Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 26 tháng 08 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Cục Kiểm lâm cho biết, do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài nên bốn tỉnh gồm Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, ba tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 4, cấp nguy hiểm. (Nhân Dân 25/8) đầu trang(
1.600 cây sưa đỏ 1,5 năm tuổi; 25 cây lát hoa của hộ gia đình người dân huyện Kinh Môn (Hải Dương) đã bị kẻ xấu chặt hạ trong đêm. Chủ nhân của chúng chỉ biết khóc ròng.
Sự việc xảy ra vào cuối tháng 7, kẻ xấu đã vào khu vực bãi đất rộng hơn 14ha của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (thôn Lê Xá, xã Lê Ninh, Kinh Môn, Hải Dương) chặt hạ hàng loạt cây gỗ quý, chủ yếu là sưa đỏ và lát hoa.
Theo anh Sơn, số cây sưa đỏ bị đốn hạ lên tới 1.600 cây và 25 cây lát hoa, đang được anh Sơn đầu tư chăm sóc 18 tháng, với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Khu vực đất bãi ven sông Kinh Thầy được anh Sơn thuê của địa phương để trồng cây lâu năm với diện tích 14,4ha, thuộc thôn Lê Xá (xã Lê Ninh huyện Kinh Môn) và thôn Tân Lập (xã Kênh Giang, Thị xã Chí Linh). Ở vườn, anh Sơn trồng nhiều loại cây như chuối, xanh, sưa đỏ, lát hoa.
Ngay sau đó, sự việc được gia đình anh Sơn thông báo cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Cũng theo anh Sơn, trước khi xảy ra sự việc oái oăm đối với gia đình mình, anh đã phát hiện có tàu khai thác cát trái phép trên sông Kinh Thầy thuộc địa phận xã Kênh Giang vào hút cát trái phép ở ngay phần đất bãi mà anh thuê để trồng cây.
Khi ra bị anh Sơn nhắc nhở, tàu hút cát đã bỏ đi cùng những lời đe dọa của những người trên tàu và ngay đêm 30/7, vụ phá hoại đã diễn ra.
Sự việc tương tự xảy ra đối với khu đất bãi của ông Nguyễn Văn Vụ, Trưởng thôn Tân Lập, xã Kênh Giang, thị xã Chí Linh vào đêm 6/8.
Kẻ xấu vào phá hoại 44 hốc trồng sắn dây sắp đến ngày thu hoạch, khiến gia đình ông Vụ thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Sông Kinh Thầy đoạn qua xã Kênh Giang là một trong những điểm nóng khai thác cát trái phép. Các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Đặc biệt, từ ngày 28/6 đến nay thường xuyên có 3 tàu cát với tải trọng lớn có thể hút từ 700- 1.000m3/tàu hoạt động ở khu vực này.
Ông Vụ cho biết, ông và anh Sơn là những người hay nhắc nhở, xua đuổi tàu vào hút cát trái phép bởi hoạt động này đã khiến đất sản xuất ở ven sông Kinh Thầy bị sạt lở nghiêm trọng.
Anh Sơn buồn rầu: “Rất ít người biết gia đình tôi có trồng cây sưa đỏ. Loại cây này cũng mới được trồng và xen lẫn với khu vực trồng chuối, xung quanh cũng có nhiều cây dại, không dễ để phát hiện”.
Cây lát hoa được anh Sơn trồng sát đường đi chính, phía trong vườn thẳng theo vị trí lát hoa là các điểm trồng sưa đỏ. Vì vậy, anh Sơn rất ngạc nhiên khi trong đêm đối tượng xấu có thể lần ra vị trí để phá nát cả vườn sưa cùng cây lát hoa như vậy.
Theo tính toán của anh Sơn, giá trị số cây sưa đỏ trồng gần 2 năm có giá trị hơn 100 triệu đồng, còn với 25 cây lát hoa đã 3 năm tuổi có giá trị khoảng 200 nghìn đồng/cây. Còn với anh Vụ, 44 hốc sắn dây bị phá hoại có giá trị gần 40 triệu đồng.
“Giá trị tài sản không quá lớn nhưng khiến gia đình tôi rất bất an. Vườn rộng ngay sát sông như vậy, không thể lúc nào cũng kiểm soát được, nếu người ta chặt khi sắp đến vụ thu hoạch, còn thiệt hại nữa. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ” – lời trưởng thôn Vụ.
Ông Vũ Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Kênh Giang thông tin: “Chúng tôi đã tiếp nhận vụ việc của anh Nguyễn Văn Vụ, còn với trường hợp anh Sơn dù là công dân ở địa phương, nhưng vườn cây nằm trên địa bàn huyện Kinh Môn nên cơ quan chức năng bên đó đang tiến hành điều tra, giải quyết”.
Còn chủ tịch UBND Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Đức Hóa cho hay: “Việc người dân bị phá hoại vườn trồng sắn, tính về giá trị không quá lớn nhưng là hành động phá hoại, rằn mặt răn đe nên chúng tôi sẽ kiên quyết tìm ra thủ phạm, xử lý nghiêm không để người dân lo lắng”. (Vietnamnet 25/8) đầu trang(
Trong số 24.985ha rừng huyện Hòa Vang đang quản lý có 10.609ha thuộc xã Hòa Bắc. Không chỉ giàu tài nguyên lâm sản mà rừng của xã miền núi này có giá trị rất lớn về phòng hộ đầu nguồn. Sau khi được UBND thành phố giao trực tiếp quản lý, xã Hòa Bắc đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ.
Trong số 10.609ha rừng của xã Hòa Bắc có 4.527,5ha rừng phòng hộ chủ yếu tập trung tại các tiểu khu 23, 25, 27, 29 và 6.082ha rừng sản xuất. Thực thi pháp luật trên lĩnh vực rừng tại Hòa Bắc có 2 trạm của Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, đó là Trạm Kiểm lâm Hòa Bắc, đóng tại thôn Nam Mỹ và Trạm Kiểm lâm Bàu Bàng tại thôn Lộc Mỹ.
Với vai trò là chủ rừng, từ cuối năm 2013 đến nay, xã Hòa Bắc thành lập Ban bảo vệ, chăm sóc rừng và 2 tổ chuyên trách gồm 26 thành viên; đồng thời xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng, trong đó phân giao mỗi tổ chịu trách nhiệm mỗi khu vực và xác định cụ thể các khu vực cần tăng cường tuần tra, chốt chặn. Phương án này được UBND huyện Hòa Vang phê duyệt.
Ba giải pháp đã và đang được lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng Hòa Bắc triển khai quyết liệt là đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng trong các tầng lớp nhân dân, qua đó xây dựng thế trận toàn dân tham gia bảo vệ rừng; phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực giàu tài nguyên lâm sản, thường bị lâm tặc xâm hại; tổ chức mật phục, chốt chặn trên các tuyến giao thông thủy, bộ, ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép. Nhờ vậy, thời gian gần đây tình trạng phá rừng đầu nguồn ở Hòa Bắc giảm.
Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc rừng xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho biết: Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chuyên trách đã tích cực bám rừng, kiểm soát chặt chẽ việc xử lý thực bì. Thông qua tuyên truyền, ý thức trách nhiệm của người dân về phòng cháy, chữa cháy rừng nâng lên đáng kể. Những cá nhân, đơn vị có nhu cầu xử lý thực bì đều có đơn gửi xã và được giải quyết mới triển khai. Quá trình xử lý đốt thực bì đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, có sự giám sát của lực lượng chuyên trách.
Tuần tra, kiểm soát rừng tại gốc là giải pháp hiệu quả nhất trong bảo vệ rừng ở Hòa Bắc. Hằng tháng, lực lượng chuyên trách của xã phối hợp với Kiểm lâm Hòa Vang tổ chức tuần tra, truy quét tại các khu vực giàu tài nguyên lâm sản ở các tiểu khu 27, 29, 10, 15...
Từ đầu năm đến nay, 2 tổ chuyên trách của xã phối hợp với Kiểm lâm triển khai hơn 50 đợt tuần tra, truy quét; qua đó phát hiện, xử lý 15 vụ vi phạm lâm luật, trong đó 1 vụ phá rừng trái phép tại tiểu khu 15, tịch thu hơn 10m3 gỗ các loại, đưa ra khỏi rừng 4 đối tượng... Vụ mới nhất cách đây 2 tuần, phát hiện, tịch thu tại tiểu khu 15 hơn 60 phách gỗ loại nhỏ, tổng khối lượng hơn 3m3.
Cùng với việc tuần tra truy quét tại gốc, 2 tổ chuyên trách bảo vệ rừng Hòa Bắc thường xuyên mật phục, chốt chặn trên đường ĐT 601, đường từ Lộc Mỹ nối quốc lộ 1. Vừa qua, Tổ 1 đã chặn bắt ô-tô BKS  43S 5779 chở 1,5m3 gỗ lậu khi đang lưu thông về xuôi tại địa bàn thôn Nam Mỹ.
Có thể nói, tình trạng phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn xã Hòa Bắc đã giảm sau khi các tổ chuyên trách bảo vệ rừng của xã thành lập. Tuy vậy, theo ông Hồ Tăng Khoa, Trưởng Công an xã, Tổ trưởng tổ chuyên trách bảo vệ rừng số 1, cần phải hình thành tổ liên ngành bao gồm chuyên trách bảo vệ rừng xã, kiểm lâm địa bàn và Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa.
Tại điểm chốt chặn của tổ liên ngành này, dứt khoát phải có gác chắn kiểm soát xe cộ. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép. (Báo Đà Nẵng 25/8) đầu trang(
Huyện Nam Giang, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, Đồn Biên phòng Đắk Pring vừa tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản thuộc lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
Lâm phận được giao quản lý giữa Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, Đồn Biên phòng Đắc Pring trải dài trên địa bàn 4 xã La Dêê, Đắc Tôi, Đắk Pring, Đắk Pre (Nam Giang) với diện tích tự nhiên hơn 45.450ha, trong đó diện tích đất có rừng là 38.040ha. Trước đây, do nhu cầu việc làm và đời sống của một bộ phận dân cư sống gần rừng, đây cũng là địa bàn giáp ranh với nước bạn Lào nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Tình trạng chặt phá, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng và khai thác khoáng sản trái phép chưa được ngăn chặn triệt để. Nhưng những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi vùng biên ngày càng đi vào chiều sâu, huy động được sự tham gia tích cực của người dân địa phương, nhất là khi có sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các tổ tuần tra bảo vệ rừng.
Tại địa bàn xã Đắc Tôi, địa phương đã thành lập 4 tổ bảo vệ rừng ở 4 thôn với 5 thành viên/tổ. Trong thời gian qua, các tổ bảo vệ rừng của xã đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh và lực lượng biên phòng đóng chân trên địa bàn thường xuyên tuần tra, truy quét các địa bàn dễ xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm khoáng sản trái phép, phát hiện và đẩy đuổi các đối tượng lạ xâm hại rừng.
Ông Tơ Ngôl Huân - Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai tốt việc vận động tuyên truyền bà con nhân dân thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ rừng. Địa phương xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng; thành lập các nhóm, tổ bảo vệ rừng để quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn”.
Còn tại xã Đắk Pring, thời gian qua công tác bảo vệ rừng cũng được địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan. Ông Kring Viếc - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Pring chia sẻ: “Muốn làm tốt công tác bảo vệ rừng thì cần phải phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng kiểm lâm địa bàn, biên phòng và chính quyền địa phương. Đồng thời tăng cường các hoạt động tuần tra, truy quét ở những điểm nóng”.
Để hạn chế tình trạng phá rừng và khai thác khoáng sản trái phép, tại buổi ký kết quy chế phối hợp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản thuộc lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, 3 đơn vị đã thống nhất tiếp tục thực hiện những nội dung như: tăng cường công tác phối hợp lực lượng tuần tra, truy quét hoạt động khai thác lâm sản trái phép; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình bảo vệ rừng thuộc phạm vi quản lý; phối hợp phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ rừng.
Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang cho biết thêm: “Sau khi ký kết quy chế phối hợp, chúng tôi sẽ quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng như xây dựng lộ trình, phân công lực lượng phối hợp thường xuyên với các đơn vị và chính quyền, nhân dân địa phương 4 xã La Dêê, Đắc Tôi, Đắk Pring, Đắk Pre để thực hiện tốt việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới kết hợp với bảo vệ rừng và tài nguyên, khoáng sản”. (Báo Quảng Nam 25/8) đầu trang(
UBND tỉnh vừa bàn hành chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; đồng thời tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu đối với các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã xác định được đối tượng vi phạm thì tiến hành xác lập hồ sơ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, buộc trả lại diện tích đất đã lấn chiếm trái phép cho đơn vị chủ rừng hoặc giao UBND các xã, thị trấn quản lý.
Đối với các trường hợp phát hiện phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng cây hoặc xây dựng công trình trên diện tích đất bị lấn chiếm trái phép nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm thì chủ rừng hoặc UBND cấp xã (đối với những diện tích rừng và đất rừng chưa giao) phối hợp với các ngành chức năng xác lập hồ sơ vi phạm; đồng thời thông báo công khai về địa điểm, loại cây trồng, công trình trên đất bị lấn chiếm trái phép trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và niêm yết công khai tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi tập trung dân cư.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất lâm nghiệp để nhân dân biết và thực hiện. Nghiêm cấm việc xác nhận hồ sơ đăng ký khai thác cây trồng trên diện tích đất do phá rừng hoặc lấn chiếm trái phép khi chưa xác lập được chủ sở hữu. Chỉ thị cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất lâm nghiệp.
Được biết, hiện nay tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh như Núi Thành, Phú Ninh, Bắc Trà My… và chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân. (Báo Quảng Nam 25/8) đầu trang(
Ông Nguyễn Đức Vinh – Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang vừa có thông báo kết quả xử lý kỷ luật và giáng chức vụ đối với ông Trần Hữu Khang, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm thôn Lùng Giàng B, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên với lý do vận chuyển gỗ lậu.
Sự việc như sau: Hồi 11giờ 27 phút ngày 12/7, tổ công tác Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang, tiến hành dừng để kiểm tra ô tô nhãn hiệu Hoa Mai, biển số 14M-3162, đang lưu thông tại địa bàn thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên.
Khi dừng xe để tiến hành kiểm tra hàng hóa, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe có 9 thanh gỗ trai, nhóm IIA, khối lượng 0,145m3 không có nguồn gốc hợp pháp. Qua đấu tranh, chủ xe đã khai nhận là vận chuyển gỗ thuê cho ông Trần Hữu Khang, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Lùng Giàng B, thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang...
Nhận được báo cáo về sự việc, Sở NN-PTNT Hà Giang đã chỉ đạo BQL rừng đặc dụng Phong Quang xử lý nghiêm minh: Xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng đối với ông Trần Hữu Khang, tịch thu toàn bộ số lâm sản vận chuyển trái phép, đồng thời giáng chức ông Khang từ Trạm trưởng xuống kiểm lâm viên. (Nông Nghiệp Việt Nam 25/8) đầu trang(
Đầu tháng 8/2015, thông qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An phát hiện Nguyễn Thị Quyên (SN 1969) trú tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành thường xuyên thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An  đã bố trí các trinh sát theo dõi để đấu tranh. Qua tìm hiểu được biết, Nguyễn Thị Quyên thuộc diện kinh tế khá giả. Mặc dù con cái đã thành đạt nhưng Quyên vẫn lén lút buôn bán trái phép động vật hoang dã với thủ đoạn “giấu mặt”. Thị ít khi xuất hiện mà chủ yếu chỉ đạo từ xa để các “đàn em” thực hiện. Mỗi phi vụ, số lượng động vật hoang dã quý hiếm thường không lớn nhưng lại có những loại nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160 của Chính phủ, là loại động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao.
Để bắt quả tang “bà trùm” chuyên buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm, một tổ trinh sát Đội 2 thuộc Phòng Cảnh sát Môi trường được giao nhiệm vụ vào cuộc. Sau một thời gian theo dõi, mật phục, hồi 6 giờ ngày 14/8/2015, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An nhận được tin báo về việc, Nguyễn Thị Quyên sẽ điều khiển xe ôtô vào TP Vinh để nhận “hàng”. Các trinh sát được lệnh theo dõi, bám sát và bắt quả tang Quyên. Đúng như tin báo, sáng sớm 14/8/2015, Quyên điều khiển xe ôtô rời Yên Thành xuống TP Vinh.
Thị rẽ vào một nhà dân tại đường Lý Tự Trọng thuộc phường Hà Huy Tập, TP Vinh với biểu hiện không bình thường. Khoảng 30 phút sau, Quyên bỏ chiếc ba lô lên xe rồi điều khiển xe chạy ra huyện Diễn Châu. Khi đi qua cầu vượt thuộc địa phận xóm 15, xã Nghi Kim, TP Vinh, thị bất ngờ rẽ vào ngõ hẻm như để “cắt đuôi” lực lượng chức năng bám theo sau. Quyên dừng xe rồi mở cửa xe xách ra một chiếc ba lô, chưa kịp ném xuống rậm cây bên đường thì các trinh sát Đội 2 Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An lao đến bắt giữ.
Kiểm tra ba lô, các trinh sát phát hiện bên trong chứa 16 cá thể rùa, 1 cá thể tê tê còn sống nhưng Quyên không xuất trình được giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc số động vật hoang dã trên. Ngay sau đó, Nguyễn Thị Quyên cùng chiếc xe ôtô 4 chỗ và tang vật trong vụ việc đã được đưa về trụ sở cơ quan điều tra Công an Nghệ An để làm rõ. Tại đây, Quyên khai nhận: Khoảng 5 giờ 30 phút ngày 14/8, Quyên đang ở nhà thì có một người tên Lợi ở Hà Tĩnh gọi điện thoại bảo đến một địa điểm tại TP Vinh để xem “hàng”. Quyên nhận lời và tự điều khiển xe ôtô 4 chỗ BKS 37S-3638 xuống  TP Vinh.
Theo hướng dẫn của Lợi, Quyên vào một gia đình ở TP Vinh để xem động vật hoang dã và mua của Lợi 16 con rùa, trong đó có 1 con rùa vàng thuộc nhóm quý hiếm và 1 con tê tê nặng 7,7 kg, cũng thuộc nhóm quý hiếm. Sau khi nhận toàn bộ số “hàng”, Quyên điều khiển xe ôtô về Yên Thành để đưa ra các tỉnh biên giới phía Bắc tiêu thụ. Vừa ra khỏi trung tâm TP Vinh, phát hiện có người bám theo, nghi là Công an, Quyên rẽ vào ngõ hẻm thuộc xóm 2, xã Nghi Kim để tẩu tán số “hàng” và trốn thoát. Tuy nhiên, khi Quyên vừa xách chiếc ba lô ra khỏi xe, chưa kịp vứt đi thì bị các trinh sát Cảnh sát Môi trường ập đến kiểm tra, bắt giữ.
Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An đã có công văn gửi Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật yêu cầu giám định 16 cá thể rùa, 1 cá thể tê tê trên để phục vụ công tác điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật. Kết quả, trong số 16 cá thể rùa thu giữ được của Nguyễn Thị Quyên, có 1 cá thể rùa trán vàng miền Bắc có tên khoa học là Cuoragalbinifrons, thuộc phụ lục 1 danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
15 cá thể rùa còn lại là rùa bốn mắt, là động vật hoang dã thông thường. Ngoài ra, còn có một cá thể tê tê có tên khoa học là Manis javanica, là loài tê tê java thuộc phụ lục 1 danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Căn cứ vào kết quả giám định của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. (Công An Nghệ An 25/8) đầu trang(
Lực lượng chức năng bắt giữ một xe tải nặng chở hơn 1.000 con cá sấu tại Móng Cái, Quảng Ninh từ tháng trước. Từ đó đến nay, mỗi ngày đàn cá ngốn 16 triệu đồng tiền thức ăn nhưng chủ hàng vẫn biệt tăm.
Cuối tháng 7.2015, các lực lượng phối hợp của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 T.Ư) bắt giữ lô hàng hơn 1.000 con cá sấu và đưa vào khu vực tạm nhốt tại xã Thọ Xuân, H.Đan Phượng, Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Toản, người trông trại cá sấu này, tính đến ngày 21.8, đã có trên 200 con chết. “Cá sấu chết thì chúng tôi lấy da, sau đó chôn ngay trong vườn”, ông Toản nói.
Trước đó, ngày 21.8, PV đã gặp ông Lê Văn Thành (trú xã Phú Hòa, Định Quán, Đồng Nai), chủ chiếc xe tải chở số cá sấu trên. Ông Thành kể: “Tôi chỉ biết qua cò, gặp một người tên Toàn thuê tôi chở cá sấu từ Bạc Liêu ra Móng Cái sẽ có người dẫn đến địa điểm giao hàng và nhận tiền công vận chuyển, chứ tôi cũng không biết ông Toàn là ai và cũng không biết chủ hàng”.
“Tôi cũng không biết tại sao lại bắt giữ tôi và xe của tôi cả tháng trời ở đây, khiến tôi không có phương tiện để làm ăn. Khi tôi chở hàng, có giấy xác nhận của kiểm lâm là cá sấu nuôi và có cả giấy tờ trung chuyển đặc biệt do Hạt Kiểm lâm ở Bạc Liêu cấp”, ông Thành cho biết.
Ông Thành cũng cho biết kể từ khi bị bắt, đưa về sân sau của Tổng cục Hải quan (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), người thuê chở hàng tên là Toàn chỉ gọi lại cho ông vài lần, bằng sim rác, để hỏi thăm. “Tôi chỉ là người chở hàng thuê, xe của tôi vẫn đang phải trả lãi vay của ngân hàng, các cơ quan cứ giữ mãi không trả, tôi không có phương tiện sinh nhai”, ông Thành khóc và nói thêm: “Ở Tổng cục Hải quan, tôi không có chỗ ngủ, phải mắc võng nằm ngoài trời, không được bảo vệ cho vào trong tắm, lại hết sạch cả tiền... nên tôi phải về quê để tìm cách sinh sống tạm, chờ ngày lấy xe”.
Trả lời PV Thanh Niên ngày 25.8, ông Phan Đình Quân, cán bộ Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 T.Ư, thừa nhận lô hàng cá sấu bị bắt giữ không phải là động vật hoang dã. “Việc vận chuyển lô hàng này cũng có những dấu hiệu không đúng quy định như tuy có giấy phép vận chuyển nhưng không có mã số cho từng con và có dấu hiệu vận chuyển trái phép qua biên giới khi chuẩn bị xuất hàng sang Trung Quốc nhưng không có giám sát của hải quan và biên phòng”, ông Quân nói. Tuy nhiên, từ khi xảy ra vụ việc, chủ hàng chưa lần nào xuất hiện để làm việc với cơ quan chức năng.
“Người chủ hàng này không có trách nhiệm với lô hàng của anh ta mặc dù đây là lô hàng có giá trị lớn, khoảng 2 tỉ đồng. Hiện chúng tôi phải gửi tại một doanh nghiệp nuôi, mỗi tuần tốn tới trên 2 tạ cá mè để nuôi với chi phí khoảng 16 triệu đồng. Nếu chủ hàng không xuất hiện để giải quyết, chúng tôi sẽ phải làm thủ tục thanh lý số hàng này theo quy định”, ông Quân nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, xác nhận hơn 1.000 con cá sấu do lái xe Lê Văn Thành vận chuyển đi Móng Cái là cá sấu nuôi và được cấp giấy vận chuyển. “Tại Bạc Liêu, người dân nuôi cá sấu như nuôi heo, chúng tôi đã cấp giấy tờ xác nhận đầy đủ để kinh doanh, vận chuyển số cá sấu này nên ai đó bắt giữ, làm sai cho người dân thì ráng chịu”, ông Phúc nói. (Thanh Niên 26/8) đầu trang(
Kiểm lâm Cà Mau vừa phát hiện trong bao tải của một thanh niên hành nghề mua bán rắn có con tê tê nặng 8kg. Vụ việc đã được lập biên bản, chuyển công an điều tra
Ngày 25-8, tin từ Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cho biết đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vậtthuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”, đồng thời mở cuộc điều tra về đường dây mua bán động vật quý hiếm.
rước đó, ngày 23-8, Trần Hải Dương (25 tuổi; ngụ xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bị lực lượng kiểm lâm bắt quả tang đang vận chuyển con tê tê có trọng lượng 8kg đi tiêu thụ. Vụ việc sau đó được chuyển sang cơ quan công an điều tra làm rõ.
Làm việc với công an, Dương khai nhận đã mua con tê tê ở khu vực rừng đặc dụng Vồ Dơi (Vườn Quốc gia U Minh Hạ) với giá 500.000 đồng/kg. Trên đường vận chuyển đi bán lại với giá 3 triệu đồng/kg thì bị bắt giữ. (Người Lao Động 25/8) đầu trang(
Ngày 25.8, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết vừa tiếp nhận một cá thể động vật hoang dã quý hiếm để cứu hộ.
Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch đã bàn giao cho Trung tâm một cá thể Khỉ đuôi lợn (tên khoa học là Macaca leonina). Đây là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định của Chính phủ.
Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch cho biết, cá thể động vật rừng quý hiếm trên có trọng lượng 3kg, được người dân trú tại xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch) tự nguyện giao nộp cho lực lượng kiểm lâm sau được tuyên truyền, vận động.
Hiện Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật đang tiến hành chăm sóc, theo dõi, phục hồi các tập tính trước khi trả về môi trường tự nhiên. (Lao Động 25/8) đầu trang(
Ngày 25-8, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký quyết định tịch thu 55 hộp gỗ xẻ, chủng loại gõ lau (chò nâu, nhóm I, VI), khối lượng 10,480 m3 và một chiếc xe ô-tô tải, biển số đăng ký 92C-041.55, do không xác định được chủ sở hữu.
Đây là tang vật, phương tiện do Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm phát hiện và ra quyết định tạm giữ vào ngày 4-7-2015.
UBND tỉnh giao Chi cục kiểm lâm tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo đúng quy định hiện hành. (Nhân Dân 25/8) đầu trang(
Tình trạng lâm tặc chống đối hoặc “huy động lực lượng” tấn công kiểm lâm và những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng đang là vấn đề “nóng” tại Lâm Đồng trong thời gian qua.
Sự việc 3 nhân viên kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm H.Đức Trọng là Vàng Đình Hoàng, Phạm Minh Tiến, Đoàn Văn Hà bị hàng chục đối tượng tấn công giật súng, cướp đạn, bị đánh đập và bị làm nhục khi đang thực thi nhiệm vụ tại thôn Gần Reo (xã Liên Hiệp) cách đây mấy hôm thực sự đã gây xôn xao dư luận tại địa phương. Sự việc này cũng đưa tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ lên mức báo động, sự an toàn của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đang thật sự bị đe dọa, thậm chí họ phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Còn nhớ cách đây không lâu, vào cuối tháng 12.2014, từ nguồn tin báo, ông Vũ Xuân Hải – Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (thuộc Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng) tổ chức chặn bắt xe vận chuyển lâm sản trái phép tại huyện Đạ Tẻh đã bị đối tượng vi phạm Hoàng Minh Trung tông thẳng vào sau lưng xe gắn máy khiến ông Hải chết tại chỗ và người chở là ông Cao Viết Lư bị thương…
Rồi tháng 3.2015, trong khi thi hành công vụ, ông Trần Sĩ Quý và ông Nguyễn Văn Thao, cán bộ Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Tam Hiệp cũng bị các đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép hành hung…
Đây chỉ là 2 sự vụ nghiêm trọng xảy ra gần đây, còn trước đó chuyện chống người thi hành công vụ đã xảy ra hàng loạt trên địa bàn tỉnh này. Từ chuyện kiểm lâm bị cản trở, bao vây, bị đánh “bầm mình” đến việc cán bộ công ty lâm nghiệp bị hành hung… là câu chuyện được nghe thường xuyên trong những năm qua. Từ cuối năm 2008 đến nay, đã có hơn 60 vụ chống người thi hành công vụ kiểu như thế này xảy ra tại các huyện của tỉnh Lâm Đồng.
Theo Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng, các đối tượng chống người thi hành công vụ hiện nay rất manh động, liều lĩnh với nhiều thủ đoạn như chống đối, cướp lại tang vật, đánh, ném đá từ xa, nhắn tin đe dọa, thách đố… Những chuyện như thế, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của kiểm lâm và nhân viên bảo vệ rừng khi thực thi nhiệm vụ.
Một lãnh đạo Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng, cho biết thêm: “Tình trạng chống người thi hành công vụ (lực lượng giữ rừng) hiện nay diễn ra với mức độ trắng trợn hơn, không còn chống đối nhỏ lẻ nữa mà họ cứ kéo đông người để gây áp lực và có tính tổ chức cao hơn trước. Trong khi đó, lực lượng giữ rừng gặp khó là lực lượng mỏng, sự việc xảy ra luôn đột xuất, bất ngờ không tập trung lực lượng kịp, hơn nữa nếu chờ tập trung đủ lực lượng thì đối tượng vi phạm trốn thoát mất”.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng đây nhất định cũng là một phần nguyên nhân làm cho “máu rừng” liên tục chảy. Tính từ tháng 10.2008 cho đến 7 tháng đầu năm 2015, tại Lâm Đồng đã xảy ra hơn 14.000 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng với hàng ngàn héc ta rừng bị phá -  một con số quả đáng lo ngại.
Trước thực trạng trên, nếu như các cấp, ngành, các cơ quan liên quan cũng như chính lực lượng bảo vệ rừng không kịp thời có biện pháp phù hợp để xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe đối tượng vi phạm thì tình trạng chống người thi hành công vụ khó mà chấm dứt. Tính mạng của lực lượng quản lý bảo vệ rừng cũng luôn trong tình trạng bị đe dọa, bất an.
Câu hỏi “máu rừng” bao giờ mới ngừng chảy sẽ khó có câu trả lời, bởi ngay cả tính mạng người giữ rừng chưa đảm bảo an toàn thì lấy gì đảm bảo được rừng sẽ an toàn? (Thanh Niên 25/8) đầu trang(
Trưa ngày 24/8, đường dây điện cao thế 35KV dẫn vào Nhà máy nước Diễn Vọng bất ngờ bị đứt rơi xuống, tia lửa phóng ra làm cháy một khu vực thuộc rừng phòng hộ ở khu 7B, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Thời tiết khô nóng, cộng với gió thổi mạnh khiến đám cháy lan ra rất nhanh và có nguy cơ bùng phát mạnh làm cháy đường điện cao thế bên trên và lan sang đường ống dẫn nước của nhà máy nước cách đó vài chục mét. Nhận được tin báo, 30 cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 185 (Trung đoàn 213, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân) đã cơ động tới hiện trường phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tham gia chữa cháy, bất chấp hiểm nguy và thời tiết nắng nóng.
Bằng những dụng cụ thủ công như dao rựa, gậy, cành cây tươi, bộ đội nhanh chóng phát đường băng cản lửa, khoanh vùng, khống chế không cho đám cháy lan rộng. Sau gần 2 giờ, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Trực tiếp chỉ huy bộ đội chữa cháy, thiếu tá Lê Xuân Trường, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 185 cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin báo, chúng tôi xác định nhiệm vụ giúp dân chữa cháy cũng là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình nên đã cử những đồng chí có sức khỏe và kinh nghiệm trong tổ cơ động tham gia chữa cháy. Do thường xuyên được huấn luyện các phương án phòng chống chữa cháy nên bộ đội xử lý tình huống khá hiệu quả, bảo đảm an toàn”.
Áo đẫm mồ hôi, mặt đen sạm vì khói bụi, binh nhất Vũ Tuấn Hiệp, chiến sỹ Tiểu đoàn 185 bộc bạch: “Tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ đồng thời cũng là vinh dự và trách nhiệm của mỗi người lính. Bản thân tôi đã nhiều lần cùng đồng đội tham gia giúp địa phương chữa cháy rừng”.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Tiểu đoàn 185 đã 3 lần cơ động lực lượng tham gia chữa cháy rừng, ngoài ra còn tham gia dập hàng chục vụ cháy nhỏ trên địa bàn đóng quân. Riêng đợt mưa lụt vừa qua xảy ra trên địa bàn phường Quang Hanh, đơn vị đã huy động gần 200 lượt người cùng phương tiện tham gia giúp nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả.
Xác định nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, hằng năm đơn vị thường xuyên kiện toàn biên chế tổ cơ động, bổ sung phương tiện, luyện tập thành thục các phương án. (Tiền Phong 26/8) đầu trang(
Hiện nay, người dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi tập trung đốt thực bì chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới, cộng với nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến nguy cơ cháy rừng đang ở mức cao.
Mùa khô đang bước vào giai đoạn cao điểm. Cái nắng gay gắt và thời tiết hanh khô đẩy những cánh rừng ở huyện miền núi Quảng Ngãi đứng trước nguy cơ cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm. Mặc dù công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, song trên thực tế thời điểm này, cũng là thời điểm người dân phát dọn đốt nương, rẫy để chuẩn bị gieo trồng vụ mới, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Ông Nguyễn Đại, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi khuyến cáo: Bà con trước khi đốt phải dọn ranh để bảo đảm an toàn, phải đốt vào buổi sáng và buổi chiều, và phải báo cho chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn giám sát. Chúng tôi cũng chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu các xã thành lập các nhóm tổ đội theo tổ liền kề trong đó chọn người già, uy tín làm tổ trưởng để tham gia chữa cháy rừng.
Quảng Ngãi hiện có 250.000 ha rừng, trong đó có khoảng 120.000 ha rừng trồng. Để bảo vệ tốt diện tích rừng,  Hạt Kiểm lâm các địa phương cùng các đơn vị chủ rừng đã đầu tư thêm phương tiện máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Công tác phối hợp  tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, chủ rừng và chính quyền cơ sở cũng được triển khai đồng bộ.
Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng các năm trước hầu hết đều do người dân phát dọn, đốt thực bì hoặc sử dụng lửa bất cẩn gây nên cháy. Trong điều kiện kinh phí ít ỏi, phương tiện còn thô sơ, lực lượng kiểm lâm, công an và các địa phương đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống cháy rừng đến từng hộ dân.
Theo ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Chữa cháy rừng chúng tôi xác định chủ yếu là bằng con người tại chỗ, chính vị vậy mỗi xã, mỗi người quản lý rừng đều phải có phương án, kế hoạch phòng cháy trong đó tập hợp những lực lượng xung quanh ở vùng đó vào lực lượng phòng cháy.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập 623 tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng  cơ sở. Kiểm lâm các địa phương cũng ký cam kết bảo vệ rừng với gần 300 hộ gia đình, chủ rừng và các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, đồng thời kiểm tra, sửa chữa thiết bị, dụng cụ chữa cháy và bố trí nhân lực sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy rừng. (ANTV 25/8) đầu trang(
Là một bán đảo rộng lớn ôm gần trọn thành phố Đà Nẵng, Sơn Trà không chỉ có những dải núi hùng vỹ, sơn thủy hữu tình. Nơi đây còn nổi tiếng bởi từ lâu được coi là “vương quốc” của những loài linh trưởng.
Trên đỉnh mây phủ ngàn năm này, ngoài những loài vượn, khỉ hay vọoc thông thường thì loài vọoc chà vá “năm màu” cực kỳ quý hiếm, nằm trong sách đỏ bảo tồn của thế giới cũng thường xuyên xuất hiện chính là điểm độc đáo khi du khách có dịp ghé thăm nơi đây.
Có thể nói, quần thể hàng ngàn chú linh trưởng thuộc nhiều loại khác nhau sinh sống quây quần đã làm lên một đặc trưng rất riêng biệt của vùng bán đảo này. Vì thế, ngoài việc bảo tồn điều kiện sống, sinh sản và ngăn chặn nạn săn bắn, cung đường mang tên Hoàng Sa chạy ven lưng chừng núi nơi đây còn được trang trí thêm bởi hàng ngàn bức tượng chú linh trưởng vô cùng sống động, như một nét đặc trưng rất riêng biệt.
Bán đảo Sơn Trà nhìn từ phía xa xa, nơi có một vòng cung biển là nơi neo đậu tàu cá của ngư dân trong vùng cùng chùa Linh Ứng, một trong những chùa có ngôi tượng Phật Bà lớn nhất ở Việt Nam.
Do diện tích bán đảo Sơn Trà lên đến hàng ngàn héc-ta rừng núi hiểm trở nên du khách ghé thăm nơi đây khó có thể bắt gặp những loài linh trưởng quý hiếm này. Tuy nhiên, tại đây vẫn có một vài cá thể linh trưởng được nuôi nhốt bán hoang dã. Đây chủ yếu là những cá thể đang cần được chăm sóc trước khi đưa chúng về với thế giới tự nhiên hoang dã.
Ngoài linh trưởng, cây đa di sản 800 năm tuổi mọc hoàn toàn trên núi đá cũng là địa điểm tham quan, thu hút nhiều du khách khi tới bán đảo rộng mênh mông này.
Hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, vẫn có một tua du lịch ngắm biển rừng cùng linh trưởng ở Sơn Trà do một công ty phối hợp cùng chi cục kiểm lâm nơi đây tiến hành.
Tuy nhiên, để du khách có thể bắt gặp được những chú linh trưởng là khá may rủi, bởi ngay cả những người kiểm lâm thông thạo núi rừng cũng khó lòng đoán biết vị trí của linh trưởng khi chúng thường xuyên di chuyển, thoắt ẩn thoắt hiện.
Vậy nhưng, tua này vẫn khá hút khách, đặc biệt là những người ưa mạo hiểm và di chuyển. Ngược lại, có khá nhiều du khách tạm hài lòng với những chú linh trưởng giả trên đường ven biển mà thôi. (Dân Việt 25/8) đầu trang(
Bạn đọc Trương Hồng ở Tam Kỳ, Quảng Nam phản ánh: Dọc tuyến đường cứu nạn cứu hộ ven biển từ thôn Kim Đới (xã Tam Thăng) qua địa bàn xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) dài hơn 10km xuất hiện tình trạng cát bị khai thác trái phép nham nhở, nhiều điểm cát bị lấy sâu hơn 10m.
Tại đường cứu nạn cứu hộ ven biển qua địa phận thôn Kim Đới, có nhiều con đường mở trái phép từ vỉa hè chạy thẳng vào rừng phòng hộ. Nhiều cây keo hơn 10 năm tuổi đã bị “cát tặc” bứng gốc để khai thác cát. (Dân Việt 25/8) đầu trang(
Sáng 25/8, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với các đối tượng Nguyễn Đình Đức, trú tại xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil và Trần Thanh Kiếm, trú tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk) để điều tra làm rõ về hành vi hủy hoại rừng.
Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 8/2014, Nguyễn Đình Đức thuê Trần Thanh Kiếm chặt phá một khu rừng tại tiểu khu 1653 (Lâm phần do công ty TNHH-MTV Thuận Tân quản lý).
Kiếm đồng ý và làm một tuần được hơn 0,8ha thì rủ thêm một đối tượng ở tỉnh Đắk Lắk tham gia chặt phá thêm 0,39ha. Cả hai đối tượng phá thêm khoảng 3 ngày thì không chặt nữa. Tổng diện tích mà các đối tượng chặt phá là 1,2 ha rừng.
Qúa trình điều tra, cơ quan cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Đình Đức và Trần Thanh Kiếm. Đồng thời củng cố hồ sơ để xử lý đối với đối tượng liên quan về hành vi hủy hoại rừng. (ANTV 25/8) đầu trang(
Sáng 25/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8/2015.
Tại cuộc họp, Ban Thường vụ cũng đã nghe báo cáo kiểm tra trách nhiệm cán bộ để xảy ra vụ phá rừng tại xã Đôn Phục, huyện Con Cuông. Xét thấy đây là vụ phá rừng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành liên quan phải tiến hành điều tra một cách nghiêm túc, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm và những đối tượng liên quan. (Báo Nghệ An 25/8) đầu trang(
Thời gian gần đây nhiều cánh rừng thông Caribe, kể cả rừng già trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục bị "lâm tặc" ngang nhiên chặt phá.
Giữa tháng 8.2015, phóng viên NTNN đi dọc theo tuyến đường mới mở vào tiểu khu 592 thuộc xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam, và chứng kiến ngay tại bìa rừng, hàng loạt cây thông có độ tuổi hàng chục năm bị chặt ngang. Hàng chục gốc thông Caribe có đường kính từ 40-50cm nằm la liệt.
Rừng thông Caribe ở đây không chỉ hao mòn vì lâm tặc mà còn kiệt quệ vì đơn vị trúng trầu khai thác mủ. Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân (xã Tam Xuân 2) là đơn vị trúng thầu để khai thác mủ thông với số lượng hơn 6.500 cây tại 28 lô thuộc khoảnh 5, tiểu khu 592. Thế nhưng đơn vị này đã khai thác vượt mức hàng ngàn cây, kể cả những cây thông chưa đến độ tuổi khai thác, khiến cho nhiều vùng rừng thông Caribe có nguy cơ chết non.
Ông Trần Tiến - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân thừa nhận rằng, có việc khai thác mủ thông vượt quy định đến 2.000 cây thông dưới đường kính cho phép (theo quy định là 25cm). Nhưng việc khai thác này là do công nhân của đơn vị làm sai, một phần theo thiết kế lúc đấu thầu không rõ ràng, chỉ giao rừng trên giấy chứ không đếm từng cây, không đo đạc trước. “Sau khi lực lượng chức năng phát hiện lập biên bản, tôi đã cho công nhân tháo bỏ hết tất cả các máng hứng nhựa thông từ các cây khai thác sai quy định rồi” - ông Tiến nói
Không những rừng thông Caribe, nhiều cánh rừng già trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng bị “lâm tặc” tàn phá vô tội vạ. Vào cuối tháng 7.2015, lực lượng chức năng Quảng Nam đã phát hiện dưới dòng sông khu vực Hòn Kẽm thuộc huyện Nông Sơn và bến Én, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức có đến 2 điểm tập kết gỗ lậu. Cơ quan chức năng đã trục vớt dưới sông lên 7,3m3 gỗ quý hiếm chò, ví, chua…
Theo ngành chức năng, nguồn gốc của số gỗ lậu trên chủ yếu từ phía thượng nguồn thủy điện Đắc My, huyện Phước Sơn. "Lâm tặc" sau khi khai thác, tập kết, cất giấu gỗ trong rừng, chờ thủy điện xả lũ đã dùng thuyền máy, hoặc săm ô tô kết làm bè chở gỗ theo sông về xuôi.
Hồi tháng 9.2014, Kiểm lâm huyện Nông Sơn cũng phát hiện 257 phách gỗ lớn tập kết ở các khe suối thượng nguồn sông Thu Bồn (thuộc xã Quế Lâm). Số gỗ này được xác định tại khu rừng giáp ranh giữa huyện Phước Sơn và Nông Sơn. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam than: "Lâm tặc" rất manh động. Chúng ẩn nấu trong rừng, khai thác cất giấu gỗ ở sâu trong rừng, sau đó vận chuyển từng khúc ra ngoài.
Khi lực lượng kiểm lâm phát hiện thì chúng vứt xe bỏ chạy để lại tang vật nên khó xử lý. Ngoài ra, bọn chúng đi từng nhóm nhiều người, còn lực lượng kiểm lâm địa bàn chỉ có 2 người tuần tra, phát  hiện "lâm tặc" cũng khó khống chế. (Dân Việt 26/8) đầu trang(
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang vừa phối hợp với Bộ tư lệnh Vùng 5 Quân chủng Hải quân, Phòng Cảnh sát ĐTTP về Môi trường, Công an… ra quân truy quét chống chặt phá rừng và lấn chiếm đất rừng phòng hộ tại “điểm nóng” ở thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc.
Đoàn kiểm tra đã xử lý 15/16 vụ vi phạm với tổng diện tích 16,5ha, di dời và hủy bỏ hơn 174 ngàn cây trồng trái phép các loại trong rừng, 189 cây trụ rào bêtông; tháo dỡ, di dời 2 chòi tạm ra khỏi rừng.
Ông Huỳnh Long Hải – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phú Quốc cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục di dời các cây trồng, vật kiến trúc trái phép ra khỏi rừng; Phối hợp với công an để  điều tra, xử lý các trường hợp mua bán đất rừng trái phép.
Cũng theo ông Hải, từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã xảy ra 33 vụ phá rừng, lấn, chiếm rừng, đốt rừng, khai thác và mua bán đất rừng trái phép tổng diện tích 278.628 m2. (Tiền Phong 26/8) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
“Chúng tôi cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân (ND), sẽ đi đến cùng với ND, hỗ trợ ND hết sức. Nếu hộ trồng nào khó khăn về vốn, chúng tôi sẵn sàng bán giống trả chậm một phần, sau vụ thu hoạch sẽ quy đổi bằng sản phẩm, hoặc bằng các phương thức khác phù hợp”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tâm Hoàng Việt chia sẻ với NTNN về cây sachi - giống cây trồng mới được Công ty cổ phần Sacha Inchi Việt Nam thuộc Tập đoàn này đưa về Việt Nam.
Sachi là loại cây trồng mới có giá trị dinh dưỡng cao nên người ta mới gọi là “siêu thực phẩm”, bởi nó có rất nhiều điểm vượt trội về hàm lượng chất dinh dưỡng: Giàu Omega 3 – 6 – 9 ; lượng Omega 3 có trong dầu sachi cao gấp 17 lần so với dầu cá hồi, gấp 49 lần so với dầu ô-liu. Tổng các axit béo không bão hòa của sachi trên 92%…
Phát triển ngành công nghiệp sachi sẽ kéo theo các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thương mại khác phát triển như ngành công nghệ thực phẩm, thực phẩm chức năng, ngành hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, dược phẩm… Thị trường tiêu dùng của Sachi hiện nay rất lớn, bởi hiện nay nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ sachi quá nhiều, hiện cung chỉ mới đáp ứng được 10% nhu cầu của thế giới.
Sau gần 2 năm trồng khảo nghiệm tại Tam Điệp (Ninh Bình), Lương Sơn (Hoà Bình), Chiềng Cơi (Sơn La) và EaTu  (TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), bước đầu chúng tôi có thể khẳng định: Các đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng của những vùng này rất phù hợp để phát triển cây sachi. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng mở rộng phát triển cây sachi tại Việt Nam là rất mênh mông, bởi hiệu quả kinh tế rất cao. Với mức đầu tư từ 50 -130 triệu đồng/ha cho loại cây này, chỉ sau 2 năm, người ND có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lãi từ năm thứ 3 với mức thu ổn định 150 – 300 triệu đồng/ha/năm. Hơn nữa, không phải như các cây công nghiệp khác, trồng sachi chỉ sang tháng thứ 6 đã có thu hoạch.
Sachi rất dễ trồng, dễ sống, dễ thích nghi, không kén đất, chống chịu với sâu bệnh hại và điều kiện ngoại cảnh bất thuận rất tốt. Phương thức trồng đa dạng, từ trồng thuần, thâm canh, xen canh, quảng canh. Khi trồng sachi người nông dân có thể tận dụng tối đa các vật liệu địa phương như tre, gỗ, chàm... để đóng cọc, làm giàn.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ sachi rất mênh mông, chúng ta mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu tiêu dùng. Trong vài năm qua Sachi Vina đã trồng sachi ở Lào, Campuchia với diện tích khoảng 3.000ha. Ở Việt Nam doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch phát triển cây sachi đạt diện tích 50.000ha trong 10 năm tới. DN sẽ mở rộng vùng trồng bằng cách liên kết với các doanh nghiệp đầu mối, liên kết chặt chẽ với ND, chúng tôi cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người ND.
Chúng tôi có nhà máy chế biến với diện tích 40.000m2, có tổng mức đầu tư là 200 tỷ đồng. Nhà máy này có công suất chế biến dự kiến đạt 50.000 tấn/năm, phục vụ cho 10.000ha vùng nguyên liệu lân cận.
Ông cho biết sẽ mở các lớp tập huấn giúp ND hiểu rõ hơn về cây sachi và hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Chúng tôi cam kết cung cấp giống chất lượng, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho ND. Cam kết sẽ đi đến cùng với ND, hỗ trợ ND hết sức, nếu hộ trồng nào khó khăn về vốn, chúng tôi sẵn sàng bán giống trả chậm một phần, sau vụ thu hoạch sẽ quy đổi bằng sản phẩm, hoặc bằng các phương thức khác phù hợp.
Đối với ND, họ cần tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật sản xuất, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong trồng trọt và chế biến hạt sachi theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Khi đã ký hợp đồng với doanh nghiệp, ND cần tuân thủ chặt chẽ hợp đồng, không vì lợi ích trước mắt mà làm sai quy trình sản xuất, phá vỡ hợp đồng, ảnh hưởng tới lợi ích lâu bền, không chỉ họ ảnh hưởng mà doanh nghiệp cũng sẽ mất uy tín. (Dân Việt 26/8) đầu trang(
Gần đây, trên địa bàn xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định), một số nông dân đã tự phát trồng cây mắc ca mà chưa có các thông tin đầy đủ về loài cây này.
Trước thực trạng đó, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có khuyến cáo đến người dân và yêu cầu các ngành chức năng liên quan có giải pháp không để người dân tự ý trồng và tiếp tục mở rộng đại trà loại cây còn khá mới mẻ này khi chưa có quy hoạch, cho phép của UBND tỉnh Bình Định.
2 năm trở lại đây, giá cả của nhiều loại nông sản là cây trồng chủ lực ở xã vùng cao Vĩnh Sơn thiếu ổn định, nhất là giá cà phê, mì… khiến không ít người nông dân tìm hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Cũng trong thời điểm này, nhiều nguồn thông tin về cây mắc ca phù hợp điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng ở Tây Nguyên, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là phù hợp điều kiện canh tác của người dân địa phương nên nông dân ở các làng K2, K4, K8, xã Vĩnh Sơn đã quyết định chuyển sang trồng cây mắc ca. “Đến nay, trên địa bàn xã có 14 hộ dân tham gia trồng cây mắc ca với diện tích 14 ha; tất cả các diện tích này đều được nông dân tự phát trồng”, ông Đặng Văn Khánh, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Sơn cho biết.
Một ngày cuối tháng 8/2015, chúng tôi về làng K8, xã Vĩnh Sơn và được tận mắt chứng kiến nhiều khu đất được người dân trồng cây mắc ca đã lên xanh tốt; thậm chí, có vườn cây mắc ca được trồng cách đây 2 năm, cây cao 1m. Qua tìm hiểu, hầu hết những diện tích này được người dân trồng vào giữa năm 2014.
“Tui xem tivi thấy người ta nói quá nhiều về cây mắc ca; hơn nữa, qua phân tích loại cây này lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây nên tui quyết định lên tỉnh Gia Lai tìm mua cây giống về trồng; sau gần một năm chăm sóc, tui thấy 3 ha cây mắc ca đều sinh trưởng khá tốt”, một người dân trồng mắc ca tại làng K8, nói.
Theo ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, sau khi nhận được thông tin nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Sơn bất chấp “lệnh cấm” ngành chức năng rủ nhau đi mua cây giống mắc ca đem về trồng tại địa phương; huyện đã cử cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp về tận nơi xác minh thông tin; qua kiểm tra thì được biết chuyện người dân tự phát trồng cây mắc ca ở đây là có thật.
“Điều đáng lo, hầu hết các hộ dân tham trồng cây mắc ca đều khá mơ hồ về thị trường đầu ra loại nông sản này; thậm chí, nhiều người “tìm đến” cây mắc ca chỉ qua kênh thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc một số đơn vị cung ứng giống ở nơi khác về tận nơi giới thiệu”, ông Đẩu nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm: “Để kiểm soát tốt tình hình phát triển cây mắc ca tại địa phương, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây mắc ca tại các cơ sở sản xuất, mua bán giống; khuyến cáo người dân không nên tự phát trồng cây mắc ca khi chưa có chủ trương của tỉnh.
Huyện cũng yêu cầu UBND các xã, thị trấn cần tăng cường công tác kiểm tra, nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh giống cây mắc ca; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp tự ý trồng cây mắc ca, gây phá vỡ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế ở địa phương”.
Đó là khuyến cáo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn. Ông Tuấn, cho hay: “Người dân không nên nóng vội, đua nhau trồng cây mắc ca trong khi chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật canh tác, chế biến, bảo quản, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm, vì sẽ gây thiệt hại cho nông dân”.
Về cấp độ địa phương, ông Lê Văn Đẩu nêu ý kiến: “Đến nay, tính hiệu quả khi phát triển loại cây mắc ca vẫn chưa được khẳng định; vì vậy, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình về việc phát triển loại cây này; tuyệt đối không để bà con ồ ạt mở rộng diện tích phát triển. Riêng đối với những diện tích đã trồng ở xã Vĩnh Sơn, trước mắt, huyện yêu cầu địa phương hướng dẫn bà con cách chăm sóc, khoanh vùng, không cho mở rộng thêm diện tích; đồng thời, xã cần nắm bắt và báo cáo kịp thời về huyện những trường hợp tự ý mua cây giống mở rộng quy mô phát triển, để có hướng xử lý kịp thời”.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, hiện tại UBND tỉnh chưa có chủ trương cho phép người dân trong tỉnh trồng cây mắc ca và Bình Định cũng không nằm trong vùng được Bộ NN&PTNT cho trồng khảo nghiệm giống cây này.
Hơn nữa, cây mắc ca là cây trồng mới, ở tỉnh ta chưa có mô hình trồng khảo nghiệm nào được triển khai nên không có đủ cơ sở đánh giá một cách chính xác và toàn diện loài cây này có phù hợp để trồng hay không. Mặt khác, thị trường về cây mắc ca trong nước chưa hình thành và cũng chưa xác định thị trường xuất khẩu tiềm năng, chưa phân tích khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, đây là cây trồng dài ngày, sau 7 năm mới cho thu hoạch, tiền đầu tư lớn, khả năng rủi ro trong sản xuất khá cao.
“Trước mắt, để ngăn chặn tình trạng người dân đổ xô trồng cây mắc ca, Sở NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến về các nội dung liên quan đến cây mắc ca cho người dân biết; cần khuyến cáo chưa nên trồng cây mắc ca tập trung, trồng thay thế các loại cây trồng khác hiện nay. Địa phương nào để người dân tự ý trồng hoặc mở rộng diện tích đất để trồng cây mắc ca thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm”, ông Hổ quả quyết. (Công An Nhân Dân 25/8) đầu trang(
Thảo luận về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhấn mạnh phải tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát.
Bởi dư luận lâu nay và chính đại biểu cũng đánh giá là hoạt động giám sát dù có nhiều cố gắng song vẫn còn hình thức, “cưỡi ngựa xem hoa”.
“Nghe báo cáo đã có vấn đề rồi thì đi thực tế còn nhiều vấn đề hơn nữa. Ví dụ về quản lý đất rừng nếu nghe báo cáo thì đất rừng còn nhiều lắm nhưng ta đi thực tế thấy chỉ có bìa rừng chứ trong rừng không có bao nhiêu. Không có kiểm tra thì giám sát kết luận không chính xác được và điều đó nhiều khi lại hợp thức hoá sai phạm. Vì khi cử tri có ý kiến thì đối tượng được giám sát đưa kết luận của đoàn giám sát ra thì cử tri cũng đành chịu”, đại biểu Quốc hội băn khoăn. (Đài Tiếng Nói Việt Nam 25/8) đầu trang(
Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh thực hiện trồng mới 8.000 ha rừng. Đến thời điểm này, diện tích trồng rừng toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành, về đích đúng thời gian.
Cụ thể, diện tích trồng rừng toàn tỉnh là 7.891ha, đạt 98,6% kế hoạch. Trong đó, trồng rừng phòng hộ 108ha, trồng rừng sản xuất 6.389ha; trồng cây phân tán và các dự án khác 1.394ha. Có 02 huyện đạt và vượt kế hoạch giao gồm: Huyện Chợ  Đồn đạt 126% kế hoạch, huyện Chợ Mới đạt 128% kế hoạch.
Để đạt kế hoạch đề ra, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xử lý thực bì để chuẩn bị trồng rừng đúng khung thời vụ. Cùng với đó, công tác quản lý bảo vệ và phòng, chống cháy rừng cũng được huyện quan tâm chú trọng. Do việc xử lí thực bì phụ thuộc vào thời tiết khô, nắng nóng, nên huyện Chợ Đồn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con  nông dân  khi xử lý  thực bì cần chú ý làm đường băng cản lửa, đề phòng cháy rừng.
Hiện nay, cây giống lâm nghiệp tại các vườn ươm cơ bản đã được thẩm định và đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng của người dân. Để khuyến khích bà con nhân dân tích cực trồng rừng, sau khi hoàn thành việc trồng rừng, Ban Quản lý Dự án cơ sở sẽ tiến hành kiểm tra, nghiệm thu các diện tích rừng đã trồng. Với những diện tích có cây sống đạt tỷ lệ 85%  trở lên, bà con sẽ được hỗ trợ 100% về chi phí cây giống và công chăm sóc trong 3 năm đầu.
Bà con nhân dân trong tỉnh đang rất tích cực bảo vệ, chăm sóc những diện tích rừng đã trồng bởi họ đã nhận thức được là trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tốt không chỉ nâng cao đời sống con người mà còn góp phần quan trọng trong công tác  phòng chống lụt, bão và bảo vệ môi trường ở địa phương. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Kạn 24/8) đầu trang(
Đai rừng phòng hộ ven biển Tây có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đê biển. Sự tồn tại của đai rừng phòng hộ không chỉ có ý nghĩa về môi trường mà còn cả về kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai. Thế nhưng, mấy năm gần đây, nạn sạt lở nghiêm trọng đã làm cho đai rừng phòng hộ này mất đi, đe dọa đến sự an toàn của tuyến đê biển Tây.
Tại một đoạn đê phòng hộ biển Tây từ Vàm kênh Đá Bạc đến Kênh Mới, thuộc địa phận xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời bị sạt lở, sóng biển đang ngày đêm uy hiếp đất rừng, nhiều đoạn bị khoét sâu và cây đã bật gốc. Người dân sống ven đê cho biết, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, thân đê có thể bị vỡ bất cứ lúc nào.
Bà Lê Thị Dung - Ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cho biết: Lở đất bắt đầu từ 10 năm trở lại đây. Năm nào cũng lở vô, rất là hoang mang. Có khi nước tràn lên tới mé luôn, rất là sợ.
Ông Tăng Thành Long - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đá Bạc chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn có nhiều đoạn sạt lở ven biển làm ảnh hưởng đến rừng và đất rừng. Mong rằng Nhà nước có chủ trương sớm kè ven biển, nhằm bảo vệ thân đê và ổn định diện tích rừng và đất rừng hiện có. Thứ hai nữa là để cho bà con phía trong an tâm sản xuất.
Để bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển Tây, 5 năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Cà Mau đầu tư kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi tại những điểm xung yếu với tổng chiều dài gần 20 km... Trong đó, giải pháp kè ngầm chắn sóng tạo bãi đã và đang thực hiện với chiều dài khoảng 10 km bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Khảo sát của cơ quan lâm nghiệp gần đây cho thấy, tại những đoạn kè ngầm, đất bùn đã lắng lọc và bồi tụ, cây rừng được trồng phát triển và xanh tốt. Giải pháp này được các ngành chuyên môn đánh giá cao khi vừa khắc phục được sạt lở, vừa khôi phục rừng phòng hộ ven biển. Khi đã phục hồi được rừng, những dãy kè ngầm này sẽ được nhổ lên để tiếp tục cắm xa ra biển thêm 50m. Theo cách này, rừng và đất sẽ lấn dần ra biển.
Ông Dương Việt Nghi - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hương Mai khẳng định: Sau khi kè tạo bãi của tuyến rừng phòng hộ, thì đơn vị thiết kế trồng rừng, trồng những loài cây, chủ yếu là mắm. Trong thời gian trạm theo dõi thì tình hình rừng trồng phát triển rất tốt.
Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết ngày càng phức tạp, tình trạng mưa bão, nước biển dâng dẫn đến tuyến đê biển Tây và rừng phòng hộ không còn đủ sức chống chịu. Một trong những giải pháp quyết liệt là phải làm kè chắn nhằm hạn chế sóng biển đánh vào thân đê, để tạo bãi và trồng lại rừng.
Bên cạnh giải pháp của Nhà nước, người dân sống khu vực ven đê cũng cần nâng cao ý thức, không chặt phá rừng phòng hộ. Đó là cách làm đơn giản nhất để mọi người tự bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của mình trước sự đe dọa của thiên tai. (ANTV 25/8) đầu trang(
“Nhìn những hàng cây vừa trồng lên lại khô héo khiến không ít lần hai vợ chồng định bỏ cuộc. Nhưng với quyết tâm, gia đình tôi đã trồng được 200ha rừng chắn cát dọc biển Hải Ninh”, bà Trần Thị Khương (SN 1953, trú xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) chia sẻ.
Ngày ấy, dọc bờ biển huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) hầu như là những sa mạc cát trải dài, không có cây cối gì có thể sống nổi trên nền đất cát khô cằn ấy. Người dân nơi đây càng khổ cực hơn khi vào những ngày hè nóng nực, nhiệt độ trên những sa mạc cát có thể lên đến 50 – 60 độ C, kèm theo đó là nạn “bão cát”, đất đai bị cát bồi lấp không thể trồng trọt.
Từ những năm 1994 - 1996, nhà nước có triển khai dự án trồng rừng chắn cát dọc bờ biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh). Từ thành công của mô hình vườn ươm cây giống của gia đình, bà Khương đã đứng ra nhận trồng 200ha rừng chắn cát ven bờ biển Hải Ninh.
“Để trồng được 200ha đất rừng chắn cát đó, gia đình tôi đã phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức. Có những lúc, nhìn thấy hàng nghìn cây giống vừa trồng lên đã bị chết khô trên vùng cát khô cằn, tôi đã định bỏ cuộc. Nhưng rồi hai vợ chồng lại động viên nhau cố gắng, rút kinh nghiệm sau những lần thất bại trước nên tỷ lệ cây giống trồng ra bị chết ngày một ít lại khiến chúng tôi mừng lắm”, bà Khương bùi ngùi nhớ lại.
Trời không phụ lòng người, bằng ý chí chịu khó, chịu khổ với mong muốn lớn nhất của hai vợ chồng là “phủ xanh đồi cát”, hàng vạn cây giống đã sống được trên vùng sa mạc cát khô cằn và ngày một xanh tốt. Đến cuối năm năm 1996, gia đình bà Khương đã giao toàn bộ 200 ha rừng chắn cát cho Nhà nước.
Không những trồng rừng chắn cát ven biển mà gia đình bà còn nhận đất rừng để khai hoang phục hóa trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Đến nay, gia đình bà còn sở hữu trong tay hơn 80 ha rừng tràm và cao su đang trong giai đoạn phát triển tốt, chờ thu hoạch.
Nhìn ngôi nhà khang trang với một trang trại kinh tế, trồng rừng mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng ngay trên chính quê hương của mình, bà Khương không thể quên những ngày tháng khó khăn: “Ở cái chốn hoang vu này, ngày xưa có ai thèm ngó ngàng gì tới, bởi đụng đâu là gặp bom đạn ở đó. Năm 1992, giữa lúc khó khăn trăm bề, chúng tôi được nhà nước vận động nhận đất rừng khai hoang, phục hóa. Thấy chúng tôi nhận mảnh đất này làm ăn, rất nhiều người tỏ ra ái ngại, khuyên can chúng tôi chuyển sang chỗ khác an toàn hơn. Nhưng vợ chồng tôi vốn liều lĩnh, dám nghĩ, dám làm nên ngay khi nhà nước giao đất, chúng tôi đồng ý nhận luôn”.
Với nguồn lực đất đai sẵn có, bà Khương bàn với chồng mở rộng diện tích chăn nuôi thành mô hình trang trại. Đến nay, trang trại của bà đã có 70 con lợn nái, 1.500 con lợn thịt và trên 10.000 con gà. Mô hình trang trại giúp gia đình bà thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng tiền lãi ngay trên chính vùng đất khô cằn ấy. Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình bà Khương còn góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương với thu nhập từ 4 triệu đến 5 triệu đồng một tháng.
Từ mảnh đất khô cằn với đầy rẫy bom đạn nằm sâu dưới lòng đất, bằng sự siêng năng và một ý chí kiên cường, nhẫn nại, đến nay, mảnh đất ấy đã trở nên trù phú, được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây cối.
Nhưng điều khiến gia đình bà Khương hạnh phúc nhất là đã hai lần vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới thăm. (Dân Trí 25/8) đầu trang(
Ngày 24/8, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Nở, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, làm trưởng đoàn, tiếp tục giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020 đối với Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả thuộc địa bàn xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa).
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã đi khảo sát thực địa tại rừng đặc dụng Đèo Cả. Theo Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả, tổng diện tích đất tự nhiên do đơn vị quản lý hơn 7.480ha, trong đó khoảng 3.620ha đất có rừng (hơn 1.950ha rừng tự nhiên và gần 1.670ha rừng trồng), hơn 3.860ha đất chưa có rừng.
Công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015 khoảng 10.410ha, đến nay đã thực hiện 3.150ha. Từ năm 2011 đến nay, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả đã lập biên bản và xử lý vi phạm bảo vệ rừng 115 vụ, tịch thu hơn 20m3, hơn 7.900kg than hầm, thu giữ gần 45 máy cưa và nhiều phương tiện mô tô, xe đạp…
Ban quản lý rừng kiến nghị tỉnh quan tâm cấp kinh phí bảo vệ rừng để giao khoán cho các hộ gia đình, các tổ chức cùng tham gia quản lý bảo vệ rừng; đề nghị tỉnh cho trồng bổ sung diện tích rừng trồng có mật độ thưa do ảnh hưởng cơn bão năm 2009…
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát HĐND tỉnh ghi nhận những kiến nghị và đánh giá cao những đóng góp của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả trong công tác quản lý và bảo vệ rừng thời gian qua; đồng thời yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng và khẩn trương trồng đủ diện tích rừng theo kế hoạch; rà soát cụ thể số diện tích đất không có rừng và có kế hoạch trình cấp thẩm quyền để triển khai trồng rừng phủ xanh số diện tích đất trống này. (Báo Phú Yên 25/8) đầu trang(
Thời gian qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng Krông Trai (huyện Sơn Hòa) chưa hiệu quả. Tình trạng khai thác và phá rừng làm rẫy trái phép vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp, trong khi đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn mỏng, trang thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng còn thiếu thốn…
Rừng đặc dụng Krông Trai có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 13.770ha, thuộc địa bàn 6 xã Cà Lúi, Ea Chà Rang, Sơn Phước, Suối Bạc, Suối Trai và Krông Pa (huyện Sơn Hòa). Số diện tích này được phân thành 3 khu chức năng gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 7.880ha, phân khu phục hồi sinh thái 5.890ha và phân khu dịch vụ - hành chính 2,2ha.
Theo Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, do rừng này tiếp giáp với các khu sản xuất của người dân nên tình trạng phá rừng làm rẫy diễn biến hết sức phức tạp, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề nhận thức về bảo vệ rừng của một bộ phận nhân dân chưa cao nên công tác phòng chống cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai chỉ có 18 người (gần 50% lực lượng theo quy định), phương tiện và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng còn thiếu…
Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng làm rẫy và chuyển nhượng đất trái phép trong rừng đặc dụng Krông Trai vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong tổng diện tích khoảng 13.770ha của rừng đặc dụng này thì đất có rừng khoảng 8.860ha, còn lại khoảng 4.910ha đất hiện không có rừng.
Ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, cho biết: Thực trạng 4.910ha đất không có rừng đã tồn tại từ lâu. Nguyên nhân là do một số hộ dân ở trong rừng và họ canh tác từ đó đến nay (có hộ canh tác từ năm 1986), một số diện tích thì do người dân phá và lấn chiếm đất rừng…
Từ năm 2011 đến năm 2013, Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai đã phối hợp với UBND các xã Ea Chà Rang, Sơn Phước, Suối Bạc, Suối Trai và Krông Pa cùng các ngành chức năng tổ chức cưỡng chế phá bỏ hơn 26,5ha hoa màu, cây trồng trên diện tích phá rừng trái phép nhưng không xác định được đối tượng vi phạm.
Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai đã phối hợp với Công an huyện Sơn Hòa lập hồ sơ và điều tra đối tượng vi phạm; tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm ra đối tượng vi phạm.
Theo ông Trương Hiếu Hoàng, Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai đang rà soát lại hiện trạng số diện tích bị lấn chiếm, bao gồm diện tích người dân phá rừng trồng sắn, mía và diện tích mà người dân phá rừng nhưng hiện nay bỏ hoang. Sau đó, đơn vị sẽ xin chủ trương, kinh phí để trồng lại rừng và giao số diện tích này cho các xã (các hội, đoàn thể cấp xã) trồng và quản lý, trước mắt sẽ giao thí điểm cho một số xã.
Ông Lê Văn Bé, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT), cho biết: Đối với diện tích không có rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai báo cáo cụ thể để có kế hoạch phục hồi trong thời gian tới. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã làm việc với UBND xã Sơn Phước và xã này đồng ý cho lực lượng đoàn thanh niên của xã phối hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai trồng lại và chăm sóc rừng trên diện tích đất không có rừng thuộc địa bàn của xã. Sắp tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ làm việc với các xã còn lại…”.
Mới đây, HĐND tỉnh đã giám sát việc triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020 đối với Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai. Bà Nguyễn Thị Nở, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đề nghị: “Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai cần tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng và có biện pháp khắc phục số diện tích rừng trồng do đơn vị quản lý bị cháy trong thời gian qua.
Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai cũng cần phối hợp với địa phương và các ngành chức năng để thu hồi số diện tích rừng đặc dụng đã bị lấn chiếm; đồng thời đánh giá nguyên nhân và rà soát cụ thể số diện tích đất không có rừng, có kế hoạch và lộ trình cụ thể trình cấp có thẩm quyền để triển khai trồng lại rừng đặc dụng, nhằm phủ xanh số diện tích đất trống này”. (Báo Phú Yên 25/8) đầu trang(
Huyện giáp biên Lộc Bình (Lạng Sơn) hiện có hơn 27 nghìn ha cây thông mã vĩ, chiếm 75% so với diện tích đất trồng cây lâm nghiệp, góp phần nâng độ che phủ rừng lên 57%.
Hầu hết các hộ gia đình ở 27 xã, thị trấn trong huyện đều trồng thông. Sau hơn 15 năm, nhiều khu rừng thông đã cho khai thác nhựa và chế biến gỗ, trở thành một nguồn thu nhập quan trọng của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nơi vùng biên này.
Đến xã vùng cao Nhượng Bạn (Lộc Bình), ở đâu cũng bắt gặp những rừng thông mã vĩ bạt ngàn, xanh ngắt bốn mùa. Và để có được những rừng thông ấy, Chủ tịch UBND xã Nhượng Bạn Lý Văn Hùng thổ lộ: xã có hơn 300 hộ chủ yếu là bà con dân tộc Sán Chỉ; diện tích tự nhiên toàn xã hơn 1.587 ha, trong đó chiếm hơn 95% diện tích là đất lâm nghiệp, nương nhiều, ruộng ít, nên trước kia, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Nhưng “cái khó ló cái khôn” vào những năm 1960 của thế kỷ trước nghe theo tiếng gọi của Đảng, bà con trong xã đã thực hiện trồng cây gây rừng, không để đất trống đồi núi trọc.
Nhờ đó, mà sau nhiều năm kiên trì vận động bà con thực hiện cải tạo vườn rừng trồng cây thông mã vĩ, đến nay Nhượng Bạn đã trở thành "điểm sáng" về trồng rừng của huyện, tỉnh. Đến nay, tổng diện tích trồng rừng của xã Nhượng Bạn đã lên tới hơn 950 ha, trong đó hơn 60% diện tích cây thông đã cho thu hoạch gỗ và nhựa thông, với tổng thu nhập từ nghề rừng, hàng năm đạt hơn bốn tỷ đồng, thu nhập bình quân của hộ gia đình từ hai đến ba triệu đồng/tháng.
Từ một xã chỉ sống vào nghề rừng mà hiện nay có tới 50% số hộ xây được nhà kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng, 100% số hộ được sử dụng điện, có bảy hộ xã viên mua xe ô-tô để vận chuyển hàng hóa; cả năm thôn bản đều có nhà văn hóa... Đó là một kỳ tích dựng xây cuộc sống mới của bà con dân tộc Sán Chỉ và nơi đây đang trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Lạng Sơn. Nhờ những kết quả sản xuất đó năm 2006, xã Nhượng Bạn vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Theo gương xã Nhượng Bạn, đến nay, nhiều xã trong huyện Lộc Bình đều đẩy mạnh phát triển trồng thông mã vĩ, từ nguồn vốn của các dự án Việt- Đức, dự án 661... Nổi bật là xã Tú Mịch, Yên Khoái, Bằng Khánh. Nhiều hộ dân trồng bình quân từ 0,5 đến 5 ha, có hộ trồng hơn 10 ha trở lên, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc khai thác nhựa thông, khai thác gỗ.
Điển hình như xã Bằng Khánh, hiện nay đã cơ bản giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình để phát triển kinh tế đồi rừng. Bà con nơi đây trồng chủ yếu là cây thông mã vĩ, với tổng diện tích hơn 380 ha, hiện đã có khoảng 20 ha cho khai thác nhựa.
Anh Hoàng Văn Dũng, ở thôn Bản Tẳng (Bằng Khánh), vui mừng chia sẻ: Nhờ có dự án Việt- Đức, từ năm 1998 gia đình đã nhận trồng hơn 3.000 cây thông, đến nay 1.500 cây đang khai thác nhựa, mỗi tháng thu được 700kg nhựa, giá nhựa thông luôn dao động từ 26 đến 30 nghìn đồng/kg, nên gia đình luôn có thu nhập thừ 18 đến 20 triệu đồng/tháng. Nhờ đó gia đình đã xây được nhà, mua được xe máy, ti-vi, tủ lạnh… và có tiền cho con đi học cái chữ.
Anh Dũng cũng cho biết, thấy hiệu quả kinh tế từ cây thông mã vĩ, năm 2009, gia đình anh đã tự đầu tư trồng thêm 4.000 cây thông, nay cây đang phát triển tốt, chỉ vài năm nữa là đã cho khai thác nhựa.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lộc Bình có hơn 27.000 ha thông mã vĩ, chiếm diện tích lớn nhất của tỉnh, trong đó có hơn 7.000 ha đang được người dân khai thác nhựa, ước sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm, đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con các dân tộc, vươn lên để xóa đói, giảm nghèo. Cùng với việc khai thác nhựa thì nhiều diện tích rừng cũng đã cho khai thác gỗ để xuất khẩu.
Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình Lương Trọng Quỳnh khẳng định: Thông mã vĩ là loại cây dễ trồng, thích nghi với điều kiện, khí hậu thổ nhưỡng nên cây phát triển rất tốt. Để khai thác tiềm năng thế mạnh về kinh tế đồi rừng, trong những năm tới huyện tập trung chỉ đạo, vận động bà con trồng thông, không để đất trống, đồi núi trọc, nâng cao ý thức cho người dân chăm sóc, bảo vệ rừng, khai thác cây thông theo đúng quy trình kỹ thuật, coi cây thông là cây chủ lực để bà con các dân tộc nơi đây vươn lên xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng đường biên giới vững mạnh toàn diện. (Nhân Dân 25/8) đầu trang(
CTCP Chế biến Gỗ Thuận An (HOSE: GTA) công bố nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch thực hiện 121 tỷ đồng doanh thu và 4.3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2015.
Trong quý 2/2015, GTA thực hiện 133 tỷ đồng doanh thu và 4 tỷ đồng lãi ròng. Lũy kế đạt 240.8 tỷ đồng doanh thu và 7 tỷ lãi ròng; tương đương 50% và 52% kế hoạch năm. (Vietstock 24/8) đầu trang(
Suốt hơn 3 giờ đồng hồ, ngọn lửa bốc cháy tại công ty gỗ xuất khẩu Malaysia ở KCN Sóng Thần 2 (thị xã Dĩ An, Bình Dương) đã thiêu rụi hàng ngàn mét vuông nhà xưởng.
Theo thông tin ban đầu, vào sáng 23-8, lửa bất ngờ bùng phát tại kho hàng chứa thành phẩm của công ty Cổ phần gỗ Poh Huat. Vì khu vực cháy chứa nhiều nguyên vật liệu gỗ, sơn keo nên ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ khu vực.
Nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương điều 12 xe cùng 100 cảnh sát đến hiện trường dập lửa. Hơn 3 tiếng sau đám cháy cơ bản được khống chế. Hàng ngàn mét vuông nhà xưởng bị thiêu rụi. Thiệt hại và nguyên nhân vụ hoả hoạn đang được điều tra. (Pháp Luật TP.HCM 23/8) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về Phương án tổng thể sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2016.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều.
Đồng thời, chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Bình Liêu, Vân Đồn; chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Cẩm Phả, Uông Bí, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định hiện hành; rà soát, xây dựng phương án sử dụng đất đai của các công ty lâm nghiệp theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và pháp luật về đất đai. (Chính Phủ 25/8) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Bốn con gấu già lần đầu tiên được hưởng cuộc đời tự do bên ngoài những thanh sắt hoen gỉ của lồng nhốt. Chúng được một trung tâm bảo tồn động vật hoang dã ở tiểu bang Colorado, Mỹ, và Tổ chức Bảo vệ quyền lợi động vật (PETA) giải cứu. (Giáo Dục Và Thời Đại 26/8) đầu trang(
Hãy thử trải nghiệm một lần đến Kenya, chuyến thám hiểm thiên đường hoang dã tại châu Phi này sẽ thật sự rất ấn tượng và khác biệt.
Nó sẽ ghi lại trong bạn dấu ấn về những khoảnh khắc sống động tuyệt vời khi được theo chân loài voi, nghe tiếng sư tử bên kia sông, trông thấy cá sấu trên bờ hay chiêm ngưỡng linh dương kudu, linh dương Nam Phi, ó săn cá, kiến sư tử thậm chí cả rùa cạn ngay trên đường đi…
Kenya sở hữu 61 công viên quốc gia trên khắp đất nước. Nổi tiếng nhất là khu bảo tồn thiên nhiên Masai Mara. Nằm về phía Tây Nam của Kenya, Masai Mara là thiên đường của rất nhiều loài động vật như voi, ngựa vằn, hươu cao cổ... Các loài động vật ăn cỏ kéo về đây vì đồng cỏ xanh tươi rộng lớn, còn những loài động vật ăn thịt lại tới đây vì có lượng thức ăn dồi dào, phong phú. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những con sư tử, kền kền, báo... và các động vật to lớn khác trong khu bảo tồn.
Công viên quốc gia lớn nhất Kenya là Tsavo với diện tích tới 20.821km2. Được biết đến với nhiều cảnh quay trong các bộ phim nổi tiếng, Tsavo là điểm du lịch được nhiều du khách ưa thích. Công viên quốc gia Tsavo là nơi cư trú của rất nhiều loài động vật như sư tử, báo, trâu, voi, và đặc biệt là tê giác đen – loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Nếu yêu thích các loài chim, bạn có thể đến với Vườn quốc gia Nakuru ở miền Tây Nam Kenya – nơi được biết đến như vương quốc các loài chim. Với diện tích 200km2, đây là ngôi nhà của rất nhiều loài chim quí hiếm trên thế giới.
Ngoài ra, đất nước Châu Phi này cũng là nơi sinh sống của rất nhiều bộ tộc kì lạ. Trong đó quan trọng nhất là bốn tộc người Turkala, El Molo, Kikuyu và Maasai. Họ sống hoà mình vào thiên nhiên, cùng với rất nhiều tập tục lạ và trang phục sặc sỡ. Những tộc người này cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn kì thú của đất nước Kenya.
Kenya vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất huyền bí, một thế giới hấp dẫn của muôn loài. Vùng đất của công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên này hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn rất nhiều khám phá thú vị về thiên nhiên hoang dã, về nét văn hóa rất đặc trưng của Châu Phi… (Dân Trí 25/8) đầu trang(
Một hướng dẫn viên du lịch Zimbabwe bị sư tử giết chết tại Công viên Quốc gia Hwange ngày 25-8.
Công viên nói trên cũng chính là nhà của chú sư tử nổi tiếng Cecil bị nha sĩ Mỹ Walter Palmer giết hại hồi tháng trước.
Theo Cơ quan Quản lý Công viên và Đời sống Hoang dã Zimbabwe (ZPWMA), nạn nhân là một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp có tên Quinn Swales. Vụ việc xảy ra khi Swales đang tham gia một cuộc đi săn với 6 du khách nước ngoài khác ở công viên Hwange hôm 25-8.
Theo Reuters, con sử tử tấn công Swales là sư tử đực có gắn thiết bị định vị GPS.
Tuyên bố của ZPWMA cho biết: “Swales phát hiện dấu vết sư tử và quyết định đi theo đàn sư tử gồm 2 con cái, 2 con đực cùng 2 sư tử con. Trong số sư tử có một con được xác định là Nxaha theo tên ghi trên cổ. Có thông tin là Nxaha đã lao về phía Swales. Tất cả nỗ lực để cứu anh ta đều vô vọng”.
Cảnh sát đang điều tra vụ việc nhưng không tiết lộ liệu Swales có mang theo vũ khí khi bị tấn công hay không. Không có du khách đi cùng nào bị thương.
Các vụ động vật tấn công người trong các công viên hoang dã ở Zimbabwe thường ít khi được thông báo. Trong một số vụ tương tự trước đây, một số “kẻ tấn công” đã bị giết chết sau khi gây án mạng.
Người phát ngôn ZPWMA Caroline Washaya-Moyo cho biết hiện chưa có quyết định về số phận của Nxaha. (Người Lao Động 25/8) đầu trang(./.
Biên tập: Hương Giang