Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 11 tháng 03 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Theo chi cục Kiểm lâm, hiện nay toàn bộ diện tích rừng của tỉnh An Giang đang ở cấp cháy V, là cấp cháy cực kỳ nguy hiểm, nhiệt độ không khí lúc 13 giờ biến động từ 330 – 350, các vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô kiệt nước, độ ẩm rất thấp, rất dễ bắt lửa cháy lớn và lây lan nhanh trên diện rộng, tạo thành những đám cháy lớn, sẽ gây thiệt hại nhiều mặt.
Tính từ đầu mùa khô đến nay đã xảy ra 03 vụ vi phạm sử dụng lửa gây cháy lan vào rừng, tuy không gây thiệt hại đến rừng, nhưng đã cho thấy sự bất cẩn trong sử dụng lửa đe dọa đến rừng.
Mặt khác, lượng khách hành hương, du lịch viếng núi ngày càng đông hơn cùng kỳ và kéo dài đến những ngày lễ hội như Lễ hội Chùa Bà Chúa Xứ, Lễ Thanh Minh và lễ hội Đình Thới Sơn là những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy rừng cao.
Do đó, để chủ động trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong thời gian cao điểm mùa khô năm 2015, nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; ngày 03/3/2015 Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc Chi cục, các phòng nghiệp vụ cần tập trung đề cao cảnh giác, luôn đặt lực lượng trong tình trạng sẵn sàng làm nhiệm vụ và thực hiện ngay những giải pháp sau:
Một: Các đơn vị trực thuộc Chi cục: Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên; Hạt Kiểm lâm Tri Tôn; Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng; Trạm Kiểm lâm Trà Sư xây dựng lịch ứng trực phòng cháy chữa cháy rừng hang ngày tại đơn vị, trong những ngày nghỉ: thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ phải đảm bảo 100% cán bộ công chức và viên chức (viết tắt là CBCC và VC) có mặt tại đơn vị.
Trong thời gian trực nếu cán bộ công chức và viên chức nào vắng mặt phải có lí do chính đáng và phải được sự đồng ý của Chi cục trưởng. Thời gian trực bắt đầu từ ngày 04/3/2014 đến khi có thông báo mới.
Hai: Tạm ngừng các hoạt động trong rừng như: giải quyết chặt cây, tỉa thưa rừng, lấy thuốc nam. Giao các Hạt chủ động trao đổi với Chính quyền địa phương để ngăn chặn khách du lịch, hành hương vào một số khu vực, một số điểm có diện tích rừng dễ cháy (nếu thấy không cần thiết); tăng cường nhiệm vụ tuần tra, ngăn chặn những người vào rừng khai thác lâm sản trái phép.
Ba: Tại văn phòng Chi cục, tổ chức phân công Phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên tổ chức trực 24/24 giờ mỗi ngày. Trong thời gian trực phải cập nhật Email, báo cáo kịp thời biến tình hình phòng cháy chữa cháy của các đơn vị trực thuộc hàng ngày đến cấp trên và luôn trong tư thế sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh huy động. (Báo An Giang 10/03)đầu trang(
Năm 2014, lực lượng kiểm lâm huyện Văn Chấn đã phát hiện và xử lý 73 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 25 vụ cất giấu lâm sản, 40 vụ vận chuyển, 6 vụ vi phạm thủ tục hành chính, 1 vụ khai thác, 1 vụ phá rừng; tịch thu 26,914m3 gỗ tròn, 14,88m3 gỗ xẻ, 500kg cành cục pơ mu.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và quản lý lâm sản, năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng (BVR) đồng thời tổ chức tuần tra, truy quét và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Nhờ đó, tình trạng khai thác, buôn bán, chế biến, vận chuyển, tàng trữ lâm sản và động vật rừng trái phép trên địa bàn huyện cơ bản đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Văn Chấn hiện có 62.647ha rừng, trong đó, diện tích rừng tự nhiên 45.237ha, rừng trồng 17.410ha, tỷ lệ che phủ 51,9%. Để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, Hạt Kiểm lâm huyện luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về rừng giữ vị trí hàng đầu.
Hạt đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn xuống các thôn, bản tuyên truyền cho người dân hiểu được các chính sách, văn bản của các cấp, ngành về bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR, quản lý lâm sản.
Năm 2014, Hạt đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức 374 hội nghị; in ấn hơn 3.000  tờ rơi, áp phích tuyên truyền về công tác BVR - PCCCR cho các thôn, bản; ký cam kết BVR, PCCCR tới 34.144 lượt hộ gia đình; vận động nhân dân tích cực tham gia trồng rừng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và đấu tranh tố giác những đối tượng, tụ điểm lén lút khai thác, mua bán, cất giấu, chế biến, vận chuyển lâm sản trái phép để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Song song với công tác tuyên truyền, Hạt đã chủ động xây dựng các kế hoạch về kiểm tra, truy quét tình trạng phá rừng khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép đồng thời các trạm kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tuần tra, truy quét tại các "điểm nóng" phá rừng và chốt chặn các tuyến đường ra, vào rừng để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm.
Năm qua, lực lượng kiểm lâm toàn huyện đã phát hiện và xử lý 73 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 25 vụ cất giấu lâm sản, 40 vụ vận chuyển, 6 vụ vi phạm thủ tục hành chính, 1 vụ khai thác, 1 vụ phá rừng; tịch thu 26,914m3 gỗ tròn, 14,88m3 gỗ xẻ, 500kg cành cục pơ mu.
Các trạm kiểm lâm cũng đã tạm giữ: 38 xe máy, 6 ô tô, 2 xe cải tiến, 1 máy cưa xăng, xử phạt hành chính 93 triệu đồng. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, tình trạng khai thác, buôn bán, chế biến, vận chuyển, tàng trữ lâm sản và động vật rừng trái phép trên địa bàn huyện cơ bản đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, công tác QLBVR trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn do nhiều công trình cơ sở hạ tầng như thủy điện, khai thác khoáng sản, đường giao thông... được xây dựng trong các khu rừng, khi mở đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà còn lớn, đời sống của người dân còn khó khăn nên một số nhóm hộ lúc nông nhàn vẫn lén lút vào rừng chặt gỗ tự nhiên, bán lấy tiền kiếm sống, đặc biệt ở các xã trọng điểm như: Nậm Búng, Nậm Mười, Nậm Lành, Suối Giàng, Cát Thịnh, Thượng Bằng La.
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, Hạt sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về QLBVR; chú trọng công tác PCCCR mùa khô xác định các vùng trọng điểm có nguy có cháy rừng cao để khoanh vùng, lên bản đồ, từ đó có biện pháp PCCCR cụ thể; thực hiện tốt Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp huyện Văn Chấn giai đoạn 2012 - 2015; tăng cường kiểm tra, kiểm soát lâm sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, quản lý lâm sản, PCCCR.
Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, từng bước xã hội hóa; nâng cao mức phí khoán; thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng, khuyến khích người dân trồng rừng phát triển kinh tế. Có như vậy, việc QLBVR mới thực sự bền vững. (Báo Yên Bái 10/03)đầu trang(
Miền Trung được nhận định là nơi tiêu thụ động vật hoang dã chiếm 50% của cả nước. Vì vậy, việc ngăn chặn tiêu thụ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn các loài này.
Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng về các loài động vật hoang dã (ĐVHD), đặc biệt có nhiều loài nằm trong danh mục các loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Tuy nhiên, thói quen tiêu thụ ĐVHD của người Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tuyệt chủng một số loài nguy cấp.
Tại TP Đà Nẵng, số vụ vi phạm về quảng cáo và bán các sản phẩm từ động vật hoang dã trong năm 2013 là 31, trong năm 2014 đã tăng lên 80 vụ. Tương tự, số vụ vi phạm về trưng bày và nuôi nhốt trong năm 2014 là 29 trong khi năm 2013 chỉ có 15 vụ. Kết quả đợt kiểm tra dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng kiểm lâm và cảnh sát môi trường TP Đà Nẵng đã phát hiện hàng chục kg thịt động vật hoang dã tại một số nhà hàng, quán ăn.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết quán nhậu đều có các món thịt thú rừng. Thậm chí ở nhiều huyện miền núi, thịt thú rừng bày bán công khai. Mới đây, Công an TP Quảng Ngãi vừa phát hiện và bắt quả tang một cơ sở chuyên mua bán động vật hoang dã trái phép tại phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ trên 100kg rắn, rùa, nhím và chồn ướp đông lạnh. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 5 cá thể khỉ, 2 cá thể khỉ còn sống, 3 cá thể đã bị chết.
Chỉ riêng năm 2014, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, hủy hơn 10 nghìn bẫy thú rừng tại miền núi. Quá trình kiểm tra nhà hàng, quán nhậu, Chi cục Kiểm lâm phát hiện và tịch thu hơn 400 kg thịt rừng. Đó chỉ là những con số khiêm tốn vì thực tế sản phẩm thịt rừng từ nạn săn bắn trái phép chưa bị phát hiện, xử lý còn rất nhiều.
Theo tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tại Việt Nam, trước kia loài hổ phân bố ở dãy rừng Trung Trường Sơn, chủ yếu tập trung ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, ước có số lượng hổ trên 7 cá thể, nhưng hiện tại ước còn vài cá thể.
Khoảng 10 năm trước đây, loài voọc chà vá chân xám, linh trưởng được phát hiện với hàng chục cá thể ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thì 4 năm trở lại đây gần như kiểm lâm và người dân chưa phát hiện được cá thể nào sinh sống ở dãy rừng này.
Các chuyên gia về bảo tồn ĐVHD trong nước lẫn quốc tế dự báo, nếu không ngăn chặn kịp thời thì sớm muộn gì rừng Trung Trường Sơn qua Quảng Nam sẽ bị tuyệt chủng nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Miền Trung là địa bàn có nguồn tài nguyên ĐVHD phong phú. Đây cũng chính là địa bàn các đối tượng lợi dụng hoạt động buôn bán, vận chuyển ĐVHD quý hiếm với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Trong khi đó, lực lượng cán bộ, chiến sĩ trong lĩnh vực này còn mỏng, kinh nghiệm còn hạn chế dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Mặt khác, các loại sản phẩm, chế phẩm từ ĐVHD là mặt hàng đem lại lợi nhuận cao, nên nhiều đối tượng phạm tội đã bất chấp khung xử phạt và vẫn vi phạm.
Cùng với đó, hệ thống các văn bản pháp luật mặc dù được sửa đổi, bổ sung nhưng thực tế còn thiếu và chưa đồng bộ đã tạo nhiều lỗ hổng để đối tượng lợi dụng hoạt động.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh các địa phương cũng đã có động thái tích cực trong kiểm soát chặt chẽ các hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã; phân loại các vùng rừng ưu tiên để có kế hoạch bảo tồn sinh thái.
Điển hình như UBND tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 133.722ha, bao gồm các Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Sao La, Ngọc Linh, Voi Nông Sơn, Cù Lao Chàm…
Thêm vào đó, bắt buộc các hộ dân sinh sống gần khu vực rừng đặc dụng và các nhà hàng, quán ăn cam kết không khai thác, mua bán, kinh doanh, chế biến động vật rừng và các sản phẩm của chúng khi không có nguồn gốc rõ ràng. Tuy vậy, các chế tài xử lý của lực lượng chức năng vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để nạn sát hại muông thú ở miền núi.
Do vậy, trong thời gian tới, để ngăn chặn tình trạng gia tăng buôn bán, sử dụng các loài động vật hoang dã, các cơ quan liên quan cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm, ý thức bảo vệ động vật hoang dã, như huy động sự tham gia của các cộng đồng trong các hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến các quy định, cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, cơ sở sản xuất và từng người dân thay đổi nếp sống, suy nghĩ và hành vi trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung và động vật hoang dã nói riêng.  (Tài Nguyên & Môi Trường 11/03, Tr3)đầu trang(
Một loài thực vật mới được đặt tên Bùng bục Phong Nha vừa được hai nhà thực vật Việt Nam công bố, góp phần nâng cao đa dạng sinh học ở đây.
Ngày 10/3, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho hay hai nhà thực vật Nguyễn Thị Kim Thanh và Nguyễn Nghĩa Thìn (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố một loài thực vật mới. Loài mới được đặt tên là Bùng bục Phong Nha với tên khoa học đầy đủ là Mallotus phongnhaensis Thin & Kim Thanh, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Đây là loài thuộc về chi Mallotus, nhánh Axenfeldia, có khác biệt so với các loài cùng chi ở đặc điểm là cây bụi cao đến một mét, phiến lá có 6-12 gân phụ mỗi bên và cụm hoa mọc ở thân, có ít hoa (10-15 hoa đực).
Loài mới được mô tả dựa trên mẫu thu được tại khu vực Dốc Táu thuộc phân khu dịch vụ hành chính của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong một đợt nghiên cứu khoa học vào giữa năm 2006.
Việc phát hiện loài mới sẽ góp phần nâng cao giá trị về đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng và đa dạng sinh học cho Việt Nam nói chung.
Trước đó tháng 12/2014, các chuyên gia Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật công bố loài ếch giun mới ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có tên khoa học là Ichthyophis chaloensis sp.nov, thuộc họ ếch giun (Ichthyophiidae), bộ không chân (Gymnophiona). (VnExpress.net 10/03)đầu trang(
Một vụ cháy lớn xảy ra tại khu vực rừng tái sinh nằm trong dự án Sing – Việt, đường Trần Đại Nghĩa, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM khiến nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực phải di dời tài sản vì sợ ngọn lửa cháy lan. Vụ cháy xảy ra vào khoảng 16h ngày 10/3.
Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, người dân phát hiện ngọn lửa bùng phát tại khu vực rừng tái sinh nằm trong vực dự án Sing – Việt. Công an xã, dân phòng và nhiều người dân đã huy động lực lượng tại chỗ để dập lửa song do khu vực cháy có nhiều lau sậy, cổ khô, tràm tái sinh… kết hợp với gió khiến đám cháy bùng phát dữ dội, nhanh chóng lan rộng đe dọa đến nhiều hộ dân sinh sống gần khu vực trên.
Đến hơn 18h cùng ngày, công tác dập lửa bất thành, ngọn lửa mỗi lúc lan rộng thêm, lực lượng tại chỗ nhanh chóng gọi cho lực lượng PCCC huyện Bình Chánh đến hiện trường để dập lửa. Nhận được tin báo, PCCC huyện Bình Chánh đã điều 6 xe nước cùng hàng chục chiến sĩ đến hiện trường. Trong khi đó, người dân di dời tài sản ra ngoài đường Mai Bá Hương.
Đến 21h cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 7ha rừng tràm tái sinh…
Người dân cho biết, khu vực cháy trước đây được người dân trồng tràm. Khi có chính sách giải tỏa, tràm được đốn hạ để lấy đất làm dự án Sing – Việt, người dân được đền bù giải tỏa để giao đất.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài dự án vẫn chưa được triển khai, cỏ mọc cao, tràm tái sinh trở lại và người dân thường ra vào khu vực này đốt cỏ tranh lấy ong mật. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. (Tin Tức 11/03)đầu trang(
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Gia Lai, 2 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh phát hiện 124 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, tính riêng trong tháng 2, đã phát hiện 73 vụ vi phạm, có dấu hiệu tăng hơn so với năm ngoái.
Trong số đó, vi phạm về vận chuyển, mua bán, cất giấu lâm sản trái phép 104 vụ, vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản khác 16 vụ, vi phạm quy định về chế biến gỗ và lâm sản khác 1 vụ, phá rừng trái phép 1 vụ, làm thiệt hại 0,48 ha rừng; vi phạm khác 2 vụ.
Cơ quan chức năng đã xử lý 123 vụ; tịch thu 54,8 m3 gỗ tròn; 160,7 m3 gỗ xẻ các loại, 35 ô tô, xe máy; thu nộp ngân sách trên 3,6 tỷ đồng
Song song với việc tăng cường quản lý và bảo vệ, công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2015 cũng được tích cực triển khai, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra. (Tài Nguyên & Môi Trường 10/03)đầu trang(
Theo chỉ dẫn của ông lang K., người sở hữu đại mãng xà khổng lồ, tôi tìm gặp đầu nậu V. để ghi chép lại câu chuyện bắt được hổ chúa. Câu chuyện tóm được đại mãng xà chỉ có vậy.
Tuy nhiên, đầu nậu V. đã cung cấp thêm cho chúng tôi một địa chỉ mới, về một nữ đại gia, ở tỉnh X., cách Tuyên Quang không xa, hiện cũng đang sở hữu một đại hổ chúa khổng lồ, to không kém gì của ông lang K.
Nếu đây là sự thực, thì có thể tin rằng, ở rừng rú Việt Nam, hiện vẫn còn loài mãng xà lớn khủng khiếp, một thứ tưởng như chỉ có trong huyền thoại. Từ sự giới thiệu của đầu nậu V., chúng tôi tìm lên tỉnh X..
Nữ đại gia sống trong một biệt thự uy nghi ở thị xã. Chị đón tiếp rất vui vẻ, xởi lởi. Tuy nhiên, chị yêu cầu phải giấu tên, địa chỉ thật.
Chị D. là giám đốc một doanh nghiệp chuyên về xây dựng, cầu đường. Chị vốn sợ rắn và chẳng có hứng thú gì trong việc sưu tập loài rắn này cả. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao, khi nhìn thấy con rắn khổng lồ này, chị lại nảy sinh ý tưởng đem nó về ngắm.
Hồi đó, vào tháng 2-2011, chị D. có chuyến công tác vào một xã ở phía Bắc của tỉnh. Đang ngồi trên ô tô, chị thấy một nhóm thanh niên khiêng một bao tải, buộc lủng lẳng trên ống luồng.
Thấy sự lạ, chị bảo lái xe dừng lại rồi chạy đến ngó. Chị hỏi khiêng gì, anh chàng người dân tộc bảo “khiêng rắn”. Chị không tin lại có rắn to đến thế, nên đòi xem.
Đám thanh niên mở bao, thì quả đúng là một con rắn khổng lồ, lưng màu nâu xám, nằm quấn nhiều vòng trong chiếc bao lớn. Nhìn con rắn hoang dã lớn chưa từng có, chị D. sợ suýt ngất. Con rắn đã được tiêm thuốc mê nên ngủ ngon lành.
Theo đám trai bản, thì ở cạnh bản của họ, tồn tại một con rắn khổng lồ, nhưng chưa ai tận mắt. Sở dĩ, người trong bản biết có con hổ chúa khổng lồ là bởi vì hàng năm họ vẫn bắt gặp một bộ da rắn lột dài bằng mấy lần đòn gánh, to bằng cái phích.
Người dân trong bản vẫn thường xuyên tóm được rắn hổ chúa hoang dã, tuy nhiên, con to nhất cũng chỉ chừng 5 đến 6kg, dài độ 3-4m. Chưa ai từng thấy bộ da lột nào khủng khiếp như thế.
Người dân trong bản thi thoảng tổ chức vào rừng truy tìm con “quái thú” này, song đều thất bại. Con rắn này đã thành tinh, thấy hơi người từ xa đã tìm cách trốn vào rừng thẳm, nên không sao bắt nổi nó. Nó chạy rất nhanh trên mặt đất, lại biết leo cây, bơi dưới suối, nên địa hình thế nào nó cũng thoát được.
Một ngày, khi nhóm thanh niên trong bản vừa đi nương về, thì nghe thấy tiếng chú chó sủa văng vẳng từ trong rừng. Nhóm thanh niên lần theo tiếng chó sủa inh ỏi. Giữa bãi đất trống, chú chó sủa liên hồi, khuôn mặt dữ tợn, gầm gừ hướng về phía hốc cây mục.
Đám thanh niên lạnh sống lưng khi thấy mãng xà khổng lồ, thân to đúng bằng cái phích, lưng màu nâu xám, thân như dây rừng khổng lồ quấn vào thân cây mục, ngóc cái đầu lên cao, bành ra, lưỡi thè lè nhìn chú chó.
Nhìn “quái thú”, nhóm thanh niên cứ ríu chân lại, không bước nổi nữa, chứ đừng nói đến chuyện xông vào tóm nó. Nó chỉ mổ một nhát thì có trời mà cứu. Điều kỳ lạ, là một lát sau con rắn không ngóc đầu lên nữa, mà rúc đầu vào hốc cây mục nằm im.
Riêng chú chó thì vẫn hung dữ sùng sục quanh mãng xà để đe dọa. Không biết con rắn chúa khổng lồ này không thèm chấp chú chó nên rúc đầu vào hốc cây để ngủ hay sợ quá nên chui vào hốc cây để trốn.
Cơ hội ngàn vàng đã đến, nhóm thanh niên bản dàn trận tóm sống con rắn chúa khổng lồ này. Người xông vào đè phần đuôi, người đè phần thân. Chú rắn khổng lồ ngọ nguậy tìm cách rúc sâu vào hốc cây, nhưng không thể được nữa. Nhóm người này kéo dần chú rắn ra, rồi mấy người cùng lúc xông vào đè nghiến đầu rắn. Cả nhóm thanh niên khỏe mạnh phải vật lộn một lúc lâu, mệt nhoài, mới thu phục được con rắn.
Sau khi định thần, nữ đại gia D. quyết mua bằng được con rắn này. Chị hỏi bán bao nhiêu tiền, đám thanh niên bản lôi nhau ra một chỗ bàn cãi một lúc mà không thống nhất được giá.
Biết đám thanh niên này không định giá được con rắn, nên chị D. đã đề nghị đổi 1 cây vàng.
Rắn hổ chúa nuôi chỉ có giá trên dưới 2 triệu đồng/kg. Rắn hoang đã thường đắt gấp đôi, gấp ba. Hổ chúa hoang dã trọng lượng lớn có giá 5-7 triệu đồng/kg, còn con rắn khổng lồ, có một không hai này, thì khó có thể định giá được.
Trong thâm tâm chị D., con rắn hổ chúa này phải có giá cả trăm triệu đồng, song chị D. cứ trả rẻ như thế, rồi đám thanh niên này có đòi thêm, chị cũng chấp nhận. Không ngờ, chị D. đưa ra giá 1 cây vàng, đám thanh niên gật đầu chấp nhận luôn. Chị tháo chiếc dây chuyền đeo trên cổ, vùng với chiếc nhẫn đeo tay, vừa tròn một cây vàng.
Hôm chị D. đưa rắn về, cả khu phố kéo đến xem. Bạn bè, đồng nghiệp được tin chị D. “tóm” được mãng xà ầm ầm kéo đến. Lúc này, hết thuốc mê, con rắn khổng lồ đã tỉnh lại.
Tuy nhiên, chồng chị D. đã buộc dây thừng vào cổ, cột vào gốc cây. Miệng con rắn cũng đã được khâu lại bằng dây thép cho an toàn. Nhìn cái đầu to tướng, bè bè, với đôi mắt to đúng bằng quả trứng gà, mà ai cũng choáng.
Chồng chị D. lấy thước ra đo và thấy nó dài đúng 7m, cân nặng 21kg. Chiếc bình thủy tinh có chu vi tới 1,2m, mà cuộn con rắn hơn 6 vòng mới hết.
Chị D. kể, phải mất tới 100 lít rượu mạnh để rửa sạch toàn bộ con rắn này. Nhân viên của chị phải xuống tận Hà Nội mới kiếm được một chiếc bình thủy tinh đủ lớn để chứa được con rắn.
Sau khi “quái thú” yên vị ở trong bình rượu, tỉ mẩn đếm số vòng của con rắn này và thấy nó có tới 120 vòng thân. Theo một số người con rắn này đã 120 tuổi!
Giống rắn chúa bình thường chỉ sống kịch kim là 30 năm. Riêng con rắn này, về độ lớn là kỳ lạ, nên tuổi tác của nó có thể cũng là điều kỳ lạ, chưa thể lý giải được.
Theo chị D., từ ngày sở hữu “quái thú” hổ chúa khổng lồ, dù kinh tế đất nước khó khăn, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, song chị thấy công việc làm ăn của chị rất thuận lợi. Chị nổi tiếng ở tỉnh này không phải vì là nữ giám đốc một doanh nghiệp tầm cỡ, cũng không phải chị cưỡi chiếc xe bạc tỉ, mà chị nổi tiếng vì sở hữu con rắn khổng lồ.
Đã mấy năm nay, chị đặt con rắn ở văn phòng công ty, ngay bàn làm việc của chị. Cũng từ ngày sở hữu con rắn, chị tự dựng không thấy sợ rắn nữa. Đôi lúc mệt mỏi, ngắm con rắn, chị thấy mạnh mẽ hơn.
Các đại gia ngâm rượu rắn để uống, nhưng vợ chồng chị D. thì không vậy. Vợ chồng chị thậm chí còn không biết uống rượu và chắc chắn cũng không mời ai uống.
Đã có một số đại gia, quan chức đòi mua bình rượu với giá hàng trăm triệu đồng, nhưng chị D. nhất quyết từ chối. Chị ngâm rắn vào rượu với mục đích bảo quản, giữ gìn con rắn lâu dài mà thôi. Bạn bè, khách hàng đến văn phòng đều chẳng còn tâm trí trò chuyện, trao đổi công việc, mà tất cả đều ngắm nghía con rắn, sau đó thì chụp ảnh kỷ niệm. (Tiền Phong 11/3)đầu trang(
Mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng gần đây tình trạng săn bắt động vật hoang dã tại một số địa phương nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương đang có chiều hướng gia tăng. Nghiêm trọng hơn, tình trạng mua, bán, vận chuyển thịt thú rừng còn diễn ra công khai khiến dư luận nhân dân hết sức bất bình.
Vườn Quốc gia Cúc Phương là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ranh giới 3 ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Đây là khu vực có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới và là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam có nhiều loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn.
Vườn Quốc gia Cúc Phương được ghi nhận có hệ sinh thái phong phú và đa dạng, gồm 97 loài thú (trong đó nổi bật nhất là các loài khỉ châu Á), 137 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng nghìn loài côn trùng...
Nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Đây cũng là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng về mặt bảo tồn, trong đó có voọc quần đùi trắng (loài linh trưởng) đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu ở mức đe dọa cực kỳ nguy cấp và loài cầy vằn, báo hoa mai đang ở mức đe dọa cấp quốc gia.
Thế nhưng, gần đây tình trạng săn, bắt động vật hoang dã ở khu vực rừng Cúc Phương có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp theo kiểu tận diệt. Dọc đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đến xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (hai xã nằm trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Cúc Phương), chúng tôi bắt gặp không ít các quán ăn, nhà hàng kinh doanh có liên quan đến việc mua, bán thịt thú rừng.
Trên địa bàn nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương, một số quán ăn bên đường còn công khai giá bán thịt thú rừng. Theo đó, sóc rừng có giá từ 60.000 đến 70.000 đồng/con, dúi từ 300.000 đến 350.000 đồng/con, thịt hoẵng từ 400.000 đến 450.000 đồng/kg.
Ngoài ra, các loại khác như: Cầy vòi, cầy hương... được bán với giá từ 450.000 đến 1,2 triệu đồng/kg. Ví dụ, tại nhà hàng “Điểm hẹn Cúc Phương-Quán gió hương rừng” nằm trên địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, chúng tôi được một nhân viên “tiếp thị” có các loại thịt thú rừng như: Hoẵng, lợn rừng, sóc... với giá "phải chăng" và các loại thịt này luôn có sẵn trong tủ lạnh.
Còn tại nhà hàng Quang Đức (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), bên cạnh các loại đặc sản rừng như: Gà đồi, dê núi được giới thiệu, chúng tôi cũng được các nhân viên ở đây cho biết, thịt sóc mua mang về nhà giá 100.000 đồng/con, còn ăn tại nhà hàng giá 110.000 đồng/con...
Như để minh chứng và khẳng định nhà hàng luôn bán thịt rừng tươi ngon, chất lượng, một nhân viên dẫn chúng tôi vào xem trực tiếp. Chỉ tay vào tủ lạnh, nhân viên này giới thiệu đó là thịt thú rừng “xịn” đã được làm sạch, bảo quản...
Ông Bùi Văn Thức, một người dân ở xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Việc các quán ăn, nhà hàng phục vụ các món ăn từ thịt thú rừng không còn là chuyện lạ, cũng không ai rõ nguồn gốc từ đâu, chất lượng thế nào.
Tình trạng săn, bắt động vật hoang dã trên địa bàn vẫn diễn ra lén lút từ nhiều năm nay, thế nhưng cũng chưa thấy ai bị xử lý”.
Chúng tôi đem những thông tin ghi nhận được tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn cùng với những thắc mắc về việc săn, bắt, mua, bán thịt thú rừng diễn ra công khai đến Trạm Kiểm lâm số 4 (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương) nhằm làm rõ.
Thế nhưng, khi được hỏi: “Việc người dân săn bắt và các quán ăn mua, bán thịt thú rừng đang diễn ra ngay trong khu vực địa bàn do đơn vị quản lý, cán bộ kiểm lâm có biết, việc xử lý được thực hiện như thế nào?”, ông Phạm Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 4 lại trả lời: “Chúng tôi không có quyền phát ngôn, nếu muốn tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, các anh nên liên hệ với Ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Đức Biên, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương, nói: “Chưa có cơ sở để khẳng định đây là thịt thú rừng. Có thể các nhà hàng đánh lừa khách để trục lợi...”.
Rồi ông Biên hứa: “Nếu đúng có tình trạng này, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, cái khó là hiện nay các nhà hàng đều quen mặt lực lượng kiểm lâm, nếu đi kiểm tra là bị lộ. Việc phát hiện vi phạm để xử phạt là rất khó...”.
Đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, cùng Ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân cố tình săn bắt, buôn bán thịt thú rừng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân để công tác bảo vệ động vật hoang dã mang lại kết quả tích cực. (Quân Đội Nhân Dân 11/3)đầu trang(
Huyện rẻo cao Kỳ Sơn có diện tích tự nhiên gần 209 ngàn ha với trên 90% là đất lâm nghiệp, trong đó 60% là diện tích rừng phòng hộ nên việc chăm sóc, bảo vệ rừng là nhiệm vụ rất quan trọng. Những năm qua, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác này đạt nhiều kết quả tích cực.
PV ngược 12 km đường rừng vào xã Tây Sơn - một trong những xã có phong trào khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng tốt nhất huyện Kỳ Sơn. Ông Vừ Nỏ Dềnh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tây Sơn có 282 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu ở 6 bản, trong đó 100% là đồng bào Mông.
Từng là một trong những địa bàn trọng điểm về chặt phá, đốt rừng làm rẫy dẫn đến cháy rừng và sạt lở đất, nhưng từ năm 2010 lại đây công tác chăm sóc, bảo vệ rừng ở đây có sự chuyển biến đáng kể khi rừng được giao cho từng cộng đồng thôn bản và đại diện nhóm hộ quản lý, bảo vệ.
Hàng năm, bắt đầu vào mùa khô nhất là mùa làm rẫy, cán bộ kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ lên kế hoạch vào xã để tập huấn cho bà con và đến từng bản để chỉ vị trí làm rẫy tập trung, hướng dẫn cách tạo đường băng cản lửa khi phát rẫy; qua đó giao trách nhiệm cho từng bản và đại diện nhóm hộ.
Huyện ban hành quy chế để đại diện nhóm hộ chịu trách nhiệm trước trưởng bản, trưởng bản chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND xã về diện tích rừng thuộc bản mình quản lý chăm sóc; hộ nào có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy ước thôn bản.
Ông Vừ Chông Dì, bản Huồi Giảng 3 nhận khoanh nuôi, bảo vệ trên 3 ha sa mu cho biết: Thời gian đầu khi chưa có kinh phí hỗ trợ, công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn. 2 năm lại đây, trên cơ sở chi trả dịch vụ môi trường rừng và một số nguồn khác, gia đình được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha nên rất phấn khởi.
Xã Tây Sơn làm được thế là do dựa vào công tác bình xét hàng năm trong khoanh nuôi bảo vệ rừng, hộ nào làm tốt sẽ được địa phương tạo điều kiện nhận chế độ đầy đủ; ngược lại, những hộ vi phạm sẽ bị nhắc nhở và bình xét giảm tiền hỗ trợ nên tác động trực tiếp vào ý thức người dân.
Mặt khác, để phòng ngừa, UBND xã cũng giao cho các bản thường xuyên kiểm tra nhắc nhở người dân, nắm chắc các đối tượng săn bắn, khai thác tận thu để theo dõi nên số vụ cháy giảm hẳn.
Nhờ làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ, Tây Sơn là một trong ít xã của Kỳ Sơn bảo vệ được trọn vẹn diện tích rừng tự nhiên, trong đó còn trên 100 ha cây samu và pơ mu tự nhiên có giá trị kinh tế cao.
Ông Cao Văn Quỳnh, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn cho biết: Từ năm 2013, với việc chi trả quỹ dịch vụ môi trường rừng từ các dự án thủy điện, mỗi năm Kỳ Sơn được cấp gần 15 tỷ đồng nên công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng nhờ vậy có những thuận lợi lớn. Các kinh phí trên được chi trả trực tiếp, minh bạch theo quy định cho người dân qua bình xét của cộng đồng xóm bản nên có ý nghĩa động viên bà con.
Mặt khác, khi người dân làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng không chỉ tạo ra giá trị kinh tế lớn cho bảo tồn, phục hồi được những giống cây gỗ quý mà về lâu dài còn có thu nhập trước mắt rất đáng kể.
Như tại xã Tây Sơn, nhờ có rừng già tự nhiên, một số hộ dân còn nhân rộng các giống cây sống dưới tán cây rừng như bo bo, gừng… để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, ngoài nguồn hỗ trợ bảo vệ rừng khoảng 3 triệu đồng/ha, bình quân mỗi năm các hộ có thêm thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng từ các cây trồng ngắn hạn.
Từ năm 2012 lại đây, mỗi năm có hàng chục hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 55,3% năm 2014, trong đó có vai trò không nhỏ của việc khai thác tốt quỹ đất rừng.
Bên cạnh đó, để có được những cánh rừng quý giá như hiện nay, có vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên cốt cán xã. Chính các cán bộ, đảng viên trong xã được sự vận động của Lâm trường Kỳ Sơn (nay là BQL rừng phòng hộ) đã mạnh dạn nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng để bà con tin theo.
Từ vài hộ ban đầu, đến nay toàn xã có 150 hộ, chiếm 1/2 số hộ đứng ra nhận đất, mỗi hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ khoảng 2 ha rừng. Từ một xã thường xuyên để xảy ra cháy rừng, nhưng từ năm 2011 lại đây, Tây Sơn không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Rừng sa mu, pơ mu tự nhiên đang trở thành niềm tự hào của Kỳ Sơn.
Tại Kỳ Sơn còn một số xã có mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng cộng đồng đã có kết quả rõ nét. Điển hình là mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng cộng đồng ở bản Xiềng Tắm (xã Mỹ Lý) hay bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ), xã Mường Lống hay xã Hữu Lập,…
Ông Lô Văn Toán, chủ trang trại rừng ở bản Hoa Sơn, xã Tà Cạ cho hay: Năm 1997, ông nhận 10 ha đất của lâm trường, lúc đó rừng rất hoang sơ và nghèo kiệt chỉ toàn là sắn, cây cỏ dại và lau lách.
Vì vậy, ông có ý định phát sạch để trồng cây mới nhưng quá trình dọn dẹp, ông nhận thấy đất của mình còn có một số loại cây gỗ quý như đinh hương, săng lẻ, lát, xoan… nên quyết định để lại khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ.
Khoanh nuôi, bảo vệ rừng có lợi thế là không phải bỏ chi phí nhưng công chăm sóc vất vả và thời gian chờ thu hoạch khá dài nên để trụ được thì phải biết kết hợp “lấy ngắn nuôi dài”.
Tận dụng lợi thế đất, ngoài khoanh nuôi rừng, trang trại 10 ha của ông Toán tại khe Chù Lù, bản Hòa Sơn, Tà Cạ dựng thêm chuồng trại chăn nuôi hàng chục con gia súc, hàng trăm con gia cầm và 3 ao cá. Vì vậy, trong thời gian chờ các cây gỗ quý phát triển, ông Toán thu hoạch khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm từ chăn nuôi.
Hiện nay, trang trại của ông có nhiều loại gỗ quý với 3.000 cây săng lẻ, 400 cây đinh hương và trên 3.000 cây xoan, lát … từ 15 đến vài chục năm tuổi.
Ngoài các mô hình lớn, trên cơ sở chính sách của Nhà nước và của huyện, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, trong vòng 4 - 5 năm đã phát triển được gần 400 mô hình gia trại vườn rừng tổng hợp, từ chăn nuôi đến trồng trọt… góp phần bảo rừng mà và khai thác hiệu quả tiềm năng đất rừng, mang lại thu nhập cho người dân.
Ông Mùa Nỏ Xử, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Mặc dù hiệu quả kinh tế của các mô hình trang trại, gia trại ở Kỳ Sơn chưa lớn nhưng từ cơ chế khoanh nuôi, bảo vệ rừng, huyện đã khơi dậy được ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng bà con.
Do đó, năm 2014, Kỳ Sơn đã nâng độ che phủ rừng từ 49% lên 54% diện tích tự nhiên, cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội khóa XXI Đảng bộ huyện đề ra…”. (Báo Nghệ An 8/3)đầu trang(
Ban quản lý (BQL) Vườn Quốc gia Bái Tử Long có nhiệm vụ: Quản lý, bảo tồn phục hồi và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên về rừng, biển; phát triển và bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên... Vườn hiện có khoảng 2.247 loài động, thực vật; trong đó, 77 loài hệ sinh thái rừng, 31 loài hệ sinh thái biển có tên trong sách đỏ Việt Nam.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, những năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã khắc phục mọi khó khăn, vì mục tiêu giữ gìn, bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên của Vườn.
Theo đó, đơn vị đặc biệt quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng, biển và phòng cháy chữa cháy rừng.
BQL Vườn tổ chức hội nghị hướng dẫn các chủ rừng chưa được thu hồi nằm trong Vườn thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; chỉ đạo các trạm kiểm lâm, tổ cơ động bám sát địa bàn được phân công thường trực 24 giờ/ngày; tuyên truyền văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và biển cho hàng trăm tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản, khách du lịch, các xưởng chế biến thuỷ sản; Tổ chức ký cam kết cho 30 hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng trong ranh giới Vườn chưa được thu hồi và 8 cơ sở thu mua, chế biến sứa.
Qua đó, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng và thay đổi hành vi ứng xử của người dân đối với nguồn tài nguyên quý của quốc gia.
Bên cạnh đó, BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long còn tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm nguồn tài nguyên trong Vườn. Năm qua, BQL Vườn đã tổ chức 303 lượt, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 37 lượt tuần ra kiểm soát.
Qua đó, bắt 1 vụ khai thác thuỷ sản sai vùng, sai tuyến trong ranh giới Vườn Quốc gia; lập biên bản 2 vụ tàu thu mua chế biến sứa đỗ trái phép; phạt cảnh cáo 15 vụ phương tiện tàu thuỷ khai thác thuỷ hải sản trái phép…
Đi đôi với tuần tra, giám sát, BQL Vườn còn triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học: Nhân giống và gieo ươm một số loài cây quý hiếm; bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng; giám sát nghiên cứu phát hiện và dự báo xu thế biến đổi theo thời gian các yếu tố đa dạng sinh học và các yếu tố sinh thái khác dưới tác động của con người và các tác nhân khác; bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường biển; cứu hộ động vật hoang dã…
Năm 2014, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ 4 đợt động vật hoang dã, thả về môi trường tự nhiên 210 con mèo rừng, diều hoa, rùa nước ngọt và kỳ đà. Vườn chỉ đạo Trung tâm Quản lý, bảo vệ và nghiên cứu tập tính sinh thái từng loại cụ thể; từ đó, xây dựng phương án nuôi dưỡng, chuẩn bị nguồn thức ăn, vệ sinh chuồng trại, che chắn mưa gió, đảm bảo động vật luôn mát về mùa hè, ấm vào mùa đông.
Sau khi cứu hộ số động vật đã khoẻ mạnh, Vườn đã tổ chức thả 3 đợt động vật hoang dã với 144 con các loài về với môi trường tự nhiên.
Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bái Tử Long, cho biết: Diện tích của Vườn hoàn toàn nằm trên biển, nên các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường đều phải được tiến hành trên đảo.
Vì vậy, việc giữ gìn tài nguyên và thực hiện giám sát đa dạng sinh học gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, BQL sẽ tiếp tục tăng cường mọi biện pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn.
Trong đó, tập trung ứng dụng phần mềm SMART, GPS trong tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng, biển; tổ chức lực lượng trực cháy 24 giờ/ngày vào mùa hanh khô; giám sát phương án thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong Vườn. (Báo Quảng Ninh 9/3)đầu trang(
Theo kết quả Chương trình khảo sát tăng cường những vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiến hành tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, mức độ các vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã khá phổ biến.
Theo đó, trong tổng số 1.921 cơ sở kinh doanh đã khảo sát tại Hà Nội có 21% cơ sở khảo sát có dấu hiệu vi phạm. Các dấu hiệu vi phạm được phát hiện chủ yếu tại các nhà hàng chiếm 83% trong tổng số 408 các cơ sở kinh doanh. Qua đó, các cơ quan chức năng tại Hà Nội đã xử lý thành công 209 trong tổng số 408 cơ sở có dấu hiệu vi phạm, đạt tỷ lệ 51%.
ENV cũng cho biết, năm 2014 có 29 vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hành vi nuôi nhốt, bán hoặc quảng cáo các cá thể động vật hoang dã còn sống được đơn vị này thông báo tới cơ quan chức năng thành phố Hà Nội. Nhưng chỉ có 31% số vụ việc nêu trên được xử lý thành công, dù các cơ quan chức năng đã có phản hồi cho toàn bộ các vụ việc được thông báo. Như vậy tỷ lệ các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống được xử lý thành công thậm chí còn thấp hơn so với kết quả tương tự trong năm 2013.
Theo đánh giá của ENV, ngoài thành phố Hà Nội, chương trình khảo sát và đánh giá của ENV còn được thực hiện tại TP. Hồ CHí Minh, Huế và Quảng Trị. Qua đó, đánh giá về mức độ vi phạm về tiêu thụ động vật hoang dã giữa các thành phố thì Hà Nội là khu vực có tỷ lệ vi phạm cao nhất (chiếm 21%) và Huế là thành phố có tỷ lệ vi phạm thấp nhất (12%).
Nhằm hạn chế và đầy lùi việc tiêu thụ trái phép các loài động vật hoang dã, ENV tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng, UBND thành phố, các quận, huyện áp dụng nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, tạo sự dăn đe đối với các cơ sở kinh doanh có vi phạm. Trong trường hợp chủ cơ sở kinh doanh không chấp hành, cần phải áp dụng biện pháp cứng rắn hơn như tước giấy phép kinh doanh. (Thời Báo Tài Chính VN 10/3)đầu trang(
Trong bối cảnh toàn bộ 60.000 ha rừng trên địa bàn đang ở cảnh báo cháy rừng cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều ngày không có mưa, Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã tiến hành kiểm tra, rà soát và xác định có 5 khu vực dự báo nguy cơ cháy cao, cần tập trung cao độ để bảo vệ.
Đó là khu vực dọc hành lang biên giới Việt Nam-Campuchia, hai bên đường 791 từ Đồn biên phòng 833 thuộc xã Tân Bình đến cửa khẩu Quốc tế Xa Mát, thuộc đối tượng rừng khộp (RIIa) tại các tiểu khu 17 đến 21 thuộc Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (huyện Tân Biên); khu vực 2, gồm các tiểu khu 4, 7, 10, 11, 12, 13 thuộc khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc (dạng rừng gỗ xen le, trảng cỏ); khu vực 3 nằm dọc hành lang biên giới Việt Nam-Campuchia, hai bên đường 792 gồm các tiểu khu 32, 37, 44, 47, 48, 49, 50, 58, 59 phía Bắc thượng nguồn hồ Dầu Tiếng (thuộc dạng rừng gỗ, rừng khoanh nuôi tái sinh xen le, cỏ tranh, cỏ mỹ); khu vực 4 thuộc rừng trồng tập trung tại các xã Tân Thành, Tân Hòa, Suối Bà Chiêm, Suối Đá của khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng; khu vực 5 là núi Bà Đen, thuộc khu rừng Văn hóa - Lịch sử núi Bà.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 5.369 ha rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng nằm rải rác tại các xã Phước Vinh, Hòa Thạnh, Hòa Hội, Ninh Điền (huyện Châu Thành); Long Phước (huyện Bến Cầu); Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), do gần khu dân cư, dễ xảy ra cháy lan, tỉnh cũng cần quan tâm bảo vệ.
Đối với các khu vực trọng điểm trên, tỉnh Tây Ninh đã tăng cường lực lượng chuyên nghiệp từ 50 đến 70 người, thường xuyên phân công trực canh phòng ngày đêm; đồng thời, phối hợp với lực lượng hỗ trợ tại chỗ (từ 30 - 140 người), bao gồm: các hộ dân hợp đồng nhận khoán trồng, bảo vệ rừng; dân quân các xã có rừng; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các đơn vị đóng quân trên địa bàn… sẵn sàng phối hợp chữa cháy khẩn trương, kịp thời, có hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) khi có xảy ra cháy lớn.
Theo ông Tạ Văn Đáo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, nhờ chủ động làm tốt công tác phòng chống cháy rừng ngay từ đầu mùa khô năm nay như: xử lý thực bì, phát hoang, làm đường băng cản lửa, đốt chủ động; tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên báo động cấp độ rừng đến các đơn vị chủ rừng và người dân địa phương; đồng thời, chú trọng công tác tuần tra, canh gác, trực bảo vệ rừng… nên từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra. (Tin Tức 11/3, Tr13)đầu trang(
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2015, các đơn vị kiểm lâm cơ sở đã xử lý 118 trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tịch thu hơn 90m3 gỗ, 701 cá thể động vật hoang dã, trong đó có 92 cá thể quý hiếm; phạt hành chính và thanh lý lâm sản hơn 2,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm còn kiểm soát, quản lý tốt 279 cơ sở đăng ký gây nuôi, phát triển động vật hoang dã với 32.379 cá thể. Yêu cầu các cơ sở phải tuân thủ các quy định như: Gắn chíp cho các loài động vật hung dữ, nuôi đúng quy trình và đảm bảo an toàn. (Kinh Tế & Đô Thị 10/3, Tr14)đầu trang(
Đã thành quy luật, sau Tết Nguyên đán là thời điểm nông dân vùng cao tiến hành đốt dọn cỏ rác chuẩn bị đất gieo trồng vụ xuân. Đây cũng là thời điểm thời tiết chuyển mùa, thường xuyên có gió Lào (gió Tây Nam) thổi mạnh và hanh khô rất rễ xảy ra cháy rừng.
Vì vậy, lực lượng kiểm lâm Lào Cai tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện kế hoạch phòng chống hỏa hoạn nhất là vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn, vùng rừng đầu nguồn Ý Tý, vùng giáp ranh với các địa phương Lai Châu, Yên Bái và Hà Giang.
Theo ngành khí tượng thủy văn, trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, số giờ nắng ở Lào Cai khá cao, ít mưa, gió hanh thổi mạnh, độ ẩm giảm thấp. Tại các khu vực thuộc huyện Sa Pa và Văn Bàn, từ đầu tháng 2 đến nay đã có ít nhất ba đợt gió Lào thổi mạnh kéo dài từ 3 đến 5 ngày, đặt các khu vực này vào tình trạng cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Thực tế tại các huyện Văn Bàn, Bát Xát, Sa Pa, thành phố Lào Cai đã xảy ra các vụ cháy rừng, cháy nhà dân, cơ sở sản xuất... Đặc biệt, mới đây đã xảy ra cháy lớn ở vùng giáp ranh giữa huyện Sa Pa và tỉnh Lai Châu, trực tiếp uy hiếp Vườn quốc gia Hoàng Liên, rất may các lực lượng chức năng và nhân dân địa phương hai tỉnh đã kịp thời phát hiện và dập tắt ngọn lửa sau 6 tiếng.
Theo ông Doãn Văn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Tuy các vụ cháy chưa gây thiệt hại về người, thiệt hại vật chất không đáng kể, nhất là cháy rừng chỉ xảy ra vùng đồi gianh, cây cỏ tái sinh, nhưng đây là điều cảnh báo người dân và nhất là các lực lượng chức năng không được lơ là chủ quan trong mùa hành khô.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng theo kế hoạch, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm quy định giờ đốt nương, đảm bảo không để xảy ra cháy lan.
Lào Cai hiện có gần 300.000 ha rừng, trong đó có 60% diện tích rừng giáp ranh với các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang và giáp ranh giữa các huyện trong tỉnh. Trong tháng 1 và tháng 2/2015, lực lượng kiểm lâm Lào Cai đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 79 vụ vi phạm các quy định về quản lý rừng. (Tin Môi Trường 9/3)đầu trang(
Kiểm tra hành chính xe ôtô khách giường nằm 2 tầng nhãn hiệu Hyundai BKS 15B - 010.29, lực lượng chức năng phát hiện trong ngăn chứa hàng của xe có 4 thùng bìa carton bên trong chứa khoảng 80kg động vật hoang dã...
Chiều 9/3, tin từ Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, trên đường tuần tra, CSGT đã phát hiện được nhiều trường hợp chở hàng lậu lưu thông bằng xe khách.
Cụ thể, vào hồi 6h ngày 7/3, một tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, kiểm tra hành chính xe ôtô khách giường nằm 2 tầng nhãn hiệu Hyundai BKS 15B - 010.29 do anh Trịnh Văn Hùng (trú tại tổ 21 KV3, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, Bình Định) điều khiển.
Quá trình kiểm tra phát hiện trong ngăn chứa hàng của xe có 4 thùng bìa carton bên trong chứa khoảng 80kg động vật hoang dã (rắn hổ mang chúa).
Tại trụ sở Công an quận Hoàng Mai, số động vật hoang dã trên được xác định là rắn hổ mang chúa, gồm 32 cá thể, trọng lượng toàn bộ là 84kg và có giá thị trường khoảng 170.000.000 VND.
Sau đó, tổ công tác Đội CSGT số 8 làm nhiện vụ tại khu vực Km 184+300 quốc lộ 1B chiều Hà Nội đi Hà Nam thuộc địa phận huyện Thanh Trì, Hà Nội phát hiện 1 xe ôtô BKS 30X-0115 do Phạm Tiến Tùng, 26 tuổi, trú tại Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội điều khiển, chở khoảng 5m3 gỗ, nghi gỗ sơn huyết và gõ. Lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ nói trên. (Công An Nhân Dân 10/3, Tr5)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Sáng 9/3, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) tỉnh Vĩnh Phúc đã phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2015.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Trần Hào Hiệp, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh đã đề nghị lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ, chiến sĩ tiếp tục hưởng ứng Tết trồng cây với mục đích thiết thực, hiệu quả; đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh làm đẹp thêm cảnh quan môi trường sống. Thực hiện có hiệu quả Tết trồng cây là góp phần bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái, là việc làm có ý nghĩa to lớn nhằm thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ngay sau lễ phát động, đại diện Ban Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh, lãnh đạo các đơn vị cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ đã trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên trụ sở Cảnh sát PC&CC tỉnh tại thôn Vị Trù, xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên. (Công An Nhân Dân 10/3, Tr3)đầu trang(
Ngày 9/3, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử ba bị cáo Lê Bá Toàn (1974, P.10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), Đinh Văn Hiện (1974, P.Tây Thạnh, Q,Tân Phú, TP HCM) và Mai Văn Phon (1982, xã Cư Né, huyện Krông Puk, Đắk Lắk) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cáo trạng nêu rõ, từ mối quan hệ quen biết nhau trong quá trình môi giới, mua bán gỗ trên địa bàn các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên, ba bị cáo đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Toàn, Hiện, Nguyễn Thị Ánh và Trần Thị Ngọc Hương là mối quan hệ làm ăn, quen biết nên Toàn đã bàn bạc với Ánh, Hương tìm cơ hội lừa khách hàng Trung Quốc. Trong một lần đến nơi ở của Hiện, thấy Hiện đang giữ con dấu của Công ty TNHH May Ái Đông (con dấu này trước đó anh Châu Văn Đông- nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH May Ái Đông đã cầm cố để vay của Hiện số tiền 80 triệu đồng), nên Toàn bảo Hiện cất giữ con dấu này khi nào cần sẽ đem ra sử dụng.
Ngày 21-10-2013, Toàn liên lạc với Phon và đề nghị Phon sang Lào tìm nguồn mua gỗ Cẩm Lai để bán cho khách hàng Trung Quốc. Phon đã sang Lào gặp ông Thảo (chưa xác định lai lịch) là chủ gỗ ở Lào để đặt vấn đề mua gỗ, thỏa thuận giá bán là 112 triệu đồng/m3 gỗ Cẩm Lai và chụp ảnh lô gỗ đem về đưa cho Toàn xem.
Toàn điện thoại cho Ánh biết và bảo Ánh tìm mối, đưa khách Trung Quốc mua gỗ để có cơ hội lừa lấy tiền đặt cọc. Để đề phòng phát hiện sau này, nên Toàn lấy tên giả là “Tuấn” thay cho tên thật của Toàn, đồng thời, Toàn điện thoại bảo Hiện đem con dấu từ TP HCM lên Kon Tum để ký hợp đồng bán gỗ.
Ánh điện thoại cho Đặng Thị Kim (trú tại Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP HCM) để đưa khách lên Kon Tum xem gỗ. Chị Kim đưa ông Pu Sheng Yong (trú tại 35/12 khu Phúc Nhân Hồng Mộc, số 161 Bảo An, Bảo Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc) là người đại diện Công ty Shangghai Guoneng Logistics đến Việt Nam tìm nguồn mua gỗ.
Vào ngày 26-10-2013, do biết tiếng Trung Quốc nên chị Kim nhận làm phiên dịch cho ông Yong và dẫn ông Yong đến gặp Toàn và Phon tại huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.
Lúc này, Toàn mạo danh là Nguyễn Đình Tuấn – PGĐ Công ty TNHH May Ái Đông và giới thiệu Phon là em, rồi bảo Phon dẫn ông Yong sang Lào xem gỗ và dặn Phon chỉ dẫn khách xem gỗ, không được nói giá gỗ. Sau khi xem thấy chất lượng hàng đảm bảo yêu cầu, Phon đưa ông Yong và chị Kim trở về Việt Nam.
Trên đường về Toàn và Phon soạn thảo Hợp đồng kinh tế (HĐKT), Toàn ký giả chữ ký Nguyễn Đình Tuấn trong HĐKT sau đó, Toàn lấy dấu tròn do Hiện đưa, đóng lên chữ ký giả. Đến sáng ngày 27-1-2013, ông Yong đã ký kết HĐKT với Toàn (Tuấn), theo HĐKT, ông Yong mua 120m3 gỗ Cẩm Lai, với đơn giá 94 triệu đồng/m3, đặt cọc cho toàn 200 triệu đồng. Toàn nhận và đưa cho Phon 121 triệu đồng, tại đây mặc dù không hề đặt cọc cho ông Thảo nhưng Phon nói đã đặt cọc 200 triệu đồng.
Ngày 28-10-2013, Toàn về Đà Nẵng và tiếp tục tìm cách để lừa đảo số tiền lớn hơn. Toàn điện thoại cho Nguyễn Văn Vinh (trú tại nhà 8/20/266 phan Châu Trinh, phường An Cựu, thành phố Huế), tìm xem có lô gỗ nào còn ở Đông Hà, Quảng Trị. Vinh đến kho gỗ của Công ty TNHH một thành viên Thành Hà (Đông Hà, Quảng Trị) gặp chị Lê Thị Ái Vân - chủ lô gỗ để xem và xác định có một lô gỗ Cẩm Lai số lượng khoảng 203m3 và báo cho Toàn biết.
Toàn điện thoại cho Ánh để thông tin cho chị Kim biết, nói lại cho ông Yong và ông đồng ý đi Quảng Trị xem gỗ. Sau khi xem gỗ, Toàn liên lạc chị Vân thỏa thuận giá bán là 125 triệu đồng/m3 với số lượng 203m3.
Ngày 29-10-2013, ông Yong cùng chị Kim ra Quảng Trị, vì tin tưởng nên ông Yong đồng ý mua và thỏa thuận với Toàn về Đà Nẵng ký kết HĐKT và giao tiền đặt cọc. Khi ông Yong xem nội dung HĐKT và thống nhất mua 203m3 gỗ Cẩm Lai với giá 98 triệu đồng/m3, Toàn lại ký giả chữ ký Nguyễn Đình Tuấn trong HĐKT lấy dấu đóng lên chữ ký giả để sáng ngày 31-10-2013, đem đến Ngân hàng đưa cho ông Yong ký kết.
Tại Ngân hàng, Toàn đưa cho ông Yong ký HĐKT, theo hợp đồng thì ông Yong mua của Toàn 203m3 gỗ Cẩm Lai với đơn giá 98 triệu đồng/m3, đặt cọc 3 tỷ đồng. Sau khi nhận 3 tỷ đồng và ra khỏi Ngân hàng, Toàn và Phon đều tắt máy điện thoại.
Sau quá trình xét hỏi công khai tại tòa, nhận thấy hành vi của các bị cáo cần phải trừng trị để làm gương và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, Hội đồng xét xử TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Phon 14 năm tù; bị cáo Hiện 12 năm tù và bị cáo Toàn 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc các bị cáo bồi thường cho bị hại toàn bộ số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt.(Công Lý 9/3)đầu trang(
Trên địa bàn huyện Lạc Dương  hiện có 37 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng với diện tích gần 4.200 ha.
Trong đó có 13 dự án đầu tư nông lâm kết hợp với diện tích trên 230 ha, 10 dự án đang thực hiện theo mục tiêu đầu tư với diện tích trên 135 ha ; 9 dự án đầu tư du lịch sinh thái trên 120 ha; 8 dự án trồng rừng kinh tế trên 26ha, trong đó mới hoàn thành 1 dự án, 5 dự án đầu tư nuôi cá nước lạnh với diện tích gần 27ha, trong đó có 2 dự án đã hoàn thành.
Nhìn chung các dự án triển khai còn chậm, cầm chừng, cá biệt một số dự án không thực hiện. Các doanh nghiệp xem nhẹ công tác quản lý bảo vệ rừng dẫn đến tình trạng rừng bị phá, lấn chiếm, một số doanh nghiệp không nghiêm túc chấp hành việc thực hiện thủ tục thuê rừng và nộp tiền thuê rừng.
Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp thuê rừng, thuê đất rừng  tại các địa phương khác chứ không chỉ riêng tại huyện Lạc Dương, cần có biện pháp xử lý cứng rắn từ phía các cơ quan chức năng nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng tại các diện tích rừng, đất lâm nghiệp cho thuê trên địa bàn Lâm Đồng.(Đài PT-TH Lâm Đồng 11/3)đầu trang(
Các chuyên gia môi trường nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn đầu tư cho bảo tồn thiên nhiên (BTTN) còn hạn chế và chưa tương xứng được cho là do Việt Nam chưa đánh giá và lượng giá được giá trị kinh tế của tài nguyên đối với hoạt động sản xuất và đời sống xã hội.
Tại Việt Nam, giá trị ĐDSH từ rừng mà người dân đang sử dụng trực tiếp ước tính khoảng 140.000 tỷ đồng, tương đương 3,9% tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2013. Lợi ích này giúp 20 triệu người có thu nhập từ khai thác thủy hải sản tự nhiên, 25 triệu người có 20% - 50% thu nhập từ các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.
Việt Nam đã và đang dành các nguồn chi thường xuyên cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Phần lớn nguồn tài chính này hiện dựa vào ngân sách Nhà nước hoặc được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA thông qua các dự án tài trợ, một phần từ các sáng kiến dựa vào thị trường.
Nguồn riêng được bố trí hàng năm trong tổng chi ngân sách đề cập đến trong các văn bản pháp quy như Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004); Luật Bảo vệ môi trường (2005); Luật Tài nguyên nước (2012); Luật Thủy sản (năm 2003), Luật ĐDSH (2008). Tuy nhiên, đây mới chỉ là các quy định mang tính chất định hướng, trên thực tế việc huy động nguồn vốn này hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn về cách tiếp cận và thủ tục.
Ngân sách cho sự nghiệp BVMT hàng năm chỉ chiếm 1% tổng ngân sách từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Trong đó, nguồn chi trực tiếp cho bảo tồn ĐDSH chiếm chưa tới 0,4% tổng ngân sách. Tỷ lệ này được cho là thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia trên thế giới
Tính riêng năm 2014, nguồn tài chính cho BTTN có tăng lên, ước đạt khoảng 4.902 tỷ đồng, nhưng cũng mới bằng 3,5% giá trị mà người dân đang khai thác từ các nguồn ĐDSH. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường đã được áp dụng ở Việt Nam chính thức từ tháng 10/2010.
Sau 3 năm, toàn quốc thu được 3.320 tỷ đồng từ 3 loại dịch vụ chính: Nước cho thủy điện, nước sạch và du lịch. Con số này quá nhỏ bé, chỉ tương đương 2,3% so với giá trị từ rừng mà người dân đã và đang sử dụng.
Bên cạnh đó, một phần nguồn tài chính cho hoạt động BTTN ở Việt Nam được huy động từ các dự án tài trợ ODA.
Hạn chế của nguồn hỗ trợ này là không thường xuyên, phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho số ít các VQG/KBT có quy mô lớn, ít chú ý đến các KBT vừa và nhỏ (dưới 15.000 ha).
Hơn thế nữa, nguồn vốn ODA này có xu hướng giảm trong những năm gần đây khi Việt Nam đã chuyển sang nhóm quốc gia có thu nhập trung bình.
Thủ tướng Chính phủ đã ban Quyết định số 218 (7/2/2014) phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Các chuyên gia nhận định, để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược, giải pháp tăng cường nguồn lực tài chính bền vững được xem là có tính then chốt, trong đó một mặt Nhà nước vẫn đảm bảo nguồn lực theo phân cấp hiện hành, mặt khác cần giảm dần sự phụ thuộc của các VQG/KBT vào ngân sách nhà nước.
Đây là thách thức rất lớn đối với nhiều KBT nằm ở các tỉnh có nguồn ngân sách eo hẹp. Để từng bước giải quyết, Nhà nước cần quy định thống nhất tất cả các Ban quản lý KBT/VQG (KBT biển, vùng đất ngập nước nội địa) là đơn vị sự nghiệp có thu, có quyền chủ động thực hiện các dịch vụ công để chi phí và tái đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo tồn với các ưu đãi tối đa về thuế, phí.
Cùng với đó, cần tập trung hình thành cơ quan đầu mối thống nhất về quản lý Nhà nước có đủ quyền lực và năng lực để xác lập sự hài hòa, đồng thuận ưu tiên bảo tồn trong các quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét lại hiệu quả của phân cấp quản lý KBT cho các địa phương như hiện nay và mở ra các cơ hội để các KBT có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo tồn bền vững ngay tại địa bàn.
Việc thực thi các sáng kiến về trao quyền cho cộng đồng địa phương và các tổ chức ngoài Nhà nước cùng tham gia bảo tồn cũng vô cùng cần thiết. Để làm được điều này, sự ủng hộ và quyết tâm về chính trị của Nhà nước, cũng như các khung luật pháp hướng dẫn thi hành cụ thể là yếu tố tiên quyết cần có.
Mặt khác, trong bối cảnh nguồn chi ngân sách hạn chế, nguồn vốn đầu tư từ ODA giảm cũng như nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường còn nhiều rủi ro, cần tăng cường xã hội hóa các nguồn lực cho BTTN.
Hiện nay còn thiếu các chính sách cụ thể để huy động đóng góp hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân cho hoạt động BTTN.
Các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng trong lĩnh vực BTTN có thể là những thiết chế phù hợp để vận động và huy động đóng góp tài chính, trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua cơ chế thành viên; hoặc đóng góp tự nguyện từ các cá nhân, đóng góp tự nguyện phần lợi nhuận của doanh nghiệp vào các quỹ, dự án bảo tồn như một phần của kế hoạch thực thi trách nhiệm môi trường xã hội. (Tài Nguyên & Môi Trường 11/3, Tr6)đầu trang(
Thời gian vừa qua, Báo Tài nguyên & Môi trường liên tục nhận được đơn thư của ngư dân thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) phản ánh việc hộ ông Trần Văn Lự tự ý chuyển đổi hàng chục nghìn mét vuông đất lâm nghiệp sang đào ao nuôi trồng thủy sản trong khi chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước cho phép, đã gây lên tình trạng ô nhiễm môi trường sống của người dân xung quanh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi: Ngày 1/10 1995, ông Trần Văn Lự được UBND huyện Hoằng Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số IC 0346652 giao  8,5 ha đất để trông cây lâm nghiệp dọc bờ sông Lạch Trường ra đến biển (đoạn từ Trạm Biên phòng ra Hòn Bò) với thời hạn 50 năm. Sau khi nhận đất gia đình ông Lự cũng đã tiến hành trồng cây lâm nghiệp để chắn sóng, sử dụng đất đúng mục đích.
Đến ngày 31/3/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1756/UBND-NN chấp thuận chủ trương và địa điểm thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Linh Trường tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa của Công ty TNHH Quốc Trí với diện tích khoảng 225.000 m2; vị trí khu đất: Phía Bắc giáp sông Lạch Trường và biển Đông, phía Nam giáp đất dân cư và đất rừng phi lao, phía Đông giáp bãi cát biển Đông, phía Tây giáp đất dân cư và rừng trồng.
Tuy nhiên, kể từ khi Công ty Quốc Trí được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận chủ trương đến nay đã 4 năm nhưng gia đình ông Lự cũng không chịu bàn giao đất cho Công ty Quốc Trí thực hiện dự án. Không những thế, năm 2013 gia đình ông Lự còn chặt hết rừng cây phi lao để đào ao nuôi tôm chân trắng.
Nhiều hộ dân sống quanh khu vực gia đình nhà ông Lự phản ánh: Kể từ khi ông Lự chặt phá hàng cây phi lao “ biến” đất lâm nghiệp thành đất nuôi trồng thủy sản chúng tôi gặp trăm đường bể khổ: mỗi khi trời gió to cát bay mù mịt, lượng nước nặm được đưa vào ao để nuôi tôm nhiều nên nước giếng trước đã không dùng được, nay còn nặm chát hơn nhiều lần không thể nào ăn được.
Ngày 10/4/2014, UBND xã Hằng Trường đã tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong Biên bản ghi rõ: Hộ ông Trần Văn Linh ( con trai ông Trần Văn Lự- PV) trên phạm vi đất của Công ty Quốc Trí nhằm mục đích nuôi tôm chân tráng, hiện tại đã hình thành ao nuôi với diện tích 10.032,5 m2, có 4 cụm đã hình thành ao nuôi.
Tuy nhiên trong Biên bản vi phạm ông Trần Văn Linh không ký vì cho rằng Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất là của ông Trần Văn Lự. Khi Đoàn công tác yêu cầu ông Lự ký Biên bản, thì ông Lự cũng không ký.
Lý giải về vấn đề này ông Trần Văn Lự cho nói: “Gia đình tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để đào ao, mua bạt, con giống… để nuôi tôm chân trắng.
Biết rằng tôi chuyển đổi hơn một héc-ta đất lâm nghiệp sang nuôi trồng thủy sản trong khi chưa được các cấp chính quyền cho phép là hoàn toàn sai, nhưng thấy đất ven biển chỉ để trồng cây phi lao là rất phí nên gia đình tôi đã làm đơn lên xã xin nuôi cải tạo đất để nuôi tôm, nhưng không thấy UBND trả lời nên gia đình đã chặt phá rừng phi lao đào ao nuôi tôm chân trắng. Tôi là Thương binh lại là người có công với Cách mạng nên phải được ưu tiên chứ”(?!)
Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết: Việc hộ ông Trần Văn Lự tự ý chuyển đổi đất lâm nghiệp thành đất nuôi trồng thủy sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là hoàn toàn sai với Luật Đất đai. UBND xã cũng đã lập Biên bản vi phạm nhưng ông Lự không chịu ký(!?).
Nhưng khi được hỏi: Vì sao thấy việc hộ ông Lự tự ý biến đất lâm nghiệp thành đất nuôi trồng thủy sản là hoàn toàn sai luật, UBND xã cũng đã lập Biên bản nhưng ông Lự không ký, nhưng xã lại không có biện pháp gì để xử lý?.
Thì ông Hoàng nói: UBND xã thấy bỏ đất trống lãng phí, ông Lự lại là thương binh, người có công với Cách mạng. Với lại ông Linh (con ông Lự) cũng có cam kết với Công ty Quốc Trí là sau này sẽ không đòi tiền đền bù cho việc đào ao, nên xã để cho làm?.
Rõ ràng việc hộ ông Trần Văn Lự tự ý chuyển đổi hơn 1 ha đất lâm nghiệp sang nuôi trồng thủy sản khi chưa được các cấp Chính quyền cho phép là sai với Khoản 1, Khoản 2; Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “ Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đíc sử dụng đất”.
Và tại Khoản 2, Điều 58 quy định: “ Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan”.
Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm làm rõ những khuất tất trên, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tập thể chỉ vì lợi ích riêng mà cố tình vi phạm pháp luật. (Tài Nguyên & Môi Trường 11/3, Tr10)đầu trang(
Một đề án nghìn tỷ về sâm Việt Nam vừa được UBND tỉnh Quảng Nam thông qua. Vậy là “cuộc chơi” với sâm quý đang khởi động mà mục tiêu trước mắt đưa Nam Trà My thoát khỏi bản đồ huyện nghèo, người dân có thêm nguồn thu.
Đề án nghìn tỷ này với mục tiêu đưa sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, mang tầm quốc tế, sánh ngang hàng với các loại sâm nổi tiếng trên thế giới.
Sâm Ngọc Linh là sâm quý, thuộc hạng thần dược, giá trị cao, từ 30 - 50 triệu đồng/kg. Thế nhưng huyện Nam Trà My, nơi được mệnh danh là thủ phủ của sâm quý vẫn cứ nghèo, người dân vẫn cứ khổ.
Năm 2013, Nam Trà My nằm trong danh sách nghèo nhất nước với tỷ lệ hộ nghèo trên 70%. Cuối năm 2014, tỷ lệ này đã giảm xuống còn hơn 62%. Dù giảm nhưng vẫn là một trong những huyện nghèo của cả nước.
Ông Hồ Quang Bửu lên Nam Trà My đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My gần 1 năm nay. Từ giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, được điều động lên làm chủ tịch huyện nghèo miền núi, với ông là cả một thử thách.
“Tôi qua Hàn Quốc, bên đó người ta bán sâm giá từ 200 triệu đến 1,6 tỷ đồng/kg. Tôi tự hỏi: Tại sao sâm Ngọc Linh của mình giá trị cũng như sâm Hàn Quốc lại ít được biết đến?
Người Hàn Quốc làm giàu từ sâm, sao người dân mình sống trên sâm quý vẫn cứ nghèo?”, ông Bửu trăn trở. Vì trăn trở đó, ông đã hơn 3 lần lặn lội lên những bản làng sống giữa lưng chừng trời ở núi Ngọc Linh thuộc xã Trà Linh trong vòng gần 1 năm qua để khảo sát nắm tình hình trồng sâm của người dân nơi đây.
“Giá sâm 30-40 triệu đồng/kg, nhưng số hộ trồng sâm còn ít, diện tích sâm ở Nam Trà My giờ chỉ mới dừng ở con số 70 ha. Một ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm thu lời khoảng 30 tỷ đồng, dù huyện đã xúc tiến kêu gọi nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào dám đầu tư vào sâm ở Nam Trà My”, ông Bửu nói.
Diện tích không được mở rộng do thiếu giống. Đường sá, giao thông cách trở khiến doanh nghiệp “ngại” đầu tư. Hơn nữa, chưa có quy định nào về việc cho thuê đất dưới tán rừng để trồng sâm.
Cũng theo ông Bửu, lâu nay việc phát triển sâm chưa có sự phối hợp với các ngành chức năng của Trung ương, địa phương trong việc điều tra, khảo sát, quy hoạch khu vực trồng sâm để có cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp. Việc đầu tư giống cây sâm Ngọc Linh trong thời gian qua chỉ mang tính chất hỗ trợ, chưa có định hướng phát triển, chưa có sự kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ của nhà nước.
Ngoài ra, do thiếu ăn trong những tháng giáp hạt, nên nhiều hộ gia đình nhổ bán sâm non khi chưa đến tuổi khai thác, dẫn đến hiệu quả giá trị kinh tế mang lại không cao, tình trạng mất trộm sâm trong nhân dân thường xuyên xảy ra, nhiều hộ tự nhổ bán làm cạn kiệt nguồn cây giống. Do đó cần có một quyết sách, một chương trình mang tầm quốc gia với cây sâm.
Đề án phát triển sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) vừa được tỉnh Quảng Nam thông qua, với tổng kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đề án sẽ được trình Chính phủ xem xét phê duyệt.
Theo đó, mục tiêu đề án đến năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ 2 trên thế giới (sau Hàn Quốc); xây dựng một thương hiệu sâm Ngọc Linh mang tầm quốc tế. Hiện, Nam Trà My đang chờ một cơ chế đặc biệt từ tỉnh, Trung ương để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sâm Ngọc Linh.
Để khởi động, cuối tháng 3 này, khoảng 50 người gồm cán bộ huyện, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo… sẽ có cuộc hành trình lên đỉnh Ngọc Linh nhằm khảo sát thực địa, thổ nhưỡng ở nơi có độ cao hơn 2.600m so với mực nước biển.
“Tôi qua Kon Tum hỏi chuyện, lãnh đạo và người dân bên đó, tất cả đều khẳng định núi Ngọc Linh chưa ai lên được đến đỉnh vì nhiều lý do, nhiều câu chuyện huyền bí. Người dân cũng chưa ai lên đến đỉnh. Chuyến đi này khá mạo hiểm, kéo dài khoảng 15 ngày giữa rừng sâu.
Chuyến đi nhằm khảo sát thực địa, thổ nhưỡng, nghiên cứu kỹ hơn cây sâm, để có cơ sở thực tiễn góp phần vào thực hiện đề án sâm quốc gia. Việc phát triển sâm cũng sẽ hướng đến việc phát triển du lịch khám phá núi Ngọc Linh sau này”, ông Bửu cho biết. (Đại Đoàn Kết 11/3, Tr6, Tiền Phong 11/3, Tr14)đầu trang(
Ngày 10/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định phân bổ cho các ngành, địa phương để triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam với số tiền 22,3 tỷ đồng.
Theo đó, phân bổ cho TP Hội An 1,3 tỷ đồng, huyện Duy Xuyên 1 tỷ đồng để triển khai trồng rừng phòng hộ ven biển, huyện Quế Sơn 8 tỷ đồng để xây đê ngăn mặn và tiêu úng đầm Mông Lãnh, xã Quế Xuân 1 trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Đồng thời phân bổ 12 tỷ đồng cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. (Nông Nghiệp VN 11/3)đầu trang(
Những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai thực hiện, trong đó có chính sách giao đất lâm nghiệp và giao rừng, nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như góp phần bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất hợp lý, người dân tộc thiểu số chưa sống được bằng nghề rừng.
Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,3% dân số, nhưng tỷ lệ nghèo đói chiếm khoảng 59,2%. Nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo cho dân tộc thiểu số đã được ban hành, trong đó chính sách phát triển nông nghiệp đem lại kết quả rõ rệt nhất.
Ở các vùng miền núi, quỹ đất chính là đất lâm nghiệp và rừng. Nhà nước đã tiến hành giao đất giao rừng cho dân, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, với mục tiêu hỗ trợ cải thiện đời sống bên cạnh mục tiêu bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững.
Chính sách giao đất, giao rừng được triển khai nhằm giúp dân tộc thiểu số có sinh kế từ rừng, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập, từ đó tạo động lực và sự chủ động cho người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai chính sách giao đất, giao rừng vẫn chưa có chuyển biến lớn về xóa đói giảm nghèo và phát triển sinh kế cho dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm trên 90% và thu nhập từ doanh nghiệp chiếm khoảng 65%, trong khi thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 8,5%.
Nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân tộc thiểu số vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ngành lâm nghiệp đầu tư cao, chậm mang lại thu nhập nên nếu đầu tư hiệu quả sẽ mang lại thu nhập trung và dài hạn cho các khoản chi lớn, tiết kiệm, tái đầu tư phát triển lâm nghiệp…
Đồng bào dân tộc thiểu số muốn cải thiện sinh kế thì phải dựa vào các nguồn sinh kế khác mà chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi hoặc nghề nghiệp khác như cán bộ, giáo viên, xuất khẩu lao động…
Tại Diễn đàn thường niên về phát triển dân tộc thiểu số do Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và các Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nghề rừng có tiềm năng phát triển đối với một số nhóm dân tộc thiểu số nhất định, có thể góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.
Song đây không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất lâm nghiệp giới hạn. Bởi nếu lấy toàn bộ đất lâm nghiệp của cả nước chia cho dân tộc thiểu số chỉ được trung bình 1,2ha/người, trong khi dân số dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục tăng.
Thay vào đó, phải có hệ thống chính sách toàn diện và dài hạn được thiết kế phù hợp với từng nhóm dân tộc thiểu số.
Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út cũng cho rằng, các chính sách về giao đất, giao rừng cần đề cao hơn nữa vấn đề tham vấn và sự tham gia của người dân, thay đổi nhận thức, nhất là về hiệu quả sinh kế của chính sách này đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong đó, các chính sách đưa ra phải phù hợp với đặc tính kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, năng lực và trình độ phát triển của từng nhóm dân tộc thiểu số. Phải có chính sách phát triển sinh kế đa dạng, dài hạn khác cho người nghèo dân tộc thiểu số để có cuộc sống ổn định hơn.
Đại diện Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho rằng, trong thời gian tới chính quyền địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông lâm kết hợp, có thể kết hợp lâm nghiệp với chăn nuôi trâu, bò, ong…, trồng xen kẽ các cây nông nghiệp thích hợp, phát triển các đặc sản như nấm, măng tre, thuốc dược liệu…
Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp không thích hợp sang đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho người dân phát triển các sinh kế nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ phát triển các hoạt động phi nông nghiệp như thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ gắn với rừng như du lịch sinh thái, mạo hiểm, văn hóa, nghỉ dưỡng… đào tạo chuyển đổi nghề gắn với tái định cư, xây dựng nông thôn mới, tạo cơ hội xuất khẩu lao động đối với nhóm dân tộc thiểu số thích hợp.
Giao đất giao rừng là một trong những chính sách lớn của Nhà nước ta nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống và góp phần bảo vệ rừng. Do vậy, để chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có hệ thống chính sách toàn diện và dài hạn phù hợp với từng nhóm dân tộc thiểu số. (Đại Biểu Nhân Dân 11/3)đầu trang(
Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng (Viện KH Lâm nghiệp Việt Nam) đóng tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, được xem là nơi đầu tiên trồng cây mắc ca từ năm 1994.
Đến nay, gần 10 ha mắc ca với hàng chục giống khác nhau đã được trồng thử nghiệm. Kết quả hiện ra sao? Ngày 9/3, PV NNVN đã về “đại bản doanh” của trung tâm này đóng tại thôn Phú Phong, xã Cẩm Lĩnh để tận mắt diện tích trồng mắc ca ở đây đúng vào giai đoạn mùa mắc ca đang ra hoa đậu quả.
6 cây mắc ca được trồng đầu tiên tại Việt Nam ở vườn thực nghiệm của Trung tâm vào năm 1994 (20 năm tuổi) do một số cán bộ của Viện KH Lâm nghiệp Việt Nam đưa hạt giống từ Australia về.
Cây cao 5-7 m, cả 6 cây hiện đang vào kỳ ra hoa dày đặc, hoa kết thành chùm dài từ 20-50 cm. Theo các cán bộ tại Trung tâm, năm nào 6 cây mắc ca này cũng ra hoa, nhưng khả năng đậu quả thế nào còn phụ thuộc vào thời tiết. Mùa ra hoa kéo dài khoảng 1 tháng gồm nhiều đợt.
Kinh nghiệm cho thấy, nếu gặp năm thời tiết mưa, sương muối kéo dài đúng lúc ra hoa như năm nay, nhiều khả năng sẽ thất thu vì hoa không đậu quả. Ước tính năm được mùa, mỗi cây mắc ca trồng năm 1994 ở đây năm sai quả có thể cho hơn 20 kg quả khô.
Được trồng tại Trung tâm để phục vụ cho một đề tài nghiên cứu do Viện KH Lâm nghiệp chủ trì với hàng chục giống khác nhau. Do trồng với mật độ khá dày nên cây sinh trưởng kém. Mặc dù hiện đã vào mùa ra hoa rộ nhưng nhiều cây tại vườn này chỉ ra hoa rất thưa thớt, một số cây đậu quả ít ỏi
Cùng năm 2002, Trung tâm mở rộng diện tích thử nghiệm lên 2 ha tại khu vực đồi thực nghiệm liền kề thuộc thôn Phú Phong (xã Cẩm Lĩnh) gồm nhiều giống khác nhau bằng cây giống ghép.
Đến năm 2003, Trung tâm tiếp tục trồng thêm 1 ha tại đây. Theo kết quả đánh giá của nhóm tập thể tác giả Viện KH Lâm nghiệp Việt Nam, đến năm 2013, một số giống như OC; 246; 816… cho năng suất khá cao, từ 7,5 đến 8,5 kg hạt/cây.
Tuy nhiên cũng có năm như 2011, 2012, một số giống như 849, 741… chỉ cho năng suất từ 2,4 đến 3,5 kg hạt/cây, gần như không cho giá trị kinh tế. Mùa ra hoa năm nay, nhiều cây thời điểm này đã ra hoa rất nhiều, nhưng cũng nhiều cây hoa rất thưa thớt.
Năm 2007, Trung tâm trồng thêm 2 ha mắc ca tại khu vực đồi bằng cây giống thực sinh ươm từ hạt, gồm nhiều giống khác nhau. Tuy nhiên đến nay, gần như toàn bộ diện tích mắc ca này hoặc cho quả không đáng kể hoặc hoàn toàn không ra hoa đậu quả. Trong ảnh là vườn cây trồng năm 2007, hiện đang mùa ra hoa nhưng hoàn toàn không có hoa.
Ông Đức, một người dân sống tại thôn Phú Phong (xã Cẩm Lĩnh) cho biết: Tại khu vực đồi trồng thử nghiệm, tỉ lệ ra hoa đậu quả của mắc ca rất thất thường, có năm rất sai quả nhưng có năm lại có tới 40-50% số cây không ra hoa.
“Khi quả mắc ca chín rụng xuống, chuột rất thích ăn. Vỏ quả cứng như thế nhưng chúng khoét một lỗ thủng nhỏ xuyên vỏ rất tài tình để ăn nhân bên trong. Nếu trồng mắc ca mà không trừ được chuột thì chỉ làm mồi ngon cho chúng” – ông Đức nói.
Anh Bùi Tiến Hùng, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cho biết, để có một cây giống mắc ca ghép đảm bảo chất lượng, gốc ghép phải đạt từ 18 tháng đến 2 năm tuổi, mắt ghép phải có nguồn gốc từ cây mẹ đã được công nhận giống quốc gia hoặc giống tiến bộ kỹ thuật.
Theo tính toán, một cây giống giá hợp lí chỉ khoảng 40 nghìn đồng, tuy nhiên, đã có tình trạng một số đơn vị bán giống hét giá tới 70-80 nghìn đồng/cây. Không những thế, để nhanh có giống bán, họ đã cố tình ghép đối với gốc ghép rất bé, chỉ khoảng 1 năm tuổi nên khả năng sinh trưởng khi trồng rất kém, chưa kể tình trạng gian lận biến cây con thực sinh giả vờ cây ghép. (Nông Nghiệp VN 11/3)đầu trang(
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý gia hạn thời gian thực hiện Dự án "Hỗ trợ Chương trình đánh giá và theo dõi lâu dài tài nguyên rừng và cây phân tán toàn quốc tại Việt Nam" do Chính phủ Phần Lan tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đến hết ngày 30/6/2015.
Dự án Hỗ trợ chương trình đánh giá và theo dõi lâu dài tài nguyên rừng và cây phân tán toàn quốc tại Việt Nam (NFA) là một phần của Chương trình toàn cầu Quản lý rừng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu do FAO và Phần Lan hợp tác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án NFA được triển khai tại Hà Nội và một số tỉnh thí điểm.
Dự án NFA hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực và giới thiệu những công nghệ mới và phù hợp cho Tổng cục Lâm nghiệp, đồng thời FAO cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát lại các đại lượng, biến số điều tra rừng đối chiếu với các yêu cầu, đòi hỏi trong các báo cáo quốc gia và quốc tế.
Dự án cũng hài hòa và cập nhật các thông tin về tài nguyên rừng và rừng, đánh giá các chính sách lâm nghiệp trên phương diện kết quả từ các thông số tài nguyên rừng. Thêm nữa, NFA sẽ đáp ứng được các yêu cầu về quản lý rừng bền vững, cũng như các nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. (Chính Phủ 10/3)đầu trang(
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 14-1-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về phát động “Tết Trồng cây đời đời nhớ ơn bác Hồ” xuân Ất Mùi và triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2015, ngay từ những ngày trong và sau Tết Nguyên đán, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức ra quân trồng cây, trồng rừng.
Đến ngày 5-3 đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố tổ chức lễ phát động Tết Trồng cây ở các công sở, trường học, đường giao thông và đã trồng được 697.258 cây các loại, chủ yếu là lát, xà cừ, keo, xoan, sao đen... (nếu tính trồng cây trong toàn dân, toàn tỉnh trồng được khoảng 1.120.600 cây).
Một số huyện trồng cây với số lượng lớn, như: Quảng Xương 60.000 cây, Nông Cống 52.000 cây, Bá Thước 40.000 cây, Như Xuân 30.900 cây, Tĩnh Gia 30.000 cây, Triệu Sơn 30.000 cây...
Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra tình hình an ninh rừng ở các địa bàn trọng điểm, các khu vực giàu tài nguyên rừng để chủ động phát hiện, ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán, tàng trữ, kinh doanh lâm sản trái phép; quản lý chặt chẽ tình trạng chặt cây, hái lộc trong dịp Tết và mùa lễ hội.
Các ban quản lý dự án cơ sở và các công ty sản xuất giống lâm nghiệp đã sản xuất 16,5 triệu cây giống lâm nghiệp, trong đó có 6,5 triệu cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn, đáp ứng nhu cầu Tết Trồng cây và trồng rừng vụ xuân năm 2015. (Báo Thanh Hóa 9/3)đầu trang(
Nhiệm kỳ 2010- 2015, Đảng bộ Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội lần thứ 8, tạo đà vững chắc phấn đấu xây dựng VQG Cát Bà trở thành trung tâm đa dạng sinh học mang tầm quốc tế, vì sự phát triển bền vững quần đảo Cát Bà và thành phố Hải Phòng.
Theo đó, VQG Cát Bà tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa địa phương.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái, cải thiện đời sống người dân, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học
Một trong những kết quả nổi bật của VQG Cát Bà trong những năm qua là công tác bảo tồn và phát huy tốt các giá trị đa dạng sinh học quý hiếm, vượt trội của quần đảo Cát Bà.
5 năm qua, Vườn kết hợp khai thác sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trong đó, thu hút khách tham quan đến với vườn đạt 200% kế hoạch hằng năm.
Nhờ quan tâm chỉ đạo toàn diện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhận thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng dân cư và du khách được nâng lên. VQG Cát Bà triển khai hiệu quả quy chế phối hợp giữa các đơn vị trên địa bàn huyện Cát Hải, ngăn chặn các tác động xâm hại đến đa dạng sinh học trên quần đảo Cát Bà.
Qua đó, VQG Cát Bà và các đơn vị phối hợp quản lý, bảo vệ tốt 26.240 ha Khu dự trữ Sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà. Bảo vệ các nguồn gien động, thực vật rừng, biển quý hiếm, đặc hữu, đặc biệt là bảo vệ và phát triển số lượng cá thể loài Voọc Cát Bà, loài đặc hữu duy nhất trên thế giới chỉ còn lại ở đảo Cát Bà. Bảo vệ bền vững thảm thực vật rừng, các hệ sinh thái ở VQG và vùng đệm, bảo đảm độ che phủ rừng.
Lực lượng Kiểm lâm VQG Cát Bà làm tốt công tác tuần tra bảo vệ, góp phần hạn chế tối đa các vụ vi phạm pháp luật. Theo đó, trong 5 năm qua, lực lượng kiểm lâm trục xuất đối tượng, tàu, thuyền có dấu hiệu vi phạm vào địa bàn quản lý; phá dỡ hơn 4.000 bẫy các loại, lập biên bản vi phạm hành chính 173 vụ (giảm 71 vụ so với 5 năm trước). Đồng thời, tiếp nhận, tịch thu, cứu hộ thả về tự nhiên 118 cá thể động vật hoang dã.
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ VQG Cát Bà chỉ đạo nghiên cứu 1 đề tài cấp bộ, 6 đề tài cấp thành phố và 1 đề tài cấp cơ sở, đều được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Trong đó, nghiên cứu thành công kỹ thuật nhân giống và trồng loài cọ Hạ Long; xây dựng mô hình phục hồi rừng nghèo trên núi đá vôi và tại vùng đệm VQG Cát Bà; điều tra và ước lượng số cá thể sơn dương còn lại tại đảo Cát Bà đến thời điểm năm 2011.
Vườn nghiên cứu gây nuôi thành công 3 loài bướm quý hiếm tại đảo Cát Bà, xác định thực trạng, số lượng, trữ lượng 19 loài cây gỗ quý hiếm trên đảo Cát Bà. Đồng thời, xác định được tọa độ điểm các vùng phân bố rạn san hô chính tại khu vực ven biển Cát Bà.
Một trong những cơ sở để triển khai mục tiêu phát triển bền vững quần đảo Cát Bà là Quy hoạch bảo tồn bền vững VQG Cát Bà đến năm 2020. Theo đó xác định mục tiêu bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên các khu hệ động vật, thực vật và các giá trị cảnh quan thiên nhiên rừng và biển trong phạm vi quản lý của VQG Cát Bà trên tổng diện tích quy hoạch 17.362,96 ha.
VQG Cát Bà triển khai hiệu quả hợp tác quốc tế, xây dựng thành chương trình cụ thể nhằm thu hút các tổ chức trong và ngoài nước. Trong những năm qua, VQG Cát Bà phối hợp với các tổ chức như Dự án bảo tồn voọc; Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và cộng đồng (MCD), Dự án PRC; MCD46; FFI; PA... đầu tư trí tuệ, nhân lực và nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo, góp phần phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trên huyện đảo.
Công tác phát triển du lịch sinh thái là một trong ba chức năng quan trọng của đơn vị, được Đảng ủy, Ban giám đốc VQG Cát Bà quan tâm chỉ đạo. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường phục vụ hàng triệu lượt khách tham quan du lịch và phát triển các loại hình dịch vụ kết hợp giáo dục môi trường.
Vườn hoàn thiện Đề án phát triển du lịch tổng thể trong phạm vi Vườn quản lý được thành phố phê duyệt năm 2012. Theo đó, phân định rõ ràng các khu vực có thể phát triển du lịch và các định hướng phát triển du lịch bền vững. (Báo Hải Phòng 9/3, Tr5)đầu trang(
Qua hơn 1 năm được kiện toàn, sắp xếp lại hoạt động của Ban lâm nghiệp xã đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 95 Ban lâm nghiệp xã với 1.425  thành viên, trong đó có 121 Kiểm lâm địa bàn, đã hoạt động nề nếp, ổn định hơn và là cầu nối quan trọng giữa chính quyền cơ sở với các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR tại địa phương.
Kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với chủ rừng, Ban Lâm nghiệp xã thực hiện việc tuyên truyền bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, vận động xây dựng quy ước bảo vệ rừng, đôn đốc các doanh nghiệp được thuê rừng xây dựng và triển khai phương án BVR&PCCCR, tham gia phối hợp với các lực lượng trên địa bàn xã tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn và tham mưu xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, phối hợp với các lực lượng tiến hành giải toả diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trên địa bàn được giao quản lý, triển khai công tác trồng cây, trồng rừng phân tán.
Nhờ vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCR tại các địa phương trong toàn tỉnh được thực hiện hiệu quả hơn, số vụ vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng năm sau luôn thấp hơn năm trước.
Tuy nhiên khó khăn hiện nay là thành viên các ban lâm nghiệp xã đều kiêm nhiệm, kinh phí hoạt động còn hạn chế  nên có phần ảng hưởng đến hiệu quả công tác cũng như sự yên tâm gắn bó công tác của các thành viên, thường xuyên biến động về nhân sự. (Đài PT-TH Lâm Đồng 9/3)đầu trang(
Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Đằn (tại xã Luận Thành, huyện Thường Xuân) được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và sử dụng 6.576 ha rừng và đất lâm nghiệp.
Ban đã làm tốt công tác tuyên truyền cho các đơn vị, người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương kiểm tra các khu rừng trọng điểm, bảo vệ an toàn diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn được giao.
Thực hiện kế hoạch trồng mới 250 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất trong năm 2015,  ban đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật, phát dọn thực bì, đào lấp hố;  chuẩn bị cây giống lâm nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cho các hộ nhận khoán đất  sản xuất lâm nghiệp trên địa  bàn.
Theo kế hoạch, từ cuối tháng 3 này,  ban tổ chức cho các hộ trên địa bàn triển khai kế hoạch trồng mới rừng năm 2015.
Cùng với bảo vệ và phát triển rừng, trong các tháng vừa qua,  Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Đằn đã chủ động sản xuất cây giống lâm nghiệp phục vụ trồng rừng. Đến đầu tháng 3-2015, ban đã sản xuất được 500.000 cây quế Trịnh Vạn, lim xanh, keo tai tượng Úc.
Toàn bộ cây giống đang được kỹ sư, công nhân của ban chăm sóc, bảo vệ tại 2 vườn ươm công nghiệp và bán công nghiệp trên địa bàn xã Luận Thành bảo đảm chất lượng, đủ tiêu chuẩn quy định cung cấp cho các đơn vị, địa phương trồng mới rừng vụ xuân năm 2015. (Báo Thanh Hóa 10/3)đầu trang(
NEPCon và SFMI sẽ giới thiệu một bộ công cụ miễn phí cho các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh gỗ ở Việt Nam tại Hội chợ Đồ gỗ và Trang trí Nội thất Việt Nam (VIFA-EXPO 2015) diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh từ 11-14 tháng 3 năm 2015. Bộ công cụ bao gồm các bản hướng dẫn doanh nghiệp những cách thức để tuân thủ các quy định hiện hành của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam và tìm kiếm các nguồn gỗ có rủi ro thấp.
Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam có định hướng xuất khẩu và Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những thị trường chính. EU đã đưa ra Kế hoạch Hành động Thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) để ngăn chặn việc buôn bán các sản phẩm gỗ bất hợp pháp trên thị trường này. Hiện tại Việt Nam đang trong quá trình đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) về FLEGT với EU.
Theo FLEGT/VPA, các nguồn nguyên liệu đang sử dụng sẽ được đánh giá để xem có đáp ứng yêu cầu về gỗ hợp pháp của Việt Nam. Trong khi đó, các đơn vị chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều thấy những thách thức phía trước trong việc thực hiện các yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo tính hợp pháp của gỗ được sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến.
Bộ công cụ được cung cấp miễn phí và các doanh nghiệp có thể áp dụng bộ công cụ này vào doanh nghiệp của mình. Các công cụ có thể tạo thành nền tảng cho chính sách thu mua, việc theo dõi các thủ tục, giao tiếp với khách hàng và nhà cung cấp, cũng như là hướng dẫn và tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp để tìm nguồn gỗ hợp pháp.
Bộ công cụ này là một phần của Dự án “Tăng cường Năng lực của các Tổ chức Dân sự và Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm Đáp ứng các Yêu cầu của FLEGT” được tài trợ một phần bởi EU và thực hiện bởi NEPCon và SFMI.
Trong một vài tháng tới, 20-25 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được lựa chọn sẽ tham gia thử nghiệm bộ công cụ để đảm bảo bộ công cụ sẽ dễ dàng sử dụng, hiệu quả và có nhiều chức năng. Sau đó bộ cộng cụ sẽ được điều chỉnh để phổ biến rộng rãi, và các doanh nghiệp cũng sẽ được tập huấn về bộ công cụ này vào năm sau.
VIFA là một sự kiện thường niên do Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức. Sau thành công của những hội chợ trước, VIFA 2015 được tổ chức vào tháng 3 này tại Trung tâm Triển lãm & Hội nghị Sài Gòn, 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của hơn 180 doanh nghiệp liên quan đến ngành công nghiệp gỗ trong và ngoài nước. (Pháp Luật VN 10/3, Tr13)đầu trang(
Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường, tỉnh Kon Tum đã nhiều lần thay đổi cách thức quản lý cũng như tên gọi các lâm trường trên địa bàn.
Tuy nhiên, đây chỉ là... bình mới do chỉ là thay đổi về hình thức và tên gọi. Còn thực trạng sử dụng  đất không hiệu quả do các nông lâm trường còn buông lỏng quản lý, để người dân lấn chiếm trong thời gian dài vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Theo kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai, bảo vệ và phát triển rừng đối với các nông lâm trường trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 cho thấy, tỉnh Kon Tum đã chuyển đổi các công ty lâm nông nghiệp thành 7 công ty TNHH MTV lâm nghiệp với 16 lâm trường trực thuộc; 3 Ban quản lý rừng đặc dụng; 8 Ban quản lý rừng phòng hộ; 5 công ty cà phê và 1 công ty TNHH MTV cao su.
Tổng diện tích được giao quản lý là 668.071 ha. Các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng điều khó khăn là nguồn lực tài chính cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật còn quá thấp kém, hoạt động sản xuất trong lâm nghiệp chủ yếu là thủ công, hoạt động dịch vụ còn nghèo nàn, hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, tình trạng đất nông lâm trường được cấp chồng lấn với đất của các hộ dân và tổ chức hay các hộ dân lấn chiếm đất của của các nông lâm trường diễn ra trong thời gian dài chưa được xử lý.
Đơn cử, trong 7 công ty TNHH MTV lâm nghiệp được giao 269.079 ha thì có 22.239 ha đất bị người dân lấn chiếm để làm nương rẫy; 10.795 ha do các tổ chức, cá nhân sử dụng. Tại huyện Đắk Glei, năm 2008, UBND tỉnh đã quyết định giao 32.012,4 ha cho Công ty TNHH MTV Đắk Glei.
Tuy nhiên, trong số đó giao trùng lên đất tổ chức, cá nhân đã sử dụng ổn định trước khi giao đất cho Công ty với diện tích là 3.550 ha; diện tích bị lấn chiếm là 5.446 ha. Nguyên nhân của việc này là do, việc sắp xếp đổi mới chỉ là thay đổi về hình thức và tên gọi.
Hiện chưa có công ty nào được đổi mới căn bản về cơ chế chính sách đối với các công ty lâm nghiệp, mà vẫn mang nặng tính bao cấp theo mô hình trước đây. Các công ty mới đều phải kế thừa từ các công ty cũ từ cách quản lý, nhân sự, cơ sở vật chất cũng như diện tích lâm phần của các công ty cũ nên chưa có chuyển biến thực sự, chưa tạo ra yếu tố mới thúc đẩy phát triển so với các lâm trường trước đây, thậm chí còn bộc lộ nhiều khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, công tác đo vẽ bản đồ, hoàn chỉnh hồ sơ dữ liệu quản lý đất đai chưa được đầu tư hoàn chỉnh, việc tham gia lập quy hoạch sử dụng đất trong các nông, lâm trường chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới hiệu quả sử dụng đất đai còn thấp, diện tích đất chưa được sử dụng còn nhiều.
Việc lấn, chiếm đất của các nông lâm trường chủ yếu do tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của người dân khu vực gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số mà địa phương chưa bố trí được theo kế hoạch.
Bởi, theo thống kê, từ năm 2004 đến hết năm 2012, tỉnh mới chỉ giao khoảng 46 ha đất ở cho hơn 1.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất và thiếu đất, đạt 49% kế hoạch; giao 496 ha đất sản xuất cho 2.000 hộ, đạt 67%... Hiện, nhu cầu về đất các hộ cần được tiếp tục giao là 2.343 hộ.
Đồng thời, do việc rà soát, sắp xếp, giao khoán, cấp GCNQSD đất trong các nông, lâm trường còn tồn tại nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai.
Ngoài ra, tình hình vi phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh nhất là tại các công ty lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê, từ năm 2004 đến cuối năm 2013, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 8.507 vụ vi phạm. Nguyên nhân của việc này do lực lượng cán bộ quản lý, bảo vệ rừng mỏng, bình quân 2000 ha/người.
Để chấn chỉnh các vi phạm trên, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các Sở, ngành, nông lâm trường cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đại, thực hiện pháp luật đất đai, pháp luật bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục giao khoán, cho thuê rừng với cộng đồng và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tạo điều kiện về kinh phí để đảm bảo cho việc rà soát, quy hoạch chi tiết và cắm mốc ranh giới đất giao, cho thuê với các chủ rừng…
Chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các nông lâm trường trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệ và với diện tích giao về địa phương quản lý theo quy hoạch; trong đó, ưu tiên việc giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số. (Tài Nguyên & Môi Trường 11/3, Tr12)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Loài kiến gai vừa được các nhà khoa học phát hiện rất thú vị với những chiếc gai lớn giống như sừng ở phần sau của cơ thể.
Một loài kiến mới vừa được phát hiện trong khu vực mỏ bauxite ở gần Nhulunbuy, thuộc vùng lãnh thổ Bắc Australia.
Loài này đã được đặt tên là "kiến gai của Kohout", thuộc chi Polyrhachis, có nghĩa là "nhiều gai".
Các nhà khoa học tại Australia cho biết thời gian gần đây họ đã tìm thấy một số loài kiến mới trong khu vực này, nhưng "kiến gai của Kohout" là loài lạ và thú vị nhất. Loài này có những gai rất lớn giống như sừng ở phần sau của cơ thể.
Tên của loài kiến gai này được đặt theo tên nhà khoa học Rudy Kohout của Australia, người đã xuất bản rất nhiều tài liệu về dòng Polyrhachis và dành nhiều năm trong đời để phân loại các nhóm kiến đặc biệt. (Tài Nguyên & Môi Trường 11/3, Tr11; Chính Phủ 6/3)đầu trang(./.
Biên tập: Diệu Huyền