Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 18 tháng 08 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Sau khi được UBND tỉnh cho thuê đất rừng, nhiều "nhà đầu tư" đã tìm cách phá rừng lấy đất trồng cao su hoặc rao bán với giá từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng một dự án. Hiệu quả kêu gọi đầu tư chưa thấy nhưng hàng nghìn hécta rừng đã bị xóa sổ.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông vừa bắt tạm giam Hoàng Trọng Hiếu - trú xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM - về tội hủy hoại rừng. Hiếu là Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Linh Đăk Nông.
Theo điều tra ban đầu, năm 2012, Công ty Phương Linh Đăk Nông ký hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín (doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh có chức năng bảo vệ, phát triển và kinh doanh rừng) để thực hiện dự án phát triển rừng, trồng cao su trên đất rừng.
Trong khi dự án chưa được phê duyệt, Hoàng Trọng Hiếu đã thuê DNTN Hùng Lĩnh, Công ty TNHH Đỉnh Nghệ và một cá nhân tiến hành san ủi trái phép hơn 39ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 1507 thuộc huyện Tuy Đức với danh nghĩa... cải tạo rừng tự nhiên.
Cũng trong tuần đầu tháng 8, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an Đăk Nông đã báo cáo UBND tỉnh về một dự án gây thiệt hại gần 400ha rừng tự nhiên. Năm 2006, UBND tỉnh cho Công ty CP Chế biến lâm sản Thăng Long thuê 516ha rừng tại tiểu 1678 thuộc huyện Đăk Song để bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng nguyên liệu.
Nhưng sau khi thuê rừng, ông Bùi Văn Tiêm - Giám đốc Công ty này đã không triển khai dự án, không tổ chức bảo vệ rừng mà chỉ giữ chỗ chờ thời. Do dự án không có hiệu quả, tháng 7.2013, tỉnh ra quyết định thu hồi, giao cho UBND huyện Đăk Song quản lý. Quá trình bàn giao, mới đây cơ quan chức năng phát hiện có 396,6ha rừng bị xóa sổ và bao chiếm trái phép.
Ngoài các dự án không hiệu quả, chủ đầu tư cố ý phá rừng, Công an tỉnh cũng vừa bắt tạm giam hàng loạt giám đốc lừa đảo, rao bán đất rừng.
Năm 2009, DNTN Đại Phát Lộc ký hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín trên diện tích 398ha tại tiểu khu 1525 - xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức - để phát triển rừng và trồng cây công nghiệp.
Do không có năng lực tài chính nên Đại Phát Lộc xin điều chỉnh giảm còn 159ha, đồng thời xin chuyển từ hình thức liên doanh sang thuê đất - tức UBND tỉnh thu hồi đất rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín, cho DNTN Đại Phát Lộc thuê.
Đến năm 2012, khi thủ tục chưa hoàn tất, bà Lương Thị Thắm - Giám đốc DNTN Đại Phát Lộc - đã bán toàn bộ diện tích rừng này cho ông Trần Huy Hoàng - trú huyện Bù Đăng (Bình Phước) với giá 5,5 tỷ đồng.
Cũng từ việc thuê đất rừng của nhà nước, bà Phạm Thị Thu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Bảo Châu - đã bán 200ha đất rừng tại tiểu khu 1537 thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho bà Đỗ Thanh Vân - ở phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM - và một số cá nhân với giá 26 tỷ đồng. Mới nhận được 8,1 tỷ đồng, bà Hiền đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Sau một thời gian bị truy nã ráo riết, mới đây Phạm Thị Thu Hiền đã đến Công an tỉnh Đăk Nông đầu thú. Tại khu vực dự án của 2 đơn vị này, rừng tự nhiên đã bị phá với diện tích lớn do không được quản lý, bảo vệ.
Từ chủ trương kêu gọi đầu tư, chỉ trong vài năm, hàng nghìn hécta rừng ở Đăk Nông đã bị "cạo trọc" không thương tiếc, bị các DN và cá nhân mua bán lòng vòng.
Ông Đỗ Ngọc Duyên - Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Nông - thừa nhận, mục đích của nhiều DN là lấy đất trồng cao su chứ không phải bảo vệ rừng, một số DN không có năng lực tài chính nên chưa xong thủ tục đã bán lại kiếm lời. Đây là hạn chế lớn làm giảm hiệu quả kêu gọi đầu tư, làm mất rừng, mất đất với diện tích lớn. (Nông Thôn Ngày Nay 18/8, tr7) đầu trang(
Bình nguyên Ea Súp là vùng khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất tỉnh Đắc Lắc. Trong những năm cây caosu "làm vua", với mong muốn phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất này, lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc đã quy hoạch chuyển đổi hàng nghìn hécta rừng khộp sang trồng caosu.
Kết quả không như mong đợi. Mất hệ sinh thái, mà hiệu quả cây caosu mang lại thì không là bao; thậm chí còn để lại hệ lụy về mặt xã hội. Cho đến nay về mặt khoa học lẫn thực tiễn, chưa có đánh giá nào về khả năng thích nghi của cây caosu trên đất rừng khộp.
Ngày 3.11.2009, UBND tỉnh Đắc Lắc ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển cây caosu giai đoạn 2009 - 2020, trong đó chuyển đổi gần 8.000ha rừng khộp thuộc huyện Ea Súp và huyện Buôn Đôn sang trồng cây caosu. Theo quy hoạch, đến năm 2015, hai huyện chỉ trồng thí điểm 1.759ha caosu để đánh giá khả năng thích nghi, từ 2016 mới chuyển đổi diện tích còn lại. Nhưng quy hoạch này đã nhanh chóng bị mất kiểm soát, dẫn đến mất rừng tràn lan.
Ông Phạm Văn Thước - Chủ tịch UBND xã Cư M'lan, huyện Ea Súp - cho biết: "Phong trào trồng caosu ở địa phương manh nha từ năm 2008, khi một số DN về khảo sát lập dự án, xin thuê đất rừng. Đến nay, toàn xã có hơn 900ha caosu, gấp đôi diện tích quy hoạch đến năm 2015 theo quyết định của tỉnh. Vừa rồi caosu rớt giá, nhiều hộ đã ngừng đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng sinh trưởng của vườn cây".
Theo kế hoạch đến hết năm 2015, toàn huyện Ea Súp sẽ trồng mới 1.259ha caosu, nhưng đến thời điểm này diện tích đã lên tới 3.526ha, gần bằng 300%. Diện tích caosu ngoài quy hoạch rất lớn tại các xã Ia J'lơi, Cư M'lan, Ea Rốk, đặc biệt các xã Ia R'vê và Cư K'bang không quy hoạch trồng caosu nhưng vẫn có đến 413ha.
Tính đến thời điểm này, 12 DN được UBND tỉnh cho thuê đất tại huyện Ea Súp đã trồng được 1.266ha caosu - theo yêu cầu mỗi dự án chỉ được trồng thí điểm 100ha, trừ Cty TNHH Gia Huy được trồng toàn bộ diện tích đã quy hoạch.
Các đơn vị còn lại bất chấp khuyến cáo, ồ ạt mở rộng diện tích, sử dụng đất sai mục đích. Trong đó, Cty 27/7 khai hoang gần 40ha rừng để trồng caosu, trồng điều khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép; Cty TNHH Hoàn Vũ và Cty CP địa ốc Thái Bình Phát trồng 240ha caosu hỗn giao với... cây rừng; 2 đơn vị của Binh đoàn 16 cũng trồng 276ha caosu không cần quy hoạch.
Cá biệt, có Cty TNHH Đức An mua gom 450ha đất của dân để trồng caosu bất chấp các quy định của Luật Đất đai. Với hơn 3.500ha caosu đã trồng, UBND huyện Ea Súp cũng thừa nhận, phần lớn diện tích này thuộc loại S3 - thích nghi rất thấp với cây caosu.
Tại huyện Buôn Đôn, đến hết năm 2013 đã có hơn 920ha caosu, bằng diện tích quy hoạch đến năm 2020. Ông Dương Văn Xanh - Phó Chủ tịch UBND huyện - cho biết, caosu vượt quy hoạch thí điểm, không kiểm soát nổi là do người dân thấy DN trồng được là ồ ạt trồng theo.
Năm 2008, UBND tỉnh thu hồi hơn 9.000ha rừng nghèo của các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, lập tức có 11 DN lập dự án xin chuyển đổi trồng caosu, đẩy phong trào lên đỉnh điểm. Cũng may đất rừng bị dân xâm canh, nhiều DN không có năng lực tài chính nên rút dần, chỉ còn 2 DN theo đuổi.
Còn lãnh đạo huyện Ea Súp cho rằng, ngay sau khi có chương trình thí điểm caosu của tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo các xã khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích caosu tiểu điền khi chưa có đánh giá về mức độ thích nghi.
Nhưng việc giám sát tại các tổ chức, DN và hộ gia đình thì không làm được, nên diện tích caosu trồng mới hằng năm luôn vượt xa kế hoạch. Tuy nhiên, UBND huyện cũng cho rằng, không thể quản lý quy hoạch nếu chỉ khuyến cáo mà không có chính sách khuyến khích, chế tài xử lý vi phạm. Đó là chưa kể, quy hoạch phát triển caosu của tỉnh chỉ cụ thể trên bản đồ, còn mốc giới thực địa không rõ ràng. (Lao Động 18/8, tr3) đầu trang(
Do diễn biến bất lợi của thời tiết nắng nóng kéo dài, khoảng nửa tháng nay, gần 100ha rừng thông của bà con xã viên Hợp tác xã An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phải ngừng khai thác nhựa do dịch sâu róm bùng phát và phá hoại.
Hợp tác xã phải huy động nhân lực với hàng trăm ngày công để tập trung cho việc dập dịch sâu róm.
Hầu hết diện tích thông ở đây đều bị sâu róm ăn trụi lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây; trong đó nhiều diện tích có nguy cơ bị chết do bị sâu róm phá hoại và nắng hạn kéo dài.
Không chỉ riêng diện tích rừng thông của bà con bị sâu róm phá hoại. Hiện nay, có đến 900ha trong số hơn 1.000ha rừng thông của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đường 9 trên địa bàn huyện Cam Lộ cũng bị sâu róm phá hoại; trong đó bị nặng khoảng 500ha, mật độ sâu róm từ 200-300 con/cây.
Trước tình hình dịch sâu róm bùng phát và gây hại trên diện rộng, các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương, bà con nhân dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ. Tuy nhiên do cây thông quá cao, việc phun thuốc phòng trừ gặp rất nhiều khó khăn nên các đơn vị chủ yếu dập dịch bằng biện pháp thủ công để bảo vệ diện tích thông của mình. Mỗi ngày có hàng trăm bà con xã viên vào rừng để bắt sâu nhưng số lượng thu gom được rất ít.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ nhiệm Hợp tác xã An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ cho biết dịch sâu róm gây hại cho rừng thông trên địa bàn huyện Cam Lộ trong thời gian qua quá nhiều, chưa có cách nào để xử lý triệt để. Trước mắt, hợp tác xã chỉ lên phương án bắt sâu theo phương thức thủ công. Thời gian tới hợp tác xã sẽ tổ chức bẫy bướm bằng đèn vào ban đêm, thời gian khoảng 7-10 ngày. Hợp tác xã sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để động viên bà con dập dịch.
Ngoài việc cải tạo môi sinh môi trường, hiện nay, thông là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao từ việc khai thác nhựa, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động trên địa bàn huyện Cam Lộ. Vì vậy, việc chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch sâu róm không những đảm bảo cho diện tích rừng thông phát triển ổn định, mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định và lâu dài cho người dân. (VetnamPlus 16/8; Nông Nghiệp Việt Nam 18/8, tr2) đầu trang(
Chiều 17.8, ông Nguyễn Đức Hiếu – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa, cho biết, kiểm tra ban đầu, ngọn lửa đã thiêu rụi hơn 2ha rừng.
Vào khoảng 11 giờ ngày 17.8, ngọn lửa bất ngờ bùng phát cháy dữ dội ở khu vực rừng dốc Ông Nao, thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa.
Nhận được tin báo cháy của người dân, Hạt kiểm lâm TP Tuy Hòa đã huy động lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời có mặt tại hiện trường để chữa cháy.
Đến 15 giờ cùng ngày, nhờ thực hiện nhanh các đường băng cản lửa và dùng các phương tiện dập lửa nên lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy lan nhanh. Ông Nguyễn Đức Hiếu cho biết, kiểm tra ban đầu, ngọn lửa đã thiêu rụi hơn 2ha rừng, chủ yếu là cây thực bì.
Hiện cơ quan chức năng TP Tuy Hòa đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra cháy để xử lý theo quy định pháp luật.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Phú Yên đã xảy ra hàng loạt vụ cháy gây thiệt hại hơn 250ha rừng. (Lao Động 17/8; Tuổi Trẻ 18/8, tr2) đầu trang(
Tình trạng khai thác đất, xẻ núi, phá rừng tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) diễn ra ngày càng ồ ạt giữa thanh thiên bạch nhật theo kiểu “tận diệt".
Người dân xã Cẩm Hưng bức xúc phản ánh đến Báo Giáo dục Việt Nam về nạn khai thác đất nông nghiệp, đất rừng, thậm chí phá rừng để đào xới lấy đất của hai Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hưng Thành Đạt và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đông Á hoành hành tại tiểu khu 312 thuộc núi Choác.
Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm qua nhưng không thấy chính quyền địa phương đả động gì đến việc xử lý sai phạm. Không những xẻ núi lấy đất, hai doanh nghiệp này còn cho xe múc vào đào bới phá khu nghĩa địa nơi đây.
Tới tiểu khu 312, PV không khỏi giật mình chứng kiến hàng chục chiếc xe tải tấp nập ra vào. Hệ quả là toàn bộ cây xanh trên núi Choác đã được “giải phóng” và người ta đang từng ngày, từng giờ “xẻ thịt” vùng núi này. Những chuyến xe chuyên chở đất, nối đuôi nhau lên xuống núi.
Theo quan sát của PV, chừng 5- 10 phút lại có một chiếc xe xuất bến, thùng xe chứa đầy đất nhưng không phủ bạt theo quy định nên khiến đất đá vương vãi khắp nơi, bụi bay mù mịt. Mỗi khi người đi đường ngang qua là phải chịu cảnh chìm trong bụi đất. Điều đặc biệt nghiêm trọng là mỏ đất này nằm ngay tại nghĩa địa của các thôn lân cận, việc khai thác đất ở đây đã làm cả khu vực nghĩa địa chìm trong làn khói bụi nhờ nhờ không dứt…
Anh Đặng Văn H., một người dân sống ở khu vực này bức xúc: “Không biết các cơ quan chức năng cấp phép cho họ hoạt động như thế nào, nhưng các xe chuyên chở hoạt động suốt cả ngày, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ngày nắng khói, bụi mù mịt, ngày mưa đường sá lầy lội, trơn trượt. Tình trạng này kéo dài khiến người dân sinh sống cạnh đường chỉ còn nước đi sơ tán vì không thể chịu nổi tiếng gầm rú của máy móc cùng với khói, bụi cuốn lên mù mịt.
Từ khi mỏ đất này hoạt động, con đường vào thôn đã bị băm nát, đi lại rất khó khăn, nguồn nước thì không sử dụng được, người dân đành phải mua nước ngọt về sử dụng”. Anh H. cho biết thêm: “Nếu chính quyền không ngăn chặn kịp thời thì mùa mưa bão sắp đến, nguy cơ sụt lở rất cao, nếu tình huống đó xảy ra thì khu vực nghĩa địa ở phía dưới chắc chắn sẽ bị xóa sổ”.
Thấy vẻ mặt của một lão nông đứng bên cạnh anh H. khắc khổ nhìn trân trân khu nghĩa địa như muốn nói điều gì, PV chào cụ rồi hỏi thăm: “Bác đi thăm, thắp hương cho ai ở khu nghĩa địa này à?”. Ông cụ thở dài đánh thượt rồi chỉ tay về ngôi mộ mới xây mà bị phá nát: “Mấy chú thấy đấy, đây là hậu quả của việc các doanh nghiệp khai thác đất bừa bãi, khiến đất, đá ở trên đồi núi đổ xuống làm khu vực này như bãi chiến trường. Con tôi không may mất vì tai nạn khi còn trẻ, nó chết đã oan ức, vậy mà khi xuống suối vàng mà cũng không yên. Nằm ở dưới, mà ở trên đá rơi xuống ùn ùn. Mấy bữa nay tôi ngủ nó về cứ báo mộng hoài… Nơi này không còn yên bình như xưa nữa rồi”.
PV thắc mắc hỏi: “Sao các bác không phản ánh lên chính quyền?”, thì ông lão này cắt ngang lời: “Nói như mấy chú ai nói không được. Chúng tôi có nói rồi nhưng không thấy họ hỏi han gì. Khi tiếp xúc cử tri, dân ở đây cũng nói hoài nhưng mấy ổng im thin thít… Chán lắm mấy chú ơi!”
Anh H. nói thêm: “Máy nổ, xe chạy suốt ngày đêm. Nếu cứ khai thác theo đà này thì một ngày không xa những cánh rừng, nghĩa địa này sẽ bị “xóa sổ” mất thôi!”.
Từ xa, khu vực núi Choác như bị “chặt” ra làm đôi, các doanh nghiệp chia nhau mạnh ai nấy làm. Những chiếc xe ben nghênh ngang ầm ầm ra vào trên địa bàn nhưng không thấy một trở ngại nào từ cơ quan chức năng xã Cẩm Hưng cũng như huyện Cẩm Xuyên.
Nghe tiếng nói chuyện rôm rả phát ra từ khu vực trên, anh L bảo: “Đó là “quân” của mấy doanh nghiệp nói trên đó, tụi nó chả sợ ai đâu? Vì chính quyền địa phương ở đây chẳng thấy ai kiểm tra, dòm ngó gì cả nên bọn nó tha hồ mà tung hoành nơi này. Cuối cùng chỉ có dân khổ thôi!”.
Được biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang khai thác đất san lấp cho 2 doanh nghiệp. Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Hưng Thành Đạt được cấp phép khai thác 3 ha đất tại khoảnh 1 tiểu khu 312 (Số 2336/QD-UBND, ngày 15-7-2011); Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đông Á được cấp phép khai thác 4 ha cũng tại khoảnh số 1 thuộc tiểu khu 312 (Số 1137/GP-UBND, ngày 26-4-2010).
Theo quy định thì thời hạn Giấy phép khai thác đất do UBND tỉnh cấp cho hai doanh nghiệp này thì đã hết thời hạn. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, cả hai doanh nghiệp kể trên, vẫn ung dung khai thác mà không hềgặp một trở ngại nào từ chính quyền địa phương
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng cho biết: “Mặc dù giấy phép khai thác đã hết thời hạn, đang trong giai đoạn đề nghị gia hạn nhưng hai doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên khai thác như vậy là hoàn toàn sai quy định. UBND xã cũng đã nhiều lần phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện kiểm tra, xử lý việc khai thác đất trái phép của các doanh nghiệp này. Nhưng tình trạng doanh nghiệp đồng thời vừa khai thác, vừa chạy giấy tờ vẫn cứ diễn ra, bất chấp sự có mặt của chính quyền địa phương”.
Theo quyết định của UBND tỉnh, tại khu vực này giấy phép hết hạn khai thác đất, nhưng tình rạng này vẫn diễn ra một cách công khai. Thực tế là đến thời điểm này vẫn không có một cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nào vào cuộc để ngăn chặn.
Chính vì vậy, nhiều người dân ở đây có quyền đặt dấu hỏi: “Phải chăng việc các doanh nghiệp trên tự tung tự tác trong thời gian dài có thể là do đã “ăn chia” với một số vị “tai to mặt lớn” nên họ mới ngày càng trở nên lì lợm, tác oai tác quái hơn?”
Với những gì đã và đang diễn ra ở đây, đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc làm rõ, trả lại sự yên bình cho người dân xã Cẩm Hưng cũng như bảo vệ tài nguyên môi trường, ổn định sản xuất, đời sống của người dân địa phương. (Giáo Dục VN 18/8) đầu trang(
Thông tin từ Phòng CSGT Công an Thanh Hóa hôm qua cho biết vào khoảng 22 giờ 40 ngày 16.8, tại Km 382, trên tuyến QL1A, thuộc địa phận xã Trường Lâm (H.Tĩnh Gia), lực lượng CSGT đã dừng ô tô mang BKS 37A-114.00 để kiểm tra hành chính do xe này vi phạm an toàn giao thông.
Lực lượng CSGT phát hiện trên xe có một bao tải đựng 45 kg vảy tê tê. Trên xe còn có một khoang ngầm tự chế, bên trong chứa thêm 130 kg vảy tê tê.
Tài xế Nguyễn Văn Sơn (36 tuổi, ngụ tại xã Diễn Hồng, H.Diễn Châu, Nghệ An) không xuất trình được bất cứ giấy tờ liên quan đến số lượng vảy tê tê này. (Thanh Niên 18/8, tr2; Tuổi Trẻ 18/8, tr2; Nông Nghiệp Việt Nam 18/8, tr2) đầu trang(
15.8, ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 52 vụ cháy, gây thiệt hại 378,02 ha rừng.
Trong đó, địa bàn huyện Tuy Phước - Quy Nhơn xảy ra 17 vụ cháy thực bì dưới tán rừng phi lao, bạch đàn, diện tích thiệt hại 100,4 ha; huyện Tây Sơn xảy ra 10 vụ cháy thiệt hại 58,84 ha; Hoài Nhơn 4 vụ, diện tích thiệt hại 20,38 ha; Phù Cát xảy ra 11 vụ cháy, diện tích thiệt hại 118,15 ha; Vân Canh xảy ra 5 vụ, thiệt hại gần 68 ha…
Đặc biệt, từ ngày 1.8 đến 15.8, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy rừng trồng, gây thiệt hại 191,77 ha. Trong đó, một số vụ cháy lớn như vụ cháy núi rừng trồng tại núi Bà Hỏa vào ngày 9.8 gây thiệt hại 57,8 ha; cháy lớn ở vùng núi Bà ở thôn Phú Dõng và thôn Phú Long, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) vào ngày 8.8 gây thiệt hại 36 ha rừng trồng cây keo và bạch đàn chưa khai thác của người dân địa phương; cháy ở xã Canh Vinh (Vân Canh) vào ngày 9.8 cũng làm 24 ha rừng trồng bị thiêu rụi…
Đến nay, mới chỉ xác định nguyên nhân gây cháy 8 vụ, chủ yếu do người dân xử lý thực bì trước khi trồng rừng gây cháy lan; sử dụng lửa không đúng quy định trong việc đốt tổ ong, đốt vàng mã trong rừng.
Đáng chú ý, hầu hết các vụ cháy rừng đều không tìm ra thủ phạm; biện pháp xử lý chỉ dừng lại ở mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước dân, chưa có vụ nào xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, hơn 1.600 ha rừng trồng bị chết khô do nắng nóng kéo dài..
Để ngăn ngừa các vụ cháy rừng, ngành Kiểm lâm đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ rừng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra. (Báo Bình Định 15/8) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra hơn 600 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó có 22 vụ phá rừng trái phép (tăng 9 vụ), 39 vụ khai thác rừng trái phép, 520 vụ mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái pháp luật cùng nhiều hình thức vi phạm khác.
Các cơ quan chức năng của tỉnh đã kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm hành chính gần 530 vụ, khởi tố hình sự 18 vụ. Qua đó, thu giữ hơn 420m3 gỗ tròn, hơn 800 m3 gỗ xẻ và tịch thu gần 100 phương tiện các loại liên quan đến việc vận chuyển gỗ, nộp ngân sách Nhà nước gần 11 tỷ đồng.
Theo các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai, nguyên nhân chính gia tăng tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng là do dân số tăng nhanh, dân di cư tự do lớn dẫn đến nhu cầu về đất sản xuất nông nghiệp tăng mạnh.
Cùng với đó, nhu cầu về gỗ phục vụ đời sống hàng ngày của nhân dân cũng tăng theo trong khi các nguồn vật liệu thay thế khác không đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. (Đại Biểu Nhân Dân 16/8; Tin Tức 18/8, tr13) đầu trang(
Hàng trăm ha rừng cùng muôn loài muông thú ở khu vực Khe Môn (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) được bảo vệ gần như nguyên vẹn chính nhờ công một con rắn khổng lồ đang cư ngụ ở đây.
Câu chuyện đồn thổi của những người từng gặp rắn khổng lồ đã làm cho nhiều lâm tặc và thợ săn không dám bén mảng đến khu vực này… Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ nổi tiếng với hệ thống hang động đẹp lung linh kỳ ảo ẩn mình trong những dãy núi đá vôi trùng điệp.
Ông Hoàng Văn Nhuận (74 tuổi) vốn là một thợ săn nổi tiếng ở xã Sơn Trạch (Bố Trạch) dẫn PV vào bìa rừng khu vực Khe Môn, nằm ở km 4 của đường 20 Quyết Thắng. Ông Nhuận chỉ dẫn PV đến bìa rừng thôi và dù PV thuyết phục thế nào ông cũng nhất quyết không đưa PV vào sâu hơn. Theo quan sát của PV dù nằm cạnh khu dân cư, nhưng Khe Môn là một khu rừng nguyên sinh, với những thân cây to đến vài người ôm không xuể. Rừng cây ken dày nối dài tít tắp.
Theo lời ông Nhuận, rừng Khe Môn là  nơi cư ngụ của nhiều loài thú quý hiếm như khỉ, voọc, sơn dương… và đặc biệt là rắn. Khe Môn là vương quốc của rắn.
Rắn  ở đây nhiều dữ lắm, rắn trú trong các hốc đá, rắn đánh đu trên thân cây, rắn trườn xào xạc trên cành lá hoai mục, rắn bò lúc nhúc ven triền con suối. Ông Nhuận và  nhiều người dân cho biết, ở Khe Môn họ thường xuyên gặp những con rắn hổ mang bành, rắn hổ chúa to như cột nhà nhỏ, dài 6 -7m.
“Bản thân ông đã từng gặp một con rắn khổng lồ to như cột nhà cái, dài hơn 10m xuất hiện ở rừng Khe Môn” – ông Nhuận khẳng định và kể: “Cách đây hơn chục năm, một lần vào rừng Khe Môn đặt bẫy, khát nước tôi tìm xuống khe để uống. Đang giữa mùa hè, nước Khe Môn hầu như bị cạn hết. Tui tìm mãi mới thấy một vũng nước bèn đi đến thì thấy một đống gì đen sì nằm trong vũng nước.
Tưởng là một hòn đá đen, tôi lại gần hơn thì mới điếng người, đó là một con rắn khổng lồ đang cuộn tròn trằm mình trong vũng nước, đầu kề sát lên vách đá. Tôi cố giữ im lặng không để gây tiếng động nhưng người cứ run bần bật. Sợ động, tôi lặng lẽ rút khỏi khu rừng và đã hàng chục năm nay tôi không bén mảng đến đó lần nào nữa”.
Đó cũng là nguyên nhân vì sao ông Nhuận không dám dẫn PV đi sâu thêm vào rừng Khe Môn. Không may mắn như ông Nhuận, bà Nguyễn Thị Tính, trú thôn Phong Nha, một người chuyên đi rừng tìm phế liệu đồ sắt đã bị rắn khổng lồ đuổi, về  ốm nằm mất gần 1 tháng. Bây giờ nhắc lại câu chuyện, bà Tính vẫn không khỏi rùng mình.
Hỏi kỹ người dân ở xã Sơn Trạch thì có nhiều người khẳng định đã từng gặp con rắn khổng lồ này. Họ đều khẳng định đây là rắn chứ không phải là trăn vì trăn rất hiền không khi nào đuổi người cả. Nhưng đó là loài rắn gì thì mỗi người nói khác nhau, người thì cho là rắn hổ đất, người thì cho là rắn hổ mang, rắn hổ chúa... nhưng sau đó lại nói rắn không thể to như thế được!?
Đem câu chuyện về con rắn khổng lồ hỏi anh Phan Hồng Thái, một cán bộ kiểm lâm lâu năm làm việc ở Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng, anh Thái cho biết, bản thân anh cũng đã từng gặp con rắn khổng lồ ấy. Những năm 1997 - 1998, khi đó anh Thái đang làm Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 4, đóng ở bìa rừng Khe Môn. Những trưa hè để cải thiện bữa ăn cho anh em, anh Thái xuống suối thả lưới bắt cá thường gặp con rắn này. Theo anh Thái quan sát được thì đó là một con rắn hổ chúa và nó đã có mặt ở rừng Khe Môn hàng chục năm nay.
Ông Nguyễn Văn Biên, một nông dân sống ở thôn Phong Nha còn kể: “Gần Khe Môn gia đình ông có canh tác được một ít diện tích lúa. Có vụ lúa vừa xong, sáng hôm sau ra xem thì thấy như có khúc gỗ to vừa kéo qua ruộng lúa, chính là con rắn đó bò qua”. Tuy nhiên, từ trước đến nay cũng chưa ghi nhận có trường hợp nào bị rắn khổng lồ cắn chết hoặc bị rắn tấn công…
Tuy vậy, với sự ngự trị của con rắn khổng lồ này, rừng Khe Môn gần như được bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Văn Bình, một thợ săn lão luyện ở Sơn Trạch nuôi được 1 con chó săn rất giỏi. Khi nghe nhiều người kể chuyện về con rắn, ông Bình không tin lắm.
Cuối mùa hè năm ngoái, ông Bình quyết định đưa chó săn vào khu vực Khe Môn để hy vọng gặp được con rắn khổng lồ. Gần hết ngày mà không có động tĩnh, ông Bình chán nản định quay về thì nghe tiếng con chó săn sủa vang phía dưới khe. Ông Bình xách đồ nghề chạy xuống.
Một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra làm ông như không còn tin vào mắt mình: Con “mãng xà” đang ngậm ½ con chó săn của ông. Con chó chỉ còn lại 2 chân trước và cái đầu vẫn cố vùng vẫy, bất ngờ con rắn quẫy đuôi phình đầu nuốt gọn cả con chó. Ông Bình chạy thục mạng về nhà. Và từ đó ông Bình bỏ luôn nghề săn.
Một thợ săn nổi tiếng khác ở Hưng Trạch (cách đó không xa) khi nghe tin rừng Khe Môn có nhiều thú rừng cũng tính chuyện vác súng vào săn trộm.  Thế nhưng, cái lần mà người thợ săn khét tiếng đó vào rừng Khe Môn trở về, không biết có săn được con thú nào không nhưng tâm trí ông trở nên điên loạn. Miệng lúc nào cũng lẩm bẩm chỉ một từ “rắn”. Một thời gian ngắn sau thì qua đời…
Nhiều thợ săn khác ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng đã lên “phương án” chuẩn bị súng săn, rà điện…định vào rừng Khe Môn để diệt con rắn khổng lồ nhưng sau đó bị những người cao tuổi nơi đây ngăn lại nên họ cũng từ bỏ ý định.
Còn các chiến sĩ kiểm lâm ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thì cho rằng, con rắn khổng lồ như một “chiến sĩ kiểm lâm” thực thụ. “Với diện tích rộng, lực lượng mỏng, một vài nơi ở Phong Nha - Kẻ Bàng còn bị kẻ xấu phá hoạt rừng, săn bắt thú quý hiếm chứ ở Khe Môn thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì đã có chiến sĩ kiểm lâm rắn” – một cán bộ kiểm lâm nói. (Dân Việt 16/8) đầu trang(
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh Đề án với mục tiêu nâng cao năng lực của lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm bảo vệ rừng hiệu quả, an toàn hơn theo hướng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Văn phòng UBND thành phố vừa đưa ra thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thành phố Hà Nội”, “Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đến năm 2020”.
Hiện nay Hà Nội có diện tích rừng và đất lâm nghiệp không lớn, chiếm khoảng 7,3% diện tích đất tự nhiên toàn thành phố nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái bền vững và phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Trong những năm gần đây việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy, việc xây dựng đề án là việc làm rất cần thiết và cấp bách theo.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh nội dung đề án; thời gian thực hiện đề án từ nay đến năm 2020. Với mục tiêu là nâng cao năng lực của lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm bảo vệ rừng hiệu quả, an toàn hơn theo hướng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy rừng và tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đối với “Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà nội đến năm 2020”, theo Chủ tịch UBND thành phố, khu rừng đặc dụng Hương Sơn là di sản văn hóa cấp quốc gia.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh nội dung Quy hoạch theo hướng: làm rõ về cơ sở pháp lý, sự cần thiết phải đầu tư khu rừng đặc dụng Hương Sơn, nhằm phát huy hiệu quả về giá trị và tiềm năng, lợi thế của rừng.
Với mục tiêu là bảo tồn, mở rộng và từng bước đầu tư phát triển khu rừng đặc dụng này. Trong đó ưu tiên xây dựng Dự án đầu tư: Bảo tồn, mở rộng (cả mặt nước) khu rừng đặc dụng Hương Sơn, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế khu di tích văn hóa cấp quốc gia.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã giao Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung Đề án và Quy hoạch, trình UBND TP phê duyệt theo đúng quy định. (Chính Phủ 15/8) đầu trang(
15/8, Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị bồi dưỡng phòng cháy, chữa cháy rừng huyện Sơn Động năm 2014.
Tới dự có ông Trần Công Thắng - Bí thư Huyện ủy, Nguyễn Quang Ngạn – Chủ tịch UBND huyện, Đại tá Hoàng Công Mừng - Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng các lãnh đạo Thường trực HĐND - UBND, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể huyện và 3 xã tham gia diễn tập năm 2014.
Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe Đại tá Hoàng Công Mừng - Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thông qua quyết định thành lập các ban chỉ đạo, ban tổ chức và bồi dưỡng nội dung tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng huyện Sơn Động năm 2014.
Với mục đích, yêu cầu là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các chủ rừng, các tầng lớp nhân dân dân và năng lực tổ chức, huy động lực lượng phương pháp chỉ huy, các biện pháp kỹ thuật, khả năng phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Trang bị cho cán bộ, nhân dân địa phương những kiến thức cơ bản trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Từng bước hoàn thiện về khả năng và biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, kịp thời cứu chữa, dập tắt các vụ cháy rừng nhanh nhất, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém tồn tại nâng cao khả nang về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn và hoàn chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập của huyện.
Theo kế hoạch, thời gian diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2014 tại huyện Sơn Động diễn ra trong ngày 19/9, tại cánh rừng thuộc Thôn Đặng, xã Vĩnh Khương. (Trang Thông Tin Điện Tử Huyện Sơn Động 15/8) đầu trang(
Đàn voi ở Tây nguyên đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng như diện tích rừng bị thu hẹp, các hoạt động của con người phá hủy sinh cảnh sống của chúng. Chúng bị giết để lấy ngà hoặc bị tấn công để lấy lông đuôi...
Bảo vệ loài voi không chỉ với tư cách là một loài thú quý hiếm, mà còn là một sinh vật đẹp đẽ, thông minh và chung thủy.
Sự biến mất của những con voi ở Tây nguyên sẽ đồng nghĩa với việc một phần của văn hóa Tây nguyên không còn.
Đó là câu chuyện của hai tập phim tài liệu Cuộc xung đột giữa người và voi do đạo diễn Trần Uy thực hiện, phát sóng trong chương trình Những mảnh ghép cuộc sống, lúc 22g45 ngày 17 và 24-8 trên kênh VTV2. (Tuổi Trẻ 17/8) đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng nâng nguy cơ cháy rừng lên mức nguy hiểm cấp báo động 4 do nắng nóng kéo dài, yêu cầu các đơn vị và địa phương giám sát người ra vào rừng, nghiêm cấm đốt sử lý thực bì trong mọi trường hợp, kể cả du khách sử dụng nguồn lửa ở khu du lịch sinh thái. (Thanh Niên 16/8, tr2) đầu trang(
Chiều 15.8, Công an và Viện KSND huyện Ea Súp đã hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ để điều tra vụ vận chuyển gỗ trái phép, hành hung cán bộ bảo vệ rừng, cướp và hủy hoại tài sản.
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 15.8, một tổ công tác gồm 9 cán bộ bảo vệ rừng của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh, 2 công an viên và 2 cán bộ Ban chỉ huy Quân sự xã Cư Kbang phối hợp tuần tra tại tiểu khu 215 thuộc xã Cư K'bang. Phát hiện một đoàn xe máy cày độ chế chở gỗ lậu đi về phía huyện Ea H'leo, nhưng do lực lượng mỏng nên tổ công tác chỉ bắt được 2 xe. Tuy nhiên, các đối tượng trên 2 xe này đã bỏ đi.
Khi tổ công tác đưa tang vật về đến khu vực suối Ea Khal thì bất ngờ có khoảng 70 đối tượng đi trên 25 - 30 xe gắn máy ập tới hò hét rồi dùng dao, gậy tấn công. Các thành viên tổ công tác buộc phải rút chạy, riêng anh Phạm Văn Hiển - cán bộ bảo vệ rừng của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh - bị đánh bất tỉnh.
Ngoài ra, nhóm lâm tặc còn đập nát 5 xe máy, cướp 2 điện thoại di động của các thành viên trong tổ công tác. Cho đến khi cả nhóm rút đi, tổ công tác mới quay lại đưa anh Hiển đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắc Lắc cấp cứu.
Ông Nguyễn Trọng Hải - Phó giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh - cho biết, khi thấy nhiều lâm tặc manh động, tổ công tác đã gọi điện cho công an các xã lân cận đề nghị cử lực lượng hỗ trợ, nhưng do quá xa nên không kịp ứng cứu.
Thông tin từ tổ công tác báo về cho biết, các đối tượng trên ở thôn Tùng Thang, xã Ea Ral, huyện Ea H'leo. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Ea Súp tiếp tục điều tra, làm rõ. (Người Lao Động 16/8) đầu trang(
15-8, Đồn BP Thông Thụ, BĐBP Nghệ An cho biết: tại khu vực giáp ranh giữa xã Thông Thụ và Đồng Văn, huyện Quế Phong, lực lượng tuần tra của đơn vị phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huyện Quế Phong phát hiện, bắt giữ ô tô và đối tượng vận chuyển gỗ trái phép.
Chiếc xe ô tô bị bắt giữ nói trên mang biển kiểm soát 30L -1664 do Nguyễn Đức Tảo, SN 1970, trú tại bản Mường Hin, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong làm chủ có hành vi vận chuyển 9 thanh gỗ sến không có giấy tờ.
Đồn đã phối hợp lập biên bản, bàn giao người, phương tiện, tang vật cho kiểm lâm huyện tiếp tục điều tra, xử lý. (Biên Phòng 15/8) đầu trang(
Tin đồn tại khu vực đèo Mang Yang (nơi giáp ranh giữa hai huyện Đắk Pơ và Mang Yang) có người đào được khúc gỗ huỳnh đàn rồi bán tiền tỷ, đã khiến không ít người nuôi mộng làm giàu tới đây tìm kiếm.
Kể từ giữa tháng 8 đến nay, khi các đơn vị tiến hành thi công cải tạo Quốc lộ 19 đoạn qua đèo Mang Yang, nhiều người dân tranh thủ lao vào đào bới, tìm huỳnh đàn.
Tại đèo, các tay săn gỗ đến từ xã Hà Ra, huyện Mang Yang và xã Hà Tam, huyện Đắk Pơ, đã đào nhiều hố đất sâu từ 0,5-1m nhưng chưa có ai thấy huỳnh đàn.
Để tránh tình trạng đào gây sạt lở đất, chặt phá rừng trồng ở khu vực này, Hạt kiểm lâm Đắk Pơ đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê tiến hành ngăn cản, vận động giải tán số người tụ tập.
Tuy nhiên khi lực lượng kiểm lâm ra về, một số người lại tiếp tục trở lại đào bới. (Tiền Phong 16/8; Quân Đội Nhân Dân 16/8, tr1) đầu trang(
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Chi cục Kiểm lâm vào việc bảo vệ, phát triển rừng đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, như phát hiện nhanh những vụ cháy rừng để xử lý kịp thời.
Việc quản lý đất lâm nghiệp đến từng lô, khoảnh, từng loại cây trong rừng đã chặt chẽ, chi tiết; những vụ cháy rừng, xâm hại rừng được phát hiện kịp thời...Một trong những CNTT được Chi cục Kiểm lâm tỉnh ứng dụng rộng khắp, đem lại hiệu quả là phần mềm Chương trình theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.
Với phần mềm này, cán bộ kiểm lâm địa bàn theo dõi những biến động về rừng và đất lâm nghiệp để ghi vào phiếu mô tả lô, đồng thời khoanh vẽ trực tiếp lên bản đồ hiện trạng rừng, hoặc sử dụng máy định vị để khoanh vẽ, định vị, sau đó nhập số liệu vào dữ liệu máy vi tính, gửi về máy chủ, Phòng Quản lý - Bảo vệ rừng tổng hợp, xử lý.
Ứng dụng CNTT vào theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thống kê, theo dõi bằng số liệu. Việc xây dựng và xử lý  bản đồ bằng phần mềm chuyên dùng đã mở ra nhiều ứng dụng thực tế. Trong quản lý rừng, cán bộ kiểm lâm có thể phóng to, thu nhỏ bản đồ trên máy vi tính, in ra giấy. Có thể quan sát ở tầm vĩ mô, vi mô của từng khu rừng, lô rừng, xem những thông tin cần thiết, cập nhật, xử lý tính toán tổng hợp các biến động của rừng.
Khi cần xử lý các yếu tố tách biệt, có thể in bản đồ và tổng hợp dữ liệu theo từng yếu tố, từng lớp. Ngoài ra, có thể thiết kế chi tiết cho từng lô rừng khi khai thác, tỉa thưa, trồng rừng mới hoặc xây dựng phương án quy hoạch rừng, khoanh nuôi và các công tác khác.
Trước đây, để theo dõi biến động diện tích rừng và đất lâm nghiệp ngoài thực địa chuyển tải lên bản đồ là một công việc khó khăn, phức tạp,  phải sử dụng các biện pháp như khoanh vẽ trên dốc đối diện, khoanh vẽ theo tuyến, sử dụng địa bàn cầm tay, thước dây, sử dụng các loại máy đo địa bàn 3 chân, các loại máy kinh vĩ. Áp dụng CNTT, các loại bản đồ được số hóa, lưu giữ trong máy vi tính; lực lượng chức năng có thể sử dụng máy định vị vệ tinh GPS để khoanh vẽ biến động một cách nhanh chóng thay thế cho cách làm truyền thống mà vẫn đảm bảo độ chính xác cao.
Áp dụng phần mềm này, Chi cục Kiểm lâm đã đưa vào quản lý diễn biến được hơn 446.926 ha đất lâm nghiệp tại 7 huyện, thành phố làm cơ sở để các cấp chính quyền quy hoạch phát triển kinh tế rừng. Cùng với việc quản lý đất lâm nghiệp, thì việc ứng dụng CNTT vào bảo vệ và phòng chống cháy rừng được Chi cục Kiểm lâm triển khai.
Từ năm 2010, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Thông tin lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & PTNT), thiết kế, xây dựng và ứng dụng các phần mềm: Cảnh báo cháy rừng, phân vùng trọng điểm cháy rừng, chỉ huy chữa cháy rừng vào hoạt động. Nội dung cảnh báo cháy rừng được đăng tải hàng ngày trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Đầu 2013, phần mềm cảnh báo cháy rừng có thông báo điểm ghi cháy bằng tin nhắn dựa trên công nghệ ảnh vệ tinh được triển khai đem lại nhiều tiện ích.
Từ khi có phần mềm cảnh báo cháy rừng thì diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt hơn, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên cần được bảo tồn như Khu Tát Kẻ - Bản Bung, Cham Chu, rừng đặc dụng Tân Trào… có diện tích lớn, khu vực kiểm soát rộng, địa hình đi lại phức tạp, khó khăn. Bất cứ địa điểm rừng nào trong tỉnh xuất hiện đám cháy sẽ ngay lập tức máy điện thoại của Chi cục trưởng và các hạt trưởng hạt Kiểm lâm trực thuộc có tin nhắn báo cháy rừng vì thế công tác chữa cháy đã được triển khai kịp thời.
Các hành vi xâm hại tài nguyên rừng ở địa phương được đẩy lùi, nguy cơ cháy rừng được kiểm soát. Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng. (Báo Tuyên Quang 15/8) đầu trang(
UBND tỉnh vừa quyết định phê duyệt đề án khung về nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2014-2020. Qua đó có 106 loài động, thực vật đặc hữu của địa phương, quý hiếm được đưa vào diện lưu giữ, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen nhằm phục vụ các mục tiêu lâu dài.
Đáng kể đến là các loài cây: dó bầu, gõ đỏ, giáng hương, chai lá cong, sao lá hình tim, lan hài hồng; các loài cá biển là sinh vật cảnh quý hiếm, bò biển, rùa biển, các loài san hô, chim yến đảo…
Các cơ quan, đơn vị chuyên ngành được giao trách nhiệm nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn nguồn quỹ gen, gồm: Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Công ty Yến sào Khánh Hòa, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang. Kinh phí để thực hiện đề án này từ nguồn dành cho sự nghiệp khoa học của tỉnh.
Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, mặc dù tỉnh Khánh Hòa có tính đa dạng sinh học rất cao nhưng trong vài thập niên qua phần lớn các hệ sinh thái, các loài và nguồn gen sinh vật biển, rừng bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do khai thác quá mức nguồn tài nguyên; sự phân mảnh và suy thoái của các hệ sinh thái do phá rừng làm đất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng. Các yếu tố như biến đổi khí hậu, sự du nhập và xâm lấn của các loài ngoại lai cũng tác động tiêu cực đến sự tồn tại nhiều loài động, thực vật.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ hệ sinh thái rừng về thực vật trên cạn cho thấy Khánh Hòa đã có 39 loài quan trọng bị đe dọa thực sự (gồm các cấp độ: sắp nguy cấp, nguy cấp và rất nguy cấp theo Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới).
Đối với động vật biển, chỉ riêng ở các loài có nguy cơ tuyệt chủng ở mức nguy cấp và cực kỳ nguy cấp đã có 3 loài thú biển, 5 loài bò sát, 14 loài cá biển và 10 loài động vật không xương sống. (Đảng Cộng Sản 14/8) đầu trang(
"Một phu vàng vớ bẫm khối vàng 16kg vào tuần trước...; rồi năm 2006 một khối vàng khủng lộ thiêng khác cũng đã được tìm thấy ngay tại Khe Đương"... đó là những gì đám phu vàng và người dân hiếu kỳ xôn xao rỉ tai nhau.
Vậy là, với hy vọng hão huyền, dòng người ồ ạt, bất chấp những nguy hiểm, sạt lở do mưa lớn kéo lên các triền núi của bãi vàng Khe Đương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) để tìm vàng. Tuy nhiên, xem ra nhân vật và cả khối vàng khủng kia chỉ là danh tính ảo.
Những kẻ trục lợi đang tung "hư chiêu" không ai khác là những gã đầu nậu đang mưu toan lôi kéo phu vàng lên bãi. Điều này hiện đã gây náo động, ảnh hưởng không nhỏ đến ANTT tại khu vực...
Nhiều ngày qua, do ảnh hưởng của bão Thần Sấm nên Đà Nẵng trời mưa như trút nước. Nhưng trái ngược với trời mưa, đường đồi dốc trơn trượt, hàng trăm người vẫn rồ ga, tay vác, lều chõng nườm nượp kéo về hướng Khe Đương, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Gần ngay bãi vàng Khe Đương, cảnh tượng cũng "huyên náo" không kém. Hễ nhác thấy bóng lực lượng Kiểm lâm, Công an xã thì các phu vàng biến mất dạng chỉ để lại ngổn ngang lều chõng, ba lô tạm bợ cùng hàng đống cuốc xẻng, bình đựng hóa chất và dụng cụ đãi vàng...
Những người dân của thôn Giàn Bí (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), nằm ngay cạnh cửa rừng đã cho hay: Mấy ngày hôm nay, bà con trong thôn rất bất an, lo lắng, bởi cả ngày lẫn đêm tiếng xe máy, tiếng ầm ĩ chửi bới tranh chấp nhau của đám phu vàng làm náo động cả một vùng rừng.
Nguyên do sự việc này bắt đầu từ hôm 11/7, người dân trong vùng phát hiện một đám người "tay xách nách mang" dụng cụ khai thác vàng kéo lên khu vực Khe Đương đông một cách bất thường. Trong đám người đó, có không ít đầu nậu có "số má" đã quen mặt tại địa phương. Rồi vào đêm 14/7, đám người này "âm thầm" rút đi, nhưng không quên để lại thông tin hư hư, thực thực đã trúng đậm 16kg vàng...
Anh Bùi Tuấn Q. một cựu phu vàng người trong thôn Giàn Bí đã ngao ngán chỉ tay về ngọn núi dốc đứng, mù mịt mưa lắc đầu: "Bãi Khe Đương nhiều hiểm nguy bất trắc, chính tôi cũng xuýt bỏ mạng vì vàng tại đấy. Muốn đến được bãi vàng, người rành đường cũng phải mất hơn 3 giờ chạy xe máy đường núi gồ ghề, nhấp nhổm sỏi đá.
Sau đó còn phải đi bộ, luồn lách trong rừng thêm mấy cây số nữa mới đến điểm có vàng. Bãi này trước đây là "điểm nóng" về vàng nhưng từ khi giấy phép khai thác của Công ty Trường Sơn hết hạn thì tình hình ở đây dịu lại. Tuy nhiên, mấy hôm nay tui lại nghe thông tin có người dưới Hòa Liên "đào" được 16kg vàng. Có lẽ vì thế mà người ta nườm nượp kéo lên đây trở lại".
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Thủy, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hòa Bắc xác nhận: Từ đầu tuần đến nay, từ khi tin đồn một nhóm người trúng 16kg vàng nên trên địa bàn có rất nhiều người lạ mặt xuất hiện. Hầu hết những người này đều kéo lên Khe Đương, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chức năng.
Trước tình hình phức tạp này, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang cũng đã cắt cử nhóm cán bộ chốt chặn đoạn đường chính vào Khe Đương để ngăn không cho người dân vào bãi. Tuy nhiên, số lượng người đổ về đây rất đông, khi tổ kiểm lâm chốt chặn được con đường xe máy vào Khe Đương, thì dân đào vàng lại tự mở đường rừng, vượt dốc bằng mọi phương cách để đến được bãi vàng. Vả lại việc chốt chặn cũng chỉ thực hiện được ban ngày, còn ban đêm ở đây tình hình vô cùng phức tạp...
Theo chân lực lượng Kiểm lâm Hòa Bắc, men theo con đường độc đạo và vô cùng ngoằn ngoèo để tìm đường lên bãi vàng. Do mấy hôm nay có mưa lớn, nên đường vào Khe Đương vốn đã trơn dốc, nay nhiều đoạn đường bị xói mòn hiểm trở hơn. Đoàn PV cũng chỉ vượt được hơn 3km đường rừng rồi buộc phải quay lại vì phải đảm bảo an toàn cho những thành viên trong đoàn.
Vậy nhưng, khi PV quay về, cũng là lúc hàng đoàn xe máy của đám phu vàng, công kênh chở hai, chở ba, tay vác quốc xẻng bất chấp nguy hiểm, cứ thế xé toạc màn mưa, lao vun vút lên bãi vàng Khe Đương. Họ hầu hết đều là những thanh niên trẻ, mặt mày háo hức, vì tin lời đồn thổi mà nuôi vận may được đổi đời. Với đèo núi dốc trước mặt, mưa xối xả trơn tuột như vậy, e rằng hiểm họa khôn lường đang chờ họ chứ không phải là giấc mộng vàng...!
Không thể tiếp cận được bãi vàng Khe Đương, PV quay lại địa bàn hai xã Hòa Liên và Hòa Bắc để ghi nhận tình hình. Tuy nhiên, không cần PV mở lời, suốt dọc tuyến đường liên xã từ Hòa Liên đến Hòa Bắc của huyện Hòa Vang đi đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về vụ "mót" được vàng "khủng" tại bãi Khe Đương.
Đặc biệt, tại khu vực chợ Hòa Liên, một số tin vỉa hè còn tiết lộ, chủ nhân của số vàng "khủng" trên là anh Hữu H., khoảng 30 tuổi, người ở thôn Tân Ninh (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Tuy nhiên, cách đó chỉ vài trăm mét, ông Lê Thành (57 tuổi, làm nghề sửa xe máy) lại tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng, không phải một người mà cả một nhóm người lượm được vàng đều trú tại xã Hòa Liên, nhóm này do một người tên Tài cầm đầu…
Để làm rõ sự trái khoáy, nhộn nhạo về thông tin người trúng vàng này, PV đã tìm đến tận những nơi liên quan để xác minh. Cách chợ Hòa Liên khoảng 5, 6 cây số về phía Nam, thôn Tân Ninh thấp thoáng trong lớp sương mờ bên kia triền núi. Hỏi thăm anh thanh niên có tên Hữu H. ở đây ai cũng biết. Tuy nhiên, người thanh niên không hề "nổi tiếng" vì anh là người may mắn đào được 16kg vàng như lời đồn. Căn nhà cấp 4 hoang hoác, cửa chính cũng chưa lắp vì chủ nhân đang rất túng tiền. Trong nhà chẳng có lấy một thứ gì đáng giá ngoài chiếc tivi Toshiba cũ kĩ được sản xuất từ thập niên 90...
Tiếp PV, ông Hồ Hữu M. (61 tuổi, cha anh H.) hết trố mắt ngạc nhiên, lại tặc lưỡi cười buồn: "Không biết từ đâu mà mấy ngày nay ai cũng nói thằng út lượm được vàng. 16 ký chứ có phải ít đâu, nó "lượm" được mang về thì tôi phải thấy chớ.
Quyết tâm chờ mãi đến chiều tối PV mới gặp được chủ nhân lời đồn của 16kg là anh H. Vừa về đến nhà, anh H. đánh bịch người xuống ghế kể lể ngay: "Họ đồn chi mà ác, tui mà trúng được khối vàng nớ thì tui không còn ngồi yên ở đây. Ngay chính tui cũng nghe người ta đồn có người trúng vàng trên bãi Khe Đương nên mới theo đám trai làng lên đó tìm vận may. Vậy mà...!
Hồi năm 2006, tôi cũng nghe đồn có người trúng vàng khủng ở Khe Đương, nhưng đồn rứa chứ chưa hồi mô gặp hay biết người trúng là ai. Cũng chưa lần nào tận mắt, tận tay tui đào được một cục vàng mô cho ra tấm ra miếng chứ đừng nói tới tận 16kg..!. Cũng vì nghe tin đồn mà mấy anh em trong xóm rủ nhau lặn lội lên bãi vàng Khe Đương "mót" vàng, nhưng cả tuần nay đã thấy ai tìm được dù là một hạt vàng cám đâu…!", anh H. than thở.
Ông Huỳnh Thủy, Trạm phó Trạm Kiểm lâm Hòa Bắc cũng chia sẻ: Lâu ni, bãi vàng Khe Đương là địa bàn phức tạp, phu vàng tập trung đông, các chủ đầu nậu lại bắt tay với giới anh chị bảo kê nên cuộc chiến tranh giành từng mảnh đất, từng điểm có vàng khốc liệt lắm. May là UBND TP Đà Nẵng quyết định truy quét nạn khai thác vàng trái phép, sau đó giao quyền khai thác lại cho Công ty Trường Sơn.
Đến đầu năm 2014, giấy phép này hết hạn nên "vàng tặc" lại có cơ hội quay trở lại "tác oai, tác quái". Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã mở các đợt truy quét, tịch thu máy móc khiến của các nhóm khai thác vàng trái phép không thể "làm ăn". Vì vậy, rất có thể chính những đối tượng này đã liên tiếp tung tin đồn trúng vàng khủng, kích động người dân đổ xô vào rừng tìm vàng. Âm mưu thâm độc của chúng là dùng người dân bản địa để cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, phân tán lực lượng chốt chặn, kiểm tra để đẩy mạnh việc khai thác vàng chui tại bãi Khe Đương.
Vào ngày 15/7, ngay sau khi xảy ra sự việc, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang phối hợp với UBND xã Hòa Bắc lập tổ công tác gồm: cán bộ kiểm lâm, Công an xã, lực lượng dân quân tự vệ xã Hòa Bắc, túc trực ngay con đường độc đạo nằm dưới chân núi dẫn lên khu vực khai thác vàng nhằm ngăn chặn người dân vào rừng trái phép.
Chỉ trong hai ngày qua, tổ công tác này đã đẩy đuổi gần 20 người có ý định xâm nhập rừng trái phép để khai thác vàng. Và đến chiều 18-7, hiện trường ở bãi vàng Khe Đương vẫn còn có vài chục người đang khai thác vàng trái phép. Khi thấy lực lượng kiểm lâm, các đối tượng nhanh chân bỏ trốn vào rừng, rồi manh nha trở lại ngay khi lực lượng chức năng rút đi...
Một điều mà cơ quan chức năng, chính quyền xã Hòa Bắc và những người dân địa phương hiện rất lo ngại nữa đó là: Việc ồ ạt khai thác vàng trái phép cùng nhiều hóa chất độc hại đổ ra môi trường do các hoạt động đào đãi vàng tại Khe Đương hiện đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) sống dưới hạ lưu Khe Đương.
Và chuyện trúng vàng chưa biết thực hư ra sao, nhưng tình hình mất ANTT, người dân đổ xô khai thác vàng trái phép là có thật. Cuộc sống của người dân địa phương hiện đang bị xáo trộn bởi những kẻ ôm mộng từ vàng...(Công An Nhân Dân 14/8) đầu trang(
Nhằm khuyến khích cộng đồng cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã, mới đây Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã cho ra mắt một ứng dụng trên điện thoại di động mang tên “ENV – SOS Động vật hoang dã”.
Ứng dụng này giúp người dân thông báo vi phạm về động vật hoang dã một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác. Với một chiếc smartphone có kết nối Internet, người dùng có thể ngay lập tức thông báo về các vi phạm động vật hoang dã về cho Trung tâm. Hiệu quả, nhanh chóng và người thông báo hành vi vi phạm vẫn được đảm bảo an toàn.
Chị Ninh Thị Phương Thảo, điều phối chương trình, Trung tâm Giáo dụng Thiên nhiên ENV cho biết: “ENV khuyến khích người dân để lại số điện thoại hoặc email để ENV có thể cung cấp lại kết quả. Tuy nhiên, phần này là không bắt buộc, chính vì vậy người thông báo không phải lo lắng một chút nào về tính bảo mật và sự an toàn cho người thông báo”.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh bên mình, nhiều bạn trẻ sau khi dùng thử đã tỏ ra rất thích thú vì đã có thể góp một phần công sức của mình vào việc bảo vệ động vật hoang dã.
Trần Ngọc Kiên, sinh viên Đại học Nông nghiệp Việt Nam nói: “Trong buổi tối, tôi hay đi qua một số nhà hàng và phát hiện họ trưng bày và nuôi nhốt một số động vật hoang dã trái phép. Tôi có thể sử dụng ngay ứng dụng để chụp ảnh và thông báo trực tiếp vi phạm, mức độ vi phạm đến ngay Trung tâm”.
Ứng dụng “ENV-SOS Động vật hoang dã” ra đời là một kênh thông tin thuận tiện hơn cho người sử dụng để cùng tham gia tố giác các hành vi vi phạm động vật hoang dã. (VTV 16/8) đầu trang(
Rừng lộc vừng có từ khi nào các bậc cao niên trong làng cũng không còn nhớ, chỉ biết rằng, từ khi sinh ra đã thấy lộc vừng bao quanh làng, che chắn cho làng qua bao nhiêu mùa nắng, mưa, bão và cả súng đạn quân thù.
Về làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy vào mùa này, từ đầu thôn đến cuối xóm đâu đâu cũng được bóng cây lộc vừng rợp bóng mát. Đó là kho báu lớn của người làng, nhưng để xác định được tuổi của rừng lộc vừng là rất khó, vì thiên tai, chiến tranh đã làm mất, thất lạc nhiều văn tự của làng.
Chỉ biết rằng, làng có lịch sử khoảng trên 400 năm thì rừng lộc vừng cũng có khoảng chừng đó tuổi. Cụ Châu Văn Mạnh (SN 1931) đã kể về câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác của ở làng là, trước đây, khu đất này chỉ bao quanh bởi sình, lầy, lau sậy... và không có dân cư sinh sống.
Khoảng hơn 400 năm trước, tổ tiên của ba họ lớn là họ Châu, Nguyễn và Đỗ đã đến đây lập nghiệp. Vì có ít loại cây phát triển và chịu đựng được sình lầy nên tổ tiên của người làng đã chọn lộc vừng để trồng làm vành đai chống gió bão, mưa lũ cho làng.
Cụ Mạnh cũng cho biết thêm: “Rừng lộc vừng có thế tựa rồng, đầu rồng bắt đầu từ mũi Viết ngã ba chợ Thùi và đuôi rồng nằm ở cuối làng Dọc theo đường cái lớn. Dưới có đình làng, trên có điện thờ Khổng Tử nên rất linh thiêng, rừng lộc vừng đang nằm ở vị trí lưng rồng nên đã che chắn, bảo vệ dân làng suốt mấy trăm năm qua”.
Không chỉ che nắng, chắn bão mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rừng lộc vừng cũng góp một phần không thể thiếu cho những trận đánh oanh liệt của làng.
Sau bao nhiêu năm, rừng cứ thế mà phát triển, một thời gian, cây lộc vừng trở thành cây cảnh được nhiều người ưa chuộng nên đã bị đào đi không ít, hiện nay cả làng chỉ còn khoảng hơn 2ha với rất nhiều cây lớn nhỏ, trong đó có khoảng 300 cây lớn với đường kính từ 0.6 – 1,2m.
Người làng Phú Thọ vẫn còn nhắc câu chuyện vào một đêm mưa gió cách đây 4 năm, khi cả làng đang ngủ say thì bị đánh thức bởi tiếng cưa rền lẫn trong tiếng gió. Không ai bảo ai, người làng cùng thắp đuốc chạy ra thì thấy mấy cây lộc vừng cổ thụ đã yên vị trên xe của lâm tặc và đang rời khỏi làng.
Sau sự việc đó, thôn đã lập ra một đội bảo vệ rừng rồi chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau canh gác suốt ngày đêm. Chỉ cần thấy người lạ lai vãng gần đó là người dân đã báo cáo cho bảo vệ để tìm cách xử lí. Tuy nhiên, không chỉ người ngoài mà có trường hợp người trong làng đã cấu kết với những người mua cây cảnh để bán lộc vừng vì mờ mắt trước giá trị quá lớn của nó.
Ông Lê Văn Tiến, trưởng thôn Phú Thọ kể: “Biết được thông tin đó nên khi họ mới đào được mấy nhát cuốc là chúng tôi ập đến bắt quả tang, không chối cãi được nên mấy tay chơi cây cảnh phải làm bản cam kết sẽ không bao giờ quay lại làng gạ gẫm người làng bán lộc vùng cho họ. Còn người bán lộc vừng trong thôn chúng tôi đã cho loa phát thanh đọc tên ra rả cả buổi để cảnh cáo”.
Rừng lộc vừng của thôn rất đẹp, có những cây cổ thụ hai người ôm không xuể, rồi có những cây có hình dáng tựa như một con rồng, như một chú trâu đang nằm ngủ...
Vì rất thích những cây lộc vừng của làng nên có nhiều người sẵn sàng mở những cuộc nhậu, làm thân với nhiều người trong làng và hứa sẽ xây đường bê tông cho làng nếu làng đồng ý đổi lộc vừng, nhưng dân làng kiên quyết không đồng ý.
Không công cán, cũng không ai khen thưởng gì nhưng cho đến giờ, người dân nơi đây vẫn xem chuyện bảo vệ rừng lộc vừng như một lẽ tất nhiên, họ quyết giữ bằng ý chí và cả tấm lòng. (VietnamNet 17/8) đầu trang(
17/8, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết đã tổ chức đi thăm, tặng bằng khen và thưởng 10 - 30 triệu đồng/đơn vị đã tích cực ứng cứu chữa các vụ cháy lớn tại rừng Bà Hỏa và Cảng Quy Nhơn.
Đó là các đơn vị: Lữ đoàn Phòng không 573, Trung đoàn Không quân 925, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động 23, Trung đoàn vận tải 655, Đội Cảnh sát PCCC - cứu hộ khu vực thị xã Sông Cầu (Phú Yên) và một số đơn vị thuộc tỉnh Bình Định.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Ngoài ra, UBND tỉnh còn thưởng nóng cho mỗi đơn vị tham gia chữa cháy từ 10 đến 30 triệu đồng.
Như thông tin đã thông tin, liên tiếp trong các ngày từ 9 đến ngày 11/8 tại TP Quy Nhơn đã xảy ra 2 vụ cháy nghiêm trọng. Cụ thể, vụ cháy núi Bà Hoả (TP Quy Nhơn) trong ngày 9 – 10/8 đã gây thiệt hại trên 50ha rừng. Tiếp đến trưa ngày 11/8 lại xảy ra vụ cháy bãi chứa gỗ xuất khẩu tại Cảng Quy Nhơn đã gây thiệt hại trên 50 tỷ đồng. (Dân Trí 17/8; Nông Thôn Ngày Nay 18/8, tr2) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Liên quan đến vụ cán bộ kiểm lâm bị công an bắt vì nhận hối lộ 100 triệu đồng mà NTNN đã phản ánh, Sở NNPTNT Thanh Hóa vừa có văn bản chỉ đạo, phải kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành đơn vị.
Theo đó, văn bản chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 3714/CT-BNN-TCLN của Bộ NNPTNT về việc tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ những hành vi vi phạm tại Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (KLCĐ&PCCCR số 1), kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về cán bộ công chức, viên chức, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành đơn vị theo quy định của pháp luật.
Sáng 17.8, ông Nguyễn Văn Hùng - Đội trưởng Đội KLCĐ&PCCCR số 1, cho biết: Chiều 15.8, đại diện Đảng ủy cơ quan Sở NNPTNT Thanh Hóa đã công bố quyết định của Đảng ủy cấp trên về việc đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Lê Đức Hải (sinh năm 1979) - nguyên trạm trưởng kiểm lâm của đội.
Cũng theo ông ông Hùng cho hay, ông Lê Đức Hải bị đình chỉ sinh hoạt Đảng (vô thời hạn) để phục vụ công tác điều tra của cơ quan CSĐT Bộ Công an về hành vi nhận hối lộ 100 triệu đồng của ông Hải vào chiều 1.8. Sau khi ông Hải bị bắt giữ, ngày 4.8, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với vị trạm trưởng này để phục vụ công tác điều tra.
Được biết, sau khi bị cơ quan CSĐT (Bộ Công an) triệu tập ra Hà Nội làm việc với cơ quan chức năng vào ngày 5.8, hiện nay 8 cán bộ kiểm lâm của Đội KLCĐ&PCCCR số 1, gồm: Lê Văn Hải- Phó đội trưởng, Nguyễn Xuân Vịnh- kiểm lâm viên (KLV), Lê Chí Thanh- KLV, Nguyễn Hữu Trung- KLV, Nguyễn Bá Phúc- KLV, Lê Nguyên Chất- cán bộ thanh tra pháp chế, Đỗ Đình Chung- KLV, Nguyễn Thế Vinh- KLV, đã trở lại công tác tại đơn vị bình thường. (Nông Thôn Ngày Nay 18/8, tr7) đầu trang(
17/8, theo thông tin chính thức có được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với 10 đối tượng bị bắt giữ trong băng nhóm phạm tội của Minh “sâm”.
Theo đó, cả 10 đối tượng gồm: Nguyễn Ngọc Minh, 54 tuổi, trú tại Trần Phú, Đông Ngàn, Từ Sơn; Nguyễn Thành Hưng, 61 tuổi, trú tại Phù Khê, Từ Sơn; Trần Thái Sơn, 23 tuổi, trú tại Đình Bảng, Từ Sơn, con rể của Minh “sâm”; Phạm Văn Đức, 23 tuổi, trú tại Gia Hội, Châu Khê; Võ Quang Khánh, 24 tuổi, trú tại Phù Lưu, Đông Ngàn; Quách Văn Lộc, 39 tuổi, trú tại Phù Khê; Nguyễn Thu Hằng, 22 tuổi, con gái Minh “sâm”, vợ của Sơn; Nguyễn Tiến Thắng, 54 tuổi, trú tại Đình Bảng; Nguyễn Huy Hoàng, 32 tuổi, tất cả cùng huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) và Nguyễn Văn Tùng, 48 tuổi, trú tại Võ Cường, TP Bắc Ninh bị khởi tố về tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”.
Riêng 2 đối tượng Nguyễn Thành Hưng và Quách Văn Lộc (con nuôi của Hưng “sóc” bị khởi tố thêm về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Như đã đưa tin, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trong 2 ngày 13 và 14/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh và các lực lượng khác bắt giữ 10 đối tượng trong băng nhóm phạm tội do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh sâm), Giám đốc Công ty TNHH Đại An và Nguyễn Thành Hưng (Hưng “sóc”), Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng cầm đầu.
Đây là 2 “nhân vật” khá nổi tiếng ở đất Bắc Ninh vì từng được coi là các điển hình tiến tiến trong việc hoàn lương và phát triển sản xuất tại địa phương. Hưng “sóc” còn ứng cử và đảm nhiệm chức Trưởng thôn trong nhiều năm nay.
Thế nhưng, các đối tượng đã sử dụng vỏ bọc này để thu nạp đám đàn em có tiền án, tiền sự hoạt động phạm tội, trước hết là “bảo kê”, cưỡng đoạt tài sản của các doanh nghiệp, chủ hàng gỗ ra vào, hoạt động tại chợ gỗ Phù Khê. Các xe gỗ muốn vào được chợ đều phải nộp cho bọn chúng số tiền từ 1,2 đến 3 triệu đồng tùy tải trọng của xe.
Cụ thể, chiều 13/8, đối tượng Nguyễn Huy Hoàng đã bị bắt quả tang khi đang cưỡng đoạt số tiền 1,2 triệu đồng của một lái xe gỗ. Từ việc bắt quả tang này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt khẩn cấp tiếp 9 đối tượng trong băng nhóm, trong đó có 2 đối tượng cầm đầu là Minh “sâm”, Hưng “sóc”, vợ chồng con gái của Minh “sâm” và con nuôi của Hưng “sóc”.
Toàn bộ số vũ khí thu được là 6 khẩu súng và lựu đạn đều thu được tại nhà của Hưng “sóc”, nơi trú ngụ của Hưng và cậu con nuôi Quách Văn Lộc. Qua khai thác, cả 2 đối tượng này đều đã khai nhận là chủ sở hữu của số vũ khí trên.
Chiều 15-8, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã gửi thư biểu dương, khen ngợi thành tích của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị: Cục C47, Cục C50, Cục A69, Cục A71 và K20; thưởng mỗi đơn vị mười triệu đồng về thành tích phá án.
Bộ trưởng Trần Đại Quang chỉ đạo: Cục C47 phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ khẩn trương khai thác đối tượng, củng cố chứng cứ, mở rộng điều tra và sớm đưa vụ án ra xét xử trước pháp luật. (Công An Nhân Dân 18/8; Tuổi Trẻ 18/8, tr4; Nhân Dân 18/8, tr8) đầu trang(
Cuộc đột kích bắt giữ Nguyễn Ngọc Minh (Minh Sâm) dù gây xôn xao dư luận song không làm nhiều người bất ngờ bởi đây là điều tất yếu phải đến nếu biết được “bảng thành tích” bất hảo của “ông trùm” khét tiếng đất Kinh Bắc khoác áo doanh nhân thành đạt này.
Vài năm nay, Công ty TNHH Đại An cùng vị giám đốc Nguyễn Ngọc Minh nổi như cồn không chỉ tại thị xã Từ Sơn sầm uất bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh. Đại An kinh doanh rất nhiều lĩnh vực song mạnh nhất là bất động sản - xây dựng và gỗ, nhất là đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp tại địa phương có các làng nghề và chợ gỗ nổi tiếng cả nước như Đồng Kỵ, Phù Khê…
“Thành tích” ấn tượng của Nguyễn  Ngọc Minh còn được tô điểm thêm các danh hiệu, khen thưởng của tỉnh Bắc Ninh, trong đó đáng kể nhất là được vinh danh trong 1.000 doanh nhân tiêu biểu dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ấy là bề nổi hào nhoáng của doanh nghiệp ăn nên làm ra và vị doanh nhân nổi tiếng Nguyễn Ngọc Minh. Còn phần chìm đen tối là nỗi e dè, thậm chí khiếp hãi của không ít người, đặc biệt là các doanh nghiệp và người dân kinh doanh hay làm nghề đồ gỗ tại vùng Kinh Bắc và cả các tỉnh lân cận. Nói tới Minh Sâm, ở Từ Sơn hiếm ai không biết. Cái tên khét tiếng này còn khiến người dân ở các địa phương chung quanh phải e dè.
Các công ty Đại An, Thành Bắc Bắc Ninh và “ông chủ” lớn Nguyễn Ngọc Minh sẽ thế nào nếu không có cuộc đột kích, bắt giữ của lực lượng điều tra thuộc Bộ Công an vào chiều và tối 13-8? Chắc chắn 2 công ty này sẽ còn tiếp tục ăn nên làm ra và Minh Sâm sẽ còn vi vu trên chiếc siêu xe trị giá cả chục tỉ đồng, “đăng đàn” đây đó với vỏ bọc một doanh nhân thành đạt.
Nghe thật trớ trêu, nghịch lý và không thể hiểu nổi khi cái tên Minh Sâm khét tiếng trong giới giang hồ Kinh Bắc như một ông trùm thì vẫn được địa phương xem như doanh nhân có nhiều thành tích, đóng góp. Vậy những khen thưởng, tán tụng của địa phương có “giúp” gì cho Minh Sâm hoành hành, khuếch trương thế lực? Đó là điều rất cần làm sáng tỏ trong quá trình điều tra vụ án ông trùm dưới lốt doanh nhân thành đạt này.
Trước vụ bắt giữ Minh Sâm không lâu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ thẳng về điều mà ông cho là xã hội đen dẫn đường cho xe quá tải, móc nối làm luật, bảo kê và môi giới dẫn xe quá tải tránh trạm cân.
Bởi theo Bộ trưởng Thăng, xe quá tải trọng ai nhìn thấy cũng biết, người dân bức xúc, báo chí phản ánh nhưng chỉ lực lượng làm nhiệm vụ ở các trạm cân là không biết… Nói như Bộ trưởng Đinh La Thăng, cần phải xem xét những khoảng tối làm bệ đỡ cho “doanh nhân thành đạt” này. (Người Lao Động 16/8, tr2) đầu trang(
Một trùm buôn gỗ từng theo học ngành y, với một trình độ “gần như không biết gì” khi mà “đi học thì thuê, đi thi thì chạy”. Bằng cao học cũng mua nốt. Chưa từng có bài báo hay công trình khoa học nào. Chưa một lần cầm tai nghe, chưa từng chích xilanh….
Và anh trùm lái gỗ ấy có thể đàng hoàng trở thành một tiến sĩ y khoa, miễn là “có 200 triệu việc này mới xong”. Đây không phải là chuyện đùa. Đây là những gì có trong một bài điều tra với nhân chứng, vật chứng hết sức rõ ràng.
Thậm chí, cả kỹ nghệ để biến một anh lái gỗ thành tiến sĩ y khoa cũng hết sức rành mạch. Bài báo khoa học thì nhờ người viết thuê “đưa cho họ mấy đồng nhờ đăng bài”. Chạy để có tên trong một tổ chức phi chính phủ để hồ sơ đi lọt. Đề cương được nhờ làm. Ngay cả khi bảo vệ luận án, lỡ có không biết gì thì cũng “yên tâm, cái đó lo được”.
Và người có thể hô biến một anh lái gỗ, một viên thuốc không biết đọc tên, trở thành tiến sĩ y khoa, là đương kim Trưởng bộ môn Y học cộng đồng, Đại học Y Thái Nguyên, ông đương nhiên cũng là một... tiến sĩ.
Cách đây chưa lâu, báo chí phát hiện ra một tiến sĩ giám đốc sở lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Nam Thái Bình Dương (Mỹ) trong khi một chữ hello không biết.
Rồi một tiến sĩ phó bí thư tỉnh ủy lấy bằng tiến sĩ, cũng ĐH Nam Thái Bình Dương, cũng Mỹ, trong chỉ 6 tháng và với giá 17.000USD. Và đến giờ là tiến sĩ lái gỗ, với giá 200 triệu.
Cũng cách đây chưa lâu, một câu hỏi đã được đặt ra: Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GDĐT, tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học, vậy 15.000 tiến sĩ còn lại đang ở đâu?
Câu trả lời ít hại nhất, ít nguy hiểm nhất là họ đang không làm gì. Không nghiên cứu khoa học. Thà để cái học vị tiến sĩ chỉ để trang trí tấm danh thiếp, còn hơn những tay lái gỗ phô phang tấm bằng vào việc nghiên cứu, hoặc thậm chí...cứu người.
Trở lại với bài điều tra 200 triệu lấy bằng tiến sĩ y khoa. Dư luận thật sự đã bừng bừng phẫn nộ, chủ yếu là vì mấy chữ tiến sĩ y khoa, bởi không thể đoán biết được điều gì xảy ra khi một tiến sĩ lái gỗ hành nghề kê đơn bốc thuốc dối trá ngụy tạo trên sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Nhưng vấn đề nghiêm trọng không phải chỉ ở chỗ đây là câu chuyện hoàn toàn có thể trở thành sự thật, mà là câu hỏi, vậy thì có bao nhiêu trong số 24.000 tiến sĩ là “những tay lái gỗ”.
Vấn đề ở chỗ, những tiến sĩ giám đốc sở, tiến sĩ phó bí thư nguy hiểm chẳng khác gì những tay lái gỗ trong y học. Bởi sự giả dối trong y học, dù phải trả bằng một cái giá đắt, thậm chí là sinh mạng người bệnh, nhưng còn dễ dàng phát hiện và chúng ít nguy hiểm hơn là những giả dối dốt nát được che đậy lấp liếm bằng quyền lực. (Lao Động 18/8, tr2) đầu trang(
13-8, Ban Nội chính Tỉnh ủy Lai Châu làm việc với Chi cục kiểm lâm (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nắm tình hình công tác của ngành kiểm lâm 6 tháng đầu năm 2014.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, những khó khăn vướng mắc của lực lượng kiểm lâm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, hiện nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh có 200 cán bộ công chức với 03 phòng nghiệp vụ (Tổng hợp, Thanh tra - Pháp chế, Quản lý bảo vệ rừng) và 09 đơn vị trực thuộc (08 hạt Kiểm lâm huyện, thành phố; 01 đội Kiểm lâm Cơ động & phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Chi cục kiểm lâm tỉnh đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND ngày 15/1/2014 và công điện số 07/CĐ-UBND ngày 04/3/2013 của UBND tỉnh về việc phòng cháy, chữa cháy rừng.  Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  ban hành Công văn số 38/SNN-KL ngày 07/2/2014 về việc tăng cường chỉ đạo bảo vệ rừng và PCCCR.
Công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng đã được Chi cục quan tâm thực hiện có hiệu quả. Kiểm lâm địa bàn đã tổ chức 711 cuộc họp trong cộng đồng dân cư, thôn, bản và 34 trường học với 38.989 lượt người dân và 9.497 học sinh tham gia; ký cam kết bảo vệ rừng tới 14.098 lượt hộ gia đình sống trong rừng và ven rừng.
Phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình địa phương xây dựng các phóng sự, bài viết về công tác PCCCR, tập trung tuyên truyền bằng xe lưu động hoặc phát trên các cụm loa truyền thanh ở các thôn bản bằng nhiều thứ tiếng dân tộc phù hợp với từng địa phương.
Về công tác xử lý vi phạm, tiếp nhận và xử lý tin tố giác tội phạm, 6 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn toàn tỉnh đã xử lý 102 vụ vi phạm hành chính. Trong đó: Lâm sản, phương tiện tịch thu: gỗ xẻ các loại: 38,826m3; gỗ tròn các loại: 21,054 m3; sản phẩm động vật rừng: 146,7 kg; giá trị lâm sản ngoài gỗ: 24.438.000 đồng. Thu nộp ngân sách trên: 1.133.000 đồng.
Ngoài ra Kiểm lâm địa bàn còn phát hiện và tham mưu giúp UBND xã xử phạt theo thẩm quyền 72 vụ vi phạm luật Bảo vệ và Phát triển rừng với số tiền phạt là: 124.389.000 đồng. Các vụ việc xử phạt vi phạm hành chính đều được thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị Định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Tính đến thời điểm hiện tại, các Hạt Kiểm lâm đã thụ lý, phối hợp cùng các ngành chức năng khởi tố và điều tra 13 vụ án hình sự, trong đó đã đưa ra xét xử 07 vụ, 08 bị cáo; các vụ việc còn lại đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.  Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố và Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đều có hòm thư góp ý và công khai số điện thoại cơ quan để tiếp nhận và xử lý các tin báo tố giác của quần chúng nhân dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm được trong thời gian qua. Đề nghị lãnh đạo Chi cục tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ kiểm lâm trong việc đấu tranh với các vụ việc tiêu cực liên quan đến công tác chăm sóc và bảo vệ rừng; tiếp tục quan tâm việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ trực tiếp phụ trách các địa bàn phức tạp.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh với các hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng, PCCCR của nhân dân. Đồng chí cũng đề nghị cần làm tốt chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng tiêu cực, thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản theo quy định. (Ban Nội Chính TƯ 15/8) đầu trang(
Chiều 15-8, Ban chỉ đạo Dự án Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014.
Ông Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo dự án chủ trì cuộc họp.
Năm 2014 là năm thứ 4 Dự án Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng trực thuộc UBND tỉnh. Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hợp tác chặt chẽ của các ban, ngành, đơn vị, địa phương, sự phối hợp của các tổ chức phi chính phủ, từ đầu năm đến nay, dự án tiếp tục hoạt động có hiệu quả, ảnh hưởng tích cực đến việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng đệm.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên một số hoạt động trọng tâm, có ngân sách lớn chưa được triển khai thực hiện dẫn đến giá trị giải ngân vẫn còn thấp so với kế hoạch.
Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban chỉ đạo đã tập trung thảo luận, nêu những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động thời gian qua, đồng thời xác định một số hoạt động trọng tâm những tháng cuối năm 2014.
Theo đó, Ban quản lý dự án sẽ tập trung cải thiện năng lực quản lý, bảo vệ của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng ở khu vực vùng đệm; tăng cường công tác thực thi pháp luật, trong đó thành lập 6 nhóm bảo tồn thôn, bản tại các vùng xung yếu khu vực Vườn Quốc gia và đi vào hoạt động.
Riêng đối với hoạt động của hợp phần GIZ, sẽ bắt đầu triển khai gói hỗ trợ sinh kế thân thiện với đa dạng sinh học cho người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, chú trọng vào công tác tập huấn, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin về bảo vệ rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu và Minh Hóa. (Báo Quảng Bình 16/8) đầu trang(
Hiện nay, các khu vực rừng ngập mặn, thuộc huyện Ngọc Hiển, Ðầm Dơi đang nhộn nhịp người và phương tiện từ các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ đến thu mua gỗ, báo hiệu mùa khai thác rừng đước vào cao điểm.
Sau khoảng thời gian trồng, bảo vệ và chăm sóc 15 năm, cây đến kỳ khai thác, sau khi chia tỷ lệ phần trăm với đơn vị quản lý, người dân có thêm khoản thu nhập đáng kể. Ðiều đáng mừng là năm nay giá sản phẩm cây đước tăng cao so với mọi năm, nhiều bà con rất phấn khởi.
Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã khai thác được trên  556,6 ha rừng đước với 40.499 m3 gỗ.
Hiện các đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khai thác đúng như các phương án đã được phê duyệt gần 1.000 ha rừng đước. (VTV Cần Thơ 16/8) đầu trang(
14/8, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã họp Ban Chỉ đạo của Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” (Dự án BCC), nhằm xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai dự án trong những năm tiếp theo.
Dự án BCC sẽ giúp giải quyết vấn đề phân mảnh cảnh quan rừng có sự đa dạng sinh học cao tại miền Trung Việt Nam, làm giảm khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu cần thiết cho sinh kế bền vững của địa phương; đầu tư vào các lĩnh vực tăng cường an ninh lương thực, nước sạch, giao thông và thủy điện; thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên bền vững, phục hồi và tăng cường những cảnh quan sinh lợi thông qua các hoạt động phát triển và bảo tồn.
Dự án có 4 hợp phần gồm: Tăng cường năng lực thể chế và cộng đồng về quản lý hành lang đa dạng sinh học; Phục hồi, bảo vệ và duy trì hệ sinh thái hành lang đa dạng sinh học; Cải thiện sinh kế và hỗ trợ cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ; Quản lý dự án và hoạt động hỗ trợ.
Dự án được thực hiện tại 35 xã thuộc 6 huyện của 3 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, với khoảng 15.500 hộ gia đình. Dự án chủ yếu triển khai ở vùng núi, được bao quanh bởi các khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Theo Ban Chỉ đạo Dự án, sau một thời gian triển khai, Dự án đã đạt được một số kết quả ban đầu như: Triển khai bước đầu rà soát quy hoạch sử dụng đất lồng ghép hành lang bảo tồn đa dạng sinh học và cập nhật hồ sơ đầu tư xã; phục hồi hành lang đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái và quản lý bền vững nguồn tài nguyên; hỗ trợ cải thiện sinh kế và cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ… Đây là những nội dung chuẩn bị quan trọng cho các hoạt động tiếp theo của Dự án, tập trung vào việc thiết lập hành lang bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho người dân.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến đã đánh giá cao kết quả thực hiện dự án BCC tại tỉnh một số tỉnh thời gian qua và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương; đồng thời lưu ý tỉnh chú trọng xác định quyền lợi của người dân trong việc triển khai thực hiện Dự án, các định mức kinh tế kỹ thuật; chú trọng chỉ đạo triển khai Dự án tại cấp xã; quan tâm kết nối thông tin quá trình thực hiện dự án trên môi trường mạng...
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Dự án, các đại biểu tham gia cuộc họp cũng đề xuất ý kiến để xây dựng kế hoạch hoạt động của dự án trong 5 năm tiếp theo bao gồm: Xây dựng quy định quản lý dự án để sau khi dự án hoàn thiện các cộng đồng vẫn tiếp tục bảo vệ rừng và có lợi ích bền vững từ các dịch vụ sinh thái và tài nguyên; nhân rộng các mô hình sinh kế thành công; triển khai các hoạt động sinh kế và lâm nghiệp theo hình thức cuốn chiếu… (Đảng Cộng Sản 14/8) đầu trang(
Trong 7 tháng đầu năm, Công ty lâm nghiệp Di Linh đã tổ chức chi trả gần 900 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng cho 329 hộ nhận khoán và 1 tập thể.
Qua khảo sát, hầu hết các diện tích rừng được nhân dân nhận quản lý, chăm sóc cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt, các hộ dân sống gần rừng đã chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ cùng với chủ rừng và chính quyền địa phương, tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các vụ việc vi phạm đến luật quả lý bảo vệ rừng.
Thực tế cho thấy, việc chi trả kinh phí dịch vụ môi trường rừng vừa nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời để người dân nâng cao ý thực, trách nhiệm về quản lý rừng trên địa bàn. (Đài PTTH Lâm Đồng 17/8) đầu trang(
Con số trên được nêu ra tại hội nghị sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) do Sở NN&PTNT tổ chức vào ngày 15.8.
Báo cáo của sở này cũng cho thấy, đến nay đã có 7 đề án và dự án ADB tài trợ đã xác định được tổng diện tích có cung ứng DVMTR là 201.577ha. Năm 2014, lập mới 5 đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện Nam Sông Bung, Bắc Sung Bung, Sông Cùng, Đại Đồng và Trà My 1 – Trà My 2. Tổng số tiền thu ủy thác về DVMTR tại các đơn vị, doanh nghiệp đến quý 1 năm nay là hơn 125 tỷ đồng; chi trả DVMTR hơn 49 tỷ đồng…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá về tác động tích cực của chính sách chi trả DVMTR trong công tác bảo vệ rừng, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, bất cập là việc chi trả tại các địa phương còn chậm; chênh lệch đơn giá chi trả khá lớn giữa các lưu vực; một số doanh nghiệp chậm đóng tiền…(Báo Quảng Nam 16/8; Đại Đoàn Kết 18/8, tr2) đầu trang(
Mường Nhé là huyện duy nhất trong toàn tỉnh đến nay chủ rừng chưa nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) do chưa hoàn tất thủ tục giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình và cộng đồng thôn bản.
Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này được xác định là tình hình di cư tự do diễn biến phức tạp, nhận thức của nhân dân còn hạn chế, tình trạng phá rừng làm nương trái phép trên địa bàn huyện vẫn xảy ra nên công tác rà soát, thu thập số liệu phải điều chỉnh nhiều lần.
Tại các xã Huổi Lếch, Nậm Kè và Quảng Lâm có diện tích rừng thuộc khu vực giáp ranh huyện Nậm Pồ và huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), do người dân 2 huyện trên xâm canh xâm cư nên phương án rà soát và giao đất rừng tại các khu vực này gặp khó khăn.
Đến nay, các đơn vị tư vấn đã hoàn thành rà soát thực địa giao đất giao rừng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Theo đó, toàn huyện có trên 43.623ha đất lâm nghiệp; trong đó, hơn 14.289,5ha rừng sản xuất còn lại là diện tích rừng phòng hộ thuộc trạng thái IIa, IIb. Toàn bộ diện tích rừng trên được dự kiến giao cho 82 cộng đồng dân cư thôn bản (với 4.262 hộ) và 9 hộ gia đình, cá nhân.
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng giao đất giao rừng chính xác, đánh giá đúng thông tin về diện tích rừng giao trên thực địa cả về vị trí, trạng thái, trữ lượng, chủ sử dụng... Cuối tháng 7 vừa qua, huyện Mường Nhé đã ban hành kế hoạch tiếp tục kiểm tra, nghiệm thu công tác giao đất giao rừng trên địa bàn huyện trong năm 2014.
Huyện giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hạt Kiểm lâm, tổ chức Phát triển quỹ đất... tiến hành kiểm tra, hướng dẫn chính quyền cơ sở kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định giao đất giao rừng cho các chủ rừng (phấn đấu hoàn thành trong quý IV năm 2014); hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục giao đất giao rừng làm cơ sở để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trả tiền DVMTR cho chủ rừng. (Báo Điện Biên Phủ 15/8) đầu trang(
Do thiếu tài liệu để làm rõ những khuất tất của vụ án, TAND thị xã Hoàng Mai đã ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự có bị đơn là nguyên ĐBQH Lê Duy Nguyên.
Sau hơn 4 năm đằng đẵng với nhiều phiên tòa đã được đưa ra xét xử, ngày 15/7, Tòa án nhân dân Thị xã Hoàng Mai đã ra Quyết định số 06/2014/QĐST-DS về việc Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng" giữa ông Trần Xuân Lập (xóm Đồng Minh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai) và ông Lê Duy Nguyên (nguyên ĐBQH khóa X tỉnh Nghệ An, giám đốc doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên).
Lý do tạm đình chỉ vụ án là "để đợi UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), Phòng Tài nguyên mội trường và Hạt kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa án mới giải quyết được vụ án mà thời hạn giải quyết vụ án đã hết".
Trước đó, năm 1992, Nhà nước có chủ trương giao đất rừng cho các hộ dân ven biển, hộ ông Trần Xuân Lập được UBND huyện Quỳnh Lưu cấp sổ lâm bạ số 02, ngày 10.1.1993, diện tích 36,5 ha, thời hạn 50 năm.
Ông Lê Duy Nguyên lúc đó đang là cán bộ của Trường Năng khiếu Phan Bội Châu biết việc nên đã tư vấn, giúp gia đình ông Lập hoàn thiện thủ tục để được Nhà nước giao đất rừng. Tuy nhiên, sau khi mọi việc xong xuôi, ông Nguyên đã ngang nhiên lên UBND huyện Quỳnh Lưu giả chữ ký của ông Lập để nhận sổ lâm bạ số 2 với tư cách chủ hộ.
Để hợp thức hóa việc này, ông Nguyên đã tự lập 2 bản cam kết giao quyền quản lý sử dụng đất rừng và lại tiếp tục giả mạo chữ ký của ông Lập để chuyển giao quyền quản lý 36,5ha đất rừng của ông Lập cho chính ông Nguyên. Năm 2010, khi Nhà nước thực hiện dự án xây dựng đường đi qua diện tích đất rừng cấp cho ông Lập trong sổ lâm bạ, ông Nguyên đã tự nhận là đất của mình để chiếm đoạt tiền bồi thường.
Trong các phiên tòa diễn ra trước đó ở TAND huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc thẩm quyền của TAND thị xã Hoàng Mai), ông Nguyên đã ngang nhiên thừa nhận việc giả chữ ký ông Lập ký nhận và chiếm đoạt lâm bạ mang tên ông Trần Xuân Lập. Điều lạ là UBND huyện Quỳnh Lưu vẫn để cho ông Lập ký và nhận sổ lâm bạ mang tên người khác.
Để tăng sức nặng cho lời nói của mình, ông Nguyên còn trưng ra một bản cam kết giao quyền quản lý sử dụng, sản xuất kinh doanh đất trồng rừng cho ông Nguyên với chữ ký của 3 người đứng tên trên 3 lâm bạ, trong đó có ông Trần Xuân Lập.
Tuy nhiên, khi TAND huyện Quỳnh Lưu đưa tài liệu này đến Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng để giám định chữ ký của ông Trần Xuân Lập thì đơn vị này đã có văn bản kết luận: Chữ ký đó so với chữ ký mẫu của ông Lập không phải của cùng một người.
Luật sư Lương Quang Tuấn - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Xuân Lập - phân tích: "Một điều vô cùng lạ là khi lập biên bản và bàn giao lâm bạ cũng như thực địa đất trồng rừng thì chủ hộ đứng tên trong lâm bạ là ông Trần Xuân Lập lại không có mặt.
Trong biên bản, phần “Bên nhận” ghi: “Chủ hộ nhận đất: Ông Lê Duy Nguyên” là người không hề có tên trong sổ lâm bạ để được nhận đất và cũng không được ông Lập ủy quyền theo quy định của pháp luật".
Theo luật sư Tuấn, cũng trong biên bản này, phần “Bên giao” ghi: “Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu: Ông Trần Sỹ Mỹ”. Ông Nguyên đưa ra Giấy xác nhận ngày 9.3.2012 của ông Phan Xuân Chất, nguyên Phó hạt trưởng Kiểm lâm Quỳnh Lưu với nội dung: Từ năm 1986 đến 1997, hạt kiểm lâm “đã hợp đồng với một số cán bộ lâm nghiệp đã nghỉ hưu như chị Thanh, anh Mỹ… để làm việc cho hạt. Đầu năm 1993 tôi đã cử anh Trần Sỹ Mỹ ra Quỳnh Lập để giao đất lâm nghiệp cho ông Lê Duy Nguyên”.
Tuy nhiên, nội dung xác nhận này lại mâu thuẫn, ông Trần Sỹ Mỹ sinh ngày 1.9.1942, năm 1993 ông mới 51 tuổi, không thể là “cán bộ lâm nghiệp đã nghỉ hưu”, còn trong lý lịch Đảng thì thời gian này ông Mỹ đang làm Bí thư chi bộ 13, xã Quỳnh Vinh. Điều đặc biệt hơn cả, biên bản này được lập ngày 21.01.1993 và được UBND xã Quỳnh Lập đóng dấu xác nhận ngày 22.01.1993, Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu đóng dấu xác nhận ngày 25.01.1993.
Lạ lùng là 3 ngày trên lại rơi vào ngày 29, 30 và 03 Tết âm lịch Quý Dậu. Đây là những ngày cả nước đang nghỉ Tết cổ truyền nên không thể có cơ quan Nhà nước nào đi làm để giao đất và đóng dấu xác nhận cho ông Nguyên được!
Chính vì những điều bất thường nêu trên, TAND Thị xã Hoàng Mai sau khi thụ lý đã phải ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án này để đợi UBND huyện Quỳnh Lưu, Phòng Tài nguyên mội trường và Hạt kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu mới giải quyết được. (Trí Thức Trẻ 15/8) đầu trang(
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, với sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ sớm đạt ngưỡng 10 tỷ USD/năm.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta đã có bước đột phá trong những năm gần đây, với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng từ 219 triệu USD năm 2000 lên 3,4 tỷ USD năm 2010. Trong 3 năm qua, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt tương ứng 3,95 tỷ USD; 4,67 tỷ USD và 5,676 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đã đạt 3,4 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2013 và hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu đặt ra là 6,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ sớm đạt mức 10 tỷ USD/năm trong thời gian tới.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ đã có sự phát triển vượt bậc, nhưng so với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ trên thị trường thế giới, thì năng lực chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam còn quá nhỏ. Là một trong 5 quốc gia xuất khẩu gỗ và đồ gỗ lớn nhất thế giới và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 thị trường, nhưng Việt Nam mới chiếm 2,68% thị trường xuất khẩu đồ gỗ thế giới.
So với bình quân chung của thế giới, người Việt tiêu dùng sản phẩm gỗ rất ít, chỉ 31,7 USD/người/năm. Toàn bộ thị trường sản phẩm gỗ trong nước hiện mới ở mức 2,853 tỷ USD.
Thị trường này đang có tốc độ phát triển rất mạnh, nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và thu nhập của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm nhiều tới thị trường nội địa, vì nếu chế biến sản phẩm gỗ để xuất khẩu, doanh nghiệp được hưởng rất nhiều ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, miễn thuế xuất khẩu và nhiều chính sách ưu đãi khác nữa, trong khi sản xuất để tiêu thụ trong nước thì không được hưởng những ưu đãi đó.
Với thực tế như vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ thì doanh nghiệp sản xuất gỗ trong nước sẽ ngày càng lép vế trên thị trường nội địa.
Đúng vậy, các nước phát triển đang là thị trường nhập khẩu chủ lực sản phẩm gỗ của nước ta. Các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… có mức tiêu thụ bình quân 150 - 180 USD/người/năm. Nếu khai thác tốt các thị trường này, thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng đứng ở top 3 quốc gia xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc thị trường còn rất lớn không có nghĩa là chúng ta có thể dễ dàng đẩy mạnh xuất khẩu. Lý do là, sản phẩm nội thất như bàn ghế, tủ… được các làng nghề sản xuất ra chỉ bán được cho các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan và Hongkong, vì các nước phát triển không sử dụng loại sản phẩm được chế biến từ gỗ quý, đặc biệt là gỗ rừng tự nhiên. Vì thế, khi 3 thị trường này có vấn đề như đã từng xảy ra trong những tháng đầu năm nay, thì một trong những sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ lực sẽ gặp khó khăn.
Chúng ta đang đàm phán và thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên phải thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến chính sách thương mại quốc tế. Đối với sản phẩm gỗ, muốn xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản…, gỗ nguyên liệu gỗ phải có đầy đủ hồ sơ, chứng chỉ chứng nhận là gỗ hợp pháp.
Việc thực thi đầy đủ các chính sách này sẽ đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm không tăng tương ứng. Đây là trở ngại rất lớn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gỗ.
Cần phải tập trung vào cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Nếu có chiến lược, bước đi hợp lý và cụ thể, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong 3 nước đứng đầu sản phẩm gỗ, đồng thời sẽ chiếm lĩnh được thị trường nội địa, vì chúng ta có nhiều thế mạnh.
Muốn giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh sản phẩm gỗ phải chú ý nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định là chủ động nguồn nguyên liệu. Việc này, Việt Nam đã và đang làm khá tốt. Cụ thể, diện tích rừng trồng đã tăng từ 196.000 ha năm 2000 lên 1,948 triệu ha vào năm 2010 và hiện tại là 3,2 triệu ha. Nếu tiếp tục phát triển và bảo vệ rừng trồng như hiện nay, chúng ta sẽ bảo đảm được nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ, đặc biệt là nguyên liệu cho 11 nhà máy chế biến gỗ MDF đã và đang xây dựng.
Thêm vào đó, đặc tính của người tiêu dùng các nước phát triển là rất thích sử dụng sản phẩm gỗ xoài, mít, điều, nhãn, xà cừ, phi lao, cao su, xoan… Hiện chúng ta có thể khai thác 500.000 m3 sản phẩm gỗ này.
Với tiềm năng như vậy, nếu có chính sách phát triển phù hợp, thì kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD gỗ sẽ nằm trong tầm tay. (Đầu Tư 18/8) đầu trang(
Hiện trên địa bàn huyện Quan Hóa có hàng chục cơ sở chế biến lâm sản ngang nhiên xả thải trực tiếp xuống sông suối khiến sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp, nhà máy nước sạch cho các huyện miền xuôi và T.P Thanh Hóa...
Tại xã Phú Thanh (Quan Hóa) có rất nhiều cơ sở chế biến tăm đũa, bột giấy. Các cơ sở chế biến này mặc nhiên xả thải trực tiếp nguồn nước chưa qua xử lý ra sông suối và đều đổ vào sông Mã mà không hề có sự giám sát, kiểm tra của một cơ quan chức năng nào.
Theo người dân phản ánh, tình trạng ô nhiễm diễn ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên các cơ sở chế biến này phần lớn do người địa phương làm chủ, các doanh nghiệp lớn thì ít bị kiểm tra, nên cứ vô tư hoạt động.
Theo ghi nhận tại cơ sở chế biến Bảo Yến (cơ sở chế biến các mặt hàng tăm đũa, bột giấy xuất khẩu) với 2 cơ sở chế biến cách nhau chừng 300m.Trong quá trình sản xuất, đơn vị này đã bắc những đường ống vắt qua đường, ngang nhiên xả thải xuống lòng suối rồi chảy ra sông Mã.
Điều khiến nhiều người bất bình hơn là, để có được vị trí lập xưởng hoạt động hầu hết các cơ sở chế biến lâm sản này đã tự ý đổ đất đá, lấp lấn sông xâm phạm tới cả chục mét chiều dài lòng sông Mã mà không hề bị xử lý, ngăn chặn.
Trao đổi về vấn đề này, Ông Trương Nho Tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện có 25 xưởng sản xuất, chế biến luồng, trong đó có 6 xưởng chế biến bột giấy, còn lại làm tăm, đũa. Từ năm 2013 đến nay huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, tham mưu cho tỉnh xử phạt 4 cơ sở là Hoàng Vân, Xuân Dương (xã Hồi Xuân), 1 xưởng ở xã Xuân Phú. Riêng công ty Duyệt Cường (Đài Loan) bị xử phạt hơn 320 triệu đồng. Ngoài ra còn yêu cầu các đơn vị xây dựng bể chứa, xử lý nước thải, rác thải đảm bảo quy định mới được hoạt động. Cũng trên địa bàn huyện có một số cơ sở chế biến lâm sản tự phát, chưa được cấp phép nên vấn đề ô nhiễm môi trường là có thật...”
Đề nghị các ngành chức năng có biên pháp giải quyết, xử lý vi phạm đối với các trường hợp chưa được cấp phép và cố tình vi phạm về ô nhiễm môi trường. (Công An Thanh Hóa 14/8; Thanh Niên 18/8, tr10) đầu trang(
14-8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh đã có buổi làm việc với Hiệp hội chế biến lâm sản tỉnh Đồng Nai chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ 4 của Hiệp hội sắp tới.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh đã đồng ý với chủ trương của Hiệp hội trong việc tự đầu tư hạ tầng một cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ để tạo điều kiện mặt bằng cho các hội viên sản xuất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Hiệp hội phối hợp với Sở Công thương để khảo sát, lựa chọn vị trí thích hợp trong số 26 cụm công nghiệp tỉnh đã quy hoạch để tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng.
Chuẩn bị cho Đại hội nhiệp kỳ 4 sắp tới, Hiệp hội chế biến lâm sản của tỉnh xác định, mục tiêu của Hiệp hội là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhằm góp phần hỗ trợ hội viên trong sản xuất kinh doanh để phát triển ngành gỗ bền vững.
Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 600 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ với tổng doanh thu năm 2013 đạt 2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 1,5 tỷ USD, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ cả nước. (Báo Đồng Nai 15/8) đầu trang(
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về triển khai bóc tách đất lâm nghiệp giao đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, sáng 15-8.
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay các đơn vị đã hoàn thành phương án sơ bộ bóc tách đất lâm nghiệp giao đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, huyện Khánh Sơn bóc tách được 503ha, sẽ giao cho đồng bào DTTS nghèo 385ha, 247 hộ; huyện Khánh Vĩnh bóc tách 1.355ha, giao 182ha, 364 hộ; huyện Cam Lâm bóc tách 417ha, giao 170ha, 148 hộ; thị xã Ninh Hòa bóc tách 1.076ha nhưng chưa có phương án giao cụ thể…
Các địa phương và các ngành đều cho rằng việc bóc tách đất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, liên quan đến các vấn đề: đối tượng sử dụng, kỹ thuật bóc tách, hiện trạng sử dụng đất… và kiến nghị tỉnh tập trung chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí.
Ông Lê Đức Vinh đánh giá việc triển khai của các địa phương còn chậm và gặp nhiều lúng túng. Đồng thời yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan xây dựng phương án chi tiết, cụ thể để có cơ sở thực hiện, quy định rõ trình tự, thủ tục, tổ chức giao đất thực địa, dự trù kinh phí, chậm nhất đến ngày 1-10.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Ban Dân tộc rà soát hoàn thiện phương án báo cáo tỉnh trước ngày 20-10. (Báo Khánh Hòa 15/8) đầu trang(
Sáng 14/8, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị công bố và bàn giao thành quả Dự án “Xây dựng bản đồ phân vùng sinh thái thích nghi trồng các loại cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Tham dự hội nghị có đại diện Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ, thuộc Viện Điều tra Quy hoạch rừng; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh.
Dự án “Xây dựng bản đồ vùng sinh thái thích nghi trồng các loại cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh” được UBND tỉnh phê duyệt đề cương vào tháng 9/2013. Mục tiêu dự án là xây dựng bản đồ phân vùng sinh thái thích nghi trồng các loại cây lâm nghiệp thông qua việc xác định được tập đoàn cây trồng lâm nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và chức năng sản xuất của mỗi vùng, mỗi địa phương. Dự án được thực hiện trên diện tích 417 nghìn ha đất quy hoạch cho phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sau một năm triển khai dự án, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh phối hợp với Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ đã hoàn tất việc lập dự án làm cơ sở để chính thức thực hiện dự án.
Theo đó, Dự án “Xây dựng bản đồ phân vùng sinh thái thích nghi trồng các loại cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh” được chia thành 2 vùng, trong đó: Vùng 1 (vùng cao) diện tích thực hiện 230 nghìn ha tại các huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn thuộc dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Pú Luông; vùng 2 (vùng thấp) diện tích 188 nghìn ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, phía Nam của huyện Bắc Hà và một số huyện thuộc lưu vực sông Hồng, sông Chảy.
Tại hội nghị, ông Lê Trường Giang, Phân viện Trưởng Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ, thuộc Viện Điều tra Quy hoạch rừng đã công bố kết quả điều tra của dự án, giới thiệu bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch vùng trồng cây lâm nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, sổ tay hướng dẫn sử dụng bản đồ và số liệu của dự án, qua đó làm cơ sở để các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo các huyện, thành phố ứng dụng thành quả của dự án.
Tại hội nghị, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã bàn giao bản đồ quy hoạch vùng trồng cây lâm nghiệp và các tài liệu khoa học liên quan cho đại diện các huyện, thành phố. (Báo Lào Cai 14/8) đầu trang(
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, qua kiểm tra tỉnh đã thu hồi 164 dự án thuê đất, thuê rừng với diện tích lên đến 25.332ha.
Các dự án bị thu hồi do không triển khai thực hiện dự án hoặc triển khai chậm tiến độ; không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên diện tích được thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép.
Mặt khác, có một số dự án không ký hợp đồng thuê rừng và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định. Trong đó, có 136 dự án bị thu hồi toàn bộ với 22.817ha và 28 dự án bị thu hồi một phần với 2.515ha.
Đến hết tháng Bảy vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 440 dự án thuê rừng, đất rừng đang triển khai thực hiện dự án với 47.357ha. Trong số đó có 118 dự án du lịch sinh thái với diện tích 10.712ha, 62 dự án trồng cao su có diện tích 13.439ha, bao gồm diện tích chuyển rừng tự nhiên để trồng cao su và quản lý bảo vệ và 154 dự án trồng rừng kinh tế với 14.268ha, gồm cả 30 dự án vừa trồng rừng kinh tế vừa trồng cây cao su.
Ngoài ra, còn có 54 dự án nông lâm kết hợp với 6.495ha, 14 dự án nuôi cá nước lạnh có diện tích 963ha và 39 dự án với các mục tiêu khác với 1.478ha.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, trong công tác cho thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư của tỉnh hiện còn nhiều tồn tại, khó khăn, hạn chế, nhất là việc một số dự án đầu tư triển khai chậm, không đảm bảo tiến độ.
Cùng với đó là việc thiếu lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, còn để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và công tác phòng cháy chữa cháy rừng chưa được triển khai tốt.
Mặt khác, hiện nay chủ rừng chưa gắn kết trách nhiệm với công tác quản lý, bảo vệ rừng do hiện nay chưa có quy định chế tài xử lý đối với chủ rừng ngoài Nhà nước để rừng bị phá, khai thác trái phép trên diện tích được thuê. (VietnamPlus 17/8; Tin Tức 17/8; Báo Lâm Đồng 14/8; Thanh Niên 16/8, tr7) đầu trang(
Yên Bái là tỉnh miền núi có diện tích rừng khá lớn, hàng chục vạn hộ nông dân sống bằng nghề rừng thế nhưng sản xuất lâm nghiệp lại đang có thu nhập thấp nhất, gây lãng phí tiềm năng đất đai.
Làm gì để nâng cao giá trị sử dụng đất, nâng cao đời sống của người trồng rừng là một đòi hỏi cấp bách và cần có những giải pháp tổng thể. Hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp đã được khẳng định rõ là không chỉ đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Từ nhiều năm nay, Yên Bái luôn quan tâm phát triển lâm nghiệp và hàng loạt cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo động lực cho phát triển. Bình quân mỗi năm, nhân dân, các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp trồng mới trên 13.000ha rừng, nâng diện tích rừng kinh tế lên trên 220.000ha.
Phát triển lâm nghiệp đã trở thành một nghề của phần lớn nông dân, góp phần lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Song có một thực tế là sản xuất lâm nghiệp, nhất là trong phát triển rừng kinh tế, giá trị mang lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị thực. Sản xuất lâm nghiệp đang là một ngành mang lại giá trị thấp nhất so với các loại cây trồng khác, bình quân đạt 10 triệu đồng/ha/năm.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh, năm 2013, toàn tỉnh trồng mới 15.000ha rừng, khai thác 8.000ha rừng kinh tế, cho thu trên 400.000m3 gỗ, năng suất bình quân đạt trên dưới 50m3/ha. Qua đó cho thấy, sản lượng gỗ cho thu hoạch là rất thấp, sản lượng thấp đồng nghĩa với giá trị kinh tế không cao. Với 50m3 gỗ thu được, bán với giá thị trường hiện nay, gỗ tốt, đẹp cũng chỉ được 53 - 54 triệu đồng/ha.
Nếu nhìn tổng thể thì đây là số tiền không hề nhỏ đối với các hộ gia đình ở nông thôn nhưng nếu đem chia cho một chu kỳ trồng rừng 6 năm (đất tốt luân kỳ 1) và 7 - 8 năm (luân kỳ 2, luân kỳ 3) thì mỗi năm, mỗi héc-ta rừng, người dân thu chưa đầy 8 triệu đồng, đó là chưa trừ chi phí tiền giống, phân bón, công lao động và các chi phí khác.
Câu chuyện về thu nhập từ trồng rừng thấp có lẽ không riêng gì Yên Bái mà đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Cũng chính vì vậy, từ năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp” và đã được Chính phủ phê duyệt.
Qua đánh giá cho thấy, nguyên nhân dẫn đến giá trị kinh tế từ rừng mang lại thấp là chúng ta chưa có những giống tiên tiến chất lượng cao, việc đầu tư chăm sóc còn hạn chế. Vùng nguyên liệu chất lượng chưa cao, công nghiệp chế biến tuy số lượng lớn nhưng chủ yếu là sơ chế.
Trong tổng số 400 cơ sở, chỉ có gần chục cơ sở chế biến bán thành phẩm và có máy móc, công nghệ tương đối hoàn chỉnh, còn lại phần lớn thô sơ. Các cơ sở này mỗi năm đóng góp chưa đầy 15 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, người lao động chủ yếu là hợp đồng thời vụ. Có quá nửa là chế biến, sản xuất dựa vào thị trường tự do nên thiếu tính ổn định, không bền vững và giá trị thấp. Bên cạnh đó phải nói đến sự phát triển chưa có quy hoạch, không gắn với vùng nguyên liệu, dẫn tới tình trạng thu mua nguyên liệu ồ ạt, không chất lượng.
Vấn đề cấp bách hiện nay là phải tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng rừng sản xuất thông qua nuôi dưỡng làm giàu rừng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, đưa giống mới vào sản xuất, phát triển trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao sản lượng gỗ thương phẩm, phục vụ chế biến.
Để làm được điều đó không phải chuyện một sớm một chiều đồng thời cần có sự vào cuộc một cách tích cực, cụ thể của “4 nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp). Vấn đề cấp bách là cần phải có một quy hoạch tổng thể đến chi tiết từng huyện, từng địa phương và từ vùng nguyên liệu đến chế biến.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân về cách trồng, chăm sóc cũng như quy trình thu hoạch theo hướng tỉa thưa, phát triển gỗ lớn để tăng sinh khối và giá trị gỗ, đáp ứng cho chế biến gỗ thành phẩm và xuất khẩu. Một vấn đề mấu chốt là ngành nông nghiệp, các huyện, thị cần gieo ươm và tìm giúp nông dân những bộ giống cây lâm nghiệp tiên tiến chất lượng cao, năng suất tốt, phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng miền.
Song song, tỉnh cũng cần dành một nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các chủ rừng có đủ điều kiện xây dựng vườn giống chuẩn, phục vụ nhu cầu giống cho nhân dân. Trong chế biến cần thực hiện và căn cứ vào quy hoạch của tỉnh về chế biến gỗ rừng trồng giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025 đồng thời các doanh nghiệp cũng cần đổi mới công nghệ, thiết bị phù hợp, đẩy mạnh phát triển chế biến theo hướng chiều sâu để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ, nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu.
Bên cạnh đó là vận động, khuyến khích các hình thức hợp tác kinh doanh theo mô hình các cơ sở nhỏ làm vệ tinh cho doanh nghiệp lớn, cung cấp sản phẩm bán thành phẩm, sơ chế để doanh nghiệp lớn đầu tư chế biến đến sản phẩm cuối cùng. (Báo Yên Bái 14/8) đầu trang(
Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy được UBND tỉnh phê duyệt năm 2009, theo đó, có 11.356 hộ gia đình có diện tích nương, rẫy đang canh tác trên đất lâm nghiệp với diện tích gần 21 nghìn ha, tập trung ở các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương.
Tại Bắc Hà, Dự án được triển khai trên địa bàn 5 xã là Na Hối, Tà Chải, Bảo Nhai, Nậm Mòn và Thải Giàng Phố. Sau 4 năm thực hiện, những diện tích đất trống đồi trọc hoang hóa bạc màu hay những nương ngô, lúa kém hiệu quả và đất đồi bỏ hoang đã dần được phủ xanh bằng cây mỡ và sa mộc...
Khu đất đồi rộng gần lha của gia đình anh Ly Xuân Trư, ở thôn Gì Thàng (xã Thải Giàng Phố), trước đây được trồng cây ngô. Nhưng do đất có độ dốc lớn ngày càng bạc màu, nên cây ngô cho năng suất thấp mặc dù được chăm sóc tốt. Từ khi được tham gia dự án trồng rừng thay thế nương rẫy, gia đình anh được Nhà nước cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, cấp gạo để ăn nên gia đình rất yên tâm, không phải lo trồng ngô, lúa nương mà chú tâm vào chăm sóc diện tích rừng trồng. Hiện nay, diện tích cây sa mộc của gia đình anh trồng đang phát triển khá tốt, hứa hẹn trong thời gian không xa sẽ cho nguồn thu nhập ổn định.
Chị Vù Thị Máy, Phó Chủ tịch UBND xã Thải Giàng Phố cho biết: Tham gia dự án này trước mắt bà con sẽ không phải lo lương thực ăn hằng ngày nữa, còn lâu dài sẽ có nguồn thu nhập khá ổn định từ rừng, nên các hộ dân trong dự án hiện rất yên tâm sản xuất.
Cũng theo Phó Chủ tịch xã Vù Thị Máy, từ khi triển khai trồng rừng thay thế nương rẫy, nhân dân trong xã đã có ý thức hơn trong việc chăm sóc bảo vệ để rừng phát triển, không còn hiện tượng đốt rừng, phát nương làm rẫy, thả rông gia súc như trước đây vì các diện tích rừng này đều thuộc các gia đình quản lý. Toàn xã Thải Giàng Phố đã trồng được gần 20ha rừng từ dự án, với cơ chế chính sách và sự đồng thuận của người dân, thời gian không xa sẽ phủ xanh toàn bộ diện tích đất không thể sản xuất nông nghiệp.
Cho đến thời điểm này toàn huyện Bắc Hà đã triển khai trồng được trên 124ha rừng, với 186 hộ dân ở 16 thôn, bản tham gia. Qua kết quả kiểm tra, theo dõi của ngành chức năng huyện cho thấy, tỷ lệ cây sống trên diện tích rừng trồng mới thay thế nương rẫy ở các xã đạt gần 90%, cây sinh trưởng phát triển tốt.
Bên cạnh việc hướng dẫn nhân dân chăm sóc, bảo vệ rừng, cơ quan chức năng của huyện còn phối hợp với chính quyền các xã hỗ trợ gạo cho người dân tham gia trồng rừng kịp thời, đúng đối tượng, bước đầu giải quyết được nhu cầu lương thực cho người dân trong giai đoạn chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng. Tổng số gạo mà huyện cấp cho người dân thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy từ khi thực hiện dự án đến nay là trên 170 tấn.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đây là Dự án rất thiết thực bởi Lào Cai còn có rất nhiều diện tích đất, đồi không còn khả năng canh tác, do nguồn lực của tỉnh có hạn, vì vậy dự án đã đem đến nguồn lực quan trọng tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong quá trình triển khai dự án, tuyên truyền vận động bà con tham gia, chuẩn bị các giống cây phù hợp với từng địa bàn... đến nay, diện tích rừng trồng ở tất cả các huyện đều phát triển tốt và theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Ngoài ra, khi đồng bào DTTS tham gia trồng rừng đã thay đổi tập quán canh tác theo phương thức truyền thống, kém hiệu quả sang phương thức sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Người dân đã tích cực tham gia trồng rừng, rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng phá rừng làm nương rẫy giảm đáng kể. Khi những diện tích rừng trồng mới phát triển, sẽ góp phần cải thiện đáng kể môi trường cũng như giảm thiểu nguy cơ sa mạc hóa đất ở các địa phương. (Dân Tộc & Phát Triển 15/8, tr11) đầu trang(
Nhằm bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tận gốc, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Thanh Kỳ (trên địa bàn xã Thanh Tân, huyện Như Thanh) đã giao khoán 5.482 ha rừng cho 651 hộ dân bảo vệ, chăm sóc và sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp, nông - lâm kết hợp chăn nuôi.
Bà con tham gia các dự án trồng và BVR đã được BQL rừng phòng hộ Thanh Kỳ tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, BVR tận gốc gắn với sản xuất, kinh doanh nghề rừng có hiệu quả; khai thác rừng trồng đã cho sản phẩm theo quy định, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật BV&PTR ...
Kết quả nổi bật trong hơn 7 tháng đầu năm 2014 là 100% diện tích rừng (5.482 ha) trên địa bàn do BQL được bảo vệ, phát triển xanh tốt, không xảy ra cháy. An ninh rừng trên địa bàn được giữ vững, độ che phủ của rừng  do BQL rừng phòng hộ Thanh Kỳ quản lý hiện tại đạt 96,1%.
Trong gần 8 năm (từ năm 2007 đến 2014), BQL rừng phòng hộ Thanh Kỳ đã hướng dẫn kỹ thuật; cung ứng cây giống; tổ chức  cho các hộ nhận khoán trên địa bàn trồng mới được hơn 1.500 ha rừng sản xuất. Trong đó, 7 tháng đầu năm 2014 ban đã tổ chức trồng mới được 126 ha rừng sản xuất.
Hầu hết  các hộ nhận khoán đều chăm sóc, BVR và  phát triển sản xuất  nông - lâm kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng, cho hiệu quả kinh tế khá cao; nhiều người dân trong vùng có thêm việc làm tại chỗ, thu nhập từ tiền nhân công và sản phẩm của rừng, góp phần nâng cao đời sống và  xây dựng nông thôn mới trong vùng. (Báo Thanh Hóa 16/8) đầu trang(
Năm 2014, với kế hoạch trồng mới 10.000ha rừng, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6. Tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh hại…, công tác trồng rừng toàn tỉnh hiện đang chậm tiến độ.
Đến ngày 30/6, toàn tỉnh mới thực hiện được 7.000ha rừng trồng mới, đạt 70% KH. Tính đến thời điểm ngày 4/8/2014, toàn tỉnh mới trồng được 8.886,19ha, đạt 89% kế hoạch (KH).
Một số địa phương đã trồng vượt kế hoạch như: Bạch Thông (107% KH), Chợ Mới (112% KH), thị xã Bắc Kạn (122% KH), huyện Ba Bể cũng cơ bản trồng xong với tỷ lệ trồng đạt 99% KH.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa trồng đạt chỉ tiêu kế hoạch giao như: Pác Nặm (95% KH), Chợ Đồn (56% KH), Na Rỳ (88% KH), Ngân Sơn (73% KH). (Backan.gov.vn 15/8) đầu trang(
Năm 2014, Ban Quản lý dự án trồng rừng 147 Vườn Quốc gia Ba Bể có kế hoạch trồng mới 290 ha rừng. Qua đăng ký và thiết kế được 357 ha nhưng đến thời điểm hiện nay, các xã mới trồng được 268 ha, số diện tích còn lại người dân tự ý bỏ không trồng dù đã đăng kí.
Khu vực đồi trúc thôn Khuổi Luông, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể có khoảng 20 túi cây giống được cấp bị người dân vứt bỏ ngổn ngang giữa nhiều bụi cây dại. Toàn bộ số cây giống mỡ đã bị chết và không thể trồng được.
Ông Đăng Văn Bảo- Trưởng thôn Khuổi Luông xã Khang Ninh cho biết: Trong năm 2014, thôn Khuổi Luông đăng ký trồng mới với gần 31 ha rừng. Tuy nhiên khi vận động người dân tiến hành trồng rất khó khăn,  nhiều hộ dân đã bỏ không trồng , nhất là trồng rừng phân tán vì trồng rừng phân tán chỉ được hỗ trợ cây giống và phân bón trong năm đầu mà không được hỗ trợ công chăm sóc .
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 147 Vườn Quốc gia Ba Bể, hơn 60 hộ dân bỏ trồng rừng đã đăng ký, tương đương với diện tích trên 58 ha. Trong đó, xã Khang Ninh người dân bỏ trồng khoảng 20 ha, Quảng Khê 13 ha, Hoàng Trĩ hơn 12 ha và xã Đồng Phúc là 13 ha.
Được biết, Để chuẩn bị cho mùa trồng rừng năm 2014, Vườn Quốc gia Ba Bể đã căn cứ vào danh sách các hộ dân đăng ký trồng rừng từ các thôn, các xã đã hợp đồng với đơn vị thiết kế và đơn vị gieo ươm cây giống.Theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg và Quyết định 66/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị gieo ươm cũng như thiết kế trồng rừng, khi nhiệm thu trồng rừng đạt tỷ lệ theo quy định mới được thanh quyết toán.
Đối với cây giống, tỷ lệ cây sống nhiệm thu trồng rừng phải đạt trên 85% mới được thanh quyết toán. Với việc người dân bỏ trồng rừng sẽ không chỉ gây ra sự lãng phí rất lớn mà còn ảnh hưởng đến việc công tác trồng rừng năm 2014 và gây khó khăn cho các đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị cung ứng cây giống.
Ông Phạm Văn Chí, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể- Trưởng Ban Dự án trồng rừng 147 Vườn Quốc gia Ba Bể cho biết: Với diện tích bỏ trồng rừng là hơn 58ha, đơn vị thừa trên 15 vạn cây giống. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến công tác gieo ươm và hoàn thành diện tích trong vụ trồng rừng năm 2015.
Để tránh tình trạng người dân bỏ trồng rừng sau khi đã đăng ký, thiết kế, Ban Quản lý dự án trồng rừng 147 Vườn Quốc gia Ba Bể cần siết chặt hơn công tác đăng ký trồng rừng và ký cam kết ràng buộc về công tác trồng rừng.
Ngoài ra, Chính quyền và ngành chức năng cũng cần  tăng cường tuyên truyền, vận động bà con thấy được lợi ích từ trồng rừng và đẩy mạnh hình thức  giúp đổi công cho nhau để các hộ này có điều kiện tiếp tục tham gia trồng rừng theo kế hoạch. (Đài PTTH Bắc Kạn 15/8) đầu trang(
UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành tổng điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2013-2016 theo Quyết định 594/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại 15 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ hơn 182.000 ha rừng và đất lâm nghiệp; 7 Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và Vườn quốc gia Cư Yang Sin được giao quản lý, bảo vệ gần 161.000 ha.
Cuộc tổng điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn toàn tỉnh lần này giúp chính quyền các địa phương quản lý, khai thác và sử dụng diện tích rừng trên địa bàn theo hướng tích cực, hiệu quả hơn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng.
Được biết, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định phân bổ kinh phí gần 13 tỷ đồng cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng để phục vụ cho công tác tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn tỉnh. (Báo Đắc Lắc 14/8) đầu trang(
BQL Dự án Khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng đã phối hợp với UBND huyện Bố Trạch tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng do dự án hỗ trợ tại thôn Cù Lạc 2, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.
Tại thôn Cù Lạc 2 có 94 hộ gia đình được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích gần 126 ha, để sử dụng vào mục đích đất rừng sản xuất. Thời hạn sử dụng của diện tích đất được giao của thôn Cù Lạc 2 là 50 năm kể từ tháng 8/2014 đến tháng 8/2064. (Đài PTTH Quảng Bình 14/8) đầu trang(
Theo Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang cơ bản hoàn thành trồng rừng năm 2014 với tổng diện tích 6.233,6ha (đạt gần 130% kế hoạch năm).
Trong đó có 6.072,3ha rừng sản xuất tập trung; 160,3ha rừng phòng hộ, đặc dụng và gần 1,9 triệu cây phân tán các loại. Có được kết quả trên là do thời tiết thuận lợi, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã phát huy hiệu quả, tạo phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế rộng khắp.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị, bảo đảm chất lượng cây giống cũng được quan tâm; triển khai, phân bổ kịp thời nguồn vốn hỗ trợ đến các hộ khó khăn... Hạt kiểm lâm các huyện đã chủ động hướng dẫn nhân dân chuẩn bị hiện trường, kỹ thuật trồng cây, giúp các hộ trồng rừng đúng thời vụ. (Báo Bắc Giang 13/8) đầu trang(
Do địa hình phức tạp, núi đất, núi đá xen kẽ, độ dốc lớn, nhiều khe núi hiểm trở nên so với các huyện khác trong tỉnh, công tác trồng rừng trên địa bàn huyện Bắc Sơn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, năm 2012 toàn huyện chỉ hoàn thành trên 80% kế hoạch. Nhưng trong vụ trồng rừng năm 2014 với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, đến nay, toàn huyện đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng.
Năm 2014, huyện Bắc Sơn được tỉnh giao chỉ tiêu trồng mới 560 ha rừng, chỉ tiêu phấn đấu của huyện là 620 ha. Với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, ngay từ cuối năm 2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể.
Các ban, ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các xã rà soát kỹ điều kiện của từng xã, trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu trồng rừng phù hợp với điều kiện thực tế để các xã có cơ sở, xây dựng kế hoạch phấn đấu thực hiện. Ngay từ đầu năm 2014, các ban, ngành chức năng đã thành lập đoàn công tác, kiểm tra tiến độ sản xuất nông nghiệp của các xã, trong đó có việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho trồng rừng như: hiện trường, xử lý thực bì, cuốc hố trồng cây...
Cùng với đó kịp thời hướng dẫn kỹ thuật, đẩy mạnh tuyên truyền người dân trồng rừng đúng kỹ thuật, đúng thời vụ, đôn đốc các xã khắc phục khó khăn, tranh thủ khi thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo khi đến thời vụ là bắt tay vào trồng rừng ngay.
Ông Vũ Văn Hoạch, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: công tác chuẩn bị cây giống lâm nghiệp đảm bảo cung ứng kịp thời khi đến thời vụ được các ban, ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc chủ động nguồn giống tại chỗ được huyện thực hiện tốt.
Hiện trên địa bàn huyện có 3 vườn ươm lớn sản xuất khoảng 1,5 triệu cây giống mỗi năm và 4 vườn ươm nhỏ, cơ bản đáp ứng nhu cầu về giống cây lâm nghiệp trên địa bàn. Rừng trồng mới của huyện chủ yếu là keo, mỡ, quế. Ngoài ra, bà con còn chủ động nhập một số ít cây giống mà việc gieo ươm trên địa bàn không thuận tiện về trồng như bạch đàn.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ được các ban, ngành chức năng của huyện đặc biệt quan tâm phối hợp với các xã làm tốt là công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng phong trào xã hội hóa trồng rừng. Người dân đã nhận thấy lợi ích thiết thực từ rừng nên đã mạnh dạn đầu tư.
Vì vậy, năm 2014 là năm ghi dấu ấn công tác xã hội hóa trồng rừng trên địa bàn huyện. Nếu như những năm trước, thường thì huyện huy động xã hội hóa được trên 100 ha rừng thì từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xã hội hóa trồng rừng được trên 250 ha, đạt trên 160% kế hoạch.
Kết quả đến nay, toàn huyện đã trồng mới được trên 580 ha rừng, đạt trên 100% kế hoạch tỉnh giao. Tỷ lệ cây sống đạt 90%. Cơ bản các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch như: trồng rừng hỗ trợ sản xuất đạt 100% kế hoạch, đạt và vượt chỉ tiêu về xã hội hóa…
Hiện nay, huyện đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu trồng 200 ha cây phân tán, đến thời điểm này, toàn huyện cũng đã trồng đạt khoảng 70%. Dự kiến đến cuối tháng 8, đầu tháng 9/2014, huyện sẽ hoàn thành chỉ tiêu trồng cây phân tán. Khi hoàn thành chỉ tiêu này, Bắc Sơn cũng đồng thời hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu của huyện. Một số xã có phong trào trồng rừng phát triển mạnh, đến nay cơ bản đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng rừng năm 2014 như: Vũ Lễ, Tân Thành, Vạn Thủy...
Cùng với việc trồng rừng, những năm qua, các ban, ngành của huyện đã phối hợp có hiệu quả với các xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, diện tích trồng rừng mới đều được quản lý, bảo vệ tốt, không để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng trồng mới trên địa bàn. (Báo Lạng Sơn 14/8) đầu trang(
Tính đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh thực hiện trồng được trên 2.600 ha rừng phân tán, đạt 109,5% kế hoạch năm.
Các địa phương có diện tích trồng rừng phân tán đạt cao gồm: Huyện Bạch Thông 540 ha, Ngân Sơn 351ha, huyện Ba Bể 549ha, huyện Chợ Mới 270ha. Các giống cây trồng rừng phân tán năm nay chủ yếu vẫn là các loài cây quen thuộc như xoan, lát, quế, keo, thông…
Việc trồng rừng phân tán có nhiều ưu điểm như có thể tận dụng vùng đất trống trồng xung quanh nhà, trường học, công sở để tạo bóng mát, tạo không khí trong lành. Cây được trồng phân tán gần nhà, gần đường giao thông sẽ thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý, khai thác, vận chuyển.
Ngoài ra, việc trồng rừng phân tán có thể không cần xử lý thực bì trên diện rộng, góp phần giữ được cân bằng sinh thái và bảo vệ được thảm thực vật có vai trò quan trọng trong việc điều tiết lượng nước trên các sông, suối.
Do vậy, trồng rừng phân tán ngày càng được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo, được người dân hưởng ứng. (Báo Bắc Kạn 14/8) đầu trang(
Thực hiện chủ trương phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển giai đoạn 2008 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng “Dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển giai đoạn 2011 - 2015”.
Theo đó, tỉnh đề xuất quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) với tổng diện tích 681ha, trong đó, đất đã có rừng ngập mặn là 78ha và dự kiến diện tích trồng mới 600ha.
Các giải pháp kỹ thuật gồm trồng mới rừng ngập mặn phòng hộ chắn sóng, lấn biển bằng các loài cây: bần chua, bần trắng, đước đôi, đước xanh và mấm biển... Bên cạnh đó, trồng, chăm sóc rừng ngập mặn phân tán; tạo luồng lạch cho tàu thuyền lưu thông; đề xuất xây dựng 3 vườn ươm cây giống...
Trên cơ sở đó, xây dựng các chính sách nhằm thu hút người dân bảo vệ đồng thời huy động các nguồn vốn, kể cả viện trợ quốc tế để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. (Đài PTTH Khánh Hòa 14/8) đầu trang(
Là một trong nhiều dự án đang được Dự án cơ sở JICA – Vịnh Hạ Long triển khai, trong những năm qua, việc duy trì hoạt động trồng rừng ngập mặn đã đem lại những hiệu quả tích cực trong việc tái tạo, phát triển bền vững môi trường vịnh Hạ Long.
Rừng ngập mặn có vai trò rất lớn trong việc tái tạo và duy trì sự ổn định, bền vững của môi trường, nhất là đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Những năm qua, đặc biệt từ năm 2007, diện tích rừng ngập mặn tại khu vực ven bờ vịnh Hạ Long bắt đầu có sự suy giảm ngày càng mạnh. Theo số liệu được đưa ra bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trung tâm nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn, tính đến năm 2010, diện tích rừng ngập mặn tại vịnh Hạ Long chỉ còn 2040,6 ha và chỉ chiếm 25% diện tích bãi triều của Vịnh.
Sự suy giảm này cũng đồng nghĩa với việc môi trường sinh thái ven bờ bị hủy hoại  và Quảng Ninh đang dần mất đi khu vực quan trọng trong bảo tồn môi trường Vịnh Hạ Long.
Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra để lý giải cho việc gia tăng tốc độ mất rừng là bởi quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng bất hợp lý và không có quy hoạch môi trường, chưa có nhà máy xử lý nước thải, các bãi triều ven biển khu vực Tp Hạ Long bị lấy đi phục vụ cho việc mở rộng, xây dựng khu dân cư, người dân cũng chưa có những nhận thức đầy đủ về vai trò của rừng ngập mặn.
Trước tình trạng đó, UBND tỉnh đã làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam triển khai kế hoạch bảo vệ rừng ngập mặn ở vịnh Hạ Long cũng như ở các khu vực vùng đệm như Quảng Yên và Vân Đồn. Đây là một trong nhiều hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên có sự tham gia của người dân trên Vịnh Hạ Long (Dự án Vịnh Hạ Long giai đoạn 1) mà JICA đang triển khai tại Hạ Long.
Ông Yoshiaki Kitaya, Giáo sư Trường Đại học Osaka đồng thời là thành viên của Dự án này cho biết "Lý do chúng tôi chọn và triển khai trồng rừng ngập mặn bởi vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu thực hiện dự án này, chúng tôi nhận thấy chất lượng môi trường nước của Vịnh Hạ Long đang bị suy giảm. Tái tạo diện tích rừng ngập mặn sẽ góp phần tạo ra thảm xanh cũng như góp phần chuyển hóa môi trường giữa đất liền và môi trường biển, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ việc phát triển công nghiệp khu vực thành phố".
Năm 2007, Dự án JICA Vịnh Hạ Long bắt đầu tiến hành nghiên cứu và khảo sát khu vực trồng rừng ngập mặn tại Tp Hạ Long, vùng ven đảo Tuần Châu, vụng Ba Cửa và Vân Đồn. Trong đó vụng Ba Cửa được đánh giá là nơi thích hợp nhất bởi khu vực này có giá trị sinh thái rất lớn.
Bên cạnh đó một phương pháp trồng rừng ngập mặn mới cũng được đưa vào áp dụng, đó là sử dụng bầu bằng trầm tích núi lửa trong việc ươm giống. Công nghệ này có ưu thế nổi trội là nếu áp dụng đúng quy cách, sẽ làm tăng tỷ lệ sống sót của cây lên cao hơn từ 30 – 40% so với phương pháp truyền thống.
Trên cơ sở nghiên cứu, tháng 9/2009, JICA Việt Nam bắt đầu phối hợp thực hiện trồng thử nghiệm 600 cây con, khẳng định khả năng sống và sinh trưởng của chúng. Sau đó vào tháng 1/2011, 5000 cây con đầu tiên bắt đầu được trồng tại khu vực Ba Hang.
Và trong những năm tiếp theo, hoạt động này tiếp tục được duy trì thường xuyên với 3000 cây được trồng năm 2012 tại Cửa Vụng – Ba Hang, 3000 cây vào năm 2013 – 2014 tại cửa hang Đầu Gỗ. Như vậy, đã có tổng số trên 11.000 cây rừng ngập mặn các loại như trang, sú, đước, vẹt dù, mắm…được trồng tại các  khu vực thuộc vịnh Hạ Long.
Đến thời điểm này, theo đánh giá từ phía JICA cho thấy các cây được trồng có khả năng sống cao và phát triển tốt. Điều đáng nói là mặc dù có quy mô tương đối nhỏ, nguồn lực hạn chế nhưng hoạt động này thu hút được sự quan tâm, hướng ứng rất lớn. Không chỉ có các chuyên gia, nhà khoa học, hoạt động còn có sự tự nguyện tham gia của người dân địa phương, đặc biệt là của các bạn trẻ Quảng Ninh và cả Nhật Bản.
Hiện nay, Dự án JICA Vịnh Hạ Long giai đoạn 1 (9/2009 - 9/2012) đã kết thúc nhưng việc trồng rừng ngập mặn vẫn đang tiếp tục duy trì triển khai trong giai đoạn 2 của dự án. Đến khu vực Ba Hang - Cửa Vụng hay hang Đầu Gỗ vào thời điểm này, có thể dễ dàng nhận ra thảm xanh đầy sức sống của hàng vạn cây  rừng ngập mặn.
Điều này không chỉ tạo ấn tượng với khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long mà còn góp phần khẳng định chính sách quan trọng của tỉnh Quảng Ninh là phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. (Đài PTTH Quảng Ninh 14/8) đầu trang(
Xã Đại Thành (huyện Tiên Yên) có diện tích rừng, đồi chiếm tới hơn 1.500ha/ 1.987ha đất tự nhiên. Trước đây, bà con chủ yếu trồng lúa, nhưng do ruộng đồng manh mún lại xen kẽ rừng, đồi rất khó đầu tư các hệ thống tưới tiêu nên lúa kém nước, năng suất không cao.
Những năm gần đây, nhờ biết “biến yếu thành mạnh”, phát huy tiềm năng của rừng đồi, đời sống người dân trong xã đã thay đổi đáng kể. Khởi đầu phải kể đến Dự án PAM 5322 được thực hiện từ năm 1998, đã như luồng gió mới làm thay đổi việc phát triển kinh tế trên địa bàn Đại Thành.
Dự án đưa cây thông nhựa vào xã, để khuyến khích người dân, dự án hỗ trợ bà con 250kg gạo/ha rừng. Người dân hồ hởi trồng thông với trên 90% diện tích rừng được giao (khoảng 800ha), còn lại là các loại cây khác như keo, quế, hồi. Năm 2013, người dân Đại Thành đã bắt đầu khai thác nhựa thông và thu được khoảng 30 tấn.
Với giá bán nhựa cao, dao động từ 42.000-52.000 đồng/kg, tổng doanh thu của bà con được khoảng 1,4 tỷ đồng. Năm nay, do biến động của thị trường, lượng nhựa thông xuất khẩu giảm đi, giá cũng hạ hơn (khoảng 32.000 đồng/kg) nên người dân khai thác nhựa ít hơn.
Kể từ đầu năm đến nay, bà con mới thu hoạch được khoảng 12 tấn nhựa thông. Anh Nình A Tắc, thôn Khe Mươi là một trong những hộ trồng nhiều thông ở Đại Thành cho biết: Khi nào được giá nhựa thông thì chúng tôi sẽ khai thác nhiều, nếu giá hạ chúng tôi sẽ khai thác ít đi. Nhựa giống như dòng máu nuôi sống cây thông, chẳng mất đi đâu cả.
Anh Tắc từng là hộ nghèo, nhưng từ khi 7ha rừng thông nhà anh được khai thác nhựa, anh thoát nghèo và trở thành hộ khá, xây được nhà kiên cố. Anh Tắc nằm trong số 220 hộ dân của xã với gần 100% các hộ đều trồng thông. Hộ ít nhất cũng có khoảng 2ha thông, bà con có thể khai thác nhựa thông 9 tháng/năm với thu nhập từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/ hộ/ngày. Sau thời gian khai thác nhựa khoảng 20 năm, bà con lại đốn cây bán gỗ, tiếp tục có thêm thu nhập.
Để người dân có nguồn thu thường xuyên, bền vững thì bên cạnh các rừng thông đã cho khai thác, xã vận động người dân trồng mới hơn chục ha thông/ năm gối vụ. Riêng năm ngoái, bà con đã trồng phủ kín 20ha khu vực đất trống còn lại của xã.
Có thể nói, cây thông thực sự là cây xoá nghèo của Đại Thành. Theo các cán bộ xã thì trước năm 2013 (thời kỳ bà con chưa khai thác được nhựa thông), tỷ lệ hộ nghèo của xã gần 80% thì trong năm nay con số này chỉ còn 20,4%. (Báo Quảng Ninh 15/8) đầu trang(
Nhận thấy trồng lúa và hoa màu không mang lại hiệu quả kinh tế, CCB Quách Đại Tới (xã Kỳ Phú, Nho Quan) đã áp dụng mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông đã vươn lên xóa đói giảm nghèo thành công.
Sau khi phục viên trở về địa phương, gia đình ông Tới đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đồng đất chua bạc màu nên lúa và hoa màu năng suất thấp. Khi người con gái duy nhất của vợ chồng ông đột ngột qua đời, ông gần như suy sụp.
Ông mang cháu ngoại, giờ đã mồ côi cha mẹ, về nuôi. Gánh nặng cơm áo đè lên đôi vai người CCB khi đứa cháu phải phẫu thuật vết thương bỏng. Năm 1992, Nhà nước thực hiện chủ trương giao đất, trồng rừng, dù chưa một lần nghĩ mình sẽ gắn bó với rừng nhưng để cải thiện kinh tế gia đình, ông Tới xin thực hiện dự án.
Ông Tới tâm sự: “Được giao 11ha trồng rừng nhưng việc cải tạo đất tốn nhiều thời gian nên tôi trồng xen tán các cây lấy gỗ và bản địa như: Lát, trám, bùi… Đến nay, 5ha keo đã đến tuổi khai thác, ước tính giá trị vài trăm triệu đồng”.
Bên cạnh đó, ông Tới áp dụng phương pháp “lấy ngắn nuôi dài”, đưa chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Từ diện tích đất bạc màu khai hoang ở chân núi, gia đình ông thường xuyên bón thêm phân hữu cơ để làm đất tơi xốp. Nhờ vậy mà vụ ngô và sắn luôn đạt năng suất cao. Từ tiền bán gỗ, ông mua được 5 con bò lai sinh sản tốt. Còn trong vườn thường xuyên có 30-50 con gà lai chọi, trong đó có 20 con mái đẻ trứng.
Ở những nơi đất trũng, ông Tới đưa thêm cây bương, nứa, tre… về trồng. Đây là loại cây thương phẩm có giá trị kinh tế cao, không mất nhiều công chăm sóc. Mỗi vụ thu hoạch măng cho thu nhập hơn chục triệu đồng. Không dừng lại ở đó, người CCB từng một thời xông pha trận mạc còn “có duyên” với nghề nuôi ong. Ông đã có hơn 60 thùng ong, trung bình mỗi thùng cho thu hoạch từ 2 đến 7 lít mật một mùa. Mật ong của gia đình ông không pha tạp chất nên rất đắt khách. Giá bán dao động từ 200-300 nghìn đồng/lít.
Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2012 gia đình CCB Quách Đại Tới đã xây dựng được một ngôi nhà mái bằng kiên cố, kinh tế từng bước ổn định. Nhiều năm qua, gia đình ông luôn là tấm gương nông dân làm ăn giỏi của xã Kỳ Phú. (Quân Đội Nhân Dân 17/8) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng