Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 17 tháng 09 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 3442-CV/TU ngày 5/9/2014, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 6634/UBND-VX ban hành ngày 11/9/2014 về việc xử lý vấn đề Báo NNVN nêu trong các bài viết về vụ lợi dụng chính sách trồng rừng phòng hộ để phá rừng ở huyện Anh Sơn.
Như NNVN đã phản ánh, năm 2014, BQL rừng phòng hộ Anh Sơn được UBND tỉnh Nghệ An và Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An giao chỉ tiêu và phê duyệt dự án trồng 75,2 ha rừng phòng hộ. Sau khi nhận chỉ tiêu và lên kế hoạch, cuối tháng 7 vừa rồi BQL rừng phòng hộ Anh Sơn ra Quyết định phân công các Trạm bảo vệ rừng tổ chức phát thực bì để trồng rừng xen dặm.
Trong quá trình đơn vị này phát thực bì thì Phòng Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh Nghệ An) đã phát hiện một khối lượng gỗ trên chính diện tích mà BQL rừng phòng hộ Anh Sơn được giao trồng rừng phòng hộ.
Cụ thể, ngày 2/8/2014, lực lượng cảnh sát môi trường phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện Anh Sơn tổ chức bắt giữ tổng cộng 29,35m3 gỗ tại lô A, khoảnh 13 và lô A, khoảnh 9 thuộc tiểu khu 946, diện tích khoảng 0,5 ha ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn.
Đây là vị trí nằm trong diện tích BQL rừng phòng hộ Anh Sơn ra Quyết định giao cho Trạm bảo vệ rừng Cao Vều tổ chức phát thực bì để trồng rừng phòng hộ trên tổng diện tích khoảng 19,2 ha.
Theo điều tra của NNVN tại thực địa, một diện tích lớn rừng không chỉ bị phát trắng mà thậm chí còn bị đốt cháy nham nhở, nhiều gốc cây nằm chỏng chơ dọc theo cánh rừng hai bên khu vực Khe Dâu và Khe Nứa.
Đặc biệt, nằm cách Trạm BVR Cao Vều không xa, PV NNVN đã phát hiện một số lượng gỗ khá lớn được che giấu trong các bụi rậm, dấu vết còn rất mới, khối lượng gỗ cũng rất giống với số lượng PC49 đã bắt giữ.
Đến ngày 21/8/2014, sau khi Báo NNVN phản ánh, PC49 tiếp tục bắt giữ một khối lượng gỗ nữa trong khu vực quản lý của BQL rừng phòng hộ Anh Sơn. Tiếp đó, Đồn Biên phòng Phúc Sơn phối hợp bắt giữ thêm 10,2m3 gỗ nằm rải rác ở các khu vực lân cận.
Ngay lập tức, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã đình chỉ việc phát thực bì tại Cao Vều. BQL rừng phòng hộ Anh Sơn cũng đã làm báo cáo giải trình vụ việc này.
Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra về vụ việc. Tuy nhiên, điều dư luận hết sức quan tâm là các cơ quan chức năng dường như không thể xác nhận được nguồn gốc của khối lượng gỗ bị bắt giữ. Hầu hết các cơ quan này đều khẳng định số gỗ trên là vô chủ. Đặc biệt là lực lượng kiểm lâm địa bàn.
Theo tìm hiểu của NNVN, ở quanh khu vực này có đầy đủ lực lượng kiểm lâm, biên phòng, chủ rừng đóng quân nhưng không ai biết rõ nguồn gốc số gỗ trên. Chính vì vậy, khái niệm “gỗ vô chủ” mà những lực lượng này đưa ra làm dấy lên nghi ngờ có sự bao che, chạy tội.
Thực sự số lượng gỗ bị bắt giữ và nằm rải rác có nguồn gốc ở đâu? Nếu xác định khối lượng gỗ trên có nguồn gốc từ rừng phòng hộ Anh Sơn thì vụ việc chắc chắn phải khởi tố.
Trong văn bản ngày 11/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường có ý kiến như sau: Giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Anh Sơn kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc, nếu đúng như báo nêu thì kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kết quả để trả lời Báo NNVN trước ngày 30/9. (Nông Nghiệp Việt Nam 17/9) đầu trang(
Đi đến đâu, gặp bất cứ ai từ cán bộ thôn, xã đến người dân các xã vùng ảnh hưởng của núi Lâm Động, đều được nghe những lời oán thán về việc đốt phá rừng phòng hộ, tất thảy họ đều nhắc đến nhân vật có tên Phong “Xoan” với vai trò như chủ rừng và là chủ mưu đốt phá rừng.
Người dân chỉ biết gọi như vậy, bởi chưng tiếng tăm của nhân vật này nổi như cồn vì “thành tích bất hảo” với rừng. Phong “Xoan” còn là người mua thu gom nhiều diện tích rừng của núi Lâm Động nhất trong vùng. Vậy Phong “Xoan” là ai? Hành trình đi tìm ẩn số về nhân vật Phong “Xoan”, chúng tôi thu hoạch được nhiều điều khó tin mà thật.
Ông Nguyễn Bá Trung, Giám đốc Công ty Trúc Vinh cho biết, đó chính là ông Phan Xuân Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lí Rừng phòng hộ (BQLRPH) Tĩnh Gia, con trai bà Phan Thị Xoan, cựu Giám đốc Lâm trường Tĩnh Gia, đơn vị tiền thân của BQLRPH Tĩnh Gia.
Vì vậy, nhân dân trong vùng mới đặt cho biệt danh là Phong “Xoan”. Trước năm 1993, ông Phong làm lái xe chở gỗ cho Trạm Nghiên cứu Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Năm 1994 ông được nhận về làm bảo vệ cho Lâm trường Tĩnh Gia, sau đó được đi học tại chức lớp lâm nghiệp tại Ngã ba Bia, thành phố Thanh Hóa. Năm 1998 đến năm 2011 ông quay về lâm trường, tiếp tục làm bảo vệ. Đùng một cái, năm 2011 người ta thấy ông Phong xuất hiện với chức vụ Phó Giám đốc BQLRPH Tĩnh Gia.
Ông Nguyễn Hữu Thường, Giám đốc BQLRPH Tĩnh Gia, nhân thân cũng không hơn ông Phong là mấy. Theo thông tin thu thập được, trước năm 1994 ông Thường làm bảo vệ Lâm trường Tĩnh Gia, năm 1995 ông Thường được cho đi học kế toán sau đó về làm kế toán tổng hợp. Năm 2007 ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, đến năm 2011 lên làm Giám đốc BQLRPH Tĩnh Gia. Với nhân thân như vậy, việc liên tục thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật của hai ông này, là điều không mấy lạ.
Một người dân (xin được giấu tên) cho biết, người trực tiếp quản đội quân phá rừng của ông Hà “Vôi” xã Nguyên Bình là ông Lê Văn L. Ông Hà “Vôi” và người nhà ông Phan Xuân Phong (Phó Giám đốc BQLRPH Tĩnh Gia) thuê toàn người dân tộc ở các huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh, thường xuyên duy trì khoảng 50 đến 60 người làm lán trại tại rừng để thực hiện các công việc được giao.
Công cắt cây bằng máy được trả 220.000 đồng/người/ngày, phụ nữ và người chặt loại cây nhỏ được trả 130.000 đồng/người/ngày. Ông Lê Văn L quản người và làm đốc công thì ăn cơm với chủ, mỗi ngày công được trả 200.000 đồng.
Tóm lại, họ thuê người dân tộc cưa cắt, chặt hạ và dùng người Kinh để quản người dân tộc. Việc tiếp tế gạo, thực phẩm do người của ông Hà “Xoan” đảm nhiệm. Khai thác đến đâu, họ cho máy đến ủi đường đến đó để ô-tô vào chở gỗ, chở củi đi bán. Gỗ, củi được khiêng vác, xếp hai bên đường. Nghe nói, mỗi đợt khai thác phải hàng trăm đến hàng nghìn khối gỗ, bán ở đâu không rõ.
Có nhiều xe chở, nhưng dân chỉ biết hai lái xe, một người tên Toàn “Hiên” ở thôn 5, xã Phú Lâm; một là con trai ông Thành, bảo vệ Lâm trường Tĩnh Gia đã nghỉ hưu. Nhân chứng bí ẩn phải thừa nhận, nhìn họ chặt rừng mà tiếc, gỗ dẻ san sát, trồng keo đến đời nào cho bằng rừng hiện nay, họ phá rừng chứ không phải trồng rừng. Đại tá CCB Hoàng Bá Viết cho biết, nhân chứng này sẵn sàng cung cấp thông tin, nếu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.
Ngay sau khi Báo Người cao tuổi đăng bài “Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện dự án trồng keo, người ta “khai tử” diện tích lớn rừng phòng hộ tái sinh” của tác giả Việt Hoàn, ngày 4/7/2014 UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 5738/UBND-VX, chỉ đạo kiểm tra, xác minh nội dung bài viết.
Ngày 15/7/2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa có Báo cáo số 1690/SNN&PTNT-LN gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, văn bản này cho thấy, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có biểu hiện quan liêu, báo cáo không trung thực nhằm bao che cho cấp dưới.
Theo đó, Sở này cho rằng BQLRPH Tĩnh Gia và các hộ gia đình được Nhà nước giao đất lâm nghiệp xử lí thực bì đất trống Ib, để trồng rừng theo Dự án JICA2. Đồng thời quy kết: “Tác giả bài viết đưa các thông tin sai sự thật, nhiều thông tin không đúng với chuyên môn lâm nghiệp, thông tin mang tính giật gân”.
Qua đó đề nghị: “UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét xử lí đối với tác giả bài báo theo quy định của pháp luật; đề nghị Báo Người cao tuổi cải chính kịp thời, tránh sự hiểu nhầm cho độc giả”.
Vậy là Sở NN&PTNT Thanh Hóa quên (hoặc cố tình quên) rằng, tại Quyết định số 3222/QĐ-UBND, ngày 7/11/2006 về việc chuyển Lâm trường Tĩnh Gia thành BQLRPH Tĩnh Gia, đơn vị này được giao quản lí 6.300,4ha, trong đó có 5.144,3ha rừng phòng hộ; 1.151,3ha rừng sản xuất và đất khác 4,8ha.
Rõ ràng, diện tích rừng phòng hộ chiếm gần 5 lần trong tổng số rừng do BQLRPH Tĩnh Gia quản lí. Núi Lâm Động có độ cao nhất so với các dãy núi khu vực Tĩnh Gia, đương nhiên phải có diện tích lớn rừng phòng hộ đầu nguồn cần được bảo vệ.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 25 Quy chế quản lí rừng, ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng được xác lập, nhằm tăng cường khả năng điều tiết nguồn nước của các dòng chảy, hồ chứa nước để hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng sông, lòng hồ”; khoản 1, Điều 31 Quy chế này nói rõ: “Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn phải được xây dựng thành khu vực, tập trung liền vùng, từng bước tạo cấu trúc hỗn loài, khác tuổi, nhiều tầng, cây rừng là những hỗn loài cây có bộ rễ sâu, bám chắc”. Khoản 1, Điều 45 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 ghi: “Rừng phòng hộ đầu nguồn phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng nhiều tầng”.
Ông Nguyễn Bá Trung khẳng định: “Tôi làm rừng ở đây nhiều năm, tôi cam đoan với cao điểm 561m, độ dốc 30 – 60 độ, rừng đa dạng loài cây, trong đó rừng dẻ đang phát triển tốt, chắc chắn là rừng phòng hộ đầu nguồn, không thể coi đó là rừng sản xuất được. Vậy mà người ta lại chặt phá đi để trồng keo tai tượng và thông, thì có bảo đảm cấu trúc hỗn loài, khác tuổi, nhiều tầng và có bộ rễ sâu bám chắc như quy định không? Rõ ràng đây là hành động phá hoại rừng phòng hộ, tội ác này không thể dung tha”.
Điều khẳng định của ông Trung phù hợp với thông tin của ông Lê Văn Mơn, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, khi trao đổi với PV.
Theo ông Mơn, tại sao lại nói không phải rừng phòng hộ được? Ông cho biết, Tiểu khu 666 có 2 loại rừng: Phòng hộ và sản xuất. BQLRPH Tĩnh Gia quản lí 549ha ở xã Nguyên Bình, xã Trúc Lâm có 84,5ha và 121ha ở xã Xuân Lâm, riêng xã Phú Lâm có 428ha đất rừng sản xuất giao cho các hộ gia đình.
Theo Quyết định số 367, ngày 30/5/2014 của Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế trồng rừng phòng hộ theo Dự án JICA, Tiểu khu 666 trồng 78ha rừng phòng hộ gồm 800 cây thông và 800 cây keo. Ông Mơn nói: “Nếu ở dưới đó sai, thì không thể dung túng được. BQLRPH là một chủ rừng Nhà nước, được cấp trích lục đỏ, nhưng nhiều chỗ phải thực hiện giao khoán cho các hộ dân”.
Như vậy, chính Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, đơn vị có chức năng tham mưu về trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ cũng không dám chắc BQLRPH Tĩnh Gia có sai phạm hay không. Câu hỏi đặt ra, tại sao chủ trương về dự án lớn như vậy, mà không phổ biến cho nhân dân địa phương biết? Sao không lấy lao động địa phương mà lại thuê nhân công người dân tộc ở các huyện khác đến làm? Trồng rừng phòng hộ sao lại phải phá rừng phòng hộ tái sinh đi?…
Đến đây, cấp độ sai phạm đã rất nghiêm trọng, đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ, xử lí nghiêm các sai phạm của một số cá nhân trong BQLRPH Tĩnh Gia theo pháp luật, mới bảo đảm khách quan.
Đề nghị tỉnh Thanh Hóa xem xét lại cách quản lí của BQLRPH Tĩnh Gia, rà soát lại diện tích rừng, yêu cầu giao khoán rừng cho các hộ dân thực hiện việc trồng, khoanh nuôi, bảo vệ theo quy định của pháp luật. (Người Cao Tuổi 16/9) đầu trang(
Lại thêm một vụ phá rừng, tập kết gỗ lậu lớn gây chấn động dư luận vừa được phát hiện tại xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Với trên 250 phách gỗ quý  gồm các loại gỗ như: gõ, chò, xoan đào… Đây được xem là vụ phá rừng, tập kết số lượng gỗ lậu lớn nhất trong suốt năm năm qua tại địa phương này.
Dọc theo con suối Ba khe chừng nừa cây số đã có 5 điểm tập kết gỗ lậu có quy mô lớn như thế này, gỗ ở đây được cắt theo quy cách từ đòn tay, khung ngoại, cho đến những bộ phản Gõ có giá trị lên đến cả trăm triệu đồng…Chỉ tính riêng tại điểm tập kết gỗ Ba Khe này đã có trên 80 phách gỗ được lâm tặc tập kết ở đây hơn 2 tháng nay, chỉ chờ suối có nước là thả gỗ về xuôi.
Theo điều tra ban đầu của phóng viên thì những đối tượng khai thác gỗ không phải là người dân xã Quế Lâm, và số lượng gỗ quý này không chỉ khai thác trên địa bàn huyện Nông Sơn mà từ cả những cánh rừng già, rừng đặc dụng của các huyện giáp ranh như Phước Sơn, Nam Giang, được vận chuyển về đây.
Với trên 250 phách gỗ quý, trị giá hàng tỉ đồng, được tổ chức tập kết theo một đường dây khép kín, liên huyện, hoạt động một thời gian dài. Dư luận đang đòi hỏi các cấp ngành liên quan ở Quảng Nam cần điều tra, xử lý nghiêm vụ việc này. (VTV9 16/9) đầu trang(
12/9, một đám cháy đã xảy ra tại địa phận xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, ngay sau đó, các lực lượng chức năng và người dân địa phương đã nhanh chóng tham gia chữa cháy kịp thời và dập tắt đám cháy.
Vào khoảng 11h ngày 12/9, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lí rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình đã phát hiện điểm phát lửa tại khoảnh 6, Tiểu khu 362, nằm trong quy hoạc rừng sản xuất. Đây là loại rừng trồng cây lá tràm thuộc dự án ARCD được trồng từ năm 2000, một số cây phi lao và tràng cỏ rười.
Ngay sau khi phát hiện điểm phát lửa, Ban quản lí rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình đã nhanh chóng huy động lực lượng và phương tiện tham gia chữa cháy, khoảng 2 giờ đồng hồ sau, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Theo thống kê ban đầu, đám cháy đã làm thiệt hại 5,6ha rừng sản xuất, trong đó 2,9ha cây keo lá tràm với mức độ thiệt hại khoảng 30%  và 2,7ha là đất trảng cỏ rười và một số cây phi lao. Mặc dù điểm phát lửa được phát hiện kịp thời và sự vào cuộc nhanh chóng của lực lượng tham gia chữa cháy, tuy nhiên địa điểm xảy ra vụ cháy nằm xa trung tâm, lại có nhiều trảng có rười, rất dễ bắt lửa nên việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Hiện, Ban quản lí rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình đang tăng cường tối đa lực lượng, tuần tra, canh gác 24/24h, đồng thời theo dõi mức độ phục hồi của cây rừng bị ảnh hưởng; phối hợp với chính quyền địa phương điều tra nguyên nhân của vụ cháy để xử lí theo quy định của pháp luật. (Đài PTTH Quảng Bình 15/9) đầu trang(
Để chủ động ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng khi bước vào mùa khô năm nay, vừa qua, Tổ tuyên truyền lưu động bảo vệ và phòng chống cháy rừng- Hạt kiểm lâm Ba Vì đã phối hợp với Đài truyền thanh huyện tổ chức tuyên truyền lưu động phòng chống cháy rừng tại huyện.
Cùng với hệ thống rừng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Huyện Ba Vì cũng có tới gần 11.000 ha rừng. Rừng Ba Vì chiếm gần 40% tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn thành phố Hà Nội,  được phân bổ tại 17 xã, trong đó tập trung chủ yếu tại 7 xã miền núi thuộc vùng đệm vườn quốc gia Ba Vì.
Rừng Ba Vì rất đa dạng, phong phú về chủng loại; đồng thời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống. Vì vậy, huyện Ba Vì luôn xác định bảo vệ - phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
Ngoài việc tổ chức tuyên truyền lưu động, huyện Ba Vì đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, khi bước vào mùa hanh khô, công tác này luôn được đặt lên hàng đầu với sự tham mưu chặt chẽ của cơ quan thường trực là Hạt Kiểm lâm huyện. Đội ngũ cán bộ kiểm lâm viên, kiểm lâm địa bàn cũng đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình.
Với nhiệm vụ bám rừng, bám dân và bám chính quyền cơ sở, đội ngũ cán bộ này đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, tổ chức tuyên truyền, tuần tra phát hiện và xử lý nghiêm các vụ phá rừng làm nương rẫy, vận chuyển lâm sản trái phép, nên đã hạn chế được tối đa các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Với việc chủ động, triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng hợp lý, đều khắp, cụ thể và cấp bách huyện Ba Vì sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra. (Cổng Giao Tiếp Điện Tử Huyện Ba Vì 16/9) đầu trang(
Trong 8 tháng, lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng đã lập biên bản khoảng 650 vụ vi phạm lâm luật; các cơ quan chức năng đã kịp thời xử lý 100% số vụ vi phạm.
Số gỗ bị các lực lượng chức năng  tịch thu gần 900m3 và hơn 1.500kg động vật hoang dã; so với cùng kỳ năm 2013 giảm được 120 vụ vi phạm, giảm 103m3 gỗ tịch thu. Phương tiện tịch thu gồm: 20 xe môtô, 1 xe ba gác; 1 thuyền máy; 12 máy cưa xăng xách tay và 4 xe bò lốp.
Đáng chú ý trong 8 tháng qua, lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 18 vụ phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép và 3 vụ vi phạm qui định chung về bảo vệ rừng... (Báo Quảng Bình 15/9) đầu trang(
Chuyến xuồng cao tốc của Vườn Quốc gia Bái Tử Long (VQGBTL) đưa PV đến đảo Ba Mùn đầu tháng 9 vừa qua gồm các cán bộ của Vườn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Viện KSND tỉnh, Trạm Thú y huyện Vân Đồn.
Công việc của PV là cùng tham gia và chứng kiến các cán bộ kiểm lâm của Vườn thả 127 con động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên tại đảo Ba Mùn.
Số động vật hoang dã trên gồm 2 con mèo rừng (tên khoa học Prionailurus bengalensis), 2 chú chim diều hoa Miến Điện (Spilornis cheela), 2 con rùa đầu to (Plattyernum megacephalum), 103 con rùa ba gờ (Malayemys subtrijuga), 18 con kỳ đà vân (Varanus benalensis).
Số động vật hoang dã này sau khi được các cán bộ kiểm lâm tỉnh thu giữ của lâm tặc, chúng bị hoảng loạn, nhiều con mất hẳn khả năng tự nhiên, như chim diều hoa Miến Điện không còn khả năng bay lượn bình thường…
Các cán bộ kiểm lâm VQGBTL đã chăm sóc giúp cho chúng phục hồi sức khoẻ và bản năng hoang dã trước đây. Bởi sau khi thả về với môi trường tự nhiên, chúng phải bắt mồi và bắt đầu cuộc sống trong rừng trên vùng đất mới, phải đấu tranh sinh tồn với các loài thú ăn thịt khác để tồn tại một cách tự nhiên…
Những chiếc lồng được mọi người khênh từ xuồng lên khu vực suối Vạn Lau, suối Cao Lồ, suối Miếu Danh, thuộc đảo Ba Mùn. Nơi đây cây rừng rậm rạp bên những dòng suối uốn quanh, giống như những mạch máu nuôi sống cánh rừng bạt ngàn. Các cán bộ của Vườn cho biết, ban ngày nơi đây có vẻ tĩnh lặng, nhưng đêm xuống, bên những dòng suối là cuộc sống sôi động của vô số ếch nhái và nhiều loài bò sát, cùng rất nhiều loại tép, cá suối và chuột rừng…
Đây là nguồn thức ăn vô tận cho số động vật hoang dã mà các anh đã thả ở đây. Nhìn những đôi kỳ đà vừa được thả đã quấn quýt với nhau vào vừng, hoà nhập ngay vào môi trường tự nhiên, mọi người cùng thở phào, vậy là đã phần nào yên tâm với cuộc sống mới của chúng trong môi trường mới.
Đảo Ba Mùn nằm cách bờ biển xã Minh Châu (huyện Vân Đồn) khoảng 2km, có diện tích hơn 2.000ha. Năm 2008-2009, từ nguồn vốn của Trung ương, VQGBTL đã xây dựng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Ba Mùn trên diện tích 1ha và một con đường dài khoảng 20km bám theo chiều cong của đảo.
Trung tâm Cứu hộ là nơi tiếp nhận những động vật hoang dã mà các cơ quan chức năng trong tỉnh thu giữ của lâm tặc, chăm sóc chúng khoẻ mạnh, sau đó đem thả chúng về sống tự nhiên trong rừng.
Thạc sĩ lâm nghiệp Khúc Thành Liêm, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: Việc chăm sóc các “cư dân” mới để chúng hoà nhập với cuộc sống trên đảo còn mệt hơn chăm con mọn. Trung tâm có 5 người, nhưng hàng ngày, chỉ riêng chuyện lo “thực đơn” của các con vật trái tính, trái nết này cũng đã đủ mệt. Bởi mỗi loài đòi hỏi một thức ăn khác nhau, như loài rùa đầu to, chỉ quen sống khu vực nước suối có rêu, nhiệt độ khoảng 20 độ C và ăn tép còn đang bơi lập lờ; rùa hộp thì chỉ ăn ốc; rùa ba gờ thì chỉ ăn hoa, quả; diều hoa, mèo rừng, kỳ đà thì ăn thịt, cá.
Tuy một số thực phẩm cho động vật có thể mua được, nhưng đảo Ba Mùn nằm giữa trùng khơi, cách xa chợ huyện vài chục km đường biển, không thể cứ hàng ngày chạy xuồng vào bờ, vì lượng dầu được cấp có hạn, còn ở xã đảo Minh Châu thì chưa có chợ.
Vậy là công việc của các cán bộ Trung tâm Cứu hộ hàng ngày được phân công cụ thể, người buổi tối đi câu cá, vừa là thức ăn cho người, vừa là thức ăn nuôi mèo rừng, diều hoa, kỳ đà. Được cái khu vực đảo Ba Mùn có rất nhiều cá, nên công việc cũng đỡ vất vả phần nào. Còn chuyện bắt tép, cóc, ốc, nhái làm thức ăn cho rùa, thì anh em cứ vào rừng là có, chỉ có điều phải lội suối vào ban đêm. Công việc chăm sóc này, sơ sểnh một chút là bị “tai nạn nghề nghiệp” ngay, như những con mèo rừng, cứ thấy người là nhe nanh vuốt cào cấu những ai đến gần nó…
Anh Nguyễn Văn Dương, là cán bộ thú y của Trung tâm cho PV xem vết sẹo trên tay anh, sau một lần khám bệnh cho khỉ, vô ý bị nó cắn thủng tay, phải vào bờ điều trị 2 tuần liền. Anh Hồ Văn Kiên, một lần cho khỉ ăn, bị con khỉ chúa cào rách cổ. Đây là 2 con khỉ dữ tợn hơn cả trong số hàng trăm con khỉ mà các anh đã thả trên đảo Ba Mùn từ năm ngoái.
Trên đảo còn có Trạm Kiểm lâm Ba Mùn, thuộc VQGBTL, luôn duy trì khoảng 5-7 cán bộ, làm nhiệm vụ tuần tra giữ đảo, bởi luôn có những rình mò, các anh chỉ một chút lơ là, là những động vật hoang dã lại trở thành mồi ngon của lâm tặc. Hàng năm, đảo Ba Mùn tiếp nhận từ 5-10 đợt cứu hộ, thả động vật hoang dã về rừng. Riêng năm 2013, các cán bộ ở đây tiếp nhận 5 đợt với 80 con khỉ đuôi dài, 2 con rắn hổ mang chúa, 10 con rùa đầu to.
Đợt thả 127 cá thể động vật hoang dã đầu tháng 9 này là đợt thứ hai trong năm nay; trước đó, vào đầu tháng 5, đã có 1 con mèo rừng thuộc nhóm động vật quý hiếm 1B, đã được các anh thả về môi trường tự nhiên trên đảo Ba Mùn. (Báo Quảng Ninh 16/9) đầu trang(
Gắn bó với đầm Thủy Triều hơn 30 năm, ông Trần Xuân Bửu (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) đang tự nguyện trồng và bảo vệ khu rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ con đê xanh của đầm.
Gần 10 năm qua, người dân ở khu vực đầm Thủy Triều đã quen với hình ảnh người đàn ông rắn rỏi trong bộ quần áo lao động bạc màu, ngày 2 buổi đạp chiếc xe cọc cạch ra đầm. Không giống những người dân khác ra đầm bắt tôm, cá, sò, ốc, ông Trần Xuân Bửu (sinh năm 1965) ra đầm để trồng rừng ngập mặn.
Khi mới là cậu bé hơn 10 tuổi, ông Bửu đã theo cha mẹ ra đầm đánh bắt tôm, cá trong các khu rừng ngập mặn. Nhờ nguồn lợi tự nhiên này, cha mẹ đã nuôi anh em ông khôn lớn, rồi vợ chồng ông cũng dựa vào đó nuôi 3 con ăn học nên người. Vì vậy, ông hiểu được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, đó là nơi để người dân kiếm kế sinh nhai; là nơi ghe, thuyền tránh trú mỗi khi có giông bão, chống xâm nhập mặn; là “ngôi nhà chung” để chim, cò trú ngụ.
Gắn bó với đầm Thủy Triều bao nhiêu năm, ông cũng chứng kiến bấy nhiêu thay đổi của khu rừng ngập mặn nơi đây. Ông Bửu kể lại: “Khoảng từ năm 1980 trở lại, rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều bắt đầu suy giảm do người dân vào rừng chặt cây lấy củi. Đến những năm 90, diện tích rừng ngập mặn ở đầm càng thu hẹp dần do người dân đào ao, đìa nuôi trồng thủy sản. Từ đây, đầm Thủy Triều dần vắng bóng chim, cò; tôm, cá cũng ít dần vì mất nơi trú ngụ”.
Tuy không còn dựa vào nguồn lợi biển để mưu sinh nhưng nhận thấy diện tích rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều có thể bị hủy diệt nếu không có người bảo vệ và trồng mới, ông Bửu đã lặng lẽ tìm giống đưa về trồng. Hàng ngày, ông lặn lội đến các khu rừng ven đầm Thủy Triều ở xã Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Hòa... để tìm trái đước, trái mắm.
Nơi nào thuận lợi đường sá thì ông đi xe đạp, xe máy, nơi nào khó khăn thì ông đi bằng ghe. Theo ông Bửu, từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái đước, trái mắm chín, rụng và đây cũng là thời gian thuận lợi nhất để trồng; bước qua tháng 9 là mùa nước lớn, sóng to nên không thể trồng được.
Cứ vậy, năm này qua năm khác, không kể trời nắng hay mưa, ông Bửu nhặt nhạnh từng trái đước, trái mắm đưa về cần mẫn trồng tại đầm Thủy Triều. Đã bao lần, ông vừa trồng xong ngày hôm trước, hôm sau ra đầm đã thấy sóng đánh mạnh làm trái đước, trái mắm trôi lênh bênh... Đến nay, ông Bửu không còn nhớ rõ mình đã tìm và trồng bao nhiêu cây đước, cây mắm. Chỉ biết rằng, diện tích gần 2ha rừng ngập mặn đang được phục hồi hiện nay là do một tay ông trồng được.
Chỉ tay về phía rừng ngập mặn với những cây đước, cây mắm đủ kích thước lớn nhỏ, ông Bửu chia sẻ: “Người dân ở đây thường nói tôi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mặc ai nói cứ nói, việc tôi thấy đúng, tôi vẫn làm”. Không phải ngẫu nhiên mà người dân nơi đây lại nói như vậy. Bởi sau khi cất công tìm và trồng được những cây ngập mặn, ông Bửu thường xuyên ra đầm để bảo vệ cây khỏi những tác động của thiên nhiên cũng như con người.
Mỗi lần ra đầm, ông Bửu luôn mang theo các dụng cụ để cắt, dọn các loại rác thải như dây dù, bao nilon, củi khô, lá cây, rong rêu... quấn xung quanh cây đước, cây mắm. Nhìn ông cần mẫn cắt và kéo rác ra khỏi từng gốc cây đước, cây mắm mới biết ông dành tâm huyết cho công việc này như thế nào. Những hôm mưa to, sóng lớn, ở nhà, ông lo lắng không biết có cây nào bị gãy hay bật gốc không. Vì vậy, trời vừa lặng gió, ông lại vội vã ra đầm.
Để bảo vệ rừng ngập mặn, ông Bửu phải thức cùng con nước và có mặt thường xuyên tại đầm, đặc biệt là vào lúc thủy triều xuống. Đây là thời điểm nước rút, cây mắm, cây đước nhô lên khỏi mặt nước, người dân xung quanh đầm bắt đầu đào bới để bắt các loại hải sản dưới mặt đất.
Trong quá trình khai thác, nhiều người đã đào sâu vào gốc khiến cây bị nghiêng đổ, đứt rễ và chết. Vì vậy, ông Bửu thường có mặt để nhắc nhở người dân. Người hiểu việc làm của ông thì lặng lẽ đào tránh gốc cây, người không hiểu thì tỏ vẻ khó chịu, thậm chí nói những lời không thiện cảm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc) cho biết: “Ngày nào tôi cũng ra đây bắt con hến, con trai nên cũng biết việc làm tự nguyện của ông Bửu. Nhưng nhiều người khác không hiểu, nghĩ là ông ấy gây khó dễ cho việc làm ăn của họ nên tỏ vẻ khó chịu”.
Cũng đã nhiều lần, chiếc xe đạp cọc cạch của ông bị phá xì hơi, đâm thủng bánh, phải dắt bộ về nhà. Mặc cho những lời nói ác ý, ông vẫn kiên trì làm công việc giữ gìn nguồn lợi cho thế hệ sau. Và khi người dân khai thác, đào bới xong, ông lại mò mẫm để vun lại gốc cây, đắp thêm đất giữ rễ cây...
Tháng 7-2012, Viện Hải dương học thực hiện đề tài “Triển khai các mô hình phục hồi, quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở khu vực đầm Thủy Triều” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học làm chủ nhiệm đề tài.
Tại xã Cam Thành Bắc, nhóm thực hiện đề tài đã phục hồi được gần 2ha rừng ngập mặn. Có được thành quả đó là nhờ ông Bửu đã cung cấp miễn phí hàng ngàn trái đước, mắm cho nhóm. Ngoài ra, ông còn tự nguyện đứng ra bảo vệ diện tích đã được phục hồi mà không đòi hỏi quyền lợi cho bản thân.
Tiến sĩ Thủy nhận xét: “Ông Bửu nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn nên đã tự nguyện phối hợp với chúng tôi thực hiện đề tài. Ông tìm giống, nhặt rác quanh gốc cây, nhắc nhở người dân cùng bảo vệ rừng ngập mặn... Công việc đó tuy đơn giản nhưng không phải người nào cũng làm được. Ông đã góp phần rất lớn vào sự thành công của đề tài. Những công việc ý nghĩa của ông Bửu cần được ghi nhận để nhiều người làm theo”.
Sự nỗ lực của một vài cá nhân như ông Bửu chưa đủ để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Khi sức khỏe yếu, ông Bửu không thể lặn lội hết nơi này đến nơi khác để tìm trái đước, trái mắm và ngày 2 buổi đạp xe ra đầm. Có những chiều trầm ngâm nhìn về phía đầm Thủy Triều, ông Bửu chỉ mong mỗi người dân biết trân trọng giá trị mà thiên nhiên mang lại, cùng nhau bảo vệ các khu rừng ngập mặn để các thế hệ con cháu được hưởng thụ.
Ông Nguyễn Văn Khương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc cho biết: “Địa phương đã tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng ngập mặn. Tuy nhiên, để việc bảo vệ rừng được lâu dài thì cần có chủ trương, chính sách cụ thể hơn từ các ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp nhằm khuyến khích người dân cùng tham gia”.
Rừng ngập mặn không chỉ có ích cho hiện tại, mà thế hệ mai sau cũng sẽ được hưởng thụ môi trường sống trong lành; cá, tôm sinh nở nhiều hơn sẽ giúp cuộc sống của người dân thêm no ấm. Mong những người dân đang mưu sinh trên đầm Thủy Triều hãy bảo vệ kế sinh nhai của mình, của các thế hệ sau bằng những việc làm thiết thực như ông Trần Xuân Bửu. (Báo Khánh Hòa 17/9) đầu trang(
Đi thăm rừng hay đi coi rừng tiếng Vân Kiều có nghĩa là pớc-clơ arưn. Trong khi nhiều cánh rừng đang từng ngày bị xẻ thịt thì người dân ở thôn Ruộng, xã Hướng Tân (H. Hướng Hóa, Quảng Trị) cùng nhau đứng ra bảo vệ cánh rừng già hàng trăm năm tuổi bao bọc quanh làng.
Mờ sáng, căn nhà sàn của trưởng thôn Ruộng Hồ Văn Thắng (41 tuổi) đã rộn rịp bước chân người. Hôm nay, bản làng tề tựu ở nhà anh Thắng để cùng nhau đi thăm, tuần rừng. Mọi người ai cũng hăm hở làm những việc tối cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đi: Người mài rựa, người hì hụi giã trái bồ hòn chống vắt, người lại tranh thủ vắt từng nắm cơm trắng bên ngọn lá dong luộc sẵn.
Khâu chuẩn bị vừa xong, trưởng thôn Thắng tập hợp mọi người thành hai hàng ngang, rồi dõng dạc: “Như thường lệ một tháng 4 lần, bản ta lại đi thăm rừng. Hôm nay, bản làng cắt cử 20 người, phân thành 4 tổ, mỗi tổ gồm 5 người chia đều ra bốn phía đi tuần rừng. Chúng ta sẽ tập trung trên đỉnh núi Nam Đàng để nghỉ ngơi và báo cáo tình hình. Đề nghị anh em pớc-clơ arưn...”. Dứt lời, mọi người tỏa ra các hướng để tiến vào rừng. Theo chân trưởng thôn Thắng cùng 4 người khác lội qua con suối Khe Sanh gập ghềnh đá thác, bắt đầu một chuyến “pớc-clơ arưn”...
Cơn mưa rừng chiều hôm qua làm lối đi vào rừng trơn trượt. Vắt nhiều như rễ tre, muỗi thì vã ra từng đàn như trấu. Cũng may trước lúc lên đường, trưởng thôn Thắng đã kịp bôi cho PV một phương thuốc giấu nên không hề hấn gì.
Cả nhóm đang đi, chợt trưởng thôn Thắng dừng lại bên một cây sao cổ thụ bằng hai vòng tay người lớn rồi rút cây dao từ thắt lưng nhẹ nhàng khắc dấu nhân lên gốc cây đã chi chít vết chéo nhỏ. “Mỗi tháng đi thăm rừng, chúng tôi đều khắc dấu một lần lên thân cây cổ thụ nào đó. Một là để tránh lạc đường, hai là để con cháu sau này biết, chúng tôi đã bỏ công ra giữ rừng như thế nào”, trưởng thôn Thắng giải thích.
Càng đi sâu vào rừng, trời càng tối sầm lại. Những thân cây cổ thụ vươn mình thẳng tắp, tán cây xõa rộng. Rừng ở đây còn rất nguyên sơ, có nhiều cây thân bằng đường kính rộng đến hai, ba vòng tay ôm, tuổi thọ của chúng cũng dễ đến hàng trăm năm tuổi như: Dẻ, sao, trường, lội...
Già Hồ Ta Ne (64 tuổi), người đã đi thăm, giữ rừng từ cái thuở mới tập tành đi tán gái, cười tự hào: “Đố chú tìm ra cánh rừng nào còn hoang sơ như rừng ở bản Ruộng này. Nãy giờ, chú nghe thấy tiếng vượn hót, mang tác ngoài bìa rừng kia không? Vì bản làng cấm săn bắn nên thú rừng ở đây còn nhiều lắm...”.
Vừa đi già Ta Ne vừa kể thêm rằng, trước đây bà con chưa có ý thức giữ rừng, quanh năm chỉ biết phá, đốt, cuốc, trỉa nên hằng năm những cơn lũ quét, sạt lở đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của bản làng, rồi tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vào mùa hè khiến người dân ở đây rất khốn khổ.
Từ khi nhận ra lợi ích của giữ rừng, dân làng đã tự giác đứng ra chung tay bảo vệ, không tùy tiện chặt phá rừng như trước đây nữa. Còn lương y Hồ Văn La (56 tuổi) thì cho hay: “Rừng thôn Ruộng có rất nhiều loài thuốc quý, chỉ cần đi dọc bìa rừng thôi hái cũng đủ để chữa những bệnh thông thường rồi. Cũng nhờ rừng mà người dân bản Ruộng bây giờ không còn sợ lũ quét, không còn lo thiếu nước sinh hoạt như xưa nữa đâu”, lương y La hớn hở.
Say sưa bên những mẩu chuyện của nhóm thăm rừng, thoáng chốc đã đến đỉnh Nam Đàng. Từ đây phóng tầm mắt nhìn xuống, bản Ruộng như một dải lụa óng ả dưới ánh nắng ruộm vàng. Mọi người đã tập trung đông đủ, họ báo cáo cho nhau nghe tình hình rừng sau khi đã đi khảo sát, trưởng thôn Thắng thì luôn tay ghi chép vào cuốn sổ nhỏ mang theo.
Cả nhóm thở phào khi nghe trưởng thôn Thắng thông báo toàn bộ khu rừng không hề có dấu hiệu chặt phá nào. Đỉnh rừng hoang vu, lạnh lẽo chợt đầm ấm, vui vầy hẳn lên khi mọi người san sẻ cho nhau từng vốc nước, từng nắm cơm dẻo thơm mang theo.
Thôn Ruộng có tất cả 105 hộ dân với 570 nhân khẩu. Trong đó, số hộ nghèo chiếm đến 64%. Để bà con không “ăn” vào rừng, bản làng đã đề ra luật lệ chỉ truyền bằng miệng: “Ai cần làm nhà cửa thì phải viết đơn trình làng, nếu xét thấy nhu cầu đó là chính đáng, làng sẽ trình đơn lên xã, lên Chi cục Kiểm lâm huyện. Khi nào các cấp chính quyền đồng ý, thì mới được đốn cây làm nhà.
Việc đốn cây sẽ do làng cử người đứng ra giám sát. Nếu ai dám tự tiện chặt cây thì sẽ bị phạt như sau: chặt một cây nhỏ thì phải cúng làng một con heo, chặt cây to, gỗ quý thì làng phạt một con trâu. Cứ thế nhân lên, đốn bao nhiêu cây thì phạt bấy nhiêu con”.
Già làng Hồ Cập (60 tuổi) tâm sự rằng, để dân bản không chặt phá rừng thì những người đứng đầu thôn phải gương mẫu và luôn đi đầu trong công tác bảo vệ rừng, như thế bà con mới tin và làm theo.
Hàng chục năm qua, nhờ những luật “miệng” nghiêm khắc đó nên rừng ở bản Ruộng không một ai dám xâm phạm. Dân bản vào rừng lấy củi thì luôn bảo ban nhau chỉ nhặt nhạnh củi khô hay những cành cây bị bão quật gãy mà thôi.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Hướng Tân Lê Thị Hội cho biết: “Người dân ở thôn Ruộng rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng. Bà con tự nguyện bỏ công sức ra giữ rừng, chứ nhưng không đòi hỏi một đồng trợ cấp nào cả. Vì tinh thần bảo vệ rừng tốt, nên tháng 8-2006 UBND xã Hướng Tân đã có Quyết định số 134/QD về việc giao 101 ha rừng tự nhiên, tại tiểu khu 692 cho thôn Ruộng quản lý, bảo vệ và hưởng hoa lợi từ rừng. Về phía UBND xã, chúng tôi luôn động viên, thăm hỏi và tuyên dương trước toàn dân về thành tích giữ rừng rất tốt của bà con thôn Ruộng”. (Công An TP Đà Nẵng 16/9) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị nêu rõ, Cty lâm nghiệp (CTLN) chỉ được giữ lại diện tích đất rừng phù hợp với quy mô, năng lực và phương án sản xuất kinh doanh được phê duyệt, còn lại phải giao trả cho địa phương bố trí sử dụng.
Tuy nhiên, tài nguyên đất đai có bị lãng phí, xung đột giữa người dân và CTLN có được giải quyết hay còn tùy mức độ kiên quyết của chính quyền các tỉnh.
Từ năm 2003, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 28-NQ/TW, Chính phủ ban hành 2 nghị định về sắp xếp, đổi mới các nông-lâm trường quốc doanh. Theo đó, các CTLN phải có phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng, diện tích đất rừng không sử dụng phải giao trả cho địa phương quản lý.
Nhưng do chính quyền các tỉnh thiếu kiên quyết, diện tích đất thu hồi sau 10 năm thực hiện nghị quyết mới chỉ đạt khoảng 50% dự kiến. Bên cạnh đó, diện tích các CTLT (trước đây là lâm trường) chồng lấn nương rẫy của dân trong quá khứ chưa được bóc tách, xử lý.
Cũng trong 10 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên luôn "đau đầu" do thiếu quỹ đất giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất theo các quyết định 132, 134 của Thủ tướng Chính phủ, trong khi các CTLN do tỉnh thành lập lại "ôm" quá nhiều.
Do diện tích quá lớn, hiệu quả quản lý, sử dụng đất rừng của các CTLN ngày càng kém. Đặc biệt là mâu thuẫn đất đai giữa người dân với CTLN ngày càng căng thẳng, gây tốn kém thời gian và tiền bạc của các bên liên quan.
Về chất lượng rừng, Đắc Lắc là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên đứng thứ ba cả nước, vậy mà không có nổi một CTLN được cấp chứng chỉ rừng quốc tế - điều kiện để tiếp tục duy trì loại hình Cty TNHH MTV 100% vốn nhà nước theo các quy định mới.
Tương tự, tỉnh Đắc Nông và tỉnh Gia Lai cũng không có CTLN nào đủ điều kiện duy trì. Đánh giá thực trạng 56 CTLN tại Tây Nguyên sau 10 năm đổi mới, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) phải thừa nhận: “Quản lý gần một triệu hécta đất rừng nhưng hiệu quả sử dụng quá thấp, nhiều CTLN có nguy cơ phá sản, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai rất phức tạp...”.
Trước thực trạng trên, ngày 12.3.2014, Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết 30-NQ/TW về sắp xếp, đổi mới các nông-lâm trường quốc doanh. Theo đó các CTLN thua lỗ kéo dài phải giải thể, giao trả đất cho địa phương quản lý và bố trí sử dụng.
Ông Lê Trọng Yên - Phó Giám đốc Sở TNMT Đắc Nông - cho biết: "Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng do CTLN không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, vi phạm pháp luật. Sau khi thu hồi, diện tích này sẽ giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, những hộ đang nhận khoán của CTLN cũng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng. Diện tích đất còn lại, CTLN phải phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh".
Vấn đề bảo vệ rừng, ông Nguyễn Hoài Dương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đắc Lắc - cho biết, sau khi có hướng dẫn thực hiện nghị quyết, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh sắp xếp lại 15 CTLN. Dự kiến có khoảng 12 - 13 CTLN chuyển thành DN công ích, số còn lại thành lập ban quản lý rừng, ngân sách cấp kinh phí hoạt động.
Như vậy, nếu các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tốt Nghị quyết 30 sẽ chấm dứt được tình trạng CTLN “ôm” quá nhiều đất, kinh doanh nửa vời, vi phạm Luật Đất đai trong khi người dân thiếu đất sản xuất. (Lao Động 17/9) đầu trang(
Chuyện thật như đùa. Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp (TTLN) Biên Hòa tố cáo 7 hộ dân cưa 24 cây tràm, giá trị trên 21 triệu đồng, Công an không thu giữ tang vật, không kiểm tra hiện trường mà khởi tố bắt giam một loạt người.
Công luận, đặc biệt là Báo Người cao tuổi không ngừng lên tiếng về sự mờ ám của vụ án này. Ngày 3/9/2014, kết luận điều tra được tống đạt thì số cây bị cưa và giá trị thiệt hại chỉ còn… một nửa?
Nghi án 7 hộ dân cưa 13 cây tràm trên đất của họ mua từ 9 năm trước, nhưng Giám đốc TTLN Biên Hòa Trần Đình Xướng tố cáo họ cưa 24 cây của cơ quan ông. UBND phường Long Bình cho kiểm tra hiện trường (sau 10 tháng) thì chỉ có 13 gốc kể cả một gốc đã bị mục.
Nhưng đó là cây trên đất họ mua từ năm 2005, không có căn cứ nào nói đó là cây của TTLN Biên Hòa. Nhưng Cơ quan Điều tra không thu giữ, bảo quản tang vật mà để cho TTLN Biên Hòa bán đi. Không chỉ vật chứng mà nhân chứng và hiện trường cũng không có? Sự việc xảy ra từ 13/10/2013, gần một năm rồi mà Công an chưa kiểm tra hiện trường thì coi như không có hiện trường? Công an Biên Hòa làm án thật kì lạ? Thà như vụ án Vườn điều năm xưa ở Bình Thuận, nhân chứng giả, vật chứng giả, hiện trường giả thì vẫn có cái để mà dựng nên vụ án.
Còn ở đây, nhân chứng, vật chứng, hiện trường đều do… tưởng tượng? Thế mà Phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra Trịnh Sáng vẫn kí quyết định khởi tố bắt giam một loạt người và Viện Phó Viện KSND thành phố Biên Hòa Hoàng Thị Thùy Giang vẫn phê duyệt? Vì sao Trung tá Điều tra viên Lưu Thế Mạnh tin lời Giám đốc TTLN Biên Hòa để hãm hại người vô tội? Vì sao ông “Phó” Sáng, bà “Phó” Giang lại kí và phê duyệt quyết định khởi tố và lệnh bắt giam một cách vô tư như vậy?
30ha đất ở khu phố 8 phường Long Bình là tài sản quốc gia, ba đầu nậu Tâm “hen”, Sơn “tỵ” và Long “khu phố”, có hàng vạn mét vuông đất để bán cho người có nhu cầu làm nhà, làm xưởng, làm sân bóng mi-ni… Họ hạ hàng vạn cây tràm, mở đường, cho xe chở vật liệu xây dựng chạy suốt ngày đêm như một đại công trường.
Báo Người cao tuổi, Báo Công an TP Hồ Chí Minh và nhiều tờ báo khác đều biết, tại sao TTLN Biên Hòa không biết? Các đầu nậu này bán đất, bán cả… an toàn xây dựng. Nhiều nhà báo trong vai người đi mua đất đã gặp các đầu nậu và thực sự choáng ngợp trước thế lực của họ. Nghe nói Tâm “hen” và Sơn “tỵ” cũng từng bị bắt, nhưng chỉ một ngày là được trả tự do. Phải chăng do họ có “bùa”, rồi như có thêm niềm tin mới, để tiếp tục kinh doanh đất trái phép?
Giám đốc TTLN Biên Hòa Trần Đình Xướng làm ngơ cho người khác mua bán đất do mình quản lí, vậy cái giá làm ngơ ấy là bao nhiêu? Vì sao 2.000 căn hộ và hàng chục cơ sở sản xuất ở đây xây dựng không phép thì vẫn bình yên, mà 7 căn hộ của chị em bà Vũ Thị Mộng Thu đang ở lại bị cưỡng chế bởi lí do “không phép”? Nghe nói họ cũng có “quà” nhưng chỉ mấy trăm triệu nên bị… chê?
Hai ngày sau khi nhà chị em bà Thu bị cưỡng chế thì Long “khu phố” và Sơn “tỵ” vẫn xây nhà cao tầng ngay bên cạnh mà không hề bị cấm? Do cố tình buông lỏng quản lí để một tài sản rất lớn của Nhà nước biến thành của dân và làm giàu cho nhóm người? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng không thể để một tài sản lớn của Nhà nước bị mất mà không ai phải chịu trách nhiệm?
Bảy hộ dân cưa 12 cây tràm trên đất họ mua từ 2005, bị vu cáo là cưa 24 cây của TTLN Biên Hòa, để Công an kiếm cớ khởi tố 8 người, bắt giam 5 người? Ngày 3/9/2014, Kết luận điều tra được tống đạt, không có dòng nào nói đến nhân chứng và hiện trường. Còn vật chứng thì Cơ quan Điều tra thừa nhận là đã bán rồi.
Số cây bị hạ được rút xuống chỉ còn 12 cây, giá trị thiệt hại từ 21.053.800 đồng, xuống còn 10.694.167 đồng? Nhân chứng, vật chứng, hiện trường, là ba yếu tố không thể thiếu trong một vụ án hình sự, thiếu một trong ba yếu tố này sẽ không thành vụ án, thế mà ở đây thiếu cả ba?
Phải chăng do giá trị thiệt hại thấp trong khi 8 người bị khởi tố, 5 người bị bắt giam đã gần 2 tháng nên các bị can bị vu khống dùng hung khí chống người thi hành công vụ để tạo tình tiết tăng nặng hình phạt, tương xứng với thời gian họ bị tạm giam?
Thế mà sự mờ ám của vụ án này được một tờ báo lấp liếm, tiếp tay? Bằng chứng nào nói các bị can dùng hung khí chống người thi hành công vụ? Chống như thế nào, ai bị thương tích ra làm sao? Tại sao mãi đến phút chót, trước khi hết hạn tạm giam mới “tòi” ra chuyện “chống người thi hành công vụ”?
Biết là có quyền, có tiền thì làm gì cũng được nhưng không phải lúc nào cũng vậy! Riêng vụ án này thì không thể, vì ngay từ đầu công luận đã phát hiện và khẳng định là oan sai, là mờ ám. Nói cách khác, đây là một vụ án… bịa đặt. (Người Cao Tuổi 16/9) đầu trang(
16/9, tại TP.Hòa Bình, Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature), Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung (CRD) - Đại học Nông Lâm Huế, Mạng lưới đất rừng (FORLAND) phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn cộng đồng và hộ gia đình về Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) 2004 tại tỉnh Hòa Bình.
Dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh; Hạt Kiểm lâm các huyện Tân Lạc, Đà Bắc; lãnh đạo và đại diện 20 hộ gia đình thuộc 2 xã Tân Pheo (Đà Bắc) và Quyết Chiến (Tân Lạc).
Hội thảo đã nghe báo cáo kết quả nghiên cứu về tham vấn cộng đồng và hộ gia đình về Luật BV&PTR 2004. Từ năm 1995-1999, tỉnh đã thực hiện công tác giao đất giao rừng theo Nghị định 02/1994/NĐ-CP. Từ năm 2007, tỉnh tiến hành rà soát để cấp đổi, cấp mới giấy CNQSDĐ lâm nghiệp theo Quyết định 672.
Tại 2 địa bàn nghiên cứu, huyện Đà Bắc có 25.337,5 ha đất đã có giấy CNQSDĐ cấp mới (đạt 47,27%) với 21.350 giấy; huyện Tân Lạc có 23.952,2 ha đất đã có giấy CNQSDĐ cấp mới (đạt 61,96%) với 17.556 giấy. Nhóm nghiên cứu đã triển khai hoạt động tham vấn tại 4 thôn thuộc 2 xã Tân Pheo (Đà Bắc) và Quyết Chiến (Tân Lạc).
Qua đó đã phát hiện 8 vấn đề và nêu lên 7 đề xuất, kiến nghị trong thực hiện Luật BV&PTR liên quan đến cộng đồng và gia đình về những nội dung như giao đất, giao rừng, khoán rừng, hậu giao đất giao rừng.
Tại hội thảo đã có 13 ý kiến trao đổi, thảo luận về những vấn đề thực tế được phát hiện tại địa bàn tham vấn như: tiến độ cấp đổi lại giấy CNQSDĐ còn chậm, giao chồng diện tích đất của các Khu bảo tồn trên diện tích đất rừng sản xuất đã giao cho người dân, quy hoạch rừng không phù hợp thực tế, thiếu sự hỗ trợ cho người dân về bảo vệ rừng tự nhiên, khó khăn trong quản lý rừng vì chồng lấn ranh giới hành chính, số liệu diện tích đất lâm nghiệp ở hai ngành TN-MT, lâm nghiệp khác nhau...
Đồng thời nêu lên những đề xuất, kiến nghị đóng góp cho việc sửa đổi Luật BV&PTR như: sửa đổi luật phù hợp với quyền lợi của người dân, làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân đối với rừng, làm rõ đối tượng bảo vệ rừng phù hợp nhất…
Kết luận hội thảo, đại diện Ban tổ chức đã ghi nhận các ý kiến đóng góp cũng như những đề xuất, kiến nghị. Các ý kiến sẽ được tổng hợp phục vụ cho hội thảo quốc gia được tổ chức trong thời gian tới. Trên cơ sở đó có đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật BV&PTR về những vấn đề liên quan đến cộng đồng và hộ gia đình phù hợp với thực tiễn. (Báo Hòa Bình 16/9) đầu trang(
UBND tỉnh ban hành Công văn số 1355/UBND-NLN về việc xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì phối hợp cùng Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015; xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2016-2020 theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp & PTNT tại Công văn số 7138/BNN-TCLN, ngày 05/9/2014 (gửi kèm); trình UBND tỉnh ban hành, gửi Bộ Nông nghiệp & PTNT trước ngày 08/10. (Báo Lai Châu 16/9) đầu trang(
Vụ trồng rừng năm 2014, các đơn vị quản lý rừng và hộ dân cư trên lâm phần rừng tràm huyện U Minh trồng 2.640 ha rừng, trong đó trồng mới 650 ha, còn lại là trồng rừng sau khai thác.
Ðến nay, các đơn vị đã trồng mới được hơn 500 ha. Theo dự kiến, công tác trồng rừng năm 2014 ở huyện U Minh sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 11, sớm hơn 1 tháng so với năm 2013.
Về chi phí, các chủ rừng cho biết trung bình mỗi héc-ta tốn từ 2,5 đến 3 triệu đồng, bao gồm cải tạo mặt bằng, mua cây giống và thuê mướn nhân công. (Báo Cà Mau 16/9) đầu trang(
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) và đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Ban quản lý Dự án phát triển ngành lâm nghiệp đã có buổi làm việc vào cuối tuần qua để trao đổi về hiệu quả của Dự án.
Đại diện các đơn vị cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tại địa phương triển khai Dự án, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn tất các thủ tục hồ sơ, từ đó làm căn cứ cho vay trong thời gian tới.
Đến 31/8/2014, VBSP đã giải ngân hơn 9 triệu USD cho phát triển lâm nghiệp. Năm 2014, chỉ tiêu kế hoạch cho vay của Dự án là 152.400 triệu đồng, đến thời điểm 31/8, dư nợ cho vay đạt 79.639 triệu đồng, đạt 52% kế hoạch.
Bên cạnh đó, VBSP đặt chú trọng việc thu hồi nợ theo phân kỳ nên kết quả thu nợ đối với Dự án rất tốt. Kết quả thu lãi của Dự án luôn hoàn thành kế hoạch, tỷ lệ bình quân hàng năm đạt 98%... (Thời Báo Ngân Hàng 15/9, tr5) đầu trang(
Được kì vọng là một hiệp định mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho DN XK gỗ, tuy nhiên đến nay, khi mà dự kiến hiệp định sẽ được ký kết vào cuối năm, VPA/FLEGT mới chỉ được một bộ phận DN biết đến.
Theo kết quả khảo sát Dự án Nâng cao năng lực cung cấp thông tin cho các DN và cơ quan truyền thông trong quá trình thực hiện FLEGT được Trung tâm Giáo dục và phát triển (CED) thuộc VCCI thực hiện hồi tháng 4-2014, dự án đã thực hiện 81 cuộc phỏng vấn tại 63 DN gỗ, các hiệp hội.
Kết quả cho thấy, chỉ có 57% DN biết về VPMLEGT, 75% DN chưa biết các nội dung chủ yếu của VPA/PLEGT. Điều đáng nói là 73% các DN này đang XK các sản phẩm gỗ nội, ngoại thất sang EU, chiếm 51% thị phần XK.
Kết quả này có thể cho thấy nhận thức của DN gỗ đối với việc XK còn rất thờ ơ. Có thể nhận định như vậy là bởi nếu DN không thực hiện XK gỗ theo FLEGT thì sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ như đã thực hiện giải trình từ tháng 3-2014 khi thực thi theo Quy chế gỗ của EU (EUTR 995/2010).
Điều này đồng nghĩa với việc đã là DN XK gỗ thì sẽ phải biết đến EUTR 995/2010 hoặc VPA/FLEGT. Thế nhưng kết quả điều tra trên cho thấy, các DN nếu không liên quan đến quy trình XK gỗ mà chỉ tiêu thụ trong nội địa hoặc chỉ tham gia trong một quy trình ngắn nào đó của việc sản xuất, kinh doanh gỗ, thậm chí là cả DN XK gỗ sang EU đã không hề biết đến quy định mới này.
Trong khi đó, quy định của VPA/FLEGT mang tính chất một quy trình từ khâu trồng rừng cho đến khi sản phẩm gỗ XK ra đến cửa khẩu, do đó việc nhận thức của DN mù mờ về VPA/FLEGT cho đến thời điểm này là một vấn đề.
Nhiều báo cáo, thống kê trước đây đã cho thấy hiệu quả hạn chế của DN cũng như tiền kinh tế Việt Nam trước tác động của việc Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại quốc tế.
Những thông kê mới đây cũng cho thấy, nhận thức, sự hiểu biết ít ỏi của DN đối với những hiệp định, hiệp ước Quốc tế như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, Cộng đồng Kinh tế ASEAN...
Để VPA/FLEGT không dẫm lại vết chân cũ trên đường hội nhập, vai trò tổ chức của Nhà nước là rất cần thiết nhưng không thể không nhắc đến sự chủ động của DN.
DN cần nhận thức rõ được đây là câu chuyện của DN mình chứ không phải của Nhà nước, không phải của người khác, từ đó thay đổi mọi thói quen cũ để đón một hiệp định, một phương thức sản xuất, kinh doanh mới. (Hải Quan 11/9, tr12) đầu trang(
Sau một thời gian dài ngành chế biến gỗ xuất khẩu rơi vào cảnh khủng khoảng, đơn hàng bị hạn chế, không tìm ra thị trường, nhiều  doanh nghiệp phải chấp nhận đóng cửa hoặc chuyển ngành hàng thì từ đầu năm 2014 đến nay ngành công nghiệp xuất khẩu gỗ đã có dấu hiệu phục hồi và dần lấy lại được vị thế.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng đã trỗi dậy với nhiều đơn hàng lên đến vài chục tỷ đồng. Sau đây là ghi nhận ở các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu tại Quảng Ngãi.
Theo Hiệp hội chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam, với tốc độ phát triển bình quân 2 con số liên tục từ đầu năm đến nay, dự kiến năm 2014 xuất khẩu gỗ Việt Nam sẽ là 6,5 tỷ USD. Con số này nói lên một điều là ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam hoàn toàn có thể phục hồi và lớn mạnh trong năm 2014 này. Điều này xuất phát từ thực tế là những quốc gia cạnh tranh trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan vẫn còn khoảng cách khá xa về giá trị xuất khẩu gỗ so với Việt Nam.
Trong khi thị trường thế giới đã dần chấp nhận nguồn liệu như keo, xoan, và cao su. Đây là một lợi thế lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Nếu trước đây, doanh nghiệp dùng 10 tỷ để kinh doanh thì hết 60% là để nhập nguyên liệu thì ngày nay với lợi thế nguyên liệu sẵn có đã giúp cho doanh nghiệp Việt từng bước nâng cao giá trị lợi nhuận từ nghành xuất khẩu này.
Ông Lưu Văn Bảy- Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Vũ, Quảng Ngãi cho biết: “Tại sao mà người ta lại đi đến vùng duyên hải miền trung xa xôi thế này là vì miền Trung hiện có vùng nguyên liệu rất tốt được thế giới công nhận ví dụ keo, xoan ta và cao su đó là một trong những nguyên nhân và khách hàng của châu Âu, châu Á cụ thể như Hàn Quốc, Nhật, người ta lại tin tưởng cái đơn vị nào cái khu vực nào nắm bắt được vùng nguyên liệu thì người ta đặt hàng”.
Ngoài ra doanh nghiệp Việt Nam cũng đã mạnh dạn thay đổi dòng sản phẩm. Cũng là những thị trường quen thuộc như các nước EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam đã chủ động chuyển từ mặt hàng ngoài trời sang cung cấp hàng nội thất gia dụng với tỷ lệ 60% nội thất, 40% ngoài trời. Sự thay đổi này đã giúp tăng dần kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Ông Đỗ Anh Trúc- Giám đốc Công ty TNHH Tân Hải, Quảng Ngãi nói: “Trong năm 2014 ngành này sẽ sản xuất được với mức 6,5 tỷ, nhưng thực tế hiện nay đã sản xuất được 3,7 tỷ rồi thế cho nên Bộ Công thương đánh giá năm nay riêng ngành chế biến lâm sản xuất khẩu thì sẽ đạt mức độ 8,5 tỷ đô la. Đặc biệt năm vừa qua riêng Hàn Quốc nó tăng trưởng nhập khẩu hàng nội thất của mình là đến 48,2%, là một con số triển vọng mới cho toàn ngành gỗ và chế biến gỗ của Việt Nam mình”.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này hiện chủ yếu vẫn xuất bán cho các đối tác ở dạng gia công, chứ chưa thật sự xây dựng thương hiệu gỗ Việt. Tình trạng sản xuất cho nhà bán lẻ ở nước ngoài đã khiến ngành công nghiệp vốn tiềm năng này phụ thuộc kéo dài hàng chục năm nay. Muốn thoát khỏi tình trạng bấp bênh, làm thuê, không có con đường nào khác ngoài con đường xây dựng thương hiệu gỗ Made in Việt Nam. (VTV9 15/9) đầu trang(
UBND huyện Bảo Lâm cho biết, đến nay các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện đã giao khoán gần 50.000 ha rừng cho 2.405 hộ quản lý bảo vệ. Trong đó, có trên 2000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Với mức giao khoán từ  300 đến 350.000 đồng/ha, bình quân mỗi năm, các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng ở huyện Bảo Lâm có thêm nguồn thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng.
Dù số tiền này chưa thực sự là lớn song cũng giúp các hộ nhận khoán, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục khó khăn, yên tâm giữ rừng.
Ngoài việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng, các đơn vị, doanh nghiệp ở huyện Bảo Lâm còn thu hút khoảng 800 lao động tại chỗ tham gia nghề rừng, đẩy mạnh hoạt động trồng rừng góp phần tăng độ che phủ  và hạn chế các vụ vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng ở địa phương. (Đài PTTH Lâm Đồng 15/9) đầu trang(
16-9, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng Lê Quang Dần cho biết: Hiện nay, Khu bảo tồn đã giao nhận khoán với diện tích 7.961,4 ha rừng đặc dụng cho 167 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số quản lý, bảo vệ.
Trong 167 hộ dân được giao quản lý rừng đặc dụng, có 121 hộ ở xã Đác Som, huyện Đác Glong, tỉnh Đác Nông; 22 hộ ở xã Đạ Knàng và 34 hộ ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Trong tổng số diện tích được giao khoán cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số quản lý, bảo vệ có hơn 4.739 ha thuộc lưu vực sông Đồng Nai và hơn 3.222 ha thuộc lưu vực sông Sê-rê-pốc.
Dự kiến, tổng kinh phí mà Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng chi trả cho các hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2014 là 1,6 tỷ đồng.
Theo ông Lê Quang Dần, việc giao nhận khoán rừng đặc dụng trong khu bảo tồn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sồng gần rừng nhận quản lý, bảo vệ không chỉ ngăn chặn, hạn chế được tình trạng phá rừng, săn bắn thú rừng trái phép mà còn góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống của đồng bào dân tộc sinh sống xung quanh khu bảo tồn. (Nhân Dân 16/9) đầu trang(
15/9, tại thành phố Quy Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Thu Hà đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác đánh giá định kỳ Ngân hàng Thế giới về Dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3) do bà Nguyễn Thị Thu Lan - Chủ nhiệm Dự án làm Trưởng đoàn.
Theo Ban quản lý Dự án (BQLDA) WB3 tỉnh, qua 10 năm triển khai Dự án (từ năm 2005 đến 2014), toàn tỉnh đã có 7.872 hộ dân tham gia và trồng được hơn 13.811,92 ha tại 38 xã thuộc 6 huyện , 01 thị xã, và 01 thành phố. Riêng năm 2014 kế hoạch trồng rừng WB3 là 2.000 ha, đến nay đã trồng được 1860,4  ha, chủ yếu là cây keo lai và bạch đàn cấy mô.
Các hộ tham gia Dự án đã được BQLDA hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Ngân hàng CSXH đã nỗ lực giải ngân nguồn vốn vay, đến nay đã giải ngân 147.015,16 triệu đồng cho 6280 hộ vay. Trong đó, giải ngân năm 2014 là 11,906,61 triệu đồng /557 hộ. Nhờ vậy, hầu hết diện tích rừng trồng theo Dự án WB3 được áp dụng đúng quy trình trồng rừng thâm canh, chăm sóc tốt, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ gia đình và tổ chức tham gia Dự án được quan tâm; đến nay đã cấp GCNQSDĐ cho 7.618 hộ với diện tích 13.081 ha.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Thu Hà khẳng định, tỉnh Bình Định thời gian qua đã thực hiện có hiệu quả Dự án WB3, qua đó góp phầntăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; giúp cho các hộ dân hưởng lợi từ việc vay vốn để trồng rừng sản xuất với năng suất, chất lượng cao, tạo việc làm, cải thiện đời sống…
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Thu Hà mong muốn WB Mission và Ban quản lý Dự án WB3Trung ương  xem xét, hỗ trợ trong việc chuyển đổi cổ phần hóa công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn để vừa sản xuất kinh doanh vừa làm nhiệm vụ công ích thực hiện Dự án Bảo vệ & phát triển rừng, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ môi trường cảnh quan ở TP.Quy Nhơn.
Về phía WB3 Trung ương, Bà Nguyễn Thị Thu Lan - Chủ nhiệm Dự án thống nhất đề xuất về chủ trương cổ phần hóa công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn của tỉnh. đồng thời, kiến nghị, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn tất các thủ tục hồ sơ, từ đó làm căn cứ cho vay, tiếp tục phát triển Dự án trồng rừng tại địa phương. (Binhdinh.gov.vn 15/9) đầu trang(
15/9, UBND tỉnh phê duyệt Phương án kiểm kê rừng tỉnh Quảng Nam và giao Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư, Chi cục Kiểm lâm làm cơ quan đầu mối.
Mục tiêu phương án nhằm xác định và nắm bắt chính xác toàn bộ diện tích rừng, trữ lượng rừng, diện tích đất chưa có rừng theo trạng thái rừng, nguồn gốc rừng và mục đích sử dụng của từng chủ rừng, từng đơn vị hành chính và đơn vị quản lý rừng để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thiết lập được hồ sơ quản lý rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng gồm cả bản đồ và số liệu, cả dạng số và dạng bản giấy theo tiêu chí và tiêu chuẩn thống nhất để phục vụ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm; làm căn cứ đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT (trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm) tổ chức thực hiện phương án; quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư; định kỳ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và các Bộ, ngành liên quan.
Đồng thời, yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành mình có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và cân đối, bố trí nguồn lực để chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện phương án đảm bảo theo quy định.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Chi cục Kiểm lâm và tổ chức chỉ đạo thực hiện phương án kiểm kê rừng ở địa phương. (Quangnam.gov.vn 16/9) đầu trang(
16/9, Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2014 và kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng năm 2015.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến trung tuần tháng 9, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị được trên 21 triệu cây giống lâm nghiệp, hơn 10 tấn hạt trẩu, 300 kg hạt bồ đề đảm bảo đủ giống để trồng rừng theo kế hoạch.
Toàn tỉnh đã trồng mới được 2.894,7 ha rừng, bằng 43,8% kế hoạch giao, trong đó trồng rừng phòng hộ 225 ha/900 ha, rừng sản xuất 2.658 ha/5.700 ha, trồng rừng thay thế nương rẫy được 10,66 ha/10,66 ha.
Đối với diện tích cây cao su, 9 tháng năm 2014, đã trồng mới được 601 ha tại 2 huyện Bát Xát và Bảo Thắng. Công tác lập phương án bảo vệ rừng tại cộng đồng đã được các cơ quan chức năng hướng dẫn cho các chủ rừng và chính quyền địa phương. Đến nay, 50/72 đơn vị thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền thu được trong 9 tháng năm 2014 gần 3 tỷ đồng.
Báo cáo cũng nêu rõ, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép, tranh chấp đất rừng vẫn xảy ra. Tình trạng khai thác vận chuyển lâm sản trái phép tăng 63 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Việc quản lý đất đai, tài nguyên rừng của các tổ chức chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng xâm lấn, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép nhiều năm. Nhiều diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, nhưng người dân sử dụng làm nương. Việc triển khai thực hiện các dự án phát triển vùng rừng nguyên liệu của doanh nghiệp chưa thực sự đem lại hiệu quả, tiến độ trồng rừng chậm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ trồng rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng tại các địa phương.
Kết luận hội nghị, ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các địa phương cần tập trung, quyết liệt hơn nữa trong việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng và công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các chỉ tiêu, kế hoạch tổng thể về bảo vệ và phát triển rừng năm 2014 vẫn giữ nguyên, tuy nhiên sẽ thực hiện điều chuyển chỉ tiêu giữa các đơn vị, địa phương để đảm bảo hoàn thành kế hoạch của toàn tỉnh.
Đối với công tác trồng rừng mới, cần tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ trồng rừng sản xuất tại các vùng thấp; các huyện vùng cao tập trung rà soát đất đai, hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ thiết kế, chuẩn bị đầy đủ vật tư, cây giống để trồng rừng đúng khung thời vụ (hoàn thành trước 30/11/2014).
Các địa phương cần tiếp tục chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; cân đối phân khai nguồn vốn bảo vệ và phát triển rừng năm 2015 sớm trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành để triển khai thực hiện. (Báo Lào Cai 16/9) đầu trang(
Rừng phòng hộ không chỉ bảo vệ nguồn nước, hạn chế thiên tai mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, trồng mới rừng phòng hộ là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, bất cập nên mùa trồng rừng năm 2014 kết thúc hơn 1 tháng nhưng diện tích trồng mới rất khiêm tốn so với kế hoạch giao (hơn 30%).
Năm 2014, toàn tỉnh có 3 đơn vị được giao nhiệm vụ trồng rừng phòng hộ tập trung, đó là: Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Điện Biên, Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Mường Chà và Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo với tổng diện tích 296ha.
Trong đó, ban quản lý dự án rừng phòng hộ của huyện Điện Biên và Mường Chà đảm nhiệm kế hoạch nhiều nhất, mỗi ban trồng 100ha, còn lại Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo trồng 96ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, duy nhất chỉ có Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo trồng 101,2ha, vượt kế hoạch giao 5,2ha. Còn lại 2 ban của huyện Điện Biên và Mường Chà kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ vẫn còn nằm… trên giấy!
Là đơn vị duy nhất hoàn thành vượt kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ năm 2014, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: Đảm bảo kế hoạch trồng rừng, Ban đã chủ động gieo ươm trên 200.000 cây thông từ hơn 1 năm trước. Theo đó, 100% thông giống đưa vào trồng vụ này đều sau ươm 18 tháng, chiều cao từ 50cm trở lên.
Cùng với đó, Ban đã cử cán bộ xuống từng địa bàn vận động nhân dân đăng ký trồng rừng, xác định diện tích, loại đất đưa vào trồng. Trên cơ sở kế hoạch giao, toàn bộ diện tích trồng mới, Ban tập trung trồng tại xã Quài Tở để thuận lợi cho việc bảo vệ, chăm sóc về sau.
Tuy nhiên, quá trình vận động nhân dân trồng rừng gặp không ít khó khăn, bởi thời điểm bắt đầu trồng rừng, Ban chưa nhận được quyết định phân bổ vốn mà chỉ có kế hoạch giao khối lượng từ cuối năm 2013. Song nhờ làm tốt việc vận động, nên người dân tích cực tham gia trồng mới.
Vì vậy, sau gần 2 tháng triển khai, toàn bộ diện tích trồng mới đã hoàn thành trước ngày 20/6 với tổng diện tích 101,2ha. Ông Nguyễn Duy Minh cho biết: “Quyết tâm trồng rừng thì vận động nhân dân làm vậy thôi, chứ thực lòng chúng tôi vừa làm vừa… run. Vì trong trường hợp không được phân bổ vốn năm 2014 thì Ban cũng chưa biết lấy tiền đâu để trả cho người trồng rừng theo quy định!”.
Theo bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó phụ trách Chi cục Lâm nghiệp, mùa trồng rừng trên địa bàn tỉnh ta bắt đầu từ cuối tháng 5 và thường kết thúc vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, trồng rừng là cả quy trình phải chuẩn bị đất, cây giống, đặc biệt là đối với cây giống phải gieo ươm trước đó ít nhất nửa năm, thậm chí có loại phải gieo ươm trước một năm rưỡi.
Đơn cử, đối với thông - loại cây chủ lực trồng rừng phòng hộ, trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt ở tỉnh ta thì sau ươm 18 tháng mới đảm bảo để đưa vào trồng. Dù Chi cục rất tích cực chỉ đạo, đôn đốc các ban quản lý dự án rừng phòng hộ được giao kế hoạch trồng mới vận động nhân dân trồng rừng, lập hồ sơ thiết kế đảm bảo đúng địa điểm, đối tượng đất quy hoạch rừng phòng hộ.
Nhưng trên thực tế, kế hoạch giao vốn trồng rừng tập trung của Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững năm 2014 do Trung ương phân bổ chậm, nên công tác trồng mới gặp khó khăn.
Lật tìm văn bản, quyết định giao vốn thực hiện trong cả tập hồ sơ dầy cộp liên quan đến công tác trồng rừng, bà Hiền phân tích: Theo Quyết định số 522 của UBND tỉnh về việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững năm 2014 ngày 11/7, tức là quyết định được ban hành khi mùa trồng rừng đã bắt đầu hơn 1 tháng dẫn đến các đơn vị không có cơ sở để thực hiện công tác trồng mới, khi mà đơn vị không hoàn thành kế hoạch giao Chi cục cũng không thể xử lý!
Bà Đặng Thị Thu Hiền lý giải, có vốn thì các ban Quản lý dự án rừng phòng hộ mới chủ động được kế hoạch gieo ươm cây giống hoặc ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất cây giống. Và khi được giao vốn thì các ban cũng mới đủ cơ sở để vận động nhân dân trồng rừng, vì không thể chỉ hô hào vận động… suông, trong khi đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo Quyết định 522 của UBND tỉnh, năm 2014 hạng mục trồng rừng phòng hộ được phân bổ hơn 2,45 tỷ đồng nhưng do giao muộn sẽ dẫn đến nghịch lý tiền có nhưng… khó tiêu, trong khi trồng rừng phòng hộ là nhiệm vụ cần được quan tâm hàng đầu thì lại không thể thực hiện. (Báo Điện Biên Phủ 15/9) đầu trang(
Hưởng ứng phong trào cựu chiến binh (CCB) thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, không ít hội viên CCB ở huyện Khánh Vĩnh đã lao động sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng. Anh Văn Đình Bình - một CCB ở xã Khánh Nam là một điển hình.
Sau nhiều năm trồng bắp, trồng mì không mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Văn Đình Bình - một CCB ở xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh đã tìm tòi những mô hình sản xuất mới để áp dụng trên mảnh đất của gia đình.
Nhờ vườn nhà gần sông, điều kiện bơm tưới thuận lợi nên anh Bình quyết định xây dựng mô hình vườn nhà, vườn rừng, vườn ươm giống keo. Sau nhiều năm thử nghiệm, chăm sóc, đến nay, hơn 1ha vườn nhà anh đã trồng được 80 gốc sầu riêng hạt lép, 10 gốc bưởi da xanh, 10 gốc mít nghệ, 10 gốc chôm chôm...
Với cây keo, ban đầu anh chỉ trồng được vài héc-ta, sau bán keo có lãi, anh đã mua đất và trồng thêm... Đến nay, gia đình anh đã có 10ha keo lai từ 1 - 3 năm tuổi. Đến mùa trồng rừng, nhìn thấy cảnh bà con mua giống tấp nập, anh Bình đã nảy ra ý định đầu tư một vườn ươm keo giống.
Để nắm chắc kỹ thuật, anh đã đến Bình Định học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, đồng đội quy trình gieo ươm keo giống. Đồng thời, đầu tư hệ thống bơm tưới, quy hoạch vườn ươm một cách khoa học, tuyển nhân lực làm nhiệm vụ ươm cây... Hiện nay, anh Bình đã có vườn ươm keo giống rộng 1.000m2, mỗi năm cung cấp khoảng 600.000 cây keo giống cho nông dân trong vùng, qua đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương.
Chị Nông Thị Ly (thôn Hòn Dù xã Khánh Nam, Khánh Vĩnh) làm việc ở vườn ươm keo giống chia sẻ: “Từ ngày có vườn ươm keo giống của anh Bình, tôi có việc làm ổn định thường xuyên; bình quân mỗi ngày tôi được trả công 150.000 đồng”.
Nhờ làm việc tận tâm, áp dụng đúng quy trình gieo ươm và hướng dẫn lao động thực hiện nghiêm ngặt các công đoạn, vườn ươm keo giống của anh Bình phát triển rất tốt. Anh Bình cho biết: “Hiện vườn ươm keo giống của tôi không đủ cung ứng giống cho nông dân. Vì vậy, tôi dự tính sẽ phát triển quy mô vườn ươm keo giống, có thể cung cấp khoảng 1 triệu cây giống mỗi năm, trước là có thu nhập, sau giải quyết thêm được nhiều việc làm cho lao động địa phương”.
Hiện nay, thu nhập từ vườn rừng, vườn nhà, vườn ươm đã đem về cho gia đình anh Bình khoảng trên 300 triệu đồng mỗi năm. Hiện tại, 1ha keo thương phẩm có giá 60 - 70 triệu đồng, nếu giá giữ ổn định, khoảng 2 đến 3 năm nữa, 10ha keo của anh có thể thu 600 - 700 triệu đồng. Không chỉ cố gắng phát triển kinh tế gia đình, anh Bình còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè, đồng đội về kỹ thuật phát triển kinh tế vườn nhà, vườn rừng, kỹ thuật trồng keo lai...
Anh Cao Hà Răng - Phó Chủ tịch Hội CCB xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Nhờ lao động sáng tạo, vượt khó nên anh Bình không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu CCB sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Khánh Vĩnh.
Mô hình vườn nhà, vườn rừng, vườn ươm keo giống của anh Bình rất hiệu quả, nhiều người nhờ anh đã có việc làm và thu nhập ổn định. Chúng tôi luôn khuyến khích anh em hội viên CCB xã Khánh Nam học tập mô hình kinh tế của anh Bình”. (Báo Khánh Hòa 15/9) đầu trang(
Năm 2014, Công ty  TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên được giao trồng 1.450 ha rừng sản xuất. Trên cơ sở kế hoạch giao, công ty đã họp và tổ chức cho nhân dân đăng ký nhu cầu trồng rừng mới.
Theo đó, người dân của các xã trong vùng nguyên liệu đã đăng ký trồng mới 1.000 ha cây quế. Đây là năm đầu tiên, huyện Bảo Yên trồng quế với diện tích lớn như vậy. Được biết, năm 2013, người dân đã đăng ký và trồng mới 500 ha cây quế. Nguyên nhân là do nhu cầu của người dân tăng, thu nhập từ cây quế cao hơn mỡ, keo.
Theo tính toán, thu nhập tại chân đồi từ trồng cây keo, cây mỡ được 60 triệu đồng/ha, còn trồng cây quế thu nhập từ 80 – 90 triệu đồng/ha (gấp 1,5 lần). Diện tích trồng cây quế năm nay tập trung chủ yếu tại các xã: Xuân Hòa, Tân Dương, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Thượng Hà, Minh Tân, Xuân Thượng.
Để phục vụ nhu cầu trồng quế năm nay, ngay từ cuối năm 2013, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên đã nhập 1,5 tấn hạt quế từ Văn Yên (Yên Bái) để gieo ươm, hiện đã sản xuất được gần 3 triệu cây giống.
Dự báo, năm 2015, người dân trên địa bàn huyện tiếp tục đăng ký trồng gần 1.000 ha cây quế. (Báo Lào Cai 16/9) đầu trang(
Đó là gia đình ông Lê Văn Thành, ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Việc lao động, sản xuất phát triển kinh tế hộ của ông Thành cũng không có gì to tát, mà chỉ là các công việc làm ăn quen thuộc của người nông dân như nuôi bò, nuôi dê, nuôi cá nước ngọt và trồng rừng.
Điều đáng nói là tính cần cù lao động của gia đình ông. Họ đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thức khuya dậy sớm để sản xuất, chắt chiu thành quả lao động, đem lại nguồn lợi ngày càng tăng và có thu nhập ổn định.
Gia đình ông Thành đầu tư nuôi dê bách thảo với đàn dê 60 - 70 con; nuôi 4 con bò cái lai sinh sản, nuôi cá nước ngọt trên diện tích mặt nước ao 3.000 m2  và trồng 3 ha rừng nguyên liệu giấy.
Ông Thành cho biết: Các sản vật của nông dân làm ra, không những riêng gia đình tôi mà cả xóm, cả thôn đều được tiêu thụ tốt nhờ giao thông thuận lợi. Qua sản xuất, chăn nuôi và khai thác gỗ rừng trồng, bình quân gia đình tôi có lãi ròng hơn 100 triệu đồng/năm. Từ thu nhập này, tôi nuôi được 6 nhân khẩu trong gia đình. Cảnh nghèo năm xưa đã không còn nữa và có điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. (Báo Bình Định 16/9) đầu trang(
Dó bầu là loại cây có khả năng tạo ra nhựa thơm làm trầm hương, một loại tinh dầu quý làm dược phẩm, hương liệu và thực phẩm. Tiếp nối thành công của ông Nguyễn Văn Đức (50 tuổi, ngụ xã Lạc An, H.Bắc Tân Uyên), nhiều hộ nông dân tại địa phương đã ồ ạt trồng dó bầu mong đổi đời nhưng không phải ai cũng làm được.
Là người được sinh ra giữa bạt ngàn cao su của chiến khu D nhưng cuộc sống đẩy đưa ông Đức đến với những cánh rừng của Đồng Nai, Lâm Đồng và trên dãy Trường Sơn. Suốt quãng đời trai trẻ, ông Đức ăn ngủ với cỏ cây trong rừng. Cũng từ làm rừng mà ông hiểu được giá trị của cây dó bầu cũng như trầm hương với đời sống. Tích lũy được số vốn kha khá, đầu những năm 2.000, ông Đức về lại mảnh đất mình được sinh ra mua đất, lập gia đình và đưa cây dó bầu từ những cánh rừng về đây trồng.
Bắt đầu với 400 cây dó bầu trồng xen canh cao su và tiêu từ đầu năm 2005, đến nay mô hình xen canh dó bầu với cao su của ông đã lên trên 4 ha. “Ai cũng biết, dó bầu dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, thích nghi được với điều kiện khí hậu vùng Đông Nam bộ, tuy nhiên không phải loại dó bầu nào cũng tạo ra trầm hương như mong muốn”, ông Đức chia sẻ.
Theo ông Đức, người trồng dó bầu thường tạo trầm trên cây bằng hai phương pháp là khoan lỗ tiêm thuốc và lột vỏ quét thuốc. Một cây dó bầu (loại quét thuốc kích thích bên ngoài) sau 7 - 10 năm cho từ 2 - 3kg thành phẩm, còn loại tiêm thuốc kích thích thời gian thu hoạch từ 9 - 10 năm cho 4 -5kg thành phẩm.
Nếu trừ các chi phí trồng, chăm sóc, công làm thì sản phẩm từ cây dó bầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây điều, cao su. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thời điểm nào là phù hợp để tạo kích thích cho cây sinh trầm hương đạt chất lượng. Hoặc có những người đã nắm được quy trình làm nhưng do nôn nóng quá mà đã làm hư cả một lứa cây.
Ông Đức cho biết: “Đối với cây dó bầu 5-7 năm tuổi chỉ khoan 23 lỗ, mỗi lỗ bơm một chai thuốc (0,5 lít) cấy trầm; cây trên 10 năm tuổi khoan 2 tầng (6 - 8 lỗ). Với phương pháp trồng và cấy thuốc như trên, sau 3 tháng, áo dầu màu nâu xuất hiện, đến 12 tháng đã có thể khai thác. Lúc này, trầm tích tụ từ gốc cho tới những nhánh nhỏ, độ kết tủa dày 1-2mm. Nếu có điều kiện nuôi cây đến 24 tháng, trầm càng tích tụ, màu càng đẹp và bóng”.
“Đa số bà con trong vùng và kể cả tôi cũng không có nguồn tiêu thụ trầm hương ổn định. Phần lớn đầu ra đều phụ thuộc vào các thương lái. Mặc dù có mối sẵn nhưng nhiều khi tui cũng chịu ép giá của thương lái dù trầm của mình chất lượng cao”, ông Đức cho hay.
Theo ông Đức, bà con không nên ồ ạt chặt, đốn những loại cây đã gắn bó với vườn rẫy của mình nhiều năm chỉ vì nghe tin đồn thổi quá mạnh về giá trị kinh tế từ cây dó bầu. “Nếu bà con muốn tăng thu nhập từ dó dầu thì cứ tiến hành từng bước bằng việc trồng xen canh trong vườn nhà trước rồi mới nhân rộng sau khi tìm được đầu ra ổn định”, ông Đức chia sẻ. (Thanh Niên 16/9) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng, toàn huyện Bá Thước trồng mới được 100 ha rừng, đạt 200% kế hoạch.
Diện tích trồng rừng tập trung chủ yếu ở các xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn là Thiết Ống, Ban Công, Văn Nho, Kỳ Tân, Thiết Kế. Các loại cây được trồng gồm xoan, lát hoa, sao đen và luồng. Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả cao, ban quản lý các chương trình, dự án trồng rừng của huyện đã chú trọng tới công tác hướng dẫn người dân trồng theo hướng thâm canh, xen canh, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng cho nông dân.
Cùng với trồng rừng, huyện còn tập trung bảo vệ, chăm sóc, phát triển diện tích rừng hiện có; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm lâm luật và làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Các xã và các chủ rừng đều chủ động thực hiện công tác PCCCR và có phương án PCCCR trong mùa khô.
Công tác phối hợp, kiểm tra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép giữa các xã với các ngành đồng bộ, nhịp nhàng... 8 tháng năm 2014 trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng; độ che phủ rừng đạt 61,5%. (Báo Thanh Hóa 17/9) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Phóng viên TTXVN tại Jakarta cho biết Quốc hội Indonesia ngày 16/9 đã phê chuẩn Hiệp định khói mù xuyên biên giới ASEAN.
Theo quyết định phê chuẩn, chính phủ Indonesia sẽ phải tăng cường các chính sách và biện pháp hữu hiệu, sử dụng nhiều nguồn lực và phối hợp với nỗ lực chung của khu vực để đối phó với cháy rừng, qua đó ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.
Trong phát biểu đầu tiên ngay sau khi văn kiện được Quốc hội thông qua, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã hoan nghênh quyết định của cơ quan lập pháp cao nhất nước, đồng thời cho biết chính phủ luôn chú trọng đến vấn đề này.
Theo ông, để giải quyết căn bản thách thức chung của khu vực, cần tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, trong đó có cháy rừng.
Hiệp định khói mù xuyên biên giới ASEAN được chính phủ Indonesia ký cách đây 12 năm, nhưng đến nay mới được Quốc hội thông qua do trước đó phải chịu nhiều áp lực trái chiều từ trong và ngoài nước.
Theo thông tin ghi nhận, các vụ cháy rừng hàng năm ở đảo Sumatra, Riau hay Borneo của Indonesia không chỉ xuất phát từ thời tiết khô hạn, mà còn do sự bất cẩn của người dân.
Nhà chức trách cho biết nhiều công ty giấy và dầu cọ đã phá rừng để mở rộng diện tích đồn điền, trong đó có cả các công ty của hai nước láng giềng Singapore và Malaysia. Hàng năm, Singapore và Malaysia luôn phải chịu cảnh ô nhiễm không khí trầm trọng do khói bụi từ các đám cháy rừng ở miền Tây Indonesia gây ra.
Cuộc khủng hoảng khói mù xuyên biên giới gần đây nhất giữa ba nước xảy ra hồi tháng Sáu năm ngoái, làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Indonesia với hai nước trên...
Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng cháy rừng trong khu vực, tháng trước, đảo quốc sư tử Singapore cũng đã thông qua dự luật cho phép trừng phạt các công ty có văn phòng tại đây số tiền lên tới 2 triệu SGD (tương đương 1,6 triệu USD) nếu liên đới trách nhiệm gây cháy rừng và làm ô nhiễm môi trường khu vực. (VietnamPlus 16/9) đầu trang(
Ở Nackawic, Canada, một công viên nhỏ đã bị đâm thủng bởi chiếc rìu lớn nhất thế giới. Nó được chế tạo vào năm 1991 để kỉ niệm sự kiện thị trấn này trở thành thủ phủ lâm nghiệp của Canada, và có độ cao gần 15m trên nền bê tông.
Tấm bia kỉ niệm ghi: "Chiếc rìu khổng lồ này hình tượng hóa sự quan trọng của ngành lâm nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đối với thị trấn Nackawic và khu vực New Brunswick”. Chandler O'Leary, người điều hành trang một trang mạng nổi tiếng cho biết cô gặp chiếc rìu này một cách hoàn toàn vô tình và đã vẽ một bức họa về nó trước bờ sông St. John.
Chiếc rìu nặng 55 tấn, lưỡi rìu dài 7m, được chế tạo tại Woodstock, New Brunswick và được chuyển đến địa điểm trưng bày vào sáng sớm ngày chủ nhật để tránh gây rối loạn giao thông. Người ta cho rằng ở trong khối kim loại này có những lời nhắn nhủ dành cho thế hệ sau.
Đây không phải là chiếc rìu có kích thước khổng lồ duy nhất trên thế giới. Ngoài ra, còn có cây rìu gỗ Big Axe xuất hiện ở Kew (Australia) năm 1979 và một loạt tượng Paul Bunyans vác rìu trên vai ở nhiền nơi trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, chiếc rìu ở Nackawic vẫn là chiếc rìu lớn nhất thế giới.
Năm 2004, ngành lâm nghiệp của vùng bị ảnh hưởng bởi việc một nhà máy bột giấy của thị trấn đóng cửa, và các công nhân đâm đơn kiện do không được trả lương. Chiếc rìu này có thể sẽ tồn tại lâu hơn cả ngành lâm nghiệp nơi đây. (Dân Trí 16/9) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng