Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 16 tháng 09 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Một vụ cháy rừng dữ dội xảy ra chiều 14-9 tại khu vực thôn 2, xã Duy Trung (H. Duy Xuyên) đã lan rộng gần 2 ha rừng.
Ông Nguyễn Như Tiền, Chủ tịch UBND xã Duy Trung cho biết, do một số người dân đốt thực bì không cẩn thận gây ra đám cháy. Do gió lớn nên diện tích đám cháy lan rộng.
Ngay sau đó, lực lượng CAX và các lực lượng khác của địa phương đã đến hiện trường tích cực triển khai các biện pháp dập lửa. Đến 21 giờ cùng ngày tại khu vực lòng chảo của đám cháy vẫn còn nhiều than đỏ.
Được biết do thời tiết hanh khô nắng nóng nên thời gian qua trên địa bàn xã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng. (Công An TP Đà Nẵng 16/9) đầu trang(
Chiều 15/9, Thiếu tá Hồ Đức Hạnh, Phó Trưởng Công an huyện A Lưới cho biết, vào lúc 3h sáng cùng ngày, trên quốc lộ 49 từ A Lưới về Huế, lực lượng CSĐT tội phạm về môi trường Công an huyện đã bắt giữ xe tải 74C-017.25 do tài xế Võ Thanh Lâm (23 tuổi, trú Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) điều khiển, phát hiện trên xe có 2,3m3 gỗ xoan đào (nhóm II) đã cưa thành hàng chục phách.
Số gỗ này được cất giấu trong thùng xe tải, bên trên chất nhiều bao tải phế liệu để ngụy trang. Tài xế Lâm không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ trên. Bước đầu, Lâm khai, số gỗ lậu trên của một đối tượng thuê chở về Huế để tiêu thụ. (Công An Nhân Dân 16/9, tr8) đầu trang(
Một chợ chim hoạt động tấp nập ngay trên quốc lộ 62 qua tỉnh Long An. Hàng chục hộ bán, hàng ngàn người mua đang làm dấy lên lo ngại về việc tận diệt chim trời tại khu vực này.
Đáng lo hơn, tại chợ chim này còn buôn bán cả những loài nằm trong danh sách đỏ cần được bảo vệ. Chim Cu dao động từ 18 đến 55 ngàn 1 con, Sen Ốc 250 ngàn, chim sáo, chim két bán tràn lan, hầu hết đều tính giá theo con.
Chợ chim nằm ngay ngã 3 quốc lộ 62 và đường dẫn vào Trung tâm thị trấn Thạnh Hóa, Long An luôn hoạt động tấp nập. Chim Cu Gối, cu đồng để ăn thịt là mặt hàng phổ biến nhất.
Người dân địa phương ra sức bắt chim, giá rẻ nên khách vãng lai rất thích mua. Vì miếng cơm manh áo, tất cả  đang cùng nhau tận diệt chim trời, động vật hoang dã và vì cái thú ăn đồ rừng.
Còn nhiều loài chim thì vừa mới ra ràng như thế này đã phải đối mặt với nguy cơ tuyệt điệt. Và từ đó dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong vùng. Tất nhiên, hậu quả thì người dân địa phương lãnh đủ. (VTV9 15/9) đầu trang(
T ại hội nghị về phúc lợi động vật Việt Nam được tổ chức tại TP HCM vừa qua với sự chủ trì của Tổ chức Yêu động vật Việt Nam, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia), Tổ chức Nhân đạo quốc tế (Humane Society International), Tổ chức Kairos Coalition - Mỹ vào cuối tuần qua, 65 đại biểu đã đề cập đến phúc lợi 3 nhóm động vật: vật nuôi trong nhà, động vật trong trang trại và động vật hoang dã.
Ông Lê Đức Chính, Điều phối viên Liên minh Bảo vệ chó châu Á (ACPA), cho biết các quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia chưa có quy định về việc buôn bán thịt chó. Theo thống kê, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 5 triệu con chó bị giết để phục vụ nhu cầu của người dân.
Việc mua bán chó để làm thịt ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, an ninh xã hội và nảy sinh nhiều lo ngại về phúc lợi động vật. Theo ACPA, chó được cung cấp cho các lò từ vựa mua bán, trao đổi của người dân; đi lạc bị bắt, bị trộm và từ nguồn buôn lậu ở nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Lê Đức Chính nhấn mạnh: “Trước khi vào lò mổ, chó bị đối xử rất tàn nhẫn như bị bắt bằng kìm sắt kẹp chặt quanh cổ hoặc chân, bị kéo lê rồi nhồi chặt vào lồng sắt chật hẹp, không được cho ăn uống, nghỉ ngơi. Nhiều con chó bị bệnh, bị thương, mất nước, sốc nhiệt và chết trước khi bị giết...”. Ngoài ra, chó còn bị giết mổ bằng nhiều cách dã man, đặc biệt là bị sát hại trước mắt đồng loại.
Theo ACPA, để cải thiện tình hình buôn bán chó tại Việt Nam và các nước lân cận, các cơ quan chức năng đã cam kết ngăn chặn vận chuyển chó giữa các nước. Cục Thú y Việt Nam tăng cường giám sát và ngăn chặn việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán chó trái phép, đồng thời nâng cao nhận thức về nguy hại khi ăn thịt chó.
Theo TS Tuấn Bernard Unti, chuyên gia của Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á, năm 2013, Việt Nam có khoảng 10.000 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã với 3 triệu cá thể thuộc 70 loài. Trong đó, đáng chú ý có khoảng 4.500 cá thể gấu chó, gấu ngựa bị săn bắt từ tự nhiên để phục vụ nhu cầu nuôi lấy mật của người dân.
“Một số trại gấu ở Bình Dương, Quảng Ninh có một lượng lớn cá thể gấu bị nuôi nhốt ở điều kiện chật hẹp . Trong khi đó, ngoài tự nhiên, gấu đi lại trong bán kính từ 5-10 km để kiếm ăn. Gấu nuôi được chủ cho ăn mỗi ngày một lần nên thường xuyên bị đói, khát. Bên cạnh đó, thức ăn của gấu cũng là đồ thừa được nấu như thức ăn công nghiệp” - TS Tuấn Bernard Unti lo ngại.
Theo Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á, do bị nuôi nhốt nên bàn chân của gấu chai nát. Gấu dễ chán nản, thường xuyên đập đầu vào thanh sắt. Ngoài ra, gấu cũng bị tổn thương nội tạng, bệnh về răng miệng, mắt do thường xuyên bị lấy mật...
Trước những tồn tại trên, Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam để giải cứu những chú gấu bị bệnh, nuôi nhốt trong điều kiện khắc nghiệt.
TS Tuấn Bernard Unti trình bày: “Sau khi những con gấu được giải thoát từ môi trường chuồng trại sẽ được đưa về nuôi tại khu vực bán hoang dã để phục hồi về thể chất và bản năng tự nhiên của chúng. Thành quả to lớn nhất mà chúng tôi gặt hái được là nhìn thấy những chú gấu sau một ngày chơi đùa bên ngoài thì lăn vào chuồng ngủ ngon lành khi đã mệt”.
Ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề phúc lợi động vật không còn xa lạ nhưng Việt Nam vẫn còn tương đối mới mẻ. Gần đây, quyền lợi của động vật ở nước ta đã được quan tâm nhiều hơn, bằng chứng là trong dự thảo Luật Thú y đã xuất hiện khái niệm “quyền lợi động vật”. Tuy ít ỏi nhưng đây được coi là một bước tiến rõ nét cho sự quan tâm đến sức khỏe, quyền lợi của động vật. (Người Lao Động 16/9) đầu trang(
10-7, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 732, 733, 734 về Phê duyệt các quy hoạch bảo tồn và phát triển các khu rừng đặc dụng gồm: rừng đặc dụng Tân Trào 3.892,7 ha; rừng đặc dụng Cham Chu 15.262,3 ha và rừng đặc dụng Nà Hang 21.238,7 ha.
Tại các rừng đặc dụng đều có những động vật, thực vật quý hiếm, như: voọc mũi hếch, vạc hoa, lan kim tuyến, thông pà cò, hoàng đàn... Hầu hết các khu rừng đặc dụng đều đã được quy hoạch từ năm 2001 trở lại đây, trong đó phân thành các phân khu chức năng để tổ chức quản lý, bảo vệ và bảo tồn theo đúng quy định.
Thời gian qua, Nhà nước đã có một số chính sách đầu tư quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, cho thuê rừng, khuyến khích phát triển du lịch sinh thái nhằm tạo thêm nguồn thu, bù đắp chi phí, tăng thu nhập cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.
Các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh đều có lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, lễ hội truyền thống nên có những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch.
Như rừng đặc dụng Tân Trào có trên 104/138 điểm di tích và cụm di tích lịch sử được xếp hạng nằm trong khu vực quản lý; rừng đặc dụng Cham Chu có một số điểm du lịch nổi tiếng như Thác Lụa (Hòa Phú), thác Bản Ba (Trung Hà) thuộc huyện Chiêm Hóa, đèo Khau Nàng (Yên Thuận), thác Mạ Héc, Nậm Lương (Phù Lưu), thác Xít Xa (Minh Khương) của Hàm Yên; rừng đặc dụng Nà Hang có núi Pác Tạ, thác nước Pắc Ban, Cọc Vài, đền Pác Tạ, đền Bắc Vãng, đền Nà Tông, đền Gốc Sấu...
Tuy nhiên, qua đánh giá, các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh chưa phát triển bền vững, chưa có ranh giới phân định các phân khu chức năng và chưa có quy hoạch vùng đệm; chưa thành lập được các ban quản lý khu dự trữ thiên nhiên, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp khu rừng đặc dụng; đời sống kinh tế của người dân trong khu bảo tồn và vùng đệm còn khó khăn nên khả năng tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế và không tránh khỏi việc người dân xâm hại đến tài nguyên rừng; việc thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu dự trữ tự nhiên những năm qua chỉ nằm ở hình thức quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng chứ chưa có các chương trình, dự án cụ thể; việc chấp hành pháp luật của cộng đồng còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư còn thiếu và không đồng bộ để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết nên hiệu quả công tác bảo tồn, quản lý, bảo vệ và phục hồi phát triển rừng trong khu bảo tồn chưa cao...
Trước thực trạng này, vừa qua Chi cục kiểm lâm đã thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Các quy hoạch này quy định cụ thể về phạm vi, ranh giới quản lý, các phân khu chức năng, quy hoạch phát triển vùng đệm, quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng, quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ và giáo dục môi trường, phát triển nguồn nhân lực và phát triển cộng đồng...
Theo quy hoạch, bên cạnh việc bảo tồn, phát triển, bảo vệ rừng, các khu dự trữ thiên nhiên đều được đầu tư đáng kể để phát triển mạnh về du lịch, trong đó chú trọng đến các loại hình du lịch chính như: du lịch sinh thái gắn với giáo dục môi trường, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch học tập, nghiên cứu khoa học...
Theo tính toán, hiệu quả đầu tư sau khi thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng là rất lớn. Ngoài hiệu quả về môi trường và bảo tồn, hiệu quả về xã hội thì hiệu quả về kinh tế cũng được nâng lên đáng kể. Rừng đặc dụng Nà Hang mỗi năm có mức thu trên 15 tỷ đồng; rừng đặc dụng Cham Chu mỗi năm thu 14 tỷ đồng, rừng đặc dụng Tân Trào mỗi năm thu trên 10 tỷ đồng, bao gồm tiền thu từ du lịch, cho thuê môi trường rừng, chuyển nhượng chứng chỉ hấp thụ Các bon trên thị trường quốc tế, thu nhập của người dân từ nhận khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng...
Việc quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 sẽ góp phần quản lý bảo vệ và phục hồi, phát triển rừng, bảo tồn các di tích văn hóa, cảnh quan rừng trong các khu dự trữ thiên nhiên.
Qua đó, bảo tồn đa dạng các hệ sinh thái hiện có, tạo và mở rộng môi trường sống cho các loài động vật, từng bước định hướng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tạo hành lang xanh để xây dựng quy hoạch hành lang đa dạng sinh học nối liền các khu dự trữ thiên nhiên với các khu bảo tồn, vườn quốc gia khác trong khu vực. (Báo Tuyên Quang 15/9) đầu trang(
Sau một thời gian rộ lên việc thương lái thu mua lá điều, rễ cây tiêu, lá chanh dây...hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có nhiều người đổ xô đi tìm mua cây si cảnh loại có nhựa màu đỏ để bán lại cho các thương lái ở các tỉnh phía Bắc.
Chưa thấy một cuộc mua bán nào thành công nhưng cũng đã gây ra nhiều hệ lụy như: Người đi mua mất thời gian, tiền bạc, nhiều cây si bị đốn hạ, bên cạnh đó gia đình người có bệnh ung thư cũng mua về uống dẫn đến tình trạng tiền mất, tật mang…
Vốn là nhân viên bảo vệ tại một quán cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trong một lần trò chuyện, anh Nguyễn Dương Công được một vị khách giới thiệu tên Khánh (ở Hà Nội) đang đi thu mua cây si đỏ với giá lên đến 10 triệu đồng/kg. Với mong muốn cải thiện cuộc sống, sau khi làm quen với Khánh, anh Công bỏ hẳn nghề bảo vệ rong ruổi khắp các huyện, xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để hỏi mua và nhờ người dân địa phương giúp mình tìm cây si đỏ.
Trước thông tin, cây si đỏ sống nhiều ở khu vực rừng núi nghèo chất dinh dưỡng, anh Công đã dặn một số người chuyên đi rừng ở huyện Ea Súp và Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) để ý nếu phát hiện thì sẽ mua lại với giá cao.
Anh Công cho biết: “Sau gần 2 tháng bỏ công việc đi săn lùng cây si đỏ, tôi tìm được 1 cây nặng khoảng 20kg ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk). Theo lời dặn trước đó của Khánh, tôi đã chụp ảnh, lấy nhựa và các thông tin về cây gửi ra Hà Nội thì được Khánh điện thoại báo lại đúng là cây si đỏ và hứa vài ngày sau  sẽ bay vào mua lại. Theo chủ cây, mấy ngày trước đã có một người tới trả giá 20 triệu đồng. Sợ bị mua trước, tôi hứa mua cây si này với giá 30 triệu đồng và vay mượn đặt cọc trước 10 triệu đồng cho chủ cây. Không hiểu sao mấy ngày gần đây tôi gọi điện thì Khánh tỏ ra khó chịu, lúc thì nói đang họp, lúc thì nói cứ chờ vì hàng tồn còn nhiều” - anh Công lo lắng nói.
Khoảng 10 ngày nay, nhiều người dân xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, xôn xao thông tin một số người phát hiện cây si đỏ có giá hàng tỉ đồng. Theo người đàn ông tên Nhã, cách đây khoảng 10 ngày một thương lái nhờ anh mua cây si đỏ về làm dược liệu với giá rất cao. Sực nhớ ở con suối (thuộc thôn 5, xã An Tràng) có một cây si giống như thương lái mô tả nên anh rủ 3 người bạn ra kiểm tra.
Ngay sau đó, nhóm anh Nhã đã lấy mẫu cây gửi cho thương lái để xác định cây si trên có phải là cây si đỏ hay không. Câu chuyện cây si đỏ tỉ đồng nhanh chóng lan truyền khắp vùng khiến hàng trăm người dân kéo đến xem, gây mất ANTT cả một vùng quê. “Cách đây 4 ngày, một nhóm người lạ mặt tới canh giữ cây si nhưng có lẽ không phải là loài si đỏ nên họ đã bỏ đi” - anh Nhã nói.
Trong vai một người cần bán cây si đỏ, chiều 8/9, PV đã tìm gặp một người đàn ông tên Bình, một đầu mối thu mua cây si đỏ ở TP. Buôn Ma Thuột. Vừa gặp, ông Bình đã đưa ra một túi chất màu đỏ như máu và hỏi: “Nhựa cây đó có giống thế này không?”.
Theo ông Bình, cây si đỏ có 2 loại, cả 2 loại này đều có nhựa đỏ như máu nhưng lá và thân cây thì khác nhau. Ngay cả ông Bình, một người chuyên săn các loại cây quý hiếm cũng không phân biệt được mà chỉ có ông chủ ở Hà Nội mới biết. Riêng túi màu đỏ, ông Bình nói là “máu” của một cây si đỏ mà tôi thuê một nhóm người tìm kiếm được trong rừng có giá khoảng 4 tỉ đồng. Nhưng khi ông chủ vào xem thì mới biết đây là cây si loại ít quý hiếm hơn nên ông không mua, giờ ông Bình đang tìm đầu nậu khác.
Cũng theo ông Bình, sau khi mua, ông chủ sẽ tự thuê người đào rồi dùng giây cao su quấn toàn bộ cây để vận chuyển sang Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Tiết lộ công dụng của loại cây này, ông Bình cho rằng dùng để chiết xuất thuốc chữa bệnh ung thư các loại. Riêng ung thư máu thì chỉ cần lấy “máu cây” tiêm vào cơ thể nó sẽ dần thay thế máu người và hết bệnh?
“Trước mắt, anh cắt một nhánh cây khoảng 6 lá, lấy một ít nhựa cây, chụp hình ảnh mặt trước và sau của lá, toàn thân cây rồi đưa cho tôi. Sau khi xách định đúng si đỏ, ông chủ của tôi từ ngoài Hà Nội sẽ bay vào xem hàng rồi định giá và trả tiền ngay. Dù cây lớn hay nhỏ, anh phải có giấy xác nhận của UBND xã đồng ý cho anh bán cây si cho hội cây cảnh thì chúng tôi mới mua” - ông Bình căn dặn.
Không chỉ các thương lái ở các tỉnh Tây Nguyên trực tiếp thu mua cây si đỏ, hiện nay có rất nhiều địa chỉ đăng tải trên mạng thu mua với giá từ 10-13 triệu đồng/kg. Tại địa chỉ trang web duocminhanh.com.vn của Công ty TNHH nông dược bản H’mông - Sapa (huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) đăng tải thông tin cần mua cây si nhựa đỏ và hướng dẫn rất chi tiết các bước tiến hành để xách minh loại cây, cách thức mua bán...Từ số điện thoại trên trang web này, chúng tôi đã liên hệ với một người tự giới thiệu là bác sĩ Minh và được thông báo mua với giá 10 triệu đồng/kg.
Tương tự, trong phần rao vặt của trang web agriviet.com đăng tải thông tin “Hiên tại tôi đang cần mua một số cây si ngọn đỏ và có nhựa màu đỏ... Hễ gặp cây si ngọn đỏ trên núi thì rất dễ thấy nhựa đỏ, nếu ai quen biết dân núi hãy phổ biến và liên hệ hỏi họ xem có không rồi mua lại bán tôi giá từ 13 triệu/kg tươi trở lên. Bao nhiêu mua cũng hết nhé các bạn”. Trao đổi qua điện thoại, người đăng thông tin này cho biết, nếu đúng là si đỏ sẽ trực tiếp bay vào kiểm tra rồi trả tiền một lần.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Đoàn Anh Tài, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk cho biết: Theo tài liệu của GS-TS Đỗ Tất Lợi, nhựa cây si có tác dụng chữa ứ huyết do bị chấn thương và cắt cơn hen. Tuy nhiên, hiện nay trong đông y không mấy ai dùng cây si để làm vị thuốc và chắc chắn không có khả năng chữa bệnh ung thư.
Còn theo ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trước thông tin đồn thổi cây si đỏ có thể chữa bệnh ung thư, với tâm lý "vái tứ phương" một số gia đình người bị ung thư đã tìm mua về sắc uống. Điều này không chỉ tốn kém tiền của mà có nguy cơ làm cho những người bị ung thư chết nhanh hơn. (Công An Nhân Dân 14/9, tr5) đầu trang(
Thông tin nhanh qua đường dây nóng trên báo Quân Đội Nhân Dân cho biết: Hiện nay, tại khu vực hạ lưu sông Ngon, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa một số người dân hút cát đắp bờ làm hồ nuôi thủy sản, gây sạt lở rừng phòng hộ trên địa bàn. (Quân Đội Nhân Dân 14/9, tr8) đầu trang(
Vùng biển Thừa Thiên Huế có bờ biển trải dài 128km, tiếp cận với ngư trường biển Đông với tiềm năng to lớn về hải sản, giàu tài nguyên thiên nhiên, trong đó vùng biển Hải Vân - Sơn Chà là vùng đa dạng sinh học của khu vực, nơi có các hệ sinh thái đặc thù.
Cùng với các hệ sinh thái giàu tiềm năng trên đất liền là Vườn quốc gia Bạch Mã, tạo nên một vùng đa dạng sinh học cao tập trung ở phía Nam tỉnh, đóng vai trò quan trọng về sinh thái và tài nguyên không chỉ cho tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn cho cả vùng duyên hải Trung Bộ nước ta.
Vùng Hải Vân - Sơn Chà hiện diện sự đa dạng về các hệ sinh thái như hệ sinh thái rừng nhiệt đới điển hình, hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều và hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vùng Hải Vân - Sơn Chà đang đứng trước những nguy cơ suy giảm từ những hoạt động của con người như nạn khai thác gỗ trái phép, săn bắt chim, thú hoang dại; chặt phá cây rừng ngập mặn; khai thác quá mức nguồn lợi hải sản, khai thác mang tính hủy diệt (thuốc nổ, xung điện,…) dẫn đến hệ sinh thái rừng ngập mặn hầu như không còn, nhiều loài sinh vật biển và rừng có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Để bảo vệ những vùng biển đa dạng sinh học của nước ta, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (thay thế Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010) trong đó, quy hoạch Khu bảo tồn biển Hải Vân- Sơn Chà là vùng dự trữ thiên nhiên với 17.000 ha đến năm 2020.
Để góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường, tài nguyên vùng biển Hải Vân - Sơn Chà và thực hiện Quyết định số 742/QĐ-TTg trong thời gian qua và Quyết định số 45/QĐ-TTg hiện nay của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo công tác phân vùng và đã ban hành Quyết định số 2293/QĐ-UBND ngày 05/12/2012 phê duyệt “Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến 2030”, xác định vùng bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà thuộc Nhóm vùng bảo tồn, bảo vệ và phục hồi.
Đây là vùng lõi của Khu bảo tồn biển Hải Vân - Sơn Chà, từ Bãi Chuối đến hòn Sơn Chà. Trong đó quy định các hoạt động được phép, không được phép và có điều kiện trong vùng bảo tồn.
Việc phân vùng bảo tồn, bảo vệ và phục hồi sinh cảnh, đa dạng sinh học vùng lõi của Khu bảo tồn biển Hải Vân - Sơn sẽ tạo điều kiện phục hồi và phát triển các hệ sinh thái san hô, cỏ biển và các quần thể thủy sinh vật.
Bảo vệ và phát triển các giống loài thủy sản đang bị đe dọa, đặc hữu, bản địa trong khu vực; góp phần thực hiện tốt Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ. (Thuathienhue.gov.vn 14/9) đầu trang(
13/9, tại khu vực rừng thông trên quần thể rú Xước thuộc thôn 1, xã Quỳnh Lộc (TX Hoàng Mai) quản lý đã bùng phát vụ cháy rừng. Nhân dân ở khu vực gần đó đã kịp thời phát hiện và báo cháy ngay cho lãnh đạo địa phương.
Lực lượng chữa cháy kịp thời đến hiện trường chữa cháy. Diện tích rừng bị cháy và nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Ông Hồ Xuân Tú - Chỉ huy trưởng BCHQS thị xã Hoàng Mai có mặt trực tiếp ở hiện trường cho biết: Đơn vị đã huy động tối đa lực lượng cán bộ chiến sỹ phối hợp với nhân dân xã Quỳnh Lộc khống chế, dập tắt kịp thời. Đến 17h50', đám cháy đã hoàn toàn dập tắt. (Báo Nghệ An 13/9) đầu trang(
Trong khi nhiều người không ngần ngại phá rừng để mưu sinh thì không ít người lại có một tình yêu đặc biệt với những cánh rừng. Họ không ngại ra sức bảo vệ, gìn giữ màu xanh của rừng. Ông Điểu Mun, Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là một trong những người như vậy.
Hơn 10 năm gắn bó với những cánh rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Bí thư chi bộ Điểu Mun còn là Tổ trưởng cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng của thôn 8. Ông cho biết, thấy vui và hạnh phúc khi được đi giữa mênh mông của đại ngàn, được nghe tiếng chim trong veo, ngắm nhìn những con thú và các loài lan rừng tuyệt đẹp trên thân cây cổ thụ.
Là người quen thuộc đường rừng, thời gian qua, ông Mun có nhiều sáng kiến để ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật, bảo vệ sự bình yên cho những cánh rừng, được tỉnh và Ban quản lý vườn ghi nhận, đánh giá cao. Ông được mệnh danh là “khắc tinh” của lâm tặc. Ông cho biết, một ngày không vào rừng là một ngày ông thấy buồn và trống trải.
Ông Điểu Mun sinh ra và lớn lên ở xã Bù Gia Mập. Ông tâm sự: Ngày ấy, rừng nhiều lắm, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng, gắn bó cộng sinh với rừng. Giờ thì rừng không còn nhiều nữa nên tôi muốn làm tất cả những gì có thể để rừng luôn được bình yên, để rừng chở che cuộc sống của đồng bào trong thôn. Bảo vệ môi trường sống của chính mình, tôi phải có trách nhiệm.
Ông Điểu Mun từng vào sinh ra tử trong chiến đấu, kinh qua một số nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao, trong đó ông từng là Trưởng Công an huyện Phước Long. Về hưu nhưng ông vẫn không yên tâm khi những cánh rừng bị đe dọa. Biết Vườn quốc gia Bù Gia Mập hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, ông đã vận động người dân trong thôn tham gia nhận khoán. Tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng của ông có 30 thành viên đều là đồng bào Xêtiêng, trong đó nhiều người trước đây từng là lâm tặc.
Khu vực rừng mà ông và các thành viên quản lý bảo vệ có địa hình hiểm trở, lại giáp với tỉnh Đắk Nông, nơi vấn đề phá rừng nóng bỏng từng ngày. Thế nhưng, không quản khó khăn, ông và các thành viên trong tổ nhận khoán đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo ông Vương Đức Hòa, Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nhận biết được những thế mạnh và kinh nghiệm của ông Điểu Mun, Ban quản lý vườn quốc gia đã vận động và yên tâm giao cho ông cùng tổ nhận khoán những địa bàn phức tạp. Mặt khác, ông Mun là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc vận động nhân dân trong thôn tham gia bảo vệ rừng rất hiệu quả.
“Mình mong mọi người đều ý thức được việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của bản thân. Có như vậy sẽ đỡ cho những người làm công tác bảo vệ rừng nhiều lắm” - ông Mun bộc bạch.
Ai cũng biết công việc bảo vệ rừng rất vất vả, đòi hỏi sức khỏe dẻo dai. Không ít người ái ngại khi ông đã nhiều tuổi. Nhưng trong tâm khảm của người được dân làng coi là “hiệp sĩ của rừng xanh” này thì còn sức khỏe ngày nào, ông còn trèo đèo, lội suối để bảo vệ sự bình yên của đại ngàn ngày đó. (Báo Bình Phước 15/9) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Theo đơn tố cáo của bà Lê Thị Tròn (SN 1955), trú tại tổ 3 khu 3 phường Việt Hưng - TP Hạ Long gửi báo Dân trí, gia đình bà Tròn tố ông Chu Văn Chấn - Chủ tịch UBND xã Thống Nhất về việc ông này chiếm dụng diện tích gần 5ha rừng của bà được Nhà Nước giao cho canh tác trước đó.
Nguyên nhân vụ việc là do gia đình bà Tròn tin lời vị chủ tịch xã khi giao sổ rừng với mong muốn được làm sổ đỏ tuy nhiên vị chủ tịch xã này đã sang tên toàn bộ đất cho con trai mình và chặt toàn bộ số cây trên rừng mang bán lấy tiền đút túi riêng.
Liên quan đến vụ việc này, Văn phòng tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 1457-CV/VPTU gửi Thường trực huyện ủy Hoành Bồ cho biết Văn phòng tỉnh ủy Quảng Ninh nhận được đơn kiến nghị của bà Tròn với nội dung: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm việc đòi lại phần tài sản đất rừng của gia đình bà đã bị ông Chu Văn Chấn, huyện ủy viên huyện Hoành Bồ lừa đảo chiếm đoạt, đồng thời xử lý kịp thời sai phạm của ông Chấn theo kết luận của Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, góp phần giữ vững niềm tin của người dân với Đảng.
Văn phòng tỉnh ủy Quảng Ninh chuyển đơn thư công dân về Thường trực huyện ủy Hoành Bồ xem xét giải quyết dứt điểm, kết quả giải quyết gửi về Thường trực tỉnh ủy.
Như Dân trí đã thông tin, theo đơn kêu cứ của gia đình bà Tròn, cơ quan bà xin huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) được 200ha đất lâm nghiệp, nhưng sau này bà không trồng cùng cơ quan mà rủ nhau trồng rừng năm 1998.  Năm 2003 sau khi kết thúc trồng rừng xong đợt 1, năm 2004, rừng của gia đình nào thì gia đình đó trồng.
Diện tích rừng của gia đình bà Tròn là 5ha, chủ yếu là cây keo. "Năm 2008, ông Chấn với cương vị chủ tịch xã ấy nói cho tôi biết nhà nước đang có chính sách làm sổ rừng cho dân, đồng thời gợi ý giúp gia đình tôi. Nghe ông Chấn nói vậy gia đình tôi mừng quá. Rồi ông Chấn bảo hiện nay trại giam Đồng Vải có tiền hỗ trợ đất làm rừng, nếu có mối quan hệ với trại giam sẽ có thể tác động được", bà Tròn nói.
Tin lời chủ tịch xã, bà Tròn làm theo. “Sau đó ông Chấn đọc cho tôi viết giấy chuyển nhượng rừng, tôi ký vào giấy đó nhưng tôi không ghi là chuyển nhượng bao nhiêu tiền cả. Ông Chấn yêu cầu ghi rõ số tiền nhưng tôi nói là ghi giấy giả vờ thôi nên tôi không ghi số tiền. Lúc đó tôi chỉ nghĩ trại giam hỗ trợ được đồng nào trồng rừng thì tốt. Nhưng mãi sau này tôi mới biết ông Chấn lừa tôi, trại giam không có tiền hỗ trợ gì cả”, bà Tròn bức xúc.
Đến năm 2010 tôi mới vào trong rừng thì thấy rừng bị chặt mất cây. Toàn bộ trồng cây keo. Một năm vợ chồng bà chỉ vào mấy lần nên không hề hay biết chuyện.
“Theo người dân ở đó cho biết, ông Chấn đã chặt toàn bộ số keo tôi trồng và trồng thay thế bằng cây mới. Quá bức xúc, tôi đã trực tiếp gặp thì ban đầu ông Chấn không nhận, ông ấy bảo trại giam trồng chứ không phải ông ấy trồng. Sau đó vợ chồng tôi vào gặp trưởng trại giam, và gặp người phụ trách rừng trại giam thì phía lãnh đạo trại giam cho biết, trại giam không trồng vào đất của gia đình tôi”, bà Tròn kể tiếp.
Nghe tin năm 2009, UBND huyện Hoành Bồ đo lại toàn bộ đất rừng cho dân. Sau đó bà Tròn cầm sổ rừng vào UBND xã Thống Nhất để tìm hiểu xem đất nhà bà đo ở chỗ nào.
"Đáng ra nhà tôi phải vào để nhận rừng nhưng ông Chấn không báo cho tôi biết để nhận rừng. Khi hỏi UBND xã Thống Nhất xem vị trí đất rừng nhà tôi ở chỗ nào thì phía UBND xã Thống Nhất nói nhà tôi không có tên trên bản đồ. Họ bảo về phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hoành Bồ thì họ đối chiếu thì nói rừng không phải của nhà tôi, đất rừng đây rồi nhưng mang tên Chu Văn Thành. Lúc này mới biết đất của tôi mang tên con trai ông Chấn", bà Tròn nói.
Tại biên bản làm việc tại UBND xã Thống Nhất chiều 19/12/2013, giữa đại diện UBND xã Thống Nhất với ông Chu Văn Chấn và bà Lê Thị Tròn thì ông Chấn đã chấp thuận việc trả lại số đất lâm nghiệp số 1 trên địa bàn xã Thống Nhất và tất cả tài sản trên thửa đất số 119 cho gia đình bà Tròn.
Ngoài ra mọi chi phí như phát, đốt, cuốc hố trồng, công chăm sóc, bảo vệ… được bị trừ vào số lượng gỗ ông Chấn đã khai thác để bán trên diện tích đất rừng tái sinh của bà Tròn, gia đình bà Tròn không phải trả số tiền nào khác cho ông Chấn.
Tuy nhiên cho đên tận thời điểm hiện tại, gia đình bà Tròn vẫn chưa hề nhận được phần đất rừng và tài sản trên đất mà ông Chấn đã cam kết trong biên bản trên. (Dân Trí 16/9) đầu trang(
Được giao quá nhiều đất rừng nhưng không có vốn, không biết sản xuất kinh doanh nên phần lớn các Cty lâm nghiệp (CTLN) ở Tây Nguyên đều thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, dù cắt giảm nhân lực tối đa nhưng vẫn không có tiền trả lương cho người lao động.
Sau năm 1975, Tây Nguyên được tổ chức lại các đơn vị kinh tế lớn, các nông-lâm trường thâu tóm gần như toàn bộ đất rừng, một phần giao cho các dự án di dân kinh tế mới. Nhiệm vụ của các lâm trường chủ yếu là khai thác gỗ, càng nhiều càng tốt.
Từ năm 2004, các lâm trường chuyển thành Cty lâm nghiệp, rồi Cty TNHH MTV theo Luật DN năm 2005. Lúc này không còn gỗ, các Cty phải tổ chức sản xuất, kinh doanh trên diện tích đất rừng được giao.
Do chỉ biết chặt gỗ bán, không có vốn, không biết kinh doanh nên hầu hết các CTLN đều thua lỗ, người lao động khốn đốn. 15 CTLN của tỉnh Đắc Lắc được giao 196.500ha đất rừng, nhưng chỉ 3 Cty cầm cự được trong cơ chế mới, còn lại đều “chết mà không chôn được”.
Ông Huỳnh Văn Mến - Giám đốc CTLN Ea H’mơ - cho biết: “Cty có 17.600ha đất rừng nhưng không biết làm gì ra tiền, chỉ trông vào tiền bảo vệ rừng phòng hộ và rừng sản xuất nghèo kiệt do ngân sách hỗ trợ, nhưng không đủ giật gấu vá vai. Do vậy từ năm 2011 - 2013, mỗi năm đơn vị thiếu hụt khoảng 1,2 tỉ đồng, chưa có hướng nào bù đắp”.
Thảm hại hơn, CTLN Chư Ma Lanh đang nợ tiền thuê đất, nợ vay, nợ thuế, nợ tiền phạt... tổng cộng gần 8 tỉ đồng. Từ tháng 2.2014 đến nay, 28 CBCNV của Cty này phải sống nhờ... lương vợ.
Tại Đắc Nông, 14 CTLN quản lý 160.000ha đất rừng cũng không khá hơn, nhiều đơn vị nợ lương, nợ bảo hiểm triền miên. Trước tình trạng này, nhiều cán bộ đã xin nghỉ “sếp” để làm nhân viên, số khác xin nghỉ hẳn, giám đốc cũng xin thôi việc. Nhưng theo ông Vũ Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đắc Nông - thì nghỉ cũng không dễ, vì CTLN không có tiền giải quyết chế độ cho người lao động.
Thực ra, nhiều CTLN cũng nỗ lực làm ăn, nhưng kết quả đem lại chỉ là những cục nợ. Các CTLN Ea H’mơ, Rừng Xanh (Đắc Lắc) từng có thời gian nuôi mỗi đơn vị gần 300 con bò, nhưng khi hết chỉ tiêu khai thác gỗ, hai Cty bán hết bò để trả lương.
Còn CTLN Chư Ma Lanh từng thuê mặt nước hồ Ea Súp Thượng nuôi cá, mỗi năm thu hoạch 60-70 tấn cá, rồi một trận lũ trôi hết vốn liếng nên nợ nần chồng chất. Nghiêm trọng nhất là CTLN Quảng Tín (Đắc Nông), vì muốn liên doanh với tư nhân nhằm phát huy lợi thế đất rừng, cả 7 cán bộ phải đi tù.
Ông Trần Đức Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - nhận định: “Việc chuyển đổi lâm trường thành các CTLN không đạt mục tiêu do chuyển đổi nửa vời, chỉ thay được cái tên, còn cơ cấu tổ chức, hoạt động vẫn không có gì mới. Nhưng đổ hết lỗi cho CTLN cũng oan, vì cơ chế chưa rõ ràng, nhiệm vụ bảo vệ rừng và sản xuất kinh doanh còn nhập nhằng. Rồi có quá nhiều cơ quan, tổ chức chi phối hoạt động nên CTLN không tự chủ được, làm cái gì cũng phải đi xin thì sao làm nổi...”.
Hậu quả 10 năm duy trì mô hình CTLN là lãng phí tài nguyên, rừng ngày càng suy kiệt, đất đai bị bao chiếm khắp nơi. (Lao Động 16/9) đầu trang(
Đồng thời với việc cơ quan điều tra làm rõ vụ án Minh “sâm”, cơ quan kiểm lâm cần phối hợp với chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động buôn bán kinh doanh các loại gỗ quý hiếm ở thị xã Từ Sơn, lập lại trật tự quản lý các chợ gỗ trên địa bàn thị xã Từ Sơn, góp phần bảo vệ rừng.
Từ tháng 5/2012, Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải phóng sự “Máu rừng chảy về Đồng Kỵ” cảnh báo về hiện tượng buông lỏng quản lý tại một số chợ gỗ ở xã Phù Khê và phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn.
Địa bàn này hiện có 5 chợ gỗ lớn được các “đầu nậu” quy hoạch và còn rất nhiều chợ gỗ nhỏ mọc rải rác trong các ngõ phố và đường liên thôn, liên xã, bày bán đủ loại gỗ quý hiếm như trắc, hương, gụ, nghiến, mun, cẩm lai... Có loại gỗ có thể nhìn rõ dấu búa kiểm lâm, nhưng cũng có một số loại gỗ tròn, gỗ súc lớn vuông thành, sắc cạnh không nhìn thấy dấu búa.
Liệu kiểm lâm và chính quyền thị xã Từ Sơn có quản lý được nguồn gốc hàng nghìn khối gỗ quý hiếm đang giao dịch trên địa bàn và có đảm bảo không làm thất thu các loại thuế, phí từ các hoạt động kinh doanh gỗ?
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Canh - Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết: Phường có hơn 3.000 hộ buôn bán, kinh doanh, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, nhưng Ủy ban phường hàng năm “không nắm được” tổng số hộ này đã kinh doanh mua bán bao nhiêu mét khối gỗ các loại. “Vì hộ kinh doanh không báo cáo và phường không có cán bộ làm công tác thống kê việc mua bán các loại gỗ quí này” - ông Canh lý giải.
Còn ông Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND xã Phù Khê cho biết: Cả xã Phù Khê có 22 doanh nghiệp và hơn 90% số hộ kinh doanh gỗ và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Mấy năm nay, trong xã Phù Khê hình thành 3 khu chợ gỗ, đó là Phù Khê Thượng, Phù Khê Đông và thôn Tiến Bào. Cả 3 chợ này dành riêng cho việc kinh doanh buôn bán các loại gỗ như trắc, hương cùng những loại gỗ quí hiếm khác.
Điều đáng nói, vị này xác nhận cả 3 chợ gỗ trên UBND xã không tham gia quản lý mà “nhường quyền” cho các “đầu nậu”. Trong đó, chợ Phù Khê Thượng do Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng (tức “Hưng “sóc”) cai quản; chợ gỗ Đồng Bèo thuộc Phù Khê Đông và chợ gỗ Đồng Dâu thuộc thôn Tiến Bào do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “sâm”) quản lý. Hai đối tượng “cộm cán” này cùng “băng nhóm” vừa bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản và tàng trữ vũ khí trái phép” vào ngày 17/8 vừa qua.
Khu đồng Dâu thôn Tiến Bào (xã Phù Khê) vốn là cánh đồng hai vụ lúa phì nhiêu cung cấp lương thực cho nông dân thôn Tiến Bào. Theo một số bà con nơi đây, chưa thấy thị xã công bố quy hoạch biến cánh đồng Dâu thành khu thương mại dịch vụ làng nghề bao giờ, thế nhưng UBND xã Phù Khê lại cho phép Công ty TNHH Đại An của Minh “sâm” đứng ra thu hồi, đền bù ruộng hai vụ lúa của bà con. Hộ nào không đồng ý thì bị cưỡng ép, đe dọa bằng nhiều cách, thậm chí bị “xã hội đen” hành hung.
Vì vậy, nhiều người nói rằng họ “buộc phải giao ruộng” với giá đền bù từ 70 – 80 triệu đồng/sào cho Cty TNHH Đại An. Chỉ trong 2 tuần, Cty này làm xong công tác giải phóng mặt bằng và đổ đất lấp ruộng lấy được ở đồng Dâu chia thành 200 ki-ốt (chiều rộng 5-6 mét, dài 10-15 mét). Từ tháng 4/2014 đến khi “giám đốc” bị bắt, Cty TNHH Đại An cho các chủ gỗ thuê ki-ốt với giá bình quân 40 triệu đồng/năm để làm nơi kinh doanh.
Cả nghìn mét khối gỗ quý, hiếm các loại từ lâu vẫn được bày bán ở các chợ gỗ tại xã Phù Khê và phường Đồng Kỵ. Thế nhưng, người dân địa phương chẳng mấy khi thấy bóng dáng kiểm lâm đến giám sát, kiểm tra, thanh tra. Một thời gian dài gần như “khoán trắng” cho Nguyễn Ngọc Minh, đến thời điểm này, cùng với việc cơ quan điều tra làm rõ vụ án “ông trùm”, cơ quan kiểm lâm cần làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn và phối hợp với chính quyền tỉnh Bắc Ninh lập lại trật tự quản lý các chợ gỗ. (Pháp Luật VN 15/9) đầu trang(
Do bo bo được giá, không quá khó trồng nên bà con nơi đây chẳng ngần ngại nhân rộng diện tích. Bo bo là loại cây mọc tự nhiên ở Kỳ Sơn, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Tây Sơn, Bảo Nam, Mường Lống và Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.
Ông Vừ Xái Chù, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Sơn khẳng định: “Từ vài năm trước, người dân lên rừng khai thác hạt bo bo nên dần cạn kiệt. Các hộ trong xã được Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn hỗ trợ trồng dặm 15 ha bo bo ở những nơi rừng mọc thưa.
Phòng NN-PTNT huyện cũng rất tích cực hỗ trợ người dân đầu tư trồng 30 ha bo bo dưới tán rừng pơmu. Đồng thời khuyến cáo mọi người tích cực bảo vệ diện tích bo bo tự nhiên, không được chặt phá rừng để trồng bo bo tự phát".
Ông Nguyễn Quốc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn cũng có chung quan điểm: “Ở đâu thì tôi không biết, chứ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn không có chuyện phá rừng trồng cây bo bo”.
Theo ghi nhận của PV, các gia đình sống tại các bản Huồi Mú, Huồi Ức 1 (xã Huồi Tụ) khi trồng bo bo đều được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc để cây phát triển và cho hiệu quả lâu dài... (Nông Nghiệp Việt Nam 16/9, tr18) đầu trang(
15/9, Chi cục phát triển lâm nghiệp Cà Mau cho biết, có 7 doanh nghiệp được giao hơn 3.100 ha đất rừng, đã trồng được 2.000 ha rừng keo lai làm nguyên liệu gỗ công nghiệp.
Hiện nay, giá gỗ keo lai được thương lái mua 700 - 800đồng/kg, dự tính thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha, chu kỳ trồng trung bình 5 năm, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng keo lai trên đất rừng U Minh hạ.
Cty TNHH XNK Sản xuất và Chế biến gỗ Cà Mau đã nhận hơn 700 ha đất rừng tạo vùng nguyên liệu và đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ tại U Minh, hướng tới sản xuất công nghiệp gỗ trên đất rừng U Minh hạ. (Tiền Phong 16/9) đầu trang(
Hiện tại, tiến trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT có biến chuyển gì; DN XK gỗ sẽ được hưởng lợi ích cũng như phải đối mặt với khó khăn như thế nào sau khi hiệp định chính thức ký kết...? Phóng viên đã phỏng vấn ông Cao Chí Công- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.
ông Cao Chí Công cho biết: Hiện tại, những vấn đề cơ bản của Hiệp định đã được thống nhất giữa Việt Nam và EU. Các điều khoản đảm bảo thuận lợi cho cả phía mình và phía “bạn”.
Tuy nhiên, chỉ còn duy nhất một điểm chưa thống nhất cao là kiểm soát nguồn gốc gỗ NK. Phía EU yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát nguồn gốc gỗ NK vào nước mình. Ví dụ, nếu Việt Nam NK gỗ từ Nga thì phải kiểm soát được tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ Nga.
Tuy nhiên, quan điểm của Việt Nam là, Việt Nam chỉ cần thấy thủ tục của nước XK cho XK đạt là sẽ thông quan. Bởi, Việt Nam tin tưởng các đối tác XK gỗ và cũng rất khó để tự tiến hành kiểm soát nguồn gốc gỗ từ quốc gia XK. Dự kiến, vào ngày 26-9 tới sẽ có một cuộc họp nữa giữa Việt Nam và EU để tiếp tục bàn bạc và đi đến thống nhất trong vấn đề này.
Trước hết phải khẳng định rằng, khi ký kết hiệp định thì việc kiểm soát gỗ của Việt Nam được tăng cường, có lợi cho đất nước. Hiện, Việt Nam cũng đang hướng tới làm sao quản lý chặt chẽ để giữ rừng, phát triển rừng bền vững.
Thêm một điều chắc chắn là, XK gỗ vào thị trường 28 nước EU sẽ bài bản và thuận lợi hơn. Hiện tại, lượng gỗ XK sang EU chiếm 15% trên tổng số gỗ XK của Việt Nam. Sau hiệp định ký kết, kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 20%.
Ngoài ra, điều đáng nói là, nếu gỗ Việt đã có thể xâm nhập vào thị trường EU thì các thị trường khác trên thế giới cũng sẽ tin tưởng hơn vào chất lượng sản phẩm gỗ Việt Nam, nhờ đó nâng cao uy tín cũng như khả năng gia tăng kim ngạch XK vào các thị trường này.
Thực tế hiện nay, những DN lớn và vừa thường xuyên XK gỗ sang EU đã làm tốt việc chứng minh nguồn gốc gỗ rồi. Chỉ có những DN nhỏ sẽ gặp chút bỡ ngỡ. Điều này không phải do DN không đủ năng lực để làm mà chỉ là vì DN ít làm nên chưa quen.
Từ trước tới nay, các DN nhỏ thường chỉ quen thuộc với thị trường nội địa hoặc XK qua đơn vị trung gian. Do vậy, DN thiếu kinh nghiệm làm việc bài bản, tuần tự. Ví dụ như DN phải phải lưu trữ hồ sơ, giấy tờ từ lúc trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ, vận chuyển... Trước DN không để ý, chỉ lo mua gỗ hợp pháp, XK là được, giờ DN phải chứng minh từng khâu một rõ ràng.
Để hỗ trợ cho DN cũng như người dân quen với việc làm chuyên nghiệp, dễ dàng chứng minh nguồn gốc gỗ, Tổng cục Lâm nghiệp đã có chương trình đào tạo tập huấn cho người dân trồng rừng, kinh doanh rừng, hướng dẫn cụ thể cách lưu trữ hồ sơ, bảo vệ môi trường...
Hiện nay, các chính sách của Việt Nam cũng đã đáp ứng cơ bản những yêu cầu của EU và tạo điều kiện để DN dễ dàng hoàn thiện mọi thủ tục, giấy tờ. Điều quan trọng là DN phải chú ý, tìm hiểu và chấp hành cho đúng.
Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT, giao cho Cơ quan Cites Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp) là đơn vị nòng cốt phụ trách cấp phép cho DN. Ngoài ra, sẽ có thêm một bộ phận riêng biệt liên quan trực tiếp tới Hiệp định VPA/FLEGT của Tổng cục phối hợp triển khai công tác này.
Nhiệm vụ chính của các đơn vị trên là cấp phép cho DN XK gỗ theo đúng những quy định cam kết với EU trong Hiệp định VPA/FLEGT. Dự kiến, số lượng đơn hàng cần cấp phép sẽ rất nhiều nên hoạt động cấp phép  được triển khai điện tử, trên một hệ thống mạng riêng. DN có thể đăng ký xin cấp phép trên hệ thống mạng điện tử, việc phê duyệt, cấp phép cũng sẽ được tiến hành nhanh chóng, đảm bảo độ chính xác cho DN.
Quan điểm của Tổng cục Lâm nghiệp là sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trước VPA/FLEGT. Cụ thể, để hỗ trợ DN trong vấn đề cấp phép, Tổng cục sẽ căn cứ vào phân loại DN luồng Xanh, luồng Đỏ theo số liệu của cơ quan Hải quan để cấp phép.
Ví dụ, theo số liệu của cơ quan Hải quan, DN nào thuộc luồng Xanh thì chỉ cần chuẩn bị đầy đủ mọi giấy tờ sẽ được xem xét cấp phép nhanh. Chỉ với những DN thuộc luồng Đỏ, cơ quan chức năng mới tiến hành xác minh thông tin cần thiết.
Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiến hành đào tạo để các DN hoàn toàn thuần thục các bước cấp phép. Đặc biệt, trong quá trình cấp phép, Tổng cục cũng thường xuyên cập nhật, tiếp nhận những phản hồi, vướng mắc, bất cập từ phía DN để giải quyết kịp thời, không để DN gặp khó. (Hải Quan 16/9) đầu trang(
Không còn nghi ngờ gì khi cho rằng ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Sau khi Mỹ áp lệnh chống bán phá giá với mặt hàng đồ gỗ Trung Quốc, nhiều nhà máy chế biến đồ nội thất đã di chuyển sang Việt Nam. Vậy điều gì sẽ xảy ra với lĩnh vực sản xuất sàn gỗ?
Báo cáo mới đây của VIFORES cho thấy đồ gỗ Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường của 120 nước trên khắp thế giới. Nhật Bản, EU và Mỹ là những thị trường dẫn đầu mức tiêu thụ sản phẩm gỗ Việt Nam. Ba thị trường này chiếm hơn 70% tổng sản phẩm đồ gỗ XK của Việt Nam, trong đó EU chiếm 28%, Nhật Bản chiếm 12,8%, riêng thị trường Mỹ chiếm đến 41% và giữ ở ngôi vị hàng đầu về mức tăng trưởng nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam những năm gần đây.
Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) đã xếp Việt Nam vào nước đứng đầu trong khối ASEAN về khối lượng sản phẩm xuất khẩu gỗ, cũng như uy tín và mặt hàng đồ gỗ. Ngành gỗ Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán với EU về Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA).
Khác với ngành sản xuất đồ gỗ nội thất bị chi phối bởi các nhà đầu tư Đài Loan, Trung Quốc (ước tính kiểm soát hơn một nửa hoạt động sản xuất), lĩnh vực sàn gỗ bị chi phối bởi các nhà sản xuất Việt Nam từ Bắc vào Nam.
Họ là những nhà sản xuất lớn nhỏ, đa dạng hình thức kinh doanh từ xuất khẩu là chính chuyển sang tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã ảnh hưởng xấu đến rất nhiều thị trường sàn gỗ phương Tây, đã có bằng chứng cho thấy các nhà sản xuất sàn gỗ đang chuyển từ xuất khẩu sang kinh doanh trong nước.
Sự gia tăng của khách du lịch và ngành công nghiệp giải trí tại Việt Nam cũng như sự quan tâm đến thiết kế, phong cách nội thất theo đó ngày càng cao, điều này đã lái thị trường trong nước tới nhu cầu sàn gỗ cứng thực sự.
Chưa có con số hoàn toàn chắc chắn có bao nhiêu nhà máy sản xuất sàn gỗ ở Việt Nam nhưng với sự xuất hiện của ít nhất hàng chục nhà máy - một vài tại Hà Nội/Hải Phòng, một số ở miền Trung và hầu hết ở miền Nam quanh Tp.HCM - cũng đã phần nào cho thấy diện mạo của ngành công nghiệp ván sàn Việt Nam.
Phần lớn các nhà máy sàn gỗ ở Việt Nam là các xưởng cưa gỗ, cơ bản sản xuất ván sàn, tới các nhà máy sản xuất ván sàn với thiết kế tinh vi, xuất khẩu sang một số thị trường chính đặc biệt là Nhật Bản.
Điều trái ngược đáng chú ý là một số nhà máy thiết bị đã cũ, lỗi thời, (sử dụng chủ yếu máy móc của Đài Loan, Trung Quốc) nhiều thiết bị cần sửa chữa và bảo trì, trong khi một số máy móc chế biến gỗ khác của Đức, Áo và Ý sản xuất sản phẩm chất lượng cao được bán cho các thị trường xuất khẩu chủ lực. Nguyên liệu gỗ được sử dụng để làm ván sàn cũng rất đa dạng, đa phần là các loại gỗ ở Việt Nam và các nước trong khu vực (Campuchia và Lào) vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp sàn gỗ hiện nay.
Gần đây, xu hướng sử dụng gỗ cứng trong sản xuất ván sàn cũng đã trở nên phổ biến hơn ở hai miền Bắc và Nam, như gỗ sồi Mỹ, được nhập khẩu chủ yếu ở miền Nam, gỗ tần bì được nhập chủ yếu ở miền Bắc.
Gỗ óc chó Mỹ cũng được sử dụng làm ván sàn phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, một trong các thị trường yêu thích của sản phẩm gỗ Việt Nam. Các nhà nhập khẩu Nhật Bản đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt tuân thủ theo quy định FSC, chính là thước đo cho các sản phẩm xuất khẩu sang đất nước mặt trời mọc này.
Lĩnh vực sàn gỗ có thể rất nhỏ, nhưng vô cùng đa dạng. Quốc gia với trên 90 triệu dân và điều kiện sống ngày càng được nâng cao thì thị trường ván sàn nội địa có thể phát triển nhanh chóng cùng với các cơ hội xuất khẩu mở ra cho các nhà sản xuất Việt Nam.
So sánh với năng lực sản xuất sàn gỗ Trung Quốc, thì còn rất nhiều điều phải làm, tuy nhiên đã có dấu hiệu tăng trưởng lĩnh vực này ở Việt Nam. Tìm hiểu một số các nhà máy sản xuất ván sàn ở Việt Nam cho thấy sự khác nhau lớn giữa các nhà sản xuất về chủng loại và chất lượng với nhiều sự lựa chọn hơn.
Một số nhà máy bắt đầu với công việc sử dụng một số loài gỗ trong nước và nhập khẩu, để sản xuất ván sàn đặc. Các nhà máy khác nhập khẩu gỗ bulô của Nga để sản xuất ván ép theo đơn đặt hàng.
Nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và chú trọng vào việc sử dụng gỗ rừng trồng trong nước để tiết kiệm ngoại tệ, tạo công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn, hướng tới sử dụng bền vững nguồn nguyên liệu tự cung tự cấp, Bộ NN&PTNT đã thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nhằm tăng diện tích đất lâm nghiệp và khuyến khích sản xuất thương mại.
Chính sách này có thể tác động tới lĩnh vực sàn gỗ, thông qua khuyến khích đầu tư vào sản xuất sàn gỗ sử dụng nguyên liệu địa phương và giảm thiểu lượng gỗ nhập khẩu. Một nhà bình luận Việt Nam cho biết "lý do chính khiến ngành công nghiệp sàn gỗ cũng như ngành công nghiệp đồ nội thất nói chung không phát triển được là do sản xuất ván sàn, đồ nội thất có giá trị gia tăng thấp không bù đắp được các chi phí về nguyên liệu, sản xuất, lợi thế duy nhất của Việt Nam là lao động giá rẻ có thể bù đắp cho các chi phí khác".
Tuy nhiên, sự tăng trưởng dự kiến của thị trường trong nước có thể vẫn khuyến khích một số doan nghiệp đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực sàn gỗ tại Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Kim Loan Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất ván sàn Sao Nam, thành viên Hiệp hội Ván sàn Hoa Kỳ cho biết: "Từ nay đến năm 2016 tốc độ xây dựng nhà ở Mỹ tăng rất nhanh. Phong cách kiến trúc cũng thay đổi nhiều từ kết cấu đến vật liệu xây dựng, trang trí nội thất.
Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, ván sàn đã có thể thay thế được nhiều loại vật liệu, trang trí nội thất khác nhờ vào sự đa dạng, tiện dụng và đúng quy cách. Công ty đã xây dựng, liên kết được khoảng 10 nhà sản xuất để chia sẻ thông tin, đơn hàng, nguyên liệu, vừa bảo đảm uy tín và nâng dần năng lực sản xuất - kinh doanh bởi đơn hàng khá tốt, tuy nhiên công ty phải tìm cách từ chối để tránh quá tải".
Còn ông Nguyễn Chiến Thắng Giám đốc điều hành Công ty Scansia Pacific: "Hiện đang là cơ hội để ngành gỗ chế biến Việt Nam mở rộng thị trường và thị phần xuất khẩu. Hơn nữa, những nhà xưởng công ty chế biến gỗ của các nước Âu Mỹ đều là thiết bị tiên tiến, ông chủ của những doanh nghiệp này sẵn sàng bán lại cho DN Việt Nam, đồng thời cử chuyên gia sang đào tạo, huấn luyện và vận hành thời gian đầu. Đây là cơ hội để DN Việt Nam có điều kiện tiếp cận các thiết bị mới nhất của ngành chế biến gỗ các nước tiên tiến với giá vừa phải". (Thời Báo Kinh Doanh 15/9) đầu trang(
Chính sách tăng cường nhập khẩu (NK) hàng hóa từ Việt Nam vào Liên bang Nga đã mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu (XK) cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là hàng nông, thủy sản khi các sản phẩm này mới chỉ chiếm thị phần nhỏ.
Nga là thị trường có nhiều tiềm năng, song theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện các DN đang rất thiếu thông tin, đặc biệt là thị hiếu tiêu dùng, chính sách thuế... của thị trường này. Do đó, cánh cửa XK gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ sang Nga vẫn chưa thực sự mở ra.
"Nếu thâm nhập thành công vào thị trường này, kim ngạch XK gỗ Việt Nam có thể tăng lên từ 10 tỷ USD chứ không phải 6 - 7 tỷ USD như hiện nay. Song hiện vẫn còn thiếu những tổ chức, cơ quan làm đầu mối liên kết giữa DN hai nước để từ đó xây dựng chương trình xúc tiến thương mại.
Hiện giá vận tải sản phẩm gỗ Việt Nam sang Nga có chi phí cao hơn, nên giá thành cũng cao hơn so với việc xuất sang các thị trường truyền thống. Ngoài ra, hiện DN Việt Nam quen thanh toán đồng USD, Euro, còn không biết với Nga chính sách thanh toán như thế nào nên đây là những rào cản lớn khiến DN ngại XK vào Nga", ông Quyền cho biết. (Doanh Nhân Sài Gòn 16/9) đầu trang(
Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển, sản xuất và chế biến lâm sản tại huyện Chợ Đồn.
Kết quả cho thấy, từ năm 2013 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tham mưu, đề xuất cho chính quyền địa phương, các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; xây dựng quy chế phối hợp giữa kiểm lâm và công an huyện trong công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, hạt kiểm lâm huyện đã xử phạt hành chính 5 vụ vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu 8,689m3 gỗ các loại; tham mưu cho Chi cục kiểm lâm tỉnh xử lý 3 vụ, xử phạt hơn 90 triệu đồng, tịch thu 3,033m3 gỗ và hơn 4.000kg lâm sản phụ…; công tác giám sát, kiểm tra giấy phép được cấp đã được kiểm lâm viên phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ, bảo đảm theo quy định...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến lâm sản còn gặp nhiều khó khăn; nguyên liệu đầu vào ít do người dân hạn chế khai thác; việc áp mức thuế đối với lâm sản còn cao nên sản xuất không có lãi...
Ban ghi nhận kiến nghị của đơn vị với tỉnh trong tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, SXKD có hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân gắn bó với trồng rừng... (Đại Biểu Nhân Dân 16/9, tr3) đầu trang(
Đổ xô trồng, bất chấp quy hoạch khiến diện tích cao su, đến nay có thể nói đã nằm ngoài tầm kiểm soát khi cây cao su phát triển không như mong muốn; một số diện tích tuy đã cho sản phẩm nhưng lượng mủ và chất lượng không cao, có thể đưa đến hậu quả xấu cả về kinh tế và môi trường sinh thái gần như đã thấy rõ...
Đó là lời than vãn của hầu hết những người PV gặp để tìm hiểu về vấn đề chuyển đổi rừng khộp sang trồng cây cao su. Hầu hết diện tích đã được trồng trong khoảng 5-7 năm, dù quá thời gian cạo mủ so với các khu vực khác, nhưng đến nay vẫn chưa cho thu hoạch.
Cá biệt tại xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) đã có gần 7 ha cho thu hoạch, nhưng sản lượng và chất lượng mủ đạt thấp nên lợi nhuận mang lại không được như mong muốn. Ông Vũ Duy Tri (thôn 7, xã Cư M’lan) có 2 ha cao su đang thu hoạch cho biết:  Mùa đầu tiên của gia đình ông thu được hơn 1 tấn mủ tươi, nhưng do không có đầu ra tại địa phương nên ông Tri phải vận chuyển ra TP. Buôn Ma Thuột bán; sau khi hạch toán đã không đủ chi phí bỏ ra.
Đã mấy tháng nay, ông Nguyễn Văn Bằng - xã Ea Lê, huyện Ea Súp - chẳng buồn ghé thăm vườn cao su hơn 3 ha của gia đình, cả nhà đi làm thuê kiếm sống. Năm 2009, thấy Công ty TNHH Gia Huy được UBND tỉnh cho thuê hơn 300 ha đất rừng, được chuyển đổi toàn bộ để trồng cao su không cần thí điểm, ông Bằng cũng trồng 3 ha cao su gần dự án.
“Tôi nghĩ dự án của Công ty được Nhà nước thẩm định có hiệu quả mới cho làm, vậy là chắc ăn; ai ngờ cao su đến tuổi thu hoạch thân cây chỉ mới to bằng cán cuốc. Giờ tôi quay lại trồng bắp, đợi cao su lớn chặt dần làm… củi” - ông Bằng buồn bã nói.
Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê cho biết: “Người dân trong xã đã trồng tràn lan hơn 500 ha cao su, giờ mủ rớt giá chẳng biết làm thế nào. Mà không rớt giá cũng vậy thôi, bởi theo quan sát của tôi thì cây sinh trưởng tốt trong khoảng 3 năm đầu, sau đó gặp đá bàn nên rễ chính, rễ ngang không phát triển được là chững lại, hoặc chết đứng”.
Còn theo ông Phạm Văn Thước - Chủ tịch UBND xã Cư M’lan, trước đây toàn xã có 700ha điều nhưng kém hiệu quả nên từ năm 2008 đến nay, dân chặt hết để trồng cao su. Ông Thước lo ngại: “Trừ mấy vườn cây ven suốt là có chút hy vọng, còn lại đều trồng trên đất có tầng canh tác mỏng, bên dưới toàn đá bàn dày từ 8 - 15m tùy chỗ. Nếu một lần nữa chặt bỏ cao su như cây điều trước đây, dân nghèo sẽ lại nghèo thêm”.
Người dân trồng cao su tiểu điền đã đành, không ít DN cũng đã bắt đầu “ngấm đòn” với chuyện trồng cây cao su trên đất rừng khộp. Chẳng hạn, Dự án đầu tư trồng cao su của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phúc Nguyên tại Tiểu khu 486 và 479, xã Ea Huar (Buôn Đôn) là một trong những dự án chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su sớm nhất tại huyện Buôn Đôn.
Tính đến nay các vườn cao su của công ty này đã trồng được gần 10 năm, nhưng vẫn chưa cho sản phẩm. Ông Dương Văn Xanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho hay, không hiểu vì lý do gì mà 120 ha cao su của công ty đã bị bỏ hoang?
Để trồng mới 1 ha cao su, tổng chi phí đầu tư khoảng 130 triệu đồng. Nếu cây phát triển tốt, sau 6 năm sẽ cho khai thác mủ trong thời gian 25 năm, sau đó bán cây lấy gỗ, với giá 350.000 đồng/cây thì 1 ha gỗ cao su sẽ bán được 180 triệu đồng. Trung bình 1 ha cao su cho thu hoạch 2 tấn mủ/năm, tương đương gần 200 triệu (thời điểm giá cao su cao nhất).
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược, không kể do giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay mà việc trồng cao su trên đất rừng khộp khiến thời gian đầu tư bị kéo dài, lượng mủ thấp, chi phí cao đã khiến người trồng cao su không thể có lãi. Chưa kể cây cao su sau 3 năm cùng lắm mới bằng… cổ tay thì không biết bao giờ mới có thể thành gỗ để bán.
Trong báo cáo mới đây nhất của UBND huyện Ea Súp trước Tỉnh ủy về vấn đề này cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, một số dự án trồng cao su trên đất rừng khộp sinh trưởng kém do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, đầu tư chưa đúng mức, một số vườn cây tỷ lệ chết cao do tính thích nghi với điều kiện ngoại cảnh thấp, do ngập úng…
Đáng ngại là cũng theo báo cáo này, phân hạng diện tích đất trồng cây cao su được chia thành các mức độ: S1 rất thích nghi, S2 thích nghi trung bình, S3 thích nghi thấp, trong khi đa phần diện tích đất trong rừng khộp thuộc mức thích nghi S3. Theo một đại diện chính quyền xã Ea Lê (Ea Súp), hiện nay trên địa bàn xã đã xuất hiện tình trạng nông dân chặt bỏ cây cao su dù đã bỏ không ít tiền của, công sức để đầu tư, nguyên nhân không chỉ do giá mủ xuống thấp mà chủ yếu do tốc độ tăng trưởng của cây bị chững lại một cách đáng lo ngại. Quả thực nhìn những vườn cao su gần 3 năm tuổi mà chỉ lớn hơn ngón chân cái, mới thấy tương lai mờ mịt của những người trồng cao su trên đất rừng khộp…
Mới đây, trong cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, một lãnh đạo huyện Ea Súp đã tỏ ra lo ngại: “Nếu cao su phát triển, cho hiệu quả kinh tế bình thường thì không sao, bằng ngươc lại thì địa phương sẽ không biết nói sao với dân!”…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tính đến cuối tháng 6-2014, diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi trên cả nước vào khoảng trên 3.300 ha, trong đó chủ yếu diễn ra ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và tập trung ở diện tích cao su tiểu điền. (Báo Đắc Lắc 10/9) đầu trang(
Các nhà làm quy hoạch đã quên rằng, rừng khộp tuy nghèo gỗ nhưng có giá trị đặc biệt về môi trường và đa dạng sinh học, nó kém phát triển nhưng khó thay thế bằng các cây trồng khác. Quy hoạch phát triển cao su tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp đã góp phần hủy hoại một hệ sinh thái đặc biệt mà không mang lại hiệu quả gì.
Ngoài diện tích rừng đã chuyển đổi theo các dự án, việc trồng cao su đã tác động xấu đến công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Ea Súp, với tình trạng chặt phá, bao chiếm đất rừng diễn biến rất phức tạp.
Báo cáo của UBND huyện Ea Súp gửi đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây nêu rõ: "Hầu hết các dự án đều bị lâm tặc xâm nhập chặt tỉa cây rừng, lấn chiếm đất. Tổng diện tích rừng bị chặt phá sau khi cho các DN thuê đất là 201 ha, trong đó Công ty Gia Huy 65 ha, Công ty Minh Hằng 70ha, DNTN Phát Đạt 40ha... Còn tổng diện tích đất bị lấn chiếm sau khi cho các DN thuê lên tới 447ha, trong đó Công ty Gia Huy 349ha, Công ty Cổ phần cao su Phú Riềng Kratie 38ha, Công ty Thái Bình Phát 30ha...".
Về mặt xã hội, việc chuyển đổi đất rừng trồng cao su đã làm phát sinh tình trạng tranh chấp đất đai kéo dài giữa các DN và người dân, có thời điểm tạo thành những điểm nóng khiếu kiện đông người (như dự án của DNTN Phát Đạt, Công ty Cổ phần cao su Trí Đức, Công ty Cổ phần Phú Riềng Kratie, các Công ty TNHH Gia Huy, Minh Hằng).
Các DN cũng chưa đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng với tiềm năng, lợi thế theo dự án được duyệt. Chủ đầu tư chưa coi trọng công tác bảo vệ rừng trong vùng dự án, không bố trí lực lượng đủ mạnh và thường xuyên. Mất rất nhiều, nhưng các dự án chuyển đổi rừng trồng cao su ở huyện Ea Súp chỉ giải quyết được việc làm cho 788 lao động trong và ngoài địa phương, trong đó 507 lao động thời vụ, công nhật.
Nguyên nhân là các DN muốn trồng cao su trên toàn bộ diện tích được thuê, nhưng chỉ được thí điểm 100ha, còn lại phải bảo vệ rừng, chờ kết quả thí điểm mới được chuyển đổi tiếp. Do đó, việc đầu tư hạ tầng, bố trí nhân lực trong vùng dự án bị cắt giảm tối đa.
Theo quyết định 3061/QĐ – UBND, ngày 3-11-2009 của UBND tỉnh, gần 8.000ha cao su phát triển tại Buôn Đôn, Ea Súp đều được chuyển đổi từ đất rừng khộp. TS Trình Công Tư - Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) cho rằng: Phần lớn diện tích đất rừng khộp có thành phần cơ giới tầng mặt là cát hoặc cát pha, kết cấu đất rời rạc, nguồn dinh dưỡng kém.
Cách mặt đất khoảng 20 - 40cm là tầng kết von, sỏi đá, dưới tích đất sét nên mùa nắng gió cây cao su dễ bị ngã đổ, mùa mưa bị ngập úng. Các yếu tố quan trọng khác như nhiệt độ, lượng mưa, chế độ gió vùng rừng khộp cũng tương đối khắc nghiệt.
Ngay từ năm 2009, TS Tôn Nữ Tuấn Nam (Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên) cho rằng: Điều kiện đất đai khí hậu vùng rừng khộp Buôn Đôn và Ea Súp khắc nghiệt, tầng đất canh tác mỏng, khả năng úng ngập trong mùa mưa cao, lượng bốc thoát hơi nước và nhiệt độ cao trong các tháng mùa khô ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng, nhất là các cây công nghiệp dài ngày, như điều, cao su và cả cây rừng trồng.
Vì vậy, phát triển cao su tại vùng này cần phải cân nhắc kỹ. Nếu trồng cao su không thành công thì tác động xấu của việc mất rừng ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên của vùng là rất lớn.
Trong khi đó TS Phạm Quang Khánh - Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cũng đã cảnh báo: “Rừng khộp tuy là rừng nghèo, nhưng là loại rừng quý hiếm, đặc trưng của Tây Nguyên, cần thận trọng để tránh tình trạng trồng cây cao su không hiệu quả nhưng mất rừng”.
TS Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định: "Không phải bây giờ, mà từ nhiều năm trước, chúng tôi không ủng hộ việc chuyển đổi rừng khộp để trồng cao su. Không phải 100% rừng khộp đều không phù hợp với cây cao su, nhưng trồng vài chục ha giữa tiểu khu cả nghìn ha thì có đáng gì, rồi còn việc quản lý ra sao, chế biến thế nào...?
Một khi đã đưa dự án trồng cao su vào rừng thì sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, mà sự thật là không thể bảo vệ được diện tích rừng còn lại. Ở đây cũng có vấn đề từ các đơn vị tư vấn, bởi họ luôn nói cho được để… lấy tiền. Quan điểm của tôi là trong nhiều trường hợp, muốn phát triển phải chấp nhận đánh đổi; nhưng việc phá cả hệ sinh thái rừng khộp quý hiếm mà không được gì thì hoàn toàn không nên".
Bên cạnh việc chạy đua trồng cao su theo kiểu “phong trào”, bất chấp quy hoạch và khuyến cáo của các nhà khoa học, thì sự lúng túng của các địa phương có diện tích trồng cao su trên đất rừng khộp cũng là điều đáng bàn. Theo UBND huyện Ea Súp, việc thực hiện Quyết định số 3061/QĐ-UBND, ngày 3-11-2009 của UBND tỉnh theo hồ sơ được phê duyệt và ngoài thực tế rất khó xác định mốc giới giữa trong quy hoạch và ngoài quy hoạch.
Hơn nữa cơ chế thực hiện quy hoạch các loại cây trồng nói chung, cây cao su nói riêng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động nhân dân, chưa có chính sách ưu tiên việc thực hiện đúng quy hoạch hoặc có chế tài để xử lý khi vi phạm quy hoạch.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Dương Văn Xanh cũng rất trăn trở, bởi diện tích đất rừng khộp có thể trồng được cây cao su trên địa bàn huyện là rất ít. Ông Xanh cho rằng: đến nay dù chưa đánh giá được năng suất, chất lượng mủ đối với cây cao su trồng trên đất rừng khộp, nhưng với thực tế tầng đất thịt mỏng, chỉ cần khoan sâu xuống khoảng 5m là gặp đá tảng, mùa khô không phát triển, mùa mưa nước đọng phủ kín tầng mặt… thì chỉ với diện tích vườn cây cao su hiện có cũng đã là gánh nặng thực sự cho địa phương.
Với thực trạng trên, việc cần làm cấp bách hiện nay là các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp hạn chế gia tăng diện tích trồng cây cao su trên đất rừng khộp. Cùng với đó, các nhà khoa học cũng đã có đủ thời gian cần thiết để đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này, cần sớm khẩn trương công bố nhằm định hướng người dân trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. (Báo Đắc Lắc 15/9) đầu trang(
Mùa trồng rừng năm 2014, toàn tỉnh trồng được 10.000ha, đạt 98% kế hoạch. Để đạt được kết quả đó tỉnh đã phát huy tốt vai trò của các Ban phát triển rừng các cấp trong việc thúc đẩy các khâu trong tiến độ trồng rừng 147.
Năm 2014, xã Nguyên Phuc, huyện Bạch Thông được giao kế hoạch trồng rừng sản xuất 147 là 114ha, trong đó rừng sản xuất là hơn 67ha, rừng phòng hộ là 47ha. Để đảm bảo thời gian trồng rừng đúng kế hoạch, xã đã phối hợp tốt với 9 Ban phát triển rừng cấp thôn trong các công đoạn: Từ việc xử lý thực bì, phát đường băng cản lửa, cuốc hố, giao nhận cây giống đến việc đôn đốc các hộ dân trồng rừng, kiểm tra khoảng cách, tiến độ trồng rừng… nhờ đó, Nguyên Phúc là địa phương hoàn thành kế hoạch trồng rừng sớm của huyện.
Ông Đinh Văn Dũng, cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Nguyên Phúc cho biết: Sau khi Ban phát triển rừng xã được thành lập đã các làm việc hiệu quả, có sự phối hợp tốt với Kiểm lâm và người dân địa bàn, tạo đà tốt cho việc triển khai trồng rừng.
Theo Quyết định số 147/2007/QĐ- TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong điều 16 có nêu: Triển khai trồng rừng sản xuất 147 phải Thành lập Ban Quản lý dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất các cấp.
Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh  đã thành lập Ban quản lý dự án cấp huyện, thị và Ban phát triển rừng cấp xã  và ban phát triển rừng thôn. Từ đó, các Ban phát triển rừng đã triển khai đồng bộ các cuộc họp tuyên tuyền về nội dung của dự án trồng rừng sản xuất 147, thống kê được nhu cầu trồng rừng  của các hộ gia đình trên địa bàn.
Ngoài ra,  các điểm giao cây giống của từng thôn đều được ban phát triển rừng cử người đôn đốc bà con nhận cây giống đủ và thực hiên trồng rừng. Đặc biệt, tại nhiều địa phương như Bạch Thông, Chợ Mới, các ban phát triển rừng cấp thôn còn huy động người dân đổi công, giúp nhau trồng rừng …
Ông Ma Văn Tuyền, Phó chủ tịch UBND xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn cho biết: Để triển khai tốt công tác trồng rừng, khi được giao chỉ tiêu, chúng tôi đã kiện toàn lại Ban phát triển rừng và thành lập ban phát triển rừng cấp thôn mới để theo sát việc trồng rừng.
Ông Phùng Đức Chi, Hạt Trưởng hạt kiểm lâm huyện Bạch Thông cho biết: Trên địa bàn huyện Bạch Thông có hệ thống Ban phát triển rừng các cấp. Đồng chí phụ trách địa bàn nào thì có trách nhiệm vận động  hướng dẫn tổ bảo vệ phát triển rừng tham gia vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia trồng rừng. Từ đó năm 2014 công tác trồng rừng của huyện đạt kết quả tốt.
Với phương châm “mỗi ban phát triển rừng là một hạt nhận, mỗi trưởng thôn, gia làng là người đầu tàu trong việc vận động” các huyện, thị xã cần  khai thác tốt sự vào cuộc của các Ban phát triển rừng các cấp để  mở rộng diện tích trồng rừng, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng tren địa bàn toàn tỉnh. (Đài PTTH Bắc Kạn 14/9) đầu trang(
“Theo kết quả diễn biến tài nguyên rừng năm 2013, toàn tỉnh có 735.777,12 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 631.021,16 ha có rừng, độ che phủ của rừng chiếm 65,05% (không bao gồm diện tích cây cao su, cây đặc sản trên đất lâm nghiệp).
Hiện nay, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) lâm nghiệp và các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng ở các huyện đang quản lý 505.655,36 ha rừng và đất lâm nghiêp, chiếm 68,7% diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở địa phương. Các công ty lâm nghiệp cần được tháo gỡ khó khăn, mở hướng đi…
Thực hiện chủ trương đóng cửa rừng từ năm 2004 đến nay, tỉnh chỉ khai thác tận dụng gỗ trên diện tích chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, chuyển mục đích sử dụng rừng (để xây dựng các công trình) và rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, năm 2006 sau khi sắp xếp các lâm trường quốc doanh, 6 công ty đầu tư phát triển nông-lâm-công nghiệp-dịch vụ và 1 lâm trường thành 7 công ty TNHH MTV lâm nghiệp.
Mặc dù nhiều lần chuyển đổi và từng được giao vốn sản xuất kinh doanh gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), nhưng do vướng mắc về cơ chế, chính sách và năng lực có hạn nên hầu như các công ty chỉ tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ công ích là BV&PTR.
Tuy nhiên, ngay cả việc quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) cũng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là về đất đai, khi giao đất cho các công ty lâm nghiệp tỉnh giao đất nguyên tiểu khu, không tách được đất nông nghiệp, đất ở nằm trong lâm phần, do vậy, các công ty không nắm rõ chính xác diện tích, ranh giới quản lý. Vì vậy, trong công tác quản lý Nhà nước xảy ra hiện tượng đất cấp chồng lấn và dân lấn chiếm đất trái phép.
Thứ hai là mặc dù được giao tài sản lớn, nhưng các công ty TNMH MTV lâm nghiệp không có vốn để trồng rừng sản xuất trong khi việc vay vốn của các tổ chức tín dụng không thể thực hiện vì không có tài sản để thể chấp; việc liên doanh, liên kết để trồng rừng gặp nhiều trở ngại vì theo quy định của Luật đất đai công ty không thể dùng đất để góp vốn kinh doanh. Không có vốn sản xuất, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty gần như bằng không.
Tuy nhiên, trước những khó khăn chồng chất của các công ty lâm nghiệp, vẫn có một điểm sáng đó là Công ty TNHHMTV lâm nghiệp Đăk Tô đang quản lý và khai thác rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế làm ăn có hiệu quả.
Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, ông Nguyễn Thành Chung-Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Công ty được giao quản lý bảo vệ trên 41 nghìn ha rừng, trong đó có trên 29 nghìn ha rừng tự nhiên, gần 3 nghìn ha rừng trồng cùng trên 8,7 nghìn ha diện tích chưa có rừng và đất khác.
Trong diện tích rừng đang được quản lý và giao khoán cho cộng đồng, Công ty có hơn 26 nghìn ha cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Theo đó, Công ty được nhận hơn 7 tỷ đồng/năm về khoản DVMTR từ các nhà máy thủy điện hưởng lợi mà các đối tượng sử dụng điện phải trả.
Ở 16 nghìn ha rừng được thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững được tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC toàn phần (toàn quốc chỉ có hai đơn vị được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSD). Thực hiện theo Phương án quản lý rừng bền vững, từ 2011-2014 Công ty khai thác bình quân 3.200 m3 gỗ/năm, lợi nhuận bình quân 1,7 tỷ đồng/năm.
Từ khi có DVMTR và được thực hiện theo Phương án quản lý rừng bền vững, Công ty không chỉ kinh doanh có lãi, đóng góp vào ngân sách Nhà nước mà còn bảo vệ và phát triển được vốn rừng. Cụ thể: Ở diện tích đất rừng dân sản xuất chồng lấn trước đây, nay được Công ty yêu cầu dân trả lại và liên kết trồng rừng để hưởng lợi. Bằng chính sách khuyến khích trồng rừng để cùng hưởng lợi, năm nay, Công ty liên kết với dân trồng được hơn 300 ha rừng.
Khi  các công ty lâm nghiệp Nhà nước dường như “đóng băng” trong hoạt động kinh doanh thì việc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô làm ăn có lãi và bảo vệ, phát triển được vốn rừng là một điểm sáng đáng được ghi nhận. Tại buổi làm việc trong đợt giám, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đánh giá cao mô hình quản lý rừng bền vững ở Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô.
Có ý kiến cho rằng, nếu UBND tỉnh tiếp tục mở rộng thêm việc triển khai cho các công ty lâm nghiệp ở các huyện khác thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững và cùng với chính sách DVMTR thì các công ty này cũng có điều kiện kinh doanh hiệu quả, bảo vệ và phát triển được tài nguyên rừng như Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô.
Lợi ích từ việc phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững đã rõ. Vấn đề còn lại là việc tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế, chính sách cho các công ty lâm nghiệp. Theo ông Chung, Nhà nước cần cho các công ty lâm nghiệp được thuê và sử dụng đất như doanh nghiệp tư nhân; được quyền thế chấp, liên doanh, liên kết để đầu tư phát triển rừng; được quyền chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất kinh doanh.
Trừ tài sản là rừng tự nhiên, các loại tài sản cố định, vốn rừng trồng cần sớm được xác định giá trị để giao vốn cho các công ty sử dụng, phát huy lợi thế (thế chấp, cổ phần, liên doanh, liên kết rừng trồng, cho thuê mặt bằng…) trong sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện và tháo gỡ các “trói buộc”, các công ty lâm nghiệp sẽ có điều kiện để phát triển. (Kontum.gov.vn 15/9) đầu trang(
Sáng 14/9, đại diện đơn vị thuê mặt bằng của Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Phú Yên cho biết vụ cháy đã gây thiệt hại hơn 2,5 tỉ đồng.
Ông Hồ Thanh Tùng, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Tiên Tâm - đơn vị thuê mặt bằng nói trên, thông tin ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 100m3 gỗ nguyên liệu và thành phẩm cùng nhiều thiết bị máy móc.
"Chiều 13/9, doanh nghiệp cho người lắp đặt thêm một máy bào để đẩy nhanh tiến độ gia công bàn ghế học sinh cho các trường học trong tỉnh. Toàn bộ hệ thống điện trong xưởng được lắp đặt tự động. Trước khi công nhân nghỉ ca làm việc buổi chiều, hệ thống điện trong xưởng đã được ngắt nên không có chuyện chập điện” - ông Tùng cho biết.
Bà Đặng Thị Diễm, giám đốc Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Phú Yên, cho biết công ty cho Doanh nghiệp tư nhân Tiên Tâm (có trụ sở ở phường 6, TP Tuy Hòa) thuê mặt bằng để làm xưởng chế biến gỗ từ năm 2006 đến nay.
Việc cho thuê được ký hợp đồng theo từng năm. Riêng giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty cũng có ngành nghề chế biến gỗ.
Cùng ngày, một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết do chế biến gỗ thuộc loại ngành nghề nhỏ, tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết về ngành này nên không thể xác định được xưởng chế biến gỗ của Doanh nghiệp tư nhân Tiên Tâm đặt giữa khu dân cư và các sở ngành của tỉnh có vi phạm hay không.
Trong khi đó, đại tá Nguyễn Trọng, trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Phú Yên, cho biết đơn vị vừa kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại đây và thấy doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ công tác này.
Vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ cháy. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra. (Phụ Nữ News 14/9) đầu trang(
Nằm giữa TP Vinh và huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Con Cuông lâu nay được coi là trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng tây nam Nghệ An.
Con Cuông có rừng quốc gia Pù Mát, với thác đẹp, hang động kỳ thú cùng nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử cấp quốc gia. Lợi thế là vậy, nhưng tất cả vẫn nằm trong tiềm thức, chưa được đầu tư xây dựng, để giúp Con Cuông mau thoát khỏi huyện nghèo.
Nếu Vườn quốc gia Pù Mát có diện tích hơn 94.000 ha, trong rừng có thảm động vật, thực vật phong phú, đa dạng, thì diện tích của vườn có hai phần ba nằm trên đất Con Cuông.
Những tiềm năng du lịch sinh thái lớn như: thác Khe Kèm, suối nước mọc Tạ Pó, đập Pha Lài, Thắm Nàng Màn, Thắm ồm (Hang ốc); Bia Ma Nhai Kỳ Công Văn ghi công vua quan nhà Trần vào đây diệt giặc ngoại xâm hay thành Trà Lân một thời trúc chẻ tro bay của nghĩa quân Lam Sơn diệt giặc giành lại độc lập cho đất nước.
Trong rừng có nhiều lâm, đặc sản, thú quý hiếm như: Gỗ trắc, táu, sến, dổi, vàng tâm, pơ mu. Có cây sa mu dầu nghìn năm tuổi cao gần 100 m, đường kính rộng vài chục người ôm được ghi vào ghi-nét cây di sản thế giới.
Cùng với đó là hơn trăm loài thú quý hiếm khác. Rừng Pù Mát gần như còn nguyên sinh, vừa là nơi nghiên cứu cho các nhà khoa học trong và ngoài nước, vừa là nơi để xây dựng vùng du lịch sinh thái rừng.
Năm 2005, năm du lịch Nghệ An, Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát được đưa vào tuyến du lịch quan trọng của tỉnh. Ngành du lịch đã thiết kế, xây dựng nhiều tua như: Du lịch tắm thác Khe Kèm, nghỉ mát đập Pha Lài, du thuyền trên sông Giăng; thưởng ngoạn các hang động và các di tích văn hóa lịch sử và du lịch cộng đồng...
Mặc dù đã được đầu tư nhựa hóa đường vào thác Khe Kèm, đập Pha Lài... Nhưng gần mười năm nay, việc đầu tư xây dựng các tua du lịch vẫn còn nằm trên giấy... Ðại ngàn "Pù Mát" vẫn ngủ yên chưa được khai thác. Ðiều mà nhân dân quan tâm là rừng Pù Mát ngày càng được bảo vệ xanh tốt, các hang động được quản lý, bảo tồn... mà đời sống của bà con chưa được cải thiện, bởi do rừng bị quản lý nghiêm ngặt, đất sản xuất ngày càng thu hẹp.
Huyện Con Cuông đã xây dựng nhiều đề án phát triển kinh tế như: Ðề án phát triển cây cam ở Con Cuông; phát triển vùng chè công nghiệp; phát triển đàn trâu, bò hàng hóa, hay đề án đưa giống mới vào sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực tại địa bàn.
Ðến nay, diện tích đất sản xuất đã phủ kín, năng suất lúa, ngô đã đội trần. Cái ăn của 68.000 người dân trong huyện đã no đủ, nhưng cái mặc, đồ dùng và nhu cầu sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ các dịch vụ khoa học tiên tiến thì vẫn còn là "giấc mơ" của bà con.
Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao (34,5%) do thiếu đất, thiếu việc làm và thiếu cả tư duy phát triển kinh tế. Ðể Con Cuông mau thoát khỏi là huyện nghèo, việc đánh thức đại ngàn Pù Mát, mở tuyến du lịch sinh thái rừng là mong muốn lớn nhất của Ðảng bộ và nhân dân huyện Con Cuông. (Nhân Dân 15/9) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Những ảnh hưởng mà biến đổi khí hậu đã gây nên cho môi trường sống của không chỉ con người mà còn của các loài động vật hoang dã là không thể đếm xuể.
Một nghiên cứu mới của Hiệp hội Audubon Quốc gia (NAS) vừa công bố rằng 588 loài chim sinh sống ở Bắc Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về khí hậu trên Trái Đất.
Những biến đổi khí hậu mạnh mẽ đang có tác động lớn đến môi trường sống của các loài chim, và tới khoảng giữa thế kỷ 21, một nửa số loài chim này sẽ phải sống trong không gian nhỏ hẹp hơn, hoặc phải chuyển hẳn sang phần lãnh thổ khác để sinh sống. Hơn thế nữa, nếu chúng không thích ứng được với nơi ở mới, chúng sẽ sớm đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Trong số các loài chim trong danh sách này, loài chim vàng anh Baltimore được dự kiến sẽ biến mất khỏi Maryland, Mỹ.
Chim lặn sinh sống ở Minnesota cũng sẽ phải rời bỏ nơi ở của mình, và các loài chim khác như chim gõ kiến ba ngón, cú diều hâu phương bắc, chim ruồi đỏ, ó biển phương Bắc, thiên nga kèn và chim sẻ Baird cũng sẽ đánh mất hầu hết môi trường sống của chúng.
Chủ tịch NAS, David Yarnold, cho biết rằng các mối đe dọa này hoàn toàn có thể khiến một số loài chim trong danh sách trên bị tuyệt chủng. Chỉ có những loài có khả năng chống chọi tốt mới có thể sống sót.
Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đáng kể tới những loài chim với số lượng cá thể ít, mà còn gây nguy hiểm cho cả những loài hiện đang có số lượng lớn.
Những thay đổi trong lãnh thổ hiện tại của các loài chim có thể ép chúng phải di chuyển tới nơi ở mới, nhưng chúng có thể sẽ phải đối mặt với quá nhiều khó khăn khi cố gắng thích nghi, hoặc thậm chí có thể sẽ không thể thích nghi được.
Một số loài chim phải phụ thuộc vào một số loại cây nhất định, và những loài cây này có thể sẽ không tồn tại ở môi trường sống mới.
Tác giả chính của nghiên cứu, Gary Langham, chỉ ra rằng trong những thập kỷ tới đây, người dân Bắc Mỹ có thể sẽ không được nhìn thấy những loài chim hiện giờ đang sinh sống tại đây.
Điều quan trọng là tạo ra sự khác biệt bằng cách giảm lượng khí thải carbon gây ra phần lớn các biến đổi về khí hậu, đồng thời thực hiện các giải pháp bảo vệ lãnh thổ cho những loài chim. (VietnamPlus 16/9) đầu trang(
Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) ngày 15/9 thông báo tình trạng ô nhiễm không khí tại quốc đảo này đã tăng đến mức có hại cho sức khỏe.
Bầu trời bị che phủ bởi sương khói dày đặc từ các đám cháy rừng lớn ở đảo Sumatra thuộc quốc đảo láng giềng Indonesia.
Theo NEA, chỉ số đo mức độ ô nhiễm (PSI) đã lên tới mức 111 vào lúc 7 giờ sáng 15/9, trước khi giảm xuống mức 80 vài giờ sau đó. Chỉ số PSI từ 101-200 được coi là "nguy hại tới sức khỏe." NEA khuyến cáo những người bị mắc bệnh ở đường hô hấp và tim mạch nên hạn chế hoạt động ngoài trời.
Trong tuyên bố của mình, NEA cho biết tình trạng khói hiện nay xuất phát từ các đám cháy rừng ở Nam Sumatra trong 3-4 ngày qua. Vì khí hậu khô hạn ở hòn đảo này còn kéo dài, NEA dự báo các vụ cháy rừng còn tiếp diễn và chỉ số PSI tại Singapore trong ngày 15/9 sẽ thay đổi trong quãng từ nấc cao nhất của mức trung bình đến nấc thấp nhất của mức gây hại tới sức khỏe.
Bầu trời Singapore đầy sương mù trong khi khói tiếp tục theo gió bay đến quận thương mại của thành phố này. Sương mù dày đặc nhất ở phần phía Tây Singapore, nơi gần nhất với đảo Sumatra, nơi cư dân có thể ngửi cả thấy mùi cay xè của lá cây cháy.
Tháng Tám vừa qua, Singapore đã thông qua một đạo luật cho phép chính phủ phạt tiền các công ty gây ra hoặc góp phần gây ra tình trạng sương mù hàng năm này. Mức phạt lên tới 2 triệu SGD (khoảng 1,6 triệu USD) và được áp dụng với các công ty có văn phòng tại Singapore. Dù luật mới muốn nhằm vào các công ty có trụ sở cả ở trong và ngoài quốc đảo này, tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc thực thi văn bản pháp luật này sẽ rất khó khăn.
Hàng năm, Singapore và Malaysia thường phải chịu cảnh ngột ngạt ở nhiều mức khác nhau do khói từ các vụ cháy rừng ở Indonesia vào các tháng mùa Hè từ tháng 6-9.
Năm 2013, khói đã gây ra tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất kể từ năm 1997-1998, thời điểm ô nhiễm đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 9 tỷ USD trên toàn Đông Nam Á.
Malaysia cũng đề nghị người dân đeo khẩu trang và ở trong nhà. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã phải lên tiếng xin lỗi hai nước láng giềng này. (VietnamPlus 15/9) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng