả thấp vì nguồn thu hiện tại của nhà máy thủy điện này chưa cao, trong khi đang quản lý diện tích rừng rộng lớn. Tương tự, chủ rừng phòng hộ Đắc Mi cũng thừa nhận, đơn giá khoán bảo vệ rừng tại lưu vực thủy điện Đắc Mi còn thấp và chênh lệch khá lớn so với các dự án đang triển khai trên địa bàn nên các hộ còn so đo, khó thuyết phục người dân giữ rừng theo chính sách DVMTR.
Được biết, trước đây tỉnh từng đề xuất một đơn giá chung cho tất cả lưu vực có nhà máy thủy điện đưa vào vận hành, nhưng Bộ NN&PTNT bác bỏ vì không đúng với quy định của Nghị định 99 về chính sách chi trả DVMTR. Một nghịch lý khác, ngành chức năng vẫn chưa có chế tài xử lý đủ mạnh đối với các đơn vị dây dưa “trả nợ rừng”.
Theo Sở NN&PTNT, một số văn bản của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị sản xuất thủy điện thực hiện hợp đồng ủy thác và thu nộp tiền DVMTR còn chồng chéo, gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách đối với các đơn vị thủy điện nhỏ có công suất dưới 30MW.
Ông Đỗ Tài – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang kiến nghị, tiền chi trả phải kịp thời, đúng thời gian và ranh giới; lâm phận được giao bảo vệ phải tôn trọng hội đồng già làng. “Theo tôi, không cần thiết phải khuyến khích đồng bào dân tộc làm rẫy, mà chỉ nên tập trung giúp họ an tâm giữ rừng bằng cách hỗ trợ sinh kế và trồng lâm sản phụ, các loại cây dược liệu dưới tán rừng” - ông Tài nói.
Còn ông Nguyễn Trâm – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho rằng, đến nay doanh nghiệp đã đóng 45 tỷ đồng DVMTR, luôn hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có sự phản hồi thông tin từ các cơ quan chức năng sử dụng đồng tiền đó có hiệu quả không, trồng lại rừng ở lưu vực nào.
Trách nhiệm của chủ rừng trong việc để diện tích đã giao khoán, bảo vệ xảy ra tình trạng phá rừng. Trong khi đó, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang khẳng định, DVMTR là cứu cánh, người dân miền núi từ phá rừng đã chuyển sang tâm thế giữ rừng. Quan điểm nhất quán của ngành nông nghiệp là tiền thu bao nhiêu phải lập tức chi trả bấy nhiêu, tuyệt đối không kéo dài. Việc thu chi như thế nào đều phải công khai, minh bạch.
Tất cả nguồn tiền từ dịch vụ này ai cũng đều nắm hết, dân biết, chính quyền thôn, xã đều phải nắm rõ. “90% từ nguồn thu DVMTR đều phải chi trả trực tiếp cho người dân, chủ rừng. Mọi thông tin về tài chính đều phải công khai” – ông Quang nhấn mạnh. (Báo Quảng Nam 18/8) đầu trang(
Theo thông tin từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), quỹ vừa tiến hành chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 18 tỷ đồng cho các đơn vị giữ rừng trên địa bàn tỉnh.
Đây là số tiền trung ương phân bổ và tỉnh thu được từ các đơn vị có sử dụng dịch vụ rừng trong 3 năm liền (2011-2013). Mục đích của việc thu và trả phí cho các chủ rừng là giúp họ có thêm nguồn kinh phí để đầu tư, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Toàn tỉnh có 10 đơn vị chủ rừng và gần 3.600 hộ tham gia bảo vệ rừng được chi trả phí bảo vệ rừng. Số tiền các đơn vị, hộ gia đình giữ rừng trong tỉnh được chi trả trên 31 ngàn đồng/hécta. (Báo Đồng Nai 18/8) đầu trang(
Cơ quan quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản yêu cầu chi cục Kiểm lâm các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lây lan từ động vật hoang dã, trong đó có dịch bệnh do virus Ebola.
Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc CITES Việt Nam, để tăng cường phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ khác, cơ quan quản lý CITES Việt Nam đề nghị Chi cục Kiểm lâm và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương cử cán bộ tăng cường giám sát hoạt động nhập khẩu và nuôi động vật hoang dã tại địa phương; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi nhập lậu động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, cơ quan CITES Việt Nam cũng yêu cầu chủ các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thường xuyên thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, giám sát dịch bệnh, đặc biệt là các cơ sở có nuôi động vật nhập khẩu từ khu vực Châu Phi.
Các địa phương cần tham mưu cho cấp có thẩm quyền và chủ động phối hợp với cơ quan thú y, các trung tâm y tế địa phương giám sát tình hình dịch bệnh tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã; tiến hành tiêu hủy ngay những động vật hoang dã chết không rõ nguyên nhân.
Mặt khác, các địa phương chỉ đạo sát sao việc thực hiện cách ly, giám sát đối với các cá thể động vật bị ốm, yếu nếu xác định các triệu chứng bệnh truyền nhiễm và kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng.
CITES Việt Nam yêu cầu các đơn vị cơ sở cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, gây nuôi, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã trái phép đồng thời có các biện pháp an toàn cho người khi tiếp xúc với động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trong quá trình thực thi pháp luật và cứu hộ động vật hoang dã. Đặc biệt, các đơn vị cơ sở cần giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu động vật hoang dã, bao gồm động vật hoang dã có nguồn gốc từ Châu Phi.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc CITES Việt Nam cũng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng lập phương án phòng chống lây nhiễm ngay khi phát hiện các bệnh truyền nhiễm bùng phát trên động vật hoang dã gây nuôi tại địa phương. (VietnamPlus 19/8; Nhân Dân 19/8, tr4) đầu trang(
Theo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích trồng rừng của tỉnh được 6.233,6ha, đạt gần 130% kế hoạch năm. Trong đó có 6.072,3ha rừng sản xuất tập trung; 160,3ha rừng phòng hộ, đặc dụng và gần 1,9 triệu cây phân tán các loại.
Diện tích trồng rừng của tỉnh đạt kết quả cao là do công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã phát huy hiệu quả, tạo phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế rộng khắp; công tác chuẩn bị, bảo đảm chất lượng cây giống cũng được quan tâm; triển khai, phân bổ kịp thời nguồn vốn hỗ trợ đến các hộ khó khăn... (Đại Biểu Nhân Dân 19/8, tr7) đầu trang(
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn giống phục vụ công tác trồng rừng nhưng kết thúc vụ trồng rừng năm 2014, huyện Pác Nặm vẫn trồng rừng đạt 95% kế hoạch.
Năm 2014, huyện Pác Nặm có kế hoạch trồng 760 ha rừng, trong đó rừng sản xuất 630 ha, trồng rừng phân tán 100 ha, rừng phòng hộ là 30 ha. Do ảnh hưởng của thời tiết đã khiến gần 20 vạn cây con giống tại vườn ươm Nà Phẩn, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm bị chết.
Trong đó, có 14 vạn cây xoan, lát là hơn 5 vạn cây. Trước tình hình đó, huyện đã phải họp bàn dân và chủ động tìm nguồn giống để bổ sung lượng giống bị thiếu trên địa bàn.
Ban quản lý dự án trồng rừng huyện  phân công cán bộ xuống địa bàn để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ tham gia trồng rừng; Vận động người dân xử lý thực bì, cuốc hố, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh công tác trồng rừng.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nên kết thúc vụ trồng rừng huyện Pác Năm đã trồng được 723 ha/ 760 ha,  đạt 95% kế hoạch. Hiện nay, huyện đang tiếp tục chỉ đạo  các xã vận động bà con tiến hành tra dặm và chăm sóc rừng trồng để đảm bảo tỷ lệ nhiệm thu trồng rừng đạt cao nhất. (Báo Bắc Kạn 16/8) đầu trang(
Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An (huyện Krông Pak) đã liên kết với nông dân trồng rừng, đem lại hiệu quả cao.
Điều đáng nói là việc trồng rừng không chỉ phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, mà còn góp phần không nhỏ trong việc phủ  xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường và phát triển hệ sinh thái bền vững.
Là một trong những đơn vị lâm nghiệp không còn rừng tự nhiên, để tìm hướng đi mới tạo nguồn nguyên liệu cũng như thu nhập lâu dài, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An đã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân các xã trên địa bàn huyện tham gia trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng, chủ yếu là cây keo.
Sau gần 10 năm liên kết trồng rừng với người dân, diện tích đất trống, đồi trọc trên địa bàn đang dần được trải một màu xanh mát. Đây cũng là một cách làm góp phần giải quyết tình trạng nhân dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Để tạo sự đồng thuận và lòng tin của các hộ dân tham gia liên kết trồng rừng, ngoài việc cam kết hỗ trợ nguồn giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, phía Công ty còn chi trả kinh phí hỗ trợ cho người dân theo đúng cam kết là gần 17 triệu đồng/ha trong 4 năm đầu.
Theo đó, trong năm đầu tiên, người dân sẽ được ứng trước 10 triệu đồng, qua năm thứ hai nhận 3 triệu và 2 năm tiếp theo mỗi năm nhận 2 triệu đồng. Từ năm thứ tư trở đi, người dân chỉ tham gia vào việc bảo vệ rừng cùng Công ty, không phải bỏ công chăm sóc như những năm đầu. Đến kỳ thu hoạch, mỗi ha phải nộp lại cho Công ty 70m3 gỗ (đường kính trên 14 cm), số còn lại hộ dân được hưởng.
Là một trong những hộ dân tham gia liên kết trồng rừng với Công ty từ năm 2004, ông Võ Thuấn (thôn 5, xã Tân Tiến) nhận thấy nhiều lợi ích thiết thực của việc trồng rừng đem lại nên trong năm 2014 ông đã đăng ký nhận 5,3 ha đất để trồng cây keo lai.
Ông Thuấn cho biết: “Năm 2005, tôi nhận 4,8 ha đất rừng trồng cây keo, đến cuối năm 2013 sau khi thu hoạch, nộp đủ số gỗ theo quy định cho Công ty và trừ hết các chi phí tôi còn lãi 193 triệu đồng. Ngoài ra, với số tiền hỗ trợ trong năm đầu của Công ty là 10 triệu đồng/ha thì tôi chỉ đầu tư hết 6 triệu vì tận dụng được lao động nhàn rỗi trong gia đình”.
Với năng suất ước đạt khoảng 120 - 140m3gỗ/ha trong thời gian trồng (khoảng 8 năm) thì người dân có thể cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng/ha sau khi trừ hết các chi phí. Thêm vào đó, ngoài khả năng kháng sâu bệnh của keo lai rất tốt, cây còn có ưu điểm là cao thẳng, đồng đều, tỷ lệ gỗ thương phẩm cao.
Chính hiệu quả kinh tế mang lại đã tạo động lực thu hút nhiều hộ dân đăng ký trồng rừng vì ngoài việc bán gỗ cây lớn để làm đồ mỹ nghệ, xây dựng thì những loại gỗ nhỏ có thể bán làm nguyên liệu bột giấy.
Trước đây, việc sản xuất của người dân buôn Ea Dray, xã Hòa Tiến chỉ phụ thuộc vào việc trồng cà phê, lúa nước và cây hoa màu khác nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi tham gia liên kết trồng rừng với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An, không những đời sống nhân dân được cải thiện mà cánh rừng trơ trụi trước kia cũng đang dần được thay thế bằng màu xanh của những hàng keo tươi tốt. Được biết, buôn Ea Dray có 121 hộ thì hiện có 63 hộ nhận trồng và chăm sóc rừng.
Cùng với việc trồng rừng nâng cao hiệu quả kinh tế, nhận thức của người dân cũng được nâng cao trong việc bảo vệ, hạn chế nạn xâm chiếm rừng trái phép. Đồng hành cùng với nhân dân trong quá trình liên kết trồng rừng, phía Công ty sẵn sàng ứng trước tiền cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời trong quá trình trồng và chăm sóc luôn cử cán bộ đến cùng làm, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.
“Nhờ sự đồng thuận và liên kết chặt chẽ của các hộ dân nên kế hoạch trồng rừng năm 2014 (với diện tích 400 ha) đã hoàn thành sớm hơn so với mọi năm. Tính đến thời điểm này, Công ty đã liên kết với trên 500 hộ dân trồng hơn 1.500 ha đất rừng. Ngoài ra, quá trình khai thác gỗ rừng trồng luôn được kiểm tra và thống nhất giữa hai bên nên không xảy ra tình trạng bán keo non hoặc chặt hết một mảng rừng cùng lúc làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; ngược lại luôn được phân chia từng khu vực, thời điểm khai thác hợp lý”, anh Hoàng Thanh Hiền - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An phấn khởi nói.
Có thể nói đây là mô hình không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường; do đó cần được nhân ra trên diện rộng nhằm giảm thiểu tình trạng “nóng” việc lấn chiếm, chặt phá rừng…(Đắc Lắc 24h 16/8) đầu trang(
Theo kế hoạch, năm 2014, xã Bản Phiệt (Bảo Thắng) sẽ giải phóng mặt bằng 217,1 ha đất lâm nghiệp để trồng cây cao su. Trong đó, tổng diện tích các hộ xâm canh là 76,7 ha/98 hộ, đã giải phóng mặt bằng được 58,1 ha/66 hộ.
Hiện, Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai đã phát hoang được 104,6 ha; đánh băng, đào hố được 88,3 ha và trồng được 6,6 ha cây cao su.
Diện tích còn vướng mắc do các hộ xâm canh là 18,6ha/32 hộ. Số diện tích này chưa tiến hành bàn giao cho Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai do nhân dân tái chiếm trồng sắn, cây lâm nghiệp chưa khai thác... Tuy nhiên, người dân đã nhất trí cho Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng mở đường công vụ và sẽ trả lại mặt bằng sau khi thu hoạch xong vụ ngô, sắn này.
Đối với diện tích 294 ha được bàn giao năm 2010, hiện vẫn còn 11,5 ha do người dân các thôn: Nậm Sưu, Nậm Sò, K8 tái lấn chiếm. (Báo Lào Cai 17/8) đầu trang(
Sau khi xem xét Tờ trình số 07/CV-TC ngày 06/8/2014 của Công ty TNHH Thành Công về việc xin chủ trương khảo sát, xây dựng Dự án đầu tư trồng rừng kinh tế gỗ lớn tại tỉnh Lạng Sơn, ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến:
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Bình Gia, Tràng Định xem xét đề nghị của Công ty TNHH Thành Công tại Tờ trình trên, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 9/2014.
Văn phòng UBND tỉnh thông báo để Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan biết, thực hiện. (Văn Phòng UBND Lạng Sơn 16/8) đầu trang(
Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2014, cùng với các địa phương toàn tỉnh, hiện nay huyện Hàm Yên đã và đang khẩn trương đôn đốc các Công ty Lâm nghiệp và các hộ nhân dân trồng rừng tại 18 xã, thị trấn khẩn trương phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng và chăm sóc rừng năm 2014 của huyện Hàm Yên.
Năm 2014 huyện Hàm Yên thực hiện kế hoạch trồng 2.230 ha rừng. Trong đó trồng 2.130 ha rừng tập trung và 100 ha rừng phân tán. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng năm 2014, huyện Hàm Yên đã chỉ đạo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số ngành có liên quan đôn đốc các đơn vị sản xuất và các xã, thị trấn đẩy mạnh việc thực hiện trồng rừng, đến nay toàn huyện đã trồng mới được trên 1.900 ha rừng, đạt trên 87% kế hoạch.
Trong đó: các xã, thị trấn trồng được trên 1.400 ha, các công ty Lâm nghiệp và Ban Quản lý trồng được trên 460 ha. Các đơn vị có tiến độ trồng rừng tốt là Công ty Lâm nghiệp Tân Thành, Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên, các xã Tân Thành, Yên Phú, Đức Ninh, Yên Lâm...
Cùng với đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, huyện Hàm Yêncòn tăng cường chỉ đạo các địa phương chăm sóc diện tích rừng trồng năm 2013 và các năm trước chủ yếu là phát dọn thực bì, đầu tư nguồn phân bón thích hợp giúp cho cây phát triển tốt.
Huyện tiếp tục đẩy mạnh việc thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho một số hộ gia đình ở các xã, thị trấn tạo điều kiện cho các hộ trồng rừng yên tâm gắn bó với đất rừng được giao.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các xã thị trấn, tiếp tục quy hoạch xây dựng vùng trồng rừng nguyên liệu ổn định phục vụ cho các nhà máy chế biến gỗ trong tỉnh và cả nước. (Trang Thông Tin Điện Tử Huyện Hàm Yên 18/8) đầu trang(
Đất lâm nghiệp chiếm tới 73% tổng diện tích tự nhiên; thổ nhưỡng đa dạng, độ ẩm cao; vị trí địa lý đóng vai trò cửa ngõ vùng kinh tế Tây Bắc với đồng bằng Bắc bộ và thủ đô Hà Nội cùng nhiều tuyến đường quan trọng chạy qua…
Đây là những điều kiện thuận lợi cơ bản của Thanh Sơn mà không phải địa phương nào cũng có để phát triển kinh tế đồi rừng. Những năm qua, tiềm năng, thế mạnh này đã được đảng bộ, chính quyền và người dân trong huyện phát huy bằng những đồi cây nguyên liệu, chè, sơn ta, chuối phấn vàng có diện tích, sản lượng cùng lợi nhuận kinh tế ngày càng tăng, được ví như “mỏ vàng” trên núi...
Năm vừa qua, tổng giá trị sản xuất của huyện Thanh Sơn đạt 2.745,1 tỷ đồng, trong đó nhóm ngành nông lâm nghiệp thủy sản đạt gần một nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35% trong cơ cấu kinh tế. Giá trị tỷ trọng tăng đều qua các năm, đạt tốc độ 4,53%. Toàn bộ diện tích đất đồi rừng được quy chủ, phủ xanh trở thành tài sản có giá trị, tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá đóng vai trò quan trọng ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Kinh nghiệm trồng rừng tích lũy, truyền lại qua các thế hệ được kế thừa và nâng lên tầm cao mới với kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại, nhu cầu thị trường đã giúp bà con lựa chọn các giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao.
Chiếm diện tích cao nhất vẫn là cây nguyên liệu. Toàn huyện có 33.760,1 ha rừng sản xuất, trong đó 2 công ty lâm nghiệp đang quản lý 3.409,6 ha. Diện tích còn lại được giao cho các cá nhân, tổ chức bảo vệ sản xuất đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Cùng với thực hiện dự án bảo vệ và phát triển rừng, huyện đã trồng mới được hàng nghìn ha rừng, nâng độ che phủ lên 63% (năm 2013), tăng 7% so với năm 2009. Hàng năm, huyện trồng mới bình quân 1.500ha rừng tập trung, 130 nghìn cây phân tán. Năm qua, sản lượng gỗ khai thác toàn huyện đạt 31.900m3, năng suất trồng rừng đạt 36m3/ha/chu kỳ.
Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đang hình thành và phát triển. Trên địa bàn huyện hiện đã có 38 cơ sở chế biến gỗ. Giá trị sản phẩm chế biến đạt 33 tỷ đồng, các cơ sở chế biến gỗ đã trực tiếp giải quyết nhiều lao động phổ thông địa phương với thu nhập ổn định…
Những năm gần đây, giá cả thị trường ổn định, cây chè trên đất Thanh Sơn được bà con mở rộng diện tích, cải tạo giống mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Diện tích chè toàn huyện hiện đã vượt 2.000 ha, trong đó, diện tích chè của người dân chiếm gần 1.500 ha.
Với năng suất bình quân 115 tạ/ha, sản lượng chè mỗi năm của huyện đã đạt 23.473 tấn. Thụ hưởng các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và chủ động đầu tư, người dân đã dần thay thế 64,7% diện tích các giống chè già cỗi, năng suất kém bằng giống mới: LDP1, LDP2, PH1… có ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng. Sản lượng chè ổn định ở mức cao là nguồn nguyên liệu dồi dào cho 470 cơ sở sản xuất chè xanh, chè đen trên địa bàn huyện với sản lượng chế biến mỗi năm đạt 4.690 tấn.
Giá bình quân 200.000-250.000 đồng/kg nhựa, cây sơn ta đã thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo được nhiều nông dân Thanh Sơn lựa chọn cho đất đồi rừng của gia đình. Toàn huyện hiện có hơn 700 ha sơn ta, trong đó 453,3 ha đang cho khai thác nhựa với sản lượng 163 tấn, tổng giá trị 41.930 triệu đồng. Nhiều địa phương đã tập trung mở rộng diện tích trồng sơn như: Khả Cửu (139,6 ha), Sơn Hùng (90 ha), Võ Miếu (78ha), Đông Cửu (64ha)…
Góp phần phủ xanh đồi núi, chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường sinh thái, chuối phấn vàng còn là đặc sản của vùng, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh với giá bán tại chỗ 5.000-6.000 đồng/kg. Huyện Thanh Sơn hiện có gần 400 ha, năng suất đạt 10 tấn/ha/năm tập trung ở Tân Minh (300ha), Tân Lập (87,7 ha). Nhiều gia đình đã có nguồn thu ổn định khoảng 200 triệu đồng mỗi năm…
Phát triển kinh tế đồi rừng đã được UBND huyện xác định là nhiệm vụ trọng điểm với mục tiêu: Bảo vệ diện tích rừng phòng hộ hiện có, tỉa thưa, trồng bổ sung hoặc làm giàu diện tích rừng trồng bằng cây bản địa tán rộng; khuyến khích phát triển mô hình kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả và lâm sản ngoài gỗ với trồng rừng và khai thác rừng bền vững để tăng thu nhập.
Toàn huyện phấn đấu đến năm 2020 diện tích rừng đạt trên 39.000 ha, nâng độ che phủ rừng lên 64%; giữ vững và mở rộng hợp lý diện tích cây chè, cây sơn, cây chuối phấn vàng. Từ những “mỏ vàng” trên núi, chắc chắn cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện sẽ ngày một trù phú, sung túc…(Báo Phú Thọ 16/8) đầu trang(
Hơn 10 tình nguyện viên đến từ các nước khác nhau trên thế giới đã cùng trồng cây bảo vệ rừng ngập mặn tại huyện Cần Giờ. Hành động này như một thông điệp nhằm nâng cao ý thức bảo về nguồn tài nguyên rừng đang ngày một cạn kiệt.
Dưới cái nắng gay gắt, từng thành viên vẫn miệt mài lắng nghe sự hướng dẫn của nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ về cách dọn mặt bằng, dùng thước ngắm khoảng cách đo đạc giữa vị trí các cây sao cho thẳng hàng, hố trồng như thế nào là hợp lý…
Công việc tưởng chừng như khá đơn giản nhưng thực tế, nếu không chuẩn bị chu đáo, đúng khoa học thì cây trồng sẽ có thể bị chết hoặc không phát triển tốt.
Để vào được vị trí cần trồng cây, nhóm bạn trẻ này phải đem từng cây vượt qua những đoạn sình lầy một cách khá là cực nhọc. Thế nhưng với nhóm bạn trẻ này, đây là một trong những điều khám phá thú vị và rất ý nghĩa.
“Đây là một hoạt động rất ý nghĩa để bảo vệ môi trường. Tôi được biết thế nào là rừng đước, thế nào là rừng ngập mặn. Ngoài ra tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ  văn hóa của Việt Nam”, Masuyama Misa, tình nguyện viên Nhật Bản chia sẻ.
Rừng ngập mặn Cần Giờ hiện có tổng diện tích gần 35.000 héc ta, chiếm 50% diện tích huyện Cần Giờ, đây được xem là lá phổi xanh của thành phố. Rừng ngập mặn Cần Giờ cũng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Với những hoạt động cụ thể của nhóm bạn trẻ nước ngoài đã cho thấy việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng ngập mặn, không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. (Dân Trí 19/8) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Khác với loài rắn Hổ mang chúa kịch độc cắn khiến nạn nhân suy hô hấp, suy tim và liệt cơ mà chết, rắn lục Boomslang lại tiêm chất độc khiến nạn nhân chảy máu nội tạng, phọt máu ra ngoài bất cứ lỗ thông nào của cơ thể như mắt, mũi, chân răng và cả đường tiết niệu dẫn đến tử vong.
Rắn lục Boomslang (có tên khoa học Dispholidus typus) là một loài rắn kịch độc có chiều dài trung bình khoảng 100-160 cm, có con dài tới 183 cm. Loài rắn này có mắt khá lớn, đầu hình quả trứng, con đực có màu xanh lá cây sáng với đầu pha màu xanh và đen, con cái có thể có màu nâu, có các răng nanh dài 3-5 mm và đường kính gần 0,5 mm. Đặc biệt loài rắn này lại có thị giác khá tốt ngang ngửa với người bình thường.
Loài rắn Boomslang chủ yếu ăn các loại động vật lưỡng cư nhỏ như thằn lằn, cóc, thỉnh thoảng ăn một số động vật có vú nhỏ, chim và trứng chim bằng cách nuốt chửng. Những trường hợp người bị Boomslang cắn trước đó được ghi nhận rất ít. Thậm chí vào đầu những năm 1950 người ta vẫn nghĩ rằng loài rắn này là vô hại đối với con người.
Trường hợp đầu tiên được ghi nhận người bị chết do rắn lục Boomslang cắn là Karl P.Schmidt từ vườn thú Lincoln Park Zoo ở Chicago. Ông bị con rắn Boomslang non cắn một vết nhỏ vào ngón tay khi đang kiểm tra vườn thú. Nhưng cái chết của Schmidt thực sự gây sốc bởi cơ chế hoạt động âm thầm của độc tố do loài rắn Boomslang gây ra. Sau khi bị cắn nạn nhân cảm thấy hoàn toàn bình thường nhưng từ sau 24 giờ bị cắn ông bị hôn mê, tổn thương não và chết.
Donovan, một chuyên gia về rắn, người mô tả cái chết của Schmidt do bị rắn Boomslang cắn trên Tạp chí Bò sát (Reptiles Magazine), nói rằng, “cái chết của Schmidt làm thay đổi nhận thức của chúng tôi về Boomslang, và kết quả phân tích cuối cùng về nọc độc của nó được tìm thấy là một loại độc tố, nếu không muốn nói là rất độc, được dẫn qua rất nhiều răng nanh phía trước của nó. Ngày nay, Boomslang được xếp vào hàng một trong những loài rắn độc nhất Châu Phi”.
Đáng chú ý, độc tố của rắn lục Boomslang không chỉ gây ra những triệu chứng bên ngoài như đau đầu, buồn nôn, buồn ngủ, lo lắng bồn chồn mà nó còn gây ra chửng rối loạn đông máu. Nguyên nhân do nọc độc của rắn chứa chất hemotoxin, một hóa chất có thể phá hủy các tế màu đỏ, gây rối loạn đông máu, sụt giảm chức năng nội tạng và thoái hóa mô.
Kinh hoàng hơn, nạn nhân khi bị chất độc phát tác sẽ khiến xuất huyết não và cơ, đồng thời làm cho máu ở bên trong có thể rỉ ra tất cả các lỗ thông trên cơ thể, như nướu răng, mũi, mắt, tai, và thậm chí ngay cả khi nạn nhân vô tình bị một vết thương nhỏ nhất. Không những thế máu cũng sẽ chảy ra ngoài qua phân, nước tiểu, nước bọt, nôn mửa và cứ thế khiến nạn nhân chết.
Rắn lục Boomslang có thể mở rộng miệng tới 170 độ để tấn công vào tay và chân người. Tuy nhiên điều nguy hiểm ở chỗ, chất độc từ vết cắn của nó thường âm thầm phát tác trong một thời gian dài khiến không ít người không biết rõ về loài rắn này chủ quan không cứu chữa kịp thời.
Chỉ sau vài giờ, thậm chí là một ngày, nạn nhân mới bắt đầu thấy có triệu chứng, thậm chí có nạn nhân báo cáo mình nhìn thấy một “đốm vàng” có thể do chảy máu trong mắt gây ra.
Được biết Boomslang là một loài rắn bản địa ở vùng phụ cận Sahara ở Châu Phi. Ngoài khả năng độc tố kinh hoàng, Boomslang cũng được biết đến là loài rắn có khả năng ngụy trang săn mồi điệu nghệ. Nó có thể dựng đứng chẳng khác gì cành cây để mai phục con mồi. (Dân Việt 17/8) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng