Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 13 tháng 10 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 8.10, đại diện UBND tỉnh Gia Lai đã có ý kiến chính thức về chùm tin ảnh “Đội quân phá rừng đang tàn sát “vựa” gỗ hương sót lại ở thượng nguồn sông Kôn” trên Lao Động ngày 28.8 là “chưa chính xác.
Báo Lao Động đã thông tin sai sự thật”. Đáng nói là bản tin này, Báo Lao Động phản ánh vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh... Bình Định.
Phát ngôn của UBND tỉnh Gia Lai thực ra chỉ nhắc lại báo cáo gửi lên từ Chi cục Kiểm lâm do Chi cục trưởng Nguyễn Nhĩ ký ngày 15.9. Theo đó, ngày 8.9, Chi cục Kiểm lâm họp với UBND huyện Kbang triển khai phương án kiểm tra, truy quét nạn phá rừng khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Định.
Cho đến ngày 12.9, đoàn liên ngành gồm kiểm lâm, công an cùng chủ rừng đã chia tổ rà soát lâm phần Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Hà Nừng; Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Kết quả, “đoàn chỉ phát hiện một gốc chặt, gỗ hồng tùng (nhóm 4) có chiều cao 40cm, đường kính 50cm tại khoảnh 2, tiểu khu 45, tọa độ X: 505891 – Y: 1598192 thuộc lâm phần Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập. Qua xác minh, cây gỗ này do một người đồng bào chặt về làm nhà”.
Báo cáo cho biết, “tại khu vực nói trên không có các loài gỗ quý như trắc, hương, đồng thời không có dấu hiệu khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép” trước khi đưa ra kết luận cuối cùng là nội dung bài viết trên báo Lao Động “không đúng sự thật”.
Hoan nghênh sự nhanh nhạy của chính quyền Gia Lai cũng như thành quả quản lý bảo vệ rừng mà địa phương này đạt được. Tuy nhiên, phản ứng trên đã không đúng địa chỉ, hoàn toàn nhầm lẫn và sai lệch.
Để bạn đọc dễ hình dung, xin trở lại “lịch sử vấn đề”: Ngày 29.8, sau khi Lao Động điện tử đưa tin, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Sở NNPTNT yêu cầu chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, báo cáo. Bản tin trên Lao Động điện tử thực ra chỉ là phần thuyết minh đi kèm hình ảnh ghi nhận được tại địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.
Trên báo Lao Động (bản in) số ra ngày 29.8, PV có cơ hội tái hiện chi tiết và đầy đủ hơn câu chuyện được quan tâm. Bài viết đăng lại trên ấn bản điện tử thể hiện khá rõ bối cảnh, nhân vật mà PV tiếp xúc, trích dẫn. Cả bản tin đầu tiên lẫn bài viết ở báo in đều xác định, không gian câu chuyện hoàn toàn diễn ra trên địa phận Bình Định.
Nói vùng giáp ranh, không có nghĩa là nói tới phạm vi quản lý của Gia Lai, tương tự như chuyến truy quét vừa rồi, liên ngành Gia Lai cũng chỉ tự khoanh định ở lâm phần Kbang thay vì tràn lấn sang Vĩnh Thạnh. Chưa kể, câu chữ trên Lao Động điện tử không thể rõ ràng hơn. Xin nêu dẫn chứng bằng câu dẫn nhập: “Khu vực sông Kôn thuộc xã Vĩnh Kim…”.
Ví dụ khác, ở đoạn còn lại: “Tại Vĩnh Kim, bất chấp việc chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm tuyên bố tăng cường kiểm soát, dòng gỗ lậu vẫn miệt mài, ngất nghểu trên những chiếc xe máy…”. Rất lạ là trong khi cơ chức năng phía Bình Định chưa có ý kiến gì thì phía Gia Lai đã tự nhận về mình để rồi lên tiếng chỉ trích tại một cuộc họp báo rằng Lao Động thông tin sai sự thật!
Nhân đây, xin nêu một thắc mắc, cũng liên quan đến đời sống lâm nghiệp khu vực giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định. Đó là việc người dân thị xã An Khê công nhiên lấn chiếm và đe dọa tấn công bằng hung khí trên lâm phần Cty TNHH Lâm nghiệp sông Kôn, ngăn cản chủ rừng triển khai kế hoạch sản xuất – kinh doanh thường niên trên phần đất của mình.
Mối quan hệ căng thẳng, quá khích kéo dài hàng thập kỷ qua được Lao Động phản ánh qua phóng sự “Hút chết ở Hòn Mum” (ngày 31.7), trong đó có chi tiết PV bị chửi bới, nhục mạ, bị kề rựa đến tận cổ đòi sát hại, thủ tiêu. Vụ việc, ngoài thông tin trên báo, còn được phản ánh trực tiếp tới lãnh đạo UBND xã Cửu An và thị xã An Khê. Chưa hết, Lao Động cũng kiến nghị cơ quan cấp tỉnh hai bên cần sớm ngồi lại bàn giải pháp tháo gỡ.
Một bức tranh sôi sục, nóng bỏng, rất dễ dẫn tới nguy cơ “máu chảy đầu rơi” như thế vì sao vẫn chưa thấy tỉnh Gia Lai lên tiếng? Trên thực tế thì người của Cty Sông Kôn đã từng bị đánh thành thương tích, còn trạm trại giữ rừng thì bị phóng hỏa thiêu trụi. (Lao Động 13/10) đầu trang(
Vụ cất giấu hơn 14m3 gỗ nhóm 2 trái phép vừa được phát hiện tại khu vực rừng giáp ranh giữa địa bàn huyện Đông Giang với huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) một lần nữa đặt ra lời cảnh báo về nạn phá rừng tại khu vực này.
Vùng giáp ranh này được xem là “lãnh địa” để nhiều đối tượng vận chuyển, tập kết và khai thác trái phép lâm sản.
Cách địa phận Đà Nẵng chỉ chưa đầy chục cây số, ngã ba Trung Mang (xã Ba, Đông Giang) từ lâu đã thành điểm đỗ quân của lâm tặc và vàng tặc từ tứ xứ. Từ Trung Mang, rẽ ngoặt vào sâu hướng rừng giáp ranh (thuộc địa phận xã Tư, Đông Giang) là đích đến của những đối tượng phá rừng.
Tại đây, một thời rộ lên nạn khai thác lâm khoáng sản trái phép. Trước sự truy quét gắt gao của cơ quan chức năng và sự cạn kiệt của nguồn tài nguyên, nạn “phá sơn lâm” dần lắng xuống nhưng vẫn âm ỉ trong lòng “hẻm cụt”.    Gọi là “hẻm cụt” bởi con đường nhựa dẫn vào xã Tư chỉ chừng hơn chục cây số, nhưng dọc hai bên “xương sống” từng là tuyến đường vận chuyển gỗ lậu và khai thác vàng trái phép, chằng chịt những đường nhánh xẻ sâu vào rừng từ nhiều năm trước.
Tay xe ôm người bản địa đã phải mất hơn nửa giờ đồng hồ đưa PV vượt qua đoạn đường đất gồ ghề vào Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa) đóng tại xã Tư. Để đến được hiện trường vụ cất giấu hơn 14m3 gỗ nhóm 2 vừa được cơ quan chức năng phát hiện vào ngày 6.10, lại phải băng bộ sâu vào trong rừng.
Con đường đến nơi cất giấu bãi gỗ lậu được “khai phá” khá hoàn chỉnh, xe tải hai cầu có thể vào đến tận nơi, cách trạm Cà Nhông chỉ chưa đầy 2km. Lâm tặc liều lĩnh tập kết hai bãi gỗ ngay sát đường, mỗi bãi từ 30 – 36 phách gỗ xẻ, chủ yếu là kiền kiền và gõ.
Tổng cộng có 66 phách gỗ xẻ với khối lượng lên đến 14,366m3, nằm ở khoảnh 5, tiểu khu 37, thuộc khu vực rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, hoàn toàn không có dấu búa kiểm lâm.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa cho biết: “Nhận được tin báo của quần chúng, lực lượng kiểm lâm trạm Cà Nhông đã lên đường tuần tra, phát hiện số gỗ nói trên được tập kết tại hiện trường. Đội tuần tra hiện vẫn chưa xác định được chủ sở hữu của số gỗ nói trên. Hiện chúng tôi chỉ mới ghi nhận hành vi “cất giấu gỗ trái phép”, còn việc có khai thác trái phép hay không cần phải tiếp tục điều tra, xác định nguồn gốc gỗ”.
Nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm và chính quyền huyện Đông Giang cũng lập tức có mặt, lập biên bản vụ việc. Địa điểm tập kết gỗ thuộc địa phận xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Tại hiện trường, có dấu hiệu số gỗ trên sẽ được tập kết và vận chuyển qua địa phận xã Tư, cũng là khu vực khá phức tạp về nạn khai thác gỗ và khoáng sản trái phép từ nhiều năm nay. Đây được xem như một “lãnh địa” của lâm tặc và vàng tặc, trở thành điểm nóng của huyện Đông Giang trong nhiều năm qua, đồng thời gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo vệ.
Ông Đinh Văn Hươm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói: “Lợi dụng địa bàn giáp ranh, công tác phối hợp chưa chặt chẽ nên lâm tặc và vàng tặc thường xuyên tổ chức khai thác trái phép lâm khoáng sản trên địa bàn này. Rất nhiều biện pháp đã được triển khai để ngăn chặn, song vẫn chưa thể xử lý triệt để tình trạng này”.
Cả đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang và Hạt Kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa đều thừa nhận tình trạng khai thác gỗ trái phép ở địa bàn giáp ranh xã Tư và xã Hòa Bắc diễn ra phức tạp từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, công tác phối hợp chưa đồng bộ và sự thiếu ăn ý trong triển khai truy quét, đẩy đuổi và xử lý các đối tượng vi phạm khiến tình hình trên âm ỉ tái diễn.
Trở lại vụ việc 14m3 gỗ trái phép được phát hiện, việc lập biên bản và đưa ra phương án xử lý số gỗ tang vật ban đầu gặp những bất đồng. Lực lượng kiểm lâm hai địa phương đã có cuộc “hội ý” bất đắc dĩ giữa rừng, tuy nhiên đại diện chính quyền huyện Đông Giang kiên quyết yêu cầu phải thống nhất biên bản kiểm đếm số gỗ, xác định nguồn gốc gỗ và phương án xử lý tạm thời mới đồng ý cho Hạt Kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa đưa số gỗ ra khỏi hiện trường.
Ông Đinh Văn Hươm khẳng định: “Cơ quan điều tra của huyện Đông Giang phải xác định được nguồn gốc gỗ tang vật và hoàn thành hồ sơ kiểm đếm, số gỗ tang vật mới được phép chuyển ra khỏi hiện trường”.
Ông Hươm cho biết, khi lập biên bản ban đầu tại hiện trường, phía kiểm lâm Đà Nẵng có một biên bản thể hiện chỉ phát hiện 17 phách gỗ với khối lượng nhỏ hơn nhiều, trong khi hiện trường vụ việc có hai nơi tập kết với số lượng từ 30 - 36 phách, thiếu đồng nhất với biên bản kiểm đếm của kiểm lâm Đông Giang. Sau hơn 2 ngày bảo vệ hiện trường, kiểm đếm và xác định chính xác khối lượng gỗ tang vật, thống nhất bằng biên bản làm việc giữa cơ quan chức năng hai địa phương, chiều 9.10, số gỗ trên mới được vận chuyển về tạm giữ.
Trao đổi với PV Báo Quảng Nam về công tác quản lý và bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh, ông Đinh Văn Hươm cho biết: “Tình trạng lén lút khai thác gỗ trái phép vẫn tiếp diễn một phần do sự thiếu chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng của hai địa phương. Khi chúng tôi truy quét, lâm tặc lại tìm cách tháo chạy sang địa phận quản lý của Đà Nẵng và ngược lại, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Việc phát hiện hơn 14m3 gỗ này, quan điểm của huyện là đưa cơ quan điều tra vào cuộc, xác định nguồn gốc, đối tượng khai thác gỗ, phối hợp với Công an huyện Hòa Vang làm rõ vụ việc để có cơ sở xử lý sau này”.
Theo phân cấp, vụ việc được bàn giao cho Hạt Kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa và cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng tiếp tục điều tra xử lý. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và đại diện Hạt Kiểm lâm Đông Giang khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp điều tra, làm rõ vụ việc trên để xử lý. “Trước mắt chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, chốt chặn các điểm xung yếu trên địa bàn huyện, quyết liệt chấn chỉnh tình trạng này” - ông Hươm nói. (Báo Quảng Nam 13/10) đầu trang(
12/10, ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, ngành chức năng của huyện phối hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thu giữ số lượng gỗ quý được phát hiện tại khu vực rừng giáp ranh giữa Đông Giang và huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Thông ông Hươm, vào ngày 6/10, qua tin báo của người dân, lực lượng kiểm lâm thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, TP Đà Nẵng) đã phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 37, rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa 2 bãi tập kết gỗ với khối lượng hơn 14,3 m3, gồm 66 phách. Trong đó 11 phách gỗ gõ và 55 phách gỗ kiền kiền. Số gỗ này không có dấu búa của kiểm lâm.
Hiện số gỗ được vận chuyển về Trạm kiểm soát lâm sản Dốc Kiền, huyện Đông Giang để điều tra, xử lý. (Nông Nghiệp Việt Nam 13/10) đầu trang(
Chiều 10-10, Công an huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho biết đang điều tra, truy tìm thủ phạm vụ chặt hạ cây gỗ hương quý trong Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Trước đó, trong lúc tuần tra, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn phát hiện một cây gỗ hương lớn bị lâm tặc chặt hạ tại tiểu khu 409, thuộc lâm phần quản lý của Trạm Kiểm lâm số 8.
Được biết, đây là cây hương quý được bảo tồn để làm giống, có đường kính 1,3m và khối lượng 5,2m³   gỗ. (Sài Gòn Giải Phóng 11/10, tr6) đầu trang(
Lúc 21 giờ ngày 11-10, trên QL19 (đoạn qua xã Bình Tường, H. Tây Sơn, Bình Định), Phòng CSĐTTPVTTQLKT&CV- CA tỉnh Bình Định và Hạt kiểm lâm H. Tây Sơn phát hiện, bắt quả tang ô-tô BKS 77C-01552 do Nguyễn Hữu Đức (20 tuổi, trú TT Vĩnh Thạnh, H. Vĩnh Thạnh, Bình Định) điều khiển chở gần 5m3 cà-te và gỗ hương.
Tài xế Đức khai chở thuê số gỗ này từ H. Vĩnh Thạnh đến H. Tuy Phước (Bình Định) cho một chủ hàng không rõ họ tên. (Công An TP Đà Nẵng 13/10) đầu trang(
Trước những hành vi ngang nhiên chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng, mới đây, UBND huyện An Lão (Bình Định) đã vào cuộc.
Lãnh đạo huyện này đã chỉ đạo cho công an huyện khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng; trong đó có Nguyễn Văn Hùng, trú tại thôn Xuân Phong Tây, xã An Hòa (An Lão).
Trước đó, Nguyễn Văn Hùng và một số đối tượng khác đã có hành vi cản trở, chống lại việc kiểm tra, kiểm soát lâm sản, gây rối, làm mất an ninh trật tự tại Trạm quản lý bảo vệ rừng An Toàn III.
Cách đây 5 tháng, nhiều đối tượng xâm hại rừng đã có hành vi cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa được xử lý nghiêm. Do đó, các đối tượng này liên tục gây ra các vụ chống người thi hành công vụ, thách thức pháp luật đã khiến chính quyền địa phương phải mạnh tay trừng trị. (Nông Nghiệp Việt Nam 10/10) đầu trang(
Các nhà bảo tồn vừa cứu hộ thành công con tê tê bị nuôi trái phép ở Bình Dương, và vận chuyển về Vườn quốc gia Cúc Phương để chăm sóc và tải thả về tự nhiên.
Con tê tê Java nặng 900 gram và mới gần một năm tuổi, được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương tịch thu từ hộ gia đình đang nuôi nhốt trái phép ở thị xã Bến Cát. Theo anh Lê Tuấn Hưng, Kiểm lâm viên phòng pháp chế thanh tra, tê tê được hộ dân này  mua lại từ thợ săn trái phép ở khu rừng tỉnh Bình Phước.
Cá thể hiện được chăm sóc tại khu kiểm dịch Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê, thuộc Trung tâm cứu hộ động thực vật hoang dã quý hiếm Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).
Sau khi kết thúc giai đoạn kiểm dịch, tê tê sẽ được theo dõi sức khỏe và tập tính để đánh giá khả năng tái thả lại tự nhiên, theo thông báo phát đi hôm qua của Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã.
"Với quyết định chuyển giao con tê tê cho Vườn quốc gia Cúc Phương, chúng tôi hy vọng nó sẽ dần phục hồi sức khỏe và sớm được thả về tự nhiên", anh Hưng nói.
Theo anh Lương Tất Hùng, cán bộ cứu hộ của chương trình, lần đầu tiên sau 4 năm, tê tê tịch thu được chuyển giao đến Chương trình thú ăn thịt và tê tê để cứu hộ là tín hiệu đáng khích lệ trong công tác bảo tồn ở Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ hơn nữa với lực lượng kiểm lâm trong cả nước để ngày càng có nhiều động vật sau tịch thu được chuyển giao về các Trung tâm cứu hộ thay vì phải bán thanh lý", anh Hùng cho biết thêm.
Tê tê Java (Manis javanica) là loài quý hiếm đang bị đe doạ tuyệt chủng ở mức nguy cấp theo Sách đỏ Việt Nam. Chúng được ghi nhận là một trong những loài bị săn bắt và mua bán trái phép nhiều nhất trên thế giới vì mục đích lấy thịt và làm thuốc. (VnExpress 11/10) đầu trang(
Ngày 10.10, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng (Đồng Tháp) đã làm thủ tục nhận một con rắn hổ mang chúa nặng 6,3 kg, dài hơn 3 m từ Công an xã Phú Đức (H.Tam Nông) để thả về tự nhiên.
Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 9.10, một nhóm thanh niên phát hiện con rắn rất to nằm cuộn tròn dưới sàn nhà người dân nên dùng gậy gộc tấn công làm rắn bất tỉnh, mang đến giao cho Công an xã Phú Đức.
Công an xã đã báo cho Hạt Kiểm lâm liên H.Tam Nông - Tân Hồng, bước đầu các cán bộ kiểm lâm cho biết đây là rắn hổ mang chúa
Ngày 12.10, ông Nguyễn Hồng Vũ, Trưởng công an xã Phú Đức (H.Tam Nông, Đồng Tháp), nói trong hôm 13.10, công an xã sẽ kiến nghị ngành chức năng quyết liệt xử lý con rắn hổ mang chúa đang giữ tại trụ sở công an xã.
Theo ông Vũ, từ ngày hay tin công an đang giữ con rắn “khủng”, đã có hàng trăm lượt người kéo đến xem, gây ồn ào, mất trật tự.
Điều địa phương lo ngại là người dân và trẻ em tò mò hiếu kỳ chọc phá có thể bị cắn hay phun độc, dù rắn đã bị khóa miệng.
Ông Vũ phân trần: “Mấy cán bộ kiểm lâm nói nó là rắn hổ mang chúa có tên trong Sách đỏ. Nếu là rắn hổ chúa thì nọc độc dữ lắm, nghe nói cắn là không có thuốc chữa. Hiện nay, chúng tôi phải cử công an viên túc trực canh chừng suốt ngày, không cho người dân đến gần xem cũng như đề phòng có kẻ trộm rắn quý. Nhưng lo ngại nhất là rắn sổng bao lưới thoát ra ngoài thì lúc đó nguy hiểm khôn lường”.
Cũng theo ông Vũ, ngành đã báo cho Hạt kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng và đơn vị này đã tới làm biên bản nhận rắn thả về tự nhiên. Nhưng do khi đem rắn giao công an, nhóm người bắt rắn xin được bồi dưỡng số tiền vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng “công bắt rắn độc rất cực”, trong khi đại diện hạt kiểm lâm trả lời không thể hỗ trợ tiền vì đây là động vật hoang dã, quý hiếm, cấm săn bắt. Hai bên không thống nhất được nên nhóm người bắt đòi lại rắn.
Theo ông Vũ, nếu trả lại rắn cho nhóm người bắt được sẽ rất nguy hiểm trong trường hợp rắn sổng ra hay bị người dân làm thịt. Trong khi ngành kiểm lâm vẫn chưa đồng ý hỗ trợ tiền bắt rắn, công an sẽ báo cáo lên UBND xã sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, nhằm tránh việc rắn sổng hay yếu mà chết. (Thanh Niên 13/10) đầu trang(
Đầu năm đến nay, ngành lâm nghiệp tiếp tục thực hiện trồng cây phân tán với số cây trồng ước đạt 5,54 triệu cây. Số cây phân tán này chủ yếu do thành phần kinh tế cá thể thực hiện.
Trong 9 tháng qua, diện tích rừng trồng mới tập trung không phát sinh. Nguyên nhân là do diện tích rừng sau khi khai thác hiệu quả kinh tế không cao nên được chuyển đổi mục đích sử dụng cho chăn nuôi thủy sản hoặc gieo trồng các loại cây khác có hiệu quả cao hơn.
Song song với công tác trồng và chăm sóc rừng, ngành lâm nghiệp cũng triển khai tập huấn phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm và đầu tư thiết bị phòng cháy, chữa cháy ở những nơi trọng điểm.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm vẫn xảy ra 1 vụ cháy đồng cỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim với diện tích 0,64ha. Do công tác phòng cháy, chống cháy được thực hiện tốt nên vụ cháy đã được phát hiện sớm, công tác chữa cháy thực hiện kịp thời nên đám cháy được khống chế, dập tắt, không gây thiệt hại về rừng. (Báo Đồng Tháp 10/10) đầu trang(
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và ngành chức năng, thời gian qua, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp.
Các đối tượng phá rừng ngang nhiên dùng cưa máy khai thác lượng gỗ lớn rồi sử dụng xe máy “độ chế”, cộ bò vận chuyển đi tiêu thụ. Mặc dù các đơn vị bảo vệ rừng đã triển khai nhiều biện pháp truy quét nhưng kết quả đạt được chưa cao.
Để ngăn chặn triệt để nạn phá rừng, Sở NN&PTNT đã triển khai mô hình hoạt động Tổ kiểm tra, kiểm soát lâm sản lưu động liên ngành. Theo đó, mô hình gồm có 3 tổ, mỗi tổ 10 thành viên, áp dụng thí điểm ở địa bàn các huyện Ninh Sơn và Bác Ái.
Phạm vi hoạt động của Tổ số 1 và 2 ở khu vực Tà Lâm, Tà Nôi, tuyến đường Ma Nới-Gia Hoa, các Tiểu khu 108, 116, 112,114,118,120… thuộc xã Ma Nới, nằm trong lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ninh Sơn và khu vực giáp ranh với các huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng). Tổ số 3 hoạt động ở khu vực xã Phước Hòa, giáp ranh với xã Phước Bình, xã Phước Tân (Bác Ái), dọc tuyến đường Ninh Bình- Phước Bình, trong lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến.
So sánh với các tổ chức bảo vệ rừng đã được thành lập trước đây, mô hình này hoạt động chặt chẽ hơn, nhất là sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội và chính quyền các cấp. Các tổ được trang bị phương tiện và những quyền hạn nhất định, đủ mạnh để trấn áp có hiệu quả đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép.
Cụ thể, được phép sử dụng ấn chỉ của Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR để thực hiện nhiệm vụ; sử dụng biên bản vi phạm của cảnh sát giao thông để lập biên bản vi phạm thuộc lĩnh vực trật tự giao thông. Khi cần phải tăng cường lực lượng truy bắt các đối tượng vi phạm, tổ trưởng được phép huy động nhân viên của đơn vị bảo vệ rừng…
Nhờ có cơ chế hoạt động trên, nên mô hình thu được nhiều kết quả. Sau 3 tháng hoạt động, các tổ đã đồng loạt ra quân, tổ chức 278 đợt truy quét, với 1.709 lượt người tham gia. Qua đó, đã phát hiện 140 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ hơn 20 m3 gỗ các loại, 116 xe máy “độ chế”, 21 cưa máy, một số động vật hoang dã…
Đánh giá về kết quả của mô hình, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: Các mũi tấn công, truy quét có tác động mạnh mẽ đến đối tượng không còn liều lĩnh như trước, xóa bỏ các điểm nóng về phá rừng. Việc thu giữ lượng lớn xe máy “độ chế” đã lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, đem lại lòng tin của nhân dân. Đó là chưa kể qua thực hiện mô hình, ý thức về chấp hành pháp luật của cộng đồng dân cư và các đối tượng vi phạm chuyển biến rõ nét.
Tuy vậy, quá trình triển khai mô hình vẫn còn bộc lộ hạn chế, đó là chưa lường hết những khó khăn về địa hình rộng, hệ thống giao thông miền núi phức tạp, nên khi tổ chức truy quét, đối tượng phá rừng vẫn còn luồn lách theo đường mòn vận chuyển gỗ lậu trót lọt. Một số phần tử manh động đã ngưng hình thức dùng cưa máy khai thác chuyển sang thuê đồng bào dân tộc thiểu số đốn gỗ bằng cưa tay, rìu và dùng sức người gùi, vác gỗ băng qua đồi dốc, sông suối trốn tránh lực lượng kiểm tra, kiểm soát.
Từ thực tế trên, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh cho phép tiếp tục kéo dài thời gian hoạt động của mô hình đến tháng 4-2015, để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán khai thác gỗ trái phép; đồng thời, xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình sang các địa phương có rừng trong tỉnh. (Báo Ninh Thuận 9/10) đầu trang(
Hội nghị LHQ về Công ước đa dạng sinh học (ĐDSH) lần thứ 12, được gọi là COP12, đang diễn ra tại Pyeongchang, miền đông Hàn Quốc, sẽ kéo dài đến 17-10 tới.
Các đại biểu thảo luận nhiều biện pháp mang tính bền vững trong việc khai thác các loài thực vật và động vật trên Trái Đất.
Khoảng 20.000 đại biểu đến từ hơn 194 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự là quan chức chính phủ, các nhà hoạt động môi trường và các doanh nhân trên thế giới. Một hiện trạng đáng báo động được đưa ra thảo luận tại đây, là các giống loài sinh học đang bị mất dần, quần thể sống tự nhiên bị hủy hoại, hệ sinh thái bị xuống cấp.
Quỹ thiên nhiên hoang dã (WWF) công bố một bản báo cáo đáng quan ngại cho biết trong vòng 4 thập kỷ từ 1970 đến 2010, số lượng các loài động vật hoang dã trên trái đất đã giảm đi một nửa. Báo cáo của LHQ cũng ghi nhận tình trạng phá rừng vẫn tiếp tục với nhịp độ "đáng báo động”.
Trong khi rừng Amazon tiếp tục thu hẹp thì diện tích phủ rừng ở Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục giảm. Quần thể chim hoang dã sống trong các vùng thảo nguyên, rừng tại Bắc Mỹ và châu Âu đã giảm 20% từ năm 1980 đến nay.
COP 12 sẽ thông qua một "Lộ trình Pyeongchang” hoạch định các bước hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ giai đoạn sau 2015 và một "Tuyên bố Gangwon” là các kết quả hội nghị.
Liên quan đến nỗ lực phục hồi rừng và bảo tồn ĐDSH, trong hai ngày 10 và 11 tháng 11 tại TP Sydney của Australia, Hội nghị Thượng đỉnh về Rừng mưa nhiệt đới Châu Á – Thái Bình Dương sẽ diễn ra với sự tham gia của các Bộ trưởng và quan chức cấp cao từ các quốc gia có rừng mưa nhiệt đới, các nước tài trợ, chuyên gia cao cấp từ các tổ chức phi chính phủ.
Các đại biểu sẽ trao đổi về các công cụ, giải pháp nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển trong quản lý rừng và thay đổi mục đích sử dụng đất ở cấp quốc gia. Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến khẳng định Việt Nam sẽ tham gia hội nghị giàu ý nghĩa này. (Đại Đoàn Kết 11/10, tr13) đầu trang(
Đó là 2 trong 15 ý tưởng đề xuất các dự án tài trợ của Văn phòng Ban chỉ đạo Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tại Việt Nam được đặc biệt quan tâm tại chương trình Đối thoại Quốc gia Quỹ môi trường toàn cầu Việt Nam chu kỳ 6, giai đoạn 2014 - 2018 trong 7-8/10 tại Hà Nội.
Chủ trì đối thoại có Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hả, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, và ông William Ehlers, Trưởng ban đối ngoại Quỹ Môi trường Toàn cầu.
Qua 2 ngày đối thoại, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đến từ Quỹ môi trường toàn cầu, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT Việt Nam và các Bộ ngành liên quan đã tập trung vào các vấn đề: Các định hướng, chương trình hoạt động của chu kỳ 6; xác định ưu tiên của Việt Nam cho chu kỳ 6 giai đoạn 2014 -2018; tăng cường điều phối Quốc gia trong các hoạt động của GEF và chia sẻ kinh nghiệm từ việc thực hiện các dự án GEF; lồng ghép các hoạt động của GEF vào việc lập quy hoạch, kế hoạch; thúc đẩy hợp tác với khối tư nhân, tổ chức xã hội và các nhà tài trợ trong lĩnh vực môi trường...
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động vận động tài trợ và xây dựng dự án từ nguồn tài trợ của GEF. Tổng kinh phí đã nhận được từ GEF gồm 130 triệu USD tài trợ trực tiếp cho 51 dự án quốc gia và 43 dự án khu vực mà Việt Nam có tham gia.
Ngoài ra, GEF đã giúp đỡ Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ quốc gia khi tham gia Công ước Quốc tế, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường đang ngày càng gia tăng về quy mô cũng như độ phức tạp. Nhờ có sự giúp đỡ của GEF, các vấn đề về hóa chất, chất thải nguy hại, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, suy thoái đất, nguồn nước... đã phần nào được giải quyết, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: ‘Trước những thách thức về môi trường, chúng ta không thể xử lý một cách đơn lẻ, cục bộ. Các chương trình, dự án cần được xây dựng theo cách tiếp cận lồng ghép, tổng hợp, giải quyết đa lĩnh vực. Đối thoại lần này là cơ hội để các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và các cơ quan quản lý, các tổ chức phi chính phủ cùng nhau hỗ trợ đưa ra giải pháp chung về sự hợp tác từ chuẩn bị dự án ưu tiên đến chung tay triển khai thực hiện cho các vấn đề môi trường của Việt Nam cũng như của khu vực...”.
Còn theo bà Victoria Kwakwạ - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Là quốc gia đầu tiên tổ chức đối thoại quốc gia về GEF nhiệm kỳ 6, Việt Nam cần chú trọng đi đôi giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. WB sẽ cùng với GEF hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vần đề về môi trường, về chiến lược, chính sách... để GEF Việt Nam trở thành tổ chức quan trọng trong diễn đàn môi trường Thế giới”.
Về các chiến lược lĩnh vực trọng tâm GEF 6, các chuyên gia tập trung vào các vấn đề: Các nhân tố làm suy thoái môi trường; đưa ra các giải pháp tổng hợp đối với những thách thức toàn cầu được liên kết với nhau; đẩy mạnh mối quan hệ chặt chẽ với các bên liên quan khác nhau; tài chính cho sự chống chịu và thích ứng; đảm bảo sự bổ sung và sức mạnh tổng hợp về tài chính khí hậu. Chiến lược mới giúp GEF trở thành một tổ chức trung tâm hơn trong diễn đàn môi trường quốc tế và giúp đạt được những tác động ở quy mô toàn cầu...
Kết thúc đối thoại, thay mặt Quỹ Môi trường toàn cầu ông William Ehlers, Trưởng ban đối ngoại GEF đã chọn ra 7 trong số 15 ý tưởng đề xuất dự án tài trợ của GEF tại Việt Nam. Đó là: Phát triển đô thị bền vững; bảo tồn động vật hoang dã; giảm phát thải các-bon; kiểm soát các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; tăng cường hợp tác bảo vệ các nguồn nước quốc tế; các cơ chế đa dạng sinh học và đảm bảo cơ chế tài chính bền vững.
Trong 7 ý tưởng này, phát triển đô thị bền vững và bảo tồn động vật hoang dã là hai ý tưởng được đặc biệt quan tâm. (Tài Nguyên & Môi Trường 9/10, tr3) đầu trang(
Vào dịp tháng 8 - 10 âm lịch, từng đàn chim di trú bay về đều không thoát được "thiên la địa võng" của những tay thợ bẫy chim giăng đầy trên những cánh đồng, cửa biển.
Riêng ở Nghệ An có đến hàng ngàn tay bẫy mỗi ngày bắt được hàng chục tấn chim các loại . Mùa thu này trên khắp các ngả đường, các chợ, các quán ăn đều bày bán đặc sản chim trời.
Đến huyện lúa Yên Thành (Nghệ An) thấy cò đậu trắng đồng, cứ nghĩ đây là vùng “đất lành, chim đậu" phong cảnh hữu tình, nhưng anh bạn đồng nghiệp đi cùng bảo: “Đó là cò máy, cò mồi của các tay bẫy cò đó. Bây giờ là mùa thảm sát chim trời. Mỗi cánh đồng ít nhất cũng có 5-6 tay bẫy”.
PV tiếp cận Phi, một tay có thâm niên bẫy cò được anh tâm sự: “Cứ đến tiết tháng 8- tháng 10 âm lịch, cò về rất nhiều, các loài chim khác cũng kéo nhau về từng bầy nhưng tui chỉ bẫy độc cò.
Đồ nghề bẫy cò không phức tạp lắm! Một chú cò mồi, vài trăm con cò đẽo, 5 trăm trăm que nhựa...Nhưng quan trọng nhất là cò mồi. Muốn bẫy được nhiều phải ra đồng từ sáng sớm, ra đồng chọn địa điểm thích hợp rồi cắm nhựa.
Tiếp đến đặt khoảng 7 - 8 con cò "máy" cò máy là cò sống may mắt lại buộc dây cho đứng gần nơi đặt nhựa. Người ngồi nấp trong một chiếc bu làm bằng lá cây che kín, tay cầm cây sào dài khoảng 2m, có một con cò mồi đứng phía trên, cứ nhìn phía hừng đông thấy bầy cò xuất hiện là dùng cò mồi dồi lên hạ xuống để cò trên trời chú ý- kết hợp giật dây để cò máy xõa cánh máy liên tục, dụ bầy cò trên trời bó cánh lao xuống.
Rứa là a lê hấp - Cò lao xuống xõa cánh đậu kiểu chi cũng dính nhựa, nỏ có con mô thoát. Trước đây mỗi mùa tui cũng kiếm được mươi triệu đồng, gấp mấy lần làm ruộng nhưng nay kiếm được ít hơn vì thấy bở ăn nên nhiều người sắm đồ nghề đi bẫy, riêng xóm tui là 17 người . Khiếp thật mùa ni hầu như làng mô, xã mô, huyện mô cũng có người bẫy cò".
Chứng kiến những tay bẫy ở cánh đồng Vĩnh Thành một buổi sáng mà chóng mặt: Hơn chục đàn cò, mỗi đàn 50 - 200 con đều không thoát được "thiên la địa võng" đầy chết chóc này.
Đi "tham quan" ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Đô Lương đều thấy cò đậu trắng đồng - nhưng đó chỉ là cò mồi, cò máy của những tay bẫy cò.
Không chỉ bẫy cò mà các loài chim di trú khác cũng không thể thoát được “thiên la địa võng” găng đầy khắp các cánh đồng, cửa biển. Kiên, một tay bẫy ở cửa biển Diễn Thành, Diễn Châu cho biết: Trước đây bọn tui giăng lưới rồi thổi bằng mồm (giả tiếng kêu của chim), ngày may mắn cũng được vài, ba chục con nhưng bây giờ nhờ có các đĩa casseter thu tiếng kêu các loài chim nên mần ăn được - có ngày tui tóm được vài trăm con.
"PV hỏi:" Cách bẫy như thế nào?". Kiên hào hứng:" Bọn tui giăng lưới ở mép đường, đoạn đường dọc theo bờ biển. lưới cao 2m, dài ngắn tùy ý nhưng ít nhất là 100m.
Khâu thứ hai là bật loa phát tiếng kêu của chim. loài chim di trú bẫy lưới được chủ yếu là gà lôi, trích, cà cà. Những loài chim này rất thính, cách 1km chúng đã nghe tiếng kêu, tưởng là tiếng của đồng loại nên đồng loạt bay đến, chúng bay rất thấp cứ lao vùn vụt không có "số lùi" nên dính lưới- nỏ có con mô thoát được vì chân của chúng ngón dài luôn quắp lại.
Mùa này tui huy động cả nhà trực cả ngày lẫn đêm gỡ chim để mang đi bán. Giá chim năm nay tăng! Gà lôi 60.000 đồng/con; cà cà 20.000 đồng/con; trích 30.000 đồng/con; cò 40.000 đồng/con. Nhờ có nghề bẫy chim mà tui tậu được con xe máy và trang trải cho 5 đứa con ăn học".
Kiên dẫn PV ra xem "trận đồ bát quái" của những tay thợ bẫy chim bên bờ biển. Dọc theo mép đường thấy lưới giăng dài qua cả 2 xã Diễn thành và Diễn Thịnh; Tiếng các loài chim từ đài cassette kêu loạn xạ; Chim dính lưới liên tục người ta chạy như con thoi để gỡ. Kiên cho biết ở vùng cửa biển này có 20 tay bẫy mỗi ngày tóm cổ khoảng vài ngàn con chim các loại.
Những dịp này khắp trên các ngả đường, các chợ, các quán ăn ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa đều bày bán đặc sản chim trời. PV đã đi đến một số chợ ở Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Yên Thành - mỗi chợ một ngày tiêu thụ ít nhất 4 - 5 ngàn con chim, chủ yếu là cò trắng, gà lôi trích, cà cà.
Riêng chợ Vinh một ngày tiêu thụ ít nhất 1 tấn chim các loại. Tòng, một lái chim ở TP Vinh cho biết một ngày anh thu gom được trên 2 tấn chim để nhập cho các quán ăn...
Những chú chim bị trói cánh, trói chân, khâu mắt đưa đến chợ chỉ một chốc là được mua sạch bởi thịt chim ngon và rẻ. Dân nhậu rất khoái khẩu món này, chỉ một vài con là đủ cho bữa nhậu; Vài con là một gia đình có bữa ăn tươi ngon lành bằng món rán hay xào cà...
Nhà nào tiết kiệm thì băm viên chưng mặn ăn dè. Thịt chim có thể chế biến được rất nhiều món như: Chim quay, rán, nướng, sả ớt, chua ngọt, rô ti, xào cà, xáo măng, xáo mùng...
Chim bán ở chợ muốn mua về nấu liền cũng sẵn chim đã được thui vàng. Và người mua muốn tận mắt chứng kiến mặt hàng tươi sống cũng chiều luôn - người bán sẵn sàng phục vụ thượng đế tại chỗ như vặt lông, thui vàng và mổ bụng. con chim bị vặt từ đầu đến đuôi trọc trũi sau đó được thui trên ngọn lửa đớn đau cho đến chết và sém vàng.
Có kẻ không muốn con chim chịu đựng đớn đau khi vặt lông thì “nhân đạo” hơn túm lấy hai chân chim đập mạnh đầu vào cột chợ hay ném bộp xuống đất cho chết rồi mới vặt.
Chiêu độc nhất vô nhị vẫn là các chủ quán. Họ mở dây trói cho chim vào một cái nồi lớn đậy vung lại sau đó nổi lửa đốt . Chim ở trong nồi nóng quá dãy đành đạch, khi nào không nghe tiếng giãy nữa họ mới đổ ra. Lúc ấy chỉ thổi nhẹ, lông chim đã bay vèo vèo rồi.
Với chiêu thức này mỗi lần vặt khoảng ba đến bốn chục con chỉ trong vòng 15 phút. Cô bạn đồng nghiệp đi cùng PV đã rùng mình, nhắm mắt khi chứng kiến cảnh "thịt" chim đó.
Ở huyện Diễn Châu chỉ tính riêng thị trấn đã có trên 30 quán đặc sản chim trời. Mỗi quán trung bình tiêu thụ một ngày ít nhất 200 con chim. Một chủ quán ăn đông khách nhất thị trấn này cho biết: Quán của bà một ngày đêm tiêu thụ từ 600 - 800 con chim.
Cứ tính trung bình mỗi quán 200 con thôi thì 30 quán đã có 6000 con chim bị giết mỗi ngày. Vậy nếu cộng số chim ở các quán ăn, chim bán ở các chợ trên địa bàn Nghệ An thì số chim một ngày bị giết quả là một con số đáng báo động… (Giáo Dục & Thời Đại 9/10, tr8) đầu trang(
Rừng gỗ hương cổ thụ hàng trăm năm tuổi được người làng Grông, xã Ia Kriêng, thuộc huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) xem là báu vật, gắn liền với cuộc sống của người làng.
Lâm tặc với những hành động liều lĩnh đang từng ngày rình chờ thời cơ để đẵn hạ những cây gỗ quý. Nhưng tại làng Grông, rừng hương cổ thụ từ bao năm nay, lâm tặc vẫn không thể hạ nổi một cây. Đơn giản, bởi người làng xem rừng hương như là một báu vật của làng và luôn để mắt tới cả ngày lẫn đêm khiến kẻ xấu bất lực.
Ông Rmah Thin (50 tuổi), một người dân của làng, nói: “Lúc mình còn nhỏ đã thấy rừng hương. Hồi đó thấy cả thú về. Còn chim thì nhiều lắm. Đến mùa là những đứa trẻ như mình vào đây bắt chim con về nhà nuôi. Mỗi lần lên rẫy là mình lại ghé qua xem có ai phá phách gì không. Người làng ai cũng phải gìn giữ rừng gỗ quý như mình thôi”.
Tận mắt thấy khu rừng giáng hương cổ thụ gần cả ngàn cây mới biết được ý thức bảo vệ rừng của người làng Grông. Trên diện tích gần 4 ha rừng, hương cổ thụ mọc san sát, cây cao thẳng đứng hàng 30–40 m. Bởi mọc khá dày nên toàn khu rừng không có cây đường kính lớn, chỉ trung bình độ 70– 100 cm. Những tán cây che kín, tỏa bóng mát rượi cả khu rừng. Đặc biệt, toàn bộ khu rừng chỉ rặt giáng hương.
Ông Rơmah Le, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng cho biết: “Từ những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi đã vận động người dân không phá rừng hương, phát hiện ngăn chặn những người xấu ở nơi khác tới có ý định muốn chặt cây”.
Những cây gỗ quý như giáng hương luôn bị lâm tặc rình rập chặt trộm. Ngay tại khu vực đông Gia Lai, nơi có Vườn quốc gia Kon Ka Kinh hay một số vùng rừng khác ở H.Kbang (Gia Lai), nhiều cây gỗ hương cổ thụ đã biến mất bởi nạn chặt phá trái phép. Còn tại rừng hương cổ thụ ở làng Grông, mỗi mùa vẫn nở hoa vàng rực. Là nơi có những đàn chim cả ngàn con đến trú ngụ.
Đợt xây dựng Quảng trường Đại Đoàn Kết, trong khuôn viên tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên ở TP.Pleiku, một số cây gỗ hương cổ thụ đã được di thực về trồng. Và để bảo vệ rừng hương, cách đây vài năm, chính quyền H.Đức Cơ đã trích ngân sách làm một ngôi nhà nhỏ, thuê hai người canh giữ 24/24 giờ.
Ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND H.Đức Cơ mong muốn: “Nếu có thêm dự án để đầu tư, bảo vệ rừng hương này nữa thì quá tốt, chẳng hạn như rào chắn lại, cho phép chăn nuôi dưới tán rừng, ươm thêm cây hương để nhân giống ra nơi khác... Được vậy, ngoài việc bảo vệ, phát triển rừng, nơi đây còn là một nơi đáng đến khi khách phương xa thăm vùng biên giới”. (Thanh Niên 10/10) đầu trang(
Đó là nội dung Chỉ thị  số 13/CT-UBND được UBND tỉnh ban hành ngày 09/10. Trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, do nhận thức về hậu quả và tính tàn khốc của cháy rừng cũng như ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, Nhân dân trên địa bàn về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng còn chưa cao nên vẫn xảy ra cháy ở một số địa phương làm thiệt hại về diện tích rừng và cây trồng chưa thành rừng.
Theo dự báo của cơ quan Khí tượng Thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu nên thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn trong mùa khô 2014-2015 có khả năng sẽ kéo dài và xảy ra ở nhiều nơi, nguy cơ cháy rừng, thảm thực bì cao.
Để triển khai thực hiện hiện tốt Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 5 tháng 03 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và Công điện số 01/CĐ-BNN-TCLN ngày 03 tháng 01 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phòng cháy, chữa cháy rừng; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Tài chính; Trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ & phát triển rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Tổng biên tập Báo Lai Châu; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung:
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR, nhất là vào thời điểm Nhân dân phát dọn thực bì, đốt nương làm rẫy; gắn trách nhiệm của các chủ rừng và Nhân dân công tác bảo vệ rừng với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; chỉ đạo UBND cấp xã, chủ rừng thực hiện tốt các biện pháp xử lý thực bì, làm giảm vật liệu cháy ở khu vực rừng Thông, Cao su và trồng rừng mới; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa ở khu vực có nguy cơ cháy cao; duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong thời gian nắng nóng, khô hanh của mùa khô 2014-2015.
Củng cố, kiện toàn hệ thống chỉ đạo, điều hành; rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ; xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong suốt mùa khô.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc PCCCR, chủ động và sẵn sàng ứng cứu kịp thời các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Nếu để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng do chủ quan và thiếu trách nhiệm trên địa bàn huyện, thành phố nào thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và cảnh báo cháy rừng trong cộng đồng; tổ chức tốt việc tuần tra canh gác cháy rừng; bố trí, phân công lực lượng tuần tra canh gác cháy rừng trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm khô hanh, đặc biệt chú ý bảo vệ tại những khu rừng phòng hộ đầu nguồn, diện tích rừng trồng tập trung, vùng trọng điểm; tăng cường cán bộ xuống cơ sở, tổ chức hướng dẫn, quản lý chặt chẽ các hoạt động canh tác nương rẫy theo đúng quy định và đúng vùng quy hoạch.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: http://www.kiemlam.org.vn, thông tin tình hình thời tiết, dự báo nguy cơ cháy rừng đến Nhân dân, các chủ rừng, các địa phương trong tỉnh chủ động các biện pháp PCCCR phù hợp.
Khi có cháy rừng và thảm thực vật xảy ra phải kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, tuyệt đối không để cháy lan trên diện rộng; trường hợp cháy lớn vượt quá tầm kiểm soát của cơ sở hoặc chủ rừng phải kịp thời báo cáo cấp trên để tổ chức ứng cứu; phối hợp tiến hành điều tra và xử lý nghiêm mọi hành vi gây cháy rừng theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp: Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn Ban quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng trên địa bàn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc rừng và chủ động áp dụng các biện pháp lâm sinh trong phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ & phát triển rừng cơ sở, các đơn vị, địa phương và chủ rừng về công tác triển khai thực hiện phương án PCCCR.
Thực hiện tốt việc phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; sẵn sàng tăng cường lực lượng, phương tiện tham gia dập lửa cứu rừng khi có lệnh huy động của cấp có thẩm quyền; phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia điều tra, xác minh, nguyên nhân, đối tượng phá rừng, gây cháy rừng, củng cố hồ sơ vi phạm để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện nhiệm vụ PCCCR theo quy định.
Phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xây dựng chuyên mục, nội dung tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và cảnh báo nguy cơ cháy rừng đến các cấp, các ngành và toàn dân.
Tăng cường thời lượng phát sóng đưa tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng để các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền các cấp chủ động phối hợp thực hiện công tác PCCCR đạt hiệu quả cao nhất.
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể thành viên chỉ đạo các cấp hội, các tổ chức thành viên phối hợp với các cấp các ngành tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; sẵn sàng tham gia ứng phó chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. (Báo Lai Châu 10/10) đầu trang(
Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ động vật rừng tại thị trường Trung Quốc cũng như ở nội địa ngày càng lớn; lợi nhuận đem lại từ việc kinh doanh, vận chuyển trái phép động vật rừng thường rất cao...
Do đó đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật rừng luôn bất chấp tất cả để hoạt động, miễn là thu được lợi nhuận. Trong khi chế tài xử lý các vụ vi phạm vận chuyển, kinh doanh trái phép động vật rừng còn quá nhẹ, dẫn đến tính răn đe, giáo dục không cao. Đồng thời, lực lượng Kiểm lâm mỏng, kiêm nhiệm nhiều công tác nghiệp vụ khác của ngành; địa bàn hoạt động trải dài, rộng; phương tiện, thiết bị đấu tranh chống các vi phạm tuy đã được đầu tư, nhưng còn ở mức độ v.v..
Trao đổi cùng PV, ông Từ Tú Bành, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR số 1 Chi cục Kiểm lâm cho biết: Do buôn bán động vật rừng có lợi nhuận cao nên các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép động vật rừng ngày càng manh động, liều lĩnh.
Các đối tượng thực hiện hành vi với nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt và tình trạng chống người thi hành công vụ ngày càng gay gắt. Điển hình như vụ ngày 21-8 mới đây, khi phát hiện phương tiện vận chuyển trên 500kg động vật rừng trái phép, lực lượng Kiểm lâm đã truy đuổi. Nhằm chạy thoát thân và tẩu tán hàng hoá vi phạm, đối tượng điều khiển phương tiện đã cho xe chạy trốn, đồng thời còn dùng gậy sắt đập vỡ kính chắn gió của xe lực lượng Kiểm lâm...
Nhằm đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm về kinh doanh, vận chuyển động vật rừng trái phép, cũng như việc săn, bẫy chim di cư trên địa bàn đạt kết quả, Chi cục Kiểm lâm luôn coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng đối với công tác này.
Đồng thời thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vào cuộc cùng lực lượng Kiểm lâm đấu tranh, tố giác tội phạm vi phạm hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật rừng, săn bắt chim di cư trái phép.
Chi cục Kiểm lâm cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác TTKS, giám sát, quản lý ngăn chặn việc vận chuyển, mua bán, kinh doanh, tiêu thụ động vật rừng và sản phẩm động vật rừng trái phép. Các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp săn, bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, xuất khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật rừng và sản phẩm động vật rừng… phù hợp với điều kiện, đặc thù ở mỗi địa bàn, đơn vị quản lý.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở nuôi nhốt động vật rừng, động vật hoang dã tại địa phương chấp hành đúng quy định của pháp luật và luật pháp quốc tế. Tại các địa bàn biên giới, bố trí lực lượng Kiểm lâm thường trực và TTKS 24 giờ/ngày; công khai các đường dây nóng để mọi người dân tiện liên hệ, phối hợp với lực lượng chức năng xử lý kịp thời các vi phạm.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song 9 tháng 2014, công tác đấu tranh phòng chống hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật rừng, sản phẩm động vật rừng và săn bắt chim di cư ở địa phương... cơ bản đã được kiểm soát và thực hiện nghiêm.
Bên cạnh đó 9 tháng 2014, Chi cục Kiểm lâm còn phát hiện, xử lý trên 100 vụ vi phạm. Thu giữ hơn 3.000kg động vật rừng các loại (trong đó có 1.797kg động vật quý hiếm); trên 10.000 mét lưới bẫy chim di cư... Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và phát mại tang vật vi phạm gần  2,5 tỷ đồng v.v..
Theo ông Phạm Văn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Nhằm đấu tranh, phòng chống hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật rừng, sản phẩm động vật rừng ngày càng hiệu quả và từng bước đi vào nề nếp, bên cạnh việc lực lượng chức năng đẩy mạnh các biện pháp quản lý nhà nước, thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường; bảo vệ các loài động vật rừng; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và Công ước CITES… cũng phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.  (Báo Quảng Ninh 10/10) đầu trang(
Là một trong những địa bàn rộng, có diện tích rừng nhiều với giá trị lâm sản lớn, 5 năm trước, Mộc Châu là “điểm nóng” về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép xâm lấn đất rừng làm nương... số vụ và người vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tăng, số tiền phạt hành chính khá lớn, nhưng khó thu nộp vào ngân sách.
Ông Đào Mạnh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu nói: đến năm 2009, số tiền nợ đọng chưa thu hồi được qua các năm lên tới gần 1 tỷ đồng đã có rất nhiều giải pháp, biện pháp đưa ra để đốc thu số tiền nợ đọng trên nhưng vẫn không đạt được kế hoạch.
Hạt đã tham mưu với UBND huyện ban hành các văn bản thành lập đoàn công tác đốc thu; tiến hành tuyên truyền, vận động và tổ chức đốc thu vào thời điểm thích hợp nên năm 2009 chúng tôi đốc thu được trên 500 triệu đồng, các năm tiếp theo thu được trên 400 triệu đồng, hoàn thành dứt điểm tiền nợ đọng từ nhiều năm trước đó.
Được biết, ngoài tranh thủ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền cơ sở, Hạt Kiểm lâm huyện còn tiến hành phân tích, phân loại các đối tượng; những đối tượng chây ỳ tổ chức đốc thu trước để làm gương.
Trong quá trình đốc thu, ngoài tuyên truyền, giải thích cho người dân, Hạt phối hợp với lực lượng công an, dân quân xã. Hội viên của đoàn thể nào thì đoàn thể đó cùng tham gia vận động và là thành viên của đoàn đốc thu. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức đốc thu phải coi trọng công tác dân vận, giúp người dân hiểu rõ vấn đề, phải linh hoạt và sáng tạo khi xuống với cơ sở.
Ông Đào Mạnh Phong thông tin thêm: Gọi là thành lập đoàn liên ngành đốc thu tiền vi phạm trong xử phạt hành chính, nhưng nhờ làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền và vận động nên đến nay vẫn chưa phải cưỡng chế một trường hợp nào; không ít hộ chủ động mang tiền tới tận nơi nộp cho cán bộ thay vì phải tổ chức đoàn tới nhà tuyên truyền, vận động.
Cái được lớn nhất khi thực hiện việc đốc thu này là ý thức của người dân đã nâng cao, tạo được sự chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là những địa bàn từng được coi là nóng về số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Trong quá trình triển khai, Hạt kiểm soát, rà soát tốt việc xử phạt trước đó của các cơ sở, tránh tình trạng nơi làm nghiêm nơi làm không nghiêm. Đồng thời, xử lý nghiêm những vi phạm để làm gương cho người dân ngay từ cơ sở. Thêm nữa, trong quá trình đốc thu, Hạt chọn lựa thời điểm thích hợp từ tháng 9 đến tháng 12, khi người dân đã thu hoạch xong nông sản.
Với cách làm trên, Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu đã xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng tiền xử phạt vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm diện tích rừng bị phá hằng năm từ 37ha xuống 0,73 ha. Đây là cách làm hay cần được nhân rộng để các huyện, thành phố khác học tập làm theo.
Số tiền xử phạt về các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng toàn tỉnh năm 2013 và 9 tháng năm 2014 là 5,5 tỷ đồng. Nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong công tác đốc thu số tiền này... (Báo Sơn La 10/10) đầu trang(
9/10, UBND huyện đã tổ chức hội nghị Triển khai Phương án  Phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng (PCCCR – BVR) mùa khô 2014 – 2015.
Ông Phạm Quang Nguyên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành viên Ban chỉ huy TKCN – PCCCR, BVR của huyện; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia hiệp đồng PCCCR – BVR trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn – phòng cháy, chưa cháy rừng, bảo vệ rừng (BCH TKCN – PCCCR, BVR), ngay từ đầu mùa khô 2013 - 2014 chính quyền các cấp và các đơn vị chủ rừng đã quan tâm triển khai các hoạt động PCCCR - BVR như kiện toàn BCH, xây dựng phương án PCCCR - BVR, tiến hành phát dọn thực bì, xây dựng các công trình phòng cháy; làm tốt công tác khoanh vùng trọng điểm rừng dễ cháy và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nên trong mùa khô 2013 - 2014 trên địa bàn huyện xảy ra 14 vụ cháy rừng ở các xã Đạo Trù, Đại Đình, Tam Quan và Minh Quang, chủ yếu là cháy dưới tán và cháy thực bì.
Mặc dù số vụ cháy và diện tích thiệt hại có tăng so với mùa khô năm trước tuy nhiên do có sự chuẩn bị tốt và xử lý kịp thời nên không gây thiệt hại nhiều về tài nguyên rừng.
Bước vào mùa khô năm 2014 – 2015, BCH TKCN – PCCCR, BVR huyện đã xây dựng Phương án triển khai nhiệm vụ bảo vệ, PCCCR. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Tăng cường công tác phòng cháy; dự báo cháy rừng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát rừng trong mùa khô; chủ động xây dựng và triển khai phương án PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng với nhân dân trong công tác bảo vệ, PCCCR… giảm thiểu nguy cơ cháy rừng xảy ra.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề kinh phí cho công tác PCCCR – BVR, các biện pháp tuyên truyền đến người dân, việc bố trí lực lượng tại chỗ và những phương án xử lý khi cháy rừng xảy ra…
Kết luận hội nghị, ông Phạm Quang Nguyên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, công tác PCCCR – BVR là việc làm mang tính thường xuyên và liên tục. Do đó ông cũng đề nghị: trong thời gian tới, các ngành, địa phương và các chủ rừng cần phải chủ động hơn nữa trong công tác PCCCR - BVR.
Các cấp, ngành liên quan, các xã – thị trấn và các chủ rừng phải kịp thời xây dựng phương án PCCCR – BVR phải căn cứ vào những quy định hiện hành và sát với thực tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án PCCCR - BVR của các chủ rừng, chủ dự án lâm nghiệp, kịp thời phát hiện và uốn nắn, sửa chữa những thiếu sót trong công tác PCCCR.
Các thành viên BCH TKCN – PCCCR, BVR của huyện cần tích cực hơn nữa trong công tác PCCCR – BVR; cương quyết xử lý những trường hợp thiếu trách nhiệm trong công tác phòng cháy, để xảy ra cháy rừng, mất rừng; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác PCCCR - BVR.
Các ngành, các cấp, các chủ rừng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, PCCCR, liên tục đăng tải các tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện. Ban chỉ huy các cấp, các chủ rừng chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, dụng cụ để tham gia chữa cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại nguy cơ do cháy rừng gây ra.
Tại các khu vực được xác định là “điểm nóng” phải bố trí người trực canh gác lửa rừng. Thực hiện công tác PCCCR - BVR theo phương châm “4 tại chỗ”, duy trì và phát huy sức mạnh của lực lượng PCCCR - BVR tại cơ sở, nhất là các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, làng… (Tamdao.vinhphuc.gov.vn 10/10) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đối với Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Động theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh sau khi kết thúc thanh tra tại đơn vị này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu thu hồi trên 850 triệu đồng về ngân sách và chấn chỉnh nhiều sai phạm về quản lý tài chính tại đơn vị này. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng giao Sở Nội vụ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xem xét đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân Cty cùng lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động.
Những sai phạm tại Cty Lâm nghiệp Sơn Động kéo dài nhiều năm nay kéo theo những bức xúc tố cáo của người dân. Thanh tra Sở NN&PTNT năm 2013 cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm, tuy nhiên việc xử lý chỉ gói gọn ở việc nhắc nhở, rút kinh nghiệm mà chưa đưa ra hướng xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả.
Một trong số những sai phạm nghiêm trọng là hành vi “phá rừng” do sự quản lý, bảo vệ yếu kém của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Sơn Động. Cty Lâm nghiệp Sơn Động đã lợi dụng việc được giao thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên để nhập nhèm phá, bán hơn 20ha rừng…
Năm 2008, Cty Lâm nghiệp Sơn Ðộng được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án cải tạo rừng tự nhiên giai đoạn 2008 - 2012, với tổng diện tích 390 ha. Đến hết năm 2012, Cty này đã thực hiện cải tạo, khai thác được 351,7 ha trên tổng số 390,6 ha được cấp phép.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Sở NN&PTNT khẳng định ngoài việc cải tạo diện tích rừng trên, Cty Lâm nghiệp Sơn Động còn “tiện thể” phá luôn 23 ha rừng tự nhiên với thủ đoạn chuyển sang trồng rừng kinh tế. Diện tích rừng bị phá nằm tại khu vực Khe Rào (xã Bồng Am) và khoảnh 19, đội Ðá Bờ 2, đều nằm trên diện tích Cty được giao quản lý, khai thác và bảo vệ…
Đặc biệt, cùng với việc phá một diện tích rừng tự nhiên rộng như vậy, Cty Lâm nghiệp Sơn Động đã mở hẳn một con đường dài gần 4km chạy xuyên rừng để tẩu tán lâm sản chặt phá núp dưới lý do lấy đường để trồng rừng trên khu núi trọc. Cty này cũng rất "chuyên nghiệp" khi ký hẳn hợp đồng thuê 2 xe tải để đưa lâm sản khỏi rừng…
Kết luận của Sở NN&PTNT khẳng định: Đơn  tố cáo ông Chu Bá Nghĩa, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cty Lâm nghiệp Sơn Động lợi dụng cải tạo rừng tự nhiên để phá rừng hợp pháp là có cơ sở. Việc Giám đốc Cty tự ý chỉ đạo phá 23ha rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế và mở đường qua rừng tự nhiên nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật nghiêm trọng…
Ngoài câu chuyện “phá rừng” mà Thanh tra Sở NN&PTNT phát hiện, thì kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ ra những sai phạm trong công tác quản lý tài chính, đó là Cty còn để nợ thuế đến hết năm 2013 gần 550 triệu đồng. Nợ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên hơn 300 triệu đồng.
Trong giai đoạn 2010 - 2013, Cty chưa thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập với tổng số tiền gần 3,7 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ xấp xỉ 470 triệu đồng. Cũng trong giai đoạn này, Cty thanh toán một số khoản chi phí nhưng không có hóa đơn bán hàng theo quy định với số tiền hơn 920 triệu đồng…
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Sơn Động cùng cán bộ, công chức của Hạt đã buông lỏng quản lý trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn nói chung và và đối với Cty nói riêng, dẫn đến để cho Cty này vi phạm diễn ra trong một thời gian dài không bị phát hiện để có biện pháp xử lý. (Thanh Tra 13/10) đầu trang(
12-10, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết đã ra quyết định thu hồi 13 dự án đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp, trong đó 8 dự án bị thu hồi toàn bộ và 5 dự án bị thu hồi một phần với tổng diện tích hơn 9.000ha.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo các đơn vị thanh lý 14 hợp đồng liên doanh, liên kết sai quy định, không hiệu quả với diện tích hơn 4.387ha.
Trên địa bàn Đắk Nông hiện có 48 đơn vị được tỉnh giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp thực hiện 49 dự án đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp với tổng diện tích được giao và cho thuê là hơn 51.000ha.
Qua kiểm tra mới đây, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp được cho thuê đất, giao rừng đã buông lỏng quản lý và để rừng tự nhiên bị chặt phá với diện tích lớn. Trong khi đó, có hàng ngàn hécta đất lâm nghiệp được giao cho các doanh nghiệp bị người dân xâm chiếm để trồng hoa màu. (Sài Gòn Giải Phóng 13/10, tr11) đầu trang(
Năm 2014, tỉnh có kế hoạch giao khoán gần 107.608ha rừng, đến nay, Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng các huyện, thị xã đã thực hiện giao khoán được 89.718ha, đạt 83% kế hoạch.
Trong đó, diện tích giao khoán rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chuyển tiếp là 17.715ha, diện tích rừng giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh (giao mới) là 72.003ha.
Việc giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng được thực hiện theo các bước như: Họp thôn, bản phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác khoán bảo vệ rừng, quyền lợi, nghĩa vụ của người nhận khoán, điều kiện tham gia nhận khoán, đồng thời tổ chức bình xét đơn và lập danh sách các tổ chức, cộng đồng thôn, hộ gia đình có đủ điều kiện tham gia nhận khoán.
Hiện nay các Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng cơ sở đang tiếp tục lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng, lập hồ sơ giao khoán xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên và bàn giao hiện trường cho các tổ chức, cộng đồng thôn, hộ gia đình cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng. (Báo Bắc Kạn 12/10) đầu trang(
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ngày 10/10, ông Nguyễn Đức Chính - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Cty Lâm nghiệp Đường 9, nhân kỷ niệm 40 năm (1974 - 2014) thành lập Cty này.
Ôn lại quá trình hình thành và phát triển, ông Lê Lữ- Giám đốc Cty Lâm nghiệp Đường 9 cho biết trải qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, từ những ngày đầu hết sức khó khăn của năm 1974, Tổng cục Lâm nghiệp quyết định thành lập Lâm trường Gio Cam, tiền thân của Cty Lâm nghiệp Đường 9 bây giờ, với nhiệm vụ trồng cây phủ xanh nhanh đất trống đồi trọc, trồng rừng chống cát bay cát nhảy ở vùng cát với lực lượng  ban đầu chủ yếu là cán bộ đi B từ các trường, các đơn vị ở miền Bắc chi viện vào làm   nồng cốt. Những người đi gieo mầm trỉa hạt ngày ấy đã phủ xanh đất trống đồi trọc miền tây Đông Hà, tạo nên những cánh rừng đầu tiên khi quê hương được giải phóng.
Năm 1983, đơn vị có tên gọi là Lâm trường Đường 9. Đến năm 2007, đơn vị được chuyển đổi thành Cty TNHH một thành viên Lâm Nghiệp Đường 9, gọi tắt là Cty Lâm nghiệp Đường 9. Nhiệm vụ chính của Cty là đầu tư quản lý trồng, bảo vệ rừng và sản xuất kinh doanh. Hiện tại, Cty đã trồng và đang quản lý 7.400 ha rừng, trong đó có 5.600 ha rừng sản xuất và 1.800 ha rừng phòng hộ với các loại cây trằm, keo, thông nhựa.Trung bình mỗi năm Cty trồng mới từ 250 đến 300 ha rừng và cũng khai thác ngần ấy diện tích rừng sản xuất kinh tế.
Ngoài ra, Cty còn khai thác sản phẩm nhựa thông với khối lượng khá lớn, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2009 đạt 7,5 tỷ đồng thì năm 2013 đạt 20 tỷ đồng...Mục tiêu của Cty là tăng doanh thu năm sau cao hơn năm trước 20% và tăng tỷ suất lợi nhuận vốn nhà nước trên 40% năm...
Với những nỗ lực và phấn đấu hết mình để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Cty đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Quảng Trị, Sở NN-PTNT tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua cho tập thể cá nhân tiêu biểu. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập và phát triển, Cty đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Đức Chính-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đánh gía cao những kết quả mà Cty Lâm nghiệp Đường 9 đã đạt được đó là đóng góp rất quan trọng cho việc phủ xanh đất trống đồi trọc, tăng độ che phủ rừng hàng năm, trồng rừng nguyên liệu góp phần làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển kinh tế xã hội.
Ông Chính nhắc nhở trong kế hoạch phát triển của mình thời gian đến, Cty chú ý trồng và kinh doanh gỗ lớn và trồng rừng bền vững nhằm nâng cao sản lượng và gía trị trên diện tích rừng, chú ý phát triiển rừng đạt chứng chỉ FSC để Cty chủ động hội nhập sâu hơn trong sân chơi lâm nghiệp khu vực và quốc tế. (Nông Nghiệp Việt Nam 11/10) đầu trang(
Có hàng trăm hecta rừng cao su giữa đại ngàn Tây Nguyên, Nguyễn Đức Vấn đường đường là một "đại gia trồng rừng thành đạt". Song đó chỉ là vỏ bọc ngụy trang để ông chủ này thiết lập đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Tây Nguyên về các tỉnh Trung Bộ để tiêu thụ.
Trong khoảng thời gian 5 năm, vị đại gia này đã lợi dụng địa thế hiểm trở giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk để cấu kết với các đối tượng khác, mua bán, vận chuyển trái phép 123,468 cây heroin (tương đương với 12 bánh), và được coi là số lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Công an tỉnh Gia Lai vừa có kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát cùng cấp truy tố “ông trùm” Nguyễn Đức Vấn (SN 1977), trú phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ (Quảng Nam), tạm trú tại xã Ea Hleo, huyện Ea Hleo (Đắk Lắk) cùng 5 đồng bọn ra trước vành móng ngựa.
Vấn chính là kẻ cầm đầu đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vừa bị Công an tỉnh Gia Lai phát hiện và triệt phá trong khoảng thời gian từ cuối năm 2013 đến ngày 18/6/2014, khi chân rết cuối cùng trong đường dây bị bắt giữ là Hoàng Văn Việt (SN 1973), trú xã Piar, huyện Phú Thiện (Gia Lai). Tổng cộng, trong suốt 5 năm hoạt động, đường dây với 6 đối tượng này đã vận chuyển 12 bánh heroin, thu lợi bất chính gần 3,7 tỷ đồng.
Đến huyện Ea Hleo những năm trước đây, khi nhắc đến Nguyễn Đức Vấn, không ít người nhắc về người đàn ông này với một niềm khâm phục kỳ lạ. Từ một người con xứ Quảng nhà cửa phố phường, anh này đã từ bỏ tất cả để đến địa bàn hẻo lánh, xa xôi giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai là huyện Ea Hleo để mua hàng trăm hecta đất trồng rừng.
Với nghị lực của mình, chỉ mấy năm sau khởi nghiệp, Vấn đã phủ xanh mấy quả đồi trọc, có trong tay hàng chục hecta cao su và rừng keo, rừng tràm. Cũng từ đấy, người này đã nổi danh với biệt hiệu “đại gia”, có nhiều đóng góp thiện nguyện cho địa phương và đã nhiều lần được vinh danh, khen thưởng.
Cũng bởi vậy mà đầu năm 2014, khi đường dây ma túy lớn nhất khu vực Tây Nguyên từ trước đến nay được triệt phá, khi cơ quan điều tra làm rõ vai trò cầm đầu đường dây là Nguyễn Đức Vấn, không ít người đã không tin nổi vào sự sa ngã của vị “đại gia” mới nổi này.
Đại tá Nguyễn Văn Chung, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Gia Lai cho biết, manh mối đầu tiên về vụ án được phát hiện vào năm 2008, thông qua trinh sát, nhiều đối tượng cộm cán liên quan đến ma túy thường đến địa bàn huyện Ea Hleo để “ăn hàng”.
Đi sâu vào tìm hiểu, trinh sát PC47 Công an Gia Lai đã phát hiện ra “đầu mối” chuyên cung cấp hàng trắng cho các con nghiện trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là Quảng Nam và Đà Nẵng, xuất phát từ khu vực giáp ranh giữa Đắk Lắk và Gia Lai, trong đó tâm điểm là huyện Ea Hleo.
Quá trình bí mật theo dõi để củng cố chứng cứ, trinh sát thấy nổi lên đối tượng khả nghi không ai khác chính là giám đốc cao su, ông chủ trồng rừng Nguyễn Đức Vấn, quê Quảng Nam. Vấn rời quê nhà lên Tây Nguyên từ năm 2006, sau khi mãn hạn tù về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Dưới vỏ bọc hoàn lương, Vấn chọn xã hẻo lánh Ea Hleo để trồng rừng và đã có tiếng trong xã hội. Cuộc sống thường ngày, Vấn tỏ ra hào phóng, tiêu tiền như nước và có mối quan hệ phức tạp với nhiều đối tượng trong xã hội. Để che mắt chính quyền địa phương, thỉnh thoảng Vấn tham gia một số hoạt động từ thiện, tài trợ trên địa bàn.
Tuy nhiên, đó chỉ là quái chiêu của kẻ từng ra tù vào tội, núp bóng “doanh nhân” để mở rộng các mối quan hệ xã hội, chiêu nạp đàn em làm đầu mối cung cấp ma túy, âm mưu “bá chủ” vùng Tây Nguyên.
Dù hoạt động tinh vi, kín kẽ song Nguyễn Đức Vấn và đồng bọn cũng không ngờ rằng, mọi di biến động của chúng đã được lực lượng phòng chống ma túy Công an tỉnh Gia Lai đưa vào tầm ngắm sau khi xác lập chuyên án để đấu tranh, truy xét.
Những ngày đầu tháng 11/2013, đối tượng Nguyễn Quốc Cương (SN 1992), trú 139 Cao Bá Quát, TP Pleiku, một trong những con nghiện và là một mắt xích trong đường dây ma túy của ông trùm đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra từ lâu, có biểu hiện liên tục qua khu vực xã Ea Hleo để lấy hàng từ Vấn, Ban chuyên án đã quyết định lên kế hoạch phá án.
Ngày 21/11/2013, trinh sát đã tiến hành bắt giữ Cương khi tên này vừa “ăn hàng” xong, đang trên đường đưa về Pleiku tiêu thụ. Khai thác nhanh, Cương đã khai ra nhiều mắt xích quan trọng trong đường dây, trong đó có thông tin quan trọng Nguyễn Đức Vấn là người trực tiếp giao dịch hàng cho Cương nhiều nhất.
Lúc này, mọi kế hoạch vẫn đang trong vòng bí mật, dù không phát hiện ra mắt xích đã bị bắt giữ, song với nhiều thủ đoạn tinh vi trong quá trình hoạt động, Vấn vẫn rất cảnh giác và sẵn sàng chống trả khi có dấu hiệu bất thường, buộc Ban chuyên án phải rất thận trọng trong quá trình đấu tranh, truy bắt.
Đại tá Nguyễn Văn Chung cho biết, để triệt phá thành công đường dây tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy do Nguyễn Đức Vấn cùng đồng bọn tổ chức, lực lượng Công an gặp không ít khó khăn.
Đặc biệt, địa bàn hoạt động của Vấn thường ở vùng rừng núi hẻo lánh giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, suốt nhiều tháng trời trinh sát đã phải nằm vùng trong rừng sâu để truy tìm dấu vết và mật phục các đối tượng.
Sự kiên trì ấy đã mang lại kết quả, đến khoảng 11h ngày 18/12/2013, khi phát hiện Lê Đình Tấn (SN 1962, trú xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, Hải Dương) vừa mua của Vấn một gói ma túy, trinh sát đã tiến hành bắt giữ Tấn. Cùng ngày, lệnh bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Đức Vấn đã được thực hiện.
Cơ quan điều tra thu giữ tại nhà riêng “ông trùm” 7 gói heroin, có trọng lượng 43,1284 gam và 41 triệu đồng tiền mặt cùng một số tài sản, vật dụng khác liên quan đến quá trình mua bán trái phép chất ma túy. Tiến hành mở rộng điều tra, PC47 đã khởi tố và bắt giam thêm 2 đối tượng khác là Nguyễn Hữu Đức (SN 1966, trú tại thôn Nam Hà, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) và Hoàng Văn Việt (SN 1973, trú xã Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai).
Ngoài ra, một đối tượng khác là Nguyễn Văn Dầu (SN 1968, trú tại xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) là mắt xích quan trọng thứ 2 trong đường dây, có vai trò chỉ sau “ông trùm” trong đường dây ma túy lớn này cũng đã bị phát hiện và bắt giữ.
Tại cơ quan điều tra, biết không thể trốn tránh pháp luật, “đại gia trồng rừng” Nguyễn Đức Vấn cùng với đồng bọn đã khai nhận toàn bộ hành vi mua bán trái phép chất ma túy của mình. Theo đó, năm 2008, Nguyễn Văn Dầu từ Thái Nguyên vào Đắk Lắk làm gỗ thuê cho Nguyễn Đức Vấn nên biết được đối tượng này chuyên cung cấp ma túy cho con nghiện khác trong vùng theo hình thức “bán sỉ”, với số lượng lớn.
Thấy lợi lớn, Dầu đã về quê mua một cây heroin (tương đương 35gam) với giá 16 triệu đồng rồi vào vừa sử dụng, vừa bán lại để kiếm lời, sau đó bán lại cho Vấn một phần với giá 10 triệu đồng. Thấy Dầu có nguồn hàng quý từ miền Bắc tuồn vào, Vấn đã đặt vấn đề đề nghị Dầu cung cấp ma túy cho mình để bán lại cho con nghiện và được Dầu đồng ý.
Đến đầu năm 2010, Dầu thỏa thuận cung cấp ma túy cho Vấn với giá khoảng 28 triệu đồng mỗi cây ma túy. Sau khi đạt được thỏa thuận này, từ ngày 28/4/2010 đến 4/8/2012, Vấn đã nhiều lần chuyển tiền qua tài khoản cho Dầu với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng để Dầu mua hơn 123,468 cây heroin (tương đương 4.629 gam) chuyển cho Vấn.
Để có hàng, Nguyễn Văn Dầu đã tự mình đi mua của các đối tượng trên địa bàn, sau đó vận chuyển từ Thái Nguyên vào Đắk Lắk bằng cách gửi hàng qua xe khách Bắc – Nam. Khi tới xã Ea Hleo, Dầu được Nguyễn Đức Vấn chỉ đạo cho Nguyễn Hữu Đức đi xe máy ra đón chở về nhà Vấn.
Tại đây, Nguyễn Đức Vấn đã chia nhỏ rồi đưa cho hệ thống chân rết, là “đại lý cấp 2” như Nguyễn Hữu Đức, Hoàng Văn Việt để bán cho các con nghiện trên địa bàn, một phần lớn “hàng trắng” đã được tuồn ra các tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng mỗi khi con nghiện trên địa bàn Tây Nguyên no hàng.
Ngày 6/3/2013, Nguyễn Đức Vấn còn chuyển 103 triệu đồng để mua 2 cây ma túy rồi bỏ vào bao chè gửi bằng đường xe khách cho Vấn. Quá trình giao dịch, Dầu đã bị Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện và bắt giữ, khởi tố về hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Đến ngày 23/4/2014, đối tượng Nguyễn Văn Dầu đã được di lý vào Gia Lai nhằm phục vụ công tác điều tra. (Đầu Tư 12/10) đầu trang(
Dự kiến ngày 24/10 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam và Tổng cục lâm nghiệp tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân tộc thiểu số trong quản lý rừng tự nhiên”.
Hội thảo nhằm chia sẻ những kết quả và bài học kinh nghiệm của cộng đồng dân tộc thiểu số trong quản lý rừng tự nhiên; đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số trong việc sử dụng quyền và trách nhiệm của mình khi quản lý rừng tự nhiên. (Khoa Học & Đời Sống 10/10, tr4) đầu trang(
Đó là một trong những kết luận của ông Đinh Khắc Hiếu, TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng tại hai huyện Mường Tè, Sìn Hồ.
Tại huyện Mường Tè Diện tích tự nhiên toàn huyện 267.934,16 ha; diện tích đất lâm nghiệp 258.102,82 ha, chiếm 96,3% diện tích tự nhiên của huyện; Diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng đến hết tháng 12 năm 2013 là 174.750,2 ha (rừng đặc dụng 22.455,3 ha, rừng phòng hộ 69.904 ha, rừng sản xuất 82.390,9 ha).
Tổng số kinh phí thu được từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng hàng năm và kế hoạch chi trả tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng hàng năm là: 133.207.097.789 đồng. Thực hiện chính sách chi trả DVMTR giúp cho huyện, xã có giải pháp trong việc hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo giai đoạn; đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở và Nhân dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đồng tình ủng hộ và tham gia nhiệt tình.
Công tác chi trả dịch vụ môi trường trong hai năm 2013, 2014 trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã đạt được những thành quả nhất định, thông qua việc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn đã có 206 cộng đồng, 11.595 hộ tham gia bảo vệ diện tích 55.353 ha rừng của huyện qua đó đóng góp đáng kể vào tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn toàn huyện, đưa độ che phủ của rừng của toàn huyện lên 31% vào năm 2013.
Thông qua các hoạt động của chương trình đã góp phẩn đẩy nhanh tốc độ công tác giao đất lâm nghiệp, giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư quản lý. Tuy nhiên, Các hoạt động của chương trình mới chỉ tập trung vào công tác bảo vệ rừng mà chưa có kế hoạch phát triển vốn rừng trên địa bàn; Một bộ phận người dân thiếu tích trong công tác bảo vệ rừng, cá biệt có một số vẫn thực hiện phá rừng làm nương hay khai thác gỗ từ rừng được giao bảo vệ; Hiệu quả của công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với cấp ủy, chính quyền địa phương chưa cao, thiếu chặt chẽ.
Tại buổi giám Đoàn giám sát đã đề nghị bổ sung việc đánh giá công tác kiểm tra việc chi trả DVMTR; đề nghị bổ sung tỷ lệ che phủ rừng trong các năm 2011, 2012, 2013; số liệu chênh lệch giữa rừng ban rừng phòng hộ quản lý và diện tích chi trả DVMTR; có mấy xã có tổ tuần tra trên địa bàn; công tác tuyên truyền được triển khai như thế nào, hình thức tuyên truyền; số vụ cháy, chặt phá rừng… xem lại số liệu thu, chi cho chính xác…làm rõ mục chi trong chi phí quản lý; trách nhiệm đối trong công tác quản lý rừng giữa kiểm lâm, xã và người dân như thế nào để bảo bệ rừng hiệu quả.
Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo phòng nông nghiệp huyện, lãnh đạo UBND huyện đã giải trình làm rõ những ý kiến của đoàn giám sát.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Đinh Khắc Hiếu, trưởng đoàn giám sát đã đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của cấp uỷ chính quyền từ huyện đến xã, đã nhận thức được tầm quan trọng của rừng và thực hiện chi đúng, đủ đến từng hộ dân trong huyện; đã tổ chức tuyên truyền các vản bản, chủ trương của Trung ương, tỉnh đến Nhân dân; 100% xã đã thành lập ban chỉ đạo xã tổ chức phân công nhiệm vụ rõ ràng; có sự kiểm tra, đôn đốc phối hợp giữa các ngành; số vụ cháy, vi phạm kiểm lâm giảm.
Ông đề nghị, trong thời gian tới hai huyện cần củng cố kiện toàn ban chỉ đạo và có sự thống nhất trong toàn huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi phương thức tuyên truyền ngắn ngọn sát với người dân; tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng để nâng độ che phủ rừng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc trong quá trình triển khai thực hiện… (Tỉnh Ủy Lai Châu 10/10) đầu trang(
Sau 3 năm triển khai, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã khẳng định sự đúng đắn, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc chi trả DVMTR vẫn còn chậm, gây ảnh hưởng tâm lý người dân bảo vệ rừng.
Chị Lô Thị Lợi ở bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn (thuộc lưu vực Thủy điện Bản Vẽ) tâm sự: “Nhà mình nhận giao khoán bảo vệ trên 18 ha rừng, được hưởng chính sách chi trả DVMTR 232.000 đồng/ha, nên rất phấn khởi vì có thêm tiền để trang trải cuộc sống. Hàng tuần, gia đình đều bố trí người cùng với các nhóm hộ đi tuần tra bảo vệ rừng”.
Còn ở bản Xiêng Tắm, xã Mỹ Lý có 30 hộ đại diện nhận khoán trên 500 ha rừng, từ khi được giao khoán, bà con tổ chức bảo vệ rất tốt, không để xảy ra chặt phá rừng.
Theo ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, những năm trước đây, do chưa hiểu hết tầm quan trọng và ý nghĩa của rừng nên vẫn còn một số người lén lút chặt phá rừng. Nay bảo vệ rừng được trả công từ nguồn chi trả tiền DVMTR nên bà con rất tích cực. Trên 6.000 ha rừng được hưởng chính sách từ nguồn chi trả DVMTR cơ bản đều bảo vệ tốt. Từ năm 2012 đến nay, xã không để xảy ra cháy rừng, giữ rừng tốt, đã góp phần đảm bảo được nguồn nước ngầm, nước khe suối để phục vụ cuộc sống cho bà con.
Còn tại huyện Quế Phong, Công ty Thuỷ điện Hủa Na có tổng công suất 180 MW mỗi năm phải chi trả gián tiếp gần 10 tỷ đồng cho phí DVMTR thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường rừng tỉnh Nghệ An để Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chi trả cho người trông coi, bảo vệ rừng. Để bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã giao - khoán cho 798 hộ dân thuộc 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ trông coi. Năm 2014, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã tiến hành chi trả tiền cho nhân dân.
Ông Quang Văn Hiếu, bản Mường Phú, xã Thông Thụ (huyện Quế Phong) cho biết: “Năm 2014, gia đình tôi nhận bảo vệ 25 ha thì được trả 7.500.000 đồng/năm. Nguồn thu nhập này đã nâng cao đời sống gia đình; Vì vậy, chúng tôi yên tâm tham gia bảo vệ rừng”.
Hiện nay, Ban Quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng người dân vùng đệm. Tính đến nay đơn vị đã giao khoán cho hơn 2.000 hộ dân với tổng diện tích 62.000 ha. Việc chi trả phí DVMTR, sẽ được thực hiện theo mỗi quý một lần.
Ông Nguyễn Danh Hùng - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong) cho biết: Chính sách chi trả DVMTR rất bền vững bởi gắn chặt giữa người bảo vệ rừng và công ty sử dụng. Nếu bảo vệ rừng tốt thì mới sinh ra nguồn nước; khi nhà máy ổn định công suất phát điện ổn định thì mới có tiền đầu tư lại cho người bảo vệ rừng.
Phương châm “lấy rừng nuôi rừng” để nhà máy thủy điện có nước, địa phương có rừng, người dân được nhận phí và sống được nhờ rừng, là một cách làm hiệu quả, góp phần ổn định và bảo vệ các cánh rừng bền vững.
Mặc dù việc chi trả DVMTR mang lại hiệu quả rất lớn cho công tác bảo vệ rừng. Nhưng việc giải ngân khoản kinh phí này đang bị chậm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân bảo vệ rừng.
Ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) đề nghị: “Để bảo vệ rừng hiệu quả hơn, chúng tôi đề xuất cần phải chi trả số tiền DVMTR còn nợ của bà con 30% trong các năm 2012 và 2013 và thanh toán số tiền bảo vệ rừng 9 tháng đầu năm 2014. Nếu tiền chi trả được giải ngân kịp thời, bà con sẽ có thêm phần kinh phí để ổn định cuộc sống, chuyên tâm hơn việc giữ rừng”.
Được biết Ban quản lý rừng phòng hộ (RPH) Kỳ Sơn quản lý trên 69.000 ha rừng, hiện có 24.000 ha rừng thuộc lưu vực Thủy điện Bản Vẽ được hưởng chính sách DVMTR. Bao gồm 96 nhóm hộ (tương đương trên 900 hộ dân) được hưởng chính sách DVMTR. Ban đã cung cấp đầy đủ hồ sơ thanh toán cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh.
Tuy nhiên, tốc độ giải ngân còn quá chậm. Từ năm 2012 - 2013, Quỹ mới chi trả được 2 đợt trên 8,6 tỷ đồng (tương đương 70% số tiền, còn 30% chưa giải ngân).
Ông Cao Văn Quỳnh – Trưởng Ban Quản lý RPH Kỳ Sơn cho hay: “Chính sách chi trả DVMTR là chủ trương đúng đắn, đem lại lợi ích nhiều mặt, làm thay đổi nhận thức, khích lệ bà con bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc giải ngân quá chậm ảnh hưởng niềm tin đối với một số bà con được giao khoán bảo vệ rừng, ảnh hưởng trong việc, Ban đang tiếp tục lập hồ sơ cho trên 2.000 hộ quản lý bảo vệ 45.000 ha ở lưu vực Thủy điện Khe Bố được hưởng chính sách DVMTR. Liệu trả chậm vậy bà con có tin nữa không?”.
Ban Quản lý RPH Tương Dương cũng được chi trả DVMTR 22.428 ha rừng, thuộc lưu vực Thủy điện Bản Vẽ gồm các xã Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, Lượng Minh, Yên Na… Nhưng tiền chi trả trong đợt 1 của năm 2012 - 2013 chỉ mới được gần 8 tỷ đồng (được 70% số tiền chi trả) còn lại 30% chưa giải ngân.
Ông Ngũ Văn Trị - Trưởng Ban Quản lý RPH Tương Dương cho biết: “Trong tháng 6/2014, ban còn tiếp tục hoàn thành viêc lập hồ sơ thêm 4.337 ha rừng trong lưu vực Thủy điện Bản Vẽ được hưởng chính sách DVMTR, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân. Khó khăn đặt ra hiện nay là ngoài việc người dân giữ rừng bị chậm trả chế độ tiền DVMTR, 19 cán bộ bảo vệ rừng diện 2B của ban cũng phụ thuộc nguồn lương từ DVMTR, mà đã hơn 4 tháng nay cũng chưa được nhận lương.
Nhiều cán bộ diện 2B phải vay mượn tiền để sinh hoạt, bám trụ giữ rừng. Chúng tôi rất mong các ngành liên quan giải quyết những vướng mắc để kịp thời giải ngân tiền DVMTR cho bà con được giao khoán và những cán bộ diện 2B yên tâm trong công tác bảo vệ rừng”.
Được biết Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An chủ yếu huy động nguồn thu ủy thác và chi trả DVMTR từ các cơ sở thủy điện, sản xuất và cung ứng nước sạch … Cụ thể là tất cả các thủy điện trên lưu vực địa bàn Nghệ An đều ủy thác nguồn vốn qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An. Sau khi các chủ rừng hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định của Nhà nước thì sẽ được quỹ trực tiếp chi trả cho các chủ rừng trên. Tổng thu đến thời điểm này là trên 109 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền chi rất hạn chế chỉ mới được trên 29 tỷ đồng.
Trong đó, chi nguồn DVMTR là trên 28 tỷ đồng mới đạt 26%, còn lại là chi hoạt động quản lý quỹ là trên 4,4 tỷ đồng, chi cho công tác rà soát các lưu vực thủy điện trên 1,8 tỷ đồng. Báo cáo sơ kết 3 năm của Bộ NN & PTNT về thực hiện chính sách chi trả DVMTR nêu nguyên nhân dẫn đến giải ngân thấp tại một số tỉnh, trong đó Nghệ An vẫn lúng túng trong việc xác định đối tượng chi, còn phó thác hoàn toàn cho tư vấn triển khai nhiệm vụ thực hiện rà soát chủ rừng, nên thời hạn kéo dài và chất lượng xác định diện tích rừng đến chủ rừng chưa cao.
Trao đổi về nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân, ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An lý giải: Do hồ sơ giao khoán thiết kế bảo vệ rừng của các chủ rừng lập thẩm định và phê duyệt chưa kịp tiến độ để chi trả. Cụ thể là tổng diện tích rừng trong các lưu vực thủy điện được phê duyệt là 316.508,35 ha, trong đó các chủ rừng là 236.331,57 ha (chiếm 75%) nhưng mới có 89.610,5 ha đã được lập hồ sơ và phê duyệt hoàn chỉnh.
Một số diện tích đã có hồ sơ phê duyệt nhưng chưa chuyển đổi thành hồ sơ chi trả DVMTR, số đang trình hồ sơ phê duyệt là 68.400 ha, chưa lập hồ sơ thiết kế là 63.240 ha. Đối với diện tích rừng của các UBND xã, cộng đồng, cá nhân là 80.000 ha được giao cho 5 Hạt Kiểm lâm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Hợp rà soát lập hồ sơ.
Tuy nhiên, tiến độ đạt chậm, chỉ mới Hạt Kiểm lâm Quế Phong đã lập và đang chờ phê duyệt 16.700 ha. Nguyên nhân các Hạt Kiểm lâm chậm tiến độ là do một số diện tích rừng của cá nhân quản lý như ở Kỳ Sơn, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện chưa phát cho dân nên không xác định được thực địa để lập hồ sơ.
Vấn đề lúng túng trong việc xác định đối tượng chi trả dẫn đến còn khối lượng tiền “kết dư” là do từ năm 2011 chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng nên hồ sơ các chủ rừng chưa có hồ sơ để chi trả. Chưa kể là lần đầu thực hiện chính sách mới nên quỹ cũng phải vừa thăm dò, vừa đúc rút kinh nghiệm.
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân một phần còn do công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện, huy động hệ thống chính trị tại một số địa bàn các huyện, xã còn chưa thực sự quyết liệt. Vì thế, chưa hoàn thành được việc rà soát xác định cụ thể ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đến từng chủ rừng, chủ quản lý, do đó chưa có căn cứ để chi trả.
Nguyên nhân việc chi trả DVMTR đã được chỉ rõ, vấn đề cần nhất lúc này là các cấp, ngành liên quan cần khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi trả cho người bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, phải giải thích nguyên nhân chậm chi trả cũng như việc chênh lệch chi trả giữa các địa phương để nhân dân được biết và yên tâm gắn bó với công tác giữ rừng.
Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An cho biết: Đối với giá chi trả tiền DVMTR có sự thay đổi dựa vào sản lượng điện thương phẩm trực tiếp sản xuất của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, vì thế nên có nơi giá chi trả cao và giá chi trả thấp.
Hiện tại Quỹ chỉ đưa ra các đơn giá tạm tính, như giá chi trả trong năm 2013 - 2014 đối với lưu vực Hủa Na (Quế Phong) chi trả tạm tính là 345.000 đồng/ha/năm, lưu vực Bản Vẽ 232.000 đồng/ha/năm, lưu vực Khe Bố 22.000 đồng/ha… (Báo Nghệ An 10/10) đầu trang(
Qua công tác kiểm tra, rà soát, từ đầu năm 2014 đến nay huyện Đạ Huoai đã tiến hành giải tỏa gần 240ha rừng bị lấn chiếm trái phép.
Diện tích rừng được giải tỏa chủ yếu thuộc địa bàn tiểu khu 603 và 566. Toàn bộ diện tích rừng được giải tỏa sẽ trả lại cho các đơn vị chủ rừng để thực hiện việc trồng rừng theo kế hoạch.
Cùng với giải tỏa đất rừng, huyện Đạ Huoai cũng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng tổ chức làm tốt công tác kiểm kê rừng, và tiếp tục thực hiện việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hơn 670 hộ, trong đó có trên 450 hộ dân tộc thiểu số, với tổng diện tích rừng được giao khoán hơn 20.000ha. (Đài PTTH Lâm Đồng 10/10) đầu trang(
Vấn đề đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp chính quyền hết sức quan tâm. Hai năm qua, UBND tỉnh có quyết định thu hồi 3.460ha đất lâm nghiệp của các lâm trường để giao đất ổn định sản xuất cho các hộ dân sống gần rừng.
Trong đó, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) được giao diện tích đất rất lớn với 2.153ha. Những tưởng sau khi nhận được diện tích đất rất lớn, người dân xã Trường Sơn sẽ phấn khởi, sử dụng số đất mà tỉnh ưu ái giao cho vào sản xuất ngay.
Nhưng thực tế lại không như vậy! Mới đây, chúng tôi trở lại xã Trường Sơn, vừa đúng 2 năm kể từ khi UBND tỉnh có quyết định giao đất lâm nghiệp cho xã này sản xuất, nhận thấy nhiều bất cập xảy ra xung quanh việc giao đất, nhận đất và sử dụng đất.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, con số 2.153 ha mà tỉnh giao chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ, còn trên thực địa có thể nhận và sử dụng được 380ha, chiếm 18% tổng số đất được giao.
Cụ thể, bản Trung Sơn có 66/66 hộ được giao đất, tổng diện tích giao 320ha, bình quân 4,57ha/hộ; bản Khe Cát, số hộ được giao đất 43/77 hộ, diện tích 68,45ha, bình quân 1,6 ha/hộ; bản Chân Trộng, số hộ được giao 4/39 hộ, tổng diện tích giao 10 ha, bình quân 2,5 ha/hộ.
Số diện tích đất lâm nghiệp còn lại rất lớn chưa thể giao cho dân được, nên vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn chưa có biểu hiện hạ nhiệt, tiềm ẩn nguy cơ lấn chiếm đất của lâm trường mà người dân tự phát gây ra.
Đi sâu tìm hiểu được biết, trong quá trình rà soát bóc tách 3 loại rừng của các cơ quan chức năng với chủ rừng (Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại) và chính quyền xã Trường Sơn chưa có sự thống nhất cao. Cụ thể là, tại tiểu khu 327 xã đề xuất được giao 169,6ha để thuận tiện cho các hộ dân bản PLoang sản xuất, nhưng công ty chỉ giao 102ha.
Tại tiểu khu 335 xã đề nghị thu hồi 65ha dọc hai bên đường Hồ Chí Minh, nhưng công ty lại giao 81ha, chỉ có 12,5 ha nằm trong phạm vi của xã đề nghị, còn lại không phù hợp cho sản xuất (vì số diện tích này là rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ lớn).
Tương tự, tiểu khu 337 xã đề nghị nhận 109ha, thì công ty giao 430ha (đa số là rừng có trữ lượng gỗ lớn); tiểu khu 336 đề nghị giao 132ha, công ty giao 281ha (là rừng có trữ lượng gỗ lớn)...Trong lúc đó, nhiều khu vực xã đề nghị công ty giao cho dân sản xuất tổng diện tích 139ha, nhưng không được chấp thuận. Ý của ông Chủ tịch UBND xã là trong một tiểu khu, người dân chỉ nhận diện tích đất sản xuất được, còn diện tích rừng hoặc núi đá thì không nhận.
Tuy nhiên theo tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích đất giao phải trọn lô, khoảnh để thuận tiện cho việc quản lý, sử dụng.
Như vậy trong tổng số diện tích 2.153ha mà Công ty TNHH MTV lâm Công nghiệp Long Đại giao cho xã, UBND xã chỉ chấp nhận 1.337ha, số còn lại không thể nhận để đưa vào sản xuất được. Theo như lời ông Chủ tịch UBND xã, trong số 1.337ha, chỉ có 114,5ha ở trạng thái đất trống có thể đưa vào sản xuất được ngay, số diện tích còn lại (1.222 ha) chưa giao cho dân được vì vướng rừng có trữ lượng lớn và một số diện tích rừng cần chuyển đổi trạng thái rừng nghèo kiệt sang trồng rừng sản xuất. Nếu có chuyển đổi xong cũng không sử dụng ngay được, mà chờ đến khi nào làm được đường đi mới sản xuất được.
Nói như vậy cho thấy, hầu hết đất lâm nghiệp mà xã nhận lại từ Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại chưa thể sản xuất ngay được, mà phải chờ đến khi có đủ điều kiện cần thiết như: làm xong thủ tục chuyển đổi trạng thái rừng và chờ làm các tuyến đường vào khu vực đất sản xuất...
Điều đáng buồn là, sau 2 năm nhận đất lâm nghiệp để sản xuất (chủ yếu trồng keo) nhưng các hộ dân vẫn chua thực sự mặn mà với việc đưa đất vào sản xuất. Ông Chủ tịch xã cho biết, vụ trồng rừng năm 2013-2014 UBND huyện Quảng Ninh có hỗ trợ 100% giống cây keo cho bà con, nhưng chỉ có 50% số đất được trồng, số diện tích còn lại bà con nói sẽ chờ vụ sau!
Qua sự việc này nhận thấy, đối với đất sản xuất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, nếu không có các giải pháp hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước cho người dân thì sau khi rà soát, bóc tách giao lại hàng nghìn ha đất cho bà con quản lý, sử dụng sẽ rất khó mang lại hiệu quả. Cụ thể là, một số địa phương đề nghị thu hồi những diện tích gần khu dân cư, thuận lợi cho sản xuất nhưng thực tế diện tích này các lâm trường đã đầu tư trồng rừng, sản xuất mang lại hiệu quả cao và đã trở thành tài sản của đơn vị, cá nhân nên không thể giao lại cho người dân.
Người dân muốn trồng rừng phải đầu tư làm đường để đưa máy lên đào hố, vận chuyển cây giống. Việc này không khó đối với một lâm trường hoặc công ty lâm công nghiệp, nhưng với một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chắc chắn không thể làm được. Nên dù có nhận được đất ở những khu vực xa xôi, cách trở, bà con cũng không thể đưa vào canh tác được.
Mặt khác, qua tìm hiểu được biết số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta biết đầu tư trồng rừng, có thu nhập từ rừng trồng là không nhiều. Trước đây các Chương trình như 134, 135 đều có hợp phần giao đất, giao rừng cho các hộ dân nhưng nhiều gia đình thờ ơ không nhận đất.
Thực tế, để sản xuất được một ha đất lâm nghiệp cần đầu tư khá lớn: vốn đầu tư trồng 1ha cây keo từ 13-15 triệu đồng, cây cao su trên 70 triệu đồng (thời gian đầu tư 7-9 năm) và đòi hỏi trình độ canh tác nhất định, nên hầu hết bà con sử dụng đất được giao kém hiệu quả. Thậm chí, nhiều nơi bà con nhận đất xong, lén lút bán đất cho người dân vùng đồng bằng để lấy tiền làm việc khác.
Đáng chú ý, là phần lớn diện tích bóc tách giao cho người dân sử dụng, quản lý đều là đất rừng kiểu đặc trưng IA, IB hoặc rừng sản xuất trạng thái IC (có nhiều cây thân gỗ, có thể khoanh nuôi tái sinh). Nếu không quản lý, sử dụng hiệu quả dễ dẫn đến việc phá rừng.
Trong khi đó, diện tích sau bóc tách để giao cho người dân nằm xen kẽ trong diện tích rừng phòng hộ, hoặc rừng sản xuất do Nhà nước và các công ty lâm công nghiệp quản lý.
Từ thực tế trên cho thấy, để việc giao đất và sử dụng đất hiệu quả, tỉnh cần có biện pháp hỗ trợ đồng bào sản xuất bằng đề án, chương trình cụ thể; đồng thời tăng cường việc quản lý, tránh tình trạng lợi dụng việc giao đất nhằm phá rừng hoặc chuyển nhượng đất rừng trái phép như đã từng xảy ra. (Báo Quảng Bình 10/10) đầu trang(
UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2009-2012 (Quyết định số 1465/QĐ-UBND ngày 16.9.2009). Trong đó, Kiểm lâm là một trong những lực lượng trực tiếp triển khai thực hiện Đề án này.
Mục tiêu của Đề án là đến hết năm 2013 hoàn thành cơ bản việc giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn toàn tỉnh đến chủ rừng thuộc các thành phần kinh tế để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Bao gồm giao hoặc cho thuê khoảng 37.500ha rừng hiện có do UBND cấp xã quản lý. Đồng thời, hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp khoảng 11.000ha đối với diện tích rừng trồng không có Nhà nước đầu tư.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, đến tháng 5.2012, đã có 12 huyện xây dựng xong phương án giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn quản lý được UBND tỉnh phê duyệt. Và đến cuối năm 2013 đã có 5/6 huyện miền núi bố trí được kinh phí để thực hiện phương án.
Riêng huyện Minh Long do diện tích dự kiến giao trong phương án không còn ngoài thực địa nên không tiến hành giao. Đến nay hầu hết các huyện miền núi đã hoàn thành công tác ngoại nghiệp trên thực địa và đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ nội nghiệp để giao cho chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng.
Trong đó, huyện Sơn Tây có 2.073,31ha rừng giao cho 128 hộ gia đình và 25 thôn; Sơn Hà có 38,8ha rừng tự nhiên giao cho 11 hộ gia đình; Tây Trà 391,18ha rừng tự nhiên giao cho 20 hộ gia đình và 18 thôn; Trà Bồng 967 ha rừng tự nhiên giao cho 6 hộ gia đình và 22 thôn. Riêng huyện Ba Tơ đang triển khai các bước đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn thi công.
Lực lượng Kiểm lâm cũng đã phối hợp với ngành TN&MT trong việc giao và cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Kết quả đến cuối năm 2011 đã cấp được 121.262 giấy CNQSDĐ lâm nghiệp với diện tích trên 122 nghìn ha.
Nhìn chung, sau khi giao đất và cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp đến các thành phần kinh tế trong tỉnh, diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch sản xuất ở một số nơi đã có chủ thật sự.  Các chủ quản lý có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định của pháp luật. Vì vậy đã có tác động nâng cao được trách nhiệm của chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Nhiều chủ rừng chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế bớt tình trạng phá rừng, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có, thúc đẩy nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng. Tuy vậy, Ban quản lý Dự án giao rừng, cho thuê rừng là Hạt Kiểm lâm các huyện chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành Dự án nên tiến độ triển khai còn chậm.
Vì vậy, trong thời gian tới Chi cục Kiểm lâm cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện phương án này tại các địa phương, để Đề án giao rừng, cho thuê rừng của tỉnh sớm được hoàn thành và phát huy hiệu quả. (Báo Quảng Ngãi 11/10) đầu trang(
Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã diễn ra buổi họp báo quý III năm 2014. Buổi họp do ông Lê Thành Công Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên chủ trì.
Đến dự buổi họp có 30 công chức, viên chức Kiểm lâm và kỹ thuật viên Lâm nghiệp xã của Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên.
Ông Lê Thành Công đánh giá kết quả thực nhiện nhiệm vụ quý III và triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2014; Triển khai kế hoạch 06 của Đảng ủy Kiểm lâm; Kế hoạch số: 42-KH/ĐUK 4/9/2014 của đảng ủy Khối Dân Chính đảng về việc thực hiện chương trình hành động số 30–CTr-CT/TU của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương lần thứ 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”; Sinh hoạt tình hình Campuchia và biên giới Việt Nam campuchia và Tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, chương trình hành động của tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết trung ương 8 và tuyên truyền, triển khai tổ chức kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với kết quả đạt được trong 9 tháng qua, và trên cơ sở nhiệm vụ quý IV năm 2014 đòi hỏi mỗi Kiểm lâm viên và kỹ thuật viên lâm nghiệp của Hạt cần tiếp tục ra sức phấn đấu hơn nữa để thực hiện thắng lợi 100% nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng do Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên quản lý. (Kiemlamangiang.gov.vn 9/10) đầu trang(
Tính đến hết tháng 9/2014, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trồng mới được 761 ha rừng, đạt 100,1% kế hoạch năm và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, rừng sản xuất 710 ha, rừng phòng hộ 30 ha và rừng đặc dụng 21 ha.
Do làm tốt công tác chuẩn bị mặt bằng, cuốc hố, khảo sát thực địa, ươm giống cây, tập trung lực lượng trồng rừng, đến nay, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm 2014.
Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 402 ha, đạt 100% kế hoạch, giảm 32,09% so với cùng kỳ năm 2013 (do diện tích rừng trồng được giao chăm sóc của tỉnh giảm). Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ ước đạt 9.053 ha, đạt 100% kế hoạch và giảm 4,93% so với cùng kỳ năm 2013.
Diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh đạt 163 ha, tăng 3,16% (do Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp được giao 5 ha diện tích làm giàu trữ lượng rừng). Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt hơn 300 nghìn cây, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng gỗ khai thác đạt 19.366 m3, giảm 5,42% so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng củi khai thác đạt hơn 41.000 ste, giảm 1,44% so với cùng kỳ năm 2013.
Công tác phòng, chống cháy rừng được chỉ đạo tích cực, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo thường xuyên, song do thời tiết hanh khô kéo dài, độ ẩm trong không khí thấp nên 9 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy rừng, tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2013; diện tích cháy 17,57 ha, tăng 11,57 ha. (Báo Vĩnh Phúc 10/10) đầu trang(
Trên địa bàn huyện Quan Hóa hiện có 8/25 cơ sở chế biến lâm sản có quy mô lớn, sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình sản xuất và vị trí ngay ven bờ sông Mã nên gây ảnh hưởng môi trường rất lớn.
Tại xã vùng cao Phú Thanh (địa bàn giáp ranh với Vạn Mai, Hòa Bình) chỉ chưa đầy 1km dọc quốc lộ đã có hàng chục cơ sở chế biến các sản phẩm từ nứa, luồng đang thi nhau nhả khói. Điều khiến người dân quanh khu vực này hết sức bức xúc là một số cơ sở dùng hóa chất như sun phát, lưu huỳnh để sấy đũa, ngâm ủ nguyên liệu làm giấy thải ra môi trường bên ngoài, ra hệ thống sông suối mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tại đây, DN Bảo Yến với 2 cơ sở chế biến có vị trí cách nhau chừng 300m là một trong những cơ sở có quy mô lớn nhất, chuyên sản xuất tăm, đũa xuất khẩu và tận dụng nguồn rác thải để ngâm ủ bột giấy. Trung bình hàng ngày, doanh nghiệp này sản xuất và thải ra môi trường hàng tấn rác thải (chủ yếu là từ luồng).
Quá trình vận chuyển rác thải đi xử lý, doanh nghiệp hầu như không có biện pháp gì để bảo vệ môi trường, để nước từ rác thải tràn ra bên ngoài, chảy xuống đường giao thông bốc mùi hôi thối khiến nhiều người dân sống xung quanh rất bức xúc. Đặc biệt,  2 bể ngâm ủ hàng chục tấn phế thải với hóa chất sunfát làm mềm rác thải nhưng hệ thống xử lý nước thải lại không được đầu tư nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây khá nghiêm trọng.
Còn tại Công ty TNHH Duyệt Cường (xã Xuân Phú) chuyên sản xuất giấy vàng mã, có 100% vốn của Đài Loan. Mặc dù hệ thống xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, nhưng rác, nước thải trong khu vực sản xuất vẫn không được thu gom triệt để nên đã rò rỉ ra môi trường bên ngoài.
Nghiêm trọng hơn, để tiết kiệm chi phí vận hành hệ thống máy móc xử lý nước thải, công ty này đã lén lút xả thải ra sông Mã vượt quy chuẩn kỹ thuật lên đến hàng chục lần. Liên quan đến việc xả thải của công ty này, ngày 7/4/2014 Công an tỉnh đã lập biên bản vi phạm và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực ô nhiễm môi trường với số tiền 320 triệu đồng.
Được biết, hiện nay quy trình sản xuất, chế biến lâm sản của hầu hết các cơ sở ở đây đều lạc hậu và phải sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại như: việc tẩy trắng nguyên liệu bằng lưu huỳnh đối với các sản phẩm đũa, nan, tăm; việc sấy khô các sản phẩm bằng hầm sấy thủ công thải khói độc hại ra môi trường; nước thải từ việc sản xuất, chế biến đã không được thu gom triệt để, để rò rỉ ra môi trường xung quanh và đổ trực tiếp ra sông Mã… đang là những vấn đề gây bức xúc cho người dân địa phương và là vấn đề nhức nhối gây ô nhiễm môi trường từ nhiều năm nay.
Hàng năm, Sở TN&MT đã phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND huyện Quan Hóa tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hàng trăm lượt cơ sở có hành vi vi phạm. Đầu tháng 9/2014), lực lượng liên ngành đã kiểm tra 8 cơ sở chuyên sản xuất giấy vàng mã, tăm, đũa và ngâm ủ bột giấy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Qua đó, đã phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 6 đơn vị có các hành vi thực hiện không đúng cam kết bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Đồng thời, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã yêu cầu các đơn vị thu gom triệt để và không để nước thải rò rỉ ra bên ngoài; dừng ngay hành vi đổ chất thải rắn ra ven bờ sông Mã và có trách nhiệm thu gom chất thải rắn đã đổ trước đó về khu vực xử lý tập trung của địa phương; yêu cầu các cơ sở không sản xuất vào giờ nghỉ trưa, vào buổi tối gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh; trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân trực tiếp sản xuất; thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải theo nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường… (Đời Sống & Văn Hóa 10/10) đầu trang(
Trước khi tính tới việc sẽ chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp nào thì các Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp phải có phương  án tái cơ cấu.
Muốn phương án hợp lý, có hiệu quả thì phải tập trung vào các sản phẩm chủ lực trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 2 Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp do UBND tỉnh quản lý, đó là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình.
Điểm chung của 2 Công ty này là hầu như các phương án quản lý, sản xuất, kinh doanh không có gì thay đổi so với trước khi chuyển đổi loại hình. Bởi vậy hiệu quả không cao, thậm chí Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập đã phải nợ tới 1,7 tỷ đồng tiền lương và các loại bảo hiểm cho cán bộ.
Yêu cầu đặt ra là các công ty này phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Thế nhưng trước khi tính tới việc sắp xếp, đổi mới thì trước tiên phải xây dựng được các phương án sản xuất, kinh doanh, hay nói cách khác là phương án tái cơ cấu hợp lý.
Bà Nguyễn Anh Yến, Trưởng phòng Tài chính – Doanh nghiệp (Sở Tài chính) nhận định: cả 2 công ty đều lúng túng trong việc xây dựng phương án, muốn phương án khả thi, có hiệu quả, doanh nghiệp cần tập trung bám sát vào các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm chủ lực trên địa bàn.
Sản phẩm chủ lực ở đây không phải nói chung chung mà nó đã được tỉnh xác định. Ở vùng Đình Lập, Lộc Bình sản phẩm chủ lực là thông và nhựa thông. Diện tích thông ở 2 huyện này lên tới trên 65 nghìn héc ta; sản lượng nhựa đạt trên 2.500 tấn và sản lượng gỗ tròn đạt hơn 2,6 nghìn mét khối.
Ngày 22/3/2013, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 28 về “Triển khai dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực của doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2012-2020”. Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình là 1 trong 20 doanh nghiệp được xác định là có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực để đưa vào thực hiện dự án.
Mới đây nhất, ngày 2/7/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1030 “Phê duyệt quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Vùng thông Lộc Bình, Đình Lập là 1/19 vùng cây nguyên liệu trong quy hoạch này.
Có thể nhận thấy các dự án, quy hoạch kể trên có tác động tích cực, trực tiếp tới 2 Công ty Lâm nghiệp. Bởi từ trước tới nay, sản phẩm chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty này cơ bản là gỗ thông và nhựa thông. Tuy nhiên trong các phương án tái cơ cấu mà các công ty đưa ra vẫn còn rất chung chung chưa tập trung, bám sát vào nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới phương thức liên kết, thu mua sản phẩm để chế biến nâng cao giá trị... Chủ yếu vẫn tập trung vào trồng và khai thác.
Ông Chu Văn Đặng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình bộc bạch: muốn đổi mới, chẳng hạn như tập trung xây dựng nhà máy chế biến nhựa thông, nâng cao giá trị để xuất khẩu nhưng việc thu mua nguyên liệu từ trong dân là rất khó bởi sự cạnh tranh của các cơ sở thu mua tư nhân.
Cũng với lý do trên, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập cho rằng: từ trước đến nay, mặc dù có hợp đồng với các hộ nhận giao khoán khai thác nhựa thông, nhưng dòng nhựa không đổ về công ty mà đổ ra các cơ sở thu mua nhỏ lẻ bởi các cơ sở này thu mua nhỉnh hơn vài giá.
Bà Nguyễn Anh Yến, Trưởng phòng Tài chính – Doanh nghiệp phân tích: chính bởi những khó khăn kể trên nên các doanh nghiệp cần phải đổi mới, trong đó phải tính toán, sắp xếp lại từ các phương án sử dụng đất, nhân lực đến liên doanh, liên kết với người dân và phải thực sự năng động để đạt được hiệu quả cao.
Một ví dụ điển hình là trước đây cũng có khá nhiều doanh nghiệp muốn thu mua để chế biến và xuất khẩu sản phẩm hồi, nhưng hầu hết đều e ngại về việc cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu. Thế nhưng với sự năng động, sáng tạo trong liên doanh, liên kết với nông dân, Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản Lạng Sơn đã thành công.
Qua đó không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty mà có góp phần nâng cao giá trị, đưa sản phẩm hồi (một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh) xuất khẩu tới nhiều quốc gia, nâng cao thu nhập cho người trồng hồi. (Báo Lạng Sơn 10/10) đầu trang(
Huyện Như Thanh có 36.626,3 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 61% diện tích tự nhiên toàn huyện. Với địa hình phần lớn là đồi núi thấp, giao thông tương đối thuận lợi, nhận thức của nhân dân trong công tác trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp ngày càng được nâng cao.
Đến nay, toàn huyện đã có 14.000 ha rừng trồng tập trung. Năng suất, chất lượng rừng trồng tương đối khá, tăng trưởng rừng từ 13 đến 15 m3/ha/năm, 1 chu kỳ 5 năm đạt 65 đến 75 m3/ha. Thu nhập 1 ha/chu kỳ 5 năm đạt từ  35 đến 45 triệu đồng.
Nhiều mô hình kinh tế rừng, như trồng cây lâm nghiệp (chủ yếu là cây keo), trồng rừng kết hợp với chăn nuôi và trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, giá trị kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện đạt hơn 85 tỷ đồng, 8 tháng năm 2014 đạt trên 50 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho người dân. (Báo Thanh Hóa 11/10) đầu trang(
Từ cuối tháng 9 đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, trời có mưa vào buổi chiều tối và ban đêm nên  các đơn vị trồng rừng và người dân trên địa bàn tỉnh Bình Định đã trồng được gần 1.200 ha rừng.
Theo kế hoạch, trong vụ trồng rừng năm nay, toàn tỉnh Bình Định sẽ trồng 8.500 ha rừng tập trung, trong đó, rừng phòng hộ, môi trường cảnh quanh là 1.240 ha; rừng sản xuất 7.260 ha.
Để đảm bảo việc trồng rừng theo đúng kế hoạch đề ra, ngành Nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đảm bảo đến cuối tháng 11 phải hoàn thành công tác này và thực hiện chu đáo các biện pháp chăm sóc để tỉ lệ cây rừng sống đạt trên 95%.
Để đảm bảo nguồn cây giống phục vụ cho vụ trồng rừng năm 2014,  các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh  Bình Định đã tổ chức gieo ươm được 120 triệu cây giống các loại, đáp ứng đủ nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng  2014.
Năm nay, người trồng rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định có xu hướng sử dụng các giống lâm nghiệp chất lượng cao được sản xuất bằng phương pháp cấy mô, thay cho các giống cây được sản xuất bằng phương pháp giâm hom.
Ưu điểm của cây giống cấy mô là sạch bệnh, cây sinh trưởng, phát triển nhanh, chu kỳ khai thác ngắn; cây ít bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, hiệu quả kinh tế cao. (VTV9 11/10) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Các nhà cổ sinh vật học tại Brazil đã phát hiện được một loài khủng long mới, trỗi dậy ở vùng đất ngày nay là Nam Mỹ trong sự kiện tuyệt chủng hàng loạt ở cuối kỷ Tam Điệp (khoảng 200 đến 251 triệu năm trước), sự kiện đầu tiên trong số năm sự kiện tuyệt chủng lớn định hình sự sống trên Trái đất.
Không giống như các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt gần đây - như sự biến đổi khí hậu cuối kỷ Phấn Trắng đã tiêu diệt các loài khủng long cách nay khoảng 67 triệu năm - sự kiện tuyệt chủng đầu tiên trước đó thêm 150 triệu năm đã giúp đưa khủng long trở thành loài thống trị Trái đất. Và Tachiraptor admirabilis có kích cỡ bằng một con báo hiện tại là một trong những loài đầu tiên tận dụng được sự thay đổi của môi trường sống mới để phát triển.
Mặc dù không chắc chắn về nguyên nhân gây ra sự kiện tuyệt chủng đầu tiên này nhưng các nhà khoa học cũng phỏng đoán rằng, nhiều khả năng sự gia tăng hoạt động của núi lửa đã đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên mặc cho hàng loạt loài khủng long to lớn khác bị tiêu diệt trong giai đoạn này, loài Tachiraptor admirabilis có cơ thể nhỏ gọn lại tận dụng tốt việc một số đối thủ tranh giành thức ăn không còn tồn tại để sinh sôi.
Việc phát hiện ra loài Tachiraptor admirabilis được cho là sẽ giúp các nhà khoa học có thêm hiểu biết mới về những loài sinh sống ở cuối kỷ Tam Điệp, khoảng thời gian và khu vực sinh sống khi ấy như thế nào. Theo UPI thì xương hóa thạch loài Tachiraptor admirabilis được khai quật dưới chân núi phía bắc dãy Andes tại Venezuela. Nó có chiều dài từ 1,5 đến 2 mét và các nhà khoa học cho rằng loài này có thể là tổ tiên của loài khủng long bạo chúa T. Rex.
Niên đại hóa thạch mới phát hiện cách nay khoảng 200 triệu năm, thời điểm bắt đầu bước vào kỷ Jura và khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của các loài khủng long dẫn đến sự thống trị của chúng trên toàn cầu. Tại khu vực trên cũng có một loài khủng long khác là Laquintasaura venezuelae ăn thực vật có kích cỡ bằng một con cáo từng được khai quật.
"Loài Laquintasaura venezuelae có thể là một phần trong thực đơn của loài Tachiraptor admirabilis", tác giả cuộc nghiên cứu Max Langer, nhà khoa học về sinh vật có xương sống cổ đại tại Đại học Sao Paulo ở Brazil, nói với tạp chí Live Science. Tachiraptor có thể là một loại động vật ăn thịt phổ biến ăn bất cứ thứ gì nó có như những loài khủng long nhỏ hơn và các động vật có xương sống khác, chẳng hạn như là thằn lằn, Max Langer cho biết.
Trước đây có rất ít loài khủng long được tìm thấy ở khu vực này của Nam Mỹ - nơi mà trong suốt kỷ Jura vẫn còn là một phần của siêu lục địa Pangaea - cho nên các nhà khoa học đã cho rằng môi trường ở nơi này vào lúc ấy quá khắc nghiệt cho sự phát triển của các loài khủng long. Tuy nhiên việc khám phá ra sự tồn tại của loài Tachiraptor admirabilis cho thấy có thể nơi đây từng tồn tại sự đa dạng sinh học nhiều hơn những gì các nhà khoa học gần đây đã nghĩ.
Theo giải thích của nhà cổ sinh vật học Max Langer thì siêu lục địa Pangaea có hình giống như một chiếc boomerang và loài khủng long mới phát hiện sinh sống ở vành đai ấm áp ngang xích đạo (giữa Pangaea) bao gồm một phần của phía bắc Nam Mỹ, phía nam Bắc Mỹ và châu Phi. Từ bắc đến nam của vành đai này có nhiều sa mạc lớn và những phát hiện mới cho thấy khu vực này có thể không cằn cỗi như những gì chúng ta từng biết. (Thanh Niên 9/10) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng