Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 26 tháng 11 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Mục thông tin nhanh qua đường dây nóng báo Nhân Dân cho biết: Tái diễn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép trong khu rừng thuộc xã Tam Bố (Lâm Đồng). (Nhân Dân 25/11) đầu trang(
Sáng 24/11, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa tiến hành kiểm tra và phát hiện trên xe khách Lào vận chuyển hàng nhập lậu.
Theo đó, vào lúc 12 giờ ngày 23/11, Đội CSTT đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường Nguyễn Du (phường Bến Thủy, TP Vinh), đoạn trước cổng trường ĐH Vinh thì phát hiện xe khách Lào mang BKS UF 3555 chạy hướng Nam – Bắc có nhiều biển hiện nghi vấn. Sau khi kiểm tra đã phát hiện trên xe có 10 bức tượng nghi được làm bằng ngà voi với tổng trọng lượng 9kg.
Tại hiện trường, tài xế và phụ xe (đều mang quốc tịch Lào) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng nói trên. Bước đầu, cả hai khai nhận có người thuê chuyển hàng từ Viêng Chăn về Hà Nội tiêu thụ. (Nông Nghiệp Việt Nam 25/11) đầu trang(
Báo BVPL nhận được đơn của ông Nguyễn Hữu Hiền, đại diện cho công ty TNNH MTV Phát Lộc, địa chỉ KP Thanh Bình, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước phản ánh về việc ông Trần Đức Lý ngụ tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình phước đã có hành vi phá hoại tài sản của người khác.
Theo ông Nguyên Hữu Hiền, đại diện cho Công ty TNHH MTV Phát Lộc trình bày: “Vào năm 2013, Công ty chúng tôi có ký hợp đồng nhận giao khoán chăm sóc, quản lý, kiểm kê và bảo vệ thường xuyên vườn cây cao su cho Công ty SASCO. Vào ngày 30/8/2015, lợi dụng thời tiết mưa bão liên miên, lực lượng bảo vệ Công ty không có điều kiện đi kiểm tra vườn, ông Trần Đức Lý đã tổ chức đưa người vào chặt phá 16ha cây cao su trong vùng dự án của chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ. Ngay sau khi phát hiện sự việc xảy ra, Công ty chúng tôi đã có văn bản tố cáo khẩn cấp đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Phước, sau đó được Công an tỉnh Bình Phước, phối hợp cùng Công an huyện Đồng Phú vào cuộc điều tra.
Trong quá trình điều tra, ông Trần Đức Lý cho rằng, diện tích đất cao su mà ông chặt phá là của ông Trần Tấn Minh - nguyên Giám đốc Ban quản lý rừng Suối Nhung hợp tác liên doanh với ông, nhưng do khi làm thủ tục trả lại vườn cao su cho Công ty SASCO mà công ty này không thực hiện đền bù, ông Lý bực nên đã chặt phá.
Đến ngày 04/11/2015, tại Công an huyện Đồng Phú, ông Trần Tấn Minh - nguyên Giám đốc Ban Quản lý rừng kinh tế (BQLRKT) Suối Nhung xác nhận: Diện tích cao su mà ông Lý chặt phá là diện tích đất do ông Minh giao cho ông Nguyễn Khánh Tùng và xác nhận ông Tùng là người trồng cao su trên diện tích đất trên, không liên quan gì đến ông Lý. Vì vậy, hành vi chặt phá rừng của ông Lý là hoàn toàn trái pháp luật.
Ngoài ra, ông Trần Đức Lý có làm hồ sơ để hợp thức hoá đất cao su của mình đã xâm canh nhằm mục đích đưa diện tích trên vào dự án để bàn giao cho Công ty SASCO để được lãnh tiền hỗ trợ như các hộ có liên doanh với ông Trần Tấn Minh, nhưng Công ty Phát Lộc không đồng ý vì biết diện tích đất bị chặt phá trên là diện tích ông Trần Đức Lý và gia đình xâm canh trái phép, đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi. Từ đó ông Trần Đức Lý đâm ra thù hận dẫn đến hành vi vào chặt phá vườn cao su mà Công ty Phát Lộc đang quản lý, bảo vệ và chăm sóc cho Công ty SASCO.
Mặc dù UBND huyện Đồng Phú đã có quyết định thu hồi nhưng tới nay vẫn không thể thực hiện được. Tài sản quốc gia đã bị ông Trần Đức Lý và gia đình chiếm đoạt gồm: đất rừng, lâm sản trên rừng... Do thấy việc vi phạm của mình không ai can thiệp nên ông Lý vẫn tiếp tục vi phạm hết lần này đến lần khác. Chính vì vậy, là đơn vị được giao khoán chăm sóc, quản lý, kiểm kê và bảo vệ thường xuyên vườn cây cao su cho Công ty SASCO, Công ty Phát Lộc chúng tôi phải đảm bảo kiểm soát, quản lý đủ số diện tích vườn do đối tác ủy nhiệm là 92ha. Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cần sớm vào cuộc làm rõ vấn đề, nhằm đưa hành vi hủy hoại và chặt phá rừng của ông Trần Đức Lý ra trước pháp luật cũng như để bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản quốc gia”.
Báo Bảo vệ pháp luật chuyển nội dung phản ánh trên của Công ty TNHH MTV Phát Lộc đến cơ quan có thẩm quyền huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước xem xét giải quyết, có kết luận và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. (Bảo Vệ Pháp Luật 24/11) đầu trang(
Ngày 24/11, cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Đắk Lắk đã hoàn tất bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với các bị can Dương Minh Tuấn (24 tuổi), Linh Văn Xuân (30 tuổi, cùng trú thôn Tân Yên, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) và Bàn Văn Quỳnh (28 tuổi, trú xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) về các tội “Tàng trữ , sử dụng vũ khí quân dụng trái phép” và “Không tố giác tội phạm”.
Trước đó, vào giữa tháng 8-2015, Tuấn rủ Xuân và Quỳnh vào Khu bảo tồn Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk săn khỉ về nhậu, được cả hai đồng ý. Tuấn về nhà mang theo một khẩu súng AR15, Xuân mang theo một khẩu súng thể thao tự chế và Quỳnh mang theo một khẩu súng cồn tự chế, kéo nhau vào Tiểu khu 623 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để đi săn.
Tuấn và Quỳnh mỗi người bắn được một con khỉ, Xuân có nhiệm vụ nhặt khỉ bỏ vào bao. Khi Tuấn tiếp tục bắn đến con khỉ thứ 3 thì bị gác lại trên ngọn cây nên Xuân trèo lên để bắt. Lực lượng cán bộ Khu bảo tồn Ea Sô đi tuần tra phát hiện bắt giữ Xuân tại hiện trường; còn Tuấn và Quỳnh thì bỏ trốn, sau đó ra đầu thú tại Công An huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. (Công An Nhân Dân 25/11) đầu trang(
Ngày 26/5/2014, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện 813 lóng, hộp gỗ các loại được chất thành 7 đống gần nhau, tổng khối lượng 344,375m3, tất cả đều không có dấu búa bài cây và dấu búa kiểm lâm.
Ngay sau khi được phát hiện, đại tá Đoàn Quốc Thư – Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh - đã trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo công tác điều tra.
Qua trưng cầu giám định, số gỗ này thuộc các nhóm III – VIII, tại thời điểm phát hiện, nhiều đống gỗ đã bị cỏ dại mọc phủ lên, một số có dấu hiệu mục nát. Điều này chúng tỏ lâm tặc đã tập kết gỗ tại đây rất lâu, từ mùa khô sang mùa mưa.
Trong khi đó, khu vực này chỉ cách quốc lộ 14 khoảng 200m, cách trụ sở UBND xã Ea H’leo khoảng 5km quốc lộ. Ngày 1.7, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã khởi tố vụ án “vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
Cũng liên quan đến khu vực này, ngày 15.9, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea H’leo khởi tố thêm một vụ án khác, với khối lượng gỗ cất giấu được phát hiện lên tới hơn 98,2m3 các loại từ nhóm IV – VIII. “Riêng vụ này có sự phát hiện của lực lượng kiểm lâm huyện”… một đồng chí Công an huyện cho Ea H’leo cho biết.
Điều đáng bàn trong vụ án chấn động trên là việc các cơ quan chức năng đặc biệt là Hạt kiểm lâm huyện Ea H’leo không hề biết có sự tồn tại của hơn 300 khối gỗ nói trên… Trao đổi với PV, ông Vũ Xuân Khu – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo cho biết: “Sau khi Công an huyện bắt giữ số gỗ trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu chúng tôi giải trình.
Theo kết quả kiểm tra thì cán bộ kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm cơ động, Phó hạt trưởng phụ trách cụm xã đều không biết sự việc trên. 3 cán bộ này phải chịu trách nhiệm, tôi là Hạt trưởng phụ trách chung cũng có trách nhiệm.
Ngoài ra, Ông Khu cho rằng nguyên nhân chính là số gỗ lậu này được tập kết gần các xưởng cưa, nhưng cán bộ kiểm lâm chỉ kiểm tra trong xưởng mà không vòng ra đằng sau, xem xét các khu vực xung quanh. Sau khi kiểm điểm, bản thân ông và 3 cán bộ thuộc quyền đều tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách, gửi về Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Về phía Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, trao đổi với PV, ông Y Sy H’Dơk - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Việc xử lý kỷ luật hay chuyển cơ quan điều tra còn tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm khi có kết luận của cơ quan công an”.
Việc phát hiện hơn 300 khối gỗ lậu là chiến công của lựng lượng công an tỉnh Đắk Lắk nhưng ngược lại nó phản ánh một vết đen trong công tác QLBVR của địa phương, làm cho dư luận đặt câu hỏi liệu có bàn tay móc nối giữa kiểm lâm và lâm tặc?.
Từ diễn biến vụ việc trên dư luận mong muốn một điều “cần phải làm rõ ràng vụ tập kết hơn 300 khối gỗ này để xem trách nhiệm thuộc về ai?, đặc biệt có sự móc nối hay giữa kiểm lâm với lâm tặc hay không?”. (Tầm Nhìn 25/11) đầu trang(
Ngày 21-11, tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), Cơ quan Quản lý CITES Trung Quốc và Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hiệp hội bảo tồn ĐVHD (WCS) chương trình Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp tổ chức phiên họp “Đối thoại song phương Quảng Tây-Quảng Ninh nhằm tăng cường hợp tác trong chống buôn lậu ĐVHD xuyên quốc gia”.
Tham gia phiên họp, về phía các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam có đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan Quảng Ninh (Tổng cục Hải quan), Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Quảng Ninh; Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh.
Tiếp nối thành công sau phiên họp diễn ra vào tháng 9- 2015 giữa Cơ quan quản lý CITES Việt Nam và Trung Quốc với những thoả thuận quan trọng đã được hai bên ký kết liên quan đến nội dung tăng cường thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, phiên đối thoại song phương giữa các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây và Quảng Ninh lần này là cơ hội để hai bên chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống buôn lậu ĐVHD qua biên giới, từ đó đề xuất các cơ hội hợp tác trong thời gian tiếp theo.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2015 được coi là thời điểm nóng về các vụ việc liên quan buôn lậu động vật hoang dã diễn ra giữa biên giới Việt Nam và Trung Quốc.
Tại phiên đối thoại, các bên tham gia đồng quan điểm khi nhận định: Buôn lậu ĐVHD ngày càng tinh vi, phức tạp và có tính chất mạng lưới, tổ chức xuyên quốc gia. Trong khi đó, số lượng các vụ việc bắt giữ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế và phần lớn không truy suất được nguồn gốc cũng như các đối tượng cầm đầu.
Các bên cũng chỉ rõ khó khăn thách thức xuất phát từ những quy định về pháp luật chưa rõ ràng, mức phạt chưa đủ sức răn đe, chưa đủ sức mạnh ngăn chặn những đối tượng tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ bất hợp pháp ĐVHD, khi mà lợi nhuận từ việc buôn bán ĐVHD chỉ đứng sau buôn bán ma tuý và vũ khí.
Ngoài ra, việc đấu tranh phòng chống buôn bán ĐVHD cũng xuất phát từ thực tế là khả năng định dạng các loài ĐVHD và sản phẩm ĐVHD của các cán bộ thực thi pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt còn thiếu sự phối kết hợp giữa cơ quan chức năng của hai tỉnh trong công tác điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm.
Định hướng giải quyết trong thời gian tới, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh và Phòng Cảnh sát Lâm nghiệp tỉnh Quảng Tây khẳng định, cần sớm thiết lập đường dây nóng liên lạc giữa hai tỉnh, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin liên quan đến các đối tượng tình nghi, những vụ vận chuyển nghi vấn có liên quan đến ĐVHD giữa biên giới giáp ranh hai tỉnh, để nhanh chóng kiểm tra, bắt giữ góp phần đấu tranh ngăn ngừa tội phạm.
Đại diện cơ quan quản lý CITES Trung Quốc và Việt Nam đánh giá cao nội dung trao đổi giữa các cơ quan chức năng của hai tỉnh và khẳng định, CITES sẽ là cơ quan đầu mối tại mỗi quốc gia chịu trách nhiệm thúc đẩy việc hiện thực hoá các nội dung mà hai bên đã thống nhất. Đồng thời CITES và WCS hai quốc gia sẽ sớm lên kế hoạch đào tạo, tập huấn về kỹ năng định dạng các loài ĐVHD và sản phẩm của chúng cho các cán bộ thực thi pháp luật về ĐVHD của hai tỉnh.
Bên lề của phiên đối thoại, trong 2 ngày 22 và 23-11, các đại biểu đã đi thăm và làm việc với hai Phân cục Hải quan của tỉnh Quảng Tây có chung biên giới với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam. (Hải Quan 25/11) đầu trang(
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, cộng đồng dân tộc thiểu số đã tích cực thể hiện vai trò của mình, tích cực trong công tác bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Với họ, bảo vệ rừng là cách ứng phó tích cực và gần gũi với đời sống hàng ngày.
Qua bao đời nay, cộng đồng dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng bởi họ là những người dựa vào rừng để sống; gắn bó với rừng nên họ rất hiểu rừng. Rừng còn là tâm linh để họ thực hiện các nghi thức truyền thống.
Theo chị Đinh Thị Mỹ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, người dân tộc thiểu số có các quy ước riêng theo phong tục tập quán về bảo vệ rừng, có những khu rừng thiêng kèm theo các quy định nghiêm ngặt theo tập tục mà không cá nhân hay tập thể nào xâm phạm được. Hằng năm vào tháng 4 và tháng 12 (âm lịch) có tập tục thờ thần rừng, thần núi, thần nước. Bà con có những quy ước riêng như không bao giờ xâm phạm cây cổ thụ, cây đa, cây si vì khi chặt phá sẽ bị ốm đau, bệnh tật.
Người dân tộc thiểu số biết sử dụng tiết kiệm các sản phẩm từ rừng, chỉ lấy đủ dùng cho từng ngày chứ không lấy thừa, không tận diệt khi họ hái măng, rau, quả... mà vẫn để lại gốc. Người dân tộc thiểu số có những tri thức trong khai thác và sử dụng rừng bền vững như khai thác và sử dụng rừng đúng thời vụ, tận dụng cây chết khô, đảm bảo cho cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt.
Họ cũng có kinh nghiệm, nhận biết các biểu hiện bất thường của thời tiết dựa vào sự thay đổi của rừng và các động, thực vật trên rừng để có biện pháp ứng phó. Khi nhìn thấy lá, hoa thay đổi đột ngột hoặc các loại động vật di chuyển, kêu bất thường thì nhất định sẽ có mưa, bão...
Cộng đồng dân tộc thiểu số có phương pháp bảo quản các loại hạt, cây giống địa phương bằng cách truyền thống như treo trên gác bếp, bỏ vào ống tre, nứa, quả bầu sẽ giữ được giống tốt và lâu hơn.
Cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ thực hiện tốt các quy định về quản lý, bảo vệ rừng khi họ thực sự là chủ rừng bởi đó là quyền lợi và trách nhiệm của họ.
Ông Hà Huy Thông, dân tộc Nùng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho rằng người dân tộc thiểu số sẽ bảo vệ rừng tốt hơn khi là chủ rừng thực sự, bởi vậy cần được g iao đất gắn với giao rừng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gắn với tài sản trên đất.
Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức để giao cho người dân, duy trì tri thức bản địa và các phong tục tập quán bảo vệ rừng của người dân tộc, như những tri thức truyền thống, luật tục trong khai thác, bảo vệ rừng bền vững, cúng rừng thiêng, thổ công, thổ địa, thần rừng. Mối liên kết truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trong bảo vệ rừng cũng cần được xây dựng, nhất là phải mở rộng giữa các cộng đồng, các dân tộc khác nhau.
Các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền về các luật, chính sách bằng tiếng, chữ dân tộc, tuyên truyền đến tận các thôn, buôn hẻo lánh; tăng cường đào tạo thêm các tuyên truyền viên là người địa phương; nâng cao năng lực nhận thức của cộng đồng dân tộc thiểu số về các luật, quy định, chính sách bảo vệ rừng, cũng như về biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững.
Kỹ thuật khai thác và sử dụng rừng có hiệu quả, đúng thời vụ, đảm bảo cho cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt cũng cần được tuyên truyền, áp dụng rộng rãi. Việc trồng bổ sung rừng những nơi đã khai thác nên ưu tiên cây bản địa.
Các địa phương nên xây dựng hoặc lồng ghép nội quy bảo vệ rừng trong quy ước, hương ước thôn, buôn, các tổ quản lý, bảo vệ và trồng rừng gắn với các luật tục. Nhằm tăng cường công tác bảo vệ đa dạng sinh học của rừng, Nhà nước cần hạn chế chuyển rừng tự nhiên thành rừng trồng, không khai thác rừng và tài nguyên khoáng sản bừa bãi như vàng, cát, gỗ, quặng đồng thời cũng phải tạo sinh kế thay thế khác cho người dân để giảm áp lực từ việc khai thác rừng, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân, cấp giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, quy hoạch đất để làm ruộng, tăng cường đầu tư chăn nuôi ở các hộ gia đình.
Theo anh Ngần Văn Chín, dân tộc Thái, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, cần tăng vốn bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để ổn định và phát triển cuộc sống; hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi cho đồng bào dân tộc phát triển sản xuất.
Cộng đồng các dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ để bảo vệ tốt các khu rừng tự nhiên đang có, cải tạo đất bị sa mạc hóa không có khả năng canh tác, di dời, xây dựng nhà, chỗ ở thích hợp tránh xa nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân tộc thiểu số để mở mang ngành nghề, tăng thu nhập, giảm áp lực tác động tới rừng.
Cộng đồng dân tộc thiểu số cần được hoàn trả những nỗ lực trong việc làm giảm thiểu phát thải và tích lũy khí nhà kính bằng hàng loạt các công việc thường ngày đang làm, như bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng, trồng các cây bản địa dài ngày, chuyển đổi phương thức canh tác như không phát, đốt rừng.
Các nước có nền công nghiệp phát triển mạnh cần có nguồn kinh phí đóng góp để người dân tộc thiểu số chống mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng bền vững. (Vietnam + 25/11) đầu trang(
Hơn 20 héc-ta bị phá trụi trong vòng 2 tháng qua, nhưng đến nay chưa thấy ngành chức năng và chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý.
Những cánh rừng nguyên sinh bên lòng hồ thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận) đang bị phá nát. Hồ thủy điện Đa Mi nằm trong địa giới hành chính của 2 huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận
Theo người dân địa phương, các đối tượng phá rừng có tổ chức với mục đích lấy đất bán với giá 100 triệu đồng/ha. Ít nhất đã có hơn 20 ha bị phá trong vòng 2 tháng qua. Người dân địa phương cho biết, tại Đa Mi có ít nhất 2 đối tượng chuyên thuê người phá rừng để lấy đất bán.
Các nguồn tin cho biết, những người trực tiếp phá rừng được thuê từ Tánh Linh (Bình Thuận) và Bảo Lộc (Lâm Đồng) sang, nhiều cây gỗ bị cưa hạ chưa kịp đưa ra khỏi rừng.
Rừng đầu nguồn xung quanh lòng hồ thủy điện Đa Mi bị chặt hạ không thương tiếc, cây lớn, cây bé đều bị hạ để lấy đất sang nhượng trái phép. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 26/11) đầu trang(
Chiều 25-11, đại diện Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết: DN đứng tên nhận hàng trên vận đơn của lô hàng có chứa động vật và sản phẩm động vật hoang dã do đơn vị vừa phát hiện đã từ chối nhận hàng.
Trước đó, vào ngày 19-11, Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng kiểm tra lô hàng là 1 container loại 40 feet được xuất đi từ cảng Port Kealang (Malaysia), vận chuyển trên tàu YM INSTRUSTION. Chuyến tàu cập cảng Hải An (Hải Phòng) ngày 4-11-2015.
DN nhận hàng trên vận đơn là Công ty CP thương mại và XNK Sao Sáng (TP.Móng Cái, Quảng Ninh).
Hàng hóa được thể hiện trên vận đơn là “hạt dưa”. Tuy nhiên, khi lực lượng Hải quan kiểm tra thực tế, lô hàng chứa các loại động vật hoang dã nằm trong danh mục cấm, nhiều nhất là các loại rùa biển và tắc kè hoa (dạng khô).
Theo kết quả kiểm đếm vừa được lực lượng Hải quan hoàn tất, lô hàng nêu trên chứa 1.349 kg tắc kè hoa khô; 9.052 kg mai rùa và 16 kg rùa.
Theo Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng, các mặt hàng động vật và sản phẩm động vật nêu trên thuộc diện cấm buôn bán theo quy định tại Phụ lục I Thông tư 40/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Hải Quan 25/11) đầu trang(
Theo tin từ báo Tuổi trẻ, trưa 25/11, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án nguyên trưởng công an huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa ăn chặn kỳ nam.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” do có kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thành Trung (47 tuổi), nguyên trưởng công an, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Khánh Sơn, nguyên phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa.
Tuy nhiên, đến 11h cùng ngày, ba nhân chứng là các nguyên sĩ quan công an Nguyễn Hồng Hà, Vũ Anh Trung, Trần Lệ Kiên (từng là bị cáo trong vụ án này, hiện đang thụ án) được đưa đến tòa, nhưng bị cáo Thành Trung (đang bị tạm giam) lại không được chuyển đến phiên tòa mà không rõ lý do.
Ngoài ra, chỉ có một trong ba luật sư bào chữa cho ông Thành Trung có mặt tại tòa.
Sau khi hỏi quan điểm của đại diện Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng, Hội đồng xét xử đã hội ý và quyết định hoãn phiên tòa để xử lại vào thời điểm khác.
Trước đó, báo Pháp luật TP. HCM đưa tin, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 12 đến 17/8, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt Nguyễn Thành Trung 9 năm tù tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Tòa cũng tuyên ba bị cáo khác đều là cựu cán bộ Công an huyện Khánh Sơn cùng phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; trong đó phạt Nguyễn Hồng Hà (nguyên trung tá, Đội trưởng Đội CSGT), Vũ Anh Trung (nguyên thiếu tá, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường) mỗi bị cáo 5 năm 6 tháng tù, Trần Lệ Kiên (nguyên thượng úy, Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp) 5 năm tù.
Tòa cũng tuyên buộc Nguyễn Thành Trung phải trả lại cho Nhà nước 220 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo NguyễnThành Trung đã kháng cáo kêu oan vì cho rằng thời điểm xảy ra vụ án mình có chứng cứ ngoại phạm là đang nhậu với bạn bè.
Dẫn nguồn báo Người lao động, theo bản án sơ thẩm, tối 26/9/2012, Vũ Anh Trung, Hà, Kiên, Nam thu giữ hai đoạn kỳ nam của người đào trầm tại xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn). Tối 27/9/2012, Thành Trung đến bàn với Anh Trung, Hà, Trần Văn Khánh (đại diện nhóm đào trầm) và Hoàng Xuân Vương (đối tượng bảo kê) thống nhất đưa Thành Trung đi bán đoạn kỳ nam với giá 4 tỉ rồi đưa ra tỉ lệ ăn chia, Sau đó, Thành Trung đem tiền lên Khánh Sơn để chia cho các nhóm.
Ngày 30/9/2012, Thành Trung tiếp tục nhận khúc kỳ nam thứ hai mà Nam thu của người dân, đem đi bán được 350 triệu đồng rồi điện thoại báo để nhóm của Nam, Vương đến Cam Ranh nhận tiền.
Bản án xác định hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại đối với Nhà nước hơn 4,1 tỉ đồng. (Đời Sống Và Pháp Luật 26/11; Lao Động 26/11) đầu trang(
Mới đây, tại huyện Sông Hinh, Hạt Kiểm lâm huyện phát hiện một vụ khai thác gỗ trái phép với khối lượng lớn tại bốn tiểu khu thuộc địa bàn hai xã Ea Bar và Ea Trol.
Trong đó, hai tiểu khu 299 và 305, phát hiện 22 lóng gỗ tròn với khối lượng hơn 34m3 và 106 khúc gỗ hộp khối lượng gần 15m3; tiểu khu 306 và 307 phát hiện 13 cây gỗ chò bị chặt hạ trái phép, đường kính mỗi cây từ 30 đến 95cm. Đối tượng khai thác dùng cưa lốc cắt gỗ, xẻ hộp, sau đó dùng trâu vận chuyển ra khỏi rừng để tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh, cho biết, vụ việc đang được các ngành chức năng trưng cầu giám định thiệt hại về rừng để xử lý.
Tại huyện miền núi Đồng Xuân cũng vừa xảy ra vụ phá rừng thuộc địa bàn hai xã Xuân Quang 1 và Xuân Quang 2 với diện tích bị phát, đốt hơn 7,7ha. Đối tượng là người dân địa phương chiếm dụng, phát đốt thực bì trên đất lâm nghiệp trái phép. Trong quá trình điều tra mở rộng vụ việc, ngành chức năng của huyện Đồng Xuân tiếp tục phát hiện vụ phát gần 5ha rừng tại tiểu khu 121, xã Xuân Quang 2. Rừng ở tiểu khu này chủ yếu là cây gỗ lâu năm, có đường kính từ 9 đến 46cm, gồm các loài cây cồng, cầy, thành ngạnh, sổ, cốc đá, giẻ… với mật độ từ 200 đến 300 cây/ha.
Qua đấu tranh khai thác, ông M.L ở thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, thừa nhận hành vi phá rừng trái phép của mình. “Đây là vụ phá rừng có tính chất đặc biệt lớn, nhiều người tham gia, tình tiết phức tạp. Đơn vị đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đồng Xuân để xử lý hình sự”, ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, nói.
Trong khi đó, tại huyện miền núi Sơn Hòa cũng xảy ra vụ phá khoảng 23ha rừng ở khu vực Hòn Đát thuộc địa bàn xã Sơn Nguyên. Theo chi cục kiểm lâm, qua điều tra sơ bộ cho thấy, đây là diện tích rừng được giao khoán cho ba hộ dân bảo vệ. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra liên ngành hỏi ai chặt phá thì các hộ này đều phủ nhận và không biết ai phá.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết, vụ việc trên đã được Công an huyện Sơn Hòa điều tra làm rõ. “Việc giao khoán rừng cho người dân bảo vệ là chủ trương đúng. Nhưng trên thực tế, nhiều người đã lợi dụng, lén lút phát dọn để trồng rừng kinh tế, làm đất canh tác, gây xâm hại rừng tự nhiên”, ông Nguyên chia sẻ.
Không chỉ tại các huyện miền núi, thời gian gần đây, tại huyện Tây Hòa cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa còn nhiều bất cập.
Rừng tại xã này đã và đang bị chặt phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép diễn ra trong thời gian dài với diện tích lớn, nhất là đối với diện tích xã nhận chuyển giao từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch. Diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong khoảng 5 năm trở lại đây ở các khu vực Dốc Lô, Mũi Thuyền, Thả Gà, Suối Tre, xã Sơn Thành Tây lên đến 163ha; trong đó riêng năm 2015, diện tích rừng bị phá gần 40ha.
Nhiều ngày qua, người dân huyện Sông Hinh bức xúc trước việc những cánh rừng tự nhiên đầu nguồn gần khu vực lòng hồ Thủy điện Sông Hinh bị đốn hạ, đốt cháy hàng loạt một cách công khai. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh (Sở NN-PTNT), cho biết, đây là những diện tích phục vụ trồng rừng thay thế phần rừng tự nhiên bị mất khi thi công dự án Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ. Tuy nhiên, ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, lại cho rằng, nên giữ lại khu rừng này, vì nó đang trong thời kỳ tái sinh, khả năng phòng hộ, môi sinh tốt hơn rừng keo trồng mới.
Để tìm hiểu thực hư vụ việc, nhóm phóng viên có chuyến mục sở thị, vượt hơn 10km đường đèo dốc hiểm trở, băng qua những khu rừng có độ che phủ tương đối lớn, thỉnh thoảng bắt gặp các biển báo “Cấm chặt phá rừng, lấn chiếm đất. Cấm khai thác lâm sản trái phép” được đóng rất chắc chắn trên thân cây. Những khu rừng này có nhiều loại cây gỗ đường kính từ 15 đến 40cm, thảm thực vật dày và khá phong phú. Điều đáng nói là nhiều tháng qua, khu rừng này liên tục bị xâm hại, phát đốt để trồng keo.
Tại tiểu khu 310 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý, trước đây, khu rừng này bạt ngàn những cây gỗ lớn đường kính từ 20 đến hơn 40cm, rộng hàng trăm héc ta, nhưng giờ đây chỉ còn lại những cành cây cháy xém, nằm trơ trọi trên đống tro tàn với diện tích khoảng 10ha. Ông Võ Đông Sang, người dân ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, bức xúc: “Họ phát, đốt rừng cháy hết gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến việc giữ nước lòng hồ Thủy điện Sông Hinh và phòng hộ đầu nguồn”.
Kề bên, hàng chục héc ta rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 311 cũng chịu chung số phận. Ông Nguyễn Đình Phú ở thôn Hòa Phú, huyện Tây Hòa, cho biết: “Đây là rừng đầu nguồn sông Thạch Thảo. Trước đây, khu rừng này nhiều cây gỗ lớn, nay rừng bị phát, đốt. Những cây gỗ lớn, người ta cắt đem đi tiêu thụ. Sau này có trồng lại rừng keo hoặc những cây gỗ lớn lâu năm cũng không bao giờ bằng rừng tự nhiên. Những khu rừng phòng hộ gần lòng hồ thủy điện Sông Hinh này vẫn còn gắn biển cấm người dân xâm hại, nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh lại thuê người phát, đốt để trồng cây keo. Người dân chúng tôi chỉ cần phá vài trăm mét vuông là đã bị ra tòa, còn đây mấy ổng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh-PV) cho phát cả hàng chục héc ta. Tôi đề nghị các ngành chức năng kiểm tra, xử lý”.
Rời tiểu khu 310 và 311, theo lối mòn, chúng tôi tiếp tục đi sâu khoảng 5km vào bên trong khu rừng cũng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý. Tại hiện trường, gần 10 người đang dùng cưa lốc, rìu, rựa vô tư cắt hạ không thương tiếc những cây gỗ có đường kính từ 15 đến hơn 20cm.
Là một trong nhóm người được thuê phát khu rừng này, ông Y Lỳ ở thôn Tân Lập, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, phân bua: “Người ta gọi chúng tôi vô làm thuê, trả công 160.000 đồng/ngày, chứ bình thường không ai dám phá rừng”. (Báo Phú Yên 26/11) đầu trang(
Từ 24 - 25/11, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức hội nghị giao ban các Vườn quốc gia (VQG) và Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) năm 2015 tại VQG Yok Don (Đắk Lắk).
Tham dự có trên 160 đại biểu đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT, UBND tỉnh Đắk Lắk, Văn phòng BCĐ nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, Tổ chức GIZ, đại diện lãnh đạo 87 VQG và Khu BTTN trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công đánh giá kết quả đạt được trong công tác BTTN của các khu rừng đặc dụng.
Trong năm 2015 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác bảo tồn, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và chính quyền địa phương, công tác quản lý bảo vệ rừng, BTTN các VQG, Khu BTTN đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng.
Hệ thống rừng đặc dụng đã được củng cố và phát huy tốt vai trò bảo vệ đa dạng sinh học. Công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn quản lý.
Nhận thức về vai trò của rừng đặc dụng đối với công tác BTTN, bảo vệ môi trường trong xã hội được nâng lên. Hệ thống tổ chức quản lý rừng đặc dụng đang dần hoàn thiện theo chiều hướng tích cực. Nhiều công trình nghiên cứu về bảo tồn loài và bảo tồn hệ sinh thái được triển khai.
Du lịch sinh thái đang phát triển tạo cơ chế tài chính bền vững cho các VQG và Khu BTTN. Công tác giáo dục môi trường được đẩy mạnh ngay trên địa bàn và tập trung chủ yếu vào người dân sống trong vùng đệm, tạo sự nhận thức tốt hơn và tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận.
Năm 2015, đã rà soát quy hoạch, chuyển hạng và thành lập mới 6 khu rừng đặc dụng, bao gồm VQG Du Già cao nguyên đá đồng văn, Khu BTTN Chí Sán (tỉnh Hà Giang), Khu BTTN Mường La (tỉnh Sơn La), Khu BTTN Bát Xát (tỉnh Lào Cai)…
Đang lập hồ sơ, hướng dẫn rà soát điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các VQG: Ba Vì, Cát Tiên, Phú Quốc, Hòa Bình, Ninh Bình theo đúng quy hoạch Hệ thống rừng đặc dụng đến năm 2020, đưa diện tích hệ thống rừng đặc dụng hiện có từ 2,2 triệu ha lên 2,4 triệu ha.
Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá kết quả công tác bảo tồn năm 2015 và tập trung thảo luận 10 báo cáo chuyên đề về công tác bảo vệ rừng, BTTN, đa dạng sinh học; đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016; chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm; nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn nguồn gen; phát triển du lịch sinh thái; ứng dụng KH- CN trong quản lý bảo vệ rừng; ý tưởng về giải thưởng hàng năm cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BTTN tại các khu rừng đặc dụng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến về dự thảo kế hoạch công tác năm 2016. (Nông Nghiệp Việt Nam 26/11) đầu trang(
Sáng ngày 24/11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo, tiến hành kiểm tra giám sát và tập luyện phòng cháy, chữa cháy tại khu vực diễn ra Lễ Khai mạc Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3 năm 2015 nhằm mục tiêu đảm bảo không để xảy ra cháy rừng trong thời gian diễn ra các hoạt động của Festival, đặc biệt là các hoạt động bắn pháo hoa trong Lễ khai mạc và bế mạc.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ đạo cho các đơn vị trực tiếp khảo sát, đánh giá nguồn vật liệu cháy tại khu vực Hồ Núi Cốc, đặc biệt là các khu vực diễn ra hoạt động bắn pháo hoa trong Lễ khai mạc và bế mạc Liên hoan. Chủ động chuẩn bị các lực lượng, máy móc, trang thiết bị ứng phó khi có cháy xảy ra. Trong suốt quá trình diễn ra Liên hoan từ ngày 26 - 28/11, lực lượng kiểm lâm sẽ bố trí 12 cán bộ thuộc Đội kiểm lâm cơ động cùng phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc trực tiếp tiến hành tuần tra trên các khu vực diễn ra Liên hoan và trên mặt hồ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ, tác nhân cháy có thể xảy ra và ứng phó kịp thời khi có cháy.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm cũng đã bố trí 2 xe ô tô, cùng các thiết bị chữa cháy khác như cưa xăng, bàn dập lửa, máy thổi khí…2 canô cao tốc để phục vụ tuần tra trên hồ và hỗ trợ chữa cháy tại những điểm đường bộ khó tiếp cận. Ngay từ trước khi diễn ra Lễ khai mạc, tại khu vực xung quanh khán đài đã diễn ra các hoạt động tập luyện ứng phó, tuần tra kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và dập tắt các nguy cơ cháy có thể xảy ra đảm bảo an toàn cho liên hoan diễn ra thuận lợi, an toàn. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Thái Nguyên 24/11) đầu trang(
Ngày 23/11, Ban tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), tìm kiếm cứu nạn, gắn với phòng chống cháy nổ (PCCN) thành phố Sơn La năm 2015 đã tổ chức họp triển khai một số nội dung của cuộc diễn tập.
Đến thời điểm này, công tác xây dựng kế hoạch luyện tập, diễn tập, chuẩn bị thao trường thực binh, địa điểm diễn tập và cơ sở vật chất cơ bản hoàn thành. Các lực lượng, phương tiện tham gia luyện tập, diễn tập theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, ngành, các tiểu ban hoàn chỉnh các nội dung công việc theo nhiệm vụ được Ban tổ chức diễn tập giao, đảm bảo cho luyện tập, diễn tập đạt được kết quả tốt nhất.
Kết luận cuộc họp đồng chí Nguyễn Thái Hưng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ đã ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị cơ quan thường trực, đồng thời yêu cầu các cơ quan thường trực rà soát lại thao trường, phương tiện thực binh, những phần nào chưa đạt để điều chỉnh; thống nhất thời gian luyện tập, tổng duyệt; lực lượng công an làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.  Cuộc diễn tập PCCCR, tìm kiếm cứu nạn, gắn với PCCN thành phố Sơn La năm 2015đượctổ chức vào ngày 28/11. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Sơn La 24/11) đầu trang(
Chiều 23/11/2015, Công an tỉnh tổ chức tiêu hủy 34 cá thể sóc đã chết được phát hiện tại một khách sạn trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, hồi 10 giờ 00 phút ngày 20/11/2015, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra tại tủ bảo quản trong khu bếp của khách sạn Suối Mơ, thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, phát hiện 34 cá thể Sóc (tổng trọng lượng 10 kg) đã chết. Chủ khách sạn Suối Mơ là anh Lâm Văn Ba, sinh năm 1980 ở thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng trên.
Lâm Văn Ba khai nhận mua số sóc trên của các hộ dân ở quanh khu vực chân núi Tam Đảo để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, quá trình mua bán, kinh doanh, cất giữ số Sóc trên không có bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ theo quy định.
Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an tỉnh phối hợp cùng Chi cục Thú y tỉnh để giải quyết. Qua kiểm tra, Chi cục Thú y tỉnh kết luận 34 cá thể sóc có hiện tượng phân hủy, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, không có giá trị sử dụng; yêu cầu tiêu hủy toàn bộ 34 cá thể sóc trên để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tránh lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.
Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lâm Văn Ba về hành vi: “Mua, bán, cất giữ, kinh doanh, chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp theo quy định của pháp luật”; tịch thu toàn bộ tang vật là 34 cá thể sóc để tiêu hủy theo quy định. (Báo Vĩnh Phúc 24/11) đầu trang(
Như báo Lao Động phản ánh, rừng Xích Tùng cổ khoảng 700 tuổi trên danh sơn Yên Tử “lâm” bệnh nặng và đang chết dần chết mòn bởi tuổi cao và do thời tiết, sâu bệnh tấn công. Một đề án công phu do Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử xây dựng, theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ninh, nhằm cứu chữa rừng Tùng cổ, có lẽ khó thành hiện thực do đến nay vẫn chưa tìm được nhà tài trợ.
Theo kết quả điều tra, nghiên cứu ngày 21.4.2015 giữa UBND TP.Uông Bí và một số chuyên gia đầu ngành về thực vật của trung ương và địa phương, phần lớn 237 cây tùng cổ còn sót lại trên Yên Tử đều trong tình trạng nguy hiểm. Trong đó, 18 cây đã chết trong thời gian 5 năm trở lại đây; 132 cây thân, gốc bị mục rỗng một phần, cụt ngọn, thân nghiêng, sâu bệnh hại nặng. Riêng đường Tùng cổ thụ có 69 cây thì 7 cây đã chết đứng, 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại.
Theo ông Phạm Văn Dược – Phó trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử – nếu không có biện pháp kịp thời, Yên Tử sẽ sớm mất đi những “nhân chứng lịch sử sống” đã gắn bó với Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm.
Theo yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử vừa hoàn thành việc lập dự án “Chăm sóc, bảo tồn các loài cây xích tùng cổ tại Yên Tử, giai đoạn 2016-2020”. (Lao Động 25/11) đầu trang(
Rừng nơi này từng bị người dân chặt cây lấy gỗ, bới đất tìm bắt con sâm đất, đào vuông nuôi tôm. Nay trước diễn biến khí hậu, cư dân ý thức được lợi ích của rừng, yêu quý rừng, trồng mới rừng che chắn sóng biển. Mỗi năm rừng phòng hộ nơi này vươn ra biển hơn 20m.
Rừng nơi này từng bị người dân chặt cây lấy gỗ, bới đất tìm bắt con sâm đất, đào vuông nuôi tôm. Nay trước diễn biến khí hậu, cư dân ý thức được lợi ích của rừng, yêu quý rừng, trồng mới rừng che chắn sóng biển. Mỗi năm rừng phòng hộ nơi này vươn ra biển hơn 20m.
Khu rừng ngập mặn ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú bao la một màu xanh mướt bạt ngàn của rừng đước, bần, mắm. Đi đâu cũng thấy rừng xanh tốt, nhiều khu rừng đước cây cao to có thể làm cột nhà kê, rễ chen kín mặt đất phù sa màu mỡ. Hình ảnh này hoàn toàn khác hẳn những năm 1990-2000 khi chúng tôi có dịp về đây công tác nhiều lần.
Thời đó, rừng ngập mặn ở Thạnh Phong bị người dân tự tiện chặt phá lấy gỗ, đốt than hoặc đào ao nuôi tôm, bơm cát cất nhà, trồng rau màu.
Năm 2006, trước cái lợi của con sâm đất (còn gọi là chặt khoai, đồm độp) được thương lái mua với giá cao để xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc bán cho các nhà hàng làm thức ăn bổ dưỡng, cường dương, rừng Thạnh Phong lại tiếp tục đau đớn bởi người dân vào đào trốc từng gốc cây tìm sâm đất. Khi ấy, không ít cánh rừng bị chặt phá, những cây đước, cây mắm ngã đổ ngổn ngang.
Khi lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử phạt thì chuyện đã rồi, nhiều khu rừng đã bị phá tan hoang.
Anh Nguyễn Văn Xuân, phân khu trưởng hai phân khu nghiêm nhặt (cấm mọi tác động đến rừng) và sinh thái (rừng tự nhiên, có trồng mới phục vụ môi trường, du lịch, cho khai thác nhưng phải trồng lại ngay) thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, cho biết việc giữ rừng ngày ấy rất gian nan, lực lượng kiểm lâm tuần tra ban ngày, ban đêm ghe từ nơi khác cặp bờ lên chặt rừng đước làm cừ.
Ban ngày không đào được ao nuôi tôm, người dân đưa xe Kobe (máy đào đất nhãn hiệu của Nhật Bản) vào đào ban đêm. Cứ như vậy rừng bị mất dần, trở nên thưa thớt. Cuộc chiến giữa lực lượng giữ rừng và kẻ phá rừng chỉ được giải quyết vào năm 2009 khi UBND xã Thạnh Phong áp dụng biện pháp nhờ dân giữ rừng.
Xã thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng gồm 10 người, thành viên là những cựu chiến binh, người dân uy tín sống ven rừng, có tâm huyết với rừng. Các thành viên này có nhiệm vụ đi tuần tra và khi phát hiện có người chặt phá rừng, bơm đất (cát) làm vuông nuôi tôm thì báo ngay cho lực lượng chức năng xử lý.
Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng hợp đồng một người với mức lương tối thiểu là 1.050.000 đồng/tháng, rồi nâng lên 1.150.000 đồng/tháng. Số tiền này được chia cho các thành viên của tổ sử dụng đổ xăng xe đi tuần tra.
Ông Nguyễn Văn Tuất, cư ngụ ở Tổ nhân dân tự quản số 1, là Tổ phó Tổ Quản lý, bảo vệ rừng ở ấp 7, nói vui: “Tổ làm việc chỉ có lương tâm, không có lương tiền”. Lương tâm ông nói ở đây là tấm lòng nhiệt tình giữ rừng cho sự sống con cháu mai sau.
Hằng ngày, Tổ Quản lý, bảo vệ rừng cử hai thành viên phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm, lâm trường, bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ rừng. Việc tuần tra không theo giờ giấc nhất định khiến kẻ trộm cây rừng phải ngán ngại.
Ngoài ra, thành viên tổ là người dân sống ven rừng, hằng đêm đi soi cua, đăng cá, có thể dễ dàng phát hiện kẻ trộm đốn cây, đưa máy đào đất. Như trong tháng 7/2012, trong một lần đi tuần, Tổ phát hiện và bắt giữ một ghe từ nơi khác đến chặt phá 40 cây đước.
Tuy vậy, theo ông Tuất, cái chính của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng không phải là bắt phạt mà chủ yếu tuyên truyền tạo nhận thức cho người dân gìn giữ rừng trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Thành viên của Tổ Quản lý, bảo vệ rừng là người lớn tuổi, uy tín nên việc tuyên truyền thuyết phục dân làm theo rất tốt.
Hằng tháng họp tổ nhân dân tự quản, các hộ gia đình cũng được sinh hoạt học tập về lợi ích của rừng trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mưa dầm thấm sâu, người dân địa phương ngày càng biết yêu rừng hơn.
Để đến hôm nay, người dân ở ấp 6, ấp 7 xã Thạnh Phong không chỉ ý thức giữ rừng mà còn tham gia trồng mới rừng ở những khoảng rừng trước kia bị chặt phá. Những hộ dân ở ven rừng còn trồng thêm cây rừng xung quanh nhà mình để phòng chống gió bão. Người dân giờ đây giữ rừng như giữ chính ngôi nhà của mình.
Ông Nguyễn Văn Kháng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong, cho biết giữ và phát triển rừng là tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới của địa phương. Để tiến thêm một bước trong việc tạo điều kiện cho người dân giữ và bảo vệ rừng một cách bền vững, Ban Quản lý rừng Thạnh Phong đã khoán đất rừng cho chính quyền và các lực lượng cũng như người dân trông coi.
Với diện tích 1.800 ha rừng phòng hộ và ngập mặn, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng thực hiện khoán đất rừng cho UBND xã, bộ đội biên phòng. Xã nhận đất rừng, khoán lại cho các ấp. Ấp khoán đất phục hồi sinh thái cho dân cư. Ngoài việc được hưởng 90% sản phẩm tỉa thưa rừng, người dân nhận khoán rừng còn được canh tác từ 25-30% tổng diện tích nhận khoán kết hợp lâm ngư (nuôi trồng thủy sản).
Chính việc khoán đất trồng, giữ rừng giúp người dân ở đây được an cư lạc nghiệp, từ đó rừng ngày càng được bảo vệ tốt. Anh Phan Văn Triều ở Tổ nhân dân tự quản số 9, ấp 6 nhận khoán hơn 2 ha đất bãi bồi có cây rừng tự mọc như bần, mắm, dừa nước. Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, anh Triều trồng thêm nhiều khu rừng đước và nay đã đến tuổi tỉa thưa, chặt nhánh, từ đó anh cũng có củi bán và nấu nướng trong gia đình.
Cái lợi của gia đình anh Triều không chỉ là 90% sản phẩm tỉa thưa rừng, mà còn có nhiều loài thủy sản về sinh sản như tôm sú, tôm thẻ, cá đối, cá chẽm, cá hanh, cá nâu, nhiều đến nỗi ăn không hết, còn có dư đem bán lấy tiền cho sinh hoạt gia đình. Cuộc sống gia đình anh trước đây khó khăn nhưng giờ đã ổn định.
Ngồi trước căn nhà vách lá, anh Triều “bật mí”: “Trong năm 2015, gia đình tôi sẽ lên nhà tường cho ông bà già sống sung sướng tuổi già”.
Rừng cho dân tôm cá, củi đốt và khi được trồng kín bãi bồi, rừng cũng sinh sôi thêm đất bởi mỗi năm đất phù sa tụ lại rồi cứ lấn dần ra biển. Những khu đất phía sau nổi lên cao, trở thành giồng cát trồng rau màu rất tốt.
Đang thu hoạch sắn trồng trên giồng cát gần biển, anh Phan Văn Bay ở Tổ 9, ấp 6 cho biết một công đất tại đây mang về cho gia đình anh khoảng 5 tấn củ sắn/vụ.
Tại cồn Cao thuộc Tổ nhân dân tự quản số 1, ấp 6, người dân nơi đây còn trồng được cả khoai lang. Những giồng khoai lang rất tốt, củ to, ngọt lừ. Ông Nguyễn Văn Ri, Tổ trưởng, cho biết năm 1978, nơi này còn là bãi biển, chưa có rừng, sóng biển đánh vào tận nhà dân. Nay rừng trồng mới mỗi năm lấn ra biển hơn 20m, sóng biển bị đẩy ra xa. Nhà dân phía trong được rừng bao bọc xung quanh nên ngày ngày sống yên ả, bình an.
“Từ ngày được giữ bình yên, rừng ở Thạnh Phong đã trở thành nơi đất lành chim đậu. Mỗi chiều, chim, cò về đậu trắng một mảng rừng đước. Rái cá cũng về nhiều” - anh Nguyễn Văn Xuân cười tươi nói.
Đi dưới tán rừng xanh được nuôi dưỡng và bảo vệ từ nỗ lực của biết bao người yêu rừng nơi đây, chúng tôi thoải mái hít thở căng lồng ngực luồng không khí trong lành. Anh Nguyễn Văn Khang (Bảy Khang), thành viên Tổ Quản lý bảo vệ rừng ở ấp 6, mời chúng tôi về nhà anh nhấm lai rai chút rượu cay với vài món đặc sản của rừng như cua biển, cá thòi lòi biển anh vừa bẫy được.
Bơi xuồng gần đến nhà, nơi rừng anh được giao khoán, anh Bảy Khang chỉ cho chúng tôi xem một tổ ong mật to đùng đóng trên cành bần cổ thụ rồi nói: “Loài ong này mới về đây làm tổ hơn một năm nay. Đây là loài ong mật ở rừng Cà Mau đến làm tổ, tôi quý lắm nên cứ để đó cho chúng sinh sôi phát triển”.
Rừng Thạnh Phong một thời bị đào bới, chặt phá tan tác, nay là chốn bình yên, đất lành chim đậu, tôm cá sinh sôi và nhiều sản vật khác của rừng ngập mặn. Rừng nơi đây được con người yêu quý giữ gìn, trở thành lá chắn trước phong ba bão táp, bảo vệ bình yên cho cuộc sống hiện nay và mai sau. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bến Tre 25/11) đầu trang(
Xã Pa Tần có diện tích rừng lớn nhất huyện Nậm Pồ với 9.276ha rừng, trong đó: 2.322ha rừng sản xuất, phòng hộ; 6.954ha rừng đặc dụng. Những năm qua, rừng không những cung cấp gỗ và các loại lâm sản phụ mà còn mang lại cho người dân thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền xã luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo người dân quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng của xã Pa Tần đạt 52% (cao nhất huyện Nậm Pồ). Thành quả đó có được từ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền xã và tinh thần đoàn kết, thống nhất của người dân trên địa bàn. Hàng năm, UBND xã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống cháy rừng của xã; các tổ chữa cháy rừng ở cơ sở; phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về lợi ích của việc bảo vệ, phát triển rừng; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và công tác phòng cháy chữa cháy rừng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp thôn, bản và người có uy tín trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Lực lượng bảo lâm xã, kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến rừng trên địa bàn và xử lý kiên quyết đối với những đối tượng vi phạm. Từ đầu năm 2015 đến nay, xã Pa Tần đã phát hiện, bắt giữ và chuyển cơ quan pháp luật huyện Nậm Pồ thụ lý 2 vụ phá rừng để truy tố theo quy định của pháp luật. Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, rừng của xã Pa Tần luôn được bảo vệ an toàn, không xảy ra cháy rừng và người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ông Lường Văn Phin, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết: Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, UBND xã phối hợp với Trung tâm Quy hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ tập trung thực hiện Kế hoạch 388 của UBND tỉnh về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ.
Đến nay, toàn bộ diện tích rừng của xã đã được giao cho 8 cộng đồng bản và một phần tạm giao cho tổ chức Đoàn xã quản lý, bảo vệ (trong khi chờ giải quyết tranh chấp địa giới hành chính với xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé). Rút kinh nghiệm từ nạn phá rừng do dân di cư tự do ở các xã trên địa bàn huyện Mường Nhé, cấp ủy, chính quyền xã Pa Tần đặc biệt chú trọng công tác ngăn chặn dân di cư tự do vào địa bàn.
Phối hợp với các lượng lực vũ trang như: Biên phòng, công an và chính quyền các xã trên địa bàn huyện Mường Chà, Mường Nhé để ngăn chặn từ xa, không cho dân di cư có cơ hội xâm nhập địa bàn. Cùng với đó, UBND xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phối hợp trong công tác phát hiện, tố giác những đối tượng di cư vào địa phận xã Pa Tần quản lý. Khi phát hiện dân di cư vào địa bàn, chính quyền xã kiên quyết xử lý, trả về quê cũ. Năm 2015, xã Pa Tần có 2 hộ với 8 khẩu di cư vào địa bàn nhưng chính quyền xã đã kiên quyết xử lý, làm thủ tục trả về nơi ở cũ.
Không chỉ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, hàng năm, xã Pa Tần đều hoàn thành các mục tiêu trồng rừng sản xuất, cây phân tán để phát triển rừng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng, đồng thời tăng thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Báo Điện Biên Phủ 25/11) đầu trang(
Vườn Quốc gia Ba Bể có hệ động, thực vật phong phú, nhiều loại cây gỗ có giá trị kinh tế cao, vì vậy, việc bảo vệ rừng luôn được Vườn Quốc gia, chính quyền địa phương chú trọng.
Để đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, Vườn Quốc gia Ba Bể đã tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương nằm trong vùng lõi và vùng giáp danh tuyên truyền các văn bản pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, theo dõi các đối tượng chuyên vận chuyển và thu mua gỗ lậu, thăm nắm tình hình điểm chứa gỗ không rõ nguồn gốc xử lý theo quy định. Mở hòm thư phát giác đối tượng vi phạm chặt phá rừng, săn bắt động vật rừng.
Cùng với đó, các địa phương như: Khang Ninh, Cao Thượng, Cao Trĩ, Quảng Khê, Nam Mẫu…trong vùng lõi vùng đệm đã thành lập tổ công tác gồm các ban, ngành tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chung tay góp sức bảo vệ rừng quốc gia...
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng nhiều biện pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt như trên, công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2014 đến nay, khu vực rừng vườn Quốc gia Ba Bể không xảy ra tình trạng chặt phá rừng trái phép, những vụ vận chuyển lâm sản trái phép chủ yếu là dạng thớt và là sản phẩm cũ.
Ông Phạm Văn Chí- Phó Giám đốc phụ trách phát triển rừng và các dự án quan hệ hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Ba Bể cho biết: Từ khi các cấp, ngành, lực lượng chức năng và các địa phương cùng vào cuộc quyết liệt với các biện pháp thiết thực, xây dựng cơ chế đặc thù giao khoán cho cộng đồng thôn, bản cùng bảo vệ; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, theo dõi các đối tượng chuyên vận chuyển và thu mua gỗ lậu xử lý nghiêm; tổ chức ký cam kết, phát phiếu; mở hòm thư phát giác đối tượng vi phạm chặt phá rừng, săn bắt động vật rừng đã thực sự phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ rừng của vườn Quốc gia Ba Bể, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép được đẩy lùi và ổn định .
Có được kết quả đó, bên cạnh việc việc tuyên truyền để người dân địa phương không chặt phá hoặc tiếp tay cho “lâm tặc” thì việc có các chế độ chính sách nâng cao đời sống cán bộ làm công tác bảo vệ rừng đã góp phần bảo vệ rừng tốt hơn với đội ngũ gần 40 kiểm lâm viên chia làm 12 trạm để bảo vệ diện tích rừng hơn 10.000ha.
Thực hiện Văn bản số 3929, ngày 29/9/2015 của UBND tỉnh, về việc tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Vườn Quốc gia Ba Bể đã thực hiện triển khai các phương án: Gửi công văn chỉ đạo các trạm kiểm lâm trên địa bàn vườn Quốc gia chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương các xã nằm trong vùng lõi, vùng đệm tăng cường thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08 của Tỉnh ủy.
Các phương án được đưa ra trong thời điểm trước, trong và sau dịp Tết nguyên đán Bính Thân năm 2016 đó là: Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến lâm sản, kiểm soát vận chuyển lâm sản, phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống, chữa cháy rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08 của Tỉnh ủy và các văn bản quy định của Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và tài nguyên khoáng sản; tăng cường thêm lực lượng cho các trạm, đôn đốc các kiểm lâm viên, các tổ nhận khoán bảo vệ ở các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng; rà soát, cắm mốc xác định ranh giới, giao diện tích, đường tuần tra cho các trạm kiểm lâm, các tổ nhận khoán bảo vệ, quản lý chặt chẽ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kinh phí đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện vi phạm...
Với những biện pháp cụ thể, Hạt Kiểm lâm vườn Quốc gia Ba Bể nỗ lực ngăn chặn kịp thời những hành vi phá hoại rừng, thực hiện bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng có hiệu quả. (Báo Bắc Kạn 25/11) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai đã phát hiện 894 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 172 vụ so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, phá rừng trái phép 28 vụ, làm thiệt hại 37,2 ha; vi phạm về vận chuyển, mua bán, cất giấu lâm sản trái phép 683 vụ; vi phạm quy định về khai thác rừng 50 vụ; vi phạm về chế biến gỗ 11 vụ; vi phạm khác 26 vụ; cháy rừng 1 vụ, thiệt hại 1,44 ha tại lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ.
Qua đó, ngành chức năng tỉnh đã tiến hành xử lý 749 vụ, trong đó khởi tố hình sự 22 vụ, tịch thu 1.910 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, thu nộp ngân sách trên 16 tỷ đồng. (Báo Gia Lai 25/11) đầu trang(
Hạt Kiểm lâm huyện Đức Linh vừa ban hành Quyết định số 01 khởi tố vụ án khai thác rừng phòng hộ trái phép tại khu vực Suối Ngang, Chín Tình thuộc tiểu khu 420, 422 địa bàn xã Đa Kai và Sùng Nhơn (Đức Linh).
Từ tháng 9/2015 đến nay tại tiểu khu 420, 422 thuộc lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh quản lý đã bị đối tượng phá rừng chặt hạ 443 cây gỗ từ nhóm 3 đến nhóm 8 với khối lượng 177,8640 m3. Trong đó, có 336 cây gỗ (khối lượng 151,9490 m3) bị đối tượng khai thác rừng trái phép lén lút vận chuyển ra khỏi rừng.
Đây là vụ phá rừng có tổ chức và đặc biệt nghiêm trọng. Hạt Kiểm lâm huyện Đức Linh quyết định khởi tố vụ án hình sự nhằm điều tra, xác minh truy tìm thủ phạm phá rừng và tổ chức, cá nhân tiếp tay cho đối tượng phá rừng phòng hộ. Đồng thời răn đe, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng có thể  tái diễn. (Báo Bình Thuận 25/11) đầu trang(
Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên 651.561,5ha, trong đó có 253.962ha rừng (hơn 220.000ha rừng tự nhiên và hơn 33.000ha rừng trồng), độ che phủ rừng hiện tại là 32,8% (nếu tính cả cây cao su và cây đặc sản là 39%).
Đắk Nông có 4 huyện biên giới là Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và Tuy Đức với tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 156.000ha (chiếm 46,9% diện tích lâm nghiệp cả tỉnh). Rừng tại các huyện này cơ bản đã được giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp, đơn vị vũ trang, cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, sử dụng. Trong đó, phần lớn diện tích được giao cho các doanh nghiệp Nhà nước (hơn 105.000ha) và doanh nghiệp ngoài quốc doanh (gần 18.000ha).
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, do người dân di cư đến tỉnh những năm qua liên tục tăng nhanh, kéo theo nhu cầu về đất sản xuất và đất ở, gây áp lực lên tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng nông sản tăng cao, phát sinh hiện tượng người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng các loại cây có giá trị hoặc buôn bán, sang nhượng đất trái phép để kiếm lợi. Đáng chú ý, nhiều chủ rừng và chính quyền địa phương không đủ năng lực bảo vệ rừng, buông lỏng quản lý nhân hộ khẩu, quản lý rừng và đất rừng... dẫn đến việc nhiều đối tượng lợi dụng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Chỉ trong 10 tháng năm nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản 905 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, có 347 vụ phá rừng trái phép (hơn 281 ha); 98 vụ khai thác rừng trái phép và 278 vụ vận chuyển, mua bán trái phép gỗ, lâm sản. Cơ quan chức năng cũng khởi tố 66 vụ, chuyển hồ sơ điều tra hình sự 15 vụ, tịch thu hơn 1.000m3 gỗ, 221 máy móc, phương tiện, công cụ... và xử lý hành chính, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5,7 tỷ đồng. Riêng tại 4 huyện biên giới của tỉnh, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý 452 (chiếm gần 50%) vụ vi phạm lâm luật, khởi tố 13 vụ, chuyển hồ sơ điều tra hình sự 7 vụ, tịch thu hơn 454m3 gỗ và xử lý hành chính, nộp ngân sách Nhà nước gần 2,9 tỷ đồng.
Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho 23 doanh nghiệp (DN) thuê hơn 14.000ha rừng và đất rừng (trong đó, có hơn 10.700ha rừng tự nhiên) để triển khai dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn 4 huyện biên giới. Trong tổng diện tích được giao, các chủ dự án phải quản lý, bảo vệ 7.924,7ha rừng. Nhưng hiện tại, tổng diện tích rừng bị phá tại các dự án đã lên tới 3.868,3ha, chiếm gần 49% diện tích phải quản lý bảo vệ.
Huyện biên giới Tuy Đức được tỉnh giao nhiệu dự án nhất (18 dự án), với diện tích nhiều nhất (hơn 9.100ha) và diện tích rừng tự nhiên phải quản lý bảo vệ lớn nhất (hơn 5.500ha). Nhưng đây cũng là địa phương để mất rừng nhiều nhất (hơn 2.200ha) và diện tích bị xâm canh lớn nhất (gần 3.000ha). Trong số này, có 3 DN để mất gần như toàn bộ rừng tự nhiên được giao quản lý là Công ty CP Kiến Trúc Mới (643,1/924,7ha), Công ty TNHH Long Sơn (501,7/507,7ha) và Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc (233,6/234,3ha).
Kết quả rà soát mới đây của Sở NN&PTNT Đắk Nông cho thấy, trong số 31.600ha rừng đã giao cho 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn (trong đó, có hơn 14.300ha rừng tự nhiên phải quản lý, bảo vệ), đã có gần 4.800ha rừng tự nhiên bị tàn phá và gần 8.300ha rừng bị người dân lấn chiếm, xâm canh.
Trong 41 dự án này, chỉ có 10 dự án triển khai thực hiện tương đối hiệu quả, 22 dự án khác chưa quan tâm đến công tác bảo vệ rừng khiến 28,8% rừng bị chặt phá và 26,7% diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh. Riêng 9 dự án còn lại không triển khai thực hiện hoặc triển khai nhưng không hiệu quả, để mất rừng trên 90% và diện tích đất bị xâm canh trên 83%, Sở đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi dự án.
Mới đây, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông để nắm tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản tại khu vực biên giới của tỉnh. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Cương Hành - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành (huyện Đắk Mil), thắc mắc: “Ở đâu cũng có trạm kiểm lâm, đồn biên phòng, ngay cả công nhân viên của chúng tôi muốn ra - vào lâm phần mà công ty được giao đều phải xuất trình giấy tờ đầy đủ. Nhưng chẳng hiểu sao lâm tặc vẫn vào rừng ầm ầm, các cây gỗ lớn vẫn bị chặt phá, đưa ra cửa rừng mả không bị phát hiện(?)”.
Cũng theo ông Hành, những năm gần đây, Nhà nước liên tục thay đổi chính sách sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp nhưng theo kiểu “bình mới - rượu cũ”, chưa phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ trương của Nhà nước về việc cho phép trục vớt gỗ trôi dạt theo suối Đắk Đam và một sô sông suối khác thuộc ranh giới Việt Nam - Campuchia đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. “Gỗ trục vớt trên sông làm gì nhiều đến mức cả ngàn m3 mỗi năm? Đây chính là “kẽ hở” để lâm tặc hợp thức hóa gỗ khai thác trái phép đi tiêu thụ, càng khiến nạn phá rừng tại khu vực biên giới nhiều năm nay không giảm” - ông Hành nói.
Trước tình hình phá rừng diễn biến phức tạp, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều báo cáo gửi các Bộ, ngành lý giải những khó khăn, hạn chế và nêu một loạt nguyên nhân dẫn đến mất rừng. Nhưng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về “Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 -2020” được tổ chức ở tỉnh Đắk Lắk vừa qua, ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã thẳng thắn: “Tôi nghĩ nguyên nhân đầu tiên dẫn đến mất rừng chính là có liên quan đến cán bộ. Những vụ phá rừng trước đây không xử lý được bởi vì cán bộ có nhận đất nhận rừng, có buôn bán đất đai, thậm chí, có chỉ đạo “bật đèn xanh” phá rừng sau đó mua lại. Chúng tôi đi thực tế nhận ra nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, thậm chí, giao cho Công an tỉnh vào cuộc cũng không thể làm đến cùng vì có “quân ta” trong đó”. (Tài Nguyên Và Môi Trường 24/11) đầu trang(
Ngày 24/11 chúng tôi về huyện miền núi Bắc Trà My làm việc với UBND huyện và BQL RPH Sông Tranh, qua đó nhận thấy tình trạng phá rừng ở địa phương này ngày càng nóng bỏng.
Xung quanh 3 vụ án phá rừng ở xã Trà Bui và Trà Giác, huyện Bắc Trà My, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ đối tượng liên quan, cùng với đó cơ quan chức năng đang đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR).
Ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Tranh cho biết, diễn biến tàn phá rừng ngày càng phức tạp. “Thời gian qua chúng tôi đã phát hiện 48 vụ khai thác gỗ trái phép, tạm thu giữ 294,67 m3 gỗ các loại. Phát hiện 4 vụ khai thác vàng trái phép, đã đốt phá 10 lán trại, đập phá 8 máy nổ, 4 máy phát điện, 2 bình hơi, 2 máy tời, đẩy đuổi hàng loạt đối tượng ra khỏi lâm phận. Đồng thời BQL RPH Sông Tranh cũng đã lập biên bản chuyển giao Hạt Kiểm lâm các huyện xử lý 29 vụ phá rừng làm rẫy với diện tích trên 9ha.
Tuy nhiên ông Chẩn cũng  trải lòng rằng: “Chúng tôi chỉ có chức năng phát hiện lập biên bản và chuyển giao cho Hạt Kiểm lâm xử lý, chứ BQL không có quyền xử lý. Đây cũng là cái khó của BQL và các đối tượng lâm tặc dễ coi thường. Vừa qua tại địa bàn xảy ra những vụ phá rừng. Không phải chúng tôi buông tay, đầu hàng lâm tặc, cụ thể như đã nói, chúng tôi đã phát hiện đến 48 vụ khai thác gỗ trái phép và chuyển Hạt Kiểm lâm nhưng đến nay chỉ khởi tố 3 vụ án”.
Ngoài ra, theo ông Chẩn, BQL rừng phòng hộ Sông Tranh còn nhiều cái khó, địa bàn QL-BVR quá lớn, không chỉ địa phận Bắc Trà My mà cả Nam Trà My và một phần huyện Phước Sơn diện tích lên đến gần 60.000ha, địa hình vùng núi phức tạp, lâm tặc manh động. Trong khi đó lực lượng chỉ có 42 người mà biên chế là 12 người. Rõ ràng chúng tôi đứng trước quá nhiều khó khăn”.
Ông Chẩn cũng cho biết, một trong những áp lực lớn với công tác QL-BVR là việc bố trí nhân dân vào tái định cư trong lâm phận. Từ đây, tình trạng xâm canh lấn chiếm đất đai, chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm, khoáng sản trái phép thường xuyên xảy ra, gây phức tạp cho công tác QL-BVR. Lâm tặc ngày càng tinh vi, khai thác ban đêm, có cảnh giới, thông báo cho nhau bằng điện thoại.
“Anh hỏi tôi, tại sao lâm tặc khai thác hàng chục mét khối gỗ mà BQL rừng phòng hộ không biết. Thật ra có những vụ không kịp thời chứ không phải không biết. Bởi lâm tặc khai thác ban đêm, có tổ chức, ngụy trang kỹ, khi chúng tôi phát hiện lập biên bản chuyển Hạt Kiểm lâm xử lý thì trong khi đó lâm tặc manh động cũng tìm cách tẩu tán gỗ!” - ông Chẩn nói.
Thực tế cho thấy, nếu bố trí dân tái định cư vào rừng phòng hộ mà thiếu đất cho dân sản xuất, thiếu công ăn việc làm thì người dân sẽ quay ra tấn công rừng để có thu nhập.
Tại buổi chúng tôi làm việc với BQL rừng phòng hộ Sông Tranh còn có một cán bộ của huyện, vị này cho biết QL-BVR rất cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan như Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội. Cần phải tìm ra những lâm tặc cụ thể để khởi tố bị can, chứ chỉ dừng lại ở mức khởi tố vụ án thì chưa đủ tính răn đe, nghiêm minh. (Đại Đoàn Kết 26/11) đầu trang(
Ngày 20-11, chúng tôi theo chân một nhóm sáu người, trong đó có cả học sinh lớp 7 và 8 sống tại buôn Trí B (xã Krông Na), vượt sông Sêrêpôk vào Vườn quốc gia Yok Đôn (Buôn Đôn, Đắk Lắk) “mót gỗ”.
Từ bến Tha Luống của khu du lịch Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn), nhóm chia làm hai tốp để tránh kiểm lâm: tốp đầu giả làm người chăn bò chèo thuyền qua sông, tốp còn lại mang theo thước, dây thừng bơi qua sông. Qua bên kia sông, nhóm này tập hợp trong một căn chòi nhỏ và bắt đầu bàn kế hoạch vận chuyển gỗ.
Mất hai giờ lội bộ trong cái nắng thiêu đốt của rừng khộp, chúng tôi đến điểm tập kết đầu tiên - nơi một cây căm xe đã bị đốn hạ. Y.C. (18 tuổi, trưởng nhóm) nháy mắt cho các thành viên lấy cưa và rìu đã được giấu sẵn trong bụi cỏ và phân công mọi người cưa, đẽo gỗ thành hộp vuông.
Y.C. nhẩm tính khúc gỗ căm xe dài 1,2m, đường kính 30cm này sẽ bán được 240.000 đồng. Gỗ được cắt xong, những thanh niên dùng dây thừng buộc vào khúc gỗ đã được nẹp bởi hai thanh tre rồi một thanh niên ghé vai gùi gỗ đi. Y.C. (thôi học từ hai năm nay) cho biết gỗ “mót” được nhiều nhất là cà chít, căm xe, thỉnh thoảng có gỗ hương. Thân hình gầy gò, đen nhẻm nhưng “có lúc mình gùi được 80kg gỗ, vừa gùi vừa chạy”.
Theo Y.C., để kiếm được nhiều gỗ có khi phải ở trong rừng 2 - 3 ngày. Khi lấy được gỗ sẽ gọi điện cho các tay buôn trước và họ chỉ đường an toàn cho nhóm mang gỗ ra.
“Tùy theo đường kính của khúc gỗ mà các tay buôn mua với giá 200.000 - 900.0000 đồng/khúc. Hôm qua, bọn mình vừa bán 1m3 gỗ được 6 triệu đồng, chia cho bảy người” - Y.C. nói. Còn Y.T. - cao to nhất trong nhóm - nói thêm trước đây việc gùi gỗ lậu gặp rất nhiều khó khăn vì phải luồn lách, vừa gùi vừa chạy trong rừng để tránh kiểm lâm.
“Bị kiểm lâm tóm là gỗ sẽ bị thu hết. Nhưng giờ nhóm mình chẳng sợ. Nếu gặp cứ cho hai ba đứa vào đánh. Bọn mình cũng từng đánh lại kiểm lâm rồi” - Y.T. tiết lộ.
Ngoài nhóm thanh niên này, chúng tôi cũng bắt gặp ba người cả đàn ông lẫn phụ nữ sống ở buôn Trí A đang gùi gỗ băng rừng, vượt sông về nhà. Để che mắt kiểm lâm, những người này cho gỗ vào bao tải, sau đó quẳng gỗ xuống thuyền chở sang bờ.
“Nếu bị kiểm lâm phát hiện và đuổi theo, mình sẽ quẳng gỗ xuống sông rồi chạy” - một người dân nói.
Ông Đỗ Quang Tùng - giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn - cho biết tính từ đầu năm đến nay đã có trên 900 cây gỗ bị đốn hạ, trung bình mỗi ngày vườn mất ba cây, đường kính dưới 30cm. “Người vi phạm chủ yếu là dân sinh sống quanh vườn, lợi dụng việc vào rừng chăn thả trâu bò, thu hái lâm sản hoặc làm rẫy để cắt trộm gỗ rồi gùi ra khỏi vườn nên rất khó phát hiện, bắt giữ” - ông Tùng nói.
Lý giải việc vào rừng đốn gỗ, người dân cho rằng do hoàn cảnh khó khăn, không có đất canh tác và việc gùi gỗ không phải phá rừng, chỉ là “mót” các gốc, cành cây còn sót lại, phần thân cây đã bị lâm tặc lấy.
Bà H’Nhen (34 tuổi), ở buôn Ea Rông thường xuyên đi mót gỗ, cho hay: “Nhà mình có mấy sào đất làm ruộng, tranh thủ mùa khô mình mới vào rừng kiếm gỗ thừa về bán lấy tiền mua phân cho lúa. Cây gỗ không lấy cũng mục, không gùi cũng cháy”.
Cũng theo bà H’Nhen, việc mót gỗ này đã có 4 - 5 năm nay và hầu hết người dân trong buôn đều đi làm để có thêm thu nhập. Bà H’On Kẹo H’Wing, trưởng buôn Trí B, cho biết cả buôn có 183 hộ thì hơn 50% là hộ nghèo. Không có đất canh tác nên người dân trong buôn chủ yếu đi làm thuê và vào rừng hái lượm.
“Buôn có tham gia chương trình khoán bảo vệ rừng, mỗi hộ nhận được 2 triệu đồng/năm. Vì vậy hộ nào vào rừng lấy gỗ bị kiểm lâm bắt được sẽ bị trừ tiền, nhưng việc vào rừng lấy gỗ vẫn tiếp diễn” - bà H’On Kẹo giải thích.
Ông Y Thông Khăm Niê K’Dăm - chủ tịch UBND xã Krông Na - xác nhận từ nhiều năm nay người dân ở chín thôn, buôn quanh Vườn quốc gia Yok Đôn vẫn vào rừng kiếm gỗ bán. Người dân thường lấy từng khúc gỗ dài hơn 1m, gùi trên lưng rồi luồn lách trong rừng mang về nhà. Chính quyền địa phương cũng “đau đầu” trong việc ngăn chặn tình trạng này.
“Nguyên nhân là do người dân không có việc làm, rảnh rỗi suốt sáu tháng mùa khô, vì thế họ vào rừng lấy gỗ, kiếm thêm thu nhập. Xã cũng thường xuyên vận động bà con không vào rừng lấy gỗ, kể cả cây khô và mục. Những hộ dân vi phạm còn bị nêu tên trên đài phát thanh xã, nhưng việc khai thác gỗ trái phép vẫn tiếp diễn” - ông Y Thông Khăm buồn bã.
Trong khi đó qua kiểm tra tại Đrăng Phốk (xã Krông Na) nằm giữa vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn, hiện có 60ha đất canh tác nhưng có hơn 10ha đất bị người dân bỏ hoang để vào rừng khai thác gỗ lậu. Vườn quốc gia đã làm đầy đủ hệ thống kênh mương, hồ thủy lợi để cung cấp nước tưới tiêu nhưng bà con vẫn không chịu làm rẫy. Chưa kể mỗi năm vườn cũng hỗ trợ 40 triệu đồng cho mỗi buôn để phát triển nguồn lực kinh tế.
Cũng theo ông Đỗ Quang Tùng, “cứ nói về tình trạng rừng Yok Đôn bị tàn phá, tất cả các bên đều đổ lỗi cho chủ rừng, trong khi các đối tượng khai thác gỗ trái phép lại từ bên ngoài, do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý”. Ông Tùng than thở hiện vườn quốc gia đang quản lý trên 115.000 ha rừng nhưng chỉ có 180 cán bộ, kiểm lâm viên trực tiếp tuần tra, bảo vệ.
Thực tế khi người dân vào rừng cắt và gùi vác gỗ nếu bị phát hiện thì họ bỏ của chạy lấy người vì không mất vốn và cũng không có phương tiện gì, chỉ mất công, còn nếu bị bắt thì mức xử phạt khoảng 3 triệu đồng nhưng rất nhiều người không có khả năng đóng tiền phạt.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người đi vay tiền của đầu nậu để đóng tiền phạt, sau đó lại vào rừng kiếm gỗ trả nợ. Theo thống kê của Vườn quốc gia Yok Đôn, trong 10 tháng đầu năm 2015 đã có 470 vụ vi phạm lâm luật (chủ yếu khai thác gỗ trái phép), tịch thu gần 200m3 gỗ, thu 560 phương tiện phá rừng các loại.
Theo những người dân “mót gỗ” tại các buôn Ea Rông, Trí B, gỗ lấy được sẽ bán cho những đầu nậu ở TP Buôn Ma Thuột. “Họ thường gọi điện đặt gỗ trước hoặc cho người xuống mua trực tiếp tại các “bến”, mình chỉ biết lấy gỗ và nhận tiền” - bà H’Nhen, người gùi gỗ ở buôn Ea Rông, nói.
Ông Bùi Văn Khang, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Buôn Đôn, xác nhận có chuyện đầu nậu chuyên mua gỗ “mót” của người dân sống ở các buôn quanh Vườn quốc gia Yok Đôn. “Vài năm nay, hạt kiểm lâm đã nắm được thông tin các đầu nậu chuyên mua gỗ nhưng rất khó xử lý, vì có trường hợp đã bắt được xe chở gỗ nhưng lại do người khác đứng tên, còn đầu nậu đứng sau” - ông Khang nói. (Tuổi Trẻ 26/11) đầu trang(
Chiều 23/11, tại khu rừng phòng hộ thuộc khu 5, phường Hà Trung, TP Hạ Long, xảy ra đám cháy lớn.
Nhận được tin báo, Đoàn Tên lửa Trần Phú (Quân chủng Phòng không – Không quân) đã cử 20 cán bộ, chiến sỹ tham gia cùng các lực lượng trên địa bàn chữa cháy rừng. Đến 20h30 cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Từ đầu mùa khô 2015 đến nay, đơn vị đã tham gia hơn 10 vụ chữa cháy, cứu hàng chục hecta rừng bị cháy trên địa bàn đóng quân. (Pháp Luật Việt Nam 25/11) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Sau gần 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá đây là 1 trong 10 thành tích nổi bật nhất của ngành trong 5 năm qua, góp phần bảo vệ rừng và độ che phủ rừng tốt hơn, tạo thu nhập cho người dân và tổ chức lại ngành Lâm nghiệp” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề thực hiện chi trả DVMTR.
Trong quá trình thực hiện, chính sách đã thu kết quả tốt do được các cấp chính quyền Trung ương và địa phương ủng hộ. Theo đó, trong thời gian rất ngắn từ năm 2011 đến nay, chúng ta đã có một hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, được nhân dân đồng tình và vận dụng tốt.
Cụ thể, về thể chế, đến nay, chính sách này đã thiết lập khuôn khổ pháp lý, các quy định, hướng dẫn và thành lập 37 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, 41 Ban Chi đạo triển khai chính sách cấp tỉnh, về kinh tế, đã ký 409 hợp đồng ủy thác với thủy điện (285), nước sạch (80), du lịch (44); tổng số tiền thu đến tháng 9/2015 khoảng trên 5.000 tỷ đồng, bình quân từ 1.100 - 1.300 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, hỗ trợ quản lý và bảo vệ 3 - 5 triệu ha rừng, góp phần gia tăng tỷ lệ che phù rừng từ 38,7% (2008) lên 40.43% (2014) và dự kiến đạt 40,73% (2015). Ngoài ra. chính sách còn tạo việc làm cho trên 348.000 hộ và 5.700 nhóm hộ gia đình, tăng thu nhập cho chủ rừng (2 triệu đồng/hộ/năm), hồ trợ phát triển sinh kế người dân.
Để đạt kết quả đó, ngành Lâm nghiệp đặt ra 3 tiêu chí thực hiện chi trả DVMTR là minh bạch, công bằng và bền vững.
Minh bạch là thiết lập lại thể chế chi trả rất rõ ràng, từ trung ương đến địa phương và đến tận chủ rừng, người được nhận dịch vụ. Đồng thời đưa hệ thống cơ quan giám sát vào hoạt động tốt hơn, với các báo cáo hàng năm rõ ràng và thông suốt.
Công bằng cũng phải đảm bảo 2 khía cạnh. Một là người dân tạo ra DVMTR thì phải được hưởng quyền đó. Cơ quan, cá nhân, đơn vị nào sử dụng dịch vụ phải chi trả dịch vụ. Nếu người dân được trả dịch vụ đó thì cũng cần công bằng ở chỗ ai đóng góp nhiều sẽ được nhiều.
Bền vững là phải tạo ra được hai tiêu chí quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của ngành Lâm nghiệp là bảo vệ phát triển rừng tốt và người dân khi tham gia thực sự được hưởng quyền lợi đó, tạo ra thu nhập, động lực để bào vệ và phát triển rừng.
Phần lớn, 85% các công ty lâm nghiệp thực hiện tốt chi trả DVMTR, trong đó có Công ty ĐăkTô và một số công ty thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam... Tuy nhiên, vẫn còn có một số đơn vị chi trả chậm, thậm chí chây ỳ trong việc chi trả DVMTR. Với các trường hợp này, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương xử lý tình trạng đó. Đồng thời, hiện nay đã có Nghị định 40 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong DVMTR, giúp các đơn vị này làm rõ trách nhiệm của họ đối với DVMTR.
Hiện nay, quỹ trung ương và quỹ địa phương đang tạo ra một hệ thống giám sát rất mạnh thông qua hệ thống tiêu chí, báo cáo. Đặc biệt, hiện nay đang thiết lập phần mềm trực tuyến báo cáo hàng năm. Thông qua phần mềm trực tuyến, dưới địa phương xảy ra vấn đề gì thì trung ương sẽ biết và lập tức cử đoàn giám sát xuống. Và cũng đã đưa phần mềm này vào quy trình giám sát tại các cuộc họp về rừng và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020 để các địa phương báo cáo, kiểm tra và thực hiện.
Hiện tại, phần mềm này đang được áp dụng triển khai tại 20 tỉnh, đang chuẩn bị đưa hệ thống thông tin trực tuyến về DVMTR đến 37 Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để các hoạt động dưới địa phương và Trung ương có thể giao tiếp trực tuyến. (Thời Báo Tài Chính Việt Nam 25/11) đầu trang(
Tại Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu gỗ cung cấp cho nhà máy gỗ MDF do UBND huyện Nghĩa Đàn tổ chức chiều 25/11, các đại biểu đã nghe lãnh đạo UBND huyện, nhà máy gỗ MDF thông báo cơ chế chính sách của Công ty trong việc  hỗ trợ, liên doanh, liên kết với các đơn vị, hộ cá thể đang trồng rừng phục vụ dự án, đảm bảo khai thác một cách khoa học, có hiệu quả diện tích rừng trồng, góp phần nâng cao thu nhập của người trồng rừng.
Để phát triển vùng nguyên liệu gỗ bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, nhà máy gỗ MDF tiếp tục có những cơ chế chính sách thông thoáng từ khâu trồng đến chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo hợp lý, hài hòa giữa doanh nghiệp và người trồng rừng.
Bên cạnh đó, huyện Nghĩa Đàn cũng có cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để Công ty thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu gỗ trên địa bàn.
Dự án Nhà máy gỗ MDF có 2 dây chuyền là máy ván thanh có công suất thiết kế 12.000 mét khối/năm, công suất tiêu thụ 30.000 mét khối/năm và nhà máy MDF có công suất thiết kế 130.000 mét khối/năm, công suất tiêu thụ 240.000 mét khối/năm. Để ổn định nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, ngoài 33.000ha rừng nguyên liệu của UBND tỉnh, nhà máy cũng rất cần sự quan tâm hợp tác của các lâm trường, các doanh nghiệp, các hộ nhận khoán và chăm sóc rừng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn.
Nghĩa Đàn hiện có gần 19.012,8 ha rừng trồng. Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách giá thu mua nguyên liệu của Công ty. (Báo Nghệ An 25/11) đầu trang(
Từ một người lấy việc chặt phá rừng để kiếm sống, ông Hồ Ngọc Quang, tại xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã nhận thức được sai lầm của mình. Thay đổi hành động, ông lấy việc trồng rừng để làm giàu, không chỉ giúp gia đình thoát khỏi nghèo đói mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giúp đỡ những người khác.
Hai mươi năm về trước, ông Hồ Ngọc Quang cùng với rất nhiều bà con trong vùng sống bằng nghề chặt phá rừng nguyên sinh đem bán cho dân buôn gỗ. Sau nhiều năm, ông nhận ra, rừng cây chặt mãi rồi sẽ hết, việc làm của ông và bà con không những chẳng giúp họ thoát nghèo đói mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống của thế hệ con cháu sau này. Từ đó, ông nghĩ đến việc trồng rừng để lấy gỗ thay vì chặt phá nó.
Năm 1995, ông bắt tay vào việc xin giống cây trồng dư thừa ở nông trường gần nhà, khai hoang đất trồng bỏ không ở địa phương để trồng các loại cây gỗ quý như sao đen, lát hoa, dầu. Khi bắt tay vào việc, ông gặp rất nhiều khó khăn. Không những ông không nhận được sự ủng hộ từ người thân, gia đình mà còn bị mang tiếng là gàn dở. Người ta nghĩ, rừng là thứ trời cho, chặt không hết chứ chẳng ai đi trồng rừng. Dẫu vậy, ông vẫn quyết tâm theo đuổi công việc của mình.
Theo thời gian, một mình ông cày cuốc, trồng từng gốc cây trên các khu đồi hoang bỏ không. Trời không phụ lòng người, sau hai mươi năm, ông đã có trên 20 hecta rừng cây gỗ quý. Từ một hộ gia đình nghèo đói, nay rừng cây gỗ quý của ông thu về hàng trăm triệu đồng một năm. Đặc biệt, ông là người duy nhất trong vùng có rừng gỗ quý sao đen, trị giá hàng tỷ đồng.
Ông Hồ Ngọc Quang chia sẻ: "Đến ngày hôm nay là tôi trồng cây được 20 năm rồi, thành quả tôi trồng được rất là mỹ mãn và hiệu quả rất tốt".
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hồ Ngọc Quang còn vận động và giúp đỡ bà con trồng rừng thay vì chặt phá rừng. Nếu trước đây cho rằng hành động của ông là gàn dở, thì nay nhiều người dân đã dần thay đổi suy nghĩ, hành động. Nhiều bà con trong vùng học hỏi kinh nghinh nghiệm của ông, khai hoang đất đồi trọc, trồng các loại cây gỗ, hoặc các cây giống. Nhờ đó, đời sống kinh tế của bà con tại địa phương dần đi vào ổn định và phát triển.
Ông Hoàng Văn Thi - Chủ tịch xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Đến nay nhiều hộ gia đình cũng nhờ rừng này mà phát triển, đặc biệt là ở thôn Tân An, điển hình có anh Quang, ngoài nghề trồng rừng ra không có nghề nào khác nữa".
Từ việc thay đổi nhận thức, hành động, ông Hồ Ngọc Quang đã không chỉ giúp gia đình mình thoát nghèo, mà việc làm của ông còn góp phần giúp đỡ người dân xã Tịnh Đông nhận thức được giá trị của việc trồng rừng để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. (ANTV 25/11) đầu trang(
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về phương án kiểm kê rừng trên địa bàn, từ năm 2014-2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng, huyện, thị và các xã đã kiểm kê được hơn 693.351 ha rừng và đất chưa có rừng.
Trong đó, diện tích quy hoạch lâm nghiệp hơn 565.544 ha; ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 36.807 ha.
“Để thực hiện được con số kiểm kê trên, chúng tôi đã tổ chức 35 lớp tập huấn từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Việc kiểm kê này đóng vai trò rất quan trọng, góp phần giúp cơ quan chức năng thống kê chính xác diện tích rừng hiện có, độ che phủ rừng; trữ lượng rừng và gỗ rừng.
Đồng thời, phân loại rừng và thống kê chính xác các lô, thửa rừng đến từng đơn vị và hộ gia đình”, ông Lê Thế Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nhấn mạnh.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá cụ thể trữ lượng rừng, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh lên phương án, kế hoạch khoanh nuôi, bảo vệ, khai thác, tái sinh rừng một cách hợp lý. (Nông Nghiệp Việt Nam 26/11) đầu trang(
Theo báo cáo kết quả diễn biến rừng của Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Ninh, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện hiện nay 26.122 ha, trong đó rừng tự nhiên chỉ còn 3.898,81 ha, rừng trồng của các chương trình 3.002,66 ha; diện tích đã chuyển đổi rừng giao các dự án trồng cao su và các chương trình 134, 33, 1592 là 13.282,73 ha.
Đất bị xâm canh lấn chiếm kể cả trong và ngoài dự án 4.620,52 ha. Đất trống 343,46 ha, tập trung tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết. Đất thuộc vùng ngập, giao thông và sông suối... 974,14 ha. Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết quản lý 12.499 ha, Ban quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh quản lý 13.623 ha.
Theo báo cáo của UBND huyện Lộc Ninh, tình trạng lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp trong năm 2015 vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, tỉnh không tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp xâm canh trái phép trên địa bàn huyện nên người dân chây ỳ và không tự nguyện trả lại đất mà tiếp tục xâm canh, lấn chiếm.
Toàn huyện hiện còn khoảng 900 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm cần phải thu hồi. UBND huyện đã đôn đốc chủ rừng, chủ dự án và UBND các xã hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai; khuyến khích chủ dự án chủ động thỏa thuận với người dân để lấy lại đất, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hồ sơ khởi kiện của chủ rừng để đòi lại đất bị lấn chiếm. (Báo Bình Phước 25/11) đầu trang(
Ông Hồ Quang Bửu - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam), người chấp bút chính đề án “Bảo tồn và phát triển vùng sâm Ngọc Linh đến năm 2030” vừa được Chính phủ thông qua - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi.
Ông Bửu cho biết mặc dù sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học đánh giá là một trong năm loài sâm tốt nhất thế giới, nhưng đến nay vẫn chưa khai thác đúng tiềm năng của nó, đặc biệt là phát triển và khai thác thương mại sản phẩm này.
Trong khi đó, huyện miền núi HamYang (Hàn Quốc) khí hậu khắc nghiệt hơn cả Nam Trà My nhưng đã phát triển nghề trồng sâm khá mạnh, mỗi năm thu về gần cả tỉ USD nhờ xuất khẩu sâm.
Từ nhiều năm qua, nhiều người Xê Đăng và Ca Dong trên đỉnh Ngọc Linh đã thành công với cây sâm Ngọc Linh. Với giá sâm tươi hiện 20-50 triệu đồng/kg, tùy theo độ tuổi, nhiều nông dân ở xã Trà Linh (Nam Trà My) đã thu hơn 30 tỉ đồng sau năm năm đầu tư 1ha sâm rừng với vốn ban đầu 3 tỉ đồng.
Thực tế cũng cho thấy dù là huyện nghèo nhất nước với 62,9% hộ nghèo, nhưng Nam Trà My có đến 30 người là tỉ phú nhờ trồng sâm. Như vậy nông dân làm được, tại sao doanh nghiệp không 
làm được?
Số vốn đầu tư lên tới 9.000 tỉ đồng là tổng kinh phí dự kiến của đề án đến năm 2030, trong đó 7.000 tỉ đồng là vốn huy động xã hội hóa, 2.000 tỉ đồng còn lại từ ngân sách. Với đề án mà Chính phủ vừa thông qua, Quảng Nam sẽ dành 15.000 ha rừng tại Nam Trà My trồng sâm. Dự kiến đến năm 2030 VN sẽ có 500 - 1.000 tấn sâm/năm, doanh thu mang về 1,5 - 2 tỉ USD/năm.
Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), trong thân và rễ của sâm Ngọc Linh có 52 thành phần saponin - thành phần quyết định tác dụng dược lý của nhân sâm. Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn có 17 axit amin, 20 khoáng chất vi lượng, 0,1% tinh dầu. Thân cây, lá, củ đều có dinh dưỡng và sử dụng được cho sức khỏe con người.
Do đó tin rằng nếu được đầu tư bài bản, sản phẩm sâm VN sẽ được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận, chứ đây không phải chiếc bánh vẽ như 
lo ngại.
Đến nay, một con đường dài khoảng 50km trong đề án này đã chính thức khởi công từ trung tâm huyện lên đến gần đỉnh Ngọc Linh ở độ cao khoảng 2.000m, kết nối với xã Mường Hoong của Kon Tum. 15.000 ha rừng đã được quy hoạch, sẵn sàng giao cho doanh nghiệp. Trong đó 100 - 120ha vùng sâm gốc, bảo tồn gen sẽ được Nhà nước quản lý nghiêm ngặt.
Về cơ chế, Nhà nước chỉ thu dịch vụ môi trường rừng của doanh nghiệp 200.000 đồng/ năm/ha để doanh nghiệp trồng sâm trong vòng 25 năm. Nông dân cũng được chia lại đất rừng và hưởng cả khoản tiền dịch vụ bảo vệ rừng của họ. Nhiều ngân hàng cho biết có thể cho người dân trồng sâm vay đến 3 tỉ đồng nếu đề án tốt.
Hiện nay đã có phương án phối hợp cùng các trường đại học nông nghiệp lớn trên toàn quốc thực hiện chương trình nuôi cấy mô và sản xuất hàng loạt cây giống thành công. Ngoài ra, từ vườn ươm trong dân và khu sâm giống của huyện, tỉnh đủ sức cung cấp cây giống cho các hộ dân, doanh nghiệp có nhu cầu.
Hiện có gần 20 doanh nghiệp chính thức đăng ký đầu tư với chính quyền tỉnh. Ngoài ra, được biết rất nhiều doanh nghiệp đã đăng ký hàng trăm hecta trồng sâm với nhiều dự án lớn đi trước đón đầu trong việc phát triển thương mại với loài cây này.
Thời gian tới, địa phương cũng sẽ tổ chức một lễ hội sâm quốc tế để quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư, chủ yếu thu hút các doanh nghiệp sâm trên khắp thế giới về đây trưng bày, giới thiệu sản phẩm cùng với sâm Ngọc Linh...
Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp VN tìm thị trường, học hỏi, tìm đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong chuyến đi khảo sát tại HamYang (Hàn Quốc) mới đây, chúng tôi được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết sẵn sàng tham gia đầu tư trồng sâm tại VN nếu Nhà nước có cơ chế. (Tuổi Trẻ 25/11) đầu trang(
Không ít dự án cây tỷ đô ở Việt Nam được thông qua với nhiều kỳ vọng có thể thu về hàng tỷ đô la mỗi năm.
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho hay, ông Hồ Quang Bửu - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết đề án “Bảo tồn và phát triển vùng sâm Ngọc Linh đến năm 2030” vừa được Chính phủ thông qua. Theo đó, việc đưa sâm Ngọc Linh thành cây tỷ đô, nếu được đầu tư bài bản, cùng với các yếu tố kết hợp doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu, sâm Ngọc Linh có thể thu về 1,5 - 2 tỉ USD xuất khẩu mỗi năm.
Hồi tháng 6/2015, báo chí rầm rộ với thông tin siêu cao lương được đánh giá "quý như vàng" về Việt Nam. Đây là dự án do tập đoàn Sol Holdings của Nhật cùng đối tác Việt Nam là NTS Partners, tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD.
Dự án cũng kỳ vòng đến năm 2020, siêu cao lương sẽ thay thế gần như toàn bộ các cây cao lương khác và cây cỏ làm thức ăn cho gia súc. Siêu cao lương có thể làm thức ăn chăn nuôi, chế biến viên nén sinh học (dùng trong đốt lò hơi, nhiệt điện), chế tạo xăng sinh học và đường.
Khi về Việt Nam, sachi được mệnh danh là "vua các loại hạt", chúng được quảng bá giá trị kinh tế lên tới 350 triệu đồng/ha. Bột Sachi có chất lượng hơn hẳn so với bột từ các loại hạt khác. Chúng được kỳ vọng là cây tỷ đô giúp đổi đời cho người dân.
Bắt đầu được trồng trải nghiệm tại Việt Nam từ năm 2000, mắc ca thực sự nổi đình đám vào năm 2014. Các chuyên gia tin rằng một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg hạt và với giá hiện khoảng 15 USD/kg hạt, sau 10 năm phát triển 100.000 héc ta và có thể đạt được kim ngạch 1 tỷ USD xuất khẩu.
Trên thị trường, hạt mắc ca có giá đắt đỏ từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, chúng được mệnh danh là "hoàng hậu quả khô" vì giá trị kinh tế mang lại. Mặc dù trước đó, mắc ca được đánh giá là hợp thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam song thực tế cho thấy đây loại cây trồng khó tính với những yêu cầu về đất đai, giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Nhiều người dân tại Lâm Đồng đã phải chặt mắc ca vì giống này cho năng suất thấp,
Trong 10 năm qua, kể từ khi cây ca cao được trồng phổ biến và rộng rãi ở Việt Nam, đây vẫn là loại cây trồng được kỳ vọng cho năng suất cao và giá trị tỷ đô. Tuy nhiên, sau đó diện tích giảm liên tục và hiện chỉ còn 11.761 héc-ta. Từ 2012, diện tích trồng ca cao bị chặt bỏ hàng loạt vì đây cũng là thời điểm giá cao su, hồ tiêu, điều thô trên thị trường tăng mạnh. (Kiến Thức 26/11) đầu trang(
Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn của tình hình kinh tế trong nước, quốc tế và những diễn biến khó lường của thời tiết, nhưng ngành lâm nghiệp tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, thể hiện tập trung ở những mặt sau:
Một là, diện tích rừng tăng nhanh, ổn định; công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật giảm dần.
5 năm qua, bình quân trồng khoảng 220.000 ha/năm. Khoanh nuôi tái sinh 460.000 ha/năm, trong đó khoảng 50.000 ha thành rừng/năm. Áp dụng một số giống mới, bước đầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh rừng trồng, đã tăng sinh khối rừng sản xuất từ 7-8 m3/ha/năm lên 12-15 m3/ha/năm, cá biệt có nơi đạt 40 m3/ha/năm; độ che phủ của rừng tăng từ 39,1% năm 2009 lên khoảng 40,7% năm 2015.
Vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại; công tác phòng chống cháy rừng theo phương châm bốn tại chỗ được tăng cường, đã kiềm chế, giảm 70% diện tích rừng bị phá trái pháp luật so với 5 năm trước.
Hai là, sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, sản xuất lâm sản hàng hóa ngày càng thích ứng với biến đổi của thị trường thế giới; đời sống người làm nghề rừng được nâng cao.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng nhanh những năm gần đây (năm 2011 đạt 3,4%, năm 2012 đạt 5,5%, năm 2013 đạt 6,0%, năm 2014 đạt 7,09%, năm 2015 đạt khoảng 7,5%).
Sản lượng gỗ rừng trồng tăng 2,5 lần trong 5 năm qua, đạt khoảng 17 triệu m3 vào năm 2015. Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ hơn theo hướng bền vững, sản lượng khai thác giảm từ 350 nghìn m3 năm 2009, còn 160 nghìn m3 năm 2013, đã dừng khai thác chính từ năm 2014.
Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế, sản phẩm chế biến đa dạng theo yêu cầu thị trường. Sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đã xuất vào trên 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, các thị trường đã phát triển (Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn quốc).
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng hơn 1,65 lần trong 5 năm, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên khoảng 6,9 tỷ USD năm 2015. Ngành công nghiệp chế biến lâm sản ngày càng thích ứng có hiệu quả với biến đổi thị trường và vận hành theo tín hiệu thị trường, giải quyết hài hòa các rào cản thương mại quốc tế.
Thu nhập đời sống của người dân từng bước được tăng lên, có hộ thu nhập từ 150-250 triệu đồng/ha rừng trồng sau 6 đến 10 năm, nên có thể làm giàu từ trồng rừng.
Ba là, chủ trương xã hội hóa nghề rừng được cụ thể hóa đầy đủ hơn; quản lý nhà nước có tiến bộ chủ yếu bằng công cụ pháp luật, chính sách; nhận thức của xã hội về ngành kinh tế lâm nghiệp nhất quán hơn.
Việc giao đất, giao rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế được coi là giải pháp mang tính đột phá; khuyết khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, kinh doanh lâm sản.
Ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư cho rừng đặc dụng và rừng phòng hộ và chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức đầu tư toàn xã hội cho bảo vệ, phát triển rừng, 75% vốn đầu tư được huy động từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước.
Cơ chế, chính sách về lâm nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, nổi bật là Nghị định 05/2010/NĐ-CP về thành lập Quỹ Bảo vệ phát triển rừng; Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.
Quyết định 57/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; Quyết định 07/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách bảo vệ rừng; Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển rừng đặc dụng...
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường đang trở thành nguồn tài chính quan trọng của ngành lâm nghiệp, tạo nguồn thu cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng với khoảng 4,6 triệu ha. Bốn là, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu theo chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa.
Ngành lâm nghiệp đã hợp tác với các đầu mối và tổ chức lâm nghiệp quốc tế, trong đó có 2 Công ước và nhiều hiệp định vùng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế; hợp tác với các nước có chung đường biên giới được tăng cường. Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu phát triển ngành.
Cùng với thành tựu cơ bản trên, thì ngành lâm nghiệp cũng đang còn nhiều tồn tại và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đặt ra trong tái cơ cấu, phát triển lâm nghiệp bền vững đó là:
Thứ nhất, tình trạng phá rừng, khai thác rừng tự nhiên, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương; năng suất, chất lượng, giá trị rừng sản xuất thấp.
Tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật để lấy đất; sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở các tỉnh vùng Tây Nguyên; một số điểm nóng về phá rừng tự nhiên nghiêm trọng, kéo dài, chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong xã hội.
Độ che phủ rừng tăng, nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm. Sản phẩm rừng trồng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ, giá trị thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản về nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, nhất là trước yêu cầu truy xuất xuất xứ nguyên liệu theo các Hiệp định thương mại thế hệ mới.
Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha rừng trồng mới đạt khoảng 9-10 triệu đồng/ha/năm, đa số người dân làm nghề rừng còn nghèo, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập của nông dân miền núi.
Thứ hai, quản trị doanh nghiệp, công nghệ chế biến; chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh chưa cao.
Quy mô sản xuất phổ biến còn nhỏ, kết cấu hạ tầng yếu kém; quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lạc hậu. Năng suất lao động trong chế biến lâm sản của Việt Nam chỉ bằng 50% so với Philipin, 40% so với Trung Quốc; chất lượng, mẫu mã sản phẩm kém cạnh tranh. Công nghiệp phụ trợ, vật tư phục vụ cho sản xuất lâm nghiệp gần như bỏ ngỏ, phụ thuộc vào nhập khẩu. Thứ ba, giá trị gia tăng thấp; tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng.
Trình độ tay nghề lao động lâm nghiệp thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, trồng rừng vẫn chủ yếu là quảng canh. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất còn nhiều bất cập; công nghệ sinh học và công tác tạo giống chưa được ứng dụng trên quy mô rộng. Thứ tư, các công ty lâm nghiệp đang hết sức khó khăn, nhiều đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản.
Các lâm trường quốc doanh trước đây, sau khi chuyển thành công ty lâm nghiệp quản lý trên 2 triệu ha đất, nhưng sử dụng kém hiệu quả, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai diễn biến phức tạp. Việc triển khai thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp mới bước đầu lập đề án, chưa tạo được sự chuyển biến trên thực tiễn.
Những năm tới, xu thế hiện thực hóa mạnh mẽ liên kết kinh tế quốc tế, hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với EU và với các đối tác khác) sẽ mở ra những thuận lợi, cơ hội phát triển mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải thích ứng, tăng cường hợp tác, cạnh tranh quyết liệt; đồng thời đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong trung hạn, nhu cầu đồ gỗ thế giới vẫn tăng, tạo cơ hội cho lâm sản duy trì tốc độ tăng trưởng, nhưng thị trường sẽ đặt ra những quy định chặt chẽ hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Trong nước, chính trị - xã hội ổn định; kinh tế sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Sản lượng gỗ rừng trồng tiếp tục tăng nhanh, chất lượng được cải thiện hơn, thị trường đồ gỗ nội địa phục hồi, cùng với xu hướng chuyển dịch từ sử dụng gỗ tự nhiên sang gỗ được chế biến công nghiệp.
Mục tiêu chung đặt ra cho ngành lâm nghiệp là đảm bảo phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh; giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 5,5 - 6,5%; thu hút mọi thành phần kinh tế xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế; bảo vệ môi trường sinh thái rừng, thích ứng với biển đổi khí hậu; gắn chặt chẽ giữa phát triển lâm nghiệp với bảo đảm quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia.
Để đạt được mục tiêu đó, ngành lâm nghiệp cần tổ chức tuyên truyền, thống nhất nhận thức và hành động trong toàn xã hội để giải quyết tốt những vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, quyết liệt thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đảm bảo hoàn thành các định hướng Chiến lược phát triển Lâm nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu lực quản lý, giám sát thực hiện nghiêm túc quy hoạch.
Hoàn thành rà soát, đánh giá lại quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia và cấp vùng, xác định rõ lâm phận ổn định. Thống nhất giữa quy hoạch rừng trên bản đồ và thực địa, giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với ngành Tài nguyên và Môi trường.
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là hành vi mua bán đất lâm nghiệp trái phép, giám sát thực hiện đầy đủ trách nhiệm tổ chức trồng rừng thay thế.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể và thực hiện phương thức đồng quản lý rừng. Tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp tạo vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh giữa chủ rừng và doanh nghiệp.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách: tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp phù hợp với Hiến pháp năm 2013, một số Luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua; các chủ trương chính sách mới của Đảng, và yêu cầu thực tiễn, những biến đổi của thị trường quốc tế.
Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách mới thúc đẩy tái cơ cấu ngành, thúc đẩy ứng dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao được nuôi cấy mô; hỗ trợ người dân chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; quản lý rừng bền vững quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế; khôi phục, phát triển rừng ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ chế tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến sâu; hỗ trợ phát triển thị trường; hỗ trợ liên kết, hợp tác chuỗi với mô hình "cánh rừng lớn", "liên kết bốn nhà"; tín dụng trồng rừng gỗ lớn với lãi suất ưu đãi, thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ cây trồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp.
Ban hành cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao kỹ năng cho lao động, doanh nghiệp.
Thứ ba, triển khai mạnh mẽ hơn các giải pháp xã hội hóa đầu tư trong lâm nghiệp. Tiếp tục mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, phát triển thị trường tín chỉ cacbon để tạo nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng. Huy động nguồn vốn ODA và FDI từ Chính phủ, Phi chính phủ và các tổ chức quốc tế thông qua các hiệp định hoặc chương trình dự án quốc tế. Lồng ghép các chương trình, dự án quốc tế và trong nước giải quyết nhu cầu vốn cho phát triển.
Thứ tư, tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành, giảm những nghiên cứu tách rời nhu cầu thực tiễn, thực hiện bằng phương thức đặt hàng là chủ yếu. Ưu tiên các nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng, công nghệ chế biến sau dăm gỗ và sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu.
Thứ năm, thực hiện có trách nhiệm các cam kết kinh tế quốc tế cùng với bảo vệ sản xuất nội địa hợp lý, phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế. Chủ động xây dựng quan hệ đối tác, dựa trên lợi thế của từng tổ chức quốc tế và quốc gia, tổ chức vận động thu hút viện trợ, công nghệ và đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh công tác tiếp thị thương mại, đàm phán các hiệp định kỹ thuật, mở rộng thị trường quốc tế.
Thứ sáu, triển khai đồng bộ việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hệ thống tổ chức sản xuất lâm nghiệp, trọng tâm là đối với các công ty lâm nghiệp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Khẩn trương sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Ở địa phương kiên quyết tổ chức thống nhất các cơ quan lâm nghiệp một đầu mối cả ba cấp tỉnh, huyện, xã; chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm và điều kiện làm việc cho kiểm lâm địa bàn xã. (Nông Nghiệp Việt Nam 26/11) đầu trang(
Báo Công an TPHCM đưa tin, ngày 24/11, ông Trần Đình Quỳnh, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn công tác Thanh tra Chính phủ tại Đà Nẵng lần này, có việc kiểm tra, làm việc liên quan đến "biệt phủ" được xây dựng trái phép trên núi Hải Vân.
Ông Quỳnh, cho biết thêm: "Họ đi làm nhiều việc, trong đó có kiểm tra đối với vụ việc này, nhưng chúng tôi không biết họ làm thế nào. Hơn nữa, bây giờ trong thời gian gia hạn nên chờ thêm tuần nữa xem có thông tin gì thêm không".
Bên cạnh đó, theo UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), Đoàn Thanh tra tuy có lịch làm việc với thành phố nhưng chưa có thông báo cụ thể với UBND quận về việc thanh tra làm việc liên quan đến khu du lịch sinh thái của ông Ngô Văn Quang trên núi Hải Vân.
Cùng ngày, ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết đang chờ kết quả rà soát của các cơ quan chức năng cấp trên.
Tuy nhiên, vẫn còn trong thời hạn cho phép đến 30/11 nên UBND quận Liên Chiểu vẫn đang chờ theo dõi kết quả.
"Riêng đối với chuyến công tác của đoàn công tác Bộ Tài nguyên Môi trường vừa rồi, họ có báo cáo ngoài kia chứ chúng tôi không nắm rõ", ông Đàm Quang Hưng cho hay.
Trước đó, từ ngày 27/10-3/11, đoàn công tác của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đã có đợt kiểm tra thực trạng sử dụng đất lâm nghiệp để xây dựng khu du lịch sinh thái đối với khu biệt phủ xây trái phép của ông Ngô Văn Quang tại khu vực đồi Chim Chim, tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Được biết, thời gian qua, phía ông Ngô Văn Quang và người dân ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) có làm đơn cứu xét tới Thủ tướng Chính phủ và các ban ngành nguyện vọng xin được giữ lại "biệt phủ" có trị giá trên 100 tỷ đồng của ông Ngô Văn Quang để phục vụ lợi ích cho cộng đồng.
Văn phòng Chính phủ có ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc xem xét, đánh giá, đề xuất hướng giải quyết “nguyện vọng chính đáng” của ông Quang cũng như người dân.
Trước đó, nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đã buộc tháo dỡ biệt phủ của ông Ngô Văn Quang và cuối tháng 8 phải hoàn thành. Tuy nhiên, sau đó TP Đà Nẵng đã gia hạn thời gian để tháo dỡ biệt phủ được kéo dài thêm 3 tháng nữa, tức là đến ngày 30/11 phải hoàn thành.
Thế nhưng, cho đến nay đã gần hết thời gian gia hạn nhưng không thấy chủ biệt phủ tháo dỡ, thay vào đó là gửi đơn đi khắp nơi, ra đến tận Trung ương để xin giữ lại làm du lịch công cộng. (Đất Việt 25/11) đầu trang(
Với những tiềm năng to lớn, thiên nhiên thuận lợi, ngành nông nghiệp Việt Nam có đầy đủ “điều kiện cần” để vươn mình trở thành một “thế lực” nông nghiệp trong khu vực cũng như thế giới.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia trực tiếp, cộng với định hướng và sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng sẽ là những “điều kiện đủ” để ngành nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn.
Đầu ra tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị cho các ngành nông nghiệp nói chung và mắc ca nói riêng. Nhằm mục tiêu phát triển chuỗi giá trị mắc ca bền vững, chiến lược đầu ra tiêu thụ sản phẩm cũng được xây dựng theo hướng bền vững.
Việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra có bền vững hay không phụ thuộc các yếu tố sau: (i) lượng cầu sản phẩm của thị trường nội địa; (ii) làm chủ công nghệ chế biến sâu, giữ được giá trị lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu; (iii) sự tham gia của doanh nghiệp (DN) nội địa có tiềm lực tài chính và quản trị;(iv) chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Khi lượng cầu sản phẩm của thị trường nội địa lớn và ổn định, sẽ giảm bớt áp lực xuất khẩu. Để tăng lượng cầu sản phẩm của thị trường nội địa, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng kết nối người tiêu dùng với DN sản xuất của hiệp hội. Him Lam đã và đang có những định hướng chiến lược cho các kế hoạch truyền thông ngắn hạn và dài hạn để thông tin đến thị trường về sản phẩm mắc ca do Việt Nam sản xuất. Đồng thời sẽ là thành viên tích cực trong Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong tương lai, góp phần tăng sức cầu nội địa, ổn định đầu ra cho người sản xuất.
Việc nắm giữ được lượng lớn giá trị trong chuỗi giá trị các ngành cây trồng công - nông nghiệp là định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên ít ngành cây trồng công - nông nghiệp nào tại Việt Nam làm được. Một trong những nguyên nhân là DN không làm chủ về công nghệ, đặc biệt công nghệ chế biến sâu sản phẩm. Hầu hết chỉ làm gia công các sản phẩm thô, giá trị gia tăng ít do tận dụng lợi thế nhân công rẻ.
Hiện nay Him Lam đang trong quá trình nghiên cứu triển khai xây dựng nhà máy hiện đại, có công suất lớn và sản xuất các sản phẩm đáp ứng tốt các thị trường tiêu thụ khắt khe nhất (châu Âu, Nhật Bản…). Định hướng sản phẩm của nhà máy là chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao sẽ giúp phát triển thị trường đầu ra tiêu thụ sản phẩm bền vững và nâng tầm vị thế mắc ca Việt Nam trên thị trường thế giới.
DN FDI với tiềm lực tài chính mạnh mẽ đang lấn át DN nội địa. Điển hình như khối DN FDI trong ngành cà phê, đã chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu cà phê của ngành, nhờ lợi thế về vốn và thị trường. Hiện tượng thao túng thị trường, chiếm lĩnh nguồn nguyên liệu của DN FDI đang là nỗi lo của DN nội địa cũng như chính quyền địa phương, nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào.
Để hạn chế tình trạng này diễn ra trong ngành mắc ca, cần có sự tham gia của DN nội địa có tiềm lực tài chính và quản trị làm vai trò dẫn dắt thị trường, từ khâu tổ chức mạng lưới thu mua, sơ chế bảo quản sau thu hoạch, đến việc xây dựng nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu. Các DN này có thể tận dụng được lợi thế cạnh tranh của môi trường kinh doanh nội địa, hạn chế sự lấn át của DN FDI. Him Lam có nhiều điều kiện để trở thành DN lớn trong ngành mắc ca, làm đối trọng với DN FDI tương lai trong ngành mắc ca tại Việt Nam.
Để truyền thông đến nông dân, cũng như thị trường nội địa hiểu biết về ngành hàng non trẻ như mắc ca, cần phải thành lập hiệp hội làm cơ quan kết nối các nguồn lực, xây dựng các chiến lược định hướng phát triển chung cho toàn ngành. Tổ chức này sẽ cung cấp thông tin cho các đối tượng có liên quan, giúp thị trường phát triển theo định hướng của Chính phủ.
Him Lam và Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đang phối hợp để vận động các thành viên tham gia thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Việc này sẽ đem lại nhiều giá trị thiết thực cho các đối tượng tham gia trong chuỗi cung ứng mắc ca. Theo đó, Hiệp hội Mắc ca sẽ (i) làm vai trò cầu nối giữa Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - DN; (ii) tích cực thực hiện xúc tiến thương mại, tạo các kênh xuất khẩu, giúp DN trong nước tham gia ngành dễ dàng; (iii) kiến nghị các chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển ngành mắc ca, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu.
Để định hướng được thị trường và nông dân, chính sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo và cần được quan tâm đúng mức. Theo đó, cần có chính sách mang tính khuyến khích (hoặc hạn chế) đối với thị trường, cả trong giai đoạn sản xuất lẫn tiêu thụ. Đối với sản xuất, cần có chính sách khuyến khích trồng và phát triển vùng nguyên liệu, cũng như các chính sách hỗ trợ về vốn và kỹ thuật cho nông dân tham gia trồng mắc ca.
Đối với khâu tiêu thụ, cần có chính sách khuyến khích thu hút DN xây dựng các nhà máy chế biến công nghệ cao, có khả năng sản xuất được các sản phẩm sau cùng có giá trị gia tăng cao. Các nhà máy chế biến không chỉ tận dụng được lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam, mà còn phải có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị lớn trong chuỗi giá trị. Qua đó, thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, giúp kiểm soát tốt chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô.
Việc quy hoạch vùng trồng nguyên liệu cần chú ý đến năng lực cạnh tranh của từng địa phương. Trên cơ sở đó, tạo các mối liên kết vùng trong việc phát triển các loại cây trồng, phát huy sức mạnh của từng địa phương và liên kết vùng tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Bên cạnh đó cần điều chỉnh về chính sách đất đai. Cụ thể, thực hiện có hiệu quả chính sách dồn điền đổi thửa. Các nghiên cứu cho thấy diện tích ruộng đất bình quân ở Việt Nam chỉ 0,6ha/hộ, vào loại thấp nhất thế giới.
Tình trạng này dẫn đến sản xuất nhỏ lẻ, năng suất không cao, không hiệu quả. Chính sách dồn điền đổi thửa cho phép xử lý vấn đề đất đai nhỏ lẻ, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động tại nông thôn. Cần phát huy thành công của chương trình “cánh đồng mẫu lớn” và có cơ chế hỗ trợ, chính sách quy hoạch vùng trồng nhằm thu hút DN đầu tư trồng với quy mô lớn.
Công nghệ cao là phương thức để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa, khi các động lực khác cho phát triển như đất đai, lao động đều bị giới hạn. Giải pháp là kết hợp với DN tham gia ngành để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp; tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân nhằm phát huy tài nguyên con người và áp dụng khoa học - công nghệ có hiệu quả.
Trong bối cảnh hội nhập mở rộng, Nhà nước cần xem xét các chính sách bảo hộ hợp lý đối vối nông sản trên cơ sở tuân thủ các quy định của WTO và TPP. Chính sách hỗ trợ cần tập trung hỗ trợ DN trong nước nâng cao lợi thế cạnh tranh và trợ cấp xuất khẩu thông qua các chính sách về vốn và đất đai. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ xây dựng quan hệ sản xuất mới cho ngành mắc ca thông qua cơ chế hiệp hội và tham tán thương mại.
Để nông dân thật sự an cư, nên lập các đề án xây dựng, phát triển các đô thị ngay bên trong nông thôn để tạo điều kiện cho nông dân tăng thu nhập và có động lực theo nghề truyền thống và sống được với nó. Để làm được điều đó, Nhà nước cần hỗ trợ chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nhà máy ở nông thôn, đào tạo dạy nghề và thu hút lao động tại chỗ. Việc này vừa giúp tăng thu nhập cho cư dân ở nông thôn, vừa giúp giảm áp lực dân di cư tự phát vào thành thị.
Giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, không những Việt Nam sẽ có được ngành mắc ca phát triển bền vững, mà còn giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công, thông qua đa dạng hóa cây trồng và chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ những cây trồng cho hiệu quả thấp, sang cây trồng có hiệu quả cao. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung nền kinh tế đất nước. (Sài Gòn Giải Phóng 23/11) đầu trang(
Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong tổng số 74 dự án đang được triển khai trên địa bàn tỉnh thì có 35 dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng, cải tạo và quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên diện tích hơn 30.000ha.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, việc triển khai các dự án, các DN còn để ra nhiều sai phạm, trong đó có nhiều diện tích rừng tự nhiên được giao cho các DN quản lý đang bị lấn chiếm, chặt phá từng ngày.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng các DN “thả nổi” việc để mất rừng, mất đất là do năng lực quản lý yếu kém và nguồn tài chính không đủ để thực hiện dự án. Điển hình như tháng 4-2011, Công ty CP Đầu tư xây dựng Tân Phú Hưng được UBND tỉnh giao 372ha đất tại địa bàn xã Ea Sol, huyện Ea Hleo để triển khai thực hiện dự án.
Theo quy định, công ty phải khoanh nuôi và làm giàu hơn 100ha rừng nghèo kiệt, QLBV hơn 50ha rừng tự nhiên, số diện tích còn lại trồng rừng và cao su. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai dự án, công ty này mới chỉ trồng vỏn vẹn được hơn 26ha cao su, số diện tích còn lại để cho người dân lấn chiếm, chặt phá một cách vô tội vạ…
Cũng theo thống kê của Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk, phần lớn các dự án đã được giao đất đều triển khai không mấy hiệu quả. Huyện Ea Súp là địa phương thu hút được nhiều DN đầu tư nhất (28 dự án) nhưng đến nay số dự án triển khai hiệu quả chỉ tính trên đầu ngón tay. Kiểm tra tại 13 dự án trồng cao su và QLBVR trên địa bàn cho thấy, hầu hết các dự án đều bị các DN thả nổi, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc.
Tại dự án trồng cao su của Công ty TNHH Anh Quốc, trong năm 2011, công ty này trồng hơn 100ha cao su nhưng do năng lực tài chính yếu kém, buông lỏng công tác quản lý, chăm sóc nên đến nay số cao su này đã chết hoàn toàn...
Một số DN khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã để xảy ra nhiều sai phạm trong việc sử dụng đất không đúng mục đích. Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Lộc Phát (xã Ea Hiao, huyện Ea Hleo) đã tự ý chuyển đổi hơn 50ha đất được giao trồng rừng sang trồng cà phê để kinh doanh; dự án trồng cao su và trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH Phúc Nguyên (xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar) đã tự ý sử dụng hơn 150ha đất không đúng mục đích; dự án của Công ty TNHH trồng rừng 27-7 (huyện Ea Súp) đã tự khai hoang gần 40ha đất rừng để trồng cao su khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép; dự án của Công ty CP địa ốc Tân Bình Phát (huyện Ea Súp) đã tự ý trồng hơn 40ha mì trên đất dự án để kinh doanh…
Cũng theo Sở NN và PTNT tỉnh Đắk Lắk, trong tổng số hơn 58.600ha dự án giao đất, giao rừng cho DN thì đến nay các DN này đã để mất gần 2.000ha rừng và 5.396ha để người dân xâm canh, tranh chấp với các DN.
Ông Lê Cước, Trưởng phòng QLBVR Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, hiện nay tình trạng chặt phá, bao chiếm, sử dụng đất đai quy định đang diễn ra khá phức tạp tại các dự án. “Sở NN và PTNT đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi chủ trương 2 dự án, thu hồi đất 6 dự án, đề nghị xử lý vi phạm hành chính 1 dự án, chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền 4 dự án. Sở TN-MT cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số dự án sử dụng đất không đúng mục đích. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ những sai phạm của 3 dự án khác”. (Công An Nhân Dân 25/11) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Ngày 25.11, vụ cháy rừng cây bụi ở miền Nam Australia đã khiến 2 người thiệt mạng cùng  hàng ngàn động vật sinh sống ở đây chết cháy. Vụ cháy rừng này cũng đã phá hủy nhiều ngôi nhà trên suốt chiều dài 27 dặm. Hiện các đám cháy rừng này đang có nguy cơ lan đến vùng trồng nho ở thung lũng Barossa
Cháy rừng thường xảy ra vào mùa hè ở Australia, tuy nhiên những dấu hiệu của hiện tượng nhiệt độ thời tiết tăng cao khiến các nhà khoa học cảnh báo rằng biến đổi thời tiết có thể gia tăng thời gian và mức độ của các vụ cháy rừng tại Australia. Hồi tuần trước đã xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng tại miền Tây Australia đã khiến 4 người thiệt mạng
Truyền thông Australia đưa tin, vụ cháy rừng ngày hôm nay đã khiến 2 người thiệt mạng. Một người dân cho hãng tin ABC biết ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ lại hàng ngàn vật nuôi tại trang trại nuôi lợn khi cháy rừng lan đến
Chỉ huy trưởng lực lượng cứu hỏa, ông Greg Nettleton cho biết vụ cháy rừng lan quá nhanh vì gió lớn khiến lực lượng cứu hỏa không thể khống chế. “ Đây thực sự là một vụ cháy rừng tồi tệ. Nó sẽ kéo dài suốt đêm nay đến tận ngày mai”, ông Nettleton khẳng định
Thời tiết tại khu vực xảy ra cháy rừng dự báo sẽ dịu mát hơn vào ngày mai với gió nhẹ trong ngày. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Hà Nội 25/11) đầu trang(
Món thịt rắn được biết là món ăn chống lạnh đặc sản của dân Hong Kong. Hiện trên thành phố còn khoảng vài tiệm có tuổi đời hàng trăm năm vẫn kinh doanh loại thực phẩm đặc biệt này.
Mùa đông đang trên đà chuẩn bị nhảy bổ vào các nước Đông Á. Trong lúc mọi người tất bật chuẩn bị quần quần áo áo, cái to cái nhỏ để chống lại giá rét thì người Hong Kong lại có một "bảo bối" chống rét thần kỳ hơn là thịt rắn. Có một vài nhà hàng gia đình truyền thống ở thành phố Hong Kong hàng trăm năm qua vẫn lăn lộn với nghề làm thịt loại động vật bó sát này và vẫn được dân địa phương ủng hộ nhiệt liệt.
Thịt của loài bò sát máu lạnh này được cho là sẽ giúp cơ thể người ăn được giữ ấm. Bà Chau Ka Ling, chủ nhân của cửa hàng She Wong Hip. Ngoài việc kinh doanh, bà Ling còn giúp chính quyền xử lý rắn hoang dã.
Chủ nhân của cửa hàng She Wong Lam, ông Mak Tai-kong, 86 tuổi và tủ chứa rắn với những nhãn ghi tiếng Trung mực đỏ "Rắn độc" để cảnh báo nguy hiểm. She Wong Lam đã phục vụ món thịt rắn được hơn 100 năm. Từ "she wong" trong tiếng Trung có nghĩa là "xà vương"
Ông Mak đã kinh doanh thịt rắn từ năm 15 tuổi. Trong 71 năm làm nghề, ông Mak đã bị rắn cắn vô số lần, tuy nhiên rất may chưa lần nào ông bị rắn độc tấn công. Nhu cầu tiêu thụ thịt rắn của dân Hong Kong bắt đầu tăng cao từ dịp Trung Thu cho đến hết mùa đông. Các loại rắn lấy thịt tại cửa hàng hầu hết đều được nhập từ các nước Đông Nam Á.
Cửa hàng She Wong Hip nổi tiếng với món thịt rắn khô và rắn ngâm rượu. Rượu rắn được biết là phương thuốc truyền thống có tác dụng chữa nhiều loại bệnh. Bà Ling nói rằng She Wong Hip sử dụng 5 loại rắn phổ biến để chế biến món súp rắn nổi tiếng của cửa hàng. Bắt đầu từ đầu năm nay, bà Ling cũng đã thêm nguyên liệu rắn biển vào công thức bí truyền.
Vào những ngày đông khách, một ngày bà Ling có thể bán tới 800 tô súp. Thế nhưng hiện tại đã tháng 11 rồi mà thời tiết vẫn chưa trở lạnh, doanh số súp của bà chỉ còn được 1 nửa.
Ngoài súp rắn ra, bạn có thể thưởng thức món rượu rắn ngâm rất bổ. Thứ rượu này sẽ chữa lành bệnh ho, làm chắc khỏe xương cốt và là thức nam dược an toàn dành cho các quý ông.  Một bát súp rắn có giá 50HKD (khoảng hơn 146 nghìn VNĐ). Súp được phủ bằng lá chanh xắt nhỏ và hoành thánh chiên.
Du khách Phương Tây rất hay ghé thăm She Wong Hip, tuy nhiên họ chỉ dám gọi một tô súp rồi chia cho lẫn nhau, vì vậy cũng chẳng lời lãi gì cho cửa hàng bà Ling là bao. Thịt rắn khá dễ ăn, hương vị gần giống như thịt gà vậy. (Kênh 14 24/11) đầu trang(
Rồng đực Lona năm nay 19 tuổi đang sống ở vườn chim Bali Bird Park, Indonesia, dài 2,5 m, bắt đầu thay da và sắp đến kỳ tìm bạn tình.
Lona sống ở vườn chim này đã 14 năm, là một trong 5 con rồng ít ỏi trên đảo Bali và thuộc 2.500 cá thể rồng Komodo cuối cùng ở Indonesia cũng như toàn thế giới. Loài rồng này sắp tuyệt chủng và có tên trong sách đỏ động vật hoang dã cần bảo vệ.
Agus Setiawan, người chăm sóc rồng Lona 7 năm qua, nói rằng anh yêu con vật khổng lồ này như một người bạn thân, nhưng cũng lắm phen phải tháo chạy bởi bản tính hung dữ của nó. Nặng hơn 100 kg, Lona dài 2,5 m và có thể lên đến 3 m khi thực sự trưởng thành.
Cũng như đồng loại của mình, rồng Lona có đặc tính lãnh thổ nên không con rồng nào có thể nhốt chung với nó. Lona cùng các con rồng khác được nhốt riêng cách xa nhau, nếu không đặc tính bảo vệ lãnh thổ sẽ khiến chúng đánh nhau, thậm chí ăn thịt lẫn nhau kể cả đó là bạn tình.
Khu vực chuồng của Lona giống các con rồng khác, được thiết kế như một vùng sa mạc tự nhiên với nhiều khối đá, cây xương rồng trồng khắp nơi để ngăn rồng chạy theo một đường thẳng, tường kín vây quanh chặn khả năng leo trèo của chúng. Ở một góc vườn có cửa nhỏ thông với chuồng bên kia, là thế giới của nàng rồng cái. Vào mùa giao phối, rồng cái qua lại với rồng đực qua cửa thông này, song tỷ lệ đậu thai rất ít.
Thực tế Lona sống ở vườn thú nhiều năm, tuổi sinh sản bắt đầu từ khi lên 8 nhưng theo Sutama, Giám đốc công viên Bali Bird Park, chú rồng đực chưa tạo ra được thế hệ rồng con kế tiếp nào. Tỷ lệ sinh sản quá ít này là một trong những nguyên nhân chính khiến rồng Komodo đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Rồng Komodo được xem là quốc thú của Indonesia. Loài rồng này chỉ sống trên đảo Komodo của quốc gia này. Chúng thuộc họ bò sát, loài thằn lằn khổng lồ được cho là có liên quan mật thiết đến loài khủng long ở thời kỳ cổ đại. Với trọng lượng khi trưởng thành nặng hơn 100 kg, thoạt nhìn có vẻ nặng nề chậm chạp song rồng Komodo có thể chạy với tốc độ 20 km một giờ, nhanh hơn cả con người. Chúng thường chạy theo đường thẳng, có thể nhảy cao 2-4 m, leo trèo và bơi lặn rất tốt.
Thị giác hơi kém song loài rồng này được thiên nhiên phú cho khứu giác vô cùng nhạy. Chúng có thể đánh hơi mùi thức ăn trong gió ở khoảng cách 7-10 km. Người chăm sóc rồng Agus Setiawan nói rằng khứu giác của Lona còn nhạy bén hơn nữa khi nó đói. Thông thường cứ 2 tuần rồng ăn một lần với 4 kg thức ăn gồm thỏ, gà... tươi hoặc đã chết.
Song vài ngày trước kỳ ăn Lona đã cảm thấy đói nên lồng lộn khó chịu, khi ấy nó có thể đánh hơi mùi thịt thối từ khoảng cách hơn 7 km nhờ chiếc lưỡi có cấu tạo hai chĩa rất đặc biệt. Những ngày này kể cả người chăm sóc thân cận nhất cũng khó thể tiếp cận chú rồng, cho đến khi nó được ăn no.
Có rất nhiều câu chuyện lan truyền về chiếc lưỡi kỳ lạ của rồng Komodo. Bộ hàm chắc khỏe, cái lưỡi tinh nhạy luôn thò ra thụt vào để đánh hơi và chứa chất kịch độc, rồng Komodo có thể giết chết một con trâu mộng ngay tức khắc. Nếu con mồi may mắn thoát ra khỏi chiếc hàm rồng, nó vẫn sẽ chết ở một nơi nào đó vì chất kịch độc này. Rồng có thể tìm ra con mồi chết nhờ khả năng đánh hơi tuyệt vời để đến ăn thịt.
Những con rồng Komodo còn sót lại ngày nay ở Indonesia phần lớn được nuôi nhốt trong các vườn thú để đảm bảo tránh nguy cơ tuyệt diệt. Nơi ở của chúng đều được mô phỏng giống y môi trường sống tự nhiên. Tuy nhiên dù thế nào thì môi trường sống trong vườn thú cũng khiến chúng hạn chế trong sinh sản. Lona thuộc thế hệ F1 đầu tiên của rồng Komodo được sinh nở tại vườn thú nên về bản tính phần nào đã tương đối thuần hóa hơn những con hoang dã. Chúng sống thọ 50-80 tuổi, tương đương với một đời người. (VnExpress 25/11) đầu trang(./.
Biên tập: Hương Giang