Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 21 tháng 04 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Trước tình hình nắng nóng phức tạp, ngày 20-4, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã thực hiện phát bản tin cảnh báo cháy rừng cấp độ 3 gửi đến các cơ quan liên quan và người dân.
Theo đó, cơ quan Kiểm lâm đề nghị Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của các quận, huyện, xã, phường theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng lửa để xử lý thực bì.
Các Hạt Kiểm lâm liên tục tăng cường thông tin về nguy cơ cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư khu vực có rừng đồng thời chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng, báo cáo kịp thời tình hình cháy rừng về Ban chỉ đạo quận, huyện và Chi cục Kiểm lâm.
Cạnh đó là tăng cường giám sát, kiểm tra các chủ rừng trong việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Do tình hình thời tiết nắng nóng trùng với mùa du lịch, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các Hạt phối hợp với Ban quản lý các khu du lịch sinh thái giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý việc an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại rừng. (Công An Đà Nẵng 21/4)đầu trang(
19/4, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 9 danh mộc cổ thụ dưới dạng cây cảnh của gia đình ông Phan Văn Toàn tại phường Gia Cẩm, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Sau 5 năm phát động bảo tồn cây di sản Việt Nam, đến nay Hội Bảo vệ thiên nhiên & Môi trường Việt Nam đã nhận được hàng nghìn hồ sơ đề nghị xét duyệt công nhận cây di sản Việt Nam và đã công nhận trên 970 cây  thuộc 70 loài thực vật, trong đó tỉnh Phú Thọ đã đề nghị và được công nhận 33 cây.
Đặc biệt, Phú Thọ vinh dự được công nhận có cây di sản có tuổi thọ lâu nhất Việt Nam - cây Táu bạc ở đền Thiên Cổ, xã Trưng Vương - thành phố Việt Trì - có tuổi thọ khoảng 2.200 tuổi.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam – Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam,  đánh giá sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam không ngoài sự mong muốn góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, đồng thời nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống của người Việt qua các triều đại, các thế hệ của nền văn hóa 54 dân tộc trong việc vun trồng bảo vệ rừng, bảo vệ cây. (Người Lao Động 20/4)đầu trang(
Trên địa bàn xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, hiện bắp, mì đến kỳ thu hoạch nhưng chủ vườn không quan tâm, do hầu hết lao động chính kéo nhau vào rừng "săn" quả mây.
Anh K., người chuyên hái mây rừng chia sẻ: "Mùa mây chín rộ vào khoảng đầu tháng 12 âm lịch đến tháng 2 năm sau. Lúc trước giá chỉ 35.000 đồng/kg, nhưng hiện giờ dao động từ 150.000 - 350.000 đồng/kg tùy quả. Vì thế, bình quân mỗi ngày tôi kiếm được 1.000.000 đồng, những hôm may mắn bỏ túi hơn 2.000.000 đồng".
Ở xã miền núi Đức Phú bây giờ, không chỉ riêng anh K. mà nhiều người cũng kéo nhau tìm quả mây, lập thành từng nhóm và ở lại nơi đại ngàn vài ngày mới về. Để hái được quả mây rừng phải tốn nhiều công sức, từ chân núi đi bộ hơn ba tiếng đồng hồ mới đến được vùng cây mây mọc.
Do khai thác rầm rộ nên lượng mây rừng giờ đã cạn kiệt, chỉ còn ở Nghị Đức, La Ngâu, La Dạ thuộc huyện Tánh Linh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thương lái chỉ mua loại quả mây mủ, nhưng để làm gì thì cả thương lái lẫn người săn quả đều không rõ?
Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận cho biết: "Việc khai thác quả mây rừng phải báo cáo chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn việc khai thác trái phép". (Công an TP.HCM 19/4) đầu trang(
19/4/2015, đoàn 3 chuyên gia Thái Lan gồm bác sĩ thú y và 2 huấn luyện voi đã sang Việt Nam, đến Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk chữa trị vết thương cho voi rừng “Cu Sứt Em” bị sứt các móng chân trước phía bên trái và sứt vòi do bị dính bẫy.
Đoàn chuyên gia cho biết, sẽ huấn luyện voi theo phương pháp tích cực của Thái Lan để voi nghe lời rồi mới có thể chữa trị tốt được.
Hai ngày đầu, các chuyên gia Thái Lan thăm khám vết thương, cùng nhân viên Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk làm khung huấn luyện và chuẩn bị mặt bằng phẫu thuật.
Dự kiến, ngày 21/4, các chuyên gia sẽ phẫu thuật bàn chân voi, sau đó theo dõi, điều trị đến hết tuần. (Tiền Phong 20/4)đầu trang(
Vẽ tranh kêu gọi bảo tồn tê giác
Sáng 18-4, tại Trường tiểu học Diên Hồng (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), 56 tác phẩm xuất sắc nhất (13 giải nhất, 22 giải nhì và 21 giải ba) trong hơn 1.200 tác phẩm gửi dự thi đã được trao giải trong “Cuộc thi vẽ tranh cổ động giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác” cho học sinh tiểu học trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng và được trưng bày triển lãm.
Em Đặng Thị Ngọc Lụa, học sinh Trường tiểu học Lâm Quang Thự, một trong những thí sinh đoạt giải, cho hay thông qua các bức tranh muốn gửi đến mọi người thông điệp chung tay bảo vệ không chỉ tê giác mà còn các động vật quý hiếm khác.
Cuộc thi do Cơ quan quản lý Cites VN (thuộc Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn) phối hợp với Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức. (Tuổi Trẻ 20/4)đầu trang(
Nhiều lần báo chính quyền địa phương lâm tặc vận chuyển gỗ qua địa bàn nhưng không thấy xử lý, người dân đã tổ chức bắt giữ
Sáng sớm 18-4, hàng chục người dân đã vây bắt 2 xe chở gỗ qua địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.
Anh Chanh, một người dân tham gia vây bắt, cho biết đã nhiều lần lâm tặc vận chuyển gỗ qua địa bàn. “Những lần trước, xe chạy rất nhanh nên chúng tôi không bắt được. May mắn, lần này chiếc xe bị nổ vỏ phải dừng lại nên bị chúng tôi bắt giữ”. Cũng theo anh Chanh, khi người dân ra vây bắt xe gỗ thì tài xế gọi điện cho ai đó. Một lúc sau, một người đàn ông địa phương thường được gọi tên ABoy đến thương lượng đề nghị thả cho 2 xe gỗ đi, đồng thời đưa người dân 5 triệu đồng. “Dân làng chúng tôi nghèo thật nhưng không cần tiền mà chỉ muốn giữ lại rừng” - anh Chanh nói.
Sau khi không thể thuyết phục được người dân, 2 tài xế cho xe đổ toàn bộ 10 lóng gỗ rộng từ 40-80 cm, dài 3-3,5 m xuống khu vực nhà rông làng Kon Sơ Lak rồi lái xe bỏ chạy.
Sau khi nhận được tin từ phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Cư, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah, đã cử người vào đo đạc, xác định tổng khối lượng 10 lóng gỗ trên 2 xe là 8,9 m3 gỗ tròn (nhóm II), đồng thời tiếp cận hiện trường khai thác. Khoảng 30 thanh niên đã đưa cán bộ kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah vào hiện trường. “Phải đưa vào hiện trường để chỉ cho cơ quan chức năng thấy lâm tặc phá rừng khủng khiếp như thế nào” - một người dân nói.
Ngược theo con đường 2 chiếc ô tô chở gỗ cách trụ sở UBND xã Hà Tây gần 10 km, một thanh niên dẫn đường chỉ vào những gốc cây nhỏ mới bị chặt vừa khô nhựa và nói. “Chỉ riêng mở đường vào đây, lâm tặc đã chặt hạ hàng ngàn cây lớn nhỏ”. Anh Nhàn, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, thừa nhận: “Thú thật, đây là lần đầu tôi đi trên con đường này”.
Sau gần 2 giờ đi bộ vượt qua những con dốc dài thẳng đứng, chúng tôi đến điểm khai thác gỗ đầu tiên. Tại đây, hàng chục cây gỗ đường kính từ 60 cm đến hơn 1 m bị hạ sát không thương tiếc, nằm la liệt ở một khoảng rừng. Đặc biệt, có những cây phải 4 người ôm mới vừa tay. Một số cây đã được cắt khúc, xẻ thành hộp vuông; những cây khác thì mới chỉ bị chặt ngã, đang còn rỉ nhựa. Anh Đỉu, một thành viên trong đoàn, thốt lên: “Xót xa lắm! Chúng tôi đã nhiều lần báo chính quyền xã về việc lâm tặc vào phá rừng nhưng không thấy xử lý”.
Cả đoàn người lần theo tiếng cưa ở một góc rừng, cũng là điểm khai thác được người dân phát hiện. Riêng những cán bộ kiểm lâm, lâm trường không thấy đi theo, chắc vì… mệt. Khi tiếng cưa nghe rất gần thì bỗng im bặt. Anh Chanh đưa mắt nhìn xung quanh rồi cầm hòn đá ném về phía bụi rậm, một người đàn ông chạy vụt ra và mất tích trong rừng sâu. Kiểm tra vị trí người đàn ông “ẩn mình”, chúng tôi phát hiện một cưa máy và đồ phụ trợ vừa mới tắt máy đang còn nóng. Cách đó mấy mét, một gốc cây lớn đang bị cưa chưa đổ. “Quanh đây vẫn còn mùi xăng, chứng tỏ họ vừa dùng cưa cắt cây gỗ” - anh Chanh nhận định.
Tại địa điểm này có vô số gốc cây hàng trăm năm tuổi, chủ yếu là gỗ sao và dầu, đã bị đốn hạ đang còn rỉ nhựa tươi.
Sau khi vào rừng, dù không có dụng cụ xác định vị trí, tọa độ nhưng những cán bộ lâm trường vẫn cho rằng vị trí này đã được giao cho người dân quản lý. Để lâm tặc phá rừng là do người dân không quản lý tốt và không báo cáo sự việc lên các ngành chức năng.
Ông Đinh Sứk, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, cho biết không hề nghe người dân ý kiến gì về việc lâm tặc phá rừng. “Nếu dân phản ánh thì chúng tôi sẽ cho lực lượng dân quân, công an xã đến giải quyết” - ông Sứk khẳng định.
Theo ông Trần Đức Thiên Thái, có thể do người dân sợ trách nhiệm khi để xảy ra mất gỗ trên địa bàn mình đã nhận khoán nên không dám báo chính quyền. “Họ đã nhận tiền giao khoán nên phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, để mất thì cũng… tội cho người dân” - ông Thái nói và cho biết ở địa bàn có 2 cán bộ kiểm lâm phụ trách nhưng không ai phát hiện sự việc và nhận được phản ánh của người dân.
Ông Nguyễn Quốc Thuận, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, cho biết địa điểm bị khai thác gỗ thuộc tiểu khu 185, đã giao cho người dân quản lý nên người dân phải chịu trách nhiệm.
Lý giải về việc lâm tặc vận chuyển gỗ qua con đường độc đạo có trạm của Ban Quản lý rừng Đông Bắc Chư Pah, ông Thuận khẳng định: “Từ tháng 2-2015 đến nay, cứ tối thứ sáu là chúng tôi rút toàn bộ người ra khỏi trạm đặt ở làng Kon Sơ Lal. Có thể lâm tặc lợi dụng thời gian này để vận chuyển gỗ”.
Ông Nguyễn Ngọc Cư cho biết chuẩn bị phối hợp với Công an huyện Chư Pah, người dân nhận khoán vào kiểm kê rừng bị mất, sau đó sẽ báo cáo lên huyện và có phương hướng xử lý. (Người Lao Động 20/4)đầu trang(
Thời tiết ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang vào thời kỳ cao điểm nắng nóng và gió mạnh. Theo dự báo của ngành chức năng, thì cấp cháy rừng hiện đang ở thời điểm "cấp cực kỳ nguy hiểm".
Do vậy, công việc của lực lượng kiểm lâm rất vất vả, gần như hàng ngày phải có mặt ở rừng để cùng các chủ rừng kiểm tra thực hiện phương án phòng - chống cháy rừng, thường xuyên tuần tra canh gác ngăn chặn lửa rừng từ nhiều nguồn xâm nhập.  Huyện Đăk Pơ có tổng diện tích rừng hơn 21.000 ha và chủ yếu là diện tích rừng tự nhiên, trong đó diện tích rừng dễ cháy đã được phân định và khoanh vùng, với gần 7.500 ha đều thuộc trạng thái IIB (xen lẫn tre, nứa, lau lách) gồm 3.000 ha rừng trồng và hơn 4.000 ha rừng tự nhiên. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm chỉ vỏn vẹn 21 người, bình quân mỗi kiểm lâm trực tiếp đảm nhận 1.000 ha. Trong điều kiện lực lượng mỏng, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối lớn như sông Ba, suối Cà Tung, suối Xà Nguồn..., đồng thời có nhiều khu vực có độ dốc lớn, nhiều đồi núi cao như ở khu vực rừng xã Ya Hội, xã Hà Tam, xã Yang Bắc đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng - chống cháy rừng.
Làm việc với lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Pơ (Gia Lai), chúng tôi càng hiểu thêm thêm về công việc nặng nhọc của họ trong thời điểm mùa khô này. Ông Bùi Văn Nghĩa, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đăk Pơ cho biết: Đơn vị hiện có 21 người, có những thời điểm họ phải "cùng ăn, cùng ở và cùng làm" nhiều ngày liền với đồng bào dân tộc ở các buôn làng để tuyên truyền vận động và hướng dẫn, kiểm tra việc đốt nương làm rẫy, không để lửa cháy lây lan vào rừng. Lực lượng kiểm lâm cũng phải thường xuyên mắc võng ngủ đêm tại các vùng trọng điểm dễ cháy, để kịp thời phát hiện và huy động lực lượng dập lửa rừng.
Để không xảy ra cháy rừng trong mùa khô hanh, lực lượng kiểm lâm huyện Đăk Pơ cùng với các chủ rừng xác định công tác phòng là chính. Do vậy, từ công tác tuyên truyền cho người dân sống gần rừng, làm các hạng mục công trình ngăn lửa, cho đến công tác tuần tra, kiểm soát, luôn được lực lượng kiểm lâm coi trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt mùa khô, kéo dài 6 tháng liền.
Mùa khô năm nay (2014 - 2015), ngoài việc thực hiện nghiêm công tác phòng cháy rừng, lực lượng kiểm lâm huyện Đăk Pơ cũng đã xây dựng phương án chữa cháy rừng chặt chẽ và bài bản, đảm bảo chữa cháy rừng có kết quả khi xảy ra cháy. Với phương châm "4 tại chỗ", về lực lượng có thể huy động đến 600 người cùng tham gia chữa cháy rừng, đó là chưa kể đến lực lượng quân đội đóng chân trên địa bàn; các loại phương tiện tham gia chữa cháy rừng hiện có hàng trăm xe công nông, xe máy, xe ô tô và hàng chục máy phát cỏ các loại.
Nhờ những cố gắng của lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, rừng ở huyện Đăk Pơ trong vòng 5 năm trở lại đây không xảy ra cháy lớn. Đây là một trong những địa phương của tỉnh Gia Lai thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô. (Tin Tức 20/4)đầu trang(
Trưa 20-5, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có mưa rào trong khoảng 30 phút, nhờ đó hai đám cháy rừng lớn được phát hiện từ trưa và chiều ngày 19-4 chính thức được dập tắt hoàn toàn.
Trước đó, vào trưa ngày 19-4, tại khu vực đồi Luộc Nhũng, xóm Kéo Háng, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng. Nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh đã tập trung lực lượng, sớm có mặt tại hiện trường cùng chính quyền địa phương huy động đông đảo bà con địa phương, tuy nhiên do phương tiện quá thô sơ, đám cháy lại bùng phát dữ dội khiến lực lượng chức năng chỉ có thể cố gắng ngăn đám cháy lan rộng.
Đến 16 giờ cùng ngày, đám cháy tưởng như đã lụi lại bất ngờ bùng phát do thời tiết hanh khô, thảm bì dầy và tiếp tục lan rộng. Chính quyền huyện Trùng Khánh đã huy động tất cả các các lực lượng như kiểm lâm, quân đội, dân quân tự về và bà con các xóm lân cận có thể bị đám cháy lây lan tập trung dập lửa. Đến đêm 19, rạng sáng ngày 20-4 cùng ngày, đám cháy cơ bản đã được dập tắt. Kết quả, khoảng 8ha rừng tự nhiên đã bị lửa tàn phá.
Cũng trong chiều 19-4 đã xảy ra cháy rừng tại khu vực Nhà máy Thủy điện suối Củn thuộc địa phận xã Quang Trung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Đám cháy được phát hiện vào khoảng 17 giờ 30 phút và nhanh chóng được báo cho các cơ quan chức năng. Hạt Kiểm lâm Hòa An đã tập hợp lực lượng cùng bà con dân dân phối hợp ngăn đám cháy lan rộng.
Theo một số bà con địa phương, nguyên nhân khiến hơn 5ha rừng tự nhiên bị cháy là do một số người dân đi tảo mộ, hóa vàng mã để lửa bắt vào cỏ khô rồi nhanh chóng lan rộng. Do đám cháy diễn ra vào buổi tối, công tác dập lửa gặp rất nhiều khó khăn. Đến rạng sáng 20-4, đám cháy tự tắt nhưng thỉnh thoảng lại bùng cháy từng đám nhỏ.
Sáng 20-4, chính quyền địa phương tại hai nơi xảy ra cháy và các huyện khác vẫn phải huy động đông đảo lực lượng, tăng cường kiểm soát đề phòng lửa bùng phát trở lại hoặc xuất hiện đám cháy mới. Rất may, đến trưa ngày 20-4, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có mưa rào, lượng mưa khác nhau ở từng địa điểm nhưng cơ bản đã xóa mối lo xảy ra cháy.
21-3 tức 3-3 âm lịch, là ngày lễ Thanh Minh tại Cao Bằng, trong ngày này hầu hết người dân đều đi tảo mộ sẽ hóa rất nhiều vàng mã và nếu không được kiểm soát tốt sẽ tạo ra nguy cơ tiếp tục cháy rừng. (Nhân Dân 20/4)đầu trang(
20/4, Công an tỉnh Đăk Nông phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiến hành thả con rắn hổ mang chúa dài nặng 4kg, dài gần 3m về Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (huyện Đắk G'long) theo quy định.
Con rắn được bắt giữ tại Trại giam Đắk Plao (huyện Đắk G’long) và là thủ phạm cắn chết phạm nhân Hồ Sỹ Hương (25 tuổi, đang thụ án tại trại giam Đắk Plao).
Trước đó, vào ngày 2/4, phạm nhân Hương trong lúc lao động tại khuôn viên trại thì phát hiện con rắn và đã dùng gậy khống chế để bắt. Tuy nhiên, chỉ một thoáng bất cẩn anh Hương đã bị con rắn cắn vào tay.
Nạn nhân Hương nhanh chóng được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. (Công An Đà Nẵng 21/4; Pháp Luật TPHCM 20/4)đầu trang(
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên), hiện nay, tình trạng khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực lòng hồ Núi Cốc đang có chiều hướng gia tăng.
Kể từ cuối tháng 2/2015 đến nay, qua kiểm tra, tổ công tác tuần tra rừng của Ban liên tục phát hiện nhiều lô rừng trong phạm vi quản lý, nhất là diện tích rừng nhỏ lẻ trên các đảo trong vùng lòng hồ bị chặt phá. Ngoài các cây to bị chặt trộm trong vùng rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, nhiều đối tượng còn chặt phá một số diện tích rừng keo non (4 đến 5 năm tuổi) ở vùng rừng phòng hộ xã Phúc Tân (huyện Phổ Yên).
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc cho biết, thời gian qua, nhiều cơ sở thu mua gỗ bóc, gỗ băm nguyên liệu thu mua gỗ với giá cao nên nhiều người dân ở các xã vùng Hồ Núi Cốc như: Lục Ba, Vạn Thọ, Tân Thái (huyện Đại Từ), Phúc Tân (huyện Phổ Yên), Phúc Xuân, Phúc Trìu (Thành phố Thái Nguyên) đã tham gia vào việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở vùng rừng thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ để kiếm lợi.
Do địa hình sông nước phức tạp, phương tiện tuần tra, kiểm soát của lực lượng kiểm lâm còn hạn chế nên việc ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên vùng lòng hồ Núi Cốc là hết sức khó khăn. Thêm vào đó, diện tích rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc rộng khoảng 3.500 ha, phân bố ở 6 xã vùng ven hồ và trên 89 hòn đảo trên mặt hồ trong khi lực lượng kiểm lâm khá mỏng, vừa trực phòng cháy chữa cháy rừng vừa làm công tác tuần tra, bảo vệ, sự phối hợp của các cấp chính quyền chưa thực sự chặt chẽ... nên công tác ngăn chặn, xử lý các đối tượng chặt trộm rừng phòng hộ, vận chuyển gỗ khai thác trái phép đạt hiệu quả chưa cao...
Chính vì vậy, trong suốt hơn 3 tháng qua, lực lượng kiểm lâm chỉ bắt giữ được 5 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng ở khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, thu giữ 3,5 mét khối gỗ quy tròn.
Tiếp xúc với phóng viên, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ thừa nhận việc có tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép qua địa bàn tuy vậy chính quyền xã chỉ nắm được việc người dân địa phương tận thu củi, cành ngọn từ phía xã Phúc Tân chuyển qua. Thực tế, từ đầu năm đến nay, xã cũng chỉ bắt được 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép với số lượng không đáng kể nhưng chỉ bắt được tang vật còn người vận chuyển khi bị phát hiện đã "bỏ của chạy lấy người".
Ông Chủ tịch UBND xã còn khẳng định, rừng phòng hộ của xã không bị xâm hại, còn việc vận chuyển lâm sản trái phép qua địa bàn cũng cần xem xét lại trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm vì ngay trên địa bàn xã cũng có chốt kiểm lâm đặt tại xóm 10.
Trước thực tế này, từ giữa tháng 4/2015, Chi cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc và khu vực giáp ranh. Ngoài lực lượng kiểm lâm của Ban quản lý rừng phòng hộ BVMT Hồ Núi Cốc còn có thêm cán bộ của Hạt kiểm lâm huyện Đại Từ và Đội kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng của tỉnh. Việc kiểm tra thực hiện ở tất cả các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn và các chủ rừng; đồng thời các tổ, chốt tuần tra, kiểm soát lâm sản tiến hành kiểm tra các tụ điểm khai thác ở khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, kiểm tra các phương tiện vận chuyển trên vùng hồ...
Trên các tuyến đường bộ, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng tập trung kiểm tra 3 tuyến đường bộ chính: Tân Thái - Đại Từ; Vạn Thọ - Ký Phú, Lục Ba, Cát Nê, Quân Chu; Phúc Trìu - Phúc Xuân, Quyết Thắng... Tuy vậy, ngay chính lãnh đạo Chi cục kiểm lâm cũng thừa nhận, điều quan trọng nhất để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trên vùng Hồ Núi Cốc chính là việc tạo ra sự hiệp lực đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa Ngành kiểm lâm với chính quyền địa phương cũng như lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương. (Tin Tức 20/4)đầu trang(
Rừng thông phòng hộ 30 năm tuổi tại xã Tam Xuân 2 (Núi Thành, Quảng Nam) đã và đang bị “lâm tặc” xâm hại đáng báo động, các đối tượng khai thác trái phép gỗ thông rất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật, sẵn sàng tấn công đánh trả những người thi hành công vụ...
Đứng trước khoảnh rừng thông nhựa hơn 30 năm tuổi vừa bị lâm tặc dùng cưa máy cắt đưa đi nơi khác tiêu thụ, chỉ còn lại cái gốc trơ trụi ứa đầy mủ nhựa, ông Phan Minh Toàn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp (XNLN) Quảng Nam cho biết, mặc dù đơn vị của ông đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện Núi Thành và xã Tam Xuân 2 tổ chức nhiều đợt tuần tra kiểm soát ngăn chặn các trường hợp khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, nhưng các đối tượng khai thác gỗ thông ngày càng hoạt động tinh vi, liều lĩnh và côn đồ.
Mới đây, vào lúc 2h sáng 15/4, Đội Kiểm tra liên ngành gồm: Hạt Kiểm lâm (HKL) Núi Thành, Công an xã Tam Xuân 2 và XNLN Quảng Nam tổ chức tuần tra kiểm soát lâm sản ở thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2, phát hiện chiếc ôtô tải BKS 92C-04071, do Huỳnh Xuân Thạch (35 tuổi, trú ở thôn Thạch Kiều) điều khiển chở trên xe gỗ thông nhựa.
Tổ công tác ra hiệu dừng xe để kiểm tra thì Thạch không chấp hành, tăng ga cho xe tẩu thoát. Tổ công tác truy bắt, đồng bọn của Thạch chặn lại đánh bị thương anh Ngô Xuân Linh, kiểm lâm viên HKL Núi Thành…
Qua điều tra, Công an huyện Núi Thành đã lập biên bản tạm giữ hơn 2,5m3 gỗ thông nhựa, ôtô tải BKS 92C- 04071 và nhiều tang vật khác để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Đến sáng 15/4, trong lúc Công an đưa ôtô tải về trụ sở thì bà Đỗ Thị Lưu, vợ của Thạch, ra mặt chống đối. 9h sáng cùng ngày, Thạch và Lưu được Công an huyện Núi Thành mời về UBND xã Tam Xuân 2 để làm việc.
Tới trưa, Lê Văn Phú (32 tuổi, trú thôn Thạch Kiều) chạy xe máy đến đòi đưa Đỗ Thị Lưu về, không được chấp nhận nên giở bài ăn vạ. Lợi dụng việc này, Thạch đập đầu xuống bàn gây thương tích, rồi chạy ra ngoài hô hoán: “Công an đánh người”.
Thiếu tá Phạm Minh Quang, Phó trưởng Công an huyện Núi Thành, khẳng định: “Thạch bị thương là do tự đập đầu vào bàn khi cán bộ Công an ra ngoài giải quyết việc ông Phú gây rối, không có chuyện Công an đánh Thạch. Tuy nhiên, khi thấy Thạch bị thương, tổ công tác làm việc tại đây cũng đã nhanh chóng đưa Thạch đến bệnh viện cấp cứu. Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Núi Thành điều tra xử lý theo đúng quy định pháp luật”.
Nói về việc rừng thông phòng hộ của XNLN Quảng Nam bị “lâm tặc” tàn phá, ông Toàn cho biết thêm: Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay đã có 10 vụ chặt phá rừng thông nhựa do XNLN Quảng Nam quản lý, gây thiệt hại 80 cây thông nhựa, mỗi cây đường kính từ 30-40cm, dài 18-20m.
Đáng nói, nhiều cây thông lớn nằm sát bên đường dân sinh, hằng ngày có người qua lại cũng bị “lâm tặc” chặt hạ, cưa thành nhiều đoạn đưa đi tiêu thụ. (Công An Nhân Dân 20/4) đầu trang(
Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và Khu Du lịch Eo Xoài vừa khai mạc Triển lãm ảnh “Động vật hoang dã (ĐVHD) may mắn” tại Khu Du lịch Eo Xoài, đảo Phú Quốc.
Triển lãm giới thiệu, hơn 40 bức ảnh chọn lọc, nghệ thuật về các loài thú quý hiếm như: báo hoa mai, vượn đen má vàng, chà vá chân xám, gấu ngựa, công xanh, tê tê, trĩ đỏ, voọc bạc Đông Dương, cu li nhỏ, hổ mang chúa, tắc kè, diều lửa... được Tổ chức WAR giải cứu. Mỗi bức ảnh được kèm theo một câu chuyện về số phận cá thể ĐVHD và mức độ quý hiếm của loài đó.
Khi xem ảnh, khách tham quan không khỏi xúc động với những câu chuyện cứu hộ ĐVHD và những nỗ lực giải cứu chúng khỏi các vụ săn bắt, buôn bán trái phép. Mọi người đều vui mừng vì những loài quý hiếm trong ảnh hiện đã được trở về rừng hoặc đang sinh sống tại các trạm Cứu hộ ĐVHD do Tổ chức WAR phối hợp quản lý.
Khách tham dự triển lãm cũng đã ký cam kết nói “không” với sản phẩm ĐVHD quý hiếm. Triển lãm diễn ra đến 15-5-2015.(Sài Gòn Giải Phóng 20/4)đầu trang(
Báo Lao Động số ra ngày 17.4 có bài “Cán bộ nhà nước chỉ đạo phá rừng”, phản ánh việc hàng nghìn hécta rừng bị tàn phá, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng tại Đắc Nông. Bộ NNPTNT đã có văn bản cho rằng, công tác ngăn chặn của tỉnh chưa hiệu quả, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan chưa được làm rõ.
Bộ NNPTNT (trực tiếp là Tổng cục Lâm nghiệp, Ban Lâm nghiệp Tây Nguyên) đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các “điểm nóng” phá rừng. Theo nhận định của Bộ NNPTNT, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại một số địa phương thuộc tỉnh Đắc Nông, đặc biệt là huyện Đắc Song và huyện Tuy Đức diễn ra một cách công nhiên trong nhiều năm nay. Rừng liên tục bị tàn phá nghiêm trọng; việc mua bán, sang nhượng đất, hợp thức hóa đất phá rừng được thực hiện khá dễ dàng, công khai.
Đặc biệt đã có dấu hiệu tiếp tay, thậm chí tham gia của một số cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý rừng. Cũng theo Bộ NNPTNT, rừng thuộc hầu hết các hình thức quản lý tại Đắc Nông đều bị tàn phá nghiêm trọng, nhất là diện tích do các Cty lâm nghiệp nhà nước, UBND cấp xã quản lý, rừng cho các doanh nghiệp tư thuê…
Liên quan đến sự việc trên, UBND tỉnh Đắc Nông cho biết, sau khi nhận được văn bản của Bộ NNPTNT, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở NNPTNT tổ chức kiểm điểm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với chủ tịch kiêm giám đốc các Cty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Đức Hòa, Thuận Tân - đây là các doanh nghiệp nhà nước quản lý rừng trực thuộc UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND các huyện Đắc Song, Tuy Đức bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về công tác quản lý bảo vệ rừng. UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Đắc Song, UBND huyện Tuy Đức xử lý trách nhiệm đối với các chủ tịch xã để mất rừng trên diện rộng, xảy ra trong thời gian dài. Ngoài ra, tỉnh cũng giao Sở NNPTNT kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hạt trưởng hạt kiểm lâm, cán bộ kiểm lâm địa bàn thuộc các huyện, xã này.
Tuy nhiên, các vụ phá rừng trên để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, giá trị thiệt hại (mới tính toán tại một số đơn vị) đã lên tới 270 tỉ đồng… Do vậy UBND tỉnh đã giao công an tỉnh điều tra, xử lý các đối tượng phá rừng, mua bán, sử dụng đất rừng trái phép; những cán bộ tiếp tay cho phá rừng, mua bán đất rừng trái phép, hợp thức hóa đất rừng (cấp “sổ đỏ”) để xử lý theo pháp luật. (Lao Động 20/4) đầu trang(
Các hộ dân nuôi nhốt gấu tại Quảng Ninh phải hoàn thành chuyển giao gấu về Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo, Vĩnh Phúc trong tháng 5.
Đây là nội dung đã được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thống nhất với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan tại cuộc họp về việc giải quyết số gấu nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh.
Trước ý kiến thống nhất của các đại biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 1902/VPCP-KTN, ngày 20/03/2015 của Văn phòng Chính phủ.
Theo chỉ đạo này, Quảng Ninh cần khẩn trương chuyển giao số gấu nuôi trên địa bàn tỉnh về Trung tâm cứu hộ gấu tại Tam Đảo. Việc chuyển giao phải được thực hiện trong tháng 4 đối với các cá thể gấu đang nuôi nhốt tại Vườn quốc gia Bái Tử Long và hoàn thành trong tháng 5 đối với các hộ nuôi nhốt khác.
Tỉnh cũng cần tổ chức giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các chủ nuôi gấu nếu có hành vi vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý bảo tồn gấu.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn giao Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo đảm bảo chi phí và các điều kiện vận chuyển toàn bộ cá thể gấu từ các tổ chức, hộ nuôi tại Quảng Ninh về Trung tâm; đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo có cơ chế khen thưởng phù hợp đối với hộ nuôi gấu sớm tự nguyện giao gấu cho Trung tâm trong thời gian nêu trên. (Công An Nhân Dân 20/4; Cổng thông tin điện tử Chính phủ 17/4) đầu trang(
Chiều 17/4, Thiếu tá Vũ Tiến Dũng, Đại đội phó Đại đội 18 trung đoàn Cảnh sát cơ động - Công an Tp. Hà Nội cho biết: Tổ công tác thuộc đại đội này do Thượng úy Kiều Đình Kỷ, tổ trưởng, cùng 3 cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại khu vực thôn 6, Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã nhận được tin báo của một số người dân đi trên đường ở khu vực thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất về chiếc xe ô tô Innova, biển kiểm soát 22A-02180 chở gỗ lậu.
Sau khi nhận tin, tổ công tác đã dượt đuổi theo và đã dừng được chiếc xe ô tô nêu trên.
Tiến hành kiểm tra hành chính, xe do Đào Văn Huy, trú ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc điều khiển; đi cùng xe có Nguyễn Văn Huy, trú cùng địa chỉ trên và Vũ Thị Phương Thảo, hiện là sinh viên một trường trung cấp y tế. Trên xe có 2 khúc gỗ sưa đỏ và nhiều cành nhỏ. Trong đó có 1 khúc dài 3m, đường kính rộng 29cm, và 1 khúc dài hơn 60cm, đường kính 18cm cùng một cưa tay.
Qua khai thác nhanh tại chỗ, các đối tượng cho biết vừa mua số gỗ sưa này của một người không quen biết ở tỉnh Nghệ An với giá hơn 19 triệu đồng, đang trên đường đưa đi tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Tang vật và đối tượng tổ công tác chuyển đến công an sở tại để lập hồ sơ xử lý theo qui định của pháp luật. (VOV Giao Thông 17/4)đầu trang(
Không còn giữ thái độ im lặng như một tuần vừa qua, sáng nay 22.4, Thu Minh chính thức lên tiếng phản bác lại luồng chỉ trích lối sống giả tạo khi vẫn dùng túi da cá sấu nhưng đi kêu gọi mọi người không sử dụng sừng tê giác.
Trong suốt năm 2014, Thu Minh được coi như một trong những ca sĩ Việt Nam tiêu biểu nhất trong hoạt động tuyên truyền về việc ngưng sử dụng sừng tê giác và ngăn chặn nạn săn bắt động vật hoang dã.
Nhưng trái với hình ảnh về nhà hoạt động nhân đạo, đoạn clip Thu Minh vẫn dùng mật gấu để bóp chân sau khi bị thương và khoác chiếc túi da cá sấu hàng hiệu trong sự kiện gần đây khiến công chúng có cái nhìn khác hoàn toàn về giọng ca Đường cong.
Những ý kiến phản đối, chỉ trích cho rằng nữ ca sĩ "lên báo chí than khóc cho gấu, quằn quại vì tê giác nhưng cười tươi tạo dáng chụp hình với túi xách da cá sấu" nhanh chóng trở thành làn sóng "đập thẳng" vào lối sống giả tạo, đạo đức giả của Thu Minh.
Suốt 1 tuần im lặng, gần như không lên tiếng biện minh, sáng 22.4, Thu Minh có những chia sẻ đầy tâm trạng trước công chúng. Nữ ca sĩ khẳng định, chiếc túi da cá sấu là một sản phẩm của ngành công nghiệp hiện đại, phục vụ cho nhu cầu cần của con người. Và loại da làm túi hoàn toàn là một loại cá sấu nuôi để lấy da và thịt.
Tâm sự của Thu Minh đã nhận được một lượng lớn người ủng hộ. Bởi nhiều ý kiến trong số nhận xét sai về Thu Minh khẳng định lại: "Vấn đề này ranh giới giữa cái đúng và sai mong manh, tùy vào suy nghĩ chủ quan của mỗi người nên không cần tranh luận. Nói tóm lại trong thiên nhiên con gì đang sắp tiệt chủng thì phải cần bảo vệ!". Hay như chị Phạm Nhật Mai nói: "Hoàn toàn đồng ý với Thu Minh. Bởi cá sấu, đà điểu, bò, trăn,..... là những loại da thuộc phổ thông và thông dụng vì chúng được nuôi để lấy da và thịt...". (Một Thế Giới 21/4)đầu trang(
Trước việc hàng trăm cây Xích Tùng cổ ở danh sơn Yên Tử đang chết dần, Cty Phát triển Tùng Lâm – đơn vị quản lý và khai thác hệ thống cáp treo Yên Tử – đã cam kết ủng hộ 200 triệu đồng/năm để chăm sóc, “chữa bệnh” cho Xích Tùng.
Đây là một tin vui đối với những cây tùng cổ 700 tuổi đang bị lão hóa và sâu bệnh, thiên nhiên tấn công, trong bối cảnh nguồn ngân sách cho dự án chăm sóc, bảo vệ hàng cây di sản quy giá này chưa biết đến bao giờ mới được phê duyệt.
Ông Phạm Văn Dược – Phó trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử – cho biết: “Chúng tôi đang nhanh chóng xây dựng phương án để triển khai ngay. Chúng tôi sẽ mời các nhà khoa học, các nhà chuyên môn giỏi tư vấn và trực tiếp chăm sóc, cứu chữa cho cây tùng”.
Được biết, hiện Yên Tử còn khoảng 243 cây Xích Tùng. Trong đó, rất ít cây sinh trưởng bình thường; còn lại chủ yếu bị rỗng thân, khô thân, có nguy cơ gãy đổ và chết. Tuy nhiên, để kéo dài tuổi thọ của hàng tùng trên, cần một nguồn vốn khá lớn, lên tới hàng tỉ đồng – như trong đề án “cứu” tùng cổ đã trình các sở, ngành Quảng Ninh phê duyệt trước đó.
Đã có những ý kiến đề xuất phát động xã hội hóa “cứu” tùng cổ Yên Tử. Theo TS Vũ Thế Long – chuyên gia nghiên cứu về Lịch sử môi trường, người có gần 20 năm nghiên cứu về cây tùng Yên Tử - việc huy động xã hội hóa để gìn giữ di sản cổ thụ ở Yên Tử là hết sức cần thiết, nhưng trách nhiệm chính phải là nhà nước.
“Kinh nghiệm cho thấy, việc chặt hạ và thay thế cây xanh ở Hà Nội trong thời gian qua đã có sự đóng góp tiền của của một số cty và cơ quan nhà nước, nhưng kết quả là thất bại bởi không có sự tham vấn của các chuyên gia và sự điều hành của một bộ máy chuyên nghiệp. Cần tổ chức thực hiện và giám sát khoa học thì mới có kết quả” – TS Vũ Thế Long nói.
Cũng theo ông Long, để xảy ra thực trạng tùng cổ Yên Tử đang chết dần như hiện nay là một phần do “người ta không coi cây cối là một hợp phần quan trọng của di tích, mà chỉ chú ý đến tu bổ chùa chiền, làm đường đi lối lại và tiền đóng góp cũng chỉ để đúc tượng, xây chùa… Trong khi đó, những hàng tùng cổ thụ có giá trị vô cùng quan trọng trong tổng thể di tích Yên Tử”. (Lao Động 19/4) đầu trang(
Đứng trên bờ hồ Đơn Dương mát rượi, phóng tầm mắt lên những cánh rừng xanh tít tắp, ta như cảm nhận được giá trị của rừng nơi đây.
Nhất là trong cái nắng gay gắt của thời tiết cuối xuân đầu hè, hồ Đơn Dương không chỉ là nguồn nước quý cho thủy điện Đa Nhim mà còn là mạch sống cho bà con dưới vùng đất đang vào kỳ hạn khốc liệt Ninh Thuận.
Làm việc với anh Võ Văn Lập, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đơn Dương (Lâm Đồng), những thuận lợi và khó khăn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng nơi đây cho ta một cái nhìn tổng thể về rừng ở Đơn Dương. Diện tích tự nhiên của huyện là 61.032ha, trong đó diện tích rừng và đất rừng 41.055ha, chiếm 67,27% (rừng phòng hộ 17.318 ha, rừng sản xuất và đất rừng 23.737ha).
Trong năm 2014, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được Hạt Kiểm lâm huyện tập trung triển khai như tăng cường công tác tuần tra, truy quét chống chặt phá rừng theo Chỉ thị 1685/CT-TTg và triển khai kế hoạch trồng cây phân tán; thực hiện công tác kiểm kê rừng và điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền công tác bảo vệ rừng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.
Nhờ triển khai quyết liệt nên rừng nơi đây đã được bảo vệ tốt, được trồng mới thêm một số loại gỗ quý như sao, dầu, lim xẹt với tổng số 1.308 cây. Ngoài ra, còn có 1.000 cây mai anh đào được trồng tại các công sở trong đợt 1, đợt 2 trồng 2.024 cây sao, lim xẹt, từ đó góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp tại các công sở và các tuyến đường trong huyện, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đưa Đơn Dương là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng trong năm nay.
Là huyện giáp ranh với huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) nên công tác phối hợp với huyện bạn trong công tác bảo vệ rừng cũng được Hạt Kiểm lâm hết sức lưu tâm, bởi nguồn nước ở hồ Đơn Dương không chỉ có lợi cho huyện Đơn Dương mà còn là nguồn nước quan trọng của tỉnh Ninh Thuận, nhất là vào lúc khô kiệt.
Trong quá trình bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có được sự đồng thuận của người dân. Đơn cử như ngày 9/5/2014, tổ công tác giải tỏa 24 người gồm: Hạt Kiểm lâm, ban lâm nghiệp xã, công an xã, xã đội xã Tu Tra, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương... tiến hành giải tỏa tại lô A, khoảnh 3A, tiểu khu 339, xã Tu Tra. Khi giải tỏa được 250m2 đất lấn chiếm trồng càphê thì bất ngờ có 30 người dùng gậy gộc đuổi đánh lực lượng thực thi nhiệm vụ làm cho 3 công an xã và 1 xã đội bị thương.
Từ thực tế trên mới thấy sự phức tạp của công tác bảo vệ rừng nơi đây, việc ken cây, vén rừng còn có nguy cơ tái diễn từ sự thiếu ý thức của một bộ phận dân cư, nên công tác tuyên truyền, giáo dục công tác bảo vệ rừng vẫn là việc làm thường xuyên của các cơ quan chức năng. (Kinh Tế Nông Thôn 20/4)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Hiện Việt Nam có hệ thống pháp luật về quản lý đa dạng sinh học tương đối đầy đủ gồm Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản. Với hệ thống pháp luật như vậy, song thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc trong quản lý tài nguyên đa dạng sinh học.
Hiện nay, các tỉnh không có sự thống nhất trong việc phân cấp quản lý khu bảo tồn (KBT). Có nơi vườn Quốc gia, khu bảo tồn trực thuộc UBND tỉnh, nơi lại trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nơi lại do Chi cục Kiểm lâm trực tiếp quản lý.
Thể chế quản lý một vườn Quốc gia (VQG) trực thuộc trung ương được xem là có thuận lợi nhờ sự hỗ trợ về nguồn lực. Tuy nhiên, phân cấp quản lý này lại có những khiếm khuyết như sự không rõ ràng trong xác định trách nhiệm liên đới của các Hạt Kiểm lâm VQG và trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương sở tại.
Mặt khác, tuy cùng là cơ quan kiểm lâm, nhưng Hạt Kiểm lâm VQG lại không trực thuộc quyền quản lý của Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, nên ở nhiều nơi mối quan hệ giữa Hạt Kiểm lâm VQG với Hạt Kiểm lâm các huyện trên cùng địa bàn luôn trong tình trạng không có sự phối hợp hiệu quả.
Ngược lại, tình trạng “địa phương hóa” quản lý các KBT và sự hạn chế về thẩm quyền khiến các ban quản lý VQG/KBT không có khả năng phản đối các quy hoạch và quyết định ưu tiên phát triển kinh tế của địa phương có nguy cơ đe dọa cho tính toàn vẹn của tài nguyên đa dạng sinh học của VQG/KBT như xây dựng thủy điện, khai khoáng hay phát triển cơ sở hạ tầng.
Cũng vì lý do này, những năm gần đây, nhiều diện tích rừng đặc dụng đã bị chuyển đổi mục đích cho các dự án phát triển. Một khảo sát mới đây của Trung tâm con người và thiên nhiên đã chỉ ra nếu xây dựng 1MW thủy điện sẽ làm mất 2,35ha rừng đặc dụng và 62,63ha đất rừng trong ranh giới của các VQG/KBT.
Để quản lý tốt một VQG/KBT đòi hỏi phải có sự quản lý, điều hành chặt chẽ của chính quyền địa phương, sao cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển sinh kế cộng đồng và du lịch sinh thái của VQG/KBT và vùng đệm phải được đặt trong một bối cảnh liên kết chặt chẽ với các hoạt động phát triển KT-XH của địa phương.
Rõ ràng, trong trường hợp VQG do cấp trung ương quản lý thì khả năng chi phối, can thiệp của chính quyền địa phương là khó khăn, mặc dù yêu cầu quản lý các VQG này được cho là cần phải phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương. Ngược lại, với các VQG/KBT trực thuộc địa phương, chính quyền địa phương sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý, song lại gặp phải khó khăn về tài chính cho bảo tồn do ngân sách địa phương hàng năm khá hạn chế, không đáp ứng đủ cho nhu cầu tổ chức quản lý, bảo vệ các VQG/KBT một cách hiệu quả.
Thêm một vấn đề quan trọng nữa trong phân cấp quản lý VQG/KBT nên được cân nhắc là quy hoạch để thành lập các KBT do cộng đồng quản lý đối với các khu vực có diện tích nhỏ, giá trị bảo tồn không cao nhưng có khả năng cung cấp dịch vụ môi trường, hỗ trợ sinh kế và văn hóa địa phương.
Cũng như cấp trung ương, sự chồng chéo chức năng và nhiệm vụ của ngành tài nguyên - môi trường và nông nghiệp và phát triển nông thôn về quản lý bảo tồn thiên nhiên thể hiện rất rõ ở cấp địa phương. Hiện tại, mỗi nguồn tài nguyên đa dạng sinh học (trên cạn, ngập nước, biển) lại do một cơ quan quản lý nhà nước khác nhau thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, trong khi về bản chất tự nhiên, chúng là một chỉnh thể thống nhất, có sự gắn kết nội tại rất cao và cần được quản lý tổng hợp. Sự chồng chéo này thể hiện rõ qua việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, việc tổ chức quản lý bảo tồn đa dạng sinh học rừng hiện nay đều do cơ quan Kiểm lâm đảm nhiệm thông qua nhiệm vụ quản lý và giám sát hệ thống rừng đặc dụng. Biên chế của Chi cục Kiểm lâm có phòng bảo tồn thiên nhiên, với chức năng tham mưu cho lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm về các vấn đề liên quan đến quản lý bảo tồn thiên nhiên và quản lý VQG/KBT, từ đó Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược quản lý lĩnh vực này.
Ngược lại, hệ thống quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường, mặc dù là cơ quan quản lý nhà nước về đa dạng sinh học nhưng không có tổ chức bộ máy tham mưu chuyên ngành, nên giao nhiệm vụ này cho Chi cục Bảo vệ môi trường trong khi cán bộ của cơ quan này hầu hết được đào tạo về quản lý môi trường nên hạn chế về kiến thức quản lý bảo tồn đa dạng sinh học. Với lý do tương tự, phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện, với hầu hết là cán bộ địa chính cũng không thể phát huy được chức năng tham mưu về quản lý bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương, và thực tế Hạt Kiểm lâm đã làm thay chức năng này.
Ví dụ rõ ràng về tồn tại này là công tác quản lý các hệ sinh thái đất ngập nước, quản lý các loài chim di cư, cũng như các loài tự nhiên không phân bố trong các hệ sinh thái rừng, hoặc công tác tham mưu cho UBND cấp huyện để ban hành các chính sách cấp địa phương về quản lý đa dạng sinh học hiện đều do Hạt Kiểm lâm đảm trách.
Đặc biệt, việc thiết lập, theo dõi và cập nhật cơ sở dữ liệu về bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như chế độ báo cáo về bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay cũng đều do cơ quan kiểm lâm đảm nhiệm và cung cấp cho ngành tài nguyên và môi trường. Chính điều này làm hạn chế chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học ở từng địa phương và cả nước. (Đại Biểu Nhân Dân 20/4)đầu trang(
Trước bài học dưa hấu trồng tràn lan phải bỏ mặc ngoài đồng cho trâu ăn, Quảng Ngãi yêu cầu cơ quan chức năng hướng dẫn nông dân trồng cây mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công.
“Tuyệt đối không trồng loại cây này trên quy mô lớn tại các khu vực chưa được khảo nghiệm khẳng định hiệu quả", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ khuyến cáo. Ông giao ngành nông nghiệp chủ trì phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân trồng cây mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự.
Theo Chủ tịch Quảng Ngãi, việc trồng khảo nghiệm cây mắc ca phải được quy hoạch chi tiết theo từng tiểu vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của loại cây này. Đặc biệt, phát triển trồng mới phải gắn với cơ sở chế biến và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Chỉ cho phép trồng các loại cây được ghép, chiết từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Quý - Trưởng trạm Khuyến nông huyện vùng cao Sơn Tây - cho hay, sau nhiều đợt khảo sát các tỉnh Tây Nguyên và vùng cao phía Bắc, địa phương đã trồng thí điểm hơn 2.000 cây mắc ca trên 6ha ở ba xã Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long từ tháng 9/2014.
"Nhờ điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp, sau gần một năm trồng, cây mắc ca đã sinh trưởng, phát triển tốt cao gần 1,5m, một số cây bắt đầu trổ hoa", ông Qúy nói.
Theo ông Qúy, cây giống mắc ca được đặt mua ở Đắk Lắk và doanh nghiệp cung ứng giống này đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Các chuyên gia tính toán, cây mắc ca 4-5 tuổi bắt đầu cho thu hoạch, đến 7 tuổi thì  thu hoạch rộ mỗi mùa khoảng 25kg.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn phân tích, mắc ca là cây mới, trong quá trình khảo nghiệm cho các kết quả khác nhau, đồng thời, vẫn chưa có một báo cáo phân tích kỹ các vấn đề về chế biến và thị trường. Do đó Bộ chưa đủ căn cứ để đưa ra quy hoạch cây mắc ca, quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến...
Để hạn chế rủi ro cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, trước mắt Bộ chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân trồng ở những nơi khảo nghiệm thành công, không triển khai trồng trên quy mô lớn tại những nơi chưa được trồng khảo nghiệm hiệu quả. Theo đó, Bộ định hướng đến năm 2020 trồng khoảng 10.000ha bao gồm cả trồng tập trung và xen canh. (VnExpress 20/4)đầu trang(
Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Thừa Thiên - Huế) đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào tạo cây giống tốt phục vụ trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong 2 năm (2014 - 2015), mỗi lần Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị, hội thảo tại miền Trung liên quan đến vấn đề trồng rừng và giống cây trồng rừng thì Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong đều có báo cáo điển hình về giống trồng rừng SX giá trị cao, tạo được sự chú ý với các đại biểu cũng như các nhà quản lý lâm nghiệp của các địa phương.
Mới đây, nhân hội nghị trồng rừng ứng phó biến đổi khí hậu của Bộ NN-PTNT tổ chức tại TT - Huế, một lần nữa mô hình trồng rừng keo lai nuôi cấy mô của Cty Lâm nghiệp Tiền Phong lại được các đại biểu tham quan, học tập kinh nghiệm.
Ông Tôn Thất Ái Tín, GĐ Cty Lâm nghiệp Tiền Phong cho biết, trồng rừng từ cây keo lai nuôi cấy mô phục vụ phát triển rừng SX, kinh tế là một yêu cầu phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập để không ngừng đưa năng suất rừng trồng của Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực. Năm 2008, được dự án Nord-Pas de Calais của Pháp tài trợ cùng vốn tự có, Cty Lâm nghiệp Tiền Phong đã bắt tay thực hiện mô hình nghiên cứu SX keo giống nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng.
Ông Tôn Thất Ái Tín chia sẻ khát vọng, ở các nước phát triển, giống từ nuôi cấy mô đã sớm đưa vào nuôi trồng nông lâm nghiệp và đã trở thành ưu tiên số một cho nền nông lâm nghiệp hiện đại.
Ở nước ta, mô hình nuôi cấy mô đã có hơn 10 năm nay. Một số địa phương đã sớm áp dụng mô hình này và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thức được giá trị của việc trồng rừng từ giống nuôi cấy mô, Cty đã không quản khó khăn, vất vả, chú trọng nghiên cứu khoa học thực nghiệm với mong muốn có nhiều giống tốt phục vụ trồng rừng. Đã trồng gần 800 ha Hiện tại, tổng diện tích rừng và đất rừng tự nhiên của Cty Lâm nghiệp Tiền Phong gần 5.500 ha, trong đó rừng SX, chủ yếu rừng trồng hơn 4.100 ha, còn lại là rừng phòng hộ, đặc dụng. Từ năm 2012 - 2014, Cty đã trồng hơn 750 ha rừng từ giống nuôi cấy cấy mô.
Theo kế hoạch, từ năm 2015 - 2019 sẽ trồng mới và trồng thay thế rừng cây keo lai hom bằng cây keo lai nuôi cấy mô trên diện tích từ 1.250 - 1.450 ha. Phân tích ưu điểm của việc trồng rừng bằng giống nuôi cấy mô cho thấy vượt trội hơn so với rừng trồng từ cây keo lai hom về cả đường kính lẫn chiều cao cây là 1,5 lần. Cây trồng từ giống nuôi cấy mô chậm ra hoa hơn so với rừng trồng từ cây keo lai hom. Cây hom từ 1,5 - 2 năm tuổi đã ra hoa, cây cấy mô 3 năm tuổi chưa có hiện tượng ra hoa.
Điều ấy cho thấy cây cấy mô sẽ sinh trưởng tốt hơn cây hom trong giai đoạn tiếp theo. Khi phát triển lên cao chống chịu gió mạnh tốt hơn, chống chịu các bệnh hại tốt hơn vì cây nuôi cấy mô đã sạch bệnh. Như vậy, khả năng rủi ro của rừng trồng từ giống cây nuôi cấy mô sẽ ít hơn. Tỷ lệ cây bị thiệt hại khi trồng rất ít, giảm chi phí đầu tư trồng khắc phục.
Chị Lê Thị Thúy Nga, đội trưởng Đội Thiên An của Cty cho biết, cây nuôi cấy mô có những ưu điểm vượt trội như sạch bệnh, nhân hàng loạt với mức độ đồng đều và được trẻ hóa. Cây keo nuôi cấy mô có thân thường lên thẳng, ít phân cành, có rễ cọc chắc chắn, chịu được gió mạnh. Do đó, giống cấy mô chỉ cần trồng thưa, lợi về nhiều mặt. Mặt khác, giống keo nuôi cấy mô có thể trồng thành cây lâu năm lấy gỗ với thời gian chừng 10 năm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều.
Do có nguồn gốc, thể chất tốt nên chất lượng cây rừng tốt, sinh trưởng, phát triển nhanh. Sau khi trồng chỉ chăm sóc 2 năm, năm thứ nhất phát thực bì, xăm xới vun gốc, bón phân 0,2 kg/cây, năm thứ 2 phát thực bì, cây đã khép tán, giảm chi phí đầu tư. Theo ông Tôn Thất Ái Tín, tuy rừng mới trồng từ năm 2012, nhưng trên cơ sở đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển ban đầu có thể khẳng định năng suất rừng sẽ đạt từ 200 - 250 m3/ha/chu kỳ 10 năm.
Trong khi đó, năng suất rừng trồng cây lai hom hiện tại của Cty đạt từ 130 - 150 m3/ha/chu kỳ 7 năm.
Với chi phí đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ trong 10 năm hết từ 25 - 30 triệu đồng/ha thì hiệu quả kinh tế của trồng rừng từ giống keo lai cấy mô là rất lớn. Cần nhân rộng Ông Tôn Thất Ái Tín chia sẻ, ngoài việc tự chủ được nguồn vốn đầu tư, nếu có quy mô diện tích đất đủ lớn để thực hiện kế hoạch trồng rừng lâu năm kinh doanh gỗ xẻ, nên sử dụng giống từ nuôi cấy mô.
Có cơ sở SX cây nuôi cấy mô để SX ra cây có chất lượng phục vụ trồng rừng, đây là đầu vào của chuỗi giá trị rừng trồng, phân khúc kỹ thuật rất quan trọng. Mỗi năm, Cty Lâm nghiệp Tiền Phong SX từ 2 - 2,5 triệu cây giống keo lai hom chất lượng và khoảng 2 triệu cây cấy mô. Trừ số lượng 35 - 40 vạn cây mô phục vụ trồng rừng hằng năm của Cty, số còn lại được bán ra thị trường các tỉnh miền Trung.
Thực tế cho thấy, từ khi vào mẫu ban đầu đến khi ra vườn ươm, cây mô mất thời gian từ 7 - 8 tháng. Giai đoạn từ vườn ươm để đưa vào trồng rừng mất thêm 4 - 5 tháng. Nếu so về mặt thời gian thì tạo giống theo phương pháp giâm hom ngắn hơn cây mô, về mặt kỹ thuật cũng đỡ vất vả hơn và giá thành thấp hơn. Tuy nhiên, về chiến lược phát triển bền vững và giá trị kinh tế thì trồng rừng từ giống nuôi cấy mô đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, chống thoái hóa giống, độ đồng đều cây trồng cao và tạo ra sản phẩm hàng loạt, từ đó có thể hạ giá thành sản phẩm cây mô. Nếu đưa giống cây mô vào trồng rừng đại trà thì đây sẽ là một cuộc đại cách mạng về năng suất của ngành lâm nghiệp.
Tuy nhiên, do việc nhìn nhận chưa đúng mức, nên đến nay giống cây mô vẫn chưa được các chủ rừng, đơn vị , cá nhân sử dụng nhiều. Mặc dù giá giống cây cấy mô là 2.700 đồng/cây, hơn giống cây giâm hom khoảng 1.200 đồng/cây, tức 1 ha rừng trồng từ giống cấy mô chỉ tăng thêm khoảng 2 - 3 triệu đồng tiền giống, song khi thu hoạch thành phẩm thì rừng trồng từ giống nuôi cấy mô tăng gần cả 100 triệu đồng/ha.
Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT - Huế đã về kiểm tra mô hình vườn ươm cấy mô và rừng trồng của Cty Lâm nghiệp Tiền Phong và đánh giá cao về sự sáng tạo, tìm tòi hướng đi mới của Cty, góp phần cùng địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. (Nông Nghiệp Việt Nam 21/4)đầu trang(
UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ cho tỉnh thực hiện công tác bảo vệ rừng giai đoạn 2016 - 2020 trong khuôn khổ Đề án tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2013 - 2020.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng diện tích rừng tự nhiên hiện đang nằm trong diện quản lý, bảo vệ của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn là 24.272 ha.
Trong đó, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh quản lý 13.074 ha; Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn 11.198 ha (diện tích đã thực hiện giao khoán theo nguồn vốn 30a cho các hộ dân là 4.279 ha, với kinh phí hỗ trợ 300 ngàn đồng/ha và diện tích rừng tự nhiên còn lại Công ty tự quản lý bảo vệ đề nghị đưa vào hỗ trợ là 6.918 ha).
Như vậy, tổng diện tích đề nghị hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng theo đề án của Chính phủ trong thời gian đến là 19.993 ha, với kinh phí bảo vệ giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến 200 ngàn đồng/ha là gần 20 tỷ đồng. Riêng năm 2015, kinh phí cho công tác này là gần 4 tỷ đồng.(Công An Đà Nẵng 21/4)đầu trang(
Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về cung cấp đồ gỗ
Năm 2015, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ chuyển sang giai đoạn phục hồi. Đó là nhận xét của các chuyên gia kinh tế trong buổi hội thảo về “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2015” vừa được tổ chức tại TP HCM
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCSEIF) nhận định: Bước sang một giai đoạn chuyển đổi mới, kinh tế thế giới năm 2015 có triển vọng phục hồi khá với sự phục hồi của phần lớn các nền kinh tế dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật Bản. Phần lớn các nền kinh tế đang nổi và sự phục hồi của các lĩnh vực chủ yếu của kinh tế thế giới như thương mại, đầu tư. Đây là bước đệm cho nền kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng giai đoạn 2015-2020. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cũng đã dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3,9% vào năm 2015 và mức tăng trưởng trên 4% trong giai đoạn 2016-2018.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ gia tăng tốt ở khu vực xuất khẩu, có sự cải thiện trong khu vực sản xuất, kinh doanh nội địa. Sự hồi phục rõ rệt của kinh tế thế giới sẽ trực tiếp và gián tiếp mang lại những thuận lợi về lòng tin thị trường, đầu tư và tiêu dùng chung cho tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Từ bức tranh kinh tế của Việt Nam và thế giới trong năm qua, có thể dự báo thị trường gỗ và lâm sản xuất khẩu năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ sáng sủa hơn.
Tổng quan về thị trường xuất khẩu đồ gỗ 2 năm qua cho thấy sự chuyển dịch thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam từ Mỹ - Âu - Nhật sang Mỹ - Á - Âu. Trong đó, Trung Quốc là nước có kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam ngày càng cao. Các kết quả dự báo trên cho thấy các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đều có dấu hiệu tốt.
Mặt khác, do ảnh hưởng suy thoái thị trường châu Âu, nhiều nhà máy của các quốc gia sản xuất đồ gỗ lớn đã thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa. Đồ gỗ xuất khẩu của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao làm mất lợi thế cạnh tranh. Số liệu của Global Trade Information service (GTIs - USA) cho thấy xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 vào Mỹ, Việt Nam tăng 16% trong khi Trung Quốc chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là cơ hội mở rộng thị trường cho Việt Nam.
Tiềm năng của các doanh nghiệp còn nhiều và khả năng nâng cao thị phần xuất khẩu không phải là khó vì xuất phát điểm của ngành chế biến gỗ (CBG) rất thấp, chỉ chiếm 2,68% so với 70 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ trên thế giới (khoảng 100 tỉ USD). Thực tế cho thấy bất chấp sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn về các chính sách vĩ mô trong những năm qua, ngành đồ gỗ vẫn phát huy nội lực để Việt Nam vươn lên thành quốc gia cung cấp đồ gỗ đứng thứ 6 trên thế giới. Tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2000-2010 là 27,15%; trong 5 năm suy thoái gần đây nhất vẫn tăng bình quân 15%.
Thị trường đồ gỗ nội địa của Việt Nam với dân số 90 triệu, bình quân tiêu dùng đồ gỗ trong 5 năm gần đây khoảng 2 tỉ USD. Thị trường đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ, các doanh nghiệp đã thông qua hội chợ trong nước tiếp cận nhanh hơn tới người tiêu dùng và các công trình xây dựng. Kết quả giao dịch tại hội chợ chuyên ngành đồ gỗ nội địa VIFA HOME do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM tổ chức cho thấy quy mô thị trường Việt Nam không nhỏ. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường cần phải tự đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, chọn lựa phân khúc và tìm hiểu yêu cầu để xây dựng kế hoạch cho riêng mình.
Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chú trọng đến 2 thách thức lớn là nguồn gỗ hợp pháp và sự cạnh tranh trong thị trường nội địa với các nước ASEAN. Cuối năm nay, ASEAN sẽ trở thành cộng đồng kinh tế chung, đây là cơ hội và là thách thức đối với doanh nghiệp ngành đồ gỗ Việt Nam. (Người Lao Động 21/4)đầu trang(
Nhằm tạo thuận lợi cho mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành đàm phán để đi đến ký kết với EU “Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản” (VPA/FLEGT).
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam được xuất khẩu tới nhiều vùng, lãnh thổ trên thế giới. Những năm gần đây, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tăng trưởng tương đối mạnh (12 - 15%/năm).
Riêng trong năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Những thị trường lớn nhất của gỗ Việt Nam trong năm 2014 là Mỹ (tăng trưởng 14,17%), Nhật Bản (tăng 19,47%)… Một số thị trường mới như Trung Đông, Australia, ASEAN… cũng có mức tăng trưởng xuất khẩu khá.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ lại sụt giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2015 giảm trên 6% so với cùng kỳ năm 2014. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) Nguyễn Tôn Quyền cho biết, hiện rất nhiều mặt hàng gỗ xuất khẩu có sự sụt giảm cả về thị trường tiêu thụ lẫn giá trị, nhất là thị trường châu Âu, mà đặc biệt là Hà Lan. Với đà giảm này chắc chắn các DN ngành gỗ trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Công ty TNHH XNK Tài Anh (Ninh Bình) cho rằng, hiện nay các công ty xuất khẩu gỗ đang gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ. Công ty này là DN sản xuất và kinh doanh mặt hàng gỗ với nhà máy chế biến gỗ chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, ván sàn các loại cung cấp cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)...
Từ đầu năm đến nay, các đơn hàng từ các đối tác giảm ở nhiều thị trường, nhất là EU và Trung Quốc. Để đẩy mạnh lượng tiêu thụ, công ty cũng đã đầu tư sản xuất các sản phẩm gỗ chất lượng cao. Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến được nhập khẩu từ Italia, Đài Loan, cùng hệ thống lò sấy tự động công nghệ Italia, gỗ nguyên liệu được xử lý, sấy với tiêu chuẩn châu Âu.
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh việc đưa hàng ra thị trường trong nước. Đồng thời, cũng khai thác và nhập khẩu, bán buôn lượng lớn gỗ nguyên liệu hợp pháp cho thị trường Việt Nam với các chủng loại như gỗ lim (Lào, châu Phi), gỗ Hương (Lào, châu Phi), gỗ Anh Đào (Mỹ, châu Âu), gỗ Chò Chỉ (Lào, Maylaysia)…
Lý giải về nguyên nhân xuất khẩu gỗ giảm trong những tháng đầu năm, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, kim ngạch giảm là do thị trường xuất khẩu đang có nhiều khó khăn, giá bán gỗ cũng được cho là thấp hơn so với năm trước. EU là thị trường lớn thứ tư (sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) được nhiều DN xuất khẩu trong nước hợp tác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực EU đang bị khủng hoảng thì nhiều thị trường đã giảm lượng nhập khẩu gỗ từ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Chính sự cắt giảm này khiến DN trong nước khó khăn hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến các DN xuất khẩu gỗ trong nước gặp khó khăn chính là những rào cản về thương mại với những thị trường khó tính như Mỹ, EU. Đại diện VIFORES cho rằng, để gỗ xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU thì cần phải chứng minh được tính hợp pháp về nguồn gốc.
Với chương trình hành động “Tăng cường thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản” (FLEGT) của EU có hiệu lực từ năm 2013 đang khiến các DN xuất khẩu hàng nội thất gặp nhiều khó khăn về đảm bảo gỗ nguyên liệu chế biến có nguồn gốc hợp pháp với đầy đủ bộ chứng từ. Việt Nam mua gỗ nguyên liệu từ nhiều quốc gia trên thế giới và không phải nước nào cũng có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Bên cạnh đó nhiều sản phẩm gỗ trong nước cũng gặp vấn đề tương tự. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp nhanh chóng hoàn thiện dự thảo, chậm nhất là đến ngày 30/6 phải trình Bộ để ban hành Thông tư về chứng minh tính hợp pháp của gỗ cao su và gỗ vườn ở Việt Nam.
Nhằm tạo thuận lợi cho mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành đàm phán để đi đến ký kết với EU “Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản” (VPA/FLEGT).
Đây là Hiệp định thương mại song phương giữa hai bên để tháo gỡ hàng rào kỹ thuật về yêu cầu trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp đối với ngành đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường 28 nước châu Âu. Dự kiến hai bên sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định vào cuối năm 2015.
Đại diện VIFORES cũng cho rằng, nếu VPA được ký kết, các DN Việt có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh do không phải giải trình theo quy chế 995 của EU so với những DN ở những quốc gia chưa ký hiệp định này. Nghĩa là tiết kiệm được thời gian, chi phí hành chính, chi phí cơ hội và đạt tiêu chuẩn khắt khe đầu tiên của EU về gỗ hợp pháp.
Tuy nhiên, DN cũng phải năng động hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Từ đó khẳng định thương hiệu để phát triển. (Thời Báo Ngân Hàng 20/4)đầu trang(
Hiện nay nước ta có khoảng 1 triệu cây mắc ca với diện tích khoảng 5.000ha tập trung ở Tây Bắc, Tây Nguyên. Tuy nhiên có tới 50% cây mắc ca có chất lượng kém, đó là giống cây thực sinh.
“Nếu chúng ta không nhanh chóng loại bỏ các giống cây kém chất lượng này thì việc phát triển mắc ca sẽ không thể bền vững được”. Đó là khẳng định của Giáo sư Hoàng Hòe – nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ NNPTNT).
Để phát triển mắc ca bền vững, theo các nhà nghiên cứu Việt Nam cần tránh vấp phải những sai lầm mà các nước đi trước đã làm. Hiện nay có nhiều nước đã trồng cây mắc ca nhưng đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết khí hậu không phù hợp nên sản lượng thấp. Cũng có nước hiện nay đang phải đối mặt với vấn nạn giống mắc ca kém chất lượng, điển hình là Trung Quốc.
Theo GS Hoàng Hòe, những năm qua Trung Quốc phát triển mắc ca rất mạnh, năm 2012, Trung Quốc có 16.513ha mắc ca. Họ đặt mục tiêu phát triển đến năm 2020 là 50.000ha mắc ca. Vậy nhưng hiện nay 50% số cây mắc ca của Trung Quốc là kém chất lượng, giống lai tạp không kiểm soát được, đây là vấn đề nan giải mà họ đang loay hoay giải quyết”.
Theo TS Nguyễn Trí Ngọc - Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NNPTNT): “Để tránh rơi vào tình trạng tương tự Trung Quốc, chúng ta cần có giải pháp nhanh chóng loại bỏ cây mắc ca thực sinh, đây là giống cây trồng từ hạt, năng suất rất kém, thậm chí cây trồng sau 5-7 năm còn không cho quả. Hiện nay ở Việt Nam lượng cây trồng mắc ca thực sinh, kể cả cây giống còn nhiều hơn là cây mắc ca ghép, chiết (chất lượng tốt). Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra, nông dân sẽ khốn đốn, và chúng ta sẽ không thể phát triển mắc ca bền vững được”.
Ông Bùi Hữu Hòa, nông dân huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) năm 2014 thu được 295 triệu đồng từ mắc ca cho biết: “Không chỉ có giống thực sinh, hiện nay nhiều nông dân trồng mắc ca ở huyện Lâm Hà còn bị lừa và mua phải giống mắc ca mắt ghép giả. Cây mắt ghép giả nhân rất nhỏ có giá khoảng 30.000 đồng/mắt ghép, mắt ghép thật có giá 70.000 đồng một mắt ghép. Nhưng mắt ghép thật chỉ 3 năm là cho trái trong khi mắt ghép giả 5-7 năm mới cho trái nhưng sản lượng rất thấp, thậm chí còn không cho trái. Như vậy coi như nông dân mất trắng. Vì vậy cơ quan chức năng cần phải khuyến cáo bà con về cây giống”.
TS. Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định: “Giống mắc ca thực sinh (trồng từ hạt), giống mắc ca mắt ghép giả cho năng suất chất lượng rất kém, đây là điều đáng lo ngại nhất cho việc phát triển mắc ca bền vững. Vấn đề quan trọng then chốt đó là khâu làm giống, quản lý giống, nếu không quản lý chặt chẽ nguồn giống sẽ dẫn tới việc không kiểm soát được chất lượng và giống tốt giống kém lẫn lộn, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới người nông dân. Vì vậy vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước và các bộ ban ngành liên quan cần phải được phát huy, làm sao để nông dân tiếp cận được nguồn giống chất lượng.
Về chất lượng giống mắc ca, ông Quách Đại Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) thừa nhận: “Việc hơn một nửa diện tích mắc ca sử dụng giống thực sinh là một nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển mắc ca bền vững. Để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc mắc ca, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ đi kiểm tra việc cấp chứng chỉ nguồn giống”. (Nông Thôn Ngày Nay 21/4)đầu trang(
Chỉ sau khoảng 10 năm trồng rừng, không ít bà con nông dân địa phương nhiều tỉnh miền Trung đã trở thành những tỷ phú. Có nông dân giỏi còn được tổ chức quốc tế mời ra nước ngoài để dạy cách trồng rừng.
Nhìn khuôn mặt sạm đen, dáng vẻ chất phác của người nông dân như ông Hồ Đa Thê (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), nếu không được biết thêm về thu nhập của ông hàng năm lên tới trăm triệu đồng chắc không ai nghĩ ông là tỷ phú.
Dắt đoàn tham quan tới khu rừng của mình đang trồng với ngút ngàn cây xanh, ông Thê cho biết, trồng rừng thực sự đã giúp ông đổi đời. Từ một người dân tộc chỉ sống nhờ lên nương, chặt rừng làm rẫy, giờ ông đã trở thành một trong những chủ rừng có tiếng.
Theo ông Thê, việc chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giúp hầu hết nông dân trong xã yên tâm sản xuất. Hiện ông đang trồng hơn mấy chục ha rừng thương mại, trong đó chủ yếu là các giống keo có giá trị kinh tế cao.
Ước tính mỗi đợt thu hoạch, ông Thê thu nhập trung bình 80 triệu đồng/ha, sau 5 năm. Một số hộ có chứng chỉ rừng quốc tế thậm chí có thu nhập tới 200 triệu đồng/ha sau 8 năm.
Câu chuyện người nông dân trồng rừng thoát nghèo đã trở nên rất bình thường. Giờ đây, họ còn biết tận dụng Internet để quảng bá sản phẩm và bán với giá cao hơn. Ông Thê chia sẻ: “Không như trước đây chỉ bán gỗ cho nhà máy ở địa phương, tôi còn quảng bá trên mạng để tìm kiếm nhà sản xuất mua gỗ. Có công ty ở tận Thái Lan đăng ký mua. Mỗi năm tới thời điểm thu hoạch rừng, tôi chỉ cần thông báo là có đơn vị tới tận nơi thu mua”.
Đặc biệt, những hộ dân như gia đình ông Thê bán giá cao hơn nhờ vào chứng chỉ rừng. Đây là một loại giấy chứng nhận chuẩn quốc tế cho sản phẩm gỗ, cũng giống như ISO cho các loại hàng hoá khác. Một số hàng hoá được đòi hỏi là sản phẩm của một quy trình không gây tổn hại tới môi trường, trong khi sản phẩm gỗ được đòi hỏi không xuất phát từ những khu rừng bị phá huỷ.
Không ít nông dân giỏi như ông Thê còn được tổ chức quốc tế mời ra nước ngoài để dạy cách trồng rừng.
Chuyện mua xe ô tô ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế nếu như cách đây vài năm sẽ gây xôn xao, nhưng giờ đây, với những người nông dân điều đó là hết sức bình thường. “Chúng tôi từng đói nghèo, khổ sở, không có xe mà đi, nhưng nay thì cuộc sống đã thay đổi hoàn, có xe máy, có cả xe ô tô,” ông cho hay. (Dân Việt 20/4)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Loài khỉ đỏ Bouvier colobus đã không còn nhìn thấy trong vòng hơn 50 năm qua, do vậy người ta cho rằng chúng đã tuyệt chủng.
Bouvier colobus đã từng được coi là một phân loài của khỉ Piliocolobus pennantii, nhưng gần đây với các tiêu bản sưu tầm ngày trước các nhà khoa học chúng là một loài riêng chỉ sống trong các khu rừng ở Cộng hoà Congo.
Ngày 17.4.2015, hai nhà nghiên cứu độc lập Lieven Devreese và Gael Elie đã thám sát công viên quốc gia Ntokou-Pikounda và ghi được những hình ảnh quý hiếm về loài khỉ này.
Hãng tin UPI dẫn lời Devreese Devreese nói với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã rằng những hình ảnh các ông ghi được chứng minh khỉ đỏ Bouvier vẫn còn tồn tại.
UPI cho biết được sự trợ giúp của người dân địa phương có kiến thức sâu sắc về động vật hoang dã cộng với âm thanh của loài khỉ Bouvier colobus, Devreese và Gnondo tìm thấy cả một nhóm của những con khỉ sống trong các khu rừng vùng đầm lầy giáp sông Bokiba của công viên quốc gia Ntokou-Pikounda.
Lần đầu tiên được ghi nhận và ghi chép một số chi tiết về loài khỉ đỏ này vào năm 1887 rồi lưu trữ trong bảo tàng, đến nay qua bằng chứng hình ảnh về sự tồn tại của chúng, các nhà khoa học đã lên kế hoạch để nghiên cứu sâu hơn và cách bảo tồn môi trường sống cho chúng. (Thanh Niên 20/4)đầu trang( ./.
Biên tập: Nguyễn Mai