Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 14 tháng 10 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
13/10, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 55 triệu đồng đối với 2 cá nhân đã có hành vi vận chuyển gỗ gõ lau (nhóm IIA) trái phép.
Trong đó, phạt 40 triệu đồng đối với ông Hồ Huỳnh Phú Nguyên (26 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), vì đã vận chuyển 9 hộp gỗ xẻ (1,457m3); phạt 15 triệu đồng đối với ông Đinh Văn Sỹ (33 tuổi, trú xã TàBhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam) vì đã vận chuyển 8 hộp gỗ xẻ (0,725m3).
Ngoài việc phạt tiền, các ông Nguyên và Sỹ còn bị tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên (trị giá 260 triệu đồng) sung công quỹ. (Công An Nhân Dân 14/10, tr5; Nông Nghiệp Việt Nam 14/10, tr2) đầu trang(
Tổ công tác Đội 5 thuộc Phòng CS phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội phối hợp với Hạt Kiểm lâm Thường Tín vừa phát hiện, kiểm tra xe ôtô Huyndai BKS: 29U - 0574 tại lối đi chung tòa nhà Vimeco Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), đang chuẩn bị chuyển khoảng 1,2m3 khối gỗ nghi vấn.
Chủ xe ô tô khai nhận chở số gỗ trên cho bà L.H.T (SN 1969), ở P701 - TG7 Vimeco Trung Hòa, Cầu Giấy với giá 400.000 đồng. Bà T. tường trình toàn bộ số gỗ trên là gỗ nghiến, bà được tặng để làm nhà. Tại thời điểm kiểm tra, bà T. không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ số gỗ trên.
Theo quy định của pháp luật, gỗ nghiến thuộc nhóm 2A trong danh mục bảo vệ, là loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đang bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Vụ việc đang được lực lượng chức năng xác minh làm rõ. (An Ninh Thủ Đô 14/10, tr2) đầu trang(
Sáng 13/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu phân tích chi tiết nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng từ việc trồng thảo quả tại tỉnh Lào Cai”.
Dự hội thảo có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Ban Quản lý trồng rừng trung ương. Tại hội thảo, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo đề dẫn về tình hình phát triển cây thảo quả và ảnh hưởng của nó đối với công tác bảo vệ rừng ở Lào Cai.
Thời gian vừa qua, thảo quả được đánh giá là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao ở Lào Cai. Năm 2012, tỉnh Lào Cai đã trồng được 8.832 ha thảo quả với 15.000 hộ tham gia, trong đó có 7.040 ha cho thu hoạch.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế do cây thảo quả mang lại, theo kết quả khảo sát nghiên cứu về tác động của việc trồng thảo quả đến đa dạng sinh học rừng Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho thấy, việc trồng thảo quả đã có một số tác động theo chiều hướng tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Cụ thể, trồng thảo quả gây ảnh hưởng lớn tới cấu trúc tầng thứ, mật độ, độ che phủ của rừng, gây suy giảm đa dạng sinh học và khả năng phòng hộ của rừng; về lâu dài rừng ở nơi trồng thảo quả sẽ bị suy thoái do thiếu cây tái sinh, phát triển thế hệ kế cận…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận để đưa ra các giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực của việc trồng cây thảo quả với việc bảo vệ và phát triển rừng, gắn việc trồng thảo quả với quản lý rừng bền vững. (Báo Lào Cai 13/10) đầu trang(
Chiều 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lê Hữu Lộc, cho biết: Trong 9 tháng đầu năm nay, ngành chức năng tỉnh này đã phát hiện 78 vụ chặt phá rừng, tổng diện tích rừng bị thiệt hại 37,6 ha, giá trị thiệt hại hơn 400 triệu đồng. So cùng kỳ năm trước, nạn phá rừng trên địa bàn tỉnh giảm được 58 vụ.
Tuy nhiên, nạn cháy rừng trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 54 vụ cháy rừng, tăng 49 vụ so cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích rừng bị cháy gần 389 ha, giá trị thiệt hại khoảng 1,8 tỷ đồng. (Nông Nghiệp Việt Nam 14/10, tr2) đầu trang(
13.10, đại diện UBND xã Phú Đức (H.Tam Nông, Đồng Tháp) cho biết Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng đã tiếp nhận con rắn hổ mang chúa nặng trên 6,3 kg do người dân bắt được giao nộp cho công an xã.
Ngay chiều cùng ngày, rắn “khủng” cực độc này cũng đã được đưa về “nhập trại” ở Trung tâm nuôi trồng - nghiên cứu - chế biến dược liệu Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) an toàn. Các bác sĩ cho biết, sau khi xử lý vết thương và điều trị lành bệnh, con rắn này sẽ được đưa vào nuôi tại khu bảo tồn động vật hoang dã.
Theo ông Lê Hoàng Tấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng, đây là loại rắn hổ mang chúa cực độc và quý hiếm, có tên trong Sách đỏ nằm trong nhóm 1B.
Ông Tấn cho biết không có quy định nào hỗ trợ tiền cho người bắt động vật hoang dã quý hiếm, vì việc bắt giữ là vi phạm dù bắt tại nhà hay bất cứ nơi đâu. Trường hợp người dân bắt con rắn này là vi phạm, nhưng do họ không biết đó là rắn quý hiếm và bắt xong đã giao nộp nên không xử phạt.
Ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cũng nói: “Hiện nay ngành kiểm lâm không có văn bản nào quy định cụ thể về việc trả tiền công hoặc phí cho những người giao nộp động vật thuộc nhóm 1B (nhóm các loài động vật nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại) cho cơ quan kiểm lâm.
Tuy nhiên, tùy từng địa phương mà cơ quan kiểm lâm có thể trích từ quỹ phòng chống buôn lậu từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng cho những cá nhân tự nguyện giao nộp động vật quý hiếm. Những cá thể này sẽ được cứu hộ và trả về thiên nhiên, do đó khi đã giao nộp thì người dân không thể đòi lại”.
Theo ông Cương, nếu bị phát hiện vi phạm chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IB sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 500 triệu đồng (đối với cá nhân) và 1 tỉ đồng (đối với tổ chức).
Riêng trong vụ việc này, ngành kiểm lâm đã hỗ trợ 1 triệu đồng cho người bắt rắn để động viên việc tự giác giao nộp.
Cùng ngày, xã Phú Đức (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) trao 1 triệu đồng tiền hỗ trợ nhằm động viên bà con đã bắt con rắn “khủng” rồi giao cho cơ quan chức năng.
Vụ việc xem như có một kết thúc “vẹn cả đôi đường” khi mà trước đó ngành kiểm lâm cho biết việc người dân yêu cầu có chi phí bồi dưỡng công sức bắt rắn là nằm ngoài khả năng của ngành và không có tiền lệ… (Thanh Niên 14/10; Pháp Luật TPHCM 14/10) đầu trang(
Ông Nguyễn Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều động vật hoang dã quý hiếm tồn tại và phát triển trong rừng tràm U Minh Hạ như khỉ, heo rừng, chồn, trăn, rắn, kỳ đà, cá sấu...
Đáng chú ý là heo rừng, đây là loại động vật quý hiếm đã vắng bóng từ mấy chục năm nay. Nhiều cán bộ kiểm lâm vườn quốc gia Vồ Dơi cho biết, theo dấu vết được ghi nhận tại hiện trường, đàn heo rừng có thể lên tới hàng trăm con.
Động vật hoang dã nhiều đến mức vào lúc nửa đêm trở về sáng, từng đàn, từng đàn tìm mồi ngay trên đường giao thông tráng nhựa trong rừng.
Ngoài các loại động vật quý hiếm kể trên, rừng U Minh Hạ còn tồn tại 5 vườn chim với hàng chục loài như cò, dạt, trích, còng cọc, cúm núm, ốc cao, chằng nghịt…
Nhằm bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, từ năm 2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã có chỉ thị nghiêm cấm săn bắt, vận chuyển, mua bán các loài động vật hoang dã quý hiếm.
Trường hợp vi phạm nhẹ sẽ bị thu hồi tang vật, xử phạt hành chính, nhưng nếu vi phạm nhiều lần với mức độ nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hành sự.
Kết quả thực hiện chủ trương trên, từ năm 2010 đến nay các cơ quan đã bắt 77 vụ săn bắt, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã; đã thu hồi trên 1 tấn tang vật như rùa, kỳ đà, heo rừng, nai, rắn hổ… tất cả đều được thả về rừng.
Nếu như trước đây, tại các nhà hàng, quán nhậu hoặc những cuộc tiếp khách quý, trong thực đơn chiêu đãi thường có rùa rang muối hoặc hấp bia, chồn giả cầy, rắn hổ nấu cháo đậu xanh, kỳ đà luộc xé phay, bây giờ đã hầu như không còn nữa.
Rừng tràm U Minh Hạ tỉnh Cà Mau có diện tích lên tới 80.000ha, nơi đây nước ngọt bốn mùa, không chỉ là vương quốc của cây tràm mà còn là thiên đường của động vật hoang dã, nơi chúng trú ngụ lâu dài và sinh sôi nảy nở.
Việc ngày càng có nhiều động vật hoang dã quý hiếm xuất hiện cho thấy đây là kết quả của sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc bảo tồn, giữ gìn và bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. (VietnamPlus 13/10) đầu trang(
Ngày 13/10/2008, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã trao bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với vùng đất ngập nước ven biển của 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là: Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình.
Theo đánh giá của giới khoa học, nơi đây đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú, có giá trị nổi bật toàn cầu. Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng bao gồm dải ven biển rộng lớn các hệ sinh thái, thuộc địa giới hành chính của 6 huyện gồm Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình); Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) và Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình).
Có hai vùng lõi là: Vườn quốc gia Xuân Thuỷ và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Bao quanh 2 vùng lõi là các vùng đệm, vùng chuyển tiếp và một vùng hành lang. Tổng diện tích của khu dự trữ sinh quyển là hơn 105 nghìn ha, với hơn 128 nghìn cư dân sinh sống.
UNESCO đã công nhận đây là nơi cư trú của rất nhiều loài chim nước và chim di cư quý hiếm, là hệ sinh thái đất ngập nước điển hình ở cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, đây còn là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á áp dụng mô hình đồng quản lý giữa 3 tỉnh với phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý một vùng đất ngập nước rộng lớn.
Tức là, các tỉnh cùng liên kết với nhau để thực hiện sứ mạng bảo tồn tài nguyên rất giá trị, kéo dài suốt 1 dải ven biển từ Thái Thụy của Thái Bình đến Kim Sơn của Ninh Bình, theo đúng khuyến cáo của quốc tế cũng như là mong mỏi của những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên.
Các công trình nghiên cứu của UNESCO đã công bố, có khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước đã và đang cư trú tại khu vực này. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò mỏ thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc… Loài cò mỏ thìa  (platalea minor), một loài chim di cư đặc biệt quý hiếm mà trên toàn thế giới chỉ còn vài trăm cá thể.
Sự xuất hiện của loài cò mỏ thìa ở Vườn quốc gia Xuân Thủy là điểm khác biệt so với các khu vực rừng ngập nước trên thế giới. Vì thế, Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng được quốc tế công nhận là khu Ramsar - khu bảo tồn các loài chim di cư có tầm quan trọng quốc tế.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ sông Hồng cũng sở hữu những cánh rừng ngập mặn rộng hàng nghìn hécta, khu đầm lầy ngập mặn, các khu bãi bồi ven biển và cửa sông. Những cánh rừng ngập mặn nơi đây được ví như bức tường xanh bảo vệ đê biển, xóm làng khỏi bị tàn phá bởi gió bão, nước biển dâng.
Đây cũng là nơi nuôi dưỡng, sinh đẻ của các loài hải sản, cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú cùng với khoảng 500 loài động thực vật thuỷ sinh và cỏ biển. Nhiều loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng…
Bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng là mục tiêu quan trọng luôn được cộng đồng dân cư, các nhà khoa học, Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm. Và quan trọng hơn là là bảo vệ lợi ích lâu dài cho thế hệ mai sau.
Giai đoạn 2013 đến 2018, mục tiêu mà 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình hướng tới là tăng cường đồng quản lý hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ sông Hồng, nhằm vừa thực hiện tốt công tác bảo tồn, duy trì sinh kế cộng đồng bền vững, vừa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu ở khu vực này.
Phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, đặc biệt là các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế các-bon thấp được cho là những giải pháp tốt và khả thi đối với Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Có như vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của một khu dự trữ sinh quyển thế giới mới đạt được hiệu quả lâu dài và bền vững. Tin Tức 14/10) đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, 9 tháng năm 2014, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.751 vụ vi phạm lâm luật.
Trong đó phá rừng 25 vụ (83 ha), khai thác rừng trái phép 60 vụ; mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép, vi phạm quản lý Nhà nước về chế biến gỗ, lâm sản… 1.667 vụ.
Đến nay, đã xử lý 1.732 vụ; trong đó, xử lý hình sự 11 vụ, phạt hành chính 1.721 vụ; lâm sản tịch thu 2.658 m3 gỗ các loại, 1.800 phương tiện. Tổng số tiền thu sau xử lý trên 18,3 tỷ đồng. (Quân Đội Nhân Dân 14/10, tr4) đầu trang(
Gần 1500 héc-ta rừng thông tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đang bị nhiễm sâu róm nghiêm trọng. Đây là loài nguy hiểm nhất đối với cây thông, bởi nó phát triển rất nhanh và lây lan thành dịch.
Công tác phòng chống và diệt trừ sâu róm thông là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đặt ra đối với huyện Nghi Lộc.
Ông Nguyễn Văn Hà - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc cho biết: Qua điều tra, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của sâu róm rừng thông huyện Nghi Lộc tại các xã Nghi Yên, Nghi Quang, Nghi Xá, Nghi Đồng, Nghi Hưng, Nghi Lâm đã phát hiện sâu non thế hệ 3/2014 phân bố ở nhiều vùng với nhiều mật độ sâu khác nhau.
Diện tích rừng thông bị nhiễm sâu cao tập trung tại xã Nghi Yên thuộc khoảnh 2, tiểu khu 961, mật độ 80 - 100 con/cây, hiện đã xơ trụi lá. Diện tích bị nhiễm sâu trung bình: 279 héc-ta tập trung tại xã Nghi Yên, Nghi Quang, Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Lâm.
Tính đến ngày 7/10, đã có trên 1.200 héc-ta rừng thông bị nhiễm sâu róm thế hệ 4. Đơn vị đã điều tra và tổ chức phun phòng, trừ kịp thời khi sâu non mới ở tuổi 2,3. Trong đó có 30 héc-ta rừng bị nhiễm cá biệt với mật độ sâu trên 250 con/cây.
Từ ngày 1/10, Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đã tổ chức phun thuốc phòng, trừ sâu róm hại thông thế hệ 4 trên toàn bộ diện tích rừng bị nhiễm bằng chế phẩm sinh học Bitadin. Có 46 héc-ta rừng thông bị nhiễm sâu róm mức cá biệt và cao đã được phun trừ.
Hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác điều tra tình hình diễn biến sâu bệnh hại thông để đưa ra giải pháp phòng trừ tối ưu nhất.
Đồng thời đề nghị ngân sách hỗ trợ bổ sung từ UBND tỉnh và Sở nông nghiệp và PTNT Nghệ An  để tiếp tục phòng chống và diệt trừ sâu róm hiệu quả. (Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Nghị Lộc 12/10) đầu trang(
Thông tin nhanh qua đường dây nóng trên báo Nhân Dân cho biết: Tại xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông tái diễn tình trạng khai thác và vận chuyển gỗ nghiến trái phép. (Nhân Dân 14/10, tr7) đầu trang(
Thời gian gần đây, tại chợ đầu cầu Nông Tiến, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) có 1 phụ nữ hay ngồi bán chim rừng, với đủ các loại chim như sẻ, chào mào, chích chòe, bói cá, kéc…
Mỗi loại có giá khác nhau, loại bé thì bán giá 7 - 10 nghìn đồng/con, loại to thì giá khoảng 40 - 50 nghìn đồng/con. Chim được bày bán do bị trúng bẫy nên có con đã chết, con bị thương, số chim khỏe mạnh rất ít.
Theo người bán hàng, đêm nào chồng chị cũng đi bẫy chim rừng, bình quân mỗi đêm được trên chục con các loại. Đây là động vật hoang dã, quý hiếm nên khách hàng rất thích mua.
Việc săn bắt tận diệt và sở thích ăn đặc sản chim rừng của một số người đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và nguy cơ tiệt chủng các loài chim. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý, chấm dứt tình trạng săn bắt, mua bán động vật hoang dã như trên. (Báo Tuyên Quang 12/10) đầu trang(
Thế giới đang hoang mang về loại virus gây bệnh xuất huyết có tên Ebola được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Mới đây các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ con người không chỉ nhiễm Ebola, mà có nguy cơ mắc nhiều bệnh khủng khiếp hơn nữa từ thói quen ăn thịt thú rừng.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì nhiều dịch bệnh nguy hiểm như SARS, H5N1, Ebola... đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD). Virus ở trên một vật chủ nào đó, nó có thể không gây bệnh, nhưng khi lây sang con người thì nó có thể trở thành dịch bệnh. Virus Ebola xâm nhập vào người thông qua tiếp xúc với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể hoặc chất dịch cơ thể khác của động vật và người bị nhiễm bệnh.
Trong số liệu khảo sát của Tổ chức Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES) thì các loại thịt ĐVHD được tiêu thụ phổ biến nhất trên thị trường nước ta là nai, lợn rừng, dúi, kỳ nhông, rùa, rắn, cầy hương và nhím. Trong đó, nhiều trong số các loài nói trên hiện được luật pháp bảo vệ.
Tìm hiểu những lý do về mặt xã hội và cá nhân khiến mọi người sử dụng các sản phẩm ĐVHD thì 52% số người được hỏi cho rằng thịt thú rừng ngon. Tuy nhiên, gần 39% nói rằng họ ăn thịt thú rừng bởi vì họ được mời trong những dịp gặp gỡ, giao lưu chứ không hẳn là do họ thích ăn.
Bên cạnh đó, có 35% số người trả lời rằng họ ăn đặc sản thú rừng vì muốn thử cho biết... Theo Nghị định 139/2004/ NĐ-CP, các hành vi vận chuyển, săn bắn hoặc buôn bán những loài nằm trong danh mục được bảo vệ theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP nếu bị bắt sẽ bị phạt tiền từ 5 -50 triệu đồng, hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến bảy năm tùy theo mức độ quý hiếm của loài và mức độ vi phạm.
Theo các chuyên gia y tế thì virus gây bệnh từ động vật hoang dã còn kinh khủng hơn HIV vì tốc độ lây lan rất nhanh và mạnh. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, cơ quan, tổ chức cơ thể của người hoặc động vật bị mắc bệnh.
Trên thế giới, các nhà khoa học đã nghiên cứu được 700/3.000 virus từ động vật và vẫn còn nhiều virus mà chúng ta chưa biết đến. Do đó, khi ăn thịt hay tiếp xúc với thú rừng, nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm rất cao, đặc biệt là môi trường khí hậu nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới nên thuận lợi cho các bệnh nhiễm trùng lây lan nhanh. (Thời Nay 13/10, tr11) đầu trang(
Vị Xuyên là huyện có diện tích rừng rộng lớn, trong đó có 5 xã biên giới, địa hình phức tạp nên việc nắm bắt thông tin trên địa bàn của cán bộ kiểm lâm và chính quyền địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.
Do đó, để đảm bảo công tác quản lý rừng có hiệu quả, Hạt Kiểm lâm huyện Vị Xuyên đã tiến hành thành lập tổ kiểm tra liên ngành với nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn huyện với các nội dung như: Kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh, công tácPCCC, vệ sinh môi trường, hồ sơ chứng từ, sổ nhập, xuất lâm sản, các loại gỗ tồn, phương án quy hoạch vùng nguyên liệu, hiệu quả kinh doanh của từng cơ sở.
Ngoài ra để ngăn chặn việc khai thác gỗ trái phép, tổ kiểm tra liên ngành phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành vận động người dân đóng thùng quản lý cưa xăng. Vừa qua, Ban chỉ đạo triển khai công tác quản lý cưa xăng của các xã, thị trấn tổ chức họp 162 thôn bản của 24 xã thị trấn, thống kê số lượng cưa xăng trên địa bàn toàn huyện. Hiện nay đã triển khai đóng thùng tại 10 xã, các xã còn lại vẫn đang được Ban chỉ đạo tiếp tục vận động người dân.
Tuy nhiên, do đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của người dân trong việc khai thác và bảo vệ rừng còn hạn chế hoặc do nhu cầu lợi nhuận cao từ các mặt hàng lâm sản đã dẫn đến tình trạng khai thác, mua bán lâm sản vẫn còn diễn ra trên địa bàn huyện.
Vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng là nhiệm vụ hết sức quan trọng và được ngành chức năng và chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh. Với nhiệm vụ được giao, lực lượng cán bộ trong ngành thường xuyên đi tới những thôn bản, nhất là những vùng giáp biên mở nhiều cuộc họp dân nhằm tuyên truyền cho người dân nhận thức được tác hại của việc phá rừng.
Các cán bộ kiểm lâm địa bàn chủ động tham mưu phối hợp với chính quyền xã xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển vốn rừng. Đặc biệt nhiều năm qua xã Minh Tân được xem là “điểm nóng” trong việc khai thác lâm sản trái phép, UBND huyện Vị Xuyên chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động của tổ liên ngành đóng tại thôn Mã Hoàng Phìn (xã Minh Tân) bao gồm các lực lượng công an, biên phòng, kiểm lâm và dân quân tự vệ phối hợp cùng với Trạm Kiểm lâm thôn Hoàng Lỳ Pả chủ động nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời các tụ điểm chặt phá rừng, khai thác vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép để ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác trái phép đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng tại các “điểm nóng” nên từ đầu năm đến nay tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép giảm đi nhiều.
Trạm Kiểm lâm Hoàng Lỳ Pả thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang phát hiện và bắt giữ 10 vụ khai thác gỗ nghiến dạng thớt và vận chuyển sang Trung Quốc, con số này đã giảm 30% số vụ việc vi phạm so với 6 tháng đầu năm trước. Người dân tại các xã vùng biên đã ý thức được công tác bảo vệ rừng và tác hại của việc phá rừng.
Ông Hoàng Văn Kỳ, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm huyện Vị xuyên phối hợp với các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng xuống tại cơ sở về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm kiểm soát chặt chẽ việc khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra trên địa bàn. (Báo Hà Giang 14/10) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Gần một tháng qua, nhiều hộ dân xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã ngang nhiên lấn chiếm trái phép khoảng 100ha đất rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Ninh Hòa quản lý nhưng ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý.
Theo phản ánh, sau khi BQLRPH Ninh Hòa tiến hành thu hoạch gần 200ha rừng keo tại khu rừng thuộc buôn Lác, buôn Sim, thuộc xã Ninh Tây, đơn vị sắp sửa trồng mới rừng thì có gần 60 hộ dân ở các buôn nói trên lên chiếm đất, gây khó khăn cho quản lý cũng như tiến độ trồng mới rừng.
Ngay khi sự việc xảy ra, UBND thị xã Ninh Hòa đã thành lập tổ công tác đến hiện trường tìm hiểu sự việc, đồng thời mời các hộ dân lên UBND xã Ninh Tây để tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn không chấp nhận, tiếp tục lấn chiếm trái phép.
Khi đoàn công tác đến vận động, họ đưa ra những lý lẽ rất khó chấp nhận, thậm chí đoàn công tác còn bị người chiếm đất ngăn cản, la mắng. Còn theo cán bộ BQLRPH Ninh Hòa, những người dân chiếm đất còn dùng cả mã tấu, súng tự chế để đe dọa lực lượng bảo vệ rừng.
Ông Lê Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, cho biết, trong số các hộ lấn chiếm đất chỉ có 8 hộ cận nghèo, còn lại là các hộ có cuộc sống trung bình và khá. Tất cả các hộ này không thiếu đất sản xuất. Hiện chính quyền địa phương đang tuyên truyền cho dân ngưng việc chiếm đất nhưng nhiều người dân vẫn chưa chấp hành.
Việc lấn chiếm đất ngày một công khai, phức tạp nhưng hiện nay địa phương và chủ rừng chưa đưa ra giải pháp nào tối ưu. Ông Nguyễn Công Hà, Giám đốc BQLRPH Ninh Hòa, bức xúc: Phần đất bị người dân lấn chiếm đã được UBND tỉnh cấp sổ cho BQLRPH. Tình trạng người dân lấn chiếm đất ngày càng nghiêm trọng, đơn vị vẫn chưa có giải pháp nào để ngăn chặn tình hình.
Còn theo ông Tống Trân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: “Thị xã đã giao cho địa phương Ninh Tây vận động, tuyên truyền dân không được chiếm dụng đất. Còn diện tích đất bị lấn chiếm hiện đã trồng bắp, thị xã đề nghị nên để cho dân thu hoạch xong vụ mùa này. Bên cạnh đó, chủ rừng cũng nên tiến hành trồng rừng ngay tại diện tích đất đang lấn chiếm, khi người dân thu hoạch xong bắp sẽ yêu cầu họ trả lại đất”. (Sài Gòn Giải Phóng 14/10) đầu trang(
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2015, sẽ có 5 dự án trồng rừng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được triển khai tại 5 tỉnh (Bắc Kạn, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi) với tổng số vốn là 150 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, sẽ có thêm 22 dự án mới được đề xuất liên quan đến trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ngập mặn ven biển với tổng vốn đầu tư 660 tỉ đồng.
Trong đó có 10 dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Điện Biên, Sơn La, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lai Châu; 12 dự án trồng rừng ngập mặn ven biển. (Công An Nhân Dân 14/10) đầu trang(
Thực hiện Công văn số 8103/BNN-TCLN ngày 08/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường chỉ đạo triển khai trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo, hướng dẫn các Chủ dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác xây dựng phương án trồng rừng thay thế theo tiến độ của dự án.
Đôn đốc các Chủ dự án nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo quy định, Trường hợp Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh còn tồn đọng do chưa giải ngân thì đề xuất việc thực hiện, không để tồn đọng tiền ở Quỹ.
Thống kê danh sách các dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng và tình hình triển khai trồng rừng thay thế gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 17/10/2014.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác, báo cáo kết quả thực hiện  UBND tỉnh trong tháng 11/2014. (Langson.gov.vn 14/10) đầu trang(
Là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ nhưng hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn gỗ nguyên liệu từ các quốc gia khác. Dù kim ngạch XK sản phẩm gỗ tăng vượt mức 3 tỉ USD/năm, nhưng trong đó ta đã mất đi 1 tỉ USD cho NK nguyên liệu.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 9/2014, ước giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 464 triệu USD, đưa giá trị XK 9 tháng đầu năm đạt 4,41 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2013.
XK gỗ và các sản phẩm gỗ sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 1,69%; Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 14,41% và 23,71% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam chiếm 62,33% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng chế biến, Cục Chế biến nông lâm sản thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, những năm qua ngành chế biến và XK sản phẩm gỗ đã có những bước phát triển vượt bậc với kim ngạch XK tăng trưởng luôn cao.
Nếu như năm 2000 giá trị kim ngạch XK các sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ khiêm tốn ở mức 214 triệu USD thì đến năm 2004 kim ngạch XK gỗ lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ USD, đạt 1,154 tỷ USD. Năm 2013, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 5,7 tỷ USD tăng 19,2% so với năm 2012, chiếm khoảng 4,3% thị phần toàn cầu.
Thời gian qua, một số DN XK gỗ đã thực hiện hình thức XK sản phẩm gỗ nội thất trọn gói theo các công trình ở nước ngoài mang lại giá trị gia tăng cao. Dự kiến năm 2014, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt 6,5 tỷ USD.
Điều đáng nói là cùng với những con số XK ấn tượng ấy là những con số NK nguyên liệu gỗ… cũng ấn tượng không kém. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), hiện ngành đồ gỗ trong nước đang phải nhập khẩu tới 4 triệu m³ gỗ/năm, chiếm đến 80% tổng nguyên liệu sử dụng của toàn ngành cho XK.
Như vậy dù trong những năm gần đây kim ngạch XK sản phẩm gỗ tăng vượt mức 3 tỉ USD/năm, nhưng trong đó ta đã mất đi 1 tỉ USD cho NK nguyên liệu. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, kim ngạch XK gỗ trong tương lai sẽ có nguy cơ giảm mạnh khi giá NK gỗ và chi phí vận chuyển đều tăng.
Các DN chế biến gỗ trong nước cũng sẽ yếu dần đi do không thể cạnh tranh nổi với những nước trong khu vực có khả năng tự cung ứng nguyên liệu như Trung Quốc, Malaysia...
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cảnh báo, theo quy định của TPP về thành phần giá trị khu vực, một sản phẩm cần có tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 55% tổng giá trị.
Điều này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất không được NK nhiều hơn 45% nguyên vật liệu từ các quốc gia không phải là thành viên TPP để chế tạo, sản xuất, bao gồm cả chi phí chế biến. Đây sẽ là những quy định đáng lo ngại với lĩnh vực sản xuất gỗ Việt Nam do khó đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa.
Đại diện một DN gỗ lớn nhận định: Để đứng vững trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, các DN chế biến gỗ của Việt Nam phải chủ động tìm cho được nguồn nguyên liệu gỗ; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như gỗ xoài, gỗ mít, gỗ điều... DN phải sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất như sấy, sơ chế, sơn... để tăng độ bền của gỗ với giá thành phù hợp.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số chuyên gia thì Hiệp hội gỗ và lâm sản VN cần thực hiện vai trò hỗ trợ cho các DN trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nghiên cứu chiến lược sản phẩm, chính sách phát triển, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và liên kết trong hợp tác SX.
Để giải quyết khó khăn về nguyên liệu cho ngành gỗ, đại diện Cục Chế biến nông lâm sản thủy sản và nghề muối cho biết, thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm túc chiến lược phát triển và quy hoạch chế biến gỗ đã được ban hành.
Khu công nghiệp chế biến gỗ cần được xây dựng và mở rộng ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng tập trung sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ rừng trồng, phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời và đồ mộc mỹ nghệ nhằm tăng giá trị XK cũng như giảm việc sử dụng nguyên liệu gỗ trong chế biến XK.
Song song với đó điều chỉnh cơ cấu rừng trồng cho phù hợp, ổn định khoảng 3,8 triệu ha rừng trồng sản xuất vào năm 2020, nâng cao chất lượng rừng để đạt sản lượng gỗ thương phẩm bằng 80% trữ lượng, trong đó có 40% là gỗ lớn.
Xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ tập trung ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ để cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ cho các khu vực gần nhà máy và cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến gỗ tại địa phương và khu vực lân cận.
Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp đang xây dựng hệ thống kiểm soát gỗ hợp pháp để đáp ứng đối với chính sách thương mại quốc tế như Luật LACEY của Mỹ; FLEGT của EU… về nguồn gốc và xuất xứ gỗ hợp pháp. Đây cũng là cơ hội cho đồ gỗ Việt Nam thâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường thế giới. (Thời Báo Kinh Doanh 14/10, tr8) đầu trang(
Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), từ đầu năm 2014, Tổng vụ Sức khỏe và người tiêu dùng châu Âu (DG SANCO) đã nhận được thông báo từ một nước thành viên EU phát hiện vi khuẩn gây hại trong gỗ dùng làm bao bì đóng hàng từ Việt Nam sang EU.
Theo Công ước Quốc tế về bảo vệ thực vật (IPPC), bao bì hàng xuất khẩu bằng gỗ cần được sấy ở nhiệt độ cao nhằm diệt vi khuẩn gây hại và đóng tem kiểm định an toàn của cơ quan có thẩm quyền tại nước xuất khẩu. Qua theo dõi, đến nay, DG SANCO nhận thấy bao bì hàng xuất khẩu bằng gỗ từ Việt Nam chưa được đóng tem kiểm định này theo quy định của IPPC.
Theo quy định của Ủy ban Châu Âu (EC), nếu phát hiện vi khuẩn gây hại trên 5 mẫu hàng nhập liên tiếp từ một nước vào EU trong thời hạn 1 năm thì EC sẽ ra lệnh cấm nhập khẩu mặt hàng này vào EU.
Vụ Thị trường châu Âu khuyến cáo: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU cần tuân thủ đúng quy định của EC về việc xử lý gỗ trước khi làm bao bì đóng hàng xuất khẩu. (Công Thương 13/10; Đại Biểu Nhân Dân 14/10, tr2) đầu trang(
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ được triển khai gần 3 năm nay ở Nghệ An, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Các chủ rừng, người tham gia bảo vệ rừng có thêm nguồn lợi kinh tế và nâng cao trách nhiệm giữ rừng. Áp dụng chính sách trên, diện tích rừng có sự quản lí của người dân đã tăng nhiều, góp phần đẩy lùi tình trạng chặt phá rừng.
Gia đình anh Lang Văn Phê, sinh sống ở bản Hồng Tiến, xã Đồng Văn, trong vùng đệm của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong. Gia đình anh Phê cũng như 49 hộ khác của bản vừa được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Nhóm của anh gồm 10 người được nhận đợt một vừa rồi, với số tiền là 23 triệu, 704 nghìn đồng. Còn cả bản Hồng Tiến nhận được hơn 117 triệu đồng.  Số tiền này không thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ như trước kia, mà chính là tiền của doanh nghiệp đã khai thác tài nguyên trên địa bàn có rừng, nay theo NĐ 99 của Chính phủ, phải trích ra, đem trả cho người dân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng.
Anh Phê nói: Khi được giao trách nhiệm giữ rừng, dân bản Hồng Tiến chúng tôi đã chia làm 5 nhóm, trong tuần, trong tháng, từng nhóm đi tuần tra rừng, để nắm tình hình, nếu phát hiện có đối tượng khai thác, phá rừng thì chúng tôi ngăn chặn, đẩy đuổi và báo cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Về phía chính quyền các địa phương có rừng cũng đã tăng cường tuyên truyền, phối hợp với ngành chức năng sở tại để nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật bảo vệ rừng, nhất là khi quyền lợi của người dân đã được đáp ứng cụ thể hàng năm, theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Bà Lương Thị Hồng- Chủ tịch UBND xã Thông Thụ, huyện Quế Phong cho biết: Chúng tôi luôn chỉ đạo, vận động nhân dân tích cực trồng trọt, chăn nuôi phát tế, nhưng không được phá rừng, đốt rãy bừa bãi, mà phải nâng cao trách nhiệm giữ rừng. Đến nay, việc tham gia, quản lý rừng của bà con nhân dân ở đây đã theo chiều hướng rất tích cực…”.
Trước đây, các doanh nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên, cụ thể như các công ty thủy điện, đào đắp, tích nước lòng hồ lấy năng lượng điện, mà chưa phải trả chi phí hao tổn về tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên thì bây giờ phải xem việc chi trả vào công quỹ bảo vệ và phát triển rừng như một điều hiển nhiên, tất yếu.
Theo quy định hiện nay, một kWh điện thương phẩm, nhà máy thủy điện phải trích ra 20 đồng, để đưa vào quỹ. Và nguồn quỹ đó, một phần sẽ được hỗ trợ cho chủ rừng, và tất cả người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An cho rằng: NĐ 99 được áp dụng, đã làm sáng tỏ một vấn đề, đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, các công ty thủy điện, hay công ty du lịch sinh thái…, liên quan đến khai thác thiên nhiên, rừng, nước,kinh doanh thì phải sung vào nguồn quỹ để trả cho người dân mà bấy lâu nay, chính họ là người cần được hưởng lợi... Rừng được giữ tốt thì đồng nghĩa với môi trường sống tốt đẹp hơn…”.
Gần 3 năm qua, ở tỉnh ta, việc áp dụng Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đạt được hiệu quả nhất định. Nhấn mạnh thêm quan điểm, đó là: khai thác tài nguyên thiên nhiên, thì phải chi trả cho việc bảo vệ môi trường, dù dưới bất kì hình thức khai thác nào.
Đến nay, nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng đã chi trả cho một số chủ rừng trên địa bàn là gần 30 tỷ đồng. Và do vậy, ý thức của người dân nhận tham gia quản lý rừng gia tăng đáng kể thời gian gần đây, với trên 200 nghìn ha, khi quyền lợi và trách nhiệm của bà con đã được làm sáng tỏ! (Đài PTTH Nghệ An 13/10) đầu trang(
Theo ông Trần Phú Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay rừng tràm Trà Sư, ở ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, đã đón trên 54.800 lượt khách tham quan nghiên cứu du lịch, đạt 116,3% so cả năm 2013, trong đó có gần 6.000 khách quốc tế, chiếm gần 11% tổng lượng khách.
Đây là tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng phong phú, thu hút nhiều du khách, đặc biệt là vào mùa nước nổi, với hai lượt đi về có 6 km đường bộ và 7,5 km đường thủy để du khách tham quan, thưởng ngoạn, câu cá….
Ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ: An Giang đã chọn du lịch làm mũi đột phá, khai thác tiềm năng song song với cây lúa và con cá, do đó với điều kiện của rừng tràm Trà Sư hiện nay rất thích hợp cho phát triển du lịch. Ông chỉ đạo phải Xây dựng rừng tràm Trà Sư thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn bằng việc mở thêm vùng đệm 205 ha để tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư cùng tham gia làm kinh tế, đồng thời cũng nâng cao chất lượng dịch vụ đi kèm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân; có chính sách cho người đầu tư.
Trước mắt tiến hành xây dựng ngay nhà chờ cho khách, bổ sung chức năng du lịch cho hạt kiểm lâm Trà Sư... Để rừng tràm Trà Sư không chỉ là nơi các loài động, thực vật trên cạn và thủy sinh sống hài hòa, phát triển bền vững trong môi trường tự nhiên hoang dã đa dạng sinh học, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong ngoài tỉnh và quốc tế và nâng cao đời sống kinh tế cho cộng đồng khu vực biên giới An Giang.
Theo thống kê hiện nay rừng tràm Trà Sư ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịch và nghiên cứu năm sau cao hơn năm trước. Theo chi cục Kiểm Lâm tỉnh An Giang  từ năm đầu tiên 2005 rừng tràm Trà Sư bắt đầu triển khai mô hình du lịch sinh thái nhưng mãi đến năm 2007 mới bắt đầu thu hút được 5.135 du khách trong và ngoài tỉnh, đến năm 2008 tăng lên 7.835 khách, năm 2009 có 11.363 khách, vào  năm 2011 là 18.946 khách, đến năm 2013 tăng  nhanh số lượng  du khách đến với rừng tràm Trà Sư  là 47.133 khách, trong đó có 57% lượng khách có sử dụng các dịch vụ tham quan bằng xuồng, ghe cùng với  ăn uống trong rừng và 6.540 khách Quốc tế.
Đến 9 tháng đầu năm 2014 thu hút tăng lên 54.818 lượt khách, có 88% lượng khách có sử dụng các dịch vụ và có 5.964 khách Quốc tế. như vậy với cảnh quan thiên nhiên đẹp đã thu hút lượng du khách lớn thứ 2 (sau rừng U Minh Thượng - tỉnh Kiên Giang) so các tỉnh có rừng toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Phú  Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh An Giang nhấn mạnh: Rừng tràm Trà Sư còn giữ vai trò quan trọng là rừng đặc dụng phòng hộ, bảo vệ cảnh quan môi trường và đầu năm 2014 còn được Chính phủ quyết định trong danh mục bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014, vì vậy tập trung phát triển kinh tế, du lịch gắn với lợi ích cộng đồng nhưng không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo chế độ quản lý nước nghiêm ngặt và không gây tiếng ồn, không đầu tư cơ sở hạ tầng kiên cố.
Do đó ông Hòa đề xuất để bảo vệ rừng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái  tập trung trước mắt gia cố đê bao (đã đầu tư từ năm 2000); tập trung qui hoạch 5.000 m2 khu vực bãi dừng đổ xe; mở rộng khu vực  vùng đệm từ 845 lên 1.050 ha ven rừng để vận động cộng đồng cùng tham gia; do qui chế là rừng đặc dụng vì vậy di đời con đường nội bộ rừng cách con đường hiện hữu khoảng 100 mét để đảm bảo không gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến động, vật đang sinh sống trong rừng. Ngày 27/8/2014 Hạt kiểm lâm Trà Sư còn chính thức ra mắt đội" Cứu nạn cứu hộ" với 12 thành viên để bảo vệ cho du khách an tâm  khi ra vào rừng.
Rừng tràm Trà Sư có tổng diện tích 845 ha (trong đó 735 ha có rừng, còn lại 110 ha là kinh, đê và đất chưa có rừng), đặc điểm dân cư sinh sống xung quanh chủ yếu là đồng bào dân tộc khmer với 634 hộ, 3.078 nhân khẩu. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh An Giang 13/10) đầu trang(
13-10, tại Ban Quản lý rừng Phòng hộ Núi Cốc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Triển khai phương án phát triển bền vững rừng phòng hộ môi trường hồ Núi Cốc có sự tham gia của người dân.
Tới dự có các ông Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Dương Văn Lành, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh...
Trước thực trạng quản lý, bảo vệ phát triển rừng phòng hộ hồ Núi Cốc gặp nhiều khó khăn, người dân trồng rừng (cây keo ở cấp độ tuổi III, IV, V) nhưng không được khai thác nên nhiều diện tích cây keo đã bị rỗng ruột, khô héo, sâu đục thân, gẫy đổ.
Vì vậy, người dân kiến nghị muốn khai thác để thay thế loại cây trồng khác đem lại lợi ích lâu dài hơn. Qua khảo sát, nghiên cứu và ý kiến của người dân, Chi cục Kiểm lâm đã đề xuất phương án thay đổi loại rừng trồng chủ yếu hiện nay là cây keo bằng các loại cây bản địa (Trám trắng, Trám Đen, Sấu…) từ năm 2015 đến 2020.
Như vậy, vừa bảo vệ được cảnh quan, diện tích rừng phòng hộ hồ Núi Cốc vừa đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân. Việc gắn bảo vệ rừng phòng hộ hồ Núi Cốc với lợi ích của người dân thì sẽ đảm bảo được lợi ích lâu dài, bền vững cho Khu du lịch trọng điểm hồ Núi Cốc.
Kết luận tại Hội nghị, ông Đặng Viết Thuần đánh giá cao sáng kiến của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, đồng thời nhất mạnh việc Nhà nước quản lý rừng phòng hộ là cần thiết để có định hướng phát triển tổng thể, phù hợp với định hướng chung.
Tuy nhiên, để thực hiện được phương án này, các địa phương cần xem xét cụ thể nguyện vọng của nhân đề trồng các cậy phù hợp với lợi ích kinh tế gắn với phát triển bền vững rừng phòng hộ môi trường hồ Núi Cốc. Lực lượng Kiểm lâm phải giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện phương án, triển khai để đảm bảo đúng mục tiêu đề ra. (Báo Thái Nguyên 13/10) đầu trang(
Thời gian qua, khi các dự án phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế được triển khai đã khiến hàng nghìn héc-ta rừng trên địa bàn bị xóa sổ.
Trồng rừng thay thế là một trong những giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực về môi trường. Thế nhưng trên thực tế, việc triển khai nhiệm vụ trên tại hầu hết các địa phương có thủy điện đều rất chậm, diện tích trồng thay thế quá ít so với quy định.
Được biết theo kế hoạch, Công ty Cổ phần thủy điện Bình Điền, Thừa Thiên-Huế phải trồng rừng thay thế tương ứng với diện tích rừng mà đơn vị này đã chuyển đổi mục đích sử dụng là 455ha, nhưng hiện nay mới chỉ trồng được 71 ha rừng keo thay thế.
Thực trạng trên không riêng gì thủy điện Bình Điền, mà một số công trình thủy điện khác trên địa bàn cũng tương tự. Cụ thể, theo quy định 4 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, diện tích trồng rừng thay thế phải là 1.473ha, nhưng đến nay mới chỉ trồng được khoảng 10%.
Các nhà đầu tư thủy điện chưa thật sự chú trọng trồng rừng để thay thế, về lâu dài, việc này gây những tác động xấu đến môi trường.
Đề nghị các chủ đầu tư cần tuân thủ đúng quy định, trồng đủ diện tích rừng theo đúng đề án đã được phê duyệt; các cơ quan chức năng cần vào cuộc để đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện theo cam kết. (Quân Đội Nhân Dân 12/10, tr6) đầu trang(
Chiều 10-10, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do ông Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về giao rừng và quản lý chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Hữu Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các Công ty, Ban Quản lý rừng trên địa bàn. Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã thông báo kết quả giám sát thực tế tại một số xã, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ và trao đổi với các hộ được giao rừng, nhận khoán, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Theo đó, đoàn nhận thấy còn một số vướng mắc, tồn tại, hạn chế và bất cập đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới như: Trong công tác giao đất, giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng trên cùng một địa bàn đồng thời có nhiều đơn vị được giao quản lý, bảo vệ theo các chương trình dự án khác nhau khiến việc quản lý khó khăn; hồ sơ giao khoán bảo vệ một số nơi thiếu chặt chẽ; việc xử lý lấn chiếm chồng lấn chưa được chỉ đạo giải quyết kịp thời…
Còn về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thì thủ tục giao khoán quản lý, bảo vệ chậm nên việc chi trả cũng chậm; cách thức, thời gian chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng chưa phù hợp, chặt chẽ; tiến độ giao đất giao rừng để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng còn chậm…
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự phiên họp, đồng chí Kring Ba đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị khắc phục những tồn tại mà đoàn đã nêu, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cần có có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác giao khoán bảo vệ rừng, làm tốt hơn nữa công tác QLBVR; xử lý kịp thời tình trạng lấn chiếm, chồng lấn và công khai việc chi trả, dịch vụ môi trường rừng để công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn được tốt hơn nữa.
Thay mặt UBND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Hải tiếp thu những đề nghị của đoàn giám sát và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc khắc phục ngay sau buổi làm việc này. (Kontum.gov.vn 13/10) đầu trang(
Từ nhiều năm nay, dẫu thời tiết có nhiều biến đổi, giá cả không thuận lợi, nhưng ở xóm nhỏ thuộc thôn 3 xã Krông Jing (huyện M’Drak) vẫn còn nhiều hộ gia đình ngày đêm bám trụ với “nghề ươm cây cho rừng”.
Đa số họ đều là công nhân của đội gieo ươm thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Drak đã về hưu. Có kỹ thuật và kinh nghiệm ươm cây giống nên các hộ đều gắn bó với vườn ươm cây từ nhiều năm qua.
Công việc làm ở vườn ươm cây không khó, nhưng phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Từ khâu chọn đất, làm đất, trộn phân, đóng bầu, tra hạt, giâm hom, che chắn vườn ươm... đều phải tiến hành từng bước. Người nào có tính cẩn thận, tỉ mỉ thì đều làm được, từ những người lớn tuổi đến phụ nữ, thanh niên.
Do vậy các vườn ươm ở đây đã giải quyết được lượng lớn lao động thất nghiệp. Những vườn ươm ở thôn 3 không chỉ giúp người lao động địa phương có công việc ổn định mà còn là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.
Chị Phí Thị Đào, một trong những người làm vườn ươm lâu năm cho biết: “Tôi làm vườn ươm cây giống đã hơn 10 năm rồi. Trước đây tôi cùng chị em trong xóm tham gia vào đội gieo ươm của lâm trường. Về hưu, nhờ có kinh nghiệm gieo ươm cây giống nên tôi mua hạt giống cây keo của lâm trường về làm thành vườn ươm để bán cây giống cho lâm trường và những gia đình có đất trồng rừng trong huyện. Làm công việc này đã quen, cùng với niềm vui khi thấy cây giống tươi tốt, nên năm nào gia đình cũng ươm vài trăm nghìn cây”.
Mỗi vườn ươm hằng năm ươm từ 100-150 nghìn cây, đa số là giống cây keo. Giá bình quân ổn định từ 300-500 đồng/cây, trừ chi phí mỗi hộ có thu nhập từ 20 đến 50 triệu đồng. Cây giống từ vườn ươm ở đây được nhiều người trồng rừng ưa thích vì họ luôn tuân thủ các quy trình kỹ thuật khi ươm, cây con bảo đảm chất lượng.
Chị Cao Thị Trúc, kỹ sư lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Drak cho hay: “Chăm sóc cây giống như chăm sóc trẻ sơ sinh vậy, bởi cây non, khả năng chống chịu với khí hậu khắc nghiệt kém, thường hay bị nấm, khô lá, bị côn trùng cắn nên người trồng phải chăm sóc kỹ lưỡng. Các hộ có vườn ươm ở thôn 3 đều nắm được đầy đủ quy trình kỹ thuật ươm cây nên cây đạt chất lượng và được nhiều người tìm mua”.
Những vườn ươm ở xóm nhỏ này không chỉ cung cấp giống cây phục vụ trồng rừng ở địa phương, bán cho các vùng lân cận mà còn tạo ra công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Lê trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của bà con trong xóm về kỹ thuật và hạt giống, gia đình chị đã gắn bó với vườn ươm được 4 năm và đến nay đã thoát nghèo. (Báo Đắc Lắc 13/10) đầu trang(
Nằm ở địa bàn miền núi, trong những năm qua, cùng với việc mở rộng diện tích cao su tiểu điền lên 312 héc ta, đồng bào Vân Kiều xã Vĩnh Khê còn tích cực đầu tư phát triển vốn rừng.
Người dân Vĩnh Khê đã nhận khoanh nuôi bảo vệ 215 héc ta rừng tái sinh ở khu vực Đầu Đạn, Cổ Kiềng của nhà nước; đầu tư trồng mới được 200 héc ta rừng nguyên liệu. Nhiều hộ như họ ông Hồ Ngoan ở bản Xung Phong, Hồ Thị Rai - bản Khe Cát, Hồ Mừng - bản Đá Moọc… đã trồng được từ 10 đến 20 héc ta rừng nguyên liệu.
Năm 2013, đồng bào Vân Kiều xã Vĩnh Khê đã đưa 26 héc ta rừng nguyên liệu vào khai thác, thu được 400 triệu đồng. Tiếp tục đầu tư phát triển vốn rừng, năm 2014, xã vĩnh Khê tiếp tục giải quyết cho người dân đấu thầu đất lâm nghiệp để trồng mới rừng nguyên liệu. (Vinhlinhquangtri.gov.vn 13/10) đầu trang(
UBND tỉnh vừa ban hành quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất tại các huyện nghèo của tỉnh.
Trong đó có quy định, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng tự nhiên hưởng mức khoán 300.000 đồng/ha/năm.
Những diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ đã giao ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nếu tự nguyện tham gia trồng rừng phòng hộ được hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/ha để trồng và chăm sóc và được hưởng lợi từ rừng theo quy định hiện hành.
Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình được giao đất trồng rừng sản xuất tối đa 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công trồng rừng. (Đại Đoàn Kết 14/10, tr7) đầu trang(
Xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình là xã miền núi, trước đây quanh năm suốt tháng người dân sống chỉ biết dựa vào việc khai thác gỗ lậu. Điều đáng nói, khi nhiều cánh rừng nguyên sinh, nhiều loại gỗ quý hiếm bị chặt hạ nhưng người dân vẫn quẩn quanh trong đói nghèo.
Từ chuyện cả làng làm lâm tặc, mấy năm lại đây người dân Thái Thủy quay sang trồng rừng. Nhà ít vài ha, nhiều nhà trong làng trồng trên 50 ha rừng. Từ đói nghèo, người dân nơi đây đã đổi đời giàu có. Cách làm ở Thái Thủy cần được nhân rộng đến nhiều địa phương khác trong cả nước.
Tìm đến Thái Thủy khi trời đã đổ bóng, loanh quanh trong làng để tìm tư liệu viết bài. Cùng anh cán bộ đoàn xã, PV tìm đến nhà anh Trần Văn Trạng. Người từng được coi là lâm tặc khét tiếng nhất vùng miền tây huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Gặp PV, Trạng cười khà khà “Lâm tặc là tui đây chớ ai, trồng nhiều rừng cũng là tui đây chớ ai”. Người vạm vỡ như cây rừng, Trạng kể về quá khứ làm lâm tặc đầy màu sắc cuộc sống núi rừng.
Cách đây độ dăm năm, cả làng Thái Thủy làm lâm tặc. Thậm chí nhiều cán bộ xã cũng vào rừng đốn gỗ để bán. Vùng đất mở mắt ra đã thấy núi, không ruộng đồng canh tác, không sẵn đất chăn nuôi nên người dân chỉ biết bám vào rừng.
Trạng và thanh niên làng thường mang theo gạo, cưa, rìu, đục vào rừng đốn gỗ hàng chục ngày trời rồi bán cho các trùm gỗ lậu mang về xuôi. Rừng bị phá chỉ làm giàu cho các trùm gỗ, còn cuộc sống người dân Thái Thủy vẫn quẩn quanh trong đói nghèo.
Trong rừng vì tranh nhau gỗ, không ít toán lâm tặc đã dùng gậy gộc, dao búa thanh toán nhau. Có nhiều người đi rừng gặp sốt rét chết giữa rừng già. Là đại ca lâm tặc khét tiếng, nhưng mỗi lần vào rừng Trần Văn Trạng vẫn luôn cảm thấy bất an, bởi Trạng cũng có thể bị các nhóm khác thanh toán bất cứ lúc nào. “Ăn của rừng rương nước mắt”, Trạng nghĩ vậy.
Trong một lần hiếm hoi ngồi xem ti vi nói về việc trồng rừng cho lợi nhuận cao. Trạng bật dậy, họ trồng được mình trồng được. Ngày vợ chồng Trạng tiến hành khai hoang trồng rừng, nhiều người làng bảo thằng Trạng điên rồi. Tay đào đất đá đến xạc cả máu, nhưng Trạng và vợ không nản chí. Từ tờ mờ sáng đến tối mịt anh vẫn quăng quật với cây trồng.
Chỉ sau 5 năm năm, mồ hôi nước mắt đã không phụ công anh, 10 ha rừng keo, bạch đàn của anh cho thu hoạch với giá cao. Tiếp tục khai hoang đến nay Trần Văn Trạng đã trồng được gần 40 ha rừng…
Rời nhà anh Trần Văn Trạng PV tìm đến một “lâm tặc” khác là anh Phan Văn Tuấn, cũng như Trạng, Tuấn được xem là người bỏ con đường lâm tặc đầu tiên của Thái Thủy để trồng rừng. Từ đồng vốn ít ỏi ban đầu, đến nay  Phan Văn Tuấn đã trồng được gần 50 ha rừng, nuôi 4 đứa con ăn học, cháu đầu đã vào đại học.
Khi nói đến việc trồng rừng, anh Tuấn hồ hởi “đất quê mình nhiều, lúc trước do nhác và không nghĩ ra cách làm nên cứ vô rừng phá, cây chặt mãi cũng hết, đói nghèo lại hoàn đói nghèo. Giờ trồng rừng, cứ 5 năm năm thu hoạch một lần cho hàng trăm triệu đồng, rừng lại không bị phá nữa. Từ làm lâm lặc giờ chúng tôi quay sang trồng hàng chục ha rừng, vừa làm giàu vừa trả lại nợ cho rừng vậy”.
Những ngày về Thái Thủy, PV được biết, kỷ lục về phá rừng và trồng rừng có lẽ không nơi đây so được với vùng đất này. Cách đây độ mươi năm, mỗi năm lâm tặc là người làng này có thể triệt hạ cả hàng trăm ha rừng. Nhưng từ khi có chủ trương trồng rừng, làm giàu từ rừng, chỉ trong vòng 3 năm (từ 2008-2011), người dân Thái Thủy đã trồng được 3.145 ha rừng. Với 1.104 hộ dân trên địa bàn, trung bình mỗi năm một hộ dân nơi đây trồng được hơn 3 ha rừng. Hiện có nhiều hồ đã trồng trên 50 ha rừng như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đồng, Lê Văn Thế, Võ Văn Xướng…
Nhờ trồng rừng, người dân Thái Thủy đã chăm lo cho con cái đến trường, xây dựng được nhà ở kiên cố, khang trang. Anh Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thái Thủy khẳng định “từ một xã miền núi nghèo khó, hầu như hàng năm người dân không đủ cơm ăn, đến nay nhờ trồng rừng nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ rừng, một số hộ mua được xe ô tô, xe cơ giới để phục vụ công tác trồng rừng”.
Anh Dũng cho biết thêm, việc cả làng làm lâm tặc rồi chuyển qua trồng rừng có công lớn của lực lượng Kiểm lâm. Trước đây, người dân đi phá rừng nhiều, Chi cục kiểm lâm Quảng Bình đã cắt cử kiểm lâm viên xuống ở tận từng thôn, xóm phân tích, động viên, rồi chỉ cho cách trồng rừng đưa lại hiệu quả kinh tế. Giờ nhân dân trồng rừng nhiều, lực lượng kiểm lâm lại phối hợp với nhân dân trên địa bàn để vừa bảo vệ rừng, vừa chống cháy cho rừng trồng.
Ông Lê Quang Năm-Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho rằng “Trong thời gian qua, ở một số tỉnh, thành ở miền Trung liên tục xảy ra việc kiểm lâm đánh trọng thương kiểm lâm, và rừng liên tục xảy ra cháy, nhưng ở Quảng Bình không hề xảy ra nhưng việc này dù Quảng Bình hiện là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về độ che phủ rừng.
Để đạt được hiệu quả đó, tôi nghĩ Quảng Bình đã tìm ra hướng đi riêng, lực lượng kiểm lâm đã sâu sát với địa bàn, gắn bó với người dân vùng rừng, cùng phối hợp với các cấp chính quyền giúp đỡ người dân chuyển đổi phát triển kinh tế, bỏ phá rừng quay sang trồng rừng làm giàu chính đáng”.
Hiện nhiều cánh rừng ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc đang bị lâm tặc triệt hạ hàng ngày, kiểm lâm liên tục bị hành hung, thì bài học về việc từ bỏ phá rừng quay sang trồng rừng để làm giàu ở Thái Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình trở thành mô hình cần được nhân rộng. (Công An Nhân Dân 14/10, tr7) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Vào năm 1998, Fernando Henrique Cardoso, khi đó là Tổng thống Brazil, tuyên bố ông sẽ tăng gấp 3 lần khu vực của rừng Amazon được dành ra cho thế hệ mai sau. Thời điểm đó, tham vọng này nghe có vẻ hão huyền, vì khi ấy Brazil đang mất dần 20.000 km2 diện tích rừng mỗi năm.
Trong 15 năm tiếp theo, các cuộc tranh chấp giữa những người đốn củi, chủ trang trại, các nhà hoạt động môi trường và các bộ lạc người bản địa đã không ngừng diễn ra tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này. Trong khi các cuộc tranh chấp vẫn cứ tiếp diễn, các đời tổng thống Brazil đã kiên nhẫn “xâu chuỗi” lại những khu công viên quốc gia và các mảng rừng được bảo vệ khác để tạo ra Các Khu vực được bảo vệ ở vùng Amazon (ARPA), một khu vực được bảo vệ lớn gấp 20 lần quy mô nước Bỉ.
Chính nhờ nỗ lực đó mà hiện tại, có chưa tới 6.000 km2 rừng Amazon của Brazil bị phát quang mỗi năm. Hồi tháng 5, Chính phủ Brazil và một nhóm các nhà tài trợ đã đồng ý cấp vốn cho ARPA trong vòng 25 năm. Đây là dự án bảo tồn rừng nhiệt đới lớn nhất trong lịch sử.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng bởi quy mô rừng quá lớn của Brazil. Nước này có tới 5 triệu km2 rừng, gần bằng diện tích rừng của 3 nước đứng tiếp theo gồm Congo, Trung Quốc và Úc cộng lại. Nhưng quan trọng hơn là nó cho thấy thế giới có thể đang đến gần với một bước ngoặt trong lịch sử: nạn phá rừng nhiệt đới đang giảm xuống.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp Quốc (FAO), thay đổi ròng trong diện tích có rừng của thế giới (tức diện tích rừng bị phá trừ đi diện tích rừng được mở rộng) là 52.000 km2 mỗi năm trong thập niên 2000. Đây là một sự mất mát lớn, nhưng dù sao vẫn thấp hơn 2/5 so với mức độ phá rừng của thập niên 1990, nghĩa là tình trạng phá rừng đã giảm. Điều này trùng khớp với đánh giá gần đây nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) rằng “tình trạng phá rừng đã chậm lại trong thập niên vừa qua”.
Theo FAO, nhiều quốc gia nhiệt đới dường như đang làm tốt hơn công tác bảo vệ rừng. Ấn Độ và Costa Rica, chẳng hạn, đang trồng lại những khu rừng mà họ đã từng đốn bỏ. Vào năm 1980, Ấn Độ còn lại khoảng 640.000 km2 diện tích rừng nhưng giờ nước này có 680.000 km2 và đang trồng lại khoảng 1.450 km2 rừng mỗi năm. Vào thập niên 1980, chỉ 20% Costa Rica có cây cối bao phủ, nhưng giờ là hơn 50%.
Hai lý do lớn cho sự chậm lại gần đây trong việc phá rừng không liên quan nhiều đến nỗ lực quản lý rừng, mà là vì áp lực dân số và những cải tiến lớn trong kỹ thuật canh tác cách xa vùng có rừng.
Trong một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) ở Washington, Jonah Busch và Kalifi Ferretti-Gallon đã tham khảo 117 trường hợp phá rừng trên thế giới. Họ thấy rằng 2 trong số những ảnh hưởng có liên quan mật thiết nhất đến tình trạng mất rừng chính là dân số và việc ở gần các thành phố. Tỉ lệ sinh sản giảm mạnh ở Brazil, Trung Quốc và các quốc gia có nhiều rừng khác cũng giúp giải thích tại sao tình trạng phá rừng đang chậm lại.
2 trong số những quốc gia đã làm tốt công tác kiềm hãm tốc độ phá rừng có nền nông nghiệp rất ấn tượng: Brazil đã trở thành nhà xuất khẩu lương thực lớn nhất trong số các quốc gia nhiệt đới trong 20 năm qua, còn Ấn Độ là quê hương của cuộc cách mạng xanh. Cơn sốt nông nghiệp của Brazil diễn ra tại Cerrado, vùng thảo nguyên nằm về phía Nam và Bắc của Amazon. Còn tại Ấn Độ, cuộc cách mạng xanh đã diễn ra chủ yếu ở miền Tây Bắc và phía Nam, trong khi các khu rừng lớn nhất của nó lại nằm ở phía Đông và Bắc.
Thế nhưng, tại một số quốc gia, tốc độ phá rừng vẫn còn cao như ở Indonesia.Theo dữ liệu được Nature Climate Change công bố vào tháng 6, trong thập niên qua, Indonesia đã phá hủy khoảng 60.000 km2 rừng nguyên sinh. Tốc độ phá rừng của nó đã vượt qua cả Brazil vào năm 2011. Điều này cũng dễ hiểu. Các lợi ích của rừng như hấp thụ khí carbon thải ra, làm sạch nguồn nước và gìn giữ tính đa dạng sinh thái thì rất khó mà định giá, trong khi thị trường dầu cọ, vốn phần lớn đến từ các vùng đất được khai hoang ở Indonesia, trị giá lên tới 50 tỉ USD/năm. Lợi ích quá lớn này đã khiến cho nạn phá rừng diễn ra một cách khó kiểm soát.
Để ngăn chặn tình trạng này, các quốc gia đang ban hành các lệnh cấm. Tại Brazil, 44% khu vực Amazon giờ là công viên quốc gia, khu bảo tồn động vật hoang dã hoặc là khu bảo tồn bản địa, nơi việc chăn nuôi trồng trọt là bị cấm. Tại Costa Rica, phân nửa diện tích rừng cũng được bảo vệ theo cách tương tự. Tại Ấn Độ, 1/3 diện tích rừng được đồng quản lý bởi các tổ chức địa phương và các chính quyền bang.
Để các lệnh cấm này phát huy tác dụng, đòi hỏi không chỉ là việc soạn thảo ra một văn bản luật. Cơ chế bảo vệ rừng của Brazil đã có quá trình phát triển hơn 15 năm qua, liên quan đến cả việc siết chặt bộ luật về hoạt động kinh tế tại các khu vực có rừng, lệnh tạm ngưng đối việc bán lương thực được trồng ở các khu vực được khai hoang, cơ chế đăng ký đất đai mới, không cấp tín dụng ưu đãi cho các khu vực có tỉ lệ phá rừng lớn cũng như tăng cường cơ chế thi hành luật.
Một điều may mắn là sự phát triển của công nghệ đã hỗ trợ các nước rất nhiều trong việc áp dụng lệnh cấm. Chẳng hạn, các hình ảnh vệ tinh chi tiết hơn với giá rẻ hơn được thể hiện theo thời gian thực, có thể cho thấy hành vi vi phạm và cả người vi phạm. Brazil đưa dữ liệu từ hệ thống hình ảnh vệ tinh này lên trực tuyến, cho phép các nhà hoạt động môi trường có thể tham gia vào công tác giám sát bảo vệ rừng.
Công nghệ cũng đã giúp gia tăng tính dân chủ hóa - điều kiện thứ hai góp phần đảm bảo các lệnh cấm được thực thi. Bởi lẽ, khi các đảng đối lập, các tổ chức phi chính phủ và giới truyền thông cùng tham gia giám sát bảo vệ rừng, tính giải trình, minh bạch cũng nhờ đó mà tăng lên, tỉ lệ phá rừng cũng giảm.
Frances Seymour, thành viên cấp cao của CGD, cho biết đây có thể là lý do vì sao Brazil đã hạn chế được tình trạng phá rừng còn Indonesia thì không: chế độ dân chủ tại Brazil đã bắt đầu sớm hơn và đi xa hơn. Còn tại Indonesia, một số thành viên trong Chính phủ tỏ thái độ thù địch đối với cơ chế chống tình trạng phá rừng và xem đó là “xa lạ”, theo nhận xét của Ade Wahyudi, chuyên gia của hãng phân tích Indonesia Katadata.
Ngoài việc ban bố lệnh cấm, nhiều nước cũng đưa ra sáng kiến để hạn chế tình trạng phá rừng. Mexico và Costa Rica đã đi tiên phong trong chính sách bảo vệ rừng “khác người”: trả tiền cho các dịch vụ hệ sinh thái. Theo đó, những người sử dụng nước sạch và các tiện ích khác từ rừng sẽ phải trả tiền để được hưởng các tiện ích đó. Họ sẽ tham gia các thị trường mua bán mà trong đó họ là người mua và những người bảo vệ rừng sẽ là người bán.
Ý tưởng này có vẻ hay, nhưng việc tạo ra một thị trường nước sạch từ rừng gần như là không thể. Dù chưa lập ra được một thị trường như vậy, nhưng Mexico đã rất nỗ lực đi theo sáng kiến này bằng cách duy trì cơ chế trả tiền cho các dịch vụ môi trường.
Chính phủ nước này đã ban hành một cơ chế hỗ trợ thu nhập, theo đó khoảng 500 triệu USD đã được cấp cho 6.000 tổ chức rừng trong giai đoạn 2003-2011. Số tiền này đã được dùng vào việc bảo vệ rừng. Một nghiên cứu của tổ chức quốc tế Union of Concerned Scientists, cho thấy chương trình này đã giảm được tỉ lệ phá rừng.
Có một nơi mà các khoản trợ cấp hoặc các cải cách về quyền sở hữu đất đai phát huy tác dụng rất tốt. Đó là khi chúng được cấp cho người dân bản địa. Những người bản địa rất hào hứng với các sáng kiến của chính phủ. Họ quyết tâm bảo vệ đất, chủ yếu là vì lý do văn hóa: rừng là nhà của họ và họ không muốn bán nó dù là vì lợi nhuận.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), tình trạng phá rừng ở các khu vực rừng có người bản địa của Brazil nhưng không có luật pháp bảo vệ gấp tới 12 lần so với những khu vực bản địa được luật pháp bảo vệ.
Trên thế giới, người bản địa chỉ có quyền hợp pháp đối với khoảng 5 triệu km2 diện tích rừng, chiếm chỉ 1/8 tổng diện tích rừng. Vì thế, việc gia tăng quyền lợi hợp pháp của người bản địa sẽ tạo nên sự khác biệt lớn trong nỗ lực kiềm hãm tốc độ phá rừng.
Cách đây 15 năm, việc khai hoang biến đất rừng thành đất trồng trọt đã tạo ra tới 25% tổng lượng khí thải nhà kính. Nhưng bây giờ tình trạng phá rừng chỉ tạo ra khoảng 12% lượng khí thải nhà kính. Dù rằng vẫn còn đó tình trạng phá rừng làm đất trồng trọt nhưng con số này đã cho thấy cuối cùng đã có ánh sáng cuối đường hầm. (Nhịp Cầu Đầu Tư 13/10) đầu trang(
Tổ chức Thú y Thế giới đang nghiên cứu lại chủ đề này. Theo các chuyên gia, dịch này không xuất hiện từ trước. Cũng như nhiều tác nhân gây bệnh khác, virus Ebola "ẩn nấp" và chờ thời cơ "xuất đầu lộ diện" tung hoành. Như vậy, có những động vật mang trong mình Ebola và có sức đề kháng với virus này.
Người không phải là đối tượng duy nhất bị nhiễm virus Ebola. Sốt xuất huyết Ebola là một loại bệnh lây nhiễm nghiêm trọng, nhắm vào cả loại linh trưởng không thuộc chi Người, như khỉ đột, tinh tinh và một số loài khỉ khác. Những loại động vật này không phải là nơi chứa chấp virus Ebola vì chúng cũng là đối tượng bị lây nhiễm.
Theo giới chuyên gia, dịch sốt xuất huyết Ebola có thể lây truyền sang người từ một động vật hoặc từ một người bị nhiễm virus.
Virus Ebola lại được phát hiện ở người vào đầu năm 2014, tại Guinea, rồi Liberia. Sau đó, virus lan truyền tại Sierra Leone để trở thành ổ dịch lớn nhất trong lịch sử và tại miền tây Châu Phi. Tháng 5.2014, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố dịch bệnh Ebola là một vấn đề y tế khẩn cấp quốc tế.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, mặc dù xác định được loại virus gây dịch bệnh, nhưng nguồn gốc khởi phát dịch vẫn chưa rõ. Có rất nhiều khả năng ban đầu, virus chỉ lây từ một loại động vật hoang dã nào đó sang một người duy nhất. Hiện nay, dịch bệnh lây từ người sang người và không có gì để chứng minh rằng động vật vẫn tiếp tục là tác nhân lây lan virus.
Các nghiên cứu trên thực địa và điều tra dịch bệnh cho thấy, động vật ấp ủ virus Ebola có thể là dơi quạ, một loại dơi to thường có ở Châu Phi, nhưng chúng lại không có triệu chứng bị bệnh.
Tại một số vùng nông thôn ở Châu Phi, dơi quạ là một nguồn thịt phổ biến, cung cấp thức ăn cho người dân. Với hai bàn tay trần, người ta bắt và làm thịt dơi quạ trước khi đem nấu, xấy khô hoặc hun khói. Như vậy, virus có thể lây sang người trong quá trình này hoặc do ăn hoa quả hoang dại có dính dãi, phân của dơi quạ trong những vùng bị lây nhiễm.
Thực tế, một số loại động vật này được chế biến thành thịt sấy khô hoặc sấy tẩm gia vị và được người dân trong các vùng hiện đang có dịch bệnh ưa thích.
Tổ chức Thú y Thế giới nhấn mạnh đến các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, như tránh mọi tiếp xúc với động vật hoang dã tại các vùng bị nhiễm virus, nhất là dơi quạ, khỉ và các động vật gậm nhấm. (Lao Động 11/10) đầu trang(
Theo tờ Business Insider, những người dân tại bãi biển Long Island, gần khu trại Smith County Park ở Shirley, New York, Mỹ đã phát hiện ra xác con cá voi vây nặng 35 tấn với một vết cắn lớn trên lưng.
Theo các nhà bảo vệ động vật hoang dã, vết cắn "lớn hơn một con chó Chihuahua" và nhiều khả năng đã dẫn tới cái chết của con cá voi. Vết cắn lớn đó có thể là của một con cá mập.
Nhà sinh vật biển tại tổ chức Riverhead đã tiến hành mổ con cá voi và khẳng định vết thương lớn trên người con voi là do va chạm với thuyền.
Xác cá voi dạt bờ thường là nỗi ác mộng với những người dân quanh bờ biển bởi xác của nó có thể thối rữa, phình to lên và thậm chí là nổ tung. (Vietnamplus 13/10) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng