Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 14 tháng 11 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Theo hồ sơ, tháng 1-2015, tại cuộc họp Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn 6 (xã Trường Xuân, huyện Đăk Song, Đắk Nông), Chi hội trưởng Đỗ Mạnh Hùng nêu ý kiến là đất rừng của chi hội giao cho một người dân đã bị lấn chiếm mất một phần. Để tránh bị người dân tiếp tục lấn chiếm, chi hội phải phát dọn để lấy đất trồng cây keo, sản xuất gây quỹ hoạt động. Toàn thể hơn 20 hội viên cùng thống nhất đồng ý.
Trong hai ngày tháng 1-2015, các hội viên chi hội CCB đã chặt những cây bụi, cây nhỏ, dây leo với diện tích 0,4 ha. Tiếp đó, trong hai ngày tháng 4-2015, các hội viên tiếp tục chặt dọn với diện tích 0,38 ha. Tổng cộng các hội viên đã phát dọn 0,78 ha.
Vì việc này, Công an, VKSND thị xã Gia Nghĩa đã khởi tố, truy tố Đỗ Mạnh Hùng cùng sáu chi hội viên chi hội CCB về tội hủy hoại rừng. Theo CQĐT và VKS, đây là đất rừng sản xuất nằm trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (giáp ranh huyện Đăk Song - NV) do Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa quản lý. Theo kết quả giám định, các hội viên đã gây thiệt hại hơn 42 triệu đồng nên phạm tội hủy hoại rừng.
Tháng 4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa xử sơ thẩm lần đầu đã phạt bảy bị cáo 6-7 tháng tù về tội danh trên.
Bảy bị cáo kháng cáo kêu oan. Tại phiên xử phúc thẩm lần đầu của TAND tỉnh Đắk Nông hồi tháng 6-2016, đại diện VKS tỉnh cho rằng trưởng thôn Nguyễn Nam Thái không tham gia phá rừng nhưng cấp sơ thẩm nhận định bị cáo tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức là đánh giá không khách quan về hành vi của bị cáo.
Mặt khác, cấp sơ thẩm kết luận các bị cáo hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng nhưng không tiến hành giám định diện tích này mà lại đi giám định cả vạt rừng 0,98 ha để xác định thiệt hại là không phù hợp.
Ngoài ra, tháng 3-2015, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xác định cả khu rừng 0,98 ha (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) bị hủy hoại đã thiệt hại 100%. Như vậy việc cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo hủy hoại 0,38 ha rừng trong hai ngày tháng 4-2015 là không phù hợp.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu. Đồng tình, TAND tỉnh đã tuyên hủy bản án sơ thẩm.
Tháng 9-2017, tại phiên xử sơ thẩm lần hai của TAND thị xã Gia Nghĩa, bảy bị cáo cho rằng mình chỉ tham gia dọn dẹp rừng vì trên thực tế rừng đã bị hủy hoại từ trước tháng 1-2015 rồi. Các nhân chứng cũng khẳng định điều này. Tuy nhiên, TAND thị xã Gia Nghĩa vẫn kết luận bảy bị cáo đã hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng và phạt họ 6-7 tháng tù.
Về mặt pháp lý, một thẩm phán TAND TP.HCM và các luật sư Lê Văn Hoan, Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều chung một nhận định là chưa đủ căn cứ để buộc tội bảy bị cáo.
Theo các chuyên gia này, bản án sơ thẩm lần hai quy kết các bị cáo hủy hoại 0,38 ha rừng vào hai ngày tháng 4-2015 là hoàn toàn không có cơ sở bởi từ tháng 3-2015, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa đã xác định diện tích rừng này bị hủy hoại hoàn toàn (thiệt hại 100%). Đến tháng 4-2015 trên thực tế đã không còn rừng nữa thì không thể nói các bị cáo hủy hoại 0,38 ha được.
Do đó, chỉ có thể xem xét trách nhiệm hình sự của các bị cáo với phần diện tích 0,4 ha mà các bị cáo phá trong hai ngày tháng 1-2015. Vậy theo quy định hiện hành, trách nhiệm của các bị cáo nếu có hành vi hủy hoại 0,4 ha rừng sẽ như thế nào?
Khoản 1 Điều 189 BLHS quy định về tội hủy hoại rừng như sau: Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Ở đây, các bị cáo chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi hủy hoại rừng. Mặt khác, theo hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao,TAND Tối cao, gây hậu quả nghiêm trọng trong tội hủy hoại rừng là đốt rừng, phá rừng hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng sản xuất với diện tích từ trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính. Mà theo khoản 5 Điều 20 Nghị định 157/2013 của Chính phủ, đối với loại rừng sản xuất, hành vi chặt phá cây rừng từ trên 3.000-5.000 m2 không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền 30-50 triệu đồng.
Như vậy, giả sử nếu cơ quan tố tụng có chứng minh được các bị cáo có hành vi hủy hoại 0,4 ha (4.000 m2) rừng sản xuất trong hai ngày tháng 1-2015 đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể xử phạt hành chính họ với số tiền 30-50 triệu đồng theo quy định trên. Hành vi hủy hoại 0,4 ha rừng sản xuất của các bị cáo không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng trong tội hủy hoại rừng.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng chỉ có thể xử phạt hành chính đối với bảy bị cáo. Việc TAND thị xã Gia Nghĩa kết án họ về tội hủy hoại rừng là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Hiện bảy bị cáo đều kháng cáo kêu oan. Theo dự kiến, ngày 15-11, TAND tỉnh Đắk Nông sẽ đưa vụ án ra xử phúc thẩm lần hai. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc. (Pháp Luật TP.HCM 14/11)đầu trang(
Theo UBND huyện Đắk Song, chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang từng bị kỷ luật khiển trách vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2016 nên cộng với mức kỷ luật cảnh cáo này, ông Nguyễn Hữu Tầm sẽ bị miễn nhiệm công tác.
Liên quan đến vụ UBND tỉnh Đắk Nông "yêu cầu nâng mức kỷ luật vì để mất rừng", chiều 13-11 một lãnh đạo UBND huyện Đắk Song (Đắk Nông) cho biết hội đồng kỷ luật huyện đã thống nhất mức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Hữu Tầm - chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang.
Trước đó, ông Tầm bị UBND huyện Đắk Song kiểm điểm rút kinh nghiệm vì không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ để mất 48,6ha rừng.
Không đồng ý với hình thức kiểm điểm này, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản yêu cầu huyện Đắk Song thực hiện nghiêm túc quy định, xem xét kỷ luật cách chức đối với ông Tầm.
Cụ thể, quyết định số 44 ngày 30-12-2016 của UBND tỉnh Đắk Nông quy định "phó chủ tịch, chủ tịch UBND cấp xã để rừng trên địa bàn quản lý bị phá trái pháp luật với diện tích từ 40ha trở lên/năm sẽ bị xử lý kỷ luật với hình thức cách chức".
"Hội đồng kỷ luật UBND huyện nhận thấy ông Tầm có triển khai một số nội dung công tác của tỉnh, huyện chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Với tư cách là trưởng ban lâm nghiệp xã, ông Tầm cũng có thực hiện các giải pháp kiện toàn Ban lâm nghiệp nhưng không thực hiện hết nhiệm vụ trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã.
Vì vậy hội đồng thống nhất chỉ kỷ luật cảnh cáo đối với ông Tầm chứ không cách chức theo yêu cầu của tỉnh", lãnh đạo này nói.
Cũng theo lãnh đạo này, năm 2016 ông Tầm từng bị kỷ luật hình thức khiển trách vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Như vậy, cộng với mức kỷ luật cảnh cáo năm 2017, ông Tầm sẽ bị miễn nhiệm công tác vì "hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ".
Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Song, địa phương đã gửi văn bản báo cáo kết quả xử lý kỷ luật ông Tầm lên UBND tỉnh. UBND huyện sẽ miễn nhiệm đối với ông Tầm trong kỳ họp cuối năm nay.
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện Đắk Glong, Đắk Song tổ chức kiểm điểm lại những cá nhân tập thể để mất rừng năm 2017 vì mức kỷ luật ban đầu chưa phù hợp với mức độ vi phạm. (Tuổi Trẻ 13/11)đầu trang(
Cơn bão số 12 đi qua để lại cảnh gãy, đổ khắp cánh rừng căm xe tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa. Lợi dụng các cơ quan chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả cơn bão, không ít người dân địa phương kéo nhau vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Trong vai những người tìm mua gỗ căm xe về làm cầu thang, chúng tôi tiếp cận Tý, thợ rừng ở thôn Suối Mít (xã Ninh Tây). Tý cho biết: “Sau bão, rừng căm xe gãy đổ la liệt. Thời gian này, do ngành chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả của bão, nên chúng tôi tranh thủ đi lấy gỗ căm xe”. Hỏi chuyện được biết, ban ngày, nhóm của Tý cắt cử người theo dõi hoạt động của Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Ninh Tây (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa), rồi tìm đến những khu vực lực lượng chức năng chưa đến được để cắt hạ căm xe. Nhóm này chọn những cây có đường kính lớn, có giá bán cao để hạ trước.
Dò hỏi về giá cả, cách thức vận chuyển, Tý bảo: “Chúng tôi bán theo từng khúc tròn, loại dài 1,2m, đường kính khoảng 0,3m có giá 1,5 triệu đồng/khúc; loại đường kính 0,2 - 0,25m giá 1 triệu đồng/khúc, loại đường kính nhỏ hơn thì giá thấp hơn. Riêng chuyện vận chuyển không lo, bởi lực lượng chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả của bão”.
Cũng theo đối tượng này, ban đêm là thời điểm hoạt động rầm rộ nhất của các nhóm trộm rừng. Gỗ căm xe sau khi cắt hạ xong sẽ được các đối tượng tập kết ra gần Quốc lộ 26, ngay trong đêm sẽ đưa đi tiêu thụ. Không riêng gì nhóm của Tý, ở Ninh Tây còn có nhiều nhóm thợ rừng khác, tranh thủ sau bão đi khai thác rừng trái phép.
Ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây xác nhận tình trạng trên và cho biết, nếu đơn vị chủ rừng, cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý hiệu quả thì nguy cơ mất rừng căm xe là rất lớn. Theo phản ánh của người dân xã Ninh Tây, hiện nay, nhiều đối tượng đưa cả xe công nông có máy tời vào rừng cắt gỗ ngay giữa ban ngày.
Tuy nhiên, ông Đặng Tiến Dũng - Trạm trưởng Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Ninh Tây khẳng định: “Không có chuyện các đối tượng đưa xe công nông vào rừng cắt căm xe. Sau bão, nhiều cây căm xe gãy đổ chắn đường đi, đổ vào rẫy mía của người dân. Vì vậy, trạm đã xin ý kiến của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa cho phép thuê một số nhân công, cắt dọn trước một số cây bị gãy đổ để giải phóng đường. Trong quá trình dọn luôn có cán bộ của trạm theo dõi, toàn bộ số gỗ đều được lập biên bản, đưa về trạm chờ xử lý theo quy định”.
Theo các cán bộ quản lý - bảo vệ rừng ở Ninh Tây, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhân lực để giữ hiện trường rừng căm xe. Khắp các cánh rừng cây gãy đổ ngổn ngang, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà hư hỏng nặng đã vào rừng lấy gỗ về dựng lại nhà, rất khó xử lý. “Chúng tôi mong muốn UBND xã Ninh Tây, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa hỗ trợ lực lượng để giữ rừng căm xe”, ông Dũng nói.
Đi khắp các cánh rừng căm xe, từ thôn Suối Mít, Buôn Tương, Buôn Đung, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh rừng căm xe tan hoang do bão; có những cây căm xe đường kính 0,2 - 0,3m bị bão xé cả thân. Ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa cho biết: “Thống kê sơ bộ, ít nhất 10% trong tổng số 420ha rừng căm xe tự nhiên ở Ninh Tây bị thiệt hại nặng. Hiện nay, ban đang tiếp tục kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại của rừng tự nhiên tại đây”. Ngay sau bão, ban quản lý đã chỉ đạo Trạm Quản lý - Bảo vệ rừng Ninh Tây tăng cường lực lượng bảo vệ hiện trường. Sau đó, tiến hành kiểm tra mức độ thiệt hại, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xin phép khai thác, tận thu cho Nhà nước đối với số căm xe tự nhiên bị thiệt hại do bão.
Theo ông Trần Ngọc Dục - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa, sau bão, hạt đã chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Ninh Xuân phối hợp với UBND xã Ninh Tây hỗ trợ chủ rừng trong việc ngăn chặn các đối tượng lợi dụng tình hình sau bão để khai thác rừng trái phép. Tuy nhiên, rừng căm xe thiệt hại rất lớn, lại gần nhà dân nên việc bảo vệ rất khó khăn. (Báo Khánh Hòa 13/11)đầu trang(
​Xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông hiện có hơn 3.500ha rừng, trong đó gần 2. 900ha rừng phòng hộ. Trong thời gian qua, lực lượng dân quân xã đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm làm tốt công tác tuần tra, truy quét theo Nghị định 74 và Nghị định 133 của Chính phủ về việc tăng cường phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân với kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.
Để công tác phối hợp với lực lượng kiểm lâm đạt kết quả cao trong cuộc chiến giữ rừng hiện nay Ban Chỉ huy Quân sự xã Tu Mơ Rông đã tuyên truyền giáo dục cho lực lượng dân quân xã chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Trong công tác phối hợp, lực lượng dân quân xã Tu Mơ Rông đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ký cam kết không tự ý đốt rẫy bừa bãi, đồng thời bảo vệ, khai thác tài nguyên rừng hợp lý...
Để tuyên truyền nói dân tin, dân nghe, dân thực hiện, Ban Chỉ huy Quân sự xã đã quán triệt cán bộ, chiến sĩ dân quân trước hết vận động người thân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, không vi phạm lâm luật. Sự tự giác, gương mẫu của cán bộ, chiến sĩ dân quân đã góp phần đưa công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, nhân dân chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Những năm qua, anh em cán bộ, chiến sĩ dân quân xã đã tích cực tham gia các hoạt động phát quang, tạo ranh giới cản lửa để phòng, chống cháy rừng... trong mùa khô; phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn, có kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng từng khu vực, từng cụm rừng, thậm chí từng cây rừng...
Anh Trần Văn Thiệt - Kiểm lâm viên địa bàn xã Tu Mơ Rông nói: Nếu không có lực lượng dân quân thì kiểm lâm sẽ khó kiểm soát được rừng, một phần do lực lượng kiểm lâm mỏng, một người được giao quản lý một địa bàn với diện tích rừng rộng lớn; hơn nữa, cán bộ, chiến sĩ dân quân là người của địa bàn nên họ tường tận từ cơ sở, nếu người lạ vào địa bàn là họ đã phát hiện...
Với những hoạt động tích cực trong công tác bảo vệ rừng, lực lượng dân quân xã Tu Mơ Rông góp phần không nhỏ trong việc giữ độ che phủ của rừng tại địa bàn xã đạt trên 65%, nhiều năm qua không để xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép...
Những gì lực lượng dân quân xã Tu Mơ Rông đã và đang thực hiện đã mang lại sự sống cho rừng, góp phần bảo vệ tài nguyên vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân loại. (Báo Kon Tum 13/11)đầu trang(
Nạn săn bắn, bẫy thú rừng đang diễn ra nhức nhối tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt,… khi một số người dân ở vùng đệm coi bẫy thú là nghề mưu sinh chính.
Vườn Quốc gia Pù Mát có diện tích hơn 93.000 ha, trải dài trên địa giới của 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Đây là một trong những khu vực rừng có nhiều loài động vật quý hiếm đang sinh sống như hổ, sao la, khỉ mặt ngựa…
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng săn bắn thú rừng ở đây diễn ra phức tạp; cùng đó, địa bàn các huyện có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt các nhà hàng kinh doanh đặc sản rừng tiếp tục mọc lên.
Tại các vùng rừng của Vườn Quốc gia Pù Mát và các vùng đệm, các trạm Quản lý Bảo vệ rừng, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ được nhiều loại bẫy thú giăng khắp nơi.
Từ năm 2013 đến nay, số bẫy mà các nhân viên bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Pù Mát thu được lên đến con số hàng ngàn chiếc.
Các loại bẫy chủ yếu thường hay được sử dụng như: lao đâm, bẫy thòng lọng, bẫy kẹp. Các con vật chủ yếu mà các tay bẫy thú thường nhắm đến là lợn rừng, chồn, khỉ, sóc …
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: “Trong năm 2017 ngành kiểm lâm đã xử lý 7 vụ vi phạm về quy định quản lý động vật hoang dã, thu được 89 cá thể (249 kg), phạt tiền 120 triệu đồng”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ động vật quý hiếm, các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là ngành kiểm lâm cần khẩn trương kiểm tra tất cả các nhà hàng, khách sạn kinh doanh động vật hoang dã, có biện pháp xử lý nghiêm minh theo pháp luật. (Báo Nghệ An 14/11)đầu trang(
Người dân sinh sống sát sườn núi Cà Đú, thuộc khu phố Cà Đú, TT.Khánh Hải, H.Ninh Hải (Ninh Thuận) liên tục bị đàn khỉ từ trên núi xuống 'quấy rầy'.
Một số người dân địa phương cho biệt họ đang khốn đốn với đàn khỉ khoảng 7 con, trong đó con đực đầu đàn nặng hơn 40 kg, sinh sống ở khu vực rừng núi Cà Đú, kéo về quậy phá.
Từ hơn 1 tháng nay, cứ vào buổi sáng sớm, giữa trưa hoặc chiều tối, đàn khỉ di chuyển vào các nhà vườn nằm sát sườn núi để phá hoa màu, rượt đuổi gia cầm, thậm chí tấn công phụ nữ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (52 tuổi, ở khu phố Cà Đú, TT.Khánh Hải) cho biết cách đây vài hôm, khi ra thăm vườn, ông phát hiện đàn khỉ đang đu trên giàn nho bứt phá làm trái làm lá rơi tơi tả xuống đất. Hoảng hồn, ông Tuấn vớ được cây tre dựng bên hàng rào, chạy đến đuổi, bọn khỉ mới chịu rời đi.
Bà Nguyễn Thị Huy (45 tuổi, ở khu phố Cà Đú) kể thêm, ngoài việc phá hoa màu, rượt đuổi gia cầm, chúng còn tấn công phụ nữ. “Khoảng 5 giờ ngày 8.11, tôi ra thăm vườn nho một mình thì thấy con đầu đàn từ trên giàn nho nhảy xuống, định vồ vào người, tôi giật mình kêu cứu người nhà. Nghe tiếng la thất thanh, chồng tôi từ trong nhà chạy ra giải vây, nó mới bỏ chạy”, bà Huy kể và cho biết thông thường chỉ cần một phụ nữ chăm sóc cắt cành, tỉa trái ở vườn nho nhưng từ khi xảy ra chuyện khỉ tấn công người thì phải kèm thêm một đàn ông vì sợ khỉ “quấy rầy”.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó khu phố Cà Đú, cho hay đã tiếp nhận phản ảnh của bà con về việc đàn khỉ vào các nhà vườn phá hoa màu, ăn trứng gà, rượt đuổi phụ nữ... Hiện ngành chức năng đã xuống khảo sát, hướng dẫn người dân cách xua đuổi khỉ chứ không còn cách nào để ngăn chặn được.
Sáng 13.11, ông Dương Đình Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận, cho biết đàn khỉ này có tên khoa học Macaca fascicularia (thường gọi khỉ đuôi dài, khỉ nước) sinh sống lâu năm ở khu vực núi Cà Đú. Đơn vị đã tổ chức hướng dẫn người dân dùng kẻng đánh để xua đuổi khi phát hiện chúng ra vào kiếm ăn, quậy phá các vườn nho, táo…
Theo ông Sơn, diện tích khu vực núi Cà Đú khá lớn, nên việc di chuyển đàn khỉ trên đến khu vực khác là rất khó. “Đơn vị đang tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, xin ý kiến ngành chủ quản, dùng bẫy để bắt giữ, đưa thả về khu vực rừng Vườn quốc gia Núi Chúa”, ông Sơn nói. (Thanh Niên 13/11)đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa tổ chức tập huấn kiến thức phòng cháy, chữa cháy rừng cho cộng đồng dân cư tại xã Phước Thiện (Bù Đốp).
Phước Thiện là xã duy nhất trên địa bàn huyện Bù Đốp còn rừng tự nhiên, với diện tích khoảng 6.400 ha. Trong đó hơn 4.300 ha là rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu có tác dụng ngăn ngừa xói mòn, lũ lụt trên sông Đắk Huýt về lòng hồ Cần Đơn. Với yếu tố đặc biệt quan trọng đó, công tác đảm bảo diện tích rừng phát triển bền vững luôn là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhiều năm qua.
Trong đợt tập huấn lần này, cán bộ, nhân dân xã Phước Thiện đã được Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp miền Nam và Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng: Khái niệm cơ bản về phòng cháy và chữa cháy rừng; tác hại và nguyên nhân gây cháy rừng; kỹ thuật và tập luyện một số thiết bị chữa cháy rừng... Lớp tập huấn còn chú trọng đến kỹ năng tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, xem rừng là tài nguyên vô giá của trái đất. (Báo Bình Phước 13/11)đầu trang(
Huyện Mường Nhé có tổng diện tích tự nhiên 156.908,13ha, trong đó: Diện tích đất có rừng 70.900,72ha; diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp 77.599,59ha. Tỷ lệ che phủ rừng 45,14%. Theo báo cáo của UBND huyện, bình quân mỗi năm trên địa bàn huyện xảy ra 200 - 250 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ và quản lý lâm sản.
Trong đó, các vụ chặt phá, đốt rừng, làm nương chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ vi phạm. 10 tháng năm 2017, trên địa bàn huyện xảy ra 174 vụ vi phạm về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, có tới 148 vụ chặt phá, đốt rừng trái phép, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên 150ha.
Cũng trong khoảng thời gian trên, địa bàn huyện phát hiện 357 điểm cháy được quan sát từ vệ tinh. Sau khi xác minh, kiểm tra ngoài thực địa, các cơ quan chức năng phát hiện 1 vụ cháy rừng với diện tích 3,172ha thuộc tiểu khu 96 khoảnh 10, rừng sản xuất thuộc bản Nậm Khum, xã Chung Chải.
Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chặt phá, đốt rừng trên địa bàn là do ý thức của người dân chưa cao trong việc thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Phần lớn các vụ cháy rừng đều có nguyên nhân từ việc dùng lửa không đúng quy định: Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng của các cơ quan chức năng chưa nghiêm dẫn đến tình trạng người dân nhờn luật. Trước thực trạng chặt phá, đốt rừng trái phép làm nương trên địa bàn trong thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR.
Theo đó, trước mùa khô hàng năm, UBND huyện ban hành kế hoạch PCCCR kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Kế hoạch xây dựng chi tiết, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các bước triển khai nội dung PCCCR. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác PCCCR. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về hành vi bị nghiêm cấm; việc sử dụng lửa an toàn và tác hại của việc mất rừng; xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR, biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng... và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về quản lý và bảo vệ rừng, PCCCR... Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức được 188 cuộc họp dân tuyên truyền các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, với tổng số 8.312 người dân tham gia; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền không được phá rừng; toàn huyện có 5.988 người dân ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR và không di cư tự do.
Bên cạnh đó, UBND huyện còn chú trọng thực hiện xây dựng và vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; hướng dẫn thôn, bản xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước, hương ước bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR. Những năm gần đây, UBND huyện đã dành khá nhiều vốn ngân sách mua sắm trang thiết bị PCCCR cấp cho các cơ quan chuyên môn và các tổ, đội PCCCR cơ sở.
Vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho UBND huyện củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCCR cấp huyện; 11 ban chỉ đạo cấp xã; 2 ban chỉ huy quản lý bảo vệ rừng, PCCCR (Ban Quản lý khu Bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé và Công ty Cao su Mường Nhé); củng cố kiện toàn 118 tổ, đội PCCCR với số lượng từ 10 - 15 thành viên/tổ, đội. Tại các điểm “nóng” thường xảy ra chặt phá rừng, các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn, diễn tập PCCCR; hướng dẫn nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định khi dùng lửa trong rừng; tạo đường băng cản lửa khi đốt nương; huy động nhân lực, vật lực theo phương án “4 tại chỗ” khi xảy ra cháy rừng... (Báo Điện Biên Phủ 13/11)đầu trang(
Sau 1 năm thực hiện Thông báo 191/TB-VPCP và Kết luận số 59-KL/TU về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả thì rất cần những giải pháp căn cơ.
Ông Trương Phước Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai thông tin: “Từ nhiều nguồn lực, chính quyền địa phương cùng các đơn vị chủ rừng đã và đang tích cực triển khai công tác trồng rừng. Có 17/17 huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi đất để thu hồi đất rừng bị lấn chiếm; có 193,2 ha đất lấn chiếm được thu hồi để trồng rừng… Hiện, toàn tỉnh đã trồng được 6.021,9 ha rừng (đạt 86,0% so với Nghị quyết HĐND giao), bao gồm: trồng rừng tập trung: 5.122,6 ha; trồng rừng phân tán: 899,3 ha. Từ nay đến cuối năm 2017, UBND tỉnh quyết tâm chỉ đạo trồng từ 7.000 ha rừng trở lên, đảm bảo theo kế hoạch đề ra”.
Về kết quả tuần tra, kiểm tra kiểm soát, bảo vệ rừng tại gốc đã được các ngành, các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn 54 vụ phá rừng làm rẫy với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 23,69 ha. Một năm qua, Gia Lai đã có 901 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (giảm 43 vụ so với một năm trước), tịch thu trên 1.764 m3 gỗ, thu phạt hành chính trên 4,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các ngành liên quan lập kế hoạch thu, chi và tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Theo đó, tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ là 87%. Số lượng các cơ sở mua bán, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh có đăng ký với cơ quan kiểm lâm là 206 cơ sở.
Ông Nguyễn Nhĩ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, kiêm Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: “Các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn dần đi vào ổn định, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ cho công tác chế biến chủ yếu từ gỗ nhập khẩu, gỗ rừng trồng, gỗ vườn và gỗ thanh lý sau khi tịch thu sung quỹ nhà nước. Hiện, có 75 hộ cá thể và và 1 doanh nghiệp không đăng ký hoạt động. Những cơ sở này chủ yếu hoạt động theo thời vụ. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp này”.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì sau 1 năm thực hiện Thông báo 191/TB-VPCP và Kết luận số 59-KL/TU, Gia Lai cũng bộc lộ những hạn chế nhất định như: một số địa phương chưa hoàn thành xây dựng kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn còn mang tính hình thức; tình trạng lâm tặc lén lút khai thác gỗ trái phép với quy mô nhỏ lẻ ở các vùng giáp ranh; phá rừng, khai thác rừng vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra khá phổ biến và phức tạp tại một số địa phương; việc di dân tự do mối nguy phá rừng làm đất sản xuất; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các sở ban ngành với địa phương còn nhiều hạn chế….
Đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Gia Lai trong thời gian qua, đồng chí Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Dù đã có những kết quả khả quan nhưng chúng ta cần đánh giá lại những gì đã đạt được và những gì còn vướng mắc, tồn tại để có giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh thì việc huy động được sức dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là hết sức quan trọng. Ngoài việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng thì phải biết đưa người dân vào cuộc, phải biết dựa vào sức dân để khắc phục những tồn tại và đẩy mạnh việc bảo vệ và phát triển rừng.
“Phải nói rằng, hoạt động của lực lượng kiểm lâm còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn hoạt động rộng. Trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn quản lý trên 2.000 ha rừng. Lực lượng kiểm lâm của chúng ta còn mỏng và gặp nhiều bất cập. Chúng ta cần phải thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, điều tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm; thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động nâng cao năng lực trong hoạt động. Huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng có hưởng lợi”- Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.
Theo đánh giá, huyện Kông Chro là một trong những địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phôi phục và phát triển rừng bền vững. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện nên nhiều khu rừng trên địa bàn huyện Kông Chro đã và đang được khôi phục, phát triển. Dù gặp không ít khó khăn và thách thức, nhất là nguồn lực còn hạn chế nhưng Kông Chro đã thể hiện quyết tâm cao trong việc lãnh đạo tổ chức triển khai hiệu quả hơn công tác khôi phục và phát triển rừng bền vững ở địa phương.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: “Chúng tôi luôn xem công tác bảo vệ, và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm và liên tục. UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch thu hồi diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và triển khai kế hoạch trồng rừng trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020.  Chúng tôi cũng đã vận động người dân tích cực tham gia trong công tác bảo vệ và phát triển rừng”.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, để thực hiện tốt hơn nữa công tác  quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, Gia Lai tiếp tục  đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch  thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hơn nữa các vụ phá rừng; tiếp tục triển khai có hiệu quả các dịch vụ môi trường rừng; tăng cường lực lượng tổ chức kiểm tra, truy quét, chốt chặn các điểm nóng hay xảy ra vi phạm, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh các tỉnh…(Báo Gia Lai 13/11)đầu trang(
Dù Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng nhưng các ngành chức năng tỉnh Gia Lai cho rằng xin chuyển đổi rừng vì không còn giải pháp nào khác để hoàn thành dự án
UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) và Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 91 ha rừng tại 10 tiểu khu của huyện Chư Prông của tỉnh này để thực hiện giai đoạn 2 của dự án thủy lợi Ia Mơr.
Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) được đầu tư xây dựng từ năm 2005 nhằm phục vụ nước tưới cho khoảng 12.500 ha cây trồng tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, cung cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân sinh sống tại một số xã dọc biên giới thuộc huyện Chư Prông. Tổng nguồn vốn phê duyệt xây dựng công trình vào năm 2005 là trên 1.200 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2010. Hiện công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 và tích nước.
Để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Thủy lợi 8 (gọi tắt là Ban 8, Bộ NN-PTNT), chủ đầu tư dự án, đề xuất UBND tỉnh Gia Lai xin Chính phủ, Bộ NN-PTNN cho phép chuyển đổi 133,5 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 91 ha rừng. Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch huyện Chư Prông, cho biết diện tích chuyển đổi để thực hiện hệ thống tuyến kênh chính, kênh bơm... Các tuyến kênh được dự tính là thi công nối qua huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk).
Tại khu vực rừng đang được xin chuyển đổi, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận đây đều là rừng khộp tự nhiên, bạt ngàn xanh tươi với các loại cây có đường kính trên dưới 20 cm. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cho biết huyện chỉ làm hợp đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, sau đó giao lại cho Ban 8. Ban 8 đầu tư bao nhiêu, thi công đến đâu, tiến độ đến đâu không nghe báo cáo.
Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, nói diện tích bị chuyển đổi là rừng nghèo, không còn biện pháp nào khả thi hơn để tiếp tục triển khai dự án. Ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, nhìn nhận: "Công trình đầu tư hàng ngàn tỉ đồng thì không thể dừng lại". Ông Nguyễn Anh Dũng đặt vấn đề có thể điều chỉnh thiết kế, cắt bớt một số hạng mục. Ví dụ, không phải là hạng mục chính thì không thể đánh đổi 50 ha rừng để phục vụ khoảng 100 ha lúa.
Trả lời về việc vì sao đã có lệnh đóng cửa rừng tự nhiên mà tỉnh vẫn xin chuyển đổi diện tích lớn rừng, ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nói: "91 ha rừng mới xin chuyển đổi nằm trong dự án, trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi". (Người Lao Động 14/11)đầu trang(
Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh và Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân (Bình Định) đã tổ chức hội nghị ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa 2 huyện.
Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh và Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân thống nhất thường xuyên phối hợp với nhau để nắm thông tin, tổ chức lực lượng kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng khu vực giáp ranh để ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp thiết thực đã được 2 bên bàn thảo, nhiều ý kiến cho rằng để bảo vệ tốt rừng giáp ranh ngành chức năng 2 huyện cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ; trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục người dân sống gần rừng; đẩy mạnh các hoạt động tuần tra kiểm soát để kịp thời ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.(Nông Nghiệp Việt Nam 13/11)đầu trang(
Có cuộc khảo sát, phát hiện nhiều cánh rừng phòng hộ ở miền núi phía Bắc đang bị tàn phá dữ dội.
Nơi chúng tôi đến viết bài phản ánh là cánh rừng phòng hộ thuộc xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn (Lào Cai) đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Rừng phòng hộ xã Nậm Tha nằm cạnh khu Bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn - Hoàng Liên. Cũng tại địa phận xã Nậm Tha một chợ gỗ trái phép hoạt động công khai và kéo dài, chưa bị xử lý.
Chỉ trong tháng 10 mưa lũ đã làm trên 103 người chết, mất tích và 38 người bị thương. Hàng trăm ngôi nhà đổ sập, hàng trăm nghìn con gia cầm, gia súc bị cuốn trôi và gần 30.000 hecta cây nông nghiệp chìm trong biển nước.
Nhiều chuyên gia cho biết sạt lở, lũ quét tăng cao có cả những nguyên nhân do con người góp vào như: phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Đỗ Ngọc Minh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Văn Bàn cho hay: "Từ tháng 4- 2017 tôi nhận công tác về quản lý địa bàn Văn Bàn đến nay rừng rất ổn định. Doanh nghiệp có mục đích chuyển đổi rừng để làm các công trình cũng đã dừng lại. Người dân vào rừng lấy măng, cây dược liệu chặt vài cây củi nhưng khai thác gỗ hàng loạt thì không có".
Ông Triệu Kim Dẫn - chủ tịch UBND xã Nậm Tha thì cho rằng thời gian gần đây trên địa bàn xã không có phá rừng. Vào đầu năm 2017 có 5 hộ dân phá khoảng 2 hecta rừng sản xuất để trồng quế thì cũng đã bị xử lý nghiêm!.
Theo tìm hiểu , điều kiện phát triển kinh tế của xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn chủ yếu dựa vào nông nghiệp và kết hợp với lâm nghiệp. Nậm Tha là xã nghèo của huyện và thuộc vùng 3 đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo năm 2016 là 51%.(Tuổi Trẻ 13/11)đầu trang(
Hiện tại, căn biệt thự to nhất, đẹp nhất trên đồi thông là của gia đình ông Nguyễn Thế Tuy - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, người vừa mới nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ vào đầu năm 2017...
Đồi thông xã Mai Pha (TP Lạng Sơn) thuộc địa phận hành chính các thôn Khòn Khuyên và Rọ Phải vốn dĩ là đất trồng rừng giao quyền sử dụng lâu dài cho các hộ dân. Nhưng kể từ khi TP Lạng Sơn mở rộng xây dựng đô thị, khu vực này trở thành vị trí đắc địa, trước mặt là sông Kỳ Cùng, tầm nhìn bao quát toàn TP Lạng Sơn. Giá đất lên cơn sốt và thực trạng xẻ thịt đất trồng rừng bán đất nền, đất xây biệt thự diễn ra nhan nhản.
Vào vai những người có nhu cầu mua đất xây dựng, PV có mặt ở khu vực thôn Rọ Phải và Khòn Khuyên của xã Mai Pha. Kể từ thời điểm có quy hoạch xây dựng Khu đô thị phía Nam TP Lạng Sơn, nơi này đã trở thành công trường khổng lồ với hàng loạt hoạt động xây dựng rất rầm rộ.
Đứng từ cầu Kỳ Cùng nhìn lên, những căn biệt thự hoành tráng nằm lẩn khuất giữa những đồi thông xanh rì cộng thêm những mảng đồi bị san lấp thành nền đang chờ chủ nhân xây dựng có thể khẳng định rằng trong thời gian tới, đồi thông Mai Pha sẽ trở thành khu biệt thự đẹp vào loại nhất nhì TP Lạng Sơn.
Đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại, căn biệt thự to nhất, đẹp nhất trên đồi thông này là của gia đình ông Nguyễn Thế Tuy - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, người vừa mới nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ vào đầu năm 2017.
Căn biệt thự khá nổi tiếng. Bằng chứng là không ít người dân, cán bộ ở TP Lạng Sơn khi nghe chúng tôi đề cập đến khu vực này đều gọi bằng cái tên có vẻ thân thuộc hơn: Đồi ông Tuy.
Nhìn từ bên ngoài, căn biệt thự của gia đình ông Tuy không quá hoành tráng bởi chủ nhân chỉ xây dựng 2 tầng. Và cũng giống như phong cách của những gia đình giàu có, căn biệt thự luôn đóng cửa. Cổng đồng chắc nịch. Tường rào xây cao, lại được bảo vệ bằng hàng rào thép gai khiến người lạ rất khó tiếp cận. Ngay phía trên cổng là camera quan sát như muốn nhắc nhở rằng bất cứ ai ra vào đều không thể lọt ra ngoài tầm quan sát của gia chủ.
Theo hồ sơ,căn biệt thự này đứng tên bà Hoàng Thị Nga, vợ ông Tuy, có địa chỉ tại khối 15, phường Hoàng Văn Thụ (TP Lạng Sơn). Tổng diện tích khu vườn rộng 5.000m2, trong đó, phần diện tích xây dựng rộng 500m2.
Phía trên căn biệt thự của gia đình ông Tuy là biệt thự của gia đình ông Phan Thanh Lương - Chủ tịch UBND xã Mai Pha. Quần thể nhà của ông Chủ tịch xã nằm trên đỉnh đồi, cũng hàng rào kín cổng cao tường, cũng camera quan sát được lắp đặt khắp nơi.
Phía dưới biệt thự gia đình ông Tuy là biệt thự gia đình ông Cao Tam Chiến, theo lãnh đạo TP Lạng Sơn, ông Chiến nguyên là cán bộ Sở Y tế Lạng Sơn. Căn biệt thự này tọa lạc trên diện tích 500m2 trong tổng số 1.232,8m2 mà gia đình ông Chiến đang sở hữu. Năm 2015, khu đất gia đình ông Chiến từng bị UBND xã Mai Pha ban hành Quyết định xử phạt ngày 16/10/2015.
Xen kẽ với những căn biệt thự này là hàng loạt thửa đất đã được san lấp mặt bằng. Hệ thống đường điện, đường giao thông được xây dựng, mặc dù, hiện trạng của quả đồi vẫn là đất trồng rừng sản xuất.
Để làm rõ những thông tin về việc chuyển đổi đất trồng rừng sản xuất sang xây dựng biệt thự ở Mai Pha, PV NNVN đã có buổi làm việc với UBND TP Lạng Sơn.
Theo tài liệu UBND TP Lạng Sơn cung cấp, khu đất gia đình ông Nguyễn Thế Tuy - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đúng là đất trồng rừng sản xuất, vào năm 2011, toàn bộ khu đất này đã được chuyển đổi sang đất ở.
Tuy nhiên, theo hồ sơ tài liệu quá trình chuyển đổi có những dấu hiệu chưa rõ ràng.
Trước hết là quy hoạch. Biên bản ngày 11/10/2011 thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của bà Hoàng Thị Nga, khối 15, phường Hoàng Văn Thụ (TP Lạng Sơn) ghi rõ nội dung xin chuyển 500m2 trong tổng số 5.000m2 từ đất nông nghiệp sang đất ở tại thôn Khòn Khuyên, xã Mai Pha. Hiện trạng thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng là đất trồng rừng.
Trước đó một ngày, ngày 10/10/2011 UBND TP Lạng Sơn có công văn đề nghị Sở Xây dựng cho biết vị trí các thửa đất xin chuyển mục đích có phù hợp quy hoạch khu dân cư để cho phép chuyển mục đích sử dụng không? Đến ngày 9/11/2011, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn là ông Vũ Văn An đã ký văn bản trả lời khu vực này theo nhiệm vụ quy hoạch thuộc đất ở sinh thái.
Đến ngày 14/11/2011, UBND TP Lạng Sơn có quyết định 3390/QĐ-UBND cho phép bà Hoàng Thị Nga chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở tại xã Mai Pha. Theo quyết định, bà Hoàng Thị Nga, trú tại khối 15, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, đang sử dụng thửa đất số 49, diện tích 5.000m2, tờ bản đồ địa chính số 44, xã Mai Pha, được chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích đất ở tại nông thôn.
Tại buổi làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn, đại diện cơ quan này khẳng định, quy hoạch xây dựng chi tiết khu vực này từng được triển khai nhưng sau đó không hoàn thành. Công văn phúc đáp của Sở Xây dựng chỉ là căn cứ tham khảo, tuy nhiên UBND tỉnh Lạng Sơn lại dựa vào đó để làm cơ sở ra Quyết định cho phép bà Hoàng Thị Nga chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở.
Vấn đề thứ 2, dường như UBND TP lạng Sơn đã có sự nhầm lẫn khi khẳng định biệt thự gia đình ông Tuy thuộc thôn Rọ Phải. Tại buổi làm việc với PV NNVN, cả bà Lại Thị Vân - Trưởng phòng TN-MT và ông Bùi Văn Côi - Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn đều khẳng định: Thôn Rọ Phải phù hợp quy hoạch còn thôn Khòn Khuyên thì chưa. “Thực tế hiện nay có 2 hộ gồm ông Nguyễn Thế Tuy và Cao Tam Chiến đã xây dựng nhà ở trên khu đất đồi thôn Rọ Phải. Cả 2 hộ ông Nguyễn Thế Tuy và Cao Tam Chiến đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng một phần khu đất sang đất ở tại nông thôn và đã xin phép xây dựng nhà ở”, UBND TP Lạng Sơn thông tin.
Mặc dù vậy, tài liệu điều tra của NNVN, cũng như hồ sơ đất đai của gia đình bà Nga đều thể hiện: Toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Tuy đều thuộc phạm vi hành chính thôn Khòn Khuyên, xã Mai Pha.
Tại buổi làm việc với PV, ông Phan Thanh Lương - Chủ tịch UBND xã Mai Pha tiết lộ: Toàn bộ diện tích đất khu vực đồi thông vốn là đất lâm nghiệp. Ông Lương thừa nhận hiện trạng các cá nhân vi phạm trong quá trình san lấp, đồng thời khẳng định: Ông Tuy mua đất của chính tôi đây, có hợp đồng mua bán hẳn hoi.
Sau thời điểm nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn xây biệt thự ở Mai Pha, hàng loạt tổ chức, cá nhân đã ồ ạt san lấp đất trồng rừng chuyển sang đất ở. Thống kê của UBND TP Lạng Sơn, trên khu đất đồi Rọ Phải thuộc xã Mai Pha, trong năm 2015 đã có 5 hộ gia đình tự ý san ủi đất đồi. UBND xã Mai Pha đã phát hiện kịp thời và lập biên bản xử lý, trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm. Trong số những hộ gia đình vi phạm có cả ông Đàm Xuân Thửu, nguyên cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lạng Sơn.
Chủ tịch xã Mai Pha thừa nhận, bản thân gia đình ông nhiều lần xin giấy phép nhưng do chưa phù hợp quy hoạch nên chưa được chấp thuận.
Vậy tại sao cùng trên một quả đồi, cùng địa giới hành chính, cùng góp tiền làm đường giao thông, đường điện với nhau nhưng có gia đình phù hợp quy hoạch, có gia đình lại không?
“Xã Mai Pha chưa có quy hoạch chi tiết mà mới chỉ có quy hoạch chung của Sở Xây dựng”, ông Lương trả lời câu hỏi của PV.
Liên quan đến việc mở đường giao thông và kéo đường điện trên đất lâm nghiệp, ông Lương cho biết: Các hộ dân góp tiền công, còn vật liệu xây dựng được người ta cho. Việc mở đường trên đất lâm nghiệp có phải xin phép cơ quan thẩm quyền không? Ông Lương thẳng thắn: Đợt ấy nhà nước khuyến khích làm đường giao thông để xây dựng thông thôn mới nên chúng tôi góp tiền làm thôi.
Mặc dù diện tích chuyển đổi của gia đình bà Hoàng Thị Nga lên tới 500m2, trong tổng số 5.000m2, nhưng tại giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, tổng lệ phí trước bạ nhà đất bà Nga phải nộp chỉ vỏn vẹn 575.000 đồng. Tuy nhiên, cũng trong hồ sơ chuyển đổi do TP Lạng Sơn cung cấp, ngày 14/11 (không ghi rõ năm), bà Hoàng Thị Nga (vợ ông Nguyễn Thế Tuy - nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn) có đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất “do điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện để nộp tiền sử dụng đất”.(Nông Nghiệp Việt Nam 13/11)đầu trang(
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra, xác minh thông tin bài báo “Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Cú: Tái diễn tình trạng dân phá rừng trồng thanh long” ra ngày 26/10/2017, ngày 3/11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh dẫn đầu đoàn công tác đến hiện trường để kiểm tra, xác minh nội dung thông tin báo đăng.
Tại khu vực 1 báo nêu 48 gốc sến, qua kiểm tra thực tế và đối chiếu với hồ sơ của Ban quản lý (BQL) Khu BTTN Tà Cú, Hạt Kiểm lâm (HKL) Hàm Thuận Nam, tổ kiểm tra thống nhất: Lô 7 khoảnh 5 tiểu khu 302A với diện tích 1.690 m2 có 48 gốc sến có đường kính từ 10 - 17cm bị đốn hạ.
Tại khu vực 2, có 80 cây rừng bị phá, hầu hết là cây sến trên diện tích 1.656 m2. Quan sát hiện trường, thân cây bị chặt hạ còn nằm tại gốc, ngọn lá đã khô rụng. Một số mặt cắt gốc còn nhựa cây đọng khô, một số gốc đã nảy chồi có chiều cao từ 10 - 30cm.
Vết tích để lại trên mặt cắt gốc là dấu của cưa tay và dấu chặt bằng dao rựa. Ngoài ra, tổ kiểm tra còn phát hiện tại lô 7, khoảnh 5 có một đường ranh theo hướng đông - tây, rộng 1m, chiều dài 120m cách diện tích rừng bị phá 50m. Trên đường ranh này toàn bộ số cây bị chặt phá (có đường kính tương đương 6cm) còn nguyên tại hiện trường chưa thu dọn.
Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường khu vực mà bài báo đăng theo hướng dẫn của phóng viên, đoàn công tác đã về trụ sở UBND xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam họp xem xét nguyên nhân vụ việc và bàn phương án ngăn chặn tình trạng phá, lấn, chiếm đất rừng.
Tại buổi làm việc, ông Võ Hữu Phương - Phó Giám đốc Khu BTTN Tà Cú cho biết: 2 khu vực bị phá rừng mà phóng viên Báo Bình Thuận phản ánh trong bài báo và dẫn tổ công tác kiểm tra là nằm trong tiểu khu 302A (rừng sản xuất) có tục danh là khu vực Láng Mã, thuộc địa giới hành chính thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận. Vụ việc phá rừng này, Ban quản lý (BQL) khu BTTN Tà Cú đã có kiểm tra và lập 4 hồ sơ, hiện đang theo dõi, phục bắt đối tượng phá rừng. Cụ thể, vào ngày 6/10/2017, đơn vị đã phát hiện và lập 2 hồ sơ về tình hình san ủi 0,2004 ha đất trống, cỏ tranh và phát dọn 0,106 ha rẫy cũ.
Đến ngày 18/10, đơn vị tiếp tục phát hiện và lập hồ sơ về khu vực rừng sát bên khu đất trống bị ủi nêu trên đã bị các đối tượng chặt phá 20 cây trên tổng diện tích là 0,694 ha (đây là một trong 2 khu vực mà phóng viên chỉ dẫn). Toàn bộ hồ sơ vụ việc, BQL Khu BTTN Tà Cú đã chuyển đến Hạt kiểm lâm (HKL) Hàm Thuận Nam để xác minh, xử lý theo thẩm quyền.
Qua diễn biến các vụ san ủi đất, chặt phá cây rừng nêu trên, xác định đây là điểm nóng cho nên ngày 23/10 BQL Khu BTTN Tà Cú đã thành lập chốt truy quét tại tiểu khu 302A.
Đồng thời, Khu BTTN Tà Cú có công văn cùng ngày gửi đến HKL Hàm Thuận Nam và UBND xã Tân Thuận đề nghị tăng cường lực lượng, phối hợp thực hiện công tác truy quét bảo vệ rừng trên địa bàn xã Tân Thuận. Đối với khu vực còn lại do phóng viên phản ánh, chỉ dẫn thì vào ngày 5/11, đơn vị mở rộng kiểm tra đã phát hiện khu vực này và đã lập hồ sơ ban đầu. Qua xem xét tại hiện trường thì khu vực này bị chặt phá vào cùng thời điểm các khu vực nêu trên.
Theo ông Phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng tại khu vực này xảy ra nhiều trong thời gian gần đây là do có tin đồn tách tiểu khu 302A ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Cho nên, một số đối tượng tập trung vào khu vực rẫy cũ mua bán sang nhượng, dẫn đến nhu cầu về đất tăng. Từ đó một số đối tượng đã lén lút vào phá rừng, lấn chiếm đất trong Khu BTTN Tà Cú.
Trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị đang bị thiếu trầm trọng, chỉ còn 9 người bảo vệ trên 10.530 ha rừng. Trước tình hình trên, BQL Khu BTTN Tà Cú mong muốn các cấp có thẩm quyền tăng cường lực lượng cho đơn vị đủ biên chế theo quy định. Các đơn vị hữu quan và chính quyền các cấp hỗ trợ đơn vị trong việc truy tìm và xử lý nghiêm các đối tượng để răn đe, phòng ngừa chung.
Về phía HKL Hàm Thuận Nam, ông Lê Bá Tình - Phó Hạt trưởng, cho biết: Sau khi nhận báo cáo từ Kiểm lâm địa bàn xã Tân Thuận và văn bản đề nghị của Khu BTTN Tà Cú, lãnh đạo HKL Hàm Thuận Nam đã chỉ đạo Tổ cơ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xã Tân Thuận, chính quyền xã và đơn vị chủ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình phá rừng trên địa bàn xã Tân Thuận. Đến nay, tại khu vực Láng Mã, thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận thuộc tiểu khu 302A của BQL Khu BTTN Tà Cú, HKL Hàm Thuận Nam đã tiếp nhận 3 hồ sơ từ đơn vị chủ rừng, đang kiểm tra, xác minh đối tượng để xử lý theo quy định.
Đối với 1 hồ sơ do BQL Khu BTTN Tà Cú lập vào ngày 5/11, HKL Hàm Thuận Nam đã nắm thông tin vào ngày 6/11. Đồng thời nhận được giấy mời của Chi cục Kiểm lâm, cho nên lãnh đạo HKL phân công Tổ cơ động và kỹ thuật cùng Kiểm lâm địa bàn phối hợp với đoàn của chi cục kiểm tra vào ngày 7/11.
Trong thời gian đến, HKL Hàm Thuận Nam tiếp tục chỉ đạo Tổ cơ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xã Tân Thuận, chính quyền xã và đơn vị chủ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình phá rừng trên địa bàn xã Tân Thuận. Đối với các vụ việc đã lập hồ sơ, Hạt sẽ tổ chức việc xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá rừng.
Về phía chính quyền xã, ông Nguyễn Ngọc Loan - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận cho biết: Trong thời gian qua, UBND xã Tân Thuận đã quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa giới hành chính của xã.
Sau khi xảy ra tình hình san ủi rẫy cũ, chặt phá cây rừng tại khu vực Láng Mã, thôn Hiệp Nhơn, xã đã chỉ đạo cán bộ lâm nghiệp xã, công an xã, Kiểm lâm địa bàn phối hợp với Trạm Bảo vệ rừng Tân Thuận để kiểm tra, truy tìm đối tượng vi phạm. Mặt khác, xã cũng đã dùng phương tiện loa công cộng tuyên truyền trong nhân dân không được phá, lấn chiếm đất khu BTTN Tà Cú.
Theo ông Loan, nguyên nhân xảy ra tình hình trên là do trong thời gian gần đây, Phòng Tài nguyên - Môi trường đang tổ chức đo đạc đất đã đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 674 và 714 tại khu vực này. Chính vì vậy, một số đối tượng đã vào mua bán, sang nhượng gây tình hình phức tạp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, lấn chiếm đất đai.
Ông Huỳnh Hiếu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Qua kiểm tra xác minh hiện trường, chúng tôi xác định, khu vực bị phá rừng mà Báo Bình Thuận phản ánh nằm trong tiểu khu 302A. Thời điểm này, BQL khu BTTN Tà Cú đã lập hồ sơ, hiện đang theo dõi, phục bắt đối tượng phá rừng.
Trong thời gian đến, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị BQL Khu BTTN Tà Cú có kế hoạch tăng cường lực lượng, phối hợp với các đơn vị hữu quan và chính quyền xã để bảo vệ tốt diện tích rừng được giao.
Đồng thời yêu cầu HKL Hàm Thuận Nam có trách nhiệm chỉ đạo Tổ cơ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xã Tân Thuận, chính quyền xã và đơn vị chủ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Tân Thuận. Đối với các vụ việc đã lập hồ sơ, yêu cầu HKL Hàm Thuận Nam phải tổ chức việc xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá rừng.
Ông Hiếu cũng kiến nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo cho Công an huyện và UBND xã Tân Thuận để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chặt phá cây rừng, lấn, chiếm đất rừng của Khu BTTN Tà Cú nhằm phòng ngừa tội phạm chung.
Riêng UBND xã Tân Thuận cần có kế hoạch tổ chức cho các hộ dân đang canh tác ven rừng, học tập và cam kết không được phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp. Đồng thời, phát động phong trào trong nhân dân để tố giác tội phạm, phản ánh kịp thời các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên địa giới hành chính mà xã quản lý.(Báo Bình Thuận 13/11)đầu trang(
Khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thì 164,2ha rừng thông dự án tại xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) giao cho Hợp tác xã (HTX) quản lý đã bị cạo trọc để trồng keo, tràm. Cơ quan công an, ngành thanh tra đang thanh tra, kiểm tra để xử lý.
Báo Công an TP.HCM nhận được phản ánh của nhiều người dân thôn Hòa Vang (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) về tình trạng phá rừng thông nghiêm trọng trong thời gian dài ở xã Lộc Bổn để trồng cây keo, tràm nằm ở phía tây thôn Hòa Vang.
Ông Nguyễn Đức Tường (65 tuổi, ngụ thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn) cho biết: “Nơi đây trước kia là bạt ngạt rừng thông nhưng khoảng 10 năm trở lại đây đã được thay thế bằng cây tràm, cây keo”.
Các khu đồi trong mênh bây giờ chỉ còn lác đác vài cây thông. Ít người có thể nghĩ rằng cánh rừng tràm, keo bạt ngàn bây giờ vốn là rừng thông thuộc dự án. Người dân thôn Hòa Vang cho biết, làng được các thế hệ cha ông trước đây khai hoang, canh trên diện tích đất 500ha thuộc rú (rừng) Cẩm, xen kẽ là các khu vực động Ngan, khe Tăng... Người dân trồng cây lương thực để cứu đói, mưu sinh, trồng cây lâu năm: bạch đàn, mít...
Vào năm 1987, thực hiện dự án PAM 2780, hàng trăm ha rừng ở vùng Bến Ván đến đồi La Ngà (giáp ranh với huyện Nam Đông, Thừa Thiên – Huế) được giao cho các hộ gia đình để quản lý, khai thác và hưởng lợi. Các hộ dân khác thuộc Hợp tác xã (HTX) An Nong 1 tham gia trồng rừng thông, khai thác và bảo vệ hàng trăm ha thông.
Ngày 14-12-2005, UBND huyện Phú Lộc ngày ban hành quyết định phê duyệt phương án giao khoán rừng thông nhựa cho HTX An Nong 1 với diện tích 164,2ha cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ và hưởng lợi. Thời hạn giao khoán rừng là 50 năm, mỗi hộ được giao từ 1 – 3ha.
Tuy nhiên, HTX An Nong 1 đã tự ý xóa sổ rừng thông này để trồng cây keo, tràm nhằm cho lợi nhuận cao hơn. Năm 2004, HTX An Nong 1 lập phương án tỉa thưa rừng thông và được UBND huyện chấp thuận. Đến ngày 20-11-2014, HTX An Nong 1 làm tờ trình gửi UBND huyện lập phương án giải quyết số phận rừng thông với lý do trải qua các cơn bão (bão Xangsane năm 2006, bão Ketsana năm 2009, bão Hải Yến năm 2013) thì cây thông bị gãy đổ, hư hại.
Như vậy theo quyết định của UBND huyện Phú Lộc thì HTX An Nong 1 không được phá rừng thông để thực hiện việc trồng rừng khác. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì phải lập phương án và được cấp có thẩm quyền xét duyệt.
Trong khi tờ trình đang được UBND huyện và các cơ quan ban ngành xem xét, giải quyết và đến thời điểm hiện tại (tháng 11-2017), dù chưa có quyết định của cấp thẩm quyền nào về việc chuyển đổi rừng thông sang rừng sản xuất thì HTX An Nong 1 đã phá sạch 164,2ha rừng thông.
Trong quá trình tự chuyển hóa rừng thông (đa số cây thông tuổi đời hàng chục năm, đường kính 50 – 60cm) sang trồng rừng sản xuất đã được thực hiện từ 13 năm về trước theo kiểu tỉa thưa, khai thác dần và đến nay thì rừng thông chỉ còn lác đác vài cây thông. Người dân địa phương bức xúc đã nhiều lần làm đơn thư kiến nghị, tố cáo việc làm sai phạm, khuất tất của HTX An Nong 1 và chính quyền cơ sở.
Ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc HTX An Nong 1 lý giải: “Sau khi được huyện giao quản lý rừng thông thì HTX tổ chức quản lý, khai thác. Tuy nhiên dần dần do cây thông không đem lại hiệu quả kinh tế nên một số người đã tỉa cây thông để trồng cây keo, tràm.
Ngoài ra, trải qua các cơn bão trong nhiều năm qua thì diện tích rừng thông bị gãy đổ thiệt hại, cây thông còn lại thưa thớt, không đáng kể, không có khả năng phục hồi thành rừng. Chúng tôi thừa nhận sai sót khi chưa được huyện xét duyệt nhưng đã chuyển đổi rừng thông để trồng cây keo, tràm”.
Ông Trần Văn Hoa – phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bổn (nguyên Chủ nhiệm HTX An Nong 1) khẳng định, HTX An Nong 1 có chuyển đổi rừng thông sang trồng cây keo, cây tràm khi chưa được cấp trên, cơ quan chức năng xét duyệt. “Hiện đoàn công tác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế và đoàn thanh tra của UBND huyện Phú Lộc đang thanh tra, kiểm tra toàn bộ nội dung việc Ban Giám đốc Hợp tác xã bị tố cáo về các sai phạm nên chưa có kết quả xử lý”, ông Hoa khẳng định.
Về trách nhiệm của Đảng ủy, UBND xã trong việc điều hành, quản lý, giám sát HTX An Nong 1, ông Hoa cho biết, mọi vấn đề đang được cơ quan công an, đoàn thanh tra kiểm tra, giám sát toàn diện nên chưa thể trả lời được.
Ông Huỳnh Văn Liên – Chánh Thanh tra huyện Phú Lộc cho biết: “Đoàn thanh tra của huyện đã làm việc thập tài liệu, lấy ý kiến nhân chứng, người dân để hoàn chỉnh hồ sơ sau đó có văn bản kết luận để báo cáo, kiến nghị Chủ tịch UBND huyện giải quyết, xử lý”.(Công An TP. HCM 13/11)đầu trang(
Với điều kiện sinh thái đặc thù nên hệ sinh thái tự nhiên của Bạc Liêu rất phong phú. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị mang lại từ các tiềm năng, lợi thế này vẫn chưa được khai thác tốt. Do vậy, việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hướng đến phát triển bền vững là việc cần được quan tâm.
Qua thống kê của các nhà khoa học, hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh rất đa đạng, phong phú. Bạc Liêu có đến 3 vùng sinh thái đặc thù nên phù hợp cho nhiều loại cây, con sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với đó có nhiều loại cây trồng, thảo dược quý không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn chứa đựng nhiều yếu tố về lịch sử - văn hóa.
Thế nhưng, tiềm năng và các thế mạnh này vẫn chưa được khai thác tốt, làm cho nhiều cây, con bị khai thác một cách vô tội vạ, thậm chí khai thác bằng các hình thức hủy diệt làm cạn kiệt, suy giảm nguồn lợi vốn được xem là thế mạnh cho phát triển du lịch và cả thương mại - dịch vụ. Đơn cử như việc săn bắt chim cò, chồn hương ở các vườn chim, chặt bỏ cây nhãn cổ…
Để giải quyết bất cập này và từng bước khai thác có hiệu quả các cây, con, bảo tồn và phát huy các giá trị mang lại từ hệ sinh thái tự nhiên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1655/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung là: Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các nguồn gien tự nhiên nguy cấp, quý hiếm; các nguồn gien cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của tỉnh; sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học; duy trì và phát triển các hệ sinh thái nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, từ nay đến năm 2020 tập trung nâng cao năng lực cán bộ quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh. Điều tra, lập luận chứng quy hoạch chi tiết cụm nhãn cổ Bạc Liêu. Điều tra đánh giá và đề xuất mô hình bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tỉnh.
Định hướng đến năm 2030 là nâng cấp khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) và khu bảo tồn loài và sinh cảnh ấp Canh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) thành khu bảo tồn cấp quốc gia. Thành lập mới khu bảo tồn loài và sinh cảnh cấp tỉnh là Vườn chim ấp Lập Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải); khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh là rừng ngập mặn ven biển. Hoàn thành quy hoạch hệ sinh thái tự nhiên ven sông (các sông chính trên địa bàn tỉnh); bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, quản lý và kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại…
Để thực hiện tốt quy hoạch này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung vào các giải pháp như: lồng ghép các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các ngành; phát triển các khu bảo tồn gắn với các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời gắn kết phát triển du lịch sinh thái, an toàn sinh học vào các đề tài, dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, giáo dục, y tế và phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý trong bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý an toàn sinh học, quản lý sản phẩm biến đổi gien, kiểm định nguồn gien động vật hoang dã nuôi nhốt, nhập nội, tạo các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Kiện toàn hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với kế hoạch hành động, chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học; kết hợp giữa bảo tồn gắn với sinh kế của người dân, nhất là dân cư vùng đệm, nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn đa dạng sinh học.
Song song đó, nghiên cứu khoa học, thu thập nguồn gien, mẫu vật di truyền; thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học các khu bảo tồn, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn cảnh quan và lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của các khu bảo tồn; có biện pháp phòng trừ dịch bệnh trong khu bảo tồn. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp có liên quan để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh vật, thích ứng với biến đổi khí hậu trong công tác quản lý các khu bảo tồn, các vườn chim và hành lang đa dạng sinh học.
Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các hình thức hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học; trao đổi kinh nghiệm từ các chuyên gia, nâng cao năng lực, hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật về đa dạng sinh học…(Báo Bạc Liêu 13/11)đầu trang(
Huyện Mường Nhé có tổng diện tích tự nhiên 156.908,13ha, trong đó: Diện tích đất có rừng 70.900,72ha; diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp 77.599,59ha. Tỷ lệ che phủ rừng 45,14%.
Theo báo cáo của UBND huyện, bình quân mỗi năm trên địa bàn huyện xảy ra 200 - 250 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ và quản lý lâm sản. Trong đó, các vụ chặt phá, đốt rừng, làm nương chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ vi phạm. 10 tháng năm 2017, trên địa bàn huyện xảy ra 174 vụ vi phạm về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Trong đó, có tới 148 vụ chặt phá, đốt rừng trái phép, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại trên 150ha. Cũng trong khoảng thời gian trên, địa bàn huyện phát hiện 357 điểm cháy được quan sát từ vệ tinh. Sau khi xác minh, kiểm tra ngoài thực địa, các cơ quan chức năng phát hiện 1 vụ cháy rừng với diện tích 3,172ha thuộc tiểu khu 96 khoảnh 10, rừng sản xuất thuộc bản Nậm Khum, xã Chung Chải.
Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chặt phá, đốt rừng trên địa bàn là do ý thức của người dân chưa cao trong việc thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Phần lớn các vụ cháy rừng đều có nguyên nhân từ việc dùng lửa không đúng quy định: Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng của các cơ quan chức năng chưa nghiêm dẫn đến tình trạng người dân nhờn luật.
Trước thực trạng chặt phá, đốt rừng trái phép làm nương trên địa bàn trong thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR. Theo đó, trước mùa khô hàng năm, UBND huyện ban hành kế hoạch PCCCR kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Kế hoạch xây dựng chi tiết, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các bước triển khai nội dung PCCCR. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác PCCCR.
Nội dung tuyên truyền chủ yếu về hành vi bị nghiêm cấm; việc sử dụng lửa an toàn và tác hại của việc mất rừng; xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR, biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng... và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về quản lý và bảo vệ rừng, PCCCR... Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức được 188 cuộc họp dân tuyên truyền các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, với tổng số 8.312 người dân tham gia; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền không được phá rừng; toàn huyện có 5.988 người dân ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR và không di cư tự do.
Bên cạnh đó, UBND huyện còn chú trọng thực hiện xây dựng và vận hành hệ thống dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; hướng dẫn thôn, bản xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước, hương ước bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR. Những năm gần đây, UBND huyện đã dành khá nhiều vốn ngân sách mua sắm trang thiết bị PCCCR cấp cho các cơ quan chuyên môn và các tổ, đội PCCCR cơ sở.
Vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho UBND huyện củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCCR cấp huyện; 11 ban chỉ đạo cấp xã; 2 ban chỉ huy quản lý bảo vệ rừng, PCCCR (Ban Quản lý khu Bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé và Công ty Cao su Mường Nhé); củng cố kiện toàn 118 tổ, đội PCCCR với số lượng từ 10 - 15 thành viên/tổ, đội.
Tại các điểm “nóng” thường xảy ra chặt phá rừng, các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn, diễn tập PCCCR; hướng dẫn nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định khi dùng lửa trong rừng; tạo đường băng cản lửa khi đốt nương; huy động nhân lực, vật lực theo phương án “4 tại chỗ” khi xảy ra cháy rừng... (Báo Điện Biên Phủ 13/11)đầu trang(
Nằm cách trung tâm xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) khoảng 20 cây số đường rừng, những cánh rừng trồng, rừng tái sinh, rừng già do Trạm Kiểm lâm Đá Dựng (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) quản lý được xẻ dọc, ngang bởi những con đường rừng gồ ghề, lầy lội.
Gần giữa tháng 11, rừng Đá Dựng vẫn còn ẩm ướt bởi những cơn mưa kéo dài. Công tác phòng, chống cháy rừng chưa tới thời điểm gay gắt nên lực lượng kiểm lâm trong Trạm Kiểm lâm Đá Dựng có thời gian chia sẻ với chúng tôi về chuyện giữ rừng.
Thấy Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đá Dựng Đỗ Văn Xuất ngồi uống trà với chúng tôi ở lán trại trước cửa rừng khi trời lất phất mưa, vài người dân đi rừng ghé trạm chào hỏi Trạm trưởng Xuất, uống vội ly trà rồi lên xe máy chở lỉnh kỉnh dụng cụ làm nông đi vào rừng. Chúng tôi thắc mắc thì Trạm trưởng Xuất giải thích, với trên 5 ngàn hécta rừng và đất rừng do trạm quản lý, có hơn 516 hécta đất rừng giao cho 210 hộ dân nhận khoán trồng rừng, sản xuất. Vì vậy, việc người dân ra vào rừng mỗi ngày là lẽ rất thường tình.
Mối quan hệ giữa dân ở trong rừng và cán bộ trong Trạm Kiểm lâm Đá Dựng khá thân thiện. Mỗi người dân sinh sống và sản xuất dưới những cánh rừng Đá Dựng được Trạm trưởng Xuất và lực lượng kiểm lâm trong trạm xem như lực lượng hỗ trợ mình trong việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật rừng và phòng chống cháy rừng.
Khu vực rừng do Trạm Kiểm lâm Đá Dựng quản lý vẫn còn 2 khu dân cư với 20 hộ dân nằm gọn trong những chòm rừng. Cuộc sống của 20 hộ dân này không còn khó khăn như những năm trước nên công tác quản lý, bảo vệ rừng và động vật rừng của lực lượng kiểm lâm trong trạm không còn bị nhiều sức ép như trước.
Trạm trưởng Xuất tâm sự cuộc sống của người dân ở trong rừng và các hộ giao khoán đất rừng thay đổi lớn là nhờ họ biết vận dụng tốt mô hình nông - lâm kết hợp theo chủ trương của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Đồng thời, qua chuyển đổi cây trồng từ cây điều, mì sang trồng cam, quýt, tiêu... nên cuộc sống của người dân nhận khoán đất rừng khá hơn, thậm chí có người cuộc sống còn khá hơn một số cán bộ kiểm lâm trong trạm.
Ông Ba Dũng (hộ nhận khoán rừng) cho hay người dân ở rừng như ông rất trọng tín và nghĩa. Quanh khu đất gia đình ông nhận khoán nếu để xảy ra cháy rừng, mất rừng, động vật rừng dính bẫy ông sẽ rất khó ăn nói với lực lượng bảo vệ rừng của Trạm Kiểm lâm Đá Dựng. Do đó, ông phải ra sức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
32 năm gắn bó với những cánh rừng già Mã Đà và Hiếu Liêm, Trạm trưởng Xuất có rất nhiều điều để kể với chúng tôi. Tuy nhiên, với những cánh rừng già, rừng trồng, rừng tái sinh bình yên và tình cảm thân thiện giữa người giữ rừng với những người nhận khoán chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng, ông không muốn nhắc lại những câu chuyện xung đột trong quá khứ.
Năm 1997, các cửa rừng được đóng kín, ngăn cấm tất cả các hành vi khai thác rừng theo chủ trương của tỉnh nhằm giữ cho được những cánh rừng còn lại trước sự khai thác vô tội vạ của con người. Trạm trưởng Xuất khi đó là Phó phân khu Phân trường Hiếu Liêm (thời đó chưa thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai). Để giảm bớt sức ép dân cư về rừng, ông Xuất đã liên hệ với ngân hàng tìm nguồn vốn vay cho dân ở rừng sản xuất.
Dân ở rừng lúc ấy chẳng có tài sản gì giá trị để thế chấp nên việc vay vốn để đầu tư sản xuất trên những khu đất giao khoán của Phân trường Hiếu Liêm đối với người nhận đất rất khó khăn. Lúc ấy, Trạm trưởng Xuất chủ động liên hệ với ngân hàng và quy tụ dân rừng vào các tổ vay vốn tín chấp; đồng thời đứng ra bảo lãnh và chịu trách nhiệm với ngân hàng về các khoản vốn vay của tổ vay vốn nếu người vay không trả được.
Nhờ vốn vay ngân hàng và các công ty cung cấp phân bón, cây giống chấp nhận bán thiếu, người nhận khoán rừng bắt đầu tìm được cuộc sống ổn định tại rừng, không còn tàn phá rừng vì mưu sinh. Sau thành công đó, ông Xuất được tỉnh khen thưởng, người dân rừng thì yêu quý ông hơn.
Sang năm 2018, kiểm lâm viên Bùi Văn Dũng đã có 30 năm gắn bó với những cánh rừng già: Hiếu Liêm, Mã Đà và Vĩnh An. Kỷ niệm về rừng với ông nhiều như những bước chân đi tuần rừng. Thời mật phục bắt “lâm tặc” thồ gỗ luồn lách đường rừng hay những bè chở gỗ trên các con suối chảy xiết chẳng làm người bảo vệ rừng như ông tự hào vì nhiệm vụ trước sự chống đối quyết liệt của “lâm tặc”.
Nay không còn cảnh chờ “lâm tặc” mệt đừ khi vận chuyển gỗ qua những con dốc cao rồi xông ra bắt, hay những cây lồ ô, nứa nhọn hoắt của “lâm tặc” vừa làm sào đẩy bè chở gỗ vừa làm hung khí chống trả khi bị lực lượng bảo vệ rừng chặn đường nên ông Dũng say sưa kể về những vườn cam, quýt, bưởi của dân ở rừng cho thu nhập tiền tỷ.
Ông Dũng chia sẻ những chuyện không hay đã lùi vào quá khứ nên ông không muốn nhắc lại để tình cảm giữa người giữ rừng và người ở trong rừng được vun đầy. Nhất là người dân giờ đã có ý thức trả lại cho những cánh rừng màu xanh, sự bình an của muông thú thì chuyện xưa nhắc lại chuyện xung đột trước đây chỉ làm mất đi nụ cười. (Báo Đồng Nai 14/11)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Trong 2 năm 2016- 2017, UBND tỉnh Đăk Nông đã thu hồi hơn 53.000ha đất của 6 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp giải thể gồm: Công ty Gia Nghĩa, Thuận Tân, Quảng Đức, Quảng Tín, Trường Xuân, Đức Lập.
Diện tích đất thu hồi được bàn giao về cho địa phương và Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa quản lý. Cùng với đó, UBND tỉnh đã thu hồi gần 2.000 ha đất của 4 công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức do để xảy ra tình trạng lấn chiếm, khiếu kiện. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục thẩm định, trình UBND tỉnh phương án sử dụng đất của 10 công ty nông lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới để ban hành các quyết định thu hồi diện tích đất không có nhu cầu sử dụng, bị lấn chiếm. (Đài PTTH Đắk Nông 14/11)đầu trang(
Toàn huyện đã trồng mới trên 2.442 ha rừng, đạt trên 101% kế hoạch năm.
Để thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2017, ngay từ đầu năm, huyện Yên Bình đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các chủ vườn ươm cây giống cung ứng cho nhân dân trồng rừng. Đến nay, nhân dân trong toàn huyện đã trồng mới được trên 2.442 ha rừng, đạt trên 101% kế hoạch năm; trong đó: keo  1.695 ha, bồ đề 181 ha, bạch đàn 284 ha, quế 175,6 ha  (dự án huyện hỗ trợ đạt 48%), tre măng Bát độ 105,9 ha (dự án huyện hỗ trợ đạt 105,9% kế hoạch).
Cùng với trồng mới rừng sản xuất, nhân dân trong huyện đã khai thác được trên 2.494 ha rừng trồng, sản lượng gỗ các loại đạt 127.543 m3. Nhờ tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nên người dân làm nghề rừng trong huyện có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện hơn.(Báo Yên Bái 13/11)đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sim đã thiết kế kỹ thuật, phát dọn thực bì, đào lấp hố; cung ứng cây giống lâm nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trồng mới được 109 ha rừng sản xuất (trong đó có 40 ha trồng theo mô hình rừng gỗ lớn), hoàn thành kế hoạch trồng mới rừng năm 2017.
Tính trong 4 năm vừa qua, ban đã tổ chức cho các hộ công nhân, nông dân nhận khoán đất lâm nghiệp trồng được 424 ha rừng sản xuất, chủ yếu là keo tai tượng trên địa bàn các xã: Phượng Nghi, Xuân Thọ (Như Thanh) và xã Thượng Ninh (Như Xuân). Bên cạnh đó, BQL rừng phòng hộ Sim đã xây dựng được các mô hình trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 110  ha tại một số xã của huyện Như Thanh và xã Thượng Ninh (Như Xuân). Do trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của rừng gỗ lớn nên  cây sinh trưởng, phát triển rất tốt.  Trong các năm vừa qua, nhờ tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng người dân trong vùng có  thu nhập từ tiền nhân công và sản phẩm của rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Cùng với tập trung trồng rừng, BQL rừng phòng hộ Sim đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ an toàn 5.250 ha rừng. Do chủ động phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp lâm sinh như phát dọn thực bì cải tạo môi trường, dùng chế phẩm sinh học phun diệt trừ nên đã kịp thời phòng, trừ  nấm hại thân cây và lá rừng keo. Đồng thời, tổ chức phát dọn thực bì, tu bổ tạo ra hơn 6km đường băng xanh cản lửa tại các khu rừng trọng điểm dễ cháy; phát dọn thực bì và làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng thông 33 ha. (Báo Thanh Hóa 13/11)đầu trang(
Thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh đã hoàn thành rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch lại 3 loại rừng và đã xác định diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đồng thời dành quỹ đất cho phát triển rừng sản xuất.
Tính đến năm 2015, tỉnh đã hoàn thành một số chỉ tiêu cơ bản như về độ che phủ rừng đạt 53,6%, diện tích đất lâm nghiệp có rừng tăng đạt 331.262,1 ha; tổng trữ lượng gỗ các loại rừng đạt 16.843.082 m3, trong đó gỗ rừng tự nhiên 7.015.685 m3, gỗ rừng trồng 9.827.397 m3.
Quảng Ninh là tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Việt Nam với tổng diện tích tự nhiên là 610.235,4 ha. Theo kết quả kiểm kê rừng, Quảng Ninh có 435.929,5 ha đất lâm nghiệp chiếm 71,4% tổng diện tích tự nhiên, trong đó rừng đặc dụng 25.225,8 ha, rừng phòng hộ 136.479,3 ha, rừng sản xuất 264.289,8 ha. Về trồng rừng sản xuất, với diện tích rừng sản xuất hiện nay là 264.289,8 ha (trong đó: đất có rừng 199.413,9 ha, chưa có rừng 64.875,8 ha).
Tại các địa phương, cây keo vẫn là loài cây chủ lực được lựa chọn với tỷ lệ gây trồng từ 80 - 90% diện tích. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện tại, về cơ bản đã sản xuất số lượng cây giống đáp ứng được nhu cầu giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng tại các địa phương trong tỉnh. Trồng rừng sản xuất (keo, bạch đàn), hiện nay phổ biến với mật độ bình quân 2.500 cây/ha, tại các Công ty Lâm nghiệp trồng với mật độ 1.650 – 2.000 cây/ha.
Việc đầu tư trồng rừng thâm canh vẫn ở mức độ thấp, việc đào hố đúng kích thước, bón lót và chăm sóc rừng theo quy trình kỹ thuật thường chỉ được thực hiện ở một số đơn vị trồng rừng lớn còn các đơn vị trồng rừng nhỏ lẻ, các hộ gia đình chủ yếu trồng quảng canh nên năng suất thấp. Tại các địa phương trong tỉnh, tuổi khai thác rừng trồng chủ yếu từ 5-7 năm nên sản lượng khai thác bình quân chỉ từ 50-70m3/ha, năng suất bình quân khoảng 10m3/ha/năm.
Trồng rừng gỗ lớn luôn nhận được sự ủng hộ từ các nhà quản lý và chuyên gia lâm nghiệp, vì xét trên mọi khía cạnh thì rừng gỗ lớn mang lại lợi ích kinh tế cao hơn hẳn cho người trồng rừng, đồng thời phát huy chức năng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Về chi phí đầu tư, trồng rừng gỗ lớn cũng có chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ do giai đoạn về sau chủ yếu là chi cho công tác bảo vệ thay vì phải trồng lại rừng.
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong công tác phát triển rừng sản xuất. Tuy nhiên, cũng như hiện trạng chung của cả nước, Quảng Ninh chưa có các giải pháp hiệu quả về kỹ thuật và chính sách để phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho chế biến gỗ xuất khẩu, do vậy đến nay chất lượng rừng trồng vẫn còn hạn chế, chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ... Năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp, giá trị kinh tế không cao. Sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 1.994.000 m3, trong đó có 398.000m3 gỗ lớn (20%) và 1.596.000m3 gỗ nhỏ (80%), chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến trong tỉnh. Tại một số địa phương, một phần diện tích được trồng từ nguồn vốn của Chương trình 327, Chương trình 661 mà trước đây được quy hoạch là rừng phòng hộ nay rà soát điều chỉnh cục bộ 3 loại rừng chuyển đổi sang rừng sản xuất cũng có thể cung cấp nguyên liệu gỗ lớn.
Như vậy, dù chưa có đơn vị, cá nhân nào thực hiện phương thức trồng rừng kinh doanh gỗ lớn từ đầu chu kỳ (với mật độ, loài cây trồng và thực hiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp), song trên thực tế đã có sản phẩm gỗ lớn được hình thành từ việc tỉa thưa, nuôi dưỡng một số diện tích rừng nguyên liệu khi kéo dài chu kỳ kinh doanh (8-15 năm) hoặc chuyển đổi sau rà soát quy hoạch 3 loại rừng.
Tham gia triển khai chủ trương phát triển rừng gỗ lớn, từ năm 2014, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh triển khai mô hình trồng và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn tại một số địa bàn trọng điểm về sản xuất lâm nghiệp. Tính đến năm 2017 đã triển khai trồng mới 120 ha, chuyển hóa 65 ha rừng keo tai tượng cung cấp gỗ lớn. Từ năm 2015-2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng phối hợp với Trung tâm KH&SX Lâm nông nghiệp Quảng Ninh triển khai thực hiện mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh bằng giống bạch đàn dòng UP54, UP99 được 80 ha rừng. Đến nay, các mô hình này tuy chưa đến chu kỳ thu hoạch, nhưng sau 2-3 năm trồng hay chuyển hóa đã cho thấy sự khác biệt và mang lại kết quả khả quan.
Tuy lợi ích của trồng rừng kinh doanh gỗ lớn tỏ rõ sự ưu việt vượt trội, song chương trình này vẫn chưa tạo được hiệu ứng tích cực trong tỉnh và còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Vì vậy, để đạt mục tiêu toàn tỉnh đến năm 2020 sẽ thực hiện được trên 18.000 ha rừng kinh doanh gỗ lớn, ngành Nông nghiệp & PTNT Quảng Ninh cần triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
- Về quy hoạch: Rà soát lập qui hoạch và kế hoạch chi tiết cho từng vùng, từng loài cây. Hoàn thiện việc giao đất, giao rừng cho cá nhân, tổ chức theo Đề án giao đất giao rừng tại các địa phương, đồng thời quy định rõ ràng các quyền sử dụng đất, sở hữu rừng, có thể chuyển nhượng, mua bán và thừa kế.
- Về giống, quy trình kỹ thuật: Giống cây trồng cần tập trung vào các loài cây sinh trưởng nhanh gồm keo tai tượng, bạch đàn và một số loài cây tuyển chọn mới. Các loài cây sinh trưởng trung bình và chậm như thông, sa mộc, trám, sồi phảng, lim, lát hoa và các loài cây bản địa khác cần được lựa chọn trồng theo từng dạng lập địa. Nghiên cứu chọn tạo giống có chất lượng cao và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh liên hoàn. Trước mắt, cần thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành để người dân thấy rõ hiệu quả và tự nhân rộng.
- Về chính sách: Nhà nước cần quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách để các tổ chức, cá nhân thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn vay. Có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với các chủ rừng quản lý rừng bền vững và được cấp chứng chỉ rừng. Khuyến khích, thu hút đầu tư trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn kết hợp với chế biến gỗ. Rà soát các thủ tục về tiêu thụ, lưu thông gỗ và lâm sản theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục không cần thiết. Khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gỗ được cấp chứng chỉ FSC chế biến phục vụ cho xuất khẩu. (Trung Tâm Khuyến Nông Quốc Gia 13/11)đầu trang(
Một số hộ dân thôn 7, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà phát giác ở địa phương mình mới xuất hiện một xưởng băm dăm gỗ mọc lên trái phép trong khu dân cư. Việc này người dân đã “tố” với chính quyền, nhưng UBND xã vẫn làm ngơ.
Cụ thể là xưởng sản xuất này thuộc Cty Duy Đạt, do ông Vũ Văn Xoa làm Giám đốc, đang lắp đặt một dây chuyền chế biến dăm gỗ xuất khẩu, gồm máy cưa, máy cắt, máy băm gỗ thành khí. Công suất băm dăm gỗ keo 30 tấn/giờ, tương ứng trên 200 tấn/ngày.
Xưởng băm dăm gỗ này được xác định là xây dựng trái phép, bởi ngày 03/4/2017 UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 2126/UBND-NLN2 quy định từ năm 2017, tạm dừng việc cấp mới và bổ sung ngành nghề sản xuất băm dăm gỗ cho các doanh nghiệp, theo quy hoạch phê duyệt tại Quyết định số 3599/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh. Ngày 7/4/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 1070/Sở NN&PTNT-KL, hướng dẫn các địa phương thực hiện tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, còn cụ thể hóa đề nghị các ngành chức năng phối hợp cắt điện, cắt nước các cơ sở băm dăm gỗ xây dựng trái phép, ảnh hưởng đến môi trường, vốn rừng.
Thứ nữa, ngày 10/8/2017 UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND, di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành Công Thương; Sở Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Quảng Ninh theo chức năng nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị trên của UBND tỉnh Quảng Ninh về di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư, thời gian hoàn thành trước ngày 30/9/2017. Đương nhiên, xưởng băm dăm gỗ thuộc Cty Duy Đạt không nằm trong đối tượng ưu tiên mọc lên trong khu dân cư được.
Cty Duy Đạt lộng hành mở xưởng băm dăm gỗ trong khu dân cư, còn ảnh hưởng trực tiếp tới gần 300 hộ dân, 2 trường học trên địa bàn với nguy cơ bụi và tiếng ồn từ máy cưa cắt phay gỗ công suất lớn phát ra. Chưa kể chất thải, nước thải của cở sở chế biến gỗ keo bốc mùi hôi thối mỗi khi mưa xuống làm mất vệ sinh môi trường. Nước thải ở cơ sở băm dăm gỗ đùn ra, được xác định chứa nhiều hóa chất độc hại (cơ sở chế biến gỗ keo được cấp phép, nhất thiết phải có trạm xử lý nước thải). Xưởng sản xuất lớn đặt trong khu dân cư cách QL18 gần 3km, giao thông không phù hợp. Từ cơ sở sản xuất này chở nguyên liệu và sản phẩm trên con đường dân cư rộng 3m, lát lớp vữa bê tông mỏng, do nhân dân tự đóng góp kinh phí xây dựng, không phải đường công vụ phục vụ vận tải công nghiệp. Xưởng băm dăm gỗ công suất 240 tấn/ngày của Cty Duy Đạt đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ khai tử con đường dân sinh này.
Huyện Hải Hà là địa phương quan tâm đến công các quy hoạch, xây dựng. Khu công nghiệp Hải Hà đang là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư, bởi đường sá rộng rãi, điện nước kéo đến tận chân công trình, chính vì vậy chính quyền địa phương phải có biện pháp xử lý hiệu quả để không tổn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tự phát trong khu dân cư. (Xây dựng 13/11) đầu trang(
Trong những năm qua, Phú Yên luôn quan tâm đến việc phát triển diện tích rừng trồng và tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện tỉnh đang xây dựng nhiều mô hình trồng rừng kinh tế theo hướng phát triển bền vững.
Mới đây, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt 8 dự án quy hoạch trồng rừng kinh tế cho các doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 3.700ha. Để đạt được mục tiêu trồng rừng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Viện TN-MT thuộc Đại học Huế và tổ chức UNIQUE (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức khóa tập huấn Kỹ năng quản lý lâm sinh trong kinh doanh rừng gỗ lớn cho các đơn vị lâm nghiệp, chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, trong năm 2017, DNTN Bảo Châu cũng đã mời các chuyên gia của Tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức khóa tập huấn Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC cho cán bộ, công nhân trực tiếp quản lý rừng của doanh nghiệp và các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh. Mục đích của lớp tập huấn này là tổ chức kết nối và triển khai chương trình quản lý rừng thông qua chứng chỉ FSC cho các doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia trồng rừng.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Phú Yên đang xây dựng mô hình điểm trồng rừng gỗ lớn tại tiểu khu 307 (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) do Trường đại học Nông lâm Huế chuyển giao kỹ thuật với diện tích 6,6ha. Mô hình này sẽ tập trung trồng các loại cây sao đen, dầu rái với thời gian thực hiện khoảng 8 năm. Sở NN-PTNT cũng đang lập dự án trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng giai đoạn 2017-2020 theo chủ trương của tỉnh, có quy mô hơn 336ha trồng rừng gỗ lớn và 479ha trồng lâm sản ngoài gỗ. Dự kiến đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai trồng khoảng 110ha rừng gỗ lớn gồm các loại cây bản địa…
Cuối năm 2016, DNTN Bảo Châu đã đưa nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ xuất khẩu vào hoạt động với công suất 36 tấn gỗ dăm/giờ, tổng sản lượng 100.000 tấn/năm. Nhà máy này còn sản xuất sản phẩm giá trị xuất khẩu cao là viên nén dăm gỗ rộng 3cm, dài 4cm và dày 1cm, mỗi viên nén tương đương với 5kg gỗ dăm khô. Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc DNTN Bảo Châu, cho biết: Sản phẩm viên nén này sẽ xuất khẩu sang các khách hàng tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU…
Doanh nghiệp cũng đã hợp tác với các tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài nước như Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Công ty Bureau Veritas thuộc tổ chức ASSIST, kết nối với Trường đại học Dong Seo, Kang Won Hàn Quốc để tiếp cận, chủ động nắm bắt công nghệ hiện đại trong việc đa dạng hóa sản phẩm tạo ra.
Hiện DNTN Bảo Châu đã có vùng nguyên liệu gỗ khoảng 2.000ha để phục vụ hoạt động của nhà máy, trong đó khoảng 600ha bắt đầu đến kỳ thu hoạch. Mới đây, WWF chính thức kết nạp DNTN Bảo Châu trở thành thành viên mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu. Việc tham gia mạng lưới này sẽ thúc đẩy các mối liên kết kinh doanh giữa các công ty và hỗ trợ hoạt động lâm nghiệp có trách nhiệm, theo hướng bền vững. Mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu cũng sẽ đưa ra các điều kiện thị trường nhằm giúp bảo tồn rừng trong khi vẫn cung cấp các lợi ích kinh tế, xã hội cho các doanh nghiệp và những người phụ thuộc vào rừng.
Theo UBND tỉnh, từ năm 2010 đến nay, Phú Yên đã chấm dứt khai thác chính gỗ rừng tự nhiên. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 220 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, các cơ sở này chủ yếu nhập gỗ về gia công và cưa xẻ là chính, công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn, do một số cơ sở nhập gỗ về nhưng nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Hiện diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện rất lớn, nếu tỉnh cho chủ trương và đầu tư một nhà máy chế biến gỗ, dăm gỗ quy mô lớn thì sẽ tạo sinh kế cho người dân sinh sống bằng nghề trồng rừng có thu nhập ổn định…
Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc DNTN Bảo Châu, cho biết: Khi doanh nghiệp chính thức trở thành thành viên mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu, doanh nghiệp đã xin chủ trương của tỉnh và sẽ triển khai trồng rừng theo hướng bền vững và nâng diện tích lên khoảng 3.900ha. Với sự hỗ trợ của mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu và của tỉnh, doanh nghiệp phấn đấu đến năm 2020 nâng lên khoảng 5.000ha theo quy hoạch phát triển rừng của Phú Yên. DNTN Bảo Châu rất tin tưởng vào các giá trị mà mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu tạo dựng và mong muốn các khu rừng do doanh nghiệp quản lý đạt được các tiêu chuẩn bền vững về môi trường và xã hội để từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm…
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Phú Yên đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh, sâu về gỗ, lâm sản và thu hút đầu tư trong, ngoài nước nhằm nâng cao giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp có phương án đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, chế biến các sản phẩm MDF, ván thanh, đồ gỗ cao cấp để tiêu thụ nguyên liệu gỗ trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà, hiện năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh chưa cao, giá trị sản phẩm gỗ sau thu hoạch bình quân lãi không cao, từ 30-50 triệu đồng/ha rừng trồng (5-10 triệu đồng/ha/năm) nên đa số người dân sống bằng nghề rừng còn nghèo. Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp phát triển trồng rừng theo hướng bền vững. Các ngành chức năng và địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, xây dựng và thực hiện dự án bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Các ngành chức năng khẩn trương xác định lâm phần ổn định, cơ cấu diện tích rừng theo mục đích sử dụng, xác định và cắm mốc ranh giới lâm phần các loại rừng, thu hồi những diện tích không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng; phối hợp với địa phương triển khai công tác giao rừng, cho thuê rừng, gắn liền với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp theo đúng quy định. (Báo Phú Yên 14/11)đầu trang(
Từ ngày 4/11 đến nay, nhiều tàu container và tàu hàng có trọng tải lớn không thể ra vào luồng hàng hải Quy Nhơn, làm ách tắc một lượng rất lớn hàng hóa sản phẩm gỗ XK tại cảng Quy Nhơn và các nhà máy trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Định và Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đề nghị sớm giải phóng luồng tàu ra vào cảng Quy Nhơn sau bão số 12.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện, sau cơn bão số 12 vừa qua, các DN ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề, nhanh chóng hỗ trợ người lao động tại các vùng chịu thiệt hại bão lũ để sớm ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất và XK sản phẩm gỗ trở lại bình thường ngay vào mùa cao điểm năm 2017.
Tuy nhiên, hiện nay việc ách tắc luồng tàu ra vào cảng Quy Nhơn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến NK nguyên phụ liệu gỗ và XK sản phẩm gỗ của cộng đồng DN ngành gỗ nói riêng và hoạt động XNK của các ngành công nghiệp khác trên toàn tỉnh nói chung.
Cụ thể, theo ông Thiện, qua thông tin phản ánh, từ ngày 9/11, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn chỉ cho phép khai thác luồng hàng hải Quy Nhơn tạm thời trong điều kiện thời tiết bình thường từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày đối với tàu có mớn nước tối đa đến 7m, tức là chỉ cho phép các tàu hàng hoặc các tàu feeder trọng tải nhỏ của Việt Nam ra vào được. Các tàu lớn đem theo hàng NK từ Singapore hoặc Malaysia hay các tàu nhận hàng XK có trọng tải lớn không vào được luồng hàng hải Quy Nhơn.
Tính chung từ ngày 4/11 đến nay, nhiều tàu container và tàu hàng có trọng tải lớn đã không thể ra vào luồng hàng hải Quy Nhơn, đã làm ách tắc một lượng rất lớn hàng hóa sản phẩm gỗ XK tại Cảng và các nhà máy trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các tàu NK nguyên phụ liệu ngành gỗ không thể cập cảng Quy Nhơn, làm cho nhiều DN tốn thêm chi phí và thời gian chờ đợi, thậm chí có nguy cơ khách hàng từ bỏ các lô hàng đã ký kết.
Để hỗ trợ cộng đồng DN ngành gỗ Bình Định, Hiệp hội đề nghị UBND Tỉnh và Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn quan tâm ưu tiên và khẩn trương triển khai công tác trục vớt các tàu hàng bị chìm, sớm thông luồng thông tuyến ra vào Cảng Quy Nhơn để sớm giải phóng lượng hàng hóa rất lớn đang ách tắc tại cảng và các nhà máy. (Hải Quan 13/11)đầu trang(
Năm nay Gỗ Đức Thành ghi nhận hơn 21,5 tỷ đồng lợi nhuận từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất Mỹ Phước 2 vào khoản thu nhập khác.
CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (mã chứng khoán GDT) vừa có báo cáo tài chính qus 3/2017. Doanh thu thuần trong quý đạt hơn 101,3 tỷ đồng, tăng 34% so với quý 3 năm ngoái; trong khi giá vốn tăng mạnh đến 44% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn hơn 34,2 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính xấp xỉ bằng cùng kỳ, đạt 3,2 tỷ đồng, còn chi phí tài chính cũng chỉ hơn 200 triệu đồng. Doanh thu tăng, tuy nhiên chi phí bán hàng không tăng so với quý 3 năm ngoái; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 1 tỷ đồng.
Năm nay Gỗ Đức Thành ghi nhận hơn 21,5 tỷ đồng lợi nhuận từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất Mỹ Phước 2 vào khoản thu nhập khác.
CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (mã chứng khoán GDT) vừa có báo cáo tài chính qus 3/2017. Doanh thu thuần trong quý đạt hơn 101,3 tỷ đồng, tăng 34% so với quý 3 năm ngoái; trong khi giá vốn tăng mạnh đến 44% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn hơn 34,2 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính xấp xỉ bằng cùng kỳ, đạt 3,2 tỷ đồng, còn chi phí tài chính cũng chỉ hơn 200 triệu đồng. Doanh thu tăng, tuy nhiên chi phí bán hàng không tăng so với quý 3 năm ngoái; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 1 tỷ đồng.(Cafe F 13/11)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Chim đà điểu đầu mèo Australia được sách kỷ lục Guiness ghi nhận là loài chim nguy hiểm nhất thế giới. Chúng sở hữu một chiếc móng sắc như dao và một lực đá mạnh nhất trong các loài.
Chim đà điểu đầu mèo Australia thuộc họ chim đi bộ, không cánh, lớn. Nó sống chủ yếu ở các vùng rừng nhiệt đới New Guinea và phía đông bắc Australia. Con cái thường lớn hơn và có bộ lông sáng hơn so với con đực.
Chúng có thể giết người vì móng chân sắc như dao găm, thậm chí đâm xuyên thủng lốp ô tô; mỏ nhọn như mác và nặng gần 1 tạ, nhảy cao 1,5 m đưa ra những cú đá trời giáng.
Khi trưởng thành, chim đà điểu đầu mèo Australia phía nam cao khoảng từ 1,5-1,8m, con cái có thể cao tới 2m, nặng 58,5kg. Móng của ngón chân giữa có thể dài tới 125mm. Những móng vuốt này cực kỳ đáng sợ khi chúng dùng chân để đá người và vật. Nếu bị chúng tấn công, nạn nhân có thể tử vong hoặc bị thương rất nghiêm trọng.Loài chim có một cái mào nhìn như sừng, nhưng thực ra lại rất mềm và xốp, cao tới 18cm. Có nhiều giả thuyết về chiếc sừng này: có người bảo sừng để thu hút con cái, để làm vũ khí, để làm công cụ gạt lá khi chạy trong rừng.
Đà điểu là loài chim thích sống một mình, trừ khi chọn bạn tình, đẻ trứng và tìm kiếm thức ăn. Sau khi giao phối con cái đẻ trứng bỏ đi, con đực phụ trách việc ấm trứng.
Khi chạy, chúng giơ 2 cánh lên và vỗ vỗ để giữ thăng bằng. Nó cũng có thể nhảy cao tới 1,5m. Ngoài ra, chúng cũng là những vận động viên bơi hết sức tài ba.
Bước vào thế kỉ XIX, chúng bị săn bắt tràn lan nên đã từng gần như tuyệt chủng. Hiện nay, số lượng cá thể sống hoang dã không còn nhiều, chúng ta hầu như chỉ có thể chiêm ngưỡng chúng trong vườn bách thú.(Đời Sống & Xã Hội 13/11)đầu trang(./.