Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 26 tháng 11 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông vừa ra Quyết định số 274-QĐ/UBKTTU thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Phạm Đình Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp (DN) tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa). Ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, để mất hàng trăm hecta rừng do mình quản lý.
Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, năm 2006, Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa được UBND tỉnh Đắk Nông giao khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cây công nghiệp trên diện tích 1.827 ha đất rừng. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý nên từ năm 2006 - 2013, DN này đã để rừng bị khai thác, xâm canh lấn chiếm với tổng diện tích 567 ha. Mặc dù tình trạng phá rừng xảy ra hết sức nghiêm trọng, trong thời gian dài nhưng DN đã không có biện pháp xử lý dứt điểm.
Tương tự, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân (Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân) 8.200 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 6.400 ha. Sau khi UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi một phần, DN này còn quản lý hơn 6.400 ha, trong đó 5.200 ha rừng tự nhiên. Theo số liệu phúc tra mới đây của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, hiện diện tích rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân chỉ còn 1.728 ha, bị chặt phá hơn 3.500 ha.
Điều đáng nói, mặc dù gần 70% diện tích rừng tự nhiên bị xóa sổ nhưng trong những năm qua, Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân đã ém nhẹm việc mất rừng. Vụ việc chỉ mới được phát hiện khi đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc. Thực trạng trên cho thấy các công ty lâm nghiệp đã làm ngơ trước nạn phá rừng, buôn bán đất rừng tràn lan trên lâm phần được giao quản lý.
Theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông, ông Phạm Đình Dũng chưa hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Việc phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng thiếu chặt chẽ.
Tài nguyên rừng bị khai thác, lấn chiếm xảy ra trong thời gian từ năm 2006 - 2013 với tổng diện tích 567 ha nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Chỉ đạo thực hiện việc xây dựng và đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng tập trung của công ty chưa chính xác... Sai phạm như thế nhưng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng ông Dũng chỉ thiếu trách nhiệm trong việc triển khai nhiệm vụ được giao nên áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách.
Đối với vụ việc tại Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân, Thanh tra tỉnh Đắk Nông kết luận: Công ty đã vi phạm điều 37 Luật Bảo vệ và phát triển rừng, điều 15 Luật Đất đai. Những sai phạm trên có trách nhiệm của ông Trần Quyết Tâm, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân, đến mức cần phải chuyển hồ sơ để điều tra xử lý về mặt hình sự.
Tuy nhiên, xét về mặt khách quan, sai phạm với thời gian dài, có liên quan đến tập thể lãnh đạo công ty, liên quan đến cơ chế, chính sách, sự tác động xã hội mạnh vì lợi ích kinh tế qua phá rừng và tình hình chung trong quản lý bảo vệ rừng thời gian qua và hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh nói chung... nên cần được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2004 - 2011, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho thuê đất, giao đất, giao rừng cho 39 DN thực hiện 40 dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng nhưng các DN này yếu cả về tài chính lẫn kỹ thuật. Trong một thời gian dài, việc quản lý đất rừng bộc lộ nhiều tồn tại gây mất rừng trầm trọng...
Những tồn tại trên, trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, giám đốc Sở Tài chính, chủ rừng và các cá nhân, tập thể liên quan.
Do vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ, phát triển rừng; đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những sai phạm, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. (Người Lao Động 26/11) đầu trang(
Theo đánh giá của các chuyên gia bảo tồn, mặc dù Điều 190 của Bộ Luật hình sự đã quy định rất cụ thể về các tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và các loài động vật hoang dã, song việc xử lý bằng hình sự còn rất hạn chế, thậm chí ít hơn nhiều so với số lượng các vụ vi phạm được phát hiện và các đối tượng chủ mưu, cầm đầu khó bị phát hiện.
Điều này có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm và chưa kịp thời răn đe người phạm tội.
Tại hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” vừa được Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức tối 24/11, ông Đỗ Trọng Kim, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, từ năm 2010 đến hết tháng Mười năm 2014, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý 140.716 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (bình quân 28.143 vụ/năm).
Tính đến nay, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 115.165 vụ, khởi tố hình sự 1.431 vụ. Trong đó, vi phạm về khai thác gỗ trái pháp luật 12.425 vụ; vi phạm về quản lý động vật hoang dã 3.823 vụ; vi phạm về mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 71.654 vụ; tịch thu 58.869 cá thể động vật hoang dã (trong đó có 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm)…
Theo đánh giá của ông Kim, mặc dù số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, lâm sản được phát hiện là rất lớn, nhưng việc truy tố xét xử đối với các vụ án hình sự vẫn đạt tỷ lệ rất thấp và thường kéo dài, nên hạn chế tính giáo dục, răn đe tội phạm.
"Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2011-2013, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và quyết định khởi tố 1.028 vụ án hình sự với 1.233 bị can, nhưng chỉ có 153 vụ được xét xử, đạt 15%," ông Kim dẫn chứng.
Có chung nhận định, Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, qua theo dõi công tác đấu tranh của lực lượng công an cho thấy, mặc dù số lượng vụ việc được phát hiện tuy có ít hơn so với trước, nhưng tình hình hình vi phạm pháp luật trong linh vực bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm vẫn chưa được kiểm soát.
Theo tiết lộ của ông Kim, mặc dù Điều 190 của Bộ luật hình sự đã quy định việc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến các loài thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ không cần phải có căn cứ về định giá trị, khối lượng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, các cơ quan chức năng đã áp dụng Nghị định 157/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính.
"Việc vận dụng Nghị định 157/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính đối với các loài quý hiếm tuy không trái pháp luật, nhưng cần phải thống nhất tinh thần áp dụng pháp luật tại tại Khoản 2, Điều 83, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đòi hỏi áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn," ông Bình phân tích.
Vị Cục phó cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cũng cảnh báo, việc vận dụng Nghị định 157/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính đối với các loài quý hiếm, có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm và chưa kịp thời răn đe người phạm tội.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Bình nêu ví dụ, ngày 12/12/3013, một vụ vận chuyển trái phép một cá thể Vọoc cà vá chân đỏ nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện và xử phạt hành chính 15 triệu đồng thay vì phải xử lý nặng hơn.
Để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống tội phạm, Đại tá Trần Trọng Bình cho rằng việc quan trong hiện nay là cần phải rà soát, nghiên cứu các văn bản pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động đấu tranh với các hành vi của tội phạm.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là công an, hải quan, cơ quan quản lý Cites Việt Nam…để các bên cùng trao đổi, phối hợp xử lý thông tin về các đối tượng cũng như tương trợ tư pháp về điều tra hình sự đối với các tội phạm.
"Ngoài ra, các bộ ngành cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật về bảo tồn giữa các cơ quan ngoại giao, cơ quan Cảnh sát các nước và các tổ chức chính phủ để triển khai các điều ước quốc tế, tham gia tích cực vào chiến dịch bảo vệ các loài quý hiếm,” ông Bình khuyến nghị.
Đồng tình quan điểm, ông Đỗ Trọng Kim, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 190 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), theo đó bổ sung tội phạm về bảo vệ động vật thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đảm bảo việc xử phạt phù hợp với thực tiễn khách quan.
Ngoài ra, ông Kim cũng đề nghị các cơ quan tư pháp phối hợp, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong việc điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự trong lĩnh vực quản lý-bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, động vật hoang dã quý, hiếm.
Nhìn nhận ở góc đợ cơ quan bảo tồn, ông Phạm Văn Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho rằng, hiện nay việc thực thi bảo tồn đa dạng sinh học còn gặp một số thách thức, vướng mắc khi nhiều luật cùng tham gia vào công tác bảo tồn, nhưng khái niệm của mỗi luật lại khác nhau. Điều này đã dẫn đến việc thiếu sự thống nhất giữa các bộ ngành, địa phương.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, ông Cường kiến nghị cơ quan cơ quan chức năng cần phải thống nhất khái niệm giữa các Luật đồng thời từng bước thống nhấp cơ quan và phân cấp, quy định rõ ràng về nội dung, trách nhiệm quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học.
"Mặt khác, các đơn vị liên quan cũng cần phải tăng cường xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm cụ thể đồng thời công khai các thông tin về các vụ vi phạm; tăng cường giám sát thực thi pháp luật, bao gồm cả cộng đồng giám sát," ông Cường nói. (VietnamPlus 25/11) đầu trang(
Ông Lê Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết: Gần 4,4 tấn trọng lượng khô rùa biển gồm nhiều chủng loại vừa thu giữ trong lần phối hợp kiểm tra với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tại cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ ở thôn Phước Hạ và Phước Lợi (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) vừa qua, đã được chuyển đến Viện Hải Dương học Nha Trang để giám định.
Hiện tại, lực lượng kiểm tra đang chờ kết quả giám định của Viện Hải Dương học Nha Trang xem các cá thể rùa biển này thuộc loại quý hiếm đến đâu để xem xét xử lý vi phạm.
Do đây là trường hợp vi phạm với số lượng lớn nên mức phạt chắc chắn sẽ vượt thẩm quyền của Thanh tra Sở, nên việc ra quyết định xử phạt hành chính sẽ do UBND tỉnh xử phạt. Trường hợp kết quả giám định có nhiều loài sinh vật biển nằm trong Sách Đỏ thì chuyển hồ sơ qua công an để xử lý hình sự.
Ngoài ra, trong đợt kiểm tra vừa qua cơ quan chức năng còn phát hiện thêm khoảng 400 con trai tai tượng khổng lồ, mỗi con nặng hơn 15 kg được vứt bừa bãi ngoài sân. Tuy nhiên, do số lượng thu giữ quá lớn nên lực lượng kiểm tra đã thống nhất tịch thu các tiêu bản rùa biển đem giám định để xử lý sai phạm trước, còn các tiêu bản con trai tai tượng thì sẽ được giám định và xử lý sau. (Nông Nghiệp Việt Nam 26/11, tr15) đầu trang(
Từ năm 2012 đến nay, lâm tặc phá trắng hàng trăm hecta rừng Nà Giệt, các tiểu khu khác thuộc lâm phần huyện Hàm Thuận Nam và một số khu vực lân cận.
Thế nhưng, khi kiểm đếm, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Thuận chỉ đánh dấu được khoảng 2.000 cây gỗ bị khai thác, thấp hơn số lượng thực tế rất nhiều.
Sau gần một ngày đi thực địa, đến tận nơi chứng kiến cảnh rừng Nà Giệt dần “kiệt sức”, không khỏi xót xa. Tiếp tục gặp những người dân địa phương để tìm hiểu kỹ hơn về vụ việc này.
Tiếp PV, ông Nguyễn Văn Lâm (người dân tộc Jrai) ở thôn 3, xã Hàm Cần, cho biết: "Đời cha ông tôi sống ở đây, tôi cũng được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nên rất bức xúc khi thấy rừng quê hương đang bị “cạo trọc”. Điều đáng nói là sự việc không phải do những người dân nghèo khó làm liều mà được tổ chức bài bản và có sự bảo kê hẳn hoi.
Không chỉ phá rừng do nhà nước quản lý, kể cả phần đất do người dân khai hoang, canh tác, họ cũng lấn chiếm rồi lấy luôn, không để lại gì cho dân. Đất người ta làm gần 20 năm, họ vẫn lấy một cách trắng trợn. Bà con chẳng biết làm gì trước sự bất công đó. Họ lấy làm của riêng chứ không phải Nhà nước thu hồi đất.
Nhiều lúc bức xúc, tôi đã đôi co với họ. Tôi bảo: “Nếu mấy ông thu hồi đất để làm cơ quan nhà nước, trạm xá, trường học, công trình công cộng…, tôi đồng ý và tự nguyện hiến đất. Còn mấy ông lấy đất của dân rồi bán lại cho các đại gia để phá rừng thì tôi không đồng ý. Mấy ông mà lấy thì tôi kiện luôn”.
Cách đây không lâu, một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số đến đây định cư nhưng chưa có đất canh tác, xã định san ủi một phần để cấp đất cho bà con nhưng không hiểu sao, cuối cùng phần đất này cũng rơi vào tay lâm tặc. Khi có ý kiến phản đối thì họ hăm dọa, “đứa nào dám viết đơn, tụi tao sẽ bắt đứa đó bỏ tù”. Nghe vậy, nhiều người dân phải ngậm bồ hòn mặc dù tức không chịu nổi".
Theo ông Lâm, từ ngày báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, lâm tặc vẫn tiếp tục triệt hạ rừng Nà Giệt. Tuy nhiên, vì có tai mắt khắp nơi nên khi nghe tin có đoàn đến kiểm tra là họ xách máy cưa bỏ chạy đến khu vực khác. Bình thường, lâm tặc hoạt động mạnh từ 5 giờ đến 8 giờ sáng, sau đó tạm nghỉ, chiều làm tiếp. Cưa đến đâu, lâm tặc cho người chuyển gỗ ra khỏi rừng đến đó. Mỗi lần chuyển, chúng dùng xe cải tiến trên 14 tấn để chở “gỗ mẹ, gỗ con” đi luôn chứ không để lại gì.
Thấy họ khai thác rầm rộ, bà con ở đây bức xúc lắm. Trong khi người dân ở đây ra sức bảo vệ rừng, sống nương tựa vào rừng thì họ từ đâu tới, phá rừng tan hoang. Họ phá sạch ở 3 điểm là Nà Giệt, Giếng Cọp (thôn 3, xã Hàm Cần) và Tà Nớ (thôn 1, thôn 2, xã Hàm Cần) với tổng diện tích hàng trăm hecta.
"Rừng bị tàn phá đến kiệt sức nên giờ đây, bà con muốn chặt cây làm chòi cũng không có. Mấy ổng phá rừng hết khu vực xung quanh rồi, người dân muốn vô, mấy ổng đâu có cho. Muốn kiếm củi đốt cũng không được, vì mấy ổng khai thác trắng hết rồi”, ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Minh Phúc, có trang trại ở gần rừng Nà Giệt, cho biết thêm: Từ năm 2012 đến nay, họ liên tục phá rừng. Ban đầu, vì trong nhóm khai thác có một lãnh đạo Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam và một người là nhân viên bảo vệ rừng Sông Móng – Ca Pét nên người dân tưởng là họ đứng ra khai thác theo chỉ đạo của nhà nước.
Sau đó, qua quá trình lân la làm quen, tìm hiểu, mới biết đây là khai thác gỗ lậu chứ không có giấy tờ gì hết. Công an kinh tế và kiểm lâm huyện về bắt một đợt, sau đó, không hiểu sao họ được thả rồi lại vào rừng khai thác tiếp, và lần này càng dữ dội hơn. Sau lần đó, những người được thuê cưa cây, xẻ gỗ ở đây được dặn dò rất kỹ.
Trừ kiểm lâm đã “nhắm mắt làm ngơ” hay những người ở xí nghiệp đến “chỉ tay năm ngón”, khi phát hiện những người mặc đồ sơ vin, tướng tá giống người làm nhà nước lảng vảng ở khu vực này thì phải ôm máy cưa đi giấu chứ nếu mất thì họ không chịu trách nhiệm. Và để mắt tới nhà báo nếu họ chụp đưa lên báo phản ánh thì khó bảo toàn công việc cho ngày hôm sau. Còn nếu lỡ bị kiểm lâm bắt thì họ sẽ lên lấy lại cho, không sao hết.
Ông Phúc khẳng định: Họ không làm chút đỉnh mà phá từ khu này đến khu Giếng Cọp, rồi khu Tà Nớ. Trước khi viết đơn tố cáo, tôi đi coi lại thì thấy non 200ha bị phá trắng chứ không ít. Họ khai thác ồ ạt ở 3 điểm, động chỗ này thì chuyển qua chỗ kia, không ngày nào ngơi nghỉ. Một giai đoạn, rừng thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét cũng bị xâm phạm nhưng mấy anh em ở trạm không dám bắt mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng.
Ấy vậy mà rừng vẫn bị xâm hại, gỗ vẫn bị đốn hạ rồi chuyển về xuôi tiêu thụ. Người bảo vệ rừng thấy sự việc sai trái rành rành ngay trước mắt nhưng làm ngơ, không dám bắt vì chỉ huy “lâm tặc” là con trai của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện.
Có đợt, quá bức xúc, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét phối hợp với UBND xã Hàm Cần đã bắt một xe, đem về trụ sở UBND xã tạm giữ. Sau đó, ông Hải cho lính đến nói gì với UBND xã mà xã cho hai ông kiểm lâm áp tải xe gỗ đó về rồi tẩu thoát luôn.
Quá bức xúc trước tình trạng phá rừng, người dân làm đơn tố cáo gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, công an kinh tế của tỉnh này và các báo, đài Trung ương, địa phương. Sau đó, lãnh đạo tỉnh giao đơn tố cáo cho Sở Nông nghiệp và PTNT, chỉ đạo thành lập đoàn khảo sát các khu vực bị khai thác.
Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận: “Căn cứ đơn tố cáo của công dân, chúng tôi làm công khai, đúng trình tự thủ tục. Sau khi Sở nhận được đơn chuyển của Văn phòng Tỉnh ủy và UBND tỉnh về việc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam cấu kết với một số đối tượng phá rừng Hàm Thuận Nam,  Sở Nông nghiệp và PTNT quyết định thành lập đoàn đi xác minh, thụ lý đơn tố cáo của công dân vào đầu tháng 10 và sẽ xác minh trong 45 ngày.
Chúng tôi đi kiểm tra theo từng vị trí mà người dân chỉ, đánh dấu từng gốc cây bị chặt phá. Cuối tháng 11 này, chúng tôi sẽ họp sơ bộ đoàn kiểm tra rồi mới có kết quả chính thức. Nếu như vụ việc không nằm trong phạm vi xử lý hành chính thì chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang xử lí hình sự. Chúng tôi khi nhận được đơn tố cáo, làm việc rất thận trọng, không bao che”.
Mặc dù Giám đốc  Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận khẳng định, cơ quan chức năng khi đi kiểm tra rất thận trọng, đánh dấu từng gốc cây bị chặt phá nhưng qua kiểm đếm sơ bộ, cơ quan chức năng chỉ mới đánh dấu được khoảng 2.000 gốc cây ở khu vực ngoài bìa rừng, lộ thiên, nhiều người dễ dàng thấy được.
Còn trên thực tế, khi chúng tôi đi thực địa, nhiều gốc cây bị chặt hạ vẫn chưa được kiểm đếm. Khảo sát một khu vực nhỏ, thấy số được đánh dấu chỉ chiếm khoảng 2/5 so với số thực tế. Không biết, với 200ha rừng bị triệt hạ, số cây bị chặt phá còn lớn đến chừng nào?
Theo những người dân địa phương, từ ngày rừng Nà Giệt bị khai thác đến cạn kiệt, mỗi mùa mưa lũ về, nước từ đầu nguồn dội xuống ào ạt làm xói mòn đất, lở bờ sông, cuốn trôi đi biết bao hoa màu mà người dân vất vả trồng nên. Mùa khô thì đất kiệt nước vì rừng có chức năng giữ nguồn nước mạch mà rừng đã bị tàn phá nên tất yếu nước cũng khô theo. Thiệt hại trước mắt đối với hoạt động sản xuất và đời sống của người dân đã thấy rõ. Về lâu dài, chưa ai có thể lường trước được những nguy hiểm gì sẽ xảy ra tiếp theo như rừng đã bị phá trắng như thế.
“Người dân ở đây rất bức xúc. Trong khi người dân chúng tôi ra sức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống của chính mình thì những người được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng lại đứng ra tiếp tay phá rừng. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra cho rõ ngọn ngành, xử lý đúng người đúng tội và nhanh chóng có phương án tái sinh rừng để bảo vệ màu xanh cho quê hương”, ông Phúc bộc bạch.
Sau khi báo Kinh tế nông thôn có đăng bài Rừng Nà Giệt “kiệt sức”, phóng viên liên tiếp nhận được điện thoại từ số máy 0623821717, đầu dây bên kia là giọng nói của một người đàn ông hỏi: “Nhà báo M.T phải không? Anh gặp tôi với ý gì? Nếu cần thì mai đến  công ty gặp, tôi là người nhà nước, các anh không nên bảo vệ thằng Phúc “lâm tặc”, chúng tôi đang lập hồ sơ để bắt nó “bỏ tù”, các anh cần gì gặp tôi”.
PV trả lời: “Đến gặp đồng chí làm việc để thông tin vụ việc đến bạn đọc một cách khách quan, đồng chí không tiếp, chúng tôi đã gặp giám đốc sở rồi”.
Ngay tức thì, người này dùng những lời lẽ sặc mùi xã hội đen đe dọa: “Mày cứ đợi đấy, tao ghi âm hết rồi, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào đâu. Mày nên nhớ, 30 chưa phải là Tết đâu. Tao thề không xin được huyết mày tao không phải là người. Mày cứ đợi đấy”.
Trước sự việc liên tục bị đe dọa, xét thấy đây là hành vi mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phóng viên đã điện thoại cho ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận trao đổi vụ việc và đề nghị phía cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận điều tra làm rõ số điện thoại cũng như người gọi điện đe dọa nói trên để bảo vệ tính mạng con người cũng như bảo vệ tính nghiêm minh trong bộ máy pháp luật của Nhà nước. (Kinh Tế Nông Thôn 25/11) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng nên nhiều “điểm nóng” phá rừng đã được ngăn chặn...
Theo ông Nguyễn Khương - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Chi cục đã chuyển đổi vị trí công tác của 5 hạt trưởng, 8 trạm trưởng và 19 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo; điều động 22 công chức và lao động hợp đồng để tăng cường lực lượng cho Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh và Đội Kiểm lâm cơ động làm nhiệm vụ kiểm tra, truy quét đối tượng phá rừng tại các địa bàn trọng điểm.
Địa bàn nào để xảy ra tình trạng phá rừng nhiều; địa bàn cán bộ, công chức kiểm lâm đã công tác lâu năm nhưng chưa chuyển đổi thì Chi cục đều tiến hành chuyển đổi. Nhờ đó, đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là ở các điểm nóng như Khánh Vĩnh, Ninh Hòa.
Còn nhớ, đầu tháng 5 năm nay, một số thương lái đã tìm đến thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh để lùng mua trắc dây, tạo nên cơn sốt loại lâm sản này. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã điều động 50% lực lượng của Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh tăng cường cho địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh; chỉ đạo cho 2 Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh phối hợp với các địa phương nơi có phân bố cây trắc dây thường xuyên kiểm tra, không để người dân vào rừng chặt hạ cây trắc dây; kiên quyết xử lý những trường hợp cất giấu, vận chuyển, mua bán trắc dây trái pháp luật. Nhờ vậy, nạn khai thác, mua bán trắc dây đã được xử lý dứt điểm.
Tại Khánh Vĩnh, tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn huyện cũng đã giảm đáng kể. Ông Khương cho biết: “Để xử lý được tình trạng phá rừng tại Khánh Vĩnh, Chi cục đã huy động những công chức kiểm lâm có độ tuổi dưới 30 để tăng cường cho địa bàn này. Bên cạnh việc chốt chặn tại một số địa điểm quan trọng, lực lượng của Hạt và Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh còn phối hợp với chủ rừng tuần tra, truy quét, chốt chặn sâu trong rừng... Nhờ vậy, đến nay, “điểm nóng” phá rừng tại Khánh Vĩnh đã “hạ nhiệt”. Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái pháp luật đã được hạn chế đến mức thấp nhất”.
Tuy tình trạng phá rừng tại Khánh Vĩnh đã giảm đến 80 - 90% nhưng vẫn còn một số đối tượng tiếp tục tìm cách khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Lợi dụng mùa mưa, nước sông lớn, các đối tượng tập trung chuyển gỗ lậu bằng đường sông. Trong khi đó, tại thị xã Ninh Hòa, rừng thượng nguồn Thủy điện Ea Krông Rou luôn bị các đối tượng khai thác gỗ trái phép ở địa phương nhòm ngó.
Tuyến đường nối thủy điện này với các xã: Ninh Tây, Ninh Sim, Ninh Xuân... trở thành cung đường vận chuyển gỗ lậu của nhiều đối tượng. Theo ông Lê Văn Đỏ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa, khu vực thượng nguồn Thủy điện Ea Krông Rou có diện tích khá lớn (khoảng 20.000ha), nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế khá cao.
Vì vậy, các đối tượng thường vượt qua lòng hồ thủy điện để đến những cánh rừng thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk khai thác, sau đó kết lại thành bè vận chuyển qua lòng hồ, rồi đưa gỗ về xuôi bằng xe máy. Tuy nhiên, qua phối hợp đóng chốt, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại điểm nóng khu vực Thủy điện Ea Krông Rou. Hàng chục mét khối gỗ xẻ hộp, xe máy độ chế đã bị xử lý. Hiện nay, tình hình vi phạm đã giảm đến 80%.
Tuy nhiên, theo nhận định của lực lượng chức năng, tại một số địa phương còn nhiều rừng như: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa, Cam Lâm vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ của nạn phá rừng. Đặc biệt, thời gian này, khi Tết sắp đến, nhu cầu sử dụng gỗ tăng cao thì tình trạng phá rừng chắn chắn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.
Chính vì vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát địa bàn; xác định các điểm nóng có thể xảy ra phá rừng để thành lập chốt chặn, phối hợp với chủ rừng để bảo vệ rừng từ gốc; thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản; tiếp tục việc điều chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức kiểm lâm...
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến đầu tháng 11-2014, qua tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 467 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giảm 115 số vụ so với cùng kỳ năm trước. Qua xử phạt vi phạm hành chính, đã tịch thu 82,75m3 gỗ tròn, 544,83m3 gỗ xẻ các loại; phương tiện tịch thu gồm: 5 ô tô, 76 xe máy; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 8,4 tỷ đồng. (Báo Khánh Hòa 25/11) đầu trang(
Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, kể cả xử lý hình sự. Tuy nhiên, thời gian qua nạn buôn lậu sừng tê giác vẫn hoạt động phức tạp, tinh vi hơn dưới nhiều hình thức khác nhau.
Là một loại sản phẩm dành cho giới dân chơi, đại gia nên sừng tê giác được chào hàng cũng rất tinh vi. Tại một nhà hàng trên đường Hồng Hà (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhóm PV đã tiếp cận được một nhóm đối tượng đang trao đổi hàng một cách kín đáo.
Đứng giữa những "tay chơi” sừng tê giác, Đ.T.K được giới thiệu là giám đốc một công ty vận tải có trụ sở tại Q.1 lấy trong cặp ra một đĩa mài và chai rượu đế cùng một khúc sừng tê giác bọc trong giấy bạc. Đ.T.K giới thiệu mua được hàng xịn từ một người bạn từ Nam Phi mang qua, rồi miệng nói tay làm, đối tượng tiếp tục đem sừng tê giác mài và hòa vào rượu, rồi chia đều ra từng ly nhỏ cho 5 vị khách VIP.
"Đây là hàng thật 100%, các anh em cứ thử sẽ mê ngay”, Đ.T.K nói. Sau khi để khách hàng thưởng thức rượu tê giác, đối tượng tiếp tục quảng cáo sừng tê giác như một loại thần dược chữa bách bệnh, đặc biệt là tăng cường thể lực với giá gần 50.000 USD/1kg.
Theo lời ông Trần Công Mạnh, một giám đốc công ty xuất nhập khẩu đang ăn lên làm ra ở TP.HCM cho biết: "Việc đãi khách bằng sừng tê giác ở Sài Gòn giờ khá phổ biến, vì giá trị về vật chất cũng như lời đồn về tác dụng của nó cho sức khỏe con người, nên sừng tê còn được coi là món khai vị quý để đãi khách”.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, dù các tay buôn sừng tê giác tìm nhiều cách khác nhau để tô vẽ về công dụng chữa bá bệnh. Thế nhưng, ở Việt Nam trong đông y, sừng tê giác được sử dụng chữa trị nhiều bệnh, từ sốt tới ảo giác, đau đầu.
Gần đây, những người giàu có còn dùng bột sừng tê giác hòa vào nước uống giải rượu, thậm chí có thông tin sừng tê giác chữa bệnh ung thư. Nhưng đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào về tác dụng của sừng tê giác. Trong khi đó, phần lớn sừng tê giác bán trên thị trường là sừng giả.
Chấp nhận bỏ một khoản tiền lớn ra để có được một khúc sừng tê giác, thế nhưng nhiều đại gia phải chưng hửng vì mua phải sừng tê giác giả. Tìm hiểu về thị trường chợ đen chuyên buôn bán sừng tê giác tại Sài Gòn, được một người bạn giới thiệu tiếp cận với Hoàng – một người được đồn thổi là tay chuyên buôn bán động vật quý hiếm với trên 10 năm bán hàng này. Chính vì vậy, các đại gia thường tin cẩn Hoàng như ông trùm trong giới buôn bán sừng tê giác và bất cứ loại động vật quý hiếm nào nếu có nhu cầu mua ông ta cũng đáp ứng được.
Tại một quán cà phê trên đường Võ Văn Tần Q.3, khi PV nhập vai những khách hàng đến trình bày muốn mua một khúc sừng tê giác để chữa bệnh cho người thân bị ung thư, sau khi dò xét chứng minh thư từng người, ông Hoàng cẩn trọng lấy trong túi ra một khúc sừng tê giác nhỏ làm hàng mẫu cho coi.
"80% hàng tê giác ở Việt Nam là hàng giả đấy, nhưng các anh đã đến chỗ tôi thì 100% là hàng thật. Nhưng cũng phải nói trước, nếu dùng sừng tê chữa bệnh ung thư thì phải dùng lúc bệnh mới phát hiện chứ đã di căn rồi mà uống cũng vô tác dụng”, ông Hoàng chào mời.
Để chứng minh cho khách biết sừng tê giác mình bán là hàng thật, ông Hoàng sẵn sàng mài sừng tê giác của mình hòa với rượu cho khách thử. Theo tay buôn này thì sừng tê thật khi uống phải có mùi bùn non, màu khi hòa với rượu là màu sữa, khúc sừng phải mịn, không có lỗ kim châm trên bề mặt cắt của khúc sừng, sừng thật nhẹ chứ không nặng khi cầm trên tay.
PV cũng tìm đến ông Trần Kiến Xương, Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM để tìm hiểu về thực trạng xử phạt các đối tượng được phát hiện buôn lậu sừng tê giác trên địa bàn. Ông Xương cho biết, trong tháng 6 qua, TAND TP.HCM mới xử 1 vụ buôn bán sừng tê giác từ Hồng Kông về Việt Nam, tuy nhiên đối tượng chỉ bị phạt tù 2 năm và hưởng án tù treo.
"Hiện tại, luật ở Việt Nam vẫn chưa rõ ràng cho tội phạm buôn hàng này bởi với sừng tê giác hay ngà voi việc định giá giá trị của tài sản là không thể, vì đây là mặt hàng cấm buôn bán trên thị trường, giá của nó chỉ là do thị trường chợ đen định giá nên khó có thể xử phạt hay sung công quỹ. Viện KSND Tối cao sẽ đưa vấn đề này ra Quốc hội để nghiên cứu và đưa ra luật xử phạt mới, nặng hơn cho tội phạm buôn bán mặt hàng cấm này”, ông Xương cho biết. (Đại Đoàn Kết 26/11) đầu trang(
Những chú gấu gầy trơ xương, yếu ớt, thiếu ăn và thường xuyên nôn mửa là hình ảnh còn lại hiện nay ở các trại nuôi gấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Những năm trước, chính những chú gấu này đã tạo ra công ăn việc làm và cuộc sống sung túc cho chủ nuôi. Nhiều gia đình đã vay mượn hàng trăm triệu đồng để đầu tư vào gấu, tuy nhiên chỉ sau một vài năm mong đợi thì thời thế đổi thay khiến họ đứng trước nguy cơ tay trắng. Từ đàn gấu hàng ngàn con được mua nuôi để làm du lịch, nay chỉ còn mấy chục con.
Sau khi thấy nhiều hộ gia đình nuôi gấu mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2000 gia đình anh Nguyễn Thanh Nhượng (ở phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên) đã vay ngân hàng, anh em trong gia đình để mua tám con gấu, sau một vài năm nhân lên được hơn 100 con.
Có những thời điểm mua một con gấu lên đến 14 lượng vàng. Thời kỳ hoàng kim của ngành du lịch gấu (khách du lịch đến Quảng Ninh tham quan gấu và hút mật gấu), trừ mọi chi phí cũng kiếm được vài chục nghìn đồng/ngày/con gấu. “Từ đóng tiền học cho mấy đứa nhỏ, tiền thuốc cho bà mẹ già và thằng em bị thiểu năng trí tuệ, rồi bệnh tim mạch của vợ tôi dựa hết vào đàn gấu. Đến bây giờ không còn thu nhập nữa, cuộc sống gia đình chỉ do mình tôi xoay xở. Không biết thời gian tới sẽ làm cách nào để cứu lấy gấu nữa” - anh Nhượng than.
Anh Nhượng cho biết thời điểm đông khách lại bị cấm. Có những lúc du khách từ Hàn Quốc ghé thăm trại gấu của anh bị cơ quan chức năng chặn ngay từ đầu cổng. Anh cũng đã kiến nghị nhiều nhưng không nhận được thông tin cụ thể từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh.
“Vậy là gia đình không còn gì để nuôi và đành để gấu chết mòn... Từ hơn 100 con sau một vài năm thì bị chết do bệnh, do cơ quan chức năng đến thu trắng đưa về trung tâm bảo tồn, đến nay chỉ còn 13 con. Trước đây gấu được chăm sóc tốt nặng đến 350kg, bây giờ chúng chỉ húp cháo qua ngày nên con nào giữ được xác thì còn khoảng 70-150kg” - anh Nhượng nói.
Anh Nhượng chia sẻ thêm gia đình anh đã chuyển trại gấu từ TP Hạ Long về khu vườn nhà mình để tự chăm sóc do không đủ điều kiện chăn nuôi, tiền thuê đất, mượn nhân công chăm nom. Thời điểm có khách du lịch vào, có nguồn thu thì mua gà tươi, mật ong rồi nhiều chất dinh dưỡng khác để tăng đề kháng cho gấu, còn bây giờ chỉ đủ tiền mua gạo, trứng nấu cháo cho gấu húp.
Nói về việc bàn giao lại số gấu trong trại nuôi cho cơ quan chức năng, anh Nhượng cho biết không chỉ anh mà nhiều chủ trại nuôi gấu tại Quảng Ninh đều mong muốn gấu được về với trung tâm bảo tồn do người dân không còn khả năng nuôi. "Gấu là động vật quý hiếm nhưng bây giờ chủ các trại nuôi chỉ cần Nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi một con gấu với giá tiền tương đương một con bò là được” - anh Nhượng chia sẻ.
Là một trong những chủ trại nuôi gấu với số lượng nhiều nhất của Quảng Ninh, ông Nguyễn Trọng Bờ (ở phường Đại Yên, TP Hạ Long) cho biết những năm trước đây khi gấu gắn chip thì được nuôi hợp pháp và ở các trại nuôi gấu có rất nhiều du khách đến tham quan nên thu nhập cũng ổn định. Khi cơ quan chức năng gắn các biển báo cấm khách du lịch thì trại gấu của ông Bờ vắng tanh, không có người qua lại, nằm lọt thỏm dưới một khu đất cạnh quốc lộ 18.
“Trước đây nhà tôi có khoảng 200 con gấu nhưng khi có lệnh cấm thì tôi đã nhường lại cho hai hộ khác mấy chục con, ngoài số chết đã tiêu hủy ngay sau đó, tôi chỉ còn 32 con. Từ đầu tháng 11 đến nay đàn gấu đã chết thêm năm con, còn 27 con. Cán bộ thú y đến kiểm tra sức khỏe cho gấu nói nhiều con đang trong tình trạng yếu lắm rồi...”.
Đã có nhiều cuộc họp giữa cơ quan chức năng và chủ các trại để tìm lối ra cho những con gấu còn lại của Quảng Ninh nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hữu ích. Theo một số chuyên gia nghiên cứu về gấu, nếu không có những biện pháp kịp thời, chỉ trong vài năm nữa số gấu ở Quảng Ninh sẽ không còn.
Một cán bộ kiểm lâm công tác nhiều năm trong ngành tâm sự: "Thấy gấu cứ chết dần mà buồn lắm. Cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã làm hết mình rồi. Nhiều cuộc họp diễn ra giữa cơ quan chức năng và chủ trại gấu nhưng nhiều năm trôi qua vẫn chưa tìm được giải pháp”
Ông Phạm Văn Phát - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm - cho biết trước đây các chủ trại cho ăn đầy đủ thì gấu sống khỏe và thậm chí có thể lấy mật định kỳ, còn bây giờ chủ nuôi nào cũng khó khăn vì lệnh cấm, không đủ kinh phí để đầu tư nên gấu không đảm bảo về sức khỏe. Chính chế độ dinh dưỡng kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gấu ở Quảng Ninh chết nhiều trong những năm gần đây.
“Vướng mắc lớn nhất đối với các cơ quan quản lý là chủ nuôi dù không có điều kiện để nuôi nhưng không chịu giao lại gấu cho các trung tâm bảo tồn mà đòi phải bồi thường. Trong khi việc bảo tồn cho các trung tâm thì có hạn, không đủ để chứa hết số gấu hiện tại” - ông Phát nhấn mạnh.
Tiến sĩ Tuấn Bendixsen - giám đốc Trung tâm Cứu hộ gấu VN - cho biết: "Chúng tôi không thể đưa tiền bồi thường cho các chủ trại nuôi gấu. Vì đưa tiền cho chủ trại nuôi gấu là vi phạm pháp luật của VN và những người tài trợ cho chúng tôi trong công tác bảo tồn gấu cũng không đồng ý việc này vì trước đây gấu ở các trại nuôi đã bị khai thác quá nhiều. Gấu là động vật hoang dã, quý hiếm và Nhà nước không công nhận quyền sở hữu thì làm sao mà chủ nuôi có thể ra giá bồi thường được. Nếu chúng tôi bồi thường hay hỗ trợ cho người dân thì coi như chúng tôi tiếp tay cho buôn lậu”.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi về việc tỉnh Quảng Ninh cấm khách du lịch tham quan gấu (cuối năm 2012), ông Đoàn Hoài Nam - phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) - cho biết: “Cục không chỉ đạo và cũng không có văn bản nào yêu cầu các chi cục kiểm lâm cấm khách du lịch tham quan trại gấu, đó chỉ là quy định quản lý riêng của địa phương”!
Theo thông tin từ Cục Kiểm lâm, trước thực trạng rộ lên nuôi gấu bất hợp pháp, chích hút mật để thu lợi nhuận từ những năm trước đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành những quy định để quản lý nghiêm ngặt. Sau khi Cục Kiểm lâm đã rà soát, thống kê gấu và gắn chip, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các địa phương với nội dung: "Không tịch thu gấu nuôi trái phép mà giao lại cho chủ trại gấu và chủ trại gấu phải có trách nhiệm nuôi con gấu đã được gắn chip đến hết đời nhưng không được sở hữu”.
Việc không được sở hữu, không được mua bán, không được bồi thường là nguyên nhân gây ra sự lụi tàn của đàn gấu ngựa ở Quảng Ninh vì người dân không chịu mất không gấu sau khi bỏ ra một số tài sản lớn để mua chúng cho mục đích kinh doanh du lịch.
Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để người dân tự nguyện giao nộp 82 con gấu còn lại trong các trại nuôi tư nhân cho cơ quan chức năng, để bàn giao về Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Trong khi đó, ông Lê Phương Triều - giám đốc Trung tâm cứu hộ và bảo tồn Vườn quốc gia Cúc Phương - cho rằng muốn cứu đàn gấu ngựa ở Quảng Ninh, cơ quan chức năng cần có hỗ trợ phần nào cho chủ trại nuôi gấu để họ chịu bàn giao lại cho các trung tâm bảo tồn bán hoang dã ở VN.
Trại gấu của gia đình anh Phùng Văn Hải ở phường Hà Khẩu, TP Hạ Long có 9 con gấu ngựa nằm trên khu đất khoảng 3.000m2 được thuê lại từ người khác. Trước kia trại này có hàng chục con gấu được nuôi béo tốt, nhưng bây giờ nhiều chuồng nuôi không còn gấu, trơ khung sắt hoen gỉ.
Trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông, những khung ảnh quảng bá về gấu, về vịnh Hạ Long được treo trên tường đã hoen ố. Nhà cho khách du tịch nghỉ ngơi cũng xiêu vẹo, mạng nhện giăng đầy do để lâu không quét dọn, tu sửa.
Anh Hải cho biết trước đây trại gấu nhà anh ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), thấy ở Quảng Ninh có đông du khách nên anh đã bàn với gia đình dời trại gấu về Hạ Long để kinh doanh dụ lịch.
"Cho khách du lịch vào tham quan gấu là loại hình mới, cứ mỗi khách vào lại cho ít tiền. Thời gian đầu làm ăn được nên tôi thuê thêm nhiều nhân công để trông nom. Đến bây giờ không còn người ra vào, gấu cứ đổ bệnh chết dần nên đành mượn anh em trông coi qua ngày chờ phương án mới của Nhà nước. Chúng tôi sẽ đồng ý để cơ quan chức năng đưa gấu về trung tâm bảo tổn nếu họ hỗ trợ thỏa đáng đế chúng tôi đỡ thiệt" - anh Hải nói.
Gấu ngựa hay còn gọi là gấu đen châu Á. Gấu trưởng thành cao từ 1,2-1,5m, nặng khoảng 200kg, tuổi thọ của gấu khoảng 25-30 năm. Một con gấu ngoài tự nhiên một ngày ăn khoảng 5kg rau củ quả, mật ong, thức ăn tinh và có thể đi lại để kiếm ăn ở bán kính khoảng 10km.
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, trước năm 2013 tại Quảng Ninh có rất nhiều gấu được các chủ trại tư nhân nuôi để phục vụ du lịch. Nhưng sau lệnh cấm khách tham quan cuối năm 2013 trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn lại 152 con gấu, đến tháng 11-2014 chỉ còn 82 (70 con tiếp tục chết do suy dinh dưỡng và bệnh tật).
Còn theo thông tin từ Cục Kiếm lâm, năm 2006, VN có 4.349 con gấu, năm 2010 là 3.320 con, đến năm 2013 giảm xuống chỉ còn 1.978 con. (Tuổi Trẻ 26/11, tr18) đầu trang(
Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WAR hôm 25.11 cho biết sẽ phối hợp với Khu bảo tồn biển Phú Quốc và Phòng Giáo dục - đào tạo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ hội bảo vệ dugong 2014 vào sáng 30.11 tại thị trấn Dương Đông.
Hoạt động này nhằm kêu gọi cán bộ lãnh đạo, học sinh, khách du lịch và công chúng tham gia bảo vệ loài động vật biển quý hiếm đang trên bờ tuyệt chủng tại VN.
Dugong hay còn gọi là bò biển, cá cúi (Dugong dugon) là loài động vật có vú lớn, sống ở biển. Do di chuyển chậm chạp và thân hình to lớn, loài này thường dễ bị mắc vào lưới đánh cá của ngư dân. Dugong cũng bị săn bắt ráo riết lấy thịt, da làm thức ăn và răng làm thuốc chữa bệnh hoặc đồ trang sức. Dugong hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp (CR), theo Sách đỏ VN.
Loài này cũng được Sách đỏ thế giới (IUCN) xếp vào loài sắp nguy cấp. Dugong chỉ còn lại không quá 100 con tại 2 vùng biển của VN là Phú Quốc và Côn Đảo (theo WWF, 2013). (Thanh Niên 26/11) đầu trang(
Từ năm 1996 đến nay, đã có 9.739 hộ với 47.721 khẩu chủ yếu là nhóm đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do (DCTD) vào cư trú tại các vùng núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk.
Thời gian qua, tỉnh đã có 20 dự án quy hoạch bố trí, ổn định dân DCTD với tổng số vốn đầu tư lên đến 191,427 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng đó vốn vẫn chẳng thấm vào đâu khi hiện tại còn hơn 6.597 hộ với 32.581 khẩu đang sống tạm bợ trong rừng.
Năm 2008, trước tình trạng dân DCTD lấn phá rừng ồ ạt trên đất rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar), UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định bố trí 15 ha đất tại tiểu khu 550 để di dời, ổn định 80 hộ dân đang sống giữa rừng.
4 năm sau, khi dự án này chưa hoàn thiện thì nó đã trở nên bất cập. Số dân DCTD đang sống trong rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm bây giờ không phải là 80 hộ nữa mà đã tăng lên gấp 2 lần. Hoặc như dự án Ea Lang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) thực hiện quy hoạch, bố trí sắp xếp ổn định cho 200 hộ với 1.250 khẩu nhưng nay dự án đã bị “phá sản” khi số hộ đã tăng lên gấp 3 lần với 3.322 khẩu.
Vốn là người nghèo đi tìm miền đất hứa, nhưng theo khảo sát của ngành chức năng, đời sống của đại bộ phận dân DCTD ở Đắk Lắk vẫn chung một chữ nghèo. Sống biệt lập trong rừng, trình độ dân trí ở mức quá thấp, canh tác theo lối truyền thống: Đốt rừng, chọc lỗ, tỉa hạt, săn bắn… đã khiến dân DCTD không chỉ nghèo mà cả một thế hệ tương lai - con cháu họ - tương lai cũng bám víu với cuộc sống thiếu thốn, mù mịt trong rừng.
Để ổn định cho dân DCTD, tỉnh đã phê duyệt cho huyện Ea Súp thành lập thôn Bình Lợi nhằm tập trung dân DCTD lại một chỗ và ổn định đời sống cho bà con. Thế nhưng, chính quyền muốn là một chuyện, dân DCTD chịu ra khỏi rừng hay không lại là chuyện khác.
Ông Trần Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp than thở: “Ổn định dân DCTD đang là vấn đề hết sức nan giải với chính quyền sở tại. Chấp nhận họ, lấy cả đất rừng cho họ thành lập thôn, vận động rằng mỗi hộ rời rừng ra thôn Bình Lợi sẽ được cấp 1 sào đất thổ cư và 1ha đất sản xuất nhưng dân vẫn… chê ít, một mực không chịu. Thế bảo sao mà ổn định cho được”.
Không riêng gì huyện Ea Súp mà hầu hết các huyện có dân DCTD đều có cùng chung cảnh ngộ. Dù địa phương tìm mọi cách để nâng cao đời sống mọi mặt cho dân DCTD nhưng càng làm càng thấy… bất lực.
Trò chuyện với PV, vợ chồng anh Na Đình Đồng - người dân tộc Tày - thú thật: “Nhiều lần chính quyền vận động chúng tôi ra thôn Bình Lợi nhưng hỗ trợ có 1 ha đất thì ra đó lấy gì sống. Trong khi ở đây để có được 7ha đất như bây giờ gia đình đã phải bỏ bao công sức… hặt rừng. Thôi, thà ở trong rừng còn hơn”.
Không chỉ có vợ chồng anh Đồng mà hầu hết bà con DCTD khi được hỏi đều “chê” chính quyền hỗ trợ đất quá ít, nếu có mức nào cao hơn thì may ra bà con sẽ “xem xét”. Có điều, như ông Quang nói, nếu địa phương càng làm tốt việc ổn định cho dân DCTD thì đó cũng có thể là điều thu hút người ta đến nhiều hơn. “Để giải quyết tình trạng dân DCTD thì chính quyền địa phương giữa các tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với nhau, phải giải quyết từ gốc rễ, quản lý chặt tại địa phương để dân không phải cứ muốn đi là đi được”, ông Quang nhấn mạnh.
Trên thực tế, nỗ lực để ổn định dân DCTD ở Đắk Lắk rất đáng ghi nhận. Mặc dù là tỉnh khó khăn nhưng từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã sắp xếp ổn định cho hơn 2.000 hộ dân DCTD với hàng chục nghìn nhân khẩu. Tuy đời sống của số dân này còn không ít khó khăn song dù sao tỉnh cũng đã tạo được bước đà cho họ phát triển.
Để thực hiện mục tiêu bố trí sắp xếp cho toàn bộ số dân DCTD đang phân tán rải rác trên địa bàn, từ năm 2014 - 2020, bình quân mỗi năm tỉnh cần từ 80 - 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và phát triển sản xuất cho các vùng dân cư tự do đã đến. (Thanh Tra 25/11, tr12) đầu trang(
25-11, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam và UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) tổ chức công bố quyết định công nhận cây gỗ nghiến hơn một nghìn tuổi, có đường kính 3,1 mét, ở xã Cốc Ly là Cây di sản Việt Nam.
Cây gỗ nghiến được công nhận là Cây di sản Việt Nam có chu vi thân cây là 9,6 mét; đường kính thân cây là 3,1 mét; chiều cao cây khoảng 45 mét.
Bằng phương pháp khoan tăng trưởng, đồng thời sử dụng phương pháp đối chứng thực tế, so sánh với tăng trưởng của các cây gỗ nghiến mọc tái sinh tự nhiên liền kề, các nhà khoa học xác định tuổi của cây gỗ nghiến khoảng hơn nghìn tuổi. Đây là cây gỗ nghiến có đường kính lớn nhất trong quần thể 231 cây gỗ nghiến, gỗ trai tại thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (Lào Cai).
Theo kết quả điều tra năm 2013, diện tích rừng có cây gỗ nghiến, gỗ trai trên địa bàn xã Cốc Ly là hơn 400 ha, với tổng số 652 cây, nhiều cây có đường kính từ 2 mét trở lên, phân bố tại bảy thôn trên địa bàn xã. Đây là loài gỗ quý hiếm, thuộc nhóm IIA, có giá trị về bảo tồn nguồn gen.
Tính đến nay, tại Lào Cai có bốn loại cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đó là: Cây đa ở Đền Thượng (TP Lào Cai), cây gỗ nghiến ở Bắc Hà, cây đỗ quyên và cây vân sam ở Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa).
Việc công nhận Cây di sản Việt Nam góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng và quảng bá du lịch Lào Cai đối với du khách trong và ngoài nước. (Nhân Dân 25/11; Công An Nhân Dân 26/11, tr2) đầu trang(
Từ đầu năm 2014 đến trung tuần tháng 11, toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại trên 70 ha. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy năm nay cao hơn 2 vụ và diện tích thiệt hại nhiều gấp hơn 2 lần. Đó là những con số đáng báo động trước mùa hanh khô 2014-2015.
Ngày 21/1, tại thôn Pá Cuồng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, 1,4 ha rừng thông đã bị thiêu rụi. Nguyên nhân sau đó được các cơ quan chức năng xác định là do chủ rừng đốt dọn thực bì, bất cẩn làm lửa lan rộng, cháy rừng của gia đình và lan sang cả rừng của hộ gia đình khác. Cũng do nguyên nhân bất cẩn, ngày 11/5/2014, tại thôn Cầu Lấn, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, một chủ rừng đã đốt dọn vườn gây cháy rừng. Rất may lần này diện tích ảnh hưởng chỉ có 0,5 ha và mức độ thiệt hại chỉ là 45%.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ điển hình về sự bất cẩn của người dân gây cháy rừng. Ông Cao Xuân Cường, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm cho biết: trong tháng 6/2014, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại 5 huyện trọng điểm (thành phố Lạng Sơn, Lộc Bình, Cao Lộc, Đình Lập, Tràng Định), tổng số vụ cháy tại thời điểm kiểm tra đã là 13 vụ, diện tích thiệt hại hơn 69,1 ha rừng.
Trong các huyện trọng điểm này thì tại vùng thông Lộc Bình, Đình Lập, số vụ cháy vẫn đứng đầu bảng. Đình Lập xảy ra 6 vụ và Lộc Bình xảy ra 3 vụ. Theo nhận định của đoàn kiểm tra liên ngành, nguyên nhân của các vụ cháy chủ yếu là do sự chủ quan của một bộ phận người dân, trong đó có cả các chủ rừng, đốt dọn thực bì, vệ sinh vườn, rừng để lửa cháy lan. Theo ông Cao Xuân Cường, ngoài sự bất cẩn, cũng không loại trừ các trường hợp mâu thuẫn cá nhân dẫn đến cố tình đốt rừng của nhau.
Trong vòng 4 năm qua, trang bị phòng chống cháy rừng của lực lượng kiểm lâm đã được cải thiện đáng kể. Thông qua dự án nâng cao năng lực phòng, chống cháy rừng, hiện nay đã có 19 phương tiện, gồm ô tô và mô tô tuần tra, kết hợp với kiểm tra lửa rừng. Những thiết bị chuyên dụng như bàn dập lửa i nốc, quần áo chữa cháy được trang bị 400 bộ. Các trang bị hiện đại khác như ống nhòm, máy định vị, máy thổi gió... cũng cơ bản đủ cơ số. Tuy nhiên, với địa hình phức tạp đặc thù của tỉnh miền núi, khi cháy rừng xảy ra lực lượng rất khó tiếp cận và khống chế lửa rừng.
Ông Nông Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Biện pháp hữu hiệu nhất là phải phòng lửa rừng từ xa, một trong những biện pháp quan trọng là tuyên truyền công tác phòng, chống từ cơ sở và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Hiện nay, tại các xã trọng điểm về cháy rừng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của 990 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và đã có 482 thôn, bản đưa bảo vệ, phòng chống cháy rừng vào hương ước.
Để nâng cao năng lực của các tổ, đội này, Chi cục đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện tích cực tham mưu cho chính quyền cơ sở, xây dựng các phương án phòng, chống cháy rừng và kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về phòng lửa rừng đến từng thôn, bản. Không chỉ trên địa bàn các huyện trọng điểm mà ngay cả các huyện ít xảy ra cháy rừng cũng phải chủ động triển khai thực hiện.
Ông Hoàng Dương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Sơn cho biết: Mặc dù Bắc Sơn hiếm khi xảy ra cháy rừng, nhưng với đặc thù rừng núi đá của Bắc Sơn, khi đã xảy ra cháy là cháy rất dai dẳng, khó tiếp cận và khống chế. Vì vậy, ngay đầu tháng 11 vừa qua, huyện đã chủ động tổ chức diễn tập phòng, chống cháy rừng và kiểm tra, kiện toàn lại các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Đồng thời rà soát điều chỉnh các phương án phòng, chống cháy rừng ở cơ sở cho phù hợp.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 1025 về tăng cường công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an, chính quyền các cấp... tăng cường phối hợp, rà soát lại các phương án bảo vệ rừng trong mùa khô 2014-2015.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ rừng và cộng đồng dân cư; kịp thời dự báo, cảnh báo các nguy cơ và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng... Từ đó triệt tiêu các nguy cơ gây cháy, phòng lửa rừng từ xa. (Báo Lạng Sơn 25/11) đầu trang(
Nằm trên địa bàn thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, thôn Tân sơn có diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn gần 1000ha. Trong suốt gần 20 năm qua, bà con trong thôn đã cùng nhau quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng để đảm bảo môi trường và nguồn sinh thuỷ phục vụ cho sản xuất đời sống cho bà con nơi đây.
Thôn Tân Sơn, thị trấn Việt Quang, có 64 hộ với trên 90% là người dân tộc Dao sinh sống. Những năm trước đây, tình trạng phá rừng làm nương rẫy xảy ra thường xuyên. Đã có lúc thôn Tân Sơn trở thành điểm nóng về chặt phá rừng, khai thác lâm sản.
Trước tình trạng đó, hạt kiểm lâm huyện Bắc Quang đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, bám bản bám làng tuyên truyền cho người dân về vai trò của rừng trong cuộc sống. Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng được thắt chặt hơn. Nhờ vậy, ý thức của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, coi việc trồng rừng và bảo vệ rừng là trách nhiệm của chính bản thân mình.
Tân sơn là thôn thuần nông, mọi thu nhập của người dân đều nhờ vào cây  lúa  và cây chè. Để giúp bà con vừa bảo vệ vừa có thêm nguồn thu từ rừng, thôn Tân Sơn đã thực hiện chia đất ven rừng cho bà con trồng và quản lý. Trên những diện tích đó, thôn đã triển khai thực hiện đề án trồng cây dược liệu như cây lá khôi, cây hoàng tinh hoa đỏ... đem lại hiệu quả kinh tế dưới tán rừng.
Tính từ năm 2012 đến nay, diện tích cây lá khôi trên địa bàn thôn là 3 ha. Cứ sau 3 đến 4 tháng, cây lá khôi lại có thể cho thu hoạch với giá bán là 180.000 đồng cho 1kg lá đã phơi khô. Người dân cũng có thể khai thác lá giang đem bán để tăng thêm thu nhập nhưng không được phép khai thác măng.
Tính đến nay, độ che phủ của rừng đầu nguồn thác Thúy luôn đạt trên 90% với gần 1.000ha rừng tự nhiên và hơn 800ha đất giao khoán cho người dân quản lý. Hiện nay, rừng đầu nguồn thác Thúy vẫn còn giữ được nhiều cây gỗ thuộc loại sến, dổi, táu, chò chỉ, xoan hương.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thôn cũng  xây dựng các kế hoạch, tuyên truyền và tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng. Đồng thời thôn cũng khuyến khích bà con tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Với những cách làm hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ rừng ở thôn tân Sơn trong 20 năm qua đã  góp phần   quan trọng trong việc đảm bảo môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thuỷ phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi địa phương. Những cách làm trên rất cần được phát huy và nhân rộng không chỉ ở trên địa bàn huyện Bắc Quang. (Đài PTTH Hà Giang 25/11)  đầu trang(
Công ty TNHH Ngọc Hưng, tỉnh Quảng Trị nhập khẩu 535,8m3 gỗ từ Lào về để xuất khẩu sang Hồng Kông qua cảng Đà Nẵng có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, nộp thuế đầy đủ. Chỉ thiếu thủ tục “tiêu cực phí” với Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan (TCHQ) nên vợ chồng chủ doanh nghiệp và 3 cán bộ hải quan đã bị một nhóm quan tham bất chấp luật pháp, đạo lí, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, gây hậu quả một người vì uất quá mà tự tử, nhiều người oan ức.
Ngân sách nhà nước bị thất thoát, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C44) vi phạm nghiêm trọng Điều 75, 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tòa sơ thẩm lúng túng phán quyết, trả hồ sơ buộc C44 phải điều tra lại…
Khẳng định vụ xuất khẩu 535,8m3 gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Quảng Trị) qua cửa khẩu cảng Đà Nẵng là hợp pháp. Lô hàng này nhập khẩu từ Lào về qua cửa khẩu Lao Bảo được kiểm duyệt chuyển đến cảng Cửa Việt (Quảng Trị) vào cảng Đà Nẵng để xuất sang Hồng Kông. Các thủ tục hải quan về xuất nhập khẩu gỗ Công ty Ngọc Hưng thực hiện đúng quy định của Luật Hải quan. Quá trình mua bán ở Lào các bên đều kí kết hợp đồng minh bạch, đóng đủ hơn 3,2 tỉ đồng thuế GTGT cho Nhà nước.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao và kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an khẳng định lô gỗ này nhập từ Lào về. Quá trình vận chuyển về Việt Nam, Công ty Ngọc Hưng vẫn để nguyên đai, nguyên kiện trong 22 công-ten-nơ, khai báo số lượng gỗ theo tờ khai hải quan nhập khẩu từ Lào đúng chủng loại trong tờ khai nhập khẩu mà phía Lào cung cấp.
Chỉ sau khi Cục Chống buôn lậu Tổng cục Hải quan (TCHQ) khám xét phát hiện trong 535,8m3 gỗ trắc có lẫn hơn 23m3 gỗ giáng hương (giá trị thấp hơn so với gỗ trắc), doanh nghiệp chỉ có vi phạm trong khai báo mà Cục Chống buôn lậu Tổng cục Hải quan vội vàng khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Trong 7 kì trước, Báo Người cao tuổi nêu chi tiết diễn biến vụ việc.
Trong bài này, Báo Người cao tuổi nêu ý kiến của các luật sư có mặt tại phiên tòa hình sự sơ thẩm do TAND thành phố Đà Nẵng xét xử vào hai ngày 29, 30/10/2014 và những sai phạm nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chỉ có hơn 23m3 gỗ giáng hương trộn lẫn trong lô hàng, không gây thiệt hại gì cho Nhà nước, nhưng Cục Điều tra chống buôn lậu TCHQ cố tình quy kết doanh nghiệp phạm “Tội buôn lậu” theo Điều 153 Bộ luật Hình sự.
Quá trình xử lí, Cơ quan CSĐT (C46) Bộ Công an đã thực hiện đúng quy trình, hai lần gửi văn bản nhờ cơ quan chuyên ngành là Cục Kiểm lâm giải đáp, sau khi có kết quả trả lời, Cơ quan CSĐT (C46) Bộ Công an đã có Văn bản số 231/C46 (P10) khẳng định: “Công ty Ngọc Hưng chỉ có hành vi khai báo không đúng với số lượng, chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu theo quy định trách nhiệm của người khai báo tại Điều 23 Luật Hải quan, nhưng những sai phạm này không trái với quy định của Nhà nước về công tác quản lí xuất, nhập khẩu những sản phẩm này. Do vậy chưa đủ yếu tố cấu thành Tội buôn lậu theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự”.
Ngoài ra, các văn bản của Bộ Tư pháp, Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), Chi cục Hải quan các cảng Cửa Việt, Lao Bảo, Đà Nẵng, cơ quan kiểm dịch thực vật, Bộ đội Biên phòng tại cửa khẩu Lao Bảo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị… đều trả lời vụ Công ty Ngọc Hưng mua, bán, xuất, nhập khẩu lô hàng này là không có dấu hiệu vi phạm hình sự! Còn dư luận xã hội đặt vấn đề “đây là vụ án khởi tố lậu”…
Tại tòa sơ thẩm TAND thành phố Đà Nẵng xét xử công khai, theo lời khai của 5 bị cáo và chất vấn của Hội đồng xét xử đối với các vị đại diện cơ quan chức năng liên quan, các nhân chứng cho thấy, sai phạm của Cục Điều tra chống buôn lậu TCHQ và C44 Bộ Công an là rất nghiêm trọng.
1. C44 cho rằng, hai loại gỗ nêu trên do Công ty Ngọc Hưng xuất nhập khẩu là loại hàng hóa ở Lào bị cấm mua bán, xuất, nhập khẩu, vịn vào cớ này để làm căn cứ khởi tố vụ án! Trong cùng một ngày bán gỗ cho Công ty Ngọc Hưng, đã có tới 51 doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu gỗ từ Lào về đều qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).
Chỉ tính riêng ngày 17/12/2011, ngoài Công ty Ngọc Hưng, Công ty Chế biến gỗ của Lào đã bán cho 19 doanh nghiệp khác của Việt Nam. Tổng số gỗ của 137 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ từ Lào về qua cửa khẩu Lao Bảo từ đầu năm 2011 đến 25/4/2014 với 3.317 tờ khai hải quan, nhập khẩu 506.706,76m3 gỗ các loại, tổng giá trị: 671.444.163,32 USD. Lẽ nào hai nước Việt – Lào chỉ cấm duy nhất Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu hai loại gỗ trắc và giáng hương trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mua bán hằng ngày?
2. Việc kiểm tra hành chính chỉ mới tiến hành 6/22 công-ten-nơ, Cục Chống buôn lậu TCHQ đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự là vi phạm về trình tự thủ tục, khi chưa xác định được hành vi vi phạm hành chính mà đã chuyển hồ sơ cho C44 khởi tố bị can là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.
3. Theo các tờ khai hải quan đã được kiểm hóa hàng hóa qua 3 cửa khẩu, khối lượng gỗ nhập về, xuất đi không thay đổi (535,8m3). Vậy mà Cục Điều tra chống buôn lậu TCHQ và C44 Bộ Công an đem tổng khối lượng gỗ này cân lên giữa mùa mưa rồi quy đổi ra mét khối để nâng tổng khối lượng lên 614,672m3. Lấy lượng chênh lệch 78,872m3 để làm căn cứ buộc tội hình sự đối với doanh nghiệp là hành vi phạm tội cố ý làm trái.
4. Bắt giữ toàn bộ 535,8m3 gỗ, niêm phong 2 kho hàng đang hoạt động của Công ty Ngọc Hưng cùng tài liệu, trang thiết bị cá nhân của một số cán bộ trong Công ty là sai phạm nghiêm trọng của C44, trái với quy định của Nghị định 18/2009/NĐ-CP ngày 18/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ dung Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ: “Trong một lô hàng hóa, chỉ có hàng hóa là tang vật vi phạm và hàng hóa là tang vật không vi phạm thì chỉ được phép tạm giữ hàng hóa là tang vật vi phạm”. Đối chiếu với quy định của Chính phủ thì Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ được phép tạm giữ 23m3 gỗ giáng hương. Nhưng Hải quan và C44 bắt giữ toàn bộ 535,8m3 gỗ của doanh nghiệp?
5. Nội dung Bản kết luận điều tra số 13/KLĐT-C44(P4) ngày 15/10/2013 dài 65 trang, trình bày vòng vo, mang nặng tính suy đoán chủ quan áp đặt, không vận dụng đúng luật, phần nhận định và phần buộc tội đối chọi nhau.
6.  Cục Điều tra chống buôn lậu TCHQ và C44 Bộ Công an cho rằng lô hàng này là loại gỗ bên Lào cấm xuất khẩu. Vậy mà suốt thời gian sang làm việc tại Lào, đồng thời Viện KSND Tối cao, C44 Bộ Công an đã gửi nhiều văn bản đề nghị hợp tác quan hệ tư pháp nhưng phía các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Lào không trả lời. Dùng quyền lực áp đặt hàng hóa không cấm thành hàng hóa bị cấm ở nước ngoài để buộc tội doanh nghiệp Việt Nam thể hiện yếu kém về kiến thức pháp luật.
7.  Hành vi buộc “Tội buôn lậu” đối với vợ chồng chủ doanh nghiệp theo Điều 153 Bộ luật Hình sự là thiếu căn cứ. Việc nhập khẩu, xuất khẩu gỗ của Công ty Ngọc Hưng đã kí hợp đồng mua, bán, mở các tờ khai hải quan, đóng thuế GTGT đầy đủ, sao lại cho là buôn lậu?
8. Cục Điều tra chống buôn lậu TCHQ và C44 Bộ Công an không đọc kĩ: Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan; Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ, Thông tư số 04/TT-BTM ngày 6/4/2006 của Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương), hướng dẫn thực hiện Nghị định 12 của Chính phủ.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, TCHQ có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc nhập khẩu gỗ từ Lào, Cam-pu-chia về Việt Nam. Các văn bản này đều hướng dẫn thủ tục xuất nhập khẩu gỗ cho doanh nghiệp phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Việt Nam “Hải quan không được phép yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm bất cứ hồ sơ, chứng cứ nào khác so với quy định hiện hành”. Việc xử phạt được quy định tại Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 2/11/2009 của Chính phủ. Đối chiếu với các văn bản pháp lí nêu trên thì hành vi khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan và C44 Bộ Công an là hành vi trái pháp luật!
9. Tại Văn bản số 1328/BCT-XNK ngày 18/2/2013 của Bộ Công Thương quy định: “Trường hợp gỗ từ các nước xuất khẩu sang Việt Nam, doanh nghiệp của nước xuất khẩu phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại và thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam do doanh nghiệp nước xuất khẩu chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất của Việt Nam”. Đối với lô hàng của Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào về là hợp pháp.
10. C44 Bộ Công an (BCA) vi phạm nghiêm trọng các Điều 75,76 Bộ luật Tố tụng Hình sự về bảo quản tang vật của vụ án. Tại trang 62 nội dung bản kết luận điều tra chính thức, C44 BCA ghi: “Khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang thực hiện việc xử lí vật chứng theo yêu cầu của Vụ 1 – Viện KSND Tối cao tại Văn bản số 25/VKSTC ngày 12/7/2013 thì có vướng mắc Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Chính phủ, Bộ An ninh Lào có văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ Công an Việt Nam trả lại số gỗ trên cho Công ty EAST WELL cho Chính phủ Lào. Vì vậy Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ngừng việc xử lí vật chứng của vụ án này”.
Nói và viết trong văn bản là vậy, nhưng thực tế C44 đã bán toàn bộ 614,672m3 gỗ của Công ty Ngọc Hưng cho một công ty tư nhân ở tỉnh Bắc Ninh với giá rẻ như cho. Hành vi này vi phạm pháp luật gây thiệt hại rất lớn về kinh tế đối với Công ty Ngọc Hưng, gây thất thu ngân sách nhà nước quá lớn. C44 bán tài sản là tang vật của vụ án khi cơ quan Tòa án chưa xét xử chưa phán quyết về khối tài sản tạm giữ? Ai bịa đặt ra văn bản của Chính phủ và Bộ An ninh Lào?
11. Ông Đặng Tất Thế ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật làm Chủ tịch Hội đồng giám định 535,8m3 gỗ của Công ty Ngọc Hưng mà cho ra hai kết quả khác nhau. Kết luận giám định lần 1, ông Thế kí vào biên bản với kết quả chỉ 431,598m3. Trong Biên bản cân, đong, đo, đếm sai nguyên tắc của C44 lại cho ra kết quả 614,672m3. Vậy mà ông Đặng Tất Thế cũng kí xác nhận cả hai biên bản vênh váo này. Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND Tối cao cũng không làm rõ lí do tại sao hai kết quả giám định số lượng chênh lệch nhau quá lớn?
12. Nội dung Bản kết luận điều tra, C44 BCA khẳng định: “Thực hiện kết luận tại cuộc họp lãnh đạo liên ngành Tư pháp Trung ương ngày 24/9/2013 tại Bộ Công an. Cơ quan CSĐT – Bộ Công an chuyển toàn bộ lô gỗ là vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lí theo thẩm quyền. Sau khi xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an (C44) đề nghị chuyển lô gỗ (vật chứng) trên cho Chính phủ Lào theo hình thức viện trợ không hoàn lại vì quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào”.
Theo khẳng định này của C44 thì thẩm quyền xử lí vật chứng thuộc về cơ quan Tòa án. Thế nhưng sau khi Viện KSND Tối cao trả hồ sơ về C44 điều tra bổ sung, nội dung trang 6, phần cuối của Bản kết luận điều tra bổ sung số 04/KLĐTBS-C44(P4) lại khẳng định cuộc họp chuyên viên liên ngành Tư pháp Trung ương bàn về việc bán lô gỗ này vào ngày 25/2/2014 là báo cáo sai sự thật.
Trên thực tế thì C44 BCA đã âm thầm bán lô hàng có giá trị trên 500 tỉ đồng này cho một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh gỗ ở tỉnh Bắc Ninh với giá chỉ có 63 tỉ đồng trước thời điểm “họp liên ngành” một tháng mười ngày (15/1/2014). Thực tế, ngày 17/1/2014, tại cảng Đà Nẵng phía mua hàng đang bốc xếp vận chuyển những xe gỗ cuối cùng chở đi. Rõ ràng C44 BCA thực hiện kết luận điều tra và điều tra bổ sung kiểu “tiền hậu bất nhất”, “tiền trảm, hậu tấu”?
13. Theo khoản 7, Điều 10, Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ quy định: “Nhập khẩu gỗ các loại có chung đường biên giới, Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể việc nhập khẩu phù hợp luật pháp của Việt Nam và các nước cũng như các thỏa thuận có liên quan của Việt Nam với các nước”.
Căn cứ Mục I, phục lục số 01 về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 12 của Chính phủ quy định hàng hóa cấm xuất khẩu là: “Gỗ tròn, gỗ xẻ từ gỗ rừng tự nhiên trong nước”. Như vậy, việc khởi tố, truy tố 5 người trong vụ án này là hoàn toàn trái pháp luật. Vì gỗ của Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào về và xuất khẩu đi Hồng Kông là hợp pháp.
14. Kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung của C44 BCA cũng như Cáo trạng của Viện KSND Tối cao đều khẳng định, lô gỗ này của các đối tượng tên Hóm và Đon ở Sa-va-na-khẹt (Lào) nhập về Việt Nam, nhưng lại kết luận là gỗ lậu? Tuy nhiên hai loại gỗ trắc và giáng hương theo quy định tại Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ thì hai loại gỗ này không thuộc danh mục CITES không thuộc hàng cấp nhập khẩu, cấm xuất khẩu.
15. Cáo trạng số 14/VKSTC-V1 ngày 7/5/2014 quy kết ông Trương Huy Liệu, Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng chỉ đạo các nhân viên công ty lập hồ sơ, chứng từ giả để buôn lậu 614,672m3 gỗ cũng thiếu cơ sở? Vì không có một văn bản pháp luật nào của Nhà nước quy định hay bắt buộc việc giao kết hợp đồng phải do bên nào soạn thảo, ở đâu, trình tự thế nào? Từ Điều 401 đến 405 Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng có thể giao kết bằng miệng, bằng văn bản, bằng điện thoại, hoặc bằng một hành vi do các bên thỏa thuận.
16. Trong 535,8m3 gỗ trắc được Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu từ Lào về Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn trong 22 công-ten-nơ. Ông Trương Huy Liệu khai báo xuất khẩu sang Hồng Kông dựa theo hóa đơn thương mại ngày 5/12/2011 của doanh nghiệp Lào cung cấp để khai báo với hải quan cửa khẩu Lao Bảo và cảng Cửa Việt. Sau khi bị cơ quan Hải quan mở niêm phong kiểm tra có chứa hơn 23m3 gỗ giáng hương trong tổng số 535,8m3 gỗ trắc.
Thực tế thì giá trị của gỗ giáng hương thấp gấp hàng chục lần so với gỗ trắc. Nếu gây thiệt hại thì phía khách hàng Hồng Kông mua phải chịu và Công ty Ngọc Hưng đã đóng vượt thuế GTGT, Nhà nước không bị thiệt hại khoản nào. Vậy mà C44 BCA và Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan (TCHQ) “vạch lá tìm sâu” ép tội cho rằng các bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng?
17. Việc Cục Điều tra chống buôn lậu TCHQ trưng cầu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định với một số thành viên chỉ có trình độ sơ cấp như ông Lê Hải Sâm là cố ý làm trái Điều 8 Pháp lệnh Giám định.
18. Điều 2, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.” Như vậy, các văn bản tố tụng mà C44 BCA và Viện KSND Tối cao thu thập được tại Lào khi lấy lời khai của những công dân Lào có liên quan đều không có giá trị pháp lí và không được coi là chứng cứ của vụ án, vì các văn bản tố tụng này thu thập ngoài lãnh thổ Việt Nam, trái với Điều 2 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
19. Việc cố ý làm trái của một số thành viên ở C44 BCA và Vụ 1 Viện KSND Tối cao bán toàn bộ tang vật có giá trị lớn của vụ án khi Tòa án chưa xét xử có dấu hiệu tham nhũng bởi số hàng này không được bán đấu giá công khai theo quy định của pháp luật?
Trong quá trình điều tra, khởi tố, truy tố, các cơ quan tố tụng đã sai phạm nêu trên. Bản kết luận điều tra bổ sung cũng không thay đổi so với bản kết luận điều tra chính thức, nhưng vẫn truy tố 5 bị cáo trong vụ “xuất nhập khẩu gỗ” của Công ty Ngọc Hưng về các tội danh “buôn lậu” và “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong 2 ngày 29, 30/10/2014, TAND thành phố Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử  sơ thẩm công khai. Cả 6 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 5 bị cáo đều có chung quan điểm là 5 bị cáo không phạm tội hình sự. Theo GS, TS, Luật sư Đỗ Ngọc Quang, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu thì phải có đủ hai điều kiện: Thứ nhất, phải có hành vi buôn bán qua biên giới; thứ hai, đối tượng để buôn bán là hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc là vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa; hoặc là hàng cấm nhập, cấm xuất.
Căn cứ vào nội dung Bản Kết luận điều tra của C44 BCA và Cáo trạng của Viện KSND Tối cao thì không cần tranh luận, mà có thể khẳng định ngay, ông Trương Huy Liệu không phạm tội buôn lậu. Số gỗ này mua bán, nhập khẩu từ Lào về, không phải gỗ của Việt Nam và bất kì quốc gia nào khác. Hai loại gỗ này không thuộc loại hàng hóa cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu.
Tính hợp pháp của nó đã quá rõ ràng, minh bạch. Do tin tưởng bên bán (phía Lào) nên Trương Huy Liệu căn cứ vào tờ khai hải quan của bên bán đã đóng thuế quá cao với 535,8m3 gỗ trắc với số tiền hơn 3,2 tỉ đồng. Lẽ ra ông Trương Huy Liệu chỉ đóng thuế 512,8m3 gỗ trắc và 23m3 gỗ giáng hương (có giá trị thấp hơn gỗ trắc).
Luật sư Lê Văn Khiển, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị khẳng định, Cục Chống buôn lậu, TCHQ vi phạm nghiêm trọng về trình tự thủ tục hành chính, khi chưa xác định được hành vi vi phạm hành chính (chưa khám xét hành chính xong) đã vội vàng khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT (C44) BCA là vi phạm về mặt tố tụng.
Luật sư Nguyễn Trường Thành, Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ khẳng định: Đây là một vụ mua bán kinh doanh hàng hóa thương mại bình thường mà hàng nghìn doanh nghiệp của Việt Nam vẫn tiến hành hằng ngày với các doanh nghiệp ở nước Lào, không có dấu hiệu vi phạm hình sự. Lô hàng này được nhập khẩu từ Lào về, việc mua bán hai bên có kí hợp đồng rõ ràng, qua các cửa khẩu thì doanh nghiệp đều mở tờ khai hải quan, đóng thuế đầy đủ theo quy định của Luật Hải quan.
Hai loại gỗ trắc và gỗ giáng hương đều không thuộc loại hàng hóa bị cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu. Đề nghị tòa án phải phán quyết buộc các cơ quan tố tụng trả lại toàn bộ hàng hóa cho Công ty Ngọc Hưng, nếu dùng quyền lực áp đặt để ép người vô tội thì hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, v.v…
Tại tòa sơ thẩm, trả lời chất vấn của Hội đồng xét xử, ông Lê Nam Phong, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu TCHQ cứ lúng túng như gà mắc tóc. Tòa hỏi việc mua bán, xuất nhập khẩu gỗ của Công ty Ngọc Hưng đã gây ra thiệt hại gì cho Nhà nước? Ông Phong ấp a ấp úng rồi cho rằng “để về xem lại…”.
Tòa hỏi số lượng tiền tiêu xài quá lớn phục vụ công tác điều tra, sao chỉ nộp hóa đơn phô-tô? Các luật sư chất vấn: – Dựa vào căn cứ nào để khởi tố vụ án hình sự? Ông đại diện này không trả lời được. Vì vụ án có dấu hiệu oan sai, gây chấn động công luận nên số người đến theo dõi phiên tòa chật phòng xử án. Có những vị trụ trì ở một số ngôi chùa ở Quảng Trị và Huế cũng vào tận phòng xử án để lắng nghe nỗi oan khiên vọng về từ những lời khai trung thực của 5 bị cáo.
Với những bức xúc của dư luận xã hội về vụ án này và những sai phạm nghiêm trọng do Cục Điều tra chống buôn lậu TCHQ gây ra, để lại hậu quả rất nặng nề. Qua chất vấn tại tòa, Hội đồng xét xử hình sự sơ thẩm TAND thành phố Đà Nẵng nhận thấy chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, nên tuyên bố trả hồ sơ để C44 điều tra bổ sung lại lần hai. Phải chăng, đây là phương pháp “ngâm án” kéo dài nỗi oan khiên đối với doanh nghiệp và nhiều công chức ngành Hải quan vô can? (Người Cao Tuổi 19/11) đầu trang(
25/11, bác sĩ Hồ Đức Châu - Trưởng Khoa ngoại (Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng, Đắk Lắk) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận, phẫu thuật cứu sống 2 nạn nhân Nông Mạc Trực (23 tuổi, trú thôn Giang Tiến) và Đinh Minh Đường (69 tuổi, trú thôn Giang Tân, cùng ngụ xã Ea Púk) do bị heo rừng tấn công, cắn nát chân.
Đang cấp cứu tại bệnh viện, nạn nhân Nông Mạc Trực bàng hoàng kể lại, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 23/11, anh đang chăn trâu tại khu vực đồi gần rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng (thuộc thôn Giang Tiến) thì bất ngờ phát hiện một con heo màu đen đi ra từ lô cà phê giáp rừng.
Ban đầu anh nghĩ là heo nhà ai bị xổng chuồng, nhưng sau đó con heo đột ngột lao tới tấn công làm anh ngã xuống. Con heo hung dữ cắn nát 2 chân anh Trực, húc tới tấp khiến anh rớt xuống ruộng lúa.
Chân bị cắn nát, đau đớn nhưng quá hoảng sợ, anh Trực nằm im mà không dám rên ra. Con heo đứng trên bờ một lúc rồi bỏ đi. Sau khi heo rừng bỏ đi khoảng 30 phút, anh Trực mới dám lết lên đường kêu cứu và được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Sau khi bỏ đi, con heo lạc sang thôn Giang Tân, tiếp tục tấn công ông Đinh Minh Đường khi ông này đang hái cà phê sau vườn nhà.
Chiều 25/11, bác sỹ Hồ Đức Châu cho biết, nạn nhân Trực và Đường được đưa vào bệnh viện cấp cứu vào khoảng 18 giờ ngày 23/11. Hai nạn nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hai chân bị cắn nát, sốt cao, chảy máu nhiều.
Ông Đường phải làm phẫu thuật nối gân, cơ bị đứt ở vùng đùi bên trái. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ, vết thương ở chân phải khâu 4 lớp với 50 mũi khâu. Anh Trực bị rách 2 vùng đùi trái và phải; bị đứt gân, cơ ở 2 đùi. Các bác sĩ phải phẫu thuật hơn 4 giờ, khâu 4 lớp với khoảng 100 mũi khâu.
Theo bác sĩ Châu, nhờ được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời, hiện 2 nạn nhân đã qua cơn nguy kịch và đang dần hồi phục. Được biết, sau khi tấn công anh Trực và ông Đường, con heo rừng còn tiếp tục sang các thôn khác trong xã, tấn công khiến một số người bị thương.
Sau khi bị heo tấn công, người dân xã Ea Púk đã bao vây, dùng gậy gộc đánh chết con heo rừng hung dữ này. (VietnamNet 25/11; Tuổi Trẻ 26/11, tr2) đầu trang(
Trung tá Vũ Ngọc Lương, phó giám đốc Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu (Trại rắn Đồng Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), cho biết qua nghiên cứu cho thấy rắn lục đuôi đỏ (toàn thân màu xanh, chỉ có chót đuôi màu đỏ) tập tính sống trên cây. Ban ngày chúng thường trú ẩn, buổi tối mới bò đi kiếm ăn.
Có một điều đặc biệt là loài rắn lục đuôi đỏ ban ngày chậm chạp nhưng buổi tối lại rất nhanh nhẹn. Do đó người dân sống trong vùng có nhiều rắn nên hạn chế đi ban đêm, nhất là vào những nơi rậm rạp.
Nếu bà con có việc phải đi buổi tối nên trang bị ủng cao su, găng tay và một chiếc gậy để đánh động vào bụi rậm, trường hợp có rắn ở đó chúng sẽ bỏ đi. Không chỉ trong bụi rậm, nếu rắn xuất hiện nhiều thì khả năng chúng sẽ có mặt ở nhiều nơi, kể cả môi trường sống của con người.
Theo ông Lương, sở dĩ rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây ở miền Trung một phần do môi trường sống của chúng bị thu hẹp. Diện tích rừng giảm, người dân trong quá trình sản xuất đã phá rừng, bụi rậm khiến môi trường sống của rắn bị thu hẹp nên mật độ rắn tăng lên.
Còn một khả năng khác là do việc đưa thông tin về rắn dày đặc cũng làm người dân hoang mang cảm thấy rắn ngày càng nhiều hơn.
Ông Lương dẫn chứng tính từ đầu năm đến tháng 10-2014 có tổng cộng 886 người ở các tỉnh, thành bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải vào trung tâm điều trị, chiếm 72% số ca bị rắn cắn, trong khi cả năm 2013 có 803 người bị loài rắn này cắn. Ông Lương đưa ra số liệu này để nói nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn không tăng đột biến.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng - khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết khoảng hai tuần trở lại đây khoa này tiếp nhận sáu ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn và đều điều trị khỏi.
Theo bác sĩ Hùng, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân không nên garô vết cắn lại vì sẽ làm thiếu máu vùng bị garô gây hoại tử. Khi đó cần rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý, giữ bất động vùng rắn cắn. Sau đó bằng mọi biện pháp phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
“Rắn lục đuôi đỏ có hoạt tính độc tố cao gây rối loạn đông chảy máu, gây sốc, ngưng thở, ngưng tim... Nếu không được đưa vào viện kịp thời hoặc tự chữa tại nhà sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng” - bác sĩ Hùng cảnh báo.
Cũng theo bác sĩ Hùng, người bị rắn lục đuôi đỏ cắn chuyển vào viện càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả. Các bác sĩ sẽ sơ cứu, làm vệ sinh, bất động vùng bị cắn, làm xét nghiệm độc. Nếu bị rối loạn đông chảy máu thì dùng huyết thanh kháng độc rắn để điều trị. (Tuổi Trẻ 26/11, tr8) đầu trang(
Ngày 25.11, bác sĩ Võ Đôn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (đóng tại huyện Điện Bàn) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân tên Thống (40 tuổi, trú thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn) đến cấp cứu do bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Ông Thống bị rắn cắn ở ngón tay trái và mang luôn con rắn ấy đến bệnh viện để bác sĩ biết mà có hướng điều trị phù hợp.
“Hiện chưa có phác đồ điều trị rắn lục đuôi đỏ cắn, chỉ có phác đồ điều trị chung cho các loại rắn độc cắn. Đề nghị Bộ Y tế cần có phác đồ điều trị cho người bị rắn lục đuôi đỏ cắn” - bác sĩ Đôn nói.
Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết: “Lâu nay vấn đề người dân bị rắn cắn đã được ngành y tế quan tâm thường xuyên, sở cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về điều trị nạn nhân bị rắn cắn cho các cán bộ thuộc ngành. Các bệnh viện, trung tâm y tế đã được thông tin, cảnh báo cho người dân cách phòng tránh khi bị rắn cắn”.
Chiều 24.11, anh Mai Đình Trung (trú gần cầu Đa Cô, tổ 69, Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bắt được 3 con rắn lục đuổi đỏ. Những người hàng xóm của anh cũng bắt được 5 con. Vì quá lo sợ nên người dân trong tổ phải thuê xe múc về xúc cây cối ở bãi đất trống để rắn khỏi ẩn nấp.
Sáng 25.11, một số người dân ở thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam đã đập chết 5 con rắn lục đuôi đỏ. Chị Trần Thị Lạc (38 tuổi, trú thôn Tân Phú) cho biết: Khoảng 4 giờ sáng 25.11, con chó cứ sủa liên tục trước hiên nhà, tôi mở cửa thấy một con rắn lục đuôi đỏ rất to và hung dữ đang tấn công con chó. Tôi phải gọi chồng dậy đập chết rắn.
Xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam gần đây xuất hiện tin người dân bắt được đối tượng thả rắn. Tuy nhiên ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến khẳng định rằng, đó chỉ là tin đồn thất thiệt.
Ông Đỗ Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam, TP.Hội An (Quảng Nam), cũng khẳng định có xuất hiện tin đồn xã bắt được đối tượng thả rắn lục đuôi đỏ, nhưng qua kiểm tra thì đây chỉ là tin đồn thất thiệt. “Mấy hôm nay, xã liên tục cử lực lượng phối hợp với nhân dân để tổ chức kiểm tra rắn lục đuôi đỏ trên địa bàn” – ông Tuấn nói.
TS Nguyễn Quảng Trường (Phòng Động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho biết: Rắn lục đuôi đỏ hoàn toàn không phải là loài hiếm gặp, loài này phân bố rộng khắp cả nước từ Hà Giang đến Cà Mau.
Chúng không chỉ sống trong rừng mà có mặt ở nhiều nơi trong bụi rậm, lùm cây gần dân cư sinh sống. Thời gian gần đây tôi cũng nắm được thông tin ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi… loài rắn này xuất hiện nhiều, liên tục cắn người và làm nhiều người phải nhập viện. Có một số thông tin cho rằng rừng bị chặt phá, rắn không còn chỗ sinh sống nên đã xuất hiện nhiều tại các khu dân cư, tuy nhiên thông tin này là không đúng.
Hiện nay đang là mùa sinh sản của rắn lục đuôi đỏ, hơn nữa thời tiết ấm áp và thức ăn khá dồi dào nên rắn đã xuất hiện ở nhiều khu vực dân cư sinh sống, vì vậy đây là chuyện bình thường.
Rắn lục đuôi đỏ là loài rắn độc, vào mùa sinh sản thì rắn mẹ chứa lượng độc nhiều nhất và hung dữ nhất, vì vậy người dân hết sức lưu ý và đề phòng cảnh giác, những nơi bụi rậm mát mẻ là địa điểm trú ẩn ưa thích của loài rắn này. (Nông Thôn Ngày Nay 26/11, tr4) đầu trang(
25.11, trước thông tin rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều nơi trong thành phố, hàng trăm người dân Đà Nẵng đổ xô đến các chợ tìm mua củ nén về… đuổi rắn khiến loại củ này bỗng dưng “quý” như vàng ngọc.
Dạo quanh các chợ, đâu đâu cũng nghe người dân bán tán xôn xao về chuyện mua củ nén về đuổi rắn lục đuôi đỏ. Nhiều chợ, hạt nén đã “cháy” hàng, không còn để bán.
Bà Lê Thị Ngưu (bán hàng gia vị tươi, chợ đầu mối Hòa Cường) cho biết, bình thường bà bán 150 ngàn đồng/kg củ nén nhưng những ngày qua, giá loại củ này tăng vọt lên 200-250 ngàn đồng/kg và rất có thể những ngày tới sẽ tiếp tục tăng vì nguồn cung ở thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) ra chợ quá ít.
“Thấy nhiều người đến mua nén, tôi tò mò hỏi thì được trả lời là mua về giã dập bỏ trước cửa, quanh nhà để đuổi rắn lục đuôi đỏ. Mấy ngày qua mỗi ngày có vài chục người đến mua nhưng không có nén để bán” - bà Ngưu cho biết.
Tại chợ Cồn, chỉ 1 quầy bán củ nén duy nhất của bà Nguyễn Thị Lan (70 tuổi). Tiếp xúc với PV, bà Lan thốt lên: “Khiếp, quá nhiều người mua. Hai ngày nay nén y vàng luôn, giá tăng vọt từng ngày, thậm chí từng giờ. Mới chiều qua 205 ngàn đồng/kg thì sáng nay lên 250 ngàn đồng rồi!”.
Bà H.T.K.V (người dân P.Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết, không chỉ bà mà nhiều người dân khác cũng đi mua nén về giã dập bỏ quanh nhà để xua rắn đi. “Tin đồn về rắn lục đuôi đỏ khiến tôi nghe cũng sợ sợ, muốn đề phòng nên đi mua nén về làm vậy” - bà V. nói.
Tin tức về rắn lục đuôi đỏ lan truyền nhanh chóng, người dân Quảng Ngãi cũng đổ xô đi mua củ nén khiến giá tăng vọt trong vài ngày rồi chóng vánh trở lại quỹ đạo.
Tại huyện Bình Sơn, nơi tập trung nhiều ca nhập viện vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn, giá củ nén có thời điểm lên đến 500.000 đồng/kg. Chị Trịnh Thị Tuyết, một tiểu thương ở chợ Châu Ổ, Bình Sơn cho biết: Ngày 16.11 vừa qua, giá củ nén tăng từ 21 ngàn/lạng (giá bán ra buổi sáng) lên 40 ngàn vào buổi trưa và cuối ngày thì đến 50 ngàn/lạng. Nhưng tình trạng “sốt” giá chỉ kéo dài trong vài ngày, sau đó giá củ nén lại hạ nhiệt, hiện nay chỉ còn khoảng 190-200 ngàn đồng/kg.
Chị Huỳnh Thị Như Mỹ, tiểu thương chợ Hàng Rượu (TP.Quảng Ngãi) thì cho biết, nhiều tiểu thương vẫn bán giá như cũ để giữ uy tín với khách hàng quen, vì phần lớn người dân không có nhiều tiền để mua củ nén với giá đắt đỏ.
Tại chợ tạm Quảng Ngãi, các tiểu thương cho biết lượng khách hàng tăng đột biến cách đây một tuần làm giá củ nén tăng từ 180 ngàn đồng lên 300 ngàn đồng/kg trong hai ngày, sau đó hạ dần, hiện nay 1kg củ nén ở chợ này có giá khoảng 190 ngàn đồng.
Chị Nguyễn Thị Hương, một tiểu thương ở chợ tạm Quảng Ngãi cho biết, trước thời điểm rắn lục đuôi đỏ xuất hiện, củ nén có giá 300 ngàn đồng/kg không phải do cầu cao mà vì củ nén đang khan hiếm. Hiện nay củ nén đã vào mùa thu hoạch nên giá cả như hiện nay là hợp lý. (Lao Động 26/11) đầu trang(
Theo dự báo của ngành chuyên môn: Mùa khô năm 2014 sẽ đến sớm, nên hầu hết các cống đập ỏ khu vực lâm phần rừng tràm U Minh đã được các chủ rừng khép kín toàn bộ, nhưng vẫn còn hiện tượng một số cống quay ven rừng chưa đảm bảo an toàn cho việc giữ nước.
Tại ấp 19, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, một trong những ấp nằm tiếp giáp với lâm phần rừng tràm, hiện nay lượng mưa vẫn thấp hơn trung bình hàng năm, nhưng lượng nước tại cống quay hàng ngày vẫn tràn ra sông, rạch. Nguyên nhân là do chủ hộ thiết kế mặt cống quá thấp, nguy cơ làm thất thoát nguồn nước phục vụ cho công tác phòng chống cháy bảo vệ rừng khi mùa khô đến.
Tình trạng này cần được đơn vị quản lý rừng sớm có biện pháp kiểm tra, khắp phục kịp thời, phục vụ thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện thủy, việc vận chuyển gỗ tràm, cũng như khắp phục tình trạng thất thoát nước. (Đài PTTH Cà Mau 25/11) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Sau gần 10 năm vận dụng vào thực tế, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng bộc lộ một số quy định không còn thích hợp hoặc không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước; xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu tạo ra những thách thức và cơ hội mới cho ngành lâm nghiệp đòi hỏi phải bổ sung những quy định mới cho phù hợp.
Thạc sĩ Lê Văn Lân, Điều phối viên FORLAND cho biết, các phát hiện này liên quan đến quy hoạch rừng, giao rừng, sử dụng và phát triển rừng, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình và cộng đồng, xử lý vi phạm pháp luật. Quy hoạch ba loại rừng chưa phù hợp với thực tế.
Có sự chồng chéo giữa quy hoạch khoáng sản và lâm nghiệp trên cùng một vị trí, diện tích đất lâm nghiệp, giữa đất thổ cư gần rừng và đất lâm nghiệp, rừng sản xuất tại các lưu vực hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp và nước phục vụ sinh hoạt.
Điều này dẫn đến việc lập bản đồ quy hoạch ba loại rừng không phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Thực tế khó thực hiện đầy đủ quy trình giao rừng cho toàn cộng đồng dân cư thôn.
Giao rừng cho nhóm hộ khá phổ biến và có hiệu quả nhưng chưa được luật pháp công nhận. Giao rừng không gắn với giao đất cũng như quản lý rừng không gắn với quản lý đất, tạo ra kết quả là cộng đồng được giao rừng để quản lý bảo vệ là chủ yếu chứ khó có thể cải thiện sinh kế hoặc thêm thu nhập từ diện tích rừng được giao.
Cộng đồng là đối tượng được giao rừng nhưng không được Luật qui định là một chủ rừng nên không thể ngăn chặn, xử lý vi phạm các trường hợp khai thác lâm sản trái phép trong rừng được giao, ngược lại họ còn bị các đối tượng vi phạm đe dọa hành hung, ảnh hưởng đến tinh thần và niềm tin của người dân nhận rừng.
Một số hộ gia đình không còn nhiệt tình với việc tuần tra bảo vệ rừng như trước. Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng mang nặng tính hình thức, khó áp dụng. Có nhiều quy định chung chung và không phù hợp như cấm các hành vi dùng lửa trong rừng, không được tự ý khai thác gỗ để bán không theo kế hoạch được duyệt… Các quyền lợi của cộng đồng rất khó thực hiện vì thực tế đói tượng rừng phần lớn là nghèo kiệt.
Tiến sĩ Cao Thị Lý, thành viên FORLAND cho rằng, Luật nên quy định thêm quyền được tham gia của người dân cũng như có hướng dẫn người dân tham gia vào các hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng rừng ở vùng đệm các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Luật nên điều chỉnh khái niệm “cộng đồng dân cư thôn” thành “cộng đồng dân cư” để mở rộng cách hiểu về cộng đồng và có sự thống nhất chung khi thực hiện các thủ tục giao đất giao rừng cho cộng đồng.
Các quy định về giao đất giao rừng trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 cần được điều chỉnh cho phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi 2013, nhằm khuyến khích cộng đồng vừa quản lý bảo vệ rừng vừa được sử dụng đất rừng một cách bền vững. Luật nên công nhận cộng đồng là chủ rừng nhằm đảm bảo tính pháp lý cho cộng đồng trong quản lý các diện tích rừng đã nhận, giúp cho việc xác định quyền làm chủ, cũng như các quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong vai trò là đối tượng được giao rừng, được hưởng lợi từ các dịch vụ do rừng mang lại.
Khi đã được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất thì Luật nên cho phép người dân được thêm quyền chuyển đổi một phần diện tích đất rừng trống, nhiều cây dây leo khó cải tạo thành rừng sang trồng rừng kinh tế hoặc sản xuất nông lâm kết hợp để giúp họ cải thiện sinh kế và tăng thêm nguồn thu đầu tư cho việc tái tạo lại rừng.
Hầu hết diện tích rừng tự nhiên giao cho cộng đồng là rừng nghèo, nghèo kiệt, chính sách hưởng lợi từ rừng không có hoặc khó áp dụng nên cuộc sống của các cộng đồng dân cư được giao rừng vẫn rất khó khăn, bởi vậy Luật nên cho phép thể chế hóa các cơ chế hưởng lợi đã thử nghiệm thành công thành chính sách hưởng lợi riêng cho người dân tùy vào điều kiện ở từng địa phương khác nhau.
Luật cần bổ sung thêm những quy định nhằm tăng cường quyền của người dân trong xử lý các trường hợp vi phạm lâm luật đối với rừng được giao, như cho phép chủ rừng quyền được lập biên bản và tạm giữ tang vật vi phạm vì người dân không thể bắt hoặc giữ được người vi phạm.
Cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể người dân cách xử lý đối với các trường hợp vi phạm lâm luật. Các bước thực hiện, nhất là kết quả xử lý vi phạm phải được công khai, minh bạch cho người dân, cũng như được hỗ trợ xứng đáng cho công sức vận chuyển tang vật từ rừng về giao nộp cho lực lượng Kiểm lâm. (Lao Động 26/11, tr3; Tin Môi Trường 26/11) đầu trang(
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng nhanh: Năm 2011 đạt 3,4%, năm 2012 đạt 4,6%, năm 2013 đạt 5,9% và năm 2014 có thể đạt 6%.
Nếu như năm 2000 sản lượng gỗ rừng trồng mới đạt 1,7 triệu m3, thì đến năm 2014 rừng trồng đã cung cấp khoảng 10 triệu m3 và cây trồng phân tán cung cấp trên 2 triệu m3.
Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ hơn theo hướng bền vững, sản lượng gỗ khai thác giảm từ 220.000m3  năm 2009, 160.000m3 năm 2013, và dừng khai thác chính năm 2014.
Năm 2014 cũng là năm công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế, sản phẩm ngày càng đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đến nay đồ gỗ Việt Nam đã xuất vào trên 100 nước và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, nhiều hộ gia đình ở Quảng trị, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Cà Mau có thu nhập tăng cao từ rừng trồng thâm canh; có hộ thu nhập từ 150-250 triệu đồng/ha sau 6 đến 10 năm, có thể làm giàu từ trồng rừng.
Độ che phủ rừng cũng đã tăng lên đến 41% vào đầu năm 2014. Cùng với đó, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật giảm dần về số vụ và giảm 80% diện tích rừng bị phá trái pháp luật trong 5 năm qua.
Hiện nay, ngành Lâm nghiệp đã hợp tác với 19 đầu mối và tổ chức lâm nghiệp quốc tế, trong đó có 2 công ước và nhiều hiệp định, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực trồng và bảo vệ rừng. (Chính Phủ 25/11) đầu trang(
Theo đánh giá của Mạng lưới đất rừng (FORLAND), sau 10 năm triển khai, những quy định trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã bộc lộ một số bất cập, cần sửa đổi bổ sung.
Đó là tình trạng giao rừng không gắn với giao đất, chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người bảo vệ rừng… khiến người dân không còn “mặn mà” với công tác bảo vệ rừng.
Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Thực thi luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Việt Nam: Một số phát hiện và khuyến nghị ở cộng đồng” được tổ chức hôm 25/11.
Từ năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai Đề án 430 về việc giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình và nhóm hộ quản lý. Tuy nhiên, đến nay các chủ rừng mới chỉ nhận được một quyết định giao rừng chung của UBND huyện kèm theo bản đồ vị trí, diện tích các khu rừng được giao chứ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất lâm nghiệp.
Điển hình, vào năm 2011, UBND huyện A Lưới đã bàn giao cho 11 nhóm hộ dân ở thôn Quảng Thọ, xã Sơn Thủy quản lý, bảo vệ 524 ha rừng tự nhiên, trong đó có 409 ha rừng phòng hộ và 115 ha rừng sản xuất. Thế nhưng, sau 3 năm nhận rừng, các hộ gia đình và nhóm hộ nhận rừng mới chỉ nhận được Quyết định số 2200/QĐ-UBND của UBND huyện A Lưới (cấp ngày 28/12/2011) về việc giao rừng kèm theo bản đồ khu vực còn GCNQSD đất lâm nghiệp vẫn chưa thấy đâu mặc dù mọi thủ tục theo yêu cầu đã được hoàn tất.
Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện A Lưới, hồ sơ cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho nhóm hộ chưa thể giải quyết được, vì theo quy định pháp lý hiện nay chỉ cho phép cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thôn mà thôi.
Ông Lê Văn Lân, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (Đại học Nông Lâm Huế) cho rằng, việc chậm cấp GCNQSD đất lâm nghiệp đã gây khó khăn cho quá trình tổ chức bảo vệ rừng của các nhóm hộ là các đối tượng chưa được pháp luật công nhận giao rừng.
“Người dân chưa đủ cơ sở pháp lý để chứng minh mình là chủ rừng nên không thể ngăn chặn, xử lý vi phạm các trường hợp khai thác lâm sản trái phép trong rừng được giao, ngược lại họ còn bị các đối tượng vi phạm đe dọa hành hung. Một số hộ gia đình đã tỏ ra chán nản, không còn nhiệt tình với việc tuần tra bảo vệ rừng như trước đây”, ông Lân nhấn mạnh.
Đại diện hạt kiểm lâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bà con không còn gắn bó với rừng là do người dân bỏ công sức quá nhiều nhưng hưởng lợi thì... không được bao nhiêu. Bên cạnh đó, cơ chế để hỗ trợ người dân bảo vệ rừng còn thiếu.
Theo đó, đang có khác biệt về chính sách hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng giữa “chủ rừng” là UBND xã và chủ rừng là người dân. Cụ thể, các diện tích rừng do UBND các xã đang tạm thời quản lý được Nhà nước hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ là 100.000 đồng/ha/năm, còn các diện tích rừng đã giao cho nhóm hộ thì chưa được Nhà nước hỗ trợ kinh phí.
Đồng tình với quan điểm mà đại diện hạt kiểm lâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra, ông Lê Văn Lân, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (Đại học Nông Lâm Huế) cho biết, kinh phí của Nhà nước hỗ trợ cho hộ gia đình và cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ gần như là không có. Vì thế, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Việt Nam cần có thêm nội dung quy định về cơ chế hỗ trợ ban đầu, chia sẻ trách nhiệm với hộ gia đình và cộng đồng được giao rừng để họ có thể yên tâm quản lý bảo vệ các khu rừng được giao.
Ông Mai Văn Tân, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đề xuất, Luật cần minh bạch và thể chế hóa quyền hưởng lợi từ của cộng đồng, hộ gia đình trong nhận rừng tự nhiên. Theo ông Tân, hiện nay các chính sách về hưởng lợi trong giao rừng tự nhiên không có tính khả thi, không phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hộ gia đình và cộng đồng, không khuyến khích chủ rừng mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển rừng.
“Thực tế, các quy định về khai thác gỗ từ rừng tự nhiên để sử dụng hàng năm cho hộ gia đình rất khó áp dụng, cả về điều kiện khai thác, trình tự thủ tục, năng lực của chủ rừng và phát sinh chi phí. Trong khi đó, cách tiếp cận về khai thác hưởng dụng từ rừng tự nhiên vẫn còn cứng nhắc từ trên xuống bằng việc giao chỉ tiêu, kế hoạch. Đối với cộng đồng thì không công nhận là chủ rừng nên các văn bản pháp luật về khai thác hưởng dụng rừng không điều chỉnh nên không thể hưởng lợi từ rừng”, ông Tân cho biết.
Trước tình trạng này, ông Mai Văn Tân cho rằng, trước mắt cần có chính sách hỗ trợ sau giao rừng cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình nhận rừng tự nhiên nghèo kiệt chưa được hưởng lợi từ rừng, chưa có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng.
Giải pháp lâu dài để cộng đồng, hộ gia đình và nhóm hộ quản lý bền vững tài nguyên rừng được giao là cần ban hành chính sách để người dân được giao rừng sống được bằng chính rừng được giao. (Tin Tức 26/11) đầu trang(
Bức xúc về việc không ưu tiên cho người địa phương trong việc phát triển, bảo vệ rừng, hàng trăm hộ dân xã Ea Trol, huyện Sông Hinh chiếm trái phép một cách vô tội vạ 33,5ha đất rừng.
Mới đây, tại UBND huyện Sông Hinh, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp khẩn để ngăn chặn việc lấn chiếm trái phép đất rừng đã giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh quản lý để phát triển rừng.
Sự việc xảy ra vào ngày 10/11 khi UBND huyện Sông Hinh nghe tin 79 hộ dân ở buôn Đức, buôn Mùi (xã Ea Trol) ngang nhiên vào khu rừng vừa được BCHQS tỉnh Phú Yên khai thác để đốt dọn, lấn chiếm 33,5ha đất rừng.
Kiểm tra thực tế hiện trường cho thấy, hầu hết diện tích vừa khai thác keo đã được người dân đốt dọn sạch. Họ ngang nhiên lấn chiếm như đất nhà, có ranh giới phân lô, rào như vườn nhà và tiến hành trồng sắn. Hiện sắn đã lên mầm cao hơn 10cm.
Theo ông Đinh Quang Nhất, Phó chỉ huy trưởng BCHQS Phú Yên, diện tích này nằm trong tổng diện tích hơn 933ha đất rừng được tỉnh giao cho cơ quan này quản lý để phát triển rừng. Sau khi khai thác rừng keo chưa kịp trồng lại thì người dân tự ý lấn chiếm. Trước đó, 82 hộ dân của xã Ea Trol cũng đã lấn chiếm hơn 60ha đất rừng đã giao cho BCHQS tỉnh quản lý tại khu vực lân cận.
Theo phản ánh của chính quyền địa phương, nguyên nhân từ tin đồn thất thiệt là Tỉnh đội bán keo để di dời hậu cứ đi nơi khác, một số cán bộ buôn xúi giục người dân chiếm, đòi lại đất ông, đất bà. Bên cạnh đó, nhiều hộ chiếm đất gần khu vực này từ nhiều năm trước nhưng không được xử lý triệt để đã tạo tiền lệ cho các hộ dân làm theo.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng BCHQS tỉnh là đơn vị chủ quản nhưng thiếu trách nhiệm dẫn đến sai phạm của người dân kéo dài. Cụ thể là không có lực lượng chốt chặn ở khu vực 33,5ha để kịp thời ngăn chặn người dân chiếm đất; nhiều năm trước đã có tình trạng lấn chiếm đất quốc phòng nhưng không được xử lý dứt điểm; chậm chạp trong việc xử lý khi phát hiện vụ việc xảy ra, thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương, không thông báo phương án khai thác keo cho UBND huyện.
Mặt khác, BCHQS tỉnh được giao quản lý trên 933ha tại địa phận xã Ea Trol, kèm theo một trại bò 150 con, một trai heo 60 con nhưng nhân lực chỉ có 3 người, rất khó khăn trong quản lý. Trong khi đó người dân buôn Đức, buôn Mùi thiếu đất sản xuất, nhưng Tỉnh đội lại giao khoán rừng cho người ngoài mà không ưu tiên cho người địa phương; không có ranh giới mốc rõ ràng giữa đất quốc phòng với đất của người dân.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc hoan nghênh tinh thần, trách nhiệm của UBND huyện Sông Hinh đã chủ động, kịp thời xử lý, ngăn chặn vụ việc; đồng thời yêu cầu BCHQS tỉnh phối hợp với huyện Sông Hinh tổ chức vận động người dân trả lại đất rừng, kết hợp các biện pháp hành chính xử lý nghiêm các đối tượng cố tình sai phạm. (Báo Phú Yên 25/11) đầu trang(
Cùng với việc vận động nhân dân trên địa bàn xã An Hưng tiếp tục đầu tư chăm sóc 250 ha rừng trồng từ các năm trước, trong đó năm 2011- 130 ha, năm 2012- 55 ha, năm 2013 – 85 ha, đến nay tỷ lệ cây sống đạt hơn 75 %.
Nhân dân 5/5 thôn còn quản lý bảo vệ khoanh nuôi được 1.633/500 ha rừng tự nhiên, đạt 326,6 % kế họach. Các ngành liên quan như: Công an, xã đội, kiểm lâm ở địa phương thường xuyên truy quét, phát hiện kịp thời những trường hợp khai thác gỗ, củi, phát nương rẫy trái phép tại các vùng rừng giáp ranh huyện bạn.
Đến cuối tháng 10/2014 đã xử phạt thu nộp ngân sách số tiền gần 459 triệu đồng, đồng thời kiện toàn Ban chỉ huy Phòng cháy chữa cháy rừng từ xã đến thôn và tổ chức cho 477 hộ dân trên địa bàn tham gia ký kết quản lý bảo vệ rừng, đạt 100% kế hoạch.
Hiện nay, xã An Hưng đang vận động nhân dân tiếp tục phát dọn thực bì, đào hố bón phân, hòan thành kế hoạch trồng rừng vụ Thu đông 2014. (Anlao.binhdinh.gov.vn 25/11) đầu trang(
Khối lượng và dự toán kinh phí thiết kế trồng rừng theo lô đến hộ gia đình năm 2014 thuộc dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3) do Ngân hàng Thế giới viện trợ vừa được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đó, UBND tỉnh giao Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Trung Trung Bộ lập đề cương, dự toán kinh phí bổ sung và triển khai thực hiện. Tổng diện tích bổ sung đợt này là 100ha, trong đó  trồng 30ha các xã Quế Hiệp, Phú Thọ, Quế Cường, thị trấn Đông Phú (Quế Sơn); 70ha ở các xã Trà Kót, Trà Nú, Trà Đông, Trà Giang, thị trấn Trà My (Bắc Trà My). (Báo Quảng Nam 24/11) đầu trang(
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của tỉnh theo nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, chỉ tiêu về phát triển lâm nghiệp được đặt ra trong năm nay là toàn tỉnh trồng mới 11.450 ha rừng, chăm sóc bảo vệ 570.000 ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng đạt 51,5%.
Quá trình triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch nêu trên, ngay từ đầu năm tỉnh đã gặp không ít khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ của trung ương cho trồng rừng do tình hình ngân sách nói chung có nhiều mặt mất cân đối,  do vậy 6 tháng đầu năm toàn tỉnh chỉ trồng mới được 2.200 ha rừng tập trung, bằng 20,3% kế hoạch cả năm.
6 tháng cuối năm, với sự chỉ đạo, điều hành tập trung của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực của ngành lâm nghiệp và các địa phương, nhất là các huyện miền núi trong huy động các nguồn lực tại chỗ và đẩy nhanh tiến độ giải phóng đất để trồng rừng cũng như chủ động nguồn giống chất lượng... nên công tác trồng rừng năm 2014 của tỉnh ta đã về đích sớm hơn mọi năm. Tính đến hết tháng 10, toàn tỉnh đã trồng mới gần 11.500 ha rừng, bằng 101,2% kế hoạch được giao.
Trong đó, trồng rừng tập trung đạt 7.150 ha, trồng rừng theo Dự án WB3 (Dự án “Phát triển ngành lâm nghiệp”) và Dự án Jaica (dự án quốc tế tài trợ) đạt 3.250 ha; các doanh nghiệp và nhân dân tự trồng (theo quy hoạch) đạt 1.100 ha; độ che phủ rừng đạt 52%. Đây là một trong số ít năm tỉnh ta hoàn thành xuất sắc kế hoạch trồng rừng.
Bên cạnh công tác trồng rừng, các đơn vị cơ sở đã tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ,  phát triển rừng (BVPTR) đến  đông đảo người dân; nhờ vậy các hộ gia đình nhận khoán đã bảo vệ tốt gần 576.500 ha rừng được giao. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh hầu như không có cháy rừng xảy ra, an ninh rừng tương đối ổn định, không có “điểm nóng” về khai thác lâm sản  trái phép.
Tính riêng khu vực các huyện miền núi, trong 4 năm 2011-2014, toàn vùng đã trồng mới gần 37.700 ha rừng tập trung và hơn 4,1 triệu cây phân tán,  độ che phủ rừng đạt 68,5%; sự nghiệp trồng và bảo vệ rừng trên địa bàn đang phát triển theo hướng xã hội hóa.
Trong các chương trình, dự án BVPTR đã và đang được triển khai, chương trình trồng  rừng theo Dự án WB3 là một trong các dự án có nhiều triển vọng tốt. Theo dự án này, các hộ dân được vay vốn ưu đãi để mua cây giống và vật tư, phân bón để trồng và chăm sóc rừng trồng; được tập huấn kỹ thuật, tham quan học tập các mô hình tốt; được theo dõi, đánh giá hiệu quả rừng trồng để cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm rừng trồng.
Mặt khác, năm nay sự phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm với các ngành hữu quan, các huyện, xã miền núi trong công tác BVPTR tiếp tục được phát huy và đạt hiệu quả đáng ghi nhận. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) giai đoạn 2012-2014 theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện khá tốt, có những tác động tích cực tới công tác BVPTR và đời sống xã hội. Sau 3 năm triển khai, các đơn vị cơ sở và doanh nghiệp sử dụng DVMTR đã chuyển vào quỹ BVPTR số tiền gần 17,5 tỷ đồng để giải ngân, thanh toán cho các chủ rừng.
Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các mặt hạn chế và khó khăn, gắn việc thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về giảm nghèo ở khu vực miền núi với kế hoạch phát triển lâm nghiệp nói chung năm 2015 của tỉnh, tin rằng sự nghiệp BVPTR ở tỉnh sẽ tiếp tục đạt thành quả cao và vững chắc hơn trong các năm tới! (Báo Thanh Hóa 23/11) đầu trang(
Nhằm nâng cao độ che phủ rừng và tạo nguồn sinh thủy bền vững cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực vùng đệm VQG Hoàng Liên, mới đây UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định số 2697/QĐ-UBND phê duyệt dự án trồng mới 283,6 ha cây Sơn tra trong khu vực phân khu phục hồi sinh thái thuộc VQG Hoàng Liên.
Theo đó, Lào Cai sẽ tiến hành trồng 283,6 ha cây Sơn tra (hay còn gọi là cây táo mèo) trong khu vực phân khu phục hồi sinh thái thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, huyện Sa Pa từ năm 2014 đến 2018 (trong đó: Năm 2014: Trồng mới 53 ha; năm 2015: Trồng mới 100 ha; từ năm 2016 đến 2018: Trồng mới 130,6 ha).
Các hộ gia đình tham gia dự án trồng cây Sơn tra sẽ phải cam kết thực hiện đúng quy trình trồng và chăm sóc rừng đảm bảo chất lượng, số lượng cây trồng với chính quyền địa phương và VQG Hoàng Liên. Ngoài ra được hưởng lợi theo cơ chế chính sách và được chỉ đạo hướng dẫn kỹ thuật; được cung cấp cây giống, phân NPK và hỗ trợ nhân công. Khi cây cho thu hoạch quả, các hộ được hưởng toàn bộ sản phẩm.
Ngoài việc nâng cao độ che phủ rừng, góp phần điều hòa khí hậu, môi trường sinh thái, tỉnh Lào Cai mong muốn cây Sơn tra sẽ tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong vùng đệm của Vườn QGHL, giảm sức ép vào rừng tự nhiên, làm tiền đề cho việc triển khai thực hiện tốt các dự án trồng rừng, đồng thời góp phần ổn định dân cư, giữ vững anh ninh chính trị trên địa bàn. (Laocai.gov.vn 24/11) đầu trang(
Chủ trương thu hút đầu tư các dự án (DA) nông nghiệp những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, một số DA trong quá trình triển khai đã để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Toàn tỉnh hiện có 36 DA trồng, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng, nông lâm nghiệp khác với tổng diện tích 28.875,5 ha, trong đó có 32 DA được phép triển khai thưc hiện, 4 DA đang khảo sát, hoàn thiện trình thẩm định.
Trong số 32 DA được cấp phép, mới chỉ có 8 DA đã thực hiện xong kế hoạch, với tổng diện tích rừng đã trồng 3.386,5 ha gồm: Công ty TNHH Đức Hải, Công ty TNHH Lộc Phát (thực hiện dự án tại Ea H’leo), Công ty TNHH Tam Phát (M’Drak), Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Drak, Công ty TNHH Tín Phát (Krông Năng), Công ty TNHH Bảo Lâm (Krông Ana), Công ty Cổ phần Hưng Thịnh (Lak), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.
Kết quả kiểm tra của Sở NN-PTNT mới đây cho thấy, tại một số địa phương, đặc biệt là trên địa bàn huyện Ea Súp, tình trạng chặt phá bao chiếm rừng vẫn diễn ra phức tạp.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Bảo Ngọc đã san ủi trái phép trên diện tích 7 ha rừng thuộc DA cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng kết hợp chăn nuôi gia súc tại tiểu khu 235, 237 xã Ea Bung (Ea Súp) gây thiệt hại trên 7,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần XD – TM Đại Hưng đã cày xới khoảng 59,97 ha rừng và đất rừng thuộc DA cải tạo bảo vệ và phát triển rừng tại tiểu khu 225 xã Ia R’vê (Ea Súp) khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng; Công ty TNHH 27/7 tại xã Ea Bung khai hoang trái phép 38,66 ha trong diện tích quy hoạch cải tạo rừng để trồng cao su… (Báo Đắc Lắc 24/11) đầu trang(
Tính đến thời điểm hiện tại 3 huyện nghèo: Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương (tỉnh Lào Cai) tham gia Dự án trồng rừng thay thế nương, giai đoạn 2009 - 2015, đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng 360 ha rừng, với 578 hộ ở 13 xã tham gia. Qua đánh giá, diện tích rừng trồng có tỷ lệ cây sống đạt trên 87%.
Đạt được kết quả trên là do Lào Cai đã hỗ trợ gạo và kinh phí cho các hộ dân tham gia trồng rừng. Cụ thể, với mỗi ha rừng trồng mới người dân được hỗ trợ 15 triệu đồng và 700 kg gạo/năm.
Bên cạnh đó đã hỗ trợ cây giống là những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và có giá trị kinh tế cao như: Sa mộc, mỡ, trẩu, vối thuốc... được gieo ươm tại các vườn ươm, qua khâu kiểm định chất lượng của các ngành chức năng, sau đó giao trực tiếp cho người dân. (Tin Tức 25/11, tr9) đầu trang(
Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và bà con nông dân xã Yên Thái, huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn lấy trồng rừng kinh tế là hướng thoát nghèo nhanh và hiệu quả.
Từ một xã nghèo, hôm nay, đời sống của bà con đã có bước chuyển đáng khích lệ, nhiều gia đình vươn lên làm giàu và xuất hiện nhiều triệu phú rừng...
Yên Thái có 678 hộ dân với 2.592 khẩu, 90% người dân có đất trồng rừng. Phần lớn diện tích rừng ở đây là rừng sản xuất với các loại cây chủ yếu như: keo, bồ đề, quế... Sau mỗi mùa khai thác gỗ, lại có thêm nhiều nhà xây mới. Từ trồng rừng, nhiều hộ dân đã mua được tủ lạnh, ti vi, xe máy, đời sống sung túc, đầy đủ hơn.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: "Từ năm 2000 trở về trước, xã chỉ có vài chục hộ tham gia trồng rừng, thu nhập người dân phần lớn từ cây ngô, cây lúa. Bà con chưa thấy hết lợi ích nghề rừng mang lại. Để phát huy thế mạnh kinh tế rừng, xã đã giao diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ nông dân quản lý và canh tác, khai thác triệt để các chương trình, dự án trồng rừng của tỉnh,  huyện đưa vào triển khai thực hiện ở địa phương, vận động nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Sau khi một số hộ tiên phong về trồng rừng cho giá trị kinh tế cao, bà con bắt đầu thay đổi tư duy. Đến nay, phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ”.
Người dân Yên Thái giờ đây trồng và phát triển vốn rừng rất “có nghề”, khai thác đến đâu, bà con trồng luân canh đến đó, không cho đất trống, đất nghỉ. Bình quân mỗi năm, nhân dân trong xã trồng mới trên 120ha rừng kinh tế chủ yếu là quế, bồ đề, keo lai.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thuấn ở thôn Quẽ Ngoài, trước đây, thuộc hộ nghèo, nay kinh tế đã khá lên từ trồng rừng. Bắt tay vào trồng rừng với không ít khó khăn, không lùi bước, ngày ngày, ông cõng cây, gùi phân, cuốc hố, trồng rừng. Đất chẳng phụ công người, rừng cây đánh bật cỏ dại, lau lách, sim, mua vươn lên xanh tốt. Sau nhiều năm lặn lội với rừng, đến nay, gia đình ông có hàng chục héc ta rừng bồ đề, quế, keo lai.
Ông Thuấn cho biết: "Nhờ trồng rừng, gia đình đã có của ăn của để, nuôi 5 con học đại học”. Không riêng gì ông Thuấn, gia đình các ông Nguyễn Văn Hợp, ông Nguyễn Văn Sáng, ông Đinh Văn Hồng cũng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu cũng từ trồng rừng. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, toàn xã khai thác khoảng gần 10.000m3 gỗ, hơn 100 tấn vỏ quế khô. Nhẩm tính, với giá gỗ hơn 900.000 đồng/m3, mỗi năm, bà con nông dân Yên Thái cũng thu về gần chục tỷ đồng.
Bên cạnh xây dựng vùng nguyên liệu, xã chủ trương trồng rừng gắn với tiêu thụ và chế biến lâm sản để phát triển bền vững. Hiện nay, xã có 6 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, trong đó, 3 cơ sở sản xuất ván bóc, 3 cơ sở sản xuất ván thanh, góp phần tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng cho người dân trong xã. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 25%. Người dân đã quý rừng và thực sự yên tâm sản xuất trên đất rừng. (Báo Yên Bái 25/11) đầu trang(
Chương trình trồng rừng sản xuất của Nhà nước triển khai đến dân chủ yếu dựa trên nhu cầu đăng ký trong dân. Tuy nhiên thực tế vẫn còn những nơi “Cây cấp một đằng, dân lại trồng một nẻo”, ở thị xã cũng xảy ra tình trạng như vậy.
Thôn Tân Cư thuộc xã Xuất Hóa là một trong những vùng có thế mạnh về phát triển rừng, nhờ rừng mà nhiều hộ trong thôn đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm được phương tiện đi lại, có tiền cho con em mình đến trường đi học. Lâu nay các loại cây chủ lực ở Tân Cư vẫn tập trung vào cây quế và cây mỡ, đây là loại cây trồng phù hợp nhất với điều kiện của vùng.
Chính vì vậy hàng năm mặc dù Nhà nước có triển khai cho dân đăng ký trồng mỡ và keo nhưng hầu như các hộ dân chỉ tập trung trồng cây mỡ và quế, còn cây keo thì không phù hợp. Đặc biệt trong một hai năm gần đây ngay cả giống mỡ người dân ở thôn cũng không còn mặn mà vì họ lo sợ sâu ong hại mỡ. Do đó dù được hỗ trợ miễn phí cây con của Nhà nước nhưng nhiều hộ dân ở Tân Cư vẫn chuyển sang trồng quế, trong khi đó để trồng quế người dân phải bỏ tiền ra mua giống cây hoạc tự ươm giống.
Hiện tại thôn Tân Cư có đến hàng 100ha cây quế, ông Phùng Kim Bình –Trưởng thôn Tân Cư cho biết “Nguyện vọng của nhân dân trong vùng là muốn được Nhà nước hỗ trợ giống cây quế vì đất nơi đây rất phù hợp với cây trồng này, vụ trồng rừng năm 2015 cả thôn đăng ký vào 40ha quế nhưng chưa biết có được đáp ứng không ?”.
Thôn Tân Thành, thôn Khuổi Chang thuộc xã Nông Thượng cũng có tiềm năng phát triển cây quế và thực tế hàng năm thôn đều tự bỏ tiền để mua giống quế về trồng dù giá quế có cao hơn mỡ và keo một chút. Anh Hoàng Hữu Thanh ở thôn Tân Thành cũng có hơn 1ha quế, đồi quế của gia đình đều do anh tự ươm giống khi thì nghìn cây, lúc thì vài trăm cây cứ thế trồng gối từ năm này đến năm khác.
Anh Thanh cho biết “Vì đất ở đây rất hợp cây quế nên gia đình chỉ thích trồng cây này, thứ nữa là dù cây cho thu hoạch lâu năm nhưng lại cho kinh tế cao, khó có thể cây nào thay thế cây trồng này ở vùng tính đến thời điểm hiện tại”.
Ông Hoàng Hữu Sinh - Trưởng thôn Tân Thành trong những lần tiếp xúc cử tri đã đề đạt nhiều lần lên đại biểu HĐND tỉnh về việc muốn được hỗ trợ cây quế thay vì hỗ trợ cây keo và mỡ như hiện nay vì khi cấp cây mỡ và keo thì người dân sẽ không mặn mà, thậm chí nhiều hộ bỏ giống đi để chuyển sang trồng quế.
Trong 2 đến 3 năm trở về đây nhân dân  thôn Tân Thành không còn đăng ký trồng rừng theo Dự án rừng sản xuất của Nhà nước nữa, mọi người đều đi mua hoạc tự ươm quế về trồng trên đất đồi nhà mình. Hiện tại thôn Tân Thành có khoảng 70ha quế, ngoài ra ở thôn Khuổi Chang cũng có vài chục ha.
Trao đổi vấn đề này ông Triệu Văn Chinh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã lý giải “Đúng là nhân dân ở một số vùng có nguyện vọng đăng ký trồng quế nhưng hiện nay giống quế khá cao, cụ thể là trên 1 nghìn đồng/cây, thời gian gieo ươm của quế là trên 9 tháng vì vậy nếu hỗ trợ hoàn toàn giống quế với giá cả như vậy thì khó triển khai. Tuy nhiên việc hỗ trợ giống quế vẫn có thể thực hiện nếu như người dân đối ứng 50% tiền mua giống, chúng tôi đã thăm nắm và phổ biến cơ chế như vậy nhưng xem ra dân chưa mấy đồng tình”.
Cũng theo cơ quan chức năng thì hiện nay diện tích rừng ở thị xã nhỏ lẻ, manh mún nên việc triển khai trồng rừng chưa có sự tập trung. Trong năm 2015 thị xã sẽ triển khai trồng rừng phân tán với một số giống cây như lát, xoan, hiện tại Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng của thị xã đã tổ chức cho dân đăng ký. Riêng về cây quế thì không nằm trong cơ cấu được cấp giống, nhân dân vùng nào muốn trồng quế lại phải tự bỏ tiền, bỏ công ra để mua, ươm giống.
Tại sao nhân dân một số nơi muốn được hỗ trợ cây quế nhưng lại không được đáp ứng? Theo Thông tư liên tịch hướng số 03 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nông nghiệp và PTNT - Bộ Tài chính có quy định việc thực hiện mức hỗ trợ  trồng rừng như sau: Đối với các xã đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 4 triệu 500 nghìn  đồng/ha với cây gỗ lớn trên 10 năm tuổi, có nghĩa là các xã đặc biệt khó khăn sẽ được cấp 100% tiền cây giống trong phạm vi số vốn cho phép.
Còn ngoài xã đặc biệt khó khăn thì mức hỗ trợ là 2 triệu 250 nghìn đồng/ha, nếu vậy các xã thuộc diện ngoài vùng đặc biệt khó khăn như Tân Thành, Tân Cư mức hỗ trợ trồng quế trên 1ha sẽ cao hơn mức hỗ trợ ban đầu thành thử nhân dân muốn trồng quế buộc phải bỏ ra phần tiền đối ứng.
Trồng rừng là nhu cầu tất yếu đối với nhân dân vốn dựa vào kinh tế nông lâm nghiệp, chỉ có người dân sinh sống tại nơi đó mới hiểu rõ là trồng cây gì là phù hợp nhất. Việc Nhà nước cấp giống theo chủ trương cũng hoàn toàn đúng nhưng nhất thiết phải dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của từng nơi để từ đó có sự điều tiết sao cho hợp lý về cơ cấu giống.
Việc triển khai trồng rừng đạt hiệu quả và chất lượng hay không cần nhất là sự thống nhất cao từ  phía Nhà nước và nhân dân, nhất cơ quan chuyên môn phải giải thích rõ về cơ chế, chính sách để nhân dân nắm kỹ hơn, qua đó mới tạo ra sự đồng thuận trong dân. (Báo Bắc Kạn 26/11) đầu trang(
25.11, ông Hồ Công Hậu - Phó Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện đã hoàn thành trồng 1.500 ha rừng vụ Thu Đông 2014. Trong đó, rừng sau khai thác trồng lại là 1.052 ha, rừng chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang trồng keo trên 100 ha.
Nguồn giống chủ yếu để cung ứng cho công tác trồng rừng năm nay chủ yếu được lấy từ 12 vườn ươm sản xuất giống cây lâm nghiệp được ngành chức năng cấp phép trong huyện. Số lượng cây giống được ươm từ 12 vườn ươm này từ đầu năm 2014 đến nay là trên 10,1 triệu cây đảm bảo chất lượng (chủ yếu là keo lai). (Báo Bình Định 25/11) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Trong giới đầu tư, gỗ đang nổi lên như một thứ hàng "nóng". Đây là nhận định của ông Dennis Moon, giám đốc công ty  quản lý tài sản Specialty Asset Management tại Quỹ tín tác U.S. Trust, một đơn vị của ngân hàng Bank of America.
Công việc của ông là tìm kiếm, quản lý và "đặt gạch" các cây gỗ phục vụ nhu cầu của khách hàng cao cấp. Kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra, các gia đình giàu có tìm mọi cách để đa dạng hóa danh mục đầu tư, vượt ngoài phạm vi của chứng khoán và trái phiếu truyền thống. Từ ấy, dịch vụ của ông phất như diều gặp gió.
Có nhiều lý do để giới siêu giàu đột nhiên thích đầu tư vào gỗ. Đầu tiên, đây là khoản đầu tư cực ổn định. Những loại hàng hóa khác có thể sụt giá giữa khủng hoảng. Dẫn đến nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào mua những loại tài sản có giá trị không ràng buộc với thị trường chứng khoán. Gỗ đáp ứng được yêu cầu này.
"Họ muốn có khoản đầu tư ổn định, tăng giá trị chậm, nhưng đều. Họ muốn sự minh bạch, thỉnh thoảng bạn có đi xem 'hàng' nếu muốn. Nó khác các tài sản tượng hình như cổ phiếu hay chứng khoán, chúng chỉ là các con số trên giấy", ông Moon nói.
Tuy nhiên, gỗ không phải là mặt hàng rẻ tiền. Mức sàn đầu tư vào gỗ quỹ U.S. Trust chấp nhận là 5 triệu USD. Khoản này sẽ mang về cho bạn vài nghìn mẫu đất tại một số địa phận khác nhau. Hầu hết quy tụ tại khu vực Đông Nam, Tây Bắc Thái Bình Dương và New England.
Những cây cổ thụ sắp đến mùa khai thác có giá cao hơn các cây non. Khi đến giai đoạn khai thác, U.S. Trust sẽ đàm phán với các công ty khai thác gỗ địa phương để có được cái giá lời nhất. Sau đó, quỹ sẽ giám sát quá trình chặt cây để đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường.
"Đến giai đoạn này, khách hàng có thể tham gia nếu muốn, hoặc đứng ngoài để xem", ông Moon cho hay. Tuy nhiên, không dễ để tính toán rạch ròi tỷ lệ lợi nhuận mà các khoản đầu tư vào gỗ mang lại.
Bản thân giá gỗ lại neo đậu chặt chẽ với thị trường nhà đất, lĩnh vực chưa hồi phục đạt mức tiền khủng hoảng, giáo sư Robert Abt tại đại học Kinh tế - lâm nghiệp Bắc Carolina chỉ ra.
Thêm vào đó, ông nhấn mạnh đối với cả những thị trường bất động sản đã lấy lại phong độ, hầu hết nhà xây mới theo phong cách hiện đại chỉ tiêu thụ bằng một nửa số gỗ so với trước đây. "Mặc dù không liên đới tới thị trường chứng khoán, giá gỗ lại tương quan với thị trường bất động sản, tính ra cũng không khác nhau nhiều", ông nói.
Theo lời khuyên của ông Abt, các nhà đầu tư nên thoát li ngân hàng và trao đổi với các chuyên gia lâm nghiệp độc lập. Chìa khóa đảm bảo giá trị cho khoản đầu tư vào gỗ là vị trí. Mảnh đất càng gần nhà máy giấy hoặc gỗ thì càng được đánh giá cao.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng giá đất trồng cổ thụ đang bị thổi giá, xuất phát từ nhu cầu tăng nóng trong những năm gần đây. Nhưng với ông, gỗ là một dạng đầu tư dài hơi, hầu hết khách hàng đầu tư vào gỗ như một hình thức để lại của cải cho con cháu.
Mặc dù các cây non chưa mang lại lợi nhuận tức thời, một số chủ đầu tư có thể gỡ gạc lại chi phí bằng việc bán giấy phép săn bắn tại khu trồng trọt, hoặc bán vỏ cây khô.
"Nếu bán quá sớm, bạn sẽ không kiếm được lợi nhuận từ sự sinh sôi tự nhiên của tạo hóa", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, giới đầu tư phần nào kiếm lợi từ giá đất gia tăng. Có thể xem đây như tài sản phòng thủ trước lạm phát trong dài hạn. (BizLive 25/11) đầu trang(
Theo trang Tin TradeArabia News Service, XK gỗ cứng của Mỹ sang Trung Đông và Bắc Phi (Mena) tăng mạnh, đạt doanh thu trên 56,3 triệu USD. Theo Hội đồng XK gỗ cứng Mỹ (AHEC), các số liệu nói trên do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, theo đó doanh thu tăng tới 19,5%, số lượng tăng 6,4 % so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể, 9 tháng năm 2014, XK trực tiếp gỗ cứng của Mỹ sang Mena (Bắc Phi) đạt 22,5 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2013. Đặc biệt là sang Qatar (tăng 81%), Lebanon (tăng 41%), UAE (tăng 26%) và Jordan (tăng 20%). Các quốc gia NK gỗ cứng nhiều nhất từ Mỹ có UAE, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Tổng thể, kim ngạch XK gỗ cứng Mỹ sang khu vực Mena trong 3 quý đầu 2014 đạt khối lượng 28,23 triệu mét khối.
Theo ông Roderick Wiles, Giám đốc khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Á và Châu Đại Dương của AHEC, qua con số trên cho thấy việc XK gỗ cứng của Mỹ sang Trung Đông và Bắc Phi tăng liên tục, đặc biệt là khu vực Mena.
Lý do, nhu cầu gỗ xây dựng khu vực này tăng mạnh, chủ yếu dùng cho mộc nội thất và ván lát sàn cũng như trang trí nội thất nhà cửa.  (Nông Nghiệp Việt Nam 25/11, tr7) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng