Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 20 tháng 05 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 5 tháng đầu năm, lực lượng kiểm lâm trong toàn tỉnh đã ngăn chặn và xử lý 99 vụ vi phạm quy định quản lý và bảo vệ rừng.
Trong đó, 1 vụ phá rừng trái phép; 5 vụ vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản khác; 32 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; 4 vụ vi phạm quy định về chế biến gỗ và lâm sản khác; 8 vụ vi phạm quy định khác; toàn tỉnh đã xảy ra 49 vụ cháy rừng gây thiệt hại 59,04 ha rừng, gồm: 10,20 ha rừng phòng hộ, 48,04 ha rừng sản xuất.
Lâm sản tịch thu, gồm: 33,61 m3 gỗ quý hiếm; 49,69 m3 gỗ tròn; 3,4 m3 gỗ xẻ các loại…. Thu nộp ngân sách Nhà nước trên 400 triệu đồng. (Báo Cao Bằng 19/5) đầu trang(
Một vài cơn mưa đầu mùa chẳng giúp những người bảo vệ rừng ở vùng Bảy Núi an tâm hơn, mà họ càng nâng cao tinh thần trách nhiệm khi lớp mùn dưới tán rừng hút nước vào nhưng rất nhanh khô nên dễ bốc cháy và khó dập tắt hẳn.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang, dù đã xuất hiện vài cơn mưa lẻ tẻ nhưng thời tiết hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn nắng nóng, hanh khô. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, ông Chau Chít (xã Ô Lâm, Tri Tôn) cho rằng, những cơn mưa vừa qua dù làm cho lá mùn, thân cây rừng bị ngấm nước nhưng nhanh chóng khô lại do nắng nóng. Nếu xảy ra cháy, thân cây và lá mùn càng dễ bén lửa, đám cháy bùng phát mạnh và khó dập tắt.
“Hiện tượng này giống như trước khi xẻ củi dự trữ, người ta hay ngâm thân cây dưới nước. Một khi gỗ đã ngấm nước mà phơi khô lại thì cháy rất đượm. Lớp lá mùn dày khi thấm nước thì dù đã dập tắt, lửa cứ âm ỉ phía dưới, dễ bùng phát trở lại” – ông Chau Chít lý giải.
Nhiều năm nay, cuộc sống gia đình ông Chau Chít (ổn định là nhờ được nhận giao khoán hơn 3 héc-ta rừng. Do vậy, ông coi rừng như nhà của mình, ngày đêm canh giữ. “Trong thời gian chăm sóc rừng chờ khai thác gỗ, tôi trồng vườn cây ăn trái xen vào để có thu nhập thường xuyên. Hàng ngày, vợ con tôi vào rừng kiếm củi, bẻ măng le về bán. Rừng mà cháy thì cuộc sống gia đình tôi đâu còn gì. Bởi vậy, ngày nào tôi cũng vô rừng tuần tra, nhắc nhở bà con không đốt ong lấy mật, bỏ tàn thuốc dưới tán rừng. Đối với những người hành hương thì tôi luôn nhắc nhở họ không nấu ăn, đốt nhang, vàng mã ở những nơi dễ cháy. Đồng thời, giám sát xem họ đã dập tắt lửa hoàn toàn trước khi đi chưa” – ông Chau Chít chia sẻ.
Cùng cách nghĩ này, ông Chau Sóc Khách, chủ 3 héc-ta rừng ở xã An Tức (Tri Tôn), bộc bạch: “Hàng ngày, chúng tôi đều tổ chức đi tuần tra, bảo vệ rừng. Chúng tôi tuyên truyền bằng cả tiếng Khmer và tiếng Việt để bà con hiểu thật rõ, nắm thật chắc, không gây nguy hiểm cho rừng. Trong đó, yêu cầu bà con tuyệt đối không được hút thuốc, đốt lửa bắt ong hoặc nấu nướng trong khu vực có rừng”.
Nỗi lo của những người giữ rừng ở vùng Bảy Núi là có cơ sở khi mùa mưa còn chưa đến, hơi nóng hừng hực phủ khắp các cánh rừng, đồi núi thì thời điểm này, lượng khách hành hương đổ về rất đông để viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, tham quan núi Cấm, núi Két, khám phá núi Dài, Cô Tô… Khi tổ chức vui chơi ven rừng và ngay bên trong rừng, việc sử dụng lửa nấu nướng, đốt nhang, giấy tiền vàng mã… khó tránh khỏi. Song song đó, vào dịp nghỉ hè, học sinh vùng núi càng tăng cường vào rừng nhặt củi, đào bắt côn trùng và hay nghịch lửa dưới tán rừng. Lại có nhiều hộ dân sống ven rừng tận dụng thời tiết khô hanh để đốt dọn đất vườn, ruộng chuẩn bị xuống giống mùa mưa. Nếu chủ quan không kiểm soát lửa, rất dễ gây cháy lan vào rừng.
Thực tế vừa qua, trên địa bàn huyện Tri Tôn đã xảy ra vụ cháy khu vực rừng tràm xã Lương An Trà, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, một số vụ cháy nhỏ cũng xảy ra ở khu vực núi Cô Tô. Rất may, phần bị cháy chủ yếu lướt dưới tán rừng, cây bụi, dây leo nên không thiệt hại đến rừng. Nguyên nhân cháy được xác định do bất cẩn trong sử dụng lửa, bỏ tàn thuốc trong vườn điều và đốt tổ ong.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tri Tôn Lý Vĩnh Định cho biết, để bảo vệ rừng trong cao điểm nắng nóng, lực lượng Kiểm lâm phối hợp các đơn vị đã tổ chức tuần tra thường xuyên ở các vùng đồi núi, đẩy mạnh tuyên truyền lưu động, thực hiện ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 100% trong toàn lực lượng, xuyên suốt 24/24 giờ…
Cũng như huyện Tri Tôn, thời điểm này, mức dự báo cháy ở nhiều khu vực rừng trọng điểm của huyện Tịnh Biên đã được nâng lên cấp V – cấp cao nhất trong thang báo động cháy. Khu vực núi Phú Cường (xã An Nông) được xác định là một trong những vùng trọng điểm cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ông Hoàng Sang, vừa là chủ rừng, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ tại chốt Phú Cường, cho biết, từ sáng sớm, ông đã len lỏi trong cánh rừng để tuyên truyền bà con giữ lửa. Khi đã rảo quanh một vòng rừng thì ông chạy xuống trực chốt bảo vệ rừng. “Tôi có 1,3 héc-ta đất nhà và 1,2 héc-ta đất rừng giao khoán. Diện tích rừng nhà của tôi và nhiều bà con nơi đây đang trong giai đoạn khai thác. Mình giữ rừng tốt cũng là bảo vệ tài sản của gia đình và mọi người” - ông Sang nhấn mạnh. (Báo An Giang 20/5) đầu trang(
Từ đầu tháng 5 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Bình Liêu chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi xuống thôn, bản để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng chống cháy rừng, chống xâm hại rừng, phòng chống tranh chấp, lấn chiếm đất rừng…
Trong khuôn khổ hoạt động này, Hạt Kiểm lâm Bình Liêu sẽ thực hiện 15 buổi tuyên truyền ở tất cả các xã trên địa bàn, trong đó những xã có diện tích rừng lớn sẽ tuyên truyền từ 2 đến 3 buổi.
Đây là hoạt động thực sự hiệu quả của Hạt Kiểm lâm Bình Liêu trong công tác bảo vệ rừng. Tại các buổi tuyên truyền đều có sự tham gia đông đủ các chủ rừng và người dân sống trong khu vực có rừng, qua đó chủ rừng, người dân ngày càng nêu cao ý thức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của mình và cộng đồng.
Anh Nguyễn Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bình Liêu cho biết: Bình Liêu có tổng diện tích rừng lớn, gần 42.000ha, chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên. Trong đó diện tích rừng phòng hộ và rừng tự nhiên chủ yếu đang được các chủ rừng lớn quản lý như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Liêu, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327, Công ty CP Đầu tư Phát triển tài nguyên... Diện tích rừng sản xuất được giao cho người dân chính bởi vậy nên công tác bảo vệ, khai thác và phát triển rừng nói chung của Bình Liêu được các chủ rừng và người dân quan tâm đầu tư, đi vào ổn định và quy củ.
Để thực hiện mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm Bình Liêu chủ động phân công công tác phù hợp cho anh em cán bộ trong đơn vị, trong đó dành đến 70% quân số làm nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn; bố trí 2 trạm kiểm lâm ngoài trụ sở Hạt để xử lý nhanh nhất các sự việc liên quan tại cơ sở. Các xã có diện tích rừng lớn được bố trí 2 kiểm lâm địa bàn. Hàng tháng, quý các kiểm lâm địa bàn có chương trình làm việc với cán bộ thôn, bản; Hạt Kiểm lâm có chương trình làm việc với chính quyền xã về công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung, kiểm tra chuyên môn kiểm lâm địa bàn…
Hạt Kiểm lâm cũng đã chủ động tham mưu, phối hợp triển khai các vấn đề liên quan đến rừng của huyện như giao đất giao rừng, tiếp nhận đất rừng thu hồi, giải quyết tranh chấp đất rừng, thành lập ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm tra kết quả số liệu rà soát và điều chỉnh cục bộ 3 loại rừng, thống nhất số liệu ranh giới đất rừng giao cho tổ chức...
