Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 12 tháng 03 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Cây Dã hương cổ thụ hơn 400 năm tuổi, có chu vi đến 6 mét, trong khuôn viên Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Đình Dương Lâm, xã An Dương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang được các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương, tổ chức đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 09/3/2015.
Tới dự, buổi lễ trọng thể này có đông đảo lãnh đạo và đại diện các Ban, ngành tỉnh, huyện Tân Yên, Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam và Toàn thể cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương cùng hàng nghìn đồng bào địa phương.
Dương Lâm - An Dương là một trong những làng quê cổ kính của huyện Tân Yên có cả một bề dầy truyền thống văn hoá lịch sử và cách mạng. Nơi đây gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do thủ lĩnh Đề Hả và sau này là Đề Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp kéo dài ngót 30 năm.
Thời kỳ tiền khởi nghĩa cách mạnh tháng 8 năm 1945, 9 năm kháng chiến Dương Lâm lại trở thành một trong những cơ sở chở che, gây dựng phong trào cách mạng, nuôi cán bộ, lập làng chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Ngôi đình Dương Lâm này cũng do đích thân Đề Thám cắm hương xây dựng lại. Với giá trị và ý nghĩa lịch sử  và bề dày truyền thống tiêu biểu, năm 1990 Nhà nước đã công nhận đình Dương Lâm là di tích lịch sử quốc gia và sau đó ngày 12/5/2012 được Thủ tướng chính phủ Quyết định là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt trong hệ thống các di tích của cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám.
Ông Nguyễn Văn Phả, nguyên Phó Chủ tịch huyện Tân Yên cho biết, Sự kiện cây Dã hương trong khuôn viên đình Dương Lâm được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, hết sức có ý nghĩa đối với nhân dân địa phương và càng tôn thêm giá trị cho khu di tích đặc biệt này. (Tài Nguyên & Môi Trường 12/3, Tr6)đầu trang(
Sáng 11/3, đ/c Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt huyện Quế Phong.
Được thành lập vào ngày 2/4/2013 theo quyết định của UBND tỉnh trên cơ sở chuyển đổi từ Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong, với nhiệm vụ quản lý và bảo vệ hơn 85.700 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích rừng đặc dụng gần 34.600 ha, diện tích rừng phòng hộ trên 51.000 ha, được phân bố trên địa bàn 9 xã của huyện Quế Phong, trong hai năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã làm tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, xử lý 39 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu trên 317m3 gỗ các loại; Không để tình trạng cháy rừng xẩy ra. Bên cạnh đó, đơn vị đã làm tốt công tác trồng rừng và sản xuất dịch vụ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Viết Đường biểu dương và đánh giá cao những kết quả Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đạt được. Đồng chí lưu ý một số vấn đề đơn vị cần quan tâm trong thời gian tới.
Đó là rà soát chặt chẽ về quy hoạch rừng, tăng cường công tác tuần tra, xử lý các vụ vi phạm lâm luật, thực hiện tốt công tác giao khoán đất rừng và phát triển và bảo vệ rừng, quan tâm chăm lo cơ sở vật chất, đời sống cán bộ, công nhân viên, nâng cao công tác đào tạo cán bộ, xây dựng đề án việc làm. (Nghệ An 24H 12/3)đầu trang(
Trong những tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng tỉnh đã kiểm tra, bắt giữ, xử lý 59 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Qua công tác xử phạt vi phạm hành chính đã tịch thu 35,757m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 838 triệu đồng.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2015,  Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai kế hoạch phối hợp lực lượng bảo vệ rừng chống buôn lậu lâm sản.
Đồng thời,  thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn, vận động các cá nhân, hộ dân và doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lâm sản ký cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý lâm sản.
Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ rừng, chung sức tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. (Công An Thanh Hóa 11/3)đầu trang(
Hiện nay, thời tiết đang bắt đầu vào giai đoạn nắng nóng khiến nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao. Đại  Lộc hiện có khoảng 37.720,95 ha bao gồm đất rừng và đất lâm nghiệp. Trong  3 năm qua từ 2012 – 2014, trên địa bàn huyện Đại Lộc đã xảy ra 4 vụ cháy rừng gây thiệt hại cho gần 36 ha rừng trồng.
Trong 4 vụ cháy trên đều không tìm ra đối tượng nhưng nguyên nhân chính vẫn do con người gây nên như đốt rừng làm nương rẫy, dọn vệ sinh rừng sau khai thác vô ý gây cháy lan, hoặc do người dân đốt vàng mã ở các nghĩa địa gần rừng ..vv..v .
Thường là các vụ cháy rừng xảy ra vào khoảng tháng 3 và tháng 8 hằng năm nhưng tập trung nhất là tháng 5,6,7 và 8. Vậy nên, trong mùa khô 2015 này ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Đại Lộc đã chủ động lên phương án phòng cháy, chữa cháy rừng bằng cách kiện toàn kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020, củng cố lại tổ kiểm lâm cơ động, đảm bảo quân số đủ mạnh.
Xây dựng phương án phối hợp với các ngành công an, quân sự để sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống xảy ra. Đồng thời thành lập các tổ, đội quần chúng ở các thôn có rừng. Mỗi tổ, đội có từ 15 – 20 người do trưởng thôn hoặc chủ rừng làm tổ trưởng, hướng dẫn người dân sử dựng lửa một cách an toàn trong rừng nhất là vào mùa khô hanh.
Mặc khác, tuyên truyền các nội dung, chính sách nhà nước, quyền lợi, nghĩa vụ của cá nhân và cộng đồng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và vai trò của rừng đối với đời sống con người. (Đài Tin Tức-TH Đại Lộc 11/3)đầu trang(
Rút kinh nghiệm từ các vụ cháy rừng của các năm trước, ngay từ đầu mùa khô 2015, Ban Chỉ huy công tác bảo vệ rừng huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng đã tích cực, chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) để kịp thời ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Toàn huyện Hải Lăng có tổng diện tích đất và rừng là hơn 22.890ha, trong đó diện tích đất có rừng là 18.756ha (rừng sản xuất trên 12.450ha, rừng phòng hộ khoảng trên 6.223ha), chiếm trên 44% tổng diện tích đất tự nhiên.
Rừng và đất lâm nghiệp của huyện có diện tích tập trung chủ yếu ở 7 xã vùng gò đồi: Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, Hải Thọ, Hải Trường, Hải Sơn và Hải Chánh, với khoảng trên 18.195ha. Đây là vùng cơ cấu các loại cây trồng tương đối đa dạng và phong phú như: Thông nhựa, keo lá tràm, keo lưỡi liềm, keo lai, keo tai tượng, bạch đàn...
Do địa hình phức tạp với đồi núi cao, dốc, đường giao thông đi lại còn khó khăn, thời tiết, khí hậu, nắng nóng kéo dài từ đầu năm 2015 đến nay đã làm độ ẩm trong đất thấp, thực bì các khu vực có rừng khô nhanh rất dễ gây cháy.
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, rút kinh nghiệm qua những vụ cháy rừng của các năm trước. Ngay từ đầu mùa nắng nóng năm 2015, huyện Hải Lăng đã củng cố và kiện toàn BCH bảo vệ rừng các cấp từ huyện đến 7 xã vùng gò đồi.
Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tích cực tham mưu cho Chủ tịch UBND 7 xã vùng gò đồi xây dựng và triển khai thực hiện phương án PCCR đạt hiệu quả, tiến hành hợp đồng nhiều suất khoán bảo vệ rừng.
Củng cố kiện toàn và thành lập 30 tổ, 7 đội xung kích bảo vệ rừng, PCCR trên địa bàn 7 xã vùng gò đồi, với hơn 400 người tham gia. Riêng đối với các xã vùng cát lực lượng kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với chính quyền cấp xã tuần tra các khu rừng trồng trên vùng cát, đảm bảo tốt trong công tác PCCR.
Cùng với công tác chuẩn bị công tác PCCR, lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn có rừng cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến, quán triệt nhiều văn bản pháp luật bằng hình thức lồng ghép họp dân trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng cho hàng nghìn người dân tham gia.
Ngoài ra, đã cấp phát tờ rơi, lịch treo tường có nội dung bảo vệ rừng và môi trường sống trong các tầng lớp nhân dân ở 17 xã, thị trấn có rừng với số lượng 2.300 tờ lịch và áp phích.
Năm nay, theo dự báo hạn nắng sẽ kéo dài và cục bộ...nên việc PCCR luôn được huyện Hải Lăng đặt lên hàng đầu.
Mặc dù chuẩn bị cho ngày đại lễ 40 năm giải phóng, nhưng UBND huyện Hải Lăng vẫn chỉ đạo cho các xã có rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về PCCR, phan công lực lượng kiểm lâm về các địa phương để tham mưu cho lãnh đạo các xã vùng gò đồi đã tổ chức trực cháy rừng tại văn phòng BCH bảo vệ rừng đúng quy dịnh với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) để kịp thời ứng cứu, chữa cháy rừng khi có sự cố xảy ra.
Hiện trên địa bàn huyện có 40 bảng quy ước bảo vệ rừng và pa nô, 11 chòi canh kiên cố, được bố trí tại các trục đường giao thông và các khu vực trọng điểm thường xuyên có người ra vào rừng.
Hệ thống đường ranh cản lửa có chiều dài hơn 350km (kể cả đường giao thông, đường lâm nghiệp) đang phát huy tác dụng tốt. Việc cập nhật, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được thực hiện thường xuyên; công tác giám sát việc khai thác sản phẩm rừng trồng được thực hiện chặt chẽ đã góp phần ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.
Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người dân trên địa bàn khi vào rừng rà phá phế liệu chiến tranh, đốt ong, chặt củi... vẫn chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ rừng đã khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn, nhất là trong thời điểm mùa khô nóng đang đến gần.
Trong năm 2011, tại huyện Hải Lăng đã xảy ra 5 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại trên 50ha, năm 2014 xảy ra 2 vụ cháy rừng ở xã Hải Sơn thiệt hại hàng chục ha rừng trồng. Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do người đi rừng sử dụng lửa bất cẩn hoặc do bom mìn chiến tranh còn sót lại phát nổ gây cháy, một nguyên nhân nữa là các chủ rừng có hiềm khích trả thù lẫn nhau bằng cách đốt rừng.
Ông Nguyễn Anh Thuỷ, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng cho biết, hiện hạt đang phối hợp với các ban ngành liên quan, đặc biệt là với chính quyền địa phương có rừng rà soát lại công tác PCCR, thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng để kịp thời phát hiện những hành vi xâm hại rừng và các nguy cơ gây cháy để xử lý kịp thời.
Mặt khác, công tác vận động, nhắc nhở người dân thường xuyên vào rừng phải tuân thủ việc bảo vệ rừng, nếu phát hiện xảy ra cháy phải báo ngay với kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương.
Hiện tại thời tiết đang diễn biến phức tạp, nắng nóng đầu mùa nhưng cũng khá gay gắt...do vậy việc chủ động triển khai công tác PCCR ở huyện Hải Lăng là việc làm thiết thực. Với sự chuẩn bị này, tin tưởng rằng những cánh rừng ở huyện Hải Lăng sẽ được bảo vệ tốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. (Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị 11/3)đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An cho biết, hiện đang bước vào cao điểm của mùa khô và theo cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm, một số nơi trong tỉnh đang ở cấp 5 - mức cực kỳ nguy hiểm.
Ngành kiểm lâm tỉnh đã chủ động tổ chức, kiện toàn lại lực lượng tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở, các chủ rừng để bảo vệ gần 26.000 ha rừng trên địa bàn. (Đài Nhân Dân 12/3, Tr7)đầu trang(
Ngày 11/3/2015, ông Nguyễn Khang Thiên - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết:Chuẩn bị đối phó với mùa khô 2014 – 2015, ngành kiểm lâm phối hợp với các lực lượng khác tích cực triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo đó, từ 25/1/2015 - 9/3/2015, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ cháy rừng,  giảm so với năm trước về số vụ và diện tích. Trong đó: cháy rừng trồng 2 vụ, rừng tự nhiên 1 vụ, cháy thảm cỏ 7 vụ. Các vụ cháy đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không gây thiệt hại về rừng.
Ông Nguyễn Khang Thiên cũng khẳng định, trong mùa khô này, ngành kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng đã lên kế hoạch, các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời. Huy động lực lượng 4 tại chỗ sẵn sàng ứng phó, xử lý thảm thực bì, cây bụi tán, đồng thời tuyên truyền để người dân cẩn thận khi vào rừng trong mùa khô, không gây cháy rừng. (Báo Lâm Đồng 11/3)đầu trang(
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô năm nay có thể bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nước, hạn hán có thể xảy ra trên diện rộng và tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng.
Để chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), huyện Kông Chro đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và triển khai nhiều biện pháp PCCCR mùa khô.
Theo đó, huyện Kông Chro đã kiện toàn Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng, PCCCR; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện và các ban, ngành, đoàn thể bám sát cơ sở, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn lại Ban chỉ huy PCCCR tại cơ sở, thành lập các tổ đội PCCCR; tổ chức triển khai họp thôn, làng, ký cam kết sử dụng an toàn lửa rừng; kiểm tra, thống kê nương rẫy ở các xã, các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
Hiện trên địa bàn huyện Kông Chro có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 118 ngàn ha; trong đó hơn 78 ngàn ha đất có rừng phân bố rộng và chủ yếu là rừng khộp rụng lá hàng năm tạo lớp thực bì dày nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nhất là 4 trọng điểm cháy tại các xã: Đak Kơ Ning, Chơ Long, An Trung, Yang Nam trên 14 tiểu khu, với diện tích hơn 14 ngàn ha.
Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng trong những năm qua chủ yếu do tác động thiếu ý thức của con người như: đốt nương làm rẫy để cháy lây lan, vào rừng đốt lửa nấu ăn, sinh hoạt, đốt lửa trong rừng để săn bắn chim thú, đốt than, đốt đồng cỏ lấy đất sản xuất hoặc lấy cỏ non để chăn thả gia súc...
Để tránh tình trạng cháy rừng xảy ra trong mùa khô năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác kiểm tra, điều tra các vi phạm về công tác phòng-chống cháy rừng, truy quét nạn khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và nạn phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn toàn huyện.
Thành lập đội phòng-chống cháy rừng tại các thôn, làng để ứng cứu nhanh và kịp thời nếu xảy ra cháy rừng. Đặc biệt tập trung tuần tra, kiểm tra vào thời gian cao điểm mùa khô tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao.
Hướng dẫn nhân dân kỹ thuật sản xuất nương rẫy phải làm đường ranh cản lửa trước khi dọn, đốt, đảm bảo công tác phòng cháy, sử dụng an toàn lửa rừng trong sinh hoạt ven rừng. Nghiêm cấm tuyệt đối hành vi sử dụng lửa trong rừng và khu vực có nguy cơ xảy ra cháy.
Ông Võ Đình Chinh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro cho biết: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về PCCCR là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được ngành Kiểm lâm cũng như các cấp chính quyền, địa phương quan tâm thực hiện; tuyên truyền và ký cam kết sử dụng an toàn lửa rừng đến từng hộ dân sống gần rừng.
Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm đã tuyên truyền tại 3 xã Chơ Long, Chư Krey, Đak Pơ Pho với hơn 580 lượt người tham gia và 227 hộ dân đã ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Kiện toàn 18 Ban chỉ huy PCCCR từ cấp huyện đến cấp xã; xây dựng phương án PCCCR mùa khô và phối hợp với các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp, các xã cử người trực tại các trọng điểm; cử cán bộ tham gia đợt diễn tập PCCCR do tỉnh tổ chức.
Xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan, huy động lực lượng tại chỗ ứng cứu kịp thời nếu xảy ra cháy rừng; đồng thời, chuẩn bị tốt các trang-thiết bị phục vụ cho công tác chữa cháy rừng như cuốc, xẻng, bàn dập lửa và phương tiện chữa cháy. (Báo Gia Lai 11/3)đầu trang(
Lâm Đồng là một trong số các tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng dẫn đầu cả nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có Chỉ thị 41-CT/TU  ngày 30/9/2008 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng” - (gọi tắt là Chỉ thị 41).
Thực tế cho thấy, sau 6 năm kể từ khi thực hiện chỉ thị này, mặc dù tình trạng phá rừng có giảm so với trước nhưng diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.
Đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, báo cáo của UBND tỉnh nêu: Qua 6 năm triển khai Chỉ thị 41, công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh còn bộc lộ những bất cập, yếu kém; nhiều mục tiêu đề ra trong chỉ thị thực hiện chưa đạt so với yêu cầu; rừng tiếp tục bị lấn chiếm, bị phá, diễn ra ở một số nơi nghiêm trọng. Điều này dẫn tới tổng diện tích rừng giảm đáng kể so với trước đây.
Có thể điểm qua một số địa bàn trọng điểm có tình trạng phá rừng trái phép với mức độ nghiêm trọng trong thời gian qua. Đơn cử như các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tập trung đông người phá rừng trái phép trên lâm phần cho các doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại huyện Bảo Lâm với diện tích lên đến 163ha.
Diện tích này đến nay đã được giải tỏa, giao lại cho doanh nghiệp để trồng rừng, trồng cây cao su. Hay tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép tại các vùng rừng giáp ranh giữa huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm; qua kiểm tra, truy quét đã phát hiện 67 vụ vi phạm, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan.
Đặc biệt, vụ phá rừng tại tiểu khu 737A, 737B ở xã Sơn Điền, Gia Bắc, huyện Di Linh với khối lượng gỗ bị thiệt hại 514m3.
Nhiều người đặt câu hỏi đối với vụ phá rừng nổi cộm tại vùng giáp ranh giữa huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên vào thời điểm cuối năm 2014, là tại sao đối tượng phá rừng lại ngang nhiên dùng xe cơ giới ủi đường để tiến hành chặt hạ trái phép 300m3 gỗ tự nhiên thuộc các loại gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII nhưng chính quyền địa phương và chủ rừng không phát hiện, kịp thời ngăn chặn.
Tương tự, tình trạng phá rừng còn diễn ra tại một số tiểu khu thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, khu vực giáp ranh giữa huyện Di Linh, Đức Trọng và huyện Bắc Bình - Bình Thuận.
Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 977.219ha, trong đó có 596.671ha được quy hoạch 3 loại rừng bao gồm: rừng đặc dụng 84.778ha, chiếm 14%; rừng phòng hộ 173.730ha, chiếm 29% và rừng sản xuất 338.163ha, chiếm 57%.
Nhiều năm qua, rừng Lâm Đồng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nguồn nước các sông suối, hồ trên địa bàn và khu vực Đông Nam Bộ. Với diện tích và vị thế của rừng nơi đầu nguồn; sự đa dạng sinh học là nhân tố giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên, khí hậu quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ và các ngành kinh tế khác, do đó việc bảo vệ và phát triển rừng được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Song thực tế công tác quản lý bảo vệ còn nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến diện tích rừng ngày một bị thu hẹp so với trước đây. Theo thống kê, trong vòng 6 năm qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện, lập biên bản 13.025 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Tuy có giảm so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 41 của Tỉnh ủy, song tình trạng phá rừng, ken cây rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra khá gay gắt ở một số địa phương với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Vì vậy, trong số trên 13 ngàn vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 3.330 vụ phá rừng trái phép trong 6 năm đã gây thiệt hại hơn 1.353ha rừng.
Tại hội nghị tổng kết Chỉ thị 41 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đặt câu hỏi đối với các cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương vì sao độ che phủ rừng từ trên 60% nay còn 52%.
Ngoài diện tích rừng giao cho các dự án, gần 30 ngàn ha rừng bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, sử dụng sai mục đích. Điều này đặt ra trách nhiệm quản lý địa bàn của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các địa phương để mất rừng.
Qua đó, Chủ tịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Cần kiên quyết với đối tượng làm ngơ, tiếp tay cho việc lấn chiếm đất rừng, và nếu có sự thông đồng, cấu kết trong các vụ phá rừng phải điều tra xử lý triệt để.
Bởi không ai có thể xây vách ngăn rừng với đất sản xuất, nên trong thời gian tới cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ rừng một cách hiệu quả mà trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cấp ủy, chủ rừng, kiểm lâm.
Thống kê từ tháng 10/2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 62 vụ chống người thi hành công vụ tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Bảo Lộc.
Qua đó, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, xử lý hình sự 18 vụ với 44 đối tượng, còn lại xử lý hành chính.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, tình hình chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng có những diễn biến phức tạp, các đối tượng vi phạm bất chấp pháp luật và dùng mọi thủ đoạn có thể để chống trả lực lượng thi hành công vụ, thậm chí dùng hung khí đe dọa, tấn công lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Điển hình là vụ chống người thi hành công vụ khiến một cán bộ kiểm lâm hy sinh diễn ra tại huyện Đạ Tẻh vào ngày 28/12/2014. (Báo Lâm Đồng 11/3)đầu trang(
Qua công tác tuần tra, các trinh sát CSĐTTPVTTXH- CA tỉnh Quảng Trị phát hiện ông Đoàn Đức Hùng (40 tuổi) và Nguyễn Viết Trường (45 tuổi, đều trú TP Đông Hà, Quảng Trị) tàng trữ súng săn, đạn tự chế và vừa đi săn bắn động vật hoang dã trở về.
Ngày 10-3, Phòng CSĐTTPVTTXH cho hay, các đối tượng khai nhận 2 khẩu súng săn tự chế mua tại một tỉnh phía Bắc, còn 16 viên đạn là tự chế. (Công An TP.Đà Nẵng 11/3)đầu trang(
Chiều ngày 11/3, vụ cháy rừng thông tại tiểu khu 268 (thuộc địa bàn núi Voi, xã Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng) mới được khống chế sau hơn 4 giờ lửa cháy ngùn ngụt, cột khói bốc cao hàng chục mét.
Theo Chủ tịch xã Hiệp An Hoàng Hồng Quang, địa phương phát hiện đám cháy vào lúc 12 giờ và đã huy động hàng chục người hỗ trợ chủ rừng tiến hành chữa cháy.
Tuy nhiên do cánh rừng bị cháy ở gần đỉnh núi cao, dốc đứng nên không thể đưa máy móc phương tiện dập lửa đến tận nơi. Công tác cứu hỏa vì thế gặp rất nhiều khó khăn, không thể đẩy nhanh tiến độ dập lửa.
Bước đầu xác định những người lên núi kiếm củi đã vứt tàn thuốc gây cháy rừng. Cơ quan chức năng đang tiến hành thống kê diện tích rừng bị cháy và điều tra làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn. (Thanh Niên 12/3, Tr18; Tiền Phong 12/3, Tr2)đầu trang(
Tại Hậu Giang, nỗi lo cháy rừng đã được giải tỏa nhờ Chi cục Kiểm lâm sử dụng phần mềm viễn thám vào phòng cháy, chữa cháy rừng.
Phần mềm viễn thám có tên là Form Eosdis data hay còn gọi là dữ liệu về quản lý tài nguyên lửa do Nasa phối hợp với Đại học Maryland của Mỹ cung cấp và việc sử dụng hoàn toàn miễn phí.(VOV 11/3)đầu trang(
Hiện trạng rừng tại huyện Bù Đốp, thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập và một số xã thuộc huyện Bù Đăng (Đắk Nhau, Phú Sơn, Đường 10) nằm trong nguy cơ cháy cao.
Riêng huyện Hơn Quản nguy cơ cháy rừng ở cấp 4, cấp cháy nguy hiểm xen lẫn cấp 5, cấp cháy cực kỳ nguy hiểm.Tỉnh yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng cháy rừng. (Tin Tức 11/3, Tr2)đầu trang(
Mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng gần đây tình trạng săn bắt động vật hoang dã tại một số địa phương nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương đang có chiều hướng gia tăng. Nghiêm trọng hơn, tình trạng mua, bán, vận chuyển thịt thú rừng còn diễn ra công khai khiến dư luận nhân dân hết sức bất bình.
Vườn Quốc gia Cúc Phương được ghi nhận có hệ sinh thái phong phú và đa dạng, gồm 97 loài thú (trong đó nổi bật nhất là các loài khỉ châu Á), 137 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng nghìn loài côn trùng...
Nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Đây cũng là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng về mặt bảo tồn, trong đó có voọc quần đùi trắng (loài linh trưởng) đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu ở mức đe dọa cực kỳ nguy cấp và loài cầy vằn, báo hoa mai đang ở mức đe dọa cấp quốc gia.
Thế nhưng, gần đây tình trạng săn, bắt động vật hoang dã ở khu vực rừng Cúc Phương có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp theo kiểu tận diệt.
Dọc đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đến xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (hai xã nằm trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Cúc Phương), PV bắt gặp không ít các quán ăn, nhà hàng kinh doanh có liên quan đến việc mua, bán thịt thú rừng.
Trên địa bàn nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương, một số quán ăn bên đường còn công khai giá bán thịt thú rừng. Theo đó, sóc rừng có giá từ 60.000 đến 70.000 đồng/con, dúi từ 300.000 đến 350.000 đồng/con, thịt hoẵng từ 400.000 đến 450.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại khác như: Cầy vòi, cầy hương... được bán với giá từ 450.000 đến 1,2 triệu đồng/kg.
Ví dụ, tại nhà hàng “Điểm hẹn Cúc Phương-Quán gió hương rừng” nằm trên địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, chúng tôi được một nhân viên “tiếp thị” có các loại thịt thú rừng như: Hoẵng, lợn rừng, sóc... với giá "phải chăng" và các loại thịt này luôn có sẵn trong tủ lạnh.
Còn tại nhà hàng Quang Đức (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), bên cạnh các loại đặc sản rừng như: Gà đồi, dê núi được giới thiệu, chúng tôi cũng được các nhân viên ở đây cho biết, thịt sóc mua mang về nhà giá 100.000 đồng/con, còn ăn tại nhà hàng giá 110.000 đồng/con...
Như để minh chứng và khẳng định nhà hàng luôn bán thịt rừng tươi ngon, chất lượng, một nhân viên dẫn chúng tôi vào xem trực tiếp. Chỉ tay vào tủ lạnh, nhân viên này giới thiệu đó là thịt thú rừng “xịn” đã được làm sạch, bảo quản...
Ông Bùi Văn Thức, một người dân ở xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Việc các quán ăn, nhà hàng phục vụ các món ăn từ thịt thú rừng không còn là chuyện lạ, cũng không ai rõ nguồn gốc từ đâu, chất lượng thế nào.
Tình trạng săn, bắt động vật hoang dã trên địa bàn vẫn diễn ra lén lút từ nhiều năm nay, thế nhưng cũng chưa thấy ai bị xử lý”.
PV đem những thông tin ghi nhận được tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn cùng với những thắc mắc về việc săn, bắt, mua, bán thịt thú rừng diễn ra công khai đến Trạm Kiểm lâm số 4 (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương) nhằm làm rõ.
Thế nhưng, khi được hỏi: “Việc người dân săn bắt và các quán ăn mua, bán thịt thú rừng đang diễn ra ngay trong khu vực địa bàn do đơn vị quản lý, cán bộ kiểm lâm có biết, việc xử lý được thực hiện như thế nào?”, ông Phạm Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 4 lại trả lời: “Chúng tôi không có quyền phát ngôn, nếu muốn tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, các anh nên liên hệ với Ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương...”.
Ông Tạ Đức Biên, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương, nói: “Chưa có cơ sở để khẳng định đây là thịt thú rừng. Có thể các nhà hàng đánh lừa khách để trục lợi...”.
Rồi ông Biên hứa: “Nếu đúng có tình trạng này, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, cái khó là hiện nay các nhà hàng đều quen mặt lực lượng kiểm lâm, nếu đi kiểm tra là bị lộ. Việc phát hiện vi phạm để xử phạt là rất khó...”.
Đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, cùng Ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân cố tình săn bắt, buôn bán thịt thú rừng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân để công tác bảo vệ động vật hoang dã mang lại kết quả tích cực. (Quân Đội Nhân Dân 11/3, Tr8) đầu trang(
Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (thuộc Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang) có diện tích hơn 17.000 ha trong đó rừng nguyên sinh Khe Rỗ chiếm 7.100 ha là khu rừng quan trọng nhất của khu bảo tồn này.
Nhưng tiếc thay do buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ nên những cánh rừng nguyên sinh tại đây vẫn đang bị lâm tặc tàn phá từng ngày, đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng Tây Yên Tử.
Theo người dân địa phương, nhiều năm nay, rừng nguyên sinh Tây Yên Tử trên địa bàn xã An Lạc (Sơn Động) bị lâm tặc tàn phá, không thương tiếc. Hiện tại ở các địa điểm như Khau Chon, Khau O, Khau Mu... lâm tặc "xẻ thịt” rừng vô tội vạ.
Để tận mắt chứng kiến rừng xanh bị tàn phá thế nào, nhóm phóng viên chúng tôi phải thuê người bản địa dẫn đường vào các khu rừng với danh nghĩa đi du lịch sinh thái khám phá rừng.
Xuất phát từ thôn Nà Ó (xã An Lạc), chúng tôi theo con đường ngoằn ngoèo tiến thẳng vào rừng. Mới đặt chân tới bìa rừng của khu Khau Mu, đã thấy nườm nượp người, xe máy chuyên dụng vận chuyển gỗ dựng san sát bên đường chờ tiêu thụ.
Dọc đường đi, chúng tôi liên tục phát hiện những thân cây Lim, Sến có đường kính lớn bị chặt hạ, bên cạnh đó là các nhóm lâm tặc đang hì hục cưa xẻ thân gỗ. Những cây gỗ cổ thụ hầu như bị chặt phá hết chỉ còn trơ lại các gốc cây đã hoai mục.
Một số cây gỗ vừa mới bị lâm tặc xẻ thịt, mùn cưa, cành lá còn tươi nguyên. Những cây nhỏ hơn thì lâm tặc chỉ lấy phần gỗ có giá trị, còn những phần khác bỏ lại vương vãi khắp nơi. Mặc dù địa hình đèo núi hiểm trở nhưng chúng tôi thấy điều kỳ lạ là các đường mòn ở đây nhẵn thín, in hằn vết gỗ bởi đội ngũ lâm tặc đi lại và kéo gỗ ra khỏi rừng.
Từ Khau Mu, bám theo các vách núi sau khu vực Khau Chon, Khau O và nhiều nơi khác cũng chung cảnh gỗ rừng nguyên sinh bị hạ sát nham nhở. Nhiều nơi, lâm tặc còn dựng cả lán trại để phục vụ cho công việc phá rừng dài ngày. Bên cạnh những lán trại là những khối gỗ đã được xẻ thành từng tấm "vuông thành, sắc cạnh” chuẩn bị mang ra khỏi rừng tiêu thụ.
Vì là người lạ nên đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt sắc lạnh của những lâm tặc canh chừng. Càng vào sâu trong rừng càng thấy lâm tặc lộng hành hơn và tuyệt nhiên không có bóng dáng nào của lực lượng chức năng.
Phát hiện một nhóm lâm tặc đang "xẻ thịt” một cây gỗ lớn, chúng tôi đến gần để tìm hiểu. Tuy nhiên, phát hiện người lạ, hai tên lâm tặc cầm chiếc rìu lớn lao ra quát: "Chúng mày vào đây làm gì?” Thấy nguy hiểm, người dẫn đường nhanh trí đáp: "Em là người trong xã đưa mấy anh em ngoài phố đi du lịch sinh thái rừng nguyên sinh, vào sâu quá nhầm đường nên giờ tìm đường ra”.
Sau dăm ba câu chuyện với các lâm tặc để đánh lạc hướng, người dẫn đường rỉ tai PV: "Ở đây nguy hiểm lắm, mình nói vậy nhưng chắc chắn chúng sẽ theo dõi, giờ thì rút thôi để đảm bảo an toàn tính mạng…”, và chúng tôi đành rút ra khỏi rừng.
Để tránh bị phát hiện, lâm tặc thường vận chuyển gỗ từ Khau Chon, sang Khau Mu rồi tuồn dần xuống các điểm tập kết ở khu vực thôn Nà Ó. Từ thôn Nà Ó gỗ sẽ được giới lâm tặc vận chuyển theo các ngả đường qua các thôn Biểng, Đồng Bây, Cò Nooc, Đồng Dương…
Khi vận chuyển đến nhà dân ở xã An Lạc, các chủ buôn gỗ sẽ đến tận nhà để thu mua. Còn đội ngũ lâm tặc chuyên nghiệp thì vận chuyển tới các kho của chủ buôn gỗ rồi bốc lên ô tô vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Ngay tại An Lạc, mỗi tấm gỗ Lim, Sến có độ dài 2 mét có trị giá hàng triệu đồng đến cả chục triệu đồng.
Người dân địa phương cho biết, trước kia lâm tặc và các xe vận chuyển gỗ lậu từ trong rừng ra hoạt động công khai giữa ban ngày. Người dân kiến nghị mãi, lực lượng chức năng làm gắt gao hơn thì bọn chúng lại chuyển sang ban đêm.
Cứ đêm về ô tô, xe máy lại lũ lượt "cõng” gỗ từ cửa rừng và từ các điểm tập kết ở xã An Lạc ra ngoài địa bàn tiêu thụ mà không gặp trở ngại gì.
Theo tìm hiểu chúng tôi, nhằm bảo vệ rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Ban quan lý khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử đã thành lập tổ bảo vệ rừng An Lạc đặt tại rừng Khe Rỗ.
Tuy nhiên, việc tuyển chọn người bảo vệ rừng lại do UBND xã An Lạc tuyển chọn và cấp kinh phí. Và đương nhiên những người bảo vệ rừng là những người dân xã An Lạc.
Mặt tốt là hầu hết họ đều thông thuộc địa bàn, thông thuộc các ngóc ngách của rừng, tuy nhiên những lâm tặc và người vào rừng lấy gỗ hầu hết cũng là người bản địa nên quen biết sinh ra chuyện cả nể, bao che, tiếp tay cho nhau.
Mặt khác tổ bảo vệ rừng chỉ có hơn chục người nhưng phải trông coi diện tích rừng rộng lớn nên không thể bao quát toàn bộ. Tổ cũng không thuộc biên chế lực lượng kiểm lâm. Tất cả chỉ là hợp đồng theo năm nên không có sự ràng buộc gì đáng kể.
Ngoài Tổ bảo vệ đặt trong rừng, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử còn lập ra trạm kiểm lâm Biểng, đặt ngay đường vào xã An Lạc, nhưng cả trạm kiểm lâm cũng chỉ có 4 cán bộ, nhân viên.
Trao đổi về vấn đề lâm tặc phá rừng nguyên sinh tại An Lạc, ông Trần Dìn- Chủ tịch UBND xã An Lạc cũng thừa nhận tình trạng này là có. Tuy nhiên ông cho biết việc quản lý rừng nguyên sinh thuộc về Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Chính quyền xã chỉ có trách nhiệm phối hợp, tuyên truyền vận động nhân dân không vào phá rừng.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Dũng, Hạt phó hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử thừa nhận việc lâm tặc vẫn đang hủy hoại rừng nguyên sinh Tây Yên Tử từng ngày. Theo ông Dũng, lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, chúng theo sát hoạt động của lực lượng kiểm lâm, đi làm lúc nào, về lúc nào.
Khi phát hiện lực lượng kiểm lâm đi tuần tra rừng, chúng gọi điện báo cho nhau biết và bỏ chạy. Đường ra khỏi rừng nguyên sinh tại An Lạc rất nhiều lối, lực lượng chức năng chặn đường này thì lầm tặc lại vận chuyển gỗ qua đường khác, do quân số ít, không thể căng ra được khắp nơi.
Nói về thực trạng vận chuyển gỗ lậu từ trong rừng nguyên sinh đi các địa bàn khác tiêu thụ, ông Dũng cho hay, kiểm lâm đã bắt được nhiều xe vận chuyển gỗ và gỗ lậu nhưng chưa bắt được đối tượng nào, vì khi phát hiện các đối tượng lâm tặc đều "bỏ của, chạy lấy người”. Hơn nữa, lực lượng kiểm lâm mỏng, nên công tác bảo vệ rừng rất khó khăn. Kiểm lâm cứ dẹp được chỗ này, lâm tặc lại phá rừng ở chỗ khác.
Nếu cứ lý giải như ngành chức năng địa phương đồng nghĩa với việc hàng ngày gỗ rừng nguyên sinh Tây Yên Tử vẫn bị tàn phá và lũ lượt kéo nhau ra khỏi rừng đi tiêu thụ khắp nơi. Như vậy thì nguy cơ rừng nguyên sinh Tây Yên Tử ở An Lạc bị xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian. (Đại Đoàn Kết 11/3, Tr10) đầu trang(
Mua bán động vật hoang dã đang là vấn đề nhức nhối tại nhiều quốc gia. Một trong những nước đã có những chính sách quyết liệt, mạnh mẽ để đấu tranh với loại tội phạm này và có những hiệu quả đáng kể là Hoa Kỳ.
Nhân sự kiện trao đổi kinh nghiệm cũng như truyền thông chính sách của Hoa Kỳ và Việt Nam về vấn đề đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với ngài Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Trong vòng 40 năm qua, thế giới đã mất đi 52% các loài đa dạng sinh học trên trái đất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của sự mất mát này là do nạn buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia, kéo theo sự gia tăng của nạn săn trộm, giết hại các loài mang tính biểu tượng như tê giác, voi và hổ.
Tại Hoa Kỳ bảo vệ động vật hoang dã là điều mà Tổng thống Obama, các quan chức Chính phủ trong đó có tôi luôn dành một sự quan tâm sâu sắc. Tôi luôn quan niệm rằng mình phải để lại một thế giới tự nhiên phong phú và đa dạng như mình đang được hưởng ngày hôm nay cho thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của nạn buôn bán động vật hoang dã gần đây thực sự đang đe dọa đến tương lai. Tôi thực sự đau xót khi nghĩ tới một thế giới mà tôi có thể sẽ phải để lại cho con cháu. Đó là một thế giới không còn được bắt gặp mà tê giác trên các cánh đồng cỏ Châu Phi và không còn tiếng gầm của chúa sơn lâm trong các cánh rừng trên thế giới.
Thực tế cho thấy, việc ngăn chặn kém kiệu quả nạn buôn bán động vật hoang dã đang làm suy yếu tính nghiêm minh của luật pháp của tất cả các quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam. Điều đáng lo ngại hơn, hoạt động này đang tài trợ cho các mạng lưới tội phạm.
Các hoạt động mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã cũng tạo điều kiện cho các hoạt động khủng bố phát triển. Một số chuyên gia dự đoán, hoạt động buôn bán động vật hoang dã tạo ra khoảng 20 tỉ USD mỗi năm cho các hoạt động phạm tội.
Trong 20 năm tới, hoạt động hợp tác để giảm tội phạm có liên quan tới động vật hoang dã, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là cơ hội tốt nhất để 2 quốc gia gần gũi với nhau hơn.
Vì thế, cùng phối hợp hành động, chúng ta sẽ tạo nên những thay đổi thực sự và lâu dài cho các vấn đề quan trọng trên toàn cầu. Chỉ thị của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã cùng với Chiến lược Quốc gia của
Tổng thống Obama về chống buôn lậu động vật hoang dã đã tạo ra những cơ hội và động lực mới cho chúng ta hành động mạnh mẽ hơn chống lại tội phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Chúng tôi đang thực hiện đồng bộ các ưu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ với các ưu tiên được nêu ra bởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong Chỉ thị về buôn bán động vật hoang dã được ban hành vào hồi tháng 3/2014.
Cho đến nay, Chỉ thị của Thủ tướng cùng với Kế hoạch quốc gia về chống lại buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã của Tổng thống Obama đã đem lại cơ hội cũng như tạo ra nguồn động lực cho việc thực hiện các hoạt động một cách mạnh mẽ hơn đối với việc chống lại tội phạm liên quan đến động vật hoang dã. Yếu tố quan trọng trong chiến lược này đó là giảm nhu cầu đối với các hoạt động buôn bán bất hợp pháp.
Đây cũng là lý do chúng tôi phối hợp với các cơ quan của Việt Nam như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tổ chức chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi” hướng tới việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và giảm nhu cầu đối với động vật hoang dã bất hợp pháp.
Chiến dịch này được tiến hành nhằm tạo ra thay đổi tích cực với hàng triệu người Việt Nam trước khi một sự kiện lớn sẽ được tổ chức vào mùa Thu năm 2015.
Và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai một số chiến dịch truyền thông thông qua phim và một số hoạt động trên mạng internet để đông đảo người dân có thể tham gia, cùng hành động hướng tới mục tiêu giảm nguồn cung động vật hoang dã bất hợp pháp. (Tài Nguyên & Môi Trường 11/3, Tr3)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Theo kế hoạch, năm 2015, toàn tỉnh sẽ trồng trên 8.000 ha rừng phòng hộ và sản xuất, trong đó tập trung ở các huyện vùng thấp, dọc các tuyến quốc lộ mới mở và nâng cấp, nhất là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai địa phận từ xã Tân An (Văn Bàn) lên đến xã Cam Đường (Tp. Lào Cai). Hiện địa bàn này còn nhiều diện tích đất trống đồi trọc do tập quán canh tác phát nương làm rẫy của người dân địa phương.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Lào Cai cho biết, những năm qua, thông qua các chiến dịch hưởng ứng Tết trồng cây do Bác Hồ phát động, phong trào trồng cây, gây rừng được duy trì thường niên tại Lào Cai với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nội dung các chiến dịch đều tập trung trồng những cây bản địa, cây gỗ lớn để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, từng bước tăng thu nhập của người dân, ổn định cuộc sống, góp phần tạo dựng cảnh quan, tạo ấn tượng tốt cho du khách khi đến Lào Cai.
Đến nay, diện tích rừng trồng của Lào Cai đã đạt gần 50.000 ha, chiếm 1/4 trong tổng diện tích rừng hiện có ở Lào Cai. Tỷ lệ độ che phủ rừng được nâng lên xấp xỉ 50%, trong đó, các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng đạt tỷ lệ che phủ cao từ 50 đến 65%, tăng gấp 4 lần so với 1995 (sau tái lập tỉnh). (Đảng Cộng Sản VN 10/3)đầu trang(
Theo báo cáo của Ban QLDA 147 huyện Pác Nặm thì đến thời điểm này người dân trên địa bàn đã xử lý thực bì cho vụ trồng rừng năm 2015 được trên 50ha trong tổng số hơn 297ha đã thiết kế.
Vụ trồng rừng năm 2015 này huyện Pác Nặm được giao chỉ tiêu trồng mới 385ha, trong đó có 300ha rừng sản xuất tập trung và 85ha trồng phân tán. Hiện nay số diện tích được người dân đăng ký trồng rừng đã vượt chỉ tiêu giao với trên 428,5ha, tuy nhiên Ban QLDA 147 huyện Pác Nặm mới triển khai thiết kế được 297ha gồm 210ha rừng sản xuất và 85ha rừng phân tán.
Huyện Pác Nặm đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành các bước nhằm đảm bảo cho vụ trồng rừng được triển khai đúng theo kế hoạch. Trước mắt huyện sẽ tập trung cho công tác thiết kế, phấn đấu chốt số liệu trong trung tuần tháng 3.
Đối với nguồn giống phục vụ trồng rừng thì huyện Pác Nặm hiện có 1 vườn ươm tập trung với trên 1,6 triệu cây giống các loại. Nguồn giống này đang được chăm sóc kỹ, sinh. (Báo Bắc Kạn 10/3)đầu trang(
Sáng 9/3, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2014, giai đoạn 2010 - 2014 và biểu dương các điển hình tiên tiến.
Nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của công tác thi đua khen thưởng, những năm qua Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa đã bám sát mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chính trị của ngành, cụ thể hóa những nhiệm vụ của từng đơn vị.
Các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, thi đua xây dựng hình ảnh người kiểm lâm bản lĩnh, văn minh, thân thiện, kiểm lâm địa bàn giỏi thu hút mọi cán bộ, nhân viên tham gia, góp phần giữ ổn định diện tích rừng hiện có đảm bảo an toàn, an ninh rừng, không có điểm nóng về khai thác, phá rừng trái phép.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua; chú trọng công tác xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh, đặc biệt tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác thi hành công vụ; tổ chức triển khai quyết liệt các phương án ổn định an ninh rừng, quản lý chặt chẽ nguồn lâm sản khai thác, sử dụng, kinh doanh, chế biến, lưu thông trái phép trên địa bàn, phấn đấu có trên 80% tập thể đạt danh hiệu tiên tiến; 20% tập thể lao động xuất sắc.
Tại hội nghị, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa đã tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2014 và bầu đại biểu đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Đài PT-TH Thanh Hóa 10/3)đầu trang(
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý gia hạn thời gian thực hiện Dự án "Hỗ trợ Chương trình đánh giá và theo dõi lâu dài tài nguyên rừng và cây phân tán toàn quốc tại Việt Nam" do Chính phủ Phần Lan tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đến hết ngày 30/6/2015.
Dự án Hỗ trợ chương trình đánh giá và theo dõi lâu dài tài nguyên rừng và cây phân tán toàn quốc tại Việt Nam (NFA) là một phần của Chương trình toàn cầu Quản lý rừng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu do FAO và Phần Lan hợp tác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án NFA được triển khai tại Hà Nội và một số tỉnh thí điểm.
Dự án NFA hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực và giới thiệu những công nghệ mới và phù hợp cho Tổng cục Lâm nghiệp, đồng thời FAO cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát lại các đại lượng, biến số điều tra rừng đối chiếu với các yêu cầu, đòi hỏi trong các báo cáo quốc gia và quốc tế.
Dự án cũng hài hòa và cập nhật các thông tin về tài nguyên rừng và rừng, đánh giá các chính sách lâm nghiệp trên phương diện kết quả từ các thông số tài nguyên rừng. Thêm nữa, NFA sẽ đáp ứng được các yêu cầu về quản lý rừng bền vững, cũng như các nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. (Chính Phủ 11/3)đầu trang(
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Tâm, từ năm 1990, các hộ dân thôn 5, xã Phúc Đường được Lâm trường Thanh Kỳ cấp đất để sinh sống, trồng cây, chăm sóc rừng. Vừa qua, UBND xã Phúc Đường và Lâm trường Thanh Kỳ đã tổ chức họp và thông báo về việc cấp sổ đỏ cho các hộ có đất thuộc khu vực Lâm trường quản lý.
Tuy nhiên, các hộ dân phải nộp tiền để được cấp sổ đỏ, đồng thời đóng thêm tiền thực hiện thủ tục. Bà Tâm hỏi, việc các hộ dân phải đóng tiền thì mới được cấp sổ đỏ như nêu trên có đúng quy định không?
Vấn đề bà Tâm phản ánh, UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa có ý kiến như sau:
Hiện nay trên địa bàn thôn 5, xã Phúc Đường, huyện Như Thanh đang có 15 hộ dân canh tác, sử dụng trên đất giao khoán của Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Kỳ với tổng diện tích 11.964m2 đất lâm nghiệp từ năm 2008 đến nay, không phải là đất cấp cho hộ bà Tâm và các hộ từ năm 1990 như bà Tâm nêu. Nhưng hiện tại, có một số hộ dân đã tự ý xây dựng nhà ở kiên cố trái phép trên diện tích đất giao khoán này.
Để tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định đời sống sản xuất, được sự thống nhất của Đảng ủy, UBND xã Phúc Đường và Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Kỳ đang trình phương án kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xin bàn giao số diện tích 11.964m2 đất lâm nghiệp đang giao khoán cho 15 hộ dân nêu trên để giao lại cho UBND huyện Như Thanh. Sau khi được bàn giao, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Phúc Đường thực hiện các quy trình xét cấp đất ở cho nhân dân theo quy hoạch quản lý, sử dụng đất.
Hiện nay, UBND huyện Như Thanh đang chờ quyết định của UBND tỉnh chấp thuận. UBND huyện Như Thanh sẽ tiến hành cấp đất cho 15 hộ dân nêu trên theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.
Đối với việc thu và nộp tiền như bà Tâm nêu là không chính xác, không phải là chủ trương của UBND xã Phúc Đường, Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Kỳ. (Chính Phủ 11/3)đầu trang(
Báo Tài nguyên & Môi trường Online số ra ngày 8/3/2015 phản ánh việc hộ gia đình ông Trần Văn Lự, thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) đã “tự ý” chuyển đổi hàng chục nghìn mét vuông đất lâm nghiệp sang nuôi trồng thủy sản nhưng không hề bị nhắc nhở, xử phạt hành chính gì.
Sau khi báo đăng, Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường tiếp tục nhận được đơn thư phản ánh của người dân cho biết, không những hộ ông Lự đã hình thành ao nuôi mà đang tiếp tục đào ao mới để nuôi tôm chân trắng trong diện tích 8,5 ha đã được UBND huyện Hoằng Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số IC 0346652 giao để trồng cây lâm nghiệp. Nhưng lạ thay, mặc dù đào thêm mới hàng chục nghìn mét vuông nhưng chính quyền địa phương cũng không hề có biện pháp xử lý(?!).
Có mặt tại khu vực ven biển Hòn Bò trong diện tích hộ ông Lự được giao đất trồng cây lâm nghiệp, chúng tôi chứng kiến nhiều gốc cây phi lao đã đào lên được vứt nằm chỏng trơ, cả khu vực rộng lớn trước kia trồng cây phi lao với mục đích phòng hộ, thì giờ đây đang hình thành những vuông nuôi tôm, công nhân đang hối hả trải bạt, đắp bờ, lắp đặt máy sục khí… để chuẩn bị cho vụ nuôi sắp tới. Hơn 1ha đất lâm nghiệp trồng cây phi lao đang dần “biến” những vuông nuôi tôm chân trắng
Ông Nguyễn Văn T, ngư dân thôn Giang Sơn bức xúc cho biết: bà con ngư dân chúng tôi sống quanh khu vực Hòn Bò. Trước kia nơi đây là cả một cồn cát cao ngất ngưởng, những hàng phi lao thẳng tắp, nên mỗi khi có bão về nước không thể nào tràn vào khu dân cư được. Vì đây là cửa Lạch, trước mặt lại là biển Đông thì việc chặt phá rừng cây phi lao để nuôi tôm trên cát thì hậu họa khó lường nếu bão tố về.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường thừa nhận: Ngoài việc hộ anh Trần Văn Linh (con ông Trần Văn Lự - PV) đã tự ý chuyển đổi 10.032,5 m2 đất lâm nghiệp sang nuôi trồng thủy sản UBND xã đã lập Biên bản nhưng ông Lự không ký và hiện tại hộ ông Lự đang tiếp tục để cho các con là Trần Văn Linh, Trần Văn Long tự ý tiếp tục chuyển đổi hơn một héc-ta đất lâm nghiệp nữa sang nuôi trồng thủy sản là có thật.
Vấn đề này xã cũng cho cán bộ chuyên môn ra kiểm tra rồi, nhưng chưa lập Biên bản xử lý hành chính(?!).
Khi được hỏi: Đối với những đồng nuôi tôm UBND đã “tạo điều kiện” biết là vi phạm pháp luật cho gia đình ông Lự đã làm và nuôi rồi. Nhưng những đồng mới đang làm và hoàn thiện để đưa vào nuôi thì vì sao xã không xử lý?.
Thì ông Lê Văn Hoàng nói: Biết rằng việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép là hoàn toàn sai với Luật Đất đai, nhưng khó cho địa phương quá, vì người dân thấy cái gì có lợi thì họ cứ làm(!).
Vì ông Lự không những là thương binh nặng, cán bộ cách mạng, mà còn là nguyên Bí thư Đảng ủy xã nên các anh lãnh đạo cũng tạo điều kiện!?.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường qua điện thoại, ông Phạm Bá Oai, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết: “Việc hộ ông Lự tự ý chuyển đổi đất lâm nghiệp sang nuôi trồng thủy sản khi chưa được phép của các cấp chính quyền là hoàn toàn sai.
Nhưng trong khi Dự án Khu du lịch sinh thái của Công ty Quốc Trí chưa nhận bàn giao thì ông Lự cải tạo nuôi tôm cũng tốt. Với lại gia đình ông Lự đã tự thỏa thuận với với Công ty Quốc Trí khi nào bàn giao đất thì sẽ không đền bù ao nuôi tôm”.
Khi Phóng viên trao đổi thông tin: “Ông Nguyễn Ngọc Muôn, Giám đốc Công ty Quốc Trí khẳng định gia đình ông Lự không chịu bàn giao đất cho dự án chứ không phải Công ty chưa nhận bàn giao và Công ty cũng không ký thỏa thuận nào đồng ý cho ông Lự thay đổi mặt bằng, hiện trạng của dự án”, thì ông Phạm Bá Oai nói sẽ cho kiểm tra lại.
Rõ ràng việc gia đình ông Trần Văn Lự hết lần này đến lần khác “cố tình” vi phạm pháp luật, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được sự nhất trí của các cấp có thẩm quyền mà không hề bị xử lý, phải chăng có sự bao che?. Rất mong UBND huyện Hoằng Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm kiểm tra làm rõ những khuất tất trên, xử lý nghiêm minh.(Tài Nguyên & Môi Trường 10/3)đầu trang(
Bà Lê Thị Phượng (Tiểu khu 4, thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh) khiếu nại UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi hơn 83,8 nghìn m2 đất tại khu vực núi Đá Mài, xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh của Cty Cổ phần (CP) Nông lâm sản Hà Tĩnh (trùng lên đất trồng rừng của gia đình bà) giao toàn bộ diện tích đất thu hồi trên cho Ban Quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) Vũng Áng quản lý để cho Cty CP Việt Gia - Song Hui thuê lại khai thác đá nhưng không bồi thường cho gia đình.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản cho biết, sau khi nhận được đơn do Báo chuyển, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phổi hợp UBND huyện Kỳ Anh kiểm tra.
Kết quả, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi đất tại khu vực núi Đá Mài, xâ Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh của Cty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh và giao toàn bộ diện tích này cho Ban Quản lý khu Kinh tế Vũng Áng quản lý cho Cty CP Việt Gia – Song Hui thuê lại để khai thác đá.
Để hỗ trợ công cải tạo đất và bồi thuờng tài sản trên đất cho bà Phượng, UBND huyện Kỳ Anh đã giao Hội đồng Bồi thường Hỗ trợ tái định cư huyện (HĐBT) kiểm kê, áp giá.
Tổng giá trị tiền bồi thường và hỗ trợ cho bà Phượng hơn 891,6 triệu đồng. Sau khi niêm yết công khai kết quả kiểm kê, áp giá bồi thường, hỗ trợ của hộ bà Phượng theo đúng quy định, UBND huyện Kỳ Anh đã ban hành quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng dự án khai thác và chế biến đá thông thường của Cty CP Việt Giạ - Song Hui.
Cũng theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, HĐBT đã 3 lần mời bà Phượng lên nhận tiền, nhưng bà Phượng không đến nhận, không những vậy còn cản trở, không cho Cty thi công đường nối khu chế biến và khu khai thác đá. Do đó, đến nay, dự án khai thác, chế biến đá của Cty vẫn chưa thể triển khai đuợc.
Như vậy, việc thu hồi đất của Cty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh để giao Ban Quản lý khu Kinh tế Vũng Áng quản lý và cho Cty CP Việt Gia - Song Hui thuê lại, khai thác đá cũng như quá trình kiểm kê, áp giá hỗ trợ công cải tạo đất và bồi thường tài sản trên đất đối với hộ gia đình bà Phượng được thực hiện đúng thẩm quyền, bảo đảm trình tự thủ tục, công khai minh bạch,
Cũng theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, diện tích đất trồng rừng của bà Phượng khiếu nại là đất của Cty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã thu hồi giao Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng quản lý để cho Cty CP Việt Gia - Song Hui thuê lại khai thác đá là đúng.
Mặt khác,trước đó, bà Phượng không hề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất trồng cây lâm nghiệp như trong đơn phản ánh. (Thanh Tra 10/3, Tr6)đầu trang(
Chiều 10-3, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện xã hội hóa cây xanh trên các tuyến phố như Giảng Võ, Đinh Tiên Hoàng, Trần Nhân Tông, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm, Yên Phụ, Cát Linh, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Nguyễn Chí Thanh...
Trước đó, Sở Xây dựng đã cấp phép cho các đơn vị thực hiện thay thế, dịch chuyển và trồng mới cây xanh trên tuyến phố Huế, Hàng Bài, đường Khuất Duy Tiến.
Về việc thay thế cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, theo ông Lê Văn Dục, tuyến đường này hiện có 381 cây bóng mát, thuộc 15 loài khác nhau; trong đó chỉ có hai loài là sữa và keo chiếm số lượng lớn, còn lại 13 loài có số lượng ít.
Nhiều cây trong số đó cong nghiêng, sâu mục gây mất an toàn cho giao thông, không bảo đảm tiêu chuẩn mỹ quan đô thị. Để tạo cảnh quan đẹp với hệ thống cây trồng theo kiểu mẫu, Sở đã đề xuất thay thế toàn bộ cây xanh trên tuyến phố này bằng cây vàng tâm. (Hà Nội Mới 11/3, Tr7)đầu trang(
Ngày 11-3, Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần 8 (VIFA - EXPO 2015) do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) và Sở Công Thương TP.HCM tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn.
Hội chợ thu hút 170 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 900 gian hàng tham gia trưng bày giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, VIFA-EXPO 2015 còn có các hội thảo về nhân lực cho ngành chế biến gỗ; xuất khẩu sang thị trường Mỹ...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hội chợ là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất trong nước giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu…
Theo HAWA, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 6,2 tỉ USD, tăng 11,5% so với năm trước đó. Các thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam là Mỹ, Nhật… Hội chợ kéo dài đến ngày 14-3. (Hà Nội Mới 12/3, Tr2, Pháp Luật TP.HCM 12/3)đầu trang(
Sáng 11/3, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Q 7, TP.HCM, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi thiết kế mẫu cho hàng nội thất gỗ “Giải Hoa Mai 2014 – 2015” lần thứ 12 trong khuôn khổ hội chợ VIFA EXPO 2015.
Đối tượng tham gia năm nay chủ yếu là sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, DN và các nhà thiết kế tự do trên toàn quốc.
Kết quả, chủ nhân Giải Hoa Mai năm nay được trao cho nhóm thí sinh Trần Trung Hậu và Phạm Ngọc Quỳnh Giao đến từ trường Đại học Tôn Đức Thắng với tác phẩm Regen Desk, tác phẩm xuất sắc nhất về ý tưởng cũng như hoàn thiện sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch Hawa cho biết: “Năm nay số lượng thí sinh và tác phẩm dự thi đều tăng gấp đôi so với năm trước.
Chúng tôi đã lựa chọn 23 tác phẩm đi tiếp vào vòng 2, với sự giúp đỡ của các DN và hội viên Hawa, 17 tác phẩm đã được thực hiện và hoàn thành, được trưng bày tại sân khấu cho đến hết thời gian diễn ra hội chợ VIFA EXPO 2015.
Các tác phẩm này được các chuyên gia thiết kế trong nước và quốc tế đánh giá cao dựa trên các tiêu chí về tính ứng dụng, thương mại, thẩm mỹ, độc đáo và thân thiện với môi trường”.
Bên cạnh việc trưng bày các sản phẩm đoạt giải Hoa Mai 2014 – 2015 tại Hội chợ VIFA EXPO 2015, Hawa còn có gian hàng tại khu SingaPlural, Hội chợ IFFS – Singapore từ ngày 13 – 16/3/2015, trình làng 8 tác phẩm đoạt giải của cuộc thi Hoa Mai từ 2010 đến 2013.
Đây cũng là lần đầu tiên, giải Hoa Mai được chính thức giới thiệu với bạn bè quốc tế, các thí sinh là chủ nhân của các tác phẩm trên cũng có cơ hội tiếp cận với các nhà thiết kế, doanh nghiệp trong ngành đến các châu lục khác nhau trên thế giới.
Thông qua hoạt động này, Hawa mong muốn tạo ấn tượng tốt trong mắt khách quốc tế về ngành thiết kế của Việt Nam, đặc biệt là các thiết kế dành cho ngành công nghiệp đồ gỗ nước nhà. (Nông Nghiệp VN 12/3, Tr6)đầu trang(
Sáng 10/3/2015, tại khu di tích Đền Và, xã Trung Yên, thị xã Sơn Tây, Đoàn thanh niên Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tổ chức lễ ra quân Tháng Thanh niên 2015, hưởng ứng Năm trật tự và văn minh đô thị.
Đến dự buổi lễ có các đồng chí đại diện Thành đoàn Hà Nội, Thị ủy -  UBND, HĐND thị xã, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đồng chí cán bộ chủ chốt các cơ sở cùng 700 đồng chí thanh niên, thanh thiếu nhi.
Với chủ đề “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, Tháng thanh niên năm nay được Thị đoàn Sơn Tây đẩy mạnh các phong trào hành động nhằm thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo, tích cực của thanh niên, tham mưu đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức trong toàn thị xã quan tâm, chăm lo, bồi dường và phát huy thanh niên.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Minh – Phó bí thư Thường trực Thị ủy kêu gọi thanh niên thị xã phát huy tinh thần tình nguyện, tích cực tổ chức các hoạt động góp phần vào sự nghiệp phát triển của quê hương.
Mỗi tổ chức Đoàn, Hội cần có việc làm thiết thực, có ý nghĩa cho bản thân, cho từng đoàn viên, hội viên, gia đình và xã hội. Tại buổi lễ, Đoàn thanh niên thị xã đã vinh dự nhận 300 cây tim giống do Đoàn và các đơn vị bạn trao tặng để trồng tại địa bàn.(Tuổi Trẻ Thủ Đô 11/3, Tr6)đầu trang(
Chiều 10/3, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, công tác xã hội hóa thay thế cây xanh tại khu vực nội thành thời gian qua đã thu hút nhiều đơn vị tham gia.
Cụ thể, việc chặt hạ 115 cây, dịch chuyển 12 cây, trồng 117/125 cây thay thế trên tuyến phố Huế – Hàng Bài bằng kinh phí của tập đoàn Vingroup. Sở Xây dựng cũng đã cấp phép cho quận Thanh Xuân xã hội hóa cây xanh trên tuyến đường Khuất Duy Tiến: chặt hạ 64 cây, dịch chuyển 20 cây, trồng 95 cây; cấp phép cho các đơn vị thực hiện xã hội hóa trên một số tuyến như Đinh Tiên Hoàng, Trần Nhân Tông, Quang Trung, Cát Linh…
Ông Dục cũng cho biết, công tác thay thế cây không đúng chủng loại đô thị, cây cong nghiêng, mất an toàn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh cũng được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa do CATP và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng sẽ hoàn thành trong tháng 3/2015.
Để tạo cảnh quan đẹp trên tuyến phố này, Sở Xây dựng đề xuất thay thế toàn bộ 381 cây tại đây bằng cây Vàng tâm. (Kinh Tế & Đô Thị 11/3, Tr3)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Vào hôm thứ Hai, một con rùa biển luýt (230 kg) có nguy cơ tuyệt chủng đang được điều trị tại một hồ cá phía Nam Carolina. Các quan chức cứu hộ động vật hoang dã đã tìm thấy loài bò sát  quý hiếm này vẫn còn sống và bị mắc kẹt trên một bãi biển hẻo lánh.
Jenna Cormany, một nhà sinh học động vật hoang dã Sở tài nguyên thiên nhiên, cho biết: Đây là lần đầu tiên con rùa luýt vẫn sống và được phục hồi ở Nam Carolina. Loài động vật này là một trong số ít những loài được điều trị ở các cơ sở phục hồi chức năng Hoa Kỳ.
"Tôi không thể tin điều đó. Chúng không thể sống trong tình trạng mắc kẹt", Kelly Thorvalson, quản lý của Chương trình Bảo tồn Rùa Biển tại Nam Carolina ở Charleston cho biết.
Các quan chức Nhà nước đã phát hiện động vật hoang dã vào thứ bảy trên bãi biển ở phía nam đảo Yawkey, cách bờ rào đảo 3,5 dặm (5,6-km) gần Georgetown, phía Nam Carolina.
Chúng tôi phải mất năm người, gần bốn giờ để đưa những con rùa vào bãi biển, và sau đó cần một giờ rưỡi để mang nó tới phía nam Charleston, Cormany cho biết thêm.
"Đó là một việc khó khăn", bà nói. "Chúng tôi có một cái cáng rùa và tất cả chúng tôi đã làm tốt nhất để nâng nó lên. Nó đang bị ốm và hôn mê."
Rùa luýt là loài rùa lớn nhất trên thế giới và loài rùa biển duy nhất không có vỏ cứng, có thể nặng tới 2000 poud khi trưởng thành, theo Cục quản lý đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ.
Loài động vật có tên là Yawkey do nhân viên của bể cá nơi nó được tìm thấy đặt, đang được điều trị tắc nghẽn đường ruột. Sau khi bị phát hiện có lượng đường trong máu thấp, Yawkey đang hồi phục nhờ được điều chỉnh với một lượng chất lỏng, Thorvalson nói.
Bà cho biết thêm, rùa luýt kém phát triển trong môi trường nuôi nhốt vì vậy con rùa sẽ được thả ra sau khi điều trị trong một vài ngày. (Năng Lượng Mới 11/3)đầu trang(./.
Biên tập: Diệu Huyền