Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 30 tháng 11 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) là “kho dự trữ thiên nhiên” đa dạng với núi đá vôi, sông hồ, hang động, rừng cây, muông thú...
Không chỉ có chức năng bảo tồn đa dạng sinh học mà còn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế thông qua các hoạt động phát triển rừng và du lịch.
Rừng đặc dụng Hương Sơn có tổng diện tích tự nhiên hơn 4.700ha. Những năm gần đây, diện tích rừng đặc dụng Hương Sơn được bảo vệ chặt chẽ; không có cháy rừng. Các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng đều được phát hiện ngăn chặn kịp thời. Đạt được kết quả trên là nhờ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn và chính quyền địa phương.
Mặc dù vậy, theo ông Nghiêm Xuân Lừng, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn, áp lực xâm hại đến rừng rất lớn và vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Ở gần rừng đặc dụng Hương Sơn có nhiều dân tộc sống xen kẽ, điều kiện kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, lao động thiếu việc làm nhiều nên thường xuyên vào rừng lấy củi, sản xuất... gây khó kiểm soát hành vi gây hại cho rừng.
Đặc biệt, trong vùng lõi của rừng đặc dụng có quần thể di tích lịch sử chùa Hương, hằng năm thu hút hàng triệu lượt du khách vào tham quan và du lịch... nếu không làm tốt công tác cảnh báo du khách đốt hương, vàng mã sẽ gây cháy rừng rất cao.
Để làm tốt công tác bảo vệ và PCCCR, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức, Ban Quản lý thắng cảnh Hương Sơn và UBND 4 xã có rừng xây dựng phương án PCCCR. Kế hoạch được xây dựng chi tiết từng tuần, tháng và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, công chức, người lao động nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, canh gác PCCCR 24/24 giờ, đặc biệt trong mùa lễ hội và mùa hanh khô.
Trong năm 2016, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn đã xây dựng 5km đường băng cản lửa giúp PCCCR hiệu quả.
Ông Trịnh Văn Tiến, Phó phòng Lâm sinh, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn cho biết: Để giữ rừng, chúng tôi còn có “tai mắt” là các hộ dân sống gần rừng. Hằng năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn ký hợp đồng với 52 hộ dân bảo vệ toàn bộ diện tích rừng. Hằng ngày, các hộ này theo dõi diễn biến của rừng, ngăn cản các hành vi xâm hại rừng và kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi rừng bị cháy hoặc xâm hại.
Ngoài ra, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn còn tổ chức cho các hộ dân sống ven rừng, làm nghề rừng và các thôn ký cam kết bảo vệ và PCCCR. Kết quả, 329/329 hộ dân và 23/23 trưởng các thôn có người dân sinh sống giáp ranh đã ký cam kết bảo vệ rừng. Hằng năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn nâng cao ý thức bảo vệ và PCCCR cho cán bộ xã, thôn, xóm thuộc các xã có rừng, lực lượng bảo vệ rừng và các hộ dân làm nghề rừng.
Các lớp tập huấn đã góp phần truyền đạt những văn bản pháp quy của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Các học viên cũng được thảo luận sôi nổi và được cán bộ, giảng viên giải thích cặn kẽ những vấn đề liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng theo luật định.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng, hằng năm Ban Chỉ đạo bảo vệ và PCCCR của huyện Mỹ Đức đều ban hành kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. UBND huyện phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức triển khai diễn tập nghiệp vụ chữa cháy rừng của địa phương, đặc biệt là các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng cơ sở.
Đồng thời, rà soát các trang thiết bị, dụng cụ PCCCR, chủ động huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy khi có tình huống xấu xảy ra.
Ban Chỉ đạo huyện cũng đã đề nghị các cơ quan liên quan, chủ tịch UBND các xã có rừng tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ và PCCCR… Nhờ đó, nhận thức của nhân dân và du khách về bảo vệ sự đa dạng của rừng đặc dụng Hương Sơn ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển du lịch cho huyện Mỹ Đức nói riêng và Hà Nội nói chung. (Hà Nội Mới 30/11) đầu trang(
56 cây sa mu dầu và 5 cây săng vì, có đường kính gần chục người ôm, tuổi thọ hàng trăm năm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong (Nghệ An) vừa được công nhận Cây di sản Việt Nam.
Mới đây, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong (Nghệ An) được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhân cây di sản, cho quần thể sa mu dầu và săng vì.
Trước đó, trong quá trình quản lý và bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã phát hiện tại tiểu khu 59, 61, thuộc địa bàn xã Hạnh Dịch (Quế Phong) có quần thể 56 cây sa mu dầu, 5 cây săng vì.
Mỗi cây có đường kính rộng từ 4-5m, chiều cao từ 50-70m và tuổi thọ ước tính hàng trăm năm. BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã xây dựng hồ sơ, đề nghị Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây di sản.
Sau quá trình thẩm định hồ sơ, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã ban hành quyết định, công nhận các quần thể sa mu và săng vì là cây di sản Việt Nam và tổ chức trao bằng công nhận.
Trong khi rừng đang bị tàn phá, nhiều nơi bị xơ xác, nghèo kiệt thì tại huyện Quế Phong vẫn tồn tại cả rừng sa mu, có đường kính hàng chụp người ôm. Đặc biệt, sa mu dầu được liệt vào loại gỗ rất quý hiếm (nhóm 1A) nên thường xuyên bị lâm tặc săn lùng, chặt hạ không thương tiếc.
Ông Nguyễn Danh Hùng, Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: Quần thể cây sa mu dầu và săng vì được công nhận là cây di sản, không chỉ là niềm vui của cán bộ, nhân viên BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, mà đó còn là niềm tự hào của người làm công tác giữ rừng và người dân huyện quế Phong. (Người Đưa Tin 30/11) đầu trang(
Là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, (QLBVR), đồng thời giữ vai trò quan trọng gắn kết hoạt động của cơ quan Kiểm lâm với cơ sở, những năm qua, lực lượng Kiểm lâm địa bàn (KLĐB) đã góp phần tích cực trong việc giữ rừng tại gốc, giúp người dân phát triển kinh tế rừng.
Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 645.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có trên 561.000 ha đất có rừng với 481.000 ha rừng tự nhiên, 80.000 ha rừng trồng; độ che phủ trên 67%, đứng thứ nhì toàn quốc. Các nguồn lợi thu được từ phát triển kinh tế đồi rừng trong những năm qua đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại một số địa phương có rừng trong tỉnh.
Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, từ ngày 15/9/2016, sau khi hợp nhất Chi cục Kiểm lâm với Chi cục Lâm nghiệp, ngoài công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình đảm nhận thêm nhiệm vụ trong công tác sử dụng và phát triển rừng.
Quảng Bình là một trong những tỉnh có mạng lưới giao thông khá đồng bộ, đa phần gắn liền với rừng, do đó, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động xây dựng các phương án phù hợp với đặc điểm tình hình công tác quản lý và bảo vệ rừng, trong đó chú trọng công tác tham mưu triển khai các Chỉ thị 03-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thực hiện văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và kiểm tra, kiểm soát lâm sản; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến huyện, thành phố để thực hiện nhiệm vụ truy quét lâm tặc phá rừng; phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng Quy chế 818 về phối hợp công tác bảo vệ rừng. Trong những năm qua, đơn vị đã bố trí 97 cán bộ công chức kiểm lâm về địa bàn cấp xã, phường, thị trấn để nắm bắt thông tin và trực tiếp tham mưu cho chính quyền cấp xã về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hàng năm, Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh truyền hình ở Trung ương và địa phương, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Sở Tư pháp và một số dự án tuyên truyền và kết hợp phổ biến về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Phòng cháy, Luật Đất đai, Luật Môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Đặc biệt, đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên đề “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng” phát sóng hàng tuần nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng; cảnh báo cháy rừng; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phê phán những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, giao đất, giao rừng và phát triển trang trại lâm nghiệp...
Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trên, đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đồng thời nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương và những đơn vị chủ rừng tổ chức các đợt kiểm tra rừng, truy quét tâm tặc, tuần tra kiểm soát lâm sản tại khu vực xung yếu, tụ điểm khai thác gỗ, phá rừng làm nương rẫy, xâm chiếm đất lâm nghiệp, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép trên địa bàn tỉnh.
Nhờ làm tốt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng nên số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng xảy ra có xu hướng giảm dần qua hàng năm; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng trong cộng đồng dân cư ngày càng tăng.
Cùng với việc sử dụng, phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.
Ngay sau khi hợp nhất, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai nhiệm vụ mới, đẩy mạnh công tác hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng của các dự án cơ sở tại các huyện, thị xã; trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính trên địa bàn tỉnh; đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đến năm 2025. Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm cũng đã tăng cường kiểm tra, lập hồ sơ và xác minh, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc theo quy định hoạt động khai thác rừng của các chủ rừng.
Ngoài công tác quản lý, bảo vệ rừng, KLĐB đã phổ biến các kiến thức về khuyến nông, khuyến lâm, các mô hình nông - lâm kết hợp cho người dân vùng nông thôn, miền núi. Nhờ vậy, phong trào trồng cây, gây rừng của cá nhân, hộ gia đình phát triển mạnh mẽ. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt bình quân trên 150.000 m3 gỗ/năm, đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, miền núi và đáp ứng được một phần về nhu cầu nguồn vật liệu gỗ và chất đốt, góp phần tạo việc làm, lao động, xoá đói giảm nghèo, giảm áp lực khai thác lâm sản trái phép từ rừng tự nhiên.
Phấn đấu mục tiêu phát triển vốn rừng kết hợp với các biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả và thực hiện mục tiêu 03 giảm là giảm diện tích rừng bị chặt phá, cháy, giảm tụ điểm buôn bán lâm sản trái phép, giảm số vụ vi phạm pháp luật về rừng và 03 tăng (tăng số cây trồng phân tán, diện tích rừng trồng, tăng chất lượng rừng, tăng phạm vi địa bàn), lực lượng Kiểm lâm các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức, từng cá nhân và bảo vệ tài nguyên rừng tại địa phương.
Thời gian tới, nhằm nâng cao năng lực KLĐB các xã, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề ra một số nhiệm vụ cần triển khai thực hiện, đó là: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho KLĐB phụ trách các xã trọng điểm an ninh rừng, giúp KLĐB nắm được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KLĐB cấp xã, để từ đó tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Nhà nước cũng như nâng cao kỹ năng tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng, gắn với việc thực hiện Đề án “Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, đề nghị của Nhân dân về công tác kiểm lâm” của Chi cục.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng hoạt động KLĐB, đồng thời phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể tại cơ sở, ngành có liên quan và chủ rừng để việc giữ rừng của lực lượng KLĐB nói riêng, Kiểm lâm nói chung ngày càng hiệu quả hơn. (Báo Quảng Bình 29/11) đầu trang(
Không chỉ đơn thuần là bảo vệ rừng, ngăn chặn lâm tặc, các kiểm lâm tại Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn còn có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết các loài động vật, nghiên cứu về thực vật để bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên.
Ông Trần Đức Phương, phó giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ VQG Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), đã khẳng định như vậy trước khi dẫn chúng tôi bắt đầu một chuyến hành trình trải nghiệm... một ngày làm kiểm lâm.
14g, với một bộ quần áo kiểm lâm, balô đựng đồ ăn, thức uống và chiếc võng quân dụng đựng trong túi xách, chúng tôi leo lên xe đạp bắt đầu di chuyển vào rừng theo sự hướng dẫn của ba cán bộ kiểm lâm. Hai bên con đường vào VQG Yok Đôn chủ yếu là rừng khộp thưa cây, lá rộng. Đây cũng là VQG được công nhận duy nhất ở VN bảo tồn loại rừng khộp đặc biệt này với diện tích 145.540ha (cả nước có 150.000ha).
Sau hơn 2km đi tuần tra bằng xe đạp, địa điểm chúng tôi dừng chân đầu tiên là chốt trạm kiểm lâm số 2 được xây lên ngay sát bờ sông Sêrêpốk. Tạm cất xe đạp tại chốt, tất cả mọi người được chỉ định không đi theo đường mòn mà bắt đầu “cắt rừng” đi bộ tuần tra. Điều đầu tiên chúng tôi phát hiện là những dấu vết của loài lợn rừng ủi đất kiếm ăn.
Lấy cuốn sổ tuần tra vừa ghi chép, anh Phạm Đức Huy - đội phó đội cơ động PCCC rừng, người đi cùng chúng tôi - cho biết những hố ủi to và rộng như thế này chứng tỏ con lợn rừng khá lớn. Có dấu vết cũ, dấu mới cho thấy quanh khu vực này có khá nhiều lợn rừng. Theo anh Huy, mỗi kiểm lâm còn được trang bị một smartphone để khi gặp dấu vết di chuyển của các loài voi, lợn rừng, bò tót... có thể lập tức định vị tọa độ và truyền về máy chủ 
tạo cơ sở dữ liệu.
Do voi là đặc trưng của VQG Yok Đôn và là hình ảnh của Tây nguyên, nên công tác tìm kiếm và bảo tồn được chú trọng hơn cả. “Nhiệm vụ của chúng tôi còn là theo dõi hướng di chuyển, tần suất xuất hiện. Từ đó sẽ tạo nguồn nước, thức ăn để kéo động vật về với rừng, kết hợp cảnh báo từ xa khoanh vùng” - anh Huy chia sẻ.
Tiếp tục tiến sâu vào trong rừng, những cây le rậm rạp cao quá đầu người che hết cả lối đi. Vượt qua những con dốc cheo leo, chúng tôi tiến gần tới một con suối nhỏ. Tây nguyên đang mùa mưa nên lượng nước tại các con suối khá dồi dào. Nơi đây có khá nhiều cây lộc vừng (hay còn gọi là lộc mưng), loài cây chỉ nở hoa khi sống ven bờ nước. Các cán bộ kiểm lâm cho biết cứ mỗi dịp tháng hai âm lịch, hoa lộc vừng nở đỏ rực cả bờ suối và đặc biệt là hoa chỉ nở muộn, bắt đầu vào lúc xế chiều đến sáng hôm sau.
Trên đường di chuyển vào vùng lõi của rừng, chúng tôi bắt gặp vô số kể tổ ong mật. Theo anh Lương Hữu Phép - cán bộ kiểm lâm, đây là thời điểm ong quay về làm tổ để ong chúa đẻ trứng, sinh đàn, chuẩn bị quân số ong thợ cho mùa mật kế tiếp nên mật 
hầu như có rất ít.
Vùng lõi của VQG Yok Đôn có nhiều cây gỗ lớn quý hiếm đặc trưng của vườn như gỗ hương, cẩm lai... Ngoài việc bảo vệ, nhiệm vụ của các kiểm lâm còn phải nghiên cứu hệ sinh thái rừng. “Mỗi cán bộ kiểm lâm đều có cuốn nhật ký riêng, trong đó ghi lại diễn biến của hiện trạng rừng, thông tin quan sát được về các loài động thực vật trong chuyến tuần tra nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của 
vườn” - anh Phép nói.
Trời bắt đầu tối dần. Những cơn mưa rừng rả rích xuyên qua tán lá ngấm vào chiếc balô khiến mỗi bước chân thêm nặng nề hơn. Sau một quãng thời gian nghỉ ngơi ăn uống tại chốt kiểm lâm Đắk Lau, chúng tôi được trang bị thêm đèn đội đầu để đi tuần tra đêm. Sau khi đi khoảng 2km trên đường cái, đoàn bắt đầu “cắt rừng” đi sâu vào bên trong. Anh Huy, kiểm lâm dẫn đoàn, cho biết mỗi kiểm lâm đều được trang bị một la bàn để tránh bị lạc khi đi tuần tra.
“Vào ban đêm chúng tôi thường ít khi sử dụng đèn pin bởi dễ bị lộ. Khi nghe tiếng động hoặc máy cưa ở hướng nào, anh em tự mò mẫm di chuyển theo hướng đó. Có những trường hợp khẩn cấp không kịp mang theo la bàn có khi lạc giữa rừng, chúng tôi chỉ còn cách men theo bờ suối 
để trở ra” - anh Huy kể.
Trời tối đen như mực. Xung quanh không gian im ắng nên có thể nghe cả tiếng ếch nhái, côn trùng kêu, muỗi bay vo ve rõ mồn một. Bất ngờ có tiếng xe máy từ xa, nghi có người xâm phạm rừng trái phép, anh Huy yêu cầu chúng tôi tắt đèn và mật phục ở bụi cây. Sau 20 phút chờ đợi không thấy xe máy xuất hiện và âm thanh máy nổ cũng nhỏ dần rồi biến mất, các cán bộ kiểm lâm nhận định xe đã di chuyển theo hướng vào buôn Drang Phok và lập tức thông báo cho đội tuần 
tra ở khu vực đó.
Tiếp tục chuyến tuần tra, chúng tôi tò mò khi nhìn thấy những đàn trâu được giăng lưới nhốt vào, hay vài ba thửa ruộng trồng ngay giữa rừng. Anh Quỳnh - kiểm lâm viên trong đoàn - giải thích rằng đây là đàn trâu và lúa của người dân buôn Drang Phok (có từ lâu đời ngay giữa VQG Yok Đôn) được cho phép chăn thả và trồng trọt ở một vài địa điểm không 
nhạy cảm.
Giơ chân cao, lách người qua một bụi cây rậm rạp, anh Quỳnh chia sẻ rằng đi rừng rắn, rết rất nhiều nên đôi giày là thứ cực kỳ quan trọng, dù ướt hay rác cỡ nào cũng không được tháo ra. Thấy chúng tôi đã mệt nhoài khi đi bộ hơn 15km đường rừng, người chỉ huy cho cả đoàn nghỉ ngơi và dạy cách mắc võng. Chiếc võng to hơn bình thường được phủ mền bên trong trông giống như 
một tổ kén khổng lồ.
Anh Huy cho biết các chuyến tuần tra tại đây thường là 3-4 ngày, có khi cả tuần. “Khi có thông báo địa điểm có khả năng xuất hiện lâm tặc vào ban đêm, anh em thường mắc võng để mật phục. Có khi thức trắng đêm, muỗi đốt cũng không dám đập vì khi có mùi máu chúng càng tới nhiều hơn. 80% kiểm lâm tại vườn đều từng bị sốt rét” - anh Huy nói.
Cũng theo anh Huy, khí hậu hai mùa cũng khiến việc tuần tra trong rừng gặp nhiều khó khăn. Mùa khô thì thiếu nước uống, mùa mưa thì nước lớn tràn về khiến việc di chuyển qua các con suối vất vả hơn. 11g đêm. Về khuya, trời càng lạnh. Chúng tôi quay lại chốt kiểm lâm Đắk Lau nghỉ ngơi và đi bộ trở về vào sáng hôm sau. Trở về sau quãng đường hơn 30km đi bộ, anh Huy nhìn chúng tôi cười nói: “Đây mới chỉ là 1/1.000 thứ mà các bạn vừa trải nghiệm về nghề kiểm lâm”.
Ông Nguyễn Văn Long, giám đốc Trung tâm giáo dục MT&DV VQG Yok Đôn, cho biết hiện có những tour du lịch tại vườn như phượt đêm, học làm quản tượng, một ngày trong rừng... Những tour du lịch này không đặt nặng vấn đề thu phí mà mục đích chính là để mọi người, nhất là các bạn trẻ, trải nghiệm để yêu rừng hơn.
“Chúng tôi vừa đưa vào tour du lịch “stay home” để du khách ngoài việc khám phá ở rừng sẽ trải nghiệm việc cùng người dân trong buôn làm việc, ăn uống... Điều này vừa để người dân có thu nhập và quan trọng hơn là nâng cao nhận thức để nhận ra rằng còn rừng thì con người còn tồn tại, đó mới là sống dựa vào rừng” - ông Long nói. (Tuổi Trẻ 28/11) đầu trang(
Vốn được xem là "lá phổi" của trái đất, rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và sự đa dạng sinh học trên hành tinh chúng ta.
Bởi vậy, bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên rừng luôn trở thành một yêu cầu, nhiệm vụ không thể trì hoãn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đó là một thách thức vô cùng to lớn đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức thuộc các cấp trong một quốc gia và trên thế giới nhận thức được vai trò và nhiệm vụ của mình trong công tác phục hồi và phát triển rừng.
Vì vậy, ở bài viết này, tôi chia sẻ về một cán bộ lâm nghiệp xã vùng cao, với cái tâm của một người yêu rừng, đã cống hiến hết mình, đã sống với rừng!
Hơn 20 năm công tác ở một huyện cánh nam của tỉnh, sau một đợt luân chuyển, tôi nhận công tác tại xã Tam Trà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Đây là một xã miền núi nằm về phía tây của huyện Núi Thành, là xã đặc biệt khó khăn với diện tích tự nhiên 9.713 ha, trong đó rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn gần 6000 ha. Địa hình đa phần là vùng núi cao hiểm trở, xa khu dân cư.
Xã gồm có 8 thôn, hơn 260 hộ dân tộc Kor, chiếm trên 30% dân số toàn xã, đường sá đi lại còn rất khó khăn, giao thông cách trở nhất là về mùa mưa, đời sống của đại bộ phận người dân sống phụ thuộc vào rừng. Việc thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng luôn được Nhà nước và nhân dân quan tâm.
Lần đầu tiếp cận địa bàn, tôi gặp người cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã với ánh mắt hiền từ, khuôn mặt phúc hậu, giọng nói ấm áp trông rất có cảm tình. Anh tên là Nguyễn Ngọc Mính. Qua thời gian cùng công tác, tôi khẳng định rằng cái nhìn ban đầu của tôi vế anh không sai chút nào. Anh là người rất có tâm với công việc, luôn nhiệt tình năng nổ, không tự tư, tự lợi vì bản thân, hết lòng vì tập thể anh em đồng nghiệp.
Hai anh em chúng tôi ngoài những công việc giải quyết ở UBND xã, hằng ngày cùng nhau vào rừng để kiểm tra, phát hiện kịp thời những vụ việc xâm hại đến rừng. Rừng núi Tam Trà vốn không chỉ có nhiều gỗ quý, động vật rừng đa dạng còn là nơi cung cấp nguồn nước thiên nhiên vô tận cho đời sống con người.
Chính vì lẽ đó đặt nhiều thách thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng, với trách nhiệm mà nhân dân đã giao phó và nhiệt huyết bảo vệ rừng, rừng núi Tam Trà nơi nào cũng có dấu chân anh, anh thuộc từng con suối lội qua, những con đường mòn trải dài đến những khu vực mà bọn lâm tặc thường phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản trái phép, từ vùng giáp ranh Trà Bồng, Quảng Ngãi, Trà Cót Bắc Trà My đến Núi Chúa, Dốc Huỹnh, Khe Rươm, Nà Tre... nơi nào anh cũng tới. Chúng tôi cùng công tác với nhau gần ba năm nhưng với tôi đó là thời gian có những ký ức đẹp.
Tôi nhớ như in, mỗi sáng sớm khi chúng tôi  đi kiểm tra rừng, sau tiếng gà gáy canh ba, người vợ hiền của anh thức dậy, sau khi lo cho chồng một bữa ăn sáng, chị nhanh nhẹn chặt hai tàu lá chuối non, hơ nhẹ qua ngọn lửa và gói hai nắm cơm, rắt một ít muối rang đậu phụng lên trên, nắm thật chặt để cơm vện lại, không bị rời rạc, giữ nóng được lâu cho vào chiếc túi cùng với 2 lít nước chè xanh với vài cộng chổi thơm ngát để bữa trưa của hai anh em chúng tôi ấm bụng, vững cái chân.
Từ nhà đến khu rừng chúng tôi đi chừng 7km. Sau một vòng đi quanh khu rừng ở Núi Lớn, anh em chúng tôi nghỉ trưa dưới một tán cây Sung rộng ở bìa rừng, ăn tạm nắm cơm khi sáng và uống ngụm nước chè xanh pha chổi, tôi thấy trong lòng mình thật ấm áp. Nắm cơm ấy chứa đựng biết bao tình cảm, tình vợ chồng, tình đồng nghiệp.
Cuộc sống quanh năm chỉ biết, chỉ thấy có rừng, nhiều lúc tôi buồn nhớ vợ con cha mẹ dưới xuôi. Nhưng chính tình yêu và thái độ không ngại nắng mưa của anh Mính, tôi thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, vơi nỗi buồn. Có những lúc trời nắng oai bức, sau khi đi bộ hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đến được chân núi, nhìn ngước cổ, ngửa mắt lên trời thấy ngọn núi chót vót trước mặt tưởng chừng như không thể lên đến đỉnh núi được, anh động viên tôi: “cố lên chú, sẽ đến thôi, trên đó gió rừng đại ngàn không khác gì cái máy lạnh nhà chú đâu, còn hơn thế nữa ấy”.
Có ai không chạnh lòng khi nghĩ đến tuổi già? Những khi xong việc, dừng chân ỏ bìa rừng, anh đã tâm sự  "như chú, sau này về hưu cũng có chút ít tiền an ủi tuổi già, còn tôi..." (với phụ cấp quá ít ỏi 200.000 đồng/1 tháng cho một cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã chẳng đáng là bao).
Nghĩ đến đây, tôi càng cảm thông, cảm động trước sự hy sinh thầm lặng của anh Mính. Bên cạnh đó, khi có chủ trương chính sách, văn bản liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, hằng đêm trên tay cầm chiếc đèn pin anh lặn lội đi đến nhà văn hóa từng thôn để tuyên truyền, địa bàn cả xã có đến 8 thôn, có 2 thôn là người dân tộc thiểu số, vậy mà anh cứ lẳng lặng đi vận động từng thôn, đến từng hộ dân ký cam kết không phá rừng tự nhiên, đốt nương làm rẫy, không khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép...  Ngày qua ngày việc làm của anh đa phần được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Người hiểu lý lẽ thì cho rằng "việc làm của anh thật đáng khâm phục". Tuy nhiên, một bộ phận người dân vì cuộc sống mưu sinh, vì không có công ăn việc làm vẫn lén lút vào rừng làm trái quy định của pháp luật, khi anh Mính và Kiểm lâm địa bàn phát hiện lập biên bản, mời đến trụ sở Ủy ban xã để làm việc thì lại trách móc, anh Mính là chỗ anh em, bà con thân cận sao lại làm thế, bước ra khỏi phòng làm việc là xưng hô Cậu, Cháu...
Nhìn vẻ mặt tội nghiệp khó xử của anh Mính tôi rất thông cảm. Có lần ảnh tâm sự rằng, làm xong công việc anh đi về ít bị mách lòng, còn tôi đi đến đâu đều gặp bà con hàng xóm láng giềng, rồi những hôm đám giỗ, ngày Tết, ngày tổ chức đám cưới cho con... tránh đi đâu được nhưng vì công việc, vì trách nhiệm Nhà nước và nhân dân giao cho, vì muốn giữ lại màu xanh cho rừng, vì để giảm nhẹ thiên tai, hạn hán, lũ lụt... và vì tương lai cuộc sống cho đời sau, thôi mách lòng đành chịu vậy.
Nghe như vậy tôi như chạnh lòng, chỉ biết an ủi ảnh thôi "anh em mình tất cả vì cuộc sống, vì tương lai con em chúng ta, hãy giữ lấy màu xanh cho rừng", sau này khi hiểu chuyện họ sẽ phải cảm ơn chúng ta thôi. Anh Mính và tôi có cùng quan điểm. Chính vì thế tình cảm anh em ngày càng khắn khít hơn.
Một cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã, hơn hai mươi năm gắn bó với rừng, tuổi đã gần 60 mà vẫn còn nhiệt huyết đến thế. Tôi thật cảm động khi nghe những lời tâm sự của anh "Ước gì anh em mình còn sức khỏe, cùng đi rừng thêm được ít năm nữa, thì vui biết mấy, anh còn nhiều năm công tác anh hãy dốc hết sức mình giúp bà con Tam Trà giữ được những mảnh rừng còn lại do công sức anh em mình đã bỏ ra bấy lâu nay, rừng không chỉ là nguồn tài nguyên quý mà nó còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cho bà con chúng ta, còn tôi thì đã đến lúc phải nghỉ vì sức khỏe, tôi ngày đêm cầu nguyện cho những cánh rừng vẫn mãi mãi xanh tươi".  So với sự nhiệt tình tâm huyết của anh Mính thì sự cống hiến của tuổi trẻ bây giờ chẳng đáng là bao.
Hồ Chủ Tịch đã từng nói "Rừng là vàng, nếu chúng ta biết bảo vệ thì rừng rất quý" nhưng hiện nay một bộ phận người dân chưa am hiểu được tầm quan trọng của rừng, vì cái lợi nhuận về kinh tế trước mắt, họ sẵn sàng bất chấp tất cả, hủy hoại môi trường để rồi phải đón nhận những trận lũ lụt, hạn hán liên tục xảy ra.
Hiện nay Đảng và Nhà nước ta cũng đã ban hành một số chính sách và giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhằm giúp người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của rừng và cùng nhau bảo vệ rừng. Đối với anh Mính, niềm an ủi lớn nhất của bản thân anh bây giờ là người dân dần dần nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ rừng mà anh đã dày công gắn bó.
“Rừng là cuộc sống của tôi”, điều này thật đúng với cuộc sống của anh Mính. Đến hôm nay rừng Tam Trà vẫn  giữ được màu xanh, chim vẫn hót bài ca đại ngàn, gỗ vẫn thơm, vẫn sáng lấp lánh, vẫn cường tráng với đủ chủng loại. Có ai nghĩ đến một phần đóng góp thầm lặng của anh Mính - một cán bộ lâm nghiệp xã.
Tôi cũng chỉ là một người làm công tác Lâm nghiệp, sẽ trở về miền xuôi khi đến tuổi, còn những người như anh Mính, sẽ ra sao khi cái chân không thể vào rừng.
Vì vậy, tôi tha thiết mong rằng, các cấp chính quyền đề xuất, tham mưu với cấp trên sớm ban hành chế độ ưu đãi cho những người có thâm niên công tác lâu năm, làm công việc nặng nhọc, đặc biệt là công tác quản lý bảo vệ rừng để những mảnh rừng mãi mãi thêm xanh. (Báo Quảng Nam 26/11) đầu trang(
Đến xã Dân Chủ, ngoại ô thành phố Hòa Bình, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi được chiêm ngưỡng rừng lim xanh cổ thụ. Ở nơi cận kề phố xá mà như được lọt giữa rừng sâu núi thẳm, để rồi càng trân trọng những con người nơi đây đã gắng công gìn giữ khối tài sản tự nhiên vô giá.
Khu rừng cổ thụ của xóm Bái Yên, xã Dân Chủ, san sát  những cây lim đứng vững chãi, cây nào cũng xù xì to lớn đường kính cỡ trên dưới một mét. Cây nọ nối tiếp cây kia tạo thành tán rừng râm mát, tàng cây dày đến độnhững tia nắng mặt trời cũng không thể xuyên qua nồi tầng lá.
Ông Hoàng Văn Hon, trưởng xóm Bái Yên cho biết, cánh rừng này có từ thuở xa xưa. “Từ lúc sinh ra tôi đã thấy có những cây cổ thụ. Tôi cũng chỉ nghe các cụ nói là từ thời quan lang bắt người dân trồng rừng lim này để họ làm nhà. Mọi người dân trong xóm đều coi đây như là linh vật của trời đất và cha ông để lại. Cả khu rừng đã chở che, làm nên sự yên bình cho xóm làng. Có rừng là có nước, có thức ăn, có suối nguồn tuôn chảy. Ý thức được điều đó, nên người dân chúng tôi cùng bảo nhau không được phá rừng”, ông Hon nói.
Thế nhưng theo ông Hon, cách đây hơn 20 năm, “cơn sốt” gỗ quý bỗng nhiên nổi lên, lâm tặc rình rập những cây lim cổ thụ tuổi hàng trăm năm này. Cứ đêm đến, chúng dùng cưa cắt cây mang đi, và sáng hôm sau người dân phải chứng kiến những cành cây đổ ngổn ngang. Trước thực trạng đau lòng đó, trong xóm có 2 người đã đứng ra xin bảo vệ và phục hồi rừng lim cổ thụ, đó là ông Nguyễn Tiến Tý và ông Nguyễn Văn Nghiêm.
Từ năm 2001, Ông Nguyễn Tiến Tý đã lập Dự án  bảo vệ phát triển rừng kết hợp kinh tế trang trại nông- lâm tổng hợp tại xã Dân Chủ, trình lên xã và thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) và được lãnh đạo Chính quyền ủng hộ. Ông Tý cho chúng tôi xem nhiều văn bản của Chính quyền ủng hộ và chỉ đạo hoạt động trồng và bảo vệ rừng của ông.
Đó là, văn bản kết luận tại biên bản họp thông qua dự án ngày 22/11/2002 tại UBND xã; biên bản hội nghị thẩm định dự án của UBND thị xã Hòa Bình ngày 06/8/2003; Thông báo kết luận số 211/TB/VP Kết luận của ban thường vụ thị ủy ngày 29/12/2003 về việc cho phép chủ trương thực hiện dự án bảo vệ rừng phòng hộ kết hợp sinh thái khu vực rừng lim xã Dân chủ; Quyết định số 19/QĐ/UB ngày 28/11/2003 của UBND thị xã về việc giao rừng cho ông Tý bảo vệ và tiến hành trồng bổ sung trên toàn bộ diện tích được giao…
Dưới những gốc lim cổ thụ, ông Tý say sưa kể cho chúng tôi nghe chuyện giữ gìn cánh rừng quý này. Sau khi đã được nhận bảo vệ và trồng rừng lim, hai ông Tý và Nghiêm đã chuyển nhà từ trong xóm đến gần rừng lim ở. Đêm nào lâm tặc cũng rình rập để chặt cây, nên 2 ông lúc nào cũng phải bám rừng “đi tuần” để kiểm tra.
“Mình ở đây thì chúng nó rút, mình rút thì chúng nó lên rừng. Những đối tượng này chủ yếu ở địa bàn khác đến, chúng có thể ngồi hàng ngày, hàng đêm để rình. Cứ có tiếng động lạ trong rừng hoặc có nguồn tin báo là phải tức tốc đi kiểm tra ngay. Bởi lẽ mỗi một cây lim bị lâm tặc hạ bệ chẳng khác nào một nhát dao chém vào mình vậy”, ông Tý tâm sự.
Trong suốt hơn 15 năm qua, 2 ông đã dốc sức bảo vệ tốt 2 rừng lim (rừng lim 1 và rừng lim 2), nhặt hạt cây tự ươm giống để trồng bổ sung cây lim xanh vào các khoảng trống  đảm bảo mật độ 200cây/ha theo mục tiêu dự án.Chẳng mấy chốc những cây lim mới mọc lên ngay cạnh những cây bị đốn hạ.
Nhằm bảo vệ tốt cánh rừng, ông đã đầu tư làm 1000m đường lâm nghiệp và những con đường đi bộ trong khu rừng, tổ chức bảo vệ phòng chống cháy theo phương án của hạt kiểm lâm thành phố.Đến nay, rừng lim đã được mở rộng diện tích ra trên 50 ha. Trong khu rừng hiện có hơn 300 cây lim cổ thụ được đánh số để bảo vệ.
“Ở nước ta, cây lim to nhất phải kể đến ở Yên Cát (Như Xuân - Thanh Hoá) với đường kính khoảng 1,5 m. Trong khi đó, ở khu rừng lim này có hàng chục cây lim có đường kính tương đương. Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường, những cây sống trên 200 năm được coi là cây di sản Việt. Nếu xét theo tiêu chí này, rừng lim này có trên 200 cây được coi là cây di sản”, ông Tý cho hay.
Bên cạnh gìn giữ rừng lim, tận dụng 2 hồ nước ở ven khu rừng,ông Tý và ông Nghiêm trồng hàng nghìn cây lộc vừng và sanh ở xung quanh hồ. Dưới tán rừng, 2 ông trồng xen cây bản địa với những loại cây bách bệnh, cây cà gai leo.
Ông Tý cho biết: “Tôi đầu tư công sức nhiều, nhưng đến giờ vẫn gần như chưa có thu nhập từ rừng, không phải vì không thể tạo được nguồn thu nhập, mà là vì tôi muốn để dành. Hiện giờ mỗi cây lộc vừng từ 5-10 năm tuổi, bán rẻ đi cũng đã có tiền tỷ, nhưng tôi sẽ không bán. Bởi nghĩ đời mình không hưởng thì đời con sẽ được gặt hái.
Tôi đang học hỏi nuôi lợn rừng, và thử nghiệm thả nuôi hàng chục con lợn trong khu rừng. Giống lợn này rất hợp khi được thả rông, chúng ăn đủ thứ cỏ, cây, hoa lá ở khu rừng.Sống ở môi trường hoang dã nên thịt của chúng rất thơm ngon. Tôi mong muốn sau này khi có điều kiện thì sẽ biến nơi đây thàn khu du lịch sinh thái, thu hút khách đến đây tham quan, họ sẽ được thưởng thức những thực phẩm và đặc sản sạch”.
Được biết, những năm gần đây, hiện trường 2 rừng lim do ông Tý cùng gia đình và bà con trong trong xóm nỗ lực bảo vệ tốt đã được Tổng cục Lâm nghiệp chọn là địa điểm thực hành các bài giảng về Biến đổi khí hậu và REDD+ cho các cán bộ của cơ quan Trung ương, các Viện nghiên cứu, trường đại học nông lâm nghiệp, các nhà báo, giới truyền thông và các tổ chức phi chính phủ do Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng thực hiện.. (Thời Báo Kinh Tế 28/11) đầu trang(
Tháng 11, bầu trời Định Quán, Đồng Nai trong vắt. Nắng vàng rải nhẹ. Từ km122 quốc lộ 20 cách bìa rừng không xa, nhóm khảo sát bốn người đeo đèn đội đầu, nón bảo hộ chuẩn bị tiến vào hang.
Đây là hang nham thạch, dấu tích phun trào của núi lửa từ cổ xưa. Hang dài, bốc lên mùi hôi khắm, nồng khó chịu.
Dẫn đầu đoàn khảo sát là tiến sĩ Joe Chun-Chia Huang, làm việc tại Học viện Sinica, Đài Loan với 14 năm kinh nghiệm nghiên cứu về dơi. Đi cùng là thạc sĩ Trương Bá Vương, Viện sinh học nhiệt đới và Hoàng Thị Ngọc Minh, sinh viên năm cuối ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH 
Quốc gia TP.HCM.
Kéo dài từ tháng 11 qua tháng 12, chuyến khảo sát là hoạt động nằm trong chương trình nghiên cứu về dơi ở miền Nam Việt Nam trải qua các hang động, vườn quốc gia, rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Định Quán và huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Câu hỏi mà nhóm tìm kiếm là vai trò sinh thái của dơi đối với nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng chủ lực địa phương như cà phê, cao su, tiêu, điều... và có hay không tác động từ các đồn điền đến nơi ở, tập tính sinh sống và số lượng thành phần loài dơi.
Trước khi xuống hang, ông Sáu phân dơi - người dân địa phương lâu nay làm nghề hốt phân dơi - dặn dò chúng tôi về việc đừng đi quá sâu: “Càng vô sâu càng hôi, tối, khó thở. Lúc nào thấy ngộp ngộp là đi ra sớm, lỡ ngất xỉu trong đó không ai hay mà lôi ra”.
Trưởng đoàn khuyến khích mọi người bỏ áo vào quần, xịt thuốc chống muỗi quanh các vị trí hở, đeo găng tay, mang bốt cao su và không lớn tiếng trong hang làm dơi thức giấc.
Mất khoảng một giờ để nhóm khảo sát địa chất, cảnh quan trong hai hang, thu thập mẫu vật liên quan, đánh giá sơ bộ hệ động thực vật ngoài cửa hang. 14g30, nhóm tiến hành lắp bẫy.
Harp trap là tên gọi loại bẫy đặc dụng bắt dơi, mô phỏng đàn hạc với bốn lớp dây cước trong suốt dựng thành bức tường cao gần 2m, đủ thưa để không cản sóng âm do dơi phát ra, đủ dày để dơi bay vào sẽ mắc lại. Phía dưới khung dây cước là tấm bạt hứng dơi rơi xuống.
Nói thì đơn giản nhưng không dễ như vậy. Bẫy giăng xong lại bung ra, cả nhóm chỉnh sửa, tháo ra lắp lại. Ba người chạy đua với mặt trời để hoàn thành harp trap trước khi dơi thức giấc...
Qua ngày thứ hai, khi đã quen với chiếc bẫy, nhóm lắp đặt trong một loáng 30 phút.
Nhưng do địa hình phức tạp, ông Joe yêu cầu: “Giờ Minh sẽ là người quyết định chiếc bẫy thứ hai đặt ở đâu, như thế nào. Nên nhớ là khi mới bay ra khỏi hang, dơi cần khởi động quanh khu vực cửa hang. Vì vậy hãy chọn vị trí đón đầu nó”.
17g, rừng cây giá tị tối hẳn. Bẫy đã ổn. Nhóm nghiên cứu tránh xa cửa hang, ngồi chờ dơi và “làm mồi” cho muỗi.
Yên lặng, những đợt dơi đầu tiên bay ra. Hai luồng đen kịt phả vào nhau từ hai cửa hang đối diện, bay vút lên cao, lượn quanh cây cối. Hàng ngàn con dơi xông vào giữa màn đêm mà không hề va đụng, chỉ nghe tiếng cánh đập nhẹ và đều.
Joe chỉ ra hai dấu hiệu: mùi hôi thỉnh thoảng xộc lên từ trong hang đó là khi dơi thức giấc và muỗi ngớt dần là khi dơi bắt đầu dùng bữa.
Dơi rơi bẫy. Không gian chật hẹp bên trong tấm bạt cho phép dơi tiếp tục bay nhảy. Mỗi người phải dùng găng tay và có kỹ thuật để tóm được dơi.
Vừa thuyết phục tôi bắt thử, ông Joe vừa nói: “Dơi sẽ cắn vào tay người để tự vệ nhưng không hút máu như trong phim đâu. Có chăng là một loài dơi ở Mỹ Latin, còn lại chúng chỉ ăn trái cây và côn trùng. Tội nghiệp, người phương Tây cứ nhìn dơi là nhắc đến ma cà rồng, điềm xui xẻo”.
Mỗi đêm, nhóm thu 15-20 con dơi, cố gắng xử lý mẫu nhanh chóng. 21g, tại khách sạn, nhóm cân đo kích thước dơi, quan sát hình dáng, mặt mũi, màng da trên cánh, đo sóng siêu âm và hàng chục thông tin khác để nhận diện loài.
Một vài mẫu phân dơi được lưu giữ trong dung dịch cồn, chờ đem về phòng thí nghiệm phân tích để biết dơi ăn gì. Với những con chết vì yếu được ngâm vào ethanol bảo quản. Bước cuối cùng là đặt vòng số trên từng cá thể và cho dơi uống nước.
Sáng hôm sau, nhóm quay lại chỗ cũ thả dơi về hang.
Từng nghiên cứu về dơi tại Malaysia, Indonesia, Đài Loan, TS Joe cho biết số loài dơi tìm thấy ở Đài Loan là 36, Mỹ 46, Trung Quốc xấp xỉ 100, Indonesia khoảng 200, Việt Nam hơn 120 (năm 2013).
Hằng năm, hoạt động mở rộng đồn điền dần dần làm các loài dơi rừng mất “nhà”, phải thích nghi và thay đổi tập tính để tồn tại. Diện tích đất trồng cà phê, tiêu, điều, cao su ở Việt Nam thuộc hàng lớn nhất nhì thế giới là một bối cảnh phù hợp cho nhóm nghiên cứu.
Hội tụ các yếu tố rừng, vườn quốc gia, núi, hang và dơi, Đồng Nai được chọn làm địa điểm nghiên cứu chính trong năm nay. Trong năm 2017, nhóm dự kiến mở rộng khảo sát ở các tỉnh vùng cao nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Ngoài dơi, nhóm còn thu thập các yếu tố khác như côn trùng gây hại trên cây điều, cao su, cà phê, lúa, trái cây quanh khu vực dơi sống, nhưng chưa có kế hoạch nghiên cứu về hoạt động của con người trực tiếp tác động lên dơi.
Từ dữ liệu, mẫu vật khảo sát, một chuyên gia khác về đa dạng sinh học dùng thuật toán thống kê và mã vạch ADN để xác định tình trạng đa dạng sinh học loài, tìm ra điểm khác biệt giữa dơi rừng và dơi đồn điền, phân tích tập tính thích nghi của dơi trước môi trường sống thay đổi.
Nhưng với kinh nghiệm, ông Joe cho biết: “Mỗi đợt dơi bay ra tầm 15 con, tính riêng hai hang ở km122 có 4.000-5.000 con, mỗi đêm tiêu thụ ít nhất 20kg 
côn trùng”.
Ông Nguyễn Trần Vỹ, cán bộ Viện Sinh học nhiệt đới từng đi tiền trạm cùng ông Joe, cho biết: “Không chỉ là thiên địch của nhiều loài côn trùng gây hại trong nông nghiệp, một số loài dơi ở vùng Ma Thiên Lãnh (Tây Ninh) còn giúp cây sầu riêng thụ phấn về đêm. Ngoài ra khi đến Bảo Lộc, chúng tôi được thử cà phê... dơi do người dân nhặt trong vườn. Rất ngon!”.
Qua tìm hiểu, một trang web của Anh rao bán cà phê chồn Bali (Indonesia) với giá 22 bảng Anh/50g, cà phê dơi Costa Rica 17 bảng Anh/50g. Mặc dù vậy, ông Joe không khuyến khích việc này vì sợ dơi sẽ bị bắt nhốt để... sản xuất cà phê như chồn.
Nói về mục đích chương trình nghiên cứu, TS Joe mong muốn thay đổi suy nghĩ của người dân, chính quyền địa phương về vai trò, lợi ích của dơi với môi trường và nông nghiệp, mở ra hướng bảo vệ, quản lý đàn dơi hiệu quả thông qua dữ liệu, mô hình khoa học.
Dù vậy, ông Joe thừa nhận điều tra sinh thái là nghiên cứu tốn nhiều thời gian, chi phí, chưa được nhiều quốc gia quan tâm. Nhưng đó là con đường giúp phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với tự nhiên.
Chương trình nghiên cứu về dơi ở miền Nam Việt Nam do nhóm chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học (Học viện Sinica, Đài Loan), Viện sinh học nhiệt đới (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) và bộ môn sinh thái - sinh học tiến hóa (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) phối hợp tổ chức.
Mục tiêu là xác định vai trò, lợi ích của dơi với môi trường và nông nghiệp, mở ra hướng bảo vệ, quản lý đàn dơi hiệu quả thông qua dữ liệu, mô hình khoa học. (Tuổi Trẻ 29/11) đầu trang(
Tổ công tác của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành phối hợp với các đơn vị chức năng vừa phát hiện, bắt quả tang ông Nguyễn Thành Kinh (sinh năm 1968, trú huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đang đặt bẫy để bắt động vật hoang dã trái phép trong rừng Sơn Trà.
Ngày 29/11, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho hay, Tổ công tác của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành, UBND phường Thọ Quang cùng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng vừa tổ chức tuần tra, truy quét tại khu vực 696 đổ về hướng Hố Sâu thuộc tiểu khu 63 Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Qua đó phát hiện, bắt quả tang ông Nguyễn Thành Kinh (sinh năm 1968, trú thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đang đặt bẫy để bẫy bắt động vật hoang dã trái phép. Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện, tạm giữ 01 xe mô tô, 01 cái rựa và 21 dây bẫy bằng ruột phanh xe đạp. Vụ việc hiện đang được lực lượng kiểm lâm lập hồ sơ để xử lý theo thẩm quyền.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, trong 1 tháng qua, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn phối hợp với các đơn vị hữu quan đã tổ chức 7 đợt kiểm tra rừng; qua đó đã phát hiện và tháo dỡ 256 bẫy thú, đẩy đuổi 12 đối tượng xâm nhập trái phép vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Qua tuần tra kiểm soát lâm sản, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cũng lập biên bản xử lý 6 vụ vi phạm hành chính, trong đó có 5 vụ về khai thác rừng, phá rừng trái phép. Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng người dân vào các vùng lõi của rừng Sơn Trà để khai thác cây mây và hái quả trâm, ảnh hưởng tới công tác quản lý, bảo vệ rừng, xâm hại đến hệ sinh thái.
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã giao Chi cục Kiểm lâm TP xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND quận Sơn Trà xây dựng các chốt kiểm tra để tăng cường công tác bảo vệ rừng Sơn Trà. Tuy nhiên việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn về phân công vai trò, nhiệm vụ, đặc biệt là khảo sát vị trí đặt các chốt này cho phù hợp với tình hình thực tế. (Infonet 29/11) đầu trang(
Ngày 29-11, Đại úy Phan Bảo Trung, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc - Phòng CSGT Công an tỉnh tỉnh TT-Huế cho biết, đang tạm giữ một xe đầu kéo chở 25,5 m3 gỗ có nhiều dấu hiệu bất minh để kiểm tra.
Trước đó, qua công tác tuần tra kiểm soát tại km860+100 trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc), lực lượng chức năng phát hiện xe đầu kéo mang biển kiểm soát 36C - 101.76 kéo rơ-moóc mang biển kiểm soát 36R - 005.44 lưu thông theo hướng nam - bắc có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên cho dừng xe.
Qua kiểm tra, lực lượng CSGT phát hiện trên xe chở theo nhiều gỗ nên yêu cầu tài xế Cao Văn Trí (35 tuổi), trú xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan. Theo bản kê lâm sản, đây là 103 hộp gỗ xẻ thuộc chủng loại mít và muồng với tổng khối lượng 25,5 m3.
Tuy nhiên, đối chiếu ban đầu, lực lượng CSGT phát hiện số gỗ trên không phù hợp với bản kê lâm sản, hóa đơn chứng từ mà tài xế xuất trình. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và số gỗ bàn giao cho Hạt Kiểm lâm Phú Lộc xử lý theo thẩm quyền.
Vào dịp cuối năm, tình trạng vận chuyển, buôn bán gỗ lậu không có nguồn gốc qua địa bàn tỉnh TT-Huế ngày càng gia tăng. Chỉ tính trong tháng 11-2016, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện và bắt giữ năm vụ vận chuyển, buôn bán gỗ không rõ nguồn gốc qua địa bàn.
Vào ngày 26-11, Đội tuần tra kiểm soát số 1 - Phòng CSGT Công an tỉnh TT-Huế phát hiện, bắt giữ xe tải mang biển kiểm soát 36C - 101.88 kéo rơ-móoc 36R - 004.93 vận chuyển 17 m3 gỗ hương chạy hướng nam - bắc. Số gỗ trên được chủ phương tiện khai báo thuộc chủng loại gỗ hương nhập khẩu, có đóng búa của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Nông.
Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện một số sai phạm trong thủ tục hành chính, nhiều thanh gỗ không có trong hồ sơ vận chuyển. Hiện, số gỗ này đã bị tạm giữ tại Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy để xác minh lại nguồn gốc nhập khẩu và đối chiếu hồ sơ gốc. Nếu chủ gỗ không chứng minh được các thủ tục hợp pháp các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định.
Ngày 25-11, Phòng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy hoàn tất việc kiểm tra và xác minh lại xe tải mang BKS 47C - 088.96 vận chuyển khoảng 20 m3 gỗ dỗi và de có nhiều biểu hiện nghi vấn. Kiểm tra, lái xe đã xuất trình hóa đơn, bản kê xác nhận lý lịch gỗ xẻ, với khối lượng khoảng 20 m3 gỗ dỗi và gỗ de do Hạt Kiểm lâm thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đác Lắc) cấp. Tuy nhiên, do thái độ lái xe có nhiều biểu hiện đáng nghi vấn nên lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, xác minh toàn bộ số gỗ nói trên.
Trước đó, ngày 22-11, trong lúc làm nhiệm vụ tại km858+200 trên tuyến quốc lộ 1A qua xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Đội tuần tra kiểm soát số 1 Phòng CSGT Công an tỉnh TT-Huế phát hiện xe ô-tô tải mang BKS 75H - 8485 chạy hướng bắc - nam vi phạm lỗi nên cho dừng xe.
Qua kiểm tra, công an phát hiện trên thùng xe chở 20 hộp gỗ cỡ lớn có tổng khối lượng sáu m3 (thuộc nhóm gỗ đào), không có dấu búa kiểm lâm. Tài xế Hồ Văn Quý (SN 1983), trú tại xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số gỗ trên và khai nhận, chở thuê cho một người từ Bình Điền (thị xã Hương Trà) về Phú Lộc tiêu thụ.
Sau khi lập biên bản vi phạm, lực lượng CSGT đưa tang vật về bàn giao cho Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy tiếp tục xử lý theo thẩm quyền. (Nhân Dân 29/11) đầu trang(
Trước đó, ngày 9.11, Báo điện tử Dân Việt (Báo Nông thôn Ngày nay) đã đăng tải bài viết “Chảy máu” rừng, công an vào cuộc điều tra” phản ánh vụ việc tại khoảnh 2 và 4, tiểu khu 183, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh), lâm tặc đã đốn hạ 13 cây gỗ dổi đường kính từ 36cm tới gần 80cm (nhóm III).
áng nay (29.11), Công an tỉnh Bình Định cho biết, Công an huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã khởi tố vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại khoảnh 2, khoảnh 4, tiểu khu 183, xã Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh).
“Đây là vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự. Hiện, Công an huyện đang chỉ đạo Đội Cảnh sát điều tra kinh tế và chức vụ, Công an huyện phối hợp với tổ công tác của Công an tỉnh Bình Định và các cơ quan chức năng có liên quan tập trung điều tra, khẩn trương làm rõ đối tượng vi phạm”, đại tá Châu Trinh - Trưởng Công an huyện Vĩnh Thạnh - cho hay.
Sau khi báo chí phản ánh việc lâm tặc đốn hạ 13 cây gỗ dổi lớn trong rừng phòng hộ, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đã có ý kiến: Giao cho Giám đốc Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Vĩnh Thạnh và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh nội dung thông tin báo chí đã phản ánh. Khẩn trương làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý theo chức năng, thẩm quyền được giao.
Theo ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn (Sở NN&PTNT Bình Định) đã thông báo kết quả giám định về việc 13 cây gỗ dổi, nhóm III bị lâm tặc đốn hạ tại khoảnh 2, khoảnh 4, tiểu khu 183, xã Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh). Theo kết quả giám định thì 13 cây gỗ dổi bị chặt phá có tổng khối lượng gỗ là 44,9m3.
Trước đó, ngày 9.11, Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải bài viết “Chảy máu” rừng, công an vào cuộc điều tra, phản ánh vụ việc tại khoảnh 2 và 4 tiểu khu 183, xã Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh) có 13 cây gỗ dổi đường kính từ 36cm tới gần 80 cm (nhóm III) đã bị lâm tặc đốn hạ. Đây là khu vực rừng thuộc lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh quản lý.
Sau khi khai thác, lâm tặc đã tiến hành cưa xẻ một số cây và vận chuyển đi nơi khác, còn lại tại hiện trường chưa cưa xẻ là 22 lóng gỗ tròn, có khối lượng là 22,679m3 và 2 tấm gỗ xẻ, có khối lượng 0,284m3. (Dân Việt 29/11) đầu trang(
Nhiều cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yok Đôn liên tiếp bị lâm tặc ném nhớt, đá vào nhà, thậm chí nhắn tin lấy người thân ra uy hiếp vì bắt gỗ lậu.
Sáng 29/11, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), cho biết thời gian gần đây nhiều cán bộ kiểm lâm của đơn vị bị lâm tặc đe dọa, ném đá, nhớt vào nhà và nhắn tin khủng bố tinh thần.
Theo ông Tùng, trước đây tình trạng cán bộ bị lâm tặc đe dọa vẫn xảy ra nhưng vào dịp cuối năm khi nhu cầu gỗ gia tăng thì tình trạng này diễn biến phức tạp.
Trước đó, tối 18/11, lực lượng chức năng nhận được tin báo của người dân về việc có một số người đưa xe bán tải và ôtô 9 chỗ từ TP Buôn Ma Thuột vào Vườn Quốc gia Yok Đôn để thu mua, vận chuyển gỗ trái phép.
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn đã phối hợp với Tổ công tác Chi cục Kiểm lâm Vùng IV ngăn chặn, xử lý thì bị những người này cản trở, chống đối.
Đến khoảng 3h ngày 19/11, lâm tặc đã dùng 5 xe máy chở theo nhiều người khác mang dao, mã tấu ép và tông thẳng vào phương tiện của lực lượng kiểm lâm.
Để giải thoát đồng bọn, các lâm tặc còn dùng ôtô bán tải chèn, ép đầu phương tiện của tổ công tác ngay tại cổng Vườn quốc gia Yok Đôn.
Chưa dừng lại ở đó, nhà anh Nguyễn Văn Hào, cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động số 2 (Vườn quốc gia Yok Đôn) nhiều lần bị ném đá, nhớt vào nhà. Thậm chí, lâm tặc còn nhắn tin lấy tính mạng con gái của anh ra để uy hiếp.
“Con gái tôi đang đi học trên trung tâm huyện cũng bị những người này nhắn tin dọa dẫm rằng sẽ gây tai nạn, dùng kim tiêm nhiễm bệnh để đâm. Tôi đã làm báo cáo với lãnh đạo để trình cơ quan chức năng sớm vào cuộc giúp anh em yên tâm công tác”, anh Hào chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Tùng cho biết những hành vi trên xảy ra nằm ngoài lâm phần quản lý của Vườn nên khó để xử lý. "Vì vậy chúng tôi đã làm báo cáo gửi Công an huyện nhờ can thiệp", ông Tùng nói.
Đại tá Nguyễn Hữu Lương, Trưởng công an huyện Buôn Đôn cho biết đơn vị đã nhận được đơn tố cáo của Vườn Quốc gia Yok Đôn và cho tiến hành xác minh.
"Tuy nhiên xác minh ban đầu việc ném nhớt, đá vào nhà cán bộ kiểm lâm là không rõ. Liên quan đến việc nhắn tin đe dọa thì công an đang tiến hành xác minh", đại tá Lương nói thêm. (Zing News 29/11) đầu trang(
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, đặc biệt là khu vực đường biên giới thuộc xã Mỹ Lý, tình trạng khai thác gỗ trái phép diễn ra rất phức tạp.
Đã có nhiều cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, thế nhưng vẫn chưa thể giải quyết được với lý do đường biên chưa phân định rõ ràng.
Số gỗ khai thác trái phép khu vực biên giới Việt Nam – Lào, từ mốc Quốc giới 389 đến mốc 392 giữa xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn và bản Bom Bay huyện Mường Quắn tỉnh Hủa Phăn (Lào) chủ yếu là gỗ Pơ mu. Mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc một cách quyết liệt nhưng tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trên địa bàn vẫn thường xuyên xảy ra. Các đối tượng khai thác, mua, bán và vận chuyển lâm sản chủ yếu là người dân sống trong vùng lõi và vùng giáp ranh.
Với các hoạt động tinh vi, xảo quyệt để qua mặt cơ quan chức năng. Ông Lương Văn Bảy – Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lý – Kỳ Sơn cho biết: Vừa qua, trên địa bàn xã Mỹ Lý, đặc biệt là 2 bản Nhọt Lợt và Phà Chiếng và bản Bom Bay huyện Mường Quắn (Lào) tình trạng khai thác gỗ diễn ra rất phức tạp nên chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên để xử lý.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu mà vào những năm 2007 đến 2009  cũng đã xảy ra tình trạng này, thế nhưng, cơ quan quản lý bảo vệ rừng cũng như chính quyền địa phương sở tại từ huyện đến xã vẫn còn lúng túng trong cách giải quyết. Mới đây, vào ngày 20/9/2016, UBND huyện Kỳ Sơn phối hợp với Đồn biên phòng Mỹ Lý cùng lực lượng dân quân tự vệ, các xóm, bản cử tổ công tác trực tiếp lên cắm chốt nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tai khu vực đường biên này.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời do địa hình quá phức tạp nên rất khó khăn cho tổ công tác hoạt động. Ông La Văn Chánh – Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Trong quá trình thấy gỗ khai thác trái phép nhưng huyện chưa xác định được ai khai thác nên đã thành lập đoàn liên ngành lên cắm chốt để kiểm soát khu vực đấy.
Để giải quyết tình trạng này, ngày 09/11/2016, UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Đoàn liên ngành song phương tỉnh Nghệ An phối hợp với Uỷ ban biên giới Quốc gia và chính quyền tỉnh Hủa Phăn - Lào tiến hành kiểm tra thực địa, xác định đường biên, mốc giới từ mốc 389 đến mốc 392, đồng thời xác minh số cây bị chặt hạ trái phép để có biện pháp xử lý. Qua công tác kiểm tra, số lượng số lượng lâm sản bị khai thác trái phép tại khu vực này là 65 cây với khối lượng 126m3.
Ông Trần Ngọc Chính – Phó chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng: Số lượng gỗ chủ yếu khai thác dọc 2 bên đường biên giới và đối tượng khai thác đi từ Lào sang, nên giờ để vận chuyển gỗ về rất cần nước bạn Lào hỗ trợ, bên cạnh đó, về lâu dài, chúng tôi cũng sẽ phối hợp tốt để quản lý lâm sản rên khu vực biên giới  này. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa và ngăn chặn không để các vụ việc khai thác tái diễn, về lâu dài cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng ngay tại gốc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận đồng đồng bào 2 bên biên giới không vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Lượng chức năng 2 bên cần phối hợp tuần tra song phương, nắm tình hình, kiểm tra, truy quét các đối tượng vi phạm, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ phá rừng, có như vậy “máu rừng” mới không còn chảy. (Báo Nghệ An 29/11) đầu trang(
Hàng năm, thường đến mùa khô là nạn phá rừng khai thác lâm sản trái phép lại bùng phát, nhất là các vùng rừng giáp ranh.
Vùng giáp ranh giữa huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, trong những năm 2013 và 2014 đã diễn ra tình trạng phá rừng khá phức tạp. Các đối tượng từ xã Đắc Uyn, huyện Đức Trọng đến vùng rừng Phan Dũng lén lút khai thác gỗ trái phép, vận chuyển tang vật bằng xe máy, ngựa thồ về hướng huyện Đức Trọng để tiêu thụ. Các đối tượng phá rừng tổ chức theo các băng nhóm, sẵn sàng chống lại lực lượng thi hành công vụ khi bị phát hiện, ngăn chặn.
Trước thực trạng trên, UBND 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng đã phối hợp chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, các lực lượng chức năng của 2 tỉnh, UBND huyện Tuy Phong và UBND huyện Đức Trọng tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp như: tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra, truy quét và xử lý kiên quyết các đối tượng vi phạm, các loại xe độ chế sử dụng để phá rừng…
Qua đó, tình hình phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa huyện Tuy Phong và huyện Đức Trọng đã giảm rõ kể từ năm 2015. Từ đầu năm 2016 đến nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Tuy Phong, Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong, Ban quản lý rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, phương án bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng vùng giáp ranh của UBND 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng.
Đồng thời, chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh triển khai các hoạt động nghiệp vụ nắm bắt tình hình, kịp thời phối hợp và hỗ trợ cho các đơn vị chủ rừng tổ chức lực lượng kiểm tra, truy quét khu vực giáp ranh giữa huyện Tuy Phong và huyện Đức Trọng, trong đó trọng điểm là giữa xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong với xã Đắc Uyn, huyện Đức Trọng.
Về phía huyện Tuy Phong, UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Thường xuyên xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng vùng giáp ranh theo định kỳ hàng tháng. Huy động lực lượng kiểm lâm, các Ban quản lý rừng phòng hộ, công an, quân sự huyện và lực lượng bảo vệ rừng của xã Phan Dũng triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét tình hình phá rừng tại khu vực giáp ranh với huyện Đức Trọng.
Qua đó đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác và vận chuyển gỗ trái phép, phá hủy các phương tiện xe máy độ chế của lâm tặc tại rừng, thu giữ một số tang vật vi phạm như cưa máy, xe máy độ chế và ngựa thồ… góp phần tích cực vào việc ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại vùng giáp ranh. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Tuy Phong, các Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong và Lòng Sông - Đá Bạc đã thường xuyên phối hợp cùng UBND xã Phan Dũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, rà soát, theo dõi quản lý đối tượng chuyên nghiệp phá rừng trên địa bàn.
Tổ chức nắm bắt diễn biến tình hình phá rừng vùng giáp ranh để có kế hoạch kiểm tra, truy quét và xử lý, ngăn chặn. Củng cố và tăng cường quán triệt cho các hộ nhận khoán thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ rừng. Bố trí lực lượng cắm chốt bảo vệ rừng tại rừng và đầu mối các tuyến đường từ rừng ra…
Nhờ đó, đã góp phần ngăn chặn và làm giảm rõ tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, không để tình hình phá rừng khu vực giáp ranh diễn biến phức tạp trở thành điểm nóng. (Báo Bình Thuận 29/11) đầu trang(
Liên quan đến vụ việc Đội KLCĐ-PCCCR số 1, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, phát hiện và bắt giữ phương tiện có hành vi vận chuyển lâm sản quý hiếm trái phép, ngày 29/11, đơn vị chức năng đã tổ chức kiểm đếm, phân loại nhóm gỗ.
Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Cử, Phó đội trưởng Đội KLCĐ-PCCCR số 1 khẳng định, toàn bộ số gỗ trên xe tải mang BKS 74C-04347 đều không có giấy tờ, hồ sơ theo quy định của pháp luật hiện hành. Tất cả là gỗ giáng hương (thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, nhóm IIA). Trong đó, có 258 thanh tấm gỗ xẻ với khối lượng 3,214m3, ngoài ra còn có 770kg bao gồm phần rễ, cành, nhánh tận dụng đã qua sơ chế, hình thù phức tạp. Tổng khối lượng quy tròn cả 2 loại là 5,912m3.
Trong bản tường trình, Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1978, trú tại khu phố 6, phường 5, TP Đông Hà, Quảng Trị) khai nhận được DNTN Hồng Triều (địa chỉ tại TP Đông Hà) thuê làm lái xe.
Ngày 27/11/2016, Dũng được giao vận chuyển gạo từ Quảng Trị ra Hà Nội, khi dừng chân tại khu vực KCN tại phường Đông Lễ (TP Đông Hà) thì có một phụ nữ tầm 45 tuổi, người hơi gầy, đen, tiến đến hỏi han tình hình và đặt vấn đề thuê vận chuyển một ít gỗ ra Ninh Bình.
Dũng hỏi giấy tờ nguồn gốc của số gỗ nói trên nhưng người phụ nữ lạ mặt trả lời không có. Ban đầu Dũng lấn cấn định từ chối nhưng khi thấy giá cước vận chuyển khá cao (bảy triệu đồng) nên đồng ý. Khi điều khiển phương tiện di chuyển đến khu vực đường tránh, thuộc địa phận phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa thì bị lực lượng kiểm lâm địa bàn phát hiện và thu giữ phương tiện cùng toàn bộ số lâm sản trái phép nói trên. (Nông Nghiệp Việt Nam 30/11) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, thông qua công tác tuần tra, kiểm tra, lực lượng kiểm lâm huyện Văn Chấn đã phát hiện xử lý 102 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Trong đó, cất giấu 35 vụ, vận chuyển 32 vụ, vi phạm thủ tục hành chính 7 vụ, phá rừng 24 vụ, khai thác lâm sản trái phép 3 vụ và 1 vụ chế biến kinh doanh trái quy định.
Hạt đã tịch thu 85,505 m3, trong đó gỗ tròn từ nhóm V - nhóm VIII là 55,177m3; gỗ xẻ từ nhóm II - nhóm VIII 30,328m3; 21.022 kg gốc rễ gỗ nhóm VI; 6.220 kg cành ngọn pơ mu và 867 kg nhựa thông; tạm giữ 6 ô tô, 33 xe máy vận chuyển lâm sản trái phép. Hạt đã xử phạt hành chính và bán hàng lâm sản tịch thu được trên 279 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước. (Báo Yên Bái 29/11) đầu trang(
Ngày 29/11, lực lượng Hải quan TP.HCM cho biết vẫn đang khám xét 2 trong tổng số 3 container gỗ nhập khẩu do chứa ngà voi nhập lậu.
Trước đó, chiều tối  28/11, Đội 4 - Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV1 (Cục Hải quan TP.HCM, cùng thuộc Tổng cục Hải quan) khám xét 3 container gỗ quá cảnh từ châu Phi về Việt Nam để xuất khẩu sang Campuchia.
Kiểm tra container đầu tiên, lực lượng chức năng phát hiện trên 200 kg ngà voi giấu trong ruột các khối gỗ.
Như vậy, tính từ tháng 10 đến nay, đây là lô hàng ngà voi nhập lậu thứ 6 bị Hải quan phát hiện, bắt giữ tại cảng Cát Lái.
Trước đó, trong tháng 10 và tháng 11, Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ ngà voi và vẩy tê tê nhập lậu về cảng Cát Lái với khối lượng gần 5 tấn.
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã ra quyết định khởi tố 2 vụ  về tội “Buôn lậu” và “Vận chuyển trái phép ngà voi”. (Tiền Phong 29/11) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Lý do để Phú Yên phát triển kinh tế lâm nghiệp là gỗ từ rừng trồng được giá, trong khi đó đất trồng rừng thường là đất bạc màu, đất trống đồi núi trọc, lại ít tốn công và chi phí đầu tư cũng thấp hơn các loại cây trồng khác.
Thậm chí, nhiều hộ chỉ có vài ngàn mét vuông đất bạc màu cũng tận dụng để trồng rừng, chủ yếu là cây keo, mở ra hướng phát triển mới trong phát triển lâm nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh liên kết với người dân trồng, chăm sóc và thu hoạch rừng theo phương thức thỏa thuận ăn chia, đôi bên cùng có lợi. Hiện nay, giá gỗ cây keo từ 1,2-1,5 triệu đồng/tấn (tùy theo đường kính), tăng gần 100.000 đồng/tấn so cách đây khoảng 2 tháng.
Bình quân mỗi hecta lãi từ 40-50 triệu đồng sau 7 năm trồng. Bên cạnh đó, năng suất gỗ khá cao, bình quân 70 tấn/ha; những hộ đầu tư thâm canh, chăm sóc tốt có thể đạt 90-120 tấn/ha nên càng khuyến khích người dân và doanh nghiệp trồng rừng kinh tế.
Theo Chi cục Lâm nghiệp Phú Yên, trên địa bàn tỉnh có 67.000ha rừng trồng, trong đó diện tích rừng khép tán (từ 3 năm tuổi trở lên) chiếm 61.300ha. Riêng huyện miền núi Đồng Xuân là địa phương có diện tích rừng kinh tế lớn nhất, với hơn 13.000ha và tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2016-2020 đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 trồng thêm 9.000ha rừng kinh tế dùng làm nguyên liệu giấy, viên nén, ván ép dăm...
Ông Nguyễn Văn Kiên ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, nói: “Gia đình tôi mới trồng 2ha rừng trên đất gộp (đất ở nhiều nơi) vốn đã cằn cỗi do sản xuất lâu năm. Hy vọng sau 5-7 năm tới khi thu hoạch mỗi hecta thu nhập chừng 50 triệu đồng”.
“Chủ trương huyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế đầu tư mạnh vào phát triển rừng sản xuất; sử dụng cây giống năng suất cao, trồng thâm canh, tạo vùng nguyên liệu tập trung cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lâm nghiệp, giá trị dịch vụ môi trường rừng. Phấn đấu nâng tỉ lệ độ che phủ rừng đến năm 2020 lên 47%, tăng ít nhất 6% so với hiện nay”, ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gỗ rừng trồng, giảm chi phí vận chuyển, UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho 2 doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến gỗ. Một nhà máy thuộc dự án Khu liên hợp chế biến lâm sản Bình Nam do Công ty TNHH Bình Nam đầu tư 183 tỉ đồng, công suất 200.000 tấn/năm tại xã Xuân Lãnh thuộc huyện miền núi Đồng Xuân, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Ông Hoàng Trung Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bình Nam, cho biết: Nhà máy đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rừng trồng của huyện Đồng Xuân; trong đó có 4.000ha của công ty và gần 3.000ha của hộ nông dân được công ty liên kết đầu tư trồng.
Ngoài ra, cách đây hơn 2 tháng, một nhà máy chế biến gỗ khác có công suất 100.000 tấn/năm của DNTN Bảo Châu xây dựng tại KCN Đông Bắc Sông Cầu đã đi vào hoạt động. Bước đầu, nhà máy này chuyên sản xuất gỗ dăm để xuất khẩu và sắp đến sẽ chuyển sang sản xuất mặt hàng có giá trị hơn là viên nén.
Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc DNTN Bảo Châu, cho hay: “Đến năm 2017, chúng tôi sẽ chuyển sang sản xuất sản phẩm giá trị xuất khẩu cao là viên nén có kích cỡ rộng 3cm, dài 4cm và dày 1cm để xuất sang các khách hàng tiềm năng như Hàn Quốc, Mỹ, EU... Khi đó, 1 viên nén sản sinh nhiệt lượng tương đương với 5kg gỗ khô”.
Hiện DNTN Bảo Châu đã có vùng nguyên liệu gỗ gần 2.000ha để phục vụ hoạt động của nhà máy, trong đó 600ha đến chu kỳ thu hoạch. Để phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững, Phú Yên đang quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn ươm giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa, ứng dụng rộng rãi công nghệ nuôi cấy mô để nhân nhanh các giống cây lâm nghiệp có tốc độ sinh trưởng cao, chất lượng gỗ tốt, phấn đấu đến năm 2020 sẽ cung cấp 80% giống từ nguồn giống được công nhận.
100% nguồn giống và cơ sở sản xuất, kinh doanh giống được kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo thủ tục giám sát chuỗi hành trình giống đối với toàn bộ các loài cây trồng chính phục vụ trồng rừng. (Báo Phú Yên 30/11) đầu trang(
Nhân kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 - 28/11/2016), được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT, ngày 25/11/2016, Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp long trọng tổ chức buổi Gặp mặt Ngày truyền thống Lâm nghiệp Việt Nam.
Buổi gặp mặt vinh dự được đón tiếp TS. Hà Công Tuấn - Ủy viên ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ NN&PTNT; các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo, cán bộ các đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp; các Cục, Vụ, Viện, Trường, Hiệp hội và các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT; Đại diện của các tổ chức quốc tế ở Việt Nam; các cơ quan báo chí, nhà đài đến đưa tin.
Về phía Trường Đại học Lâm nghiệp có GS.TS. Trần Văn Chứ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch Hội đồng trường; các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ Nhà trường qua các thời kỳ, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ giảng viên và sinh viên Nhà trường.
Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, GS.TS. Trần Văn Chứ đã phát biểu ôn lại truyền thống vẻ vang 57 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam. Trường Đại học Lâm nghiệp với truyền thống anh hùng, trải qua 52 năm xây dựng và phát triển, thầy và trò các thế hệ của Nhà trường luôn nỗ lực hoàn thành sứ mệnh là trường đại học đầu ngành trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lâm nghiệp, trung tâm khoa học công nghệ uy tín về lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, góp phần tích cực vào sự phát triển hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Qua đây, Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn và tri ân tới lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các Cục, Vụ, Viện, các đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ Nhà trường đã luôn quan tâm, đồng hành đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Nhà trường trong thời gian qua.
Thay mặt lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Hà Công Tuấn ghi nhận những đóng góp, nỗ lực của các cán bộ, công nhân viên chức ngành lâm nghiệp qua các thời kỳ. Thứ trưởng nhấn mạnh: trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng chung của ngành lâm nghiệp đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành.
Thứ trưởng mong muốn các thế hệ những người làm trong ngành tiếp tục đóng góp trí tuệ và công sức cho sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp.
Tại buổi gặp mặt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành và tổng kết cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi”.
Tự hào với 57 năm ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam, mỗi cán bộ, công nhân viên chức ngành quyết tâm cống hiến sức lực - trí tuệ cho sự nghiệp phát triển của ngành Lâm nghiệp, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển CNH - HĐH đất nước. (Nông Nghiệp Việt Nam 28/11) đầu trang(
Năm 2011, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được thành lập với chức năng, nhiệm vụ chính là thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhằm góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế cho hộ tham gia nghề rừng.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã ký kết hợp đồng uỷ thác với 82 đơn vị thuộc đối tượng phải chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thu tiền DVMTR đến nay vẫn cần tiếng nói chung, nhất là với những cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại, cơ sở nuôi cá nước lạnh.
Công tác thu, chi trả phí DVMTR của tỉnh trong 9 tháng năm 2016 được triển khai nghiêm túc. Việc giải ngân, thanh toán tiền DVMTR đến các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng cơ bản thực hiện đúng quy trình, kịp thời và công khai, minh bạch, giúp người dân cải thiện sinh kế, gắn bó hơn với rừng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế  - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác thu tiền DVMTR đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, du lịch và các cơ sở nuôi cá nước lạnh có hưởng lợi từ DVMTR trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đang thực hiện nhiều phương án để tìm tiếng nói chung.
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, đến nay, mới chỉ có 34/108 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và 17/39 cơ sở nuôi cá nước lạnh thực hiện ký kết hợp đồng với Quỹ. Tại các hội nghị đối thoại, hội thảo, đại diện các cơ sở chưa thực hiện nộp tiền cho rằng, việc thu tiền DVMTR chưa hợp lý đặc biệt là với đối tượng, mức thu và căn cứ thu. Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch ở Sa Pa có kiến nghị, mức thu 1,5% doanh thu là quá cao, bởi lợi nhuận đang còn ở mức thấp.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, việc áp phí DVMTR với đơn vị lữ hành ở Sa Pa chưa công bằng, bởi nếu đơn vị du lịch ở Hà Nội, hay tỉnh, thành phố khác đưa lượng lớn khách lên Sa Pa thì không phải đóng loại phí này.
Đối với các cơ sở nuôi cá nước lạnh, một số cơ sở đưa ra ý kiến, mức thu tiền DVMTR còn cao (44.500 đồng/m3/năm) trong điều kiện các đơn vị còn khó khăn về tài chính, mới đi vào hoạt động. Các cơ sở kiến nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh mức thu để hỗ trợ cơ sở trong giai đoạn đầu tổ chức hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, một số cơ sở kiến nghị lý do liên quan đến quyền lợi về sử dụng nguồn nước cho nuôi cá nước lạnh, phải tranh chấp nguồn nước, sử dụng lại nguồn nước từ các đơn vị khác vào mùa khô, nên vẫn chưa thực hiện ký kết hợp đồng ủy thác theo quy định.
Trên thực tế, nhiều đơn vị kinh doanh vẫn chưa hiểu rõ chính sách thu và chi trả tiền DVMTR. Tỉnh Lào Cai đã ban hành các quy định tạm thời về mức thu tiền DVMTR đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức thu đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh là 1,5% doanh thu của các sản phẩm du lịch sử dụng DVMTR, trừ dịch vụ ăn uống, cước vận tải, xây dựng cơ bản, tiền sử dụng nước sinh hoạt, tiền vé tham quan, tiền phòng nghỉ đã nộp ở đơn vị kinh doanh du lịch khác. Như vậy, không có chuyện đóng 2 lần tiền DVMTR. Các đơn vị lữ hành ở các tỉnh, thành phố khác cũng thực hiện nộp tiền DVMTR.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lĩnh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: “Chúng tôi luôn lắng nghe phản hồi và nỗ lực tạo điều kiện cũng như môi trường tốt nhất trong việc thu và chi trả tiền DVMTR cho các đơn vị kinh doanh, sản xuất tại Lào Cai. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, các huyện, thành phố tuyên truyền để các đơn vị hiểu đúng và chấp hành tốt các nội dung liên quan đến chính sách DVMTR.
Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại nhằm tuyên truyền, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, qua đó, cùng bàn giải pháp, tìm tiếng nói chung trong công tác thu tiền DVMTR”.
Cũng theo ông Lĩnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tham mưu cho tỉnh điều chỉnh mức thu từ 1,5% xuống 1% (mức thấp nhất theo quy định) để các doanh nghiệp thuận lợi trong kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Với cơ sở nuôi cá nước lạnh, Quỹ sẽ phối hợp với UBND các huyện, xã tuyên truyền, đôn đốc việc thực hiện nộp tiền DVMTR, có phương án giải quyết về việc tranh chấp nguồn nước đối với các cơ sở đã xây dựng từ trước và được cấp giấy phép sử dụng nguồn nước với các cơ sở mới đi vào hoạt động. (Báo Lào Cai 27/11) đầu trang(
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), từ năm 2012 đến nay, huyện Lục Yên đã có hàng nghìn lượt hộ dân được nhận hơn 9 tỷ đồng từ tiền phí DVMTR.
Chính sách này thực sự là bước ngoặt quan trọng không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị phòng hộ của rừng mà còn trực tiếp tạo thêm nguồn thu nhập cho người làm nghề rừng, góp phần nâng cao trách nhiệm giữ rừng.
Thực hiện công tác chi trả DVMTR, huyện Lục Yên đã thành lập Ban Chi trả tiền DVMTR cấp huyện do Hạt Kiểm lâm huyện là cơ quan thường trực. Để triển khai sâu rộng chính sách này tới các chủ rừng, Ban Chi trả DVMTR huyện Lục Yên đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hội nghị tuyên truyền về chính sách.
Trong 5 năm qua, Ban đã tổ chức 46 hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR cho 3.334 lượt người với thành phần là các tổ, đội tham gia bảo vệ rừng, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân. Ngoài ra, Ban còn thực hiện tuyên truyền qua tờ rơi, áp-phích, biển báo, tài liệu tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR tại các thôn, bản.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào nguyên tắc, hình thức chi trả DVMTR, đối tượng và loại dịch vụ phải trả tiền DVMTR; trách nhiệm của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, diện tích rừng của từng bản, nhóm hộ được chi trả tiền DVMTR, đơn giá được chi trả của một héc-ta rừng.
Trên cơ sở diện tích lưu vực có cung ứng DVMTR được tỉnh phê duyệt, Ban Chi trả DVMTR huyện đã phối hợp với UBND các xã, các chủ rừng rà soát, xác định được phạm vi, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng và phân loại các chủ rừng có tham gia cung ứng DVMTR trên địa bàn huyện, xây dựng bản đồ quản lý lưu vực đối với diện tích rừng do UBND giao khoán.
Qua rà soát, hàng năm, huyện Lục Yên có từ 27.161 ha - 31.750 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau 4 năm thực hiện, Ban Chi trả DVMTR huyện Lục Yên đã tiếp nhận và chi trả hơn 9,7 tỷ đồng cho các chủ rừng trên địa bàn. Toàn huyện đã có 19.688 lượt hộ được hưởng lợi từ chính sách.
Ông Hà Văn Hiếu ở xã Khánh Hòa cho biết: “Từ khi được Nhà nước chi trả tiền từ chăm sóc, bảo vệ rừng, người dân có thêm thu nhập nên công tác trồng rừng được quan tâm hơn, rừng được bảo vệ tốt hơn, không ai còn dám vào rừng chặt gỗ đem bán, hay phá rừng làm nương như trước”.
Ông Đặng Văn Tâm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên cho biết: “Toàn huyện có trên 51.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 63% diện tích đất tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế thu nhập từ rừng còn thấp, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa nên chưa thu hút được người dân tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Do đó, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã huy động được các nguồn lực xã hội bổ sung nguồn tài chính tham gia bảo vệ rừng, góp phần xã hội hóa nghề rừng; cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ rừng đối với các hộ dân được hưởng lợi từ rừng.
Từ đó, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần vào công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lục Yên cũng gặp những khó khăn nhất định. Ranh giới giữa các khu rừng, chủ rừng chưa rõ ràng dẫn đến việc chi trả rất phức tạp và mất nhiều công sức, trong khi cán bộ làm công tác chi trả DVMTR chủ yếu là kiêm nhiệm.
Địa hình phức tạp, diện tích cung ứng DVMTR nhỏ lẻ, phân tán, liên quan đến nhiều chủ rừng, nhất là diện tích rừng trồng nên việc chi trả tới các đối tượng được hưởng lợi DVMTR còn gặp nhiều khó khăn. Đơn giá chi trả thấp và có sự chênh lệch lớn về đơn giá chi trả bình quân trên 1 ha giữa các lưu vực khác nhau. Để việc chi trả  DVMTR tốt hơn, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ hơn nữa của chính quyền cơ sở cũng như người dân. (Báo Yên Bái 27/11) đầu trang(
Khoảng 5 năm trở lại đây, khi nhà nước có chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng, một số địa phương tại tỉnh Hà Giang đã có thêm một nguồn thu lớn, nguồn tiền này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống của bà con của miền Cao nguyên đá.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Giang, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 791.488ha, đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 588.068 ha, chiếm hơn 74% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh, trong đó diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh là 275.129,4ha/ 455.592 ha chiếm 60,4% diện tích rừng.
Rừng tại Hà Giang được quản lý và bảo vệ với 4 chủ rừng là tổ chức nhà nước quan lý bảo vệ 35.451,3ha và hơn 1.500 chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn quản lý 239.678,1ha, do vậy ngành lâm nghiệp có vị trí quan trọng trong việc ổn định đời sống và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Với diện tích rừng lớn và địa hình chia cắt mạnh, là đầu nguồn của những con sông lớn như: sông Lô, sông Gâm, sông Chảy và rất nhiều sông suối nhỏ nên Hà Giang có thế mạnh cho phát triển thủy điện, đây cũng chính là những đơn vị sử dụng DVMTR nhiều nhất ở Hà Giang.
Theo thống kê đến nay tỉnh Hà Giang có 46 dự án thủy điện đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, quy hoạch với tổng công suất lên tới 768,8MW và 11 trung tâm sản xuất nước sinh hoạt, trong đó có 22 thủy điện đã đi vào hoạt động với với suất hàng nằm là 354MW, trung bình mỗi năm đóng góp hơn 30 tỷ đồng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh còn 24 nhà máy (7 đang thi công, 17 chuẩn bị thi công) với công suất hàng năm dự kiến 418MW khi đi vào hoạt động mỗi năm sẽ đóng góp thêm hơn 33 tỷ đồng tiền DVMTR. Ngoài ra, tỉnh Hà Giang còn là lưu vực của 3 nhà máy liên tỉnh là Thác Bà (Yên Bái), Na Hang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) bình quân hàng năm ủy thác cho tỉnh Hà Giang 10 tỷ đồng.
Hà Giang xác định đây là nguồn thu tài chính ổn định, bền vững với môi trường, hàng năm đầu tư cho bảo vệ và phát triên rừng trung bình trong giai đoạn 2013 – 2016 là gần 40 tỷ đồng và được tăng dần theo các năm vì nhiều đơn vị sử dụng DVMTR đi vào hoạt động.
Chi trả DVMTR được thực hiện tốt, nên những năm gần đây tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, phá hại rừng, cháy rừng đã giảm đi đáng kể, đáng chú ý là độ che phủ rừng và chất lượng rừng tăng. Năm 2012 tổng diện tích rừng toàn tỉnh Hà Giang là 447.907 ha đến năm 2016 diện tích rừng của tỉnh đã tăng lên 455.592ha, tăng 7.685ha.
Các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR đã ngày một giảm, cụ thể là việc khai thác rừng trái phép năm 2012 là 28 vụ, năm 2015 chỉ còn 21 vụ và các vi phạm khác như cháy rừng, lấn chiếm rừng… đều giảm từ 7 – 10 vụ/ năm.
Không chỉ giảm về các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, mà người dân còn có nguồn thu nhập từ chính sách chi trả DVMTR thông qua công tác quản lý và bảo vệ rừng, tại Hà Giang có một số nơi mức được hưởng từ DVMTR còn cao hơn mức hỗ trợ ngân sách (200.000đ/ha), có những nơi chi trả lên tới 440.000đ/ha như lưu vực thủy điện Nho Quế 3.
Từ đó bình quân thu nhập của các hộ được giao khoán bảo vệ rừng từ 1 – 2 triệu đông/hộ/năm, thậm chí có những vùng hộ nhận khoán có thu nhập 15 triệu đồng/ hộ/ năm như lưu vực thủy điện Nậm Mu, Nậm An, tại huyện Bắc Quang.
Bên cạnh đó, ngoài hỗ trợ trực tiếp cho các hộ được nhận khoán bảo vệ rừng, một số thôn bản đã họp bàn thống nhất sử dụng tiền DVMTR để đầu tư cho các các công trình phúc lợi xã hội khác nhằm phục vụ lợi ích chung của thôn bản như xây trường học, nhà văn hóa, làm đường giao thông, xây trạm y tế...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Nhờ vào DVMTR mà toàn tỉnh Hà Giang đã làm mới và tu sửa 33,9km đường giao thông nông thôn, tu sửa và xây dựng 451 công trình là nhà văn hóa thôn, điểm trường tại các huyện Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên, Xín Mần; Mua cây giống để trồng 35.000 cây, lập quỹ thôn giúp bà con phát triển kinh tế được gần 10,5 tỷ đồng tại các huyện Xín Mần, Bắc Mê,…”
Từ những thực tế trên cho thấy, việc chi trả DVMTR cùng với các nguồn thu khác đã góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân gắn bó với rừng và từng bước góp phần thay đổi hệ thống giao thông nông thôn. (Dân Sinh 29/11) đầu trang(
Sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tỉnh Hà Giang đã gặp một số tồn tại. Đối với chính sách sau một thời gian thực hiện cho thấy Nghị định số 99 có một số điểm không còn phù hợp với thực tế triển khai; Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR và thông tư hướng dẫn chế độ quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chưa kịp thời.
Ngoài ra, Hà Giang còn nêu một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách như: Chưa có hướng dẫn huy động được các nguồn tài chính khác theo quy định như đóng góp của chủ rừng khi khai thác gỗ, kinh doanh gỗ…; Việc thu tiền ủy thác của một số doanh nghiệp không đủ năm, nợ đọng kéo dài; một số diện tích rừng trong lưu vực không được chi trả tiền cung ứng đúng, đủ năm kế hoạch.
Thêm nữa, công tác quản lý tài nguyên đất và rừng chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng dẫn đến mất rừng như các vụ phá rừng trái phép vẫn diễn ra, chưa xác định rõ chủ rừng, ranh giới quản lý rừng giữa các thôn; Một số nơi người dân không biết, không có thông tin việc thực hiện chi trả DVMTR trên địa bàn; Công tác kiểm tra của ban giám sát mới chỉ kiểm tra ở tỉnh, chưa thực hiện ở các địa phương và hạn chế về trình độ dân trí, khó khăn về giao thông cũng tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện.
Bên cạnh những tồn tại được rút ra, trong quá trình triển khai chi trả DVMTR gặp nhiều khó khăn. Theo đó, việc chi trả được tiến hành theo từng lưu vực không có cơ chế cân đối nên có sự chênh lệch khá lớn từ vài nghìn đồng/ha và vài trăm nghìn/ha nên dễ gây thắc mắc giữa các chủ rừng trên cùng địa bàn.
Việc đánh giá hiệu quả công tác bảo vệ rừng chủ yếu dựa vào báo cáo, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng từ ngành kiểm lâm, nên chưa đánh giá và phản ảnh được đầy đủ. Diện tích rừng chi trả phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh, dẫn đến kiểm kê, chi trả còn gặp nhiều khó khăn…
Ông Cao Đạo Quang, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh (Hà Giang)  cho biết: “Có tiền từ nguồn DVMTR người dân có thêm thu nhập, ý thức được nâng cao, huy động người dân dễ hơn, người dân hiểu được giá trị của rừng, chấm dứt việc làm nương rẫy trong khu bảo tồn, không khai thác rừng trái phép, chỉ còn việc vào rừng lấy củi vì bà con sống gần đó, ý thức rất tốt, chứ để hỗ trợ nâng cao đời sống thì ít vì tiền không được nhiều.
Qua nhiều năm thực hiện, tỉnh Hà Giang đã nhận thấy việc chi trả DVMTR là chương trình rất tốt, vì nó bổ sung nguồn kinh phí trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là rằng buộc trách nhiệm giữa các bên trong khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: "Chúng tôi có ban kiểm soát ở tỉnh, ở huyện giao cho chánh thanh tra làm trưởng ban kiểm soát, đặc biệt là phần nghiệm thu để chi trả chúng tôi mời công ty có lưu vực đó, có sử dụng rừng dịch vụ thì ông đi cùng để nghiệm thu, nếu khi ký hợp đồng mà không giống như trước thì ông có quyền phản ánh, không chi trả, sắp tới chuyển hết về cho trực tiếp kiểm lâm địa bàn và hạt kiểm lâm chi trả”.
Ông Tiến cho biết thêm: “Chúng tôi rất phấn khởi về số vụ vi phạm, làm nương rẫy, phá rừng, cháy rừng giảm đáng kế, mặc dù số tiền chi trả rất ít, có những nơi rất thấp so với đơn giá giao khoán bảo vệ rừng của mình nhưng nó tạo được phong trào chung, tạo được mối liên kết cộng đồng, thứ hai là giữa những người sử dụng DVMTR cũng giám sát giúp mình, vừa rồi tổng kết xong cần tạo dựng cơ chế, có nghĩa là những đơn vị chi trả họ phát hiện có khai thác, có vi phạm trên lưu vực đấy thì bước đầu người ta có quyền giữ, và thông tin ngay cho lực lượng chức năng đến để xử lý, giải quyết nên họ rất phấn khởi". (Dân Sinh 29/11) đầu trang(
Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản số 2404/BXD-HĐXD về việc xin ý kiến chỉ đạo xây dựng một số công trình phục vụ du lịch sinh thái tại khu vực cos 600, cos 700 của Vườn Quốc gia Ba Vì.
Công văn của Bộ Xây dựng cho biết, đã nhận được văn bản số 2022/VPCP-KTN ngày 20/9/2016 của Văn phòng Chính phủ đề nghị có ý kiến về xây dựng một số công trình phục vụ du lịch sinh thái tại khu vực cos 600, cos 700 Vườn Quốc gia Ba Vì kèm theo văn bản số 203/BNN-TCLN ngày 31/8/2016 của Bộ NN&PTNT.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đưa ra ý kiến thống nhất với đề nghị của Bộ NN&PTNT về việc tiếp tục dừng các hoạt động tôn tạo, xây dựng các công trình và các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái tại cos 600 và cos 700 Vườn Quốc gia Ba Vì để rà soát và hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư xây dựng.
Theo Quyết định số 24/2012QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, dự án Khu du lịch sinh thái trong khu vực hành chính, dịch vụ 1 thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì là dự án được Nhà nước khuyến khích đầu tư.
Quyết định 24/2012QĐ-TTg cũng cho biết, Nhà nước khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm tôn tạo nguồn thu để bù đắp các chi phí, nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thay thế dần đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
Vì vậy, đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ các thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng; căn cứ Luật Xây dựng năm 2014, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và căn cứ Quy hoạch chi tiết xây dựng phân khu hành chính dịch vụ I do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, Bộ NN&PTNT khẩn trương thực hiện phê duyệt dự án Khu du lịch sinh thái trong khu vực hành chính, dịch vụ I, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thi công, đưa dự án vào khai thác sử dụng.
Bên cạnh đó, ý kiến của Bộ Xây dựng cũng cho biết, các công trình thuộc dự án được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 89, Luật Xây dựng năm 2014.
Công trình chỉ được tiếp tục triển khai thi công sau khi có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng. (VOV 29/11) đầu trang(
Chiều 29/11, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khóa XIV, gồm các ông: Lê Quang Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Cầu - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri các xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Tam Hợp, Thạch Giám, Lưu Kiều, Lượng Minh huyện Tương Dương.
Cùng tham gia có đại diện các Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Huyện uỷ, UBND, UBMTTQ huyện Tương Dương.
Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe đại diện ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, và hoạt động của đoàn ĐBQH Nghệ An tại kỳ họp, cử tri bày tỏ sự tin tưởng, nhất trí cao trước những đổi mới của Quốc hội, Chính phủ; đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề quan tâm.
Cử tri Kha Văn Thông, Phó Chủ tịch HĐND xã Xá Lượng đề cập đến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo cử tri này, chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 99 của Chính phủ là chính sách mới nhưng quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, phức tạp.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cử tri Nguyễn Hữu Túc phản ánh dịch vụ chi trả thì thấp, trong khi thủ tục làm hồ sơ để nhận hỗ trợ thì quá rườm rà, phức tạp.
Cử tri Tương Dương đề nghị Chính phủ tăng chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tạo động lực cho nhân dân, đòn bẩy đưa công tác bảo vệ rừng đạt kết quả tốt.
Tại hội nghị, cử tri còn kiến nghị một số vấn đề như: đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng phụ cấp cho cán bộ khối xóm, công an xã. Đề nghị chuyển giao thu chi quỹ phòng, chống thiên tai cho hợp tác xã; cấp bù thủy lợi phí kịp thời; thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ hợp tác xã; không nên tăng tuổi về hưu; một số tiêu chí đánh giá hộ nghèo còn chưa hợp lý; hạ tuổi hưởng chế độ trợ cấp cho người cao tuổi xuống 75 tuổi.
Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, thu hút lực lượng lao động dư thừa trong nhân dân. Bộ máy chính quyền cấp xã cồng kềnh, số lượng chuyên trách và bán chuyên trách quá nhiều mà hiệu quả công việc không cao.
Tại hội nghị, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu cảm ơn sự đóng góp chân thành, trách nhiệm của các cử tri, giải trình trực tiếp một số vấn đề cử tri quan tâm. Đồng thời sẽ tiếp thu đầy đủ các phản ánh của cử tri để báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và tỉnh giải quyết trong thời gian tới. (Báo Nghệ An 29/11) đầu trang(
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 10/2016 đạt 609,2 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 10 tháng năm 2016 đạt 5,59 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo tổng kim ngạch XK cả năm đạt mức 7,2 tỷ USD.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc  là 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất các loại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 10 tháng năm 2016 - chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 2,25 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ; Nhật Bản 803,2 triệu USD, giảm 3,5%; Trung Quốc 801,7 triệu USD, tăng 8,4%.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Mexico (tăng 109%, đạt 10,5 triệu USD), Campuchia (tăng 372%, đạt 10 triệu USD) và Bồ Đào Nha (tăng 45%, đạt 1,9 triệu USD).
Theo đánh giá của các chuyên giá, kim ngạch XK chỉ tăng nhẹ 1%, nguyên nhân do XK dăm gỗ sụt giảm. Nhìn chung, 2016 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành gỗ, nhất là về mặt thị trường.
Trước tiên, đó là sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc. Hàng XK sang Trung Quốc chủ yếu là dăm gỗ với khối lượng gần 2 triệu tấn/năm. Năm nay, giá dầu giảm, chi phí vận chuyển không phải là vấn đề khó giải quyết, nên thay vì mua dăm gỗ từ Việt Nam, Trung Quốc chuyển hướng sang mua từ các thị trường khác, điển hình như Australia bởi xét về mặt chi phí dăm gỗ vận chuyển từ Australia về Trung Quốc cũng chỉ tương đương với giá thành mua từ Việt Nam, trong khi chất lượng sản phẩm lại cao hơn.
Ngoài ra, việc sụt giảm XK mặt hàng bàn ghế ngoài trời sang thị trường EU cũng là một trong những khó khăn điển hình. Bằng chứng là trong năm 2015, giá trị XK mặt hàng này sang EU đạt trên 800 triệu USD thì dự tính cả năm nay chỉ đạt khoảng 760-770 triệu USD.
Tuy nhiên, khi gặp khó tại các thị trường truyền thống, chủ lực như Trung Quốc, EU…, các DN đã nỗ lực để đẩy mạnh XK sang các thị trường khác, điển hình như Hàn Quốc. 10 tháng đầu năm nay, XK gỗ sang Hàn Quốc đã tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, XK sang thị trường Hoa Kỳ cũng tích cực khi nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Đặc biệt, trong năm nay, XK sang một số thị trường khu vực Trung Đông cũng ghi nhận sự khởi sắc đáng kể.
Dự báo, XK gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2017 khó khăn sẽ còn nhiều hơn năm nay. Khó khăn trước hết tập trung ở nguy cơ cao thiếu nguồn nguyên liệu. Ví dụ rõ nhất là gần đây Chính phủ Lào đã có văn bản cấm XK gỗ khi chưa phải là sản phẩm gỗ. Điều này khiến cho các DN Việt không thể tiếp tục trông đợi vào nguồn gỗ nguyên liệu NK từ Lào. Bên cạnh nguồn nguyên liệu, tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt là vay ngoại tệ dự kiến sẽ tiếp tục là điểm vướng mắc với các DN.  (VinaNet 29/11) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Một nghiên cứu cho thấy trong khi hơn 20% diện tích đất thế giới vẫn là nơi hoang dã - phần lớn nằm ở Bắc Mỹ, Bắc Á, Bắc Phi và Australia - thì có 10% tổng số đất hoang dã trên thế giới đã biến mất.
Phó Giáo sư James Watson, một nhà sinh thái học của Đại học Queensland và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã đã cùng các đồng nghiệp công bố kết quả chương trình nghiên cứu trên tạp chí Current Biology, cho biết Trái đất đã mất đi 10% diện tích đất hoang dã kể từ năm 1993, tương đương với một nửa diện tích nước Australia.
Các nhà nghiên cứu xác định vùng hoang dã là một khu vực tự do không bị tác động bởi yếu tố con người như đô thị hóa, nông nghiệp, khai thác mỏ và khai thác gỗ.
Giáo sư Watson cho biết vùng hoang dã có vai trò hết sức quan trọng, thường là nơi có các cộng đồng bản địa sinh sống, một “thành trì cho hệ thống đa dạng sinh học và hệ sinh thái”.
Ngoài việc hỗ trợ và giúp các loài sinh vật có khả năng thích nghi trước sự thay đổi môi trường, vùng hoang dã còn giúp điều hoà khí hậu địa phương, giảm hiện tượng khí hậu tiêu cực.
Nghiên cứu cho thấy trong khi hơn 20% diện tích đất của thế giới vẫn là nơi hoang dã - phần lớn nằm ở Bắc Mỹ, Bắc Á, Bắc Phi và Australia - thì có 10% tổng số đất hoang dã trên thế giới đã biến mất.
Hơn 3 triệu cây số vuông vùng hoang dã đã biến mất trên toàn cầu, phần lớn là ở khu vực Amazonia với 30%, Trung Phi có 14% rừng nguyên sinh biến mất, còn Australia mất một tỷ lệ tương đối nhỏ.
Những vùng hoang dã như thảo nguyên Bắc Australia và Rừng Đại Ngàn ở Tây Australia, cả hai đều còn nguyên vẹn nhưng đang “dần xói mòn”.
Theo Giáo sư Watson, việc bảo vệ vùng hoang dã nên bao gồm tạo ra các hành lang giữa các khu bảo tồn lớn, và tạo điều kiện cho cộng đồng bản địa tham gia bảo tồn.
Và đã đến lúc tất cả các quốc gia cần phải bắt đầu bảo tồn khu vực hoang dã của chính mình. (Bnews 30/11) đầu trang(
Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) đang tận dụng những công nghệ tối tân để truy lùng những kẻ săn trộm vào ban đêm ở Đông Phi. Và họ đã đạt được những thành công nhất định.
Theo BGR, kể từ khi triển khai các camera hình ảnh nhiệt và phần mềm phát hiện con người cách đây 9 tháng, hơn 20 kẻ săn trộm đã bị bắt giữ ở Maasai Mara của Kenya. Công nghệ này cũng đã được sử dụng để bắt 2 kẻ săn trộm khác tại một công viên quốc gia không được tiết lộ tên ở Kenya.
Vào tháng Ba vừa qua, WWF đã làm việc với đơn vị kiểm lâm Mara Conservancy và Kenya Wildlife Service để lắp đặt hệ thống hình ảnh nhiệt FLIR Systems cho một đơn vị bảo vệ động vật hoang dã cơ động. Công nghệ này sau đó cũng đã được cài đặt cùng phần mềm phát hiện con người trong một công viên khác cũng ở nước này.
Theo ông Colby Loucks – người đứng đầu dự án công nghệ chống tội phạm về động vật hoang dã (Wildlife Crime Technology Project - WCTP) của WWF- cho biết rằng những người bảo vệ động vật hoang dã hiện nay đã có được sự giúp đỡ vô cùng cần thiết. Những công nghệ đột phá này cho phép họ tìm kiếm những kẻ săn trộm 24 giờ mỗi ngày, với khoảng cách xa đến cả dặm và trong bóng tối.
Nạn săn trộm hiện nay đặt ra một mối đe dọa lớn đối với động vật hoang dã châu Phi. Chẳng hạn săn trộm tê giác đã ở mức kỷ lục trên khắp lục địa, và số lượng những chú voi hoang mạc đang giảm nhanh chóng như một kết quả tất yếu của nhu cầu buôn bán ngà voi.
"Và công nghệ này là vô giá trong việc giám sát ban đêm. Khả năng kiểm lâm phân biệt những kẻ săn trộm tiềm năng từ một khoảng cách lớn đã được rút ngắn đáng kể. Ba người cuối cùng mà đội chúng tôi đã vây bắt vô cùng sửng sốt vì không ngờ có thể bị phát hiện dễ dàng." - Brian Heath, Giám đốc trung tâm bảo tồn Mara cho biết.
WWF và FLIR Systems đang mở rộng việc sử dụng công nghệ hình ảnh nhiệt trong các công viên châu Phi. Công nghệ này cũng đã được cài đặt lên các máy bay không người lái (drone) và các chuyến bay thử nghiệm chống săn trộm đã bắt đầu vào tháng trước ở Malawi và Zimbabwe.
WWF nói với FoxNews rằng họ có kế hoạch sử dụng công nghệ tại 20 địa điểm khác ở châu Phi và châu Á. Hiện nay, dự án WCTP được Google hỗ trợ khoảng 5 triệu đô. (VnEpress 30/11) đầu trang(./.