Đây chính là những cơ sở, tiêu chuẩn “cứng” để Hạt Kiểm lâm Bình Liêu cũng như các kiểm lâm viên trong đơn vị nắm chắc các thông số về hiện trạng, diễn biến rừng, định hướng phát triển rừng của địa phương, từ đó triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn của mình. Những năm gần đây Bình Liêu đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác phòng chống cháy rừng. Trong đó mỗi năm huyện cấp riêng cho Hạt Kiểm lâm trên dưới 100 triệu đồng để thực hiện công tác tuyên truyền, làm đường băng cản lửa, xây dựng các công trình phòng cháy rừng…
Riêng công tác kiểm kê rừng, mặc dù hiện nay mới đang triển khai ở cấp tỉnh thế nhưng Hạt đã tham mưu cho huyện xây dựng chương trình hành động cụ thể, có thể sẵn sàng triển khai trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Bình Liêu duy trì hoạt động ký kết quy chế phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, các đơn vị dân quân tự vệ các xã, các chủ rừng lớn trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống cháy rừng, chống xâm hại rừng…
Có thể nói từ việc xác định nâng cao ý thức giữ rừng của các chủ rừng, đồng thời triển khai các hoạt động chuyên môn kịp thời, tích cực, Hạt Kiểm lâm Bình Liêu đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Nhiều năm qua Bình Liêu không xảy ra cháy rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt đến trên 54%, đa số các hộ dân có rừng đều đã cải thiện kinh tế, vươn lên làm giàu từ rừng…(Báo Quảng Ninh 19/5) đầu trang(
Dù điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng ngành Kiểm lâm tỉnh vẫn không ngừng nỗ lực trong việc giữ gìn, trồng mới, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, góp phần phòng chống thiên tai. Qua từng năm, diện tích rừng của Bạc Liêu càng được mở rộng thì công tác bảo vệ rừng của các cán bộ kiểm lâm cũng vất vả hơn.
Hằng ngày, vượt qua thời tiết khắc nghiệt, những cán bộ kiểm lâm vẫn âm thầm lặn lội canh giữ gần 3.900ha rừng ven biển Bạc Liêu. Không chỉ vậy, họ còn phải nỗ lực để trồng mới rừng. Theo kế hoạch của ngành Lâm nghiệp, đến năm 2020, diện tích đất rừng của tỉnh được bảo vệ gần 9.000ha. Trong đó, đất có rừng sẽ đạt hơn 6.200ha, được phân thành các loại rừng gồm: rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Rừng ven biển Bạc Liêu chủ yếu là hệ sinh thái rừng ngập mặn nên việc trồng rừng lấn biển gặp rất nhiều khó khăn. Trồng rừng trên bãi bồi phải phụ thuộc vào con nước thủy triều lên xuống. Nếu không tính toán kỹ thì những cây được trồng mới sẽ bị nước cuốn đi và mọi công sức xem như đổ bỏ.
Vượt qua những khó khăn, những năm qua, ngành Kiểm lâm đã cùng người dân thực hiện việc trồng rừng. Đó là trồng thêm rừng phòng hộ ven biển, trồng rừng kết hợp với khoanh nuôi tái sinh bãi bồi, trồng rừng trên đất trống khu quy hoạch rừng đặc dụng, trồng rừng trên đất nuôi tôm quảng canh kết hợp với du lịch sinh thái phía trong đê. Từ đó, diện tích rừng liên tục được mở rộng qua các năm. Cụ thể, từ năm 2010 - 2013 đã có hơn 1.500ha rừng phòng hộ được trồng mới. Riêng năm 2014, có hơn 140ha rừng được trồng trên đất nuôi tôm. Đạt được những kết quả đó là một sự nỗ lực vượt khó của ngành Kiểm lâm.
Trồng rừng đã khó, công tác giữ rừng lại càng khó hơn. Rừng ngập mặn Bạc Liêu không có cửa rừng nên các cán bộ kiểm lâm gặp không ít trở ngại trong công tác tuần tra, canh giữ. Phần lớn đất rừng được giao khoán cho dân gìn giữ kết hợp với phát triển kinh tế. Do đó, cán bộ kiểm lâm phải bám sát địa bàn, chung sống với bà con ở các làng rừng để hỗ trợ bà con sản xuất và cùng nhau giữ rừng. Anh Tạ Quốc Khanh (người nhận khoán đất rừng ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cho biết: “Các cán bộ kiểm lâm ở đây hỗ trợ chúng tôi trong việc sản xuất và thường xuyên trực chiến để bảo vệ tài nguyên rừng. Ngoài ra, các anh còn thường xuyên vận động, tuyên truyền cũng như phổ biến kiến thức pháp luật về rừng cho chúng tôi. Có các anh canh giữ rừng, đời sống bà con ở đây được ổn định. Nạn trộm cắp, săn bắt động vật trong rừng cũng giảm dần”.
Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng hằng ngày, trên những cánh rừng, cán bộ ngành Kiểm lâm vẫn âm thầm làm nhiệm vụ. Theo ông Thái Tùng Cương, Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên huyện: “Khó khăn lớn nhất của ngành Kiểm lâm là cơ sở vật chất còn hạn chế. Anh em ăn ngủ với rừng, nhưng trong 8 trạm kiểm lâm thì đã có 6 trạm xuống cấp nghiêm trọng.
Vào lúc triều cường nước ngập, anh em không thể ngủ được. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm còn rất mỏng. Trung bình một cán bộ phải giữ hơn 300ha rừng. Rừng Bạc Liêu trải dài ven bờ biển nên công tác tuần tra bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Ngành Kiểm lâm rất cần được sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa từ các ngành, các cấp và người dân để cùng nhau giữ rừng, trồng rừng”.
Trong giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay, rừng là tấm “lá chắn thiên tai” và là “lá phổi xanh” của tỉnh. Đặc biệt, trước thực trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn trên thế giới đang thu hẹp dần, thì rừng Bạc Liêu rất cần được đầu tư bảo vệ. (Báo Bạc Liêu 19/5) đầu trang(
Mấy tháng gần đây, các thương lái Trung Quốc lùng sục khắp nơi để mua quả mây rừng với giá ngày càng cao nên người dân kéo nhau vào rừng tìm hái về bán. Việc khai thác quá mức làm nguy cơ mất nguồn giống rất dễ xảy ra.
Trên địa bàn tỉnh, Khánh Vĩnh và Ninh Hòa là 2 địa phương có số lượng quả mây nhiều nhất. Trước đây, quả mây chỉ có một số ít người ươm mây giống thu mua với giá rẻ nên không mấy người lên rừng thu hái. Mấy tháng gần đây, các thương lái Trung Quốc sang thu mua quả mây với số lượng lớn, giá cao nên người dân kéo nhau vào rừng sâu khai thác. Lúc đầu giá thu mua chỉ khoảng hơn 80.000 đồng/kg quả mây tươi, nhưng hiện nay đã tăng lên 350.000 đồng/kg.
Bà Trần Thị Mười, chủ một điểm thu mua tại thị xã Ninh Hòa cho biết: “Mấy tháng trước, sau khi thu mua từ người dân, tôi phải thuê nhân công phơi khô, tách vỏ lấy hạt rồi bán lại cho các thương lái ở ngoài Bắc. Giờ đây, các thương lái Trung Quốc sang đặt hàng trực tiếp, mây để nguyên cả chùm, tôi mua được bao nhiêu là họ gom hết, không cần lột vỏ”.
Bình thường, các quả mây được thu mua chủ yếu là mây chín và có đường kính từ 1cm trở lên. Song kể từ khi mây “sốt” giá, xanh chín gì người dân cũng hái, nhiều chùm mây còn nhỏ, chưa đủ kích cỡ họ cũng cắt về bán. Để có thể hái mây nhanh, nhiều người đã chặt phá mây không thương tiếc. Ông Huỳnh Văn Lượm (một người chuyên đi hái mây rừng ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) cho hay: “Thời gian trước còn ít người vào rừng, giờ giá mây cao nên nhiều người hái lắm. Bây giờ, mỗi ngày may mắn hái được vài kg là trúng lớn rồi”.
Tuy quả mây rừng được mua với giá cao, nhưng khi được hỏi mua để làm gì thì không mấy ai biết. Theo bà Mười, quả mây sau khi được các chủ vựa gom về, các thương lái sẽ mua lại và bán sang Trung Quốc. “Họ đặt hàng thì tôi thu gom của bà con để kiếm lãi, còn hạt mây bán sang Trung Quốc làm gì thì tôi không biết. Các tháng trước, trung bình mỗi ngày tôi thu mua được gần 1 tấn để chuyển đi, nay chỉ được vài chục kg” - bà Mười nói.
Tìm hiểu thông tin từ các thương lái Trung Quốc, chúng tôi được biết, quả mây được đưa sang bên kia biên giới để phục vụ làm đồ mỹ nghệ. Trong đó, chủ yếu được mài nhẵn, đánh bóng để kết thành các tràng hạt. Sau khi các đầu nậu người Việt thu mua, các thương lái Trung Quốc sẽ đến thu gom lại với giá từ 360.000 - 380.000 đồng/kg tùy theo chất lượng hạt. Cũng theo các thương lái này, sản phẩm làm từ quả mây có độ dẻo cao, khó vỡ... nên người Trung Quốc sử dụng làm vòng đeo tay và một số sản phẩm nội thất khác. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý, không biết những sản phẩm mỹ nghệ được làm từ quả mây sẽ có giá trị như thế nào, so với mức giá thu mua rất cao.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các mặt hàng lâm sản được đưa đi Trung Quốc “sốt” giá. Nhưng với thực tế khai thác quả mây quá mức như hiện nay, nguy cơ mất nguồn giống rất dễ xảy ra. Lâu nay, cây mây là nguồn nguyên liệu chính của các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trong tỉnh. Với việc thu hái ồ ạt như hiện nay, liệu vài năm tới chúng ta có còn đủ cây mây cung cấp cho các cơ sở này? Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Tất cả những lâm sản ở trong rừng, nếu muốn khai thác đều phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Do đó, những trường hợp khai thác quả mây cũng như mua bán loại lâm sản này nếu không có giấy phép đều sai luật”.
Hiện lực lượng Kiểm lâm ở những khu vực nhiều mây rừng đã có phương án tổ chức tuyên truyền để tránh việc người dân vào rừng ồ ạt tìm quả mây làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. (Báo Khánh Hòa 19/5) đầu trang(
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản số 3326/UBND-VP ngày 15/5/2015 chỉ đạo triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2015.
Theo đó:
Ngày 22 tháng 5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học và chủ đề ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2015 là "Đa dạng sinh học cho sự phát triển bền vững". Theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 1129/BTNMT-TCMT ngày 03/4/2015 về việc hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phát động phong trào bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng, cây xanh trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Công thương phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiết kiệm năng lượng, hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích việc sử dụng nguồn năng lượng sạch.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tổ chức phát động các phong trào như: bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; bảo vệ nguồn nước.
- Lồng ghép hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vào kế hoạch hoạt động của địa phương.
- Tùy vào điều kiện cụ thể, tiến hành các hoạt động tuyên truyền thích hợp như: Mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế đa dạng sinh học vào ngày 22 tháng 5; tổ chức các cuộc thi, triển lãm chủ đề về đa dạng sinh học nói chung, đa dạng sinh học và phát triển bền vững nói riêng; treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi và các hoạt động tuyên truyền khác tại địa phương.
4.  Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu — Phước Bửu đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền (treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi,...) và các hoạt động tuyên truyền khác nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, khách du lịch về bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
5.  Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng, đưa tin, bài tuyên truyền chủ đề về đa dạng sinh học và phát triển bền vững, nguyên nhân và tác hại của sự suy giảm đa dạng sinh học, những lợi ích của việc bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ và các doanh nghiệp biết được tầm quan trọng về giá trị, vai trò của đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học đối với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.
6.  Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh Đoàn:
- Tổ chức phát động các phong trào như: bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; bảo vệ nguồn nước.
- Tùy vào điều kiện cụ thể, tiến hành các hoạt động tuyên truyền thích hợp như: Mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế đa dạng sinh học vào ngày 22 tháng 5; tổ chức các cuộc thi, triển lãm chủ đề về đa dạng sinh học nói chung, đa dạng sinh học và phát triến bền vững nói riêng; treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi và các hoạt động tuyên truyền khác,....
7. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tổng hợp và dự thảo báo cáo của UBND tỉnh cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tháng 6 năm 2015. (UBND BR-VT 19/5) đầu trang(
Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm và các Ban quản lý rừng đã tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, nhất là tại các khu rừng thường xảy ra tình trạng phá rừng. Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các chủ rừng, các cơ quan chức năng tổ chức 172 đợt tuần tra, truy quét với 876 người tham gia.
Qua tuần tra, ngành kiểm lâm và cơ quan chức năng đã phát hiện 72 vụ vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng, trong đó có 3 vụ xảy ra tại TP. Vũng Tàu, 7 vụ tại huyện Tân Thành, 2 vụ tại huyện Châu Đức và TP. Bà Rịa, 58 vụ tại huyện Xuyên Mộc và 2 vụ tại huyện Côn Đảo.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là khai thác rừng trái phép, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, mua bán, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép. Hiện các vụ vi phạm đang được ngành kiểm lâm và cơ quan chức năng liên quan xem xét, xử lý. (Báo BR-VT 19/5) đầu trang(
Người dân sống dọc suối Chư Jú (Gia Lai) phải sống trong cảnh khổ sở, nguồn nước sinh hoạt lấy ở suối bị ô nhiễm nặng do hoạt động rầm rộ của các mỏ vàng
Nhiều tháng nay, người dân sống dọc suối Chư Jú (xã Ia Rbol, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) phải sống trong cảnh khổ sở, nguồn nước sinh hoạt lấy ở suối bị ô nhiễm nặng do hoạt động rầm rộ của các mỏ vàng nằm sâu trên rừng đầu nguồn.
Thâm nhập các chòi lán nơi những đối tượng khai thác vàng hoạt động trong nhiều tháng nay ở khu rừng nguyên sinh thuộc xã Ia Rbol, nằm giáp ranh với huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk) và thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), hàng trăm thợ đào vàng dựng lán, đem máy móc tập kết thành các lán trại giữa rừng để phục vụ việc đào vàng.
Khu vực các mỏ vàng nằm tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, để có thể đến được nơi này phải đi bộ  4 - 5 giờ. Có bảy lán trại với hàng chục đường hầm bị đào khoét dẫn sâu xuống lòng đất, mở rộng trên một khoảnh rừng lớn.
Tại các hầm mỏ, rừng bị đào bới tan hoang, nhiều thân cây lớn bị đào bật gốc để lấy đất đãi vàng. Dòng nước dùng để đãi vàng chảy ra lênh láng, vẩn đục lan về con suối Chư Jú nằm phía dưới.
Một người đào vàng ở khu vực này cho biết chủ các lán trại và thợ đào vàng đều là người ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Các chủ lán đưa máy móc, nhân công vào rừng rồi trả công cho mỗi thợ 130.000 đồng/ngày.
Các thợ vàng phải làm việc trong điều kiện cực nhọc, nằm sâu giữa rừng, hằng ngày phải chui xuống các hầm sâu, dài hàng chục mét để lấy vàng. “Công an, kiểm lâm có vài lần vào truy quét, đốt lán trại nhưng khi họ về chúng tôi lại dựng lán để tiếp tục làm” - một thợ vàng kể.
Không chỉ ở Ayun Pa, tình trạng khoét núi để đào vàng trái phép gây ô nhiễm môi trường nặng nề cũng diễn ra ở rừng xã Pờ Tó, huyện Ia Pa.
Ở khu vực rừng gỗ dầu thuộc làng Bi Yong (xã Pờ Tó), nhiều khoảnh rừng cũng bị đào khoét nham nhở để đào đãi vàng. Các lán trại được phu vàng dựng lên trên đỉnh núi tách biệt hoàn toàn với bên ngoài.
Thời điểm chúng tôi có mặt, các bãi vàng không có thợ vàng hoạt động nhưng nhiều máy móc, dụng cụ đào đãi vẫn được tập kết sâu trong các đường hầm.
Người dân ở xã Pờ Tó và xã Ia Rbol (Ayun Pa) kể tình trạng đào đãi vàng trên núi đã tàn phá rừng, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt nặng nề cho người dân (người dân địa phương có thói quen dùng nước suối để tắm giặt, sinh hoạt).
Ông Nguyễn Thanh Tâm, phó Phòng tài nguyên - môi trường thị xã Ayun Pa (Gia Lai), cho biết đã nắm được tình hình khai thác vàng trái phép ở trên núi xã Ia Rbol.
Theo ông Tâm, vị trí hoạt động của các mỏ vàng nằm ở tiểu khu 1288 thuộc lâm phần của xã Ia Rbol. Huyện đã huy động công an, dân quân... đi rừng nhiều ngày để tổ chức truy quét, đốt phá các lán trại ngăn các đối tượng tái  hoạt động.
Trong khi đó, thượng tá Vũ Gia Long - phó trưởng Công an thị xã Ayun Pa - cho hay do địa bàn nằm tách biệt trong rừng sâu nên mỗi lần truy quét, lực lượng chức năng phải đi mất 2-3 ngày.
“Mỗi lần truy quét các đối tượng khai thác vàng đều bỏ trốn, để lại lán trại nên chúng tôi không thể xác định được danh tính cụ thể. Hiện công an đang đề xuất với đơn vị quân đội dùng thuốc nổ để đánh sập hoàn toàn các hầm vàng” - ông Long nói.
Đại diện UBND huyện Ia Pa cũng cho biết sẽ nắm lại tình hình hoạt động của các mỏ vàng để có biện pháp truy quét. (Tuổi Trẻ 20/5) đầu trang(
Sáng 19/5, UBND tỉnh và Công an tỉnh Nghệ An tổ chức trao thưởng cho Ban chuyên án 415S của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ về thành tích bắt 2 đối tượng trong đường dây vận chuyển 31 sừng tê giác.
Tới dự có đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh và Đại tá Lữ Văn Tường, Phó Giám đốc Công an tỉnh.
Trước đó, vào 23h40 ngày 8/5, tại Ga Sy thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An, Ban chuyên án 415S do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Nghệ An chủ trì đã bắt quả tang hai đối tượng là Đoàn Duy Định (32 tuổi) trú tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa và Lê Thành Trung (32 tuổi) trú tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, đang có hành vi vận chuyển trái phép 31 chiếc sừng tê giác, tổng trọng lượng 37kg.
Định và Trung là mắt xích trong đường dây vận chuyển trái phép sừng động vật hoang dã từ nước ngoài vào Việt Nam. Chuyên án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có thư khen Ban chuyên án vì thành tích xuất sắc trên.(Công An Nhân Dân 19/5) đầu trang(
Khoảng 18 giờ 30 ngày 18/5, trong lúc tuần tra, kiểm soát tại khu vực hồ Định Bình (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), ông Đinh Giang Bình - cán bộ kiểm lâm (KL) phụ trách địa bàn xã Vĩnh Kim đã phát hiện lâm tặc.
Đó là Phan Văn Mị (SN 1991) và Nguyễn Kim Điền (SN 1990) đều trú ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh). Hai người này đang chất gỗ lên 2 xe mô tô để vận chuyển về xuôi tiêu thụ.
Thấy vậy, ông Bình gọi điện về Trạm Quản lý bảo vệ rừng K11 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh nhờ kiểm lâm (KL) viên Phan Công Nhân tới hỗ trợ để kiểm tra, xử lý. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, 2 cán bộ KL bất ngờ bị đối tượng Nguyễn Kim Điền tấn công rồi tẩu tán số gỗ chuẩn bị vận chuyển.
Trước sự liều lĩnh của các đối tượng, ông Bình tiếp tục gọi điện về cho Hạt KL huyện Vĩnh Thạnh nhờ lãnh đạo Hạt cử lực lượng đến hỗ trợ. Nhận được tin báo, Hạt KL huyện tăng cường thêm 2 KL là ông Nguyễn Sơn Tùng - Hạt phó Hạt KL và Thái Thanh Tường - KL viên lên hỗ trợ; thực hiện việc tìm kiếm số gỗ mà 2 đối tượng Điền và Mị đang cất giấu.
Trong lúc đang kiểm tra thì bất ngờ đối tượng Phan Văn Mị điều khiển xe mô tô rồi dùng hung khí đập xe và tấn công Tổ công tác. Hậu quả, ông Đinh Giang Bình bị các đối tượng lâm tặc đánh gây xây xát vùng lưng, xe máy của Tổ công tác bị hư hỏng.
Đáng nói, Nguyễn Kim Điền và Phan Văn Mị là 2 trong số 5 đối tượng đã tham gia vụ tấn công Tổ công tác của Hạt KL huyện Vĩnh Thạnh khi đang ngăn chặn và xử lý vụ vận chuyển gỗ trái phép tại khu vực Nhà máy Thủy điện Trà Xom (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh) vào ngày 9/4/2015. Vụ việc này đang được Công an huyện Vĩnh Thạnh điều tra để củng cố hồ sơ xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ. (Pháp Luật VN + Dân Việt + Pháp Luật TPHCM 20/5) đầu trang(
Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành-Bến Cầu (Tây Ninh) vừa có Công văn đề nghị Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành chuyển sang công an điều tra 8 đối tượng cư ngụ tại xã Ninh Điền về hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra tại tiểu khu 72 thuộc khu rừng sản xuất huyện Châu Thành.
Cơ quan chức năng cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành thu hồi toàn bộ 14.404 m2 (tương đương 1,404 ha) đất bị phá, lấn chiếm để trồng lại rừng theo quy định; đồng thời giải thể đội bảo vệ rừng (16 người) không chuyên trách làm việc không hiệu quả; thành lập đội bảo vệ rừng chuyên trách để kịp thời đối phó với nạn phá rừng mở rộng đất sản xuất, đang diễn biến phức tạp tại đây.
Theo Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành-Bến Cầu, qua đợt kiểm tra gần đây tại tiểu khu 72 thuộc khu rừng sản xuất tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, cơ quan chức năng đã phát hiện 8 hộ dân đều cư ngụ tại xã Ninh Điền, có đất sản xuất liền kề với khu rừng, đã lén lút chặt phá cây rừng để lấn chiếm, mở rộng sản xuất với tổng cộng diện tích rừng bị tác động (chặt, phá, lấn chiếm) là trên 1,4 ha.
Hai trường hợp đáng chú ý là ông Dương Văn Quốc (cư ngụ tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền) lấn chiếm gần 0,5 ha đất rừng, Hồ Văn Em (ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền) lấn chiếm 1.750m2 đất rừng nhiều năm để mở rộng sản xuất mà đội bảo vệ rừng tại đây không hề hay biết.
Khi sự việc được phát hiện, ngành chức năng có mời đến làm việc, nhưng các đối tượng đến hoặc đến mà không thừa nhận hành vi phá rừng, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm. (Vietnam+ 19/5) đầu trang(
Gần 5 thế kỉ tồn tại, rừng trâm bầu đã ngăn cát bay, cát nhảy, là “lá phổi xanh” điều hòa không khí, duy trì nguồn nước mát lành cho mảnh làng nhỏ bên bờ biển lớn.
Hình ảnh đầu tiên khi về làng Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) là một dải trâm bầu xanh tươi ôm trọn dải cát dài từ đầu thôn đến cuối làng.
Người làng không biết trâm bầu có từ bao giờ, chỉ biết từ khi ông tổ Dương Phúc Thái cùng 11 vị khai canh khác lấy mạch nước từ rừng trâm bầu cổ làm nguồn sinh sống, xây dựng các lân nóc (xóm) để lập nghiệp thì trâm bầu đã có từ tước đó.
Khu rừng trâm bầu của làng dài khoảng 4km, chiếm hơn 100 ha kéo theo chiều dài của làng, lan sang làng Xuân Kiều bên cạnh, những cây trâm bầu mọc dày trên cát, gốc cây to khỏe, chắc mập găm sâu xuống cát, bảo vệ cuộc sống của dân làng.
Có rất nhiều mảnh làng ven biển khác ở Quảng Bình bị biến dạng vì nạn cát bay, cát nhảy nhưng ở đây tuyệt nhiên không, gần 500 năm làng vẫn vậy, làng chỉ thay da đổi thịt cho ngày một giàu đẹp hơn.
Lịch sử của làng hơn 460 thì trâm bầu có tuổi nhiều hơn thế, trong rừng trâm bầu, còn có những loài cây khác như mà ca, lộc vừng, quần thể sâm Mã Lai có tác dụng chữa bệnh, rồi những loại chim muông như chào mào, vành khuyên, cu gáy..., nhông cát và nhiều loài bò sát cũng kéo nhau về đây “sum họp”.
Tạo thành một quần thể độc nhất vô nhị về tính thuần chủng trên cát ven biển, cần bảo tồn nguyên trạng như các chuyên gia của tổ chức bảo tồn động vật và thực vật quốc gia đã nói.
Những năm kháng chiến, rừng trở thành lá chắn để du kích ẩn náu, là những ụ pháo ngụy trang dưới tán trâm bầu phun lửa đối đầu với tàu chiến của kẻ thù.
Thời bình, rừng giúp người dân địa phương giữ được mạch nguồn, cung cấp nước cho đất sản xuất cũng như sinh hoạt, tưới tiêu, nuôi sống hơn 2000 nhân khẩu của làng.
Chỉ cần đào xuống vào tấc vục tay xuống là lớp cát đã ướt nước, mát rượi. Cũng vì thế mà đất trồng cây lương thực của làng nằm sát cạnh đồi chưa bao giờ phải bỏ hoang, người làng Thanh Bình chưa mấy khi đói vì hạn hán.
Thế mới thấy được rừng trâm bầu đã làm phên giậu cho đất và người làng này tốt đến thế nào suốt hàng trăm năm qua trên vùng cát biển nắng chang chang và luôn nổi tiếng khô cằn này.
Biết làng mình không thể vững vàng trước cát trắng, đã 56 năm nay người làng vẫn tự nguyện góp lúa để trả công cho đội bảo vệ rừng.
Đội gồm 11 người, được thành lập từ năm 1959. Trải qua nhiều biến đổi, hiện nay số người giữ rừng chỉ còn 10.
Trước đây, đội giữ rừng được dân làng trả công bằng cách góp lúa, hiện nay họ quy lúa ra tiền, mỗi tháng đóng góp một khoản nhỏ để duy trì hoạt động của đội.
Ông Dương Minh Huy, đội trưởng đội giữ rừng cho biết, ông đã gắn bó với rừng trâm bầu từ ngày xuất ngũ, ngày nào không lên với rừng là nhớ không chịu nổi. “Chắc tôi phải trèo động cát lên với rừng đến lúc mỏi gối mới thôi”.
Làng có 516 hộ thì có chừng đó cái giếng khoan, đó là chưa kể đến giếng đào trước đó mà nhiều hộ vẫn giữ lại để dùng. Dòng nức mạch từ rừng trâm bầu trong sạch và mát lành cũng chính là lí do người dân ở đây không dùng đến nước được cung cấp từ dự án như những làng bạn kế bên.
Trước đây, khi chưa dùng bếp ga, dân làng vẫn vào rừng quét lá trâm bầu về nấu bếp. Lá còn được dùng ủ phân bón lúa. Cho đến bây giờ, quy định của làng vẫn là khi vào rừng trâm bầu không được mang theo dao rựa, ai bị phát hiện bẻ cành sẽ bị phạt 50.000 đồng, ai chặt cây sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
“Nếu phát hiện vi phạm, không chỉ người đó bị phạt tiền mà còn bị thôn đọc tên trên hệ thống loa phát thanh, và chỉ một lần vi phạm là cuối năm gia đình đó không còn được bầu là gia đình văn hóa.
Năm 2011, thôn Thanh Bình và mười một thành viên của đội giữ rừng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì những gì đã đóng góp cho việc giữ gìn, bảo vệ rừng phòng hộ”, ông Đậu Thanh Minh, trưởng thôn Thanh Bình chia sẻ. (Vietnamnet 16/5) đầu trang(
Tây Nguyên hiện đang bước vào giai đoạn cuối của mùa khô. Đây cũng là thời điểm mà thời tiết diễn biến khá phức tạp. Do vậy, mới đây Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã trích kinh phí 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn.
Thời gian qua, tình hình nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã khiến cho hàng ngàn hécta rừng đứng trước nguy cơ cháy ở cấp độ 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Tại tỉnh Gia Lai, các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao là thành phố Pleiku và các huyện Ia Grai, Chư Păh, Đăk Đoa, Kông Chro…
Trong số kinh phí 2,5 tỷ đồng, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai đã dành 1,5 tỷ đồng hỗ trợ cho các chủ rừng, còn lại hỗ trợ cho hạt kiểm lâm các huyện để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc sinh sống ven rừng tham gia bảo vệ rừng, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng tại các địa phương. (ANTV 17/5) đầu trang(
UBND huyện Sông Hinh vừa triển khai các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2015.
Theo đó, để công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, PCCCR, tổ chức truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng đạt hiệu quả, UBND huyện yêu cầu cần có sự chỉ đạo, điều hành thống nhất, đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành các cấp và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện. Huyện cũng huy động lực lượng tổng hợp trong công tác PCCCR, nhất là rừng trồng ngay từ đầu mùa khô nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thiệt hại do cháy rừng gây ra. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, các điểm nóng về phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ, lâm sản trái phép.
Địa phương kiên quyết xử lý, đề nghị xử lý các chủ rừng thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật mà không báo cáo và chủ động kiểm tra, ngăn chặn kịp thời. Tiếp tục xây dựng mạng lưới thông tin tố giác tội phạm, tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở chế biến lâm sản, mộc dân dụng trái phép…(Báo Phú Yên 20/5) đầu trang(
Hạt Kiểm lâm vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương có tới 13 trạm kiểm lâm, nhưng vẫn liên tục bị lâm tặc "xẻ thịt".
Hạt Kiểm lâm vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và bảo vệ rừng ở đây có tới 90 cán bộ chia làm 13 trạm kiểm lâm và hai đội cơ động tuần tra được trang bị bán vũ trang. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, VQG Cúc Phương vẫn liên tục bị lâm tặc “xẻ thịt”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Đức Biên, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương cho biết, diện tích của VQG Cúc Phương là 22.408ha, được chia làm 21 tiểu khu với 16 tuyến giám sát.
“Mỗi tháng lực lượng kiểm lâm các trạm đều phải đi tuần tra trong rừng ít nhất 15 ngày. Tình hình phức tạp, mật độ tuần tra còn dày đặc hơn”, ông Biên nói. Tuy nhiên, ông Biên lại cho rằng, việc ngăn chặn lâm tặc vào rừng chặt phá gặp rất nhiều khó khăn. “Các đối tượng phá rừng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Chúng còn cho người giám sát lực lượng kiểm lâm rồi báo tin cho nhau. Hiện nay, các đối tượng đi chặt gỗ đều dùng cưa máy nên thời gian chặt xẻ cây rất nhanh. Khi phát hiện ra các đối tượng, việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng các đối tượng vào rừng chặt phá là khó tránh khỏi nhưng mức độ thấp thôi (?!)”, ông Biên cho hay.
Cũng theo ông Biên, hiện nay tình trạng chặt phá rừng tại khu vực VQG thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa mà cụ thể là hai xã Thành Yên và Thạch Lâm (huyện Thạch Thành) phức tạp hơn cả. “Trong những lần đi tuần tra, nếu phát hiện có cây bị chặt (mà lâm tặc chưa mang đi hết- PV) thì bao giờ chúng tôi cũng lập kế hoạch mai phục. Nếu các đối tượng quay lại xẻ gỗ tiếp sẽ bắt giữ ngay lập tức. Nhưng thường thì lâm tặc không bao giờ quay lại”, ông Biên nói.
Khi PV cho biết ghi nhận được nhiều trường hợp lâm tặc vẫn quay lại chỗ cây đã chặt để xẻ gỗ mang đi (thể hiện qua việc cây bị chặt đã lâu nhưng vết xẻ vẫn còn rất mới), ông Biên lý giải rằng, lực lượng kiểm lâm phải tỏa đi kiểm tra tại nhiều khu vực “Nếu mình cứ tập trung mai phục ở một chỗ sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng đi chặt phá ở chỗ khác”.
Lý giải cho tình trạng chặt phá rừng ở khu vực xã Thạch Lâm và Thành Yên lại phức tạp hơn những nơi khác, ông Biên cho hay: “Hiện nay ở khu vực đó đang có chương trình xóa nhà tạm nên các đối tượng lợi dụng việc này để vào rừng lấy gỗ. Nhà nào trong diện được hưởng chính sách này sẽ được cấp một số tiền. Nếu đối tượng này vào rừng lấy được gỗ ra làm nhà thì sẽ được hưởng số tiền đó”. Trước lý do kì quặc và khó hiểu trên, chúng tôi hỏi lại: “Kể cả được hưởng chính sách thì cũng phải có giấy chứng nhận cho phép vào rừng chặt gỗ mới cho chặt chứ?” thì ông Biên phân bua: “Vẫn biết là như thế nhưng các đối tượng vẫn lấy cớ này để vào rừng chặt gỗ”.
Chưa thỏa mãn với cách lý giải của ông Biên, chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông Trịnh Ngọc Đạt, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Khi được hỏi tại sao đại diện Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương lại nói rằng, tình trạng phá rừng trong VQG Cúc Phương ở khu vực thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa lại phức tạp hơn nơi khác, ông Đạt thẳng thắn: “Phức tạp là vì ở đây tài nguyên rừng còn nhiều”.
Theo ông Đạt, diện tích VQG Cúc Phương nằm trên địa phận hành chính của bốn xã thuộc huyện Thạch Thành tuy chỉ có gần 6.000 ha nhưng tài nguyên rừng thuộc diện “giàu có” nhất. “Còn bên phía Hòa Bình và Ninh Bình, các anh đi là thấy nó “trắng” hết rồi, không còn cây. Người ta chỉ đi vào chỗ có cây để chặt chứ ai đi vào chỗ không có cây. Bên Hòa Bình và Ninh Bình cây hết rồi, chỉ còn dây leo, họ vào làm gì”, ông Đạt nói.
Khi PV đề cập đến tình trạng nhiều cây gỗ quý nằm trong thung Sưa và thung Eo Cây Nhai thuộc VQG Cúc Phương bị chặt phá nghiêm trọng, ông Đạt cho rằng, mặc dù nơi đó thuộc địa giới hành chính của huyện Thạch Thành nhưng lại nằm trong diện tích của VQG Cúc Phương nên trách nhiệm quản lý, bảo vệ thuộc về chủ rừng (là Ban Quản lý VQG Cúc Phương) và lực lượng kiểm lâm VQG: “Nếu lâm sản đem ra ngoài thì chúng tôi sẽ bắt ngay nhưng khi ở trong thì trách nhiệm là của chủ vườn. Khi VQG đề nghị phối hợp, chúng tôi đều sẵn sàng”.
Ông Đạt cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành chỉ có 12 người phụ trách hai huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc với 40 xã có rừng. Trong VQG, đơn vị này chỉ có một trạm kiểm lâm với ba cán bộ để phối hợp với lực lượng kiểm lâm VQG. Tuy nhiên, ông Đạt khẳng định, rừng thuộc trách nhiệm quản lý của Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành hầu như ít bị chặt trộm và những vụ phá rừng chủ yếu diễn ra trong VQG Cúc Phương. Thậm chí lâm tặc còn xông vào cả trụ sở trạm kiểm lâm của VQG Cúc Phương để chặt trộm cây.
“Trong trạm 12 (thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương, đóng tại xã Thành Yên, huyện Thạch Thành - PV) có trồng một cây sưa nhưng cũng bị lâm tặc vào cắt trộm”, ông Đạt kể.
Về đường dây tiêu thụ lâm sản chặt trộm từ VQG Cúc Phương, ông Đạt cho rằng gỗ chủ yếu bán đi địa phương khác. Dù biết rõ điều này nhưng để ngăn chặn và bắt giữ những đối tượng mua bán gỗ vẫn gặp rất nhiều khó khăn: “Các đối tượng thường trà trộn gỗ vào các xe mía để vận chuyển nên rất khó phát hiện. Chúng tôi cũng vài lần bắt được các đối tượng vận chuyển gỗ đi bán nhưng số lượng không đáng kể”. (Giao Thông 19/5) đầu trang(
Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết: Cơ quan này đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Dương Trùng Long (SN1974), trú tại thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức về hành vi phá rừng làm nương rẩy.
Hồ sơ của vụ án cho thấy, ngày 16/8/2009 Long cùng anh trai mua 1 đám rẩy của một người dân trên địa bàn với số tiền là 340 triệu đồng, diện tích 3ha đất trồng cà phê đang cho thu hoạch tại khoảnh 3, tiểu khu 1489 thuộc xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức do Nông trường cao su Tuy Đức quản lý. Sau khi mua bán xong Long và anh trai chia đôi diện tích, mỗi người 1,5ha đề canh tác.
Đến cuối năm 2011, khi mở rộng diện tích canh tác, Long cùng vợ đã chặt hạ và đốt dọn  hơn 0,5ha rừng liền kề. Đây là rừng sản xuất mức độ thiệt hại là 100%, giá trị thiệt hại về lâm sản và môi trường là gần 104 triệu đồng. (Tầm Nhìn 19/5) đầu trang(
Với các cung đường mòn như “thiên la địa võng”, các đối tượng đưa gỗ vào Việt Nam, sau đó tìm cách đưa đi tiêu thụ hoặc xuất đi Trung Quốc.
Trong vai cần tìm hàng gỗ trắc, loại “khủng”, PV liên hệ với một đầu nậu có tiếng, Quốc “Gia Lai” (có số điện thọai 09625872xx) cho biết: “Hiện nay chỉ có hàng đường kính mặt khoảng 17 – 25cm, chứ hàng từ 50cm – 1m kiếm không ra, với lại giá rất cao”. Khi PV hỏi, hàng 17 – 25cm thì có số lượng nhiều không, Quốc nói: “bao nhiêu cũng có. Hàng hộp, dài khoảng 1,8 – 2,5m”. PV nói, “cần khoảng 30 khối”, Quốc nói, “sẽ hỏi lại ông anh giá bao nhiêu rồi báo lại”.
Sau một lúc, Quốc liên lạc lại và cho biết: “Hiện đang có hàng khủng, vuông 80cm, dài 3m, giá là 17 tỉ đồng/tấm. Còn hàng vuông 17cm dài 2,5m thì có giá 23,5 ngàn USD/khối”.
Khi PV hỏi xem hàng ở đâu, thì Quốc cho biết, “hàng đang ở Việt Nam”. PV giả chưa tin đó là của Campuchia nên nói: “Bây giờ khách muốn sang Campuchia xem hàng thì họ mới tin”.
Ngay khi nói vậy, Quốc hỏi lại với vẻ “sành” và “chuyên nghiệp” hỏi lại chúng tôi: “Khách Trung Quốc à?”. PV giả bộ trả lời: “Đúng rồi, bây giờ họ cần nhiều hàng “khủng” lắm, yêu cầu đưa về Sài Gòn, sau đó tái xuất đi Trung Quốc. Bên anh đưa ra giá đó là bao đưa về Sài Gòn luôn nhé, còn từ Sài Gòn đi Trung Quốc thì để họ lo”. Quốc nói, “Ok, để bên em thống nhất về giá và thu xếp, đưa khách sang Cam xem hàng”.
Còn khi PV liên lạc với Minh (số điện thoại 09840878xx), một đầu nậu gỗ ở Tây Nguyên, được biết, “hiện nay đang ngưng bán hàng để về Bắc giải quyết việc riêng. Khi nào thuận lợi sẽ liên lạc với anh”.
Tuy nhiên, khi hỏi về quy cách gỗ trắc, cần loại hàng khủng, vuông từ 50cm đến 80cm, Minh cho biết: “Hiện trên thị trường không có hàng này đâu, nếu có cũng chỉ có là hàng ghép hoặc là gốc cây. Còn lại phổ biến là từ mười mấy đến hai mấy cm thôi”.
Về giá cả, Minh cho biết: “Tùy theo tuần, chứ không biết trước được là bao nhiêu. Đồng thời, giá từ bọn em sẽ khác, sau khi phát ra thì phía ngoài lại đẩy lên nữa”.
Khi phóng viên yêu cầu, hàng cần đưa về Sài Gòn để đưa sang Trung Quốc, Minh cho biết: “Làm vậy sẽ nguy hiểm và tốn nhiều chi phí. Bên em chỉ giao hàng theo hai cách, một là tại biên giới, hai là tại Hồng Kong, chứ không giao về Việt Nam đâu”. Khi PV nói: “hàng cần giao về cảng Cát Lái (TP.HCM)”, Minh nói: “Về đó lại càng tốn nhiều chi phí để lấy hàng ra”.
Theo tin tức của PV, thì một đầu nậu có tiếng khác có thể lo hàng được đó chính Cường. Liên lạc tìm gỗ trắc Campuchia, Cường (có số điện thoại 09666188xx) cho biết, hàng vuông từ 20 – 25cm, dài từ 1,8m trở lên thì số lượng bao nhiêu cũng có. Loại hàng này thì có giá 35 USD/kg. PV hỏi, “mua chục khối thì khoảng bao nhiêu?”. Cường cho biết, “chục khối thì khoảng 11 tấn, cứ nhân giá 35 USD/kg lên thì thành giá thôi”. PV hỏi, xem hàng ở Việt Nam hay Campuchia, Cường trả lời cộc lốc: “Xem tại Campuchia”.
PV nói tiếp, “bây giờ Việt Nam không cho nhập loại gỗ này, vậy giá đó là anh phải bao đưa về Việt Nam nhé?”. Cường cho biết, “không được, giá đó tôi chỉ làm thủ tục và mang đến cửa khẩu nào đó theo yêu cầu cho anh thôi, chứ không đưa về Việt Nam được. Nếu muốn đưa về Việt Nam, thì phải tính giá thêm. Giá 35 USD là chỉ nhận đưa về cột mốc số 0 thôi, đồng thời cũng chưa giấy tờ gì cả”.
PV hỏi tiếp “nếu đưa về Việt Nam thì giá sẽ là bao nhiêu?”. “Thêm 2.700 USD là tiền giấy tờ và tiền qua cửa khẩu. Đó là chưa kể tiền vận chuyển từ cửa khẩu về điểm anh cần đặt hàng” (?!) Cường nói. PV hỏi tiếp, “đang cần 10 khối thì lúc nào có thể đi xem hàng được?”. Cường cho biết, “bất cứ lúc nào cũng có thể đi được”. Khi hỏi lúc nào có thể gặp mặt để rõ hơn, Cường cho biết, “nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác. Tuy nhiên, muốn gặp thì cứ lên khu vực cửa khẩu Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh). Trước khi lên thì gọi cho tôi”.
Từ các giao dịch nói trên, nhiều phi vụ buôn lậu gỗ trắc nói riêng và các loại gỗ quý hiếm khác đã diễn ra trót lọt. Trong số đó cũng có những phi vụ bị bắt, giữ. Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều băng nhóm buôn bán, vận chuyển gỗ trắc lậu. Không chỉ là các cá nhân đơn lẻ, mà còn đó là những doanh nghiệp nhúng tay vào vì lợi nhuận. Cuối năm 2013, công ty TNHH TM-DV-SX B.N Bình Phước (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) có giấy phép xin tạm nhập và tái xuất lô gỗ trị giá 11 tỉ đồng.
Theo giấy phép, công ty này xin nhập với số lượng gỗ là 264 ngàn m3 loại gỗ thuộc nhóm I đã qua xử lý, có nguồn gốc từ Lào, quá cảnh qua Campuchia, sau đó về Việt Nam sẽ xuất đi Trung Quốc. Tuy nhiên, khi qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), thì bị phát hiện đơn hàng nhập nhiều hơn thực tế là gần 60 ngàn m3 loại gỗ không đúng danh mục khai báo. Đồng thời, phía công ty B.N Bình Phước cũng không xuất được giấy phép quá cảnh Campuchia, và không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh được số gỗ nói trên.
Nghiêm trọng hơn, theo giám định của viện Khoa học Hình sự, bộ Công an, thì chữ ký và con dấu của đối tác làm ăn với công ty B.N Bình Phước tại Lào đóng trên hồ sơ và lý lịch gỗ hoàn toàn là giả mạo. Sau khi bị phát hiện và bắt giữ, Cục trưởng cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng (thuộc Tổng cục Hải Quan) đã ra quyết định khởi tố vụ án vào giữa năm 2014. Liên quan đến vụ việc này, Tổng cục Hải Quan cũng ban hành quyết định xử lý ba cán bộ làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư để làm rõ.
Đáng nói, doanh nghiệp này là một trong những đơn vị xuất khẩu gỗ lớn nhất Bình Phước nhưng giám đốc là một người không biết gì đến hoạt độngkinh doanh gỗ và chỉ được thuê ký vào các hồ sơ chứng từ, còn ông chủ thực sự vẫn chưa lộ diện. Đây là quyết định khởi tố vụ án đầu tiên về gỗ của cục Điều tra chống buôn lậu tính tới thời điểm phát hiện, bắt giữ vụ việc này.
Cũng bằng chiêu thức tương tự, Công ty TNHH MTV H.P.L có giấy phép xin tạm nhập khẩu một lô gỗ từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc (thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát – Cục Hải Quan Tây Ninh). Thực tế khi kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Chàng Riệc đã phát hiện, công ty này tạm nhập số gỗ nhiều hơn thực tế. Cụ thể, Công ty H.P.L còn “bỏ thêm” vào lô hàng gần 7m3 gỗ trắc và gần 1m3 gỗ hương trị giá trên 300 triệu đồng.
Theo ghi nhận của PV, tuy không nóng bằng các cửa khẩu ở phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên nhưng, các cửa khẩu tại các tỉnh phía Nam cũng đã và đang là con đường nhiều đối tượng buôn lậu gỗ nói chung và gỗ trắc nói riêng, làm con đường nhập hàng về Việt Nam. Đa phần, gỗ được đưa về Việt Nam sau đó hóa phép thành gỗ nội địa, rồi xuất đi Trung Quốc, “thủ phủ” hay là nói đúng hơn là “bãi đáp” của gỗ quý hiếm hiện nay.
Ông Trần Văn Thổ, Chi Cục trưởng chi cục Hải Quan Hưng Điền (tỉnh Long An) cho rằng, ngoài việc phối hợp với các lực lượng chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ qua biên giới, thì còn tuyên truyền, nhắc nhở, lưu ý các doanh nghiệp, phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật, đồng thời nhập đúng hàng, đúng giấy phép được cấp. (Người Đưa Tin 16/5) đầu trang(
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, ngoài việc tập trung triển khai phương án phòng, chống cháy rừng, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn nạn chặt phá rừng trái phép.
Qua đó phát hiện 181 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; đã xử lý 136 vụ, tịch thu 270,47m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 1,1 tỷ đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán lâm sản tịch thu.
Do nắng nóng kéo dài nên toàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy rừng trồng. Hiện nay, huyện Cam Lâm là địa phương có cấp dự báo cháy rừng ở cấp V - cực kỳ nguy hiểm; các địa phương: TP. Cam Ranh và TP. Nha Trang được dự báo ở cấp IV - nguy hiểm. Vì vậy, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống cháy rừng. (Báo Khánh Hòa 18/5) đầu trang(
Thời gian gần đây tại một số huyện của tỉnh Kon Tum, thương lái người Trung Quốc lại tìm đến thu mua hạt ươi.
Việc này khiến nhiều người dân tại các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy đổ xô vào vùng rừng giáp ranh với Campuchia tại huyện Sa Thầy, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hái ươi về bán.
Ngày 17-5, đại lý thu mua nông sản N.L trên địa bàn huyện Ngọc Hồi vẫn còn khoảng hơn 5 tạ hạt ươi khô chờ bán. Ông L. chủ cơ sở này cho biết không chỉ có thương lái ở TP Kon Tum, TP HCM, Hà Nội đến hỏi mua hạt ươi mà còn có cả thương lái người Trung Quốc. “Mấy hôm trước có cả người Trung Quốc đi ô tô vào tận đây đặt hàng. Nhưng số lượng lớn quá mà gần cuối vụ rồi nên tôi không đồng ý” - ông L. nói.
Bà H., một đại lý thu gom lớn tại huyện Ngọc Hồi, cho biết lúc cao điểm mỗi ngày bà thu mua được từ 2,5-3 tấn ươi và bán sang Trung Quốc. “Tôi chỉ nghe nói hạt ươi có tác dụng mát gan, thanh lọc cơ thể, chữa vôi cột sống. Còn bên Trung Quốc họ mua làm gì thì tôi cũng chịu” - bà H nói.
Theo người dân ở đây, những năm trước cũng có hạt ươi nhưng rất ít. Năm nay là năm nhuận nên ươi mới vào chính vụ. “Cứ 4 năm mới có một lần, nhưng giờ rừng hết rồi nên chúng tôi phải đi rất xa mới hái được quả ươi” - anh H.T.K (xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) cho biết.
Nhóm 6 người của ông T.V.N (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) sau gần một tuần lặn lội vào khu vực rừng giáp ranh Campuchia, đã nhặt được hơn 200kg hạt ươi mang về bán với giá 190.000/kg. Ông N. cho biết đây là lần thứ năm ông đi tìm ươi trong năm nay. “Bốn chuyến trước chúng tôi đi rồi về chia nhau, mỗi người cũng được hơn 20 triệu đồng” - ông N. nói. Những cây ươi bay (quả già tự rụng) sẽ bán được giá cao hơn loại ươi phải chặt hạ cây để hái.
Người dân ở xã Sa Loong chủ yếu làm nông nghiệp nhưng đi lấy ươi một mùa bằng cả năm thu nhập từ nương rẫy nên có rất nhiều người cùng đổ xô vào rừng chặt ươi lấy hạt. “Những ngày đầu mùa người ta đi vào rừng này kiếm ươi như đi trẩy hội vậy nhưng càng cuối vụ số người vào rừng hái ươi càng ít. Nguyên nhân là do phải đi xa mới tìm được và nếu không may gặp trận mưa thì hạt ươi sẽ nở không còn giá trị” - ông N. cho biết.
Theo một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy, thực tế tình trạng khai thác ươi không nhiều. “Người dân vào rừng chỉ nhặt hạt ươi bay chứ không chặt hạ cây. Nhưng hiện tại đã có mưa nên không ai vào rừng lấy ươi nữa” - vị này cho biết.
Còn ông Nguyễn Thanh Bình, Phó phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết hạt ươi là lâm sản phụ nên người dân có thể vào rừng nhặt những hạt rụng nhưng nghiêm cấm việc chặt hạ cây để lấy hạt. Hiện Chi cục chưa nhận được phản ánh nào về việc người dân vào rừng chặt hạ cây ươi. Nếu nhận được thông tin sẽ yêu cầu Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn.
Cũng theo ông Bình, những năm trước đây trên địa bàn cũng xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua các loại cây kim cương, lá sâm. Riêng việc mua hạt ươi thì chưa nhận được thông tin.
Không chỉ hạt ươi, nhiều đại lý tại huyện Ngọc Hồi còn thu mua hạt mây rừng với giá cao đế bán cho thương lái Trung Quốc. Chủ đại lý thu mua hạt mây rừng tại xã Sa Loong cho biết đã thu mua hạt mây rừng từ nhiều tháng nay. Thời điểm cao giá hạt mây lên tới 300.000-400.000 đồng/kg. Hiện nay giá đã giảm còn 200.000 đồng/kg loại hạt già, vỏ đã chuyển sang màu đen.
Riêng loại hạt mây non, trước đây mua với giá chừng 100.000 đồng/kg nhưng hiện nay không mua nữa.
Ông Nguyễn Bá Lâm, Chánh văn phòng Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, cho biết hiện nay đơn vị này chưa nhận được thông tin nào về tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua hạt mây trên địa bàn. (Người Lao Động 19/5) đầu trang(
Thời gian gần đây, vào mỗi chiều tối, trên QL28 từ xã Gia Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đi về hướng huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, xuất hiện nhiều xe máy chở gỗ lậu chạy bạt mạng.
Xe chở gỗ không biển kiểm soát, choán hết gần 1/2 mặt đường vốn nhỏ hẹp, gây nguy hiểm cho người và xe cộ lưu thông. (Thanh Niên 18/5, Tr18) đầu trang(
Đó là 2 cây gạo cổ thụ có tuổi đời gần 400 năm tuổi ở làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống và một cây gạo khác có tuổi đời trên 200 năm tuổi ở làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, (tỉnh Thanh Hóa).
Đối với cây gạo ở làng Cẩm Bào (huyện Nông Cống) sau khi được vinh danh là cây di sản Việt Nam năm 2013, cây gạo có hiện tượng vàng lá, bong vỏ rồi chết dần. Nguyên nhân cây gạo chết có thể do khi đào đất làm tường rào bao quanh đã chặt vào rễ của cây. Cũng có thể do khi chuẩn bị đón bằng công nhận Cây di sản, chính quyền xã này đã bón một lượng phân lân lớn khiến cho cây chết bị chết?
Với trường hợp cây gạo thứ 2 tại làng Hổ Đàm (huyện Thiệu Hoá), sau khi được vinh danh cây di sản vào tháng 4-2012, thì đến đầu năm 2014, cây gạo bắt đầu có biểu hiện héo úa, thân và gốc bong vỏ rồi chết. Nguyên nhân, theo người dân nơi đây cũng có thể là do quá trình đào xung quanh gốc cây để xây tường bao bảo vệ đã gây ảnh hưởng đến hệ rễ khiến cây bị chết. (Đại Đoàn Kết 19/5) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Cha ông ta từng ví “rừng vàng, biển bạc”, ấy vậy mà sao nhiều lâm trường, Cty lâm nghiệp lại trong tình trạng thê thảm, nợ nần ngập đầu?
Bởi vì các lãnh đạo nơi đó đã tìm mọi cách để lấy của rừng mà không đầu tư cho rừng. Trên vùng rừng Yên Bái có một đội SX mà công nhân trồng rừng giàu ngang ngửa các gia đình kinh doanh ở phố, họ xây những ngôi nhà hai, ba tầng cho con cái ở, gọi là “phố những người trồng rừng”. Chuyện “con ở phố, bố ở rừng” là điều có thật ở Cty Lâm nghiệp Việt Hưng...
Hơn 20 năm tôi làm bạn với ông Đỗ Thập, GĐ DN trồng rừng 327, DN của ông có 3.500 ha rừng trồng, nếu tính cả diện tích con cái ông đứng tên nhận đất trồng rừng ở các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang... thì tổng diện tích rừng của gia đình ông lên tới 6.000 ha. Từ một người trồng rừng, ông bước tới hội nghị APEC tổ chức ở nhiều quốc gia, đàm luận với nhiều DN lừng danh trên thế giới.
Ông luôn tự hào: Tôi là DN trồng rừng 327. Một DN tư nhân trồng rừng lại giàu có và nổi tiếng, trong khi đó các lâm trường, Cty lâm nghiệp quốc doanh có hẳn một bộ máy lại xập xệ, nợ như chúa chổm. Tại sao người trồng rừng lại không thể làm giàu được từ rừng? Đi tìm câu trả lời ấy tôi được ông Mai Văn Hoàng - GĐ Cty Lâm nghiệp Việt Hưng giới thiệu tới đội trồng rừng Khe Bát. Đội Khe Bát nằm sâu trong một hẻm núi bên dòng Ngòi Lâu cách TP Yên Bái chừng 20 km. Đội hiện chỉ có 21 công nhân đang quản lý 486 ha rừng trồng.
Ông Mai Văn Hoàng cho hay: Công nhân của Cty Lâm nghiệp Việt Hưng không còn hộ nghèo, hầu như gia đình nào cũng ở nhà xây. Đội Khe Bát thì gần như đã mua đất và xây nhà ở TP Yên Bái cho con cái ăn học và ở ngoài đó... Tôi theo ông Lê Sĩ Hinh, PGĐ vào đội Khe Bát, trên đường đi tôi tạt vào ngôi nhà xây hai tầng khang trang ẩn dưới tán rừng  nằm ngay ven đường thuộc đội Lương Thịnh. Chủ nhà là ông Hoàng Huy Hải, râu tóc bạc phơ từ trên rừng đi xuống. Ông Hải năm nay 76 tuổi, là một trong những người đầu tiên tới đây xây dựng lâm trường.
Ông kể: Lâm trường Việt Hưng được thành lập năm 1960, sau này mới đổi tên thành Cty lâm nghiệp, tôi là công nhân ngay từ những ngày đầu thành lập, khi đó làm trong đội khai thác Khe Bát, vợ con ở đội này. Cuộc sống của những năm tháng xây dựng lâm trường vô cùng gian khổ, gạo tiêu chuẩn không đủ ăn phải lên rừng kiếm rau măng, kéo được cây gỗ ở trong rừng ra mắt hoa lên vì đói. Ngày ấy khai thác là chủ yếu, cung cấp gỗ cho các công trình xây dựng miền xuôi. Sau này khi có nhà máy giấy Bãi Bằng thì mới bắt tay trồng rừng nguyên liệu.
Nói rồi ông dẫn tôi lên cánh rừng sau nhà. Hơn 50 năm nay ngày nào ông cũng lên rừng, ông không còn đủ sức để cuốc đất, kéo cây như hồi trẻ, nhưng vẫn có thể tỉa cành sâu, uốn lại cây non mới trồng bị bão đổ... Chẳng có việc gì làm ông đi tha thẩn trong rừng, nhìn rừng cây mỗi ngày một khác, rừng đối với ông như máu thịt. Vợ chồng ông sinh được 4 người con thì 3 đứa theo ông làm nghề rừng. Đời ông khai thác rừng là chính, thì nay con cái ông nhận đất trồng rừng. Đời ông khai thác rừng thì nghèo, con cái ông trồng rừng thì giàu, nói rồi ông cười rung chòm râu bạc. Con đầu của ông Hải là Hoàng Huy Hùng, sinh năm 1962, công nhân đội trồng rừng Lương Thịnh. Anh Hùng sau khi tốt nghiệp trung cấp lâm nghiệp Sơn La thì xin vào lâm trường Việt Hưng theo nghề của bố.
Anh cho biết gia đình anh nhận khoán 10 ha rừng, đã trồng được 3 chu kỳ rồi. Do đã học trung cấp lâm nghiệp nên anh Hùng không cần giở sổ cũng nhớ vanh vách số liệu trồng mỗi ha rừng. Mỗi ha trồng 1.600 cây, tiền cây giống 1,6 triệu, tiền công lao động 10 triệu, công khai thác 300.000đ/m3, sinh khối trung bình mỗi ha 70m3, công khai thác hết 21 triệu, công vận chuyển 50.000đ/m3 hết 3,5 triệu. Với giá gỗ trung bình đang bán hiện nay là 1,5 triệu/m3 thì tiền thu trên mỗi ha rừng trồng khoảng hơn 100 triệu, trừ chi phí lợi nhuận còn được 65-70 triệu/ha.
Tuy nhiên nhiều diện tích rừng đạt 120m3, thì lợi nhuận mang lại không dưới 100 triệu/ha. Với 10 ha rừng mà gia đình anh Hùng nhận khoán, mỗi chu kỳ cho thu nhập cầm chắc 600 triệu đồng. Anh Hùng gật đầu bảo: Đội Khe Bát có nhiều hộ cả hai vợ chồng đều là công nhân, có hộ nhận khoán trên dưới 20 ha, nên thu nhập của họ khá cao. Nhờ thế mà nhiều hộ mới có tiền mua đất xây nhà ở TP chứ? Tôi theo anh Hùng lên khu rừng keo gia đình anh nhận khoán, rừng mới trồng được ba năm, nhưng cây nào cũng to bằng bắp chân, tán đã khép.
Anh cho biết: Đây là giống keo Úc mua của Cty, giá mỗi cây là 1.600đ, được Cty hỗ trợ 500đ/cây. Trước đây nhiều hộ tham rẻ mua cây giống bên ngoài, cây mọc loe hoe đến năm thứ tư thì ngọn rù lại không phát triển được. Bây giờ thì gia đình nào cũng mua giống của Cty, trồng giống tốt lại bón phân và tích cực chăm sóc nên rừng ở đây chỉ 5-6 năm là được khai thác. Qua câu chuyện của anh, tôi được biết vợ chồng người em của anh Hùng là Hoàng Thế Anh, công nhân đội Khe Bát, cả hai vợ chồng hiện đang nhận khoán chừng 20 ha rừng. Cách nay 3 năm đã mua đất và xây nhà 3 tầng khang trang ngoài TP Yên Bái cho hai đứa con ăn học.
Số công nhân mua đất xây nhà tại TP Yên Bái tính vội cũng đã hơn 10 người. Tôi muốn vào Khe Bát để gặp những ông chủ rừng có nhà ở phố, Hùng nói ngay: Giờ anh vào đó chẳng gặp được ai đâu, trẻ con thì ra thành phố học rồi, còn người lớn đều lên rừng, họa chăng vào buổi tối mới gặp được họ... Dành buổi sáng chủ nhật tôi tới thăm “khu phố” của những gia đình công nhân trồng rừng đội Khe Bát nằm ở phía tây cửa ngõ TP Yên Bái.
Quá đỗi kinh ngạc và không thể hình dung nổi những gia đình công nhân trồng rừng lại xây được những ngôi nhà khang trang, bề thế đẹp lộng lẫy ở giữa thành phố như vậy. Nhiều gia đình do có tiền chả biết làm gì nên xây nhà đóng cửa, thi thoảng mới ra ngó ngàng, quét dọn cho khỏi mốc. Tôi theo Lê Sĩ Hinh đến thăm mấy gia đình ở “khu phố” của những người trồng rừng, ông Hinh bảo: Tôi vừa qua mấy nhà, nhưng chẳng gặp ai, chỉ bọn trẻ ở nhà thôi.
Nói rồi ông chỉ sang ngôi nhà hai tầng bên kia đường: Bà Lừng xây nhà xong thì đóng cửa để đấy, hai đứa con bé tí chưa ra ở. Thỉnh thoảng bà ấy ra quét dọn, chứ có ở đâu... Chúng tôi qua gia đình anh Trần Văn An, chỉ có 3 bà cháu ở nhà. Bà Trần Thị Huệ năm nay đã 80 tuổi vốn là công nhân lâm trường đội Khe Bát, bà lắc đầu bảo: Ngày xưa làm công nhân đói khổ lắm bác ơi, sắn không có mà ăn. Bây giờ trồng rừng có chút của ăn của để nên các cháu mới xây được ngôi nhà này cho bà cháu tôi ở đấy.
Đứa con lớn của vợ chồng anh An là Trần Quốc Toàn mới tốt nghiệp trường cao đẳng nghề đang thực tập tại ga Yên Bái, đứa thứ hai là Trần Thị Đào học lớp 12. Toàn dẫn tôi xem ngôi nhà của mình, tôi hỏi: Phòng của bố mẹ cháu đâu? Toàn cười bảo: Bố mẹ cháu ở trong rừng mấy khi ra ngoài này, nhà cháu rộng thế, ngủ chỗ nào chả được. (Nông Nghiệp VN 20/5) đầu trang(
Chiều 18/5, phiên bán đấu giá 25m3 gỗ sưa đã được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp Hà Nội. Phiên đấu giá thu về 31,1 tỷ đồng, số tiền này cao hơn 11 tỷ so với giá mà đại diện thôn Phụ Chính, xã Hoà Chính, huyện Chương Mỹ đã thoả thuận với thương lái trước đó.
Số gỗ sưa nói trên được khai thác từ 2 gốc sưa có tuổi đời hơn 100 năm tại thôn Phụ Chính từ năm 2010. Khi đó, các cụ cao niên cùng người dân thôn Phụ Chính đã quyết định khai thác một số gỗ già để bán lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi. Thế nhưng, khi gỗ được chuyển ra khỏi làng thì đã bị Công an huyện Chương Mỹ thu giữ. Tiền và gỗ đều bị phong tỏa. Sau đó, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định giao toàn bộ số gỗ sưa đã thu giữ cho UBND huyện Chương Mỹ bán đấu giá.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, người dân đang bị nhiễu thông tin nên gây ra hiểu lầm, kiện cáo. Thực chất, huyện Chương Mỹ chỉ làm nhiệm vụ bán hộ số gỗ cho người dân. Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được chuyển về cho xã Hoà Chính, để chuyển về cho thôn Phụ Chính để người dân sử dụng. Như vậy, sau 5 năm trời “mất ăn, mất ngủ” vì cây sưa, người dân thôn Phụ Chính đã có thể thở phào. (Tiền Phong 19/5) đầu trang(
Hiện nay, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 40 cơ sở cưa xẻ gỗ (trong đó 20 cơ sở trong quy hoạch; 20 cơ sở ngoài quy hoạch).
Thực hiện quyết định số 188/QĐ-UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt mạng lưới cưa xẻ gỗ tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012-2015 và Công văn số 232/KL-TTPC của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở cưa xẻ, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Minh Hóa đã ban hành Phương án số 95/PA-UBND ngày 10-6-2014 về việc quản lý, giải tỏa cơ sở cưa xẻ, chế biến gỗ trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, trong năm 2014 vừa qua, các cơ quan chức năng liên quan và UBND các xã, thị trấn đã tuyên truyền vận động các chủ cơ sở cưa xẻ ngoài quy hoạch tự giác tháo dỡ; phối hợp với Điện lực Minh Hóa cắt điện 3 pha đối với các cơ sở cưa xẻ ngoài quy hoạch. Đến nay, có 20 máy cưa ngoài quy hoạch đã được tháo dỡ, trong đó có 11 cơ sở đã tháo dỡ công tơ điện 3 pha, 2 cơ sở tháo dỡ máy nổ, 7 máy đã tháo dỡ bánh đà và mô tơ điện.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện cấp phép cho 18 cơ sở cưa xẻ theo quy định. Qua kiểm tra, các cơ sở chủ yếu cưa xẻ gỗ rừng trồng, gỗ vườn phục vụ nhu cầu tu sửa nhà cửa cho nhân dân địa phương. (Báo Quảng Bình 16/5) đầu trang(
UBND tỉnh Bình Định vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy chế biến lâm sản và kinh doanh tổng hợp của Cty TNHH SX thương mại và xây dựng Thiên Phát.
Dự án được thực hiện tại cụm công nghiệp Hoài Tân, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn. Cty Thiên Phát được UBND tỉnh cho thuê đất để đầu tư xây dựng dự án với diện tích 102.500 m2. Mục tiêu của dự án là SX ván ghép thanh, ván phủ veneer, viên nén gỗ, xẻ gỗ CD với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Dự án được thực hiện xây dựng trong 3 năm, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 2015 - 2016) xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động xưởng xẻ gỗ CD, xưởng SX ván ghép thanh, hệ thống lò sấy. Giai đoạn 2 (2016 - 2017) xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động xưởng SX viên nén gỗ. Giai đoạn 3 (2017 - 2018) xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động xưởng SX ván phủ veneer. (Nông Nghiệp VN 20/5) đầu trang(
Sáng 19/5, UBND TPHCM đã phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại khu tưởng niệm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.
Tại buổi lễ, hơn 300 đại biểu cùng người dân huyện đã ôn lại tấm gương đạo đức của Bác Hồ, đặc biệt là lời dạy "trồng cây, gây rừng", chú trọng công tác tạo mảng xanh, bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NN-PTNN khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống này để trở thành đô thị xanh phát triển và hiện đại.
Tại lễ phát động, ông Tất Thành Cang – Phó Chủ tịch UBND TP đã khẳng định mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây 19/5 cũng như việc phát động trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh trên địa bàn TPHCM. (VOH 19/5) đầu trang(
Cơ quan thường trú báo Điện tử Tầm Nhìn khu vực Tây Nguyên vừa nhận được phản ánh của người dân xã Chư Kbô huyện Krông Búk (Đắk Lắk) về việc gia đình một công chức địa chính xã ngang nhiên xây dựng nhà cấp 4 trên đất lâm nghiệp thuộc thôn Kty 5, xã Chư Kbô, huyện Krông Búk, sự việc trên khiến dư luận dậy sóng bức xúc trước hành vi biết luật mà vẫn phạm luật của gia đình vị công chức địa chính này.
Để tìm hiểu rõ thực hư, ngày 19/5/2015, PV báo Tầm Nhìn đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương, qua tìm hiểu thấy rằng sự việc trên là có thật, không những xây dựng nhà trái phép mà hộ gia đình này còn chống đối các quyết định hành chính của địa phương.
Theo đó, ngày 14/4/2015, UBND xã Chư KBô phát hiện thôn Kty 5, hộ gia đình bà Trần Thị Nguyên(có chồng là ông P.B.M, Công chức địa chính xã Cư Né, tiếp giáp với xã Chư KBô, huyện Krông Búk) đang xây dựng công trình nhà cấp 4 mà không có giấy phép xây dựng, phần móng đã xây xong và đang xây phần tường gạch cao 2m.
Ngay sau đó, UBND xã đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số 06/BB- VPHC và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm, trong vòng 24 tiếng kể từ khi lập biên bản phải tháo dỡ công trình vi phạm.
Do không chịu chấp hành biên bản vi phạm hành chính số 06/BB- VPHC, ngày 15/5 UBND xã Chư Kbô đã ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm, yêu cầu trong vòng 3 ngày phải dỡ bỏ công trình vi phạm trả lại hiện trạng đất ban đầu, nếu không sẽ dùng biện pháp cưỡng chế.
Theo ghi nhận của PV, khi bị UBND xã kiểm tra đình chỉ thi công ngôi nhà mới chỉ xây xong phần móng và đang xây dựng phần tường gạch cao 2m, nhưng khi PV đến hiện trường ghi lại hình ảnh thì ngôi nhà gần như đã hoàn thành.
Sáng ngày 19/5/2015, Trao đổi với PV báo Tầm Nhìn, ông Hoàng Văn Kiên – Cán bộ địa chính xã Chư KBô cho biết: Sau khi UBND xã phát hiện việc xây dựng nhà trái phép, chúng tôi đã xuống kiểm tra hiện trường tiến hành lập biên bản đình chỉ xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính về việc xây dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp, yêu cầu trả lại hiện trạng đất ban đầu. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại gia đình này vẫn đang cố tình vi phạm không chịu nộp phạt và chưa tháo dỡ công trình.
“Đây là việc làm trái pháp luật của hộ gia đình này, hiện nay chúng tôi đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện Krông Búk – Đăk Lăk xin ý kiến chỉ đạo xử lý”, ông Kiên cho biết thêm.
Việc gia đình một công chức địa chính xã biết luật mà vẫn cố tình phạm luật, thậm chí còn cả gan chống lại quyết định hành chính của chính quyền địa phương, khiến nhiều người dân hết sức bức xúc.
Dư luận địa phương đặt câu hỏi. Liệu đằng sau sự chống đối này có ai bảo kê cho hành vi xây nhà trái luật trên hay không? Chính quyền địa phương huyện Krông Búk - Đăk Lăk sẽ xử lý ra sao khi dư luận lên tiếng? (Tầm Nhìn 20/5)đầu trang( ./.
Biên tập: Hương Giang