Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 26 tháng 08 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Theo phản ánh của nhân dân, vào thời điểm cuối tháng 7, trên địa bàn huyện Tương Dương xảy ra vụ chặt phá rừng trái phép với mức độ cực kì nghiêm trọng, gần 160 m3 gỗ quý pơ mu đã bị đốn hạ.
Vụ việc nói trên được phát giác khi lực lượng kiểm lâm địa bàn, bộ đội biên phòng, xã Tam Hợp và lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ tiến hành tuần tra khu vực rừng biên giới Việt - Lào.
Địa điểm các đối tượng lâm tặc lựa chọn là 5 chỏm đồi liền kề nhau thuộc các lô rừng: lô 3, khoảnh 6 và lô 3, khoảnh 10, tiểu khu 704; lô 1, khoảnh 10, tiểu khu 700; độ cao trung bình của khu vực này so với mực nước biển là 1.500m, cách Trạm Biên phòng cửa khẩu Tam Hợp 3,6 km.
Được biết, tổng số lâm sản bị chặt phá trái phép là 156,768 m3 gỗ tròn và xẻ. Trong đó, gỗ tròn pơ mu nhóm IIA gồm 59 lóng (150,534 m3); gỗ xẻ pơ mu là 46 tấm (5,434 m3), còn lại một ít gỗ dổi tròn.
Sau khi sự việc xảy ra, Hạt Kiểm lâm Tương Dương đã báo cáo lên UBND huyện để tìm hướng xử lý. Đến ngày 31/7, UBND huyện Tương Dương ban hành Quyết định số 998/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm các lực lượng chức năng trên địa bàn (Hạt Kiểm lâm, BQL Rừng phòng hộ (RPH) Tương Dương, UBND xã Tam Hợp, Đồn Biên phòng Tam Hợp) có nhiệm vụ phối hợp tiến hành kiểm tra làm rõ tình hình vụ khai thác lâm sản trái phép nói trên.
Trong 5 ngày (4 – 8/8/2014), đoàn đã có mặt ở hiện trường để tìm hiểu.  Ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương cho biết: “Vùng rừng bị khai thác là rừng phòng hộ biên giới Việt – Lào thuộc địa phận xã Tam Hợp, do BQL RPH Tương Dương quản lý và bảo vệ. Các đối tượng chặt phá theo hình thức khai thác chọn nên chưa thể xác minh được diện tích cụ thể”.
Cũng theo lời ông Lâm, hiện trường nơi xảy ra vụ việc thuộc khu vực đường biên, nằm giáp ranh giữa hai nước Việt Nam và Lào. Do đó, phải xây dựng phương án phù hợp khi giải quyết vấn đề, nếu vội vàng sẽ rất nguy hiểm.
Trao đổi với PV, ông Quang Văn Đại, Chánh Văn phòng UBND huyện Tương Dương khẳng định: “Đây là vụ việc nghiêm trọng, quan điểm của huyện là phải xác minh chính xác và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật”.
Lập trường có vẻ kiên định thế nhưng với những gì đang diễn ra, khó có thể nói các lực lượng chức năng triển khai đến nơi đến chốn. Từ khi sự việc xảy ra đến nay đã gần 1 tháng nhưng cơ bản mọi thứ vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Theo dư luận địa phương thì vụ việc chặt phá rừng trái phép này có tổng cộng 4 nhóm người liên quan, trong số đó phần lớn là người 2 bản Phà Lỏm và Văng Môn (đều thuộc xã Tam Hợp).
Trước đây, chính quyền địa phương đã không ít lần phải đau đầu giải quyết những vấn đề liên quan đến đồng bào người dân tộc.
Những khi xảy ra tranh chấp thì các đối tượng không ngần ngại rủ rê, lôi kéo cả nhà trốn sang địa phận nước bạn Lào. Mỗi lúc như thế, cán bộ lại phải chạy đôn chạy đáo thuyết phục họ quay về, kèm theo đó là kinh phí hỗ trợ (từ 8 đến 10 triệu).
Lo ngại vụ việc lần này sẽ trượt theo “vết xe đổ” nên các lực lượng chức năng được phân nhiệm vụ không dám mạnh tay, chính điều đó khiến sự việc dần rơi vào bế tắc.
Trước đó, UBND huyện Tương Dương đã yêu cầu cơ quan công an tổ chức khám nghiệm hiện trường, giao Hạt Kiểm lâm chủ trì tham mưu đưa số lâm sản nói trên ra khỏi rừng để phục vụ công tác điều tra.
Tuy nhiên đến giờ này tất tần tật vẫn đang án binh bất động. Ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương nói: “Khối lượng gỗ rất lớn, muốn đưa ra phải thuê thêm người, chi phí dự kiến không hề nhỏ”.
Như đã nói, chủ rừng quản lý địa bàn xảy ra vụ việc là BQL Rừng phòng hộ Tương Dương. Tìm gặp ông Trưởng ban Ngô Văn Trị, được biết: Cuối tháng 7 vừa qua, trong quá trình tuần tra trên tuyến đường cửa khẩu Tam Hợp thì lực lượng chức năng phát hiện lâm tặc chặt 50 gốc pơ mu, dấu chặt còn mới, lá cây chưa khô. Một số tấm gỗ xẻ trước đó đã bị phân tán, số còn lại đang giữ nguyên tại hiện trường.
Khi đề nghị được xem biên bản tóm tắt sự việc thì ông Trị phân bua rằng: Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã làm báo cáo trình lên chính quyền, nhưng do vội về TP Vinh họp tổng kết ngành nên không lưu lại (?!). Rồi ông “lái” trái bóng trách nhiệm: “Trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về đồn biên phòng”.
Thực tế thì khu vực đường biên giới chưa bao giờ yên ả, dù là chủ rừng nhưng mỗi khi tiến hành tuần tra thì BQL RPH phải phối hợp với nhiều đơn vị khác cùng thực hiện chứ không thể đơn thương độc mã xông vào nơi rừng thiêng nước độc luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ.
Tuy nhiên, dù có biện hộ thế nào đi chăng nữa thì với tư cách là đơn vị chủ quản, BQL RPH huyện Tương Dương vẫn phải đứng ra chịu trách nhiệm chính của vụ việc phá rừng nghiêm trọng này.
Từ QL 1A vào UBND xã Tam Hợp là 17 km, mất gần 2 tiếng đồng hồ PV mới có mặt. Suốt buổi làm việc, ông Vi Cảnh Toàn (Chủ tịch UBND xã Tam Hợp) luôn tỏ thái độ thiếu thiện chí hợp tác. Ông nói: Đến giờ vẫn chưa thấy cấp dưới báo cáo gì cả.
Hỏi về thông tin liên quan đến các đối tượng, vị này một mực bảo lưu quan điểm: “Anh thông cảm, đoàn kiểm tra chưa báo lại nên tôi chưa nắm được”.
Thế nhưng trong báo cáo mới đây của UBND huyện Tương Dương lại chỉ ra rằng: Có ít nhất 3 đối tượng lâm tặc đã đến “diện kiến” tại văn phòng làm việc của xã, 2 trong số đó khai nhận ở cùng 1 nhóm và đã chặt hạ 27 cây pơ mu. (Nông Nghiệp Việt Nam 26/8, tr15) đầu trang(
Từ năm 2013 đến nay, khi Khu du lịch sinh thái-văn hóa Bản Đôn, trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Đắc Lắc, chuyển thành Công ty CP Thương mại-Du lịch Bản Đôn, thì hơn 1000 héc-ta rừng sinh thái phục vụ khai thác du lịch hầu như không có người bảo vệ, nên bị tàn phá tan hoang.
Những ngày trung tuần tháng 8 vừa qua, PV có dịp trở lại Khu du lịch sinh thái-văn hóa Bản Đôn, trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắc Lắc) và thật xót xa khi chứng kiến cảnh hàng nghìn héc-ta rừng tự nhiên ở đây không được quản lý, bảo vệ và khai thác du lịch theo đúng mục đích.
Vào rừng Khu du lịch sinh thái-văn hóa Bản Đôn, không khó để tìm ra những vị trí lâm tặc khai thác gỗ. Từ khu vực đồi Tâm Linh, theo con đường lát đá xanh phục vụ khách du lịch đạp xe tham quan rừng, đi khoảng 500m là đã nghe tiếng máy nổ của cưa xăng khai thác gỗ.
Đang là mùa mưa, các loại cây ở tầng thấp rậm rạp, nên việc truy tìm nhóm lâm tặc đang đốn hạ cây rừng không phải dễ. Nhất là khi lâm tặc đã quá dày dạn kinh nghiệm trong việc phòng tránh lực lượng chức năng truy đuổi. Ngay cả việc giấu những chiếc xe cày, xe máy trong bụi cây cũng kín đáo đến mức những công an viên xã Krông Na đã nhiều lần truy bắt lâm tặc cũng khó tìm ra dấu vết.
Nghe thấy tiếng cưa xăng nổ đấy, nhưng tìm vị trí chính xác của nó không dễ dàng chút nào. Hơn nữa, trong những trường hợp khai thác gỗ kiểu này, lâm tặc còn sử dụng mạng lưới “cảnh giới từ xa”, khi thấy động là báo cho nhau bằng điện thoại di động nên càng khó để bắt giữ quả tang.
Cũng tại Khu rừng sinh thái-văn hóa Bản Đôn này, cách đây hai năm, một nhóm lâm tặc đã ngang nhiên khai thác trái phép trên quy mô lớn với hàng chục mét khối gỗ bị phát hiện. Vụ việc đã bị cơ quan chức năng khởi tố. Tuy nhiên, không vì vậy mà lâm tặc chùn tay, nhất là vào thời điểm gỗ đang có giá cao, chủ rừng lại buông lỏng quản lý như hiện nay.
Sau một buổi sáng lội rừng ở vùng trung tâm khu du lịch, tận mắt chứng kiến nhiều cánh rừng cạn kiệt gỗ do lâm tặc đã hoàn thành việc khai thác. Đầu giờ chiều, tiếp tục đi theo hướng tỉnh lộ 1 để vào rừng sinh thái-văn hóa Bản Đôn. Từ trạm bảo vệ rừng của Công ty CP Thương mại-Du lịch Bản Đôn (hiện đã bỏ hoang), theo con đường tuần tra đi gần 1km là tới địa điểm lâm tặc vừa khai thác gỗ giáng hương (nhóm 2A), cà chít, căm xe (nhóm 2B).
Thật xót xa khi tận mắt chứng kiến những cây gỗ giáng hương còn non, đường kính gốc chỉ 15-30cm mà đã bị đốn hạ không thương tiếc. Mỗi cây giáng hương, lâm tặc chỉ lấy được khoảng 3-4m chiều dài từ gốc trở lên. Theo lời của người dẫn đường, gỗ giáng hương non thế này, tùy vào kích thước của lõi gỗ (phần sử dụng được), giá bán ngoài bìa rừng xê dịch từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Bình quân, một lâm tặc trong ngày gùi được khoảng 50kg sẽ có thu nhập 500.000-700.000 đồng. Có lẽ, chính từ nguồn thu “khá ổn” nên không khó để lý giải tại sao ở xã Krông Na này, lâu nay đội ngũ lâm tặc luôn hùng hậu(!).
Qua quan sát những dấu vết để lại hiện trường, cán bộ công an xã Krông Na nhận định: “Tại các bãi khai thác này, lâm tặc sử dụng xe cày để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Vì gỗ được cưa cắt có chiều dài mỗi khúc 3-4m nên không thể vận chuyển bằng xe máy được”.
Điều này cho thấy, việc lâm tặc tổ chức khai thác gỗ ở đây là rất quy mô, có tổ chức và đã lấy được khối lượng gỗ rất lớn. Có tới hàng trăm cây giáng hương, căm xe, cà chít mới bị khai thác trong khoảng thời gian từ cuối năm 2013 đến nay. Nhiều cây giáng hương bị đốn hạ, nay cành lá vẫn còn tươi.
Có thể nói, thực trạng trên cho thấy, rừng tự nhiên ở huyện Buôn Đôn đã suy kiệt đến mức độ không thể suy kiệt thêm, đã bị khai thác đến tận diệt. Ngay trong khu rừng sinh thái Bản Đôn, một người dân địa phương có kinh nghiệm đi rừng cho biết: “Nếu không khai thác non thì rừng ở đây chẳng còn cây gỗ nào có thể khai thác được!”.
Ông Y Thông Khăm Niê Kđăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na, bức xúc: Tình trạng 1.360 héc-ta rừng giao cho Khu du lịch sinh thái-văn hóa Bản Đôn khai thác du lịch từ năm 2005 đến nay, nhưng do buông lỏng quản lý, dẫn tới bị lâm tặc khai thác ồ ạt đã diễn ra lâu nay.
Trước đây, khi Công ty TNHH MTV Cao su Đắc Lắc làm chủ quản cũng bị khai thác, một số vụ đã bị khởi tố. Từ năm 2013 đến nay, do Công ty CP Thương mại-Du lịch Bản Đôn quản lý thì tình trạng khai thác trái phép càng phức tạp hơn. Riêng năm 2013, công an xã Krông Na đã phát hiện và bắt 5 vụ.
Mới đây, UBND huyện đã phải bố trí lực lượng chốt chặn trong rừng. Nhưng khi lực lượng của huyện rút đi thì "lâm tặc" lại lộng hành”. Chủ tịch UBND xã Krông Na cũng kiến nghị, trong trường hợp Công ty CP Thương mại-Du lịch Bản Đôn không quản lý nổi 1.360 héc-ta rừng sinh thái thì UBND tỉnh nên thu hồi để bàn giao cho đơn vị khác quản lý.
Từ đầu năm 2014 đến nay, Công ty CP Thương mại-Du lịch Bản Đôn làm ăn èo uột, bảo vệ và nhân viên thiếu việc làm, không có lương. Đa phần đã bỏ việc, nay cả công ty chỉ còn hơn 10 người, trong đó chỉ có 1 bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản và bảo vệ rừng nên không kham nổi, dẫn tới gần đây xảy ra một số vụ kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản.
UBND tỉnh Đắc Lắc cần sớm vào cuộc, xử lý quyết liệt để cứu hơn nghìn héc-ta rừng có giá trị du lịch và sinh thái. (Quân Đội Nhân Dân 26/8, tr8) đầu trang(
25.8, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, khoảng 16 giờ ngày 22.8, Trạm kiểm lâm Khe Gát (Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) nhận được tin báo có một nhóm lâm tặc đang vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Khi kiểm lâm viên Đinh Ngọc Thương đến chốt bảo vệ rừng Cây Ngá (xã Xuân Trạch, Bố Trạch) phát hiện nhóm lâm tặc và yêu cầu dừng lại kiểm tra thì bất ngờ bị 2 đối tượng tấn công liên tục.
Sau đó bọn chúng bỏ trốn. Các kiểm lâm viên khác phát hiện và đưa anh Thương đi cấp cứu. Anh Thương được chẩn đoán chấn động não và vẹo vách ngăn mũi. (Nông Thôn Ngày Nay 26/8, tr5) đầu trang(
25.8, Công an Quảng Ninh cho biết đã nắm được thông tin đầy đủ và đang truy bắt lái xe khách chở hàng chục con rắn hổ mang chúa và rùa dùng gậy đập phá xe của lực lượng Kiểm lâm Hải Hà.
Theo Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, trước đó, khoảng 23 giờ ngày 21.8, sau khi nhận được thông tin có xe ô tô khách 24 chỗ biển số 34K-6176 vận chuyển động vật hoang dã trái phép đi từ Hạ Long ra Móng Cái, lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện Đầm Hà đã bố trí bắt giữ.
Đến 1 giờ 15, ngày 22.8, phát hiện xe khách trên tại QL18A đoạn xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tổ công tác Hạt Kiểm lâm Đầm Hà đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, lái xe khách này cố tình tăng ga bỏ chạy. Khi xe của kiểm lâm truy đuổi gần, lái xe liều lĩnh dừng lại cầm một chiếc gậy sắt lao xuống đập vỡ kính chắn gió của xe kiểm lâm rồi tiếp tục lái xe bỏ chạy.
Đến 2 giờ 10 phút cùng ngày, đối tượng lái xe rẽ vào một đường nhánh tại khu 4 phường Hải Yên, TP.Móng Cái rồi xuống xe bỏ chạy. Kiểm tra phương tiện, lực lượng kiểm lâm phát hiện trên xe có 9 cá thể rắn hổ mang chúa, 22 cá thể rùa đầu to đều động vật rừng nguy cấp quý hiếm nhóm IB cùng 15 thùng xốp trong chứa 982kg nội tạng bò, lợn.
Trên xe có một số giấy tờ gồm: Giấy đăng ký xe ô tô; CMND và giấy phép lái xe mang tên Nguyễn Văn Lưu. (Nông Thôn Ngày Nay 26/8, tr2) đầu trang(
Từ 25 - 29/8, tại Cảng tàu Du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng Tổ chức động vật châu Á Animals Asia tổ chức chiến dịch tuyên truyền giáo dục pháp luật liên quan đến vấn đề bảo vệ gấu.
Mục tiêu là tuyên truyền cụ thể về các quy định của pháp luật Việt Nam, của UBND tỉnh Quảng Ninh, Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về quản lý gấu nuôi phục vụ khách du lịch tham quan khi đến với Hạ Long. Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Tổ chức động vật châu Á đã tiến hành treo 120 tờ phướn, phát 10.000 tờ gấp, lấy chữ ký của đại diện các cơ quan chức năng và du khách cam kết bảo vệ loài gấu.
Ngoài hoạt động tại Cảng tàu Du lịch Bãi Cháy, các đơn vị còn phối hợp tổ chức cuộc diễu hành bằng xe đạp của học sinh Trường THCS Bãi Cháy; tổ hội nghị tuyên truyền tại Trường THCS Bãi Cháy, thành lập các tổ gồm các giáo viên, học sinh trong trường đi vận động lấy chữ ký của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cùng chung tay bảo vệ loài gấu; tổ chức tham quan thực tế 2 trại gấu Vườn Cau và Trường Thịnh thuộc địa bàn phường Hà Khẩu, TP Hạ Long...
Theo Ban tổ chức, sau đợt này, sẽ tiếp tục mở chiến dịch truyền thông đợt 2 trong vòng 7 ngày vào đầu tháng 12/2014 với quy mô lớn hơn, nhằm tác động đến cộng đồng cùng chung tay bảo vệ loài gấu nuôi nhốt tại khu vực TP Hạ Long. (Công An Nhân Dân 26/8, tr6) đầu trang(
Chiều 25/8, ông Phan Thế Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm quận Liên Chiểu, Đà Nẵng cho biết trong hai ngày 24 và 25/8 tại địa bàn thành phố đã xảy ra hai vụ hỏa hoạn gây thiệt hại khoảng 17ha rừng.
Vụ hỏa hoạn thứ nhất xảy ra hồi 10 giờ 30 phút ngày 24/8, tại tiểu khu 16 (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) đã được dập tắt lúc 17 giờ cùng ngày.
Vụ cháy đã làm thiệt hại gần 2ha rừng tràm đang khai thác. Nguyên nhân được xác định là do người đi rừng đốt củi lấy than bất cẩn để cháy sang khu vực khác. Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực tìm đối tượng gây cháy.
Vụ thứ hai xảy ra lúc 12 giờ 30 phút ngày 25/8 tại tiểu khu 4a (rừng đặc dụng Nam Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) được dập tắt lúc 15 giờ ngày 25/8.
Vụ hỏa hoạn làm thiệt hại trên 15ha chủ yếu là các loại dây leo rừng. Nguyên nhân được xác định là do bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, gặp thời tiết hanh khô nên gây cháy. Hai vụ hỏa hoạn trong thời gian ngắn tại quận Liên Chiểu đã được các lực lượng như kiểm lâm, công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bộ đội biên phòng, dân phòng, thanh niên địa phương… nhanh chóng tiến hành dập lửa. Tuy nhiên, do địa hình khu vực xảy cháy hiểm trở, không có lối đi, dây leo chằng chịt, công tác chữa cháy mất nhiều thời gian, dẫn đến thiệt hại lớn.
Đà Nẵng đang nắng nóng kéo dài, tiếp tục ảnh hưởng, nguy cơ cháy rừng duy trì ở mức nguy hiểm (cấp báo động bốn), có khả năng cháy rừng diện rộng. (VietnamPlus 25/8; Nhân Dân 26/8, tr5) đầu trang(
Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc trên địa bàn huyện Hương Khê xuất hiện nhiều đối tượng vận chuyển gỗ lậu trái phép. Một câu hỏi được đặt ra là: Số lượng gỗ đó có nguồn gốc từ đâu và bằng cách nào để có thể lọt qua sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trên địa bàn?
Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc đột nhập vào thượng nguồn rừng phòng hộ Sông Tiêm và phát hiện một thực trạng chua xót: lâm tặc đang ngày đêm “xẻ thịt” rừng một cách trắng trợn, không thương tiếc...
Mờ sáng 17/8, PV cùng anh bạn đồng nghiệp có mặt tại xã Phú Gia (Hương Khê) để bắt đầu cuộc hành trình xâm nhập vào tiểu khu 247 thuộc Rừng phòng hộ Sông Tiêm, nơi được xác định là điểm nóng của nạn khai thác gỗ trái phép.
Tiểu khu 247 cách thị trấn Hương Khê chừng hơn 37 km. PV đi qua Đồn Biên phòng Phú Gia, 2 trạm và 3 tổ bảo vệ rừng Cây Trồ (thuộc BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Tiêm) rồi tiếp tục đi bộ men theo Rào Trình chừng 1 km thì tới dốc Hạ Độ (cạnh chân núi, điểm bắt đầu lên rừng).
Dẫn PV xâm nhập vào khu rừng phòng hộ này là K. (tên nhân vật đã được thay đổi) một người rất am hiểu về “đường đi, nước bước” của lâm tặc. K. chỉ tay vào những tảng bê tông, tảng đá to trên Rào Trình và cho biết, đường chúng tôi đang đi, nguyên là đường vận chuyển gỗ trước đây của lâm tặc và đã bị lực lượng chức năng triệt cấm.
Từ dốc Hạ Độ, nhóm PV men theo đường mòn của lâm tặc để lại, bò lên “điểm nóng” dốc Đá Trụt - nơi tích trữ gỗ của lâm tặc. Người dẫn đường dặn: Không dùng máy chụp ảnh, quay phim, nếu thấy người làm gỗ chỉ cười xã giao rồi cúi đầu mà đi, tuyệt đối không được hỏi han, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng…
Nhìn bề ngoài, cánh rừng phòng hộ là một màu xanh bát ngát, nhưng khi xâm nhập vào bên trong, PV đã thấy rõ dấu vết của những lần lâm tặc “oanh tạc” trước đây. Đó là những dấu cây bị chặt phá, những cây gỗ mục nát nằm ngổn ngang trên đường, bên cạnh những vết lằn do trâu kéo gỗ để lại,…
Theo K., dốc Đá Trụt nằm giữa lưng chừng núi, có độ cao 600m so với chân núi, dọc đường đi có nhiều dốc cao, hiểm trở, dễ trơn trượt. Đi được chừng 45 phút, PV bắt đầu nghe rõ tiếng máy cưa xăng của lâm tặc, K. bảo: “Đó là tiếng cưa của nhóm lâm tặc khác đang chặt phá ở khu vực động Hang Dơi (cùng thuộc tiểu khu 247), ở đây có khoảng 4 - 5 nhóm lâm tặc hoạt động bất kể ngày đêm…”.
Khoảng 12h trưa, khi PV đang dần đuối sức vì phải leo một quãng đường rừng dốc đứng thì nghe tiếng gỗ va đập và tiếng lâm tặc đang quát trâu. K. thông báo, sau dốc núi này là đến dốc Đá Trụt, rồi căn dặn nhớ để điện thoại chế độ yên lặng.
Khom mình dưới những hang lá trong rừng, rón rén theo chân K., hồi hộp tiến về dốc Đá Trụt. Cách “điểm nóng” khoảng 100m, nấp sau những cây rừng cổ thụ để theo dõi hoạt động của lâm tặc mà không dám ra ngoài, K. cảnh báo: “Nếu lộ thì tiêu!”.
Đợi cho tiếng người và tiếng gỗ va chạm không còn nữa, quyết định rời khỏi chỗ ẩn nấp. Thật bất ngờ, trước mắt là những bê gỗ to và dài đang nằm ngổn ngang trên dốc đá cao chừng 100m cùng những phản gỗ to để lót đường và những vết gỗ trượt xuống tận chân núi.
K. thông báo: Lâm tặc đã chuyển hướng và đến khoảng 3h chiều thì sẽ quay lại để kéo gỗ về đến điểm tập kết là bãi bốc Rào Trình; mọi người có gần 3 tiếng để vừa tác nghiệp vừa rút lui.
Dốc Đá Trụt gồm nhiều đoạn dốc khác nhau, nơi đây đã gắn kết không chặt và nếu đi không khéo, rất dễ trượt chân. PV đếm được tổng cộng 32 bê gỗ vuông có độ dày chừng 30 - 40 cm, có chiều dài khoảng 5m và 3 cột gỗ nhà lớn. Số gỗ trên ước chừng hơn 12 khối, gồm các loại: Táu, dỗi, vàng tim và dạ hương. Theo K., “nếu số gỗ này ra được cửa rừng sẽ có tổng trị giá theo thị trường khoảng 250 triệu đồng”.
Quan sát trên những bê gỗ này có nhiều dấu cưa cắt sâu khoảng 2 cm. K. cho biết: “Số gỗ này đã bị BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm phát hiện và xử lý bằng cách cắt gỗ. Nhưng không hiểu vì sao BQL lại cắt gỗ rất “nương tay” cho lâm tặc...(!). Việc xử lý bằng cách cắt gỗ như thế này là trái quy định pháp luật”.
Khoảng 2h chiều, rời dốc Đá Trụt thì “chạm mặt” với nhóm lâm tặc lên kéo gỗ về. Tất cả nhóm PV nhanh chóng nấp sau lùm cây rồi tháo chạy theo chân K. bằng đường vòng để xuống rừng.
Vì đường vòng có nhiều cây cối rậm rạm, dây leo chằng chịt nên PV gây ra tiếng động và bị phát hiện. Một nhóm lâm tặc vừa hô hoán, vừa đuổi theo, nhưng thật may mắn, nhóm PV đã chạy thoát!.
Trên đường rút lui khỏi “điểm nóng”, phía bên kia khu rừng đối diện tiểu khu 247 tiếng máy cưa xẻ gỗ của lâm tặc vẫn gầm rú giữa đại ngàn… (Báo Hà Tĩnh 25/8) đầu trang(
UBND tỉnh Đắk Nông vừa thành lập hội đồng kỷ luật để đưa ra hình thức kỷ luật ông Trần Quyết Tâm, Giám đốc TNHH Lâm nghiệp Trường Xuân.
Theo kết luận thanh tra, từ tháng 9-2008 đến nay, có hơn 4.500ha đất lâm nghiệp do công ty quản lý bị người dân xâm chiếm (làm nhà, trồng hoa màu, trồng cây công nghiệp…, trong đó có hơn 3.500ha rừng tự nhiên). Nhưng công ty này báo cáo chỉ có hơn 337ha đất lâm nghiệp bị 189 hộ dân xâm chiếm.
Ngoài ra, việc liên doanh, liên kết của Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân với Công ty TNHH Thương mại Liên Minh còn làm mất thêm 43ha rừng. (Sài Gòn Giải Phóng 26/8, tr7) đầu trang(
Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Than Uyên luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước cho hộ nhận khoán, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng, đặc biệt là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập từ rừng.
Về Than Uyên không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng quê nơi đây bởi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, bản làng giàu đẹp. Đặc biệt, những cánh rừng xanh ngút ngàn trải dài khắp huyện như lá “phổi xanh” vừa tạo không khí trong lành và mang đến nhiều nguồn lợi cho người dân.
Theo lời ông Lò Văn Ún, trưởng bản Vè (xã Mường Mít): “Ngày trước, người dân chưa hiểu rõ về lợi ích từ việc bảo vệ rừng nên thường đốt rừng làm nương rẫy, chặt gỗ. Sau khi được cán bộ kiểm lâm giải thích về các chính sách hỗ trợ khoanh nuôi, chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân đã chủ động hơn trong việc chăm sóc rừng. Hàng năm được tiền hỗ trợ bảo vệ rừng gần 300 nghìn/ha/năm, đất sản xuất có nước tưới ổn định, bão lũ cũng đã bớt hoành hành”.
Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ và gắn giữ rừng với phát triển kinh tế tới từng gia đình, nhóm hộ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang từng ngày làm thay đổi được nhận thức đồng bào. Thay vì chặt phá rừng bừa bãi, người dân đứng ra nhận trồng, giữ rừng để góp phần bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, nước tưới trồng lúa và phát triển kinh tế từ rừng.
Đến nay, trên 3.000ha rừng của xã được khoanh nuôi, bảo vệ tốt, không những thế bà con tận dụng trồng thảo quả dưới tán rừng, thu hái măng... góp phần tăng thu nhập. Cũng từ chủ trương của tỉnh, huyện mà hiện nay Mường Mít đang triển khai dự án đưa cây cao su vào trồng tại các tán rừng. Nhờ đó, không chỉ nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 32,3% mà con mở ra hướng đi mới trong trồng và phát triển cây công nghiệp, giải quyết lao động địa phương.
Ở xã Hua Nà, cấp ủy, chính quyền đã tận dụng các chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, bảo vệ rừng nên bà con giữ rừng tích cực hơn. Có được điều này, xã thường xuyên cử cán bộ phối hợp cán bộ kiểm lâm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con hiểu được những lợi ích từ rừng. Ở các bản đều họp bàn đưa ra hương ước, quy ước bảo vệ rừng, trong đó nhấn mạnh nếu vi phạm chặt gỗ, thả trâu, bò phá hoại sẽ bị phạt. Mặt khác, hàng năm mỗi khi bước vào mùa khô công tác phòng cháy chữa cháy rừng luôn được địa phương quan tâm đưa ra các phương án tối ưu để hạn chế cháy rừng.
Ông Lù Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Hua Nà chia sẻ: “Hiện nay xã có khoảng 1.000ha rừng, 115ha rừng tự nhiên, 500ha rừng bảo vệ khoanh nuôi tái sinh, 220ha rừng trồng. Để khuyến khích người dân giữ rừng tốt, Chính quyền thực hiện chi trả đúng đủ các chính sách hỗ trợ, trợ cấp gạo, dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài ra, chỉ đạo các bản phối hợp kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng tới các hộ sống ven rừng. Đồng thời thực hiện chế độ tuần tra, trực phòng cháy, các vụ cháy đều được phát hiện và xử lý kịp thời khi mới xuất hiện”.
Tìm hiểu được biết, thời gian qua, bên cạnh những kết quả khả quan về bảo vệ, phát triển rừng thì việc thực hiện chính sách cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện được các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục Luật bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên được triển khai trong các hội nghị của huyện và xã thị trấn đến các thôn, bản, khu phố.
Các cơ quan chức năng của huyện đã chủ động nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh tham mưu cho huyện ban hành các văn bản chỉ đạo và thực hiện chính sách cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, bảo vệ rừng. Ở các xã, thị trấn cũng họp bàn làm tốt triển khai thực hiện chi trả tiền theo đúng diện tích, đối tượng tham gia nhận khoán. Do vậy, tiền hỗ trợ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh đến thôn bản, nhóm hộ và hộ gia đình được thực hiện công khai, minh bạch, kịp thời, đúng mức hỗ trợ theo quy định của tỉnh, trung ương.
Trong 2 năm (2012-2013), huyện thực hiện chính sách khoán khoanh nuôi tái sinh rừng cho 2.024 hộ, 4.800ha rừng với trên 500 triệu đồng; thực hiện chính sách bảo vệ rừng thông qua việc chi trả dịch vụ môi trường rừng 47.000 ha với khoảng 16 tỷ 600 triệu.
Ông Phan Bá Quyết – Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Nhờ thực hiện đồng bộ chính sách cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, bảo vệ rừng đã nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện trên 34%, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, thể hiện giá trị kinh tế của rừng. Đặc biệt là góp phần điều hoà nguồn nước phục vụ nhà máy thuỷ điện, cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân”. (Báo Lai Châu 25/8) đầu trang(
25/8, tổ công tác thuộc phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh Thanh Hóa) do trung tá Tống Thành Văn làm tổ trưởng đã phát hiện, bắt giữ 2 xe ôtô chở khách vận chuyển 100 con chim le le và trên 3 tấn vải, quần áo may sẵn chưa rõ nguồn gốc. (Tiền Phong 26/8, tr2) đầu trang(
Sở hữu hai mắt to, phần lông quanh mắt có màu nâu sậm trông giống chiếc mặt nạ của các ninja trên phim ảnh, trong thế giới của loài thú ăn đêm, cầy tai trắng được mệnh danh là Ninja của rừng già.
So với những người anh em trong họ cầy Viverridae, Cầy tai trắng có kích thước trung bình, phần sống mũi có sọc trắng mờ. Đôi tai chúng to tròn, mỏng phủ lớp lông ngắn màu trắng, hai mắt to, phần lông quanh mắt có màu sậm, trông như một chiếc mặt nạ của các ninja trên phim ảnh.
Ngoài gương mặt “điển trai”, Cầy tai trắng được tạo hóa ban tặng một bộ lông màu vàng nhạt, đôi khi hung xám, và có ba sọc nâu đen dọc sống lưng. Phần lông ở chân và cuối đuôi của loài này có màu đen tuyền, xù hơn so với lông trên mình.
Cầy tai trắng khá khó tính trong ăn uống. Thức ăn ưa thích của chúng là các loại quả như, sung, da, mận... trứng chim và chim. Trong những cánh rừng nguyên sinh, cây cối đua nhau vươn cao để đón ánh mặt trời, nên việc kiếm được bữa trái cây ngon lành đủ dinh dưỡng luôn là thách thức với loài động vật không có đôi cánh. Nhưng với Cầy tai trắng thì đó lại là chuyện nhỏ, bởi qua quá trình tiến hóa, loài này đã phát triển khả năng leo trèo và luồn lách phi thường để luôn là kẻ về nhất trong các cuộc "trèo đua” tìm quả mọng.
Chúng còn có thể phi thân từ tán cây này qua tán cây khác nếu khoảng cách dưới 5 mét. Khả năng leo trèo tuyệt vời còn giúp Cầy tai trắng trở thành “cái chết bất ngờ” đối với lũ chim ngây thơ vốn cứ tưởng tán cây cao là chỗ nghỉ an toàn khi đêm xuống.
Trong màn đêm, cầy tai trắng thoát ẩn thoắt hiện trên các ngọn cây cao. Tuy chúng không nhỏ bé, nhưng với “thân thủ phi phàm” và bước đi êm ái thì rất khó để con người có thể quan sát được loài này trong rừng. Tuy nhiên, nếu biết được vị trí chúng hay kiếm ăn cộng thêm lòng kiên nhẫn, con người vẫn có thể quan sát và chụp ảnh loài thú chuyên ăn đêm này tại một số khu vực ít có sự tác động của con người.
Cầy tai trắng có tên khoa học là Arctogalidia trivirgata. Theo trang Sinh vật rừng Việt Nam, loài này phân bố từ Ấn Độ, Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Borneo, Sumantra, Java đến Đông Dương.
Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận loài này ở nhiều nơi, như Vĩnh Phú, Hoà Bình, Gia Lai, Kontum, Ninh Thuận, Bình Thuận... Đây là loài thú quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Hiện số lượng loài có chiều hướng suy giảm do nạn săn bắn bừa bãi và mất sinh cảnh sống. (VnExpress 24/8) đầu trang(
Yên Tử là vùng non thiêng đại ngàn, vùng đất thiêng trong tâm thức người Việt Nam với nhiều huyền thoại và điển tích của hơn 700 năm lịch sử.
Không chỉ có danh thắng đẹp và hệ thống di tích độc đáo, quý giá, 2.783ha rừng quốc gia Yên Tử còn có hệ sinh thái về thực vật, động vật phong phú, đa dạng với nhiều loại gỗ và thú quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam...
Trọng trách chính trong việc bảo vệ, giữ gìn sự bình yên của non thiêng Yên Tử đang được đặt trên vai những cán bộ của BQL Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử.
Đến làm việc với BQL Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, PV được Phó Giám đốc Phạm Văn Dược dẫn đi thực tế. Anh bảo: Hôm nay, chúng tôi mời nhà báo chinh phục Yên Tử như những người tuần rừng. Trời nắng thế này kể ra cũng mệt đấy, mọi người nhớ chuẩn bị sức khoẻ.
Trên đường dẫn PV vào các đội, các trạm của Ban ở dưới chân núi Yên Tử, anh Dược bộc bạch: Với lực lượng mỏng, môi trường công tác nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng anh em chúng tôi luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để giữ gìn, phát huy và bảo tồn khu di tích danh thắng Yên Tử. Cứ đi rồi nhà báo sẽ thấy công việc của chúng tôi vất vả thế nào, không cố gắng là không thể làm được...
Hơn 8 giờ sáng, có mặt tại khu vực bến xe chùa Giải Oan, PV không khỏi ngạc nhiên vì dù không phải mùa lễ hội, song hôm nay có rất nhiều khách hành hương bất chấp trời nắng nóng như đổ lửa.
Đón PV ngay tại trạm thu phí ô tô, anh Nguyễn Văn Lực, nhân viên Phòng bảo vệ rừng nhìn ái ngại: Trời nắng chang chang thế này, liệu các anh em có leo núi được không? Khi thấy quyết tâm của PV, anh Lực nhắc khéo “vất vả lắm đấy!”. Dứt lời anh dẫn PV rẽ vào lối mòn vượt sang khu vực phía Đông của dãy núi Yên Tử.
Quả đúng như lời anh Lực, mới leo chừng được hơn nửa tiếng đã thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại. Vừa đi, vừa phải quan sát kỹ để tránh các loại rắn, rết, côn trùng độc hại. Anh Lực kể: Bây giờ khu vực này đã yên ả, anh em bảo vệ rừng mới đỡ mệt, chứ cách đây vài năm, khu vực này phức tạp lắm. Người vào rừng săn bắt thú, khai thác gỗ, đào lò khai thác than nườm nượp. Vì thế, ngày nào anh em bảo vệ cũng phải lên rừng vài lượt.
Đưa PV tiếp tục đi, anh Dược chỉ vào những lối mòn chạy chằng chịt trong rừng, cho biết: Đây là đường mà “lâm tặc” và đối tượng khai thác than trái phép mở để dùng xe máy chở gỗ, chở than...Mấy năm trước, các đối tượng này lộng hành lắm.
Hoá ra, hiểm nguy với những người tuần rừng như anh Lực, anh Dược không chỉ là rắn, rết, côn trùng độc hại tấn công mà còn là sự manh động của những người lên rừng khai thác than trái phép, chặt trộm lâm sản. Bản thân anh Dược đã từng nhận được điện thoại đe doạ “ốp mìn giết cả nhà” của than tặc.
Còn anh Lực thì bị “khủng bố” thật. Cách đây 7 năm, ở thời điểm ấy, anh Lực là một trong lực lượng nòng cốt của Đội bảo vệ rừng phải thường xuyên ở trên rừng để ngăn chặn hành vi khai thác than trái phép nên không ít kẻ biết mặt, biết nhà. Một vài lần giáp mặt với anh, có kẻ đã bóng gió “Tao sẽ không để nhà mày yên đâu!”. Và vào một tối, cả xóm nhà anh Lực được một phen hú vía vì tiếng mìn nổ chát chúa ngay trong sân nhà anh. Rất may không xảy ra thương vong gì.
Anh Lực vuốt những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má tâm sự: Sau hôm ấy, mọi người trong gia đình khuyên tôi bỏ việc. Nhưng đã nhiều năm gắn bó và vì yêu rừng, yêu di tích Yên Tử nên tôi không bỏ được.
Không chỉ những người cán bộ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng quốc gia Yên Tử mà đội ngũ cán bộ BQL Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử làm nhiệm vụ quản lý di tích cũng vất vả không kém.
Anh Vũ Hồng Hương, Trưởng phòng Bảo vệ Di tích cho biết: Toàn bộ quần thể hệ thống các di tích nằm trải dài trên 20km, do đó điều kiện làm việc của CBCNV-LĐ phải di chuyển nhiều, làm việc trong điều kiện rừng núi, độ cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.
Trong thời gian diễn ra lễ hội kéo dài từ 3-4 tháng đầu năm, toàn thể CBCNV-LĐ đều phải thường trực làm việc 24/24 giờ trong tất cả các ngày lễ hội. Nhiệm vụ của các anh không chỉ bảo vệ an toàn cho các công trình kiến trúc, đồ vật thờ, cúng trong di tích mà còn phải phối hợp bảo đảm an ninh trật tự để cho du khách hành hương, vãn cảnh chùa an toàn.
Đồng thời, tổ chức ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng chèn ép, chèo kéo khách, ăn xin, ăn mày và hoạt động mê tín dị đoan, đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ, tuyên truyền cho các quán hàng phục vụ ăn uống thực hiện văn minh, giá cả phù hợp.
Tính đến nay, BQL Di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã trồng mới 236,5ha rừng, chăm sóc 481,2ha rừng, khoanh nuôi, bảo vệ 33.095ha rừng, phát 128,35ha đường băng cản lửa, bảo vệ an toàn 1.783ha rừng quốc gia Yên Tử, đồng thời, bảo vệ an toàn hệ thống các khu di tích nơi đây. Mới đây, Ban đã huy động nguồn vốn của CBCNV-LĐ và xin kinh phí của UBND thành phố được trên 3,5 tỷ đồng để xây dựng xưởng trồng nấm.
Hiện nay, CBCNV-LĐ của Ban đang có một số băn khoăn nhất định. Đó là, thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động của thành phố thì đến năm 2016, Ban sẽ chuyển từ đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần kinh phí dần chuyển sang đơn vị hoạt động theo hướng tự trang trải đảm bảo 100% kinh phí hoạt động không sử dụng ngân sách nhà nước.
Giám đốc BQL Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử Nguyễn Trung Hải bộc bạch: Mặc dù UBND thành phố đã tính toán, xây dựng cụ thể các phương án để đảm bảo nguồn kinh phí cho Ban hoạt động, nhưng điều chúng tôi lo nhất là với nguồn tiền đảm bảo cho hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng, bảo vệ di tích.
Nếu tính bình quân như hiện nay thì ngân sách nhà nước đảm bảo mỗi người được 3 triệu đồng/tháng đã khó, nếu chuyển đổi thì cần phải có cơ chế về nguồn thu từ một số hoạt động dịch vụ. Bởi thực tế bấy lâu nay, nguồn thu từ dịch vụ giao cho Ban phụ trách rất ít.
Cùng chung quan điểm này, anh Vũ Hồng Hương, Trưởng phòng Bảo vệ di sản đề nghị: Chúng tôi rất đồng tình chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động, song vấn đề mấu chốt vẫn là cơ chế để Ban có nguồn thu đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Với thu nhập như hiện nay, nếu không gắn bó với nghề, chắc chắn nhiều người đã nghỉ việc.
Với vai trò, nhiệm vụ nặng nề như vậy, quá trình thực hiện chuyển đổi, UBND TP Uông Bí cần xem xét, xây dựng phương án thiết thực, hiệu quả cho BQL Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử hoạt động nhằm vừa thực hiện tốt được việc tinh giản bộ máy, biên chế, vừa đảm bảo được các hoạt động bảo vệ di tích Yên Tử. (Báo Quảng Ninh 25/8) đầu trang(
Khoảng 16 giờ chiều 24/8, tại lâm phận thuộc xã Đức An ( Đức Thọ) đã xảy ra một vụ cháy, thiêu rụi hơn 5,5 ha rừng.
Theo người dân địa phương cho biết, ngọn lửa phát ra từ khu đồi Khe Su - Chu Đà, thuộc thôn Long Sơn xã Đức An.
Ngay sau khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chức năng, chủ rừng, công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê nhanh chóng triển khai các biện pháp chống cháy. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế.
Theo ước tính ban đầu, có khoảng 5,5 ha rừng bị thiêu cháy. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. (Báo Hà Tĩnh 25/8) đầu trang(
Liên tục tại các kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh lần thứ 8, 10 và 12, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tình trạng chặt phá khu rừng di tích lịch sử Chàng Riệc luôn là đề tài nóng được cử tri đặc biệt quan tâm, đòi hỏi tỉnh sớm tìm ra giải pháp để bảo tồn và phát triển tài nguyên khu rừng.
Khu rừng di tích Lịch sử Chàng Riệc, Tây Ninh được thành lập theo Quyết định số 12/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, việc thành lập khu rừng còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát huy các giá trị tiềm năng cũng như góp phần tôn tạo các di tích lịch sử Quốc gia đã được nhà nước xếp hạng như Khu di tích lịch sử Trung ương cục Miền Nam, Khu di tích lịch sử Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, Khu di tích lịch sử Ban an ninh Trung ương cục Miền Nam…
Song song với việc thành lập khu rừng, công tác khoán trồng rừng cũng đã được các ngành chức năng tổ chức thực hiện, các hộ nhận trồng rừng cũng được hưởng quyền lợi theo Quyết định số 178/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.
Cụ thể, trong 3 năm đầu, các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trồng, chăm sóc rừng được Nhà nước đầu tư theo định mức trên 3 triệu đồng/ha (bao gồm cả tiền cây giống), từ năm thứ 4 trở đi, được chi trả 100.000 đồng/ha/năm cho công tác bảo vệ rừng trồng.
Tuy nhiên, thời gian qua công tác chăm sóc và bảo vệ rừng trồng ở khu rừng di tích này chưa bảo đảm, vì lợi ích kinh tế, người dân thường xuyên tỉa thưa, khoanh gốc, chặt cành, diện tích rừng trồng liên tục bị bao chiếm làm rẫy để trồng mì nhiều năm mà chưa được xử lý triệt để.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, những năm gần đây, nạn phá rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tính riêng trong quý I.2014, lực lượng Kiểm lâm Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ 89 vụ vi phạm quy định bảo vệ rừng với diện tích rừng bị phá hơn 1,6ha.
Mới đây nhất, tại khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tổ tuần tra của Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh phát hiện 3 cây gỗ tròn, mỗi cây dài khoảng 10 - 12m, đường kính từ 50 - 60cm bị lâm tặc cưa đổ giữa rừng…
Những con số mà lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ so với thực tế còn thấp hơn nhiều... Trước thực trạng này, cử tri trong tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng nhưng chưa có chuyển biến tích cực. Liên tục tại các kỳ họp HĐND gần đây, Đại biểu HĐND tỉnh đã nhiều lần chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về vấn đề này.
Song, đại diện của ngành nông nghiệp chỉ nêu số vụ việc vi phạm khá ít (7 vụ) và đẩy trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý rừng đã thiếu kiểm tra, nhắc nhở hộ nhận khoán thực hiện bảo vệ rừng đúng quy định, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm.
Thực tế công tác bảo vệ rừng cho thấy, để khôi phục, phát triển khu rừng đạt kết quả, cần có những giải pháp đồng bộ mang tính khả thi. Trong đó, vấn đề quan trọng là ngành nông nghiệp cần tham mưu cho UBND tỉnh về chính sách đối với người trồng rừng, bảo đảm cuộc sống cho họ thì diện tích trồng rừng sẽ không bị xâm hại.
Cụ thể, quy định chế tài về thu hồi rừng nhận khoán và thu hồi đất những hộ dân được giao khoán không chấp hành tốt công tác khôi phục, quản lý bảo vệ rừng; giao khoán đất rừng cho hộ dân có tiềm lực tài chính, tâm huyết với nghề rừng gắn với hỗ trợ vốn và những điều kiện cần thiết khác để sống với nghề rừng; nghiên cứu, tăng định suất đầu tư cho rừng, người nhận khoán bảo vệ rừng có mức thu nhập bình quân tối thiểu khoảng 1,5 lần mức chuẩn nghèo của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân nhận khoán đất rừng vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất... (Đại Biểu Nhân Dân 25/8, tr7) đầu trang(
Tân Sơn là huyện có diện tích đất rừng khá lớn, trong tổng số hơn 68 nghìn ha đất tự nhiên thì có tới ¾ là đất rừng. Vì vậy công tác bảo vệ và  phát triển  rừng được huyện đặc biệt quan tâm.
Năm 2014, trên địa bàn huyện trồng gần 1.800ha rừng, trong đó trồng rừng theo Dự án bảo vệ và phát triển rừng được 500ha, 2 công ty lâm nghiệp trồng hơn 500ha, người dân tự trồng 427ha, Ban quản lý dự án Vườn quốc gia Xuân Sơn trồng 160ha.
Ông Đặng Ngọc Quyền - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện cho biết: “Để trồng rừng đúng tiến độ, đạt kết quả tốt Hạt kiểm lâm đã tổ chức tập huấn cho các hộ dân trồng rừng trên địa bàn. Triển khai nhận và cấp cây giống, phân bón cho các hộ sản xuất. Trồng rừng xong các cán bộ kiểm lâm còn hướng dẫn, đôn đốc các hộ chăm sóc và trồng dặm rừng, yêu cầu các hộ có chất lượng rừng kém ký cam kết chăm sóc, trồng dặm để rừng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật”.
Nhờ được tuyên truyền vận động, qua các chương trình dự án bà con được hỗ trợ về cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật nên thấy được hiệu quả từ rừng, vì vậy không chỉ lo trồng rừng bà con đã biết quan tâm chăm sóc và bảo vệ rừng.
Anh Sa Tiến Sỹ-người dân ở xã Xuân Đài cho biết: “Gia đình tôi có hơn 4ha rừng trồng keo. Chúng tôi đã làm theo hướng dẫn của cán bộ nên rừng tốt lắm. Nhờ trồng rừng và nuôi lợn, gà mỗi năm gia đình tôi đã thoát nghèo và có thu nhập mỗi năm 60-70 triệu đồng. Cũng do rừng bây giờ được bảo vệ tốt hơn nên chúng tôi yên tâm trồng rừng”. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Tân Sơn tình trạng phá rừng trái phép đã giảm hẳn và không xảy ra cháy rừng. Mặc dù vậy nhận thức của người dân về rừng còn nhiều hạn chế, cuộc sống còn khó khăn dẫn đến tình trạng khai thác rừng trái phép làm nương rẫy còn tiềm ẩn.
Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, các chủ rừng tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nghiệp vụ về bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR.
6 tháng đầu năm đã tổ chức được 6 buổi tuyên truyền cho lực lượng dân quân tự vệ với gần 400 người tham gia. Cán bộ kiểm lâm địa bàn còn tích cực tuyên truyền trực tiếp cho người dân pháp luật về rừng; phát hàng nghìn tờ gấp tuyên truyền về bảo vệ rừng, PCCCR đến các chủ rừng.
Hạt kiểm lâm đã chỉ đạo các trạm kiểm lâm địa bàn thường xuyên kiểm tra rừng trên địa bàn đặc biệt là các khu rừng tự nhiên là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại các xã Kim Thượng, Đồng Sơn, Xuân Sơn và Thu Cúc.
Chỉ đạo làm tốt công tác PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện đúng quy định xử lý thực bì bằng phương pháp đốt. Do làm tốt công tác bảo vệ rừng PCCCR nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn không xảy ra cháy rừng.
Thực hiện công tác thừa hành pháp luật về rừng, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng địa bàn, đặc biệt đối với những địa bàn trọng điểm như: Khu Bến Thân, xã Đồng Sơn, khu Tân Hồi, xã Kim Thượng, khu Đồng Mai, xã Thu Cúc… ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Trong 6 tháng đầu năm đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ phá rừng trái phép, 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép. (Báo Phú Thọ 25/8) đầu trang(
Cuộc thi do Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam tổ chức với mục đích góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài cây quý hiếm tại Việt Nam.
Nội dung bài viết về một (hoặc cụm) cây cổ thụ có giá trị đặc sắc ở địa phương, nhất là những cây đã được công nhận cây di sản Việt Nam, phản ánh các điển hình (hoặc giải pháp hay) chăm sóc cây cổ thụ; giới thiệu các mô hình tiên tiến trong việc bảo tồn và khai thác các giá trị của cây di sản.
Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 25/8 - 25/11, trao giải vào tháng 3/2015. (Khoa Học & Đời Sống 25/8, tr4) đầu trang(
Sau một thời gian dài quên lãng, thì nay, nghề thuần dưỡng ong rừng lấy mật, một nghề truyền thống độc đáo của đồng bào B’h Noong, ở huyện Phước Sơn dần được khôi phục và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Hiện địa phương này đang có chủ trường nhân rộng mô hình, vừa để ổn định cuộc sống cho đồng bào, vừa góp phần bảo vệ những cánh rừng đại ngàn.  Đây là khu rừng nguyên sinh rộng hàng trăm hec ta với nhiều loại gỗ quý, nằm ngay sau lưng làng Ka Đủ của đồng bào B’h Noong, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam… Cánh rừng đại ngàn này cũng là nơi mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân từ việc khai thác hàng ngàn lít mật ong rừng mỗi năm.
Hoàn toàn tự nhiên, với kinh nghiệm có từ ngàn đời, đồng bào B’h noong nơi đây đã thuần dưỡng và dụ những đàn ong rợp trời về đây làm tổ, bằng một cách làm khá đơn giản là tạo bọng cho ong trên mỗi gốc cây cổ thụ.  Sau 2 tháng miệt mài tìm hoa hút mật, bình quân, mỗi bọng ong như thế này cho từ 5 -7 lít mật. Hiện cả cánh rừng này có trên 250 bọng ong. Với giá bán mật 400 ngàn đồng mỗi lít như hiện nay, thì mỗi mùa ong cả làng Ka Đủ có thu nhập trên 1 tỉ đồng.
Theo người dân địa phường, thì bí quyết của nghề thuần dưỡng ong rừng không gì khác ngoài việc giữ cho được những cánh rừng nguyên sinh. Có rừng là có tất cả, từ hoa cho ong lấy mật, đến môi trường sinh thái trong lành để níu giữ các đàn ong.
Phải mất hơn một buổi đường, lội rừng, vượt suối, mới lên được với Ka Đủ,  nhưng nhờ chất lượng mật ong và sự hấp dẫn độc đáo của nghề thuần dưỡng ong rừng truyền thống, mà ngôi làng này dường như trở nên gần hơn với du khách. Trong đó có không ít người tìm đến học hỏi cách thuần dưỡng ong rừng. Huyện Phước Sơn cũng đã lên kế hoạch nhân rộng mô hình này.
Không chỉ bảo tồn, phát huy được nét văn hóa truyền thống, tạo thu nhập ổn định cho người dân, mà nghề thuần dưỡng ong rừng lấy mật của đồng bào B’h noong còn có ý nghĩa rất lớn trong cuộc chiến bảo vệ rừng, nên sớm cần được nhân rộng.
Bởi với đồng bào vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có rừng là có tất cả. Rừng là nguồn sống, là vĩnh hằng. (VTV9 23/8) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Từ 23 - 27/8, tại Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức lớp tập huấn “Quản lý rừng bền vững và dịch vụ môi trường rừng” cho 30 cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Tại lớp tập huấn PGS.TS Nguyễn Huy Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã truyền đạt những kiến thức về ngành lâm nghiệp tới học viên với các nội dung: Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; vai trò và lợi ích của việc phát triển hệ thống rừng sản xuất, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; Lập kế hoạch để quản lý rừng bền vững gắn với cộng đồng; Xã hội hóa công tác bảo vệ phát triển rừng…
Ngoài ra học viên được trao đổi nghiên cứu các vấn đề về Luật Bảo vệ, phát triển rừng và các luật, các Quyết định, Nghị định, Thông tư liên quan về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được áp dụng cho từng đối tượng với mức hưởng, mức chi trả theo quy định.
Bên cạnh đó, lớp tập huấn còn dành nhiều thời gian tập trung vào thảo luận, chia sẻ một số giải pháp về “Rừng với biến đổi khí hậu” như cần tăng cường công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng một cách bền vững. Thực hiện tốt công tác giao, cho thuê rừng và đất rừng để tất cả diện tích đất lâm nghiệp đều có chủ quản lý…
Khóa tập huấn giúp cán bộ khuyến nông tiếp thu được nhiều kiến thức, giúp các học viên giữa 2 tỉnh có cơ hội gặp gỡ giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thực tế lẫn nhau về lĩnh vực lâm nghiệp. (Nông Nghiệp Việt Nam 26/8) đầu trang(
Chiều 25.8, tại trụ sở Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) ở Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Duy Lượng đã tiếp và làm việc với ông Jeffrey Y Campbell-Giám đốc Chương trình phát triển rừng và trang trại (FFF) thuộc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).
Ông Jeffrey Y Campbell đã thông báo với lãnh đạo Hội NDVN một số hoạt động của đoàn FFF trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đoàn FFF đã đi thăm, tìm hiểu hoạt động Hội ND, cũng như đời sống sản xuất, sinh hoạt của ND ở một số địa phương.
Đoàn FFF cũng đã phối hợp Hội NDVN tổ chức thành công hội thảo khởi động chương trình phát triển rừng và trang trại tại Hà Nội. Qua thực tế cũng như tại hội thảo, đoàn FFF đã cảm nhận được mối quan tâm của Việt Nam trong vấn đề phát triển rừng và trang trại…
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường khẳng định, phát triển rừng và trang trại là mối quan tâm lớn của Việt Nam. Hiện một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam sống gắn với rừng.
Cán bộ, hội viên, ND cũng rất quan tâm tới rừng, trang trại nhưng còn thiếu kiến thức trong bảo vệ, khai thác hiệu quả, bền vững cho mục đích kinh tế, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Chương trình phát triển rừng và trang trại sẽ được FFF và Hội NDVN triển khai trong thời gian tới...(Nông Thôn Ngày Nay 26/8, tr2) đầu trang(
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đổi mới căn bản về công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, trong đó có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tiếp tục tháo gỡ...Hơn mười năm qua, thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển nông, lâm trường quốc doanh, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã tích cực thực hiện và có được những kết quả quan trọng.
Nhưng đến nay, nhiều mục tiêu đề ra vẫn chưa đạt được, trong đó việc làm, thu nhập của người lao động tại các nông, lâm trường chậm được cải thiện. Nguyên nhân là do nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, một bộ phận lãnh đạo nông, lâm trường chậm đổi mới nhận thức, không chủ động tháo gỡ khó khăn, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo cơ chế quản lý mới.
Một số cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tạo được chuyển biến căn bản trong quản lý, quản trị doanh nghiệp. Công tác chỉ đạo để giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, chuyển giao đất, rừng về địa phương quản lý ở nhiều nơi còn yếu, thiếu chặt chẽ...
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp là phải thực hiện tốt chế độ đối với lao động dôi dư khi sắp xếp, chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp.
Công ty có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách, chế độ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ, công nhân và người lao động. Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với cán bộ, công nhân và người lao động sau chuyển đổi.
Ðể thực hiện các mục tiêu đề ra, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với các công ty nông nghiệp ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng; thực hiện cổ phần hóa các công ty nông nghiệp, đồng thời giải thể các công ty kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Tuy nhiên, khi giải thể cần xử lý công nợ, tài sản trên đất (rừng, vườn cây) và bàn giao đất đai về địa phương quản lý theo quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người lao động, người dân đang nhận khoán, nhằm ổn định xã hội tại địa phương, xử lý nghiêm các sai phạm...
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, từ năm 2001 đến nay, Chính phủ đã có chính sách đối với lao động dôi dư theo từng giai đoạn sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sắp xếp lại tổ chức sản xuất, lao động để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tiến trình sắp xếp, đổi mới, đồng thời tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai nội dung nêu trên.
Hơn nữa, chính sách này cũng đã giúp người lao động ổn định cuộc sống sau khi thôi việc. Họ được tạo điều kiện nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề và tìm việc làm phù hợp. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng đã mở rộng đối tượng tham gia, tạo điều kiện cho nhiều người lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm, góp phần ổn định cuộc sống khi không còn khả năng lao động.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, theo đánh giá sơ bộ, hiện có khoảng 30 đến 40% số nông, lâm trường quốc doanh hoạt động không hiệu quả. Các công ty nhỏ, làm ăn kém hiệu quả sẽ bị giải thể. Các công ty còn lại sẽ cổ phần hóa, Nhà nước chỉ giữ một phần vốn điều lệ hoặc thoái vốn.
Như vậy, trong thời gian tới có hàng nghìn người lao động đang làm việc tại hàng trăm công ty nông, lâm nghiệp bị thua lỗ sẽ phải chấm dứt hợp đồng hoặc thuộc diện dôi dư. Do đó, rất cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với họ.
Thực tế hiện nay là hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp, đổi mới từ năm 2003 (theo Nghị quyết 28-NQ/TW), vì vậy khi tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị thì rất nhiều người lao động không còn thuộc đối tượng dôi dư do đã thực hiện giải quyết chính sách lao động dôi dư một lần khi chuyển đổi từ nông, lâm trường quốc doanh sang công ty nông, lâm nghiệp.
Trong khi đó, hiện nay bài toán về nguồn vốn để đầu tư thực hiện sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam Vũ Thanh Bình, doanh nghiệp này phải cổ phần hóa vào năm 2015, nhưng việc cắm mốc phân giới tại các công ty nông, lâm nghiệp đến nay chưa xong vì thiếu vốn thực hiện, chưa tính đến việc Tổng Công ty hiện còn hơn 1.500 ha đất đã được quy hoạch phục vụ sản xuất, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, việc xác định giá trị vườn cây của các doanh nghiệp ngành giấy cũng đang gặp khó trước khi cổ phần hóa vì chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Ðây chính là những bất cập cho doanh nghiệp khi giải bài toán bảo vệ quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp khi Tổng Công ty tiến hành sắp xếp, đổi mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Trần Thị Thu Hà cũng cho rằng, hầu hết những tỉnh có rừng đều là những tỉnh nghèo, kinh phí thực hiện không đủ, mặc dù khi tiến hành sắp xếp, đổi mới, các công ty nông, lâm nghiệp đã được hỗ trợ qua các chương trình mục tiêu quản lý rừng. Thiếu tiền để thực hiện việc cắm mốc, phân giới đất nông, lâm trường đang là những khó khăn khi nhiệm vụ này giao lại cho các địa phương thực hiện.
Ðể góp phần tháo gỡ vướng mắc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện (thêm một lần) chính sách giải quyết dôi dư đối với các công ty nông, lâm nghiệp khi sắp xếp, đổi mới. Bên cạnh đó, đề nghị Nhà nước cần có chính sách giải quyết chế độ thỏa đáng cho các đối tượng từng là thành viên hội đồng thành viên, ban giám đốc, kế toán trưởng, ban kiểm soát... sau khi thôi việc hoặc phải nghỉ việc sau khi doanh nghiệp tổ chức lại.
Ðồng thời, thực hiện giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật đối với người lao động dôi dư khi cổ phần hóa doanh nghiệp để giảm gánh nặng tài chính đối với các công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới theo quy định. Các chính sách khác như bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề, ký kết hợp đồng lao động cho các đối tượng lao động cũng cần được kiện toàn nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động sau khi sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Tính đến nay đã có hơn 6.000 lao động trong các nông, lâm trường thuộc diện phải sắp xếp lại, được nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, bình quân mỗi lao động nhận trợ cấp khoảng 37 triệu đồng, với tổng số khoảng 240 tỷ đồng. Về cơ bản, các nông, lâm trường quốc doanh đều đã thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định. (Nhân Dân 26/8) đầu trang(
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: Để ổn định chỗ ở cho hơn 5.700 dân di cư tự do (DCTD) tập trung chủ yếu ở 2 huyện Đắk Glong và Tuy Đức, tỉnh này cần chuyển đổi khoảng 6.000 ha đất lâm nghiệp, đất rừng.
Tuy nhiên, việc này đang gặp nhiều trở ngại vì chưa có sự phối hợp, hỗ trợ của tỉnh có dân đi; kinh phí Trung ương phân bổ ít, mỗi năm chỉ từ 8-10 tỷ đồng; quy định việc địa phương phải chi 30% cho các dự án là khó thực hiện vì Đắk Nông chưa tự cân đối được kinh phí…
Tính đến tháng 4-2014, tổng số hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 37.404 hộ, với 171.912 nhân khẩu; trong đó, dân di cư tự do từ năm 2004 đến nay có 4.601 hộ, với 21.690 nhân khẩu.
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã và đang triển khai 14 dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do. Đến nay, 4 dự án đã hoàn thành và sắp xếp, bố trí được khoảng 2.429 hộ, với 12.817 nhân khẩu, đạt 27,72% so với kế hoạch.
Tuy nhiên với việc gia tăng dân di cư tự do khiến cho việc đầu tư hạ tầng, ổn định cuộc sống trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của tỉnh. (Đại Đoàn Kết 26/8) đầu trang(
Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã giám sát tình hình phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm; kết quả triển khai các chính sách trên địa bàn; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại huyện Phước Sơn.
Những tháng đầu năm, kinh tế huyện tiếp tục phát triển, tổng diện tích lúa nước đạt 99,5% kế hoạch. Các chính sách dân tộc được thực hiện khá đồng bộ như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, trạm y tế, trường học…; công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ rừng được tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Tuy nhiên, số vụ vi phạm về khai thác lâm sản trái phép còn cao; các vụ vi phạm về trật tự xã hội, kinh tế, tàng trữ chất ma túy có chiều hướng gia tăng; địa phương đang gặp khó khăn về bố trí quỹ đất dẫn đến việc trồng bù rừng bị chậm trễ…
Đoàn ghi nhận các kiến nghị của huyện về tăng mức đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia; thu hồi bớt diện tích thăm dò của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, điều chỉnh mức giá chi trả cho dịch vụ môi trường rừng bảo đảm sự công bằng; khẩn trương phân bổ kinh phí thực hiện phân giới, cắm mốc 3 loại rừng theo Nghị quyết 87 của HĐND tỉnh về quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2020…(Đại Biểu Nhân Dân 25/8, tr3) đầu trang(
Như đã thông tin về việc “Nông trường chiếm đất rừng của dân” tại Nghệ An, phản ánh việc Nông trường Cao su Quế Phong ngang nhiên chiếm đất rừng của cộng đồng bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong nhưng không chịu trả lại.
Để làm rõ vấn đề này, PV đã trao đổi với ông Lê Hữu Huy- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển cao su Nghệ An. Ông Huy hiện cũng đang được giao phụ trách Nông trường (giám đốc cũ là ông Hồ Văn Mười đã được điều chuyển công tác).
Nói về việc nông trường chiếm đất của dân, ông Huy cho rằng, diện tích đất của cộng đồng bản Pỏm Om nằm ở tiểu khu 85, sát với diện tích đất theo quyết định đã được UBND tỉnh Nghệ An giao cho Tổng đội Thanh nhiên xung phong quản lý, sau đó diện tích đất này đã được bàn giao nguyên trạng sang cho nông trường.
Song không hiểu sao, UBND huyện Quế Phong lại đi cấp bìa đỏ cho cộng đồng ở đây, mà đáng lẽ phải thống nhất trước khi cấp đất cho cộng đồng. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi hỏi biên bản bàn giao đâu, ông Huy lại nói đang để ở… công ty.
Ông Huy cũng thừa nhận, trong dự án này cũng tồn tại một số điểm hạn chế, trong 8.700ha đất của nông trường trải dài 8km, có nhiều chỗ ranh giới không rõ nên có thể có chỗ khi san ủi bị lấn sang một vài mét. “Sau khi trồng, chúng tôi mới biết diện tích đất này của dân đã được cấp sổ đỏ và đã làm việc với xã. Nhưng cũng phải khẳng định, cấp đất mà không có ý kiến của Công ty cao su là sai” - ông Huy nói thêm.
Hiện tại, theo thống kê chính thống của Công ty Cao su Nghệ An, có 1.786 cây cao su trồng sang phần đất mà cộng đồng bản Pỏm Om đang yêu cầu trả lại. Về vấn đề này, ông Huy cho biết, bản thân công ty không thể tự ý thanh lý số cây cao su kể trên mà phải báo cáo với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Tuy vậy, ông Huy cũng khẳng định: “Tôi xin khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm việc này, trong trường hợp nếu tới đây đo lại diện tích nếu đúng lấn sang đất của dân, chứ không phải vì mấy nghìn cây cao su mà cứ để tranh cãi mãi, chúng tôi sẽ trả lại đất cho dân. Chúng tôi cũng sẽ báo cáo với tập đoàn để thanh lý số cây cao su trên”.
Ông Huy cũng đề xuất phương án, có thể công ty sẽ lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho dân. Tuy nhiên, hiện phía UBND xã Hạnh Dịch vẫn bảo lưu quan điểm, yêu cầu trả lại nguyên trạng diện tích đất mà nông trường đã chiếm của dân, bởi đây là khu vực rừng thiêng, có nhiều ý nghĩa với cộng đồng. (Nghệ An 24h 25/8; Nông Thôn Ngày Nay 25/8, tr6)  đầu trang(
Chủ nhân của những cánh rừng sa mộc tuyệt đẹp trên cao nguyên đá Bắc Hà là ông Giàng Seo Hòa hiền hậu, rắn rỏi. Nguyên là bí thư Ðảng ủy xã, mấy chục năm, người kiên trì, cần mẫn phủ xanh những đồi núi đá trơ trọc bằng rừng cây sa mộc xanh ngăn ngắt, lôi cuốn người Mông, người Dao, người Tày trồng rừng, giữ nước, chống sa mạc hóa ở vùng núi đá vôi huyền ảo nhưng khắc nghiệt này.
Gần 70 tuổi, ông Hòa vẫn sải bước phăm phăm, vung dao quắm phát những dây leo, bụi cây đổ xuống chắn ngang lối mòn đi rừng. Ðó là "đường tuần tra" ông tự mở để mỗi ngày lại "chân giày vải, lưng đeo bi-đông nước, vai khoác dao quắm" đi tuần một vòng gần mười cây số, thăm nom những "đứa con không biết nói, nhưng suốt ngày vi vu cùng gió núi". "Không lo bị lấy trộm đâu, nhưng không đi rừng nhớ cây lắm" - ông bộc bạch, mỗi lần đi thăm rừng "thấy vui lắm, khỏe ra nhiều".
Nắng xiên khoai, được "mục sở thị" cánh rừng hơn 80 ha thuần loài cây sa mộc, gần 30 năm tuổi, treo mình trên núi đá, ở đỉnh dốc Cổng Trời của xã Lầu Thí Ngài. Trên độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, cánh rừng sa mộc hiện ra như chiếc mũ bê-rê khổng lồ phủ kín dãy núi đá vôi trắng xỉn mầu, bồng bềnh một mầu xanh. Hơn 80 ha rừng sa mộc này, ông Hòa trồng từ khi có dự án 327 của Nhà nước đầu tư, nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc ở huyện Bắc Hà.
"Khi ấy, Nhà nước hỗ trợ giống cây, tiền công chăm sóc nhưng bà con người Mông còn chưa tin là trồng được rừng trên núi đá cao chất ngất, cho nên không ai dám nhận. Mình thấy đất trống đồi trọc thì tiếc, mới tìm đến Ban quản lý dự án trồng rừng phòng hộ 327 của huyện xin nhận đất, cây giống để trồng. Mấy anh kiểm lâm ở đó chắc chưa tin, chỉ khoanh cho một ít đất, cấp cho cây giống xoan đào và keo để trồng thử nghiệm, nhưng mình lại tìm giống sa mộc, vì người Mông mình biết chỉ có loại cây này mới cắm được cái rễ sâu vào núi đá, chịu được sương gió khắc nghiệt ở vùng núi cao Bắc Hà này thôi"- ông Hòa cười hể hả, chỉ tay về phía cánh rừng sa mộc xanh ngăn ngắt phía Tả Van Chư, giáp tỉnh Hà Giang.
Ðúng là chỉ có cây sa mộc mới trụ nổi trên vùng đất thừa đá và gió sương này, cây không phụ lòng người cứ ken dày, thẳng tắp. Bây giờ, người dân Lầu Thí Ngài gọi đó là "rừng ông Hòa", còn ông được mệnh danh là "vua rừng" của cao nguyên đá Bắc Hà, một điểm đến hấp dẫn du khách bởi những cánh rừng sa mộc đẹp mê hồn.
Dừng chân dưới gốc cây sa mộc "đầu đàn", đường kính cỡ 40 cm, thân cao vút thẳng, tán lá xanh ngăn ngắt, "vua rừng" Giàng Seo Hòa nhớ lại những ngày "trốn việc xã" để đưa cây lên núi. Khi ấy, từ năm 1991 đến 1994, ông là Phó trưởng công an xã Lầu Thí Ngài. "Ðồi núi trọc thì nhiều, nước sản xuất lại ít, mình quyết không chịu thua cái đói, cái nghèo, lao vào trồng rừng.
Nhưng công việc của xã bó cái chân nên phải "trốn" để cùng vợ lên núi trồng cây. Hằng ngày, mình đến trụ sở xã cắt cử, giao việc cho anh em công an viên rồi hai vợ chồng lặng lẽ gùi cây lên núi; có việc đột xuất, anh em báo lên, mình lại xuống giải quyết" - ông Hòa kể.
Cứ thế, vợ chồng ông Hòa cần mẫn trồng rừng trong bốn năm liền, bao nhiêu tiền "cóp ống vầu" đổ hết vào đó. Vừa trồng rừng, vừa làm tốt chức trách phó trưởng công an xã, ông Hòa được tín nhiệm giao chức Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Ðảng ủy xã Lầu Thí Ngài, nhưng ông vẫn không "nguôi" niềm đam mê cây và quyết chí phủ xanh hết đất trống đồi trọc ở quê hương.
Bận việc xã thì ông dành dụm tiền lương, bán cả cặp trâu duy nhất để mua cây giống và thuê nhân công phát cây bụi, cuốc hố, trồng cây. Trồng hết đất phòng hộ, ông nhận thêm 25 ha đất đồi ở cách xa nhà, giáp huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang để trồng rừng kinh tế, mặc dù phần hỗ trợ của Nhà nước sau này không còn nữa.
"Nhìn thấy công sức của mình được đền đáp bằng mầu xanh cây rừng, bằng mạch nước ngầm chảy ra từ đấy, giúp mình và bà con dân bản có nước sinh hoạt, sản xuất, đuổi cái đói, cái nghèo lùi xa là sướng cái bụng lắm; mình làm cán bộ cũng dễ hơn, vì nói dân nghe, làm dân tin" - "vua rừng" Giàng Seo Hòa khoát một vòng tay rộng như muốn tri ân rừng cây, trước khi xuống núi.
Vừa trồng rừng, ông Hòa vừa vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Bắc Hà tham gia. Theo "cánh chim đầu đàn" của dòng họ Giàng, các ông Giàng Seo Sáng, Giàng Seo Phềnh, rồi Thào Van Sùng, Vàng Văn Chan... và hàng trăm bà con người Mông ở xã Lầu Thí Ngài đã đăng ký trồng rừng phòng hộ phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống sa mạc hóa ở vùng cao Bắc Hà rất hiệu quả.
Trưởng ban quản lý rừng 661 của huyện Bắc Hà Ðỗ Quang Nguyên, cho biết: Tấm gương say mê trồng rừng của ông Giàng Seo Hòa đã thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Mông quen phát nương làm rẫy, chuyển sang trồng và giữ rừng, tạo nguồn nước làm ruộng bậc thang, canh tác ngô lai năng suất cao, chăn nuôi gia súc, nhờ vậy định canh định cư bền vững, cuộc sống ngày càng ổn định và được cải thiện. Ông Hòa không chỉ là con chim đầu đàn trong trồng rừng, mà còn là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bây giờ, khi đã về hưu, với kinh nghiệm và niềm đam mê cây xanh đã ngấm vào máu thịt, ông Hòa tự nguyện làm khuyến lâm viên không lương ở xã. Nhiều kinh nghiệm quý của ông được áp dụng vào trồng và bảo vệ rừng ở xã Lầu Thí Ngài cũng như các vùng lân cận.
Từ một xã rừng nghèo kiệt, đến nay Lầu Thí Ngài trở thành điểm sáng về trồng và bảo vệ rừng, với cánh chim đầu đàn Giàng Seo Hòa và hàng trăm hộ dân nhận trồng từ năm ha đến 30 ha rừng, chống sa mạc hóa trên vùng núi đá vôi hiệu quả, bền vững. (Nhân Dân 26/8, tr3)  đầu trang(
23/8, UBND tỉnh cho biết, địa phương đã thành công bước đầu trong xử lý xe quá tải, quá khổ qua Cửa khẩu quốc tế La Lay (xã A Ngo và A Bung, huyện Đakrông).
Theo đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế La Lay đã buộc Công ty TNHH Diệp Minh Quân (trụ sở Hương Khê, Hà Tĩnh) phải hạ tải 73 xe chở gỗ tròn quá tải, quá khổ theo đúng tải trọng qui định trước lúc thông quan, lưu thông vào nội địa Việt Nam.
Như đã phản ánh, hơn 100 xe chở gỗ “siêu khủng” nhập khẩu kinh doanh hoặc tạm nhập tái xuất từ Lào vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đã ùn tắc hàng cây số ở khu vực cửa khẩu phía Lào trong gần 1 tháng, do các doanh nghiệp tư nhân buôn bán gỗ trên không tuân thủ các qui định của pháp luật.
Ngay sau Công văn 8307 của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Quảng Trị đã rất cương quyết buộc các doanh nghiệp trên phải hạ tải theo đúng qui định, dứt khoát không để các doanh nghiệp này “nắn luật” tạo nên tiền lệ xấu. (Công An Nhân Dân 24/8, tr4) đầu trang(
Với những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2013, bước sang năm 2014, UBND xã Đồng Lạc (Yên Lập - Phú Thọ) đặt mục tiêu: Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ trên mọi phương diện, lĩnh vực để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Đồng Lạc là xã trung du miền núi của huyện Yên Lập, dân số 5.671 người, chia thành 15 khu dân cư, với tổng diện tích đất tự nhiên 2.592ha, trong đó diện tích đồi núi chiếm khoảng 80%, đất trồng lúa 235,11ha; diện tích đất lâm nghiệp 1.847,9ha. Chính vì vậy, kinh tế đồi rừng được xem là một trong những khâu đột phá chính trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được lãnh đạo xã tập trung mọi nguồn lực đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả.
Ông Đinh Công Khanh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Nghề trồng rừng ở địa phương đã hình thành từ cách đây hơn 20 năm, chủ yếu trồng cây bạch đàn trắng với quy mô nhỏ, mang tính tự phát. Năm 2005, xã thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho người dân, công tác trồng rừng bắt đầu có bước phát triển mạnh mẽ. Đồng Lạc có khoảng 1.500 hộ dân thì có đến 90% số hộ tham gia phát triển lâm nghiệp.
Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch huyện giao và nhu cầu phát triển rừng tại các thôn, UBND xã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu trồng rừng tới từng thôn. Đồng thời cử cán bộ khuyến nông, khuyến lâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cho nhân dân.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên diện tích rừng của xã hàng năm đều tăng. Trong 3 năm gần đây, toàn xã trồng được trên 300ha rừng sản xuất, trong đó trồng rừng theo dự án 661 gần 70ha, dự án 147 hơn 100ha, nhân dân tự trồng 130ha. Nếu như năm 2011, tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 68% thì đến hết năm 2013 tăng lên gần 80%.
Điển hình như mô hình kinh tế đồi rừng của anh Hạ Đình Giao, người Mường, ở khu Phú Động, với diện tích 73ha. Trong 13 năm qua, anh Giao cùng với gia đình miệt mài khai hoang, trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Đến nay, một số vạt rừng bắt đầu đến tuổi khai thác, gia đình mới bán một lứa gỗ keo rộng 5ha, doanh thu gần 500 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 250 triệu đồng.
Cùng với trồng rừng, gia đình anh còn kết hợp chăn nuôi lợn rừng, ngựa, bò, cá, cho hiệu quả kinh tế khá cao, từng bước xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Hay gia đình anh Nguyễn Văn Quyền ở khu Thắng Lợi có hơn 7ha rừng keo và mỡ trồng từ năm 2007, hiện đã đến tuổi khai thác, cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha. Anh Quyền ước tính, năm nay gia đình sẽ thu về khoảng 300 - 350 triệu đồng từ rừng.
Ngoài ra, một số hộ khác trên địa bàn cũng làm giàu từ rừng với thu nhập trung bình 70 - 80 triệu đồng/ha như gia đình các ông Hoàng Tiến Đoàn, Đặng Văn Nguộc ở khu Minh Tân, Nguyễn Chí Công ở khu Thi Đua với diện tích trồng rừng trung bình trên 20ha. Hiện nay, trên địa bàn xã Đồng Lạc có trên 65% diện tích rừng đang trong độ tuổi khai thác, ngoài thu nhập chính từ việc bán nguyên liệu, nghề trồng rừng còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại xã trong các khâu khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ. Vào mùa khai thác gỗ, trung bình một lao động có thu nhập 100.000 - 150.000 đồng/ngày, nhờ vậy đời sống của người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người năm 2011 tăng lên 13 triệu đồng/người năm 2013.
Để phát huy hiệu quả kinh tế đồi rừng, nhằm cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, thời gian tới, chính quyền xã Đồng Lạc sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ dân tự giác chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng hiện có. Đồng thời, hướng dẫn bà con tích cực trồng thay thế những diện tích rừng sau khi được khai thác để duy trì và phát triển tài nguyên rừng.
Vận động nhân dân tận dụng đất đai để trồng rừng kinh tế nhằm tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, sạt lở đất… Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy, từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng. (Kinh Tế Nông Thôn 22/8, tr3) đầu trang(
23/8, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Đoàn cơ sở Sở NNPTNT, Thị đoàn thị xã Vĩnh Châu, Bộ đội biên phòng trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã tổ chức lễ phát động và ra quân trồng rừng phòng hộ ven biển tại địa bàn giáp ranh giữa Phường 1 và Phường 2 (thị xã Vĩnh Châu).
Sau lễ phát động, các đoàn viên, thanh niên, người dân trên địa bàn đã trồng 20.000 cây đước trên diện tích 2 héc-ta tại bãi biển rừng ngập mặn. Lễ phát động nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong vùng phòng hộ ven biển, trồng và bảo vệ cây rừng chắn sóng vùng ven biển; đồng thời, tạo ra hoạt động thiết thực để đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia thực hiện phong trào xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Trọng Khiêm, quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng cho biết, để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh, trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng là biện pháp giảm thiểu thiên tai, duy trì sự phát triển bền vững.
Địa phương đã huy động các cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, các sĩ quan, chiến sĩ lực lương vũ trang, nhân dân cùng chung tay góp sức tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, ngăn ngừa các tác nhân gây thiệt hại rừng, góp phần tạo môi trường xanh-sạch-đẹp.
Những năm qua, nhiều dự án từ: Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Ngân hàng Thế giới, Dự án Lâm nghiệp tỉnh Sóc Trăng, chương trình 5 triệu ha rừng của Chính phủ Việt Nam đã đầu tư phát triển lại hệ sinh thái rừng ngập mặn của Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng.
Tính đến nay, Sóc Trăng đã có khoảng 2.000 ha rừng ngập mặn được trồng mới, góp phần rất lớn trong việc chống xói mòn bờ biển, tạo được sự đa dạng trong hệ sinh thái vùng rừng ngập mặn ven biển, bảo tồn và gia tăng được số lượng nhiều loài thủy hải sản đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức. (Tin Môi Trường 23/8) đầu trang(
Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, ngay từ đầu năm, huyện Thạch Thành đã rà soát, giao chỉ tiêu về diện tích trồng cho từng xã. Căn cứ vào chỉ tiêu, kế hoạch được giao, các xã đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân đào hố, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp.
Huyện liên hệ, khuyến cáo nhân dân các vườn ươm sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn để bảo đảm trồng rừng theo kế hoạch, đạt chất lượng. Đến hết tháng 7, toàn huyện trồng được 357 ha rừng (kế hoạch năm 2014 trồng 400 ha rừng).
Các xã trồng rừng đạt khá, như: Thành Long, Thành An, Thạch Sơn, Thạch Bình... Hiện huyện đang tập trung chỉ đạo các xã hướng dẫn nhân dân tu sửa lại các hố trồng đã đào do mưa lũ làm bồi lấp và chuẩn bị các điều kiện để trồng 43 ha rừng còn lại trong kế hoạch năm của Dự án WB3.
Chỉ đạo các xã hướng dẫn các hộ dân tham gia trồng rừng thực hiện đầy đủ quy định của dự án. Đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá chất lượng rừng trồng; chăm sóc, tra dặm cây trồng.
Ngoài ra, huyện Thạch Thành chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan trên địa bàn phối hợp với các xã chủ động rà soát quỹ đất để xây dựng kế hoạch  trồng rừng những năm tới. (Báo Thanh Hóa 24/8) đầu trang(
TS Đào Trọng Tứ, giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã chua xót nói như vậy về sự phát triển thủy điện một cách ồ ạt thời gian qua tại Việt Nam.
Theo quy hoạch điện 7, đến năm 2017 sẽ dừng tất cả các dự án thủy điện. Như vậy sẽ chỉ có các dự án thủy điện lớn như Lai Châu, Điện Biên, Bản Chát…tiếp tục đầu tư từ nay đến năm 2017 và như thế có nghĩa kết thúc đầu tư thủy điện tại Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, hiện trên cả nước có 284 công trình thủy điện đang vận hành phát điện; 204 dự án (6.146,56 MW) đang thi công xây dựng, dự kiến từ nay đến năm 2017 sẽ vận hành phát điện.
Bên cạnh đó còn có 250 dự án (3.049,2 MW) đang nghiên cứu đầu tư và 78 dự án chưa nghiên cứu đầu tư, chưa có nhà đầu tư đăng ký (chủ yếu có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác có liên quan). Như vậy theo quy hoạch đến nay tổng số đã có 338 dự án thủy điện vừa và nhỏ bị loại.
"Các dự án thủy điện lớn, có hiệu quả chúng ta đã đầu tư hết rồi, giờ có làm thì cũng chỉ là thủy điện nhỏ không mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư nên cũng không nhiều người mặn mà", TS Tứ chua xót.
Có lẽ cũng chính vì miếng mồi thủy điện không còn quá hấp dẫn nên phong trào “người người làm thủy điện” đã dần đi đến hồi kết. Theo quy hoạch điện 7 từ năm 2018 đến 2030 chỉ phát triển nhiệt điện, thủy điện tích năng và điện gió, năng lượng tái tạo. "Đã quá muộn để phát triển thủy điện bền vững ở Việt Nam!", TS Tứ bức xúc.
Từng là tốt nghiệp kỹ sư thủy điện rồi đi làm quy hoạch thủy điện gắn bó với sông nước hết cuộc đời công tác, TS Tứ cho biết bản thân ông không phải là người chống lại thủy điện.
Song thực tế cách phát triển quá vội vàng, gấp rút lấp đầy các dự án thủy điện trên các con sông, bạt đi nhiều cánh rừng thời gian qua là không thể chấp nhận. Sự vội vàng đó đã chứng minh bằng bước đi nước rút. Khắp các cánh rừng, những dòng sông dốc, những nơi có thể làm được thủy điện nay đã được lấp kín bằng các dự án.
Chỉ tính riêng trên sông Đồng Nai có 25 công trình thủy điện đã và đang triển khai. Chỉ 2 tỉnh miền Trung là Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế cùng hai tỉnh ở Tây Nguyên là Kon Tum và Đắc Nông hiện có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã và đang triển khai.
"Người ta làm thuỷ điện nhanh quá. Người ta coi những cánh rừng đầu nguồn, những dòng sông như một chỗ để trục lợi. Chỉ từ năm 2006 đến nay có hơn 50.000 ha đất rừng các loại được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng thủy điện.Chỉ hơn 20 năm, chúng ta khai thác trên 80% tiềm năng kỹ thuật, gần 1.000 công trình lớn nhỏ được xây dựng trên các con sông. Rừng đã coi như hết còn những con sông vỡ vụn, môi trường, sinh thái sông bị tác động mạnh", TS Tứ đau xót.
Thế nhưng GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng còn cho rằng con số phá đó vẫn chưa đủ. Theo GS Lung, con số thống kê công bố về diện tích rừng chuyển đổi sang làm thủy điện này chỉ là trên bản thiết kế, hồ sơ dự án, còn phần rừng mất đi sau đó thì không ai thống kê được.
"Mỗi nhà máy thủy điện chiếm bao nhiêu rừng, nhưng đấy là cái mình thấy bằng mắt, trong kế hoạch, văn bản dự án có, còn những cái xảy ra sau đấy thì không ai thống kê. Đó là diện tích đất rừng mới nơi mà dân cư sẽ di dời tới để sinh sống, rồi đường đi vào khu thủy điện... sẽ khiến cho con số thực lớn hơn rất nhiều", GS Lung cho biết.
“Cách phát triển thủy điện ào ạt, dày đặc trên các con sông, phang bạt các cánh rừng như hiện nay là “tận diệt” tài nguyên. Chỉ nghĩ đến lợi ích cho mình (một bộ phận) là không công bằng, không để gì cho con cháu”, TS Tứ nói. (Đất Việt 25/8) đầu trang(
Theo kế hoạch, năm 2014 toàn tỉnh trồng mới 6.610 ha rừng, tính đến trung tuần tháng 8 mới trồng được 2.019 ha, đạt hơn 30% kế hoạch năm và chỉ bằng 56,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, công tác trồng rừng năm nay gặp nhiều khó khăn, trong đó nguyên nhân chính vẫn là do thời tiết bất thuận. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và các địa phương đang nỗ lực trong công tác chỉ đạo trồng rừng kịp thời vụ và phấn đấu tăng tốc, hoàn thành sớm kế hoạch năm.
Ông Vũ Hồng Điệp, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết, khó khăn lớn nhất và mang tính bất khả kháng trong năm nay ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng là thời tiết xấu. Các vườn ươm và chủ rừng chuẩn bị cây giống chưa sát với kế hoạch trồng theo sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp.
Thực tế, đầu năm xảy ra hiện tượng rét đậm, rét hại, đã gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây giống lâm nghiệp, nhiều nơi đến thời điểm trồng rừng vụ xuân nhưng cây giống không đủ tiêu chuẩn xuất vườn.
Trong tháng 5, tháng 6 lại xảy ra đợt nắng nóng kéo dài hơn một tháng khiến cho 421 ha rừng trồng mới năm 2014 bị thiệt hại nặng. Sang tháng 7, thời tiết thuận lợi hơn cũng là lúc bà con vào thời vụ canh tác, gieo trồng cây nông nghiệp, nên nhiều hộ dân không bố trí được lao động trồng rừng đúng thời vụ.
Có những hộ dân đã nhận cây giống từ Ban quản lý dự án hoặc các chủ rừng, nhưng cũng chưa trồng ngay, nên không đảm bảo được kế hoạch trồng rừng, khiến cây giống bị chết sau khi đem trồng, ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng sau này.
Mặt khác, 2 huyện có chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng nhiều nhất là Bảo Yên và Bảo Thắng thì người dân lại đang có nhu cầu trồng quế, trong khi đó, thời vụ trồng quế từ tháng 9 đến tháng 11. Đó cũng là lý do khiến cho tiến độ trồng rừng thời điểm này chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tại một số địa phương, cây giống đã được cấp đủ cho người dân, nhưng thời tiết chưa thuận lợi, nên vẫn đang được tập kết tại các hộ dân. Như ở huyện Bảo Yên, cuối tháng 7, do ảnh hưởng mưa, lũ, nên các cơ quan chức năng và người dân tập trung khắc phục hậu quả, việc trồng rừng đã phải tạm gác lại. Bên cạnh đó, thời gian gần đây mưa nhiều cũng gây khó khăn cho hoạt động vận chuyển cây giống và vật tư, phân bón phục vụ công tác trồng rừng.
Còn đối với huyện Bảo Thắng, do các chủ rừng cũng gặp khó khăn về kinh tế, nên không đảm bảo nguồn lực để tham gia trồng rừng, huyện đã tổ chức thực hiện phân khai, điều chỉnh lại diện tích trồng giữa các chủ rừng. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng của huyện Bảo Thắng nói riêng và của toàn tỉnh nói chung.
Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đã có những chỉ đạo kịp thời để ứng phó với những bất lợi của thời tiết, tranh thủ thời tiết thuận lợi sẽ vận động các đơn vị trồng rừng tăng cường nguồn lực với quyết tâm không bỏ diện tích rừng đã thiết kế, không để “vỡ” kế hoạch trồng rừng năm 2014.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước mắt, đối với diện tích cây lâm nghiệp bị thiệt hại do nắng nóng, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ toàn bộ cây giống để trồng dặm, trồng bù, nên ngành nông nghiệp đang tích cực chỉ đạo rà soát và hoàn thiện hồ sơ để lập phương án hỗ trợ kịp thời.
Thời gian này, ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố, ban quản lý rừng phòng hộ các địa phương, các vườn ươm chủ động chăm sóc cây giống để đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất vườn trong tháng 8.
Bố trí các điểm tập kết cây giống tại chân các lô rừng, cây giống cần phải tập kết trước từ 5 - 7 ngày và được chăm sóc, che nắng ổn định khi thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành trồng rừng ngay. Ở những nơi có nhu cầu trồng quế, các địa phương cần tiến hành xử lý thực bì theo băng rộng, cuốc lấp hố và trồng vào ngày râm mát, mưa nhỏ, sang tháng 9 tiến hành phát toàn bộ cây giống và trồng đại trà.
Bên cạnh đó là việc đôn đốc người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Thời vụ trồng rừng năm 2014 có thể “nới rộng” hơn, do năm nay nhuận 2 tháng Chín. Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2014, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, người dân và các đơn vị có liên quan.
Với quyết tâm chỉ đạo các địa phương khắc phục diện tích rừng trồng bị thiệt hại do nắng nóng và đảm bảo khung thời vụ, ông Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn khẳng định: Thời điểm này, huyện đã trồng được 34% kế hoạch năm. Trước những khó khăn chung, để hoàn thành trồng rừng xong trước 30/9, huyện yêu cầu các chủ rừng đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị chức năng tìm đủ nguồn giống cung ứng cho bà con.
Đối với huyện Bảo Thắng, với sự chỉ đạo của huyện, các chủ rừng cũng đang tích cực vào cuộc nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng. Ông Đặng Hồng Cường, Phó ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bảo Thắng cho biết: Hiện tại, Ban Quản lý đang gấp rút hoàn thành công tác rà soát, thiết kế đất trồng rừng, việc giao cây giống cho các hộ dân sẽ triển khai vào cuối tháng 8 và khi đó tốc độ trồng rừng sẽ được đẩy lên cao, đơn vị phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng của năm 2014 trong tháng 11, như vậy khung thời vụ vẫn được đảm bảo.
Cùng với những biện pháp sát thực và tinh thần “tăng tốc”, sự chỉ đạo sát sao đúng hướng, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, các đơn vị trồng rừng và sự đồng thuận của người dân, tin rằng, kế hoạch trồng rừng năm 2014 sẽ được hoàn thành. (Báo Lào Cai 23/8) đầu trang(
Qua thanh, kiểm tra trên cả nước, Thanh tra Bộ TN&MT phát hiện gần 9.000 tổ chức vi phạm về đất đai với diện tích hơn 137.000 ha.
Qua thanh, kiểm tra trên cả nước, Thanh tra Bộ TN&MT phát hiện gần 9.000 tổ chức vi phạm về đất đai với diện tích hơn 137.000 ha. Trong đó, đã thu hồi đất của trên 900 tổ chức, với diện tích gần 45.000 ha, đang lập hồ sơ thu hồi đất đối với trên 500 tổ chức, với diện tích trên 28.000 ha.
Cùng với đó, tình trạng quản lý, sử dụng đất đai kém hiệu quả diễn ra khá phổ biến. Kết quả kiểm kê ở các nông lâm trường mới đây cho thấy, cả nước có trên 180 lâm trường bị lấn chiếm đất đai với diện tích gần 240.000 ha. (Kinh Tế & Đô Thị 25/8) đầu trang(
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quy định mới về thu phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, giống rừng.
Theo đó, các tổ chức cá nhân có nhu cầu được công nhận cây mẹ, cây đầu dòng phải nộp phí bình tuyển, công nhận, mức phí đối với cây ăn quả là 1.500.000 đồng/lần, đối với cây lâm nghiệp là 1.000.000đồng/lần bình tuyển, công nhận. (Hà Nội Mới 25/8, tr3) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Mở đầu trong chuỗi Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 25 (ASOEN 25), ngày 25/8, Hội nghị Hội đồng Ban Quản trị của Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN lần thứ 16 đã diễn ra tại Vientiane, Lào.
Tham dự hội nghị có 150 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại. Hội nghị đánh giá cao hoạt động của Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp hiệu quả trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học cho các nước thành viên ASEAN. Các chương trình, hội thảo tập huấn được tổ chức, các giải thưởng về đa dạng sinh học trong đó có giải thưởng Vườn Di sản ASEAN được trao cho nhiều Vườn quốc gia ASEAN (trong đó Việt Nam có năm vườn). Những nỗ lực bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học của Trung tâm đã được thế giới đánh giá cao. Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác đối thoại bày tỏ mong muốn hợp tác với ACB.
Tại Hội nghị lần nầy, Ban Quản trị Trung tâm đa dạng sinh học các nước ASEAN tiếp tục thảo luận về các vấn đề liên quan đến vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học nhằm đạt được các mục tiêu Aichi, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược về đa dạng sinh học, nâng cao lợi ích cho người dân.
Cùng với cuộc họp này, Hội nghị ASOEN lần thứ 25 còn có nhiều cuộc họp khác như kỳ họp lần thứ tám đốc tác đối thoại ASEAN-Nhật Bản; kỳ họp của quan chức cấp cao ASEAN-Ấn Độ về môi trường; kỳ họp lần thứ 11 của quan chức cấp cao môi trường ASEAN + 3; kỳ họp quan chức cấp cao môi trường Đông Á (EAS-OM); kỳ họp lần thứ 10 quan chức cấp cao ASEAN+ 3 về môi trường (SOME); kỳ họp quan chức cấp cao Đông Á về môi trường để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Đông Á lần thứ tư (EAS EMM). (VietnamPlus 25/8) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng