Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 31 tháng 07 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
- Công an Bảo Lâm (Lâm Đồng) vừa bắt 5 đối tượng đã đổ thuốc độc làm chết 2,6ha rừng thông để trồng cà phê. Chỉ mất 5 triệu đồng thuê anh bảo vệ rừng hạ độc thủ cây là có ngay một rẫy cà phê mới. Bác bảo trồng rừng thông là đặc sản phong cảnh của Lâm Đồng mà làm như được khai hoang. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã có 500 vụ phá rừng thông, hơn 160ha đã bị mất. Thế có ngán không!
- Chuyện phá rừng thì từ lâu ta đã có số liệu mất 50% rừng cả nước, sau đó Chính phủ có chương trình trồng 5 triệu hecta rừng để bổ sung cho số đã mất.
- Bác ơi, chuyện 5 triệu hecta có từ trước phong trào thủy điện. Nếu có trồng đủ thì nay chắc cũng không bù nổi số rừng bị phá để làm hồ tích nước phát điện.
- Vấn đề đúng như chú nói, rừng là tài nguyên quốc gia mà người ta cứ vô tư chặt hạ lấy gỗ bán hoặc trồng cà phê như ở Lâm Đồng. Ấy thế mà cả nước chỉ ngồi nhìn như chúng ta xem tivi biết là rừng bị phá mà chẳng làm gì được, thế mới đau!
- Đúng là vô chính phủ!
- Phỉ phui cái mồm, không có chính phủ thì đất đai, rừng núi của ta đã thành đồi trọc từ lâu rồi. Cũng may, phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động đến nay cả nước vẫn chưa quên, nhưng lại chuyển sang kiểu hình thức, trồng vài cây để quay phim - chụp ảnh là chính.
- Dân gian có câu “Trẻ trồng na già trồng chuối”, sang đến thời ta xã hội lại “phân công” các cụ già trồng cây. Thời đó đã có ca dao vui: “Hoan hô các cụ trồng cây / 10 cây chết 9, một cây gật gù”. Chỉ là chuyện vui đùa nhưng trồng cây, trồng rừng là của ngành nông nghiệp, cụ thể là Tổng cục Lâm nghiệp, còn “xã hội hóa” thực ra là ít hiệu quả, phải 3-4-5 chục năm trồng rừng mới có hiệu quả, người dân mưu sinh hằng ngày, trồng na trồng chuối dễ nghe hơn. Đời người đâu có dài như các Vua Hùng nghìn tuổi.
- Ai trồng cũng được, nhưng phải biết bảo vệ rừng. Có mấy cây sưa trồng giữa thành phố mà đường kính 30cm là bọn sưa tặc nó cưa ngay, công an, bảo vệ, chính quyền đều bó tay. Còn Tổng cục Lâm nghiệp giờ làm gì, có còn lâm trường trồng rừng như ngày xưa hay không, dân chúng đã coi như các các bác cũng đi đâu đó cùng với các cánh rừng bị hạ? Một câu hỏi lớn và buồn! Lâu lắm, đến đài cũng không có ai hát bài: “Rừng ơi! Ta đã về đây...”. (Lao Động 31/7) đầu trang(
Ban Thường vụ Huyện Đoàn phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sao La, Hạt Kiểm lâm A Lưới và UBND xã A Roàng tổ chức đêm giao lưu văn nghệ truyền thông với chủ đề "Chung tay bảo vệ Sao la và rừng xanh yêu thương".
Đêm giao lưu văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống địa phương, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thiên nhiên, núi rừng. Qua những lời hát, điệu nhảy và những vở kịch ngắn, các bạn ĐVTN đã khéo léo đưa màu xanh của núi rừng vào các tiết mục văn nghệ và nói lên được tầm quan trọng của việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học đối với đời sống của con người.
Cũng trong chương trình đêm giao lưu văn nghệ, Ban Tổ chức đã lồng ghép giao lưu với khán giả qua phần hỏi – đáp các câu hỏi liên quan đến Khu Bảo tồn Sao La, công tác QLBVR và PCCCR rừng với những phần quà rất hấp dẫn và ý nghĩa. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng đã dành tặng những chiếc áo có thông điệp và nội dung bào vệ rừng, bảo vệ Sao la cho những người tham gia chương trình.
Đêm giao lưu văn nghệ nhằm làm thay đổi và nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cơ quan, ban ngành, mọi tầng lớp nhân dân vào công tác QLBVR và bảo tồn thiên nhiên nhất là bảo vệ loài Sao la khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.
Đồng thời, cung cấp những kiến thức cơ bản của công tác QLBVR và PCCCR rừng cho người dân mà đặc biệt là ĐVTN, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác QLBVR, bảo tồn thiên nhiên và đẩy lùi tình trạng khai thác, đánh bắt lâm sản trái phép để rừng luôn khoác lên mình màu xanh vốn có của nó. (Tạp Chí Sông Hương 30/7) đầu trang(
UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có chỉ thị các ngành chức năng tổ chức quản lý, tăng cường tuần tra kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng phòng hộ ven biển.
UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, các ngành và địa phương ven biển đã có những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông tỉnh Bạc Liêu và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như có nhiều công tình bảo vệ và phát triển rừng được triển khai, đã khôi phục nhiều diện tích rừng…
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, dẫn đến diện tích rừng phòng hộ ven biển ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Môi trường sinh thái của rừng phòng hộ luôn chịu sự tác động thường xuyên và mạnh mẽ của gió, sóng biển, dòng chảy hải lưu, nhất là sự biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.
Mặt khác, rừng và đất cũng đang chịu sức ép không nhỏ do nhu cầu sử dụng đất đai, gỗ và củi, đặc biệt là nhu cầu sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, đầu tư các dự án du lịch sinh thái. Nhiều hộ dân cư cư trú bất hợp pháp trong lâm phần rừng phòng hộ không có công ăn việc làm ổn định, tiềm ẩn nguy cơ phá rừng rất cao dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của rừng phòng hộ ven biển.
Trước nguy cơ ảnh hưởng của rừng phòng hộ và để phòng ngừa giảm nhẹ thiệt hại, UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết đã có chỉ thị các Sở, Ban, ngành địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng phòng hộ ven biển với nhiều biện pháp quyết liệt nhất.
Trong đó, chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức quản lý, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm rừng phòng hộ đã được quy hoạch. Trong đó, phải xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và các hành vi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng như khắc vỏ cây, dâng cao mực nước, ứ nước lâu ngày, chặt chang rễ cây rừng…
Các địa phương cần quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do cả nơi đi và nơi đến; các địa bàn có dân đi phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ổn định đời sống của người dân để giảm thiểu tình trạng dân di cư ra khỏi địa bàn; các địa bàn có dân đến cần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ, trường hợp xác định người dân thật sự không có điều kiện trở về nơi ở cũ thì tổ chức ổn định cuộc sống, giải quyết đất phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn cho người dân ở các khu vực được quy hoạch.
Tỉnh cũng yêu cầu các ngành liên quan cần xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển nhằm trồng rừng phủ xanh đất trống, tạo thành đai rừng nhiều tầng, liền vùng, đảm bảo diện tích rừng phòng hộ theo quy hoạch. (Dân Trí 30/7) đầu trang(
Sau khi được UBND thành phố giao quản lý bảo vệ 24.985,8ha rừng, trong đó có 8.693,8ha rừng phòng hộ đầu nguồn, 16.292ha rừng sản xuất, UBND huyện Hòa Vang đã phân giao cho các xã quản lý bảo vệ rừng tại địa phương; trong đó xã Hòa Bắc quản lý bảo vệ: 10.609,5ha, xã Hòa Ninh: 3.806,4ha, xã Hòa Phú 5.010,6ha, xã Hòa Khương 2.239ha...
Trên cơ sở diện tích rừng được giao và kinh phí quản lý bảo vệ rừng được cấp, 4 xã trên thành lập 4 đội chuyên trách quản lý bảo vệ rừng, mỗi đội 12 thành viên.
Các thành viên chuyên trách quản lý bảo vệ rừng hoạt động dưới sự điều hành của Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cấp xã, có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, thực hiện việc PCCCR tại địa phương.
Mỗi thành viên đội chuyên trách bảo vệ rừng cấp xã được trợ cấp 800.000 đồng/tháng, từ kinh phí quản lý bảo vệ rừng. (Báo Đà Nẵng 30/7) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra, truy quét, lực lượng chức năng xã Lơ Ku, huyện Kbang, đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ liên quan đến việc xâm hại tài nguyên rừng; nhất là các vụ cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép. Trước tình hình này, hiện địa phương đang phối hợp tăng cường các biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn, không để trở thành điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép.
Cụ thể: Tổ liên ngành xã Lơ Ku đã phát hiện và bắt giữ 8 vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó: 2 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu gần 1 mét khối; cất giấu lâm sản trái phép 4 vụ, tạm giữ trên 24 mét khối gỗ các loại từ nhóm 1 đến nhóm 6; còn lại 2 vụ phát lấn rừng làm nương rẫy và đưa dụng cụ khai thác trái phép vào rừng. Địa bàn phát hiện vi phạm chủ yếu tập trung ở vùng giáp ranh với xã Krong.
Trong số các vụ vi phạm có những vụ cất giấu gỗ trái phép với số lượng lớn. Như: Vụ tập kết 7 mét khối gỗ ở Tiểu khu 136, thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Lơ Ku, giáp ranh với xã Krong; vụ lâm tặc cất giấu trên 8 mét khối gỗ Hương chờ vận chuyển ở khu vực làng Chợt.
Anh Nguyễn Văn Thường, Kiểm lâm viên phụ trách xã Lơ Ku, huyện Kbang cho biết: “Thời gian vừa qua, tình hình lâm tặc với thủ đoạn lén lút, tinh vi và rất manh động nhưng dưới cơ sở lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên khi có việc điều động chưa hỗ trợ được kịp thời; đã tham mưu cho UB thành lập Tổ chốt chặn; ngoài Tổ chốt chặn ở UB xã thì chúng tôi còn tổ chức tuần tra, truy quét trên rừng, cài cắm ở cơ sở thôn, làng để bám dân, bám rừng”.
Trước tình hình hoạt động phức tạp của lâm tặc trên địa bàn, xã Lơ Ku đã củng cố lực lượng Tổ liên ngành và phối hợp đơn vị chủ rừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Xác định chủ yếu là địa bàn trung chuyển nên địa phương thành lập thêm chốt chặn tại Xã để cắt đứt tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép từ xã Krong – một trong những điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép, đi qua Xã và ra ngoài khu vực trung tâm huyện.
Mặt khác, phân công cho từng nhóm, đội phụ trách các địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát với phương châm bảo vệ rừng tận gốc; trong đó tập trung những địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh. Đồng thời, bám sát các hộ dân, nhất là những hộ có nương rẫy canh tác gần rừng để tuyên truyền, vận động cùng với việc không phát lấn đất rừng và tích cực tham gia tố giác lâm tặc.
Ông Đoàn Văn Hợi, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku nói: “Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch phân công cho cán bộ bảo vệ rừng đến từng tiểu khu trên lâm phần, chủ yếu là tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc và ngăn chặn kịp thời các trường hợp phá rừng, lấn rừng; đặc biệt là vận động bà con nhân dân trên địa bàn canh tác nương rẫy không phát lấn vào rừng và ký các cam kết an toàn lửa rừng, PCCC rừng; chúng tôi đã phối hợp với UBND xã họp triển khai kế hoạch chốt chặn ở tuyến đường Krong, Lơ Ku đi thị trấn Kbang”.
Tuy nhiên, khó khăn chung trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lơ Ku cũng như nhiều địa phương khác là địa bàn rộng, đồi núi hiểm trở; với trên 9.000 ha đất có rừng, trong đó hơn 2/3 là rừng tự nhiên. Trong khi đó lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng lại mỏng; không thể thường xuyên có mặt ở các cánh rừng nên lâm tặc thường lợi dụng để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, huyện Kbang cho biết:“Địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động trong cán bộ, nhân dân về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCC rừng và tố giác lâm tặc. Trong thời gian vừa qua thì lực lượng chức năng của xã đã tăng cường và bắt được một số vụ và đã bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện xử lý.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch của huyện chỉ đạo và xã xây dựng kế hoạch của mình để hạn chế tối đa việc vận chuyển, cất giấu, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn xã”.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Kbang đã giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn xảy ra nhiều.
Chính vì thế, huyện Kbang đã chỉ đạo cho lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương và các đơn vị chủ rừng làm tốt hơn nữa công tác phối hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống lâm tặc, hạn chế thấp nhất tình trạng khai thác gỗ trái phép xảy ra. (Truyền Hình Gia Lai 31/7) đầu trang(
Chiều 30-7, Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tổ chức hội nghị giao ban công tác quản lý 7 tháng đầu năm 2015 do đồng Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan.
Thời gian qua, thời tiết khí hậu trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Nắng nóng khô hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp độ V, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2015.
Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức quán triệt và kiện toàn 152 Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; củng cố 741 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng và PCCCR với hơn 7.500 lượt người tham gia; phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức 48 buổi tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng với hộ gia đình và cộng đồng dân cư; các đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm tổ chức trực cháy 24/24 giờ trong ngày tại các trạm, chốt để phát hiện sớm đám cháy và huy động lực lượng chữa cháy kịp thời.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác PCCCR đặc biệt là diện tích rừng thông của các dự án trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 18 vụ cháy gây thiệt hại hơn 40ha, tăng 77,3% so với cùng kỳ, trong đó rừng trồng gần 37ha và 4ha rừng tự nhiên.
Về công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát hiện 821 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, giảm 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó có 27 vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; 257 vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép; thu giữ 913,981m3 gỗ trái phép, nộp ngân sách Nhà nước hơn 8,7 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian qua. Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR rừng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng liên ngành và đơn vị chủ rừng tiếp tục tăng cường phối hợp, siết chặt công tác quản lý bảo vệ rừng; thường xuyên nắm bắt tình hình, lập kế hoạch truy quét, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép; triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ rừng, PCCCR cho lực lượng bảo vệ rừng, cán bộ cấp xã, cộng đồng dân cư; quản lý giám sát gỗ đầu vào của các cơ sở cưa xẻ nằm trong quy hoạch và có giấy phép hoạt động, kiên quyết không để các cơ sở đã đình chỉ tái hoạt động trở lại… (Báo Quảng Bình 31/7) đầu trang(
Sau 6 tháng đầu năm, lực lượng kiểm lâm Sơn La đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 492 vụ vi phạm, giảm mạnh 350 vụ so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, có 18 vụ vi phạm khai thác lâm sản trái phép, giảm 14 vụ so với năm 2014, tịch thu hơn 26m3 gỗ các loại. Buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép là 141 vụ, giảm 121 vụ so với năm 2014, tịch thu 61m3 gỗ các loại. Cất giữ lâm sản 70 vụ, giảm 2 vụ, tịch thu 82m3 gỗ các loại.
Về vi phạm phá rừng làm nương rẫy trái phép có 188 vụ, giảm 246 vụ, thiệt hại 27,902ha rừng non tái sinh. Riêng cháy rừng tronng 6 tháng đầu năm tăng 33 vụ, thiệt hại 119,68ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Mức độ thiệt hại khoảng 20%.
Lực lượng kiểm lâm Sơn La đã tiến hành xử lý 403 vụ, tịch thu 169,786m3 gỗ các loại và nhiều loại lâm sản khác. Phạt hành chính 392 vụ với gần 3 tỷ đồng tiền phạt. Xử lý hình sự 11 vụ với 12 đối tượng đang trong quá trình điều tra.
Trao đổi với phóng viên, ông Sòi Ngọc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Sơn La cho biết: Công tác bảo vệ rừng 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng giảm, diện tích rừng bị xâm hại cũng giảm nhiều so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình hình bảo vệ rừng vẫn có những diễn biến phức tạp. Vốn rừng được tăng lên nhưng chưa bền vững. Đáng lưu ý, trên địa bàn Sơn La có thực trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, đặc biệt là thớt nghiến với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi như quay vòng hồ sơ, lợi dụng hồ sơ của một doanh nghiệp dưới xuôi đi bán thớt nghiến để vận chuyển trái phép từ Sơn La về xuôi bán.
Đây đang là thách thức không nhỏ với ngành chức năng nói chung và lực lượng kiểm lâm Sơn La nói riêng.
Về nguyên nhân gia tăng số vụ cháy rừng, phần lớn là do ảnh hưởng từ thời tiết. Khí hậu khắc nghiệt, mùa khô hạn kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, đồng thời là thời điểm tập trung canh tác trên nương rẫy của nhân dân các dân tộc đã tạo nên nguy cơ lớn về cháy rừng. (Tài Nguyên Và Môi Trường 30/7) đầu trang(
Tỉnh ủy chỉ đạo “tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm các kiến nghị chính đáng của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc đối thoại (đất sản xuất, đất ở…). Kiên quyết vận động không để dân trở về buôn làng cũ, xây dựng nhà ở, các công trình khác trên đất lấn chiếm”.
Ngày 4/4, đoàn công tác tiếp tục vào trụ sở xã Đạ Long gặp mặt toàn dân thôn 4 như kế hoạch. Chủ trì cuộc tiếp xúc, ngoài Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S còn có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh Phạm Kim Khang, Bí thư Huyện ủy Đam Rông Vũ Kim Sinh và Bí thư Đảng ủy xã Ha Jăch. Rất đông người dân thôn 4 có mặt.
Đoàn lắng nghe tất cả ý kiến của bà con. Người dân đều cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đến đời sống đồng bào. Các anh Liêng Hót Ha Ôn, Kơ Dơng Ha Ben, Kră Jăp Ha Húy, anh Mơ bon Ha Roong... bày tỏ cảm kích trước chính sách ưu ái của tỉnh đối với các hộ dân thôn 4.
Mục sư Kơn Sơ Ha Vơp đến từ xã Đạ K’Nàng đứng dậy nói: Bà con nên chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tôn trọng ý kiến của cấp trên để ổn định làm ăn nâng cao đời sống cho gia đình...
Chủ rừng tiếp tục giải thích và cam kết không cho bất kỳ công ty hay xã, thôn nào vào khu vực lâm phần đơn vị quản lý, chỉ dành riêng cho bà con thôn 4 quản lý bảo vệ.
Chủ tịch Mặt trận Phạm Kim Khang phân tích: Tỉnh đặc biệt quan tâm đến đời sống của bà con, do đó tìm giải pháp tốt nhất giúp đỡ. Bà con không thể quay lại trong chỗ rừng sâu này, nơi không có gì, mà nên về xã Đạ Long, thuận lợi tất cả giáo dục, y tế, điện, nước, giao thông...
Anh Phạm S lại kêu gọi: Như hôm trước tôi đã thông báo về nội dung hỗ trợ cho bà con rồi. Kinh tế của bà con sẽ tăng gấp 3 lần, chưa tính sản xuất mà chỉ tính quản lý và bảo vệ rừng 50ha. Bà con cứ phá rừng làm nông nghiệp như hiện nay sẽ làm suy thoái hệ sinh thái rừng hết...
Người dân thôn 4 hầu hết im lặng, một số đứng lên một mực không đồng tình các giải pháp của tỉnh. Thậm chí có người phản ứng, kiên quyết quay lại TK 26, 27. Buổi gặp mặt kết thúc lúc gần 18 giờ, đoàn quay về trụ sở huyện Đam Rông tiếp tục bàn tính...
Tôi tranh thủ gặp Chủ tịch xã Đạ Long Lơ Mu Ha Póh tìm hiểu những chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước đã hiện thực hóa đối với đời sống người dân nơi đây thế nào.
Anh Ha Póh cho biết: Năm 2014, Đạ Long là địa bàn có diện tích rừng lớn, nhờ đó người dân thu nhập từ lâm nghiệp tới 12% giá trị tổng GDP (3,8 tỉ đồng). Có 531 hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với 13.753ha. Riêng 45 hộ thôn 4 nằng nặc về lại Đạ Long cũ, tính đến thời điểm đầu tháng 4/2015 đã được hưởng lợi từ các chương trình dự án của Nhà nước như các mô hình sản xuất cây, con; vay vốn hơn 200 triệu đồng, làm 5 căn nhà và 6 hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng...
Nhờ đó, nhiều hộ có mức thu nhập kinh tế khá như Dơ Gur Ha Thinh, Kơ Dơng Ha Ben, Dơ Gur Ha Chông, Mbon Ha Bang, Kon Sơ Ha Tang, Kră Jăn Ha Húy, Dơng Gur Ha Muk, Dơng Gur Ha Bông và Kơ Să Kenny. Tuy nhiên, bình quân thu nhập đầu người toàn xã vẫn rất thấp, mới đạt 10,5 triệu đồng/người/năm; còn 106 hộ nghèo, chiếm 17,3% và 146 hộ cận nghèo, chiếm 23,9%.
Ngày 1/7, tại trụ sở chủ rừng, đoàn công tác tiếp tục họp, chủ trì là anh Phạm S. Mục đích rà soát tình hình thực hiện những nội dung tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương và chủ rừng. Chủ rừng cho biết, đã phối hợp với địa phương, các tổ chức, đơn vị của tỉnh trực tiếp vào hiện trường tuyên truyền 12 đợt với hơn 200 người tham gia. Đến ngày 22/6/2015, hiện trạng TK 26, 27 có tổng diện tích lấn chiếm 26,62ha.
Trong đó, các hộ dân đã trồng xen lúa rẫy, bắp, đậu 12,04ha; lúa nước 3,4ha; có 35 nhà ở. Chủ rừng đã lập hồ sơ trồng rừng và Sở NN&PTNT thẩm định diện tích 18,8ha; ký hợp đồng mua 50 ngàn cây con thông ba lá trồng trong tháng 7. Đã thiết kế và cấp trên thẩm định 2.200ha rừng để giao các hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ, nhưng mới chỉ có 7 hộ nhận với tổng diện tích 350ha tại TK 26, 27 và đã được chi trả tiền giao khoán.
“Vẫn còn 34 hộ cương quyết ở lại TK 26, 27 để sản xuất và không nhận rừng để bảo vệ”, lãnh đạo chủ rừng buồn bã nói. Thực hiện Kết luận tại Thông báo 81/TB, ngày 17/4/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo đơn vị này cho biết: luân phiên cử 3 kiểm lâm viên của đội cơ động đến công tác tại TK 26, 27. Hoa màu và lúa của bà con đã được cơ quan chức năng thẩm định và thông báo cho họ, nhưng đến chiều 25/7 vẫn không có hộ nào đến nhận tiền đền bù.
Phó Chủ tịch huyện Đam Rông Bùi Văn Hởi thông báo: Huyện đã thiết kế 20ha chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, nhưng chỉ giao được 1,5ha cho dân, còn 5 hộ thiếu đất kiên quyết không nhận. Địa phương này đã tìm 20 con bò giống để hỗ trợ cho 10 hộ, chỉ 2 hộ nhận, 8 hộ không nhận mà kiên quyết quay lại TK 26, 27. Chính sách vay vốn đưa ra, 100% hộ được vận động vay, chẳng có ai vay. Ngành chức năng đã nắm chắc một số đối tượng cầm đầu việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng TK 26, 27...
Thực tiễn giải quyết vụ việc tại TK 26, 27 cho thấy còn nhiều vấn đề phải khắc phục đã nêu ở bài trước như: chưa hiệu quả trong tuyên truyền, vận động; chưa sẵn sàng đất sản xuất giao cho dân... Điều quan trọng là các ngành, địa phương liên quan và chủ rừng phải cam kết với người dân bằng việc làm cụ thể.
Ví dụ, việc khoán bảo vệ quản lý, chủ rừng nên lập danh sách để bà con ký nhận. Đất sản xuất phải có thực tế mới thuyết phục được. Phó Chủ tịch Phạm S cũng chỉ đạo phải khẩn trương chuyển đổi mục đích, trước mắt giải tỏa 50% (xử lý 10ha rừng) tạo mặt bằng và phân lô để bà con lựa chọn.
Việc trồng rừng tại TK 26 và 27 không thể lập luận như một lãnh đạo đầu ngành: Nếu dân không hợp tác thì không nên trồng rừng (?). Phải nhận thức rằng, đã quá muộn khi đất bị lấn chiếm trong thời gian dài nhưng không trồng rừng kịp thời, người dân đã sản xuất hoa màu là chính mình đã làm tự làm khó.
Vì vậy, phải trồng rừng ngay trên diện tích dân đã phát dọn; vừa tiếp tục tuyên truyền, vận động hiệu quả hơn, vừa tăng cường lực lượng chủ động bảo vệ địa hình trồng mới chặt chẽ.
Ngoài hỗ trợ đơn giá trồng rừng, đơn giá chăm sóc bảo vệ rừng trồng cần lồng ghép các nguồn kinh phí khác. Có thể trồng chưa đúng mật độ kỹ thuật, nhưng “làm lành vết sẹo” cho rừng là hết sức cần thiết, không chỉ ngăn chặn tái lấn chiếm mà còn có cơ sở củng cố hồ sơ vi phạm của đối tượng cố tình để có biện pháp cứng rắn hơn.
Ngày 27/7, chủ rừng chủ trì cuộc họp khẩn lần cuối với đại diện 2 huyện, các ban ngành liên quan nhằm thống nhất kế hoạch triển khai trồng rừng trên đất TK 26, 27. Chủ rừng cho biết, đã được Chi cục Lâm nghiệp phê duyệt diện tích 18,8ha để trồng rừng sau giải tỏa; 50 ngàn cây con đã hợp đồng với Công ty cổ phần giống Lâm nghiệp Vùng Tây Nguyên.
Đã thông báo tới 2 xã Đưng K’Nớ và Đạ Long để làm hợp đồng trồng rừng, tuy nhiên, trong số 20 hộ dân đồng ý ký mới có 10 hộ nhất trí trồng ngay, còn 10 hộ đang lừng khừng. Tuy nhiên, trước khi tiến hành rất cần rà soát quy trình bảo đảm đúng theo luật định, ví dụ thông báo giải tỏa, quyết định giải tỏa... và đặc biệt không tạo thành điểm nóng.
Cuối chiều ngày 27, tôi gặp Phó Chủ tịch Phạm S, vẫn đau đáu câu chuyện rừng xanh, anh nói: Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phải kiên quyết trồng lại rừng dù có muộn. Nhưng trước hết là trồng trên phần đất trống để không ảnh hưởng đến hoa màu của người dân. Vừa trồng vừa tiếp tục giải thích, vận động bà con để tìm sự đồng thuận.
Đúng 7 giờ, ngày 28/7, ngành chức năng trở lại TK 26, 27 thực hiện kế hoạch sẽ trồng lại rừng, trước mắt chỉ khoảng 5ha theo chỉ đạo của tỉnh ngày 8/7, nhưng 38 hộ dân thôn 4 kéo vào kiên quyết không cho trồng. Nếu đào hố, dân nằm xuống ngăn cản ngay.
Cây giống đã tập kết sẵn, lãnh đạo, tổ chức đoàn thể của xã, huyện, tỉnh và chủ rừng tiếp tục giải thích, tuyên truyền rất ôn hòa, nhưng “bà con căng lắm, vẫn không giải quyết được gì” như lời Chủ tịch xã Ha Póh thừa nhận khi đã kết thúc ngày thứ 2 (29/7). Mục tiêu đem lại màu xanh cho đất rừng TK 26, 27 vẫn đang vô cùng nan giải.
Vấn đề đặt ra, muốn trả lại màu xanh cho núi rừng bằng việc trồng mới, chỉ thành công khi được bà con đồng thuận, nghĩa là họ đồng ý nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, nhận đất sản xuất và các hỗ trợ khác từ Nhà nước. Phía trước vẫn là bài toán vô cùng khó! Nhưng không thể không có lời giải, càng không xem việc trồng lại rừng là “ý chí chính trị”.
Phải là hiện thực của hành động cách mạng, của đội ngũ cán bộ, nhà quản lý, mà ở đó đòi hỏi rất cao tâm huyết, trí tuệ; thực sự đồng bộ, kiên trì và bền bỉ giữa các cấp, các ngành và đơn vị.
Việc giải quyết dứt điểm tình trạng một số hộ dân Đạ Long phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp tại TK 26, 27 không còn là vụ việc cục bộ mà là câu chuyện bảo vệ rừng nói chung trong toàn tỉnh. Thực tế đã và đang manh nha hiện tượng một số người dân bỏ nơi quy hoạch định cư mới xin trở lại nơi ở cũ mà hiện ở đó đang là rừng.
Vì vậy, giải quyết dứt điểm vụ việc thôn 4 Đạ Long cũng nhằm đúc kết bài học quý để giải quyết những hiện tượng tương tự nơi khác. Thành tựu của công tác này không chỉ nhằm bảo vệ rừng mà còn bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên, ổn định tình hình kinh tế, chính trị và phát triển an sinh xã hội. (Báo Lâm Đồng 30/7) đầu trang(
Từ năm 2005, các quốc gia tỏ rõ sự quan tâm về mối liên hệ giữa tình trạng mất rừng và BĐKH. Tại cuộc họp Hội nghị các nước thành viên lần thứ 11 (COP11) của Công ước khung của Liên hợp quốc, khái niệm “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng” (gọi tắt là REDD) lần đầu tiên được thảo luận.
Đến COP13 tại Bali năm 2007, thêm ba hoạt động được giới thiệu để hình thành REDD+ là quản lý rừng bền vững, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng và nâng cao trữ lượng các-bon rừng.
Một số chương trình song phương và đa phương đã được thiết lập để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho việc sẵn sàng REDD+, thí dụ như Chương trình hợp tác của Liên hợp quốc về giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (gọi tắt là Chương trình UN-REDD), Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới.
Ở Việt Nam, một loạt các chính sách, văn bản pháp luật, chương trình đã được xây dựng và triển khai thực hiện nhằm thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cụ thể là Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược Phát triển rừng quốc gia năm 2006, Kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng quốc gia giai đoạn 2011-2020 và Chương trình Chi trả cho dịch vụ môi trường (Nghị định 99/NĐ-CP, 12/2010).
Việt Nam cũng tích cực tham gia Chương trình UN-REDD và FCPF vì REDD+ là một trong những biện pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu chính sách nêu trên. Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động về REDD+ quốc gia giai đoạn 2011-2020 (Quyết định 799/QĐ-TTg). Kế hoạch hành động REDD+ quốc gia được coi là một trong những tài liệu quan trọng nhất trong việc thực hiện REDD+ và nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Việt Nam là một trong 19 nước thực hiện Chương trình REDD+ đã nhận tài trợ từ Quỹ đối tác các-bon toàn cầu, với tổng số tiền tài trợ 830 triệu USD, do các nước phát triển đóng góp. GS. TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết, Việt Nam thực hiện REDD+ theo nhiều giai đoạn. Từ năm 2016 - 2020, Việt Nam sẽ chính thức triển khai thực hiện REDD+ trên cả nước để bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước phát triển.
Theo đó, các nước phát triển sẽ chi trả cho các hoạt động trồng rừng để hấp thụ khí CO2 thông qua các thông số kỹ thuật đo đạc được. Hiện nay, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã tìm ra phương pháp đo đạc sinh khối rừng và tính được lượng các-bon hấp thụ cho các khu rừng, làm cơ sở cho việc chi trả tiền REDD+ cho các chủ rừng. Phương pháp này đã được quốc tế công nhận.
Mục đích chính của REDD+ là nhằm giảm thiểu BĐKH toàn cầu. REDD+ cũng có tiềm năng mang lại các lợi ích về môi trường, xã hội cho các quốc gia tham gia thực hiện.
Theo GS. TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, trong giai đoạn 2008-2015, Chương trình UN-REDD+ đã tài trợ 246 triệu USD cho 56 quốc gia thực hiện REDD+ trên thế giới, trong đó, Việt Nam nhận được 30 triệu USD cho thực hiện pha 2 của chương trình.
Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn hỗ trợ sẵn sàng thực hiện sang giai đoạn thực thi REDD+ - giai đoạn tiến hành mua bán quyền phát thải khí nhà kính. Với 13,86 triệu ha rừng, dự tính Việt Nam có thể nhận được khoảng 80-100 triệu USD mỗi năm từ việc bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước công nghiệp, gấp từ ba đến bốn lần vốn ODA cho lâm nghiệp hiện nay và hứa hẹn là khoản thu nhập đáng kể cho nghề rừng nói chung và các chủ rừng trồng và bảo vệ rừng nói riêng.
REDD+ có thể đem lại những lợi ích môi trường và xã hội nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro về môi trường xã hội nếu các chương trình REDD+ khi thiết kế chỉ tập trung vào các mục tiêu giảm phát thải.
TS. Hoàng Liên Sơn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã chỉ ra một số rủi ro tiềm ẩn khi triển khai REDD+ đối với người dân địa phương như việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng và các mục đích sử dụng đất khác có giá trị đa dạng sinh học và khả năng phục hồi thấp. Bên cạnh đó, các dân tộc và cộng đồng thiểu số sống phụ thuộc vào rừng buộc phải di rời khỏi nơi sinh sống theo tập tục của họ.
TS. Sơn cho rằng, việc trồng rừng phục vụ cho REDD+ cũng có thể làm xói mòn hay mất quyền do không được sử dụng đất đai, lãnh thổ hay tài nguyên; mất kiến thức về sinh thái; mất đời sống nông thôn truyền thống; mất công bằng xã hội khi phân chia quyền lợi, những người khá giả sẽ nắm bắt quyền phân bổ lợi ích từ REDD+ cũng như mất quyền hay hạn chế quyền tiếp cận các sản phẩm rừng có vài trò quan trọng trong đời sống của người dân địa phư.
Quá trình thực hiện REDD+ không bài bản có thể tạo ra khuôn khổ chính sách quốc gia chồng chéo và cản trở lẫn nhau, những lợi ích khác của rừng bị đánh đổi để tối đa hóa lợi ích các-bon và xung đột giữa con người và động vật hoang dã vì bảo vệ rừng tốt hơn sẽ làm tăng số lượng động vật phá hại cây trồng, ông Sơn cho biết.
Nhằm hạn chế những rủi ro nêu trên, việc triển khai REDD+ cần được thiết kế nhằm không chỉ tập trung vào những mục tiêu giảm phát thải mà đồng thời có thể hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững, tăng cường các giá trị đa dạng sinh học và những lợi ích của hệ sinh thái, thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo. (Nhân Dân 30/7) đầu trang(
Chuyển gỗ xuôi con nước lớn từ vùng cao về đồng bằng, nhóm lâm tặc giao dịch mua bán ngay trên sông thì bị phát hiện. Trước khi bỏ trốn, chúng kéo gỗ ra giữa sông rồi nhấn chìm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Ngày 30/7, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Quảng Nam) phối hợp với kiểm lâm huyện Hiệp Đức trục vớt khối lượng gỗ lớn bị lâm tặc nhấn chìm dưới sông Tranh. Do lòng sông sâu, sau một ngày nhà chức trách chỉ đưa được hơn 7m3 gỗ lên bờ.
Trước đó một ngày, nhận được tin báo của người dân, công an và kiểm lâm huyện Hiệp Đức phát hiện một khối lượng gỗ không rõ nguồn gốc được giấu dưới lòng sông Tranh (đoạn qua xã Hiệp Hòa). Dùng ghe của người dân bơi dọc bờ sông để kiểm tra, nhà chức trách tiếp tục phát hiện 3 điểm tập kết gỗ lớn hai bên bờ sông.
"Thấy bóng lực lượng chức năng, một số người đã dùng xuồng máy kéo gỗ ra giữa sông nhấn chìm để tẩu tán rồi bỏ trốn. Số gỗ bị chìm ước tính hàng chục khối, hiện mới vớt được khoảng một phần tư số này”, ông Đặng Văn Tiến, Phó hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Hiệp Đức nói.
Theo ông Tiến, số gỗ này xuất xứ từ huyện Phước Sơn. Lợi dụng thời điểm thủy điện xả nước, lâm tặc tiến hành vận chuyển gỗ đồng bằng rồi giao dịch ngay trên sông.
Tháng 9/2014, một khối lượng lớn gồm 257 phách gỗ quý cũng được kiểm lâm huyện Nông Sơn (Quảng Nam), phát hiện trong các khe suối ở thượng nguồn sông Thu Bồn (địa phận xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn). Số gỗ này bị chặt phá thời gian dài ở các khu rừng giáp ranh huyện Phước Sơn và Nông Sơn.
Vụ việc đang được điều tra mở rộng. (VnExpress 31/7; Tiền Phong 31/7) đầu trang(
Ngày 30/7, Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đã tiếp nhận nuôi cứu hộ và chăm sóc một cá thể gấu chó con, nặng 3,6kg từ Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp (Sơn La). Đây là tang vật thu được của một vụ buôn bán trái phép, khi đang trên đường đưa đi tiêu thụ.
Gấu con khi mới sinh ra cũng giống như trẻ em, cần có chế độ nuôi dưỡng đặc biệt nhằm đảm bảo sức khỏe. Do đó, ngay khi nhận được thông tin về cá thể gấu con này, AAF đã hướng dẫn Chi cục Kiểm lâm Sơn La những bước chăm sóc đặc biệt dành cho gấu con như cách pha sữa, cho ăn, ủ ấm và vệ sinh để các cán bộ kiểm lâm có thể tạm thời chăm sóc tốt cá thể gấu này.
Tiến sỹ. Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện AAF tại Việt Nam, người trực tiếp tới Sốp Cộp cứu hộ cá thể gấu cho biết: "AAF vô cùng cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ Kiểm lâm huyện Sốp Cộp. Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của các anh mà cá thể gấu đã được cứu thoát. Chúng tôi cũng rất vui mừng được chào đón cá thể gấu thứ 24 được cứu hộ về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam".
Chú gấu chó được Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam đặt tên là Murphy. Theo dự tính, đoàn cứu hộ sẽ đưa gấu về đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam trong đêm nay.
AAF là một tổ chức từ thiện quốc tế, hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Sứ mệnh quan trọng nhất của Tổ chức là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp, và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên.
Hiện AAF đã cứu hộ được hơn 100 cá thể gấu (cả gấu chó và gấu ngựa) về sống trong môi trường bán tự nhiên tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tại đây, gấu được chăm sóc phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, để dần khôi phục lại bản năng tự nhiên của chúng. (Thế Giới Và Việt Nam 30/7; Vietnam + 30/7; Đài Tiếng Nói Việt Nam 30/7) đầu trang(
- Kiểm lâm ở đâu mà quan liêu vậy Tư Ban Mê?
- Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn.
- Ơ, có phải chuyện lâm tặc "canh" giấc ngủ, bữa ăn của lực lượng kiểm lâm?
- Là chuyện đó, nhưng lần này lâm tặc không "đột nhập" VQG để khai thác trái phép gỗ quý như hồi tháng 6-2015 nữa...
- Vậy lần này bọn chúng làm gì trong nớ?
- Bọn lâm tặc vào "đè" voi xuống... bẻ ngà.
- Úi trời, chuyện xảy ra hồi mô?
- Ngày 14-7, nài voi Y Vi Xiên phát hiện voi  Thoong Ngân (20 tuổi) thuộc sự quản lý của VQG  Yok Đôn bị cưa trộm ngà. Voi được quấn xích ở chân và thả vào rừng kiếm ăn, không biết đi đứng thế nào bị mắc vào gốc cây. Nhân cơ hội "ngàn năm có một", bọn xấu đã ép voi Thoong Ngân vào hai gốc cây rồi cột chặt lại. Chúng cưa gần đứt ngà nhưng do quá đau, voi lồng lộn nên chúng đành bỏ cuộc. Báo hại, sau vụ đó chiếc ngà bên phải của voi Thoong Ngân bị cắt đứt 2/3, ăn sâu vào tủy gây chảy máu nhiều nên các nhà chuyên môn đành quyết định cắt luôn ngà để giữ mạng cho voi Thoong Ngân.
- Lâm tặc cưa cây thì bảo do kiểm lâm "bận... ăn, ngủ", vậy chừ do đâu Tư hè?
- Tư đành nhờ Bề Tui hỏi cán bộ VQG Yok Đôn...
- Làm việc với Bề Tui, Giám đốc VQG Yok Đôn Đỗ Quang Tùng chỉ vào tấm bản đồ xanh lè rồi nói rằng khó lắm, vườn rộng, kiểm lâm mỏng... Bề Tui nhắc lại các vụ việc nghiêm trọng vừa xảy ra trong địa hạt VQG quản lý, thì "ảnh" cứ chỉ tay lên bản đồ thôi. Bởi vậy, với kiểu giữ rừng "chỉ tay 5 ngón" đó nên chi giữa trưa, Bề Tui đi ra đường mà xe cộ từ đâu chở "củi" chạy ào ào từ rừng ra, qua chốt chặn như chơi vậy đó.
- Với cái đà "giữ rừng" trên bản đồ như kiểm lâm VQG Yok Đôn thì có ngày không còn rừng mà giữ. (Công An TP.Đà Nẵng 30/7) đầu trang(
Trong thời gian được thuê bảo vệ rừng thông, Thanh đã âm thầm thuê người đào hố, bơm thuốc độc vào thân cây để cho thông nhanh chết, hòng chiếm đất trồng cà phê.
Ngày 30-7, Công an huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) cho biết vừa khởi tố và bắt tạm giam 5 đối tượng liên quan đến vụ đầu độc hơn 2,6ha rừng thông trên địa bàn xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm).
Các đối tượng bị bắt gồm: Vũ Văn Thanh (44 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu), Vũ Tuấn Chung, Vũ Quốc Lâm, Nguyễn Hữu Long (đều ngụ huyện Bảo Lâm) và Vũ Tuấn Long (ngụ huyện Đơn Dương, Lâm Đồng).
Tại cơ quan điều tra, Thanh khai, năm 2012 được Công ty An Nguyễn thuê bảo vệ rừng. Sau đó, vì muốn có đất để trồng cà phê, Thanh âm thầm thuê một số người đồng bào dân tộc đào hơn 3.000 hố dưới tán rừng thông tại tiểu khu 444, xã Lộc Ngãi.
Sau khi đào hố xong, để nhanh chóng “biến” đất rừng thành đất rẫy, từ tháng 4-2015, Thanh hứa trả 5 triệu đồng cho Chung để đối tượng này vào khu vực trên tiến hành “ken cây” – một hình thức dùng rìu vạc quanh gốc cho nhựa ứa xuống rồi chết dần, rồi đổ hóa chất vào thân nhằm nhanh chóng triệt hạ rừng thông.
Để công việc được thuận lợi, Chung rủ thêm Hữu Long, Tuấn Long và Lâm cùng tham gia tàn hại rừng thông.
Nhằm qua mắt các cơ quan chức năng, Chung thường cầm rìu đi vào rừng để vạc gốc cây trước, các đối tượng còn lại canh chừng bên ngoài. Sau đó, các đối tượng này sẽ luân phiên nhau cầm theo những chai hóa chất tiến hành bơm vào thân cây thông. Qua thống kê, Công an huyện Bảo Lâm xác định, các đối tượng đã hủy hoại hơn 2,6ha rừng thông.
Như Báo Người Lao Động đã phán ánh qua bài viết “Tàn hại rừng thông” báo động tình trạng tàn hại rừng thông để chiếm đất làm rẫy tại TP Đà Lạt và một số địa phương trong tỉnh Lâm Đồng (trong đó có huyện Bảo Lâm). Sau chỉ đạo quyết liệt từ Công an tỉnh Lâm Đồng, đến nay, các địa phương đã nhanh chóng ra quân kiểm soát và đã bắt khoảng 6 vụ triệt hạ rừng thông và khởi tố nhiều bị can liên quan. (Người Lao Động 30/7) đầu trang(
Chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Thế nhưng, hai hộ gia đình được Lâm trường Hà Trung (nay là Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp tỉnh Thanh Hoá) giao khoán nhiều ha rừng để bảo vệ rừng, trồng cây nông, lâm nghiệp… đã ngang nhiên xây dựng nhà nghỉ “chui” trong suốt cả một thời gian dài nhưng không hề bị xử lý.
Thời gian qua, nhiều người dân khi đi qua khu vực rừng đặc dụng bảo tồn loài sến (Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy) đoạn nằm trên địa giới hành chính xã Hà Tân, huyện Hà Trung - Thanh Hóa, đều rất ngạc nhiên khi thấy hai ngôi nhà nghỉ được xây dựng nằm ngay ven đường đi vào trung tâm mà không thấy cơ quan chức năng nào xử lý.
Theo sự chỉ dẫn của một số người dân, phóng viên (PV) Báo điện tử Xây dựng đã về tìm hiểu, xác minh vụ việc. Qua quan sát, tại tiểu khu 464 (thuộc rừng sến Tam Quy) có một công trình đang xây dựng dở dang được người dân cho là nhà nghỉ, có diện tích lên tới hàng trăm m2. Đi vào sâu bên trong khoảng vài trăm mét nữa, PV phát hiện thêm một nhà nghỉ treo biển “nhà nghỉ sinh thái” đang hoạt động, nhà nghỉ này gồm 8 phòng, cũng có diện tích lên tới cả trăm m2.
Theo phản ánh của người dân, chủ của ngôi nhà nghỉ đề biển “Nhà nghỉ sinh thái” là ông Phạm Văn Hùng - Cán bộ đang công tác tại UBND huyện Hà Trung, còn công trình đang trong quá trình xây dựng là của ông Trịnh Quang Lựng, một người dân có địa chỉ tại Tiểu khu 4 thị trấn Hà Trung - Hà Trung.
Để biết rõ thực hư về hai ngôi nhà nghỉ trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Chung - Phó Chủ tịch HĐND xã Hà Tân - Hà Trung, ông Tân cho biết, do mới đang trong quá trình tạm thời điều hành công việc nên không nắm rõ được vấn đề này, chỉ biết hai hộ trên hình như là nằm trong diện di dân, giãn dân đi xây dựng kinh tế mới theo Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau khi trả lời “cho qua chuyện”, ông Tân đề nghị PV lên huyện để được nắm rõ ngọn ngành.
Để tiếp tục tìm hiểu thông tin, PV đã đến UBND huyện Hà Trung và được giới thiệu gặp ông Nguyễn Thành Tâm - Trưởng phòng TN&MT. Nhưng do ông này “bận”, PV đành trao đổi qua điện thoại về vấn đề trên và được ông Tâm cho hay:“ Chỗ nhà nghỉ sinh thái mình không có hồ sơ, các đồng chí lên làm trực tiếp với Hà Tân thôi nhá”.
Sau khi được cho biết rằng, xã Hà Tân trả lời không nắm rõ vụ việc nên giới thiệu lên huyện, ông Tâm nói: “… mình trả lời luôn nhé, bọn mình không thực hiện giao đất cái đó, nên cũng không có hồ sơ của hai trường hợp như đồng chí nói.
Việc này phải xác minh cụ thể dưới xã, Hà Tân nói như vậy là chưa được, còn nếu mình mà tham mưu trường hợp nào thì nắm trường hợp đó”, tiếp đó PV hỏi những trường hợp xây dựng trái phép trên địa bàn, Phòng TN&MT có nắm được hay không? Ông Tâm nói: “Về những vụ lấn chiếm và xây dựng trái phép, chúng tôi đã chỉ đạo chung và các xã phải làm”.
Trước sự “đùn đẩy, né tránh” của UBND xã Hà Tân và Phòng TN&MT Hà Trung, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa (đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng đất của hai công trình trên), theo ông Sơn cho biết, hai hộ dân nêu trên là hai hộ nằm trong dự án di giãn dân đi xây dựng kinh tế mới theo Quyết định số 1730 NN/UBTH ngày 16/9/1995 UBND tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, thực hiện việc điều chỉnh mục tiêu, tiền vốn kế hoạch chuyển giãn dân năm 1995 của các dự án 327-CT. Hai hộ này đã được Lâm trường Hà Trung (nay là Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp tỉnh Thanh Hoá), ký hợp đồng giao khoán cho một số ha rừng để bảo vệ, trồng cây nông lâm kết hợp trên diện tích được giao do lâm trường đang quản lý.
Theo điều khoản của hợp đồng, các hộ chỉ được phép làm nhà tạm để cất giữ dụng cụ sản xuất, trông coi các sản phẩm làm ra, được đào ao thả cá, làm chuồng trại chăn nuôi trên đất được giao khoán. Ngoài ra, nếu các hộ dân có nhu cầu sử dụng, thay đổi hiện trạng rừng phải được sự đồng ý của bên giao khoán.
Về việc xây dựng nhà nghỉ của hai hộ trên, ông Sơn khẳng định rằng, bên giao khoán chưa cho phép bất kỳ hộ nào trong số các hộ nhận khoán xây dựng nhà nghỉ trong khu vực rừng do đơn vị quản lý. Đối với trường hợp hai hộ xây nhà nghỉ ông có biết và đã báo với UBND huyện Hà Trung để có biện pháp xử lý, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy gì?
Như vậy, có thể nói việc xây dựng nhà nghỉ của hai hộ dân nêu trên khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cũng như bên giao khoán cho phép đã vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, cũng như sử dụng đất rừng được giao khoán.
Hơn nữa, việc xây dựng và kinh doanh nhà nghỉ, ngoài xin giấy phép xây dựng của UBND xã (sau khi đã được bên giao khoán đồng ý bằng văn bản và được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất) còn phải có các điều kiện như: Xin phép thành lập doanh nghiệp, được cấp giấp phép kinh doanh đúng ngành nghề, hoàn thiện các thủ tục về an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan công an…
Đáng chú ý hơn, trong trường hợp này là sự thờ ơ, buông lỏng vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền xã Hà Tân và huyện Hà Trung. Chưa hết, dư luận đang hoài nghi đặt câu hỏi “Có hay không sự ưu ái đối với hai trường hợp trên”? Câu hỏi này xin chuyển đến UBND huyện Hà Trung. (Báo Xây Dựng 30/7) đầu trang(
Trong chương trình nghiên cứu đa dạng thực vật khu vực Nam Bộ nhằm thu thập bổ sung mẫu vật cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, các nhà khoa học Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát hiện và mô tả một loài thực vật mới thuộc họ Quao (Bignoniaceae) ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Loài mới này được đặt tên là Quao bình châu, Stereospermum binhchauensis V.S. Dang.
Chi Stereospermum có khoảng 20 loài phân bố từ châu Phi, Madagascar tới khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam có 6 loài kể cả loài mới này, và đây cũng là phát hiện bổ sung cho họ Quao (Bignoniaceae) ở khu vực Đông Dương sau hơn 30 năm kể từ công bố của Santisuk & Vidal (1985).
Loài mới Stereospermum binhchauensis V.S. Dang có đặc điểm Cây gỗ lớn, cao 10–18 m; cành non có lông. Lá kép lông chim 1 lần; lá chét hình bầu dục hay xoan bầu dục, kích thước 8–18 x 5–7,5 cm, gốc tròn không cân, đầu nhọn có đuôi, bìa nguyên, có lông cứng ở cả hai mặt.
Cụm hoa dạng xim, mọc ở đầu cành; đài hình chuông, dài 0,8–1,2 cm, có lông, với 5 thùy hình tam giác; tràng màu tím vàng, dài 4–5 cm, có lông, phía dưới dạng ống trụ hẹp, phía trên rộng dạng hình chuông, cong nhẹ, có khía; nhị 4, hai cặp so le nhau, vàng ở phía trên, dài 1,5–2 cm.
Quả hình trụ, mảnh, cong rủ xuống, kích thước 60–80 x 0,5–1 cm, có 4 cạnh thấp, nhiều đám trắng trên vỏ quả; hạt nhiều, màu trắng đục, kích thước 2–3 x 0,5–0,8 cm kể cả cánh.
Loài mới này được đăng trên tạp chí chuyên ngành Acta phytotaxonomica et geobotanica, tập 66, số 2, trang 91-94, năm 2015. (Tài Nguyên Và Môi Trường 30/7) đầu trang(
Bờ biển Tây dài hơn 350km, bắt đầu từ Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) kéo dài đến Đất Mũi (tỉnh Cà Mau). Tuyến đê biển này đang bị sạt lở nghiêm trọng, làm mất nhiều diện tích đất sản xuất và đe dọa đời sống của nhiều hộ dân nơi đây.
Những ngày gần đây, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, triều cường dâng cao, sóng biển ngày đêm “dội” vào đê biển Tây khiến tình hình sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn. Cũng như nhiều hộ dân khác, cả tháng qua, ông Trần Văn Đến (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) ăn ngủ không yên vì tình trạng sạt lở đã tiến vào sát đê biển trước cửa nhà.
Chỉ tay về phía biển, ông Đến lo lắng: “Cách nay không lâu, rừng phòng hộ che chắn trước đê còn hơn 30m. Vậy mà giờ đã bị sóng biển “nuốt chửng”, chỉ còn chừng 10m nữa là đến chân đê quốc phòng. Tình trạng này chắc sau mùa mưa bão năm nay thì tuyến đê sẽ… biến mất”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay khu vực từ Vàm Đá Bạc hướng về kênh Tám (địa bàn huyện Trần Văn Thời) bị sạt lở rất nặng. Hiện tại rừng phòng hộ ở khu vực này còn rất mỏng. Những cây giữ đất, chống sạt lở hiệu quả như cây mắm, đước… đã chịu không nổi dưới tác động của sóng biển, nhiều cây bị đánh bật gốc ngã la liệt.
Đai rừng phòng hộ mất dần sẽ đẫn tới nguy cơ vỡ đê càng cao, hoạt động sản xuất của hàng chục ngàn hộ dân phía sau đê biển Tây đang bị đe dọa.
Khảo sát của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau mới đây cho thấy, tình hình sạt lở đang ở mức nguy hiểm và có nguy cơ phá vỡ đê biển với chiều dài 40km, trong đó có những đoạn sạt lở “đặc biệt nguy hiểm” như đoạn đê qua các xã: Khánh Tiến (huyện U Minh), Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), Tân Hải (huyện Phú Tân)… với chiều dài gần 17km.
Tình trạng sạt lở cũng diễn ra tương tự trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và “điểm nóng” nhất tại xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất) khi nhiều khu vực rừng phòng hộ bị sóng đánh sát tận chân đê. Tại các huyện An Minh và An Biên, chiều dài sạt lở cũng hơn 20km.
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở hiện nay do mất nhiều diện tích rừng phòng hộ. Trong khi đó, việc trồng cây chắn sóng, khôi phục rừng, xây đê biển… gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn lớn, vượt quá khả năng của địa phương; còn kinh phí trung ương bố trí chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra phức tạp, thời tiết ngày càng cực đoạn và bất thường nên đã tác động mạnh đến sạt lở đê biển.
Để khắc phục tình trạng sạt lở và ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan trung ương bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2020 để tỉnh này xây dựng đê biển, khôi phục rừng phòng hộ. Còn UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước mắt đang tập trung ứng phó những đoạn đê biển đang ở mức “đặc biệt nguy hiểm”.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, nhận định: “Trong mùa mưa bão năm nay, ở vùng biển Tây triều cường sẽ thường xuyên dâng cao, kết hợp mưa dông và sóng biển với cường độ mạnh, nhiều khả năng đai rừng phòng hộ khu vực này sẽ bị phá hủy, sóng biển tác động trực tiếp vào thân đê. Vì vậy, đê biển Tây đứng trước nguy cơ bị vỡ”.
Theo ông Hoai, nếu việc này xảy ra sẽ gây rất nhiều khó khăn, tốn kém trong việc xử lý khắc phục cũng như ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân; thậm chí tính mạng của người dân sống trong vùng sạt lở cũng bị đe dọa.
“Vừa rồi tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét bố trí vốn để đầu tư xây dựng bờ kè. Nhu cầu “khẩn cấp” là cần vốn xây dựng 15km kè đê biển để bảo vệ những khu vực sạt lở nghiêm trọng. Bởi các “điểm nóng” này nếu không xây kè khẩn cấp thì nguy cơ vỡ đê trong mùa mưa bão 2015 này sẽ rất cao”, ông Hoai lo lắng. (Sài Gòn Giải Phóng 30/7) đầu trang(
Rừng đặc dụng luôn là “miếng mồi thơm” cho các đối tượng lâm tặc lăm le, nhòm ngó. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương luôn đối mặt với rất nhiều áp lực.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có gần chục khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, với có khoảng 231 nghìn hecta Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin, khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Nam Kar, Khu bảo tồn loài -sinh cảnh thông nước (thủy tùng)...
Những năm qua, Vườn quốc gia Yok Đôn liên tục bị lâm tặc tấn công, khai thác gỗ trái phép. Chỉ trong năm 2014 tại Vườn quốc gia này đã phát hiện 873 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 57 vụ khai thác gỗ, 522 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, vi phạm khác 274 vụ; tịch thu 1.739 phương tiện, 338 m3 gỗ quý hiếm...
Còn tại Gia Lai, địa phương có diện tích rừng phòng hộ khá lớn, với gần 60.000ha do lực lượng kiểm lâm mỏng nên công tác bảo vệ rừng đặc dụng luôn gặp nhiều khó khăn.
Để bảo vệ rừng đặc dụng, thời gian qua lực lượng chức năng của các địa phương đã tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng; từ đó đã truy tố nhiều trường hợp xâm hại rừng đặc dụng. Thậm chí, đặc tăng cường công tác bảo vệ rừng đặc dụng, có nơi phải kéo điện vào tận rừng để thắp sáng bảo vệ các loài cây quý hiếm.
Từ năm 2008 - 2010, ở đây có thêm 4 cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc sử dụng dao, súng hành hung khi đang làm nhiệm vụ, tỷ lệ thương tật từ 20-31 %.
Theo ông Nguyên Hữu Thiện - Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, một số thôn, buôn nằm giáp ranh với Vườn đã được thụ hưởng chính sách giao khoán rừng đặc dụng và hỗ trợ cư dân vùng đệm, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Tuy nhiên đến nay, chỉ có kinh phí để thực hiện giao khoán 35.000ha rừng cho 19 cộng đồng thôn, buôn quản lý bảo vệ và 40 thôn buôn vùng đệm được hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, buôn/năm. Với 89 thôn, buôn vùng đệm, Vườn đang cần thêm nguồn vốn để thực hiện đầy đủ những chính sách này.
Để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020, với mục đích ban hành chính sách đầu tư, cơ chế phát triển rừng đặc dụng nhằm tăng hiệu quả đầu tư, đảm bảo việc giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp đối với rừng đặc dụng...
Tuy nhiên, việc bảo vệ rừng đặc dụng vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Vậy nên, cần có sự vào cuộc mạnh hơn để tăng cường công tác bảo vệ rừng từ phía các cơ quan chức năng cũng như chính quyền các địa phương, nếu không rừng đặc dụng sẽ bị tàn phá bởi lâm tặc trong tương lai không xa. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 29/7) đầu trang(
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn.
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm Thành phố, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, lực lượng quản lý thị trường, hải quan, biên phòng triển khai, áp dụng đúng quy định tại Điều 190, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên của bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-Chính Phủ của Chính Phủ.
Cụ thể, các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái pháp động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó phải truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật.
Đồng thời, các sở ngành, quận huyện lên kế hoạch tăng cường kiểm tra, phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn TP không tiến hành bán đấu giá, phát mại đối với tang vật là các loài động vật hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị thu giữ trong các vụ vi phạm pháp luật có liên quan.
Các cá thể còn sống chỉ được phép tái thả lại nơi sinh sống tự nhiên phù hợp hoặc chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ nếu ốm yếu hoặc bị thương. Các cá thể chết trong quá trình cứu hộ sẽ được chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để nghiên cứu, lưu giữ, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc tiêu hủy đối với các cá thể bị chết do nhiễm bệnh hoặc không thể xử lý được bằng các biện pháp nói trên. (Tài Nguyên Và Môi Trường 30/7) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 47 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh tra Bộ NN&PTNT, Thanh tra Sở NN&PTNT thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.
Về thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thanh tra, Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP. Trình tự, thủ tục thanh tra hành chính thực hiện theo quy định từ Điều 44 đến Điều 50 Luật Thanh tra; từ Điều 19 đến Điều 31 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP. Đối tượng thanh tra chuyên ngành là các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.
Về lĩnh vực lâm nghiệp thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về quản lý rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên rừng, giống cây lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng cũng thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.
Lĩnh vực quản lý chất lượng nsông, lâm sản và thủy sản thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.
Lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, cơ điện nông nghiệp, phát triển làng nghề nông thôn, diêm nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT. (Thanh Tra 31/7)
Đại diện Trung tâm giống sâm Ngọc Linh (Công Ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô, Kon Tum) ngày 29-7 cho hay trung tâm đang tính toán để cuối năm 2015 bắt đầu tiến hành khai thác diện tích sâm Ngọc Linh đã trồng trên 10 năm.
Cứ mỗi năm trung tâm sẽ khai thác 0,5 ha/năm và theo dự kiến sẽ tiến hành xây dựng nhà chế biến tinh sâm, viên sâm để đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh đến tay người tiêu dùng. Đến thời điểm hiện tại, trung tâm đã trồng được 11ha sâm Ngọc Linh. (Thanh Niên 30/7) đầu trang(
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tuy bị những tác động tiêu cực của khí hậu, nắng hạn kéo dài nhưng Đảng uỷ Ban đã chỉ đạo các dự án tích cực triển khai tốt các hoạt động chuẩn bị cho mùa trồng rừng 2015, chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh, khoán quản lý bảo vệ rừng với mục đích chuyển đổi rừng gỗ nhỏ thành gỗ lớn tại nhiều địa phương trong cả nước; đầu tư cơ sở hạ tầng cho những vùng khó khăn, góp phần làm tăng giá trị lâm sản, tăng tỷ trọng hàng hóa lâm sản được chế biến, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; tình hình giải ngân 6 tháng đầu năm 2015 của Ban đạt cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
Qua đó, góp phần vào thành công của Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp trong thời gian qua. (Ban Quản Lý Các Dự Án Lâm Nghiệp 30/7) đầu trang(
Ngày 29/7, UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo Dự án “Quản lí rừng bền vững và đa sinh học nhằm giảm phát thải CO2 – KfW8” về triển khai thực hiện Dự án năm 2015 và các năm tiếp theo.
Đồng chí Doãn Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ dự án chủ trì cuộc họp; tham dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đồng chí thành viên BCĐ, Ban quản lí Dự án KfW8 tỉnh.
Dự án “Quản lí rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm thải CO2 – KfW8” (gọi tắt là Dự án KfW8) gồm 3 hợp phần/5 tỉnh, thời gian thực hiện 7 năm (2015 – 2021), trong đó tỉnh Lào Cai tham gia hợp phần 1 – bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học. Với tổng kinh phí thực hiện dự án 84,3 tỷ đồng.
Địa điểm thực hiện tại 17 xã, là các xã vùng lõi và vùng đệm của Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Bát Xát, Khu Bảo tồn Thiên niên Hoàng Liên Văn Bàn, sẽ lựa chọn 100 thôn tham gia thực hiện Quĩ phát triển thôn, bản.
Hoạt động chính của dự án gồm 3 nhóm: Các hoạt động hỗ trợ thành lập Khu BTTN Bát Xát; các hoạt động bảo tồn và giám sát đa dạng sinh học thông quan quĩ phát triển thôn bản tại các thôn vùng đệm và các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho Ban Quản lí các Khu BTTN.
Đến nay, tỉnh Lào Cai thực hiện đầy đủ công tác chuẩn bị theo chỉ đạo của Ban Quản lí dự án Trung ương và yêu cầu nhà tài trợ, sẵn sàng triển khai các hoạt động dự án khi được chấp thuận. 6 tháng cuối năm 2015, Lào Cai tập trung triển khai các hoạt động về đào tạo xây dựng năng lực và các hoạt động đầu tư. Dự kiến kinh phí thực hiện 4.457,7 triệu đồng, trong đó vốn vay ODA chính phủ Đức: 3.776 triệu đồng; vốn ODA viện trợ không hoàn lại Chính phủ Đức: 681,75 triệu đồng.
Tại cuộc họp, các thành viên BCĐ, Ban Quản lí Dự án KfW8 tỉnh đã thông qua Qui chế làm việc của BCĐ dự án, đưa ra các ý kiến xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện dự án....
Phát biểu kết luận, đồng chí Doãn Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ dự án đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh chuẩn bị tốt các nội dung của Dự án để triển khai thực hiện trong những háng cuối năm 2015 được hiệu quả, làm tiền đề cho triển khai thực hiện tốt nội dung Dự án các năm tiếp theo. (UBND tỉnh Lào Cai 30/7) đầu trang(
Song song với trồng cây lương thực, tỉnh rất chú trọng cây đặc sản cam, quýt, hồng không hạt. Kinh tế rừng được Đảng bộ Bắc Kạn đặc biệt quan tâm, nên chỉ trong vòng 5 năm (2010-2015), đã có 55.000 ha rừng được trồng mới, nâng cao độ che phủ rừng lên 70,8% vào cuối năm 2014, và trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất toàn quốc.
Dù vậy, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh gặp nhiều khó khăn, bởi dân cư thưa thớt, nguồn vốn hạn hẹp, đến hết ngày 25/7/2015 bình quân mỗi xã của Bắc Kạn mới đạt 7,1 tiêu chí. Có 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 75 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và 16 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Chỉ có Tiêu chí Quy hoạch là 110/110 xã hoàn thành. Đảng bộ Bắc Kạn đã xây dựng lộ trình để thực hiện tốt việc tái cơ cấu giống trong sản xuất, chăn nuôi. Duy trì diện tích cây lúa 22.000 ha; ngô 17.000 ha. Dự kiến từ 2016 đến 2020, sẽ có trên 30.000 ha rừng trồng theo phương thức thâm canh, duy trì được tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh trên 72%.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, tỉnh Bắc Kạn đã có một số đề xuất cần giúp đỡ như: Hỗ trợ nguồn vốn để giúp xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP đối với 3 sản phẩm chủ lực của địa phương (cam, quýt, chè). Dự án sản xuất rau, hoa, quả theo công nghệ cao. Dự án xây dựng trại con giống của tỉnh.
Dự án xây dựng hạ tầng cho dân vùng ngập lụt tại xã Nam Cường. Xin bổ sung 28 tỷ đồng để xây dựng hoàn chỉnh 2 xã điểm NTM. (Nông Nghiệp Việt Nam 30/7) đầu trang(
Hòa Bình: Bước tiến mới trong trồng, quản lý và bảo vệ rừng
Công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng luôn được coi trọng. Kinh tế rừng phát triển, trong 5 năm, toàn huyện đã trồng mới được 4.350 ha rừng, độ che phủ rừng đạt 59,5%, vượt 2,5% so với Nghị quyết ĐHĐB.
Kinh tế trang trại phát triển mạnh với 42 trang trại đạt tiêu chí mới, thu nhập bình quân năm 2015 ước đạt 620 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.645 lao động địa phương. Những kết quả đó đã góp phần vào quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện với 3 xã về đích năm 2015 là Đồng Tâm, Phú Lão, Cố Nghĩa. (Báo Hòa Bình 30/7) đầu trang(
Sau vụ hàng nghìn cây xanh bị đốn bỏ thay thế, hiện Hà Nội đã quyết định thay cây mỡ đã trồng bằng cây lát hoa, coi đó là cây trồng phủ khắp thủ đô, nhất là trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Theo Vnexpress, cây lát hoa đã được quyết định là cây trồng mới để phủ xanh Hà Nội. Loại cây này trông như thế nào, giá trị kinh tế, đặc điểm tự nhiên, hình thái... ra sao?
Lát hoa (hay còn gọi là cây lát xoan, xoan lát) là cây gỗ lớn cao tới 25 - 30m, đường kính cây cổ thụ tầm ngang ngực tới 1,2 - 1,3m. Thân thẳng, hệ rễ và tán lá phát triển. Lá kép lông chim 1 lần chẵn, mọc cách mang 10 - 18 lá chét. Quả nang hóa gỗ hình trái xoan, đường kính 3 - 3,5 cm. Hạt dẹt hình quạt, có cánh mỏng, xếp chồng chất ngang trong từng ô của quả.
Cây ưa sáng, lúc nhỏ sinh trưởng nhanh, chịu bóng. Từ 10 tuổi trở đi sinh trưởng chậm hơn. Lát hoa ưa đất tơi xốp, ẩm, nhiều mùn, đất còn tính chất đất rừng. Lát hoa phát triển tốt trên đất feralit phát triển trên đá mẹ granit, đá vôi.
Vốn có nguồn gốc từ nhiều nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam, lát hoa là loài cây gỗ rừng, cây thường được trồng rộng rãi ở nhiều nơi ngoài vùng nguyên sản như Cameroon, Costa Rica, Nigeria, Puerto Rico, Nam Phi, Hoa Kỳ…
Ở Việt Nam, lát hoa thường phân bố tự nhiên ở các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung, từ Lạng Sơn đến Hà Tĩnh và hiện nay được trồng làm cây bóng mát hoặc trồng thành rừng kinh tế ở một số nơi.
Lát hoa có thân thẳng, khi trưởng thành có thể cao 30m, đường kính thân lên tới cả 100cm; hoa lưỡng tính, màu vàng nhạt, đài có lông, tràng 5 cánh xòe rộng, mép cuốn lại, phủ lông mịn ở mặt ngoài.
Lát hoa là cây gỗ quý, gỗ có độ cứng và năng trung bình, dễ làm, ít co giãn, ít bị mối mọt, thường dùng để đóng vật dụng quý, làm gỗ xây dựng, tán lạng, trang sức bề mặt.
Gỗ lát hoa bền chắc, lại dẻo dai dễ cho thợ mộc uốn nắn. Gỗ có màu tươi, sáng, thớ mịn, nhiều vân đẹp. Vân gỗ lát hoa đẹp như mây khói, như hoa dong đỏ, chỗ nhặt chỗ thưa, mỗi loại vân có nét đẹp riêng. Bởi vậy nên mới gọi là lát hoa.
Giá gỗ lát hoa ít nhất là 10 triệu đồng/m3. Cây có thể được thu hoạch sau 10 năm trồng. (Một Thế Giới 30/7) đầu trang(
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ phát triển rừng và các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi như: Chính sách trồng mới 5 triệu ha rừng; Chương trình 135; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (Chương trình 30a); các chính sách đặc thù khác như giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng buôn làng là dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng, ổn định, bền vững, đóng góp nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển, xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Thực tế cho thấy, cùng với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, chính sách chi trả DVMTR đã phát huy tác dụng, có tác dụng tới công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng giảm dần qua các năm.
Chính sách đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động cho các chủ rừng, tạo ra nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách.
Từ năm 2013, Chính phủ có chủ trương tạm dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên, một số chủ rừng, công ty lâm nghiệp không còn nguồn thu từ khai thác rừng tự nhiên, thì nguồn tiền DVMTR giúp cho các công ty này đứng vững, khôi phục sản xuất, có kinh phí hoạt động và hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng.
Các chính sách trên đã góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng miền núi tăng thu nhập, thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất lâm nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, hầu hết hộ gia đình và cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng dân tộc, miền núi gặp rất nhiều khó khăn; còn nhiều hộ nghèo sống dựa vào rừng; một số nơi rừng vẫn bị tàn phá để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, chính sách chưa tạo ra nguồn lực đủ mạnh để có thu nhập ổn định giúp người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng và sống được bằng nghề rừng.
Nếu như nguồn ngân sách nhà nước đáp ứng khoảng 29% tổng mức đầu tư cho ngành lâm nghiệp, thì trong 2 năm gần đây nguồn tiền DVMTR đạt bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng 22,3% nguồn kinh phí đầu tư cho toàn ngành lâm nghiệp.
Công tác trồng rừng ở các tỉnh Tây Nguyên trong vài năm trở lại đây tuy có tiến bộ nhưng vẫn không theo kịp với suy giảm tài nguyên rừng. Năm 2013, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng được 11.679 ha rừng tập trung đến năm 2014 trồng được 13.431 ha, đạt 74% kế hoạch năm, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng từ 280 ha/năm tăng lên 770 ha/năm…
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan để tăng cường quản lý Nhà nước đối với rừng, đất lâm nghiệp. Tập trung rà soát diện tích rừng hiện có để xác định rõ lâm phận ổn định của từng địa phương, từng tỉnh làm cơ sở xây dựng chính sách phù hợp trong bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm phát triển bền vững.  Tăng cường kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép, cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi để có kế hoạch phục hồi, trồng lại rừng.
Ngoài việc có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trồng rừng tập trung, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang sử dụng cho mục đích khác, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.
Phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công thương, Tài chính… tăng cường quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước… nhằm góp phần quản lý, bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.
Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên rất đồng tình với việc Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, cần mở rộng đối tượng cho hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, có sự công bằng giữa đồng bào dân tộc nơi có rừng cũng như nơi không có rừng. (Tin Tức 30/7) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật” do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO).
Dự án nhằm giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa sức khỏe con người từ các bệnh lây giữa người và động vật tại Việt Nam thông qua các chuỗi giá trị trong mối tương tác người - động vật hoang dã - môi trường. Cụ thể là giảm hơn nữa các mối đe dọa đại dịch ở Việt Nam.
Dự án sẽ tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan của Việt Nam trong thực hiện sáng kiến Một sức khỏe của Liên hợp quốc; giảm rủi ro dọc theo chuỗi giá trị từ trang trại tới bàn ăn.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực giám sát, phát hiện sớm và ứng phó với cúm gia cầm độc lực cao và các bệnh lây truyền giữa người, động vật có khả năng thành đại dịch khác; các hoạt động phối hợp xuyên biên giới được thúc đẩy để giảm rủi ro của việc xuất hiện và lan truyền các tác nhân gây bệnh chung giữa người và động vật.
Dự án được thực hiện 12 tháng kể từ khi Dự án được phê duyệt với tổng kinh phí 2,1 triệu USD trong đó, vốn ODA (viện trợ không hoàn lại) 2,1 triệu USD, vốn đối ứng bằng hiện vật. (Thời Nay 30/7) đầu trang(
Theo đơn của bà Ngô Thị Quỳ ở số nhà 126, tổ 5, khu 6, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long, năm 1995, bà và chồng là ông Vũ Đình Lộc (ông Lộc là hội viên CCB Việt Nam) và gia đình ông Triệu Đức Hương, bà Đoàn Thị Lịch (trú quán tại khu 1, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ cùng nhau vào khu vực Đồng Xóm, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ đầu tư làm kinh tế trang trại trên diện tích 9ha đất lâm nghiệp do Lâm trường Hoành Bồ I quản lý.
Đến năm 1997, ông Lộc được Lâm trường Hoành Bồ I quyết định giao khoán 4ha đất để trồng cây ăn quả với thời hạn 40 năm. Cũng giống như ông Lộc, bà Đoàn Thị Lịch được giao 5ha. Vị trí diện tích đất hai hộ được giao nằm cạnh nhau (nhà ông Lộc thuộc lô 2, còn nhà bà Lịch thuộc lô 1), thuộc tiểu khu 92, khoảnh 4. Sau khi được giao đất, hai gia đình đã tổ chức trồng vải thiều và một số cây trồng khác để phát triển kinh tế gia đình...
Giai đoạn đầu, hai gia đình làm ăn với nhau rất minh bạch. Tất cả sổ sách thu chi, hưởng lợi đều ghi chép rất chi tiết, rõ ràng và có chữ ký xác nhận của ông Hương, bà Lịch và ông Lộc, bà Quý...
Đến năm 1998, bà Lịch có đơn xin nhận khoán 113 ha đất rừng. Lâm trường Hoành Bồ I đã lập hồ sơ giao khoán trùm lên cả diện tích đất trồng vải của gia đình ông Lộc được giao năm 1997.
Theo bà Quý, khi đó, gia đình bà Lịch có rủ cùng đầu tư trồng keo chung trên diện tích được giao mới, bằng nguồn vốn của Chương trình 327.
“Cứ nghĩ rằng, diện tích trồng vải giao trước đó không hề bị chồng lấn, nên gia đình tôi yên tâm tin tưởng cùng đầu tư trồng keo chung với gia đình bà Lịch. Năm 2006 và 2007, diện tích trồng keo đến kỳ thu hoạch, hai gia đình tiến hành thu sản phẩm và diện tích thu keo bà Lịch đã bàn giao lại cho Lâm trường Hoành Bồ; riêng 9ha trồng vải của hai gia đình thì vẫn giữ nguyên, chưa trả vì theo quy định chỉ bàn giao trả đất cho lâm trường khi diện tích cây đã khai thác...”- bà Quý cho biết.
Vẫn theo bà Quý phản ánh, từ năm 2000 đến năm 2007, gia đình bà và gia đình bà Lịch đã thống nhất nhờ ông Nguyễn Đình Thi (em rể bà Lịch) trông coi vườn vải và được hai gia đình trả công cho ông Thi 2.000.000 đồng/năm, đồng thời cho ông Thi canh tác trên khu ruộng 2 mẫu của hai gia đình mua chung phục vụ trang trại. Từ năm 2003, cắt trả tiền công 2.000.000 đồng thay vào đó cho ông Thi thu quả vải và tiếp tục mượn 2 mẫu ruộng canh tác.
Tuy nhiên, đến tháng 4-2014, diện tích 9ha vải bất ngờ bị người nhà bà Lịch chặt phá để chuyển sang trồng cây keo . Ước tính có khoảng 420 cây vải bị chặt hạ. Khi vợ chồng ông Lộc-bà Quỳ đến Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ (tiền thân là Lâm trường Hoành Bồ  I) phản ánh, mới hay tin phía Công ty đã ký hợp đồng giao khoán 13,7 ha đất trồng rừng (thuộc tiểu khu 92, khoảnh 4...) cho bà Lịch.
Theo hồ sơ giao đất năm 2014, diện tích giao mới  bao chiếm lên hết diện tích 4ha đất trồng vải của gia đình ông Lộc được giao năm 1997. Sau nhiều lần thương thuyết, hai gia đình không đi đến thống nhất, bà Quỳ đã tố cáo bà Đoàn Thị Lịch ra trước cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh về hành vi chặt phá trái phép vườn vải...
Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Trần Đình Thuận- Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ cho rằng: “Phía Công ty không tìm thấy hồ sơ giao đất năm 1997 của hộ ông Vũ Đình Lộc. Hiện Công ty chỉ lưu giữ sổ giao đất số 61 (năm 1998), có diện tích 113 ha đứng tên bà Đoàn Thị Lịch.
Liên quan đến “Hồ sơ giao đất trồng cây ăn quả của Lâm trường Hoành Bồ I giao cho ông Vũ Đình Lộc năm 1997, ông Thuận cho rằng: năm 2000, khi Lâm trường Hoành Bồ I bàn giao sổ sách về phía Công ty đã không bàn bạc diện tích 9 ha và sổ giao đất của hộ ông Vũ Đình Lộc lại nên Công ty không biết đến sổ giao đất này.
Tuy nhiên, ông Thuận thừa nhận giữa hộ gia đình ông Lộc và bà Lịch cùng hợp tác đầu tư trồng cây vải chung trên diện tích 9ha (trong đó bà Lịch 5ha. ông Lộc 4ha) nhiều năm qua.
Theo ông Thuận, để xảy ra việc tranh chấp trên là do lãnh đạo lâm trường thời trước đã không giải quyết dứt điểm. Ông Thuận cũng thừa nhận, khi thu hoạch diện tích trồng keo (năm 2006-2007), số diện tích có cây vải trên đất của hai gia đình ông Lộc, bà Lịch không được phía lâm trường thu lại.
Điều đáng nói, mới đây bà Quý phát hiện trong Hợp đồng giao khoán đất trồng rừng cho bà Đoàn Thị Lịch (năm 2014) có dấu hiệu bóp méo sự thật Theo đó. đơn bà Lịch xin chuyển đổi cây trồng gửi Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ thể hiện có cây vải trên đất, nhưng phía Công ty lại xác nhận hiện trạng diện tích giao khoán là “đất trống'?!
Trả lời PV Báo CCB Vệt Nam về vụ việc này, ông Hoàng Công Đãng-Phó giám đốc sở NNPTN tỉnh Quảng Ninh cho biết UBKT huyện ủy Hoành Bồ đã tiến hành thẩm tra, xác minh đơn tố cáo của bà Quý. Trong kết luận có nhắc đến việc giao khoán đất thanh lý việc giao khoán đất trồng rừng của lâm trường trước đây chưa thật đầy đủ...
“Phía Công ty TNHH - MTV lâm nghiệp Hoành Bồ nhiều lần làm việc với gia đình bà Quý để đi đến thống nhất cấp trả 4 ha đất ở vị trí khác, nhưng gia đình bà Quý không đồng ý. Đằng sau vụ việc này nó còn có “vấn đề" khác nữa...” - ông Đáng nói. (Cựu Chiến Binh Việt Nam 30/7) đầu trang(
Báo Phú Yên nhận được đơn khiếu nại của ông Bùi Xuân Thạnh (thôn Bình Thạnh Nam, xã Xuân Bình, TX Sông Cầu) với nội dung: “Yêu cầu thực hiện Quyết định 2805/QĐ-UBND ngày 26/8/2013 của UBND TX Sông Cầu, đề nghị bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất (loại đất rừng sản xuất) của ông bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng dự án Bãi chôn, lấp chất thải rắn (giai đoạn 1) tại xã Xuân Phương, TX Sông Cầu.
Báo Phú Yên đã làm việc với cơ quan chức năng và nhận được Công văn 822/UBND-NC ngày 8/7/2015 do Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu Lương Công Tuấn ký trả lời như sau:
“Căn cứ khoản 2 Điều 14 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định: “Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm quyết định thu hồi”.
Đối chiếu trường hợp của ông Bùi Xuân Thạnh, bị Nhà nước thu hồi đất với diện tích 4.760m2 loại đất rừng sản xuất nên UBND TX Sông Cầu bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng là loại đất rừng sản xuất cho ông Thạnh.
Ngày 1/7/2015, đại diện các cơ quan chuyên môn gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Hạt kiểm lâm TX Sông Cầu và UBND xã Xuân Bình tiến hành giao đất mới có cùng mục đích sử dụng cho ông Thạnh, nhưng ông Thạnh không đồng ý nhận đất mà yêu cầu bồi thường bằng tiền.
Vấn đề này, UBND TX Sông Cầu không đồng ý vì hiện tại UBND TX Sông Cầu có quỹ đất cùng mục đích sử dụng với đất của ông Thạnh bị Nhà nước thu hồi. Do vậy, việc UBND TX Sông Cầu bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng (loại đất rừng sản xuất) cho ông Thạnh là phù hợp quy định pháp luật.
Đề nghị ông Thạnh chấp hành Quyết định 3805/QĐ-UBND ngày 26/8/2013 của UBND TX Sông Cầu vì quyết định 3805/QĐ-UBND đã có hiệu lực thi hành.
Vậy, UBND TX Sông Cầu trả lời cho ông Bùi Xuân Thạnh biết, thực hiện. (Báo Phú Yên 31/7) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Để ngăn chặn nạn giết tê giác lấy sừng, các nhà bảo vệ động vật đã gắn camera, cảm biến đo nhịp tim và chip định vị GPS lên sừng tê giác.
Một nhóm  bảo tồn động vật ở Anh đã tạo ra một hệ thống mới để ngăn chặn việc giết hại tê giác. Hệ thống này bao gồm một camera siêu nhỏ gắn lên sừng tê giác, một cảm biến đo nhịp tim và một cảm biến định vị GPS.
Sau khi được lắp đặt hệ thống này, nếu một con tê giác bị những kẻ săn trộm đuổi theo và tấn công, nhịp tim của nó sẽ thay đổi và nhanh chóng trở thành tín hiệu cảnh báo các nhà khoa học. Tại một trung tâm điều khiển, khi nhận được cảnh báo đó, người ta sẽ kích hoạt camera trên sừng nạn nhân để ghi lại diễn biến vụ việc. Lúc này tín hiệu GPS cũng sẽ truyền về, cho đội phản ứng nhanh biết chính xác vị trí vụ tấn công để họ ập tới bắt kẻ săn trộm.
Ước tính, đã có hơn 1.200 con tê giác bị giết hại bởi những kẻ săn trộm ở Nam Phi năm ngoái, tức khoảng mỗi 8 giờ lại có một con tê giác bị giết. Nếu cứ tiếp tục đà này, loài tê giác có thể bị tuyệt chủng trong vòng một thập kỷ tới và giải pháp trên được thực hiện nhằm ngăn chặn thảm họa này. (Giáo Dục Và Thời Đại 30/7) đầu trang(
Những con trăn rất ít khi gây nguy hiểm cho du khách trong công viên quốc gia Everglades ở Florida, Mỹ. Tuy nhiên, con trăn đất khổng lồ mà các nhà nghiên cứu ở Đại học Florida vừa bắt được có thể khiến nhiều người sợ hãi.
Được bắt gặp đầu tháng 7 trên một con đường trong công viên Everglades, con trăn cái có chiều dài 5,5 mét, bề rộng 8 cm và nặng hơn 60 kg. Theo các nhân viên bảo vệ động vật hoang dã ở bang, con trăn dài nhất từng bắt được ở Florida dài 5,7 mét.
Loài trăn không phải là động vật bản xứ ở Florida. Theo các nhà nghiên cứu, chiều dài hơn 5 mét có thể giúp con trăn tấn công những con mồi lớn như hươu, nai hoặc cá sấu. Được đưa vào công viên như thú nuôi thả, cục Khảo sát địa chất Mỹ ước tính hiện nay có hàng chục ngàn con trăn đất sinh sống ở Everglades. (VnExpress 30/7) đầu trang(
Tại Namibia, nhồi xác động vật được xem là hợp pháp. Mỗi năm, các xưởng nhồi thú như Louw Mel có thể nhồi xác khoảng 6.000 con vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm như sư tử, tê giác. "Vua sư tử" Cecil sau khi bị giết hại, có thể bị đem tới đây để biến thành chiến lợi phẩm giá trị treo trong phòng khách.
9.000 USD cho phần đầu một chú hươu cao cổ hay 15.000 USD cho một con tê giác là mức giá những con vật đã được nhồi xác tại cửa hàng Louw Mel's, một địa điểm tập kích ưa thích của các thợ săn thú tại thủ đô Windhoek, Namibia.
Nhồi xác động vật là một nghề phổ biến và hợp pháp ở Namibia nên không khó để tìm thấy các cửa hàng tương tự như LouwMel's trên khắp đất nước miền Nam châu Phi này. Riêng tại cửa hàng này, có thể tìm thấy hơn 35 loại động vật hoang dã quý hiểm khác nhau từ sư tử, báo, voi cho đến tê giác.
Theo quy định của luật pháp Namibia, các thợ săn phải được cấp phép và bị giới hạn số lượng thú săn. Tuy nhiên, chia sẻ với tờ Daily Mail,  những thợ săn dày dạn kinh nghiệm ở đây cho biết, chỉ cần có số tiền lót tay với ban quản lý khu vực bảo tồn thiên nhiên hoang dã thì có thể săn bắn bao nhiêu tùy ý.
Để giết chết một con voi, các thợ săn phải trả khoảng 21.000 USD, một con báo là 7,600 USD, còn một con sư tử là 16.000  USD. Bởi vậy, những loại động vật này sau khi bị giết hại, nhồi xác lại có giá cao ngất ngưởng ví dụ như nếu muốn có một chú voi nhồi xác trang trí ở phòng khách bạn phải bỏ ra khoảng 1,4 tỉ đồng (65.000 USD).
Các công nhân trong xưởng LouwMel's  mỗi năm nhồi xác khoảng 6.000 con vật và theo chủ cửa hàng này thì công việc làm ăn cực kỳ phát đạt khi đơn đặt hàng luôn tấp nập còn nguồn cung thì luôn dồi dào.
Xưởng nhồi xác động vật này mỗi năm lại nhận hàng trăm đơn hàng của các thợ săn nước ngoài như Mỹ, Đức đến Namibia săn bắn và  để lại các chiến lợi phẩm. Xưởng sản xuất với 45 công nhân này luôn trong tình trạng không ngơi tay.
Bước đầu tiên trong công đoạn nhồi bông động vật là lột và giữ được những bộ da. Thịt, xương và các bộ phận khác của con thú sẽ được phân phát làm thực thẩm cho những công nhân địa phương, ngoại trừ thịt rắn. Ở Namibia, người ta không ăn rắn.
Các phần da được tách riêng được ngâm hóa chất để bảo quản. Mỗi loại động vật ở đây đều có khuôn riêng được đúc theo  3 kích cỡ, nhỏ, vừa và lớn. Các khuôn này sẽ được gọt dũa cho vừa với kích cỡ của bộ da và được các thợ thủ công  khâu tay lên trên.
Mỗi loại động vật lại có bộ mắt giả riêng được nhập khẩu từ châu Âu. Lắp ghép mắt gần như là khâu cuối cùng trước khi hoàn thiện sản phẩm. Con vật sau đó sẽ được vận chuyển tới khắp nơi trên thế giới. (24 Giờ 31/7) đầu trang(
Bạn có biết, rất nhiều loài động vật hiện đang đứng trên bờ vực thẳm khi số lượng chỉ còn vài trăm cá thể.
Do tác động của con người lên môi trường mà giờ đây rất nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loài trong chúng là những sinh vật kì lạ, nếu mất đi sẽ là một tổn thất to lớn đối với hệ sinh thái trên Trái đất.
Hải cẩu bờm hay hải cẩu đội mũ (Hooded seal) là một loài hải cẩu sinh sống ở Bắc Đại Tây Dương. Loài vật này bị con người săn bắt rất nhiều và hiện đang trên đà tuyệt chủng. Ước tính, trên thế giới chỉ còn không quá 100 cá thể.
Loài hải cẩu này có một khoang mũi đặc biệt được đặt ở phía trên đầu, giống như một chiếc mũ. Khoang này có thể bơm phồng lên hoặc hút xẹp xuống khi chúng bơi.
Ngoài ra, khoang mũi này cũng là một công cụ để chúng tự vệ, thu hút bạn tình cũng như là biểu tượng để thể hiện sức mạnh và vị trí của chúng trong đàn.
Chuột túi cây là một loài kangaroo đặc biệt sống trên cây trong các khu rừng mưa ở đảo New Guinea (phía Đông Bắc Australia) và bang Queensland (Australia).
Chúng là một loài khá chậm chạp và vụng về, chúng thường sống trên cây, thức ăn chủ yếu là lá cây.
Các nhà khoa học cho rằng, chính chất độc trong lá cây là nguyên nhân khiến chúng trở nên chậm chạp. Tình trạng phá rừng và săn bắt hàng loạt đang làm cho số lượng cá thể của loài này giảm dần theo thời gian.
Kền kền râu thường sống trên các dãy núi cao như Everest, Himalayas và dãy núi lớn khác ở châu Âu, châu Á.
Khác với các loài khác, kền kền râu không ăn xác thối mà chúng thường mang các khúc xương lớn của các loài vật khác lên cao sau đó thả xuống đất nhiều lần cho nó vỡ và ăn phần thực phẩm trong đó.
Kền kền râu suýt bị tuyệt chủng vào thế kỉ trước do các con non bị các loài thiên địch tấn công quá nhiều và nhiễm các chất độc chăn nuôi. Ước tính hiện trên thế giới chỉ còn tồn tại khoảng 10.000 cá thể.
Cũng giống như kỳ giông Mexico, linh dương Saiga được xem là một loài linh dương đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp.
Chúng đã từng sống trên khắp các vùng thảo nguyên rộng lớn ở Á-Âu, từ dãy núi Karpat, Caucasus tới Dzungaria và Mông Cổ.
Với chiếc mũi có hình dạng kì lạ nhưng vô cùng thính và linh hoạt của mình, loài vật được ví như sinh vật từ ngoài hành tinh. Với tình trạng săn bắn tràn lan, linh dương Saiga hiện chỉ còn khoảng vài nghìn con.
Olm là một loài rắn thuộc họ động vật lưỡng cư mù sống trong các hang động nước ngầm ở trung Âu và nam Âu. Đây là một trong số ít loài lưỡng cư có thể ngủ, sinh trưởng hoàn toàn trong nước.
Sống một cuộc sống hoàn toàn không có ánh Mặt trời, mắt chúng tiêu giảm, bù lại các giác quan khác lại phát triển vượt bậc. Ngày nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước khiến số lượng loài này giảm đáng kể.
Nhà tự nhiên học người Anh David Attenborough đã từng ví loài voọc mũi hếch này như những “yêu tinh”.
Chúng thường được tìm thấy trong các khu rừng ở châu Á nhưng không phải khu rừng bình thường mà là khu rừng ở độ cao hơn 3.900m so với mực nước biển.
Loài voọc này rất thông minh nên con người hiếm khi tìm thấy chúng. Hiện nạn phá rừng bừa bãi tác động rất nhiều đến sự sinh tồn của loài này.
Cá sấu Ấn Độ (hay cá sấu Gharial) là một trong những loài cá sấu còn sống dài nhất, vô cùng nổi tiếng ở Ấn Độ. Một con cá sấu trưởng thành có chiều dài lên đến hơn 6m và nặng khoảng 180 kg.
Chúng là loài vật thống trị tất cả hệ thống sông ngòi chính của Ấn Độ. Do bị săn bắt quá nhiều, số lượng cá thể của loài này đang rơi vào tình trạng cực kì nguy cấp. Hiện tại trên thế giới chỉ còn khoảng 235 con.
Khỉ vòi là một loài khỉ kì lạ, chỉ được tìm thấy tại đảo Borneo (nằm ở Đông Nam Á, thuộc chủ quyền của 3 nước Brunei, Indonesia, Malaysia).
Chúng nổi tiếng với bụng và mũi rất lớn. Vì nạn chặt phá rừng tràn lan, số lượng khỉ vòi đã giảm đi 50% chỉ trong vòng 40 năm trở lại đây.
Cua dừa là loài vật chân đốt lớn nhất trên thế giới, một con trưởng thành có thể nặng đến 9kg. Giống như tên của chúng, loài cua này có thể trèo lên cây để hái dừa, sau đó dùng những chiếc càng to khỏe của nó đập vỡ vỏ dừa.
Loài vật này được coi là gần như tuyệt chủng, những con còn sống đang được bảo vệ đặc biệt tại một số khu bảo tồn.
Có nguồn gốc từ New Zeland, vẹt Kakapo hay vẹt cú là loài vẹt “béo” nhất trên thế giới. Do môi trường sống quá an toàn, ít đe dọa dần dần chúng mất đi khả năng bay và trở nên “béo phì”.
Loài vẹt này đang đứng trên bờ tuyệt chủng, đến năm 2012, trên thế giới chỉ còn có 128 con.
Dugong hay bò biển... là một trong 4 loài bò biển còn sống được tìm thấy từ vùng biển Thái Bình Dương đến bờ biển phía Đông châu Phi.
Loài vật khổng lồ này từ lâu đã bị săn lấy thịt và dầu nên hiện đang trong tình trạng nguy kịch.
Loris là một loài động vật có vú chỉ được nhìn thấy tổng cộng 4 lần vào năm 1937 và từ 1939 đến nay, chúng hoàn toàn biến mất. Các nhà khoa học cho rằng chúng đã tuyệt chủng.
Loài vật này thường sống ở Sri Lanka, có mắt to giúp chúng nhìn rõ vào ban đêm.
Nhiều người tin rằng, thịt của loài này có thể chữa khỏi bệnh phong và các bộ phận khác có thể được dùng làm bùa chống lại các lời nguyền. Chính điều này đã khiến chúng bị săn bắt nhiều đến mức tuyệt chủng.
Nhện Gooty chỉ được tìm thấy trong một khu rừng ở Ấn Độ. Với màu sắc bắt mắt đẹp vô cùng của mình, các nhà sưu tầm trả đến 500USD (khoảng 11 triệu VND) cho một cá thể nhện. Điều này khiến nguy cơ tuyệt chủng của chúng hiện rất cao.
Markhor là loài sơn dương hoang dã thường sống ở Afghanistan và một số nước lân cận. Chúng có bộ lông dài cùng chiếc sừng xoắn tuyệt đẹp, y như trong các câu chuyện thần tiên.
Với vẻ ngoài uy nghi nhưng không kém phần kiều diễm, chúng đã được chọn trở thành biểu tượng của Pakistan. Không khó hiểu khi chúng bị săn bắt rất nhiều.
Tuy nhiên đến năm 2015 số lượng loài sơn dương này đã tăng lên đáng kể, từ một loài được xếp vào nhóm nguy cấp đã được chuyển sang nhóm bị đe dọa. (Soha News 31/7) đầu trang(./.
Biên tập: Hương Giang