Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 22 tháng 09 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, vừa ký kết luận nội dung vụ tố cáo xảy ra tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Theo đó, việc Chi cục Kiểm lâm không chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý hình sự người vận chuyển lâm sản là do… áp lực từ bên ngoài, nặng về tình cảm, vận dụng tình tiết để giảm nhẹ không đúng với quy định của pháp luật.
Theo kết luận, ngày 2-11-2013, Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện xe tải biển số 61H-0245 do ông Phạm Thành Trung (SN 1986, ngụ huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước) điều khiển chở 6,8 m3 gỗ gõ mật (nhóm IIA, quy ra gỗ tròn là 11,001 m3) không hóa đơn chứng từ nên tạm giữ.
Đến ngày 18-11-2013, ông Trần Hữu Phúc (SN 1979) đến Chi cục Kiểm lâm nhận là chủ lô hàng nói trên và cung cấp hồ sơ chứng minh nguồn gốc gồm một hóa đơn do Công ty TNHH Rực Sáng (TP HCM) bán cho ông và một bảng kê lâm sản có xác nhận của Chi cục Kiểm lâm TP HCM.
Do trong bảng kê lâm sản, Chi cục Kiểm lâm TP HCM xác nhận ngày 5-11-2013 trong khi gỗ vận chuyển ngày 2-11-2013 nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang phối hợp công an xác minh tại Công ty Rực Sáng thì doanh nghiệp này thừa nhận có bán số gỗ trên cho ông Phúc. Tuy nhiên, xác minh thêm nguồn gốc gỗ thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang cho rằng số gỗ gõ mật mà Công ty Rực Sáng bán cho ông Phúc không phù hợp nguồn gốc lâm sản mà Công ty Quang Minh bán cho Công ty Rực Sáng.
Từ những xác minh trên, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang khẳng định hóa đơn Công ty Rực Sáng xuất bán là hóa đơn khống nhằm hợp thức hóa lô gỗ trái phép vận chuyển trên xe 61H-0245. Vì vậy, cơ quan này đã tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang xử phạt ông Phúc 150 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số gỗ nói trên.
Không đồng ý quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang, ông Phúc làm đơn khiếu nại cho rằng Chi cục Kiểm lâm cố tình kéo dài thời hạn xử lý vi phạm là không đúng.
Tiếp nhận khiếu nại, qua kiểm tra, Sở NN-PTNT kết luận Chi cục Kiểm lâm và cơ quan phối hợp không chấp hành nghiêm thủ tục xử lý từ ban đầu dẫn đến vi phạm luật. Cụ thể, từ khi bắt giữ lô gỗ nói trên đến khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 66 ngày.
Thời gian kéo dài này đã tạo điều kiện cho áp lực từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến tâm lý chung. Do đó, Chi cục Kiểm lâm và đơn vị phối hợp lẽ ra phải xử lý ông Phúc bằng biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đã chuyển qua xử lý hành chính.
Theo ông Phúc, việc Chi cục Kiểm lâm cố tình kéo dài thời gian để xử phạt ông 150 triệu đồng theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ đối với lĩnh vực vi phạm quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản là trái pháp luật vì nghị định này có hiệu lực từ ngày 25-12-2013. Trong khi đó, Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ lô hàng của ông vào ngày 2-11-2013 thì phải xử lý theo Nghị định 99/2009 của Chính phủ.
Theo Nghị định 99, hành vi mua bán, vận chuyển gỗ IIA không có nguồn gốc trên 7 m3 sẽ bị xử lý hình sự. Ông Phúc cho rằng nếu cơ quan chức năng khởi tố vụ án thì mới làm sáng tỏ được sự việc.
“Tôi mua gỗ của Công ty Rực Sáng và được xuất hóa đơn, bảng kê lâm sản chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Còn việc Công ty Rực Sáng bán gỗ không hợp pháp cho tôi thì cơ quan công an và kiểm lâm phải có trách nhiệm xử lý chứ sao xử phạt và tịch thu gỗ của tôi” - ông Phúc bức xúc.
Trong lúc khiếu nại đến Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, ông Phúc còn khởi kiện quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Tiền Giang ra TAND tỉnh này.
Xử sơ thẩm, tòa bác đơn khởi kiện của ông Phúc vì cho rằng: “Nếu áp dụng Nghị định 99/2009 thì với lượng gỗ 11 m3 đã vượt 4 m3 thì không xử phạt hình chính mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự nên chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang áp dụng Nghị định 157/2013 để xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển, mua bán trái phép gỗ đối với ông Phúc là đúng pháp luật (?)”.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang, ông Phúc đã làm đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM.
Trước đó, ngày 16-4, đã có bài phản ánh việc ông Trần Hữu Phúc tố cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang giải cứu hơn 120 m3 gỗ lậu do Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ. Đơn cử, ngày 21-11-2013, Công an tỉnh Tiền Giang bắt xe tải biển số 63C-023.28 chở khoảng 35 m3 gỗ của bà Huỳnh Thanh Tuyền (ngụ huyện Cai Lậy) có hồ sơ không đúng với loại gỗ thực tế trên xe.
Công an tỉnh Tiền Giang kết luận tài xế Phạm Văn Thuận có hành vi vận chuyển gỗ trái pháp luật và chuyển giao cho Chi cục Kiểm lâm tiếp tục xử lý. Sau đó, Chi cục Kiểm lâm mời thợ cưa gỗ đến giám định lại số gỗ nói trên và kết luận chỉ có 3,7 m3 không nguồn gốc và xử phạt hành chính bà Tuyền 40 triệu đồng, trả toàn bộ số gỗ còn lại.
“Công an có văn bản kết luận toàn bộ 35 m3 gỗ của bà Tuyền là gỗ lậu, còn Chi cục Kiểm lâm khẳng định chỉ 3,7 m3. Vậy nếu kiểm lâm đúng thì Công an tỉnh Tiền Giang sai (?!)” - ông Phúc đặt vấn đề. Về tố cáo này của ông Phúc, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang vẫn chưa có kết luận cụ thể. (Người Lao Động 21/9) đầu trang(
Sắp đến mùa mưa bão cũng là thời điểm lâm tặc tranh thủ “giải phóng” số lượng gỗ khổng lồ đang còn “tồn kho” trong rừng. Nếu như trước đây, lâm tặc vận chuyển gỗ bằng xuồng bè, dùng trâu kéo, thì nay chuyển sang chở bằng xe gắn máy.
Tại tỉnh Quảng Nam, nạn vận chuyển gỗ trái phép bằng xe máy diễn ra công khai giữa ban ngày. Hàng nghìn phách gỗ được chuyển về đồng bằng một cách “thuận buồm xuôi gió” khiến người dân đặt câu hỏi, liệu có sự tiếp tay từ phía sau?
Vượt qua đoạn đường vách đá cheo leo, qua bao con suối nước ngập nửa người, phóng viên mới đến được khu vực Bãi Pháo, thuộc địa bàn thôn 8, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Tại đây, hàng trăm phách gỗ tròn, vuông dài hơn 2 mét được vận chuyển từ các cánh rừng nguyên sinh về tập kết ở bìa rừng. Hơn 20 thanh niên to khỏe, chủ yếu là người dân địa phương, với phương tiện chuyên dụng là xe Honda Win 100 đang chờ sẵn. Cứ thế, xe này nối đuôi xe kia vận chuyển gỗ từ Bãi Pháo ra Quốc lộ 14E. Một người tham gia chở gỗ ở đây cho biết, bình quân mỗi ngày vận chuyển được 2 chuyến, mỗi chuyến đầu nậu trả tiền công từ 200.000 đến 250.000 đồng.
Xã Phước Hiệp là một trong số ít địa phương ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam còn rừng nguyên sinh. Sau khi triệt hạ xong những khu rừng ở địa bàn thuận lợi, lâm tặc bắt đầu “tấn công” vào khu rừng già. Từng vạt rừng hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ. Những cây gỗ quý có đường kính hơn 1 mét nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau. Nạn phá rừng diễn ra ồ ạt từ nhiều năm nay nhưng chính quyền xã vẫn làm ngơ.
Trước thông tin hàng trăm héc ta rừng của xã bị tàn phá, ông Lê Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn tỉnh bơ:  “Nhân dân phản ánh thì đó là thông tin các anh nắm. Bây giờ các anh đi vào đường các anh thấy tình trạng như vậy. Đối với địa phương bây giờ cũng không có ý kiến nào phản biện về vấn đề này. Quyết tâm chung của Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã là phải ngăn chặn được nạn phá rừng nhưng cũng phải thừa nhận rằng, việc làm của địa phương cũng còn một số hạn chế”.
Dọc tuyến Quốc lộ 14D đoạn từ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang đến xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bắt đầu từ lúc chập choạng tối, hàng chục xe máy chở theo những phách gỗ dài từ trong rừng phóng ra với tốc độ 60 đến 70km/giờ. Hộ tống phía sau là những thanh niên chạy xe máy lạng lách, đánh võng không cho xe lực lượng chức năng qua mặt. Những thanh niên này sẵn sàng dùng hung khí truy đuổi ngược lại lực lượng kiểm lâm nếu bị phát hiện.
Ông Lê Viết Mai, Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy Chữa cháy rừng số 2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, mặc dù ngành Kiểm lâm và các ngành chức năng ở địa phương đã nhiều lần triển khai công tác phối hợp, nhưng thực tế thì chỉ có lực lượng kiểm lâm “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến chống phá rừng.
“Bọn lấy gỗ luôn chuẩn bị dao Thái Lan để phía sau. Nếu lực lượng chức năng mà gặp đuổi thì chúng nó dùng cái dao nó cắt 1 phát, bỏ dây cao su bung gỗ ra mất. Khi anh em áp đến thì chúng nó gọi điện cho các đối tượng đến vây quanh anh em. Ở cấp xã thì cũng có công an giao thông nhưng nhiều lúc ảnh làm cũng ở mức độ nào đó thôi, còn cái quan trọng nhất là lực lượng kiểm lâm là những người chịu trách nhiệm”- ông Lê Viết Mai nói.
Nạn vận chuyển gỗ trái phép bằng xe gắn máy trở thành điểm nóng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Quảng Nam. Trong 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra số 420 vụ phá rừng. (VOV 21/9) đầu trang(
Chiều 21.9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đã đến tại bệnh viện để thăm hỏi, động viên sức khỏe của ông Phan Châu Thức, cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị côn đồ đánh trọng thương.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, cho biết khoảng 16 giờ ngày 20.9, sau khi nhận được thông tin về việc có một điểm tập kết gỗ lậu tại khối 14, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, ông Thức đã xuống hiện trường để điều tra.
Tìm hiểu xong vụ việc, lúc ra về đến đoạn gần cầu Phụ Lão, cách hiện trường khoảng 700m thì ông Thức bị đối tượng Võ Văn Hùng (33 tuổi, trú thị trấn Hương Khê) đuổi đánh.
Sau khi đạp ngã ông Thức xuống đường, Hùng tiếp tục dùng chân đá liên tiếp vào đầu, ngực khiến nạn nhân trọng thương nặng. Nhờ phát hiện kịp thời, nhiều người dân địa phương đã chạy đến căn ngăn và đưa ông Thức vào Bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê cấp cứu.
“Hiện sức khỏe ông Thức đã ổn định và chúng tôi đã làm việc với cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê để yêu cầu cơ quan này xử lý nghiêm vụ việc”, ông Lợi nói.
Tối 21.9, trao đổi qua điện thoại với Thanh Niên Online, một cán bộ thuộc cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê, cho biết đơn vị này đã triệu tập đối tượng Hùng để phục vụ công tác điều tra. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. (Thanh Niên 22/9) đầu trang(
Những ngày gần đây, dư luận TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xôn xao về việc lực lượng của Bộ Công an phong tỏa một xưởng gỗ và một kho gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột), để phục vụ công tác điều tra đường dây mua bán, vận chuyển gỗ lậu lớn từ Đắk Lắk đi các tỉnh.
Dư luận chú ý tới vụ việc này vì từ nhiều năm qua, 1 trong 2 xưởng gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái được coi là chợ gỗ của tỉnh, hoạt động nửa công khai ngay trong lòng thành phố, mua bán nhiều loại gỗ quý.
Xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái ở số 93 đường Y Wang, phường Ea Tam và kho gỗ ở hẻm 267 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột hoạt động từ năm 2008.
Người dân ở những khu vực này cho biết, với hàng chục xe siêu trường, siêu trọng tập kết gỗ chủ yếu vào ban đêm, xưởng gỗ này thường xuyên gây tiếng ồn lớn, mùa nắng thì gây bụi, mùa mưa thì sình lầy, làm xáo trộn đời sống của cư dân xung quanh.
Một người dân có nhà gần xưởng gỗ cho biết: Cứ khoảng 3-5h sáng hàng ngày là xe gỗ về xưởng. Khi xe vào xưởng là đóng kín cửa, sau đó là tiếng ầm trong xưởng vọng ra. Dân xung quanh khu vực đã nhiều lần phản ánh nhưng đâu lại vào đó.
Trước thực trạng này, nhiều hộ dân đã viết đơn gửi các cấp ngành chức năng. Tuy nhiên, mới chỉ có phường đến nhắc nhở về an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Ông Phạm Tân, Chủ tịch ủy ban nhân dân phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Khi người dân có phản ánh về xưởng gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái, chúng tôi cũng có vào kiểm tra nhắc nhở xe cộ, vấn đề vệ sinh môi trường. Riêng buôn bán gỗ lậu trên địa bàn phường rất khó phát hiện về thủ tục giấy tờ, về mặt chuyên môn mình không có. Bình thường mình vào kiểm tra xưởng gỗ của người ta rất là khó, vì bảo vệ không đồng ý”.
Điều đáng nói, xưởng chế biến gỗ và kho gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái lập dựng ngay giữa khu dân cư, nhưng kiểm lâm chỉ biết đến một xưởng ở đường Y Wang. Còn kho gỗ lớn ở đường Mai Hắc Đế kiểm lâm hoàn toàn không biết.
Ông Kpă Y Ngọc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thành phố Buôn Ma Thuột, nói: “Bữa rồi, tôi mới té ngửa khi biết Công ty TNHH Hiền Thái có xưởng gỗ này. Tôi gọi kiểm lâm địa bàn lên thì kiểm lâm địa bàn kêu đây là tổng kho quân đội nên không vô được. Nói kiểu đó thì mình chịu”.
Cũng theo ông Kpă Y Ngọc, trước tháng 6 năm nay, lực lượng kiểm lâm đã tiến hành rà soát tất cả các cơ sở chế biến gỗ trong tỉnh.
Theo con số kiểm kê tại thời điểm đó, Công ty TNHH Hiền Thái còn tồn kho hơn 1.000m3 gỗ, trong đó có nhiều gỗ trắc, cẩm lai và hương - là những loại gỗ quý chỉ có thể có được qua đường nhập khẩu, hoặc khai thác trái phép tại các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia. Tuy nhiên, theo sổ sách, chứng từ của cơ sở này, toàn bộ gỗ đều hợp pháp!?
Với 1 xưởng sản xuất bị tình nghi tàng trữ một khối lượng lớn gỗ bất hợp pháp và 1 kho gỗ trái phép được lập giữa thành phố, người dân địa phương rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ trách nhiệm của cả doanh nghiệp và lực lượng chức năng địa phương. Nếu có sự bao che, bảo kê thì phải xử lý nghiêm minh.
Ông Nguyễn An Vinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng: “Trong trường hợp này, nếu ai bao che gây ảnh hưởng uy tín của Đảng, làm thiệt hại cho nhân dân và Nhà nước thì phải xử lý theo đúng pháp luật. Bất cứ người đó ở cương vị gì, thuộc ngành nào thì cũng phải xử lý theo đúng pháp luật”.
Đến thời điểm hiện tại, cán bộ chiến sĩ, cảnh sát thuộc Bộ Công an và lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk vẫn đang phong tỏa, canh gác ở các lối ra vào nhiều xưởng gỗ trên địa bàn tỉnh để điều tra việc mua bán vận chuyển gỗ của các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Riêng vụ việc của Công ty TNHH Hiền Thái đang được cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Công an điều tra, làm rõ. (VOV 19/9) đầu trang(
Xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân một thời từng là điểm nóng về “vàng tặc”, phải rất nỗ lực và nhiều lần tổ chức ra quân, lực lượng chức năng địa phương mới đánh sập được các điểm khai thác trái phép. Thế nhưng, “cơn lốc vàng” chấm dứt chưa lâu, chính quyền nơi đây lại đối diện với nỗi lo người dân phá rừng để mưu sinh...
Bản Cụt Ạc cách trung tâm xã Xuân Chinh chừng 5km, để vào được bản chỉ có cách duy nhất là vượt qua những dốc đất, đá lởm chởm và chặng đường dài lầy lội bùn đất. Ngày nắng đi lại đã khó, ngày mưa, ai muốn vào bản phải đợi nước rút, bởi con đường duy nhất vào đây đã bị suối Ạc ngăn cách 3-4 đoạn với dòng nước xiết, đục ngầu cuộn chảy.
Ông Vi Văn Trường, Trưởng bản Cụt Ạc, cho hay: “Những cơn mưa rừng thường đến bất ngờ, mưa lớn chỉ chừng 30 phút là nước từ thượng nguồn và các khe suối đổ về, dòng suối Ạc khi ấy sẽ đục ngầu, cuốn theo rác thải và cả những khúc gỗ còn sót lại mà trước đó các đối tượng chặt phá rừng trái phép tập kết nơi bìa suối..”.
Bản Cụt Ạc có 108 hộ dân với 565 nhân khẩu, gồm 100% là người dân tộc Thái, trong đó hộ nghèo chiếm hơn 50%. Cả bản chỉ có 12,5 ha đất trồng lúa cho năng suất thấp, diện tích cây trồng sắn, ngô rất ít, vì đây là địa bản nằm trong vùng rừng đặc dụng. Không đất canh tác, giao thông đi lại khó khăn, người dân vốn sống khép mình nên nghèo đói cứ bám riết lấy họ.
Mấy năm trước đây, khi “cơn sốt vàng” đang trong thời kỳ đỉnh điểm, không ít hộ dân bản Cụt Ạc, xã Xuân Chinh rồi các xã lân cận rồng rắn lao vào các cuộc đào, đãi vàng trái phép, mang theo ảo tưởng nhanh chóng đổi đời. Thế nhưng, cuộc sống sung túc chẳng thấy đâu, chỉ thấy nhà nào nhà nấy cùng bỏ bê công việc đồng áng, bữa ăn chẳng đủ no. Và rồi, khi “cơn lốc vàng” ở Xuân Chinh được các cấp chính quyền xử lý triệt để, trở về cuộc sống thường nhật, không ít hộ dân lại phải dựa vào rừng để mưu sinh. Nhiều đối tượng lợi dụng sơ hở của các cơ quan chức năng để chặt, phá rừng trái phép.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, kết quả kiểm rừng cho thấy, ngày 23/7/2014, tại lô 7 khoảnh 1 tiểu khu 544 phát hiện khai thác trái phép 3 cây gỗ tạp SP, N6, l,165m3; ngày 26/7, Trạm Kiểm lâm Bù Đồn phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện tại đập tràn thôn Chinh có 10 thanh gỗ xẻ N2+N6, khối lượng 1,212 m3 gỗ không có dấu búa kiểm lâm; ngày 31/7, phát hiện 23 khúc gỗ tròn tạp SP, N6 khối lượng 3,386m3 tại suối Cụt Ạc.
Trước thực tế trên, Trạm Kiểm lâm Bù Đồn đã lập biên bản kiểm tra, phối hợp với UBND xã Xuân Chinh làm rõ trách nhiệm của hộ gia đình nhận rừng để xảy ra khai thác trái phép. Tuy nhiên, tới ngày 6/8, tại thôn Cụt Ạc, lực lượng kiểm lâm lại phát hiện 15 khúc gỗ SP, N6 khối lượng 2,274m3 không có dấu búa kiểm lâm. Tổng số gỗ bị bắt giữ đưa về UBND xã Xuân Chinh là 10,921 m3, trong đó gỗ xẻ lả 1,212 m3.
Ông Lê Phú Vẽ, Hạt trưởng Kiểm lâm Thường Xuân, cho hay: “Sau khi tiếp nhận thông tin người dân khai thác gỗ trái phép, địa phương đã lập đoàn kiểm tra xác minh và sự việc là có thật. Toàn bộ số gỗ đã được lập biên bản, tạm giữ chờ xử lý theo quy định.
Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường kiểm lâm viên kiểm tra, giám sát chặt địa bàn, Hạt Kiểm lâm đã làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, đề nghị nghiêm túc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, đôn đốc các thành viên trong Ban bảo vệ, phát triển rừng phối kết hợp với cơ quan đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng.
Chúng tôi cũng đề nghị xử lý nghiêm những hộ nhận rừng để xảy ra khai thác gỗ trái phép, xem xét trách nhiệm kiểm lâm địa bàn do không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng ở các thôn trọng điểm, về lâu dài, địa phương cần tìm hướng xóa đói, giảm nghèo cho dân một cách bền vững, nếu không làm được điều này thì việc kiểm tra, phát hiện và xứ lý hành vi chặt phá rừng trái phép chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” mà thôi”.
Thiếu đất sản xuất, giao thông đi lại khó khăn, nghề phụ không có, thu nhập từ những sản vật của rừng chẳng đáng là bao, vì thế cuộc sống của không ít hộ dân ở bản Cụt Ạc vẫn chồng chất khó khăn.
Đời sống khó khăn, thế nhưng các hộ dân ở bản Cụt Ạc và các địa bàn khác trong xã Xuân Chinh lại chưa mặn mà với việc học nghề để đi xuất khẩu lao động, cũng chỉ vì “chưa thể đổi ngay ra gạo được". Ông Cầm Bá Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, cho biết, địa phương có 7 thôn thì Cụt Ạc là địa bàn khó khăn nhất. Hàng năm với sự hỗ trợ của huyện, chính quyền xã đều tổ chức tuyên truyền, vận động, giới thiệu đưa một số ngành, nghề mới để bà con học và làm, kể cả định hướng đi xuất khẩu lao động, nhưng đều thất bại.
Nguyên nhân, do nhận thức của bà con còn thấp, người dân ngoài trông chờ vào mấy thửa ruộng, chăn nuôi con trâu, con gà thì vào rừng trồng ít sắn, bẻ măng về sống qua ngày mà chưa biết nhìn về tương lai xa.
Ghi nhận thực trạng phá rừng tại địa phương, Phó chủ tịch xã Cầm Bá Quân ghi nhận, các đối tượng đã lợi dụng đêm khuya và những ngày mưa to để vác rìu, cưa tay vào rừng, lựa chọn cây gỗ tốt để đốn hạ rồi buộc vào bè luồng cho xuôi theo suối Ạc.
UBND xã đã phát hiện, báo cáo với kiểm lâm và UBND huyện Thường Xuân để lập biên bản, xử lý theo quy định. “Chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách phù hợp, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, có như vậy việc bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên mới bền vững”, ông Quân nói. (Lao Động Xã Hội 18/9, tr10) đầu trang(
Khi được biết Sở TN&MT TP Đà Nẵng đang tham mưu đề xuất UBND TP Đà Nẵng cho phép Công ty CP Tư vấn và đầu tư Bông Sen Vàng (gọi tắt là Công ty Bông Sen Vàng) khai thác vàng tại Khe Đương (thuộc tiểu khu 29, lâm phận Hòa Bắc, Hòa Vang), ông Phạm Trí - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòa Bắc cho rằng, sau hơn 6 năm cho phép Công ty TNHH MTV Trường Sơn (gọi tắt là Công ty Trường Sơn) khai thác vàng tại khu vực này đã có một “bài học xương máu” về quản lý tài nguyên, khẳng định cái mất nhiều hơn cái được.
Do đó, việc đề xuất Công ty Bông Sen Vàng thế chỗ Công ty Trường Sơn là điều không nên.
Bởi vì, khu vực Công ty Trường Sơn khai thác trước đây tài nguyên khoáng sản đã bị cạn kiệt. Hàng chục hầm đào vàng xuyên sâu vào lòng núi, nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào, không thể vào hầm tiếp tục khai thác. Vì vậy, Công ty Bông Sen Vàng sẽ mở các hầm vàng mới tại khu vực khác. Việc sử dụng cơ giới mở đường đến các hầm vàng mới, sử dụng thuốc nổ phá đá lấy quặng, làm cho tài nguyên lâm sản tiếp tục bị tàn phá.
Trong khi đó, chính quyền cùng cơ quan chức năng TP Đà Nẵng rồi cũng sẽ “mù tịt” về lượng vàng mà Công ty Bông Sen Vàng khai thác, giống như trường hợp Công ty Trường Sơn đã làm và đã “cao chạy xa bay” với lý do thua lỗ, không triển khai phục hồi môi trường và trồng cây thay thế theo quy định. Bên cạnh đó, khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Công ty Bông Sen Vàng tiếp tục chặt phá gỗ xây dựng nhà cửa, kho tàng như Công ty Trường Sơn, dẫn đến hậu quả rất nhiều gỗ quý sẽ bị đốn hạ. Tiếp theo là rừng nguyên sinh bị tàn sát do bởi việc mở đường ôtô đến nơi khai thác khoáng sản…
Ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, cũng có cái nhìn tương tự. Theo ông Như, cho phép Công ty Bông Sen Vàng tiếp tục khai thác vàng giữa rừng nguyên sinh sẽ là mối họa tiềm tàng không chỉ đối với tài nguyên khoáng sản mà còn là tài nguyên lâm sản. Hậu quả sẽ lặp lại như Công ty Trường Sơn đã gây ra cho khu vực này. Nguy hại nhất là đường ôtô mở vào giữa rừng nguyên sinh, chắc chắn hàng trăm ha rừng nguyên sinh, khu vực giàu gỗ quý sẽ cạn kiệt. Người dân phía hạ du sẽ phải sử dụng nguồn nước có chất độc cyanua do doanh nghiệp đãi vàng thải ra.
Hơn 6 năm, từ năm 2008 đến năm 2014, Công ty Trường Sơn được phép khai thác vàng tại Khe Đương, cái lợi duy nhất TP Đà Nẵng thu được là hơn nửa tỷ đồng đơn vị khai thác vàng nộp các loại thuế vào ngân sách.
Trong khi đó, cái hại thì vô cùng lớn. Không chỉ tài nguyên lâm sản bị tàn phá hết sức nghiêm trọng mà việc khai thác quặng bằng thuốc nổ, nhiều tuyến đường mở bằng cơ giới đến hầm vàng đã làm môi trường sinh thái rừng trên khu vực rộng lớn bị biến đổi; sông, suối bị đầu độc. Do đó, đề xuất giải pháp quản lý khu vực mỏ vàng Khe Đương, nhiều cán bộ TP Đà Nẵng cho rằng, nên giao cho lực lượng liên ngành, gồm: Quân đội, Công an, dân quân địa phương và Kiểm lâm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang xác nhận, huyện Hòa Vang đang bị đặt ngoài cuộc trong việc cho phép doanh nghiệp khai thác vàng tại khe Đương. Trước đây, khi cho phép Công ty Trường Sơn khai thác vàng, huyện Hòa Vang cũng không hay biết. Và nay cũng vậy, việc một số người của Công ty Bông Sen Vàng có mặt tại mỏ vàng này là do các đội tuần tra truy quét về báo cáo lại, chứ huyện chưa nhận được thông báo nào về tiếp tục cho phép doanh nghiệp này khai thác vàng tại Khe Đương.
Trong khi đó, khu vực khai thác vàng Khe Đương, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định giao cho xã Hòa Bắc quản lý. Việc cho phép ai khai thác vàng tại khu vực này trước hết phải được sự đồng ý của xã Hòa Bắc và huyện Hòa Vang. Quan điểm của huyện Hòa Vang là không cho doanh nghiệp khai thác vàng tại khu vực Khe Đương, tàn phá rừng nguyên sinh, gây ô nhiễm môi trường và mất ổn định về ANTT.
Đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng cần có sự đánh giá nghiêm túc về cái được, cái mất trong việc cho phép Công ty Bông Sen Vàng tiếp tục khai thác vàng tại Khe Đương. (Công An Nhân Dân 21/9) đầu trang(
Theo báo cáo của Chi cục BVTV Thanh Hóa, từ đầu tháng 9 đến nay, sâu róm đã gây hại hơn 1.300 ha thông.
Trong đó, diện tích nhiễm trung bình đến nặng 477 ha, tập trung ở BQL Rừng phòng hộ huyện Tĩnh Gia, TP. Thanh Hóa, huyện Đông Sơn... Hiện Chi cục BVTV phối hợp với chính quyền các địa phương và chủ rừng khoanh vùng diện tích có mật độ sâu cao, tập trung phun trừ. (Nông Nghiệp Việt Nam 19/9, tr2) đầu trang(
Trong nhiều năm trở lại đây, vùng sinh cảnh sống của đàn voi trên các cánh rừng thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng xung đột giữa voi và người dân sống ven rừng diễn ra ở mức độ nghiêm trọng.
Từ năm 2009 đến nay, đã có 1 người chết 2 người bị thương và 9 cá thể voi rừng bị chết.
Hiện đàn voi rừng vẫn thường xuyên ra phá hoại hoa màu, vườn cây ăn trái của người dân sống ven rừng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng, tinh thần và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống trong sinh cảnh voi hoạt động.
Theo điều tra của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện trên cả nước chỉ có 3 địa phương còn các đàn voi châu Á sinh sống đó là Nghệ An, Đắk Lắk và tỉnh Đồng Nai. Đàn voi châu Á ở Việt Nam hiện đang bị đe dọa và số lượng đàn sụt giảm nghiêm trọng.
Riêng tại Đồng Nai, theo báo cáo điều tra tổng thể loài voi châu Á của các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ vào tháng 12/2001, số lượng voi ở khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên và các đơn vị phụ cận Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp La Ngà có từ 15-20 cá thể. Đàn voi ở đây có cấu trúc đàn tốt, có khả năng sinh sản cao, trong đàn có các cá thể voi đực, voi cái và voi con.
Đến năm 2009, Cục Kiểm lâm cũng đã tiến hành điều tra cho thấy số lượng cá thể là 17, trong đó có 3 voi đực, 3 voi cái, 4 voi con và các cá thể voi nhỡ. Đến năm 2011 và các năm 2012, 2013, Chi Cục Kiểm lâm Đồng Nai tiếp tục có các cuộc giám sát, điều tra và phát hiện đàn voi rừng trên địa bàn chỉ còn khoảng 10 cá thể.
Ngoài số lượng cá thể đàn voi rừng liên tục giảm, thì sinh cảnh và vùng hoạt động của đàn voi cũng ngày càng bị thu hẹp. Theo điều tra của cơ quan Kiểm lâm địa phương, trước năm 2000, vùng hoạt động của đàn voi trên là khoảng 50.000 ha, chủ yếu tập trung ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Đến năm 2005, vùng hoạt động của voi chỉ thu hẹp ở diện tích 14.000 ha ở khu vực Tây Nam Vườn Quốc gia Cát Tiên. Từ 2006-2009 các cuộc điều tra cho thấy, vùng hoạt động của voi ở khoảng 34.000ha và có chiều hướng voi đến gần các cánh rừng giáp khu dân cư sinh sống như các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Đến các năm 2012, 2013 và đầu năm 2014, voi lại xuất hiện nhiều ở các khu vực rừng gần khu dân cư ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) và một phần thuộc Công ty lâm nghiệp La Ngà.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai cho biết, vùng phân bố của voi bị thu hẹp, sinh cảnh xuống cấp, thiếu thức ăn và muối khoáng đã dẫn đến tình trạng xung đột giữa người và voi ngày càng gay gắt.
Voi kéo về rẫy của dân để tìm thức ăn, khiến cho người dân luôn trong tình trạng hoang mang lo sợ. Khoảng 4 năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai đã chi nhiều tỷ đồng để đền bù, hỗ trợ cho số hoa màu, nhà cửa của dân bị đàn voi rừng phá.
Từ năm 2009 đến nay, tình trạng xung đột giữa voi và người xảy ra chủ yêu ở các xã Tà Lài (huyện Tân Phú), xã Phú Lý, Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), xã Thanh Sơn, Gia Canh (huyện Định Quán).
Điều đáng nói, mức độ tàn phá hoa màu, cây ăn trái của đàn voi rừng đối với người dân trong vùng ngày càng gia tăng. Chỉ riêng tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, nếu như năm 2007 đàn voi rừng đã quật đổ và phá 14,4ha hoa màu, thì đến năm 2008 đã diện tích bị phá là 19ha. Đến năm 2013 diện tích hoa màu bị voi phá là gần 50ha chưa kể nhiều tài sản khác bị voi quật đổ như cột điện, nhà cửa…
Đỉnh điểm của sự xung đột giữa voi và người là trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến nay, là đã có 9 con voi rừng bị chết ở khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và khu vực rừng phòng hộ Tân Phú.
Gần đây cũng đã có một người dân bị voi quật chết trong khi vào rừng bắt cá và 2 người khác bị thương do xung đột sinh cảnh sống và nguồn thức ăn giữa đàn voi và cư dân sống ven rừng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, voi châu Á có tập tính sinh sống ở vùng rừng thứ sinh, rừng rụng lá, tre nứa và rừng hỗn giao. Voi thường sống theo từng đàn từ 8=20 cá thể và có xu thế phát triển thành từng nhóm nhỏ theo truyền thống gia đình gồm voi bố, voi mẹ và voi con.
Voi thường ăn măng tre, cỏ và nhiều loài cây bụi. Theo khảo sát, có 62 loài thức ăn mà voi châu Á thường ăn. Trong đó, riêng tại khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên có 14 loài cây rừng mà voi làm thức ăn. Có 9 loại cây, quả nông nghiệp voi thường ăn như điều, mít, chuối, mía, ngô, dứa, lúa…
Hiện voi châu Á được sách đỏ thế giới xếp vào loại EN - nguy cấp. Trong khi đó, sách đỏ Việt Nam đã xếp loài voi này vào loại CR - cực kỳ nguy cấp. Trong Nghị định 32 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm đã xếp voi châu Á vào nhóm IB - loài nguy cấp, quý hiếm cần có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm Đồng Nai cho rằng, việc bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã, đồng thời khôi phục, bảo vệ nguồn gen động thực vật quý hiếm nguy cấp và đa dạng sinh học vùng sinh cảnh voi sinh sống là việc làm cấp bách cần phải khẩn trương thực hiện.
Hiện Dự án khẩn cấp bảo tồn voi đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt và đang chờ thẩm định, đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Dự án bảo tồn đàn voi rừng trên địa bàn Đồng Nai có tổng vốn đầu tư trên 74 tỷ đồng. Khi triển khai, dự án không chỉ góp phần phát triển bền vững quần thể đàn voi hoang dã, mà còn giúp cho các hộ dân cư ở khu vực ven rừng yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống. Dự án sẽ triển khai tại huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, đây là những địa phương còn diện tích rừng tự nhiên lớn và có đàn voi thường xuất hiện để kiếm ăn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, Dự án bảo tồn voi rừng sẽ tập trung vào các nội dung như điều tra, đánh giá số lượng phân bố, hành lang di chuyển và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn voi; thiết lập chương trình giám sát diễn biến hoạt động của đàn voi; rà soát quy hoạch mở rộng sinh cảnh và hành lang hoạt động của đàn voi; cải thiện sinh cảnh sống tự nhiên để đảm bảo môi trường sống ổn định bền vững cho các quần thể voi; tổ chức thực hiện việc tuần tra để ngăn chặn tình trạng săn bắn, giết hại voi; tuyên truyền nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, trong đó có loài voi cho cộng đồng; thực hiện các biện pháp tránh xung đột giữa voi và người.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết hiện nay Khu bảo tồn cũng đang triể khai thực hiện dự án xây dựng hàng rào điện tử để hạn chế sự xung đột giữa voi và người.
Dự án này có chiều dài hàng rào điện tử là 30km gồm 20km hàng rào cố định và 10km hàng rào di động tại những khu vực rừng thuộc xã Phú Lý và xã Mã Đà, là những nơi đàn voi rừng thường xuyên hoạt động trong thời gian qua.
Hàng rào điện sử dụng nguồn điện từ hệ thống pin năng lượng mặt trời hoặc mạng lưới điện 220V nhưng chỉ phát ra với cường độ đủ để gây giật và hoảng sợ nhưng không làm chết người và động vật. Dọc hàng rào điện sẽ gắn khoảng 1.500 biển báo nguy hiểm và 8 cửa ra vào để lực lượng kiểm lâm và người dân có thể đi lại được. Số tiền đầu tư cho dự án này là 9 tỷ đồng.
Với những phương án đồng bộ và lâu dài trên, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cho rằng “Đây là dự án vô cùng cấp thiết, nhằm bảo tồn và phát triển quần thể voi châu Á, hiện là quần thể voi nội địa tốt nhất theo quy mô đàn, sinh cảnh, diện tích vùng sống, tính khả thi trong quản lý bảo tồn, phát triển lâu dài tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và tại cánh rừng thuộc Công ty Lâm nghiệp La Ngà”. (VietnamPlus 21/9) đầu trang(
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu các loài động vật, thực vật hoang dã, phát hiện, ngăn ngừa hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã qua biên giới.
Nhận định trên được đưa ra tại buổi Hội thảo tăng cường hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ các vấn đề về Môi trường và Nước Nam Phi phối hợp tổ chức ngày 19-9, diễn ra tại Hà Nội.
Trong bài giới thiệu về công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý, bảo tồn động vật hoang dã như các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính (Tổng cục Hải quan), Công an (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường), Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công Thương (Cục Quản lý thị trường), Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu các loài động vật, thực vật hoang dã, phát hiện, ngăn ngừa hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã qua biên giới.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh, Việt Nam hiện đã ghi nhận hơn 29.000 loài động thực vật, trong đó có khoảng 10.500 loài động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 11.000 loài sinh vật biển. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2012 và 2013, các nhà khoa học phát hiện 99 loài thực vật và động vật.
Việc bảo tồn và phát triển bền vững động vật hoang dã đóng một vai trò quan trọng, góp phần phát triển các nền kinh tế phụ thuộc vào thiên nhiên như nông-lâm-ngư nghiệp, du lịch và y tế. Trong đó có 300 loài sinh vật biển và 50 loài thủy sản có giá trị kinh tế được khai thác và sử dụng trong ngành thủy sản ở Việt Nam, đây là nguồn thu nhập chính và góp thêm thu nhập cho khoảng 20 triệu dân.
Bảo tồn động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên góp phần vào các hoạt động du lịch sinh thái, khuyến khích tìm hiểu và giáo dục về bảo vệ thiên nhiên, động thời mang lại lợi ích cho người dân địa phương cung cấp dịch vụ. Cùng với đó, nguồn gen động vật hoang dã cung cấp hàng nghìn vật liệu gen để lựa chọn phục vụ chăn nuôi trong nông nghiệp, thủy sản và dược phẩm.
Một số loài có giá trị kinh tế cao như trăn Miến Điện, trăn khoang, rắn hổ mang, cá sấu, hươu sao… đã được phát triển và nhân giống để tăng số lượng, tạo công ăn việc làm cho người dân tại khu vực nông thôn. (Hải Quan 19/9) đầu trang(
19/9, ông Nguyễn Anh Tú - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư Jút (Đắk Nông), khuyến cáo trước sự xuất hiện của voi rừng từ Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) thường xuyên di chuyển trong khu vực địa bàn thôn 20 (xã Đắk Drông, huyện Cư Jut) kiếm ăn từ đầu tháng Chín đến nay, người dân cần hạn chế đi lại trong rừng, đặc biệt là khu vực có khả năng hoạt động của voi.
Người dân không dùng biện pháp mạnh xua đuổi voi để đảm bảo an toàn, nghiêm cấm các hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của voi.
Khi thấy voi phá hoại các công trình công cộng, hoa màu, người dân cần sử dụng các vật dụng đơn giản như kẻng, trống, loa phóng thanh, máy nổ... để gây tiếng động lớn xua đuổi voi; dùng lửa, đèn pin chiếu sáng vào mắt voi, đốt các loại ớt bột, hạt tiêu khô tại các chòi, nương rẫy, nhà tạm hoặc khu vực voi thường qua lại để xua đuổi voi.
Theo một số hộ dân thôn 20, xã Đắk Drông, voi rừng xuất hiện chủ yếu đi kiếm thức ăn, trên đường di chuyển voi đã gây hư hại nhiều diện tích cây trồng của người dân. Thời gian voi xuất hiện là khoảng 8 giờ đến 9 giờ tối. Có nhiều đêm đàn voi di chuyển gần khu vực người dân sinh sống khiến nhiều hộ dân rất hoang mang, lo lắng. Người dân phải dùng các vật dụng như nồi, chảo đánh tiếng xua đuổi đàn voi đi.
Qua xác minh của cơ quan chức năng, có ít nhất hai cá thể voi (1 mẹ và 1 con) thường xuyên vào khu vực hoa màu của người dân, những con voi này lần đầu xuất hiện vào tháng 9/2013. (VietnamPlus 19/9; Nhân Dân 20/9) đầu trang(
Sau khi tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi, ca sĩ Hồng Nhung kêu gọi cộng đồng cùng hành động để chấm dứt tình trạng này ở các quốc gia trên thế giới.
"Nạn thảm sát tê giác vô nhân tính cần phải được chấm dứt, nếu không thì loài động vật dũng mãnh này sẽ phải chịu chung số phận với tê giác một sừng của Việt Nam", ca sĩ Hồng Nhung kêu gọi cộng đồng sau khi trở về từ chuyến làm việc tại Nam Phi.
Trong khoảng thời gian ở Nam Phi, đoàn Việt Nam đã tới thăm Vườn Quốc gia Kruger, nơi quần thể tê giác bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi nạn buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia. Khoảng 60% tê giác bị giết hại tại Nam Phi bị săn bắn trộm ở đây.
Đây cũng là nơi Hồng Nhung chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng nhất khi thấy xác một con tê giác bị bọn săn trộm giết hại. "Sừng của tê giác xấu số bị bọn săn trộm lấy đi và bỏ lại xác của nó dần thối rữa trong bụi rậm", nữ ca sĩ kể lại. Theo lãnh đạo Vườn quốc gia, con tê giác trên là một trong số 9 con bị giết hại tuần trước đúng vào dịp trăng tròn, thời điểm mà bọn săn trộm hoạt động mạnh nhất.
Tê giác một sừng cuối cùng của Việt Nam bị giết hại tại vườn Quốc gia Cát Tiên vào năm 2010. Việt Nam được cho là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê lớn nhất thế giới. Các băng nhóm tội phạm quốc tế giết hại tê giác để lấy sừng tại Nam Phi, sau đó buôn lậu sừng về Việt Nam và Trung Quốc để tiêu thụ.
Tại Việt Nam, nhiều người không những coi sừng tê giác là thần dược mà còn sử dụng nó như một cách thể hiện đẳng cấp. Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam đang gây ra mối đe dọa lớn tới sự tồn vong của loài này tại Nam Phi và các quốc gia khác. Thống kê cho thấy, hàng chục người quốc tịch Việt Nam đã bị bắt tại Nam Phi cùng nhiều nơi khác vì có liên quan tới buôn lậu sừng tê giác, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào.
"Hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế bị ảnh hưởng xấu chỉ vì hành động của một nhóm nhỏ người tiêu thụ sừng tê giác, hoặc trực tiếp tham gia giết hại tê giác và buôn lậu sừng tê", bà Vũ Thị Quyên, giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) nói. (VnExpress 20/9; Đại Đoàn Kết 19/9, tr13) đầu trang(
Vừa qua, Hạt kiểm lâm huyện Yên Thế, phối hợp với UBND xã Đồng Kỳ tiếp nhận 01 cá thể Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), thuộc nhóm IB (động vật nguy cấp, quý, hiếm) bàn giao về Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội).
Cá thể Cu li nhỏ này do gia đình ông Trần Đình Toản, thôn Trại Quân, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang phát hiện khi làm vườn, bắt giữ ngày 25/8/2014, ngay sau khi phát hiện, gia đình ông Toản đã  tự nguyện trình báo và giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình nuôi nhốt được gia đình chăm sóc rất tốt, nên cá thể Cu li nhỏ này rất khỏe mạnh.
Mặc dù gia đình ông Toản muốn tiếp tục nuôi cá thể này, nhưng sau khi được Hạt Kiểm lâm Yên Thế tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý động vật hoang dã, như: Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định số 160/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các văn bản khác có liên quan, gia đình ông Toản đã thự nguyện giao nộp lại cho cơ quan chức năng làm các thủ tục cứu hộ để thả về môi trường tự nhiên của chúng.
Hiện nay, Hạt kiểm lâm Yên Thế đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường việc truyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bảo vệ động vật hoang dã đến mọi tầng lớp nhân dân, kịp thời phát hiện và vận động hộ gia đình, cá nhân có nuôi nhốt động vật hoang dã quí hiếm tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng để có các biện pháp cứu hộ; biểu dương các hộ có ý thức giao nộp động vật quý hiếm cho cơ quan chức năng.
Đồng thời đẩy mạnh việc kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về mua, bán, vận chuyển, nuôi, chế biến, quảng cáo trái phép động vật hoang dã. (Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Yên Thế 18/9) đầu trang(
Chiều 19.9, PV Lao Động phối hợp với LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh đã về thôn 7 xã Sơn Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thắp hương, thăm hỏi và trao số tiền 5 triệu đồng từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động cho gia quyến của anh Hồ Sỹ Tường - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đức Thọ -  người vừa tử vong sau khi tham gia chữa cháy rừng.
Đón nhận số tiền 5 triệu đồng từ đại diện Báo Lao Động, chị Phan Thị Tuyên - vợ anh Tường xúc động rơi nước mắt và gửi lời cảm ơn chân thành đến Báo Lao Động. Tại đây, đại diện cho LĐLĐ Hà Tĩnh, bà Lê Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch cũng đã thắp hương chia buồn và trao hỗ trợ gia đình chị Tuyên số tiền 1 triệu đồng.
Trước đó, như Lao Động đã thông tin, ngày 11.9 xảy ra vụ cháy rừng thông ở xã Đức Dũng và Tân Hương (Đức Thọ), ông Hồ Sĩ Tường - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đức Thọ đã trực tiếp chỉ huy và tham gia chữa cháy cho đến khi kiệt sức phải nhập viện cấp cứu rồi tử vong vào ngày 17.9.
Ông Tường mất đi để lại người vợ với gánh nặng nuôi mẹ già và 2 đứa con đang ăn học. Hiện ngành Kiểm lâm đang hoàn tất các thủ tục để xem xét chế độ cho ông Tường theo quy định của Nhà nước. (Lao Động 20/9, tr3) đầu trang(
Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa ban hành Công văn số 3441/UBND-NL với nội dung: Báo Gia Lai ngày 9, 10  và 11-9-2014 đăng loạt bài “Có hay không đường dây buôn bán gỗ lậu?”.
Địa điểm mà nội dung bài báo đề cập tại bến đò làng Tung, khu vực phà 6 sông Pô Cô và làng Bi (xã Ia O, huyện Ia Grai), tỉnh lộ 664 và một số địa bàn liên quan…
Theo đó, UBND tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, UBND huyện Ia Grai tổ chức điều tra, truy quét, ngăn chặn ngay việc vận chuyển, mua bán gỗ trái phép như nội dung các bài báo đã nêu.
Trường hợp phát hiện các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tiếp tay mua bán gỗ trái phép thì phải lập biên bản, báo cáo ngay cho UBND tỉnh để xem xét yêu cầu thu hồi giấy đăng ký kinh doanh.
Trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức tham gia mua bán gỗ trái phép có mức độ vi phạm vượt quá giới hạn xử lý hành chính thì phải tiến hành khởi tố hình sự và chuyển cho cơ quan Công an điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm cũng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung sản xuất, không tham gia mua bán, vận chuyển gỗ trái phép... (Báo Gia Lai 19/9) đầu trang(
17-19/9, Ban điều phối Dự án Khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng phối hợp với Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch và UBND các xã Phúc Trạch, Xuân Trạch, Hưng Trạch, Sơn Trạch và xã Phú Định tổ chức Hội nghị cấp xã về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an và Chính quyền địa phương các xã vùng đệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện, xã trong khu vực VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Dự án Khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng; đại diện Ban điều phối Dự án Khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng; đại diện Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng; Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch và các xã vùng đệm VQG.
Hội nghị đã được nghe triển khai các nội dung, các vấn đề cấp bách về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trong khu vực VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong công tác phối hợp giữa Kiểm lâm huyện, Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Công an và chính quyền địa phương; triển khai Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; tăng cường sự phối hợp trong quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và vai trò của đại diện chính quyền, các cơ quan tổ chức, đoàn thể cấp xã, lực lượng thực thi pháp luật tại địa bàn xã và lực lượng Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tại hội nghị cũng đã được nghe các ý kiến thảo luận của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, Công an và chính quyền địa phương các xã về sự phối hợp trong quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và vai trò của chính quyền địa phương, các cơ quan tổ chức, đoàn thể cấp xã, lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ rừng trên địa bàn xã và lực lượng Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Hội nghị là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các lực lượng chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng và tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn cũng như cung cấp một số thông tin và kỹ năng về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR cho cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng trên địa bàn các xã góp phần bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, đặc biệt là các giá trị đa dạng sinh học, giá trị về địa chất, địa mạo của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. (Phongnhakebang.vn 19/9) đầu trang(
20-9, đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1, đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng gặp sự cố do ảnh hưởng từ đám cháy do người dân đốt thực bì khu rừng trồng tại xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Theo đó, khoảng 11 giờ 14 phút, đường dây này bị sự cố thoáng qua và đã tự đóng lại thành công. Đến 11 giờ 36 cùng ngày đường dây này bị sự cố kéo dài đến 12 giờ 55 cùng ngày mới khôi phục thành công.
Cả hai lần bị sự cố đều không ảnh hưởng đến việc cung cấp điện do đã có đường dây 500kV Bắc Nam mạch 2 hỗ trợ. Ngay sau khi nhận được thông tin, Công ty Truyền tải điện Quảng Trị, lực lượng kiểm lâm, công an tỉnh Quảng Trị đã điều động lực lượng dập tắt các đám cháy và khắc phục sự cố điện.
Ông Võ Văn Sử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng, cho biết nguyên nhân sự cố trên do người dân xã Hải Sơn đốt thực bì trên diện tích khoảng 50 ha rừng đã khai thác nên ảnh hưởng đến đường dây điện 500 kV mạch 1 đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng. Theo ông Sử, việc đốt thực bì người dân đã xin phép chính quyền địa phương. (Pháp Luật TPHCM 21/9) đầu trang(
Hàng chục cây dầu rái ở khu vực Hố Trầu thuộc thôn Mậu Long 1 (xã Quế Ninh, Nông Sơn) bị đốt phá khiến người dân rất bức xúc.
Ông Trần Viết Thành - Phó ban Nông lâm nghiệp xã Quế Phước (Nông Sơn) cho biết, khu rừng dầu rái này rộng khoảng 4ha. Từ năm 1991 diện tích rừng này thuộc về địa giới hành chính xã Quế Ninh, tuy nhiên từ trước đến nay rừng dầu rái vẫn được người dân thôn Đông An (Quế Phước) khai thác và bảo vệ.
Vài năm trở lại đây, một số người dân thôn Mậu Long 1 đã đốt phá và xâm lấn vào rừng dầu rái để lấy đất trồng cây keo. Vào tháng 7.2013, khi phát hiện các đối tượng đốt phá một phần diện tích khu rừng, xã Quế Phước đã có báo cáo gửi UBND huyện Nông Sơn và xã Quế Ninh để có hướng giải quyết. Hạt Kiểm lâm huyện đã đến hiện trường lập biên bản nhưng sau đó các đối tượng vẫn tiếp tục phát dọn để trồng keo trên khu rừng dầu rái.
“Mới đây, ngày 7.9, các đối tượng tiếp tục đốt phá thêm khoảng 0,7ha rừng dầu rái. Đã có 20 cây dầu rái có đường kính 30 - 50cm mới bị chặt hạ và đốt cháy” - ông Thành cho hay.
Sau gần một tiếng đồng hồ băng rừng, tại khu rừng dầu rái ở Hố Trầu, chúng tôi ghi nhận nhiều cây dầu rái đã bị chặt đổ, một số cây đang khai thác dầu thì bị đốt phá trơ trụi.
Bà Châu Thị Bé (thôn Đông An) cho biết: Gia đình tôi nhận bảo vệ, khai thác rừng dầu rái trong vòng 5 năm  (2012 - 2017) và  mỗi năm đều nộp 2 triệu đồng vào nguồn quỹ của thôn Đông An. Trước đây trên 270 cây dầu rái, mỗi tháng tôi khai thác được 3 thùng dầu cho thu nhập 1,2 triệu đồng. Sau khi rừng dầu rái bị chặt phá thì chỉ còn chưa đến 200 cây và gây thất thu hơn một thùng dầu.
Ông Nguyễn Tiến Phi – Chủ tịch UBND xã Quế Ninh xác nhận trước đây có một số hộ dân ở thôn Mậu Long 1 lấn chiếm vào rừng dầu rái để lấy đất trồng keo. Còn việc tiếp diễn chặt phá rừng dầu rái mới đây thì địa phương chưa nắm rõ. “Chúng tôi sẽ cử đoàn kiểm tra đến để đánh giá hậu quả và mức độ vi phạm. Đây là khu vực rừng khoanh nuôi và đã có cây dầu rái thì chắc chắn địa phương không cho phép người dân được đốt phá” - ông Phi khẳng định.
Trao đổi với PV, ông Lê Trung Thọ - Phụ trách Thanh tra pháp chế (Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn) cho biết, việc quản lý khu rừng này vẫn gặp không ít khó khăn vì việc phân chia địa giới hành chính. Năm 2013, Hạt Kiểm lâm huyện đã đến giải quyết vụ việc lấn chiếm rừng dầu rái tại đây, tuy nhiên nhóm hộ trên chỉ lấy đất trồng keo và vẫn để lại những cây dầu rái nên việc xử phạt chưa triệt để. (Báo Quảng Nam 19/9) đầu trang(
19/9, ông Pơloong Chiến - Bí thư Đảng ủy xã A Ting (huyện Đông Giang, Quảng Nam) cho biết: Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc một tổ bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bạch Mã bị một nhóm lâm tặc tấn công, hành hung khiến 2 người bị thương nặng.
Theo đó, khoảng 19 giờ tối 15/9, tại khu vực Khe Dâu, tiểu khu 56 thuộc VQG Bạch Mã (địa bàn xã A Ting, huyện Đông Giang) một tổ bảo vệ rừng VQG Bạch Mã gồm 20 người (đều là đồng bào Cơ Tu ở địa phương) đang tuần tra bảo vệ rừng thường xuyên trên diện tích rừng được giao khoán thì bất ngờ bị các đối tượng lâm tặc đột nhập lán trại, tấn công bằng dao và gậy.
Các đối tượng tấn công ông Pơloong Nai và Clâu Crơi rồi bỏ trốn. Hai nạn nhân bị thương khá nặng, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam và Trung tâm Y tế huyện Đông Giang trong tình trạng đa chấn thương. Riêng ông Nai bị vết chém dài trên mặt.
Hiện VQG Bạch Mã có công văn gửi đến các cơ quan chức năng huyện Đông Giang và tỉnh Quảng Nam đề nghị chỉ đạo điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ việc.
Được biết, những hộ dân trong tổ bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của UBND tỉnh về khoán bảo vệ rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng lưu vực thủy điện Sông Kôn 2 và đã được ký hợp đồng với Vườn quốc gia Bạch Mã trước đó. (Tiền Phong 20/9; Thanh Niên 20/9; Phụ Nữ TP HCM 19/9) đầu trang(
Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) có 169,45 ha rừng, trong đó rừng đặc dụng 97 ha, với trên 66 loài cây đặc trưng, cây bản địa cổ, quý hiếm.
Thực hiện công tác phối hợp bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR ), ngay từ đầu năm 2014, Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh thường xuyên kiểm tra, rà soát vùng trọng điểm về khai thác, vùng trọng điểm cháy rừng để xây dựng phương án bảo vệ rừng, PCCCR; kiểm tra, rà soát lại dụng cụ, phương tiện, máy móc, lực lượng sẵn sàng tham gia ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, hai bên đã tổ chức 7 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật BVR và PCCCR cho trên 400 lượt cán bộ, nhân dân tham gia; tu sửa 2 bảng tuyên truyền, 11 biển báo cấm lửa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, hướng dẫn du khách đốt vàng mã đúng nơi quy định, phấn đấu không để xảy ra cháy rừng. (Báo Thanh Hóa 19/9) đầu trang(
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có chỉ thị về việc ngăn chặn tình trạng phá rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm.
Chỉ thị nêu rõ, nghiêm cấm tuyệt đối mọi hành vi chặt phá rừng phi lao và các loại cây trồng khác ven biển, chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi, đào ao lót bạt nuôi tôm.
Chính quyền địa phương nào không kiên quyết ngăn chặn, để phát sinh diện tích ao nuôi mới thì chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc quản lý đất đai, quản lý quy hoạch rừng ven biển.
Chỉ thị cũng yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển chỉ đạo UBND cấp xã, phường phổ biến, quán triệt chỉ thị này đến các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn biết để thực hiện; đồng thời chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các phòng chuyên môn cấp huyện tăng cường kiểm tra diện tích rừng phòng hộ ven biển, có biện pháp xử lý nghiêm các hộ nuôi tôm trái phép; tuyệt đối không để tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý đào ao nuôi tôm trái phép tiếp tục xảy ra trên địa bàn.
UBND huyện Đông Hòa chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng kiểm tra, xác định toàn bộ diện tích rừng phòng hộ bị phá để làm hồ nuôi tôm trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông của đường Hùng Vương; đồng thời xác định thời gian bắt đầu xây dựng hồ nuôi tôm lấn chiếm, lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý vi phạm theo pháp luật quy định, lưu ý quy định rõ thời gian giải tỏa để trả lại mặt bằng hành lang cho đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Thời gian thực hiện xong trong tháng 10/2014.
Chỉ thị cũng yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo trồng và quản lý rừng phòng hộ ven biển; phối hợp với các địa phương quản lý thực hiện đúng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của UBND tỉnh đã phê duyệt; Sở TN-MT kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, các trường hợp vi phạm về xây dựng hệ thống xử lý nước thải và xả thải không qua xử lý ra môi trường theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Thời gian vừa qua, tại một số địa phương ven biển: Đông Hòa, Tuy An xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân tự ý chặt phá rừng phi lao ven biển, phá vườn, xây dựng các ao nuôi tôm trái phép, phá vỡ chức năng rừng phòng hộ ven biển làm cho nước biển dễ dàng xâm thực sâu vào đất liền; hiện tượng mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm đã xảy ra và gây ô nhiễm môi trường. (Báo Phú Yên 20/9) đầu trang(
Theo Sở NN&PTNT Tây Ninh, từ đầu năm đến cuối tháng 8.2014, lực lượng chức năng phát hiện 14 vụ phá rừng trái phép (diện tích gần 8,5 ha), giảm 2 vụ so cùng kỳ năm trước.
Đã xảy ra 48 vụ vi phạm quy định về bảo vệ rừng (giảm 3 vụ), 16 vụ khai thác lâm sản trái phép (giảm 3 vụ). Lực lượng chức năng đã tháo gỡ trên 1.500 cần bẫy động vật rừng, chủ yếu ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát; phát hiện 77 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Có 5 trường hợp phá rừng ở khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị khởi tố.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy rừng (tăng 8 vụ so cùng kỳ). Tuy nhiên, diện tích rừng bị thiệt hại giảm so cùng kỳ, chỉ gần 11 ha (giảm gần 9 ha).
Tính đến cuối tháng 8, toàn tỉnh đã trồng được 387,4 ha rừng, đạt gần 55% so với kế hoạch. Hiện diện tích rừng được bảo vệ là 49.159 ha. Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có của tỉnh đều được giao cho các tổ chức, nhóm hộ hoặc hộ dân nhận khoán bảo vệ.
Diện tích rừng được khoán khoanh nuôi tái sinh năm 2014 là gần 7.000 ha. Một số diện tích rừng trồng có tỷ lệ cây sống đạt thấp nhưng ban quản lý rừng chậm xử lý.
Một thực trạng đáng quan tâm là hiện nay, một số hộ hợp đồng nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trồng cố ý cày lấn sát vào hàng cây rừng, chặt nhánh cây rừng trồng để tạo không gian trồng xen cây nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc phát hiện hành vi trên để xử lý còn chậm, chưa triệt để. Nhiều vụ vi phạm đã có quyết định xử lý hành chính nhưng đối tượng không chấp hành, cơ quan chức năng chậm ban hành quyết định cưỡng chế, buộc đối tượng vi phạm phải thực hiện. (Báo Tây Ninh 19/9) đầu trang(
“Với việc chấn chỉnh và tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp QLBVR, tình trạng vi phạm luật ở địa phương đã giảm đáng kể. Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện, so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ vi phạm lâm luật đã giảm 130 vụ (86,67%).
Trao đổi về công tác chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), ông Nguyễn Văn Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glei cho biết, với quyết tâm cao nhất, Ban chỉ đạo huyện đã triển khai thực hiện đồng nhiều giải pháp như: Tổ chức tuyên truyền, giao khoán quản lý bảo vệ rừng; truy quét phá rừng, khai thác lâm sản trái phép; thành lập các chốt liên ngành và ký cam kết giữa huyện với các xã, chủ rừng trong công tác QLBVR...
Theo đó, trong công tác tuyên truyền, huyện đã tổ chức bằng nhiều hình thức: truyền thanh qua hệ thống truyền thanh không dây phát đến các thôn; tuyên truyền trên xe lưu động tại các thôn trọng điểm; tuyên truyền trực tiếp thông qua hệ thống kiểm lâm địa bàn và các tổ chức đoàn thể.
Ở các “điểm nóng”, huyện cho thành lập lập 20 chốt liên ngành để trực tiếp gác ngăn chặn người dân và các đối tượng vào rừng trái phép (kể cả ngày và đêm); tổ chức tuần tra, truy quét ngăn chặn kịp thời việc phát rừng làm rẫy theo phương châm “ngăn không cho phát, đã phát không cho đốt, đã đốt không cho gieo trồng” và kiên quyết xử lý các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Theo đó, đã tiến hành xử lý kỷ luật 28 đảng viên vi phạm phá rừng trái phép từ năm trước chuyển sang; khởi tố 1 vụ án, bắt 5 đối tượng vi phạm (vụ khai thác cây gỗ vên vên 40,183 m3 gỗ xẻ-tương ứng 64,292 m3 gỗ tròn tại tiểu 133, xã Đăk Long).
Việc tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở với công tác QLBVR được thực hiện trên cơ sở ký cam kết giữa huyện với các xã, chủ rừng trong việc giảm thiểu số vụ vi phạm lâm luật (mỗi năm giảm ít nhất 20 % số vụ vi phạm so với năm trước); phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ QLBVR.
Trong việc tăng cường trách nhiệm này, UBND huyện đã tiến hành thực hiện giải pháp giao đất, giao rừng đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND các xã quản lý cho dân.
Tính đến nay, UBND huyệnđã phê duyệt 3 phương án giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình ở 3 xã Mường Hoong, Ngọc Linh và thị trấn Đăk Glei; tiến hành điều chỉnh việc  giao đất, giao rừng cho hộ gia đình 6 xã (Đăk Kroong, Đăk Long, Đăk Pet, Xốp, Đăk Choong, Đăk Man) sang giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý để tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc miền Trung Việt Nam (KfW10).
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã phối hợp với các ngành, chỉ đạo các chủ rừng đẩy mạnh việc giao khoán rừng cho dân và cộng đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Với việc thực hiện các giải pháp này, tình hình vi phạm lâm luật ở nhiều nơi đang giảm mạnh.
Trao đổi về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác QLBVR, ông A Em - Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong (Đăk Glei) phấn khởi cho biết: Trong 2 năm trở lại đây, tình hình phá rừng làm nương rẫy, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép ở địa phương đã được ngăn chặn triệt để. Nếu như năm 2012 trên địa bàn xã xảy ra 93 vụ phá 12 ha rừng làm rẫy, năm 2013 xảy ra 7 vụ phá 0,5 ha rừng thì năm nay không xảy ra có vụ nào.
Tuy nhiên, ông E thừa nhận: “Năm nay có nổi lên tình trang người dân khai thác nhựa thông trái phép ở rừng tự nhiên. Nguyên nhân do nhựa thông có giá và người dân đã vào rừng khai thác nhựa thông để kiếm thêm thu nhập. Nhưng việc này, hiện nay cũng đã được xã phối với với chủ rừng, kiểm lâm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và ngăn chặn nhằm hạn chế người dân khai thác trái làm hư hại rừng thông”.
Già làng A Cheh, thôn Rooc Mẹt (Đăk Nhoong) hào hứng kể: “Trong thôn có 27 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng (mỗi hộ nhận từ 25-30 ha rừng) của Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Nhoong. Tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, người dân trong thôn không chỉ nhận 300-400 nghìn đồng/năm mà còn mua trâu ăn Tết vui vẻ cả làng. Nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, dân làng Rooc Mẹt đều nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng!”. Cũng ở Đăk Nhoong, chị E Thêm, làng Đăk Nớ khẳng định: “Gia đình mình chỉ làm mì, làm lúa, không dám phá rừng làm nương rẫy nữa đâu!”.
Trưởng Ban quản rừng phòng hộ Đăk Nhoong Trần Văn Tuất quả quyết: “Ban quản lý trên 15.000 ha rừng, trong đó giao khoán hơn 8.800 ha rừng cho dân. Thực hiện phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác QLBVR cùng với việc giao khoán rừng cho dân, từ đầu năm đến nay, Ban không để xảy ra việc phá rừng làm nương rẫy và khai thác rừng trái phép”.
Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện, bằng những nỗ lực trong việc thực hiện phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác QLBVR. So với cùng kỳ năm 2013, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp với các ngành phát hiện và xử lý 20 vụ vụ phạm lâm luật, giảm 130 vụ vi phạm (giảm 86,67%).
Trong đó, vi phạm các quy định chung của nhà nước và bảo vệ rừng 1 vụ, giảm 66,67% về số vụ; vi phạm về phát rừng trái phép 2 vụ/0,17 ha rừng, giảm 98,49% số vụ; khai thác rừng trái phép 1 vụ/64,29 m3, giảm 50% số vụ; vận chuyển lâm sản trái phép 7 vụ, tăng 100% số vụ; mua bán, cất giấu lâm sản trái phép 9 vụ/38,72 m3, giảm 25%.
Những kết quả đã đạt cho thấy việc thực hiện các chủ trương cùng các giải pháp chấn chỉnh và tăng cường công tác QLBVR địa phương đã và đang phát huy hiệu quả. (Kontum.gov.vn 19/9) đầu trang(
Đà Nẵng là thành phố có địa hình rất đa dạng, diện tích rừng tại đây khá lớn, tập trung nhiều về phía Tây thành phố thuộc địa bàn huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, số ít là quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Các khu rừng có chức năng bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn lâm sản cũng như cảnh quan du lịch, do đó vấn đề bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống cơ quan chức năng.
Với tổng diện tích đất rừng khoảng 67.148 ha. Trong đó rừng đặc dụng là 31.116,7 ha chiếm 24.2%, rừng  phòng hộ 8.693,8 ha chiếm 6.76%, rừng sản xuất có diện tích 17.385 ha chiếm 13.52%, đặc biệt rừng tại đây nằm gần thành phố nên thuận lợi về giao thông, du lịch và an ninh quốc phòng.
Trong những năm gần đây, cháy rừng liên tục xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn rừng. Riêng từ tháng 1- 2014 đến tháng 9-2014, địa bàn thành phố đã xảy ra 15 vụ cháy, gây thiệt hại hàng trăm hecta rừng.
Công tác phòng cháy chữa cháy luôn được đề cao, thế nhưng những vụ cháy vẫn liên tục xảy ra, điển hình là vụ cháy rừng tại địa bàn xã Hòa Phú ngày 21-6-2014, do đặc trưng địa hình đồi núi, các phương tiện chữa cháy không thể tiếp cận được, nên lực lượng PCCC cùng các lực lượng phối hợp tổng công khoảng 1000 nhân lực nhưng chỉ dùng những dụng cụ thô sơ để dập lửa.
Vụ cháy đã diễn biến vô cùng phức tạp, kéo dài trong 3 ngày, thiệt hại đến hơn 100 hecta rừng hỗn hợp(rừng trồng, rừng già và thực bì, dây leo). Cũng trong ngày 21-6 tại rừng Nam Hòa Khánh quận Liên Chiểu và rừng thuộc địa bàn quận Sơn Trà cũng đã xảy ra cháy lớn, hàng chục lượt xe chữa cháy cùng trăm chiến sĩ PCCC đã được điều động đến hiện trường phối hợp với lực lượng kiểm lâm tiến hành dập lửa. Địa hình hiểm trở, đồi dốc cao và gió khô thổi mạnh nên lực lượng chữa cháy khó tiếp cận hiện trường là tình hình chung trong những vụ cháy rừng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, trong vụ cháy rừng tại xã Hòa Phú kể trên thì nguyên nhân cháy là do ông Lương Văn Dũng trú xã Hòa Phú, đốt đốt thực bì ở bìa rừng, gặp gió nên dẫn đến cháy lan trên diện rộng khiến ông Dũng mất kiểm soát.
Lúc 12 giờ ngày 24-8-2014, người dân nghe tiếng nổ lớn và phát hiện ra cháy tại 2 điểm khu rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Nhận được tin báo cháy, Phòng CSPC&CC số 4 đã xuất 02 xe chữa cháy cùng 20 CBCS đến đám cháy phối hợp với lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ nắm tình hình và triển khai dập lửa.
Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, xe chữa cháy không thể tiếp cận đám cháy được nên lực lượng chữa cháy phải dùng dao, rựa, … để chữa cháy. Đến 3 giờ 32 phút sáng hôm sau (25-8), đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Hay vụ cháy rừng Bạch đàn gần sân bay Đà Nẵng ngày 9-9-2014 nguyên nhân cháy là gì không ai rõ, song đám cháy xuất hiện tiếng nổ lớn nên không ai dám lại gần. Lực lượng PCCC không thể trực tiếp dập tắt đám cháy mà chỉ ngăn không cho cháy lan sang các khu vực khác.
Một nguyên nhân nữa là do rừng nằm gần nằm gần các khu nghĩa trang như rừng thuộc địa bàn quận Liên Chiểu, người dân đốt vàng mã, nhang... nên để kiểm soát tình hình phòng cháy chữa cháy rừng là rất khó khăn. Trang thiết bị phục vụ chữa cháy cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Lực lượng chữa cháy tại chỗ hiện nay trang bị còn quá thô sơ, một số rừng không có hồ chứa nước để sử dụng khi xảy ra cháy.
Do đặc điểm là vùng khí hậu khô nóng vào mùa hè, tại thời điểm này, nguy cơ cháy luôn ở mức báo động. Từ tháng 1 đến tháng 5, chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng, tuy nhiên đến tháng 6-7 đã tăng lên 10 vụ.
Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, mỗi người dân là một chiến sĩ PCCC thì các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tăng cường xây dựng lực lượng cơ sở bảo vệ rừng, đầu tư trang thiết bị phục vụ PCCC rừng. Chú trọng công tác kiểm tra giám sát tại các rừng do các đơn vị cũng như doanh nghiệp quản lý.
Phối nhịp nhàng, thống nhất với lực lượng Kiểm lâm để công tác bảo vệ rừng đạt kết quả tốt nhất góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, cải thiện kinh tế cho người dân ở các địa phương có rừng. (Cảnh Sát Phòng Cháy & Chữa Cháy TP Đà Nẵng 19/9) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Đơn giản chỉ là chuyện mua, bán rừng trồng để khai thác giữa 2 người làm ăn chung với 3 ông nông dân tay lấm chân bùn, nhưng sau đó xảy ra mâu thuẫn giữa 2 người mua rừng với nhau mà thành… án. Trải qua nhiều cấp và nhiều lần xét xử, cả hình sự lẫn dân sự, đến nay sau 5 năm, vụ án… vặt này vẫn chưa được xét xử xong.
Năm 2007, bà Đào Thị Hồng (thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) cùng với ông Hoàng Trọng Độ (xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) có mối quan hệ làm ăn chung. Hai người mua 10 héc-ta rừng trồng để khai thác gỗ của nhóm hộ ba nông dân, gồm các ông Hồ Thanh Xuân, Lê Cương và Nguyễn Bặm (cùng trú xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng).
Các bên đồng ý mua bán rừng này với giá 340 triệu đồng. Sau đó, ông Độ và bà Hồng đặt tiền cọc cho nhóm hộ trên 50 triệu đồng. Đến ngày 31-12-2007, bà Hồng mang 250 triệu đồng trả tiếp cho nhóm hộ bán rừng. Số tiền này, theo như bà Hồng trình bày (có tài liệu chứng minh), là bà đã vay của Ngân hàng NN&PTNT, lúc giao tiền cho các chủ rừng có cả ông Độ và bà Hồng.
Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó, quan hệ giữa hai người trục trặc. Tháng 8-2009, ông Độ và nhóm hộ kể trên xác lập giấy mua bán rừng, với sự xác nhận của UBND xã Hải Thượng, nhưng không có mặt bà Hồng, cũng như không có tên bà trong giấy mua bán rừng này.
Khi biết sự việc, ngày 5-9-2009, bà Hồng đề nghị nhóm hộ bán rừng xác nhận đã bán rừng trên cho cả ông Độ và bà Hồng. Nhóm hộ đã xác nhận cho bà Hồng, đồng thời nhiều lần thông báo cho ông Độ cùng tiến hành khai thác rừng trên với bà Hồng để sớm trả lại đất cho bà con trồng rừng theo đúng cam kết. Nhưng ông Độ không hồi âm sự việc, nên nhóm hộ này đồng ý cho bà Hồng đứng ra làm thủ tục khai thác rừng.
Ngày 18-9-2009, bà Hồng cho chở 21m3 gỗ khai thác ở rừng trên ra khỏi cửa rừng thì bị kiểm lâm tạm giữ do thiếu thủ tục là giấy vận chuyển gỗ. Ngay khi sự việc xảy ra, ông Độ đến trình báo tại Công an huyện Hải Lăng, nội dung bà Hồng đã khai thác trộm rừng trồng mà ông đã mua trước đó. Bà Hồng bị bắt tạm giam về hành vi "Trộm cắp tài sản”.
Năm 2010, TAND huyện Hải Lăng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. HĐXX nhận định, tại thời điểm xảy ra vụ án, đang tồn tại hai văn bản xác định quyền sở hữu diện tích rừng kể trên (giấy bán rừng cho ông Độ và giấy xác nhận đã bán rừng cho cả ông Độ và bà Hồng).
Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hải Lăng đã tiến hành các biện pháp xác minh quyền sở hữu rừng trên thuộc về ông Độ là không đúng thẩm quyền. Bởi theo Điều 25 của Bộ luật tố tụng dân sự thì tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. VKSND huyện Hải Lăng truy tố bà Hồng về tội "Trộm cắp tài sản” là không có cơ sở.
Vì lẽ đó, TAND huyện Hải Lăng đã tuyên bà Hồng vô tội. Ngày 18-11-2010, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án trên, cũng tuyên bà Hồng vô tội. Bà Hồng sau đó được VKSND huyện Hải Lăng bồi thường thiệt hại gần 700 triệu đồng do truy tố oan sai.
Một điều bất thường đã tiếp tục xảy ra khiến một vụ án… vặt trở thành kỳ án và sau 5 năm đến nay vẫn chưa hạ hồi phân giải. Đó là vào đầu năm 2014, tức 3 năm sau kể từ khi "công lý” cho ông Hoàng Trọng Độ không thành, ông này đã khởi kiện nhóm hộ ba nông dân trên ra tòa về tranh chấp hợp đồng mua bán rừng. Trong đơn khởi kiện, ông Độ cho rằng tổng số tiền 300 triệu đồng qua hai lần trả cho nhóm hộ này là tiền của ông, chứ không phải tiền của bà Hồng.
Ngày 17-4-2014, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. HĐXX nhận định, việc mua bán rừng bắt đầu từ ngày 25-12-2007, trong đó bên mua do cả ông Độ và bà Hồng cùng thực hiện. Nhưng riêng số tiền 250 triệu đồng trả lần 2 cho nhóm hộ là tiền của bà Hồng.
Các tài liệu ông Độ xuất trình không phù hợp với tình tiết, diễn biến vụ việc, vì vậy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Độ. Mặc dù vậy, ý kiến của hai hội thẩm nhân dân thì ngược lại, cho rằng số tiền 250 triệu đồng là tiền của ông Độ trực tiếp trả cho nhóm hộ kể trên.
Nhưng nhóm hộ này đã cho bà Hồng khai thác rừng, nên buộc họ phải trả lại tổng số tiền 300 triệu đồng qua hai lần nhận cho ông Độ. Căn cứ Khoản 2 Điều 236 Bộ luật Tố tụng dân sự về nghị án, kết quả biểu quyết 2/3 nên HĐXX chấp nhận theo đa số, tức buộc các ông Hồ Thanh Xuân, Nguyễn Bặm, Lê Cương phải trả lại số tiền 300 triệu đồng cho ông Độ(!).
Gần 2 tuần sau kể từ khi tòa tuyên án, tất cả nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (bà Đào Thị Hồng), viện kiểm sát đều kháng cáo, kháng nghị bản án. Nhóm hộ đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bác đơn kiện của ông Độ đồng thời xem xét việc hai hội thẩm nhân dân thiếu khách quan trong xét xử vụ án này...
Ngày 17-7-2014, TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án. Trong quá trình xét hỏi, có nhiều tình tiết trong việc mua bán rừng, trả tiền và nhận tiền mua bán này… cần phải có điều kiện để xác minh làm rõ nên HĐXX đã tạm thời hoãn xét xử vụ án.
Sau gần hai tháng hoãn phiên tòa, ngày 4-9-2014, HĐXX TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tiếp tục phiên tòa và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác kháng cáo của nhóm hộ ba ông nông dân, bà Đào Thị Hồng và kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Trị.
Tuy nhiên, đến nay vụ án vẫn chưa đến hồi kết thúc, ngay sau phiên xử, TAND tỉnh Quảng Trị, nhóm hộ ba nông dân trên và bà Đào Thị Hồng đã tiếp tục làm đơn kháng nghị, kháng cáo lên giám đốc thẩm. (Đại Đoàn Kết 22/9) đầu trang(
Sáng 20/9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện chính sách Chi trả môi trường rừng giai đoạn (2011-2013).
Tham dự có đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, cùng lãnh đạo UBND, các Sở, ngành và Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng của 36 tỉnh, thành phố trên cả nước tại các đầu cầu địa phương.
Trong báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả DVMTR, Bộ NN&PTNT cho hay, đã có 40 tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh; 36 tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Trong 3 năm (2011-2013), tổng số tiền Quỹ Trung ương đã điều phối, giải ngân cho các tỉnh là 1.601,8 tỷ đồng. Trong tổng số tiền các tỉnh được sử dụng (2.080,6 tỷ đồng bao gồm cả thu nội tỉnh), sau khi trừ chi phí quản lý, dự phòng, hỗ trợ trồng cây phân tán, số tiền phải thanh toán cho người cung ứng dịch vụ là 1.781,6 tỷ đồng. Tỉnh đã giải ngân đến chủ rừng là 1.393,2 tỷ đồng, đạt 78,2%.
Toàn quốc đã ký được 351 hợp đồng ủy thác dịch vụ môi trường rừng với các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng thu tiền dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho chủ rừng.
Từ năm 2011 đến 2013, toàn quốc đã thu được 2.563 tỷ đồng DVMTR; lũy kế đến tháng 8/2014, tổng thu 3.329 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 28 tỉnh đã thu được tiền DVMTR đối với 3 đối tượng sử dụng DVMTR thủy điện, nước sạch và du lịch, các đối tượng khác chưa thu được, trong đó số tiền thu được nhiều nhất là từ thủy điện (97,71%), nước sạch (2,19%) và du lịch (0,10%). Riêng nguồn thu từ du lịch mới chỉ thực hiện được ở 3 tỉnh: Lâm Đồng, Lào Cai và Hà Tĩnh.
Một bất cập là cho dù giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân từ năm 2008 đến nay tăng gần gấp đôi, nhưng mức chi trả DVMTR vẫn giữ nguyên theo đơn giá cố định (thủy điện: 20đ/kwh, nước sạch: 40đ/m3). Dù đơn giá thấp nhưng theo Bộ NN&PTNT, do thiếu cơ chế giám sát, đánh giá và chế tài xử phạt vi phạm đối với các đơn vị sử dụng DVMTR nên một số cơ sở sử dụng DVMTR tìm nhiều lý do để thoái thác việc ký kết hợp đồng, trì hoãn chi trả tiền DVMTR.
Do vậy, Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2010 theo hướng: Điều chỉnh mức chi trả theo số tuyệt đối (thủy điện: 20 đồng/kwh, nước sạch: 40 đồng/m3) thành mức chi trả theo số tương đối (tỷ lệ %).
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty thủy điện thực hiện một số việc sau: Rà soát, ký kết lại hợp đồng mua bán điện, trong đó có tính toán đầy đủ tiền DVMTR trong cơ cấu giá điện; hướng dẫn các thủy điện thực hiện nghiêm túc việc nộp tiền DVMTR đầy đủ, kịp thời cho các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp để chi trả cho các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng nhận giao, khoán bảo vệ rừng.
Thu tiền dịch vụ môi trường rừng của cả nước hàng năm trên 1.000  tỷ đồng. Sau hơn 3 năm, cả nước thu được hơn 3.329 tỷ đồng chi trả cho chủ rừng, tỷ lệ giải ngân bình quân đến các chủ rừng đạt trên 70%. Đây là nguồn lực đóng góp rất lớn vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo kinh phí duy trì bảo vệ diện tích rừng bình quân từ 2,8 triệu ha đến 3,37 triệu ha rừng/năm.
Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu nêu ý kiến: “Qua 3 năm triển khai, chúng tôi thấy đây là chính sách rất kịp thời, phù hợp và đi vào cuộc sống sớm và nhanh nhất. Qua thực hiện chính sách, kết quả nổi bật nhất là nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng, nhất là đồng bào dân tộc. Ngoài ra, việc thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách Chi trả môi trường rừng cũng giúp đảm bảo công bằng giữa các bên sử dụng dịch vụ từ rừng” .
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong thực hiện chính sách Chi trả môi trường rừng thời gian qua.
Việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu bước đầu thay đổi nhận thức của người dân về rừng, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tổng thu từ các nhà máy thủy điện là 539.002 triệu đồng (từ 1/1/2012-31/12/2013 thu 374.300 triệu đồng, năm 2014 dự kiến thu 164.703 triệu đồng). Tổng số kinh phí đã chi (từ 2011-2013) là 282.180 triệu đồng cho diện tích 426.987,36ha (năm 2012), 424.053,31ha (năm 2013).
Đã tăng độ che phủ rừng từ 41,6% năm 2011 lên 43,82% năm 2013. Thu nhập bình quân các hộ nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh 2.115.234 đồng/hộ/năm (năm 2012), 2.433.395 đồng/hộ/năm (năm 2013), riêng huyện Mường Tè có mức thu nhập bình quân các hộ là 16,4 triệu đồng.
Toàn tỉnh thành lập 527 tổ đội xung kích, lập 26 chốt gác/năm phòng cháy chữa cháy rừng, năm 2013 giảm 15 vụ so với 2011 về thiệt hại do cháy… Các ý kiến thảo luận một số địa phương đã tập trung làm rõ những mặt được và khó khăn vướng mắt trong việc triển khai thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trong đó, trách nhiệm các nhà máy trong chi trả phí môi trường; kinh nghiệm trong bảo vệ rừng thôn, bản; Huy động hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc; Làm tốt công tác tuyên truyền khoanh nuôi, chăm sóc, phòng cháy chữa cháy rừng; …
Tại Khánh Hòa, hiện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chưa đi vào hoạt động chính thức, nên kết quả huy động các nguồn thu chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, theo kế hoạch chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, trong năm 2014, Khánh Hòa dự kiến thu trên 14 tỷ đồng để chi trả cho chủ rừng theo quy định.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng chủ trì. Riêng tại Quảng Nam, đến nay có 827 nhóm hộ (15.991 hộ) được chi trả từ dịch vụ này với diện tích được bảo vệ hơn 153.882ha, số tiền giải ngân hơn 44,5 tỷ đồng theo 7 đề án được duyệt.
Tại Quảng Ninh, thời gian qua đã hoàn thiện bộ máy điều hành quỹ theo Điều lệ về tổ chức hoạt động; chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện việc xây dựng Đề án triển khai chính sách tri trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2020; triển khai Đề án giao đất giao rừng và khoán nợ về rừng; triển khai nghiệm thu kinh phí dịch vụ môi trường…
Lạng Sơn là 1 trong 40 tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách và cũng đã thành lập được quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh xác định 2 loại dịch vụ có thể tiến hành thu được là từ các nhà máy nước và thủy điện. Tuy nhiên cho đến nay tỉnh vẫn chưa thực hiện được công tác thu phí, nguyên nhân chủ yếu là các đơn vị sử dụng dịch vụ phân bố nhỏ lẻ, nguồn thu thấp.
Tại Nghệ An, qua 3 năm thực hiện quỹ DVMTR đã huy động nguồn thu trên 109 tỷ đồng, chủ yếu huy động nguồn thu ủy thác từ các Nhà máy thủy điện, nhà máy cung ứng nước sạch. Nguồn chi mới chỉ đạt trên 28 tỷ đồng, đạt trên 26%, chủ yếu chi nguồn DVMTR, hỗ trợ các dự án trồng rừng sản xuất. Phạm vi hoạt đông quỹ DVMTR chủ yếu tại 3 huyện Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn. Tỉnh Nghệ An kiến nghị về việc cho phép sử dụng quỹ trong việc lập hồ sơ, cho phép được vay đối với các chủ rừng xây dựng đề án bảo vệ rừng, đặc biệt cần có cơ chế sử dụng nguồn kinh phí thu từ quỹ trong cơ quan quản lý Nhà nước…
Đối với tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2011 đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Bắc Kạn được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam tạm ứng 14,6 tỷ đồng từ nguồn chi trả của Công ty thủy điện Tuyên Quang năm 2011 - 2013.
Dự kiến nguồn thu từ các nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn như Nhà máy thủy điện Tà Làng, Nhà máy thủy điệnThượng Ân, Nhà máy thủy điện Nặm Cắt là hơn 1,7 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2011 đến hết tháng 8/2014. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, hiện nay việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn gặp khó khăn trong việc thu tiền từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn và việc xác minh, rà soát diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng khiến cho công tác chi trả cho các chủ rừng còn chậm.
Tại tỉnh Ninh Thuận, từ năm 2013, Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng nhận ủy thác từ các đơn vị cung ứng DVMTR gần 1,3 tỷ đồng trên diện tích 100.792ha và đã chi trả phí DVMTR cho 2 Vườn quốc gia, 2 công ty lâm nghiệp, 4 Ban quản lý rừng phòng hộ và 2 đơn vị quản lý rừng cấp huyện. Đồng thời tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng cho 23 cộng đồng các thôn với tổng diện tích chi trả là 18.658ha, góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề trồng rừng.
Tại Quảng Ngãi, triển khai thực hiện chích sách trên, tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; tổ chức tuyên truyền, tập huấn chính sách cho các đối tượng có liên quan; phê duyệt đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng lưu vực thủy điện Nước Trong, Đakđring, Sông Riềng, Hà Nang, Cà Đú,…Tuy nhiên, đây là chính sách mới nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Đến nay, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn còn thấp, chủ yếu từ các nhà máy thủy điện và các cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch.
Ở Quảng Trị, tổng nguồn thu từ DVMTR đến năm 2013 trên 16 tỷ đồng. Do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh mới thành lập năm 2012, sau khi thành lập khó khăn về kinh phí nên không triển khai được hoạt động chi trả. Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh có công suất nhỏ, mới được xây dựng nên nguồn kinh phí chi trả hàng năm thấp, không ổn định. Đến thời điểm này, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Trị mới giải ngân chi trả DVMTR gần 1,8 tỷ đồng, tồn quỹ trên 14,4 tỷ đồng .
Phó Thủ tướng nêu rõ: Trên cơ sở những kết quả đạt được, các địa phương cần tiếp tục tập trung và quyết liệt chỉ đạo triển khai chính sách Chi trả môi trường rừng, trong đó quan trọng nhất là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng, cũng như trách nhiệm của các bên trong sử dụng dịch vụ từ rừng. (VOV 20/9; Công An Nhân Dân 21/9; Báo Lai Châu 20/9; Báo Khánh Hòa 21/9; Báo Quảng Nam 20/9; Báo Quảng Ninh 20/9; Báo Lạng Sơn 20/9; Báo Nghệ An 20/9; Báo Quảng Ngãi 20/9) đầu trang(
18-9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức lớp tập huấn điều tra hình sự của kiểm lâm cho 64 cán bộ của Hạt Kiểm lâm 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Chi cục Kiểm lâm trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ kiểm lâm trên địa bàn.
Được biết, xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng là công cụ quan trọng nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước. Đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm.
Do đó, để bảo đảm được những yêu cầu, quyền lợi và nghĩa vụ trên, đòi hỏi tất cả mọi người, đặc biệt là các cán bộ kiểm lâm phải nắm rõ, tinh thông các nội dung của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Tại buổi tập huấn, các cán bộ kiểm lâm được phổ biến về một số vấn đề cơ bản của Bộ Luật hình sự năm 1999 và các loại tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; khái quát Bộ Luật tố tụng hình sự; một số hoạt động điều tra hình sự của kiểm lâm như thẩm quyền điều tra hình sự của kiểm lâm, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động điều tra hình sự của cơ quan kiểm lâm... (Báo Quảng Bình 18/9) đầu trang(
19.9, tại Hà Nội, CĐ NNPTNT tổ chức Hội nghị Sơ kết mô hình thí điểm CĐ tham gia hoạt động liên kết sản xuất kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn dân tộc, miền núi tỉnh Lạng Sơn.
Tới dự hội nghị có ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN; ông Trịnh Quang Khải – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ NNPTNT; ông Đào Trọng Chương - Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc…
Đến dự hội nghị còn có lãnh đạo CĐ NNPTNTVN, lãnh đạo CĐTCty Lâm nghiệp VN; CĐ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc; lãnh đạo huyện Hữu Lũng và xã Thiện Kỵ (tỉnh Lạng Sơn) cùng lãnh đạo CĐ các TCty trong hệ thống CĐ NNPTNT…
Báo cáo kết quả việc xây dựng mô hình thí điểm nói trên tại lễ sơ kết, ông Vũ Xuân Thủy - Chủ tịch CĐ NNPTNTVN khẳng định: Mặc dù còn một số khó khăn như kinh phí hoạt động hạn hẹp, năng lực CB CĐCS còn nhiều hạn chế…, nhưng với thành lập được tổ chức CĐ; gắn kết NLĐ cùng ngành nghề; phát triển đoàn viên…, mô hình này không những khẳng định đổi mới hình thức tập hợp của tổ chức CĐ trong điều kiện sau CPH mà còn mang lại hiệu quả cả về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, an ninh - quốc phòng, góp phần quan trọng trong việc phát triển nông thôn mới của miền núi.
Với việc mô hình thí điểm đã thành lập được tổ chức CĐ; gắn kết NLĐ cùng ngành nghề; phát triển đoàn viên…
Ông Hứa Văn Hiển - Chủ tịch CĐ Lâm nghiệp xã Thiện Kỵ cho rằng mô hình thí điểm này đã giúp NLĐ trồng rừng ở địa phương có điều kiện tốt hơn trong việc cùng nhau sản xuất kinh doanh trong mối quan hệ LĐ hài hòa, tiến bộ, góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Từ kết quả xây dựng CĐ Lâm nghiệp xã Thiện Kỵ (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) - CĐCS đầu tiên trong mô hình thí điểm, để việc xây dựng mô hình thí điểm CĐ tham gia hoạt động liên kết sản xuất kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn dân tộc, miền núi tỉnh Lạng Sơn đạt được kết quả cao hơn, CĐ NNPTNTVN kiến nghị Nhà nước xây dựng nghị định để hỗ trợ cho vùng dân dân tộc, miền núi; xây dựng các chính sách an ninh - quốc phòng gắn với bảo vệ biên giới; địa phương tăng vốn hỗ trợ cho xây dựng cơ sở vật chất, giao thông; có chính sách hỗ trợ truyền thông, khuyến nông, khuyến lâm…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN đã đánh giá cao quyết tâm của CĐ NNPTNTVN trong việc xây dựng mô hình thí điểm CĐ tham gia hoạt động liên kết sản xuất kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn dân tộc, miền núi tỉnh Lạng Sơn để góp phần khẳng định vai trò của CĐ trong việc xây dựng xã hội ổn định, phát triển, phồn vinh. Về mô hình thí điểm, CĐ NNPTNTVN cần xây dựng Đề án trình Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.
Cần đảm bảo về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN và bà NLĐ; làm rõ nét hơn vai trò của tổ chức CĐ trong vấn đề xóa đói, giảm nghèo cho bà con miền núi, từng bước nâng cao mức sống cho người dân, giúp người dân phát huy tình làng, nghĩa xóm, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự, xã hội ở địa phương.
Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cũng lưu ý việc thành lập CĐ lâm nghiệp theo mô hình thí điểm phải đảm bảo thực hiện đúng các cam kết với NLĐ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Về kinh phí CĐ, cần đảm bảo cho CĐCS hoạt động để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, cần nghiên cứu cho đoàn viên ở đó đóng 1 loại phí khi hiện nay họ đang phải đóng vừa đoàn phí CĐ, vừa đóng hội phí của hội viên hội nông dân nên khiến họ khó khăn. (Lao Động 20/9) đầu trang(
Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang nỗ lực thực hiện các giải pháp để bảo vệ và phát triển rừng, nâng độ che phủ của rừng lên mức 64,5%, thuộc diện cao của cả nước.
Tuy nhiên, từ thực tế, địa phương cũng đang phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giao đất, giao rừng, chính sách, pháp luật để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Mô hình liên doanh, liên kết Là một trong năm công ty lâm nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Tuyên Quang, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Sơn Dương nhận quản lý hơn 4.965 ha đất, chủ yếu là rừng và đất rừng, trong đó hơn 2.896 ha rừng trồng sản xuất, 1.103 ha rừng khoanh nuôi sản xuất... tại 20 xã, thị trấn của huyện Sơn Dương, trong khi đó chỉ có 81 lao động (36 lao động gián tiếp, 45 trực tiếp), tổ chức thành 12 đội sản xuất. Để quản lý hiệu quả rừng và đất rừng, công ty đã thực hiện mô hình liên doanh, liên kết với người dân sở tại cùng đầu tư và chia sẻ lợi ích.
Tại vị trí rừng vừa khai thác, những khu đất trống trên đồi đang chờ bản thiết kế để tiếp tục trồng rừng, ông Phạm Đình Khánh (thôn Trung Thu, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương) cho biết: Ông nhận của công ty hơn bảy ha đất để trồng rừng keo từ năm 2005, theo phương thức công ty đầu tư cây giống, phân bón, thực hiện thiết kế, quản lý chung (chiếm tỷ trọng 37%), người dân đầu tư nhân công chăm sóc, bảo vệ, khai thác (chiếm tỷ trọng 63% tổng đầu tư), kết thúc chu kỳ, khai thác thu hoạch cây rừng, ăn chia sản phẩm giữa người dân và công ty theo tỷ trọng đầu tư.
Bỏ công sức, có lợi ích thỏa đáng, ông chăm sóc, bảo vệ tốt những cánh rừng xanh ngắt; đến kỳ khai thác, ông vừa thu hoạch 3,9 ha rừng, tiến hành ăn chia theo tỷ trọng đầu tư với công ty, trừ chi phí, thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Đội Lâm nghiệp Đông Hữu của công ty có ba cán bộ quản lý và tám công nhân trực tiếp trồng rừng, nhưng nhận quản lý, bảo vệ, trồng hơn 700 ha rừng, đã thực hiện mô hình liên doanh với 433 hộ tại nơi có rừng và đất rừng.
Đội trưởng Lý Văn Đông cho biết, khi chưa thực hiện mô hình liên doanh, liên kết, đơn vị không bảo vệ được rừng, có tổ bảo vệ gồm năm người, kết hợp với các lực lượng chức năng của huyện, xã, nhưng tình trạng chặt trộm cây nghiêm trọng vẫn thường xảy ra. Mô hình liên doanh gắn chặt, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nên rừng được bảo vệ tuyệt đối.
Tuy nhiên, đội cũng phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hợp đồng trồng rừng đúng mục đích, nếu không người dân dễ tranh thủ chiếm dụng đất để trồng cây màu, ngắn ngày, ảnh hưởng kỹ thuật, quy trình, thời gian trồng rừng. Từ hiệu quả của mô hình tổ chức sản xuất lâm nghiệp này, lương bình quân công nhân đạt 5,5 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, công ty cung ứng đầy đủ, kịp thời các dịch vụ, nghĩa vụ theo hợp đồng, đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật, vốn, cho hộ vay từ nguồn vốn ưu đãi đến 70% nhu cầu, thời gian theo chu kỳ cây trồng lâm nghiệp.
Đồng thời mô hình này cũng huy động cao nhất nguồn lực của các hộ gia đình tham gia liên doanh trồng rừng. Nhờ đó, hằng năm, công ty luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh, duy trì thu nhập bình quân người lao động ở mức sáu triệu đồng/tháng. Sản phẩm gỗ nguyên liệu của công ty được tiêu thụ trực tiếp, ổn định cho Công ty cổ phần giấy An Hòa.
Những vướng mắc cần tháo gỡ Tuyên Quang có 445.847,9 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích đất tự nhiên, quy hoạch rừng đặc dụng 48.899,7 ha; rừng phòng hộ 138.442,5 ha; rừng sản xuất 258.505,7 ha.
Đã hoàn thành việc xác định ranh giới, vị trí, cắm mốc ba loại rừng này trên thực địa và bàn giao cho các địa phương, lực lượng kiểm lâm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng. Việc phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đã tạo được việc làm và thu nhập ổn định hằng năm cho hàng nghìn lao động (trồng keo tai tượng thu lãi từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/ha), góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm tăng giá trị và tỷ trọng sản xuất lâm nghiệp trong cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản. Nhiều năm qua, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 32,8%/năm.
Tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai năm 2013, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tuyên Quang đã có các kế hoạch, chương trình, đề án triển khai thực hiện. Tuy nhiên, khi tổ chức triển khai việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, địa phương rất lúng túng, khó xử lý khi vướng phải những điều quy định của Luật Đất đai.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Công Nông giãi bày: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đang soạn thảo đề án tiếp tục giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, trong đó có rừng tự nhiên quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng sản xuất, nhưng vướng quy định của Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014, tại khoản 1, Điều 135: "Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng".
Như vậy theo quy định này, hộ gia đình không phải đối tượng được giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Trong khi đó, thực tế phần lớn đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, là nơi các hộ gia đình sinh sống quản lý, phát triển, khai thác từ nhiều đời nay.
Một vướng mắc khác, theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, khi giao rừng cho các tổ chức kinh tế phải thu tiền sử dụng rừng, nhưng vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về cách tính, mức thu, trình tự thủ tục thu, quản lý, sử dụng nguồn thu này.
Phó giám đốc sở cho biết thêm, theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg, ngày 30-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ, định mức trồng rừng phòng hộ, đặc dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước là 15 triệu đồng/ha, đến nay đã không còn phù hợp, đề nghị tăng lên từ 40 đến 45 triệu đồng/ha cho sát thực tế.
Để phát huy lợi thế và thực hiện bình đẳng, địa phương cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung đối tượng hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, ngày 30-8-2011 của Chính phủ. Thời hạn vay theo chu kỳ kinh doanh của cây trồng, nợ gốc và lãi trả một lần sau khi khai thác.
Những vướng mắc và phát sinh từ thực tế làm cho tỉnh Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện giao đất, giao rừng, bảo vệ và phát triển rừng, rất cần cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm hỗ trợ xử lý. (Nhân Dân 20/9) đầu trang(
19/9, Công an tỉnh, Viện kiểm sát, Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Lễ ký kết quy định liên ngành thực hiện một số quy định của Thông tư liên tịch số 06 ngày 2/8/2013 của liên ngành Trung ương về tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Theo đó, quy định đã nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể các ngành như: Các phòng nghiệp vụ thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh nếu tiếp nhận tin tố giác không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển ngay tin tố giác và tài liệu có liên quan đến thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc An ninh điều tra theo đúng thời gian quy định.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp khi tiếp nhận tin tố giác, kiến nghị khởi tố thì chuyển cho cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền để giải quyết. Quy định cũng nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo các ngành trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Thông tư 06 cũng như quy định liên ngành.
Định kỳ hằng tuần phối hợp tổ chức phân loại xử lý các nguồn tin, tránh bỏ lọt tin báo, đồng thời đối chiếu thống nhất số liệu giải quyết các tin báo, tố giác đã thụ lý để phục vụ công tác thông tin báo cáo của mỗi ngành. (Công An Nhân Dân 20/9) đầu trang(
20-9, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý với đề xuất của tỉnh này về việc chuyển giao hơn 230 hecta đất rừng đang thuộc Trung tâm khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ cho tỉnh này sử dụng.
Việc bàn giao sẽ được thực hiện ngay vào đầu năm 2015. UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho biết sẽ giao số đất này cho 200 hộ nghèo, cận nghèo thuộc huyện Cam Lộ và TP Đông Hà sử dụng sản xuất.
Được biết, tổng diện tích đất đang thuộc quyền sử dụng của Trung tâm khoa học lâm nghiệp Bắc Trung trên địa bản Quảng Trị là gần 900 hecta. Phần lớn diện tích đất nói trên nằm trên địa phận của huyện Cam Lộ, phần nhỏ còn lại thuộc phía tây của TP Đông Hà.
Riêng diện tích được chuyển giao không nằm trong diện tranh chấp và không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất, nghiên cứu của Trung tâm. (Tuổi Trẻ 21/9) đầu trang(
19-9, trong lúc tuần tra trên đường Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), tổ tuần tra lưu động Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng phát hiện 2 xe tải chở gỗ vượt quá tải trọng.
Đó là 2 xe tải chở gỗ mang biển số 15C-09711 và 17LD-000.20 lưu thông từ hướng từ Quốc lộ 14B về Cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng). Lực lượng chức năng yêu cầu dừng kiểm tra và xác định 2 xe chở vượt tải trọng cho phép.
Trong đó xe 15C-09711 do tài xế Nguyễn Thế Tuân (quê Thái Bình) điều khiển có tải trọng 25 tấn nhưng chở 64 tấn gỗ còn xe 17LD-000.20 của tài xế Trần Văn Giang (quê Hải Phòng) có tải trọng 28 tấn nhưng chở tới 59 tấn.
Tổ công tác đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính  mỗi xe 6 triệu đồng, đồng thời phạt 12 triệu đồng đối với chủ lô hàng  là Công ty TNHH Đầu tư Vận tải Vịnh Quang (trụ sở tại Hải Phòng). (Người Lao Động 20/9, tr5) đầu trang(
Tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở chế biến lâm sản, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động. Những cơ sở này đã góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, từng bước chuyển đổi cơ cấu theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Với mục tiêu động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, cải tiến công nghệ phù hợp với công nghiệp nông thôn miền núi. Chương trình khuyến công giai đoạn 2010 - 2015 tập trung hỗ trợ cho các cơ sở khai thác và chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Công ty TNHH MTV Quân Lâm, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) được thành lập năm 2013 chuyên sản xuất ván gỗ ghép thanh, nhằm tận dụng nguồn tài nguyên rừng và đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp.
Đây là sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, sản xuất ván sàn và nhiều sản phẩm khác. Công ty đã đầu tư trên 3,3 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất. Theo tính toán, mô hình sản xuất ván gỗ ghép thanh này khi đi vào hoạt động sản xuất ổn định sẽ tạo việc làm cho 25 lao động, doanh thu bình quân dự kiến trên 5,8 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này rất cần sự nỗ lực của doanh nghiệp và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Đề án hỗ trợ doanh nghiệp mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất của Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại đã hỗ trợ công ty 180 triệu đồng thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván gỗ ghép thanh, qua đó giúp Công ty tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề, ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến lâm sản, nâng cao chất lượng của sản phẩm.
Cùng với đó, trong năm 2014, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại đã xây dựng thêm 2 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất dăm mảnh làm nguyên liệu cho Nhà máy Giấy An Hòa tại Hợp tác xã Dịch vụ thương mại Việt Bắc, thôn Nặm Tặc, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) và Công ty TNHH Huy Hà, xóm Cây Thị, xã Đạo Viện (Yên Sơn).
Bà Hoàng Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hà, xã Đạo Viện (Yên Sơn) cho biết: Việc sản xuất dăm mảnh từ gỗ rừng trồng đã giúp tháo gỡ khó khăn về nhu cầu tiêu thụ rừng trồng trong dân từ hàng chục năm qua và cũng góp phần không nhỏ vào việc tăng nhanh diện tích rừng trồng tại địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát huy nguồn lực của địa phương công ty đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất dăm mảnh từ nguồn nguyên liệu gỗ với công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm với tổng mức kinh phí đầu tư được hỗ trợ 4,1 tỷ đồng; đây là cơ hội để công ty phát triển, người dân thêm việc làm, có thu nhập.
Tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp chế biến lâm sản vì đây là vùng nguyên liệu. Việc sản xuất dăm mảnh từ gỗ rừng trồng hay sản xuất ván gỗ ghép thanh đã giúp tháo gỡ khó khăn về nhu cầu tiêu thụ rừng trồng trong dân từ hàng chục năm qua và cũng góp phần không nhỏ vào việc tăng nhanh diện tích rừng trồng.
Để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phát triển theo xu hướng này, trong năm nay Trung tâm Khuyến công tỉnh tập trung nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất dăm mảnh từ cơ sở làm điển hình, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp khác trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao, cung cấp đa dạng sản phẩm gỗ cho thị trường trong và ngoài nước...
Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản đi theo đúng yêu cầu của thị trường, hoạt động khuyến công đã trở thành một “cú hích” để các làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn có thêm động lực phát triển. (Báo Tuyên Quang 19/9) đầu trang(
Từ lâu, Đông La (Hoài Đức) đã được mệnh danh là "thủ phủ" hoa lan của Hà Nội. Người dân nơi đây ví nghề này như một thú phong lưu mà hái ra tiền bởi chẳng phải lội bùn, lội ruộng quần sạch tinh tươm, mỗi ngày chỉ mất 2-3 tiếng đồng hồ vừa làm vừa nhâm nhi trà thuốc vừa chăm sóc vườn lan…
Trên con đường vào xã Đông La có đến hàng chục tấm biển ghi danh vườn lan mỗi vườn mang một dáng vẻ. Chưa rõ doanh thu của các ông chủ bà chủ ở đây bao nhiêu mỗi năm nhưng chỉ nhìn những con ngõ bê tông, những ngôi nhà mái bằng kiểu dáng tân thời đồ sộ đủ thấy sự sung túc nơi đây.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức tự hào nói: Nông dân ở đây giàu hơn giám đốc, cán bộ nhiều. Những vườn lan có tiếng thu từ 500 triệu đồng đến cả tỷ đồng/năm, ít cũng vài trăm triệu đồng. Nghề này không nặng nhọc chân tay nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, am hiểu kỹ thuật và ở một góc độ khác đó còn là một thú chơi tao nhã đòi hỏi tình yêu với hoa lá cỏ cây.
Nghề trồng lan bén duyên và cho thành quả như hôm nay trên đất Đông La cũng hết sức tình cờ. Từ hơn 20 năm trước, nhiều thanh niên trong làng đi làm ăn xa ở vùng núi phía Bắc, mỗi dịp Tết đến họ thường mang theo những giỏ lan rừng về làm quà. Dần dà có nhà có tới cả vài chục giò lan, chăm sóc, mày mò, nhiều khi có khách đến chơi thấy đẹp, nài nỉ chủ nhà mua lại với giá cả triệu đồng…
Vốn nhanh nhạy với thị trường, nhiều người dân Đông La đã chuyển nghề, đi buôn lan rừng và trồng tại nhà. Phong trào trồng lan rừng ngày càng phát triển và ngày càng có nhiều tỷ phú trên vùng đất ven Đáy này…
Đến thăm vườn lan Trường Uyên của vợ chồng anh Hoàng Ngọc Trường, chị Trần Thị Uyên, ông chủ vườn cho biết: Trồng hoa lan không quá khó, chỉ cần chú ý đến 3 yếu tố: độ ẩm, ánh sáng và độ thông thoáng. Năm 1989, tình cờ anh Trường được tiếp xúc với những nhánh lan rừng của một gia đình giàu có trong làng và đam mê từ đó. Rồi anh lên rừng tìm kiếm, khai thác lan rừng về bán ở nội thành Hà Nội.
Tiền lãi thu được hơn nhiều những công việc khác song anh nhận thấy mô hình trồng lan rất phù hợp với điều kiện ở nông thôn và thế là chuyển sang trồng lan. Sau hai năm đầu khó khăn, vất vả, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, nhiều loại lan rừng bị chết, anh đã thành công. Đến nay, tổng diện tích mô hình trồng lan của anh lên tới trên 2.000m2, vườn có vài trăm loài lan rừng như đái châu, quế lan hương, tam bảo sắc, lan đuôi cáo, lan đuôi sóc... cho doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi gần tỷ đồng.
Hiện tại, xã Đông La đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, là điều kiện thuận lợi để người nông dân mở rộng diện tích trồng lan và làm giàu ngay trên đồng đất của mình. Hiện nay xã có gần 100 hộ trồng lan trong đó nhiều nhất phải kể tới thôn Đồng Nhân có tới 40 hộ trồng lan với quy mô lớn.
Anh Nguyễn Đăng Lĩnh, Chủ nhiệm HTX Hoa lan cây cảnh Đồng Nhân có 4 anh em thì tất cả đều làm nghề này, người nào cũng thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2013, thành phố hỗ trợ cho HTX xây dựng mô hình hoa lan ghép cấy mô với số lượng 52.000 cây, trị giá hơn 1 tỷ đồng, tạo thêm điều kiện cho nghề trồng lan ở Đông La phát triển.
Và điều đáng quý là những người trồng hoa ở đây đã liên kết, tương trợ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật, thị trường, vốn… để cùng nhau phát triển. Từ nghề trồng lan, Đông La đang từng ngày giàu, đẹp hơn. (Hà Nội Mới 21/9) đầu trang(
“Tôi hét toáng lên khi thấy được trái bàng vuông nảy mầm, vậy là loài cây gắn liền với thủy binh hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải có thể nhân giống bảo tồn được. Có niềm hạnh phúc nào hơn thế”.
Đó là niềm hạnh phúc của trung tá Nguyễn Văn Đào (52 tuổi, trưởng ban hậu cần kỹ thuật huyện đội Lý Sơn).
10 năm đã trôi qua kể từ ngày ông ươm thành công cây bàng vuông. Đến nay, hơn 10.000 cây con đã ra đời.
Từ Lý Sơn, cây bàng vuông đi vào đất liền được trồng khắp các vùng miền Tổ quốc. Hơn 100 cây cùng các chiến sĩ hải quân ra Trường Sa phủ bóng mát cho vùng đất máu thịt của Tổ quốc.
Cả đời gắn bó với đảo tiền tiêu Lý Sơn, hơn ai hết ông hiểu được giá trị lịch sử của cây bàng vuông với đất đảo. Cả đảo trước năm 2004 chỉ có vỏn vẹn ba cây bàng vuông cổ thụ.
Bao đời nay, chẳng ai ươm trồng thêm được bất kỳ cây nào. Những cụ bô lão ở đất đảo Lý Sơn cũng khẳng định ba cây bàng vuông tại Lý Sơn là do các bậc tiền hiền lấy về từ Hoàng Sa để trồng. Kể từ đó trên đảo Lý Sơn không có thêm bất kỳ cây bàng vuông nào khác ngoài ba cây này.
Người dân Lý Sơn đã nhiều lần thử ươm trồng nhưng chẳng ai “bắt” được trái bàng nảy mầm.
Trung tá Đào trăn trở nếu chẳng may ba cây này chết thì công sức của các vị tiền hiền đổ sông đổ biển. Bao đêm ông thức trắng cùng với suy nghĩ phải làm gì đó cho đảo Lý Sơn trước khi ông rời khỏi quân đội.
20 năm theo đuổi ý định nhân giống cây bàng vuông, chẳng biết bao nhiêu lần thất bại khi trái bắt đầu mục vỏ rồi bị côn trùng ăn sạch mà chẳng trái nào chịu nhô lên được một mầm xanh.
Năm 2004, ông Đào mang về một bao tải trái bàng vuông thử lần cuối cùng. Đồng đội nhìn ông xới đất gieo từng trái Bàng vuông, ai cũng xót xa cho cố gắng của ông.
“10 năm ươm mà chưa một lần mọc một cái chồi nào, tôi không dám nghĩ một ngày trái bàng vuông cho mầm” - trung tá Hồ Ngọc Hiên, phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự Lý Sơn, tâm sự.
Một năm miệt mài tưới nước, khoảng đất ông Đào ươm trồng vẫn trơ trọi chẳng có cây gì nảy mầm ngoài cỏ dại mọc lên rồi ông Đào nhổ đi. Đầu năm 2005, cả đơn vị bỗng nghe tiếng hét to của ông Đào: “Lên rồi, lên rồi”. Mọi người chạy về phía ông Đào mà chẳng ai biết chuyện gì cho đến khi ông chỉ vào mầm xanh bé tí nhú lên khỏi mặt đất.
Ngồi trầm tư, ông Đào lặng lẽ nhìn về phía biển nơi có hàng cây bàng vuông 10 năm tuổi đã rợp bóng. Đó là đợt cây đầu tiên được ươm thành công, cả đảo Lý Sơn có 129 cây cùng độ tuổi này. “Đợt đó, tôi đem cây con đi trồng khắp đảo, cây nào cũng lớn rất nhanh. Mỗi ngày nhìn cây lớn dần mà lòng tôi vui như trẻ nhỏ” - ông Đào cười hiền.
Ký ức vẫn còn nguyên vẹn trong đôi mắt sâu đầy tâm sự của người lính già. Đợt thứ hai, hơn 1.000 cây nữa ra đời. Toàn bộ số cây này ông tặng hết cho người dân, du khách đến đảo tham quan. Có người đến đơn vị xin cây sáu bảy lần. “Họ xin cây bàng vuông về cho người thân trồng, chứ không phải xin cho riêng mình” - ông Đào nói.
Cây bàng vuông cũng cho ông Đào rất nhiều người bạn. Có người giờ thân quen như anh em ruột thịt. Trong mỗi chuyến công tác ở TP Đà Nẵng, ông Đào vẫn ghé thăm nhà của anh Lê Thành Trung, tại quận Thanh Khê. Bảy năm trước khi đi du lịch ở đảo Lý Sơn, anh Trung xin hai cây bàng vuông về trồng, giờ cây đã rợp bóng mát trước sân.
Ông kể khi mới về trồng được hai tháng, anh Trung điện thoại nói cây bỗng úa lá, hỏi dùng thuốc gì chữa. Tôi bảo anh Trung ra biển múc ít nước mặn về trộn với nước ngọt tưới. Hơn mười ngày sau cây đã bình thường trở lại.
“Cây bàng vuông ưa nước biển nên khi trồng ở đất liền cây còn non không chịu được nước ngọt nên úa, chỉ cần hòa ít nước biển vào tưới là cây trở lại bình thường. Khi cây lớn dần, chúng sẽ đủ sức chống chọi với khí hậu đất liền mà không cần dùng cách này nữa” - ông Đào chia sẻ.
Cuốn sổ tay cũ kỹ của ông dài ngoằng tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại những người từng được đơn vị tặng cây. Trong số đó có cả những người đến từ Sơn La, Cà Mau, Quảng Ninh... Mỗi chuyến công tác, có thời gian rảnh ông lại ghé đến những địa chỉ đó để xem cây lớn như thế nào.
Cây bàng vuông cũng là món quà vô giá mà Ban chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn tặng các đơn vị khác. Trong rất nhiều cây đi khắp mọi miền Tổ quốc, ông Đào nhớ nhất là những cây bàng vuông theo chân các chiến sĩ hải quân ra Trường Sa.
Với ông, đó là điều ý nghĩa nhất. Cùng với cây phong ba, cây bàng vuông gắn liền với cuộc sống của các chiến sĩ bảo vệ quần đảo thiêng liêng này của Tổ quốc.
Ngồi bên những cây bàng vuông con vừa cho vào bầu chuẩn bị mang đi tặng các đơn vị kết nghĩa, ông Đào cho biết: “Giờ lính trẻ ai cũng biết cách ươm cây, thậm chí còn thành thục hơn cả tôi. Lính trẻ giờ biết cách kích thích trái nảy mầm bằng nước nhiễm mặn, chứ hồi tôi mới trồng đâu có biết”.
Trong số những chiến sĩ ở đơn vị, người yêu cây bàng vuông sau ông Đào là trung úy Lê Đức Thuyên, hai thầy trò họ có thể nói với nhau cả ngày về cây bàng vuông.
Thuyên là “đệ tử chân truyền” thay ông Đào tiếp tục gìn giữ cây bàng vuông. “Chắc các bậc tiền hiền chọn tôi làm người kế nghiệp chú Đào trong việc bảo tồn cây bàng vuông” - Thuyên nói.
Đã thành lệ, mỗi đợt nhận quân vào đơn vị, ông Đào lại hướng dẫn các chiến sĩ trẻ cách ươm cây. Chỉ mới vào đơn vị được hơn nửa năm nhưng chiến sĩ Phạm Văn Hải (19 tuổi) giờ cũng thuần thục cách ươm, trồng, tách bầu.
“Chú Đào nói ươm cây bàng vuông cũng dạy cho con người tính nhẫn nại. Không thể một sớm một chiều mà thành công ngay được. Mỗi cây đâm chồi cũng như một nhiệm vụ mà người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải hoàn thành” - Hải tâm sự.
“Cha đẻ” của cây bàng vuông là tên gọi thân mật mà các chiến sĩ ở huyện đội Lý Sơn đặt cho ông Đào. Những thế hệ chiến sĩ sau ông Đào sẽ tiếp tục thay ông gìn giữ và bảo tồn mãi mãi cây bàng vuông. (Tuổi Trẻ 21/9) đầu trang(
Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã khuyến khích được Nhân dân các dân tộc huyện Tân Uyên gắn bó hơn với rừng, tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 26% (năm 2011) lên 29% (năm 2013). Thu nhập từ rừng cũng góp phần giúp Nhân dân trên địa bàn huyện xóa đói, giảm nghèo.
Vừa qua PV có dịp đến thăm khu rừng sản xuất của gia đình anh Sùng A Thinh (bản Hô Bon, xã Phúc Khoa). Thực hiện chương trình trồng rừng kinh tế, gia đình anh đã góp đất đầu tư trồng 3ha cây keo. Nhận thức về hiệu quả kinh tế rừng, được tuyên truyền hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, gia đình anh đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa khô.
Nhờ đó, diện tích đất rừng của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, không có tình trạng cháy rừng diễn ra. Từ diện tích trên 3ha cây keo chuẩn bị cho thu hoạch, gia đình anh cũng được chi trả trên 600.000 đồng/năm từ tiền dịch vụ môi trường rừng.
Được biết, gia đình anh còn cùng bà con trong bản nhận chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ trên 770ha rừng đặc dụng, hàng năm anh được hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 2 triệu đồng. Đây là số tiền không lớn, tuy nhiên cũng giúp cho gia đình một phần trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
PV cũng được anh Vàng A Dình - Trưởng bản Hô Bon, xã Phúc khoa dẫn đi thăm quan khu rừng sản xuất của bản (rộng trên 48ha). Anh Vàng A Dình phấn khởi cho biết: Năm 2013 cả bản được giao 774ha rừng đặc dụng và 48ha rừng sản xuất để chăm sóc, bảo vệ.
Nhờ được hưởng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm qua các hộ dân trong  bản Hô Bon luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm cùng với cán bộ kiểm lâm huyện làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Bản đã thành lập đội xung kích và phân công cho các tổ bảo vệ 24/24 giờ.
Thành viên trong đội rất tích cực tham gia bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng, toàn bộ diện tích rừng trồng luôn được bảo vệ, sinh trưởng và phát triển tốt. Có được thành quả trên là nhờ bản có cách làm riêng: người dân trong bản nhận cùng chăm sóc quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng thuộc chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, số tiền thu được chia đều cho các hộ, do đó diện tích rừng của bản được bảo vệ tốt.
Bà Mai Hồng Hạnh - Phó Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ huyện Tân Uyên cho biết: “Sau gần 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, huyện Tân Uyên đã tiến hành giao khoán được gần 29.000ha rừng gồm: gần 7.000ha rừng đặc dụng, trên 8.300ha rừng sản xuất và trên 13.500ha rừng phòng hộ cho 116 thôn bản, 30 nhóm hộ và 73 hộ gia đình chăm sóc, bảo vệ.
Bình quân mỗi năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã chi trả từ 13 - 20 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân tại 9 xã, thị trấn trên địa bàn. Thực hiện chính sách này, số người tham gia ký cam kết bảo vệ rừng ngày càng tăng. Người dân tích cực hơn trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Tại một số xã, người dân đã chủ động đăng ký mua cây giống trồng rừng.
Các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã hạn chế, nhận thức và trách nhiệm của người dân được nâng lên. Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không những giúp người dân bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn, mà còn đem lại hiệu quả thiết thực về cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường". (Báo Lai Châu 19/9) đầu trang(
Lần đầu có mặt tại xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, không khỏi háo hức tìm tòi, khám phá nhiều điều. Dự định là thế nhưng vừa đặt chân đến Chí Đạo PV bị ấn tượng ngay bởi những vườn cây dổi đẹp đến mê hồn.
Nhớ lại những năm 1970 của thế kỷ trước, cán bộ xuống công tác cơ sở ai cũng như ai đều đi bộ. Trèo đèo, lội suối hàng ngày đường rất gian nan vất vả. Bù lại, thật thú vị mỗi khi được xuyên qua đại ngàn ngút xanh. Nhớ nhất là những lần nghỉ chân trong cánh rừng dổi. Những cây dổi cao vút, đường kính có tới vài người ôm tỏa bóng rợp trời.
Dưới tán xanh, cao và thẳng ấy, tựa lưng vào gốc dổi vừa nắm những nắm nếp nương đồ ăn cùng thịt gà nấu với măng chua thơm lừng hạt dổi. Rừng dổi cho bóng mát. Hạt dổi cho hương vị thơm ngon. Gốc dổi cho tựa lưng... Một thoáng nghỉ trưa sâu đằm giữa đại ngàn êm ru tiếp sức PV vững bước dặm dài.
Vào mùa xuân, từng chùm hoa dổi trắng như sữa bung nở đầu cành. Cuối tháng 9, dổi chín đỏ cây, từng chùm, từng chùm rủ xuống chờ ngày hạt dổi đậu đất. Trước đây, người miền núi đi rừng nhặt lấy hạt dổi mang về đựng vào ống nứa cất trên gác bếp.
Mỗi khi dùng thì lấy ra vài hạt nướng bằng cặp nặp trên than củi ửng hồng. Hạt dổi nướng thơm lừng được giã cùng muối trắng khô kỹ đựng trong vỏ quả bầu già làm thành muối dổi. Muối dổi dùng để chấm thịt gà, thịt lợn và làm gia vị cho nhiều món ẩm thực độc đáo. Không những thế, hạt dổi còn được ngâm rượu dùng làm thuốc xoa bóp rất tốt.
Cây dổi là một loài gỗ quý, thớ rất mịn, không cong vênh lại rất thơm. Vì thế từ xưa đến nay gỗ dổi rất được ưa chuộng. Những cái cửa, cánh cửa, bàn ghế bằng gỗ dổi bóng đẹp và sang trọng. Những bộ phản gỗ dổi hai tấm một chiếu như những phiến đá nâu vàng óng ả dẫn dụ giấc ngủ thần tiên. Buồn thay, những rừng dổi bạt ngàn khắp nơi chịu chung số phận bi thương vì chúng ta cơ bản đã phá xong rừng. Những cây dổi hiếm hoi còn lại của bản như cây đa đầu làng dưới xuôi rồi cũng bị triệt hạ.
May sao còn sót lại một vài cây dổi trong vườn nhà. Rừng dổi không còn. Cây dổi của chung không còn. Nhu cầu dùng hạt dổi của không chỉ bà con miền núi mà các nhà hàng đặc sản miền xuôi ngày càng tăng. Hạt dổi từ chỗ đi nhặt nay phải đi mua. Từ chỗ xin nhau, nay phải đổi bằng tiền.
Công đầu ươm cây dổi từ hạt ở Hòa Bình phải kể đến là các gia đình ông Bùi Văn Hền, Bùi Văn Biền, Bùi Thị Siền... ở các xóm Be Trên và Be Trong của xã Chí Đạo. Từ hạt của một vài cây dổi do ông cha để lại, họ mày mò ươm, trồng và cấp cây con cho các gia đình trong xóm cùng trồng.
Tính đến năm 2014, toàn xã Chí Đạo có trên 1 vạn cây dổi các độ tuổi đan xen, các xóm Be Trên, Be Trong nhà nào cũng trồng dổi. Nếu là thứ cây khác thì con số này cũng đã quý, đối với cây dổi thì mừng hơn, quý hơn nhiều vì đây là cây gỗ quý, cây lâu năm, cây của rừng...
Người dân Hòa Bình mỗi năm có hai lần ăn tết to, đó là Tết Nguyên Đán và Tết Độc Lập. Thật thú vị mùa thu hạt dổi đúng vào tháng 9 hàng năm. ông Bùi Văn Hền chủ của vườn dổi gần 100 cây, trong đó có tới một phần ba số cây tới tuổi cho hạt kể: Trước mồng 2/9, người mua buôn hạt dổi khắp nơi có mặt tại Chí Đạo. Họ đặt hàng, ứng tiền mua hạt dổi. Có tiền, cái Tết Độc Lập của bà con thêm to, thêm vui. Sau 2/9, khoảng 10 - 15 ngày cả bản tấp nập như hội. Nhà nhà thu hái hạt dổi, đường làng tấp nập kẻ bán, người mua. Lúc đó nếu anh đến thì chúng tôi đang ở trên cây.
Đến Chí Đạo, thấy cây dổi, vườn dổi bà con người Mường gây dựng lại đang ngợp bóng mà rưng rưng. Hạt dổi đang giúp người dân Chí Đạo xóa đói, giảm nghèo. Có gia đình bắt đầu thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng, gần trăm triệu đồng từ hạt dổi. Huyện Lạc Sơn đang làm thủ tục xây dựng và đăng ký thương hiệu cho hạt dổi Chí Đạo là điều rất mừng.
Đầu bài viết PV đã thú nhận mình bị ấn tượng chính là cây dổi, vườn dổi, rừng dổi chứ không chỉ hạt dổi. Trước đây, dân ta chờ quả dổi chín hạt rụng xuống đất mới nhặt lấy. Nay đến mùa dổi chín thì trèo lên cây hái từng chùm quả. Hai cách nhặt và hái không chỉ khác nhau về động tác mà thực ra đang tạo sự chênh lệch về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây dổi cho hạt.
Dổi chín rụng là hạt dổi đã già, chất lượng, năng suất đều cao. Dổi hái cả chùm sẽ có quả chín, quả chưa chín nên chất lượng không đồng đều, năng suất bị ảnh hưởng. Không những thế lại còn tốn công trèo hái vất vả và nguy hiểm vì cây dổi rất cao.
Ở đây, nếu khắc phục được việc này mà thực ra hoàn toàn dễ khắc phục vì nay cả bản đều trồng dổi. Và khi đó, mùa thu hoạch hạt dổi, gia chủ chỉ việc dọn sạch vườn hoặc trải bạt dứa dưới gốc để hạt rụng xuống rồi thu lại. Như vậy sẽ không phải hái cả quả chưa chín, không phải vất vả trèo cây, đỡ tốn công sức và tránh được nguy hiểm.
Bà con xóm Be Trong cho biết, giá hạt dổi hiện nay là 2.130.000 đồng/kg. Các gia đình ông Hền, ông Biền, bà Siền mỗi năm thu từ 60 - 100 triệu đồng. Nhưng sẽ đến lúc tiền thu hạt cả vườn không bằng tiền bán vài cây gỗ dổi. Giá gỗ dổi hiện tại trên thị trường khoảng trên dưới 10 triệu đồng/m3. Dổi là cây gỗ to và rất thẳng nên một cây tính ra thì nhiều m3 gỗ. Các vườn dổi của bà con Chí Đạo hôm nay đang đan xen vài độ tuổi. Vậy sẽ đến kỳ cho phép chủ nhân của nó khai thác tỉa lấy gỗ.
Với địa thế tương đối bằng phẳng lại có đường nhựa từ thị trấn Vụ Bản chạy qua thông với Chợ Lồ của Tân Lạc, kỳ vọng trong tương lai xã Chí Đạo sẽ là một điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Nếu ví làm du lịch như may một chiếc áo mới thì hai xóm Be của Chí Đạo đã có sẵn vải đẹp. Một khi địa phương và bà con bắt tay vào làm du lịch thì chỉ như dùng vải ấy máy thành chiếc áo đẹp mà thôi.
Tin rằng chỉ một thời gian ngắn du khách tới đây đông không kém gì bản Lác của Mai Châu. Cái độc nhất vô nhị ở đây là Khu du lịch vườn dổi. Rất mong lãnh đạo huyện Lạc Sơn quan tâm, cán bộ và nhân dân xã Chí Đạo chú tâm bắt tay vào biến tiềm năng du lịch vườn dổi thành hiện thực. (Báo Hòa Bình 19/9) đầu trang(
Hai đối tượng chủ lực trong phát triển kinh tế rừng trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời gian qua là cây keo lai và cao su. Địa phương đang tạo điều kiện để phát triển mạnh 2 loại cây trồng chủ lực này.
Với 150ha đất rừng, xã Bình Phú là một trong những địa phương có diện tích trồng keo lai lớn nhất huyện Thăng Bình. Nhiều hộ dân ở đây có được thu nhập khá nhờ đối tượng cây trồng này. Từ 10 năm nay, gia đình ông Phạm Xuân An (thôn Đức An) trồng keo lai trên diện tích 5ha. Cứ luân phiên 4 năm, ông An lại thu hoạch keo lai.
“Trung bình mỗi lần thu hoạch, tôi khai thác được 300 tấn keo lai, thu khoảng 200 triệu đồng. Giá keo vào thời điểm này tăng nhiều so với trước nên hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông An nói. Theo ông An, keo lai là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã. Nhờ trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều cơ sở chế biến gỗ trong những năm gần đây nên đầu ra cho sản phẩm ổn định.
Ông Lê Văn Thôi - Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, thời gian qua nhiều hộ dân địa phương đã mạnh dạn khai phá rừng, mở rộng diện tích trồng keo lai. “Trồng keo lai trên địa bàn cũng gặp phải một số trở ngại như chưa tuân thủ quy hoạch. Nhiều hộ dân chưa nhận thức đúng về tiềm năng và hướng phát triển của kinh tế rừng. Bởi vậy, trong thời gian đến, xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị của kinh tế rừng để người dân mở rộng sản xuất, qua đó nâng cao thu nhập” - ông Thôi nói.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, địa phương đang tiến hành rà soát lại việc quản lý sử dụng đất lâm nghiệp để giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng keo lai trên địa bàn. Bởi khi có cơ sở pháp lý vững chắc, việc canh tác rừng nói chung, trồng keo lai nói riêng sẽ được thuận tiện hơn, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Tận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù đồi núi, cây cao su tiểu điền được trồng ở nhiều xã vùng tây của huyện Thăng Bình trong nhiều năm qua. Năm 2007, từ nhiều nguồn vốn huy động được, anh Nguyễn Viết Cường (thôn Linh Cang, xã Bình Phú) trồng gần 3.000 cây cao su trên 5ha. Đến thời điểm này, rừng cao su tiểu điền của anh đã cho thu hoạch.
Theo ước tính, năng suất mủ cao su thu hoạch đạt 1 tấn/ha. Như vậy với 5 tấn mủ cao su thu được, anh Cường sẽ có nguồn thu khoảng 500 triệu đồng. “Mặc dù giá mủ cao su xuống thấp vào thời điểm này nhưng tôi không quá lo ngại. Rừng cao su tiểu điền này sẽ còn cho thu hoạch trong vòng 25 năm đến. Nếu không bị bão tàn phá, sau mỗi năm thu hoạch, gia đình tôi sẽ có thêm nguồn thu vài trăm triệu đồng” - anh Cường cho biết. Chỉ riêng trên địa bàn xã Bình Phú, diện tích trồng cao su tiểu điền đến thời điểm này là gần 50ha.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, từ nay đến năm 2015, huyện sẽ trồng thêm 50ha cao su tiểu điền, nâng tổng diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn lên 190ha. Song song với trồng cao su tiểu điền, huyện sẽ triển khai trồng cao su đại điền trên diện tích 1.000ha theo quy hoạch.
Mới đây, UBND huyện Thăng Bình có buổi làm việc với Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam về triển khai trồng cao su đại điền trên địa bàn. Ông Nguyễn Duy Phúc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam khẳng định, việc triển khai trồng cao su đại điền trên địa bàn huyện Thăng Bình sẽ thu hút thêm nhiều lao động, giải quyết việc làm cho người dân. Dù giá cao su có giảm xuống nhưng việc sản xuất cũng sẽ đảm bảo ổn định cho đời sống của các nông hộ.
Còn ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình thì cho biết, trong thời gian đến, huyện sẽ chú trọng việc đưa giống cây cao su phù hợp, cho năng suất cao để triển khai trồng đại điền trên địa bàn. Cùng với đó là chú trọng phòng trừ sâu bệnh và chống gãy đỗ cao su khi có gió bão.
Theo kế hoạch tái cơ cấu kinh tế rừng huyện Thăng Bình, từ nay đến năm 2015, trồng mới 200ha rừng tập trung, trồng lại rừng sau khai thác 400ha, trồng rừng phân tán 400ha, đồng thời giữ ổn định 2.500ha diện tích rừng keo. Độ che phủ rừng đạt hơn 16%. Việc khai thác rừng trồng nguyên liệu đạt mức 45.000m3/năm.
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện trồng mới 1.200ha rừng gồm rừng tập trung, rừng sau khai thác và rừng phân tán, đồng thời giữ ổn định diện tích đất có rừng là 7.583ha. Về phát triển trồng cây cao su: triển khai trồng mới 300ha cây cao su đại điền theo quy hoạch của huyện, đồng thời trồng mới 50ha cây cao su tiểu điền.
Đến năm 2015 đưa vào khai thác 30ha cây cao su, năng suất bình quân đạt 0,8 - 1 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24 - 30 tấn mủ cao su. (Báo Quảng Nam 19/9) đầu trang(
16/9, UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng và triển khai thực hiện nhiệm vụ 3 tháng cuối năm; triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2015.
Ông Doãn Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì cuộc họp. Theo báo cáo, 9 tháng 2014, công tác phát triển rừng bước đầu đạt được những kết quả nhất định, việc chuẩn bị giống cây đáp ứng trồng đủ diện tích theo kế hoạch giao; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện kế hoạch trồng mới cây cao su tại huyện Bát Xát và Bảo Thắng, bàn giao mặt bằng sạch cho Công ty Dầu Tiếng được trên 940 ha; thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay đã thanh toán cho các chủ rừng 2,964 tỷ đồng, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, qui chủ rừng để tiến hành giải ngân trong thời gian tới...
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng, phát hiện và xử lí 234 vụ vi phạm (tăng 63 vụ so với cùng kì năm 2013). Trong thời gian tới, cần tiếp tục làm tốt công tác quản lí, bảo vệ và phát rừng; chăm sóc diện tích cao su hiện có; triển khai thực hiện việc trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng để người dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng, khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Đối với kế hoạch bảo vệ và phát triển rùng năm 2015: Hoàn thành trồng mới 850 ha rừng phòng hộ; 6.900 ha rừng sản xuất, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh tế lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015; thực hiện kế hoạch khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, chăm sóc diện tích rừng sau trồng đảm bảo chất lượng, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan tới việc quản lí, bảo vệ và phát triển rừng, các giải pháp nhằm hạn chế mức thấp nhất các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm của Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã phải tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành vượt mức kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng đã giao năm 2014, đối với các huyện vùng thấp trồng xong trước ngày 31/10, các huyện vùng cao, xong trước ngày 30/11.  (Laocai.gov.vn 19/9) đầu trang(
Thời điểm hiện nay, người trồng rừng tại các địa phương trong tỉnh đang tất bật bước vào vụ trồng rừng Thu Đông 2014.
So với mọi năm, công tác trồng rừng năm nay được triển khai khá thuận lợi, các điều kiện về đất đai, kỹ thuật, cây giống lâm nghiệp được chuẩn bị khá chu đáo, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Theo Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở NN-PTNT, trong niên vụ trồng rừng năm nay, toàn tỉnh sẽ trồng mới 8.500 ha rừng tập trung, bao gồm, rừng phòng hộ, môi trường cảnh quan 1.240 ha; rừng ngập mặn 30 ha và rừng sản xuất 7.230 ha.
Đến giữa tháng 9, các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gieo ươm được 120 triệu cây giống các loại, đáp ứng đủ nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng năm nay.
Năm nay, người trồng rừng trên địa bàn tỉnh có xu hướng sử dụng các giống lâm nghiệp chất lượng cao được sản xuất bằng phương pháp cấy mô, thay cho các giống cây được sản xuất bằng phương pháp giâm hom. Ưu điểm của cây giống cấy mô là sạch bệnh, cây sinh trưởng, phát triển nhanh, chu kỳ khai thác ngắn; cây ít bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, hiệu quả kinh tế cao.
Bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DNTN Dịch vụ giống cây trồng Nguyên Hạnh, có cơ sở sản xuất giống tại xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), cho biết: Qua thực tế sản xuất, các giống cây cấy mô có sức chống chịu trước gió bão tốt hơn các giống giâm hom nên được người trồng rừng lựa chọn nhiều dù giá chênh lệch khá nhiều.
Thời điểm này, giá cây giống cấy mô cung cấp tại vườn ở mức 1.400 đồng/cây; cây giống giâm hom 600 đồng/cây. Năm nay, đơn vị sản xuất được 2,5 triệu cây giống keo lai cấy mô với các giống như BV10, BV16, BV32 và bạch đàn U6. Hầu hết lượng cây giống cấy mô của đơn vị được người trồng rừng trong và ngoài tỉnh đặt hàng trước nên sản xuất tới đâu tiêu thụ ngay tới đó.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, cho biết: Từ đầu tháng 9 đến nay, thời tiết thường xuyên có mưa vào buổi chiều và ban đêm, người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung xử lý thực bì, cuốc hố (đến nay đã được 5.000 ha/8.500 ha) để triển khai trồng rừng.
Chi cục đã phối hợp với các địa phương tiến hành hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật trồng rừng cho các hộ dân, nhất là các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh; đồng thời đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình tập trung trồng rừng từ đầu tháng 10 tới để đảm bảo đạt và vượt kế hoạch trồng 8.500 ha rừng trong vụ trồng rừng này.
Năm nay, hầu hết các cơ sở, đơn vị sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sản xuất số lượng khá lớn. Hiện tổng số đơn vị có đăng ký sản xuất kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh là 106 đơn vị, gồm 28 công ty, 2 trung tâm, 5 doanh nghiệp tư nhân, 7 ban quản lý rừng phòng hộ và 64 cơ sở hộ gia đình.
So với cùng kỳ năm trước, số cơ sở cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 14 đơn vị. Hiện các cơ sở sản xuất đã xây dựng được 114 vườn ươm, với tổng diện tích 72,5 ha, năng lực sản xuất khoảng 200 triệu cây giống/năm. Hầu hết các đơn vị sản xuất cây giống bằng phương pháp giâm hom đối với cây keo lai; một số đơn vị sản xuất cây giống keo lai, bạch đàn từ nuôi cấy mô và sản xuất các loài cây bản địa như: phi lao, keo lá tràm, thông Caribe, sao đen, bời lời... từ hạt giống.
Mặc dù nguồn cây giống phục vụ công tác trồng rừng năm nay được đánh giá khá dồi dào so với mọi năm, nhưng qua kiểm tra của ngành chức năng, vẫn còn một số hộ gia đình không đủ điều kiện vẫn tham gia sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp và sử dụng nguồn giống không được công nhận để cung ứng cho người trồng rừng. Một số hộ trồng rừng vì ham rẻ nên mua cây giống trôi nổi để trồng rừng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng và hiệu quả kinh tế trồng rừng sau này.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Sở NN-PTNT đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu tháng 9 đến nay, Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp, qua đó yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Bộ NN-PTNT về quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng cây giống, đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân trong tỉnh.
Đồng thời rút giấy phép, xử lý nghiêm đối với một số chủ vườn ươm cây giống không thực hiện đúng các quy định về sản xuất giống cây lâm nghiệp. Ngành chức năng cũng đã khuyến cáo người trồng rừng không nên mua, sử dụng các giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trồng rừng nhằm tránh thiệt hại về kinh tế. (Báo Bình Định 19/9) đầu trang(
Ông Phạm Ngọc Quân, ngụ tại xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết) phản ánh: Cách đây hơn 8 năm, 4 hộ dân thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp bị Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết thu hồi đất để trồng rừng.
Ban quản lý rừng phòng hộ và các hộ dân đã có thỏa thuận sẽ hoán đổi lại đất khác cho các hộ dân sản xuất, nhưng thỏa thuận đó đến nay chưa được thực hiện. Hiện các hộ dân vẫn chưa có đất sản xuất.
Qua tìm hiểu được biết: Năm 2005 thực hiện kế hoạch trồng rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết đã tiến hành trồng rừng trên các thửa đất nương rẫy nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.
Vào năm 2008, Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết phối hợp với UBND xã Thiện Nghiệp tiến hành đo đạc và xác định diện tích đất canh tác làm rẫy của các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch 3 loại rừng và đã thỏa thuận hoán đổi đất cho các hộ dân sang khu vực trồng keo lai hỗn giao điều do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.
Song, năm 2013 diện tích hoán đổi đất cho dân tại khu vực trồng keo lai hỗn giao điều năm 1995 đã được UBND tỉnh thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng (tại Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 3/1/2013). Căn cứ vào Quyết định số 25 của UBND tỉnh thì diện tích đất thu hồi tại tiểu khu 209A với diện tích 357,10 ha, trong đó dự kiến có diện tích đất hoán đổi cho 4 hộ dân.
Hiện nay UBND thành phố Phan Thiết đang chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND xã Thiện Nghiệp và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch triển khai việc hoán đổi đất cho dân. (Báo Bình Thuận 20/9) đầu trang(
Dự án “Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” đã triển khai trên địa bàn 6 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Phú Yên từ năm 2009.
Sau hơn 6 năm triển khai, cuộc sống của bà con bắt đầu có sự chuyển biến mới cả trong nhận thức và cách thức thoát nghèo. Làm kinh tế từ rừng đang trở thành phong trào tại nhiều địa phương và là mục tiêu cuối cùng của dự án được triển khai ở các địa bàn mà người dân phải sống dựa vào rừng.
Nhìn rừng keo xanh tốt đã 6 năm tuổi, So Mai cứ thấp thỏm vui mừng, bởi ông vẫn không tin được rằng: hơn 1 ha đất bạc màu mà ông đang dành trồng keo sẽ cho thu nhập vào năm tới. Do rừng chưa đến chu kỳ khai thác, nên ông cũng như nhiều bà con khác chỉ mới được hưởng lợi từ các khoản hỗ trợ về giống, phân bón. Nhưng theo tính toán, với mức giá bình quân gỗ bán tại rừng nhiều năm qua, gia đình ông sẽ cầm chắc trên 100 triệu đồng từ cánh rừng này.
So Mai -  Xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, Phú Yên cho biết, “trước trồng mì, đạt hiệu quả không cao, chuyển sang trồng rừng. Đầu tư theo dự án, hồi ấy khổ quá, nên dự án đầu tư bao nhiêu, trồng bấy nhiêu. Giờ sắp thu hoạch, thấy mừng”.
Dự án “Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên”, có tất cả 92 xã tham gia, trong đó Phú Yên có 13 xã. Đến thời điểm này, hộ ít nhất cũng trồng được 1ha rừng, nhiều hơn là từ 4 đến 6ha. Từ lợi ích, ý nghĩa của dự án, số hộ đăng ký tham gia dự án ngày một tăng cao. Chỉ riêng huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên, năm 2014 đã có 566 hộ đăng ký tham gia trồng 1.921ha rừng, tăng gấp 1,5 lần so với diện tích đăng ký trồng rừng năm ngoái.
Ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, Phú Yên cho biết, “dự án đã đầu tư cho dân, dân hưởng ứng mạnh rồi. Chúng tôi tiếp tục vận động dân trồng lại rừng sau khai thác, để bà con sống bằng nghề rừng, để có cuộc sống tốt hơn”.
Năm 2014 - năm cuối cùng triển khai dự án “Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên”. Tránh trường hợp người dân bỏ hoang đất khi kết thúc dự án, song song với triển khai kỹ thuật trồng rừng trên diện tích tích mới, dự án đã tích cực mở các đợt tham quan cho bà con. Qua các đợt tham quan, bà con hiểu được giá trị kinh tế từ rừng; đồng thời tiếp cận được các cơ sở thu mua, sản xuất tránh tình trạng bị tư thương ép giá khi vào vụ khai thác.
Theo thiết kế, dự án “Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” sẽ trồng trên 40.000 ha rừng các loại. Ngoài tạo việc làm cho 50.000 hộ dân, với khoảng 9 triệu ngày công lao động, dự án tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng đất rừng cho chính quyền địa phương và người trồng rừng. Còn với các hộ trồng rừng thuộc dự án, năm tới, khi đã khai thác được rừng, bà con có tiền mua sắm, xây dựng nhà cửa và sẽ xóa được nghèo. (VTV9 19/9) đầu trang(
NHÌN RA THẾ GIỚI

NHÌN RA THẾ GIỚI
Chính phủ Malaysia đã có văn bản chính thức gửi tới Indonesia bày tỏ quan ngại về sự gia tăng số lượng các điểm nóng ở miền nam Sumatra và Kalimantan (Indonesia), dẫn đến tình trạng khói mù trên bán đảo Malaysia và bang phía đông Sarawak của nước này.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Malaysia G. Palanivel ngày 19/9 cho biết, Tổng cục trưởng Cục Môi trường Malaysia đã gửi văn bản chính thức cho đối tác phía Indonesia, kêu gọi các nhà chức trách Indonesia thực hiện các biện pháp ngăn chặn và dập tắt đám cháy gây khói mù xuyên biên giới.
Theo Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN có trụ sở tại Singapore (ASMC), khoảng 18 điểm nóng đã được phát hiện ở Kalimantan và 44 điểm nóng được phát hiện ở Sumatra ngày 19/9. Tuy nhiên, số lượng thực tế các điểm nóng có thể không xác định được chính xác do mây mù dày đặc.
Bộ trưởng Palanivel cho biết, có chín điểm nóng tại Malaysia, trong đó bang Kedah, Johor và Sabah mỗi bang có một điểm nóng, bang Terengganu có hai và bang Pahang có bốn điểm nóng.
Các điểm nóng này sẽ được điều tra và các nhà chức trách sẽ có biện pháp đối với những người chịu trách nhiệm về vụ việc này.
Hàng năm, Malaysia và Singapore thường phải chịu cảnh ô nhiễm không khí trầm trọng do khói bụi từ các đám cháy rừng ở miền Tây Indonesia gây ra. Đáng chú ý, các vụ cháy rừng từ tháng Sáu năm ngoái tới nay đã gây ra tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất kể từ một thập kỷ qua, khiến các nước láng giềng lên tiếng thúc giục Indonesia khẩn trương giải quyết vấn đề này.
Ngày 16/9, Quốc hội Indonesia đã phê chuẩn Hiệp định khói mù xuyên biên giới ASEAN. Theo quyết định phê chuẩn, chính phủ Indonesia có trách nhiệm tăng cường các chính sách và biện pháp hữu hiệu, sử dụng nhiều nguồn lực và phối hợp với nỗ lực chung của khu vực để đối phó với cháy rừng, qua đó ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. (VietnamPlus 21/9) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng