Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 13 tháng 06 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Sau hơn 20 năm miệt mài sưu tập lan rừng, đến nay ông Đỗ Tuấn Hưng tại Đắk Lắk đã sở hữu vườn lan rừng với trên 200 loài lan vừa được xác lập kỷ lục là vườn lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) vừa xác nhận 3 kỷ lục cho ông Đỗ Tuấn Hưng (SN 1972, ngụ TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đó là: Bộ sưu tập bản tồn lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam; Thuyền độc mộc bằng gỗ sao lớn nhất; Dàn chiêng đá cổ xưa, nguyên bản nhiều thanh nhất. Cả 3 kỷ lục này dều nằm tại Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk).
Bộ sưu tập bảo tồn lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam có khoảng hơn 200 loài phong lan với hơn 10.000 giò được gắn trả lại trên cây sống của 02 ha rừng tái sinh. Theo ông Hưng, mục đích của bộ sưu tập này là gìn giữ, bảo tồn và phát triển vốn hoa phong lan rừng tự nhiên Miền trung – Tây nguyên Việt Nam và góp phần giáo dục ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường tự nhiên.
Ông Hưng chia sẻ, ông có một niềm đam mê kỳ lạ đối với lan rừng nên khi quyết định mua đất tại vùng Troh Bư để bắt đầu phát triển lan rừng. Trước thực trạng những loài lan rừng đang bị người dân khai thác tận diệt nên ông mua về gắn trở lại trên những cây sống nhằm tái sinh và bảo tồn lan rừng, không muốn các loài lan đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trong khu bảo tồn lan rừng Troh Bư, chiếc chiếc thuyền độc mộc bằng một cây gỗ sao nguyên vẹn cũng là điều gây ấn tượng với du khách xa gần. Đây là chiếc thuyền có chiều dài là 9m, bề ngang 1,75m, cao 1,2m do nghệ nhân đẽo thuyền độc mộc nổi tiếng Nai Nen Lào đẽo đục trong thời gian 6 tháng và hoàn thành vào giữa năm 1998.
Bên cạnh đó, Dàn Chiêng đá được vinh danh là Dàn chiêng đá cổ xưa, nguyên bản nhiều thanh nhất đang được lưu giữ tại Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư. Dàn Chiêng đá gồm có 23 thanh, ngắn nhất 0,6m, dài nhất 1,5m bằng đá mẹ Bazan cổ xưa được giữ nguyên bản không qua chế tác. Dàn chiêng đá này khi gõ phát ra âm thanh như của các dàn Cồng chiêng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn đang sử dụng.
Việc sở hữu được chiếc thuyền độc mộc bằng gỗ sao và Dàn chiêng đá cổ xưa là do trong những chuyến đi công tác ông Hưng may mắn được người dân kể về việc có người muốn bán những đồ vật có giá trị này nên ông đã lân la tìm hiểu và quyết tâm mua bằng được để trưng bày và bảo tồn. “Không ít người khi vào tham quan Khu bảo tồn lan rừng cũng ngỏ ý muốn mua lại chiếc thuyền và Dàn chiêng đá này với giá trị khá cao nhưng thực lòng tôi chưa bao giờ muốn bán đi 2 đồ vật này”, ông Hưng cho hay.
Với việc được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập 3 kỷ lục, ông Hưng cho rằng đây là niềm vui rất lớn và cũng là động lực để ông tiếp tục công cuộc bảo tồn lan rừng cũng như những bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc dân tộc Việt Nam. (Dân Trí 13/6) đầu trang(
Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) vừa chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ vụ phá nhiều cây gỗ rồi để nằm ngổn ngang trong rừng.
Cụ thể, từ đầu tháng 5/2017, tại khu vực rừng Cả Soi thuộc bản Xuân Sơn, xã Xuân Lẹ (Thường Xuân) xuất hiện tình trạng có một số đối tượng lén lút vào rừng chặt hạ cây to, nhưng không đem gỗ ra khỏi rừng. Tại khu vực này hiện có 6 cây táu muối (người dân địa phương còn gọi là cây sớ, loại gỗ nhóm 6, giá trị sử dụng không cao) đã bị chặt hạ. Các cây gỗ bị chặt hạ này có đường kính khoảng 50cm.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thăng Long - hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân giải thích: “Về nguyên tắc, khi khai thác lấy lâm sản phải cho thân gỗ đổ theo đường đồng mức, để thuận lợi cho việc xẻ gỗ, vận chuyển. Tuy nhiên, 6 cây táu muối này đều có hướng đổ về phía vực thẳm, khe Cả, độ dốc 45 độ, nên việc lấy lâm sản rất khó khăn, không có tính khả thi.
Một điều bất thường nữa là trong số 6 cây táu muối vừa bị chặt hạ thì có 3 cây bị sâu mục, rỗng ruột; trong khi bên cạnh đó có nhiều cây đường kính từ 80cm đến 1m, thẳng đẹp nhưng đối tượng không chặt hạ. Do vậy, ban đầu chúng tôi nhận định việc các đối tượng chặt hạ cây táu muối này không nhằm mục đích lấy lâm sản, mà để phá hoại tình hình trật tự an ninh rừng, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn”.
Theo thông tin từ người dân địa phương cung cấp, đầu tháng 5 vừa qua có 6 đối tượng đi trên hai chiếc xe máy đem theo cưa xăng vào khu vực rừng thuộc bản Xuân Sơn (xã Xuân Lẹ). Sau đó, kiểm lâm viên địa bàn phát hiện 11 cây táu muối bị chặt hạ tại khu vực rừng sản xuất ở thôn này, với tổng khối lượng 12m3 gỗ.
Ngoài ra, tại xã Xuân Chinh (cạnh xã Xuân Lẹ) cũng có 7 cây gỗ ràng ràng bị người dân chặt hạ trái phép, với tổng khối lượng 6,4m3 gỗ. Số gỗ này đều là gỗ nhóm 6, giá trị sử dụng không cao, chỉ có thể làm cốp pha trong xây dựng.
Ban đầu, Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân xác định việc khai thác gỗ ở xã Xuân Chinh là do nhận thức của chủ rừng người dân địa phương còn hạn chế, nên đã tự ý chặt cây, xẻ gỗ để làm nhà khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Hiện nay, cơ quan chức năng đã lập hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật. (Tiền Phong 12/6) đầu trang(
Nhiều cây lớn bị xẻ gỗ trong khu vực rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý ở xã Hương Sơn, Thừa Thiên Huế.
Khu rừng ở xã Hương Sơn, huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhìn bên ngoài có tán lá xanh tươi, nhưng phía trong nhiều cây to đã bị chặt lấy gỗ, vết cưa còn mới. Người dân địa phương cho hay, những ngày gần đây khi men theo đường mòn đi sâu vào cánh rừng này, họ thấy một số cây có đường kính khoảng một mét bị đốn hạ, xẻ gỗ thành phách để cạnh gốc.
Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng kiểm lâm huyện Nam Đông cho biết, thời gian qua khi nhận được thông tin nhiều cây rừng bị chặt phá, đơn vị đã đi kiểm tra thực địa và ghi nhận có hiện tượng đốn hạ một số cây rừng để lấy gỗ.
Theo ông Chúc, một số người dân lợi dụng đêm tối đã vào hạ cây gỗ tạp, lấy gỗ cho mục đích sửa sang nhà cửa. Hiện lực lượng kiểm lâm đã kết hợp với chính quyền xã Hương Sơn tăng cường tuần tra ngăn chặn người dân vào rừng chặt cây. "Chúng tôi cũng đẩy mạnh thông tin tới người dân địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng", ông Chúc nói.
Trước đó năm 2013, khu rừng tự nhiên rộng 329 ha trên địa bàn xã Hương Sơn được giao cho người dân 5 thôn thuộc xã này quản lý. (Phụ Nữ News 12/6) đầu trang(
Liên quan đến vụ gốc cây hình rùa bị "giam" trong hạt kiểm lâm TP Bắc Kạn, chủ nhân của gốc gù hương cho rằng, các sai phạm trong việc kiểm tra, đánh giá chủng loại và khối lượng gỗ cũng như việc cấp phép không đúng thuộc trách nhiệm của các cơ quan có liên quan chứ không phải trách nhiệm của ông.
Ông Nghĩa cho biết, ông là người dân đi mua gỗ chỉ biết dấu búa kiểm lâm xác định trên văn bản đóng dấu búa kiểm lâm hoàn toàn trùng khớp với dấu búa kiểm lâm đóng trên lâm sản. Như vậy việc mua bán vận chuyển của ông là hoàn toàn hợp pháp.
Theo đó, các sai phạm trong việc kiểm tra, đánh giá chủng loại và khối lượng gỗ cũng như việc cấp phép không đúng thuộc trách nhiệm của các cơ quan có liên quan chứ không phải trách nhiệm của ông.
Về việc chênh lệch về khối lượng gỗ trong hồ sơ và trên thực tế vận chuyển, ông Nghĩa cho hay hoàn toàn tự nguyện nộp số tiền truy thu theo quy định của pháp luật.
“Không thể vin vào cái cớ sai phạm trong công tác quản lý và cấp phép của các cơ quan chức năng để ép người dân chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm đó. Bản thân tôi khi đi mua cũng xem xét thấy gốc cây đó có đủ hồ sơ hợp pháp tôi mới mua và hoàn tất thủ tục để vận chuyển", ông Nghĩa nói.
Cho rằng mình không mua gian bán lận, không vận chuyển trái phép nên ông Nghĩa đề nghị cơ quan kiểm lâm phối hợp với cơ quan công an sớm giải quyết dứt điểm, trả lại tài sản cho mình.
"Thời hạn tạm giữ tài sản do cơ quan kiểm lâm ban hành đến ngày 21/03/2016 là hết thời hạn. Sự việc kéo dài hơn 1 năm nay không được giải quyết triệt để, tổn thất về kinh tế của tôi là vô cùng lớn", ông Nghĩa bức xúc.
"Kể từ đó đến nay tôi không nhận được bất cứ văn bản quyết định nào liên quan đến việc tạm giữ tài sản của mình. Tôi gửi đơn đến cơ quan kiểm lâm, nơi tài sản của tôi nằm ở đó thì cơ quan kiểm lâm trả lời tôi họ không có thẩm quyền giải quyết mà chuyển hết sang cơ quan công an.
Trên thực tế, tôi không nhận được bất cứ văn bản quyết định nào của cơ quan công an về việc tạm giữ tài sản của tôi. Trường hợp sau này khi nhận lại tài sản nếu có hư hỏng dẫn đến giảm sút về mặt giá trị tài sản thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường số thiệt hại đó?”, ông Nghĩa thắc mắc.
Xót xa nhìn cả khối tài sản nằm dãi nẵng dầm mưa, ông Nghĩa cho hay đã đề nghị cơ quan kiểm lâm tiến hành bảo quản tài sản để không bị hư hại bởi thời tiết. Tuy nhiên, cơ quan kiểm lâm không thực hiện việc bảo quản tài sản, tang vật theo quy định của pháp luật.
“Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng vì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó”, ông Nghĩa cho hay.
Trước bức xúc của ông Nghĩa liên quan đến việc cơ quan chức năng tạm giữ gốc cây của ông hơn 1 năm nay, PV An ninh tiền tệ đã liên hệ xin ý kiến từ phía tỉnh ủy. Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Du, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn cho biết, vụ việc đang đang được công an tỉnh xem xét giải quyết.
Tiếp tục liên hệ với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi được lãnh đạo phòng Cảnh sát kinh tế cho hay, phòng đã báo cáo vụ việc lên phía tỉnh ủy, ủy ban nhân dân, nhưng do ủy ban chỉ đạo làm rõ thêm một số nội dung nữa nên chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. (An Ninh Tiền Tệ & Truyền Thông 12/6) đầu trang(
11/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh TT-Huế) cho biết, vừa nhận được báo cáo từ lực lượng chức năng về tình trạng gỗ rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (rộng 41.508 ha) bị khai thác trái phép. Chính quyền bước đầu xác định được các đối tượng phá rừng tự nhiên này.
Theo ông Hùng, vào ngày 10/6, từ chỉ đạo của lãnh đạo huyện, lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra tình trạng rừng bị phá thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, phát hiện, tịch thu hơn 10m3 gỗ rừng khai thác trái phép. Còn phía cơ quan kiểm lâm TT-Huế cho hay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có xảy ra khai thác rừng tại Tiểu khu 57, 70 và một vài vị trí khác. Kiểm tra bước đầu, kiểm lâm phát hiện 31 cây rừng bị đốn hạ, chủ yếu là các loại gỗ dẻ, chua, dổi, dạ chồn.
Ông Trịnh Đức Hùng thông tin thêm, đối tượng chặt phá rừng là dân huyện A Lưới, giáp ranh Phong Điền. Tình trạng này xảy ra từ sau khi đường 71 được mở rộng.
“Trong số đối tượng cưa, chặt gỗ rừng ở khu bảo tồn thời gian gần đây, không có ai là người Phong Điền. Gỗ khai thác lậu không đưa về vùng đồng bằng Phong Điền do qua nhiều trạm, chốt kiểm soát lâm sản, mà được lâm tặc chuyển sang địa bàn A Lưới”, ông Hùng khẳng định. (Tiền Phong 12/6) đầu trang(
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang được cảnh báo có nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Nguyên nhân là do tiết trời nắng nóng và sơ suất của người dân đốt rừng làm nương rẫy.
Tại một số  điểm ở Hà Nội như núi Tản, huyện Ba Vì hay núi Sóc, huyện Sóc Sơn cũng đang ở trong tình trạng đáng báo động khi có nhiều dự án du lịch, điểm vui chơi, nghỉ dưỡng trong rừng. Cháy rừng sẽ xảy ra bất cứ lúc nào nếu công tác phòng ngừa bị nơi lỏng. (An Ninh Thủ Đô 12/6) đầu trang(
Công tác bảo vệ rừng hiện nay đang gặp vấn đề gì?Khi ngay cả Vườn quốc gia Ba Bể cũng xảy ra hàng loạt vụ các cây gỗ nghiến bị đốn hạ.
Thực tế hiện nay ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, vậy công tác bảo vệ rừng hiện nay đang gặp phải vấn đề gì? Khi ngay cả Vườn quốc gia Ba Bể - huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nơi được coi là bảo vệ rừng tốt bậc nhất của cả nước cũng đã xảy ra hàng loạt vụ việc các cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ.
Điều đáng nói là hầu hết các vụ chặt gỗ phá rừng này lực lượng kiểm lâm của vườn quốc gia đều cho biết họ không hề hay biết cho đến khi có sự phản ánh của người dân và các phương tiện truyền thông, báo chí. (Pháp Luật+ 12/6) đầu trang(
Nằm sâu trong cánh rừng La Ngà thuộc địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai giờ chỉ còn những dấu tích sót lại của cuộc khai thác chớp nhoáng 2 tháng trước.
Những gốc cây gỗ Teak đã hơn 30 năm tuổi bị cắt sát xuống mặt đất và được ngụy trang dưới lớp lá. Những người dân địa phương khẳng định họ đã phát hiện những gốc cây này cách đây 2 tháng và khẳng định đây là vụ chặt phá rừng quy mô lớn có tổ chức. Trong khi đó, theo người dân, địa phận này là rừng phòng hộ chưa được phép khai thác.
Không chỉ cắt cây trái phép ở trong rừng phòng hộ, các đối tượng lâm tặc còn ủi hẳn một con đường để vận chuyển cây một cách dễ dàng. Đáng chú ý, con đường này không phải đường vòng mà đi ngay qua trước mặt trạm kiểm lâm.
Theo đường mòn tới Đồi Mây, cả một cánh rừng gỗ Teak hơn 30 tuổi giờ chỉ còn trơ gốc. Người dân cho biết những cây gỗ với đường kính vài gang tay bị chặt phá chóng vánh trong chưa đầy 2 ngày và cũng được đào tẩu trót lọt bằng chính con đường mòn qua trạm kiểm soát.
Theo giá thị trường loại gỗ Teak 30 năm tuổi này khoảng 11 triệu đồng/m3, còn theo tính toán của người dân, với lượng gỗ đã bị chặt, giá trị ước tính lên đến cả tỷ đồng. (VTV 12/6) đầu trang(
Trong những năm qua công tác chăm sóc, bảo vệ rừng đã được các ngành chức năng huyện Na Hang đặc biệt coi trọng. Đây là điều kiện quan trọng góp phần để Na Hang phát triển ngành du lịch, gắn với bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Thôn Bản Bung, xã Thanh Tương nằm trên núi cao, trong khu vực rừng đặc dụng thiên nhiên. Thôn có 46 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao sinh sống. Tại đây, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang đặt chốt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuần tra, thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ rừng đặc dụng.
Bản Bung là một trong 4 thôn của huyện Na Hang thực hiện điểm mô hình trưởng thôn kiêm tuần rừng viên. Điều này đã góp phần tích cực giúp việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong công tác bảo vệ rừng tại địa phương.
Huyện Na Hang có trên 33.000 ha rừng, trong đó có trên 21.000 ha rừng đặc dụng. Với trách nhiệm là đơn vị thực hiện việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang đã phân công cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, thành lập các chốt kiểm lâm tại khu vực trọng điểm.
Hiện Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang có 32 cán bộ, 47 nhân viên hợp đồng thực hiện tuần rừng tại 6 trạm, 14 chốt kiêm lâm trên toàn địa bàn. Riêng đối với các xã có diện tích rừng đặc dụng lớn nhất là Thanh Tương, Sơn Phú, Côn Lôn và Khau Tinh, đội ngũ cán bộ kiểm lâm thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng là một trong những kết quả nổi bật mà huyện Na Hang đã đạt được trong những năm qua. Với định hướng được huyện đề ra là phát triển ngành du lịch, trong đó có du lịch sinh thái thì việc thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ là điều kiện quan trọng để Na Hang thu hút du khách đến với địa phương. (Đài PTTH Tuyên Quang 10/6) đầu trang(
Cùng với xử lý nghiêm các hành vi khai thác trái phép tài nguyên rừng thì công tác bảo vệ rừng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đang được quan tâm thực hiện. Trong đó, việc thực hiện nghiêm túc chính sách chi trả dịch vụ rừng cho các chủ rừng và các xã thực hiện việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho người dân sống gần rừng trong vùng quy hoạch đã và đang có tác động tích cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Một buổi đi kiểm tra thực địa rừng của các thành viên tổ Quản lý bảo vệ rừng số 1 xã Kon Pne huyện KBang, xã  xa nhất của tỉnh Gia Lai. Mỗi tuần các tổ quản lý bảo vệ rừng phân công nhau trực, tuần tra từ 2 đến 3 ngày, các thành viên phải thường xuyên có mặt triển khai nhiệm vụ trên khu vực quản lý, bảo vệ.
Anh Đinh Ủi – Tổ trưởng tổ QLBVR số 1 xã KonPne huyện Kbang cho biết: “Mình lập danh sách, thường xuyên tập trung mọi người tham gia đi tuần tra rừng. Các thành viên trong tổ cũng được quyền tự theo dõi, giám sát lẫn nhau Khi phát hiện rừng bị phá là báo ngay với chính quyền xử lý”.
Kon Pne là địa phương có diện tích rừng rất lớn thuộc vùng lõi rừng tự nhiên Vườn Quốc Gia KonKaKinh và cũng là nơi giao thoa với Khu bảo tồn thiên nhiên KonChưRăng. Nhiều năm qua, để triển khai công tác chi trả Dịch vụ môi trường rừng gắn với Quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả, xã Kon Pne đã thành lập 3 tổ quản lý bảo vệ rừng, các tổ này trực tiếp ký kết với UBND xã về việc nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng trên diện tích được giao khoán. Hiện toàn xã có trên 300 hộ dân  người BahNa hàng năm nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên diện tích 2.500ha theo mô hình ký kết thông qua các tổ QLBVR, bình quân mỗi ha người dân nhận giao khoán QLBV số tiền trên 200 ngàn đồng một ha/1 năm.
Không chỉ ký kết hợp đồng với xã, người dân ở đây còn nhận ký kết hợp đồng QLBVR với Vườn Quốc Gia KonKaKinh. Nguồn thu nhập từ việc nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng thời gian qua đã góp phần đáng kể cho cuộc sống hàng ngày của bà con. Cũng từ đây, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng được nâng lên, các vụ vi phạm luật Bảo vệ & phát triển rừng đã được hạn chế triệt để.
Ông Lê Văn Quang – PCTUBND xã KonPne huyện Kbang cho biết: “ Cùng với việc thành lập các tổ QLBVR, xã có chính sách khuyến khích bà con, tự kiểm tra, giám sát công việc của nhau.Trường hợp nào không thực hiện đúng cam kết sẽ bị đưa ra khỏi danh sách hoặc thông báo trước cộng đồng để khuyến khích các hộ tích cực”.
Bên cạnh việc chi trả đơn giá 300 ngàn đồng/1ha cho việc giao khoán QLBV cho  300 hộ dân thuộc các làng ở 4 xã và thị trấn thuộc huyện Chư Pah, thời gian qua Ban QLRPH Ialy cũng đã dành nguồn quỹ hỗ trợ Bảo vệ và phát triển rừng hàng năm để đầu tư mua sắm các phương tiện kỹ thuật, phòng chống cháy, nhà trạm, củng cố hoạt động của các tổ, đội QLBVR trên địa bàn .
Ông Phạm Thành Phước – Trưởng Ban QLRPH IaL y cho biết: “ Nội dung.Chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, giám sát mọi hoạt động người dân sống gần rừng. Việc sử dụng quỹ đúng mục đích, đảm bảo công khai minh bạch, phát huy hiệu quả”.
Là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây nguyên, Gia Lai có diện tích lâm nghiệp  với 625.432ha. Trong đó diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng 495.186 ha, chiếm 79% diện tích rừng toàn tỉnh. Diện tích rừng này đã và đang cung cấp các loại dịch vụ môi trường rừng để sản xuất thủy điện, sản xuất nước sạch, du lịch sinh thái … Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 32 thủy điện, 3 nhà máy nước ký kết hợp đồng ủy thác với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh và 9 thủy điện ký kết hợp đồng ủy thác với Quỹ Trung ương. Với mức thu tiền Dịch vụ môi trường rừng bình quân từ 60 đến 65 tỷ đồng/năm. Kể từ khi thành lập quỹ đến nay đã góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước và được ví như liều thuốc bổ tiếp sức cho các chủ rừng tăng cường công tác QLBVR ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thưởng – Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và PT rừng Gia Lai cho biết: “Từ khi triển khai quỹ đến nay, chúng tôi ưu tiên chi trả cho người dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Cho đến nay so với thời điểm trước khi có quỹ, số hộ nhận khoán diện tích rừng giao khoán tăng lên, số vụ vi phạm giảm xuống hàng chục lần”.
Từ nguồn thu hàng năm theo quy định, qua hơn 5 năm, quỹ bảo vệ và phát triển rừng đã quản lý nguồn thu, chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền trên 300 tỷ đồng dành cho các đơn vị chủ rừng gồm: 19 Ban quản lý rừng phòng hộ, 11 công ty lâm nghiệp, 87 xã có rừng. Không chỉ giúp các chủ rừng giải quyết khó khăn về tài chính, mà còn có điều kiện mở rộng diện tích giao khoán cho dân hưởng lợi, gắn bó với rừng, từ đó, nhận thức của người dân sống gần rừng được nâng lên, trách nhiệm của các chủ rừng và hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, cùng chung tay giữ rừng ở địa phương cũng được nâng lên rõ rệt. (Đài PTTH Gia Lai 12/6) đầu trang(
Ninh Thuận đang bước vào mùa khô. Tuy có xuất hiện vài đợt mưa trái mùa, song tình trạng nắng nóng vẫn diễn ra gay gắt trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng rất cao. Bên cạnh đó, không ít hộ dân tộc Raglai đang vào mùa đốt rẫy để xuống giống vụ Hè – Thu, làm cho công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng khó khăn.
Trước tình hình trên, lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Núi Chúa tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tổ chức diễn tập, tuần tra kiểm soát, kịp thời ngăn chặn nhiều vụ phá rừng và cháy rừng nghiêm trọng.
Vườn Quốc gia Núi Chúa có diện tích rừng tự nhiên trên 25.000 ha, với nhiều loại cây rừng quý hiếm, do vậy, các đối tượng khai thác lâm sản trái phép thường tìm đến săn bắn động vật và khai thác lâm sản. Nhờ tăng cường tuần tra canh gác, nắm chắc các thủ đoạn phá rừng của lâm tặc; khoanh vùng các khu vực có các loại cây gỗ, động vật hoang dã quý hiếm sinh sống để bảo vệ; vận động Nhân dân các địa phương ven rừng tham gia tổ cộng đồng bảo vệ rừng. Nhờ đó, công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng của Vườn Quốc gia Núi Chúa được đảm bảo.
Để ngăn chặn nguy cơ cháy rừng do người dân đốt rẫy, ngoài việc tổ chức tuần tra canh gác, lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Núi Chúa còn phối hợp với chính quyền địa phương phân công các thành viên đến từng hộ dân tuyên truyền về sự nguy hiểm và nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, hướng dẫn người dân các phương pháp đốt rẫy an toàn, không để cháy lây lan sang rừng. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên đồng bào Raglai ở hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang, xã Vĩnh Hải nâng cao nhận thức và tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng.
Với diện tích rừng trên địa bàn tỉnh trên 150.000 ha, chủ yếu là rừng gỗ và rừng trồng cùng hệ động thực vật phong phú, đa dạng nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện, nhất là vào mùa khô. Nhờ đó, các vụ cháy rừng do đốt rẫy ở các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm nay giảm gần 90% so với những năm trước đây.
Để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống cháy rừng do bà con Raglai đốt rẫy, trong định hướng phát triển du lịch của Vườn Quốc gia Núi Chúa sẽ thành lập các nhóm cộng đồng tham gia vào hoạt động hướng dẫn, phục vụ du khách tham quan rừng đặc dụng, chuyển đổi dần nghề nghiệp của một số hộ dân tộc Raglai sống ven rừng, giúp các hộ có nguồn thu ổn định từ việc tham gia du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng của Vườn Quốc gia Núi Chúa được bền vững. (Đài PTTH Ninh Thuận 12/6) đầu trang(
Ngoài nhiệm vụ pháp chế kiểm thu, Hạt Kiểm lâm Tiên Phong (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) có nhiệm vụ phát triển, quản lý, bảo vệ 194 ha rừng, thuộc các huyện Tiên Du, Yên Phong và thị xã Từ Sơn. Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Hạt luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần bảo vệ, phát triển bền vững diện tích rừng.
Xác định rõ trọng trách của đơn vị và đặc thù địa bàn nên hàng năm Hạt Kiểm lâm Tiên Phong luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh và chính quyền các địa phương, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, một mặt làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, mặt khác tăng cường và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát địa bàn, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm Luật Quản lý, bảo vệ rừng.
Đối với công tác phát triển rừng, Hạt thường xuyên nắm bắt diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hành vi xâm hại rừng và đất lâm nghiệp. Tiến hành kiểm tra, rà soát những diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, các biển báo bảo vệ rừng, bảng tin và các bể chứa nước để bổ sung, kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy rừng...
Nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ nên nhiều năm qua, trên địa bàn Hạt quản lý không để xảy ra các vụ cháy rừng lớn và tình trạng khai thác đất lâm nghiệp trái phép, bảo vệ diện tích rừng phát triển tốt. (Đài PTTH Bắc Ninh 12/6) đầu trang(
Trong những ngày nắng nóng, toàn tỉnh luôn duy trì hoạt động 1.539 tổ đội tuần tra trực gác lửa rừng với 11.364 người tham gia, tại khu vực được xác định là trọng điểm cháy rừng, chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, phương tiện, hậu cần tại chỗ để tham gia chữa cháy rừng.
Để công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) hiệu quả, các tổ đội đã phân thành 3 nhóm, mỗi nhóm 4 người để luân phiên thường trực, tuần tra, kiểm soát rừng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sự việc đe dọa đến an ninh rừng. Tổ phân công lực lượng tuần tra trong rừng, ven rừng để nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định về PCCCR.
Việc duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng các địa phương, nhanh chóng phát hiện,  kịp thời xử lý các hành vi xâm hại rừng và PCCCR.
Chủ động PCCCR, UBND huyện Như Xuân chỉ đạo hạt kiểm lâm phối hợp với các ban, ngành, các xã, thị trấn, các chủ rừng chủ động theo dõi thời tiết, nắm bắt các cấp dự báo cháy rừng trên phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp triển khai PCCCR; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về sử dụng lửa ở trong rừng, ven rừng, nghiêm cấm việc đốt lửa, xử lý thực bì sau khai thác rừng trồng. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy và tổ chức trực cháy trong các ngày nắng nóng theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm sớm phát hiện điểm phát lửa; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR để phòng ngừa, răn đe, tuyên truyền, giáo dục; thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng...
Hạt Kiểm lâm Hà Trung được giao bảo vệ hơn 24.450 ha rừng tự nhiên trên địa bàn 3 huyện: Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc và thị xã Bỉm Sơn.
Để tăng cường bảo vệ rừng trong mùa hanh khô, ngay từ đầu năm, đơn vị đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức tham gia hoạt động lâm nghiệp quản lý chặt chẽ nguồn lửa, không để xảy ra cháy rừng ở các khu vực trọng điểm cháy. Đồng thời, chủ động rà soát, khoanh vùng trên diện tích rừng được giao và xác định 11 xã trọng điểm có nguy cơ cháy cao, tập trung trên địa bàn huyện Hà Trung, với tổng diện tích hơn 2.100 ha.
Kiện toàn lực lượng PCCCR cơ sở, phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 3 tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho các đội: Phản ứng nhanh, dân quân tự vệ, tổ đội bảo vệ rừng,... sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Tổ chức diễn tập chữa cháy rừng, đưa ra các tình huống cháy rừng có thể xảy ra trên địa bàn để các lực lượng địa phương, các tổ chức cùng tham gia học tập, rút kinh nghiệm, nâng cao khả năng tác chiến và phối hợp tác chiến giữa các lực lượng. Xây dựng các đường băng cản lửa kết hợp với đường tuần tra, kiểm tra an ninh rừng. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, số hóa lên bản đồ vùng trọng điểm cháy nhằm phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành từ huyện đến xã. Chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, phương tiện, hậu cần sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”...
Trong những ngày nắng nóng khô hanh, có nguy cơ cháy rừng cao vừa qua, hạt kiểm lâm huyện đã phân công cán bộ, chiến sĩ trực 24/24 giờ trong ngày, đồng thời tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác, trong đó đặc biệt chú trọng đến các khu vực trọng điểm cháy, phấn đấu giữ vững ổn định an ninh rừng, không để xảy ra các tụ điểm nóng và phức tạp về an ninh rừng trên địa bàn huyện. (Báo Thanh Hóa 10/6) đầu trang(
Trong những năm qua, Trạm Tấu là địa phương có điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Để khắc phục tình trạng này, lực lượng kiểm lâm huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện Trạm Tấu đã phát hiện, xử lý 22 vụ khai thác, vận chuyển và cất giữ lâm sản trái phép; thu giữ gần 7m3 gỗ Pơ mu, 11 xe máy, 1 ôtô; xử phạt hành chính nộp ngân sách nhà nước gần 81 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các xã trọng điểm tăng cường các biện pháp ngăn chặn, tuyên truyền cho nhân dân về luật quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đối với công tác quản lý lâm sản, lực lượng kiểm lâm huyện đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng là Công an, Ban Chỉ huy quân sự và Kiểm lâm huyện để tăng cường tuần tra, kiểm soát tình hình. Đồng thời tăng cường lực lượng kiểm lâm xuống nắm tình hình địa bàn; lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Ông Vũ Trọng Huân - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Trạm Tấu cho biết: “Đối với các trường hợp vi phạm chúng tôi đã cương quyết xử lý. Nhờ vậy đến nay trên địa bàn không còn điểm nóng về tình hình khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản”. (Yenbai.gov.vn 9/6) đầu trang(
Ngày 17.5.2017, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường có đăng tải bài viết “Bình Định: Đốt than, băm vằm rừng phòng hộ hồ Đá Vàng, hồ Cây Thích”, phản ánh tình trạng chặt phá rừng để đốt than, xâm canh trồng rừng kinh tế trái phép đang diễn ra ồ ạt tại nhiều nơi trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Đá Vàng và hồ Cây Thích thuộc xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, Bình Định).
Sau đó, Sở NN&PTNT Bình Định có công văn phản hồi (do ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở ký ngày 22.5.2017), cho rằng,… vết chặt các cây bụi để hầm than tại hiện trường quan sát bằng mắt thường cho thấy các đối tượng đã sử dụng rựa, rìu để chặt cây. Ngày 8.6, PV đã có thêm những khảo sát mới và tường trình từ rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Đá Vàng, hồ Cây Thích.
heo phúc đáp của Sở NN&PTNT, địa điểm có lò than theo phản ánh của Báo thuộc khoảnh 10, tiểu khu 326, xã Phước Thành quy hoạch chức năng phòng hộ, do UBND xã Phước Thành quản lý. Hiện trạng theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2016 thuộc trạng thái DT1 (đất chưa có rừng, có cây bụi rải rác); vết chặt các cây bụi để hầm than ở hiện trường cho thấy bằng rựa, rìu. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tính chất vụ việc xảy ra thực tế không giống như nội dung mà Sở NN&PTNT đã phản hồi.
Tại khu vực có tục danh Chiêu Liêu, nằm phía Tây Nam khu vực lòng hồ Cây Thích, phóng viên ghi nhận nhiều cây gỗ có đường kính cỡ bắp chân bị cưa hạ sát gốc. Quan sát, bằng mắt thường chúng tôi khẳng định rằng: “Các đối tượng sử dụng bằng cưa máy để đốn hạ cây rừng”.  Bằng chứng, dấu vết cây rừng, số gỗ rừng nằm lăn lóc ở hiện trường đều cho thấy rất rõ vết cắt được thực hiện bằng cưa máy. Sau khi bị đốn hạ, cây được cưa thành từng khúc, mỗi khúc dài khoảng 1m để hầm than.
Mở rộng khu vực tìm kiếm, chúng tôi thấy ở nơi đây có khá nhiều cây gỗ có đường kính từ 20-30 cm bị cưa hạ sát gốc theo hình thức “bắn tỉa”. Hiện trường cũng cho thấy, đối tượng chặt hạ cây rừng theo luống. Từ lối mòn xuyên rừng nằm phía Tây Nam hồ Cây Thích đi sâu vào bên trong, chúng tôi phát hiện có nhiều cây rừng, chủ yếu cây trâm đã bị cưa hạ với vết cắt khá mới. Trong suốt hành trình vào khu vực rừng phòng hộ hồ Cây Thích có tục danh Chiêu Liêu, chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi các con đường mòn lượn quanh và mất hút sau những khurừng rậm rạp. Nhưng càng vào sâu bên trong thì nhiều nơi cây rừng đã bị chặt “rỗng ruột”.
Ông X., một hộ dân ở địa phương này, cho biết, trong khu vực quy hoạch chức năng phòng hộ hồ Cây Thích hiện còn 3-4 lò than hoạt động. Mỗi tháng 1 lò than cho ra lò 3 lần than thành phẩm, trung bình 1 lò từ 10-14 bao (50 kg/bao). Cứ thế, cây rừng trong khu vực này bị cưa hạ để hầm than. Sau đó, các đối tượng phá rừng trồng xâm canh cây keo để “xí phần” chiếm dụng đất làm của riêng cho mình.
Văn bản phản hồi của Sở NN&PTNT cũng nêu rõ: “Từ đầu năm 2017 đến nay, UBND xã Phước Thành đã tổ chức 4 đợt truy quét, kiểm tra nhằm kiểm tra diện tích lấn, chiếm đã phá bỏ; đồng thời, ngăn chặn các đối tượng tiếp tục lấn, ciếm đất lâm nghiệp và hầm than trái pháp luật. Trong các đợt truy quét, UBND xã tiếp tục chặt bỏ các mầm cây keo mọc lại trên diện tích lấn, chiếm đá phá bỏ năm 2016, qua kiểm tra không phát hiện thêm diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm mới để trồng rừng”.
Thế nhưng thực tế tại hiện trường cho thấy, hiện tượng chặt cây rừng để xâm canh cây keo lai diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Thậm chí, ở khu vực rừng có tục danh Chiêu Liêu và Dốc Đỏ nằm phía Tây Nam lòng hồ Cây Thích có khá nhiều vị trí cây rừng đã bị chặt hạ để trồng cây keo. Có nơi cây keo mới được trồng vài tháng, cây cao chừng 30-40cm. Cụ thể, ở khu vực phía Tây Nam rừng phòng hộ hồ Cây Thích, chúng tôi tỏa ra tìm kiếm, đếm được có hơn 10 vị trí (mỗi vị trí khoảng 1.000 - 2.000m2) rừng bị triệt hạ để trồng keo. Cây keo ở các vùng này xanh um, cao khoảng 25-40cm.
Phản ánh lại vấn đề này, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng cần khẩn trương có biện pháp kiểm tra chặt chẽ và ngăn chặn kịp thời nạn tàn phá rừng phòng hộ hồ Cây Thích, hồ Đá Vàng, đừng để “cái sảy nảy cái ung” làm ảnh hưởng đến việc giữ cân bằng sinh thái và bảo vệ an toàn hồ chứa nước. (Tài Nguyên & Môi Trường 9/6) đầu trang(
Tháng 6 mưa dầm, đường vào Trạm Kiểm lâm Suối Ràng (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, gọi tắt Khu bảo tồn) trơn trượt, dễ té ngã. Một mình lạc giữa cơn mưa, chúng tôi sợ sấm sét và sự xuất hiện đột ngột của voi hơn là sợ cây rừng cản lối làm té xe.
Mùa mưa, những cánh rừng thuộc quản lý của Trạm Kiểm lâm Suối Ràng âm u, nhiều muỗi, vắt. Tuy vậy, bước chân tuần rừng của các kiểm lâm viên trong trạm vẫn bền bỉ leo lên các con dốc: 8 Hơi, Kỳ Đà Lật Ngửa, Song Nàng... để quan sát rừng bình yên rồi mới trở về trạm.
8 giờ sáng, mặt trời vẫn buông những tia sáng yếu ớt xuống những cánh rừng trong Khu bảo tồn. Chúng tôi ghé Trạm Kiểm lâm Suối Cốp hỏi thăm đường vào Trạm Kiểm lâm Suối Ràng thì được kiểm lâm viên Hồ Giêng hướng dẫn kỹ càng và giục đi nhanh để tránh cơn mưa sắp đến. Kiểm lâm viên Hồ Giêng còn cảnh báo, mưa dễ làm cây rừng bật gốc chắn lối đi; kiểm lâm phải dùng dao, rựa dọn lối đi, còn nhà báo chỉ có máy ảnh thì chỉ còn cách quay về.
Lời cảnh báo của kiểm lâm viên Hồ Giêng làm chúng tôi lo lắng vì sợ hỏng chuyến đi và sợ Trạm Kiểm lâm Suối Ràng không có sóng điện thoại để liên lạc nhờ hỗ trợ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có thêm nỗi sợ là giữa đường gặp voi và những tiếng sấm sét gầm trên đầu đúng lúc xe hỏng máy thì nguy.
Vượt qua cơn mưa rừng nặng hạt với lo lắng miên man, chúng tôi phải cài xe máy số 1, số 2 để vào Trạm Kiểm lâm Suối Ràng vì đường rất xấu và đôi lần té ngã khi bò lên, tuột xuống đồi Song Nàng, dốc Đất Đỏ. Mất gần 1 giờ cho đoạn đường 14km, chúng tôi cũng đến được Trạm Kiểm lâm Suối Ràng. Gặp chúng tôi, Trạm trưởng Nguyễn Văn Lập cho biết ông chờ chúng tôi lâu đến mức cái bình trà 1 lít trên bàn đã cạn.
Trạm Kiểm lâm Suối Ràng có 7 kiểm lâm viên nhưng phải quản lý gần 5 ngàn hécta rừng tự nhiên. Trạm trưởng Lập tâm sự, đúng ra biên chế của trạm có 8 kiểm lâm viên, do kiểm lâm viên Nguyễn Văn Tiến (con trai già làng Năm Nổi) vừa nghỉ hưu hồi đầu tháng nên Khu bảo tồn chưa kịp bổ sung biên chế mới cho trạm. Còn lại 7 người, Trạm trưởng Lập vẫn phân công người trực, tuần rừng và xoay vòng cho mọi người nghỉ cuối tuần theo đúng quy định.
Dù tách biệt với khu vực dân sinh, những cánh rừng thuộc sự quản lý của Trạm Kiểm lâm Suối Ràng vẫn bị tác động của con người tại các khu vực giáp ranh với huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) và xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Đối tượng tác động vào rừng phần lớn là phụ nữ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số và một số ít người Kinh. Họ vào rừng để hái đọt mây, lá díp và săn bẫy thú nhỏ…
9 giờ sáng, mặt trời vẫn chiếu những tia sáng yếu ớt xuống những cánh rừng sau cơn mưa. Mấy con chó ở Trạm Kiểm lâm Suối Ràng thật dễ thương, gặp khách lạ chúng quấn quýt mừng rỡ chứ không sủa bậy.
Trạm trưởng Lập tỏ bày, trạm nuôi mấy chú chó để xua đuổi rắn, diều hâu bắt gà của trạm nuôi (để cải thiện đời sống), chứ không phải huấn luyện chúng tuần rừng. Những tháng mùa mưa, rừng Suối Ràng rất ẩm ướt nên sinh nhiều vắt, mòng, muỗi.
Trời lại đổ mưa to, Trạm trưởng Lập vừa nấu ăn vừa kể chuyện rừng cho chúng tôi nghe để chờ 2 nhóm tuần rừng của các kiểm lâm viên: Trường, Phong, Hoàng, Ngọc và Minh về. Hôm nay, lẽ ra Trạm trưởng Lập ra Khu bảo tồn có công việc nhưng vì chúng tôi đến thăm nên ông phải ở lại trạm nấu cơm, tiếp khách.
Trên 22 năm gắn bó với những cánh rừng: Mã Đà, Hiếu Liêm và Vĩnh An, Trạm trưởng Lập đã trải qua nhiều nhiệm vụ, như: thiết kế rừng, kiểm lâm viên các trạm, kiểm lâm cơ động… nên ông có nhiều chuyện để kể. Rằng thời “phá” rừng còn được coi là “thành tích”, ông phải đấu tranh tư tưởng giữa “làm bảo vệ rừng chân chính hay là lâm tặc” đến mệt cái đầu. Rồi rừng thiêng, nước độc làm ông nhiễm sốt rét, khiến ông phải nằm trạm xá xã đến quen mặt và cưới được y tá làm vợ.
Bữa cơm trưa do Trạm trưởng Lập nấu vừa được dọn ra thì nhóm tuần tra rừng của 2 kiểm lâm viên Trường và Phong kịp về tới trạm.
Kiểm lâm Phong mới có 5 năm ở rừng nhưng cơ thể anh đã mang nhiều vết sẹo do vắt, mòng cắn. Riêng con mắt trái của anh thì bị rách giác mạc vì cây rừng quẹt phải, làm giảm thị lực ít nhiều.
Kiểm lâm viên Trường có gần 10 năm ở rừng nên sẹo vắt cắn đầy chân tay. Kiểm lâm Trường cho hay dù được bôi thuốc chống muỗi, vắt trước khi đi rừng nhưng thuốc bị nước mưa, khi lội qua suối bị nước làm trôi hết thuốc nên mất tác dụng. Vắt, muỗi cắn nhiều nên hôm nào không bị cắn cũng làm các anh thấy nhớ.
Hôm nay, rừng ở khu vực dốc 8 hơi bình yên nên các anh đỡ mệt. Hôm nào tuần rừng gặp dấu chân lạ, các kiểm lâm viên phải theo dõi đến chiều tối mới về và sáng hôm sau phải vào rừng thật sớm để mật phục. Công việc kiểm lâm của các anh cứ lặp đi lặp lại như vậy, hết mùa mưa đến mùa nắng vẫn không ai chán nản, miễn sao rừng bình yên là mừng.
Trạm trưởng Lập cho hay mỗi năm Trạm Suối Ràng thu hồi cả ngàn bẫy thú các loại. Rừng Suối Ràng là rừng lồ ô chen gỗ lớn nên có những bãi lồ ô rộng gần trăm hécta. Đây là nơi thú lớn, thú nhỏ trú ngụ và tìm nguồn khoáng để bổ sung cho cơ thể. Để vào các khu vực này tuần tra, thu hồi bẫy, các kiểm lâm viên phải bò dưới các tán lồ ô nên thường bị muỗi, vắt đốt.
Trời quá trưa nhưng nhóm tuần rừng của các kiểm lâm viên: Hoàng, Ngọc và Minh vẫn chưa về trạm để dùng cơm nước. Chúng tôi yêu cầu kiểm lâm viên đưa ra thác Suối Ràng để chụp ảnh. Chỉ 15 phút bên thác Suối Ràng, chúng tôi đã bị gần 20 con vắt cắn đến thâm tím da thịt. Sau khi cầm máu cho chúng tôi, Trạm trưởng Lập cười nói: “Đó là kỷ niệm Trạm Kiểm lâm Suối Ràng tặng nhà báo làm quà”. (Báo Đồng Nai 12/6) đầu trang(
Theo thông tin mà phóng viên Dân Việt có được, bé Mai Văn Chiến (13 tuổi, thôn 14, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) bị hổ vồ đã xuất viện về nhà.
Liên quan đến vụ bé Mai Văn Chiến (13 tuổi) ở xã Quảng Phú (Thọ Xuân) bị hổ trong trại nuôi nhốt của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (xã Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa) vồ mất một bắp chân, bà Lê Thị Hồng (là vợ ông Nguyễn Mậu Chiến, chủ trại hổ) đã dành cho Dân Việt cuộc chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Hồng, trại hổ này đã hết phép nuôi nhốt từ ngày 22.5.2017. Gia đình bà đã làm đơn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép gia hạn nuôi nhốt hổ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng cũng chưa có quyết định cấp giấy phép gia hạn nuôi nhốt đàn hổ cho gia đình bà.
“Gia đình tôi đã làm đơn đề nghị được cấp có thẩm quyền gia hạn nuôi nhốt đàn hổ. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa được cấp phép trở lại. Gia đình đang chờ chồng tôi về để tìm hướng giải quyết. Tôi là đàn bà con gái nên không thể xử lý được việc này", bà Hồng nói.
Cũng theo bà Hồng, trại nuôi nhốt hổ của gia đình bà được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng, sinh sản từ ngày 22.5.2012, trong thời hạn 5 năm (tức đến ngày 22.5.2017) là hết hạn. Do đó, ông Nguyễn Mậu Chiến (chủ trại hổ là chồng của bà Hồng) đã làm giấy ủy quyền cho bà Hồng là người đại diện hợp pháp, làm chủ trại nuôi sinh trưởng, sinh sản trại hổ này.
"11 con hổ thuộc nhóm động vật hoang dã quý hiếm chứ có phải đàn lợn để đem ra làm thịt được đâu. Vì thế, tôi phải chờ chồng tôi về để tìm hướng giải quyết”, bà Hồng cho biết thêm.
Hồi cuối tháng 4.2017, ông Nguyễn Mậu Chiến đã bị Bộ Công an bắt giữ vì liên quan đến một đường dây buôn bán động vật hoang dã với số lượng lớn.
Về vụ bé Mai Văn Chiến bị một con hổ trong trại nuôi nhốt của gia đình vồ mất bắp chân, bà Hồng nói: “Thực tình, khi cháu Chiến leo lên tường đứng xem đàn hổ rồi không may xảy ra tai nạn thì người trông coi đàn hổ và cả gia đình tôi không ai biết. Mấy ngày sau, khi gia đình tôi biết được việc này, chúng tôi cũng đã đến bệnh viiện thăm hỏi và hỗ trợ kinh phí để gia đình chữa trị vết thương cho cháu. Hiện nay, cháu Chiến đã xuất viện về nhà để tiếp tục điều trị phục hồi chức năng. Tôi cũng hứa với gia đình cháu, sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho cháu trở lại bình thường”.
Phóng viên Dân Việt đã kiểm chứng thông tin với ông Mai Văn Khắc (bố của Chiến), ông Khắc xác nhận con ông đã xuất viện từ Hà Nội về nhà và phía gia đình bà Hồng cũng qua lại hỏi han. (Dân Việt 12/6) đầu trang(
Nhằm đối phó với tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài của thời tiết hiện nay, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng.
Đông Sơn là xã thuộc vùng bán sơn địa có trên 870 ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ trên núi đá chiếm gần 690 ha và rừng sản xuất là trên 136 ha.
Ông Phạm Xuân Huy, Phó ban Lâm nghiệp xã Đông Sơn cho biết: Đông Sơn nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa với 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau, thời tiết khô hanh nên dễ xảy ra cháy rừng, trong khi diện tích rừng của xã chủ yếu ở địa hình hiểm trở, có độ dốc cao, các ao hồ có dung tích nhỏ, xa rừng, hầu hết cạn nước về mùa khô... Ngoài ra, nếu xảy ra cháy rừng các phương tiện cơ giới sẽ rất khó di chuyển, gây khó khăn cho việc chữa cháy rừng.
Do đó, công tác chủ động phòng cháy rừng được Đông Sơn đặc biệt quan tâm với phương châm: Sẵn sàng cơ động cao, phòng là chính, tích cực chủ động ứng cứu nhanh có hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ rừng và các hộ dân sống ven rừng, gần rừng luôn được chú trọng.
Hàng năm, lực lượng làm công tác PCCCR được củng cố và kiện toàn; thường xuyên luyện tập xử lý các phương án có thể xảy ra; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng.
UBND xã Đông Sơn cũng bổ sung phương tiện và vật chất cần thiết, phối hợp với kiểm lâm địa bàn xác định khu vực nguy hiểm dễ xảy ra cháy để điều chỉnh các phương án PCCCR phù hợp.
Trong những ngày nắng nóng, có cảnh báo nguy cơ cháy rừng, Ban Lâm nghiệp xã Đông Sơn thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền nhắc nhở các chủ rừng, vận động nhân dân không đốt lửa bừa bãi, buôn bán, săn bắt động vật hoang dã; vận động học sinh nghỉ hè không vào rừng đốt ong lấy mật...
Được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, kinh nghiệm ở Đông Sơn cho thấy, quá trình tuyên truyền của lực lượng chức năng đối với người dân phải được thực hiện đồng bộ, có chiều sâu, để người dân thấy được lợi ích từ rừng, có ý thức chủ động, kịp thời phát hiện và chủ động phòng, chống cháy rừng. (Đài PTTH Ninh Bình 10/6) đầu trang(
Rạng sáng ngày mùng 5/6, đã xảy ra vụ cháy lịch sử rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn Tp Hà Nội. Theo ước tính, có khoảng hơn 50ha rừng keo, thông, bạch đàn đã bị cháy rụi sau hơn 12 giờ đồng hồ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng đến khu vực rừng phòng hộ tại đây.
Xã Hòa Bắc có khoảng gần 20.000 ha diện tích rừng trồng, lại nằm ở vị trí địa lý khá khắc nghiệt, mùa khô kéo dài. Theo quy định của của lực lượng kiểm lâm và chính quyền nơi đây, người dân muốn đốt rừng thực bì sau khi khai thác thì phải có văn bản, được sự đồng ý mới được đốt và có phương án phòng cháy. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn trong công tác quản lý vấn đề này khiến chính quyền, cơ quan chức năng, chủ rừng bất an, vất vả tìm biện pháp ngăn chặn.
Ông Thái Văn Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho biết: "Hiện nay phải nói công tác pccc rừng được hết sức quan tâm, ngoài trách nhiệm của UBND xã là chủ rừng thì chúng tôi tăng cường biện pháp tuyên truyền. Nhưng địa bàn xã rất rộng, đôi khi người dân sử dụng lửa và ý thức của người dân còn kém nên ảnh hưởng rất nhiều đến công tác PCCC rừng."
Đại úy Trần Thanh Hải, Đội trưởng đội Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, CSPCCC Đà Nẵng cho biết: "Đối với khó khăn hiện nay thì đối với lực lượng CSPCCC thì chúng tôi thường xuyên kiểm tra, tiếp cận với rừng thì rất là khó vẫn chủ yếu là do công tác tuyên truyền cho người chủ rừng, chính quyền địa phương."
Cũng theo lực lượng chức năng, ý thức của người dân trong việc bảo vệ, khai thác còn hạn chế và còn xem nhẹ trong công tác PCCC.
Trước thực tế này, các cơ quan chức năng cũng xác định, bên cạnh việc nâng cao năng lực chữa cháy, đầu tư trang bị phòng chống cháy rừng thì việc phát huy vai trò của người dân là điều cần thiết. Đại úy Trần Thanh Hải cho biết: "Vừa qua thì CSPCCC thì cũng phối hợp với kiểm lâm thành phố kiểm tra PCCC rừng thì cái này cũng là cái đánh động đến chính quyền địa phương và người chủ rừng để người ta nâng cao ý thức pccc vào mùa nắng hè và chúng tôi cũng ban hàng văn bản cảnh báo người dân trong việc bảo vệ rừng trong mùa này."
Tình hình thời tiết vẫn còn có thể tiếp tục diễn ra hết sức khắc nghiệt và khó dự đoán. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng sở tại thì hơn hết, mỗi cá nhân, người dân, hãy nâng cao ý thức về công tác PCCC rừng, đó chính là góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, cải thiện kinh tế cho người dân ở các địa phương có rừng. (ANTV 11/6) đầu trang(
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Công văn số 1303/SNN-TT đề nghị sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện, thị xã có rừng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng.
Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, ứng phó kịp thời với những tình huống cháy rừng xảy ra, UBND các huyện, thị xã có rừng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương. Thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá phương tiện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng; đôn đốc, kiểm tra phương án phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương. Bố trí kinh phí phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương theo đúng các quy định. Phân công, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, hiệp đồng bố trí lực lượng phòng cháy chữa cháy, sẵn sàng huy động ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Chỉ đạo các ngành chức năng bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm; kiểm soát nhằm hạn chế thấp nhất việc phát sinh nguồn lửa trong rừng; phát hiện sớm lửa rừng để kịp thời thông báo và xử lý ngay trước khi lửa, đám cháy lan rộng. Trong trường hợp phát hiện cháy rừng, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động các lực lượng tại chỗ để dập tắt sớm đám cháy.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt nội dung Quy chế số 45/LN:SNN-BTLTĐ ngày 23/10/2013 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tư lệnh Thủ đô về phối hợp giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng. Chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sỹ các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và xây dựng phương án bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại chỗ nhằm bảo vệ an toàn các kho tàng, phương tiện, trang thiết bị…
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng; phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, hướng dẫn thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng tại các huyện, thị xã có rừng; thực hiện nghiêm túc công tác trực phòng cháy chữa cháy rừng đặc biệt là trong những ngày nắng nóng kéo dài mùa khô năm 2017; báo cáo và đề xuất kịp thời các biện pháp ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn thành phố. Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa phương. Phân công lực lượng tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ rừng tại các vùng trọng điểm về cháy rừng; tổ chức trực 24/24 giờ trong các tháng mùa khô hanh; thực hiện tốt việc dự báo, cảnh báo cháy rừng; thông tin kịp thời về nguy cơ cháy rừng để chủ động tổ chức phòng cháy chữa cháy rừng đạt hiệu quả. Chủ động triển khai các nội dung của kế hoạch công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng trên địa bàn thành phố…
Tương tự, Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp phòng chống cháy rừng; khẩn trương đề xuất phương án quản lý bền vững diện tích rừng được giao. (Hanoi.gov.vn 11/6) đầu trang(
Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của vùng áp nóng phía Tây và hiệu ứng của gió Phơn nên nhiệt độ trên địa bàn toàn tỉnh của Hà Giang tăng cao, bình quân từ 38 – 390C; riêng 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần, nhiệt độ lên tới 42,50C. Ngoài chịu ảnh hưởng của nhiệt độ cao, ẩm độ không khí trên toàn địa bàn tỉnh ở mức thấp, chỉ đạt trung bình từ 40 – 43% là mối nguy cơ đe dọa xảy ra cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới có diện tích rừng và đất qui hoạch cho phát triển lâm nghiệp đạt trên 71% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (vào khoảng 554.140 ha). Bên cạnh đó, Hà Giang có 05 khu rừng đặc dụng được qui hoạch và bảo tồn; trong các khu rừng đặc dụng của Hà Giang tồn tại nhiều loài động, thực vật quý hiếm nằm trong danh sách đỏ của Việt Nam và thế giới, trong đó có loài Voọc mũi hếch là loài động vật nằm trong danh đỏ của thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp.
Vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng và lưu giữ nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Mặc dù trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa vài nơi nhưng do lượng mưa nhỏ và thời gian mưa ngắn nên hầu hết các diện tích rừng của tỉnh vẫn đang ở mức cảnh báo cháy rừng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn tỉnh, trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục xảy ra những ngày nắng nóng kéo dài kết hợp với ẩm độ không khí thấp sẽ là nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng 2017, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang đã tập trunng chỉ đạo các địa phương có rừng trên địa bàn của tỉnh cần triển khai và thực hiện hiệu quả trong công tác phòng, chống cháy rừng; các ngành chức năng tại các cơ sở có rừng cần có các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng từ cấp IV đến cấp V (là cấp cực kỳ nguy hiểm) tới các chủ rừng và người dân địa phương.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng của tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan bố trí phân công trực cụ thể và thực hiện chế độ trực 24/24 giờ trong những ngày có cảnh báo cháy rừng ở mức độ nguy hiểm; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện và lực lượng nhằm sẵn sàng và chủ động khi có cháy rừng xảy ra. Các ngành chức năng tại địa phương, các chủ rừng và người dân có trách nhiệm phải báo ngay cho cơ quan chức năng qua số điện thoại nóng khi xảy ra cháy rừng. (Đài PTTH Hà Giang 12/6) đầu trang(
Trong một lần đi du lịch khám phá suối nước nóng Bưng Thị, dừng chân ở Trạm bảo vệ rừng Bưng Thị thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Hàm Thuận Nam chúng tôi mới có dịp hiểu kỹ hơn công việc của những người bảo vệ rừng ở dây.
Nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 30 km, sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà  Cú, Bưng Thị là khu vực giáp ranh 3 xã Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành của huyện Hàm Thuận Nam, có cảnh quan thiên nhiên và hệ thực vật nhiệt đới đặc trưng. Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú có tổng diện tích là 10.503 ha; Hệ động, thực vật đa dạng, phong phú thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới (WWF, 2001). Đồng thời được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2003.
Chính vì lẽ đó mà công tác bảo vệ vùng rừng này hết sức quan trọng. Xa khu dân cư nhưng lúc nào trong trạm cũng có 1 tổ thường xuyên trực. Ngôi nhà được xây kiên cố với chòi canh gác cách đó vài chục mét khá cao, để từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn khu vực để phòng chống cháy rừng. Nhìn lên không quen tôi đã thấy chóng mặt, vậy mà anh em ngày nào cũng phải leo lên, thậm chí vào mùa khô có lúc ở luôn trên đó để canh gác. Xuống cái bếp che phía sau nhà đun bằng củi khô nhặt về, xoong cơm vét còn trơ lại cháy, vài nắm lá rừng để dành nấu canh, mấy con cá khô trộn rau rừng.
Anh Trần Tuấn Dũng, Tổ trưởng ở đây cho biết: “Anh em phân công trực cả ngày lẫn đêm, 3 ngày được nghỉ bù một ngày. Đi ra chợ xa lắm, vòng đi vòng về hơn chục cây số nên 2 - 3 ngày mới đi 1 lần. Trong đây thì heo hút đâu có nhà dân, không một bóng người. Nước thì múc nước suối lên xài, đi tuần tra trong rừng thì phải đi bộ…”. Vùng này nguy cơ cháy rừng cao, mà chống cháy rừng thì cực lắm. Chưa kể những người vào rừng bẫy thú quý hiếm nên cũng phải tuần tra thường xuyên để ngăn chặn.
Còn anh Thông Huynh ở thôn Hiệp Đức, Tân Thuận được giao khoán bảo vệ rừng ở đây cho biết thêm: “Mình nhận bảo vệ rừng 1 quý được thêm 2 triệu đồng, gắn bó cũng 14 năm rồi, xem rừng như nhà mình vậy, quen thuộc đến từng con đường gốc cây. Nhà cũng trồng thanh long dư sống nhưng vẫn thích vào rừng bảo vệ hơn”. Có lúc đi tuần trong rừng cả ngày, anh phải mang cơm theo ăn buổi trưa mới kịp đi từng  khu vực một.
“Sợ nhất là cháy rừng thôi, nhiều người vô ý lắm, rừng mùa khô chỉ cần ném tàn thuốc xuống cỏ cũng dễ cháy”, nói rồi anh cầm cái máy thổi gió rất thuần thục mang vào người cho chúng tôi xem chữa cháy thế nào. Hơn 2.000 ha rừng do trạm bảo vệ mà tổ chỉ có mấy người cứ xoay vòng để tuần tra canh gác. Vất vả nhưng ai cũng gắn bó để gìn giữ khu bảo tồn thiên nhiên này. Mấy anh chỉ cho chúng tôi những cây sến, xay, tâm bột…có cả những cây dầu bị người ta đã phá lấy dầu đang liền da. Nếu không có những người giữ rừng như các anh có lẽ sẽ không còn những khu rừng xanh ngắt đã và đang hồi sinh, những cây cổ thụ hiếm hoi, những loài động vật quý hiếm… khi mà nạn “chảy máu rừng” đang diễn ra khắp nơi. (Báo Bình Thuận 12/6) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Ngoài việc bị tố bán đất rừng trái phép, Công ty TNHH TM Nguyên Vũ (Công ty của vợ ông Lương Ngọc Lếp, nguyên phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông) còn để xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý, sản xuất tại dự án rừng thông.
Sau khi nhận được đơn thư tố cáo của ông Phan Thành Nghĩa về việc Công ty TNHH Nguyên Vũ bán đất rừng trái phép, ngày 23/5/2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Công văn 2630/UBND giao cho các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra xử lý các nội dung liên quan đến dự án của Công ty này.
Qua quá trình kiểm tra tại dự án của Công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở NN&PTNT đã chỉ ra hàng loạt sai phạm.
Theo đó, sau khi UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty TNHH Nguyên Vũ thuê hơn 162 ha rừng để thực hiện dự án, chăm sóc bảo vệ khai thác sản xuất dọc theo Quốc lộ 28. Quy mô hiện trạng sử dụng gồm: đất có rừng trồng thông 156,95 ha, đất có cây gỗ tái sinh 0,69 ha, đất không có cây gỗ tái sinh 2,21 ha, đất có cây thông chết 1,5 ha, đất trồng keo 1,5 ha,…
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, tổng diện tích đất rừng bị biến động so với thời điểm bàn giao là 26,23 ha, trong đó: diện tích rừng trồng keo giảm 1,5 ha, nguyên nhân do bị nhổ bỏ để lấn chiếm trồng cây công nghiệp; diện tích rừng trồng thông giảm 24,70 ha, nguyên nhân do ken cây đổ hóa chất, cưa ½ thân cây thông…
Mặc dù diện tích rừng bị lấn chiếm, tàn phá như vậy nhưng tại thời điểm kiểm tra, Hạt Kiểm lâm Đắk Glong, UBND huyện Quảng Sơn và chủ rừng chưa cung cấp được hồ sơ liên quan đến công tác xử lý các vụ vi phạm trên diện tích rừng quản lý của công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng nêu rõ, tiến độ triển khai các hạng mục đầu tư theo dự án đã được thẩm định của Công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ còn chậm, diện tích rừng giảm lớn, diện tích bị người dân lấn chiếm 14,53 ha, tại thời điểm rà soát khu vực dự án có 11 ngôi nhà xây dựng trái phép.
Đối với thông tin về việc sang nhượng đất rừng trái phép cho người dân thì tại thời điểm kiểm tra, theo báo cáo của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ thì Công ty không có chủ trương sang nhượng mà việc sang nhượng là do ông Phan Thành Nghĩa lợi dụng giấy ủy quyền để sang nhượng trái phép cho người dân.
Báo cáo của Đoàn kiểm tra hiện trạng thực hiện dự án của Công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ cũng đã nêu rõ, để xảy những sai phạm trên trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng, ngoài ra việc để rừng bị phá, lấn chiếm đất rừng, xây dựng nhà trái phép một phần thuộc về cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác quản lý nhà nước về rừng và đất đai.
Sau kết quả kiểm tra trên, Sở NN&PTNT đã đề xuất UBND tỉnh, đối với diện tích rừng trồng giảm hơn 26 ha, giao cho Công an huyện và UBND huyện Đắk Glong, Hạt Kiểm lâm tiến hành rà soát các hồ sơ vi phạm, điều tra làm rõ các đối tượng hủy hoại rừng thông, xác định trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan làm cơ sở xử lý theo quy định.
Còn việc sang nhượng đất trái pháp luật tại dự án của Công ty, đơn vị đã báo cáo Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông, vì vậy đề nghị UBND tỉnh giao Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh sớm điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Để làm rõ hơn về những sai phạm trên, PV đã nhiều lần liên lạc với bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty TNHH TM Nguyên Vũ nhưng bà Thoa không hồi âm.
Hiện tại, vụ việc đất rừng của dự án bị xẻ thịt bán trái phép cho người dân hơn 6 ha, theo ông Phan Thành Nghĩa là do sự chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Kim Thoa (vợ của ông Lương Ngọc Lếp, nguyên phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông) bán và ông đứng ra thu tiền giao cho vợ chồng ông bà này đầy đủ.
Còn ông Lương Ngọc Lếp, trước đó trao đổi với PV, thì vụ việc xâm lấn, bán đất dự án của Công ty gia đình ông, vợ chồng ông không hay biết. "Và đây là một âm mưu nhằm thâu tóm diện tích đất của dự án, và đứng sau ông Phan Thành Nghĩa là một đường dây", ông Lếp cho biết.
Vậy âm mưu đó là gì, và ai đứng sau ông Lê Thành Nghĩa chỉ đạo bán đất rừng trái phép thu lợi hàng tỷ đồng. Vụ việc này đang được Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông cuộc điều tra làm rõ. (Infonet 13/6) đầu trang(
Chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa thế nhưng Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu Đạm Xuân (xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành) đã xây nhà máy chế biến gỗ đi vào hoạt động.
Nhà máy chế biến gỗ Đam Xuân có địa chỉ tại thôn Mợ, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa được xây dựng và đi vào hoạt động. Nhưng điều đáng nói là đến thời điểm hiện tại, văn bản pháp lý cao nhất mà doanh nghiệp có được lại chỉ là Quyết định “chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân với mục tiêu sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng thành sản phẩm gỗ xẻ ván nan và tận thu sản xuất mùn gỗ, dăm gỗ” của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Hàng loạt các quy định của pháp luật về giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, cấp phép xây dựng, chuyển đổi mục đích đất trồng lúa…đã bị doanh nghiệp Đạm Xuân bỏ qua để tiến hành san lấp, xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động trong sự làm ngơ khó hiểu của huyện Thạch Thành.
Tại Quyết định số 2549/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng ký, về “chấp thuận chủ trương Dự án Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân tại xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành” nêu rõ dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, khởi công vào tháng 11/2016, đi vào vận hành tháng 3/2017, bao gồm các hạng mục nhà xưởng sản xuất, khu hành chính văn phòng, nhà gara ô tô, nhà ăn công nhân và các công trình phụ trợ khác… trên tổng diện tích khoảng 23.121 m2.
Trong đó, khu đất có nguồn gốc của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (chủ doanh nghiệp) gồm 748 m2 đất sản xuất kinh doanh; 500 m2 đất ở nông thôn; 531 m2 đất trồng cây lâu năm; 1.529 m2 đất trồng cây hàng năm khác; 6.258 m2 đất trồng lúa đã được UBND huyện Thạch Thành cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.
Quyết định số 2549/QĐ-UBND cũng nêu rõ, yêu cầu Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu Đạm Xuân trong quá trình đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động phải thực hiện nghiêm túc thực hiện theo phương án đầu tư đã cam kết: Ký quỹ đầu tư, hoàn thành hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, xây dựng và bảo vệ môi trường….
Nếu để được hoạt động, quyết định cũng nêu rõ: “Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký nếu Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu Đạm Xuân không hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, ký quỹ đầu tư theo quy định thì Quyết định không còn giá trị pháp lý và doanh nghiệp sẽ không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đã đầu tư liên quan đến dự án.
Tại văn bản số 3231/STNMT-QLĐĐ ngày 18/7 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa gửi Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu dạm Xuân về việc hướng dẫn hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất lúa của dự án nêu: Theo quy định tại khoản 1, điều 58 Luật đất đai 2013, Dự án Nhà máy chế biến gỗ Đạm Xuân có sử dụng đất trồng lúa, dự án trên thuộc trường hợp phải có nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa. Trên cơ sở đó Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng theo quy định.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi chưa có nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; thậm chí doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Đạm Xuân chưa thực hiện các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, cấp phép xây dựng… thì đất trồng lúa đã bị san lấp mặt bằng, xây dựng kho bãi, nhà xưởng để tiến hành sản xuất, kinh doanh. Điều này là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Trao đổi với Pháp luật Plus, ông Nguyễn Văn Chuẩn, Chủ tịch UBND xã Thạch Quảng, cho biết: thực hiện theo thông báo số 76/TB-UBND ngày 17/5/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc kiểm tra, rà soát các cơ sở  băm dăm trên địa bàn tỉnh, xã Thạch Quảng cũng đã tiến hành kiểm tra, có văn bản xử lý hành chính đối với doanh nghiệp Đạm Xuân.
Đối với huyện và tỉnh cũng đã lập đoàn kiểm tra do Chi cục lâm nghiệp triển khai. Sau khi có kết luận xử lý, huyện Thạch Thành đã ra quyết định xử phạt hành chính căn cứ vi phạm tự ý sạn lấp đất lúa để xây dựng.
Tuy nhiên khi phóng viên đề cập đến việc được tiếp cận với các văn bản làm việc, biên bản xử phạt doanh nghiệp, thì ông Chuẩn nói: “Văn bản xử phạt của huyện thì có, nhưng việc này chúng tôi phải …xin ý kiến của Chủ tịch UBND huyện, vì huyện ra quyết định xử phạt chứ không phải xã. Nếu chủ tịch huyện đồng ý thì chúng tôi mới cung cấp thông tin”.
“Nói đúng ra thì nó có liên quan đến công tác đối ngoại. Việc xử phạt có liên quan đến vấn đề mua bán đất, đổ đất san lấp mặt bằng khi chưa được sự đồng ý. Trách nhiệm của chúng tôi là phải bảo mật tài liệu, khi nào có văn bản yêu cầu cung cấp chúng tôi sẽ cung cấp”, ông Chuẩn khẳng định.
Việc doanh nghiệp sai phạm bị xử phạt vốn đã công khai, minh bạch, không rõ Chủ tịch UBND xã Thạch Quảng căn cứ vào quy định nào để “bảo mật thông tin vì ngoại giao” và không cung cấp thông tin khi “chưa có sự đồng ý của Chủ tịch  huyện? Không lẽ địa phương này đang tự đặt ra thứ luật lệ riêng?
Thừa nhận việc bị xử phạt, bà Nguyễn Thị Xuân (chủ doanh nghiệp Đạm Xuân) cho biết: “Đến thời điểm hiện tại tổng diện tích đất theo quy hoạch đã đầy đủ, việc xử phạt là có. Xã và huyện đã lập biên bản xử phạt, huyện phạt hơn 17 triệu đồng việc san lấp trái phép đất trồng lúa để xây dựng, tôi là người trực tiếp đi nộp phạt…”
Bà Xuân cũng cho biết, trước đây cơ sở sản xuất của gia đình có quy mô nhỏ. Sau này phát triển mới tự thỏa thuận mua thêm đất trồng lúa của người dân để xây dựng và nhà máy đã hoạt động. Việc chuyển đổi 6.200m2 đất lúa đang chờ Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, sau đó Sở Xây Dựng, Sở TN&MT mới hoàn thành các thủ tục cấp phép hoạt động tiếp theo. (Pháp Luật+ 12/6) đầu trang(
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa ký tắt văn bản Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT). Hiệp định sẽ được Việt Nam và EU thông qua dựa trên văn bản đã ký tắt này.
Cuối tháng 5 vừa qua, tại hội thảo về phát triển ngành lâm sản bền vững tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết Việt Nam đã theo đuổi gần 6 năm đàm phán VPA/FLEGT với EU. Đến cuối năm 2016, đàm phán này mới kết thúc và văn bản ký tắt vừa được thực hiện.
VPA/FLEGT được xem là giấy thông hành để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gỗ vào EU không phải giải trình về truy xuất gỗ hợp pháp khá phức tạp như trước đây. Về lâu dài, hiệp định giúp việc quản trị rừng bền vững và phát triển ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam được bền vững hơn.
Việt Nam là một trong 15 quốc gia tham gia VPA/FLEGT với EU. Tại châu Á, vào năm 2016 Indonesia trở thành quốc gia đầu tiên cấp giấy phép FLEGT. Chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends Tô Xuân Phúc cho hay, mục đích của EU là muốn gỗ sản xuất và tiêu thụ tại chính các nước đã ký VPA/FLEGT là hợp pháp, vì vậy họ quy định khá chặt chẽ.
Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, mỗi năm thị trường EU tiêu thụ gỗ và sản phẩm từ gỗ khoảng 90 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang EU hiện nay mới đạt khoảng 800 triệu USD. Vì vậy, dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường này còn rất nhiều. Việt Nam được xem là trung tâm sản xuất thương mại sản phẩm gỗ, bởi nguồn gỗ để chế biến được nhập khẩu từ 80 quốc gia, gồm: châu Phi, châu Âu, châu Á và Nam Mỹ. Sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng xuất khẩu đến tất cả các thị trường chính trên thế giới, vì vậy việc thực hiện VPA/FLEGT sẽ tạo cho ngành chế biến gỗ của Việt Nam bền vững hơn về lâu dài.
Theo Phó tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, để đưa được VPA/FLEGT vào thực thi không dễ, bởi hiện chỉ mới doanh nghiệp lớn xuất khẩu hàng sang thị trường EU đủ điều kiện để tuân thủ nghiêm ngặt quy định. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ trong nước chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ các quy định này. Khó khăn hơn nữa là các làng nghề vẫn sử dụng gỗ khai thác tự nhiên, gỗ nhập khẩu từ châu Phi và nhiều quốc gia khác nhau để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha), cho rằng hầu hết các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu trực tiếp, đặc biệt xuất sang châu Âu, đều hiểu được FLEGT. Còn các doanh nghiệp nhỏ và cơ sở sản xuất gỗ tiêu thụ trong nước còn rất mơ hồ, cần được phổ biến nhiều hơn để nâng cao nhận thức. Theo đại diện Tổ chức Forest Trends, kinh nghiệm từ Indonesia cho thấy việc ký FLEGT với EU đồng nghĩa với việc nước này thắt chặt quản lý đối với các cơ sở chế biến, bao gồm cả các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình. Các cơ sở này hiện phải đăng ký hoạt động, nếu không sẽ bị coi là bất hợp pháp. (Báo Đồng Nai 12/6) đầu trang(
Yên Bái cam kết làm nghiêm vụ đất rừng thành cụm biệt thự
Ông Đỗ Đức Duy - chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho biết đã có yêu cầu như vậy đối với đoàn cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra về đất đai, xây dựng tại khu đất của vợ giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh này.
Theo ông Duy, trước những thông tin báo chí nêu về việc 1,3ha diện tích đất rừng sản xuất được cho phép chuyển đổi thành đất ở, đây là vấn đề dư luận quan tâm, cần thiết phải thanh tra làm rõ.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho biết từ những nội dung báo chí phản ánh việc UBND thành phố Yên Bái quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Yên Bái), có hai nội dung được tỉnh yêu cầu thanh tra làm rõ.
Theo tìm hiểu, chỉ trong một ngày 20-7-2015, bà Hoàng Thị Huệ được ông Nguyễn Yên Hiền, phó chủ tịch UBND thành phố Yên Bái, ký 6 quyết định cho chuyển đổi 1,3ha đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở. Sau quá trình cho phép chuyển đổi sang đất ở, khu đất của gia đình bà Huệ đã hình thành một cụm công trình gồm biệt thự và hồ nước.
Theo ông Thắng, UBND tỉnh Yên Bái đã giao thanh tra tỉnh lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, việc cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ, việc sử dụng đất đai tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng cho biết trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra liên ngành được xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm nếu có theo đúng quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, việc thanh tra về đất đai, xây dựng đối với phần đất 1,3ha của hộ gia đình giám đốc Sở TN-MT Yên Bái sẽ tập trung trong giai đoạn từ năm 2015 đến ngày 8-6-2017, tức là từ thời điểm UBND thành phố Yên Bái có quyết định cho phép chuyển đổi đất rừng thành đất ở đến khi báo chí phản ánh.
Về thời hạn thanh tra, ông Trần Nhật Tân, chánh thanh tra tỉnh Yên Bái, cho biết đoàn thanh tra sẽ làm việc trong 45 ngày không tính ngày nghỉ. Và tùy theo tình hình cụ thể, thời hạn thanh tra có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời kỳ, thời hạn theo quy định của Luật thanh tra.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Yên Bái Chu Đình Ngữ cam kết sau khi kết thúc thanh tra việc chấp hành các quy định về đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ, UBND tỉnh Yên Bái và thanh tra tỉnh sẽ công bố công khai kết luận thanh tra đến các cơ quan thông tin, báo chí theo quy định. (Tuổi Trẻ 12/6) đầu trang(
Ngày 10-6, tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Hiệp hội mắc ca Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt PostBank và UBND huyện Hướng Hóa tổ chức “Hội thảo đầu vườn và tư vấn trồng và chăm sóc cây mắc ca”.
Dự hội thảo có đồng chí Giáo sư Nguyễn Lân Hùng (chuyên gia về ngành nông nghiệp) và Giáo sư Hoàng Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị  và một số doanh nghiệp trồng mắc ca vùng Tây Bắc, Tây Nguyên cùng đông đảo bà con nông dân.
Tại Hội thảo, hơn 200 bà con nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã được các Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Hoàng Hòe và các chuyên gia kỹ thuật của Hiệp hội mắc ca Việt Nam xác định vùng đất thích hợp để trồng mắc ca, hướng dẫn cách thiết kế vườn cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc quản lý vườn mắc ca, thu hoạch và chế biến mắc ca để đạt hiệu quả cao.
Các giáo sư và chuyên gia đánh giá Khe Sanh là vùng đất có lợi thế đặc biệt về đất đai, khí hậu và nguồn lực lao động để phát triển cây mắc ca trồng thuần và trồng xen canh với các loại cây ăn trái khác, hoặc che bóng cho cây cà phê, cây chè để thu lợi nhuận kép. (Công An Nhân Dân 10/6) đầu trang(
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận tiền thân là Công ty Lâm sản Phan Thiết. Trong quá trình hình thành và phát triển, dù trải qua vô vàn khó khăn và thách thức nhưng tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên đã không ngừng phấn đấu, gây dựng công ty từng bước đứng vững, phát triển ổn định như hôm nay.
Đầu năm 1997, Chính phủ có chủ trương hạn chế khai thác gỗ từ rừng tự nhiên và xuất khẩu gỗ phải qua gia công chế biến. Dự báo, khi nguồn gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm, thì gỗ rừng trồng sẽ là nguồn thay thế như những nước phát triển đang áp dụng. Chính vì vậy, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đã đề ra chiến lược đầu tư kinh doanh gỗ rừng trồng. Bắt đầu từ dự án trồng rừng tại huyện Hàm Thuận Nam.
Trải qua bao năm mày mò tìm kiếm, thử nghiệm nhiều loại cây trồng thích hợp; cải tạo đồng ruộng, khai hoang đất, tìm nguồn vốn, huy động vốn đầu tư…, công ty đã hợp tác với các đối tác trồng trên 8.000ha rừng, trong đó có khoảng 2.500ha keo lai, 3.500ha bạch đàn và khoảng 2.000ha cao su; gỗ rừng trồng đưa vào khai thác bình quân mỗi năm trên 500ha tại các địa bàn Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình.
Đến cuối năm 2015, thực hiện Quyết định số 3616/QĐ-UBND ngày 16/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc hợp nhất hai doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hàm Tân thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận với tư cách pháp nhân mới  đã giúp sức mạnh về nguồn lực của doanh nghiệp tăng lên rõ rệt, từ việc huy động được nguồn vốn, thị trường và đối tác cùng với quy mô rừng trồng lớn hơn, với trên 18.000ha đất lâm nghiệp, trồng hơn 10.000ha rừng, hàng năm trồng mới, khai thác gần 1.000ha.
Có được những thành quả như  hôm nay là nhờ sự chỉ đạo và giúp đỡ tận tình của lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành hữu quan cùng lãnh đạo các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; cũng như sự nhạy bén, chuyển hướng kịp thời của tập thể lãnh đạo công ty qua các thời kỳ, từ đơn vị chuyên khai thác, chế biến gỗ từ rừng tự nhiên sang thực hiện nhiệm vụ trồng rừng và kinh doanh gỗ rừng trồng, đã mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập ổn định cho người lao động. Việc chuyển hướng sản xuất kinh doanh vào thời điểm nhạy cảm của thị trường có tính chất quyết định đến sự tồn vong và phát triển của công ty ngày hôm nay.
Nhìn lại 20 năm thực hiện nhiệm vụ trồng rừng, bên cạnh lợi ích về mặt kinh tế (doanh thu hàng năm đạt 70 - 80 tỷ đồng; đóng góp ngân sách nhà nước trên 20 tỷ đồng...), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận còn mang lại lợi ích rất lớn cho môi trường và xã hội như: cải thiện môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống đồi trọc, điều hòa khí hậu, tích trữ điều hòa nguồn nước sông suối, chống xói mòn…, góp phần tái tạo môi sinh. Bên cạnh đó, công ty còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động thời vụ tại địa phương; thực hiện nhiều công tác xã hội, đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa trên các địa bàn hoạt động của công ty.
Khẳng định những kết quả từ trồng rừng trong 20 năm qua, đúc rút từ những kết quả đạt được và chưa được, với sự quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, người lao động, năm 2017 này, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận chủ trương tổng rà soát toàn bộ diện tích rừng trồng hiện có để tái cơ cấu diện tích rừng trồng bằng những giải pháp cải tạo, thâm canh để phát triển thành rừng công nghiệp, tạo ra những cánh rừng mẫu lớn với năng suất tối ưu. Công ty cũng sẽ đầu tư những cánh rừng hiện có tại đây trở thành thương hiệu trong nước và quốc tế, qua việc được công nhận cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC, đây là giải pháp thiết thực để nâng cao giá trị rừng trong những năm tới. (Kinh Tế Nông Thôn 9/6) đầu trang(
Huyện Sơn Dương nhiều năm qua luôn dẫn đầu toàn tỉnh về công tác trồng rừng. Đến hết tháng 5-2017, toàn huyện đã trồng được 2.080,1 ha rừng, vượt chỉ tiêu 65,1 ha. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng kiểm lâm, “bà đỡ” trong công tác trồng rừng của huyện.
Ông Lê Hồng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Dương cho biết, đơn vị có nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng cho nhân dân. Năm 2017, huyện được tỉnh giao trồng 2.015 ha rừng tập trung. Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch trồng rừng, giao chỉ tiêu cho các xã. Cùng với đó, hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường bám, nắm địa bàn, phối hợp với các xã rà soát, tổ chức thiết kế, chuẩn bị tốt các điều kiện về quỹ đất, giống, vật tư phân bón, xây dựng kế hoạch thời gian trồng rừng cụ thể đến từng xã.
Hạt kiểm lâm phối hợp với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơn Dương, Công ty cổ phần Giấy An Hòa và các hộ sản xuất cây giống lâm nghiệp chăm sóc vườn ươm, đảm bảo chất lượng, chuẩn bị đủ giống cung ứng cho nhân dân trồng rừng. Mỗi năm, các vườn ươm đã cung ứng hàng triệu cây giống lâm nghiệp, gồm các loại cây keo, bạch đàn... phục vụ cho trồng rừng nguyên liệu giấy.
Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã tổ chức được 51 buổi tuyên truyền chuyên đề về bảo vệ, phát triển rừng cho 3.233 lượt người nghe; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng cho 2.632 hộ. Hạt giao chỉ tiêu cho mỗi cán bộ kiểm lâm phụ trách xã, mỗi tháng tổ chức ít nhất một buổi tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng tại cơ sở.
Thượng Ấm là một trong những xã hoàn thành kế hoạch trồng rừng sớm nhất. Năm nay, xã được giao trồng mới 70 ha rừng, đến thời điểm cuối tháng 5, xã đã trồng được 78 ha, vượt chỉ tiêu 8 ha. Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thượng Ấm cho biết: Trước đây, Thượng Ấm là “thủ phủ” của cây sắn, việc vận động nhân dân trồng rừng rất khó khăn.
Hễ có đoàn cấp trên về kiểm tra việc trồng rừng là các hộ dân bẻ cành cây keo cắm xuống đất để đối phó... Nhưng vài năm gần đây, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền xã và lực lượng kiểm lâm tuyên truyền về lợi ích từ rừng mang lại, nên đến nay trên địa bàn xã hầu như không còn tình trạng đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng cây ngắn ngày, thay vào đó là những rừng cây lâm nghiệp như keo, bạch đàn...
Trong quá trình chuẩn bị trồng rừng, cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên có mặt tại cơ sở để đôn đốc, tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nhân dân cách xử lý thực bì, cuốc hố trồng cây đúng quy trình kỹ thuật, đúng mật độ để cây phát triển tốt nhất. Chị Bùi Thị Hoài Thương, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Thượng Ấm cho biết: Vụ trồng rừng năm nay, thời tiết thuận lợi, mưa nhiều đầu vụ nên đến thời điểm hiện tại, cây đã bén rễ và phát triển tốt.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng thôn Đồng Cảo, xã Đại Phú thì trước đây người dân chưa hiểu rõ quy trình, kỹ thuật trồng rừng, cùng với việc mua phải cây giống không đảm bảo nên mỗi vụ trồng, tỷ lệ cây hỏng chiếm từ 10 - 15%. Những năm gần đây, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên về thôn hướng dẫn bà con chọn mua giống tại các cơ sở uy tín, được cấp phép; hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên số cây chết sau khi trồng hầu như không còn.
Cùng với công tác trồng rừng, cán bộ kiểm lâm huyện đã phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; nâng cao ý thức người dân trong chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Dương tiếp tục phối hợp với các xã hướng dẫn nhân dân chăm sóc rừng mới trồng, đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ sống cao. (Báo Tuyên Quang 10/6) đầu trang(
Theo kế hoạch thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2017, Cà Mau hiện có tổng diện tích rừng phải trồng để thay thế cho diện tích đã chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 347 ha.
Trong đó, trồng từ nguồn vốn ngân sách 120 ha và vốn của chủ đầu tư hơn 227 ha.
Ngoài ra trước đó, trong giai đoại 2006 – 2015, khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải trồng thay thế là 365 ha, nhưng hiện chỉ mới trồng được 246 ha, còn lại 119 ha diện tích chưa trồng và phải trồng theo đúng phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuyển mục đích sử dụng rừng.
Đó là chưa kể, diện tích trồng thay thế từ năm trước còn tồn đọng đến nay gần 17 ha. Theo đánh giá của ngành chức năng, công tác trồng rừng thay thế hiện gặp nhiều khó khăn là do đa số các công trình có diện tích phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng rất nhỏ lẻ.
Mặt bằng trồng rừng hầu hết phải san lấp bờ kênh với diện tích một lô rừng từ 0,2 – 0,3 ha. Do đó, việc điều tra khảo sát diện tích trồng rừng mất nhiều thời gian, nhân lực và kinh phí nên diện tích trồng rừng thay thế trong thời gian qua không đạt kế hoạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử thông tin, trước những vấn đề còn vướng mắc trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh tìm giải pháp chỉ đạo tăng cường trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang sử dụng mục đích khác.
Đồng thời, UBND yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương lập Đề án thí điểm trồng rừng mới tại khu vực bãi bồi và khu vực sau các bờ kè ven biển. Đồng thời phải báo cáo, đề xuất về UBND tỉnh trong tháng 6 này, từ đó để xem xét, trình Bộ Nộng nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi đưa vào triển khai.
Bên cạnh đó, diện tích trồng rừng mới trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều và nguồn thu từ trồng rừng thay thế chưa phát sinh, nên UBND tỉnh Cà Mau thống nhất chưa thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. (Bnews 10/6) đầu trang(
Thời gian qua, huyện Minh Hóa đã đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho hộ dân quản lý để phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả rừng và đất rừng, bảo đảm tất cả diện tích rừng, đất rừng đều có chủ sử dụng.
Theo đó, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, tăng cường công tác giao, cho thuê đất, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp.
Theo thống kê của UBND huyện Minh Hóa, từ đầu năm đến nay, huyện đã giao trên 1.100 ha đất lâm nghiệp cho 483 hộ dân quản lý sử dụng, trong đó, xã Hồng Hóa giao thực địa 375,1 ha cho 121 hộ dân, xã Dân Hóa giao 300 ha cho 215 hộ và xã Trọng Hóa giao 463,16 ha cho 147 hộ. (Báo Quảng Bình 10/6) đầu trang(
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 53.000ha đất nông nghiệp được người dân sản xuất ổn định lâu năm, nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 53.000ha đất nông nghiệp được người dân sản xuất ổn định lâu năm, trong đó một số diện tích đã được cấp quyền sử dụng đất theo Quyết định 450 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vào năm 2008. Tuy nhiên, qua số liệu kiểm tra, rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng mới đây của Công ty cổ phần thiết kế lâm nghiệp Lâm Đồng, thì toàn bộ số diện tích này lại nằm trong vùng đất quy hoạch lâm nghiệp. Để đảm bảo ổn định sản xuất cho các hộ dân đang sở hữu diện tích này, chính quyền các địa phương kiến nghị với các ngành chuyên môn và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có phương án, đưa toàn bộ diện tích này ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp.
Việc quy hoạch 3 loại rừng là nhằm đảm bảo tốt cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đánh giá sự tăng, giảm các loại rừng hàng năm, đồng thời có giải pháp đầu tư, cải tạo, góp phần nâng độ che phủ rừng của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 đạt khoảng 55%. Trong khi đang có giải pháp cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý, nhất là địa bàn vùng giáp ranh, nơi diện tích đất bị lấn chiếm sản xuất lâu năm. (Đài PTTH Lâm Đồng 11/6) đầu trang(
Sáng ngày 9/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận phối hợp với Ban quản lý chương trình UN-REED tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2025.
Tính đến năm 2015, tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 350.763 ha; trong đó bao gồm 3 loại rừng: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Diện tích rừng được phân bố ở 10/10 huyện, thị của tỉnh.
Trong suốt thời gian qua, việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững rất được tỉnh quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhằm quản lý tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp phù hợp quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử sụng đất của địa phương trong cùng thời kỳ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng; đảm bảo yêu cầu phòng hộ, vừa sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết: Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là nhu cầu sử dụng đất của người dân, hiện một phần diện tích được quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng không còn phù hợp với tình hình phát triển ở một số địa phương, đặc biệt đối với một số hộ dân đã sinh sống và đang sản xuất ổn định. Ngược lại, rừng tự nhiên ở các khu vực sản xuất có tính chất phòng hộ xung yếu cho các hồ, đập vùng ven biển, cần phải chuyển sang quy hoạch là rừng phòng hộ để được bảo vệ tốt hơn, đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng.
Theo Chi cục Kiểm Lâm Bình Thuận, việc triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020 phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; các đề án, quy hoạch ngành đã được phê duyệt, cũng như các định hướng phát triển của tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc: vận dụng các tiêu chí phân cấp phòng hộ, phân loại rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Trong đó ưu tiên rà soát chuyển đổi một phần diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất để phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo mục tiêu phát triển rừng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Trong giai đoạn 2006 - 2025, dự kiến tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp cần đưa vào rà soát là 365.689 ha. (Đảng Cộng Sản VN 10/6)đầu trang(./.