Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 19 tháng 10 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Chiều 17-10, tại khoảnh 2, khu vực rừng thuộc các thôn Bình An, xã Tiền Phong; Tân Sơn 1, Tân Sơn 2, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) xảy ra vụ cháy rừng trồng phòng hộ đã giao cho các hộ dân quản lý.
Ngay sau khi phát hiện đám cháy, Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ gồm cán bộ, người dân các xã, thị trấn trong khu vực, các phòng ban của huyện; Bộ CHQS tỉnh, Trường Quân sự Quân đoàn 2, Chi cục Kiểm lâm… với hơn 500 người tham gia chữa cháy.
Tuy nhiên, do trời hanh khô, gió thổi mạnh, địa hình phức tạp, núi cao nên khó dập lửa. Đến 23 giờ cùng ngày, đám cháy được khống chế hoàn toàn, thiệt hại hơn 35 ha rừng. Hiện các cơ quan chức năng huyện đang khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy. (Báo Bắc Giang 19/10) đầu trang(
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hạn, nguy cơ xảy ra cháy rừng tiềm ẩn rất cao ở nhiều địa phương, để làm tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản số 3598 về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Hà Giang 18/10) đầu trang(
Huyện Yên Thế (Bắc Giang) vừa tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng  (PCCCR) cụm xã năm 2016.
Cuộc diễn tập PCCCR cụm xã năm 2016 được chia làm 2 giai đoạn: Vận hành cơ chế để triển khai kế hoạch PCCCR cho phù hợp với tình hình thực tế và triển khai các biện pháp khẩn cấp để đối phó với nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn Tam Tiến và Đồng Tiến. Tổ chức huy động và hiệp đồng các lực lượng tham gia chữa cháy rừng tại bản Trại Nấm, xã Đồng Tiến.
Với tình huống giả định là đám cháy xuất hiện tại đồi nhà ông Kỳ ở bản Trại Nấm, xã Đồng Tiến, người dân đang làm đồng phát hiện và báo cáo với Trưởng bản, đánh kẻng huy động nhân dân trong bản tham gia chữa cháy. Do thực bì dày, hanh khô lâu ngày gặp gió to nên lửa cháy dữ dội và lan nhanh, UBND xã Đồng Tiến đã điều động lực lượng dân quân, công an xã và nhân dân các bản lân cận, cùng các phương tiện tham gia dập lửa, tuy nhiên vẫn không khống chế được ngọn lửa.
Sau khi báo cáo xin tăng cường lực lượng, phương tiện chữa cháy của huyện gồm: Hạt Kiểm lâm, Ban CHQS huyện, Công an huyện đã huy động nhân lực và các trang thiết bị, máy bơm chuyên dụng để chữa cháy và khống chế được đám cháy.
Cuộc diễn tập PCCCR cụm xã Tam Tiến và Đồng Tiến với sự tham gia của hơn 100 người sử dụng nhiều phương tiện từ thô sơ đến máy bơm cao áp đã thành công tốt đẹp, các nội dung huấn luyện sát với tình hình thực tế, công tác chuẩn bị chu đáo, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Kết thúc buổi diễn tập, Ban chỉ đạo đã biểu dương những nỗ lực của các lực lượng tham gia buổi diễn tập và yêu cầu thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCCR cho cán bộ, nhân dân với phương châm 4 tại chỗ, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó tốt nhất khi có tình huống xảy ra và duy trì nghiêm túc công tác PCCCR.
Nhân dịp này, UBND huyện Yên Thế đã khen thưởng 8 tập thể và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc diễn tập PCCCR cụm xã huyện Yên Thế năm 2016. (Báo Bắc Giang 17/10) đầu trang(
Bước vào mùa khô, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng được các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chú trọng. Bên cạnh tuyên truyền, việc chuẩn bị nhân lực, vật lực cũng được quan tâm, qua đó sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có tình huống xảy ra.
Là địa phương thường xuyên xảy ra cháy rừng nên hằng năm, Ban CHQS huyện Yên Dũng phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với cấp ủy, chính quyền phương án PCCC rừng. Cuối tháng 9 vừa qua, Ban CHQS huyện chủ trì diễn tập tại xã Nội Hoàng và Tiền Phong. Phương án diễn tập sát với đặc điểm riêng biệt của rừng Yên Dũng là nhiều cây bụi.
Trao đổi với Thượng tá Lê Văn Chiến, Chính trị viên Ban CHQS huyện được biết, hoạt động diễn tập không chỉ có tuyên truyền trực quan, giúp người dân, cán bộ, đảng viên thấy được sự nguy hại do cháy rừng gây ra mà còn là dịp để lãnh đạo địa phương nắm chắc cơ chế vận hành của cả hệ thống chính trị khi xảy ra sự cố cháy rừng. Nhờ những đợt diễn tập, ý thức PCCC rừng của cán bộ, nhân dân được nâng lên; tinh thần chủ động cao hơn.
Ở huyện Lục Ngạn, Ban CHQS huyện cũng tổ chức diễn tập PCCC rừng tại xã Kiên Lao với sự tham gia trực tiếp của hàng trăm người thuộc nhiều lực lượng như: Bộ đội chủ lực, quân sự địa phương, công an, kiểm lâm, người dân... Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện, đợt diễn tập là “một lần thử” để các lực lượng ngồi lại với nhau, “khớp” phương án bảo đảm tối ưu nhất. Qua đó tăng cường phối hợp, hiệp đồng tác chiến, nhất là với lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn huyện.
Hằng năm, Ban CHQS các huyện, TP đều tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (trong đó có cháy rừng). Bên cạnh lực lượng quân sự địa phương, một số đơn vị chủ lực đóng quân trên địa bàn tỉnh như: Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 1)... luôn chuẩn bị các điều kiện để kịp thời phối hợp khi có tình huống.
Những ngày đầu tháng 10, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ cháy rừng. Điển hình như hồi 3 giờ ngày 13-10, nhận được tin báo tại thôn Phấn Sơn, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) xảy ra cháy, quân số trực của Ban CHQS TP đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ và người dân địa phương chia thành nhiều tốp bao vây, dập tắt đám cháy. Đến khoảng 7 giờ sáng đám cháy được dập tắt, thiệt hại ước khoảng 3 ha rừng.
Trước đó, chiều 6-10, cũng tại thôn Phấn Sơn xảy ra cháy lớn gây thiệt hại 7 ha rừng. Nhận tin báo, Ban CHQS TP huy động lực lượng tại chỗ, báo cáo Bộ CHQS tỉnh tăng cường nhân lực. Gần 300 cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS TP, Trường Quân sự (Quân đoàn 2), Trường Quân sự tỉnh, lực lượng dân quân tự vệ địa phương… đã được huy động dập tắt đám cháy.
Đại tá Dương Văn Đoàn, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Để phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng quân đội trong việc phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó có PCCC rừng, ngay từ đầu năm, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án hành động cụ thể. Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”.
Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến ở các cấp. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt nhằm chủ động phòng, chống các sự cố, diễn biến bất thường. Nhờ vậy, ngay sau khi nhận được tin báo cháy rừng, lực lượng quân đội luôn có mặt tại hiện trường kịp thời, tham gia tích cực vào công tác chữa cháy, giảm thiểu thiệt hại. (Báo Bắc Giang 18/10) đầu trang(
Cơ quan chức năng vừa khởi tố, bắt tạm giam đối tượng được cho là chủ mưu vụ cưa trộm 20 cây dổi để lấy gỗ ở Lâm Đồng.
Ngày 18/10, cơ quan chức năng cho biết vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Văn Thành (trú tại huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) và Phạm Nam Anh (ngụ ở huyện Tân Phú, Đồng Nai) về tội khai thác gỗ trái phép.
Quá trình lập chuyên án điều tra tình trạng phá rừng tại tiểu khu 390A (lâm phần do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc quản lý), Công an huyện Bảo Lâm phát hiện vào tháng 5/2016, Thành thuê Anh và một số người khác vào tiểu khu 390A triệt hạ 20 cây gỗ dổi với khối lượng cả trăm khối. Toàn bộ số gỗ này đã bị tẩu tán.
Dổi là loài gỗ quý. Do bị săn lùng ráo riết nên ngày càng hiếm trong môi  trường tự nhiên. Với nhiều ưu điểm như màu sắc và vân gỗ đẹp, thớ rất mịn, không cong vênh, mùi hương nhẹ nhàng, có chứa tinh dầu chống mối mọt nên gỗ dổi rất được ưa chuộng để chế tác những sản phẩm nội thất (giường, tủ, bàn, ghế…) sang trọng.
Cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm đang mở rộng điều tra vụ án. (Tiền Phong 18/10) đầu trang(
Ngày 18.10, Sở NNPTNT Gia Lai cho biết, đã chỉ đạo kiểm điểm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang - Nguyễn Long Sơn vì để xảy ra phá rừng trong khu vực quản lý.
Tại khoảnh 1, tiểu khu 555 thuộc lâm phần Cty Lâm nghiệp Kon Chiêng (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) và khoảnh 5, tiểu khu 532 thuộc sự quản lý của xã Lơ Pang (huyện Mang Yang), nhiều cây gỗ trắc, sến, giẻ... bị đốn hạ trái phép, lúc phát hiện chỉ còn cành, nhánh.
Nguyên nhân được báo cáo do lực lượng mỏng, công tác chỉ đạo lỏng lẻo, nhu cầu làm gỗ lớn khó kiểm soát, kiểm lâm chưa làm hết trách nhiệm.
Để mất rừng, sở NNPTNT đã thừa lệnh UBND tỉnh Gia Lai kiểm điểm Hạt trưởng Hạt KL Mang Yang - Nguyễn Long Sơn; Kiểm lâm viên Lê Anh Dũng - KL phụ trách xã Lơ Pang và Ban Giám đốc Cty Lâm nghiệp Kon Chiêng.
Tỉnh Gia Lai cũng nhấn mạnh nếu tiếp tục xảy ra phá rừng tại Mang Yang thì Chủ tịch huyện Nguyễn Như Phi phải kiểm điểm trách nhiệm. (Lao Động 18/10) đầu trang(
Bình Định: Cha làm Chi cục trưởng Kiểm lâm, con làm phó, thấu lý có đạt tình?
Ngoài việc đang giữ chức Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Hiếu Hòa còn là Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh này.
Đáng chú ý, con gái ruột ông Hòa là Nguyễn Thị Anh Nguyên lại được bổ nhiệm Phó chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định.
Những ngày qua, người dân tỉnh Bình Định xôn xao, bàn tán về việc cha làm trưởng, con làm phó xảy ra tại chi cục Kiểm lâm tỉnh này. Theo đó, ông Nguyễn Hiếu Hòa đang giữ chức Phó Giám đốc sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh, còn con gái là bà Nguyễn Thị Anh Nguyên giữ chức Phó chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm.
Nhiều ý kiến cho rằng, chuyện này là vô cùng phản cảm. Bởi, cha là lãnh đạo cao nhất cơ quan, con gái cao thứ hai là điều “bất bình thường”. Trong chuyện này, dư luận đặt câu hỏi: “Chi cục Kiểm lâm tỉnh hết người tài hay sao lại bổ nhiệm lãnh đạo là con của lãnh đạo?”.
Chiều 12/10, PV báo ĐS&PL đã có mặt tại Bình Định để ghi nhận thông tin. Chia sẻ với PV, anh Lưu Văn Thanh (ngụ huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho hay: “Thông tin trên tôi mới nghe dư luận xôn xao vài ngày qua. Thật sự, khi nghe thông tin này, tôi thấy nó kỳ quặc làm sao ấy. Chẳng lẽ chi cục Kiểm lâm tỉnh không có người tài để phải bổ nhiệm con gái của Chi cục trưởng làm Chi cục phó”.
Anh Thanh nói: “Tại địa phương, rất nhiều người đã biết được thông tin này và đang chờ cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định lên tiếng, giải thích rõ sự việc là như thế nào. Dù trông chờ nhưng tôi và nhiều người dân ở đây đều nghĩ, cơ quan chức năng sẽ trả lời là “đúng quy trình” thôi”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Tùng (ngụ TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng cho hay: “Là cán bộ từng làm việc tại UBND tỉnh Bình Thuận, tôi biết đến ông Hòa là một lãnh đạo có năng lực tại sở NN&PTNT tỉnh. Việc ông ấy được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở cũng không lạ.
Theo cơ cấu của sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, một Phó Giám đốc Sở sẽ quản lý lĩnh vực rừng nên ông Hòa được kiêm nhiệm chức vụ Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định”.
“Theo thông tin tôi nắm được thì việc bổ nhiệm Chi cục phó chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định do sở NN&PTNT tỉnh Bình Định thực hiện. Tuy nhiên, công tác bổ nhiệm này phải thông qua ban Tổ chức Tỉnh ủy và sở Nội vụ tỉnh. Trong chuyện này, tôi cho rằng đã có sự “du di” khi thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ”, ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo lời ông Tùng, để tránh dư luận xôn xao, bàn tán thì sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cần vào cuộc xử lý nhanh chóng sự việc này. Không nên để cha làm trưởng, còn con thì làm phó.
Chia sẻ thông tin với PV báo ĐS&PL, một cán bộ kiểm lâm tại hạt Kiểm lâm Tuy Phước - Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) tiết lộ: “Bà Nguyên từng giữ chức vụ Hạt trưởng tại hạt Kiểm lâm Tuy Phước - Quy Nhơn. Trong thời gian công tác tại đây, bà Nguyên chưa để xảy ra sai phạm hay điều tiếng gì. Đặc biệt, trong thời gian công tác, bà Nguyên cũng đạt nhiều thành tích nổi bật trong việc bảo vệ và phòng chống phá rừng. Công tác ở đây một thời gian, bà Nguyên được điều về lại chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định làm việc”.
Cũng theo vị cán bộ này, tại tỉnh Bình Định, trong lĩnh vực kiểm lâm, bà Nguyên là một trong những lãnh đạo nữ hiếm hoi. Đặc biệt, bà cũng là người có trình độ, tốt nghiệp chuyên ngành lâm nghiệp.
Sáng 13/10, PV báo ĐS&PL đã quay lại sở NN&PTNT tỉnh Bình Định để xin gặp ông Nguyễn Hiếu Hòa – nhân vật chính trong câu chuyện. Tuy nhiên, nhân viên tại đây cho biết, sáng 13/10, ông Hòa làm việc tại trụ sở chi cục Kiểm lâm tỉnh. Tiếp đó, PV liên hệ với chi cục Kiểm lâm thì nhân viên tại đây thông tin, sáng 13/10, ông Hòa làm việc tại sở NN&PTNT tỉnh Bình Định.
PV tiếp tục liên hệ số điện thoại di động của ông Hòa nhưng ông này không bắt máy. Tương tự, việc liên hệ, tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Anh Nguyên cũng bất thành.
Theo tìm hiểu của PV, ông Hòa giữ chức vụ Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm hơn 10 năm nay. Trong thời gian công tác, ông chưa để xảy ra sai phạm gì. Đặc biệt, ông Hòa cũng được người trong ngành, lãnh đạo cấp sở, tỉnh đánh giá là người giải quyết công việc quyết liệt.
Trong khi đó, bà Nguyên tốt nghiệp đại học chuyên ngành lâm nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, bà công tác tại chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định. Đến thời điểm năm 2011, bà được bổ nhiệm làm Phó phòng tại đơn vị này. Đến năm 2014, bà Nguyên được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Tiếp đó, bà được điều động làm Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Tuy Phước - Quy Nhơn.
Do đạt nhiều thành tích trong công tác, bà Nguyên được rút về lại Chi cục và được bổ nhiệm giữ chức Chi cục phó chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Trao đổi với PV, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Bình Định xác nhận thông tin mà dư luận xôn xao về cha con ông Hòa. Thông tin về quy trình bổ nhiệm bà Nguyên, ông Hổ khẳng định: “Để bầu chức danh Chi cục phó chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, Chi cục này phải tổ chức lấy tín nhiệm với bà Nguyên. Sau khi có kết quả tín nhiệm, sở NN&PTNT Bình Định tiến hành tham khảo ý kiến của ban Tổ chức Tỉnh ủy, sở Nội vụ tỉnh.
Bên cạnh đó, hiện không có văn bản nào quy định cấm việc cha hay mẹ làm thủ trưởng, còn con làm cấp phó trong cùng cơ quan. Do đó, Sở đã bổ nhiệm bà Nguyên theo đúng các quy định của pháp luật”.
Cũng liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho biết: “Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tìm hiểu vụ việc “lùm xùm” xảy ra tại chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định và có báo cáo cụ thể”.
Lãnh đạo cục Kiểm lâm nói gì? Cũng trong một diễn biến liên quan, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Quốc Trị – Cục trưởng cục Kiểm lâm thông tin: “Pháp luật không quy định việc cha làm trưởng thì con không được làm phó. Việc này đã có từ lâu và bổ nhiệm Chi cục trưởng và Chi cục phó thuộc tỉnh chứ không thuộc thẩm quyền của cục Kiểm lâm”. (Đời Sống Và Pháp Luật 17/10) đầu trang(
Sau khi Thủ tướng tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, tưởng chừng những khu rừng Tây Nguyên còn sót lại sẽ không phải “chảy máu” nữa.
Tuy nhiên gần đây, tình trạng phá rừng, vận chuyển gỗ lậu ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn ngang nhiên diễn ra, bất chấp lệnh cấm.
Ngày 20/6/2016, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa tất cả rừng tự nhiên. Tưởng rừng sẽ được “yên”, nhưng thực tế vẫn diễn biến phức tạp.
Ngày 8/9/2016, Nguyễn Anh Huyện (còn gọi là Phúc, Sinh năm 1987, trú Tổ dân phố 2, thị trấn Kbang) cùng khoảng 20 tên khác đã tổ chức vào đốn hạ gỗ hương tại khoảnh 6, tiểu khu 90 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (thuộc xã Krong, Kbang) dùng 2 cưa xăng để cắt hạ gỗ hương quý hiếm.
Bước đầu qua rà soát, Công an huyện Kbang đã triệu tập, tạm giữ 4 đối tượng gồm: Đình Văn Quynh (SN 1991), Đinh Văn Quý (SN 1984), Đinh Văn Noài (SN 1982) và Đinh Ngâm (SN 1989) đều cư trú tại làng Srắt (xã Sơn Lang, Kbang). Sau đó, Huyện và nhiều đối tượng khác đã ra đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi.
Qua khám nghiệm hiện trường, khối lượng gỗ hương bị chặt hạ ước tính 30,166m3 gỗ hương. Khối lượng gỗ tròn, xẻ còn lại tại hiện trường là hơn 19m3 gỗ, số gỗ còn lại cũng được thu giữ sau đó.
Tiếp đó, ngày 2/10/2016, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Đội Kiểm lâm Cơ động số 2 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) kiểm tra, phát hiện 1 bãi tập kết gỗ vô chủ tại làng Ya (xã Chư Đăng Ya, Chư Păh).
Lực lượng chức năng đã đo, đếm xác định tại hiện trường có 14 lóng gỗ các loại từ nhóm 2 đến nhóm 6, khối lượng gần 10m3.
Đỉnh điểm của tình trạng vận chuyển gỗ trái phép là vào rạng sáng 6/10, 5 chiếc xe ô tô tải chở gỗ với khối lượng lớn đang lưu thông hướng từ xã Ia O đi Ia Chía (huyện Ia Grai). Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Ia Chía đã đón lõng bắt 5 chiếc xe chở gỗ lậu.
Khi các lực lượng đang lập biên bản, các đối tượng đã tổ chức hơn 20 người, đi trên các xe bán tải để quay lại hiện trường cướp gỗ và xe từ lực lượng chức năng. Mặc dù chiến sỹ biên phòng đã nổ súng chỉ thiên để trấn áp, nhưng các đối tượng vẫn cho xe tông vào xe của lực lượng chức năng.
Sau nhiều giờ truy đuổi, lực lượng Biên phòng tỉnh Gia Lai với sự phối hợp của 3 đồn biên phòng Ia Chía, Ia O và Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cùng công an đã bắt lại được cả 3 xe. Tuy nhiên, các đối tượng đã nhanh chân tẩu thoát.
Tang vật thu được gồm 238 hộp gỗ xẻ và 2 lóng gỗ tròn, khối lượng hơn 76m3, từ nhóm 1 đến nhóm 5. Phương tiện vi phạm thu giữ 5 xe ô tô tải.
Tất cả 5 xe ô tô này đều đã bị tháo biển số, đục số khung, số máy. Cơ quan điều tra Công an huyện Ia Grai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Kon Tum, ngày 7/10, khi lực lượng chức năng Kon Tum phát hiện và tịch thu xe 82C-01612 chở gỗ vi phạm. Trong quá trình đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi để xử lý, một nhóm đối tượng đã liều lĩnh chặn xe và cướp xe chở gỗ trên.
Qua quá trình điều tra, Công an huyện Ngọc Hồi đã khoanh vùng được các đối tượng và bắt khẩn cấp Đỗ Ngọc Hà (SN 1984, trú tại xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi) và Bùi Xuân Lợi, (SN 1988, trú tại thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi).
Qua khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ phát hiện 2 vật có hình dạng khẩu súng, 1 vật có hình quả lựu đạn, 8 viên đạn, 4 gói chất rắn nghi là ma túy.
Trước đó 2 ngày, vào đêm 5/10, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà tổ chức tuần tra, kiểm soát trên địa bàn xã Đăk Psi và phát hiện tại khoảnh 7, tiểu khu 328, thuộc lâm phần Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Đăk Hà 26 hộp gỗ dổi (nhóm III) gỗ vô chủ.
Đây chỉ là những vụ điển hình bị phát hiện, còn rất nhiều vụ phá rừng, vận chuyển khác đã trót lọt.
Muốn giữ được số rừng ít ỏi còn sót lại tại Tây Nguyên, sau lệnh đóng cửa rừng cũng cần sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của ngành chức năng các tỉnh. (Giáo Dục Và Thời Đại 19/10) đầu trang(
Ngay sau khi có lệnh của Thủ tướng Chính phủ về việc kiên quyết đóng cửa rừng ở Tây Nguyên thì tại Gia Lai, trong thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ khai thác gỗ trái phép, vận chuyển gỗ lậu với quy mô "khủng" qua địa bàn...
Điển hình nhất, có thể nhắc đến vụ lâm tặc "xẻ thịt" hai cây gỗ hương hàng trăm năm tuổi ở Kbang mới đây.
Huyện Kbang - những thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước - được xem là địa phương có độ che phủ lớn nhất cả nước. Tại đây, nhiều thảm động, thực vật với rất nhiều chủng, loài phong phú thuộc diện quý hiếm cần bảo tồn.
Tuy nhiên thời gian gần đây, mặc dù ngành chức năng và chính quyền địa phương có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng phương án, thực hiện các biện pháp giữ rừng, song rừng Kbang vẫn đang bị xâm hại nặng nề. Điển hình nhất, có thể nhắc đến vụ lâm tặc "xẻ thịt" hai cây gỗ hương hàng trăm năm tuổi ở Kbang mới đây.
Một trong những đối tượng cầm đầu trong vụ này - Nguyễn Anh Huyện (SN 1987, trú thị trấn Kbang, huyện Kbang) - đã đến đầu thú và khai nhận: Ngày 7/9/2016, Huyện lân la đến các địa phương, gặp một số đối tượng ở huyện Kbang, rủ rê cùng vào rừng khai thác trái phép gỗ hương cổ thụ.
Tối ngày 8/9, Huyện cùng hàng chục đối tượng khác, mang theo cưa xăng, đến khoảnh 6, tiểu khu 90 (thuộc lâm phần quản lý của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, huyện Kbang)....
Tại đây, nhóm của Huyện đã cưa hạ cây hương đầu tiên (đường kính 1,2m). Do cây lớn và nằm ở địa hình dốc đứng, không thể xẻ hộp mang đi được, Huyện đã tổ chức cho nhóm hạ cây hương cổ thụ thứ hai, cách đó khoảng 100m. Sau khi cưa hạ, cây gỗ bị xẻ thành từng lóng, từng hộp, 5 hộp đã được chúng mang giấu ở xã Sơn Lang.
Vụ việc được phát hiện, qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ thêm 5 hộp gỗ hương cùng 2 cưa xăng. Tại hiện trường, khối lượng gỗ hương bị thiệt hại ước tính trên 30m3 (có hơn 19m3 gỗ còn nằm lại hiện trường).
Ngày 21/9, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 4351/UBND-NL, yêu cầu UBND huyện Kbang chỉ đạo các lực lượng chức năng, các xã, các chủ rừng tăng cường công tác quản lý - bảo vệ rừng; UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Kbang, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa kiểm tra thực tế, xây dựng phương án cụ thể để quản lý, bảo vệ chặt chẽ hơn 300 cây gỗ hương cổ thụ còn lại ở huyện Kbang.
Vụ việc thứ hai cũng được xếp vào hàng "đại án rừng xanh": Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, khoảng 3 giờ ngày 6/10, các đồn Biên phòng Ia Chía, Ia O, đồn Cửa khẩu Lệ Thanh, phối hợp với ngành chức năng huyện Ia Grai đã mật phục tại khu vực làng Kom Ngo (xã biên giới Ia Chía, huyện Ia Grai). Tại đây, lực lượng đã phát hiện và truy bắt được 5 xe chở gỗ với khối lượng lớn (khoảng 100m3), đang di chuyển về hướng trung tâm huyện Ia Grai.
Vụ việc đã được lập biên bản xử lý. Tuy nhiên các đối tượng đã bỏ trốn, sau khi đã kịp đục xóa số khung, số máy, tháo biển số xe mang theo...
Manh động 'lâm tặc' Gỗ nhóm 1 đang dần cạn kiệt, theo đó giá thị trường cho loại gỗ này cũng rất cao; hầu hết các đối tượng tham gia khai thác gỗ trái phép đều là thành phần bất hảo... Khi bị phát hiện, bọn chúng thường chống trả quyết liệt để giành giật lại gỗ.
Với vụ 2 cây gỗ hương cổ thụ bị "xẻ thịt" ở Kbang: Phát hiện vụ việc, lực lượng bảo vệ rừng tổ chức truy đuổi, phát hiện một số xe máy độ chế đang chở gỗ phóng bạt mạng. Không ngần ngại, bọn chúng đã dùng rựa chặt đứt dây buộc, thả gỗ xuống đường hòng ngăn cản sự truy đuổi của lực lượng chức năng rồi bỏ chạy. Không ít chiến sỹ kiểm lâm đã bị thương, thậm chí thiệt mạng trong những lần truy đuổi lâm tặc.
Với đoàn xe 5 chiếc chở gỗ lậu từ biên giới về hôm 6/10: Sau khi lập biên bản xử lý vụ việc, các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép đi khỏi hiện trường. Những tưởng yên lành nhưng khoảng hai tiếng sau, các tài xế này đã quay lại cùng với hơn 20 đối tượng "anh chị" khác, với mục đích cướp lại số gỗ đang bị tạm giữ....
3 xe đã bị bọn chúng cướp và bỏ chạy. Khi bị truy đuổi, 1 trong 3 xe đã liều lĩnh lao vào xe của lực lượng chức năng, hai xe khác cũng bỏ chạy.
Trước sự hung hãn và liều lĩnh của nhóm "lâm tặc", lực lượng chức năng vừa rượt đuổi, vừa buộc phải nổ súng chỉ thiên mới thu hồi lại được xe và gỗ tang vật. (Nông Nghiệp Việt Nam 19/10) đầu trang(
Vào 22h ngày 15/10, nhận tin báo của quần chúng nhân dân phát hiện một số lượng lớn lâm sản được tập kết tại địa bàn thôn Bản Xám, xã Ngọc Minh, chính quyền xã Ngọc Minh, các ngành chức năng của huyện Vị Xuyên đã xuống hiện trường, lập biên bản, phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ vụ việc.
Theo đó, tại địa bàn thôn Bản Xám, quần chúng nhân dân phát hiện có một ô tô tải trên xe chở nhiều người đi vào trong thôn. Cùng đi theo xe có lực lượng kiểm lâm của huyện Vị Xuyên. Khi người dân tại khu vực đó hỏi mục đích của việc đưa xe vào thôn thì đại diện kiểm lâm và chủ xe cho biết là vào chở số gỗ đang tập kết ở chân rừng thuộc địa bàn của thôn.
Tuy nhiên, do nghi ngờ việc làm trên là không đúng quy trình do thiếu đại diện của chính quyền xã và thôn nên nhiều người dân trong thôn Bản Xám đã ngăn chặn không cho nhóm người trên xe di chuyển gỗ và báo cho chính quyền xã vào giải quyết vụ việc.
Nhận thấy vụ việc vượt quá thẩm quyền, UBND xã Ngọc Minh đã báo cáo lên UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo. Theo đó, UBND huyện Vị Xuyên đã vào kiểm tra thực tế, làm việc với người dân, đồng thời thống nhất sẽ lập biên bản tạm giữ 7 tấm gỗ được cho là gỗ nghiến thuộc nhóm 2a có chiều dài trung bình 2,6m, chiều rộng 1m và chiều cao 0,2m; đình chỉ phương tiện để cơ quan điều tra làm rõ. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Hà Giang 18/10)
Ngày 18/10, tại huyện Chương Mỹ, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết kế hoạch liên ngành tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng tại các trường học tại các xã có rừng trên địa bàn huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.
Đây là năm thứ 6, hai ngành NN&PTNT, GD&ĐT phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ, phát triển rừng trong đối tượng học sinh trên địa bàn TP.
Bên cạnh các hoạt động truyền thông khác, Ban chỉ đạo liên ngành còn phát động cuộc thi tìm hiểu Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Qua hơn 1 tháng triển khai (từ 30/8 – 5/9/2016), Ban tổ chức đã nhận được hơn 5.600 bài dự thi của học sinh 11 trường THCS và THPT của hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.
Đánh giá của Ban tổ chức cho thấy, nhiều bài viết đạt chất lượng tốt, hình thức trình bày đa dạng, phong phú.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến đánh giá, thông qua tuyên truyền tại các nhà trường đã thực sự có tác dụng lan tỏa tới cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Hơn nữa, các thầy cô giáo và học sinh cũng có cơ hội tìm hiểu về rừng, giáo dục các em ý thức bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.
Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2015, toàn TP có diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp là hơn 27.700ha, trong đó, diện tích đất có rừng là 18.600ha. Riêng hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai có hơn 3.100ha rừng và đất lâm nghiệp. Rừng trên địa bàn hai huyện có giá trị kinh tế không cao nhưng có giá trị rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch của huyện và Thủ đô.
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã khen thưởng cho 11 tập thể và 110 học sinh có thành tích xuất sắc trong đợt tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. (Kinh Tế Và Đô Thị 18/10) đầu trang(
Hai loài cua nước ngọt mới vừa được các nhà khoa học phát hiện ở Chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và ở bản Coóng, xã Đức Quang, huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng).
Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trong chuyến khảo sát ở vùng núi phía Bắc trong giai đoạn 2013-2015 đã phát hiện 2 loài cua nước ngọt mới.
Loài Indochinamon chuahuong Do, Nguyen & Le, được phát hiện ở Chùa Hương (huyện Mỹ Đức - Hà Nội). Loài cua này có đặc điểm khác khác biệt: chiều rộng dài hơn chiều dài, cạnh bên trước lồi, khía răng cưa trông rõ; vùng mang hơi lồi khi nhìn từ mặt lưng; các chân bò tương đối dài; đốt cuối của G1 cong ra phía ngoài, với một mào ở lưng rất thấp.
Loài Tiwaripotamon pluviosum được tìm thấy ở Bản Coóng, xã Đức Quang, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Loài này cũng được tìm thấy ở Khu bảo tồn thiên nhiên Nonggang, huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc.
Loài Tiwaripotamon pluviosum có mai mai tương đối phẳng, các chân bò tương đối mảnh và có mào lưng ở đốt ngọn G1 của con đực.
Hai loài cua mới này phân bố ở các vùng núi đá vôi miền Bắc Việt Nam và khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đây là một trong những sinh cảnh rất đặc trưng và các loài sống trong đó đa số là các loài đặc hữu và có khu vực phân bố rất giới hạn.
Việc phát hiện các loài cua nước ngọt mới này càng cho thấy tiềm năng và giá trị đa dạng sinh học của các vùng núi đá vôi ở Việt Nam. (Khoa Học Và Phát Triển 19/10) đầu trang(
UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 7802/UBND-NN ngày 17/10/2016 yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh hành vi xâm hại động vật hoang dã.
Thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật; trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 2479/SNN-KL ngày 5/10/2016; UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan; UBND cảc huyện, thành, thị tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hoạt động buôn bán các loài động vật nguy cấp quý hiếm như: Hổ, báo, ngà voi, sừng tê giác... trái pháp luật; trường hợp để xảv ra vi phạm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xảy ra các vi phạm tại địa bàn do mình quản lý.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Chi cục Kiểm lâm, Cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động bày bán, buôn bán qua mạng, quảng cáo, sử dụng trái phép mẫu vật sừng tê giác, ngà voi và mẫu vật của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm khác trên thị trường.
Sở Nông nghiệp và PTOT: Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán động vật nguy cấp, quý hiếm, tăng cường công tác nắm thông tin điều tra, bắt giữ, xử lý các hành vi xâm hại, quảng cáo, tiêu dùng trái phép mẫu vật, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đặc biệt là ngà voi và sừng tê giác; Chủ trì, phối họp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nghệ An, Đài phát thanh - Truyền hình Nghệ An... triển khai các chiến dịch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm đến mọi tổ chức, cá nhân.
Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ban, ngành liên quan tập trung kiểm tra các làng nghề thủ công mỹ nghệ, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm sản xuất từ ngà voi, sừng tê giác, mẫu vật, động vật nguy cấp, quý hiếm trái phép tại các địa điểm như: Bãi biển Cửa Lò, sân bay Vinh, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh... công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Tài chính phối hợp các cơ quan liên quan xử lý động vật hoang dã, mẫu vật bị bắt giữ đã tịch thu theo quy định của pháp luật.
Đề nghị Cục Hải quan tỉnh chỉ đạo lực lượng Hải quan các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh phối hợp các Đồn Biên phòng và các ngành chức năng tăng cường công tác ngăn ngừa, đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất... đặc biệt là mẫu vật sừng tê giác và ngà voi từ các nước vào địa bàn tỉnh.
Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân các huyện, thành, thị phối họp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các đổi tượng có hành vi, vi phạm pháp luật hình sự trong việc mua bán, vận chuyển mẫu vật sừng Tê giác, ngà Voi và mẫu vật của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác.
Các cơ quan: Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan, địa phương có liên quan tăng cường đưa tin tuyên truyền những điển hình tốt về bảo tồn, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan nêu trên và UBND các huyện, thành, thị thực hiện báo cáo tình hình tổ chức, triển khai, kết quả thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ gửi Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Kiểm lâm) trước ngày 30/12/2016 và hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định. (Báo Nghệ An 18/10) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Nhằm tạo nguồn giống tại chỗ cho việc trồng rừng trên địa bàn huyện. Nhiều năm qua, thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng đã vận động và hỗ trợ người dân xây dựng mô hình ươm cây giống lâm nghiệp.
Riêng vụ trồng rừng năm 2016 này, thị trấn Hải Lăng đã đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện cho bà con quy hoạch trên 10.000 m2 đất để ươm hơn 250 vạn cây giống. Với số diện tích ươm giống này sẽ đảm bảo nguồn giống cho vụ trồng rừng cuối năm trên địa bàn toàn huyện.
Hiện nay, từ nguồn thu khá cao nên nhiều hộ gia đình đã đầu tư xây dựng vùng chuyên canh ươm cây giống lâm nghiệp với quy mô lớn. Điển hình như hộ ông Võ Văn Chiến. bà Nguyên Thị Bình, Nguyễn Thị Chung....với thu nhập hàng năm từ 100- 150 triệu đồng. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng mô hình ươm cây giống của thị trấn Hải Lăng là hướng đi hiệu quả. Ngoài việc nâng cao thu nhập còn tạo được việc làm cho lao động đia phương.
Đồng thời, góp phần đưa thị trấn  từng bước đa dạng hóa các phương thức sản xuất và phát triển kinh tế trên địa bàn. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Quảng Ngãi 18/10) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích đạt 23,792 ha.
Đối với lâm nghiệp, sẽ khoanh vùng bảo vệ các diện tích rừng ngập mặn, nhằm gìn giữ môi trường và một phần phục vụ du lịch, khoanh định các diện tích rừng trồng phục vụ cho các khu tái định cư gắn với nghề trồng rừng tại các khu vực như: Hải An, Hải Khê, Hải Dương. (Người Đồng Hành 17/10) đầu trang(
Qua gần 5 năm triển khai, chính sách chi trả DVMTR đã được khẳng định là hướng đi đúng đắn, từng bước đi vào cuộc sống, tạo nên một nguồn lực tài chính mới ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Qua đó, góp phần tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc ở các vùng miền núi.
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên bám sát kế hoạch, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các cơ quan cấp trên, triển khai nhiều biện pháp mở rộng nguồn thu, tăng cường đôn đốc, ký hợp đồng ủy thác kê khai và nộp tiền DVMTR về quỹ (đến hết 31/12/2015 các cơ sở sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã kê khai và nộp tiền đầy đủ về quỹ, không còn nợ đọng).
Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện nghĩa vụ trách nhiệm của các cơ sở sử dụng DVMTR trong việc thực hiện chính sách của nhà nước. Việc đàm phán ký kết hợp đồng ủy thác đối với các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng (đang hoạt động) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hoàn thành.
Cụ thể: Quỹ BVPTR đã trực tiếp ký hợp đồng ủy thác với 15 cơ sở sử dụng DVMTR, trong đó: 10 cơ sở sản xuất thủy điện và 5 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch. Bên cạnh đó, Quỹ BVPTR thường xuyên rà soát để mở rộng nguồn thu, đặc biệt là các cơ sở sử dụng DVMTR đang triển khai xây dựng để tuyên truyền và đàm phán ký hợp đồng ủy thác khi các cơ sở đó đi vào hoạt động.
Kết quả huy động các nguồn thu tăng đều qua các năm. Tổng thu lũy kế đến 31/12/2015 là 240.998 triệu đồng (chiếm 5% của cả nước). Đến ngày 30/4/2016, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã giải ngân 174.098 triệu đồng.
Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, chính sách chi trả DVMTR tại Nghệ An mới có 2 nhóm đối tượng thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, bao gồm: các cơ sở sản xuất thủy điện và các cơ sở sản xuất, cung ứng nước sạch. Nhiều cơ sở sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn sử dụng nguồn nước trực tiếp vẫn chưa thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Điều này đang gây ra bất hợp lý trong thực hiện chính sách và thiếu bình đẳng trong các cơ sở sản xuất có dùng nguồn nước trên địa bàn.
Để góp phần tạo sự phát triển bền vững, thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường nguồn lực tài chính cho các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR, ngày 27/6/2016, Bộ NN & PTNT đã có văn bản chỉ đạo triển khai việc nghiên cứu, áp dụng chính sách chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước đã được quy định tại Nghị định số 99/2010 của Chính phủ.
Căn cứ các quy định của pháp luật và Công văn số 5337/BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 13/10/2016 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ, báo cáo, nghiên cứu thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước trực tiếp.
Với mục tiêu: Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất được cơ chế chi trả DVMTR trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh Nghệ An trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước góp phần thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ thành lập nhóm tư vấn giao các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện. Trong đó Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng phối hợp nhóm tư vấn và các sở, ban ngành liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng báo cáo kỹ thuật gồm các nội dung: Tổng quan về chi trả DVMTR trong SXCN như tiềm năng và tính khả thi của việc thực thi chính sách chi trả DVMTR trong lĩnh vực SXCN; các phương án về mức thu, cơ chế thu, dự kiến tổng số tiền thu được (theo các phương án được đề xuất) và cơ chế quản lý và sử dụng số tiền thu được; các tác động kinh tế, xã hội tiềm năng của việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR; Kế hoạch về việc thực hiện thí điểm cơ chế chi trả DVMTR đối với lĩnh vực SXCN; Tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định về việc thí điểm cơ chế chi trả DVMTR đối với lĩnh vực SXCN.
Dự kiến thời gian thực hiện từ nay đến hết tháng 2/2017. Đối tượng nghiên cứu gồm: Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Một số chủ rừng cung cấp dịch vụ duy trì và điều tiết nguồn nước cho SXCN; Một số khách hàng tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện các nội dung trên, Tổng Cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam phối hợp đề xuất Dự án VFD tài trợ kinh phí cho các hoạt động liên quan; Hỗ trợ thông tin, định hướng nghiên cứu cho nhóm tư vấn; tổ chức các cuộc hội thảo và cuộc họp tham vấn có liên quan; Tham gia đóng góp ý kiến cho các báo cáo, tài liệu do nhóm tư vấn xây dựng...
Ngoài ra, Dự án Rừng và Đồng bằng (VFD) hỗ trợ kinh phí thuê tuyển các chuyên gia nghiên cứu, chi phí đi khảo sát của các chuyên gia và các chi phí liên quan tới tổ chức các cuộc họp/hội thảo tham vấn theo khung thời gian thực hiện nhiệm vụ của nhóm tư vấn. (Báo Nghệ An 19/10) đầu trang(
Hưởng ứng Chiến dịch Ngày làm cho thế giới sạch hơn do Tổng Cục Môi Trường – Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát động với chủ đề “Hãy hành động vì môi trường đô thị xanh, bền vững”, ngày 17-10, Amway Việt Nam đã tổ chức Ngày Tình nguyện Vì cộng đồng tại Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, hơn 100 nhân viên Amway đã dọn sạch sẽ hơn 2.000m dọc bãi biển Công viên thị trấn Cần Thạnh, đồng thời trồng 600 cây cóc trắng trong khu vực rừng phòng hộ tại Cần Giờ.
Nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh hơn 50km về phía Nam, Rừng ngập mặn Cần Giờ là được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của Đông Nam Á, là lá phổi xanh của thành phố. Hiện nay, rừng đang bị tổn hại từ các hoạt động khai thác của con người. Diện tích đất bị thoái hóa ngày càng tăng, nước mặn lấn sâu vào nội địa, nhiều nguồn giống, loài thủy sản, thú rừng, chim muông mất nơi sinh sống...
Để khôi phục hệ sinh thái tại đây, hoạt động làm sạch và xanh vùng rừng là vô cùng cần thiết.
Phát biểu tại lễ khai mạc chương trình, Ông Leo Boon Wang – Tổng Giám đốc Amway Việt Nam cho biết: “Qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn tiếp tục phát huy giá trị của công công ty là đóng góp cho cộng đồng.
Hoạt động ý nghĩa này sẽ trở thành chương trình thường niên của Amway nhằm nâng cao hơn ý thức bảo vệ môi trường của toàn thể nhân viên, cùng chính quyền và người dân xây dựng môi trường sống bền vững tại nước sở tại”.
Trong những năm qua, Amway Việt Nam đã gắn liền hoạt động kinh doanh của mình với các chương trình vì công đồng thông qua sự hợp tác với Bộ Y Tế, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Báo Tuổi Trẻ PT Hồ Chí Minh, và tổ chức Phẫu thuật Nụ cười.
Đến nay, công ty đã đóng góp 20,7 tỉ đồng giúp đỡ 12.712 trẻ em kém may mắn trên cả nước. Hoạt động tiêu biểu cho cam kết toàn cầu này là Chiến dịch "Vì trẻ em One by One" và Chiến dịch "Nutrilite Power of 5" nhằm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên toàn thế giới. (Hà Nội Mới 18/10) đầu trang(
Chiều 18-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh làm việc với sở ngành, địa phương liên quan để xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Dự án trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường huyện Lý Sơn.
​Dự án trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường huyện Lý Sơn có quy mô diện tích 130 ha; trong đó diện tích trồng rừng 118 ha, với các loại cây trồng như sanh, sộp, bồ đề, bàng phễu, phi lao; 12 ha còn lại là trồng cây cảnh quan (2.027 cây). Dự án có tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng.
Theo Báo cáo của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (chủ đầu tư), đối với hạng mục trồng rừng, đến nay dự án đã triển khai trồng được 83,8/118 ha tại các khu vực núi Hòn Sỏi, núi Giếng Tiền, núi Hòn Tai, núi Thới Lới và xã An Bình (Đảo Bé), đạt 71% khối lượng. Về hạng mục trồng cây cảnh quan đã trồng được 1.657/2.027 cây trên các trục đường giao thông, cơ quan, trường học, đê, kè …đạt 81% khối lượng.
Tổng giá trị giải ngân đến thời điểm báo cáo là 12,7 tỷ đồng, đạt 63,34%.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng cho biết, trong điều kiện thời tiết trên đảo cực kỳ khắc nghiệt, nhiều khu vực khô cằn sỏi đá, đất nhiễm mặn, thiếu nước tưới vào mùa khô,…Bên cạnh đó, tình trạng bò, dê của người dân thả rông tại các khu vực rừng trồng đã ảnh hướng rất lớn đến công tác trồng rừng, sinh trưởng, phát triển cây trồng.
Với sự nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, nhiều giải pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ đã được áp dụng đồng bộ nên tỷ lệ cây sống bình quân đạt từ 70-95%, chiều cao trung bình của rừng trồng và cây cảnh quan đến nay đạt từ 1,5-2,5m.
Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc công tác trồng rừng trong năm 2016, tuy vậy với khối lượng thực hiện như trên dự án đã chậm tiến độ, khó có khả năng hoàn thành trong năm như kế hoạch đề ra, do những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh đến ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác trồng rừng, cảnh quan môi trường trên huyện đảo. Để tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành dự án đạt mục tiêu đề ra, thống nhất gia hạn thời gian thực hiện dự án, trong đó có việc điều chỉnh giải pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư, các sở ngành liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục điều chỉnh theo đúng quy định hiện hành; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại toàn bộ những bất cập trong việc thiết kế, trồng cây, loại cây,… để tham mưu UBND tỉnh trong việc điều chỉnh dự án cho phù hợp.
Giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tục đầu tư chăm sóc đối với diện tích rừng trồng tại khu vực núi Hòn Sỏi, núi Giếng Tiền để cây khép tán tạo thành rừng. Riêng khu vực lòng chảo núi Giếng Tiền cần trồng xen hàng cây phi lao giữa hai hàng để nâng mật độ cây trồng; đối với diện tích rừng trồng tại núi Hòn Tai, núi Thời Lới và Đảo Bé tiếp tục triển khai chăm sóc cây trồng theo kế hoạch được duyệt, đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển, lựa chọn những loại cây trồng có tỷ lệ sống cao để trồng dặm thay thế cây đã chết.
Đối với những vùng không trồng được cây cảnh quan như thiết kế thì tăng cường trồng ở các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư,...sau đó bàn giao cho các cơ quan, đơn vị này có trách nhiệm chăm sóc bảo vệ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Lý Sơn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trồng rừng, môi trường cảnh quan trên huyện đảo, từ đó nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, không thả rông bò, dê ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển cây trồng,... (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Quảng Ngãi 18/10) đầu trang(
TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Văn Hưng (SN 1974, trú tại Nga Sơn, Thanh Hóa).
Theo cáo trạng truy tố, cuối năm 2011, Nguyễn Thị Ngọc Thịnh (SN 1968, trú tại Nguyễn Hưng, Nghệ An) đến ở tại nhà Nguyễn Mậu Tú (SN 1954 trú tại Đông Anh, Hà Nội) và Nguyễn Thủy Bình (SN 1968, trú tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc) trên phố Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội.
Các bị cáo này đã bàn nhau tung tin về một dự án trồng rừng chống biến đổi khí hậu toàn cầu nguồn vốn nước ngoài không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 7 - 8 tỷ đô la Mỹ.
Mỗi héc - ta rừng sẽ được giải ngân từ 25 - 30 triệu đồng. Nếu ai có nhu cầu mua đất trồng rừng, sau khi dự án giải ngân sẽ được trích thưởng từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ha.
Tin tưởng, chị Trần Thị Kim Khánh (trú tại số 8, phường Giếng Đáy TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã giao 2,45 tỷ đồng cho các bị cáo.
Theo điều tra, từ tháng 9/2011 đến tháng 8/2012, đã có 6 người nộp tiền mua đất rừng cho nhóm bị cáo này với tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt là hơn 4,2 tỷ đồng. (Pháp Luật Việt Nam 17/10) đầu trang(
Hơn 30 năm qua, ông Phan Hào ở thôn Phú Hòa xã Trà Phú (Trà Bồng) đã bỏ công sức, tiền của để biến khu đất đồi khô cằn sỏi đá thành những khu rừng bạc tỉ.
Đầu tháng 10, chúng tôi vượt đoạn dốc hiểm trở từ xã Trà Phú lên xã Trà Sơn để vào trang trại ông Hào. Lúc này ông cùng chục công nhân đang bận rộn trồng nốt khoảnh rừng còn lại trong tổng số  250 ngàn cây keo lai phải xuống giống trong vụ này.
Dù bước sang tuổi 76, song ông Phan Hào luôn được mọi người trong thôn, xã kính nể, bởi đức tính cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động.
Ông bộc bạch: “Ngày còn thanh niên gia đình tôi trồng mì, mía. Nhưng rồi những loại cây đó không phù hợp với đất đainlại cho thu nhập thấp, nên chuyển sang trồng keo nguyên liệu, với quyết tâm đánh thức vùng đồi núi thành những khu rừng kinh tế”. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, ông đã gặp không ít khó khăn trong chặng đường khởi nghiệp. Giống cây lâm nghiệp phải tự mua, tự vận chuyển về, đất đai cằn cỗi nhiều chỗ cỏ tranh khỏa lấp nên cây trồng khó sống được. Cùng với đó là nắng nóng, mưa bão đã ảnh hưởng đến sự phát triển của keo...
Nhưng nhờ sự kiên trì và đất không phụ công người, những khoảnh rừng keo lai đầu tiên cũng vươn lên trên sỏi đá, phát triển xanh tốt. Ông tiếp tục mở rộng thêm quỹ đất để trồng rừng.
Nhờ đó, thu nhập hằng năm của gia đình ông từ 500-700 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động mùa vụ.
Thu nhập từ những năm tháng miệt mài với rừng đã giúp vợ chồng ông nuôi 8 người con ăn học thành tài. Sáu người con của ông đều làm việc ở các cơ quan nhà nước, còn hai người con trai nối nghiệp trồng rừng của ông.
Hiện gia đình ông sở hữu 68 ha rừng trồng keo và một trang trại nuôi 100 con bò lai và 60 con dê.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại nằm ngay trong lòng những thửa rừng, ông Hào nói: “Tôi xây dựng hệ thống ao hồ - chuồng trại ở bìa rừng để nuôi thả cá trắm cỏ, nuôi heo rừng... để tăng thêm thu nhập, đồng thời cũng là nơi an dưỡng tuổi già, vì mình cũng đã lớn tuổi rồi còn gì”.
Nói vậy, nhưng hằng ngày ông Phan Hào vẫn dậy sớm lên rừng lao động cùng con cháu. Ông bảo: Trẻ thì làm theo sức trẻ, già thì làm theo sức già.
Ông cho biết, dự kiến năm 2017 gia đình ông cùng địa phương bê tông đoạn đường dân sinh của xã Trà Sơn dài 350m đi ngang qua khu trang trại của gia đình, tạo điều kiện cho người dân trong xã đi lại thuận tiện hơn. (Dân Việt 19/10) đầu trang(
Vừa qua, đoàn khảo sát thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã tiến hành khảo sát cây dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh.
Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi nghiên cứu nghiên cứu đánh giá và xây dựng chiến lược phát triển toàn diện cho ngành trầm hương Việt Nam do chính phủ Đức tài trợ.
Chương trình nghiên cứu được sẽ thực hiện trong thời gian 3 năm bắt đầu từ 2016 tổng kinh phí khoảng 1 triệu EURO do GS.TS Nguyễn Thế Nhã, nguyên Trưởng khoa Quản lý Rừng và Môi trường, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì.
Hoạt động khảo sát nghiên cứu sẽ được tiến hành tại 7 tỉnh gồm Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Phước và Kiên Giang trong đó trọng tâm nghiên cứu sẽ được tập trung tại hai tỉnh Quảng Nam và Hà Tĩnh.
Mục tiêu của khảo sát sẽ tập trung vào xác định loài-chủng trầm hương tốt của Việt Nam; xác định và xây dựng công nghệ  tạo trầm cho khu vực rừng trồng cây dó trầm; xác định công nghệ trầm hương Invitro và xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm và thương hiệu trầm hương Việt Nam.
Quá trình khảo sát sẽ được cộng tác bởi các chuyên gia đến từ Đức như như TS Claudio, TS Nguyễn Văn Dy (người việt định cư tại Đức), chuyên gia địa phương cán bộ Trường Đại học Lâm nghiệp và Việt Nam.
Ông Đặng Bá Thức, Chủ tịch Hội KH&KT Lâm nghiệp Hà Tĩnh cho biết đánh giá bước đầu của đoàn khảo sát cho thấy việc phát triển cây dó trầm ở Hà Tĩnh là rất khá quan đặc biệt là chất lượng trầm.
Cũng theo ông Thức mặc dù cây dó trầm được đánh cao về hiệu quả kinh tế nhưng từ trước đến nay chưa có nghiên cứu tổng thể để làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển.
Được biết từ năm 2014 Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam Viện nghiên cứu thực vật của Cộng hòa Liên bang Đức (còn gọi là Trung tâm nghiên cứu Quốc gia  FZJ - Juelich)  đã ký chương trình phối hợp nghiên cứu toàn diện cây dó trầm ở Việt Nam. Năm 2015 chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức cũng đã ký nghị định thư về tài trợ đề tài nghiên cứu toàn diện cây dó trầm ở Việt Nam.
Như vậy kết quả của chương trình nghiên cứu sẽ là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển toàn diện cho ngành trầm hương Việt Nam, tạo ra cơ hội mới cho các tỉnh phát triển kinh tế xã hội. (Tầm Nhìn Tri Thức Và Phát Triển 15/10) đầu trang(
Sáng 4/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã tổ chức hội thảo Ngành công nghiệp chế biến gỗ: Mở rộng cơ hội xuất khẩu. Theo đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ là ba thị trường xuất khẩu quan trọng của đồ gỗ Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trends - cho biết: Hoa Kỳ đã và đang tiếp tục là quốc gia quan trọng nhất cho ngành gỗ của Việt Nam trên cả phương diện nguồn cung gỗ nguyên liệu và tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD từ thị trường này, chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ tất cả các thị trường xuất khẩu.
Cũng theo ông Tô Xuân Phúc, trong khi xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang một số thị trường khác trong đó có EU có xu hướng giảm nhẹ, thì tại thị trường Mỹ tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này vẫn rất cao, trên dưới 10%/năm.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 1,4 tỷ USD, chiếm trên 50% trong tổng kim ngạch của cả năm 2015. “Đối với thị trường Mỹ, cơ hội mở rộng và tăng trưởng thị trường đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ rất lớn”, ông Tô Xuân Phúc nhận định.
Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản, thị trường này có tốc độ tăng trưởng thấp hơn thị trường Mỹ nhưng bền vững hơn thị trường Mỹ. Các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ổn định theo thời gian.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, bao gồm cả việc Việt Nam và Nhật Bản tham gia TPP, cơ hội mở rộng cho các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản có tiềm năng rất lớn.
Tuy nhiên, theo ông Tô Xuân Phúc, cơ hội không phải qua góc độ thuế, vì hầu hết các mặt hàng đang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có mức thuế rất nhỏ, thậm chí có nhiều mặt hàng thuế xuất bằng không. Cơ hội ở đây chính là việc tạo ra tiếng vang cũng như tạo ra dòng đầu tư từ các nước không nằm trong khối TPP về Việt Nam và có thể chế biến xuất khẩu sang các quốc gia nằm trong khối TPP. Đây là cơ hội rất tốt cho tương lai.
Về thị trường Hàn Quốc, đây là thị trường nhỏ hơn so với thị trường Nhật Bản và thị trường Mỹ, tuy nhiên, đây là thị trường rất quan trọng đối với sản phẩm dăm gỗ của Việt Nam. Một tín hiệu không lạc quan là hiện nay, việc xuất khẩu dăm gỗ sang thị trường này đang có xu hướng giảm, tuy nhiên, một số mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ (HS 94) đang tăng.
Ý kiến chung tại hội thảo đều thống nhất rằng ba thị trường trên là những thị trường rất quan trọng của Việt Nam cho việc tiêu thụ các mặt hàng đồ gỗ và sản phẩm gỗ. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ tạo cơ hội rộng mở cho các mặt hàng đồ gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
Để biến cơ hội thành hiện thực đòi hỏi ngành chế biến gỗ xuất khẩu cần phải có một số thay đổi, trong đó bao gồm cả việc loại bỏ hoàn toàn rủi ro trong xuất khẩu, đặc biệt là việc loại bỏ các rủi ro có liên quan đến nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào.
Làm tốt được điều này không những tạo cơ hội phát triển thị trường mà còn trực tiếp xây dựng thương hiệu và hình ảnh tích cực, thân thiện với môi trường cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ của Việt Nam trong tương lai. (Công Thương 17/10) đầu trang(
'Từ tháng 4 âm lịch cho đến tháng 8 là mùa rùa sinh sản. Anh em phải chia nhau trực cả đêm lẫn ngày để canh chừng. Khi chứng kiến rùa đẻ, thấy thương loài động vật này lắm'
Anh Trần Công Lập, nhân viên của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau rất mến khách, với khuôn mặt sạm nắng, gió bởi cuộc sống hầu như bám đảo quanh năm, không ai nghĩ Lập mới 36 tuổi. Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề đến Hòn Cau để tìm hiểu hệ sinh thái trên đảo, anh Lập đồng ý đưa đi ngay.
Chiếc ca-nô chuyên dụng của Ban quản lý vừa nổ máy, hướng mũi ra biển, cũng là lúc Lập giới thiệu “không mệt mỏi” về hệ sinh thái và tính đa dạng của Hòn Cau.
Để bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển Hòn Cau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đồng ý cho Bình Thuận thành lập “Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau” vào tháng 11.2010 và đi vào hoạt động từ tháng 7.2011.
Chỉ với chỉ 10 con người, nhưng từng tấc đất, tấc biển của Hòn Cau đều được anh em “kiểm soát” chặt theo lịch làm việc hằng ngày.
Lập kể, trên Hòn Cau hiện nay gần như hoang sơ, rất ít cây cối vì nắng gió quanh năm. Ban quản lý đang triển khai việc tái tạo lại rừng phi lao đã chết do nắng hạn vài năm trước. Mùa mưa năm nay, hàng nghìn cây phi lao đã được trồng xuống đảo. Nhưng trồng cây trên đảo rất khó vì ít mưa.
Trên đảo hiện nay có nhiều loại thằn lằn, rắn, dông và đặc biệt là cua đá (một loài được bảo vệ nghiêm ngặt ở Cù Lao Chàm, có rất nhiều trên Hòn Cau).
Khác trên đảo, những bãi biển bao quanh Hòn Cau lại rất phong phú về hệ sinh thái. “San hô là loài động vật quý giá do biển khơi ban tặng. Nó có nhiều nhất ở biển Hòn Cau hiện nay đấy”- Lập tự hào giới thiệu.
Theo anh Lập, hệ san hô bao phủ dày xung quanh đảo Hòn Cau. Tất cả các loại tàu bè không được tiếp cận Hòn Cau, không chỉ để cấm đánh bắt cá, mà còn là bảo vệ san hô.
“Rùa biển, loài động vật vô cùng quý giá nhưng xung quanh đảo còn khá ít cá thể, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Đấy là chưa kể năm nào cá heo, cá voi cũng vào Hòn Cau, khiến công việc bảo tồn và giữ gìn hệ sinh thái biển trở nên cấp thiết”, anh Lập tâm sự.
Để có kiến thức chuyên môn về bảo tồn động vật hoang dã và hệ sinh thái, Lập được cơ quan đưa ra tận Côn Đảo để tập huấn hằng tháng trời. Sau này, chính Lập là người đưa các chuyên gia của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đi khảo sát Hòn Cau, lên danh sách những động vật cần bảo vệ khẩn cấp.
Theo anh Lập, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban quản lý bảo tồn biển Hòn Cau hiện nay là phải bảo tồn và nhân giống loài rùa biển (vích) ở đây. “Đặc điểm của rùa biển Hòn Cau là rất to, nặng. Năm 2013, chúng tôi bảo tồn và cho đẻ thành công một cá thể rùa biển nặng tới hơn 100 kg. Rùa biển ở đây vài chục ký là chuyện thường”.
Theo anh Lập, từ đầu năm đến nay, anh em của Ban quản lý đã bảo tồn và chăm sóc được 17 cá thể rùa biển. Cho ấp thành công trên 1.200 trứng rùa, tỷ lệ ấp thành công khoảng 80% và thả về môi trường biển Hòn Cau hàng nghìn rùa con. Không năm nào rùa đẻ nhiều như năm nay.
“Bắt đầu tháng 4 âm lịch cho đến tháng 8 là mùa rùa sinh sản. Anh em phải chia nhau trực cả đêm lẫn ngày. Những lúc rùa đẻ, phải thức cả đêm để canh chừng. Khi chứng kiến rùa đẻ, thấy thương loài động vật này lắm”. Theo anh Lập, rùa Hòn Cau hay sinh sản ở các bãi cát như Bãi Nhất, Mũi Tàu, Tràng Dảo…vì những bãi này có nhiều hang đá sát biển.
“Nhân viên thì ít, chúng tôi phải chia nhau đi thăm rùa. Có khi mỗi đêm có vài ổ rùa đẻ anh em lội bộ cả chục cây số trong đêm là chuyện thường. Rất mệt, nhưng được cái là anh em say mê, quên hết nhọc nhằn”- Lập kể.
Lưu Yến Phi, một trong hai cô gái ở Ban quản lý khu bảo tồn biển Hòn Cau, kể: “Làm công việc này, không yêu động vật không làm được anh ạ”.
Lưu Yến Phi, từ một cô gái làm ngành quản trị du lịch, đã bỏ nghề chuyển về quê làm việc khi Ban quản lý biển Hòn Cau thành lập. Chẳng thua kém các đồng nghiệp nam, hết lặn lội từ dưới biển lên trên bờ, thì thức trắng đêm với những ổ trứng rùa. Yến Phi ra vào đảo như con thoi. Là con gái nhưng Yến Phi không hề bị say sóng dù chiếc ca-nô chao đảo trên sóng cấp 6.
“Khi đã biết có rùa đang đẻ thì ngồi nhà cũng không yên, nóng ruột lắm. Vì mình không thăm nom, có thể tỷ lệ trứng ấp thành công không cao, tiếc lắm anh ạ”. Theo Lưu Yến Phi, một năm rùa đẻ chừng ba lứa. Mỗi lứa chừng trên trăm trứng. Những lứa sau, trứng ít hơn lứa đầu.
“Không chỉ để rùa tự đẻ, tự ấp, mà hiện nay tụi em có khu ấp trứng riêng cho rùa với kĩ thuật ấp được các chuyên gia hướng dẫn. Áp dụng tốt kỹ thuật thì tỷ lệ trứng thành công cao hơn để ấp tự nhiên”- Yến Phi kể.
Chính vì yêu loài rùa biển, nên dù chỉ cách bờ chừng 30 phút ca-nô, nhưng có anh em cả tuần không được về nhà. “Do đặc thù công việc trên đảo, yêu nghề nên anh em phải chấp nhận. Không thể làm việc như cán bộ hành chính được anh ạ”- Yến Phi nói.
Lo ngại ô nhiễm môi trường biển
Khi nghe chúng tôi nhắc đến khu nhiệt điện Vĩnh Tân, liệu Hòn Cau có bị ảnh hưởng không. Trần Công Lập quay ngoắt nhìn về bờ, nơi có các ống khói của khu nhiệt điện Vĩnh Tân.
“Từ đây vào đó có bao xa đâu anh. Tụi em cũng đọc báo, nghe đài thấy vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay có ở nhiều nơi. Em chỉ lo ngại sau này khi các nhà máy ở Vĩnh Tân đồng loạt hoạt động sẽ ảnh hưởng đến Hòn Cau. Anh biết đấy, hệ sinh thái biển ở đây rất đa dạng và nhạy cảm với môi trường nước biển. Nếu nước biển bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng, đặc biệt là hệ san hô biển sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên khi nước biển ô nhiễm”.
Theo Trần Công Lập, không chỉ san hô, ngay cả loài rùa biển mà các anh dày công bảo tồn mấy năm nay sẽ “biến mất” khi biển ở đây ô nhiễm.
“Mấy ngày qua, tụi em đọc báo thấy có thêm dự án nhà máy thép gì đó ở Ninh Thuận. Anh thấy đó, từ Cà Ná, chỗ kia kìa, vào đây có mấy hải lý đâu”- Lưu Yến Phi trầm giọng chỉ tay về phía Cà Ná nói.
Theo anh Lập, hiện nay chưa hề xuất hiện tình trạng ô nhiễn môi trường, chưa thấy ảnh hưởng nào từ các nhà máy ở nhiệt điện Vĩnh Tân. “Nhưng chúng em rất lo. Nếu có ô nhiễm, mọi công lao của anh em trong năm sáu năm qua có thể trôi sông trôi biển. Lo là lo thế thôi, chứ tụi em biết làm sao được anh!”.
Trời đã chập choạng tối. Biển Hòn Cau nước xanh đậm. Sóng vỗ nhẹ nhàng trên những phiến đá có hình thù quái lạ. Bà Nguyễn Thị Mươi, người phụ nữ duy nhất sinh sống trên đảo cắt ngang câu chuyện bằng lời mời chúng tôi ở lại ăn cơm trên đảo.
Từ phía xa xa, ánh đèn sáng rực cả một vùng trời ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân chẳng khác gì một thành phố nhỏ bên bờ biển xanh. Chúng tôi lên ca-nô để về bờ, mang theo niềm thương nhớ Hòn Cau.
Ngoài ra, biển Hòn Cau hiện có rất nhiều tôm hùm, cá mú, cá mú đỏ nên việc anh em đội tuần tra phải canh giữ, không cho tàu bè tiến lại khai thác trong khu vực cấm đã khoanh vùng.
“Dù rất nhỏ, nhưng Hòn Cau trở thành 'hòn ngọc' của người dân Tuy Phong, cần được chở che, gìn giữ. Nó là tài sản vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng”- Lập tự hào về đảo nhỏ quê mình.
Tụi em cũng đọc báo, nghe đài thấy vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay có ở nhiều nơi. Em chỉ lo ngại sau này khi các nhà máy ở Vĩnh Tân đồng loạt hoạt động sẽ ảnh hưởng đến Hòn Cau. Anh biết đấy, hệ sinh thái biển ở đây rất đa dạng và nhạy cảm với môi trường nước biển.
Nếu nước biển bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng, đặc biệt là hệ san hô biển sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên khi nước biển ô nhiễm (Thanh Niên 18/10) đầu trang(
Ngày 17/10/ 2016, Hội Chủ Rừng Phát triển Bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được thành lập. Đây là Hội các nhóm hộ đầu tiên của Thừa Thiên Huế và là thứ hai của Việt Nam được thành lập với sự hỗ trợ của WWF. Trên cơ sở 14 nhóm hộ tham gia đầu tiên, Hội thành lập nhằm hợp thức hóa cơ cấu quản lý nhóm hộ có chứng chỉ rừng FSC, tạo điều kiện cho nhóm hộ hoạt động một cách độc lập và có tư cách pháp nhân chính thức.
Sử dụng các sản phẩm gỗ có nguồn gỗ từ rừng được quản lý bền vững theo tiêu chuẩn FSC (do Hội đồng Quản trị Rừng Thế giới - FSC cấp) đang là xu hướng tất yếu của người tiêu dùng có trách nhiệm. Ngành chế biến xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam, nếu muốn thâm nhập vào các thị trường lớn và có lợi nhuận cao như châu Âu, Mỹ, Nhật,… thì cần phải sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ từ các rừng trồng được quản lý một cách bền vững theo tiêu chuẩn của FSC hoặc các tiêu chuẩn tương tự.
Tuy nhiên, hiện nay diện tích rừng đạt chứng chỉ tại Việt Nam hiện còn tương đối thấp, chỉ chiếm khoảng 7% tổng diện tích rừng trồng. Trong đó, đa số diện tích rừng có chứng chỉ thuộc về các công ty và tập đoàn lớn. Diện tích rừng có chứng chỉ thuộc sở hữu của các hộ gia đình vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ còn rất khiêm tốn, chưa đến 0,5%.
“Hiện nay, diện tích rừng trồng sản xuất thuộc đối tượng hộ gia đình quản lý là một trong những nguồn nguyên liệu rất tiềm năng cho phát triển gỗ lớn có giá trị cao nhưng lại đang còn bỏ ngỏ.
Việc tạo cơ hội giúp người dân tiếp cận được với các phương thức trồng và quản lý rừng mang lại giá trị kinh tế cao đồng thời đảm bảo tính bền vững với môi trường và phát triển xã hội là xu thế chung của quốc gia.
Tuy nhiên hiện lại đang tồn tại một nghịch lý là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam phải nhập khẩu gỗ có chứng chỉ từ nước khác để sản xuất với chi phí rất cao và nhu cầu của các doanh nghiệp này về gỗ có chứng chỉ trong nước là vô cùng lớn.
Trong khi đó, nông dân của chúng ta, những người đang sở hữu những cánh rừng nguyên liệu tiềm năng lại phải bán gỗ của mình chỉ với mục đích ngắn hạn, giá rẻ và thiếu ổn định.
Vậy câu hỏi đặt ra là cần phải có chiến lược gì để có thể giúp người dân trồng rừng phát huy được tiềm năng và tận dụng cơ hội đó?” Ông Nguyễn Vũ, Quản lý Dự án Mây Tre Keo Bền Vững do WWF thực hiện với sự tài trợ của tập đoàn IKEA, cho biết.
Hội Chủ Rừng Phát triển Bền vững Thừa Thiên Huế ra đời nhằm giúp các chủ rừng hộ gia đình quy mô nhỏ thực hiện được giấc mơ kinh doanh sản xuất rừng có chứng chỉ FSC của mình. Gần 1.000 héc-ta rừng của 259 hộ dân thuộc 4 huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ và Phú Lộc là những diện tích rừng đầu tiên của Hội đang chuẩn bị được đánh giá theo tiêu chuẩn của FSC cuối tháng 10 này.
Sự ra đời của Hội là kết quả của cả một quá trình nâng cao nhận thức, vận động và hỗ trợ người dân tham gia.
Từ năm 2015, khi nhìn thấy những thành công và lợi ích rõ rệt của người dân trồng rừng có chứng chỉ FSC ở Quảng Trị, mong muốn và nhu cầu sản xuất kinh doanh rừng bền vững theo định hướng này của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế càng được củng cố.
Theo mục tiêu hỗ trợ cho phát triển sản xuất bền vững và có trách nhiệm, WWF-Việt Nam đã phối hợp với các đối tác liên quan chủ chốt của tỉnh là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Chi cục Kiểm Lâm tiến hành triển khai chương trình hỗ trợ cho các Nhóm hộ dân trồng rừng.
Tiến trình thực hiện quản lý rừng theo chứng chỉ FSC lập tức được triển khai tích cực trên địa bàn tỉnh song song với tiến trình thành lập Hội.
Ông Hồ Đắc Lực, người có 1.02 ha rừng keo trồng từ năm 2007 đang tham gia nhóm chứng chỉ rừng thôn Bến Váng, huyện Phú Lộc cho biết: “Trước đây cứ khoảng 4-5 năm là gia đình tôi đã khai thác vì chỉ kinh doanh rừng gỗ dăm. Khi bắt đầu hiểu được lợi ích của việc kinh trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC.
Dù thời gian trồng dài hơn, từ 7 năm trở lên, nhưng lợi nhuận đem lại có thể tăng gấp đôi, bình quân hiện nay thu nhập khoảng 36 triệu đồng/ha/năm sau khi đã trừ đi các chi phí, so với 15-18 triệu/ha/năm trước đây thì rõ ràng là hơn hẳn. Giờ thì gia đình tôi quyết chuyển hướng hoàn toàn sang rừng trồng gỗ xẻ FSC rồi.”
Bên cạnh hỗ trợ người dân, việc nâng cao năng lực cho các ban ngành liên quan của địa phương bao gồm Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Phát triển Nông thôn và Sở NN&PTNT trong giai đoạn đầu là điều quan trọng không kém nhằm đảm bảo các cơ quan này có thể quản lý Hội một cách hiệu quả và bền vững.
“Mong muốn của chúng tôi về lâu dài là có thể giúp cơ cấu quản lý nhóm hộ trồng rừng theo chứng chỉ FSC được hợp pháp hoá với một thực thể có tư cách pháp nhân chính thức và hoạt động độc lập, chuyên nghiệp và đạt được sự bền vững như mô hình Hợp tác xã hoặc cơ cấu tương tự.” Ông Nguyễn Vũ chia sẻ thêm.
“Phát triển rừng trồng theo hướng gỗ lớn có giá trị cao hướng tới đạt chứng chỉ rừng bền vững là ưu tiên chiến lược của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện trên toàn tỉnh, chúng tôi mới chỉ có khoảng 220 hecta rừng đạt chứng chỉ FSC của nhóm hộ, vì vậy sự ra đời của Hội là thực sự cần thiết để chúng tôi có điều kiện tốt hơn, xúc tiến mạnh các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu đặt ra trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận được các phương thức sản xuất kinh doanh rừng có giá trị kinh tế cao nhưng đảm bảo tính bền vững”. Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT.
“Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta có thể nhân rộng mô hình, có thêm nhiều nhóm hộ tham gia và tăng diện tích rừng trồng có chất lượng trên địa bàn tỉnh,” ông cho biết thêm.
Không dừng lại ở đó, cùng với việc hỗ trợ thành lập Hội có tư cách pháp lý, Dự án còn kết nối Hội và các hộ chủ rừng đến với thị trường tiềm năng - các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ có chứng chỉ - thông qua mô hình hợp đồng liên kết kinh doanh bền vững với những hỗ trợ ưu đãi từ phía doanh nghiệp và sự cam kết hợp tác cao từ phía hộ chủ rừng.
Với những tác động tích cực từ việc quản lý rừng keo trồng có trách nhiệm, WWF-Việt Nam hy vọng chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh sẽ định hình rõ ràng hơn cho mục tiêu phát triển rừng sản xuất, đảm bảo phát triển kinh tế những cũng như đáp ứng nhu cầu cấp thiết của việc bảo vệ môi trường, hướng người dân tới mô hình quản lý lâm nghiệp có trách nhiệm hơn và bền vững hơn. (Môi Trường Việt Nam 18/10) đầu trang(
Theo dự kiến, dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ trình Chính phủ vào ngày cuối tháng 1.2017 sau đó đưa ra Quốc hội xem xét.
Về việc sửa đổi luật, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết: Trên cơ sở tổng kết đánh giá Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, luật mới sẽ kế thừa những thành quả được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và xu hướng của quốc tế như: Bảo vệ rừng, khoán giao đất, giao rừng, xã hội hóa lâm nghiệp, làm cho rừng có chủ thực sự hơn. “Luật sẽ điều chỉnh để phù hợp với Hiến pháp 2013; trong đó, chế định về sở hữu rừng thay đổi” - ông Tuấn nói.
Cụ thể, theo thứ trưởng, trong Hiến pháp 2002 quy định rừng núi là sở hữu nhà nước, nhưng Hiến pháp 2013 quy định tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia. Đây là việc quan trọng để có thể thể chế hóa trong luật và làm tiền đề cho những văn bản dưới luật khi thực hiện xã hội hóa sẽ đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các chủ rừng.
Việc thay đổi này sẽ làm thay đổi toàn bộ các chính sách đối với các chủ rừng khác nhau.
“Việc điều chỉnh lần này sẽ quản lý ngành lâm nghiệp theo chuỗi. Như vậy, phạm vi điều chỉnh không chỉ bảo vệ và phát triển rừng mà có quy định về xử lý rừng bền vững như khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Ngoài ra, khi là nền sản xuất hàng hóa thì cần phải hài hòa với các quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên bao gồm cả hiệp định, hiệp ước quốc tế, hiệp định song phương, đa phương về thương mại… trong các tiêu chuẩn, tiêu chí về quản lý rừng bền vững”- Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu rõ.
Luật sửa đổi lần này sẽ có bổ sung một mục quy định về sở hữu rừng dựa trên Hiến pháp 2013. Theo ông Tuấn, mặc dù vẫn là 6 chủ rừng cơ bản nhưng quyền và trách nhiệm sẽ thay đổi. Chẳng hạn, đối với rừng trồng, người sở hữu rừng sẽ có đủ 3 quyền: Định đoạt, sử dụng, chiếm hữu.
Với 3 quyền này, chủ rừng sẽ được “cởi trói” so với trước đây. “Trước đây, dù rừng của mình nhưng khi khai thác chủ rừng vẫn phải xin phép chính quyền, sắp tới chủ rừng có toàn quyền sử dụng đất rừng và lâm sản miễn là nằm trong quy hoạch của địa phương” - ông Tuấn nêu rõ. (Dân Việt 19/10) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Trang CNET hôm 18-10 đưa tin khoảng 10.000 con ếch nằm trong nhóm các loài động vật nguy cấp đã chết hàng loạt không rõ nguyên nhân tại hồ Titicaca – Peru.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế, ếch “bìu” – sống hoàn toàn ở dưới nước, có lớp da màu xanh chảy xệ và nhăn nheo - là loài ếch chỉ được tìm thấy tại hồ Titicaca. Đây là hồ lớn nhất ở Nam Mỹ.
Trong vài năm qua, số lượng ếch “bìu” tại khu vực này suy giảm đáng kể khiến nó được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân chính là do người dân đổ xô đi bắt loại ếch này làm thức ăn. Ngoài ra, cá hồi Bắc Mỹ ăn trứng ếch cũng là lý do khiến quần thể ếch “bìu” bị suy giảm nghiêm trọng.
Việc hàng ngàn con ếch “bìu” chết và trôi nổi tại hồ Titicaca buộc Cơ quan Lâm nghiệp và Động vật hoang dã Peru vào cuộc điều tra. Cơ quan này cho biết báo cáo ban đầu cho thấy khoảng 10.000 con ếch chết rải rác trên một khu vực trải dài 48 km.
Hàng trăm con ếch “bìu” cũng được phát hiện chết bất thường trên mặt sông Coata, phía Nam Peru, giữa thời điểm xuất hiện nghi vấn nước con sông này bị ô nhiễm. Ủy ban Chống ô nhiễm sông Coata tố cáo chính quyền địa phương phớt lờ cảnh báo của họ về mức độ ô nhiễm nặng nềcủa con sông.
Để phản đối, họ mang theo 100 con ếch chết tới quảng trường trung tâm ở Puno. Lãnh đạo cuộc biểu tình Maruja Inquilla kêu gọi các cơ quan chức năng nên chú ý tới vấn đề ô nhiễm mà ủy ban này đã cảnh báo và nói: “Tôi phải cho họ thấy những con ếch chết. Chính quyền không nhận ra chúng ta đang sống như thế nào. Họ không mảy may quan tâm đến vấn đề ô nhiễm. Tình hình đang rất căng thẳng”.
Ếch “bìu” có tên khoa học là Telmatobius culeus. Chúng dễ nhận biết bởi nhiều nếp gấp ở da, cũng có tác dụng giúp loài ếch này “thở” trong môi trường sống ở các vùng núi cao thuộc dãy Andes. Chúng được liệt vào hàng cực kỳ nguy cấp và đã giảm 80% số lượng trong vòng 15 năm qua. (Người Lao Động 18/10) đầu trang(./.