Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 22 tháng 08 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Khoảng 12h30 ngày 19/8, tại tiểu khu 4A rừng Nam Hải Vân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã xảy ra cháy rừng trên diện rộng.
Theo lời một số người dân sinh sống tại khu vực đèo Hải Vân, vào thời điểm trên, họ nghe thấy một số tiếng nổ và sau đó rừng bùng cháy dữ dội.
Sau khi nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát chữa cháy, phối hợp cùng bộ đội, kiểm lâm... với khoảng 200 người đã được triển khai để dập lửa.
Tại hiện trường, các xe chữa cháy đã dùng vòi phun áp suất cao phun lên trên các cánh rừng trên cao để đề phòng cháy lan. Nhiều lính cứu hỏa kéo ống hàng trăm mét ống xuống phía triền núi, sát đám cháy phía dưới để dập lửa.
Tại một số khu vực xa ống nước không thể xuống được, bộ đội dùng dao mở đường, đem theo máy chữa cháy cầm tay để dập lửa. Đến 16h cùng ngày, đám cháy cơ bản đã được khống chế. Nguyên nhân ban đầu có thể xác định là do bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh nổ gây cháy.
Trước đó, trưa ngày 17/8, cũng tại khu vực trên đã xảy ra cháy rừng gây thiệt hại 30 ha, trong đó chủ yếu là lau lách và một phần rừng trồng của người dân. Nguyên nhân được xác định là do người dân đốt thực bì. (Người Lao Động 20/8) đầu trang(
Vào khoảng 18 giờ 20 phút ngày 19.8, tại KV 2, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) đã xảy ra một vụ cháy, thiêu rụi hơn 1 ha rừng trồng của người dân ở địa phương.
Đại diện UBND phường Ghềnh Ráng, cho biết, vào thời gian trên, tại khu vực núi nằm gần cầu Bãi Nhỏ thuộc KV 2 xuất hiện đám cháy nhỏ dưới chân đồi. Phát hiện sự việc, phường huy động toàn bộ lực lượng dân quân tự vệ, công an viên, cùng với người dân vào rừng dập lửa.
Cùng thời điểm nay, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh Bình Định điều động 3 xe chữa cháy với hơn 30 cán bộ, chiến sĩ, đến hiện trường cùng phối hợp với lực lượng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn… khẩn trương triển khai việc dập tắt đám cháy.
Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô và có gió mạnh, ngọn lửa bùng phát dữ dội và cháy lan thành nhiều điểm, gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Đến 20 giờ 30 phút cùng ngày (19.8), đám cháy mới được dập tắt. Nguyên nhân vụ cháy rừng đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. (Tài Nguyên Và Môi Trường 20/8) đầu trang(
18-8, ông Nay Y Riu, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đắc Uy (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết, để bảo vệ quần thể gỗ trắc, ngành chức năng đang cho xây dựng tại khu rừng đặc dụng Đắc Uy hệ thống hàng rào và các công trình bảo vệ, phòng cháy chữa cháy.
Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 27,5 tỷ đồng, gồm các hạng mục như xây hàng rào gạch hơn 8,4km và có quấn thép gai ở bên trên, hàng rào thép gai dài hơn 5km, trạm quản lý bảo vệ rừng chính, chòi canh lửa…
Trước đó, Báo SGGP đã có bài viết phản ánh khu rừng đặc dụng Đắc Uy với diện tích 659,5ha có hàng trăm cây gỗ trắc quý hiếm, nhưng đang bị lâm tặc “xẻ thịt” nhiều năm liền. (Sài Gòn Giải Phóng 19/8) đầu trang(
Trong 2 ngày (18 và 19-8), Hạt Kiểm lâm T.P Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2016 cho trên 100 người là trưởng xóm và các hộ dân tham gia trồng rừng của 2 xã Thịnh Đức và Tân Cương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Thành phố triển khai các nội dung như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng; các nghị định của Chính phủ về phòng cháy, chữa cháy rừng; xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; thông tư về việc hướng dẫn thực hiện khai thác tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Đồng thời, người dân còn được hướng dẫn cách dự báo cháy rừng, cách xây dựng đường băng cản lửa khi xảy ra cháy rừng nhằm giảm thiểu những thiệt hại do cháy rừng gây ra. (Báo Thái Nguyên 19/8) đầu trang(
Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên thực hiện rất nhiều chương trình trồng rừng để tăng độ che phủ, nhưng nhiều dự án đã không đem lại hiệu quả như mong muốn. Chẳng những vậy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn lợi dụng các chính sách này để phá rừng, lấy đất trồng các loại cây công nghiệp và hoa màu khác.
Hàng ngàn hécta đất rừng được các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên giao khoán cho người dân, liên kết trồng rừng với doanh nghiệp đang biến thành đất rẫy trồng hồ tiêu, cà phê, khoai lang, cao su… Việc giao khoán và liên kết trồng rừng một cách ồ ạt, tràn lan của các công ty lâm nghiệp đã biến đất rừng thành đất rẫy. Thậm chí có nhiều cán bộ huyện, tỉnh không thuộc diện được giao đất cũng nhận đất trồng rừng để làm rẫy.
Vào sáng 11-8 vừa qua, chúng tôi theo chân ông Trương Thanh Tùng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông) cùng tổ công tác kiểm tra việc phát triển, bảo vệ rừng tại lâm phần Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (trực thuộc Công ty TNHH Gia Nghĩa) ở xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa. Trên đoạn đường rừng khoảng 9km từ trạm bảo vệ rừng đầu tiên của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín đi sâu vào rừng, chúng tôi bắt gặp nhiều cây gỗ mới bị cưa xẻ ngổn ngang hai bên đường tại tiểu khu 1691.
Có nhiều cây gỗ lớn nằm cách đường khoảng 5m ở tiểu khu này cũng mới vừa bị cưa xẻ. Còn tại tiểu khu 1684, nhiều diện tích rừng đã bị người dân chặt phá để trồng bơ, tiêu, cà phê… Theo sự dẫn đường của cán bộ Công ty Gia Nghĩa và Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa, đoàn chúng tôi được đưa đến mấy vạt rừng keo mà công ty này vừa triển khai trồng tại tiểu khu 1691.
Nhưng bên cạnh những cây keo lưa thưa và xơ xác, nhiều cây bơ cũng vừa được ai đó trồng xen vào. Khi ông Tùng hỏi cán bộ công ty và kiểm lâm ai trồng bơ ở đây thì ai cũng lắc đầu không biết. Tiếp tục đi đến mấy điểm trồng keo khác của xí nghiệp này, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh tương tự.
Đi sâu vào lâm phần quản lý của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín, chúng tôi bắt gặp rất nhiều hộ dân trồng đủ loại cây trồng trên đất nhận khoán trồng rừng theo Nghị định 135 của Chính phủ. Chị Phạm Thị Hường (ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đến lập nghiệp tại xã Quảng Thành vào năm 2015.
Dù không có hộ khẩu tại đây, nhưng gia đình chị Hường vẫn được xí nghiệp này cấp cho hơn 1ha đất rừng với giá nhận khoán 2 triệu đồng để trồng rừng theo Chương trình 135 và chị cho biết đã mua hơn 400 cây muồng về trồng trên diện tích nhận khoán này. Nhưng khi chúng tôi cùng ông Trương Thanh Tùng ra kiểm tra rẫy nhà chị Hường, trên đó không chỉ có cây muồng mà còn có cây tiêu, cà phê…
Một số vạt rừng cạnh rẫy nhà chị Hường cũng vừa mới được gia chủ chặt phá để trồng thêm nhiều loại cây khác. “Công ty vừa được lợi rất nhiều đường khi được tỉnh trả tiền phí trồng rừng, phí dịch vụ môi trường rừng, lại vừa được dân trả tiền nhận đất. Trong khi đó, rừng không trồng được bao nhiêu cả. Cứ làm theo kiểu này thì rừng phòng hộ Gia Nghĩa chẳng mấy chốc mất hết”, ông Tùng chua chát trước thực tế rừng tại đây.
Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, việc giao khoán trồng rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8-1-2005 của Chính phủ ở Công ty TNHH Gia Nghĩa chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa ưu tiên giải quyết đất cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong 147 hộ được giao khoán đất rừng, chỉ có 2 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và có 27 hộ được giao đất không cư trú hợp pháp trên địa bàn xã, huyện nơi có đất của bên giao khoán.
Còn đơn nhận giao khoán phần lớn không có xác nhận của chính quyền địa phương, không có cơ sở để xác định đối tượng giao khoán nhưng vẫn được nhận đất giao khoán. Qua xác minh 90 hộ nhận khoán, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có 21 hộ không có hộ khẩu thường trú như đã khai trong hồ sơ nhận khoán, nhưng vẫn được giao khoán hơn 83ha đất rừng.
Không những thế, công ty này đã giao khoán hơn 204ha đất rừng cho 67 hộ có nguồn gốc từ phá rừng trái phép chưa xử lý, chưa có dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo giải trình của Công ty Gia Nghĩa, do áp lực phải trồng lại rừng ngay trên diện tích rừng bị phá theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, nên đơn vị này đã bỏ qua thủ tục lập dự án khi thực hiện việc giao khoán (?).
Không riêng gì Công ty Gia Nghĩa, nhiều công ty lâm nghiệp khác trên địa bàn, như: Thuận Tân, Đức Hòa, Quảng Tín, Trường Xuân… cũng giao đất trồng rừng theo Nghị định 135 một cách tràn lan. Vào năm 2007, Công ty Lâm nghiệp Đắk Song (nay đổi tên là Công ty TNHH MTV Thuận Tân - PV) ký hai hợp đồng kinh tế trái quy định giao 16,7ha đất rừng tại xã Thuận Hà (huyện Đắk Song) cho ông Trần Văn Dương (cán bộ Công an huyện Đắk Song) trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Sau khi bàn giao đất, Công ty Lâm nghiệp Đắk Song còn ưu ái cung cấp toàn bộ giống, cây trồng, như: xoan, keo, muồng… để ông Dương trồng trên đất rừng.
Ngoài ra, ông Dương còn đi lấn chiếm sang vị trí khác được giao khoán để trồng cây công nghiệp. Từ đó xảy ra tranh chấp đất đai, thậm chí xô xát gây thương tích giữa ông Dương, người làm cho ông Dương với các hộ dân khác và làm mất an ninh trật tự địa phương. Đến cuối năm 2011, UBND huyện Đắk Song thu hồi 6ha đất của ông Dương để thực hiện dự án ổn định dân di cư tự do và cũng ưu ái bồi thường cho ông Dương trái quy định số tiền 740 triệu đồng.
Thực hiện Quyết định 178/2001/QĐ-TTg và Quyết định 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 1999 - 2010, tỉnh Đắk Lắk đã giao khoán 27.000ha rừng và hơn 8.000ha đất rừng cho người dân trồng, chăm sóc. Nhưng đến nay, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, xâm canh trái phép lên đến 10.000ha.
Hầu hết các địa phương sau khi triển khai giao đất, giao rừng cho cộng đồng các thôn, buôn, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý, bảo vệ đều để xảy ra mất rừng. Năm 2006, huyện Buôn Đôn giao 1.000ha rừng thuộc các tiểu khu 478, 480 và 481 cho 50 hộ gia đình của 2 xã Ea Huar và Krông Na quản lý, bảo vệ. Đến nay, rừng hầu như đã bị thay thế bởi các loại cây trồng sắn, đậu, bắp. Rừng giao khoán chỉ còn lại diện tích nhỏ và phân bố thưa thớt, thậm chí “rỗng ruột”.
Vào năm 2007, UBND huyện Ea Súp cũng giao khoán hơn 4.000ha rừng cho các nhóm hộ của 4 xã Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê và Ia T’mốt. Trong đó, nhóm hộ ở xã Ea Lê sau một thời gian nhận thấy việc nhận khoán bảo vệ rừng không hiệu quả đã làm đơn trả lại hơn 300ha rừng cho huyện. Với những diện tích rừng giao khoán còn lại, sau thời gian được các hộ chăm sóc đã có hơn 2.000ha rừng bị phá trắng.
Riêng xã Ea Bung có 13 nhóm hộ được giao khoán rừng, với tổng diện tích 1.735ha, nay đã bị mất khoảng 1.264ha rừng. Với những khu đất này, dân đã cày xới canh tác hoa màu từ lâu. Lý giải về việc rừng giao khoán bị phá trắng, ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung (huyện Ea Súp), cho biết, do số lượng dân nhiều nơi đổ về xã để khai thác lâm sản, xâm chiếm đất rừng làm rẫy nhiều nên áp lực giữ rừng của các hộ gia đình rất lớn. Đặc biệt, nhiều nhóm đối tượng rất hung hãn, manh động trong khi người dân không có bất kỳ công cụ hỗ trợ nào. (Sài Gòn Giải Phóng 22/8) đầu trang(
Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho nhân dân, hạn chế xâm hại tài nguyên rừng... Đó là những nội dung trọng tâm của hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a và 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ do UBND huyện Phước Sơn tổ chức mới đây.
Theo báo cáo của UBND huyện Phước Sơn, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 và giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a, toàn huyện có hơn 2.200 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích rừng khoảng 55 nghìn hecta. Tổng kinh phí thực hiện hai chính sách trên, giai đoạn 2011 - 2015 là 32,6 tỷ đồng, trong đó chi trả đến hộ và nhóm hộ 25,4 tỷ đồng. (Báo Quảng Nam 21/8) đầu trang(
Sáng 19-8, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xác nhận với Báo Người Lao Động đã bắt một số đối tượng quan trọng liên quan đến vụ phá rừng pơ mu trăm tuổi giáp ranh giữa huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) và huyện Đắk Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào).
Ông Thanh nói thêm, hiện Bộ Công an là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng điều tra vụ án. Các bên đang phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Thủ tướng.
Cũng theo ông Thanh, phía nước bạn Lào cũng rất tích cực phối hợp vớicông an Quảng Nam để điều tra vụ án. Hiện Lào cũng đã bắt giữ một số đối tượng có liên quan.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 17-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có văn bản yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam phải báo cáo kết quả điều tra, xử lý vụ án trước ngày 25-8.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, ngày 8-7, từ tin báo của người dân, cơ quan chức năng phát hiện bãi tập kết gỗ pơ mu với hàng trăm phách giấu gần trạm biên phòng. Công an sau đó phát hiện hơn 60 cây pơ mu trăm tuổi bị chặt hạ và liên tiếp phát hiện gỗ pơ mu cất giấu gần trạm biên phòng, trụ sở chi cục hải quan.
Đến thời điểm này, 3 lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang và một Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang đang bị tạm đình chỉ công tác. (Người Lao Động 20/8) đầu trang(
Sáng 20-8, nguồn tin từ công an tỉnh Quảng Nam - cho hay có thêm 3 nghi can trong đường dây phá rừng pơ mu nghiêm trọng ở biên giới Việt - Lào đã đến cơ quan công an đầu thú.
Trước đó, sau khi tiếp nhận thông tin từ công an tỉnh Quảng Bình cho hay có 3 nghi phạm đã ra đầu thú tại đây, công an Quảng Nam đã có mặt tại để làm thủ tục đưa các đối tượng về địa phương điều tra, làm rõ.
Được biết ba người này tham gia công việc khuân vác gỗ pơ mu ra khỏi rừng. Tuy nhiên danh tính ba nghi can trên vẫn chưa được cơ quan điều tra cung cấp.
Ngoài ra, công an cũng đang vận động các đối tượng liên quan khác trong vụ phá rừng này đầu thú. Khi có kết quả điều tra chính thức, tỉnh Quảng Nam sẽ họp báo để thông tin cụ thể.
Trước đó chiều 19-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trí Thanh-phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay đến thời hiện hiện nay, cơ quan điều tra đã bắt được một số đối tượng quan trọng liên quan đến đường dây phá rừng nghiêm trọng này.
“Trong quá trình điều tra thì công an đã bắt một số đối tượng liên quan trong vụ án này rồi. Hiện lực lượng công an vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo để phá án” - ông Thanh nói. (Tuổi Trẻ 20/8; Tiền Phong 20/8) đầu trang(
Ngày 10/8, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng - Chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ký Công văn số 1034/CCT-TH gửi Cục Báo chí – Bộ TTTT và Ban Biên tập Báo điện tử Vnexpress, cho biết: Thời gian gần đây, việc gỗ pơ mu ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Nam bị khai thác trái phép, được một số cơ quan báo chí vào cuộc quyết liệt, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ đội Biên phòng và địa phương khẩn trương làm rõ.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xác định, đây là vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở địa bàn biên giới, có liên quan đến trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng. Để phục vụ công tác điều tra, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quyết định tạm đình chỉ công tác 3 đồng chí Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam); đồng thời chỉ đạo khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, kết luận, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ xử lý nghiêm khắc, không dung túng, bao che.
Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng – Chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, xung quanh vụ việc trên, phóng viên một số tờ báo đã có những bài viết đề cập nội dung không chính xác, như: “Công an tố Biên phòng ngăn cản kiểm tra kho chứa gỗ lậu”; “Phiên họp trở thành nơi để nhiều cán bộ đấu tố lực lượng Biên phòng”; hoặc trích dẫn lời một đồng chí lãnh đạo huyện: “Các Đồn Biên phòng không tham dự các cuộc họp do Huyện ủy, UBND huyện tổ chức, gây khó khăn cho các lực lượng khi tuần tra bảo vệ rừng; cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường xã không giúp được việc mà còn gây khó khăn, không trúng cử Đại hội vừa qua…”.
Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng cũng cho rằng các thông tin không chính xác trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biên giới; giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng..., dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra, xác minh và căn cứ báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và kết quả xác minh của cơ quan chức năng thì hoàn toàn không có những sự việc như vậy.
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ phá rừng pơ mu hiện đang được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, lãm rõ, trả lời phóng viên ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, về vụ phá rừng pơ mu quy mô lớn xảy ra tại tiểu khu 351 khu vực biên giới giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông (Lào), cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã bắt một số đối tượng quan trọng và tiến hành lấy lời khai để hoàn chỉnh hồ sơ, thực hiện đúng trình tự tố tụng theo quy định.
Ông Lê Trí Thanh cho biết thêm, hiện Bộ Công an là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng điều tra vụ án đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Thủ tướng.
“Ngoài bắt một số đối tượng liên qua trong vụ phá rừng ra, phía bên nước bạn Lào cũng rất tích cực phối hợp với công an Quảng Nam. Phía Lào cũng bắt giữ một số đối tượng có liên quan đến vụ án để phục vụ điều tra. Hai bên thường xuyên phối hợp và chia sẻ thông tin với nhau, kể cả khám nghiệm hiện trường, đánh giá mức độ thiệt hại, hai bên phối hợp rất nhịp nhàng...”, ông Thánh nói
Ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có văn bản 6845/VPCP-KTN yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam phải báo cáo kết quả điều tra, xử lý vụ phá rừng, khai thác rừng pơ mu trái phép ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trước ngày 25/8/2016. (Đất Việt 19/8) đầu trang(
19/8, Công an tỉnh Lâm Đồng đã di lý Lê Hồng Hà (Hà Đen, 48 tuổi, quê Nghệ An) về trụ sở để điều tra hành vi Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Người đàn ông này bị bắt khi đang làm thuê tại một đầm nuôi tôm ở huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), sau 42 ngày lẩn trốn vì liên quan đến vụ khai thác rừng trái phép tại Tiểu khu 390, giáp ranh với tỉnh Đăk Nông.
Theo điều tra, dưới sự chỉ đạo của "Hà Đen", nhóm người thường xuyên khai thác gỗ trái phép tại các cánh rừng nguyên sinh giáp ranh lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5. Nhóm lâm tặc xẻ thành gỗ hộp rồi vận chuyển về bến thuyền và dùng xe đưa đi tiêu thụ.
Rạng sáng 8/7, hàng chục chiến sĩ Cục cảnh sát môi trường và Cảnh sát cơ động hóa trang trong ôtô tải từ TP HCM lên Lâm Đồng, đột kích sào huyệt của nhóm Hà Đen trong Tiểu khu 390, do Công ty TNHH - MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc quản lý.
Khi đến Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5, trinh sát lao xuống lòng hồ, khống chế hơn chục người đang tập kết gỗ lậu, đồng thời các mũi đặc nhiệm khác ập vào lán trại bắt giữ nhiều người liên quan. 14 người sau đó bị bắt giam. (VnExpress 19/8) đầu trang(
Tối ngày 20/8, các cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp với công an huyện Định Quán (Đồng Nai) tiến hành xác minh, điều tra làm rõ vụ một kiểm lâm của Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai bị đánh dập lá lách.
Cụ thể, trưa cùng ngày, nhận được tin báo là người dân đang lắp đặt đăng chắn trái phép trên hồ Trị An nên anh Nguyễn Danh Kha (cán bộ kiểm lâm) cùng một số kiểm lâm viên đi thuyền ra hồ kiểm tra, nhắc nhở.
Lúc các cán bộ này đến khu vực phát hiện có đăng chắn thì thời điểm này ông Phan Văn Hồng đã có những phản ứng với lực lượng. Sau đó ông Hồng dùng cây chèo ghe đánh mạnh vào lưng anh Kha gây thương tích nặng, khiến anh Kha gục tại chỗ.
Ngay lập tức, anh Kha được đi đồng đội đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau nhiều ở vùng bụng, da xanh, niêm mạc nhợt, huyết áp không đo được, khó thở, vùng bụng có vết bầm… Tại bệnh viện, các bác sĩ nhận định anh Kha bị vỡ lách liền phẫu thuật cầm máu. Hiện vụ việc đang được công an điều tra làm rõ.
Được biết, tình trạng dân đặt đăng chắn trên hồ Trị An quây hết các khu vực eo ngách ven bờ hồ để tận diệt nguồn lợi thủy sản trên hồ diễn ra khá nhiều năm nay khiến cho nhiều người dân bức xúc.
Cách đây không lâu, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xử lý triệt để tình trạng trên, trả lại mặt nước thông thoáng cho hồ Trị An. Và khoảng năm 2015, tình trạng này đã được xử lý triệt để, tuy nhiên theo như vụ việc trên thì sự việc này lại đang tái diễn, vậy cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào về tình trạng trên? (Người Đưa Tin 21/8) đầu trang(
Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đác Lắc có tổng diện tích hơn 26.600 ha, trong đó phân khu rừng bảo vệ nghiêm ngặt hơn 15.000 ha, phân khu phục hồi sinh thái trên 9.000 ha.
Trong khu bảo tồn này có rất nhiều loại gỗ quý hiếm như giáng hương, cẩm lai, cà te, trắc… và nhiều loại động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên tình trạng phá rừng, khai thác rừng và săn bắn động vật trái phép ngày càng gia tăng, nhất là khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai và Phú Yên.
Nghiêm trọng hơn, mới đây, lâm tặc còn ngang nhiên vào triệt hạ 29 cây gỗ giáng hương quý hiếm nằm ngay vùng lõi của khu bảo tồn nhưng đến nay lực lượng chức năng vẫn chưa truy tìm ra đối tượng phá rừng.
Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi cùng với cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô băng rừng vào hiện trường lâm tặc triệt hạ 29 cây gỗ Giáng hương quý hiếm. Địa điểm lâm tặc triệt hạ gỗ này thuộc Tiểu khu 637, nằm cách Quốc lộ 29 chỉ 30 m và cách Trạm Kiểm lâm số 1 thuộc Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô khoảng 500 m.
Thế nhưng, lâm tặc triệt hạ 29 cây giáng hương, mỗi cây có đường kính từ 20 cm-30 cm và diễn ra trong một thời gian dài, nhưng lực lượng kiểm lâm của khu bảo tồn không hề hay biết. Tại hiện trường, những thân cây gỗ giáng hương đã được lâm tặc cưa xẻ vận chuyển ra khỏi rừng, chỉ còn trơ gốc và phần ngọn bị bỏ lại nằm ngổn ngang, nhiều chỗ còn nguyên cả khúc gỗ bị cắt ngọn mà chưa được lấy đi.
Tiếp tục băng rừng vào sâu bên trong, mặc dù thuộc tiểu khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng những cây gỗ giáng hương quý hiếm ở đây vẫn bị triệt hạ và gỗ đã được lâm tặc vận chuyển khỏi rừng. Thế nhưng, chỉ đến khi đi tuần tra, bảo vệ rừng thì lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô mới phát hiện được và báo cáo các ngành chức năng xử lý.
Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 1 Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô Lê Chiến Binh cho biết: Mặc dù địa điểm xảy ra vụ triệt hạ 29 cây gỗ giáng hương này chỉ nằm cách Quốc lộ 29 khoảng 30 m và cách Trạm Kiểm lâm số 1 chỉ 500 m nhưng rất khó truy bắt các đối tượng phá rừng.
Do rừng ở đây dày, trong rừng có rất nhiều đường nhỏ, khi phát hiện lâm tặc thì họ bỏ chạy vào rừng nên không thể đuổi bắt được. Sau khi phát hiện lâm tặc triệt hạ 29 cây gỗ giáng hương này, trạm đã báo cáo với Ban Giám đốc Khu BTTN Ea Sô. Do đây là vụ khai thác rừng nghiêm trọng nên Ban Giám đốc khu bảo tồn đã phối hợp công an, Viện Kiểm sát huyện Ea Kar khởi tố vụ án và tổ chức điều tra, xử lý đối tượng nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra đối tượng phá rừng.
Về trách nhiệm để xảy ra vụ triệt hạ 29 cây gỗ giáng hương, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Hạt Kiểm lâm đã tổ chức kiểm điểm các nhân viên tại Trạm Kiểm lâm số 1. Quan điểm của Hạt sẽ xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan nếu có tình trạng tiếp tay cho lâm tặc khai thác gỗ trái phép. Tuy nhiên, phải chờ kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện có hay không tình trạng tiếp tay mới xử lý được.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Khu BTTN Ea Sô Trần Lê Trinh cho biết: Trong những năm qua lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã ký kết Quy chế phối hợp lực lượng kiểm lâm của các tỉnh, huyện giáp ranh với khu bảo tồn nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trong khu bảo tồn. Theo quy chế phối hợp cho phép lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô truy quét, bắt, xử lý lâm tặc tại các vùng rừng giáp ranh thuộc địa bàn huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên và huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Đồng thời, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã thành lập chín Trạm Kiểm lâm địa bàn quản lý, bảo vệ rừng và kiểm soát lâm sản tại những vùng giáp ranh với tỉnh Gia Lai, Phú Yên và những điểm nóng trong khu bảo tồn. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, các đối tượng phá rừng ngày càng liều lĩnh, manh động và sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi khi phá rừng, săn bắn động vật rừng trái phép… khiến cho rừng ở những khu vực giáp ranh bị tàn phá nặng nề.
Không chỉ mới đây những cây gỗ giáng hương quý hiếm trong Khu BTTN Ea Sô mới bị triệt hạ, mà trong những năm qua đã xảy ra nhiều vụ lâm tặc đột nhập khai thác gỗ giáng hương trái phép với khối lượng lớn. Điển hình là vào tháng 7-2011, tại Tiểu khu 618 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, giáp ranh với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai lâm tặc đã triệt hạ khoảng 20 cây gỗ giáng hương với khối lượng lớn… Thế nhưng tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Khu BTTN Ea Sô có diện tích lớn, có tính đa dạng sinh học cao và là môi trường sống lý tưởng bậc nhất Việt Nam của bò tót, bò rừng và các loài thú quý hiếm thuộc bộ móng guốc ăn cỏ sinh sống… Tuy nhiên, rừng cũng như các loại động vật quý hiếm ở đây đang bị đe dọa nghiêm trọng do các đối tượng khai thác rừng, săn bắn thú rừng tấn công từ nhiều phía khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu BTTN Ea Sô càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn bao giờ hết, nhất là khu vực tiếp giáp với tỉnh Gia Lai và Phú Yên.
Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án Khu BTTN Ea Sô, UBND tỉnh Đác Lắc cần chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp ngành chức năng của các tỉnh giáp ranh với Khu BTTN tiến hành truy quét, xử lý tình trạng phá rừng đặc dụng ở vùng giáp ranh. Có như vậy mới ngăn chặn được lâm tặc từ Gia Lai, Phú Yên tràn vào phá rừng và săn bắn trái phép thú rừng trong Khu BTTN Ea Sô. (Nhân Dân 19/8) đầu trang(
Sau 6 tháng điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk vẫn chưa tìm ra thủ phạm vụ khai thác gỗ trái phép tại khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Sau gần 6 tháng vào cuộc điều tra vụ phá rừng, đến nay các cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk vẫn chưa tìm được thủ phạm đã đốn hạ 29 cây gỗ hương tại khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Điều này cho thấy, công tác bảo vệ rừng ở đây còn thiếu chặt chẽ, nguy cơ các loài động, thực vật đặc hữu trong khu bảo tồn bị xâm hại vẫn chưa được loại trừ.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô lâu nay được đánh giá là khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thực tế khi đi sâu vào rừng mới thấy được, những cây gỗ quý hiếm có đường kính lớn đã và đang bị đốn hạ gần hết. Rừng thưa thớt, chỉ sót lại đa phần những cây gỗ tạp có đường kính vừa và nhỏ. (Đài Truyền Hình Việt Nam 20/8) đầu trang(
Gần một năm nay, lâm tặc ồ ạt vào khu vực giáp ranh giữa địa bàn xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) với xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) tỉnh Điện Biên, để khai thác gỗ nghiến. Hoạt động này diễn ra rầm rộ, công khai, song chính quyền địa phương và các cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng không hề hay biết (?).
Đứng ở bản Hột, xã Mường Đun, người ta dễ dàng nghe tiếng máy cưa gầm rú phía khu rừng già. Một người dân ở cửa rừng cho biết: “Tiếng máy cưa xẻ suốt ngày. Ngày nào cũng vậy, có rất nhiều xe máy chạy vào rừng, đến chiều lại ỳ ạch chở thớt nghiến ra khỏi rừng”. Theo tiếng cưa, người này đưa chúng tôi đi mục sở thị đại công trường khai thác gỗ.
Sau khoảng thời gian leo trèo qua các vách đá, chúng tôi đến sát địa điểm lâm tặc khai thác gỗ. Tại đây, có gần 10 người cả nam lẫn nữ đang hì hục công cuộc... phá rừng. Một cây gỗ nghiến với đường kính hơn 1m đã bị nhóm người này đốn hạ. Hai người đàn ông thay nhau dùng máy cưa để xẻ ngang thân cây thành những lát dày khoảng 5cm.
Những người khác, trong đó có 2 người phụ nữ cặm cụi đẽo những lát gỗ thành những chiếc thớt tròn trịa. Còn 2 người đàn ông chỉ ngồi nhìn, chẳng thấy làm việc gì. Theo người dẫn đường, 2 người đàn ông kia là dân buôn, ngồi chờ đến cuối ngày khi những người kia đẽo thành những chiếc thớt tròn trịa, họ mua lại và vận chuyển ra khỏi rừng và mang đi tiêu thụ. Sau khi quay đủ hình ảnh từ xa, chúng tôi mạnh dạn tiếp cận với nhóm người này.
Thoáng thấy người lạ, lại cầm cả máy quay, máy ảnh, nhóm người này ngay lập tức dừng mọi hoạt động. Một người đàn ông hỏi: Tại sao các anh lại vào đây? Quay hình làm cái gì? Dân ở đây khổ lắm, không làm thớt thì không biết lấy cái gì để ăn, để cho con đi học. Hỏi vậy, song lâm tặc cũng chả muốn để ý chúng tôi làm gì, là ai, mà cứ thế cưa, đẽo... như chốn không người. Vào sâu hơn nữa, chúng tôi chứng kiến hàng chục thân cây gỗ nghiến đổ rạp xuống.
Quả thật có rất nhiều điểm khai thác gỗ, nói về nghiến thì dường như lâm tặc không chừa lại cây nào, từ những cây gỗ nhỏ với đường kính 20 - 40cm đến những cây có đường kính từ 0,8 - 1,3m đều bị cưa máy quật ngã. Lâm tặc chỉ bỏ lại phần gốc và những mảnh vụn mỏng trong quá trình “xẻ thịt”. Và một số cây đã được xẻ thành phẩm như cột nhà, các thanh vuông vức xếp gọn bên đường.
Chúng tôi đang thắc mắc vì sao có một số cây gỗ nghiến thân to vẫn còn sót lại chưa bị đốn hạ thì được người dẫn đường chỉ ra trên thân cây đã được khắc tên một người nào đó, tức là đã có chủ, và những người khác không được phép chặt phá, chỉ chờ người chủ đã khắc mang cưa đến triệt hạ mà thôi. Chừng ấy đủ để minh chứng cho tình trạng khai thác gỗ nghiến ở đây nghiêm trọng đến mức nào. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn thì chỉ nay mai thôi, khu rừng sẽ không còn gỗ nghiến.
Tình trạng người dân khai thác trái phép gỗ nghiến lấy thớt là có thật. Song, ông Giàng A Páo, Chủ tịch HĐND xã Mường Đun khẳng định, từ 2 năm trở lại đây trên địa bàn xã không bắt được vụ phá rừng nào... Trong khi đó kiểm lâm vẫn đang loay hoay xác định xem đó thuộc địa phận nào, có thuộc mình quản lý hay không!?
Trả lời về tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép tại khu vực rừng thuộc xã Mường Đun, ông Giàng A Lử, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã khẳng định: Không có tình trạng phá rừng, nếu có thì tôi nắm được hết. Tình trạng khai thác gỗ nghiến để làm thớt thuộc địa phận tỉnh Sơn La. Ở Mường Đun chỉ có vài cây bị đổ do bão, nên người dân khai thác. Dường như điệp khúc và cái báo cáo ấy đã có sẵn, khi chúng tôi gặp Hạt Kiểm lâm và người đứng đầu UBND huyện Tủa Chùa, câu trả lời vẫn là “không có tình trạng khai thác rừng trái phép trên địa bàn huyện”.
Ông Lò Văn Sân, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa khẳng định: “Ở địa bàn xã Mường Đun, năm ngoái có hơn 100m3 gỗ do gió bão đổ, Hạt Kiểm lâm đã báo cáo về tỉnh nhưng vẫn chưa có chỉ đạo. Bởi vậy số gỗ đó vẫn nằm trong rừng, người dân lợi dụng lúc cán bộ kiểm lâm không ở đấy để vào khai thác trộm những cây đổ từ năm ngoái, năm kia. Còn việc chặt hạ mới tôi khẳng định là không có”.
Người dân đồng thời là người được giao nhận rừng khẳng định, địa điểm khai thác gỗ nghiến thuộc địa phận xã Mường Đun. Thế nhưng lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa lại cho rằng những vị trí mà lâm tặc khai thác gỗ là thuộc địa phận xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo. Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa cũng đề nghị phóng viên cùng đi đến những điểm khai thác.
Tại các vị trí mà phóng viên ghi hình, cán bộ kiểm lâm huyện Tủa Chùa đo bằng máy GPS được 2 tọa độ: E00551446  N02417867 và E00551579  N02418566. Tại các vị trí này, ông Trần Đức Quyền, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa khẳng định thuộc địa phận xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, chứ không phải là địa phận xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo. Tại đây, ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo thừa nhận có tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép tại địa phận xã Phình Sáng, đặc biệt là khu vực giáp ranh với xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay, thời gian này đã hạn chế hơn những năm trước.
Tuy nhiên, do lực lượng kiểm lâm địa bàn quá mỏng, cả 2 xã Phình Sáng và Rạng Đông với diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 10 nghìn ha, nhưng chỉ có 1 kiểm lâm địa bàn phụ trách. Song, lạ thay khi làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cán bộ Chi cục tiến hành nhập 2 tọa độ trên vào bản đồ, kết quả lại cho ra cả 2 vị trí tọa độ này đều thuộc xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa.
Phải chăng Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa đang cố tình đẩy hết trách nhiệm cho huyện Tuần Giáo. Ông Nguyễn Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: “Chi cục sẽ tiến hành kiểm tra sự việc và có phương án xử lý. Đối với cán bộ kiểm lâm địa bàn, khi xảy ra tình trạng khai thác, chặt phá hoặc cháy rừng mà không phát hiện, không ngăn chặn kịp thời thì phải xem xét trách nhiệm để xử lý. Nếu có trường hợp cán bộ kiểm lâm bảo kê cho lâm tặc chặt phá rừng thì Chi cục sẽ xử lý nghiêm”.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cũng cho biết, thời gian qua Chi cục đã tiến hành lập tổ công tác cùng với hạt kiểm lâm huyện, ủy ban xã cùng với chủ rừng để rà soát số lượng, chất lượng một số loại cây trong khu vực rừng giao cho cộng đồngdân cư thôn, bản quản lý. Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ kiểm lâm quá mỏng, diện tích rừng và đất rừng của tỉnh Điện Biên gần 400 nghìn ha, trong khi chỉ có hơn 200 biên chế cho lực lượng kiểm lâm. Bởi vậy vẫn xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép ở một số địa bàn trong tỉnh.
Những cánh rừng đang thưa dần những cây gỗ nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nếu lực lượng chức năng không kịp thời ngăn chặn tình trạng này thì chẳng mấy chốc rừng Điện Biên hết gỗ nghiến. (Dân Sinh 20/8) đầu trang(
Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc quản lý tài nguyên rừng chưa được chặt chẽ đã dẫn đến thảm rừng ở Tây Nguyên suy giảm đáng báo động về cả diện tích và chất lượng.
Kết quả tổng hợp từ Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2014 – 2016 của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng cho thấy, diện tích rừng ở Tây Nguyên hiện nay gần 2,5 triệu ha  rừng với độ che phủ là 45,8%. Trong đó, rừng tự nhiên vẫn chiếm chủ yếu với gần 2,2 triệu ha chiếm 84%, rừng trồng chiếm hơn 207 nghìn ha. Tuy vậy, khai thác gỗ và lâm sản ồ ạt dẫn đến trữ lượng rừng đang suy giảm.
Cụ thể, rừng giàu chỉ chiếm 14,5%, rừng trung bình chiếm 41%, rừng nghèo chiếm 39,6%, còn lại là rừng nghèo kiệt, rừng non phục hồi chiếm 6%. Như vậy, diện tích rừng nghèo và rừng nghèo kiệt ngày càng tăng dẫn đến chất lượng rừng suy thoái, rừng có trữ lượng lớn chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Diện tích rừng ở Tây Nguyên gần đây cũng giảm mạnh mẽ. Rừng tự nhiên suy giảm chủ yếu là rừng thường lá xanh, đây là kiểu rừng có tiềm năng điều tiết nguồn sinh thủy tốt nhất. Giai đoạn 2010 - 2015, về tổng thể toàn vùng rừng trồng không tăng mà còn giảm hơn 13 nghìn  ha. Trong đó, rừng sản xuất có biến động mạnh, sau đó, là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ít bị biến động nhất.
Có nhiều nguyên nhân làm giảm diện tích rừng và chất lượng rừng ở Tây Nguyên. Trong đó, việc triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi rừng đã làm mất rừng ở Tây Nguyên. Theo kết quả điều tra đánh giá chuyển đổi rừng của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng cho thấy, giai đoạn năm 2006 – 2012, có khoảng 154 nghìn ha rừng đã được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.
Cụ thể, toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 745 dự án chuyển đổi bao gồm: sản xuất nông nghiệp 177 dự án, cao su 120 dự án, thủy điện 86 dự án, khai thác khoáng sản 58 dự án, an ninh quốc phòng 29 dự án, tái định cư 16 dự án, thủy lợi 14 dự án, khu công nghiệp 8 dự án, du lịch sinh thái 2 dự án, mục đích khác 235 dự án.
Một nguyên nhân khác dẫn đến diện tích rừng giảm là do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp. Tình hình này đang diễn ra vô cùng gay gắt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, tạo ra sự bức xúc trong xã hội. Một số nguyên nhân khác như: cháy rừng, sạt lở đất, trồng rừng suy thoái, ... Thảm rừng suy giảm dẫn đến khả năng phòng hộ môi trường, điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt của thảm rừng vùng Tây Nguyên suy giảm. Mất rừng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khô hạn, lũ lụt bất thường... đã và đang xảy ra ở Tây Nguyên hiện nay.
Theo TS. Nguyễn Huy Dũng, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng nguyên nhân sâu xa dẫn tới thảm rừng ở Tây Nguyên giảm mạnh chủ yếu là do công tác quản lý các cấp còn lỏng lẻo. Bởi vậy, trong giai đoạn tới, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, kiểm soát chặt chẽ các chương trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng.
Tăng cường các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường công tác bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các vụ vi phạm trái phép về khai thác, phá rừng, xâm lấn rừng, kiểm soát cháy rừng và hoạt động khai thác khoáng sản tác động tới rừng.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần triển khai rà soát quy hoạch 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) và quy hoạch bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh, cấp vùng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng cũng như phòng hộ nguồn sinh thủy trong khu vực. Trên cơ sở đó, triển khai các hoạt động quản lý và sử dụng ổn định các lâm phận, triển khai cắm mốc ranh giới toàn bộ diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; rà soát, xắp xếp lại các công ty lâm nghiệp trong toàn vùng.
Tăng cường các chương trình quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất. Đặc biệt, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tăng cường trồng rừng nguyên liệu, trồng rừng gỗ lớn nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống người dân trong vùng. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình giao đất, giao rừng cho người dân và cộng đồng; có chính sách hỗ trợ cộng đồng địa phương trong các chương trình quản lý rừng cấp cộng đồng. (Tài Nguyên Môi Trường 16/8) đầu trang(
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên và sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Ia Grai đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm lập lại trật tự trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên số vụ vi phạm trên lĩnh vực này xảy ra ở địa phương đã giảm đáng kể.
Huyện Ia Grai hiện có 35.860 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 20.300 ha rừng, chủ yếu ở 2 xã biên giới là Ia O và Ia Chía, tiếp giáp với huyện Đức Cơ và tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia cùng với một số huyện thuộc tỉnh Kon Tum.
Với quyết tâm khắc phục những yếu kém, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện Ia Grai, các ngành chức năng cùng các chủ rừng và các địa phương trong huyện đã phối hợp triển khai nhiều kế hoạch, phương án sát với tình hình thực tế, trong đó thành lập các tổ công tác ở những khu vực trọng điểm về phá rừng để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng.
Mặt khác, duy trì các lượng cơ động tuần tra, mật phục trên Tỉnh lộ 644 và tại các bến đò trên dòng sông Sê San, Pô Cô để ngăn chặn việc vận chuyển gỗ trái phép từ tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia và từ các địa phương thuộc tỉnh Kon Tum vào địa bàn huyện.
Đại úy Phạm Trung Thành- Đồn phó Đồn Biên phòng Ia O- Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: “Đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và triệt để nên từ đầu năm đến nay đã phát hiện 10 vụ vận chuyển gỗ trái phép trên đường sông với gần 100m3 gỗ. Tình trạng vận chuyển gỗ trái phép trên các bến đò thuộc sông Sê San trước đây thường xuyên diễn ra nay đã bị ngăn chặn một cách triệt để”.
Sự vào cuộc quyết liệt của Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai và Đồn Biên phòng IaO cùng với lực lượng công an, quân sự, các chủ rừng, chính quyền các địa phương trong huyện Ia Grai đã làm chuyển biến tình hình theo hướng tích cực. Riêng 7 tháng đầu năm nay, đã phát hiện, bắt giữ 43 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, tịch thu 208m3 gỗ các loại, số vụ giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Nói về công tác thực hiện quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới ông Lâm Văn Long- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai cho biết: “Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo huyện chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ rừng tận gốc, trong đó kiện toàn các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Riêng Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng  đẩy mạnh công tác tuần tra, truy quét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả cán bộ, nhân viên nào của đơn vị có biểu hiện tiếp tay cho lâm tặc cũng bị xử lý nghiêm”.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, một trong những vấn đề gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Ia Grai đó là tình trạng nhiều người dân vẫn còn lén lút xâm lấn rừng và đất lâm nghiệp để canh tác.
Về khó khăn trong công trác quản lý bảo vệ rừng ông Lê Tiến Hiệp- Trưởng BQL rừng phòng hộ Ia Grai  nói: Đơn vị đang quản lý hơn 10.600 ha rừng ở khu vực biên giới huyện Ia Grai. Thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để giữ rừng nhưng khó khăn nhất là tình trạng người dân vẫn còn lén lút cơi nới rẫy trên đất rừng và đất lâm nghiệp bởi bà con vẫn còn tập quán sản xuất nương rẫy, du canh du cư, thậm chí xâm lấn đất rừng vào ban đêm nên rất khó quản lý, bảo vệ.
Ông Phan Trung Tường- Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng ở Tây Nguyên và sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Ia Grai đã triển khai các kế hoạch, biện pháp quyết liệt để giữ rừng. Trong thời gian tới, trên cơ sở tỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương rà soát lại kết quả kiểm kê rừng vừa qua để tiến hành thống kê lại diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho chính xác. Thứ hai, rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm những năm qua để phân loại, diện tích nào thu hồi để trồng lại rừng, diện tích nào dân đã sử dụng ổn định thì kiến nghị với tỉnh chuyển sang đất lâm nghiệp cho dân, từ đó có sự phân định rõ ràng để tăng cường khôi phục lại rừng một cách bền vững nhất”.
Xác định công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng rất gian nan và nhiều thách thức nên lãnh đạo huyện Ia Grai tiếp tục huy động hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này ở địa phương trong thời gian tới. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Gia Lai 19/8) đầu trang(
Những ngày qua, người dân xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) rất bức xúc khi hàng loạt cây đước có tuổi hơn 20 năm nằm trong đất rừng phòng hộ chắn triều cường, cản gió, bão bị chặt hạ để thi công dự án ao lắng phục vụ nuôi tôm.
Oái ăm hơn, dự án do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, nhưng khi bị phát hiện thì đơn vị quản lý rừng này lại bảo không biết đó là đất lâm nghiệp.
Có mặt tại xóm Phúc Lộc (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà), theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt cây đước tại tiểu khu 285 (khoảnh 2, đất rừng phòng hộ) bị đốn hạ trơ gốc. Cạnh đó, đất bị đào xới ngổn ngang nham nhở ngay dưới chân đê Hữu Phủ, cùng máy móc dừng hoạt động, nằm bên bờ.
Theo người dân địa phương, việc chặt phá cây đước, đào đất ngổn ngang này là để xây dựng ao lắng cung cấp nước cho những hồ nuôi tôm gần đó. Đây là dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Ngay từ lúc bắt đầu khởi công, người dân rất bất bình vì rừng đước là tấm “khiên” chắn gió, bão, ngăn triều cường xâm nhập vào đất liền và được họ chăm sóc, giữ gìn từ hàng chục năm nay.
Đứng nhìn những gốc đước bị đốn hạ, ông Đào Viết Mai (SN 1955, trú xóm Phúc Lộc, xã Thạch Khê), xót xa nói: “Nhìn những cây đước đã có hơn 20 năm tuổi che chắn, bảo vệ cho người dân chúng tôi trước thiên nhiên khắc nghiệt bị đốn hạ mà không khỏi xót xa. Mặc dù đã có đê Hữu Phủ, nhưng về lâu về dài ai dám chắc đê sẽ bảo vệ được người dân chúng tôi như rừng đước.
Tôi còn nhớ trận lũ lớn năm 1989, khi nước dâng ngập đê, những ngôi nhà lúc đó khó trụ lại được. Trận lũ đó, nếu không có rừng đước ngăn sóng thì xóm tôi đã tan hoang. Biết tác dụng của rừng đước, người dân chúng tôi hàng chục năm nay luôn thay nhau chăm sóc, bảo vệ, ngăn chặn không cho ai đến chặt phá và cấm các gia đình thả trâu bò ăn gần đó. Đùng một cái, họ kéo đến nói làm dự án rồi tàn phá rừng đước thì ai mà không bức xúc”.
"Đây là lỗi của cả hệ thống chứ không riêng gì một đơn vị nào" : Ông Lê Đức Nhân-Phó GĐ Sở NNPTNT Hà Tĩnh nói về vụ phá rừng đước.
Ông Trần Đức Táo - Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà, cho biết dự án xây dựng ao lắng để cung cấp nước cho các hồ nuôi tôm được xây dựng thuộc tiểu khu 285, khoảnh 2 ở xã Thạch Khê. Đất này thuộc đất rừng phòng hộ và cũng là hành lang bảo vệ đê điều của tuyến đê Hữu Phủ.
“Khi chúng tôi phát hiện đã tiến hành đo đạc, kiểm tra thì họ đã đào đắp bờ ao lắng được 4,5ha. Ngay sau đó, chúng tôi đã báo cáo với UBND huyện Thạch Hà và tổ chức làm việc với Ban quản lý dự án ODA Sở NNPTNT. Sau cuộc họp đã quyết định đình chỉ thi công vì dự án đã vi phạm đê điều và đất rừng phòng hộ nên báo cáo lên UBND tỉnh xử lý”.
Theo ông Hà Văn Trà – Phó trưởng Ban quản lý dự án ODA thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh, dự án xây dựng ao lắng được được đầu tư với số vốn lên đến hơn 5 tỷ đồng. Đây là dự án phát triển nguồn lợi ven biển được xây dựng từ nguồn vốn ngân hàng thế giới. Quá trình thiết kế, khảo sát mặt bằng đều có sự tham gia của UBND xã Thạch Khê và cán bộ chuyên môn huyện Thạch Hà.
Tuy nhiên, lúc đó đại diện các cấp của địa phương cũng không ai phát hiện ra đất này thuộc rừng phòng hộ cả nên mới triển khai xây dựng. “Sai sót này là do các bên không tìm hiểu kỹ, chứ không phải chúng tôi cố tình làm và có suy nghĩ tư lợi cá nhân gì trong dự án này cả” – ông Trà phân bua.
Ông Phạm Tiến Nam – Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê, giải thích: “Dự án xây dựng ao lắng cung cấp nước cho 12 hecta hồ nuôi tôm của một số hộ dân trong xã. Đây là dự án từ nguồn vốn ODA do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là chủ đầu tư, xã Thạch Khê chỉ là đơn vị hưởng lợi nên đồng ý.
Trước khi đi vào xây dựng, chủ đầu tư cũng đã tổ chức họp thống quá trình đào đắp bờ, nếu có cây đước thì đơn vị thi công phải múc ra trồng nơi khác. Vậy nhưng, quá trình thi công dự án có một số cây đước bị chặt. Việc này đã được các cơ quan chức năng lập biên bản”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Nhân-Phó GĐ Sở NNPTNT Hà Tĩnh, nói: “Quá trình khảo sát, thi công do sơ suất, chủ quan nên chưa hoàn thiện được thủ tục. Đây là lỗi của cả hệ thống chứ không riêng gì một đơn vị nào”. Cũng theo ông Nhân, hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tạm dừng xây dựng dự án để làm rõ, kiểm điểm những đơn vị có trách nhiệm liên quan.
Dư luận người dân rất bức xúc trước việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, thế nhưng quá trình phá rừng đước để làm dự án trên đất rừng phòng hộ họ lại nói không biết. Theo một số người dân phản ánh, dự án xây dựng ao lắng quá trình họp bàn, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã không gặp gỡ, thông qua ý kiến của người dân mà cố tình “làm ngơ”, bất chấp đất lâm nghiệp để xây dựng bởi trong số 12 hecta diện tích nuôi tôm có một số hồ tôm là của cán bộ Sở nông nghiệp. (Công An TP.HCM 19/8) đầu trang(
Việc quản lý và bảo vệ rừng ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng đang vấp phải nhiều vướng mắc, tồn tại cần được tháo gỡ.
Thời gian qua, tình trạng khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn ra đáng báo động. “Lâm tặc” ngang nhiên khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng khiến dư luận hoài nghi về công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng. Có thể thấy, trong việc quản lý và bảo vệ rừng ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng đang vấp phải nhiều vướng mắc, tồn tại cần được tháo gỡ.
Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 600 hecta rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên và giao về cho các Ban quản lý, Công ty lâm nghiệp, chính quyền xã quản lý và bảo vệ. Tuy nhiên, chính vì điều này dẫn đến tình trạng rừng của chủ nào thì chủ đó tự giữ, việc phối kết hợp giữa các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng chưa chặt chẽ khiến công tác bảo vệ rừng của từng đơn vị chủ rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Được giao quản lý và bảo vệ rừng hơn 29 ngàn hecta, nhưng lực lượng quản lý mỏng khiến công tác quản lý bảo vệ rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Hiện nay, một số diện tích rừng của đơn vị quản lý chủ yếu là nhờ người dân, các cộng đồng làng quản lý thông qua nguồn quỹ dịch vụ môi trường rừng, còn lại là do đơn vị tự phân bổ cán bộ. Những diện tích giao cho cộng đồng làng bảo vệ thì không nói nhưng những diện tích rừng chưa được giao còn gặp rất nhiều khó khăn.
Quá trình truy quét mỏng do thiếu về con người và phương tiện, cộng thêm sự phối hợp giữa các lực lượng cũng chưa cao, hầu hết đơn vị tự kế hoạch để bảo vệ. Bên cạnh đó, quyền hạn và chức năng bắt giữ, lập biên bản xử lí các đối tượng phá rừng không có, khi phát hiện ra sự việc đơn vị phải bảo cáo với huyện, kiểm lâm, công an cùng phối hợp vào bắt giữ. Nhiều trường hợp khi báo cáo xong thì “lâm tặc” đã di tản khỏi hiện trường.
Trở lại những vụ phá rừng xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum cho thấy sự phối hợp tuần tra, truy quét “lâm tặc” phá rừng giữa các lực lượng chức năng với các đơn vị chủ rừng còn yếu. Đơn cử như vụ khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 502 thuộc Lâm trường Măng La (Kon Plông), hiện trường khai thác với hàng chục cây gỗ lớn bị cưa hạ nằm ngổn ngang cho thấy tính chất, mực độ khai thác của “lâm tặc” là quy mô, tuy nhiên không một lực lượng nào phát hiện ra.
Đặc biệt, hiện trường khai thác là khu rừng giáp ranh với huyện Kbang (Gia Lai), nơi đây chỉ cách chốt của lực lượng kiểm lâm của Kbang hơn 500m. Đến khi “lâm tặc” tiến hành vận chuyển gỗ lên đường lớn để di tản thì mới bị lực lượng bảo vệ rừng của Lâm trường Măng La phát hiện và tổ chức truy bắt.
Dù hàng quý, lực lượng chức năng hai huyện vẫn thực hiện các đợt họp giao ban và ký kết phối hợp lực lượng để truy bắt, truy quét “lâm tặc” phá rừng. Ngang nhiên và công khai vận chuyển gỗ qua cửa rừng, trạm kiểm soát lâm sản diễn ra trong thời gian dài tại huyện Đăk Glei nhưng vẫn không bị ngăn chặn.
Điều đáng nói tại huyện này có rất nhiều lực lượng làm công tác quản lý và bảo vệ rừng như chủ rừng, kiểm lâm, kiểm lâm cơ động, chính quyền xã… tuy nhiên, chỉ đến khi báo chí phát hiện và phản ánh thì tình trạng trên mới được chấm dứt. Qua sự việc trên có thể thấy tình trạng “rừng nhà nào thì nhà nấy tự bảo vệ” đang diễn ra phổ biến ở tỉnh Kon Tum. Các lực lượng khác phối hợp với các chủ rừng cùng tham gia truy quét, bảo vệ rừng còn mỏng khiến tình trạng phá rừng vẫn cứ tiếp diễn.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum khẳng định: Bây giờ rừng giao cho đơn vị nào thì chủ rừng chịu trách nhiệm, lực lượng kiểm lâm địa bàn chỉ có 1 người nên không thể thường xuyên phối hợp, cùng tuần tra, truy quét được với các đơn vị chủ rừng. Khi nào xảy ra điểm nóng, hay đơn vị chủ rừng có công văn yêu cầu lực lượng phối hợp thì mới cử lực lượng xuống cùng phối hợp.
Để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả, nhà nước đã thực hiện giao rừng cho các công ty lâm nghiệp chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, được giao rừng nhưng không giao quyền xử phạt, bắt giữ hay sử dụng cộng cụ hỗ trợ trong quá trình đấu tranh, truy bắt “lâm tặc”, nên tính hiệu quả trong răn đe, phòng trừ và đấu tranh với các đối tượng phá rừng không có. Nhiều công ty kiến nghị cần gắn trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn với chủ rừng. Cần thiết thì bố trí lực lượng kiểm lâm “cùng ăn, cùng ngủ” với các đơn vị chủ rừng để cùng tuần tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng phá rừng.
Ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Được giao quản lý và bảo vệ diện tích rừng lớn nhưng quyền hạn và chức năng như lập biên bản xử phạt, bắt người vi phạm đơn vị không có thẩm quyền.
Hai nữa trong quá trình truy quét thì không có công cụ hỗ trợ nên các đối tượng phá rừng sẵn sàng tấn công lại lực lượng bảo vệ. Việc bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng việc phối hợp với các lực lượng có thẩm quyền cao để truy quét, ngăn chặn ngay từ đầu các vụ vi phạm lâm luật thì không phải lúc nào cũng thực hiện được, các đơn vị không phải lúc nào cũng tham gia được.
“Để công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả thì cần phải có sự tham gia của các lực lượng chức năng có thẩm quyền cao như bắt giữ, lập biên bản, có công cụ hỗ trợ để ứng phó với các tính huống xấu nhất có thể xảy ra trong quá trình tuần tra, truy quét. Lực lượng chức năng, nhất là kiểm lâm cần bố trí người cùng ăn, ngủ với các đơn vị chủ rừng. Chỉ cần một người thôi, khi đó công tác truy quét, đấu tranh với các đối tượng phá rừng sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều” - ông Chung nhấn mạnh.
Việc quản lý và bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung không chỉ của lực lượng chức năng và là của toàn dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng ở Kon Tum đang gặp phải tỉnh trạng “mạnh ai nấy làm” khiến rừng đang ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng. Để những diện tích rừng còn lại phát triển bền vững, bên cạnh thay đổi các cơ chế, trao quyền hạn xử lý cho các công ty lâm nghiệp… thì việc gắn trách nhiệm của các lực lượng chuyên trách làm công tác bảo vệ rừng với chủ rừng là điều rất cần thiết. (Bnews 20/8) đầu trang(
Băng nhóm lâm tặc tàn phá hàng ngàn mét khối gỗ tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng vừa bị tổ công tác Bộ Công an triệt phá. Để có được chiến công này, hành trình phá án của các trinh sát không hề đơn giản…
Đại tá Võ Văn Đông, phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an, cho biết sau thời gian “nếm mật nằm gai” trinh sát, C49 phát hiện một đường dây khai thác gỗ trái phép trên địa bàn huyện Bảo Lâm nên lập chuyên án đấu tranh.
Theo các trinh sát trực tiếp tham gia phá án, nơi đặt “đại bản doanh” là vùng rừng núi hoang vu giáp ranh ba tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai - Đắk Nông thuộc tiểu khu 390, lâm trường Lộc Bắc (Lâm Đồng).
Những lán trại nằm rải rác bên sườn núi hiểm trở, sương mù bao quanh. Việc thâm nhập hang ổ của nhóm lâm tặc hết sức khó khăn bởi lực lượng cảnh giới có mặt 24/24 giờ.
Sau một thời gian điều nghiên, một kế hoạch phá án được ban chuyên án vạch ra. Một tổ trinh sát nhập vai người đi mua đất, thợ, công nhân thủy điện, kỹ sư đo đạc... tìm cách gia nhập nhóm lâm tặc, tạo mạng lưới xung quanh để hỗ trợ khi phá án.
Tài liệu trinh sát cho thấy nhóm lâm tặc này chia thành nhiều nhóm nhỏ, hoạt động rất bài bản, tinh vi. Trong đó nhóm khai thác gỗ từ trên núi cao sau đó thả xuống lòng hồ thủy điện, lợi dụng dòng nước chảy đưa đến bãi tập trung.
Một nhóm khác lặn xuống lòng hồ vớt gỗ lên, kết thành từng bè rồi cột vào các thuyền đợi sẵn. Lợi dụng đêm tối, nhóm còn lại đưa gỗ lên bờ, chất lên xe tải chờ sẵn mang đi tẩu tán. Các nhóm lâm tặc luôn mang theo hung khí và sẵn sàng “ăn thua đủ” khi gặp lực lượng chức năng.
Để triệt phá nhóm lâm tặc này, ban chuyên án phải tính toán chính xác ngày giờ, thời điểm xuất kích, bằng mọi cách bắt quả tang nhiều lâm tặc mà không ai bị thương vong. Sau nhiều lần bàn bạc, phương án tối ưu được đưa ra.
“Giờ G” được xác định là 2g sáng 8-7. Đây là thời điểm diễn ra trận bán kết bóng đá giữa Pháp - Đức, các lâm tặc sẽ bỏ gác xem bóng đá. Nếu lúc đó lực lượng phối hợp “đánh úp”, chúng sẽ không trở tay kịp.
Kế hoạch là vậy nhưng khi triển khai không dễ chút nào. Một trinh sát kể trước lúc xuất kích vài giờ, một cánh quân gồm 30 chiến sĩ đặc nhiệm của Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động cùng cảnh sát môi trường ém quân trong một xe tải, bên ngoài ngụy trang giống như xe chở hàng xuất phát từ TP.HCM và có mặt tại Lâm Đồng lúc 21g ngày 7-7.
Đến địa phận tỉnh Lâm Đồng xe đợi ngoài bìa rừng, sẵn sàng chờ lệnh xuất kích.
Khi trận cầu đang diễn ra sôi nổi, chiếc xe tải lặng lẽ lăn bánh xuống lòng hồ mà không bị ai phát hiện. Các trinh sát tản ra bao quanh. Những tiếng súng chỉ thiên vang lên trong đêm tối. Nhóm lâm tặc đang trục vớt gỗ dưới nước bị bao vây không lối thoát.
Một số lâm tặc ban đầu tỏ ra ngoan cố chống trả nhưng cuối cùng cũng chịu khuất phục. Cùng lúc, một mũi trinh sát khác áp sát các lán trại, khống chế toàn bộ số lâm tặc còn lại, thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách, hung khí...
Sau khi nghe tin lực lượng công an khống chế băng nhóm lâm tặc, nhiều người dân tự xưng người thân của họ xuất hiện xung quanh khu vực lòng hồ nghe ngóng tình hình. Lúc này chỉ có 30 cán bộ chiến sĩ giữa rừng sâu, vừa chia nhau canh giữ đối tượng vừa khai thác nóng, thu thập chứng cứ.
Rạng sáng 8-7, các trinh sát chia nhau canh giữ lâm tặc, một tổ dẫn giải lâm tặc vào rừng sâu để ghi nhận thực tế, đánh giá mức độ thiệt hại.
Để đến được hiện trường, tổ công tác phải đi xuồng ngược lên thượng nguồn rồi tiếp tục xẻ rừng hàng tiếng đồng hồ. Dù mệt mỏi, căng thẳng sau nhiều ngày mật phục nhưng khi nhìn cả một khu rừng trên trăm tuổi bị đốn hạ nằm ngổn ngang, họ lại hăng say lao vào công việc.
Lúc này tại nơi tạm giữ lâm tặc, các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát vẫn căng sức hoàn thành công việc của mình. Dù mệt mỏi, đói, khát nhưng không ai than thở. Một người dân tốt bụng nấu nồi cơm to mang sang cho anh em lót dạ. Cơm vừa bới ra thì nghe tin một lâm tặc bỏ trốn. Họ buông đũa bồng súng băng rừng theo dấu lâm tặc.
Tối cùng ngày, Công an tỉnh Lâm Đồng cùng nhiều lực lượng có mặt tại hiện trường phối hợp điều tra. Đến 22g, một bữa cơm đạm bạc được dọn lên để mọi người lót dạ, lấy sức làm việc thâu đêm. Các lâm tặc được ưu tiên ăn trước, sau đó mới tới cán bộ, chiến sĩ công an. Họ vừa ăn vội vừa tranh thủ lấy lời khai.
Thông tin khai thác đến đâu lập tức được triển khai phương án tác chiến. Một hướng hỗ trợ tỉnh Bình Phước nhận nhiệm vụ tìm ra địa chỉ, khám xét nơi mua gỗ trong đường dây lâm tặc. Một mũi trinh sát chuẩn bị lên đường kiểm tra các trại gỗ, lán trại ở các huyện lân cận...
Đến trưa, tổ công tác lên xe trực chỉ TP Bảo Lộc để kiểm tra cơ sở của một “trùm gỗ” chuyên “ăn hàng” của nhóm lâm tặc này. Xong công tác khám nghiệm, tổ công tác được phép nghỉ qua đêm tại TP Bảo Lộc lấy lại sức.
Các thành viên chưa ai chợp mắt thì nhận lệnh ngày mai phải có mặt tại một lán trại mua gỗ lậu cách đó 40km. Hành trình phá án của họ vẫn còn dài phía trước...(Tiền Phong 19/8) đầu trang(
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề do thiên tai xuất phát từ nhân tai - những kẻ phá rừng.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề do thiên tai xuất phát từ nhân tai - những kẻ phá rừng. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đóng cửa rừng, nhưng ở một số nơi rừng vẫn bị tàn phá bởi nhiều chiêu thức,...
Liên quan đến vụ tàn phá rừng vừa được phát hiện tại khu vực biên giới giữa huyện Nam Giang (Quảng Nam) và tỉnh Sê Kông (Lào), hàng chục cây pơmu quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm bị đốn hạ, tập kết chuẩn bị chở về xuôi. Đây là vụ tàn phá cây pơmu lớn nhất từ trước đến nay ở Quảng Nam khiến dư luận “dậy sóng”.
Ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả điều tra, xử lý vụ việc phá rừng, khai thác gỗ pơmu trái phép tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trước ngày 25/8/2016.
Trước đó, ngày 9/7, một người dân phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 351 gần cột mốc biên giới 717 (giáp ranh giữa huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào) có hàng trăm phách gỗ được chất đống. Nhận được thông tin, Công an huyện Nam Giang phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung đến ngay hiện trường. Tại đây, cơ quan chức năng kiểm đếm có tới 280 phách gỗ pơmu, đường kính từ 1 - 2m, chiều dài từ 2,1 - 2,2 m, khối lượng gỗ là 28m3. Đây là loại gỗ pơmu quý hiếm, thuộc nhóm 2A, còn thơm mùi gỗ mới.
Sau khi vào rừng kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, số gỗ trên được cưa hạ từ khoảnh 10, tiểu khu 351, cách Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang hơn 1.500m, riêng vị trí mà lâm tặc tập kết gỗ chỉ cách chừng 50m.
Sau khi khởi tố vụ án, ngày 16/7, Công an huyện Nam Giang đã phát hiện 115 phách gỗ pơmu (8,2 khối) bị giấu ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang và lực lượng hải quan không lý giải được về nguồn gốc số gỗ này. Tối cùng ngày, Công an huyện Nam Giang tiếp tục thu giữ 25 phách (gần 1,2 khối) giấu tại một nhà dân cũng gần khu vực cửa khẩu này.
Đến trưa 17/7, lực lượng công an lại phát hiện 2 bãi tập kết gồm 85 phách gỗ pơmu bị giấu trong bụi rậm cách trụ sở hải quan khoảng 50m và cách Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc khoảng 500m.
Liên quan tới việc công an phát hiện 115 phách gỗ pơmu trong khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, tối 19/7, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam tạm đình chỉ công tác Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang Lê Trung Thịnh để giải trình, báo cáo cụ thể, kiểm tra chi tiết, xử lý kỷ luật theo quy định.
Trong khi Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định đóng cửa rừng thì tại Nông lâm trường Bù Đốp (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước), hàng trăm héc ta rừng lại được quy hoạch để thực hiện dự án chăn nuôi. Chuyện tưởng như đùa mà lại có thật khiến dư luận không khỏi bức xúc khi rừng phòng hộ biên giới bị tàn phá nặng nề, rừng già biến thành đất trống
Tại khoảnh 1, tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp, gần 130ha diện tích rừng tự nhiên có tuổi rừng hàng trăm năm nhưng chỉ trong vòng hơn 2 tháng đã bị đốn hạ toàn bộ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần trong quy hoạch 575ha dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng tại tiểu khu 69, đã được ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phê duyệt. Chưa biết dự án sẽ mang lại hiệu quả đến đâu nhưng tổn hại trước mắt thì đã thấy rõ bởi đây là đai rừng phòng hộ đầu nguồn vô cùng quan trọng và là lá chắn bảo vệ lòng hồ thủy điện Cần Đơn mỗi khi mưa lũ về.
Ông Nguyễn Văn Ách - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cho biết: “Về chức năng phòng hộ rất là cao vì thế nếu chúng ta quy về giá trị rừng nghèo thì chúng ta sẽ đánh mất diện tích rừng phòng hộ rất lớn, do đó quy định giá trị rừng giàu nghèo không phù hợp với diện tích rừng này”.
Theo văn bản đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt vào tháng 7 mới đây, dự án “Chăn nuôi kết hợp trồng rừng” sẽ khai thác khoảng trên 575ha diện tích rừng nằm trong khoảnh 1, 2 và 3 của tiểu khu 69 thuộc Nông lâm trường Bù Đốp phục vụ cho dự án. Những diện tích rừng này được ngành chức năng quy về rừng nghèo kiệt và buộc phải chuyển đổi để phát triển kinh tế.
Trên thực tế, dù là những cánh rừng tự nhiên nghèo kiệt thì thảm thực vật tự nhiên được hình thành và tích luỹ qua hàng chục, hàng trăm năm vẫn có tác dụng sinh thủy đồng thời giảm thiểu lũ lụt, sạt lở.
Nhưng khi chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang rừng trồng hoặc phá hủy hoàn toàn cho mục tiêu phát triển kinh tế thì thảm thực vật bị biến đổi, tác động sẽ mất đi khả năng này. Trước những lo ngại và bức xúc của người dân, tình trạng phá rừng để phục vụ dự án đã tạm thời bị đình chỉ để ngành chức năng xem xét giải quyết nhưng hơn 100ha diện tích rừng đã bị phá huỷ không biết đến khi nào mới có thể phục hồi.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai xuất phát từ việc phá rừng. Trong đợt hạn hán vừa qua, nhiều địa phương trong đó có Bình Phước cũng bị thiệt hại hơn 500 tỷ đồng và Bù Đốp là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán với trên 1.200ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng.
Thế nên, nếu đai rừng phòng hộ tiếp tục bị phá hủy thì điều mà Bù Đốp phải đối mặt không chỉ là nắng hạn mà còn là sự đe doạ của nước lũ từ thượng nguồn sông Đăk Quýt mỗi khi mùa mưa lũ về, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. (Sức Khỏe Đời Sống 19/8) đầu trang(
Những năm trở lại đây, công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Kon Tum đã dựa vào sức mạnh của cộng đồng làng.
Huyện Kon Plông là địa phương còn nhiều rừng nhất của tỉnh Kon Tum. Nhiều năm qua, diện tích rừng tự nhiên nơi đây vẫn được giữ vững trước sự “càn quét ác liệt của lâm tặc”, của nạn phá rừng làm nương rẫy.
Là đơn vị quản lí rừng với diện tích lớn, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông trực tiếp quản lý, bảo vệ hơn 56.000 ha. Với diện tích rừng lớn nhưng số cán bộ làm quản lý bảo vệ rừng chỉ có vỏn vẹn 45 người nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên 5 năm qua, từ nguồn quỹ DVMTR, đơn vị đã có kinh phí tiến hành giao khoán rừng cho các hộ dân, cộng đồng thôn, làng trên địa bàn các xã Đăk Long, Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút với diện tích gần 21.000 ha. Nhờ sự bảo vệ tích cực của hơn 660 hộ gia đình, cá nhân; 7 cộng đồng dân cư thôn, nhóm hộ (269 hộ) nên những cánh rừng ở đây luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Vũ Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông cho biết: “Đơn vị được giao quản lý diện tích rừng rất lớn trong khi cán bộ làm công tác quản lý rừng mỏng, nếu không có sự đóng góp của các cộng đồng thôn, làng trong việc giữ rừng thì rất khó để quản lý và bảo vệ. Từ khi giao rừng cho cộng đồng thôn, làng quản lý thì tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản giảm rõ rệt. Người trong làng đều ý thức được việc giữ rừng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Có thể khẳng định những diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đều được bảo vệ rất tốt, còn những diện tích nào chưa giao khoán thì đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ”.
Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng để quản lý và bảo vệ năm sau cao hơn năm trước. Diện tích ừng do Nhà nước giao khoán cho Kon Tum đến năm 2015 là 45.204,43 ha với hơn 3.642 hộ, 22 cộng đồng, dân cư thôn.
Nhờ nhận khoán và bảo vệ rừng mà nhiều gia đình đã có mức thu nhập trên 4 triệu đồng/hộ/năm, 18 triệu đồng/cộng đồng/năm. Đây được xem là nguồn thu tương đối lớn so với thu nhập của các hộ gia đình sống trong rừng và gần rừng.
Số hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng từ các chủ rừng là tổ chức cũng tăng cao theo từng năm. Từ năm 2011 - 2015, đã có gần 157.400 ha rừng được giao cho hơn 5.000, 73 cộng đồng, dân cư thôn và 30 nhóm hộ nhận khoán. Từ nguồn quỹ chi trả DVMTR, nhiều gia đình đã có mức thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 143 triệu đồng/cộng đồng/năm; nhóm hộ khoảng 21 triệu đồng/nhóm hộ/năm.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà đang quản lý và bảo vệ hơn 21.000 ha rừng, nhưng có tới hơn một nửa diện tích này được giao khoán cho 449 hộ gia đình. Vì khi xảy ra cháy rừng, hay truy quét “lâm tặc” việc huy động lực lượng tham gia giữ rừng lại rất khó khăn nên từ năm 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà chuyển sang giao khoán cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Xuân Linh, Trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà cho biết: “Giao rừng cho cộng đồng quản lý có lợi thế là khi huy động lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng sẽ dễ dàng, mạnh hơn. Cụ thể, trong một khu rừng, sẽ có nhiều thôn, làng cùng sinh sống, khi xảy ra cháy rừng hay truy bắt các đối tượng phá rừng có thể huy động được nhiều thôn, làng cùng tham gia, dù các thôn, làng đó không được giao khoán. Vì tính cộng đồng trong đời sống người đồng bào rất khăng khít, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau rất cao. Khi giao rừng cho cộng đồng, trách nhiệm giữ rừng là của toàn dân”, ông Linh cho biết thêm.
Có thể thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại Kon Tum, từ nguồn quỹ này đã có hàng ngàn người dân, cộng đồng làng, các công ty lâm nghiệp, tổ chức được hưởng lợi. Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Các chủ rừng được giao quản lý bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, giám sát bảo vệ và phát triển rừng, số vụ vi phạm lâm luật đã giảm rõ rệt. Số vụ phá rừng trái phép từ 528 vụ (năm 2014) giảm còn 33 vụ (năm 2015); diện tích rừng bị phá từ 84,30 ha (năm 2014) giảm còn 8,8 ha (năm 2015, giảm 75,50 ha); số vụ khai thác rừng trái phép giảm từ 153 vụ còn 46 vụ (giảm 107 vụ so với năm 2014). (Tin Tức Cuối Tuần 18-24/8) đầu trang(
Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái được trang bị 50 khẩu súng AK, 55 khẩu súng K59, 118 khẩu súng bắn đạn hơi cay, đạn cao su và nhiều công cụ hỗ trợ khác theo qui định của pháp luật.
Sau khi nhận được thông tin về vụ nổ súng có liên quan đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái và nắm tình hình, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) đã báo cáo sự việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn xin ý kiến chỉ đạo.
Theo báo cáo, khoảng 7h45 ngày 18/8, ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã dùng súng bắn 2 cán bộ lãnh đạo tỉnh Yên Bái tại phòng làm việc của ông Phạm Duy Cường, Bí thư tỉnh ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Yên Bái; sau đó ông Minh đã tự sát. Vụ việc đang được các cơ quan pháp luật điều tra làm rõ.
Ngoài ra, nội dung báo cáo còn nói đến số vũ khí và công cụ hỗ trợ mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái được trang bị theo qui định của pháp luật để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, cụ thể gồm: Súng tiểu liên AK: 50 khẩu, Súng K59: 55 khẩu, Súng điện: 4 khẩu, Súng bắn đạn hơi cay, cao su: 118 khẩu, Dùi cui cao su: 79 cái , Dùi cui điện: 98 cái, Bình xịt cay: 91 bình, Còng số 8: 83 bộ, Áo chống đạn: 38 cái, Mũ chống đập: 38 cái.
Liên quan đến qui định về trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm, ông Trương Tất Bạt - Trưởng phòng Tổ chức và Xây dựng lực lượng thuộc Cục Kiểm lâm – cho biết: “Về loại vũ khí và công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng kiểm lâm đều theo quy định của pháp luật. Khi nào được sử dụng cũng như công tác tập huấn sử dụng đều nằm trong các văn bản pháp luật của nhà nước, các quy định đều rất chặt chẽ. Trường hợp như ở Yên Bái là chưa từng có tiền lệ, Cục cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ vụ việc này”.
Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 7h sáng 18/8, trước kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Yên Bái, Bí thư Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND tỉnh Ngô Ngọc Tuấn có mặt tại phòng làm việc của 2 ông để chuẩn bị khai mạc kỳ họp.
Lúc này, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái Đỗ Cường Minh đẩy cửa vào phòng ông Phạm Duy Cường, rút súng mang theo người bắn vào Bí thư Tỉnh ủy. Sau đó, ông Đỗ Cường Minh đóng cửa phòng ông Cường, quay sang phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, tiếp tục nổ súng vào ông Tuấn.
Ngay sau khi nổ súng vào 2 lãnh đạo tỉnh, Đỗ Cường Minh tự bắn vào đầu mình tự sát. Cả nạn nhân và nghi phạm đều được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái để tiến hành cấp cứu. Do vết thương quá nặng, cả 3 đều tử vong.
Mặc dù người gây án đã chết nhưng Công an tỉnh Yên Bái vẫn ra quyết định khởi tố vụ án giết người để điều tra, xác minh động cơ gây án và các vấn đề liên quan đến vụ việc.
Theo Nghị định 25/2012 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì lực lượng Kiểm lâm được trang bị vũ khí quân dụng gồm súng ngắn, súng tiểu liên và các loại đạn dùng cho các loại súng này.
Còn theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BNNPTNT-BCA ngày 22-1-2014 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công an Quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công vụ hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách, cho thấy kiểm lâm được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên và các loại công cụ hỗ trợ khác như dùi cui điện, dùi cui cao su, áo giáp, mũ chống đạn, găng tay bắt dao, khóa số 8, động vật nghiệp vụ.
Còn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được trang bị công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, dùi cui cao su, phương tiện xịt hơi cay, áo giáp, găng bắt dao, mũ chống đạn.
Thông tư liên tịch quy định đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hạt Kiểm lâm huyện, quận, thị xã, thành phố, Hạt Kiểm lâm vườn quốc gia, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị kể trên có trách nhiệm giao vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cán bộ kiểm lâm có đủ tiêu chuẩn theo quy định để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, truy quét các tụ điểm khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của pháp luật.
Người đứng đầu các đơn vị có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm giao công cụ hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách có đủ tiêu chuẩn để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm đáp ứng điều kiện quy định, được huấn luyện chuyên môn, được cơ quan công an cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí thì được giao vũ khí. Họ chỉ được sử dụng vũ khí để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, truy quét các tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép.
Thông tư liên tịch này cũng quy định, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải được quản lý, bảo quản tập trung tại kho của đơn vị, giao nhận vũ khí phải có sổ sách. Cán bộ kiểm lâm được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản vũ khí, khi kết thúc nhiệm vụ, hết thời hạn được giao, thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu…, phải bàn giao vũ khí cho cơ quan.
Quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, thông tư liên tịch này quy định người được giao sử dụng vũ khí quân dụng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc nổ súng phải tuân thủ quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Điều 9 Nghị định 25/2012/NĐ-CP và các quy định hiện hành khác của pháp luật về sử dụng vũ khi khi thi hành công vụ. (Dân Trí 19/8) đầu trang(
Liên quan đến vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tỉnh ủy Yên Bái hôm 18/8. Cơ quan công an điều tra đã xác định nghi can chính bắn chết ông Phạm Duy Cường (Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) và ông Ngô Ngọc Tuấn (Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) là Đỗ Cường Minh - Chi cục trưởng Kiểm lâm Yên Bái, tuy nhiên nghi can đã tự sát ngay sau đó. Dù cả nạn nhân và nghi phạm đã chết, cơ quan công an vẫn khởi tố điều tra nguyên nhân gây án và các tình tiết liên quan.
Liên quan tới lý lịch của Đỗ Cường Minh, trong bản báo cáo của Cục Kiểm lâm gửi lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, ông Đỗ Cường Minh sinh năm 1963 và không phải là dân Kiểm lâm “nòi”. Năm 1983, ông công tác tại Xí nghiệp đầu máy Hà – Lào. Năm 1986, ông chuyển về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hoàng Liên Sơn và tiếp tục theo học trường Công nhân kỹ thuật Truyền thanh - Truyền hình tỉnh Hà Nam Ninh từ năm 1987 đến năm 1990.
Đến năm 1996, ông Minh chuyển sang công tác tại Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, biên chế tại Trạm kiểm lâm 16. Đến tháng 9/2001, ông Minh vào Đảng và đến tháng 6/2008, ông được bổ nhiệm làm Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái. Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái.
Nguyên nhân dẫn đến hành động của ông Minh được nhiều người cho rằng có thể xuất phát từ việc phân bổ nhân lực, tuy nhiên trả lời trong buổi họp báo ngày 18/8, bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết tỉnh chưa có quyết định gì cụ thể, bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đã gặp ông Minh để làm tư tưởng.
Bà Trà cho biết thêm, ông Minh là một người hiền lành và luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao chứ không cậy thế là con của nguyên một lãnh đạo tỉnh. Trong cuộc sống gia đình và đối nhân xử thế, ông Minh cũng không có điều tiếng gì.
“Có thể do giây phút không làm chủ được bản thân nên có những suy nghĩ, biểu hiện cực đoan dẫn tới manh động như vậy”, bà Trà cho biết thêm.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, sáng 18/8, trước thời điểm khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh Yên Bái, khoảng 7h, đối tượng Đỗ Cường Minh đã đến phòng làm việc ông Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái dùng súng quân dụng K59được trang bị, bắn Bí thư và sau đó di chuyển sang phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, cách phòng ông Cường khoảng 150m để bắn ông này.
Sau khi bắn hai người, đối tượng Minh đã tự sát tại phòng ông Tuấn. Cả ba lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đến 13h05 ngày 18/8, ông Phạm Duy Cường và Ngô Ngọc Tuấn đã tử vong. Đối tượng Đỗ Cường Minh cũng tử vong sau đó, vào lúc 15h26' cùng ngày. (Giao Thông 21/8) đầu trang(
Ngày 21/8, ông Trịnh Quyết Tiến, quyền Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham cho biết Công huyện Sơn Hà đang điều tra, xử lý nhóm lâm tặc nổ súng tự chế đe dọa, uy hiếp cán bộ Ban quản lý cùng một số người dân trong lúc tuần tra, bảo vệ rừng.
Theo ông Tiến, vài ngày trước, hai thanh niên bất ngờ xông vào lán trại của nhóm hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ ở Tiểu khu 22, thôn Làng Ghè (xã Sơn Linh, huyện vùng cao Sơn Hà) dùng súng tự chế uy hiếp.
"Hai người hung hãn, lăm lăm trên tay hai khẩu súng tự chế xông vào lán trại hăm dọa nhóm hộ dân bảo vệ rừng. Ba ngày sau, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham phối hợp với bà con tuần tra khu vực này thì nghe từ trong bụi rậm phát ra tiếng súng nổ đùng đùng khiến ai cũng phát hoảng", cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham thuật lại.
Ông Tiến cũng cho hay, nhiều lần cán bộ của Ban quản lý đi tuần tra bị nhóm lâm tặc mở van xì lốp hoặc đổ cát vào nhớt, bình xăng cho xe "chết máy".
Hiện Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham phối hợp với khoảng 1.100 hộ dân nhận khoán bảo vệ hơn 30.000 ha rừng phòng hộ ở huyện vùng cao Sơn Hà và Sơn Tây. Trước nạn phá rừng ngày càng tinh vi, vài năm gần đây, diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn nơi đây bị liên tục bị xâm hại. (Zing News 21/8) đầu trang(
Tờ National Geographic ngày 5/8 vừa qua có bài viết nói về việc lực lượng chức năng của Việt Nam năm 2014 đã thu giữ 7.000 con rùa biển chết và cho rằng cho đến nay người đứng sau vụ việc này vẫn chưa bị bắt giữ.
Ông K không bao giờ tưởng tượng được rằng tình hình lại tồi tệ đến mức đó. Trong suốt 3 năm ông đã cùng một nhóm đồng nghiệp tiến hành một cuộc điều tra ngầm về hoạt động buôn bán rùa biển ở Việt Nam. Những nỗ lực của cả nhóm cuối cũng đã đưa đến những tin báo quan trọng.
Chính những thông tin đó đã đưa ông tới cửa 3 nhà kho ở một vùng nông thôn ngoại ô Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 250km về phía Đông Bắc.
Khi cảnh sát giật mạnh cánh cửa ở một những nhà kho đó, thứ đầu tiên mà ông K cảm nhận được là mùi: mùi nồng nặc của nhiều loại hóa chất trộn với nhau, pha quện với mùi hôi thối của xác chết. Điều thứ 2 mà ông K nhận thấy chính là những con rùa biển – hàng nghìn con vật đang có nguy cơ tuyệt chủng này được xếp chồng lên nhau cao đến tận nóc nhà. 2 nhà kho khác cũng có chung cảnh tượng như vậy.
“Tôi thực sự bị sốc khi nhìn thấy có quá nhiều rùa biển như vậy. Điều này thật điên rồ” – ông K kể lại.
Trong cuộc đột kích thứ 2 nhằm vào một trang trại ở gần 3 nhà kho nói trên được tiến hành sau đó một tháng, cảnh sát thậm chí còn phát hiện được nhiều rùa chết hơn. Tổng cộng đã có khoảng 7.000 con rùa được phát hiện tại các nhà kho – là vụ thu giữ lượng rùa biển buôn lậu lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Trong đó, đồi mồi chiếm phần lớn. Hầu hết chúng đã bị lột da nhồi trấu hoàn toàn hoặc 1 phần để chuẩn bị bán sang Trung Quốc.
Sự kiện nói trên xảy ra vào tháng 11/2014 nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa bắt giữ hay truy tố bất cứ cá nhân nào về vụ việc dù kết quả điều tra của nhóm ông K cho thấy có bằng chứng chứng minh một doanh nhân giàu có ở địa phương là người chủ mưu trong vụ phạm tội.
Sau nhiều tháng và sau đó có thể sẽ là nhiều năm, vụ việc này vẫn tiếp tục trì trệ, khiến các nhà bảo tồn động vật hoang dã cho rằng vụ việc này chính là điển hình cho thấy sự thất bại của Việt Nam trong việc xử trí nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Ông Douglas Hendrie, cố vấn kỹ thuật của nhóm phi lợi nhuận Giáo dục tự nhiên Việt Nam (ENV) có trụ sở tại Hà Nội – đơn vị dẫn đầu cuộc điều tra và là cơ quan ông K làm việc ở thời điểm đó – nói: “Anh có thể xâm nhập vào những mắt xích ở cấp trung và cấp thấp nhưng sẽ không thể tác động được đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã nếu không vạch ra được những người đứng sau hoạt động này”.
Việt Nam là một mắt xích chính trong hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên thế giới, giữ vai trò là nước cung cấp, tiêu thụ và trung chuyển các sản phẩm động vật được buôn bán bất hợp pháp từ các nước ở khu vực Đông Nam Á tới Trung Quốc.
Vào cuối năm 2014, rùa biển được đưa vào danh sách các loài động vật được bảo vệ hoàn toàn của Việt Nam, cùng với các loài như hổ, voi, gấu và tê tê. Theo quy định của luật pháp Việt Nam, việc buôn bán bất kỳ loài nào trong số các loài trên đều là hành vi phạm tội hình sự, dẫn đến việc bị truy tố ngay lập tức và có khung hình phạt tối đa là 7 năm tù.
Ông K bắt đầu tham gia vào vụ việc rùa biển từ năm 2011, khi một tàu cá được đăng ký ở Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển của Philippines và giới chức nước này khi khám xét đã phát hiện khoảng 200 con rùa đã chết trên tàu.
Trong những tháng sau đó, một số tàu tương tự cũng đã xuất hiện ở Việt Nam và Philippines. Tất cả những tàu này đều chở rùa biển đã chết và được đăng ký ở Sa Kỳ, một cảng biển ở tỉnh Quảng Ngãi thuộc miền Trung Việt Nam.
Vì vậy nên ông K đã tìm đường tới tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, ông và các đồng nghiệp thuộc nhóm ENV đã đóng giả là những người mua hàng, bán hàng tiềm năng hay các sinh viên đang tiến hành nghiên cứu khoa học để hỏi người dân xung quanh đó về rùa biển. Kết quả là, họ phát hiện ra rằng ở đó có một nhóm thợ chuyên biệt, chuyên nhắm đến những con rùa biển và sau đó họ đem bán cho những thương lái ở chợ đen.
Thay vì ngay lập tức báo tin cho nhà chức trách và khuyến khích họ khởi tố những người săn bắt trộm rùa ở cấp thấp và những người trung gian, ông K đã bắt đầu tìm kiếm một người ở cấp cao hơn trong chuỗi cung ứng thực phẩm đó, một người mà ông cho là lái buôn cao cấp, được những lái buôn ở cấp thấp và nhiều người khác có miêu tả chính là người đứng sau hoạt động săn bắt và buôn bán trái phép ở Quảng Ngãi và nhiều nơi khác.
Khi National Geographic liên hệ với người lái buôn này qua điện thoại, ông ta trả lời rằng ông ta không biết gì về vụ thu giữ rùa biển. “Anh đang nói những điều thật vô lý” – người này nhấn mạnh trước khi cúp máy.
Nhưng ông K và các đồng nghiệp tại ENV khẳng định bằng chứng từ hàng chục nguồn tin khác nhau đều cho thấy người đàn ông đó có liên quan đến vụ phạm tội, đặc biệt người này cũng có tiền sử từng tham gia một số hoạt động có liên quan đến rùa biển. Ví dụ, năm 2009, giới chức Việt Nam đã thu giữ gần 850 con rùa sống từ một trang trại cá ở Nha Trang và chính lái buôn này đã bị phạt hành chính 10 triệu VND.
Ông K cho hay một số nguồn tin địa phương xác nhận sự liên quan của lái buôn tới hoạt động buôn bán rùa biển, trong đó có những nguồn tin cho biết những nhà kho thực chất là của ông ta và rằng ông ta là một người mua rùa biển có tiếng ở địa phương. Ông Bùi Cao Pháp – Phó chủ tịch xã nơi có những nhà kho – cũng xác nhận các nhà kho thuộc sở hữu của người này.
Sau các vụ phát hiện năm 2014, một người đàn ông địa phương tên Hoàng Tuấn Hải đã ra đầu thú và nhận trách nhiệm về vụ phạm tội nhưng ông Hendrie và ông K đều cho rằng ông Hải – một cấp dưới – thực chất muốn bảo vệ người đứng đầu của đường dây. Dù vậy nhưng ngay cả ông Hải cũng vẫn không bị bắt giữ hay truy tố và dường như giới chức Việt Nam không điều tra thêm về sự liên quan của những người khác đến vụ việc này.
“Đã 2 năm trôi qua nhưng tôi nghĩ rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài mãi” – ông K nhận định.
Vụ thu giữ năm 2014 được truyền thông Việt Nam đưa tin rộng rãi và cả báo chí quốc tế cũng thông tin. Theo ông Hendrie, Chính phủ Việt Nam khi đó dường như đã rất tích cực trong việc khởi tố vụ việc. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa khởi tố bất cứ đối tượng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở cấp cao nào dù những người “yếu” hơn như những kẻ săn bắn trộm, buôn lậu và môi giới vẫn thường xuyên bị bắt và bị trừng phạt.
Theo bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV, khi được hỏi về vụ việc năm 2014, đại diện của tỉnh Khánh Hòa khẳng định vẫn đang theo đuổi cuộc điều tra và nói rằng việc chậm trễ là do những khó khăn trong việc áp dụng luật như họ trình bày trong một công văn gửi Bộ Công an Việt Nam năm 2015 cho đến việc có sự nhầm lẫn trong việc xác định chủng loại rùa.
Dù vậy nhưng bà Hà xác nhận các đại diện ở các cấp cao hơn, bao gồm ở khu vực và chính phủ ở trung ương, đều đã gửi thư thúc giục giới chức tỉnh Khánh Hòa tiến hành khởi tố vụ việc.  (Pháp Luật Việt Nam 21/8) đầu trang(
Chiều 19-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết lực lượng chức năng và người dân đã xua đuổi được đàn voi về lại rừng sau khi tàn phá nhiều diện tích cây trồng của người dân buôn Đrăng Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).
“Hiện nay, khu vực này có nhiều loại cây hoa màu sắp cho thu hoạch, là thức ăn mà voi yêu thích nên dự báo đàn voi sẽ tiếp tục quay lại. Do đó, trung tâm vẫn cắt cử một tổ xua đuổi voi túc trực tại khu vực này để hạn chế thiệt hại cho người dân” – ông Luân nói.
Trước đó, trong 2 ngày 17 và 18-8, một đàn voi rừng khoảng 20 con đã kéo về kiếm thức ăn, phá hoại nhiều diện tích cây trồng của người dân buôn Đrăng Phốk.
Phát hiện đàn voi, người dân trong buôn đã tổ chức đánh chiêng trống, đốt lửa xua đuổi nhưng đàn voi hung dữ, lì lợm không chịu vào rừng.
Nhận được tin báo, ngày 19-8, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức xua đuổi đàn voi trở lại rừng. Theo thống kê, đàn voi đã ăn, phá nát hoàn toàn khoảng 10 ha mía, bắp và một số loại cây trồng khác. (Người Lao Động 20/8) đầu trang(
Chiều 19/8, ông Nguyễn Công Tường, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, đơn vị vừa bàn giao cá thể vượn đen má trắng quý hiếm nặng khoảng 3kg cho Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng nguy cấp thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương
Cá thể vượn đen má trắng nằm trong danh mục loài quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trước đó, vào ngày 15/8, hộ gia đình Phạm Thị Tự (51 tuổi, thôn Đắk Pơ Trang, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) đã mang cá thể vượn này đến bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông để có phương án bảo tồn.
Cá thể vượn này được bà Tự phát hiện vào năm 2013, khi bà đi rẫy. Lúc phát hiện, cá thể vượn còn nhỏ, bị cụt 2 ngón tay phải. Bà Tự đem về nuôi dưỡng từ đó cho đến lúc bàn giao cho kiểm lâm.
Sau khi tiếp nhận, Hạt kiểm lâm đã báo cáo vụ việc với Chi cục kiểm lâm để tìm đơn vị có chức năng là Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Vườn quốc gia Cúc Phương để có phương án cứu hộ, nuôi dưỡng. (Đại Đoàn Kết 20/8) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành quy định về mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của doanh nghiệp thủy sản cho các tổ chức và cá nhân có rừng, trong việc thực hiện thí điểm về nuôi tôm - rừng có chứng nhận quốc tế trên địa bàn tỉnh.
Quy định này áp dụng đối với việc nuôi tôm trong rừng phòng hộ (trừ rừng phòng hộ rất xung yếu), rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo quy định về quản lý rừng. Đồng thời, áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác có liên quan đến nuôi tôm - rừng có chứng nhận quốc tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo đó, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bình quân đối với hộ dân tối thiểu 500.000 đồng/ha trong một năm cho diện tích có rừng ngập mặn trong hợp đồng khoán bảo vệ rừng giữa tổ chức chủ rừng và hộ dân. Hộ dân được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng sau khi đã bán cho doanh nghiệp tối thiểu 40 kg tôm đạt tiêu chuẩn quốc tế trên một ha trên tổng diện tích được khoán, bao gồm cả rừng và mặt nước.
Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bình quân đối với đối với tổ chức giữ rừng tối thiểu là 1.000 đồng/1kg tôm đạt tiêu chuẩn quốc tế mà doanh nghiệp đã thu mua của hộ dân.
Doanh nghiệp thủy sản chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hai lần trong một năm, lần đầu vào giữa tháng 6 sau khi đã mua được tối thiểu 20 kg tôm và lần thứ hai vào giữa tháng 12 sau khi đã mua đủ tối thiểu 40 kg tôm.
Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của doanh nghiệp thủy sản cho hộ dân và tổ chức chủ rừng sẽ chấm dứt sau khi không còn hộ dân nào hợp đồng nuôi tôm - rừng có chứng nhận quốc tế với doanh nghiệp thủy sản. (Tài Nguyên Và Môi Trường 19/8) đầu trang(
Ngày 18-8, tại huyện Hàm Yên, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Hàm Yên về giải pháp quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Dự buổi làm việc có đại diện các công ty lâm nghiệp, UBND một số xã, thị trấn.
Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Yên, tổng diện tích đất Lâm nghiệp mà 3 Công ty Lâm nghiệp gồm: Tân Thành, Tân Phong, Hàm Yên và Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm cây nguyên liệu giấy Hàm Yên đã bàn giao cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện quản lý là trên 7.785 ha.
Trong đó, các xã, thị trấn đã lập và hoàn thiện phương án đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 498 hộ, diện tích 429,89 ha. Diện tích đất các công ty Lâm nghiệp cho thuê là 7.682,7 ha, trong đó Công ty lâm nghiệp Tân Phong 2.285,96 ha; Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên 3.118,36 ha; Công ty Lâm nghiệp Tân Thành 2.246,01 ha.
Tuy nhiên một số diện tích đất lâm nghiệp của các công ty lâm nghiệp này đang bị lấn chiếm với diện tích hơn 523,7 ha, tập trung nhiều tại các xã như: Minh Hương, Yên Phú, Yên Lâm, Hùng Đức, thị trấn Tân Yên.
Tại buổi làm việc, đại diện các công ty lâm nghiệp và các xã, thị trấn đã thảo luận, nêu một số tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn. Trong đó sự phối hợp giữa các công ty lâm nghiệp với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; diện tích bàn giao chưa được đo đạc chi tiết; hợp đồng giữa các công ty lâm nghiệp với các hộ dân chưa được thanh lý dứt điểm dẫn đến lấn chiếm, tranh chấp; có diện tích đất lâm nghiệp bàn giao cho xã, thị trấn quản lý nhỏ và manh mún, không đảm bảo đủ diện tích sản xuất...
Kết luận buổi làm việc, Thường trực Huyện ủy Hàm Yên và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thống nhất xây dựng quy chế phối hợp giữa Huyện ủy với Đảng ủy và các công ty lâm nghiệp trên địa bàn về việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp.
Đồng thời, thống nhất với các công ty lâm nghiệp thực hiện các giải pháp tháo gỡ những tồn tại, hạn chế đã nêu như: Phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở trong việc rà soát, đo đạc, cắm mốc giới lại diện tích đất lâm nghiệp đã bàn giao cho các xã, thị trấn; rà soát lại diện tích đã bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc phát hiện và xử lý tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích ngay từ đầu để có phương án giải quyết phù hợp; quan tâm, chăm lo đời sống người trồng rừng; hạn chế khâu trung gian trong thu mua nguyên liệu giấy... (Báo Tuyên Quang 19/8) đầu trang(
Theo ông Nguyễn Văn Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, việc đóng cửa rừng tự nhiên, hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chính quyền là việc làm quan trọng nhất hiện nay.
Từ thực trạng của rừng tự nhiên Tây Nguyên thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên nơi đây; đồng thời, nhanh chóng rà soát, kiểm tra để có những điều chỉnh hợp lý bảo vệ diện tích rừng tự nhiên còn lại của cả nước nói chung.
Tổng cục Lâm nghiệp hoàn toàn ủng hộ quan điểm này bởi cho đến thời điểm này, chúng ta phải lưu ý tới sự phát triển bền vững, tới yếu tố xanh trong phát triển kinh tế - xã hội. “Giờ không thể khai thác tận dụng như trước nữa”- Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Hà nói.
Thời gian qua, rừng tự nhiên bị suy giảm và mất dần do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến áp lực về sinh kế của người dân, việc xây dựng các công trình khai thác thủy điện cùng nhiều dự án đường sá, thậm chí là tình trạng chặt phá rừng lấy gỗ…
Tổng cục Lâm nghiệp cũng xác định rõ ràng rằng, đóng cửa rừng tự nhiên là cần thiết và hoàn toàn hợp lý, bởi điều này sẽ giúp giữ diện tích rừng tự nhiên, giữ lại đa dạng sinh học, sinh thái của rừng tự nhiên  mà phải hàng trăm, hàng nghìn năm mới có được.
Đồng quan điểm này, chuyên gia môi trường và xã hội Phạm Quang Tú cho rằng, đóng cửa rừng tự nhiên không chỉ đối với Tây Nguyên mà đối với phạm vi cả nước trong bối cảnh hiện nay là việc nên làm. “Tôi đồng ý với các ý kiến chuyên gia là đáng lẽ việc này, Việt Nam nên làm từ lâu và thực tế ra, chúng ta đã có chủ trương như vậy từ những năm trước đây nhưng không thực hiện được” – ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh.
"Thực tế, chất lượng rừng của chúng ta đang bị giảm sút nghiêm trọng. Rất nhiều khu rừng tự nhiên, các khu bảo tồn, các vườn quốc gia xuống cấp và thiếu hụt. Điều này sẽ càng rõ nét hơn khi chúng ta quan sát rừng từ trên cao xuống" - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cảnh báo.
Chuyên gia Phạm Quang Tú cho rằng, dưới góc độ của lâm sinh học, nhiều người sẽ vin vào cớ cây đến tuổi mà mình không khai thác thì tự nó cũng bị mất đi nên nếu không khai thác, vô hình trung sẽ rất lãng phí.
“Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận trong một thời điểm nhất định có lãng phí đó để đạt được mục tiêu dài hơi hơn vì biến đổi khí hậu đang tác động rất mạnh mẽ rồi. Chỉ có rừng, với vai trò là lá phổi xanh sẽ là nơi chắn giữ thiên tai bão lũ hiệu quả nhất” – ông Phạm Quang Tú nói.
"Khi đóng cửa rừng, người ta vẫn phải tiến hành những biện pháp tác động vào rừng, chẳng hạn như: Đối với những rừng tự nhiên nhưng do khai thác khá kiệt quệ thì ngoài việc bảo vệ để nó phát triển lên thì vẫn phải chăm sóc. Ngành lâm nghiệp thường có biện pháp làm rào rừng, chăm sóc, bổ sung cây… Thậm chí, việc đóng cửa rừng còn tác động theo hướng tích cực khá lớn đối với sinh kế của người dân. Bởi nếu bảo vệ được sinh thái rừng tự nhiên thì các sản phẩm ngoài gỗ (măng, tre, nấm, nứa lá…) có môi trường để phát triển tốt hơn. Có nghĩa là lợi nhuận của các sản phẩm ngoài gỗ sẽ tăng lên nhiều hơn" – ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh.
Bảo vệ rừng tự nhiên hiện nay quả thực rất cấp thiết vì nó liên quan tới nguồn nước, tới “là phổi xanh”, tới lá chắn chống bão lũ và xói mòn… Về nguyên tắc, đóng cửa rừng cũng không phải đóng vĩnh viễn. Đến một thời điểm nào đó, chúng ta vẫn phải mở cửa, khai thác và khai thác theo chu kỳ, theo vòng đời, vòng sinh thái của rừng. 10 năm có thể là một chu kỳ tốt đối với sự sinh trưởng của cây xanh. Và căn cứ vào đó có thể xem xét đóng cửa rừng hoàn toàn trong 10 năm rồi tiếp tục cân nhắc, quy hoạch, khai thác hợp lý.
Đóng cửa rừng tự nhiên cũng sẽ thúc đẩy tốt hơn chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REED+) cũng như chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES).  Đồng quan điểm này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung khẳng định, khai thác, phát triển hay bảo vệ, gìn giữ rừng như thế nào phụ thuộc vào các góc nhìn của các nhà quản lý: ưu tiên góc nhìn nào trong các khía cạnh về kinh tế, lâm sinh, môi trường. Do đó, theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ xác định lâm nghiệp thuộc lĩnh vực nào để có những điều chỉnh chính sách phù hợp. “Vấn đề chính là do con người, nhận thức thế nào thì sẽ tổ chức như thế đó”- GS Lung nói.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, tác động của việc mất rừng, suy giảm rừng cộng với biến đổi khí hậu đang đưa ra rất nhiều cảnh báo để các nhà hoạch định chính sách cần thiết phải có những điều chỉnh kịp thời, thực sự vì sự phát triển bền vững của môi trường.
Rừng đang "kêu cứu" và đây là lúc con người cần hành động để cứu giúp lấy nguồn sống của chính mình! (Đảng Cộng Sản Việt Nam 19/8) đầu trang(
Tỉnh Quảng Ninh có 250 km bờ biển, với diện tích rừng ngập mặn khá lớn nhưng nhiều nơi bị tàn phá nặng nề, không còn là những lá chắn vững chắc bảo vệ hệ thống đê ven biển trong mùa mưa bão, nơi cư trú của nhiều loài thủy sản và chim biển. Xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên đã có nhiều cách làm tích cực, hiệu quả để khôi phục, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn.
Đi dọc con đê thôn Hạ, thôn Bốn ngắm nhìn những cây sú, cây đước, cây đâng, xanh ngát đan xen, khoe tán che kín mặt nước, không ai nghĩ vào những năm 90 của thế kỷ trước, Đồng Rui lao đao vì những cánh rừng ngập mặn bị tàn phá do thuê đất lấn biển, đào đất, đắp đầm nuôi tôm của người dân. Chỉ trong thời gian ngắn, 1.700 ha rừng ngập mặn đã bị chặt phá.
Nhưng do làm ăn kém hiệu quả, thất bát, các chủ đầu tư cũng bỏ dở việc khai thác, nuôi trồng thủy sản, khiến rừng ngập mặn bị bỏ hoang, các vùng bãi biển trở nên nghèo kiệt. Mất rừng, nhiều loài hải sâm, chim thú không còn nơi cư trú, đất biển hoang hóa, làm thay đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Quang Hải phân trần với chúng tôi: Đó là bài học xương máu. Song nhờ sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh, huyện và các ngành liên quan, sự chung tay góp sức của nhân dân xã, và sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các cơ quan như: Tổ chức KVT (Hà Lan), ACTMANG (Nhật Bản), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Trung tâm nghiên cứu tài nguyên môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Chương trình FGP - PTE (EC/UNDP) cũng đã cử nhiều đoàn chuyên gia, cán bộ, các nhà khoa học, dành nhiều thời gian nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, giúp xã trồng mới hàng trăm ha rừng ngập mặn. Xã đã xây dựng được quy chế bảo vệ rừng, thành lập Ban điều hành phụ trách chung toàn xã, thành lập bốn ban quản lý rừng ngập mặn ở bốn thôn, chấm dứt tình trạng đào đắp, chặt phá cây rừng lấy chỗ để nuôi trồng thủy sản cũng như chặt cây về làm củi đun nấu.
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hải cho biết: Từ năm 2005 trở lại đây, Đồng Rui đã phục hồi hơn 1.200 ha rừng ngập mặn bị tàn phá, đẩy mạnh mô hình quản lý rừng cộng đồng, giao diện tích rừng cho từng thôn trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác cho nên ý thức người dân được nâng lên.
Rừng ngập mặn được phục hồi, phát triển trở thành môi trường tốt cho các loài thủy hải sản cư trú, sinh sôi, phát triển và trở thành nguồn thu nhập chính của người dân. Từ năm 2011 đến nay, sản lượng khai thác hải sản tự nhiên chiếm 50% tổng thu nhập toàn xã. Bình quân mỗi năm, Đồng Rui thu hoạch 350 tấn hải sản các loại, trong đó khai thác tự nhiên là 320 tấn.
Năm 2014, xã đạt 400 tấn hải sản các loại, trong đó nhiều loại hải sản có giá trị như cua biển, ốc đĩa chiếm tới 60% giá trị kinh tế. Hiện trên địa bàn xã có tới 70% số hộ dân sống bằng nghề khai thác hải sản tự nhiên từ rừng ngập mặn. Một số hộ còn nhờ vào rừng ngập mặn để phát triển mô hình kinh tế gia trại như nuôi trồng thủy sản, nuôi ong, nuôi vịt biển.
Đảng bộ, chính quyền xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung nhằm phát triển đàn vịt biển đến năm 2020 lên 40.000 con. Đồng Rui đang rất cần các nhà đầu tư, các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc để hỗ trợ người dân bảo vệ rừng ngập mặn, phát triển bền vững, cân bằng sinh thái, bảo vệ đê biển, từ đó phát triển các mô hình trang trại, gia trại kết hợp giữa khai thác hải sản với việc chăn nuôi vịt dưới tán rừng, bãi triều, giúp người dân xây dựng thương hiệu trứng vịt biển Đồng Rui, các sản phẩm nông, hải sản khác và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Nhờ những thành quả trong việc phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, hiện Đồng Rui đang được các tổ chức trong nước và nước ngoài lấy làm mô hình điểm trong việc tổ chức các chương trình phục hồi rừng ngập mặn.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui Phạm Văn Hải cho biết: Về phía địa phương, xã đã xây dựng, quy hoạch mục tiêu phát triển lâu dài nhằm quản lý, bảo vệ thật tốt những diện tích rừng hiện có, tiếp tục phục hồi và trồng mới những diện tích đã mất, kết hợp với khoanh nuôi tự nhiên. Từ đó, Đồng Rui sẽ tổ chức khai thác, phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn.(Nhân Dân 20/8) đầu trang(
Sáng 20/8, tại huyện Phú Lộc, Hội Nông dân và Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế đã tổ chức lễ ra quân trồng rừng ngập mặn.
Trong đợt ra quân lần này, hơn 15.000 cây Bần chua đã được trồng tại các khu bảo vệ thuỷ sản ở thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Bình, khu vực nằm ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Việc trồng, phục hồi và phát triển thêm các diện tích rừng ngập mặn đã và đang góp phần tạo thành các vành đai xanh bảo vệ vùng ven đầm phá, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. (Đài Truyền Hình Việt Nam 20/8) đầu trang(
Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở Gia Lai đã lấn chiếm trên 2.000 ha đất rừng nhưng không hề bị cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết đang làm rõ trách nhiệm của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ya Hội và BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê cùng những đơn vị liên quan về việc để người dân lấn chiếm đất rừng diễn ra trong thời gian dài ở huyện Đắk Pơ.
Hai BQL rừng phòng hộ Ya Hội và Bắc An Khê được giao quản lý tổng cộng hơn 14.300 ha rừng, đất rừng. Vừa qua, tổ công tác gồm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cùng với chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng kiểm tra thực tế đã phát hiện có tới gần 771/1.300 ha đất và rừng thuộc lâm phần của BQL rừng phòng hộ Ya Hội bị người dân lấn chiếm, trong đó trên 590 ha đất không có rừng và 181 ha đất rừng. Giai đoạn mất đất và rừng nhiều nhất là trước năm 2008 với hơn 710 ha, còn từ 2008 tới nay là 60 ha.
Theo giải trình của BQL rừng phòng hộ Ya Hội, số diện tích đất không có rừng bị lấn chiếm được xác định xảy ra từ trước khi thành lập BQL này nhưng lại không được tách ra khỏi diện tích quản lý được giao. Trong số 181 ha đất rừng, hơn 113 ha bị người dân lấn chiếm sau khi chủ rừng khai thác xong nhưng chưa trồng lại rừng.
Tại lâm phần của BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê, đoàn kiểm tra xác định có tới hơn 1.266/1.466 ha bị người dân lấn chiếm. Trong đó, hơn 72 ha đất rừng phòng hộ giờ không còn một bóng cây; hơn 320 ha rừng bị người dân chiếm làm nương rẫy từ năm 2008 đến nay.
Dù tình trạng chiếm đất rừng, phá rừng làm rẫy diễn ra từ nhiều năm qua nhưng việc ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng không hiệu quả. Đến nay, 2 BQL trên phát hiện 42 vụ vi phạm với diện tích 207 ha nhưng chỉ lập hồ sơ, xử lý được 5 vụ với diện tích hơn 76 ha.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân mất rừng là do chủ rừng buông lỏng quản lý; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc xử lý các hành vi vi phạm chưa đồng bộ, thống nhất. Đáng nói là tại BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê, khi hết hạn hợp đồng trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy MDF, đơn vị chủ rừng vẫn không tiến hành thanh lý và thu hồi lại diện tích, dẫn đến việc người dân vô tư chiếm dụng.
Ông Kpah Thuyên cho biết vừa nhận được báo cáo của 2 BQL rừng phòng hộ Ya Hội và Bắc An Khê. Tuy nhiên, do báo cáo chưa rõ ràng nên UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra mất rừng qua từng giai đoạn, thời điểm cụ thể.
Theo ông Kpah Thuyên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới đây, UBND tỉnh Gia Lai sẽ rà soát tất cả dự án và tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. (Người Lao Động 21/8) đầu trang(
Người dân cho rằng cần giữ lại rừng, không phát triển dự án trồng cao su, trong khi UBND tỉnh Bình Phước lại cấp giấy, đẩy nhanh tiến độ.
Câu chuyện khai thác rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 69 Nông lâm trường Bù Đốp(Huyện Bù Đốp, Bình Phước) gây xôn xao dư luận địa phương trong những ngày qua.
Chỉ trong thời gian ngắn, một khu rừng rộng hơn 100 ha đã bị cày ủi tan nát. Quanh khu lán trại lợp bằng lá, gỗ rừng nằm la liệt trên bãi tập kết. Nhiều cây gỗ lớn dài cả chục mét, đường kính trên 25 cm đến gần 1 mét, đã bị cưa hạ, kéo về đây.
Việc UBND tỉnh Bình Phước cho rằng khu vực trên là rừng nghèo, cấp giyy phép khai thác để nhường đất cho dự án chăn nuôi và trồng cao su của Công ty Cao su Sông Bé đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Theo người dân địa phương, rừng tự nhiên ở Bù Đốp còn rất ít, nên việc cho phép phá rừng để làm dự án kinh tế cần được xem lại.
Ông Huỳnh Thế Thiện, một người dân địa phương cho rằng, cần giữ rừng để cho con cháu sau này, nếu khai phá để trồng cao su sẽ không có lợi khi cao su hiện nay đang rớt giá. Hơn nữa, nếu khai phá trước mắt sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tình trạng lũ lụt có thể xảy ra.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp cũng cho rằng cần phải xem xét lại dự án trên.
Ông Ách khẳng địhh, bản thân  đã phản ứng mạnh mẽ trước việc tỉnh Bình Phước giao khoảnh 1, 2, 3 tiểu khu 69 (rộng 354 ha) cho Công ty Cao su Sông Bé làm dự án.
Theo ông Ách, đây là rừng tự nhiên được tỉnh quy hoạch là rừng sản xuất, nhưng qua khoanh nuôi bảo vệ trong nhiều năm, rừng này đã phát triển mạnh, không thể gọi là rừng nghèo.
Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp đã nhiều lần kiến nghị với các cấp có thẩm quyền không nên cho chuyển đổi 354 ha rừng này sang trồng cao su. Nếu phá hàng trăm ha rừng tự nhiên của tiểu khu 69 chuyển qua trồng cao su sẽ phá vỡ hệ thống quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu liền kề, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái tự nhiên và nhất là việc tích trữ nước của hệ thống thủy lợi Cần Đơn phía dưới.
“Chúng tôi đã gắn bó với rừng mấy chục năm chỉ mong sao không có một diện tích nhỏ nào của rừng tự nhiên bị mai một. Làm thế nào để giữ cho bằng được diện tích rừng hiện còn, đồng thời tìm mọi cách làm rừng càng ngày càng phát triển sung túc hơn”, ônng Ách nói.
Cũng liên quan đến dự án này, dư luận địa phương hiện đang đặt ra câu hỏi có hay không sự khuất tất trong các quyết định vội vàng của UBND tỉnh Bình Phước đồng ý cho doanh nghiệp khai thác gỗ tại tiểu khu 69 Nông lâm trường Bù Đốp.
Theo tìm hiểu, khu vực này trước đây là dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng của Công ty CP đầu tư phát triển Sài Gòn – Bình Phước, được UBND tỉnh Bình Phước cấp phép vào năm 2009 với tổng diện tích hơn 793 ha. Đến cuối năm 2012, Công ty Sài Gòn – Bình Phước chỉ trồng cao su được 157 ha và 62 ha đã khai hoang nhưng chưa trồng cây.
Do chậm tiến độ thực hiện, UBND tỉnh Bình Phước đã thu hồi hơn 636 ha của Công ty Sài Gòn – Bình Phước chưa thực hiện, rồi giao khoảng 62 ha đất hoang cho Quỹ an sinh xã hội trồng cao su và giao lại hơn 575 ha cho Công ty Cao su Sông Bé (là chủ rừng) quản lý.
Cho rằng trong số hơn 575 ha này có gần 354 ha thuộc đối tượng rừng nghèo, nên tỉnh Bình Phước đã giao cho Công ty Cao su Sông Bé thực hiện chuyển sang trồng cao su, gồm: hơn 129 ha của khoảnh 1 và hơn 224 ha  của khoảnh 2 và khoảnh 3 tiểu khu 69.
Ngày 19/4/2016, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã cấp lại giấp phép cho Công ty Cao su Sông Bé (đơn vị chủ rừng) khai thác tận thu lâm sản trên diện tích hơn 129 ha của  khoảnh 1. Giấy phép hết hạn vào ngày 30/6/2016.
Trong khi dư luận chưa hết bức xúc về việc hơn 100 ha rừng tự nhiên ở khoảnh 1 tiểu khu 69 đã bị khai thác, thì tỉnh Bình Phước lại có chủ trương cho Công ty Cao su Sông Bé khai thác tiếp khoảnh 2 và khoảnh 3.
Trước đó, vào đầu năm 2016, trên cơ sở kiến nghị của Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra lại hiện trạng khoảnh 2 khoảnh 3 để có cơ sở xem xét có nên cho khai thác tiếp hay không.
Tuy nhiên, Sở NN&PTNT chưa hoàn thành rà soát, kiểm kê lại rừng, thì ngày 7/7, UBND tỉnh Bình Phước bất ngờ tổ chức cuộc họp giải quyết kiến nghị của Công ty Cao su Sông Bé. Chủ tịch UBNDdân tỉnh Nguyễn Văn Trăm yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương tiếp tục cấp phép cho khai thác thêm 224 ha rừng ở khoảng 2 và khoảnh 3.
Tiếp đó, vào ngày 5/8, UBND tỉnh Bình Phước lại có công văn gửi các đơn vị liên quan chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án của Công ty Cao su Sông Bé. Hành động này của UBND tỉnh Bình Phước sau 2 tháng so với thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên trên cả nước.
Sau khi báo chí đưa tin, Cục Cảnh sát môi trường (C49 - Bộ Công an) vào cuộc điều tra. Ngày 10/8, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước đã yêu cầu Công ty Cao su Sông Bé tạm ngừng các hoạt động ở dự án này.
Ngoài C49, một số cơ quan liên quan cũng đã đến kiểm tra việc tỉnh Bình Phước cho phép khai thác rừng ở tiểu khu 69 Nông lâm trường Bù Đốp. (Đất Việt 22/8) đầu trang(
Chủ trương giao khoán đất rừng đang khẳng định tính hiệu quả trong việc giữ rừng, đồng thời tạo cơ chế hưởng lợi cho các hộ gia đình là hướng đi được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn thực hiện trong nhiều năm nay.
Từ năm 2001, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn đã mạnh dạn giao khoán đất rừng cho các hộ thành viên là những CBCN đang làm việc, đã nghỉ hưu và nhân dân địa phương. Trong quá trình thực hiện giao khoán, Công ty hỗ trợ cung cấp cây giống có chất lượng, kiến thức về công tác quản lý bảo vệ rừng, tư vấn kỹ thuật cho các hộ trồng rừng.
Đến kỳ thu hoạch, Công ty nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường và chỉ thu lại của các hộ nhận khoán 5% giá trị sản phẩm để phục vụ cho công tác bảo vệ rừng. Các hộ nhận rừng phải cam kết sử dụng rừng đúng mục đích, đầu tư công chăm sóc và phải có trách nhiệm chung trong công tác bảo vệ rừng. Chính vì thế, đến nay diện tích giao khoán cho các hộ gia đình cơ bản đã đầu tư trồng và hầu hết đã cho thu hoạch được 2 chu kỳ.
Nhờ đó rừng và đất rừng được quản lý và kinh doanh hiệu quả hơn, nạn chặt phá rừng cũng chấm dứt hoàn toàn. Để các hộ thành viên có vốn để đầu tư trồng, chăm sóc rừng, yên tâm sản xuất, Công ty đã liên kết với nhiều doanh nghiệp thuộc ngành Than theo hướng các doanh nghiệp ứng trước vốn trồng rừng cho Công ty và Công ty sẽ cung ứng về gỗ mỏ cho các doanh nghiệp sau này.
Vì vậy, hàng năm Công ty đã huy động được hàng chục tỷ đồng vốn đầu tư cho trồng rừng. Do quản lý tốt, có quy chế rõ ràng giữa trách nhiệm của Công ty và các hộ thành viên nên bà con rất tin tưởng trong việc nhận đất trồng rừng.
Bà Nguyễn Thị Thanh, công nhân đã nghỉ hưu tham gia nhận khoán đất trồng rừng của Công ty cho biết: Việc giao khoán đất rừng cho các hộ dân là một chính sách rất thiết thực vừa giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định, đời sống gia đình ngày càng được cải thiện. Và điều quan trọng nhất là tăng thêm nhiều người sản xuất có ý thức gắn liền trách nhiệm của mình trong suốt cả quá trình sản xuất lâm nghiệp.
Tính đến thời điểm này, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn đã giao đất, giao rừng cho 266 hộ trồng rừng trên diện tích gần 5.000ha. Ngoài các hộ thành viên là công nhân của Công ty, còn có hơn 80 hộ là đồng bào các dân tộc thiểu số, sống ở các xã Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên, Vạn Yên. Để nâng cao công tác quản lý đất rừng, Công ty phổ biến rõ ràng với các hộ trồng rừng về trách nhiệm của Công ty và trách nhiệm của các hộ thành viên.
Từ đó các hộ phấn khởi phát huy khả năng để đầu tư cho việc trồng rừng, chăm sóc rừng góp phần tận dụng nguồn lực địa phương, tạo việc làm cho người lao động. Cùng với đó, Công ty cũng triển khai trồng rừng thử nghiệm bằng phương pháp tái sinh tự nhiên sau khai thác rừng keo tai tượng, tiết kiệm được 30% kinh phí tạo rừng. Nhờ vậy, hầu hết diện tích đất đồi hoang ở Vân Đồn đã được phủ kín bằng màu xanh. Nếu như trồng rừng trước đây chỉ có năng suất từ 40-50m3/ha với chu kỳ khai thác từ 8-10 năm thì đến nay chỉ với chu kỳ khai thác từ 7-8 năm rừng trồng đã cho năng suất từ 80-140m3/ha.
Bên cạnh đó, để đa dạng hoá các lĩnh vực kinh doanh từ rừng, tận thu được số gỗ của Công ty cũng như tiêu thụ được gỗ cho nhân dân, Công ty đã huy động trên 10 tỷ đồng đầu tư xưởng chế biến gỗ, xây dựng và đầu tư một số máy móc như hệ thống sấy gỗ, máy cao tần để sản xuất gỗ ghép thanh có nhiều kích thước khác nhau cung cấp cho thị trường, sản xuất gỗ dăm cung cấp nguyên liệu làm giấy cho một số nhà máy sản xuất giấy. Đến nay xưởng chế biến gỗ đã ngày càng phát huy hiệu quả.
Phải khẳng định rằng, việc giao khoán này đã tạo điều kiện cho công nhân trong các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình sống gần rừng có việc làm, có thu nhập ổn định, có ý thức quan tâm bảo vệ thành quả sản xuất. Chính sách giao khoán đất rừng cho các hộ gia đình đã mang lại hiệu quả kép vừa ổn định đội ngũ công nhân, lao động địa phương vừa giúp phục hồi và bảo vệ những cánh rừng. (Báo Quảng Ninh 20/8) đầu trang(
Với mức thuế 2% áp dụng cho mặt hàng dăm gỗ, đang đẩy các DN kinh doanh trong lĩnh vực này đứng trước bài toán nan giải về hàng tồn kho lớn.
Theo số liệu báo cáo, giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) dăm gỗ của VN 5 tháng đầu 2016 giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch XK đạt 248 triệu USD, chỉ tương đương với 58% kim ngạch cùng kỳ (430 triệu USD); lượng XK chỉ đạt 1,8 triệu tấn, bằng 61% so với cùng kỳ năm 2015.
Tính toán của DN cho thấy, mức thuế xuất khẩu 2% tương đương với mức tăng 2,5-2,8 USD Mỹ/tấn dăm trong cơ cấu giá thành dăm gỗ xuất khẩu. Với cấu thành như trên, các DN dăm gỗ gặp khó khăn khi đàm phán các hợp đồng mua bán với khách hàng, do giá thành cao trong lúc thị trường đang giảm giá mạnh.
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, sự sụt giảm về khối lượng dăm gỗ XK đang và sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực không chỉ đối với các DN trực tiếp tham gia chế biến dăm gỗ XK, mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung ứng.
Từ nay đến cuối 2016 nếu vẫn áp dụng thuế suất 2% thì ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ sẽ chỉ đạt ở mức trên dưới 600 triệu USD, bằng khoảng 1/2 kim ngạch của năm 2015; lượng dăm xuất khẩu cả năm sẽ chỉ đạt trên dưới 7 triệu tấn, tương đương với khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu của 2015.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nị – Giám đốc Cty TNHH Nguyên liệu giấy Dung Quất cũng cho rằng, hiện nay, 70% gỗ rừng trồng là hộ gia đình tập trung tại trung du và miền núi. Việc bán sản phẩm nguyên liệu gỗ rừng trồng cho các nhà máy chế biến sản phẩm đồ gỗ, ván ép, ván MDF hoặc chế biến gỗ dăm xuất khẩu là sự lựa chọn của người trồng rừng. Thị phần co hẹp và mức giá xuất khẩu giảm buộc các DN chế biến dăm hoặc phải giảm giá thu mua nguyên liệu gỗ đầu vào từ 6 – 8%., chủ yếu từ các hộ gia đình hoặc phải chấp nhận cắt giảm lợi nhuận nhằm duy trì thị trường.
Ông Nguyễn Như Xuân – Phó TGĐ Cty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy VN Vijachip kiến nghị, nếu có thể, các cơ quan chức năng nên tạm dừng hoặc miễn thuế xuất khẩu.
Tuy vậy, theo các cơ quan quản lý xuất khẩu, dăm vẫn được coi là xuất khẩu nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và một số ý kiến từ ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu cho rằng, sự phát triển của ngành dăm làm mất nguồn cung gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến đồ gỗ, kéo dài sự lệ thuộc của ngành chế biến đồ gỗ vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Các quan điểm này đã được thể hiện trong định hướng của Chính phủ, bao gồm một số cơ chế chính sách nhằm hạn chế sản xuất và xuất khẩu dăm. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành dăm lại là ngành giải quyết rất tốt vấn đề an sinh xã hội, sinh kế cho người dân trồng rừng… Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ DN trong việc tham gia chế biến tinh sâu, nâng cao giá trị kim ngạch kim ngạch.
Đại diện Cty TNHH Hào Hưng cho rằng, để chính sách thuế không gây khó cho DN xuất khẩu dăm gỗ, cơ quan quản lý cần có những đánh giá sâu và toàn diện về thực trạng của ngành chế biến xuất khẩu dăm hiện nay của VN. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những đánh giá khách quan về thực trạng của hộ gia đình trồng rừng có tác động trực tiếp đến quyết định của hộ gia đình trong việc sử dụng sản phẩm gỗ rừng trồng để làm dăm hay các sản phẩm khác… vị đại diện này chia sẻ. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 21/8) đầu trang(./.