Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 28 tháng 11 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh nằm trên địa phận huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình) có diện tích tự nhiên trên 5.300 ha thuộc địa bàn 4 xã Đồng Chum, Tân Pheo, Đoàn kết và Đồng Ruộng.
Ngoài chức năng bảo tồn và duy trì nguồn gien động thực vật quý hiếm, bảo vệ tính đa dạng sinh học có tầm quan trọng cấp quốc gia; rừng đặc dụng Phu Canh còn có chức năng duy trì và phát triển hệ thống rừng phòng hộ sông Đà, bảo vệ môi trường, môi sinh phục vụ sản xuất của nhân dân và góp phần bảo vệ nguồn nước cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Rừng Phu Canh là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật quý hiếm, như: Sơn dương, hươu, nai, gấu, lợn rừng, các loại khỉ, sóc bay, các loại chim v.v. cũng là nơi có nhiều loại gỗ quý hiếm như: trắc, gụ, nghiến, táu, dổi, chò chỉ, thông.
Vào thời điểm cuối năm 2011, rừng Phu Canh đã bị “lâm tặc” xâm hại nghiêm trọng với 18 cây gỗ phay có đường kính từ 2 m trở lên thuộc khu vực Bưa Phay, xã Đoàn Kết bị đốn hạ với khối lượng trên 174 m3 gỗ. Ngoài 24 đối tượng bị cơ quan Kiểm lâm xử lý hành chính, có 63 người bị truy tố trước pháp luật, phần lớn là người dân xóm Thằm Luông, xã Đoàn Kết.
Có gia đình cả 2 bố con, có gia đình cả 2 anh em ruột tham gia phá rừng cùng bị khởi tố. Nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước nên 100% bị cáo được hưởng án treo, trong đó, mức án cao nhất 36 tháng và thấp nhất 9 tháng. Các bị cáo phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng cho Nhà nước 463.235.000 đồng.
Anh Đào Hữu Lợi, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh chia sẻ: Mặc dù người dân phá rừng đã bị xử lý theo quy định của pháp luật bằng hình phạt, phạt tiền và không ít người đã phải bán trâu, xe máy để nộp tiền bồi thường thiệt hại nhưng nhìn những cây phay và thảm thực vật của rừng nguyên sinh đã bị tàn phá nặng nề, ai cũng xót xa. Trong đó, cũng có một phần trách nhiệm của anh em kiểm lâm chúng tôi, chỉ lơ là một chút trong khâu tuần tra kiểm soát là rừng xanh bị chảy máu.
Sau sự cố đáng tiếc này, tập thể 15 cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trước ngành và chính quyền địa phương; kịp thời đưa ra những giải pháp quản lý rừng tại gốc. Ban Quản lý đã phối hợp với chính quyền 4 xã Đoàn Kết, Tân Pheo, Đồng Chum và Đồng Kuộng, thường xuyên lồng ghép các buổi họp tại các xóm để tuyên truyền các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát triển rừng cho 12 thôn có ranh giới trong khu bảo tồn.
Đồng thời xây dựng và củng cố 12 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tại 4 xã với 49 thành viên tham gia. Lãnh đạo đơn vị đã phân công cán bộ kiểm lâm xuống “nằm vùng” tại cơ sở, mỗi xã hai người. Mỗi cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã đều phải tự xây dựng phương án và kế hoạch bảo vệ rừng - phòng chống cháy rừng; chủ động phối hợp với tổ đội quần chúng quản lý bảo vệ rừng ở xã, xóm tiến hành tuần tra, kiểm tra rừng, nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác lâm sản trái phép ngay tại địa bàn; đồng thời xử lý các vụ vi phạm theo đúng thẩm quyền.
Bằng những cố gắng đó, khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh đã bình yên trở lại, lá phổi xanh của vùng cao Đà Bắc được bảo vệ tốt hơn. Phó Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn Phạm Trần Thao cho biết: Mấy năm nay, rừng Phu Canh không có đám cháy nào xảy ra. Năm 2013 và 9 tháng năm 2014, trong khu bảo tồn chỉ xảy ra 3 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Ban quản lý kịp thời phát hiện, phá hủy một số lều lán, lập biên bản và tịch thu 7,3 m3 gỗ xung công quỹ nhà nước.
Trở lại Phu Canh lần này, ghi nhận vùng rừng nóng bỏng ngày nào đã trở lại nhịp sống thường nhật, mọi người, mọi nhà lại hối hả, tất bật với công việc nhà nông. Cánh thanh niên thì đã “treo rìu, gác cưa”, những vật dụng từng gắn bó với họ để về thành phố tìm việc làm mới. Sự nghiêm minh của pháp luật không chỉ giúp những người đã từng bị gọi là “lâm tặc” ở đây tỉnh ngộ mà còn tác động sâu sắc tới nhận thức, ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường của người dân từ Thằm Luông, Lăm đến Cang, Khem những bản làng có đồi, rừng chiếm tới 2/3 diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh.
Anh Đặng Văn Bình, dân tộc Dao ở xóm Thẩm Luông, người từng bị kết án 3 năm tù treo bộc bạch: Làm gỗ khổ lắm, làm được một đồng ăn hết hai đồng, mình thôi chặt cây rừng rồi. Nghe lời cán bộ kiểm lâm, mình tham gia vào tổ quản lý bảo vệ rừng, tuyên truyền cho bà con thấy rõ tác hại của việc phá rừng, giữ lấy nguồn nước cho bản.
Cũng theo anh Đào Hữu Lợi, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh: Do đời sống của người dân vùng cao còn nghèo, dễ xâm phạm đến tài nguyên rừng. Để công tác quản lý bảo vệ rừng thực sự có hiệu quả, Ban Quản lý đang đề xuất với cấp trên xây dựng các mô hình sinh kế nhằm nâng cao đời sống người dân sống xung quanh khu bảo tồn; phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết việc làm trong thời kỳ nông nhàn. Khi ấy, rừng đặc dụng Phu Canh chắc chắn sẽ được bảo vệ và phát triển bền vững. (Tin Tức 27/11) đầu trang(
Phản hồi thông tin phản ánh từ Báo Người cao tuổi về việc đề nghị xem xét vụ án “Buôn lậu gỗ xảy ra tại Đà Nẵng”, Bộ Tài chính cho rằng một số nội dụng liên quan đến công tác điều tra, xử lý của cơ quan chức năng như báo nêu là không đúng sự thật.
Theo như Báo Người cao tuổi phản ánh: Đã có 16/22 container xếp xuống tàu biển, 5 container đang ở trên bờ thì bất ngờ bị cán bộ Hải quan gây sách nhiễu, vòi vĩnh. Chỉ còn duy nhất 1 container đang trên đường vận chuyển vào cảng thì bị Công an chặn xe khám xét do không đáp ứng đòi “bôi trơn" thêm.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, nội dung phản ánh của Báo Người cao tuổi nêu là không đúng sự thật. Bởi vì, khi toàn bộ lô hàng đang trên đường vận chuyển từ Quảng Trị vào Đà Nẵng để xếp xuống tàu thì Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã tiến hành bắt giữ và khám xét container (số GESU 6243717) và kết luận doanh nghiệp có sai phạm và chuyển hồ sơ cho Cục Hải quan TP. Đà Nẵng để xử lý theo quy định.
Trong quá trình xử lý, cơ quan Hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì phải tiến hành kiểm tra, khám xét để xác định đúng vi phạm và xử lý vi phạm. Trình tự, thủ tục như trên là đúng quy định của pháp luật.
Báo Người cao tuổi tiếp tục nêu: Trong quá trình kiểm tra, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện chỉ có 18,672 m3 gỗ Giáng Hương trộn lẫn trong tổng số 535,8 m3 gỗ Trắc (chiếm tỷ lệ rất thấp).
Theo Bộ Tài chính, lô hàng xuất khẩu, Công ty khai báo có nguồn gốc từ hàng nhập khẩu kinh doanh. Theo tờ khai nhập khẩu số 1505/NK/KD, Công ty nhập khẩu 535,8 m3 gỗ Trắc Cam bốt (Dalberrgia Cambodiana) tròn, xẻ không có gỗ Giáng Hương, không có sản phẩm gỗ, không có gỗ Cẩm lai nam.
Kết quả khám xét theo thủ tục hành chính xác định hàng thực xuất khẩu là 431 m3 gỗ Trắc (Cẩm lai nam-Daberrgia Cochichinensis), 21,506 m3 gỗ Giang Hương xẻ (Pterocapus Macrocapus) và 867 sản phẩm gỗ Giáng Hương.
Theo quy định tại Nghị định 99/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, thì hành vi vận chuyển trái phép gỗ thuộc Nhóm IIA từ 3 m3 đến 7 m3 đã bị xử lý hình sự.
Như vậy, Công ty đã có hành vi xuất khẩu hàng hóa không khai báo hải quan, không đúng khai báo hải quan và xuất khẩu gỗ không có nguồn gốc hợp pháp. Nội dung phản ánh trên của Báo Người cao tuổi là không đúng sự thật. (Hải Quan 25/11, tr5) đầu trang(
Xung quanh khu vực hồ Trị An và sông Đồng Nai có hàng trăm trang trại nuôi cá sấu với số lượng lên đến hàng chục ngàn con nhưng khâu quản lý rất lỏng lẻo
Hồ thủy điện Trị An (hồ lớn nhất miền Nam) rộng 323 km2, nằm trên địa bàn 2  huyện Định Quán và Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (trong đó có Vườn Quốc gia Cát Tiên). Gần đây, người ta chứng kiến cảnh  lực lượng chức năng gồm kiểm lâm, công an, dân phòng… xách súng săn tìm một con cá sấu lọt vào lòng hồ.
Đi ngược Quốc lộ 20 về phía huyện Định Quán, men con đường dẫn vào xã Phú Ngọc, có thể gặp rất nhiều tấm biển rao mua bán cá sấu. “Chú cứ đi sâu vào con đường này, nhà nào cũng nuôi cá sấu” - một người dân nói. Đây là khu vực giáp ngay bờ một góc hồ Trị An. Tại ấp 1, xã Phú Ngọc, rảo một vòng, chúng tôi đã tiếp cận 3 trại nuôi cá sấu như nuôi… heo.
Trại nhà anh N. chia thành 2 khu, mỗi khu rộng vài trăm mét và chia thành 2 chuồng. Trại được lợp mái tôn, mái lá, xung quanh xây bao bằng tường gạch mỏng, không tô vữa, bên trong có cả trăm con cá sấu. “Đây là lứa cá nhỏ, mới khoảng 10 kg/con nên xây chuồng bao đơn giản như thế này chúng cũng không thể bò ra ngoài được” - anh N. giải thích.
Tuy nhiên, khi sang khu bên cạnh, vừa bước vào, PV đã nghe một tiếng rầm, hàng chục con cá sấu dài cả mét, nặng cỡ 30-40 kg nghe tiếng người vội đua nhau quăng mình xuống nước. Tại đây, chuồng trại cũng vẫn là những bức tường thô mỏng manh, phía trên được rào thêm lưới B40.
Cách đó vài trăm mét là trại của ông H., cũng nuôi cả trăm con cá sấu, chia thành 3-4 lứa. Lứa nhỏ nhất mỗi con nặng 10 kg, lứa lớn nhất nặng 40-50 kg. Hệ thống chuồng trại nhà ông H. cũng rất đơn sơ với bờ tường gạch cao khoảng 50 cm, ở giữa có một hố nước cho cá ngâm mình.
Tại ấp 4, nằm sát bên  sông La Ngà, đầu nguồn đổ vào hồ Trị An, trang trại cá sấu của gia đình bà L. bề thế hơn vì số lượng nuôi gấp nhiều lần các hộ khác. Chuồng nhỏ, trại lớn trải dài quanh khu đất ẩm ướt. Đặc biệt, nơi này chỉ cách bờ sông và các bờ rạch nhỏ từ 5-10 m. Trại này, ngoài bức tường bao còn thêm ít lưới thép và tôn chắn ở phía trên. Tuy nhiên, khi PV hỏi làm sao để kiểm soát và biết nếu có cá sấu thoát ra ngoài, bà L. thừa nhận cũng chỉ… đếm đại khái. “Nuôi cá sấu cũng như nuôi heo vậy thôi mà” - bà L. nói.
Trong quá trình đi thực tế, được biết thực trạng nuôi cá sấu tập trung rất nhiều ở khu vực quanh hồ Trị An, có thể là do đất ẩm ướt, phù hợp với loài cá hung dữ này. Xã Phú Ngọc được xem là “thủ phủ” nuôi cá sấu với 144 trại, hơn 63.000 con.
Không chỉ thế, trải rộng trên địa bàn thị trấn Vĩnh An, các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), nơi có các hồ đập thông ra hồ Trị An và sông Đồng Nai, cũng có hàng chục trại nuôi cá sấu. Theo  người dân địa phương, nếu cá sấu xổng chuồng thì có khả năng “mất tích” vào các sông, hồ.
“Người dân nơi đây rất hồi hộp vì với cách nuôi nhốt đơn giản thì việc những con cá hung dữ này xổng chuồng là điều có thể xảy ra. Thực tế vừa qua, một con cá sấu đã lọt vào lòng hồ Trị An, gây bất an cho những người dân nơi đây” - một người dân lo lắng.
Nếu xã Phú Ngọc, huyện Định Quán chủ yếu nuôi cá sấu nhỏ và vừa để bán thịt thì tại huyện Vĩnh Cửu tập trung nhiều hộ nuôi cá giống, cực kỳ hung dữ. Tại trại của gia đình ông Ngô Văn Thưởng (ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý), chứng kiến một hồ cá sấu để gây giống với hơn 20 con đang độ trưởng thành. Trong một hồ - đúng hơn là một cái hố - cây cỏ mọc um tùm, những con cá sấu nặng có thể từ 1-2 tạ, dài 1,5-2 m nhe răng lởm chởm.
Khi chủ trại bước vào bãi đất trong hàng rào của hồ, một con cá sấu lớn đang nằm lừ đừ phơi nắng, khuất phía sau bụi rậm bất ngờ vọt đến, may mắn là ông chủ trại cũng kịp thời phóng ra ngoài. “Loài cá sấu này có thể bò đi khắp nên ban đêm phải canh chừng vì sợ chúng thoát ra ngoài”.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương này có 203 trại nuôi cá sấu với gần 90.000 con, trong đó chủ yếu ở các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, thượng nguồn sông Đồng Nai, giáp ranh và cả ngay trong vùng lõi khu bảo tồn.
“Tình trạng nuôi cá sấu khá tràn lan, về mặt pháp luật thì không thể cấm được. Tuy nhiên, cũng phải quản lý chặt hơn về chuồng trại chứ chỉ kiểm lâm thì không thể theo dõi hết. Nếu loài này mà xổng ra hồ Trị An thì rất nguy hiểm vì trên hồ có nhiều gia đình sinh hoạt, dân đánh cá và cả khách du lịch…” - một cán bộ kiểm lâm tâm tư.
Liên quan đến vụ cá sấu xổng chuồng và thoát ra hồ Trị An vào cuối tháng 10 vừa qua, hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai vẫn chưa bắt lại được. “Con vật đã bị thương nên sẽ càng trở nên hung dữ, nguy hiểm” - một kiểm lâm viên huyện Vĩnh Cửu cảnh báo. Xung quanh khu sinh quyển, Vườn Quốc gia Cát Tiên..., tình trạng cấp phép nuôi các loài động vật hoang dã khác cũng tràn ngập.
Xã Phú Lý thuộc trung tâm Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Người dân nơi đây sống chung với các loài động vật hoang dã như voi, bò tót, mang, chồn, sóc... Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đề nghị Chính phủ có phương án di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng lõi khu bảo tồn nhưng vẫn chưa thực hiện được. Hiện tại, ở 2 xã Phú Lý và Mã Đà, trung tâm vùng lõi, vẫn được cấp phép nuôi nhốt động vật hoang dã.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu, trên địa bàn huyện hiện có hơn 100 trại nuôi nhốt động vật hoang dã, trong đó có các loài như rắn, kỳ đà, trăn đất, cá sấu, mèo rừng, cheo, cầy, sóc, dúi. “Nhiều người bất chấp để thu lợi, biến các trang trại nuôi nhốt, các quán nhậu thành nơi để che đậy cho việc mua bán động vật hoang dã” - ông Phạm Ngọc Vũ, phụ trách pháp chế bộ phận kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, nhận định. (Người Lao Động 28/11) đầu trang(
27-11, tại cửa khẩu Lao Bảo, Tổ Kiểm soát thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo phối hợp với Công an huyện Hướng Hóa, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Trạm Kiểm lâm Lao Bảo tiến hành kiểm tra xe ô tô khách mang BKS Lào 3295 do ông Nguyễn Đức Đăng điều khiển có vận chuyển hàng hóa nhập khẩu trái phép từ Lào về Việt Nam.
Kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng cho thấy, ngoài hành lý cá nhân đã khai báo còn có một lượng lớn động vật tươi sống được cất giấu trong khoang hành lý gồm: 36 kg trút sống (tê tê); 68 kg rắn ráo trâu;  15,5 kg ba ba; 1kg rùa. Tổng trị giá lô hàng ước tính gần 60 triệu đồng.
Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đang phối hợp với các lực lượng chức năng bàn giao tang vật, phương tiện vi phạm cho cơ quan Kiểm lâm để xử lý theo thẩm quyền. (Hải Quan 27/11) đầu trang(
ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng, vùng nước ngọt, lợ, mặn đan xen nhau, đồng thời đây là khu vực duy nhất tiếp giáp biển Đông và biển Tây với bờ biển dài trên 750km, diện tích rừng khoảng 347.500ha thuận lợi trong việc khai thác lâm hải sản, góp phần bảo vệ môi trường trong khu vực.
Tuy nhiên, hệ sinh thái ven biển của ĐBSCL đang phải đối mặt với các mối đe dọa bởi tác động của BĐKH và cần thiết phải có giải pháp thực sự hiệu quả để thích ứng kịp thời.
Các nghiên cứu chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho thấy hiện nay một số khu vực ven biển đang bị xâm thực khoảng 30m/năm; rừng ngập mặn dọc theo bờ biển bảo vệ đất liền khỏi ảnh hưởng của bão, lũ, con người tàn phá… hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng; mức độ gia tăng xâm nhập mặn dẫn đến tình trạng đất nhiễm mặn, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp...
Một trong những định hướng có tính giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với BĐKH ở BĐSCL là tăng cường liên kết trong quy hoạch quản lý tổng hợp vùng ven biển, tiếp cận và giải quyết các vấn đề về BĐKH theo vùng, không theo từng tỉnh đơn lẻ...
Điều này đúc kết từ kinh nghiệm hiệu quả ở các nước Hà Lan, CHLB Đức, Úc được các đại biểu thảo luận, nghiên cứu, để suất lồng ghép và ứng dụng vào các quy trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL theo hướng bền vững – tại Hội thảo “Đối thoại chính sách về quản lý môi trường bền vững ven biển vùng ĐBSCL” thuộc Chương trình ICMP/CCCEP, diễn ra gần đây, tại Sóc Trăng.
Hiệu quả các giải pháp thực hiện trên cơ chế liên kết đã được dẫn chứng bằng thực tiễn triển khai Chương trình Quản lý Tổng hợp vùng Ven biển (ICMP) giúp khắc phục các thách thức tác động từ BĐKH, nước biển dâng, cụ thể là việc củng cố vùng bờ tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL.
Ghi nhận bước đầu cho thấy: Chương trình đã góp phần tích cực xây dựng các giải pháp kỹ thuật giúp đường bờ biển dịch chuyển thêm ra phía biển 180m, giành lại đất phục hồi rừng ngập mặn. Hỗ trợ nông dân áp dụng các kỹ thuật mới trong ứng phó BĐKH, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường, như: Phương pháp canh tác lúa cải tiến, giúp giảm 30% lượng nước và thuốc bảo vệ thực vật; biện pháp hỗ trợ các hộ nuôi tôm sinh thái thân thiện với môi trường, tiếp cận thị trường quốc tế...
Thực tế tại tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2007, Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật của Cộng hòa Liên Bang Đức (GTZ) tài trợ Dự án “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng”. Đây là dự án nhằm cung cấp những giải pháp thử nghiệm để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh giữa phát triển kinh tế và quản lý một cách bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dự án này cũng bao gồm những hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách tập trung vào đa dạng hóa cách thức kiếm sống của người dân nghèo và công tác quản lý rừng ngập mặn.
Theo Tiến sĩ Klaus Schmitt, Cố vấn trưởng Dự án GTZ tại Sóc Trăng: Dự án sẽ thử nghiệm nhiều cách thức trồng rừng ngập mặn khác nhau để bắt chước thiên nhiên, hoặc mô phỏng những mô hình khoanh nuôi tái sinh tự nhiên thành công. Dự án áp dụng thí điểm các phương pháp trồng rừng mới nhằm tạo ra các khu rừng ven biển đa dạng cả về cơ cấu loài cũng như tăng khả năng thích ứng đối với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Vì thế, Dự án đã khởi động một nghiên cứu chi tiết do Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng phía Nam tại thành phố HCM thực hiện để phân tích những nguyên nhân thành công và thất bại của việc trồng rừng trong quá khứ. Căn cứ vào những bài học từ thực tiễn, trong nước và quốc tế, Dự án đã xây dựng một báo cáo chi tiết về lịch sử rừng ngập mặn ở Sóc Trăng từ 1965 đến 2008. Ngoài những phương pháp trồng rừng truyền thống, Dự án còn bao gồm những thử nghiệm các biện pháp tiếp cận mới bắt chước thiên nhiên và các biện pháp khác nhằm chuyển các khu rừng mới trồng thành các khu rừng đa dạng (về tầng và loài) với sức chống chịu tốt hơn...
Dự án của GTZ đã thực hiện thí điểm một số kỹ thuật trồng, khôi phục rừng ở một vài khu vực trong địa bàn huyện Vĩnh Châu – địa bàn có trên 3.560 ha rừng và đất rừng ngập mặn ven biển. Bước đầu, được UBND huyện Vĩnh Châu, đánh giá góp phần tích cực bảo vệ và phát triển được vốn rừng có thể sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cả về kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân địa phương và trong khu vực.
Điển hình là mô hình “Đồng quản lý” tại ấp Âu Thọ B, người dân đã chuyển biến rất tốt về hành vi cùng phối hợp bảo vệ môi trường, ý thức tự giác cao trong việc đồng quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Dự án đã triển khai.
Hiệu quả nổi bật các giải pháp từ Chương trình ICMP/CCCEP đem lại, là đã giúp các địa phương như: Sóc Trăng và Bạc Liêu có khoảng 99% bờ biển không còn chịu tác động trực tiếp của sóng biển; phục hồi 603ha rừng ngập mặn; giới thiệu 22 mô hình sinh kế, giúp giảm áp lực môi trường và tăng 60% thu nhập cho 8.500 gia đình...
Theo ông Dương Quốc Xuân - Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nếu được kết hợp với các giải pháp bảo vệ vùng bờ khác, những đai rừng này là giải pháp tốt nhất để bảo vệ, chống lại ảnh hưởng bão, lụt, tạo nền tảng để các địa phương phối hợp thực hiện kế hoạch bảo vệ tổng hợp vùng bờ ĐBSCL.
Ông Xuân nói: “Các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm thích ứng với BĐKH. Chương trình ICMP/CCCEP đóng góp tích cực trong quản lý các hệ sinh thái ven biển, phục hồi và giảm thiểu tổn hại; hỗ trợ nâng cao nhận thức về môi trường, xây dựng một số mô hình, tạo sinh kế bền vững. Thời gian tới, các địa phương trong khu vực cần tranh thủ sự hỗ trợ, tăng cường liên kết, phối hợp để phát huy hiệu quả chương trình”.
Được biết, trong giai đoạn 2 (2014 – 2017), Chương trình ICMP/CCCEP sẽ tập trung thể chế hóa và nhân rộng các giải pháp nhằm tác động toàn diện trên quy mô lớn hơn tại vùng ĐBSCL. (Tài Nguyên & Môi Trường 27/11) đầu trang(
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, đại diện của 17 hộ dân bản Chay (xã Canh Nậu, huyện Yên Thế) tố cáo Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc (gọi tắt là Cty Trường Lộc) phá rừng, hủy hoại rừng khu vực đường Cộc, đèo Uỷnh.
Ngoài ra, Cty Trường Lộc còn mở đường lên thượng Ba Mả với mục đích khai thác gỗ và dung túng cho nhân viên phát đốt nhiều ha rừng. Đáng chú ý, ngày 15/11 vừa qua, hàng chục người dân tổ chức “bắt giữ" một điểm tập kết gỗ tại tuyến đường nói trên và báo lực lượng chức năng lên lập biên bản, thu giữ tang vật với số lượng lên tới 12m3.
Trước sự việc đó, huyện Yên Thế thành lập tổ liên ngành điều tra thủ phạm phá rừng, nhưng ngoài số gỗ tang vật và khẳng định của người dân tố cáo, không có con người, phương tiện cưa cắt gỗ, phương tiện chuyên chở cho thấy đây là “tác phẩm” của Cty Trường Lộc.
Trong một diễn biến khác, Cty Trường Lộc khẳng định số gỗ là “sản phẩm” của các đối tượng lâm tặc và chỉ đích danh 5 đối tượng có mặt trong số những người dân đứng ra tố cáo. Đại diện của Cty Trường Lộc cho rằng, việc chặt hạ số gỗ rừng tự nhiên, trong một thời gian ngắn, với số lượng lớn như vậy nhằm mục đích duy nhất là tố cáo, hạ uy tín cty. Từ đó cho rằng Cty không đủ năng lực quản lý, bảo vệ để kiến nghị Nhà nước giao lại đất rừng cho người dân quản lý, bảo vệ.
Qua liên lạc với những người dân đứng ra tố cáo, PV đã tận mục sở thị diện tích rừng bị cắt, đốt trước đó tại khu vực đèo Uỷnh, đường Cộc. Đặc biệt tại cánh rừng tự nhiên thuộc thượng Ba Mả (như người dân gọi), trên một khoảng dài 300m từ mặt đường lên, còn hàng chục gốc cây có đường kính từ 20 - 35 cm vẫn chưa khô nhựa và nhiều thân, cành cây chưa cắt nằm ngổn ngang.
Đây chính là khu vực mà lực lượng chức năng vừa thu giữ 12m3 gỗ do người dân tố cáo. Khu vực này giáp giới với huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), thuộc diện tích rừng tự nhiên đầu nguồn, nghiêm cấm khai thác. Hiện tại, toàn bộ diện tích này thuộc quản lý của Cty Trường Lộc nằm trong tổng số 1.394 ha đất rừng được UBND tỉnh Bắc Giang giao từ năm 2011.
Theo tìm hiểu, nguồn cơn của những khúc mắc, tranh chấp đất rừng, tố cáo lẫn nhau và hủy hoại tài nguyên rừng ở khu vực bản Chay xã Canh Nậu xuất phát từ khi Cty Trường Lộc được giao quản lý, bảo vệ, khai thác diện tích rừng nói trên (trong tổng thể Dự án đầu tư phát triển rừng bền vững 1.394 ha UBND tỉnh giao cho Cty này).
Trước đó, diện tích thuộc địa bàn bản Chay được giao cho Hội cựu chiến binh xã Canh Nậu quản lý, một số khác được giao (hoặc người dân tự phát đốt) để lấy đất canh tác. Thời gian đầu, Cty Trường Lộc đã tổ chức cùng cơ quan chức năng thu hồi, lập các chốt bảo vệ, cấm người dân xâm phạm vào khu vực được giao quản lý.
Gần đây, do có khó khăn trong việc tổ chức bảo vệ, Cty Trường Lộc đã để xảy ra một số vụ vi phạm lâm luật trong khu vực quản lý. Điển hình là hộ ông Hà Văn Sự và Hà Văn Ước (ở bản Chay), từ năm 2009 đến đầu năm 2014 đã phát đốt và trồng cây trên đất của Cty khoảng 3,0 ha; giữa tháng 6/2014, 17 hộ dân (bản Chay, bản Đình, bản Thia) tự ý làm đường trên đất rừng và lấn chiếm hơn 6,2 ha để trồng cây; hộ Đinh Văn Tuấn phá, lấn chiếm gần 1,0 ha.
Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm, người dân, bảo vệ của Cty Trường Lộc còn phát hiện, bắt giữ hàng chục m3 gỗ đã bị chặt hạ, hàng chục ha rừng bị đốt, phát quang chiếm đất để tổ chức sản xuất... Bên cạnh đó, Cty Trường Lộc cũng nhiều lần bị nhắc nhở, phạt hành chính về việc buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm lâm luật trong khu vực được giao.
Ông Đồng Xuân Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Thế khẳng định một số vụ việc liên quan đến phá, hủy hoại rừng tại bản Chay, xã Canh Nậu từ thời điểm trước năm 2014 đều đã được lực lượng chức năng xử lý. Tuy nhiên, một số hộ ở bản Chay không đồng thuận do muốn được giao lại rừng, đất rừng nên tìm mọi cách để khơi lại vụ việc.
“Cũng có thể do phía Cty Trường Lộc tổ chức cắt vén vừa bán lấy tiền vừa tạo rừng ót để có cớ làm hồ sơ xin cải tạo rừng nghèo kiệt. Hoặc cũng không loại trừ việc các đối tượng đang bị Trường Lộc kiện tạo hiện trường để kiện ngược. Hiện tại ai phá rừng thì chưa có kết luận do tổ công tác còn đang xác minh nhưng quan điểm của tôi là kiên quyết xử đúng, xử nghiêm bất kể đối tượng đó là ai”, ông Thanh cho biết.
Làm việc với PV, ông Nguyễn Hồng Quảng, Giám đốc Dự án rừng Yên Thế của Cty Trường Lộc bức xúc: “Chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND huyện là rất rõ ràng, giao việc rất cụ thể, kể cả việc xác minh 17 đối tượng phá rừng, tổ chức phá rừng “có đủ điều kiện xử lý hành chính 12 đối tượng và hình sự 5 đối tượng”. Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện qua điều tra lại báo cáo không đủ căn cứ để khởi tố bị can, khởi tố vụ án nên các đối tượng nói trên vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Nhân vụ việc 12m3 gỗ này, khẳng định là do các đối tượng lâm tặc thực hiện một cách có tổ chức, có ý đồ. Chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra làm rõ để đưa các đối tượng phá rừng ra trước pháp luật”.
Trả lời về trách nhiệm của lực lượng kiểm tra, bảo vệ rừng thường xuyên đóng trên địa bàn Yên Thế trong việc bảo vệ rừng, ông Đồng Xuân Thanh và ông Nguyễn Hồng Quảng cho biết hiện toàn bộ đất rừng trên địa bàn đã được giao cho các tổ chức và cá nhân trồng, chăm sóc, bảo vệ. Về nhân lực, Hạt Kiểm lâm Yên Thế chỉ có tổng cộng 13 người; lực lượng bảo vệ của Cty Trường Lộc chỉ có 12 người nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Trong khi đó, sự phối hợp của chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ rừng chưa thực sự tốt...
Trở lại với vụ việc đối tượng chặt phá 12m3 gỗ rừng tự nhiên ngày 15/11 vừa qua, có thể thấy các cơ quan chức năng cũng như đơn vị được giao rừng chưa làm hết trách nhiệm. Hạt Kiểm lâm chỉ biết khi người dân “báo”; cán bộ phụ trách bảo vệ của Cty thì biết tin mới phóng xe máy lên xem nhưng cũng chưa đến nơi vì “xe hỏng”; tổ công tác đi kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” vì không chuẩn bị phương tiện, nhân lực vận chuyển tang vật về cất giữ, chính quyền xã thì làm ngơ như không biết...
Nếu không xử lý dứt điểm, để tình trạng như trên tiếp tục tái diễn thì không những nguồn tài nguyên rừng tiếp tục bị tàn phá mà chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục bị vi phạm, bị coi nhẹ. Ai phá rừng; ai lợi dụng chính sách giao rừng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, để trục lợi; ai dung túng, bao che cho đối tượng phá rừng... đề nghị các cơ quan chức năng huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang nhanh chóng làm rõ và xử lý theo pháp luật. (Giáo Dục & Thời Đại 26/11, tr8) đầu trang(
27-11, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện ra quân vệ sinh, phát quang xung quanh nơi ở, nơi làm việc nhằm hạn chế sự sinh trưởng, phát triển của rắn lục đuôi đỏ.
TP cũng giao Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PTNT có kế hoạch hướng dẫn phòng tránh và xử lý khi bị rắn cắn, phổ biến đến tận người dân. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan thường xuyên theo dõi sát diễn biến sự xuất hiện của rắn lục đuôi đỏ để kịp thời có phương án xử lý.
Theo khoa Y học nhiệt đới BV Đà Nẵng, hiện khoa này đang cấp cứu, điều trị cho 10 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Trong đó có sáu ca là người dân TP Đà Nẵng, còn lại là bệnh nhân nặng từ Quảng Nam và Quảng Ngãi chuyển ra.
Tại Quảng Ngãi và Quảng Nam, chính quyền hai địa phương này khuyến cáo người dân cần đề phòng với loài rắn lục đuôi đỏ. Ngành y tế cũng đưa ra các hướng dẫn sơ cấp cứu đối với các bệnh nhân khi bị rắn cắn.
Ngày 27-11, BV Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết từ đầu tháng 11 đến nay, khoa Nội tổng hợp của bệnh viện này đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 13 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Hai trường hợp mới nhất bị rắn lục đuôi đỏ cắn hiện đang điều trị đều ngụ TP Quy Nhơn. (Pháp Luật TPHCM 28/11) đầu trang(
Đám lâm tặc ‘hồn xiêu, phách lạc” khi thấy con rắn to bằng thân đứa bé, dài cả chục mét, trên đầu có mào đỏ chót như gà trống đang ngóc đầu, nhe nanh nhìn trừng trừng.
Chuyện xảy ra chính xác khi nào không ai nhớ nữa, chỉ biết rằng từ đó mấy chục năm qua, không một người dân nào trong vùng dám bén mảng đến khu rừng này đốn chặt cây.
Lần theo sự chỉ dẫn của một số cán bộ huyện Tây Trà, tìm đến rừng Nà Trút, thuộc tổ 4, thôn Xanh, xã Trà Trung vào một ngày gần giữa tháng 11.
Nhìn khu rừng rộng hàng trăm ha nằm cách tuyến đường Di Lăng (huyện Sơn Hà)-Trà Trung (huyện Tây Trà), tỉnh Quảng Ngãi, chỉ hơn cây số với dày đặc các loại gỗ quý, như: Lim, chò, sến, táu... nằm san sát nhau đến ngút tầm mắt. Trong số đó có cây gốc to đến 6 người ôm không xuể, giống như “mỡ treo miệng mèo” nhưng vẫn còn gần như nguyên vẹn suốt hàng trăm năm qua, không khỏi ngỡ ngàng.
Theo lời của già làng nơi đây, thì rừng Nà Trút được như vậy là nhờ có xà thần canh giữ. Chuyện kể rằng ngày xưa cả một khu vực Nà Trút là vùng đất khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Vì vậy, nơi đây rất đông đúc và sầm uất chứ không thưa thớt như bây giờ.
Cuộc sống của người dân làng này đang êm ấm, với lúa thóc tràn bồ, lợn gà đầy chuồng, thì bất ngờ một hôm bỗng dưng xuất hiện một con xà thần hung dữ. Không chỉ gia súc, gia cầm mà xà thần còn bắt cả người để ăn thịt, làm ngôi làng tiêu điều hoang vắng, sợ hãi bao trùm.
Không đành lòng rời bỏ nơi bao đời gắn bó như nhiều người khác, 8 gia đình đã lần lập đàn cúng Giàng (cúng trời - người viết) để cầu xin trừ hậu họa. Nghe động lòng, Giàng đã cưỡi mây xuống và dùng phép vun một phần đất của Nà Trút thành một vách núi cao; đồng thời biến nơi đây thành một khu rừng rậm. Trước khi đi, Giàng gọi số gia đình này lại và căn dặn: Phải giữ khu rừng nguyên vẹn để xà thần có chỗ ở, mới không quấy phá.
Theo lời Giàng dặn, ngày ngày người dân trong làng cắt người đi tuần tra để trông giữ khu rừng này cẩn mật. Nhiều người còn kể: Một lần thấy rừng Nà Trút gỗ quý dày đặc, một nhóm người làng bên nảy lòng tham nên rủ nhau vào đốn chặt.
Khi những nhát rìu đầu tiên vung lên và cắm phập vào gốc cây chò hàng trăm năm tuổi, thì bất ngờ nghe có tiếng thở phì phò sát bên. Theo đó nhóm người dừng tay và quay lại và tất cả ‘hồn xiêu, phách lạc” khi nhìn thấy một con rắn to bằng thân đứa bé, dài cả chục mét, còn trên đầu có mào đỏ chót như gà trống đang ngóc đầu, nhe nanh nhìn trừng trừng. Thế là tất cả quăng, vứt rìu rựa cắm đầu bỏ chạy thục mạng.
Kể từ đó đến nay, không một người dân nào trong vùng dám bén mảng đến khu rừng này đốn chặt cây nữa. Một số khác khẳng định: Xà thần thì chưa biết có thật hay không, thế nhưng đã không ít lần vào rừng đã gặp rắn hổ to bằng bắp chân người.
Không bò trườn dưới đất như thường thấy, con rắn đi như lướt trên ngọn bụi cây. Cứ mỗi lần nó di chuyển đến nơi nào, thì cuốn theo gió làm cây cối nơi đó oằn xuống và ngã rạp, tạo nên âm thanh ào ào như gió lốc. Chưa hết, có người còn bắt gặp mảnh da rắn lột to bằng 2 bàn tay gộp lại.
Truyền thuyết về “xà thần” hay rắn hổ lướt như bay trên ngọn cây... có thật không thì chưa rõ, thế nhưng một sự thật mà không ai có thể phủ nhận, đó là suốt từ hàng trăm năm qua khu rừng này luôn được canh giữ bởi những thế hệ của người dân sinh sống ở Nà Trút này.
Trong ngôi nhà đơn sơ nằm ngay lối mòn nhỏ dẫn vào khu rừng, già Hồ Văn Ba (74 tuổi), người được ví là “mắt thần” canh cửa cho “mỏ vàng xanh” này, chậm rãi: Việc giữ rừng Nà Trút thì thời tao tóc còn để chỏm đã có rồi. Và nó trở thành chuyện đương nhiên như thể “con người muốn sống phải ăn” của người dân ở làng này vậy. Hồi còn giặc Mỹ, có lần thấy máy bay vòng quanh, sợ nó phun lửa, bỏ chất độc để phá khu rừng này nên tao đã lấy súng bắn đuổi. Già Ba (70 tuổi), nhớ lại.
Gần cả cuộc đời gắn bố với rừng Nà Trút, đến nay tuy tuổi đã cao nên cái chân của già Ba không còn đủ sức để ngày nào cũng vào rừng kiểm tra nữa. Thế nhưng dù ngày, hay đêm thì sự xâm nhập và những tiếng động khác lạ nào phát ra từ khu rừng này, gần như cũng không lọt qua được ánh mắt, đôi tai của già Ba.
Bọn chúng (lâm tặc) chỉ muốn chặt cây lớn mới bán được nhiều tiền. Nhưng cây lớn cứng lắm phải dùng cưa máy, tiếng kêu rất to; xung quanh rừng Trút dốc cao và chỉ có một con đường ra duy nhất là đi qua làng nên biết liền, già Ba giảng giải. Và nhiệt huyết giữ rừng của già Ba ngày nào giờ truyền sang cho con cháu không chỉ trong làng này, mà cả những vùng lân cận. Nhà cách đây gần 4 cây số, thế nhưng mỗi khi rảnh rỗi thì anh Hồ Văn Hùng (25 tuổi), ở thôn Vàng, cùng xã lại đi xe đến cùng với mọi người ở tổ 4 đi tuần tra rừng.
Nói về lý do “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của mình, anh Hùng giải thích: Già Ba đã dạy phải giữ rừng để con thú có chỗ ở không phải bỏ đi nơi khác; con chim có cây để đậu, làm tổ. Và mùa khô, con suối sẽ không bị cạn để người trong làng lấy nước về dùng.
Dù đang giữ cả một “kho” gỗ quý, lên đến hàng ngàn cây thế nhưng 100% ngôi nhà của người dân ở thôn 4 đều làm bằng các loại gỗ tạp. Nếu tao đốn làm nhà được, thì người khác cũng sẽ làm theo. Vậy thì rừng sẽ mất đi nhiều cây - già Ba bày tỏ.
Bao năm nay, cuộc sống của 8 hộ, khoảng 40 khẩu của tổ 4, khó khăn và thiếu thốn trăm bề thế nhưng cũng chưa bao giờ có người dân nào đốn hạ cây trong khu rừng này để bán. Theo lời của nhiều chủ gỗ khét tiếng ở Quảng Ngãi, thì với mỗi cây gỗ lim có đường kính như nói trên, thì hiện thị trường cũng có giá cả tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phúc Ánh, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Trà, chủ rừng Nà Trút, cho biết: Rừng Nà Trút có diện tích ước khoảng 150ha, nằm trong Tiểu khu rừng phòng hộ 104, thuộc xã Trà Trung. Đây là một trong những khu rừng nguyên sinh khá hiếm hoi nằm gần khu vực dân cư nhưng được giữ gìn gần như nguyên vẹn.
Ngoài các loại cây gỗ quý như táu, sến... thì nhiều nhất là lim xanh, lim xẹt... với tuổi đời nhiều cây lên đến 300-500 năm tuổi. Và trong số gần 700ha rừng phòng hộ của Tiểu khu 104, mà đơn vị đã hợp đồng giao cho người dân thôn Xanh của xã này quản lý, thì khu vực tổ 4 được đánh giá là ổn định nhất. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số trường hợp xâm nhập trái phép để đốn chặt gỗ tại Nà Trút tính chưa hết “bàn tay xòe”, ông Ánh khẳng định.
Với công gắn bó, trông giữ từ nhiều thế hệ đối với khu rừng này, nếu có nhu cầu sử dụng một vài cây cho gia đình, thì cơ quan chức năng có thể hoàn toàn linh động giải quyết. Thế nhưng chưa bao giờ những hộ gia đình tổ 4 kiến nghị về việc này - ông Ánh bày tỏ.
Chỉ vì cái lợi trước mắt mà thời gian qua không biết bao nhiêu cánh rừng ở Quảng Ngãi và nhiều tỉnh thành khác trong nước đã bị triệt hạ để lấy gỗ bán, lấy đất sản xuất; thì người dân ở tổ 4 không quản ngày đêm để bảo vệ và trông giữ khu rừng Nà Trút gần như nguyên vẹn. Với việc làm đó, không có gì là quá khi ví von rằng họ như những “thần rừng” ở thời hiện đại. (VTC News 27/11) đầu trang(
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, trong tháng 11/2014, trên địa bàn các huyện: Cam Lộ, Vĩnh Linh và Hướng Hóa tiếp tục xảy ra tình trạng sâu róm ăn hại rừng thông, với diện tích thông bị nhiễm sâu 1.1528,30 ha.
Tuy nhiên, do thời tiết trong tháng có mưa nhiều, mật độ sâu cũng xuống thấp và tồn tại nhiều biến thái trong vòng đời, đây là dấu hiệu cho thấy sâu đang gặp nhiều bất lợi về thời tiết, cũng như nguồn thức ăn, khả năng phát triển dịch bệnh trên diện rộng là thấp.
Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ trì, phối hợp với các Công ty Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ và chính quyền các xã, tổ chức và huy động lực lượng tham gia dập dịch. Đến nay, các chủ rừng đã tiến hành phun thuốc trên 235 ha rừng thông bị nhiễm sâu. (Khuyến Nông VN 26/11) đầu trang(
Thời gian gần đây, hàng trăm cây thông ở tiểu khu 1614, thuộc địa phận thôn 7, xã Nâm N’jang (Đắk Song) xảy ra hiện tượng rủ lá, héo khô và đang chết dần.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, trên các cây thông bị khô héo có rất nhiều que tre dài khoảng 3-4cm cắm sâu vào thân cây, khi rút ra, đầu các que tre dính hóa chất màu trắng. Thông kê sơ bộ, diện tích cây thông bị chết khoảng trên 1ha, trong đó, một số cây đã bị cưa gốc, nằm chổng chơ.
Điều đáng nói là tại khu vực này cũng xuất hiện nhiều diện tích hồ tiêu, cà phê khoảng 1 năm tuổi nằm xen kẽ với rừng thông.
Anh Nguyễn Đức Hạnh, một người dân ở thôn 7, xã Nâm N’jang cho biết: “Từ nhiều năm trước, rừng thông ở khu vực này còn rất nhiều, nhưng vài năm trở lại đây ngày càng bị thu hẹp. Nguyên nhân là do thời gian qua, cây hồ tiêu được giá nên không ít người đã tìm cách “đầu độc” rừng thông để lấy đất làm nương rẫy".
Việc “triệt hạ” cây thông khá đơn giản, chỉ cần đẽo vỏ xung quanh thân thì chẳng bao lâu cây sẽ nhanh chóng bị chết. Tuy nhiên, “chiêu” mà các đối tượng sử dụng nhiều nhất vẫn là khoan trực tiếp lên thân cây rồi bơm thuốc trừ sâu vào lỗ khoan.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song thì thời gian gần đây, tình trạng chặt phá rừng thông dọc quốc lộ 14 diễn biến hết sức phức tạp. Việc phá hại thông cũng hết sức tinh vi như khoan, đục các lỗ để bỏ hóa chất vào thân cây và chủ yếu vào ban đêm nên rất khó phát hiện, bắt giữ. Thậm chí, khi cơ quan chức năng phát hiện được hành vi đục, khoan để bỏ hóa chất vào cây thông thì các đối tượng đã vứt bỏ những dụng cụ này nên rất khó bắt quả tang.
Mặc dù lực lượng kiểm lâm đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để tuần tra, kiểm soát, nhưng do diện tích rừng thông nằm rải rác, xen kẽ với nhà ở, nương rẫy của người dân nên việc canh giữ, bảo vệ rất khó khăn. (Báo Đắc Nông 27/11) đầu trang(
Liên quan đến việc đóng tuyến đường xuyên Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, ngày 27-11, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái chủ trì buổi họp với lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo chính quyền các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) để bàn biện pháp tháo gỡ, triển khai các phương án di dân, tái định cư cho người dân vùng lõi khu bảo tồn.
Về việc đóng tuyến đường rừng xuyên qua khu bảo tồn, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho rằng: “Đây là con đường tự phát, hình thành từ trước giải phóng. Tuy nhiên, con đường này hiện cắt ngang qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Trước đây, Sở GT-VT tỉnh Bình Phước và Đồng Nai cũng đề xuất cho xây dựng cây cầu nối 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai, tuy nhiên do con đường này đi xuyên qua khu bảo tồn nên UBND tỉnh Đồng Nai không đồng ý, vì việc bắc cầu qua sông sẽ biến tuyến đường này thành con đường công cộng, từ đó dẫn đến nguy cơ người dân tràn vào phá rừng, săn thú.
Nếu cứ để người dân đi tràn lan vào rừng của khu bảo tồn thì rất khó giữ được rừng và bảo vệ động vật hoang dã. Nếu cho người dân tự tiện đi qua rừng, chắc chắn sẽ có những người lợi dụng vào khu bảo tồn để phá rừng, săn bắn động vật hoang dã, mà khi đó kiểm lâm không thể nào kiểm soát hết được”.
Chốt ý kiến về vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát và hoàn thiện dự án di dời dân ra khỏi vùng lõi của khu bảo tồn để UBND tỉnh xem xét, triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Một phương án khả thi có thể triển khai trong năm 2015 là thi công một tuyến đường chạy dọc khu bảo tồn, giáp ranh với hồ Trị An. Khi đó thì việc di dời hàng trăm hộ dân ở các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) không còn là vấn đề nan giải; thậm chí họ có thể ở lại trong vùng rừng như trước đây, vì đã có tuyến đường tránh mới, không xâm hại đến khu bảo tồn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hồi đầu mới thành lập, các lâm trường (mà bây giờ đã sáp nhập vào khu bảo tồn) đưa rất nhiều dân lao động vào để trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản. Cùng với số công nhân này, người dân từ các nơi khác đến đã góp phần hình thành nên các khu dân cư nằm len lỏi trong rừng. Năm 1996, tỉnh Đồng Nai đóng cửa rừng, cấm không cho khai thác, chế biến lâm sản, khiến một số lượng lớn dân làm lâm nghiệp không còn việc làm. Đến năm 2004, Đồng Nai tiến hành sát nhập các lâm trường lại để thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, chuyển từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường.
Khi thành lập khu bảo tồn, nhiều diện tích đất rừng trước đây đã giao cho dân trồng rừng được Nhà nước thu hồi giao về một mối. UBND tỉnh Đồng Nai giao cho khu bảo tồn quản lý nhằm đảm bảo tiêu chí là rừng đặc dụng. Song song đó, để bảo vệ rừng, UBND tỉnh cũng giao cho Sở NN-PTNT thực hiện dự án di dời dân cư ra khỏi rừng (khoảng 1.200 hộ dân) để ổn định cuộc sống cho bà con, sau đó lại giao cho UBND huyện Vĩnh Cửu làm chủ dự án. Tuy nhiên, dự án này qua nhiều năm vẫn chưa thực hiện được.
Theo ông Trần Văn Mùi, việc dự án kéo dài nhiều năm đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là chống cháy rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh vật rừng.
Thời gian qua, UBND huyện Vĩnh Cửu đã lập dự án di dời người dân ra khỏi rừng, song hiện nay huyện vẫn đang chờ phân bổ kinh phí thực hiện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án bố trí, ổn định dân cư tại 2 xã Hiếu Liêm và Mã Đà của huyện Vĩnh Cửu giai đoạn 2014-2016 có mục tiêu di dời, sắp xếp ổn định dân cư cho khoảng 240 hộ dân, với tổng kinh phí hơn 153 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương là 90 tỷ đồng (tương đương 60%), ngân sách địa phương 60 tỷ đồng (40%) và nguồn vốn người dân tham gia khoảng 2,5 tỷ đồng (1,7%).
Việc phân chia nguồn vốn như trên là theo Quyết định số 1776/QĐ-Ttg ngày 21-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện dự án, Chủ đầu tư là UBND huyện Vĩnh Cửu đã quy hoạch khu đất diện tích hơn 86ha tại xã Hiếu Liêm để tái định canh, định cư cho các hộ dân bị di dời ra khỏi vùng lõi, xây dựng trường học, hệ thống cấp điện, cấp nước, chiếu sáng…
Trong khuôn khổ dự án, mỗi hộ dân được cấp khoảng 2.500 - 3.000m2  đất ở và đất sản xuất. Các hộ dân ngoài việc được hỗ trợ cho vay vốn làm nhà ở và sản xuất, còn được hỗ trợ nhiều khoản như: bảo hiểm y tế, kinh phí đào tạo nghề, học phí cho con em các hộ di dời…
Nhằm triển khai dự án, ngày 14-10-2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT thẩm định phần vốn và nguồn vốn đầu tư để thực hiện dự án này. Trong công văn này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị các bộ nêu trên sớm hỗ trợ để tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt nhiệm vụ bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng theo Quyết định số 1776/QĐ-Ttg ngày 21-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đầu năm 2014 đến nay, kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và các lực lượng phối hợp ở các xã trong vùng rừng của khu bảo tồn đã tổ chức tháo gỡ, tiêu hủy tại rừng 5.277 bẫy thú các loại do các đối tượng đi săn cài để bắt thú.
Ngoài ra, khu bảo tồn cũng tháo gỡ 205 cái đú, 1.523m lưới của ngư dân đánh bắt cá trái phép trên hồ Trị An, bắt giữ 8 vụ dùng máy kích điện để bắt cá. Trong khi đi tuần tra trong rừng, Kiểm lâm khu bảo tồn cũng phát hiện 1 khẩu súng tự chế, 1 khẩu súng hơi của các đối tượng săn thú cất giấu. (Sài Gòn Giải Phóng 28/11) đầu trang(
Cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT tổ chức đã khép lại sau hơn 4 tháng triển khai tích cực.
Các tác giả là nhà báo, cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành nông lâm nghiệp; là bạn đọc và nói chung là những người dân yêu rừng, chung sống êm thắm với rừng đã nhiệt tình hưởng ứng... BTC đã nhận được gần 200 bài viết gửi về từ ĐBSCL đến Sơn La, Lai Châu; từ Tây Nguyên đến duyên hải miền Trung; từ rừng ngập mặn Xuân Thủy, rừng ở cheo leo vách đá ngoài đảo Cát Bà đến các khu rừng ở huyện vùng sâu vùng xa Yên Bái, Lào Cai hẻo lánh.
Những vấn đề đặt ra, những con người và cánh rừng được phản ánh trong các bài viết cũng thực đa dạng: Những bước chân âm thầm của đội ngũ kiểm lâm viên với rất nhiều hiểm nguy rình rập. Đi tuần rừng, họ bị rắn rết, vắt muỗi, côn trùng đeo bám, đôi khi là nguy hiểm đến mất còn sinh mạng (Người giữ rừng nơi biên giới Bình Phước của Kiều Thị Ánh); Đi tìm triệt phá hệ thống bẫy thú (Gỡ đú, tìm bẫy của Phùng Mỹ Trung) là một cuộc chiến cam go, dai dẳng giữa một bên là bọn sát thủ thú hoang lắm mưu kế và kỹ năng tinh vi với một bên là tinh thần kiên nhẫn, dũng cảm và cố nhiên phải sáng suốt để vô hiệu hóa lâm tặc.
Nhưng có lẽ nguy hiểm nhất là những cuộc tuần rừng đêm nhằm ngăn chặn bọn lâm tặc hung hãn với các cách thức vừa liều lĩnh vừa tinh vi rình rập tận diệt rừng (Rừng đêm không yên tĩnh của Nguyễn Văn Cường)....
Đó là cuộc chiến giữa bên này chỉ có sức mạnh của luật pháp, lòng yêu rừng, giữ rừng bằng cả sinh mạng của chính mình với bên kia là bọn liều lĩnh với sức mạnh cơ bắp và vũ khí nóng, bất chấp tất cả miễn là chặt hạ xẻ trộm được gỗ để có tiền. Hình ảnh cây nghiến cổ thụ đường kính 2 m đứng cheo leo nơi vách đá ngay sát mép vực với vết cưa máy của bọn lâm tặc ở khu rừng Cốc Ly, Lào Cai (Rừng xanh còn mãi, của Lê Thị Thanh Cường) có lẽ là bảo tàng sống của cuộc chiến cam go ấy.
Vết cưa máy lại còn như một ẩn dụ về tổn thất, vừa về nhân sự của ngành vừa về thực trạng chúng ta vẫn giữ được rừng nhưng đã có những mất mát nhức nhối. Nhưng những mất mát hy sinh của đội ngũ kiểm lâm viên còn nhiều hơn thế.
Phóng sự Bốn người đàn ông trên một cái bè (Dương Đình Tường) viết thật xúc động về tấm gương hy sinh thầm lặng, bền bỉ của những con người coi tồn tại của rừng già Cát Bà, của voọc đầu vàng là lẽ sống, là cuộc sống của chính mình. Họ, bốn người đàn ông sống trong “căn hộ” làm trên cái bè, chia nhau từng gáo nước ngọt trong miếng uống, một lần tắm hay rửa mặt.
Vợ con ở xa, việc nuôi dạy con thành người đều giao phó cho vợ. Bài Vắng anh (Vũ Hữu Chỉnh), Màu xanh hy vọng (Nguyễn Thị Hải Yến), Yêu anh, người lính rừng (Ngô Thị Thảo Nguyên) đều dành những tình cảm yêu mến trân trọng những người lính rừng. Không chỉ là lời ngợi ca sự hy sinh thầm lặng, họ còn là biểu tượng của tiếng nói hậu phương, là điểm tựa sâu nặng cho những người chiến sỹ gác rừng xanh.
Có một nhóm bài độc đáo và rất đáng chú ý viết về tập quán giữ rừng của đồng bào các dân tộc. Bài Rừng thiêng của Trần Văn Việt viết về luật tục giữ rừng của người Hà Nhì. Người Hà Nhì (cũng như người G’rai, Ê đê Tây Nguyên) coi rừng là nguồn gốc sự sống, là thần coi giữ cuộc sống của dân bản cho nên ai phá rừng là mặc nhiên can tội phá hoại cuộc sống của đồng bào nên bị phạt bằng một chế tài thật nặng theo luật tục.
Còn một điều khiến cho những người văn minh có trách nhiệm suy nghĩ: Luật tục, với các chế tài xử lý cụ thể của đồng bào có từ khi rừng còn là bạt ngàn nguyên sinh; được giữ vững cho đến khi nó đã bị tàn phá nặng nề trên khắp hành tinh này, nhưng rừng – nguồn sống dân bản của người Hà Nhì thì vẫn xanh tốt như xưa.
Các bài Những người đàn bà liều lĩnh (Khương Hồng Thủy) viết về lý lẽ tình người để giữ rừng khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và Bà Loan… rừng (Du An) viết về uy tín cá nhân nêu gương lại cho một kinh nghiệm quý khác của dân gian đối với sự nghiệp thực thi pháp luật bảo vệ rừng.
Qua những bài vừa kể trên đây của các tác giả, chúng ta hình dung thấy luật pháp và sức mạnh Nhà nước đã được đan dệt với các sợi ngang muôn vàn dạng vẻ của người dân yêu rừng và kinh nghiệm dân gian ở mọi miền đất nước để trở thành tấm lưới bảo vệ rừng và chim thú hoang - nó cũng bảo vệ cuộc sống bền vững của cho chính chúng ta. Không chỉ dừng lại ở các phát hiện và phản ánh, rất nhiều bài trong cuộc thi có giá trị như những bài học được rút ra từ rừng và từ mối quan hệ giữa rừng với con người.
Nhân đây, muốn ghi lại một châm ngôn nổi tiếng, đã được nói lên bằng mọi ngôn ngữ trên hành tinh của chúng ta nhưng có vẻ như chưa được nói nhiều bằng tiếng Việt: Đến với rừng bạn chẳng cần mang gì theo ngoài một tình yêu, bạn không nên để lại rừng vật gì ngoài những dấu chân, chớ mang theo vật gì của rừng ngoài những tấm ảnh đẹp.
Bài Cánh rừng báo ân (Phùng Minh Phúc) như một minh triết dân gian: Hình ảnh ba anh em mồ côi Lê Văn Thân nheo nhóc đứng trước cảnh rừng trơ trụi trọc lốc; câu thách cưới không đủ bạc thì phải trồng đủ 3 ha rừng cây để “trả nợ cưới” của ông bố vợ thâm thúy khiến con gái, con rể ông có tới 46 ha rừng thông bạt ngàn xanh biên giới…đã trở thành câu chuyện có hậu về đời cây đời người.
Bài Từ hai phía cánh rừng (2 kỳ) của Thái Sinh viết rất hấp dẫn về hai con người vừa giống vừa khác nhau: Bằng tuổi nhau, mỗi người đều có 12 con, 5 trai, 7 gái. Chỉ khác nhau: Người này là bậc cao thủ săn gấu săn thú hoang. Thế rồi rừng đã dạy cho bậc cao thủ một bài học, hai đứa con trai lớn nối nghiệp săn của bố, đứa nọ bắn chết đứa kia vì tưởng là gấu.
Ông Tư Gấu kể lại chuyện “vay trả” của số phận cho tác giả nghe, rồi “rửa tay gác kiếm”, trở thành tổ viên tích cực tổ bảo vệ rừng, con cái không cho đứa nào là thợ săn nữa. Ông Hoàng Văn An đã đi vào rừng theo lối khác, ấy là ông trồng quế. Vợ chồng ông trồng, con cháu ông trồng, bà con hàng xóm cũng học hỏi ông và trồng để xã Đại Sơn trở thành xã quế. Bố con ông lập nên phố giữa rừng nhờ quế.
Bài Câu chuyện giữa rừng giáng hương của Trần Đăng Lâm viết về 3,8 ha rừng giáng hương còn sót lại ở cực tây Gia Lai đang được dân cư làng bảo vệ như một cuộc tử thủ thật xúc động lòng người. Tác giả viết về rừng gỗ quý với thật nhiều cảm xúc, nó như một ẩn dụ của đại ngàn Tây Nguyên thuở hoang sơ. Nếu chúng ta từng hoảng sợ khi ai đó bảo trẻ con Việt Nam trong tương lai sẽ chỉ biết đến tê giác qua phim ảnh, mới thấm thía và mới tin vào chút Tây Nguyên còn sốt lại qua lời già làng G’rai: “Mong sao rừng hương này tiếp tục được giữ gìn, được sinh sôi nẩy nở để con cháu đời sau biết thế nào là cây gỗ quý, thế nào là cội nguồn”.
Như thế là cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” đã thành công, so với thời gian ngắn ngủi, phải nói là thành công ngoài dự kiến. Các bài viết vừa phong phú về đề tài, vừa hấp dẫn về cách thức thể hiện; qua cuộc thi, cả một không gian rừng mênh mông và vô cùng phong phú đa dạng của đất nước đã hiển hiện trước mắt chúng ta, nhiều khi là chi tiết sống động cụ thể đến từng gốc cây, con suối; từng nếp nghĩ, luật tục của các cộng đồng rừng – người.
Có nhiều bài viết hay, khiến lan tỏa vào nhận thức, vào tận tâm thức tình yêu rừng mà do cuộc sống vội vã thời thị trường đã làm chúng ta quên lãng. Có thể nói, cuộc thi đã đưa rừng đến bên mỗi người, vào lòng người, đặt vào họ một ý thức, một tình yêu.... (Nông Nghiệp Việt Nam 28/11, tr3) đầu trang(
Lợi dụng thời điểm nước dâng cao vào mùa lũ những tháng cuối năm, các đối tượng khai thác vận chuyển gỗ trái phép thường chuyển gỗ lậu về miền xuôi tiêu thụ.
Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp  chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra tại các bến đò, các điểm thường xuyên tập kết gỗ lậu trước khi đưa về đồng bằng để tiêu thụ.
Địa phương nào để xảy ra nhiều vụ xâm hại, lấn chiếm trái phép đất rừng thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, trong năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý  660 vụ vi phạm liên quan đến xâm hại rừng với hơn 900m3 gỗ các loại bị tịch thu ở các địa bàn trọng điểm như Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, các khu rừng phòng hộ Phú Ninh, Nam Sông Bung, cơ quan chức năng khởi tố hình sự đến 10 vụ án về các hành vi có liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. (Truyền Hình Công An Nhân Dân 27/11) đầu trang(
27/11, hai nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn hôm 25/11 là anh Nguyễn Văn Hiệp (35 tuổi, trú phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn) và ông Võ Hồng Luyện (52 tuổi, trú phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn) đã tạm ổn định sức khỏe sau khi được tiêm huyết thanh kháng nọc rắn lục tre và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.
Ông Luyện bị rắn cắn ở trước nhà, còn anh Hiệp bị rắn cắn khi vừa xuống trạm xe buýt nghỉ ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
Từ đầu tháng 11 đến nay, khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã tiếp nhận, điều trị 16 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó có 13 ca do rắn lục cắn, 3 ca không xác định được loại rắn. (Tiền Phong 28/11, tr6; Thanh Niên 28/11) đầu trang(
Ông Dương Văn Điện, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh cho biết, trong năm 2014, tỉnh Trà Vinh đã dành hơn 4 tỷ đồng để bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ và trồng cây phân tán ven biển.
Với số kinh phí trên, Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh dành gần 2,8 tỷ đồng để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc hơn 5.000 ha rừng như: Vệ sinh rừng, mua sắm và sửa chữa các trang thiết bị phòng chống cháy rừng, hỗ trợ giao khoán cho người chăm sóc, khoanh nuôi... Nguồn kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng còn lại Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh đầu tư cho hộ dân các xã ven biển trồng 670.000 cây phân tán.
Trà Vinh hiện có hơn 8.200 ha rừng phòng hộ ven biển, tập trung nhiều ở các xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang), Long Hòa (Châu Thành), Long Khánh, Long Vĩnh và Đông Hải (Duyên Hải). Rừng phòng hộ ven biển có tác dụng rất lớn trong việc chắn gió, chắn sóng, bảo vệ cư dân, sản xuất vùng ven biển.
Khi những khu rừng nguyên sinh được khôi phục và những khu rừng được trồng mới đã tạo nên một hệ sinh thái đa dạng về động thực vật, tác động tích cực đến nghề nuôi trồng thuỷ sản, ngày càng có nhiều người dân tự trồng mới rừng trên diện tích nuôi trồng thủy sản.
Mô hình sản xuất rừng - thủy sản đã đem lại hiệu quả bền vững, được nhiều người dân ở vùng ngập mặn Trà Vinh đầu tư sản xuất. Với cách bố trí 60% đất nuôi thuỷ sản, 40% đất rừng, mô hình ít rủi ro hơn nuôi công nghiệp và cho lợi nhuận bình quân từ 100 - 120 triệu đồng/ha/năm từ nguồn tôm, cua được nuôi quảng canh.
Nhờ thực hiện công tác trồng và bảo vệ rừng, vận động, khuyến khích người dân tham gia tự trồng rừng trên diện tích đất ngập mặn nuôi trồng thủy sản, nên diện tích rừng của tỉnh Trà Vinh đã phát triển thêm từ 40 - 50 ha mỗi năm, độ che phủ của rừng đến nay đạt gần 45%. (Đảng Cộng Sản VN 27/11) đầu trang(
Trước diễn biến phức tạp trong quản lý, khai thác, bảo vệ rừng, UBND huyện Phong Điền đã có Công điện yêu cầu các đơn vị, ban, ngành của huyện phối hợp với UBND xã Phong Hiền tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã.
Đây là Công điện quan trọng của UBND huyện Phong Điền, khi thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng, một số cán bộ chủ chốt của xã Phong Hiền đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong triển khai thực hiện Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát, gây hậu quả nghiêm trọng.
Công điện khẳng định, Phong Hiền là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng vùng cát lớn. UBND tỉnh đã có quyết định bàn giao rừng trồng vùng cát, với diện tích 710 ha. Thời gian qua, trên địa bàn xã Phong Hiền đã xảy ra nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và PCCCR làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trồng vùng cát hiện có, tổ chức khai thác theo đúng quy định của pháp luật, Công điện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Tài Nguyên – Môi trường, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, UBND xã Phong Hiền kiểm soát chặt chẽ diện tích rừng trồng dự án 661 đối với các trường hợp đã đồng ý trả lại rừng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khai thác rừng và sử dụng đất trái phép khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. (Báo Thừa Thiên Huế 27/11) đầu trang(
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn, đơn vị đã soạn thảo nội dung và cho các hộ dân sống ở khu vực đất lâm nghiệp ký 101 hồ sơ chăm sóc rừng, 832 hồ sơ bảo vệ rừng (đạt 100%).
Đồng thời, hoàn thành phúc tra, nghiệm thu chăm sóc rừng với Chi cục Kiểm lâm và các ngành chức năng của tỉnh; phối hợp Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) định vị mốc ranh đất lâm nghiệp.
Từ đầu tháng 11 đến nay, ngành Lâm nghiệp huyện Tri Tôn đã tổ chức 71 đợt tuần tra, kiểm tra chống chặt phá rừng, quản lý lâm sản, động vật hoang dã trên toàn địa bàn. Qua đó, phát hiện, xử lý 2 vụ vi phạm, phạt tiền 1,5 triệu đồng, tịch thu tang vật là 0,482m3 gỗ keo lá tràm (đã lập hồ sơ hóa giá). (Báo An Giang 27/11) đầu trang(
Trên địa bàn Quế Phong, đi dọc Quốc lộ 48 kéo dài đến Cửa khẩu Thông Thụ, suốt gần 1 giờ đồng hồ xe chạy, hai bên đường những cánh rừng xanh ngút ngát trải dài.
Cùng tham gia hành trình này, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, kiêm hạt phó kiểm lâm Lê Phùng Diệu cho biết: “Bây giờ rừng đã có chủ, người dân yên tâm khoanh nuôi, bảo vệ rừng, không chặt phá, khai thác trái phép như trước nữa. Để có được bước chuyển đó, cán bộ Hạt Kiểm lâm và Khu bảo tồn nỗ lực phối hợp với chính quyền và nhân dân tăng cường công tác bám nắm địa bàn, tuyên truyền, thuyết phục đồng bào gắn bó với rừng…”.
Làm sao để người dân ổn định cuộc sống và tham gia giữ rừng là một bài toán khó. Lời giải được lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tích cực tìm hướng giải quyết. Đó là phải giao rừng cho dân. Với các nguồn kinh phí như 30A, sự nghiệp bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý đã tiến hành quy hoạch từng vùng, giao rừng cho dân.
Theo đó, năm 2013 mới có 36.000 ha rừng được giao khoán cho dân, đến đầu năm 2014 con số này lên đến 50.000 và hiện nay hơn 65.000 ha trong tổng số 85.000 ha của Khu bảo tồn quản lý. Hàng chục tỷ đồng từ các nguồn khác nhau được đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi. Riêng kinh phí của nguồn dịch vụ môi trường rừng năm 2014 đã lên đến gần 13 tỷ đồng.
Trạm trưởng Mạnh Đức Nhu - Trạm quản lý rừng thuộc xã Đồng Văn, cho biết: Diện tích rừng của xã Đồng Văn là hơn 14.000 ha, thuộc khu vực lòng hồ Thuỷ điện Hủa Na và Cửa Đạt nên được hưởng chế độ của dịch vụ môi trường rừng. Rừng ở đây được giao khoán cho từng nhóm hộ từ 5 - 7 gia đình, mỗi nhóm bầu một nhóm trưởng, đại diện ký hợp đồng với Ban quản lý. Nhóm trưởng có nhiệm vụ đôn đốc, nhắc nhở các thành viên của mình làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng cùng với ban cán bộ của trạm.
Hàng tháng trạm lên phương án tuần tra cho các nhóm theo khu vực. Nhờ thường xuyên làm tốt công tác tuần tra, nên kịp thời phát hiện lâm tặc phá rừng báo với trạm để cùng với lực lượng của chính quyền địa phương tổ chức đẩy đuổi. Năm ngoái ở khu vực suối Pá, khi đi tuần tra, phát hiện có lâm tặc, bà con đã kịp thời báo với trạm xử lý vụ việc. Với thông tin kịp thời, chính xác, nhờ đó mà các vụ phá rừng được ngăn chặn kịp thời. Vì thế, rừng Đồng Văn nói riêng và Quế Phong nói chung đang được hồi sinh.
Hôm đến bản Khủn Na, gặp Vi Văn Bình, Trưởng bản cùng nhóm 7 thanh niên vừa đi tuần rừng về, ông cho biết: Bản có 69 hộ, nhận khoán giữ 1.400 ha rừng chia làm 8 nhóm hộ. Dưới sự điều hành của trưởng bản, mỗi tháng 2 lần các nhóm cử người đi tuần tra bảo vệ rừng. Các nhóm thay phiên nhau nên ngày nào trong rừng cũng có bóng người, bọn lâm tặc “ngán” nên bỏ dần.
Anh Vi Văn Thuyết, thành viên của nhóm tuần rừng cho biết: “Nhà vừa nhận được 5 triệu đồng từ quỹ dịch vụ môi trường rừng. Số tiền đó ta mua gạo, sắm sách vở quần áo cho con đi học, tiêu dùng trong nhà cũng được vài tháng. Sắp tới dịp cuối năm nhà lại nhận tiếp đợt 2, thế là có tiền mua sắm tết”. Ngoài tiền mặt ra, hàng ngày bà con trong bản còn được thu hoạch sản phẩm phụ của rừng như lùng nứa, trong diện tích mà mình quản lý. Từ đó, bà con dân bản có thể yên tâm sống được với rừng mà bảo vệ rừng.
Bản Mường Piệt xã Thông Thụ có hơn 200 hộ dân, trước 2012 có đến hơn 40 hộ chuyên vào rừng khai thác trái phép lâm sản. Nhưng sau khi giao khoán rừng, đời sống ổn định, họ lại chính là những người tích cực nhất trong bảo vệ rừng. Nếu như trước đây làm nghề chặt gỗ thuê cho đầu nậu, tiền công chẳng được bao nhiêu, lại gặp bao hiểm nguy, trắc trở, nay được nhận khoán rừng, đời sống ổn định, họ thấy rừng mang lại lợi ích thiết thực nên quyết tâm bảo vệ. Thông Thụ có hơn 10.000 ha rừng thì đã có hơn 7000 ha được giao khoán cho dân.
Chia sẻ về lợi ích việc giao khoán rừng cho dân bảo vệ, ông Trịnh Ngọc Lương, Trạm trưởng Bảo vệ rừng xã Tri Lễ cho biết: “Trạm chỉ có 3 người thì không thể quản lý, bảo vệ được 11.000 ha rừng. Nhờ giao khoán bảo vệ rừng cho dân nên vùng rừng nơi đây được bình yên, phát triển tốt. Qua nguồn tin của quần chúng, trạm cùng với lực lượng của địa phương đã xử lý được hơn 10 vụ lâm tặc, vận động được nhiều đối tượng bỏ khai thác trái phép sang bảo vệ rừng…”.
Theo ông Nguyễn Danh Hùng, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, hiệu quả giao khoán cho dân bảo vệ rừng được minh chứng rõ nhất là vùng này từ điểm nóng về phá rừng thì nay rừng Quế Phong đã trở nên yên ả, phát triển xanh tốt.
Trong năm qua, đơn vị bắt giữ 32 vụ vi phạm, thu giữ hơn 90m3 gỗ, con số này thấp hơn nhiều lần so với những năm trước đây. Cũng là giao rừng nhưng Khu BTTN Pù Hoạt chọn cách khoán cho từng nhóm hộ để phát huy tính cộng đồng, sức mạnh tập thể và giám sát lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ đã cam kết. Cách làm này đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ rừng. (Báo Nghệ An 28/11) đầu trang(
Thông tin nhanh qua đường dây nóng trên báo Nhân Dân cho biết: Hiện nay, rừng đầu nguồn Diên Tân, huyện Diên Khánh đang bị một số người dân tự ý chặt phá, đốt rừng, phát nương làm rẫy. (Quân Đội Nhân Dân 27/11, tr8) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những đổi thay cũng như thách thức của ngành Lâm nghiệp trước yêu cầu tái cơ cấu, phát triển bền vững hiện nay.
Ông Tuấn cho biết: Trong 55 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành lâm nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước, đặc biệt là khu vực nông thôn miền núi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng.
Cụ thể, độ che phủ rừng đã tăng liên tục từ 28% năm 1992 lên 41% vào đầu năm 2014; số vụ vi phạm các quy định của pháp luật giảm dần; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm bốn tại chỗ được tăng cường. Đáng chú ý là giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, đời sống người làm nghề rừng được cải thiện. Qua khảo sát, chúng tôi thấy nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Cà Mau có thu nhập tăng cao từ rừng trồng thâm canh, có hộ đạt 150 - 250 triệu đồng/ha sau 6 - 10 năm, có thể làm giàu từ trồng rừng.
Ngoài ra, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đang trở thành nguồn tài chính quan trọng của ngành lâm nghiệp, tạo nguồn thu cho các hộ gia đình hàng năm tham gia bảo vệ gần 4 triệu ha rừng. Chương trình hợp tác quốc tế về lâm nghiệp cũng tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Theo đó ngành đã hợp tác với 19 đầu mối và tổ chức lâm nghiệp quốc tế, trong đó có 2 công ước và nhiều hiệp định, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.
Sau 1 năm triển khai đề án tái cơ cấu, ngành cơ bản kiểm soát được giống, với 70% nguồn giống được kiểm soát. Hiện, 95% khâu chế biến do tư nhân đảm nhận, 90% rừng trồng là ngoài quốc doanh”.
Ngoài những thành quả đạt được như trên, ngành lâm nghiệp cũng còn nhiều tồn tại và đang đối mặt với khó khăn thách thức lớn trước yêu cầu tái cơ cấu, phát triển bền vững. Cụ thể là tình trạng phá rừng, khai thác rừng tự nhiên, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép vẫn diễn ra phức tạp ở một số địa phương; năng suất, chất lượng, giá trị rừng sản xuất thấp. Chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm (80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo). Rừng trồng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến.
Mặt khác, giá trị gia tăng của rừng còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, giá trị thu nhập bình quân trên 1ha rừng trồng mới đạt 7-8 triệu đồng/ha/năm, đa số người dân làm nghề rừng còn nghèo, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% tổng thu nhập của hộ nông dân miền núi.
Đặc biệt là năng suất lao động trong chế biến lâm sản của Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 50% so với Philippines, 40% so với Trung Quốc và 20% so với các nước EU; chất lượng, mẫu mã sản phẩm kém cạnh tranh; thị trường trong nước chưa được quan tâm đúng mức, chưa hình thành hệ thống phân phối, thiếu gắn kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra phổ biến…
Ngoài 4 kế hoạch đã được Bộ NNPTNT phê duyệt, hiện Bộ cũng đang tập trung giải quyết tốt những vấn đề cụ thể khác như cho vay trồng rừng gỗ lớn với lãi suất ưu đãi, thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ cây trồng, chế biến sâu; quản lý rừng bền vững phù hợp với thông lệ quốc tế; khôi phục, phát triển rừng ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết, hợp tác chuỗi theo mô hình "cánh rừng lớn", "liên kết bốn nhà"; miễn, giảm tiền thuê đất, thuế tài nguyên; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh giao, cho thuê rừng và thực hiện phương thức đồng quản lý rừng...
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, phát triển thị trường tín chỉ cacbon để tạo nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng; ưu tiên các nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng, công nghệ chế biến sau dăm gỗ và sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu; nâng cao vai trò, trách nhiệm và điều kiện làm việc cho kiểm lâm địa bàn xã...
Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống ngành lâm nghiệp Việt Nam, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới những người mà cuộc sống đã và đang gắn bó với sự nghiệp lâm nghiệp; qua đó, chúng ta hiểu sâu sắc hơn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tích cực chia sẻ những kinh nghiệm quý, chung tay xây dựng ngành lâm nghiệp tiên tiến, tiếp cận nhanh với công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu lâm sản sẽ đạt 5 tỷ USD, nhưng dự kiến năm nay sẽ đạt 6,2 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra. Ngành lâm nghiệp sẽ phấn đấu đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020. (Nông Thôn Ngày Nay 28/11) đầu trang(
Có thể nói, năm 2014 là năm ngành lâm nghiệp Nghệ An vẫn giữ vững và thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ của mình, hoàn thành xuất sắc kế hoạch đã được Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Nghệ An giao...
Ông Đặng Xuân Minh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2014, ngành lâm nghiệp của tỉnh gặp một số khó khăn như suất đầu tư (định mức của nhà nước) cho công tác trồng rừng đặc biệt là trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thấp; nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa, huyện 30a.
Công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, thôn/bản triển khai còn chậm; dân trí trên địa bàn một số huyện miền núi phía Tây còn thấp, nghèo, địa hình phức tạp... khiến việc chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ kế hoạch gặp một số khó khăn. Đó là chưa kể một số văn bản của các Bộ, ngành còn thiếu đồng bộ, nhất là phương thức và kế hoạch cấp vốn...
Song, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh nên công tác bảo vệ, phát triển rừng tại Nghệ An vẫn thu được những kết quả khả quan, hoàn thành nhiệm vụ mà UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT giao. Năm 2014, các đơn vị, dự án, DN và các địa phương đều đã sử dụng tốt và có hiệu quả các nguồn vốn được TW cấp đầu tư và hỗ trợ cũng như nguồn vốn được huy động thêm từ các chương trình lồng ghép khác đã được UBND tỉnh cho phép để thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng.
Trong đó phải kể đến nguồn vốn bảo vệ rừng từ ngân sách địa phương và nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2014, ngành Lâm nghiệp đã tiến hành hoàn thiện công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trong đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp thuộc diện rừng phòng hộ giảm trên 29.340 ha; đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng tăng trên 2.358 ha; diện tích đất lâm nghiệp thuộc rừng SX tăng trên 9.137 ha. Công tác rà soát ranh giới lưu vực, diện tích lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực phục vụ cho công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng được quan tâm đúng mức.
Năm 2014, tỉnh Nghệ An đã có thêm 6 lưu vực Nậm Mô, Bản Cánh, Hủa Na, Bản Cốc, Sao Va và Khe Bố đã được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt. Song song với các công việc nói trên, công tác quy hoạch vùng nguyên liệu cho các dự án cũng được tiến hành đồng bộ và khẩn trương.
Trong đó có vùng nguyên liệu dược liệu của Tập đoàn TH; vùng nguyên liệu cho dự án chế biến gỗ với tổng diện tích hơn 43.973 ha, giảm trên 1.000 ha so với trước đó. Dự án quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án Bảo tồn và phát triển dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững tại Nghệ An của Tập đoàn TH; Quy hoạch vùng SX gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mây tre đan đến năm 2020... cũng có những thay đổi và đang được xúc tiến một cách khẩn trương.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp cũng được triển khai đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành. Năm nay, đã có gần 260 ha đất lâm nghiệp đã được chuyển mục đích. Trong đó diện tích có rừng gần 41,4 ha với tổng số tiền gần 525,3 triệu đồng. Hiện đang tiếp tục truy thu số tiền còn lại cho quỹ bảo vệ, phát triển rừng. Năm 2014 cũng là năm ngành Lâm nghiệp Nghệ An đang tích cực xây dựng nhiều đề án, dự án quan trọng để đưa sự nghiệp phát triển lâm nghiệp của tỉnh tiếp tục ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới.
Trong đó, ngoài đề án “Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp” giai đoạn 2015 - 2020 trình Sở NN-PTNT phê duyệt làm cơ sở để xây dựng Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt, còn có dự án hạ tầng đường lâm nghiệp (Giao thông gắn với công tác PCCR các huyện vùng Tây bắc Nghệ An, giai đoạn 2); phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu vùng núi phía Bắc, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên để khảo sát, lập dự án “SX giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng Nghệ An” giai đoạn 2015-2020 (giai đoạn 2); Khu dự trữ sinh quyển,...
Theo đánh giá của ngành, năm 2014 Nghệ An tiếp tục giành được nhiều thành tích xuất sắc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Công tác bảo vệ rừng đã được các địa phương phối hợp tuyên truyền và vận động đến tận cơ sở do đó gần 900 nghìn ha rừng hiện có đã được bảo vệ vững chắc, đạt 101% kế hoạch được UBND tỉnh Nghệ An giao. Dù nguồn vốn hỗ trợ không đủ cân đối cho công tác khoanh nuôi, nhưng công tác khoanh nuôi rừng vẫn đạt diện tích 82.300 ha (100% kế hoạch giao).
Năm 2014, bên cạnh việc chăm sóc tốt 1.737,73 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; các DN, địa phương, đơn vị, hộ dân đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, trồng dặm được 19.762,27 ha rừng SX đưa tổng diện tích rừng chăm sóc lên 21.370 (đạt 99,4% kế hoạch). Công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn toàn tỉnh đạt 16.059 ha, hoàn thành 105% kế hoạch giao.
Trồng cây phân tán cũng chạm mức 5 triệu cây (100% kế hoạch). Để đạt được những thành tích nói trên, thời gian qua ngành Lâm nghiệp Nghệ An đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất có hiệu quả của các ngành, các cấp. Có thể nói, năm 2014 là năm ngành lâm nghiệp Nghệ An vẫn giữ vững và thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ của mình, hoàn thành xuất sắc kế hoạch đã được Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Nghệ An giao.
Tạo đà cho các địa phương thực hiện tốt hơn mục tiêu và nhiệm vụ của ngành trong năm 2015. Trong đó, nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế phục vụ công tác bảo vệ rừng được phân bổ tổng cộng 22 tỷ đồng; Nguồn kinh phí sự nghiệp 30a gần 40 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ theo quyết định 59 trên 4 tỷ đồng và nguồn vốn giải ngân được từ Quỹ Bảo vệ & phát triển rừng trên 45 tỷ đồng...
Có thể nói, chính nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ các nguồn vốn nói trên đã tạo điều kiện để các địa phương thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng của toàn tỉnh. Tổng diện tích trồng rừng từ nguồn vốn Trung ương đầu tư, hỗ trợ là 3.287,9 ha. Trong đó, trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đạt 540 ha, trồng rừng SX đạt 2.747,3 ha.
Trồng rừng từ nguồn vốn vay thuộc dự án WB3 đạt 1.849 ha; từ nguồn vốn JICA2 đạt 763 ha và trồng rừng thay thế chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác 320 ha. Đó là chưa kể nguồn vốn trồng rừng do các DN và hộ dân tự bỏ vốn để thực hiện thêm gần 9.360 ha... Các đơn vị thực hiện kế hoạch từ 100 đến 150% nhiệm vụ gồm các huyện Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, TX Thái Hòa, Tân Kỳ, Đô Lương.
Các Công ty TNHH MTV như Đô Lương, Sông Hiếu, Tổng đội Thanh niên xung phong 3, các Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng như Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Thanh Chương, Con Cuông và Nam Đàn đều hoàn thành 100% kế hoạch được giao.
Năm 2014, các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương cũng đã khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên được 9.620 m3 gỗ các loại và trên 450.000 m3 gỗ rừng trồng; trên 4.000 tấn nứa, luồng và 2.500 tấn nhựa thông. Phát hiện, bắt giữ 856 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 9 vụ phá rừng trái phép, 614 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép...
Xử lý 856/856 vụ, trong đó khởi tố hình sự 2 vụ. Tịch thu gần 1.932 m3 gỗ các loại. Thu nộp ngân sách gần 4.855 triệu đồng. Công tác PCCR và phòng trừ sâu bệnh hại rừng cũng được quan tâm đúng mức... (Nông Nghiệp Việt Nam 28/11, tr18) đầu trang(
Dự án (DA) trồng rừng phòng hộ vùng cát của tỉnh Thừa Thiên - Huế được thực hiện theo Quyết định (QĐ) 661/QĐ-TTg (gọi tắt DA 661) ngày 29-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Xã Phong Hiền được chọn triển khai từ năm 2000 - 2006 với tổng vốn hơn 2,3 tỷ đồng để phủ xanh đất trống đồi trọc, chắn gió, cát và quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họp HĐND, xã đều thống nhất giao đất và rừng cho các hộ quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, hàng loạt CB xã đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn giành đất rừng, ký khống, cấp cho người thân và doanh nghiệp (DN), gây thất thoát ngân sách.
Ông Trương Diên Hùng - Chủ tịch UBND xã Phong Hiền - cho biết: "Nhận đơn tố cáo về việc này, năm 2012, UBND xã thống nhất đề nghị cơ quan chức năng làm rõ. Tháng 8-2014, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy đã vào cuộc xác minh".
Kết luận cho thấy thời điểm triển khai DA, ông Trần Văn Vĩnh làm chủ tịch xã (hiện là CB Hội Nông dân huyện Phong Điền). Sau đó, Ban quản lý (BQL) DA hợp đồng với ông Hoàng Bằng - Giám đốc Công ty cổ phần 1-5 (trụ sở tại xã Phong An, huyện Phong Điền) triển khai trồng rừng. Ông Vĩnh chỉ đạo CB xã và Cty 1-5 lập khống danh sách các hộ, cá nhân tham gia DA, trong đó đa số là CB xã, người thân và Cty 1-5; huyện có 7 CB được cấp đất, tỉnh có 5 trường hợp.
Đặc biệt chỉ có một người nhưng được "hô biến" thành nhiều người với tên lót, năm sinh, địa chỉ khác nhau. Có trường hợp một hộ được tách ra nhiều khẩu, nhiều cá nhân để tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng một thời gian dài.
Theo UBKT Tỉnh ủy, việc triển khai DA không công khai, minh bạch về chủ trương trồng rừng của tỉnh, không bàn bạc với chính quyền, nhân dân, để nhiều CB và người ngoài tham gia, lập khống hồ sơ thanh quyết toán... Ông Vĩnh và một số CB chủ chốt của xã như: Trương Bình Phương (nguyên Bí thư Đảng ủy xã, nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã), Trịnh Hữu Phước (nguyên Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã, nay là Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND xã), Hoàng Văn Thủy, nguyên cán bộ địa chính xã (nay là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã) làm sai nguyên tắc.
Trong kết luận nêu rõ Đảng ủy xã Phong Hiền đã buông lỏng vai trò lãnh đạo, một số CB chủ chốt không tuân thủ các nguyên tắc Đảng, quy định Nhà nước, làm sai nguyên tắc, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện DA. Tuy nhiên, một số CB sai phạm chỉ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo liệu có quá nhẹ? Thời điểm bắt đầu DA, ông Nguyễn Viết Hoạch (hiện là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh) làm Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.
Ngày 27-8-2007, Thường vụ Tỉnh ủy đã kỷ luật khiển trách ông Hoạch, lý do để người thân lợi dụng chức quyền của mình để được cấp nhiều lô đất trồng rừng với diện tích lớn nhưng không thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định đối tượng và quy trình cấp đất theo dự án WB3. Mặt khác, ông này còn thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn dẫn đến nhiều trường hợp được giao đất rừng, đất ở không đúng quy định.
Ông Nguyễn Đại Vui - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - cho biết, huyện đang thu hồi toàn bộ 710ha của DA bàn giao cho xã để lên phương án thanh lý, bán đấu giá tài sản trên đất rừng, thu hồi ngân sách cho nhà nước. Xã Phong Hiền sẽ kiểm kê, rà soát lại để tiến hành thủ tục giao đất và rừng cho người dân theo DA. (Pháp Luật TPHCM 27/11, tr11) đầu trang(
Hàng trăm hộ nông dân dọc theo các tỉnh Đông Nam Bộ chạy theo lời đồn về cây tạo trầm hương dó bầu sẽ cho tiền tỷ sau một thời gian ngắn chăm sóc. Họ bỏ ruộng vườn để nuôi giấc mộng trở thành tỷ phú nhưng nhiều người đã trắng tay vì cây dó bầu.
Với mong muốn có thu nhập tiền tỷ để đổi đời từ thửa ruộng, mảnh vườn, nhiều nông dân các tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu… ồ ạt trồng cây dó bầu. Trong khi đó, số người “trúng trầm”, thành tỷ phú đâu chưa thấy, chỉ thấy hàng trăm hộ dân “sạt nghiệp” vì sau cả chục năm chăm sóc, vườn dó bầu chết dần, hoặc còn sống thì không cho trầm, hoặc thương lái không mua…
Thống kê của Hội Trầm hương Việt Nam (VAWA), diện tích trồng cây dó bầu tại Việt Nam đã tăng từ 8.000ha năm 2007 lên đến trên 30.000ha vào năm 2011. Sau đó, do hàng loạt diện tích dó bầu không tạo trầm, thương lái không mua nên nhiều nông dân đã phải chặt bỏ vườn, diện tích giảm mạnh.
Đến khoảng cuối năm 2013, khi giá trầm hương trên thế giới tăng mạnh và những lời đồn thổi về cây “bạc tỷ” dó bầu lan rộng, diện tích trồng dó bầu tại các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa–Vũng Tàu… đã tăng mạnh trở lại. Hiện tại, diện tích dó bầu cả nước ước đạt 20.000ha với khoảng 15 – 20 triệu cây.
Lặng nhìn vườn cây dó bầu của mình, ông Trần Văn Đông, (ngụ xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) thở dài nuối tiếc bảo rằng ông được một số anh em quen biết giới thiệu nên dốc sức đầu tư trồng 600 cây dó bầu. Những tưởng sẽ thu tiền tỷ theo như lời đồn đoán, thế nhưng đến nay, sau nhiều năm “vật vã” với dó bầu, vườn cây của anh chết dần, chết mòn vì không phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng…
Phần khác, nhiều cây dó trưởng thành cũng “chết đứng chết nằm” sau khi được khoan, cắt, bơm thuốc kích thích tạo trầm, chỉ còn lại khoảng 200 cây đang trong tình trạng “ngắc ngứ”, không rõ tương lai. Bao nhiêu tiền bạc, công sức của anh đổ dồn vào vườn "cây bạc tỷ" giờ coi như mất trắng, không thể thu hồi về được.
Trong khi đó, đường về huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, dọc theo các xã Phú Lộc, Phú Sơn, Phú Trung…, đâu đâu cũng có thể nghe người dân nói chuyện trồng dó bầu. Ông Ngô Duy Tư - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trầm hương Tân Phú (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), cho biết, tính sơ sơ, cả huyện Tân Phú hiện có trên 100.000 cây dó bầu đủ các độ tuổi.
Có một điều thật lạ cảm nhận được rằng, cây dó bầu ở đây nhiều bao nhiêu thì nỗi buồn của các nông dân với giấc mộng đổi đời ở vùng này cũng như thế. Ông Nguyễn Phương, ngụ ấp Phú Lâm 5, xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) lo lắng nói rằng nghe một số thương lái trong vùng giới thiệu nên gia đình ông vừa đầu tư trồng 6ha dó bầu, cả trồng thuần lẫn xen trong vườn điều.
Ông Phương cho rằng, nhiều người trong vùng khẳng định, việc trồng dó bầu tạo trầm có thể đem về ít nhất 1 tỷ đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác như điều, cà phê… nên ông quyết tâm “đánh liều một phen cuối đời”. Nhưng tiền tỷ thì chưa thấy mà tiền đầu tư vào vườn cây dó bầu cũng đã khá nhiều rồi, chưa biết có thu về được hay không.
Dù nhiều lần “nghe phong thanh” rằng mỗi cây dó bầu sau 7 – 8 năm tuổi có thể bán được từ 4 – 7 triệu đồng, tính ra mỗi ha trồng 1.000 cây dó có thể thu về tiền tỷ, thế nhưng thời gian qua, hầu hết bà con trồng dó bầu không bán được hàng, phải vứt trong vườn hoặc chất đống, mục rủn trong kho.
Ông Ngô Duy Tư cho biết, dù đã theo ngành trầm hơn 10 năm qua nhưng ông vẫn chưa thấy mô hình trồng dó, tạo trầm nào được cho là thành công như mong muốn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể áp dụng rộng rãi. Thay vào đó, những thất bại, thua lỗ trong việc tạo trầm cho cây dó bầu vẫn chưa dừng lại. Nhiều người sau thời gian nuôi giấc mộng trồng "cây bạc tỷ" giờ trắng tay, muốn quay lại với vườn cây, ruộng lúa như trước cũng khó vì kiệt quệ tài chính. Ông Tư kể có người thất bại cứ đứng ngoài vườn cây dó bầu mà khóc rấm rứt.
Theo đó, từ trước năm 2013, có một số thương lái từ TP.HCM, Trung Quốc, Đài Loan… đến Tân Phú lùng mua trầm với giá cao, giá từ 5 – 7 triệu đồng một cây trắng, tức cây dó trưởng thành, chưa tạo trầm, hoặc như trầm miếng đã khai thác, giá cũng từ 7 – 10 triệu/kg. “Thế nhưng họ chỉ báo giá thế thôi, rồi đi mất. Từ đầu năm đến nay, thương lái gần như vắng bóng, chỉ có một vài người hỏi mua nhưng giá đã giảm hơn một nửa, thậm chí, giảm đến 70%”- ông Tư cho biết.
Bà Xuân, chủ một cơ sở tạo trầm ở xã Núi Tượng (huyện Tân Phú) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, thương lái gần như vắng bóng nên số dó bầu gia đình đã quét thuốc, tạo trầm phải thu hoạch, đem về chất đống trong kho.
“Trầm hương nhân tạo chỉ có một lớp rất mỏng, nếu để lâu ngày mùi thơm sẽ bay mất, tinh dầu cũng hao hụt. Hơn nữa, gỗ để trong kho lâu ngày sẽ mục rủn, hư hỏng. Tính là thu tiền tỷ từ vườn dó mà giờ coi như củi mục, đem đốt cũng không xong” - bà Xuân than thở.
“Đến nay, 55 tuổi mà chưa có được căn nhà, phải đi ở nhà thuê. Hơn 17 năm bám víu cây dó bầu với trầm hương để mong đổi đời, ai dè cuối cùng lại thành người tán gia bại sản, không thấy tiền tỷ đâu hết”- anh Đinh Hữu Thông, một hộ trồng dó bầu ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) rầu rĩ khi được hỏi về hiệu quả của cây dó bầu.
Đại diện Câu lạc bộ Trầm hương Tân Phú cho biết, vào đầu năm 2013, thương lái từ Trung Quốc và TP.Hồ Chí Minh đổ xô về mua trầm, loại nào họ cũng bảo là mua được, các cơ sở chế biến trầm hương do đó cũng mọc lên như nấm. Cả huyện Tân Phú có đến hơn 50 cơ sở sản xuất trầm, thu hút hàng nghìn công nhân từ các nơi đến. Tuy nhiên đến nay, chỉ còn vài cơ sở hoạt động cầm chừng, lượng công nhân giảm đến 70%.
Việt Nam hiện là nước có sản lượng trầm hương lớn thứ ba thế giới, sau Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thô sang Trung Quốc, theo đường tiểu ngạch, chỉ 5% sản lượng trầm hương xuất khẩu được chế biến sâu. (Nông Thôn Ngày Nay 27/11, tr10) đầu trang(
Nam Định được xác định là một trong những tỉnh trọng điểm thiên tai trong các mùa mưa bão với 3 huyện ven biển. Tỉnh Nam Định có 91 km đê biển, hơn 300 km đê sông, đặc biệt có 4 con sông lớn là sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ nên đang là vùng có nguy cơ cao, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên tai.
Từ đầu năm đến nay, nằm trong hoạt động của Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” được triển khai tại 16 xã thuộc 3 huyện ven biển nói trên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định đã phối hợp với các ban, ngành, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai Dự án có hiệu quả.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tập huấn, tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp cho hơn 91.000 người về giảm thiểu rủi ro, thảm họa và thích nghi với biến đổi khí hậu; kiến thức quản lý, phát triển tình nguyện viên, phòng ngừa ứng phó thảm họa, cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Đồng thời đầu tư một số trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác ứng phó thiên tai, thảm họa, góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân giúp cộng đồng được an toàn hơn.
Trên địa bàn huyện Giao Thủy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện chăm sóc và bảo vệ hơn 625 ha rừng tại 4 xã Giao An, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Phong và thị trấn Quất Lâm. Hiện tại, rừng phát triển tốt, không có hiện tượng sâu bệnh và chặt phá rừng.
Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng tiếp tục phát triển các tiểu dự án giảm rủi ro thảm họa, như: Hệ thống cầu dân sinh của xã Hải Chính, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai ở xã Hải Lý, hệ thống loa truyền thanh ở xã Hải Triều, hệ thống thoát nước 1.500 m tại khu dân cư và nuôi trồng thủy sản xã Hải Châu (huyện Hải Hậu), công trình vuốt dốc đê đường giao thông xã Giao An, công trình nhà vệ sinh chợ trung tâm xã Giao Xuân và công trình cống thoát nước khu dân sinh xã Bạch Long (huyện Giao Thủy).
Những tiểu dự án sau khi được triển khai đã đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng; phát huy được hiệu quả, giúp nhân dân các xã thuận tiện trong sinh hoạt và sản xuất; nâng cao nhận thức phòng ngừa thảm họa, giúp cộng đồng an toàn hơn trong phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai thích ứng biến đổi khí hậu. Các công trình của dự án hỗ trợ đều được chính quyền và người dân bảo quản tốt, hàng năm được kiểm tra bảo dưỡng.
Ban quản lý dự án Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định đã hướng dẫn và phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tại các cơ sở thành lập 2 đội ứng phó nhanh cấp cộng đồng với hơn 50 thành viên của 2 xã Nghĩa Thắng (huyện Nghĩa Hưng) và xã Hải Chính (huyện Hải Hậu. Sau khi được thành lập, các thành viên của đội ứng phó được tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, giảm nhẹ rủi ro, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu và thực hành diễn tập sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn.
Để đảm bảo cho đội ứng phó nhanh cấp cộng đồng hoạt động tốt khi có những tình huống khẩn cấp xảy ra, Ban quản lý dự án tỉnh Hội đã cấp trang thiết bị đạt tiêu chuẩn phục vụ hoạt động như mũ chữ thập đỏ, ao phao cứu sinh, túi sơ cấp cứu, đồ dùng cứu thương, đèn pin, áo mưa, loa pin cầm tay...
Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án, Hội chữ thập đỏ tỉnh Nam Định đã khảo sát, thẩm định và hỗ trợ nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) xây dựng 2 bản tin cảnh báo sớm thiên tai, thảm họa nhằm phục vụ việc cảnh báo sớm, giúp người dân thị trấn nắm bắt thông tin, góp phần giảm nhẹ những rủi ro, thiệt hại khi xảy ra thiên tai, thảm họa tại địa phương.
Ông Phạm Minh Phương, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian tới, Ban quản lý Dự án “Trồng rừng ngập mặn - giảm thiểu rủi ro” tỉnh Nam Định tập trung sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng các hệ thống cơ sở vật chất hỗ trợ địa phương trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa.
Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro và biến đổi khí hậu cho giáo viên, học sinh tiểu học tại xã Nghĩa Thắng và thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng). (Tin Tức 28/11) đầu trang(
Theo nhiều dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam năm 2014 sẽ cán mốc 6,5 tỷ USD. Và trong vài năm tới kim ngạch xuất khẩu ngành này sẽ có những bước tăng trưởng ấn tượng bởi thị phần xuất khẩu gỗ Việt Nam mới chỉ chiếm 1,5% thị phần tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới.
Nhìn lại năm 2013, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD tăng 19,2% so với năm 2012. Kết quả này đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN, đứng thứ hai tại châu Á và thứ 6 trên thế giới. Hiện nay sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 100 thị trường nước ngoài.
Những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ) cũng là thị trường có mức tiêu dùng lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản.
Tiếp đà tăng trưởng năm 2013, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2014 xuất khẩu gỗ đạt những kết quả khả quan. Theo đó, trong tháng 10, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 528 triệu USD, nâng giá trị xuất khẩu 10 tháng đạt 4,98 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đều tăng, ngoại trừ Trung Quốc giảm 10,19%, còn các thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt 14,35% và 22,03%. Dự báo cả năm 2014, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ cán đích kim ngạch 6,5 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), dư địa xuất khẩu cho ngành gỗ vẫn còn rất lớn vì dù đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song thị phần xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1,5% thị phần tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới.
Nói về lý do ngành gỗ có những bước phát triển nhanh như vài năm trở lại đây, ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hawa, chia sẻ với ĐTTC các đơn hàng từ Trung Quốc đang dịch chuyển sang Việt Nam do giá nhân công của Trung Quốc đang tăng cao.
Ngoài ra, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế tại thị trường châu Âu, nhiều nhà máy của các quốc gia sản xuất đồ gỗ lớn như Italia, Đức, Hoa Kỳ đã thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa. Bên cạnh đó, đồ gỗ xuất khẩu một số nước vào Hoa Kỳ bị áp thuế chống bán phá giá cao làm mất lợi thế cạnh tranh… cũng là những nguyên nhân giúp ngành gỗ Việt Nam có cơ hội tăng trưởng nhanh.
Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng và được dự báo sẽ còn tăng ấn tượng hơn, nhưng ngành gỗ và nhiều ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam vẫn còn những hạn chế như giá trị gia tăng thấp do xuất nhiều nhưng nhập cũng nhiều, các DN FDI hiện đang chiếm thị phần xuất khẩu lớn…
Câu chuyện nhập khẩu trong ngành gỗ cũng rất đáng quan tâm. Và một trong những khuyến nghị được các cơ quan chức năng, hiệp hội đưa ra là các DN cần tăng cường trồng rừng để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm. Để làm được việc này không thể thiếu sự chung tay của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch và hỗ trợ DN.
Câu chuyện của Gỗ Trường Thành (TTF) là một thí dụ, trước đây công ty nhập khẩu đến 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng theo chia sẻ của ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc công ty, từ tháng 3 năm nay, hơn 11.000ha rừng trồng từ 10 tuổi trở lên của TTF đã được đưa vào kế hoạch khai thác luân kỳ. Dự kiến đến cuối năm sẽ khai thác khoảng 500ha, thu về 30-40 tỷ đồng.
Từ năm 2015, mỗi năm sẽ khai thác 1.000ha, lợi nhuận mang về khoảng 80 tỷ đồng. Với diện tích rừng vào độ tuổi khai thác như trên, TTF có thể chủ động được 90% nguyên liệu sản xuất và cung cấp cho các xưởng sản xuất gỗ veneer trong nước hoặc xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Nhật Bản do chất lượng gỗ tốt khi TTF chỉ ưu tiên khai thác rừng ở năm thứ 10 trở lên.
Việc chủ động nguyên liệu còn giúp các DN có thể hưởng lợi từ các hiệp định song phương và đa phương Việt Nam đang đàm phán như TPP. Theo quy định của TPP về thành phần giá trị khu vực, một sản phẩm cần có tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 55% tổng giá trị.
Điều này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất không được nhập khẩu nhiều hơn 45% nguyên vật liệu từ các quốc gia không phải là thành viên TPP để chế tạo, sản xuất, bao gồm cả chi phí chế biến… Và một vấn đề cũng hết sức quan trọng khác là các DN nội phải chủ động thiết kế sản phẩm. Hiện còn rất nhiều DN đang dừng lại ở gia công theo đơn đặt hàng. Rồi DN cũng phải mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động…
Theo chia sẻ của phía Hawa, thời gian qua nhiều nhà máy sản xuất, chế biến gỗ trên thế giới phải tạm ngừng, hoặc đóng cửa, trong đó có những nhà máy có công nghệ cao tại Italia. Công nghệ này còn khá mới, giá bán chỉ còn 1/10-1/15 so với giá gốc. Nếu DN trong nước tận dụng được cơ hội này đầu tư thay thế công nghệ cũ sẽ rất có lợi, tạo được lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Có thể thấy, để đạt được kim ngạch từ 15-20 tỷ USD trong 7-10 năm tới, ngành gỗ nói chung và các DN nói riêng phải nỗ lực rất lớn nhằm giành lấy miếng bánh ngon về cho mình. (Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính 27/11) đầu trang(
Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà đời sống của người dân bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) đang đổi thay từng ngày.
Nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng được nâng cao, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép không còn xảy ra, người dân có thêm việc làm, thu nhập ổn định góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tà Ẻn là một bản của người dân tộc Xinh Mun ở vùng biên giới Việt - Lào nằm cách trung tâm huyện Yên Châu gần 50 km. Bản có 106 hộ với 386 nhân khẩu, đây là bản đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 60%. Những năm trước đây, do nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng (BVR) chưa được nâng cao, người dân trong bản thường hay vào rừng chặt củi, phá rừng lấn chiếm đất làm nương khiến cho rừng ngày một cằn cỗi. Từ năm 2009, bản Tà Ẻn được thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), người dân trong bản đã dần có ý thức hơn trong công tác quản lý BVR.
Theo ông Vì Văn Vầu, Bí thư chi bộ bản Tà Ẻn, nhờ chính sách chi trả DVMTR mà người dân trong bản có thêm việc làm, tăng thu nhập. Người dân cũng có trách nhiệm hơn trong việc BVR. Hàng năm bản đã sử dụng một phần số tiền được chi trả từ DVMTR cho cộng đồng để sửa chữa nhà văn hóa, nâng cấp hệ thống kênh mương, xây dựng tuyến đường trong bản… Đến nay phần lớn tuyến đường trong bản đã được nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhà văn hóa bản đã được tu sửa lại khang trang, bộ mặt nông thôn mới đang dần được hình thành.
Tổng diện tích rừng của bản Tà Ẻn được chính sách DVMTR chi trả là 539,55 ha, gồm 66 chủ rừng là hộ gia đình, một chủ rừng là cộng đồng bản. Tổng số tiền DVMTR bản Tà Ẻn được chi trả từ năm 2011 - 2013 là hơn 254 triệu đồng, trong đó số tiền của cộng đồng bản là gần 130 triệu đồng. Sau khi nhận được số tiền từ DVMTR cho cộng đồng bản, bản Tà Ẻn đã họp bàn và quyết định dùng số tiền trên để sửa chữa, nâng cấp các công trình công cộng phục vụ dân sinh trong bản.
Ông Vì Văn Vầu nhớ lại: "Sau khi bản nhận được số tiền từ chính sách chi trả DVMTR, cái khó khăn nhất đối với bản là sử dụng số tiền ấy như thế nào. Sau khi bàn đi tính lại và nhận được sự nhất trí cao của các hộ dân trong bản, chúng tôi quyết định sử dụng số tiền trên để tu bổ, xây dựng các công trình công cộng để phục vụ bà con trong bản. Mọi người trong bản đều bỏ công ra để cùng nhau tu sửa hệ thống đường trong bản, đường nội đồng, xây dựng các công trình vệ sinh xử lý rác thải…".
Anh Vì Văn Dũng, một người dân chia sẻ: "Trước kia đường đi lại khó khăn lắm, người dân trong bản ngoài đi làm nương ra thì chẳng biết làm gì nên cái đói cứ bám đuổi quanh năm, suốt tháng. Từ ngày có chính sách chi trả DVMTR, các hộ dân trong bản có thêm việc làm; tăng thu nhập, ý thức của người dân trong công tác BVR được nâng cao, không tự ý vào rừng chặt phá như trước kia nữa. Người dân trong bản đang tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới".
Theo trưởng bản Tà Ẻn Vì Văn Thắm, chính sách chi trả DVMTR là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, không chỉ giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân sở tại, mà còn giúp cho rừng được bảo vệ, nạn chặt phá rừng làm nương, nạn săn bắn động vật bừa bãi đã không còn. Đặc biệt, chính nhờ số tiền từ chính sách chi trả DVMTR, bản Tà Ẻn đã nâng cấp, cải tạo lại hệ thống các công trình phục vụ dân sinh, 100% số trẻ trong độ tuổi đều được đến trường, người dân yên tâm phát triển kinh tế từng bước xây dựng nông thôn mới.
Ông Phan Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, cho biết: Hiện nay, bản Tà Ẻn đã sử dụng rất tốt số tiền từ dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng bản để xây dựng, tu sửa các hệ thống kết cấu hạ tầng phục mục đích dân sinh. Thời gian tới UBND xã sẽ sớm có kế hoạch để nhân rộng mô hình của bản Tà Ẻn ra các bản khác trong xã để Phiêng Khoài sớm cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Sau 3 năm thực hiện Nghị định, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đã giải ngân được 183,193 tỷ đồng trên tổng số 189,743 tỷ đồng kinh phí phải trả cho các chủ rừng. Thu nhập của các chủ rừng, hộ nhận khoán không ngừng tăng lên theo từng năm, do đơn giá chi trả ngày càng cao.
Chi trả bình quân cho hộ gia đình năm 2011 - 2012 là 314.000 đồng/hộ, năm 2013 là 608.820 đồng/hộ. Tiền chi trả DVMTR, cùng với các thu nhập khác từ rừng và việc rừng được bảo vệ tốt hơn đã góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân. (Tin Tức 27/11) đầu trang(
Từ khi triển khai thực hiện chi trả DVMTR đến nay, các đơn vị hưởng lợi từ môi trường rừng Ở Yên Bái đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và đóng hàng chục tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách nhà nước.
Trong 410.000 ha rừng toàn tỉnh Yên Bái, có gần 213.000 ha rừng nằm trong diện cung ứng DVMTR. Toàn tỉnh hiện có 14 nhà máy thủy điện lớn nhỏ đang hoạt động và sử dụng DVMTR thì 13 nhà máy thủy điện và 2 nhà máy nước sạch sử dụng DVMTR và nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh; một nhà máy thủy điện nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Tính từ 1/1/2011 đến 1/8/2014, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã thu được hơn 66,7 tỷ đồng, đây chính là nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ phát triển rừng.
Có thể khẳng định, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn là yếu tố sống còn của các nhà máy thủy điện. Vì vậy, khi Nghị định 99/CP có hiệu lực, các nhà máy thủy điện ở Yên Bái đã thực hiện khá nghiêm túc. Từ năm 2011 đến hết quý II/2014, Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà đã thực hiện chi trả DVMTR với số tiền gần 24 tỷ đồng.
Ông Bùi Khắc Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Văn Chấn khẳng định, thủy điện Văn Chấn cũng như tất cả các nhà máy thủy điện thực hiện bắt buộc và đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn trả rất nghiêm túc và đầy đủ. Hàng tháng, kinh phí môi trường rừng được trả theo lượng điện được phát lên của nhà máy thủy điện Văn Chấn. "Từ khi phát điện đến nay, chúng tôi đã được hoàn trả 3,4 tỷ đồng. Số tiền này đã được chúng tôi nộp vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái để kịp thời đáp ứng được việc hoàn trả môi trường rừng", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Chi cục Lâm nghiệp, nguồn quỹ này đã góp phần nâng mức giao khoán bảo vệ rừng cho người dân có diện tích rừng đầu nguồn như huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Chấn, góp phần ổn định đời sống của người làm nghề rừng. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã mang lại niềm vui cho nhiều bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về công tác bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn thu chính đáng của mình.
Là người được hưởng lợi từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, ông Giàng A Chang ở bản Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn phấn khởi cho biết, hiện tại gia đình ông cùng 5 hộ khác trong bản đang nhận giao khoán chăm sóc bảo vệ 10 ha rừng phòng hộ.
Những năm trước đây, với đơn giá chỉ có 90.000 đồng/ha nên thu nhập hàng năm từ nguồn nhận giao khoán bảo vệ rừng rất ít. Từ khi có chính sách hỗ trợ cộng với nguồn chi trả từ nguồn quĩ dịch vụ môi trường rừng thì mỗi ha đã được chi trả 210.000 đồng, tuy số tiền chưa lớn nhưng cũng đã động viên gia đình ông và các hộ khác làm tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng. Ông Chang khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu bảo vệ rừng tốt hơn để góp phần bảo vệ môi trường”.
Chính sách chi trả DVMTR đã có tác động lớn đến an ninh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc vùng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh.
Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Yên Bái cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng bảo vệ rừng của các tổ chức, đơn vị cá nhân đăng ký cung ứng dịch vụ. Căn cứ vào kết quả này, đơn vị sẽ chi trả công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng với mục tiêu giữ vững hệ sinh thái rừng đầu nguồn nói riêng và rừng toàn tỉnh nói chung.
Trong năm 2013, Quỹ phát triển và bảo vệ rừng của Yên Bái đã thu được 61,5 tỷ đồng (bao gồm cả thu ủy thác do Quỹ Trung ương điều tiết) và tiến hành chi trả trên 48 tỷ đồng cho gần 24.000 chủ rừng là các tổ chức, hộ gia đình cung ứng DVMTR.
Trước đây, khi chưa có quỹ này, mỗi ha rừng chỉ được chi trả 200.000 đồng/năm, thì nay đã được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, năm 2013 ở tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, mức chi trả là 300.000 đồng/ha và dự kiến năm 2014 sẽ là hơn 400.000 đồng/ha. (Tin Tức 27/11) đầu trang(
Sau hơn ba năm triển khai, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo lập nên một nền tài chính mới, ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, từng bước cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng.
Hang Cáu là một trong 8 thôn của xã Vạn Xuân, huyện Trường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và là thôn thuộc vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Hang Cáu được Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên giao khoán bảo vệ 1.063 ha rừng và được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Sau khi nhận được giao khoán rừng, Ban quản lý thôn bản đã phối hợp với Khu bảo tồn Xuân Liên giao nhận về ranh giới rừng cả trên bản đồ và ngoài thực địa, không có sự chồng chéo, trùng lặp. Thôn đã họp toàn thể cộng đồng, tuyên truyền sâu rộng đến dân cư trong thôn về chính sách chi trả DVMTR. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đồng thời cũng tăng cường sự tham gia của người dân trong thôn vào công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR).
Người dân trong thôn thống nhất lựa chọn, bình bầu 15 người của 15 hộ tham gia tổ bảo vệ rừng của thôn (gọi tắt là tổ bảo lâm), có quy chế hoạt động rõ ràng. Hàng tháng, Tổ bảo lâm xây dựng kế hoạch tuần tra, báo cáo Trạm kiểm lâm Hón Can phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm tra an ninh rừng.
Ông Lê Văn Hồng, Trưởng thôn Hang Cáu cho biết: "Khi xây dựng quy chế hoạt động cho tổ bảo lâm, chúng tôi đã phối hợp với Khu bảo tồn Xuân Liên, UBND xã Vạn Xuân để phát huy tối đa những điểm mạnh trong các hình thức quản lý rừng ở địa phương. Nghiên cứu sâu những luật tục, những thể chế truyền thống của cộng đồng trong QLBVR cộng đồng để có hướng lồng ghép với những quy định của pháp luật về QLBVR".
Cũng theo ông Hồng, sau khi được nghiệm thu thanh toán diện tích giao khoán, Ban quản lý thôn bản dành một phần kinh phí để chi trả thanh toán tiền công cho các thành viên tham gia tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, một phần để cho các mục đích chung của cộng đồng, một phần dùng mua các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng và phần còn lại làm quỹ dự phòng của thôn. Năm 2013, thôn Hang Cáu nhận 72 triệu đồng; trong đó đã chi trả công tuần tra cho tổ bảo lâm 48 triệu đồng, chi để sửa chữa nhà văn hóa thôn, làm cột ngăn cách khu chăn thả gia súc gắn với chương trình nông thôn mới 14 triệu đồng, chi quỹ dự phòng thưởng cho con em có thành tích học tập tốt 10 triệu đồng.
Theo những người dân thôn Hang Cáu thì mô hình giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn bản mà nhân dân nơi đây đang áp dụng là chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), gắn quyền lợi trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ rừng. Đời sống của người dân cũng nhờ đó được cải thiện, giảm các khoản đóng góp công, nhận thức BV&PTR được nâng cao, tạo tâm lý phấn khởi, động viên cộng đồng cùng tham gia. Bà con nhận thức được rằng, có tiền cho chi trả DVMTR cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng thôn bản sẽ phải QLBVR tốt hơn.
Người dân bảo vệ rừng và được hưởng lợi ích từ chi trả các DVMTR, cũng đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng các dân tộc, miền núi ổn định đời sống, phát triển kinh tế và tạo động lực phát triển bền vững. Nhờ đó diện tích rừng được giao khoán cho cộng đồng thôn Hang Cáu bảo vệ có hiệu quả và được quản lý chặt chẽ, người dân trong thôn không tùy tiện vào rừng khai thác trái phép lâm sản phụ.
Ngoài ra, việc bảo vệ rừng thôn bản cũng góp phần làm gia tăng tính cộng đồng, người dân trong thôn bản hiểu nhau hơn và có trách nhiệm trong QLBVR. Việc thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng trong thời gian qua đã duy trì ổn định, không có nạn chặt phá rừng trái phép, cháy rừng, các mục đích chung của cộng đồng đã có thêm nguồn lực thực hiện…
Thực tế cho thấy, cùng với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, chính sách chi trả DVMTR đã phát huy tác dụng, có tác động tới công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giảm dần qua các năm. Chính sách đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lương rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích rừng trong các lưu vực có cung ứng DVMTR toàn quốc khoảng 4,1 triệu ha. Hàng năm nguồn tiền DVMTR đã giải ngân, chi trả cho các chủ rừng nhận giao, khoán bảo vệ rừng từ 2,8 - 3,37 triệu ha rừng/13,8 triệu ha rừng của cả nước (chiếm tỷ lệ 20 - 27%), góp phần nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng.
Tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2013 giảm 19,42% so với năm 2010, tổng diện tích rừng bị phá năm 2013 giảm 59,55% so với năm 2010… Thu nhập từ chính sách chi trả DVMTR đã khuyến khích chủ rừng, người dân tham gia công tác phát triển rừng.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nếu như năm 2011, cả nước có gần 178.000 đối tượng là các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng DVMTR thì đến năm 2013 đã tăng lên trên 355.000 đối tượng. Riêng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng năm 2011 hơn 113.000 hộ thì đến năm 2013 đã tăng lên trên 236.000 hộ, trong đó trên 90% hộ gia đình, cá nhân là người đồng bào dân tộc. Mức độ tham gia của các chủ rừng, hộ gia đình, cộng đồng có xu hướng tăng nhanh, qua đó khẳng định sự kỳ vọng, tin tưởng vào lợi ích mà chính sách mang lại. Mức thu nhập chi trả DVMTR bình quân hàng năm trong cả nước của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 1,8 triệu đồng/hộ/năm.
Tại một số nơi, đơn giá chi trả bình quân cao hơn mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng (200.000 đồng/ha/năm), có nơi đạt từ 300.000 - 450.000 đồng/ha/năm. Các tỉnh có mức thu nhập bình quân của hộ gia đình cao như: Lâm Đồng trên 8 triệu đồng/hộ/năm, Bình Phước 7,2 triệu đồng/hộ/năm, Kon Tum 5,7 triệu đồng/hộ/năm, Hòa Bình 3,8 triệu đồng/hộ/năm, Lai Châu 2,4 triệu đồng/hộ/năm… Nhờ chính sách chi trả DVMTR mà thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng đã có những bước cải thiện rõ rệt.
Như vậy chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm trong công tác QLBVR của các chủ rừng, các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ rừng. (Tin Tức 27/11) đầu trang(
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, với 626.757 ha, trong đó có 567.000 ha rừng và gần 60.000 ha đất chưa có rừng. Đây là tiềm năng lớn để tạo bước đột phá cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên tiềm năng này chưa được khơi dậy một cách hiệu quả, bền vững.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa, ngành lâm nghiệp Thanh Hóa đã tiến hành xây dựng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Điều này đã được manh nha thực hiện bằng việc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, giai đoạn 2011-2020. Tỉnh đã triển khai công tác trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, khai thác, chế biến lâm sản theo từng thời kỳ, đồng thời quy hoạch vùng  trồng rừng kinh doanh gỗ lớn  với 55.000 ha; vùng trồng rừng kinh doanh luồng 71.000 ha; vùng cây đặc sản 25.000 ha; vùng phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu 94.000 ha.
Đặc biệt, cây luồng được ngành lâm nghiệp quan tâm triển khai để nâng cao giá trị, bởi  Thanh Hóa có hơn 50% tổng diện tích luồng của cả nước. Trung bình mỗi năm, tỉnh ta khai thác khoảng 25 đến 30 triệu cây luồng, góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo cho các huyện miền núi. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác quá mức đã làm cho rừng luồng giảm sút nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng.
Để vực dậy vị thế của cây luồng Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh lập quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung với quy mô 29.958 ha; trong đó, chăm sóc, bảo vệ và khai thác hợp lý 14.167 ha; phục tráng rừng luồng thoái hóa 14.791 ha; trồng mới rừng luồng thâm canh 1.025 ha, hướng tới khai thác bền vững rừng luồng.
Trong công cuộc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nói chung, việc tái cơ cấu các loại rừng được xác định theo hướng ổn định diện tích rừng đặc dụng, giảm diện tích rừng phòng hộ, tăng diện tích rừng sản xuất. Sang năm 2015, diện tích rừng đặc dụng sẽ được quy hoạch tăng thêm 647 ha do thành lập Khu bảo tồn loài hạt trần Nam Động (Quan Hóa), đến năm 2020 tiếp tục tăng thêm 2.703 ha.
Trong khi đó, rừng phòng hộ sẽ được điều chỉnh giảm khoảng 25.000 ha do chuyển những diện tích manh mún, nhỏ lẻ sang đất rừng sản xuất và chuyển sang đất khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, một phần khác được chuyển thành diện tích rừng đặc dụng. Với diện tích rừng sản xuất, năm 2015 hướng tới ổn định diện tích;  năm 2020, dự kiến tăng 5.850 ha. Đến năm 2025, tiếp tục tăng 15.000 ha từ diện tích rừng phòng hộ ở những khu vực có nhu cầu cao về đất sản xuất.
Sau khi ổn định diện tích các loại rừng theo quy hoạch chung, công tác tái cơ cấu đầu tư phát triển rừng sẽ tiếp tục được chú trọng. Đến năm 2015, ngành lâm nghiệp Thanh Hóa hướng đến phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn với diện tích dự kiến khoảng 27.800 ha. Từ năm 2020, tiếp tục phát triển ổn định 55.932 ha với các loài cây keo tai tượng, lát hoa, xoan, sao đen...
Song song với đó là phát triển vùng thâm canh luồng tập trung với khoảng 29.982 ha (giai đoạn 2016 – 2020) và tăng lên khoảng 45.000 ha trong giai đoạn 2021-2025, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến; đồng thời nâng cao giá trị của cây luồng. Ngoài luồng và gỗ, việc nâng cao giá trị và hiệu quả ngành lâm nghiệp còn được xác định hình thành các vùng chuyên canh nứa, vầu, song, mây, dược liệu... với quy mô hợp lý gắn với cơ sở chế biến lâm sản, tạo những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Riêng cây dược liệu sẽ được  phát triển, khai thác có hiệu quả và bền vững với 94.000 ha dưới tán rừng tự nhiên, đa phần là các cây bản địa, như: thảo quả, ba kích, sa nhân, máu chó... để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Nghề rừng xứ Thanh vào khoảng năm 2020 còn được xác định phát triển các cây lâm đặc sản, như: Quế 15.000 ha, trẩu 3.000 ha, cánh kiến 2.000 ha, mắc ca 5.000 ha, các loài khác (trám, dổi ăn hạt, dó bầu, tai chua...) khoảng 3.500 ha. Đến năm 2025, diện tích các loài này sẽ được quy hoạch khoảng 40.000 ha.
Cùng với quá trình quy hoạch các loại rừng và đầu tư hợp lý, việc phát triển lĩnh vực chế biến lâm sản theo chiều sâu cũng đang được kỳ vọng mang lại những bước ngoặt. Theo đó, lâm sản sẽ được đầu tư, chế biến theo hướng công nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu, thay thế dần các sản phẩm thô (dăm gỗ, nhựa thông, nứa thanh) như hiện nay. Khi giá trị lâm sản được nâng cao, chính là tiền đề để tái đầu tư phát triển, thâm canh rừng và chế biến lâm sản. Các vùng nguyên liệu gỗ, tre luồng, dược liệu... sẽ được quy hoạch chi tiết các vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến.
Quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tỉnh nhà được xác định hướng tới xây dựng được các mô hình lâm nghiệp hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, vùng thâm canh luồng tập trung... Người trồng rừng, đa phần là đồng bào miền núi đang hy vọng có cơ hội thoát nghèo, hướng tới làm  giàu nhờ hoạt động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. (Báo Thanh Hóa 27/11) đầu trang(
Thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành và Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh xây dựng phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới trong thời gian tới.
Theo đó, đối với 9 DN nông nghiệp, dự kiến sẽ giải thể Công ty TNHH MTV cà phê, ca cao Krông Ana, do kinh doanh thua lỗ kéo dài; cổ phần hóa 8 DN trồng và chế biến cao su, cà phê với phương án Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ 65% đến dưới 75% vốn điều lệ.
Đối với 15 DN lâm nghiệp, sẽ cổ phần hóa Công ty TNHH Lâm nghiệp Phước An, do không còn rừng tự nhiên; giữ nguyên công ty lâm nghiệp 100 % vốn Nhà nước đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và M’Drak; chuyển sang Ban quản lý rừng đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lak, do đang quản lý diện tích rừng phòng hộ lớn; các công ty còn lại thì xem xét có thể thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên để gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản tại địa phương. (Báo Đắc Lắc 25/11) đầu trang(
26/11, Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lớp tập huấn dành cho cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau.
Các học viên sẽ trao đổi về nghiệp vụ Khuyến lâm, quản lý giống cây trồng trong lâm nghiệp, kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn theo hình thức thâm canh và kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Đây là chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ kiểm lâm để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng và chuẩn bị cho việc triển khai Quyết định số 1920 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm lâm giai đoạn 2014 – 2020.
Lớp tập huấn diễn ra trong 5 ngày, kết thúc khóa học các học viên sẽ được Tổng cục Lâm nghiệp cấp giấy chứng nhận. (Đài PTTH Cà Mau 26/11) đầu trang(
Những năm gần đây, nông dân xã Yên Thái (huyện Văn Yên, Yên Bái) luôn lấy trồng rừng kinh tế là hướng thoát nghèo nhanh và hiệu quả. Toàn xã có 678 hộ dân với 2.592 khẩu, thì 90% trong đó có đất trồng rừng. Sau mỗi mùa khai thác gỗ, lại có thêm nhiều nhà xây mới, đời sống nông dân sung túc hơn.
Để phát huy thế mạnh kinh tế rừng, xã đã giao diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ nông dân quản lý, canh tác, khai thác triệt để các chương trình, dự án trồng rừng của tỉnh. Nhờ đó số lượng người ở tuổi lao động có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá từ việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, toàn xã Yên Thái khai thác khoảng gần l0.000m3 gỗ. Với giá gỗ hơn 900.000 đồng/m3/năm, Yên Thái cũng thu về gần chục tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 25%. Người dân quý rừng và thực sự yên tâm sản xuất trên đất rừng. (Lao Động Xã Hội 27/11, tr5) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Bộ trưởng Môi trường Brazil Izabella Teixeira ngày 26-11 công bố thống kê chính thức của nước này cho thấy tình trạng phá rừng tại khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ Amazon thuộc lãnh thổ Brazil đang có chiều hướng giảm.
Theo đó, trong thời gian từ tháng 8-2013 đến tháng 7-2014, chỉ có khoảng 4.800 km2 rừng Amazon đã bị phá hủy, giảm 18% so với một năm trước đó.
Mức phá hủy rừng Amazon như trên còn thấp hơn mục tiêu giảm diện tích rừng bị phá xuống 5.000 km2 mà Chính phủ Brazil đề ra và là mức thấp thứ hai được thống kê trong lịch sử. Mức phá rừng Amazon thấp nhất được ghi nhận vào năm 2011-2012 là 4.570 km2.
Kể từ năm 1988 khi Brazil thống kê diện tích rừng bị tàn phá, năm 2004 là năm kỷ lục về diện tích rừng bị phá hủy với hơn 27.000 km2 rừng bị mất. Trong khi đó, thống kê của nhóm Imazon - một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển bền vững hệ sinh thái, cũng cho thấy khoảng 60% diện tích rừng bị tàn phá diễn ra tại khu vực do tư nhân kiểm soát hoặc do nông dân chiếm dụng bất hợp pháp.
Rừng rậm nhiệt đới Amazon thuộc lưu vực sông Amazon có tổng diện tích gần 7 triệu km2. Rừng Amazon trải dài trên lãnh thổ của 8 nước Nam Mỹ gồm: Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname, trong đó 60% diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil.
Rừng rậm Amazon được coi là “lá phổi xanh” của Trái đất và là “ngôi nhà sinh thái” của hàng nghìn loài động, thực vật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, khai thác mỏ, chăn nuôi gia súc và xây dựng đập thủy điện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái của khu rừng lớn nhất thế giới này.
Để bảo vệ “lá phổi hành tinh” Amazon, Bộ trưởng Teixeira nêu rõ, thời gian qua Chính phủ Brazil đã đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng, thông qua việc siết chặt các quy định và tăng cường nhận thức của người dân.
Những biện pháp cụ thể là lập hệ thống theo dõi và cảnh báo phá rừng qua vệ tinh, siết chặt các quy định và nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết giảm tình trạng tàn phá rừng, lập “Vành đai lửa” chống buôn lậu gỗ, tăng mức phạt đối với những người chăn thả gia súc và trồng cây nông nghiệp không đúng quy định, cấp tín dụng ưu đãi và tạo điều kiện chuyển nghề cho những gia đình sống dựa vào việc khai thác gỗ…
Mới đây nhất, ngày 21-10 vừa qua, Bộ Môi trường Brazil đã thiết lập một khu vực sinh thái giàu có thuộc rừng Amazon có tên gọi Alto Maues nằm dưới sự bảo vệ của liên bang, nhằm tạo ra một khu bảo tồn lớn hơn 6.680 km2. Khu bảo tồn này bao gồm những phần rừng còn nguyên vẹn và không có con người sinh sống. Việc thiết lập khu bảo tồn liên bang đồng nghĩa rằng hoạt động khai phá rừng dưới mọi hình thức đều không được cho phép tại khu vực này.
Trước đó, hồi cuối tháng  8-2014, cảnh sát Brazil đã triệt phá một băng nhóm phá rừng Amazon được xem là lớn nhất của nước này từ trước tới nay tại bang Para. Ước tính, hoạt động phạm pháp của nhóm lâm tặc này đã gây thiệt hại lên tới 230 triệu USD với môi trường rừng Amazon. (An Ninh Thủ Đô 28/11) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng