Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 21 tháng 07 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GỚI

BẢO VỆ RỪNG
Đến 3 giờ sáng ngày 18.7, gần 250 cán bộ, bộ đội, kiểm lâm và người dân mới dập tắt hoàn toàn ngọn lửa đã thiêu rụi hơn 120ha rừng của dân trồng theo dự án “khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững” (gọi tắt là KFW6) do Chính phủ Đức tài trợ.
Thế nhưng, 2 ngày qua, Công ty TNHH Trang Lâm (Cty Trang Lâm) - đơn vị dọn đốt thực bì gây ra cháy rừng - đã có dấu hiệu thoái thác trách nhiệm, không hề gặp gỡ người dân để xin lỗi và có hướng bồi thường thiệt hại!
Sáng ngày 20.7, sau khi vượt hơn 60km, nhóm PV có mặt tại đỉnh dốc núi Đá Trắng cheo leo và chứng kiến toàn bộ cánh rừng cây rộng lớn chỉ còn trơ gốc đen như than sau gần một ngày đêm cháy dữ dội. Nắng gió tung bụi tro cháy phả vào mặt mọi người đen nhẻm.
Nhiều nông dân nói như mếu, hơn 70 thửa rừng ở đây mà người Đức đã trợ giúp bà con dày công vun trồng xanh mướt trong 5 năm qua, giờ đã bỗng chốc tan theo mây khói! Một số người tiếc của nên đội nắng chặt những cây cháy sém đem về làm củi!
Ông Nguyễn Tua - thôn Chánh Nam, xã Xuân Thọ 1, nuôi bò ở gần nơi đốt rừng thực bì của Cty Trang Lâm - cho biết: “Vào sáng 17.7, tôi trực tiếp chứng kiến đơn vị phát dọn rừng đã đốt thực bì ở khu vực rừng xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) giáp ranh với rừng trồng xã Xuân Thọ 1 (TX.Sông Cầu). Họ làm đường băng cản lửa quá nhỏ, nên đến trưa thì gió to thổi lửa cháy lan đến rừng trồng từ 4 - 5 năm tuổi của dân.
Khi rừng bị cháy xuống khu vực Đá Chải, Gộp Cây Cui, con tôi là Nguyễn Văn Bảo cùng nhiều người làm trang trại trên rừng đã tham gia chữa cháy. Sau đó, lực lượng chức năng kịp thời có mặt tăng cường chữa cháy, nhưng đến gần sáng hôm sau mới dập tắt được ngọn lửa”. Ông Nguyễn Rua cùng gia đình người anh trồng được hơn 4ha rừng theo dự án KWF6 từ năm 2010, nhưng bị lửa cháy rụi, trắng tay.
Theo ông Nguyễn Tân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ 1 - thống kê ban đầu của thị xã Sông Cầu, hiện có 120ha rừng của hàng chục hộ dân ở hai xã Xuân Thọ 1 và 2 trồng theo dự án KWF6 từ năm 2009-2010 đã bị cháy mất trắng hoàn toàn. Đấy là chưa kể rừng của dân tự trồng cũng bị cháy thiệt hại rất nhiều. “Nhóm gia đình chúng tôi vất vả nhiều năm liền trồng trên 10ha rừng chỉ mong sớm đến ngày hưởng lợi, vậy mà bà hỏa thiêu sạch. Vợ tôi ngất xỉu mấy ngày nay!” - ông Tân bộc bạch.
Chiều 20.7, làm việc với PV Lao Động, ông Ngô Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ 1, TX.Sông Cầu (Phú Yên) - cho biết: “Thực chất Cty Trang Lâm là đơn vị cùng “họ hàng” của Công ty TNHH Bình Nam có trụ sở chính ở tỉnh Bình Định, đã đốt dọn thực bì rừng trên địa bàn xã Xuân Sơn Bắc gây cháy rừng trồng. Vào sáng 17.7, anh Hảo đại diện công ty này có nói hôm nay đốt thực bì ở vùng giáp ranh và đề nghị xã có lực lượng hỗ trợ phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, sau khi sự việc cháy lan rừng của dân xảy ra, lãnh đạo công ty này có dấu hiệu thoái thác trách nhiệm. Nguyễn Nam - Phó giám đốc Cty Trang Lâm - lại cho rằng, cháy rừng không phải do công ty gây ra, mà ngọn lửa xuất phát từ đỉnh đồi xã Xuân Sơn Nam rồi lan xuống rừng trồng xã Xuân Thọ 1 và 2!...”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Nam - Phó giám đốc Cty Trang Lâm, nói đã đốt dọn thực bì khoảng 100ha rừng ở vùng giáp ranh, nhưng không thừa nhận công ty gây cháy rừng! “Chúng tôi có chứng cứ người khác đốt và gây cháy rừng!” - ông Nam nói.
Về vấn đề này, ông Ngô Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ 1 - khẳng định: “Vết cháy lan theo hướng gió từ nơi đốt thực bì của công ty này đến rừng trồng dài trên 150m là bằng chứng không thể chối cãi được. Cty Trang Lâm phải làm việc với chính quyền địa phương và gặp gỡ dân giải quyết. Người dân trồng rừng có thể khởi kiện ra tòa để bắt buộc Cty Trang Lâm bồi thường, khắc phục thiệt hại theo quy định pháp luật!”.
“Chính quyền địa phương rất bức xúc việc cháy đến hơn 120ha rừng của dân trồng theo dự án “khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững” do Chính phủ Đức tài trợ, gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Hiện thị xã Sông Cầu đang khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, điều tra cụ thể để có kết luận và xử lý!” - Trần Hữu Thế - Bí thư thị xã Sông Cầu - cho biết như vậy. (Lao Động 21/7, tr3) đầu trang(
Thông tinh nhanh qua đường dây nóng trên báo Nhân Dân cho biết: Vẫn diễn ra tình trạng khai thác và vận chuyển gỗ quý hiếm trái phép tại khu vực rừng Trà Xom, thuộc địa bàn 2 xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. (Nhân Dân 21/7, tr7) đầu trang(
Cùng với 2 cây di sản được công nhận lần này, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có ba cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Tham dự lễ công nhận có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân; đại diện Quỹ trái tim vàng Việt Nam; Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ; Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Đinh Thị Hồng Minh cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Lý Sơn.
Hai cây đa sộp được công nhận lần này có niên đại vài trăm năm tuổi, một cây ở dinh Đụn, thôn Đông xã An Vĩnh và một cây ở dinh Tam Hòa, thôn Tây, xã An Hải. Đây là hai cây thứ 610 và 611 Cây di sản Việt Nam được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận trên cả nước.
Cùng với 2 cây di sản được công nhận lần này, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có ba cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Trước đó, cây thị hơn 200 năm tuổi ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào ngày 5.4.2013. (InfoNet 21/7; Lao Động 21/7, tr5; Đại Đoàn Kết 21/7, tr8) đầu trang(
20/7, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cho biết, trong lúc tuần tra tổ công tác của Hạt đã phát hiện hơn 3m3 gỗ các loại do lâm tặc cất giấu tại khu vực bờ đập hồ thủy điện Vĩnh Sơn 5 (thuộc làng 03, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh).
Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số gỗ nói trên, đồng thời chuyển toàn bộ số gỗ trên về Hạt để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào lúc 6h ngày 16/7, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đã mở đợt tuần tra, truy quét các đối tượng phá rừng tại các khu vực rừng giáp ranh ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Trong lúc, tuần tra, truy quét tổ công tác đã phát hiện 3,064 m3 gỗ, trong đó có 2,98 m3 gỗ hương tía nhóm I và 0,084 m3 cà te nhóm IIA  đang cất giấu trái phép tại khu vực nêu trên để chuẩn bị đưa về xuôi tiêu thụ.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng qua, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh liên tục phát hiện các vụ khai thác, cất giấu gỗ trái phép với khối lượng lớn.
Cụ thể, từ ngày 17 đến 19/6, lực lượng Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huyện An Lão cũng đã mở đợt tuần tra, truy quét các đối tượng phá rừng. Qua đó, phát hiện 53 tấm gỗ hương tía nhóm I với khối lượng 8m3; 11 tấm gỗ tròn và 1 gốc gỗ hương tía, khối lượng 3m3 được các đối tượng lâm tặc tập kết dưới lòng sông Côn. (Dân Trí 20/7; Nông Thôn Ngày Nay 21/7, tr6) đầu trang(
Đỉnh núi Zi’liêng (A Xan, Tây Giang) ngút tầm mắt phủ màu xanh mướt nhờ những tán lá rừng Pơ mu cao vút. Bao đời nay, đại ngàn Pơ mu kỳ vĩ bao bọc người Cơ Tu nơi “cổng trời” Tây Giang, phía đầu ngọn nước, con suối.
Pơơ long Tới (38 tuổi, A Xan) xốc ba lô nặng trĩu, thoăn thoắt tay rựa phát quang, bước chân rắn rỏi vượt đồi. Đường vào vùng “lõi” đại ngàn Pơ mu hoang sơ. Đồi dốc trập trùng, đang bước dọc đỉnh đồi lại “rớt” xuống vực thăm thẳm, âm u dưới tán lá rừng ken đặc.
“Phải đổ mồ hôi và cả máu mới vào nổi vùng lõi Pơ mu”, anh Tới vừa dứt lời, phía dưới chân từng đàn vắt rừng túa ra từ kẽ lá. Vài người chậm chân, bị dính vắt, chân tóe máu. Pơơ long Tới bảo: Người bản địa cái chân đã thạo với rừng, con suối, đi còn khó. Người ngoài càng gian nan, nguy hiểm. Nếu không có người dẫn đường, rất dễ lạc vào “mê trận”.
Con đường mới đang được huyện Tây Giang khảo sát thành nỗi ám ảnh người đầu tiên đi rừng. Cả đoàn tự tìm cách giữ thăng bằng, di chuyển giữa vệt đường tí tẹo, hiểm trở.
Mặt trời đứng bóng, nhưng phải thêm 2 tiếng đi bộ, đỉnh núi Zi’liêng mới ẩn hiện trước mắt. Cả đoàn lọt thỏm vào đại ngàn cây phủ, mặt đất bỗng xốp nhẹ bập bềnh. Hàng loạt cây cao lớn, đâm lên từ mặt đất đón nắng. Trong quần thể dổi hương, dổi đá và ít loài gỗ tạp, từng cây Pơ mu nổi bật đầy kiêu hãnh vút tầm cao nhất với độ thẳng hiếm có, chắc nịch.
Tăng Tấn Lộc - kiểm lâm viên huyện Tây Giang - đo đếm thủ công bằng sải tay. Mỗi gốc chừng 3-4 người ôm không xuể. Gốc cây như hóa đá chai sần vết tích thời gian, phủ rong rêu xanh rì, lộ những bộ rễ đầy mê hoặc.
Anh Lộc bảo: Từ trung tâm đỉnh trời Zi’liêng này phóng tầm mắt theo hướng các ngón tay sẽ là bạt ngàn quần thể Pơ mu hiếm có. Pơ mu thích độ cao, nhiệt độ mát mẻ, chủ yếu phân bổ từ vệt nửa đỉnh đồi núi trở lên. Dáng vẻ Pơ mu kiêu hãnh, thân Pơ mu vặn chắc với những đường vân huyền ảo, hương thơm khó lẫn. Đang mùa hanh nắng nhưng dưới tán lá rừng Pơ mu ken đặc chẳng khác nào đứng cạnh chiếc tủ lạnh khổng lồ mát rượi. Ban ngày, mặt trời như tắt nắng vì không thể xuyên thủng tán rừng Pơ mu. 096, 097, 098... đội tuần tra rừng thôn A Rầng 1 (A Xan) cẩn thận kiểm đếm từng vệt dấu trên các thân cây Pơ mu. Thân cây đánh dấu bằng sơn đỏ, theo số thứ tự. Sải bước chưa đầy trăm mét, có vài chục gốc Pơ mu nối nhau lừng lững.
Theo anh Lộc, vừa có thêm vài trăm cây được phát hiện, đánh số thứ tự, nâng tổng số đã kiểm đếm lên gần 1.200 gốc Pơ mu. Vương quốc Pơ mu trải dài trên 6 thôn, 2 xã A Xan, Tr’Hy của Tây Giang. Trong đó, đỉnh Zi’liêng đóng vai trò “thủ phủ”.
Theo ước tính của Hạt Kiểm lâm Tây Giang, tổng diện tích cây Pơ mu phân bổ lên đến trên 300 ha, từ tiểu khu 94 đến tiểu khu 97, kéo dọc sang tận biên giới với Lào. Zơ Râm Kiên (28 tuổi, A Rầng 1), tự hào: Cái chân mình đi nhiều nơi, xuyên nhiều rừng nhưng chỉ đỉnh đồi con suối Zi’liêng bao quanh mới có Pơ mu.
Bí thư huyện ủy Tây Giang, B’hriu Liếc khoe: Có đến gần chục cây thuộc hàng “khủng” nhất, là điểm nhấn của đại ngàn Pơ mu. Như cây đánh số 477, có chiều cao gần 50m, đường kính 2,5m, số lượng gỗ lên đến 50m3. Tại thân cây mang số 200, vỏ cây như tấm áo giáp rách bươm sau thăng trầm thời gian, xẻ những đường rãnh dài.
Tuy nhiên, thử bóc tách thớ vỏ này phải dùng đến sức khỏe của cánh trai tráng bản địa. Hàng ngàn cây, nhưng mỗi cây mang dáng vẻ với “mật danh” khác nhau. Kỳ dị như cây Pơ mu Voi do chính vị Bí thư huyện ủy này gọi tên, bởi cội rễ, gốc cây chẳng khác gì hình thù con voi to lớn. Nhìn trực diện, gốc cây 168 mang hình thù đầu một chú voi với vòi dài thòng xuống đất, hốc cây sâu hoắm tạo thành cặp mắt đen ngòm, mặt voi tô điểm hai cái ngà dang rộng.
Ít nhất đã 4 lần cắt rừng vào vương quôc Pơ mu, nhưng ông Liếc nói “đi miết mà chưa thấy nhàm”. Mỗi lần đi, ông cùng đoàn lại phát hiện thêm vô số những cây Pơ mu mới cần đưa vào danh sách bảo vệ. Đêm ngủ lại giữa núi rừng Pơ mu. Trận mưa rừng xối xả khiến cái lạnh càng thêm sâu. Một cây Pơ mu bị sét đánh dọc thân.
Ông Cơ lâu Hạnh, Phó chủ tịch HĐND huyện Tây Giang, cho hay: Dọc đường mới, nhiều cây chưa thể đánh số. Con số Pơ mu chắc chắn không chỉ dừng lại ở hơn 1.200, mà có thể đến 2.000 cây.
“Dadinh Jaliêng hangêê”... lời khấn của già làng Pơơ Long Jim (68 tuổi, A Rầng 1) đến Plêêng (Trời) nhằm cùng người dân Cơ Tu chung sức bảo vệ cho từng cội cây rừng. Bàn thờ kết bằng cây rừng, đặt chính giữa lá cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ. Đồ lễ đầy đủ gà, đầu heo, 2 quả trứng, 2 chén cơm, rượu, thuốc, hương, vàng mã mang phong tục của người Cơ Tu.
Già Jim đốt nhang khấn vái, rồi lấy huyết gà trong bát bôi vào vị trí đánh số thứ tự của cây Pơ mu lớn nhất đỉnh Zi’liêng. Già Jim bảo: Người Cơ Tu lớn lên với cây thiêng Rê rê (còn gọi cây Đà) nhưng chết đi chỉ mong gởi thân xác vào cỗ quan tài bằng gỗ Pơ mu cao quý. Cây Rê rê trồng ngay bản làng, gỗ dùng làm nhà truyền thống.
Không người nào được tự ý chặt phá. Còn cây Pơ mu giữa những đỉnh núi xa tít tắp, đi bộ cả ngày trời chưa tới. Khi trong làng có người chết, người dân cắt rừng vào đại ngàn Pơ mu, thắp hương cúng rừng rồi chọn một cây đủ kích cỡ làm quan tài, đốn hạ mang về.
“Người Cơ Tu chết đi, mọi thứ mang theo chỉ đặt trên nấm mồ, chỉ quan tài là theo họ vùi sâu vào lòng đất. Pơ mu là gỗ quan tài tổ tiên ao ước. Loài gỗ này chắc, nhẹ, chôn dưới đất vẫn tươi rói, không bị mục ruỗng, gỗ có tinh dầu thơm. Chỉ gia đình giàu có mới đủ điều kiện dùng”, già Jim nói.
Từ nhỏ, già Jim đã theo cha vào đại ngàn Pơ mu. Rừng nguyên vẹn hoang sơ. Sau này một số người dùng gỗ Pơ mu đóng vật dụng trong nhà. Già Jim quả quyết: Giờ nhà nước tuyên truyền, hướng dẫn rồi, không ai được tự phát đốn hạ Pơ mu nữa. Các bản làng đều chung tay bảo vệ.
Theo anh Pơơ long Đội, Trưởng thôn A Rầng 1, từ năm 2007, thôn lập đội tự vệ bảo vệ rừng với khoảng 5-7 thành viên. Mỗi ca có 2 người cùng các thôn bản khác tuần tra dọc rừng Pơ mu. Zơ Râm Bung (38 tuổi, thôn A Rầng 1) thành viên đội, bảo: Mọi người tự nguyện gác việc nhà, lo việc rừng. Mỗi buổi tuần tra kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt.
Hôm nào gặp mưa rừng, cả đoàn mắc võng, che bạt ngủ ngay giữa rừng, vì đường về trơn trượt. Mới đây, anh Bung men con đường mới hiểm trở, trượt ngã gãy chân. Vừa hồi phục, anh lại hăng hái cắt rừng vào canh giữ Pơ mu.
Bí thư huyện ủy B’hriu Liếc cho hay: Viện sinh thái học miền Nam (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đã khảo sát rừng Pơ mu, lấy mẫu gởi ĐH Columbia (Mỹ). Dự kiến tháng 8 tới có kết quả. Nhưng ước tính nhiều gốc Pơ mu cổ thụ phải tới hàng ngàn năm tuổi.
Đích thân vị Bí thư huyện ủy 49 tuổi, hiện là Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, trực tiếp nhiều lần cùng lực lượng chức năng khảo sát tuyến đường mới vào rừng.
Ông Liếc bảo: Đường mới xa hơn, hiểm trở hơn nhưng phải kéo dãn đường ra để tránh tác động đến môi trường tự nhiên. Ý tưởng gắn bảo vệ với phát triển du lịch sinh thái đường rừng đã hình thành. Huyện Tây Giang nghiên cứu tổ chức các điểm tham quan, dựng lán trại, chọn những thân cây to để làm “nhà cây”. (Tiền Phong 20/7) đầu trang(
Hàng chục ngàn lượt người dân ùn ùn kéo nhau vào rừng để nhặt trái ươi trong suốt hơn một tháng nay, mỗi ngày kiếm được từ 700.000 - 3 triệu đồng/người.
Đầu tháng Năm, đi dọc quốc lộ 14E, 14G vòng qua các huyện miền núi Quảng Nam đâu đâu cũng đỏ rực một màu... bông ươi. Thế nhưng, thời điểm đó ươi mới chỉ chín nhỏ lẻ, theo từng đợt, thực chất người dân vào rừng nhặt ươi thì ít mà chặt ươi thì nhiều.
Mãi tới giữa tháng 6, ươi thực sự vào vụ chính, ươi chín trĩu cây, rớt xuống đất vô số... Những tưởng với nguồn thu nhập lớn do quả ươi mang lại, người dân sẽ biết trân trọng giá trị của loài cây thân gỗ đặc biệt này. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược!
Cây ươi được phân bố chủ yếu ở các khu rừng miền Trung - Tây Nguyên, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Cây ươi đa số mọc ở rừng nghèo chiếm tỷ lệ lớn, cây ươi khoảng mười đến hai mươi năm mới gọi là phát triển, cây có chiều cao hơn 20m, đường kính tối thiểu 30cm.
Cây ươi khi ra trái rất dễ phát hiện, bông ươi đỏ cả một vạt rừng, hạt ươi phơi khô nhỏ bằng ngón tay, có màu nâu đen, lớp vỏ nhăn nhún, đầu nhọn, đầu tròn... Điều đặc biệt là khi ươi phát triển ra trái, thì ba năm sau mới ra lại. Bởi vậy, nếu năm nay là mùa ươi thì phải ba, bốn năm sau mới tiếp tục có một vụ ươi.
Ông B'Riu Ni (62 tuổi, trú huyện Tây Giang, Quảng Nam) cho biết: "Có nhiều cách thu hoạch loại quả này nhưng chủ yếu là thu bằng cách lượm. Mỗi cây ươi có khoảng 10- 20kg trái, cây thẳng đứng dạng thân cau, lá có màu xanh đậm đặc trưng. ươi khi chín, quả phát tán xuống đất trong chu vi chừng 100m. Người nhặt chỉ việc tìm cây ươi đã rụng quả, sau đó đi quanh gốc nhặt. Quả ươi được giá nhất khi chúng đã chín và rụng xuống đất, còn gọi là "ươi bay". Nếu trúng cây có quả nhiều thì chỉ cần nhặt một cây đã có chừng 20kg quả, kiếm được cả tiền triệu. Một ngày nhặt ươi bằng cả năm làm rẫy".
Còn tại Quảng Ngãi, đã có hàng chục ngàn lượt người dân ùn ùn kéo nhau vào rừng để nhặt trái ươi trong suốt hơn một tháng nay. Những người dân bản địa cho biết: "Dù đã chứng kiến cả chục lần cây ươi cho trái, thế nhưng chưa bao giờ thấy ươi ra trái dày đặc như năm nay. Cũng vì thế, người dân cứ vào rừng nhặt là có, chưa thấy có ai về tay không.
Nhặt lượm ít thì mỗi ngày cũng được 6- 8kg/người, nhiều người gặp chỗ ươi mọc tập trung, chín và rụng nhiều thì lên tới 10- 20kg. Với giá ươi khô hiện nay được các thương lái thu mua từ 110.000 - 150.000 đồng/kg, số tiền thu về cũng được từ 700.000 - 3 triệu đồng/ngày/người.
Nhiều chủ thu mua ươi ở xã Sơn Tân (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) cho biết: "Hiện giá đã giảm rất nhiều, chứ vào thời điểm đầu vụ lên đến 5.00.000- 650.000 đồng/kg. Không ít trường hợp chỉ sau một ngày lên núi nhặt được 20- 30kg, thu về khoảng 14 triệu đồng...". ươi năm nay được mùa, thương lái thu mua để xuất hàng sang Trung Quốc với giá khá cao, số lượng không hạn chế. Mỗi kg dao động từ 40.000 - 50.000 đồng loại ươi còn tươi, giá hạt ươi khô là 300.000 đồng, thậm chí lên 500.000 đồng/kg.
Thế nên, mỗi ngày có hàng ngàn người dân địa phương đã đổ xô về các huyện vùng cao Nam Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam để tận thu quả ươi. Không chỉ dân bản địa mà người dân ở các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, thậm chí các ở tỉnh phía Nam như An Giang, Đồng Nai, Bình Phước... cũng không quản đường sá xa xôi, băng đèo lội suối để kiếm tìm "lộc trời".
Tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã Phước Xuân, Phước Hòa (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) những ngày gần đây đông vui như hội. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân tấp nập mang theo rựa, cưa chia thành từng nhóm đổ vào các khu rừng để tìm hạt ươi.
Cạnh đó hàng trăm chiếc xe máy được giữ ở bãi với giá từ 20 nghìn đồng/chiếc. Khi phát hiện đoàn kiểm tra liên ngành huyện Phước Sơn, rất nhiều đối tượng mang theo cưa toan bỏ chạy vào rừng. Theo chân đoàn kiểm tra vào sâu trong rừng, chúng tôi phát hiện rất nhiều lán trại được người dân dựng lên để ở lại trong rừng khai thác hạt ươi.
Khoảng đầu giờ chiều, có mặt tại tiểu khu 556, 557 thuộc khu vực Suối Bùn, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm cây ươi đổ ngã ngổn ngang trong rừng, hầu hết là ươi có chiều cao hơn 20m, đường kính tối thiểu 30cm.
Một người cán bộ kiểm lâm cho biết: "Trước đây, ít người vào rừng khai thác ươi do giá rẻ và chỉ đi nhặt trái ươi đã chín rụng xuống đất, nhưng năm nay giá ươi cao ngất ngưởng khiến nhiều người chuyển sang hình thức chặt phá cây lấy trái. Cây ươi thông thường nằm trong rừng sâu, vì thế lâm tặc đã ngang nhiên mở đường trái phép trong rừng. Tại tiểu khu 556, có hơn năm con đường lớn nhỏ được mở, các loại xe máy có thể vào tận nơi".
Tại Nam Trà My (Quảng Nam), tình hình khai thác hạt ươi cũng diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng ngoại tỉnh tập trung người và phương tiện vào địa bàn, triệt hạ cây ươi cả ngày lẫn đêm. Đứng từ dưới quốc lộ 40B đã có thể nghe thấy tiếng cưa lốc, tiếng rìu bổ vào cây liên tục.
Nhưng phải leo dốc khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tới được khu vực người dân khai thác hạt ươi. Hàng trăm lối mòn hiện ra giữa khu rừng già. Càng tới gần khu vực này càng nghe rất rõ tiếng cây đổ. Một cây ươi ngã xuống đã kéo theo hàng loạt cây rừng khác bị đốn hạ.
Tuy nhiên, khi tới nơi, những người khai thác hạt ươi đã giấu tất cả dao rựa, cưa lốc, chỉ còn lại những vật dụng như gùi, bao tải đựng hạt. Một khoảnh rừng nguyên sinh đã bị phát dọn để thu hoạch hạt ươi. Nhiều cây ươi với đường kính thân gần 0,5m nằm la liệt...
Không riêng gì người dân địa phương băm nát rừng ươi để lấy hạt mà những ngày qua còn có hàng trăm người từ khắp nơi đổ về đây tận diệt cây ươi. Đáng chú ý là nhiều đối tượng trú tận tỉnh Đồng Nai, Phú Yên, Vĩnh Phúc sử dụng ô tô để đưa người và phương tiện lên Nam Trà My (Quảng Nam) chặt hạ cây ươi.
Thời điểm này tại địa bàn xã Phước Hiệp (Phước Sơn, Quảng Nam), ươi đang ở vào giai đoạn cuối mùa, song vẫn không ngăn được dòng người đổ về đây. Hàng đoàn xe chở ươi về xuôi bán cho thương lái. Nhiều tụ điểm thu mua ươi đã hình thành trên tuyến đường từ Nam Giang lên Phước Sơn. Kẻ bán người mua tấp nập ven đường. Hiện hạt ươi khô (ươi bay) được các thương lái mua với giá dao động 130 - 150 nghìn đồng/kg, trong khi đó, hạt ươi tươi (ươi non) chỉ có giá 30 - 50 nghìn đồng/kg.
Dù lực lượng chức năng đã ráo riết vào cuộc, song theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình vận chuyển và thu mua quả ươi xanh trên địa bàn vẫn diễn ra phức tạp. Do lực lượng chức năng siết chặt quản lý, chốt chặn tại các trạm Phước Sơn và Đại Lộc (Quảng Nam), các tuyến đường trọng điểm được tăng cường nên cả người bán lẫn người thu mua đều tìm cách chia nhỏ số lượng ươi để dễ dàng vận chuyển bằng xe máy. Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng địa hình vận chuyển ươi bằng đường sông để qua mặt cơ quan chức năng...
Ông Bhnướch Phước (Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, Quảng Nam) cho biết: "Trong lúc đốn cây ươi để lấy hạt, một người dân đã bị gốc ươi ngã đổ đè lên người, dẫn đến tử vong. Danh tính nạn nhân được xác định là ông Kring B. (32 tuổi, trú thôn Pà Ròng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang)". (Đời Sống & Pháp Luật 21/7) đầu trang(
Bất chấp ngăn cản của lực lượng kiểm lâm, hơn một tháng nay đã có hàng trăm lượt người sống ven các cánh rừng nguyên sinh ở Thừa Thiên - Huế  lén lút vào rừng khai thác hạt ươi, loại hạt ngâm vào nước thì bung nở thường để dùng giải nhiệt vào mùa hè.
Do giá hạt ươi có lúc lên đến 200.000 đồng/kg, thay vì trèo hái hoặc thu lượm, những người khai thác đã đốn ngã thân cây cao từ 30-40 mét để lấy hạt ươi.
Riêng tại huyện A Lưới, ông Hồ Văn Thành ở xã Hồng Thượng đã chết khi vào khai thác ươi ở rừng Hồng Hạ và một người quê ở tỉnh Quảng Bình (chưa rõ danh tính) đã chết do cây ươi đè khi thu hái ươi ở vùng rừng Phú Vinh.
Còn anh Hồ Pi Duẫn ở xã Hồng Hạ bị gãy chân hiện đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Miền Trung hiện đã có 8 người chết do đi khai thác hạt ươi…(Đại Đoàn Kết 21/7) đầu trang(
20-7, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Công an huyện Bắc Bình đang lập hồ sơ định giá thiệt hại của gia đình ông Phan Văn Hòa (39 tuổi, ngụ thôn 1, xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình) bị một nhóm đối tượng bịt mặt đốt cháy nhà vào trưa 11-7.
Theo tường trình của ông Phan Văn Hòa, đêm 9-7 có người gọi điện cho ông đe dọa vì cho rằng ông báo kiểm lâm bắt xe chở gỗ. Đến trưa 11-7, một nhóm đối tượng gồm 14 người đi trên bảy xe máy đến nhà tìm ông Hòa, trong nhà ông Hòa có con trai ông là Phan Minh Hào (14 tuổi) và người hàng xóm Trương Công Chính (60 tuổi).
Ông Chính nói khi thấy quá đông người đến, biết có chuyện bất an nên chạy đi báo với chính quyền xã.
Nhóm đối tượng trên đã buộc em Phan Minh Hào gọi điện cho cha mẹ về nhà. “Họ nói qua điện thoại là đến nhà mua gốc cây kiểng nhưng tôi nói đang đi bán hạt điều, chiều tối mới về. Sau đó tôi gọi điện lại cho con trai tôi nhưng không được” - ông Hòa kể.
Nhóm đối tượng bắt Hào ngồi vào góc nhà rồi đập tivi, đầu đĩa, máy phát điện, máy phun thuốc trừ sâu rồi đốt căn nhà gỗ nhỏ diện tích 30m2. “Họ nói nếu cha còn báo cho kiểm lâm bắt gỗ của họ thì họ đốt luôn căn nhà lớn” - Phan Minh Hào kể. (Tuổi Trẻ 21/7, tr5) đầu trang(
18.7, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh cho biết, bước đầu đã làm rõ về vụ ông Phạm Văn Tâm - Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Liên Sang bị chém trọng thương xảy ra cuối tháng 6.2014 vừa qua.
Hiện Công an tỉnh đang mở rộng điều tra vụ án, truy xét các đối tượng có liên quan. Liên quan đến vụ án, Công an tỉnh đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Đức Bình (SN 1985, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) và Hồ Trí Quang (SN 1971, ngụ tỉnh Khánh Hoà) về hành vi "cố ý gây thương tích".
Công an khởi tố nhưng cho tại ngoại đối với Trần Văn Anh (SN 1998, ngụ tỉnh Hà Tĩnh), đồng thời ra quyết định truy nã đối với 2 đối tượng Lê Quốc Định (SN 1986) và Nguyễn Thế Hải (SN 1988, cùng ngụ tỉnh Hà Tĩnh).
Theo thông tin ban đầu, khoảng 0 giờ 45 phút rạng sáng 26.6, ông Phạm Văn Tâm (Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Liên Sang) đã bị một nhóm đối tượng phục kích, dùng hung khí chém trọng thương tại khu vực thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh.
Giám định ban đầu, ông Tâm bị thương tích 32%. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh đã bắt, khởi tố và truy nã các đối tượng như nói trên.
Qua điều tra xác định, trước đây Bình khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng Liên Sang và bị ông Tâm cùng một số cán bộ chặn bắt, từ đó Bình đâm ra thù tức ông Tâm. Ngày 20.6 Bình gọi điện rủ Định, Hải (đang ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) vào Khánh Hoà để chém ông Tâm trả thù. 2 ngày sau, Định, Hải vào và được Bình bố trí ở nhà một người quen tại gần Trạm quản lý bảo vệ rừng Liên Sang.
23 giờ đêm 25.6, Bình, Định, Hải và Anh gặp nhau ở quán cà phê tại xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh để bàn bạc chi tiết kế hoạch gây án.
Sau đó Anh được giao nhiệm vụ và đã phục kích tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Liên Sang, khi thấy ông Tâm có mặt ở trạm thì gọi điện thoại về báo cho cả nhóm biết. Lúc này Bình gọi điện thoại cho ông Tâm báo là có thấy một nhóm người vận chuyển gỗ lậu nhằm mục đích lừa ông Tâm rời khỏi trạm. Liền sau đó Bình vào nhà người quen lấy 2 chiếc rựa giao cho Định, Hải và yêu cầu Anh dùng xe gắn máy chở 2 đối tượng này đi gây án.
Lúc rạng sáng 26.6 nhóm đối tượng đã phục kích, chặn đường dùng rựa chém liên tiếp làm ông Tâm gục tại chỗ. Sau khi gây án, Bình bố trí cho Quang dùng ô tô chở Hải, Định tới huyện Ninh Hoà để  lẩn trốn. (Nông Thôn Ngày Nay 20/7) đầu trang(
Từ những rặng tre trồng quanh ao hồ để giữ bờ bao, lấy măng cải thiện cuộc sống, vườn tre của ông Nguyễn Anh Nghĩa (75 tuổi, tên thường gọi Ba Nghĩa, ở tổ dân phố 5, thị xã Gia Nghĩa) đã trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của hàng ngàn chú chim trời.
Người bảo đất lành chim đậu, người lại cho rằng gia đình ông có phước lộc trời ban. “Ông lão vườn chim”, đó là biệt danh thân thương người dân nơi đây gọi ông Ba Nghĩa vì ông hiện đang sở hữu vườn chim trời hàng ngàn con.
Từ quê hương Phú Thọ vào Đắk Nông lập nghiệp năm 1994, ông Ba Nghĩa cùng vợ là bà Đào Thị Vĩnh đã khai hoang khu đồi cỏ tranh, đầm lầy lau sậy um tùm để dựng nên cơ nghiệp. Không phụ công người, đến nay ông Ba Nghĩa có khu vườn 6ha trồng điều, sầu riêng và nhiều loại cây ăn quả khác, cùng hơn 1ha mặt nước hồ nuôi cá đã mang lại cho cuộc sống gia đình ông no ấm. Từ đó, bốn người con lần lượt học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định và yên bề gia thất.
Thấy bố mẹ đã lớn tuổi, các con ông bàn tính đưa vợ chồng ông ra thành phố sinh sống để tiện bề chăm sóc, nhưng ông Ba Nghĩa không chịu. Ông bảo “cái tay hay làm, cái chân hay đi” giờ ngồi một chỗ, trong người khó chịu lắm, sống chết gì cũng ở lại mảnh đất này. Hàng ngày, bên cạnh việc chăm nom vườn cây ăn quả, ông trồng thêm nhiều bụi tre quanh hồ vừa để giữ bờ đập, vừa có thêm măng tre bán. Đất lành chim đậu, thấy vườn nhà ông cây cối xanh tươi, hơn 5 năm trước một số loài chim trời đã tìm về trú ngụ. Lúc đầu còn ít, về sau số lượng chim trời kéo về càng dày đặc.
Cũng từ đó, đôi vợ chồng già lại có thêm công việc mới là canh giữ chim trời. Ông Ba Nghĩa tâm sự: “Đàn chim là lộc trời ban, việc bảo vệ chúng được yên bình chính là món quà chúng ta dành tặng lại cho con cháu đời sau”.
Từ khi đàn chim trời về trú ngụ trong vườn, cuộc sống của vợ chồng ông Ba Nghĩa càng thêm bận rộn. Bà Vĩnh kể: “Khi đàn chim mới về cư ngụ, chẳng bao giờ vợ chồng tôi được ăn ngon, ngủ yên cả! Nhiều hôm vừa đưa chén cơm lên miệng, nghe lũ chim nháo nhác đập cánh, ông ấy và mấy đứa con liền bỏ cả chén cơm chạy một mạch ra vườn tre kiểm tra. Đang đêm mưa gió, nhiều tên săn trộm mò tới bắt chim, ông cũng cầm đèn pin lao ngay ra vườn ngăn cản”.
Sau nhiều năm canh giữ đàn chim trời, ông Ba Nghĩa trở thành nhà nghiên cứu chim lúc nào không hay. Ông nắm rất rõ hoạt động của đàn chim, chỉ cần chúng vỗ cánh, bay lượn lòng vòng là ông biết chúng đang gặp nguy hiểm vì có kẻ săn trộm đang rình.
Theo ông Ba Nghĩa nhận định, đàn chim trời giống loài sếu đầu đen. Chúng đi kiếm mồi, về trú ngụ rất đúng giờ. Vào khoảng 6 - 7 giờ sáng, chúng bay đi kiếm mồi và đến 5 - 6 giờ chiều bay về. Lộ trình bay của đàn chim chia làm 2 nhóm: Một nhóm đi và về từ hướng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (ở huyện Đắk G’long), còn một nhóm từ hướng hồ thủy điện Đắk R’Tíh (huyện Đắk R’lấp).
Cũng theo ông Nghĩa, loại chim này có tổ chức chặt chẽ. Mỗi đàn trước khi về vườn trú ngụ đều có con đầu đàn bay trước để thám thính. Con đầu đàn thường rất to, lượn nhiều vòng và khi thấy an toàn thì ra tín hiệu cho những con chim khác hạ độ cao, sà xuống các cành cây. Do nắm được đặc điểm này, chiều nào ông Nghĩa thấy cả đàn chim cứ bay nhiều vòng và kêu dáo dác là đoán biết ngay có người đang rình săn bắn.
Những lúc như vậy, ông chạy ra vườn khuyên nhủ họ, đừng sát hại đàn chim, để chúng về cho vui. Thấy ông khuyên bảo chân tình, nhiều tay thợ săn nghe theo và thường xuyên đến đây cùng ông ngắm chim trời mỗi khi chiều xuống.
Ngoài đàn chim này, thỉnh thoảng vườn nhà ông còn có hàng trăm con cò trắng về cư ngụ. Ông Trương Đức Huấn, Tổ trưởng tổ dân phố 5, chia sẻ: “Thấy chim trời về trú ngụ trong vườn nhà ông Ba Nghĩa, người dân chúng tôi vui lắm. Trong các buổi họp dân, chúng tôi thường vận động các gia đình cùng nhau bảo vệ vườn chim, không được săn bắn, nếu thấy người lạ vào thì báo với tổ dân phố để kịp thời ngăn chặn. Người ta thường nói đất lành chim đậu, đó là món quà của thiên nhiên ban tặng thì chúng ta phải biết quý trọng và giữ gìn”.
Hiện ông Nghĩa chưa xác định được loài chim về cư ngụ trong vườn thuộc loài nào, vì thế ông mong muốn các nhà khoa học tới nghiên cứu tìm hiểu để xác định chính xác tên của loài chim này. Từ đó, địa phương có biện pháp để bảo vệ vườn chim, đồng thời tạo cảnh quan sinh thái để vườn chim sẽ là điểm đến thân thiện của người dân. (Sài Gòn Giải Phóng 19/7, tr6) đầu trang(
18/7, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết thêm một con gấu ngựa được ghi nhận bởi máy bẫy ảnh tại khu bảo tồn sao la Quảng Nam. (Tuổi Trẻ 19/7, tr2) đầu trang(
Tuy báo chí đã phản ảnh nhiều về tình trạng khai thác trái ươi theo kiểu tận diệt tại huyện Khánh Vĩnh, đồng thời lực lượng chức năng đã có biện pháp xử lý, nhưng đến thời điểm này, cây ươi vẫn bị tàn sát vô tội vạ...
Trở lại xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh sau hơn 1 tháng kể từ ngày Báo Khánh Hòa đăng phóng sự “Tận diệt rừng ươi”, tình trạng khai thác ươi theo kiểu tận diệt vẫn tiếp tục diễn ra. Dọc các tuyến đường vào rừng, đội quân chở trái ươi bằng xe máy hối hả ra, vào. Nhiều người dân địa phương cho biết, chưa bao giờ được mùa ươi, lại được giá như năm nay nên dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ngăn chặn, người dân khắp nơi vẫn đổ về đây để chặt hạ cây.
Có mặt tại khu vực núi Gia Qué thuộc xã Sơn Thái, chúng tôi chứng kiến dòng người nườm nượp vào rừng khai thác trái ươi. Hàng trăm cây ươi đổ ngã ngổn ngang trong rừng, hầu hết là ươi có chiều cao gần 20m, đường kính tối thiểu 30cm. Càng đi vào sâu, số lượng cây ươi bị chặt hạ xuất hiện ngày càng nhiều.
Trước đây, trong số những người vào rừng hái ươi, nhiều nhóm người chỉ nhặt ươi bay (trái ươi rụng), nhưng thời điểm này tất cả đều sử dụng phương pháp chặt hạ để lấy trái.
Ông Cao Liên (người hái ươi trú xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Đầu mùa, bà con chỉ khai thác theo kiểu truyền thống (nhặt trái rụng), nhưng càng về sau người các nơi đổ về đông, thấy cây nào có trái họ cũng hạ nên bọn tôi làm theo. Biết khai thác như vậy thì mùa ươi sau sẽ không còn ươi để mà nhặt, nhưng không làm thì họ làm hết”.
Theo người dân địa phương, khu vực rừng đầu nguồn của xã Sơn Thái, hơn hai tháng nay luôn là “điểm nóng” của việc chặt hạ rừng ươi. Một cây ươi ngã xuống đã kéo theo hàng loạt cây rừng khác bị gãy đổ. Cây ươi thường nằm trong rừng sâu, vì thế những người hái ươi ngang nhiên đưa các phương tiện vào tận nơi để khai thác.
Khi được hỏi không sợ cán bộ kiểm lâm bắt hay sao, nhiều người cưa cây ươi vẫn bình thản trả lời rằng, ở địa phương hầu như nhà nào cũng có lao động vào rừng hái ươi. Nếu bị Kiểm lâm bắt tận tay, các đối tượng sẵn sàng bỏ ươi tại hiện trường để thoát thân. Một số đối tượng đốn hạ cây lấy ươi non còn nói: “Rừng núi mênh mông, người chặt hạ ươi khắp nơi, Kiểm lâm có bắt thì cũng không xuể”.
Ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Trước thực trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo các trạm kiểm lâm trực thuộc tăng cường tuần tra những địa điểm mà người dân tập trung khai thác cây ươi để ngăn chặn đối tượng chặt phá.
Thời gian vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã phá dỡ nhiều lán trại, thu giữ nhiều máy cưa và tạm giữ các phương tiện vận chuyển của người khai thác ươi, song vì lợi nhuận nên người khai thác ươi vẫn bất chấp pháp luật vào rừng khai thác trái phép. Ngoài việc tuần tra, lực lượng Kiểm lâm còn phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân khai thác đúng cách và đúng pháp luật. Hiện ở Khánh Vĩnh bước sang mùa mưa nên tình hình người dân khai thác ươi không còn rầm rộ như trước”.
Tình trạng hái ươi theo kiểu triệt hạ không chỉ diễn ra ở Khánh Vĩnh. Thời gian gần đây, lực lượng khai thác lâm sản này tiếp tục đổ về các cánh rừng ươi của thị xã Ninh Hòa để chặt hạ cây lấy quả. Hiện 2 xã Ninh Ích và Ninh Tây là địa điểm đang diễn ra việc chặt ươi rầm rộ nhất. Điều đáng nói, lực lượng khai thác ươi chủ yếu là người ở địa phương khác tới, dân bản địa chiếm số lượng không đáng kể.
Ông Lê Thùy (chuyên thu mua trái ươi trú tại phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) cho hay: “Sau khi ươi được khai thác rộ ở Khánh Vĩnh được khoảng 1 tháng, đội quân hái ươi lại kéo nhau về các cánh rừng ở xã Ninh Ích và Ninh Tây của Ninh Hòa để khai thác. Đa số những người vào rừng đều không có kinh nghiệm nên họ thu ươi vô tội vạ. Trái già trái non đều bị họ vặt sạch. Tận diệt như thế này thì mùa ươi sau chắc chắn không còn cây để mà khai thác”.
Vì rất nhiều người hái ươi không phải là dân chuyên đi rừng nên việc họ vào rừng chặt hạ cây theo phong trào sẽ rất dễ xảy ra tai nạn. Đã có không ít tai nạn lao động xảy ra đối với người dân khi đi khai thác loại lâm sản này. Mới đây, thông tin từ Công an xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa xác nhận, ông V.D.H. (50 tuổi, trú xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa) tử vong do cây đổ trúng người trong khi đi rừng khai thác quả ươi.
Xung quanh những diễn biến phức tạp này, ông Lê Văn Đỏ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa cho biết: Tình trạng khai thác ươi ở Ninh Hòa vẫn đang tiếp diễn. Người dân chủ yếu sử dụng phương pháp chặt hạ cây để lấy trái. Lực lượng Kiểm lâm đã tổ chức rất nhiều đợt tuần tra, đẩy đuổi.
Tuy nhiên, mỗi lần có cơ quan chức năng xuất hiện là họ bỏ chạy. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra kết hợp với tuyên truyền để xử lý tình trạng khai thác ươi như hiện nay. (Báo Khánh Hòa 18/7) đầu trang(
Hiện nay các tỉnh khu vực miền Trung đang trong thời kỳ cao điểm về khô hạn và cháy rừng, hầu hết những diện tích rừng của các địa phương có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên ở cấp cực kỳ nguy hiểm, cháy rừng đã xảy ra ở một số địa phương thuộc các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên…
Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng vừa có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đề nghị tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng, dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia trong thời gian tới, tình trạng nắng nóng, khô hạn tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương khu vực miền Trung, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn, trọng điểm là khu vực đèo Hải Vân địa bàn giáp ranh tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước đề nghị Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng.
Cùng với đó, tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan phát thanh, truyền hình và báo địa phương tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngoài ra cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm điểm cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng và Website của Cục Kiểm lâm để có biện pháp giải quyết kịp thời. Tổ chức công tác ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24h trong những tháng cao điểm mùa khô. (Chính Phủ 18/7) đầu trang(
18-7, tại TP Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức diễn đàn khuyến nông@nông nghiệp, với chuyên đề “Phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”. Hơn 300 đại biểu của năm tỉnh Tây Nguyên tham dự.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng: “Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng bình quân 0,70C; nước biển dâng khoảng 20cm; thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Tổn thất do thiên tai của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam từ năm 1991 đến 2009 khoảng 2,7 tỷ USD”.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu được Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật năm 2011, nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, hơn 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh và hơn 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung có nguy cơ bị ngập. Ước tính Việt Nam sẽ mất đi khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa (một nửa diện tích hiện nay), đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân.
Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do con người gây ra. Do đó, vai trò của quản lý rừng bền vững trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn. Sau hơn 10 năm thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, cả nước đã giao khoán gần 10 triệu ha trên tổng số 16,24 triệu ha đất lâm nghiệp theo quy hoạch, hơn 1,2 triệu hộ gia đình (4,6 triệu lao động) tham gia dự án; khoảng 585 nghìn hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm.
Việt Nam hiện có hơn 15,3 triệu ha đất lâm nghiệp, chiếm 46% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, tổng diện tích rừng hơn 13,8 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 39,7%. Theo thống kê, từ năm 2006 đến 2011, diện tích rừng cả nước tăng 0,78 triệu ha, độ che phủ tăng 2,5% (trung bình mỗi năm tăng 0,5%). Riêng sáu tháng đầu năm 2014, cả nước trồng hơn 75 nghìn ha rừng. Trong đó, có 3.894 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 71 nghìn ha rừng sản xuất, tăng 3% so cùng kỳ.
Rừng đã đóng góp tích cực vào phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý này đang dần bị suy thoái. Những năm qua, nạn phá rừng, mất rừng ngày càng nghiêm trọng, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, đến hết năm 2013, cả nước phát hiện 25.776 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng.
Trong đó, có 2.071 vụ phá rừng trái phép, diện tích rừng bị phá là 694 ha; 14.248 vụ mua bán, chế biến gỗ, lâm sản trái phép và 249 vụ cháy rừng… “Mất rừng và suy thoái rừng gây nên hiện tượng sa mạc hóa, làm nghèo kiệt đất đai tại vùng đầu nguồn, bồi lắng lòng hồ, gây lũ quét tại nhiều địa phương, phá vỡ các hệ sinh thái quan trọng khác…” - TS. Phan Huy Thông cho biết.
Mất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp làm phát thải hơn 19 triệu tấn CO2, chiếm 18% tổng lượng khí phát thải nước ta. Vì vậy, quản lý rừng bền vững không chỉ có vị trí quan trọng đối với đời sống KT-XH của từng quốc gia, toàn cầu, mà góp phần đắc lực trong giảm thiểu tác hại của thiên tai và ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu.
Tại diễn đàn, các đại biểu và chuyên gia đã thảo luận, trao đổi và nêu một số giải pháp xử lý tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông, lâm nghiệp ở Tây Nguyên; chi trả dịch vụ môi trường rừng, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; về bảo tồn và phát triển các kiểu rừng chính; phát triển rừng bền vững gắn với xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Và hệ thống một số văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. (Nhân Dân 19/7) đầu trang(
Năm nay, ươi bay được mùa chưa từng có, giá trái lại lên cao chót vót. Hơn một tháng nay, cây ươi ở vùng Trường Sơn bị chặt hạ ồ ạt, bất kể lớn nhỏ. Trong dòng nhựa của cây có cả nước mắt và máu của những người chặt ươi.
Trong số tám huyện miền núi của Quảng Nam, Bắc Trà My và Nam Trà My có nhiều cây ươi hơn cả. Từ TP Tam Kỳ theo tỉnh lộ 616 để đến hai huyện này, chừng một cây số đã thấy trái ươi được phơi tràn hai bên đường. Đến thị trấn Trà My, khung cảnh mùa ươi hiện rõ: ở những điểm mua bán, phụ nữ thoăn thoắt nhặt trái phân loại, những người cưỡi xe máy tập trung từng nhóm hỏi han giá cả...
“Người làm ươi nay tiến vô những khu rừng sâu vì ở vùng ngoài người ta làm hết rồi. Muốn vô mấy chỗ đó cũng khó lắm, đi cả ngày mới tới, đèo dốc chập chùng, tui đi mấy chuyến rã người. Nhưng cực thì không nói, ngán nhất là người ta hạ cây đè nhằm mình. Cây ươi dài 20-30m, núi dốc, rừng rậm, không biết mô mà tránh, nguy hiểm lắm” - anh H., ở xã Trà Dương, người giúp dẫn tôi vào rừng, nói.
PV phải đóng vai người đi mua gỗ cây ươi vừa bị đốn hạ về làm ván bao bì để khỏi bị làm khó dễ khi ngang qua làng người Ca Dong ở thôn 3, xã Trà Giác.
Rừng nằm không xa làng. Cây ươi bay ở đây có khá nhiều, mọc thành từng cụm, vài chỗ mọc thưa hơn. Trên một khoảnh đất rộng chừng 500m2 có năm cây ươi, tất cả đều bị đốn hạ, gốc còn ứa nhựa, thân cây phơi vương vãi.
“Mấy cây ươi ni nằm gần rẫy của người địa phương mà còn bị đốn hạ, huống chi là ươi ở rừng sâu. Tui đi làm mấy chuyến thấy người làm ươi mười toán thì chỉ có một toán là đi lượm ươi tự rụng, còn lại đều đốn hạ ươi để hái trái. Cứ một cái cưa lốc (cưa máy cầm tay) thì có khoảng 5-6 người đi theo” - anh H. nói.
Các vùng rừng xã Trà Giác, Trà Giang, Trà Tân đều thuộc hệ núi Hòn Bà (tức Ngok La Dang, có đỉnh cao trên 1.500m) thuộc những vùng núi rộng lớn của Bắc Trà My, có rất nhiều cây ươi. Nay chúng đã bị triệt hạ gần như hết sạch.
Anh H. dẫn chứng: “Ươi ở vùng ni có chỗ mọc dày như cây trồng, nhưng có nhiều mấy cũng không chịu nổi với số người đi làm ươi đông trăm đông ngàn. Dân Đồng Nai, Lâm Đồng đổ ra, dân các huyện kề Trà My như Tiên Phước, Phú Ninh đổ lên. Tui đã thấy có toán hạ một ngày 20 cây, nhưng chỉ lựa hái được chừng một trăm ký ươi già, còn trái non bỏ lại hết. Cây ươi mà biết nói chắc nó sẽ khóc vì bị đốn oan uổng”.
Đã gần cuối mùa, nhưng độ nóng của cơn sốt ươi bay vẫn chưa giảm mấy. Dọc theo đường Trà My - Trà Bồng (tức quốc lộ 24C) xuất hiện từng nhóm người mua trái ươi đến từ Quảng Ngãi tụm xe máy dưới bóng cây ven đường chờ người hái mang ra bán.
“Ươi ở vùng này đúng là có nhiều. Nhưng tiếc là trái năm nay không đẹp lắm vì người ta hái cả trái chưa già. Mấy năm trước không rộ mùa như năm nay, người ta chỉ chọn hái trái chín, trái già gần chín nên ươi đẹp, có chất lượng. Mình cố mua cho được nhưng về bán lại cũng rất khó vì bị chê là hàng xấu” - một người trong nhóm này nói.
5g chiều, anh Hồ Tấn Lộc cùng bốn người trong toán lọ mọ từ rừng sâu mang xách ra đường Nam Quảng Nam đoạn thuộc xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) chừng 10kg ươi.
“Chỗ nào cũng gặp người ta làm rồi. Toàn là mót lượm trái ươi bị chê bỏ lại. Tụi tui đi mấy ngày chỉ gặp lác đác mấy cây ươi nhỏ chưa có trái là chưa bị chặt. Nếu người ta đừng chặt cây, chỉ lượm trái chín bay (rụng) xuống lai rai thì toán nào cũng kiếm được một ít. Trái ươi chín bay giá đến trên hai trăm ngàn một ký, còn ươi chưa già như thế này chỉ dưới trăm ngàn” - anh Lộc nói như than.
Ông Phan Trung Sỏi, phó trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bắc Trà My, không giấu được vẻ buồn bã khi nói về thực trạng “chặt ươi hái trái” đang diễn ra rầm rộ ở địa phương: “Nếu trước đây chỉ có người trong huyện lội rừng hái trái ươi bay thì năm nay chuyện không ai ngờ được là có cả người ở các tỉnh xa đổ đến đây hái ươi, đông nhất là từ Đồng Nai. Cũng vì ươi bay năm nay được mùa chưa từng thấy, mười cây ra trái cả mười thay vì chỉ dăm ba cây như trước đây”.
Theo ông Sỏi, người hái ươi đến từ Đồng Nai dùng ná thun bắn trái ươi rơi xuống xem trái trên cây đã đủ độ già để hái chưa. Nếu được, họ dùng đinh mang theo đóng vào thân cây làm chỗ tựa trèo lên mé cành rơi xuống hái. Kiểu làm này có thể chấp nhận được.
Nhưng cũng vì lượng người trong tỉnh, ngoài tỉnh đổ lên rừng hái ươi đông quá, việc tranh nhau hái trái ươi đã dẫn đến nạn chặt cây ồ ạt. Ngay cả người Cor, người Ca Dong ở địa phương cũng chỉ cố giữ lại những cây ươi gần nhà, gần rẫy, còn lại đều chặt tất vì “mình không chặt thì người ngoài cũng đến chặt thôi”.
Việc chặt cây để hái trái đã diễn ra ở Trà My từ lâu khi trái ươi trở thành mặt hàng xuất khẩu nhưng không quy mô, rầm rộ như năm nay. Những cây ươi to còn lại, những cây ươi tơ 15-20 năm tuổi vừa cho trái vài ba mùa nay đều bị đốn.
“Cây ươi ở Bắc Trà My bị chặt lần này nhiều quá. Trên 50% trong tổng số 83 tấn trái ươi được thu mua từ các chủ buôn ở Bắc Trà My có đăng ký với huyện là từ những cây ươi bị đốn hạ” - ông Sỏi cho biết.
Dẫu mức độ đốn hạ được đưa ra là quá khiêm tốn so với thực trạng, nhưng cứ tính mỗi cây ươi chỉ cho chừng 20kg trái tươi, và cứ từ 3kg trái tươi mới có 1kg trái khô, để có 83 tấn ươi khô thì bao nhiêu cây ươi đã bị đốn hạ? Đó là chưa kể lượng trái ươi được bán ở các điểm thu mua khác là không nhỏ.
Rừng tan người dễ đâu yên. Việc tranh nhau đốn ươi hái trái đã dẫn đến tai họa cho chính người hái ươi.
Cây ươi cao 20-30m, nếu đứng chỗ dốc dựng, hố sâu khi bị đốn thân cây lao đi rất xa và càn quét dữ dội. Rừng dày cây, khi cây ươi ngã luôn kéo nhiều cây bên cạnh ngã đổ theo. Rừng rậm cản tầm nhìn, mặt rừng cheo leo khó tránh chạy khi cây đổ. Đó là những lý do khiến nhiều người hái ươi bị thương, thiệt mạng.
Trong mùa ươi năm nay ở huyện Nam Trà My đã có năm người chết, trong đó bốn người là dân địa phương.
“Họ không chặt ươi nhưng vì rủ nhau rung cây ươi bị người các nơi đến chặt lỡ dở rồi bỏ lại, khi cây ngã họ bị đè chết thảm. Còn một người miền xuôi đến Nam Trà My thăm con thấy hái trái ươi có tiền nên đi theo lượm và bị trượt xuống hố sâu chết” - phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Lê Ngọc Kích cho biết.
Ở Bắc Trà My cũng đã có hai người chết vì cây ươi đè. Mới nhất là trường hợp ông Nguyễn Văn Thiên (47 tuổi) ở thôn Dương Thạnh, xã Trà Dương.
“Anh Thiên nhà tui chỉ mới đi chuyến đầu tiên là gặp nạn. Anh em trong toán kể chiều 8-7 cả toán sẽ về, nhưng giữa buổi mai thì ảnh bị cây ươi toán khác chặt đè nhằm đầu làm ảnh chết. May nhờ anh em trong xóm lên tận núi xa khiêng xác ảnh ra đường để đưa về...” - bà Đặng Thị Tuyết (43 tuổi) vừa khóc vừa kể bên bàn thờ chồng.
Ở thôn Dương Lâm kề cận trước đó một tuần dân làng cũng bàng hoàng trước cái chết của anh Phạm Văn Thống (25 tuổi) vì bị cây ươi ngã đè. Cũng như ông Thiên, anh Thống thuộc hộ nghèo tại địa phương, ước mong kiếm được vài triệu đồng từ mùa ươi bay, không ngờ nay gia đình họ lâm vào cảnh khốn khổ hơn.
Và tin chẳng lành từ rừng ươi có lẽ vẫn chưa chấm hết, bởi mùa ươi năm nay vẫn chưa qua. Theo ước tính của Hạt kiểm lâm Nam Trà My, có khoảng 40% cây ươi bị đốn hạ để hái trái. (Tuổi Trẻ 19/7) đầu trang(
Chiều 17/7, tại xã Ngọc Sơn (Thạch Hà) xảy ra vụ cháy rừng làm 2 ha rừng bị thiệt hại.
Theo tin từ BCH Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, đám cháy xảy ra vào lúc 15 giờ 30 phút, tại khu vực đập Đá Đen.
Nhận được tin báo, BCH Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã chỉ đạo Tiểu đoàn huấn luyện cơ động cử 50 CBCS phối hợp với các lực lượng địa phương tổ chức chữa cháy. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Vụ cháy không gây thiệt hại về người. (Báo Hà Tĩnh 18/7) đầu trang(
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chỉ đạo làm rõ vụ việc: “Huyện Tĩnh Gia thực hiện dự án trồng keo bằng cách “khai tử” diện tích lớn rừng phòng hộ tái sinh”.
Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tĩnh Gia khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung Báo Người cao tuổi phản ánh; có văn bản trả lời Báo Người cao tuổi và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/7.
Trước đó, ngày 26/6, Báo Người cao tuổi có bài: “Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện dự án trồng keo người ta “khai tử” diện tích lớn rừng phòng hộ tái sinh” phản ánh việc 2 năm nay Ban Quản lí Rừng phòng hộ Tĩnh Gia thuê thợ dùng máy cưa điện triệt phá rừng phòng hộ tái sinh không thương tiếc để thực hiện Dự án trồng keo. (Người Cao Tuổi 21/7) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Phần lớn diện tích đất tự nhiên của tỉnh là đồi núi, chỉ phù hợp trồng rừng. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh luôn chú trọng công tác trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh rừng.
Bằng nhiều chương trình, dự án đề ra, với hàng trăm tỷ đồng vốn Nhà nước và các tổ chức nước ngoài rót về cho tỉnh, nhờ đó diện tích rừng đã tăng lên, chất lượng rừng tốt hơn, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 39,39% năm 2011 lên 40,94% năm 2014. Mục tiêu đề ra đến cuối năm 2015 sẽ nâng độ che phủ rừng lên 45%.
“Thời gian như bóng câu qua cửa”, chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết nhiệm kỳ đại hội, trong khi chúng ta cần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 4%, tương đương 36.000ha rừng (chủ yếu khoanh nuôi, tái sinh) là điều không dễ.
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong công tác bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2011 - 2014, cho thấy: do công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chưa được làm thường xuyên, không đảm bảo trình tự, thủ tục nên quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Tiến độ giao đất giao rừng theo Kế hoạch 388/KH-UBND tại một số địa phương bộc lộ những tồn tại như: Tiến độ thực hiện chậm, xử lý tranh chấp phát sinh chưa kịp thời, tư vấn yếu kém...
Việc quyết toán các dự án rừng đã hoàn thành, nhất là Dự án 327, 661 chậm, dẫn đến không lập được thủ tục thanh lý rừng để khai thác tận thu gỗ rừng sản xuất đã đến tuổi phục vụ nhu cầu cuộc sống và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ. Chính sách hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất còn nhiều bất cập. Thường do nguồn vốn quá thấp, trong khi đa phần diện tích rừng trồng nằm ở những vị trí khó khăn, độ dốc lớn, địa hình chia cắt, việc vận chuyển cây giống để trồng, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rất khó khăn, nên người dân, doanh nghiệp không mặn mà.
Để chủ trương phát triển rừng bền vững cho cả giai đoạn đến năm 2020 đi vào cuộc sống, nhất là tạo lòng tin, động lực trong đại bộ phận người dân sống được từ rừng, doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn tham gia trồng rừng, chúng ta cần thực hiện tốt các giải pháp. Thứ nhất là chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của rừng. Sống ở miền rừng, ruộng nương ít, việc đầu tư kinh phí xây dựng, kiên cố hóa các công trình thủy lợi sản xuất lúa nước gặp khó khăn.
Do vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần mạnh dạn nhận khoán đất trồng rừng phủ xanh đồi trọc, khoanh nuôi, tái sinh rừng để tăng thu nhập. Về phía Nhà nước, cần lựa chọn những bộ giống cây trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao; tăng cường mở các lớp tập huấn để chuyển giao KHKT về trồng và chăm sóc rừng cho bà con. Việc thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia trồng rừng cũng rất cần thiết. Hiện tại đã có 12 doanh nghiệp được cấp giấy phép tham gia trồng rừng.
Tuy nhiên, trong số đó có những doanh nghiệp tham gia theo kiểu “giữ chỗ”, đã được cấp giấy phép nhiều năm nhưng chưa trồng được héc ta rừng nào. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát đối với những doanh nghiệp kiểu này để kịp thời rút giấy phép và cấp cho đơn vị khác có tiềm lực, thế mạnh và kinh nghiệm hơn. Một mặt, phải cân đối, tính toán lại mức hỗ trợ kinh phí cho các dự án trồng rừng như: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.
Tham gia trồng 1ha rừng thay thế thành rừng tốn 40 - 60 triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ của Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Đây là trở ngại lớn nhất khiến người dân và doanh nghiệp chưa mặn mà với chính sách trồng rừng của tỉnh. (Báo Điện Biên Phủ 18/7) đầu trang(
Chiều 17/7, Chi cục Kiểm lâm tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 và giới thiệu chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tham dự có ông Đặng Ngọc Sơn – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT; ông Nguyễn Duy Ngọ - Chủ tịch Công đoàn ngành; giảng viên Trường Quân sự tỉnh; cùng Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc.
Tại hội nghị, nbáo cáo tổng kết đã nêu lên một số kết quả nổi bật mà Chi cục đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, như đã tham mưu ban hành và ban hành 450 văn bản các loại. Phát hiện, xử lý 197 vụ vi phạm (giảm 39 vụ so với cùng kỳ năm 2013), trong đó khởi tố hình sự 04 vụ; tịch thu hơn 287,71 m3 gỗ các loại, 20 tang vật phương tiện; tổng thu nộp Ngân sách Nhà nước 1,63 tỷ đồng.
Đề án giao đất, giao rừng được xem là nhiệm vụ trọng tâm, quyết liệt thực hiện. Hiện có 11/11 huyện, thành phố đã phê duyệt xong; 147/147 xã hoàn thành việc xây dựng phương án cấp xã với diện tích 55.842 ha; 65 xã/147 xã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để thực hiện. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai mạnh mẽ.
Ngay từ đầu năm, Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR như xây dựng Kế hoạch 07/KH-BCĐ ngày 4/3/2014 của BCĐ tỉnh ; Phương án số 13/PA-UBND ngày 30/5/2014; Công điện khẩn số 13/CĐ-UBND ngày 04/6/2014...
Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh, huyện, chủ rừng; thành lập 346 Tổ đội chữa cháy rừng các cấp với 7.376 người tham gia; làm mới và tu sửa 135,2 km đường băng cản lửa; 94 chòi canh; 472 biển tường; 2.451 biển báo; 36 bảng cấp dự báo cháy rừng; xử lý thực bì giảm vật liệu cháy 1.020,5 ha; mua sắm, tu sửa các loại công cụ, dụng cụ...
Bên cạnh những kết quả, báo cáo thẳng thắn nêu lên hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua.
Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục tồn tại, tháo gỡ khó khăn, Hội nghị đã chỉ ra nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2014, trọng tâm là tập trung làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, kiên quyết không để xẩy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép; chủ động sẵn sàng 4 tại chổ trong PCCCR hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cháy rừng; tập trung tham mưu chính quyền các cấp đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng theo kế hoạch Đề án tỉnh.
Bế mạc Hội nghị, ông Nguyễn Huy Lợi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm khẳng định và tin tưởng rằng 6 tháng cuối năm 2014, nhiệm vụ hết sức nặng nề và có nhiều khó khăn thách thức, nhưng phấn khởi trước những thành tích đã đạt được cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp; lực lượng Kiểm lâm quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh 18/7) đầu trang(
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sở Công Thương vừa tổ chức lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn (SXSH) cho hơn 60 cán bộ quản lý, nhân viên của các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và cao su trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tại lớp tập huấn, thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Phượng (Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường TP.HCM) đã giới thiệu về lợi ích của SXSH, các nguyên tắc, kỹ thuật thực hiện SXSH, cũng như các bước thực hiện SXSH trong DN.
Được biết, tại Việt Nam hiện đã có một số DN ngành chế biến mủ cao su, sản xuất mía đường, sản xuất giấy và bột giấy, bia rượu đã áp dụng SXSH gắn liền với tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001. Riêng tại Bình Dương, cũng đã có một số DN áp dụng SXSH, nhưng chưa nhiều.
Lớp tập huấn giúp các DN có thêm kiến thức áp dụng tại DN, đặc biệt là các kỹ thuật thực hiện SXSH mới vừa rẻ, vừa hiệu quả như giảm thải tại nguồn, tuần hoàn và tái sử dụng, cải tiến sản phẩm. (Báo Bình Dương 17/7; Thời Báo Kinh Doanh 21/7, tr11) đầu trang(
Hiệu quả từ triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo tinh thần Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh 3 năm qua đã và đang tạo ra những hiệu ứng tích cực.
Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Lịch – Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh PV được biết: Thực hiện chủ trương, chính sách của chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, ngay sau khi thành lập, Quỹ đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách các đối tượng, mức chi trả, thời điểm chi trả tiền DVMTR trên địa bàn theo tinh thần Nghị định 99; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; hàng năm phê duyệt kịp thời kế hoạch thu, chi để các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời đôn đốc và giám sát để quá trình triển khai chính sách đảm bảo thiết thực hiệu quả, cũng như phát hiện những khó khăn vướng mắc để có phương án giải quyết kịp thời.
Tìm hiểu được biết, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, Ban quản lý rừng phòng hộ cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú.
Tổ chức tập huấn về triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, rà soát, xác định lập phương án khoán quản lý bảo vệ rừng, hợp đồng, nghiệm thu, ký cam kết bảo vệ rừng; hướng dẫn sử dụng kinh phí từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, thủ tục thanh toán, quyết toán hàng năm để đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Cùng với đó, Quỹ phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đàm phán và ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La và 05 Thủy điện có lưu vực trong tỉnh là Nậm Lụng, Nậm Cát, Chu Va 12, Nậm Mở 3 và Thủy điện Bản Chát. Từ 01/01/2012 đến 31/12/2013 thu 374.300 triệu đồng, năm 2014 dự kiến thu 164.703 triệu đồng, để chi trả hàng năm cho cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả trực tiếp đến hộ và nhóm hộ. Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, Hạt Kiểm lâm thành phố còn thành lập 527 tổ xung kích, bình quân 5 tổ/xã, lập 26 chốt gác chốt gác bảo vệ rừng ở khu vực có nguy cơ cháy cao.
Các Ban sử dụng một phần kinh phí quản lý để chi cho các tổ xung kích hoạt động và chi hoạt động chữa cháy rừng, mua sắm các dụng cụ: dao phát, quần áo bảo hộ, giầy,... phục vụ công tác tuần tra bảo vệ, làm đường băng trắng cản lửa trước mùa khô để phòng chống cháy rừng hiệu quả hơn.
Theo số liệu mà Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cung cấp thì từ nguồn DVMTR, thu nhập của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng hàng năm tăng lên đáng kể. Năm 2012, thu nhập bình quân của các hộ là 2.115.234 đồng/hộ/năm;  năm 2013 là  2.433.395 đồng/hộ/năm. Đặc biệt năm 2013, có hộ thu nhập 47.5 triệu đồng tại xã Hua Bum huyện Nậm Nhùn.
Riêng huyện Mường Tè có mức thu nhập bình quân của các hộ trong huyện là 16,4 triệu đồng, cao hơn rất nhiều mức thu nhập bình quân chung toàn tỉnh. Ước năm 2014, trung bình 3.290.890 đồng/ hộ/năm, các hộ huyện Mường Tè trung bình khoảng 21.771.230 đồng/hộ/năm; dự kiến hộ cao nhất tại xã Pú Đao huyện Nậm Nhùn khoảng 63.056.870 đồng/hộ/năm.
Hiệu quả từ chính sách còn tác động trực tiếp tới công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ý thức trong việc bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao; nhiều bản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng; các xã, thôn bản giáp ranh còn có sự giám sát lẫn nhau trong bảo vệ rừng. Số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm rõ rệt, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong năm 2013 giảm 15 vụ so với năm 2011.
Đặc biệt là UBND xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) còn có văn bản gửi phòng Lao động – TBXH huyện không nhận trợ cấp gạo cứu đói năm 2012 vì đã có tiền bảo vệ rừng để mua lương thực.
Ông Lù Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hua Nà, huyện Than Uyên phấn khởi cho biết: Toàn xã có 9 bản, 506 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ 160 ha rừng. Tổng số tiền hàng năm xã nhận được từ dịch vụ môi trường rừng là 260 triệu đồng. Số tiền được chi đến tận tay các hộ dân. Bà con các dân tộc trong xã rất phấn khởi vì thành quả công tác bảo vệ rừng của mình đã được nhà nước ghi nhận.
Giờ đây, hầu hết các hộ gia đình tích cực trồng rừng hơn, xã đã hoàn thành trồng 50ha rừng theo kế hoạch được giao năm 2014, với diện tích rừng nhận khoán thì dành nhiều thời gian tuần tra, canh gác rừng, làm đường băng cản lửa...nên rừng được bảo vệ hiệu quả hơn.
Thông qua công tác hỗ trợ cây giống trồng rừng từ nguồn chi phí quản lý của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, năm 2013 toàn tỉnh trồng mới gần 35 ha rừng, dự kiến năm 2014 hoàn thành trồng trên 400 ha. Do vậy, đã góp phần nâng độ che phủ của rừng tăng từ 41,6% năm 2011 lên 43,82% năm 2013, nhất là chất lượng rừng ngày một nâng lên.
Tin tưởng rằng, những kết quả sau 3 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ tiếp tục làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng, thúc đẩy xã hội hóa nghề trồng rừng, tạo nguồn lực vững chắc cho phát triển lâm nghiệp tỉnh nhà.
Lai Châu có diện tích đất lâm nghiệp 680.299,8 ha, trong đó rừng đặc dụng: 41.275 ha; rừng phòng hộ: 360.893,3 ha; rừng sản xuất 278.131,5 ha. Rừng của tỉnh Lai Châu có tầm quan trọng đặc biệt với các công trình thủy điện, phòng hộ chống bồi lắng lòng hồ, cung cấp điều tiết nguồn nước. Đến hết năm 2013 độ che phủ của rừng toàn tỉnh đạt 43,82 %.
Tổng số hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng năm 2012 là 54.145, với diện tích chi trả là 426.987,36 ha; năm 2013 là là 57.277 hộ với 424.053,31 rừng; dự kiến năm 2014 là 435.963,2 ha. (Báo Lai Châu 19/7) đầu trang(
Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á, số 1 Đông Nam Á về XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, lâu nay, ngành sản xuất, chế biến gỗ vẫn chưa đạt được sự phát triển bền vững, khi mãi loay hoay trong những yếu kém nội tại.
Trong những năm qua, ngành chế biến và XK sản phẩm gỗ đã có những bước phát triển vượt bậc với kim ngạch XK luôn tăng trưởng cao. Nếu như năm 2000, giá trị XK các sản phẩm gỗ của Việt Nam mới ở mức khiêm tốn là 214 triệu USD thì đến năm 2004, kim ngạch XK đã lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD (1,154 tỷ USD).
Giai đoạn 2001-2012, kim ngạch XK các sản phẩm gỗ của Việt Nam liên tục tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước (trừ năm 2009). Năm 2012, Việt Nam XK gỗ và phẩm gỗ đạt 4,67 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2011, vượt gần 7% so với kế hoạch và tăng gần 200% so với năm 2007 (2,4 tỷ USD).
Ngay sau đó, năm 2013, kim ngạch XK lâm sản của Việt Nam tiếp tục tăng 19,2% so với năm 2012 và chiếm khoảng 4,3% thị phần toàn cầu khi đạt giá trị XK 5,7 tỷ USD. Nhìn nhận trên bình diện rộng hơn, gỗ và lâm sản là mặt hàng có tỷ lệ xuất siêu cao so với một số mặt hàng XK khác. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới, thứ 2 châu Á và số 1 Đông Nam Á về XK  gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Song song với sự tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch XK, thị trường XK các sản phẩm gỗ cũng không ngừng được mở rộng. Nếu năm 2003, sản phẩm gỗ Việt Nam chỉ XK vào hơn 6 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có mặt tại trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 3 thị trường chính chiếm tỷ trọng kim ngạch XK lớn nhất là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, tiếp đến là các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Đức, Australia, Canada, Pháp, Hà Lan…
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Nhiều năm qua, ngành chế biến gỗ mặc dù phát triển nhanh nhưng không bền vững. Tăng trưởng của ngành này chủ yếu dựa vào XK, nhưng phần lớn lại chỉ là gia công, phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ khách hàng nước ngoài.
Hiện, chỉ số ít DN có thể chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị và có khả năng tự sản xuất theo thiết kế, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng. Còn lại hầu hết các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ như hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề,… thường có công nghệ thiết bị lạc hậu, khả năng quản lý hạn chế, thiếu chiến lược kinh doanh… nên sản phẩm làm ra có giá thành cao và quan trọng hơn là làm giảm năng lực canh tranh.
“Một trong những điểm yếu, bất lợi lớn của ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay là chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các công ty lâm nghiệp với các DN chế biến gỗ. Nguồn nguyên liệu, nhất là gỗ lớn đang bị phụ thuộc vào nguồn NK nên các DN chế biến khá bị động trong sản xuất, kinh doanh. Sự thiếu gắn kết này một mặt khiến cho hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng chưa cao, giá trị gia tăng của lâm sản chưa được như mong muốn, mặt khác lại làm hạn chế sự cạnh tranh công bằng giữa các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng: Lỗ “hổng” từ ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là điểm yếu không thể không kể đến, ảnh hưởng trực tiếp tới sự bền vững của ngành chế biến gỗ nói chung, XK gỗ nói riêng. Mặc dù hiện nay công nghiệp phụ trợ đã có những bước phát triển đáng kể, phục vụ cho quá trình chế biến gỗ hiệu quả hơn, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất, nhất là đối với các DN chế biến gỗ ở phía Bắc. Đặc biệt, việc sản xuất các loại keo kết dính còn chưa đáp ứng được với nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của các DN sản xuất ván nhân tạo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngành gỗ nói chung cũng như XK gỗ nói riêng có sự phát triển, tăng trưởng bền vững hơn, cần phải biến công nghiệp chế biến và thương mại gỗ phải trở thành mũi nhọn kinh tế của ngành lâm nghiệp, phát triển theo cơ chế thị trường trên cơ sở công nghệ tiên tiến, nâng cao tối đa hiệu suất sử dụng gỗ nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu XK cũng như tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, cần tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời và đồ mộc mỹ nghệ,... Đồng thời, tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu NK và nâng giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Dũng: Điều quan trọng là phải đa dạng hoá và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp với thị hiếu khách hàng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và cấp chứng chỉ cho các mặt hàng XK; đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo, giảm dần chế biến dăm giấy XK.
Xung quanh vấn đề này, ông Trịnh Quốc Đạt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách khuyến khích liên kết giữa các làng nghề gỗ, liên kết giữa các DN gỗ trong tiêu thụ sản phẩm như giảm thuế XK, cho vay tín dụng và các ưu đãi khác.
Các cơ quan thương mại các nên chú trọng chỉ đạo và hỗ trợ tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi, giới thiệu thị trường cho các tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề gỗ và các DN. Đối với riêng Bộ Công Thương, cần có bộ phận chuyên trách chỉ đạo XK sản phẩm làng nghề trong đó có sản phẩm của làng nghề gỗ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Dự kiến, tháng 10-2014, Việt Nam sẽ ký kết với EU Hiệp định đối tác tự nguyện (FLEGT-VPA). Theo đó, các DN XK gỗ Việt Nam sẽ phải tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật liên quan nguồn gốc gỗ hợp pháp theo chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT).
Thực hiện FLEGT-VPA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các DN trong việc XK đồ gỗ. Sản phẩm không chỉ tiếp tục được XK vào EU mà còn có thể bán được giá cao hơn cũng như có nhiều cơ hội XK sang các thị trường khác, giảm thiểu tình trạng chế biến gỗ bất hợp pháp trong nước.
Tuy nhiên hiện nay, nhận thức về FLEGT-VPA của các DN Việt Nam và làng nghề còn hạn chế, chủ yếu mới dừng lại ở các DN vừa và lớn.
Do đó, để tận dụng tốt nhất cơ hội thúc đẩy XK gỗ, các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến kiến thức cho cộng đồng DN, các hộ sản xuất trong các làng nghề gỗ về FLEGT-VPA, để tránh sử dụng gỗ bất hợp pháp cũng như việc tổ chức sản xuất, sử dụng người lao động, an toàn trong sản xuất, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất sản phẩm gỗ, tránh được những rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm. (Pháp Luật TPHCM 21/7; Hải Quan 20/7; Hà Nội Mới 21/7, tr3) đầu trang(
Hơn 20 năm trước vùng chân sóng xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia là một khu đồng chua nước mặn, không biết trồng cây gì, nuôi con gì để kiếm sống, đời sống của người dân nơi đây vốn đã khó khăn lại khốn khó hơn.
Nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm của cựu chiến binh Trương Bá Tiện, tiềm năng của khu đồng chua nước mặn đã được đánh thức, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho bà con nơi đây. Nhưng đến nay trong ông vẫn nặng một nỗi buồn…
Rời quân ngũ được một thời gian ngắn, đã thấy ông quần xắn quá gối lội khắp cả khu đồng chua nước mặn ở vùng chân sóng. Hôm sau ông đã có mặt ở trụ sở ủy ban nhân dân xã. Gương mặt ông Trương Bá Tiện sung sướng lắm, quê hương là “chùm khế ngọt” mà.
Ông đưa cho UBND xã mấy bản tờ trình xin cấp đất trên đồng đất hoang hóa bấy lâu nay. Mấy ông lãnh đạo lật đi lật lại, ngạc nhiên, ai cũng hỏi: “Mới về, nghỉ ngơi cái đã, sao hăng hái thế!”. Nhìn khu đồng chua, nước mặn ở vùng chân sóng có nhiều người bàn lui và cả vợ cùng ba đứa con trai của ông bảo: “Chỉ công dã tràng thôi!”. Nhưng việc đã quyết thì không ai cản được nữa
Được cấp ủy, chính quyền xã, trên huyện ủng hộ, tờ trình của ông đã được thông qua chóng vánh. Năm 1993, theo Quyết định 1693/QĐ/UBNDTG ngày 4/1/1993 do Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ký, giao quyền quản lý sử dụng 200ha đất bãi bồi vùng triều lạch Bạng cho ông Trương Bá Tiện sử dụng mục đích trồng rừng 195ha và đất lập vườn ươm 5ha, hạn mức sử dụng 50 năm thực thi Dự án 327.
Ông Tiện còn nhận của thôn Vạn Xuân 8,7ha theo Quyết định 01QĐ/UBNDXL do Chủ tịch xã Xuân Lâm ký, giao quyền sử dụng đất 8,7ha mục đích nuôi trồng thủy sản Dự án 327 (hạn mức 20 năm). Ông chủ tịch xã khen: “Đúng là chất lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông cứ làm đầu tàu cho bà con trong xã noi theo”.
Biết vợ con không ủng hộ, ông Tiện thuê nhân công đào hồ với quy mô lớn (sâu 2-3m) để nuôi tôm, nuôi cá. Vụ thứ nhất được mùa, đủ tiền chi trả nhân công, cả nhà vui lắm. Vụ thứ hai, gặp mưa bão nước tràn bờ, tôm cá đi hết. Chẳng chùn chân, mỏi gối, ông bỏ tiền mua giống thả tiếp. Tôm, cá lại bị bệnh và chết hết. Vụ thứ ba vỡ kè, lỗ trắng tay. Mấy chục triệu đồng phụ cấp bỏ ra xây kè đắp đập, rồi cả hàng trăm triệu đồng tiền giống, trồng cây nước mặn thế là trôi ra biển hết. Vợ khóc, ba thằng con trai nản chí. Một thằng con bỏ quê đi sinh cơ lập nghiệp nơi đất khách quê người. Ông Tiện nằm liệt giường đến ba ngày không buồn ngóc đầu dậy.
Trong lúc mọi khó khăn đổ dồn lên đầu ông, thì ông được một người bạn ở Bộ Nông nghiệp về hưu chỉ ông ra Hà Nội, vào Viện Kinh tế sinh thái Trung ương nhờ Viện này giúp đỡ. Người bạn cho ông biết thêm: Viện Kinh tế sinh thái Trung ương đã từng giúp xây dựng nhiều mô hình trang trại VACR (vườn, ao chuồng, rừng) thành công ở các tỉnh trên cả nước.
Ông liền cất công ra Hà Nội vào Viện sinh thái ngay. Nắm bắt được nội tình trên đồng đất chua mặn ở Tĩnh Gia; TS Nguyễn Văn Trương, Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái (KTST) Trung ương cho ông Tiện biết là viện có nhiều kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản ở các vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn…Viện sẵn sàng giúp đỡ. Như chết đuối vớ được cọc vậy, ông mừng khôn xiết.
Được sự giúp đỡ tận tình của Viện Kinh tế sinh thái Trung ương, trực tiếp là đồng chí Viện trưởng, khu đồng chua mặn của ông Tiện đã ứng dụng mô hình “rừng triều ngập mặn”. Đây là mô hình nuôi tôm phải có cây, có rừng để có chỗ cho tôm sinh đẻ, trú ẩn. Như trước đây không có cây, không có rừng, tôm theo thủy triều vào đẻ rồi lại theo con nước đi ra biển hết. Nuôi ở hồ, nước tràn bờ là tôm đi, nước cạn là tôm chết. Nóng quá, tôm không sống nổi, lạnh quá hoặc rét đột ngột tôm sẽ chết.
Thế là sau một thời gian ngắn trên đồng đất của ông canh tác đã xuất hiện cây vẹt, cây sú, cây mắm đã mọc lúp xúp trên mặt nước. Dưới đáy hồ những chùm rễ cây chằng chịt cho từng đàn tôm, cua cáy đua nhau kiếm mồi, sinh nở…Vụ đầu trên đồng đất mô hình “rừng triều ngập mặn” của ông mang lại khoản thu nhập lớn, đời sống gia đình được cải thiện.
Nhưng với cây sú, cây vẹt, cây mắm không đủ sức bền để giữ đất, giữ tôm, cua trước những cơn sóng triều cường trong mùa giông bão. Ông Tiện xin ý kiến chỉ đạo của Viện KTST. Các nhà khoa học của Viện chỉ dẫn ông thử nghiệm trồng cây đước miền Nam. Có lúc ông nghĩ xa, nghĩ gần. Rồi ông lại nghĩ: “Bao nhiêu công sức với hàng tỉ đồng đầu tư gây dựng, bây giờ để đổ xuống biển sao?”.
Vài ngày sau, trên lưng với chiếc balô quen thuộc trong những năm đánh giặc, ông lại lên đường vào Nam tìm cây đước. Những ngày đến với bà con cô bác huyện Cần Giờ, ông cảm thấy trong mình nhẹ nhõm khi được tận mắt thấy những cây Đước cành lá xòe ra trên mặt nước với những chùm rễ bện chặt với vùng chân sóng. Ông học hỏi cặn kẽ từ cách chọn giống, cách trồng đến cách chăm sóc cây Đước… Ông mua thêm 500.000 đồng hạt giống và còn được bà con cô bác đóng bao mấy chục cây tặng và tiễn ra tận bến xe, mong sao cây đước miền Nam bện chặt với vùng chân sóng đất Bắc.
Gần 20 năm (1993-2013) đánh vật với vùng chân sóng, cây đước Nam Bộ đã giúp ông chống được xói mòn đất bồi vùng triều ngập mặn gần 200ha. Năm 1993-1996 ông Tiện mới thực sự thành công mô hình “Cây đước rước con tôm” trên diện tích 8,7ha. Cây đước lên xanh ôm lấy mặt hồ. Còn con tôm đã mang lợi lại cho ông đến hàng trăm triệu đồng. Vừa trồng đước, ông vừa nuôi tôm, mô hình “Cây đước rước con tôm” trên diện tích 20ha thành công trên đất Xuân Lâm (Tĩnh Gia.
Chỉ được sử dụng quản lý 3 năm/20năm theo Quyết định 01 QĐ/UBNDXL ngày 31/12/1993, do Chủ tịch xã Xuân Lâm ký giao quyền sử dụng đất 8.7ha mục đích nuôi trồng thủy sản Dự án 327 (hạn mức 20 năm); năm 1997, ông Tiện phải giao lại 20ha (8,7ha đất nội đê và 11,3ha đất ngoại đê) cho Phân viện KTST miền Trung tại Thanh Hóa sử dụng để nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn tại xã Xuân Lâm theo Quyết định số 1651 NN/UBTH ngày 12/9/1996, do Chủ tịch UBND tỉnh ký sử dụng 20 năm. Mặc dù chỉ được sử dụng 20ha trong thời gian ngắn ngủi như vậy, nhưng ông Tiện coi đây là điều kiện, điểm nhấn thuận lợi cho ông và bà con trên địa bàn thực thị dự án bền vững trên gần 200ha đất vùng chân sóng.
Sau thời gian tiếp quản, thực hiện trên 20ha ông Tiện bàn giao, Phân viện KTST, miền Trung đã nhìn nhận, đánh giá cao vai trò dám nghĩ, dám làm của ông Trương Bá Tiện. Trong Công văn số 38/KTST của Viện KTST Trung ương gửi UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 15/5/2013: “Ông Trương Bá Tiện và gia đình là người đã biết vì công việc phục hồi sinh thái vùng Triều Lạch Bạng mà hy sinh lợi ích cá nhân trong thời gian thực hiện dự án. Chúng tôi ghi nhận sự đóng góp đầy ý nghĩa này, xin cảm ơn gia đình ông”.
Tâm sự với PV, ông Tiện không giấu nổi xúc động: Bà con thường nhìn vào đôi tay mình làm nhiều hơn cái miệng mình nói, điều đó đã cuốn hút bà con trong làng trong xã. Tôi tiến hành giao đất cho các hộ trồng đước. Hộ ít lao động thì giao 1-2ha, hộ nhiều lao động 3-4ha. Ai cũng vui nhận đất trồng cây đước, chăm cây đước phát triển, vốn đã có ông lo.
Các hộ nuôi tôm trên diện tích trồng đước được giao rồi thu hoạch, bán lại cho ông. Bà con nhận trồng đước có hai cái lợi: trồng đước dưới sự bảo trợ của ông và tận dụng trên diện tích đó mà nuôi trồng thủy sản. Thủy sản thu được như con tôm, con cá, con cua… ông đảm nhận việc tiêu thụ.
Trên diện tích 195ha, được quy hoạch thành trang trại lớn nông lâm sản, nuôi giống thủy sản, trồng rừng chống xói mòn giữ đất. Sản phẩm của ông phát triển cung ứng kịp thời cho cư dân ở vùng chân sóng nhân rộng mô hình của ông phát triển sản xuất nông lâm, ngư nghiệp… Cây đước mọc thành rừng đến gần phố huyện đến cầu Hổ, cầu Lau (Hoàng Mai)… Ông Tiện nắm chặt tay tôi tự tin: “Đảng vạch cho ta hướng đi; Đảng chỉ cho ta cách làm; đó là vốn quý để tôi bắt tay vào nhiệm vụ không quản khó khăn, vất vả”.
Đi trong rừng đước xanh đến mướt mắt, ông Tiện không giấu nổi niềm hứng khởi: “Công mình bỏ ra không uổng. Dự án du lịch sinh thái đang ở giai đoạn tiền khả thi. Tôi ước tính chỉ vài năm nữa thôi, được phép của các cấp ủy chính quyền, tôi sẽ liên doanh với nước ngoài để gây dựng khu du lịch sinh thái trong rừng đước rộng gần 200ha này.
Hiện mô hình “Cây đước rước con tôm” của ông Tiện đang phát triển mạnh. Trên diện tích gần 200ha ở vùng chân sóng. Ông Tiện đã quy hoạch thành một vùng trang trại lớn nông, lâm, thủy sản: vừa nuôi các giống thủy sản, vừa trồng rừng chống xói mòn đất ở vùng chân sóng.
Ông Tiện cho biết: “Điều khiến tôi rất bất ngờ theo Công văn số 253/UBNN của UBND tỉnh Thanh Hóa do Phó chủ tịch UBND tỉnh ông Lôi Văn Len ký về việc kiểm tra sử dụng đất 20ha do Phân viện Kinh tế sinh thái miền Trung trồng rừng ngập mặn. Trong đó có đoạn nêu rõ: “UBND tỉnh nhận được Công văn 02TT/UB ngày 10/1/2003 của Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm đề nghị thu hồi đất Phân viện Kinh tế sinh thái miền Trung giao lại cho xã Xuân Lâm với lý do: ông Trương Bá Tiện vi phạm hợp đồng nhận thầu đất, sử dụng không hiệu quả, thua lỗ nhiều và không trả được nợ nhận thầu đất cho địa phương…”.
Nội dung được trích trên đây nghe thật lạ tai mà có thật, bản thân tôi đau lòng lắm: “…ông Trương Bá Tiện vi phạm hợp đồng chứ không phải Phân viện Kinh tế sinh thái miền Trung (cơ quan chủ sở hữu 20ha đất) đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo”.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết trên diện tích 20ha đó gồm: gồm 11,3ha trích từ 200ha đất bãi bồi vùng triều Lạch Bạng mà ông Tiện được UBND huyện Tĩnh Gia giao quyền sử dụng đất cho ông Trương Bá Tiện theo Quyết số 1693 QĐ/UBNDTG ngày 4/1/1993, do ông Chủ tịch huyện Tĩnh Gia ký; sử dụng mục đích trong đó 195ha trồng rừng và 5ha đất vườn ươm thực thi Dự án 327. Hạn mức sử dụng 50 năm. Ông Tiện còn được UBND xã Xuân Lâm giao quyền sử dụng thêm 8,7ha đất mục đích nuôi trồng thủy sản, theo Dự án 327 (hạn mức 20 năm 1993 - 2013) theo Quyết định số 01 QĐ/UBNDXL ngày 31/12/1993, do Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm ký.
Nhưng đến năm 1996, theo Quyết định số 1651 NN/UBTH ngày 12/9/1996 do chủ tịch UBND tỉnh ký trích trên diện tích trồng rừng ngập mặn của ông Tiện phải giao đất cho phân viện KTST miền Trung mượn sử dụng trồng rừng 20ha; gồm 8,7ha đất nội đê và 11,3ha đất ngoại đê (20 năm). Như vậy hợp đồng quyền sử dụng đất của ông Tiện 20ha đất với xã Xuân Lâm chỉ trong 3 năm/20 năm tính đến tháng 12/1996 mà thôi.
Trong suốt 3 năm (1993-1996) ông đã thực hiện tốt nghĩa vụ đóng thuế của mình đối với xã, với thôn. Căn cứ theo bản kết luận của UBND huyện Tĩnh Gia ngày 28/1/1999: ông Trương Bá Tiện đã tiến hành đối chiếu công nợ theo số liệu hồ sơ của kế toán và chủ tài khoản của thôn Vạn Xuân qua hai nhiệm kỳ.
Khi đối chiếu Công văn số1290 CTTTHT của Cục thuế Thanh Hóa về chính sách thu tiền thuế đất trên diện tích 20ha (8,7ha đất nội đê và 11,3ha đất ngoại đê) thực hiện làm vườn ươm theo Quyết định1651/QĐ/NN-UBTH ngày 12/9/1996 của UBND tỉnh Thanh Hóa, thì gia đình ông Tiện không thuộc đối tượng phải nộp thuế đất và không phải nộp bất cứ loại thuế nào liên quan đến diện tích đất được giao.
Nhưng vấn đề lưu tâm nhất, đó là đến năm 1996, theo Quyết định số 1651 QĐ/NN/UBTH ngày 12/9/1996 do Chủ tịch UBND tỉnh ký trích trên diện tích trồng rừng ngập mặn của ông Tiện phải giao đất cho phân viện Kinh tế sinh thái miền Trung mượn sử dụng trồng rừng 20ha; gồm 8,7ha đất nội đê và 11,3ha đất ngoại đê (20 năm).
Như vậy hợp đồng quyền sử dụng đất của ông Tiện 20ha đất với xã Xuân Lâm chỉ trong 3 năm/20 năm tính đến 12/1996 mà thôi. Trên diện tích 20ha này ông Tiện và gia đình ba đứa con trai ông đã dày công, của gây dựng nên với hơn 3.800.000.000 đồng trong đó có 30 triệu đồng do Ban Dự án 327 phê duyệt cho vay và 30 triệu đồng ông vay từ ngân hàng. 3 năm (1993-1996) ông Tiện mới thực sự thành công mô hình “Cây đước rước con tôm” trên diện tích 8,7ha.
Và chính trên diện tích 20ha này đã trói buộc ông, các con trai ông đánh vật với vùng chân sóng. Cây đước Nam Bộ đã giúp ông và các con ông cùng bà con trong làng, trong xã chống được xói mòn đất bồi vùng triều ngập mặn gần 200ha.
Nhưng niềm đam mê ấm ủ bao năm nay trong con tim ông không được trọn vẹn. Mặc dù ngày 15/5/2013, Viện Kinh tế sinh thái Trung ương đã có Công văn đề nghị UBND tỉnh trả lại gia đình ông Tiện 20ha (8,7ha nội đê và 11,3ha đất ngoại đê): sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản. Nhưng ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi 20ha đất của Phân viện Kinh tế sinh thái miền Trung giao cho UBND xã Xuân Lâm quản lý.
Như vậy bao nhiêu công của bỏ ra trên 20ha đất để hình thành mô hình “Cây đước rước con tôm” ở vùng chân sóng tỉnh Thanh Hóa đến bao giờ mới được tỉnh và các cơ quan chức năng đền bù thiệt hại để làm vơi bớt nỗi trăn trở trong tim người cựu chiến binh già đã dày công với vùng chân sóng. Viện Kinh tế sinh thái miền Trung cũng chỉ là một đơn vị giúp tỉnh tư vấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng mà thôi…(Năng Lượng Mới 20/7) đầu trang(
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có lần nói: “300 công ty nhưng nắm giữ diện tích rất lớn, hiệu quả thấp. Hoạt động của các Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp dù đã chuyển đổi rồi, nhưng tôi đi các nơi thấy ngoại trừ một số tập đoàn, tổng công ty như cao su, cà phê có đổi mới, còn lại cơ bản là bình mới rượu cũ chứ chưa có gì thay đổi cả”.
“Hiện vẫn còn khoảng 30% đến 40% các công ty nông, lâm nghiệp (nông, lâm trường quốc doanh) hoạt động không hiệu quả, thua lỗ”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết khi nói về triển khai Nghị quyết số 30 – NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Thống kê cho biết, hiện 319 công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý gần 2,8 triệu ha đất, nhưng có tới 5% diện tích đang để hoang hóa và có tới 50% diện tích đất chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có những công ty doanh thu chỉ vài tỷ đồng một năm, có công ty chỉ có 1 tỷ đồng vốn điều lệ, thậm chí còn thấp hơn, có công ty lương công nhân chỉ 1 triệu đồng/tháng.
10 năm trước, tháng 6/2003,  Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của nông lâm trường quốc doanh. Mục tiêu của các Nghị quyết là đổi mới cơ chế quản lý, quản trị công ty, quản lý chặt đất đai, tài nguyên rừng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến, liên kết sản xuất giữa công ty với các hộ dân trên địa bàn…
Thế nhưng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28, kết quả lớn nhất có thể thống kê là đã giảm số lượng các nông, lâm trường quốc doanh và hầu hết các nông, lâm trường quốc doanh đã chuyển thành các công ty nông, lâm nghiệp.
Nhưng, không chỉ phần lớn các công ty này đang thua lỗ mà còn nảy sinh các vấn đề khiến dân thì bức xúc, chính quyền địa phương và ngay lãnh đạo công ty cũng đau đầu. Nơi thì xảy ra tranh chấp đất đai giữa nông, lâm trường với dân địa phương, nơi thì đất nông, lâm trường để hoang hóa nhưng dân nơi đó thiếu đất sản xuất, đói nghèo nhiều… Nơi thì dân lấn đất lâm trường, nơi thì đất lâm trường giao khoán bị dân đem bán trao tay… Nơi thì nông lâm trường gọi là giao khoán nhưng thực chất là khoán trắng, phát canh thu tô…
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có lần nói: “300 công ty nhưng nắm giữ diện tích rất lớn, hiệu quả thấp. Hoạt động của các Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp dù đã chuyển đổi rồi, nhưng tôi đi các nơi thấy ngoại trừ một số tập đoàn, tổng công ty như cao su, cà phê có đổi mới, còn lại cơ bản là bình mới rượu cũ chứ chưa có gì thay đổi cả”.
Một trong những khúc mắc lớn nhất trong quá trình đổi mới nông lâm trường là vấn đề đất đai, xác định ranh giới để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quanh câu chuyện đất đai, phóng viên TBNH đã đề cập đến 10.000 m2 đất của Phủ Thành Chương vốn là đất rừng phòng hộ thuộc một công ty lâm nghiệp, 13.000 m2 đất trang trại của ca sỹ Mỹ Linh cũng được làm trên diện tích đất vốn để trồng rừng.
Hay như ngay gần Hà Nội, 10 triệu m2 đất thuộc CTCP Việt Mông cũng đã được bán trao tay mà 70% số người mua đất đang sống ở Hà Nội. Đây là những trường hợp đất công ty nông, lâm nghiệp giao khoán cho các hộ dân địa bàn và người nhận khoán đã bán trao tay. Trên toàn quốc đã xảy ra không ít những trường hợp này. Vậy, liệu những mảnh đất này có được hợp pháp hóa hay không?
Ông Phạm Quốc Doanh -  Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN cho rằng, cốt lõi đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp là siết chặt quản lý đất đai.
Ông Doanh cho biết, đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đất đai là nội dung quan trọng trong 4 nội dung của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30 mà Chính phủ đã đặt ra. Trong đó, đến năm 2015 phải hoàn thành việc chuyển giao đất và hồ sơ đất không có nhu cầu sử dụng, hiệu quả sử dụng thấp, hoang hóa, các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai về địa phương quản lý, sử dụng. Kiên quyết thu hồi đất giao lại cho địa phương khi nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Ông Doanh cho biết, sẽ có quy định về trách nhiệm của các công ty nông, lâm nghiệp và Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc sử dụng, quản lý đất. Với đất công ty đang cho các tổ chức thuê, mượn thì phải thu hồi, nếu cho hộ gia đình hay cá nhân thuê mà được sử dụng đúng mục đích thì công ty giao khoán cho các hộ này theo quy định của pháp luật.
Đất mà tổ chức, cá nhân thuê, mượn của công ty và sử dụng sai mục đích thì công ty giao về cho địa phương giải quyết theo quy định pháp luật về đất đai. Đất đang bị các hộ lấn chiếm, nếu nằm trong quy hoạch của công ty thì công ty giao khoán cho các hộ, nếu công ty không cần sử dụng diện tích đất này thì chuyển giao địa phương xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ông Doanh cũng lưu ý, những trường hợp đất khi giao về cho địa phương thì phải xử lý như thế nào, chứ không phải giao về cho địa phương rồi lại hợp thức hoá thì rất nguy hiểm. Ông nói, đất giao về cho địa phương trước hết phải ưu tiên cho đồng bào, những người không đất, thiếu đất trên địa bàn.
Thứ hai, với người đang nhận giao khoán với công ty, nhưng tất cả những người đang sử dụng đó cũng chỉ được giao đất không thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Giao đất không thu tiền sử dụng đất ấy cũng chỉ được cao hơn mức bình quân của dân trên địa bàn. Đây là vấn đề mấu chốt, nếu không được xử lý linh hoạt, cẩn trọng dễ dẫn đến khiếu kiện, mất ổn định chính trị trên địa bàn nông thôn, nếu không cẩn thận họ sẽ tận dụng để hợp thức hoá những cái lâu nay họ làm sai, những cái họ đang cần Nhà nước giao cho địa phương để địa phương cấp lại cho họ.
Các vấn đề khác không khó nhưng riêng vấn đề này cần phải có chính quyền địa phương vào cuộc để rà soát, xử lý tốt mối quan hệ giữa người dân và DN nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Nếu nghiêng về bên nào thì sẽ tạo ra sự phát triển lệch lạc.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo: Ở đâu cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ, vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng, Chính phủ thì hoạt động của nông, lâm trường ở đó thành công. (Thời Báo Ngân Hàng 21/7) đầu trang(
Hạt Kiểm lâm Đà Lạt vừa trồng thêm 200 cây mai anh đào, nâng số cây được trồng suốt chiều dài 11 km ven đèo Prenn lên hơn 7.000.
Rừng mai anh đào khổng lồ này kéo dài từ đầu đèo Prenn (đường Ba Tháng Tư TP Đà Lạt) đến khu vực giáp ranh giữa phường 3 (TP Đà Lạt) và xã Hiệp An (huyện Đức Trọng).
Theo Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, do bón phân đúng thời điểm, thường xuyên kiểm tra, trồng dặm kịp thời những cây đã chết nên rừng mai anh đào phát triển khá đồng đều, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.
Vài năm tới, mỗi độ xuân về đèo Prenn sẽ rực hồng sắc mai anh đào (loài hoa riêng có của Đà Lạt). (Tiền Phong 21/7, tr15) đầu trang(
Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 71,4 nghìn ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Một số tỉnh có diện tích rừng trồng mới tập trung đạt cao: Tuyên Quang 10,8 nghìn ha, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; Yên Bái 10,4 nghìn ha, tăng 15,6%; Quảng Ninh 10,1 nghìn ha, tăng 12,8%; Phú Thọ 6,2 nghìn ha, tăng 16,8%.
Khai thác lâm sản tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác 6 tháng đạt 2616 nghìn m3, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2013; củi đạt 15,4 triệu ste, tăng 3,2%.
Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Quảng Ngãi đạt 296 nghìn m3, tăng 41%; Quảng Nam đạt 240 nghìn m3, tăng 14,3%; Bình Định đạt 176 nghìn m3, tăng 19,8%; Phú Thọ đạt 164,7 nghìn m3, tăng 11,5%; Nghệ An đạt 152 nghìn m3, tăng 18,8%; Quảng Bình đạt 130 nghìn m3, tăng 66,6%. Sản lượng gỗ khai thác tăng do nguồn cung và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ổn định. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ năm 2013.
Thời tiết trong năm có những diễn biến phức tạp gây nguy cơ cao cho cháy rừng. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 05/3/2014 về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, trong kỳ do thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài nên tại nhiều vùng trên cả nước đã xảy ra tình trạng cháy rừng, nhất là các tỉnh vùng Trung bộ và Trung du miền núi phía bắc.
Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại trên cả nước là 2154 ha, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy 1734 ha, gấp 2 lần; diện tích rừng bị chặt phá 420 ha, giảm 17,6%.
Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều: Yên Bái 692,2 ha; Lai Châu 171 ha; Nghệ An 115 ha; Quảng Trị 99,3 ha. Một số địa phương có diện tích rừng bị chặt phá nhiều: Đắk Nông 89,3 ha; Bắc Giang 89,2 ha; Lâm Đồng 56,7 ha; Kon Tum 54,8 ha. (Thị Trường – Bộ Công Thương 21/7, tr4) đầu trang(
Nhiều năm nay, bà Thị Loan (thường trú tại Boon Điêng Đu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) đã gửi đơn tố cáo “Cty TNHH Hoàng Khang Thịnh do ông Hoàng Đình Trung làm Giám đốc cố tình chiếm giữ 20ha đất rừng và hủy hoại tài sản hoa màu trên đất” do gia đình khai phá. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp và cơ quan chức năng “giao trả lại 20ha đất cho gia đình bà Loan và điều tra làm rõ việc hủy hoại tài sản” của công dân, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…
Sau khi thành lập đoàn liên ngành xác minh đơn khiếu nại, tố cáo của bà Loan, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đắk Nông đã có Văn bản số 1395/BC ngày 4/12/2012 báo cáo UBND tỉnh: Diện tích đất tranh chấp là 20ha của bà Thị Loan (và Thị Kê, Thị Bếp) thuộc khoảnh 12 tiểu khu 1525 và khoảnh 1 tiểu khu 1538.
Toàn bộ diện tích tuy không có giấy tờ hợp pháp, nhưng đã được các hộ khai hoang từ năm 1999 và trồng điều xen mỳ từ năm 2003. Trong 20ha đất xâm canh của gia đình bà Loan, có 3ha nằm trong quy hoạch giải tỏa, nhưng Đoàn 12 của tỉnh chưa giải tỏa, còn 17ha không nằm trong quy hoạch giải tỏa.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, ngày 19/8/2011, ông Hoàng Đình Trung đưa người đến đốt nhà, chặt cây điều và hủy hoại mỳ của bà Loan. Ông Trung vừa là Giám đốc Cty Khang Thịnh, vừa là Giám đốc Cty Hoàng Thiên; người của Cty Hoàng Thiên cũng là người của Cty Khang Thịnh do ông Trung điều hành. Khu vực trên có đất liên danh liên kết giữa Cty Lâm nghiệp Quảng Tín và Cty Hoàng Khang Thịnh.
Khi làm việc với Cty Quảng Tín, ông Trần Xuân Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch xác nhận, Cty Hoàng Thiên tự ý chặt phá cây điều, đốt nhà bà Loan để trồng rừng, ông không được biết. Ông Trần Văn Lợi, quyền Giám đốc Cty Quảng Tín xác nhận, thời điểm Cty Khang Thịnh chặt phá cây điều và đốt phá nhà bà Loan, ông là kiểm soát viên, nhưng không tham gia cùng ông Trung đưa người vào chặt phá.
Việc Cty Khang Thịnh tự ý trồng các loại cây khác (trong đó có cây trôm) trên đất đã trồng rừng, Cty Lâm nghiệp đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và đã lập Biên bản đình chỉ đối với Cty Khang Thịnh.
Từ những cơ sở nêu trên, báo cáo của Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông: “Yêu cầu Cty Hoàng Khang Thịnh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi tự ý đốt phá nhà cửa, chặt điều và phá mỳ của già đình bà Loan trong thời gian qua. Hiện nay, Cty Lâm nghiệp Quảng Tín đã thu hồi đất liên danh liên kết của Cty Hoàng Khang Thịnh, vì vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cty Lâm nghiệp thực hiện giao khoán đất rừng theo Nghị định 135/CP của Chính phủ đối với 20ha đất cho bà Loan và các hộ đã canh tác trước đây hiện đang bị Cty Hoàng Khang Thịnh chiếm giữ, để các hộ dân thực hiện trồng rừng theo Hồ sơ thiết kế của Cty Lâm nghiệp”.
Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh giao Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, xử lý việc Cty Hoàng Khang Thịnh tự ý chặt phá cây trồng và đốt phá nhà rẫy của bà Loan và các hộ dân khác tại xã Đắk Ngo trong thời gian qua.
Đối diện với những kiến nghị vừa nêu, Cty Hoàng Khang Thịnh đã có đơn tố cáo “ngược trở lại” với nội dung: “Bà Thị VB Rây tổ chức đông người, trong đó có bà Thị Loan đã hủy hoại cây trồng của Cty Hoàng Khang Thịnh, đòi chiếm 20ha đất Cty đã trồng rừng được 1 năm tuổi tại khoảnh 12 tiểu khu 1525, đã hủy hoại 0,48ha cây keo và 0,31ha mỳ, bà Rây dùng nhiều thủ đoạn nhưng không lấy được 20ha đất này vì sau khi cưỡng chế giải tỏa Cty Lâm nghiệp Quảng Tín đã bàn giao cho Cty Hoàng Khang Thịnh trồng rừng vào tháng 7/2011, bà Rây xúi giục bà Loan viết đơn tố cáo vượt cấp, vu khống sự thật để đòi lại 20ha đất của Cty”.
Ngày 2/5/2013, Sở NN&PTNT Đắk Nông đã có Văn bản số 411/KL kết luận: “Đơn của Cty Hoàng Khang Thịnh tố cáo bà Thị VB Rây trong đó có bà Thị Loan tổ chức đông người đòi chiếm 20ha đất tại khoảnh 12 tiểu khu 1525 của Cty đã trồng được 1 năm và hủy hoại 0,48ha cây keo và 0,31ha mỳ là không có cơ sở.
Việc bà Loan viết đơn gửi UBND tỉnh Đắk Nông tố cáo Cty Khang Thịnh chặt phá cây điều, đốt phá nhà rẫy và hủy hoại cây mỳ là đúng, không vu khống và vượt cấp. Cty Khang Thịnh cho rằng khi giải tỏa Cty Lâm nghiệp Quảng Tín đã bàn giao cho Cty trồng rừng vào tháng 7/2011 là sai, bởi trong 20ha đất chỉ có 2ha nằm trong giải tỏa nhưng Đoàn 12 không cưỡng chế khu vực này.
Quyền Giám đốc Cty Lâm nghiệp Quảng Tín khẳng định Cty không chỉ đạo cho Khang Thịnh trồng rừng trên đất bà Loan, việc tự ý trồng rừng trên diện tích 20ha không được sự đồng ý, không nằm trong thiết kế trồng rừng của Cty Quảng Tín trong đó có đất của bà Loan là vi phạm pháp luật”.
Cùng với những nội dung nêu trên, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh: Chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, phối hợp với Cty Lâm nghiệp Quảng Tín và UBND xã Đắk Ngo tổ chức họp với Cty Hoàng Khang Thịnh và 3 hộ dân Thị Loan, Thị Kê, Thị Bếp để giải quyết dứt điểm việc Cty Khang Thịnh đã tự ý chặt phá cây điều, đốt phá nhà rẫy, hủy hoại cây mỳ của bà Loan và tự ý trồng rừng trên đất của 3 hộ.
Yêu cầu Cty Khang Thịnh phải trả lại ngay toàn bộ 20ha đất trên cho 3 hộ dân theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh về giải quyết đất xâm canh của người dân trong vùng dự án, để các hộ dân canh tác cho kịp thời vụ. Chỉ đạo tổ chức kiểm điểm đối với Giám đốc Cty Khang Thịnh đã có hành vi sai phạm nêu trên, đồng thời tăng cường kiểm tra ngăn chặn, yêu cầu Cty Khang Thịnh dừng ngay việc tiếp tục đầu tư vào dự án liên doanh liên kết theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Cuối cùng, báo cáo của Sở NN&PTNT tiếp tục đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh “khẩn trương thực hiện điều tra, xác minh và xử lý việc Cty Hoàng Khang Thịnh đốt phá nhà, chặt phá cây điều và mỳ, bồi thường thiệt hại tài sản, tự ý trồng rừng trên đất bà Loan do Cty gây ra”. (Môi Trường & Sức Khỏe 18/7) đầu trang(
Năm 2011 huyện Lang Chánh đã tiến hành quy hoạch vùng trọng điểm thâm canh cây luồng, đồng thời triển khai nhiều chương trình nhằm phục tráng, cải tạo, trồng mới diện tích rừng luồng.
UBND huyện Lang Chánh đã giao cho các đơn vị chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo nhân dân, các chủ rừng thực hiện trồng và phát triển rừng luồng theo hướng thâm canh; đồng thời, hướng dẫn cho bà con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào cải tạo, phục tráng diện tích rừng luồng.
Đến nay, huyện đang tiến hành quy hoạch 9.200 ha luồng vào vùng thâm canh và xây dựng các mô hình cải tạo, phục tráng 100 ha rừng luồng bị suy kiệt ở các xã Đồng Lương, Giao An, Giao Thiện, Tân Phúc, Quang Hiến...
Vì vậy, chất lượng rừng luồng dần được cải thiện, thể hiện rõ nhất ở các chỉ số về chiều cao, đường kính cây luồng và số lượng măng trong từng giai đoạn. Cùng với đó, hiệu quả kinh tế từ cây luồng được nâng lên rõ rệt. (Báo Thanh Hóa 19/7) đầu trang(
Ủy ban nhân dân tỉnh nhận được Công văn số 866-CV/VPTU ngày 17/7của Văn phòng Tỉnh ủy về việc đề nghị chuẩn bị báo cáo. Sau khi xem xét, ồn Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan dự thảo Báo cáo của UBND tỉnh về “Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng” theo yêu cầu tại Công văn trên của Văn phòng Tỉnh ủy. Dự thảo gửi UBND tỉnh trước ngày 25/7.
Văn phòng UBND tỉnh thông báo để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan biết, thực hiện. (Văn Phòng UBND Lạng Sơn 18/7) đầu trang(
Sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp vốn đã được triển khai từ lâu, tuy nhiên đến nay tiến độ vẫn chỉ chậm trễ và rời rạc. Nhất là vấn đề về đất đai, vốn và nguồn lực.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, hiện nay trên phạm vi cả nước mới có 73 công ty nông, lâm nghiệp (trong tổng số 319 công ty) đã được đo vẽ bản đồ địa chính với tổng diện tích 606.380 ha (chiếm 22,9% số đơn vị và chiếm 21,8% tổng diện tích của các công ty đất nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng).
Đại diện Bộ TN&MT, thừa nhận đến nay, phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp địa phương đều chưa thực hiện được việc rà soát, xác định cắm mốc ranh giới nông, lâm trường để làm thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định… Do vậy, chỉ có trên 60% số công ty đã được cấp Giấy chứng nhận đất cho nông, lâm trường.
Nghiêm trọng hơn, khi gần đây, ở Đăk Lăk xảy ra tình trạng tranh chấp đất rừng giữa người dân mới đến, người dân sở tại, một số đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất với công ty.
Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, nhận định "Sự tranh chấp không phải như trước đây là vào rừng khai thác gỗ để bán mà hiện nay, người dân vào rừng là để phá rừng, chiếm đất và giữ đất. Sau này, khi có dự án vào, họ sẽ giữ đất và yêu cầu công ty phải đền bù. Nếu tiếp tục thực hiện theo hướng này thì sẽ khuyến khích dân phá rừng".
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại: "Có điều kỳ lạ là nhiều nơi có hàng trăm hécta không được đơn vị nào quản lý, hỏi Bộ NN&PTNT thì Bộ bảo đã giao cho địa phương, hỏi địa phương thì bảo không biết công ty nào quản lý, gây lãng phí tài nguyên của đất nước, do đó phải rà soát lại toàn bộ diện tích này".
Bên cạnh đó, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết với những trường hợp sử dụng đất trái quy định, các địa phương xử lý rất chậm và thiếu kiên quyết; trách nhiệm quản lý của chính quyền và doanh nghiệp chưa được làm rõ, nhất là ở một số công ty có tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, giao khoán, sử dụng đất sai mục đích hoặc chuyển nhượng đất rừng bất hợp pháp.
Đồng quan điểm trên, Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, cho biết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương đối chậm, có khi đất đã trồng cây cao su rồi nhưng vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền thuê đất, dẫn đến cổ phần hóa doanh nghiệp rất khó.
Trước sự chậm trễ trì hoãn trong quá trình sắp xếp, đổi mới các công ty, Bộ Chính trị đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW thay cho Nghị quyết 28-NQ/TW nhằm thúc đẩy nhanh quá trình này. Và lý do đến nay, các tổng công ty nông, lâm nghiệp vẫn chưa tiến hành cổ phần hóa là chờ Nghị quyết 30 đi vào thực tế.
Tuy nhiên, trước mắt phải giải quyết những vướng mắc, như đại diện Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, "lực lượng lao động ở các công ty nông, lâm nghiệp phần lớn là lao động phổ thông, không được đào tạo nghề, năng suất lao động thấp, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhất là các công ty lao động vùng sâu, vùng xa xôi, hẻo lánh".
Thêm vào đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Trí cho rằng việc các công ty sẽ phải ứng trước kinh phí đo đạc sẽ khó khăn cho công tác đo đạc, rà soát. Vì vậy, đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ các công ty qua các bộ ngành và địa phương liên quan theo chương trình mục tiêu.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo cần phải nhanh chóng quy hoạch lại đất đai, tập trung xử lý dứt điểm những trường hợp sử dụng đất chưa đúng mục đích, ví dụ đất cho thuê, cho mượn, đất bị lấn chiếm, tranh chấp…, thậm chí có cả mua bán trái phép. Nguyên tắc ở đây là rà soát gắn với quy hoạch để xử lý cho hiệu quả.
Như vậy, nên sớm cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị một cách đồng bộ. "Vì nếu có chủ trương mà kéo dài sẽ gây ra hệ lụy sau này. Hơn nữa, để tiếp tục rà soát, cần sớm có quyết định về mức hỗ trợ kinh phí về rà soát, đo đạc, cắm mốc, trên cơ sở đó mới tổ chức, chuyển đổi và xử lý cho được một số tồn tại như về đất đai, nợ của các doanh nghiệp hiện nay", ông Khiết nói.
Với việc chưa hoàn thành xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất, nhân lực, vốn… Các tổng công ty, chính quyền đều đang trông chờ và hy vọng Nghị quyết 30 sẽ là luồng gió mới tháo gỡ những vướng mắc này.
Theo kế hoạch, chỉ giữ lại 1/3 số công ty nông lâm nghiệp dưới dạng công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm 100% vốn, còn lại những công ty làm ăn kém hiệu quả thì sẽ giải thể. Đồng nghĩa với 30 - 40% diện tích đất từ các công ty này sẽ chuyển về cho địa phương quản lý. (Thời Báo Kinh Doanh 18/7) đầu trang(
Rừng ngập mặn của Quảng Ninh khá phong phú, giữ một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ đê điều, đồng thời nó là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản.
Quảng Ninh có bờ biển dài hơn 250km nên diện tích rừng ngập mặn khá lớn, tập trung chủ yếu ở các bãi triều, xen kẽ với đá nổi ven biển. Rừng ngập mặn nơi đây đã được các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá là đứng thứ nhất, nhì của khu vực phía Bắc với hệ động thực vật đa dạng và phong phú như: Mắm biển, đước, vẹt, sú... Rừng ngập mặn không chỉ có tác dụng phòng hộ chống xói lở, rửa trôi của bãi triều, chống bão, lũ, nước dâng, triều cường... mà còn đem lại nguồn lợi thuỷ, hải sản rất lớn, phục vụ cho đời sống của người dân.
Tuy nhiên, trong những năm qua, rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh đã có sự suy giảm mạnh cả về diện tích và chất lượng. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, diện tích rừng ngập mặn của tỉnh đã giảm từ 40.000ha năm 1983 xuống còn 22.020ha năm 2002. Từ việc giao đất, giao rừng để nuôi trồng thuỷ sản một cách ồ ạt, không có quy hoạch và quá trình mở rộng các khu đô thị mới, việc chặt phá cây ngập mặn để lấy củi đốt của người dân ven biển… là những nguyên nhân đã làm suy giảm đáng kể diện tích rừng ngập mặn.
Có thể nhắc đến câu chuyện đắng lòng về cánh rừng ngập mặn ở xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Xã Đồng Rui có hơn 2.800ha rừng ngập mặn, chiếm 56,6% diện tích đất tự nhiên của xã. Rừng ngập mặn đóng vai trò nuôi sống hàng trăm hộ dân từ nghề khai thác hải sản. Rừng còn là bức tường thiên nhiên che chắn gió bão, giữ cho hàng trăm ha ruộng cấy tại các thôn của xã không bị nước triều xâm lấn gây ngập mặn.
Xác định nuôi trồng thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn nên từ năm 1992, huyện Tiên Yên và xã Đồng Rui đã có cơ chế cấp 1.500ha diện tích đất rừng ngập mặn cho các hộ dân trong xã và các chủ đầm đầu tư, khoanh nuôi tạo nên những ô đầm nuôi trồng thuỷ sản, chuyển thành vùng nuôi tôm.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đã không đem lại những hiệu quả như mong đợi của người dân. Do thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý và hạn chế trong tư duy sản xuất nên diện tích rừng ngập mặn đã bị tàn phá nặng nề. Hơn nữa, trong quá trình nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, người dân đưa hoá chất vào để xử lý, diệt tảo, tẩy rửa và cải tạo đầm.
Tất cả những loại hoá chất độc hại này không được xử lý theo quy trình chuẩn đã khiến toàn bộ diện tích rừng ngập mặn 1.500ha để nuôi trồng thuỷ sản không phát huy được hiệu quả, tác động rất lớn đến môi trường trên địa bàn xã Đồng Rui, đồng thời cũng làm ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế thuỷ sản của địa phương.
Trước thực trạng trên, những năm gần đây, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ, duy trì và phát triển rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn đang dần được “trở về” đúng vai trò của nó.
Bên cạnh việc thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Quảng Ninh giai đoạn 2006-2015, tỉnh đã xây dựng các giải pháp về đổi mới công tác quản lý đối với rừng ngập mặn phòng hộ ven biển; tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành hữu quan; giải pháp về khoa học công nghệ trong việc tuyển chọn, xây dựng mạng lưới cung ứng giống, chuyển giao các quy trình công nghệ, kỹ thuật trồng rừng ngập mặn; các giải pháp cơ chế, chính sách về đất đai, đầu tư, hưởng lợi trong việc bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn; huy động tối đa sự tham gia của hệ thống chính trị trong việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn...
Cùng với đó, các Tổ chức quốc tế như UNESCO, FFI, JICA... cũng tích cực hỗ trợ, giúp đỡ Quảng Ninh triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn. Điển hình như dự án trồng rừng ngập mặn - phòng ngừa thảm hoạ do Hội CTĐ Việt Nam thực hiện với nguồn tài trợ của Hội CTĐ Nhật Bản thông qua Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Dự án được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố trong nước có rừng ngập mặn, trong đó có Quảng Ninh. Được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 1997 đến nay, dự án đã trồng 1.670ha rừng ngập mặn và phi lao với tỷ lệ cây trồng phát triển thành rừng đạt 58%.
Dự án không chỉ tổ chức các hoạt động trồng, bảo vệ rừng ngập mặn mà còn tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc trồng rừng ngập mặn.
Giờ đây, màu xanh của những cánh rừng ngập mặn đang được hồi sinh. Toàn tỉnh hiện đã trồng mới trên 2.400ha rừng ngập mặn. Tuy nhiên, để cho cánh rừng ngập mặn phát triển bền vững cần có sự chung tay vào cuộc của cộng đồng nhiều hơn nữa. (Báo Quảng Ninh 19/7) đầu trang(
Dù có muốn cũng không thể biện minh cho họ-những người phá rừng  làm nương, rẫy trái phép mới bị chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm địa bàn Thanh Sơn phát hiện, lập biên bản xử phạt theo quy định.
Hành động của họ rõ ràng là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý. Nhưng có chứng kiến điều kiện, hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn của họ, đến các cán bộ kiểm lâm - những người trực tiếp lập biên bản xử phạt cũng ngậm ngùi: Cực chẳng đã mới phải vậy.
Đất rừng họ đã được giao, đang xin chuyển đổi mục đích sử dụng, khi có Quyết định họ thoả sức canh tác, còn lúc này dù phát chỉ một cây vẫn là vi phạm… mới thấu hiểu cho mong ước được sử dụng đất sản xuất của những “lâm tặc” nơi đất khó…Từ đầu năm đến nay, các vụ phá rừng, làm nương rẫy trên địa bàn huyện Thanh Sơn tăng đột biến.
Ông Nguyễn Tiến Hiếu - Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Sơn đưa PV xem tập biên bản 25 vụ phá rừng làm nương, rẫy trái phép cùng lời bộc bạch: “Tuyên truyền, vận động pháp luật về bảo vệ phát triển rừng đến từng khu dân cư, thậm chí đến từng gia đình vùng trọng điểm, chiếu cả băng ghi hình phiên xét xử công khai đối tượng phá rừng làm nương rẫy trái phép mới được tổ chức ở Tân Sơn với mức án phạt tù giam để cảnh báo mà các vụ vi phạm vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Cũng có đối tượng cố tình vi phạm với động cơ trục lợi rõ ràng nhưng phần nhiều do nhận thức của bà con còn hạn chế và tình trạng thiếu đất sản xuất ở khu vực Sinh Tàn xã Thượng Cửu-nơi chiếm tới gần một nửa số vụ phá rừng làm nương rẫy của toàn huyện…”.
Lần giở tập tài liệu anh đưa, PV thực sự ám ảnh bởi số tiền xử phạt có trường hợp lên tới trên chục triệu đồng - đây thực sự là cả một gia tài đối với người dân Sinh Tàn, nơi 100% đồng bào dân tộc Dao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, đặc biệt hơn cả là những dấu điểm chỉ thay cho chữ ký của người vi phạm hầu hết ở độ tuổi 35-40. Đến tên mình còn không biết viết thì đủ hiểu trình độ, nhận thức cũng như điều kiện sống của họ ở mức nào…
Đứng đầu trong danh sách các hộ phá rừng làm nương rẫy tại xóm Sinh Tàn là… công an viên Triệu Văn Phú với hành vi phát 670m2 đất rừng sản xuất, chịu mức phạt dự kiến là 2.000.000 đồng. Nói về chuyện này, ông Phú ngượng ngập phân trần: “Đất đứng tên mình nên mình phải đứng ra chịu phạt thôi, còn hành vi vi phạm là của vợ chồng đứa con trai. Chúng nó mới ra ở riêng, trong tay không thước đất cắm dùi nên tôi cho ít ruộng vỡ hoang đã lâu để sinh nhai. Đất ít, làm không đủ nuôi miệng nên nó mới phát lấn lên phía trên, phạm phải rừng sản xuất chưa cho chuyển đổi…”.
Có hành vi nghiêm trọng nhất và cũng chịu mức phạt cao nhất là gia đình ông Bàn Văn Sơn (B) với hành vi phát 1.700m2 rừng phòng hộ, chịu mức phạt dự kiến 20.000.000 đồng. Hôm chúng tôi đến thăm nhà, ông Sơn đi thả trâu vắng, cậu con trai Bàn Văn
Quý chỉ tay ra mấy chục bao thóc chất lộn xộn trong gian nhà mờ tối: “Tất cả lúa nhà tôi thu được vụ này đấy. Nhà 6 miệng ăn mà có chưa đầy 2 sào đất ruộng thì làm sao đủ. Được Nhà nước giao 22,4 ha đất rừng, gia đình tôi đã làm đơn đề nghị được chuyển đổi một phần để canh tác nhưng chưa được phê duyệt. Túng quá nên liều…”. Chạy vạy mãi, đến giờ gia đình ông Sơn mới lo được 8.000.000 đồng nộp phạt.
Sinh Tàn có 60 nóc nhà với hơn 300 nhân khẩu mà chỉ có 3,3 ha lúa nước. Ruộng vùng cao cằn cỗi, năng suất lúa rất thấp. Đất rừng tuy rộng nhưng diện tích được canh tác chẳng đáng là bao. Cuộc sống người dân phụ thuộc cả vào mấy vạt gừng, khoai tầng ven đồi và đến mùa vào rừng lấy măng đem bán.
Thế nên 60 hộ thì có tới 38 gia đình thuộc diện nghèo, số còn lại thuộc diện cận nghèo. Đất rộng, dân cư thưa. Tỷ lệ diện tích đất tự nhiên trên đầu người cao nhất huyện nhưng đất sản xuất của người dân Thượng Cửu lại thiếu.
Nghịch lý này được Bí thư Đảng bộ Bùi Quang Doanh giải thích: “Tổng diện tích đất tự nhiên 7.235,75 ha thì đất lâm nghiệp chiếm tới gần 5 nghìn ha, trong đó có gần 4 nghìn ha rừng tự nhiên. Diện tích này phải được bảo vệ nghiêm ngặt, không thể lấn chiếm xâm phạm.
Tuy nhiên, trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp mà người dân Thượng Cửu được cấp theo chủ trương giao đất giao rừng của Chính phủ có ghi rõ là rừng tái sinh. Mục đích là để diện tích này có thể phát triển lại thành rừng khoanh nuôi.
Trên thực tế, đây là những quả đồi trọc với lau lách, dây leo là chủ yếu. Qua thời gian, đất rừng càng nghèo kiệt, cây không thể phát triển. PV đã rà soát lại và làm đơn kiến nghị xin được chuyển đổi để bà con có tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế rừng, tránh lãng phí tài nguyên đất. Tổng diện tích xin chuyển đổi lên tới hơn nghìn ha. Nếu được cho phép, đây sẽ là tiềm năng lớn giúp bà con giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhưng không hiểu sao đề nghị cả chục năm nay mà vẫn chưa có kết quả. Bà con kiến nghị lên xã, chúng tôi cũng chỉ biết phát biểu trong các cuộc họp của huyện. Thẩm quyền là ở cấp trên…Trước tình trạng “khát” đất sản xuất của người dân, mong các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết chuyển đổi trước một phần diện tích phù hợp…”.
Gắn bó với đất rừng Thượng Cửu, Trạm Trưởng trạm Kiểm lâm Tam Cửu Nguyễn Văn Hội thân thuộc từng nếp nhà người Dao trên bản. Mỗi lần lên bản, với anh không chỉ là tuần tra, kiểm tra  địa bàn mà còn là chuyến thăm hỏi thân thiết từ nhà già làng, trưởng khu đến các gia đình trẻ vừa tách hộ.
Thấu hiểu đời sống của bà con dân bản nên trước tình trạng phá rừng làm nương anh cũng có phần nào cảm thông, chia sẻ: “Đã vi phạm luật bảo vệ, phát triển rừng thì phải xử lý theo quy định, không thể có chuyện bao che, biện hộ. Tuy nhiên, với hoàn cảnh sống của bà con người Dao trên Sinh Tàn, chúng tôi rất thông cảm nên cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con không phá rừng làm nương trái phép, chờ đợi quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, anh em kiểm lâm địa bàn cũng cân nhắc đề nghị áp dụng  mức xử phạt thấp trong khung quy định…”.
Vượt gần chục cây số xuyên rừng, vượt núi lên bản Sinh Tàn, nhìn bà con dân bản cặm cụi bên những vạt lúa xác xơ manh mún như từng manh chiếu nép mình bên ven suối, chân đồi; tôi bỗng thấy mình có chung mong ước với người dân nơi đây về diện tích được chuyển đổi mục đích sẽ nhanh chóng thành những ruộng lúa, nương khoai, vạt rừng nguyên liệu xanh tốt mang lại cuộc sống no ấm…(Báo Phú Thọ 19/7) đầu trang(
17/7, tại Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp rừng Lào Cai, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển rừng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, giảm thiểu tác động vào rừng tự nhiên.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở NN&PTNT; lãnh đạo huyện Bảo Thắng; đại diện chương trình UN-REDD Trung ương và nhân dân thôn Tiến Lợi, xã Xuân Giao (Bảo Thắng).
Những năm qua, công tác trồng rừng gắn với chế biến lâm sản ở huyện Bảo Thắng có sự tăng trưởng nhanh bình quân đạt 12%/năm, thu nhập từ sản xuất lâm nghiệp đạt 14 triệu đồng/ha/năm. Song kinh tế từ trồng và khai thác rừng chưa xứng với tiềm năng, thu nhập của người làm nghề rừng, thiếu ổn định; một số địa bàn rừng tự nhiên có nguy cơ bị xâm hại.
Tại hội thảo, đại biểu đã nêu ý kiến đề xuất với ngành nông – lâm nghiệp và huyện Bảo Thắng về công tác quy hoạch, quản lý bảo vệ phát triển vốn rừng như: Làm tốt công tác quy hoạch, mở rộng diện tích trồng rừng ở các xã có điều kiện.
Về cơ chế chính sách cần xem xét hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lâm sản mới thành lập, xây dựng cơ phối hợp giữa các hộ dân với doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Về công tác tuyên truyền cần tăng cường phổ biến về chính sách trồng rừng, nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ phát triển vốn rừng.
Ngoài ra nhiều ý kiến cho rằng, cần thực hiện giao kế hoạch trồng rừng hàng năm sớm để kịp thời trồng rừng vào vụ xuân, giúp tỷ lệ cây sống cao hơn, cây giống cung cấp cho nhân dân phải đảm bảo chất lượng…
Trước đó, các đại biểu đã tham quan quy trình sản xuất gỗ xuất khẩu của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp rừng Lào Cai. (Báo Lào Cai 19/7) đầu trang(
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, Khóa IX, các nông, lâm trường quốc doanh đã chuyển đổi thành các công ty nông, lâm nghiệp.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi chỉ mới là thay đổi tên gọi, còn thực chất hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều công ty chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên đất, rừng được giao; việc làm và thu nhập của người lao động chưa được cải thiện…
Triển khai thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22.9.2004 về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3.12.2004 về sắp xếp, đổi mới và phát triển các lâm trường quốc doanh.
Tính đến nay, sau 10 năm, tất cả các nông, lâm trường quốc doanh đã chuyển đổi thành các công ty nông, lâm nghiệp. Hiện, cả nước có 287 công ty nông, lâm nghiệp, trong đó: 104 công ty nông nghiệp, 148 công ty lâm nghiệp và 35 công ty cổ phần.
Thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có 250 công ty nông, lâm nghiệp chuyển thành công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn Nhà nước; chuyển đổi và thành lập mới 91 ban quản lý rừng phòng hộ từ lâm trường quốc doanh quản lý chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; thành lập 2 công ty TNHH 2 thành viên trở lên; giải thể  36 nông, lâm trường.
Tuy nhiên, qua thanh tra, khảo sát thực tế cho thấy, mặc dù đã hoàn thành việc đổi mới, sắp xếp nhưng nhiều công ty nông, lâm nghiệp vẫn khó tách bạch giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và công ích vì vừa có rừng phòng hộ, đặc dụng, vừa có rừng trồng, rừng sản xuất và trong công ty có ban quản lý rừng phòng hộ.
Nhiều công ty quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất lúng túng về phương hướng sản xuất kinh doanh, rất khó khăn chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp. Một số mô hình mới hoặc thí điểm cổ phần hóa, công ty TNHH 2 thành viên, trong công ty có Ban quản lý rừng nhưng chậm được tổng kết, điều chỉnh bổ sung kịp thời.
Bên cạnh đó, hầu như đất đai chưa được xác định ranh giới, cắm mốc; diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất thấp (còn hơn 50% chưa được cấp giấy chứng nhận, gần 60% chưa thuê đất). Diện tích đất giao về địa phương chỉ đạt hơn 50% so với dự kiến; diện tích đất chưa đưa vào sử dụng hoặc hoang hóa giảm chưa nhiều vẫn còn hơn 5%.
Một số vướng mắc trong quản lý sử dụng đất chậm được giải quyết, xử lý chưa kiên quyết. Không ít công ty vẫn chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng đất còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đất, rừng được giao; thu nhập của người lao động còn thấp, bình quân của người lao động ở một số công ty nông, lâm nghiệp chỉ từ 1 - 2 triệu đồng/ người/tháng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi các nông, lâm trường mới chỉ là tạo bình mới (thay đổi tên gọi: nông, lâm trường bằng công ty nông, lâm nghiệp) còn rượu (cơ chế, cách quản lý, điều hành, việc làm, thu nhập) vẫn như cũ.
Trước tình hình đó, ngày 12.3.2014, Bộ Chính trị đã ban hanh Nghị quyết số 30-NQ/TƯ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-TTg về Chương trình, kế hoạch của Chính phủ. Theo đó, mục tiêu cơ bản của Chương trình là đổi mới căn bản cơ chế quản lý, quản trị công ty, quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên rừng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất…
Ngày 15.7 vừa qua, Chính phủ tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh cần tập trung đi sâu vào nội dung đổi mới sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp tuân thủ chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, xử lý tốt mối quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Bộ NN và PTNT đang được giao chủ trì soạn thảo nghị định mới. So với Nghị định số 170/2004 và Nghị định số 200/2004, dự thảo nghị định đề xuất một số quy định mới về cơ chế, chính sách sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông nghiệp, lâm nghiệp.
“Dự thảo nghị định của Chính phủ lần này đã xác định rất rõ việc chỉ đạo sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, có thể chúng ta chỉ giữ lại 1/3 số công ty nông, lâm nghiệp hiện nay dưới dạng công ty TNHH một thành viên Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, còn những công ty quy mô nhỏ, làm ăn kém hiệu quả trong 3 năm qua sẽ phải giải thể, thu hồi đất - thống kê sơ bộ, số diện tích kém hiệu quả lên tới 30- 40%” - ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, theo dự thảo nghị định, công ty nông, lâm nghiệp được tự chủ liên doanh, liên kết để sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản và các hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp khác; được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị rừng sản xuất là rừng trồng để liên doanh trong các dự án nông, lâm nghiệp và dịch vụ, thế chấp vay vốn để sản xuất kinh doanh.
Các công ty nông, lâm nghiệp phải trở thành doanh nghiệp nòng cốt trong việc hình thành và thực hiện mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ sở khoa học công nghệ…(Đại Biểu Nhân Dân 19/7, tr7) đầu trang(
Từ đầu năm đến nay, ngành hàng gỗ chế biến chủ yếu xuất khẩu đạt khoảng 3 tỷ USD. Đa phần các DN đã có đơn hàng cho đến hết năm 2014. Dự báo xuất khẩu đồ gỗ có thể đạt 6,5 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2013.
Hiện nay, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 100 thị trường nước ngoài. Những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ) là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2013, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN, đứng thứ hai tại châu Á và thứ 6 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 5,5 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ chế biến đạt khoảng 3 tỷ USD, nhiều DN đã có hợp đồng sản xuất cả năm nên mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD cả năm 2014 hoàn toàn có khả năng đạt được. Triển vọng xuất khẩu gỗ trong năm 2014 hứa hẹn rất nhiều ở những thị trường như Úc và một số nước trong khối ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia…
Ông Nguyễn Quốc Khanh- Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho biết sở dĩ tình hình thị trường khả quan là do nhiều nhà nhập khẩu đồ gỗ lớn đã đến Việt Nam đặt hàng chứ không chọn Trung Quốc như trước do giá nhân công ở Trung Quốc cao gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Ngoài ra, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế tại thị trường châu Âu, giá thành tăng không cạnh tranh được nên nhiều nhà máy của các quốc gia sản xuất đồ gỗ lớn như Ý, Đức, Mỹ đã thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa. Riêng đồ gỗ xuất khẩu của một số nước bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao nhất làm mất lợi thế cạnh tranh. Đây thực sự là cơ hội vàng để mở rộng thị trường và thị phần cho ngành gỗ Việt Nam.
Ở trong nước, những năm trước thị trường đồ gỗ trong nước phần lớn là hàng Trung Quốc, Malaysia... thì nay hàng Việt đã khẳng định vị thế trên sân nhà. Tỷ lệ sản phẩm nội thất phục vụ thị trường nội địa của các DN VN đã tăng từ 20% lên 40%, hàng ngoại đã mất dần ưu thế. Với quy mô thị trường Việt Nam với dân số 90 triệu, bình quân nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trong 4 năm gần đây khoảng 1,98 tỷ USD. Trong đó, tiêu dùng đồ gỗ người dân thành thị chiếm khoảng 30% cho hộ gia đình, 40% cho các công trình dự án mới và 30% thị phần còn lại đến từ 70% dân cư nông thôn.
Nhận định tại một một thảo ngành chế biến gỗ gần đây, ông Chad Ovel- Phó tổng giám đốc Quỹ Đầu tư Mekong Capital cho biết để ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nắm bắt được cơ hội phát triển, Việt Nam cần sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đóng góp nhiều giá trị gia tăng hơn thông qua nâng cao hiệu suất sản xuất và kỹ năng của lực lượng lao động.
Ông Khanh cho biết thêm, hiện DN đồ gỗ Việt Nam chủ yếu thực hiện sản xuất theo hình thức gia công, do đó lợi nhuận không cao. Hiện chỉ có khoảng 3- 5% DN đang sản xuất theo hình thức ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán thành phẩm). Vì thế các DN cần chú trọng tìm kiếm những nhà thiết kế, nghiên cứu kỹ hệ thống hải quan của nước sở tại, tích cực tìm kiếm và ký kết hợp tác với một nhà phân phối uy tín, tham dự các hội chợ chuyên dùng và đặc biệt quan tâm đến marketing và đào tạo đội ngũ tiếp thị sản phẩm.
Ngoài những vấn đề bản thân từng DN phải tập trung giải quyết ở tầm vĩ mô còn phải chú trọng đến các vấn đề nâng cao tỷ lệ hiệu dụng gỗ và giảm chi phí vận chuyển bằng sự sản xuất trung gian (các loại ván nhân tạo, gỗ ghép…) tại các vùng trồng rừng tập trung; gỗ hợp pháp và trách nhiệm giải trình nguồn gốc hợp pháp; kiểm soát hàng tạm nhập và tái xuất để lấy xuất xứ sau khi Việt Nam ký TPP…(Công Thương 18/7) đầu trang(
Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé được giao cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ trên 31.211ha rừng đặc dụng thuộc địa bàn các xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè và Mường Toong.
Ông Trần Xuân Tâm, Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé cho biết: Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 1167 phê duyệt danh sách chủ rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh, Ban đã mở 10 lớp tập huấn tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR tại các xã vùng đệm thu hút trên 550 lượt người tham gia. Thành phần chủ yếu bao gồm lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, trưởng, phó bản và đại diện các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng…
Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tổ chức lồng ghép các buổi tuyên truyền đến bà con về chính sách chi trả DVMTR và các văn bản liên quan. Nhờ đó, giúp người dân hiểu được ý nghĩa, vai trò của rừng cũng như quyền lợi của người tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Song song với việc tuyên truyền phổ biến chính sách, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã tổ chức ký hợp đồng thuê khoán bảo vệ rừng với cộng đồng thôn, bản vùng đệm khu bảo tồn, lực lượng vũ trang, các tổ chức, đoàn thể tại cơ sở. Cụ thể, năm 2013, Ban đã ký hợp đồng thuê khoán với 34 cộng đồng và các đơn vị đóng chân trên địa bàn bảo vệ trên 18.731ha (chiếm 60% diện tích rừng KBTTN Mường Nhé).
Trong năm 2014, đơn vị ký 49 hợp đồng thuê khoán bảo vệ rừng với các cộng đồng thôn, bản, lực lượng vũ trang bảo vệ hơn 25.658ha rừng. Diện tích rừng còn lại được giao cho 4 trạm quản lý bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn quản lý, bảo vệ. Đối với cộng đồng thôn bản trước khi nhận thuê khoán bảo vệ diện tích rừng đặc dụng đều được đơn vị hướng dẫn làm đơn, ký cam kết bảo vệ rừng (có xác nhận của chính quyền địa phương).
Sau khi ký hợp đồng các nhóm hộ được đơn vị bàn giao diện tích nhận khoán ngoài thực địa, chỉ rõ ranh giới, địa điểm, khu vực và diện tích nhận khoán theo hợp đồng. Hàng tháng, các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng chia các tổ đi tuần tra, kiểm tra khu vực nhận khoán để kiểm soát người ra vào rừng. Thành viên các nhóm nhận khoán được Ban cấp giấy chứng nhận tuần tra rừng (dán ảnh chân dung).
Đây là cơ sở thuận lợi cho việc theo dõi số lượng người, số lượt người tham gia tuần tra rừng để phát hiện đối tượng vào rừng trái phép. Trước khi đi tuần tra, mỗi nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đều được cấp phiếu báo danh sách tuần tra và sau khi kết thúc lượt tuần tra phải báo cáo kết quả gửi trạm quản lý bảo vệ rừng tại địa bàn để cán bộ kiểm lâm địa bàn tổng hợp theo dõi, làm cơ sở cộng đồng thôn bản thanh toán tiền công bảo vệ rừng…
Từ năm 2013 đến nay, các nhóm nhận khoán trên địa bàn đã tổ chức 985 lượt tuần tra với 4.742 người tham gia. Trong quá trình tuần tra đã phát hiện và ngăn chặn 216 đối tượng vào rừng trái phép, tháo dỡ 58 bẫy thú các loại, tạm giữ 2 súng săn tự chế nộp cho công an xã; 474 lượt người tham gia phòng cháy chữa cháy rừng...
Qua thống kê cho thấy, nguồn thu từ chính sách chi trả DVMTR đạt khá cao, bình quân 300.000 đồng/ha. Chỉ tính trong năm 2013, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã chi trả trên 5,9 tỷ đồng cho Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé thanh toán tiền công cho các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Ban tạm ứng tiền công bảo vệ rừng trả cho các nhóm nhận khoán 200.000 đồng/ha với tổng số tiền 3,9 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR kịp thời tạo nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại cơ sở, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là người dân sống giáp với vùng lõi KBTTN Mường Nhé. (Báo Điện Biên Phủ 18/7) đầu trang(
Bộ NN&PTNT vừa cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện dự án trồng mới năm triệu ha rừng, cả nước đã giao khoán gần 10 triệu ha trên tổng số 16,24 triệu ha đất lâm nghiệp theo quy hoạch, với hơn 1,2 triệu hộ gia đình tham gia.
Hiện diện tích rừng cả nước là 13,8 triệu ha, độ che phủ đạt 39,7%. (Nhân Dân 20/7, tr2)đầu trang(
18/7, tại Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) và UBND tỉnh đã tổ chức Diễn đàn “Phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”.
Tham gia diễn đàn có lãnh đạo các cục, vụ, viện, trường học thuộc Bộ NN-PTNT, các nhà khoa học chuyên ngành và Sở NN-PTNT các tỉnh - thành trực thuộc Trung ương. Tiến sỹ Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tiến sỹ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì diễn đàn.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã trình bày các tham luận rất đáng được quan tâm như: Quản lý rừng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành lâm nghiệp; Đánh giá tác động của dự án trồng rừng quy mô nhỏ theo cơ chế phát triển sạch phục vụ hấp thụ khí nhà kính; Đánh giá hiệu quả về các hoạt động phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên - Một số giải pháp…
Riêng ở Lâm Đồng, theo Sở NN-PTNT, các hoạt động phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đã được tỉnh triển khai khá sớm với các nội dung chính là: Rà soát và lập quy hoạch sử dụng đất rừng phù hợp với bối cảnh mới (điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, xây dựng quy hoạch - kế hoạch bảo vệ - phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, rà soát lại quy hoạch phát triển cao su); Tiếp tục triển khai hoạt động khoán quản lý bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Triển khai các hoạt động lâm nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng...; Tiếp cận và sẵn sàng thực hiện cơ chế REDD+, thực hiện các hoạt động lồng ghép REDD+ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ - phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…
Các hoạt động và kết quả của các hoạt động này tại Lâm Đồng đã được diễn đàn đánh giá tích cực và có khả năng nhân rộng cao…(Báo Lâm Đồng 18/7) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng 57,97 ha đất trồng lúa và 49,8 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 38 dự án, công trình.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 và Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006. (BizLive 18/7) đầu trang(
Tính đến hết tháng 6, toàn thành phố đã trồng được 350 cây xanh đường phố trên các tuyến đường; hơn 8.000 cây lâm nghiệp trồng phân tán và ươm trên 325 nghìn cây lâm nghiệp.
Cùng với đó, Đồng Hới triển khai kế hoạch trồng rừng tập trung với diện tích 65ha (rừng phòng hộ 30ha và rừng sản xuất 35ha), tổng vốn đầu tư là 1.291 triệu đồng; khoanh nuôi và bảo vệ 2.700ha rừng bảo đảm an toàn, không bị chặt phá.
Theo đó, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong 6 tháng đạt 10.426m3, tăng 70,7% so với cùng kỳ. (Báo Quảng Bình 18/7) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GỚI
Chặt phá rừng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, từ phá hủy môi trường sống của động thực vật hoang dã tới gây suy giảm chất lượng nguồn nước, chất lượng không khí cùng nhiều hậu quả khác.
Không những thế, một báo cáo mới công bố còn khẳng định hoạt động này là đang tiếp tay cho nhiều nhóm khủng bố và các mạng lưới băng nhóm tội phạm.
Theo Báo cáo The Environmental Crime Crisis (Khủng hoảng tội phạm môi trường) mới được Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) công bố thì cùng với các hoạt động phi pháp khác như săn bắn động vật hoang dã, chặt phá rừng là một trong những công cụ kiếm tiền hàng đầu của các nhóm tội phạm như Boko Haram và Al-Shabaab.
Báo cáo cũng minh họa bằng câu chuyện của Charles Taylor, cựu tổng thống Liberia và đồng thời là tội phạm chiến tranh, người đã thực hiện cuộc nội chiến nhờ buôn gỗ. Tương tự, khai thác gỗ cũng “tiếp lửa” cho hoạt động của quân khủng bố Khơ Me Đỏ tại Campuchia.
Báo cáo cho biết giá trị kinh tế từ hoạt động của tội phạm môi trường, bao gồm khai thác gỗ, đánh bắt cá, khai thác khoáng sản, buôn bán động vật hoang dã và phế liệu mỗi năm khoảng 70-213 tỉ USD. Riêng hoạt động khai thác gỗ trái phép cũng có giá trị khoảng 30-100 tỉ USD mỗi năm, trong khi con số này với buôn bán động vật hoang dã là từ 7-23 tỉ USD.
Nghiêm trọng hơn, lợi nhuận từ các hoạt đoạt động bất chính này phần lớn rơi vào túi của các nhóm tội phạm có tổ chức, lực lượng phiến quân và các nhóm khủng bố, đặc biệt là tại các quốc gia châu Phi.
Thực tế là nhiều nơi trên thế giới, buôn lậu gỗ không hề bị pháp luật xử phạt nghiêm minh như tội phạm săn bắn động vật hoang dã. Không giống như buôn bán ma túy, cướp bóc hay các loại tội phạm liên quan tới động vật hoang dã, nguy cơ bị bắt và kết án của những kẻ buôn lậu gỗ khá thấp, trong khi lợi nhuận thu được là rất lớn.
Hơn nữa, nhiều khu vực xảy ra xung đột lại là các vùng giáp ranh với rừng, nơi chính phủ thường khó kiểm soát. Và buôn bán gỗ bất hợp pháp vì vậy trở thành ngành công nghiệp “theo đơn đặt hàng” của các nhóm vũ trang và tội phạm.
Ở nhiều khu vực châu Phi, gỗ thường bị khai thác để sản xuất than củi. Tại Tanzania, Uganda và Cộng hòa dân chủ Công gô (DRC), một số băng nhóm vũ trang thậm chí còn chặt phá rừng tại các khu bảo tồn.
Một nguồn thu nữa của các nhóm vũ trang là tiền thuế lên đến 30% giá trị hàng than củi tại các trạm thuế đặt trên các con đường bị chúng chiếm đóng. Ở CH Congo, lực lượng phiến quân kiếm được 14-50 triệu USD mỗi năm từ thuế. Ở Somalia, nhóm vũ trang Al Shabaab kiếm từ 8-18 triệu USD mỗi năm chỉ từ một trạm thu thuế ở huyện Badhadhe, vùng Lower Juba. Đây gần như là nguồn thu chính của các nhóm vũ trang.
Theo Tổ chức Global Forest Watch (GFW), Somalia mất 7.554 ha rừng mỗi năm trong giai đoạn 2001-2012, xấp xỉ bằng 0,02 % tổng diện tích đất đai của Somalia. Trong khi điều này có vẻ như không phải là một tổn thất quá lớn thì tổng lượng xuất khẩu than trái phép của Somalia ước tính từ 360 triệu đến 384 triệu USD mỗi năm.
Theo Báo cáo của UNEP, nạn phá rừng lấy than gây tổn thất khoảng 1,9 tỉ USD cho các nước này mỗi năm, trong khi đó nhu cầu về than dự kiến còn có xu hướng tăng lên trong tương lai. Đến năm 2050, Dân số châu Phi được dự đoán sẽ tăng thêm 1,1 triệu dân, và nhu cầu về than có thể tăng lên gấp 3 lần đạt 90,8 triệu tấn than mỗi năm.
Tuy nhiên, trong khi buôn bán than chỉ giới hạn trong phạm vi những quốc gia lân cận, thì bột gỗ lại có thị trường toàn cầu. 62% đến 86% lượng gỗ buôn lậu trái phép vào Mỹ và châu Âu là dưới dạng giấy, bột, và gỗ dăm. Một khi gỗ được chế biến thành bột, chỉ có phân tích sợi trong phòng thí nghiệm mới có thể tìm ra loại cây và xuất xứ. Vì vậy, để đánh lạc hướng cơ quan chức năng, bột gỗ trái phép thường được trộn với gỗ trồng hợp pháp.
Hoạt động chặt phá rừng và buôn bán gỗ đã tiếp tay cho các nhóm phiến quân có vũ trang và khủng bố, giúp chúng duy trì hoạt động, trang bị vũ khí, tăng cường khả năng chiến đấu để thực hiện các chiến dịch quân sự quy mô lớn và tinh vi hơn. Nhờ vào đó, chúng chiếm giữ hệ thống đường xá, sông ngòi, hải cảng và biên giới, nơi mà thuế đem lại nguồn thu rất lớn. Điều này khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại và quyền con người bị xâm hại.
Trong khi tình hình tại châu Phi không mấy cải thiện thì bức tranh tại Mỹ La tinh có vẻ sáng sủa hơn. Kể từ khi gia tăng kiểm soát vào năm 1988, nạn chặt phá rừng đã giảm rõ rệt khoảng 64% – 78%, đạt mức giảm lớn nhất trên thế giới vào năm 2012. Theo một nghiên cứu khoa học mới công bố, Brazil mất gần 500 000 ha rừng trong năm 2012 trong khi tỉ lệ chặt phá rừng trung bình hàng năm của Brazil là khoảng 2 triệu ha giai đoạn 1996-2005.
Dữ liệu của Tổ chức GFW cho thấy từ năm 2001 đến 2013 Brazil mất 36.028.000 ha rừng, tương đương hơn 4% tổng diện tích đất đai của Brazil. Những bước tiến ấn tượng này là kết quả của sự phối hợp trong thực thi pháp luật, kết hợp với sử dụng dữ liệu hình ảnh vệ tinh và các chiến dịch hướng mục tiêu của cảnh sát, cũng như sự tham gia với quy mô lớn của các cộng đồng vào sáng kiến REDD + và các sáng kiến khác.
Từ các phân tích thực trạng, Báo cáo Khủng hoảng tội phạm môi trường đi đến kết luận bằng khẳng định về nhu cầu cấp bách cần có nhiều hơn nữa các nỗ lực và hành động.
Cụ thể, các quốc gia cần thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu tỉ lệ tội phạm chặt phá rừng trong dài hạn, bao gồm việc thừa nhận mối đe dọa của loại tội phạm này đối với sự phát triển bền vững, nâng cao ý thức người tiêu dùng để giảm thiểu nhu cầu, và đẩy mạnh các chương trình và quy định về cấp chứng chỉ rừng.
Trong ngắn hạn, các quốc gia cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường về cả quy mô và sự phối hợp của các chiến dịch đấu tranh với tình trạng khai thác gỗ trái phép. (Con Người & Thiên Nhiên 21/7) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng