Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 15 tháng 10 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Việc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Động tự ý phá hơn 20ha rừng thuộc địa bàn xã Bồng Am (Sơn Động), đồng thời mở cả đường xuyên rừng để phục vụ cho việc vận chuyển lâm sản, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ phối hợp cùng Sở NN&PTNT xem xét đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân Công ty cùng lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động.
Như báo Kinh tế nông thôn đã đăng tải, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Ðộng (Công ty Lâm nghiệp Sơn Động) được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án cải tạo rừng tự nhiên tại huyện Sơn Động giai đoạn 2008-2012, với tổng diện tích 390ha. Tuy nhiên, thay vì làm đúng chức năng nhiệm vụ được giao thì doanh nghiệp này lại “tiện tay” xơi nốt hơn 20ha rừng trên địa bàn xã Bồng Am, gây bức xúc dư luận. Chỉ khi nhiều người dân gửi đơn tố cáo, sự việc mới vỡ lở.
Theo Kết luận nội dung tố cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, đến hết năm 2012, công ty này đã thực hiện cải tạo, khai thác được 351,7ha trên tổng số 390,6ha được cấp phép. Tuy nhiên, ngoài việc cải tạo diện tích rừng trên, Công ty Lâm nghiệp Sơn Động còn phá 23ha rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế nằm tại khu vực Khe Rào (xã Bồng Am) và khoảnh 19, đội Ðá Bờ 2 khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, đơn vị này còn tự ý mở hẳn một con đường dài gần 4km chạy xuyên rừng để làm đường cho xe tải hoạt động trong khu vực này. Sự việc nghiêm trọng là vậy nhưng đơn vị quản lý trực tiếp vùng rừng bị phá là Hạt Kiểm lâm Sơn Động (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang) lại không hề hay biết, không hề có báo cáo sự việc.
Kết luận nội dung tố cáo phá rừng của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang nêu rõ: Hạt Kiểm lâm Sơn Động là đơn vị được nhà nước giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng của các tổ chức cá nhân trên địa bàn huyện Sơn Động. Vi phạm của Công ty Lâm nghiệp Sơn Động xảy ra nhưng Hạt Kiểm lâm Sơn Động không có biện pháp ngăn chặn và báo cáo xử lý kịp thời là chưa thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ông Dương Xuân Bánh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã chuyển hồ sơ xin ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về hình thức xử lý kỷ luật với những cá nhân, đơn vị sai phạm.
Liên quan đến sự việc, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu thu hồi trên 850 triệu đồng về ngân sách và chấn chỉnh nhiều sai phạm về quản lý tài chính tại đơn vị này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng giao Sở Nội vụ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xem xét đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân Cty cùng lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động. (Kinh Tế Nông Thôn 15/10) đầu trang(
Khi đề cập đến hệ lụy thủy điện (TĐ), điều nhiều người nghĩ tới trước tiên đó là... rừng! Để hình thành một dự án TĐ có khi phải đốn hàng trăm hécta rừng.
Khi TĐ đi vào hoạt động, hệ lụy do tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ngày càng nghiêm trọng, trong khi việc trồng rừng thay thế lại lâm cảnh bế tắc.
Tại Quảng Nam, việc lâm tặc (LT) lợi dụng hồ TĐ tích nước tạo đường giao thông thuận lợi đưa gỗ về xuôi đã diễn ra nhiều năm trước, nhưng rầm rộ nhất vẫn là cách đây hơn hai năm, khi TĐ Đăk Mi 4 (huyện Phước Sơn) tích nước. Trước đây chỉ có con đường nhỏ dẫn vào các xã Phước Kim, Phước Năng, Phước Thành..., LT không thể vượt qua cửa ải này bởi vừa tốn sức lẫn lực lượng chức năng chốt chặn nên không còn đường thoát.
Thủy điện Đăk Mi 4 ra đời như trải thảm đỏ, LT ồ ạt kéo vào rừng. Đốn hạ gỗ quý xong, chúng xẻ thành gỗ hộp, phách rồi theo đường công vụ chở xuống lòng hồ, kết bè, dùng thuyền máy hoặc phao tự chế bằng can nhựa, lốp ô tô... kéo về xuôi. Tại khu vực rừng Phước Kim, những cây gỗ hương đường kính gần 1m và nhiều loại gỗ quý khác bị hạ ngổn ngang cách mép hồ TĐ Đăk Mi 4 chỉ 300-500m. Nhìn cảnh rừng "chảy máu", ai cũng ngậm ngùi!
Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng CCKL Quảng Nam - cho biết: "Rút kinh nghiệm, mới đây trước khi TĐ Sông Bung 4 (huyện Nam Giang) tích nước (tháng 8-2014), chúng tôi đã cử lực lượng về phối hợp với các địa phương chủ động ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực lòng hồ TĐ Sông Bung 4. Đến nay, nạn phá rừng về cơ bản đã được khống chế...".
Hiện CCKL đã và đang lên kế hoạch xây dựng quy chế phối hợp với các TĐ cử lực lượng kiểm tra, ngăn chặn tại các trạm gác của TĐ. Tỉnh Quảng Nam cũng mới lập hai hạt kiểm lâm ở Bắc và Nam Sông Bung để  ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép - ông Tuấn khẳng định.
Theo thống kê, 9 tháng 2014 trên địa bàn tỉnh xảy ra 660 vụ vi phạm liên quan đến rừng. Nhưng hiện nay, việc trồng rừng thay thế (TRTT) tại các dự án TĐ đang gặp bế tắc bởi nhiều lí do. Nguyên nhân, theo ông Lê Minh Hưng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, một số TĐ mới triển khai trước Nghị định (NĐ) 23 năm 2006 về quy định TRTT tại các dự án TĐ.
Tiếp nữa, năm 2006 NĐ23 ra đời nhưng đến năm 2013 Bộ NN&PTNT mới có Thông tư 24 hướng dẫn cụ thể, do vậy địa phương không có cơ sở pháp lí chỉ đạo việc TRTT nên chưa thể triển khai. Vướng mắc khác nữa: trước Thông tư 24, các dự án TĐ không có khoản TRTT hoặc có trình cũng không được duyệt vốn. Giờ đã được hướng dẫn chi tiết, các đơn vị TĐ mới chạy đôn chạy đáo thực hiện nhưng lại gặp khó khăn về vốn.
Mặt khác, địa phương khó tìm được quỹ đất. Theo quy định, dự án TĐ lấy đi bao nhiêu rừng thì phải trồng thay thế bấy nhiêu, nhưng lượng đất trống với diện tích lớn để bố trí TRTT cũng là điều hết sức nan giải.
Hiện ở Quảng Nam mới TRTT chưa được 30%. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, diện tích rừng chuyển đổi TĐ tổng số 2.688ha; trong đó rừng đặc dụng 23ha, rừng phòng hộ 1.261ha, rừng sản xuất 1.403ha... Diện tích phải trồng thay thế là 1.786ha, nay mới thực hiện được 674ha.
Theo ông Hưng, TĐ mang lại nhiều nguồn lợi nhưng cũng vướng không ít hệ lụy, dù TRTT cũng không bằng tự nhiên, trong khi nhiều dự án làm mất đi tính đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, mở TĐ có nhiều đường thủy, đường công vụ, dễ tạo điều kiện cho LT lợi dụng phá rừng...
Trong nhiều địa phương có dự án TĐ, Quảng Nam là tỉnh đưa ra nhiều giải pháp "trả nợ" rừng. Theo đó, quy định là đơn vị TĐ đóng trên địa bàn phải trả khoản phí dịch vụ bảo vệ rừng (trích từ lợi nhuận).
Thực ra đây là khoản nhân dân đóng góp, Tập đoàn Điện lực chỉ thu rồi đưa lại cho địa phương để trả khoản phí trên, tùy từng nơi dao động từ 200-300 ngàn đồng/ha/tháng. Hiện tỉnh cũng đang vướng khi 100ha rừng còn lại chưa giao khoán được cho dân vì thiếu kinh phí, hiện xã quản lí. Do lực lượng chuyên trách mỏng, thiếu chuyên nghiệp nên nạn phá rừng tập trung tại khu vực này.
Tỉnh đang chờ Thủ tướng phê duyệt để ký kết với Đức thực hiện dự án rừng cộng đồng (khoảng 9.000ha tại Phước Sơn, Nam Giang). Mô hình này thành công sẽ nhân rộng ra nhiều địa bàn của tỉnh.
Chi cục trưởng Phan Tuấn trăn trở mãi về Đề án 52 trước đây định triển khai nhưng sau không thực hiện được vì bí vốn. Theo đó, Nhà nước cấp gạo cho dân khoảng 7-10 năm đầu, sau đó trên rẫy của dân sẽ trồng rừng (keo, bạch đàn...). Khi khai thác, người dân có khoản thu nhập ổn định sẽ khỏi phải trợ cấp khoản lương thực này.
Từ đó, họ làm theo kiểu cuốn chiếu, vừa đảm bảo thu nhập vừa ổn định diện tích rừng, nhất là tại các khu vực gần lòng hồ TĐ. Nhà nước vừa có rừng phủ trống đồi trọc vừa tạo động lực kinh tế cho đồng bào vùng cao. Nếu thực hiện đề án này, ở Quảng Nam chỉ tốn khoảng 400 tỷ đồng cho chặng đường dài 7-10 năm nhưng hiệu ứng lại rất tốt. (Công An TPHCM 14/10)  đầu trang(
Liên quan vụ làm hồ sơ, mạo chữ ký để nhận tiền khoán bảo vệ rừng xảy ra tại xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chỉ đạo xem xét chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý.
Như báo Tiền Phong đã đưa tin, ông Vi Hồng Thấm- Chủ tịch UBND xã Sơn Hà đã mạo chữ ký của 12 hộ dân để nhận gần 300 triệu đồng tiền khoán bảo vệ rừng (từ năm 2010-2012).
Sau khi nhận số tiền này xong, ông Thấm trích lại 50% số tiền cho Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) đóng trên địa bàn xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn.
Trước đó, cán bộ của Ban quản lý này chịu trách nhiệm làm hồ sơ, lập danh sách các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 5/12 hộ dân có tên trong danh sách nhận khoán bảo vệ rừng,  không có hộ khẩu tại xã Sơn Hà.
Theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, trong quá trình xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân nếu có cơ sở xác định hành vi cố ý làm trái, vụ lợi cá nhân thì yêu cầu giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò báo cáo, đề xuất xem xét việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Đồng thời, thu hồi hơn 146 triệu đồng tiền khoán bảo vệ rừng (do ông Thấm trích lại) sử dụng sai mục đích nộp vào ngân sách Nhà nước chờ giải quyết. (Tiền Phong 15/10; Nhân Dân 15/10, tr2) đầu trang(
14.10, lãnh đạo UBND huyện Đông Giang cho biết, sau nhiều ngày tiếp tục tuần tra, truy quét ở khu vực rừng giáp ranh huyện Đông Giang (Quảng Nam) và TP.Đà Nẵng, lực lượng kiểm lâm huyện Đông Giang và Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa đã phát hiện thêm 9 điểm cất giấu gỗ trái phép với tổng khối lượng lên đến 19m3 gỗ quý.
Cụ thể, tại khoảnh 4 tiểu khu 37 lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, phát hiện 4 điểm cất giấu gỗ trái phép với tổng cộng 224 tấm gỗ quy cách, khối lượng khoảng 10m3 gỗ.
Tại khoảnh 1 tiểu khu 65 thuộc khu vực rừng phòng hộ địa bàn xã Tư (Đông Giang), phát hiện có 5 điểm cất giấu lâm sản trái phép với 214 tấm gỗ quy cách, khối lượng khoảng 9m3 gỗ. Tổng cộng, có đến 438 tấm gỗ quy cách với khối lượng gỗ được phát hiện thêm là 19,71m3 gỗ, chủ yếu là gỗ nhóm 2.
Trước đó, ngày 6.10, tại khu vực này, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa cũng đã phát hiện 2 điểm cất giấu 66 phách gỗ nhóm 2, tổng khối lượng hơn 14m3 gỗ quý. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 1 tuần, cơ quan chức năng đã phát hiện tổng cộng 504 tấm gỗ quy cách cất giấu trái phép với tổng khối lượng gỗ xấp xỉ 34m3 tại khu vực rừng giáp ranh của hai địa bàn.
Lãnh đạo UBND huyện Đông Giang và Sở NNPTNN TP.Đà Nẵng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo xử lý vụ việc: Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ số lượng gỗ đã phát hiện cho Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa xử lý.
Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan bàn giao hồ sơ số lượng gỗ đã phát hiện trên lâm phận tỉnh Quảng Nam cho Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang xử lý theo quy chế phối hợp giữa 2 Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, đồng thời tổ chức vận chuyển toàn bộ số lượng gỗ trái phép cất giấu về địa điểm an toàn để phục vụ công tác điều tra, xử lý.
Lực lượng chức năng 2 địa phương sẽ tiếp tục tổ chức, kiểm tra, truy quét khu vực rừng đặc dụng Cà Nhông và vùng giáp ranh nhằm ngăn chặn xử lý triệt để nạn khai thác rừng trái phép trên địa bàn.
Ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, đã chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương chuyển hồ sơ vụ phá rừng cho Công an để khởi tố điều tra vụ án. (Lao Động 15/10; Thanh Niên 15/10; Nông Nghiệp Việt Nam 15/10, tr20) đầu trang(
14.10, Hạt Kiểm lâm liên hiệp Tam Nông-Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết ngành kiểm lâm đã chuyển con rắn hổ mang chúa nặng hơn 6,3kg dài hơn 3m về Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang).
Trước đó ngày 9.10, con rắn này bị nhóm người ở ấp K9, xã Phú Đức, H.Tam Nông đánh bất tỉnh và họ đã chuyển con rắn đến giao cho Công an xã Phú Đức.
Theo ông Lê Hoàng Tấn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Tam Nông- Đồng Tháp, con rắn trên bị người dân dùng cọng sắt đâm xuyên qua miệng đề phòng rắn cắn hay phun độc.
Rắn được giữ tại trụ sở Công an xã 5 ngày 4 đêm. Dù rắn không ăn uống được do bị khớp mỏ nhưng thể trạng rất tốt. Với các vết thương này khi chuyển về Trại rắn Đồng Tâm sẽ không lo ngại rắn bị ốm chết hay mất sức vì nơi đây có nhiều người rất giỏi trong việc xử lý các vết thương của rắn.
Cũng theo một cán bộ kiểm lâm, huyện Tam Nông có Vườn Quốc gia Tràm Chim với rừng tràm rộng lớn là nơi sinh sống của rùa, chim trời, cá, các loài rắn. Tuy nhiên do rắn hổ mang chúa cực độc và quý hiếm nên không thể nào thả vào Vườn Quốc gia Tràm Chim vì lo ngại con rắn này sẽ săn các loài chim trời và các loài rắn, cá khác…
Điều đáng lo ngại là khả năng rắn bò lạc vào nhà người dân, gây nguy hiểm cho người và vật. Ngoài ra môi trường sống nơi đây không thích hợp cho rắn hổ mang chúa, nơi chúng ở phải là đồng cỏ, đồi núi…
Trước đây ngành kiểm lâm tỉnh cũng cứu hộ một cá thể rắn hổ mang chúa và thả vào Vườn Quốc gia Tràm Chim nhưng sau đó không phát hiện được cá thể này nữa.
Theo ông Tấn, rắn hổ mang chúa là loài rắn cực hiếm có tên trong Sách đỏ, nằm trong nhóm 1B, nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Vì thế bắt rắn này là vi phạm; nếu ngành chức năng phát hiện nuôi nhốt, mua bán… sẽ phạt tiền rất nặng.
Nhưng điều hết sức kỳ lạ là rắn này cực độc, dữ tợn nhưng không hiểu sao lại bị người dân bắt được dễ dàng. Ông Tấn cho biết, 4 người bắt rắn này không bị nguy hiểm là chuyện quá may mắn. Còn chuyện vì sao vùng này xuất hiện loài rắn quý hiếm thì đến nay ngành chức năng và người dân vẫn chưa lý giải được.
Anh Mai Thiên Tâm, người tham gia bắt rắn cho biết lúc gặp rắn, nhóm của anh gồm 4 người không biết đó là rắn cực độc nên vây lại đánh bất tỉnh. Đập rắn xong, nhóm anh Tâm đã lấy cọng sắt xuyên miệng rắn khép chặt hàm lại. (Thanh Niên 14/10) đầu trang(
17/9, Hạt Kiểm lâm (KL) huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, xảy ra tại Tiểu khu 465 (xã Quế Lâm, Nông Sơn).
Đây là một vụ phá rừng công khai và hết sức nghiêm trọng, với quy mô lớn, bao gồm nhiều loại gỗ quý trên địa bàn huyện Phước Sơn và huyện Nông Sơn bị đốn hạ không thương tiếc. Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, PV có mặt tại Quế Lâm, nằm cuối cùng về phía Tây của huyện Nông Sơn.
Ông Nguyễn Văn Đông - Hạt phó Hạt KL Nông Sơn cho biết: Từ ngày 4 - 8/9/2014, Chi cục KL Quảng Nam cùng với Hạt, Công an huyện và UBND xã Quế Lâm tuần tra truy quét tại khu vực Ba Khe, thuộc Tiểu khu 465; kết quả ban đầu phát hiện 257 phách gỗ xẻ, tổng khối lượng 51,3m3 thuộc nhóm 1 đến nhóm 6, đưa về tập kết ở đây. Hạt KL Nông Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra Công an huyện thụ lý điều tra theo quy định pháp luật.
Đi dọc con đường mòn men theo dòng suối Khe Mây, mới thấy sự lộng hành của bọn lâm tặc. Hàng chục cây đại thụ của rừng già trăm tuổi bị cưa ngã, xẻ thành phách, rồi dùng trâu kéo ra chất thành từng đống ngăn nắp, như là những người chủ thực sự của những cánh rừng này. Lực lượng kiểm tra đã phải thuê người dân kéo mỗi phách gỗ từ các điểm tập kết ra đường xe ô tô với giá từ 3 - 5 trăm nghìn đồng/phách. Những điểm gỗ lậu nằm sâu trong rừng phải chờ trời mưa, nước suối dâng cao mới thu gom đưa ra theo đường thủy.
Với kinh nghiệm trong nghề, ông Lê Trung Thọ, cán bộ phụ trách Thanh tra - Pháp chế Hạt KL Nông Sơn xác định: Cứ lần theo vết đường kéo gỗ sẽ tới hiện trường mà lâm tặc tàn phá. Đó là khu vực giáp ranh địa phận rừng giữa 2 huyện Nông Sơn và Phước Sơn khoảng 100 mét, là một trong những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại ở sườn phía Đông Trường Sơn chạy qua tỉnh Quảng Nam, đã bị tàn phá một cách không thương tiếc trong thời gian dài.
Do địa điểm tập kết gỗ lậu nằm trên địa phận Phước Sơn, nên đoàn công tác chụp ảnh lưu giữ chứ không đưa vào danh sách tang vật vụ án được. Sau khi nhận tin báo, Hạt KL Phước Sơn cũng đã kiểm tra khu rừng bị khai thác trái phép để lập hồ sơ khởi tố vụ án.
Tiến sâu vào rừng, những cây gỗ gõ mật, xoan, dổi hương, chò nâu…, có đường kính gốc gần 1,5m đã bị chặt hạ, cưa xẻ, nằm ngổn ngang và bọn lâm tặc chỉ cắt lấy những phần thân gỗ thẳng, còn lại vứt bỏ; thân cây còn rỉ dòng nhựa thơm lừng. Tại hiện trường xác định có gần 20 gốc cây các loại đã bị chặt hạ, ước tính số lượng gỗ lên đến hàng trăm m3.
“Tại sao lâm tặc khai thác gỗ ở địa phận Phước Sơn mà lại chuyển về đường Nông Sơn?”. Câu trả lời khá đơn giản được cán bộ KL Nông Sơn đưa ra: Nếu chuyển về đường Phước Sơn sẽ xa gấp 3 - 4 lần, còn đi phía đường Nông Sơn, sau vài tiếng đồng hồ, có thể chất gỗ lên xe ô tô, hoặc chờ mưa xuống kéo gỗ theo đường thủy về xuôi rất dễ dàng. Cho đến nay, dù đã khởi tố vụ án xảy ra tại Tiểu khu 465, Quế Lâm, nhưng vẫn chưa xác định được các đối tượng phạm tội, tất cả vẫn còn nằm trong diện nghi vấn đang được xác minh làm rõ.
Còn người dân địa phương không ngại ngần nói thẳng: “Các đầu nậu khai thác gỗ lậu chủ yếu là người địa phương cả. Có người ở các xã Quế Sơn lên, còn lại người Nông Sơn và ở ngay chính trong xã Quế Lâm này. Tụi tôi đi làm thuê cho họ, tụi tôi biết rất rõ...”. Nhiều người dẫn chúng tôi đến bãi gỗ lậu đã thu gom và chỉ từng ký hiệu đã đánh dấu trên các phách gỗ bằng phấn, hoặc sơn, có ghi chữ “Ty”, “2 Lâm”, “D”, “ĐH”… là tên viết tắt của đầu nậu khai thác gỗ trái phép.
Đầu nậu gỗ lậu thường thuê người lên rừng tìm gỗ, cưa hạ và xẻ thành phách, sau đó kéo gỗ từ rừng ra với giá từ 200 - 400 nghìn đồng/phách.… Cứ thế, năm này qua tháng khác, cây rừng bị chặt phá, cưa xẻ, vận chuyển về cho các đầu nậu.
Qua tìm hiểu của PV, cứ 1m3 gỗ gõ mật quý hiếm đặc biệt chỉ có giá chưa đầy 2 triệu đồng, loại gỗ dổi hương thuộc nhóm 3 cũng chỉ trên dưới 1 triệu đồng, các loại gỗ khác có giá 600 - 700 nghìn đồng/m3… nhưng sau khi kéo xuống chân núi, giá gỗ tăng lên gấp 3 - 4 lần… Nếu gỗ “xuôi chèo mát mái” về đến bến Câu Lâu (Điện Bàn), giá gỗ sẽ tăng gấp hàng chục lần 1m3. Đây là khoản lợi nhuận khủng khiếp, cho nên mức tàn phá rừng cũng ngày càng nghiêm trọng.
Vấn đề được đặt ra, vậy nếu không có người làm thuê thì các đầu nậu có đưa gỗ từ rừng sâu về  đồng bằng được không? Ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng Công an  xã Quế Lâm cho biết, có thể khẳng định những người làm thuê kéo gỗ cho các đầu nậu là người dân thôn Cấm La (Quế Lâm) chiếm hơn 80%. Đây là thôn gồm các hộ đi xây dựng vùng kinh tế mới từ cuối những năm 1970, nhưng do điều kiện giao thông cách trở và không có đất vườn, ruộng nương canh tác, nên họ chỉ biết bám rừng khai thác lâm sản cho đầu nậu để kiếm sống.
Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương chuyển đổi 300 ha đất rừng từ khu vực rừng đặc dụng xã Quế Lâm sang rừng sản xuất để bố trí cho người dân có đất canh tác. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, chưa có hộ dân nào ở thôn Cấm La được nhận quyết định cấp đất, giao rừng, cuộc sống vẫn khó khăn chồng chất.
Trở lại với vụ án phá rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản vừa xảy ra tại Quế Lâm, được xác định đây là vụ án rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Quảng Nam thời gian gần đây. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khu vực II đã vào tận hiện trường để kiểm tra thực tế và có hướng chỉ đạo xử lý.
Hiện, vụ án đã được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ, nhưng dư luận cho rằng việc xác định đối tượng phạm tội không khó và mong rằng, các hành vi tàn phá rừng ở đây phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật trong thời gian sớm nhất. (Thanh Tra 14/10) đầu trang(
Sau loạt bài được đăng tải trên báo Đời sống và Pháp luật liên quan đến vụ án "cướp gỗ huê" gây chấn động Quảng Bình, VKSND tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Bình trả hồ sơ, làm rõ những nội dung báo đã nêu.
Như đã đưa tin trước đó về việc vụ việc liên quan đến vụ án “cướp gỗ huê” gây chấn động Quảng Bình. Theo đó, CQĐT đã khởi tố và bắt tạm giam 15 bị cáo về tội Cướp tài sản là gỗ huê do Nguyễn Văn Hiệu cầm đầu. Từ thời điểm bị bắt cho đến nay, cả 15 bị can đều nhất quyết khẳng định, họ không hề có hành vi cướp số gỗ trên.
Cho rằng mình bị khởi tố oan, các bị can liên tục viết đơn kêu cứu, khiếu nại… gửi đến tất cả các cấp ngành. Sau khi báo Đời sống và Pháp luật đăng loạt bài viết về vụ án này, VKSND tối cao ra thông báo “Yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Bình kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi”.
Tại bản kết luận điều tra số 03/KLĐTBS - PC45 ngày 30/7/2014 về vụ án Nguyễn Văn Hiệu cùng đồng phạm can tội Cướp tài sản xảy ra tại Hung Roi xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch ngày 02/05/2012 có khác hơn so với bản kết luận điều tra bổ sung trước đó là tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” đã được CQĐT loại bỏ.
Nội dung điều tra bổ sung là 2 vấn đề:
Thứ nhất, CQĐT đã tiến hành lấy lời khai bị hại Phạm Văn Toàn (SN 1980), Lưu Quang Thống (SN1993), Nguyễn Văn Tùng (SN 1988) đều trú tại thôn 1, Thanh Sen, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Các bị hại khai: Phạm Văn Toàn bị một đối tượng cướp dùng dây dù màu xanh trói hai tay về phía trước, anh Toàn không bị trói vào gốc cây. Quá trình điều tra xác định: Hồ Văn Phương là người trói Phạm Văn Toàn và Nguyễn Văn Quân là người mở trói cho anh Toàn còn Lưu Quang Thống, Nguyễn Văn Tùng không bị trói.
Thứ 2, xác minh số điện thoại của Phạm Văn Toàn và Phạm Văn Trọng đã sử dụng vào chiều ngày 02/05/2012 để thu thập nội dung của cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, điều này không thực hiện được do dữ liệu đã bị xóa không còn lưu lại ở Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
Quan điểm của luật sư Ngô Đức Thịnh, Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) thì bản kết luật không có gì mới so với các bản kết luận trước đó. Trong khi có nhiều điều mà Tòa án và Viện kiểm sát yêu cầu làm rõ thì không được cơ quan điều tra làm rõ.
Luật sư Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Nếu vẫn khẳng định là các bị can phạm tội Cướp tài sản vậy tại sao không làm rõ số tiền 390 triệu mà Phạm Văn Toàn nhận được từ nhóm của Nguyễn Văn Hiệu, trong khi chính Toàn cũng đã công nhận là đã nhận được số tiền này. Mấu chốt nằm ở số tiền này, nếu Toàn có nhận tiền thì rõ ràng có mua bán, có thỏa thuận.
Nếu Toàn nhận tiền mà vẫn nói là bị cướp thì chứng tỏ là Toàn đi cướp lại số tiền này của nhóm Nguyễn Văn Hiệu. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì vụ án vẫn đi vào bế tắc. Bên bị hại thì nói là có bị trói nhưng bên bị cáo khẳng định là không, trong khi cơ quan điều tra không đưa ra được bằng chứng cụ thể để kết tội mà chỉ dựa vào lời khai của bị hại thôi là thiếu cơ sở”. (Đời Sống & Pháp Luật 14/10) đầu trang(
Thời gian qua, nạn phá rừng đầu nguồn liên tục diễn ra tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam, gây nhức nhối cho các cơ quan làm công tác bảo vệ rừng.
Mặc dù, chính quyền và các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc và có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi?
Điển hình, rừng đầu nguồn xã Duy Sơn (Duy Xuyên) thuộc địa phận thôn Chánh Lộc trước đây có nhiều dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. Nhưng thời gian qua chính quyền địa phương đã buông lỏng công tác quản lý rừng nên nơi đây trở thành điểm nóng lấn chiếm đất rừng.
Người dân có nhu cầu về đất trồng rừng, trong khi nhiều cán bộ có đất rừng được giao lại không canh tác thường xuyên, quản lý không chặt dẫn đến việc người dân lợi dụng lấn chiếm… Từ đó đã phát sinh tranh chấp, khiếu nại, ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội.
Mặt khác, từ năm 2004, thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (dự án JBIC) huyện Duy Xuyên đã trồng hơn 600ha tại khu vực rừng đầu nguồn Duy Sơn. Trong đó, tại khu vực Đá An trồng xen kẽ giữa cây sao đen và keo hơn 196ha; còn lại là trồng mỗi loại sao đen.
Trước đây, theo thiết kế, người dân trồng 2 hàng cây keo phải xen vào 1 hàng sao đen. Khi khai thác, người trồng chỉ được hưởng phần cây keo, và phải tuyệt đối giữ lại rừng sao đen làm rừng phòng hộ. Thế nhưng, tại Đồng Lớn, rừng sao đen đã bị xóa sổ nhiều năm nay, chỉ còn mọc rải rác. Những rừng cây tự nhiên giờ đã bị thay thế bằng những cây keo với mật độ dày đặc.
Chính sự kém hiệu quả của các dự án trồng rừng nên tạo điều kiện cho nhiều người đứng ra trồng rừng. Theo người dân địa phương, tại khu vực rừng Đồng Lớn, Hố Lội, phần lớn cán bộ sở hữu đất rừng đều không dám ra mặt, chỉ để cho người thân trực tiếp tham gia với tư cách hợp pháp. Cùng đó, gần đây vì tranh giành đất rừng, nhiều người có rừng ở Đồng Lớn thường xảy ra xung đột về lợi ích.
Phần lớn diện tích ở khu vực Đồng Lớn được thiết kế trồng rừng theo các chương trình PAM 1780, 4304, dự án JBIC trước đây và sau này là 661. Tuy nhiên, rừng trồng với chức năng phòng hộ kém hiệu quả, triển khai tràn lan, trong khi khâu kiểm tra, quản lý rất lỏng lẻo nên người dân, kể cả cán bộ đã lợi dụng lấn chiếm trồng rừng… Nhiều người lén lút đốt trắng để phi tang hiện trường. Dọn thực bì xong, đến mùa họ lên canh tác…
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có những biện pháp quyết liệt xử lý những trường hợp phá rừng dự án để trồng rừng thương mại. Đồng thời, có biện pháp bảo vệ rừng dự án, xử lý triệt để những cán bộ lợi dụng “ôm” đất rừng đã khiến dư luận bức xúc, gây mất lòng tin như trong thời gian qua tại Duy Xuyên. (Thời Báo Ngân Hàng 15/10) đầu trang(
Đội CSGT số 11 Phòng CSGT CATP Hà Nội vừa bàn giao với Trạm Kiểm lâm Hòa Lạc tang vật (gỗ tần bì không rõ nguồn gốc) để xử lý theo thẩm quyền.
Trước đó, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 11 làm nhiệm vụ trên tuyến Đại lộ Thăng Long phát hiện ô tô tải BKS 29C-065.96 vi phạm giao thông. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra, phát hiện gỗ tần bì khoảng 6.1cm3 không rõ nguồn gốc trên xe. (An Ninh Thủ Đô 15/10, tr5) đầu trang(
14/10, BQL Khu bảo tồn biển Phú Quốc đã thả 3 con rùa biển về vùng biển Phú Quốc. Như vậy từ năm 2013 đến nay, đơn vị này đã 4 lần thả rùa về biển với tổng số 15 con. (Thanh Niên 15/10, tr2) đầu trang(
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, mặc dù công tác kiểm tra quản lý thường xuyên liên tục nhưng từ đầu năm đến nay tỉnh An Giang đã phát hiện 19 vụ vi phạm vận chuyển, quản lý, bảo vệ động vật rừng động vật hoang dã.
Ngoài ra, tại rừng tràm Trà Sư, ban quản lý hạt kiểm lâm Trà Sư còn kịp thời phát hiện, ngăn chặn 60 vụ, với hơn 160 đối tượng từ bên ngoài rừng chuẩn bị đột nhập vào rừng săn bắt chim cò và xiệc bắt cá.
Trước tình hình đó các hạt kiểm lâm trong tỉnh đã tăng cường phối hợp với Quản lý thị trường, các huyện có rừng, ban chỉ huy kiểm lâm các huyện xã và các địa bàn có nuôi nhốt động vật hoang dã, xiết chặt công tác quản lý trong thời gian tới.
Mới đây tỉnh An Giang còn ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 10/7/2014 "Tăng cường ngăn chặn tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, mua bán, quảng cáo, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã và sản phẩm của chúng có nguồn gốc từ tự nhiên trên địa bàn tỉnh An Giang". Cho phép phát triển nghề nuôi nhưng phải đảm bảo đúng qui chế, luật pháp cho phép từ khâu nuôi đến khâu vận chuyển, kinh doanh.
An Giang hiện có trên 18.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có trên 12.000 ha đất có rừng với phong phú cá thể động vật quí như; trăn, rắn, rùa, mèo cá, chim, cò, cá… và rất quí hiếm nằm trong sách đỏ Việt nam như Cò lao Ấn Độ (Giang sen - Mycteria Leucocephala), Cổ rắn (điểng điểng - Anhinga melanogster), Vọoc bạc (Trachypithecus germaini), Rùa Ba gờ (Malayemys subtrijuga) và dơi chó tai ngắn (bậc R) và còn có phong trào nuôi nhốt động vật hoang dã rất lớn như, trang trại nuôi cá sấu ở thành phố Long Xuyên; nuôi trăn, chim trĩ ở huyện Phú Tân; nuôi rắn, rùa ở An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn trong hộ gia đình lên đến hàng trăm nghìn con. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, huyện thị kiểm tra thường xuyên  cửa ngõ ra vào rừng, các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã; hướng dẫn cho các hộ nuôi an toàn sinh học, cách làm chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường,  thông thoáng và an toàn tuyệt đối cho cơ sở nuôi và các hộ xung quanh.
Chi cục kiểm lâm tỉnh còn xác nhận cấp 1.283 giấy phép các loại, cho 595.837 con cá sấu nước ngọt, trăn.... vận chuyển xuất tỉnh; Gia hạn, cấp mới 95 giấy chứng nhận gây nuôi động vật hoang dã..
Hiện tỉnh đang tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt 7 cá thể Vọoc bạc là động vật nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm IB tại núi Tô (huyện Tri Tôn) và 4 loài thằn lằn đặc hữu của tỉnh An Giang. (Angiang.gov.vn 13/10) đầu trang(
11-10, tại khu rừng Trạm đập của Nhà máy xi măng Cẩm Phả (khu 8, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) đã xảy ra đám cháy, gặp gió lớn bùng lên và lan ra khu vực xung quanh.
Địa hình đồi dốc cao, hiểm trở, có nhiều cỏ và bụi cây khô, nên lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận với hiện trường. Thời tiết hanh khô, cộng với gió thổi mạnh khiến đám cháy lan rất nhanh. Sẽ là rất nguy hiểm nếu như đám cháy lan xuống kho 706, Vùng 3 (Quân chủng Hải quân) cách đó khoảng 500m, chứa một lượng lớn vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật.
Nhận được đề nghị của UBND phường Quang Hanh, 20 CBCS Tiểu đoàn 185, Trung đoàn 213 - Đoàn Tên lửa Trần Phú, đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tham gia chữa cháy.
Bất chấp đêm tối, hiểm nguy, bằng những dụng cụ thủ công như dao rựa, gậy, cành cây tươi, bộ đội tên lửa bình tĩnh phát đường băng cản lửa, khoanh vùng, khống chế không cho đám cháy lan sang khu vực khác.
Trực tiếp chỉ huy bộ đội chữa cháy, Trung tá Đoàn Văn Tuấn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 185, cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin báo, chúng tôi xác định giúp dân chữa cháy là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, nên đã cử những đồng chí có sức khoẻ và kinh nghiệm nhất trong tổ cơ động tham gia chữa cháy. Tổ đã phối hợp với các lực lượng tại chỗ, chia, thực hiện các nhiệm vụ khoanh vùng, bao vây đám cháy. Nhờ thường xuyên được huấn luyện các phương án phòng chống chữa cháy, nên bộ đội xử lý tình huống khá hiệu quả, bảo đảm an toàn”.
Tại hiện trường, áo đẫm mồ hôi, mặt đen sạm vì khói bụi nhưng vẫn tác nghiệp không ngơi tay, binh nhất Nguyễn Văn Hà, chiến sĩ Tiểu đoàn 185, bộc bạch: “Giúp dân chữa cháy rừng là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi chiến sĩ đơn vị. Hàng chục ha rừng trồng cây keo, bạch đàn đã được khoảng 10 năm tuổi đứng trước nguy cơ bị thiêu rụi; hơn nữa nếu đám cháy lan xuống kho vũ khí của đơn vị 706 thì hậu quả sẽ khôn lường. Do vậy chúng tôi ai cũng cố gắng hết sức, làm việc thật nhanh chóng và hiệu quả để dập tắt đám cháy”. Sau gần 2 giờ, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Từ đầu năm đến nay, Tiểu đoàn 185 đã 3 lần cơ động tham gia chữa cháy rừng, cùng hàng chục vụ cháy nhỏ trên địa bàn đóng quân. Hàng năm đơn vị thường xuyên kiện toàn biên chế tổ cơ động phòng chống chữa cháy rừng, bổ sung phương tiện, luyện tập thành thục các phương án. Nhờ vậy đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu với “giặc lửa”.
Ông Đoàn Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Quang Hanh đánh giá cao và biểu dương khả năng cơ động, phản ứng nhanh của các lực lượng tham gia chữa cháy, đặc biệt là bộ đội Tiểu đoàn 185. (Báo Quảng Ninh 15/10; Pháp Luật VN 15/10, tr18) đầu trang(
Thực hiện quản lý rừng bền vững theo hướng phát triển toàn diện từ khâu bảo vệ - trồng - cải tạo, làm giàu rừng - khai thác, chế biến lâm sản.
Đây là một trong những nhiệm vụ được Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa xác định là nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện được mục tiêu này, Hạt rất chú trọng việc tuyên truyền tới người dân về công tác bảo vệ rừng, trồng rừng, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người trồng rừng và các ngành chức năng.
Hiện nay, nhiều cánh rừng keo của huyện Ngọc Lặc đang vào thời kỳ chăm sóc và đã bắt đầu cho khai thác tỉa. Việc khai thác tỉa giúp người trồng rừng bước đầu có thu nhập từ rừng để trang trải những chi phí trong suốt chuỗi thời gian chăm sóc rừng kéo dài 4 đến 5 năm.
Việc khai thác tỉa cũng giúp cho rừng trở nên thưa hơn, tạo điều kiện cho những cây đẹp phát triển tốt. Không khai thác gỗ non mà chỉ khai thác tỉa, chăm sóc rừng lâu hơn để khai thác gỗ lớn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đây là một quan điểm trồng rừng đang được các chủ rừng lớn áp dụng.
Vì thực tế, dù thời gian thu hồi vốn có lâu hơn việc khai thác rừng trồng non, song lãi suất mà nó mang lại thì lớn hơn nhiều. Từ thành công này mà các chủ rừng ở huyện Ngọc Lặc luôn muốn mở rộng diện tích rừng trồng. Lợi ích từ việc trồng rừng mang lại đã tạo nên sự gắn bó của người dân với rừng.
Với đặc thù của một huyện miền núi, Hạt Kiểm lâm Ngọc Lặc đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ, duy trì diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng mới ngay sau khi thu hoạch.
Đơn vị đã tăng cường chỉ đạo KLĐB vận động, hướng dẫn nhân dân trồng rừng mới để tăng nhanh diện tích đất có rừng, nâng cao độ che phủ của rừng. Do địa bàn trải rộng, số lượng cán bộ KLĐB mỏng nên có cán bộ vừa phải thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ, vừa phải quản lý 2 đến 3 xã.
Đồng thời, chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn thường xuyên đôn đốc và hướng dẫn nhân dân chăm sóc, quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trồng Dự án 147 các năm từ 2009 đến 2013; tư vấn cho nhân dân các tập đoàn cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế xã hội, góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thường xuyên tiến hành kiểm tra, theo dõi và cập nhật đầy đủ, kịp thời các khu vực biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Khắc phục những khó khăn, cán bộ kiểm lâm bám sát địa bàn, khuyến khích người dân phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, các mô hình kinh tế trang trại, phát triển loại hình kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp trồng rừng, bảo vệ rừng.
Để nâng cao ý thức của người dân về thực hiện luật Bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, nâng cao độ che phủ của rừng, Hạt Kiểm lâm Ngọc Lặc đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn phối hợp với các ban, ngành địa phương tham mưu cho Đảng ủy, UBND các xã thành lập 188 Tổ tuyên truyền ở các thôn (bản) có rừng; xây dựng nội dung, kế hoạch tuyên truyền và chủ động tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.
Từ đầu năm đến nay Hat đã chỉ đạo KLĐB địa bàn tuyên truyền trên hệ thống loa đài phát thanh của xã, thôn được 1.377 lượt; tổ chức họp thôn, lồng ghép các nội dung trong các hội nghị của xã, thôn được 44 cuộc với 2.764 lượt người tham gia.
Các lớp học về luật bảo vệ và phát triển rừng, các buổi tuyên truyền, các tấm pano áp phích tuyên truyền cho người dân hiểu và ý thức được trách nhiệm bảo vệ rừng. Những hoạt động này chỉ thực sự có tác dụng khi bản thân những người dân có được những lợi ích mà việc trồng rừng, khai thác rừng chính đáng mang lại.
Điều mà lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện, để từ đó tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa người dân – cán bộ kiểm lâm và chính quyền sở tại. Để rừng có thể giữ được mầu xanh và mang lại ấm no cho người trồng và bảo vệ rừng. (Kiểm Lâm Thanh Hóa 13/10) đầu trang(
9 tháng, Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh kiểm tra, phát hiện 42 vụ/44 đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Xử lý, tịch thu 2,4 m3 gỗ các loại, 14 kg động vật hoang dã, 53 kg thực vật rừng. Thu nộp ngân sách nhà nước 122 triệu 558 nghìn đồng.
Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, công an các xã tổ chức tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trên địa bàn, với 370 ngày công.
Kiểm lâm địa bàn phối hợp với các cấp, ngành tổ chức 68 cuộc/2.604 lượt người nghe tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, khai thác, sử dụng rừng, quản lý lâm sản, quản lý nuôi nhốt động vật hoang dã... (Báo Cao Bằng 14/10) đầu trang(
Để giữ màu xanh cho những cánh rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn thường xuyên tăng cường kiểm lâm địa bàn nắm bắt thông tin từ người dân; tăng cường tuần tra, kiểm soát việc khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Nhờ “tai mắt” của nhân dân, trên địa bàn đã không xảy ra điểm nóng về khai thác lâm sản, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Huyện Văn Chấn có trên 62.000ha rừng các loại nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Để giữ rừng tận gốc, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại các thôn, bản, cộng đồng dân cư. Đồng thời là thực hiện ký cam kết về an toàn lửa rừng, không mua bán, săn bắn, khai thác các động vật, thực vật rừng với các hộ dân sống gần rừng.
Nhờ đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên những năm gần đây, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã giảm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép vẫn tái diễn. Người dân ở một số xã vẫn lén lút vào rừng tự nhiên lấy gỗ tròn có đường kính trung bình và nhỏ bán cho các cơ sở chế biến gỗ.
Nguyên nhân của tình trạng trên do đời sống đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn, một số hộ lén lút khai thác gỗ hoặc bán cây đứng, lấy tiền kiếm sống nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà của người dân còn lớn.
Việc vận chuyển gỗ cũng ngày một tinh vi. Các đối tượng lợi dụng thời điểm chập tối, vận chuyển bằng nhiều hình thức, gây không ít khó khăn cho lực lượng kiểm lâm. Trước thực trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền, các tổ bảo vệ rừng họp dân tuyên truyền; nghiêm cấm việc vào rừng khai thác gỗ; tổ chức rà soát các cơ sở chế biến; ký cam kết với các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn không thu mua và chế biến gỗ rừng tự nhiên đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn chủ động nắm bắt thông tin từ người dân. Chính việc khai thác triệt để “tai mắt” của nhân dân mà các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn được phát hiện và xử lý kịp thời. 9 tháng của năm, lực lượng kiểm lâm toàn huyện phát hiện và xử lý 65 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Trong đó, 24 vụ cất giấu lâm sản, 33 vụ vận chuyển, 6 vụ vi phạm thủ tục hành chính, 1 vụ khai thác rừng, 1 vụ phá rừng. Qua đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã tịch thu 24,671m3 gỗ tròn, 14,224m3 gỗ xẻ, 500kg cành cục pơ mu. Các trạm kiểm lâm cũng đã tạm giữ 32 xe máy, 5 ô tô, 2 xe cải tiến...
Ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: "Hạt đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, các thôn bản tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sống gần rừng về các quy định trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức, giúp người dân hiểu và tham gia quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng các kế hoạch kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép.
Đồng thời, các trạm kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, triển khai lực lượng tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Nhờ đó, Văn Chấn không xảy ra điểm nóng về khai thác rừng".
Nhờ những giải pháp đồng bộ nên công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, việc giữ rừng còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình hình khai thác, sử dụng gỗ để làm nhà của người dân và việc mua bán, vận chuyển lâm sản vẫn xảy ra tại một số xã như An Lương, Suối Giàng, Cát Thịnh…
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn chỉ đạo 5 trạm kiểm lâm địa bàn chủ động tham mưu cho UBND các xã xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường lực lượng tại xã trọng điểm; ngăn chặn các hành vi vi phạm từ cơ sở, trong đó chú trọng các địa bàn còn nhiều tài nguyên rừng.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng, gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015; thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hanh. (Báo Yên Bái 14/10) đầu trang(
Nhiều năm nay, các doanh nghiệp làm du lịch mãi mê kinh doanh mà “bỏ quên” công tác đảm bảo an toàn, khi kinh doanh du lịch sinh thái như để môi trường bị tàn phá nghiêm trọng; tình trạng buôn bán hàng giả tràn lan  làm du khách mất niềm tin, quay lưng.
Hơn 1,3 nghìn ha rừng sinh thái giao cho Khu du lịch sinh thái-văn hóa Bản Đôn (xã Krông Na, H. Buôn Đôn, Đắc Lắc) khai thác du lịch từ năm 2005 nhưng hiện không được quản lý, bảo vệ hợp lý, thường xuyên bị lâm tặc “xẻ thịt” theo kiểu “hết nạc vạc đến xương”.
Trước kia, rừng ở đây được bao phủ bởi hàng loạt cây gỗ quý, to bằng 2, 3 người ôm nay “đốt đuốc” tìm không ra. Vào rừng sinh thái, không khó để phát hiện ra các điểm lâm tặc khai thác gỗ.
Cách trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty CP Thương mại-Du lịch Bản Đôn (hiện đã bỏ hoang) khoảng 1km, chứng kiến nhiều cây cà chít, căm xe, giáng hương còn non, đường kính gốc chỉ 15-30 cm bị đốn hạ không thương tiếc. Những cây gỗ bị rỗng ruột, lâm tặc “lỡ” đốn nhưng không sử dụng được thì vứt tràn lan, chắn cả lối đi. Vào khu du lịch nhưng tiếng cưa lốc gầm rú vang vọng giữa núi rừng.
Ông Y Thông Khăm Niê Kđăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na bức xúc: “Cty bị tê liệt cả rồi, nhân viên giờ còn mấy người thôi, không có ai quản lý bảo vệ rừng cả. Trong số hơn 1.3 nghìn ha rừng sinh thái được giao quản lý, khai thác thì bị lâm tặc phá gần hết. Những cây gỗ to,  đường kính 50cm trở lên bị “xẻ thịt”, chỉ còn những cây gỗ nhỏ, không có giá trị thì lâm tặc mới tha thôi.
Việc phá rừng diễn ra từ nhiều năm nay nhưng Cty bất lực, không có biện pháp ngăn chặn. Cty liên tục cầu cứu xã phối hợp bảo vệ rừng. Chỉ tính riêng năm 2013, CAX Krông Na phối hợp với kiểm lâm huyện bắt 4 vụ khai thác gỗ trái phép”.
Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng VH-TT H. Buôn Đôn “tiếc đứt ruột”: “Trước kia khu rừng này tái sinh rất tốt, rất đẹp, còn bây giờ thì... tan hoang, ảnh hưởng rất lớn đến du lịch”.
Trong khi đó, nhiều hộ dân ở buôn Trí A, xã Krông Na, H. Buôn Đôn nhiều năm nay sử dụng nước sông Sêrêpốk chảy qua để sinh hoạt phải “kêu trời” vì rác thải từ Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na) đổ xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước, đe dọa đến sức khỏe.
Trung tâm du lịch còn được giao quản lý hồ Ea Rông (xã Krông Na) để khai thác du lịch nhưng nhiều năm nay vẫn chưa sử dụng khiến cỏ, rác mọc um tùm, gây mất vệ sinh cảnh quan môi trường.
Thác Thủy Tiên (H. Krông Năng, Đắc Lắc) “hung dữ”, nước sâu, lại chảy cuồn cuộn qua nhiều ghềnh thác nhấp nhô nhưng đơn vị quản lý lại không treo biển cảnh báo, chỉ dẫn cho du khách. Điểm du lịch này cũng “bỏ quên” công tác cứu hộ, cứu nạn khi không bố trí một nhân viên cứu hộ nào túc trực để phòng trường hợp xấu xảy ra. Trên thực tế, từ năm 2014 đến nay, tại các điểm du lịch ở Đắc Lắc đã xảy ra ít nhất 4 vụ đuối nước khiến 6 người tử nạn.
Tại Khu du lịch thác Krông K’mar (H. Krông Bông) do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý xảy ra 2 vụ khiến 3 người tử nạn. Tại khu du lịch thác Dray Nur (xã Dray Sáp, H. Krông Ana), do Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê quản lý xảy ra 2 vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 3 du khách. Không lâu sau đó, khu du lịch đã phải đóng cửa để cải tạo. Thực tế này đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác đảm bảo an toàn tại các khu du lịch.
Tại các điểm du lịch ở H. Buôn Đôn như Khu du lịch sinh thái Bản Đôn (buôn N’dếch, xã Ea Huar), Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na), một trong các hình thức kinh doanh du lịch hút khách là hệ thống cầu treo. Thế nhưng cầu treo xây dựng rất tạm bợ, được bắt qua những cây si.
Theo quan sát của PV, những thanh tre, gỗ để làm cầu treo hiện đã cũ kĩ, dễ gãy, dây cáp treo thì gỉ sét..., chưa đảm bảo an toàn. Cầu treo đông khách tham quan, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ chẳng thua kém sự cố sập cầu treo Chu Va 6 (H. Tam Đường, Lai Châu).
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch- Sở VH-TT&DL Đắc Lắc, trước kia, các đơn vị quản lý du lịch ở H. Buôn Đôn chỉ xây dựng cầu treo dựa trên kinh nghiệm. Qua kiểm tra thực tế, thấy 2 cầu treo này chưa an toàn nên Sở đã đề nghị 2 đơn vị quản lý sửa chữa cho đúng quy trình, kỹ thuật xây dựng cầu treo hiện đại.
Trong vai khách du lịch, PV xâm nhập vào các quầy bán hàng lưu niệm cạnh Trung trâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na), tận mắt chứng kiến tình trạng buôn bán hàng giả diễn ra tràn lan. Khu du lịch này có hàng chục quầy nhưng chỗ nào cũng bán lông đuôi voi, thậm chí cả... đuôi voi. Mỗi sợi lông đuôi voi được bán với giá dao động từ 200 nghìn đồng, còn đuôi voi được bán với giá hơn 3 triệu đồng.
Một chủ tiệm bán đồ lưu niệm chào mời: “Mua lông đuôi voi đi em, chỗ anh bán đồ thật thôi, mua bao nhiêu cũng có hết”. Nói rồi, chủ tiệm cầm một nắm gần 100 sợi lông đuôi voi đưa khách xem. Khi cầm sợi lông đuôi voi bỏ vào nước để kiểm tra tính thật giả thì chủ tiệm vội vàng ngăn cản, rồi tìm cách “đuổi khéo”... Ông Nguyễn Đức, Trưởng bộ phận Trung tâm du lịch Buôn Đôn thừa nhận rất nhiều quầy bán lông đuôi voi giả nhưng Cty cũng bất lực.
Theo ông Đức, từ khi xây dựng khu du lịch ở đây, Cty chỉ kinh doanh các hoạt động như nhà hàng, cầu treo, cưỡi voi, còn những tiệm bán đồ lưu niệm bên cạnh là do người dân địa phương tự đầu tư nên Cty không thể kiểm soát được.
“Việc buôn bán hàng giả du khách cũng có phản ánh với chúng tôi. Họ rất thất vọng, mất niềm tin khi mua hàng giả. Dù không bán nhưng đơn vị kinh doanh như chúng tôi phải chịu vạ lây, khách du lịch quay lưng. Biết thế nhưng chúng tôi chẳng làm gì hơn”, ông Đức nói. (Công An TP Đà Nẵng 14/10) đầu trang(
Rừng phòng hộ có ý nghĩa sống còn đối với các địa phương, tuy nhiên thời gian qua, tại tỉnh Quảng Nam, những cánh rừng phòng hộ lại đang bị xâm hại nghiêm trọng. Trong đó, điểm nóng bỏng nhất xảy ra tại huyện Núi Thành, với việc, người dân ngang nhiên phá rừng đầu nguồn đốt than hầm mang tính tàn phá.
Để ngăn chặn tình trạng này, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đang triển khai quyết liệt các giải pháp. Ghi nhận của Phóng viên Truyền hình CAND xã Tam Mỹ Tây, địa bàn nóng nhất của tình trạng phá rừng để lấy gỗ hầm than.
Những bao tải chứa than hầm chất cao, những chiếc xe máy hầu hết không còn đảm bảo an toàn kỹ thuật rất dễ gây ra tai nạn khi tham gia giao thông đã bị bắt giữ và đang nằm trong kho của Trạm kiểm lâm địa bàn số 2 và tại nhà kho trong trụ sở UBND xã Tam Mỹ Tây thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là những “tang chứng vật chứng” được thu giữ sau nhiều ngày truy quét lâm tặc
Ông Mai Trí, Trưởng Công an xã Tam Mỹ Tây cho biết: "Trước tình trạng phá rừng, UBND xã đã thành lập tổ công tác để có biện pháp ngăn chặn nạn phá rừng. Cơ quan công an xã đã được giao nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng dân quân tự vệ, kiểm lâm địa bàn số 2 tổ chức nhiều đợt truy quét để đẩy đuổi lâm tặc ra khỏi rừng. Thành lập nhiều trạm chốt chặn để ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép qua dịa bàn".
Tình trạng phá rừng để lấy gỗ hầm than đã và đang diễn ra một cách phức tạp trên địa bàn huyện Núi Thành. Để ngăn chặn tình trạng này nhằm bảo vệ rừng đầu nguồn, lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt truy quét và bắt giữ nhiều phương tiện vận chuyển lâm sản và than hầm trái phép.
Từ ngày 20/9 đến 23/9, cơ quan chức năng đã phá hủy 32 hầm than, mỗi hầm có quy mô từ 2-2,5 tấn than mỗi ngày, thu giữ hàng trăm bao tải than chuẩn bị đưa đi tiêu thụ và hơn 20 xe máy và các phương tiện dùng để vận chuyển lâm sản và hầm than trái phép. Tuy nhiên việc truy quét còn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, địa bàn phức tạp.
Ông Trần Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành nói: "Trong thời gian qua tình trạng bà con phá rừng làm rẫy, hầm than, phá rừng trái phép đang diễn ra. Trước tình hình trên, địa phương đã tập trung vào công tác bảo vệ rừng một cách quyết liệt. Qua 9 tháng đầu năm địa phương đã tổ chức 24 đợt truy quét, có 142 lượt đồng chí tham gia, qua đó đã thu giữ nhiều tang vật vi phạm. Trong điều kiện người dân chưa có việc làm thường xuyên nên việc phá rừng để mưa sinh vẫn còn diễn ra. Để giải quyết căn cơ vấn đề này cần có những giải pháp đồng bộ hơn, đặc biệt là đào tạo nghề, giải quyết việc làm để giảm tình trạng phá rừng".
Bên cạnh việc tuần tra truy quét, xử lý hành chính, các cơ quan chức năng cũng sẽ sử dụng chế tài mạnh hơn để ngăn chặn có hiệu quả, đặc biệt  tuyên truyền giáo dục cũng như giải quyết bài toán viêc làm cho người dân trên địa bàn để ngăn chặn tình trạng phá rừng đốt than đã và đang diễn ra như thời gian qua, cứu những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn. (Truyền Hình Công An Nhân Dân 14/10) đầu trang(
Ban quản lý Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam tại Quảng Bình vừa tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại cộng đồng cho học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy).
Đây là các trường nằm trong địa bàn thí điểm dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam. Việc tổ chức cuộc thi vẽ tranh nhằm mục đích giúp cho học sinh có cơ hội thể hiện ý tưởng, suy nghĩ của mình qua tranh vẽ, từ đó góp phần tuyên truyền công tác bảo vệ sự đa dạng môi trường sống.
Đồng thời, tuyên truyền tác hại của nạn chặt phá rừng bừa bãi, phá hoại rừng đầu nguồn, làm mất cân bằng sinh thái và nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái.
Tại Hội thi, Ban giám khảo đã lựa chọn những bức tranh tiêu biểu và có ý nghĩa để trao giải. (Tin Môi Trường 14/10) đầu trang(
Sở KH&CN vừa phối hợp với Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tổ chức Lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật khai thác và sử dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng trên đảo Cát Bà.
Tham dự Lớp đào tạo có đại diện Sở KH&CN và các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, đại diện Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường và một số đơn vị trực thuộc, Chi cục Kiểm lâm thành phố, Vườn Quốc gia Cát Bà.
Phần mềm cảnh báo cháy rừng trên đảo Cát Bà là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu thành lập bản đồ trường nhiệt trên đảo Cát Bà nhằm phục vụ công tác cảnh báo cháy rừng và đề xuất các giải pháp phòng tránh” do Viện Địa lý chủ trì thực hiện. Đây là đề tài nằm trong khuôn khổ hợp tác KH&CN giữa UBND thành phố Hải Phòng và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Lớp đào tạo nhằm đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ công tác cảnh báo cháy rừng cho các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố.
Các giảng viên là chuyên gia của Viện Địa lý giới thiệu một số vấn đề lý thuyết về viễn thám và GIS (Geographic Information System – Hệ thống thông tin địa lý), phương pháp xử lý ảnh viễn thám – các cơ sở của phần mềm cảnh báo cháy rừng; hướng dẫn thành lập bản đồ trường nhiệt và nguy cơ cháy rừng từ tư liệu viễn thám kết hợp với GIS.
Học viên cũng được cài đặt phần mềm cảnh báo cháy rừng trên máy tính cá nhân và hướng dẫn khai thác, sử dụng. Ưu điểm của phần mềm là không chỉ cảnh báo nguy cơ cháy rừng mà còn hỗ trợ phát hiện cháy rừng ở thời điểm hiện tại.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm thành phố, Vườn Quốc gia Cát Bà - các đơn vị trực tiếp thụ hưởng kết quả đề tài - bày tỏ phấn khởi với tính hữu ích của phần mềm và mong muốn sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong thực tế, giúp cho cơ quan chức năng và người dân chủ động hơn trong phòng, chống cháy rừng. (Haiphong.gov.vn 13/10) đầu trang(
Rừng ngập mặn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) được xem là khu rừng bần cổ thụ quý nhất Việt Nam. Thế nhưng, chỉ vì lợi ích trước mắt mà hàng chục héc-ta rừng đang bị người dân chặt phá để xây nhà, làm đìa nuôi tôm.
Thôn Tuần Lễ không chỉ nổi tiếng với đặc sản dừa, nơi đây còn có khu rừng ngập mặn với những cây bần hàng trăm năm tuổi, thân cây to 2 người ôm không xuể. Những cây bần ở đây giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, do chính những người dân địa phương chặt phá.
Dọc tuyến đường dài 3km dẫn vào thôn, bên diện tích đất rừng ngập mặn có hàng trăm ngôi nhà dân được xây kiên cố. Cùng với đó là những con đường ngang băng qua đìa tôm đang lấn dần vào rừng, làm cho diện tích rừng vốn đã nhỏ nay lại càng bị teo tóp.
Ông Lê Công Đường (thôn Tuần Lễ) cho biết, gia đình ông từ tỉnh Hà Nam vào đây sinh sống đã gần 30 năm. Trước đây, khu này bạt ngàn những cây bần xum xuê, tươi tốt mọc dày đặc.
Từ ngày chính quyền địa phương cấp đất cho người dân làm đìa nuôi tôm thì hoạt động khai phá, xâm lấn rừng ngập mặn diễn ra thường xuyên, công khai. Gia đình ông cũng như bao hộ khác theo đó lấn dần vào đất rừng để mở mang diện tích.
Không chỉ lấn chiếm để dựng nhà, người dân còn chặt phá rừng ngập mặn để trồng dừa, do những năm gần đây, dừa Tuần Lễ nổi tiếng thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Thâm nhập những khu vườn dừa, PV thấy hàng chục cây bần cổ thụ nằm xen lẫn với những cây dừa mới trồng. Thiếu nước nên những cây bần cổ thụ này đều bị rỗng ruột, đang chết dần từng ngày.
Cùng với đó, các đìa tôm được mở rộng và lấn vào rừng ngập mặn. Những con rạch đưa nước từ biển vào rừng giờ ngày một thu hẹp. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, phong trào nuôi tôm trên bạt phát triển mạnh, những đồi cát bên kia đường được người dân ngày đêm đào, múc để san lấp rừng ngập mặn, cải tạo những đìa tôm cũ. Sau đó, chính nước thải từ những đìa tôm này xả trực tiếp ra khu rừng ngập mặn, làm cho cây rừng bị chết khô.
Chỉ tay về phía khu đìa nuôi tôm, bà Lê Thị Ngọc Diễm (thôn Tuần Lễ) ngao ngán: “Trước đây rừng ngập mặn phát triển um tùm, nguồn lợi hải sản và các loại chim, cò về đây sinh sống, trú ngụ đông đúc. Nhưng từ ngày phong trào nuôi tôm phát triển thì khu rừng bị xâm chiếm với tốc độ chóng mặt. Nước thải từ hoạt động nuôi tôm làm cho môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Giờ đây, mở cửa nhà để hóng gió biển thì lại hứng trọn mùi hôi thối từ các đìa tôm xộc vào”.
Để bảo vệ rừng ngập mặn Tuần Lễ, năm 2001, UBND tỉnh đã có văn bản giao trách nhiệm cho huyện Vạn Ninh và xã Vạn Thọ tiến hành trồng và bảo vệ khu rừng. UBND huyện Vạn Ninh cũng đã lập bản đồ quy hoạch 20ha, phân vùng, kiểm kê số cây còn sống và treo bảng để quản lý.
Biện pháp trước mắt là tháo các đường ngang cho nước thủy triều vào trong rừng, giao cho các hộ dân trong thôn quản lý rừng dưới hình thức mỗi hộ 0,5ha với mức hỗ trợ chăm sóc là 40.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, những việc làm này của chính quyền địa phương chỉ duy trì được vài năm. Hậu quả là, từ một khu rừng có khoảng 450 cây bần cổ thụ hơn trăm năm tuổi, đến nay chỉ còn vài chục cây và hầu hết đều bị rỗng ruột, đang chết dần, chết mòn.
Theo báo cáo của xã Vạn Thọ, hiện trong khu rừng ngập mặn Tuần Lễ có hơn 50 hộ dân lấn rừng để xây nhà, trồng dừa và làm đìa nuôi tôm. Một người dân cho biết: “Biết lấn rừng ngập mặn là sai quy định, nhưng thấy ai cũng lấn nên gia đình tôi làm theo để lấy đất xây nhà. Bao nhiêu năm làm ăn, tích cóp được chút ít nên gia đình tôi quyết định xây nhà kiên cố và khi xây, tôi không xin phép chính quyền địa phương”.
Khi PV hỏi có biện pháp nào xử lý đối với những hộ dân lấn đất rừng, ông Nguyễn Ngọc Thông, cán bộ địa chính xã Vạn Thọ cho biết: “Chúng tôi có biết người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất để làm nhà, trồng dừa nhưng bất lực. Bởi mỗi ngày họ đổ 1 thúng đất, lâu dần thành một diện tích rộng khó có thể kiểm soát được. Khi đã có đất, lúc đầu họ chỉ dựng tạm lều, sau một thời gian có điều kiện và lợi dụng chính quyền sơ hở thì họ làm nhà kiên cố. Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã lập biên bản xử lý 7 hộ xây nhà trái phép, nhưng không yêu cầu họ ngừng xây, tháo dỡ mà vẫn tạo điều kiện cho họ cất nhà ở”.
Ngay cả những hộ mở đường ngang qua rừng ngập mặn đi ra đìa tôm, chính quyền địa phương cũng không quản lý chặt chẽ mà để mặc cho người dân chặt cây, đắp đường. “Xã cấp đìa cho 88 hộ nuôi tôm nhưng lại không làm đường ra đìa, không có đường thì chúng tôi phải chặt cây mở đường, đây là lỗi của địa phương”, ông Đường nói.
Được biết, để bảo vệ rừng ngập mặn, chính quyền xã Vạn Thọ đã thành lập 6 tổ bảo vệ rừng với hơn 30 người (chủ yếu là người dân). Đồng thời, hàng năm cấp 18 triệu đồng làm kinh phí cho các tổ hoạt động. Không biết hoạt động của 6 tổ bảo vệ này hiệu quả đến đâu, nhưng nhìn vào thực tế thì diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp. Một người dân ở đây cho biết, chính một số thành viên tổ bảo vệ rừng lại là người chặt cây, lấn rừng!
Ông Võ Thành Chi, cán bộ lâm nghiệp xã Vạn Thọ cho biết: “Tình trạng người dân lấn rừng đã diễn ra nhiều năm nay. Là cán bộ chuyên môn, tôi cũng chỉ biết tham mưu các biện pháp bảo vệ, xử lý tình trạng người dân lấn rừng, còn quyết định là do lãnh đạo địa phương. Để ngăn chặn tình trạng này, chẳng lẽ chúng tôi phải ra đó ôm từng gốc cây để trông coi, bảo vệ?”.
Ông Mai Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, rừng ngập mặn Tuần Lễ có vai trò rất quan trọng. Ngoài chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn xâm thực, giữ nước ngọt, chắn sóng, gió bão, đây còn là cái nôi để cho các loại thủy sinh trú ngụ sinh sản. Thế nhưng, áp lực từ sinh kế của người dân khiến diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Không những thế, hậu quả của việc nuôi tôm trên bạt còn làm ô nhiễm môi trường, khiến hàng trăm cây bần cổ thụ, cây đước chết dần, chết mòn.
Ông Lê Văn Khả, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết: “Trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn Tuần Lễ là của chính quyền xã Vạn Thọ. Theo tôi, để bảo vệ khu rừng này, các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu quy hoạch một khu tái định cư để di dời số hộ dân này đến nơi ở mới. Có như vậy, may ra rừng ngập mặn Tuần Lễ mới tránh được tình trạng bị lấn chiếm, hủy hoại”.
Giờ đây, những ai đi qua khu rừng ngập mặn Tuần Lễ cũng đều cảm thấy xót xa trước cảnh người dân chặt phá rừng một cách công khai. Rừng ngập mặn Tuần Lễ liệu còn tồn tại được bao lâu? Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan chức năng. (Báo Khánh Hòa 14/10) đầu trang(
9 tháng 2014, trên địa bàn huyện Nam Đông, đã phát hiện và xử lý 47 vụ vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm gần 6 ha.
Mặc dù số vụ vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên tình trạng buôn bán lâm sản trái phép, lấn chiếm rừng làm nương rẫy vẫn còn xảy ra.
9 tháng trên địa bàn huyện đã xảy ra 1 vụ cháy rừng, qua tuần tra kiểm soát phát hiện và xử 47 vụ vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng (giảm 9 vụ so với cùng kỳ năm 2013), tịch thu và tiêu hủy tại rừng hơn 37,5 m3 gỗ các loại, diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm gần 6 ha.
Trước thực trạng đó, huyện Nam Đông chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tuần tra, truy quét tại rừng, chủ yếu ở các điểm nóng, khu vực đầu nguồn sông Hữu trạch, Tả Trạch, khe Mù Nú, khe La Ma, vùng giáp với huyện A Lưới, Hương Thủy.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng tự nhiên cho cộng đồng, hộ gia đình và nhóm hộ quản lý, đến nay đã giao được gần 7 ha, trên cơ sở đó đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “làm giàu rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ”, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo nguồn thu ổn định cho người dân. (Đài PTTH THừa Thiên Huế 13/10) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
14-10, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa quyết định thu hồi chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty CP phát triển bền vững Bình Minh (trụ sở 68 Phan Đình Phùng, P.Xương Huân, TP Nha Trang).
Lý do doanh nghiệp trên bị thu hồi giấy phép là không báo cáo tình hình hoạt động và việc thực hiện góp vốn của các cổ đông sáng lập theo yêu cầu của cơ quan chức năng như quy định của pháp luật.
Sở Kế hoạch và đầu tư Khánh Hòa yêu cầu trong sáu tháng kể từ ngày bị thu hồi chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp trên phải tiến hành giải thể.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Khánh Hòa, Công ty CP phát triển bền vững Bình Minh thành lập vào tháng 5-2012 và đến nay đã có 12 chi nhánh, văn phòng đại diện tại nhiều tỉnh thành.
Đây là một trong những thành viên của Tập đoàn Rừng Toàn Cầu, được biết đến là một tập đoàn “nổ” có số vốn khổng lồ do nước ngoài tài trợ để thực hiện các dự án trồng rừng và môi trường tại VN rồi lôi kéo nhiều cá nhân, tổ chức tham gia.
Như đã thông tin, tháng 6-2014 sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh Khánh Hòa, TP.HCM đã rút giấy phép kinh doanh của bốn công ty thuộc Tập đoàn Rừng Toàn Cầu cũng với lý do không báo cáo hoạt động kinh doanh và không chứng minh được vốn góp của các cổ đông sáng lập. (Tuổi Trẻ 15/10) đầu trang(
14-16/10, tại TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng) diễn ra hội thảo chuyên đề "Chi trả dịch vụ môi trường sinh thái". Ðại diện các nước thành viên Hiệp định hợp tác lâm nghiệp ASEAN, Hàn Quốc (AFoCo), Ban Thư ký ASEAN, AFoCo và Tổ chức gỗ nhiệt đới (ITTO) tham dự.
Sau ba năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) tại Việt Nam, tổng nguồn thu của các hộ gia đình tham gia trồng rừng đạt gần 3.330 tỷ đồng (tương đương 158,5 triệu USD), theo đó thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình là 1,8 triệu đồng/năm, góp phần bảo vệ đến 3,4 triệu ha rừng mỗi năm, chiếm 24% diện tích rừng hiện có.
Việt Nam cũng là nước đầu tiên tại châu Á triển khai chính sách PFES cấp quốc gia. (Nhân Dân 15/10) đầu trang(
​14-10, tại xã Trà Phong, Quỹ bảo trợ và phát triển rừng tỉnh Quảng ngãi tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh cho các hộ dân tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn các xã: Trà Phong, Trà Quân, Trà Xinh và Trà Thanh.
Tại hội nghị, người dân được báo cáo viên truyền đạt, tuyên truyền mục đích ý nghĩa của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; những nội dung chính của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng như loại rừng và loại dịch vụ được trả tiền dịch vụ môi trường rừng; nguyên tắc, điều kiện chi trả tiền DVMTR; quyền hạn và nghĩa vụ của bên sử dụng và bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng; hình thức chi trả DVMTR…
Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường rừng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân, từng hộ gia đình tham gia bảo vệ mội trường tại địa phương, góp phần nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện lên theo từng năm. (Quangngai.gov.vn 14/10) đầu trang(
Công ty CP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Hoàng Việt Đắk Lắk đang thực hiện dự án trồng rừng theo đúng tiến độ, thì ngày 5-8-2014, Phòng Tài nguyên và Môi trường Ea H’leo đã “thu giữ” Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không đưa ra lý do chính đáng, đã gây bức xúc và khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngày 22-4-2010, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 1878/UBND-NN.MT, về việc cho phép Công ty CP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Hoàng Việt Đắk Lắk (Công ty Hoàng Việt), có trụ sở tại số 61B đường Nguyễn Khuyến, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, thực hiện dự án liên kết với cộng đồng buôn Chăm và buôn Kary, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo đầu tư trồng rừng và quản lý bảo vệ 1.028ha rừng tại các tiểu khu 28 và 43, thuộc địa bàn xã Ea Sol.
Diện tích đất lâm nghiệp này được UBND huyện Ea H’leo giao cho cộng đồng buôn Chăm và buôn Kary quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời hạn 50 năm (2005 - 2055); đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 9-9-2010.
Trước đó, trên cơ sở chấp thuận của UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 19-9-2008, Công ty Hoàng Việt ký kết hợp đồng liên kết trồng rừng với cộng đồng buôn Chăm và buôn Kary. Các bản hợp đồng có xác nhận của chính quyền xã và huyện.
Theo hợp đồng, các bên cam kết: “Cộng đồng buôn Chăm và Kary liên kết bằng quỹ đất, cụ thể là quyền sử dụng đất 50 năm. Công ty Hoàng Việt đầu tư toàn bộ chi phí thực hiện dự án. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ: Cộng đồng buôn hưởng 12%, UBND xã Ea Sol hưởng 1% và Công ty Hoàng Việt hưởng 87%”.
Ngày 21-6-2010, Sở NN&PTNT Đắk Lắk có Công văn số 677/SNNNT-CCLN, về việc hướng dẫn, Công ty Hoàng Việt và cộng đồng buôn Chăm và Kary tiến hành bàn giao đất trên thực địa, phân giới cắm mốc. Đến ngày 9-9-2010, đại diện 2 buôn thỏa thuận với Công ty Hoàng Việt làm Hợp đồng ủy quyền cho công ty được thay mặt và nhân danh cộng đồng buôn liên hệ với cơ quan có thẩm quyền lập các thủ tục liên doanh, liên kết đầu tư theo quy định của pháp luật.
Và cả 2 buôn cũng bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Hoàng Việt tại trụ sở UBND xã Ea Sol, có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã và công chứng viên (thuộc Phòng công chứng Đại An), nhằm mục đích quản lý, sử dụng vào việc triển khai thực hiện dự án.
Ngày 26-9-2011, Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk đã có Văn bản số 628/VBTĐ-CCLN, thẩm định tại tiểu khu 43, Công ty Hoàng Việt và cộng đồng buôn Kary được trồng 170,2 ha và Văn bản số 629/VBTĐ-CCLN, thẩm định tại tiểu khu 28, Công ty Hoàng Việt và cộng đồng buôn Chăm được trồng 203 ha.
Như vậy ở 2 tiểu khu, Công ty Hoàng Việt được phép trồng 373,2 ha. Về kết quả triển khai trồng rừng, ông Trang Hiếu Đảm, Trưởng ban điều hành dự án cho biết: Tính đến tháng 10-2014, công ty đã đầu tư 21,8 tỉ đồng đầu tư trồng, chăm sóc được 373,2ha keo. Cơ bản đã phủ kín đất trống trên lâm phần thực hiện dự án.
Về lý do ngày 5-8-2014, Phòng Tài nguyên và Môi trường Ea H’leo thu giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà 2 buôn bàn giao cho Công ty Hoàng Việt quản lý sử dụng theo hợp đồng liên kết trồng rừng từ tháng 9-2010, ông Hà Hoàng Quỳnh, Phó Trưởng phòng lý giải: “Gần đây, qua kênh tiếp xúc cử tri, có dư luận cho rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai buôn đã bị Công ty Hoàng Việt cầm cố để vay vốn ngân hàng. Chính vì vậy, phòng đã tổ chức buổi làm việc yêu cầu Công ty Hoàng Việt cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện tại phòng tạm giữ 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên!”.
Như vậy, việc Phòng Tài nguyên và Môi trường Ea H’leo tạm giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án liên kết trồng rừng giữa Công ty Hoàng Việt với cộng đồng buôn Chăm và buôn Kary là không có lý do chính đáng, vi phạm các cam kết giữa cộng đồng 2 buôn với Công ty Hoàng Việt. Bởi lẽ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cộng đồng buôn Chăm và buôn Kary ủy quyền cho Công ty Hoàng Việt sử dụng để lập thủ tục thực hiện dự án.
Thậm chí ngày 12-11-2012 Công ty Hoàng Việt còn được UBND huyện Ea H’leo cho phép bổ sung tên của công ty vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của buôn Chăm và buôn Kary.
Trang bổ sung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ: “Ngày 12-11-2012, Công ty Hoàng Việt là đơn vị trực tiếp đầu tư, trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng buôn Chăm và buôn Kry, do ông Huỳnh Hữu Tuấn làm Giám đốc. Tuyệt đối không được thay đổi chủ đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào, khi chưa được cộng đồng, chính quyền địa phương thống nhất và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo Công văn số 2361/UBND-VP ngày 9-11-2012 của UBND huyện Ea H’leo”.
Như vậy, có thể khẳng định, từ khi được bổ sung tên vào 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cộng với quyền được nêu trong Hợp đồng ủy quyền giữa cộng đồng buôn Chăm và buôn Kary lập trước đó, thì Công ty Hoàng Việt có đủ tư cách pháp nhân để quản lý, sử dụng 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án.
Thậm chí, khi rừng trồng của dự án được thẩm định, được cấp Giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất, thì công ty và cộng đồng buôn hoàn toàn có quyền được thế chấp tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng, tái đầu tư sản xuất. Không thể lấy lý do “có dư luận Công ty Hoàng Việt cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay vốn ngân hàng” để thu giữ một cách tùy tiện.
Ngày 8-10, trao đổi với PV, các ông Phạm Phú Rin và Đoàn Ngọc Quang Huy, Phó giám đốc Công ty Hoàng Việt bức xúc: Việc Phòng Tài nguyên và Môi trường Ea H’leo thu giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công ty đang sử dụng hợp pháp đã gây nhiều trở ngại, nhất là vào thời điểm này công ty đang thực hiện các thủ tục pháp lý để được cấp: Giấy cam kết môi trường; Giấy chứng nhận dự án ưu đãi đầu tư và Giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất, cùng các văn bản liên quan, bảo đảm dự án trồng rừng được thực hiện đúng tiến độ.
Các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc sớm xem xét việc thu giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện đối với Công ty Hoàng Việt có đúng quy định(?).
Trong trường hợp việc thu giữ trái thẩm quyền, cần trả lại cho doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện dự án trồng rừng đã được phê duyệt. (Năng Lượng Mới 14/10) đầu trang(
14-10, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn hiện có 446 cơ sở cưa xẻ, chế biến gỗ, trong đó có 218 cơ sở đủ điều kiện hoạt động (đã cấp giấy phép 98, chưa cấp giấy phép 120) và 228 cơ sở không có giấy phép, không đủ điều kiện hoạt động.
Hầu hết số cơ sở cưa, xẻ gỗ trái phép đều nằm ở các địa bàn giáp ranh với rừng và khu vực có nhiều gỗ lậu. Ðể xóa bỏ số cơ sở cưa xẻ gỗ trái phép này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp chính quyền cơ sở tiến hành vận động các chủ xưởng tự tháo dỡ, chuyển công năng sử dụng các loại máy; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các cơ sở chây ỳ, chống đối.
Ðược tuyên truyền và vận động, hàng chục xưởng cưa trái phép tại hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch tự tháo dỡ máy móc, chấm dứt hoạt động. (Nhân Dân 15/10) đầu trang(
Trong tổng số hơn 134,7 nghìn héc ta rừng và đất rừng phòng hộ trên địa bàn toàn tỉnh, mới chỉ có 83,3 nghìn héc ta nằm nhỏ lẻ, phân tán là đã giao quản lý. Số còn lại, từ khi Ban quản lý trồng rừng 661 giải thể đến nay chưa có chủ đích thực.
Sau khi rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, diện tích đất rừng phòng hộ của toàn tỉnh là 134.745,9 ha. Trong 12 năm thực hiện dự án trồng rừng 661 (1998-2010), nhân dân trong toàn tỉnh đã trồng mới 37.182 ha rừng phòng hộ, con số cao so với toàn quốc.
Bước sang năm 2011-2012 do dự án trồng rừng 661 kết thúc nên rừng phòng hộ không có vốn để trồng mới. Từ năm 2013 đến nay, mặc dù nguồn vốn rất hạn hẹp nhưng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân, toàn tỉnh đã trồng thêm được gần 2.000 ha rừng phòng hộ.
Số diện tích trồng mới đã nâng diện tích có rừng trong tổng số diện tích đất quy hoạch cho rừng phòng hộ lên hơn 95,6 nghìn héc ta. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp từ cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao chất lượng phòng hộ.
Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: người dân Hữu Lũng rất chuộng rừng bạch đàn, nhưng do bạch đàn không có tác dụng phòng hộ, nên trong nội dung này huyện kiên quyết sử dụng các loại cây có tác dụng phòng hộ tốt để trồng.
Không chỉ riêng ở Hữu Lũng mà các huyện khác đều rất chú trọng tới chất lượng rừng trồng mới trong nội dung này. Trồng rừng phòng hộ kết hợp trồng cây có tầng tán cao, đa tác dụng như trám, sấu, lát… đã tạo ra những khu rừng vừa có tác dụng phòng hộ vừa nâng cao giá trị kinh tế của rừng, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, chủ thể quản lý rừng phòng hộ lại là câu chuyện khiến các ngành hữu quan trăn trở. Ông Hoàng Quang Chinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: trong tổng số 146 xã có rừng phòng hộ, thì trước đây chỉ có 40 xã đã giao hết rừng và đất rừng phòng hộ cho các tổ chức, cá nhân quản lý với diện tích 83,3 nghìn héc ta.
Số còn lại, sau khi dự án 661 kết thúc, các ban quản lý dự án tự giải thể, những diện tích trước đây do ban quản lý các huyện giao khoán bảo vệ chưa được giao cho tổ chức, cá nhân nào quản lý. Hay nói cách khác, từ đó đến nay hơn 51,4 nghìn héc ta rừng và đất rừng phòng hộ chưa có người chủ đích thực. Không có chủ thể quản lý, bảo vệ số diện tích rừng phòng hộ này có nguy cơ lớn bị xâm hại.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã giao cho các ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất hướng giao rừng và đất rừng phòng hộ. Ngày 19/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1295 về việc giao rừng và đất rừng phòng hộ chưa giao, chưa cho thuê cho UBND cấp xã quản lý. Theo đó giao 51.424,44 ha rừng và đất rừng phòng hộ cho UBND 106 xã thuộc 10 huyện quản lý. Trong đó diện tích đất có rừng là 33.422,6 ha.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp cho biết: thực hiện chỉ đạo của tỉnh và của ngành, hiện nay chi cục đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai. Lộ trình đặt ra là phấn đấu trong năm 2014 sẽ tiến hành giao xong hoặc chậm nhất đến quý I/2015 là hoàn thành.
Thực chất ngay từ khâu lập tờ trình, tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định, các xã đã lập phương án chi tiết kế hoạch giao, cho thuê rừng trình UBND huyện phê duyệt. Công việc còn lại là các ngành hữu quan sẽ rà soát, thực hiện bàn giao rừng tại thực địa cho UBND xã.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan khẳng định: việc giao rừng và đất rừng phòng hộ cho UBND cấp xã quản lý là rất phù hợp, từ đó, xã sẽ giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quản lý.
Tất nhiên các cơ quan chuyên môn sẽ không phó mặc cho cấp xã, bởi trong quá trình đó người dân, những chủ thể được giao quản lý rừng và đất rừng phòng hộ rất cần được hướng dẫn, giúp đỡ để có thể chăm sóc, bảo vệ kết hợp với khai thác rừng và các sản phẩm phụ từ rừng phòng hộ đúng cách và đúng luật. (Báo Lạng Sơn 14/10) đầu trang(
Được sự quan tâm, hỗ trợ từ các dự án và các cấp, ngành, những năm qua, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) đã có nhiều nỗ lực trong công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng và người dân.
Việc giao đất giao rừng đang cho thấy hiệu quả rõ rệt khi người dân đã ý thức được việc trồng và chăm sóc rừng. Và rừng đã từng bước mang lại cuộc sống ổn định cho đồng bào; công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng thuận lợi hơn nhiều.
Xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa có trên 19.000 ha đất tự nhiên, trong đó có 18.000 ha đất lâm nghiệp. Trong quỹ đất lâm nghiệp có trên 7.000ha đất rừng sản xuất, gần 11.000ha đất rừng phòng hộ... Từ khi UBND tỉnh và huyện Minh Hóa có chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân, cộng đồng bảo vệ thì xã Trọng Hóa cũng đã bắt tay vào triển khai công việc để phát huy lợi thế của mình.
Trước hết, lãnh đạo xã đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để bà con nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc giao đất, giao rừng, nhất là những lợi ích sẽ mang lại cho họ trước mắt cũng như lâu dài. Với phương châm “cán bộ, đảng viên làm trước, làng nước theo sau”, xã Trọng Hóa đã giao chỉ tiêu trồng rừng cho từng cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt định cư trên địa bàn; khuyến khích họ phải đi đầu trong việc nhận đất để trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.
Ông Hồ Lin, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa kể lại: “Trước đây, nhiều hộ dân trong xã được cấp đất, cho giống cây để trồng rừng nhưng không ai chịu trồng cả, nhiều người còn lấy cây vứt đi. Bởi đồng bào cho rằng, mình sinh ra từ rừng, xung quanh đã có rừng thì cứ thế mà khai thác, trồng chi cho mệt.
Từ quan điểm đó, nhiều người dân đã ngang nhiên đốt rừng làm rẫy, khiến nhiều diện tích rừng bị phá. Để bà con nhận thức được việc trồng rừng, tôi đã mạnh dạn nhận giống cây về rồi vận động một số đảng viên cùng tham gia trồng rừng ở những nơi đất trống đồi trọc. Sau hơn 10 năm, rừng đã phát triển xanh tốt và cho thu nhập cao”.
Hiện Hồ Lin đã có 10ha rừng trồng keo, tràm. “Năm nhiều nhất miềng bán gỗ rừng trồng được trên 50 triệu đồng. Nhờ nó (rừng) mà miềng mua được xe máy, ti vi, làm nhà cửa khang trang và lo chuyện cưới vợ cho con” Hồ Lin phấn khởi.
Thấy Hồ Lin trồng rừng có hiệu quả, nhiều hộ dân trong xã cũng đến học tập làm theo. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, ông đã tận tình bắt tay, chỉ việc, hướng dẫn cho nhiều bà con cách trồng. Nhờ đó, nhiều người đã mạnh dạn nhận đất, nhận cây về trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng.
Chị Hồ Thị Mười, ở bản La Trọng 2 cho biết: “Từ khi được giao gần chục héc ta đất trồng rừng, miềng đã bán bò để mua giống cây và đầu tư công sức để trồng. Ngày đó, được cán bộ xã lên tận rừng bắt tay, chỉ việc, hướng dẫn cụ thể miềng mới biết cách trồng”.
Gần 10 năm trôi qua, cánh rừng bạt ngàn của Hồ Thị Mười đã phát triển xanh tốt, lứa rừng trồng đầu tiên đã mang lại cho gia đình chị 20 triệu đồng, lứa thứ 2 cho thu gần 50 triệu đồng. Còn những lứa rừng trồng tiếp sau cũng đang trong thời kỳ thu hoạch.
Đến thời điểm này, xã Trọng Hóa đã có hàng trăm hộ dân trong xã nhận đất trồng rừng. Theo số liệu thống kê, xã Trọng Hóa hiện có gần 563 ha đất có rừng trồng, trong đó có 178 ha do Dự án  vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng hỗ trợ trồng những cây bản địa. Ngoài ra, toàn xã có 113 hộ được cấp đất lâm nghiệp với diện tích 558 ha; cấp cho cộng đồng 5.122 ha. Từ năm 2013 đến nay, toàn xã đã khai thác được khoảng 500 ha rừng trồng, số tiền người dân thu được hàng tỷ đồng.
Ông Đinh Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã tâm sự: “Việc giao đất giao rừng đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong xã. Mặt khác, tạo được thói quen định canh định cư, giảm được hiện tượng phá rừng làm rẫy, công tác bảo vệ rừng cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, việc giao đất giao rừng ở xã Trọng Hóa vẫn còn một số vấn đề cần phải xem xét. Hiện, những khu rừng cộng đồng được hỗ trợ kinh phí trồng và chăm sóc còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, nảy sinh những vấn đề liên quan đến tranh chấp, kiện cáo liên quan đến đất đai".
Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần có biện pháp chuyển từ rừng cộng đồng sang giao cho các hộ gia đình. Nếu làm được điều này thì việc trồng và chăm sóc rừng ở Trọng Hóa sẽ mang tính bền vững hơn, hiệu quả hơn, nhất là sau khi các dự án kết thúc. (Báo Quảng Bình 15/10) đầu trang(
Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2014, từ đầu năm đến nay, huyện Phú Tân trồng được hơn 107 ha rừng đước. Trong đó, trồng mới hơn 26 ha trong đầm nuôi tôm và trồng sau khai thác hơn 80 ha.
Diện tích rừng trên địa bàn huyện Phú Tân luôn tăng theo kế hoạch trồng mới hàng năm. Trong đó, phần lớn diện tích đất rừng sản xuất đều được ký kết hợp đồng với hộ dân quản lý, trồng và bảo vệ, đến tuổi khai thác được ăn chia theo sản phẩm.
Riêng việc trồng rừng sau khai thác cũng như trồng mới trên đầm nuôi tôm đều được giao cho hộ dân thực hiện với sự kiểm tra chặt chẽ của ngành chức năng nên hiệu quả khá cao. (Đài PTTH Cà Mau 14/10) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Nằm ngăn cách với Morocco chỉ một eo biển nhỏ, Tây Ban Nha bất ngờ trở thành cửa ngõ lý tưởng cho hoạt động buôn lậu động vật hoang dã từ châu Phi vào châu Âu - đặc biệt là đi qua thành phố cảng Algeciras sầm uất ở miền Nam đất nước, đối diện với Gibraltar.
Cảnh sát Tây Ban Nha cũng huấn luyện chó đánh hơi động vật buôn lậu qua bán đảo Iberia vào châu Âu. Một con khỉ nhỏ trong trạng thái hoảng loạn với tay chân bị trói chặt được phát hiện giấu bên trong một túi xách hành khách khi hải quan sân bay khám xét hành lý theo thủ tục thông thường. Hai con tinh tinh khác bị giam giữ dưới một tầng hầm nhếch nhác trong hơn 10 năm mới được giải thoát.
Hiện nay, động vật hoang dã buôn lậu vào châu Âu được sống yên ổn tại Trung tâm Giải cứu linh trưởng Primadomus Spain nằm trong một thung lũng nhỏ được bảo vệ bởi những ngọn núi thấp xung quanh tạo nên ốc đảo xanh tự nhiên nơi khu vực miền Nam nóng và bụi của Tây Ban Nha. Trung tâm rộng gần 200 hecta được xây dựng cách đây 6 năm gần thị trấn Villena và là nhà của hơn 60 động vật linh trưởng được giải cứu trong cuộc chiến chống buôn lậu động vật hoang dã qua bán đảo Iberia.
Người phát ngôn Berta Alzaga của trung tâm cho biết, có 2 nguyên do chính dẫn đến hành động buôn lậu động vật: "Thứ nhất, du khách cảm thấy động vật bán ngoài chợ, nhất là ở Morocco, rất đáng thương và họ muốn cứu thoát chúng. Hoặc có lẽ họ là dân nhập cư châu Phi sống ở châu Âu và muốn nuôi thú cưng từ quê nhà. Thứ hai là, bọn tội phạm nhận thấy buôn lậu động vật dễ hơn và ít nguy cơ hơn so với buôn ma túy hay phụ nữ".
Theo báo cáo từ Quỹ Thế giới bảo tồn đời sống hoang dã (WWF), kinh doanh đời sống hoang dã bất hợp pháp đang bùng nổ trên toàn cầu và ước tính trị giá khoảng từ 7,8 đến 10 tỉ USD mỗi năm.
Buôn lậu động vật được xếp hàng thứ 4 sau buôn lậu ma túy, buôn người và các sản phẩm làm giả. Loại tội phạm này đang đe dọa sự sinh tồn của một số loài linh trưởng quý hiếm, như là khỉ nhỏ đuôi ngắn Barbary duy nhất còn sống sót ở miền Bắc Sahara. Loài khỉ nhỏ này được đưa vào sách đỏ của Liên hiệp Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) năm 2008 sau khi quần thể loài bị sụt giảm hơn một nửa trong hơn 30 năm do môi trường sống bị tàn phá do tình trạng phá rừng.
Các chuyên gia ước tính khoảng 300 khỉ con Barbary bị cướp khỏi mẹ chúng mỗi năm để buôn lậu vào Morocco và Algeria. Nhiều con Barbary bị đưa lậu vào châu Âu và giam cầm trong điều kiện khủng khiếp.
Năm 2013, Primadomus Spain - một nhánh của Trung tâm Giải cứu linh trưởng AAP ở Hà Lan - đã ký kết một thỏa thuận với Lực lượng Bảo tồn đời sống hoang dã SEPRONA lực lượng Cảnh sát Tây Ban Nha để có quyền chăm sóc các loài linh trưởng được chính quyền tịch thu từ bọn buôn lậu.
Trung tâm Primadomus Spain hoạt động như kiểu "nhà tạm" dành cho động vật bị ngược đãi và hoảng loạn có cơ hội phục hồi và tái hội nhập môi trường sống tự nhiên trước khi chúng được các vườn thú hay công viên đời sống hoang dã nhận về nuôi.
Lãnh đạo đội chăm sóc động vật Olga Bellon cho biết công tác bảo tồn đời sống hoang dã cũng cần sự chung tay từ hai chính quyền Morocco và Algeria để chống lại những hành vi săn trộm và phá rừng. Ngăn ngừa là mục tiêu cuối cùng của Primadomus Spain. Mùa hè năm nay, trung tâm cho dựng tại cảng Algeciras tấm biển cảnh báo về quần thể loài khỉ Barbary đang suy giảm mạnh với hy vọng ngăn du khách tham gia thị trường đen buôn bán loài linh trưởng quý hiếm này.
Pilar Jornet, Giám đốc Primadomus Spain, tin rằng hàng ngàn động vật linh trưởng đang bị giam cầm trong những nơi kín đáo khắp Tây Ban Nha, thường là bất hợp pháp và khó phát hiện được. Tại Primadomus Spain, các loài linh trưởng được cho ăn rau củ tươi mỗi ngày và được chăm sóc sức khỏe hết sức chu đáo trước khi trả chúng về tự nhiên dưới dạng này hay dạng khác.
Bà Pilar Jornet phát biểu: "Thử hình dung một cuộc sống kéo dài 10 năm trong một nơi nào đó ẩm thấp, tối tăm, cô đơn và bất ngờ được trở lại với bầy đàn, ánh nắng và được tự do lang thang trong một khu nuôi dưỡng rộng bao la. Đó thật sự mới là tự do và chúng tôi muốn ban cho chúng cuộc sống tốt đẹp".
Cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, bọn tội phạm buôn lậu các loài động vật quý hiếm từ khu vực Mỹ Latinh vào Tây Ban Nha cũng sử dụng những con đường của bọn buôn lậu ma túy. Một số băng đảng tội phạm ma túy hiện nay cũng chuyển sang kinh doanh động vật ngoại lai do lợi nhuận béo bở - ví dụ, một con chim két con cũng có giá đến hơn 15.000 euro (khoảng 20.500 USD - và ít nguy hiểm hơn ma túy và Tây Ban Nha là cửa ngõ vào châu Âu - theo sĩ quan Salvador Ortega thuộc SEPRONA lực lượng Cảnh sát Tây Ban Nha.
Các loài bò sát, loài lưỡng cư, rùa - được buôn lậu từ Morocco - và chim két hay chó thuần chủng là những loài phổ biến nhất buôn lậu vào Tây Ban Nha. Nhiều cá thể bị chết trên đường vận chuyển do sức khỏe yếu và còn nhỏ tuổi (thường chỉ khoảng 3 tháng 21 ngày). (Công An Nhân Dân 14/10) đầu trang(
Tiến sĩ Wen-Lung Wu thuộc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học Academia Sinica ở Đài Bắc (Đài Loan) cùng các đồng sự vừa cung cấp những thông tin mô tả về một loài ốc sên hoàn toàn mới.
Loài ốc sên mới này được đặt tên là Aegista diversifamilia, là loài đặc hữu của Đài Loan, thuộc gia đình ốc Bradybaenidae.
Aegista diversifamilia được mô tả là loài ốc cỡ trung bình, chiều cao từ đáy đển đỉnh vỏ là 0,97 - 1,68 cm và chiều rộng 1,98 - 3,24 cm.
Vỏ bóng, mỏng nhưng chắc chắn với màu nâu hạt dẻ hoặc màu vàng nâu cùng những đường xoắn khá hẹp. Trứng có màu trắng và tròn, kích cỡ khoảng 3 mm, mỗi lần đẻ từ 20 - 30 trứng.
Trong nhiều năm, loài Aegista diversifamilia bị nhầm lẫn với loài Aegista subchinensis, một loài ốc sên phân bố rộng rãi ở Đài Loan.
Trang Sci-News cho biết dựa trên phân tích hình thái học và cấu trúc phân tử, các nhà khoa học xác nhận rằng Aegista diversifamilia, trong thực tế, là một loài mới. (Thanh Niên 14/10) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng