Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 24 tháng 06 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có tổng diện tích đất rừng 18.346 ha, trong đó rừng tự nhiên 1.951 ha, rừng trồng 16.395 ha; độ che phủ rừng đạt 51,7%.
Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng- phòng cháy, chữa cháy rừng (QLBVR-PCCCR), Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cam Lộ đã kịp thời đấu tranh ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm minh các hành vi phá rừng, xâm hại tài nguyên rừng; hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra; góp phần bảo vệ tốt vốn rừng hiện có, quản lý chặt chẽ việc khai thác và sử dụng rừng có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân.
Ông Hoàng Ngọc Tiến, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cam Lộ cho biết: “Thời gian qua, do điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng tiêu cực của Elnino và việc sử dụng lửa bất cẩn trong xử lý thực bì để trồng rừng, rà tìm phế liệu chiến tranh, đốt ong lấy mật… của một số người dân đã dẫn đến lửa cháy lan vào rừng. Mặt khác, áp lực nhu cầu về đất sản xuất và phát triển cây công nghiệp, trồng rừng nguyên liệu gỗ keo ngày càng lớn nên xảy ra tình trạng người dân phá, lấn chiếm các khu vực rừng tự nhiên chưa được giao khoán bảo vệ và rừng của một số chủ rừng lớn chưa sử dụng hết để chiếm đất một cách tự phát, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Trước tình hình đó, Hạt kiểm lâm huyện đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tham mưu cho UBND huyện Cam Lộ, Ban chỉ đạo bảo vệ rừng huyện ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch, phương án BVR-PCCCR, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ cho các xã, chủ rừng để chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Đồng thời, Hạt kiểm lâm huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức BVR-PCCCR trong cộng đồng, thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo việc sử dụng lửa đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất trong rừng, ven rừng, xử lý thực bì để trồng rừng trong những ngày nắng nóng cao điểm, góp phần hạn chế số vụ cháy rừng. Hàng năm, tổ chức hội nghị PCCCR để đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình trong công tác BVR-PCCCR… Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, trên địa bàn huyện Cam Lộ có nhiều điểm cháy vào rừng trồng, nhưng nhờ phát hiện và huy động lực lượng nhân dân tại chỗ, công an, dân quân các xã, chủ rừng tham gia dập lửa kịp thời, nên đã khống chế và dập tắt ngọn lửa, không gây thiệt hại đến rừng”.
Thực tiễn công tác QLBVR và phát triển rừng trong những năm qua cho thấy thu nhập từ rừng mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống cho một bộ phận nhân dân. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất, chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp sử dụng kém hiệu quả sang trồng rừng nguyên liệu, cây công nghiệp, lập trang trại kết hợp chăn nuôi với trồng rừng… ngày càng phát triển, tác động đến công tác QLBVR-PCCCR.
Những năm qua, Hạt kiểm lâm Cam Lộ đã phối hợp với chính quyền 3 xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành và các phòng ban chuyên môn của huyện hoàn thành bàn giao 1.460 ha/ 1.786 ha rừng tự nhiên cho 473 hộ gia đình quản lý bảo vệ và hưởng lợi từ vốn rừng theo quy định.
Do đó đã cơ bản hạn chế tình hình chặt phá, khai thác, đốt than, lấn chiếm đất rừng kéo dài như trước đây. Nhận thức của nhân dân về công tác BVR-PCCCR ngày một nâng lên. Nhân dân đã chủ động thông tin tố giác các hành vi xâm hại rừng, các điểm cháy xuất hiện trong rừng, giúp cho lực lượng kiểm lâm kịp thời đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các vụ việc xảy ra .
Để nâng cao năng lực chỉ huy PCCCR, đồng thời chủ động, thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp trong huy động lực lượng, phương tiện, toàn dân tham gia PCCCR, Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng huyện Cam Lộ đã tiến hành rà soát, bổ sung phương án PCCCR.
Căn cứ tình hình cháy rừng trong mùa khô các năm, tình hình tài nguyên rừng và phân chia ranh giới hành chính xã, thị trấn trên địa bàn, huyện Cam Lộ xác định có ba vùng trọng điểm chữa cháy rừng, gồm: vùng một thuộc các xã Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Thanh, Cam An ở phía Bắc sông Hiếu với tổng diện tích rừng trồng 8.461 ha; vùng hai thuộc các xã Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ với tổng diện tích 1.754 ha; vùng ba là các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành với tổng diện tích có rừng 8.132 ha.
Hiện nay, tổng diện tích rừng có thể huy động xe cơ giới tiếp cận tham gia chữa cháy ở vùng một là 3.670/ 8.461 ha; vùng hai là 1.100/ 1.754 ha; vùng ba là 2.091 ha/ 8.132 ha. Việc có khoảng 2/3 diện tích rừng không thể chữa cháy bằng phương tiện cơ giới là thách thức không nhỏ trong công tác PCCCR, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu quả của công tác PCCCR, đưa công tác PCCCR vào nền nếp, vận hành theo một cơ chế thống nhất với phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ), trong đó chú trọng lực lượng tại chỗ, phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để.
Rừng của ai, địa phương nào thì người đó, địa phương đó chủ động tổ chức huy động lực lượng cứu chữa và kịp thời thông tin báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng huyện khi phát hiện đám cháy để có phương án ứng cứu hiệu quả.
Phương án PCCCR của huyện cũng đưa ra các giải pháp và cách xử lý các tình huống cháy rừng, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và phân công cụ thể người chỉ huy chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng. Nhờ đó, hầu hết các vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Cam Lộ thời gian qua đều được phát hiện sớm, dập tắt đám cháy kịp thời, không gây thiệt hại đến rừng. (Báo Quảng Trị 24/6) đầu trang(
Nắng nóng, các đường dây truyền tải điện cao áp có nguy cơ cao về mất an toàn do thực trạng đốt thực bì làm nương rẫy ở các khu vực hành lang an toàn lưới điện.
Các đường dây cao áp là bộ phận quan trọng trong hệ thống truyền tải điện Quốc gia. Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong quá trình truyền tải sẽ gây sự cố mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt và sản xuất.
Vào mùa nắng nóng, các đường dây truyền tải điện cao áp luôn ở trong tình trạng nguy cơ cao về mất an toàn do những vi phạm của con người, nhất là nguy cơ cháy nổ do thực trạng đốt thực bì làm nương rẫy ở các khu vực hành lang an toàn lưới điện. Chính vì vậy, việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa khô là việc làm hết sức cần thiết. (Đài Truyền Hình Việt Nam 23/6) đầu trang(
Thời tiết nắng nóng kéo dài với nhiệt độ từ 38-400C tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Để chủ động và triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm tới mức thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Thuỷ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô năm 2016.
Ngay từ đầu mùa hanh khô năm 2016, Hạt đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng cho nhân dân các địa phương, đặc biệt ở các xã có nhiều diện tích rừng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Yến Mao, Phượng Mao, Đào Xá; tăng cường tuần tra, canh gác, thống kê toàn bộ diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rừng, tu sửa 10km chiều dài, 5m chiều rộng đường băng cản lửa ở các vùng giáp ranh với các huyện Tam Nông và Thanh Sơn.
Ông Nguyễn Hữu Huyến- cán bộ Lâm nghiệp xã Yến Mao cho biết: “Sau khi được tham gia các lớp tập huấn tôi đã được trang bị thêm các kiến thức và kỹ năng cơ bản về công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Từ đó, tôi vận dụng ngay vào thực tế để tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân trong xã nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Tôi thường xuyên đi tuần tra để kiểm tra rừng, ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra cháy rừng như các em nhỏ hay người lớn vào rừng đốt ong có thể gây ra cháy rừng vì thời tiết nắng nóng, cháy rừng rất dễ bùng phát”.
Được cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện và cán bộ lâm nghiệp xã tuyên truyền, nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ rừng đã được nâng lên rõ rệt- nhất là người dân vùng cao dân tộc thiểu số.
Họ đã chủ động trong công tác bảo vệ rừng của gia đình mình cũng như rừng trồng sản xuất có nguồn vốn từ lâm trường đầu tư. Bảo vệ diện tích rừng của gia đình mình không chỉ là cách mình bảo vệ tài sản của mình mà còn là cách để bảo vệ nguồn tài nguyên của quốc gia.
Hiện nay, huyện Thanh Thuỷ có trên 3.200ha rừng, trong đó có trên 500ha rừng trồng phòng hộ, còn lại là diện tích rừng trồng sản xuất. Các loại cây trồng chủ yếu là bạch đàn và keo, được trồng tập trung ở các xã Đào Xá, Yến Mao. Do tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng nên trong những năm qua, trên địa bàn huyện Thanh Thuỷ không xảy ra cháy rừng.
Biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng được Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Thuỷ cho là hiệu quả nhất là loại hình đường băng trắng cản lửa. Khi có đường băng cản lửa đã hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về cháy rừng, không làm cháy lan từ huyện này sang huyện khác, xã này sang xã khác. Đường băng cản lửa còn là ranh giới giữa các huyện với nhau. Loại hình đường băng này đã được huyện duy trì, tu sửa định kỳ từ năm 2007 đến nay.
Ông Trương Tất Bằng- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Thuỷ cho biết: “Để công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa hanh khô và công tác bảo vệ rừng mang lại hiệu quả, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường cán bộ bám nắm cơ sở, địa bàn để tuần tra. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng trồng của gia đình cũng như rừng trồng có nguồn vốn đầu tư của lâm trường. Chúng tôi sẽ làm tốt hơn nữa công tác dự báo, dự tính mức độ, cấp độ xảy ra cháy rừng, đặc biệt quan tâm đến những diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; góp phần để duy trì diện tích rừng, không để tình trạng cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện.” (Báo Nghệ An 23/6) đầu trang(
Gần một tháng không có giọt mưa nào, nắng nóng luôn ở ngưỡng 38 - 40oC kèm theo gió Lào thổi cấp 4, cấp 5 đã nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Gần 361.000ha rừng và đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh đang bị “giặc lửa” bủa vây, có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 369.970ha rừng và đất lâm nghiệp thì có đến hơn 114.000ha là rừng phòng hộ; 74.512ha rừng đặc dụng và gần 172.000ha rừng sản xuất.
Đầu năm 2014, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) lâm nghiệp, các cơ quan chuyên môn đã giao, cấp GCN hơn 44.000ha rừng và đất lâm nghiệp cho 17.305 hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Sau khi rừng được giao cho hộ gia đình quản lý, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nên tình trạng cháy rừng vào mùa hè khi người dân xử lý thực bì, vệ sinh rừng không đúng quy định.
Gần một tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ rải rác một số huyện có mưa nhỏ, trong khi nền nhiệt độ luôn ở ngưỡng 38 - 40oC kèm theo gió Lào thổi cấp 4, cấp 5 nên gần 125.000ha rừng luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ, mức cảnh báo cháy rừng ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Diện tích có nguy cơ cháy cao tập trung ở rừng trồng thông, keo, giang nứa... thuộc các huyện, thị xã như Hương Sơn (gần 22.000ha); Hương Khê (28.265ha); Kỳ Anh (hơn 23.000ha); Vũ Quang (11.136ha); Cẩm Xuyên (hơn 12.000ha)...
Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng BVR - bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho hay, tất cả các loại rừng trên địa bàn hiện đều rất dễ bén lửa và lây lan nhanh. Nguyên nhân một phần do nắng nóng kéo dài kèm theo gió Lào thổi mạnh khiến thảm thực bì khô nỏ; hệ thống các công trình phòng cháy chữa cháy tuy chủ rừng, chính quyền có đầu tư nhưng do diện tích rừng dễ cháy quá lớn nên chưa đáp ứng được yêu cầu; kinh phí xây dựng công trình phòng cháy của các chủ rừng còn hạn chế.
Về chủ quan, sau khi rừng được giao cho hộ gia đình quản lý, một số vùng người dân tranh thủ xử lý thực bì để trồng rừng chưa đúng quy định nên tiềm ẩn nguy cơ gây cháy; không loại trừ mâu thuẩn, hiềm khích giữa các chủ rừng với nhau dẫn đến đốt rừng; người dân sử dụng nguồn lửa thiếu ý thức khi soi bắt ong, thắp hương tại các đền chùa...
“Mặc dù cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp cực kỳ nguy hiểm nhưng nhờ chủ động thực hiện các phương án phòng nên đến nay trên địa bàn mới xảy ra một vụ cháy tại xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc. Diện tích thiệt hại 0,4ha thông, keo 7 năm tuổi.
Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy”, ông Tùng nói. Cũng theo ông Phan Thanh Tùng, so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ cháy năm nay giảm 4 vụ; diện tích giảm 12,8ha.
Ngay từ đầu năm, diễn biến thời tiết có nhiều bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khi lên “kịch bản” phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh chỉ đạo các địa phương, chủ rừng lấy công tác phòng là chính, trường hợp xảy ra cháy rừng lực lượng “4 tại chỗ” phải được huy động một cách nhanh nhất. Ví dụ như vụ cháy rừng ở xã Thuần Thiện, tuy thời điểm xảy ra cháy vào lúc nửa đêm nhưng nhờ trực gác, phát hiện, huy động các lực lượng chữa cháy kịp thời nên đám cháy được dập tắt trong thời gian ngắn (2 giờ đồng hồ).
Năm 2016, phương án PCCCR được “lên dây cót” thông qua việc kiện toàn 12 BCĐ cấp huyện, 156 BCĐ cấp xã và 22 BCĐ chủ rừng. Đồng thời, thành lập 25 tổ, đội xung kích chữa cháy rừng cấp huyện; 205 tổ, đội cấp xã và 49 tổ, đội của chủ rừng.
“Các lực lượng này được giao nhiệm vụ trực chòi canh 24/24h trong những ngày nắng nóng để phát hiện sớm lửa rừng. Ngoài ra, thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã hàng ngày cảnh báo cấp cháy rừng để người dân nâng cao cảnh giác; thực hiện ký cam kết trong các nhà trường, thôn xóm về việc sử dụng nguồn lửa, hạn chế vào rừng trong thời gian nắng nóng...”, ông Tùng nhấn mạnh.
Đối với diện tích rừng trồng thông, keo dễ cháy ở thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, Thạch Hà... ngay từ đầu năm các chủ rừng giao khoán từng lô, khoảnh cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ và khai thác nhựa thông. Khi rừng được giao tận hộ, người dân sẽ có ý thức bảo vệ tài sản, nguồn lợi kinh tế của mình, do đó việc xử lý thực bì hay sử dụng nguồn lửa trong suốt mùa nắng cũng được kiểm soát chặt chẽ. (Nông Nghiệp Việt Nam 23/6) đầu trang(
Rừng phòng hộ trên đỉnh núi Bình Ấm, giáp ranh giữa xã vùng cao Phú Mỡ và xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã bị chặt hạ trên 108ha. Các đối tượng thuê người dân dựng lều trại, dùng cưa máy, rìu rựa dàn hàng ngang phát trắng.
Khi chúng tôi cùng ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân; ông Vũ Công Tâm, Trưởng hạt Kiểm lâm huyện và lãnh đạo Phòng TN-MT huyện đi thực tế điểm nóng phá rừng ở Tiểu khu 83 và 90 (người dân quanh vùng gọi là núi Bình Ấm, thuộc xã Phú Mỡ), chứng kiến các cây gỗ cầy, giẻ, cồng, chò, sổ… bị đốn ngã la liệt trên các sườn núi.
Tại hiện trường trên núi Bình Ấm, ông Vũ Công Tâm cho biết: Tổng diện tích đã phát dọn 108,7ha, gồm 27,5ha rừng và 81,2ha đất lâm nghiệp. Qua kết quả kiểm tra của tổ công tác liên ngành, Hạt Kiểm lâm Đồng Xuân nhận thấy trên diện tích đã phát dọn được quy hoạch là đất lâm nghiệp chưa có rừng (theo bản đồ kết quả kiểm kê rà soát 3 loại rừng) nhưng thực tế trên khu vực đã phát dọn có 27,5ha đủ tiêu chí xác định là rừng.
“Diện tích này có trạng thái thực bì rất dày, một số loài cây lấy gỗ như: cầy, giẻ, cồng, chò, sổ… Vì vậy hành vi phát dọn thực bì trên diện tích này có dấu hiệu của hành vi phá rừng. Đối với rừng phòng hộ, phá hoại 3.000m2 là đủ để truy tố”, ông Tâm nói.
Tổ công tác cũng đã tiến hành đo tính trữ lượng cây gỗ trên diện tích rừng 27,5ha theo phương pháp ô tiêu chuẩn điển hình, có trữ lượng gỗ bình quân khoảng 18,880m3/ha, (tương đương 517m3).
Những ngày qua, dư luận trong nhân dân huyện Đồng Xuân cho rằng, việc phá rừng này do các đối tượng ở xã Xuân Quang 1 đứng ra thuê đồng bào dân tộc thiểu số chặt phát, đằng sau đó có sự tiếp tay của một số cán bộ địa phương?
Tại hiện trường, ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, khẳng định: Huyện chỉ đạo thành lập đội công tác liên ngành gồm công an, viện kiểm sát… lập 4 tổ chia ra 4 hướng điều tra, thu thập chứng cứ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Huyện kiên quyết xử lý không nương tay những cán bộ tiếp tay phá rừng.
Liên quan vấn đề này, ông Đoàn Cảnh Mai, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Xuân, cho biết: “Sau khi nghe nhân dân phản ánh tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn, tôi đi thực tế hiện trường và rất bức xúc vì vạt rừng này trước đây là khu kháng chiến phía Tây của tỉnh Phú Yên, nay đã bị phá nát. Trong chiến tranh, nơi đây có trạm xá Hồ Tây, kho đạn dược. Tôi đề nghị ngành chức năng xử lý nghiêm minh”.
Người dân lo ngại, việc phá rừng này sẽ làm đứt mạnh suối Cây Cau (bắt nguồn từ núi Bình Ấm), ảnh hưởng đến đời sống nhân dân ở các làng Bà Đẩu, Suối Trưởng (xã Xuân Quang 1). Đây cũng là khu vực đầu nguồn sông Kỳ Lộ (con sông lớn thứ hai ở Phú Yên, sau sông Ba), sau này có thể trở thành dòng sông chết.
Ông La O Hố, người Chăm H’ roi ở làng Bà Đẩu, nói: Nguồn nước người dân ở đây sinh hoạt hàng ngày từ suối Cây Cau, nhưng rừng bị phá tan tành, nay mai sẽ không còn nước dùng nữa. Còn ông La Mô Thái, cũng ở làng Bà Đẩu than vãn: Việc để rừng phòng hộ Bình Ấm bị phá, mùa nắng suối khô cạn, còn mùa mưa không có rừng giữ nước, lũ ống tràn về sẽ cuốn trôi cả làng. (Sài Gòn Giải Phóng 23/6) đầu trang(
6 tháng đầu năm, Hạt Kiểm lâm T.P Thái Nguyên đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, kinh doanh và vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép trên địa bàn.
Cụ thể, Hạt đã phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 13,93m3 gỗ các loại, trong đó gỗ quý hiếm là 0,474m3, thu nộp ngân sách trên 165 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm cũng đã kiểm tra, giám sát khai thác rừng tổng cộng 50 giấy phép do UBND các xã cấp với khối lượng cấp phép 1.575m3 gỗ vườn nhà, cây tự trồng và cây phân tán của các hộ gia đình với tổng khối lượng gỗ đã khai thác, vận chuyển là 1.222m3.
Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm thành phố tiếp tục phối hợp với các cơ quan trong Ban chỉ đạo về bảo vệ và phát triển rừng của Thành phố để tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các đối tượng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt vào các tháng mùa khô tại các xã trọng điểm. (Báo Thái Nguyên 23/6) đầu trang(
Tại “vựa rừng” Sơn Động (Bắc Giang), câu chuyện buồn từ việc Công ty lâm nghiệp Sơn Động mở đường phá hơn 20 ha rừng tự nhiên, người dân ồ ạt phá rừng và cả gia đình chủ tịch thị trấn cũng ngang nhiên phá bay hàng chục nghìn m2 rừng tự nhiên. Vậy trách nhiệm hệ thống chính quyền huyện Sơn Động ở dâu?
Trước hàng loạt vụ việc phá rừng gây chấn động dư luận ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, đặc biệt gần đây nhất là vụ việc con trai lãnh đạo huyện Sơn Động phá hơn 26.000m2 rừng bị phanh phui, vậy Chính quyền địa phương huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã và đang làm gì? Hay là, riêng ở địa phương này việc phá rừng của quan thị trấn là chuyện bình thường và được “đặc cách” không phải xem xét trách nhiệm trong khi những vụ việc tương tự đối với người dân, kể cả ở các địa phương khác đều phải đưa ra ánh sáng pháp luật xử lý nghiêm.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Với tư cách là một luật sư, tôi cho rằng trong vụ việc này cần phải xem xét làm rõ trách nhiệm của phía chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước dẫn đến hậu quả hàng chục, hàng trăm ngàn m2 rừng bị tàn phá.
Công tác quản lý Nhà nước là rất quan trọng, nếu như tội phạm phá rừng đã nguy hiểm, thì hành vi nơi lỏng, thiếu trách nhiệm của những người thực hiện công tác quản lý còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần vì chính những hàng vi “thiếu sót” và đúng hơn là
“Thiếu trách nhiệm” này dẫn đến hành vi phá hoại và để lại hậu quả nặng nề. Nếu chính quyền địa phương thực hiện không tốt chức năng của mình thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngời và có thể hiểu chính cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước địa phương đang “tiếp tay” cho tội phạm phá rừng. Do vậy, theo tôi trước hàng loạt vụ việc phá rừng đang được tiến hành, điều tra xác minh ở Sơn Động, Bắc Giang thì các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng thuộc tỉnh Bắc Giang, kể cả Chính phủ cũng đồng thời phải tiến hành điều tra, xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương tại đây, trách nhiệm đến đâu phải xử lý ngay đến đó”.
Theo luật sư Hoàng, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên và môi trường là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức và người dân, nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại gây ảnh hưởng đến tài nguyên quốc gia, đến môi trường sinh thái của cộng đồng và nhân loại, đối với vụ việc này khi bằng chứng đã được các cơ quan truyền thông vào cuộc điều tra, mọi thông tin đã sáng tỏ trước công luận.
“Tôi cho rằng UBND tỉnh Bắc Giang, cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang không thể không vào cuộc để có câu trả lời thỏa đáng đáp ứng được sự mong mỏi của người dân cả nước đang theo dõi vụ việc. Ngoài việc truy cứu trách nhiệm đối với cha con ông Thắng chủ tịch thị trấn Thanh Sơn liên quan đến hành vi hủy hoại rừng thì việc xem xét trách nhiệm đối với UBND huyện Sơn Động, đặc biệt cơ quan kiểm lâm Sơn Động là việc làm hết sức cần thiết bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, sự bình đẳng trước pháp luật của mọi cơ quan, tổ chức và công dân, sai phạm đến đâu cần ngăn chặn và xử lý kịp thời”, luật sư Hoàng nói.
Luật sư Hoàng cho rằng trong trường hợp này, nếu có dấu hiệu về “Tội thiếu trách nhiệm giây hậu quả nghiêm trọng” từ phía các cơ quan, người quản lý đã để xẩy ra hậu quả này thì cũng phải tiến hành khởi tố hình sự ngay theo quy định tại Điều 285 BLHS.
Ngoài ra, theo Điều 2 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng cũng quy định rõ Trách nhiệm của của Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biêt thông tư cũng quy định rõ: “Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật”.
Qua sự việc, tôi cho rằng nếu việc xử lý trách nhiệm quản lý không được tiến hành một cách kịp thời và mạnh mẽ thì tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp, không biết đến bao giờ mới chấp dứt, vô hình chung tất cả chúng ta đang “làm ngơ” để lâm tặc hoành hành.
Đối với hành vi phá rừng của ông Phạm Văn Cương (cán bộ tư pháp) là con trai của ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn mà cơ quan chức năng, cơ quan điều tra công an huyện Sơn Động đang tiến hành xác minh, điều tra làm rõ. Trường hợp này tôi cho rằng cần thiết phải mở rộng điều tra, xác minh rõ hành vi của ông Phạm Văn Thắng, vì ông này vốn là chủ sử dụng đất, chủ rừng được Nhà nước giao.
Tuy nhiên ông Thắng đã xác lập văn bản gọi là “ủy quyền” cho con trai là Phạm Văn Cương được toàn quyền quản lý, sử dụng hơn 26.000 m2 rừng đã bị phá. Vấn đề pháp lý cần được xem xét là quy trình, thủ tục ủy quyền có đúng và hợp pháp về cả hình thức lẫn nội dung không?
“Nếu cố ý xác lập “ủy quyền” bất hợp pháp có dấu hiệu về việc cố ý làm giả hồ sơ, tài liệu để thoái thác trách nhiệm thì cũng cần phải hủy “ủy quyền” đồng thời ông Phạm Văn Thắng phải có trách nhiệm trong việc hủy hoại rùng của người con Phạm Văn Cương, văn bản ủy quyền không đúng, không hợp pháp thì đương nhiên ông Thắng vẫn là chủ quản lý, sử dụng diện tích rừng. Việc con trai ông tự ý phá rừng, hủy hoại một diện tích rừng lớn như vậy, ông Thắng phải chịu trách nhiệm. Với tất cả các vấn đề nêu trên đều phải xem xét làm rõ và có chế tài nghiêm minh thì mới đủ sức răn đe được những đối tượng khác và đẩy lùi vấn nạn phá rừng ở Sơn Động được”, luật sư Hoàng khẳng định. (Dân Trí 24/6) đầu trang(
Vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, tỉnh Quảng Nam là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng các đối tượng khai thác vàng trái phép đã mở đường đưa phương tiện vào khu bảo tồn để đào vàng. Người dân địa phương không dám xâm hại khu bảo tồn vì sợ xử phạt.
Còn các đối tượng khai thác vàng lại ngang nhiên đưa thiết bị cày xới vùng lõi khu bảo tồn như thách thức lực lượng kiểm lâm và ban quản lý khu bảo tồn. Để lấy đất làm vàng, nhiều loại cây gỗ quý bị đốn hạ.
Cùng với các doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác vàng trong khu bảo tồn, hiện nay, hàng ngàn người khai thác vàng trái phép vẫn bám trụ trong những cánh rừng nguyên sinh.
Hóa chất độc hại như cyanua, thủy ngân dùng tuyển vàng đã hủy diệt môi trường sống của các loại động thực vật quý hiếm. Số lượng loại đặc hữu và các loài động vật trong sách đỏ suy giảm đến báo động. Nếu tình trạng này tiếp diễn, khu bảo tồn sẽ chỉ còn trên giấy. (Pháp Luật + 23/6) đầu trang(
Toà án nhân dân huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vừa đưa ra xét xử vụ án phá  hoại rừng nghiêm trọng tại  xã Sông Hinh. Đặc biệt các bị cáo trong vụ án đều cùng trong một gia đình.
Khoảng thời gian từ ngày 26/01 đến ngày 01/02/2015, Triệu Văn Vinh ở tỉnh Lạng Sơn, cùng mẹ đẻ của mình là Triệu Thị Múi, anh trai Triệu Văn Sơn và bà nội Triệu Thị Liều cùng trú tại huyện Sông Hinh bàn bạc, thống nhất dùng dao, rựa, cưa đến tiểu khu 314 thuộc khu vực suối Ma Đói, thôn 3, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh chặt, phát dọn 16.210m2 rừng để làm rẫy, gây thiệt hại trên 316 triệu đồng.
Hành vi huỷ hoại rừng của các bị cáo xâm hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, môi trường sinh thái, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội ở địa phương.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Triệu Văn Vinh 1 năm 6 tháng tù giam; bị cáo Triệu Văn Sơn 1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Triệu Thị Múi 1 năm tù cho hưởng án treo và Triệu Thị Liều 9 tháng tù treo, và các bị cáo liên đới bồi thường số tiền trên 313 triệu đồng. (ANTV 23/6) đầu trang(
Hà Giang là địa bàn núi non hiểm trở. Rừng xanh, với hệ thống thực vật vô cùng quan trọng trong điều hòa không khí, đời sống và sinh kế của người dân.
Song, chính sự bất hợp lý trong cấp phép khai thác khoáng sản ồ ạt đã dẫn đến nhiều chục ha rừng bị cạo trọc. Đến nay, 80% doanh nghiệp khai khoáng dừng hoạt động, nhưng những “núi” quặng chưa tuyển, chẳng có phương án che chắn, vẫn tiếp tục “hành” dân.
Từ đầu con đường dẫn vào xã Ngọc Minh (huyện Vị Xuyên), những đống quặng lộ thiên nằm xen lẫn những vạt rừng. Chúng trở thành nỗi nhức nhối, rất dễ ụp xuống đầu dân, trôi xuống sông, suối, tiếp tục tàn phá những vạt rừng xanh trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng bản Xám, cho biết: “Vào thời điểm hoạt động rầm rộ, rừng bị cày xới, đất đá trôi vào ruộng nương. Nay các doanh nghiệp dù gần như “chết” hẳn, nhưng vẫn tiếp tục làm hại môi trường rừng và đời sống bà con”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Công Cử, Chủ tịch UBND xã Ngọc Minh, cho biết: “Trước đây có 7 doanh nghiệp được cấp phép khai khoáng trên địa bàn xã, nay chỉ còn 1 doanh nghiệp hoạt động. Nhưng kiểu khai thác vô tội vạ đã gây ô nhiễm trầm trọng cho không chỉ người dân, mà cả nương rẫy, sông suối”.
Dẫn chúng tôi đến điểm mỏ của CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Điện lực Hà Giang, anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ địa chính xã Ngọc Minh, cho biết: “Đây là quặng đã được khai thác từ núi, chất đống ở đây nhưng chưa được tuyển, do giá xuống quá thấp. Đây là tình trạng diễn ra ở nhiều huyện của Hà Giang. Dù đã có quy định, các tập thể, cá nhân khai thác trên địa bàn phải cam kết phục hồi môi trường rừng, tìm phương án khắc phục hậu quả, trồng lại rừng”. Nhưng khi chúng tôi hỏi đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Cử cho biết các doanh nghiệp trên còn đang bận trồng rừng ở xã khác!
Một địa phương “chung số phận” là xã Minh Sơn, thuộc huyện Bắc Mê. Theo tìm hiểu, 5 công ty với 8 điểm mỏ đã từng hoạt động. Rừng núi bị cày xới nham nhở, sông suối bị “gặm” để tìm quặng, đường liên thôn xã cũng bị băm nát. Không chỉ người dân chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn và khói bụi, mà rừng xanh phải hứng chịu. Theo thống kê, hàng ngàn ha rừng bị quy hoạch, hơn 30ha đất rừng phòng hộ bị hoang hóa, nguồn nước bị suy kiệt. 5 thôn là Nà Sáng, Bình Ba, Lũng Vầy, Ngọc Trì và Khuổi Kẹn thiếu nước trầm trọng.
Một người dân bản Ngọc Trì thảng thốt: “Chủ dự án bỏ của chạy rồi, rừng đã được khắc phục đâu. Chúng tôi còn lo ngại vì rừng núi không được yên do khai thác. Trước đây sông suối trong lắm. Giờ chẳng ai dám tắm vì bệnh. Nương trồng cây khó lớn vì cằn cỗi, hỏng đất”. Theo tìm hiểu, trên địa bàn có hơn 60 doanh nghiệp được cấp phép khai khoáng, trong đó 50 doanh nghiệp dừng hoạt động.
Hỏi đến trách nhiệm, ông Lê Khắc Thanh, Chánh văn phòng UBND huyện Vị Xuyên, bày tỏ: “Trước đây, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện rất sôi động. Nay họ rút hết, đến hơn 90% ngừng hoạt động, chỉ còn những đống quặng cho cũng chẳng ai lấy. Trách nhiệm thuộc cấp trên”.
Mang nỗi nhức nhối, chúng tôi hỏi cán bộ địa phương, ông Đỗ Tất Kỳ, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường Vị Xuyên, xác nhận: “Chính các doanh nghiệp đã thuê khảo sát, rồi kêu gọi cổ đông. Nhiều chỗ cày xới lên nhưng khối lượng quặng không như kỳ vọng. Nhiều chỗ có, nhưng giá quặng rẻ, càng làm càng thua lỗ nên doanh nghiệp phải tạm dừng, bỏ của chạy lấy người”.
Liên hệ với Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Giang, đơn vị có trách nhiệm bảo vệ môi trường tỉnh, ông Nguyễn Thế Phương, Chi cục trưởng, cho biết hậu quả từ khai thác khoáng sản và làm thủy điện rất vô hình. Nhiều cái mất đi không thấy ngay trước mắt và không lấy lại được. Đến nay Hà Giang vẫn chưa có những báo cáo đánh giá tác động môi trường trên toàn tỉnh.
Điều đó cho thấy, việc cấp phép khai thác thủy điện và khai khoáng không chỉ nóng vội, mà còn ồ ạt, dễ dãi, chưa tính toán hết những tác hại của việc khai thác đến môi trường chung.
Chúng tôi liên hệ với Sở Tài nguyên-Môi trường, ông Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở, thừa nhận: “Mỏ khai thác đa số lộ thiên nên cào vét bề mặt núi. Việc khai thác khoáng sản lộ thiên đã ảnh hưởng đến nguồn nước, đất đá đổ xuống sông, suối, gây bồi lắng. Có những cái mất đi chúng ta sẽ không đong đếm được. Còn thủy điện, đa số là nhà máy công suất nhỏ, không ảnh hưởng nhiều”.
Quản lý không sâu sát, còn phía các doanh nghiệp, nhiều năm nợ tiền quỹ phục hồi môi trường rừng khiến nhiều vùng quê bất an. Thí dụ điển hình như trường hợp Công ty Tường Phong, từng là một doanh nghiệp làm ăn phát đạt, thế rồi vì giá quặng xuống thấp, công ty phải dừng hoạt động. Hàng trăm công nhân nghỉ việc. Ngay cả tiền lương doanh nghiệp còn nợ, để rồi đến nỗi công nhân phải bán máy để trừ tiền. Vậy lấy đâu quỹ để phục hồi môi trường rừng?
Ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường), cho rằng việc cấp phép khai khoáng liên quan đến nhiều cơ quan. Có thể do Tổng cục Mỏ-địa chất, Tổng Cục môi trường hoặc tỉnh cấp phép. Do vậy, để xảy ra tình trạng trên, trước hết trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Hà Giang. Bởi tỉnh phải có những báo cáo đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ trước khi đồng ý cấp phép cho khai thác.
Người dân xã Tùng Bá (Vị Xuyên) từng nhiều lần gửi đơn thư kêu cứu các doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng vì bị đất đá trôi vào nhà, vào ruộng. Song sự phản hồi đều là im lặng. Sau cùng người dân đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang về hoạt động lộn xộn của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Được chỉ đạo, vừa qua, UBND huyện Vị Xuyên đã thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu Công ty Hồng Hà, CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Điện lực Hà Giang khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục môi trường, gia cố lại các đập chắn tại bãi đổ thải, đập chắn hồ lắng, không để tiếp tục xảy ra sự cố ảnh hưởng đến Nhân dân.
Bà con các làng, bản nghèo chịu ảnh hưởng mạnh từ những dự án khai khoáng đang trông đợi vào những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng. Nhiều quả đồi, vạt núi đã bị cày xới cần được khắc phục.
Bao giờ môi trường rừng được phục hồi? Câu hỏi nhức nhối ấy đang đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan quản lý, không thể bình chân trước nỗi khổ của những người dân đang sống bên những cánh rừng bị hy sinh để đổi lấy những vỉa quặng. Rừng Hà Giang đang kêu cứu. (Đầu Tư Tài Chính 23/6) đầu trang(
Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, chính sách đóng cửa rừng nếu được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt sẽ có lợi cho dân cho nước.
Đóng cửa rừng hay ngừng khai thác rừng tự nhiên là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với một số tỉnh Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, ngoại trừ những dự án liên quan đến an ninh quốc phòng.
Chỉ đạo này cũng đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang cây công nghiệp mà các địa phương đã thực hiện và gặp thất bại trong những năm qua.
Đánh giá về chủ trương này của Chính phủ, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định nếu được thực hiện, chính sách đóng cửa rừng sẽ có lợi cho dân cho nước.
"Đảng và Chính phủ đã thực hiện chủ trương này từ năm 1992. Thời điểm đó, diện tích rừng ở mức thấp nhất, độ che phủ chỉ còn 27%. Ngành lâm nghiệp đã báo cáo Chính phủ không còn năng lực để đảm bảo phát triển bền vững môi trường đất nước. Do vậy, Chính phủ đã có một quyết định khiến cả thế giới khâm phục. Đó là chương trình 327, bỏ ra 52 triệu USD để thực hiện đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hướng tới đóng cửa rừng tự nhiên", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hai nguyên nhân chính dẫn tới chảy máu rừng Tây Nguyên là chuyển đổi và phá rừng. Cụ thể, các địa phương đã chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển đất rừng sang mục đích khác như giao thông, công trình công cộng, thủy điện...., còn lại là bởi phá rừng.
Như vậy, nói một cách khác, việc mất rừng là do tự phá hoặc phá theo chủ trương của tỉnh. Hiện tượng này buộc các cơ quan chức năng cần có giải pháp để xử lý triệt để. (Đài Truyền Hình Việt Nam 24/6) đầu trang(
Người dân phản ánh, trong suốt nửa tháng trời, hàng nghìn ha rừng thông gần 30 tuổi bị đốn hạ nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào đến xử lý.
Ông Nguyễn Văn H (người dân xóm Hồng Sơn, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Trước đây rừng Hòn Gây đất cằn, sỏi đá, sau khi Nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nơi đây đã thành một rừng thông xanh tốt. Nhờ có cây xanh khí hậu trong lành, mát mẻ.
Thời gian gần đây người dân hết sức bức xúc khi hàng nghìn ha rừng thông gần 30 năm tuổi ở rừng Hòn Gây (thuộc địa phận xóm Hồng Sơn, xã Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An) bị đốn hạ không thương tiếc. Điều đáng nói, sự việc xảy ra gần nửa tháng trời nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn không hề biết.
Vào ngày 15.6, nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã về tận nơi để tìm hiểu thực hư sự việc. Hiện ra trước mắt là rừng thông bị chặt, đốt cháy nham nhở, hàng nghìn cây thông nằm la liệt, có cây đường kính 20-30cm. Theo quan sát, hầu hết cây thông đã cắt, xẻ thành khúc đang tập kết từng đống nhưng chưa kịp tẩu tán.
Ông Nguyễn Văn H (người dân xóm Hồng Sơn) cho biết: “Trước đây rừng Hòn Gây đất cằn, sỏi đá, sau khi Nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nơi đây đã thành một rừng thông xanh tốt. Nhờ có cây xanh khí hậu trong lành, mát mẻ. Nhưng chúng tôi không biết ai cho phép, một số người lạ mang cưa, máy móc đến chặt phá gần nửa tháng mà không có đơn vị  nào đến xử lý”.
Người dân xã Đức Thành hết sức bức xúc, nửa tháng nay một số người lạ mặt lái máy múc dọn đường cho xe ô tô lên tận rừng cưa, cắt thông ầm ầm. Điều vô lý, UBND xã cách rừng thông chưa đầy 2km mà không hề hay biết?
Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã tìm tới UBND xã Đức Thành. Khi trao đổi về rừng thông gần 30 năm tuổi bị chặt phá nghiêm trọng, ông Hà Huy Công – Chủ tịch xã Đức Thành trả lời: “Rừng thông nào chú? Họ chặt lâu chưa? Có nhiều không? Nếu có thật chúng tôi sẽ cho người kiểm tra, xử lý”.
Trao đổi với Báo NTNN/điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Trọng Thực – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Thành cho biết: “Chúng tôi chưa nắm được thông tin về rừng thông Hòn Gây thuộc xóm Hồng Sơn, xã Đức Thành bị chặt phá trái phép. Nếu có thật, chúng tôi sẽ cho người đến hiện trường kiểm tra, ngăn chặn và tìm đối tượng chặt phá rừng thông trái phép.
Ông Thực cho biết thêm: “Nếu rừng thông bị tàn phá lớn có tính chất nghiêm trọng, chúng tôi sẽ báo cáo lên cơ quan cấp trên để có hình thức xử lý”. (Dân Việt 24/6) đầu trang(
Hàng trăm cây gỗ lớn nhỏ đang bị lâm tặc tàn sát không thương tiếc tại khu vực rừng phòng hộ Hòn Hèo. Tại dấy, chỉ có một con đuờng độc đạo để lâm tặc tuồn gỗ lậu ra ngoài, song các cơ quan chức năng vẫn “không hề hay biết”. Người dân đang đặt nghi vấn cơ quan chức năng đã “bảo kê” cho gỗ lậu ra khỏi rừng!?
Từ nguồn tin của một cán bộ đang công tác trong ngành Quân đội, nhóm phóng viên ngay lập tức lên đường thâm nhập cánh rừng Hòn Hèo, nơi đang bị lâm tặc tàn sát. Trước khi lên đường, chúng tôi phải bàn bạc nhiều phương án đối phó với những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp. Qua điện thoại, anh Trần Văn T, một người dân địa phương cảnh báo: “Các anh phải cẩn thận, cánh lâm tặc mà biết các anh vào điều tra phá rừng là bọn chúng hung hãn lắm, chúng sẽ làm liều đấy”.
Từ TP. Nha Trang, chúng tôi quyết định chạy xe máy ra khu vực thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đến dưới chân núi, chúng tôi chạy xe máy men theo con đường bê tông độc đạo dài chừng 10km đê đến hồ Tiên Du. Đây là khu vực trung tâm của rừng Hòn Hèo, nơi mà người dân đã phản ánh tình trạng rừng phòng hộ đang bị tàn sát không thương tiếc.
Chúng tôi đóng vai một nhóm bạn trẻ đi du lịch để vào khu vực này câu cá. Tuy nhiên, kế hoạch này bị phá sản do đây là khu vực cấm câu cá. Hai cán bộ thuộc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, đơn vị trực tiếp quản lý hồ chặn xe và cho biết “hồ này nuôi cá, không cho câu đâu”.
Chúng tôi đành quay ra và tiếp tục lên kế hoạch khác. Cách khu vực hồ vài trăm mét, chúng tôi đánh liều bỏ xe lại bí mật đi bộ men theo bìa rừng để tiến sâu vào trong. Sau khoảng gần 3 giờ đồng hồ đi bộ, hiện ra trước mắt chúng tôi là những cây cổ thụ bị đốn hạ ngổn ngang vẫn còn xanh lá lẫn đã khô nhựa. Càng đi sâu vào trong vùng lõi của khu rừng, những gốc cây cổ thụ đã bị cưa và những thanh gỗ rìa bị lâm tặc xẻ đế lại mỗi lúc một nhiều.
Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những lán trại của lâm tặc, trong các lán trại này chúng tôi thấy bao thuốc lá, chai nước mắm, muối và các nhu yếu phẩm khác vứt la liệt. Trong rừng vọng ra tiếng chặt, đẽo, chứng tỏ trong khu vực này đang có người đang khai thác gỗ. Trời về chiều, nhận định có thể gặp nguy hiểm nếu chạm mặt lâm tặc nên chúng tôi quyết định quay lại khu vực bìa rừng. Ghé quán nước trên con đường độc đạo từ rừng Hòn Hèo đi ra, người bán nước tiết lộ, ở đây tầm 4-5h chiều, 11-12h đêm và 3-4h sáng thì rất nhiều xe chở gỗ, chạy ầm ầm.
Muốn có những tư liệu xác đáng nhất, ngày hôm sau, chúng tôi quyết định nhờ một người dân địa phương dẫn đường để đi vào khu vực rừng bị tàn phá nhiều nhất. Anh Nguyễn Văn H, một người dân địa phương dẫn chúng tôi trèo đèo vượt suối khoảng 3h đồng hồ thì vào tới vùng lõi rừng Hòn Hèo.
Tại đây, những cây cổ thụ bị đốn hạ ngày một nhiều, những gốc cây có đường kính 40-60cm đã bị đốn hạ chỉ còn lại gốc và cành xen lẫn dấu cũ và mới. Trên đường thâm nhập vào rừng, chúng tôi còn gặp bẫy thú giăng mắc khắp nơi. Nhìn cảnh rừng bị tàn sát, chúng tôi không khỏi xót xa.
Đề cập đến vấn đề rừng phòng hộ Hòn Hèo đang bị tàn phát, trả lời phỏng vấn qua điện thoại, ông Phạm Thanh Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa - nơi có khu vực rừng đang bị “chảy máu” tỏ ra bất ngờ trước sự việc. Vị Phó Chủ tịch xã này cho biết, thời gian qua xã cũng tham gia cùng kiểm lâm, biên phòng tầm tra, cũng phát hiện dấu cây nhưng không phát hiện được đối tượng nào phá rừng (!).
"Nói chung lâm tặc cũng ngoan cố, khi chúng tôi nhận được thông tin, đi vào rừng tìm họ thì họ trốn mất nên cũng khó khăn" - ông Sinh nói. "Không biết nó tuồn ra bằng đường nào nữa, để chúng tôi kiểm tra lại đường đi như thế nào hay nó vác băng rừng đi", vị này tiếp tục cho biết khi được hỏi về đường đi của gỗ lậu.
Còn ông Lê Văn Đỏ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa cho biết: Cách đây khoảng 20 ngày, chúng tôi cùng các cơ quan liên quan có mở đợt kiểm tra khu vực xung quanh phía trong hồ Tiên Du thì phát hiện có khoảng 14.000 m2 rừng bị phá và đã lập biên bản chuyển qua cơ quan điều tra xử lý.
Trong quá trình xâm nhập tìm hiểu thực tế rừng phòng hộ Hòn Hèo bị “chảy máu”, chúng tôi phát hiện chỉ có duy nhất một con đường độc đạo nối khu vực này với bên ngoài. Điều đáng nói là trạm kiểm lâm đóng ngay trên con đường này và Đồn biên phòng cũng nằm cách đó không xa.
Trong vai người cần mua gỗ lậu, chúng tôi được anh Lê Văn L, một người dân địa phương móm lời: “Mấy chú muốn mua gỗ số lượng nhiều hay ít đều phải chung chi, ở đây có hai đơn vị quản lý trực tiếp là Trạm kiểm lâm và Đồn biên phòng, chi phải đều thì xe mói lọt được, ông này có ông kia, không là bị tóm ngay. Còn phương án thứ hai là mấy chú muốn mua số lượng mấy thì báo cho mấy ông lâm tặc, mấy ông đó sẽ tự chung chi rồi đưa gỗ ra từ từ và sẽ tập kết tại một địa điểm cho mấy chú lấy”.
Đem nghi vấn phải “chung chi” để “lọt” gỗ lậu, ông Lê Văn Đỏ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa khẳng định, chưa nghe đến chuyện này. “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc này, nếu có chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm”, ông Đỏ nói. (Bảo Vệ Pháp Luật 24/6; Lao Động 24/6) đầu trang(
Sốt ruột trước tình trạng rừng ở Mường Nhé bị phá, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã nói như vậy khi trao đổi với PLVN về hàng loạt vấn đề đang đặt ra đối với “điểm nóng” này trong công tác giữ rừng.
Về con số mà báo cáo của UBND huyện Mường Nhé đưa ra: trong khoảng thời gian 2013-2016 rừng ở đây chỉ giảm khoảng gần 1.000ha, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, tỉnh Điện Biên đã có rất nhiều cố gắng nhưng phải nói là không đạt như mong muốn, tình hình phá rừng còn rất phức tạp trong khi phát triển rừng không đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Mường Nhé có diện tích tự nhiên trên 157.000ha. Lần điều tra, kiểm kê gần nhất vào tháng 5/2016, diện tích có rừng ở đây chỉ còn trên 72.000ha. Điều đó có nghĩa là trên địa bàn của huyện Mường Nhé hiện có trên 83.000ha là chưa có rừng.
“Báo cáo nói diện tích rừng bị mất trong mấy năm qua là 1.623ha, tôi cho rằng con số này chỉ là phần diện tích mà các cơ quan chức năng, chủ yếu là cơ quan kiểm lâm lập biên bản, đo tính được. Qua kiểm tra thực địa tôi nghĩ diện tích bị mất lớn hơn nhiều, góp phần vào diện tích không có rừng của huyện này lên tới 83.000ha.”, ông nói.
Thưa Thứ trưởng, đối tượng phá rừng được xác định chủ yếu là dân di cư tự do và từ năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt đề án sắp xếp, ổn định dân cư của huyện Mường Nhé, hơn nghìn tỷ đã được đầu tư vào đây nhưng dường như đề án này đã không phát huy hiệu quả trên thực tế.
Chính phủ cũng đã rất quan tâm tới vấn đề này, có hẳn một đề án và bố trí nguồn vốn ngân sách riêng cho Mường Nhé tại Quyết định 79 ngày 12/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói Trung ương đã rất ưu tiên và đầu tư vào huyện khó khăn này.
“Tôi được các cơ quan chức năng báo cáo việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước trong 4 năm qua vào Mường Nhé là khoảng 1.100 tỷ đồng. Việc sử dụng vốn là đúng quy định nhưng nhìn chung chúng ta chưa đáp ứng đủ 100% vốn cho đề án và việc triển khai trên thực tế cũng chưa đạt kết quả theo tiến độ được duyệt. Vừa rồi, chúng tôi đã cùng với các bộ, ngành xem xét và đề nghị Chính phủ cho kéo dài thực hiện chương trình này thêm một số năm, cụ thể là đến năm 2020.”, ông cho biết.
Đề án hiện vẫn còn đang thực hiện dở dang, việc vận động bà con về nơi mà mình quy hoạch mới cũng chưa đồng bộ với tiến độ triển khai các công trình. Bởi thế có những nơi cơ sở hạ tầng đầu tư rồi mà bà con thì vẫn chưa thấy về. Thời gian tới cần phải đẩy mạnh, làm quyết liệt chỗ này. Ngoài ra, khi thực hiện, mong muốn quy hoạch làm sao để có được vùng sản xuất ổn định để bà con có thu nhập mà định cư lâu dài.
Số dân di cư tự do về Mường Nhé đúng là tiếp tục tăng. Nhưng nếu so với tốc độ tăng vào các năm 2010, 2013 thì cũng đã giảm rất nhiều. Những năm đó, thống kê cho thấy số hộ di cư tự do về Mường Nhé là 2023 hộ với gần 13 ngàn nhân khẩu. Nhưng từ năm 2012 khi có đề án 79, tuy có tăng nhưng cũng chỉ tăng chưa đến 400 hộ. Nếu nhìn như vậy thì rõ ràng đã có giảm.
Việc di dân tự do chúng ta mong muốn sớm chấm dứt nhưng cũng không thể một lúc mà làm được vì số dân di cư là khá đông và đến từ khắp nơi trên cả nước. Không chỉ dân ở các tỉnh giáp ranh Điện Biên, thậm chí có cả dân từ phía Nam như Đắk Nông, Đắc Lắk di cư ra. Để xử lý dứt điểm câu chuyện di dân tự do, yêu cầu chúng ta phải làm đồng bộ, cả nơi đi lẫn nơi đến.
Từ 2015 đến nay có 313 vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật ở Mường Nhé được lập hồ sơ nhưng chỉ có 6 vụ bị xử lý hình sự, hình như thái độ thiếu kiên quyết của cơ quan chức năng đang làm cho tình trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng.
Tình trạng phá rừng trên địa bàn Mường Nhé trong thời gian qua là rất phức tạp và hết sức nghiêm trọng nhưng nếu để ý chúng ta có thể thấy phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé gần như không diễn ra.
Nguyên nhân của nó không phải là không có người di dân tự do vào mà do lực lượng bảo vệ rừng ở đây có thái độ rất kiên quyết. Anh em kiểm lâm được giao nhiệm vụ nhờ thường xuyên tuần tra nên đã phát hiện kịp thời nhiều vụ phá rừng. Và khi phát hiện thì xử lý ngay, đưa người vi phạm ra khỏi Khu bảo tồn, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nhờ đó người ta không dám quay trở lại.
“Tôi đã nói với lãnh đạo huyện Mường Nhé đây là hình ảnh, bài học tốt cho huyện. Không chỉ đối với khu bảo tồn thiên nhiên này mà trên toàn địa bàn của huyện cần phải xử lý kiên quyết như vậy. Ngoài vận động tuyên truyền, hỗ trợ chính sách cho bà con để họ sớm ổn định cuộc sống, chúng ta cần phải kiên quyết không thể để một số phần tử lợi dụng những chính sách của Nhà nước rồi cố tình vi phạm pháp luật và tạo ra những hệ lụy, thói quen nhờn pháp luật lâu dài như thế được.”, ông cho hay. (Pháp Luật Việt Nam 24/6) đầu trang(
Các khu rừng phòng hộ đầu nguồn giáp ranh giữa hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã liên tục bị lấn chiếm và tàn phá trong thời gian gần đây. Nghiêm trọng nhất là vụ phá hơn 8,5 ha rừng phòng hộ trên địa bàn xã miền núi Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh.
Vụ phá 8,5 hecta rừng này diễn ra chỉ trong vòng 1 tuần sau Tết nguyên đán khi thiếu vắng lực lượng kiểm lâm và cả thiếu sự quản lý của địa phương.
Các đối tượng phá rừng đã lợi dụng việc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Bến Hải làm đường ranh cản lửa để lấn chiếm dần dần và tàn phá khu rừng bên cạnh. Sự việc chỉ hoàn toàn chấm dứt khi xã Vĩnh Hà thành lập tổ chốt chặn thường xuyên canh gác rừng.
Kẽ hở trong việc phá rừng này chính là sự thiếu thống nhất giữa các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng. Xã Vĩnh Hà có hơn 14 ngàn hecta rừng, được phân công cho 5 đơn vị quản lý, trong đó lĩnh vực rừng phòng hộ chỉ là 1 trong 5 đơn vị chủ rừng đó.
Các đối tượng phá rừng đã lợi dụng chủ trương cho phép khai thác đất rừng hạn chế lấy đất sản xuất nhằm khai thác lấn sang cả rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn.
Huyện Vĩnh Linh đã thành lập đoàn kiểm tra tình trạng phá rừng tự nhiên phòng hộ ở xã miền núi Vĩnh Hà nhằm thống kê tình hình thiệt hại và truy tố các đối tượng phá rừng. Cho dù có tìm ra những kẻ phá rừng thì rừng phòng hộ đầu nguồn phía Tây Vĩnh Linh – tỉnh Quảng Trị cũng đã suy giảm đáng kể chức năng hạn chế lũ lụt, chống xói mòn trong mùa mưa bão. (ANTV 23/6) đầu trang(
Đồi Cư Hlăm là một trong những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Trong những năm qua, cộng đồng dân tộc Ê Đê sống xung quanh ngọn đồi này đã ra sức bảo vệ, gìn giữ những cây cổ thụ nơi đây được vẹn nguyên, xanh tốt.
Nằm cạnh tỉnh lộ 8 (đường từ TP Buôn Ma Thuột đi huyện Cư Mgar), đồi Cư Hlăm được gìn giữ vẹn nguyên trong bao năm qua để tỏa bóng mát và giữ nguồn nước cho hàng trăm người dân sống xung quanh.
Đây cũng là ngọn đồi thiêng mang trong mình huyền thoại về một chuyện tình thời xa xưa của đồng bào người Ê Đê. Khi chúng tôi đặt chân đến buôn Mắp (nằm dưới chân đồi Cư Hlăm), tất cả đồng bào già trẻ trong buôn đều thuộc lòng câu chuyện xưa kể về một mối tình loạn luân giữa hai anh em cùng họ tộc Niê trong vùng.
Chuyện kể rằng, xưa kia tại vùng đất này (nay là buôn Mắp, thị trấn Ea Pốk) có hai anh em ruột trong vùng là Y Din Niê và H’Hoan Niê lấy nhau. Chuyện đến tai già làng, già làng họp con em trong buôn để xử phạt. Cuối cùng mọi người thống nhất xử phạt đôi tình nhân cúng một con trâu trắng cho thần. Vì nhà nghèo không có trâu trắng, đôi trai gái bị phạt vạ đã đem một con heo trắng để cúng.
Khi mọi người đang làm lễ cúng thần linh, bỗng nhiên con heo trắng sống lại rồi thốc tháo chạy lòng vòng quanh buôn. Con heo trắng chạy đến đâu thì đất đai rạn nứt và sụt lún đến đó. Mọi người trong vùng không ai sống sót. Không lâu sau, vùng đất này hiện ra một một cái hồ rộng bao la và một cánh rừng thăm thẳm. Cái hồ gọi là hồ Sình Đỉa, còn cánh rừng mang tên Cư Hlăm.
Câu chuyện trên được lưu truyền qua nhiều thế hệ cùng với lời nguyền khó lý giải. Nếu ai vào rừng vô tình nhắc đúng tên Y Đhin và H’Hoan sẽ bị thần rừng giam giữ đi mãi không ra. Những ai có ý đồ đen tối, trục lợi rừng Cư Hlăm đều phải đền tội. Chặt cây dựng nhà, lập tức nhà sập hoặc bị cháy trụi. Còn săn bắt thú rừng sẽ gặp tai nạn hay phát bệnh điên khùng vô phương cứu chữa.
Già làng Y Ruê Mlô (80 tuổi, ở buôn Mắp) cho hay, đây là truyền thuyết bảo vệ rừng Cư Hlăm được lưu truyền qua nhiều thế hệ, con em trong buôn từ già đến trẻ đều biết. “Hlăm’’ theo tiếng Ê Đê có nghĩa là “loạn luân’’. Còn “Cư’’ được dịch ra là “đồi núi’’. “Cư Hlăm’’ có nghĩa là “đồi loạn luân’’ hay “rừng loạn luân’’.
Già làng Y Ruê Mlô bảo rằng, người dân buôn Mắp gìn giữ rừng Cư Hlăm như giữ báu vật linh thiêng của mình vậy. Họ quan niệm “Rừng còn thì buôn làng còn. Rừng mất cả làng sẽ gặp đại họa”.
Theo chân già làng Y Ruê Mlô lên đồi Cư Hlăm, chúng tôi bắt gặp có nhiều cây đại thụ cao vút, gốc cây 3 - 4 người ôm không xuể. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý cùng nhiều loại động vật phong phú có giá trị lớn về mặt sinh thái. Phía bên cạnh cánh rừng Cư Hlăm là hồ Sình Đỉa ôm một phần chân đồi rộng hơn 10ha với làn nước trong veo, hiền hòa.
Già làng Y Ruê Mlô tâm sự: ‘’Để bảo vệ rừng Cư Hlăm, các đời già làng buôn Mắp chúng tôi đều lưu truyền một luật tục giữ rừng. Nếu người nào trong buôn dám mạo phạm tới rừng thiêng sẽ bị loan báo cả làng biết, cho xấu hổ lần sau không dám nữa. Còn nếu chặt một cây rừng phải nộp trâu, bò, vài vò rượu cần để cúng thần núi rừng và xin buôn làng tha thứ. Chặt bao nhiêu cây sẽ phải nộp phạt bấy nhiêu con, nếu tái phạm lần thứ hai, thứ ba mức phạt sẽ tăng theo cấp số nhân. Kẻ nào chai lì, vi phạm liên tiếp sẽ bị trai làng áp giải giao nộp cho chính quyền xử lý theo pháp luật’’.
“Liệu rừng thiêng Cư Hlăm có nằm trong “tầm ngắm” của bọn lâm tặc ngoài làng không?’’, tôi hỏi. Già làng Y Ruê Mlô cười nói: “Miếng mồi ngon dễ gì chúng từ bỏ! Nhưng mọi sự xâm chiếm của chúng từ trước tới nay đều thất bại dưới “mắt thần” của rừng. Hễ thấy người lạ đột nhập vào rừng, dân cấp báo trưởng buôn hoặc già làng. Lập tức, làng triệu tập người vào kiểm tra, ngăn chặn ngay’’.
Cũng theo lời của già làng Y Ruê Mlô, khoảng những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, dân cư quy tụ về vùng này đông đúc, lập thành buôn Mắp. Cuộc sống ấm no, con cái đầy đàn, hưởng lợi không khí trong lành từ rừng Cư Hlăm nên người dân buôn Mắp hàng chục năm qua luôn nhắc nhở con cháu truyền tai truyền thuyết Cư Hlăm bảo vệ rừng.
Còn ông Cao Văn Tứ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk - đơn vị được giao quyền quản lý rừng Cư Hlăm, cho hay, người dân ở đây rất có ý thức bảo vệ rừng. Từ năm 2002 đến nay, công ty cũng trồng thêm hơn 2.000 cây sao, dầu giúp phủ xanh khu đồi, đồng thời lập tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi xâm phạm.
Ông Nguyễn Thượng Hải, Bí thư Huyện ủy huyện Cư Mgar, chia sẻ: Rừng nguyên sinh ở Cư Hlăm được bảo tồn là dấu ấn văn hóa tâm linh đã in đậm trong tâm khảm của đồng bào Ê Đê để nhắc nhở, giáo dục mọi thế hệ ghi nhớ ý thức tôn trọng luật tục, tôn trọng luân thường đạo lý. Đây không chỉ là việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc mà sâu xa hơn chính là bảo vệ sự sống còn của con người, bảo vệ môi trường, cảnh quan cho Tây Nguyên. (Sài Gòn Giải Phóng 24/6) đầu trang(
Đồng bào dân tộc Nùng ở xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang quan niệm: Rừng là mẹ nuôi sống con người, thì con người cũng phải biết giữ lấy rừng và phải bảo vệ nó. Đó cũng là một trong những lý do bà con tổ chức lễ cúng thần rừng hàng năm.
Những người già trong bản kể, xưa kia các họ tộc người Nùng ở Hoàng Su Phì sống yên bình tại các sườn núi thuộc hai huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, trong đó có xã Pố Lồ. Một hôm, vua phương Bắc sai quân đến xâm lược nhằm chiếm đất đai của cải của các gia đình người Nùng. Sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù, các tộc họ người Nùng bị thua trận nên phải mang theo của cải, lợn gà và trâu bò rút vào các khu rừng rậm để chiến đấu cầm cự với giặc.
Do bị quân dịch vây hãm nhiều ngày, thiếu nước uống nên nhiều người và gia súc bị chết. Đúng lúc ấy, thủ lĩnh của các tộc họ người Nùng là Hoàng Vần Thùng bị lâm bệnh và chết, để tỏ lòng thương tiếc, các thanh niên trai tráng giết trâu lấy thịt, lấy tiết trâu thay nước nấu cơm làm đồ cúng tế và cầu xin Hạn Hung (vua trời) giúp đỡ phù hộ.
Xúc động trước tinh thần đoàn kết đấu tranh của các tộc họ người Nùng, Hạn Hung đã cử quân lính xuống giúp dân trừ giặc đem lại cuộc sống yên bình cho các tộc họ người Nùng. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành những khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp là nơi linh thiêng để lập miếu thờ và tôn làm Đổng Trứ (tức là thần rừng).
Từ đấy, cứ vào dịp tháng Giêng hàng năm, các làng người Nùng thuộc các xã trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức lễ cúng Hoàng Vần Thùng tại miếu thờ vì đã có công hy sinh cứu giúp dân làng. Trải qua nhiều năm tháng, tục lệ này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
Để chuẩn bị cho lễ cúng thần rừng, vào buổi sáng sớm trong ngày diễn ra lễ cúng, các hộ gia đình trong toàn xã mỗi nhà cử một người nam giới mang theo đồ lễ đến khu rừng cấm là những sản vật do chính bàn tay họ nuôi trồng như: gà, vịt, ngan, ngỗng, rau quả... để đóng góp với buổi lễ, việc đóng góp này là hoàn toàn do các gia đình tự nguyện.
Lễ vật không thể thiếu được trong lễ cúng thần rừng là một con trâu, một con lợn từ 50 kg trở lên, 4 con gà trống, rượu ngọt do chính tay người chủ tế nấu và ướp từ gạo nếp cấy trong những thửa ruộng của làng xã. Cạnh đó là hương, tiền, bạc được làm từ giấy rơm hoặc giấy dó…
Tại các buổi cúng thần rừng, trên đàn lễ bao giờ cũng có 4 vị trí khác nhau bởi ngoài vị thần chính là Hoàng Vần Thùng thì còn có 3 vị thần tùy tùng đó là Ông Tí Táo, ông Bảo, ông Liều.
Thầy cúng là người đại diện dân làng khấn mời các thần về dự buổi lễ, cầu mong các thần phù hộ dân làng có một mùa màng tốt tươi, dân làng mạnh khỏe… Sau khi được thần Hoàng Vần Thùng tiếp nhận lễ vật do dân làng cúng tế, các vật phẩm được mang đi làm thịt.
Riêng đầu đuôi và 4 chân con trâu, con lợn, và 4 con gà được các phụ lễ bày trước miếu thờ để thầy chủ tế tiếp tục thực hiện tế lễ. Toàn bộ số thịt còn lại được các phụ lễ đem đi chế biến thành các món chín, để cúng tế nhưng phải đảm bảo có đầy đủ các bộ phận của con trâu và con lợn mỗi thứ một ít để thầy chủ tế cúng tế lần thứ 2.
Trong không gian thiêng của khu rừng cấm, tất cả mọi người tham gia lễ hội đều tự nguyện tuân thủ một quy định: Không nói tục chửi bậy, không khạc nhổ, phóng uế, kể cả trong ăn uống, ai cũng từ tốn giữ mình, không rượu chè quá chén kẻo nhỡ mồm miệng mà động chạm đến các thần…
Sau khi việc tế lễ kết thúc, thầy chủ tế và các bậc cao niên, các trưởng thôn trong xã sẽ hưởng thụ trước các món chín để làm phép, còn toàn bộ số thịt được mang đi chế biến thành các món ăn để mọi người trong bản cùng thụ lộc. Riêng chiếc đầu trâu và chiếc thủ lợn thì để phần biếu thầy chủ tế, để thể hiện sự tôn kính của dân làng.
Ngay sau khi tổ chức xong việc cúng tế, bà con trong bản tham gia các trò hội, múa những điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Nùng. Trước khi ra về, tất cả mọi người tham gia lễ hội đều đến vái tạ trước bài vị Hoàng Vần Thùng để thể hiện sự tôn kính đối với những bậc tiền nhân, đồng thời thể hiện nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Nùng ở Hà Giang. (Tin Tức 24/6) đầu trang(
Vào khoảng 15h ngày 23-6, tổ công tác của Đội CSGT số 15, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội do Đại úy Nguyễn Ngọc Tiến chỉ huy làm nhiệm vụ trên đường Võ Văn Kiệt, đi qua địa bàn huyện Sóc Sơn, phát hiện xe ô tô BKS 29D-038.59 lưu thông hướng sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội vi phạm Luật Giao thông đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.
Qua kiểm tra, lái xe ô tô trên là Lê Văn Duẩn (SN 1988, ở Thanh Oai, Hà Nội) xuất trình giấy phép lái xe B2 đã hết hạn. Tại thời điểm CSGT kiểm tra trên xe còn có bà Nguyễn Thị Quế (SN 1961) nhận là mẹ của lái xe.
Tiếp tục kiểm tra xe ô tô, CSGT phát hiện 15 khúc gỗ được bọc trong bao tải dứa. Số gỗ này lái xe khai là gỗ sưa và được hai mẹ con đi mua mang về nhà để sơ chế làm các sản phẩm về gỗ. Lái xe không xuất trình được bất kỳ giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất sứ số gỗ sưa này. Tổng số gỗ sưa được xác định có trọng lượng 65kg.
Tổ công tác đã bàn giao tang vật và hồ sơ có liên quan đến Đồn Công an Kim Anh để thụ lý, giải quyết. Trước đó, Đại úy Nguyễn Ngọc Tiến và các CBCS Đội CSGT số 15 đã phát hiện, thu giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu, thực phẩm bẩn trên xe tải, xe khách đi qua địa bàn. (An Ninh Thủ Đô 24/6) đầu trang(
Tại Kon Tum, gỗ lậu vẫn được đưa ra khỏi rừng một cách ngang nhiên, trong khi chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết.
Nhiều ngày qua, các cánh rừng trên địa bàn xã biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Glei quản lý liên tục bị lâm tặc khai thác gỗ trái phép. Điều đáng nói là nhiều cây gỗ to, quý hiếm đã bị lâm tặc đốn hạ trái phép, vận chuyển công khai ngang nhiên giữa ban ngày, nhưng chính quyền và chủ rừng không hề hay biết.
Chỉ trong thời gian một tiếng đồng hồ, phóng viên VTV đã ghi nhận nhiều lượt xe độ chế ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu được xẻ vuông vắn từ rừng về các khu dân cư trên địa xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei. Để có thể đưa gỗ ra khỏi rừng, tất cả các xe đều phải qua các trạm Quản lý bảo vệ rừng.
Trò chuyện với phóng viên VTV, ông A Díp - Làng Đăk Brõi, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, cho biết: “Mỗi lần chở gỗ ra khỏi rừng tôi thường đưa 100.000 đồng. Gặp ai tôi đưa cho người đó”.
Mỗi khúc gỗ chở ra khỏi rừng bán được từ 400.000-600.000 đồng. Đây là một khoản thu nhập không nhỏ đối với nhiều người, nhưng chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại từ việc mất rừng.
Trong lúc rừng bị tàn phá và gỗ trái phép được vận chuyển công khai ngay trước cổng trạm Quản lý bảo vệ rừng, đại diện chủ rừng - Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Glei vẫn không hề hay biết.
“Thực tế, chúng tôi chưa phát hiện được vụ nào, chưa bắt được vụ nào và cũng không có trường hợp khai thác gỗ nào đi qua đây”, ông Nguyễn Hữu Thành - Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Glei khẳng định.
Cách đây 3 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên Tây Nguyên. Chủ tịch UBND các tỉnh phải có trách nhiệm đối với các vụ mất rừng trên địa bàn; cán bộ kiểm lâm phải phối hợp với chủ rừng để ngăn chặn việc phá rừng ngay tại rừng, mà không phải ra đứng ở quốc lộ để chặn xe. Tuy nhiên, tại Kon Tum, gỗ lậu vẫn được đưa ra khỏi rừng một cách ngang nhiên . Điều này cho thấy sự buông lỏng trong quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn các địa phương có rừng đã ở mức báo động. (Đài Truyền Hình Việt Nam 23/6) đầu trang(
Thời gian qua, tại các huyện: Krông Pa, Kbang, Mang Yang, Chư Pưh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông… tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ liên tiếp xảy ra. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của ngành Kiểm lâm hiện nay.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra 2 vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. Khi lực lượng chức năng phát hiện xử lý thì lâm tặc sẵn sàng chống đối, đe dọa, uy hiếp, tấn công bằng nhiều thứ vũ khí như dao, rựa, gậy gộc và thậm chí các đối tượng còn manh động tổ chức cướp lại người, lâm sản đã bị bắt giữ…
Đỉnh điểm của việc lâm tặc chống người thi hành công vụ là vụ tấn công làm 2 kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa chiều 2-6 bị thương, buộc lực lượng Kiểm lâm huyện phải nổ súng khiến một lâm tặc thiệt mạng (Báo Gia Lai đã đưa tin).
Sự manh động, liều lĩnh của lâm tặc không chỉ dừng lại ở việc tấn công lại người thi hành công vụ mà các đối tượng còn tổ chức cướp lại “đồng bọn” hay tang vật đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Cụ thể, vào khoảng 23 giờ ngày 14-11-2015, tổ công tác của UBND xã Krong phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (huyện Kbang) tuần tra tại khoảnh 4, tiểu khu 94 thì phát hiện một nhóm đối tượng đang dùng cưa xăng cưa 1 cây gỗ hương (nhóm 1) trái phép.
Tổ công tác đã vây bắt được 2 đối tượng Hà Văn Quy và Trần Đức Tuấn. Ngày hôm sau, xe của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa đưa 2 đối tượng trên về huyện để xử lý. Khi tới gần nhà Hà Văn Quy (làng Hro, xã Krong, huyện Kbang) thì có khoảng 7 đối tượng mang theo dao, rựa chặn trước đầu xe uy hiếp đòi thả người. Sau đó, một đối tượng tên Nhũ đã nhảy lên xe dùng dao uy hiếp lực lượng chức năng, đồng thời kéo tên Tuấn và Quy chạy thoát theo hướng làng Krối (xã Đak Smar, huyện Kbang) nhưng chỉ có Tuấn chạy được.
Hai đối tượng Tuấn và Nhũ chạy đến gần Trạm cửa rừng làng Hro của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa thì bị bắt lại đưa vào Trạm cửa rừng Hro làm việc. Trong lúc đang làm việc thì tiếp tục có một nhóm đối tượng dùng dao, rựa xông vào Trạm cửa rừng khống chế, uy hiếp và buộc lực lượng chức năng mở còng số 8 cho Nhũ và Tuấn chạy thoát về hướng xã Đak Smar.
Trước đó, vào ngày 8-5-2015, trong khi Hạt Kiểm lâm Chư Pưh phối hợp với Công an huyện Chư Pưh áp tải 6 xe công nông vận chuyển 97 lóng gỗ tròn loại gỗ dầu với khối lượng hơn 13,5 m3 do Công an huyện bắt giữ trước đó từ xã Ia Le (huyện Chư Pưh) về thì có một số người là đồng bào dân tộc thiểu số đã trèo lên xe, đổ gỗ, đổ xăng để đốt và dùng dao, rựa, cây gậy ngăn cản lực lượng chức năng.
Hay tại chốt bảo vệ rừng Kdung II (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) vào ngày 20-9-2015, khi tổ công tác liên ngành của huyện Mang Yang đang làm nhiệm vụ thì bị 6 đối tượng dùng mã tấu, dao tấn công làm kiểm lâm viên Võ Huy Toàn bị thương ở đầu. Sau đó chúng tiếp tục truy đuổi các thành viên tổ công tác và hăm dọa sẽ tìm giết vợ con anh Toàn.
Theo ông Trương Vũ Cường-Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), tình trạng lâm tặc chống đối, đe dọa, uy hiếp và tấn công lực lượng quản lý bảo vệ rừng đã trở thành vấn đề nhức nhối ở tỉnh ta trong những năm gần đây. Các vụ việc chống người thi hành công vụ thường xảy ra ở những khu vực rừng núi, nơi hẻo lánh, xa khu dân cư, trong khi đó lực lượng làm công tác giữ rừng mỏng, khó có khả năng tiếp viện.
Bên cạnh đó, trang bị của lực lượng vẫn còn thô sơ, lại thiếu chế tài xử lý nghiêm. Việc quy định sử dụng công cụ hỗ trợ, nhất là vũ khí quân dụng trong ngành Kiểm lâm còn hạn chế nên lâm tặc ngày càng nhờn.Vì vậy, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ thì cần tiếp tục củng cố các đội kiểm tra liên ngành, bổ sung số lượng kiểm lâm đủ theo quy định, xử lý nghiêm minh những đối tượng trực tiếp tham gia phá rừng, tấn công lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Ngoài ra, quy định sử dụng vũ khí quân dụng cũng cần có sự sửa đổi và có chế tài mạnh hơn trong các trường hợp chống người thi hành công vụ… (Báo Gia Lai 23/6) đầu trang(
Nước ta hiện có 31 vườn Quốc gia trải dài trên khắp các vùng miền, chiếm khoảng 2,93% diện tích lãnh thổ đất nước.
Là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam điều kiện tự nhiên hết sức phong phú với hệ sinh thái rất đa dạng. Theo số liệu thống kê, đến tháng 8/2015, cả nước có tới 31 vườn Quốc gia với tổng diện tích khoảng hơn 10.000 km2. Những cái tên như: Cúc Phương, Phong Nha-Kẻ Bàng, Bạch Mã…đã trở nên quen thuộc không chỉ với người Việt Nam mà còn được rất nhiều du khách nước ngoài quan tâm, tìm hiểu.
Tính đến nay, Việt Nam có 31 vườn Quốc gia trải dài trên khắp các vùng miền, chiếm khoảng 2,93% diện tích lãnh thổ đất nước. Vườn Quốc gia thường được thành lập ở những khu vực có địa mạo độc đáo, có giá trị khoa học hoặc những khu vực có hệ sinh thái phong phú, có nhiều loài động-thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ nghiêm ngặt trước sự khai thác của con người.
31 vườn Quốc gia tại Việt Nam - đây thật sự là sự ưu đãi của thiên nhiên đối với nước ta, góp phần tạo nên một sự đa dạng sinh học và lợi ích phát triển chung của địa phương.Xét ở khía cạnh vai trò, tác dụng thì vườn Quốc gia có vai trò kép, vừa là khu vực cung cấp nơi cư trú cho sự sống hoang dã, vừa là địa điểm tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, nên có thể mang lại nguồn thu không nhỏ cho mỗi địa phương có vườn, có rừng.
Năm 2015, các vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã được củng cố và phát huy tốt vai trò bảo vệ đa dạng sinh học, với nhiều công trình nghiên cứu về bảo tồn loài, bảo tồn hệ sinh thái. Đặc biệt, các vườn Quốc gia cùng với các khu bảo tồn thiên nhiên đã đón trên 1,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 8% so với năm 2014, tổng doanh thu đạt trên 77,3 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014.
Như vậy có thể thấy rằng, nếu có chiến lược kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát triển vườn Quốc gia với hoạt động du lịch thì vườn Quốc gia sẽ đóng góp thiết thực cho “ngành công nghiệp không khói”, nhưng ngược lại, nếu không có chiến lược, cách làm hợp lý, việc bảo vệ vườn Quốc gia sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thêm nữa, rừng luôn gắn bó chặt chẽ với nhu cầu mưu sinh như canh tác, khai thác tài nguyên, vốn tồn tại từ lâu trong đời sống nhân sinh của con người, đặc biệt là người dân sống gần khu vực vườn Quốc gia. Nghiêm trọng hơn, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với hệ động-thực vật có giá trị kinh tế cao, vườn Quốc gia luôn bị “lâm tặc” nhòm ngó, sẵn sàng khai thác bừa bãi khi có thời cơ.
31 vườn Quốc gia ở Việt Nam là những quà tặng vô giá của thiên nhiên mà chúng ta may mắn được thừa hưởng và cần phải bảo vệ và phát huy giá trị rừng , mà trong đó là những di sản lịch sử văn hóa, là những điểm đến du lịch với thiên nhiên. (VOV Giao Thông 23/6) đầu trang(
Trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi tại huyện Đạ Tẻh đầu tháng 6, Trưởng phòng Khoa học Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên TS Phạm Hữu Khánh cho biết: Đây là kiểu rừng ẩm nhiệt đới thường xanh mùa mưa còn sót lại hiếm hoi của Việt Nam, nhờ đó rất giàu về tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH).
Tuy nhiên, tính đa dạng đã và đang ngày càng bị đe dọa bởi tác động rất mạnh mẽ của con người.
Tiền thân là khu rừng cấm với diện tích 31.000 ha (năm 1978), ngày 13/1/1992, VQG Cát Tiên được thành lập với tổng diện tích 71.350 ha. Trong đó, tỉnh Đồng Nai (khu vực Nam Cát Tiên) 39.627 ha, tỉnh Lâm Đồng (khu vực Cát Lộc) 27.530 ha và tỉnh Bình Phước (khu vực Tây Cát Tiên) 4.193 ha. Ngày 10/11/2001, VQG Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQTG) thứ 411 và là KDTSQ thứ 2 của Việt Nam.
KDTSQ có tổng diện tích 966.563 ha; trong đó, vũng lõi 169.072 ha (Đồng Nai 136.779 ha, chiếm 80,9%; Lâm Đồng 27.850 ha, 16,4% và Bình Phước 4.443 ha, 2,63%). Bên cạnh đó, vùng đệm của KDTSQ 349.995 ha (Đồng Nai 6 huyện, Lâm Đồng 3 huyện, Bình Phước 3 huyện, Bình Dương 1 huyện); vùng chuyển tiếp 447.496 ha (Đồng Nai 9 huyện, Lâm Đồng 3 huyện, Bình Phước 3 huyện, Bình Dương 2 huyện và Đắc Nông 2 huyện).
Ngày 4/8/2005, khu đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận vùng đất ngập nước quan trọng thứ 1.499 của quốc tế và hiện là 1 trong 8 khu Ramsar ở Việt Nam.
Với điều kiện địa hình, khí hậu và khả năng dung chứa đến 5 kiểu rừng (lá rộng thường xanh; thường xanh nửa lá rụng; hỗn giao gỗ tre; tre nứa thuần loại và thảm thực vật đất ngập nước) là những yếu tố tạo nên VQG Cát Tiên trở thành nơi hội tụ các loài thực vật, động vật và rất giàu về tài nguyên ĐDSH có hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng, hệ động vật rừng đặc trưng cho hệ sinh thái Đông Nam Bộ.
Số liệu mới nhất do TS Khánh cung cấp: Tại Vườn, hệ thực vật có hơn 1.610 loài bậc cao có mạch; bao gồm 23 loài đặc hữu, 39 loài Sách đỏ Việt Nam (2007) và 25 loài Danh lục đỏ IUCN (2012). Một số loài quý hiếm như Gõ đỏ, Cẩm lai, Giáng hương, Gõ mật, Cẩm thị...
Rừng ở đây còn có ưu thế về các họ Dầu, họ Đậu và họ Tử vi. Thảm thực vật đất ngập nước của Vườn là hệ bàu, đầm lầy hình thành cách nay từ 3.000-5.000 năm. Hệ thú có quan hệ chặt chẽ với vùng Tây Nguyên. Hiện, Vườn có 105 loài thú, trong đó 32 loài Sách đỏ Việt Nam (2007), 26 loài Danh lục IUCN (2012); một số loài quý hiếm là Bò tót, Voi, Chà vá chân đen, Vượn má vàng, Cu li nhỏ…
Tính ĐDSH của VQG Cát Tiên còn là, có các sinh cảnh của quần thể Voi châu Á (Elephas Maximus) từ 9-11 cá thể; của quần thể Bò tót (Bos gaurus) với 110 cá thể; của Bò rừng (Bos banten) với khoảng 8 -10 cá thể và của các loài linh trưởng quý hiếm, phong phú về thành phần loài và số lượng cá thể.
Ở VQG Cát Tiên hiện có 357 loài chim (31 loài Sách đỏ VN, 22 loài Danh lục IUCN); 83 loài bò sát (20 loài Sách đỏ VN, 13 loài Danh lục IUCN); 41 loài lưỡng cư (3 loài Sách đỏ VN, 3 loài Danh lục IUCN); 156 loài cá nước ngọt (4 loài Sách đỏ VN, 13 loài Danh lục IUCN).
TS Khánh còn cho biết, tại Vườn có thể có trên 1.000 loài nấm, đã ghi nhận được 400 loài; trong đó, họ Linh chi Ganodermataceae chiếm tỷ lệ cao nhất với 30 loài và các nhà khoa học đã phát hiện nơi đây có 12 loài đầu tiên tại Việt Nam. Tính đến thời điểm này, có đến 45 loài thực vật mới được phát hiện...
Với chức năng, mục tiêu và nhiệm vụ, những năm gần đây, VQG Cát Tiên đã được quan tâm nhiều đến công tác bảo tồn các hệ sinh thái rừng, bảo tồn nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm… Hiện nay, Vườn có 175 cán bộ công nhân viên, trong đó có 109 kiểm lâm, gồm 19 trạm kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động, pháp chế và Ban lãnh đạo.
Nói về thành quả công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), TS Phạm Hữu Khánh cho biết: Lực lượng kiểm lâm luôn được tăng cường về năng lực; điều kiện cơ sở vật chất làm việc được cải thiện; mối quan hệ giữa Vườn với chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ; công tác QLBVR được kiểm soát tốt hơn.
Về thuận lợi, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức và nhà khoa học còn có sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp và nhận thức của người dân ngày càng rõ hơn. Đặc biệt là sau khi triển khai công tác giao khoán bảo vệ rừng của VQG Cát Tiên cho các hộ dân.
Trong đó tại Lâm Đồng, hiệu quả nhất là ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên với tổng diện tích rừng được giao QLBV 6.100 ha gồm 362 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và ở xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh hơn 3.700 ha với 156 hộ đồng bào Châu Mạ. Trong 5 năm qua, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số 2 địa phương này được giao khoán đã nhận hơn 10 tỉ đồng từ chương trình, góp phần đáng kể để nâng cao sinh kế.
Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, thử thách đối với công tác bảo tồn ĐDSH tại VQG Cát Tiên. Đó là còn nhiều hộ dân canh tác nông nghiệp trong VQG, điển hình là khu vực Đạ Nha, Đạ Tẻh có 6,3 ha đất xâm canh trong ranh giới Vườn.
Cùng đó, tình trạng các công ty lâm nghiệp giáp ranh giới Vườn khai thác gỗ chuyển mục đích sử dụng đất đã gây nên xâm lấn đất rừng, phá rừng làm giảm vùng cư trú của các loài động vật hoang dã. Tình trạng xâm hại tài nguyên rừng thông qua các hành vi săn bắt động vật và khai thác thu hái lâm sản ngoài gỗ làm nguy cơ suy thoái sinh cảnh đang “báo động đỏ”.
Việc chăn thả gia súc trong VQG gây nên mầm bệnh và cạnh tranh thức ăn đối với các loài thú móng guốc hoang dã cũng cần phải chấm dứt. Hệ quả của việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai và khai thác cát bừa bãi trên sông Đồng Nai đã và đang làm thay đổi chế độ thủy văn của hệ đất ngập nước trong VQG Cát Tiên là thấy rõ.
Ngoài ra, tác động xấu đến tính ĐDSH của VQG Cát Tiên còn ở chỗ: Sự phát triển mạnh mẽ của các loài ngoại lai, nhất là cây mai dương; ô nhiễm nguồn nước do sử dụng phân bón, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và cháy rừng vào mùa khô…
Vì vậy, chỉ có khắc phục những tồn tại và hạn chế những trở lực nêu trên thì công tác bảo tồn ĐDSH của VQG Cát Tiên mới có hiệu quả. Muốn thế, các địa phương trong VQG Cát Tiên cần hơn một lần nhận thức sâu sắc về giá trị đặc biệt và to lớn của ĐDSH đối với đời sống con người.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, từ tỉnh đến xã, thôn; cả hệ thống chính trị cơ sở; cộng đồng dân cư; các doanh nghiệp được giao rừng cùng lực lượng chức năng và đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học… tham gia bảo tồn thì ĐDSH của VQG Cát Tiên mới ngày càng đạt được khả thi. (Báo Lâm Đồng 23/6) đầu trang(
Tối 23/6, tại thành phố Đồng Hới, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt cùng một số tổ chức môi trường quốc tế đã phối hợp với tỉnh Quảng Bình ra mắt sáng kiến về cầu nối sinh học, một trong những dự án bảo tồn thiên nhiên, sẽ được triển khai tại Khe Nước Trong của tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, Trung tâm thiên nhiên Việt sẽ làm việc với người dân bản địa và chính quyền địa phương để cùng thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên một cách thiết thực như tăng cường tuần tra giám sát rừng, ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép và nạn săn bắt động vật hoang dã; kêu gọi cộng đồng bản địa cùng bảo vệ và hưởng lợi từ tài nguyên rừng. Về lâu dài, sẽ trồng và tái tạo lại hệ sinh thái rừng ở những khu vực thích hợp.
Chương trình Cầu nối đa dạng Sinh học sẽ tập trung bảo vệ lâu dài những khu vực có mức đa dạng sinh học cao. Trước mắt, chương trình này sẽ được triển khai ở Khe Nước Trong, khu vực có 20,000 ha diện tích vùng Đa dạng sinh học trọng yếu thuộc dãy Trường Sơn kéo dài từ nam Quảng Trị đến bắc Quảng Bình. (Đài Truyền Hình Việt Nam 24/6) đầu trang(
UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch hành động đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu nhằm điều tra, đánh giá chính xác hiện trạng đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, phát hiện các nguy cơ gây suy giảm đa dạng sinh học; xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh tập trung ở các vùng đất ngập nước và các khu vực có tính đa dạng sinh học cao như Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân; Khu du lịch sinh thái Việt Úc; Khu lâm ngư thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ; Khu thực nghiệm Hòa An, với nguồn kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Theo đó, sẽ xây dựng kế hoạch hành động đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên cạn; bảo tồn và phát triển các vùng đa dạng sinh học đất ngập nước; sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; tăng cường quản lý nhà nước ở địa phương về đa dạng sinh học; xây dựng các kế hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gene, sinh vật và hệ sinh thái của tỉnh Hậu Giang; nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về tầm quan trọng, giá trị của nguồn tài nguyên, tham gia bảo tồn, sử dụng đa dạng sinh học; bảo đảm ứng phó với những thách thức thường xuyên do thiên tai và những thách thức từ phía con người nhằm bảo tồn các khu vực đa dạng sinh học quan trọng... (Báo Hậu Giang 23/6) đầu trang(
Chiều 22/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cùng Ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các chương trình giảm thiểu đe dọa sinh học giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, vấn đề an ninh sinh học hiện nay được quốc tế quan tâm nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây nhiễm dịch bệnh giữa động thực vật và hệ sinh thái.
Ở Việt Nam, theo Bộ Y tế đã có hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, rồi lại từ người sang người làm tăng nguy cơ lây lan giữa các quốc gia, chưa kể một số bệnh còn biến chủng, dễ lây lan, tăng độc lực…
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ đã thông qua Cơ quan phát triển quốc tế (USAID) hỗ trợ Việt Nam rất thành công một số chương trình dự án có liên quan đến quản lý và phòng chống đại dịch và bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Từ thực tế đặt ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để tạo hành lang pháp lý vững chắc, lâu dài cho các hoạt động hợp tác giữa hai Chính phủ, hai bên thấy rằng cần thiết phải ký kết một văn bản ghi nhớ để tăng cường và mở rộng các hoạt động sau này.
Ngài Đại sứ Ted Osius đánh giá rằng, biên bản ghi nhớ ký kết cho thấy bước tiến dài trong mối quan hệ giữa hai nước.
“Việt Nam đang gánh vác trách nhiệm đầu tàu của khu vực trong hỗ trợ chương trình An ninh Y tế toàn cầu. Chúng tôi tự hào được sát cánh để hỗ trợ các bạn trong nỗ lực đó. Việt Nam đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong chương trình hành động về các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bản ghi nhớ sẽ tiếp tục hỗ trợ vai trò đi đầu một cách hiệu quả và bền vững bằng cách nâng cao chuyên môn và cơ sở hạ tầng”, ngài Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh. (Nông Nghiệp Việt Nam 23/6) đầu trang(
TP Hải Phòng là địa phương có hệ thống giống vật nuôi có tính đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, các giống vật nuôi được chú trọng phát triển chủ yếu là giống cho năng suất cao, cung cấp nguồn thực phẩm lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Theo ông Vũ Công Quý, GĐ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Hải Phòng, số giống vật nuôi quý hiện có trên địa bàn thành phố không nhiều, chỉ còn gà Liên Minh, dê núi Cát Bà (huyện Cát Hải), ngan Sen (huyện Kiến Thụy). Số lượng vật nuôi quý được bảo tồn, phát triển cũng rất ít ỏi.
Trong khi đó, việc du nhập nhiều giống vật nuôi mới có năng suất cao và tình hình dịch bệnh phát triển làm tăng nguy cơ biến mất của các giống vật nuôi quý trên. Vì thế, một số hoạt động bảo tồn đã được triển khai trong mấy năm gần đây.
Năm 2010, UBND xã Trân Châu, huyện Cát Hải phối hợp với Viện Chăn nuôi thực hiện dự án bảo tồn gà Liên Minh theo phương pháp bảo tồn tại chỗ.
Từ năm 2012-2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Hải Phòng triển khai dự án khai thác, phát triển nguồn gen gà Liên Minh với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, dự án bước đầu tạo ra được đàn gà Liên Minh giống thuần, tăng nguồn cung cấp thịt gà chất lượng cao cho huyện đảo nói riêng và thành phố nói chung.
Với sự hỗ trợ của ngành KH-CN, gà Liên Minh và dê núi Cát Bà đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Còn ngan Sen - giống ngan nội của nước ta - được một số hộ dân tại huyện Kiến Thụy nuôi bảo tồn nhưng theo hình thức tự phát chứ chưa được tổ chức hay định hướng từ phía chính quyền và các ngành chức năng.
Số động vật đặc hữu, quý hiếm của Hải Phòng tập trung nhiều nhất ở Vườn Quốc gia Cát Bà - một khu rừng độc đáo trên núi đá vôi. Nơi đây có 34 loài động vật quý hiếm, đặc hữu đang bị đe doạ (có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007, Sách đỏ Thế giới, Nghị định 32/2006/NĐ-CP). Trong đó có dơi thuỳ không đuôi, dơi mũi ống cánh lông, voọc Cát Bà, rái cá thường, rái cá vuốt bé, cầy giông, cầy hương, mèo rừng, sơn dương,…
KS Vũ Hồng Vân, Vườn Quốc gia Cát Bà chia sẻ, những loài sống trên các đảo nhỏ rất dễ tuyệt chủng nếu không được bảo vệ tốt và ý thức của cộng đồng không cao.
Mô hình sinh địa của đảo Cát Bà dự báo rằng, với tốc độ phá hủy nơi cư trú của các loài hoang dã như hiện nay thì mỗi năm sẽ có nhiều loài bị tuyệt chủng và trong vòng 10 năm tới không biết bao nhiêu loài động vật không còn tồn tại ở Cát Bà. Nhiều quần xã sinh học đang dần dần bị mai một bởi những sự tuyệt chủng cục bộ của loài.
Không khó để nhận ra những nguyên nhân chính của tình trạng trên, đó là rừng Cát Bà đang chịu nhiều tác động từ hoạt động phát triển kinh tế, tình trạng săn bắn, khai thác rừng trái phép vẫn diễn ra, rồi cháy rừng, ô nhiễm môi trường…
Vườn Quốc gia Cát Bà đang tích cực bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm đang nguy cấp như voọc Cát Bà. Từ năm 2000 đến nay, Vườn phối hợp với một số tổ chức quốc tế thực hiện Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà. Loài voọc Cát Bà - loài đặc hữu của Việt Nam và chỉ có ở các cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt của đảo Cát Bà hiện bị đe doạ tuyệt chủng ở cấp rất nghiêm trọng.
Diện tích sinh sống của voọc Cát Bà nhỏ hơn 100 km2 và có tên trong danh sách 25 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới và có lẽ là dạng linh chưởng hiếm nhất ở châu Á.
Hiện số lượng loài này trên đảo Cát Bà còn khoảng 68 - 70 cá thể. Mặc dù công tác bảo vệ và bảo tồn vọoc đã được thực hiện một cách nghiêm ngặt và khoa học, nhưng số lượng loài vẫn bị đe doạ.
Một phần do loài voọc này sống cô lập trên những hòn đảo nên khó hợp đàn được với nhau, khả năng giao phối bị hạn chế hoặc xảy ra tình trạng giao phối cận huyết, ảnh hưởng đến nguồn gen của loài sau này. Mặt khác, tình trạng săn bắt vẫn còn, việc phá rừng làm đất trồng trọt và phát triển du lịch cũng ảnh hưởng đến tập tính và sinh cảnh sống của loài... (Nông Nghiệp Việt Nam 24/6) đầu trang(
“Đại bổ thận tráng dương, giúp quý ông cứng cơ dẻo gân, tăng cường sinh lực, giải độc, vẩy làm thuốc trị bá bệnh, đặc biệt có khả năng điều trị tiểu đường, ung thư. Bộ vảy là “bảo bối” nên có trong mọi gia đình”...
Đó là những lời rao về con trút, hay còn gọi là tê tê, loài bò sát có vú đặc biệt quý hiếm hiện đang trên đà tuyệt chủng. Sự thật hoàn toàn không phải như vậy.
Trong một lần lên công tác ở vùng biên giới Tây Ninh, tôi được anh bạn người địa phương, nguyên là một lái trâu, bò lậu từ Campuchia về, rỉ tai úp mở: “Tôi đã chuẩn bị một món đặc sản tiếp ông trưa nay rồi”.
Nói rồi anh bạn dẫn tôi đến một quán ăn nằm sâu trong con đường đất nhỏ ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên. “Quán ăn chỉ có vài chòi lá đơn sơ, chẳng có vẻ gì sang trọng, làm sao có đặc sản ở đây được?”, tôi thầm nghĩ.
Như đọc được những gì đang chạy trong đầu tôi, anh bạn trấn an: “Ông đừng coi thường, quán tuềnh toàng vậy chứ toàn đặc sản bên Cam về. Đảm bảo tuyệt đối là đồ tươi sống nhá. Mỗi khi có mối làm ăn, tôi đều dẫn ra đây. Dân máu mặt đến không đó”.
Sau khi dẫn tôi vào một chòi lá, anh bạn vụt ra ngoài. Xung quanh vắng lặng như chốn rừng hoang, chỉ có tiếng cây quạt trên đầu quay hết công suất vẫn không xua được cái nóng hừng hực vùng biên giới. Khoảng 20 phút sau, anh bạn tôi cùng 1 người đàn ông và cô nhân viên phục vụ, khệ nệ bưng bê đủ thứ vào chòi.
Vài phút sau, trên chiếc bàn tròn khá to đã bày kín mọi thứ. Sau khi giới thiệu tôi với người đàn ông kia, anh bạn quay sang tôi nói: “Đây là chủ quán, bạn làm ăn chung của tôi từ hơn chục năm nay. Đây là thịt rừng tươi sống, mật, tiết của nó nằm trong 2 chai rượu này. Anh ăn rồi đoán xem nó là con gì nha”. Quả thật tôi chưa từng thấy món này, nên dù gắp lên “soi” khá kỹ mà không thể biết đó là thịt con gì.
Bạn tôi tỏ vẻ thông cảm cho cái sự lạc hậu của tôi bằng câu: “Ông không biết là đúng. Vì đây là loài động vật cực kỳ quý hiếm, tuyệt đối cấm săn bắt, nên không phải ai cũng được thưởng thức. Lần này tôi có để đãi ông là vì ông gọi báo trước khi lên, chứ đột xuất không có đâu”.
Im lặng vài giây như để kích thích sự tò mò của tôi, anh bạn nói tiếp: “Món này mọi thứ đều bổ, đều quý. Từ trong ruột ra đến ngoài là bộ vảy, móng. Con này ở đây mua giá gốc đã 4 triệu đồng ký rồi. Nếu là nhà hàng ở Sài Gòn thì giá “bèo” lắm cũng gấp 2 - 3 lần”.
Đến đây thì tôi đã đoán ra đó là con tê tê, hay còn gọi là trút, loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng vì lời đồn về công dụng như “thần dược” của nó từ miệng những kẻ buôn bán trái phép.
Quả thật, đây là lần đầu tiên tôi nếm thử món ăn từ con vật mà đã nghe quá nhiều. Tôi từng cùng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã đi thả những con thú bị săn bắt trái phép về rừng sau khi được cứu hộ, trong đó có tê tê. Nghĩ đến đến những hình ảnh về con vật hiền lành này, bất chợt miệng tôi đắng ngắt.
Trong khi đó, anh bạn tôi vẫn thao thao: “Thịt con tê tê là một trong những món ăn cao cấp, chỉ những tay tiền như nước mới dám ăn. Đàn ông nếu yếu sinh lý, ăn đủ các món chế biến từ tê tê gồm thịt, lòng, tiết, mật, nếu có rượu ngâm con này nữa thì đảm bảo chuyện phòng the khỏi phàn nàn. Ông cứ thử một lần xem tôi nói đúng không”.
Trở về sau chuyến đi, tôi tìm hiểu các thông tin về loài tê tê mới biết, mặc dù loài này bị nghiêm cấm buôn bán, cấm sử dụng mọi sản phẩm chế biến từ tê tê, nhưng trên thị trường chợ đen, việc mua bán vẫn rầm rộ, bán công khai trên các trang mạng hay qua mối lái, người quen...
Trong vai người tìm mua vảy tê tê về làm thuốc, tôi gọi vào một số điện thoại trên trang mạng, giọng một người đàn ông trung niên thao thao: “Tôi chuyên cung cấp tê tê sống giá gốc. Hiện tại chưa có hàng, anh đặt cọc cho tôi vài trăm, chỉ 1 - 2 ngày là có. Anh đến lấy trực tiếp, tôi lấy giá gốc là 6 triệu đồng/kg, còn mang đến tận nơi thì giá 1 ký là 6,5 triệu đồng. Con từ 3 - 5 ký. Nếu anh mua con to tôi bớt chút đỉnh. Muốn chế biến tại chỗ như pha tiết rượu, mật, tách vảy, làm sạch bộ lòng, anh chỉ việc mang về chế biến... thì thêm 300 ngàn tiền công”.
Khi tôi hỏi về công dụng chữa bệnh của tê tê, người đàn ông tiếp tục thao thao như một thầy thuốc chính hiệu: “Thịt tê tê không chỉ ngon khỏi chê, mà tất tần tật mọi thứ trên cơ thể nó đều là thuốc. Công dụng nhất của nó là bổ dương tráng thận cho đàn ông. Còn tiết, mật có tác dụng giải độc gan cực kỳ hiệu quả. Đặc biệt, vảy tê tê còn chế ra nhiều bài thuốc điều trị ung thư rất tốt. Bình quân cứ 1 ký thịt thì có 1 lạng vảy, tức con tê tê 3 ký thì có khoảng 3 lạng vảy. Nếu anh chỉ mua vảy không thì giá 11 triệu đồng ký. Đây là giá gốc, anh không tin ra khu Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5 (TP. HCM) hỏi thử, giá khoảng 15 triệu/kg. Nếu không đúng tôi biếu không anh. Tê tê là một trong những món đặc sản, quý hơn chồn hương, rắn hổ. Anh chơi món này là đẳng cấp rồi. Ăn thịt xong còn bộ vảy làm bảo bối trong nhà, phòng khi bệnh tật. Một công đôi việc”.
Để tìm hiểu thực hư những lời đồn đại quanh con tê tê, tôi gặp ông Phạm Quốc Vinh, một lương y từng giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có con bằng bài thuốc gia truyền, để hỏi.
Ông Vinh cho biết, thịt con tê tê cũng như các loài động vật khác, chỉ là thực phẩm bình thường, chứ chưa thấy tài liệu đông y nào nói là vị thuốc chữa bệnh cả. Tiết, mật cũng vậy. Riêng vảy tê tê, đông y cổ phương có dùng để bào chế một vài loại thuốc điều trị một số bệnh thông thường chứ không có chuyện chữa ung thư như người ta đồn.
“Tất cả đều do người bán tung tin thất thiệt để lừa người bệnh thôi. Tôi từng chứng kiến một người dân bị khối u áp xe khá to ở chân nên tìm mua vảy tê tê về sao, tán bột rắc lên. Sau một thời gian thì vết áp xe xẹp dần, hết mủ. Người bán vảy tê tê bắt đầu đi rao khắp nơi rằng anh ta vừa cứu một người bị ung thư thoát chết nhờ vảy tê tê. Đưa bằng chứng người thật việc thật hẳn hoi, nhiều người tin lắm, tìm đến anh ta mua vảy tê tê về để trong nhà. Tôi tìm đến người khỏi “ung thư” kia tìm hiểu mới biết, chẳng có ung thư nào cả, đó chỉ là khối áp xe, anh ta không giữ gìn, cứ lội ruộng nên khối u ngày càng to, gây đau nhức. Vảy tê tê điều trị mụn nhọt rất hiệu quả. Từ đó cho thấy, người dân không hiểu biết nên đã bị con buôn lợi dụng thôi”.
“Trong y học cổ truyền, vảy tê tê được gọi là xuyên sơn giáp, có vị mặn, hơi tanh, tính lạnh, không độc, vào 2 kinh can và vị, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, giảm đau, sát khuẩn, giảm sốt, lợi sữa. Xuyên sơn giáp được chế thành bài thuốc trị sốt rét lâu năm, tắc tia sữa cho phụ nữ, chữa rắn cắn, trị chứng sưng lá lách. Chỉ vậy thôi chứ hoàn toàn không có công dụng thần kỳ trong điều trị ung thư hay “thần dược” cho quý ông như lời đồn”, lương y Phạm Quốc Vinh, Giám đốc Công ty Đông dược Việt, Long An. (Nông Nghiệp Việt Nam 23/6) đầu trang(
Được xếp vào danh mục động vật quý hiếm, cấm săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán, nhưng khoảng 10h30 phút samgs 22/6, cơ quan Công an lại phát hiện hai cá thể rùa hộp trán vàng này tại trước cổng trường Đại học kinh tế quốc dân.
Theo đó, khoảng 10h30 phút, trong khi làm nhiệm vụ, tổ công tác đội Cảnh sát kinh tế - quận Hai Bà Trưng – Thành phố Hà Nội phát hiện một nam thanh niên xách theo một chiếc túi, đứng trước cổng trường Đại học kinh tế quốc dân, có biểu hiện nghi vấn nên đã kiểm tra hành chính.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong chiếc túi của thanh niên này có 3 cá thể rùa, trong đó, 2 cá thể thuộc giống rùa hộp trán vàng, 1 cá thể rùa núi vàng.
Xác định rùa hộp trán vàng là loại động vật quý hiếm, cấm săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán nên lực lượng chức năng đã đưa nam thanh niên này về trụ sở xác minh, làm rõ.
Nam thanh niên tên Trần Tến Dũng, sinh năm 1994, trú tại Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quảng Bình, khai nhận, mua 3 cá thể rùa trên của một người dân không quen ở Quảng Bình với giá 1.300.000 đồng, sau đó đi tàu ra Hà Nội và mang đến trường Đại học kinh tế quốc dân để bán cho một người khách muốn mua lại. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra. (An Ninh Thủ Đô 23/6) đầu trang(
Ruộng đồng nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng) mênh mông như thế, nhưng đi đến đâu cũng đụng người. Thời buổi người khôn của khó, người bẫy chim ngày càng nhiều, nên chim ngày càng khan hiếm. Ngày trước còn chọn lựa, bây giờ loại chim nào họ cũng bẫy tuốt...
Sáng 22-6, thấy anh K. (quê Quảng Ngãi) "rình rập" bẫy chim trên đoạn đường bê-tông thôn Phước Thái (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang), chúng tôi lân la đến gần. Một bộ đồ nghề bẫy chim khá đơn giản, gồm 1 cây cần tự chế có 2 thanh ngang bằng nhôm được bôi một lớp keo dính đặt áp sát vào cột điện. Tiếng chim phát ra từ loa máy nhỏ gọi đàn đặt phía dưới.
Trên trời từng đàn chim sẻ bắt đầu quần đảo. Khi chúng tôi mường tượng đến cảnh những con chim sẻ sà xuống dính keo ngược đầu kêu thảm thiết như đã từng chứng kiến trước đây thì bất chợt, nhiều chiếc xe máy chạy qua, âm thanh động cơ làm đàn chim bay hỗn loạn...
Nhẫn nại đợi thêm vài phút, lớp keo khô dần dưới cái nắng chói chang mà đàn chim cũng chẳng quay lại. Anh K. uể oải thu dọn đồ nghề, chuẩn bị di dời qua địa điểm khác. Anh K. cho biết, nghề chính của anh là nghề bán võng dù, giường xếp. Hằng ngày, rảo xe ở các vùng quê, anh đã nhiều lần chứng kiến việc bẫy chim sẻ bằng keo rất hiệu quả.
Cùng chỗ thuê trọ với anh, có nhiều người mỗi ngày bẫy cả trăm con chim, chim khỏe thì bỏ mối cho những người bán chim phóng sinh cầu an, chim chết thì làm thịt bỏ cho các nhà hàng, quán nhậu làm đặc sản với giá 5 ngàn đồng/con. Họ kiếm tiền dễ hơn anh nhiều. Họ vác sào, lưới đi suốt ngày đêm, lặn lội lên rừng, xuống phố...
Đợi cho xe anh K. khuất cuối đường, ông Bốn Nhượng (cư dân địa phương) mới cho chúng tôi hay, thực ra việc nhiều xe máy chạy ngang qua điểm bẫy chim cùng lúc là do thanh niên trong làng tự dàn dựng để xua đuổi đàn chim khỏi dính bẫy.
Bởi, thời gian gần đây, ở vùng nông thôn mà tiếng chim cứ thưa dần, lượng chim giảm sút nghiêm trọng. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái. Mùa màng bị xâm hại, năng suất thấp do sâu bệnh hoành hành. Người nông dân buộc phải sử dụng hóa chất độc hại để diệt trừ sâu dẫn đến sự ô nhiễm nguồn nước và phải hứng chịu hậu quả do ô nhiễm môi trường...
"Với quan niệm "chim trời, cá nước" ai cũng có thể đánh bắt tùy theo ý thích, có người bắt chim để phục vụ nhu cầu giải trí hoặc làm mồi nhậu, cũng có người xem đó là công việc mưu sinh. Cho dù với mục đích gì, chính việc làm thiếu ý thức săn bẫy chim một cách tràn lan như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ làm tuyệt chủng nhiều loài chim và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người. Bên cạnh đó, hiện nay chính quyền địa phương vẫn chưa có quy định nào cấm người dân săn bắt nên nguy cơ chim trời bị tận diệt là điều sẽ xảy ra"", ông Bốn Nhượng trăn trở.
Trước đó, nhiều thợ bẫy vùng giáp ranh Điện Hòa (TX Điện Bàn, Quảng Nam) căng mắt nhìn các vuông lưới giăng dưới các đồng lúa vừa thu hoạch ở thôn Lệ Sơn 2 (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang). Trời nhá nhem nên màu xanh của các vuông lưới cũng nhạt nhòa. Theo các anh, thời điểm này bẫy chim ri, mỏ nhát là "ngon" nhất, chim đi kiếm ăn trước khi bay về nơi trú ngụ.
Một người cho biết, nghề này vất vả lắm, nhưng vẫn cứ đi. Xong một ngày leo giàn giáo làm thợ nề, chiều tối là xuống ruộng bẫy chim để có đồng ra đồng vào phụ vợ nuôi con. Mỗi con bán cho các quán nhậu được 15 ngàn đồng... Sau khi dính lưới gần chục con tại chân ruộng, các anh lập tức cuốn lưới, di chuyển sang cánh đồng kế bên. Lần này, các anh không giăng bẫy ở chân ruộng nữa, mà đặt lưới sát triền bao theo hướng gió, đón lõng đàn chim di chuyển trước khi chúng tách đàn, sà xuống từng đám ruộng...
Dân gian có câu "Đất lành chim đậu". Điều này đang trở thành nghịch lý. Những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ mang lại cuộc sống đủ đầy cho người nông dân, vô tình trở thành nơi cạm bẫy để một bộ phận người dân tận diệt chim trời. Nếu không kịp thời ngăn chặn, sau này liệu mọi người có còn được nghe tiếng chim?
Chứng kiến những người thợ bẫy chim hành nghề, ông Hai Giác (trú xã Hòa Tiến) nhớ lại, ông từng có tiếng "sát" chim thời trai trẻ nhưng gia đình ông vẫn không khá nổi. Cứ mỗi lần thấy ông mang lưới ra ruộng bẫy chim là vợ con ông liên tục lên "án"...
"Người ta xót lòng khi thấy chim trời bị săn bẫy nên phát lòng từ bi mua thả lại thiên nhiên. Trong khi đó, vì mưu sinh mà mình tìm mọi cách sát hại chúng. Như vậy là mình mang tội với trời, với đất thì ai giúp mình khấm khá lên được", ông Hai Giác bày tỏ nỗi lòng mà nhiều năm trước, khi từ bỏ nghề ông đã cay đắng thốt lên. (Công An TP.Đà Nẵng 23/6) đầu trang(
Tính đến tháng 6/2016, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý thành công 1.130 trên tổng số 1.551 vụ vi phạm về động vật hoang dã trên mạng Internet, gỡ bỏ nhiều đường link vi phạm cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng tịch thu nhiều cá thể động vật hoang dã còn sống.
Từ thông tin của Trung tâm, nhiều đối tượng “sừng sỏ” về buôn bán động vật hoang dã trên mạng đã sa lưới pháp luật. (Thanh Tra 23/6) đầu trang(
Không sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm là chủ đề cuộc hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã toàn cầu tại Việt Nam (TRAFFIC) tổ chức tại Lào Cai ngày 23/6.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên đến từ 29 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ tuyên giáo trong công tác tuyên truyền thay đổi hành vi không sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về việc bảo tồn đa dạng sinh học; kinh nghiệm bảo tồn các loài động vật hoang dã trước vấn nạn săn bắt trái phép và giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
Ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương cho biết: Cần tạo dư luận xã hội lên án, phê phán, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và nhân dân về vị trí vai trò của đa dạng sinh học đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ khoa học và Công nghệ Môi trường, Ban tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát, thống nhất các quy định về bảo vệ động, thực vật hoang dã. Cần tuyên truyền, phổ biến các quy định trong Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2015, giúp nhân dân ý thức được vi phạm pháp luật và các quy định về bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm là nghiêm trọng.
Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của TRAFFIC trong việc bảo tồn các loài động thực vật hoang dãnguy cấp quý hiếm tại Việt Nam và trên thế giới nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng thông qua truyền thông thay đổi hành vi; kinh nghiệm của Lào Cai trong bảo vệ thiên nhiên và phát triển bền vững kinh tế qua mô hình Vườn quốc gia Hoàng Liên... (Tin Môi Trường 24/6; Dân Việt 24/6) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước.
Dự thảo này đề xuất quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty nông, lâm nghiệp nhà nước) được nhà nước giao, cho thuê đất và tài sản gắn liền trên đất.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng trên có nhu cầu khoán và đủ các điều kiện, năng lực về tài chính áp dụng các quy định này và tự quyết định, chịu trách nhiệm về khoán.
Theo dự thảo, bên khoán và bên nhận khoán phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí sau: Tiêu chí được khoán: Được Nhà nước giao, cho thuê đất và tài sản gắn liền trên đất là rừng, vườn cây và mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; có phương án khoán, phương án tổ chức sản xuất kinh doanh.
Tiêu chí được nhận khoán: Hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương và cộng đồng dân cư thôn theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Luật Đất đai năm 2013, nơi có diện tích khoán và có nhu cầu nhận khoán và hộ gia đình, cá nhân thuộc thôn, bản có đường ranh tiếp giáp với diện tích khoán, được chính quyền địa phương xác nhận. Ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có đề nghị nhận khoán.
Dự thảo nêu rõ những hình thức khoán sau:
Khoán ngắn hạn: Đối với rừng đặc dụng, thực hiện khoán bảo vệ rừng ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; khoán trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng ở phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính, khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và xúc tiến tái sinh tự nhiên.
Đối với rừng phòng hộ, thực hiện khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng. Đối với vườn cây và mặt nước, diện tích vườn cây lâu năm trong quy hoạch đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và diện tích mặt nước trong rừng phòng hộ, đặc dụng thực hiện khoán sản xuất kinh doanh theo năm, theo thời vụ thu hoạch.
Khoán ổn định lâu dài: Rừng đặc dụng, thực hiện khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính đối với diện tích rừng nghèo, rừng chưa có trữ lượng, diện tích đất trống có cây gỗ tái sinh để phục hồi rừng và hệ sinh thái rừng.
Rừng phòng hộ, thực hiện khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên đối với diện tích rừng nghèo, rừng chưa có trữ lượng, diện tích đất trống có cây gỗ tái sinh để phục hồi và làm giàu rừng, tăng chức năng phòng hộ của rừng.
Rừng sản xuất là rừng tự nhiên, thực hiện khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng bổ sung đối với diện tích rừng nghèo, rừng chưa có trữ lượng, diện tích đất trống có cây gỗ tái sinh tự nhiên để nuôi dưỡng và làm giàu rừng. Mặt nước, thực hiện khoán sản xuất kinh doanh ổn định lâu dài để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Theo dự thảo, thời hạn khoán ngắn hạn thực hiện theo thỏa thuận giữa bên khoán và bên nhận khoán, nhưng tối đa không quá 3 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao, cho thuê đất và tài sản gắn liền trên đất. Thời hạn khoán ổn định lâu dài áp dụng theo chu kỳ cây trồng hoặc chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc theo thỏa thuận giữa bên khoán và nhận khoán, nhưng tối đa không quá 20 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao, cho thuê đất và tài sản gắn liền trên đất.
Bên khoán căn cứ vào quy mô diện tích khoán và nhu cầu của bên nhận khoán để thỏa thuận và xác định hạn mức khoán phù hợp, trong đó: Hạn mức khoán cho hộ gia đình, cá nhân theo thỏa thuận nhưng không quá 30 ha; hạn mức khoán cho cộng đồng dân cư thôn theo thỏa thuận. (Chính Phủ 23/6) đầu trang(
UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4567/UBND-NNMT, ngày 13-6 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã Buôn Hồ về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 118/NQ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ về rà soát, cắm mốc ranh giới sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp.
Theo đó, UBND tỉnh thống nhất việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện về rà soát ranh giới, cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ hành chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về thành phần Ban Chỉ đạo, đối với cấp tỉnh, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo theo quy định; đối với cấp huyện, thành phần tham gia Ban Chỉ đạo phải có lãnh đạo các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn quản lý. (Báo Đắk Lắk 22/6) đầu trang(
Chiều 23/6, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II tổ chức công bố Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016-2020.
Hà Tĩnh là 1 trong 6 tỉnh thực hiện thí điểm Chương trình hợp tác của Liên Hợp Quốc về Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn và nâng cao trữ lượng cac-bon rừng (REDD+)”.
Với sự hỗ trợ từ BQL Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, Hà Tĩnh đã tổ chức các hoạt động khởi động Chương trình như: Tập huấn nâng cao nhận thức cho các bên liên quan về REDD+, về mối liên hệ giữa REDD+ và rừng, REDD+ và biến đổi khí hậu; đào tạo năng lực mạng lưới truyền thông về REDD+ cho cán bộ cấp tỉnh; hội thảo tăng cường thực thi lâm luật cho chính quyền cấp huyện, xã; rà soát giao đất gắn với giao rừng tại các xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh (Hương Sơn).
Xây dựng, ký kết thực hiện quy chế phối hợp trong công tác BVR - PCCCR giữa Hà Tĩnh với Nghệ An, Quảng Bình. Xây dựng, đánh giá cơ chế phối hợp kiểm soát khai thác gỗ trái phép, kiểm soát xuất nhập khẩu qua cửa khẩu vùng giáp ranh với hai tỉnh Khăm Muộn và Bôlykhămxay (Lào); kế hoạch hành động REDD+ xã Phú Gia, Hương Trạch (SiRAP) và hoàn thiện bộ máy hoạt động của BQL chương trình cấp tỉnh...
Theo Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016 - 2020, REDD+ sẽ tập trung thực hiện kế hoạch hành động tại 190 xã thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã có rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn với các nội dung chính như: Quản lý, bảo vệ và phát triển ổn định 314.754ha rừng hiện có; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BVR của chính quyền các cấp; tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả năng tiềm năng rừng và đất rừng.
Phát triển hơn 32 nghìn ha rừng, bình quân mỗi năm trồng 6.452ha (trồng mới và trồng lại); chuyển hóa hơn 8 nghìn rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trồng 20 triệu cây phân tán. Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới khoảng 30 tuyến đường lâm nghiệp tại các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, đường tuần tra BVR ngập mặn gắn với phát triển sinh kế, xây dựng NTM ở các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Hương Khê, Hương Sơn...
Ngoài ra, REDD+ cũng sẽ hỗ trợ nguồn lực thực hiện các hợp phần hạn chế mất rừng; hạn chế suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn trữ lượng cac-bon rừng..., góp phần nâng cao độ che phủ rừng Hà Tĩnh từ 52,5% (năm 2014) lên 55% (năm 2020); bảo tồn đa dạng sinh học; cải thiện sinh kế, an sinh xã hội; góp phần giảm thiểu tác động ứng phó, biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển bền vững.
Được biết, tổng vốn thực hiện Kế hoạch hành động là hơn 2 nghìn tỷ đồng, được huy động từ các tổ chức phi chính phủ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. (Nông Nghiệp Việt Nam 23/6) đầu trang(
Chiều 22-6, tại dự án trồng cao su của Công ty TNHH Anh Quốc (thuộc tiểu khu 293 xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, Đắk Lắk), nhiều diện tích đất ở đây đang trồng... đậu xanh, mắc ca và bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy.
Công ty này được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án trồng rừng, cao su với tổng diện tích trên 1.160ha, trong đó diện tích trồng rừng cao su là 434,5ha, còn lại là diện tích quản lý bảo vệ rừng.
Ông Lê Thanh Tùng, giám đốc Công ty TNHH Anh Quốc, giải thích năm 2011 công ty có trồng thí điểm 100ha cao su nhưng hiện cao su chết hết. “Năm 2014, sau khi dự hội thảo về cây mắc ca, tôi có trồng thử nghiệm 2ha mắc ca. Công ty đang làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích cây trồng” - ông Tùng nói.
Tương tự, hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên thuộc dự án khu kinh tế quốc phòng tại hai xã Ia R’Vê và Ya Lốp (Ea Súp, Đắk Lắk, do binh đoàn 16 làm chủ đầu tư) cũng biến thành đất trống và “rừng keo chết đứng”. Binh đoàn 16 được UBND tỉnh Đắk Lắk giao hơn 29.000ha đất rừng tại các xã Ia R’vê, Ia Lốp thuộc huyện Ea Súp để thực hiện dự án kinh tế - quốc phòng.
Từ năm 2003, binh đoàn này tiếp nhận 2.301 hộ dân ở Thanh Hóa, Bến Tre vào vùng dự án và tiến hành khai hoang rừng tự nhiên, đầu tư trồng hơn 14.000ha điều.
Nhưng đến khi thu hoạch, phần lớn diện tích điều không có trái. Binh đoàn 16 lại chặt bỏ vườn điều, hợp đồng liên kết với Công ty CP tập đoàn Tân Mai (Đồng Nai) trồng keo làm nguyên liệu giấy trên gần 30.000ha (toàn bộ đất dự án). Đến nay Công ty Tân Mai trồng được 7.000ha keo nhưng phần lớn đều... chết đứng. Hiện UBND huyện Ea Súp đang thu hồi một phần đất của binh đoàn 16 để cấp cho dân.
Theo tìm hiểu, chỉ riêng huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) hiện có 28 dự án liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng của 26 doanh nghiệp được cấp phép, phê duyệt. “Ngoài ra còn có bốn dự án nông lâm nghiệp đang trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ” - ông Nguyễn Bá Bân, phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ea Súp, thông tin.
Theo ông Bân, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, chưa thực hiện đúng như mục tiêu, để người dân địa phương lấn chiếm. “Các dự án này gây cho địa phương bao nhiêu là hệ lụy về phá rừng, tranh chấp đất mà thực tế không hiệu quả được bao nhiêu. Tuy nhiên, việc thu hồi dự án là cả một vấn đề khó khăn dù địa phương rất kiên quyết” - ông Nguyễn Đình Toản, phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp, nói.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, Công ty TNHH MTV Bình Dương (công ty con của Tổng công ty 15) được UBND tỉnh Gia Lai giao 2.400ha đất rừng để chuyển đổi trồng cao su nhưng tính đến nay đơn vị này san ủi vượt trên 350ha ngoài dự án. Việc san ủi đất rừng bắt đầu từ tháng 8-2011, lúc đó cán bộ quản lý rừng đã ngăn cản và báo lên cấp trên đề nghị xử lý nhưng không được phản hồi. (Tuổi Trẻ 23/6) đầu trang(
Thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã chủ động chuyển đổi những diện tích cao su phát triển chậm, còi cọc, kém hiệu quả sang trồng rừng.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, đến thời điểm này có 51,37 ha cao su trong tổng số 78,19 ha cao su kém hiệu quả được chuyển sang trồng keo tai tượng, tràm lai.
Cây cao su được trồng ở xã Triệu Thượng từ năm 2004 đến nay và hiện tại toàn xã có 263 ha cao su tiểu điền, tập trung ở các thôn Nhan Biều 3, Trấm, Thượng Phước… Bên cạnh những diện tích cao su phát triển tốt, cho lượng mủ cao thì trên địa bàn cũng có nhiều diện tích phát triển chậm, còi cọc, kém hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số diện tích cao su trên địa bàn được người dân trồng trên đất cát nên không phù hợp; trong quá trình trồng gặp thời tiết hạn hán kéo dài làm cây cao su phát triển chậm; ngoài ra do cao su được trồng ở những nơi có độ dốc lớn ảnh hưởng đến sự sinh trưởng bền vững của cây.
Bà Dương Thị Vân Anh, cán bộ Nông nghiệp xã Triệu Thượng cho biết: “Vừa qua UBND xã Triệu Thượng đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong cùng các phòng, ban khác tiến hành kiểm tra những diện tích cao su kém hiệu quả để có biện pháp chuyển đổi cây trồng phù hợp. Qua kiểm tra ghi nhận gần 80 ha cao su của 51 hộ gia đình phát triển chậm, kém hiệu quả, trong đó có hơn 50 ha bà con đã chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác cho phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng. Cùng với việc bà nông dân xã Triệu Thượng chủ động chuyển đổi những diện tích cao su kém hiệu quả trên sang trồng rừng, chúng tôi mong muốn thời gian tới, cấp trên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tư vấn để người dân lựa chọn được giống cây trồng phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống”. (Báo Quảng Trị 24/6) đầu trang(
Triển khai chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy nhanh tiến độ trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, ngày 14/6/2016, UBND tỉnh ban hành Công văn 4635/UBND-NNMT giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện một số nội dung sau: Tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch trồng rừng từ nguồn ủy thác thu tiền trồng rừng thay thế (các chủ dự án đã nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh) cho các chủ rừng ngay trong năm 2016, không để tồn Quỹ.
Đồng thời, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá trị trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện các dự án, nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định.
Cùng với đó, đôn đốc các chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế theo giá trị đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhằm đảm bảo hoàn thành trồng rừng thay thế trước quý III/2017; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý theo pháp luật đối với các chủ đầu tư không chấp hành theo Công văn số 2747/BNN-TCLN ngày 06/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trường hợp không còn quỹ đất trồng rừng hoặc không có khả năng giải ngân thì tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chuyển tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để bố trí trồng rừng thay thế tại địa phương khác trước ngày 31/7/2016. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Đắk Lắk 23/6) đầu trang(
6 tháng đầu năm, Nghệ An đã tích cực trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi và đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý vi phạm lâm luật.
Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Nghệ An đã ươm được hơn 17 triệu cây giống lâm nghiệp, đảm bảo phục vụ cho công tác trồng rừng. Tổng diện tích rừng trồng mới của Nghệ An trong 6 tháng ước 6.425 ha, tăng 1,61% cùng kỳ.
Diện tích rừng được chăm sóc đạt 37.140 ha; tổ chức khoanh nuôi tốt 70.000 ha rừng; tổ chức tuyên truyền và vận động người dân bảo vệ 911.270 ha rừng. Tổng sản lượng gỗ khai thác 6 tháng ước đạt 195.720 m3, tăng 5,11% so với cùng kỳ năm ngoái; chủ yếu là rừng sản xuất do một số diện tích rừng trồng đã đến kỳ khai thác.
Trong 6 tháng, các cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý 469 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 850,53 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 5.470 triệu đồng. Các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng; rà soát và củng cố các tổ phòng cháy, chữa cháy; đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa cũng như ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. (Báo Nghệ An 23/6) đầu trang(
Năm 2016, huyện Yên Thuỷ có kế hoạch trồng mới 480 ha rừng, trong đó, trồng rừng sản xuất 430 ha, trồng rừng phòng hộ 50 ha và chăm sóc bảo vệ 1.753 ha rừng.
UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai trồng, chăm sóc rừng trong khung thời vụ tốt nhất.
Đến giữa tháng 6, toàn huyện đã trồng mới 179 ha rừng tập trung sau khai thác, đạt 41% kế hoạch. Đồng thời, các ngành phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng - chống cháy rừng, do đó, trên địa bàn huyện không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Huyện định hướng phát triển mô hình kinh tế trang trại trồng rừng kết hợp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp tạo ra sản phẩm đa dạng, đảm bảo lợi ích cho người lao động. (Báo Hòa Bình 23/6) đầu trang(
Mặc dù việc chuyển đổi diện tích rừng sang trồng cao su ở tỉnh Gia Lai không đem lại hiệu quả thế nhưng tỉnh vẫn tiếp tục giao hàng trăm ha rừng cho các doanh nghiệp.
Diện tích cao su của doanh nghiệp Đức Long Gia Lai được trồng từ năm 2012 thuộc địa phận xã Ia Blứ, huyện chư Pứh, tỉnh Gia Lai. Nhiều năm nay, diện tích cao su này đã bị bỏ hoang, không được chăm sóc.
Theo báo cáo của huyện Chư Pứh, năm 2008, tỉnh Gia Lai giao cho 7 doanh nghiệp chuyển đổi từ rừng nghèo trên địa bàn sang trồng cao su với với gần 5.000 ha. Tuy nhiên, đến nay, nhiều diện tích cao su phát triển kém và chết dần. Riêng doanh nghiệp Đức Long Gia Lai, đến nay đã trồng được hơn 1.700 ha cao su, nhưng gần 30% diện tích bị còi cọc.
Thực tế cho thấy, diện tích rừng khộp tại khu vực này không phù hợp để phát triển cây cao su. Thế nhưng, tháng 6 năm 2014, tỉnh Gia Lai lại ký tiếp quyết định chuyển đổi 764 ha rừng khộp để giao cho doanh nghiệp Đức Long Gia Lai trồng cao su. (Đài Truyền Hình Việt Nam 24/6) đầu trang(
Với hơn 10 triệu dân cùng tốc độ đô thị hóa chóng mặt, diện tích cây xanh trên đầu người tại TP Hồ Chí Minh hiện ở mức rất thấp, lại bị cắt xén nhiều.
Việc phục hồi mảng xanh, xây dựng công viên đang "giậm chân tại chỗ" do nhiều nguyên nhân khiến môi trường sống của người dân ngày càng ngột ngạt. Tình trạng khốn khổ vì thiếu cây xanh đang hiện hữu ở nhiều khu vực nội đô của TP Hồ Chí Minh.
Theo quy hoạch công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là 2,4m2/người, khu vực nội thành mở rộng là 7,1m2/người, còn khu vực ngoại thành là 12m2/người. Tuy nhiên, mật độ cây xanh công cộng trên địa bàn hiện chưa tới 1m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định.
Ghi nhận cho thấy, nhiều quận khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh có mật độ dân cư cao nhưng thiếu công viên cây xanh như Quận 4, Quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân... Tại quận Bình Tân, quy hoạch quận này có công viên tập trung thuộc Tiểu khu 3, khu dân cư Bình Trị Đông với tổng diện tích 47ha, tuy nhiên đến nay công viên này vẫn chưa được xây dựng.
Còn tại quận Gò Vấp, Công viên văn hóa Gò Vấp rộng 37ha đã được quy hoạch từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Ngay cả huyện Củ Chi - có quỹ đất lớn - dự án Công viên Sài Gòn Safari cũng "bất động" hơn chục năm qua.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, người dân không chỉ có nhu cầu ở mà còn có nhu cầu "thở". Tuy nhiên, hiện mảng xanh trên địa bàn thành phố quá ít so với nhu cầu của người dân. Dù mỗi năm thành phố trồng thêm rất nhiều cây xanh nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của một đô thị trên 10 triệu dân, cộng thêm tốc độ đô thị hóa nhanh và dân nhập cư mỗi năm rất lớn.
Một trong những nguyên nhân khiến các dự án công viên cây xanh khó thực hiện là do quỹ đất có hạn, đặc biệt đất trống khu vực nội thành gần như không còn. Trong khi đó, hiện thành phố chưa có khả năng tài chính để thực hiện các quy hoạch công viên cây xanh tập trung.
Do thiếu kinh phí, một số quy hoạch công viên thành phố phải chuyển đổi một phần diện tích sang công trình khác, trong đó chủ yếu "nhờ" vào việc tăng mảng xanh tại các dự án nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần các dự án nhà ở, dự án phát triển đô thị lại ít hoặc không xây dựng mảng xanh, thậm chí cắt xén đất dành cho cây xanh để xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh.
Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, hầu như dự án nào cũng vi phạm về công trình công cộng, chủ đầu tư đã "hô biến" phần diện tích xây dựng công viên cây xanh để xây nhà hàng, sân quần vợt, siêu thị... Trong khi đó, nhiều dự án dù đã đưa vào khai thác, cư dân sinh sống ổn định nhưng vẫn không hoàn thiện các hạng mục công trình công cộng, trong đó có công viên cây xanh.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh - chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị - cho rằng, trước quỹ đất hạn hẹp như hiện nay thành phố cần tận dụng từng khoảng đất trống để phát triển mảng xanh, hạn chế tối đa việc "hy sinh" cây xanh để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở.
Nhằm tăng cường mảng xanh cho thành phố, ngành quy hoạch đô thị đang cố gắng phân bổ mảng xanh trong các đồ án quy hoạch chung của thành phố cũng như các quận, huyện. Theo các chuyên gia, để đạt đến một đô thị xanh phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe như không gian xanh, công trình xanh cùng với việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử...
Với điều kiện như hiện nay, muốn tăng không gian xanh đô thị, TP Hồ Chí Minh cần lập và quản lý quy hoạch công viên cây xanh đồng bộ, tránh mỗi địa phương quy hoạch mỗi kiểu. Bên cạnh đó, cần kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển mảng xanh tại các dự án hạ tầng giao thông, văn phòng, nhà ở, trung tâm thương mại. (Hà Nội Mới 24/6) đầu trang(
Năm 2015, xuất khẩu đạt mức 6,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2014, đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Đức, Ý.
Các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá ngành gỗ Việt Nam có khả năng chạm mốc 20 tỷ USD dưới 10 năm tới. Tuy vậy, ngành gỗ vẫn phải vượt qua rất nhiều trở ngại phía trước.
Tính đến nay, lượng doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất, chế biến gỗ đã lên đến gần 4.000. Con số này vẫn tiếp tục tăng, cả ở DN bản địa lẫn DN có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của ngành là không hề nhỏ.
Số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 2,68 tỷ USD, tăng 2,08% so với cùng kỳ 2015. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2016 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ là một trong những điểm sáng của kinh tế cả nước. Tốc độ tăng trưởng ngành khá tốt, với mức tăng bình quân 15%/năm. Dự kiến, năm 2016, ngành này tiếp tục tăng trưởng và vượt qua con số 7 tỷ USD xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, với tiềm lực nội tại, đến năm 2025, giá trị xuất khẩu của ngành chế biến gỗ có thể đạt đến hơn 20 tỷ USD, gấp 3 lần so với hiện nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, Việt Nam nổi lên là một quốc gia sản xuất đồ gỗ của thế giới với nguồn nguyên liệu hợp pháp. Sản xuất có truyền thống, tay nghề chế tác gỗ nguyên khối để tạo nên những sản phẩm giá trị cao và nguồn nhân công rẻ chính là thế mạnh để ngành đồ gỗ Việt Nam cạnh tranh với các nước. Với những thế mạnh này, dự kiến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ vượt trên 7 tỷ USD.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 37 quốc gia. Trong đó thị trường Hoa Kỳ là cao nhất, đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng kim ngạch.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong gần 7 tỷ USD xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, giá trị đóng góp của khối DN FDI là không nhỏ. Theo ông Trần Anh Vũ - Giám đốc Liên Thành Furniture, tỷ lệ này chiếm khoảng 50%.
Chưa hết, trong tổng doanh thu xuất khẩu dăm gỗ, mảng kinh doanh mang lại giá trị gia tăng thấp nhất cũng chiếm khoảng 1 tỷ USD. Cơ cấu doanh thu như thế chứng tỏ nội lực của DN chế biến gỗ Việt Nam chưa thực sự cao.
Cản ngại lớn khác là ngành gỗ thiếu nguồn nguyên liệu và ngành công nghiệp phụ trợ, như ray kéo, tay nắm... đều phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Đồng thời, gỗ nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Ván nhân tạo sản xuất trong nước như MDF, Okal còn hạn chế về chất lượng và giá thành.
Một thông tin khá thú vị là do sự gia tăng giá nhân công ở Trung Quốc, nhiều đơn hàng của các đơn vị cung cấp lớn đã chuyển từ "công xưởng thế giới" về Việt Nam ngày một nhiều hơn, góp phần làm tăng doanh thu cho ngành gỗ Việt Nam. Thế nhưng tỷ lệ những sản phẩm do chính các nhà thiết kế trong nước thiết kế chiếm chưa đến 20%. Nghĩa là phần lớn đơn hàng đều là gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty TNHH Danh Mộc, Việt Nam có truyền thống sáng tạo, có lực lượng lao động trẻ nhưng tiếc là lại thiếu định hướng dài hơi trong đào tạo thiết kế.
Không chỉ lệ thuộc vào các đơn hàng gia công, theo ông Trần Anh Vũ, phần lớn các DN chế biến gỗ hiện nay đều có quy mô nhỏ và vừa, được phát triển từ mô hình hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã nên có nhiều hạn chế. Với quy mô này, những đơn hàng lớn, đa dạng rất khó lòng đáp ứng. Đã có không ít DN mất đơn hàng vì hạn chế này.
Trước đây, DN nào cũng "thủ”, không chia sẻ khách hàng nhưng đã đến lúc phải liên kết để giải quyết những hạn chế ấy. Các DN thành viên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cũng như HAWA đã bắt đầu thực hiện điều này và đạt được những kết quả nhất định. Đáng tiếc, đây vẫn chưa phải là mô hình phổ biến. Các DN trong ngành sẽ còn phải ngồi lại với nhau nhiều hơn để cùng tạo nên thế mạnh. (Doanh Nhân Sài Gòn 23/6) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Trong một báo cáo mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Cambridge, một loại cây vừa được tìm thấy có thể là loài cây nhiệt đới cao nhất thế giới.
Trong khi thực hiện các chuyến bay thám hiểm nhằm đánh giá đa dạng sinh học tại địa phương, họ đã vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy chiều cao bất thường của các cây bạch tùng gỗ vàng nơi đây. Họ đã phát hiện ra một cây bạch tùng gỗ vàng khổng lồ (tên khoa học là Shorea Faguetiana), cao đến 293,6 feet (tương đương 89,5 mét) nằm ở phía bắc của đảo Borneo.
Các loại cây bạch tùng gỗ vàng hiện đang bị đe dọa do môi trường sống bị hủy hoại và đang bị xếp vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN).
Những cây xanh khổng lồ hiếm hoi còn sót lại này được các nhà khoa học tìm thấy ở Khu Bảo tồn Maliau Basin tại bang Sabah của Malaysia. Nơi đây có địa hình cực kì hiểm trở và vì thế nó là một trong những khu vực bảo tồn được môi trường tự nhiên hoang sơ nhất trên thế giới.
Các nhà khoa học đã phát hiện loài cây này bằng công nghệ lidar, hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa ánh sáng và radar nhằm chiếu sáng, quét và tái tạo lại hình dạng ba chiều của các đối tượng lên máy tính. Sử dụng một thiết bị đặc thù gắn ở mặt dưới của máy bay, các nhà nghiên cứu sẽ bắn các xung laser về phía mặt đất với tốc độ 200.000 xung mỗi giây. Các xung laser phản xạ trở lại sẽ cung cấp thông tin dữ liệu về khoảng cách của đối tượng. Từ đó, các nhà khoa học sẽ mô phỏng lại hình dạng của khu rừng bên dưới và phát hiện ra những cây có độ cao vượt trội so với những cây còn lại.
Một số phương pháp dùng sóng âm để đo chiều cao chính xác của cây bạch tùng gỗ vàng này đã bị âm thanh của những động vật sinh sống trong rừng làm nhiễu. Vì thế, chỉ còn một phương pháp duy nhất là leo lên cây để đo trực tiếp. Tuy nhiên, các nhà khoa học đến từ Cambridge cho rằng điều này là bất khả thi vì trên thân cây bạch tùng gỗ vàng có rất nhiều đại bàng và tổ ong vò vẽ lớn.
Họ cây tùng hiện đang nắm giữ nhiều danh hiệu về các loài cây cao nhất thế giới. Hiện nay, cây giữ kỷ lục cao nhất thế giới thuộc loài tùng gỗ đỏ ven biển (coastal redwood) mang tên Hyperion, với chiều cao 115,6m. Hyperion đã đánh bại “người tiền nhiệm” cũng thuộc chi tùng gỗ đỏ là cây Stratosphere Giant, với độ chênh lệch là 3m.
Để có thể rút ra kết luận trên, các chuyên gia đã lấy chiều cao của tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ (93,1m) và tháp đồng hồ Big Ben (Anh) - 96m để so chiều cao với loài cây Hyperion này. Kết quả là, cây tùng gỗ đỏ còn có chiều cao vượt trội hơn cả hai công trình nổi tiếng trên.
Loài cây tùng gỗ đỏ có danh pháp khoa học là Sequoia sempervirens, được tìm thấy tại các khu rừng thuộc tiểu bang California (Mỹ). Đây là loài cây thường xanh, sống rất lâu, trong đó có những cây đại thụ với tuổi thọ lên tới 1.800 năm. Cũng nhờ vậy, các cây tùng gỗ đỏ ven biển thường có chiều cao đạt kỷ lục thế giới.
Hyperion được phát hiện bởi hai nhà thám hiểm Chris Atkins và Michael Taylor vào năm 2006. Tuy nhiên để xác lập được kỷ lục, chiều cao của Hyperion phải được đo một cách chính xác.
Điều này đã được đội ngũ các nhà khoa học thuộc ĐH bang Humboldt thực hiện vào năm 2008 và nhờ đó xác thực được chiều cao của cây này.
Hiện vị trí của cây cao nhất thế giới không được công bố rộng rãi bởi nhiều chuyên gia lo sợ nhiều người sẽ tìm tới đây và gây tổn hại cho loài cây này. (Khám Phá 23/6) đầu trang(
Lễ trao giải của giải thưởng Midori sẽ được tổ chức tại Cancun (Mexico) vào tháng 12/2016, kết hợp với các cuộc họp thứ 13 của Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP 13). Năm nay, các đề cử cho giải thưởng Midori từ các lĩnh vực khác nhau được kỳ vọng hướng tới lồng ghép đa dạng sinh học.
Giải thưởng Midori vinh danh những cá nhân có đóng góp nổi bật cho bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở cấp độ toàn cầu, khu vực và địa phương. Mỗi người được vinh danh sẽ được trao tặng giấy chứng nhận và giải thưởng trị giá 100.000 USD.
Đa dạng sinh học là nền tảng cho cuộc sống và các dịch vụ thiết yếu được cung cấp bởi các hệ sinh thái. Vì vậy, đa dạng sinh học là nền tảng cho sinh kế của người dân và phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, bao gồm: kinh tế như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch.
Cuộc họp thứ mười ba của Hội nghị các Bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP 13) sẽ được tổ chức tại Cancun, Mexico từ ngày 04 – 17/12/2016 với chủ đề “Lồng ghép đa dạng sinh học để duy trì quần thể và sinh kế”. Tại Nhật Bản, một loạt các hoạt động đã và đang được thực hiện hướng tới việc lồng ghép đa dạng sinh học.
Vào ngày 21/5/2016, một hội nghị chuyên đề công cộng của Bộ Môi trường Nhật Bản (MOEJ) Được tổ chức tại Đại học Liên Hiệp Quốc (UNU), Tokyo. Hội nghị chuyên đề "Lồng ghép đa dạng sinh họ để duy trì quần thể và sinh kế” với Mori, Sato, Kawa, Umi để kỷ niệm Ngày Quốc tế của Liên Hiệp Quốc cho đa dạng sinh học.
Ông Nishiyama Michiyuki - Giám đốc Văn phòng cho Lồng ghép đa dạng sinh học, Phòng Chính sách đa dạng sinh học, Cục Bảo tồn Thiên nhiên, MOEJ cho biết: Công nhận tính hữu ích của phương pháp tiếp cận kinh tế đối với lồng ghép đa dạng sinh học được Bộ trưởng Môi trường ghi nhận trong Hội nghị Toyama G7 tổ chức vào tháng Năm ở thành phố Toyama, Nhật Bản. Hi vọng rằng, lồng ghép đa dạng sinh học được quảng bá thêm thông qua giải thưởng Midori cho đa dạng sinh học – vinh danh những đóng góp của người nhận giải về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. (Tài Nguyên Và Môi Trường 23/6) đầu trang(./.