Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 20 tháng 10 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) ghi nhận việc có nhiều người dân lên bán đảo Sơn Trà để hái quả trâm, đốt than trái phép.
Ngày 20/10, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Tà, TP.Đà Nẵng) xác nhận, trên địa bàn phường thời gian qua ghi nhận có nhiều người dân tự ý lên bán đảo Sơn Trà để hái quả trâm và đốt than.
Người dân còn bỏ lại xe máy trên đường rồi đi vào các khu vực bảo tồn của bán đảo Sơn Trà, gây cản trở việc đi lại cũng như trở thành "miếng mồi ngon" cho các đối tượng trộm cướp .
Nhằm chấn chỉnh lại tình hình an ninh trật tự trên bán đảo Sơn Trà, lực lượng chức năng UBND phường Thọ Quang phối hợp lực lượng hạt kiểm lâm, quy tắc đô thị, tiến hành kiểm tra vào sáng 18/10 và tạm giữ hàng loạt xe máy không chủ, bị bỏ dọc bờ đường lên bán đảo Sơn Trà.
Cũng vì việc này, một số người dân bức xúc, tập trung trước UBND phường để phản đối việc thu giữ xe máy của họ mà không có thông báo. Chia sẻ về sự việc, ông Phạm Văn Hoa (trú quận Sơn Trà) cho hay, tranh thủ hôm nghỉ làm, ông Hiệu cùng một vài người lên núi Sơn Trà câu cá giải trí.
Đến buổi trưa cùng ngày, ông Hoa mới từ dưới bãi biển đi ngược lên, ông phát hiện lực lượng quy tắc phường đã bắt nhiều xe máy đậu bên lề đường.
“Tôi không hiểu vì sao UBND phường Thọ Quang lại giữ xe của chúng tôi nhưng không nói lý do. Xe máy của tôi có giấy tờ hợp pháp nhưng khi đưa xe máy về phường, họ lại không nêu rõ lý do” – ông Hoa bày tỏ.
Về việc này, đại diện lãnh đạo UBND phường Thọ Quang đã đến để trao đổi, giải thích lý do tạm giữ xe máy. Chia sẻ với báo điện tửNgười Đưa Tin, ông Lê Tấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết mình cũng trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra và tạm giữ xe máy trên bán đảo Sơn Trà.
Ông Thanh phản ánh: "Mấy ngày gần đây, một số người dân, khách du lịch phản ánh trên facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, thời gian qua trên núi Sơn Trà xuất hiện một bộ phận người dân lên đây để đốt than, hái trái trâm và câu cá.
Nhưng việc đốt than, hái trâm rừng trên núi Sơn Trà là cấm tuyệt đối vì hành động này tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Một số ý kiến bức xúc vì số lượng người lên hái trâm, đốt than rất đông gây mất an ninh trật tự, phá vỡ cảnh quan khu bảo tồn".
"Chủ trương chung của TP.Đà Nẵng, khu rừng đặc dụng Sơn Trà được bảo vệ nghiêm ngặt và nghiêm cấm tất cả các hành vi vào rừng chặt phá. Tuy nhiên, vẫn có một vài người dân qua mặt cơ quan chức năng vào rừng chặt phá cây trâm để lấy trái, rồi đốt than rất dễ gây cháy rừng.
Chúng tôi phối hợp hạt kiểm lâm để đi kiểm tra, vận động tuyên truyền bà con không lên rừng để hái trâm, đốt than và ký cam kết với lực lượng hạt kiểm lâm Sơn Trà”, ông Thanh cho biết thêm.
Riêng việc lực lượng quy tắc đô thị tạm giữ xe đồng loạt là hợp lý vì những chiếc xe máy của người dân đậu không đúng nơi quy định, bên cạnh đó người dân còn sử dụng xe máy để vào rừng đốt than, chặt phá cây trâm là không được phép.
Thông qua việc giam giữ xe này cơ quan chức năng cũng sẽ tổ chức tuyên truyền đến từng người về việc nghiêm cấm xâm phạm để rừng Sơn Trà như thời gian gần đây.
“Sau khi chúng tôi đưa xe về UBND phường nếu xe máy của người dân dùng đi câu cá thì họ có thể đến và chúng tôi sẽ bàn giao xe máy lại cho họ. Chúng tôi cũng nhắc nhở bà con không bỏ xe trên đường như thế, rất dễ bị kẻ gian lấy mấy.
Hiện có hai địa điểm gửi xe là Đồi Vọng Cảnh và Đỉnh Bàn Cờ để bà con an tâm gửi xe để đi ngắm cảnh, thay vì bỏ xe dọc bờ đường như thế", đại diện phường Thọ Quang kết luận. (Người Đưa Tin 20/10) đầu trang(
Mùa khô đang tới gần, công tác phòng chống cháy rừng (PCCCR) được cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha và nhân dân trong khu vực đặc biệt quan tâm với nhiều biện pháp cụ thể.
Rừng đặc dụng Xuân Nha với tổng diện tích trên 18.000 ha, thuộc địa bàn 4 xã: Chiềng Sơn (Mộc Châu) và các xã Chiềng Xuân, Tân Xuân, Xuân Nha (Vân Hồ). Địa hình phức tạp với dốc đứng và núi cao, địa bàn đi lại còn khó khăn, thời tiết tại rừng đặc dụng được chia làm 2 mùa rõ rệt (mùa khô và mùa mưa), trong đó, mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, nắng nóng, khô hanh kéo dài kèm theo gió Lào nên nguy cơ cháy rừng rất cao.
Với phương châm chủ động phòng chống cháy rừng đặc dụng Xuân Nha, ngay từ những tháng đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các văn bản của tỉnh, huyện liên quan đến công tác PCCCR, các biện pháp canh tác nương rẫy an toàn...
Đến nay, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã phối hợp với các xã tổ chức 50 buổi tuyên truyền tại các bản và ký cam kết bảo vệ rừng, thực hiện quy định an toàn về PCCCR với 2.966 chủ hộ sinh sống và canh tác bên trong rừng đặc dụng; củng cố 16 tổ bảo vệ rừng tại các bản với số thành viên là 186 người.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã xây dựng phương án PCCCR trên địa bàn theo phương châm “Phòng là chính”. Hạt đã chỉ đạo các tổ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện công tác PCCCR ở tất cả các xã; kiện toàn các ban chỉ huy, ban PCCCR cấp xã, duy trì hoạt động các tổ đội quản lý bảo vệ rừng; thực hiện trực ban thường xuyên 24/24 giờ trong ngày vào thời điểm nắng nóng, khô hanh.
Đặc biệt, trong đợt rét đậm, rét hại và băng tuyết đầu năm làm cho thực vật rừng chết khô hàng loạt dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao, Hạt đã phối hợp với lực lượng dân quân các xã làm đường băng cản lửa xung quanh khu vực thảm thực vật khô, dễ bắt lửa.
Ông Trần Ngọc Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha, cho biết: Để hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng trong mùa khô năm nay, Hạt đã phối hợp với các đơn vị, người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng, dự báo cháy rừng, chủ động phát hiện sớm và dập lửa ngay từ khi đám cháy mới hình thành với lực lượng chính là người dân trong khu vực; củng cố lực lượng PCCCR, phối hợp cùng các tổ quản lí, bảo vệ rừng để sẵn sàng ứng phó, thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với UBND huyện và các xã mở hội nghị đông - xuân triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2016-2017; xây dựng phương án PCCCR mùa khô; hướng dẫn các xã, bản đẩy mạnh tuyên truyền những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị các điều kiện về vật tư, con người, sẵn sàng khi có cháy rừng xảy ra.
Tổ chức cho nhân dân tham gia phát dọn các tuyến đường băng cản lửa, bảo đảm khoảng cách an toàn giữa rừng và nương rẫy, nơi ở của người dân...
Luôn chủ động, sẵn sàng đưa ra các phương án phù hợp, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền các cấp và bà con trong khu vực, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha đã chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ công tác PCCCR.
Tin rằng, mùa khô năm nay khu rừng đặc dụng Xuân Nha sẽ được bảo vệ tốt, hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng xảy ra. (Báo Sơn La 20/10) đầu trang(
Vĩnh Phúc không phải là tỉnh có diện tích rừng lớn nhưng tình hình khai thác, buôn lậu lâm sản trên địa bàn tỉnh những năm qua luôn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức đối với các lực lượng chức năng.
Thời gian qua, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng đã phát hiện ra một số vụ vi phạm pháp luật về khai thác, buôn lậu lâm sản.
Theo số liệu thống kê, tỉnh ta hiện có hơn 33 nghìn ha rừng với gần 16 nghìn ha rừng đặc dụng, hơn 4 nghìn ha rừng phòng hộ và gần 14 nghìn ha rừng sản xuất với khoảng 530 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ.
Những năm gần đây, tình hình khai thác, buôn lậu lâm sản trên địa bàn diễn biến phức tạp. Chính vì thế, đấu tranh chống khai thác, buôn lậu lâm sản trái phép trên địa bàn luôn là nội dung hết sức quan trọng được lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm quan tâm.
Để kiểm soát tình hình khai thác, buôn lậu lâm sản trái phép trên địa bàn, Chi cục đã triển khai đồng bộ các biện pháp như: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng và kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn quản lý; chú trọng tại các khu vực làng nghề truyền thống, các tuyến đường giao thông có khả năng cao xảy ra hoạt động gian lận thương mại, nhằm mục đích phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý rừng và quản lý lâm sản.
Tích cực xây dựng kế hoạch phối hợp và tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, mới đây nhất là kế hoạch số 07/KH-CCKL ngày 20/11/2015 về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực lâm nghiệp năm 2016.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm Lâm đã tổ chức thực hiện 1 cuộc thanh tra chuyên ngành có thành lập đoàn đối với 4 chủ rừng là tổ chức và 2 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tổ chức 13 cuộc kiểm tra chuyên đề trong lĩnh vực kiểm lâm với 4 tổ chức và 157 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra phát hiện và xử lý 10 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó: 4 vụ phá rừng phòng hộ trái pháp luật (diện tích thiệt hại là 0,127 ha); 6 vụ vi phạm thủ tục hành chính trong mua bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản; kết quả: Thu nộp từ xử lý vi phạm hành chính trên 50 triệu đồng.
Đáng chú ý, ngày 18/3/2016, Chi cục Kiểm Lâm nhận được 1 đơn đề nghị của công dân Khương Minh Huy, sinh năm 1963, trú tại thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) với nội dung phản ánh tình trạng chặt phá rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước của ông Đặng Văn Huyên (chủ rừng được giao quản lý rừng trồng 327), thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) tại khu vực núi Sáng Sơn, thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch).
Ngay sau khi nhận được đơn của ông Huy, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo đoàn công tác phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Lập Thạch, UBND xã Ngọc Mỹ và đại diện thôn Tân Cương làm việc trực tiếp với ông Khương Minh Huy; điều tra, xác minh và tham mưu cho UBND xã Ngọc Mỹ lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với ông Đặng Văn Huyên về hành vi khai thác rừng trái phép. Đồng thời, phạt hành chính 4 triệu đồng và tịch thu 0,45m3 gỗ Muồng, yêu cầu ông Huyên ký cam kết không tiếp tục vi phạm, tái phạm.
Đặc biệt, vào những ngày đầu tháng 10/2016 vừa qua, Chi cục Kiểm Lâm đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường chống buôn lậu và gian lận thương mại - Chi cục Quả lý thị trường kiểm tra, xác minh 1 vụ vi phạm vận chuyển gỗ trái pháp luật do tại thời điểm kiểm tra, chủ xe ô tô mang biển kiểm soát 30X – 8158 khi vận chuyển 2,3m3 gỗ Pơ mu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng trên xe khi lưu thông qua nút giao đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào KCN Bình Xuyên (Bình Xuyên).
Đội đã yêu cầu chủ phương tiện đưa xe cùng số gỗ về trụ sở để xử lý. Sau khi điều tra, làm rõ hành vi vi phạm về vận chuyển lâm sản trái phép, Đội Quản lý thị trường chống buôn lậu và gian lận thương mại đã ra quyết định tịch thu toàn bộ số gỗ trên và xử phạt hành chính đối với chủ xe ô tô vận chuyển số tiền 30 triệu đồng.
Mặc dù vậy, công tác đấu tranh chống khai thác, buôn lậu lâm sản trái phép trên địa bàn vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các lực lượng chức năng như: Kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý rừng và quản lý lâm sản đến người dân còn hạn chế, đặc biệt tại các khu vực làng nghề truyền thống và những nơi có khả năng cao xảy ra các hoạt động gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, phương tiện tham gia giao thông tăng cao; thông tin liên lạc phát triển, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi trong khi đó các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn hạn chế. Vì vậy, công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.
Để hạn chế và kiểm soát được tình trạng vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, tránh thất thoát và thiệt hại về tài nguyên cho Nhà nước và các chủ rừng,thời gian tới, Chi cục Kiểm Lâm sẽ tiếp tục lãnh chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm thực hiện Kế hoạch số 1182/KH-BCĐ ngày 04/3/2016 của Ban chỉ đạo 389/VP theo sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & PTNT trong công tác quản lý, phát triển rừng; tổ chức kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống các hành vi vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, gỗ và các lâm sản quý hiếm trái phép.
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở khu vực làng nghề và nơi có khả năng cao xảy ra các hoạt động gian lận thương mại; đào tạo kiến thức pháp luật, kỹ năng vận động quần chúng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Về lâu về dài, tăng cường công tác thanh, kiểm tra kiểm soát lâm sản và sản phẩm chế biến từ gỗ tại các khu vực làng nghề truyền thống, các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh có khả năng cao xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý rừng và quản lý lâm sản.
Đồng thời, tổ chức tuần tra, truy quét các tụ điểm về khai thác rừng, tập kết lâm sản trái pháp luật tại các khu vực trọng điểm, trong đó: Ưu tiên đối với rừng đặc dụng, phòng hộ là rừng tự nhiên, rừng trồng bằng vốn ngân sách Nhà nước. (Báo Vĩnh Phúc 19/10) đầu trang(
Sáng 19-10, Đại tá Lê Quốc Dân- Phó Giám đốc CATP cùng đoàn kiểm tra liên ngành TP đã có buổi làm việc với UBND P. Hòa Hiệp Bắc về công tác phối hợp hoạt động của lực lượng CA với Dân quân tự vệ, Kiểm lâm trên địa bàn trong công tác bảo vệ ANCT, TTATXH ở cơ sở; bảo vệ và phòng chống cháy rừng năm 2016.
Trên cơ sở lắng nghe báo cáo từ UBND, CAP Hòa Hiệp Bắc cùng các ý kiến, kiến nghị từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan, kết luận tại buổi làm việc, Đại tá Lê Quốc Dân ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cũng như kết quả mà các lực lượng P. Hòa Hiệp Bắc đã đạt được thời gian qua. Phó Giám đốc CATP cũng đặc biệt nhấn mạnh, từ khi QĐ 8394 của UBND TP ra đời, công tác phối kết hợp TTKS giữa các lực lượng chức năng đã phát huy được những hiệu quả tích cực...
Thời gian tới, Đại tá Lê Quốc Dân đề nghị, lãnh đạo, chính quyền địa phương cần quan tâm, chỉ đạo thường xuyên hơn nữa đến công tác phối kết hợp giữa các lực lượng nói trên, nhất là trong công tác phát động phong trào, làm sao để toàn dân cùng tham gia bảo vệ ANTQ. Tăng cường hơn nữa công tác TTKS, quan tâm đến công tác quản lý cư trú trên địa bàn...Bên cạnh đó, P. Hòa Hiệp Bắc là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, vì thế, công tác phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng trên lĩnh vực này cũng cần được đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến các chế độ chính sách, hỗ trợ phương tiện, dụng cụ để các lực lượng TTKS theo QĐ 8394, Phó Giám đốc CATP Lê Quốc Dân cho biết, lãnh đạo TP rất quan tâm. "Chính vì thế, nếu các lực lượng chức năng làm không quyết liệt thì chúng ta thật sự có lỗi với nhân dân"- Đại tá Lê Quốc Dân nhấn mạnh... (Công An TP. Đà Nẵng 20/10) đầu trang(
Ngày 18-10, tại TP Hồ Chí Minh, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND), Bộ Công an đã phối hợp cùng Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tổ chức Lễ khai giảng khóa tập huấn kỹ năng thu thập, quản lý và phân tích thông tin tội phạm về động vật hoang dã cho cán bộ, chiến sỹ thuộc Cục Cảnh sát môi trường (CSMT) Bộ Công an phía Nam và Công an TP Hồ Chí Minh.
Trung tá, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện CSND, cho biết, những năm gần đây, tốc độ suy giảm đa dạng sinh học nói chung và tốc độ tuyệt chủng các loại động thực vật nói riêng ở Việt Nam gia tăng.
Các hoạt động săn bắt, tàng trữ, mua bán, giết mổ…động vật hoang dã trái phép, đặc biệt các loài nguy cấp, quý hiếm diễn ra ngày càng nghiêm trọng với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Thậm chí, các đối tượng còn manh động, liều lĩnh chống trả gây thương tích cho lực lượng thi hành công vụ.
Tuy lực lượng Cảnh sát môi trường giữ vai trò chủ công, nòng cốt, áp dụng nhiều biện pháp tích cực nhưng việc ngăn chặn, hạn chế còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Khóa tập huấn giúp tăng cường kỹ năng thu thập, quản lý và phân tích thông tin tội phạm về động vật hoang dã nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho lực lượng Cảnh sát môi trường…
Trong 3 ngày tập huấn, 26 học viên thuộc Công an TP Hồ Chí Minh và Cục CSMT phía Nam sẽ được cung cấp các nội dung gồm: Giới thiệu chung về động vật hoang dã; kỹ năng thực tế về tìm kiếm, thu thập, quản lý và phân tích thông tin tội phạm động vật hoang dã; kỹ năng xác định một số loài động vật hoang dã phổ biến thường bị buôn bán trái phép và quản lý cơ sở dữ liệu. (Công An Nhân Dân 19/10) đầu trang(
Vườn Quốc gia Vũ Quang thuộc tỉnh Hà Tĩnh nơi có nhiều loài sinh vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, là 1 trong 30 vườn quốc gia cả nước.
Trong hơn 55 ngàn ha diện tích, vườn có 38 ngàn ha thuộc phân khu bảo tồn nghiêm ngặt. Nhưng vì nhiều lẽ, nơi đây đang từng ngày phải đối mặt với khó khăn, thách thức.
Vườn quốc gia Vũ Quang (VQGVQ) nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh, giáp hai huyện Hương Khê , Hương Sơn và nước bạn Lào. Với 62.284 ha diện tích tự nhiên, tài nguyên rừng ở đây rất phong phú, một kho báu tới 1.612 loài thực vật, trong đó có 94 loài thú, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá, 316 loài bướm. Nhiều động vật rất quý hiếm như Chà vá chân nâu, Voọc đen, voi, bò tót, mang lớn.
Địa bàn thuộc vườn QGVQ trải dài trên 3 huyện, núi cao, hiểm trở, đường đi lại rất khó khăn và có đến 62 km đường biên giới với nước bạn Lào.
Lợi dụng những đặc điểm nói trên, nhiều năm qua bà con vùng đệm và bọn lâm tặc các nơi, nhất là một số người dân tộc vùng núi Quảng Bình thường xâm phạm chặt trộm gỗ quý, săn bắn muông thú trái phép.
Trong lúc đó, lực lượng bảo vệ quá mỏng. Đúng ra, theo Nghị định 117 của Chính phủ quy định, cứ 500 ha rừng có 1 biên chế bảo vệ. Nhưng ở đây hơn 55 ngàn ha vườn chỉ mới có 79 người. Nếu chiếu theo Quyết định 1130 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về quy hoạch phát triển vườn quốc gia thì phải có đến 134 người làm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn này.
Nói là 79 người nhưng đó là trên sổ sách giấy tờ, thực tế ở đây chỉ còn 66 cán bộ, nhân viên làm việc. Bởi 13 người đã nghỉ theo chế độ, kế hoạch năm 2017 sẽ có thêm 4 người nghỉ nữa.
Hiện nay, trong số 66 người còn lại có 3 lãnh đạo thì 1 đồng chí sức khoẻ yếu, đau ốm liên miên, 1 chỉ vài năm nữa đến tuổi nghỉ hưu, 20 đồng chí làm công tác văn phòng. Lực lượng “ chiến đấu” trực tiếp chỉ còn 45 người chia ra 11 trạm, đội, có nhiều trạm chỉ có 2 viên chức.
Bộ máy vừa mỏng vừa yếu, địa bàn VQG trải dài từ Thành Cụ Phan Đình Phùng  đến xã Phú Gia, dài ngót ngét trăm cây số. Mùa hè, dân đốt rẫy, đốt ong khắp nơi, mùa mưa thì chỉ chậm chân một tý là cả tổ tuần tra phải nằm lại nhịn đói, chịu rét trong rừng chờ cho  lũ rút qua mới về được.
Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ phải thốt lên với tôi: “Ngày trước ở dưới Chi cục, tôi cũng khá gần anh em, nhưng chưa hình dung hết vấn đề. Nay lên đây mới thấy thực sự quá sức chịu đựng anh a!”.Tôi biết, mặc dù anh em VQG đã rất trách nhiệm, cố gắng để giữ gìn “khu sinh thái xanh” quý báu này, nhưng cũng không xuể được.
Mới năm 2015 thôi, tại Tiểu khu 166 xẩy ra vụ lâm tặc khai thác trộm 14,3 m3 gỗ de của rừng đặc dụng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Kết quả, 8 cán bộ Vườn bị kỷ luật. Trạm trưởng trạm Sao La bị  miễn nhiệm chức vụ, Giám đốc VQG Đào Huy Phiên cũng bị kỷ luật khiển trách và điều chuyển công tác.
Mấy tháng nay, dù quân ít, nhưng nghe tin báo một số dân Quảng Bình mượn đường đi qua vườn để khai thác trộm gỗ Pơmu, Giám đốc Kỳ phải điều quân len cắm chốt ở Dốc Đại Tá. Đã hơn 2 tháng trời, anh em phải lặn lội  5-6 tiếng đồng hồ vào chốt, dựng lều trong rừng, tự lo cuộc sống.
Mưa lũ dầm đề, sên vắt, muỗi độc, thú rừng đói khát đe doạ ngày đêm,  ai nấy không quan tâm, chỉ lo sơ sảy vì lâm tặc. Chốt chặn, tuần tra chặt thế mà rồi một số người dân tộc, quê ở Quảng Bình vẫn lẻn qua được đất bạn chặt trộm gỗ. Theo anh em kể lại, bọn người này thành thạo luồn rừng, giỏi né tránh kiểm lâm, biên phòng.
Cách khai thác, vận chuyển của họ nhanh chóng, gọn nhẹ, rất khó phát hiện. Gỗ chặt hạ xong, xẻ bê 2 mét dài, rộng 15cm gùi gọn sau lưng, dễ luồn rừng, lách trạm kiểm soát. Bọn họ khá hung hãn, bị phát hiện sẵn sàng bắn trả hoặc chém lại kiểm lâm để thoát thân.
Tất nhiên, trước sự chủ động về kế hoạch đối phó, sự mưu trí, gan lỳ của quân ta, bọn chúng vẫn bị thất bại, phải “bỏ của chạy lấy người”. Tuy vậy, cuộc chiến giữ rừng này còn cam go, quyết liệt, gian khổ. Một mình kiểm lâm không đủ mà cần có sự quan tâm, vào cuộc, đồng hành từ nhiều phía.
Tâm sự với tôi, Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ không dấu được nỗi lo. Tháng 11 tới, Thuỷ điện Ngàn Trươi Vũ Quang chặn dòng, đóng lòng hồ. 3 trạm và các đường tuần tra lâm nghiệp hầu như bị ngập hết. Nước dâng cao, chạm lên tận rừng, 32 hòn đảo lớn, nhỏ sẽ xuất hiện. Một đường viền xung quanh các đảo dài đến 370 km (dài hơn Hà Tĩnh ra Hà Nội) sẽ ôm lấy các cánh rừng.
Từ đây, người dân có thể tiếp cận rừng từ 4 phía mà không cần chui lủi. Rất có thể tái diễn một vụ “Hoà Hải 2012” trên địa bàn này. Số là, năm 2012, xã Hoà Hải (huyện Hương Khê) được tỉnh, huyện giao cho quản lý lòng hồ đập Đá Hàn. Do không lường trước được vấn đề, 9 hộ dân thường xuyên nhân đó chặt, chở gỗ lậu.
Lợi dụng đường viền mép rừng, họ cho thuyền áp sát, chặt hạ gỗ, buộc vào can nhựa loại 20-40 lít thả xuống nước, dùng dây kéo theo thuyền. Chỉ đến khi bị phát hiện tịch thu thuyền, mọi chuyện mới được giải quyết.
Giám đốc Kỳ cho biết thêm, việc cho tận thu gỗ lòng hồ thuỷ điện Ngàn Trươi cũng  là một vấn đề phải tính đến, Bởi ranh giới giữa được khai thác và không được khai thác là rất mong manh. Theo quyết định, từ cốt 14 đến cốt 52m so với nước biển mới được khai thác.
Nhưng có 4 doanh nghiệp thắng thầu, với hàng trăm người vào “tận thu”, ai mà quản lý nổi. Không khéo tận thu  trở thành “tận diệt” rừng như chơi!
Vì vậy, nhà nước nên giaoVQG chịu trách nhiệm quản lý mặt nước lòng hồ, được quyền kiểm soát người ra vào khu vực hồ. Nên trang bị 2-3 thuyền máy, công suất lớn, chở được nhiều người để Vườn tổ chức lực lượng tuần tra lòng hồ hàng ngày và khi có yêu cầu đột xuất.
UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần quan tâm  về mặt nhân sự lẫn các chế độ ưu đãi của nhà nước quy định cho CBNV đơn vị.
Được biết, do điều kiện công việc quá gian khổ, vất vả, độc hại, thu nhập thấp nên VQG Vũ Quang đã có 24 viên chức làm đơn xin nghỉ theo chế độ 108, biên chế của đơn vị đã thiếu lại thiếu thêm.
Vì thế, năm 2017, tỉnh nên xem xét, giải quyết cho Vườn đủ 134 định biên theo Quyết định 1130 của tỉnh, hoặc chí ít cũng phải có 110 người theo Quyết định 117 của Chính phủ.
Kinh phí hoạt động cũng là một trong những vấn đề lớn cần được lãnh đạo các cấp quan tâm đúng mức. Theo chúng tôi biết, kinh phí trên cấp hiện chỉ đủ cho từ 60 – 70% nhu cầu hoạt động của Vườn. Ví như chế độ phụ cấp đi rừng tuần tra biên giới, ngày được hỗ trợ chỉ 100 ngàn đồng/ người. Đi ít thì không hoàn thành nhiệm vụ, đi nhiều (hoặc đi đủ 8- 10 người) thì không có tiền chi cho anh em. Nơi đi dược bằng xe máy thì đường rừng quá xấu, lắm đèo dốc, tốn xăng lại mau hỏng xe.
Nhiều trạm trưởng xin nghỉ việc hoặc thôi chức mặc dù còn rất trẻ, chỉ vì trách nhiệm nặng nề, tháng đi họp  2-3 lần, xe, xăng phải tự túc, trong lúc đó phụ cấp chỉ hơn anh em dưới 300 ngàn đồng/tháng!
Do thiếu lực lượng nên Vườn phải lý hợp đồng theo Nghị định 24 của Chính phủ 40 người nhận khoán bảo vệ rừng. Chính số anh em này đã giúp cho đơn vị rất hữu hiệu trong việc hỗ trợ tuần tra, bảo vệ Vườn.
Cũng do khó khăn về nguồn nên anh em đến cuối năm khi nghiệm thu rừng xong mới được trả phụ cấp một lần. 6 tháng, Vườn mới cho anh em tạm ứng được một ít, nên các trạm phải cưu mang chia sẻ từ lương của viên chức để giúp họ có tiền xăng đi lại hàng ngày.
Điều đáng quan tâm, cho đến nay 5 loại phụ cấp là phụ cấp độc hại nguy hiểm, phu cấp biên giới, phụ cấp lao động, phụ cấp thâm niên và phụ cấp công vụ theo các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của liên lộ, của Bộ Nội vụ, Bộ LĐ TB – XH…anh em chưa hề được hưởng. Mà những quyết dịnh, nghị định, thông tư hướng dẫn này có từ những năm 1998, 2005,2009 (!)
Do phụ cấp các loại (có loại áp dụng mức 30% như phụ cấp biên giới) hầu hết chưa có nên lương anh em rất thấp, bình quân chỉ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Nhiều cán bộ lâu năm như anh Trần Khắc Hiệu, Phó Giám đốc, đã 39 năm bám trụ ở đây, sau khi trừ các khoản, lương tháng chỉ còn 5,2 triệu đồng;
Phó Bí thư Đảng uỷ – Trưởng Phòng Tổ chức – Cán bộ Hoàng Đình Hồng trên 38 năm công tác thì 37 năm ở Vườn này, mà lương cũng chỉ 5,8 triệu đồng/tháng (kể cả phụ cấp chức vụ, cấp uỷ…)
“Do lương thấp, đời sống gia đình khó khăn, anh em ở đây hầu như đều là khách nợ của ngân hàng vì phải vay mua xe máy, làm nhà ở, con cái học hành…” Trưởng phòng Tổ chức – cán bộ Hoàng Đình Hồng chia sẻ. (Nhà Báo Và Công Luận 20/10) đầu trang(
Hồ sơ đó từ lâu nằm im lìm trong ngăn kéo, trong USB của các thành viên thuộc Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm để hôm nay hé mở nguyên nhân gây bệnh cũng như cái chết của “cụ” rùa cuối cùng…
Đầu năm 2011 bỗng rộ lên thông tin về tình trạng sức khỏe bết bát của cụ rùa cuối cùng ở Hồ Gươm khiến cho lãnh đạo Hà Nội khi đó như đứng trong chảo lửa.
Ngay lập tức, ngày 17/2 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đặt bút ký quyết định thành lập ra một Ban chỉ đạo vô tiền khoáng hậu gọi là Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ “cụ rùa” Hồ Gươm.
Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND TP là Trưởng ban, ông Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Phó ban và các lãnh đạo ngành của Hà Nội làm thành viên.
Tiến sĩ Bùi Quang Tề, chuyên gia bệnh thủy sản được đề cử là Tổ trưởng Tổ khám, chẩn đoán và chữa trị của một nhóm 17 người gồm các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành thú y, da liễu, bỏng, công nghệ sinh học…
Mọi phương tiện, thuốc thang, vật tư y tế, phòng thí nghiệm tốt nhất có thể đều được huy động khẩn để điều trị cho một bệnh nhân lịch sử: “Cụ rùa”.
Báo cáo về cuộc chữa trị đặc biệt đó tưởng chỉ có Ban lãnh đạo TP Hà Nội cùng các thành viên của Tổ khám chữa được biết thì nay lần đầu tiên được hé mở cho PV Báo NNVN.
Trở lại chuyện năm xưa ông Tề nhận lời chữa bệnh cho “cụ rùa”, cánh nhà báo nhiều người hỏi ông có chịu sức ép gì không? Ông nhất mức xua tay: “Không, hoàn toàn không có sức ép nào hết.
Thứ nhất, với tư cách là nhà bệnh học thủy sản tôi coi rùa Hồ Gươm cũng như một sinh vật với đầy đủ các quy luật của sinh học của nó. Phải như thế thì tôi mới dám chữa, chứ coi “cụ” như thần linh thì tôi không chữa được.
Thứ hai, tôi là người Việt Nam. Cả nước tôn cụ lên là linh vật thì tôi cũng phải chấp hành”.
Nhà báo lại tò mò hỏi tiếp, trước khi chữa cho “cụ” ông có thắp hương không? Ông Tề cũng không hề giấu diếm mà rằng: “Một bác sĩ không thể trước khi mổ bệnh nhân mà lại đi thắp hương. Thắp hương cho “cụ” có cả một Ban của TP gồm các lãnh đạo, giám đốc sở, phó giám đốc sở…”.
Khi rùa mà đã sống trên 100 năm, đạt kích cỡ 1 tạ trở lên thì trở nên rất khôn. Ngay ngày đầu tiên đoàn quây lưới nhưng không thể bắt được vì lưới thưa “cụ” cắn cái tan luôn. Khi thoát ra ngoài vòng vây, “cụ” còn ngóc đầu lên như muốn báo: “Tôi đã ở bên ngoài, không làm gì được đâu”.
Rút kinh nghiệm, sang ngày thứ hai nhóm vây bắt chuyển sang dùng lưới dày. Khi lưới mới quây xong, chưa khép kín vòng vây thì “cụ” đã ngoi đầu lên như muốn báo cho biết: “Tôi đã ở trong này”.
đem vào khu điều dưỡng là một bệnh viện nổi được lập dã chiến ngay trên mặt hồ có hệ thống lọc nước tuần hoàn riêng. Ngay lập tức, bệnh nhân được đem ra đo đạc. Dài 2,1m, rộng 1,1m, nặng 169kg - “cụ” đã đạt đến kích cỡ gần như tối đa của loài rùa.
Theo các nhà khoa học quốc tế, tuổi thọ cao nhất của rùa là 185 năm thì “cụ rùa” Hồ Gươm cũng vào khoảng cỡ đó. Phân tích ADN sau đó đã xác định cụ thuộc giống cái và là một loài đặc hữu của Việt Nam.
Lúc mới bắt rùa lên, ông Tề chỉ cho ông Nguyễn Văn Khôi - Trưởng Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ “cụ rùa” Hồ Gươm, giọng hoan hỉ: “Nhìn vào mắt “cụ” kìa. Mắt kia là tôi đảm bảo chữa được, ông cứ yên tâm đi”.
Giải thích với tôi về điều này, ông Tề bảo con mắt là nơi chứa đựng sinh khí của các loài động vật: “Mắt “cụ rùa” không lớn nhưng nhìn vào vẫn còn thấy vẻ tinh tường hiện lên. Tôi chỉ sợ mắt mờ đi là chịu thua.
Con tôm mắt trắng dã là coi như đã chấm hết, con cá mắt trắng dã cũng không thể chữa được… Lúc khám cho “cụ” tôi sợ nhất là bệnh viêm phổi nhưng may không phải”.
Ông Tề đưa ra liệu trình chữa trị gồm 9 công đoạn. Để xác định các loại thuốc, tính toán liều lượng cần dùng, lên phác đồ chữa trị, đồng thời tránh những rủi ro đáng tiếc cần tiến hành thử nghiệm trên loài tương đối gần rùa là ba ba.
Công việc được tiến hành ngay ở phòng thí nghiệm của ông Tề với “chuột bạch” là mấy con ba ba gai. Giá ba ba gai rất đắt, nhất là đối với những con thuộc vào hàng trọng lượng xưa nay hiếm trên 10kg.
Vị khách lạ khi mang mấy con ba ba gai đến cho ông Tề chữa, tình cờ được kể về chuyện thiếu vật thí nghiệm để chẩn bệnh cho “cụ rùa” Hồ Gươm đã tự nguyện hiến luôn một con để mổ banh ra xem xét lục phủ ngũ tạng, còn một con để bôi đủ thứ thuốc lên thân mình.
… Vừa rồi có mấy nhà báo Đức sang phỏng vấn ông Tề về chuyện chữa bệnh cho cụ rùa, có hỏi nguồn gốc của thuốc ở đâu? Ông tự hào bảo: “Thuốc do chúng tôi tự sản xuất”. Thực sự cũng chẳng có gì đặc biệt lắm, gồm Betadin để rửa vết thương và Castenali để bôi kháng nấm, vi khuẩn nhưng quan trọng là liều lượng, cách bôi.
Cùng một loại thuốc nhưng bác sĩ này dùng khỏi bác sĩ khác dùng không khỏi là do độ “mát tay”. Thử nghiệm thành công trên ba ba giúp các nhà khoa học yên tâm trong cách chữa bệnh cho “cụ rùa”.
Lúc dẫn vào phòng điều trị “cụ” không phản kháng, lúc khoét vào da thịt để lấy mẫu hay bôi thuốc “cụ” vẫn nằm yên, rất hiền lành. Thế nhưng khi nhóm dùng một cây tre để đẩy thì bất ngờ “cụ” phản ứng dữ dội. Cây tre to bằng cổ chân mà bị ngoặm cái là tan ngay.
Ông Tề mới đe: “Cái đùi của các cậu chẳng là cái đinh gì hết nhé. Liệu có cứng bằng cái này không?”.
Sau đó, ông ra lệnh không ai được đứng trước mặt của “cụ” bởi ông thừa biết tính khí của ba ba, rất dữ chứ không như rùa. Rùa thường có 5 ngón chân còn ba ba chỉ có 3 ngón chân. “Cụ rùa” có 3 ngón chân nên đúng ra thuộc về họ ba ba, nhưng là loại to nhất của họ này: rùa mai mềm.
Đưa vào khu điều dưỡng (dài, rộng 15m) là một chuyện nhưng dẫn vào phòng điều trị là cả một vấn đề vì nó quá nhỏ (dài, rộng 4m). Mọi thứ phải thật nhẹ nhàng để khỏi kinh động khiến cụ nổi giận mà tấn công. Nguyên tắc đối với các loại bò sát nói chung, đụng chạm ở phía đằng sau đuôi thường không sao còn đụng chạm vào phía trước đầu dễ bị ăn cắn.
Vì thế, anh em trong tổ chuyên môn khi leo xuống phòng điều trị toàn phải lừa lừa ra chỗ đằng đuôi.
Trong quá trình điều trị, dù nhà ở tận Bắc Ninh nhưng ông Tề gần như không ngày nào vắng mặt. Chẳng biết có sợi dây ràng buộc vô hình nào hay không nhưng “cụ” rất chịu nghe lời ông.
Bởi chân tay yếu, ông Tề ít đi lại được nên chỉ đứng bên trên là chính rồi cử cậu thư ký xuống. Thế nhưng trước khi xuống ông vẫn phải nói: “Xin mời “cụ” vào phòng điều trị ạ!”.
Ngay cả “Nhà rùa học” Hà Đình Đức trước khi nhảy xuống bể để cầm thước đo vẫn phải đợi ông Tề có đôi lời thưa gửi. Vắng ông Tề không ai dám nhảy xuống bể còn khi ông có mặt, nói một lời thì ai cũng có thể sờ vào.
Tại sao cùng tiếp xúc với “cụ rùa” mà chỉ riêng mình ông được nể vì thì không ai lý giải được.
Họ chỉ biết, khi có người nào định xuống bể mà chưa có lời của ông thì ai nấy đều hốt hoảng kêu lên rằng: “Ông Tề đã nói với cụ đâu mà sao cậu lại dám nhảy vào?”. (Nông Nghiệp Việt Nam 19/10) đầu trang(
Chỉ trong vòng mấy năm, hàng nghìn ha rừng của huyện Mường Nhé bị người di cư chặt phá làm nương rẫy. Chủ rừng thì ra sức giữ rừng, thậm chí đổ cả máu để bảo vệ rừng; họ còn bị kẻ phá rừng tấn công, đe dọa nhưng lại không được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm, bảo vệ.
Điều này khiến không ít chủ rừng hoang mang, lo sợ và không dám cùng lực lượng kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng.
Chỉ tính riêng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Mường Nhé xảy ra nhiều vụ người dân di cư tự do phá rừng, tấn công, đe dọa chủ rừng và kiểm lâm.
Điển hình là vụ việc ngày 3/3/2016, tại khe suối Huổi Sủng, xã Mường Nhé với hàng trăm người Mông di cư tự do cầm gậy và dao phát, phục kích, tấn công lực lượng đi đo đếm, tuần tra bảo vệ rừng, làm 6 người bị thương. Trong đó 1 cán bộ kiểm lâm bị chấn thương khắp người, 1 cán bộ xã bị chảy máu, 1 người dân bị rách đầu, 1 người bị vụt bằng gậy gây chấn thương, 1 người bị dao chém vào cánh tay.
Sau đó, nhóm người dân di cư đã bắt lực lượng kiểm lâm, cán bộ xã, bản và người dân phơi nắng gần 2 giờ để đòi yêu sách phải chia đất cho họ sản xuất, được hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng như người dân bản địa…
Sau khi xảy ra vụ việc, UBND xã Mường Nhé đã báo cáo sự việc với UBND huyện, Công an huyện và đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ. Nhưng đến nay đã 7 tháng trôi qua vẫn chưa có câu trả lời, do vậy càng khiến người dân hoang mang không dám đi tuần tra, bảo vệ rừng.
Không chỉ hung hãn tấn công lực lượng bảo vệ rừng ngay tại hiện trường mà những đối tượng này còn đến tận bản, vào từng nhà đe dọa người dân. Người dân bản địa lo sợ, tiếc rừng song cũng đành bó tay. Bởi thực tế họ đã làm hết trách nhiệm, mà lại không được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng bảo vệ.
Cũng tại xã Mường Nhé chỉ trong vòng gần 1 năm từ cuối 2014 đến  tháng 10 năm 2015 đã có hơn 200 ha rừng của bản bản Nà Pán bị phá. Mặc dù chủ rừng là người dân bản Nà Pán ra sức giữ rừng, nhưng họ bị những người phá rừng tấn công nhiều lần. Thậm chí, họ còn bị đe dọa đến tính mạng nếu tiếp tục tuần tra bảo vệ rừng.
Sự việc này, bản Nà Pán, UBND xã Mường Nhé đã báo cáo huyện, nhưng dường như huyện không mấy quan tâm, còn kẻ phá rừng có vẻ ngày càng hợm hĩnh, coi thường pháp luật hơn.
Tại bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn năm 2014 cũng xảy ra vụ việc người phá rừng cậy đông người đã áp đảo lực lượng bảo vệ rừng. Ông Sừng Go Lồng kể cho chúng tôi, tháng 4 năm 2014 khi hơn 20 hộ dân người Hà Nhì bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn đi bảo vệ rừng đã bị gần 100 hộ dân di cư tự do tấn công.
Không những vậy, đối tượng phá rừng còn xuống từng nhà đe dọa các hộ dân sẽ bị đánh nếu tiếp tục giữ rừng. Việc này UBND xã Leng Su Sìn, UBND huyện Mường Nhé biết, nhưng không có biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ rừng. Chính vì thế những kẻ phá rừng vẫn vô tư phá rừng và đánh lại bất kỳ ai ngăn cản họ phá rừng.
Những vạt rừng nằm xuống để lộ những khoảng đồi trọc, hơn 400ha rừng tại khu vực khe Chí Khé đã trở thành đồi trọc chỉ sau 2 năm
Những cánh rừng dần mất, kẻ phá rừng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật,  và coi việc phá rừng là tất yếu của cuộc sống mưu sinh, trong khi đó UBND huyện và các cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng, bất lực.
Nếu UBND huyện, cơ quan công an không xử lý dứt điểm các vụ việc người dân bị tấn công khi bảo vệ rừng, không có biện pháp cứng rắn đối với những kẻ chống người thi hành công vụ, thì công cuộc giữ rừng của Mường Nhé sẽ chẳng bao giờ có được kết quả tốt đẹp. (Báo Điện Biên Phủ 19/10) đầu trang(
Chủ rừng khẳng định đã chuyển hồ sơ tới Công an huyện Vị Xuyên đề nghị khởi tố vụ án phá rừng nhưng đơn vị này từ chối tiếp nhận.
Gần nửa tháng trước, trả lời Việt Nam mới về vụ phá rừng nghiến tại Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Phong Quang, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định đây là vụ việc nghiêm trọng và đã giao cho đơn vị chuyên trách đôn đốc để khởi tố vụ án.
Trong một phát ngôn mới nhất, chủ rừng cho hay việc khởi tố vụ án vẫn chưa được thực hiện bởi cơ quan công an từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Trao đổi với Việt Nam Mới, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang cho biết, ngay sau khi những thông tin về tình trạng tàn phá rừng nghiến ở KBTTN Phong Quang được Việt Nam Mới đăng tải, ông đã đích thân dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh vào tận trong rừng Phong Quang kiểm tra hiện trạng, làm việc với chủ rừng và chính quyền địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang giao các đơn vị triển khai ngay các giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng và mua bán lâm sản trái phép.“Công an tỉnh phối hợp với Kiểm lâm và Biên phòng thành lập ngay một lực lượng liên ngành tiến hành điều tra, truy quét các đối tượng chặt phá rừng trái phép.
Tỉnh cũng giao Sở Công thương thành lập một đoàn công tác do Giám đốc sở làm Trưởng đoàn, sang Trung Quốc (các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Vân Nam) làm việc, đề nghị nước bạn phối hợp nhằm cắt đứt đường giao thương lâm sản trái phép và truy bắt các đầu nậu bên kia biên giới. Mục tiêu chính là ngăn chặn “đầu ra” của gỗ lậu”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Văn Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Giang cho hay, theo chỉ đạo của tỉnh, đơn vị này cũng đang chủ trì, phối hợp với các ban, ngành khác thực hiện một loạt các giải pháp trọng tâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
“Những giải pháp này đã nằm trong cả một hệ thống được triển khai trong nhiều năm qua nhưng đợt này sẽ thực hiện quyết liệt hơn, bài bản hơn và có sự tham gia của nhiều thành phần với tính đồng thuận cao hơn. Mục tiêu của nhóm giải pháp này vừa mang tính lâu dài, vừa có tính thời sự, giải quyết ngay những vấn đề nóng trước mắt”, PGS.TS Phạm Văn Điển nói.
Giải pháp thời sự mà PGS.TS Điển nhắc tới là thành lập các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng ngay tại các thôn bản sống xen lấn trong vùng lõi của KBTTN Phong Quang. Mỗi thôn bản ở đây sẽ có một tổ với khoảng 7-9 thành viên chịu trách nhiệm nắm bắt thông tin trong thôn và tổ chức vận động, tuyên truyền người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
“Công tác đối thoại, vận động người dân sống trong vùng lõi và vùng đệm KBTTN đang nhận được sự ủng hộ tốt của bà con. Về lâu dài, chúng tôi sẽ triển khai ngay các giải pháp nhằm cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, trong đó sẽ thí điểm khoán bảo vệ rừng tới từng hộ dân. Các khoảnh rừng, các tiểu khu có điểm nóng về nạn phá rừng sẽ được chọn để đem giao khoán”, PGS.TS Điển cho hay.
Trong một diễn biến khác, liên quan đến thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về việc khởi tố vụ án hình sự đối với những vụ phá rừng ở KBTTN Phong Quang mà Việt Nam Mới phản ánh, ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng (BQLRĐD) Phong Quang cho biết, việc khởi tố vụ án vẫn chưa thực hiện được vì cơ quan công an từ chối nhận hồ sơ.
“Công an bảo bây giờ ít nhất phải có đối tượng thì họ mới nhận hồ sơ chứ giờ chưa tìm được ai nên họ chưa đồng ý. Về quy định thì mình phải khởi tố, phải chuyển cho công an thì mới hết trách nhiệm được nhưng bên công an có lí riêng của họ. Chúng tôi có hỏi ý của họ như thế nào thì họ bảo bây giờ cần phối hợp đã. Nếu phát hiện ra đối tượng sẽ khởi tố cho chắc chắn”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, đơn vị từ chối nhận hồ sơ của chủ rừng để khởi tố vụ án là Công an huyện Vị Xuyên. Sau đó, Công an tỉnh Hà Giang vào cuộc nên vụ việc hiện đã được giao cho cơ quan này: “Đích thân Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang đã giao cho Công an, Kiểm lâm và Biên phòng phối hợp điều tra, truy quét. Họ sẽ khởi tố sau vì thời hiệu vẫn còn”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định việc Công an huyện Vị Xuyên từ chối nhận hồ sơ đề nghị khởi tố vụ án phá rừng của cơ quan Kiếm lâm như lời ông Hưng là không đúng quy định của pháp luật.
Theo phân tích của Luật sư Thơm, khi phát hiện ra một vụ phá rừng, lực lượng Kiểm lâm, bằng nghiệp vụ của mình xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì sẽ lập hồ sơ gửi sang cơ quan điều tra của Công an nhân dân để tiếp tục điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.
Trách nhiệm của cơ quan công an là phải tiếp nhận hồ sơ, xem xét nếu đúng là có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố vu án. Sau đó, quá trình điều tra, nếu xác minh được người nào có dấu hiệu phạm tội thì sẽ khởi tố bị can.
“Một vụ phá rừng, khi đã xác định là do tác động của con người chứ không phải thiên nhiên tàn phá tức là đã có dấu hiệu phạm tội. Lực lượng Kiểm lâm, bằng nghiệp vụ của mình sẽ tiến hành điều tra ban đầu, khám nghiệm hiện trường, chụp ảnh, lập hồ sơ báo cáo gửi cơ quan công an thì lúc đó hồ sơ của Kiếm lâm được coi như một nguồn tin tố giác tội phạm.
Trách nhiệm của cơ quan công an là phải tiếp nhận hồ sơ để xem xét, xác minh chứ không được phép từ chối. Quy trình tố tụng này được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự rồi”, Luật sư Thơm nói. (Pháp Luật Việt Nam 18/10) đầu trang(
Cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi, giờ đây đã bị phay làm nhiều hộp, lâm tặc đang vận chuyển thì bị lực lượng chức năng tổ chức vây bắt.
Theo thông tin ban đầu, ngày 15/10/2016 lực lượng chức năng huyện Vị Xuyên phát hiện và thu giữ 7 hộp gỗ nghiến nhóm 2 A được cho là vô chủ tại thôn Bản Xám (xã Ngọc Minh huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang).
Khi tổ chức vận chuyển số gỗ này vào hồi 22 giờ cùng ngày thì vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của người dân địa phương, khiến tổ công tác gồm Công an, Kiểm lâm và chính quyền xã phải bỏ lại tang vật, phương tiện tạm lánh khỏi hiện trường.
Hàng chục người dân tiếp tục thức trắng đêm bảo vệ gỗ, tới sáng ngày 16/10, lãnh đạo hạt Kiểm lâm cùng lãnh đạo xã Ngọc Minh  trực tiếp vào thôn giải thích nhưng người dân vẫn không cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đồng thời đưa ra yêu cầu lãnh đạo huyện phải đứng ra giải quyết.
Chiều cùng ngày, ông Lương Văn Đoàn - Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cùng đoàn công tác đã có mặt để tiếp xúc với người dân, nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi, những người dân nơi đây vẫn nhất quyết không cho đưa tang vật và phương tiện ra khỏi địa bàn xã
Chỉ tới khi cơ quan Công an vào cuộc xác minh điều tra, lập biên bản bàn giao toàn bộ số lâm sản gỗ nghiến cho thôn cất giữ bảo quản. Chiều ngày 17/6 đám đông mới chịu ra về và giải phóng cho xe ô tô tải biển kiểm soát 23 C - 02087.
Tuy nhiên khi phản ánh với các cơ quan báo chí, rất nhiều người dân thôn Bản Xám lại đưa ra nhiều bằng chứng, họ cho rằng lâu nay lực lượng Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương xã chưa làm tốt công tác bảo vệ rừng. Thậm chí nghi ngờ có hành vi tiếp tay cho các đối tượng từ nơi khác đến khai thác vận chuyển gỗ đi tiêu thụ .
Được biết, để có số gỗ trên, lâm tặc phải ăn chực nằm chờ vài tháng trên rừng, đốn hạ, cắt xẻ và vận chuyển ra khỏi rừng. Tuổi đời của cây gỗ nghiến lớn này phải lên đến hàng trăm năm tuổi.
Qua quan sát thực tế, 7 hộp gỗ nghiến (có chiều dầy 20-25 cm, chiều rộng 85 - 100 cm, chiều dài 2,8 m - 3,2 m) đã được vận chuyển ra tới điểm tập kết xe có thể vào vận chuyển được.
Lần theo dấu vết vào sâu trong rừng, phóng viên phát hiện hàng trăm mét dây chão to bằng cổ tay, buộc một đầu trên đỉnh vách núi buông thõng xuống lòng khe cạn. Theo nhận định của phóng viên, có thể lâm tặc đã dùng những sợi dây này để thả từng hộp gỗ nghiến từ trên núi xuống cho khỏi vỡ.
Trao đổi với phóng viên Phapluatplus.vn, ông La Đức Xuân (trú tại thôn Bản Xám xã Ngọc Minh) cho biết: Đây là cây gỗ nghiến lớn nhất ở thôn Dìn, theo như các cụ truyền lại thì nó có từ thế kỷ thứ 14, đường kính gốc bằng cả gian nhà, tổng khối lượng khoảng 60 - 70 m3
Dân chúng tôi ở đây chỉ cần chở vài cái thớt là bị bắt xử lý ngay, còn người nơi khác đến chở nhiều thì lại chẳng sao cả, lực lượng Kiểm lâm vẫn thường xuyên qua lại nhưng chả hiểu sao lâm tặc chặt hạ "xẻ thịt " vận chuyển ra khỏi rừng cả một cây gỗ khổng lồ như vậy mà họ không hề hay biết".
Tại hiện trường khi được hỏi về chủ nhân của số gỗ, ông Chẩu Văn Chung - Trưởng thôn Bản Xám nói: "Không biết của ai đâu, khi nhận được thông tin chúng tôi vào thì thấy có mấy anh Kiểm lâm, sau đó thì trà trộn đâu hết, tôi cũng chỉ nhận được cái Biên bản bàn giao tang vật từ Công an huyện thôi".
Để xác minh thông tin người dân phản ánh, phóng viên Phapluatplus.vn đã đến UBND xã Ngọc Minh 2 lần váo buổi sáng và chiều ngày 18/10 nhưng phòng Chủ tịch đều khóa.
Liên lạc qua điện thoại để đặt lịch làm việc thì ông Nguyễn Công Cử - Chủ tịch UBND xã Ngọc Minh cho biết đang bận họp ngoài UBND huyện. Trao đổi, khi được hỏi về vấn đề để xảy ra tình trạng khai thác gỗ nghiến bừa bãi cách trụ sở UBND xã Ngọc Minh chỉ khoảng hơn 1 km kéo dài hàng tháng trời, lãnh đạo xã hay biết gì không?
Ông Nguyễn Công Cử ấp úng trả lời: Cái này thì họ làm bí mật lại ở sâu trong rừng và xa nên tôi không biết. Đến khi nhận được thông tin hôm 15/10, thì xét thấy vượt quá khả năng thẩm quyền nên đã báo cho cơ quan chức năng ngoài huyện, do lâm sản vi phạm không để tập trung một chỗ chúng tôi phải kiểm tra rõ ràng rồi mới thông tin cho Kiểm lâm vào thu giữ.
Khi tiến hành bốc gỗ lên xe thì bị một số người dân xông vào cản trở không cho lực lượng chức năng mang gỗ đi, chứ không có chuyện Kiểm lâm và chính quyền bảo kê cho lâm tặc.
Trước câu hỏi của phóng viên Phapluatplus.vn,có hay không việc UBND xã Ngọc Minh mang gỗ tang vật vi phạm, bán cho người xã khác bị Công an bắt giữ quả tang?
Ông Nguyễn Công Cử cho rằng: Cái vụ đó Công an huyện đã thu hết về huyện rồi anh ạ, không phải xã mang bán đâu mà là đoàn thể làm công ích cái bếp tập thể cho các cháu học sinh thôi... (Pháp Luật Việt Nam 19/10) đầu trang(
Ngày 18/10, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn lậu ngà voi xảy ra tại cảng Cát Lái.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 6/10, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp cùng các đơn vị: Đội kiểm soát – Cục Hải quan TP.HCM, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) – Bộ Công an và Trạm Biên phòng nhà Rồng – Biên phòng cảng TP.HCM đã tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng mà công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên (đường Tái Thiết, P.11, Q.Tân Bình) nhập về cảng Cát Lái, TP.HCM.
Đứng tên trên tờ khai nhập khẩu hơn 2 tấn ngà voi nhập lậu là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên (Q.Tân Bình, TP.HCM).
Theo tờ khai ban đầu, lô hàng gồm 2 container gỗ xoan đào có xuất xứ Mozambique và được hệ thống phân luồng vàng, chỉ kiểm tra hồ sơ.
Tuy nhiên phát hiện có nhiều dấu hiệu nghi vấn, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP.HCM, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) - Bộ Công an kiểm tra toàn bộ lô hàng nhập khẩu, phát hiện trên 2 tấn ngà voi nhập khẩu trái phép từ châu Phi, ước tính trị giá hàng trăm tỉ đồng.
Báo Công an nhân dân cho biết, sau khi kiểm tra việc đăng ký kinh doanh, lực lượng Hải quan phát hiện DN này mới chỉ được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp Giấy phép kinh doanh số 0113525421 vào tháng 11 năm ngoái, Giám đốc Doanh nghiệp là bà Võ Thị Hồng Diệu.
Xác minh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên, lực lượng hải quan không thấy có DN nào tồn tại, mà tại địa chỉ này chỉ là một tiệm bán tạp hóa nhỏ chừng 4-5m2.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, sau khi khởi tố vụ án, hải quan sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra để mở rộng điều tra.
Trước đó, thông tin trên báo Công lý, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại quốc gia (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) về vụ việc vận chuyển trái phép ngà voi.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan xem xét, nếu đủ căn cứ thì khởi tố vụ án, tập trung khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ tổ chức, đường dây và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật , báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. (Đời Sống Và Pháp Luật 19/10) đầu trang(
Để những cây giáng hương hàng trăm năm tuổi không bị xóa sổ khỏi những cánh rừng tự nhiên ở huyện Kbang (Gia Lai) thì việc bảo vệ đang đặt ra cấp thiết, quyết liệt hơn bao giờ hết.
Theo thông tin phản ánh của người dân, đi theo một con đường mòn xuống sông Ba, ngay bờ sông, chúng tôi đã thấy một số hộp gỗ hương và cả thân cây đường kính khoảng 40 cm được “lâm tặc” giấu dưới nước chưa kịp tẩu tán.
Cách khoảng 500 m so với đường đi vào khu nhà đầm La Hách là nhiều cây giáng hương bị cưa, chặt nằm rải rác. Chỉ trong vòng bán kính khoảng 300 m, có tới 5 cây giáng hương đã bị đốn hạ.
Có những cây vừa bị chặt, gốc vẫn còn màu đỏ quạch xen lẫn mùi thơm đặc trưng của gỗ hương.
Một trong 2 cây giáng hương cổ thụ vừa bị “lâm tặc” đốn hạ, ở khoảnh 6, tiểu khu 90 thuộc lâm phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa quản lý có đường kính chừng 5 người ôm, vẫn còn ứa những dòng nhựa đỏ tươi. Bên cạnh đó là thân cây dài hơn 20 m đã đổ rạp.
Theo báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa, vào lúc 3 giờ ngày 9/9, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn trên lâm phần, nhân viên thuộc Đội bảo vệ rừng của công ty phát hiện có tiếng cưa máy và dấu hiệu vận chuyển gỗ bằng xe máy đi qua hướng làng Srắt, xã Sơn Lang.
Trước sự việc trên, công ty đã báo cho Tổ liên ngành tổ chức lực lượng kiểm tra. Sau kiểm tra, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện một cây giáng hương cổ thụ có đường kính 90 cm bị đốn hạ, các đối tượng đã xẻ thành lóng, hộp và đã vận chuyển khỏi hiện trường.
Từ nguồn tin của người dân trên địa bàn, lực lượng chức năng đã truy đuổi và thu giữ 4 hộp gỗ hương, khối lượng gần 1,2 m3. Ước tổng khối lượng gỗ thiệt hại là gần 7 m3. Tiếp tục mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một cây giáng hương khác cũng đã bị chặt hạ nhưng “lâm tặc” chưa kịp xẻ thành lóng, hộp.
Cây giáng hương cổ thụ này có đường kính 1,2 m và dài hơn 20 m, ước khối lượng thiệt hại hơn 23 m3. Ngày 16/9, cơ quan điều tra Công an huyện KBang đã ra quyết định khởi tố vụ án. Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Anh Huyện (còn gọi là Phúc, sinh năm 1987, trú tại thi trấn KBang) đã ra đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Cùng với Nguyễn Anh Huyện còn có 6 đối tượng liên quan khác cũng đã ra đầu thú. Công an huyện KBang đang tạm giữ đối tượng Nguyễn Anh Huyện và tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.
Theo ông Võ Ngộ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa: Hơn 300 cây giáng hương cổ thụ đang nằm rải rác trong diện tích rừng hơn 8.000 ha, địa hình phức tạp, trong khi lực lượng bảo vệ rừng chỉ có 16 người, trung bình 2 người bảo vệ 1.000 ha là quá mỏng không thể kiểm soát hết.
Hơn nữa, chưa có các chế độ hỗ trợ cũng như chế tài đặc thù nào cho lực lượng bảo vệ rừng của công ty nên công tác bảo vệ rừng rất khó khăn.
Cho biết về phương án bảo vệ rừng, ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện KBang khẳng định: “Huyện đã có nhiều biện pháp bảo vệ rừng thiết thực từ quản lý cư trú đối với các đối tượng ngoài địa bàn, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng. Thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện đã giảm nóng tình trạng phá rừng nhưng thực trạng vẫn âm ỉ, nhức nhối”.
Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ chặt phá cây giáng hương, tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 4351 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng phương án quản lý, bảo vệ những cây giáng hương cổ thụ còn sót lại ở huyện KBang.
Theo đó, về lâu dài, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, huyện KBang và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa tiến hành kiểm tra thực tế và xây dựng phương án cụ thể để quản lý bảo vệ chặt chẽ số cây giáng hương còn lại.
Bài toán bảo vệ những cây giáng hương cổ thụ ở huyện KBang đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải.
Thời gian tới, nếu tỉnh Gia Lai không sớm có phương án cụ thể, quyết liệt thì những cây giáng hương cổ thụ còn lại sẽ có nguy cơ bị xóa sổ khỏi những cánh rừng ở KBang. (Tin Tức 20/10) đầu trang(
Chiếc xe đang trên đường vận chuyển gỗ trái phép thì bị công an mật phục bắt giữ lúc rạng sáng.
Công an huyện Ia Pa cho biết, rạng sáng 18/10, Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Ia Pa (Gia Lai) nhận được tin báo chiếc xe ô tô BKS: 47C- 140.21 nghi chở gỗ lậu đang theo hướng từ xã Chư Răng (Ia Pa) chở qua thị xã Ayun Pa tiêu thụ.
Khi tiếp nhận thông tin, công an huyện đã tổ chức lực lượng mật phục tại đèo Kim Tân, giữa khu vực trung tâm huyện Ia Pa thì bắt giữ được xe ô tô do tài xế Lê Duy Quang (SN 1986, trú thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) điều khiển.
Quá trình kiểm tra hành chính, phát hiện thùng xe chở theo 31 hộp gỗ xẻ ở nhiều kích cỡ khác nhau, ước chừng khối lượng khoảng 4m3 gỗ hộp, tương tương 6,4m3 gỗ tròn.
Lấy lời khai nhanh tại hiện trường, tài xế Quang cho biết vận chuyển gỗ từ xã Chư Răng, huyện Ia Pa để chở qua thị xã Ayun Pa tiêu thụ.
Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan của vụ án qua Hạt kiểm lâm huyện Ia Pa thụ lý theo đúng quy định của pháp luật. (Giao Thông 19/10) đầu trang(
Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nên chưa xảy ra tình trạng cháy rừng; diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm và số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2015.
Với tổng diện tích hơn 133.600 ha, trong đó diện tích rừng chiếm trên 65.500 ha, bao gồm hơn 58.000 ha rừng tự nhiên và trên 6.000 ha rừng trồng, huyện M’Drăk hiện đang là địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk.
Trong 9 tháng đầu năm nay, cùng với công tác tuyên truyền, vận động mọi thành phần xã hội tham gia bảo vệ rừng, công tác phòng chống cháy rừng và tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển cũng đã được các cấp, các ngành chức năng của huyện M’Drăk quan tâm.
Toàn huyện đã phát hiện 40 vụ chặt phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép. Qua đó đã xử lý 37 vụ, thu hồi hơn 118 m3 các loại; tạm giữ và tịch thu 21 phương tiện phạm pháp, trong đó có 3 xe ô tô, 11 xe độ chế; thu tiền qua xử lý nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 709 triệu đồng.
Đáng chú ý là trong tháng 9 vừa qua, tại tiểu khu 718, nằm trên địa bàn xã Ea H’MLay, thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ núi Vọng Phu quản lý, đơn vị này đã để xảy ra 1 vụ lâm tặc vào đốn hạ hàng chục cây gỗ từ nhóm III đến nhóm IV.
Trong khi 4 đối tượng đang tìm cách vận chuyển 65 lóng gỗ, với khối lượng 35m3 ra khỏi rừng thì bị Công an Kinh tế tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an huyện M’Drắk bắt giữ. Hiện vụ việc đang được điều tra xử lý. (Doanh Nghiệp Việt Nam 19/10) đầu trang(
Thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng năm 2016, từ đầu năm đến nay, Hạt kiểm lâm huyện Tịnh Biên đã trồng được 37,92ha rừng và giao hơn 300 ngàn cây phân tán cho các huyện trồng và chăm sóc, gồm: TP Châu Đốc; thị xã Tân Châu; huyện An Phú; Châu Phú và Tịnh Biên.
Hiện số lượng cây còn lại trong vườn ươm gần 700.000 cây các loại, đảm bảo cho việc trồng và tra dặm rừng ở các địa phương.
Bên cạnh đó, ngành kiểm lâm còn thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng ở các khu vực trọng điểm, qua đó, phát hiện 7 trường hợp vi phạm về: khai thác, phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép, đã xử phạt 4 vụ, số tiền hơn 20 triệu đồng.
Từ nay đến cuối năm, ngành kiểm lâm huyện tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng, chú trọng chống chặt phá cây rừng và săn bắt động vật hoang dã. Đồng thời, gieo ươm các loại cây giống mọc nhanh, chăm sóc cây lâu năm phục vụ trồng rừng và dự án trồng cây phân tán năm 2017. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh An Giang 19/10) đầu trang(
Thực hiện Văn bản số 4345/UBND-NC ngày 08/9/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện chế độ công vụ; Văn bản số 1705/SNN-TTr ngày 26/9/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tang vật tịch thu và chấn chỉnh hoạt động của công chức, viên chức Kiểm lâm.
Vừa qua, đoàn công tác Chi cục Kiểm lâm do ông Tô Mạnh Tiến, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm làm trưởng đoàn, cùng Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ tiến hành kiểm tra tại các Hạt Kiểm lâm: Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn và Thành phố Lào Cai.
Nội dung của Đoàn kiểm tra bao gồm: Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao trong năm 2016, việc phân công, bố trí công việc cho cán bộ, công chức, viên chức và việc chấp hành Chỉ thị 3714 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chỉ thị sô 06 của UBND tỉnh Lào Cai và Quyết định số 62 của UBND tỉnh Lào Cai vê việc xác nhận công tác tuần, tháng của các Hạt Kiểm lâm;
Kiểm tra trực tiếp việc thực hiện nhiệm vụ của Kiểm lâm địa bàn theo Quyết định số 83 của Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn quy định nhiệm vụ của Kiểm lâm địa bàn và các nhiệm vụ khác do Hạt trưởng Kiểm lâm, UBND cấp xã giao.
Qua kiểm tra cho thấy, các Hạt Kiểm lâm đã chủ  động triển khai và thực hiện tốt nhiệm vụ  được giao, tiến độ thực hiện đáp ứng được yêu cầu.
Trong số 11 công chức Kiểm lâm địa bàn được kiểm tra thì có 08 công chức địa bàn nắm và thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ được giao; còn 03 công chức chưa bám và nắm chắc địa bàn, thời gian công tác tại địa bàn chưa đảm bảo đúng quy định; việc thực hiện việc xác nhận công tác tuần, tháng chưa nhiêm túc.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra, thời gian tới Lãnh đạo Chi cục sẽ các biện pháp chấn chỉnh, hướng dẫn nghiệp vụ để Kiểm lâm địa bàn đáp ứng được yêu cầu nhiệm trong tình hình mới. (Cổng Thông Tin Điện Tử Lào Cai 18/10) đầu trang(
Ngày 19-10, TAND tỉnh Kiên Giang đã mở phiên phúc thẩm xét xử hai bị cáo là Trần Kiều Hưng - nguyên phó bí thư Đảng ủy xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc và vợ là Huỳnh Thị Bích Phượng về tội “hủy hoại rừng”.
Vụ án này được TAND huyện Phú Quốc xử sơ thẩm lần đầu ngày 16-5-2013, tuyên phạt ông Trần Kiều Hưng (sinh năm 1968) 3 năm tù giam và vợ là bà Huỳnh Thị Bích Phượng (sinh năm 1972) 3 năm tù treo.
Hai vợ chồng ông Hưng kháng cáo và TAND tỉnh Kiên Giang xử phúc thẩm ngày 31-3-2014, tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm và giao TAND huyện Phú Quốc xét xử lại.
Ngày 18-11-2015, TAND huyện Phú Quốc xử sơ thẩm lần hai và tuyên vợ chồng ông Hưng không phạm tội hủy hoại rừng. Tuy nhiên sau đó Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc kháng nghị lên cấp phúc thẩm.
Theo cáo trạng, tháng 9-2011, vì mục đích tư lợi, vợ chồng ông Hưng đã thuê người vào khu rừng đặc dụng thuộc tiểu khu 81 phân khu phục hồi sinh thái vườn quốc gia Phú Quốc tại ấp 3, xã Cửa Cạn chặt phá cây rừng để chiếm đất làm rẫy.
Diện tích rừng bị hủy hoại là 4.042 m2, làm chết 179 cây rừng các loại, trong đó 87 cây có trữ lượng gỗ 10,721 m3.
Tại phiên xử ngày 19-10, ông Hưng, bà Phượng cùng cho rằng phần đất mà vợ chồng ông thuê người phát dọn có nguồn gốc do cha của bà Phượng khai phá hợp pháp và để lại cho vợ chồng ông Hưng canh tác cho đến lúc bị kiểm lâm vườn quốc gia Phú Quốc lập biên bản với cáo buộc tội phá rừng.
Các nhân chứng là người dân sống lâu năm lân cận với gia đình bị cáo, cán bộ ấp được mời tới tòa cũng xác nhận diện tích đất nơi vợ chồng ông Hưng phát dọn là đất đã được khai phá, sử dụng trước đó và sau này vườn quốc gia mới tới cắm mốc.
Đại diện UBND huyện Phú Quốc xác nhận phần đất cha bà Phượng để lại tổng cộng 17.000m2 nhưng chỉ được cấp sổ đỏ 6.700m2, phần còn lại thuộc ranh mốc vườn quốc gia không được cấp giấy nhưng vẫn được quyền sử dụng theo hiện trạng.
Trong khi đó, đại diện vườn quốc gia Phú Quốc và cơ quan kiểm lâm cho rằng diện tích 4.042m2 vợ chồng ông Hưng thuê người phát dọn là đất rừng thuộc ranh giới vườn quốc gia.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố cho rằng có căn cứ để kết luận vợ chồng ông Hưng phạm tội hủy hoại rừng nên đề nghị HĐXX tuyên hủy án, giao tòa sơ thẩm với thành phần HĐXX khác xét xử lại theo hướng có tội.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho hai bị cáo cho rằng vườn quốc gia Phú Quốc chưa được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên vườn quốc gia Phú Quốc không đủ tư cách là nguyên đơn.
Mặt khác, diện tích vợ chồng ông Hưng phát dọn phù hợp với bản đồ địa chính của xã Cửa Cạn và nằm ngoài các cột mốc ranh vườn quốc gia trên thực địa nên không thể truy tố hai bị cáo tội hủy hoại rừng.
Phía nguyên đơn và đại diện VKS cho rằng các cột mốc đã bị di dời không đúng vị trí ban đầu nhưng đều không trưng ra được bản mô tả và sơ đồ mốc cắm được cơ quan chức năng phê duyệt để chứng minh ranh giới đất rừng. Hai bên tranh cãi quyết liệt khiến chủ tọa nhiều lúc phải lên tiếng cắt ngang.
Đến 17g30 HĐXX mới vào nghị án và cho biết sẽ tuyên án ngày 26-10. (Tuổi Trẻ 19/10) đầu trang(
Tòa phúc thẩm tuyên bố phải nghị án kéo dài do vụ án có tính chất phức tạp. Số phận pháp lý của vợ chồng bị cáo sẽ được quyết định vào ngày 26-10.
Ngày 19-10, TAND tỉnh Kiên Giang đã xử phúc thẩm lần 2 vụ vợ chồng ông Trần Kiều Hưng (nguyên phó bí thư xã Cửa Cạn, Phú Quốc) bị truy tố về tội hủy hoại rừng. Trước đó, TAND huyện Phú Quốc xử sơ thẩm lần 2 đã tuyên vợ chồng ông Hưng không phạm tội nhưng VKSND huyện kháng nghị.
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, theo hồ sơ, năm 1987, được cha cho một thửa đất tại xã Cửa Cạn (Phú Quốc), vợ ông Hưng đã trồng 500 bụi tiêu và một số cây tràm bông vàng. Năm 2010, vợ chồng ông Hưng xin cấp giấy đỏ trên diện tích khoảng 17.000 m2. Năm 2011, UBND huyện Phú Quốc cấp giấy đỏ cho vợ chồng ông Hưng phần diện tích hơn 6.750 m2, gần 10.000 m2 còn lại huyện không công nhận vì nằm trong ranh giới Vườn quốc gia (VQG) Phú Quốc.
Sau đó, vợ chồng ông Hưng thuê người chặt cây rừng làm rẫy. Tháng 11-2011, Trạm kiểm lâm Cửa Cạn phát hiện, lập biên bản đình chỉ vì diện tích chặt phá là đất rừng riêng biệt, không trùng với hai phần đất (được cấp giấy đỏ và không được cấp giấy đỏ) của vợ chồng ông Hưng.
Bị lập biên bản, vợ chồng ông Hưng vẫn tiếp tục thuê người gom đốt cây rừng để trồng khoai mì, dừa. Vì vậy, tháng 9-2012, Hạt Kiểm lâm VQG Phú Quốc đã khởi tố vụ án hủy hoại rừng. Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc đã khởi tố vợ chồng ông Hưng về tội này.
CQĐT khám nghiệm hiện trường, xác định 4.042 m2 rừng bị hủy hoại, 179 cây rừng các loại bị chết, trong đó có 87 cây có trữ lượng gỗ hơn 10 m3 tại tiểu khu 81 phân khu phục hồi sinh thái VQG Phú Quốc. CQĐT cùng các cơ quan, ban ngành liên quan nhiều lần tiến hành kiểm tra thực địa tọa độ, vị trí mốc giới, xác định vị trí đất mà hai vợ chồng bị cáo thuê người chặt phá.
Theo đó, 4.042 m2 rừng bị hủy hoại này nằm tiếp giáp với phần đất hơn 6.750 m2 đã được cấp giấy đỏ và tiếp giáp với phần đất gần 10.000 m2 không được cấp giấy đỏ của vợ chồng ông Hưng.
Xử sơ thẩm lần đầu hồi tháng 5-2013, TAND huyện Phú Quốc đã phạt ông Hưng hai năm tù, vợ ông Hưng ba năm tù treo... Tháng 3-2014, TAND tỉnh Kiên Giang xử phúc thẩm lần đầu đã hủy án, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại vì có vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Tháng 11-2015, TAND huyện Phú Quốc xử sơ thẩm lần 2 tuyên vợ chồng ông Hưng không phạm tội. Theo HĐXX, thửa đất 4.042 m2 vợ chồng ông Hưng bị cáo buộc hủy hoại rừng không nằm trong ranh giới VQG Phú Quốc mà nằm trong diện tích hơn 6.750 m2 mà vợ chồng ông được cấp giấy đỏ.
Mặt khác, các cột mốc do cơ quan chức năng đi cắm mốc ngoài thực địa dùng để xác định vị trí thửa đất 4.042 m2 này chưa được chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt nên không có giá trị pháp lý.
Mấu chốt gây tranh cãi của vụ án này là thửa đất 4.042 m2 bị chặt phá cây rừng, bị đốt có nằm trong ranh giới VQG Phú Quốc hay không. Nếu nằm trong ranh giới VQG thì các bị cáo có tội và ngược lại.
Trong ngày xét xử hôm qua, tòa phúc thẩm đã dành phần lớn thời gian cho việc xét hỏi vợ chồng ông Hưng cùng đại diện VQG Phú Quốc (nguyên đơn dân sự), UBND huyện Phú Quốc, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện, Sở TN&MT tỉnh (bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và các nhân chứng.
Vợ chồng ông Hưng và các nhân chứng khai vợ chồng ông Hưng chỉ cho người chặt phá cây trên phần đất hơn 6.750 m2 đã được cấp giấy đỏ mà lâu nay họ vẫn canh tác.
Trong khi đó, đại diện VQG và các cơ quan liên quan lại cho rằng thửa đất hai bị cáo cho người chặt phá cây đó không nằm trong diện tích hơn 6.750 m2 đã được cấp giấy đỏ, cũng không nằm trong diện tích gần 10.000 m2 không được cấp giấy đỏ của vợ chồng bị cáo.
Theo đại diện VKS, vợ chồng bị cáo chặt phá cây rừng không thuộc quyền sử dụng đất của mình, đã bị lập biên bản bốn lần nên không thể nhầm lẫn. Đại diện VKS trích dẫn nhiều tờ trình do ông Hưng viết có nội dung là nhận sai khi phá rừng và sẽ khắc phục lại... Đại diện VKS cũng cho rằng phần đất vợ chồng ông Hưng hủy hoại rừng nằm hoàn toàn tách biệt với phần đất được cấp giấy đỏ và phần đất không được cấp giấy đỏ như đã nêu.
Từ đó, đại diện VKS khẳng định truy tố vợ chồng bị cáo về tội hủy hoại rừng là có căn cứ và đề nghị tòa phúc thẩm hủy án, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xử lại theo hướng có tội.
Luật sư của vợ chồng ông Hưng không đồng ý và đưa ra một số điểm lưu ý: Thứ nhất, nếu VKS muốn truy tố hai bị cáo thì phải chứng minh họ chặt phá cây rừng thuộc đất rừng của VQG nhưng ở đây, phần đất rừng của VQG lại chưa được cấp giấy đỏ.
Thứ hai, bản đồ mốc cắm ranh của VQG chưa được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, các mốc ranh trên thực tế có sai lệch nhiều so với bản đồ nhưng không có văn bản của cơ quan chức năng thể hiện việc chỉnh ranh này... Từ đó luật sư đề nghị tòa phúc thẩm y án sơ thẩm.
Tòa phúc thẩm thông báo do vụ án có tính chất phức tạp nên phải nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 14 giờ ngày 26-10. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
“Vợ chồng bị cáo bị coi như một trái banh, bị đá qua đá lại. Vụ án kéo dài năm năm gây bao vất vả, khổ cực cho vợ chồng bị cáo khi cứ phải đi tới đi lui theo các phiên tòa khiến cuộc sống gia đình khó khăn, con cái không có người quan tâm chăm sóc. Bị cáo mong HĐXX xem vợ chồng bị cáo là con người chứ không phải trái banh” - ông Hưng nói lời sau cùng tại phiên tòa.
Còn bà Huỳnh Thị Bích Phượng (vợ ông Hưng) thì bật khóc khi nói về hoàn cảnh gia đình sau năm năm bị cuốn theo vụ án với nhiều phiên xử chưa ngã ngũ và mong HĐXX minh oan cho vợ chồng bà để họ sớm về lo cho con cái. (Pháp Luật Việt Nam 20/10) đầu trang(
Qua công tác tuần tra, kiểm soát lực lượng kiểm lâm huyện Lục Yên đã phát hiện xử lý 13 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Trong 9 tháng năm 2016, mặc dù có nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và kiểm tra, kiểm soát lâm sản, song Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên đã phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện khoán bảo vệ rừng tự nhiên và rừng trồng phòng hộ trên 11.429 ha và trên 12.454 ha rừng tự nhiên sản xuất cho các nhóm hộ quản lý, bảo vệ.
Đồng thời, chỉ đạo các trạm kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Qua công tác tuần tra, kiểm soát lực lượng kiểm lâm huyện đã phát hiện xử lý 13 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó, phạt hành chính 7 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 1 vụ, khai thác rừng trái phép 4 vụ...; tịch thu 7,54 m3 gỗ xẻ, gỗ tròn từ nhóm II đến nhóm VIII; xử phạt các đối tượng vi phạm và bán hàng lâm sản tịch thu được trên 37,9 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước. (Báo Yên Bái 20/10) đầu trang(
Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) cho thấy, tình trạng săn lùng các món đặc sản của núi rừng, đặc biệt là từ ĐVHD để phục vụ nhu cầu của dân nhậu sành điệu ngày càng "nóng".
Đây cũng là những minh chứng cụ thể nhất để thêm một lần nữa khẳng định rằng, công tác quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD ở nước ta còn nhiều hạn chế.
Tối 30-9-2016, cán bộ, chiến sĩ Trạm Cảnh sát Giao thông Diễn Châu, Công an tỉnh Nghệ An đang làm nhiệm vụ tại địa bàn thì phát hiện chiếc xe khách biển số 37B-019.01 chở theo 8 cá thể khỉ còn sống.
Thời điểm bị kiểm tra, tài xế của phương tiện là Hoàng Đình Mậu, quê ở Diễn Châu, Nghệ An không xuất trình được các loại giấy tờ theo quy định. Toàn bộ số ĐVHD này đã bị lập biên bản thu giữ để chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm Nghệ An xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau đó chỉ 3 ngày, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát hiện vụ vận chuyển ĐVHD với tang vật gồm 4 cá thể voọc đen má trắng - loài linh trưởng quý hiếm được xếp vào nhóm nguy cấp cần được bảo vệ, đã bị làm thịt và để trong thùng đông lạnh.
Một vụ vận chuyển ĐVHD nghiêm trọng khác cũng được phát hiện tại tỉnh Quảng Bình trong khoảng thời gian cuối tháng 9-2016. Trong vụ việc này, 3 cá thể cầy vòi hương có tổng trọng lượng 6,1kg, 1 cá thể don nặng 1kg, tất cả đều còn sống đã bị lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thu giữ vào ngày 21-9.
Đáng chú ý, "đi kèm" với lượng tang vật là ĐVHD quý hiếm trên còn có 16kg xương ĐVHD các loại. Điều tra cho thấy các đối tượng đã lợi dụng trời mưa to và địa hình rừng núi hiểm trở để "tác nghiệp" trong rừng nhiều ngày tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép không chỉ "nóng" lại ở các địa phương thuộc vùng miền núi, mà còn diễn biến phức tạp tại các thành phố lớn vốn được các lực lượng chức năng "để mắt" tới. Ngoài tiêu thụ tại chỗ, "đường đi" của ĐVHD "lậu" từ các địa phương này về các thành phố lớn hiện nay có thể coi là khá "hanh thông".
Bằng chứng là chỉ riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, đã có trên 300 cá thể ĐVHD bị buôn bán, trong đó, khoảng 30% thuộc danh sách nguy cấp, quý hiếm.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm". Một kết quả khảo sát vi phạm về tiêu thụ ĐVHD tại 6 thành phố lớn trên cả nước, bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh (tỉnh Nghệ An), Huế và Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), do Tổ chức Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) thực hiện gần đây cho thấy, 651 trên tổng số 3.743 nhà hàng được khảo sát có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD, chiếm tỉ lệ 17%.
Trong khi đó, các nhà khoa học cũng cảnh báo: Số lượng các loài ĐVHD bị đe dọa trong Sách đỏ những năm qua ở nước ta không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn tăng về phân hạng đe dọa. Cụ thể, đã có khoảng 700 loài động, thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng ở cấp độ quốc gia…
Hiện nay, ở nước ta có nhiều nơi nổi tiếng về hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD, song những "địa chỉ đỏ" thuộc diện uy tín nhất của dân chuyên săn lùng hàng ĐVHD quý hiếm phải kể đến các tỉnh miền Trung.
Tại đây, ngoài việc phục vụ nhu cầu ăn uống tại chỗ, các ông chủ cơ sở kinh doanh trái phép các mặt hàng này còn sẵn sàng cung ứng ĐVHD ra Bắc, vào Nam vì chính họ là đầu mối thu gom từ các thợ săn chuyên nghiệp trên địa bàn hoặc những người hành nghề buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia.
Trên bình diện toàn quốc, dù chưa có một con số thống kê chính thức, nhưng nếu căn cứ vào số lượng các cơ sở kinh doanh liên quan đến ĐVHD như nhà hàng, quán rượu, cửa hàng chim, thú cảnh, hiệu thuốc y học cổ truyền trên địa bàn, cùng tình hình hoạt động của nạn buôn bán trái phép ĐVHD, người ta có thể tính ra lượng ĐVHD bị "xử tử" mỗi ngày là rất lớn, trong đó có cả những loài đặc biệt quý hiếm. Đơn cử, tại Thái Bình, ngày 4-10 vừa qua, Công an tỉnh đã phát hiện một vụ vận chuyển, kinh doanh ĐVHD trái phép, thu lượng tang vật lớn, gồm 37 cá thể rùa và 61 cá thể tê tê trong tình trạng đã bị làm thịt và để trong thùng đông lạnh đem đi tiêu thụ.
Hay tại Nghệ An, chỉ trong một chuyên án liên quan đến ĐVHD (mang bí số 1114ĐV), do Công an huyện Thanh Chương xác lập, thực hiện vào cuối tháng 1-2016, 8 cá thể khỉ với tổng trọng lượng gần 100kg và 1 cá thể hổ nặng 140kg, tất cả đều bị giết để bảo quản lạnh, đã bị thu giữ.
Theo một cán bộ là thành viên Ban Chuyên án 1114ĐV, hiện nay, việc phát hiện và xử lý, ngăn chặn các vụ việc liên quan đến ĐVHD gặp rất nhiều khó khăn bởi các thủ đoạn của đối tượng ngày càng tinh vi.
Trước đây, đối tượng thường sử dụng xe khách, xe tải, nhưng gần đây dùng đến cả xe du lịch, giả xe taxi. Nhiều xe mang danh nghĩa là xe chất lượng cao, trên xe chở đầy khách, nhưng dưới khoang chứa đồ được gia cố thêm các ngăn bí mật dùng để chứa ĐVHD.
Đa phần, các sản phẩm từ ĐVHD được vận chuyển trong đêm khuya với các địa điểm tập kết có thể thay đổi bất cứ lúc nào để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện. Thậm chí đối tượng vận chuyển còn cử người đi trước nghi binh, dò đường, nếu phát hiện "có động" thì lập tức thông báo cho đồng bọn biết để dễ bề tẩu thoát…
Thực tế, từ hoạt động phòng, chống nạn mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD của các cơ quan chức năng cho thấy, tình hình vi phạm liên quan đến loại "hàng" đặc biệt này đang có diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi đó, việc xử lý vẫn là tịch thu tang vật và xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe. Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg (ngày 17-9-2016) về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD được xem là một trong những động thái mạnh của Chính phủ nhằm bảo vệ ĐVHD trước tình trạng săn bắt, buôn bán, vận chuyển và sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Tuy nhiên, vẫn cần thêm những "phát pháo lệnh" mới có tác dụng bảo vệ và bảo tồn ĐVHD - một dạng tài nguyên đặc biệt có giá trị không thể đong đếm của quốc gia. (Biên Phòng 19/10) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
9 tháng năm 2016, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trồng mới gần 600ha rừng tập trung, đạt gần 87% kế hoạch năm.
Trong đó, rừng sản xuất 554 ha; rừng phòng hộ 4ha và rừng đặc dụng 29ha. Riêng diện tích rừng được chăm sóc hơn 460ha và gần 9.800ha rừng được giao khoán, bảo vệ…
Công tác phòng chống cháy rừng luôn được các cấp, ngành triển khai tích cực, qua đó hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Để nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và phát triển hiệu quả tài nguyên rừng tại địa phương;
Nghiên cứu, chuyển giao một số mô hình trồng xen cây dược liệu trong các khu rừng phòng hộ; hỗ trợ đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả của rừng; nâng cao mức hỗ trợ đầu tư rừng phòng hộ, rừng sản xuất; quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống chất lượng cao và quy hoạch phát triển cây phân tán... (Báo Vĩnh Phúc 19/10) đầu trang(
Ngày 19.10, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban dẫn đầu đã có buổi làm việc với huyện Tây Sơn và các ngành chức năng của huyện về tình hình quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).
Báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn cho thấy, công tác QLBVR đã được tăng cường bằng nhiều biện pháp cụ thể. Đáng chú ý là huyện đã giao quyền sử dụng đất, quyền sử hữu rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên 31.000 ha, chiếm 78,32% tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giao khoán cho dân QLBVR.
Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ năm 2013 đến tháng 9.2016, huyện đã phát hiện 111 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR), trong đó có 108 vụ đã được xử lý.
Lâm sản tịch thu là 125,264 m3 gỗ các loại; 153 kg than hầm; 41 cá thể động vật và 55 kg sản phẩm động vật hoang dã; 24 phương tiện vận chuyển lâm sản.
Tại buổi làm việc, theo yêu cầu của các thành viên Đoàn Giám sát, các ngành chức năng huyện Tây Sơn đã giải thích rõ về các nguyên nhân và biện pháp xử lý, khắc phục diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm và việc thực hiện các chính sách QLBVR.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Phạm Hồng Sơn đánh giá cao kết quả công tác QLBVR và thực hiện các chính sách QLBVR ở địa phương, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục về Luật BV&PTR bằng nhiều hình thức cụ thể; giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp và tăng cường công tác giao khoán rừng cho dân quản lý, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật BV&PTR.
Tây Sơn cũng cần thực tốt hiện các chính sách QLBVR và nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, nhằm hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân… (Báo Bình Định 19/10) đầu trang(
Hiện giá gỗ nguyên liệu tăng, ngược lại giá mía, sắn thấp nên nông dân Phú Yên đổ xô sang trồng rừng kinh tế.
Đáng lo ngại là không chỉ trồng rừng trên đất gò đồi mà nông dân trồng tràn sang cả đất nông nghiệp, ủi bay vùng nguyên liệu sắn, mía. ...
Những ngày qua, trời mưa gió nhưng nông dân xã Sơn Định, Sơn Long (huyện Sơn Hòa) vẫn tấp nập rủ nhau đi mua cây giống về trồng rừng kinh tế...
Ông Nguyễn Văn Sơn, xã  Sơn Long chở cây giống vào trồng tại khu đất trước nhà cho biết, trước đây nhiều hộ khai hoang gò đồi trồng sắn, mía, lâu ngày đất rửa trôi, bạc màu; nếu tiếp tục trồng sắn, mía không lãi nên chuyển sang trồng rừng.
Đặc biệt, gần đây giá gỗ nguyên liệu tăng, còn giá sắn, mía thấp nên nông dân trồng rừng lấn cả xuống đất nông nghiệp.
Cụ thể giá gỗ nguyên liệu keo lá tràm, bạch đàn là 1.200 đồng/kg, tương đương 1,2 triệu đồng/tấn, trung bình trồng 1ha rừng kinh tế, sau 5 năm khai thác được 70 - 80 tấn/ha, trừ chi phí bình quân người trồng rừng thu được 60 - 70 triệu đồng/ha.
Còn giá sắn thì nhà máy thu mua 1.700 đồng/kg với 30 độ bột, thế nhưng vụ này sắn bị bệnh chổi rồng chỉ đạt 15 - 20 độ bột, thương lái mua tại đám còn 500 - 700 đồng/kg, trừ chi phí cày bừa, phân bón, chăm sóc…, cuối vụ phủi tay về không. Giá mía còn thấp hơn nữa nên trồng mía cũng không lãi là bao.
Ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Sơn Định, giãi bày: Nếu trồng sắn, mía thì phải bỏ công chăm sóc, thu hoạch hàng năm nên tính ra không lãi. Cũng đám đất đó trồng cây lâm nghiệp rồi đi làm thuê mướn kiếm tiền, vườn cây như “của để dành” chờ 5 năm sau bán cây kiếm bộn tiền.
Ông Phan Tấn Vinh, ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) nói: “Đất này lâu nay tôi chỉ để trồng sắn, mía nhưng nay buộc phải trồng cây rừng. Lý do đám đất bên cạnh họ trồng rồi, khi cây cao lớn làm đất mình bị rập (khuất ánh nắng mặt trời) nên sắn, mía không phát triển nổi. Hơn nữa lá keo, bạch đàn chứa chất dầu bay theo chiều gió rụng sang đất nhà mình thì cỏ cũng không ngóc đầu nổi huống chi sắn, mía"....
Ông Trịnh Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh cho biết, trồng rừng mang lại nguồn thu nhập cao nên phong trào trồng rừng trong xã phát triển rất mạnh. Trước đây nông dân trồng keo lá tràm nay trồng bạch đàn. Nguyên nhân, trồng keo chỉ thu một lần, còn trồng bạch đàn thu hoạch lứa đầu rồi cây nứt nhánh “ăn” tiếp lứa cây con nữa.
Ông Trần Quốc Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, phong trào trồng rừng tuy mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng nguy cơ phá vỡ vùng quy hoạch sắn, mía vốn cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn. Vì vậy huyện khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả, nay trồng mai chặt mà tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Phong trào trồng rừng kinh tế không chỉ phát triển mạnh ở các huyện miền núi Phú Yên mà các huyện đồng bằng cũng sốt sắng trồng rừng. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, diện tích mía ở huyện này theo quy hoạch là 1.100ha, nay nông dân chỉ giữ được khoảng 700ha. Thay vào đó, nông dân chuyển qua trồng sắn, vụ rồi sắn bị bệnh chổi rồng giá bán thấp lại nhổ sắn đi, đầu tư trồng cây lâm nghiệp....
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho hay những ngày qua, phòng cử cán bộ về các địa phương họp bàn vận động nhân dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đổ xô trồng cây nguyên liệu giấy, phá vỡ quy hoạch. Đồng thời các nhà máy sắn, đường cần có giá thu mua hợp lý để khuyến khích nông dân trồng, đảm bảo diện tích.
Riêng năm 2015, toàn tỉnh trồng gần 4.000ha; trong đó, rừng sản xuất 3.600ha, rừng phòng hộ - đặc dụng khoảng 400ha. Đối với cây mía, niên vụ 2015 - 2016, diện tích sản xuất đạt 26.220ha, đến niên vụ 2016 - 2017 chỉ còn khoảng 23.000ha. Đối với sắn, niên vụ 2015 - 2016, đã trồng 21.534ha, đến niên vụ 2016 - 2017 còn khoảng 18.000ha....
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, mùa trồng rừng năm 2016, toàn tỉnh trồng 6.000ha rừng tập trung, trong đó có 4.200ha rừng sản xuất, 1.400ha rừng phòng hộ và 600ha rừng trồng thay thế do trước đây đã sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án. (Nông Nghiệp Việt Nam 19/10) đầu trang(
Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống người dân và môi trường sinh thái ở địa phương, thời gian qua huyện Ngọc Lặc đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, đồng thời phát triển thêm diện tích rừng trồng mới trên địa bàn.
Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện trồng rừng; đẩy mạnh tuyền truyền, phổ biến sâu rộng về chính sách cũng như lợi ích từ việc trồng rừng đến đồng bào các dân tộc; vận động nhân dân tích cực tham gia trồng rừng; kiện toàn ban chỉ đạo trồng rừng 147, phân công các thành viên phụ trách địa bàn, xây dựng phương án để việc triển khai, thực hiện đạt hiệu quả cao...
Với cách làm quyết liệt, hiệu quả, trong 9 tháng năm 2016, toàn huyện đã khoanh nuôi, tái sinh rừng đạt 85 ha, bảo vệ 16.323 ha rừng hiện có... (Báo Thanh Hóa 19/10) đầu trang(
Quảng Trị: Trồng mới khoảng 8.000 ha rừng
Năm 2016, toàn tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ trồng khoảng 8.000 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ và rừng sản xuất nhằm bảo vệ phát triển rừng từ nguồn vốn Nhà nước trên 2.400 ha; rừng trồng của các công ty lâm nghiệp 1.500 ha; rừng trồng bằng nguồn vốn tự có của nhân dân khoảng trên 4.000 ha.
Hàng năm, mùa trồng rừng ở Quảng Trị bắt đầu từ cuối tháng 10 đến giáp Tết Nguyên đán. Công tác chuẩn bị từ ươm giống, kiểm định chất lượng giống, dọn thực bì, đào hố trồng rừng đều đã hoàn tất.
Tranh thủ thời tiết mưa đầu vụ trong thời gian qua, nhân dân một số địa phương đã xuống giống trồng rừng sớm hơn mọi năm vì theo kinh nghiệm của người dân, trồng rừng vào thời tiết mưa nắng xen kẽ đầu vụ cây sẽ được sức sinh trưởng hơn là thời tiết mưa dầm, đất nén chặt khiến rễ cây khó phát triển hoặc đến chính vụ đông trời trở rét khiến tỉ lệ cây bị chết cao.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 27 vườn ươm được cấp phép cung ứng cây giống trồng rừng, trong đó có 12 vườn ươm cây mẹ đầu dòng chuyên để cắt cành giâm hom.
Hiện xu hướng trồng rừng bằng giống keo lai giâm hom đang ngày càng trở nên phổ biến bởi những ưu điểm vượt trội của giống keo lai giâm hom so với các giống cây lâm nghiệp khác như dễ trồng, thích hợp nhiều điều kiện thổ nhưỡng; cây phát triển đồng đều, mang đầy đủ những ưu thế lai của cây mẹ; cây có tốc độ phát triển và sinh trưởng nhanh nên thời gian sản xuất rút ngắn còn gần bằng một nửa thời gian từ khi trồng đến khi khai thác so với trồng rừng bằng các giống keo thường trên cùng điều kiện bản địa. (Báo Quảng Trị 20/10) đầu trang(
Trước thực trạng việc đăng kí trồng rừng theo dự án nhưng không đạt tiến độ, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 757/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tình hình thực hiện các dự án trồng rừng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ năm 2007 đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có 20 dự án với tổng vốn đầu tư theo đăng ký trên 6.695,8 tỷ đồng, thời hạn hoạt động trung bình từ 30 – 50 năm. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chuyên môn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 dự án phải thanh tra, kiểm tra, nhiều dự án với diện tích phải thực hiện vẫn… nằm trên giấy vì không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả theo đúng tiến độ cam kết của chủ đầu đầu tư.
Nhiều dự án thuộc lĩnh vực này đã bị kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư toàn bộ hay một phần dự án. (Đại Đoàn Kết 20/10) đầu trang(
Sau 5 năm triển khai thực hiện, không thể phủ nhận những hiệu quả mà chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang lại cho người dân và diện tích rừng của tỉnh Kon Tum.
Từ chính sách này, người dân ở gần rừng không những có thêm việc làm mà còn được nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống. Mặt khác, rừng trên địa bàn cũng được bảo vệ tốt hơn, ngày càng nâng cao về chất lượng và diện tích.
Kon Tum là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, do đó công tác quản lý, bảo vệ và nâng cao diện tích rừng hiện có là nhiệm vụ chung mà các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và người dân phải đồng hành cùng nhau.
Trong 5 năm qua, cả tỉnh Kon Tum có 3.642 hộ gia đình, 22 cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao quản lý, bảo vệ 45.204,43 ha rừng. Bên cạnh đó, còn có 5.056 hộ gia đình, 64 cộng đồng dân cư thôn và 29 nhóm hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ các chủ rừng là tổ chức nhà nước, với diện tích rừng được bảo vệ là 140.289,25 ha.
Thôn Xốp Dùi (xã Xốp, huyện Đăk Glei, Kon Tum) là một cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao đất rừng cho quản lý, bảo vệ từ cuối năm 2014. Cả thôn có 73 hộ gia đình, được nhà nước giao bảo vệ 78,5 ha rừng.
Ngoài diện tích rừng được nhà nước giao, các hộ dân trong thôn còn nhận khoán bảo vệ gần 247,1 ha rừng từ đơn vị chủ rừng là Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh.
Anh A Đoan – Thôn trưởng thôn Xốp Dùi cho biết: “Được nhà nước giao rừng cho quản lý, người dân trong thôn đã có nhận thức tốt hơn trong việc bảo vệ rừng. Hàng tuần, hàng tháng, từng nhóm hộ lại thay phiên nhau đi kiểm tra một lần, nếu phát hiện rừng bị xâm hại thì báo ngay cho UBND xã, kiểm lâm địa bàn và chủ rừng. Số tiền nhận được từ việc tham gia bảo vệ rừng giúp chúng tôi có thêm thu nhập để mua cây giống, phát triển kinh tế gia đình và lo cho con cái học hành.
Người dân trong thôn bây giờ ngoài làm ruộng, rẫy còn làm thêm nghề rừng chứ không lên rừng khai thác gỗ như trước nữa”.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) được giao bảo vệ hơn 37.000 ha rừng thì có đến 36.709,42 ha rừng có cung ứng DVMTR. Hàng năm, Ban quản lý khu bảo tồn tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, làng sống trong rừng, gần rừng, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Từ khi chính sách chi trả DVMTR được thực hiện, đồng bào dân tộc ở đây có thêm động lực để bảo vệ rừng, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng hơn trước, kịp thời phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, tích cực tuần tra bảo vệ rừng giao khoán. Các hộ dân tập trung sản xuất trên đất hiện có, không đốt rừng để làm rẫy, không chặt phá, khai thác rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng trái phép.
Đánh giá về hiệu quả mà chính sách chi trả DVMTR mang lại, ông Đinh Ngọc Thanh – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cho biết: “ Đây là chính sách đúng đắn của nhà nước, nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Nó không những phát huy hiệu quả trong việc tạo thêm thu nhập, công ăn việc làm cho người dân và cộng đồng dân cư được giao khoán bảo vệ rừng mà còn làm tăng diện tích, chất lượng rừng, phát huy vai trò rừng phòng hộ đầu nguồn, tăng tính đa dạng sinh học, cải thiện môi trường sinh thái.
Nguồn thu từ tiền DVMTR còn giúp đơn vị có thêm tài chính để củng cố đội ngũ cán bộ và triển khai đồng bộ các công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, góp phần ổn định và phát triển diện tích rừng qua từng năm”.
Qua 5 năm triển khai đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã tiến hành chi trả hơn 491 tỉ đồng cho hơn 360.000 ha rừng có cung ứng DVMTR. Số tiền chia cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tuy chưa lớn nhưng đã tạo lập cơ sở kinh tế bền vững để người dân yên tâm bảo vệ rừng.
Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của những người được hưởng lợi từ rừng, góp phần quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn. (Tài Nguyên Và Môi Trường 19/10) đầu trang(
Sáu năm kể từ khi Nghị định số 99/2010 NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đi vào cuộc sống, mỗi năm cả nước đã thu hàng trăm tỷ đồng, chi trả cho những tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ này, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân,…
Được coi mang lại lợi ích nhiều mặt, chính sách chi trả DVMTR đã tạo ra nguồn tài chính hết sức quan trọng, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong phát triển, bảo vệ rừng. Mỗi năm, nguồn tài chính này đã góp phần bảo vệ từ 2,8 đến 3,37 triệu ha rừng; làm giảm số vụ vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, nhờ có thêm nguồn chi trả, mức thu nhập của người dân nhận khoán rừng tăng lên đã góp phần hiệu quả cho các địa phương trong việc bảo vệ rừng, nhất là khi Chính phủ vừa quyết định dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên.
Sơn La là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện thí điểm chính sách chi trả DVMTR theo quy định của Chính phủ và cũng là một trong những tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đầu tiên trong cả nước.
Đến nay, diện tích rừng tại Sơn La được chi trả đã lên hơn 500 nghìn ha, tăng hơn 40% so với khi bắt đầu triển khai dịch vụ và chiếm 85% diện tích rừng trong lưu vực chi trả. Số hộ dân tham gia bảo vệ rừng cung ứng DVMTR được chi trả tiền toàn tỉnh hiện nay là 17.073 hộ, trong đó 70% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Gặp nhiều khó khăn hơn, tỉnh Hòa Bình sau hơn 5 năm triển khai, chính sách chi trả DVMTR cũng đã có tác động mạnh mẽ đến ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Hòa Bình đã thu tiền DVMTR được hơn 50 tỷ đồng và đã giải ngân, thanh toán cho khoảng 80 nghìn hộ là chủ rừng tại ba lưu vực (thủy điện Hòa Bình, lưu vực thủy điện Bá Thước II và lưu vực thủy điện Suối Nhạp A) với tổng diện tích quản lý, bảo vệ rừng bình quân 80.178 ha/năm, chiếm khoảng một phần ba diện tích rừng toàn tỉnh.
Còn tại tỉnh Lai Châu, địa phương được đánh giá tốt trong việc thực hiện chính sách này tại các tỉnh miền núi phía bắc, cũng đã có hơn 430 nghìn ha rừng nằm trong diện chi trả DVMTR với hơn 57 nghìn hộ dân đang tham gia quản lý, bảo vệ rừng với mức thu nhập từ 2,5 đến 2,8 triệu đồng/hộ/năm.
Thu nhập tăng, đời sống của người dân được cải thiện đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn khoảng 20%.
Mặc dù chính sách DVMTR đã nhận được sự đồng thuận rất lớn của cộng đồng xã hội, nhưng hiện vẫn còn một số doanh nghiệp thủy điện chây ỳ, chủ yếu là các doanh nghiệp thủy điện nhỏ.
Vì vậy, để tránh thất thu và tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp thủy điện, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam tiếp tục vận động, thuyết phục các bên cùng phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp ngành lâm nghiệp đạt được mục tiêu trong năm 2016 là giảm tiền nợ đọng DVMTR xuống dưới 70 tỷ đồng.
Cùng với việc kiên quyết thu các khoản nợ mà những đối tượng sử dụng DVMTR phải trả, ngành lâm nghiệp đang thí điểm triển khai nguồn thu DVMTR mới theo quy định Nghị định 99/2010/NĐ của Chính phủ trong hoạt động nuôi cá nước lạnh và sản xuất công nghiệp tại Lào Cai.
Đây cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm việc thu tiền DVMTR về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất đối với các cơ sở sản xuất thủy sản.
Hiện Lào Cai có khoảng 50 cơ sở nuôi thương phẩm, các địa điểm có khả năng nuôi cá nước lạnh phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố như ở xã Tả Phìn, Bản Khoang, San Sả Hồ của huyện Sa Pa, xã Lùng Phình, Na Hối của huyện Bắc Hà, xã Nậm Xé, Liêm Phú của huyện Văn Bàn, xã Y Tý, Dền Sáng của huyện Bát Xát…
Thể tích nuôi cá nước lạnh của tỉnh hơn 50 nghìn m3 bồn bể, sản lượng đạt khoảng 400 tấn, doanh thu đạt gần 80 tỷ đồng.
Huyện Sa Pa được xem là “thủ phủ” của các cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm, do có điều kiện tự nhiên thuận lợi về khí hậu, rừng tự nhiên và nguồn nước lạnh lý tưởng. Toàn huyện hiện có 41 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tổng sản lượng cá hồi, cá tầm cung ứng cho thị trường vào khoảng 300 tấn/năm, đem về nguồn thu hằng năm hơn 60 tỷ đồng. Thực hiện quyết định của Chính phủ về DVMTR, tỉnh Lào Cai áp mức thu khoảng 45 nghìn đồng/m3 nước, đối với các cơ sở, hộ tư nhân nuôi cá nước lạnh trên địa bàn.
Chủ tịch Hiệp hội nuôi cá nước lạnh Sa Pa Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc thu tiền DVMTR của các cơ sở nuôi cá nước lạnh là đúng đắn, cần thiết. Tuy nhiên, nuôi cá hồi chịu nhiều rủi ro; hơn nữa việc đầu tư bồn bể, vận chuyển, thức ăn, con giống… miền núi, vùng sâu, vùng xa rất tốn kém, đầu tư cao; do vậy, Nhà nước và tỉnh Lào Cai cần nghiên cứu, xem xét cụ thể về mức thu phí.
Với mức thu 45 nghìn đồng/m3 nước áp dụng hiện nay là quá cao, và nên điều chỉnh ở mức 23 nghìn đồng/ m3 là phù hợp.
Với việc thí điểm này, Lào Cai sẽ đóng góp vào nguồn thu chung, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân làm nghề rừng. Đồng thời đây cũng là cơ sở, nền móng cho việc triển khai, nhân rộng việc thu tiền DVMTR về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.
Được biết mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia nghiên cứu, thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ rừng trên địa bàn tỉnh mình theo lộ trình kế hoạch được hướng dẫn.
Theo đó, sau khi rà soát, tại Thanh Hóa có 24 đơn vị sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR (tổng sản lượng nước ước tính gần 15 triệu m3/năm). Nghệ An có 68 đơn vị sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR (tổng sản lượng nước ước tính hơn 7,3 triệu m3/năm), Hà Tĩnh có 24 đơn vị sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR (tổng sản lượng nước ước tính hơn 27 triệu m3/năm).
Theo kế hoạch đề ra, ba địa phương này sẽ phải có kết quả đầu ra là Quyết định phê duyệt thí điểm của UBND tỉnh trong thời gian tới.
Hy vọng thời gian tới, việc mở rộng nguồn thu từ các dịch vụ mới sẽ góp phần thúc đẩy quá trình triển khai chính sách chi trả DVMTR ngày càng hiệu quả, tạo thu nhập ổn định, bền vững cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ rừng.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã thu được hơn 518 tỷ đồng tiền DVMTR, đạt hơn 96% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thu từ thủy điện là 499,637 tỷ đồng; từ nước sạch là 17,321 tỷ đồng; từ dịch vụ du lịch là 1,59 tỷ đồng.
Thời gian tới khi mở rộng thu phí đối với các dịch vụ mới, số tiền thu được sẽ còn tăng lên… (Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam 20/10) đầu trang(./.