Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 25 tháng 07 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GỚI

BẢO VỆ RỪNG
Sau khi xác định được những mối nguy hại thì Tập đoàn HAGL của bầu Đức cũng đã xác định cho mình 1 chiến lược thoát khủng hoảng khá toàn diện.
Trong thời gian gần đây, các khủng hoảng trong kinh doanh ngày càng xuất hiệu nhiều trên các phương tiện truyền thông. Các khủng hoảng có thể đến từ sản phẩm, dịch vụ như trong trường hợp Tân Hiệp Phát bị phát hiện có hàng chục tấn hương liệu quá đát trong kho dùng để sản xuất sản phẩm Trà Xanh không độ, tới từ con người như vụ nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines dính nghi án vận chuyển hàng lậu, tới từ chiến lược kinh doanh như quảng cáo mỳ gấu đỏ bị “tố” núp bóng tình thương hay từ những lý do “trên trời rơi xuống” ngoài ý muốn như trong vụ lật xe bia ở Đồng Nai.
Tất cả các sự kiện đó đều khác nhau nhưng chung bản chất đó là khủng hoảng truyền thông doanh nghiệp.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao một doanh nghiệp lại dễ bị rơi vào khủng hoảng truyền thông ? Cần làm gì khi rơi vào khủng hoảng? Để độc giả có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về vấn đề này, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã thực hiện loạt bài về khủng hoảng truyền thông của doanh nghiệp. Tuyến bài phân tích những cuộc khủng hoảng truyền thông lớn của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây, đồng thời đưa ra những bài học kinh nghiệm về cách xử lý khủng hoảng qua lăng kính của các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân.
Hẳn những người làm truyền thông vẫn còn nhớ sự kiện HAGL bị tổ chức phi chính phủ Global Witness cáo buộc những tội danh như phá rừng, có hành vi tham nhũng cũng như chiếm đất đai tại Lào và Campuchia hồi tháng 6/ 2013 vừa qua. Vụ việc này đã làm rúng động thi trường đầu tư tài chính và giới doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nhưng với chiến lược xử lý khủng hoàng truyền thông của mình, HAGL không những phản bác thành công Global Witness mà còn tăng phần uy tín của mình trên thị trường tài chính thế giới và huy động được nhiều khoản vay của các định chế thế giới.
Global Witness là tổ chức phi chính phủ nổi tiếng trên thế giới. Tổ chức này đã có nhiều thành tích đáng nể từ khi hoạt động đa ngành, liên tục đánh gục nhiều tập đoàn tư nhân bằng những cáo buộc rất “đanh thép”.
Tổ chức này được nhiều giải thưởng về môi trường và nhân quyền trên thế giới. Với uy tín có được từ những chiến dịch nhân quyền và môi trường đã có trong 20 năm hoạt động thì tiếng nói của Global Witness có ảnh hưởng khá lớn với giới đầu tư thế giới. Nổi bật và đáng chú ý nhất là cáo buộc Kim Cương Máu nổi tiếng ở các nước Châu Phi.
Ở Việt Nam, năm 2013 là năm Global Witness đã khai ngòi cuộc chiến với các ông “vua cao su” là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tổng Công Ty Cao Su Việt Nam.
Những cáo buộc này bao gồm: “phá rừng”, có hành vi tham nhũng cũng như chiếm đất đai tại Lào và Campuchia. Với cáo buộc này, HAGL đã phải đối mặt với những mối nguy hiểm vô cùng lớn. Một khi rơi vào vòng xoáy của những cáo buộc thì thiệt hại là rất lớn nếu không muốn nói có thể đẩy HAGL xuống vực thẳm.
Chúng ta có thể nhìn thấy viễn cảnh rõ ràng rằng nếu HAGL không xử lý tốt khủng hoảng này thì tập đoàn sẽ gặp khó khăn đối với các nhà đầu tư nước ngoài các định chế tài chính đã, đang và sẽ cho tập đoàn này vay vốn.
Những nhà đầu từ hàng đầu của HAGL như Deutsche Bank,Credit Suisse...sẽ buộc phải thoái vốn nếu như họ nhận định rằng HAGL sẽ khó lòng phục hồi nếu các cáo buộc được các tổ chức nhân quyền và môi trường xác nhận là có thật.
Đồng nghĩa với đó, HAGL sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ được sản phẩm. Vì rất có thể hàng của HAGL sẽ bị ép giá hoặc bị tẩy chay trên thị trường. Nên nhớ một điều rằng, các công ty nước ngoài đều có tôn chỉ hoạt động riêng. Và một khi tôn chỉ này bị vi phạm, nếu sản phẩm bị người tiêu dùng nước ngoài tẩy chay thì rất khó có thể phục hồi danh tiếng.
Sau khi xác định được những mối nguy hại thì Tập đoàn HAGL cũng đã xác định cho mình 1 chiến lược thoát khủng hoảng khá toàn diện. Thay vì im lặng thì Tập đoàn của bầu Đức đã chọn cho mình cách hợp tác với truyền thông để làm rõ những cáo buộc của Global Witness.
HAGL đã có những động thái mạnh mẽ và hết sức quyết liệt trước vấn đề này. Điều này được thể hiện rõ ràng từ việc ký hợp đồng với Bureau Veritas 1 công ty thuộc hiệp hội FSC chuyên về môi trường (QHSE) và trách nhiệm xã hội để khẳng định rằng HAGL không phá rừng và vẫn làm theo tiêu chuẩn quốc tế về phát triển rừng bền vững.
Đưa ra lời mời với Global Witness để đối chất vấn đề mà tổ chức trên cáo buộc và tổ chức đưa nhà báo quốc tế và nhà đầu tư đi thăm quan dự án của HAGL tại Lào và Campuchia để có cái nhìn chuẩn xác nhất về các cáo buộc cuả Global Witness được giới chuyên gia và truyền thông nhận định là một cách làm khá ấn tượng và thông minh của Tập đoàn này.
Song song với đó, công ty của ông bầu bóng đá đã đưa ra các bằng chứng có tính pháp lý cao, có giá trị quốc tế để “phản pháo” lại cáo buộc phá rừng như công văn trả khoản nợ vay tổ chức Sea Games tại Lào bằng việc cho khai thác gỗ tại 1 số khu vực.
Chi 10 triệu USD để tổ chức thăm khám chữa bệnh cho người dân tại Lào và Campuchia hỗ trợ mổ mắt cho các bệnh nhân nghèo trong chương trình phát triển cộng đồng tại Campuchia là một trong những động thái tích cực của HAGL đối với công tác xã hội.
Qua những bằng chứng đầy tính thuyết phục cũng như những hoạt động xã hội tích cực trên, gần như không ai tin rằng đây là cách hành xử của một tập đoàn phá rừng và lấn đất đai của người dân.
Cách xử lý khủng hoảng truyền thông khôn khéo của HAGL đã giúp cho Tập đoàn thoát khỏi mối nguy sản phẩm bị tẩy chay hay bị ép giá ở thị trường cao su quốc tế. Còn với các nhà đầu tư, họ vững tâm hơn ở HAGL, chắc chắn với các khoản đầu tư của họ tại tập đoàn. Và những nghi ngờ thêm về cái gọi là cáo buộc của Global Witness cũng theo đó mà tan biến như chưa từng xuất hiện.
Được biết rằng, tính tới thời điểm hiện tại, Global Witness vẫn đang gửi đi những thông điệp cảnh báo và khuyên các nhà đầu tư thoái vốn và rời khỏi HAGL. Tuy nhiên, tới nay, chưa 1 nhà đầu tư nào rời khỏi HAGL mà ngược lại HAGL đã hoàn thành phát hành trái phiếu quốc tế với giá trị 1000 tỷ đồng. (Trí Thức Trẻ 25/7) đầu trang(
Tình trạng khai thác vàng trái phép đang bùng phát tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi.
Nhóm phóng viên vừa có cuộc xâm nhập một bãi vàng ở xã Trà Quân thuộc huyện nghèo Tây Trà của tỉnh này, bước đầu phát hiện hàng chục lán trại với hàng trăm người từ nhiều vùng quê khác nhau, và có cả người dân địa phương tham gia đào đãi vàng cả ngày lẫn đêm.
Điều đáng báo động hơn là các nhóm người này đã ngang nhiên phá rừng, cướp rãy của bà con địa phương để tìm và khai thác vàng trái phép trong sự bất lực của chính quyền địa phương.
17 giờ ngày 23/7, sau hơn 2 giờ leo núi, cắt rừng, chúng tôi có mặt tại đỉnh núi Cà Nhút thuộc địa bàn thôn Trà Ong, xã Trà Quân, huyện Tây Trà.
Hàng trăm con người cùng máy móc rầm rập khoét núi, tìm vàng. Khi phát hiện có người lạ, tất cả tìm đường tẩu thoát, số ít còn lại không kịp trở tay đành cố thủ trong lán trại hoặc trốn trong các hầm vàng. Hiện trường còn nguyên vẹn đồ nghề phục vụ cho việc khai thác.
Những chiếc máy nổ được các đối tượng làm vàng ở đây dùng vừa để xay đất đá, tuyển vàng, đồng thời cũng dùng để làm máy phát điện chiếu sáng cho những hầm ếch như thế này.
Tại hiện trường, một số đối tượng được hỏi cho biết, trong số hàng chục lán trại làm vàng ở đây có cả người từ nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đổ về và có cả hàng trăm người dân địa phương, trong đó có trẻ em ở Tây Trà và một số huyện lân cận tham gia khai thác. Trước ống kính của chúng tôi, tất cả các đối tượng đều có chung một câu trả lời na ná nhau.
Một đối tượng khai thác vàng cho biết, “mình mới đi bữa nay nên chưa biết, thấy họ đi nên đi theo, tự đi làm rồi bán thôi.”  Đáng nói hơn, toàn bộ ngọn đồi này chính là “khu rừng thiêng”, nơi chôn cất người quá cố của đồng bào Cor bản địa và rãy trồng lúa, trồng quế của đồng bào địa phương.
Giờ thì cơn khát vàng đã cướp đi nương rãy của người dân, tàn phá cả “rừng thiêng” và động đến cả những phần mộ linh thiêng. Một người dân thôn Trà Ong, xã Trà Quân, Tây Trà, Quảng Ngãi cho biết, “ nói nó không nghe, nó phá hết ở dưới đó, vườn quế nó phá hết…”
Theo quan sát của PV thì có tới hàng chục hầm ếch được các đối tượng khai thác vàng đào khoét, thậm chí là khoét sâu, xuyên núi như thế này; đáng nói hơn là không hề được chống đỡ an toàn. Điều này cũng có nghĩa là nguy cơ sập hầm vàng có thể đến bất cứ lúc nào, nhất là trong thời điểm mùa mưa ở miền Trung như hiện nay
Trời xẩm tối. PV tìm đường xuống núi. Đó cũng là lúc đoàn người từ trong hầm sâu, rừng rậm quay trở lại bãi vàng. Những lán trại vừa bị lực lượng chức năng phá hủy trong chóng vánh lại được các đối tượng làm vàng cấp tập dựng lên.
Ngọn đối này lại tiếp tục rền vang như một đại công trường dưới cơn lốc tìm vàng của hàng trăm con người, bất chấp hiểm nguy, bất chấp cả sự truy quét của lực lượng chức năng. (VTV9 24/7) đầu trang(
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, Quảng nam, cuối năm 1971, khi mới hơn 15 tuổi, Phạm Ngọc Sự đã tham gia cách mạng, làm giao liên cho biệt động thành Đà Nẵng.
Đầu năm 1974, anh bị địch bắt và phải hứng chịu không biết bao trận đòn tra tấn dã man của giặc, cho đến ngày Đà Nẵng giải phóng (29-3-1975) anh mới được đồng đội dìu ra khỏi nhà lao…
Nhưng, ý chí vươn lên không hề nguội tắt trong trí não người chiến sĩ cách mạng. Những năm tháng sau đó, dù phải trải qua bao khó khăn, anh vẫn cất công học tập. Tới năm 1983, sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp với tấm bằng kỹ sư, anh về công tác tại Ty Lâm nghiệp tỉnh QN-ĐN. Từ đó đến nay, trải qua nhiều cương vị công tác, người thương binh hạng 4/4 này liên tục gắn bó với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Từ năm 1994 đến năm 2003, anh làm Giám đốc Lâm trường Sông Côn. Từ năm 2005 đến nay, anh lại được cấp trên giao nhiệm vụ Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng và Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Làm thủ trưởng đơn vị có chức năng quản lý bảo vệ gần 30 nghìn ha rừng nguyên sinh của Đà Nẵng, anh Sự luôn trăn trở với việc bảo vệ an toàn rừng đặc dụng, không để “lâm tặc” xâm hại.
Anh đã cùng anh em đơn vị triển khai biện pháp khả thi trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bám rừng của các trạm, với tinh thần kiên quyết truy đuổi “lâm tặc” đến cùng. Không ít lần, anh Sự cùng lực lượng bảo vệ rừng ngược núi, len lỏi vào sâu trong những cánh rừng nguyên sinh để nắm bắt thực trạng bảo vệ rừng của đơn vị. Những lúc phát hiện thấy gỗ rừng bị “lâm tặc” đốn hạ, anh không nguôi nỗi trăn trở dằn vặt, nhận trách nhiệm về mình…
Thời gian gần đây, lâm tặc gia tăng tình trạng phá rừng ở các tiểu khu giáp ranh với tỉnh Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bất chấp khó khăn vất vả, anh Sự đã cùng ăn, cùng ở với anh em các trạm ở khu vực xa xôi, cách trở như, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, Trạm Sông Bắc… cùng mọi người tìm ra giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả nhất. Cảm thông chia sẻ sự gian nan vất vả của lực lượng bảo vệ rừng, song anh Sự cũng rất nghiêm khắc khi cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ, để rừng bị xâm hại.
Mới đây nhất, sau khi cân nhắc kỹ càng, với cương vị Giám đốc, anh Sự mạnh dạn thay toàn bộ lực lượng của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Nam, đứng chân tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, khi diện tích rừng do trạm này quản lý bị xâm hại đáng báo động. Sau đợt “thay máu” (theo cách gọi của anh Sự), tình trạng phá rừng ở cánh Tây Bắc rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa giảm hẳn. Liên tục mấy tuần nay, gần như tất cả lực lượng bảo vệ rừng của các trạm chia thành nhiều tổ tuần tra, truy quét lâm tặc tại các cánh rừng nguyên sinh.
Nói về nhiệm vụ vô cùng gian nan, vất vả và không kém phần nguy hiểm này, anh Sự tâm sự: “Hơn 30 năm gắn bó với rừng, hễ thấy gỗ bị chặt hạ cứ như cơ thể mình bị thương tích vậy. Đau xót lắm. Nay tuổi đã cao, bước đi càng ngày càng khó khăn, song vì sự bình yên của rừng phải nỗ lực hết khả năng. Trong thời gian, lâm tặc gia tăng phá rừng bằng việc chặt hạ cây ươi lấy quả, đào đãi vàng và khai thác lâm sản trái phép, cả Ban Giám đốc đều bám rừng…”.
Hơn 30 năm công tác trong ngành Lâm nghiệp, với những cống hiến tích cực cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, anh Sự đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Bộ NN&PTNT tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp NN&PTNT, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của chính quyền địa phương…(Công An Nhân Dân 24/7) đầu trang(
24-7, Công ty TNHH một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn vừa đưa ba hươu cao cổ nhập từ vườn thú Thái Lan về Thảo Cầm Viên nuôi dưỡng.
Ba hươu này (2 đực, 1 cái) có nguồn gốc từ Nam Phi, khoảng 3 tuổi, cao khoảng 3,5 mét. Kinh phí để mua hươu cao cổ này hơn 4 tỷ đồng.
Theo ông Phan Việt Lâm, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, hươu cao cổ là loài thú cao nhất (5-6 mét), trọng lượng mỗi con có thể đạt 1,2 tấn. Hươu cao cổ sống thành bầy, đàn 10-20 con ở các hoang mạc. Thức ăn chủ yếu của hươu cao cổ là là cây, đọt non trên cao. Hươu cao cổ mang thai khoảng 15 tháng và thường sinh 1 con.
Hiện tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong số ít vườn thú tại Việt Nam được bố trí hai khu vực nuôi dưỡng, nhân giống hươu cao cổ, tổng cộng 5 con (gồm 2 đực 3 cái). Du khách vào đây có thể dễ dàng quan sát loài thú quý hiếm này. (Tuổi Trẻ 25/7, tr2) đầu trang(
Quản lý địa bàn với nhiều điểm nóng, trong những năm qua, công tác chống buôn lậu của Cục Hải quan Quảng Ninh luôn được chú trọng và đạt kết quả cao.
Riêng lĩnh vực quản lý động, thực vật hoang dã theo danh mục của Cites, từ năm 2011 đến 6/2014, Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ và phối hợp bắt giữ 14 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép.
Số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã do Hải quan tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ tăng theo các năm. Nếu như năm 2011, con số này là 2 vụ, năm 2012: 3 vụ, năm 2013: 5 vụ thì 6 tháng năm 2014, số vụ bắt giữ hàng vi phạm Công ước Cites đã là 4 vụ.
Hàng hóa vi phạm được phát hiện chủ yếu là: Cá thể tê tê sống, vảy tê tê khô, tê tê Java, ngà voi, rùa răng, rùa ba gờ, san hô đen, vỏ trai tai tượng, gỗ sưa, gỗ trắc…
Thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã được các đầu nậu sử dụng là cất giấu trong thùng xe, trên sàn xe, trong các bao tải chứa vải vụn, vận chuyển bằng đò sắt hay cất giấu trong container cùng với hàng hóa khác và bọc trong hộp carton để lẫn trong các kiện hàng điện tử.
Đối tượng buôn lậu thường vận chuyển hàng từ Hải Phòng – Móng Cái, sân bay quốc tế Nội Bài – cửa khẩu quốc tế Móng Cái để đưa hàng theo các tuyến Indonesia – Việt Nam – Trung Quốc, Hồng Kông – Việt Nam – Trung Quốc…
Được biết, nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đầu năm 2014, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và quán triệt triển khai thực hiện kế hoạch đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Trong thời gian qua, Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan đặc biệt là chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng khác trên địa bàn (Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Kiểm lâm…) để trao đổi thông tin, phối hợp bắt giữ và xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vi phạm Công ước Cites. (Hải Quan 24/7) đầu trang(
Những tháng đầu năm, công tác quản lý và giám sát các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm các huyện, thị xã đẩy mạnh thực hiện.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 288 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã với gần 2.000 cá thể các loại bao gồm hơn 1.200 cá thể nhím, gần 400 cá thể rắn hổ mang, gần 200 cá thể dúi, gần 27 cá thể lợn rừng, 5 cá thể Don và 100 cá thể Rắn ráo nâu.
Phần lớn các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đều nhằm mục đích kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các huyện Chợ Đồn, Ngân Sơn, Pác Nặm, thị xã Bắc Kạn và huyện Chợ Mới. Qua theo dõi của lực lượng Kiểm lâm, nhìn chung các cơ sở gây nuôi đều chấp hành đúng các quy định về nuôi nhốt động vật hoang dã thông thường, chưa phát hiện cơ sở nào lợi dụng giấy phép để buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm cũng có 1 trường hợp nuôi nhốt động vật quý hiếm trái phép và đã bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý theo quy định. (Đài PTTH Bắc Kạn 24/7) đầu trang(
23/7, Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị triển khai, công bố Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh, tỉnh An Giang, giai đoạn 2011-2020.
Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các huyện, thị có rừng: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc và Thoại Sơn.
Hội nghị đã được nghe Chi cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu Quyết định số 558/QĐ-UBND ngày 16/4/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh, tỉnh An Giang, giai đoạn 2011-2020; Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam bộ - Tổng cục Kiểm lâm báo cáo tóm tắt quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh và ý kiến đóng góp của các thành viên tham dự Hội nghị.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm nâng độ che phủ của rừng (bao gồm rừng tập trung và cây lâm nghiệp phân tán) đến năm 2015 và ổn định đến năm 2020 là 22,4%, bảo vệ và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, bảo vệ và phát triển vốn rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng, thực hiện xã hội hoá nghề rừng trên cơ sở tổ chức, quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng, giao đất, giao rừng nhằm giải quyết tốt mục tiêu phòng hộ, an ninh môi trường.
Đồng thời, quy hoạch còn nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thông qua việc cải thiện một cách hợp lý cơ cấu cây trồng lâm nghiệp. Phát triển các loài cây trồng có tác dụng tốt về phủ xanh, bảo vệ môi trường và có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội.
Xây dựng nền lâm nghiệp phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đưa các dịch vụ từ rừng là nguồn thu cơ bản của ngành lâm nghiệp; nâng tỷ trọng lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông nghiệp và trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị - xã hội ở tỉnh An Giang, đặc biệt khu vực biên giới với nước bạn Campuchia.
Đảm bảo có sự tham gia rộng rãi hơn của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.
Kết thúc Hội nghị, Ông Đỗ Vũ Hùng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các ngành chuyên môn, đặc biệt là Chi cục Kiểm lâm và UBND các huyện có rừng cần tăng cường công tác kiểm tra, giảm đến mức thấp nhất những ảnh hưởng bất lợi của con người tác động đến tài nguyên rừng và môi trường sinh thái như khai thác trái phép gỗ và các lâm sản khác, xâm canh làm rẫy, lấn chiếm đất rừng để trồng lúa; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phải được thực hiện thường xuyên trong mùa khô hàng năm, xác định vùng trọng điểm có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng, các khu vực trọng điểm dễ gây cháy là các khu rừng trồng, diện tích rừng tự nhiên ven các khu vực sản xuất nông nghiệp, ven các khu dân cư, ven các trục đường chính,.... cũng như có kế hoạch trồng rừng và tiến hành trồng lại những diện tích rừng sau khai thác bằng các loài cây có giá trị kinh tế, sinh trưởng và phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện sinh thái vùng đất ngập nước thay thế hàng năm để không làm giảm diện tích rừng hiện tại.
Như vậy, quy hoạch được duyệt và đi vào thực hiện góp phần tăng độ che phủ của rừng, chống xói mòn, rửa trôi, bảo vệ nguồn nước ngọt và ổn định sản xuất cho nhân dân. (Angiang.gov.vn 24/7) đầu trang(
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vừa có quyết định công nhận quần thể cây vân sam và quần thể cây đỗ quyên cành thô mọc tự nhiên trong rừng Hoàng Liên ở độ cao từ 2.600 - 2.700 m là Cây di sản Việt Nam.
Trước đó, được sự đồng ý của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) đã lập đoàn khảo sát đánh giá thực trạng quần thể cây vân sam Phan Si Păng, gồm 26 cây, trung bình trên 300 tuổi, phân bố ở độ cao 2.600 m và quần thể cây đỗ quyên cành thô, gồm 56 cây, trung bình trên 200 tuổi, phân bố tại độ cao 2.700 m tại rừng Hoàng Liên, để đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xem xét, công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Cây vân sam và cây đỗ quyên cành thô mọc tự nhiên trên rừng Hoàng Liên là loài cây đặc hữu của Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), có giá trị nhiều mặt và được ghi vào sách đỏ, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.
Việc Hội đồng Cây di sản (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) xét duyệt, công nhận 7 cây Vân Sam và 7 cây đỗ quyên cành thô tiêu biểu là Cây di sản Việt Nam sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn nữa nguồn gen quý hiếm của cây rừng đặc hữu Hoàng Liên – Sa Pa. (Báo Lào Cai 25/7) đầu trang(
Đó là suy nghĩ hết sức đơn giản của 40 xã viên Hợp tác xã (HTX) 19/5, ấp 20, xã Nguyễn Phích (Tập đoàn Phong Ngạn, thuộc Liên Tiểu khu U Minh II).
Quyết tâm giữ trọn 200 ha rừng chưa khai thác để đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, ông Nguyễn Văn Vững, Chủ nhiệm HTX 19/5, phấn khởi: “Tuy mới ở bước chập chững nhưng hiệu quả rất đáng mừng. Chỉ tính riêng năm 2013, HTX đón gần 80 đoàn khách (có 10 đoàn khách nước ngoài) đến tham quan, khám phá và trải nghiệm các hoạt động: ăn ong, giăng lưới, chài cá, đặt trúm lươn... Thời điểm “được mùa” nhất là từ tháng 9, 10 dương lịch, có ngày từ 5-6 đoàn khách đến, thu nhập vài triệu đồng”.
Kể từ khi được tiếng món ong rừng (mật ong và ong non) ở HTX 19/5 là “số 1”, khách thập phương tìm đến ngày một đông. Người vì thích “ăn ong”, người thích cái vị ngọt thanh mát của mật ong, cả vị mềm béo thơm ngon của các món ong non xứ rừng tràm bạt ngàn, lại thêm các món đồng quê khó quên: rắn xào, lươn om, cá lóc luộc hèm… Và tại đây, khi ghé thăm, khách còn được cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân, ngay cả tự tay chế biến món ngon từ cá đồng do chính mình bắt, được thưởng thức vài câu hò, điệu lý, đờn ca “đúng điệu miệt vườn”.
Chính cái tình, cái luyến lưu của khách khi rời chân đã khởi tạo nên ý tưởng đầu tư loại hình du lịch sinh thái theo kiểu “cây nhà lá vườn”.
Tổng diện tích đất rừng được nhận giao khoán là 520 ha, trước đây, khi HTX còn là Tập đoàn 19/5, ngoài giữ cây tràm, xã viên còn tận dụng phần bờ bao trồng các loại cây, trái; các kinh mương thì nuôi cá đồng kết hợp bảo vệ rừng để cải thiện đời sống. Mấy năm trở lại đây, có rất nhiều mô hình sản xuất kết hợp được xã viên HTX 19/5 phát triển, thu lợi trên 100 triệu đồng/năm.
“Tất cả xã viên luôn xem rừng là tài sản cả cuộc đời tạo dựng và là nguồn sống của tương lai, tuân theo quy ước nghiêm ngặt, nhờ vậy các nguồn lợi dưới tán rừng được tổ chức khai thác tốt. Ðây là thuận lợi lớn nhất để đầu tư phát triển du lịch”, ông Vững nhận định.
Nghĩ là làm, HTX khai thác du lịch dựa trên cơ sở vật chất và tài nguyên thiên nhiên sẵn có, rồi xã viên hùn vốn đầu tư thêm: nhà nghỉ chân, các dụng cụ đánh bắt, đồ bảo hộ ăn ong…
Là người gắn bó gần cả cuộc đời với rừng, ông Dư Văn Kiến, Phó Chủ nhiệm HTX 19/5, tư lự: “Làm du lịch chỉ để giữ rừng, lấy du lịch nuôi rừng và phục vụ công tác phòng chống cháy rừng (PCCR). Vậy nên, mọi đầu tư xây dựng đều phải bảo đảm tiêu chí bảo vệ rừng”.
Lật giở từng quy ước được ghi chép cẩn thận, ông Kiến cho biết, xã viên được quy ước về phân lô, tuyến và cả ký hiệu riêng. Quy định rõ ngày nào được phép vào rừng ăn ong, ngày đặt lọp, giăng lưới. Người vi phạm nghề đăng ký sẽ bị phạt tiền hoặc cấm vào rừng. Tháng 7 là mùa ong nước, xã viên ăn ong theo đợt, có giám sát; riêng khu tách rời du lịch, từ tháng 7 đến tháng 9 ngừng bắt cá để dưỡng cá non.
Nằm cách trung tâm xã khoảng 9 km, tuyến lộ giao thông nhỏ hẹp, đoạn đứt quãng đất đen, nên phương tiện thuận nhất là đi bằng vỏ máy. Do vậy, chi phí trọn gói cho việc vận chuyển xuyên suốt phải trả từ 250.000-300.000 đồng/khách, điều này gây e ngại đối với các đơn vị lữ hành khi thiết kế tour, tuyến liên kết điểm của HTX.
Ông Vững trần tình: “Chúng tôi nhiều lần xin tuyến lộ khoảng 2.000 m từ xã Khánh Thuận về đây, nhưng vẫn “chờ”. Chi phí vào tham quan bằng vỏ máy khá cao nên khách chưa hài lòng, nhưng nếu hạ thấp thì anh em xã viên chịu lỗ. Bởi, khám phá rừng là du lịch khá mạo hiểm, chưa kể ăn ong cần sự hướng dẫn, bảo hộ của nhiều xã viên”.
Ông Vững còn cho biết, HTX làm du lịch theo kiểu “tự thu tự chi”, tổng doanh thu chi trả cho ngày công, còn về cơ sở vật chất vẫn chưa bảo đảm, xã viên chưa được tập huấn cách phục vụ khác.
“Có lần đoàn khách 20 người đến phải chia thành 2 nhóm ở 2 hộ xã viên mới có thể tiếp đãi chu đáo. Chúng tôi ái ngại vì sự bất tiện khi bên này với bên kia sông cứ phải hí hới gọi nhau khi họ “giao lưu”. Một lần khác, du khách tham gia “ăn ong”, tuy có bảo hộ, nhưng đến lúc “mê” quá, khách phá rạp bụi rậm, động tổ nên ong “công kích”. Khách cứ chạy, ong cứ đuổi, dở khóc dở cười cũng bởi chưa đầu tư được đồ bảo hộ chuyên nghiệp, chỉ bảo hộ cho khách kiểu như nghệ nhân đi rừng”.
Từ đầu năm đến nay, HTX đón hơn 10 đoàn khách, thu nhập khá, nhưng nếu so với cái lợi từ bám rừng thì không bằng. Chẳng trách việc xã viên chưa mấy mặn mà làm du lịch, hay chưa xem du lịch là phần kinh tế “sống”.
Anh Quách Văn Thưa, kế toán của HTX, người gắn bó từ 1984 đến nay cho rằng, phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ rừng thì bất cứ xã viên nào cũng ủng hộ. Tuy nhiên, tuyến lộ chưa thông, chưa có sự đầu tư, hay “cầm tay chỉ việc” thì hướng đi còn bấp bênh. Trong khi xã viên thu nhập vẫn khá ổn, với mỗi đợt đánh bắt cá đồng từ 70-80 triệu đồng/hộ, riêng mật ong, 30 hộ tham gia gác kèo mỗi năm từ 15.000-20.000 lít, nhẩm tính mỗi hộ thu được trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Châu Hữu Tản, cán bộ văn hoá - xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho hay, xã đã có đề án xây dựng khu vực du lịch, từ đó tác động tuyên truyền cho người dân về lợi ích lâu dài của việc làm du lịch đối với quê hương, một thế mạnh kinh tế bền vững. (Báo Cà Mau 23/7) đầu trang(
Đó là một nội dung quan trọng trong Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Tây Nguyên được xác định là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia; là vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp, nông - lâm nghiệp, thủy lợi - thủy điện, khai thác và chế biến bauxite, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa các dân tộc Tây Nguyên và phát triển du lịch.
Về định hướng bảo vệ môi trường, quy hoạch nhấn mạnh việc bảo vệ và phát triển rừng, trong đó bảo vệ nghiêm ngặt các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đầu nguồn.
Các dự án thủy điện trên hệ thống sông Sê San, sông Ba, Sêrêpốk và sông Đồng Nai phải đảm bảo giảm tối đa các rủi ro về môi trường, các tác động về xã hội và hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học.
Việc khai thác khoáng sản như: than bùn, than nâu, cao lanh, đặc biệt là bauxite tại Lâm Đồng và Đắk Nông đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường. (Sài Gòn Giải Phóng 25/7) đầu trang(
Bức xúc trước việc một đơn vị mượn cớ khai thác rừng trồng để triệt hạ rừng, nhiều người dân địa phương tại xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang viết đơn kêu cứu. Tòa soạn đã cử phóng viên tìm hiểu sự việc.
Trong đơn "kêu cứu", người dân Hòa Bắc, mà cụ thể là các hộ đồng bào Cơ Tu 2 thôn Giàn Bí, Tà Lang trình bày: lợi dụng việc sửa chữa đường, nhiều phương tiện cơ giới và xe cộ khai thác keo của Cty Cổ phần Vinafor (thành viên của Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam) đã tàn phá rừng già giáp với khu vực Nam Đông (TT- Huế) một cách trắng trợn.
Lần theo địa chỉ mà người dân phản ánh, PV đến khu vực Vườn Mít sát chân đèo Mũi Trâu. Một quang cảnh tan hoang, đường đi đến đâu rừng già biến mất đến đó, trơ trọi dây leo và những đám thực bì không chịu cháy. Từ đường chính, muôn vàn đường phụ được mở cheo leo trên các sườn núi.
Tiếp tục vào Bãi Tranh, khu vực có rừng keo, PV phát hiện nhiều tốp người chen chúc trong các lán trại dựng cạnh những con suối. Đấy là những nhóm khai thác keo. Theo Trưởng CAX Hòa Bắc Hồ Tăng Khoa, thời cao điểm có lúc lên đến 120 người, song do thời điểm này có mưa nên chỉ còn chừng 40 người. Trà trộn và các nhóm khai thác keo là các nhóm khai thác gỗ.
Tại Bãi Tranh, những súc kiền kiền đường kính tựa cái xô đựng nước được ngụy trang một cách sơ sài, chờ cơ hội vận chuyển. "Gọi là rừng già nhưng thực chất chỉ còn các loại gỗ không mấy giá trị, gỗ nhóm I, II đã bị đẵn sạch, chỉ còn dây leo và bìm bìm", thanh niên dẫn đường người bản địa giải thích. Vào sâu, những cây xoan đào được rã thành phách hay nằm ven đường, tiếng cưa máy nổ dồn.
Ghé vào một lán khai thác keo, một phu keo người Quảng Nam bảo: "Lâm tặc ư?  Người từ nơi khác đến, dân bản địa ở đây không có gan đâu. Còn chúng tôi, dân làm thuê cho chủ rừng, cưa keo đã mệt lắm rồi, hơi đâu phá rừng nữa. Không tin thì anh có thể kiểm tra, bọn chúng hoạt động có tổ chức, người ở dưới kia thuê đội ngũ "lâm tặc" vào rừng, đến chúng tôi còn sợ họ".
Thăm dò tài xế chiếc xe ben hai cầu mang biển số 92 (Quảng Nam) đang bò vào rừng, anh này than vãn: "Chúng nó (giới khai thác gỗ trái phép- P.V) ghê gớm lắm, thường xuyên gửi gỗ về xuôi theo xe keo, mỗi lần vài súc. Kiểm lâm mà lần ra được thì chắc chắn mình mang họa, làm ơn mắc oán là vậy. Không cho chúng gửi thì không được, hết đường làm ăn luôn".
Sau vài đêm "phục", cuối cùng gỗ rừng cũng xuất hiện trước mắt PV, theo lối vận chuyển đường sông. Có 3 bè, cỡ chừng 60 phách xoan đào. Anh thanh niên Cơ Tu bảo, dân Giàn Bí và Tà Lang bao đời gắn bó nghĩa tình với thiên nhiên. Cũng chính vì vậy, thấy rừng bị phá xót lắm. Buồn nhất là mang tiếng oan là "lâm tặc". Ông Trần Văn Biên (59 tuổi) thôn Giàn Bí đang chuẩn bị làm nhà cho con gái mới gả chồng, giải thích: "Ở rừng mà không dám vào rừng đốn gỗ, mà phải tận dụng gỗ vườn như mít, xoan vườn để làm. Một số khác tôi phải đi từng nhà để mua".
Đoạn ông chỉ về phía Bãi Tranh, nói: "Trong đó bị lâm tặc từ nơi khác đến phá cho tan hoang. Người dân mình hay kiếm sống trong rừng, vô tình lại mang tội rồi. Chuyện này phải làm rõ thực hư chứ ai đời người dân mình lại xách cưa đục tàn sát rừng xanh".
Hỏi chuyện già làng Tà Lang Trường Văn Nhơi (80 tuổi), già bảo: "Người Cơ Tu nghèo khổ thật nhưng không đi làm cái việc có lỗi với mẹ thiên nhiên như vậy. Ngày trước khi chưa ra đây, dân làng mình sống ở khu vực Vườn Mít, không những bảo vệ rừng mà  còn trồng thêm hàng hoạt cây gỗ nữa. Nhưng đợt vừa rồi già vào đó, nó đốn sạch phá sạch, ngay những cây mít mà già trồng chúng cũng đốn nhẵn".
Trong lá đơn kêu cứu của mình, những người dân quanh năm gắn bó với rừng ở Hòa Bắc viết rằng: "Chúng tôi là những người dân địa phương xã Hòa Bắc kiến nghị cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ hành vi phá rừng, vận chuyển gỗ trên địa bàn. Xử lý nghiêm minh với những hành vi phá rừng, vận chuyển gỗ lậu, tịch thu xe đã vận chuyển gỗ lậu để răn đe những trường hợp xảy ra tiếp theo, làm gương cho những kẻ coi thường sự nghiêm minh của pháp luật, tàn phá rừng một cách không thương tiếc".
Mang "nỗi oan" của người dân xã Tà Lang, Giàn Bí gặp Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Tăng Phúc, ông xác nhận, việc lợi dụng khai thác keo trồng để tàn phá rừng già là có nhưng hoạt động nhỏ lẻ, rất khó quản lý. Chính quyền thường xuyên tổ chức những đợt tuần tra kết hợp với Kiểm lâm cơ sở, đã xử lý một số vụ vụn vặt, nhỏ lẻ. Ông Phúc cũng thanh minh rằng, khu vực rừng già quá sâu nên việc kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó lực lượng tuần tra truy quét không thể ăn dầm ở dề trong rừng được.
Trong lúc chính quyền địa phương và cơ quan chức năng than khó, từng mảng rừng cứ ngày càng bị xà xẻo, lở lói và người dân phải viết đơn để cứu rừng và tự giải nỗi oan của mình...(Công An TP Đà Nẵng 25/7) đầu trang(
Liên tục trong những ngày gần đây, tại vùng rừng giáp ranh hai tỉnh Bình Định, Gia Lai, đoạn qua thị xã An Khê và huyện Vĩnh Thạnh đã xảy ra nhiều vụ phản ứng cực đoan, manh động của người dân các xã Cửu An, Tân An, Tú An (thị xã An Khê) chống lại lực lượng quản lý bảo vệ rừng thuộc Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Bình Định).
Ngày 23.7, có mặt tại hiện trường, PV Báo Lao Động trở thành mục tiêu tấn công của các đối tượng hung hãn đến từ thôn An Điền Bắc 2, Cửu An.
Trước đó, sáng 19.7, hộ bà Nguyễn Thị Liễu cùng 60 “chiến hữu” đổ ra cản trở hoạt động trồng rừng tại lô e, khoảnh 3a, tiểu khu 226. Chiều cùng ngày, hộ ông Nguyễn Hiền cùng 50 người khác tràn ngập lô c, khoảnh 3a, tiểu khu 226. Họ thẳng tay nhổ bỏ cây trồng, hủy hoại dụng cụ lao động của công nhân.
Vụ việc kéo dài sang sáng 20.7 và bị đẩy lên thành cuộc va chạm “nghẹt thở”, khi Nguyễn Văn Hiếu (con ông Nguyễn Văn Trung) lọan đả gây chấn thương nhân viên bảo vệ rừng Nước Poon – Soi Gà Nguyễn Thái Thạch còn Nguyễn Văn Hạnh, con trai ông Hiền thì kề rựa lên cổ uy hiếp phó Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật Nguyễn Văn Quang.
Tháng 12.2001, với Quyết định 4483/QĐ-UBND, UBND tỉnh Bình Định giao 777,34 ha tại các tiểu khu 210b, 217, 226 thuộc xã Vĩnh Thuận cho Cty Sông Kôn quản lý. Trên thực tế, Sông Kôn chỉ sử dụng được 177,29 ha. Hơn 600 ha còn lại bị 298 hộ dân thuộc các xã Tú An, Xuân An, Cửu An của An Khê xâm canh, lấn chiếm.
Nhằm thu hồi phần đất được giao, Cty Sông Kôn bỏ ra hơn 384 triệu đồng hỗ trợ khai hoang, đền bù hoa màu cho dân. Người dân tuy đồng ý tại nhiều cuộc họp, song ngoài thực địa, đã quay sang chống đối.
Giám đốc Cty Sông Kôn, ông Võ Văn Cường cho biết: “Chúng tôi mất đứt gần 1,2 tỉ đồng. Cả doanh nghiệp hiện như ngồi trên lửa. Đụng độ không chỉ ở Hòn Mum mà còn lan ra cả Soi Gà, Nước Poon. Hàng trăm hécta đất rừng bị chiếm dụng; cây trồng bị chặt phá, bị tận diện thẳng tay bằng thuốc khai hoang. Tổn thất rồi sẽ còn cao hơn nữa. 60 cán bộ, nhân viên của tôi không đối phó nổi đám đông bất chấp luật pháp, lý lẽ, nhất là khi phải mượn đường đi của họ”.
Ông Cường nói thêm, hồi tháng 5.2013 Trạm Quản lý – Bảo vệ rừng Nước Poon của Cty đã từng bị một nhóm dân An Khê đốt trụi, nhân viên bị lăng nhục, uy hiếp, tấn công.
Chính quyền thị xã An Khê và huyện Vĩnh Thạnh đánh giá công tác phối hợp duy trì an ninh trật tự vùng giáp ranh đã được triển khai có hiệu quả. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi vì sao “cuộc chiến” ở núi rừng Vĩnh Thuận chẳng những không thuyên giảm mà ngược lại còn dai dẳng kéo dài và hiện đang bùng phát một cách cực đoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Lê Văn Đẩu thừa nhận: “Cần tính tới biện pháp mạnh hơn, từ hình sự tới hành chính, kể cả việc thúc đẩy chủ rừng khởi kiện. Vĩnh Thạnh đang rà soát, đánh giá lại tình hình. Tôi hy vọng từ nay đến cuối năm, sẽ có phương án trình UBND tỉnh”.
Phó chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ, qua điện thoại trưa 24.7 thì than khó: “Chuyện hơi dài dòng, phức tạp, không thể nói vài câu là xong. Xin hẹn phóng viên dịp khác”. Ông Vỹ cho hay Công an An Khê đã được yêu cầu xác minh chuỗi phản ứng manh động từ 19 – 23.7, song lại lưu ý “trách nhiệm chính thuộc về Bình Định vì vụ việc xảy ra trên địa bàn Bình Định”. (Lao Động 24/7; Nông Nghiệp Việt Nam 25/7, tr15) đầu trang(
Thời gian qua, nhiều người đổ xô về những cánh rừng ở các xã Ea Trang và Cư San (huyện M’Đrắk) để hái ươi.
Họ mang dao rựa, rìu búa, cưa lốc lên rừng chặt hạ những cây ươi không thương tiếc để hái quả cho nhanh thay vì chờ ươi “bay” xuống để nhặt trái. Vì thế, những cánh rừng ươi nơi đây đang có nguy cơ biến mất trong một ngày không xa.
Đi dọc theo đoạn quốc lộ 26 qua địa bàn xã Ea Trang, đâu đâu cũng thấy trái ươi được phơi đầy sân nhà dân. Tại các quán nước bên đường, ươi cũng là chủ đề được bàn tán khá sôi nổi.
Trong vai một người thu mua ươi, PV đến một nhà dân gần chốt kiểm dịch động vật đèo Phượng Hoàng ở thôn 1, xã Ea Trang. Tại đây, chủ nhà cho biết giá quả ươi khô 185.000 đồng/kg (nếu mua nhiều có thể giảm 5.000 đồng/kg) và trong nhà họ có sẵn hơn 1 tấn ươi. Sau một hồi mặc cả, PV không ép giá được vì họ nói ươi đang bước vào cuối vụ, giá cao hơn mới bán.
Tiếp tục hành trình, PV vượt hơn 10km đường đất đến thôn Tắk Drung (xã Cư San) để tìm vào rừng ươi. Tại ngã 3 Tắk Drung, một người đàn ông tên S. chỉ tay về phía con đường đất, cho hay: “Đó là con đường duy nhất có thể vào rừng để hái ươi, thu mua và vận chuyển ươi ra ngoài. Xe máy đi khoảng 10km nữa là hết đường, muốn vào sâu hơn, xe phải có xích kéo hoặc là đi bộ”. Trên đường đi vào rừng ươi, chúng tôi gặp nhiều xe máy từ trong rừng ra với biển số ở khắp nơi như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Phú Yên…
Đến thôn Sông Trò (xã Cư San), PV gặp 2 thương lái tên H. và T. (đều ở xã Ea Trang). “Giá 180.000 đồng/kg, nếu các anh cần số lượng lớn thì lấy số điện thoại của tôi, tối đến nhà nói chuyện và đặt cọc tiền trước. Đảm bảo trong vòng 3 ngày sẽ có hàng”, anh H. cho biết.
Còn theo anh T., chỗ anh đang đứng là cửa rừng, anh đã bỏ làm rẫy cả tháng nay để vào đây nằm trực mua ươi. Ươi đem bán có 2 loại là ươi bay (quả già, rụng từ trên cây xuống và được gom nhặt), và ươi hạ (người ta chặt cả cây ươi xuống để hái cho nhanh). Hiện anh đang mua ươi bay với giá từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, ươi hạ giá 100.000 - 120.000 đồng/kg và ươi tươi giá 30.000 - 32.000 đồng/kg.
Sáng 16-7, PV thâm nhập vào những điểm có ươi ở xã Cư San và vùng giáp ranh huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa). Khu vực này có địa hình khá hiểm trở, núi cao và cây cối rậm rạp, vì thế PV phải nhờ anh V.Q.V. (người địa phương) đi cùng. Sau gần 10km đi xe máy, PV gửi xe tại một nhà dân ở thôn Sông Trò (xã Cư San) đi bộ vào sâu trong rừng.
Trên đường đi, anh V.Q.V. chia sẻ: “Ươi là loại cây hơn 4 năm mới có quả một lần, năm nay ươi vừa được mùa, vừa được giá nên người dân đổ xô vào rừng hái ươi về bán. Cách đây nửa tháng, lúc cao điểm lên đến cả ngàn người/ngày”.
Vượt qua những quả đồi quanh co, PV hòa vào nhóm của người dân địa phương đi hái ươi để đến khu vực bìa rừng. Biết PV chỉ đi xem và mua ươi chứ không phải tranh giành hái, nhóm người đi cùng mạnh dạn trò chuyện hơn.
“Từ năm 2006 đến nay, chúng tôi mới thấy ươi lại ra nhiều như vậy. Trước đây, chúng tôi cũng vào rừng lấy ươi nhưng chủ yếu là bằng hình thức hái lượm, mỗi ngày được khoảng 10kg chứ không phải đi chặt cây xuống rồi hái như bây giờ”, anh H. đi cùng đoàn chia sẻ.
Dừng chân bên một sườn đồi, anh K. (một người đi cùng nhóm) chỉ tay về cánh rừng phía xa, vui vẻ nói: “Phía bên đó còn nhiều ươi nhưng lại thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) nên chúng tôi không dám sang đó hái. Ươi đang được giá, mùa ươi cũng sắp hết nên gia đình tôi bỏ cả nương rẫy để lên đây hái quả ươi về bán. Biết là phải đi thật sâu vào rừng mới có, nhưng cả nhà đều cố gắng đi, vì làm mấy ngày cũng bằng cả mùa làm nông rồi”.
Theo ông Lê Văn Ba, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk, ươi là một loại cây thuộc nhóm gỗ tạp (ít có giá trị kinh tế) nhưng quả ươi lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc... Ươi là cây rừng tự nhiên nên việc người dân vào rừng, thu lượm quả bằng các hình thức thủ công không có gì sai. Nhưng việc một số người chặt hạ cây ươi xuống để hái quả theo kiểu tận diệt thì không được.
Vì tranh giành lãnh địa có cây ươi, nhiều người cũng đã “đổ máu”. Trong lúc đó, có người lại bị cây ươi ngã đè bị thương, hoặc chết trong lúc nhặt quả. Vào ngày 1-7, trong lúc vào rừng tìm nhặt “ươi bay”, chị Vàng Thị Dính (27 tuổi, ở thôn 9, xã Cư San) bị 1 cây ươi do người khác đốn hạ ở gần đó đè chết. Cái chết của người phụ nữ Mông nghèo, để lại những đứa trẻ nheo nhóc.
Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Cư San, cho biết: “Tình trạng người dân vào rừng hái ươi bắt đầu từ đầu tháng 7 và kéo dài đến nay. Chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không được chặt phá cây ươi; tổ chức truy quét, kiểm tra người và các phương tiện đi vào rừng… nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương. Tuy nhiên cũng rất khó ngăn chặn”.
Được biết, những cây ươi bị chặt ít nhất 10 năm sau mới lên lại. Với cách khai thác theo kiểu tận thu như hiện nay, chẳng bao lâu nữa cây ươi sẽ bị xóa sổ khỏi những cánh rừng, và người dân nơi đây cũng chẳng bao giờ nhận được “lộc” mỗi chu kỳ từ việc thu lượm quả ươi. (Sài Gòn Giải Phóng 25/7, tr6) đầu trang(
Nạn đốt nương làm rẫy ở huyện Tương Dương hiện nay vẫn diễn ra thường xuyên, phổ biến. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra biện pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ trong sử dụng, quản lý tài nguyên rừng với người dân địa phương.
Trên các tuyến đường huyện Tương Dương, cảnh tượng phổ biến nhất là người dân đốt rừng lấy than và để có đất canh tác. Bầu không khí trở nên oi bức, ngột ngạt hơn. Được sự tiếp sức của những cơn gió phơn Tây Nam, đám cháy trở nên hung tợn như con quái vật muốn nuốt chửng mọi thứ, những tiếng nổ “lóc, bóc” như tiếng khóc than của rừng.
Đi sâu vào bản, những khoảng rừng đã cháy trụi, trơ lại các gốc cây đen nhẻm. Đâu đó là khoảng đất trống đã được phủ các loại cây keo, bạch đàn và cây ngắn ngày như sắn, ngô.
Cuộc sống người dân ở các bản làng xã Nhôn Mai từ bao đời nay vẫn hoàn toàn dựa vào rừng, dường như tập quán sản xuất nương rẫy của dân bản vẫn còn phổ biến. Một phần là do diện tích sản xuất lúa nước quá ít (cả xã chỉ có 30 ha), một phần là do thói quen du canh, sản xuất mà không phải đầu tư chăm bón của con người. Bình quân mỗi năm, khoảng 450 ha rừng đã bị bà con đốt phá để làm rẫy.
Tại địa điểm Khe Nang giáp ranh giữa 2 bản Quang Yên, Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương, quang cảnh cũng chẳng khác là bao. Bên cạnh những gốc cây trơ trọi, một số người dân đang gom góp lại ít cành củi chưa cháy hết để lấy đất trồng cây lương thực.
Có thể nói, canh tác nương rẫy là tập quán lâu đời của đồng bào miền núi huyện Tương Dương và cũng là nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm diện tích rừng. Nguyên nhân của thói quen trên, một mặt, do đời sống kinh tế của người dân miền núi ở đây còn nhiều khó khăn, nguồn thu nhập thấp; hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hầu như gắn liền với rừng, chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy. Mặt khác, phương thức canh tác lạc hậu theo lối quảng canh, du canh nên năng suất cây trồng đạt thấp, đất đai bị thoái hóa nhanh dẫn đến tình trạng thiếu đất canh tác.
Trên thực tế, các chính sách và quy định về quản lý nương rẫy trên địa bàn huyện Tương Dương thời gian qua còn nhiều bất cập như: Công tác khuyến nông, khuyến lâm chưa đạt hiệu quả cao; việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ còn hạn chế, một số mô hình canh tác chuyển giao cho đồng bào dân tộc thiểu số không phù hợp với khả năng tài chính, truyền thống, nhận thức và trình độ của người dân. Mặt khác, địa phương đã chuyển giao kỹ thuật trồng cây lương thực nhưng chưa thiết lập thị trường hay mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nên sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Khó khăn đặt ra hiện nay là diện tích lúa nước của Tương Dương chỉ có trên 600 ha, tập trung ở các xã Tam Quang, Tam Đình, Nga My... Để đảm bảo lương thực hàng năm, người dân Tương Dương hầu hết vẫn phải làm nương rẫy với gần 4.000 ha. Cho nên, để hạn chế nạn đốt nương làm rẫy và tạo chuyển biến về nhận thức, thay đổi tập tục, phương thức sản xuất của người dân nơi đây không phải là chuyện một sớm, một chiều.
Theo cán bộ kiểm lâm huyện Tương Dương, người dân sống trong vùng lõi không có đất sản xuất nên họ vẫn đốt rừng để lấy đất canh tác. Những năm trước đây diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Gần đây, do sự vào cuộc tích cực của kiểm lâm cũng như chính quyền địa phương nên tình trạng trên có giảm nhưng không triệt để, cứ đến mùa là họ lại đốt.
Khi phát hiện, lực lượng kiểm lâm đã tuyên truyền, vận động, giải thích cho dân, sau đó lập biên bản xử lý... Nhưng do sức ép của miếng cơm, manh áo nên tình trạng trên khó giải quyết dứt điểm. Rừng ở Tương Dương vì thế cứ bị “hóa than” để làm rẫy. (Công An Nghệ An 24/7) đầu trang(
Trên địa bàn huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đang "nở rộ" phong trào người dân dùng súng tự chế để bắn chim, bắn gà rừng. Việc làm này nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ gây hậu quả khôn lường.
Hiện còn nhiều người, nhất là thanh niên vẫn lén lút sản xuất và "tuồn" ra thị trường các loại súng tự chế. Có người mua một khẩu súng bằng hơi cồn với giá chỉ từ 120 đến 150 nghìn đồng. Đồng bào vùng cao có thói quen đi săn bắt thú rừng, nên thường giữ trong nhà một khẩu súng tự chế mà không hiểu biết rõ về những mối nguy hiểm luôn "rình rập" khi sử dụng loại súng này.
Theo anh Hoàng Văn Đông (xã Nam Đà, huyện Krông Nô), trước đây thấy người dân đi rẫy hay săn được thú rừng nên anh cũng tìm mua súng với ý nghĩ đơn giản là để khi rảnh rỗi vào rừng săn bắt thú rừng. Nhưng, hiện nay anh Đông đã giao nộp súng cho chính quyền.
Còn anh Lò Văn Nưa cùng xã lại cho biết, anh sử dụng khẩu súng hơi cồn để đi săn bắn chim do bắt chước bạn bè.
Đại úy Nguyễn Văn Bằng, Đội trưởng Đội Quản lý Hành chính, Công an huyện Krông Nô cho biết: Krông Nô là huyện có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, việc người dân tự chế các loại súng rất phổ biến. Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát đang được tăng cường.
Từ đầu năm đến nay, công an huyện Krông Nô tổ chức nhiều đợt vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí tại các địa bàn trọng điểm. Những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Nâm Nđir đã vận động người dân giao nộp 18 khẩu súng bắn hơi cồn, 5 khẩu súng săn tự chế...
Công an huyện Krông Nô kết hợp với chính quyền, ban ngành địa phương, những người có uy tín như già làng, trưởng bản tại các thôn, buôn tăng cường tuyên truyền về tác hại của súng hơi cồn; kêu gọi, vận động người dân giao nộp súng tự chế cho cơ quan công an; nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên, học sinh về tác hại của việc sử dụng súng tự chế để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chế tạo, mua bán, cất giấu và sử dụng súng tự chế. (Tin Tức 24/7) đầu trang(
Thời gian gần đây, nhiều người ở huyện miền núi Khánh Vĩnh đua nhau vào rừng chặt cây mặt quỷ (còn gọi đu đủ rừng) bán cho thương lái Trung Quốc (TQ).
Cây có chiều cao 1 - 1,2m, to cỡ bắp tay trở lên được mua với giá 80 nghìn đồng. Dù chẳng biết đu đủ rừng có tác dụng gì nhưng thấy thu được nhiều tiền nên hàng trăm người dân xã Sơn Thái hè nhau đi chặt!
Một số người ở huyện cũng bỏ tiền gom cây, bán lại cho thương lái TQ kiếm chênh lệch. Những lần giao dịch đầu, thương lái TQ trả tiền sòng phẳng nên ngày càng có nhiều người thu gom với số lượng tăng dần. Được hơn 1 tháng thì thương lái TQ đột nhiên mất hút. Dù chưa có thống kê chính xác lượng cây mặt quỷ đã thu gom, tuy nhiên có cả chục đầu nậu dính bẫy. Người ít nhất cũng gom khoảng trăm cây, nhiều nhất hơn 1.000 cây như ông Cảnh ở Khánh Vĩnh, ông Ninh ở thị xã Ninh Hòa.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh, đu đủ rừng chủ yếu mọc ven suối, không phải cây thân gỗ nên không thể xử lý theo luật. Ngành kiểm lâm chỉ ngăn chặn đồng thời thu giữ một số cây do người dân khai thác chưa kịp vận chuyển.
Tương tự, tại thị xã Ninh Hòa khi “cơn sốt” khai thác, buôn bán trắc dây “hạ nhiệt”, PV được biết có không ít đầu nậu phải “nếm trái đắng” bởi thương lái TQ đột ngột dừng thu mua.
Ông Trần Văn Tuấn (xã Ninh Vân, Ninh Hòa) ngao ngán kể: “Cách đây hơn 2 tháng thấy thương lái TQ thu mua trắc dây giá cao, có lúc lên đến 20.000 đồng/kg, tôi đã gom tiền mua để bán lại. Những chuyến đầu làm ăn có lãi, ham quá, tôi bỏ thêm cả trăm triệu gom hàng. Nào ngờ khi đưa ra Đà Nẵng giao cho thương lái TQ thì chẳng thấy họ đâu!”. Số trắc dây của ông Tuấn đang “chôn chân” ở Đà Nẵng còn hơn 5 tấn, thiệt hại cả trăm triệu đồng.
Một số đầu nậu khác ở thị xã Ninh Hòa cũng đứng ngồi không yên bởi đã trót gom hàng. Ông Thái (phường Ninh Hiệp) là một trong số đó. Tuy có nghề và khá cẩn trọng nhưng số trắc dây ông “ôm” chưa bán được còn hơn 3 tấn sau khi thương lái TQ biến mất. Hiện tổng số còn tồn ở thị xã khoảng 20 tấn, được khai thác cách đây hơn 2 tháng tại một số đảo ở vịnh Vân Phong, khu vực hòn Hèo...; nếu không được thu mua, nó chẳng khác gì củi khô!
Ông Lê Văn Đỏ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa - cho biết, tình trạng khai thác, vận chuyển trắc dây trái phép ở thị xã rộ lên trong tháng 4 và 5-2014.
Thời gian đó, lực lượng kiểm lâm và ngành chức năng thu giữ lượng lớn trắc dây khai thác, vận chuyển, cất giấu trái phép. Từ cuối tháng 5 đến nay, thương lái TQ không thu mua nữa nên tình hình tạm lắng. (Công An TPHCM 24/7) đầu trang(
Tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục gắn với bảo vệ môi trường sinh thái ở từng địa bàn để phát triển rừng bền vững; triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định và quy chế phối hợp về quản lý, bảo vệ rừng.
Các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường công tác tuần tra, truy quét; xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, nhất là ở các Khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ…Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thu hồi, chuyển giao đất đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2011-2015 cho các địa phương quản lý để bố trí đất sản xuất cho nhân dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc đang thiếu đất xản xuất.
Sáu tháng đầu năm 2014, lực lượng quản lý bảo vệ rừng tỉnh Bình Thuận đã phát hiện và xử lý 421 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 44 vụ (9,5%) so với cùng kỳ năm 2013 và giảm 100 vụ (23,7%) so với 6 tháng cuối năm 2013. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 414 vụ, khởi tố 7 vụ, tịch thu hơn 424 mét khối gỗ các loại, 146 chiếc xe máy, 4 ô tô máy kéo và các loại phương tiện khác, nộp ngân sách gần 3 tỷ đồng.
Nhìn chung số vụ vi phạm tuy có giảm, nhưng tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm hơn, các đối tượng dựa vào số đông, sử dụng hung khí, súng tực chế … để chống trả, tấn công, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của lực lương làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Từ đầu năm đến nay đã có 8 vụ chống người thi hành công vụ, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm trước, tập trung nhiều nhất ở huyện Tánh Linh. Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. (Tin Môi Trường 23/7; Đại Biểu Nhân Dân 23/7) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
23/7, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cùng đoàn công tác Bộ TN-MT có buổi làm việc tại tỉnh Quảng Nam về việc quản lý TN-MT trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh thanh tra Bộ TN-MT cho biết, trong năm 2012 - 2013, Bộ đã tiến hành thanh tra đối với các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó, Quảng Nam đã có báo cáo giải trình về việc thực hiện trồng bù diện tích đất rừng chuyển đổi sang việc xây dựng thủy điện thì tỉnh cho rằng không còn diện tích đất rừng để bố trí trồng bù.
Nói về vấn đề này, ông Tuấn Anh cho rằng, theo Thông tư 24 năm 2013 của Bộ NN-PTNT, trường hợp tỉnh không còn diện tích đất để bố trí trồng bù diện tích đất rừng mất cho dự án thì UBND tỉnh phải có báo cáo để Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch trồng bù diện tích đó ở tỉnh khác.
“Chủ dự án phải có phương án chi tiết, trong trường hợp không thực hiện được thì phải đền bù khoản tiền tương đương với phương án đã lập. Đề nghị UBND tỉnh thực hiện đúng thông tư của Bộ NN-PTNT”, ông Tuấn Anh đề nghị.
Cũng tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Nam có nhiều kiến nghị như: khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, công tác quản lý khoáng sản… Đặc biệt, tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp trong khi theo luật định chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, không mang tính răn đe.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác quản lý lĩnh vực TN-MT của tỉnh Quảng Nam. Bộ trưởng Quang tiếp thu những đề nghị của Quảng Nam và sẽ có biện pháp tháo gỡ. (Nông Nghiệp Việt Nam 25/7) đầu trang(
“Kiên quyết giải thể các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài; các công ty thực hiện khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm làm ra; các công ty quy mô nhỏ, không cần thiết phải giữ lại”.
Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; vừa được Văn phòng Chính phủ truyền đạt tại Thông báo số 282/TB-VPCP ngày 23/7.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục duy trì, củng cố phát triển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với các công ty nông nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh kết hợp an ninh – quốc phòng, tập trung chủ yếu trên địa bàn vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đối với công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất, cần xem xét cụ thể từng trường hợp để sắp xếp lại theo 2 hình thức:
(1) Các công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững thực hiện sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.
(2) Công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất chưa được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và chưa được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững thực hiện nhiệm vụ công ích, đồng thời được huy động các nguồn tài chính phục vụ bảo vệ, phát triển rừng; được tận dụng sản phẩm từ rừng theo quy chế quản lý rừng; trường hợp các công ty không chuyển đổi được sang các loại hình công ty nêu trên thì chuyển sang Ban quản lý rừng.
Tiếp tục rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của từng công ty nông, lâm nghiệp, xây dựng phương án sắp xếp lại các công ty này, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp nông - lâm - công nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Về đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng dụng đất, Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất chưa đúng quy định, đất cho thuê, cho mượn; đất bị lấn chiếm, tranh chấp; đất giao khoán; đất ở, đất kinh tế hộ gia đình; đất liên doanh, liên kết, hợp đồng hợp tác đầu tư…
Đổi mới nội dung hình thức quản lý, sử dụng đất theo hướng: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất rừng phòng hộ, đất để thực hiện nhiệm vụ công ích, đất hộ gia đình cá nhân đang sử dụng thuộc diện miễn nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Nhà nước cho thuê đất đối với diện tích đất nông, lâm nghiệp giao cho các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh; hộ gia đình, cá nhân không thuộc đối tượng giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với diện tích đất chuyển giao về địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại các đối tượng sử dụng đất để giải quyết cho hộ gia đình cá nhân được tiếp tục giao đất hoặc thuê đất theo quy định.
Về tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý bảo vệ và phát triển rừng, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện giao rừng tự nhiên gắn với giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật bảo vệ phát triển rừng. Thực hiện định giá rừng sản xuất là rừng trồng làm cơ sở để giao vốn, thực hiện cổ phần hóa, liên doanh liên kết, thế chấp vay vốn.
Thực hiện phương án quản lý rừng bền vững đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng giàu và trung bình; thực hiện nhiệm vụ công ích theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch hàng năm đối với rừng tự nhiên là rừng sản xuất nhưng chưa có phương án quản lý rừng bền vững, rừng tự nhiên nghèo có khả năng phục hồi trong thời gian chăm sóc chưa khai thác…(Đảng Cộng Sản VN 24/7) đầu trang(
UBND tỉnh vừa có Thông báo số 147/TB-UBND ngày 21/7/2014 về ý kiến kết luận của ông Đinh Văn Khiết- Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng 6 tháng đầu năm 2014 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014.
Sau khi nghe báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2014, các Sở, ngành, địa phương liên quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới.
Đồng thời cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Các Sở, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của nhân dân, đặc biệt là người dân sống gần rừng có hành động tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, trở thành phong trào của toàn dân, toàn xã hội.
UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, tập trung chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường trách nhiệm, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về rừng và quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn; qua công tác kiểm kê rừng, triển khai rà soát lại số hộ dân đang sinh sống bất hợp pháp, xây dựng nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh trái phép trong rừng, đất lâm nghiệp để có giải pháp quản lý, xử lý cụ thể, có phương án di chuyển dân ra vùng quy hoạch của địa phương.
Đối với các hộ dân sống trong rừng phòng hộ, đặc dụng, cần phối hợp với các huyện kiên quyết di dời ngay ra khỏi rừng vào các dự án hoặc các điểm xen ghép được địa phương quy hoạch, bố trí.
Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng chuẩn bị tốt cây giống, triển khai trồng rừng đảm bảo kế hoạch, thời vụ, kịp thời giải ngân nguồn vốn ngân sách đã bố trí theo kế hoạch; hướng dẫn các  địa phương, cơ quan chú trọng công tác trồng cây phân tán tại nơi công cộng; phối hợp tăng cường công tác xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng…
Sở Công Thương chủ trì cùng các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra các cơ sở cơ khí sản xuất xe độ chế trái phép để có  biện pháp xử lý nghiêm minh, dứt điểm trong 6 tháng cuối năm 2014…(Daklak.gov.vn 25/7) đầu trang(
Mới đây, tại Huế, Liên minh FORLAND đã tổ chức buổi tập huấn “Thể chế và chính sách lâm nghiệp Việt Nam” cho các tổ chức thành viên. Tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án “Tham vấn cộng động về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng” của FORLAND do tổ chức Oxfam Anh tài trợ.
Tham gia khóa tập huấn có chuyên gia lâm nghiệp Tiến sĩ Nguyễn Quang Tân- điều phối viên quốc gia của tổ chức Con người và Rừng (RECOFTC) và Thạc sĩ Hoàng Huy Tuấn- giảng viên trường Đại học Nông lâm Huế với tư cách là giảng viên khóa tập huấn. Các học viên chủ yếu là đại diện đến từ 7 tổ chức thành viên liên minh, bao gồm Trung tâm Phát triển Nông thôn Miền Trung (CRD), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và Phát triển (CIRD), Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD), Qũy Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo (RDPR), Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững (CRCSD).
Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm cung cấp kiến thức cần thiết cho học viên về thể chế, khung chính sách và pháp luật lâm nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn cách phân tích các bước cơ bản trong tiến hành nghiên cứu chính sách như nội dung của một đề cương nghiên cứu.
Thông qua khóa tập huấn, học viên được thực hành phân tích thể chế và chính sách qua những bài tập cụ thể áp dụng cho chính các dự án theo vấn đề (IBPs) mà FORLAND đang thực hiện. Bằng việc phân tích và sử dụng các công cụ nghiên cứu, các nhóm đã thảo luận về các thiết chế cụ thể cũng như xác định các bên liên quan tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
Khóa tập huấn đã cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc phân tích thể chế và chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các thành viên liên minh trong các hoạt động hỗ trợ vận động chính sách trong thời gian tới. (Quỹ Phát Triển Nông Thôn Và Giảm Nghèo Quảng Ninh – Quảng Bình 24/7) đầu trang(
Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng (BV&PTR) được Chủ tịch Quốc hội ký ban hành vào ngày 3. 12. 2004 là một đạo luật quan trọng, thể hiện được chủ trương bảo vệ và phát triển rừng của Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Tuy nhiên sau gần 10 năm thực hiện (từ 2004 đến 2013), bên cạnh các mặt tích cực như i) đã tạo được hành lang pháp lý thuận lợi và huy động các nguồn lực quốc gia vào việc BV&PTR, ii) góp phần tăng độ che phủ của rừng, iii) xóa đói giảm nghèo, và iv) nâng cao đời sống của người dân sống gần rừng; thì Luật BV&PTR 2004 đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế như cộng đồng dân cư thôn chưa được qui định là chủ rừng, các điều quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là hộ gia đình trong Luật còn mang tính định hướng, chưa thể hiện đúng và đầy đủ nguyên tắc BV&PTR là “đảm bảo cho người làm nghề rừng sống chủ yếu bằng nghề rừng”…
Vì những lý do đó, Nhà nước đã có chủ trương điều chỉnh, sửa đổi lại Luật BV&PTR từ 2014-2017 cho phù hợp với thực tế sau khi Hiến Pháp và Luật Đất đai sửa đổi 2013 đã được Quốc hội thông qua.
Trong năm 2014, Liên minh Đất rừng (FORLAND) dự định sẽ phối hợp với các bên liên quan (như TCLN, Cục KL, truyền thông báo chí, cộng đồng, chính quyền địa phương…) thực hiện tham vấn cộng đồng về các vấn đề liên quan đến hộ gia đình và cộng đồng được qui định trong Luật BV&PTR 2004 cũng như trong việc thực hiện Luật.
Kết quả tham vấn sẽ làm cơ sở cho FORLAND thực hiện VĐCS trong các năm tiếp theo nhằm bổ sung, điều chỉnh Luật và việc thực hiện Luật cho phù hợp hơn với thực tế cuộc sống. (Quỹ Phát Triển Nông Thôn Và Giảm Nghèo Quảng Ninh – Quảng Bình 24/7) đầu trang(
Dừng chân bất kỳ chỗ nào trên Tỉnh lộ 178 chạy qua lưng Đèo Gió, ai cũng có chung cảm nhận: Mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ. Chỉ cần bước chân vào rừng vài trăm mét sẽ thấy bạt ngàn rừng, bạt ngàn thảo quả xanh tốt, quả non đắp đầy gốc cây trải rộng trong đại ngàn rừng xanh.
Chương trình phát triển cây thảo quả từ năm 2002 do xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đề xuất. Huyện Xín Mần đã dựa vào nguồn vốn tài trợ của Dự án DPPR, giai đoạn I đưa vào hỗ trợ đồng bào cây giống.
Giải pháp được đưa ra: Phải giữ cho được diện tích rừng Đèo Gió với 1.750 ha thuộc vùng lõi rừng đầu nguồn. Biện pháp giao đất, giao rừng được áp dụng cấp thôn. Có nghĩa, cả thôn có bao nhiêu hộ, thì cùng nhau tham gia nhận rừng, nhận đất để bảo vệ và cùng trồng cây thảo quả ngay dưới tán rừng. Biện pháp này đưa ra đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng: Giao đất, giao rừng cho cả làng liệu có rơi vào tình trạng... “cha chung...”? Điều suy nghĩ “ trái chiều” ấy rồi cũng được giải tỏa bằng ý thức cộng đồng đã in sâu thành nét văn hóa trong đời sống làng bản khi nó được khơi dậy tình đoàn kết.
Anh Ly Chỉn Dùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn cho biết: Ngày xưa, khi săn bắt được con thú rừng dù to, dù nhỏ đều mổ chia cả bản cùng ăn. Việc làm nhà ai đó, cả bản xúm lại... đó là tính cộng đồng. Khi trồng cây thảo quả, giao đất, giao rừng cho cấp thôn, tổ, nhóm hộ gia đình, Đảng ủy, chính quyền, đã chụm lại bàn và làm theo tinh thần đó. Phải làm cho chặt, cho công bằng, mới lấy được lòng dân đồng thuận.
Công việc giao đất, giao rừng được tiến hành bằng các cam kết chính quyền và nhân dân. Thực hiện khoanh từng vùng rừng, đếm từng gốc cây, lập biên bản cam kết trước khi giao đất, giao rừng. Đồng thời, tổ chức kiểm tra chéo để nhân dân tự giám sát nhau thực hiện cho tốt. Thực hiện gieo ươm giống tại chỗ ngay trong rừng cho thuận tiện và tranh thủ được thời gian nhàn dỗi, đồng bào tự trồng, tự cắt công trông coi, chăm sóc cây, bảo vệ rừng.
Trải qua quá trình vừa trồng thảo quả, vừa bảo vệ rừng, hiệu quả kinh tế từ việc lồng ghép trên đã mang lại giá trị bất ngờ: Không hề mất đi một cây rừng nào bị chặt, hoặc bị đốn ngã do tác động của con người gây ra trong hàng chục năm nay; giá trị thu nhập của người trồng thảo quả được nâng lên. Đến năm 2013, xã Nấm Dẩn đã thu được gần 22 tấn quả thảo quả. Giá bán bình quân năm 2013 là 40.000 đ/kg quả tươi. Đồng bào trong xã thu về gần 900 triệu đồng.
Năm nay, dù ảnh hưởng sương muối, nhưng phần lớn diện tích thảo quả vẫn ra hoa, kết trái. Theo đánh giá của bà con, ước thu từ thảo quả năm 2014 khoảng 24 tấn. Ngay hiện tại, đã có rất nhiều khách hàng tìm đến muốn đặt tiền trước để mua thảo quả, nhưng đồng bào chưa ai đồng ý. Thật là một tín hiệu vui. “Mục sở thị” cùng lãnh đạo xã lên Đèo Gió để thấy trong đại ngàn xanh tươi ẩm ướt ấy, rất nhiều “tiền” đang nằm đầy gốc thảo quả trải dài theo màu xanh bất tận của rừng Đèo Gió.
Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn, Đào Xuân Hòa vừa đưa PV đi xem “Tiền rải trong rừng Đèo Gió” vừa cho biết: Xã hiện có 11/12 thôn, với 54 nhóm hộ, bằng 427 hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, trồng thảo quả. Hiện tại, đã có 662,4/800 ha thảo quả được trồng qua các năm theo quy hoạch đến hết năm 2015. Diện tích thảo quả đang cho thu hoạch trên 270 ha. Mục tiêu đến hết năm 2015, toàn xã sẽ trồng đạt khoảng 900 đến 1.000/1.750 ha, chiếm gần nửa diện tích rừng cần bảo vệ ở Đèo Gió bằng cây thảo quả dưới tán rừng.
Thực tế, càng đi sâu vào rừng, càng thấy diện tích cây thảo quả rộng mãi ra. Bên cạnh dọc, ngang cây cho quả, còn rất nhiều vạt thảo quả mới trồng đang bám đất vươn theo ngàn cây. Những vườn ươm giống thảo quả tại chỗ, các lớp cây non, đua chen nhau mọc. Phía trên cao là các loài cây cổ thụ, cây thân thảo, thân mộc đua nhau sinh sôi và cùng chung sống hài hòa. Dưới tán cây rừng là thảo quả, là các loại côn trùng sống cộng sinh dựa vào nhau cùng tồn tại. Dưới nữa là nước, là những lớp mùn dày, tạo thành các lớp thực bì giàu có giúp cho các loài cây, con trong rừng phát triển.
Các nhà khoa học lâm sinh khẳng định: Rừng nguyên sinh là rừng giàu có nhất bởi nó mang trong đó sự đa dạng sinh học về các nguồn gen động, thực vật. Điều đó đã tạo cho rừng tự cân bằng sinh thái và phát triển bền vững. Anh Đào Xuân Hòa cho biết thêm: Gắn bó 16 năm tại Nấm Dẩn, vài năm nay mới tìm ra lối đi vững chắc từ rừng.
Trong đó là giao đất, giao rừng cho đồng bào giữ rừng, trồng thảo quả. Lợi ích “kép” đó đến nay đã rõ. Điểm thứ hai, anh tâm huyết đó là giao đất, giao rừng và tận dụng đất ven rừng, ven đồi, để trồng cỏ, phát triển chăn nuôi đại gia súc: Trâu, bò, dê... Cả 2 hướng, 2 cách làm trên sẽ được đánh giá tổng kết, đưa ra bài học thực tiễn cho Nấm Dẩn nói riêng, cho các xã khác nói chung, để phát triển sản xuất trong thời gian tới.
Khẳng định: Đi theo 2 cách đó, sẽ là bài học để phát triển sản xuất bền vững. Đồng thời, phải xem đây là một trong các giải pháp thích ứng chống biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay để thay đổi cách làm nông nghiệp, tạo ra giá trị kinh tế cao.
Hãy đến Nấm Dẩn, hãy vào rừng Đèo Gió một lần. Bài học từ thực tiễn sẽ cho chúng ta lời giải thỏa đáng. (Báo Hà Giang 24/7) đầu trang(
Những năm qua, hoạt động của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hàm Tân đã đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã LaGi nói riêng cũng như tỉnh Bình Thuận nói chung.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của Công ty không chỉ giúp ổn định, bảo vệ môi trường rừng mà còn góp phần nâng cao độ che phủ của rừng Bình Thuận hằng năm.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hàm Tân hiện được giao 2 nhiệm vụ chính là hoạt động công ích và sản xuất, kinh doanh. Đối với hoạt động công ích, Công ty làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), trồng rừng và chăm sóc rừng, ươm giống cây lâm nghiệp. Đối với sản xuất và kinh doanh, Công ty được phép thu hoạch sản phẩm rừng; khai thác và chế biến gỗ từ rừng trồng cưa, xẻ, bào gỗ; mua bán nông, lâm sản nguyên liệu …
Xác định QLBVR, xây dựng và phát triển vốn rừng là nhiệm vụ chính, Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân đã tích cực triển khai các biện pháp QLBVR và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ vi phạm, gây thiệt hại đến rừng. Công tác liên kết trồng rừng và giao khoán QLBVR cũng được đơn vị duy trì ổn định cho các tập thể và hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt những năm qua, Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân đã phát hiện và xử lý nhiều vụ lấn chiếm rừng, phá rừng, vận chuyển và mua bán gỗ, lâm sản trái phép; kiểm tra, phát hiện và tổ chức giải tỏa cây trồng trái phép trên diện tích rừng và đất rừng lấn chiếm để tổ chức trồng lại rừng. Hàng năm, công tác PCCCR được triển khai tốt theo phương án đã được phê duyệt. Trên địa bàn rừng do Công ty quản lý không để xảy ra cháy.
Chia sẻ về hướng triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới, Giám đốc Võ Đăng Dũng cho biết hiện tại đã bắt đầu vào mùa mưa, mùa vụ trồng đã đến, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch được giao, trước mắt Công ty sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2014.
Đặc biệt quan tâm đến công tác trồng rừng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm. (Kênh Thông Tin Đối Ngoại Của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp VN 24/7) đầu trang(
22/7, UBND tỉnh ban hành Văn bản số: 1793/UBND-KTN về việc Giải ngân tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng: Báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, có ý kiến về công tác tổ chức, bộ máy của Quỹ (làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân có phải do năng lực cán bộ không, nếu có tại bộ phận, cá nhân nào, đề xuất hướng xử lý)hoàn thành trước ngày 30/7/2014.
Khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung: Kế hoạch thu, chi tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2014; Phương án chi trả bổ sung tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2011, 2012 cho các chủ rừng; Phương án quản lý, sử dụng và giải ngân nguồn dịch vụ môi trường rừng năm 2011, 2012 do Quỹ Trung Ương điều phối cuối năm 2013 và đầu năm 2014; Phương án quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2011, 2012 đối với phần diện tích do UBND xã trực tiếp quản lý, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trước ngày 25/7/2014 để thẩm định, tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh xem xét.
Chấn chỉnh, thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra như rủi ro khi gửi tiết kiệm tại các tổ chức tài chính, tín dụng trong khi chờ chi trả, rủi ro trong khi vận chuyển, thanh toán tiền mặt tại các nơi chi trả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương thẩm định các nội dung UBND tỉnh giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, hoàn thành gửi kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/7. (Kontum.gov.vn 24/7) đầu trang(
Là địa phương có hệ thống sông ngòi đa dạng, Lâm Đồng được nhiều nhà đầu tư chọn làm điểm xây dựng các công trình thủy điện.
Xây dựng các công trình thủy điện, theo quy định của Chính phủ, các nhà đầu tư xây dựng thủy điện phải trồng rừng thay thế cho những diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng. Và không ít các doanh nghiệp đầu tư dự án thủy điện đang “lảng tránh” trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, với Lâm Đồng, “trồng rừng thay thế là nghĩa vụ doanh nghiệp phải thực hiện” là chủ trương nhất quán được ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định trong cuộc họp bàn với các doanh nghiệp thủy điện về trồng rừng thay thế vừa diễn ra.
Theo thông tin từ Chi cục Lâm nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì về trồng rừng, năm 2014 diện tích cam kết phải trồng rừng thay thế là 657ha thuộc trách nhiệm của 8 đơn vị chủ công trình dự án thủy điện bao gồm Cty CP điện Bảo Tân, Cty CP thủy điện Cao Nguyên - Sông Đà 7, Cty CP XD điện Long Hội, Cty CP điện Đăk Mê, TCT XD Công trình giao thông 4, Cty CP thủy điện Trung Nam Krông Nô, Cty CP thủy điện Miền Nam và BQL dự án Thủy điện Đồng Nai 5.
Thế nhưng, duy nhất chỉ có Ban Quản lý dự án Thủy điện Đồng Nai 5 đã hoàn thành trách nhiệm trồng rừng thay thế bằng việc nộp xấp xỉ 11 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng cho diện tích 130ha, còn lại các đơn vị chủ dự án thủy điện khác chưa hề “nhúc nhích”, thậm chí có doanh nghiệp còn chưa chọn được hình thức trồng rừng thay thế.
Ông Bùi Thanh Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết: “Ngay từ đầu năm 2014, chúng tôi đã đôn đốc cũng như trả lời mọi thắc mắc của các đơn vị chủ dự án công trình thủy điện. Các doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức như tự trồng rừng thay thế, chuyển tiền cho các đơn vị chủ rừng Nhà nước trồng rừng thay thế hoặc chuyển tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để chủ động điều phối trồng rừng. Tuy nhiên, tới giờ này mới chỉ có 1 doanh nghiệp thực hiện xong nghĩa vụ, còn lại các doanh nghiệp khác vẫn chưa triển khai trong khi mùa trồng rừng năm 2014 sẽ kết thúc vào ngày 30/8”.
Chính bởi sự lề mề, không thực hiện nghĩa vụ trồng rừng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc gặp mặt trực tiếp với các đơn vị đầu tư dự án thủy điện để lắng nghe những vướng mắc và yêu cầu các doanh nghiệp trên phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.
Hầu hết các đơn vị chủ dự án đều nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đề nghị được chia nghĩa vụ trồng rừng thành nhiều lần. Đơn cử như Cty CP thủy điện Miền Nam, chủ dự án thủy điện Đam Bri có nghĩa vụ trồng 427ha rừng thay thế nhưng nhiều thắc mắc về mặt chính sách, đồng thời lấy lí do không đủ tiền, xin UBND tỉnh cho đóng tiền trồng rừng thành nhiều đợt trong nhiều năm đã bị tỉnh thẳng thắn từ chối.
Theo Phó Chủ tịch Phạm S, quan điểm rõ ràng của UBND tỉnh Lâm Đồng, đó là các nhà đầu tư đã có được lợi ích từ diện tích đất rừng thì việc trồng rừng thay thế là nghĩa vụ không thể chối cãi và phải thực hiện đúng thời gian.
Ông Nguyễn Đức Pha, Giám đốc BQLDA Đồng Nai 5 chia sẻ: “Đơn vị chúng tôi xác định ngay từ ban đầu phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế với địa phương nên đã bố trí vốn và nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ngay trong năm 2013. Với chúng tôi, đây không chỉ là nghĩa vụ với Lâm Đồng mà còn là trách nhiệm với môi trường, với những người dân sống trong khu vực”.
Theo Chi cục Lâm nghiệp, hiện số đất rừng trống còn khá nhiều, dư dả để các đơn vị trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, không phải đất trống nào cũng nằm trong khu vực gần dự án thủy điện nên Lâm Đồng khuyến khích các chủ dự án thủy điện nên nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thay vì tự trồng.
Điều này giúp chất lượng rừng được đảm bảo và cũng thuận lợi cho đơn vị chủ dự án. Số tiền trên 11 tỷ đồng của BQLDA Đồng Nai 5 đã được chia ra cho 6 đơn vị chủ rừng và đã hoàn thành trồng hết 130ha trong mùa mưa 2014. Với các đơn vị chủ dự án thủy điện có diện tích trồng rừng thay thế lớn, phải xây dựng phương án và tiền nộp vào có thể chia thành 2, 3 lượt nhưng buộc phải hoàn thành trước năm 2015.
Làm ráo riết và quyết liệt với các đơn vị chủ dự án thủy điện, Lâm Đồng xác định phải đảm bảo diện tích rừng cũng như môi trường rừng nơi đây không bị suy thoái bởi các công trình thủy điện và qua đó, buộc các chủ đầu tư dự án thủy điện phải có trách nhiệm với rừng, với môi trường hôm nay và mai sau. (Báo Lâm Đồng 25/7) đầu trang(
24-7, tại thôn Thanh Liêm 2 (xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa), UBND huyện Minh Hóa phối hợp với Dự án khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng tổ chức lễ trao quyết định giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn Thanh Liêm 2 (xã Trung Hóa), thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa).
Được biết, tại quyết định giao đất, giao rừng này, thôn Thanh Liêm 2 (xã Trung Hóa) được giao 549,35ha đất, trong đó diện tích có rừng là 549,35ha; thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa) được giao 206,82ha đất, trong đó diện tích có rừng là 206,82ha để sử dụng vào mục đích đất rừng sản xuất. Thời hạn sử dụng đất được giao của thôn Thanh Liêm 2 và thôn Phú Nhiêu là 50 năm kể từ tháng 6-2014 đến tháng 6-2064.
Sau khi trao quyết định giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Minh Hóa, Hạt Kiểm lâm và UBND xã Trung Hóa, Thượng Hóa có trách nhiệm sớm triển khai thực hiện, tạo điều kiện để các cộng đồng sớm nhận đất, nhận rừng trên thực địa.
Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Thanh Liêm 2 và thôn Phú Nhiêu có trách nhiệm quản lý bảo vệ và sử dụng bền vững các khu rừng được giao; thực hiện theo kế hoạch quản lý rừng cộng đồng 5 năm và hàng năm, quy chế quản lý rừng cộng đồng, quy ước quản lý bảo vệ phát triển rừng cộng đồng đã được UBND huyện phê duyệt; thực hiện tuần tra bảo vệ khu rừng, xây dựng kế hoạch phát triển rừng hàng năm.
Ban quản lý Dự án khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng chuẩn bị và triển khai có kết quả các lớp hướng dẫn mở tài khoản tiền gửi, quản lý vốn và cơ chế chi tiêu Quỹ bảo vệ phát triển rừng cộng đồng cho các thôn được giao đất, giao rừng.
Sau các lớp hướng dẫn, Ban điều phối Dự án huyện phối hợp UBND xã, điều phối viên Dự án xã và Ban quản lý rừng cộng đồng tập hợp, hoàn thiện hồ sơ thủ tục và triển khai các bước mở tài khoản tiền gửi cho cộng đồng; chuẩn bị hồ sơ thủ tục để rút tiền và quản lý, sử dụng Quỹ đúng mục đích, có hiệu quả. (Báo Quảng Bình 24/7) đầu trang(
Chỉ còn hơn một tuần nữa là kết thúc vụ trồng rừng năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới trồng được 1.650 ha rừng tập trung, đạt trên 60% kế hoạch...
Nói về kết quả trồng rừng năm nay, ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh phân trần: Vụ trồng rừng năm 2014 chậm tiến độ. Nguyên nhân một phần do thiếu vốn; một số huyện gửi hồ sơ thiết kế trồng rừng chậm. Cùng với đó, thời tiết diễn biến   phức tạp, đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài, cộng với sự xuất hiện của sương muối làm cây giống bị chết, những cây còn lại chậm phát triển. Đường giao thông ở một số huyện tới các xã   đi lại khó khăn do bị hư hỏng, ngập lụt bởi mưa lũ, khiến cho việc vận chuyển cây giống đến địa bàn trồng rừng bị chậm.
Qua tìm hiểu được biết, tại huyện Sông Mã, năm 2014 đăng ký trồng 600 ha rừng. Mặc dù rất nỗ lực, chủ động thiết kế, đảm bảo đúng địa điểm, đối tượng đất quy hoạch rừng tập trung ở 24 bản của 11 xã; ký hợp đồng cung ứng giống trồng rừng và cử cán bộ xuống tận địa bàn hướng dẫn các hộ dân phát dọn thực bì, làm đất, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng sau khi trồng ở các bản...
Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn huyện mới trồng được 435 ha rừng, đạt 72% kế hoạch. Ông Bùi Ngọc Cử, Phó Ban quản lý bảo vệ và phát triển rừng huyện Sông Mã, cho biết: Tiến độ trồng rừng của huyện đang gặp khó khăn bởi nhiều đoạn đường đến các bản của các xã Mường Cai, Chiềng Cang, Nậm Mằm và Yên Hưng bị hư hỏng và ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Hiện nay, huyện Sông Mã đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm các biện pháp vận chuyển cây giống đến các địa bàn nhanh và hiệu quả nhất để bà con trồng rừng đúng tiến độ.
Về tiến độ trồng rừng thay thế của các công trình thủy điện vừa và nhỏ cũng chưa đạt yêu cầu. Mới chỉ có 9 chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ đang tổ chức trồng 102 ha rừng thay thế, bằng 56% kế hoạch. Vẫn còn 8 chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ chưa triển khai thực hiện trồng gần 80 ha rừng thay thế, bằng 46% kế hoạch.
Theo kế hoạch, vụ trồng rừng năm nay, tỉnh ta có 9 huyện và 17 chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ đăng ký trồng trên 2.600 ha rừng theo Chương trình hỗ trợ cây giống của huyện, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, Dự án phát triển lâm nghiệp (KFW7) và kế hoạch trồng rừng thay thế của các công trình thủy điện vừa và nhỏ.
Đến nay, các đơn vị cung ứng cây giống trồng rừng đã gieo, ươm được gần 6.000.000 cây giống các loại, gồm: thông mã vĩ, bạch đàn, sơn tra, vối thuốc, ban, lát hoa, keo tai tượng, trám, mỡ, xoan ta, mắc ca, tếch, giổi... và trồng được 1.650 ha rừng tập trung, đạt trên 60% kế hoạch.
Để đạt kế hoạch, trong thời gian tới, các đơn vị, dự án và các huyện cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc công tác trồng rừng gắn với trách nhiệm từng cán bộ được phân công.
Đồng thời, tìm biện pháp hiệu quả để nhanh chóng vận chuyển cây giống tới các xã, bản có giao thông đi lại khó khăn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn của dự án; tăng cường sự phối hợp giữa Ban quản lý dự án với chính quyền các huyện, xã và bản kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để sớm hoàn thành mục tiêu trồng rừng năm 2014. (Báo Sơn La 24/7) đầu trang(
Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2014 đã đạt được một số mục tiêu cơ bản.
Ngoài bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, chương trình góp phần đắc lực nâng cao giá trị, chất lượng, độ che phủ rừng; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng. Tuy nhiên, trên thực tế, phát triển rừng chưa thực sự bền vững, nhiều vướng mắc cần được kịp thời tháo gỡ…
Đó là hiệu quả của Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh ta. Qua giám sát của HĐND tỉnh về diện tích rừng được giao cho người dân khoanh nuôi bảo vệ ở các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé… cho thấy: Rừng không bị xâm hại, được bảo vệ nghiêm ngặt, đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng trong toàn tỉnh lên gần 41%. Tổng diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt trên 25.600ha, khoanh nuôi tái sinh gần 9.700ha, trồng mới hơn 440ha rừng tập trung…
Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, chặt phá rừng, đốt rừng làm nương đã giảm rõ rệt. Không chỉ bảo vệ rừng mà người dân được giao rừng đã tích cực trồng cây gây rừng, tăng thu nhập trên diện tích được giao.
Khu rừng đầu nguồn bản Hát Hẹ, xã Núa Ngam xanh ngút ngàn, hầu hết các chủ rừng đều trồng tre bát độ. Ông Lò Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cho biết: Vài năm trở lại đây, nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ rừng, bà con trong xã tích cực nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Thấy được hiệu quả kinh tế từ trồng tre bát độ lấy măng, người dân trong xã đã trồng hàng trăm héc ta.
Ngoài góp phần quan trọng giữ nước, chống xói mòn, bà con còn có thu thu nhập đáng kể từ bán măng tre. Hiện măng bát độ vào chính vụ có giá bán đổ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, đầu vụ giá bán 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhiều hộ có thêm thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm từ tiền bán măng.
Khác với các chủ rừng ở xã Núa Ngam, chủ rừng ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo đã tận dụng điều kiện về thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu trồng hàng trăm héc ta táo mèo tập trung theo các chương trình, dự án hỗ trợ trồng rừng. Vài năm trở lại đây cuộc sống của các chủ rừng sung túc hơn nhờ thu nhập từ quả táo mèo.
Ông Mùa Dũng Dình, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình phấn khởi cho biết: Táo mèo đã trở thành mặt hàng đặc sản, không ít hộ có thu nhập cả trăm triệu mỗi năm nhờ táo mèo, như gia đình ông Mùa A Hồng, Mùa Giống Dua, Mùa Chờ Vàng… Cây táo mèo đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Qua giám sát của HĐND tỉnh về Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh cho thấy, do quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng chưa bám sát thực tế sản xuất của người dân, lại thường xuyên điều chỉnh nên việc triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Một số huyện chưa công bố quy hoạch rừng cho cấp xã, thôn, bản.
Tại huyện Tuần Giáo, người dân ý thức được lợi ích của rừng nên tích cực tham gia trồng rừng nhưng bất cập là một số cán bộ chính quyền chưa nắm được quy hoạch 3 loại rừng, ranh giới giao trên thực địa nên khó tuyên truyền, phổ biến và giám sát nhân dân thực hiện.
Bên cạnh đó, vấn đề quyết toán các dự án trồng rừng 327, 661 trên địa bàn huyện Tuần Giáo còn vướng mắc, không lập được thủ tục thanh lý rừng để người dân khai thác tận dụng gỗ rừng sản xuất đến tuổi khai thác phục vụ nhu cầu cuộc sống, phát huy hiệu quả kinh tế từ lâm nghiệp!
Chính sách hỗ trợ gạo cho người dân trồng rừng còn nhiều điểm bất hợp lý khi hộ gia đình có đông nhân khẩu tham gia chuyển đổi diện tích nương ít, mức hỗ trợ mỗi héc ta không quá 700kg/năm, nhưng hộ có ít nhân khẩu tham gia chuyển đổi diện tích nương nhiều thì mức trợ cấp lại được tính theo khẩu với mức 10kg/tháng (không quá 7 năm).
Phương thức trợ cấp gạo theo quy định phải tổ chức đấu thầu và cấp gạo 3 tháng/lần nên khi vào mùa mưa việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân ở một số nơi không hiệu quả do mức khoán thấp, người dân nhận tiền nhưng không thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh phần lớn không đủ năng lực thực hiện dự án, trồng rừng chưa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng…
Ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Khi dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng kết thúc, cơ cấu nguồn vốn dự án từ ngân sách Trung ương giảm, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng. Kế hoạch vốn bảo vệ và phát triển rừng hàng năm phân bổ cho tỉnh rất thấp, chỉ đạt hơn 30% nhu cầu thực hiện.
Trong khi điều kiện trồng rừng ngày càng khó khăn do đất quy hoạch trồng rừng phần lớn là đất bạc màu, độ dốc lớn, xa dân cư, chi phí đầu tư cao mà suất đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng theo quy định tại Quyết định 60/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ rất thấp so với điều kiện trồng rừng hiện nay tại tỉnh.
Thời gian tới, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, cần có mức hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng hợp lý; đưa các loại giống cây trồng giá trị kinh tế cao trồng xen với rừng. Chỉ khi người dân sống được nhờ rừng thì rừng mới phát triển bền vững. (Đài PTTH Điện Biên 24/7) đầu trang(
Đoàn công tác Tập đoàn CNCSVN do ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc dẫn đầu vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa xung quanh việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao 2 Cty Lâm nghiệp Lang Chánh và Cẩm Ngọc về Cty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa.
Theo báo cáo của lãnh đạo Cty Cao su Thanh Hóa, từ năm 2005 đến 2013, Cty trồng mới đạt hơn 2.700 ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây do giá mủ cao su sụt giảm, tâm lý người dân dao động dẫn đến kế hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, chủ trương bàn giao nguyên trạng Cty Lâm nghiệp Lang Chánh và Cty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc thuộc Tổng Cty Giấy Việt Nam về Tập đoàn (trừ diện tích rừng và đất rừng phòng hộ, diện tích rừng và đất rừng SX không trồng được cao su, đất ở, đất giao thông, cơ sở hạ tầng bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật) đến nay cũng chưa thực hiện xong.
Sau khi họp bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng và Tổng Giám đốc Tập đoàn CNCSVN Trần Ngọc Thuận đều cho rằng cây cao su là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài và phù hợp với nhiều vùng đặc điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa “nhưng Tập đoàn không làm bằng mọi giá để lấy đất của dân trồng cao su”, ông Thuận nói.
Còn về việc bàn giao 2 Cty lâm nghiệp về Cty cao su Thanh Hóa Tập đoàn và UBND tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tỉnh Thanh Hóa cũng ủng hộ việc hỗ trợ Cty Cao su Thanh Hóa xử lý dứt điểm nợ đọng từ dự án cà phê để hoạt động ổn định. (Nông Nghiệp Việt Nam 25/7, tr4) đầu trang(
Mấy ngày nay, hàng trăm người dân kéo tới bao vây, xiết nhà và tài sản khác của gia đình bà Trần Thị Thủy, ở đường Hùng Vương, khu phố 10, phường 5, TP Đông Hà.
Trước tình hình này, ngày 22/7, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương chi nhánh tại Quảng Trị đã niêm phong ngôi nhà bà Thủy, tiến hành thu hồi vốn vay theo quy định của pháp luật. Sự việc căng thẳng đến mức lực lượng công an đã được điều đến bảo vệ tài sản.
Tìm hiểu của PV được biết, bà Thủy tham gia buôn bán gỗ Lào (gỗ mua từ Lào tạm nhập vào Việt Nam và tái xuất sang nước thứ 3) từ nhiều năm nay. Năm 2011, bà Thủy bắt đầu gặp nhiều khó khăn do việc xuất khẩu gỗ sang thị trường Trung Quốc có nhiều biến động, giá cả giảm xuống mức thấp đến bất ngờ.
Cuối năm đó, bà Thủy đã gần như phá sản, nhưng vẫn vay mượn tiền để xây dựng nhà lớn nhằm mục đích thế chấp ngôi nhà này tại ngân hàng, lấy tiền tiếp tục buôn bán gỗ, hy vọng vớt vát lại số tiền đã bị thua lỗ trước đó.
Được biết, ngoài số tiền 30 tỷ đồng bà Thủy có được do thế chấp nhà trên tại Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương chi nhánh tại Quảng Trị, có thông tin cho rằng bà Thủy còn tiến hành huy động vốn bằng cách thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người dân, thế chấp giấy này tại một số ngân hàng để lấy tiền...
Tại địa bàn Quảng Trị đây là vụ vỡ nợ thứ hai sau vụ của vợ chồng Cao Xuân Thiện, Nguyễn Thị Lan Anh, với số tiền được cho là lên tới hơn 300 tỉ đồng vào năm 2011. (Nông Nghiệp Việt Nam 25/7; Công An Nhân Dân 25/7, tr5; Lao Động 25/7, tr7) đầu trang(
Việt Nam được coi là công xưởng gỗ của thế giới, nhưng bản thân các sản phẩm chưa đáp ứng đủ nhu cầu tại nội địa. Trong khi đó giá trị xuất khẩu cũng không cao do chưa áp dụng khoa học kỹ thuật để gia tăng giá trị các sản phẩm.
Theo khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest), bình quân mỗi hộ gia đình ở Việt Nam cần mua sắm đồ gỗ với khoảng 6 triệu đồng/hộ/năm. Nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh…
Tuy nhiên, với thị trường nội địa đầy tiềm năng này, các sản phẩm gỗ tại nội địa chưa đáp ứng nhu cầu nên lượng nhập khẩu còn rất lớn. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản kiêm Phó Chủ tịch CLB Lâm nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về việc tìm chỗ đứng cho các sản phẩm gỗ ngay tại nội địa.
Ông Ngô Sỹ Hoài cho biết: Đúng là có thực tế ngành gỗ đang “bỏ trống sân nhà, chỉ đá sân ngoài”. Điều này không có gì đáng lo lắng, hoặc quá trầm trọng hoá vấn đề vì giao thương xuất nhập khẩu giữa các nước là bình thường. Cái gì mà mình có lợi thế cạnh tranh thì mình làm.
Cụ thể, hiện nay chúng ta xuất khẩu nhiều đồ gỗ và Việt Nam trở thành công xưởng gia công đồ gỗ cho thế giới vì chúng ta có nhân công rẻ lại có tay nghề tương đối tốt. Nhiều công ty nước ngoài đặt gia công gỗ giá rẻ và tiêu thụ nhiều các loại đồ mộc ngoài trời. Hàng sản xuất tại Việt Nam đã xuất khẩu sang châu Mỹ, châu Âu… Các mặt hàng được ưa chuộng hiện nay chủ yếu là đồ gỗ nội thất với phân khúc bình dân và ít chi tiết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hướng các nhà sản xuất nội địa về lâu dài sẽ đổi mới công nghệ sản xuất và làm ra những hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn.
Một phần là do thị hiếu khách hàng, còn một phần là do chưa có nhà phân phối lớn tại thị trường nội địa. Người tiêu dùng trong nước có thói quen sử dụng nhiều đồ mộc, đồ gỗ gắn với da và nhiều vật liệu khác hoặc đồ gỗ làm từ ván nhân tạo giá rẻ và tạo cảm giác thanh thoát hơn. Các nước đã đi trước về công nghệ nên sản xuất các sản phẩm phối hợp nhiều chất liệu ưu thế hơn Việt Nam, vì vậy các sản phẩm gỗ tiêu dùng tại nội địa chủ yếu lại là đồ nhập khẩu.
Cùng với  đó, một loạt doanh nghiệp đang muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước nhưng rất khó khăn khi tìm nhà phân phối. Trong khi đó, chúng ta lại dễ dàng tìm các nhà phân phối xuất khẩu với các đơn hàng lớn hơn. Tuy nhiên, rất cần phải học hỏi cách làm của nước ngoài để có những sản phẩm chất lượng, giá thành thấp ngay tại nội địa.
Hiện chúng ta khá phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu gỗ để gia công. Chúng ta cũng đang dạng hoá nguồn nguyên liệu thông qua việc nhập khẩu gỗ từ Bắc Mỹ, Châu Âu với nhiều loại gỗ như sồi, tần bì, anh đào… Đây là nguồn gỗ vô cùng dồi dào, chất lượng đảm bảo, giá vừa phải. Ngoài ra, ở những nước này họ quản lý rừng rất tốt nên không sợ tiêu thụ và khai thác gỗ bất hợp pháp và không sợ rào cản về nguồn gốc gỗ các nước châu Âu và Mỹ.
Cái khó là lâu nay ngành gỗ vẫn theo hướng phát triển chiều rộng, sử dụng nhân công giá rẻ để cạnh tranh. Trong khi chi phí ngày một đắt đỏ thì lao động không thể sống bằng 3-4 triệu tiền lương 1 tháng. Nếu vẫn giữ mức lương như hiện nay thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu nhân công. Thực tế, trong Hiệp hội của chúng tôi đã có những doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao động từ miền Bắc, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh… làm cho nhà máy chế biến gỗ nghỉ Tết không quay trở lại làm việc, rất nhiều nhà máy thiếu nhân công do thu nhập thấp.
Như vậy, thách thức lớn nhất là hiện đại hoá công nghệ, làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, giá đắt hơn và trả lương cho lao động tốt hơn. Thứ hai là phải đa dạng hoá thị trường, có thị trường ổn định, chủ động, chúng ta đang đi "chợ chiều", không có thương hiệu, chủ yếu gia công cho nước ngoài.
Thời gian tới, những rào cản kỹ thuật của EU, Mỹ, Úc bằng việc kiểm soát gỗ có xuất xứ không phạm luật rất gắt gao. Nhìn chung các nước đều muốn các nhà sản xuất chế biến mộc không được tiêu thụ gỗ bất hợp pháp, phải truy xuất được nguồn gốc và đường đi của gỗ để làm sao sản phẩm không bị rủi ro tiêu thụ gỗ bất hợp pháp. Những khó khăn này các doanh nghiệp rất cần phải hiểu rõ.
Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, các DN, cơ sở sản xuất cần sớm khắc phục tư duy cá thể làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, chụp giật để hợp tác, gắn bó, chia sẻ, đảm bảo chữ tín trong kinh doanh. Cần liên kết chặt chẽ giữa các làng nghề gỗ, các DN sản xuất cùng loại sản phẩm, chia sẻ thông tin thị trường, chọn một làng nghề gỗ hay một DN làng nghề gỗ đủ năng lực làm đầu đàn tổ chức, hợp tác sản xuất tạo những lô hàng lớn đảm bảo chất lượng, tìm kiếm thị trường phù hợp. Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, cùng chia sẻ lợi nhuận.
Các làng nghề chế biến gỗ nói riêng và các DN ngành chế biến gỗ nói chung cũng cần phải đẩy mạnh việc đổi mới nguyên liệu phục vụ sản xuất, đổi mới mẫu mã, thiết kế để sản phẩm làm ra ngày càng phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng; cải tiến hình thức, phương pháp xúc tiến thương mại, cung cấp ngày càng nhiều thông tin về sản phẩm hơn đến người sử dụng; đồng thời cùng nhau chung tay, góp sức xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm đủ mạnh trên phạm vi cả nước…(Chính Phủ 24/7) đầu trang(
Báo Kinh doanh & Pháp luật nhận được Đơn kiến nghị của ông Đặng Xuân Linh, đại diện cho hơn 40 hộ dân trồng rừng ở đảo Cặp Tiên 2, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, cho biết việc UBND huyện Vân Đồn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất cho ông Đinh Khắc Tình chồng chéo lên đất của nhiều hộ dân khác.
Bên cạnh đó, ông Đinh Khắc Tình tiến hành thi công đường đấu nối với mục đích khai thác gỗ khi hồ sơ, thủ tục chưa hoàn thiện nhưng không bị xử lý. Đặc biệt, ông Tình cho thi công quá giấy phép được cấp, dẫn đến việc phá rừng phòng hộ, hủy hoại rừng do các hộ dân khác trồng, gây mâu thuẫn trầm trọng trong nhân dân địa phương.
Ông Đặng Xuân Linh cho biết: Đất trồng rừng ở đảo Cặp Tiên 2, xã Đông Xá được hơn 40 hộ trồng rừng từ năm 1992 đến nay. Ngày 25/4/2014 vừa qua, hộ chị Tuyết và chị Nhung tiến hành trồng bổ sung cây con thì bị ông Đinh Khắc Tình - người địa phương - cho người đến cản phá bằng cách không cho trồng cây, nhổ cây con, đe dọa, ném đá, nghiêm trọng hơn là họ dùng súng ngắn để đe dọa chị Tuyết và Chị Nhung. Lí do ông Tình đưa ra là: Đất rừng khu vực này đã được UBND huyện Vân Đồn cấp GCNQSD đât cho ông Tình từ năm 2008.
Nhận được tin báo về những hành động côn đồ, bất chấp pháp luật nêu trên, lãnh đạo xã Đông Xá, công an xã phối hợp với công an huyện Vân Đồn và các hộ dân ngay lập tức có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, khi họ có mặt thì nhóm người của ông Tình đã bỏ đi.
Về việc cấp GCNQSD đất, UBND huyện Vân Đồn tại Quyết đinh số 135/QSDĐ ngàỵ 01/02/2008 về việc cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho ông Đinh Khắc Tình với diện tích 298.000m2, số seri AM005669 ghi tên Đinh Khắc Tình nhưng chưa có số phát hành và chưa vào sổ theo dõi của Phòng TN&MT.
Sau khi ông Đinh Khắc Tình được cấp GCNQSD đất, các hộ dân có quyền lợi bị ảnh hưởng đã khiếu kiện dẫn đến việc ngày 10/02/2014, UBND huyện Vân Đồn tại Quyết định số 215/QĐ-UBND đã thu hồi và hủy bỏ GCNQSD đất của ông Đinh Khắc Tình. Lí do thu hồi: “diện tích giao có sự tranh chấp, trùng chéo vào một số hộ dân ở khu vực Cặp Tiên 2 đã trồng cây”.
Tiếp đó, ngày 23/6/2014, UBND huyện Vân Đồn có Quyết định số 1045/QĐ-UBND về việc thu hồi GCNQSD đất và hủy bỏ Quyết định cấp GCNQSD đất số 135/ QĐ-UBND đã nêu trên.
Theo đó, thu hồi GCNQSD đất số seri AM 005669, đồng thời hủy bỏ Quyết định cấp GCNQSD đất số 135 ngày 10/02/2008 cấp cho ông Đinh Khắc Tình. Lí do thu hồi: Quyết định 135 và GCNQSD được cấp trái với các quy định của pháp luật.
Như vậy, ông Đinh Khắc Tình không còn là chủ sử dụng của 298.000m2 đất rừng tại đảo Cặp Tiên 2. Ông Tình đã thực hiện Khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án yêu câu hủy bỏ Quyết định 215/QĐ-UBND ngàỵ 10/02/2010 của UBND huyện Vân Đồn.
Việc san gạt làm đường khai thác gỗ trở nên khá phức tạp bởi ngày 11/10/2012, ông Đinh Khắc Tình cùng lúc gửi Đơn xin mở đường khai thác gỗ và đường băng cản lửa nhưng đồng thời đã tiến hành thi công khi chưa có bất cứ ý kiến của cơ quan chức năng nào. Phát hiện có sự san gạt đường từ khu rừng Cặp Tiên đấu nối với đường 334, Đội thanh tra xây dựng - giao thông huyện Vân Đồn đã lập biên bản yêu cầu ông Đinh Khắc Tình dừng thi công và hoàn tất thủ tục với cơ quan có thẩm quyền.
Sau khi xem xét đơn của ông Tình, UBND huyện Vân Đồn không đồng ý cho ông Tình thực hiện vì việc mở và sửa chữa đường sẽ gây ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, mỹ quan đô thị cửa ngõ của khu đô thị Cái Rồng.
Mặc dù không được UBND huyện đồng ý nhưng ông Đinh Khắc Tình vẫn nhiều lần cố tình thực hiện việc mở đường vì cho rằng GCNQSD đất được UBND huyện Vân Đồn cho phép mở đường vận xuất và đường băng cản lửa. Những lần ông Tình tổ chức thi công đều bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt.
Đến ngày 07/01/2014, Sở GTVT Quảng Ninh có Văn bản số 104/SGTVT-HTGT về việc cấp Giấy phép thi công đấụ nối tạm thời (đường công vụ vận xuất khai thác gỗ vào km2 + 370 ĐT334 tỉnh Quảng Ninh cho ông Đinh Khắc Tình tại tiểu khu 198a, khoảnh 4, thôn Cặp Tiên xã Đông Xá, huyện Vân Đồn.
Chỉ với giấy phép này, ông Đinh Khắc Tình tiếp tục thi công đường đấu nối khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chấp nhận đầu tư. Đáng chú ý là ông Tình đã thi công quá phần được cấp phép, dẫn đến việc chặt cây, phá rừng do các hộ dân xung quanh trồng, gây mâu thuẫn trong nhân dân.
Đại diện các hộ dân, ông Đặng Xuân Linh bức xúc: “Việc mở đường san gạt của ông Tình, phá hoại cây rừng của chúng tôi trồng là trái với quy định của pháp luật. Hiện tại, một con đường rộng ôtô tải có thể đi lại được dài 4 -5km bao quanh 1/2 đảo Cặp Tiên 2 tại sao không bị chính quyền các cấp xử lý? Hơn nữa, đường có độ dốc lớn, lại quanh co ở đoạn giao với đường 334, rất nguy hiểm cho người và các phương tiện giao thông qua lại.
Một việc làm coi thường kỷ cương, phép nước như vậy tại sao không bị xử lý, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi của chúng tôi, đặc biệt xem xét và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của ông Tình và những người có liên quan ở các vấn đề: cấp đất, mở đường san gạt trái phép, hủy hoạt tài sản, đe dọa và xâm hai tính mạng người khác, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép...
Bên cạnh đó, chúng tôi thắc mắc rằng: Năm 2008, khi cấp GCNQSD đất cho ông Tình, UBND huyện có điều tra, xác định số hộ trồng rừng trên đảo Cặp Tiên 2 hay không mà để xảy ra tình trạng cấp GCNQSD đất trùng chéo lên hộ khác, dẫn đến tình trạng tranh chấp ngày hôm nay? Ai là người chịu trách nhiệm cho những việc làm sai trái, những thiệt thòi này”?
Trên cơ sở áp dụng Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Thông tư số số: 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì thấy rằng, việc mở đường đấu nối, đường băng cản lửa và san gạt của ông Tình đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét và xử nghiêm hành vi vi phạm trên theo các quy định của pháp luật. (Kinh Doanh & Pháp Luật 23/7, tr17) đầu trang(
17.7, sau khi đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng mua bán rừng trồng tại Quảng Trị, thay vì tuyên y án sơ thẩm hoặc đồng ý với các kháng cáo, kháng nghị để thay đổi án sơ thẩm, thì HĐXX của TAND tối cao tại Đà Nẵng lại “xin” bị đơn, nguyên đơn và các bên liên quan giữ lại bản án và sẽ triệu tập lại các bên để tuyên án sau.
Nguyên đơn của vụ kiện là ông Hoàng Trọng Độ (49 tuổi, trú xã Vĩnh Lâm, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Đồng bị đơn là nhóm hộ các ông Nguyễn Bặm, Lê Cương, Hồ Thanh Xuân (cùng trú xã Hải Thượng, H.Hải Lăng, Quảng Trị- gọi tắt là nhóm hộ). Người có nghĩa vụ liên quan là bà Đào Thị Hồng (47 tuổi, trú xã Hải Thượng).
Theo nguyên đơn, năm 2007, (ông Độ  cùng bà Hồng, 2 người lúc này rất thân thiết) đã thỏa thuận với nhóm hộ mua 10 ha rừng trồng thuộc xã Hải Trường (H.Hải Lăng) giá 340 triệu đồng. Nguyên đơn cũng cho rằng ông đã đặt cọc 50 triệu đồng và đưa tiếp 250 triệu đồng vào các ngày 25.12.2007 và 30.12.2007 cho nhóm hộ để mua rừng.
Thời gian về sau, ông Độ bà Hồng không còn thân thiết như xưa. Chính ông Độ đã tố cáo bà Hồng và năm 2009, bà Hồng bị Viện KSND H.Hải Lăng truy tố, bắt tạm giam về tội “Trộm cắp tài sản” do bà Hồng đã cho khai thác chính lô rừng của nhóm hộ nói trên. Tuy vậy, sau hai phiên phúc thẩm và sơ thẩm, tòa án đã tuyên bà Hồng vô tội. Về sau, bà Hồng khởi kiện và Viện KSND H.Hải Lăng đã phải bồi thường oan sai cho bà 695 triệu đồng...
Theo bà Đào Thị Hồng, số tiền 250 triệu đồng là của bà trả cho nhóm hộ. Cũng theo bà này, thì ngay sau khi thoát khỏi vòng lao lý, nhóm hộ đã nhiều lần yêu cầu ông Độ, bà Hồng khai thác rừng, nhưng ông Độ không có trả lời mà chỉ có bà Hồng trả nốt 40 triệu còn lại và bồi thường cho nhóm hộ hơn 123 triệu đồng do vi phạm hợp đồng, chậm khai thác.
Cả 2 bên đều có các loại giấy tờ, chứng cứ bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng tại phiên sơ thẩm, chủ tọa đã nhận định các tài liệu của ông Độ đưa ra có một số không phù hợp với diễn biến vụ việc, nhưng 2 hội thẩm nhân dân lại cho rằng việc khởi kiện của ông Độ là có cơ sở. Cuối cùng, HĐXX đã tuyên buộc nhóm hộ phải trả lại cho ông Độ khoản tiền 300 triệu đồng.
Trớ trêu, phiên sơ thẩm diễn ra ngày 17.4, HĐXX hẹn các bên liên quan ngày 21.4 sẽ tuyên án nhưng lại bất ngờ tuyên vào ngày 18.4, khi vắng mặt nhóm hộ và bà Hồng.
Sau khi có bản án sơ thẩm, Viện KSND tỉnh Quảng Trị kháng nghị tòa phúc thẩm sửa bản án, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Độ. Nhóm hộ và bà Hồng cũng có kháng cáo tương tự đồng thời đề nghị tòa phúc thẩm xem xét việc 2 hội thẩm nhân dân thiếu khách quan trong xét xử. Thậm chí, ông Độ (người được cho là đã “thắng” trong phiên sơ thẩm) cũng có kháng cáo không đồng ý với phần nhận định của bản án, một lần nữa khẳng định chứng cứ của mình là chính xác.
Tại phiên phúc thẩm, các bên liên quan không đưa ra các chứng cứ gì mới mà chỉ diễn giải, bảo vệ quan điểm của mình. Riêng các nhóm hộ khẳng định lô rừng đã bán cho Độ và Hồng vì theo họ lúc bán 2 người này rất thân thiết, tuy 2 mà 1. Trước khi tòa nghị án, vị đại diện Viện KSND tối cao một lần nữa đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, bác đơn kiện của ông Độ.
Sau khi nghị án, quay lại xét hỏi rồi lại... nghị án, HĐXX vẫn không đưa ra được phán quyết cuối cùng cho vụ kiện dân sự này. Và “câu kết” của HĐXX như đã nêu ở đầu bài đã làm toàn bộ các bên liên quan chưng hửng. “Tôi cũng thấy làm lạ khi không nghe HĐXX hẹn ngày nào sẽ tuyên án. Giờ chúng tôi biết làm gì ngoài việc ngồi đợi?”, bà Đào Thị Hồng nói. (Thanh Niên 24/7) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GỚI
Các chuyên gia thuộc Hiệp hội động vật học Luân Đôn (ZSL), Đại học Thú y Hoàng gia (RVC), Đại học Thú y và Bảo tàng Tự nhiên Toulouse (Pháp) cho biết, các loài linh trưởng và cá sấu từ các nước trung và tây châu Phi thường xuyên xuất hiện trong hành lý các du khách tới châu Âu.
Điều này thường xuyên xảy ra ở sân bay quốc tế Charles de Gaulle, Paris (Pháp). Trong vòng 17 ngày, 134 hành khách từ 29 chuyến bay đã bị cơ quan hải quan kiểm tra và hơn 50% số này mang theo cá hoặc thịt có nguồn gốc từ vật nuôi hoặc động vật hoang dã.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện có 11 loại thịt thú rừng hoặc thịt nói chung có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã, bao gồm cá sấu sông Nile Crocodylus niloticus, lợn lông đỏ Potamochoerus porcus, các loài linh trưởng, nhím và tê tê.
Điều tra cũng cho thấy, có tới 39% các loài hoang dã bị buôn lậu thuộc đối tượng điều chỉnh của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Trong khi đó, vật nuôi bao gồm cừu và bò nguyên con được đóng gói trong túi nhựa và hộp nhựa.
Trên cơ sở nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu ước tính có khoảng 5 tấn thịt thú rừng được vận chuyển qua đường hàng không trong các hành lý cá nhân hằng tuần vào châu Âu. Các chuyên gia cảnh báo buôn bán bất hợp pháp thịt thông qua hành lý như hộp nhựa tạo ra rủi ro chủ yếu đối với sức khỏe con người và có thể gây ra dịch bệnh, trong khi buôn bán thịt thú rừng cũng đồng thời đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của các loài hoang dã.
TS Anne-Lise Chaber thuộc ZSL và RVC khẳng định: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mỗi năm có chừng 270 tấn hàng hóa là thịt thú rừng độc hại và có nguồn gốc không rõ ràng được nhập khẩu không qua kiểm dịch vào các sân bay châu Âu một cách đơn lẻ. Đây chính là nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng”.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, bản chất của việc nhập khẩu cho thấy có một thị trường cao cấp về thịt kích thích việc buôn bán và không đơn thuần là nhu cầu tiêu thụ cá nhân.
TS Marcus Rowcliffe là thành viên của ZSL cho biết: “Kết quả cho thấy đây là hoạt động siêu lợi nhuận nhằm đáp ứng thị trường cao cấp: cứ 4 kg thịt khỉ có giá khoảng 100 euro ở thị trường Pháp so với giá 5 euro ở nước xuất xứ (Cameroon). Nhập khẩu thịt thú rừng tương đối dễ dàng do các nhân viên Hải quan thường không chú trọng kiểm tra việc nhập khẩu thịt bất hợp pháp khi mức thưởng thường cao hơn khi họ phát hiện ma-túy và tịch thu hàng lậu. Do đó, mức phạt đối với các đối tượng vận chuyển bất hợp pháp thịt thú rừng thường rất thấp”. (Nhân Dân 24/7) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng