Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 18 tháng 10 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Khoảng 11 giờ trưa 17/10, tại khu vực đồi Thiết Giáp thuộc tổ 29, khu 5, phường Hà Khánh,TP Hạ Long (Quảng Ninh) xảy ra cháy rừng, khiến 2,5 ha rừng keo và thông bị thiêu rụi.
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh đã điều 2 xe cứu hỏa với hàng chục chiến sĩ đến hiện trường; đồng thời UBND phường Hà Khánh huy động 30 cán bộ phường, 15 cán bộ kiểm lâm và 20 chiến sỹ thuộc Thành đội Hạ Long cùng 20 công nhân Công ty Than Hạ Long phối hợp dập lửa. Đến hơn 13 giờ chiều cùng ngày, ngọn lửa đã được khống chế. Rất may, vụ cháy rừng không gây thiệt hại về người.
Nguyên nhân cháy rừng được xác định là do người dân đốt rác tại khu vực chân đồi, sau đó ngọn lửa bén sang các đống lá khô khiến cho ngọn lửa bùng cháy. (Gia Đình Và Xã Hội 17/10) đầu trang(
Thông tin Dân vây bắt gỗ lậu, kiểm lâm “sợ không tới” đã thu hút hơn 100 ý kiến bàn luận của bạn đọc. Dưới đây là góc nhìn của người trong ngành - một cán bộ kiểm lâm.
Trong khi đó, sau khi được người dân cấp báo, cán bộ kiểm lâm địa bàn lại không dám đến tiếp nhận vì “thấy đông người quá, sợ quá mà lại chỉ đi một mình nên... không dám tới”.
Đọc bản tin này, chắc chắn nhiều người gợn lên mối nghi hoặc đối với lực lượng thực thi công vụ, cụ thể là cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Ea Sol được cử xuống hiện trường.
Tuy nhiên, nếu xét về góc độ quản lý, lỗi này phần lớn thuộc về lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Ea H’Leo, do không đưa ra được một phương án xử lý tình huống hợp lý.
Theo quy định của lực lượng kiểm lâm, khi thực thi công vụ, đặc biệt là hoạt động kiểm tra kiểm soát lâm sản, phải đi theo tổ từ 2 người trở lên, theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị.
Quy định này nhằm để cán bộ kiểm lâm giám sát lẫn nhau, nhưng cũng có thể hỗ trợ nhau tại hiện trường khi cần thiết.
Chúng ta đều biết hiện nay những người khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép ngày càng trở nên manh động, hung hãn, đã từng có rất nhiều lần cán bộ kiểm lâm bị hành hung, thậm chí bị giết chết một cách dã man.
Địa bàn Ea H’Leo cũng là địa bàn nóng, thường xảy ra các vụ tấn công, chống người thi hành công vụ, cho nên việc hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ea H’Leo phân công duy nhất một cán bộ kiểm lâm địa bàn đến hiện trường để giải quyết một tình huống như thế là thiếu hợp lý.
Trong trường hợp này, việc nhanh chóng lập tổ công tác do một lãnh đạo hạt kiểm lâm làm tổ trưởng đến ngay hiện trường để giải quyết là hợp lý nhất, trường hợp phức tạp có thể yêu cầu sự phối hợp của cơ quan công an và chính quyền địa phương sở tại theo các quy chế phối hợp đã ký kết theo quy định.
Cán bộ kiểm lâm địa bàn cũng có một phần trách nhiệm khi không thực hiện theo mệnh lệnh của cấp trên trực tiếp, nếu biện hộ lý do vì thấy dân đông quá nên sợ thì càng sai trái hơn.
Bởi lẽ quan điểm cơ bản nhất trong mọi lĩnh vực quản lý xã hội là dựa vào người dân địa phương là chính, trong khi cần phải huy động sức dân vào công tác quản lý bảo vệ rừng thì trường hợp này khi người dân yêu cầu sự hỗ trợ từ cơ quan kiểm lâm thì cán bộ kiểm lâm lại sợ (?!).
Mặt khác, cán bộ kiểm lâm địa bàn ngoài việc chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp từ hạt trưởng hạt kiểm lâm, họ còn chịu sự quản lý của chủ tịch UBND xã, cụ thể trong trường hợp này là chủ tịch UBND xã Ea H’Leo (được quy định tại quyết định 83/2007/QĐ-BNN ngày 4-10-2007 của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về nhiệm vụ công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã).
Cách giải quyết khôn ngoan nhất của cán bộ kiểm lâm địa bàn trong trường hợp này là đến ngay hiện trường, đồng thời báo cáo đề nghị hạt trưởng hạt kiểm lâm, chủ tịch UBND xã cử thêm lực lượng đến để giải quyết.
Qua sự việc này cho thấy trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở Ea H’Leo, cơ quan kiểm lâm sở tại đã mắc phải thiếu sót về quy chế quản lý và thực thi công vụ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các bên liên quan khác.
Đặc biệt hơn là sự thiếu nhạy bén trong việc đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương, một lực lượng rất quan trọng, không thể tách rời trong nỗ lực cộng đồng trách nhiệm để quản lý tài nguyên rừng.
Người làm kiểm lâm phải luôn nhớ rằng không có dân hỗ trợ thì không bao giờ giữ được rừng. (Tuổi Trẻ 17/10) đầu trang(
Khi những “lá chắn” rừng giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Gia Lai và Phú Yên không còn nữa, lâm tặc lại ồ ạt “mở lối” xâm nhập vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk).
Lâm tặc xẻ thịt nhiều loại gỗ quý, săn bắt động vật trái phép, gây nguy cơ phá vỡ sự đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, đặc biệt là việc bảo vệ rừng đầu nguồn Sông Hinh và sông Krông H’năng.
Theo phản ánh của người dân, một ngày giữa tháng 10, xuôi theo quốc lộ 26 và 29 hơn 100km, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã tìm đến Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, điểm nóng xâm hại rừng của tỉnh Đắk Lắk thời gian gần đây.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có diện tích 26.848,2 ha, địa giới hành chính giáp ranh với các huyện Krông Pa (Gia Lai), Sông Hinh (Phú Yên) và các huyện Krông Năng, Man Đ’rắk (Đắk Lắk).
Ea Sô nổi tiếng vẫn giữ được sự đa dạng sinh học, là môi trường sống lí tưởng của nhiều loài động vật nằm trong sách đỏ thế giới và Việt Nam như bò tót, bò rừng, chà vá chân xám…và các loài thực vật quý hiếm như giáng hương, cà te, cẩm lai…
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, vì là khu vực giáp ranh nên hiện nay 4 phía của khu bảo tồn đều đang bị đe dọa nghiêm trọng. Phía Bắc giáp với huyện Krông Pa (Gia Lai) dài trên 20km (hiện chưa có đường tuần tra), diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng của huyện Krông Pa đang được chuyển đổi sang trồng cao su. Việc mở đường khai thác rừng trồng tạo điều kiện cho lâm tặc xâm nhập sâu vào khu bảo tồn.
Các đối tượng người dân tộc thiểu số thường tụ tập thành từng nhóm 10 đến 20 người, sử dụng xe máy, mang theo súng và các loại hung khí như dao, mã tấu liên tục xâm nhập vào các tiểu khu 616, 617, 618, 622 để khai thác gỗ giáng hương và săn bắt chim, thú.
Phía Đông giáp với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, người dân nơi dây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và khai thác gỗ rừng. Hiện tại, khu vực giáp danh giữa khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và huyện Sông Hinh vẫn tồn tại 4 xưởng cưa lớn, chuyên mua bán, tiêu thụ gỗ của lâm tặc.
Mặt khác, việc xây dựng Thủy điện Krông H’năng (năm 2007) đã làm cho hạ nguồn sông Krông H’năng bị cạn nước, vô tình mở đường cho lâm tặc xâm nhập vào khu bảo tồn, khai thác gỗ, săn bắt động vật quý hiếm.
Mới đây, ngày 28/9, trong lúc tuần tra tại tiểu khu 622, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã phát hiện và bắt giữ 3 đối tượng người dân tộc thiểu số đang kéo gỗ trong rừng gồm: La Ô Y Lem (sinh năm 1999), Ha Ra Y Trang (sinh năm 1993), Lê Mô Y Cường (sinh năm 1990), đều trú tại buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
Tại hiện trường, lực lượng kiểm lâm phát hiện 26 cây gỗ giáng hương (thuộc nhóm IIA) vừa bị “khai tử”, xẻ hộp, có khối lượng 8,702m3. Nhận thấy vụ việc có tính chất hình sự, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã bàn giao lại vụ việc cho Công an huyện Ea Kar điều tra, làm rõ.
Phía Tây và phía Nam của khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô giáp với huyện Krông Năng và Man Đrắk (Đắk Lắk), nơi đây chủ yếu là buôn làng của người dân tộc phía Bắc H’Mông, Tày, Nùng di cư và một số dân tộc bản địa Ê đê, M’nông. Các đối tượng thường xuyên xâm nhập vào khu bảo tồn săn bắt động vật hoang dã, đốt, phá rừng làm nương rẫy.
Đặc biệt khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có quốc lộ 29 đi qua, việc các đối tượng lâm tặc ngoại tỉnh từ Phú Yên mang súng tự chế theo các xe khách, xe tải vào trong rừng đặt bẫy, săn bắt nhiều động vật quý hiếm như nai, hoẵng khiến cho công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Theo Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, từ năm 2011 đến nay, đơn vị đã bắt xử lý 67 vụ, 81 đối tượng, thu giữ 7,325m3 gỗ, 43 xe độ chế, 7 cưa máy và nhiều tang vật khác. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2016, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã phát hiện và bắt 35 vụ, xử lý 38 đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ, mang hung khí trái phép vào rừng.
Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Nguyễn Quốc Hùng cho biết, lâm tặc ngoại tỉnh luôn tìm cách xâm nhập vào khu bảo tồn khai thác gỗ quý, săn bắt động vật quý hiếm, các đối tượng lâm tặc ngày càng liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống chế lại lực lượng kiểm lâm nên việc giữ rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đang đứng trước nhiều thách thức, đáng báo động.
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ rừng, ngoài 9 trạm quản lý bảo vệ rừng, đơn vị còn lập thêm 3 lán tạm, mỗi lán có từ 5 đến 7 cán bộ kiểm lâm chốt chặn ở những điểm nóng, triển khai các đợt truy quét, tuần tra kiểm soát, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép.
Kiểm lâm khu bảo tồn cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động người dân vùng đệm, vùng giáp danh giao nộp vũ khí, súng tự chế, cam kết không chặt phá gỗ rừng, săn bắt động vật rừng.
Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 5, Vũ Đức Minh cho biết, trước sức ép xâm nhập vào rừng ngày càng lớn của các đối tượng lâm tặc ở Krông Pa (Gia Lai), trạm đã phân công 7 cán bộ quản lý bảo vệ rừng, lập lán ngay tại khu vục vùng giáp danh ngã 3 giữ sông Ea Pich và Krông H’năng để trực tiếp ngăn chặn việc lâm tặc xâm nhập vào rừng.
Tuy nhiên, hiện nay, vùng giáp danh giữa khu bảo tồn với huyện Krông Pa chưa có đường tuần tra, mực nước sông Ea Pich và sông Krông H’Năng đang dâng rất cao, các đối tượng lợi dụng khai thác gỗ rừng rồi thả trôi theo sông, trong khi lực lượng kiểm lâm còn mỏng, thiếu phương tiện nên công tác bảo vệ rừng ở đây gặp nhiều khó khăn.
Về hướng lâu dài, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cũng đã có văn bản kiến nghị Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, Phú Yên phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk chủ động tăng cường các biện pháp tuần tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng xâm nhập khai thác, săn bắt động, thực vật quý hiếm ở khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Trước thách thức đe dọa khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô ngày càng lớn, đòi hỏi các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cần có giải pháp quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất việc xâm hại rừng. Có như vậy, việc bảo vệ sự đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô mới thực sự hiệu quả. (Tin Tức 18/10) đầu trang(
- Bác có hiểu nghĩa “kinh cung chi điểu” là gì không?
- Là chim bị tên sợ cành cong (trông giống cái cung).
- Đúng là như thế, hôm rồi dân Ea Sol (huyện Ea H’Leo - Đắc Lắc) đêm khuya thấy một xe tải chở đầy gỗ đi qua, bà con dân xã nghi là gỗ “lâm tặc” nên đã chặn xe lại. Tài xế bỏ xe chuồn. Đích thị lâm tặc rồi, bà con phôn ngay cho hạt trưởng kiểm lâm. Ông hạt trưởng hứa sẽ điều quân xuống xã. Chờ mãi không thấy ai bèn báo công an huyện. Công an xuống đưa xe gỗ về đồn. Hôm sau nhà báo hỏi hạt trưởng sao không tới xử lý. Bác hạt trưởng nói lúc đó đang ở trên tỉnh, có gọi về hạt. Cán bộ ở hạt thấy đông người nên không dám tới.
- Lái xe bỏ đi, đông người là bà con tham gia bảo vệ gỗ sao mà sợ?
- Đã nói là “kinh cung chi điểu”, đã có vụ kiểm lâm bắt gỗ lậu bị lâm tặc đáp lại “tan tác chim muông” nên các anh chờn.
- Nghe hay nhỉ, nếu sợ lâm tặc thì làm sao bảo vệ được rừng. Thủ tướng CP đã ra lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên để bảo vệ số rừng còn lại. Còn chỉ đạo bộ đội biên phòng chung tay với kiểm lâm giữ rừng, giữ biên cương. Như thế là đã tăng sức mạnh vũ trang cho đội quân giữ rừng mà vẫn còn sợ thì làm cách gì đây?
- Em nghĩ sau vụ này các bác các anh sẽ rút kinh nghiệm, tăng cường trách nhiệm và phản ứng nhanh hơn. Đừng có kiểu xã gọi lên huyện, tỉnh gọi xuống, kiểm lâm lại “rét” thì rừng còn mất nhiều. Mới mất non nửa như thực trạng còn là may đấy! (Lao Động 15/10) đầu trang(
Sáng sớm 17/10, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã lên đường vào Hương Khê, Hà Tĩnh điều tra việc Thủy điện Hố Hô xả lũ.
Cũng trong ngày 17/10/2016, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đã ban hành quyết định về việc kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong quản lý, vận hành đối với công trình thủy điện Hố Hô.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn và điều động gấp Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đang công tác tại Long An phải bay về Hà Tĩnh để chỉ đạo đoàn công tác.
Nhận xét chung của người dân Hương Khê: Chúng tôi đã trải qua nhiều đỉnh lũ, nhưng lần này nước lên nhanh đến mức không kịp trở tay. Đó là nguyên nhân người thì chết, tài sản, hoa màu bị cuốn trôi…
Nhiều ý kiến cho rằng, lũ lên nhanh bất ngờ là do Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả nước bất thường, không thông báo… Tuy nhiên, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô khẳng định “Xả lũ đúng quy trình” và đưa ra nhật ký xả lũ phù hợp? Ông Hùng còn cho rằng, nhà máy không có trách nhiệm thông báo tới UBND huyện!
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê rất“nóng mặt” với cách xả lũ của Thủy điện Hố Hô. Huyện Hương Khê đã không nhận được thông báo bằng văn bản từ Nhà máy Thủy điện để cảnh báo người dân. Đến chiều muộn ngày cao điểm, đại diện nhà máy mới thông báo qua điện thoại cho 1 Phó Chủ tịch huyện nên bị động.
Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng bức xúc: “Hộ nào cũng cho rằng lúc tối nước lên nhanh quá. Xả như thế không nhanh sao được”!
“Nghi án” về “xả lũ đúng quy trình” sẽ được đoàn công tác làm rõ trong thời gian gần đây, nhưng đó chỉ là giải quyết vấn đề bề nổi, nguyên nhân sâu xa là do đâu mà mực nước Hố Hô dâng nhanh bất thường, cần được làm rõ.
Rất có thể, nhà máy đã chần chừ trong việc xả lũ để luôn luôn duy trì một lượng nước ổn định chạy máy phát điện, bởi tụt nước đồng nghĩa với việc treo tua bin! Vì lượng nước trong hồ đang ở mức tương đối; mưa lớn, nước từ đầu nguồn dồn về quá nhanh.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, chiều ngày 14/10 có lúc xấp xỉ gần 2.000m3/giây. Theo tính toán của một số nhà thủy lợi thì thời điểm đó nếu không xả nước gấp, bờ đập Hố Hô dễ bị vỡ thì hàng loạt huyện Hương Khê, Hương Sơn…và cả TP Hà Tĩnh sẽ bị lũ quét qua, hậu quả sẽ không lường.
Việc xả lũ vào lúc cao điểm sẽ được đoàn công tác và Bộ Công Thương kết luận.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong việc quản lý, vận hành hồ thủy điện Hố Hô, đặc biệt là việc thực hiện các trách nhiệm quản lý, vận hành hồ chứa theo quy định tại Điều 53 Luật Tài nguyên nước và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ, lụt, ngập úng nhân tạo theo quy định tại Điều 60 Luật Tài nguyên nước cũng sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ. Nếu có sai sót sẽ xử lý đúng người, đúng tội.
Dưới góc độ khoa học, một số nhà thủy văn, quản lý đất rừng đã chỉ ra: Rừng đầu nguồn, phòng hộ và xung yếu ở huyện Hương Khê đã bị tàn phá hết sức nặng nề! Ông Đặng Hữu Liên - người có gần 20 năm làm Giám đốc Lâm trường và là Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu (huyện Hương Khê) nhói lòng khi nhìn thấy cả nghìn ha rừng bị chặt phá trong khi chủ rừng và ngành Lâm nghiệp huyện có dấu hiệu bắt tay với lâm tặc!
Ông Liên đã viết đơn kiến nghị, tố cáo gửi các cơ quan chức năng từ huyện lên đến tỉnh trong 3 năm qua, nhưng chưa có cơ quan nào ban hành thông báo trả lời đơn tố cáo của ông, mặc dù Hạt Kiểm lâm Hương Khê thừa nhận có 171,32ha rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt phá, chiếm đất trồng cây trái phép.
Đó là số liệu của năm 2013 trở về trước. Còn từ năm 2013 đến nay chưa được thống kê trong khi nạn chặt phá rừng vẫn diễn biến phức tạp và lan rộng. Đây là minh chứng cho việc vì sao nước sông Ngàn Sâu chảy như thác vào hồ thủy điện Hố Hô và nước dâng đột biến.
Theo một số nhà lâm nghiệp, thủy văn, rừng đầu nguồn bị chặt phá, thảm thực vật tầng thấp bị đốt bỏ, do đó khi mưa lớn nước trôi nhanh ra sông, suối, khả năng giữ nước trên đất rừng là rất kém.
Với vùng đất Hương Khê, đây không phải là trận ngập lụt sâu đầu tiên và chắc chắn chưa phải là trận lụt cuối cùng, nếu như công tác bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn không được tỉnh Hà Tỉnh tổ chức quản lý lại đúng mực thì Thủy điện Hố Hô vẫn là “quả bom nước siêu khủng” lơ lửng treo trên đầu hàng chục vạn người dân Hà Tĩnh. (Thanh Tra 18/10) đầu trang(
Sau khi có quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư thủy điện Ia Glae 2 đối với Công ty cổ phần thủy điện Khải Hoàng, cơ quan chức năng tiến hành kiểm kê lại diện tích rừng, thì phát hiện hơn 20 ha rừng không cánh mà bay trên tổng 30 ha rừng được giao trước đó cho Cty.
Công ty cổ phần thủy điện Khải Hoàng được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê, cấp phép chuyển mục đích sử dụng 79,5979 ha đất các loại để xây dựng các hạng mục công trình chính, phụ trợ cho dự án thủy điện Ia Glae 2 - huyện Chư Prông, trong đó có 30,2218 ha đất rừng (RIIIA1, RIIB), tại khu vực giáp ranh giữa xã Ia Vê và Ia Gla (Chư Prông, Gia Lai).
Tuy nhiên, sau gần 3 năm từ khi được thuê đất và cấp phép, Công ty cổ phần thủy điện Khải Hoàng làm chủ đầu tư không hề triển khai xây dựng dự án theo cấp phép mà buông lỏng quản lý diện tích đất rừng đã được giao khiến 23,6 ha rừng trong tổng số hơn 30 ha rừng mà UBND tỉnh giao cho công ty bị “biến mất”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Thắng- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết, khi công ty Khải Hoàng được UBND tỉnh giao đất để thực hiện dự án thủy điện thì ông không phụ trách khu vực nên không biết. Đến năm 2014, cơ quan chức năng đi kiểm kê rừng ở khu vực trên thì mới biết rừng bị mất và không biết rừng bị phá hồi nào.
Bản thân ông Thắng cũng mới lên giữ chức vụ Hạt trưởng được vài tháng, còn những cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Ia Vê, Ia Gla đã điều chuyển đi nơi khác. Mặt khác, UBND tỉnh có văn bản giao Sở NN&PTNT phụ trách xác minh vụ việc, Hạt chỉ nhận được giấy mời phối hợp với Sở để đi xác minh và hiện chưa có kết quả, và biên bản xác minh vụ việc.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 265/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động Dự án đầu tư thủy điện Ia Glae 2 của công ty Khải Hoàng.
uy nhiên, đại diện công ty Khải Hoàng ông Dương Viết Quyết - trưởng phòng kỹ thuật cho biết, phía công ty đang xin lại UBND tỉnh Gia Lai dự án thủy điện trên để triển khai xây dựng. Còn việc rừng bị mất sau khi giao cho công ty, là do người dân địa phương phá để làm nương rẫy. Phía công ty sẽ trồng lại rừng và chờ cơ quan chức năng kiểm đếm lại rừng, số củi, gỗ bị mất và sẽ đền theo quy định.
Trước câu hỏi, tại sao thời gian được giao đất đã lâu phía công ty không thực hiện dự án theo quy định? Ông Quyết phân trần, dự án thủy điện Ia Glae 2 có công suất 9 MW, với tổng số vốn 225 tỷ đồng, và dự kiến vay của ngân hàng khoảng 70% trong tổng số vốn đầu tư trên. Tuy nhiên, sau khi đơn vị được phê duyệt dự án thì thời điểm này lãi suất ngân hàng quá cao khiến việc vay vốn của công ty gặp khó khăn. Vì vậy, thủy điện đã không được triển khai.
Trước vấn đề trên, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu công ty Khải Hoàng có trách nhiệm lập điều chỉnh phương án xây dựng thủy điện Ia Glae 2 để không ảnh hưởng đến diện tích 6,6 ha rừng tự nhiên còn lại, trong đó phải làm rõ ảnh hưởng đến môi trường của phương án điều chỉnh, yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Sở TN&MT, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 20/10/2016.
Qua đó, UBND tỉnh giao các Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, UBND huyện Chư Prông, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, tính toán giá trị cụ thể của 23,6 ha rừng đã bị chặt phá, trong đó cần phải nêu rõ các căn cứ có liên quan, trách nhiệm của đơn vị, cơ quan có liên quan để xảy ra việc chặt phá diện tích rừng này. (Giao Thông Vận Tải 18/10) đầu trang(
Ngày 17/10, Ủy ban Quốc phòng – An ninh (QPAN) họp phiên toàn thể thứ hai, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung thêm đối tượng trang bị vũ khí quân dụng, gồm: Cảnh sát Biển, lực lượng cơ yếu và cơ quan điều tra của VKSND Tối cao.
Tuy nhiên Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị cân nhắc quy định này. Theo Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Võ Trọng Việt, qua vụ nổ súng ở Yên Bái, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thu hẹp đối tượng cấp súng.
“Khi rừng bị tàn phá thì có người nói tại sao không cấp súng cho lực lượng kiểm lâm. Đến khi xảy ra vụ Yên Bái lại nói tại sao lại cấp súng cho kiểm lâm? Việc quy định đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải dựa trên lập luận, cơ sở khoa học, không thể dựa theo cảm tính, nói theo thời điểm”, ông Việt nhấn mạnh. (Tiền Phong 18/10) đầu trang(
Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh Lào Cai, thời gian gần đây các đối tượng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật đã dùng nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi như dùng xe con, xe đẹp; loại xe từ 4 đến 7 chỗ ngồi, xe  mang biển số lạ tháo ghế xe để vận chuyển gỗ trái phép đi tiêu thụ.
Tuy nhiên bằng nghiệp vụ chuyên ngành được đào tạo, các chiến sĩ ngành Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã nắm bắt thông tin kịp thời, kiểm tra và bắt giữ thành công  nhiều vụ vi phạm dùng xe ô tô con để vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Gần đây nhất là vào hồi 11 giờ 30phút ngày 02/10/2016, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn kiểm tra bắt giữ 1 xe ô tô con mang biển kiểm soát 30A - 57629 vận chuyển lâm sản trái phép 0,302m3 gỗ xẻ nhóm VI, vụ việc đã được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Qua báo cáo sơ kết 9 tháng đầu năm 2016 của chi cục kiểm lâm tỉnh Lào Cai, năm 2016 là năm thứ hai thực hiện Quy chế  phối hợp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ  rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh giữa 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà  Giang.
Chi cục kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã chỉ  đạo Hạt Kiểm lâm các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR vùng giáp ranh; định kỳ tổ chức giao ban, báo cáo kết quả với UBND huyện và Chi cục Kiểm lâm.
Đồng thời đã tổ chức tuyên truyền được 257 buổi với 11.054 lượt người tham gia, tăng 102 buổi và 3.650 lượt người so với năm 2015, vận động 3.512 hộ gia đình sống gần rừng tại 65 thôn bản ký cam kết, cấp phát 18.000 tờ rơi, áp phích tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.
Hạt Kiểm lâm các huyện giáp ranh chủ động dùng điện thoại, gửi Email trao đổi thông tin khi có nhiệm vụ phát sinh; các bên đã trao đổi thông tin cho nhau được 219 lần, tăng 62 lần so cùng kỳ, trong đó hạt kiểm lâm huyện Văn Bàn có số lần trao đổi thông tin nhiều nhất là 56 lần, tăng 16 lần.
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã phối hợp xử lý 42 vụ, giảm 04 vụ so cùng kỳ,lâm sản tịch thu 21,154 m3 gỗ các loại; tiền xử phạt vi phạm hành chính 202,1 triệu đồng.
Đồng thời ngành kiểm lâm tỉnh Lào Cai còn thường xuyên chủ động phối hợp công tác PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ, tăng cường kiểm lâm địa bàn và thực hiện tuần tra chung, nhất là các khu vực trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao.
Khu vực các xã giáp ranh với tỉnh bạn xẩy ra 6 vụ cháy rừng, tăng 03 vụ so cùng kỳ, do được thông tin kịp thời, tổ chức dập tắt ngay nên không gây ra cháy lớn; điển hình là sự phối hợp trong chữa cháy rừng tại xã Liêm Phú, Nậm Tha huyện Văn Bàn ( tỉnh Lào Cai) với  xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải ( tỉnh Yên Bái). (Tài Nguyên Và Môi Trường 18/10) đầu trang(
Những đoàn trâu kéo gỗ từ rừng sâu về làng tạo ra thành “đường gỗ lậu” nhưng chính quyền địa phương cho rằng gỗ kéo về làm nhà hay làm gì không biết, vì chưa nghe người dân phản ánh.
Từ thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam) chúng tôi men theo con đường mòn vào rừng sâu giáp huyện Nông Sơn. Trên đường đi bắt gặp lối mòn do trâu kéo gỗ để lại mới tinh. Con đường gỗ đi tạo ra những rảnh sâu.
Đi vào chừng 1km bắt gặp đoàn trâu kéo gỗ rất nhộn nhịp. Đưa máy ảnh chụp thì một chủ trâu kéo gỗ thanh minh: Gỗ đưa về làm nhà đó.
Càng đi thêm, tiếp tục bắt nhiều con trâu đang được chủ dẫn kéo gỗ đi ra. Gỗ được xẻ thành phách vuông vắn, có phách như tấm phản. Đi vào sâu bên trong, tiếp tục ghi nhận có nhiều người đang dẫn trâu kéo ra khỏi rừng.
Chúng tôi có ý định lần theo theo dấu vết trâu kéo để vào đến tận nơi “mục sở thị” khu rừng bị đốn hạ. Tuy nhiên một người dẫn đường nói: Tốt nhất đừng vào đó, khi đến nơi bị lâm tặc phát hiện kho ra lắm. Phần nữa, trời mưa càng lớn rất khó đi, do vậy chúng tôi rút lui.
Đem sự việc trao đổi với ông Ka Phu Tân, Chủ tịch UBND TT Thạnh Mỹ, ông Tân cho hay: Gỗ này được kéo từ hướng Nông Sơn về chứ bên Nam Giang hết gỗ rồi. “Họ kéo về làm nhà hay làm gì tôi cũng không biết được. Chưa nghe người dân phản ánh tình trạng trên”, ông Tân nói. (Nông Nghiệp Việt Nam 18/10) đầu trang(
Chiều 17/10, Đại tá Lê Quang Vịnh, Trưởng Công an huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Dũng (35 tuổi, trú xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) để củng cố hồ sơ, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
Theo đại tá Vịnh, vào lúc 7 giờ 30 ngày 13/10, công an huyện nhận được tin báo của người dân về việc một số xe máy chở gỗ lậu đoạn qua xã Cà Dy. Sau đó, đã cử lực lượng chốt chặn bắt giữ. Phát hiện Dũng đang điều khiển xe máy chở gỗ lậu, công an đuổi theo. Trong quá trình bắt giữ, Dũng dùng dao chống đối, khiến một chiến sĩ trầy xước. Sau đó, công an khống chế.
Được biết, đối tượng Dũng từng bị xử phạt hành chính về hành vi chở gỗ lậu, song còn tái phạm và chống đối lực lượng thi hành công vụ. Công an huyện Nam Giang sẽ đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn khởi tố và xác lập hồ sơ vụ án để răn đe các đối tượng vận chuyển gỗ lậu. (Nông Nghiệp Việt Nam 17/10) đầu trang(
Ngày 1310, Trạm Kiểm soát liên hợp Km 15Bến tầu Dân Tiến, tỉnh Quảng Ninh bàn giao hồ sơ, đối tượng vận chuyển 0,9kg sừng động vật nghi là sừng tê giác cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Móng Cái để tiếp tục điều tra theo quy định.
Trước đó, ngày 12-10, tổ kiểm tra của Đội Kiểm tra hàng hóa thuộc Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tầu Dân Tiến làm nhiệm vụ đã tiến hành  kiểm tra xe khách giường nằm mang BKS: 14B - 001.66.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hành khách Tô Xuân Hiền (SN 1987), trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội có 1 vật hình trụ tròn màu ghi đen, nặng khoảng 0,9 kg, cao 13cm, đường kính 13,5 cm x 10 cm nghi là sừng tê giác.
Hành khách Tô Xuân Hiền khai nhận mẩu sừng tê giác do anh ta vận chuyển thuê cho A Kiểm (người Trung Quốc) từ khu vực cầu Bắc Luân, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh về Hà Nội với giá tiền công vận chuyển là 3 triệu đồng. (An Ninh Thủ Đô 13/10/ Công An Nhân Dân 15/10) đầu trang(
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn thường xuyên kiểm tra, tháo dỡ, tịch thu, tiêu hủy các loại bẫy nhằm giảm nguy cơ mắc bẫy, giải cứu cho các loài động vật rừng quý hiếm trong khu vực vườn.
Thời gian gần đây nhiều đối tượng thường xuyên vào khu vực Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) đặt bẫy, săn bắt và tận diệt thú rừng. Các đối tượng chủ yếu là người địa phương sinh sống trong vùng lõi và các vùng đệm của vườn, sử dụng nhiều loại bẫy và vũ khí tự chế như; súng kíp, bẫy ngoàm, bẫy kẹp... có tính chất sát thương cao để săn bắt động vật. (Tin Tức 17/10) đầu trang(
Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn phối hợp với UBND xã Đồng Lạc tiến hành thả các cá thể động vật hoang dã tịch thu được về môi trường tự nhiên.
Trong đó, Hạt kiểm lâm huyện Chợ Đồn đã tiến hành thả 8 cá thể dúi, 6kg rắn dáo; 2kg rắn hổ mang bành, rắn dọc dưa, rắn cạp nong thuộc loài nguy cấp quý hiếm nhóm IIB. Các cá thể động vật hoang dã được thả vào khu vực Cốc Pái, thôn Cốc Tộc, xã Đồng Lạc là vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp với điều kiện sinh sống của các loại động vật hoang dã này.
Được biết, theo tin báo của người dân, cán bộ trạm kiểm lâm Quảng Bạch, Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn đã phục bắt hai đối tượng là Nguyễn Thị Thương và Nguyễn Thị Lụa đang vận chuyển trái phép số động vật hoang dã trên từ  xã Đồng Lạc ra Thị Trấn Bằng Lũng. Hạt kiểm lâm Chợ Đồn đã xử phạt vi phạm hành chính hai đối tượng trên với số tiền 18 triệu đồng. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Bắc Kạn 17/10) đầu trang(
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan đến việc xâm hại các loài động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm đang được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, từ thực tế công tác quản lý đến điều tra, xét xử, các cơ quan tố tụng gặp rất nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật.
Đồng Nai có diện tích rừng khá lớn so với nhiều địa phương khác trên cả nước. Cùng với bảo vệ rừng, công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm được thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt động vật hoang dã những năm gần đây vẫn diễn ra khá nhiều.
Sáng 28-2, lực lượng kiểm lâm trong lúc tuần tra đã phát hiện một con bò tót nặng khoảng 200kg bị chết tại Khoảnh 4, Tiểu khu 105, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (thuộc ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu). Qua điều tra, công an xác định 2 đối tượng Lê Nguyễn Ánh Hùng (21 tuổi) và Phạm Thanh Liêm (16 tuổi), đều ngụ huyện Vĩnh Cửu, đã bắn chết con bò tót nên đã khởi tố Hùng, Liêm và một số người liên quan về các tội danh: vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm và chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng.
Tháng 9-2013, Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện Nguyễn Duy Thanh (19 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu) đang vận chuyển một con rắn hổ mang chúa nặng 13kg và 1 con mèo rừng 3kg (đều là động vật quý hiếm thuộc nhóm IB). Nguyễn Duy Thanh sau đó đã bị khởi tố điều tra về hành vi mua bán vận chuyển động vật hoang dã.
Trước đó, vào tháng 2-2013, Công an huyện Thống Nhất phát hiện Nguyễn Văn Thành và Lê Xuân Sai (ngụ tỉnh Bình Dương) vận chuyển 24kg động vật hoang dã trên quốc lộ 20, gồm: 2 con voọc bạc, 3 con voọc chà vá, 5 con khỉ đuôi lợn và 2 con khỉ mặt đỏ...
Một con số báo động đã được các cơ quan chức năng lên tiếng tại các hội nghị bàn về giải pháp đấu tranh với các hành vi xâm hại động vật hoang dã; nhiều vụ án liên quan đến việc xâm hại các loài động vật hoang dã được đưa ra xét xử, nhưng công tác điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm ở lĩnh vực này trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn.
Một cán bộ điều tra Công an tỉnh cho biết nhiều đối tượng vi phạm là người dân tộc thiểu số, sống gần các khu rừng; nhận thức và hiểu biết pháp luật về thế nào là động vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên được bảo vệ ở họ rất hạn chế. Việc phát hiện, bắt giữ và xử lý người vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn do đặc điểm địa bàn hoạt động của các đối tượng này.
Điều khó khăn không chỉ ở việc phát hiện, điều tra mà ngay ở các quy định của pháp luật cũng còn nhiều vướng mắc.
Đã nhiều năm thụ lý giải quyết các vụ án liên quan đến lĩnh vực này, ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử án kinh tế chức vụ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho biết những quy định của pháp luật về việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm... chưa đầy đủ và thống nhất.
Cụ thể, Điều 190 Bộ luật Hình sự hiện hành và thông tư hướng dẫn quy định chỉ xử lý hành vi: săn bắt, giết, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật quý hiếm, nhưng lại không quy định xử lý hành vi tàng trữ các bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó là còn thiếu sót, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng chống đối với loại tội phạm này.
Một khó khăn khác mà công tác điều tra thường gặp là việc giám định. Theo ông Vinh, đối với các sản phẩm động vật khi phát hiện phải trưng cầu giám định để xác định ADN. Nhưng trên thực tế, có nhiều loài động vật quý hiếm không còn mẫu, hoặc mẫu được đưa đi giám định đã bị lai hóa nên không có căn cứ để xử lý. “Lực lượng kiểm lâm của tỉnh đã bắt một xe ô tô chở heo rừng thuộc loài động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm IB. Thế nhưng, mẫu heo này đưa đi giám định lại không còn đồng nhất với mẫu thuần chủng do heo đã bị lai hóa” - ông Vinh lấy ví dụ.
Ngoài những tồn tại, vướng mắc do quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có chỉnh sửa, nhưng một số quy định mới về tội danh này lại gây lo ngại cho cơ quan chức năng. Cụ thể, tại mục a, khoản 1, Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB… có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Chiếu theo quy định của luật, vị cán bộ kiểm sát nói: “Với mức định giá tài sản mà luật đưa ra thì ít nhất tài sản định giá phải đến 300 triệu đồng mới xử lý hình sự được. Trong khi trên thực tế, nhiều vụ xâm phạm động vật hoang dã chỉ một vài cá thể, định giá vài triệu đồng. Nếu pháp luật quy định như vậy chắc sẽ khó có vụ án nào được khởi tố, mà ngược lại các đối tượng sẽ lợi dụng sơ hở này để phạm tội nhiều hơn”. (Báo Đồng Nai 17/10) đầu trang(
Hãy tưởng tượng, một ngày bạn được gặp tất cả các nhân vật trong những bộ phim hoạt hình kinh điển về thế giới hoang dã như Vua sư tử, Madagasca, Rio - chú vẹt đuôi dài hay trải nghiệm cuộc sống “rừng xanh” của Tarzan… Đó chỉ là một trong vô vàn trải nghiệm kỳ thú tại Vinpearl Safari Phú Quốc.
Lần đầu tiên Việt Nam có một công viên chăm sóc và bảo tồn động vật được xây dựng theo mô hình Safari phổ biến khắp thế giới. GhéVinpearl Safari trên đảo ngọc Phú Quốc, bạn không cần phải mất nhiều thời gian và kinh phí du lịch nước ngoài mà vẫn chiêm ngưỡng hàng trăm loài động vật quý hiếm hay hệ thực vật đa dạng từ nhiều vùng địa sinh học khác nhau.
Tọa lạc tại khu vực Bãi Dài, phía Tây Bắc đảo Phú Quốc, Vinpearl Safari quy tụ hơn 2.000 cá thể, đại diện cho hơn 150 loài động vật quý hiếm từ khắp nơi trên thế giới.
Vườn thú mở, ngôi nhà của các “cư dân” Vinpearl Safari được thiết kế với hào nước bao quanh vừa tạo thành môi trường sống hài hòa với thiên nhiên cho các loài động vật hoang dã, quý hiếm vừa mang lại tầm quan sát chân thực và sống động cho du khách. Khu bảo tồn nuôi dưỡng hàng ngàn loại thú quý hiếm như hổ Bengal, linh dương Ả rập, linh dương sừng xoắn, vượn cáo trắng đen, hồng hạc, vẹt đỏ cánh xanh, tê giác, hươu cao cổ, bò rừng, rồng đất, trăn Hoàng gia…
Đặc biệt, với ba vườn chim được quy hoạch theo chủ đề vườn Công, vườn Cò, vườn Sáo cùng vẻ duyên dáng của Hồ hồng hạc, trải nghiệm Vườn thú mở - Open Zoo, là một hành trình đặc biệt thú vị, đưa du khách trở về với thiên nhiên để hòa mình vào đời sống sinh động của muôn thú giữa một khu rừng yên bình.
Trải dài trên diện tích rộng lớn với hệ thống thực vật phong phú, mỗi phân khu trong Safari Vinpearl là một hệ sinh cảnh khác nhau, đảm bảo phù hợp với tập tính sinh học của từng loài. Hấp dẫn nhất phải kể tới trải nghiệm Công viên động vật hoang dã – Safari Park, bằng xe chuyên dụng theo phương thức thú vị “người nhốt, thú thả”.
Du khách sẽ được ngồi trên xe bus chuyên dụng, tận mắt nhìn ngắm các đàn sư tử đi săn mồi, các đàn tê giác, ngựa vằn... chỉ cách 1 tấm kính. Cảm giác tận mắt quan sát khoảnh khắc những chú sư tử vờn nhau bên đám cỏ khô, đàn hươu cao cổ lững thững nối đuôi băng qua đường, bầy tê giác nhởn nhơ trầm mình dưới vũng bùn non hay hình ảnh những chú linh dương nước bất chợt vểnh tai ngơ ngác khi nghe tiếng “Chúa tể sơn lâm” gầm vang cả một góc rừng… thật khó quên.
Không chỉ có những cuộc phiêu lưu thú vị khám phá đời sống muôn loài, Vinpearl Safari còn mở ra không gian giải trí với nhiều hoạt động đa dạng, mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo như các buổi biểu diễn động vật diễn ra hàng ngày, tham gia chụp ảnh với động vật cùng các loài thú thân thiện, đáng yêu và tham gia vũ điệu Zulu của tộc người Zulu – bộ tộc lớn nhất Nam Phi…
Các vũ công Zulu tới đây từ Nam Phi xa xôi. Vốn chỉ định dừng chân 10 ngày, vẻ đẹp của Vinpearl Safari Phú Quốc đã níu chân họ gần 1 năm nay. Mang âm hưởng hoang dã và mạnh mẽ của “lục địa đen”, vũ điệu Zulu chưa bao giờ thất bại trong việc xóa bỏ mọi ranh giới và khoảng cách, lôi cuốn du khách vào bầu không khí nồng nhiệt và sôi động.
Sau hơn nửa năm hoạt động, Vinpearl Safari Phú Quốc – vườn thú bán hoang dã đầu tiên tại Việt Nam – đã trở thành ngôi nhà thứ hai của các loài thú quý từ khắp nơi trên thế giới và bắt đầu đón thế hệ F1. Không chỉ hổ Bengal mà hàng loạt loài động vật quý hiếm cũng đang được các bác sĩ và nhân viên tại Vinpearl Safari giúp sinh sản thành công.
Trong năm 2016, Vinpearl Safari liên tục đón tiếp hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, đồng thời cũng là điểm đến của các đoàn nghiên cứu khoa học, các trường học muốn cho học sinh tìm hiểu.
Vinpearl Safari là món quà cho những người yêu du lịch, muốn khám phá thiên nhiên và yêu thích động vật hoang dã. Hành trình đến Vinpearl Safari với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đã và đang là lựa chọn của phần đông khách du lịch trong nước và nước ngoài thời gian qua. Đây cũng sẽ là món quà ý nghĩa dành tặng gia đình, đặc biệt là các em nhỏ, vì bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ không cưỡng lại được sự thích thú khi được tận mắt cuộc sống kì diệu mà chúng thường chỉ được xem qua phim ảnh. (VTC News 17/10) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Ngày 17/10/2016, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đã ký Hiệp định Tổ chức Hợp tác rừng Châu Á (Hiệp định AFoCO).
Tổ chức Hợp tác rừng Châu Á (Tên tiếng Anh là Asian Forest Cooperation Organization- AFoCO),  tiền thân là Hiệp định hợp tác lâm nghiệp ASEAN - Hàn Quốc (Hiệp định AFoCo), là một tổ chức hợp tác đa phương trong khu vực do Hàn Quốc khởi xướng và dẫn đầu với sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN, Hàn Quốc và các nước châu Á khác.
Hiệp định AFoCo được coi là giai đoạn khởi xướng và cung cấp nền tảng cho việc thành lập Tổ chức Hợp tác rừng Châu Á (AFoCO), nhằm mở rộng phạm vi hợp tác giữa Hàn Quốc với các nước châu Á khác ngoài ASEAN. AFoCO được thành lập nhằm tăng cường hợp tác lâm nghiệp trong khu vực thông qua việc biến công nghệ và các chính sách lâm nghiệp thành hành động cụ thể trong bối cảnh quản lý rừng bền vững nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Vào tháng 9/2015, Hiệp định về việc thành lập Tổ chức hợp tác rừng Châu Á được thông qua và cho đến nay các nước ký Hiệp định bao gồm Hàn Quốc (ngày 10/12/2015), Đông Timor (ngày 20/6/2016), Indonesia (ngày 2/8/2016) và Bhutan (ngày 13/9/2016).
Với việc ký Hiệp định này, Việt Nam sẽ được hưởng những quyền lợi như nhận các dự án hỗ trợ, tham gia các khóa tập huấn và hội thảo chuyên ngành, tham gia các chương trình học bổng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải thực hiện nghĩa vụ thành viên như đăng cai tổ chức các sự kiện của AFoCO, tham dự các cuộc họp của Hội đồng hoặc các sự kiện của AFoCO. (Nông Nghiệp Việt Nam 17/10) đầu trang(
Với tôi, có lẽ điều kiện đi rừng thuận lợi hơn một số nhà báo khác. Bởi lẽ, tôi là một phóng viên “nằm vùng” ở cơ sở.
Thường thì tôi đi rừng theo dạng “tháp tùng” các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh, các đoàn kiểm tra liên ngành, các chủ rừng và thỉnh thoảng cũng đi đơn lẻ. Cho dù chỉ “cưỡi ngựa” xem… rừng, nhưng tôi vẫn có những chính kiến trước thực trạng tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) được cấp phép thuê rừng tại huyện Di Linh.
Mới đây, tôi tháp tùng cùng Đoàn công tác của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và huyện Di Linh đến thăm và kiểm tra rừng của DNTN Tân Minh thuê. Từ Quốc lộ 28 (xã Đinh Trang Thượng), đoàn xe rẽ trái theo đường dốc quanh co khá xa, chúng tôi mới đến được Tiểu khu 611 và 612, nơi mà DTTN Tân Minh được cấp phép thuê rừng để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Từ cán bộ lãnh đạo của tỉnh đến các thành viên trong Đoàn công tác và ngay cả tôi nữa đều cảm thấy vui, khi nghe ông Nguyễn Văn Sử (Giám đốc DNTN Tân Minh) báo cáo với Đoàn công tác điều mà ông đã kể với tôi (khi cùng ngồi trên xe của ông) trên đường vào rừng: “Từ năm 2009, DN tôi được cấp phép thuê 251 ha rừng. Trong đó, diện tích quản lý, bảo vệ là 6 ha và diện tích trồng lại rừng là 245 ha. Ngay sau khi nhận rừng, DN đã tổ chức khai thác tận dụng lâm sản và tiến hành trồng rừng ngay trên diện tích rừng được cấp phép. Với quyết tâm rất cao, chỉ trong thời gian trong 5 năm, DN đã triển khai tổ chức trồng rừng xong trên toàn bộ diện tích được cấp phép”.
Quả thực, ban đầu còn phân vân, nửa tin nửa ngờ, nhưng khi cả Đoàn công tác cùng lội rừng, thì tôi mới ghi nhận điều ông Sử nói là chính xác. Những cánh rừng thông trồng của DNTN Tân Minh lên xanh mơn mởn, mật độ khá đều. Có những cánh rừng thông đã xấp xỉ đầu người và có những cánh rừng cao gấp đôi.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Di Linh Hoàng Tất Dương và Giám đốc Ban Quản lý rừng Tân Thượng Lâm Quang Chương: “Tân Minh là DN triển khai đầu tư dự án thuê đất, thuê rừng tốt nhất so với các DN khác trên địa bàn huyện Di Linh”. Không chỉ trồng rừng, DNTN Tân Minh còn lập một cơ sở sản xuất, gia công gỗ gia dụng tại xã Bảo Thuận, làm ra các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Lãnh đạo tỉnh cũng đã có lời ngợi khen ông Nguyễn Văn Sử khi đến thăm cơ sở này.
Trước đó không lâu, tôi được tháp tùng cùng Đoàn công tác của lãnh đạo UBND tỉnh đến thăm và kiểm tra DNTN Lê Tám, được cấp phép thuê rừng tại khu vực xã Hòa Bắc. Bản thân tôi cảm thấy vui lây khi được biết DN này đã tổ chức trồng rừng khá tốt. Trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp 212 ha được cấp phép thuê, ông Lê Tám (Giám đốc DN) cho biết, từ năm 2011 đến nay, DN đã trồng được 180 ha.
Tuy nhiên, trong số diện tích rừng đã trồng, DN có tới 66 ha cây trồng không đúng theo phương án thiết kế đã được phê duyệt. Đó là diện tích trồng xen 14 ha cà phê và cây đinh lăng vào diện tích rừng trồng sao, 30 ha cà phê trong diện tích rừng trồng bời lời, 13 ha cà phê trong diện tích trồng mắc ca, trồng 9 ha phê và bời lời trong diện tích thiết kế trồng rừng thông.
Khi đến Công ty TNHH Huyền Trang và DNTN Tiền Lê, tôi ghi nhận là 2 DN này trồng rừng cũng tương đối tốt. Trong số 138 ha rừng và đất lâm nghiệp được cấp phép thuê, từ năm 2011 đến nay, DN Huyền Trang đã trồng hơn 110 ha rừng, đạt trên 83% kế hoạch.
DNTN Tiền Lê, từ năm 2009, được UBND tỉnh cấp phép thuê 532 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó, quản lý bảo vệ là 117 ha, diện tích còn lại trồng rừng) nhưng tiến độ triển khai chậm, và đã được UBND tỉnh cho phép gia hạn 2 lần, đến nay đã trồng được 165 ha rừng kinh tế và 200 ha rừng cao su, đạt 87% kế hoạch.
Ngoài các DN nói trên, 7 DN còn lại triển khai dự án với tiến độ rất “ì ạch”. Công ty TNHH Xuân Hằng được cấp phép thuê 287 ha (trong đó, diện tích cấp phép trồng cao su là 265 ha), nhưng trong những năm qua, DN này chỉ trồng được 30 ha cao su. Trồng xong, DN đã buông lỏng quản lý, không đầu tư chăm sóc, dẫn đến chết trắng chẳng còn cây nào.
Cho đến lúc này, DN vẫn không có nhà ở cho công nhân, cũng chẳng có vườn ươm và đã bị thu hồi gần 90 ha. Tương tự, Công ty TNHH Lâm Sinh Tài được thuê 181 ha rừng, chủ yếu là để trồng cao su và sản xuất nông lâm kết hợp, nhưng chỉ mở đường khai thác tận dụng lâm sản, còn các hạng mục đầu tư trồng cao su và sản xuất nông lâm kết hợp thì chưa “động tĩnh” gì.
Đối với DNTN Sơn Điền được thuê 186 ha (nhận chuyển giao từ 1 DN khác), nhưng không tổ chức trồng rừng, mà còn để hoang hóa, bị lồ ô và tre tép lấn át 20 ha rừng keo (trong số 45 ha do DN trước đó trồng). Chưa hết, do buông lỏng quản lý, DN để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép, bị người dân lấn chiếm 7 ha rừng để trồng cà phê và chính DN này còn trồng 10 ha các loại cây trồng (mít, sầu riêng, nhãn, đinh lăng, cây cà ri…) không đúng theo phương án đã được phê duyệt nên bị thu hồi 28,7 ha…
Khi đến làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh, Hạt trưởng Hoàng Tất Dương giao cho một cán bộ của Hạt đưa tôi xem văn bản thống kê, tổng hợp, theo dõi tình hình các DN được cấp phép thuê rừng trên địa bàn huyện. Theo đó, tôi được biết, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Di Linh chỉ còn 11 DN được cấp giấy phép thuê rừng đang hoạt động.
Trước đó, khá nhiều DN tuy được cấp giấy phép, nhưng đã bị UBND tỉnh Lâm Ðồng quyết định thu hồi toàn bộ dự án với diện tích 991 ha hoặc thu hồi một phần của dự án đầu tư có diện tích trên 311,4 ha.
Hiện nay, 11 DN (đang hoạt động) đã được cấp phép thuê 2.643 ha rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, các DN chỉ mới trồng được 650 ha rừng kinh tế (keo, bời lời, thông 3 lá, sao…) và 330 ha cây cao su.
Qua kiểm tra, giám sát, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã phát hiện những sai phạm của các DN để chấn chỉnh và xử lý kịp thời, tránh phát sinh thiệt hại lớn. Những sai phạm phổ biến của các DN là trong quá trình khai thác tận dụng lâm sản hoặc triển khai đầu tư dự án đã… “lấn” sang diện tích của các đơn vị khác (như Công ty Lâm Phát, Công ty Xuân Hằng, Công ty Tiền Lê, Công ty Hoàng Dung, DNTN Lê Tám…).
Diện tích rừng kinh tế và rừng cao su mới trồng của nhiều DN có tỷ lệ cây chết cao, mật độ cây trồng còn sống thưa thớt; nhiều diện tích không thể gọi là “rừng” được, nhất là rừng cao su. DNTN Sơn Điền trồng 35 ha rừng keo (năm 2009), nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 10 ha. Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Xuân Hằng trồng 30 ha cây cao su nhưng đã chết, không còn cây nào… Và, một tình trạng phổ biến là nhiều DN đã trồng xen cà phê vào rừng.
Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh: “Nguyên nhân của tình trạng đầu tư chậm tiến độ là do hầu hết các DN không có khả năng, thực lực về tài chính và con người. Đa số các chủ dự án, khi đăng ký, kê khai không đúng sự thật về năng lực tài chính, nên đến khi được phê duyệt dự án, DN không đủ tài chính để đầu tư. Ngoài ra, còn do “lực bất tòng tâm”, DN không có cán bộ kỹ thuật, hầu hết là “tay ngang”, không biết chuyên môn, lực lượng bảo vệ rừng lại quá ít”.
Còn về trách nhiệm của chính quyền địa phương, mặc dù đã quan tâm đến việc quản lý hoạt động của các DN thuê rừng, tuy nhiên, khi trao đổi với ông Trần Đình Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Di Linh, thì tôi mới phát hiện một vấn đề còn bất cập về “cơ chế”. Đó là, các DN thuê rừng đều do UBND tỉnh cấp phép, nhưng trách nhiệm quản lý trực tiếp lại là chính quyền địa phương. Do vậy, trong thực tế, có những lúc chủ DN thiếu sự hợp tác và (hiểu “ngầm”) “coi thường” địa phương, mời họp không đến dự!
Trên chặng đường đổi mới và phát triển Lâm Đồng, trong những năm vừa qua, việc cấp phép cho các DN ngoài quốc doanh thuê rừng và đất rừng để sản xuất, kinh doanh là một cách làm đúng và phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm “xã hội hóa” nghề rừng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải xiết chặt công tác quản lý đối với các DN khi đã được cấp phép thuê rừng để việc đầu tư các dự án liên quan đến rừng đem lại hiệu quả như mong muốn.
Qua nhiều lần “cưỡi ngựa” xem… rừng, vừa nắm bắt từ thực tế vừa ghi nhận từ các ý kiến của không ít cán bộ trong ngành lâm nghiệp, không phải tôi “vơ đũa cả nắm” mà được biết là đa phần các DN xem việc “khai thác tận dụng lâm sản” là… “miếng mồi béo bở” nhất.
Bởi vì thực tế đã diễn ra, ngay sau khi được cấp phép thuê rừng, hầu như DN nào cũng vội vã san ủi, mở đường để “khai thác tận dụng lâm sản”. Khi khai thác xong, các hạng mục chính (như trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, chăn nuôi dưới tán rừng…) bị một số DN lại… “đủng đỉnh”, dây dưa, thậm chí không đầu tư.
Do vậy, tuy là “bất đắc dĩ” nhưng nhiều người cho rằng, giải pháp tích cực và “tối ưu” nhất vẫn là kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và tiếp tục thu hồi toàn bộ dự án hoặc một phần của dự án đối với những DN triển khai đầu tư chậm, đầu tư sai mục đích hoặc đầu tư mang tính chất “đối phó” nhằm né tránh để khỏi bị thu hồi dự án.
Những diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp; những diện tích trồng cây không đúng theo phương án, thiết kế đã được phê duyệt, thì kiên quyết giải tỏa, nhổ bỏ và tổ chức trồng lại rừng.
“Triển khai văn bản chỉ đạo số 4613/UBND - LN, ngày 9/8/2016, của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, huyện Di Linh đã thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa rừng. Đối với những DN thuê rừng, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ngừng khai thác tận dụng lâm sản, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn kiểm tra chặt chẽ và yêu cầu các DN phải chấp hành nghiêm chỉnh” - ông Trần Đình Sỹ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho chúng tôi biết.
Từ thực tiễn của đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên lĩnh vực lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm huyện cho rằng: “Cần có quy định rõ ràng, thống nhất một cơ chế, chính sách và các bước để các DN được cho thuê rừng triển khai đầu tư có hiệu quả hơn. Hiện tại có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác giao rừng và cho thuê rừng, giao đất và cho thuê đất lâm nghiệp chồng chéo nhau. Giữa ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Tài nguyên - Môi trường cần có sự phối hợp và thống nhất trong công tác quản lý rừng và tài nguyên rừng khi đã giao rừng cho các DN thuê”. (Báo Lâm Đồng 17/10) đầu trang(
Ngày 28/9/2016, tại huyện Tánh Linh, Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Bình Thuận (UN-REDD là Chương trình hợp tác của Liên Hiệp Quốc về giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển) đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân huyện về triển khai thực hiện các thủ tục liên quan để thực hiện gói thầu 2.4.11- DVTV3-2016 “Khảo sát và lập hồ sơ về các diện tích đất của các hộ dân trong lâm phận Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tánh Linh được xác lập làm cơ sở bàn giao cho huyện Tánh Linh lập phương án giao đất, giao rừng” thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2016 Chương trình UN-REDD tỉnh Bình Thuận.
Cuộc họp đã thống nhất các nội dung để tổ chức triển khai gói thầu 2.4.11- DVTV3-2016. Theo đó, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Bình Thuận sẽ thuê đơn vị tư vấn phối hợp với các ngành chuyên môn liên quan của huyện, UBND xã Gia Huynh, Suối Kiết tổ chức đo đạc và lập hồ sơ địa chính diện tích 1.500 ha đất lâm nghiệp của các hộ dân nhận khoán tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tánh Linh.
Trên cơ sở kết quả thực hiện gói thầu, UBND huyện Tánh Linh sẽ xây dựng Phương án giao đất cho các hộ dân. Kết quả thực hiện gói thầu trên cũng nhằm mục tiêu thực hiện Phương án giải thể Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tánh Linh theo quyết định của UBND tỉnh. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bình Thuận 17/10) đầu trang(
Đến hết tháng 9-2016, huyện Như Xuân đã hoàn thành trồng mới hơn 1.061 ha rừng sản xuất, đạt 132,7% kế hoạch, trong đó rừng trồng gỗ lớn 367,5 ha (trồng rừng thay thế 200 ha; rừng trồng theo đề án của huyện là 167,5 ha), nâng tổng diện tích rừng trồng toàn huyện là 13.913 ha (trong đó cao su 6.167 ha). Công tác khoanh nuôi bảo vệ và chăm sóc rừng trồng được thực hiện có hiệu quả.
Cùng với đó, huyện cũng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng, đồng thời tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng đạt 65,4%. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo cấp cháy rừng; chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện, lực lượng sẵn sàng xử lý tình huống. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức tuyên truyền 70 cuộc với trên 12.000 lượt người tham gia và 600 lượt trên loa truyền thanh cơ sở.
9 tháng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, lập hồ sơ xử lý 34 vụ vi phạm lâm luật, giảm 30 vụ so với cùng kỳ, tịch thu 28,9 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước 447,7  triệu đồng. (Báo Thanh Hóa 17/10) đầu trang(
Nhiều năm tuyển chọn, gây trồng thử nghiệm thông 5 lá, bạch tùng bản địa và thông caribê nhập nội… đã mở hướng nâng cao giá trị trồng rừng kinh tế, tạo ra môi trường sinh thái đa dạng tại Lâm Đồng.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tại các lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Lạc Dương cho thấy: thông 5 lá thường phân bổ tự nhiên trên các khu rừng nguyên sinh, có độ cao từ 1.400 - 1.800 m.
Qua thu thập từ 40 ô tiêu chuẩn tạm thời với kết quả mật độ bình quân chung hơn 20 cây/ha, mật độ cây con tái sinh tự nhiên rất thấp. Qua điều tra cũng xác định các quần thể thông 5 lá ở đây, chủ yếu tập trung những cá thể trung niên và già, trong khi thiếu vắng trầm trọng thế hệ cá thể kế cận, nếu chưa muốn nói đang ở tình trạng nguy cấp, cần những biện pháp tái sinh để bảo tồn.
Bên cạnh đó, số liệu thu thập về cây bạch tùng ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã thể hiện sinh trưởng trên tầng đất dày 100 cm, nguồn gốc từ phiến thạch sét hoặc đá macma axit. Trong 14 ô tiêu chuẩn tạm thời, mật độ bình quân của cây bạch tùng đạt cao nhất đến 44 cây/ha, đa số cá thể tập trung ở trạng thái thành thục và quá thành thục với chiều cao vút ngọn và đường kính ngang ngực trung bình lần lượt là 21,5 m và 33,8 cm.
Bạch tùng là loài cây ưa bóng trong giai đoạn còn non, mật độ tái sinh trong tự nhiên khá cao - gần 320 cây/ha. Tuy nhiên, đánh giá ở quần thể chung trong tự nhiên thì cây bạch tùng vẫn nằm trong tình trạng tương tự như cây thông 5 lá - nhiều cây già và cây trung niên, ít cây ở giai đoạn trưởng thành kế cận.
Riêng loài cây thông caribê, các mô hình trồng thực nghiệm tại vùng Lang Hanh, Đức Trọng (thuộc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng), đã xác định tuổi cây hơn 30 năm, đạt tăng trưởng bình quân hàng năm 0,6 m chiều cao, 0,9 cm đường kính và sản lượng gần 9,3 m³ gỗ/ha. Những chỉ số này đối với cây thông caribê trồng khảo nghiệm ở Măng Lin, Đà Lạt đạt tăng trưởng lần lượt hàng năm là 1m, 1,8 cm và 24 m³ gỗ/ha. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra rất cần nghiên cứu một cách hệ thống về tiềm năng trồng rừng sản xuất loài thông caribê trên các vùng sinh thái ở Lâm Đồng.
Trong Đề tài “Tuyển chọn một số loài cây thông caribê, thông 5 lá và bạch tùng để bổ sung tập đoàn cây trồng rừng kinh tế tại Lâm Đồng”, thạc sĩ Lê Cảnh Nam cùng các cán bộ khoa học của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã nhân giống hữu tính thành công bằng cách tuyển chọn hạt giống thông 5 lá và bạch tùng (thu hái từ cây mẹ phát triển vượt trội trong tự nhiên) ươm trong bầu đất feralit vàng đỏ phối trộn với các thành phần giá thể khác, đạt tỷ lệ nẩy mầm hơn 80%.
Và nhân giống vô tính với kỹ thuật giâm hom (cắt hom từ cành cây mẹ sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh) để kích thích ra rễ bằng thuốc NAA (Naphthyl Acetic Acid) dạng bột với các nồng độ khác nhau đã tạo ra rễ mới đạt tỷ lệ từ 70 - 90% (cây bạch tùng), 70 - 100% (cây thông 5 lá) và hơn 75% (cây thông caribê).
Sau 2 năm xuống giống trồng 3 cây con lá kim thử nghiệm trên 3 vùng sinh thái khác nhau ở Lâm Đồng (độ cao dưới 500 m, dưới 1.100 m và trên 1.100 m), thạc sĩ Nam cho biết: Trên các địa hình đất trống, thông caribê là loài cây phù hợp cho trồng rừng sản xuất với tỷ lệ cây sống đạt tỷ lệ hơn 85%, tốc độ sinh trưởng khá nhanh so với cây thông ba lá. Như vậy, thông caribê là loài cây khá phù hợp cho trồng rừng kinh tế và cần được nhân rộng tại Lâm Đồng.
Cây thông 5 lá, bước đầu cho thấy là loài cây triển vọng cho trồng rừng thuần loài tại vùng sinh thái Lâm Đồng với độ cao hơn 1.100 m… Và bạch tùng là loài cây rất phù hợp cho việc trồng làm giàu rừng trên đối tượng rừng nghèo ở Lâm Đồng, thể hiện qua tỷ lệ trồng cây con sống và sinh trưởng tốt với hơn 80%...
Đến nay, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã xây dựng các quy trình kỹ thuật nhân giống và gây trồng 3 loài cây thông 5 lá, thông caribê và bạch tùng nêu trên. Đồng thời đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn, chuyển giao cho đông đảo cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý của các đơn vị lâm nghiệp trong toàn tỉnh Lâm Đồng.
Và kiến nghị các cơ quan chuyên trách trên lĩnh vực lâm nghiệp Lâm Đồng có kế hoạch phát triển những cánh rừng sản xuất từ 3 loài cây lá kim này, nhằm thiết thực bảo tồn nguồn giống cây quý hiếm, góp phần làm giàu tài nguyên rừng trên địa bàn. (Báo Lâm Đồng 18/10) đầu trang(
Để đánh giá chính xác về chất lượng, hiệu quả công tác trồng rừng năm 2016, hiện nay, công tác nghiệm thu rừng trồng đang được các đơn vị, địa phương tích cực tiến hành.
Nghiệm thu rừng trồng là việc kiểm tra thực địa toàn bộ diện tích từng lô rừng của từng hộ nhận khoán, xác định vị trí ranh giới tại thực địa, đối chiếu với bản đồ thiết kế, khoanh vẽ phần diện tích thực hiện, đồng thời đánh giá chất lượng cây trồng thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật trồng rừng quy định trong hợp đồng giao khoán và hồ sơ thiết kế như: Tỷ lệ cây sống, cách trồng, chăm sóc,…
Hiện nhiều địa phương đã nghiệm thu đạt từ 50 - 60% diện tích theo kế hoạch và phấn đấu sẽ hoàn thành trong tháng 10 này. Mặc dù chưa có kết quả chính thức, song theo báo cáo sơ bộ của một số địa phương, hầu hết những diện tích rừng trồng năm nay đều có tỷ lệ cây sống đạt yêu cầu đề ra. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Bắc Kạn 16/10) đầu trang(
Từ năm 2007 – 2015, toàn tỉnh có 20 Dự án (DA) trồng rừng đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đầu tư theo đăng ký trên 6.695,8 tỷ đồng, thời hạn hoạt động trung bình từ 30 – 50 năm.
Trong đó, có trên 31 nghìn ha được tỉnh thu hồi và cấp thẳng cho doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chuyên môn, có tới 14 DA được cấp phép đầu tư từ năm 2008 đến năm 2014 phải thanh tra, kiểm tra vì không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả theo đúng tiến độ cam kết của chủ đầu đầu tư; buộc các ngành chức năng phải kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư toàn bộ hay một phần DA. Vậy nguyên nhân do đâu?
Thực hiện Quyết định số 757/QĐ-UBND ngày 29.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tình hình thực hiện các DA trồng rừng đã được cấp GCNĐT trên địa bàn tỉnh. Kết quả, nhiều DA dù đã được cấp GCNĐT nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đạt được tiến độ như cam kết, thậm chí một số DA chưa triển khai thực hiện và bị đoàn kiểm tra “tuýt còi” kiến nghị thu hồi.
Trong đó có DA trồng rừng sản xuất tại thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường (TP Hà Giang) của Công ty TNHH Hà Châu được phê duyệt và cấp GCNĐT do UBND tỉnh cấp lần đầu ngày 29.12.2011. Tổng diện tích đất sử dụng là 22,424 ha, trong đó: Trồng mới 11 ha keo tai tượng, bảo vệ 11,2 ha rừng trồng từ năm 2008 (nhận chuyển nhượng từ Xí nghiệp sản xuất chế biến Nông, lâm nghiệp số 1); tổng vốn đầu tư cho DA trên 2,6 tỷ đồng; thời gian thực hiện DA trong 50 năm.
Tuy nhiên, qua kiểm tra Công ty mới triển khai trồng một phần cây mỡ, tỷ lệ cây sống rất thấp, còi cọc, cây cao khoảng 20-30 cm. Công tác quản lý, bảo vệ đối với diện tích rừng nhận chuyển nhượng từ năm 2008 chưa được chặt chẽ, dẫn đến cây bị chặt phá nhiều, mật độ cây còn sống thưa, cây nhỏ.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra của Đoàn công tác cho thấy, doanh nghiệp đã không thực hiện đúng theo DA được phê duyệt, hồ sơ thiết kế trồng rừng và nội dung đăng ký tại GCNĐT. Do đó, Đoàn kiểm tra đã kiến nghị với UBND tỉnh chấm dứt và thu hồi GCNĐT, thu hồi đối với DA trồng rừng sản xuất tại thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường (TP Hà Giang) của Công ty TNHH Hà Châu.
Tương tự, tiến độ thực hiện DA trồng rừng Sở và sản xuất dầu ăn tại 4 huyện Cao nguyên đá Đồng Văn hiện cũng đang “dậm chân tại chỗ”. GCNĐT được UBND tỉnh cấp lần đầu ngày 28.12.2011 do Công ty CP thương mại tổng hợp Bắc Quang làm chủ đầu tư với quy mô trồng mới và cải tạo diện tích rừng là 5 nghìn ha cây sở; tổng vốn đầu tư 520 tỷ đồng, thời gian thực hiện DA 50 năm. Tuy nhiên, từ khi được cấp GCNĐT đến nay, Công ty không tiến hành triển khai DA, buộc Đoàn kiểm tra phải kiến nghị chấm dứt DA.
Ngoài hai DA bị Đoàn kiểm tra kiến nghị UBND tỉnh thu hồi GCNĐT nêu trên, trong số 14 DA được kiểm tra vừa qua, một số DA triển khai chậm tiến độ như: DA trồng rừng kinh tế tại xã Minh Ngọc, Yên Định, huyện Bắc Mê của Công ty TNHH vệ sỹ Nhất Sơn (mới trồng được 193/316,8 ha rừng); DA trồng rừng kinh tế ở xã Bạch Ngọc, Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên của HTX sản xuất và dịch vụ Hoàng Bách (DA chưa thực hiện trồng 365,013 ha do mới được bàn giao đất trên thực địa từ tháng 4.2016); DA trồng rừng sản xuất tại xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên của HTX Ngàn Hoa (mới trồng được 727/810 ha rừng)...
Việc các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào trồng rừng luôn được tỉnh khuyến khích, nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai. Cùng với đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các DA trồng rừng như: Miễn, giảm tiền thuế thuê đất; được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định...
Tuy nhiên, các DA đến nay đều thực hiện không hiệu quả, tiến độ “ì ạch”, một số DA đã được phê duyệt 8 năm (tương đương với một chu kỳ khai thác gỗ rừng sản xuất) nhưng vẫn chưa được thu hoạch, tái sản xuất... Trong khi đó, người dân nhiều địa phương đang thiếu đất sản xuất. Vậy, vì sao kết quả lại như vậy?
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều diện tích đất rừng được giao cho các doanh nghiệp, HTX chủ yếu là diện tích đất vốn đang được nhiều hộ dân sử dụng trồng trọt các loại cây trồng và hoa màu. Việc các đơn vị kể trên được giao đất nhưng không sử dụng hiệu quả khiến cho người dân bức xúc, kiến nghị thu hồi, giao đất lại cho người dân sản xuất.
Nói về nguyên nhân khiến việc trồng rừng chưa đạt theo kế hoạch đề ra, bà Bùi Thị Lượng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hà Châu chia sẻ: Từ năm 2012 – 2014, Công ty đã triển khai trồng mới và trồng lại theo đúng diện tích được cấp phép. Tuy nhiên, hiệu quả lại không được như mong muốn; lý do là cây bị phá hoại nhiều vì DA nằm trong khu vực chăn thả lâu năm của người dân tại thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường. Nản lòng với việc đầu tư trồng rừng không mang lại hiệu quả như mong muốn, hiện, Công ty đang có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng Nghĩa trang nhân dân trong thời gian tới...
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, kết quả thực hiện các DA trồng rừng sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh đạt được rất thấp do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là một số doanh nghiệp, HTX năng lực tài chính và tổ chức thực hiện còn yếu kém; không thực hiện việc điều chỉnh GCNĐT khi có nội dung thay đổi, các chủ đầu tư đều không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp; chưa mạnh dạn đầu tư hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông đến các vùng trồng rừng nguyên liệu...
Bên cạnh đó, việc quản lý, tham mưu của các ngành chuyên môn cho UBND tỉnh, huyện trong việc thực hiện các quy định, chế tài xử phạt các doanh nghiệp “chây ỳ”, chậm tiến độ, các cơ chế chính sách về phát triển rừng sản xuất; sự quan tâm, phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân phối hợp cùng với doanh nghiệp, HTX tham gia các DA trồng rừng kinh tế còn nhiều hạn chế...
Trong thời gian qua, tỉnh ta đã có rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu từ vào địa bàn tỉnh; trong đó, có nhiều chính sách thuộc lĩnh vực lâm nghiệp. Bởi phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những chủ trương của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020.
Vì vậy, việc chậm trễ của các DA trồng rừng thời gian qua với những nguyên nhân tồn tại còn chưa giải trình rõ ràng buộc UBND tỉnh phải chỉ đạo các ngành chức năng rà soát chi tiết lại từng DA đã được cấp GCNĐT để tổ chức gặp mặt các chủ đầu tư bàn, đưa ra giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các DA trồng rừng. Hy vọng, đây sẽ là giải pháp gỡ những “nút thắt” trong thực hiện các DA này. (Báo Hà Giang 18/10) đầu trang(
Mấy tháng nay, tại khu vực tiếp giáp giữa 2 tiểu khu 1668 và 1674 (thuộc địa phận xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) có hơn 100 hộ dân cư trú, canh tác trên đất lâm nghiệp. Đây hiện là một trong số các khu vực phức tạp nhất của tỉnh Đắk Nông về nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Theo chân một người dẫn đường thông thạo khu vực này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đắk Nông đã tiếp cận nhiều khu rừng tiếp giáp với các khu vực đã bị xóa trắng để lấy đất trồng cây công nghiệp. Tại các khu vực này (ý nói rừng tiếp giáp), phóng viên chứng kiến cảnh nhiều người dân đang xóa dần xóa mòn rừng để chiếm đất sản xuất.
Nhiều vạt đất bazan đã được thực bì rừng nguyên sinh tích tụ làm cho màu mỡ cả ngàn năm nay đang bị biến thành đất nông nghiệp. Các loại cây được trồng phổ biến là cà phê, khoai lang, chanh dây, bơ, một số loại cây ngắn ngày và đặc biệt là cây tiêu với trụ tiêu chính là cây rừng vừa bị đốn hạ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các hộ dân cư trú, “sở hữu”  đất trong khu vực này đều lý giải rằng phần đất mà gia đình mình đang canh tác là được sang nhượng lại. Bà Hà Thị Tuyết Lâm, có hộ khẩu tại tỉnh Lâm Đồng và hiện sống trong tiểu khu 1764 cho biết: gia đình bà mua đất mảnh đất gần 1ha bằng “giấy tay” của một hộ dân đã canh tác trước đó.
Số tiền sang nhượng chủ yếu là để trả công khai phá chứ đất đai chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc sang nhượng cũng không được chính quyền địa phương xác nhận. Tuy nhiên, bà Lâm cho rằng việc mua bán đất là có chứ bà không phá rừng và nguyện vọng của gia đình bà hiện nay là được Nhà nước cấp "sổ đỏ" để yên tâm làm ăn (!?).
Bà Hà Thị Tuyết Lâm là trường hợp hiếm hoi chịu tiếp xúc và trả lời các câu hỏi của phóng viên, các trường hợp khác đều lẩn tránh hoặc trả lời là không biết. Nhiều người là chủ đất cũng tự nhận mình là người làm thuê để không phải trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Trên thực tế, theo một số người dân xã Quảng Sơn, nhiều năm nay tại khu vực này, tình trạng phá rừng, lấn chiếm và mua bán đất rừng diễn ra công khai, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đặc biệt là đơn vị chủ rừng chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết.
Bên cạnh việc lấn chiếm, mua bán khá dễ dàng, đất rừng ở đây còn bị xâm hại do có độ màu mỡ cao, phù hợp cả với các loại cây ngắn ngày như khoai lang, rau màu, lẫn các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, và đặc biệt là tiêu. Hiện đất rừng khu vực này được rao bán với giá hàng trăm triệu đồng mỗi hecta. Nhiều vườn cà phê, tiêu trong khu vực này đã được từ 3 – 5 năm tuổi và hứa hẹn những vụ mùa bội thu.
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 1668 và 1764 đã xảy ra từ rất lâu; hơn trăm hộ dân đang sinh sống, canh tác trong vùng lõi của rừng tự nhiên nhưng chính quyền xã Quảng Sơn chỉ biết là có phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Khi được hỏi đến vấn đề nhân hộ khẩu thì lãnh đạo UBND xã Quảng Sơn trả lời rằng vẫn đang cho thống kê nên chưa thể trả lời cụ thể.
Ông Ngô Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: Tiểu khu 1674 và 1668 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N'Tao quản lý. Tại khu vực hiện đang có nhiều hộ dân lấn chiếm, canh tác, trồng cây nông nghiệp trên đất rừng. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm nay và đặc biệt tăng mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Về việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng, ông Ngô Quang Sáng cho biết Công ty Đắk N'Tao cũng có chuyển một số hồ sơ vi phạm, và UBND xã Quảng Sơn cũng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó UBND xã đã yêu cầu công ty trồng lại rừng nhưng công ty này làm chưa triệt để dẫn đến việc đất rừng bị người dân tái lấn chiếm.
Theo một số cán bộ quản lý bảo vệ rừng huyện Đắk Glong, nếu không đưa được những hộ dân sống trong vùng lõi của rừng tại 2 tiểu khu 1668 và 1674 ra khỏi rừng thì chỉ trong một vài năm tới, hàng trăm héc ta đất rừng xung quanh khu vực này có thể bị xóa trắng và biến thành đất nông nghiệp. Đây là một thực trạng và là một vấn đề cấp thiết mà các cơ quan chức năng huyện Đắk Glong cần giải quyết ngay.
Ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết thực trạng người dân xâm canh, lấn chiếm, sinh sống trong các lâm phần của các chủ rừng tại huyện Đắk Glong tương đối phổ biến. Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chủ rừng đi rà soát, thống kê diện tích cũng như số hộ dân đang sinh sống, canh tác trên đất rừng. Chỉ tính riêng hai tiểu khu 1674 và 1668 đã có hơn 120 hộ dân với gần 200 ha đất rừng bị xâm canh.
Về phương hướng xử lý, ông Lê Quang Dần cho biết UBND huyện Đắk Glong sẽ xem xét bóc tách các phần đất đã canh tác ổn định từ năm 2010 trở về trước để cấp cho dân ổn định sản xuất. Những diện tích lấn chiếm sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1685/CT-TTg (09/2011), UBND huyện sẽ lập hồ sơ xin ý kiến của UBND tỉnh để xử lý với phương hướng sẽ cưỡng chế giải tỏa, thu hồi lại đất và phục hồi lại rừng theo đúng quy hoạch lâm nghiệp.
Rõ ràng, giải quyết hậu quả của việc gần 200ha rừng bị tàn phá, lấn chiếm làm đất nông nghiệp không phải là dễ dàng. Các ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vấn đề này. Đây sẽ là việc làm tạo “tiền lệ” cho việc xử lý các trường hợp tàn phá, lấn chiếm đất rừng sau này, đồng thời cũng thể hiện nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong bảo vệ và phát triển rừng. (Báo Ảnh Dân Tộc Và Miền Núi 17/10) đầu trang(
Trong giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh trồng được trên 69 nghìn ha rừng, đạt gần 96% kế hoạch; chăm sóc rừng qua các năm đạt trên 3.856 lượt ha; bảo vệ 979.729 lượt ha với trên 50.770 hộ, nhóm hộ tham gia; khoanh nuôi, bảo vệ 166.894 lượt ha rừng.
Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; mối liên kết giữa doanh nghiệp, người dân chưa hiệu quả... Và kinh tế lâm nghiệp chưa thực sự phát huy vai trò “trụ đỡ” cho sản xuất trên đất dốc, bảo vệ môi trường (BVMT).
Phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng rừng, bảo vệ rừng (BVR) luôn được tỉnh ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, từ đó có định hướng, chiến lược thực hiện cho cả giai đoạn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch trồng rừng hàng năm của các huyện, thành phố đều gặp nhiều khó khăn từ khâu huy động nguồn lực, tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ.
Nằm bao quanh thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên có trên 103 nghìn ha đất rừng; trong đó, rừng phòng hộ trên 27 nghìn ha, rừng đặc dụng trên 23 nghìn ha, gần 51 nghìn ha rừng sản xuất và gần 1,9 nghìn ha rừng ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp. Theo kế hoạch giao, giai đoạn 2010-2015, huyện Vị Xuyên trồng trên 12,6 nghìn ha rừng, đã thực hiện được trên 11,8 nghìn ha đạt gần 94%, tỷ lệ cây sống sau khi nghiệm thu đạt từ 85% trở lên.
Cùng với việc thực hiện kế hoạch trồng rừng hàng năm, người dân Vị Xuyên còn chú trọng công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ nên đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng.
Hàng năm, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đều thành lập đoàn, tổ kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng rừng, quản lý, BVR nên kết quả rất khả quan, đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra. Nhờ thực hiện tốt chính sách của Nhà nước liên quan đến giao đất, giao rừng, trồng, bảo vệ, chăm sóc nên đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Đối với huyện Hoàng Su Phì, công tác trồng, chăm sóc, BVR thời gian qua cũng có nhiều tiến bộ. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế, ý nghĩa quan trọng của công tác trồng, BVR, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Hoàng Su Phì đã vận dụng linh hoạt các chính sách, huy động sự vào cuộc tích cực của người dân, phấn đấu hoàn thành và đạt chất lượng công tác trồng rừng theo kế hoạch hàng năm.
Hoàng Su Phì có tổng diện tích tự nhiên trên 63 nghìn ha, trong đó, đất lâm nghiệp gần 43 nghìn ha, diện tích rừng gần 34 nghìn ha. Căn cứ kế hoạch trồng rừng hàng năm, Ban quản lý (BQL) Dự án 661 và BQL rừng phòng hộ huyện đã chủ động ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất cây giống, cung ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu của người dân. Vì vậy, giai đoạn 2010-2015, nhân dân các xã trên địa bàn huyện đã khắc phục khó khăn, nỗ lực trồng mới được trên 4.830 ha, đạt gần 95% kế hoạch.
Cùng với 2 địa phương trên, các huyện, thành phố khác cũng nỗ lực, quyết liệt triển khai trồng rừng, góp phần đưa diện tích rừng trồng mới của tỉnh giai đoạn 2010-2015 đạt trên 69 nghìn ha, đạt gần 96% kế hoạch, tỷ lệ che phủ rừng tăng trên 3% so với năm 2009, 100% các thôn, bản có rừng đã xây dựng Quy ước Bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng thời, nhân dân trong tỉnh đã thực hiện chăm sóc rừng qua các năm đạt trên 3,8 nghìn lượt ha, bảo vệ 979.729 lượt ha rừng với trên 50.770 hộ và nhóm hộ tham gia, khoanh nuôi bảo vệ 166.894 lượt ha, cấp phát, hỗ trợ 9.723 tấn gạo cho trên 60 nghìn hộ trồng và quản lý rừng. Kết quả này, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên gần 55% vào cuối năm vừa qua.
Phát huy vai trò của lâm nghiệp: Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, kết quả phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất khả quan. Tuy nhiên, lâm nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào tiềm năng, chưa gắn kết chặt chẽ giữa phát triển vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gắn kết giữa doanh nghiệp, người dân còn thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, trồng rừng còn mang tính quảng canh, chất lượng, năng suất thấp, bình quân chỉ đạt 50 m3/ha/chu kỳ 7 năm.
Diện tích đất rừng lớn, nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn, điều này đã tạo áp lực lên công tác quản lý, BVR, hàng năm vẫn xảy ra các điểm nóng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, phá rừng lấy đất sản xuất, lấy củi phục vụ chất đốt... Sản xuất lâm nghiệp của tỉnh hiện vẫn trong tình trạng chậm phát triển, đóng góp hạn chế cho nền kinh tế.
Mặt khác, giai đoạn 2011-2015, ngân sách đầu tư cho lâm nghiệp chỉ đạt bình quân gần 73 tỷ đồng/năm, nguồn thu từ lâm nghiệp còn khiêm tốn, chỉ đạt 565 tỷ đồng/năm, chiếm trên 3% GDP toàn tỉnh. Vì sao có khoảng cách quá lớn giữa tiềm năng và thực trạng, làm thế nào để nâng cao đóng góp của ngành Nông nghiệp vào nền kinh tế, làm thế nào để nghề rừng có thể nuôi sống người làm rừng và thực sự phát huy vai trò “trụ đỡ” cho sản xuất trên đất dốc và BVMT? Trả lời câu hỏi lớn này, đại diện lãnh đạo ngành NN-PTNT cho rằng cần phải hoàn thiện định hướng phát triển lâm nghiệp với tầm nhìn chiến lược, có tính cơ cấu rõ nét.
Điều nhận thấy rõ nhất trong phát triển lâm nghiệp của tỉnh thời gian qua đó là. Đã tập trung giải quyết được các mục tiêu chính như nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần XĐGN cho người dân, giữ vững ANQP và ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chất lượng rừng tự nhiên đang bị giảm sút, diện tích rừng giàu, rừng trung bình giảm lần lượt 8,5 và 4,5%, diện tích rừng nghèo tăng xấp xỉ 13% giai đoạn 2011-2015...
Từ thực tế đó, BCH Đảng bộ tỉnh vừa ban hành Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 nhằm phát triển lâm nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững, đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng; đưa sản xuất lâm nghiệp thành một ngành kinh tế về tài nguyên môi trường; thu hút các nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển rừng.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nâng độ che phủ rừng đạt 58%, trong đó che phủ rừng tự nhiên đạt trên 40%; đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê, khoán BVR, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân; nâng tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên nghìn tỷ đồng/năm.
Nhiệm vụ đặt ra hàng năm bảo vệ gần 375,6 nghìn ha rừng; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh trên 20,6 nghìn ha; trồng trên 38,7 nghìn ha rừng; hỗ trợ 110 thôn, bản cộng đồng vùng đệm các khu rừng đặc dụng; xây dựng cấp chứng chỉ rừng bền vững 30 nghìn ha trồng mới và rừng đang giai đoạn chăm sóc; tăng tỷ suất rừng trồng đạt 70 m3/ha/chu kỳ 7 năm...
Thực hiện mục tiêu này, tỉnh ta đề ra một loạt các nhóm giải pháp từ công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm, giải pháp về chính sách, huy động vốn, nguồn nhân lực...
Với quyết tâm sẽ phát huy được lợi thế, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa có quy mô lớn, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển. (Báo Hà Giang 15/10) đầu trang(
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh  làm trưởng đoàn vừa tiến hành giám sát công tác bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2011 đến 30-6-2016 tại huyện Chư Prông.
Đoàn giám sát đã tiến hành kiểm tra thực địa dọc theo đường tuần tra biên giới và quốc lộ 14C (địa bàn xã Ia Mơr và Ia Puch). Qua kiểm tra cho thấy nhiều khu vực vẫn để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy và người dân lén lút khai thác lâm sản trái phép.
Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã làm việc với HĐND, UBND huyện, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và các chủ rừng về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Báo cáo với Đoàn giám sát, từ năm 2011 đến nay trên địa bàn huyện diện tích rừng tự nhiên giảm 40.836 ha, người dân sản xuất, canh tác trên đất lâm nghiệp khoảng 24.707 ha.
Qua tuần tra kiểm soát lực lượng chức năng huyện phát hiện, bắt giữ 700 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tịch thu hơn 2.430 m3 gỗ các loại, 31 xe mô tô, 3 chiếc máy cày, 8 cưa xăng, 6 mooc kéo, 6 ô tô và thu nộp ngân sách nhà nước hơn 12 tỷ đồng, thu hồi giấy phép kinh doanh, chế biến lâm sản của 11 cơ sở.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đánh giá cao sự cố gắng của huyện trong công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua, đặc biệt là trên địa bàn không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên, công tác chăm sóc và quản lý bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế như vẫn để diện tích rừng giảm qua các năm, người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất còn cao, trình độ quản lý của cán bộ cấp xã, Ban Quản lý rừng và các chủ rừng còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm 1 số đồn biên phòng thực hiện chưa tốt nhiệm vụ quản lý khu vực biên giới, chưa quản lý chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu vực biên giới, người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất… (Báo Gia Lai 16/10) đầu trang(
Khói, bụi, mùi hóa chất tẩm gỗ phát tán ra môi trường, làm cho bầu không khí ngột ngạt, ô nhiễm. Đó là thực trạng do Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Xuất nhập khẩu lâm sản Hoài Nhơn, đóng ở thôn Phụng Du 1, xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) gây ra. 50 hộ dân phải chịu đựng tình cảnh này gần một năm qua.
Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Xuất nhập khẩu lâm sản Hoài Nhơn hoạt động từ năm 2007. Ban đầu, mọi việc khá ổn, nhưng từ cuối năm 2015 đến nay, trong quá trình đốt nhiên liệu cho lò hơi phục vụ cho việc sấy gỗ; nhà máy đã thải ra một lượng lớn khói, bụi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân sống chung quanh nhà máy.
Trung tuần tháng 10, chúng tôi về thôn Phụng Du 1 để “mục sở thị” những gì mà người dân phản ánh. Đứng tại khu vực lò hơi của nhà máy, chúng tôi đã thấy khói đen tuôn ra từ các ống khói, với mùi khét nồng nặc theo gió bay đi khắp nơi. Chưa kể, trong quá trình gia công sản phẩm, bụi gỗ cũng phát tán ra môi trường xung quanh.
Bà L.T.L, ở thôn Phụng Du 1, nói: “Nhà tôi chỉ cách nhà máy hơn chục mét. Tôi không hiểu nhà máy đó sử dụng loại chất đốt gì, mà mỗi khi khói, bụi bay lên và phát tán ra môi trường xung quanh có mùi hăng khét. Do nhà máy hoạt động gần khu đông dân cư, đường ống khói lại lắp đặt thấp, nên mỗi khi công nhân vận hành hệ thống thì khói, bụi bay ra tứ phía. Hôm nào, trời đứng gió thì còn đỡ, chứ gặp gió nồm là bà con trong xóm chỉ có đường hít “no” khói, bụi. Bà con chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và yêu cầu Công ty CP Xuất nhập khẩu lâm sản Hoài Nhơn sớm có biện pháp khắc phục, nhưng đến nay, ý kiến của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết”.
Qua trao đổi, ông Phạm Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Hoài Hảo, cho biết: “Xã đã nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Xuất nhập khẩu lâm sản Hoài Nhơn phát tán khói, bụi trong quá trình sản xuất. Địa phương cũng chuyển phản ánh trên đến UBND huyện Hoài Nhơn và phòng TN-MT huyện Hoài Nhơn, kiến nghị huyện cử cán bộ chuyên trách về hỗ trợ địa phương kiểm tra, đánh giá và xác định mức độ gây ô nhiễm”.
Liên quan về vấn đề này, ông Hồ Hưởng, Trưởng phòng TN-MT huyện Hoài Nhơn, nói: “Chúng tôi đang cử cán bộ theo dõi, nắm bắt việc xả khói, bụi của Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP xuất nhập khẩu lâm sản Hoài Nhơn. Hiện nay, cán bộ của phòng đã xuống hiện trường và đang làm việc với các hộ dân sống gần khu vực nhà máy nắm chính xác các khung giờ nhà máy hoạt động. Sau đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng, chặt chẽ. Đồng thời, huyện đề nghị Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) hỗ trợ việc lấy mẫu để gửi cho Trung tâm Quan trắc TN-MT kiểm tra, phân tích để có kết quả chính xác mức độ ô nhiễm. Căn cứ kết quả này, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng có liên quan đưa ra hướng xử lý phù hợp và giải quyết dứt điểm tình trạng này trong tháng 10 năm nay”.
Có thể thấy, việc Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Xuất nhập khẩu lâm sản Hoài Nhơn sản xuất gây ô nhiễm của người dân ở địa phương là có cơ sở. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của UBND huyện Hoài Nhơn và UBND xã Hoài Hảo sớm kiểm tra và làm rõ thực trạng trên. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, các cơ quan chức năng nên thu hồi giấy phép sản xuất kinh doanh, nhằm bảo đảm tính răn đe và trả lại môi trường trong sạch cho các hộ dân sống xung quanh nhà máy. (Tài Nguyên Và Môi Trường 17/10) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Một người Việt Nam là nhân viên của cửa hàng giặt là tại Kuala Lumpur, Malaysia đã bị tòa án Malaysia​ phạt RM15​.000 (khoảng 3.750 USD) do giữ một móng vuốt gấu và một phần của một chiếc ngà voi mà không có giấy phép đặc biệt.
Thẩm phán tòa, Harmi Thamri Mohamad Shaharudin ra phán quyết trên sau khi Nguyễn Văn Sơn, 25 tuổi, đã nhận tội cho cả hai tội danh ngày 17/10.
Nguyễn Văn Sơn bị bắt với cáo buộc sở hữu một móng vuốt loài gấu chó (Helarctos malayanus) và một phần ngà của voi châu Phi (Laxodonta Africana) mà không có một giấy phép đặc biệt tại khu vực OUG Parklane, 152 Jalan Puchong, Seksyen1 vào lúc 1 giờ 30 sáng ngày 31​/8.
Cả hai loài là động vật hoang dã được bảo vệ theo Đạo luật bảo vệ động vật hoang dã năm 2010.
Theo Mục 68 (1) (b) của Đạo luật này, người vi phạm sẽ chịu mức phạt tiền tối đa không quá RM100​.000 và ba năm tù giam, nếu bị kết tội.
Trong phần cầu xin khoan hồng, luật sư của Sơn, Tharamjit Singh cho biết thân chủ của ông phạm tội lần đầu và đã rất hối hận về hành động này.
Cục bảo vệ Động vật hoang dã Quốc gia (Perhilitan) ông Abdul Aziz Mohd Yasin đã kêu gọi một phiên tòa nghiêm khắc để răn đe đối với các vi phạm nêu trên vì lợi ích chung của cộng đồng.
"Chắc chắn rằng, để có được những móng vuốt gấu, con gấu đã bị giết và điều đó là trái pháp luật. Tương tự giống như bất kỳ bộ phận nào của ngà voi châu Phi," ông nói.
Thẩm phán Harmi sau đó tuyên phạt Nguyễn Văn Sơn RM7.500 cho mỗi hành vi phạm tội và áp dụng 6 tháng tù giam nếu bị cáo không đóng tiền phạt. (Vietnam + 17/10) đầu trang(./.