Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 29 tháng 11 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Sáng 27/11, CLB Tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã Nghệ An đã tổ chức chương trình đạp xe “Trả lại sự bình yên cho loài gấu” tại TP Vinh, nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ loài gấu.
Hơn 30 tình nguyện viên với áo xanh đồng phục của CLB là các bạn sinh viên đang theo học các trường đại học ở TP Vinh đã tham gia đạp xe. Mỗi xe đạp có gắn cờ mang dòng chữ “Nuôi nhốt, khai thác mật gấu là tàn nhẫn và vi phạm pháp luật”.
Từ Đại học Vinh, hành trình của đoàn đã đi qua các tuyến đường Lê Duẩn - Trường Thi - đại lộ Lê Nin - Nguyễn Sỹ Sách - Quang Trung - Trần Phú - Trường Thi  và kết thúc tại công viên Nguyễn Tất Thành với chương trình MiniGames vui nhộn.
Được biết, CLB TNV Bảo vệ động vật hoang dã Nghệ An được thành lập năm 2013, là 1 trong 17 CLB thành viên của mạng lưới TNV Trung tâm giáo dục thiên nhiên trên cả nước (ENV). Đây là lần đầu tiên, CLB tổ chức chương trình “đạp xe vì gấu” tại Nghệ An. (Báo Nghệ An 27/11) đầu trang(
Tại các tỉnh ĐBSCL, tình trạng xâm thực bờ biển diễn ra nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân chính là do rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá và mất dần. Song, cũng không ít trường hợp người dân nơi đây vì xem rừng như “lá chắn” cuộc sống của họ nên đã ra sức bảo vệ, từng bước khôi phục những lá chắn xanh ven biển.
Cùng ông Thạch Bun Thol, ngụ ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng lội dọc rừng phòng hộ ven biển do cộng đồng địa phương quản lý, chúng tôi rất ấn tượng với những vạt rừng xanh thẳm trải dài xa ra biển; rừng ở đây được người dân bảo vệ và ngày càng lấn dần sinh sôi. Phía cặp bờ đa số là đước, nhiều cây đã cao hơn 10m và to hơn hai gang tay, càng ra xa phía biển thì cây mắm chiếm số lượng lớn với mật độ dày đặc.
Chỉ tay về cánh rừng phòng hộ, ông Thol nói với vẻ tự hào: “Để rừng sinh trưởng và phát triển, lấn từ bờ ra biển hơn 1,5km như hiện nay, người dân phải thay nhau ngày đêm bảo vệ. Rừng giúp giữ lại phù sa, hạn chế được sạt lở. Cũng nhờ có rừng mà các loài cá, cua, ba khía… cũng sinh sôi, tạo nguồn lợi thủy sản đáng kể để cải thiện đời sống và thu nhập cho người dân giữ rừng”.
Ông Thạch Soal, Trưởng nhóm quản lý rừng xã Vĩnh Hải cho biết, tháng 9-2009, mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển xã Vĩnh Hải được thành lập và ra mắt dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và UBND tỉnh Sóc Trăng (giao cho Sở NN-PTNT phối hợp thực hiện). Lúc đầu có 250 hộ tham gia, chia làm 6 tổ. Những người tham gia tổ đồng quản lý rừng xã Vĩnh Hải đa phần là đồng bào Khmer.
Mục đích của mô hình là cung cấp cho cộng đồng địa phương những lợi ích thông qua việc tiếp cận một cách hợp pháp và an toàn tài nguyên rừng phòng hộ. Người dân tham gia mô hình “đồng quản lý” có quyền sử dụng tài nguyên nhưng cũng có trách nhiệm bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên này.
Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL áp dụng nhiều giải pháp khác nhau để thích ứng. Hiện tại, giải pháp xây dựng kè, kết hợp với trồng lại rừng ven biển, khôi phục đai rừng tạo thành lá chắn mềm… được các địa phương tích cực triển khai. Giải pháp này cũng nhận được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế.
Từ năm 2012, tỉnh Cà Mau bắt đầu xây kè ngầm tạo bãi bảo vệ mũi Cà Mau và dần dần tình trạng sạt lở được cải thiện. Kè được thiết kế đóng hai hàng cọc cừ bê tông ly tâm cách nhau 2m (chiều ngang), cừ này cách cừ kia khoảng 15cm (chiều dài), sau đó thả đá hộc vào bên trong với cao trình khoảng +1,5m, khi sóng biển tràn qua vừa giảm năng lượng sóng vừa mang phù sa vào bên trong gây bồi. Khi bồi đến đủ cao trình hợp lý thì cây sẽ mọc tái sinh, rừng được phục hồi.
Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình NN-PTNT Cà Mau, cho biết: “Hiện tại khu vực Đất Mũi không còn tình trạng sạt lở, cây mắm giữ phù sa đang lấn dần ra biển và đã tái sinh phía trong kè, hiện nhiều cây đã cao cả mét, phát triển tốt”.
Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, đang thực hiện dự án chống xói lở, gây bồi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển ở các huyện Trần Văn Thời, Ngọc Hiển… Trong đó, việc trồng lại rừng ngập mặn vừa kết hợp tạo sinh kế cho người dân sống dưới tán rừng là giải pháp cần quan tâm nhất…
Ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh đang triển khai kè thử nghiệm một số dạng kè có chi phí thấp như: bán kiên cố (tương tự kè tạo bãi), kè bằng cọc tre, đê mềm bằng túi Geatube. Qua đó, xem lại kè nào tối ưu nhất trong việc gây bồi, tạo bãi để trồng rừng.
Theo ông Ẩn, trước những diễn biến của biến đổi khí hậu thì việc xây dựng các dạng kè khác nhau để bảo vệ đê biển là việc làm cần thiết. Nhưng biện pháp thích ứng lâu dài là trồng và khôi phục lại hệ thống rừng phòng hộ ven biển. (Sài Gòn Giải Phóng 28/11) đầu trang(
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết, tính đến cuối tháng 11, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt trên 200.000 ha, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 14.300 ha, giảm 34,7%; trồng mới rừng sản xuất đạt 186.300 ha, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các tỉnh miền Bắc đã cơ bản hoàn thành giai đoạn trồng rừng chính vụ, trồng được 157.808 ha rừng, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh miền Nam đang trong giai đoạn trồng rừng chính vụ, đến ngày 20.11 trồng được 42.528 ha, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 8,5 triệu m3, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, diện tích rừng bị cháy là 3.374 ha, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị phá là 1.145 ha, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. (Thanh Niên 28/11) đầu trang(
Kinh phí đầu tư thấp hơn nhiều so với việc làm đê biển, đê sông, nhưng hệ thống rừng ngập mặn đã tạo ra "bức tường xanh" bảo vệ môi trường biển.
Với diện tích gần 2.300 ha rừng ngập mặn gồm bần chua, sú, vẹt tại 3 huyện ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn và Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã tạo ra "bức tường xanh" bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven biển; góp phần quan trọng bảo vệ đê sông, đê biển, bờ đập nuôi trồng thủy, hải sản, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.
"Bức tường xanh" này cũng làm tăng đáng kể hệ sinh thái thủy hải sản dọc biển Thanh Hóa. Qua đó tạo sinh kế cho hàng nghìn người dân với mức thu nhập 100.000-200.000 đồng/ngày.
à một trong những tỉnh đi đầu trong trồng rừng ven biển, từ năm 1997, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa đã triển khai dự án trồng rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ tại các huyện ven biển gồm Hậu Lộc, Nga Sơn và Hoằng Hóa.
Bà Trịnh Thị Tiếp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Trưởng Ban điều hành dự án trồng rừng ngập mặn và giảm thiểu rủi ro thảm họa cho biết: Ngoài tác dụng bảo vệ đê biển, đê sông, chống biến đổi khí hậu, hệ thống bức tường xanh là rừng ngập mặn này đã cải tạo môi trường sinh thái rất tốt. Đây cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy hải sản như tôm, cá, cua, cáy...
Để có được thành quả như ngày hôm nay, các cán bộ thực hiện dự án đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Những năm đầu triển khai dự án, nhiều nơi cây bần chua, sú, vẹt... mới trồng đã bị chết gần nửa bởi chưa có kinh nghiệm, để con hà bám ăn dần thân cây, hoặc một số người dân chặt phá để làm củi đun nấu.
Để cứu vớt số còn lại, Hội Chữ thập đỏ phối hợp với Hội Nông dân các xã cùng các đoàn thể và lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ động vận động các hộ dân nạo vét làm sạch môi trường, đẽo bỏ những con hà bám vào thân cây; đến tận nhà tuyên truyền để bà con nhận ra cái sai và trở thành những thành viên tích cực tham gia bảo vệ rừng nên đã cứu được hơn 50% diện tích.
Triển khai nhân giống trồng rừng ngập mặn trên diện rộng, Ban quản lý dự án đã thành lập các nhóm ươm cây giống, trồng rừng và bảo vệ rừng gắn với việc trồng, chăm sóc, chia sẻ quyền lợi trong cộng đồng dân cư, thu hút được hơn hàng nghìn người tham gia. Nhờ dự án mà người dân có thêm thu nhập từ bán cây giống, tiền công trồng rừng và tiền tham gia quản lý bảo vệ rừng.
Các mô hình, phong trào trồng, bảo vệ rừng ngập mặn được phát triển, góp phần giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, ổn định môi trường sinh thái, chống xói mòn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và diện tích đất nông nghiệp cho cộng đồng người dân vùng ven biển Thanh Hóa. Rừng ngập mặn cũng tạo công ăn việc làm cho nhân dân ven biển và nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên thiên và phòng, chống hiệu quả trước thiên tai, xâm thực bờ biển.
Thời gian tới, các địa phương có rừng ngập mặn cũng có kế hoạch xây dựng các tuyến du lịch sinh thái vào rừng ngập mặn, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa tăng ý thức bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đến đông đảo người dân.
Khi chúng tôi về vùng biển Hậu Lộc ở các xã Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn gồm bần chua, sú, vẹt... Những khu rừng ngập mặn với các loại cây bần chua, đước, sú, vẹt... hàng chục năm tuổi, cao 3 - 5m góp phần tạo cảnh quan và điều hòa khí hậu cho nhiều xã dọc sông, biển của huyện Hậu Lộc. Đây cũng là nơi trú ngụ của những đàn cò lớn, dưới tán là hệ sinh thái đang hồi sinh với tôm, cua, ốc, cáy...
Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc tự hào cho biết: Toàn xã Đa Lộc có 451 ha là cây bần chua, sú, vẹt... trải dài 5,1 km đê biển. Từ khi có bức tường xanh là rừng ngập mặn, hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn phát triển rất tốt bởi đây là nơi cư ngụ của nhiều loài thủy hải sản.
Nhờ có hệ thống rừng ngập mặn mà đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Toàn xã có hàng trăm người sống nhờ vào rừng ngập mặn nơi đây. Họ tranh thủ sau những buổi buôn bán cá khi khi tàu về hoặc lúc nông nhàn để ra rừng ngập mặn bắt cua, ốc, cáy... một ngày bình quân cũng cho thu nhập 100.000-150.000 đồng.
Đặc biệt các tháng 6-9 khi rừng ngập mặn nở hoa, các công ty nuôi ong di động đã mang đến đây hàng nghìn bọng ong, bởi mật ong làm từ hoa bần chua, sú vẹt có giá trị rất cao, bình quân 1 năm cũng cho thu hoạch 4-5 tấn mật ong. Trong xã cũng có gần 100 hộ nuôi ong lấy mật từ hoa của cây bần chua, sú, vẹt.
Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Yên Lộc, xã Đa Lộc phấn khởi cho biết: Trước đây gia đình có nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào chồng đi biển nên thu nhập bấp bênh. Từ năm 2012 đến nay, hệ thống rừng ngập mặn phát triển mạnh, đã có rất nhiều cáy, ốc về trú ngụ, nên sáng tranh đi bắt cáy, ốc một buổi cũng cho thu nhập trên dưới 150.000 đồng.  Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Khi đầu tư 1 km đê biển thì tốn kém hơn rất nhiều so với trồng 1 km rừng ngập mặn. Nhưng tác dụng của rừng ngập mặn thì không kém. Dẫn chứng vấn đề này, ông Long cũng cho biết: tháng 9/2005, bão số 5 đổ bộ trực tiếp vào huyện Hậu Lộc, làm vỡ đê phòng hộ, phá hủy nhà cửa, gây thiệt hại về hoa màu và vật nuôi tại một số xã nghèo ven biển, nhưng riêng tuyến đê tại xã Đa Lộc ít bị thiệt hại nhất là nhờ “bức tường xanh” là hệ thống rừng ngập mặn bao quanh trước đê biển. (Tin Tức 28/11) đầu trang(
Làng đập Đầm, nay là xóm 11 xã Xuân Thành, huyện Yên Thành hội tụ nhiều người, suốt cả cuộc đời họ đã gắn bó với ngành lâm nghiệp. Nay nghỉ hưu họ vẫn bám trụ với mảnh đất này để góp sức trong công tác quản lý và bảo vệ trên 100 ha rừng đầu nguồn, kết hợp phát triển hộ bền vững, làm đổi thay diện mạo của một vùng quê.
Sau hàng chục năm gắn bó với ngành lâm nghiệp, ông Phan Văn Tịnh nghỉ hưu và chọn mảnh đất ở làng đập Đầm để sinh sống. Bằng kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy, ngoài  đảm nhận chăm sóc và khai thác nhựa trên diện tích 3 ha thông nguyên liệu, hơn 3 năm qua, ông cùng vợ con xây dựng được mô hình ươm giống cây lâm nghiệp trong vườn nhà, bình quân mỗi năm cung cấp cho bà con trên 3 vạn cây giống, phục vụ công tác trồng rừng.
Ông Tịnh còn đảm nhận chức trách bí thư chi bộ, cùng với cấp ủy và ban xóm đề ra nhiều giải pháp phù hợp, giúp bà con phát triển nông, lâm kết hợp đạt hiệu quả cao. Cùng với đó là sự hỗ trợ nhiệt tình của 10 cán bộ, nhân viên ngành lâm nghiệp nghỉ hưu tại địa bàn, bà con ở xóm đã phát triển vốn rừng, quản lý bảo vệ rừng, làm tốt công tác PCCCR, phòng trừ sâu hại, chung tay bảo vệ khu vực rừng đầu nguồn gắn với  phát triển kinh tế.
Làng đập Đầm xưa kia là vùng đồi núi hoang vu, dân cư thưa thớt từ nhiều nơi về đây xây dựng vùng kinh tế mới. Những năm gần đây, nhờ thực hiện có hiệu quả Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về giao đất khoán rừng, và Nghị quyết 02 của Ban thường vụ Huyện uỷ về phát triển kinh tế VACR kết hợp đã mở ra hướng đi mới cho người dân. Các gia đình nơi đây khai hoang phục hoá, phá bỏ vườn tạp, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho thu nhập khá.
Hộ dân của xóm đã bảo vệ tươi tốt 100 ha thông nguyên liệu, đạt sản lượng khai thác 75 tấn nhựa/năm. Hiện tại xóm chỉ còn 2 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người gần 30 triệu đồng/năm. Ông Lê Văn Hải – Chủ tịch xã Xuân Thành cho biết: Làng đập Đầm là khu vực nằm trong dự án của huyện về phát triển du lịch tâm linh sinh thái rú Gám, vì vậy đây là vùng được kỳ vọng phát triển năng động hơn nữa trong thời gian tới.  (Báo Nghệ An 27/11) đầu trang(
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau và các Hạt Kiểm lâm Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân cư ngụ trong và ven rừng phòng hộ cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản non.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn không để các đối tượng lợi dụng ra, vào rừng để khai thác lâm sản trái phép, triệt phá các băng nhóm phá rừng, cơ sở chế biến lâm sản, các tụ điểm hành nghề hầm than và chứa dựa lâm sản trái phép, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng phức tạp.
