Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 15 tháng 09 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Đoàn Thanh tra Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Đồng Nai vừa có buổi kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại Huyện Xuân Lộc giai đoạn 2014- 2016.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Xuân Lộc có trên 14.600 hecta rừng, trong đó gần 7.600 ha diện tích rừng phòng hộ còn lại là diện tích rừng đặc dụng.
Tại buổi kiểm tra, đại diện đoàn Thanh tra Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh đã đề nghị huyện Xuân Lộc cần tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả lực lượng 4 tại chỗ; đồng thời tập trung lực lượng tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lí những vụ vi phạm nhằm hạn chế xảy ra tình trạng cháy rừng. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Đồng Nai 14/9) đầu trang(
Ngày 14-9, tại khu vực rừng dầu rái thuộc lâm phận Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh), Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức diễn tập nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2016.
Tham gia có 63 người thuộc các đơn vị của huyện Khánh Vĩnh, các hạt kiểm lâm, 7 đơn vị chủ rừng trong toàn tỉnh và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh.
Tình huống cháy giả định là người dân sử dụng lửa để đốt nương rẫy dẫn đến cháy lan vào rừng, phát sinh 2 điểm cháy. Sau khi có báo động cháy, các lực lượng tham gia đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường ứng cứu, tạo băng trắng khống chế đám cháy, tiến hành dập lửa; sau đó lực lượng chữa cháy chuyên ngành có mặt, tiến hành chữa cháy, dập tắt 2 điểm cháy.
Các tình huống diễn tập chữa cháy rừng, cứu người bị nạn, sử dụng trang thiết bị… được thực hiện khá thuần thục. (Báo Khánh Hòa 14/9) đầu trang(
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm tại cuộc họp với Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2014-2020 tỉnh Bình Phước, ngày 13-9. Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng năm 2015 và 8 tháng năm 2016.
Theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến hết tháng 12-2015, toàn tỉnh có 176.625,58 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó diện tích đất có rừng 159.342,79 ha và diện tích đất không có rừng 17.282,43 ha. Trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 262 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giảm 37 vụ so với cùng kỳ năm 2014; phát hiện và xử lý kịp thời 3 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 0,475 ha rừng tự nhiên, giảm 1 vụ và 1,153 ha so với cùng kỳ năm 2014.
Năm 2015, toàn tỉnh trồng được 12 ngàn cây lâm nghiệp phân tán; giao khoán bảo vệ 34.485 ha rừng; trồng rừng thay thế 70 ha; chăm sóc 50,4 ha rừng trồng... Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tính đến hết tháng 12-2015 thu được 21,953 tỷ đồng và chi 12,884 tỷ đồng.
8 tháng năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 106 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giảm 86 vụ so với cùng kỳ năm trước, đã xử lý 95 vụ, trong đó 93 vụ xử lý hành chính và 2 vụ xử lý hình sự. So với cùng kỳ năm 2015, các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng có chiều hướng giảm. Trong đó, các hành vi vi phạm có ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích và chất lượng rừng đã cơ bản được khống chế.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cho rằng: Việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm rất lớn thuộc về ban chỉ đạo các cấp. Do đó, thành viên trong ban chỉ đạo, đặc biệt là những huyện, thị có rừng cần tập trung nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp bảo vệ diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức cho người dân và các đầu nậu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo mới, chậm nhất vào đầu tuần sau để có căn cứ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên nhằm đạt kết quả tốt trong thời gian tới. Tiếp tục đẩy nhanh việc kiểm kê hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh trước ngày 30-9 để trình UBND tỉnh. (Báo Bình Phước 14/9) đầu trang(
Với chủ trương “chuyển đổi rừng nghèo kiệt” sang trồng cây caosu; trước năm 2011, hàng chục dự án nhờ chủ trương trên đã được chính quyền tỉnh Bình Phước (BP) giao hàng ngàn hécta đất rừng.
Tuy nhiên, một thực tế cay đắng đã diễn ra, các chủ đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết. Trái lại, người ta đã mang đất dự án ra “xẻ thịt”, sang nhượng cho các cá nhân - thậm chí phá rừng, nhằm trục lợi v.v…
Đầu tiên phải kể là dự án “chuyển đổi rừng nghèo” tại Cty Tân Thiên Mẫn và Cty Hưng Phước Trường. Cty Tân Thiên Mẫn do ông Đỗ Nguyễn Minh Trí (con ông Đỗ Quốc Quýt - Tổng GĐ Cty TNHH MTV caosu Sông Bé thời điểm 2010) làm GĐ. Cty Hưng Phước Trường do bà Lê Thị Nghĩa (vợ ông Đặng Văn Hơn - Phó GĐ Cty TNHH MTV caosu Sông Bé) làm GĐ. Ông Quýt và ông Hơn, với tư cách là cán bộ lãnh đạo DN nhà nước đã sử dụng ảnh hưởng về chức vụ quyền hạn của mình, dùng quỹ đất lâm nghiệp được UBND tỉnh giao cho Cty caosu Sông Bé quản lý, để tham mưu cho UBND tỉnh BP, giao lại đất cho 2 Cty “sân sau” của gia đình (Cty Tân Thiên Mẫn được giao 113ha và Cty Hưng Phước Trường được giao 88,5ha).
Tương tự, bà Trần Thị Thêu (viên chức nhà nước) là GĐ Cty Nam Hằng cũng được giao 196,5ha đất rừng để trồng caosu. Tuy nhiên, mới đầu tư 2,3 tỉ đồng trồng 20ha caosu, bà Thêu đã vội vã chuyển nhượng vốn góp tại Cty Nam Hằng cho ông Nguyễn Thanh Trúc và ông Bùi Văn Làm.
Giá trị chuyển nhượng là 9,3 tỉ đồng (7 tỉ đồng là tiền bán đất kèm hồ sơ Cty, 2,3 tỉ đồng là tiền đầu tư dự án cải tạo rừng nghèo kiệt sang trồng caosu). Danh nghĩa là vậy, nhưng thực tế, ông Nguyễn Thế Hoan - Phó GĐ Cty Nam Hằng - mới là người nhận số tiền chuyển nhượng Cty nói trên, với 10,3 tỉ đồng (giá trị đất 8 tỉ đồng, giá trị đầu tư dự án 2,3 tỉ đồng)… Không chỉ vừa là Phó GĐ Cty Nam Hằng, ông Hoan còn là GĐ Cty Phương Minh, được giao 60ha khác để làm dự án trồng caosu…
Ngoài các dự án liên quan đến các viên chức nhà nước, DN “sân sau”, người nhà cán bộ lãnh đạo DN nhà nước…; thời gian qua, tỉnh BP còn giao hàng trăm hécta đất rừng cho hàng loạt DN tư nhân khác, cũng trên cơ sở “chuyển đổi rừng nghèo kiệt”… Đơn cử Cty Việt Lào được giao 84,4ha đất làm dự án chăn nuôi, trồng caosu… Tuy nhiên, ngay sau khi được giao đất, Cty Việt Lào đã ký hợp đồng liên doanh với Cty Sơn Nam trên diện tích 40ha. Số diện tích đất còn lại (44,4ha), Cty Việt Lào “xẻ thịt” làm nhiều mảnh, chuyển nhượng đất cho nhiều cá nhân khác để trục lợi…
Tháng 8.2011, UBND tỉnh BP đã buộc phải thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra quá trình giao đất và việc quản lý, sử dụng đất của các dự án được giao trên địa bàn tỉnh BP. Và, hậu quả sai phạm từ 13 dự án đã được phanh phui. Tuy nhiên, hệ lụy từ các sai phạm giao đất, quản lý và sử dụng đất tại các dự án “chuyển đổi rừng nghèo kiệt” trên, đến nay - sau 5 năm sai phạm được phanh phui - vẫn chưa khắc phục, xử lý xong.
Tại Báo cáo số 25/BC-SNN-LN ngày 2.3.2016 của Sở NNPTNT tỉnh BP, cho biết: Trong tổng số 20 dự án liên quan đến “chuyển đổi rừng nghèo kiệt” để trồng caosu cần phải xử lý, khắc phục sai phạm, thì có tới 14 dự án buộc phải “thu hồi”, theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Song, việc “thu hồi” ở đây kéo theo ngân sách địa phương phải chi tiền tỉ hoàn trả lại cho một số chủ đầu tư dự án sai phạm.
Thí dụ: UBND tỉnh BP ra quyết định thu hồi 2 dự án của Cty Tân Thiên Mẫn và Cty Hưng Phước Trường. Ngược lại, tỉnh phải bồi hoàn chi phí trồng caosu dở dang cho 2 Cty này trên 16,2 tỉ đồng (Cty Tân Thiên Mẫn 10,6 tỉ đồng, Cty Hưng Phước Trường 5,6 tỉ đồng).
Tương tự, tỉnh BP thu hồi dự án của Cty Phương Minh, phải bồi thường 1,2 tỉ đồng; thu hồi dự án Cty Rạng Đông, phải bồi thường 7,4 tỉ đồng; thu hồi dự án của Cty CP đầu tư phát triển Sài Gòn - BP phải hoàn trả chi phí đầu tư ban đầu 6,3 tỉ đồng v.v… Ngoài những DN trên đã thống kê được số tiền bồi thường, còn một số dự án khác, vẫn còn trong quá trình tranh cãi, hoặc khởi kiện ra tòa…
Tại một số dự án, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi dự án, nhưng vẫn chưa thống nhất được mức bồi thường từ ngân sách, như dự án tại các Cty: Sasco, B58, Nam Hằng, Thiện Đức v.v… Tệ hơn, tại dự án Cty Hoàn Hảo, không chỉ chuyển đổi 369,5ha rừng nghèo kiệt sang trồng caosu, Cty này còn xóa sổ 7,1/10.5ha rừng khoanh nuôi - bảo vệ. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án này, song quá trình tố tụng vẫn chưa đi tới đâu v.v…
Tại Báo cáo số 173/BC-ĐTTr ngày 29.8.2011, Đoàn Thanh tra 1295/QĐ-UBND của tỉnh BP đã kết luận: “Trong việc giao đất cho một số DN theo chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng caosu trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đã thực hiện chưa tốt chức năng quản lý…”, dẫn tới các hậu quả vừa nêu ở trên.
Ông Nguyễn Văn Lãng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội điều VN - cho rằng: “Không chỉ yếu kém trong quản lý các dự án, mà chủ trương “chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng caosu” tràn lan ở BP đã sai lầm ngay từ đầu. Không thẩm định năng lực của nhà đầu tư, giao đất rừng với số lượng quá lớn, dẫn tới hiện tượng nhà đầu tư găm đất, xí phần, chủ ý chuyển nhượng dự án nhằm trục lợi, hơn là trồng caosu; một số lợi dụng “chuyển đổi rừng nghèo kiệt” để phá rừng, khai thác lâm sản v.v… Lẽ ra, phải xử lý các DN sai phạm tại các dự án, thì nay, ngân sách nhà nước phải… bồi thường, “đổ vỏ” cho sai phạm của DN. Để rồi nhận lại những vườn caosu nham nhở, sụt giá thê thảm, hay những khu đất rừng đã bị xóa sạch rừng. Thật là nghịch lý chỉ thấy ở BP”. (Lao Động 15/9) đầu trang(
Rừng tự nhiên 3 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi và Kon Tum còn nhiều loại gỗ quý hiếm nên lâm tặc vẫn thường xuyên “dòm ngó”. Các địa phương đang phối hợp tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm khoáng sản trái phép tại vùng giáp ranh.
Lợi dụng đường Hồ Chí Minh, vùng giáp ranh xã Phước Mỹ (Phước Sơn) với xã Đăk Man (Đăk Glei, Kon Tum), lâm tặc thường khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Cách đây không lâu xảy ra trường hợp 13 hộ dân thuộc thôn Mang Khênh (xã Đăk Man) sang thôn Long Viên (xã Phước Mỹ) mở rộng sản xuất trái phép gần 6ha. Tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua tiểu khu 877, ở nóc ông Hùng, ông Thanh (thôn 3, xã Trà Vân, Nam Trà My) giáp ranh với xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) là “địa chỉ” khai thác khoáng sản trái phép, xâm hại rừng tự nhiên.
Theo nhận định của cơ quan kiểm lâm 3 tỉnh, số vụ phá rừng xảy ra nhiều nhưng lúng túng xử lý, nên lâm tặc không ngần ngại xâm hại rừng. Vành đai giáp ranh dọc theo dãy Trường Sơn tập trung nhiều diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng, nơi hình thành của các con sông lớn nên là “miền đất hứa” cho các đối tượng phá rừng.
Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam nhận định, các cánh rừng nguyên sinh khó bình yên từ ngày có các dự án mở đường chiến lược. Hiện nay, tuyến đường Đông Trường Sơn từ xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) đã thông tuyến qua địa phận thôn 3 (xã Trà Vân, Nam Trà My) gần 5km.
Theo thiết kế, tuyến đường này sau khi hoàn thành sẽ chạy dọc theo sông Bua từ thôn 3 về thôn 2 thuộc xã Trà Vân, qua thôn 3 - xã Trà Mai (Nam Trà My) và vùng giáp ranh thôn 5 thuộc xã Trà Giáp (Bắc Trà My), sẽ là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng vận chuyển lâm sản trái phép. Xã Sơn Bua có điểm giáp ranh rất thuận lợi để tập kết lâm sản theo đường sông Bua hoặc bốc, vận chuyển theo đường Đông Trường Sơn để tiêu thụ.
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, đáng lo nhất là có hơn 35 hộ dân đang sản xuất ổn định với diện tích 20ha tại vùng giáp ranh, nếu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi thu hồi lại đất theo địa giới hành chính sắp xếp của Chính phủ thì người dân sẽ thiếu đất và nguy cơ phá rừng già dọc theo sông Bua (thôn 3, xã Trà Vân) để lấy đất sản xuất rất cao. Tương tự tại thôn 1, xã Trà Giáp có 72 hộ dân (gồm 372 nhân khẩu) đang sinh sống, canh tác trong địa phận xã Trà Thanh (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi).
Tuy nhiên với phong tục, tập quán canh tác nương rẫy vẫn còn khá phổ biến, một bộ phận người dân đã phát rừng làm rẫy, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này. Khảo sát đời sống của người dân vùng giáp ranh các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My với các huyện Tây Trà, Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho thấy, nguồn thu nhập chính của người dân là thu hái lâm sản phụ từ rừng, nhưng không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Hoạt động sản xuất chính của họ là canh tác nương rẫy, sản xuất tự cung tự cấp. Áp lực tăng dân số, trình độ dân trí thấp, các làng nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả nên cuộc sống người dân phụ thuộc nhiều vào rừng, gây thách thức cho nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho rằng, lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh chủ động phối hợp với nhau xây dựng và ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng nhằm giữ vốn rừng hiện có ở khu vực giáp ranh. Trên cơ sở quy chế phối hợp, các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm, khu bảo tồn thiên nhiên, ban quản lý rừng đặc dụng tiếp tục xây dựng và ký quy chế phối hợp với nhau, đồng thời biến các quy chế thành hành động thực thi cụ thể.
Đánh giá mặt tồn tại trong công tác phối hợp truy quét lâm tặc, kiểm lâm 3 địa phương đều cho rằng, khâu xác minh, phân loại các tổ chức, cá nhân có thủ đoạn hủy hoại rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và trao đổi thông tin hai chiều để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý còn hạn chế. Kiểm lâm phụ trách các địa bàn xã chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy và chính quyền các xã giáp ranh trong việc thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
Ông Trần Văn Thu - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam nhìn nhận: “Việc gặp gỡ để trao đổi, phối hợp giữa các đơn vị giáp ranh như hạt kiểm lâm, chủ rừng, UBND xã, kiểm lâm địa bàn chưa đồng bộ và thường xuyên nên một số “điểm nóng” về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thêm vào đó, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép có chiều hướng gia tăng; cùng với nạn đào đãi vàng trái phép tác động vào rừng tự nhiên còn tái diễn”.
Thời gian đầu, các quy chế phối hợp còn “lạ lẫm” nhưng từ năm 2015, các địa phương đã thực hiện rất nền nếp. Hệ thống các văn bản pháp lý về bảo vệ rừng ra đời, cùng với chủ trương giao rừng, cho thuê rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại hiệu quả thiết thực, làm cho rừng thật sự có chủ và góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ngoài ra, từ chính quyền cấp tỉnh đến xã vùng giáp ranh đã đưa kiểm lâm với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác vào nhiệm vụ giữ rừng theo tinh thần  Nghị định 74/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ. (Báo Quảng Nam 15/9) đầu trang(
Gần đây, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 7.9.2016, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 18/CT-UBND yêu cầu các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR).
Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT) về vấn đề này.
Ông cho biết: Trong 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 208 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích rừng bị phá là 261,66 ha. Trong đó, rừng quy hoạch chức năng sản xuất bị chặt phá trái phép 83,59 ha; rừng quy hoạch chức năng phòng hộ bị phá gần 178 ha.
So với cùng kỳ năm 2015, diện tích rừng bị phá tăng hơn 110 ha. Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện 132 vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, với diện tích hơn 100 ha. Các điểm nóng phá rừng chủ yếu tập trung trên địa bàn các huyện Hoài Ân, An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ…
Nguyên nhân của việc chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép diễn biến phức tạp là do lợi nhuận mang lại của một số loại lâm sản quý như gỗ huỳnh đàn, trắc, dổi… khá lớn, nên thu hút nhiều người tham gia. Nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, gỗ của người dân hiện nay rất lớn vì giá nguyên liệu gỗ keo ở mức cao. Đáng ngại là nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, trung du phá rừng để lấy đất sản xuất.
Trong khi đó, việc quản lý đất lâm nghiệp của chính quyền các cấp còn yếu; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, phương án giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ của ngành chức năng chưa đáp ứng kịp với tình hình thực tế.
Diện tích rừng được giao cho các Công ty TNHH Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tương đối lớn; trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho công tác BVR của các đơn vị này còn hạn chế. Việc xử lý vi phạm của chính quyền cấp xã đối với hành vi lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp không kiên quyết, thường xuyên, liên tục; dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật…
Được biết, ngành Kiểm lâm đã ký kết quy chế phối hợp BVR với các ngành liên quan và chính quyền địa phương. Tuy nhiên tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp. Vậy phải chăng, công tác phối hợp giữ rừng còn lỏng lẻo.
Nhìn chung, quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với các ngành liên quan như Công an, Quân đội, các chủ rừng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 9 tháng đầu năm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hình sự 2 vụ phá rừng xảy ra tại Vĩnh Thạnh.
Vụ thứ nhất xảy ra tại khoảnh 10a, tiểu khu 145, xã Vĩnh Sơn, do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý; với khối lượng gỗ khai thác trái phép gần 44 m3 gỗ dổi. Cơ quan chức năng đã xử lý 5 đối tượng phá rừng, xử phạt tổng cộng 31 tháng tù giam và buộc đối tượng phá rừng bồi thường thiệt hại trên 74 triệu đồng.
Vụ thứ hai xảy ra tại khoảnh 1, tiểu khu 226, xã Vĩnh Thuận, với diện tích rừng bị phá 5.370 m2. Cơ quan pháp luật đã tuyên án 6 tháng tù giam đối với đối tượng Nguyễn Hòa Nam (SN 1991; trú ở thôn An Điều Bắc 1, xã Cửu An, TX An Khê, tỉnh Gia Lai); đồng thời, buộc đối tượng bồi thường thiệt hại 135 triệu đồng.
Mới đây nhất, cơ quan chức năng của huyện Phù Mỹ cũng tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thanh Hồng (trú xã Mỹ Phong), vì hành vi chặt phá trái phép 5.500 m2 rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Sò Bó (xã Mỹ Lộc). Hiện ngành chức năng đang hoàn tất hồ sơ để truy tố trước pháp luật.
Tuy một số vụ phá rừng đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm, nhưng nhìn chung, vẫn còn một số địa phương, ngành có liên quan vào cuộc chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, thiếu kiểm tra, đôn đốc; xử lý các vụ vi phạm phá rừng chưa kiên quyết. Do vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở một số nơi vẫn còn xảy ra.
Để tăng cường hơn nữa công tác QL-BVR và ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật, bên cạnh sự điều động, tăng cường bố trí thêm lực lượng Kiểm lâm địa bàn hỗ trợ các địa phương, Chi cục còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng tăng cường công tác BVR.
Bên cạnh việc tuần tra sâu vào rừng, lực lượng Kiểm lâm luân phiên bố trí lực lượng, phương tiện túc trực tại các điểm nóng phá rừng; sử dụng có hiệu quả tai mắt của nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng chặt phá, vận chuyển lâm sản trái phép.
Hạt kiểm lâm các huyện miền núi, trung du như Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Vân Canh thường xuyên mở các đợt truy quét, ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; xử lý nghiêm, đúng pháp luật các trường hợp mua bán lâm sản trái phép.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã thành lập các chốt kiểm tra lâm sản tại các địa bàn trọng điểm và các trục đường giao thông trọng yếu mà lâm tặc thường vận chuyển lâm sản trái phép.
Chi cục cũng đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm kiểm tra, xác lập đầy đủ hồ sơ các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để xử lý theo quy định pháp luật; phối hợp với lực lượng Công an thống kê, phân hóa các đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật, kẻ chủ mưu thuê, kích động, xúi giục đồng bào dân tộc thiểu số phá rừng, gây rối trật tự xã hội, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Từ nay đến cuối năm, lực lượng Kiểm lâm sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tập trung nhổ bỏ những diện tích rừng trồng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp… (Báo Bình Định 14/9) đầu trang(
Vụ thuốc lá vừa qua, khu vực Đông Nam tỉnh trồng gần 4.000 ha thuốc lá, trong đó huyện Krông Pa có gần 3.000 ha, huyện Ia Pa gần 700 ha và thị xã Ayun Pa 300 ha.
Để đáp ứng nhu cầu sấy thuốc, người trồng thuốc lá vùng Đông Nam tỉnh đã xây dựng hơn 1.000 lò sấy (bình quân 2 ha thuốc lá/lò sấy). Người dân cho biết, cứ mỗi ha thuốc lá phải sấy 5 lò, bình quân mỗi lò gần 2 m3 củi. Như vậy, để sấy 3.000 ha thuốc lá mỗi năm vùng đất này đốt khoảng 30.000 m3 gỗ, củi các loại.
Theo công nghệ sấy thuốc lá hiện đang được người dân áp dụng thì cứ một mẻ sấy thuốc phải đốt bằng củi 2 ngày đầu khi lá thuốc còn tươi, yêu cầu ngọn lửa phải to để có nhiệt độ cao; 3 ngày tiếp theo mới chuyển sang sấy bằng trấu để giữ nhiệt độ vừa phải cho lá thuốc chuyển sợi vàng. Và để có củi cung cấp cho các lò sấy này hoạt động, người dân không còn cách nào khác là lén lút vào rừng chặt gỗ, củi về tích trữ làm chất đốt bất kể thời điểm nào trong năm, mặc dù biết rằng việc làm này vi phạm pháp luật.
Ghé vào bất kỳ lò sấy thuốc lá nào ở khu vực xã Ia Trôk (huyện Ia Pa), xã Ia Sao, Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) và một số xã ở huyện Krông Pa đều thấy chủ lò tích trữ một đống gỗ lẫn củi cao ngất ngưởng bên cạnh một đống trấu lớn để làm chất đốt. Nhìn sơ qua nhiều đống cây rừng được người ta gọi là “củi” ở đây thì thấy phần nhiều là các thân gỗ tròn đường kính từ 10 cm đến 20 cm được cắt thành đoạn tầm 1,2 mét.
Trong đó, phần lớn là gỗ dầu, bằng lăng, thậm chí có cả gỗ cà chít, căm xe… “Gỗ càng chắc thì khi cho vào lò đốt ngọn lửa sẽ càng đượm, lâu tàn, giữ nhiệt tốt hơn”-một chủ lò sấy thuốc lá cho hay.
Dọc theo quốc lộ 25 đoạn từ cầu Sông Bờ (thị xã Ayun Pa) xuống thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) hoặc rẽ qua tỉnh lộ 662 đi vào xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) thi thoảng bắt gặp các xe bò, xe tải chở củi, gỗ rời khỏi bìa rừng tiến về phía các lò sấy thuốc lá. Anh Ksor Hoan-người điều khiển xe cộ bò chở củi từ rừng ra nói: “Phải chờ đến quá trưa hoặc sẩm tối khi ít người qua lại mới chở về được, nếu về sớm hơn gặp phải cán bộ, kiểm lâm, bị bắt là công toi”. Mỗi xe củi rừng như vậy chừng 1 ster, khi chở về tới lò sẽ bán được giá từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Vài năm trở lại đây, trồng cây thuốc lá cho thu nhập cao nên người dân vùng Đông Nam tỉnh thi nhau chặt bỏ cây điều để trồng thuốc lá. Thân cây điều bị chặt hạ đã nhanh chóng bị nướng hết vào các lò sấy thuốc lá. Hết củi điều, người dân tìm cách lên rừng đốn gỗ về làm chất đốt. Diện tích cây thuốc lá của huyện Krông Pa và Ia Pa mỗi năm lại tăng lên vài trăm ha ở mỗi huyện và tỷ lệ nghịch với điều này là các khoảng trống trên mỗi cánh rừng lại xuất hiện nhiều hơn.
Để hạn chế việc phá rừng lấy củi sấy thuốc lá, UBND các huyện vùng Đông Nam tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các xã vận động, ký cam kết với các chủ lò thuốc lá không sử dụng củi, gỗ làm chất đốt. Tuy nhiên, hiện người dân chưa có phương pháp sấy thuốc lá nào khác ngoài việc dùng củi dẫn lửa hỗ trợ cho đốt bằng trấu nên tình trạng tích trữ củi làm chất đốt vẫn tiếp diễn. (Báo Gia Lai 14/9) đầu trang(
Chúng tôi có dịp trở lại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông, nhiều năm trước, nơi đây là điểm nóng về khai thác gỗ trái phép của tỉnh. Hiện tại, tình trạng này vẫn tồn tại.
Trước tình trạng “máu” rừng không ngừng chảy, lực lượng kiểm lâm địa bàn cùng chính quyền và nhân dân các xã nằm trong Khu bảo tồn đang nỗ lực từng ngày bảo vệ, mang lại sự bình yên cho những cánh rừng ngút ngàn màu xanh.
Rừng Ngọc Sơn - Ngổ Luông rộng hơn 15.000 ha với 7 xã của 2 huyện Lạc Sơn và Tân Lạc. Theo thống kê của lực lượng kiểm lâm, từ đầu năm đến nay đã bắt giữ và xử lý 15 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tăng 6 vụ so với năm 2015; tịch thu 5 xe máy, 3 cưa xăng, 6, 215 m3 gỗ và nhiều công cụ khác như dao, rìu…, xử lý vi phạm hành chính hơn 48 triệu đồng. Thực trạng đó đang dấy lên lo ngại về sự hoành hành của lâm tặc.
Trước tình hình đó, BQL Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục, trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Theo đó, cử cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn bám sát cơ sở, tuyên truyền pháp luật đến 51 xóm trong khu bảo tồn và các xóm vùng đệm. Từ đầu năm đến nay đã tuyên truyền cho 2.530 lượt người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức bảo vệ tài nguyên rừng, hiểu biết về pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Bình Định, Phó Giám đốc BQL Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông cho biết: “Qua tuyên truyền, người dân nâng cao nhận thức rõ rệt. Chẳng hạn ở xóm Cha, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn), người dân tự nhận thấy tác hại của việc khai thác rừng quá mức khiến tình trạng thiếu nước để cấy lúa. Vì vậy, 100% hộ trong xóm đã ký cam kết không vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng”.
Bên cạnh đó, kiểm lâm địa bàn luôn đảm bảo bám sát cơ sở, kịp thời tham mưu cho chính quyền các xã trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là trong xử lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ rừng. Năm 2015 tổ chức 42 đợt tuần tra, truy quét, thu giữ 4 cưa xăng, 2, 6 m3 gỗ các loại, ngăn chặn hàng trăm lượt người vào rừng trái phép; tham mưu cho xã xử lý 16 vụ vi phạm. Những tháng đầu năm nay, kiểm lâm địa bàn đã tham mưu cho chính quyền xã xử lý 4 vụ vi phạm, phạt 7 triệu đồng góp phần giải quyết triệt để các vụ việc, tránh để tồn đọng.
Xác định việc phối hợp với chính quyền và nhân dân các xã, các ban tự quản lâm nghiệp (TQLN) là nhiệm vụ trọng tâm, hiện trong khu bảo tồn duy trì hoạt động của 7 Ban TQLN ở 7 xóm thuộc 4 xã: Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do, Ngổ Luông. Mỗi ban từ 5–7 thành viên là người dân của các xóm, nhiệm vụ chính là phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra rừng trên địa bàn xóm và các khu vực lân cận. Ngoài ra, tự tổ chức tuần tra định kỳ 4 lần /tháng tại địa bàn của ban. Năm 2015, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền các xã trong khu bảo tồn bắt giữ và xử lý 6 vụ vi phạm, phạt hành chính 10, 5 triệu đồng, hỗ trợ Ban TQLN tổ chức hơn 80 đợt tuần tra với 320 lượt người tham gia, thu giữ 20 cục gỗ nghiến, 10 con tiện, 50 hộp gỗ các loại, 1 cưa xăng và nhiều công cụ khác như dao, rìu, cưa tay.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm phối hợp với 7 Ban TQLN tổ chức hàng chục đợt tuần tra luồn sâu trong rừng, thu được 90 hộp gỗ các loại và 1 cưa xăng. Qua đó góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng người dân xâm hại trái phép tài nguyên rừng.
Mặt khác, BQL tăng cường quản lý cưa xăng từ các hộ dân. Theo thống kê chưa đầy đủ của lực lượng chức năng hiện có khoảng 200 cưa xăng trên địa bàn, tương đương với khoảng 200 hộ /7 xã. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền xã gặp các hộ có cưa xăng làm bản cam kết sử dụng cưa xăng. Theo đó, 100% hộ có cưa xăng đã cam kết không sử dụng vào việc khai thác rừng trái phép, các hộ chỉ được sử dụng đối với cây trồng tại vườn nhà và phải báo cho BQL xóm trước khi sử dụng. (Báo Hòa Bình 14/9) đầu trang(
Chiều 14-9, Trung tá Trần Dũng Sỹ-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Ia Grai cho biết: Thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong tháng 8 và tháng 9, Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện đã phát hiện và bắt giữ 3 xe ô tô vận chuyển gỗ trái phép.
Theo đó, vào lúc 6 giờ sáng ngày 11-9, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, khi đến dốc Ia Châm (thuộc khối phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai), Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện đã phát hiện chiếc xe tải mang BKS 77C-05239 chở gỗ trái phép đi từ xã Ia O (huyện Ia Grai) về TP. Pleiku.
Qua kiểm tra, Đội phát hiện trên xe này chở khoảng 11 m3 gỗ (chưa rõ tên loại gỗ). Trước đó, vào ngày 24-8 và 31-8, Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện cũng đã phát hiện và bắt giữ 2 xe ô tô mang BKS 53L-1786 và 29B-14152 chở gần 3 m3 gỗ lớn lưu thông từ xã Ia O (huyện Ia Grai) về TP. Pleiku. Hiện toàn bộ số gỗ nói trên đã được giao cho Hạt Kiểm lâm huyện xử lý.
Cũng trong đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, ngày 27-8, tại Km 42+500, tỉnh lộ 664 (thuộc địa bàn xã Ia Krái), Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Ia Grai cũng đã phát hiện và bắt giữ xe ô tô mang BKS 81B-01273 của nhà xe Phước Đức vận chuyển 8 cá thể động vật rừng với khối lượng 19,9 kg gồm: rắn, cầy vòi hương (chồn hương) và don (nhím) đi từ huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) về TP. Pleiku. Đội đã tiến hành thu giữ toàn bộ phương tiện và tang vật giao cho Hạt kiểm lâm huyện để xử lý theo quy định của pháp luật. (Báo Gia Lai 15/9) đầu trang(
Ngày 14-9, ông Nguyễn Duy Lực, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), xác nhận: “Khoảng 17 giờ 30 ngày 13-9, tại khu vực trước nhà Văn hóa cộng đồng xã Phước Lộc, xảy ra vụ xô xát giữa Đội 12, Hạt kiểm lâm huyện Đạ Huoai và một người dân chở gỗ khiến người dân chở gỗ bị thương phải nhập viện cấp cứu. Nhận được tin báo, chúng tôi ghi nhận hiện trường và báo cáo lên huyện Đạ Huoai để xác minh làm rõ”.
Theo nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động, thông tin ban đầu, nạn nhân là anh K’ Dem (30 tuổi, ngụ thôn Phước Trung, xã Phước Lộc) đang trên đường chở khúc gỗ sile (một loại gỗ bị gió quật ngã lâu ngày) dài khoảng 2 m, đường kính 17 cm, từ bìa rừng về đến khu vực gần nhà Văn hóa cộng đồng xã thì bị các kiểm lâm ở Đội 12, Hạt kiểm lâm huyện Đạ Huoai phát hiện và dùng súng đạn cao su bắn vào ngực bị thương.
Trao đổi với báo Người Lao Động, anh K’ Dem cho biết: “Sau khi lực lượng kiểm lâm yêu cầu dừng xe, tôi đã dừng lại và nói đây là khúc gỗ sile loại mục bị gió xô ngã lâu ngày tôi lấy về làm chuồng gà. Lúc đó, có người trong đội kiểm lâm nói thấy nó tội thôi cho nó đi đi. Tôi mới nổ máy xe chạy tiếp thì bị một kiểm lâm dùng súng bắn vào ngực phải vào trạm y tế xã khâu vết thương”.
Vụ việc xảy ra, anh K’ Dem bị một vết thương trên ngực bên phải, được trạm y tế xã Phước Lộc khâu 4 mũi. Sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa II, TP Bảo Lộc Lâm Đồng tiếp tục điều trị.
Ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), cho biết: “Sau khi nhận được tin báo, khoảng 18 giờ cùng ngày, tôi trực tiếp chỉ đạo Công an huyện xác minh làm rõ khi nào có kết quả sẽ thông báo ngay cho báo chí. Đồng thời cử ông Nguyễn Duy Lực, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc lên Bệnh viện Đa khoa II, TP Bảo Lộc để thăm hỏi nạn nhân”. (Người Lao Động 14/9) đầu trang(
Ngày 14-9, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng cáo giảm một năm tù cho bị cáo Trần Văn Thống (42 tuổi) còn 14 năm tù về tội buôn lậu. Bị cáo Thống có hoàn cảnh gia đình khó khăn, được tạo điều kiện sớm được ra tù về nuôi ba con nhỏ.
Ba đồng phạm là Lê Quốc Toàn (29 tuổi), Lê Văn Bính (34 tuổi) và Trần Đắc Hùng (50 tuổi) bị tòa y án từ 10 đến 12 năm tù.
Theo hồ sơ, ngày 30-4-2014, công an phối hợp với hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn kiểm tra hàng hóa xuất khẩu trong ba container do Công ty TNHH Bảo Hoa Viên đăng ký mở tờ khai.
Qua kiểm tra hàng hóa, hải quan cửa khẩu phát hiện ba container có 64,8 m3 gỗ trắc chứ không phải hàng gốm sứ như khai báo.
Vụ việc được chuyển giao cho cơ quan điều tra, công an khám xét nơi ở của Thống, phát hiện và thu giữ thêm 8,68m3 gỗ trắc gai.
Khám xét nơi ở của Hùng thu giữ chín giấy giới thiệu, 10 tờ giấy trắng không có nội dung nhưng có sẵn chữ ký của Nguyễn Tấn Đạt (Giám đốc Công ty Bảo Hoa Viên) và con dấu của công ty.
Tại tòa, các bị cáo khai Thống đã bàn bạc với Bính, Hùng và Toàn khai báo là hàng gốm sứ để được phân luồng xanh, miễn kiểm tra, được thông quan.
Thống đã mua số gỗ trên qua một người tên Trang và có giấy trả lại tang vật của Công an huyện Củ Chi (số gỗ này bị Công an huyện Củ Chi thu giữ và sau đó trả lại), dự định sẽ thông quan xuất sang Hong Kong bán kiếm lời. (Pháp Luật TP.HCM 14/9) đầu trang(
Lọt thỏm giữa đại ngàn Đam Rông (Lâm Đồng) là nơi đóng chân của trạm quản lý và bảo vệ rừng Đạ R’lau. Ở đó, những con người đang ngày đêm miệt mài với hành trình làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ những cánh rừng.
Trạm Đạ R’lau nằm ở tiểu khu 181 - một trong những điểm nóng về di cư tự do tại Đam Rông từ những năm 2000 cho đến nay. Theo lời của các thành viên ở trạm thì Đạ R’lau được lấy theo tên một nhánh sông thuộc dòng Sêrêpốk chảy qua khu vực này.
Trong chuyến công tác về Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk (huyện Đam Rông), chúng tôi có dịp vào ghé thăm Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ R’lau, tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt của các cán bộ, nhân viên nơi rừng xanh núi thẳm.
Chỉ cách trung tâm huyện chừng 20 km nhưng để vào tới Đạ R’lau phải mất hai giờ đồng hồ di chuyển bằng những chiếc xe “đặc chủng” để vào rừng. Gọi là “đặc chủng” bởi chúng là  những chiếc xe máy bình thường nhưng được các cán bộ Ban quản lý rừng đã “chỉnh sửa” để di chuyển được trong địa hình đồi dốc, đường nhỏ, gập ghềnh khó đi và tránh trơn trượt.
Con đường độc đạo dẫn vào Đạ R’lau bị mưa xé tan hoang, trở nên nguy hiểm hơn bởi một bên vực sâu và bên kia là núi thẳm. Chốc chốc gặp bà con đi từ rừng ra, xe chúng tôi lại dừng lại và nép sát vào vách núi để xe kia đi qua an toàn. Đất đỏ là đặc trưng của cao nguyên lầy lội, đặc quánh bám chặt vào bánh xe, bắn lên tận đầu nếu lên ga và xe đi phía sau. Nhưng điều đó chẳng thấm tháp gì so với những con dốc dựng đứng, đá mồ côi sắc cạnh, có đoạn nhầy nhụa như trải mỡ.
Chúng tôi lên xe, cán bộ Trạm đã dặn: “tuyệt đối không được đặt chân xuống, cứ việc ngồi yên bám chắc trên xe. Hễ người lái nhích lên thì người ngồi sau phải nhích theo ngay kẻo xe nhẹ đầu mà bị lật ngược”. Trong suốt hành trình, tấm lưng của người cầm lái luôn phải uốn mình theo những con đường. Có lẽ với tôi họ là “tay lái thiện nghệ” trong cuộc đua xe địa hình.
Từ xa, tấm biển lớn dựng bằng bê tông với dòng chữ “Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” viết bằng tiếng Việt lẫn tiếng của người Mông di cư, chúng tôi hiểu rằng mình đã đặt chân đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ R’lau. Tất cả đều ngẫn nghĩ con đường lầy lội mình vừa đi qua, một triết lý văn chương của nhà văn Lỗ Tấn được anh bạn trẻ trong trạm nhanh nhảu: Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi.
Trạm - thực chất chỉ là căn nhà gỗ đơn sơ được dựng lên giữa đại ngàn. Do địa bàn trải rộng, địa hình hiểm trở, mỗi phiên vào trạm các anh phải ở lại cả tuần lễ, mưa gió phải ở lại cả tháng trời giữa rừng sâu. Anh Nguyễn Đăng Biện, Trạm trưởng Trạm Đạ R’lau nói rằng, những người đàn ông tay chân rắn chắc, nổi những đường gân bởi bao năm tháng sống với rừng nhưng vẫn khéo léo nhóm lửa, cơm ngon canh ngọt. Năng lượng có được từ tấm pin năng lượng mặt trời các anh dành đụm dể thắp sáng, ti vi có lẽ là thứ “xa xỉ” nhất ở đây. Ban ngày kiểm tra những cánh rừng, ban đêm là lúc những người đàn ông quây quần bên chiếc ti vi nhỏ nghe tin tức và những động tĩnh của rừng.
Trạm Đạ R’lau gồm có 5 thành viên đảm nhận nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 5 tiểu khu gồm 180, 181, 196, 197, 198 với diện tích lên tới khoảng 7.000 ha (bình quân mỗi người quản lý, bảo vệ hơn 1.400 ha). Năm thành viên của trạm, có người đã ngoài 40 tuổi và gần 15 năm gắn bó với rừng như anh Nguyễn Đăng Biện, anh Phan Đình Thế… nhưng cũng có những chàng trai tuổi mới ngoài đôi mươi như Đặng Văn Giang, Vũ Văn Đạt. Mỗi người một vùng quê, nhưng họ có điểm chung là tốt nghiệp ngành lâm nghiệp và hiện đang cùng nhau gắn bó tại những cánh rừng ở nơi này.
Để nếm trải cái cảm giác “lọt thỏm” giữa đại ngàn, chúng tôi cùng các anh tham gia một chuyến đi kiểm tra rừng. Chiếc xe máy của anh Biện “nhảy” trên con đường đầy những ổ voi, ổ trâu và cây bụi quất vào mặt người. Anh đùa rằng “15 năm trước anh em (đồng nghiệp - PV) và mình đều bóng bẩy lắm. Đi rừng nhiều quá nên giờ xây xước, kém sắc đôi chút rồi. Nhưng chúng mình còn mạnh mẽ và nhanh nhẹn lắm”. Những đoạn không thể di chuyển bằng xe máy, đành để nép con ngựa sắt vào bụi cây và cả đoàn tiếp tục hành trình. Anh Thế nói thêm: “Có khi chúng tôi đi bộ sang đất Đắk Nông vì diện tích rừng do trạm quản lý giáp ranh tới khu vực đó”.
Ít đối mặt với lâm tặc nhưng dai dẳng với vấn nạn di cư tự do của bà con người Mông ở các tỉnh phía Bắc vào phá rừng làm nương rẫy. Họ sống chủ yếu dựa vào những sản phẩm từ rừng. Chị Hà Thị Mỵ - người dân tộc Mông di cư tự do tại đây nói: “cán bộ ngăn chỗ này, mình phát rẫy trồng chỗ khác, miễn sao có chỗ trồng bo bo để kiếm tiền là được rồi”. Vụ bo bo vừa qua, gia đình chị Hà thu được 10 tấn bo bo đem về hơn 130 triệu đồng. Vụ ấy gia đình chị gieo hết 30 kg hạt giống, “trồng hết gần cả một quả đồi” - chị Mỵ nói.
Nhiều gia đình người Mông như chị Mỵ tiếp tục tìm những mảnh đất màu mỡ từ rừng mà Trạm Đạ R’lau đang bảo vệ để tra vào đó hạt giống. Tuần tra ngăn chặn tình trạng này vào ban ngày, khi mặt trời xuống núi, bà con từ rẫy về nhà, cũng là khi cán bộ của trạm đến nhà vận động bà con không tiếp tục phá rừng. Công cuộc thay đổi nhận thức ấy quả thật không dễ.
Anh Đặng Văn Giang nói thêm, “Trạm có 5 người, trong khi bà con người Mông riêng tiểu khu 181 có tới hơn 100 hộ với hơn 500 khẩu. Cán bộ đi tuần tra hướng này thì không kiểm soát được hướng kia. Thậm chí bà con còn cử người theo dõi cán bộ từng ngày để lẩn tránh”. Cũng bởi lẽ đó mà vào mùa mưa, dù khó khăn vất vả hơn nhưng các anh vẫn phải kiểm tra chặt chẽ từng khu vực để tránh tình trạng bà con lợi dụng thời tiết xấu, chặt phá và lấn chiếm đất rừng.
Cán bộ tại Trạm Đạ R’lau đã khoe với chúng tôi “con cưng” của mình, đó là 5.000 cây thông đã được ươm mầm và đang phát triển tốt, mùa mưa này chúng sẽ được tồng lên trên 3 ha đất đã bị bà con chặt phá. Được biết sau 5.000 cây này, sẽ có những lớp cây khác tiếp tục được ươm và trồng trên những vùng đất trắng. Những cây con hôm nay rồi sẽ lớn và phủ một màu bình yên cho những cánh rừng.
Đó là ước nguyện lớn nhất của những con người chung một ước mơ: có một ngày đàn chim trở về làm tổ trên những cái cây non nớt này. (Báo Lâm Đồng 15/9) đầu trang(
Lúc 10 giờ sáng 14-9, Thanh tra Sở NN-PTNT đã thả một con đồi mồi quý hiếm ra vùng biển Vũng Tàu.
Theo Thanh tra Sở NN-PTNT, sau khi nhận được tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) có 1 con đồi mồi đang được nuôi giữ tại Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu, đơn vị đã thành lập đoàn thanh tra, gồm: đại diện Công an phường 1, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, UBND phường 1, Phòng Kinh tế TP.Vũng Tàu tiến hành làm việc với đại diện Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu.
Tại buổi làm việc, đoàn ghi nhận có 1 con đồi mồi nặng 24 kg, mai có màu sắc óng ánh tại hồ nước của Công ty. Đoàn đã tiếp nhận con đồi mồi này và tiến hành thả về môi trường tự nhiên.
Đồi mồi có tên khoa học là Eretmochelys imbricata, là một trong 7 loài rùa biển hoang dã, quý hiếm, có tên trong sách đỏ thế giới và Việt Nam, nguy cơ tuyệt chủng cao, cấm buôn bán, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. (Báo Bà Rịa - Vũng Tàu 14/9) đầu trang(
Thời gian gần đây, một cá thể voi rừng hoang dã đã xuất hiện giết hại trâu, bò, phá hại hoa màu, tấn công người dân tại khu vực bản Kéo, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Theo báo Infonet, ông Nguyễn Văn Phương – Phó chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vừa có báo cáo số 467 /BC-UBND ký, chuyển gửi tới các cơ quan chức năng với nội dung như sau: Trong thời gian gần đây tại khu vực Bản Kéo, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, voi rừng thường xuyên xuất hiện vào ban đêm.
Không chỉ có vậy, Voi xuống khu vực đang sản xuất nông nghiệp và khu dân cư phá hoại hoa màu; xua đuổi và giết hại trâu, bò phá hoại ống nước, lều, lán và đe dọa đến tính mạng của nhân dân. Làm cho nhân dân hoang mang và bức xúc, không yên tâm sản xuất.
Từ năm 2014 đến nay, Voi rừng đã phá hoại 156 lần, với số công khắc phục hậu quả là 240 công, giết chết 1 con trâu, 5 con bò, hủy hoại 1 máy phát cỏ, 1 máy thái sắn, 1 nhà ở, 1 chuồng trại, 404 ống  và 3.300m dây dẫn nước các loại; làm thiệt hai 1,572 ha ruộng lúa nước, 23,547 ha nương ngô, sắn. Từ năm 2014 đến nay voi đã gây thiệt hại hơn 430 triệu đồng.
Theo báo Lao Động, trước tình trạng trên UBND huyện Sông Mã chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã, bản liên quan tổ chức các đợt tuyên truyền, vân động, ban hành các thông báo đến nhân dân các bản trong vùng voi rừng thường xuyên xuất hiện và các vùng lân cận biết để phòng tránh, hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp xua đuổi voi ra khỏi khu vực dân cư và bảo vệ, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của voi.
Để phòng tránh xung đột với người dân, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp và chuyên viên Vụ bảo tồn thiên nhiên, Chuyên gia bảo tồn đã có buổi làm việc với huyện Sông Mã và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La và thực địa tại hiện trường nhằm tìm ra các giải pháp tốt nhất để bảo tồn cá thể voi hoang dã.
UBND huyện Sông Mã đã đề nghị UBND tỉnh Sơn La và các cơ quan chức năng đề xuất với Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN và PTNT, Bộ TN và MT và các ngành chức năng áp dụng các biện pháp di chuyển voi rừng vào khu vực bảo tồn thiên nhiên, nơi voi có đủ điều kiện môi trường sinh sống, vừa bảo tồn được động vật hoang dã, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất. (Doanh Nghiệp Việt Nam 15/9) đầu trang(
Các cán bộ kiểm lâm tại vườn quốc gia Cát Tiên vừa phát hiện và xử lý xác của một con bò tót nặng khoảng 1 tấn đã bị tử vong tại tiểu khu 38, cách trụ sở vườn quốc gia Cát Tiên khoảng 10km.
Trao đổi với phóng viên báo Khoa học & Phát triển, tiến sĩ Phạm Hữu Khánh – Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, trong lúc đi tuần tra vào sáng ngày 11/9 vừa qua, các cán bộ kiểm lâm của vườn quốc gia Cát Tiên đã phát hiện một con bò tót chết không rõ nguyên nhân. Được biết, đây là cá thể bò tót đực, nặng khoảng 1 tấn với chiều dài thân gần 3m, cao khoảng 2m và đã tử vong trước đó 3 ngày.
Khi phát hiện, xác của con bò tót này đang trong tình trạng phân hủy nặng và bốc mùi hôi thối. Điều này khiến cơ quan chức năng của vườn quốc gia Cát Tiên buộc phải đem chôn, nhằm tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân khiến con bò tót này bị tử vong, nhưng theo ông Phạm Hữu Khánh, chú bò tót đực này có thể đã chết vì quá già.
Bởi vì, sau khi khám nghiệm xác chết, các nhân viên của vườn và bác sĩ vẫn không phát hiện được dấu hiệu bị bắn hoặc bị dính bẫy. Tuy vậy, nhằm đảm bảo cho tính chính xác của vụ việc, các cơ quan chức năng vẫn tiến hành mổ xác chết của con bò lấy 1 số mẫu vật về xét nghiệm để sớm tìm ra nguyên nhân.
“Đây là một con bò tót đực, nặng khoảng 1 tấn và đã chết cách đây 3 ngày. Hiện tại, nhân viên của vườn quốc gia Cát Tiên đã xử lý xác chết và đem chôn ngay tại nơi phát hiện ra con bò tót này chết.” – ông Phạm Hữu Khánh chia sẻ.
Tính đến thời điểm này, vườn quốc gia Cát Tiên có khoảng 100 – 110 cá thể bò tót đang sinh sống trong điều kiện tự nhiên, chiếm 1/4 số lượng bò tót trong cả nước. Tại đây, số lượng bò tót phân bố thành nhiều đàn khác nhau. Trong đó, những đàn lớn có thể lên tới 10-15 cá thể, còn đàn nhỏ thì có từ 3 đến 4 cá thể. Ngoài ra, cũng có một số cá thể bò tót đực trưởng thành sống đơn độc.
Bò tót hay còn gọi là con Min (danh pháp khoa học Bos gaurus), là một loài động vật cực kỳ quý hiếm thuộc nhóm IB trong sách đỏ Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở vùng đồi của Ấn Độ và Đông Nam Á. Vào năm 1986, chúng đã được sách đỏ thế giới (IUCN) ghi nhận là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện tại, loài thú móng guốc lớn này được luật pháp Việt Nam bảo vệ, cấm săn bắn với mọi hình thức. (Khoa Học Phát Triển 15/9) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Nghị định số 119/2016/NĐ-CP khuyến khích xã hội hóa đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển, gồm: Đầu tư bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, sản xuất nông lâm kết hợp và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng trong khu vực có rừng ven biển; đầu tư xây dựng công trình gây bồi, chống xói lở bờ biển, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ môi trường rừng trong khu vực rừng được giao, khoán, cho thuê ổn định, lâu dài phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được giao đất, khoán rừng, cho thuê rừng ven biển để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật. Chủ rừng được liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện đầu tư các hoạt động nêu trên.
Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển sẽ có các quyền lợi sau:
- Được hưởng toàn bộ sản phẩm từ nguồn vốn tự đầu tư.
- Tổ chức kinh tế được miễn tiền thuê rừng ven biển khi có quyết định thuê rừng sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, được miễn tiền thuê rừng ven biển trong 5 năm đầu kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho thuê rừng; có quyết định cho thuê rừng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà thời hạn thuê rừng còn từ 5 năm trở lên thì được miễn tiền thuê rừng trong 5 năm kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành; đã có quyết định cho thuê rừng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng thời hạn thuê rừng còn dưới 5 năm thì được miễn tiền thuê rừng đến hết thời hạn cho thuê còn lại ghi trong quyết định cho thuê rừng.
- Được phát triển các thương hiệu sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc từ môi trường rừng và hệ sinh thái rừng ven biển.
- Được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư theo quy định khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng. (Nông Nghiệp Việt Nam 15/9) đầu trang(
Trong khuôn khổ Chương trình UN - REDD Việt Nam giai đoạn II; nhằm thí điểm chia sẻ lợi ích gắn với Kế hoạch hành động REDD+ cấp cơ sở (SiRAP), ngày 8/9, Ban quản lý (BQL) Chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là bên A) đã ký kết Thỏa thuận với 3 BQL rừng phòng hộ (RPH) tỉnh Lâm Đồng (bên B).
Theo đó, bên A hỗ trợ cho bên B triển khai thực hiện hoạt động thuộc Kế hoạch hành động REDD+ những nội dung cụ thể từ ngày 1/4/2016 đến 31/12/2018 và tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng.
Tại BQLRPH Nam Ban hiện có diện tích 22.174,78 ha (trong đó, RPH gần 6.000 ha, rừng sản xuất (RSX) gần 15.800 ha, đất quy hoạch cho lâm nghiệp gần 400 ha) và diện tích đất có rừng 15.242,1 ha. Hiện trạng sử dụng rừng và đất lâm nghiệp khu vực thực hiện SiRAP như sau: xã Phú Sơn 12.318,93 ha, độ che phủ 57,5%; xã Phi Tô 4.062,13 ha, độ che phủ 32,7%; xã Đông Thanh 1.693,18 ha, độ che phủ 31,97%. Diện tích rừng đưa vào thí điểm là 2.800 ha (RPH 697,74 ha và RSX 2.108,73 ha). Với BQLRPH Tân Thượng, diện tích 5.733 ha; trong đó đất chưa có rừng cho lâm nghiệp 2.233,70 ha và đất có rừng 3.499,30 ha.
Diện tích thí điểm 2.800 ha (RPH 2.108,99 ha và RSX 691,01 ha). BQLRPH Lán Tranh 12.274,59 ha (đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 6.698,83 ha và đất quy hoạch cho lâm nghiệp 12.274,59 ha (trong đó đất có rừng 5.505,29 ha). Hiện trạng rừng và đất rừng khu vực thực hiện SiRAP: xã Phúc Thọ 4.425,65 ha, độ che phủ 49,78%; xã Tân Thanh 6.650,64 ha, độ che phủ 51,07%. Diện tích thí điểm 2.500 ha (RPH 1.754,00 ha; RSX 746,00 ha).
Theo 3 BQLRPH, các vấn đề thách thức trong công tác QLBVR nói chung là: Diện tích rừng quản lý lớn, phức tạp, lực lượng mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ. Nhiều đối tượng khi bị lực lượng BVR của đơn vị bắt quả tang có hành vi cản trở, hành hung và đe dọa. Nhận thức về công tác QLBVR của người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Cùng đó, nhu cầu tích lũy đất ở, đất sản xuất cũng như nhu cầu sử dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng cao do lợi nhuận thương mại, gây áp lực lớn trong công tác QLBVR. Một thử thách khác nữa là cháy rừng do người dân bất cẩn trong sử dụng lửa để khai thác lâm sản, đốt nương làm rẫy...
Mục tiêu chung là tìm các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng, các rào cản đối với QL&BVR tại địa phương, cải thiện sinh kế, hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, hướng đến BV&PTR bền vững, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động REDD+ của tỉnh và quốc gia. Theo đó, mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức của cộng đồng; BV&PTR và cải thiện sinh kế cho người dân, tạo điều kiện cho người dân tham gia QLBVR. Mức hỗ trợ cụ thể: BQLRPH Tân Thượng 2.065.310.000 đồng; BQLRPH Nam Ban 2.063.940.000 đồng và BQLRPH Lán Tranh là 1.847.651.300 đồng.
Hai bên đã thống nhất về trách nhiệm của mỗi bên. Với bên A, thẩm định và phê duyệt kế hoạch thực hiện của bên B theo SiRAP được duyệt; đảm bảo kinh phí theo đúng kế hoạch thực hiện các hoạt động đã được quy định; hướng dẫn tổ chức thực hiện theo Thỏa thuận, đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, đối tượng và kế hoạch theo quy định. Mặt khác, tổ chức và phối hợp với bên B trong giám sát, nghiệm thu, theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo định kỳ việc thực hiện kế hoạch hành động REDD+.
Bảo đảm việc thực hiện SiRAP theo đúng mục tiêu, nội dung đã được duyệt và thỏa thuận với nhà tài trợ, đối tác quốc tế; đảm bảo tuân thủ các điều kiện thực hiện và giải ngân cho bên B theo SiRAP được duyệt; kiểm tra, hướng dẫn và yêu cầu bên B sửa chữa những sai sót trong việc thực hiện SiRAP; đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng nếu bên B vi phạm Thỏa thuận nghiêm trọng và không có hướng khắc phục.
Trách nhiệm của bên B bao gồm: Mở tài khoản REDD+ tại Ngân hàng để tiếp nhận nguồn kinh phí; tổ chức thực hiện Thỏa thuận theo đúng SiRAP và hướng dẫn của BQL Chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng và quy định của pháp luật, đảm bảo đúng mục đích, nội dung Thỏa thuận đã ký kết.
Chịu trách nhiệm về nguồn vốn hỗ trợ; có trách nhiệm thông báo, công bố Quyết định phê duyệt SiRAP BQLRPH, niêm yết công khai kế hoạch này tại trụ sở và các xã trong lâm phần và thông báo danh sách các bên ở địa phương tham gia thực hiện SiRAP. Đồng thời, thực hiện tất cả các cam kết và điều kiện đã được nêu trong SiRAP được duyệt; phối hợp với UBND các xã liên quan huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn xã, cộng đồng người dân tại các thôn tích cực tham gia các hoạt động đã ký kết…
Mặt khác, phối hợp với bên A và hướng dẫn UBND các xã, các bên liên quan ở cấp cơ sở thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát, nghiệm thu, quản lý các hoạt động và báo cáo kịp thời; phối hợp với UBND các xã, các bên liên quan ở địa phương đảm bảo trong quá trình thực hiện SiRAP, RIA, các bên tham gia không vi phạm pháp luật về BV&PTR ở những nơi nằm ngoài phạm vi địa bàn thực hiện SiRAP, RIA. Trường hợp vi phạm, các bên phải bị xử lý theo quy định của pháp luật...
Các nhóm hoạt động cụ thể là: Trực tiếp BVPTR (Khoán QLBVR từ nguồn bổ sung thêm của UN-REDD; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra BVR; hỗ trợ đồng phục tuần tra BVR (quần, áo, mũ, võng, ủng, nhà bạt, phi nhựa, máy cole, can đựng nước…); hỗ trợ máy định vị; hỗ trợ trang thiết bị và tập huấn phòng cháy chữa cháy rừng.
Nhóm hỗ trợ QLBVR (hỗ trợ cải thiện sinh kế cho người dân như: tập huấn canh tác cây cà phê, bơ, sầu riêng đối với Tân Thượng; hỗ trợ giống lâm nghiệp trồng xen vào cây cà phê như sao đen, dổi xanh đối với Nam Ban hay cây sao, muồng đối với Lán Tranh…); tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Cuối cùng là nhóm hoạt động quản lý… (Báo Lâm Đồng 14/9) đầu trang(
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 14/9, một chuyên gia ngành điện cho biết, một thời gian ngắn trước khi sự cố tại Thủy điện Sông Bung 2 xảy ra, một số tổ chức gồm Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Phát triển Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu và Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Tổng hợp Tài nguyên nước đã có kiến nghị gửi Quốc hội về vấn đề quy hoạch và quản lý các dự án thủy điện của Việt Nam.
Dẫn nhiều sự cố trong xây dựng các công trình thủy điện những năm gần đây, các tổ chức này cho rằng cần thắt chặt hơn nữa công tác quản lý và thực hiện quy hoạch đối với tất cả các dự án thủy điện đang vận hành. Các cơ quan quản lý cần khẩn trương, nghiêm túc đánh giá toàn diện quy trình vận hành của các công trình thủy điện đơn lẻ cũng như các công trình bậc thang, vấn đề an toàn đập, an toàn hạ lưu. Cùng đó cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bên (chủ đầu tư, cơ quan chủ quản, chính quyền các cấp) trong quá trình quản lý và giám sát sự vận hành của nhà máy, đặc biệt trong khi tích nước và xả nước.
“Các tổ chức này đã kiến nghị Chính phủ cần xem xét đình chỉ việc xây dựng các dự án trong quy hoạch chưa có đánh giá đầy đủ về an toàn đập và chi phí môi trường - xã hội. Ngoài ra, các thiệt hại từ các sự cố liên quan đến thủy điện cần tính toán và lượng hóa một cách cụ thể để tạo cơ sở cho việc yêu cầu bồi thường và đảm bảo quyền lợi, sinh kế của cộng đồng dân cư bị tái định cư và bị ảnh hưởng”, vị này cho biết.
Cũng theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hồi đầu năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam có báo cáo về công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, nước và khí tượng thủy văn đối với các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo báo cáo này, Quảng Nam có tổng cộng 42 dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch thủy điện tỉnh (10 dự án thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ), với tổng công suất 1.583 MW. Việc phát triển nhiều dự án thủy điện kéo theo việc phá rừng đầu nguồn, trong đó có cả những khu bảo tồn để xây các công trình của nhà máy thủy điện đã làm mất rất nhiều diện tích rừng, mất đi tính đa dạng sinh học trong khu vực.
Trong khi đó, việc trồng bù rừng lại không được thực hiện đầy đủ vì hầu hết các công trình đã không bố trí được hoặc bố trí không đủ quỹ đất trồng rừng nhằm bù lại diện tích rừng đã mất. (Tiền Phong 15/9) đầu trang(
Năm 2014, Quảng Ninh bắt đầu triển khai việc trồng rừng thay thế theo quy định của Chính phủ. Theo quy định, tất cả các dự án khi sử dụng đất rừng sang các mục đích khác đều phải trồng rừng thay thế bằng 2 hình thức tự trồng rừng hoặc nộp tiền (55 triệu đồng/ha) với diện tích tương ứng.
Giai đoạn đầu, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do quy định mới và việc truy thu từ các dự án cũ đòi hỏi cần phải lật lại nhiều hồ sơ giấy tờ để xác định, nên  mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai trồng rừng thay thế trên địa bàn đã thuận lợi và đi vào nền nếp. Theo thống kê của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, sau hơn 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã trồng trên 698ha rừng thay thế, chiếm trên 70% diện tích đã được phê duyệt phương án. Cụ thể, năm 2014 đạt 281ha, năm 2015 đạt 288ha và 8 tháng đầu năm nay đạt 130ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Minh Tuấn, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Kết quả trồng rừng thay thế đạt được như trên là bởi hiện các quy định về trồng rừng thay thế đã rất rõ ràng. Đây là cơ sở quan trọng để các ngành chức năng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát. Có thể thấy, đối với các dự án mới hình thành, tỉnh đã kiên quyết buộc chủ dự án khi xây dựng quy hoạch phải tính toán và xây dựng phương án trồng rừng thay thế.
Khi phương án trồng rừng thay thế được thẩm định, phê duyệt thì dự án mới được phê duyệt, làm cơ sở để triển khai. Đối với các dự án cũ (đã được triển khai trước thời điểm 2014) cũng có những quy định của các bộ, ngành và tỉnh đã hướng dẫn cụ thể việc rà soát các danh mục phải thực hiện trồng rừng thay thế, xác định diện tích, giá trị trồng rừng thay thế của mỗi dự án...
Riêng đối với các dự án thuộc các đơn vị ngành than,  là những đơn vị phải trồng rừng thay thế với diện tích lớn, tỉnh kiên quyết chỉ xét gia hạn hoặc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản, cũng như hoàn tất thủ tục tiếp tục thuê đất khi doanh nghiệp thực hiện trồng rừng thay thế đầy đủ và chất lượng. Chính bởi vậy nên việc trồng rừng thay thế đã dần đi vào quy củ, các doanh nghiệp tự giác và khẩn trương thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nhiều doanh nghiệp có diện tích trồng rừng lớn từ 50ha đến trên 100ha đều đã thực hiện dứt điểm, đơn cử như các doanh nghiệp Than Vàng Danh, Hà Tu, dự án Khu du lịch đô thị Hạ Long Star… Ngay cả một số doanh nghiệp thời gian qua gặp không ít khó khăn cũng đã nỗ lực thực hiện được một phần nghĩa vụ trồng rừng thay thế của mình như Công ty CP Đông Bắc (huyện Hải Hà), Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm (TP Uông Bí).
Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 291ha diện tích trồng rừng thay thế đã được phê duyệt phương án của 22 doanh nghiệp là chưa triển khai. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp chuyển tiền vào quỹ để trồng rừng với diện tích tương ứng trên 100ha. Được biết, toàn bộ diện tích này nếu thuận lợi sẽ được thực hiện trồng trong vụ trồng rừng cuối năm 2016 hoặc có thể chuyển sang vụ trồng rừng đầu năm 2017.
Sau khi các doanh nghiệp có nghĩa vụ trồng rừng thay thế nộp tiền để thực hiện nội dung này, tỉnh chuyển kinh phí cho các đơn vị lâm nghiệp nhà nước (các ban quản lý rừng và công ty TNHH MTV lâm nghiệp) thực hiện trồng rừng. Vốn có kinh nghiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nên toàn bộ diện tích rừng các đơn vị lâm nghiệp nhà nước đã trồng theo đặt hàng rừng trồng thay thế đều đảm bảo chất lượng, sau 3 năm là thành rừng.
Thực tế qua kiểm tra gần đây, tất cả các đơn vị này đều trồng rừng đúng phương án, có sự chuẩn bị rất kỹ về diện trồng rừng, số lượng chủng loại cây trồng, vị trí, diện tích trồng… công tác chăm sóc rừng đúng quy trình, đảm bảo tỷ lệ sống cao, đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong đó tiêu biểu như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Liêu trồng 287ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên trồng 120ha, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử trồng gần 100ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ Trúc Bài Sơn trồng 44ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Lập trồng 42ha…
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trồng rừng thay thế, hiện các đơn vị chức năng tiếp tục đốc thúc các doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án trồng rừng thay thế khẩn trương triển khai. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cũng rà soát và đề xuất với tỉnh về cơ chế thực hiện trồng rừng thay thế đối với các dự án có sử dụng đất rừng do tỉnh, các ban, ngành tỉnh hoặc các huyện, thị xã làm chủ đầu tư hoặc các dự án mà tỉnh, huyện, thị xã cam kết bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp. (Báo Quảng Ninh 14/9) đầu trang(
Quá trình triển khai Dự án trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường huyện Lý Sơn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy dù chỉ còn 3 tháng nữa là hết thời gian thực hiện dự án (2011 – 2016), nhưng tổng giá trị đã thực hiện chỉ đạt khoảng 63%.
Đảo Lý Sơn có vai trò đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, đồng thời cũng là điểm tham quan du lịch và nghỉ dưỡng lý tưởng đối với du khách. Xác định đầu tư tăng cường hệ thống cây xanh cảnh quan để cải thiện môi trường và phòng hộ chống xói mòn, duy trì nguồn nước ngầm là một việc làm cấp thiết, nên năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án trồng rừng phòng hộ cảnh quan môi trường huyện Lý Sơn với quy mô 130ha, trong đó diện tích trồng rừng là 118ha, diện tích trồng cây cảnh quan là 12ha. Thời gian thực hiện dự án trong 5 năm (từ 2011 – 2016), do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Dù chỉ còn 3 tháng nữa là hết thời gian thực hiện dự án, nhưng diện tích trồng mới chỉ được 84,3ha, trong khi kế hoạch đưa ra là 118ha. Trong đó, 20,7ha trồng tại núi Hòn Sỏi có tỷ lệ cây sống đạt trung bình 90%; 43ha trồng tại núi Giếng Tiền có tỷ lệ cây sống đạt 85%; 2ha rừng trồng tại núi Hòn Tai, tỷ lệ cây sống chỉ đạt 70%.
Còn 38,5ha rừng trồng tại núi Thới Lới, từ năm 2012 – 2015, đơn vị thi công đã thực hiện trồng rừng 3 lần, với diện tích khoảng 10,4ha nhưng bò, dê của nhân dân chăn thả rông giẫm đạp, ăn cây, nên bị hư hại hoàn toàn.
Đến năm 2016, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn đã rào dây kẽm gai xung quanh khu vực trồng rừng, cử lực lượng bảo vệ thường xuyên, thì mới trồng và phát triển được khoảng 8,6ha rừng tại núi Thới Lới.
Tại đảo Bé, 10ha rừng trồng năm 2013, tỷ lệ cây sống chỉ 3%. Cuối năm 2014, Ban CHQS huyện Lý Sơn đã đem cây phi lao và chở đất đồi qua trồng lại khoảng 10ha rồi sau đó tiếp tục trồng xen cây bồ đề. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của gió biển, nhất là tại những khu vực giáp với biển, tỷ lệ cây chết lên đến 70%.
Nói về nguyên nhân khiến việc trồng rừng chưa đạt theo kế hoạch đề ra, thượng tá Phan Thanh Hùng - Trưởng Ban Quân nhu (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cho biết, do điều kiện thời tiết vùng đảo khắc nghiệt, mùa nắng thiếu nước tưới, gió biển thổi mạnh làm lay gốc, khô héo dẫn đến chết cây.
Đất đai một số vùng khô cằn, tầng đất mặt bị xói mòn tại núi Hòn Tai, Thới Lới gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. Đặc biệt, tại khu vực Thới Lới, có những khu vực trồng cây, nhưng chưa ngăn chặn triệt để được bò, dê thả rông, dẫn tới cây trồng không sống được vì bị giẫm đạp, ăn lá...
Cũng theo thượng tá Phan Thanh Hùng, để triển khai thực hiện hoàn thành các hạng mục công trình trồng, chăm sóc rừng và trồng cây cảnh quan trên đảo Lý Sơn hoàn thành kế hoạch đề ra và đạt hiệu quả, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương kéo dài dự án đến năm 2020, hoặc đánh giá kết thúc giai đoạn 1, lập Dự án bảo vệ và trồng rừng giai đoạn 2. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền huyện Lý Sơn có biện pháp xử lý đối với các đối tượng cố tình vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. (Báo Quảng Ngãi 14/9) đầu trang(
Ngày 13-9, hơn 50 cán bộ, ĐVTN các đơn vị Công ty TNHH Một thành viên Lâm trường Ngọc Hiển, Đồn BP Tam Giang Tây, tuổi trẻ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã phối hợp trồng mới 3 ha rừng đước để tái tạo diện tích rừng đã khai thác.
Bí thư chi đoàn Công ty TNHH Một thành viên Lâm trường Học Hiển, Trương Thị Hồng Đào cho biết, trồng rừng và bảo vệ rừng là một trong những nội dung được tuổi trẻ của Công ty và Đồn BP Tam Giang Tây ký kết phối hợp thực hiện nhiều năm nay. Mặc dù thời tiết mưa gió, nhưng tuổi trẻ các đơn vị tham gia rất tích cực, nhiệt tình. Trong thời gian 1 ngày, các đơn vị đã trồng mới được 3 ha rừng. Trước đó, vào năm 2015, các đơn vị cũng đã tham gia trồng 3 ha, nay cây đã phát triển tốt.
Việc trồng tái tạo rừng góp phần quan trọng trong giữ gìn môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế rừng của địa phương. (Biên Phòng 14/9) đầu trang(
Hiện nay, ngoài 10 đơn vị, cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp, trên địa bàn huyện Phù Cát còn có 16 hộ gia đình sản xuất cây giống “ngoài luồng”. Mỗi năm, các cơ sở này tung ra thị trường hàng triệu cây giống kém chất lượng.
Các cơ sở này tập trung ở 2 xã Cát Trinh (13 hộ) và Cát Hanh (3 hộ), sản xuất kinh doanh cây bạch đàn, keo lai bằng hạt giống không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là 2 loại giống không được Bộ NN&PTNT cho phép kinh doanh vì thụ phấn đồng huyết dẫn đến cây thế hệ sau sẽ bị biến dị, kém chất lượng, chậm phát triển. Trên quãng đường chừng 1 km dọc QL1 đoạn qua thôn Phú Kim (Cát Trinh) có tới 13 cơ sở “chui” như vậy. Đáng nói hơn, dù tồn tại đã 4 năm nay nhưng các cơ sở này vẫn chưa hề bị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý.
Ông Nguyễn Văn Dư, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, nói: “Mỗi khi vào vụ trồng rừng hàng năm, địa phương phối hợp với ngành chức năng của huyện đi kiểm tra, nhưng do thấy các hộ này kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất 150 - 200 ngàn cây giống/năm/hộ nên chỉ nhắc nhở, yêu cầu dừng sản xuất. Chắc do chưa áp dụng biện pháp xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe họ (!)”.
Còn theo ông Võ Đình Trí, cán bộ phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, sở dĩ việc quản lý về sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp ở địa phương còn nhiều khó khăn là bởi phong trào trồng rừng kinh tế ở địa phương đang phát triển rất mạnh, nhưng cây giống hiện cung không đủ cầu. Đây chính là điều kiện để những hộ ươm trồng, kinh doanh cây giống sản xuất ẩu hoặc trà trộn giống kém chất lượng vào để bán cho bà con”.
Cũng theo Phòng NN&PTNT huyện, khó khăn nhất hiện nay là do cây giống chính thống và cây giống kém chất lượng không khác nhau nên người mua khó phân biệt. Nhưng nếu mua phải giống dỏm, người trồng rừng không chỉ mất nhiều chi phí đầu tư hơn mà phải chờ 9-10 năm sau mới thu hoạch được, trong khi trồng cây giống chuẩn chỉ cần đến 4-5 năm.
Vì vậy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Bá Nghị đã khuyến cáo: “Khi mua cây giống, bà con nên tìm hiểu kỹ xem cơ sở sản xuất có đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước hay không. Tốt nhất, nên đến các cơ sở có uy tín như các trung tâm nghiên cứu, đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng có uy tín của trung ương và địa phương để tránh tiền mất tật mang”.
Về giải pháp ngăn chặn cây giống kém chất lượng trong thời gian tới, ông Võ Đình Trí cho biết: Ngoài tăng cường kiểm tra, Phòng NN&PTNT huyện sẽ phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn thường xuyên đưa tin trên các đài truyền thanh cơ sở các hộ sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp chất lượng không đảm bảo, khuyến cáo người dân không nên sử dụng cây giống kém chất lượng.
Ngoài ra, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc cây giống lâm nghiệp, từ nay đến cuối vụ trồng rừng, lực lượng thanh tra, pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp tại các vườn ươm trên địa bàn huyện Phù Cát; xử lý kịp thời các đơn vị có hành vi vi phạm.
10 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh (gọi tắt là CS) cây giống lâm nghiệp của huyện Phù Cát được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, gồm: Công ty TNHH Kết nối B.2.C, Công ty TNHH Lâm nghiệp Miền Trung, Công ty TNHH Lâm nghiệp Ðức Nhật, Công ty TNHH Anh Vũ, Công ty TNHH tư vấn Nông lâm AHB Miền Trung, CS Dịch vụ giống cây trồng Năm Chung, CS Lâm Tân, CS Năm Hương, CS Ngọc Thuận, CS Lê Thị Thu Hà. (Báo Bình Định 13/9) đầu trang(
Giống là một trong những khâu quan trọng nhất của trồng rừng và rừng trồng, đặc biệt là rừng trồng sản xuất, không có giống tốt thì không thể đưa năng suất rừng trồng lên cao. Vì thế, cải thiện giống cây rừng là một yêu cầu cấp bách đối với sản xuất lâm nghiệp ở Việt Nam nói chung và Bắc Kạn nói chung.
Xuất phát từ thực tế đó năm 2016, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm tỉnh Bắc Kạn tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật nhân giống một số loài cây lâm nghiệp ưu tiên cho 30 học viên là cán bộ khuyến nông các cấp và cộng tác viên khuyến nông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Trong 3 ngày diễn ra lớp học (từ ngày 8 đến 10/9/2016), các học viên được giảng viên của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật lâm sinh thuốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tỉnh trao đổi, chia sẻ những kiến thức về: phương pháp khuyến nông, kỹ năng điều khiển thảo luận nhóm, lớp học hiện trường FFS…, các nguyên lý cơ bản trong gieo ươm hạt giống, tiêu chuẩn vườn ươm cây lâm nghiệp, kỹ thuật nhân giống cây lâm nghiệp tại vườn ươm, kỹ thuật nhân giống cây lâm nghiệp ưu tiên…
Không chỉ học lý thuyết các học viên của khóa tập huấn còn được đi tham quan thực tế tại cơ sở sản xuất giống Đỗ Thanh Biên. Tại đây các học viên được giảng viên của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng như chủ vườn ươm giới thiệu quy trình thiết kế vườm ươm, một số bệnh thường gặp trong gieo ươm cây giống, cách chọn mắt ghép và hướng dẫn cách ghép cây lâm nghiệp…
Tin rằng khóa học không chỉ trang bị, bổ sung những kiến thức về phương pháp, kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông mà còn giúp các hộ trồng rừng có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật trong việc lựa chọn cây giống tốt để phục vụ công tác trồng rừng, góp phần nâng cao hiệu quả và giá trị rừng trồng. (Trung Tâm Khuyến Nông Quốc Gia 14/9) đầu trang(
Trong 10 năm (từ 2006-2016), diện tích rừng ở xã Chiềng Ban (Mai Sơn) giảm 113 ha. Theo đó, tỷ lệ độ che phủ rừng giảm từ 39% xuống còn 28%.
Tình trạng lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp khá phức tạp, với các hình thức khó phát hiện. Chiềng Ban đang nỗ lực ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng và khắc phục những diện tích rừng bị phá, trả lại màu xanh cho những cánh rừng nơi đây.
Đến Chiềng Ban, ấn tượng đầu tiên là màu xanh cà phê bạt ngàn. Trên khắp các sườn đồi, những phiêng bãi bằng, những khoảnh vườn xung quanh nhà ở... tất cả đều được trồng cà phê. Bởi vậy, kinh tế Chiềng Ban phát triển, cuộc sống người dân khá giả, thu nhập bình quân đạt 21 triệu đồng/người/năm 2015.
Ấy vậy mà nói về vấn đề này, anh Hoàng Văn Xương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban lại trăn trở: Do trồng cà phê mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân luôn muốn mở rộng diện tích, vì vậy đã lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê. Hiệu quả trước mắt nhìn thấy rất rõ, nhưng phá rừng hậu quả sẽ khôn lường, đúng là “tham bát bỏ mâm”.
Việc lấn chiếm đất rừng ở Chiềng Ban xảy ra cách đây đã 10 năm. Không ồ ạt, cứ mỗi năm một phần diện tích nhỏ của rừng “được” chuyển sang trồng cà phê. Riêng năm 2014, tại bản Nà Tre, 7  ha rừng bị lấn chiếm (trước đã lấn chiếm 3 ha); năm 2015 tại bản Ót, bản Nong Nưa và bản Nà Mặn có 4,7 ha rừng “được” chuyển sang trồng cà phê; năm 2016, bản Củ 4 tiếp tục có 7.000 m2 rừng bị lấn chiếm.
Câu chuyện lấn chiếm đất rừng ở Chiềng Ban khá phức tạp và khó xử lý, do khi xảy ra tình trạng lấn chiếm người dân trong bản không phát giác, dẫn đến việc xác định đối tượng vi phạm cũng khó khăn. Đơn cử như năm 2014, sau khi phát hiện tình trạng lấn chiếm đất rừng ở bản Nà Tre, UBND xã báo cáo với Hạt Kiểm lâm huyện và Công an huyện thành lập đoàn công tác lên xã tổ chức họp toàn bản, vận động người lấn chiếm đất rừng tự nhận và vận động bà con phát giác, tố giác người vi phạm.
Sau đó, Công an huyện triệu tập các chủ rừng, bí thư chi bộ bản, trưởng bản và một số người bị phát giác để tuyên truyền, giải thích. Nhưng... cũng không tìm ra được thủ phạm. Sau đó, UBND xã thành lập tổ công tác đặc biệt tổ chức “mật phục” ở diện tích rừng bị lấn chiếm, mấy tháng liền vẫn không bắt được đối tượng vi phạm...
Chúng tôi cùng ông Lèo Văn Tươi, Trưởng bản Nà Mặn vượt khoảng 2 km đường dốc cao, trơn trượt leo lên đỉnh đồi - nơi có 1 ha rừng của bản Nà Mặn và bản Ót bị phá năm 2015 để được tận mắt chứng kiến diện tích rừng đang được bản nỗ lực khôi phục. Trong câu chuyện về lấn chiếm đất rừng, ông Tươi tỏ ra bất bình vì không xác định được đối tượng vi phạm.
Ông nói: Mặc dù ban quản lý bản đã có nhiều biện pháp bảo vệ rừng, nhưng do người lấn chiếm rừng phát cây bé trước, sau đó mới chặt cây to nên khó phát hiện. Hơn nữa, lại là khu rừng cộng đồng nên càng khó quy trách nhiệm. Để khắc phục diện tích rừng bị phá, hai bản đã thống nhất giao cho 8 hộ quản lý và trồng 7.000 cây xoan. Qua khảo sát tỷ lệ cây sống đạt 70% nên năm nay tiếp tục trồng dặm thêm cây bạch đàn.
Quả thật, tại khoảnh rừng đang khôi phục mà chúng tôi đến, chỗ thì cây xoan đã cao hơn đầu người, nơi thì vẫn còn bé. Điều đó được Trưởng bản giải thích: Hồi đầu năm, bản bắt được 1 đàn dê đang phá cây trồng ở đây. Ban quản lý bản triệu tập bà con họp và quyết định phạt với mức: 400.000 đồng/con dê phá cây mới trồng. Một phần số tiền đó giao cho chủ rừng trồng dặm vào diện tích bị phá.
Cũng tại đây chúng tôi gặp hai vợ chồng anh Lèo Văn Tiếp, bản Nà Mặn (Chiềng Ban) đang phát dọn cỏ ở diện tích rừng mới trồng. Anh chia sẻ: Được bản tin tưởng giao cho việc trồng cây khắc phục 500 m2 rừng bị phá, gia đình đã trồng cây xoan và cây bạch đàn. Bây giờ chưa được hưởng lợi gì, nhưng sau này sẽ được khai thác và hơn hết, chúng tôi mong muốn được góp sức phủ xanh những khoảnh rừng bị phá, vì chúng tôi hiểu rõ lợi ích của rừng đối với cuộc sống.
Không riêng bản Nà Mặn và bản Ót đang tích cực khắc phục diện tích rừng bị phá, ở các bản Nong Nưa, Nà Tre, bản Củ 4... cũng đã và đang triển khai trồng cây vào các diện tích rừng bị phá. Khi kiểm tra, nếu tỷ lệ cây sống không bảo đảm sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đó giao cho các hộ khác quản lý, bảo vệ và khắc phục. Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã trong việc khắc phục và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng.
Trong quá trình triển khai thực hiện, chi bộ, ban quản lý các bản tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho nhân dân trong bản; giải thích rõ tác hại của việc phá rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất.
UBND xã còn mời cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, giải thích rõ những điều khoản xử phạt, mức phạt đối với những trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại các bản: Nà Mặn, Nong Nưa, Nà Tre, bản Ót, bản Củ 1, 2, 3, 4. Đối với bản Nà Tre, do không xác định được đối tượng lấn chiếm đất rừng, UBND xã đề nghị huyện thu hồi toàn bộ diện tích rừng khoanh nuôi, bảo vệ của 3 nhóm gồm 22 hộ dân, với 42 ha rừng (10 ha đã bị phá), để giao cho 10 hộ nhận bảo vệ và khôi phục lại phần diện tích đã bị phá.
Theo đó, năm 2015, đã trồng 10.000 cây thông trên diện tích rừng bị lấn chiếm, nhưng tỷ lệ cây sống không cao nên đầu năm 2016 tiếp tục trồng dặm 4.000 cây bạch đàn. Riêng ở bản Củ 4, xác định 8 hộ lấn chiếm rừng trái phép, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với UBND xã xác minh diện tích cụ thể mà từng hộ lấn chiếm để xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền là 57 triệu đồng (hiện đã thu trên 30 triệu đồng). Đây là sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với những người cố tình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng...
Qua sự việc nêu trên, chúng tôi nhận thấy việc lấn chiếm đất rừng ở Chiềng Ban đã và đang được tích cực khắc phục, nhưng không thể khẳng định là sự việc sẽ không tái diễn. Điều đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn, với những biện pháp mạnh hơn của cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Ban, để những cánh rừng nơi đây không bị mai một vì một số người ham lợi trước mắt mà bỏ đi lợi ích lâu dài. (Báo Sơn La 14/9) đầu trang(
Dự án di dời dân ra khỏi rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được lên kế hoạch cách đây gần 10 năm nhưng hiện vẫn giậm chân tại chỗ. Hiện tại, huyện Vĩnh Cửu quyết tâm đưa những hộ dân sinh sống trong vùng lõi rừng của khu bảo tồn ra ngoài sinh sống.
Để thực hiện việc đưa 50 hộ dân ở vùng lõi rừng này ra bên ngoài sinh sống, UBND huyện Vĩnh Cửu đã và đang chuẩn bị khá căn cơ. Huyện thuê hẳn đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng dự án có tính khoa học để công tác thực hiện có tính khả thi cao.
Khu dân cư khu vực Rang Rang, Be 18, ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu nằm trong vùng lõi rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Theo thống kê mới nhất của đơn vị tư vấn (Trung tâm nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ - Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh), nơi đây có 50 hộ dân chính và 26 hộ dân phụ với 228 nhân khẩu sinh sống.
Nơi đây được mệnh danh vùng “5 không”: không đường, không trường, không trạm y tế, không điện và không nước sạch. Người dân ở đây mỗi lần khám bệnh phải đi 35km mới đến được trạm y tế xã. Việc đến trường của học sinh cũng vất vả không kém, học sinh tiểu học phải đi hơn 10km mới đến được trường, học sinh THCS đi học với khoảng cách 35km và học sinh THPT đi học cách trường 40km.
Đây cũng là lý do khiến các em học sinh trong khu vực này bỏ học rất sớm do đi học xa và ít gia đình có điều kiện cho con em ở trọ. Ông Tô Bá Thanh, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết cụm dân cư Rang Rang, Be 18, ấp 5, xã Mã Đà nằm trong khu rừng đặc dụng của khu bảo tồn. Khu vực này giáp với tỉnh Bình Phước được phân cách bằng con suối Mã Đà.
Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, người dân làm nhà sát suối nên khả năng bị sạt lở, lũ cuốn rất cao. Nhiều người dân nơi đây đi làm thuê bên tỉnh Bình Phước, vào mùa khô bắc cầu tạm qua suối đi, đến mùa mưa đi lại bằng xuồng kéo rất nguy hiểm.
Theo Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Tô Bá Thanh, để người dân sinh sống trong vùng lõi của khu bảo tồn là không ổn, trái với quy định và rất dễ gây nguy hại cho rừng, đặc biệt là tình trạng cháy rừng.
Chia sẻ về dự án di dời các hộ dân khu vực Rang Rang, Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Cửu Lâm Văn Nghĩa cho rằng rừng ở đây không còn riêng của huyện Vĩnh Cửu hay Đồng Nai mà đã là của cả nước và thế giới, vì vậy bắt buộc phải giữ rừng. Trong khi đó, dân cư ở đây là dân cư của huyện, không thể cứ để người dân sinh sống ở nơi tạm bợ, nhà cửa xập xệ, đời sống khó khăn và có thể nguy hiểm đến tính mạng do ở giữa vùng lõi của khu bảo tồn. Chủ trương của huyện là đưa người dân ở vùng này về nơi ở mới để đời sống người dân tốt đẹp hơn, đồng thời đảm bảo được việc phát triển rừng.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi cho biết, đến nay huyện đang hoàn tất phương án di dời dân để trình UBND tỉnh.
“Hiện tại, huyện đã chuẩn bị khu tái định cư sẵn sàng ở KP.1, thị trấn Vĩnh An để đón dân ra. Các cơ quan chuyên môn của huyện đang hoàn tất phương án bồi thường nhà cửa, cây trồng và hỗ trợ di dời cho dân, dự kiến cuối tháng 9-2016 trình UBND tỉnh phê duyệt” - ông Phi nói.
Cũng theo ông Phi, khó khăn nhất của dự án này là làm sao tạo được điều kiện cho người dân khi đến nơi ở mới có được việc làm, thu nhập ổn định, đây cũng là việc huyện đang phải cân nhắc rất kỹ. (Báo Đồng Nai 14/9) đầu trang(
UBND TP.HCM vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan quản lý cây xanh cần chủ động tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống, ứng phó thiên tai và bảo đảm tuyệt đối an toàn trong mùa mưa bảo.
UBND TP.HCM yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận - huyện tập trung thực hiện tốt chỉ đạo của UNND TP.HCM. Giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo về phương án quỹ hỗ trợ kinh phí sự cố tai nạn do cây xanh gây ra trên địa bàn TP.
Tiếp tục giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thành phố khẩn trương tổ chức khảo sát, đánh giá tình trạng hệ thống cây xanh trên địa bàn Thành phố để đề xuất biện pháp nhằm đảm bảo an toàn (trong đó bao gồm kỹ thuật, trang thiết thị, cơ chế quản lý,...).
Như Thanh Niên đã thông tin, liên tiếp trong thời gian gần đây hàng loạt cây xanh ở TP.HCM bị bật gốc ngã đổ không những gây thiệt hại về tài sản của người dân mà còn làm nhiều người chết vì bị cây đè.
Theo đó, ngày 26.8, nhánh của một cây cổ thụ ở độ cao hơn 10 m, nằm trong khuôn viên công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM) bất ngờ đổ ập xuống đất đè trúng cụ bà Trương Thị Ngọc Mai (60 tuổi, ngụ Q.1), đang tập thể dục phía dưới. Hậu quả làm bà Mai chết sau đó vài ngày vì thương tích quá nặng.
Khoảng 2 ngày sau (28.8), một cây dầu cổ thụ trên đường An Dương Vương (P.4, Q.5) đã bất ngờ bật gốc, ngã xuống chắn ngang đường khiến anh Từ Minh Khải (25 tuổi, quê tỉnh Kon Tum) đang lưu thông qua đoạn đường này bị nhánh cây đè chết sau khi được đưa đi cấp cứu.
Tiếp theo, vào lúc 5 giờ 30 ngày 12.9, cơn mưa lớn kèm gió giật mạnh khiến cây cổ thụ có đường kính gần 2 mét, cao hàng chục mét ở đường Tân Phước (Q.10, TP.HCM) bất ngờ bật gốc đổ ập xuống đường đè 3 nhà dân. Rất may trong vụ việc này không có thiệt hại về người.
Tương tự, một sự cố vừa xảy ra vào hôm 13.9, sau cơn mưa kèm gió giật mạnh khiến cây xà cừ có đường kính khoảng 60 cm, dài hơn 10 mét ở đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) bật gốc, ngã vào tiệm bán chim ở gần đó. May mắn không có thiệt hại gì đáng kể. (Thanh Niên 13/9) đầu trang(
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, số lượng cơ sở chế biến gỗ phát triển nhanh, hằng ngày sử dụng lượng gỗ rất lớn. Tình trạng thiếu gỗ cho chế biến đang làm suy giảm chất lượng rừng một cách nghiêm trọng, việc cấp phép khai thác không đúng diễn ra rất phức tạp.
Gần đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Cạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân Dương Luân chế biến gỗ tại xã Liêm Thuỷ làm cấp uỷ, chính quyền huyện Na Rì bức xúc. Nguyên nhân chủ yếu là do, Liêm Thủy gần như không có gỗ rừng trồng, chủ yếu là gỗ quý hiếm trên rừng tự nhiên cấm khai thác.
Do đó, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân Dương Luân hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn xã Liêm Thuỷ được cấp uỷ, chính quyền địa phương cho là không thoả đáng. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phải xem xét lại việc cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp này.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn hiện nay có tới 273 cơ sở chế biến gỗ các loại, bao gồm gỗ bóc, băm dăm, sản xuất đồ gia dụng, sơ chế... bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có hơn hai cơ sở. Việc có quá nhiều cơ sở chế biến gỗ đang làm cơ chất lượng rừng trên địa bàn suy giảm mạnh.
Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết: Trước đây gỗ rừng trồng được khai thác đúng chu kỳ 8- 9 năm. Do thiếu gỗ cho sản xuất, được trả giá cao nên hiện nay gỗ rừng trồng 4-5 năm là chủ rừng khai thác bán, đang làm cho chất lượng rừng suy giảm nghiêm trọng. Gỗ rừng trồng ngày càng ít, các cơ sở chế biến đang tiến sát đến rừng tự nhiên. Đây là điều rất đáng lo ngại, là thách thức đối với cơ quan quản lý.
Đối với rừng trồng, từ năm thứ tư trở đi là thời kỳ cây phát triển nhanh, sinh khối lớn, nhưng lại chặt đi không khác nào bán lúa non nên rất lãng phí, chất lượng rừng suy giảm. Đồng thời, từ năm thứ tư trở đi, là thời kỳ rừng khép tám, giữ màu, giữ nước cho đất mà lại chặt rừng đi, trồng rừng mới gây xói mòn, đất bạc mầu, rừng sẽ kém phát triển.
Việc cấp phép khai thác gỗ hiện nay cũng đang có những biểu hiện lộn xộn, tỉnh, huyện và chính quyền xã đều có quyền cấp phép khai thác gỗ. Ông Thắng chia sẻ: Trên địa bàn một xã có 22 giấy phép khai thác gỗ, nhưng khi kiểm tra thì có đến 12 giấy phép khai thác không có chữ ký của chủ rừng.
Việc lợi dụng giấy phép để khai thác rừng trái phép diễn ra, cấp phép chỗ nọ thì khai thác chỗ kia, cấp phép loại cây này thì khai thác loại cây kkác diễn ra ở nhiều nơi. Ông Thắng thẳng thắn: Chính quyền nhiều xã chưa nhận thức hết trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng; thiếu kiểm tra, giám sát trong việc cấp phép khai thác. Rất ít khi kiểm lâm địa bàn và chính quyền xã phát hiện khai thác lâm sản trái phép nên việc quản lý, bảo vệ rừng tận gốc đang gặp rất nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nông Văn Chí cho rằng: Căn cứ thực trạng rừng trên địa bàn, các cơ quan chức năng của tỉnh tính toán cần bao nhiêu cơ sở chế biến gỗ là hợp lý, tránh tình trạng thiếu gỗ cho chế biến sinh ra tranh mua tranh bán, làm suy giảm chất lượng rừng, cấp phép khai thác sai nguyên tắc.
Rà soát phương án vùng nguyên liệu của từng cơ sở chế biến gỗ, nếu không chứng minh được vùng nguyên liệu thì rút giấy phép hoạt động hoặc không cấp phép hoạt động. Đồng thời, các ngành, các cấp cần quản lý chặt chẽ về đất đai, môi trường, tạm trú đối với các cơ sở chế biến gỗ nhằm đưa hoạt động này vào nề nếp. (Nhân Dân 15/9) đầu trang(
Ba sản phẩm chính của nhà máy (NM) là chế biến, sấy gỗ FSC xuất khẩu; tận dụng nguồn phế phẩm của gỗ để sản xuất viên nén năng lượng trên dây chuyền hiện đại và chế tạo bếp sử dụng viên nén...
Ba sản phẩm chính của nhà máy (NM) là chế biến, sấy gỗ FSC xuất khẩu; tận dụng nguồn phế phẩm của gỗ để sản xuất viên nén năng lượng trên dây chuyền hiện đại và chế tạo bếp sử dụng viên nén của NM để cung cấp các sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước.
Ba năm trước, Cty CP TCty Thương mại Quảng Trị (Cty CP Thương mại Quảng Trị) khởi công xây dựng NM sản xuất viên nén năng lượng Cam Lộ (NM) tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu. NM đã nhập khẩu dây chuyền công nghệ hoàn toàn mới từ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Tổng GĐ Cty CP Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu cho biết, theo đánh giá của các nhà khoa học môi trường, viên nén năng lượng là nguồn năng lượng sạch, là sự lựa chọn của xã hội hiện tại và tương lai. Việt Nam là quốc gia có nguồn gỗ rừng trồng rất lớn, vì vậy các phế phẩm trong sản xuất, chế biến gỗ như mùn cưa, dăm bào, dăm gỗ, đầu mẩu gỗ vụn, cành cây nhỏ là vô cùng lớn.
Theo ông Hồ Xuân Hiếu, nhiều năm qua các phế phẩm của gỗ thường bị bỏ đi hoặc chỉ sử dụng trong một số lò đốt mùn cưa hộ gia đình. Còn hiện tại, các loại mùn cưa, dăm bào, cành cây nhỏ… trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc sản xuất viên nén. Viên nén thường dùng để sử dụng trong các lò sưởi, bếp ăn gia đình, trong các nhà máy nhiệt điện, là chất đốt có năng lượng sinh nhiệt cao, từ 4.200 - 4.600 kcal/kg và lượng tro tàn rất nhỏ (< 1%).
Viên nén đang rất được ưa chuộng tại thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ… Đây là xu hướng tất yếu của người tiêu dùng hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, bền vững, đảm bảo lợi ích kinh tế cao, giảm dần tiến tới loại trừ hẳn việc sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch gây ảnh hưởng môi trường.
Vì vậy, việc xây dựng NM là một trong những hướng ưu tiên phát triển của Cty CP Thương mại Quảng Trị nhằm liên kết với người nông dân khai thác và ổn định đầu ra nguồn gỗ nguyên liệu trên địa bàn. Ba sản phẩm chính của NM là chế biến, sấy gỗ FSC xuất khẩu; tận dụng nguồn phế phẩm của gỗ để sản xuất viên nén năng lượng và chế tạo bếp sử dụng viên nén của NM để cung cấp các sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước.
Việc sản xuất viên nén năng lượng được tiến hành trong một chu trình khép kín, hiện đại, có sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sản phẩm xuất xưởng đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường năng lượng.
Ông Hồ Xuân Hiếu cho biết, NM viên nén là đơn vị đầu tiên được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Để có sản phẩm đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo của thị trường, đầu năm 2015, NM và UBND huyện Cam Lộ đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển rừng FSC trên địa bàn huyện với diện tích 1.500ha đến năm 2020. Tháng 6/2015, NM và Hội Chứng chỉ rừng Quảng Trị cũng đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển rừng FSC cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Theo đó,với mô hình liên kết trên, Cty CP Thương mại Quảng Trị cần tối thiểu 10.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC để đủ nguyên liệu cho NM sản xuất gỗ và viên nén năng lượng hoạt động. Hiện tại, TCty đã chủ động được 5.000ha rừng. Mục tiêu đến cần có thêm 5.000ha rừng nguyên liệu FSC để NM của Cty hoạt động bền vững.
Ông Hồ Xuân Hiếu Cam kết, với phương châm phát triển bền vững, NM sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC cho toàn bộ diện tích của các hộ dân tham gia Hội Chứng chỉ rừng Quảng Trị. Đồng thời cam kết hỗ trợ vốn vay 8 triệu đồng/ha trong vòng hai năm có lãi suất thấp đối với những hộ có diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC từ 6 năm tuổi trở lên. Cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng FSC của các hộ dân tham gia Hội Chứng chỉ rừng với giá bán hơn giá thị trường từ 15 - 18%.
Có thể nói rằng, việc đưa dây chuyền sản xuất viên nén năng lượng và chế biến gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn phát triển rừng FSC đã mở ra thời cơ mới cho NM cũng như những người trồng rừng trên địa bàn Quảng Trị.
Theo anh Trần Đình Hiếu, Phó giám đốc NM, những sản phẩm viên nén năng lượng cũng như gỗ chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế đã đưa NM trở thành thành viên của những cơ sở sản xuất chế biến gỗ sạch, thân thiện với môi trường, sản phẩm được dán nhãn FSC sẽ có nhiều cơ hội vươn ra thị trường thế giới. Với sản lượng gần 5.000 tấn viên nén năng lượng và 1.500m3 gỗ xẽ/năm, NM đã tạo công ăn việc làm và có thu nhập ổn định cho hơn 120 lao động.
Để đón đầu thị trường tiêu thụ viên nén năng lượng nội địa, hiện tại phân xưởng chế tạo bếp sử dụng viên gỗ nén của NM cũng đã đi vào hoạt động và đang thu hút sự quan tâm của khách hàng về một thiết bị sử dụng năng lượng sạch, bền vững có lợi cho môi trường.
Ông Hồ Xuân Hiếu khẳng định, sắp đến Cty Thương mại Quảng Trị sẽ đầu tư thêm máy móc thiết bị tiến tới hỗ trợ người dân trồng rừng khai thác gỗ, tìm kiếm các nguồn tài chính hỗ trợ người dân trồng rừng, tạo vùng nguyên liệu bền vững để sản xuất viên nén năng lượng cũng như các sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng của NM tìm được chỗ đứng vững chắc trên thương trường. (Nông Nghiệp Việt Nam 14/9) đầu trang(
Chiều ngày 13.9, tại thôn Hưng Nhơn, thị trấn An Lão, huyện An Lão, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC-TVPTCN - Sở Công Thương) phối hợp với chính quyền huyện An Lão đã tổ chức nghiệm thu Đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm gỗ nội thất".
Đề án được triển khai thực hiện tại DNTN An Đức (thị trấn An Lão, huyện An Lão) từ tháng 1.2016, thuộc Chương trình Đề án khuyến công địa phương năm 2016. Cụ thể, DNTN An Đức được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị để triển khai dự án sản xuất sản phẩm gỗ nội thất.
Dự án có tổng vốn đầu tư 514 triệu đồng, trong đó DN An Đức được Chương trình Đề án khuyến công địa phương của tỉnh hỗ trợ 200 triêu đồng. Theo thiết kế, dự án có công suất 120 sản phẩm tủ gỗ/năm. Dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho DNTN An Đức phát triển sản xuất, đạt doanh thu khoảng 2 tỉ đồng/năm; góp phần  tạo công ăn việc làm cho 30 lao động của địa phương với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/tháng…
Kết quả, Đề án đã được Trung tâm KC-TVPTCN - Sở Công Thương đánh giá tốt và nhất trí  nghiêm thu. (Báo Bình Định 14/9) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, mặc dù có mức tăng trưởng hơn 1,4% so cùng kỳ năm 2015, song xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về thị trường và nguyên liệu. Để đạt được mục tiêu 7,6 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm nay, ngành gỗ vẫn còn nhiều việc phải làm trong những tháng cuối năm…
Theo đánh giá của các doanh nghiệp thì những tháng cuối năm mới là thời vụ chính để xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. Nếu không có biến động lớn tại các thị trường trọng điểm nhập khẩu gỗ của Việt Nam và các chính sách về tài chính, ngân hàng, hải quan ổn định thì kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2016 cũng sẽ chỉ đạt khoảng 7,4 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, ngành gỗ lại đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về cả nội lực xuất khẩu và thị trường tiêu thụ. Hiện, một số sản phẩm gỗ đã tăng thuế xuất khẩu, trong đó, thuế xuất khẩu dăm mảnh từ 0% đã lên 2%; thuế viên than mùn cưa cũng tăng từ 0% lên 5%. Do vậy, theo nhận định của các chuyên gia, thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện vẫn chưa ổn định và sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.
Những năm trước đây, thị trường EU nhập khẩu chủ yếu là bàn ghế ngoài trời, nhưng đến nay đã giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất bàn ghế ngoài trời xuất khẩu tại tỉnh Bình Định hiện đã phải chuyển sang sản xuất đồ gỗ nội thất. Cơ chế tín dụng chưa thông thoáng cũng đang gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp vay và thanh toán.
Hạn chế dễ nhận thấy lúc này của ngành gỗ là nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân không ổn định vì lý do khối lượng xuất khẩu dăm gỗ giảm đã dẫn đến nhiều công nhân không có việc làm. Thêm vào đó, do chuyển đổi sản xuất từ bàn ghế ngoài trời sang sản xuất đồ nội thất, yêu cầu tay nghề công nhân cao hơn, cho nên nhiều công nhân đã phải tạm nghỉ việc để chuyển sang học nghề, một số khác phải nghỉ chờ việc.  Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty Hướng Mai (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) Vũ Thị Mai khẳng định, vài năm trở lại đây hơn 50% doanh thu xuất khẩu từ các sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống này đã bị mất đi, do thu hẹp thị trường.
Mặt khác, một số chính sách thay đổi đã tác động làm giá thành tăng cao, khiến giá bán các sản phẩm gỗ tăng theo; trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu do khâu tiếp thị kém cho nên nhiều sản phẩm mỹ nghệ truyền thống trước đây rất được ưa chuộng, nay không bán được. Nhiều chủ doanh nghiệp xuất khẩu gỗ còn cho rằng, thị trường vốn đang gặp nhiều khó khăn, thêm vào đó việc nâng mức thuế áp dụng với dăm gỗ xuất khẩu theo quy định mới đây đã có tác động không tốt đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu.
Một khó khăn nữa do nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp cho nên phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, với mức tăng trưởng nhập khẩu trung bình lên tới khoảng 14%/năm. Hiện, theo ước tính có tới 80% nguyên liệu gỗ sử dụng trong lĩnh vực chế biến gỗ là do nhập khẩu. Chính vì nguồn nguyên liệu bị phụ thuộc đã làm cho các doanh nghiệp gỗ rơi vào tình trạng có doanh thu xuất khẩu cao nhưng thực tế, lợi nhuận thu được lại rất thấp.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, trước đây ngành gỗ phát triển tốt một phần nhờ vào lực lượng nhân công giá rẻ. Lực lượng này chủ yếu tham gia sản xuất dăm gỗ và những sản phẩm gỗ “rẻ tiền”, nay thị trường này đang mất dần cho nên cần phải có đội ngũ công nhân có tay nghề giỏi, tạo ra sản phẩm chất lượng, mang tính cạnh tranh cao thay thế.
Thực tế, hiện có rất nhiều doanh nghiệp gỗ không đủ năng lực tài chính nhập thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại và đào tạo nhân lực có chất lượng để cạnh tranh trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa. Nếu không đầu tư, sớm muộn những doanh nghiệp loại này cũng rơi vào tình trạng phá sản.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra một cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể hưởng lợi ích mà TPP mang lại, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có các doanh nghiệp gỗ.
TPP quy định các rào cản phi thuế quan như các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Để tận dụng hết những cơ hội mà TPP mang lại thì ngành gỗ phải làm rất nhiều việc như tự nâng cao trình độ, chất lượng sản phẩm, tự tìm hiểu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao và gấp rút phổ biến những cơ hội mà TPP mang lại đến cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ quan tâm lúc này là cơ chế chính sách phù hợp. Bao gồm chính sách liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng, chính sách tín dụng, đầu tư, pháp luật kinh doanh… để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp. Theo các nhà quản lý doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguyên liệu sản xuất, trong khi muốn có nguồn nguyên liệu ổn định thì cần quy hoạch, đầu tư hiệu quả cho công tác trồng rừng.
Để xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô lớn thì Nhà nước cần có chính sách về vốn vay dài hạn. Đồng thời thành lập tổ hoặc hợp tác xã trồng rừng liên khoảnh, liên vùng, nhằm tạo thuận lợi cho việc làm chứng chỉ rừng bền vững. Hiện, gỗ rừng trồng dân tự phát triển từ các loại giống không đồng đều, chưa có chứng chỉ rừng bền vững. Gỗ nguyên liệu trồng trong nước chủ yếu có đường kính nhỏ, vì vậy các doanh nghiệp chế biến gỗ phải nhập gỗ rừng trồng ở nước ngoài có chứng chỉ hợp lệ, với khối lượng gỗ lớn để chế biến đồ gỗ xuất khẩu.
Gỗ nhỏ ở trong nước chủ yếu để sản xuất các loại ván nhân tạo, dăm gỗ và bột giấy. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam Phí Mạnh Cường cho biết, hiện nay cơ chế giao khoán theo Chương trình 135 của Chính phủ có nhiều điểm bất cập, người dân ở một số địa phương chưa nhận thức được hết hợp đồng giao khoán, do đó để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng, khó khăn trong việc tổ chức sản xuất các doanh nghiệp trong việc thực hiện vùng nguyên liệu lâm sản tập trung.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn. Từ năm 2016, các thị trường nhập khẩu đồ gỗ đều đòi hỏi các chứng chỉ gỗ hợp pháp, trong khi đó Việt Nam chưa có các hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, chính sách quản lý vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực thuế, tiền vay, lãi suất, tỷ giá; các thông tin về FTA, TPP, AEC… dù đã kết thúc đàm phán nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa nắm được các cam kết cụ thể.
Bên cạnh đó, bài toán khó khăn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu. Các doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị, Nhà nước cần phải có quỹ cho vay để cải tiến công nghệ sản xuất, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời phát triển hiệu quả, bền vững gỗ nguyên liệu. Việc áp dụng 5% thuế xuất khẩu đối với dăm gỗ sẽ tác động đến hộ gia đình trồng rừng, vốn đều sinh sống ở miền núi, vùng sâu vùng xa, cuộc sống còn khó khăn và thuộc diện giảm nghèo.
Do vậy, đề nghị Nhà nước xem xét, chưa nên áp dụng thuế xuất khẩu mới đối với dăm gỗ vào thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét kéo dài thời gian cho vay ngoại tệ để nhập khẩu gỗ nguyên liệu; Bộ Công thương có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường gỗ nội địa.
Các doanh nghiệp gỗ cũng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hình thành các trung tâm giao dịch gỗ nguyên liệu trong nước để hạn chế dần gỗ nhập khẩu, đồng thời chỉ đạo và chủ trì tổ chức các mô hình liên kết giữa người trồng rừng với chế biến gỗ, giữa người cung ứng nguyên liệu với người trồng rừng và chế biến, sản xuất... Những khó khăn nêu trên nếu không được khắc phục kịp thời sẽ khó đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2016 như đã đặt ra.
Tám tháng năm 2016, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 1,4% so cùng kỳ năm 2015, đứng thứ bảy về kim ngạch trong tổng số các mặt hàng, nhóm hàng xuất khẩu của cả nước. Bên cạnh các thị trường có mức tăng cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, thì các thị trường khác đều giảm, trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Trung Quốc. (Nhân Dân 15/9) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Tại Hội nghị Bảo tồn Quốc tế của IUCN vừa diễn ra tại Honolulu (Hoa Kỳ), Nhật Bản và Nam Phi đã làm nảy sinh tranh cãi bằng cách phản đối đề xuất đóng cửa thị trường ngà voi nội địa – lời kêu gọi đến từ hầu hết các chính phủ.
Theo báo cáo Tổng điều tra về loài Voi (Great Elephant Census – GEC) vừa mới được công bố, cứ 15 phút trôi qua lại có một con voi châu Phi bị giết hại để lấy ngà. Trong vòng 3 năm, GEC đã khảo sát trên tổng diện tích 560.000 km2 và kết luận số lượng voi đồng cỏ Châu Phi tại 15 quốc gia đã giảm 30% trong khoảng thời gian 2007-2014, tương đương 144.000 con. Tỷ lệ giảm thậm chí ngày càng trầm trọng, với con số hiện tại là 8%/năm do săn trộm lấy ngà, tương đương 27.000 con voi bị sát hại trong một năm.
Tạm dừng các thị trường voi nội địa được xem là một trong những kiến nghị quan trọng và gây nhiều tranh luận nhất tại Hội nghị Bảo tồn Quốc tế của IUCN. Thế nhưng, khi một nhóm đại diện cho một số chính phủ và tổ chức phi chính phủ nỗ lực đưa ra văn bản đề nghị chính thức, Nhật Bản và Nam Phi đã không đồng thuận với quyết định này. Đại biểu hai quốc gia đã rời khỏi cuộc họp ngay sau phiên quyết định giữ nguyên lời kêu gọi mạnh mẽ tạm dừng thị trường ngà voi nội địa, được đưa ra trước đó.
Đại biểu từ Nhật Bản và Nam Phi khẳng định, hai quốc gia đều có chung mong muốn bảo vệ loài voi như tất cả các nước khác, nhưng hướng đi đúng đắn cần thiết là tăng cường quản lý, đồng thời thắt chặt luật lệ đối với thương mại ngà voi nội địa, chứ không phải là một lệnh cấm.
Ông Naohisa Okuda, Trưởng ban Chính sách Đa dạng sinh học tại Bộ Môi trường Nhật Bản, cho rằng lệnh cấm là không phù hợp. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần tìm kiếm một hệ thống quản lý hiệu quả các hoạt động buôn bán ngà voi, từ đó có thể mang lại lợi ích cho việc bảo tồn những con voi châu Phi. Ông cho biết hệ thống quản lý của Nhật Bản khá hiệu quả, dù điều này còn gây nhiều tranh cãi trong giới bảo tồn.
Về phía Nam Phi, các đại biểu khẳng định số lượng voi vẫn đang ổn định, thậm chí còn có xu hướng gia tăng, vì vậy hoàn toàn có thể khai thác chọn lọc và sử dụng doanh thu từ việc bán ngà voi để hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn.
Trước quan điểm trên của Nhật Bản và Nam Phi, các nhà bảo tồn từ các tổ chức phi chính phủ tỏ ra hết sức bất bình. Theo ông Morgan Griffiths thuộc Hiệp hội Động vật Hoang dã và Môi trường Nam Phi, mặc dù VQG Kruger sử dụng công nghệ bảo vệ khá tinh vi, ngày càng nhiều tay săn trộm từ Mozambique vẫn tìm cách lẻn vào khu bảo tồn. Chưa kể, các nỗ lực bảo tồn tại Nam Phi cũng bị phân khúc bởi nhiệm vụ bảo vệ tê giác.
Các quốc gia châu Phi còn lại đều đang kêu gọi đóng cửa thị trường ngà voi nội địa nhằm tạo mọi áp lực có thể khiến Trung Quốc và Việt Nam, hai quốc gia chính nhập khẩu ngà voi bất hợp pháp, giảm nhu cầu về ngà voi. Trung Quốc cho đến nay vẫn là quốc gia tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp lớn nhất thế giới, chủ yếu thông qua Hồng Kông và Việt Nam.
Quốc gia này đã cùng Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiến hành tạm dừng các thị trường nội địa vào năm ngoái, nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể, đồng thời giữ im lặng trong suốt cuộc thảo luận tại Honolulu. Phía Hồng Kông khẳng định sẽ tạm dừng thị trường ngà voi nội địa vào năm 2021.
Bên cạnh nội dung đóng cửa thị trường ngà voi nội địa, Hội thảo của IUCN còn thảo luận một số đề xuất khác như thiết lập các khu vực “Không xâm phạm” (No Go); thành lập các khu bảo tồn biển trên 30% diện tích đại dương; hay hướng dẫn chính sách “đền bù đa dạng sinh học” bởi các doanh nghiệp. (Môi Trường Và Đời Sống 13/9) đầu trang(
Công viên quốc gia Kruger ở Nam Phi đang bị các tổ chức bảo vệ động vật chỉ trích vì định thuê thợ săn giết hàng nghìn trâu rừng và hàng trăm hà mã.
Công viên quốc gia Kruger lên kế hoạch tiêu diệt 4.700 trâu rừng và 750 hà mã để lấy thịt, vì cho rằng số động vật này sẽ chết trong mùa khô hạn sắp tới, Mirror hôm qua đưa tin. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền động vật phản đối, do lo ngại hành động giết chóc hàng loạt đó có thể gây hại cho loài vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Năm 2006, hà mã được xếp vào nhóm động vật dễ tổn thương, với số lượng còn lại ước tính từ 125.000 đến 150.000 con. Các hố nước ngày càng thu nhỏ sau hai năm hạn hán liên tục buộc hà mã phải tập trung quanh rìa hố, biến chúng thành mục tiêu dễ bắn hạ cho thợ săn.
Lãnh đạo công viên cho biết thịt trâu và hà mã sẽ được dùng để cung cấp thức ăn cho nông dân quanh vùng, những người bị mất mùa do hạn hán. Theo Navashni Govender, quản lý công viên, cả trâu rừng và hà mã đều dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện khô hạn và số lượng của chúng từng giảm 50% trong một trận hạn hán tương tự ở Kruger.
"Để tự nhiên xử lý không phải lựa chọn tốt nhất về mặt sinh thái. Những vấn đề đạo đức như để động vật chết và thối rữa trong khi cộng đồng cần một nguồn thịt lớn buộc công viên phải cân nhắc", Govender chia sẻ.
Cơ quan Dự báo Thời tiết Nam Phi dự đoán trời sẽ không mưa trong nhiều tháng tới. Lãnh đạo Công viên Quốc gia Kruger cho biết số lượng động vật ăn cỏ tăng nhiều hơn so với trước đây, với khoảng 20.000 con voi, 47.000 con trâu rừng và 7.500 con hà mã. "Động vật ăn thịt phát triển mạnh trong thời kỳ hạn hán. Voi và hươu cao cổ cũng sống tốt. Những động vật ăn cỏ và trâu chịu ảnh hưởng nhiều nhất", Govender nói.
Tiến sĩ Pieter Kat của tổ chức từ thiện bảo tồn động vật LionAid nhận định Kruger không giữ đúng vai trò công viên quốc gia nếu định cung cấp thịt cho người dân thay vì duy trì động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên. (VnExpress 14/9) đầu trang(./.