Xem ngày trước
BẢN TIN TỔNG HỢP
Xem ngày kế tiếp

Ngày 25 tháng 03 năm 2017
CHÍNH SÁCH MỚI
TIÊU ĐIỂM
PHÁT NGÔN NÓNG
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
SAI PHẠM
MÔ HÌNH - KINH NGHIỆM
TRÁI KHOÁY
NHÌN RA THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH MỚI
Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp từ 1/7. Từ ngày 1/7/2017, tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với một số đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/7/2017.
Đây là đề xuất được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra tại dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
7 đối tượng sẽ được thụ hưởng chính sách này bao gồm:
1- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
2- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
3- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
4- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
5- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
6- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
7- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTT mạng quốc gia. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 05/2017/QĐ-TTg quy định về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia.
Theo đó, sự cố an toàn thông tin mạng nghiêm trọng là sự cố đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:
1- Hệ thống thông tin bị sự cố là hệ thống thông tin cấp độ 4, cấp độ 5 hoặc thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và bị một trong số các sự cố: Hệ thống bị gián đoạn dịch vụ; dữ liệu tuyệt mật hoặc bí mật nhà nước có khả năng bị tiết lộ; dữ liệu quan trọng của hệ thống không bảo đảm tính toàn vẹn và không có khả năng khôi phục được; hệ thống bị mất quyền điều khiển; sự cố có khả năng xảy ra trên diện rộng hoặc gây ra các ảnh hưởng dây chuyền, làm tổn hại cho các hệ thống thông tin cấp độ 4 hoặc cấp độ 5 khác.
2- Chủ quản hệ thống thông tin không đủ khả năng tự kiểm soát, xử lý được sự cố.
Quyết định quy định cụ thể hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia. Trong đó, phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia là phương án ứng cứu cho sự cố an toàn thông tin mạng nghiêm trọng đáp ứng các tiêu chí nêu trên và hệ thống thông tin bị sự cố là hệ thống thông tin cấp độ 5 hoặc thuộc Danh mục Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là phương án ứng cứu cho sự cố an toàn thông tin mạng nghiêm trọng đáp ứng các tiêu chí nêu trên, hệ thống thông tin bị sự cố là hệ thống thông tin cấp độ 4 và chủ quản hệ thống thông tin thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương (cơ quan trung ương).
Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng của địa phương là phương án ứng cứu cho sự cố an toàn thông tin mạng nghiêm trọng đáp ứng các tiêu chí nêu trên, hệ thống thông tin bị sự cố là hệ thống thông tin cấp độ 4 và chủ quản hệ thống thông tin thuộc Ủy ban nhân dân hoặc Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý (cơ quan địa phương).
Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng của doanh nghiệp là phương án ứng cứu cho sự cố an toàn thông tin mạng nghiêm trọng đáp ứng các tiêu chí nêu trên, hệ thống thông tin bị sự cố là hệ thống thông tin cấp độ 4 và chủ quản hệ thống thông tin là doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp nhà nước có quản lý các hệ thống thông tin từ cấp độ 4 trở lên, hoặc tổ chức, doanh nghiệp có quản lý hệ thống thông tin thuộc Danh mục Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia (doanh nghiệp quản lý hạ tầng thông tin quan trọng).
Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy định về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia (ATTTMQG).
Quyết định quy định cụ thể hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTMQG. Trong đó phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTMQG là phương án ứng cứu cho sự cố nghiêm trọng và hệ thống thông tin bị sự cố là hệ thống thông tin cấp độ 5 hoặc thuộc Danh mục Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Quyết định quy định cụ thể phân cấp tổ chức thực hiện ứng cứu sự cố bảo đảm ATTTMQG. Cụ thể, Ban Chỉ đạo an toàn thông tin quốc gia đảm nhiệm chức năng Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng (Ban Chỉ đạo quốc gia).
Ban Chỉ đạo quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan trong công tác ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTMQG.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực, giúp việc cho Ban Chỉ đạo quốc gia (Cơ quan thường trực) có nhiệm vụ quyết định lựa chọn phương án ứng cứu và chủ trì, chỉ đạo công tác ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTMQG; chỉ đạo Cơ quan điều phối quốc gia tiếp nhận thu thập, xử lý thông tin, báo cáo về sự cố mất ATTTMQG và đề xuất phương án ứng cứu...
Kiện toàn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định kiện toàn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2021. Theo Quyết định, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch Ủy ban là Phó Thủ tướng Chính phủ. Các Ủy viên Thường trực gồm: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Các Ủy viên gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ; Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Lãnh đạo Bộ Y tế; Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh; Giám đốc ĐHQG Hà Nội; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam; Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Tổng Thư ký Ủy ban là Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.
Công nhận 6 xã đảo thuộc tỉnh Tiền Giang. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 344/QĐ-TTg ngày 20/3/2017 công nhận 6 xã đảo thuộc tỉnh Tiền Giang.
6 xã được công nhận là xã đảo gồm: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân, Tân Thạnh thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Các xã trên được thực hiện chính sách ưu đãi đối với xã đảo theo các quy định hiện hành.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận xã đảo phải đáp ứng đủ 2 tiêu chí: 1- Có diện tích tự nhiên là đảo theo quy định tại Điều 19 Luật biển Việt Nam năm 2012; 2- Có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo.
Đồng thời, đơn vị hành chính cấp xã được công nhận là xã đảo phải có 1 trong 3 điều kiện sau: 1- Là đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện đã được công nhận là huyện đảo; 2- Có toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã ở trên đảo; 3- Có một phần diện tích tự nhiên là đảo ở trên biển (xã có đảo ở trên biển) và trên đảo có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân.
Các xã đảo được công nhận theo quy định nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có xã đảo căn cứ Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 để xây dựng Dự án phát triển kinh tế - xã hội của xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và ngân sách của địa phương; đồng thời được thực hiện các chính sách ưu đãi liên quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với xã đảo.
​Phạt đến 25 triệu hành vi nhân bản tác phẩm cấm lưu hành. Nghị định  28/2017/NĐ-CP nêu rõ: phạt tiền từ 20-25 triệu đồng nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy...
Ngày 20-3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung.
Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với một trong các hành vi: nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.
Đối với hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung thì sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.
Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được phép phổ biến hoặc chưa dán nhãn kiểm soát.
Hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung bị cấm lưu hành hoặc đã có quyết định  thu hồi, tịch thu, tiêu hủy sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.
Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa VN.
Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung bị cấm phổ biến hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.
Ban hành 12 văn bản QPPL trong tháng 2/2017. Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 02/2017, Chính phủ đã ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, Nghị định số 08/2017/NĐ-CP ngày 08/2/2017 của Chính phủ quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí. Nghị định được ban hành nhằm triển khai thi hành khoản 8 Điều 6 và khoản 4 Điều 52 Luật báo chí; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp cơ quan quản lý nhà nước về báo chí chủ động trong công tác quản lý, phục vụ việc đánh giá nội dung tác phẩm báo chí và công tác xử lý vi phạm nội dung thông tin trên báo chí.
Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Nghị định gồm 03 chương, 12 điều, quy định về người phát ngôn, chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, với các nội dung chủ yếu như: Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin  cho báo chí; hính thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ và trong trường hợp đột xuất, bất thường;...
Theo Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc gồm có 18 đơn vị trực thuộc, trong đó có 13 đơn vị giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 05 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.
Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm có 23 đơn vị trực thuộc, trong đó có 17 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 06 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Theo Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm có 27 đơn vị trực thuộc, trong đó có 21 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 06 tổ chức sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Theo Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm có 26 đơn vị trực thuộc, trong đó có 20 đơn vị hành chính giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương và 06 đơn vị là đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm có 28 tổ chức trực thuộc, trong đó có 21 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 07 tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ.
Nghị định số 19/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ gồm 08 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định chế độ tiền lương của công nhân quốc phòng và chế độ phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng, với các nội dung chủ yếu như: Chế độ tiền lương đối với công nhân quốc phòng; chuyển xếp lương; chế độ phụ cấp thâm niên đối với công nhân và viên chức quốc phòng.
Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết gồm các nội dung chủ yếu như: Các bên có quan hệ liên kết; phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết; các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết; quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù;...
Nghị định số 21/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho hoạt động hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập, đa dạng hóa hình thức giải quyết tranh chấp và khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp ngoài tòa án theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế; thể chế hóa đầy đủ cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới về dịch vụ hòa giải thương mại.
Quy định đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 29/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.
Nghị định này quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải, bao gồm: Điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện tổ chức hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải và cấp Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.
Về điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải, Nghị định quy định rõ phải đáp ứng 3 điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo gồm:
1- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đáp ứng mục đích, quy mô đào tạo, huấn luyện của từng chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
2- Có Giấy chứng nhận phù hợp hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001 do tổ chức chứng nhận có thẩm quyền cấp.
3- Có cơ sở dữ liệu điện tử quản lý chứng chỉ nghiệp vụ của thuyền viên hàng hải để tra cứu theo quy định của Công ước STCW.
Giảng viên và huấn luyện viên phải đáp ứng 5 điều kiện gồm:
1- Đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên phải có phẩm chất đạo đức tốt, có lý lịch rõ ràng, có đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.
2- Giảng viên dạy lý thuyết phải tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với môn học hoặc chuyên ngành được phân công giảng dạy, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật.
3- Giảng viên, huấn luyện viên dạy thực hành phải có Giấy chứng nhận Huấn luyện viên chính hoặc chứng chỉ tương đương do Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) hoặc đơn vị được IMO công nhận cấp theo quy định của Công ước STCW; đã đảm nhiệm chức danh trên tàu biển với mức trách nhiệm sỹ quan quản lý trở lên tùy theo yêu cầu của từng chương trình đào tạo, huấn luyện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
4- Cơ sở đào tạo, huấn luyện phải có đủ về số lượng đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên đáp ứng yêu cầu của từng chương trình, đào tạo huấn luyện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong đó phải có tối thiểu 50% giảng viên, huấn luyện viên cơ hữu cho từng chương trình đào tạo, huấn luyện.
5- Tỷ lệ học viên/giảng viên, huấn luyện viên tối đa là 25 học viên/giảng viên, huấn luyện viên.
Về chương trình đào tạo, huấn luyện, có đủ chương trình đào tạo, huấn luyện, tài liệu giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều chỉnh giá dịch vụ hàng không trên 5% phải kê khai giá. Theo Thông tư 07/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2015/TT-BGTVT về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không mà Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành, nếu điều chỉnh tăng/giảm giá trên 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân cúng ứng dịch vụ phải thực hiện kê khai giá theo quy định thay vì trên 10% như hiện hành.
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 36/2015/TT-BGTVT, các dịch vụ sau phải thực hiện kê khai giá: 1- Dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông bán trong lãnh thổ Việt Nam trên các đường bay do doanh nghiệp có vị trí độc quyền, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường khai thác;
2- Dịch vụ hàng không do doanh nghiệp có vị trí độc quyền, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường khai thác tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm: Dịch vụ thuê sân đậu tàu bay; dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách; dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói); dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay.
3- Dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền định giá của tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ, bao gồm: Dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bưu gửi nội địa; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất (trừ dịch vụ cung cấp theo hợp đồng hợp tác song phương, đa phương); dịch vụ phục vụ hàng hóa tại cảng hàng không; dịch vụ sử dụng thiết bị trong nhà ga; dịch vụ phục vụ khác tại khu bay.
Thông tư 36/2015/TT-BGTVT nêu rõ: Không thực hiện kê khai giá các dịch vụ trên trong các trường hợp sau: Điều chỉnh tăng giá trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó và không vượt mức giá tối đa theo quy định; điều chỉnh giảm giá trong phạm vi 10% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó và không thấp hơn mức giá tối thiểu theo quy định.
Tại quy định mới, Bộ Giao thông vận tải sửa đổi quy định thành: Trường hợp điều chỉnh tăng hoặc giảm giá trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, các nhân cung ứng dịch vụ được lựa chọn gửi Thông báo mức giá hoặc gửi Hồ sơ kê khai giá tới Cục Hàng không Việt Nam.
Cũng theo quy định mới, thay vì điều chỉnh tăng vượt 5% hoặc giảm dưới 10% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó mới phải kê khai giá, nếu điều chỉnh dịch vụ tăng hoặc giảm trên 5%, tổ chức cá nhân đều phải thực hiện kê khai giá theo quy định.
Thành lập BCĐ đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (Ban Chỉ đạo) do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.
Các Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thường trực); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Giao thông vận tải; Công Thương; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Chánh Văn phòng đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Ban Chỉ đạo có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan tới đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, chính sách và giải pháp chiến lược nhằm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được phê duyệt.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong quá trình thực hiện các chương trình đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Các thành viên của Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. đầu trang(

TIÊU ĐIỂM
Sáng 23.3, ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực XII - khẳng định: Nói thông báo số 07 thay thế báo cáo số 11 là sai. Theo đó, số sai phạm của ngành y tế Gia Lai là hơn 67 tỷ chứ không phải 1 tỷ đồng như công bố với báo chí.
Liên quan vụ việc này, ngày 20.3, Dân Việt đã có bài phản ánh “Gia Lai: Điều khó hiểu tại cuộc họp báo về sai phạm của Sở Y tế”. Cụ thể, báo cáo số 11/BC-KV XII ngày 20.1.2017 của cơ quan KTNN khu vực XII (Đắk Lắk) xác định ngành y tế Gia Lai đã sai phạm trên 67 tỷ đồng trong đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế. Tuy nhiên đơn vị chủ trì cuộc họp là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Y tế Gia Lai khẳng định kết luận cuối cùng của KTNN KV XII là Thông báo 07/TB-KV XII ngày 28.2.2017 và số tiền sai phạm cần thu hồi chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Trước đó, thực hiện quyết định số 1580/QĐ-KTNN ngày 14.9.2016 của Tổng KTNN về “Công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, vật tư y tế và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2013-2015”, Đoàn KTNN KV XII (Đắk Lắk) đã tiến hành kiểm toán tại Sở Y tế Gia Lai và 7 bệnh viện trên địa bàn kéo dài từ tháng 9.2016-11.2016.
Qua đó, KTNN đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, trong đó đấu thầu trái quy định gây thiệt hại hơn 10,7 tỷ đồng và mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) giá cao, chênh lệch so với thị trường trên 56 tỷ đồng. Chỉ riêng trong mảng mua sắm TTBYT giai đoạn 2013-2015 tại Sở Y tế và các cơ sở y tế công lập trực thuộc, KTNN đã phát hiện số tiền chênh lệch so với thực tế hơn 47 tỷ đồng trong số 107 tỷ đồng đã mua thiết bị…
Đáng chú ý, theo báo cáo trên thì việc thất thoát trên 10 tỷ đồng trong đấu thầu thuốc trọn gói có phần sai phạm của UBND tỉnh Gia Lai. Bởi UBND tỉnh đã ban hành thông báo số 01/-UBND chỉ đạo đấu thầu theo hình thức trọn gói, làm trái với Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC. KTNN đề nghị Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm và xem xét trách nhiệm của người tham mưu, người ký thông báo 01/UBND.
Trong cuộc họp báo chiều 20.3, ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai - khẳng định: “Sở và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức đấu thầu xây dựng, mua sắm trang thiết bị y tế đúng quy định Nhà nước, quản lý và sử dụng trang thiết bị đúng mục đích. Tuy nhiên, vẫn còn một vài hạn chế, thiếu sót”.
Cũng trong buổi họp báo, ông Trần Đình Hiệp - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai (đơn vị chủ trì) và ông Mai Xuân Hải khẳng định với báo chí: Thông báo số 07 của KTNN KV XII là kết luận cuối chứ không phải báo cáo số 11/BC-KV XII ngày 20.1.2017. Nhưng ông Hiệp lại từ chối cung cấp thông báo số 07 với lý do “chưa được sự cho phép của KTNN KV XII”.
Trái ngược với điều công bố với báo chí, trong quyết định mới nhất của UBND tỉnh Gia Lai số 223/QĐ-UBND ngày 17.3.2017 ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện làm rõ vụ việc lại áp dụng theo báo cáo số 11/BC-KV XII chứ không phải theo thông báo số 07 mà Sở này đã viện dẫn. Cũng trong quyết định này, UBND tỉnh còn yêu cầu những đơn vị sai phạm làm rõ các khoản chênh lệch…
Sáng 23.3, bên lề cuộc họp triển khai quyết định kiểm toán ngân sách nhà nước 2016 giữa Đoàn KTNN và UBND tỉnh Gia Lai, ông Hoàng Hồng Lạc - Phó tổng KTNN - cho biết: Trước đây ông không phụ trách khu vực này, tuy nhiên ông có theo dõi thông tin trên báo. Đơn vị chủ trì cuộc họp chiều 20.3 và Sở Y tế nói thông báo số 07 là kết luận cuối cùng là “gây hiểu lầm không đúng”. Thông báo số 07 chỉ là thông báo cá biệt (thông báo sai phạm của riêng Sở Y tế, chứ không phải là sai phạm của những đơn vị y tế khác ở Gia Lai - PV).
“Quan điểm của cơ quan kiểm toán là lỗi do kiểm toán thì kiểm toán nhận trách nhiệm, còn địa phương sai thì phải nhận khuyết điểm khắc phục”, ông Lạc nói.
Ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng KTNN KV XII (người trực tiếp đặt bút phê trong báo cáo số 11) giải thích rõ thêm: Báo cáo số 11 là chính thức, còn thông báo số 07 là thông báo của tổ kiểm toán gửi kết quả kiểm toán và kiến nghị trực tiếp với Sở. Để nói thông báo 07 thay thế báo cáo số 11 là sai. Báo cáo số 11 là kết quả chính thức mà KTNN KV XII đã gửi UBND tỉnh Gia Lai.
Liên quan vụ việc này, luật sư Tạ Quang Tòng - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk - thẳng thắn nói: “KTNN là đơn vị thanh tra tài chính thuộc Quốc hội, sau khi kiểm toán xong, họ xác định số tiền sai phạm 67 tỷ đồng và đã gửi cho Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai bản kết luận cùng các thông tin khác có liên quan. Đã có kết luận kiểm toán thì không kiểm tra lại, mà phải chuyển hồ sơ đó cho công an để điều tra làm rõ, trong 67 tỷ đồng sai phạm làm thất thoát bao nhiêu, tham ô bao nhiêu, lãng phí bao nhiêu? Khi đó, mới xác định được hành vi của ai để xử lý đúng pháp luật. Việc UBND tỉnh Gia Lai giao đơn vị bị KTNN chỉ ra sai phạm tự kiểm tra lại chính mình là không thuyết phục”. (Dân Việt 24/3) đầu trang(

PHÁT NGÔN NÓNG
Sao lại có chuyện nạo vét luồng lạch mà cát thì cho lên tàu còn bùn và rác để lại?
“Cơ quan công an cần điều tra, làm rõ sau lưng nhóm khai thác trái phép là những tổ chức tội phạm nào? Sao lại có chuyện nạo vét luồng lạch mà cát thì cho lên tàu còn bùn và rác để lại”? (Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai ngày 18/3)
Cái gì khó thì bảo đấy là do ý thức người dân, thế thôi ông thay dân cho tôi nhờ
“Đổ khách quan dễ nhất, tôi vẫn nói, thường chúng ta làm gì khó chúng ta vẫn bảo đấy là do ý thức người dân. Thế là không được, thế thôi ông thay dân cho tôi nhờ. Thế thì không được. Thành phố đã làm về trật tự văn minh đô thị không biết bao nhiêu lần, nhưng cái chính phải làm bền vững” (Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến Thanh ủy Quý I -2017 ngày 15/3) đầu trang(

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Bị làm khó về thủ tục hành chính, cứ báo Sở Tư pháp. Nếu như trước kia đi làm thủ tục hành chính, người dân bị cán bộ làm khó, “ngâm” hồ sơ, bắt bổ sung hồ sơ không đúng quy định hoặc có thái độ chưa đúng mực mà không biết phản ánh ở đâu thì nay họ đã có nơi để “gõ cửa”.
Ông LGP (ngụ TP.HCM) gửi email đến phòng Kiểm soát thủ tục hành chính của Sở Tư pháp TP.HCM phản ánh việc công an một quận chậm cấp thẻ căn cước cho ông trong khi ông đã nộp hồ sơ đầy đủ.
Nhận được phản ánh của ông P., Sở Tư pháp TP lập tức gửi công văn đến trưởng công an quận này đề nghị giải quyết theo thẩm quyền. Ngay sau đó, ông P. đã được cán bộ tiếp nhận hồ sơ gọi điện thoại thông báo ông đến nhận thẻ căn cước.
Tương tự, ông THP (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM, phản ánh việc ông nộp hồ sơ đề nghị cấp số nhà. UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cấp biên nhận hẹn trả kết quả cho ông sau một tháng nhưng đến ngày hẹn ông vẫn chưa được nhận kết quả.
Để làm rõ phản ánh của ông P., Sở Tư pháp TP đã yêu cầu UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết lý do chưa có kết quả hồ sơ (lỗi do phía cơ quan nhà nước hay người dân), hướng xử lý (tiến độ giải quyết), biện pháp khắc phục (nếu có), thực hiện thư xin lỗi và xử lý cán bộ sai phạm.
Sau đó, UBND xã Vĩnh Lộc B trả lời rằng việc cấp số nhà thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện. Tuy nhiên, UBND xã có chậm trễ trong việc tham mưu chuyển hồ sơ đến Phòng Quản lý đô thị huyện để giải quyết cho người dân. Nguyên nhân chậm trễ do số lượng hồ sơ nhiều, cơ quan di dời trụ sở và hồ sơ này rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ủy ban xã sẽ liên hệ huyện kiến nghị giải quyết hồ sơ này sớm nhất. Đồng thời, ủy ban xã cũng nhận thiếu sót trong việc chậm trễ giải quyết hồ sơ, thực hiện thư xin lỗi người dân, nhắc nhở, kiểm điểm xử lý cán bộ theo quy định…
Hiện nay, người dân phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính (TTHC) có thể liên hệ phòng Kiểm soát TTHC Sở Tư pháp TP.HCM, 141-143 Pasteur, phường 6, quận 3. Điện thoại: (08) 38.230.436. Fax: (08) 38.243.155. Email: thutuchanhchinh.stp@tphcm.gov.vn. Người dân có thể phản ánh qua bốn kênh: Trực tiếp, đơn thư, điện thoại, email. Theo báo cáo của Sở Tư pháp TP, quý I-2017, Sở đã tiếp nhận 23 phản ánh, kiến nghị. Cụ thể, có bốn trường hợp qua điện thoại (17,3%), 10 trường hợp qua email (tỉ lệ 43,4%), chín trường hợp tiếp nhận qua văn bản (39,3%)…
Một trong những thành tựu nổi bật của ngành tư pháp TP.HCM trong năm 2016 là Sở Tư pháp TP đã phối hợp với các sở, ban ngành thống kê, rà soát gần 1.500 TTHC về các lĩnh vực liên quan khai sinh, khai tử, kết hôn, hộ khẩu, giấy tờ nhà đất, CMND… để xây dựng dự thảo trình UBND TP.HCM công bố các TTHC này. Tính đến nay số TTHC được chuẩn hóa là 1.167 thủ tục.
Thông thường, để làm được hồ sơ TTHC, người dân phải tìm đọc rất nhiều văn bản liên quan. Ví dụ làm thủ tục về hộ khẩu thì phải tìm hiểu Luật Cư trú, nghị định, thông tư hướng dẫn luật này… Ngoài ra, người dân phải tìm hiểu thêm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng…, mất nhiều thời gian và công sức, chi phí đi lại. Tuy nhiên, với bộ cẩm nang TTHC đã công bố, người dân chỉ cần đọc cẩm nang là làm được ngay hồ sơ cho mình mà không cần mất công sức, thời gian tìm hiểu nhiều văn bản pháp luật như trước.
Bộ TTHC được chuẩn hóa và công bố có thể được xem là bản gộp của tất cả văn bản quy định pháp luật liên quan về cùng một lĩnh vực. Việc chuẩn hóa TTHC vừa có lợi cho người dân vừa giúp cán bộ hành chính yên tâm hơn. Bởi lẽ chỉ cần căn cứ vào bộ chuẩn hóa này thì cả người dân và cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính đều dễ dàng thực hiện một cách thống nhất về các quy định liên quan đến thủ tục như hồ sơ gồm giấy tờ gì, điều kiện, đối tượng, thời gian giải quyết bao lâu, nộp hồ sơ ở đâu, phí, lệ phí ra sao…
Từ đo người dân có thể giám sát được việc thực hiện quá trình giải quyết hồ sơ TTHC của cán bộ, công chức có đúng quy định hay không. Ngược lại, cán bộ, công chức cũng căn cứ vào bộ TTHC này để làm cơ sở tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính đúng pháp luật, hạn định.
Hà Nội hợp tác cùng VCCI hỗ trợ doanh nghiệp dùng dịch vụ công online. UBND TP Hà Nội giao Sở TT&TT là cơ quan đầu mối của Thành phố phối hợp với Viện Tin học doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc triển khai hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản vừa ký công văn gửi VCCI và Sở TT&TT về việc hợp tác với VCCI triển khai hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tại công văn này, UBND Thành phố cho biết đã nhận được văn bản của VCCI. Trong đó, VCCI đã mời các UBND các tỉnh, thành phố phối hợp và giao cho sở, ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố cùng hợp tác tổ chức một số hoạt động như tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức tuyên truyền phổ biến về ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến đối với doanh nghiệp; tổ chức đào tạo tập huấn có hướng dẫn thực hành ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng các cổng dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp.
Về đề xuất của VCCI, UBND TP Hà Nội giao Sở TT&TT là cơ quan đầu mối của Thành phố phối hợp Viện Tin học doanh nghiệp thuộc VCCI trong công tác triển khai hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Sở TT&TT Hà Nội cũng được giao chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu, chủ động triển khai các hoạt động hợp tác tổ chức hội thảo, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo, tập huấn thực hành ứng dụng; xây dựng các cổng dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp theo ý kiến đề xuất VCCI đảm bảo đúng quy định và thẩm quyền, báo cáo UBND Thành phố.
Liên quan đến việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, ngày 15/3 vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội chủ động phối hợp với Sở TT&TT tổ chức tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến; trong đó cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng dẫn của Sở TT&TT, đảm bảo hiệu quả và thống nhất nội dung tuyên truyền, đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, hướng dẫn để người dân tự thực hiện các dịch vụ công.
UBND Thành phố giao các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn quy trình nghiệp vụ thực hiện các dịch vụ cấp quận, huyện thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý để các đơn vị có cơ sở vận hành các dịch vụ công được triến khai, đảm bảo thống nhất, đúng quy định và chỉ đạo của UBND Thành phố tại Kế hoạch 09 ngày 12/1/2017 về triển khai vận hành chính thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã hoàn thành xây dựng.
Sở TT&TT Hà Nội được chỉ đạo phải khẩn trương chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan triển khai thực hiện nội dung đề xuất tại báo cáo 298 ngày 28/2/2017 của Sở này về kết quả triển khai Kế hoạch 09; đồng thời chủ động phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực tổ chức công tác tuyên truyền theo hình thức đổi mới, đảm bảo hiệu quả, thống nhất.
Riêng với nội dung mua sắm thiết bị CNTT, UBND TP Hà Nội giao Sở TT&TT thực hiện đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại thông báo 154 ngày 9/3/2017.
Trước đó, hồi cuối tháng 7/2016, Hà Nội đã khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ egov.hanoi.gov.vn và cung cấp chính thức 7 dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực tư pháp (khai sinh, khai tử…), liên thông với Công an và Bảo hiểm xã hội. Đến tháng 12 năm ngoái, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã được Thành phố triển khai đồng bộ tại 584 xã, phường, thị trấn trên toàn địa bàn, đã góp nâng cao chất lượng, hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, từng bước phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Năm nay, Hà Nội đã tiếp tục mở rộng cung cấp các dịch vụ công  trực tuyến mức độ 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo kế hoạch, riêng trong quý I/2017, theo 3 đợt lần lượt từ ngày 19/1, 1/3 và 15/3/2017, Thành phố triển khai cung cấp tới người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tổng số 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, trong đó đợt 1 là 27 dịch vụ, đợt 2 thêm 20 dịch vụ và 73 là số dịch vụ công trực tuyến được triển khai vận hành chính thức trong đợt 3 bắt đầu từ ngày 15/3.
Hà Nội: Tăng cường tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến. UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) là cơ quan đầu mối, phối hợp với Viện Tin học doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, Sở TT-TT phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu, chủ động triển khai các hoạt động hợp tác, hội thảo, tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, tập huấn thực hành ứng dụng; xây dựng các cổng dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở TT-TT tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến, đồng thời thực hiện các giải pháp nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.
Hà Nội: Cung cấp 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 vào cuối năm 2017. Chiều 21-3, ông Ngô Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội thông tin về kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và một số giải pháp chủ yếu thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017".
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch CCHC nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 là xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, bảo đảm liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn TP và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Về cải cách thể chế, đến cuối năm 2016, tất cả các cơ quan, đơn vị công khai, minh bạch quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc trong nội bộ cơ quan, đơn vị; quy trình giải quyết công việc với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Đến cuối năm 2017, về cải cách thủ tục hành chính đặt ra mục tiêu cung cấp từ 40%-50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; đến năm 2020 cung cấp từ 70% - 80% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 tại tất cả các sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã.
Kế hoạch cũng đặt ra chỉ tiêu đến năm 2018, toàn bộ viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Hàng năm, 100% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.
Cuối năm 2020, tỷ lệ tinh giảm biên chế tại các cơ quan, đơn vị tối thiểu dạt 10% biên chế UBND TP giao năm 2015.
"Công tác CCHC của TP Hà Nội đã thu được nhiều kết quả toàn diện, đáng phấn khởi, góp phần nâng cao kỷ cương hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, được TƯ ghi nhận; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức TP đã có chuyển biến theo hướng nâng cao về nhận thức, hành động và hiệu quả phục vụ; được dư luận nhân dân  đồng tình ủng hộ; mức độ hài lòng của người dân đối với nền hành chính phục vụ của TP được nâng lên một bước" -ông Ngô Anh Tuấn đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch CCHC trong giai đoạn hiện nay.
Để thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017", Phó GĐ Sở Nội vụ Hà Nội nêu ra một số giải pháp, trong đó có việc tiếp tục thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ phận, đầu mối trực thuộc từ TP đến cấp huyện, xã, bảo đảm nguyên tắc "một đầu mối - một việc xuyên suốt";
Thay đổi căn bản tư duy, thái độ, đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận, thụ lý, giải quyết thủ tục hành chính trên tinh thần "lấy sự hài lòng của người dân và doanh  nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc".
Ngoài ra, sẽ tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường kỷ luật công vụ trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành uỷ, HĐND, UBND TP.
Thanh tra Chính phủ:  2017 - tập trung xây dựng 2 chương trình phần mềm. 2 phần mềm phải làm ngay trong năm nay là xây dựng hệ điều hành tác nghiệp mới và cổng thông tin điện tử. Đó là chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đặng Công Huẩn tại buổi làm việc với Trung tâm Thông tin và các cục, vụ liên quan về triển khai xây dựng một số chương trình phần mềm cho cơ quan TTCP, diễn ra sáng 22/3.
Để phục vụ mục tiêu nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của TTCP, đáp ứng các nhu cầu trước mắt, bức thiết, Tổ công tác đề xuất 8 hạng mục đầu tư năm 2017 với tổng mức đầu tư 11,7 tỷ đồng.
Cụ thể, đầu tư các hạng mục sau: Xây dựng hệ điều hành tác nghiệp mới; xây dựng cổng thông tin điện tử; nâng cấp hệ thống email thanh tra; mua sắm thiết bị phòng giao ban thông minh là 30 máy tính bảng; phần mềm đảm bảo an toàn bảo mật thông tin và 2 máy chủ; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ hệ thống; đào tạo chuyển giao công nghệ; bảo hành, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Nguyễn Đức Thắng – Giám đốc Trung tâm Thông tin cho biết: Nhiệm vụ bức thiết phải làm ngay là xây dựng cổng thông tin điện tử vì phần mềm này xây dựng đã lâu, đã hết khấu hao, không còn đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới. Vì vậy, cần phải học tập các bộ, ngành khác để xây dựng cổng thông tin chuẩn, tích hợp hết tất cả nội dung đều phải qua cổng, hệ thống an toàn bảo mật cũng sẽ đưa chung vào đây.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho biết, năm nay, phải xây dựng hệ điều hành tác nghiệp mới để phục vụ hiệu quả và kịp thời công tác điều hành hàng ngày của lãnh đạo và toàn bộ nhân sự của TTCP.
Ông Đỗ Đức Toàn, Phó Chánh Văn phòng TTCP cho rằng, 8 hạng mục trên đều rất cần thiết đầu tư. Tuy nhiên, liên quan đến nguồn vốn nên không thể tập trung làm hết trong năm nay. Vì vậy, nên lập đề án xem cái nào đầu tư trước, cái nào đầu tư sau.
“Theo tôi cần xây dựng 2 hạng mục trước là cổng thông tin điện tử và hệ điều hành tác nghiệp mới. Việc quyết định nâng cấp hay xây mới cần lấy ý kiến của các cục, vụ, đơn vị. Bức xúc và cần thiết nhất là xây dựng hệ điều hành. Có thể cân nhắc đầu tư trước hạng mục này”, ông Toàn cho biết.
Chung quan điểm, đại diện Cục Chống tham nhũng cho rằng, quan trọng nhất bây giờ là xây dựng hệ điều hành mới. Đề xuất xây dựng thêm phần mềm đường dây nóng về phòng, chống tham nhũng.
Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn chỉ đạo, 2 phần mềm phải làm ngay trong năm nay là xây dựng hệ điều hành tác nghiệp mới và cổng thông tin điện tử.
Phó Tổng Thanh tra lưu ý, theo rà soát trong hồ sơ của Tổ tư vấn bên Tổng Công ty Viễn thông Viettel cung cấp thì hệ điều hành tác nghiệp của TTCP hiện có 40 lỗi chưa sửa, đây là lỗi không thể sửa được; phần mềm thường xuyên chạy chậm 2 lần/tháng, không cho phép xử lý văn bản tồn đọng, không cho phép xử lý văn bản trên thiết bị di động, không cho phép tích hợp quản lý chất lượng ISO…
Phó Tổng Thanh tra yêu cầu, Trung tâm Thông tin phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát, đánh giá chi tiết lại các vấn đề của cổng thông tin và hệ điều hành tác nghiệp để đưa ra kết luận cuối cùng là xây mới hay nâng cấp.
Chính thức triển khai đăng ký xuất nhập cảnh điện tử trên cả nước. Đây là bước đi cụ thể nhằm thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Chiều 23/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục An ninh, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền internet và chương trình tiếp nhận tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu, cho lực lượng quản lý xuất nhập cảnh của cả nước.
Người dân và du khách có thể vào địa chỉ https://hochieu.xuatnhapcanh.gov.vn để thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xuất nhập cảnh.
Trung tướng Vũ Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh cho biết, từ đầu năm 2017, Tổng cục An ninh đã triển khai thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, tiếp nhận yêu cầu cấp hộ chiếu của công dân qua tờ khai điện tử.
Đây là bước đi cụ thể nhằm thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện cho công dân xuất cảnh.
Thời gian qua, lực lượng xuất nhập cảnh đã chủ động, tích cực đổi mới, phát huy sức mạnh tập thể, sự sáng tạo của từng cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đổi mới mạnh mẽ và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình hiện nay.
Chương trình khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền internet và chương trình tiếp nhận tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu được triển khai trên cả nước sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan công an, cơ sở lưu trú, người dân trong nước và người nước ngoài, vì không phát sinh thủ tục giấy tờ, chi phí, không hạn chế thời gian, không phải trực tiếp đến cơ quan công an.
Thông tin khai báo chỉ gồm họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu nên rất dễ nhớ, dễ nhập.
Trung tướng Vũ Thanh Bình yêu cầu các cán bộ, chiến sỹ quán triệt chủ trương về cải cách hành chính trên lĩnh vực xuất nhập cảnh theo hướng vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, người nước ngoài khi tham gia quá trình xuất nhập cảnh, vừa tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước; đồng thời cần nắm vững hệ thống, cách thức vận hành chương trình khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền internet, chương trình tiếp nhận tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu.
Hiện Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an Hà Nội đã triển khai thí điểm việc tiếp nhận tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu trực tuyến. Sắp tới, 12 địa phương khác sẽ triển khai công tác này; các địa phương còn lại tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị hệ thống để triển khai. đầu trang(

SAI PHẠM
Vụ bắt Bí thư xã ở Thanh Hóa: Hé lộ nội dung tin nhắn “tham nhũng đất đai”. Vụ việc Bí thư xã Quảng Lĩnh bị khởi tố bị can, bắt tạm giam vì tin nhắn “vu khống bôi nhọ” Bí thư huyện Quảng Xương được hé lộ nội dung liên quan “tham nhũng tình dục” và “tham nhũng đất đai”.
Việc Bí thư xã Quảng Lĩnh Đinh Trọng Tấn bị Công an Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng liên quan hành vi nhắn tin “vu khống, bôi nhọ” Bí thư huyện ủy Quảng Xương (Thanh Hóa) đến nhiều số máy lãnh đạo huyện đã khiến dư luận đặt dấu hỏi về nội dung tin nhắn vì sao được gọi là vu khống, bôi nhọ?
Theo nguồn tin riêng của Pháp luật Plus, Bí thư xã Quảng Lĩnh Đinh Trọng Tấn đã dùng sim rác nhắn tin đến 22 số máy của các lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã và một số trưởng phòng ban cấp huyện Quảng Xương.
Một trong những nội dung tin nhắn trên không có dấu, nhiều từ viết tắt, được gửi ngày 16/11/2016, có thể tạm dịch: Ông Chính Bí thư Huyện ủy Quảng Xương vừa tham nhũng tình dục vừa tham nhũng đất đai tại xã Quảng Định 2ha, Quảng Đức 18 lô đất, Quảng Tân 10 lô đất và nhiều chỗ khác. Các ông Thường vụ có biết không, hay các ông cũng được chia phần cho nên bao che cho con người không đủ tư cách làm cán bộ. Nếu cứ để như thế dân chúng tôi sẽ đề nghị Trung ương làm rõ để đuổi sớm ông này về”.
Trao đổi với Phóng viên Pháp luật Plus, ông Nguyễn Văn Chính, Bí thư Huyện uỷ huyện Quảng Xương một lần nữa khẳng định: “Tin nhắn đó nhắn cho các cán bộ trong cơ quan thôi, chứ tôi không trực tiếp nhận tin. Vì tin nhắn đó không chính thống, nên tôi có trách nhiệm báo cáo cơ quan Công an, chứ tôi không xác nhận nội dung tin đó. Anh em cơ quan báo lại là tin nhắn nói xấu, vu khống, nên tôi báo cơ quan chức năng làm rõ, chứ tôi không quan tâm”.
Trước đó, như Pháp luật Plus đã đưa tin, ông Đinh Trọng Tấn, sinh năm 1980, ở thị trấn Quảng Xương, huyện Quảng Xương, là huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đã thực hiện hành vi vu khống bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo huyện Quảng Xương.
Căn cứ kết quả điều tra, Công an Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ngày 2/3/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thanh Hóa đã thi hành Lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với ông Đinh Trọng Tấn để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước diễn biến trên, ông Trịnh Thăng Sự, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện Quảng Xương đã tiết lộ, nội dung tin nhắn bịa đặt có nói lãnh đạo huyện tham những vật chất, tham nhũng tình dục…
Một trong những nội dung tin nhắn đề cập việc lãnh đạo huyện ngủ với cô gái A (tức một nữ cán bộ huyện) ở khách sạn M.Th (khách sạn đóng tại TP Thanh Hóa-PV), bị người nhà bắt được đưa ra xe bãi xe.
Ông Sự khẳng định những nội dung trên là bịa đặt, vu khống nhằm bôi nhọ lãnh đạo huyện.
Theo Bí thư Chính, khi cơ quan điều tra vào cuộc, tìm ra người nhắn những tin vu khống trên là ông Đinh Trọng Tấn - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh – ông Tấn đã thừa nhận có bịa đặt ra các nội dung trên.
4 bị cáo trong đại án vụ tham nhũng tại Vinashinlines kháng cáo. Tòa án Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo trong đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin – Vinashinlines.
4 bị cáo trong vụ án đều kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. 4 bị cáo gồm: Trần Văn Liêm - – cựu TGĐ Vinashinlines, Giang Kim Đạt – cựu quyền trưởng phòng kinh doanh, Trần Văn Khương – cựu kế toán trưởng và Giang Văn Hiển – bố đẻ của Giang Kim Đạt.
Trước đó, Tòa án Hà Nội đã tuyên phạt tử hình Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt về tội Tham ô tài sản. Cùng tội danh Trần Văn Khương bị tuyên phạt mức án Chung thân.
Hầu tòa cùng con trai Giang Kim Đạt, bị cáo Giang Văn Hiển bị tuyên phạt 12 năm tù về tội Rửa tiền.
Theo bản án sơ thẩm, thời gian lãnh đạo Vinashinlines, Trần Văn Liêm và thuộc cấp đã thực hiện thỏa thuận với đối tác để nhận hoa hồng trong việc mua tàu, nhận chênh lệch ngoài hợp đồng cho thuê tàu… để chiếm đoạt 260 tỷ đồng.
Để nhận số tiền này, bị cáo Giang Văn Hiển đã mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng. Các đối tác của Vinashinlines đã 92 lần chuyển tiền vào các tài khoản.
Cơ quan tố tụng cho biết, ngoài việc chia tiền mặt, các bị cáo còn sử dụng tiền chiếm đoạt để mua bất động sản, sắm phương tiện cá nhân đắt tiền. Tổng số tiền chiếm đoạt là hơn 260 tỷ đồng.
Vụ Y tế Gia Lai sai phạm 67 tỷ: Cần chuyển hồ sơ sang công an. UBND tỉnh Gia Lai đã triển khai Kế hoạch kiểm tra, làm rõ sai phạm 67 tỷ đồng tại Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Gia Lai theo kết luận của Kiểm toán nhà nước. Luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho rằng với vụ này, cần chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai để điều tra.
Ngày 17/3, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ký Quyết định số 223 đề nghị thực hiện việc xử lý các sai phạm xảy ra tại Sở Y tế theo kết luận của Kiểm toán nhà nước (KTNN).
Theo đó, tỉnh giao Sở Y tế cùng với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, BVĐK Gia Lai và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm người tham mưu, người ký thông báo số 01/TB-UBND dẫn đến thất thoát 10,7 tỷ đồng. Thứ hai, kiểm tra làm rõ, xử lí theo quy định của pháp luật của việc mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, hóa chất gây chênh lệch 56,7 tỷ đồng. Các nội dung trên phải hoàn tất trước ngày 30/3/2017.
Tuy nhiên, chiều ngày 20/3, Sở Y tế Gia Lai và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai lại tổ chức buổi họp báo nhằm thông tin về số tiền sai phạm 67 tỷ đồng tại sở Y tế và BVĐK Gia Lai. Tại đó, giám đốc Sở Y tế Gia Lai- ông Mai Xuân Hải cho rằng: “Sở Y tế chỉ có sai phạm 1,1 tỷ đồng”.
Về số tiền chênh lệch mua sắm TTBYT, VTYT, hóa chất theo KTNN là 56,7 tỷ đồng, ông Hải “đẩy” trách nhiệm cho nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành Y tế - Đặng Toàn Thắng trả lời. Ông Thắng nói: Do có sự sai lệch giữa các phương pháp tính giữa KTNN và Sở Y tế. KTNN dựa theo giá CIP của đơn vị trúng thầu, còn sở thẩm định giá theo thông báo giá của DN thẩm định...”.
Trong khi đó, KTNN khẳng định các Chứng thư thẩm định giá của DN chưa tuân thủ Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 2, khiến giá của DN cao hơn giá thị trường rất nhiều, dẫn đến thất thoát ngân sách.
Tại buổi họp báo, giám đốc Sở Y tế Mai Xuân Hải và Phó Ban Tuyên giáo Gia Lai Trần Đình Hiệp chỉ lược trích một phần kiến nghị của KTNN, từ đó khẳng định sai phạm của Sở Y tế Gia Lai là 1,1 tỷ đồng. Trong khi các mục còn lại kiến nghị làm rõ các sai phạm đến 67 tỷ đồng thì không đưa vào Thông cáo báo chí (TCBC), và cho rằng Thông báo 07/KT-KV XII ngày 28/2/2017 mới là “kết luận cuối cùng”, còn báo cáo kết luận số 11/BC -KV XII là “bản cũ”.
Các PV khẳng định, Thông báo 07 là bản Thông báo kèm theo bản kết luận số 11 của KTNN đề nghị tỉnh Gia Lai thực hiện xử lý sai phạm chứ không phải bản kết luận. Chính Quyết định số 223 QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành kí ngày 17/3/2017, đã dựa vào kết luận số 11/BC-KV XII để đề nghị kiểm tra, làm rõ số tiền thất thoát lên tới 67 tỷ đồng.
Nhiều câu hỏi cho các phóng viên đặt ra tại buổi họp báo đã bị Giám đốc Sở Y tế Mai Xuân Hải cùng Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai - Phạm Minh Trung né tránh không trả lời. Như Sở Y tế là chủ đầu tư các gói mua sắm TTBYT, VTYT vậy ai là người chịu trách nhiệm về khoản chênh lệch 56,7 tỷ đồng? Cá nhân nào tham mưu, và ai là người ký Thông báo 01 dẫn đến thất thoát 10,7 tỷ đồng? Lý do giá trúng thầu một số mặt hàng thuốc của Gia Lai do sở Y tế tổ chức lại cao hơn giá trúng thầu của tỉnh Kon Tum và Đắc Nông tới 2,1 tỷ đồng?
Luật sư Tạ Quang Tòng - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk phân tích: “KTNN là đơn vị thanh tra tài chính thuộc Quốc hội, sau khi kiểm toán xong, họ xác định số tiền sai phạm 67 tỷ đồng và đã gửi cho Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai bản kết luận cùng các quyết định khác có liên quan. Đã có kết luận kiểm toán thì không kiểm tra lại, mà phải chuyển hồ sơ đó cho công an để điều tra làm rõ. Trong 67 tỷ đồng sai phạm đó thì là thất thoát bao nhiêu? Tham ô bao nhiêu? Lãng phí bao nhiêu? Khi đó, mới xác định được hành vi của ai để xử lý đúng pháp luật. Việc UBND tỉnh Gia Lai giao đơn vị bị KTNN chỉ ra sai phạm tự kiểm tra lại chính mình là không phù hợp, không thuyết phục”. đầu trang(

MÔ HÌNH - KINH NGHIỆM
Thái Nguyên với những tiến bộ vượt bậc về phát triển kinh tế. Năm qua, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Thái Nguyên đã và vượt mức kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế; tốc độ phát triển kinh tế tăng khá; thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách hơn 9.500 tỷ đồng, vượt 47,1% kế hoạch.
Năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các văn bản phân công chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, xây dựng tám chương trình, 16 đề án, 20 dự án công trình trọng điểm. Do vậy, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản được thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra.
Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời triển khai thực hiện các giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ và tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số hiệu quả, quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI); tăng cường thu hút đầu tư, tổ chức nhiều hội nghị triển khai các chính sách, cơ chế mới của Nhà nước, kiểm tra, rà soát có giải pháp cụ thể đối với các dự án chậm tiến độ, kéo dài trên địa bàn, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhiều nhà đầu tư lớn đã vào đầu tư trên địa bàn, nhiều dự án lớn được khởi động. Trong đó có nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào sản xuất, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; nhất là tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách.
Nông nghiệp cơ bản hoàn thành kế hoạch; mặt bằng lãi suất tín dụng giảm; an sinh và phúc lợi xã hội được thực hiện kịp thời; trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần ổn định xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Điều đáng mừng là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2016 tăng 15,2% so với năm 2015; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,3%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 21,7%, đóng góp 11,2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 9,6%, đóng góp 3,2 điểm phần trăm. Năm 2016, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao; trong đó ngành công nghiệp tăng trưởng 23% so với cùng kỳ.
Bên cạnh ngành công nghiệp tăng trưởng cao, lực lượng lao động có sự chuyển dịch lớn về tỉnh Thái Nguyên trong ba năm gần đây dẫn đến nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ nhà ở, lưu trú, ăn uống... cũng tăng lên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ năm 2016.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người năm 2016 đã đạt 52 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 6,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2015 và vượt kế hoạch đề ra. Nếu tính theo USD, GRDP bình quân đầu người tỉnh Thái Nguyên năm 2016 đạt 2.325 USD/người/năm, vượt mức bình quân chung của cả nước. Nhịp độ sản xuất của các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định.
Ngoài những mặt hàng sản xuất đang phát triển mạnh là điện tử, viễn thông và chế biến khoáng sản thì những sản phẩm công nghiệp truyền thống của tỉnh như: Sắt thép, điện sản xuất và điện thương phẩm cũng đạt khá cao, góp phần đưa chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp cả năm hoàn thành vượt mức so kế hoạch ở tất cả các khu vực, thành phần kinh tế.
Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2016 trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 477 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% cùng kỳ và bằng 109% kế hoạch năm. Hiện nay giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 93% giá trị công nghiệp toàn tỉnh; còn lại công nghiệp trong nước chỉ chiếm tỷ trọng 7% (công nghiệp địa phương chiếm 3,6% và công nghiệp T.Ư chiếm 3,4%); mặt khác tỷ trọng lao động của khu vực công nghiệp trong nước vẫn chiếm khoảng 40% cho nên kết quả sản xuất công nghiệp trong nước tuy không đóng góp nhiều về giá trị sản xuất nhưng có tác động lớn đời sống người lao động.
Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng cao so cùng kỳ và vượt kế hoạch cả năm. Về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản: Giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 12.158 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ, bao gồm: Ngành nông nghiệp là 11.411,3 tỷ đồng, tăng 5,1% (trồng trọt tăng 0,34%; chăn nuôi tăng 9,1% và dịch vụ tăng 11,3%); ngành lâm nghiệp là 415,8 tỷ đồng, tăng 7,2% so ngành thủy sản là 331,7 tỷ đồng, tăng 10,3%.
Diện tích chè trồng mới và trồng lại toàn tỉnh cả năm 2016 đạt 1.229 ha, bằng 122,9% kế hoạch và tăng 3,4% (tăng 40 ha) so với năm 2015. Năng suất chè bình quân đạt 111,74 tạ/ha, tăng 0,78 tạ/ha (0,7%), sản lượng chè búp tươi đạt 210 nghìn tấn, tăng 3,7% so với sản lượng năm 2015 và bằng 104,9% kế hoạch cả năm.
Do các doanh nghiệp nước ngoài đã đi vào sản xuất ổn định, cho nên tốc độ tăng giá trị xuất khẩu không đột biến như năm 2015. Giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 19,1 tỷ USD, bằng 90,9% kế hoạch, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ.
Giá trị nhập khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 292 triệu USD, giảm 32,6% so với cùng kỳ (chủ yếu giảm ở mặt hàng sắt thép phế liệu và phôi thép); khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,5 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 97,5% tổng giá trị nhập khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm 2016 đạt 22,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2015.
Triển khai thực hiện đồng bộ, huy động mọi nguồn lực thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng. Các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trọng tâm ở 15 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, ba xã xây dựng “Nông thôn mới điển hình”; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với 40 xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, các xã còn lại tăng thêm từ hai tiêu chí trở lên. Hết năm 2016, tỉnh Thái Nguyên có 55 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đáng chú ý, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả lớn trên lĩnh vực đầu tư và xây dựng. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 45,8 nghìn tỷ đồng. Riêng hoạt động xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2016, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân tham gia đóng góp xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm. Từ nguồn lực xã hội hóa đã có nhiều công trình đầu tư xây dựng như: Công trình điện đến các xóm, bản đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới quốc gia; các công trình đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, các công trình trường, lớp học...
Số kinh phí xã hội hóa hoạt động đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Có nhiều dự án lớn đăng ký và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư tạo cơ hội phát triển lớn. Tính lũy kế, trên địa bàn có 677 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư là 143 nghìn tỷ đồng. Đến nay, có 5.384 doanh nghiệp dân doanh, tỷ lệ người dân/doanh nghiệp là 230 người/doanh nghiệp (cả nước là 160 người/doanh nghiệp).
Đến tháng 11-2016 trên địa bàn tỉnh đã cấp phép mới cho 23 dự án FDI (20 dự án công nghiệp chế biến chế tạo, ba dự án hoạt động dịch vụ), với tổng vốn đầu tư đăng ký 132,85 triệu USD; có tám dự án điều chỉnh tăng vốn với giá trị tăng là 15,36 triệu USD; lũy kế đến nay, có 114 doanh nghiệp FDI đang hoạt động với 116 dự án, tổng vốn đăng ký là 7.185,4 triệu USD, vốn giải ngân là 6.432,06 triệu USD. Hiện có chín dự án ODA đang thực hiện với tổng mức vốn cam kết là 4.972 tỷ đồng; có hơn 50 dự án phi chính phủ nước ngoài đang được triển khai liên quan các lĩnh vực phát triển giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, phát triển nông thôn, ứng phó biến đổi khí hậu; giá trị giải ngân năm 2016 đạt 2,5 triệu USD.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang nâng cấp đô thị tiếp tục được đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông như đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, hệ thống đường giao thông nông thôn, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh; triển khai đồng bộ các hạng mục công trình thuộc Chương trình đô thị miền núi phía bắc - TP Thái Nguyên.
Nhìn tổng quát tình hình kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả tích cực: tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì ở mức cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng công nghiệp; thu ngân sách trong cân đối năm 2016 đạt hơn 9.500 tỷ đồng, bằng 147,1% dự toán năm, tăng 30,6% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng và cao hơn mức bình quân chung cả nước; sản xuất nông nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá và tiếp tục có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; sản xuất công nghiệp phát triển với quy mô tăng cao, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, kim ngạch xuất khẩu tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn là địa phương có giá trị xuất khẩu lớn (đứng thứ ba cả nước); thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như thu hút các nguồn lực của các doanh nghiệp lớn trong nước đạt cao, nhiều dự án lớn đã và đang triển khai, tạo việc làm cho hơn 26 nghìn lao động; giá cả thị trường ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, đời sống dân cư ổn định…
Đây là kết quả của sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền cũng như kịp thời chỉ đạo các vấn đề phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở, quyết định đầu tư đúng hướng, trọng tâm, trọng điểm và sự nỗ lực chung của các ngành, doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Và đây cũng là tiền đề, là nền tảng then chốt đã và đang thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển trong năm nay và những năm tiếp theo.
20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam: Sứ mệnh viết tiếp những trang vàng. Cầu Cửa Đại được khánh thành đúng dịp 20 năm tái lập tỉnh như là dấu gạch nối của Quảng Nam từ hiện tại đến tương lai. Đứng trên cầu hướng về phía biển, màu xanh ngắt của trời in lên từng gợn sóng. Những đọt dừa nhọn hướng thẳng lên trời xanh, kiêu hãnh căng tràn sinh lực như Quảng Nam đang ở tuổi xuân thì.
Đối với tạo hóa, 20 năm chỉ là chu kỳ của ngày và đêm. Đối với lịch sử nhân loại, 20 năm chỉ là một khoảng khắc. Đối với Quảng Nam, 20 năm, so với lịch sử phát triển hào hùng của địa phương cũng chưa phải là dài, nhưng 20 năm ấy, Quảng Nam đã đi được những bước đi vững chắc với nhiều thành công ấn tượng.
20 năm trước, khó hình dung được có một ngày, phía Tây Quảng Nam xa tít xanh thẳm cây rừng, nơi thâm sơn cùng cốc, luồn rừng lội suối cả tuần liền chưa đến được với những bản làng vùng xa, thì nay, tuyến Trường Sơn huyền thoại đã được đầu tư xây dựng. Trên cung đường này, những thị trấn, thị tứ như đô thị giữa rừng hiện lên khang trang, đời sống kinh tế, văn hóa của bà con các bản làng xa xôi, hẻo lánh được nâng lên rõ rệt.
Các đường trục ngang từ Quốc lộ 1A băng qua những thị trấn, thị tứ, thông thương với đường Hồ Chí Minh qua nước bạn Lào, Campuchia bằng cửa khẩu Bờ Y, Đắc Ốc, tạo bang giao gần gũi, keo sơn với nước bạn và đưa vùng biên khởi sắc đã được dựng xây.
Cũng ngần ấy năm, sông Thu Bồn vẫn bên lở bên bồi, là nhân chứng thủy chung chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của Duy Xuyên lam lũ, Điện Bàn cần cù, Hội An cổ kính... Là bệ đỡ những cây cầu huyết mạch quốc gia: cầu Câu Lâu, cầu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Cửa Đại hiện đại, khang trang, cầu Giao Thủy nặng nghĩa, ân tình… đã đưa người dân xích lại gần nhau hơn. Cả vùng kinh tế, văn hóa phía Tây lâu nay vốn bị chia cắt về giao thương, “bỏ quên” trong gian khó được gắn kết và đánh thức.
Thời gian thoi đưa, cái tên Chu Lai trong kháng chiến nổi tiếng là vành đai diệt Mỹ. Án ngữ ở sân bay dã chiến Chu Lai là những chiếc máy bay ném bom của Mỹ - Ngụy, mang những ám ảnh thương vong, thì nay bầu trời Chu Lai đã thanh bình để hàng tuần, gần chục chuyến bay cất cánh đưa du khách, nhà đầu tư gần xa về với Chu Lai, Dung Quất với Quảng Nam, Quảng Ngãi và miền Trung.
20 năm, Chu Lai với bời bời cát trắng và lúp xúp sim mua, lỗ chỗ hố đạn bom sau chiến tranh, đã sừng sững mọc lên “người khổng lồ” Thaco mà bất cứ địa phương nào cũng ao ước...
Và bây giờ, 20 năm sau, từ Cửa Đại, Quảng Nam đang viết tiếp câu chuyện “Lọ lem” huyền diệu bằng những dự án đang chất chứa hy vọng của những tập đoàn lớn chuẩn bị đầu tư như Sungroup, Vingroup, PPCat, FLC...
Dải cát trắng Duy Xuyên - Thăng Bình - Tam Kỳ vốn hoang hoải dọc theo tuyến đường ven biển đẹp như một bức tranh, giờ đang “cựa mình” cho những dự án mới được “gieo trồng” và “bật mầm” vươn cao. Để từ đây, bóng dáng của những resort, khu nghỉ dưỡng, của đô thị hướng biển, của nhà máy hiện đại, công trường hối hả đang dần thành hình. Những đô thị lộng lẫy sẽ mọc lên, xóa đi hình ảnh những túp nhà gianh lam lũ trên trảng cát dài bỏng rát...
TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam không ít lần nhắc lại rằng, đất Quảng đã trải qua nhiều cuộc tiếp biến văn hóa, nhân dân rất anh hùng trong công cuộc giữ nước, có truyền thống hiếu học và học giỏi, lao động cần cù và kiên nhẫn. Đây là tiền đề để xây dựng lên một vùng đất giàu mạnh.
Quảng Nam có lợi thế về phát triển du lịch và một số ngành công nghiệp, ít có lợi thế về sản xuất lương thực. Nhưng nhiều thời kỳ, hướng chủ yếu vẫn là sản xuất lương thực tự cấp, tự túc với hiệu quả thấp, không bù đắp được chi phí bỏ ra, không có tích lũy để phát triển. Tất nhiên, cơ cấu kinh tế như vậy có những lý do khách quan mà trong quá khứ chưa thể giải quyết.
Trước thực trạng ấy, theo ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ đầu mới tái lập tỉnh, với tư duy sáng tạo, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt khó, đổi mới đường lối, cơ chế, chính sách, định hướng phát triển đúng đắn, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu bứt phá.
Những con số thống kê đã phản ảnh cơ bản mức sống người dân và tốc độ phát triển của địa phương: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 20 năm thực hiện đạt gần 160.000 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 21%, riêng năm 2016 thực hiện đạt gần 22.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm  đạt gần 11%/năm; quy mô kinh tế đạt gần 80.000 tỷ đồng.
Năm 2016 là năm ghi dấu những đột phá mạnh nhất từ trước đến nay của tỉnh Quảng Nam trên tất cả các lĩnh vực, khi mà tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng/người/năm (tương đương 2.400 USD); tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 20.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,96 triệu đồng/người/năm; tuổi thọ bình quân đạt 74 tuổi…
Có những lĩnh vực ngành từ con số không tròn chĩnh khi tái lập tỉnh, nhưng đến nay đang đóng vai trò dẫn đầu và dẫn dắt các ngành khác của địa phương, khu vực và cả nước cùng phát triển, đó là ngành cơ khí và công nghiệp ô tô. Lại có những ngành đã xuất hiện hạt nhân kích thích ngành phụ trợ phát triển như công nghiệp dệt may, công nghiệp điện khí, du lịch - dịch vụ…
Những thành quả đạt được đã nâng tầm vị thế Quảng Nam trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khẳng định một Quảng Nam năng động, phát triển và có sức hút so với hai đầu đất nước.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tâm sự, thành quả đó là mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của bao thế hệ người Quảng Nam mới đạt được. Vì vậy, Quảng Nam không tự mãn, mà tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo, đột phá để đưa tỉnh phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn nữa.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần hồi phục, môi trường quốc tế thuận lợi, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng liên kết kinh tế và kết nối giữa các nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, cả nước đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016 - 2020), cơ hội cho các địa phương trong cả nước là ngang nhau, vấn đề là nội tại ở địa phương đó”, ông Thu phân tích thêm.
“Giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 10-10,5%; cơ cấu kinh tế ngành nông - lâm ngư - nghiệp trong GDP chiếm dưới 10%; GDP bình quân đầu người hơn 3.600 USD, lao động phi nông nghiệp trên 60%”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh bổ sung thêm. Đồng thời, kế hoạch thực hiện cho các năm tới cũng đã được vạch ra rõ ràng bằng việc tập trung ưu tiên đột phá chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính...
Những người lãnh đạo tiền nhiệm như ông Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ), ông Mai Thúc Lân, ông Vũ Ngọc Hoàng, ông Lê Trí Tập, ông Nguyễn Đức Hải... đã gây dựng lên một Quảng Nam phát triển vững vàng, viết nên câu chuyện huyền diệu về Quảng Nam sau những ngày tái lập gian khó. Và nay, sứ mệnh viết tiếp những trang vàng của Quảng Nam đang được đặt lên vai các lãnh đạo đương nhiệm, cũng như toàn thể cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
Nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao phục vụ tái cơ cấu. Các mô hình công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung cần được nhân rộng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Nhân rộng, đẩy nhanh các mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp” là gợi ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trong buổi làm việc với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ngày 19/3 tại tỉnh Ninh Bình.
Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hiện là một trong những doanh nghiệp có khu tổ hợp nhà máy chế biến rau quả hiện đại nhất cả nước, có tổng công suất thiết kế hơn 30.000 tấn sản phẩm/năm.
Công ty đang quản lý 4. 500 ha đất, phần lớn diện tích tập trung trồng dứa, tạo thành một vùng nguyên liệu dứa chuyên canh chất lượng cao, giải quyết công ăn việc làm và đảm bảo thu nhập cho trên 13.000 lao động, với thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng…
Ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty CPThực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, thực hiện chiến lược “đưa nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới”, với chuỗi cung ứng khép kín từ khâu nguyên liệu, thu mua, chế biến đến kinh doanh sản xuất, sản phẩm của công ty đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới. Phương châm của doanh nghiệp là muốn hợp tác với nước ngoài thì phải làm sản phẩm chất lượng và giữ uy tín.
“Ngay công đoạn đầu tiên trong sản xuất, công ty phải kiểm tra các yếu tố đầu vào như đất, phân bón, dư lượng thuốc trừ sâu, đặc biệt là chất lượng giống. Công ty xây dựng vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh đầu tư có trọng điểm. Đối với doanh nghiệp chế biến thực phẩm nói chung kể cả sản xuất nội địa và xuất khẩu đều phải đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu. Sản phẩm an toàn chất lượng mới có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Khuê cho biết.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tiềm năng phát triển rau quả thời gian tới là rất lớn. Trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, rau quả được xác định là lợi thế trong nhóm các nông sản của Việt Nam phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay, mỗi năm nhu cầu về rau quả toàn cầu đạt khoảng 650 tỉ USD về giá trị, đây là cơ hội rất lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trên cơ sở tiềm lực của mình, doanh nghiệp cần mở rộng quy mô, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra thêm các dòng sản phẩm mới trên thị trường; đầu tư thêm các vùng nguyên liệu chuyên canh về chanh leo, măng, rau quả ở các địa phương khác.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cũng như đề xuất Chính phủ có cơ chế chính sách tháo gỡ những khó khăn về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhân rộng, đẩy nhanh các mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Thời gian tới đây mặt hàng rau quả của Việt Nam được dự báo còn tăng trưởng cao hơn nữa. Để làm tốt điều này cần phải nhân nhanh các mô hình liên kết đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như là mô hình của Đồng Giao. Trên cơ sở doanh nghiệp làm nòng cốt, tập trung các yếu tố đầu vào áp dụng khoa học công nghệ từ khâu giống, tổ chức sản xuất cho đến khâu chế biến và mở thị trường thương mại. Các doanh nghiệp sẽ liên kết với các hợp tác xã, các trang trại, các hộ nông dân để hình thành những vùng nguyên liệu tập trung, tổ chức thành công hướng tái cơ cấu nông nghiệp trong đó có ngành hàng rau quả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ. đầu trang(

TRÁI KHOÁY
Nằm trên Quốc lộ 91 (giáp ranh với TP.Long Xuyên, An Giang) nhưng trạm thu phí T2 thu luôn phương tiện đi từ QL80 sang phà Vàm Cống và ngược lại.
Trạm thu phí T2 thuộc Km50+050 Quốc lộ 91, khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ bắt đầu thu phí từ ngày 31/12/2016 nhằm hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 - Km50+889 theo hình thức Hợp đồng BOT do Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, ngày 22/3, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang cho biết, trạm thu phí T2 được đặt ở vị trí để tận thu các phương tiện.
Lý giải điều này, ông Xuân cho rằng, chủ đầu tư đặt trạm T2 và trạm T1 (cũng trên Quốc lộ 91, thuộc quận Ô Môn) chưa hợp lý vì chỉ cách nhau chưa đầy 40km, trong khi theo quy định của Bộ Tài chính, các trạm thu phí phải cách nhau 70km.
"Điều đáng nói ở đây là trạm thu phí lại đặt ở một vị trí theo cách tận thu đối với phương tiện của hai địa phương An Giang và Kiên Giang dù chỉ đi qua tuyến đường này không đầy 100m để qua lại QL80. Ngoài ra, các xe đi từ khu công nghiệp cách đó 500-700m, xe buýt đặt trạm dừng gần đó, thậm chí  một số phương tiện đi qua rửa xe... cũng bị thu phí là điều hoàn toàn không hợp lý.
Mặt khác, mức thu phí ở đây cũng quá cao dành cho tuyến quốc lộ (tuyến chỉ được sửa chữa, nâng cấp – không phải đầu tư mới). Đơn cử như một xe ô tô tải có tải trọng trên 18 tấn phải mua phí 140.000đồng/ lượt, trong khi mức phí đi qua đoạn cao tốc Trung Lương – TP. HCM (40km) cũng chỉ có 160.000đ/ lượt", ông Nguyễn Ngọc Xuân phản ánh.
Cũng theo ông Xuân, ngay từ khi trạm thu phí T2 được xây dựng, Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang đã có văn bản gửi đến Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang để chỉ ra những bất cập này nhưng khi trạm đi vào hoạt động vẫn không có gì thay đổi.
"Trạm thu phí thu không hợp lý gần 3 tháng nay, dù chưa làm thống kê nhưng chắc chắn mỗi ngày chủ đầu tư bỏ túi không biết bao nhiêu tiền từ khoản thu chưa hợp lý này", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang nói.
Bởi vậy, Hiệp hội kiến nghị dời trạm thu phí lộ tẻ Cần Thơ – Long Xuyên đi nơi khác, có thể là dưới ngã ba lộ tẻ hướng Cần Thơ khoảng 500 – 700m hoặc gom về một điểm thu ở Ô Môn vì mai đây khi cầu Vàm Cống hoàn thành sẽ có thêm một trạm thu phí nữa. Do đó không thể để doanh nghiệp phải đóng 2 lần phí dù chỉ đi qua một đoạn ngắn của tuyến đường này.
"Các nhà xe không mong truy thu lại số tiền đã nộp không hợp lý bởi nếu có đòi thì còn lâu mới có, mà nếu có cũng rơi rớt không còn lại bao nhiêu. Chỉ mong từ tháng 4 tới trạm chấm dứt cách thu tận thu là đã mừng", ông Nguyễn Ngọc Xuân bày tỏ. (Đất Việt 23/3) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Thủ tướng Trung Quốc hối thúc đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 21/3 kêu gọi các quan chức nước này nỗ lực hơn nữa để xây dựng một hệ thống chính quyền trong sạch và đấu tranh chống tham nhũng.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, phát biểu tại Hội nghị công tác liêm chính lần thứ 5 Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường kêu gọi các quan chức nước này phát huy tinh thần liêm khiết và tận tuỵ với công việc, nhấn mạnh mặc dù công tác xây dựng chính quyền trong sạch và đấu tranh chống tham nhũng trong năm 2016 đã đạt được những thành quả nổi bật, tuy nhiên một số địa phương, ban ngành và đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm túc và triệt để chính sách “trị Đảng nghiêm minh”.
Hiện tượng tham nhũng vẫn còn xuất hiện trong một số lĩnh vực, một số cán bộ vẫn có những biểu hiện ỷ lại và lười biếng trong công việc, chính vì vậy các cấp chính quyền của nước này vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác chống tham nhũng và nêu cao tinh thần liêm khiết.
Thủ tướng Trung Quốc yêu cầu các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, khuyến khích tinh thần tiết kiệm, nâng cao năng lực giám sát, hợp lý hoá công tác quản lý hành chính và xoá bỏ các thủ tục phê duyệt không cần thiết, sử dụng “Internet Plus” để cải tiến hệ thống dịch vụ chính phủ.
Thủ tướng Trung Quốc khẳng định những hành vi tham ô và vi phạm các quy định về chi tiêu công quỹ sẽ bị điều tra và nghiêm trị, đồng thời kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn đối với tài sản Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực tài chính, trong đó có việc xét duyệt kỹ lưỡng hơn đối với các dự án đầu tư lớn ở nước ngoài.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động đấu thầu công khai và mua sắm công; cam kết sẽ nghiêm trị các hành vi tham nhũng trong các lĩnh vực xoá nghèo, an sinh xã hội, nhà ở xã hội và bảo hiểm y tế.
Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn cũng tham dự hội nghị với tư cách là khách mời.
Australia: Phạt tù 10 năm và nộp 700.000 USD nếu tham nhũng. Ngày 20-3, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vừa đưa ra trước Quốc hội nước này dự luật quy định sẽ phạt tù 10 năm và nộp phạt gần 700.000 USD đối với quan chức hay nhân viên các nghiệp đoàn tham nhũng hay thanh toán những khoản không rõ ràng.
Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết, dự luật này đưa ra nhằm lấy lại danh tiếng cho các nghiệp đoàn, đồng thời xử lý các vấn đề thanh khoản ngầm giữa các nghiệp đoàn vừa được Ủy ban Điều tra Hoàng gia Australia điều tra liên quan tới vấn đề tham nhũng và quản lý của các nghiệp đoàn này.
Dự luật này cũng được đưa ra để giải quyết vấn nạn tham nhũng, mặc dù đất nước đã có rất nhiều điều luật khác nhau liên quan tới tham nhũng nhưng không đồng nhất, trong khi các hành vi hối lộ hoặc tham nhũng lại rất khó lấy được chứng cứ.
“Đây cũng là thách thức đối với nhiều nghiệp đoàn, nhưng nhân viên họ phải được biết mọi thứ thanh khoản trong nghiệp đoàn, điều này phải minh bạch. Từ nay, luật này sẽ được áp dụng đối với tất cả các nhân viên và các nghiệp đoàn của Australia”, Thủ tướng Turnbull nói.
Nhiều hoạt động chống tham nhũng rộng khắp Ấn Độ. Tại nhiều bang của Ấn Độ, các sáng kiến, hành động chống tham nhũng được thực hiện, từ việc lập cổng thông tin điện tử, đường dây nóng hỗ trợ người dân tố cáo tham nhũng cho tới diễu hành, tuyên truyền với sự tham gia của nhiều người ở các ngành nghề, vị trí khác nhau, vì một xã hội không tham nhũng…
Chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp cả nước đã xuất hiện trong sự kiện đường phố Patha Utsav tại thành phố Bhubaneswar, bang Odisha, Ấn Độ ngày 19/3. Các tổ chức xã hội làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã tiến hành hàng hoạt hoạt động biểu diễn, diễu hành xoay quanh chủ đề: Một xã hội không tham nhũng bằng cách huy động dư luận.
Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện Patha Utsav, Thống đốc bang Odisha Aditya Prasad Padhi nhấn mạnh, Chính quyền bang đã rất chú trọng đến việc bài trừ tham nhũng và kêu gọi đông đảo người dân tham gia vào cuộc chiến này nhằm xoá bỏ mối nguy hại đang đe dọa đất nước.
Cũng tại buổi lễ, Cảnh sát trưởng bang KB Singh đã ca ngợi sáng kiến của Ban Giám sát và cho rằng, lực lượng cảnh sát cần tập trung hoạt động vì người dân hơn nữa để khuyến khích công chúng tố cáo, kiểm soát tham nhũng.
Uỷ viên cảnh sát YB Khurania cũng kêu gọi mọi người tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông xã hội để truyền tải thông tin về tham nhũng tới Hội đồng Giám sát một cách hữu hiệu.
Tiến sỹ RP Sharma - lãnh đạo Ban Giám sát cho biết, chiến dịch chống tham nhũng sẽ được mở rộng đến tất cả vùng miền của bang Odisha. Các chiến dịch đặc biệt sẽ được tổ chức để các công dân - những người nhạy cảm với tham nhũng - thông tin về vụ việc tới các văn phòng thuộc Chính phủ.
Ban Giám sát cũng cung cấp đường dây trợ giúp 1064 cùng các mạng lưới xã hội hiệu quả để người dân cung cấp thông tin đến Cơ quan Chống tham nhũng.
Các sự kiện tại lễ hội Patha Utsav đều thu hút được lượng khán giả khổng lồ. 2 ki-ốt của Ban Giám sát được dựng lên để phổ biến tài liệu nhận thức về tham nhũng, trong khi các nam diễn viên Sabyasachi Mishra và Archita Sahu trò chuyện với những người tham gia lễ hội về một bang Odisha không có tham nhũng. Nhiều nghệ sỹ, chính trị gia, người dân và cả trẻ em cùng nhau tuyên thệ chống lại các hành vi phạm tội. Ban nhạc đặc biệt của lực lượng Cảnh sát bang Odisha đã đi bộ quãng đường dài 1,2km, vừa đi vừa chơi nhạc.
Trong buổi lễ, nhiều giải thưởng đã được trao cho người chiến thắng các cuộc thi: Viết bài luận, sáng tác phim hoạt hình, viết khẩu hiệu tuyên truyền với chủ đề: Một xã hội không tham nhũng.
Kể từ ngày 1/6/2016 đến nay, 476 cán bộ nhân viên bang Kerala đã trở thành đối tượng trong các vụ việc của Ban Giám sát. Cùng thời gian trên, có 234 vụ việc tại bang này đã được ghi nhận.
Trong đó, Sở Quy hoạch Đô thị là bộ phận tham nhũng nhiều nhất với 120 người. Đứng ở vị trí thứ 2 là Cục Thuế với 46 cán bộ liên quan đến các vụ tham nhũng. Tiếp đến là Chính quyền Panchayats (Chính quyền nông thôn) với 42 người. Có 30 cán bộ Cục Kiểm lâm và 27 cán bộ cảnh sát cũng dính líu tới các vụ tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Chính quyền địa phương KT Jaleel cho biết, một số lượng lớn nhân viên Sở Quy hoạch Đô thị liên quan tới các vụ việc của Ban Giám sát cho thấy không có sự khoan dung đối với tham nhũng. “Chúng tôi bắt đầu đưa vào một cổng thông tin điện tử có tên "For The People" (tạm dịch: Cho mọi người) để công chúng có thể gửi đơn khiếu tố đối với các cán bộ viên chức thuộc Bộ Chính quyền địa phương", ông Jaleel nói.
Theo đó, một cán bộ Cục Giám sát và Chống tham nhũng cho biết: “Chúng tôi đã nhận được khá nhiều đơn khiếu nại đối với các quan chức thông qua cổng thông tin này và bắt đầu hành động nghiêm túc. Một số cán bộ cấp cao đã bị đình chỉ và điều chuyển... Cục Thuế thường là bộ phận tham nhũng nhiều nhất… Hiện nay, càng ngày càng có nhiều người dám tố cáo tham nhũng dẫn tới gia tăng số lượng vụ việc. Kể từ ngày 1/6 năm ngoái, chúng tôi đã nhận được 13.500 khiếu nại về tham nhũng trên phạm vi toàn bang". ./. đầu trang(