Cà Mau đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, không để cho người dân cất chòi, đặt đáy khai thác các loại giống thủy sản; cư trú trái phép trong và ven rừng phòng hộ. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau Lê Văn Hải nhận định: Tình hình quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở Cà Mau từng bước đi vào ổn định, số vụ vi phạm giảm dần qua các năm. Nếu như thời điểm cuối năm 2012 kéo dài đến năm 2013, rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã bị tàn phá hết sức nghiêm trọng thì đến nay tình hình đã được ngăn chặn có hiệu quả, không còn buông lỏng quản lý như trước.
Vụ phá rừng nói trên gây hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều cán bộ, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã nhận hình thức kỷ luật, cao nhất là bị cách chức. Tuy nhiên, việc khai thác cây rừng, xây lò hầm than trái phép trên lâm phần ở một số nơi vẫn còn diễn ra, chưa triệt phá dứt điểm gây ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng trong khu vực rừng ngập mặn. Bên cạnh đó nhiều vụ vận chuyển lâm sản trái phép cũng là vấn đề cần đáng quan tâm.
Trong 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xảy ra hơn 1.360 vụ vi phạm liên quan đến việc vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng… Cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành xử phạt gần 4,5 tỷ đồng và tịch thu nhiều tang vật vi phạm.
Riêng 10 tháng của năm 2016, tỉnh Cà Mau đã xử lý 196 vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng với số tiền xử phạt hành chính gần 550 triệu đồng, tịch thu 36m3 gỗ, gần 4.000 kg than, phá hủy hơn 270 lượt lò than xây dựng trái phép ở khu vực rừng ngập mặn. (Báo Ảnh Dân Tộc Và Miền Núi 28/11) đầu trang(
Được sự tài trợ của Quỹ APN (Asian-Pacific Network for Global Change) Viện Công Nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) hợp tác cùng Viện Nước-Môi trường-Sức khỏe Trường Đại học Liên hiệp quốc (UNU-INWEH) Canada và các đối tác Quốc tế triển khai chương trình ENGAGE (Tiếp cận thích ứng dựa vào hệ sinh thái trong quản lý và quản trị bền vững hệ sinh thái ven biển).
Thành phần tham dự gồm các chuyên gia Quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu & hệ sinh thái ven biển khu vực Đông Nam Á; Các quan chức Chính phủ làm việc trong khu vực ven biển Đông Nam Á; Đại diện các bên liên quan, các bộ, ban, ngành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Các hệ sinh thái ven biển tiếp giáp với bờ biển nhiệt đới đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì điều kiện môi trường toàn diện cho các cộng đồng ven biển. Các hệ sinh thái chủ yếu bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy, rừng thủy triều biển và đóng một vai trò quan trọng trong việc che chở bờ biển giữa nước ngọt và nước mặn.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á (SEAR) tạo thành môi trường sống lớn nhất đối với đa dạng ven biển, bao gồm rừng ngập mặn. Chỉ riêng Indonesia chiếm hơn 20% rừng ngập mặn của thế giới. Các cuộc thảo luận gần đây về khoa học bền vững đã xác nhận sự cần thiết của việc quản lý tài nguyên và quy hoạch vì nó liên quan đến lợi ích của các nguồn vốn xã hội.
Để thuận lợi cho công tác quản lý bền vững các hệ sinh thái ven biển trong khu vực Đông Nam Á, khóa đào tạo kết hợp hội nghị bàn tròn sẽ thảo luận và tranh luận về nhiều vấn đề liên quan đến cách tiếp cận thích ứng dựa vào hệ sinh thái trong quản lý và quản trị bền vững hệ sinh thái ven biển.
Các nội dung bao gồm: Đa dạng sinh học và sự đa dạng của các hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn; tác động của việc thay đổi khí hậu các hệ sinh thái ven biển; tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với động lực thủy văn trong đất và hệ sinh thái thủy sinh; thảm họa thiên nhiên và rừng ngập mặn; giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái, đánh giá rủi ro chiến lược thích ứng và dễ bị tổn thương, giải pháp dựa vào thiên nhiên trong quản lý vùng ven biển, tổng quan và phân tích các lỗ hổng, các rào cản chính sách đối với quản lý bền vững; tầm quan trọng của việc cải cách chính sách cũng như việc xây dựng hành động cụ thể để cải thiện công tác nghiên cứu, đào tạo và quản lý các khu vực hệ sinh thái…
Mục đích của chương trình là tăng cường năng lực cho các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý và các tổ chức trong đánh giá nhu cầu và phân tích lỗ hổng trong nhu cầu năng lực cho phương pháp tiếp cận thích ứng dựa vào hệ sinh thái trong quản lý bền vững hệ sinh thái ven biển trong khu vực.
Về lâu dài, mục đích là để tạo ra một diễn đàn thảo luận, dẫn dắt các cuộc thảo luận mở giành cho các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách trong việc giải quyết các yêu cầu chung về tác động của biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái dựa trên cách tiếp ứng phù hợp với kế hoạch phát triển và quản lý vùng bờ bao gồm nhấn mạnh vào các phương pháp truyền thống và những phương pháp mới để quản lý bền vững hệ sinh thái ven biển, thúc đẩy và khuyến khích việc trao đổi kiến thức giữa các bên liên quan khác nhau trong khu vực.
Đào tạo kết hợp hội thảo (Twin-framework) trong chương trình ENGAGE gồm khóa tập huấn 3 ngày (21-23/11) và 1 ngày hội thảo (24/11) đối thoại đa biên (Hội nghị bàn tròn). Khóa đào tạo tập trung vào lý thuyết và phương pháp tiếp cận thực tế để giải quyết và hiểu đặc điểm, sinh thái và chức năng của các hệ sinh thái ven biển, tiếp cận thích ứng dựa vào hệ sinh thái như một công cụ quản lý. Khoá đào tạo sẽ bao gồm các bài giảng, chia sẻ thực tế của các chuyên gia đến từ các nước trong khu vực cũng như tham quan thực tế tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Phạm Vũ Bằng – Nghiên cứu viên trường Kinh Tế và Luật, trường Đại học Trà Vinh, Việt Nam chia sẻ: “Chương trình hội thảo đào tạo rất hữu ích cho việc nghiên cứu của chúng tôi. Khóa đào tạo thực sự là một cơ hội tuyệt vời để tôi học hỏi từ các nhà nghiên cứu cấp cao và các nhà khoa học đến từ Mỹ, Canada và trong khu vực. Đây cũng là một cơ hội tuyệt vời cho tôi để thiết lập mạng lưới với các đồng nghiệp từ các nước trong khu vực như: Philippines, Myanmar, Thái Lan, Indonesia…. Để tạo điều kiện hợp tác nghiên cứu trong tương lai giữa chúng tôi”… (VnEpress 28/11) đầu trang(
Trong số 16 gói thầu của Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng - Giai đoạn 2, tỉnh Quảng Trị đã được phê duyệt vào trung tuần tháng 7/2016, đến nay một số gói thầu vẫn chưa thể thực hiện được và Bên mời thầu đang đề nghị điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu.
Theo Quyết định số 1645/QĐ-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị, Dự án gồm có 16 gói thầu, trong đó có 5 gói thầu thực hiện vào quý IV/2016 và đầu năm 2017, còn lại đều phải thực hiện trước quý IV/2016. Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Bình – người điều phối Dự án, cho đến nay, chỉ mới có một số rất ít gói thầu đã lựa chọn được nhà thầu thực hiện như Gói thầu “Điều tra lập địa, thiết kế trồng rừng, điều tra tài nguyên rừng có sự tham gia của người dân, đo đạc và lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cộng đồng và lập cấu trúc mô hình rừng bền vững”.
Đối với những gói thầu chậm tiến độ, bà Bình đưa ra nhiều lý do khác nhau. Tại Gói thầu Mua sắm vật tư cho đầu vào hoạt động sinh kế nông nghiệp, hiện Chủ đầu tư đang trình nhà tài trợ phương án tách thành 2 gói thầu. Nếu được phê duyệt, thì cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm nay sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh.
Cũng theo bà Bình, Gói thầu Xác định ranh giới và cắm mốc, hiện mới chỉ trình phê duyệt dự toán, trong khi theo kế hoạch được phê duyệt trước đó thì thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu là trong quý III/2016. Nếu suôn sẻ, theo bà Bình, đầu tháng 12 tới, Bên mời thầu sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh.
Còn đối với Gói thầu Phát triển kinh doanh/chế biến nông nghiệp và lâm sản ngoài gỗ, Bên mời thầu đang trong quá trình xây dựng và dự kiến đến quý I/2017 mới thực hiện lựa chọn nhà thầu, chậm hơn so với kế hoạch là quý III/2016...
Lý do của sự chậm tiến độ này, bà Bình giải thích, chủ yếu là do gặp khó khăn trong quá trình lập dự toán, nên tiến độ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu chi tiết bị chậm.
Riêng đối với 8 gói thầu áp dụng theo hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng, bà Lưu Thị Bình cũng cho biết, Bên mời thầu đang kiến nghị nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh sang hình thức tự thực hiện, bởi vì đây không phải là dịch vụ có phần lựa chọn nhà thầu, mà giống như chi phí quản lý dự án chung. Chẳng hạn như Gói thầu Khai thác gỗ thí điểm, đây chỉ là hoạt động tổ chức hội nghị, tập huấn người dân khai thác gỗ, chứ không phải dịch vụ khai thác gỗ.
Dự án do UBND tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, gồm có 16 gói thầu với tổng mức đầu tư là 196,67 tỷ đồng và 9,165 triệu USD. Dự án sử dụng nguồn vốn từ vốn vay của ADB. (Báo Đầu Tư 28/11) đầu trang(
Chúng tôi tới Cúc Phương vào một buổi chiều mùa đông. Lối vào rừng len lỏi xuyên qua những tán cây. Ánh nắng chiều đông nhàn nhạt nhường chỗ cho màn sương mỏng bảng lảng khắp không gian.
Đâu đây, vẳng nghe tiếng chim ríu rít gọi nhau về tổ, tiếng côn trùng lẩn mình rả rích trong đám cỏ xanh. Đêm xuống thật nhanh và bóng tối bao trùm khu rừng.
Từ cửa rừng vào đến giữa rừng khoảng 20 km, chạy xe trong tiếng gió rì rào không ngớt của ngàn lá cây khiến bất cứ ai cũng không vội đi nhanh, để thả lỏng người, hít hà thật sâu hương vị của rừng.
Những ngôi nhà gỗ nằm sâu giữa rừng hòa mình với cánh rừng là chỗ trú chân cho du khách. Trên ban công nhỏ của ngôi nhà nghỉ giữa rừng là bộ bàn ghế xinh xắn, người phục vụ bày tách trà thơm mùi thảo mộc sau bữa ăn tối.
Được ngồi hàn huyên với bạn bè trong một không gian  ấm cúng giữa đại ngàn quả không còn gì thú vị bằng. Không gian trở nên lãng mạn với mùi gỗ trầm hương, đinh tử hương cùng hồi, quế phảng phất từ chiếc lư nhỏ trong ánh nến vàng óng như mật.
Sớm hôm sau, rừng đánh thức du khách bằng tiếng hót của loài chim sơn ca. Tiếng ríu rít líu lo khiến những kẻ hay ngủ nướng nhất cũng phải tựa tay chống cằm thưởng thức.
Không khí buổi sáng trong trẻo như pha lê, gõ cửa từng phòng khua cả nhóm dậy ăn sáng, uống cà phê lấy khí thế khám phá rừng Cúc Phương.
Để tham quan trọn vẹn rừng Cúc Phương khám phá từng ngõ ngách trong rừng có nhiều cách như đạp xe xuyên rừng, đi bộ băng rừng già trên những con đường mòn nhỏ rậm rạp cây lá.
Tuy nhiên đa số du khách thích đi bộ hơn để cảm nhận rõ rệt nhất từng hơi thở của rừng trong mỗi bước chân đi. Ở đây, có một khẩu hiệu bảo vệ rừng gây ấn tượng mạnh: “Bạn không để lại gì, trừ những dấu chân/Bạn không lấy gì, ngoài những bức ảnh/Bạn không giết gì ngoài thời gian/Thế là bạn đang cùng chúng tôi gìn giữ thiên nhiên Cúc Phương”.
Phải chăng, chỉ cần những câu chữ nhẹ nhàng và không kém phần sâu sắc này mà rừng Cúc Phương còn giữ được khá vẹn nguyên cho tới ngày hôm nay?
Theo lời của người hướng dẫn viên: Hệ thực vật đã thống kê được 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu. Trong đó có những cây đại thụ như Chò xanh, Đăng, Sấu mà bạnh vè của chúng sừng sững như bức tường; hay những dây leo thân gỗ vừa to vừa dài, uốn lượn giữa các tầng rừng...
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 12 loài thực vật mới, trong đó có một chi và loài Lan rất hiếm (Vietorchis aurea Averyanov) chỉ phân bố tại một vùng rất hẹp trong rừng Cúc Phương.
Hệ động vật với 659 loài động vật có xương sống, gồm: 336 loài chim, 135 loài thú, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá. Trong đó có loài voọc đen mông trắng rất đẹp và hiếm, được chọn làm biểu tượng của rừng quốc gia Cúc Phương.
Thế giới côn trùng lại càng phong phú, đã ghi nhận gần 2.000 loài. Trong đó có loài Bọ que ngụy trang như cành cây, chỉ có thể nhận ra khi chúng cử động, hay xuất hiện rất nhiều vào mùa hè là các loài bướm sặc sỡ sắc màu... Có thể nói, đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.
Với địa hình Caxtơ nửa che phủ, rừng Cúc Phương còn có nhiều hang động đẹp và bí ẩn như: động Sơn cung, động Phò mã giáng...
Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử cách nay từ 7.500 đến 12.000 năm, đó là hang Đắng (động người xưa), hang con Moong.
Đáng chú ý, Hang Con Moong vừa được công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt. Với độ dài khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m, hang Con Moong nổi bật với những thế mạnh của một di chỉ khảo cổ học độc đáo và nhiều bí ẩn ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Hang Con Moong có địa tầng văn hóa khá dầy, có sự đan xen kế tiếp nhau của đất sét, vỏ nhuyễn thể và các vệt tro than.
Từ đây, theo một con đường mòn trong rừng già, du khách sẽ gặp cây chò ngàn năm tuổi, cao 45m, đường kính 5m, có chu vi 20 người dang tay ôm mới giáp.
Những dây leo khổng lồ với đường kính gốc 0,5m, chạy dài khoảng 1km vắt ngang rừng và loài “đa bóp cổ” sẽ gây cho du khách sự ngạc nhiên, thán phục: hạt đa nảy mầm trên các hốc cây khác, khi rễ của chúng đã bám đất, chúng phát triển rất nhanh, bóp chết cây chủ. Du khách còn được chiêm ngưỡng những cây chò cao tới 70m, thân thẳng, tròn đều.
Bản người Mường cách Vườn quốc gia Cúc Phương chừng 16km, đường đến bản khá dài và phải qua nhiều đồi dốc cao. Đi thăm bản sẽ là chuyến du khảo hấp dẫn.
Bên triền sông Bưởi, những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang như nét chấm phá tuyệt vời giữa một khung cảnh núi rừng hoang sơ, lãng mạn...
Bà con dân tộc Mường hiền lành, vui vẻ, mến khách. Ven bờ sông Bưởi nước trắng xóa, tung bọt chảy về xuôi. Du khách ngẩn ngơ khi nghe tiếng hát trong trẻo của những cô gái Mường.
Nếu thích, du khách đi qua khu rừng già với nhiều dốc đá, leo lên đỉnh Mây Hạc cao 648m, cách trung tâm vườn quốc gia chừng 3km để chinh phục đỉnh núi cao nhất rừng Cúc Phương. Lên đến đỉnh núi những mệt nhọc sẽ tan biến đi. Bạn hít thở không khí trong lành và khoan thai, thong thả chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng, kỳ vĩ như trong tranh vẽ của miền núi Ninh Bình.
Tình cờ, trên các ngả rừng, nếu bạn gặp những bia đúc thì đừng vội sợ. Đó là những bia ghi công người Mường bản địa đã giữ rừng, sống chung với rừng trong quá khứ.
Hiện tại, còn một bản Mường sinh sống trong rừng sâu Cúc Phương, trong tương lai, những “tài nguyên” nhân văn này sẽ đóng góp cho du lịch Cúc Phương nếu biết tận dụng và khai thác một cách chuyên nghiệp. Gần đây, nhiều công ty du lịch đã có logo gắn với Cúc Phương trên hành trình tour dã ngoại.
Đến rừng Cúc Phương ngày mùa đông càng gợi cảm giác bí ẩn và hoang dã giữa đại ngàn. Dù đây cũng chỉ là một chuyến đi “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhưng để cảm nhận những miền thời gian sâu thẳm trong giây lát thì chỉ có thể là đến với Cúc Phương. (Đại Đoàn Kết 28/11) đầu trang(
Nguyễn Thị Thu Trang, cô gái Hà Nội sinh năm 1990 liên tiếp giành được học bổng từ các trường đại học danh giá ở Anh quốc, được nhiều người gọi với cái tên thân thiện: “Đại sứ” của động vật hoang dã. Với cô, tình yêu thiên nhiên đã “ngấm” vào máu và cô luôn tâm niệm mang những gì mình học được áp dụng cho việc bảo vệ động vật ở Việt Nam.
Mặc dù đã có bề dày 8 năm nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn động vật nhưng Trang vẫn khiêm tốn rằng, tất cả những gì cô đã làm chẳng thấm tháp vào đâu so với rất nhiều người âm thầm cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ động vật hoang dã.
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, Trang bộc bạch, nhiều người vẫn hỏi cô rằng, con đường đi nghiên cứu động vật hoang dã có phải là một cái duyên hay không? Khi đó, Trang vui vẻ trả lời “cái duyên” là cách gọi lãng mạn hóa mà thôi, còn thực tại để đến được với những thứ mình yêu thích thì cần sự cố gắng, tập trung, phấn đấu hết mình và không từ bỏ, dù thứ mình yêu thích là cái gì đi nữa.
Theo chia sẻ của Trang, cô may mắn vì biết được con đường cô muốn đi và công việc cô muốn làm từ lúc còn khá nhỏ. Việc quyết tâm theo đuổi con đường này cũng rất tự nhiên, từ bé Trang luôn thích khám phá, tìm tòi những điều mới lạ, cô hay thức khuya xem những chương trình phim tài liệu về thiên nhiên, động vật hoang dã.
Đặc biệt, khi đã trưởng thành, Trang thấy thái độ và hành vi của người dân đối với động vật rất thờ ơ (đánh đập, đốt rừng, phá rừng, buôn bán động vật hoang dã trái phép...) vì thế Trang đã quyết tâm “phải làm gì đó” để thay đổi điều mà mình thấy nhức nhối nhất này.
Nghĩ và làm. 14 tuổi, khi vẫn còn là học sinh cấp 2, Trang một mình khăn gói đến trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã ở Sóc Sơn xin làm tình nguyện. Có kinh nghiệm thực tế, 15 tuổi Trang tham gia cuộc thi Quốc gia về bảo vệ nguồn nước và đoạt giải nhất.
Tình yêu động vật hoang dã luôn thôi thúc cô gái trẻ “vượt qua chính mình”. Năm 17 tuổi, Trang đã vác balo nhập đoàn băng rừng xuyên đêm để tham gia khoá tập huấn về linh trưởng.
“Mình muốn thực sự trở thành nhà bảo tồn động vật hoang dã, làm nghiên cứu về tập tính và môi trường sống của chúng. Khi nghe tin có khóa tập huấn về linh trưởng ở Việt Nam do Conservation International đồng tổ chức với các tổ chức bảo tồn khác, mình đã đăng ký tham gia và rất may mắn được nhận, vì khóa học này lúc đó chỉ dành cho những anh chị năm cuối đại học trong ngành môi trường và các anh, các chú làm kiểm lâm”, Trang nhớ lại. Với Trang, khóa tập huấn đó là một trong những bước đi đầu tiên và là cơ hội để cô có thể hiểu “làm bảo tồn nghiên cứu là làm gì”.
Năm 2006, Trang đại diện học sinh - sinh viên cả nước tham dự cuộc thi khoa học tại Đài Loan và đoạt giải nhất lĩnh vực khoa học môi trường (Environmental Science). Hai năm sau, Trang đoạt được học bổng đại học Oxford và năm 2011 tốt nghiệp với bằng cử nhân tài năng (Bachelor of Science with Honours).
Là một trong những người đi tiên phong trong phong trào bảo vệ động vật nhờ vào sức mạnh của mạng xã hội tại Việt Nam, năm 2010, Trang thành lập trang Facebook "Tôi yêu động vật". Khi đó, Trang mới chỉ là một du học sinh 20 tuổi ở Anh kết nối từ xa với những bạn trẻ ở quê nhà Việt Nam để mở rộng mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã. Sau 6 năm, mạng lưới "Tôi yêu động vật" và WildAid Việt Nam do Trang thành lập đã kết nối hơn 70.000 thành viên.
Năm 2012, Trang tốt nghiệp khóa thạc sĩ chuyên ngành Bảo tồn linh trưởng tại ĐH Oxford. Một năm sau đó, Trang tiếp tục giành học bổng toàn phần tại ĐH Cambridge và trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên tham dự Student Conference on Conservation Science ở Cambridge, Anh.
Kinh nghiệm từ những chuyến đi, các cuộc thi về đề tài môi trường đã giúp Trang định hướng rõ ngành mà mình yêu thích để theo đuổi. Tuy nhiên, Trang đã vấp phải sự ngăn cản từ gia đình. “Rào cản lớn nhất của mình vẫn là gia đình không ủng hộ. Ngay cả bây giờ bố mẹ cũng không thực sự ủng hộ mình theo ngành này”, Trang bộc bạch.
Theo lời kể của Trang, lúc còn nhỏ cô không hiểu chuyện và cảm thấy bức bối vì bị bố mẹ ngăn cấm. Nhưng cho đến thời điểm bây giờ, Trang cũng có thể hiểu được phần nào lý do vì sao bố mẹ không muốn cho mình đi theo con đường này.
“Đi làm nghiên cứu bảo tồn như mình phải đi xa, đi nhiều, vào rừng sâu khá thường xuyên, nó cũng không phải dạng công việc như các ông bố bà mẹ Việt Nam mong muốn con mình làm vì nó không nhàn hạ lương cao. Giờ thì mình hiểu là bố mẹ cũng chỉ muốn cho mình được hạnh phúc thôi, nhưng mình cũng rất cảm ơn bố mẹ vì cho dù bố mẹ không thực sự ủng hộ, nhưng cũng đã để mình được sống với đam mê và hạnh phúc riêng của mình”, Trang chia sẻ.
Quỹ thời gian của Thu Trang chia đều cho việc học ở Anh, những khu bảo tồn động vật ở châu Phi và đôi khi là những chuyến thực địa dài ngày tại quê nhà. Tuy nhiên, một trong những dự án cô tâm đắc nhất là dự án về tê giác ở châu Phi vào tháng 6/2014.
Trò chuyện với PV, Trang chia sẻ nhiều về những chuyến đi của mình. Cô nói, đi làm nghiên cứu bảo tồn có nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có mà thất vọng cũng có. Khi đi làm nghiên cứu ở châu Phi, sống trong trạm nghiên cứu ở vườn quốc gia và được nhìn ngắm các loài động vật hoang dã là một điều vô cùng tuyệt vời. Tuy nhiên, gần như đêm trăng rằm nào cũng có thể nghe thấy tiếng súng của những tên săn trộm tê giác và gần như ngày nào cũng thấy con số thống kê tê giác bị giết chết ngày một tăng ở khu vực đó.
“Cảm giác biết rằng những chú tê giác này bị giết để phục vụ cho nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam và Trung Quốc, nói chuyện với những người kiểm lâm làm việc ở đó, họ thấy sự bất lực, thất vọng và những nỗ lực của họ gần như không được đền đáp. Khi làm việc với mọi người ở nhà, nhiều khi thấy được thái độ của người dân Việt Nam mình đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã khiến mình cảm thấy rất tức giận, rất buồn và cũng rất thất vọng”, Trang bùi ngùi kể.
Quen với điều kiện sống thiếu thốn trong rừng, tuy vậy, không ít lần Trang gặp những tình huống dở khóc dở cười. Không ít lần cô bị lạc nhiều ngày trong rừng, nhịn đói nhịn khát tìm đường ra duy nhất nhờ có chiếc máy định vị GPS làm hộ thân. Ở vùng đất xa lạ, bất đồng ngôn ngữ và rắc rối với người bản địa cũng khiến cô gặp trở ngại trong việc nghiên cứu. Nhưng nhờ đó Trang hiểu rằng khó khăn là món quà mang đến cho cô nhiều trải nghiệm.
Trang kể rằng, cô làm nghiên cứu về tập tính và sinh thái của động vật hoang dã nên cũng có nhiều kỷ niệm thú vị với các loài động vật. Tuy nhiên, với loài voi thì cô luôn có cảm giác yêu mến và ngưỡng mộ nhiều nhất. Loài voi không chỉ là một loài động vật vô cùng thông minh, mà chúng còn có đời sống xã hội rất phức tạp, rất tình cảm với các thành viên quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. “Mình không bao giờ hiểu được và cũng không bao giờ chấp nhận chuyện con người giết hại loài động vật tuyệt vời này chỉ để lấy ngà làm trang sức”, Trang bức xúc nói.
Chia sẻ với PV, Trang muốn gửi gắm đến các bạn trẻ, đừng “like” hay “share” những hình ảnh man rợ của những đối tượng giết hại động vật hoang dã làm trò vui trên facebook, hãy thông báo với chính quyền và với các tổ chức làm bảo tồn để họ bị pháp luật trừng trị. “Like” hay “share” những hình ảnh đó chính là hành vi khuyến khích gián tiếp để những hành động này lại tái diễn. (Đời Sống Và Pháp Luật 26/11) đầu trang(
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai diễn biến phức tạp.
Mới đây, UBND, Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai đã ký cam kết thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh hai tỉnh.
Phú Yên có các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh giáp ranh với các huyện Kông Chro, Ia Pa và Krông Pa của Gia Lai với chiều dài khoảng 110km. Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, khu vực giáp ranh có địa hình hiểm trở, nhiều đỉnh núi cao, chia cách bởi nhiều nhánh sông, suối nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng trồng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép rất phức tạp.
Vùng giáp ranh giữa các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh với Krông Pa thường xảy ra tình trạng khai thác trái phép lâm sản rồi vận chuyển bằng đường sông, quốc lộ 25, 29 để đưa về Phú Yên tiêu thụ.
Ngoài ra, gỗ có nguồn gốc trái phép từ Gia Lai còn được vận chuyển về Phú Yên qua tuyến đường từ xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) sang xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa). Đối với khu vực giáp ranh giữa huyện Đồng Xuân với các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa thường xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép và xảy ra nhiều vụ cháy rừng trồng với mức độ thiệt hại lớn.
Không những thế, khu vực giáp ranh giữa xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) với xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) còn xảy ra tình trạng đào phá đất rừng để đãi vàng trái phép. Gần đây, hàng ngày có nhiều người từ huyện Krông Pa sang các xã Krông Pa, Ea Chà Rang, Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) để chặt phá, khai thác trái phép lâm sản rừng đặc dụng Krông Trai.
Ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, cho biết: “Tại tiểu khu 198 thuộc xã Ea Chà Rang và tiểu khu 178 thuộc xã Cà Lúi là khu vực giáp ranh với đất sản xuất của người dân xã Chư Ngọc. Do không có đường đi nên người dân đã mở lối đi băng ngang rừng đặc dụng và xây dựng nhiều lán trại ở đây để phá rừng làm rẫy trái phép.
Vào ban đêm, các đối tượng thường dùng thuyền máy tập kết gỗ từ ngã ba sông Ba với sông Krông H’Năng (khu vực giáp ranh ba tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk) để vận chuyển đến các bến sông thuộc buôn Thu, buôn Học, buôn Khăm (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) và bờ đập thủy điện Sông Ba Hạ rồi tiếp tục đưa đi trên các tuyến đường. Khi phát hiện, các đối tượng điều khiển thuyền ra giữa sông, thậm chí còn chống đối lực lượng chức năng…”.
Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa (tỉnh Gia Lai), cho biết: Từ năm 2014-2015, Hạt Kiểm lâm Krông Pa phối hợp với lực lượng kiểm lâm Phú Yên xử lý 3 vụ vận chuyển, tập kết gỗ đường sông tại khu vực buôn Thu (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa).
Từ năm 2015-2016, Hạt Kiểm lâm Krông Pa bắt giữ 3 vụ người dân Phú Yên đưa máy kéo mini sang địa phận xã Krông Năng (huyện Krông Pa) khai thác, vận chuyển gỗ về huyện Sông Hinh. Ngày 2/6/2016, nhận được tin báo các đối tượng tập kết gỗ trái phép trên sông Krông H’Năng để vận chuyển bằng đường sông về Phú Yên, Hạt Kiểm lâm Krông Pa đã triển khai lực lượng ngăn chặn.
Tuy nhiên, các đối tượng chống trả quyết liệt, 3 cán bộ kiểm lâm bị thương, lực lượng chức năng buộc phải nổ súng nhưng không may trúng vào chân một đối tượng và dẫn đến thương vong. Riêng từ đầu năm đến nay, tại khu vực các xã Ia Dreh, Krông Năng (huyện Krông Pa) giáp ranh với Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) và huyện Sông Hinh, Hạt Kiểm lâm Krông Pa đã bắt giữ 7 vụ vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép.
Khối lượng lâm sản tạm giữ gần 9,5m3 gỗ các loại từ nhóm I-VIII và hơn 10.890kg cành, nhánh, gốc, rễ hương, tạm giữ 8 xe máy độ chế và 3 máy cưa dùng xăng…
Còn ông Phan Văn Đoan, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa, cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện Sơn Hòa phối hợp với các đơn vị chức năng vùng giáp ranh đã phát hiện và lập biên bản 59 vụ khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giữ lâm sản, đào bới đất lâm nghiệp trái phép. Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa đã tịch thu hơn 88,7m3 gỗ các loại, hơn 500kg than hầm, 2 ô tô, 2 cộ bò, 28 máy cưa dùng xăng, phạt tiền hơn 75 triệu đồng.
Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, cho hay: Từ năm 2012 đến nay, lực lượng kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai đã thực hiện quy chế phối hợp kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, lấn chiếm rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép vùng giáp ranh giữa hai tỉnh.
Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm hai tỉnh đã thông tin với nhau về các vùng trọng điểm phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm rừng, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm. Các hạt kiểm lâm của hai tỉnh vùng giáp ranh đã phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra rừng phát hiện nhiều vụ vi phạm lấn chiếm rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản.
Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ cho Công an huyện Đồng Xuân xử lý 1 vụ, tịch thu 2 súng quân dụng sử dụng trái phép, 2 cưa máy dùng xăng và nhiều lâm sản khác.
Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa và Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai phối hợp với lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét, tịch thu hơn 8,5m3 gỗ các loại, 9 thuyền máy không đăng ký lưu hành. Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai phối hợp với Hạt Kiểm lâm Krông Pa bắt giữ hơn 25m3 gỗ các loại, hơn 1.860kg gốc, rễ, cành, nhánh cây gỗ nhóm I, tịch thu 5 ô tô, 2 mô tô và ngăn chặn một vụ đào đãi vàng trái phép tại khu vực sông Cà Lúi.
Lực lượng kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai đã tổ chức nhiều đợt truy quét tại khu vực giáp ranh, trong đó tại buôn Thu (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) đã bắt giữ hơn 8m3 gỗ các loại. Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh phối hợp với lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai xử lý 25 vụ vi phạm, tịch thu hơn 46,7m3 gỗ nhóm I, khoảng 1.765kg cành, nhánh, gốc, rễ cây gỗ nhóm I, 6 ô tô, 5 mô tô, 3 thuyền máy, phạt tiền hơn 25 triệu đồng…
Theo Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, bên cạnh những mặt đạt được trong công tác phối hợp thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản vùng giáp ranh đang gặp khó khăn vì các đối tượng vi phạm rất manh động, sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ.
Công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm hai tỉnh chưa thường xuyên, khu vực giáp ranh có địa hình hiểm trở nên còn xảy ra nhiều vụ vi phạm, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, kinh phí thực hiện trong công tác phối hợp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa (tỉnh Gia Lai), cho biết: Để quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh tốt hơn, các địa phương vùng giáp ranh cần tăng cường tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của người dân, không phá rừng mà tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Kiểm lâm và các địa phương vùng giáp ranh cần tăng cường phối hợp triệt phá các thuyền vận chuyển lâm sản trái phép tại các bến đò thuộc khu vực giáp ranh, đồng thời triệt phá các đường dây, đầu nậu thu mua gỗ trái phép.
Ông Trương Hiếu Hoàng cho biết: “Hiện lực lượng cán bộ, kiểm lâm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai chỉ đáp ứng khoảng 40% theo quy định, đề nghị tỉnh có kế hoạch bổ sung đủ lực lượng. Nhằm tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng đảm bảo ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng phá rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh cũng cần xem xét giao khoán rừng cho dân tham gia bảo vệ rừng đặc dụng”.
Còn ông Phan Văn Công kiến nghị, cấp có thẩm quyền hai tỉnh cần xem xét, đầu tư phương tiện, dụng cụ, công cụ phù hợp để lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, quản lý lâm sản vùng giáp ranh… (Báo Phú Yên 29/11) đầu trang(
Gần đây nhất, vào chiều 26.11, Tổ công tác liên ngành đã tiến hành bắt giữ một xe ô tô 7 chỗ đeo BKS màu xanh (biển xe công vụ) vận chuyển gỗ nghiến trái phép.
Theo đó, vào khoảng 13h chiều 26.11, chiếc xe Fortuner biển kiểm soát 22C-0387 đang chạy từ huyện Chiêm Hóa về TP.Tuyên Quang, qua địa phận xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe. Quá trình kiểm tra, trên xe có 43 khúc gỗ dạng thớt, nghi là gỗ nghiến nhóm 2A được cất dấu khá sơ sài.
Qua xác minh, chiếc xe Fortuner nói trên là của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lâm Bình, do Phạm Văn Tuyên (SN 1984, trú tại tổ 10 thị trấn Na Hang) là lái xe của Viện Kiểm sát Lâm Bình điều khiển.
Do tài xế không thể xuất trình được giấy tờ và nguồn gốc hợp pháp của số gỗ, nên tổ liên ngành đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và tang vật đưa về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang để giải quyết theo đúng trình tự pháp luật.
Trao đổi với PV về sự việc này, một lãnh đạo huyện Lâm Bình cho hay: "Tôi cũng đã nghe anh em báo cáo, là xe của Viện Kiểm sát đóng trên địa bàn huyện Lâm Bình. Hiện tại bên chi cục Kiểm lâm tỉnh họ đang tạm giữ xe và toàn bộ tang vật để xác minh làm rõ".
Trước đó không lâu, vào khoảng 12h40' phút ngày 1.9, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 6 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67 Công an thành phố Hà Nội) cũng phát hiện trường hợp một xe ô tô biển xanh của tỉnh Tuyên Quang chở theo số lượng lớn gỗ không có nguồn gốc.
Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, bên trong chiếc xe đeo biển 22C–0250 có 50 súc gỗ nghiến hình tròn (đường kính 55 cm, dày từ 20 - 30 cm), cùng một bộ biển số màu xanh khác. Sau đó, tài xế chiếc xe được làm rõ là Nguyễn Tấn Hiệu (30 tuổi, quê Tuyên Quang) còn chủ gỗ là Hà Nhật Long (25 tuổi, quê Tuyên Quang).
Về chiếc biển màu xanh gắn trên xe, chủ lô hàng cho biết, đã nhặt được bộ biển số kể trên tại khu vực huyện Na Hang, sau đó đem về nhà gắn vào xe để lưu thông trên đường. (Lao Động 28/11) đầu trang(
Ngày 27-11, CQĐT CAH Chư Păh tiếp tục điều tra làm rõ vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại lâm phần thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Bắc Biển Hồ.
Trước đó, CAH Chư Păh thực hiện kế hoạch truy quét "lâm tặc" tại Tiểu khu 231 thuộc lâm phần BQL RPH Bắc Biển Hồ (địa bàn xã Hòa Phú, H. Chư Păh) đã phát hiện Phạm Ngọc Long (1993, trú xã Chư Jôr, H. Chư Păh) và Đinh Sinh (1997, trú xã Chư Đăng Ya, H. Chư Păh) đang điều khiển 2 máy cày độ chế (độ tời để kéo gỗ) tại khu vực trên (trên xe không chở gỗ).
Qua kiểm tra khu vực lân cận, tổ công tác phát hiện có nhiều cây gỗ đã được khai thác còn để nguyên lóng cùng 2 bãi gỗ lớn và nhiều cây gỗ nguyên lóng (dài từ 3-4m; đường kính từ 30cm đến gần 1m) được giấu trong các bụi rậm. Ước khối lượng ban đầu hơn 76m3. Ngay sau đó, 2 đối tượng Phạm Ngọc Long và Đinh Sinh cùng phương tiện, tang vật đã được đưa về CAH Chư Păh để điều tra.
Xét thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng, Cơ quan CSĐT CAH Chư Păh phối hợp với VKSND H. Chư Păh, Hạt Kiểm lâm và BQL RPH Bắc Biển Hồ tiến hành kiểm tra, khám nghiệm hiện trường khai thác rừng trái phép tại các lô 1, 2 và 4 (thuộc khoảnh 2, Tiểu khu 231). Ngày 25-11,  BQL RPH Bắc Biển Hồ đã có báo cáo về vụ việc trên và xác định đối tượng trực tiếp cưa hạ 14 cây gỗ lô 1, 2 và 4 (thuộc khoảnh 2, Tiểu khu 231) là Siu Tuân (1990, trú xã Chư Jôr).
Qua trao đổi với P.V, lãnh đạo CAH Chư Păh cho biết: Ngoài hơn 30m3 gỗ được xác định tại khoảnh 2, Tiểu khu 231 thuộc lâm phần của BQL RPH Bắc Biển Hồ thì cơ quan CA đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ số gỗ còn lại. (Công An TP. Đà Nẵng 28/11) đầu trang(
Gần đây, dư luận tại xã Vũ Chấn (Võ Nhai) xôn xao vì một cây gỗ cổ thụ trong rừng phòng hộ tại xóm Khe Rịa bị khai thác trộm. Xung quanh vụ việc này có nhiều chi tiết cần được xác minh, từ trách nhiệm của chủ rừng đến quy trình tịch thu, thanh lý gỗ của Hạt Kiểm lâm huyện.
Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Sau khi nhận được báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai về vụ việc, Chi cục đã có văn bản chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Trong trường hợp này, việc thanh lý lô gỗ sấu không qua đấu giá là sai quy định, Hôi đồng định giá không có thẩm quyền cho Hạt Kiểm lâm huyện bán gỗ theo giá cơ sở đã xác định. Chi cục Kiểm lâm sẽ làm việc với UBND huyện Võ Nhai để thống nhất giải quyết vụ việc.
Từ trung tâm xã Vũ Chấn, chúng tôi mất khoảng 30 phút đi xe máy theo con đường đất gồ ghề ngược vào đầu nguồn khu rừng phòng hộ thuộc xóm Khe Rịa, nơi một cây sấu rừng cổ thụ đã bị khai thác trộm từ nhiều tháng trước. Hiện trường tại chân đồi là điểm tập kết gỗ có khối lượng khá lớn.
Phần lớn nhất của thân cây đã bị lâm tặc xẻ thành các tấm gỗ có chiều dài khoảng 3 mét, dầy gần 30cm và rộng hơn 2m. Gốc cây bị chặt cách đó khoảng 100m trên lưng chừng núi. Dọc đường lên, chúng tôi thấy còn khá nhiều đoạn thân, cành cây lớn nằm rải rác.
Theo nhiều người dân sống trong vùng, cây sấu rừng này có hàng trăm năm tuổi, đường kính chỗ lớn nhất lên tới hơn 2m. Anh Phan Đức Cường, Trưởng xóm Khe Rịa nói: Đây là cây cổ thụ lớn nhất xã, trước khi bị chặt hạ, cây vẫn luôn xanh tốt và ra quả đều đặn. Vì vậy, việc cây bị chặt trộm khiến nhiều người cảm thấy xót xa, tiếc nuối.
Cây sấu này nằm trong diện tích hơn 11ha rừng phòng hộ do gia đình ông Đặng Hữu Thuận (sinh năm 1981), xóm Khe Rịa, quản lý, bảo vệ. Theo hồ sơ của Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, ngày 8-8-2016, sau khi phát hiện cây sấu bị chặt trộm, ông Thuận đã làm đơn trình báo Cơ quan Kiểm lâm. Tổng khối lượng cây gỗ theo số liệu đo đạc của cán bộ kiểm lâm là 13,436m3.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hữu Thuận khẳng định gia đình không biết kẻ gian đã chặt trộm cây từ bao giờ, ngay khi biết đã làm đơn trình báo gửi Hạt Kiểm lâm. Chính đơn trình báo mất gỗ của ông Thuận là do 1 trong 2 người mua gỗ viết hộ để ông ký vào. Ông Đặng Hữu Thuận còn cho biết, bản thân chỉ học hết lớp 1 và gần như đã quên mặt chữ nên không thể viết và đọc được nội dung đơn. Nhưng sau đó ông Thuận lại thừa nhận đã bán cây gỗ này với giá 15 triệu đồng cho 2 người cùng xã.
Căn cứ vào hiện trạng gỗ, cán bộ của Hạt Kiểm lâm Võ Nhai ước tính cây sấu rừng này đã bị khai thác trộm từ khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm nay. Theo ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng hạt Kiêm lâm Võ Nhai, tháng 8-2016, sau khi nhận được đơn trình báo của chủ rừng là ông Đặng Hữu Thuận, Hạt Kiểm lâm huyện đã cử cán bộ phối hợp với xã Vũ Chấn tiến hành xác minh, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số gỗ.
Tiếp đó, ngày 21-9, Hạt Kiểm lâm đã gửi công văn báo cáo và đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho ý kiến chỉ đạo về phương án xử lý số gỗ này. Căn cứ vào đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai thiết lập hồ sơ vụ việc để xử lý theo thẩm quyền; thành lập hội đồng định giá để xác định giá trị gỗ, tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Thực hiện quy trình, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã ra quyết định tịch thu gỗ, thành lập tổ công tác và xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc sơ chế, vận chuyển, nghiệm thu đóng dấu búa để bán gỗ sung công quỹ. Ngày 25-10, Hội đồng định giá tài sản huyện Võ Nhai tại Hạt Kiểm lâm huyện do ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện làm Chủ tịch đã định giá số gỗ cây sấu là 8.791.794 đồng.
Trong kết luận của Hội đồng có ghi rõ: “Hội đồng thống nhất cho Hạt Kiểm lâm bán số gỗ trên tại rừng thuộc khu vực xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai nộp ngân sách Nhà nước số tiền là 8.791.794 đồng”. Đến ngày 7-11, số gỗ đã được hoàn tất thủ tục bán cho ông Phan Văn Khánh (trú tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), tiền đã sung công quỹ Nhà nước.
Toàn bộ quá trình này, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai không báo cáo UBND huyện, UBND xã Vũ Chấn cũng không báo cáo huyện. Ngày 12-11, khi nắm được thông tin, lãnh đạo huyện Võ Nhai đã cử đoàn công tác đến hiện trường xác minh, lập biên bản, chỉ đạo xã Vũ Chấn giữ nguyên hiện trạng; yêu cầu Hạt Kiểm lâm báo cáo Huyện ủy, UBND huyện. Đến ngày 14-11, Hạt Kiểm lâm mới có văn bản báo cáo về vụ việc gửi tới UBND huyện. Giải thích về điều này, ông Vũ Thế Cường thừa nhận sai sót và cho rằng đã “sơ suất vì nghĩ đây là vụ việc đơn giản, chỉ báo cáo ngành dọc là đủ”.
Ngoài ra, nội dung của biên bản họp Hội đồng định giá tài sản cây gỗ sấu này có điểm đáng ngờ và những dấu hiệu sai phạm. Cụ thể, biên bản ghi đoạn thân cây gỗ dài 10m bị rỗng giữa, khối lượng gỗ thực tế chỉ còn 50%. Điều này không phản ánh chính xác thực trạng số gỗ tại hiện trường.
Việc bán lô gỗ với số tiền trên 8,7 triệu đồng cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi, vì theo nhiều người am hiểu thị trường lâm sản, riêng một mét khối gỗ sấu rừng lớn đã xẻ như vậy có giá gấp nhiều lần. Mặt khác, theo quy định thì việc thanh lý số tài sản này phải qua đấu giá, mức giá mà Hội đồng định giá đưa ra chỉ là cơ sở chứ chưa được coi là giá bán. Hội đồng cũng không có thẩm quyền “cho Hạt Kiểm lâm bán số gỗ trên” theo như biên bản đã ghi.
Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Võ Nhai, Phó Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản tại Hạt Kiểm lâm huyện, cũng nhận trách nhiệm vì đã “không đọc kỹ trước khi ký vào biên bản họp Hội đồng định giá lô gỗ”.
Có thể nói, vụ việc này cho thấy những dấu hiệu sai phạm cần phải xác minh. Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm điều tra làm rõ, phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định. (Báo Thái Nguyên 27/11) đầu trang(
Ngoài con gái giữ chức Chi cục phó thì ông Nguyễn Hiếu Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định còn có nhiều con, cháu khác cùng làm việc tại cơ quan này.
Liên quan vụ Cha làm chi cục trưởng, con làm phó, một nguồn tin chức năng cho biết ngoài bà Nguyễn Thị Anh Nguyên (con gái, chi cục phó Chi cục Kiểm lâm) thì còn nhiều con, cháu của ông Nguyễn Hiếu Hòa - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định đang làm việc trong đơn vị này.
Đó là ông Nguyễn Hiếu Trung, hiện công tác tại đội kiểm lâm cơ động thuộc chi cục, con trai của ông Hòa.
Ông Trung nhận công tác sau khi trúng tuyển kỳ thi công chức năm 2013, hiện được quy hoạch là lãnh đạo cấp phòng. Cháu ngoại ông Hòa là bà Nguyễn Thị Thúy Phương cũng được chi cục ký hợp đồng vào làm việc tại Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, công tác tại Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn, trước đây là con rể ông Hòa.
Ngoài ra, ông Hòa còn có cháu là cán bộ hợp đồng đang làm việc tại phòng tổ chức, tuyên truyền và xây dựng lực lượng Chi cục Kiểm lâm Bình Định.
Đề cập việc ông Hòa có nhiều người thân làm việc ở Chi cục Kiểm lâm Bình Định, ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định nói: "Sở chỉ biết bà Nguyên, ông Trung là con ông Hòa, còn cháu hay người thân khác nữa thì không biết hết được. Nhưng cũng phải nói là đến nay luật không cấm việc người thân làm chung trong một cơ quan”.
Ông Lâm Hải Giang - giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết sẽ trao đổi với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để kiểm tra việc có nhiều người thân của chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.
Theo ông Hổ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã có báo cáo đề xuất UBND tỉnh về hướng giải quyết trường hợp “cha làm chi cục trưởng, con làm phó”.
Sở đề nghị cho ông Nguyễn Hiếu Hòa chỉ làm phó giám đốc sở, thôi kiêm nhiệm chức vụ chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và cho phép sở chọn nhân sự mới bổ nhiệm vào chức vụ này.
“Dù luật không cấm việc cha hay mẹ làm trưởng, con làm phó nhưng sau khi báo chí, dư luận lên tiếng, sở tìm hiểu nguyện vọng của anh Hòa và đề xuất với UBND tỉnh như vậy thì thấy là hợp lý hơn” - ông Hổ nói.
Trước đó, như Tuổi Trẻ phản ánh, ông Hòa làm chi cục trưởng, còn bà Nguyễn Thị Anh Nguyên làm chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định và được quy hoạch làm chi cục trưởng giai đoạn 2016-2020. (Tuổi Trẻ 28/11) đầu trang(
Vị chúa sơn lâm nặng trên 3 tạ bị cắt tiết, xẻ thịt như một con gà giữa thành phố Thái Nguyên để phục vụ thú chơi ngông cuồng của những bậc đại gia, trọc phú thời nay.
Ngày 25.11, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Bộ Công an) cùng Công an tỉnh Thái Nguyên bắt quả tang 3 người tổ chức xẻ thịt một “ông ba mươi” ngay giữa sân vườn như một con gà. Nhìn ảnh có thể xác định đây là một “ông” hổ Đông Dương loại “tiên chỉ”, nặng hơn 3 tạ.
Thủ phạm khai là mua nó ở Nghệ An, bắn thuốc mê và đưa ra Thái Nguyên làm thịt. Chắc chắn “ông ba mươi” này sẽ bị róc thịt lấy xương nấu cao thỏa mãn nhu cầu của các đại gia lắm tiền nhiều của và cung cấp cho phòng khách một ai đó bộ da tuyệt đẹp.
Hổ là động vật quý hiếm được ghi hàng đầu trong Sách Đỏ. 95% hổ trên thế giới đã bị giết hại chỉ trong thế kỷ qua. Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), Việt Nam chỉ còn chưa tới 30 cá thể hổ hoang dã hiện đang phân bố rải rác ở một số vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, chủ yếu ở biên giới các tỉnh miền Trung. Nếu đúng như vậy thì con hổ Đông Dương vừa bị giết thịt ở Thái Nguyên vừa qua là một trong gần 30 con hổ cuối cùng này.
Thủ phạm giết động vật hoang dã trong Sách Đỏ và tang vật đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra và xử lý theo pháp luật. Thế nhưng vụ việc mua hổ giết thịt dễ ợt như mua gà này đã làm công luận bị sốc và để lại một nỗi buồn. Động vật hoang dã là bạn từ thuở khai thiên lập địa với con người. Những người bạn của rừng thẳm, muôn thú, từ voi, hổ báo đến tê giác, hươu nai, khỉ vượn và cả con tê tê, con cu li hiền lành đã góp phần làm cho cuộc sống trên hành tinh này trở nên đa dạng, phong phú.
Và hơn thế nữa, chúng là những nguồn gen cực quý hiếm có thể tận dụng để cải thiện chất lượng đàn gia súc của mình trong những thế kỷ “người đông của hiếm” trước mắt.
Và cách đây 6 năm, con tê giác một sừng cuối cùng trên thế giới còn sót lại tại rừng quốc gia Nam Cát Tiên đã bị bắn hạ, đặt dấu chấm hết cho nỗ lực bảo tồn của quốc tế về loài tê giác này. Rồi trước đó, con bò xám Kouprey cuối cùng của Đông Dương và của Trái đất cũng đã biến mất một cách đầy bí hiếm.
Con bò xám huyền thoại này để lại một nỗi tiếc nuối của giới khoa học thế giới vì người ta hy vọng gen của chúng có thể tái tạo hơn một nửa đàn gia súc trên trái đất và có giá trị hàng chục tỷ đô la. Đó là không kể nào những voi, những báo, những bạn bè quý hiếm khác cũng bị tiêu diệt dần mòn không thương tiếc.
Thú rừng, nhất là thú dữ, là đội vệ sĩ bảo vệ rừng, chính chúng đã làm cho rừng thành rừng thiêng núi thẳm, tạo khoảng cách khó vượt qua giữa con người và rừng gỗ quý giá. Việc xua đuổi thú rừng để lấy đất canh tác, đẩy chúng vào cảnh không còn đất sinh sống đã vô tình thu hẹp luôn rừng đầu nguồn, kéo theo những hệ lụy về lâu dài.
ụ mua hổ rồi cắt tiết, giết thịt như gà ở Thái Nguyên vừa xảy ra chỉ là vụ việc điển hình của một thực tế buồn. Một số người xem việc săn voi, giết hổ và cả những con vật hoang dã yếu đuối hiền lành như con tê tê gần như thường xuyên, “nhảy múa trước pháp luật” và đội quân kiểm lâm, chỉ để thỏa mãn thú săn bắn và những thói quen có thể gọi là rửng mỡ của những kẻ trọc phú ngu xuẩn, những kẻ chỉ biết chăm lo cho bản thân mình, gia đình mình mà không hề đếm xỉa đến môi trường, tương lai của nhân loại.
Loài người văn minh, với sự hiểu biết của mình, có thể nào chấp nhận được người ta phải giết những con voi đực hùng dũng của châu Phi, châu Á chỉ để lấy ngà làm cán dao hay những chiếc vòng tay trang sức? Có thể nào chấp nhận quyền tiêu diệt đàn chồn Vizon quý hiếm trên trái đất chỉ vì những bộ da của chúng có thể làm nên những chiếc áo choàng hay khăn quàng cổ của những kẻ lắm tiền?
Có thể nào chấp nhận và tha thứ được khi kẻ trọc phú tin rằng cái “pín” cũng như bộ xương của hổ, chiếc sừng tê giác có thể giúp họ kéo dài hoan lạc trên giường cũng như cuộc sống tuổi già sức yếu của họ? Những kẻ trọc phú, bằng đồng tiền luôn khả nghi của mình có thể biến thành vũ khí đầy sức mạnh để lấy về những thứ đó từ xác của những người bạn hoang dã?
Hẵng tạm cho rằng, những thứ đó có ít nhiều tác dụng y học như lời đồn thổi xưa nay đi nữa thì liệu ai có quyền tiêu diệt động vật hoang dã để cứu lấy mạng sống của chính mình? Tạo hóa không cho phép bất kỳ ai làm như vậy. Con hổ được sinh ra không phải để làm cường dương cho những kẻ trọc phú.
Tự nhiên chính là sự cân bằng tuyệt hảo mà muôn loài đã tạo nên qua hàng triệu năm tồn tại bên nhau. Phá vỡ bất kỳ khâu nào trong thế cân bằng ấy đều dẫn tới sự hủy diệt, ngay tức thì hay dần dần nhưng không thể tránh được như sự hủy hoại môi trường đang xảy ra một cách lạnh lùng, vô cảm.
Nhưng thú rừng quý hiếm không chỉ là nạn nhân của những kẻ trọc phú, những kẻ có tiền kém hiểu biết. Chúng còn là nạn nhân của những kẻ liều. Môi trường bị tàn phá nặng nề trong và cả sau chiến tranh. Môi trường và động vật hoang dã lại bị thêm những đòn chí mạng với sự bất cập của pháp luật và lực lượng bảo vệ, với cuộc di dân tự do khó kiểm soát, nạn lâm tặc, nạn săn bắn trái phép. Vấn nạn môi trường kể cả giết hại động vật hoang dã quý hiếm trái pháp luật chưa thấy điểm dừng.
Những người sống trong các bộ lạc thuộc các khu bảo tồn thiên nhiên ở châu Phi thường có tín ngưỡng không ăn thịt, dân chúng nhiều nước châu Âu coi việc giết hại một con sóc hay một con chim thôi cũng là một tội ác tày trời, pháp luật nước họ cũng xử tù chứ chẳng chơi.
Nhờ ý thức cao như vậy trong cộng đồng mà công việc bảo vệ môi trường ở những xứ sở đó rất có hiệu quả. Nâng cao được nhận thức của cư dân có lẽ là lối ra đẹp nhất để cứu vớt mẹ thiên nhiên. Hủy diệt động vật hoang dã, hủy diệt tự nhiên chính là hủy diệt sự sống của chính mình.
Điều có thể làm ngay trước mắt là hãy dùng luật pháp có hiệu quả nhất để ngăn chặn sự tự hủy hoại này. (Dân Việt 28/11) đầu trang(
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Quảng Nam đã công bố kết quả kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng đối với bốn tổ chức đảng và sáu đảng viên vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ khi để xảy ra vụ khai thác, vận chuyển, cất giấu trái phép gỗ pơ-mu tại khu vực xã La Dêê, huyện Nam Giang.
Vụ việc xảy ra đã ảnh hưởng đến uy tín, làm giảm sút niềm tin người dân đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ rừng và an ninh biên giới.
Thực ra, lâu nay, chuyện rừng ở Quảng Nam bị chặt phá xảy ra không phải ít, nhưng chưa có vụ nào nghiêm trọng như lần này . Một cánh rừng pơ-mu hàng cổ thụ, nằm ngay trong khu vực vành đai biên giới Việt Nam - Lào, vùng bất khả xâm phạm mà ngay cả người dân và chính quyền cũng không thể chạm chân đến đây khi chưa được phép của Bộ đội Biên phòng.
Vậy mà, chỉ trong một thời gian ngắn, 60 cây pơ-mu hàng chục năm tuổi bị triệt phá, rồi tập kết gỗ giấu gần Trạm Kiểm soát cửa khẩu Nam Giang mà Bộ đội Biên phòng và các cơ quan liên quan không phát hiện được. Mãi đến khi người dân đi làm rừng phát hiện, công an vào cuộc thì sự việc mới được phát giác.
Khi sự việc được phanh phui, vấn đề về vai trò, trách nhiệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng được đặt ra, mà trước tiên là của các tổ chức đảng. Điều đáng ghi nhận là, ngay sau khi công luận lên tiếng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo UBKT Tỉnh ủy vào cuộc kiểm tra.
Qua đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với: Chi bộ 3 (Trạm Kiểm soát cửa khẩu Nam Giang) và Đảng ủy Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang. Đoàn kiểm tra cho rằng, các tổ chức đảng này đã buông lỏng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; thực hiện không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành về công tác biên phòng, phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra vụ khai thác trái phép.
Và không kịp thời phát hiện việc vận chuyển, cất giấu trái phép ngay tại khu vực cửa khẩu và gần Trạm Kiểm soát, thuộc địa bàn Đồn Biên phòng, Trạm Kiểm soát có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát, quản lý.
Đây là vụ vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về khai thác, quản lý, bảo vệ rừng; vi phạm các điều cấm trong khu vực biên giới; làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự nơi biên giới. Vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do vậy, ngoài việc thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, UBKT Tỉnh ủy đã ban hành quyết định kỷ luật cảnh cáo và khiển trách bốn đảng viên công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang và Trạm Kiểm soát cửa khẩu Nam Giang.
Liên quan đến vụ gỗ pơ-mu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với Chi bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang và khiển trách đối với Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Đồng thời, UBKT Tỉnh ủy ra quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo và khiển trách đối với hai đảng viên ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung và Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang.
Vụ phá rừng pơ-mu với quy mô lớn ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng và tỉnh Quảng Nam sớm điều tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đến nay, cơ quan điều tra chỉ mới bắt được gần 20 đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ thuê, và vẫn đang truy tìm kẻ cầm đầu trong đường dây tổ chức phá rừng nghiêm trọng này.
Dư luận đang trông chờ, sau khi có quyết định xử lý kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên liên quan, vụ án phá rừng pơ-mu sẽ sớm được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh nhằm đem lại niềm tin trong nhân dân. (Nhân Dân 29/11) đầu trang(
Ngoài nhiều sai phạm trong sử dụng ngân sách, chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục mét khối gỗ quý tại rừng phòng hộ (RPH) La Ngà (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) bị triệt hạ, khiến người dân lẫn cán bộ bức xúc. Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh đã ra quyết định khởi tố vụ án, công an và các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc điều tra.
Huyện Tánh Linh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 67 ngàn héc-ta, gồm 90 tiểu khu được giao cho 13 đơn vị quản lý, trong đó có Ban quản lý (BQL) RPH La Ngà. Nhiều nhân viên bảo vệ rừng và người dân ở xã Đa Mi cho biết, từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2016, RPH La Ngà xảy ra nhiều vụ phá rừng, nhiều vụ vận chuyển gỗ có dấu hiệu bất thường.
Ông Phạm Thanh Huy - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh - cho biết: “Chín tháng đầu năm 2016, toàn huyện xảy ra 104 vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 5 vụ so với năm 2015. Riêng tại RPH La Ngà và nhất là tại Trạm bảo vệ rừng Đa Mi, nạn phá rừng lại gia tăng. Tại RPH La Ngà có 20 vụ vi phạm; đến tháng 9-2016, số vụ vi phạm tại BQL này là 37 vụ, tăng 17 vụ”.
Một cán bộ bảo vệ rừng Đa Mi cho biết: “Ngày 17-9-2015, đội cơ động của RPH La Ngà bắt giữ 4 lóng gỗ tròn, 2 phách gỗ trai hộp, khối lượng khoảng 1,5m3 do lâm tặc khai thác. Số gỗ này được đưa về Trạm bảo vệ rừng La Ngâu, nhưng trạm không lập biên bản xử lý, 2 ngày sau thì chở đi tiêu thụ. Lúc đến địa bàn xã Đức Tân (huyện Đức Linh), số gỗ trên bị CAH Tánh Linh bắt giữ”.
Dịp Tết Nguyên đán 2016, tại tiểu khu 332, giáp ranh với huyện Hàm Thuận Bắc thuộc RPH La Ngà, 4 cây gỗ sao thuộc nhóm II bị các đối tượng cưa hạ trái phép. Ngày 3-4-2016, nhân viên trạm Đai Mi phát hiện 3 cây gỗ sao khác bị cưa hạ. Ngày 25-4-2016, tổ kiểm tra trạm Đa Mi phát hiện tại tiểu khu 337 có 2 cây gõ thuộc nhóm II bị cưa hạ. Khoảng cuối tháng 6-2016, tại tiểu khu 337, trạm Đa Mi phát hiện 13 phách gỗ sao bị chặt phá, ngày 11-7-2016 phát hiện 1 cây bằng lăng thuộc nhóm III bị thiệt hại tại tiểu khu 336A...
Ngày 9-8-2016, Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh có báo cáo xác định rừng tại khu vực Đa Mi bị tàn phá nghiêm trọng, chủ yếu là gỗ sao. Từ tháng 12-2015 đến tháng 4-2016, tại các tiểu khu 332B, 333 thuộc rừng phòng hộ, tiểu khu 336A và 337 thuộc rừng sản xuất trong lâm phần RPH La Ngà bị khai thác 19 cây gỗ, tổng khối lượng 34,64m3.
Giải thích việc nhiều cây gỗ quý trong khu vực mình quản lý bị triệt hạ, ông Hồ Quang Đạo (nguyên trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Đa Mi) và ông Nguyễn Trọng Kiều (Trưởng BQL RPH La Ngà) cho biết, do lực lượng bảo vệ rừng mỏng, không được trang bị công cụ hỗ trợ nên rất khó quản lý và ngăn chặn nạn phá rừng...
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Đức Vinh - Phó chủ tịch UBND huyện Tánh Linh - cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện nhận được đơn thư của công dân phản ánh ông Đạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn khai thác gỗ trái phép. Huyện đã giao hạt kiểm lâm chủ trì, phối hợp với CAH và các ban, ngành liên quan xác minh, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm”.
Trong đơn gửi Báo CATP, một số cán bộ bảo vệ rừng ở huyện Tánh Linh phản ánh: “Ông Đạo lúc làm trạm trưởng bảo vệ rừng, lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, từ trước đến nay không kinh doanh gì, nhưng không hiểu sao lại có tiền mua xe hơi cả tỷ đồng. Người dân vào rừng cưa gỗ thì coi là “lâm tặc”, nếu bị phát hiện sẽ xử lý thích đáng, nhưng có một số cán bộ lợi dụng danh nghĩa bảo vệ rừng để phá rừng quy mô lớn, kéo dài mà không bị xử lý là không công bằng...”.
Về sự việc mà công dân phản ánh, báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Tánh Linh cho biết, lúc 2 giờ 30 ngày 4-5-2016, theo tin báo, tổ kiểm lâm địa bàn Tà Pao (xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh) phối hợp với tổ kiểm lâm cơ động kiểm tra tại khu vực nhà bảo vệ Nhà máy thủy điện Đa Mi, phát hiện ôtô 12 chỗ ngồi BS: 60K-4374 đang bốc gỗ. Khi phát hiện thì đã bốc lên xe 8 khúc, còn dưới đất 17 khúc gỗ sao nhóm II, khối lượng 4,1m3. Phát hiện có kiểm lâm, các đối tượng bỏ chạy, để lại toàn bộ tang vật và phương tiện.
Khoảng 5 giờ cùng ngày, ông Đạo đến chỗ tổ công tác, đưa cho ông Nguyễn Văn Cường (Tổ trưởng Tổ kiểm lâm địa bàn Tà Pao) một tờ giấy, gọi đó là hợp đồng vận chuyển lâm sản. Ông Cường nhận thấy hợp đồng này không có giá trị pháp lý nên trả lại. Tổ công tác quyết định đưa toàn bộ tang vật, phương tiện về Hạt kiểm lâm huyện Tánh Linh lập hồ sơ xử lý.
Trong thời gian phối hợp với các ngành chức năng xác minh, xử lý vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh nhận được hai công văn của BQL RPH La Ngà về việc, cho ý kiến xử lý ôtô BS: 60K-4374 do Trạm bảo vệ rừng Đa Mi hợp đồng vận chuyển lâm sản và đơn xin giải quyết xe của ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, tự nhận là chủ xe).
Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận đã mời lãnh đạo BQL RPH La Ngà, ông Đạo, ông Hưng vào ngày 26-7-2016 đến Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh để giải quyết. Tuy nhiên, lãnh đạo BQL RPH La Ngà cáo bận, ông Hưng vắng mặt không lý do.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đạo cho rằng việc một số người viết đơn phản ánh với Báo CATP nội dung như trên là không đúng sự thật. Chiều 3-4-2016, theo tin báo, ông và anh Trương Minh Tâm (nhân viên trạm) đi kiểm tra, phát hiện tại đập phụ lòng hồ thủy điện Đa Mi, tiểu khu 337 ở xã La Ngâu có 25 phách gỗ sao. Ông Đạo gọi điện cho ông Kiều xin ý kiến. Ông Kiều bảo thuê xe chuyển số gỗ trên về trạm, đo đếm cụ thể, lập hồ sơ nộp cho bộ phận pháp chế để xử lý.
Ông Đạo giải thích: “Để chở số gỗ trên, tôi thuê xe hiệu Toyota BS: 60K-4374 của anh Hưng. Tôi phân công anh Tâm làm hợp đồng. Anh Tâm và tôi điều khiển xe dừng trước cửa chốt bảo vệ nhà máy thủy điện, xin anh Công mở cửa, nhưng lúc này anh Công không trực tại chốt.
Thấy cửa cổng bảo vệ không khóa, tôi mở cửa cho xe qua. Chở xong chuyến thứ nhất về trạm, đến chuyến thứ hai (cũng là chuyến cuối), chúng tôi đang bốc gỗ xuống thì anh Cường dẫn anh em đến kiểm tra, trên xe còn 7-8 phách chưa bốc xuống.
Lúc này quá nửa đêm, tôi ra gặp anh Cường trình bày rõ việc kiểm tra phát hiện 25 phách gỗ, gọi điện thoại xin ý kiến lãnh đạo tiến hành thu gom chở về trạm. Anh Cường bảo giữ nguyên hiện trường, đợi trời sáng rồi tính. Sáng ra anh Cường làm việc và tạm giữ hợp đồng vận chuyển giữa trạm với ông Hưng. Sau đó, anh Cường đưa cả gỗ lẫn xe thuê của anh Hưng về Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh. Không hiểu sao anh Cường cho rằng xe chúng tôi thuê là xe chở gỗ lậu nên lập biên bản vắng chủ?”.
Ngoài ra, ông Đạo cung cấp cho phóng viên một số biên bản, kế hoạch kiểm tra rừng và hợp đồng thuê xe ông Hưng. Ai đúng, ai sai, hiện đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thực tế có nhiều điều không bình thường trong công tác quản lý, bảo vệ khu vực rừng nêu trên. (Công An TP. HCM 28/11) đầu trang(
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Vũ Văn Tám trước đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận về việc xin điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Khu bảo tồn biển Hòn Cau là khu vực phân bố của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình với các rạn san hô và thảm cỏ biển, có giá trị sinh học cao, là nơi sinh sống, bãi để của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và giá trị sinh thái quan trọng. Nơi đây có nhiều loài cá, sảo biển, hải sâm, vích, đồi mồi, rùa xanh, tôm hùm…
Nguồn lợi thủy sản xung quanh khu vực này đã góp phần duy trì ổn định và nâng cao đời sống của cư dân địa phương. Sự đa dạng và phong phú về tài nguyên sinh vật biển cùng với cảnh quan độc đáo của Khu bảo tồn biển Hòn Cau là cơ sở quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế thủy sản, du lịch và giải trí.
Mặt khác, do nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước trồi nên khu vực này được xem là nơi có ý nghĩa lớn trong duy trì và bổ sung đa dạng sinh học nội tại và phát tán ra những vùng lân cận nhờ vào khả năng thích ứng của rạn san hô.
Theo Bộ NNPTNT, Quyết định số 2606/QĐ-UBND ngày 15.11.2010 của UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau với tổng diện tích 12.500ha, diện tích Khu bảo tồn đã được các nhà khoa học tính toán chi tiết để đảm bảo được các mục tiêu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loại động thực vật biển và một số loài quý, hiếm.
Như vậy, việc đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận tại văn bản số 3306/UBND-KTN xin điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn đến 1.060 ha sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu, chức năng và thậm chí phá vỡ quy hoạch Hòn Cau.
Bởi, tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26.10.2016 phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn Biển Việt Nam đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quy định mục tiêu đến hết năm 2015: Ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong khu bảo tồn. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ quy hoạch được khoảng 0,16%.
Nếu điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau, sẽ ảnh hướng đến mục tiêu chung đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 1, Quyết định 742 nêu trên.
Ngoài ra, tại quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá về tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đối với các dự án thành phần liên quan tới các trung tâm điện lực Vĩnh Tân và Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân đến hệ sinh thái ran san hô, cỏ biển và các loại động, thực vật biển, các loài cá, tôm hùm, hải sâm, sao biển và một số loài quý, hiếm khác như: Đồi mồi, rùa xanh…, các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh phân bố tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Với những căn cứ nêu trên, tại CV số 9576/BNN-TCTS gửi UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ NNPTNT kiên quyết từ chối: “Không đồng ý với chủ trương điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau”.
Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng thẳng thắn đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận “phối hợp với Bộ TNMT xem xét lại đánh giá tác động môi trường của dự án này tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. (Lao Động 28/11) đầu trang(
Trong những năm gần đây, môi trường sinh thái ở vùng Đồng Tháp Mười được cải thiện rõ rệt, người dân ngày càng có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Chính vì vậy, số lượng các loài chim thiên nhiên phát triển mạnh, tập trung nhiều nhất là Khu du lịch sinh thái (DLST) Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Chỉ với diện tích 1.473ha, nơi đây có những cánh rừng tràm nguyên sinh, với nhiều lung, đìa nuôi chứa các loài thủy sản đã thu hút hàng trăm loài động, thực vật bản địa, nhiều loài chim quý hiếm được ghi vào sách đỏ của nước ta về đây sinh sống.
Là nơi có hệ sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt, Khu DLST Gáo Giồng có 69 loài chim như: cò, còng cọc, nhan điển, trích, le le, vịt trời, diệc... về đây sinh sống và làm tổ, trong đó cò ốc là loài chim quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam.
Vào tháng 9 hàng năm, khi mùa nước nổi tràn về mang theo lượng lớn tôm cá, trong đó có các loài ốc (thức ăn chính của cò ốc) thì cò ốc cũng vào mùa. Chiếm diện tích khoảng 20ha rừng tràm, cò ốc có số lượng nhiều nhất với hàng chục ngàn con so với các loài chim khác. (Infonet 27/11) đầu trang(
Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Cử, Phó đội trưởng Đội KLCĐ - PCCCR số 1, thuộc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, cho biết, 0h30 ngày 28/11, sau khi tiếp nhận thông tin từ quần chúng nhân dân về việc có phương tiện chở lâm sản trái phép, đơn vị đã tổ chức, bố trí lực lượng, đón lõng phương tiện tại khu vực đường tránh TP Thanh Hóa.
Đến 6h sáng cùng ngày, nhận thấy chiếc xe tải mang BKS 74C-04347 di chuyển trên tuyến đường tránh thuộc địa phận phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) có nhiều biểu hiện nghi vấn, lực lượng KLCĐ - PCCCR số 1 đã yêu cầu lái xe dừng phương tiện để tiến hành kiểm tra.
Quá trình kiểm tra, đơn vị chức năng phát hiện trên xe vận chuyển một số lượng lớn lâm sản đã được cắt, xẻ thành nhiều tấm, tất cả số hàng đều không có giấy tờ liên quan. Bước đầu, lái xe Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1978, trú tại khu phố 6, phường 5, TP Đông Hà, Quảng Trị) khai nhận được một người phụ nữ thuê chở số lâm sản từ Đông Hà ra Ninh Bình tiêu thụ.
Xác định sơ bộ, số lâm sản trên xe là gỗ giáng hương, thuộc loại nguy cấp, quý hiếm, nhóm IIA.
Trước đó, vào lúc 10h30 ngày 25/11/2016, tại Km 335 - QL 1A, thuộc địa phận xã Quảng Phong (Quảng Xương, Thanh Hóa), tổ tuần tra kiểm soát giao thông Trạm CSGT Quảng Xương - PC 67 Công an tỉnh Thanh Hóa do Đại úy Nguyễn Hoành Long làm tổ trưởng phát hiện xe tải mang BKS 34L-6763 do Võ Bá Quynh (SN 1987, trú tại thôn Cậy, Long Xuyên, Bình Giang, Hải Dương) điều khiển có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông nên phát tín hiệu yêu cầu dừng xe.
Tiến hành kiểm tra phương tiện, đơn vị chức năng phát hiện trên xe vận chuyển tổng cộng 205 thanh gỗ gụ quý hiếm, nhóm IIA, với khối lượng là 4,008m³ (quy tròn 6,412m³). Tất cả số lâm sản nói trên đều không có giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật...
Sau khi phối hợp kiểm tra, Trạm CSGT Quảng Xương đã bàn giao toàn bộ số hàng và phương tiện cho Đội KLCĐ - PCCCR số 1.
Theo ông Nguyễn Văn Cử, Phó đội trưởng Đội KLCĐ - PCCCR số 1, hiện đơn vị đang củng cố, hoàn thiện hồ sơ của 2 vụ vận chuyển gỗ trái phép để trình các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. (Nông Nghiệp Việt Nam 29/11) đầu trang(
Nhiều mẩu sừng nghi của tê giác, vòng đeo tay nghi làm bằng ngà voi... do cặp nam nữ vận chuyển vừa bị Hải quan Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ.
Ngày 28/11, Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) cho biết vừa phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển nhiều sản phẩm trang sức nghi chế tác từ sừng tê giác, ngà voi.​
Trước đó, vào 6h10p ngày 27/11, tại khu vực sau bến xe khách Móng Cái (phường Ka Long, TP. Móng Cái), Đội Kiểm soát liên hợp số 1 (Đội Kiểm soát Hải quan số 1) và Phòng Tham mưu Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh kiểm tra, bắt giữ  một cặp 1 nam nữ đi xe máy vận chuyển hàng cấm.
Tang vật gồm: 2 mẩu sừng, 27 mảnh nghi là sừng tê giác, trọng lượng 1.075 gram; 10 miếng da động vật khô, kích thước không đồng nhất (nghi là da tê giác), tổng trọng lượng 1.070 gram; 11 chiếc vòng đeo tay, 9 vòng hạt đeo cổ màu trắng ngà, 1 vòng hạt đeo cổ màu nâu (nghi là vòng trang sức bằng ngà voi), tổng trọng lượng 1.072 gram và 4 mặt dây chuyển màu trắng ngà (nghi là mặt trang sức bằng ngà voi), tổng trọng lượng 109 gram.
Toàn bộ số hàng hóa trên nghi là động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Đội Kiểm soát Hải quan số 1 đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vi phạm cho Công an TP. Móng Cái tiếp tục điều tra xử lý. (Tiền Phong 28/11) đầu trang(
Chở theo 60 kg tê tê sống từ Tây Nguyên ra Bắc tiêu thụ, xe khách BKS 35N-004.19 bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Khoảng 3h30 phút ngày 28/11, Trạm cảnh sát giao thông 5.1 (Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An) đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô BKS 35B-004.19 đang trên đường vận chuyển 60 kg tê tê sống đi tiêu thụ.
Vào thời gian trên, tổ công tác Trạm kiểm soát giao thông 5.1 đang tuần tra kiểm soát tại Km430 trên quốc lộ 1A (thuộc địa phận xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu) phát hiện xe ô tô khách BKS 35B-004.19 lưu thông theo hướng Kon Tum-Ninh Bình có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã yêu cầu lái xe dừng lại để kiểm tra hành chính.
Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe có chở 7 thùng các-tông, bên trong có chứa 17 cá thể tê tê (là động vật hoang dã quý hiếm, có trong sách đỏ) còn sống, có tổng trọng lượng 60kg.
Lái xe Phạm Viết Thăng, 42 tuổi, trú tại xã Chính Tâm (Kim Sơn, Ninh Bình) khai báo số động vật này được chở thuê cho 1 người đàn ông khoảng 30 tuổi (không rõ tên) từ Kon Tum ra Ninh Bình sẽ có người nhận.
Hiện, Trạm cảnh sát giao thông 5.1 đã tạm giữ xe ô tô và bàn giao số tê tê trên cho Công an huyện Diễn Châu để tiếp tục điều tra và xử lý trước pháp luật. (VTV 28/11) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Sau 3 năm triển khai dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016, Nghệ An là 1 trong 25 tỉnh hoàn thành trong năm 2015.
Ngày 23/11/2016, UBND tỉnh đã công bố Quyết định 1731/QĐ-UBND (ngày 21/4/2016) về phê duyệt kết quả kiểm kê rừng năm 2015. Đây là dữ liệu hết sức quan trọng, cần được khai thác sử dụng một cách hiệu quả nhằm góp phần đưa nghề rừng  phát triển bền vững…
Dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016 được Chính phủ phê duyệt triển khai năm 2013 trong điều kiện có nhiều khó khăn, phức tạp, kinh phí hạn hẹp, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan, cuối năm 2015 Nghệ An đã hoàn thành về đích trước thời hạn một năm.
Theo kết quả công bố, đến năm 2015, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có 1.236.259,31 ha, trong đó quy hoạch 3 loại rừng 1.166.109,10 ha và ngoài quy hoạch 3 loại rừng 70.150,21 ha.
Đất có rừng 942.508,48 ha (trong quy hoạch 3 loại rừng 879.301,66 ha; rừng tự nhiên 762.785,88 ha; rừng trồng 116.515,78 ha). Đất có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng 63.206,82 ha, trong đó 33.473,21 ha rừng tự nhiên và 29.733,61 ha rừng trồng. Đất chưa có rừng 93.750,83 ha, trong đó quy hoạch 3 loại rừng 286.807,44 ha.
Đất có rừng trồng chưa thành rừng 38.302,63 ha. Đất trống có cây gỗ tái sinh 85.660,41 ha. Đất trống không có cây gỗ tái sinh 97.880,01 ha. Núi đá không có cây 1.520,37 ha. Đất có cây nông nghiệp 33.239,79 ha.
Đất khác trong lâm nghiệp 30.204,23 ha. Diện tích đất ngoài 3 loại rừng có rừng trồng chưa thành rừng 6.943,39 ha/6.943,39 ha… Về trữ lượng lâm sản, có 91.003.287,4 m3 gỗ; 1.941.681.000 cây tre nứa. Độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 57,2%.
Hiện toàn tỉnh có 226.694 chủ rừng nhóm I quản lý 546.980,66 ha rừng và đất trống; trong đó 216.001 hộ gia đình, cá nhân và nhóm hộ gia đình quản lý 240.076,86 ha, gồm: đất có rừng 181.060,76 ha (rừng tự nhiên: 116.341,59 ha; rừng trồng 64.719,17 ha); đất chưa có rừng 59.016,10 ha. Có 13.317 cộng đồng dân cư quản lý 25.843,03 ha, trong đó: đất có rừng 17.619,83 ha (rừng tự nhiên: 16.460,41 ha; rừng trồng 1.159,42 ha); đất chưa có rừng 8.223,20 ha.
Có 376 UBND cấp xã quản lý 281.060,77 ha, trong đó: đất có rừng 197.878,03 ha (rừng tự nhiên: 150.475,31 ha; rừng trồng 47.402,72 ha; đất chưa có rừng 83.182,74 ha.
Kết quả kiểm kê còn cho thấy, toàn tỉnh hiện có 65 chủ rừng nhóm 2, quản lý 689.278,65 ha; trong đó, 4 ban quản lý rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Pù Mát, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và BQL rừng đặc dụng Nam Đàn) quản lý 223.814,96 ha (đất có rừng 209.667,65 ha, đất chưa có rừng 14.147,31 ha); 11 ban quản lý rừng phòng hộ, gồm:
BQLRPH Kỳ Sơn, BQLRPH Tương Dương, BQLRPH Con Cuông, BQLRPH Anh Sơn, BQLRPH Thanh Chương, BQLRPH Quỳ Châu, BQLRPH Quỳ Hợp, BQLRPH Tân Kỳ, BQLRPH Yên Thành, BQLRPH Nghi Lộc, BQLRPH Quỳnh Lưu, quản lý 344.662,42 ha; trong đó 242.398,60 ha đất có rừng (228.885,96 ha rừng tự nhiên, 13.512,64 ha rừng trồng), 102.263,82 ha đất chưa có rừng; 10 doanh nghiệp quốc doanh (Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu (5 đơn vị thành viên); Công ty TNHH MTV Quỳnh Lưu, Công ty TNHH MTV Tương Dương, Công ty TNHH MTV Con Cuông và Công ty TNHH MTV Đô Lương) quản lý 62.912,04 ha, trong đó: đất có rừng 53.571,25 ha (rừng tự nhiên 43.592,32 ha; rừng trồng 9.978,93 ha), đất chưa có rừng 9.340,79 ha. Có 40 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh, lực lượng vũ trang và các tổ chức khác quản lý 57.889,23 ha; trong đó: đất có rừng 40.312,36 ha (rừng tự nhiên 33.166,14 ha; rừng trồng 7.146,22 ha) và 17.576,87 ha đất trống.
Ngoài dữ liệu trên còn có hệ thống bản đồ kiểm kê, bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ chủ quản lý các cấp với tỷ lệ 1/10.000, 1/50.000, 1/100.000; hệ thống bản đồ kiểm kê rừng chủ quản lý và hiện trạng rừng chủ quản lý nhóm 2.
Cơ sở dữ liệu kết quả kiểm kê rừng được lưu, quản lý dưới dạng hồ sơ bản giấy và bản mềm. Trong phần mềm kiểm kê rừng thống nhất của Bộ NN&PTNT, bao gồm dữ liệu số và bản đồ chi tiết đến lô, trạng thái và chủ rừng. Có thể nói thành quả của công tác kiểm kê rừng được UBND tỉnh công bố là hệ thống dữ liệu vô cùng quan trọng.
Nó xác định chính xác diện tích, chất lượng, thiết lập hồ sơ quản lý rừng và đất lâm nghiệp hàng năm, làm căn cứ đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng. Vì thế kết quả kiểm kê rừng năm 2015 không chỉ có ý nghĩa to lớn trong chiến lược bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy góp phần thực hiện có hiệu quả kế hoạch REDD+, xây dựng thành công Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An mà còn góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông lâm nghiệp nói riêng của địa phương giai đoạn 2016 - 2010.
Vì vậy, để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả thành quả kiểm kê rừng đã công bố, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý toàn bộ cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng của tỉnh theo đúng quy định của dự án Tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc được phê duyệt tại Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; làm tốt công tác tham mưu để công bố số liệu kiểm kê rừng không chỉ ở cấp tỉnh, mà ngay ở cấp huyện và xã một cách sâu rộng nhằm giúp chính quyền, chủ rừng, cán bộ nhân dân theo dõi giám sát, có trách nhiệm quản lý tốt hơn.
Sau khi công bố, tổ chức bàn giao tài liệu, tập huấn sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu kết quả kiểm kê rừng cho tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan; báo cáo Bộ NN&PTNT và triển khai ngay việc ứng dụng cập nhật theo dõi diễn biến rừng năm 2016.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chủ rừng trên địa bàn có trách nhiệm quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng phục vụ cho công tác quy hoạch bảo vệ phát triển rừng và quản lý tài nguyên rừng, theo dõi diễn biến rừng hàng năm theo quy định; tham mưu đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh; quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; rà soát việc sử dụng đất lâm nghiệp của các đơn vị chủ rừng; triển khai phương án giao đất, giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các địa phương tham mưu giải quyết vấn đề ranh giới địa chính về đất lâm nghiệp tại một số địa phương còn xảy ra tranh chấp đất lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện thành thị trong tỉnh chỉ đạo hạt kiểm lâm có trách nhiệm quản lý toàn bộ hồ sơ kết quả kiểm kê rừng bao gồm cả bản giấy và bản mềm. Khai thác ứng dụng cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng vào các mục đích quản lý rừng, quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.
Kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn Nghệ An năm 2015 được công bố vào dịp Kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11, điều này vừa khẳng định thành quả trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua vừa đặt ra cho các chủ rừng cũng như cán bộ, công nhân viên trong ngành Lâm nghiệp phải tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng, tìm ra các giải pháp đột phá thực hiện có hiệu quả các chương trình đề án đã đề ra, tạo bước phát triển cho nghề rừng. (Báo Nghệ An 28/11) đầu trang(
Để thực hiện tốt các chỉ tiêu về trồng rừng, hàng năm UBND huyện Quang Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đầy đủ các mục tiêu đã đề ra.
Đồng thời, huyện cũng tập trung tư vấn vé đất rừng, giống cây rừng cho các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân để tham gia trồng rừng.
Vì vậy, trên địa bàn của huyện Quảng Bình đã hình thành các mô hình trồng rừng tiêu biểu làm cơ sở để nhân rộng thành phong trào trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, các xã có đất rừng của huyện Quang Bình cũng đã đẩy mạnh công tác triển khai vận động nhân dân xây dựng hương ước, qui ước cấm chăn thả gia súc nhầm bảo vệ các cánh rừng mới trồng.
Nếu gia đình nào vi phạm và cố tình vi phạm thì tùy theo mức độ cụ thể sẽ phải bồi thường về kinh tế và phải chịu các hình thức phạt khác theo qui đinh cụ thể mà thôn bản đưa ra... Phong trào trồng rừng của huyện Quảng Bình đã thu hút các gia đình đẩy mạnh chuyển đổi đất nương rẫy kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất, điển hình là tại các xã Vĩ Thượng, Yên Hà và Yên Thành...
Theo ông Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình: Sau gần 10 năm triển khai công tác trồng rừng, đến nay diện tích rừng của một số địa phương đã cho thu hoạch mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Nhờ có nguồn thu nhập từ rừng mà nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, một số hộ đã có nguồn tích luỹ.
Có thể kể đến một số hộ có thu nhập điển hình từ trồng rừng nhu hộ gia đình anh Hoàng Văn Chài ở thôn Yên Phú, hộ gia đình anh Hoàng Chung Hà ở thôn Tân Chàng xã Yên Hà mỗi gia đình có diện tích trên 4ha rừng keo đến kỳ thu hoạch đã được các doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn thu mua với số tiền gần 200 triệu đồng. Gia đình anh Nguyễn Văn Huy ở thôn Trung Thành xã Vĩ Thượng có 3ha rừng keo đến kỳ thu hoạch có trị giá gần 150 triệu đồng... Ngoài ra, còn nhiều hộ nông dân khác cũng có nguồn thu nhập từ rừng kinh tế từ 50- 100 triệu đồng.
Bên canh đó, huyện Quảng Bình đã đề ra các chính sách nhằm giúp các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn phát triển thuận lợi. Điển hình là các chính sách ưu tiên phát triển các cơ sở thu mua và chế biến gỗ dán xuất khẩu, thu mua gỗ để sản xuất bột giấy... Từ đó, nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Quảng Bình đã được hình thành và không ngừng mở rộng quy mô sản xuất.
Nhằm phát huy hiệu quả từ công tác trồng rừng, huyện Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông... cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vé hiệu quả của công tác trồng rừng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cua huyện; các ngành chuyên môn cần nâng cao hiệu quả trong công tác tư vấn về đất rừng, giống cây lâm nghiệp tới các hộ gia đình, các doanh nghiệp tham gia trồng rừng.
Khuyến khích các thôn bản có rừng và đất lâm nghiệp xây dung các hương ước, quy uớc của thôn bàn nhằm nâng cao hiệu quả của công tác trồng và phát triển rừng trên địa bàn. (Dân Tộc Và Phát Triển 25/11) đầu trang(
Mỗi năm, với hơn 100 tỷ đồng từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đã góp phần bảo vệ tốt nhất cho hơn 360.000 ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường trên toàn tỉnh Kon Tum.
Với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nên việc chi trả tiền DVMTR được thực hiện một cách công bằng, minh bạch cho các đối tượng được hưởng lợi, phát huy được hiệu quả cao nhất mà chính sách chi trả DVMTR mang lại được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum quan tâm.
Chi trả DVMTR đã được triển khai rộng khắp tại các địa phương có rừng ở Việt Nam. Tại tỉnh Kon Tum, chính sách này được thực hiện trong gần 5 năm qua (từ năm 2012 đến nay), theo đó những cánh rừng được bảo vệ trong lưu vực, cung ứng dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện sẽ nhận được số tiền mà bên sử dụng dịch vụ chi trả.
Trong triển khai thực hiện, các chủ rừng là tổ chức (các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty Lâm nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức khác), các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum chi trả công bằng, minh bạch theo đúng kết quả bảo vệ rừng đã được các ngành chức năng kiểm tra, nghiêm thu.
Tùy theo loại hình hoạt động mà các tổ chức sử dụng tiền DVMTR theo quy định; các hộ gia đình, cá nhân thì được sử dụng để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống; riêng các cộng đồng dân cư thôn thì tùy theo địa phương, các cộng đồng dân cư thôn quy định quản lý, sử dụng tiền DVMTR khác nhau, trong đó mục đích chính là bảo vệ và phát triển rừng.
Trước đây việc quản lý, sử dụng nguồn tiền này ở một số cộng đồng chưa hợp lý, hiệu quả sử dụng chưa cao; sau khi nhận tiền từ Hạt Kiểm lâm (đơn vị được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ủy thác chi trả tiền DVMTR cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn) các cộng đồng thường chia đều theo nhân khẩu, một phần để dành mua heo, gà liên hoan cuối năm.
Do đó, người tham gia tuần tra bảo vệ rừng cũng như người không tham gia tuần tra bảo vệ rừng đều được chia số tiền như nhau; và hậu quả là tại một vài địa phương vẫn còn tình trạng lén lút phá rừng; người dân trong cộng đồng vẫn vào rừng khai thác gỗ, củi, măng và lâm sản phụ để dùng trong gia đình và để bán tại các phiên chợ.
Việc chia tiền bảo vệ rừng theo phương thức chia đều trên nhân khẩu, khiến ý thức bảo vệ rừng của người dân trong cộng đồng dân cư thôn không cao, bởi họ cho rằng đó không phải trách nhiệm của mình, không cần đi tuần tra, bảo vệ rừng cũng được nhận tiền.
Hơn nữa, chia tiền DVMTR theo phương thức trên thì số tiền của các hộ gia đình trong cộng đồng nhận được không nhiều, đóng góp vào việc nâng cao đời sống của người dân không đáng kể… Do đó, có thể thấy được tầm quan trọng trong việc phân chia tiền DVMTR trong cộng đồng dân cư thôn sao cho công bằng, minh bạch giữa những cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum là đơn vị thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh; đơn vị cũng là cơ quan có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn người dân sử dụng nguồn tiền này sao cho hợp lý.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thiết lập cơ chế chi trả tiền rất rõ ràng, hệ thống tổ chức từ đơn vị quản lý đến chủ rừng, địa phương, chi tiền DVMTR công khai, minh bạch đến từng chủ rừng, địa phương. Việc chi trả được tiến hành công khai, có sự giám sát của các cơ quan liên quan, đã đóng góp hiệu quả vào công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Ngoài ra, nhận thấy được sự cần thiết, tầm quan trọng trong việc phân chia tiền DVMTR trong cộng đồng dân cư thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Ban quản lý dự án “Tăng cường thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam” tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR cho các cộng đồng dân cư thôn thuộc các xã Xốp, Đăk Man, huyện Đăk Glei.
Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã có kế hoạch tiếp tục nhân rộng, tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR để quản lý bảo vệ rừng, phát triển sinh kế cho tất cả các cộng đồng dân cư thôn, các hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động chi trả tiền DVMTR đảm bảo quyền lợi của người tạo ra dịch vụ môi trường rừng và các cơ quan, cá nhân, đơn vị nào sử dụng dịch vụ phải chi trả dịch vụ. Sử dụng tiền chi trả DVMTR phải có sự gắn kết giữa quyền lợi và trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ rừng, người hưởng lợi nhiều thì trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng phải cao hơn.
Số tiền chi trả cũng phụ thuộc vào diện tích và chất lượng rừng được giao bảo vệ. Khi đảm bảo được hai yếu tố công bằng và minh bạch trong chi trả tiền DVMTR thì người dân mới thực sự được hưởng quyền lợi, taọ ra thu nhập, động lực để bảo vệ và phát triển rừng bền vững. (Tài Nguyên Và Môi Trường 28/11) đầu trang(
Chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 99 của Chính phủ là chính sách mới chưa có tiền lệ, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc tích cực của các hạt kiểm lâm nên chính sách đã sớm đi vào cuộc sống, góp phần tạo bước chuyển mới trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các huyện miền núi.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách được triển khai từ năm 2012, nhưng mới thực hiện đối với diện tích do chủ rừng Nhà nước quản lý. Từ năm 2015, theo Quyết định của UBND tỉnh, các hạt kiểm lâm: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn,Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông - những đơn vị có diện tích rừng nằm trong lưu vực các nhà máy thủy điện được giao làm đầu mối chi trả dịch vụ môi trường rừng cho đối tượng chủ rừng ngoài chủ rừng nhà nước.
Quá trình triển khai, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó phức tạp nhất là nhiều diện tích rừng đang chủ chung (của xã), đại bộ phận hộ được giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 163 có diện tích nhỏ, đơn giá chi trả  không đồng nhất (có thủy điện chi trả 400.000 đồng/ha, nhưng cũng có thủy điện chỉ chi trả 180.000 -190.000 đồng/ha). Mặt khác, nhận thức của người dân về pháp luật lâm nghiệp hạn chế, cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào rừng; diện tích rừng được chi trả là rừng sản xuất chủ yếu nằm bên mép sông, gần đường giao thông, khu dân cư gây áp lực lớn trong công tác quản lý bảo vệ...
Nhưng nhận rõ vị trí ý nghĩa to lớn của chính sách là động lực, đòn bẩy đưa công tác quản lý bảo vệ rừng đạt kết quả tốt nên lãnh đạo các hạt đã trăn trở tìm tòi đề ra được phương pháp thực hiện linh hoạt, hiệu quả. Bên cạnh thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, các hạt đã giao kiểm lâm địa bàn tham mưu chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến Nghị định 99 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; rà soát, thống kê hiện trạng rừng, đối tượng nhận khoán. Đặc biệt công tác khoán, nghiệm thu, chi trả tiền bảo vệ rừng được các hạt hết sức chú trọng tổ chức khá chặt chẽ.
Cụ thể, dựa vào thực tế, điều kiện của mỗi địa bàn lưu vực để các hạt lựa chọn đối tượng là hộ, nhóm hộ hay hộ cộng đồng thôn bản ký hợp đồng giao khoán. Nhưng khi thanh toán tiền đều phải có nghiệm thu đánh giá kết quả cụ thể và tiền phải trả công khai trực tiếp cho đối tượng nhận khoán theo đơn giá diện tích rừng được giao khoán. Ví như ở Quế Phong, 4 lưu vực của 4 thủy điện có đặc thù riêng nên 4 lưu vực có 3 cách khoán khác nhau.
Ở lưu vực thủy điện Cửa Đạt - Hủa Na cùng chung điều kiện như nhau được thực hiện theo 3 nhóm đối tượng (nhóm hộ gia đình, hộ cộng đồng và tổ bảo vệ rừng xã); lưu vực thủy điện Sao Va thực hiện ký hợp đồng theo 4 loại đối tượng nhận khoán: Nhóm hộ gia đình có đất giao theo Nghị định 163/CP, nhóm hộ giao đất tạm thời, hộ cộng đồng thôn bản, tổ bảo vệ rừng xã.
Theo ông Trần Đức Lợi - Phó hạt trưởng kiểm lâm huyện - người trực tiếp phụ trách chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của hạt lý giải: “Với cách khoán linh hoạt này có rất nhiều ưu điểm nổi trội. Đó là không sai nguyên tắc mà lại đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra là huy động một cách tốt nhất về lực lượng tham gia bảo vệ rừng”.
Qua tìm hiểu, thấy rằng: Nếu ký hợp đồng giao khoán với hộ thấy hay nhưng khi thực hiện rất khó. Vì phần lớn các hộ được giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 163 với diện tích nhỏ, nếu ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ, sẽ bất tiện trong công tác bố trí lao động tuần tra bảo vệ rừng.
Ngược lại hợp đồng với nhóm hộ sẽ phát huy tính dân chủ, tính cộng đồng, huy động nhân lực tham gia bảo vệ rừng thuận lợi hơn. Bởi thông qua nhóm hộ hoặc hộ cộng đồng, vai trò của già làng trưởng bản, người uy tín được phát huy, việc bố trí, cắt cử người luân phiên tuần tra bảo vệ rừng sẽ dễ dàng, giúp công tác quản lý bảo vệ rừng đạt kết quả cao.
Công tác thanh toán tiền giao khoán được hạt tiến hành chặt chẽ. Trước khi chi trả hạt tổ chức đoàn đại diện chính quyền xã, thôn bản và hạt nghiệm thu diện tích rừng giao khoán. Khi chi trả có thông báo trước để các hộ nhận khoán đến nhận và mời Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh giám sát.
Với cách làm sáng tạo, công khai minh bạch, năm 2015, có 6 hạt được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tổ chức ký hợp đồng với hàng trăm nhóm hộ đại diện cho hàng ngàn gia đình tham gia nhận khoán, bảo vệ an toàn cho trên 91.000 ha rừng thuộc lưu vực các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn (Tương Dương), Cửa Đạt (Thanh Hóa), Hủa Na, Bản Cốc, Sao Va (Quế Phong), Ca Lôi, Nậm Mô - Nậm Cắn (Kỳ Sơn).
Các hạt đã chi trả cho các đối tượng nhận khoán 22.273,8 triệu đồng, tạo điều kiện cho người dân cải thiện cuộc sống. Nhiều hạt kiểm lâm thực hiện chi trả lớn đạt kết quả cao. Tiêu biểu, Hạt kiểm lâm Tương Dương năm 2015 chi trả cho các đối tượng trên 16,2 tỷ đồng kịp thời đầy đủ, thu hút 374 nhóm hộ và 5.296 hộ tham gia bảo vệ gần 67.000 ha rừng an toàn.
Hạt kiểm lâm Quế Phong đã tổ chức ký hợp đồng với 89 nhóm hộ gia đình, 39 hộ cộng đồng, 7 tổ, thực hiện chính sách chi trả DVMTR đất rừng sản xuất trên địa bàn 5 xã và số tiền chi trả 6,312 tỷ đồng, hơn 19.000 ha rừng của 4 lưu vực thủy điện trên địa bàn hạt giao khoán được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn.
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn do kiểm lâm đảm nhận đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ về cả môi trường, kinh tế và hiệu ứng xã hội. Điều dễ nhận thấy, người dân được hưởng thụ chính sách tạo điều kiện tăng thu nhập cải thiện đời sống.
Ngoài số tiền chi trả mỗi ha từ 200.000 - 400.000 đồng/năm, các hộ còn được tận thu các lâm sản phụ (măng, nứa, luồng, dược liệu) với mức thu nhập 5 - 10 triệu đồng để cải thiện đời sống. Chính sách có ý nghĩa sâu sắc đã tác động làm thay đổi nhận thức, hành vi của chủ rừng, nhất là chủ rừng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
Khảo sát một số địa bàn như Đồng Văn (Quế Phong), chính sách còn góp phần thúc đẩy xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sinh kế của những người làm nghề rừng.
Ngoài ra, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thực sự đã đưa lực lượng kiểm lâm gắn bó chính quyền và bà con thôn bản, đặc biệt đã tạo thuận lợi để các hạt nắm chắc tình hình tham mưu các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, kịp thời ngặn chặn nạn khai thác lâm sản, đốt phát rừng trái phép.
Qua đó giúp ngành xây dựng lực lượng kiểm lâm ngày càng vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao góp phần đưa công tác bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững.
Từ kết quả đó, năm 2016 chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng do các hạt đảm nhận được mở rộng thêm 49.000 ha, đưa tổng diện tích thực hiện lên hơn 141.000 ha. (Báo Nghệ An 28/11) đầu trang(
Từ ngày 25/11/2016, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” đã chính thức khởi động giai đoạn 2. Dự án có tổng vốn 5,7 triệu USD, thực hiện tại Hà Nội và 6 tỉnh Bắc Trung bộ là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Theo Bộ NN&PTNT, ngày 25/11/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” (Dự án FCPF) đã tổ chức hội thảo khởi động giai đoạn 2.
Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã cùng ký kết Hiệp định TF0A1122 về việc hỗ trợ không hoàn lại cho các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ bổ sung, chính thức triển khai từ tháng 11/2016 –  11/2019, với tổng số vốn 5,7 triệu USD tại Hà Nội và 6 tỉnh Bắc Trung bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Dự án nhằm tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện REDD+ trong tương lai, thông qua việc xây dựng các yếu tố REDD+, các hệ thống và chính sách theo hướng bền vững về mặt môi trường và xã hội.
Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” giai đoạn 2 có 4 hợp phần..
Trước đó, dự án FCPF do Quỹ đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) của WB đã thực hiện giai đoạn 1 với tổng kinh phí trên 4,4 triệu USD. Thời gian thực hiện từ tháng 01/2013 đến tháng 11/2016 tại 3 tỉnh thí điểm Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Nông. Ban quản lý các dự án lâm nghiệp là chủ dự án.
REDD+ là sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng cacbon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng cacbon rừng. (Thời Báo Tài Chính 27/11) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Một cuộc khảo sát tính đa dạng sinh học được tiến hành tại một khu vực rừng của Ethiopia đã cho ta những kết quả bất ngờ, những kết quả có thể tạo nên một trật tự côn trùng mới trên toàn thế giới.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng rằng loài kiến Lepisiota canescen mang trong mình những dấu hiệu có thể thành lập nên một hình thái bầy đàn khổng lồ.
Trên Trái Đất này, chỉ có duy nhất 20 loài vật thực hiện hình thái này và các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng loài kiến này nói riêng và toàn bộ các loài kiến nói chung đã và đang trở thành một giống loài xâm lấn ở khắp nơi trên thế giới.
Hình thái bầy đàn khổng lồ - Siêu bầy đàn này là những bầy đàn sinh vật không chỉ gói gọn trong một tổ lớn, mà chúng phát triển thành một tổ chức khổng lồ có quy mô trải rộng nhiều kilomet.
Khả năng phát triển không bị kiềm chế này khiến cho một bầy đàn khổng lồ như vậy trở nên rất nguy hiểm. Trong nghiên cứu tại Ethiopia, các nhà khoa học tìm thấy nhiều siêu bầy đàn kiến L. canescen như vậy và đàn lớn nhất có tổ trải dài 38 km.
Những phân tích hiển vi về loài kiến này cho thấy chúng có rất nhiều điểm chung với một siêu bầy đàn. Hiện tại, đây là những siêu bầy đàn kiến lớn nhất tại địa phương từng được ghi lại.
Các yếu tố khác được tìm ra như cách làm tổ và mở rộng địa bàn, cách kiếm mồi và sử dụng lương thực, đều chỉ ra rằng đây là tính chất thuộc một giống loài xâm lấn.
Một số loài khác thuộc giống Lepisiota này cũng đã được cảnh báo tại nhiều vùng miền trên thế giới về mức độ xâm lược và tàn phá của chúng.
Một trong số các sự kiện đáng chủ ý là tại Công viên Quốc gia Kruger tại Nam Phi, nơi đó giống loài này đã khiến cho Cảng Darwin phải đóng cửa trong vài ngày.
“Loài kiến chúng tôi tìm thấy tại Ethiopia có tiềm năng rất lớn để trở thành một giống loài xâm lược mang quy mô toàn cầu”, nhà nghiên cứu Magdalena Sorger chia sẻ mỗi lo ngại. Hiện bà cùng một số nhà khoa học khác thuộc Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Bắc Carolina đang nghiên cứu về tập tính loài sinh vật này.
Theo bà, nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn bởi hai lý do sau.
Đầu tiên, hình thái siêu bầy đàn này ở loài kiến cực kì hiếm, chỉ có 20 loài sinh sống như vậy trên Trái Đất này.
Thứ hai là, những loài khác cũng thuộc giống Lepisiota cũng đã gây nên tình trạng phá hoại ở nhiều nơi trên thế giới. Tệ hơn là chúng đang lan ra với tốc độ chóng mặt.
Và đây có thể mới chỉ là sự bắt đầu của cuộc xâm lấn lớn này. Đó là những gì trưởng ban nghiên cứu Sorger nhận định.
Thông thường, loài động vật xâm lược này đi theo con người từ vùng này sang vùng khác, trú ẩn trong hành lý hoặc thực phẩm được vận chuyển và phân phát đi nhiều nơi. Hiện tại, cách ngăn chặn chúng phát tán sang các khu vực khác chưa được nghiên cứu.
Nhà khoa học Sorger tin rằng khu vực rừng tại Ethiopian này có thể là điểm xuất phát của một giống loài lớn, có khả năng xâm lược các vùng khác rất cao. “Rất hiếm khi ta có được cơ hội nghiên cứ những thông tin của một giống loài TRƯỚC KHI chúng tiến hành xâm lấn”, Sorger nói.
Đây là một cơ hội hiếm có và những nghiên cứu hôm nay sẽ là tiền đề để tìm ra một giải pháp xử lý, nếu như mọi việc vượt tầm kiểm soát. (Thời Đại 28/11) đầu trang(./.